10 thg 1, 2014

Tình sử bến Bạch Ðằng - Uông Triều

Bến Ngự giờ này ít có tàu thuyền neo đậu. Sông Chanh êm đềm chảy về hướng Ðông. Một thiếu phụ đứng trên bờ phía nam hỏi một đứa trẻ đang nghịch chơi trên con thuyền đỗ cạnh bờ:
 Này, ngồi một mình trên thuyền mà chơi thì vui lắm nhỉ?
- Thưa bà, bà có muốn lên thuyền chơi không? Cháu sẽ đưa bà đi dọc  sông Chanh này.
- Cậu biết ta là ai mà chào chứ.
- Bà là phu nhân quan tham hiệp trấn Yên Quảng. Người quanh trấn này ai mà chẳng biết bà.
Thiếu phụ đó là nữ sĩ họ Hồ, nàng trở thành phu nhân của quan tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển hơn hai tháng nay. Có lẽ đây sẽ là mối tình cuối cùng của nàng, nàng đã nguyện cầu như thế nhưng không biết ông trời có chiều lòng người không. Thiếu phụ theo cậu bé xuống thuyền. Nước sông Chanh hiền hòa mát dịu, thiếu phụ khỏa tay trên dòng nước mát, bọt nước sủi tăm theo khỏa tay của nàng. Thằng bé thưa rằng:
- Bên kia sông là tổng Hà Nam, qua đoạn sông này, đi một quãng nữa là ra tới biển.
- Ta có biết, sông lớn ngoài kia là Bạch Ðằng, nước sông bao giờ cũng đỏ ngầu. Máu của người xưa.
Thiếu phụ vén tóc, nàng sửa lại mái tóc trên gương nước và bảo thằng bé:
- Cháu cứ đưa ta đi dạo chơi một đoạn, chầm chậm thôi. Ta muốn ngắm cảnh sông nước.
Chiều hắt nắng trên mặt sông. Con thuyền đã đi hơn một độ canh giờ và đang quay về bến cũ. Mặt nước hiu hiu, những đám rong rêu, cành khô trôi về nhiều hơn. Lác đác thuyền đang vào bến, vài ngư dân đang lễ mễ khênh những sọt cá lên bờ, dăm thiếu nữ đang đập quần áo ràn rạt ở cuối bến sông. Thiếu phụ xoa chỏm đầu trái đào của cậu bé.
- Thôi được rồi, cho ta xuống bến Ngự. Ðây là tiền thưởng cho cháu. Nhà cháu ở đâu?
- Nhà cháu ở Phong Cốc, tổng Hà Nam. Cháu tên là Phong. Khi nào bà muốn sang đó chơi bà cứ ra bến sông này, cháu sẽ rước bà.
- Ừ, ta xuống đây. Ta nhớ tổng Hà Nam rồi.
Xuân Hương rảo bước về dinh quan tham hiệp. Nữ tì đón nàng ở cửa và vội đưa nàng vào trong. Quan tham hiệp đang chờ, ngài ngồi trên trường kỷ mầu đen chạm trổ những con thuyền đang căng buồm trong tư thế chạy ra biển. Thấy nàng, quan tham hiệp đứng dậy, rồi lại ngồi xuống. Ngài điềm đạm hỏi:
- Nàng đi đâu mà không nói với ta một lời, ta lo quá.
Xuân Hương sẽ ngồi xuống. Nàng với cái ấm chuyên to, rót một bát nước vối đầy, đưa về phía tham hiệp.
- Thiếp ra ngắm dòng sông Chanh và nhân tiện xuống thuyền ngắm cảnh sinh sống đôi bờ. Quan tham hiệp yên tâm, không ai dám bắt nạt phu nhân của ngài đâu.
Những lúc nghiêm túc nhất, nàng vẫn đùa cợt được. Tham hiệp biết tính khí của nàng, đôi lông mày rậm của ngài dần dần giãn ra. Ngài đưa bát nước vối, chiêu một ngụm lớn rồi bảo Xuân Hương:
- Nàng bao giờ cũng thế cả. Ta chỉ hỏi thế thôi. Sông nước vùng này ta cũng chưa đi nhiều, nhưng lần sau nàng hãy nói với ta một tiếng để khỏi lo.
Xuân Hương nhẹ nhàng mà rằng:
- Việc này thiếp thật có lỗi, nhưng ở mãi trong tư dinh, thiếp thấy ngột ngạt lắm. Thiếp muốn ra ngoài ngắm cảnh sông nước, đồng ruộng. Ðã ở đây hơn hai tháng rồi nhưng thiếp vẫn chưa hiểu cơ tình dân chúng là mấy. Hôm nào thiếp muốn cùng phu quân đi thuyền ngắm trăng trên sông Chanh. Thiếp muốn xướng họa, từ ngày đến đây, thiếp chưa xướng được bài nào.
- Ta hứa với nàng sẽ có hôm đi chơi thuyền trên sông. Công việc ở công đường nhiều, nàng cũng giúp được phần nào.
- Nếu không sợ người ta nói đàn bà mà cai quản chính sự thì thiếp vẫn sẵn lòng.
- Người ta chỉ khen nàng thôi. Ta lấy nàng đã không sợ phép tắc rồi.
Vừng trăng đã lên cao quá đầu và se lạnh. Trăng vùng Ðông Bắc đến sớm và lạnh. Xuân Hương kéo tấm chăn che ngang người tham hiệp. Nàng thì thầm:
- Những lúc ngài ân ái cùng một người đàn bà mới, lòng ngài có thấy vui vẻ không?
- Sao nàng lại hỏi ta như vậy?
- Vì nếu thiếp nằm cạnh một người đàn ông xa lạ thì cảm giác của thiếp rất khác. Ngài không phải người đàn ông đầu tiên của thiếp và thiếp cũng vậy. Nhưng bây giờ thì ngài không xa lạ với thiếp nữa rồi. Lúc nào thiếp cũng canh cánh phải chia sẻ với người khác. Những lúc thế này thiếp lại lo có người đến đòi phần với thiếp. Thiếp sợ một ngày nào đó sẽ không được như thế này nữa.
- Nàng đừng nói những điều không hay nữa.
- Người ta đồn đại rằng thiếp dâm loạn nhưng thiếp đã bao giờ như thế đâu. Thiếp đáng thương như đàn bà tầm thường. Ðã bao đêm thiếp khóc thầm vì không có nơi níu giữ...
 Xuân Hương nói rồi lả người đi vì xúc động. Những vần thơ khát khao, phá phách đâu nói hết được tấm lòng nàng. Nàng chỉ nói rất thật những điều người ta muốn giấu giếm. Nàng đâu chỉ nói đến tình, sự khát khao yêu thương của một người đàn bà cưỡng lại số mệnh.
Xuân Hương và Phúc Hiển trước khi lấy nhau đã là chỗ quen biết, hai người đã cùng nhau xướng họa vài lần từ khi Phúc Hiển còn là tri phủ Tam Ðái. Khi Phúc Hiển được thăng chức tham hiệp trấn Yên Quảng, vợ ngài không ra bắc theo chồng và Phúc Hiển lấy lẽ Xuân Hương để khuây khỏa nỗi niềm. Mối tình của đôi trai tài gái sắc đã khiến không ít người dị nghị nhưng cuộc sống nơi trấn lỵ Yên Quảng của quan tham hiệp và nữ sĩ họ Hồ thật yên bình, hạnh phúc. Mỗi khi quan tham hiệp đi công cán trên vùng Ðông Bắc ngài đều đưa Xuân Hương đi cùng. Có khi ngài đi đến tận châu Vạn Ninh (Móng Cái) để kiểm tra việc buôn bán của người Thanh. Khi Xuân Hương đang ở trên biển Hoa Phong (vịnh Hạ Long) nàng đã viết năm bài thơ chữ Hán. Nàng từng thưa với quan tham hiệp:
- Mấy ngày rồi qua biển Hoa Phong, non nước tươi đẹp thiếp lại hứng khởi mà có vài vần thơ, phu quân có muốn  nghe thiếp đọc ngay trên thuyền không?
Phúc Hiển bảo rằng:
- Ta lấy nàng một phần vì cái tài thơ của nàng. Dĩ nhiên là ta muốn nghe lắm chứ, sau này dù có thế nào thì người ta cũng biết rằng ông quan tham hiệp có một người vợ là nữ sĩ và những vần thơ của nàng ta là người đầu tiên được nghe.
- Thiếp có năm bài thơ chữ Hán nhưng thiếp đọc một bài thiếp thích nhất. Những bài khác, bận nào ta chơi thuyền trên sông Chanh, thiếp sẽ đọc tiếp.
Rồi nàng ngồi ra mạn thuyền, với tay xuống làn nước xanh mát, nhìn đất trời rộng mở trước mặt mà đọc bài thơ Thủy vân hương (Về chốn nước mây):
Chân mây, lỗ đá tựa phòng ong,
Chốn chốn lèn chong ánh nước lồng.
Vượt bể đục non nhờ Lí Bột,
Ðội thuyền giấu động phục Nguyên Ông.
Chiều êm sóng gợn lăn tăn nỗi,
Sáng tỏa mù tan lớp lớp trong.
Vui chuyện kìa ai thuyền một lá,
Cửa lèn len lỏi kiếm non bồng (*)
Phúc Hiển cười lớn:
- Ðúng là nàng, dù nàng viết thế nào người ta cũng sẽ vẫn nhận ra nàng. Ta thích chí, hôm nào trở về trấn lỵ, nàng hãy viết vài bài để ghi dấu những ngày chúng ta ở đây.
Xuân Hương nhẹ nhàng bảo:
- Cái cảnh, cái tình ở đây thật đẹp. Núi non hiểm trở mà thơ mộng, thiếp không viết được bài nào thì chưa biết có ngày nào trở lại. Làm vợ quan tham hiệp thì cũng có thú hay được đi du ngoạn thế này.
Quan tham hiệp vuốt hàng tóc mai dài, bảo:
- Cảnh đẹp thế này, hãy vui chơi cho thỏa thích. Nàng tha hồ yêu chiều mà không phải lo sợ điều gì, ở đây chỉ có biển xanh cùng ta vẫy vùng. Ta gặp nàng sớm hơn thì có lẽ đã khác.
- Thì cũng có một người đàn bà phải chịu khổ như thiếp, âu cũng có người bị dày vò. Kiếp má hồng không chạy đâu cho khỏi nắng.
Ðêm hôm đó Xuân Hương và Phúc Hiển đã tâm tình suốt đêm trên biển. Trời đất đã hòa nhịp thành một, nước và đá quyện vào nhau không dứt dời. Khi trở về trấn lỵ Yên Quảng, Phúc Hiển nhận được lệnh triệu vào Phú Xuân gấp. Ngày chia tay bịn rịn, đây là lần đầu hai người xa nhau kể từ ngày hợp hôn. Nàng vin áo Phúc Hiển mà kể rằng:
- Thiếp từ ngày theo ngài đã nguyện không có người đàn ông nào khác. Nay phu quân bước đi, thiếp linh tính nhiều điều không lành. Ngài đi gắng giữ gìn để trở về và đừng quên Xuân Hương này nhé.
Phúc Hiển ôm lấy nàng mà an ủi:
- Ta đi chẳng qua cũng là công việc triều đình, chẳng mấy chốc mà về thôi. Nàng không phải quá lo lắng, tình nghĩa hai ta chưa dài mà không thể dứt dời. Nàng đi chơi sông nước thì nhớ giữ mình. Nước non êm đềm mà lắm hiểm nguy.
Xuân Hương lấy trong túi vải chiếc trâm bạc, nàng trao cho Phúc Hiển:
- Ngài hãy cầm vật này để nhớ đến thiếp. Thiếp ngày nào cũng chờ mong ngài. Thiếp có vần thơ để nhắc nhở ngài đây.
Khấp khểnh đường mây bước lại dừng,
Là duyên, là nợ phải hay chăng.
Vin hoa khéo kẻo lay cành gấm,
Vục nước xem mà động bóng giăng.
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt,
Lời kia này đã núi giăng giăng.
Với nhau tình nghĩa sao là trọn,
Chớ  thói lưng vơi cỡ nước Ðằng.
Phúc Hiển cầm tay Xuân Hương, rằng:
- Ta hiểu thâm ý của nàng rồi. Nàng hãy yên tâm, chiếc trâm này bao giờ cũng ở bên ta. Nàng hãy quay về mà lo toan mọi việc, ta đi đây.
Chuyến đi đó, sau hai tháng Phúc Hiển đã bình an mà trở về nhưng ngày vui cũng chẳng tày gang. Ít lâu sau Phúc Hiển gặp họa lớn.
Người châu Vạn Ninh đã tố cáo với triều đình rằng Phúc Hiển nhận hối lộ của thương nhân mà làm trái với luật triều đình. Vua Gia Long sau cho người đến bắt Phúc Hiển và luận tội, Xuân Hương viết đơn xin giải cứu cho chồng nhưng không được. Phúc Hiển bị xử trảm. Xuân Hương khi đó đã không khóc được nữa, nàng đã không còn nước mắt để khóc than cho chồng. Phúc Hiển chết, nàng không qua lại với người đàn ông nào nữa. Xuân Hương đi những đâu, gặp những ai sau đó không ai rõ, nhưng mỗi nơi đi qua nàng đều để lại những vần thơ của mình. Có người nói rằng nàng đã lên Yên Tử tu hành, nhưng người viết truyện này tuyệt nhiên không tìm thấy dấu vết gì của nàng ở Yên Tử dù đã cố công tìm kiếm. Tôi tin rằng Xuân Hương không dễ bị khuất phục, nàng đã đi chu du khắp nơi để thỏa những khát khao của mình. Có lẽ một ngày nào đó nàng sẽ quay lại trấn lỵ Yên Quảng  bên bến Bạch Ðằng mà ôn lại mối tình xưa cũ mộng mị của mình chăng?

---------------------------------------------------------------------------------
(*) Bản dịch thơ chữ Hán là của GS Hoàng Xuân Hãn.


Nguồn nhandan.org.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét