Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

28 thg 1, 2014

Truyện Trạng Lợn

Sự ra đời của trạng lợn


Họ Dương ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam (Bắc Việt) là một quí tộc có nhiều người làm quan to trong triều. Đến đời ông Dương đình Lương thì xa xút, con cháu không nối được nghiệp cha ông, phải làm nghề bán thịt để sinh nhai.

Hai vợ chồng ông này, tuy sống trong nghề giết heo, giết bò, nhưng bản tính thực thà, phúc đức, có tiền vẫn bố thí cho những người khó ở chung quanh và thờ trời sợ phật, chớ không ác nghiệt như phần đông bạn đồng nghiệp lúc bấy giờ.
Một hôm, Lương ông đi lễ ở cái miếu đầu làng về thì gặp một ông cụ già vai đeo khăn gói, tay chống gậy, hỏi thăm tìm nhà trọ.
Lương ông đáp:
- Thưa cụ, ở đây không có quán trọ nào hết. Bây giờ trời sắp tối rồi, cụ mà đi nữa thì lỡ dỡ đường, âu là mời cụ về nhà tôi nghỉ. Tôi không có tiền nhưng đủ cơm nước đãi cụ mươi ngày. Nếu cụ có lòng yêu chúng tôi muốn ở lại đây chơi ít ngày.
ông khách mừng rỡ.
- Nếu được như thế thì còn gì hay bằng.
Lương ông hẹn đưa ông khách về nhà, tiếp đãi rất chân thành, quí hóa. Cơm nước xong, ông khách hỏi chủ nhà làm gì. Lương ông cứ thực tình mà đáp.
- Không dám dấu cụ, tổ tiên chúng tôi xưa làm quan to tại triều, nhưng đến chúng tôi tài hèn sức kém nên đành phải bán thịt để sinh nhai.
Hai người trò truyện một đêm, tâm đầu ý hợp. Chủ nhất định lưu khách lại vài hôm, không ngờ ông khách lì lợm ở lại luôn ba tháng, ngày nào cũng hai bữa rượu rồi chống gậy đi chơi la cà hết gò này sang đống nọ, hết ruộng nọ lại đến ao kia.
Thì hóa ra ông nọ đi xem địa lý, mà ông ta không ai khác hơn là ông thánh địa lý Tả Ao. Thấy Lương ông là một người phúc hậu, hiền lành Tả Ao muốn đáp ơn, quyết định ở lại liền ba tháng chính là để tìm cho Lương ông một ngôi đất quý.
Tả Ao hỏi Lương ông:
- Ông bà đãi tôi thành tâm quá, tôi cảm tạ lòng ông bà hết sức. Nay tôi tìm được một ngôi đất quí cho ông bà, vậy xin hỏi ông bà muốn gì?
Lương ông đáp:
- Bẩm cụ, tôi chẳng muốn gì cả, chỉ mong mỏi có một điều là sinh được một đứa con trai có học hơn tôi để nối nghiệp ông cha cho khỏi mang tai mang tiếng.
Tả Ao gật đầu:
- Tưởng gì, chớ nếu chỉ có thế thì dễ lắm. Ngôi đất tôi chọn cho ông phát trạng mà lại là Trạng không phải học. Vậy ông sửa soạn đi để tôi đặt đất cho, kẻo tôi có việc sắp sửa phải đi xa rồi.
Lương ông bèn nhờ ông Tả Ao đặt lại ngôi mộ của thân phụ Ông. Táng xong được vài tháng thì Lương ông làm ăn thịnh vượng hơn trước. Thấy trời thương như thế, vợ chồng Lươong ông lại càng cố tu nhân tích đức. Được gần một năm thì Lương bà có thai. Trong khi Lương bà có thai, Lương ông hàng ngày thấy một hiện tượng lạ:
Nguyên từ nhà Lương ông ra chợ thì phải đi qua một cái gò kêu là gò Thần Đồng. Lần nào đi chọ về Lương ông cũng thấy trong lúm cây có tiếng trẻ con kêu the thé:
- Thầy ơi lần sau đi chợ thầy nhớ mua quà cho con nhé.
Lương ông thoạt đầu không tin, nhưng sau thấy đứa trẻ cứ nói the thé ra như thế ông phải đáp:
- Ờ để lần sau thầy mua quà cho con.
Lương ông không muốn nói dối, hôm sau mua quà thật. Ông gọi:
- Đứa nào đòi quà thì ra đây mà lấy.
Tiếng đứa trẻ nói vọng ra:
- Thầy cứ để đấy, con ra lấy ngay bây giờ.
Lương ông để ý thì đi một quãng, quay lại xem, gói quà biến từ lúc nào không rõ. Từ đó lần nào đi chọ về, Lương ông cũng mua quà cho đứa trẻ. Mua được bảy mươi hai lần thì Lương bà sanh được một con trai. Về sau này, người ta tính ra thì con trai của Lương ông sống được bảy mươi hai tuổi.
Đứa con ấy là Trạng Lợn sau này vậy.


'Trạng nguyên "hay''trạng dở"
Khi Chung Nhi lên ba thì có hai người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ về làng. Cả làng đổ ra đón rước. Chung Nhi được bố cho đi đón cùng. Thấy ông tân khoa ngồi trong kiệu đi trước, mũ mão cân đai chĩnh chện, Chung Nhi chỉ vào kiệu hỏi:
- Bố ơi, ông này là ông gì hả bố?
- Đấy là quan Trạng. Người bố trả lời.
- Còn ông kia? Chung Nhi chỉ vào người ngồi chiếc kiệu đi sau.
- À, quan Bảng đấy con ạ.
- Ông nào to hơn hả bố?
- Quan Trạng.
- Thế to hơn quan Trạng là ai?
- Quan Trạng là nhất, chẳng ai to hơn.
- Vậy thì con sẽ làm quan Trạng bố nhé.
Người bố xoa đầu Chung Nhi, cười, nhân đó nói đùa:
- Quan Trạng của bố cũng vinh quy như ông kia chứ?
Chung Nhi gật đầu:
- Nhất định như thế!
Giữa lúc đó có ông hàng xóm đứng sau, nghe hết câu chuyện của hai cha con, xen vào hỏi đùa:
- Đỗ Trạng “nguyên” hay Trạng “dở”?
Chung Nhi quay lại, nhận ra bác hàng xóm quen thuộc, bèn nói:
- Tưởng người lạ hóa người quen!
Ông hàng xóm vừa kinh ngạc thấy thằng bé mới lên ba mà nói năng gẫy gọn thành một vế đối rất chỉnh với lời nói của ông. Ông bảo bố Chung Nhi nên cho em đi học. Từ đó, ai cũng gọi Chung Nhi là “Trạng”.

Thiên tích thong manh
Chung Nhi lên sáu, bố mẹ cho đến học ở một thầy đồ làng bên. Chung Nhi hỏi mẹ:


- Mẹ ơi, thầy đồ giỏi hay Trạng giỏi?
- Trạng giỏi nhất. Mẹ trả lời.
- Vậy thì con không học thầy đồ đâu.
Mẹ chú dỗ dành:
- Cố nhiên là Trạng giỏi nhất, thầy đồ không giỏi bằng nhưng muốn làm Trạng, trước hết phải học thầy đồ.
Nghe mẹ nói vậy, Chung Nhi bằng lòng đi học.
Hôm làm lễ nhập môn, thầy bảo Chung Nhi lễ đức thánh Khổng Tử. Chung Nhi hỏi:
- Thưa thầy, Đức Thánh Khổng to, hay Trạng to?
- Đức thánh Khổng Tử to hơn Trạng. Thầy trả lời.
Nghe thầy nói vậy, Chung vào lễ, nhưng không lễ thầy, vì có ý cho rằng không giỏi bằng Trạng. Bố phải dỗ mãi, chú mới chịu lễ thầy. Lễ xong, Chung Nhi hỏi thầy:
- Thưa thầy, học mấy hôm thì thành Trạng?
Thầy phì cười, nói đùa:
- Dăm hôm!
Nghe nói vậy, Chung Nhi khoái lắm, vì tưởng dăm hôm nữa mình sẽ trở thành Trạng thật.
Chung Nhi bắt đầu học. Thầy dạy câu “Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng”, nghĩa là: trời ban cho trí thông minh, thánh giúp cho làm nên sự nghiệp. Vì không tập trung nghe thầy dạy, nên thầy vừa đọc xong cậu đã quên ngay và đọc trệch là: “Thiên tích thong manh, thánh nằm chỏng gọng”. Thầy dạy đi dạy lại, năm lần bảy lượt mà cậu vẫn đọc trệch như vậy. Thầy tức quá, lấy roi nọc ra đánh. Nhưng hễ thầy vừa giơ roi lên thì Chung Nhi lại nằm ngửa ra, chổng bốn vó lên trời, miệng rối rít đọc:
- … Thánh nằm chỏng gọng! Thánh nằm chỏng gọng!
Thầy vừa tức, vừa buồn cười, thôi không đánh nữa

Trời có hai người,đất có một người
Tính Chung Nhi hay mải chơi. Ở nhà học, khi vắng mặt thầy lại rủ trẻ làm cờ, làm tán, chiêng trống, rước xách inh ỏi. Một ngày kia đang rước, thầy ở ngoài về bắt được. Đứa thời đang thổi sáo miệng; đứa thời cầm cờ, cầm quạt; đứa thời vác tàn, vác tán… rầm rĩ.
Thấy thầy về, đứa nào đứa ấy đều tái mặt mày, sợ hết vía, bỏ cả mà chạy. Chỉ còn Chung Nhi vẫn đứng trơ ra ở đấy. Thầy bắt vào, hỏi:
- Sao các trò dám đùa nghịch như vậy hả?
Chung Nhi nói ráo hoảnh:
- Thưa thầy, chúng con đang tập lễ nghi.
Thầy thấy nói vậy, bật cười mà tha cho.
Lại một hôm thầy đi chơi, giao Trạng giữ nhà. Có một ông khách đến chơi, vào đến sân, hỏi:
- Thầy đồ có nhà hay đi vắng đấy?
Chung Nhi ở trong nói vọng ra:
- Thầy đi vắng. Chỉ có Trạng ở nhà thôi! Mời ông!
Ông khách dòm vào, chỉ thấy một đứa bé ngồi đấy, không thấy ai nữa, mới ngạc nhiên hỏi:
- Trạng đâu?
Chung Nhi ứng khẩu đáp ngay rằng:
- Trạng đây chứ Trạng đâu.
Nói chưa dứt lời thì thầy đồ về, ông khách đem kể lại chuyện. Thầy đồ, từ sau cái vụ “Thánh nằm chỏng gọng”, không còn dám khinh thường thằng bé, vội bảo bạn:
- Thưa, nó là con nhà hàng thịt đấy ạ. ồ! Ai ngờ “đất sỏi lại có chạch vàng”. Nói thời ra dáng thông minh, học thời một chữ bẻ đôi nhận mãi không vào, nhưng được cái tài ứng đối linh hoạt.
Ông khách không tin, bắt bẻ:
- Con nhà hàng thịt lợn mà dám ví với chạch vàng, ông cứ quá lời. Có giỏi làm lòng với tiết canh thì có.
Không phải. Người ta đều có tài riêng, như hoa nhiều mùi, nhiều vẻ. Trông đứa này mặt mũi khôi ngô, biện bác linh lợi, sau này lấy tài ấy mà tiến thân thì không phải kém thu chúng mình đâu. Ông khách quay lại nói với cậu bé, ra ý thăm dò:
- Ồ Trạng đấy ư? Trạng đã học đến đâu rồi?
Chung Nhi ung dung trả lời:
- Học đến “trời, đất”.
Khách lại giả vờ ngớ ngẩn hỏi tiếp:
- Trời là gì, đất là gì?
Trạng vỗ tay cười ầm lên rằng:
- Thôi ông này không đi học rồi! Chả biết trời, biết đất là gì! Trời là “thiên”, đất là “địa” mà cũng không biết, còn ra cái gì.
Ông khách giận lắm, nói lấp liếm chữa ngượng:
- Thằng này trẻ con thực!
- Còn ông thì người lớn! Đã là người lớn thời tôi đố ông biết: Trên trời có gì? Dưới đất có gì?
- Trời có trăng sao, đất có sông núi chứ gì. Vậy cũng hỏi.
- Ông nói không phải. Trên trời có hai người, dưới đất có một người học trò.
- Ai bảo thế?
- Thánh bảo chứ ai bảo. Ông chưa học chữ “thiên”, chữ “địa” à? “Nhị nhân” là chữ “thiên”. “Sĩ dã” là chữ “địa”, chẳng phải thế là gì.
Nguyên chữ “thiên” tựa như gồm hai chữ “nhị” và “nhân” nghĩa là hai người; chữ “địa” gồm hai chữ “sĩ” (đúng ra là chữ thổ) và chữ “dã”. Mà chữ “sĩ” là học trò. Quệch quạng thế nào, Chung Nhi lại thánh tướng như người đang “chiết tự” ấy.
Ông khách nghe vậy, lấy làm phục, lại hỏi:
- Trên trời có hai người là những ai? Còn dưới đất có một người học trò là ai?
Chung Nhi đáp:
- Hai người là ông trời, bà trời. Còn một người học trò ở dưới đất là tôi chứ ai!
Ông khách nghe nói vậy, rợn tóc gáy, than rằng:
- Mình rõ không bằng một đứa trẻ.


Mua lợn
Thấm thoắt trạng được mười ba tuổi mà học quyển "Tam Tự Kinh" chưa thuộc. Lương ông rất buồn phiền.
Một hôm, hai cha con đi sang làng bên mua lợn tại nhà một vị quan hồi hưu. Quan ông đang ngủ, quan bà đi vắng. Đợi cho quan dậy, Lương ông cùng con tiến vào. Ngái ngủ, ông quan thấy người mua lợn, đứng lên lấy tay chùi ngang mắt, vuốt bộ râu rẽ sang hai bên, đoạn búi tóc rồi quay vào trong nhà.
Thấy thế, Trạng bảo cha cứ vào trong nhà mà bắt lợn, Lương ông hỏi tại sao thì Trạng đáp:
- Thì vừa đây quan đã bằng lòng rồi mà. Ngài lại nói cho biết giá cả lợn là bao nhiêu, cha không trông thấy à ?
- Quái, mày nói làm sao, chớ tao có thấy quan nói gì đâu?
- Quan không nói vì quan khinh cha con mình nghèo, nhưng quan ra hiệu bằng tay.
Bắt lợn xong, Trạng bảo người nhà quan cho Trạng nộp tiền. Người làm hỏi: "Thế anh đã thỏa thuận về giá heo với quan rồi à? Bao nhiêu?
Trạng đáp:
- Mười tám quan.
Người nhà quan la lên:
- Mười tám quan, rẻ quá. Ta phải vào bẩm quan mới được.
Tên người nhà vào bẩm quan thực. Ngài hét lên:
- Ai bán cho nó mười tám quan đâu.
Trạng nói:
- Bẩm quan, khi nãy chúng con hỏi giá, quan gật đầu rồi lấy tay chùi ngang mắt rồi lại vuốt từ hàm rồi vuốt hai bên râu mép. Như thế chẳng là thập bát là gì?
Quan phì cười:
- Mày nhỏ mà biện bác giỏi. Thôi, tao cũng bán cho mày.


Bắt trộm
Mùa đông năm sau, ông Lương mất. Ba năm mãn tang rồi. Chung Nhi vẫn buồn rầu, đi lang thang hết nơi này chốn khác, chẳng thiết gì làm ăn. Mẹ thấy thế càng thương càng chiều, nhưng Chung Nhi không chịu ở nhà. Ngày càng đâm hư, rượu chè be bét, bạ ai cũng đánh bạn, sà đâu ngủ đấy, tỏ vẻ chán đời. Người ngoài chả ai muốn dây vào.
Một hôm, Chung Nhi vừa đi chơi về, người chị dâu nói mát, nhắc đến cái ý nguyện ngông cuồng của Chung Nhi ngày xưa:
- A chú đỗ Trạng, vinh quy về đó à? Trạng rượu hay trạng thịt đấy? Thật là nhà này có phúc được nhờ quan Trạng.
Thấy chị dâu nói mỉa mai như thế, Chung Nhi trong lòng ấm ức, bực bội, quyết bỏ nhà ra đi, bèn vào lạy mẹ mà rằng:
- Con xin từ tạ mẹ. Phen này nếu không làm nên danh giá, thì con quyết không trông thấy mẹ nữa. Mong mẹ lo toan sức khỏe, gắng đợi con về, mẹ con sẽ một nhà đề huề sum họp.
Nói xong, nước mắt chan hòa, Chung Nhi lạy mẹ rồi đi, dấn thân vào trường đời may rủi.
Vừa đến cổng thì gặp ngay hai người khăn áo chỉnh tề, trước thầy sau tớ, vác lều chõng đi qua. Chung Nhi liền từ tốn hỏi:
- Chẳng hay hai ngài đi đâu mà thầy tớ đề huề bầu rượu túi thơ làm vậy?
Hai người kia liền đáp, giọng khoan hòa, lịch sự:
- Chúng tôi trẩy kinh đi thi đây. Còn thầy thì đi đâu, có cùng chúng tôi nhập bọn cho có bạn có bè.
Chung Nhi thừa dịp may hiếm có, bèn cười nói:
- Thế thì may mắn quá! Chúng ta cùng đi cho vui. Tôi cũng trẩy kinh đi thi. Đang lo một mình thui thủi đường xa.
Ba người nhập bọn cùng đi, chẳng kể thân sơ.
Tính Chung Nhi cởi mở, vui vẻ, hay nói hay cười, hai người kia rất mến. Dọc đường mọi chi phí họ đều đỡ cho cả, vì vậy Chung Nhi thoát được cảnh cơ nhỡ, sẩy nhà ra thất nghiệp.
Trời tối rồi mà đường còn xa, ba người tìm một cái quán nghỉ. Suốt ngày đi mệt, cả bọn lăn lóc, ngủ say như chết, chẳng kể gì muỗi, rệp.
Đêm đến, cả hai tên kẻ trộm mò vào. Giữa lúc đó, Chung Nhi nằm mơ thấy mình đương bắt lợn, mà con lợn lại xổng mất, liền hét to lên, kinh động cả quán trọ:
- Đây rồi, bắt, bắt trói… lại… chọc tiết! Phen này đừng hòng thoát với ông!
Câu nói mơ về nghề nghiệp ai dè có tác dụng. Hai tên trộm tưởng khách trọ hô hoán bắt mình, hốt hoảng vứt bỏ đồ đạc lại mà chạy bán sống bán chết. Hai người kia cũng chồm dậy, kiểm tra lại hành lý, thấy không suy suyển gì mừng quá, rối rít cảm ơn Chung Nhi. Từ đấy họ lại càng kết thân, hễ Chung Nhi trọ dâu, thì họ cũng trọ lại nơi ấy, không rời nhau một bước.


Thâm tinh huyền lý
Đi qua một ngôi chùa thâm nghiêm, tĩnh lặng, thấy phong cảnh đẹp, Chung Nhi và hai người bạn rủ nhau vào vãn cảnh. Họ dạo quanh một lúc thì đã tối. Vừa khi trăng lên, nhà sư ra mời vào trai phòng uống trà. Ba người mừng lắm, nhận lời. Trai phòng sạch sẽ, phong quang, gió đưa mùi hương thơm ngát. Nhìn cảnh trăng soi đáy nước, liễu rủ phất phơ, thấp thoáng sen hồ, ba người tưởng như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh.
Nhà sư thấy khách vãn cảnh chùa ra dáng học trò đi thi, bèn đem giấy bút ra, xin ba thầy đề thơ làm kỷ niệm.
Hai người bạn lĩnh giấy bút đề luôn hai bài thơ tức cảnh. Chung Nhi nghĩ bụng, không nhẽ mình cứ ngồi ỳ ra, e không tiện, liền cầm bút định viết bốn chữ tiếng lóng của lái lợn: “Thâm tinh lập lái”, nghĩa là “Ba quan và mười hai quan”. Nhưng vì không nhớ mặt chữ, nên chữ “lập” viết ra chữ “huyền”, chữ “lái” viết ra chữ “lý”. Thế là định viết “Thâm tinh lập lái” thì lại thành ra “Thâm tinh huyền lý”, nghĩa là “Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu”.
Nhà sư nhìn bốn chữ tuy nét bút không phải rồng bay phượng múa, nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, tấm tắc khen mãi:
- Văn từ hàm súc mà ý nghĩa lại rất hợp với cảnh chùa. Bần tăng lấy làm ái mộ lắm.
Hai người bạn đồng hành cũng hết sức khâm phục và tôn đùa Chung Nhi là Trạng, còn Chung Nhi cũng nghiễm nhiên tự cho mình là Trạng thật. Hôm ấy nhà sư lưu ba thầy trò ở lại thết đãi trọng thể, tất nhiên là ăn chay.


Ngâm vịnh thơ văn, luận bàn thi phú hết một đêm, Chung Nhi nhập tâm được nhiều lý lẽ cao siêu của nhà sư và hai bạn đồng hành. Sớm mai, ba người cáo từ lên đường, nhà sư đem oản chuối nhét đầy một tay nải, gọi là chút lễ mọn tiễn hành. Chắc cũng là bởi quá xúc động vì cái câu “Thâm tinh lập lái” viết sai mà thành “Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu” ấy. Thật là “Thâm tinh huyền lý” vậy!


Làm thơ
Buổi nọ, cả bọn đi qua một trang trại, tùng cúc tốt tươi, trúc mai sầm uất. Giữa cảnh ấy, Chung Nhi trông thấy một tiểu thư nhan sắc tuyệt vời đang cùng hai người thị tỳ hái hoa trong vườn. Chung Nhi ngắm nghía, mê mẩn tâm thần. Hiềm vì tường cao cổng kín, khó nỗi tìm vào.
Đi một quãng, Chung Nhi bèn lập mẹo từ biệt hai người bạn kia, nói dối là phải vào thăm một người bà con ở gần đấy, nhân thể mời hai bạn cùng rẽ vào chơi.
Hai người kia đương lo về thi cử, vội vàng từ chối:
- Đường còn xa, nhật kỳ gần tới, quá vui lỡ bước, sau nữa làm sao. Thôi bác ở lại, chúng tôi đi trước.
Lúc chia tay, Chung Nhi dặn:
- Vậy thì xin mời nhị huynh trẩy kinh trước, mai kia đệ sẽ theo sau. Ngày hội ngộ hẳn cũng không xa.
Trở lại nơi trang trại, Chung Nhi hỏi thăm mới hay trại đó là của quan trí sĩ họ Bùi.
Bùi tướng công chỉ sinh được một gái, đặt tên là Phấn Khanh. Tiểu thư rất đoan trang, lại làu thông kinh sử và khéo léo trong mọi công việc tề gia, nên Bùi tướng công có ý kén rể hiền. Bữa ấy, tướng công đang ngủ trưa, chợt nằm mơ thấy có người gọi: “Tướng công dậy! Đón Trạng rể mới lại chơi vườn”. Tỉnh giấc, lấy làm kỳ dị lắm, nghĩ bụng: “Xưa nay ta có người rể nào là Trạng mà mơ lạ thế? Hay ta thử ra xem sao”. Đúng lúc Chung Nhi đang nghiêng nghiêng ghé mắt dòm vào chỗ tiểu thư và đám thị tỳ đang hái hoa, chợt tướng công chống gậy ra thăm vườn. Trông thấy người lạ, tướng công liền sai gia nhân ra gọi vào hỏi:
- Thầy người đâu lại? Đứng đấy muốn hỏi gì?
Chung Nhi luống cuống, toát mồ hôi, ấp úng trả lời:
- Bẩm, tôi là học trò. Nhân trẩy kinh qua đây, thấy cảnh đẹp, trộm đứng ngoạn cảnh, có điều gì sơ suất, xin tướng công tha tội cho.
Tướng công thấy Chung Nhi ăn nói nhún nhường, lại thấy mặt mũi khôi ngô, liền mời vào “Uyên ương đình” là nơi tướng công dựng lên để kén rể hiền, rồi sai dọn rượu thết đãi.
Rượu ngà say, Chung Nhi nhìn “Uyên ương đình” thấy phong cảnh hữu tình, sực nhớ tới mấy bài thơ của hai người bạn đường làm khi vãn cảnh chùa, bèn rung đùi ngâm lên. Bùi tướng công nghe thơ hay, vui lắm, sai gọi tiểu thư lấy giấy hoa tiên chép lại để họa vần. Thật là một cuộc gặp gỡ kỳ thú, trăm năm mới có một lần. Giữa cảnh trăng trong gió mát, người đẹp hoa thơm, Chung Nhi cảm thấy hân hoan trong lòng dạ. Thế là tay nâng chén, miệng ngâm thơ, tuy chỉ là thơ nhập tâm của người khác, song cũng bội phần tâm đắc. Còn Phấn Khanh thì nâng bút họa lại, lời thơ cũng uyển chuyển, tỏ ra con nhà dòng dõi thi thư.
Họa xong, tướng công ướm hỏi Chung Nhi:
- Lão có tiện nữ đây, muốn cùng tuấn sĩ gá nghĩa sắt cầm, liệu có nên chăng, xin cho lão rõ?
Chung Nhi khiêm tốn trả lời:
- Kẻ hèn này được tướng công thương đến, đâu dám chối từ. Hiềm vì khoa thi sắp tới, xin tướng công cho hẹn đến ngày ra bảng. Nếu kẻ hèn này công thành danh toại, lúc đó sẽ trở về bái kiến tướng công, tưởng cũng không muộn.
Tướng công vui vẻ gật đầu, càng phục Chung Nhi là người có chí, không vì nhi nữ thường tình mà quên nghiệp lớn. Phấn Khanh cũng từ tốn thưa rằng:
- Dẫu năm chờ tháng đợi, thiếp mong chàng bẻ quế vinh quy, sẽ được nương nhờ dưới gối.
Thật là:
Một phen tri kỷ gặp người
Ba sinh chắc có duyên trời chi đây.


Xứng tài đối đáp
Canh khuya tàn cuộc, người nhà Bùi tướng công đưa Chung Nhi vào thư phòng nghỉ, chợt trông thấy trên tường có một vế câu đối: “Bát đao phân mễ phấn”, bốn chữ trên là từ chữ “Phấn” mà ra. Phấn Khanh viết mấy chữ này có ngầm thách những chàng trai đến hỏi nàng đối lại, nhằm “sát hạch” tài ba của ý trung nhân.
Chung Nhi nhìn năm chữ ấy, đọc thấy chữ “Phấn”, biết đó là tên của tiểu thư, sẵn trên án có nghiên bút, cũng ngoằng một cái thật to tên mình là “Chung” vào. Viết xong chàng quẳng bút lăn kềnh ra ngủ, không còn biết trời đất là gì.
Đến sáng, Phấn Khanh vào trông thấy chữ “Chung”, cho rằng Chung Nhi đã đối là: “Thiên lý trọng kim chung”, bốn chữ này là từ chữ “Chung” mà ra. Nghĩa đen cả hai vế câu đối là:
“Tám đao chia hột gạo”, “Nghìn dặm nặng chuông vàng”, Chỉnh quá! Chỉnh quá! Nàng nức nở khen hay, cho là tài Chung Nhi đáng bậc khôi nguyên.
Bùi tướng công truyền gia nhân bày tiệc ở Thủy đình trên hồ bán nguyệt, cho biểu thư một số vàng để biếu Chung Nhi làm lễ tiễn hành. Nàng lại đưa cho Chung Nhi một phong thư chúc chàng thượng lộ bình an.
Chung Nhi lên đường lòng mừng rỡ vô cùng. Nàng Phấn Khanh cũng đi theo tiễn mấy dặm đường, mới quay trở lại.
—————————————————

(1) Theo phép chiết tự, chữ Phấn – tên nàng con gái Bùi tướng công – là do chắp chữ phân và chữ mễ mới thành; nàng lại chia chữ phấn ra làm ba chữ: chữ bát, chữ dao chắp vào chữ mễ đặt ra thành một vế đối. Còn chữ Chung – tên của Trạng Lợn sẽ nhắc đến ở đoạn dưới – có thể tách ra theo phép chiết tự thành: thiên + lý = trọng, ghép với chữ kim thành chữ chung, cũng là một vế đối rất chỉnh về luật, về chữ và về nghĩa.


Trạng gặp người tiên
Chung Nhi từ khi ở nhà Bùi tướng công bước chân ra, trong bụng vui sướng như là lên núi Bồng Lai gặp tiên vậy. Đi đường, nghĩ ngợi lấy làm thích quá, chàng đi quanh đi quẩn thành ra lạc vào một cái miếu, bốn bề vắng ngắt không một bóng người. Bỗng Chung Nhi thấy một ông cụ đầu râu tóc bạc, chống gậy thơ thẩn tự đằng xa đi đến, ngả nón đặt gậy dưới gốc cây ngồi nghỉ. Chung Nhi đến trước mặt, chắp tay chào, tự nhiên ông cụ hỏi ngay chàng rằng:
- Nhà ngươi trẩy kinh, sao lại quanh quẩn vào đây làm gì?
Chung Nhi thấy hỏi, ngạc nhiên đáp rằng:
- Lạ, sao cụ biết con đi kinh?
- Thế mà lão biết.
- Thưa cụ, quả con trẩy kinh thực. Nhưng không phải đi đường này, thời cụ dạy đi đường nào?
Ông cụ tủm tỉm cười mà rằng:
- Ờ, đi thi! Nào, lão thử xem trong bụng có chữ gì không mà cũng đi thi nào!
Rồi cầm gậy chọc vào bụng Chung Nhi bảo:
- Này, chân lão mỏi lắm. Có muốn biết đường trẩy kinh, chịu khó bóp hộ lão, rồi lão bảo.
Chung Nhi lom khom quỳ xuống bóp chân cho cụ. Cụ vuốt râu nói:
- Ờ, anh này khá, bảo được.
Chung Nhi thấy nói bảo được, hơi có ý không bằng lòng. Nhưng cũng cố chịu mà bóp. Ông cụ lại bảo rằng:
- Này, có muốn làm Trạng nguyên thời từ đây lên đến kinh, cõng lão rồi lão bảo.
Chung Nhi bình nhật vẫn chăm chăm về chữ trạng nghe thấy thế, nhẽ nào không muốn, liền ghé vai vào cõng, trong bụng tựa hồ có ý vui lắm. Chạy đi vùn vụt một mạch, bất giác một chốc thế nào lại đến ngay kinh. Cụ cười bảo rằng:
- Khi ở trong đình Uyên Ương, hồ bán nguyệt nhà Bùi tướng công, sung sướng nhỉ?
Chung Nhi nghe thấy thế giật nảy mình lên, lập tức cúi đầu chắp tay, sụp xuống lễ cụ mà nói rằng:
- Lạy cụ, cụ thực là một ông thánh, không có cái gì là không biết trước.
Cụ đáp:
- Lão bảo cho biết: Nhà ngươi là một vị thiên tinh giáng hạ. Người con gái ấy cũng là một thiên nữ giáng sinh. Chính là trời sinh người ấy giúp nhà ngươi sau này đó. Nhưng mà duyên cầm sắt trong hai năm mới hợp.
- Thưa lạy cụ, cụ đã có tài biết trước, xin cụ dạy vận mệnh chúng con sau này thế nào? Chung Nhi nói.
Cụ bảo:
- Nhà ngươi tuy không phải lấy văn chương khoa mục làm được Trạng nguyên, nhưng cái chức Trạng nguyên chắc là làm được.
- Thế bao giờ thời vận mới đến?
- Hiện bây giờ, tướng tinh nhà ngươi còn hãm, chưa được xuất sắc. Và hoàng thượng thánh thể không an, khoa thi này tất là hoãn. Sau này chắc có biến cố, ngày ấy tháng ấy cứ nhớ mà ra góc thành đằng đông, hễ thấy người nào như thế, cứ cõng mà chạy. Từ đó trở đi mới đại phát. Bây giờ thời vận chưa đến. Lão hãy truyền khẩu cho mấy phép bói toán, để làm một cái lối giao kết bè bạn, lừng lẫy danh tiếng, rộng đường thi thố về sau.
Trạng mừng lắm, lễ xin chịu dạy. Ông cụ mới đem ngũ hành bát quái, tinh vi độ số, thập nhị thời thần, thiên la địa sát, toàn những thuật ngữ, khái niệm trong phép bói toán; rồi lại lấy lẽ mẹo thuật pháp nói qua một lượt, dạy Chung Nhi cách tính toán.
Chung Nhi tuy không có mấy hột chữ, nhưng cũng thông minh về mặt ăn nói, nghe những mẹo đoán, mẹo nói của ông cụ truyền cho, nói đến đâu nhớ đến đấy, nhập tâm cả. Ông cụ thấy Chung Nhi thông minh, linh hoạt, mừng lắm, bảo rằng:
- Thôi bây giờ bao nhiêu thuật pháp của lão, ngươi đã nuốt hết được tất cả vào trong bụng. Thế cũng đã đủ thi thố với đời đó. Lão đề cho mấy chữ biển ở đây mà lập cửa hàng bói, để lão đi chơi nơi khác.
- Cụ đi bao giờ thời trở lại? Chung Nhi hỏi.
Cụ bảo:
- Lão đi vân du bốn phương, nay đây mai đó. Chưa biết bao giờ lại đây được.
Chung Nhi nằn nì xin cụ ở lại, thế nào cụ cũng không ở. Khi sắp bước chân ra, lại quay lại dặn suốt từ đầu đến cuối. Năm ấy thế ấy, năm nọ thế nọ, việc này thế này, việc kia thế kia, phải nên nhớ kỹ. Sau này tuy cũng có gặp lắm việc hiểm hóc bất thần, khắc có thần trợ cũng được trơn suốt tất cả không ngại. Chung Nhi sụp xuống đất, xin tên họ. Cụ cười mà không nói, ngâm vọng mấy câu rằng:
Mình còn phải hỏi chi ta,
Kiếp xưa âu đấy cũng là kiếp tiên.
Ai ơi đã muốn biết tên,
Mai sau hỏi bãi Tự Nhiên ấy là.
Ngâm xong, cụ đứng dậy vùn vụt một chốc đã thấy khuất trong mây, không thấy bóng đâu nữa.
Ông cụ ấy là Chử Đồng Tử hiện lên để dạy Chung Nhi. Và ngẫm trong ý tứ câu ca, thời Trạng kiếp trước cũng đã hóa thân làm tiên, cho nên nói kiếp xưa cũng là kiếp tiên, kiếp thần. Chuyện truyền ngôn chỉ có thế.

Trạng lợn xem bói

Chung Nhi đến kinh đô trước hôm thi vài ngày. Nhân lúc nhàn rỗi, chẳng có việc gì làm, chàng dựng quán xem bói. Có mấy thí sinh vào quán, xin thầy xem cho mình khoa này đỗ đạt ra sao. Chung Nhi gieo quẻ, lẩm bẩm nói:
- “Quần long vô chủ”! A, thế nghĩa là năm nay hoãn thi.

Ai nấy đều cho là chàng nói láo, bỏ ngoài tai. Nào ngờ ngay ngày hôm sau, quan yết bảng báo tin kỳ thi năm nay hoãn. Bấy giờ, người ta mới giật mình, nhớ tới lời Chung Nhi. Thế là từ đó tiếng tăm nhà tiên tri vang khắp kinh thành. Người ta náo nức kéo đến nhờ thầy xem cho hậu vận.
Giữa lúc đó, quan thượng thư bộ Binh mất con ngựa quý ngày đi vạn dặm, gọi là con “thiên lý mã”. Quan sai lính rước Chung Nhi vào dinh để thầy bấm quẻ xem con ngựa hiện nay đang ở đâu, do ai lấy…
Nằm trên nệm gấm nhà quan thượng thư, lúc nào cũng có kẻ hầu người hạ mà Chung Nhi ngày đêm nơm nớp lo âu. Lần “ăn thủ lợn” là do chàng hiểu sai nghĩa chữ rồi nói mò; biết được “bất yên” vì trời tối đọc nhầm chữ; lại ngẫu nhiên nằm mơ mà “bắt được trộm” thật; còn lần “hoãn thi” là do chàng vô tình nghe được các quan kháo nhau ngoài chợ.
Bây giờ thì biết làm sao tìm ra ngựa? Chàng vẩn vơ suy nghĩ. Gần sáng rồi mà vẫn không sao ngủ được. Chàng ngồi dậy, thắp đèn, giở quyển Tam tự kinh (1) ra đọc chơi cho khuây khỏa. Giở sách ra đúng vào trang có câu “… mã, ngưu, dương, thử lục súc, nhân sở tự”, nghĩa là “… ngựa, trâu, dê… là sáu loài động vật mà con người nuôi dưỡng”, chàng ngâm to câu đó lên.
Lúc ấy, tên ăn trộm ngựa đang núp ở ngoài theo dõi xem chàng có bói ra mình không. Tên này vốn không biết chữ, nhưng nghe chàng đọc thấy có “mã”, có “tự” thì hoảng lắm. Hắn cho là “mã” là con “thiên lý mã”, còn “tự” thì đích thị là tên hắn. Sợ quá, Tự bèn xô cửa xông vào, quỳ dưới chân Chung Nhi khai hết đầu đuôi và xin đem trả con ngựa quý, chỉ yêu cầu chàng đừng nói tên mình với quan thượng thư để khỏi bị trị tội. Trạng gật đầu đồng ý và cho phép y ra về.
Sáng hôm sau, chàng đến gặp quan thượng thư và cứ nguyên văn lời khai của tên Tự mà nói lại. Quan tìm thấy ngựa quý, mừng lắm, thưởng cho chàng rất nhiều vàng bạc. Tên tuổi của chàng càng lừng lẫy. Cả kinh đô ai cũng gọi chàng là Trạng Bói.
———————————————-
(1) Tam tự kinh là sách “vỡ lòng” của người bắt đầu học chữ Nho thời xưa. Trạng Lợn đi thi Trạng nguyên mà chỉ đem theo mỗi một quyển “vỡ lòng” đó, thật là hài hước.



Quýt làm cam chịu
Việc tìm ngựa vừa xong, thì việc khác lại xẩy ra. Hôm đó, ở trong cung, công chúa út bỗng dưng mất chiếc vòng ngọc. Chiếc vòng này vua rất quý, bởi nó không chỉ bằng ngọc do nước ngoài tiến cống, mà nó còn có một đặc tính kỳ lạ: ai đeo vào sẽ không bị ốm đau, bệnh tật. Vua quý công chúa út nhất, nên mới ban cho nàng. Được tin này, quan thượng thư liền tiến cử Chung Nhi vào cung để tìm vòng ngọc giúp vua.
Vua cho chàng ở riêng một nơi, sai người ngày đêm hầu hạ chàng. Suốt mười ngày sống trong cung vua, tất cả sơn hào hải vị, miếng ngon vật lạ… không thức gì là chàng không được nếm qua. Nếu tìm được vòng ngọc cho công chúa, thì có lẽ chàng là người hạnh phúc nhất trên thế gian này. Nhưng tìm đâu ra vòng ngọc? Chàng bỗng bật cười tự chế giễu mình:
- Đúng là “Quýt làm cam chịu”!
Vừa nói xong, cửa bỗng bật tung, một người lao vào quỳ dưới chân chàng, van xin:
- Thưa ông, việc này quả thằng Quýt làm. Nó chủ mưu lấy cắp, rồi sai con đi giấu. Nhưng chẳng lẽ Quýt làm Cam chịu? Con xin chỉ nơi giấu vòng ngọc, mong ông xá tội, đừng khai tên chúng con, kẻo chúng con mất đầu.
Nói xong, tên Cam dập đầu xuống đất xin chàng. Đến đây, Chung Nhi mới hiểu sự tình. Thì ra, suốt mười ngày qua thằng Cam và thằng Quýt thay nhau theo dõi xem chàng có bói ra việc chúng ăn cắp vòng ngọc không. Hôm đó, thằng Cam đang rình bên ngoài theo dõi nghe chàng nói đến tên cả hai đứa thì sợ hãi, hắn phải lao vào thú tội. Chàng tặc lưỡi, gật đầu:
- Ừ thì ta tha cho, hãy nói mau xem, vòng ngọc ở đâu?
Tên Cam khai hết sự thật.

Sáng hôm sau, chàng đến gặp vua, chỉ rõ nơi giấu chiếc vòng ngọc. Vua sai người đi tìm, quả nhiên thấy lại vật quý. Nhà vua hết sức vui mừng và dĩ nhiên thưởng cho chàng rất nhiều vàng bạc.

Bốn anh em nối khố
Trạng bói được mấy quẻ minh bạch rạch ròi như thế, cho nên từ trong cung phủ cho đến ngoài thành phố đều khen là Quỷ Cốc (1) phục sinh. Văn nhân, võ sĩ, kẻ xa người gần đua nhau đến như nước chảy. Lắm người không biết mặt Trạng là thế nào.
Bấy giờ có một người họ Lê tức Trạng Ăn – Lê Nại; một người họ Nguyễn tức Trạng Cờ – Nguyễn Huyên; một người họ Vũ tức Trạng Vật – Vũ Phong, đều là danh sĩ ở trấn Hải Dương. Nhân đi thi đến Thăng Long, thấy nói Trạng có tài biết trước, cùng rủ nhau đến hỏi công danh sớm muộn. Trạng hỏi lần lượt tất cả thì các ông ấy cùng đồng niên (2) với mình, nên cười mà bảo rằng:
- Trông các ngài trạng mạo như thế này còn lo gì chẳng có công danh mà còn phải bói toán. Nhưng các quan anh muốn biết vận số, có bụng hỏi đến đàn em thì đàn em cũng phải xin nói. Bây giờ hãy xin các quan anh uống với đàn em một vài chén rượu để tự tình cái nghĩa đồng niên đã.
Ba người thấy Trạng có bụng hào phóng như vậy, đều bảo nhau xin kết làm bạn nối khố, hoạn nạn sinh tử cũng phải có nhau. Đêm hôm ấy, bốn người cùng uống rượu vui vẻ. Tiệc xong, Trạng bảo cho ba người rằng:
- Hiện bây giờ thánh thể mỏi mệt. Và xuân thu lại cao, không lâu tất là tới kỳ rồng ngự chầu trời. Và có cái biến cố lạ. Qua hồi ấy rồi, mới có ông thái bình thiên tử ra đời, thời may chúng ta mới có đường bay nhảy, dựng công lập nghiệp. Bấy giờ giao long gặp mưa, cánh hồng thuận gió, tự nhiên công danh hiển hách, can gì phải số với toán.
Ba người hỏi:
- Quan anh đã có tài biết trước, chắc hẳn không sai, nhưng tình hình lâu hay chóng, xin quan anh cho biết.
Trạng nói:
- Tôi xem số vận, tính cũng không lâu, chỉ độ trong một, hai năm, chỉ sợ không có tài mà thôi, chứ có tài thời ngại gì! Thôi, ta hãy nên gắng chí trau mài, chờ đợi gió mây.
Từ đó bốn người chơi bời, giao kết với nhau thân tình.
Hôm khác, đang ngồi với nhau, tự dưng ông Trạng họ Lê than thở rằng:
- Hình dung trạng mạo như thế này mà chỉ khỏe sức ăn thôi. Nay lần mai lữa, cót đầy cót vơi, bao nhiêu cũng hết. Chẳng biết về sau có được nên cơm cháo gì hay không?
Trạng nói đùa và dỗ rằng:
- Văn hay chữ tốt, lo gì không có người dùng. Thôi cứ yên trí, trời cho ngày sau tôi có làm nên, hễ đi sứ thời tôi cử làm phó.
Ông Trạng họ Vũ ngồi bên tủm tỉm cười hỏi rằng:
- Ấy chứ như tôi bé nhỏ thế này, thời ông cắt cho tôi làm gì?
Trạng lại nói đùa rằng:
- Tướng ống ngũ đoản, người văn dạng võ. Hễ về sau tôi có làm quân sư thời tôi cử làm tiên phong.
Nói xong, họ cười ầm cả lên. Sực thấy Trạng Cờ từ ngoài vào bảo rằng:
- Chết rồi, các ông không biết chuyện gì ư? Còn sướng cái gì mà cười lắm vậy!
Ông Trạng họ Vũ hỏi:
- Ở ngoài có việc gì lạ hẳn?
Trạng Cờ nói:
- Vừa nghe thấy tin trong nội đình nói rằng hoàng thượng băng hà, đương nghị lập vua mới, đảng nọ đảng kia đang lung tung ầm ĩ cả lên.
Trạng nói:
- Từ đây trở đi ắt sẽ xảy ra nhiều việc…
——————————————————–
(1) Tên một người nổi tiếng bói toán giỏi thời trung cổ ở Trung Quốc.
(2) Đúng ra “đồng niên” là bạn đỗ cùng một khoa thi. Đây ý nói là cùng tuổi. Vì ba ông này và Trạng Lợn là bốn vị tá tinh cùng giáng trần một lúc.


Cứu vua
Một đêm, vào khoảng canh ba, tự nhiên hoàng cung phát hỏa, lửa cháy rực trời. Quân nổi loạn kéo vào đánh phá kinh thành. Nhân dân ngoài phố xôn xao náo động, kêu khóc như ri, kẻ chạy ngược, người chạy xuôi, hỗn loạn.
Bốn Trạng đang đi ngoài đường phố, thấy biến cũng vội vã dắt nhau chạy về phía cửa Đông. Lửa cháy chiếu sáng, Trạng Bói trông thấy một người mặc áo long bào mầu xanh, từ trên mặt thành nhảy xuống kêu cứu, nhớ đến lời ông tiên dặn hồi nọ, liền đến ghé vai cõng người đó chạy trốn. Gặp một bọn mang binh khí cản lại vây đánh, Trạng Vật, Trạng Ăn, Trạng Cờ phải nỗ lực phá vòng vây cho Trạng Bói cõng vị áo xanh chạy tít về mạn chùa Thầy. Mấy ngày sau, binh hỏa nghe đã tạm yên, Trạng Bói cắt Trạng Vật và Trạng Ăn ở lại hộ giá, còn mình cùng Trạng Cờ trở về kinh thành dò la tin tức. Thì ra Nghi Dân tiếm vị, sát hại trung thần, may nhờ có Nguyễn Xí và Đinh Liệt chiêu binh mộ sĩ trừ được. Triều đình đang cho người đi tìm hoàng đệ (chỉ Tư Thành, em Nghi Dân, sau này lên ngôi gọi là Lê Thánh Tông), nhưng tìm đâu cũng không thấy.
Trạng Bói nghĩ kế, dâng sớ xin thứ hậu cho vào gieo quẻ. Thứ hậu mừng lắm, truyền gọi Trạng vào. Trạng thấy có hai vị quan đứng đó, còn trù trừ, thì thứ hậu đã nói:
- Nhị vị trung thần đây là những người một lòng vì nước trừ gian. Ngươi cứ nói không e ngại điều chi!
Trạng liền tâu:
- Trong khi binh biến, chúng tôi đã nghênh tiếp được hoàng đế chạy qua khỏi vòng binh hỏa và đưa đến một chỗ yên ổn.
Rồi Trạng kể lại đầu đuôi câu chuyện, từ lúc Trạng chợt đến góc thành đằng đông, thấy một vị mặc áo long bào mầu xanh, chân đi hài mầu trắng vừa chạy đến đấy, miệng kêu “cứu mạng, cứu mạng”, liền ghé vai cõng; rồi đến cuộc hỗn chiến giữa ba Trạng nối khố của mình với những kẻ mưu phản diễn ra như thế nào, cuối cùng tất cả đã phá vòng vây, đưa hoàng đế về chùa Thầy yên ổn ra sao.
Thứ hậu nghe xong mừng lắm:

- Thật là phúc đức nhà Lê hãy còn thịnh. Nhà ngươi quả là một vị tá tinh cực trung nghĩa.


Chân Trạng Nguyên
Thứ hậu lập tức sai quan quân đi đón hoàng đế về, rồi lập đàn để hoàng đế lên ngôi vua, lấy hiệu là Thánh Tông. Vua Thánh Tông phong thưởng cho hết thảy công thần, duy có Chung Nhi, vua phong cho gì cũng không nhận, một mực tấu trình:
- Bề dưới hèn hạ, không dám nhận những chức ấy.
Vua phán rằng:
- Thần nhờ phúc tổ tông mới được như thế này, cũng thực bởi có ngươi cố sức cứu giúp, phò tá, không thì còn đâu đến giờ mà vua vua, tôi tôi. Có lẽ lâu vua an hưởng phú quý mà tôi lại không được cùng hưởng lộc trời.
Nói mãi, Chung Nhi đành trình tấu:
- Muôn tâu Thánh thượng, quan sang chức trọng xin để phong cho những kẻ có công lớn, còn kẻ hạ thần chỉ xin Thánh thượng ban cho hai chữ Trạng Nguyên để hạ thần vinh quy là đủ phỉ chí cả một đời.
Vua Thánh Tông vui lòng giáng chỉ phong Chung Nhi là Trạng Nguyên, được ra vào hầu chực dưới bệ rồng.
Có một ông quan văn quỳ tâu:
- Muôn tâu Thánh thượng, danh vị Trạng Nguyên là dành cho các bậc văn tài, còn kẻ có công thì thưởng vàng bạc, vóc nhiễu, hay phong quan tước là cùng, lẽ nào lại phong Trạng Nguyên cho một kẻ không hiểu việc văn từ.
Vua Thánh Tông bác đi.
Giữa lúc đó, theo lệnh vua, chùa Thầy đã được tu sửa xong. Vua ngự giá đến chùa làm lễ tạ Thần Phật.
Lúc treo chuông lên gác thì chuông nặng quá, không sao treo nổi. Chung Nhi liền cho Trạng Vật và Trạng Ăn vào giúp một tay mới treo được. Vua thấy vậy bèn đọc một câu: “Thiên lý trọng kim chung” và bảo các quan đối lại. Ai nấy đứng đực như phỗng, không nghĩ ra.
Chung Nhi nhớ tới câu của Phấn Khanh khi trước, liền đọc: “Bát đao phân mễ phấn”. Vua khen nức nở và bảo các quan:
- Ứng đối như mây bay nước chảy, tài ấy thật đáng Trạng Nguyên!
Sau khi xa giá hồi cung, vua xuống chiếu phong cho Chung Nhi ba chữ “Chân Trạng nguyên” và ban cờ biển cho Trạng.


Ân oán không lường
Hôm phụng sắc, Trạng vào ngọc bệ bái mệnh. Lĩnh cờ biển, áo mũ xong, vua cho Trạng ra vườn Ngự xem hoa, thị yến, rồi trở ra bái yết các điện đài, cung phủ. Trạng đi bái yết tất cả. Có một ông quan thái sư thượng trụ họ Dương, trên vua yêu dùng, thần thế đương mạnh, có một người con gái. Nhân thấy Trạng chưa có vợ, muốn gả con gái cho để thêm cứng vây cánh, quan sai người bảo Trạng rằng:
- Thái sư thấy ngài thiếu niên tuấn tú, có lòng yêu mến, quý trọng lắm. Nhân có một người con gái tên là Hương Nương, tuổi trẻ, đủ cả tài sắc. Nay muốn ngoài làm đông sàng quý khách (1), thêm vẻ gia môn, thời thái sư lấy làm quý hóa lắm.
Trạng vốn nghe thái sư là người gian giảo, bụng vẫn ghét sẵn, làm điệu khiêm tốn, nói rằng:
- Cửa thái sư là cửa quyền quý. Chúng tôi là bậc ti tiện. Có lẽ đâu cú lại dám đậu với phượng hoàng, kẻ tục lại sánh với tiên bao giờ? Xin ngài tâu với thái sư hộ.
Người ấy lại nói:
- Không phải thế. Nếu thái sư có quản kẻ sang người hèn, thời gian đã chả bảo tôi lại đây. Xin ngài cứ nhận trước vu quy rồi sau sẽ vinh quy, lại được là quý tế quan thái sư nhất triều, dư thần dư thế, chả hóa hay thêm ra ư?
Trạng nói:
- Được vậy thế thời cũng hay thực. Nhưng tôi nhất thiết tưởng, thái sư là họ Dương tôi cũng họ Dương. Ngài dạy như thế chúng tôi sợ tai mắt thiên hạ quan chiêm, tránh làm sao khỏi người ta chê cười phỉ nhổ được. Vả, tôi cũng đã có nơi ước nguyện từ lúc tấm cám, có đâu dám phụ tình. Đa tạ thái sư, quyết không dám nhận.
Người mối thấy Trạng khăng khăng một mực như vậy, về tâu với thái sư, thái sư cười, nói rằng: “A! Thằng này dám vô lễ với ta”! Từ đó thái sư đêm ngày chỉ tìm kế hại Trạng.
Nói về khi Trạng vinh quy, quân gia, xe ngựa đi đến trang trại Bùi tướng công. Tướng công được tin mừng lắm, cùng với con gái là Bùi Phấn Khanh ra nghênh tiếp Trạng vào trang nghỉ ngơi, truyền mở tiệc hoa đón tiếp rể hiền. Trạng vào trang, cầm tay Phấn Khanh cười mà bảo rằng:
Người đời thường nói: “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Có làm nên được như thế này, rồi chăn loan gối phượng mới thích! Chứ say hoa đắm nguyệt chỉ quyến luyến về mặt tài sắc, còn ai gọi là người anh hùng.
Phấn Khanh cúi đầu cười nụ, sẽ ngâm rằng:
Tạc nhật sổ ngôi tương biệt xứ
Tiền trinh vạn lý dĩ tiên chi
(ý là lúc đưa chàng đi, tôi cũng đã biết trước ắt được như thế).
Bùi tướng công muốn lưu Trạng nghỉ ở trang rồi làm lễ cưới, để Phấn Khanh cùng về bái tổ. Trạng xin về bái tổ đã, rồi chọn ngày hoàn hôn sau. Bùi tướng công y lời. Ngày hôm ấy cũng cho Phấn Khanh cùng về vinh quy.
Trạng về đến nhà bái tổ xong, đem Phấn Khanh lạy mẹ xin làm lễ hoàn hôn. Mẹ Trạng khi đó đã đầu bạc răng long, thấy con và dâu mừng lắm, nói với họ hàng rằng:
- Ừ, Chung Nhi từ bé đã có chí lớn. Không trách quả nhiên bây giờ làm được thực.
Bấy giờ, anh ruột và chị dâu cùng ngồi đó cả. Trạng cười bảo rằng:
- Nào, trước anh chị bảo em làm trạng rượu, trạng thịt. Bây giờ anh chị xem em có làm được Trạng không nào?
Họ hàng làng nước đều khen Trạng là người có chí.




Chống giặc ngoài
Trạng cùng nàng Phấn Khanh ở quê nhà vài tháng, rồi từ tạ mẹ và anh chị lai kinh. Khi qua trang trại Bùi tướng công, hai vợ chồng vào thăm. Chưa được một ngày thì nhận được chiếu chỉ vua sai đi dẹp giặc.
Trạng biết ngay cơ sự, thưa với nhạc phụ:
- Việc này do âm mưu của Thái sư họ Dương, bởi vì trước đây lão ép gả con gái cho tiểu tế không được, nay thấy sánh duyên cùng lệnh ái, nên để tâm thù. Nhân có giặc đương thả voi trận quấy rối miền biên cương vùng Thanh – Nghệ, lão muốn đẩy tiểu tế đến nơi nguy hiểm. Nhưng xin nhạc phụ chớ lo!
Hôm sau, Trạng cùng vợ lai kinh. Trước lúc lên đường, vua ban cho Trạng cờ biển và dặn rằng:
- Khanh đi kinh lược vùng Thanh – Nghệ, trẫm trao cho chức “Tiết chế quân vụ”. Trong hàng quân, kẻ nào trái lệnh, khanh được phép “tiền trảm hậu tấu”.
Trạng cho mời Trạng Cờ, Trạng Vật, Trạng Ăn đến bàn kế chống giặc. Xong đâu đấy, phong Trạng Vật làm tướng tiên phong. Trạng Cờ đốc thúc thủy bộ. Trạng Ăn coi việc vận chuyển và binh lương. Nàng Phấn Khanh cũng cương quyết lĩnh ấn, đeo gươm theo chồng đi dẹp giặc.
Tới Thanh – Nghệ, Trạng phân quân sĩ thành cơ đội, rồi đóng trại quanh núi. Thám tử về báo: “Giặc đóng tại Bố Chính, Quy Hóa trở vào, đông như kiến cỏ, thả voi phá hoại mùa màng, quấy nhiễu nhân dân, mà địa thế lại rất hiểm trở”.
Trạng Vật nói:
- Làm trai có chí lập công lớn thì dẫu nguy hiểm bao nhiêu cũng không quản. Ta quyết đem thừng xỏ mũi chúng lôi về!
Trạng mừng lắm, giao cho Trạng Vật ba nghìn quân đi tiên phong. Trận đầu, khi Trạng Vật vừa cho cắm trại, thì thình lình quân giặc kéo đến vây đông vô kể. Chúng dùng tên bắn như mưa và thả voi xông bừa vào. Trạng Vật cùng quân lính chống đỡ tới chiều vẫn không phá được vòng vây. May sao có Trạng Cờ và Trạng Ăn thúc quân tới kịp, cùng hiệp lực mới thu được quân về…
Trạng sai bốn đạo quân mở nhiều trận đánh lớn làm cho giặc thua to, từ đấy cứ lẩn lút trong rừng sâu. Nhưng hễ quân Trạng xông vào là chúng bắn tên ra như mưa.
Giặc thủ thế, ta khiêu chiến, chúng cũng không ra. Đến đêm, Trạng ngầm sai quân lính để nhựa thông vào những đống củi khô chất sẵn và cho quân mai phục. Quả nhiên đầu canh năm, giặc kéo ra cướp phá. Trạng Vật lập tức nổi hiệu phóng lửa tứ phía, rồi bắn tên vào như mưa. Voi ngựa xô nhau sa hố gần hết, còn binh tướng giặc bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết.
Sau đó, Trạng dẫn quân vào trận tiền, bắt sống được tướng giặc, đóng cũi giải về kinh đô.
Nhà vua nghe tin mừng lắm, ngự giá ra khỏi hoàng thành đón rước về triều, khao thưởng quân sĩ, ban phong chức tước. Khi đem tướng giặc ra tra hỏi, mới hay là chính viên thái sư đã ngầm tư thông với giặc, xui chúng đem quân xâm lược đất đai vùng Thanh – Nghệ, rồi tâu vua sai Trạng đi dẹp giặc, định nhờ tay giặc trừ khử Trạng, để báo thù việc Trạng không lấy con gái lão.
Vua đùng đùng nổi giận, ra lệnh đem tướng giặc ra chém trước cửa thành, rồi lập tức thiết triều, nghị xét Dương thái sư. Nhà vua giáng chỉ, bắt thái sư bỏ ngục, cách hết quan tước, tịch ký gia sản bao gồm rất nhiều ngà voi, sừng tê và vàng bạc châu báu của hai động đem tiến, không biết bao nhiêu mà kể.


 Nguồn cuoi.xitrum.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved