13 thg 1, 2014

Nam Hải Quy Khư -Chương 1-7 (Thiên Hạ Bá Xướng)

Chương 1:

Chuyện đào mồ trộm mả vốn có từ thời xa xưa, từ khi Hạng Vũ quật mộ vua Tần Thủy Hoàng, đã trải qua hai mươi ba triều đại, thế gian vật đổi sao dời, thay triều đổi đại là lẽ tự nhiên, bởi thế mà những hạng đào trộm mồ mả cũng nhiều như lông trâu. Dựa theo động cơ, thủ pháp, hệ phái để phân chia, tất cả không ngoài bốn đại phái: Phát Khưu, Mô Kim, Ban Sơn, Xả Lĩnh.
Hai phái Phát Khưu và Mô Kim, khởi nguồn vào thời Hậu Hán, vốn từ một mạch mà ra. Bí thuật của phái Mô Kim lấy “Dịch” làm đầu, lấy “Sinh” làm phép tắc: sinh sinh biến hóa, gọi là “Dịch”, đại đức của trời đất, gọi là “Sinh”. Sau giai đoạn mạt vận của nhà Nam Tống, không còn ai nhắc đến phái Phát Khưu nữa, mà hợp lại gọi chung người của hai phái này là Mô Kim hiệu úy.
Mô Kim hiệu úy dựa theo Ngũ hành của Dịch học để phân kim định huyệt, đa phần là hạng có lòng lập thân tế thế cứu đời, thường tập hợp thành nhóm dăm ba người, không có danh phận sư đồ, chỉ dùng ấn Phát Khưu, bùa Mô Kim, Tầm Long quyết làm bằng, tiến thoái công thủ đều có chương pháp rõ ràng. Mô Kim hiệu úy tuy là trộm song cũng có đạo, gà gáy đèn tắt không hành nghề, đạo tặc mà không rời xa đại đạo, kính quỷ thần nhi viễn chi[1].
Ban Sơn đạo nhân gốc gác từ vùng núi Song Hắc, sông Khổng Tước ở Tây Vực, tuyền là người đồng tộc đồng tông, lúc bình thường đa phần đóng giả làm đạo sĩ đi chu du, không qua lại với người ngoài, độc lập độc hành, đời nào cũng có bậc kỳ nhân dị sĩ, trộm khắp các kho báu trong thiên hạ. Cũng có người nói: “Ban Sơn đạo nhân đào cổ mộ, là để cầu tiên dược bất tử đấy.” Người của phái Ban Sơn có thuật Ban Sơn Phân Giáp cực kỳ độc đáo, còn chia làm thuật Ban Sơn Trấn Hải và thuật Phân Sơn Quật Tử Giáp, gọi chung là “Ban Sơn chi thuật”, bao đời cũng không truyền ra bên ngoài. Ban Sơn đạo nhân tìm bảo tàng, đi trộm mộ, không ai là không dựa vào dị thuật này để làm căn bản. Những thuật này tuy chỉ là phương thuật của Tây Vực, nhưng lại bao hàm rất nhiều kỹ thuật, pháp môn, khẩu quyết khác nhau. Ban Sơn thuật không lấy Dịch học làm tổng cương, vì vậy khởi nguồn lý luận của phái hoàn toàn khác biệt so với phong thủy bí thuật của Mô Kim hiệu úy.
Phái Xả Lĩnh đông người nhất, nguồn gốc từ đám nông dân khởi nghĩa đào mộ vua chúa thời Hán mạt, dùng số đông đoạt lấy lợi, chia tiền tài mà tụ nghĩa, nhân số ít thì hàng trăm, nhiều thì lên đến số nghìn. Bình thường, những người này phân tán ra, kẻ làm phỉ, làm cướp, cũng có người làm quan quân, thành phần hỗn tạp. Trong nhóm có một thủ lĩnh, nhất hô bá ứng, khi gặp được mộ cổ liền thông báo tin tức, tụ tập nhân thủ để phá mộ lấy tài vật bên trong. Đám người này hành sự không tính đến hậu quả, cứ một cuốc một xẻng đào xuống, mang trâu mang ngựa đến chở đi, đại pháo hay thuốc nổ, phàm thứ gì dùng được đều dùng hết. Những ngôi mộ bị phái Xả Lĩnh nhắm tới, dẫu là cất sâu trong núi, vách đá như đồng, tường mộ đổ thêm ruột thép, thì cũng bị dùng ngoại lực mà phá đi.
Phát Khưu, Mô Kim, Ban Sơn, Xả Lĩnh: bốn phái này đã bao gồm ba hệ thống trộm mộ dựa vào “phong thủy, phương thuật, ngoại lực” trên đời, gọi tắt là “lý, kỹ, vật”, đồng thời, cũng đại biểu cho ba động lực thôi thúc họ trộm mộ: “tế thế, tìm thuốc, phát tài”. Còn lại chỉ là hạng trộm lẻ tẻ trong dân gian, đa phần đều là phường trộm gà trộm chó, như một đám cát khô, khó mà thành được việc lớn, không đáng nhắc đến.
Trong bộ Ma thổi đèn II này, sẽ chỉ nói về truyền kỳ của Mô Kim hiệu úy và Ban Sơn đạo nhân mà thôi.
Chú thích
[1] Kính trọng quỷ thần mà tránh xa. (Luận Ngữ - Khổng Tử).

Chương 2: Tổ sư trộm mộ

Lão Trần mù dường như đột nhiên biến mất khỏi Bắc Kinh, tôi đi tìm khắp nơi không thấy đâu, đành phải bỏ cuộc, chắc là lão này lại rúc vào xó xỉnh nào đó chờ qua cơn sóng gió này rồi. Vì vậy, tôi một mặt nhờ người để lại lời nhắn cho lão, mặt khác chuẩn bị lên đường sang Mỹ. Ngày đi xa đã gần kề, chúng tôi muốn ngắm cảnh mùa đông ở Bắc Kinh thêm một lần nữa, vậy là tôi bèn dẫn Shirley Dương ra ngoài tản bộ, đến hồ Bắc Hải xem trượt băng, tiện thể bàn bạc những chuyện sau khi sang Mỹ luôn. Bắc Kinh ngày đông gió rất mạnh, bầu trời xám xịt dự báo một trận tuyết lớn sắp đổ xuống, nhưng cũng không thể ngăn được sự hào hứng của mọi người, niềm vui khi trượt băng trong khu lâm viên cổ điển của hoàng gia khiến chẳng ai muốn về nhà.
Tôi nói với Shirley Dương rằng đã chuẩn bị rửa tay gác kiếm, sau này không muốn đem tính mạng ra đánh liều, treo đầu vào thắt lưng đi đổ đấu nữa, đồng thời móc cái bùa Mô Kim của Răng Vàng cho giơ ra đung đưa trước mặt cô, biểu thị rõ quyết tâm, không đeo bùa Mô Kim, tổ sư gia sẽ không phù hộ cho nữa.
Chính ra, tôi thực cũng từng nghĩ đến việc ném bỏ cái bùa Mô Kim rồi, có điều, những trải nghiệm bao năm nay đã cho tôi biết một điều, cuộc đời này không có gì là tuyệt đối, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, vì vậy, tốt nhất cứ giữ lại cho mình một khoảng trống để còn lui bước. Người xưa không chỉ một lần nói: “Thà chuẩn bị mà không dùng, chứ không thể dùng mà không chuẩn bị.”
Trên đường từ Bắc Hải về nhà, Shirley Dương rất vui vẻ, nhưng hình như vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với tôi, bèn đòi cầm lá bùa Mô Kim, nói là để bảo quản giúp. Tôi nghĩ bụng, thứ này giao vào tay nàng ta thế quái nào được, vội lên giọng trịnh trọng nói: “Nước loạn mong tướng tài, nhà nghèo ngóng hiền thê, tôi cứ tưởng quen biết cô xong, hiện trạng cuộc sống bát nháo tệ hại của tôi sẽ triệt để thay đổi, cớ sao cô vẫn cứ không thèm tin tôi vậy? Thế này... thế này đâu có phù hợp với quy luật khách quan biện chứng tự nhiên của ông Engels.”
Shirley Dương nói: “Đừng giở cái trò ấy ra nữa, chính vì quá hiểu anh nên tôi mới không yên tâm đấy. Tôi đã phát hiện ra, phàm lúc nào anh làm bộ nói năng nghiêm túc thì đều chẳng kiếm được chữ nào đáng tin hết, ngược lại những câu thoạt nghe tưởng như bỡn cợt chẳng đếm xỉa gì đến ai kia, lại toát lên đôi chút chân tâm. Anh đưa lá bùa Mô Kim ấy cho tôi xem nào, vừa nãy tôi cũng chưa nhìn rõ là đồ thật hay đồ giả nữa đấy.”
Tôi bị cô nàng nói cho ngẩn cả người, bất giác tự hỏi: “Mình thật sự như vậy sao? Bình thường nói năng đều lung tung như vậy à? Nói nghiêm chỉnh thì bị coi là xằng bậy xằng bạ? Lời đùa cợt lại coi như thật? Chắc chắn không phải vậy, nếu không thì người ta đâu cần nói văn hóa Trung Quốc và Mỹ có nhiều khác biệt, phải tìm điểm chung, gác những bất đồng lại. Riêng một điểm này thôi cũng thấy đúng là có khác biệt rồi.” Ý nghĩ chuyển động trong đầu, tôi chợt nghĩ ra cách để lái chú ý của Shirley Dương sang hướng khác: “Theo mấy truyền thuyết về Mô Kim hiệu úy, ấn phù hay phân giáp thuật đều do tổ sư gia truyền xuống, làm nghề này đều phải trông cậy ở tổ sư gia để kiếm bát cơm ăn, lúc đổ đấu phải thầm khấn tổ sư gia phù hộ, nhưng nói đi nói lại, rốt cuộc tổ sư gia của cái nghề đứng đầu bảy mươi hai nghề trong thiên hạ này là ai? Đến giờ chắc chẳng ai nói rõ ngọn ngành được nữa nhỉ.”
Shirley Dương đáp: “Có gì mà không rõ được, bảy mươi hai ngành nghề, đồ cổ xếp trước, đổ đấu thuộc tám ngành ngoài. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, những nghề nghiệp tự hình thành một hệ thống riêng, có bộ quy tắc và truyền thừa hoàn chỉnh tổng cộng có bảy mươi hai nghề, tất cả đều có riêng tổ sư gia. Tổ sư nghề đào kép trong gánh kịch là Đường Minh Hoàng, kẻ làm nghề mổ lợn thì thờ Trương Dực Đức, người làm nghề may cúng Hiên Viên, thợ mộc thờ Lỗ Ban, trộm đạo bái Đông Phương Sóc... Bảy mươi hai nghề lại phân thành nhiều đẳng cấp khác nhau, tám ngành ngoài là nhất, Mô Kim đứng đầu tám ngành ngoài, vì vậy Mô Kim hiệu úy cũng chính là vương trung chi vương của bảy mươi hai ngành nghề truyền thống. Có điều, nói đến tổ sư gia, thì nghề đổ đấu lại có đến ba vị.”
Vừa nãy, tôi chẳng qua chỉ muốn dùng lời nói đánh lạc hướng Shirley Dương, tiện mồm hỏi một câu, chẳng ngờ hỏi ra được một đống lý lẽ, lại còn toàn những thứ cả đời chưa nghe đến, bèn lập tức thỉnh giáo, nhờ cô nàng giảng giải cặn kẽ ngọn nguồn, ngộ nhỡ sau này có ai hỏi, còn biết chút ít mà mô tê ất giáp với người ta, đỡ hóa thành trò cười cho thiên hạ, Mô Kim hiệu úy cái nỗi gì mà đến tổ sư gia là ai cũng chẳng biết.
Hiểu biết của Shirley Dương về quy củ truyền thống nghề đổ đấu đều là đọc được trong cuốn nhật ký của ông ngoại cô, tức kẻ trộm mộ biệt hiệu Gà Gô năm xưa để lại. Những người được tôn xưng làm tổ sư gia của bảy mươi hai ngành nghề truyền thống này, không nhất định phải giỏi giang nhất trong nghề, nhưng đều là người được lưu danh sử sách, hoặc ít nhất cũng chiếm một chỗ trong bảng tên các nhân vật phong vân trong lịch sử.
Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, thế gian đã có chuyện đổ đấu trộm mộ, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng nhất, sợ rằng phải tính đến vụ Ngũ Tử Tư đào mộ Sở Vương, lấy roi quật xác rửa hận làm đầu. Ngũ Tử Tư đào mộ Sở Vương là để báo mối thù không đội trời chung, chứ không phải vì minh khí bồi táng trong lăng mộ. Hành động của ông ta rõ ràng là “có mục đích nhưng không vì tiền tài”, nên được Ban Sơn đạo nhân, với tôn chỉ “có sở cầu nhưng không cầu tài”, bái làm tổ sư gia.
Cuối thời nhà Tần, Hán sở tranh hùng, Hạng Vũ phá lăng Tần, hỏa thiêu cung A Phòng, báu vật cướp được nhiều không kể xiết. Hạng Vũ, Lưu Bang là nghĩa quân phản Tần, nên các Xả Lĩnh lực sĩ đời sau đều lấy chữ “nghĩa” làm chiêu bài tụ hợp, tôn thờ Tây Sở Bá vương làm tổ sư gia. Còn nữa, Sở Bá vương có sức dời núi lấp biển, cũng là điềm lành đối với đám người chuyên dùng ngoại lực phá mộ như bọn họ.
Đến thời Hán, hoạt động trộm mộ đã cực kỳ phát triển, tên gọi Mô Kim hiệu úy nói là xuất hiện thời Tam Quốc phân tranh, nhưng trên thực tế thì manh nha từ thời Tây Hán, có điều, lúc bấy giờ Mô Kim phái vẫn chưa gây được thanh thế gì. Về sau, vào thời Tam Quốc, Tào Tháo lấy cớ cần quân lương dẹp yên loạn thế, trả lại cho dân chúng cuộc sống bình yên, thu hút không ít cao thủ đổ đấu, đồng thời thiết lập một đội quân đổ đấu chính quy chuyên nghiệp, từ đó chính thức có danh hiệu Mô Kim hiệu úy, trải qua nghìn năm vẫn tiếp tục được gọi cho đến giờ. Cổ nhân có câu: “Danh bất chính, ngôn bất thuận”, ngành nghề có tên hiệu của tổ sư gia mới có thể thành một hệ thống, truyền thừa cho hậu thế, nên trong nghề phải phát triển các quy định và đủ loại kỹ thuật thủ nghệ cùng hệ thống dịch lý ngũ hành, đến thời nhà Đường coi như hoàn bị, về sau lại dung nạp thêm tinh túy trong lý luận phong thủy của Hình Thế tông ở Giang Tây, hình thành những bí thuật phong thủy độc đáo, chỉ Mô Kim hiệu úy mới biết, chẳng hạn như Tầm Long quyết hay thuật Phân kim định huyệt.
Thời Tam Quốc, quần hùng cát cứ, không chỉ mình Tào Tháo mới có đội quân chuyên dụng đi đổ đấu đào mộ. Để bổ sung kinh phí quân đội, Đông Ngô từng đào mộ Nam Việt vương ở Lĩnh Nam, có điều đội quân đổ đấu dưới trướng Tôn Quyền gặp sự cố rất lớn trong quá trình đào mộ, rốt cuộc bị tiêu diệt sạch sành sanh, không sống sót mống nào. Chuyện này vẫn được truyền miệng trong giới đổ đấu, nhưng sách sử không hề ghi chép lấy nửa chữ. Lạ một điều nữa, dã sử hoàn toàn trái ngược với truyền thuyết, chỉ nói vụ đào mộ đó thành công, chẳng biết thực hư thế nào.
Các chuyện dã sử truyền kỳ còn nói, mộ Tào Tháo cũng do Mô Kim hiệu úy thiết kế, nên hậu thế khó mà phát hiện, đúng như câu: việc chôn cất, phải giấu, không để thiên hạ biết được. Điều này nghe ra xem chừng rất hợp lý, một số cổ mộ quả thực chiếm địa thế rất tốt, nếu không am tường chân tướng bên trong, không dùng phương pháp đặc thù để tìm kiếm, thì gần như là không hề có cơ hội nào để phát hiện.
Tôi sực tỉnh ngộ: “Thì ra lịch sử truyền thừa của nghề trộm mộ này là thế. Tuy ba vị tổ sư gia ở ba thời đại khác nhau, nhưng cùng có một điểm chung. Tào Tháo vừa là thi nhân vừa là quân nhân, Ngũ Tử Tư là tướng quân phạt sở, Hạng Vũ lại càng là bậc bá vương thống lĩnh ba quân, có thể nói đều xuất thân nhà binh, điểm này sợ rằng không đơn thuần chỉ trùng hợp thôi đâu. Dám cầm đầu đi đổ đấu trộm mộ, tôi thấy quá nửa là kẻ từng trải chiến trận, khí phách mạnh mẽ, không tin vào mấy chuyện tà ma. Nếu không phải xuất thân từ quân ngũ, thử hỏi lấy đâu ra bao nhiêu đảm lược và kiến thức như vậy.”
Tôi nói với Shirley Dương: “Tổ sư gia của Ban Sơn đạo nhân và Xả Lĩnh lực sĩ lần lượt là Ngũ Tử Tư và Tây Sở Bá vương, tôi lần đầu nghe nói đấy, quả là được mở mang kiến thức rất nhiều. Còn Mô Kim hiệu úy thờ Tào Tháo làm tổ sư gia thì không nằm ngoài dự liệu, tôi biết lâu lắm rồi. Có điều, nghe ông nội tôi bảo, chuyện này chưa chắc là chính xác, không biết bên trong còn có ẩn tình gì hay không?”
Shirley Dương đáp: “Mô Kim hiệu úy thờ Tào công là xuất phát từ thời Hậu Hán, nhưng trên thực tế, quy định ‘gà gáy đèn tắt không mò vàng’ đã có từ thời Tây Chu. Bấy giờ, có một nô lệ tuẫn táng theo Chu U vương bị chôn xuống mồ rồi mà không chết, lại tìm được một cuốn dị thư viết bằng chu sa trong mộ, bèn truyền cho hậu thế. Các phép tiến thoái của Mô Kim hiệu úy, toàn bộ đều từ sách này mà ra cả. Đúng lý ra, tổ sư gia của Mô Kim hiệu úy chính là vị kỳ nhân đã sống sót thoát ra khỏi mộ ấy, chỉ tiếc một điều rằng, danh tính và số phận của vị ấy về sau đều đã thất truyền, không thể khảo chứng được.”
Tôi thừa cơ kéo chủ đề câu chuyện đi càng lúc càng xa hơn: “Xem ra trong các lăng mộ cổ đại đúng thực là có thần phù linh dược với các thứ mật quyết âm dương, có điều chưa chắc đã tác dụng nhỉ? Nếu không thì chủ mộ đâu phải chui vào nằm trong quan tài chứ, thời ấy chẳng biết có bao nhiêu người vì ăn tiên đơn diệu dược mà chết nữa...”
Trong lúc nói chuyện không để ý, chúng tôi đã sắp về đến đầu con ngõ chỗ tôi đang ở, chẳng ngờ nói lằng nhằng bao lâu thế mà tư duy Shirley Dương vẫn không nhiễu loạn, lại đòi tôi đưa lá bùa Mô Kim kia ra. Tôi đang lưỡng lự không biết làm sao, chợt vớ được vị cứu tinh từ trong ngõ đi ra.
Ở đầu ngõ có máy điện thoại công cộng, lại có bà thím họ Lưu chuyên nghe điện thoại, hễ có điện thoại gọi đến, bà thím sẽ hỏi rõ là tìm ai, rồi mới vào ngõ gọi người, mỗi lần đi gọi hai hào tiền công. Làn này vừa khéo có điện thoại tìm Tuyền béo, cậu ta đang khoác áo ba đờ xuy đong đa đong đưa theo thím Lưu đi ra, thấy tôi và Shirley Dương từ ngoài ngõ đi vào liền giơ tay vẫy chào, rồi cầm cái ống nghe ngoác miệng: “A lố a lô... tôi là sếp của công ty trách nhiệm hữu hạn Đổ đấu Hoàn Cầu Vương... Cái gì... Chưa nghe nói đến bao giờ hả? Chưa nghe bao giờ thì điện thoại tìm tôi làm quái gì? Này... tôi nóng tính đấy thì sao, có phải muốn chọc tức nhau không hả? Ở đâu ra thế? Có giỏi thì vác mặt ra đây, ông béo mày bóp phát chết tươi luôn...”
Tôi nhân cơ hội vội bảo Shirley Dương: “Cô xem Tuyền béo kìa, từ sau bận ở núi Côn Luân về, mới làm bộ thâm trầm được vài hôm đã lại không biết mình họ gì nữa rồi, nói năng vô ý quá, giữa chốn công cộng đông người thế này mà cứ đổ đấu với chẳng đổ điếc. Thường vẫn có câu, bệnh vào từ miệng, họa ra từ miệng, thằng này cứ thế rồi sớm muộn gì cũng rước vạ vào thân thôi.”
Kỳ thực tôi đâu thèm để ý xem Tuyền béo nói gì, chẳng qua chỉ tranh thủ cơ hội tính gạt chuyện bùa Mô Kim đi mà thôi, vừa nói tôi vừa cùng Shirley Dương vào nhà. Một chốc sau, Tuyền béo cũng nghe điện thoại xong quay về, hớn hở bảo: “Vừa có người gọi điện mời cơm tối, lại được một bữa sướng mồm rồi, sớm biết thế này buổi trưa tôi đã nhịn luôn cho bớt một bữa, phải cần kiệm mới làm cách mạng được chứ.” Tôi hỏi ai gọi điện đến? Tuyền béo đáp chưa kịp hỏi, mới hỏi xem ăn ở đâu thôi, chỗ ấy cũng được lắm, nghe đồn rất đặc sắc, nhưng giọng trong điện thoại thì hình như giông giống lão già Minh Thúc.
Shirley Dương chợt lên tiếng xen vào: “Không được, giáo sư Trần đã khỏi bệnh từ Mỹ trở về Bắc Kinh rồi, tối nay ông ấy đặc biệt mở tiệc tại nhà, muốn mời mấy người cùng đi Tân Cương hồi nọ tụ tập một bữa. Tôi đã nhận lời, tối nay chúng ta phải đến nhà giáo sư Trần. Giờ không còn sớm nữa, hai anh đi thay quần áo rồi đi luôn thôi.”
Đã vậy thì hết cách, dĩ nhiên không thể không nể mặt giáo sư Trần rồi. Tôi nghĩ bụng, hồi xưa mới đến Bắc Kinh nghèo suýt chết đói, có cái bánh nướng chan nước xốt đã là được bữa cải thiện to lắm rồi, lúc ấy sao chẳng ai mời ăn cơm khách? Nguyên nhân sâu xa hẳn có rất nhiều, thôi gạt quách đi không cần nghĩ nữa, cả cú điện thoại không đầu không đuôi kia tôi cũng gạt ra khỏi óc, tùy tiện chỉnh trang sơ sơ rồi cả bọn cùng kéo nhau đến nhà giáo sư Trần.
Răng Vàng cũng được mời. Hắn và giáo sư Trần quen biết từ trước, tôi và Tuyền béo tham gia đội thám hiểm sa mạc của ông cũng do hắn giới thiệu. Lần tụ tập này không có người ngoài, chẳng phải khách sáo, mọi người phân chia chủ khách ngồi xuống, vừa ăn vừa nhắc chuyện cũ và tình hình gần đây của mỗi người, ai nấy không khỏi một phen bồi hồi xúc cảm.
Giáo sư Trần tuy nhặt lại được cái mạng ở sa mạc mà sống sót trở về, nhưng trong chuyến đi thành cổ Tinh Tuyệt năm ấy, đã mất đi không ít đồng nghiệp, toàn là những người thân thiết nhất. Những tổn thương tinh thần khiến ông sa vào trạng thái rối loạn, sau khi được chữa trị ở Mỹ một thời gian, về cơ bản đã coi như bình phục hoàn toàn, ông nhung nhớ cố hương, không muốn ở lại nước người, vừa khỏi bệnh một tháng đã nôn nóng trở về Trung Quốc ngay.
Giáo sư Trần uống vài ly rượu, nhớ đến những trợ lý và học trò bất hạnh của mình đã chôn thân nơi biển cát, tinh thần hơi kích động, bàn tay cầm đũa cầm bát run bần bật. Chúng tôi lo ông bệnh cũ tái phát, vội khuyên không nên uống nữa, lại nói, người chết cũng đã chết rồi, chẳng ai có thể thay đổi được gì, người sống nên nghĩ thoáng một chút, không thể nào sống mãi trong cái bóng của quá khứ được.
Giáo sư Trần thở dài một tiếng: “Tuy chuyện cũ đã qua, nhưng nếu con người ta không hoài niệm chuyện cũ, không còn hồi ức, vậy thì sống khác nào cái xác không hồn. Cũng như mỗi dân tộc đều có lịch sử của mình, những văn vật, di tích cổ xưa chính là hồi ức của dân tộc, từ đó, chúng ta có thể tìm hiểu được nguồn gốc của mình ở đâu, huyết mạch của mình ở đâu, có vậy thì mới có tinh, khí, thần của một quốc gia. Tôi ngần này tuổi rồi, muốn làm việc gì, cũng đã có lòng mà chẳng còn sức, hễ nghĩ đến những chuyện này, tôi lại cảm thấy gánh nặng lịch sử trên vai thật chẳng nhẹ chút nào...”
Tôi nghe giáo sư Trần nói cả một tràng dài, trong lòng không khỏi giật thót, càng nghe càng cảm thấy không ổn lắm, chắc chắn ông già có ẩn tình chi đây, không hiểu rốt cuộc muốn nói gì nữa, nghe ý tứ thì cuối cùng thể nào cũng đổi giọng, có việc muốn nhờ vả đến tôi. Nhưng tôi chẳng muốn dính líu đến đồ cổ đồ kiếc nữa, chắc phải tìm cách khéo léo từ chối vậy, có điều cũng phải nghe xem giáo sư Trần này rốt cuộc muốn nói gì đã. Nghĩ đoạn, tôi bèn nói với ông: “Giáo sư, cháu nói câu này ông đừng giận, tuy chúng cháu không có văn hóa gì, nhưng những đạo lý lớn lao ấy, ít nhiều cũng hiểu được một chút. Nếu một người không tôn trọng lịch sử, kính sợ lịch sử, cuộc sống chẳng có mục đích gì, tiến lên mà chẳng biết đi đâu, thì ăn cơm cũng chẳng thấy ngon. Đạo lý này bọn cháu đều hiểu rất rõ, vả lại từ lâu nó đã tan chảy vào huyết quản, khắc ghi trong xương cốt, đồng thời cũng được áp dụng vào hành động thực tế của chúng cháu rồi. Có điều, tất cả thực sự quá sâu sắc, nói ra sợ rằng một chốc một nhát không thể nói hết được, bác vừa khỏi bệnh chắc vẫn còn mệt, nên cháu thấy bác đừng nhắc đến nữa, để dành khi nào giảng bài hay làm báo cáo cũng chẳng muộn đâu. Còn nếu bác thực sự muốn nói, không rõ liệu có thể trực tiếp nói ra những điều ẩn giấu đằng sau đạo lý vĩ đại đó được chăng? Chắc không phải là lại muốn dẫn đám chúng cháu tổ chức thành đội thám hiểm đi khảo sát nền văn minh cổ đại đã biến mất gì gì đó đấy chứ?”


Chương 3: Tần Vương Chiếu Cốt Kính

Giáo sư Trần nói: “Ủa, biết hết cả rồi à? Tốt, tốt, thật không ngờ cậu Nhất với cậu Tuyền béo đây... đều có tư tưởng giác ngộ cao như vậy, thế thì tôi cũng không lòng vòng nữa. Trung Quốc chúng ta có rất nhiều quốc bảo bị thất lạc ở hải ngoại, năm đó tôi và anh bạn Dương Huyền Uy mỗi lần nghĩ đến chuyện này lòng dạ cứ đau như dao cắt. Sau khi khỏi bệnh, tôi có ở lại Mỹ một thời gian, trong khoảng thời gian này, tôi đã tiếp xúc với một vài học giả và Hoa kiều, trong đó có không ít bậc danh gia chuyên nghiên cứu, sưu tầm, giám thưởng đồ cổ, từ chỗ họ đã biết ra được một sự việc kinh thiên động địa.”
Kế đó, giáo sư Trần lần lượt kể ngọn nguồn sự việc. Thuở trước có truyền thuyết rằng, khi còn ở ngôi, Tần Thủy Hoàng một lần tuần du về phương Nam, trên đường, thấy có người vớt được cái xác trôi ven biển. Thi thể đó là của một ông già, thân hình cao lớn dị thường, tướng mạo tiên phong đạo cốt, râu dài quá ngực, da trắng như ngọc, thịt chắc như thép, mặc trang phục mũ mão của bậc vương giả thời thượng cổ, chẳng biết đã trôi nổi trên biển bao nhiêu lâu, lại càng không thể biết được lai lịch cũng như nguyên nhân cái chết, nhưng thoạt nhìn qua, sắc mặt vẫn y hệt người còn sống, chẳng hề có dấu vết bị ngâm nước biển trong thời gian dài. Một cơn gió biển ùa thổi tới, râu và tóc cái xác cổ cùng phần phật tung bay, chẳng khác gì người sống.
Tần Thủy Hoàng đồ rằng đó chính là vỏ xác của tiên nhân ngoài biển để lại sau khi xuất hồn lên trời, cần phải đem thờ cúng cung phụng để cầu tiên nhân ban cho thuốc bất tử, song những người bên cạnh ông ta lại có cách nhìn khác. Tần Thủy Hoàng xưa nay rất mê tín vào các thuyết tu tiên luyện đan, thủ hạ dưới trướng ông ta có vô số phương sĩ[2], đều một mực cho rằng đây là cương thi cổ đại, là thứ yêu vật hóa thành, nhất định nổi lên từ hải nhãn ở Nam Hải, gặp phải nó đã là điềm chẳng lành, nói gì đến chuyện bái tế cầu thuốc. Sau đó, bọn họ lại giảng giải thêm, chuyện này từng xuất hiện lúc nào, ở đâu, tượng trưng cho điềm chẳng lành gì, cần phải xử lý thế nào mới ổn thỏa hợp lẽ.
Thời Tần, muốn làm phương sĩ kiếm cơm ăn không phải việc dễ, người thời xưa đa phần tương đối thực thà chất phác, chỉ biết nói năng một chút đã được coi là có tài hùng biện rồi. Muốn làm cố vấn cho hoàng đế, bản lĩnh quan trọng nhất chính là phải biết bốc phét, bốc phét sao cho người chết cũng sống lại được. Tần Thủy Hoàng kỳ thực vốn không phải là người dễ xuôi tai, nhưng đám người này nói cứ như thật, khiến ông ta rốt cuộc cũng xiêu lòng, vả lại, bản thân ông ta vốn rất tin mấy thứ chuyện huyền hoặc kiểu này, trong lòng không khỏi lo lắng rằng “hải nhãn xuất cương thi” là điềm báo mất nước. Thứ này không thể dùng lửa thiêu cháy, hay lấy dao búa bằm nát, chỉ có cách xử lý duy nhất là chôn sâu vào lòng đất, vậy nên Tần Thủy Hoàng đã lệnh cho ba vạn tù phạm khổ sai đục xuyên cả một ngọn núi hoang để chôn cất cương thi, đồng thời đúc một pho tượng thú bằng đồng đặt bên trên trấn áp, rồi thỉnh “Tần Vương Chiếu Cốt kính” trong Tần Vương bát kính, khảm lên đầu pho tượng, cuối cùng cho phong tỏa ngọn núi, ban sư hồi triều.
Người thời Tần Hán tin gương đồng có thể trấn áp cương thi, bởi người thời đó hễ đứng trước gương thì phải “chính dung”, xem nét mặt mình có trang trọng nghiêm túc hay không, y áo mũ mão đã chỉnh tề hay chưa, nếu có gì lệch lạc phải nhanh chóng chỉnh trang, nên gương đồng đại biểu cho “chính”, một chính áp được trăm tà, ngoài ra gương cũng mang hàm nghĩa “Dương”, tượng trưng cho ban ngày, có sức nhiếp phục đối với những thứ ma tà thuộc “Âm”.
Tần Vương thảo phạt sáu nước thống nhất thiên hạ, thu thập được không ít bảo vật thần khí của sáu nước. Trong những bảo vật ấy, đáng nhắc đến có tám tấm gương cổ, bao gồm cả tấm gương đồng của tổ sư Pháp gia, Tần Vương Chiếu Cốt kính. Tương truyền, tấm gương đồng của tổ sư Pháp gia có thể soi thấu cả gân cốt kinh mạch trên thân người, là bảo vật vô giá hiếm thấy trên thế gian. Bởi thế, Tần Thủy Hoàng mới đem kính này và xác cổ dưới biển khơi nổi lên kia, chôn chung vào một chỗ trong núi.
Tần Thủy Hoàng trở về Hàm Dương được chẳng bao lâu thì băng hà, Tần Vương Chiếu Cốt kính chôn nơi đâu trở thành một câu đố nghìn năm không lời giải đáp. Vật đổi sao dời, mãi đến cuối thời Bắc Tống, có người lên núi hái thuốc, chợt trông thấy trên không trung có năm con rồng tụ lại quanh một ngọn núi ác đấu với nhau. Cuối cùng cả năm con rồng đều chết, xác rồng từ trên trời rơi xuống, người hái thuốc chạy lại xem, chẳng thấy con rồng chết nào, chỉ thấy một cái rãnh lớn.
Người hái thuốc hoang mang tột cùng, mang chuyện đi kể với dân làng ở gần đó, ai nấy tranh nhau đổ xô đến xem, chỉ thấy trong rãnh có một vật lớn đang nhúc nhích như muốn đùn đất chui lên, tất thảy đều kinh hãi, tưởng là sơn quỷ tác quái, bèn phóng hỏa thiêu đốt. Sau khi lửa tắt, trong rãnh liền hiện ra một tượng thú lớn bằng đồng, đầu bò mình rùa, trên đầu có sừng như sừng bò, thân thể lại là mai rùa, có bảy cái đuôi, ở khúc đuôi cuối buộc vô số đầu lâu người, hình thái quái dị xấu xí, thập phần hung hãn. Trên đầu con quái thú bằng đồng ấy đội một tấm gương đồng tạo hình cổ phác, có người bèn gỡ lấy đem dâng cho thiên tử thời bấy giờ là Tống Huy Tông.
Có vị đại thần kiến văn quảng bác đã lên tiếng can gián Huy Tông hoàng đế, bảo tấm gương cổ này là vật từ thời Tiên Tần, chính là Tần Vương Chiếu Cốt kính ghi trong sách sử, là thần khí trấn yêu thời Tần, trải qua nhiều năm, yêu khí tích tụ, không trừ được, không thể lưu lại trong cung cấm mà nên vật quy nguyên chủ, trả về chỗ cũ. Nhưng Tống Huy Tông coi tấm gương ấy như báu vật, không chịu nhả ra, cứ giữ mãi bên mình để ngắm nghía, không lâu sau, thiết kỵ của Đại Kim tràn xuống phía Nam diệt Bắc Tống, bắt hai vua làm tù binh, Tần Vương Chiếu Cốt kính lại một lần nữa không rõ hạ lạc ở đâu.
Sự kiện Tần Thủy Hoàng tuần du phương Nam gặp xác cổ vốn chỉ là truyền thuyết dã sử, chưa chắc đã có thật, nhưng Tần Vương Chiếu Cốt kính thì đích xác có được ghi chép trong sử sách, các học giả đời sau cho rằng tấm gương chiếu cốt này, rất có khả năng không phải làm bằng đồng, mà bằng một loại vật chất cực kỳ đặc biệt, có thể soi thấu cơ thể người. Nếu đúng là vậy, có khi lịch sử khoa học phải viết lại cũng nên, giống như Hán Thư có nhắc đến một số khí cụ của hoàng thất nhà Hán, trong đó có vài món thậm chí rất có khả năng là vật chất phóng xạ được con người phát hiện sớm nhất. Nếu giờ có thể tìm được vật thật, ắt hẳn sẽ làm chấn động cả thế giới, đáng tiếc thứ này, giống như vô số các báu vật thời cổ đại của Trung Quốc, không ai biết đang ở nơi đâu, mà đã không có vật thực thì người đời sau chỉ có thể dựa vào mấy hàng chữ miêu tả trong các sách cổ để suy luận tưởng tượng, cảm khái xong rồi cũng chỉ còn biết thở dài tiếc nuối mà thôi.
Sau đó, khi liên quân tám nước đánh vào, Tần Vương Chiếu Cốt kính lại xuất hiện trên thế gian lần nữa, đáng tiếc lần này lại bị người Anh cướp được trong dân gian, trải qua mấy lần đổi chủ lưu lạc đến Ấn Độ, đến cuối năm nay, có một vị tỉ phú ở Đông Nam Á trả tiền mua về. Vì là mua lậu, nên phải vận chuyển bằng đường biển, nhưng con tàu này khi đến vùng hải phận quốc tế liền gặp bão lớn đẩy chệch hướng hành trình, rồi nhấn chìm cả tàu lẫn Tần Vương Chiếu Cốt kính xuống đáy biển.
Mấy trăm hành khách và thuyền viên trên tàu gần như không ai sống sót. Bão lớn kéo dài mấy ngày liền vẫn chưa tan, khiến cho thông tin liên lạc hoàn toàn bị tê liệt, công tác cứu hộ trên biển gặp khó khăn vô cùng lớn, căn bản không thể nào tìm ra vị trí tàu đắm, mà chỉ có phương hướng đại để là vùng biển ấy rất gần với biển Nam Trung Quốc, là một khu vực không ai quản lý, bên dưới đầy rẫy đá ngầm, được người dân địa phương gọi là “vực xoáy San Hô”.
Tôi nghe đến đây thì đã hiểu được tám chín phần, đây là vụ tai nạn hàng hải rất lớn xảy ra trong khoảng thời gian này, chúng tôi cũng loáng thoáng nghe nói đến rồi. Tần Vương Chiếu Cốt kính chìm theo con tàu ấy, vậy thì đi tìm đội trục vớt chuyên nghiệp lặn xuống vớt lên là xong, không hiểu giáo sư Trần vòng một vòng lớn, thái độ lại còn tỏ ra thành khẩn như vậy rốt cuộc là muốn chúng tôi làm gì đây.
Giáo sư Trần nói tới đây thì ngừng lại, có thể ông muốn xem chúng tôi có phản ứng gì, nhưng ngoài Shirley Dương nghe với thái độ rất chăm chú ra, những người khác đều không tỏ vẻ gì, không khí không khỏi có đôi phần ngượng ngập. Tôi giả bộ hờ hững, liếc Tuyền béo và Răng Vàng một cái, hai người bọn họ tựa như chẳng nghe thấy gì, chỉ cắm đầu ăn uống, rõ ràng đều không muốn nhúng tay vào chuyện khổ sai chẳng có gì béo bở mà hớt váng này một chút nào.
Dầu sao, quan hệ giữa chúng tôi và giáo sư Trần cũng không phải tầm thường, hồi đó nếu không có ông, hẳn tôi cũng không có ngày hôm nay, lại càng không thể quen biết với Shirley Dương được, vả lại, Shirley Dương cũng như con gái ruột của giáo sư Trần, dù bất kể là ông già này có mục đích gì chăng nữa, chúng tôi cũng đều phải hùa theo một chặp, ít nhiều cũng phải giữ cho ông chút mặt mũi.
Tôi vội nói với những người còn lại: “Giáo sư Trần quả không hổ là giáo sư, mỗi lần gặp bác cháu lại được thêm bao nhiêu kiến thức, hôm nay bác lại bổ sung cho cả bọn chúng cháu một bài học lịch sử quan trọng nữa. Hồi đó cháu xem qua mấy thiên Kinh Dịch liền cảm thấy mình có văn hóa lắm rồi, nhưng tiếp xúc với bác nhiều, mới biết thế nào gọi là biển học vô bờ, cảm giác như đứng trước lịch sử mênh mang, mình chỉ như một hạt vừng so với quả dưa hấu mà thôi. Hôm nay nghe bác kể chuyện, cháu tiếc tấm gương Tần Vương Chiếu Cốt ấy quá, giá đem bày trong viện bảo tàng cho quảng đại quần chúng nhân dân và đồng bào ở Hồng Kông, Ma Cao cùng với các tân khách nước ngoài đến tham quan, giơ tay giơ chân lên soi thử thì thật oách biết mấy. Nhưng rơi xuống đáy biển cũng không sao, cứ để đấy cho đám mỹ nhân ngư soi đi, cổ vật đều có linh tính, nói không chừng có ngày nào đó lại được nước biển đưa trở về thôi.”
Tôi vừa nói vừa giẫm chân Tuyền béo dưới gầm bàn, ý nhắc cậu ta cũng mau chóng đế thêm mấy câu nữa. Tuyền béo bị tôi giẫm một phát, thoáng ngây người, rồi lập tức hiểu ý đồ, liếm liếm mép, giơ ngón tay cái lên với giáo sư Trần: “Cao! Cao minh quá! Những lúc nửa đêm giật mình sực tỉnh khỏi cơn mộng mị, cháu cũng thường tự nhìn vào lòng mình mà hỏi, những ý tưởng sâu xa của con người là từ trên trời rơi xuống hay sao? Dĩ nhiên là không rồi, chẳng hạn như giáo sư Trần đây, nếu không phải đã học đầy năm xe chở sách, lời nói ra không thể đoạn nào cũng dẫn chứng điển cố, mỗi câu đều vang dậy bên tai, mỗi chữ đều đáng cho người ta nghiền ngẫm ba ngày. Thế có nghĩa là gì? Đây chính là thành quả học tập chứ còn gì, bởi thế chúng cháu từ nay cũng đều phải học hỏi thêm, đọc nhiều sách hơn, ôn cố mà tri tân, bước lại trên đường trường chinh vạn dặm, học lại ba bài vỡ lòng của chủ tịch Mao[3].”
Răng Vàng cũng không bỏ lỡ thời cơ, hùa theo nói tràng giang đại hải một chặp. Giáo sư Trần thấy thế gật đầu mỉm cười: “Tôi thật không nhìn lầm các cậu, Bát Nhất và Tuyền béo, còn cả chú em Răng Vàng nữa, các cậu trước đây bị mười năm động loạn[4] làm cho lỡ dở, không được chính thức học hành, nhưng tài ăn nói không thua gì người làm giáo sư như tôi đây, càng quan trọng hơn, đó là ba cậu chẳng những có tài hùng biện không kém nhà ngoại giao, mà lại còn sở hữu sự gan dạ cùng khí phách của nhà thám hiểm nữa, vì vậy tôi mới hay nói, những bậc kỳ nhân dị sĩ chân chính đều ở trong dân gian cả đấy.”
Tôi nghe ông già nói vậy, càng thêm một bước nữa khẳng định suy đoán của mình, tục ngữ vốn có câu “người không nhờ người, ai cũng như nhau”, chưa nói vào chủ đề chính mà giáo sư Trần đã đội cho chúng tôi cái mũ cao như vậy rồi, cái gì mà có tài hùng biện của nhà ngoại giao lại còn có sự gan dạ cùng khí phách của nhà thám hiểm, cái mũ này hình như hơi to quá lố, hẳn là phải có chuyện khó khăn lắm muốn nhờ chúng tôi làm đây? Có điều, tôi nghĩ mãi cũng chưa thông, không hiểu bọn tôi có thể làm gì ở vụ đi trục vớt tàu đắm này. Đám chúng tôi là Mô Kim hiệu úy chuyên lên núi xuống rừng tìm kiếm cổ mộ, nhưng đối với chuyện ngoài biển thì đúng là chẳng có năng lực gì cả.
Vòng qua vòng lại thế này sốt ruột, tôi quyết định dứt khoát nói cho rõ: “Giáo sư, chúng ta không phải người trong nhà nhưng còn thân hơn thế, cháu xưa nay vẫn không coi bác là người ngoài, bác cần gì cứ nói thẳng ra, Tần Vương Chiếu Cốt kính bị chìm xuống Nam Hải, tâm trạng cháu cũng lo lắng không kém gì bác cả, nhưng khốn nỗi chúng cháu không có bản lĩnh gì, chẳng qua có biết một chút thuật phong thủy, đối với chuyện này thực là chỉ có lòng mà không có sức. Tuy cháu lớn lên ở bờ biển Phúc Kiến, cũng ngồi tàu ra biển rồi, nhưng chưa đi xa bờ bao giờ, đại dương mênh mông thực sự nằm ngoài khả năng của bọn cháu, vả lại, trục vớt một món đồ trong một con tàu lớn như vậy tuyệt đối không phải là chuyện đơn giản, càng huống hồ thuyền chìm ở đâu chúng ta cũng không biết, vậy thử hỏi có khác gì đáy biển mò kim đâu chứ, dẫu là các tổ chức trục vớt chuyên nghiệp của nước ngoài sợ rằng cũng không thể giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều được. Cháu nghe nói, có công ty của Anh hợp tác với chính phủ để trục vớt số vàng trên một con thuyền đắm, đã làm gần chục năm nay mà cũng mới chỉ hoàn thành sơ bộ thôi, chẳng biết đến năm nào tháng nào mới vớt hết được lên nữa. Cháu thấy, đối với sự kiện này, chúng ta e rằng chỉ có thể ngồi nhà mà bày tỏ tiếc nuối ân hận thôi, chứ chẳng biết làm sao nữa.”
Shirley Dương chợt lên tiếng: “Anh đừng sốt ruột, để nghe xem ý giáo sư thế nào đã.” Sau đó, cô nàng lại mời giáo sư Trần tiếp tục kể, tôi với bọn Tuyền béo đành kiên nhẫn lắng nghe. Giáo sư Trần chậm rãi nói: “Nếu con thuyền đắm đó không tìm được thì tôi cũng chẳng nôn nao lo lắng đến vậy, vùng vực xoáy San Hô tuy rộng lớn, nhưng có một đầu mối cực kỳ quan trọng, nếu dùng bí thuật phong thủy tìm kiếm, thiết tưởng sẽ có chỗ để bắt tay vào cũng nên. Sau tai nạn trên biển đó, trên tàu có một thủy thủ sống sót, con thuyền cứu sinh của anh ta lênh đênh trên biển ba ngày hai đêm, đồng bạn đều chết hết cả, bản thân anh ta sau khi được cứu lên thuyền đánh cá chẳng bao lâu thì cũng qua đời. Lúc hấp hối, anh ta có tiết lộ một thông tin quan trọng, nơi thuyền đắm, đáy thuyền có âm hỏa bốc lên ngùn ngụt. Dưới biển có âm hỏa, hiện tượng đặc biệt này hẳn cũng phải được nhắc đến trong đạo phong thủy chứ?”
Chú thích


[2] Người cầu tiên học đạo.
[3] Đây là ba bài viết của Mao Trạch Đông, bao gồm: “Vì nhân dân phục vụ”, “Ngu Công dời núi”, “Tưởng nhớ Bethune”, từng được coi là bài học trọng điểm trong sách giáo khoa tiểu học, thậm chí có thời kỳ toàn dân Trung Quốc đều thuộc làu làu.
[4] Ý chỉ thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Chương 4: Long hỏa

Giáo sư Trần đang nói chuyện âm hỏa tiềm hành dưới đáy biển: người duy nhất sống sót trên con tàu đắm đã kể với những người cứu anh ta một hiện tượng tự nhiên hiếm thấy, ánh lửa dưới đáy biển soi rọi lên mặt nước, chiếu xa cả mấy trăm mét, nhưng nhanh chóng tắt lụi, chỉ như hoa quỳnh nở rồi tàn ngay. Các điển tịch cổ của Trung Quốc nội dung ghi chép liên quan đến việc ngoài biển cũng từng đề cập tới những tình hình tương tự như vậy; bí thuật phong thủy thông thiên triệt địa, dẫu là núi non biển hồ, thuật phong thủy cũng đều có thể giải thích, bởi vì dưới đáy biển cũng có núi non khe vực, có hồ có sông, cũng có rừng sâu, thung lũng. Đạo phong thủy bao gồm bốn thứ: hình, thế, lý, khí: ở hồ lớn biển lớn chủ yếu luận về “khí”, gọi là hải khí, giáo sư Trần tuy không hiểu thuật phong thủy, nhưng ông đọc rất nhiều sách vở, biết được từ xa xưa đã có thuyết này rồi.
Tôi không ngờ giáo sư Trần lại biết âm hỏa có liên quan đến hải khí, đành đối đáp rằng: “Phân tích dựa trên Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật, thì có ba khả năng. Thứ nhất, là ở chỗ hai dãy núi hợp thành hình tròn dưới đáy biển, tất sẽ có hải khí tụ hợp không tan, ánh lửa biến ảo dưới nước mà người ta nhìn thấy rất có thể là ảo ảnh do hải khí tạo nên, hiện tượng này còn được gọi là ‘hải thị thần lâu’, điều này cũng không có gì kỳ lạ; thứ hai, là bởi hải khí dồn tích, tạo thành túi khí đốt dưới đáy biển hoặc gây ra núi lửa phun trào; khả năng thứ ba là lớn nhất, ấy chính là long đăng, hay còn gọi là long hỏa. Tương truyền, thế gian này có bốn loại lửa, là quỷ hỏa, thiên hỏa, nhân hỏa và long hỏa; nhân hỏa gặp nước liền tắt lụi, còn long hỏa trái lại, gặp nước thì cháy bùng lên. Nếu âm hỏa thế lớn, thì đó chắc chắn là long đăng chứ không sai.”
Có điều, tôi lại nói ngay với giáo sư Trần: “Thuật phong thủy thanh ô, hoặc giả cũng có lý lẽ riêng, nhưng nếu tin quá thì ắt sẽ thành ra si mê vọng tưởng. Thuật này xét cho cùng cũng là sản phẩm của thời xưa, tuy rằng có đạo lý thiên nhân tương ứng, nhưng nội dung bên trong không khỏi có rất nhiều chỗ huyền ảo, chẳng hạn như thuyết long đăng long hỏa gì đó, chưa chắc đã có thể tin là thật.”
Nhưng giáo sư Trần lại nói: “Trong vũ trụ bao la này chuyện gì mà chẳng có, thuyết hải khí hải thần gì đó đúng là rất hư ảo xa xôi, nhưng trí tuệ của cổ nhân thì không thể xem nhẹ được, có những chuyện thoạt nhìn tưởng chỉ là hư vô không căn cứ, đó là bởi chúng ta chưa học tập đầy đủ, nghiên cứu chưa đủ sâu, vẫn chưa thể nghiền ngẫm ra được tâm ý của tiền nhân đó thôi, cả đời tôi đắm chìm trong nghiên cứu văn hóa Tây Vực cổ, thời trẻ từng tham gia một đoàn khảo cổ đi khai quật, những trải nghiệm của hành trình ấy đúng là cả đời này cũng không thể nào quên được, chúng tôi đào được một món đồ bằng đồng xanh từ thời nhà Chu ở Liên Nô, gọi là âu Diên Thần của Chu Mục vương, đó là một món đồ đựng thức ăn, trên có hoa văn trang trí, dưới đáy cũng có hoa văn hình sấm sét, đường nét tráng lệ hồn hậu, có thể nói là tác phẩm đỉnh cao của thời đại Thanh Đồng.”
Vào thời kỳ đó, đồng xanh cũng như ngọc đều được coi là báu vật của quốc gia, chỉ được dùng trong những trường hợp quan trọng, để ghi lại những sự kiện quan trọng. Hoa văn trên cái âu Diên Thần của Chu Mục Vương này cũng ghi lại một sự kiện lịch sử trọng đại. cổ nhân nói, “Quy Khư[5]” là vực sâu giữa trời đất, nước trong thiên hạ này bất luận là sông hồ biển lớn, cuối cùng đều đổ cả về Quy Khư, nhưng nơi này vĩnh viễn không bao giờ đầy. Tương truyền vị trí của nó ở Đông Hải, nhưng thuyết này không chính xác, thực tế thì rất có thể Quy Khư chính là hải nhãn ở Nam Hải. Trên âu Diên Thần của Chu Mục Vương chép rằng, ở tận cùng Nam Hải có một nơi được gọi là nước Quy Khư, hiện giờ được gọi với một cái tên thông dụng hơn là nước Hận Thiên. Người dân nước Hận Thiên nắm được bí mật của long hỏa, Chu thiên tử phái sứ giả đến, hy vọng có thể mượn long hỏa để đúc đỉnh. Âu Diên Thần của Chu Mục Vương được đúc ra cũng bởi lý do này.
Từ đây có thể thấy Nam Hải đích thực có long hỏa tồn tại, chẳng qua là các học giả hiện đại chưa thể vén bức màn lịch sử thần bí che phủ nó lên, nên vẫn chưa thể làm rõ được chân tướng của nó mà thôi. Ghi chép về người dân nước Hận Thiên trong lịch sử rất sơ sài lẻ tẻ, cho đến ngày nay vẫn chưa có di tích nào của nền văn minh này được phát hiện, thậm chí vấn đề bộ tộc này có từng tồn tại hay không, đến giờ vẫn còn đang nằm trong vòng tranh luận. Có người suy đoán, vì địa chất biến động nên di tích của nước Hận Thiên bị nhấn chìm xuống đáy biển cả rồi, còn vùng vực xoáy San Hô có âm hỏa dưới đáy biển mà nhiều người đề cập đến sau này, rất có khả năng chính là khu vực văn hóa Hận Thiên từng tồn tại.
Giáo sư Trần giảng giải dông dài một hồi lâu, rốt cuộc thì tôi cũng đã hiểu. Long mạch trong thiên hạ thảy đều phát xuất từ núi Côn Luân, duy chỉ có chi Nam Long là khởi phát từ núi Nga My, chạy song song với sông Trường Giang về Đông, rồi chuyển hướng Nam vào biển lớn, sau đó ở dưới đáy biển hóa thành chín chi mười ba mạch, nơi nào có long hỏa, ấy là nơi có hai chi mạch của Nam Long vây quanh. Con tàu rất có thể bị chìm ở đó. Đáy vùng biển ấy tuy có nhiều rãnh sâu giao cắt chằng chịt, nhưng bên dưới hầu hết đều là đá san hô, nếu đúng là con tàu bị đắm ở đó thì có lẽ cũng không chìm sâu lắm, công việc trục vớt không phải quá khó khăn, nhưng khó là khó ở chỗ địa hình đáy biển phức tạp cùng với hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt trên mặt biển, khiến cho các phương pháp thăm dò truyền thống đều không còn đất dụng võ. Nghĩ đi nghĩ lại, cũng chỉ còn cách vận dụng bí thuật phong thủy, tìm ra ngọn nguồn của âm hỏa thi thoảng mới lại xuất hiện dưới đáy biển kia, rồi lấy đó làm trung tâm, bắt đầu triển khai tìm kiếm con tàu đắm theo phương thức rải thảm mà thôi.
Vùng biển vực xoáy San Hô, nghe tên là biết nơi ấy hung hiểm thế nào, địa hình dưới đáy biển phức tạp như vùng nước xoáy, chẳng những vậy, trên mặt biển một năm bốn mùa đều là bão tố không ngừng, biên độ thủy triều biến ảo khó đoán vô cùng. Hiện giờ đã có rất nhiều người để mắt đến con tàu đắm ấy, vì đó là vùng biển không thuộc quản lý của nước nào, theo công ước quốc tế, những thứ trục vớt được sẽ hoàn toàn thuộc về người trình báo. Bởi vậy, nếu không nhanh chóng tìm được Tần Vương Chiếu Cốt kính, món quốc bảo quý giá này sẽ lại thêm một phen lưu lạc nơi hải ngoại.
Vì lẽ này, giáo sư Trần hy vọng tôi có thể phối hợp với đội trục vớt chuyên nghiệp đi tìm con tàu đắm ấy. Muốn tìm được chính xác long hỏa dưới đáy biển ở đâu, thì cũng chỉ có phương pháp trên xem sao trời, dưới xem mạch đất của Mô Kim hiệu úy là hiệu quả nhất, ngoài việc ấy ra, tôi không phải làm gì khác nữa. Cuối cùng, giáo sư Trần nói: “Đời tôi thì coi như hết rồi, vất vả nghiên cứu mấy chục năm, chỉ toàn gặm nhấm những thứ trong sách vở, già rồi mà chẳng làm nên được cơm cháo gì, chẳng có lấy một công trình độc đáo, rốt cuộc cũng chỉ là một tên thư sinh vô dụng. Muốn làm nên sự nghiệp lớn, chỉ còn biết trông chờ vào những người có bản lĩnh thật sự như mấy cậu đây thôi, lão già này chẳng còn tâm nguyện gì nữa, mong sao trước khi chết tìm được Tần Vương Chiếu Cốt kính về là có thể nhắm mắt được rồi.”
Tôi nghe giáo sư Trần nói rất thành khẩn, biết nếu có cách khác, ông chẳng đến tìm chúng tôi làm gì. Theo lý mà nói, đã là việc của ông, tôi đương nhiên không chối từ, nhưng khó là khó ở chỗ Tuyền béo với Răng Vàng, vốn dĩ cả bọn đều đã sắp xếp để sang Mỹ cả rồi, chẳng lẽ giờ lại bảo bọn họ phải mạo hiểm ra biển nữa? Công tác đả thông tư tưởng bận này xem ra khó mà thực hiện được. Cái gương Tần Vương Chiếu Cốt kia tuy quý giá thật đấy, nhưng tôn trọng lịch sử đồng thời cũng phải tôn trọng tính mạng, đồ cổ có giá trị mấy thì cũng không thể giá trị bằng mạng người được, vả lại cái thứ âm hỏa long đăng kia rất khó lường, đâu phải dễ gì mà tìm thấy.
Nghĩ tới đây, tôi đưa mắt liếc cả bọn một lượt, Shirley Dương tuy chưa gật đầu, nhưng nhìn nét mặt thì dường như đã nhận lời rồi. Với tính cách bừa bãi của cô nàng, gặp những chuyện thế này không cần đợi tôi gật đầu cô cũng sẽ nhận lời ngay. Nhưng tôi đồng thời cũng phát hiện ra Tuyền béo và Răng Vàng đang len lén quan sát thần sắc mình, rõ ràng là đang đợi quyết định cuối cùng của tôi, vả lại nhìn hai bộ mặt đó cũng dễ nhận ra hai thằng chẳng hứng thú chút nào với việc ra biển, xét cho cùng thì bọn này có nợ nần gì giáo sư Trần đâu, dẫu vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính lên chắc cũng chẳng được lợi lộc gì. Tôi đi lính bao nhiêu năm, hiểu rất rõ một đạo lý, quân ta đánh trận bao giờ cũng phải đặt công tác tư tưởng lên hàng đầu, không có sĩ khí thì không thể đánh trận được.
Nhất thời, tôi cũng không nghĩ ra lý do gì để lôi hai thằng theo mình đi mạo hiểm, bèn tạm ứng phó qua loa mấy câu, không lập tức nhận lời giáo sư, bảo cần suy nghĩ thêm mấy ngày, dẫu sao đây cũng không phải chuyện nhỏ, sao có thể bảo đi là đi luôn được.
Trên đường về, hoa tuyết bay bay mù trời, tôi với Tuyền béo không ngồi xe của Shirley Dương, ba thằng vừa đi vừa tán nhảm dưới ánh đèn đường trên con phố phủ tuyết, nói lại chuyện giáo sư Trần nhờ chúng tôi làm. Răng Vàng nói: “Tôi bảo hai anh này, chuyện này chúng ta ngàn lần vạn lần cũng không thể nhận lời, vũng nước đục đừng có mà dây vào, vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính thì không nói gì, không vớt được hay làm nó bị tổn thất gì, ông Trần ấy lại chẳng liều mạng với chúng ta ấy à. Thêm nữa, tôi đây hồi nhỏ đã sống ở ven biển rồi, chuyện dưới biển không đùa được, huống chi còn đi tìm âm hỏa với chẳng âm hiếc gì nữa, biển lớn mênh mông chẳng có đường có lối tìm đếch sao được đây? Cũng may là anh Nhất tỉnh táo, trước ánh mắt uy hiếp của cô Shirley Dương ấy vẫn ung dung nhàn nhã mà kiên định giữ vững nguyên tắc, không nhận lời ông ta...”
Tuyền béo cũng nói: “Tư lệnh Nhất này, tôi tưởng với tính khí xưa nay đấy của cậu, cậu sẽ nhận lời ngay cơ. Vừa nãy uổng công tôi lo sốt vó, mồ hôi ướt sũng cả gan bàn chân rồi đây này. Có điều, thằng nhãi ranh nhà cậu cũng thật không đơn giản, cứ mặt dày mày dạn trơ trơ ra. Tôi tưởng cậu chí công vô tư lắm, ai dè lòng riêng cũng không nhỏ chút nào nhỉ.”
Tôi nói: “Các cậu đừng lảm nhảm nữa, cái gì mà chí công vô tư hả? Bao nhiêu năm nay rồi mà vẫn còn để tôi phải dạy à? Một nửa chữ ‘công’ vừa khéo chính là một nửa chữ ‘tư’[6]. thế mới nói xưa nay công tư vẫn là một, trong tư có công, trong công có tư, nói cái gì mà công tư rõ ràng, chí công vô tư, đều vớ vẩn cả. Dù có giơ cái chiêu bài chí công vô tư ra đi nữa, thì bên trong đó ít nhất cũng có một nửa là tư tâm rồi, từ đây có thể thấy vị tổ tiên đã tạo ra chữ trình độ cũng thật siêu, bằng không sao lại viết chữ ‘công’ như thế chứ? Đúng là quá hiểu bản chất của con người, chỉ riêng hai chữ ‘công tư’ này đã thấu tận ngóc ngách linh hồn con người ta rồi. Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ tôi không lập tức nhận lời ngay tại nhà giáo sư Trần, ấy là bởi lòng riêng nặng quá, lẽ dĩ nhiên, không thể chỉ vì nhất thời nói cho sướng cái mồm mà nhận lời chuyện quá tầm, trượng nghĩa quá đà được. Chúng ta sắp sửa sang Mỹ, lòng ôm chí lớn trải khắp năm châu, phóng tầm mắt nhìn khắp địa cầu, đây mới là chuyện lớn hàng đầu, đợi khi nào phát tài bên Mỹ, hoàn thành giấc mơ, hãy đi giúp giáo sư vớt Tần Vương Chiếu Cốt kính, lúc ấy cũng chưa muộn phải không?”
Nói mồm thì như vậy, nhưng trong bụng tôi hiểu rất rõ, giáo sư Trần cứng đầu cứng cổ lắm, đã quyết chuyện gì thì ba bò chín trâu cũng đừng hòng kéo lại được, vả lại, lần này nếu không chịu giúp sức, chỉ e riêng cửa ải của Shirley Dương tôi cũng không qua được rồi. Nhưng dẫu có lòng góp sức tương trợ, tôi cũng chẳng hề có lòng tin ở cái việc mò kim đáy bể này một chút nào, có đi cũng chỉ uổng công mà thôi. Phàm sự gì không chắc chắn được ba mươi phần trăm thì chỉ đành bó tay, chuyện này đúng là đau hết cả đầu.
Cả bọn vừa về đến nhà đã thấy có người đứng đợi ngoài cổng khu nhà xây theo lối tứ hợp viện, chẳng phải ai khác, chính là lão thương gia Hồng Kông đã phá sản, Minh Thúc. Một dạo không biết lão biệt tích ở đâu, tôi cứ nghĩ lão này không đi Mỹ đào vàng thì cũng rúc về Hồng Kông trốn nợ rồi, chẳng ngờ vẫn ở lại đất Bắc Kinh này.
Minh Thúc giáp mặt liền nói rõ luôn ý đồ. Hóa ra chính là lão gọi điện mời bọn tôi đi ăn bữa cơm, đợi mãi chẳng thấy ma nào ló mặt, đành phải thân chinh mò tới đây, muốn hỏi thăm chuyện hợp tác làm ăn sau khi sang bên đất Mỹ.
Tuyền béo trông thấy Minh Thúc liền cười khì khì, giơ tay ra kẹp chặt lão, hỏi: “Lão khỉ già nhà ông dạo này khí sắc nom khá quá nhỉ, có phải ngọn đèn cạn dầu bùng lên lần cuối không, gần đây không phát bệnh tâm thần phân liệt đấy chứ?”
Minh Thúc vội vàng nói: “Cậu béo này đừng rủa tôi nữa có được không? Tôi đã đặt bàn sẵn ở nhà hàng đợi các cậu đến, vậy mà các cậu chẳng thèm nể mặt, để tôi đợi suông đến tận nửa đêm, tôi là tôi có chuyện nghiêm chỉnh muốn bàn bạc với các cậu đây...”
Tuyền béo lăm le định tống cổ lão ta đi, nhưng tôi sực nhớ hồi trước Minh Thúc thường xuyên chạy tàu ở mạn Nam Dương, sao không đem chuyện đi biển ra hỏi xem có moi được thông tin gì từ lão này không, bèn giơ tay ngăn Tuyền béo, mời Minh Thúc vào nhà, lại thấy lão chưa ăn cơm tối, liền dặn Răng Vàng đi kiếm gì về ăn.
Sau khi vào nhà ngồi xuống, tôi cũng không vòng vo Tam Quốc với Minh Thúc, trực tiếp hỏi luôn chuyện đi biển, lão ta quả nhiên ứng đáp trôi như cháo chảy: “Tưởng gì chứ Minh Thúc này nửa đời chạy tàu rồi, chuyện trên biển tôi nắm rõ như lòng bàn tay, các cậu không tin cứ thử đi hỏi mà xem, đám thương nhân hải tặc ở mạn Nam Dương hễ nhắc đến Lôi Hiển Minh đều giơ ngón tay cái lên khen không ngớt miệng. Mấy trò như nhận biết gió Tín phong, bơi lội, dò địa hình đáy biển... lão thủy thủ già này đều thạo lắm đấy.”
Tôi chán chẳng buồn nghe lão già thổi kèn khen lấy, ngắt lời hỏi luôn xem lão có biết chuyện vùng biển vực xoáy San Hô có âm hỏa hay không? Minh Thúc nghe đến đấy, đang đắc ý bỗng tịt ngóm, cơ mặt thoắt cứng đờ, ánh mắt thất thần mất một lúc. Trong khoảnh khắc ấy, lão tựa như thấy lại thời chạy thuyền ở vực xoáy San Hô, từng gặp phải chuyện cực kỳ khủng khiếp.
Chú thích
 [5] Sách Liệt Tử Xung Hư chân kinh có viết: Phía đông của Bột Hải, không rõ là xa bao nhiêu dặm, có một vùng nước lớn. Thực tế đó là một thung lũng không đáy. Bởi phía dưới của thung lũng không có đáy nên thung lũng được gọi là Quy Khư. Nước từ tám phương trời, chín vùng đất, và nước sống Ngân Hà đều đổ vào nơi này, thế mà nước ở đấy chẳng tăng chẳng giảm.
[6] Chữ công: và chữ tư:

Chương 5:Cá nuốt thuyền

Tôi thấy thần sắc Minh Thúc thoắt trở nên kỳ dị, xem chừng không phải vờ vịt, bèn châm cho một điếu thuốc, khuyên lão chớ nên căng thẳng, cứ kể hết sự việc ở Nam Hải ra xem sao. Đang lúc như vậy thì Răng Vàng làm một bát mì bưng lên cho lão. Mùi thơm từ xa xộc vào tận mũi tôi và Tuyền béo. Bọn tôi đều biết thằng cha Răng Vàng này không chỉ khéo tay, mà còn rất hiểu đạo mỹ thực, ăn gì uống gì đều hết sức coi trọng, nhưng không ngờ một bát mì mà hắn cũng nấu ra hấp dẫn như vậy được.
Trong nhà tôi chỉ còn hai quả trứng gà với mấy cọng hành hẹ, sắc trời đã tối, ra phố chắc chẳng mua được gì, Răng Vàng phải sang bên thím Lưu hàng xóm vay tạm ít mì sợi, nấu vội cho Minh Thúc bát mì trứng. Chỉ nghe hắn ta bảo: “Các anh em ạ, chúng ta đều là người có thân phận cả, tuy bảo là chỉ ăn cho qua bữa, nhưng dù ăn qua bữa cũng không thể tùy tiện, lại có cả vị khách như bác Minh đây, càng không thể bừa bãi úi xùi được.”
Minh Thúc đã đói ngấu, vừa trông thấy có thức ăn bưng lên liền chẳng nói năng gì được nữa. Tôi thấy vậy cũng hết cách, đành tự nhủ thôi có gì đợi lão ta ăn xong rồi nói chuyện vậy. Răng Vàng đặt bát mì nóng hổi bốc hơi nghi ngút trước mặt Minh Thúc, nước dùng nổi mấy cọng hành xanh, trên đám sợi mì có hai cái lòng đỏ trứng gà, giảng giải: “Bát mì này tên gọi thanh nhã lắm đấy, trứng gà màu vàng, hành lá màu xanh, thế nên có thể gọi là ‘hai cái oanh vàng kêu liễu biếc’[7], sợi mì bên dưới lại càng không phải tầm thường, ăn một miếng không cắn đứt ấy là ‘ngân tu đảo quải’, cắn đứt rồi thì chính là ‘tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây’[8], bác đừng để ý nguyên liệu đơn giản, trứng bị vỡ mất với lại hành hẹ cũng không tươi cho lắm, hay là hay ở cái ý cảnh ấy. Từ xưa đến nay có bao nhiêu văn nhân mặc khách vào nhà hàng lớn, đều không gọi món gì khác mà chỉ gọi đúng món này, thật chẳng vì cái gì khác, mà chính là vì hai cái lòng đỏ trứng gà này đấy. Để làm gì chứ? Chẳng phải chính là để học theo cái sự phong nhã đó hay sao?”
Tôi và Tuyền béo trợn ngược cả mắt lên, Răng Vàng quả không hổ là tay gian thương mồm mép tép nhảy, mớ đồ đồng nát qua miệng hắn cũng biến thành báu vật khảm vàng nạm ngọc. Tuyền béo nói với cả bọn: “Tôi thấy chúng ta sang Mỹ đến nơi rồi, còn đổ đấu mò minh khí làm quái gì nữa, có tài này của anh Răng Vàng đây, cùng nhau hợp tác mở nhà hàng có phải phát tài to không, không chừng đến tổng thống Mỹ cũng lết mông chạy đến phố người Hoa để ăn hai cái lòng đỏ trứng gà này của ông anh ấy chứ. Đừng nói tổng thống Mỹ chưa được xơi, đến con sâu ăn trong bụng tôi cũng bị ông anh khua ngóc cả đầu dậy rồi đây này, trong nồi còn không, cho tôi một bát...”
Trong nồi mì đã bị khoắng sạch, còn lại độc nửa nồi nước suông, Răng Vàng rót ra ba bát nữa, bốn người húp xì xà xì xụp. Minh Thúc ăn xong còn thè lưỡi liếm sạch bóng đáy bát, rồi đột nhiên nói: “Bát mì của chú Răng Vàng ngon quá, dư vị đậm đà, ăn no vẫn thòm thèm... nhưng tôi thấy hai quả trứng gà tròn tròn này, lại sực nhớ đến viên châu chúng ta tìm được ở núi Côn Luân, gọi là cái gì ấy nhỉ?” Tôi thầm nhủ, chuyện Mộc Trần châu đã là quá khứ rồi, giờ nhắc lại phỏng có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ liên quan đến vực xoáy San Hô? Nghĩ đoạn, tôi bèn nói với Minh Thúc: “Mộc Trần châu phải không? Thời xa xưa ở Đại Lục gọi nó là mật Phượng hoàng, là bí mật không truyền ra ngoài của hoàng gia, đến cả cuốn cổ thư kinh điển như Kinh Dịch cũng tuyệt nhiên không hề nhắc một chữ ‘phượng’ nào. Tôi nghĩ e không phải thời kỳ Kinh Dịch xuất hiện Trung Quốc vẫn chưa phát minh ra chữ ‘phượng’, mà bởi tất cả những bí mật liên quan đến mật Phượng hoàng, chỉ giai cấp thống trị mới được quyền tiếp xúc. Kỳ thực, viên châu đó chẳng thể khiến người ta trường sinh bất tử được, chỉ là một hiểu lầm của người xưa thôi.”
Minh Thúc nói: “Phải phải, chính là cái viên châu gì gì đó, loại như thế, thực ra ở Nam Hải có đầy. Hồi tôi còn trẻ, mới đầu theo một ông cậu đi chạy tàu, ở Nam Dương đang có đánh nhau, làm ăn khó khăn khỏi phải nói. Có một năm, chúng tôi vận chuyển mấy thứ gạo muối, không ngờ đang lênh đênh trên biển thì gặp phải cá nuốt thuyền.”
Tôi và Tuyền béo hồi nhỏ sống ở Phúc Kiến khá lâu, từng loáng thoáng nghe ngư dân kể chuyện ở ngoài biển xa có cá lớn nuốt thuyền, nhưng chung quy lại vẫn không biết chuyện này tường tận ra sao, bèn bảo Minh Thúc nói cho kỹ hơn. Hỏi ra mới biết, thì ra “cá nuốt thuyền” không phải là để đặc chỉ một loại cá nào, phàm khi gặp thứ cá khổng lồ dưới đáy biển, có thể nhấn chìm thuyền bè, ngư dân không biết tên, đều gọi chúng bằng hai chữ “nuốt thuyền”, có một số người từng gặp phải tai nạn đường biển cũng dùng từ này để hình dung cảnh ngộ của mình trên biển, đúng như trong sách xưa có nhắc: “Trên bờ có hổ cản đường, dưới nước có cá nuốt thuyền.”
Lần ấy, Minh Thúc đúng là gặp phải cá lớn thật, con cá to đến mức chẳng có cách nào hình dung nổi, không thể dùng cân lạng hay thước mét mà chúng ta hay nói để đo đếm cho được. Cá lớn cỡ ấy chỉ có ở vùng biển sâu ngoài khơi xa. Qua cửa Phật Đường ở Hồng Kông, đã là vùng biển sâu nước xiết, Minh Thúc và ông cậu buôn lậu trên biển, ngoài gạo muối ra, trong khoang tàu còn chồng chất hàng cấm. Lần đó tàu vừa mới ra khỏi vùng biển cửa Phật Đường liền gặp luôn chuyện phiền phức.
Đêm hôm đó, trăng sáng như gương, mặt biển trải rộng bao la, gió lặng sóng yên, tàu chạy êm như ru. Đột nhiên, đám thủy thủ phát hiện một cơn sóng khổng lồ cuộn từ đáy biển lên, những người có kinh nghiệm bảo đây là “dõng” chứ không phải sóng, trên biển phải có gió trước rồi mới sinh ra sóng, còn dõng thì không có gió cũng trồi lên, là do nước biển tự bập bềnh xao động mà hình thành.
Những “cơn sóng” như thế mỗi lúc một dày, dưới làn nước biển lộ ra một ngọn núi lớn, chầm chậm chắn ngang trước mũi tàu. Người trên tàu cứ tưởng xảy ra kỳ quan gì đó, nhốn nháo chạy hết lên boong, các thủy thủ đều qua lại vùng biển này nhiều lần nhưng cũng chưa bao giờ chứng kiến dưới biển có quả núi nhô lên, giữa biển cả mênh mông sao lại đột nhiên xuất hiện một quả núi trơ trọi cơ chứ?
Cả bọn đang nghi thần nghi quỷ lầm bầm suy đoán, lại thấy mặt biển dưới ánh trăng biến hóa, chốc lát đã trồi lên thêm mấy quả núi khác. Ông cậu của Minh Thúc nhanh chóng nhận ra chuyện chẳng lành, đó chẳng phải sóng siếc gì, mà rõ ràng là xuất hiện một đàn cá lớn. Đêm nay trăng sáng gió lặng, nhất định là lũ cá dưới đáy biển nổi lên dạo chơi, thứ lồ lộ ra trên mặt biển kia nào phải núi đá hải đảo quái gì, toàn là vây lưng của lũ cá cả. Ông cậu vội nhắc cả bọn ngàn vạn lần chớ lớn tiếng hò hét, mau đưa tàu tránh xa chỗ này, kẻo làm kinh động bọn cá, chúng nó quẫy cho một chặp thì con tàu toi mất.
Lệnh của thuyền trưởng còn chưa kịp truyền xuống, nước biển đã sôi sục cuộn trào, lũ cá nổi lên mặt biển cứ nhắm con tàu lao bổ tới, gặp phải tình huống này thì chỉ còn cách nhanh chóng quay tàu bỏ chạy tháo mạng, khổ nỗi tốc độ con tàu này không đủ nhanh, đã mấy lần bị sóng lớn cuộn lên đánh cho suýt lật nhào. Để giữ mạng sống, thuyền trưởng đành ra lệnh những gì có thể vứt được đều vứt hết, giảm tải cho con tàu dễ tăng tốc.
Cuối cùng đã vứt hết cả hàng hóa, lại ném thêm mười mấy người sống trên tàu xuống nước, con tàu mới may mắn thoát nạn, trở về được cửa Phật Đường. Hàng hóa trên tàu mất sạch, Minh Thúc và ông cậu phải bán cả gia sản đi bồi thường, suýt bị chủ nợ ép phải nhảy xuống biển. Bọn họ chỉ mong mau chóng gỡ gạc lại tổn thất, đành phải mạo hiểm một phen, đến vùng vực xoáy San Hô kia đi mò ngọc.
Dưới đáy vùng biển vực xoáy San Hô là một khu rừng san hô khổng lồ, tương truyền có hải nhãn sâu không đáy, những vùng biển xung quanh đều tiếp giáp với đại dương, sóng to gió lớn, nguy hiểm khó lường, cũng được coi là một trong các nghĩa địa thuyền đắm lớn trên thế giới. Trong rừng san hô có rất nhiều trai lớn ngậm ngọc, mỗi khi trăng tròn, hàng trăm hàng nghìn con trai già dưới biển mở miệng hấp nạp tinh khí của mặt trăng. Có những hạt trân châu đã được hình thành cả trăm năm, hội tụ linh khí trong trời đất, lại mượn thêm ánh lửa của âm hỏa dưới đáy sâu, cả mặt biển lúc ấy rờ rỡ sáng ngời lên dưới ánh trăng và ánh sáng hắt ra từ những viên minh châu.
Vì vùng vực xoáy San Hô giáp với vùng biển sâu, rất nhiều loài cá dữ bị những viên minh châu thu hút đến rồi quanh quẩn mãi ở đó không rời đi. Để tự bảo vệ mình, lũ trai không dễ gì mở miệng hoàn toàn, vì vậy cả một năm, kỳ cảnh minh châu dưới biển hắt ánh trăng chiếu sáng chẳng qua chỉ hiện lên trong vài cái chớp mắt, và đều vào những đêm trăng tròn vằng vặc.
Ngư dân đến vực xoáy San Hô mò ngọc trai có thể giàu lên cực nhanh, nhưng xác suất gặp nguy hiểm cực kỳ lớn, nếu không đến bước cùng đường tuyệt lộ, chẳng ai chịu mạo hiểm với tính mạng của mình như thế cả. Dù có đến vực xoáy San Hô bắt trai mò ngọc, bọn họ cũng chỉ dám hoạt động ở vùng ngoại vi, không ai dám đến gần hải nhãn. Một là vì từ xưa đã có truyền thuyết đồn rằng nơi ấy có ma nước kéo người xuống đáy biển, hai là đáy biển bạt ngàn đá ngầm, thuyền bè đi vào ắt va phải, bất cẩn một chút sẽ thành hiện vật trưng bày trong nghĩa địa tàu bè dưới đáy vực xoáy San Hô ngay. Ngoài như vậy ra, còn có rất nhiều nguyên nhân thần bí chẳng thể nào nói rõ, rối ren phức tạp vô cùng, cả nghìn năm nay vẫn chưa có kết luận chính xác.
Mò ngọc kỳ thực không khác đổ đấu nhiều lắm, cũng là một trong bảy mươi hai ngành nghề truyền thống. Có điều, ở trên biển tuyệt đối không thể nhắc đến chữ “đổ” và các chữ khác tương tự, cũng không thể gọi châu ngọc là “châu”, mà phải trại đi thành “trứng”, vì bao đời nay vẫn tương truyền, những vong linh chết vì đi mò ngọc hay tai nạn trên biển cũng bị tinh khí của những viên minh châu dưới trăng kia thu hút, hễ nghe người sống nhắc đến chữ “châu” là sẽ hiện ra đòi mạng.
Từ xa xưa, những người đi mò ngọc ở vùng vực xoáy San Hô đều tự xưng là “người trứng”, đi làm việc thì gọi là đi “nhặt trứng”, vì vậy Minh Thúc ăn bát mì trứng, nhớ ngay đến chuyện này. Hồi ấy, phương pháp mò ngọc của họ là lấy dây thừng buộc vào thắt lưng, xách theo một cái giỏ tre đựng đầy đá, và một túi da lợn để đổi hơi rồi trầm mình xuống biển, tìm cách dụ cho bọn trai mở miệng, chui cả người hoặc thọc tay vào nhặt viên ngọc ra. Nếu con trai nhỏ thì bỏ luôn vào giỏ tre, lắc dây thừng để người trên thuyền biết mà kéo lên. Những người nhặt trứng trình độ kém cỏi hoặc không may mắn, bị trai kẹp chết hay bất hạnh gặp phải lũ ác ngư nhiều không kể xiết, dây thừng mà đứt thì hầu hết đều không biết đã đi đâu, chỉ còn lại một vệt máu nổi lên trên mặt biển, thi cốt cũng không thể mang về.
Đám người đi mò ngọc ấy, mười người thì có đến tám chín nhận kết cục bi thảm phải chôn thây dưới đáy biển, nếu may mắn không chết mà mang được minh châu về, ắt sẽ phát tài chỉ trong một đêm. Nhưng lòng tham của con người vĩnh viễn không bao giờ thỏa mãn, mò được một viên rồi lại muốn mò viên thứ hai, đi rồi chưa chắc đã sống mà trở về được.
Nói nghề này không dễ, bởi mức nguy hiểm cực kỳ cao, đã vướng vào rồi phải trông chờ rất nhiều ở vận may, căn bản chẳng ai dám đi sâu vào vùng vực xoáy San Hô ấy, chỉ quanh quẩn mò ngọc ở ngoài rìa. Mà có như vậy đi chăng nữa, đám người khổ mệnh ấy cũng vẫn phải cầu Long vương đoái thương mà ban cho vài tiếng đồng hồ thời tiết đẹp, bằng không thì chưa kịp lặn xuống mò minh châu, thuyền đã lật trước rồi.
Chỉ những con sói biển già[9], giàu kinh nghiệm lại quen thuộc vùng biển này mới biết được tuyến đường dong thuyền đến đây. Ông cậu của Minh Thúc hồi trước cũng từng làm dân mò ngọc, sau khi đền hết tiền vốn ở cửa Phật Đường, đành trở lại nghề cũ, chẳng ngờ lần này vừa xuống nước đã bị cá dữ ăn thịt, bốn người cùng đi chẳng ai sống sót trở về. Hồi đó Minh Thúc hẵng còn rất trẻ, sự việc này gây ra cho lão một cú sốc khá trầm trọng, đến giờ vẫn còn hằn sâu trong ký ức như vừa mới xảy ra hôm trước.
Hiện giờ ngọc trai ở rìa vực xoáy San Hô đã bị người ta mò vớt gần cạn sạch, nhưng cũng không ai dám mạo hiểm tiến sát vào khu vực hải nhãn, bởi ai cũng vì mưu sinh, chẳng ai muốn chết cả. Chính vì vậy mà số ngọc trai ở sâu bên trong vực xoáy San Hô đến giờ vẫn chưa ai động tới, chẳng rõ đã tích lũy mấy trăm mấy nghìn năm, tuyệt đối là một kho báu vô tận. Có điều, chớ nghĩ rằng giờ đây khoa học kỹ thuật tiến bộ, trang bị khí tài đều không còn lạc hậu như hồi xưa mà tưởng bở, tiến vào vùng biển địa hình phức tạp ấy mò báu vật vẫn chưa phải là chuyện khả thi lắm đâu.
Nghe Minh Thúc kể xong, tôi và Tuyền béo, Răng Vàng mồm miệng đều khô khốc, chẳng rõ tại nước mì mặn quá hay do thấy tiền thì nổi lòng tham nữa. Ngoài cảm giác ngứa ngáy chân tay muốn động thủ ra, tính hiếu kỳ trong máu cũng được dịp trỗi dậy, Tuyền béo kích động thốt lên: “Cả đống minh châu như thế mà không lấy về được thì phí của. Đi mò được đem về, mới gọi là thế thiên hành đạo, cứ bỏ mặc đó thì đúng là đại nghịch bất đạo. Tuy việc này khá mạo hiểm, nhưng không vào hang cọp sao bắt được cọp con. Lần này mà thành công chẳng phải anh em ta coi như đỡ cả hai chục năm phấn đấu còn gì. Có điều, làm chuyện này chắc chi phí cũng không nhỏ, thôi để ngày mai bảo giáo sư Trần cấp vốn, anh em ta ra biển mò ngọc vậy, vừa khéo có thể học tập tấm gương Lôi Phong, tiện thể giúp ông ấy vớt cái Tần Vương Chiếu Cốt kính kia lên. Vụ làm ăn này mới gọi là tuyệt đỉnh chứ, danh chính ngôn thuận mà lại nửa công nửa tư.”
Răng Vàng cũng nói: “Anh béo nói phải lắm, phàm chuyện gì cũng phải có tiền tài mới bắt tay vào được, cũng như triều đình không có lương thảo, thử hỏi làm sao mộ binh đây? Sang bên Mỹ làm ăn kiểu gì cũng không thể thiếu tiền được, nhưng với thực lực kinh tế của anh em ra bây giờ, quả có phần lực bất tòng tâm, nay vớ được cơ hội tốt thế này, sao không thử nghiên cứu xem có thực thi được không?”
Tôi thầm nhủ, nếu Minh Thúc rành rẽ tình hình hải nhãn ở Nam Hải thì quá tốt rồi, có điều, lão già này nào phải ngọn đèn cạn dầu, nếu lão có cách thâm nhập sâu vào vực xoáy San Hô mò ngọc thì đâu đến lượt chúng tôi biết chứ. Hải nhãn kỳ thực là một cái động sâu không đáy, bao nhiêu nước biển ngày đêm liên tục đổ vào cũng không đầy. Tuy tôi chưa từng thấy bao giờ, nhưng cứ theo tin đồn trong dân gian mà suy đoán, thì nơi này rất giống động quỷ không đáy ở thành cổ Tinh Tuyệt, thật khó tưởng tượng nổi nơi đó rốt cuộc ẩn chứa bí mật động trời gì nữa đây? Vùng biển thần bí khó lường ấy tuyệt đối không dễ dàng mà đến được, vạn nhất có gì sơ sót, chỉ sợ có đường vào mà lại tuyệt đường ra thôi.
Tôi tự biết rõ, dù là công hay tư, sớm muộn cũng phải đi vực xoáy San Hô này một chuyến, bèn nói với cả bọn: “Người là anh hùng tiền là lá gan, có thú vui thấp kém không phải là cái tội, anh em ta là kẻ làm ăn, kẻ làm ăn đều cầu lợi, hễ có lợi thì chẳng có lý gì mà không đi cả, có điều tôi thấy chuyện không chắc ăn thì tốt nhất cũng chớ nên đụng vào. Hai người với Tuyền béo cậu cứ bình tĩnh đã, đợi tôi đi tìm Shirley Dương bàn chuyện, ông tổ nhà cô ta là Ban Sơn đạo nhân, cũng có một thời gian dài làm ăn ở mạn duyên hải Triết Giang, sở trường dị thuật Ban Sơn Trấn Hải độc môn, nếu có kỳ thuật này hỗ trợ, chúng ta đi Nam Hải mò ngọc cũng dễ như lấy đồ trong túi hay lật tay đóng cửa vậy thôi, không phải tốn chút sức lực nào hết.”
Chú thích
 [7] Câu này vốn trong bài “Tuyệt cú” của Đỗ Phủ, thơ dịch của Tản Đà.
[8] Câu này vốn trong bài “Xa ngắm thác núi Lư” của Lý Bạch, thơ dịch Tương Như.
[9] Thủy thủ lão luyện dạn dày kinh nghiệm. (Chú thích của tác giả)



Chương 6:Ban Sơn Trấn Hải

Động cơ thúc đẩy một nhà thám hiểm không ngừng liều mạng dấn thân vào chốn hiểm nguy, ít nhất có bốn nhân tố: hiếu kỳ, dã tâm, tín ngưỡng và sứ mệnh. Tôi không biết Mô Kim hiệu úy có được coi là nhà thám hiểm chuyên nghiệp hay không, nhưng các động cơ đó chúng tôi có đủ chả thiếu thứ nào, căn bản là đã có một cái cớ danh chính ngôn thuận để thi triển nốt chút nhiệt huyết còn bừng bừng trong bầu máu nóng mà thôi. Bốn người vừa uống nước mì nóng bỏng, vừa bàn bạc xem đi hải nhãn ở Nam Hải sẽ thu được bao nhiêu ích lợi, kết luận cuối cùng là: khó mà đo đếm được, minh châu có thể chiếu sáng cả đáy biển là tinh hoa ngưng kết ngàn vạn năm của hải khí, giá trị ắt hẳn không nhỏ; không lặn xuống dưới đáy thì không thể đoán được ở vực xoáy San Hô ấy có bao nhiêu con trai già ngậm ngọc quý.
Nghĩ đến kho báu bất tận ấy, cả bọn không khỏi lâng lâng hết cả lòng dạ, chỉ hận không thể mọc thêm đôi cánh để bay vù đến đó luôn. Răng Vàng nói: “Năm xưa lần đầu gặp mặt anh Nhất và anh Tuyền ở Phan Gia Viên, tôi đã cảm thấy hai anh không phải là hạng phàm tục tầm thường, đi cùng các anh sớm muộn gì cũng phát tài to, cái này gọi là ‘huệ nhãn biết anh hùng’ đấy. Giờ anh em ta sắp sang Mỹ phát triển cả rồi, chỉ thiếu có một chút tiền vốn, nhưng đúng là hết tiền tiên cứu, không ngờ ở chỗ vực xoáy San Hô ấy lại có cả một kho tàng vô chủ, theo ngu kiến của tôi, dựa vào bí thuật Mô Kim của anh Nhất, cộng thêm tuyệt học Ban Sơn Trấn Hải gia truyền của cô Shirley Dương, tiền tài phú quý này chẳng về tay chúng ta thì còn về tay ai được nữa chứ.”
Tuyền béo cũng hùa theo: “Nào chỉ có hết tiền tiên cứu, thế này phải nói là đang muốn lấy vợ trên trời tự dưng lại rơi xuống một nàng Lâm Đại Ngọc ấy chứ. Tư lệnh Nhất, tôi thấy cậu đừng có rườm rà nữa, mau mau đi tìm Shirley Dương mà bàn bạc đi, bàn bạc ổn thỏa xong xuôi rồi, anh em ta có nên xuất phát ngay trong đêm không nhỉ?”
Tôi thầm nhủ, bọn này làm gì mà kích động thế, xem ra Mác nói không có sai, tiền bạc là nơi gửi gắm tinh thần của nhân dân, có điều, giờ tôi cũng không nhớ rõ nguyên văn câu ấy là như thế nào nữa, cũng có thể cái lão Mác ấy nói, tôn giáo tín ngưỡng mới là nơi gửi gắm tinh thần của nhân dân, nhưng nói chung tôi thấy cũng chẳng khác quái gì, đằng nào thì trong thời đại thiếu thốn tín ngưỡng đáng tin cậy này, lấy tiền bạc làm nơi gửi gắm tinh thần cũng chẳng phải chuyện gì xấu xa, ít nhất cũng thực tế hơn là mấy cái giá trị quan cao vời trống rỗng hư vô.
Tôi đang định bảo lần này ra biển, việc chính là vớt quốc bảo Tần Vương Chiếu Cốt kính, tiện thể mò ngọc ở hải nhãn là phụ, tốt nhất là có thể công tư trọn vẹn đôi đường, nhưng lời ra đến miệng rồi lại đột nhiên cảm thấy bụng nhói lên, đau như bị dao cắt, bèn chẳng kịp nói năng gì nữa, vơ vội tờ báo trên bàn lao thẳng ra nhà xí với tốc độ như khi xung phong vượt lưới lửa của quân thù, không chỉ mình tôi mà cả ba người còn lại cũng lần lượt cảm thấy bụng đau quằn quại, láo nháo chạy ra nhà xí thả buồn.
Lúc nấu mì, Răng Vàng bỏ vào mấy cọng hành không được tươi cho lắm, chính mấy cọng hành bé xíu ấy đã suýt chút nữa lấy mạng của bọn tôi, bốn người đi lỏng đến mất hết cả nước, cuối cùng buộc phải đến trạm y tế truyền dịch suốt đêm. Tôi với Tuyền béo quanh năm bốn mùa bôn ba khắp nơi, thứ gì mà chẳng tọng vào mồm được, thế mà cấm có bị đau bụng bao giờ, thật không ngờ sóng to gió lớn đều vượt qua, nay lại suýt chết trong bát nước mì.
Nửa đêm rồi mà trước cửa phòng cấp cứu vẫn còn khá đông bệnh nhân, bốn chúng tôi được y tá sắp cho vào truyền nước ở phòng bệnh cuối hành lang. Tuyền béo nằm trên giường yếu ớt cằn nhằn: “Nghe nói có bốn nơi đen đủi là đồn công an, hiệu thuốc, đài hỏa táng, cục thuế, vào mấy chỗ ấy bị đen đủi bét ra cũng phải ba năm, Tuyền béo này cả đời chưa bao giờ vào bệnh viện, lần này coi như là bị phá trinh rồi. Tất cả chỉ tại cái ông Răng Vàng, nấu bát mì thì cho hai quả trứng gà là quá được rồi, còn phải rắc thêm đống hành thối của cậu Nhất kia vào làm gì nữa, có khi chính cậu ta cũng chẳng nhớ hành mua từ đời nào nữa ấy chứ, thế nên cậu Nhất cũng phải trịu trách nhiệm liên đới. Nhưng mà xét hét nhẽ thì vẫn phải trách bác Minh. Bác nói xem, canh ba nửa đêm đến nhà chúng tôi sao không ăn cho no trước đi, rõ ràng có ý đòi ăn có phải không? Tôi phát hiện ra đây chính là tác phong xưa nay của bác, suốt cả hành trình đi núi Côn Luân dạo trước, suốt ngày thổi gió quạt lửa chỉ sợ thiên hạ không loạn, rốt cuộc là có ý đồ gì hả? Có phải muốn ngăn cản xu thế của thời đại hay không?”
Minh Thúc ăn nhiều nhất, bệnh tình thành ra nặng nhất, đi tháo dạ đến nỗi chỉ còn thở thoi thóp, nhưng lão này với Tuyền béo từ trước đến giờ vẫn có khúc mắc chưa gỡ được, lúc này cậy vào việc cả bọn muốn ra biển phải nhờ cậy đến lão, nên mồm miệng cũng chẳng hề chịu kém cạnh chút nào: “Này cậu béo kia, tôi cảnh cáo cậu đấy nhé, giờ tâm trạng tôi không được tốt, đừng có già mồm khiêu khích ông chú này! Ôi cha... tôi sắp bị bát mì của thằng khọm Răng Vàng nhà chú làm cho tiêu đời rồi, tiên sư cha nhà chú, đây là mì hay là thuốc xổ thế?”
Đang nói chuyện, bụng Minh Thúc lại đau quặn lên, định tìm y tá dẫn ra nhà xí, nhưng y tá trong trạm y tế một là bận tối mắt, hai là thái độ không được dễ chịu cho lắm, chuyện gì không thuộc trách nhiệm của họ thì quyết không chịu làm, Minh Thúc gọi đến ai, cũng chỉ thấy người đó trợn mắt lên một cái, coi như không nhìn thấy vị đồng bào Hồng Kông này luôn. Vừa khéo lúc ấy bình nước của tôi đã truyền xong, vậy là tôi đành phải đỡ lão đến nhà xí của trạm y tế phóng uế.
Tôi đỡ Minh Thúc vào nhà vệ sinh, cẩn thận treo bình nước lên, rồi mới đi dọc theo hành lang trạm y tế ra ngoài tìm giấy chùi cho lão, liền gặp Shirley Dương đang hỏi thăm ở chỗ đăng ký. Thì ra cô nàng nghe bà thím Lưu đầu ngõ mách, cuống cả lên chạy ngay đến trạm y tế tìm bọn tôi. Tôi gọi cô lại, kể qua loa sự việc, cũng chẳng có chuyện gì lớn, chỉ là ngộ độc thực phẩm, có lẽ tại thuốc trừ sâu trên mấy cọng hành vẫn chưa hết, uống thuốc vào xong là không có gì đáng ngại nữa, cô cũng không cần lo lắng. Kế đó, tôi kéo cô tới chỗ góc hành lang vắng vẻ, bấy giờ mới đem chuyện đi vực xoáy San Hô trục vớt con tàu đắm ra bàn bạc.
Shirley Dương nói: “Lúc đấy anh không nhận lời ngay là đúng lắm, giáo sư Trần nóng lòng quá, dù có những đội trục vớt khác đã để mắt đến con tàu đắm ấy, nhưng trong thời gian ngắn e rằng cũng không thể đưa ra phương án gì khả thi cả đâu. Tình hình ở vùng biển vực xoáy San Hô tôi cũng biết sơ qua, nơi đó xưa nay vẫn được gọi là Bermuda ở Nam Hải, các sự cố trên biển ở đây xảy ra như cơm bữa. Ngoài ra, vùng trời phía trên khu vực này thường có những dòng không khí hỗn loạn giữa trời quang không mây[10], máy bay rất khó hoạt động. Thiết bị điện tử trên tàu bè cũng bị một lực lượng thần bí làm nhiễu loạn, không còn chính xác nữa, dưới nước lại có quá nhiều đá ngầm, nếu không thông thuộc địa hình vùng biển thì căn bản không thể đi sâu vào bên trong vực xoáy San Hô được. Hay là đợi chúng ta về Mỹ rồi từ từ nghĩ cách vậy, dù sao thì món quốc bảo Tần Vương Chiếu Cốt kính này cũng rất quan trọng, mà tôi cũng không thể không giúp giáo sư Trần được.”
Tôi bảo Shirley Dương: “Hôm nay tôi gặp Minh Thúc, thời trẻ lão ta từng theo thuyền đi mò ngọc trai ở vùng phụ cận vực xoáy San Hô, nếu nói địa hình tổng thể thì lão biết đấy. Tôi đang tính lợi dụng bí thuật phong thủy để trên xem thiên văn, dưới soát địa mạch hòng tìm ra con đường tiến vào vực xoáy San Hô. Việc này tuy hết sức mờ mịt xa xôi, nhưng cũng tương đối khả thi. Trong cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật của tôi có viết rất tường tận về chi mạch Nam Long. Tuy chúng ta đang ở cách nơi ấy cả vạn dặm, không biết tình hình ở chỗ hải nhãn ấy có trùng khớp với hình thế của chi mạch Nam Long được viết trong sách hay không, nhưng dù sao thì cũng phải đích thân ra biển xem thử một phen mới chắc chắn. Tôi thấy ít nhất cũng có thể chắc được từ ba mươi đến bốn mươi phần trăm.”
Về chuyện trục vớt tàu đắm và mò minh châu ở khu vực hải nhãn, tuy chúng tôi có đủ vốn liếng, nhưng nếu không có thời gian dài chuẩn bị và sắp xếp thì không thể so sánh với các công ty trục vớt chuyên nghiệp được, chỉ riêng việc nắm bắt cách sử dụng một số thiết bị lặn cũng đủ khiến chúng tôi tốn kha khá thời gian để học rồi, nhưng tôi cảm thấy nếu dùng kỳ thuật thăm dò biển của Ban Sơn đạo nhân truyền lại, nhất định sẽ có cơ hội thành công.
Có điều cái gọi là thuật Ban Sơn Trấn Hải không hề được người xưa tổng kết viết lại thành kinh sách giống như Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật, mà chỉ có ông ngoại của Shirley Dương, Ban Sơn đạo nhân “Gà Gô” ghi chép lại một số phương thuật từng sử dụng trong quá khứ trong cuốn nhật ký kiêm hồi ký của mình. Trong cuốn sổ ấy, có ghi lại mấy lần ông ra biển tìm thuốc quý, xen lẫn rất nhiều bí thuật không truyền ra ngoài của Ban Sơn đạo nhân. Những kỹ thuật Ban Sơn Trấn Hải này thật sự khiến người ta khó bề tưởng tượng, là vô số tâm huyết của bao đời Ban Sơn đạo nhân trải qua trăm năm nghìn năm mới thành. Nếu có thể đem ra vận dụng, thì hiệu quả thật sự rất thần kỳ.
Shirley Dương từng tách riêng phần nội dung này ra sắp xếp chỉnh lý lại, có điều nửa năm nay chúng tôi bôn ba khắp nơi, chưa rảnh rang đem ra nghiên cứu cẩn thận bao giờ, lúc này đột nhiên cần dùng đến, cũng không khỏi có chút cảm giác nước đến chân mới nhảy.
Ngoài chuyện vội vàng hấp tấp ấy ra, chúng tôi cũng còn phải đối mặt với một số điều kiện bất lợi khác, chẳng hạn như mấy thứ trang bị trong tầm khả năng chúng tôi có thể mua được trong thời gian ngắn mà đem so với trang bị của các đơn vị trục vớt chuyên nghiệp có chính phủ và quân đội chống lưng thì chẳng khác nào bảo ăn mày đọ báu vật với Long vương, căn bản là không cùng một bậc, khỏi cần phải nhắc đến làm gì.
Tuy nhiên, lần hành động này cũng có tính chất đặc thù của nó. Ở vùng biển vực xoáy San Hô thần bí, các thiết bị khoa học kỹ thuật cao đều mất tác dụng, nhưng các bí thuật cổ xưa mà tổ tiên chúng tôi truyền cho lại có đất dụng võ. Đông y chữa gốc, Tây y chữa ngọn, cái này gọi là anh cứ ném bom nguyên tử của anh, tôi chơi lựu đạn của tôi, sở trường của Mô Kim hiệu úy và Ban Sơn đạo nhân, chính là nắm giữ ưu thế kỹ thuật tuyệt đối của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Shiriey Dương cũng xuất thân từ một gia đình thám hiểm, dòng máu kế thừa rất nhiều gien của những nhà thám hiểm kiệt xuất, tuy thường mắng tôi là hạng háo sự chỉ sợ thiên hạ không loạn, nhưng sự thực thì bản thân cô cũng tuyệt đối không phải là người có thể ngồi yên một chỗ nhàn rỗi, tôi chỉ xúi bẩy dăm câu là đủ khiến cô động lòng rồi. Shirley Dương tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tuy về sau không gia nhập quân đội mà cuối cùng lựa chọn trở thành một nhà nhiếp ảnh bình thường của tạp chí Địa lý Quốc gia[11], nhưng từ con người cô vẫn tỏa ra khí chất điển hình của một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ, trác việt nhưng không cao ngạo, tuyệt đối không thiếu dũng khí và tinh thần mạo hiểm.
Cách ngôn của USNA[12] là: “Cây chĩa ba đúc rèn bồi tri thức”, cây chĩa ba là binh khí của thần Biển Poseidon trong thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực giữa biển khơi của thần Biển, hành động mò trăng đáy biển lần này của chúng tôi, chính là chủ yếu lợi dụng bí thuật cổ xưa của Mô Kim hiệu úy và Ban Sơn đạo nhân, vừa khéo ứng với câu cách ngôn này, thành ra: “Cây chĩa ba đúc rèn bởi bí thuật đổ đấu.”
Nhưng chúng tôi vẫn cần một số trang bị cơ bản để ra biển, chuyện này sẽ thông qua quan hệ bên hải ngoại của Shirley Dương mà tiến hành chuẩn bị. Kế hoạch là tôi sẽ dẫn bọn Tuyền béo đến Nam Dương trước, rồi thu thập thêm thông tin ở vùng phụ cận vực xoáy San Hô, đồng thời tìm kiếm một con thuyền thích hợp, đợi Shirley Dương chuẩn bị xong xuôi là sẽ nhanh chóng tụ họp, toàn đội tiến vào vùng Bermuda của biển Nam Trung Quốc.
Lúc đó chẳng ai có thể ngờ, cả một kế hoạch trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh sau này của chúng tôi lại được đặt ra một cách nhanh chóng gọn ghẽ trong một trạm y tế chẳng có gì nổi bật như vậy. Chúng tôi nói chuyện suốt một tiếng đồng hồ, xong xuôi đâu đấy tôi mới sực nhớ ra đã quên béng mất Minh Thúc vẫn còn ngồi xổm trong nhà xí, vậy là lật đật chạy đi tìm, mới phát hiện lão đã không ở đấy nữa. Thì ra Minh Thúc đã được một bác sĩ đi qua nhà vệ sinh đưa về phòng bệnh từ trước, vừa trông thấy tôi, lão liền cằn nhằn oán trách: “Chú Nhất này, anh không ngờ chú còn khả ố hơn cả thằng béo kia, cậu ta nhiều lắm cũng chỉ đĩ mồm một chút thôi, còn nhà chú giờ còn giở mưu hèn kế hiểm, bỏ ông già này vào trong nhà xí, còn ra vẻ tử tế bảo là đi lấy giấy vệ sinh, kết quả chẳng thấy bóng dáng đâu, đúng là mặt người dạ thú, may mà A Hương nhà này không gả cho cậu đấy.”
Tôi thuận mồm đối đáp qua quýt: “Được rồi, được rồi, chúng ta là người làm ăn lớn, quyết định toàn những chuyện nghìn vàng, đừng tranh chấp mấy chuyện vặt vãnh, mà bác cũng có bị cắm đầu xuống dưới đấy không chui ra nổi đâu, tính toán chi li làm gì. Vừa nãy đúng là tôi có chuyện quan trọng hơn việc mang giấy vệ sinh cho nhà bác, bỏ việc ấy mà đi há chẳng phải là lỡ mất đại sự hay sao?”
Cả bọn đều bị cơn đau bụng làm cho sức cùng lực kiệt, cãi nhau một hồi hết hơi, chẳng còn tâm trạng đâu mà nhiều lời nữa, truyền dịch xong liền về nhà ngủ một giấc lấy lại sức. Buổi trưa hôm sau, giáo sư Trần đến thăm. Ông đã nghe Shirley Dương báo chuyện chúng tôi đồng ý đi tìm Tần Vương Chiếu Cốt kính, liền đặc biệt dặn dò: “Hải nhãn ở Nam Hải sâu không thấy đáy, sợ rằng có liên quan rất lớn đến động quỷ không đáy ở thành cổ Tinh Tuyệt, các cậu đã quyết định đi vực xoáy San Hô, có chuyện này tôi phải nói trước cho các cậu biết, có lẽ hơi rợn người một chút, nhưng tôi cũng chỉ hy vọng mọi người có thể chuẩn bị tâm lý đầy đủ thôi.”
Chú thích
 [10] Hiện tượng này được gọi là CAT (Clear air turbulence): trên bầu trời không mây đột nhiên xuất hiện những dòng không khí hỗn loạn mạnh mẽ, có thể gây ra nhũng đợt xung kích rất mãnh liệt ảnh hưởng đến máy bay đang hoạt động.
[11] National Geographic.
[12] United States Naval Arcademy.

Chương 7: Thanh đầu

Giáo sư Trần nói với chúng tôi, từ thời Ân Thương, do bị uy hiếp bởi chiến tranh và các thảm họa tự nhiên, cư dân sống trên mảnh đất Trung Hoa thời cổ đã mấy lần thực hiện các cuộc di cư quy mô lớn. Một lần đã xảy ra chuyện cả nhóm người vượt biển đi về phía Nam rồi mất tung tích.
Theo các ghi chép trong sách sử, trên một hải đảo ở vùng vực xoáy San Hô từng tồn tại một đất nước tên là Hận Thiên có nền văn minh đồ đồng phát triển ở trình độ bậc cao. Bọn họ rất giỏi sử dụng long hỏa dưới đáy biển, cũng từng có qua lại với triều đình nhà Chu, trong nước có hang động sâu không thấy đáy. Vương quốc trên biển này, rất có khả năng chính là do những người dân từ Trung Thổ vượt biển lập nên. Nhưng từ sau thời Tần, các ghi chép liên quan đến nước Hận Thiên đã hoàn toàn biến mất, cũng như đất nước ấy đã hoàn toàn biến mất một cách thần bí giữa biển khơi, tựa như chưa từng tồn tại trên thế gian này vậy. Tất cả mọi thứ liên quan đến họ đều trở thành những câu đố không lời giải đáp.
Về sau, có vị cao tăng tên là Pháp Ấn đi Tây Thiên lấy kinh, sau khi lấy được chân kinh liền vòng đường biển về nước, dọc đường đã mang những chuyện nhìn thấy nghe thấy viết thành một cuốn kỳ thư địa lý, gọi là Phật Quốc ký. Trong cuốn sách này, có một phần viết lại chuyện ông từng nghe nói về di tích nước Hận Thiên trên biển. Đoạn ghi chép đó viết rằng, trong vùng biển đầy rẫy những cây san hô cao lớn, có một cái động không đáy khổng lồ, thuyền bè hễ bị cuốn vào trong đó, tuyệt đối không một ai có thể sống sót trở ra.
Tôi nói với giáo sư Trần: “Động không đáy trên biển trong truyền thuyết ấy, mười phần chắc đến chín phần chính là hải nhãn ở Nam Hải rồi, đích thực là rất giống động quỷ không đáy chúng ta thấy trong sa mạc. Lần này chúng cháu ra biển, sẽ nghĩ cách thăm dò xem sao.”
Giáo sư Trần nói: “Ngàn vạn lần không nên hành động theo cảm tính mà mạo hiểm đi vào hải nhãn. Con tàu mang theo Tần Vương Chiếu Cốt kính rất có thể bị đắm ở chỗ âm hỏa tiềm tàng ở vùng phụ cận hải nhãn, đương nhiên đây là chúng ta cố gắng nghĩ theo chiều hướng tốt nhất, nhưng cũng không thể không tính toán đến trường hợp xấu nhất, ngộ nhỡ con tàu đắm đã rơi vào hải nhãn rồi thì cũng là ý trời đã quyết, sức người không thể cưỡng cầu được.”
Tiếp đấy, giáo sư Trần lại dặn đi dặn lại một việc quan trọng nhất, hai mặt của Tần Vương Chiếu Cốt kính đều có thể soi được, mặt trước soi thì không sao, nhưng tuyệt đối không được nhìn bóng mình ở mặt sau của tấm gương cổ ấy. Việc này phải nhớ cho kỹ. Tại sao lại như vậy thì giáo sư Trần cũng không thể giải thích, tóm lại là dựa trên những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, thì tấm gương Tần Vương Chiếu Cốt này hình như đã bị một lời nguyền nào đó, ai soi vào mặt sau của nó thì sẽ đen đủi vạn phần. Theo lẽ thường, những lời thế này tuyệt không thể thốt ra từ miệng người có thân phận như giáo sư Trần, chắc rằng ông cũng vì có ý tốt, nên mới không thể không nhắc nhở chúng tôi chuyện này.
Tôi biết lời của giáo sư Trần không thể không tin, mà cũng không thể tin hết, đúng như trước đây ông đã từng nói, trong vũ trụ này chẳng gì là không có, kẻ ngu thì kinh nghi bất định, sợ bóng sợ gió, chính thì coi là thần, tà thì coi là ma, những cách giải thích tuy nhiều, nhưng vì trí tuệ của con người có hạn, cũng chưa thể phân biệt được đâu là thực đâu là hư. Trên thế gian này có rất nhiều sự việc, đích thực là khó có thể dùng lẽ thường để suy xét. Tấm gương đồng ấy ở trong cổ mộ trấn xác hơn nghìn năm rồi, khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các loại khí ẩm hơi độc dưới lòng đất, đối với người sống chỉ có hại chứ chẳng có ích lợi gì. Điều này có lẽ cũng giống như quy tắc “gà gáy không mò vàng” của Mô Kim hiệu úy vậy thôi, nếu Tần Vương Chiếu Cốt kính có cấm kỵ như vậy, ắt hẳn phải có nguyên nhân bên trong, nếu không thể truy đến tận cùng, thì cố gắng không nên phạm phải là tốt nhất.
Mấy ngày sau, người bị ngộ độc nặng nhất là Minh Thúc rốt cuộc cũng hồi phục, lão dẫn theo tôi với Tuyền béo và Răng Vàng mang theo hành lý giản tiện, thông qua quan hệ của lão bên Hồng Kông, trải qua mấy phen trắc trở mới dùng thuyền buôn lậu đưa được chúng tôi đến Miếu San Hô. Đó vốn là một hòn đảo nhỏ vô danh, vì phía Nam có vách đá nhìn ra biển, trên vách cổ di tích cũ của ngôi miếu San Hô, tương truyền là có từ thời Trịnh Hòa ra biển, thế nên khách vãng lai trên đường biển đều lấy đó làm tên gọi đảo này.
Đảo Miếu San Hô bốn mặt đều là biển, rừng dừa lượn vòng quanh, phong cảnh đậm chất miền Nam, trong không khí tỏa lan thứ mùi rất khó tả của biển. Làng chài dưới chân vách đá tĩnh lặng yên bình, không có tiếng ồn ào huyên náo của xe cộ máy móc. Trên đảo còn có một vũng nước ngọt, có thể coi là kỳ quan thiên nhiên hiếm thấy trên thế giới, cách biển chỉ một tảng đá thôi mà nước bên trong lại vừa trong vừa ngọt, có thể cung cấp đủ nước ngọt cho thuyền bè qua lại, khiến cho đảo này trở thành điểm bắt buộc phải đi qua trên tuyến đường ra biển hay tiến vào khu vực vực xoáy San Hô.
Đời sống của làng chài có mấy chục hộ gia đình trên đảo này vẫn còn rất nguyên thủy lạc hậu, ngư dân sống dựa vào biển, ngoài đánh cá hay mò ngọc trai thì cũng mò vớt đồ cổ đồ cũ ở vùng biển xung quanh đem bán. Các tay buôn đồ cổ và nhà sưu tầm ở vùng duyên hải thường xuyên đến đây thu mua giao dịch, sử dụng rất nhiều loại tiền tệ, nhưng đô la Mỹ là mạnh nhất. Trên đảo này cũng không ngừng có các nhà thám hiểm và các đội trục vớt đến thử vận may, thường xuyên có thể nghe thấy tin đồn về những người vớ được kỳ trân dị bảo, dần dần, đảo Miếu San Hô đã nghiễm nhiên trở thành một chợ đen nằm chơi vơi giữa biển.
Đảo này nằm gần tuyến đường hàng hải được mệnh danh là Con đường Tơ Lụa trên biển thời cổ đại, rất nhiều thuyền bè thời kỳ Nguyên Minh bị đắm, các thứ ngư dân vớt lên được vô cùng đa dạng, có đồ sứ, binh khí, hương liệu, đồ gỗ, tiền cổ, tượng, đồ thủy tinh mang phong cách Hồi giáo, ngoài ra còn có những bình rượu lâu năm chưa mở niêm phong, rồi cả các cổ vật mà người trong nghề như bọn chúng tôi cũng không nhìn ra được niên đại với khoản thức, thậm chí có cả giày da rách gỡ ở chân người chết dưới biển ra nữa. Mô Kim hiệu úy gọi bảo bối trong mộ cổ là “minh khí”, những thứ vớt được dưới biển lên này cũng có tên gọi riêng, trong dân gian thống nhất gọi là “thanh đầu”. Giao dịch “thanh đầu” được gọi là “tiếp thanh đầu”, chỉ cần là nơi có người Hoa tụ tập thì những từ ngữ kiểu này đều rất thông dụng. Làm nghề này chẳng khác gì buôn đồ cổ mấy, quan trọng nhất là phải biết hàng, không biết thì chẳng ai muốn làm ăn với anh cả. Nhưng thế nào mới gọi là biết hàng? Hiểu được các tiếng lóng trong nghề, nắm rõ quy tắc buôn bán là hai điều kiện cơ bản nhất.
Tôi với Răng Vàng, Tuyền béo đều chưa từng tiếp xúc với mấy thứ hàng hóa kiểu này bao giờ, đều có cảm giác như được mở rộng tầm mắt, nhưng Minh Thúc lại bảo, vật phẩm giao dịch trên đảo này tuy không nhiều hàng giả, nhưng đã ngâm nước dưới đáy biển nhiều năm, tình trạng bị xâm thực và phá hoại là cực kỳ phổ biến, thành ra giá cả không cao, hiếm khi gặp được món hàng nào ngon ăn, trừ phi là anh phải cực kỳ may mắn. Có điều, cơ hội kiểu như vậy thực sự rất ít, ở đây có cả đống người chuyên mưu sinh bằng cái nghề này rình mò ngấp nghé, chỉ cần ngư dân vớt được món gì tốt là có kẻ xông đến thu mua ngay. Nếu vận may của anh không được tốt thì thậm chí còn chẳng kịp nhìn thấy, chỉ có thể nghe ngóng tin đồn sau khi mọi sự đã rồi, đúc rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho lần sau mà thôi.
Theo kế hoạch, chúng tôi phải tạm lưu lại đảo Miếu San Hô một thời gian, chuẩn bị đầy đủ cho việc ra biển, đợi hội họp với Shirley Dương rồi mới bắt đầu hành động. Vậy nên bốn bọn tôi bèn vào làng chài tìm một nhà ngư dân có chỗ ở cho khách, mặc cả giá tiền rồi quyết định ở lại đó luôn. Sau đấy cả bọn lại đi chơi một vòng quanh đảo, thấy sắc trời vẫn còn sớm, liền vào quán uống bia giải khát.
Quán này thực ra chỉ có một cái quầy dài ghép bằng những thùng gỗ cũ, bàn ghế đều là thùng gỗ bày hết ngoài trời, hai bên mắc dây thừng, trên dây phơi bung bêu toàn cá khô. Trên quầy, ngoài các loại rượu bia ra, còn có đủ thứ thanh đầu hình dạng màu sắc rực rỡ. Hằng ngày, cứ đến hoàng hôn là những người buôn bán với đi biển trở về lại đến đây uống mấy ly, tán chuyện phiếm trao đổi tin tức, nhưng ban ngày thì quán rất vắng vẻ lạnh lẽo. Ông chủ quán là một tay trung niên họ Võ, vì chân bị thọt, nên người trong vùng gọi là “Võ thọt”, dáng người đen đúa chắc nịch, thoạt trông cử chỉ điệu bộ đã có thể nhận ra đây là một con sói biển quanh năm đùa bỡn với sóng to gió cả.
Võ thọt là người Hoa, ông tổ từng là đầy tớ trong doanh trại thủy quân nhà Thanh, đến thời kỳ Trung Hoa Dân quốc thì bắt đầu làm nghề không vốn trên biển, nghề này truyền đến tận đời Võ thọt, chân anh ta cũng là bị trúng đạn nên mới thành ra tập tễnh như vậy, đành phải lưu lạc đến đảo Miếu San Hô bán rượu mưu sinh. Có điều, đây chỉ là cái vỏ bề ngoài, anh ta chủ yếu vẫn sống bằng nghề bán các loại vật phẩm cho khách ngoại lai, dù trên đảo này có hay không, anh ta cũng có thể thông qua những kênh khác nhau mà kiếm hàng về.
Ông chủ thọt chân trông thấy đồng bào trong nước đến, lập tức tỏ ra rất nhiệt tình. Tôi vừa ngồi xuống uống được hai ngụm bia, anh ta đã bước đến hỏi có phải tôi từng đi lính hay không?
Mười năm sống trong quân ngũ, thói quen đi đứng ăn uống đã ngấm vào trong máu, muốn giấu cũng không giấu nổi, tôi đành nói sự thật luôn, tôi nhập ngũ mùa đông năm 1969, nay đã giải ngũ được nhiều năm rồi.
Võ thọt vừa nghe thấy thế đã nghiêm nét mặt: “Ồ, vậy anh chính là bộ đội của chủ tịch Mao rồi, thất kính thất kính, các anh đến chỗ tôi uống rượu xin cứ coi như nhà mình vậy, chầu này coi như tôi mời khách, cứ uống cho thoải mái vào.”
Tôi lấy làm thắc mắc, dù tôi có làm lính cho chủ tịch Mao, đánh trận cho chủ tịch Đặng thì liên quan quái gì đến một ngư dân nơi hải ngoại như anh ta chứ nhỉ, việc gì phải mời chúng tôi uống bia thế này? Chẳng lẽ trong bia có pha thuốc mê chắc? Đến khi Võ thọt giới thiệu về quá khứ và việc làm ăn của mình, tôi mới sực ngộ ra, đoán rằng ông chủ quán rượu này cũng là một hạng gian thương giống như Răng Vàng, muốn bàn chuyện làm ăn với bọn tôi đây.
Minh Thúc đã đi chạy tàu ở mạn Nam Dương cả nửa đời người, cũng nhẵn mặt trong hai giới hắc bạch, luận bối phận giang hồ thì cũng là bậc trưởng bối của Võ thọt, anh ta chỉ thử thăm dò một chút đã biết ngay trong đám bọn tôi có người cùng nghề, ai nấy đều hiểu chuyện, vì vậy cũng không dám giấu giếm gì, bằng không đừng hòng mà nói được chuyện làm ăn.
Có điều, tôi vẫn không muốn tiết lộ quá nhiều, chỉ nói với anh ta rằng đám bọn tôi ở trong nước làm ăn lỗ vốn, muốn ra biển vớt một ít hàng xem có may mắn gì hơn không. Võ thọt vừa nghe chúng tôi muốn đi vớt thanh đầu, liền lập tức lấy dưới quầy hàng ra mấy hòm gỗ: “Mấy hòm này đều là giữ lại cho khách quen, nhưng nể tình chúng ta đều là con cháu Viêm Hoàng, huyết mạch tương thông, một giọt máu đào hơn ao nước lã, mấy chú với bác đây nếu thấy vừa mắt thì mặc cha nhà khách quen với khách cũ, tôi nhường hết cho các vị đấy.”
Tôi nháy mắt ra hiệu với Răng Vàng một cái, nhìn bộ dạng tay Võ thọt này cũng có vẻ trượng nghĩa khinh tài lắm, nhưng bọn tôi làm cái nghề này cũng đâu chỉ mới một hai ngày, mấy lời vỗ ngực kêu đôm đốp này, bọn tôi nói ra tuyệt đối còn trượng nghĩa còn oang oang hơn Võ thọt nhiều, trình độ của tay này xem ra cũng hơi kém một chút. Có điều, nghĩ lại cũng phải thôi, chợ đen trên biển làm sao hiểm trá bằng Phan Gia Viên cho được. Nhưng dầu sao người ta cũng lấy ra rồi, vậy thì cứ xem hàng rồi nói, nếu đúng là có đồ tốt, có lẽ nào lại không thu mua về cơ chứ.
Vì trước đây ở Phan Gia Viên chẳng bao giờ có cơ hội tiếp xúc với hàng thanh đầu kiểu này, nên chúng tôi đều rất hứng thú, lập tức chỉ lo việc “tiếp” thanh đầu, việc chính gạt sạch sang một bên. Cả bọn vừa mở hòm ra xem, liền phát hiện tay Võ thọt này cũng có khá nhiều hàng, phẩm chất và mức độ bảo tồn đều khá hơn mấy thứ ngư dân bày bán la liệt ngoài kia, có điều vẫn chẳng có món nào thượng phẩm cả. Tuyền béo tìm được một con dao cong cán bằng ngà voi của Ả Rập, nhưng Răng Vàng kiểm định xong lại phán đấy là hàng ra hỏi[13]. Minh Thúc cằn nhằn: “Có lầm không vậy, ông anh chú đây với ba vị huynh đệ này có tiên đơn nào mà chưa từng thấy qua chứ? Mấy món hầm bà lằng vớ vẩn này làm sao lọt vào mắt được, rốt cuộc chú có món nào ra hồn chút chút không hả? Nếu không có thì đừng lằng nhằng mất thời gian của bọn anh lắm.”
Võ thọt làm bộ khó xử nói: “Trên đảo Miếu San Hô này quả cũng có đồ tốt đấy, nhưng phải trông chờ nhiều vào vận may kia, các bác đến không đúng dịp rồi, mấy hôm trước có một bọn người Pháp tìm thấy một con thuyền chở báu vật thời Minh trong rãnh biển, giữ được nguyên vẹn lắm, đồ bên trong đều hệt như mới. Nhưng khi những người khác nghe tin tìm đến thì cả con thuyền báu vật chỉ còn lại mỗi cái vỏ thôi, ở đây tôi còn một hòm cuối cùng, toàn là của trấn tiệm cả đấy, gặp phải người biết nghề mới lấy ra, mấy anh mấy bác xem có vừa mắt không...”
Vừa nói, Võ thọt vừa tập tễnh lôi ra một cái hòm gỗ cũ kỹ, tỏa mùi tanh tưởi của cá ươn, bật nắp hòm ra, bên trong lại có mấy lớp vải mềm bẩn thỉu. Đợi cho anh ta mở hết mấy tầng vải bên trên ra, tôi và bọn Răng Vàng, Tuyền béo mới hờ hững liếc mắt vào trong một cái. Nhưng ánh mắt vừa chạm phải những thứ bên trong, cả bọn lập tức như bị dòng điện chạy qua người, cặp mắt gần như đã bị mấy thứ bên trong hút chặt, không tài nào dịch đi nơi khác. Ngoài Tuyền béo, tôi, Minh Thúc và Răng Vàng đều đứng bật dậy đánh “soạt” một tiếng, nôn nóng hỏi Võ thọt: “Mấy món này kiếm ở đâu ra vậy?”
Chú thích
[13] Hàng giả. Nguyên văn: hàng tây bối (西). Hai chữ tây bối ghép lại thành chữ giả (), đọc thông với chữ giả (), nghĩa là giả mạo.

 Nguồn doc.178vn.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét