25. Tình nguyện viên hụt ở Pune
Để tìm việc, cơ hội thực tập
hay cơ hội tình nguyện, Ấn Độ có một trang web rất hiệu quả tên là LetMeKnow.
Qua trang web này, tôi tìm được một công việc tình nguyện ở Pune – thành phố
cách Mumbai khoảng mộ trăm kilomet. Ashutosh, một chính trị gia địa phương,
thành lập một tổ chức phi chính phủ với mục đích giúp giới trẻ Pune hiểu biết
hơn về những gì diễn ra xung quanh đồng thời củng cố tư duy phản biện. Công
việc của tôi là hàng ngày đọc tin cho học sinh cấp hai và đưa ra câu hỏi để các
bé tranh luận quanh chủ đề này. Ashutosh hết sức thích thú khi nhận được email
của tôi: “Ở đây học sinh ít khi nhìn thấy người nước ngoài. Chắc chắn chúng sẽ
rất hồ hởi khi được gặp em”.
Host
Couchsurfer của tôi ở Pune là Kranti Kanade.
Kranti
có một profile thú vị đến mức nếu không có việc gì ở Pune, tôi cũng sẽ vẫn đến
đây chỉ để gặp anh. Profile trên Couchsurfing giới thiệu anh là đạo diễn, về
Pune sống ẩn dật vì không thích cuộc sống phồn hoa ồn ào ở Mumbai. Profile cũng
nói rằng anh có một bộ sưu tập sách rất đồ sộ, và bất cứ ai ham đọc và muốn có
những cuộc đàm thoại sâu sắc đều được chào đón. Bệnh nghề nghiệp, tôi gõ tên
anh trên Google và hết sức bất ngờ khi thấy trang Wikipedia nói về anh. Anh đã
từng đoạt bảy giải làm phim cấp quốc gia ở Ấn Độ. “Mahek”, bộ phim anh làm được
lựa chọn đưa vào giáo trình giảng dạy của một trường đại học ở Mỹ. Đó quả thực
là thành tích đáng khâm phục với một nhà làm phim ở độ tuổi mới chỉ ba mươi như
anh.
Kranti
đến đón tôi ở bến xe bus. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Kranti là anh có vẻ rất
hiền, dịu dàng đến mức có vẻ gì đó nữ tính. Anh mặc vest rất chỉn chu, trong
túi lúc nào cũng có một chiếc khăn tay. Người lái xe của anh lúc Kranti không ở
đây đã thì thầm với tôi rằng tôi ở với Kranti là may đấy, vì “Kranti chu đáo
như một người mẹ vậy”.
Kranti
sống với mẹ trong một căn hộ hai tầng, một khu nhà xây dựng từ thời thuộc địa.
Căn hộ tuy nhỏ nhưng hết sức ấm cúng với phòng khách, phòng bếp, ban công rộng
lớn ở tầng một cùng ba phòng ngủ ở tầng hai. Kranti vốn yêu thích nghề thợ mộc,
đồ gỗ trong nhà như bàn ghế, giường tủ đều do anh tự tay làm. Có lẽ vì thế mà
căn hộ có cái gì đó rất “Kanade”. Thật khó mà hình dung anh sống ở một nơi nào
khác. Đúng như anh nói, anh có một tủ sách đủ lớn để làm một bức tường tràn
ngập sách. Cả bố và mẹ Kranti đều là tiến sĩ, nhưng bố anh đã qua đời từ mấy
năm trước. Đam mê điện ảnh của anh được khơi nguồn từ rạp chiếu bóng mà bố mẹ
anh sở hữu khi anh còn nhỏ. Khác với những gia đình trung lưu của Ấn Độ, gia
đình Kranti không thuê người giúp việc mà anh và mẹ tự nấu ăn. Lúc bấy giờ tôi
đã quen với việc nhìn thấy bộ sưu tập gia vị đồ sộ trong bếp của người Ấn Độ
rồi nên không còn choáng khi thấy cả trăm lọ to nhỏ đứng chặt kín trong bếp nhà
Kranti nữa. Sau này đi nhiều hơn tôi mới nhận ra rằng chỉ ở Việt Nam mình mới
sử dụng ít gia vị thế.
Tôi
gặp Ashutosh ở một cửa hàng. Ông thết tôi món gì tôi cũng không còn nhớ tên (Từ
giờ phải chăm chỉ ghi chép lại tất cả những gì mắt thấy tai nghe miệng nếm trên
đường mới được), nhưng đại loại là hai vòng tròn bánh rán nhúng trong súp làm
với nước cốt dừa, hương vị đậm chất Nam Ấn. Sau đó ông dẫn tôi đi một vòng
quanh các trường học mà tôi sẽ tình nguyện trong vài tuần tới. Ông đưa cho tôi
một tờ báo địa phương và bảo tôi chọn một tin. Tôi chọn bài viết lên án thói
quen khạc nhổ bừa bãi của người dân Ấn Độ và Nepal. Bài viết đúng ý tôi quá.
Tác giả đưa ra lý lẽ rằng khạc nhổ vừa bất lịch sự, vừa mất vệ sinh, lại là tác
nhân lan truyền các bệnh truyền nhiễm qua đường nước bọt như viêm phổi. Không đâu
mà người dân khạc nhổ ngoài đường nhiều như ở đất nước này. Người ta nhổ ở bất
cứ đâu, bất cứ lúc nào, bất kể khi đang làm gì: khạc nhổ khi đang đi bộ, khạc
nhổ qua cửa kính ô tô, khạc nhổ qua cửa xe bus, khạc nhổ qua cửa sổ. Cứ khoảng
mươi phút là người ta lại dừng lại, lấy hơi rồi nhổ mỗi bãi rất to. Đùa chứ,
trình độ khạc nhổ như thế chắc chắn phải là kết quả của một quá trình thực hành
lâu dài, chứ những người không quen khạc nhổ như tôi thì có cố đến mấy cũng
không bao giờ tổng hợp được nhiều nước bọt đến thế. Điều nguy hiểm là khách du
lịch đến đây không những không giúp người địa phương sửa được thói quen này mà
lại có xu hướng bị nhiễm nó. Asher, người bạn sau này tôi gặp ở Nepal, ít nhiều
bị nhiễm thói xấu này khi đang ở đây. Anh bao biện vì Ấn Độ và Nepal bụi quá,
không khạc nhổ không chịu được. Tom Thumb, anh chàng đi nhờ xe từ Anh đến Ấn
Độ, viết trong cuốn nhật ký, thói quen khạc nhổ anh học từ Ấn Độ gây cho anh
không ít phiền toái khi quay trở lại châu u. Bạn gái anh được một phen hốt hoảng
khi bắt gặp anh nhổ một bãi nước bọt rõ to ngay trong chậu rửa mặt. Ashutosh có
vẻ rất hài lòng với sự lựa chọn của tôi. Học sinh nơi đây cũng có vẻ quý tôi.
Ông hẹn sáng mai sẽ cho xe đến đón đưa tôi lên trường.
Nhưng
mà sáng hôm sau tôi chờ mãi chờ mãi không thấy ai đến. Gọi điện ông không nhấc
máy, nhắn tin ông không trả lời. Tôi lấy máy của bạn tôi gọi cho ông, ông nhấc
máy, nhưng vừa nghe thấy giọng tôi phát là: “Xin lỗi, tôi đang bận một chút”
rồi cúp máy. Tôi gọi điện lại thì không nhấc máy. Tôi cực kỳ ghét kiểu làm ăn
như thế. Trong công việc thay đổi kế hoạch là chuyện khó tránh khỏi, nhưng ít
nhất phải báo cho những người liên quan biết.
Bực
mình, tôi dành thời gian còn lại đi khám phá Pune trước khi quay trở về Mumbai.
Ngay lập tức, tôi hiểu tại sao Kranti lại chọn nơi đây để tìm lại cảm hứng sáng
tác. Là thành phố lớn thứ hai bang Maharashtra (chỉ nhỏ hơn bang Mumbai), Pune
được coi là thủ đô văn hóa của bang. Khác với thời tiết oi nồng ở Mumbai, Pune
có thời tiết vô cùng mát mẻ dễ chịu. Với gần hai ngàn năm lịch sử hào hùng,
Pune là quê hương của nhiều kiến trúc cổ kính xinh đẹp, hòa quyện một cách hoàn
hảo vào những rặng cây xanh bạt ngàn, vô tư lự với cuộc sống hiện đại diễn ra
xung quanh. Nếu chịu khó để ý, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy dấu vết rõ rệt của
những sự kiện phi thường diễn ra trong quá khứ. Đã từng đặt chân lên cả trăm
thành phố, đây là nơi duy nhất mà tôi từng thấy một nhà thờ được trưng dụng để
làm chợ: tượng thần Ganesh, Shiva được bày bán ngay cạnh những bức tường chạm
khắc hình thánh giá.
Được
mệnh danh là “Oxford của phương Đông”, Pune là nơi tập trung hàng trăm trường
đại học của cả nước. Nếu như ở Kolkata ai cũng là nhà văn, ở Mumbai ai cũng là
diễn viên, đạo diễn thì ở Pune ai cũng là sinh viên. Lực lượng sinh viên hùng
hậu nơi này tạo cho Pune một không khí náo nhiệt trẻ trung và một cuộc sống về
đêm hết sức sôi động. Buổi tối, tôi cùng CouchSurfer khác đến các quán bar
thưởng thức nhạc sống chơi bởi các ban nhạc sinh viên hết sức tài năng của
thành phố này. Ban ngày, tôi ở nhà lục bộ sưu tập sách của Kranti. Lúc bấy giờ
Kranti vẫn đang trong quá trình sửa kịch bản cho bộ phim anh sắp làm, “Against
itself”. Anh đưa kịch bản cho tôi đọc. Tài năng của Kranti quả thực không thể
phủ nhận. Chỉ là kịch bản thôi cũng đủ hấp dẫn để tôi đọc một lèo một ngày đến
hết. Sau này đổi tên thành “Gandhi of the month”, bộ phim hiện đang trong quá
trình sản xuất với dàn diễn viên chính bao gồm Harvey Keitel (diễn viên của
Taxi Driver, Pulp Fiction…) và Ayush Mahesh (diễn viên nhí trong phim Triệu phú
khu ổ chuột). Du lịch cho phép ta gặp gỡ những con người mà nếu như chỉ ở nhà,
có lẽ không bao giờ ta có cơ hội tiếp cận.
26. Ở lại Mumbai, săn nhà săn việc
Tôi
không biết tôi yêu Mumbai trước hay yêu Veera trước. Nhưng tôi biết mình thuộc
về nơi này trong buổi tối Veera đưa tôi đi dạo quanh vịnh Marine Drive. Hàng
trăm ánh đèn e ấp nối đuôi nhau tạo thành một đường cong duyên dáng quanh vịnh,
rực rỡ như chiếc vòng cổ xinh đẹp của một vị nữ hoàng. Vì biển trời mênh mông
và vì chàng trai đứng cạnh, tôi quyết định ở lại Mumbai. Ha, nói thế cho lãng
mạn thôi chứ lý do thực sự là tôi hết tiền, phải ở đây kiếm việc gì làm một vài
tháng mới có tiền mà đi tiếp được.
Việc
quan trọng nhất bây giờ là tìm nhà. CouchSurfing có thể ở vài ngày đến một
tuần, chứ ở cả tháng trời thì khó lắm. Các thành phố lớn của Ấn Độ được cái
Internet rất phát triển, cái gì cũng có thể tìm online được. Có khá nhiều trang
web chuyên đăng tin mua bán và cho thuê nhà. Tôi tìm được khoảng hai mươi địa
chỉ cho thuê phòng với giá trong khoảng 5000 – 10000R (khoảng 2 – 4 triệu) một
tháng. Tuy nhiên, hầu hết các chỗ đó hoặc là đắt quá, hoặc là xa bến tàu quá,
hoặc là những người ở cùng nhà có vẻ thích sàm sỡ quá. Phần nhiều trong số đó
là PG, viết tắt của Paying Guest, kiểu ở trọ cùng với chủ nhà, tức là người trọ
chỉ có một chiếc giường kê ngoài phòng khách. Ở kiểu đó rẻ nhất, lại không phải
đặt cọc nên khá nhiều sinh viên chấp nhận. Tôi muốn có sự riêng tư cá nhân nên
tìm phòng riêng. Tuy nhiên, phòng riêng đồng nghĩa với việc phải đặt cọc trước
cả năm. Tôi thì lại không có nhiều tiền đến vậy. Đi lại xem phòng mãi, cuối
cùng tôi cũng ưng ý một căn phòng ở Santa Cruz East. Đây là một căn hộ hai
phòng ngủ, một phòng bếp trong một khu chung cư tuy có vẻ cũ kỹ nhưng khá an
toàn. Căn hộ này có vị trí đi lại hết sức thuận tiện bởi nó nằm ngay phía sau
bến tàu Santa Cruz. Hiện tại có hai cậu sinh viên đang ở đấy. Họ đang ở một
phòng, cho thuê phòng còn lại với giá 5000R. Yêu cầu đặt cọc chỉ là một tháng,
tôi có thể xoay xở được.
Sáng
hôm sau, tôi dậy sớm tha lôi tất cả đồ đạc của mình đến đây hy vọng có thể
chuyển vào trước khi những người bạn ở cùng tương lai đi làm mất. Họ hẹn tôi
chín giờ. Đúng chín giờ sáng, tôi bấm chuông cửa thì thấy một anh chàng ngái
ngủ ra mở cửa. Tôi bước vào căn phòng của mình thấy chiếc bàn học để đầy sách
vở của mấy anh chàng này vãn còn ở đấy, trên giường là vài chiếc quần xà-lỏn
con trai. Tôi ngạc nhiên hỏi:
“Ủa,
anh bảo chiếc bàn này là bàn học của các anh mà?”.
“Ừ”.
“Sao anh không chuyển đi?”.
“Không, không chuyển được. Giờ
đang là mùa thi bọn anh phải học đêm nhiều”.
“Nhưng đây là phòng em. Chuyển
bàn về phòng của anh đi”.
“Không vừa”.
“Thế thì chuyển vào bếp”. (Căn
hộ này có một phòng bếp rất rộng)
“Ai lại học trong bếp?”. Anh
chàng này cuối cùng cũng tỉnh ngủ, dụi mắt nhìn tôi ngơ ngác như thể tôi vừa
nói điều gì đó ngớ ngẩn vậy.
“Thế ai đời con trai lại cứ
nửa đêm vào phòng con gái ngồi HỌC?”.
Cãi nhau một hồi, anh ta bắt
đầu giải thích là họ không muốn cho thuê phòng này hoàn toàn, mà vẫn muốn sử
dụng phòng này. Anh ta còn đưa ra yêu cầu, nếu tôi ở đây thì cuối tuần khi họ
đi chơi cùng bạn gái về khuya, tôi phải cho cô ta ngủ chung giường với tôi. Tôi
cố gắng nuốt trôi cục tức: “Xin lỗi, tôi không thể ở đây được” rồi tức giận bỏ
đi.
Trời lúc đấy mưa như trút
nước. Tôi mang theo ba lô nặng trĩu trên vai không biết đi đâu về đâu. Arfi đã
về quê thăm gia đình ở Punjab . Veera đang ở
dưới tàu ngầm. Đứng trú mưa trong một cửa hàng ven đường, tôi lấy điện thoại
ra, đăng một status kể khổ trên Facebook.
Bỗng tôi nhận được điện thoại
của Swapnil. Anh đọc được status trên Facebook và hết sức lo ngại cho tôi. Anh
hỏi tôi đang ở đâu, tôi trả lời “gần bến tàu Santa Cruz ”. Anh bảo tôi vào một cửa hàng ở
gần đó ngồi gọi cái gì đó ăn sáng, mười lăm phút sau anh có mặt.
Lúc nhìn thấy Swapnil, tôi cảm
giác như mình vừa thấy thiên thần bước ra từ trong truyện cổ tích. “Đừng lo. Về
nhà anh nghỉ tạm đã. Chỗ anh có Internet, anh sẽ tìm cho em một chỗ ở”. Thế là
tôi theo anh về căn hộ của anh ở Kandivali West. Lúc lên mạng ở nhà anh, tôi
phát hiện trang chủ Twitter của tôi tràn ngập tin với nội dung đại loại như:
“@chipro đang tìm nhà ở Mumbai. Phòng riêng, gần bến tàu, giá dưới
10.000R/tháng, đặt cọc tối thiểu. Ai biết liên hệ 09xxxxxxxx”. Hóa ra Swapnil
đưa thông tin này lên Twitter, và có tới ít nhất ba chục người sử dụng Twitter
ở Mumbai đăng lại tin này.
Swapnil cùng một số Blogger
khác bắt đầu chiến dịch săn tìm nhà cho tôi. Anh tìm trên mạng, đọc trên báo,
nhờ người quen giới thiệu. Có địa chỉ nào anh cũng tự mình đến xem trước xem có
ổn không rồi mới dẫn tôi đến xem. Trong thời gian đấy, tôi ở tạm nhà của một vũ
công người Đức tên là Julia. Julia là bạn thân của một CouchSurfer tôi quen.
Hai tuổi, Julia bắt đầu học nhảy, luyện thanh từ khi mơi sáu tuổi. Sau một sự
nghiệp thăng trầm ở châu u, chị sang Ấn Độ tìm vận may ở Bollywood. Tuy nhiên
sau nửa năm ở đây vận may của chị mới chỉ dừng lại ở những vai diễn quần chúng
với một vài show biểu diễn. Chị ở căn hộ một phòng ngủ ở ngay cạnh bến xe bus.
Tuy nhiên, khu chị ở khá phức tạp, không có cổng hay bảo vệ gì. Một buổi tối
khi đi về, tôi gặp một đám thanh niên đứng ngay tại bậc cầu thang hút thuốc gì
tôi cũng không biết. Phải tự trấn an một lúc tôi mới dám đi qua.
Sau khoảng một tuần, cuối cùng
tôi cũng tìm được một căn phòng ở Palms Hotel, Goregaon East, ngay cạnh Film City .
Khu này từng được xây làm khách sạn nên rất đẹp, nhà khách rộng, phòng bếp hiện
đại, mỗi phòng ngủ lại có nhà vệ sinh riêng. Vấn đề duy nhất là nó nằm sâu tít,
xung quanh đồng không mông quạnh, cách đường chính khoảng ba kilomet. Có lẽ vì
thế mà giá phòng rất rẻ. Tuy tôi tìm được căn phòng này thông qua một tin đăng
trên CouchSurfing chứ không phải qua Swapnil, sự giúp đỡ mà Swapnil dành cho
tôi khiến tôi vô cùng cảm kích. Chúng tôi trở thành bạn thân thiết từ khi đấy.
Tìm được nhà rồi, việc quan
trọng tiếp theo là tìm việc. Ấn Độ không chỉ là miền đất hứa cho những tài năng
điện ảnh, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những người đam mê công nghệ thông tin.
Nếu muốn xem những ứng dụng web có ích cho cuộc sống hàng ngày nhất, bạn không
cần đến châu u hay Mỹ, hãy đến Ấn Độ. Ngay từ khi còn tham gia những hội thảo
công nghệ ở Đông Nam Á, tôi đã nghe rất nhiều về sự sáng tạo và thực tế của
cộng đồng công nghệ thông tin nơi đây. Họ có dịch vụ bán vé xe bus, bán vé tàu
online; dịch vụ web cho phép bạn gửi tin nhắn đến các số điện thoại trong Ấn Độ
hoàn toàn miễn phí; những chiến dịch làm social media(*) quy mô và hiệu quả.
Tôi được hai chỗ nhận vào làm, một với vị trí quản lý dự án cho một dịch vụ
web, một với vị trí tư vấn social media. Vấn đề là những công ty mới khởi
nghiệp này không đủ khả năng, cả về mặt tài chính lẫn pháp lý, để xin giấy phép
cho tôi làm việc ở đây. Họ cũng không muốn chịu rủi ro thu nhận một nhân viên
bất hợp pháp.
(*) Social media (Truyền thông
xã hội) dùng những trang mạng xã hội tạo, đọc và chia sẻ cũng như nhận phản hồi
của người khác về vấn đề mà người sử dụng quan tâm.
Nơi mà không ai đoái hoài gì
đến giấy phép như nhà hàng, quán bar thì trả lương rất thấp. Trên dưới 10.000R
thì không đủ cho tôi sống ở đay nói gì đến tiết kiệm tiền để đi tiếp. Mọi người
khuyên tôi thử vận may với Call
Center (trung tâm điện
thoại). Rất nhiều thanh niên Ấn Độ lựa chọn công việc này vì lương cao (khoảng
$700/tháng), yêu cầu thấp bởi chỉ cần nói tiếng Anh thành thạo là được. Hai trong
số ba người bạn ở cùng nhà với tôi làm ở Call Center .
Bạn thân của Swapnil là Gari cũng có một công việc tương tự. Họ nói rằng các
công ty đều lớn nên rất có thể họ sẽ xin work permit (giấy phép lao động) cho
tôi. Tuy hiên công việc này là một công việc vô cùng căng thẳng. Thử tưởng
tượng tám tiếng liền bạn chỉ trả lời điện thoại thắc mắc của khách hàng. Trong
khi người gọi toàn là những người đang gặp rắc rối với sản phẩm của mình, họ
cáu, họ gắt, họ quát tháo và mình thì vẫn phải tươi cười trả lời. Vì Call
Center làm việc với khách hàng ở châu lục khác nên giờ làm việc ở đây rất quái
khiến cho những người làm việc ăn ngủ hết sức thất thường. Biết sức mình không
chịu nổi nhiệt, tôi không đi theo con đường này. Một buổi chiều khi đang than
vãn ở nhà Swapnil, bất chợt anh chàng à lên một tiếng như vừa nghĩ ra cái gì
đấy:
“Này Chip, em có viết list
post không? Nếu có thì để anh hỏi bên Walyou (trang web Israel mà anh
đang cộng tác) cho em”.
“List post là gì?”.
“Đại loại là những bài viết
liệt kê những thứ hot nhất, đỉnh nhất, ví dụ như 20 ván trượt hiện đại nhất, 15
mẫu thiết kế tủ lạnh của tương lai, 20 mẫu costume Star Wars kỳ quái nhất. Chủ
đề chủ yếu là công nghệ, game, khoa học viễn tưởng. Em cũng thích mấy cái đấy
mà”.
“Ừ, nhưng ai cho em cái danh
sách ấy để viết?”.
“Tìm trên mạng. Yên tâm dễ
lắm, đọc tài liệu hướng dẫn là làm được”.
Thế là Swapnil gửi email cho
Eran, người sáng lập đồng thời là biên tập viên của Walyou. Không biết anh
chàng ba hoa gì về khả năng viết lách của tôi mà Eran đồng ý. Công việc khá đơn
giản, Eran sẽ gửi chủ đề cho tôi, tôi tìm leads (danh sách những thứ nằm trong
danh mục), gửi cho Eran để phê duyệt. Eran sẽ gửi lại cho tôi list cuối cùng và
tôi viết giải thích cho list ấy. Mỗi bài viết tôi mất khoảng ba tiếng để hoàn
thành, 700 – 1.000 chữ, Walyou trả $10 cho một list post. Ở Israel thì chắc
là bóc lột sức lao động, nhưng so với mức thu nhập ở Ấn Độ thì cũng không tệ tí
nào.
27. Krishna Janmashtami
Veera được lên đất liền và rủ
tôi đi xem Krishna Janmashtami. Đây là một lễ hội Hindu tổ chức để kỷ niệm ngày
sinh của thần Krishna , tổ chức hàng năm theo
lịch của đạo Hindu.
Năm 2010, Janmashtami rơi vào thứ Năm, ngày 2/9 (đúng ngày quốc khánh ViệtNam ).
Số tôi may bởi tôi ở đúng bang mà Janmashtami được đón nhận nồng nhiệt nhất: bang
Maharashtra . Tại đây lễ hội này được biết đến
như Dahi Handi có nghĩa là “Lọ đựng Curd”, một nét đặc trưng của lễ hội ở bang
này. Cái tôi thích nhất ở đạo Hindu là các vị thần của đạo này rất “Con người”
với tính cách không khác gì người phàm trần. Ví dụ, thần Krishna
hồi nhỏ là một cậu bé rất nghịch ngợm. Cậu thích ăn Curd nên luôn tìm cách ăn
vụng Curd của mẹ. Thế là mẹ cậu phải treo nồi Curd lên cao ngoài tầm tay với
của cậu. Nhưng cậu bé Krishna không chỉ tham
ăn mà còn rất thông minh. Cậu thuyết phục đám bạn xếp thành một kim tự tháp
hình người, người này đứng trên vai người kia, đủ cao để cậu có thể với tay đến
lọ đựng Curd quý báu. Tục lệ Handi được mô phỏng theo truyền thuyết này.
Năm 2010, Janmashtami rơi vào thứ Năm, ngày 2/9 (đúng ngày quốc khánh Việt
Trước ngày lễ, Handi đựng đầy
Curd sẽ được treo lên cao. Các nhóm thanh niên sẽ phải tạo thành kim tự tháp
người, và người trên cao nhất sẽ sử dụng một vật cứng để đập vỡ Handi. Các nhóm
thanh niên này được gọi là Govinda Pathaks. Dĩ nhiên, những nhóm thành công sẽ
nhận được giải thưởng là tiền mặt và quà tặng. Khắp thành phố Mumbai trong ngày
lễ sẽ có khoảng bốn ngàn Handi được treo và khoảng hai ngàn nhóm Govinda
Pathaks cạnh tranh để giành phần thưởng. Veera cho rằng xem những kim tự tháp
người xây và đổ này sẽ là một trải nghiệm “Không thể nào quên”. Anh nói cụm từ
“Không thể nào quên” với giọng kéo dài đầy châm biếm nên tôi không biết đây là
điều tốt hay xấu nữa.
Lúc ấy tôi vẫn đang ở nhà
Julia. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi quyết định mặc cái gì đó “Ấn Độ” một chút
nên Julia cho tôi mượn một bộ shalwar kameez màu hồng, còn chị mặc một bộ màu
xanh. Shalwar kameez khá giống bộ áo dài ở mình, khác cái là phần áo chỉ dài
đến gần gối. Để hoàn chỉnh dự án Ấn Độ hóa, chúng tôi còn đeo khăn cùng màu và
gắn hạt binti cùng màu lên trán. Bao nhiêu công sức là thế vậy mà khi gặp Veera
bò lăn ra cười rồi phán một câu xanh rờn là nhìn chúng tôi không khác gì khách
du lịch nước ngoài điển hình.
Vì chúng tôi muốn đến nơi đông
vui nhất, Veera dẫn chúng tôi đến một khu phố cổ ở Bandra East. Khu phố cổ này
có nét gì đó khá giống phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà gỗ hai tầng, những con
hẻm nhỏ, những hàng hiên hẹp được che phủ bởi những mái nhà cong cong. Đến nơi
rồi chúng tôi ngay lập tức nhận ra sai lầm của mình. Theo tiêu chuẩn Ấn Độ,
“Vắng vẻ” thì có nghĩa là “Đông”, còn “Đông” có nghĩa là “Không thở được”.
Đường phố tràn ngập người. Vì chiều cao khiêm tốn, tôi không thể nào nhìn quá
gáy của hàng trăm người đàn ông trước mặt. Chen lấn mãi chúng tôi mới leo lên
được một mái hiên nơi có tầm nhìn tốt hơn và mật độ người thấp hơn.
“Này, hiên này là của nhà
riêng mà, mình được phép lên không?”.
Veera
nhún vai: “Quan trọng gì”.
Mỗi
góc phố đều có một Handi. Từ vị trí chiến lược này, chúng tôi có thể nhìn thấy
ba Handi ở ba góc khác nhau. Handi ở gần tôi nhất, theo ước lượng của chúng
tôi, phải cao đến mười ba mét. Bên dưới Handi đấy là cả trăm nam thanh nữ tú
mặc đồng phục màu đỏ. “Đây là một nhóm Govinda. Họ chuẩn bị xây kim tự tháp
người đấy”, Veera giải thích. “Handi này cao nên cần nhiều người”. Ban đầu, tất
cả đứng sát vào nhau tạo thành một vòng tròn đặc kín người. Sau đó người này
leo lên vai người kia, chuyên nghiệp không khác gì diễn viên nhào lộn. “Trước
Dahi Handi các nhóm này phải tập luyện rất cẩn thận”. Sau bảy tầng người, kim
tự tháp chỉ còn cách Handi khoảng hai mét. Đứa gà như tôi cũng có thể biết đây
là thời điểm căng thẳng nhất bởi tiếng hò hét của mọi người xung quanh bỗng
dưng lắng xuống. Tất cả nín thở theo dõi một cậu bé cao gầy nhanh nhẹn leo lên
trên tầng cao nhất của kim tự tháp. Người phá Handi luôn là trẻ con bởi người lớn
quá nặng cho vị trí này. Đứng trên vai hai người đàn ông trên cùng, cậu với tay
cố gắng đập vỡ lọ, nhưng sau vài lần ngả nghiêng, cậu mất thăng bằng ngã xuống.
Toàn bộ kim tự tháp cũng theo đó mà sụp đổ. Hàng trăm cánh tay ở dưới giơ lên
cố gắng đỡ được ai thì đỡ. Trong cảnh tượng vô cùng hỗn loạn bên dưới, tôi dễ
dàng nhận thấy một cô gái Govinda bị gẫy tay nằm nhăn nhó, người xung quanh thi
nhau vẩy nước và phẩy tay quạt với hy vọng ít nhất cô bé có đủ không khí để thở
trong lúc chờ xe chở tới bệnh viện. Tội nghiệp cô bé, giờ để chen ra khỏi đám
đông cũng không phải chuyện đơn giản.
Nghỉ
ngơi khoảng vài phút, toàn bộ quá trình được lặp lại từ đầu trong sự kinh ngạc
của cả tôi và Julia. Veera, như những người Ấn Độ khác đã quá quen với cảnh
này, hồn nhiên: “Dĩ nhiên họ sẽ tiếp tục, mới ngã một lần thì ai đã bỏ cuộc”.
Lần này họ lại bị ngã. Nhưng đúng với tinh thần Govinda, họ đứng dậy tiếp tục
chinh phục đỉnh Handi danh vọng. Đến lần thứ tư, cuối cùng họ cũng thành công.
Lúc Curd từ Handi nhỏ tong tong xuống cũng là lúc cả con phố như nổ tung với
tiếng reo hò. Không chỉ Govinda mà tất cả mọi người xung quanh cùng reo hò nhảy
múa. Cậu bé vừa đập vỡ Handi trở thành anh hùng, được mọi người công kênh chạy
khắp phố. Nước té tung tóe làm tôi liên tưởng đến lễ hội té nước ở Lào và Thái
Lan. Không ai biết đây có phải là một phần của nghi lễ không hay chỉ vì trời
nóng quá nên mọi người phát cuồng.
Chúng
tôi xuống đường tính đi tìm một Handi khác cao hơn để xem. Trời nắng chang
chang, ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Người ta hay nói người Ấn Độ có mùi đặc trưng do
đồ ăn của họ sử dụng nhiều gia vị cay nóng và chen lấn trong dòng người nhớp
nháp mồ hôi này tôi mới thấm thía “đặc trưng” nghĩa là thế nào. Không chỉ thế,
tôi còn có cảm giác như hàng trăm cánh tay từ đủ mọi phương hướng cố gắng sờ
soạng khắp người mình. Julia da trắng tóc vàng nên còn chịu nhiều tổn thất hơn.
Veera đơn thương độc mã phải cố gắng lắm mới đưa được chúng tôi thoát khỏi đám
đông một cách trọn vẹn. Đứng trong bóng râm để lấy lại hơi, Veera lên tiếng hỏi:
“Em
biết cái gì rẻ nhất trong khu Hải quân không?”.
“Con
trai?”.
“Không”.
Veera phá lên cười “Bia”.
“Thật
á?”.
“Ừ,
phải có bia thì lính nơi đây mới chấp nhận được thực tại”. Veera vui vẻ nói “Ở
trại lính đồ uống có cồn không phải chịu thuế”.
Nghe
thấy bia là mắt Julia sáng rực lên. Chúng tôi bắt tàu đi ngược lên Colaba.
Julia tóc vàng không lẻn vào được trại Hải quân nên tôi cùng cô đứng ngoài đợi.
Veera hớn hở quay trở ra với chục lon bia giấu trong ba lô của mình. Sau đó
chúng tôi bắt tàu đi xuống Bandra. Bình thường uống rượu bia ngoài bãi biển là
bất hợp pháp, nhưng Veera biết một chỗ ngay dưới gầm cầu Sea Link có thể ngồi
uống mà không bị ai bắt gặp. Đúng như tên gọi của nó gợi ý, Sea Link là cây cầu
bắc qua biển nối liền hai phần của Mumbai là Bandra và Worli. Dài năm, sáu
kilomet, Sea Link là niềm tự hào của kiến trúc nơi đây. Sea Link đẹp nhất là
vào buổi tối khi hệ thống ánh sáng đắt tiền của nó phát huy công suất tối đa.
Lúc đấy, cây cầu giống như một sợi dây ánh sáng vắt qua mặt biển đầy sao.
Bãi
biển bí mật thông với thế giới bên ngoài bởi một đường hầm phủ đầy Graffiti.
Chúng tôi chọn cho mình ba chỗ ngồi trên bãi đá đã bị sóng đánh mòn. Sea Link
kẻ một đường cong phân cách bầu trời và mặt nước.
“Sao
anh biết uống bia ngoài biển là bất hợp pháp?”.
“Tụi
anh từng bị bắt một lần rồi”.
Có
một điều tôi không thể hiểu về Veera và có lẽ chính anh cũng không hiểu:
“Làm
thế nào mà người ham vui, nổi loạn, sẵn sàng phá bỏ bất cứ luật lệ nào như anh
lại có thể sống sót trong quân đội?”.
“Lương
cao, đãi ngộ tốt”. Anh trả lời.
“Vớ
vẩn. Đừng có lấy cái đấy ra bịp em”.
“Ha
ha, em hỏi câu khó quá. Bản thân anh suốt bảy năm vừa qua cũng tự hỏi mình câu
hệt như vậy mà đến giờ vẫn chưa tìm được câu trả lời thích đáng”.
“Anh
tham gia hải quân từ năm mười bảy tuổi. Hồi ấy cũng chẳng có gì là lạ khi một
thằng con trai sinh ra trong môi trường Hải quân, lớn lên trong môi trường Hải
quân, có gia đình làm Hải quân quyết định theo nghề nghiệp cha cả. Khi kí hợp
đồng hai mươi năm, anh đâu ý thức được rằng mình đang bán đi một phần đáng kể
của cuộc đời mình. Lúc đấy anh đâu có suy nghĩ được như em để biết mình muốn
gì. Khi biết mình muốn gì, anh đã bị kẹt với cái nghề này rồi”.
“Bây giờ đâm lao thì phải theo
lao. Đằng nào anh cũng lăn vào cái nghề này rồi, anh sẽ đẩy mọi thứ đến giới
hạn tối đa, ăn Hải quân, ngủ Hải quân, chơi Hải quân xem cuộc sống sẽ đi đến
đâu”. “Nếu hiếp dâm là điều không thể tránh khỏi, thì tốt hơn là nên chiều theo
và tận hưởng nó như người ta khuyên?”.
Anh phá lên cười.
28. Bữa tiệc sinh nhật bất ngờ
Tôi chuyển đến nhà ở mới được
một tuần thì sinh nhật tôi, chủ nhật ngày 19/9. Không có nhiều bạn ở Mumbai,
cũng chẳng có tiền mà tiệc tùng, tôi quyết định sẽ lẳng lặng đón sinh nhật một
mình. Sáng thứ bảy, Guru gọi điện cho tôi hẹn gặp ăn trưa. Guru là bạn của
Preetam, người bạn gốc Ấn của tôi ở Singapore . Khi biết tôi đang ở
Mumbai, Preetam giới thiệu anh cho tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một nhà hàng
Trung Quốc khá nổi tiếng gần nhà tôi. Guru biết tôi thèm ăn đồ Việt Nam nhưng vì ở
Mumbai không có nhà hàng Việt nào nên dẫn tôi đến đây ăn bù. Công việc Guru làm
có lẽ là công việc mơ ước của nhiều người. Anh là kỹ sư tàu thủy. Cứ bốn tháng
trên tàu là anh lại có bốn tháng nghỉ ăn lương. Tàu anh làm là tàu chở hàng di
chuyển giữa Ấn Độ và châu u. Khi làm việc trên tàu, anh có cơ hội đến thăm
nhiều nước châu u. Khi không phải làm việc, anh muốn đi đâu thì đi. Ăn xong,
tôi rủ Guru đi mua sách.
“Em có thói quen cứ sinh nhật
thì mua tặng mình một quyển sách hay”. Tôi hồn nhiên kể với Guru. Tôi mua cho
mình cuốn Five point someone của Chetan Bhagat. Cuốn sách này mới được chuyển
thành bộ phim 3 Idiots được đạo diễn bởi ngôi sao Aamir đang làm mưa làm gió ở
Bollywood, ai cũng nói về bộ phim này nên tôi muốn đọc thử xem sao.
Lúc đưa tôi về, bất chợt Guru
ddauw tôi một quyển sách gói rất đẹp: Maximum
City : Bombay Lost and Found của Suketu Mehta. Anh
xin lỗi rằng anh không biết hôm đấy là sinh nhật tôi nên anh không chuẩn bị
trước được. Tôi cảm ơn anh những cứ áy náy sợ anh có khi nghĩ là tôi nhắc khéo.
Tối về, bước chân vào nhà, tôi
thấy ba anh chàng cùng nhà ăn diện hết sức bảnh bao. Allen giục tôi thay đồ
nhanh nhanh cả nhà đi Blue Frog. Blue Frog là một trong những câu lạc bộ đêm
lớn và sang trọng nhất Mumbai. Tôi nhăn nhó:
“Blue Frog vé vào cửa đắt
lắm”.
“Ash nhờ bạn cho mình vào danh
sách khách mời nên không phải trả tiền. À, mà nhớ mặc đẹp vào đấy”.
Tôi tủi thân vì không ai nhắc
gì đến sinh nhật. Cả ba người đều là bạn tôi trên Facebook mà không ai thấy
thông báo của Facebook à? Tôi mặc lên người chiếc váy duy nhất mà mình có. Đi
dép cao gót vào, buộc tóc gọn gàng lại, đeo đồ trang sức lên, tôi soi gương rồi
tặc lưỡi: “Nhìn mình cũng dễ thương đấy nhỉ?”. Allen và Titus thì cứ trêu tôi
cả buổi tối rằng tôi mặc váy vào nhìn cũng giống con gái. Ash thì liên tục giả
vờ trẹo chân như thể anh đang đi dép cao gót vậy.
Đợi chúng tôi ở Blue Frog là
ba người bạn khác của Allen: hai người con gái mà tôi quên mất tên rồi và một
anh chàng tên là Ken. Ken cao ráo, da trắng, mắt nâu, tóc nâu, có vẻ gì mơ màng
giống Neo ở trong phim Ma trận vậy.
“Ken đẹp trai không?”. Allen
thì thầm vào tai tôi sau khi giới thiệu tôi với mọi người.
Tôi nhún vai:
“Nhìn cũng được”.
“Ken
là diễn viên đấy”.
“Ở
Bollywood thì ai mà chả là diễn viên”, tôi nghĩ thầm trong bụng. Julia cũng là
diễn viên. Nhiều người có được một vài vai quần chúng cũng tự gọi mình là diễn
viên.
Hôm
đó là cuối tuần nên Blue Frog rất đông. Sàn nhảy chặt cứng người. Không hiểu vô
tình hay cố ý mà chỗ xung quanh bàn của chúng tôi đặc biệt đông hơn hẳn. Thỉnh
thoảng lại có người đến chụp ảnh chúng tôi, bảo vệ phải đến ngăn không cho họ
lại gần. Nitesh lúc đấy cũng đang có mặt ở Blue Frog bởi anh được vũ trường
thuê để chụp ảnh. Anh chạy đến chào hỏi chúng tôi rồi lại phải tiếp tục đi làm
nhiệm vụ. Đúng mười hai giờ, tự nhiên DJ chuyển sang chơi bài Happy Birthday.
Một anh chàng phục vụ bàn bưng chiếc bánh sinh nhật cắm nến lung linh đến bàn
chúng tôi. Allen cười hỉ hả khi thấy bộ mặt ngơ ngác ra vì ngạc nhiên của tôi:
“Em
tưởng tụi này không biết sinh nhật của em hả? Nhìn mặt em tiu nghỉu lúc tối
buồn cười lắm, nhưng không ai nói vì muốn em bất ngờ”.
Cả
vũ trường, hàng trăm người, quay về phía chúng tôi hát mừng sinh nhật. Chưa bao
giờ tôi được nhiều người chúc mừng sinh nhật đến thế. Từ hồi học cấp ba tôi đã
sống xa nhà nên chẳng được bố mẹ tổ chức sinh nhật cho. Tôi đứng ngây ra, xúc
động đến suýt phát khóc. Mọi người ôm tôi chúc mừng sinh nhật. Ken hôn nhẹ lên
cổ tôi. Tôi đỏ bừng mặt. Sau đó, Ash đưa chúng tôi đến một nhà hàng rất đẹp để
tôi có một bữa tối sinh nhật tử tế. Julia đến tham gia cùng chúng tôi. Lần ấy
là sinh nhật vui nhất từ trước đến giờ của tôi.
Mấy
hôm sau, Allen đang nói chuyện với bạn trên điện thoại thì chạy đến đưa điện
thoại cho tôi:
“Ken
muốn nói chuyện với em”.
Ken
cho tôi hay cuối tuần này anh có buổi biểu diễn ở Hard Rock Café, anh mời tôi
đến xem. Anh hỏi số của tôi, nhưng tôi không nhớ số của mình. Tôi bảo anh rằng
nếu tôi đi được sẽ lấy số của anh từ Allen để báo cho anh biết. Nói vậy rồi
cuối tuần tôi đi chơi với Swapnil và đám bạn nên cũng quên bẵng đi mất. Khoảng
hai tuần sau, tôi gặp lại Nitesh. Anh hỏi:
“Sao em lại quen Ken?”.
“Ken nào cơ?”.
“Ken mà em đi cùng đến Blue
Frog hôm sinh nhật em ấy”.
“À,
Ken là bạn của Allen. Anh cũng biết Ken à ?”.
“Ken thì ai mà không biết”.
Lúc bấy giờ Nitesh mới giải
thích cho tôi rằng Ken là một diễn viên, ca sĩ nhạc rock rất nổi tiếng ở Ấn Độ.
Tôi về nhà tìm đọc về anh trên Wikipedia thì đúng là anh nổi tiếng thật. Biết
rằng anh nổi tiếng, tự nhiên tôi quan tâm đến anh hẳn lên. Suýt nữa tôi còn hỏi
Allen số của anh để liên lạc. Nhưng rồi tự nhiên tôi ngồi cười một mình. Tại
sao vấn đề anh nổi tiếng hay không lại ảnh hưởng đến cách cư xử của tôi như
thế? Ôi buồn thế, hóa ra mình cũng nông cạn như ai!!!
29. Những người bạn cùng nhà
Khi viết Blog về sinh nhật
ngày hôm đó, tôi có kết thúc bằng một phút dành cho quảng cáo thế này: “Mình có
ba anh bạn cùng nhà (nếu nhìn kĩ thì cũng) đẹp trai, được giáo dục tốt (đặc
biệt sau khi ở với tôi), công việc ổn định (không bao giờ sợ mất việc vì chẳng
ai thèm công việc của họ). Vì một số lý do ai cũng biết những không tiện nói ra
ở đây, họ đều chưa có bạn gái. Vậy nên, đàn bà con gái trong lứa tuổi 18-28,
xinh xắn, độc thân, tuyệt vọng và muốn có bạn trai, làm ơn liên hệ với mình
ngay nhé. Mình rất mong muốn được tống khứ mấy anh chàng này đi”.
Ba anh chàng cùng nhà này là
Ashwin (mà chúng tôi hay gọi là Ash), Allen và Titus. Khi tôi đến xem nhà, theo
kế hoạch thì sau khi Ashwin chuyển về Bangalore
tháng tới tôi sẽ chuyển vào phòng anh. Nhưng vì tôi đang cần nhà gấp, Allen và
Titus chuyển vào ở cùng một phòng để phòng trống cho tôi ở. Để tôi khỏi phải
cảm thấy khó xử, hai người giải thích rằng vì cả hai cùng làm ở Call Center,
giờ giấc không trùng nhau nên chẳng mấy khi dùng phòng cùng lúc. Nhưng tôi hiểu
rằng lý do gì đi chăng nữa, ai mà không muốn có sự riêng tư cá nhân. Họ cho tôi
ở nhờ vì muốn giúp tôi mà thôi.
Ash làmquản lý marketing cho
Nike, một công việc mà tất cả chúng tôi đều ghen tị. Ngoài lương và thưởng, cứ
ba tháng anh lại được cho $2000 để đi mua đồ Nike với lý do là anh cần nhìn
“Nike” hoàn toàn khi gặp gỡ khách hàng. Đấy là chưa kể khi Nike có sản phẩm mới
hay ra đồ khuyến mại, anh lại được nhận đồ miễn phí. Tất cả những thứ anh dùng
đều Nike: từ mũ lưỡi trai, áo phông, đồ thể thao, tất, túi xách, đến cả quần
lót cũng Nike. Giày thì thôi khỏi nói. Ở căn hộ mà chúng tôi ở, anh có khoảng
ba mươi đôi. Còn ở nhà anh ở Bangalore
anh có hẳn một phòng riêng chuyên để chứa giày, phải tám mươi đôi là ít. Lúc
đấy tôi đang đi giày Adidas. Anh nhìn tôi rồi nhíu mày: “Chip muốn có giày mới
không? Anh mua tặng cho một đôi Nike”. Hóa ra anh có nhiều tiền để mua đồ Nike
quá anh không biết để làm gì nên cứ thỉnh thoảng lại dẫn bạn bè đi theo. Vấn đề
duy nhất là anh không được phép mặc bất kỳ đồ của hãng thời trang thể thao nào
ngoài Nike. Giả sử khi nào anh chán việc thì anh không cần viết đơn xin nghỉ
việc, chỉ cần mặc cái gì đó của Adidas tới là sẽ được cho nghỉ ngay lập tức.
Titus tính trẻ con nhất nhà.
Allen có một chú chó giống Đức daschund mới sáu tháng tuổi tên là Scratch. Chú
cún này nhỏ xíu, chân ngắn tũn những cái lưng dài ngoằng, tai to, lông đen
mượt. Tối nào Titus cũng phải ôm Scratch mới ngủ được. Anh cũng là người có giờ
giấc làm việc quái đản nhất, lịch làm việc lại thay đổi liên tục, có lẽ vì thế
mà ít khi chúng tôi nói chuyện, mà nếu có gặp thì chúng tôi cũng chỉ phùng mang
trợn mắt lên dọa nạt nhau hay giả vờ đánh nhau như trong phim chưởng. Titus là
người dễ dãi trong chuyện ăn uống nhất. Anh là người duy nhất luôn sẵn lòng ra
đường ăn đồ vỉa hè với tôi mà không cằn nhằn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hồi
đấy tôi chết mê chết mệt món Pani puri. Pani là viên bánh tròn như bánh rán,
rỗng ruột bên trong, Puri nghĩa là nước. Pani sẽ được nhồi với đậu xanh xay
nhuyễn, thêm nước gia vị chua cay mặn ngọt, rồi đút cả vào miệng. Món bánh ngon
những nhiều người không dám ăn bởi người bán thường hay nhúng cả bàn tay vào
thùng nước gia vị.
Titus cùng làm việc với Allen
ở Call Center . Allen có chức vụ quản lý khá cao
nên được nhiều nhân viên nữ nhòm ngó. Một buổi tối anh về nhà kể với chúng tôi
về một cô nhân viên thuộc bộ phận khác đến phỏng vấn xin chuyển sang bộ phận
anh. Anh bảo, trong suốt buổi phỏng vấn, cô nàng cứ liên tục hỏi han anh chuyện
riêng tư. Allen có một hình xăm ở tay, nàng cầm tay anh lên hỏi, rồi sau đó
bảo: “Em cũng có một hình xăm ở hông, anh có muốn xem không?”. Anh chàng sợ quá
phải kết thúc buổi phỏng vấn sớm. Lần khác anh lại bị cảm nắng một cô nàng
nhưng không dám nói. Nghe chúng tôi thuyết phục mãi anh mới đi chơi với cô nàng.
Muốn cho chàng và nàng có sự riêng tư, tôi sang nhà Swapnil chơi. Khoảng mười
giờ, Allen nhắn tin cho tôi: “Này, em bao giờ về mua cho anh một bao thuốc lá
nhé”. Tôi nhắn lại hỏi: “Hẹn hò thế nào rồi?”. Anh nhắn lại ngay lập tức: “Vui
thì đã chả phải nhắn tin với cô thế này”. Nhưng nói chung Allen rất sát gái,
hầu như lúc nào cũng có con gái vây quanh. Có lẽ vì thế Allen bị nhiễm bệnh con
gái là bệnh nghiện mua sắm. Mỗi lần đi đến trung tâm mua sắm là anh bị mất kiềm
chế, tiêu tiền như điên. Nặng đến mức anh phải nhờ một bà chị cũng là quản lý ở
công ty anh làm mà anh rất thân giữ hộ thẻ tín dụng. Mỗi khi đi mua sắm anh đều
phải đi cùng bà chị này để chị quản lý mực độ chi tiêu của anh. Tôi đi cùng anh
một buổi. Đại loại là buổi mua sắm của anh diễn ra thế này.
“Em mua chiếc áo phông Batman
này nhé?”.
“Không. Mới tháng trước cậu
mua ba cái áo phông Batman rồi”.
“Ba cái đấy khác, cái này
khác. Chip, áo này đẹp mà đúng không?”. Anh quay sang tôi cầu cứu “Họ chỉ có
limited edition, không mua nhanh là sẽ hết”.
Tôi nhanh chân chuồn đi mất
giả vờ không nghe anh nói gì. Anh đứng tần ngần ngắm chiếc áo chán chê rồi khi
đã chắc chắn là không thể làm gì được mới đi sang bộ sưu tập quần áo khác. Cuộc
hội thoại lại được bắt đầu lại từ đầu.
Trong nhà Allen là người thân với
tôi nhất. Thỉnh thoảng hai đứa lại ra ban công ngồi uống bia, tán dóc đủ chuyện
trên trời dưới bể. Allen muốn trở thành DJ chuyên nghiệp, lúc bấy giờ anh mới
hoàn thành xong khóa học DJ và đang tìm kiếm những gig đầu tiên. Anh loại nói
rằng tôi là người bạn ở cùng nhà tốt nhất mà anh từng có. Bất kể anh đi làm về
muộn đến đâu, tôi cũng thức đợi mở cửa cho anh mà không một lời cằn nhằn. Trời
ạ, bức thư xúc động đến thế mà chẳng lẽ tôi lại nói ra sự thật phũ phàng là tôi
có thói quen thức khuya dùng mạng cho nhanh chứ chưa từng bao giờ nghĩ đến
chuyện anh sẽ về sớm hay muộn à? Tôi tỉnh queo gửi email lại cho anh: “Awww,
anh biết là em quý anh lắm mà”.
30. Những con người lập dị của
Mumbai
Trong số những người bạn thân
thiết nhất của tôi ở Mumbai còn có Swapnil và đồng bọn: em gái anh Sweetie, hai
người bạn thân của anh: Gary
và Gaurang. Sweetie mới mười bảy tuổi nên chúng tôi không lôi bé vào những trò
dại dột, nhưng những người còn lại đều là khùng không có thuốc chữa (khùng theo
nghĩa tốt hay xấu thì tùy cảm nhận mỗi người).
Khi mới quen Swapnil, anh
khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một lần lúc nửa đêm, anh gọi điện
cho tôi cầu cứu: “Chip ơi, bạn gái anh muốn anh dẫn đi sàn nhảy bây giờ mà anh
muốn ở nhà xem buổi ra mắt sản phẩm mới của Apple, phải giải thích với cô ấy
thế nào?”. Tôi há hốc miệng: “Anh có bạn gái cơ à?”. Biết là mình vô duyên
nhưng tôi không đừng được. Như ấn tượng lần đầu tiên gặp anh của tôi: Dáng vẻ
không khác gì ma cà bông, tính tình bẽn lẽn, suốt ngày chỉ thích nói về công
nghệ, game ghiếc, tôi không khi nào nghĩ rằng anh lại có bạn gái. Một buổi tối
khác, anh gọi điện rủ tôi lái xe vòng quanh thành phố với đám bạn anh, tôi hỏi
ngay: “Xe ở đâu ra?”. Tôi vẫn cứ nghĩ là anh nghèo xơ nghèo xác như tôi vậy,
ngờ đâu anh cũng có nhà, có xe. Rồi một hôm khác, anh than vãn rằng ngày mai
phải đến trường đi thi, tôi lại được một phen hết hồn: “Anh là sinh viên à?”.
Tôi suốt ngày thấy anh ở nhà ôm máy tính chứ chưa bao giờ thấy anh đến trường
hay nhắc gì đến chuyện bài vở. Anh mới giải thích là ở Ấn Độ đại học cho phép
sinh viên học ở nhà, chỉ cuối kỳ mới phải có mặt để tham dự thi. “Trông mặt mà
bắt hình dong” thế này thì hỏng bét.
Sweetie là một cô bé rất ngoan
và dễ thương. Tuy nhiên, anh em nhà này có một hoàn cảnh gia đình rất buồn,
buồn đến mức Swapnil đã không dưới một lần khóc khi tâm sự với tôi. Khóc vì đau
đớn thể xác thì ít, mà vì cảm giác bất lực thì nhiều. Swapnil và Sweetie nạn
nhân của bạo hành gia đình, một điều không phải là hiếm ở đất nước Ấn Độ này.
Swapnil đủ lớn để tránh xa người bố nhẫn tâm, nhưng Sweetie còn quá nhỏ để có
thể bảo vệ mình. Swapnil thương em nhưng không thể làm được gì. Anh bắt tôi hứa
với anh sẽ thường xuyên nói chuyện với Sweetie để giúp cô bé trở nên cứng cỏi.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi mình luôn miệng than vãn rằng không có gia đình ở bên
cạnh, trong khi chính bản thân là người dứt áo ra đi. Thương thay những đứa trẻ
bị hành hạ bởi gia đình mà không chạy trốn đi đâu được.
Chơi với Swapnil từ nhỏ, cả Gary và Gaurang đều lập
dị không kém. Tất cả chúng tôi đều thích nhạc Rock, nhưng hai anh chàng này
không chỉ nghe mà còn mặc cả Rock lên người: đi xe máy phân khối lớn, dây
chuyền sắt, bấm khuyên tai, áo phông đen với logo của Metallica, Scorpions,
Iron Maiden… Gary
còn chơi cho một ban nhạc Underground tên là Krazy Electronic. Ban nhạc này
thỉnh thoảng được người quen mời đến biểu diễn ở trường đại học hay quán café,
nhưng hầu hết thì chưa ai nghe đến tên này bao giờ. Mỗi lần tụ tập, Gary thường mang theo cây
đàn ghi ta chơi nhạc theo yêu cầu, chúng tôi gân cổ lên hát theo, đập bàn đập
ghế loạn xạ. Lần đầu tiên nghe Gary
chơi tôi đã bị sốc vì kỹ năng chơi đàn và chất giọng quá tuyệt vời của anh. Tôi
nói thế này không phải vì tôi là bạn anh, mà là vì anh tài năng thực sự. Cái
tôi khâm phục nhất ở anh là đam mê. Ngay cả khi chỉ có chúng tôi là khán giả,
anh vẫn chơi hết mình với cảm xúc bốc lửa như thể đang biểu diễn cho cả ngàn
khán giả vậy.
Ồn ào như vậy nên chúng tôi
luôn bị đuổi ra khỏi các nơi công cộng. Tìm được vị trí cho phép chúng tôi vừa
uống đồ uống có cồn vừa có thể gào thét khàn giọng ở Mumbai là điều không đơn
giản tí nào. Cái khó ló cái dại, chúng tôi nhớ ra rằng mẹ Gary sở hữu một phòng trưng bày tranh. Gary lấy trộm chìa khóa
của mẹ, kế hoạch là chúng tôi sẽ lẻn vào đây, hò hét một hồi sẽ lẳng lặng lẻn
ra không để lại dấu vết gì. Nhưng rồi cao hứng thế nào, tất cả đều say tá lả.
Swapnil trượt chân ngã làm vỡ hai chai bia, mảnh sành bắn tứ tung, bia tràn
lênh láng. Gary
nôn thốc nôn tháo. Phòng trưng bày tranh nhìn không khác gì cảnh đập đá tan hoang
trong phim Hollywood .
Tôi và Gaurang, hai người duy nhất còn tỉnh táo, phải dành cả đêm hôm đấy lau
dọn bãi chiến trường, đến tận sáu giờ sáng mới xong. May mắn thay, không bức
tranh nào bị ảnh hưởng gì. Gary
đô con nhất nhưng lại dễ bị say nhất và cái sự thiếu kiểm soát của anh đã gây
ra không ít bi hài. Một buổi tối sau khi tụ tập trên sân thượng nhà Swapnil, Gary đáng lẽ sẽ đưa tôi về nhà nhưng nhìn thấy anh say
ngây say ngất, tôi lắc đầu: “Đời nào mình lại để cho Gary đưa mình về nhà”. Gary tức giận nói: “Em không tin anh à?”. “Em
không tin người say lái xe”. Thế Gaurang đưa tôi về. Như để chứng tỏ sự tỉnh
táo của mình, Gary
lấy xe bám theo chúng tôi. Linh tính chuyện chẳng lành, Swapnil cũng đi theo.
Về nhà được khoảng năm phút, tôi nhận được điện thoại của Swapnil:
“Em về đến nhà chưa?”.
“Rồi”.
“Tốt. Đừng xuống đây. Gary đang ở dưới sân
chung cư. Trần truồng”.
Đến giờ tôi vẫn không hiểu
điều gì khiến anh chàng cởi bỏ quần áo lái xe giữa đêm như vậy.
Sinh nhật Swapnil và Gary cách nhau đúng một
ngày vào đầu tháng mười nên hai người thường tổ chức sinh nhật chung. Năm đấy
là sinh nhật hai mốt tuổi của Swapnil, anh chàng quyết định đánh dấu ngày trọng
đại này bằng một thứ mà chỉ nghe nói đến tên thôi đã khiến dân trong nghề khiếp
đảm: Absinthe. Absinthe là loại rượu mạnh nhất trong số tất cả các loại rượu,
với độ cồn có khi lên đến 98%. Loại chúng tôi uống ngày hôm đấy chỉ có 89% cồn.
Absinthe bị cấm ở Ấn Độ, tôi không biết mấy anh chàng này kiếm ở đâu ra, chỉ
biết là giá không rẻ tí nào: $200 cho hai chai 500ml.
Ngày trọng đại được bắt đầu
lúc tám giờ tối ở nhà Gary .
Gary ở cùng bố
mẹ và bà nội. Theo truyền thống của Ấn Độ, nghi lễ sinh nhật được bắt đầu bằng
việc bà nội Gary đặt tay lên trán chúc phúc cho
cả Gary và
Swapnil. Xong rồi, bà sẽ nhét kẹo vào miệng hai anh chàng này, cử chỉ được cho
rằng sẽ mang lại may mắn. Sau đó, Gary nhét kẹo vào miệng Swapnil, Swapnil nhét
kẹo vào miệng tôi, tôi nhét kẹo vào miệng Sweetie, Sweetie nhét kẹo vào miệng
Gaurang… cứ như thế cho đến khi tất cả mọi người đều được ăn kẹo. Đây là loại
kẹo chuyên được sử dụng trong dịp lễ tết. Tôi không nhớ chính xác tên của loại
kẹo này là gì vì Ấn Độ có cả ngàn loại kẹo, loại nào nghe cũng giống loại nào
và ăn cũng giống loại nào. Sau khi cắt bánh sinh nhật, tất cả hồi hộp chờ đến
món quan trọng nhất: Absinthe.
Sau đó chúng tôi leo lên sân
thượng khu chung cư Swapnil ở nơi mà nửa tá người bạn khác của cả hai đang đứng
đợi họ. Họ mang theo một dàn loa để chơi nhạc. Chúng tôi nhảy nhót hát hò đến
khi mặt trời lên. Trời nắng chang chang, cả bọn rủ nhau ra bãi biển hóng gió.
Tôi kiệt sức bỏ về trước. Hôm sau tôi nghe kể rằng sau khi ra biển, buổi tối
tất cả lại đi nhảy ở một câu lạc bộ đêm. Bữa tiệc kéo dài đúng ba mươi sáu giờ.
Swapnil nhìn như người sắp chết nhưng hết sức mãn nguyện vì có bữa tiệc sinh
nhật hai mốt tuổi trở thành huyền thoại trong trí nhớ của tất cả đám bạn. May
mà đời người chỉ có một lần hai mốt
31. Làm diễn viên Bollywood
Những ngày ở Mumbai, ngoài
thời gian viết bài cho Walyou, những chuyến đi ngắn ngày đến Lonavala, Goa,
những phi vụ động trời với Swapnil & Co, tôi chẳng có việc gì để làm. Nghe
Julia kể đi đóng phim có nhiều chuyện hay ho, tôi cũng muốn đi thử cho biết.
Bình thường người nước ngoài ở Mumbai tìm vai quần chúng rất dễ, dễ đến mức họ
không cần tìm phim mà phim sẽ tự tìm đến với họ. Người Ấn Độ thích dân da trắng
nên các nhà làm phim lúc nào cũng muốn chèn vài nam thanh nữ tú mắt xanh tóc
vàng vào hậu trường chẳng biết để làm gì. Julia mỗi lần đi ngoài đường là liên
tục được những người đàn ông ăn vận như thương gia đến hỏi cô có muốn đóng phim
không. Còn tôi vì nhìn không khác gì con gái miền Đông Bắc Ấn Độ nên chẳng có
ma nào thèm hỏi. Nhưng may mà tôi có Julia. Quảng cáo TV mà chị sắp đóng cần
thêm một người nước ngoài nữa, “Người Trung Quốc hay người châu u đều được hết”
(trích lời người thuê chị). Julia giới thiệu tôi với đủ lời ba hoa không đúng
sự thật, thế là tự nhiên tôi được làm diễn viên.
Theo lịch, quảng cáo này được
quay từ chín giờ tối, 1.000R cho sáu tiếng. Trước khi đi, tôi đã hỏi họ là tôi
nên mặc gì, họ bảo mặc gì cũng được. Vậy mà khi tôi xuất hiện với quần bò áo
phông, họ lại bảo là không được, phải mặc quần lửng cho giống du khách. Thế là
tôi lại phải về nhà thay quần. Cũng may mà địa điểm quay lại chính là khách sạn
Palm Hotel, ngay cạnh nhà tôi (tòa nhà tôi ở ban đầu được xây như phần mở rộng
của khách sạn này).
Quần áo chỉnh tề xong là đến
phần mà tôi thích nhất: trang điểm. Đoàn làm phim có một xe bus, tân trang lại
thành xe thay đồ của diễn viên với một bàn trang điểm nhìn rất chuyên nghiệp.
Ngồi vắt chéo chân, mắt nhìn thẳng, tay khoanh trước ngực trong khi một chuyên
gia hì hụi làm tóc, trang điểm cho mình, tôi có cảm giác như mình sắp thành
diễn viên nổi tiếng đến nơi rồi vậy. Nhưng thời gian hưởng thụ chưa được bao nhiêu
thì thời gian khổ cực bắt đầu. Sau mười lăm phút trang điểm, chúng tôi vào sảnh
khách sạn bắt đầu quay.
Đây là một quảng cáo của Zee
TV – kênh giải trí dành cho giới trẻ khá lớn ở Ấn Độ. Kịch bản đại khái ba
khách du lịch đến check in khách sạn. Lễ tân khách sạn cố gắng thuyết phục ba
vị khách khó tính này ở lại. Ngoài những dịch vụ tuyệt vời mà khách sạn cung
cấp, con át chủ bài chính là khách sạn này còn có Zee TV. Lễ tân khách sạn là
một người đàn ông trung niên mà theo phong cách diễn xuất của ông, chúng tôi
đoán là ông đã ở trong nghề khá lâu. Khách du lịch gồm có Julia, tôi, và một
anh chàng tóc đỏ tên là Rick.
Nhiều người có khả năng đóng
phim, diễn xuất rất tự nhiên trước ống kính, nhưng chắc chắn tôi không phải là
một trong số đó. Tôi cảm thấy tội lỗi bởi vì tôi khá nhiều cảnh quay phải quay
lại, nhưng Julia an ủi rằng phần lớn những người nước ngoài khác mà họ nhặt
được ngoài đường cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Ngay cả anh chàng Rick này đóng
cũng dở ẹc. Khả năng bỏ bom trường quay của anh cũng thâm hậu không kém gì tôi.
Sau khi quay mấy lần, đạo diễn nhanh chóng nhận ra khả năng của mỗi chúng tôi
và phân chia lại vai diễn. Các cảnh khó được giao hết cho Julia. Tôi và Rick
chỉ có việc đi theo, thỉnh thoảng chêm vào mấy câu cảm thán vô hại: “Wow”, “Đẹp
quá”, “Có Zee TV cơ à”, “Mình thích Zee TV lắm”.
Ban đầu quay còn thấy vui,
nhưng sau khi cảnh quay bị quay đi quay lại đến lần thứ sáu, thứ bảy, tôi bắt
đầu thấy oải. Chưa kể có những khi chúng tôi phải ngồi chờ cả tiếng liền để đạo
diễn chỉnh sửa kỹ thuật gì cũng không biết. Chúng tôi ngồi buôn chuyện. Khác
với Julia, Rick không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Anh sang đây du lịch rồi
quyết định ở lại vì nhận thấy cơ hội kiếm tiền ở đây. Anh mới nhận được một vai
mười bốn ngày trong một show truyền hình ăn khách ở Ấn Độ. Julia thì thầm vào
tai tôi: “Tại sao cơ hội luôn đến với những người không có khả năng nhỉ?”. Lịch
quay đến ba giờ nên đúng khi đồng hồ điểm ba giờ, tôi đến hỏi đạo diễn mình về
được chưa thì ông lắc đầu kêu chúng tôi ngồi đợi. Chúng tôi mỗi người một góc
lăn ra ngủ lăn lóc. Đến bốn giờ họ đánh thức chúng tôi dậy nói rằng chúng tôi
về được rồi. “Trời ạ, thế sao không cho người ta về từ một tiếng trước mà phải
giữ người ta lại ở đây làm gì?”, tôi cáu. “Thế này là chuyện bình thường. Đạo diễn
muốn giữ mình đến lúc nào là quyền của ông ta”. Julia nhún vai.
Ngái ngủ nên tôi cáu thế thôi,
chứ thực ra tôi nghĩ đây là cách kiếm tiền khá dễ. Tiền trả không cao nhưng
trong hoàn cảnh của tôi lúc này, một xu cũng quý. Công việc chẳng có gì nhiều,
diễn xuất thì ít mà thời gian đợi thì nhiều. Nếu tôi mang theo hợp laptop đi để
làm việc hay sách để đọc thì cũng không đến nỗi nào. Vậy nên tôi nhờ Julia có
vai diễn thì báo tôi, hứng lên thì tôi đi. Có nhiều vai diễn khá buồn cười. Một
lần tôi và Julia làm diễn viên quần chúng cho một cảnh quay lễ trao giải gì đó
với hàng trăm diễn viên quần chúng khác. Chúng tôi chỉ đến để điểm danh sau đó
lẻn ra ngoài đi chơi, cuối ngày lại chui vào nhận tiền. Một lần khác chúng tôi
trở thành những người tham gia bữa tiệc bể bơi trong bộ phim của một trong
những đạo diễn hàng đầu Bollywood. Julia có một vai nhỏ mười ngày trong bộ phim
này. Cảnh quay diễn ra tại một biệt thự kiểu Victoria cực kỳ đẹp với giàn hoa giấy phủ
kín mái hiên, bãi cỏ xanh rì bao quanh nhà và bể bơi cong cong hình số 8. Julia
thỉnhh thoảng còn phải nói vài câu này nọ, còn tôi chẳng phải làm gì ngoài việc
uống cocktail, ăn đồ ăn barbecue (thịt tự nướng trên bếp nướng sân vườn), rồi
tán dóc như thể đang dự tiệc thật. Tôi không ở trong ngành làm phim nên nhiều
thứ tôi không hiểu: ví dụ như cô diễn viên chính đang nằm trong bể bơi kia tại
sao cứ phải ưỡn ngực ra, còn một anh chàng diễn viên phụ lúc nào cũng phải cởi
trần để khoe bụng sáu múi đúng kiểu “Ta đẹp ta có quyền” ngay cả khi máy không
quay? Lúc đi qua tôi, anh chàng dừng lại hỏi:
“Em là người Ấn Độ à?”.
“Không, là người Ấn Độ khó
lắm”.
“Sao mà khó?”.
“Phải thích Bollywood mới làm
người Ấn Độ được”.
Tôi cười, anh cũng cười theo.
Julia đang đứng nói chuyện với hai người đàn ông trung niên song sinh ở cách đó
không xa cũng chạy tới:
“Hai
người làm quen rồi à? Chip, đây là Sandrah (cô nháy mắt một cái). Sandra, đây
là Chip mà em vẫn kể với anh đấy”.
Không
biết Julia có kể về tôi với Sandra thật không, chứ chị kể về Sandra với tôi rất
nhiều. Chẳng là mấy hôm trước khi đi quay về, chị luôn miệng kể cho tôi về anh
chàng người mẫu kiêm diễn viên đẹp trai mà chị gặp ở trường quay. Hai người
trao đổi số điện thoại rồi không ngừng nhắn những tin nhắn ướt át từ hôm đó tới
giờ. Anh chàng có cách viết tin nhắn như dân xì-tin chập chững tập nói. Tôi bị
đọc mấy lần khi Julia không dịch nổi tin anh gửi và nhờ tôi lý giải giùm. Tin
anh nhắn đại loại thế này: “Hru? Mis u bab. I wnt 2 c u rght nw”. Tôi ác cảm
với anh từ đó.
Khi
yêu con người ta trở nên dại dột, mù quáng với những gì tất cả mọi người xung
quanh đều thấy rõ. Tôi có thể ngửi thấy mùi sở khanh ở Sandra từ cách đấy cả
kilomet, nhưng Julia không thể nhận ra điều đó. Anh ta hứa hẹn với Julia nhiều
nhưng luôn là người lỗi hẹn. Ngay cả khi ở cạnh Julia, anh ta vẫn dáo dác đảo
mắt tìm kiếm những cô gái khác. Julia thì chết mê chết mệt anh ta, bởi anh ta
không chỉ đẹp trai mà còn dẻo mỏ. Trai đẹp là trai nguy hiểm, trai dẻo mỏ là
trai mất nết.
Như
Sherlock Holmes đã từng nói: “Không gì nguy hiểm bằng làm tan nát trái tim một
người phụ nữ đang yêu”. Thương Julia nhưng không nỡ (và cũng không dám) phá bỏ
ảo tưởng của chị, tôi chỉ lẳng lặng theo dõi xem chuyện gì sẽ diễn ra. Chuyện
gì tới cũng phải tới. Một buổi tối Julia gọi điện cho tôi khóc nức nở. Julia
đang đi chơi với Sandra ở Kino 108 thì một cô gái tới bên hai người quát tháo
ầm ĩ. Sandra lập tức trở mặt nói là không quen Julia rồi bỏ đi với cô gái này.
Cô gái này là bạn gái tội nghiệp bị Sandra lừa dối. Ngay từ đầu, Sandra chưa
bao giờ yêu Julia, mà chỉ dùng cô để khoe khoang với đám bạn. Trai Ấn Độ thích
mê con gái ngoại quốc. Julia da trắng tóc vàng là chiến lợi phẩm hoàn hảo cho
mục đích này.
32. Tạm biệt Mumbai
Veera
là người khiến tôi quyết định ở lại và oái oăm thay, anh cũng là người khiến
tôi quyết định ra đi. Một buổi tối, khi chúng tôi đi bộ qua Marine Drive, nơi
mà cách đó không lâu trái tim tôi hoàn toàn tan chảy, Veera hỏi tôi một câu hỏi
mà tôi đã lo sợ rằng trước sau gì anh cũng sẽ hỏi:
“Chip
này, em đã bao giờ nghĩ đến chuyện ở lại đây chưa?”.
Câu
trả lời là có. Tôi đã từng cân nhắc câu hỏi này nhiều, rất nhiều nhưng chưa bao
giờ đủ can đảm để đưa ra quyết định, bởi tôi biết đó sẽ là một quyết định phũ
phàng, bạc bẽo, đầy ích kỷ. Tôi yêu Mumbai, yêu những bãi biển lộng gió, yêu
những tòa nhà xinh đẹp cổ kính, những người bạn điên khùng dám sống hết mình.
Tôi thuộc về nơi này không thua kém gì hàng triệu những bạn trẻ đầy ham mê và
nhiệt huyết khác đến đây tìm kiếm cơ hội và cảm hứng. Nhưng sau sáu tuần ở đây,
tôi nhận ra rằng mình chưa sẵn sàng để dừng lại. Mumbai đã trở nên quá thân
thuộc, thân thuộc đến mức khiến tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt khi mà ngày ngày
tôi làm cùng một thứ, gặp gỡ cùng một nhóm người, đi đến cùng một địa điểm. Tôi
nôn nóng được ra khỏi Mumbai để tiếp tục cuộc hành trình. Đường xa vẫy gọi, thử
thách chào đón. Kashmir có đúng là thiên đường trần gian như lời đồn đại? Cảm
giác khi ở trên dãy Himalaya sẽ thế nào? Chiến sự vùng Trung Đông liệu có làm
mất đi vẻ huyền bí của nơi này không ? Một tình yêu đẹp, một công việc ổn định,
những người bạn tốt chưa đủ để tôi từ bỏ khao khát khám phá những mảnh đất xa
lạ nơi mà tôi chưa từng đặt chân tới.
“Em
phải tiếp tục đi”.
“Vì
sao?”
“Vì
em là một khách lữ hành”.
“Khách
lữ hành thì không yêu à?”.
“Có.
Nhưng họ có những cảm xúc khác mãnh liệt hơn”.
Và
đấy là lần cuối cùng tôi gặp Veera.
Quyết
định ra đi của tôi khiến tất cả mọi người bất ngờ. Họ biết rằng trước sau tôi
cũng đi, nhưng không ai nghĩ rằng tôi lại đi đột ngột đến thế. Allen lên giọng
hờn dỗi: “Tôi biết mà. Cô làm cho chúng tôi quen với sự có mặt của cô ở đây rồi
lại bỏ chúng tôi mà đi. Giờ làm sao mà tôi tìm được một người bạn cùng nhà tốt
như cô?”. Swapnil đón nhận tin với một vẻ u uất: “Em đi được là tốt. Anh bị kẹt
ở Mumbai thế này bao giờ mới thoát ra được?”. Gary thì bảo rằng sẽ có một ngày
anh bỏ công việc nhàm chán của anh ở Call Center để chơi nhạc và đi du lịch như
tôi. Một năm sau. Anh gửi email cho tôi nói rằng anh đã bỏ việc thật. Tuy chưa
có thể tự mình đi du lịch, Krazy Electronics đã bắt đầu đạt được những thành
công nhất định, cho phép anh đi tour biểu diễn ở khắp Ấn Độ và gần đây là một
gig ở châu u.
Chuyến
tàu tôi đi khởi hành lúc mười giờ tối. Swapnil đi cùng tôi ra ga. Lúc chia tay,
chúng tôi vẫn còn hớn hở cười đùa. Nhưng khi tàu bắt đầu chuyển bánh, Mumbai
khuất dần vào bóng đêm, bóng dáng Swapnil lùi dần vào quá khứ, tự nhiên tôi
thấy lòng nặng trĩu. Và khi nhận được tin nhắn từ Allen: “Từ nay về sau cô phải
sống tốt đấy nhé”, tôi không kìm được nữa, tu lên khóc. Anh nhắn tin như thể
chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại vậy. Như thể!? Liệu vài năm sau anh còn nhớ
tôi là ai không? Hay liệu tôi có còn nhớ anh là ai không? Anh vẫn ở Mumbai, vẫn
chơi cùng Titus, Jacob, vẫn tối tối ngồi soạn nhạc, cuối tuần ra ban công ngồi
uống bia suy nghĩ chuyện đời, chỉ khác là tôi không còn ở đấy nữa. Tôi đã biến
mất khỏi cuộc đời của anh, của những người nơi đây như một đám mây mưa tan biến
sau khi cơn mưa tạnh. Tôi úp mặt vào tường, miệng cắn chặt vào tay để không bật
khóc thành tiếng. Vai tôi rung lên bần bật, mũi ngạt đến mức tôi không còn ngửi
thấy mùi nồng nặc bốc ra từ nhà vệ sinh ngay cạnh, nước mắt chảy ướt đẫm cuốn
sách tôi đang đọc: cuốn Motorcycle Diaries của Che Guevera. Ngay
trang đầu tiên là lời đề tặng:
“For Chip, on the day she
turns 20:
You are the bravest girl I’ve
ever met. Go wherever you want to, but remember, traveling is not about where
you are, but who you are with.
From a person you met on the
roard.
Veera”
[“Tặng Chip, ngày em tròn 20
tuổi:
Em là cô gái dũng cảm nhất mà
anh từng gặp. Đi đến bất cứ nơi nào em muốn, nhưng hãy nhớ rằng, hành trình
thực sự không phải là những nơi em đến, mà là những con người em gặp.
Từ một người em gặp trên
đường.
Veera”]
33. Delhi
Sau một giấc ngủ dài đầy mộng
mị, tôi tỉnh dậy cứ nghĩ mình vẫn đang ở trong căn phòng của mình ở Mumbai,
nhưng rồi nhanh chóng bị lôi trở lại thực tại với tiếng tàu chuyển bánh xình
xịch, lớp khăn trải đệm, mùi hôi đặc trưng của nhà vệ sinh trên tàu. Buổi sáng
thức dậy trên tàu luôn có cái gì đó rất đặc biệt: có cái gì đó vừa quen thuộc
vừa lạ lẫm, vừa tĩnh lặng vừa chuyển động không ngừng, vừa huyên náo vừa rất có
trật tự. Tôi ngồi trên giường của mình ở tầng trên cùng, khoanh chân nhìn xuống
thế giới chuyển động bên dưới như thể đang xem một chương trình truyền hình
thực tế được quay bằng máy quay trộm đặt ở trên cao vậy. Một em bé đứng súc
miệng ở bồn rửa mặt. Một bà cô đứng tuổi tay cầm bàn chải đánh răng kiên nhẫn
ngồi chờ. Một người đàn ông trung niên hối hả chạy vào nhà vệ sinh. Một anh
chàng ngồi dựa lưng vào ghế, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài, ngáp không thèm che
miệng. Không ai nói với ai một lời, có mở miệng cũng chỉ là những lời thì thầm
như thể ai đó ra lệnh cấm không gây ồn ào vào buổi sáng vậy. Ngay cả những
người bán hàng rong cũng không dám cất tiếng chào hàng. Thay vào đó, họ đứng
nán lại ở mỗi khoang lâu hơn một chút. Những chỏm đầu đi qua đi lại bên dưới,
chẳng ai có vẻ gì là để ý đến sự tồn tại ở trên này cả.
Chuyến tàu lên Delhi là một chuyến tàu
dài không thua kém gì những tàu từ Kolkata lên Mumbai. Tôi không có ấn tượng gì
nhiều về chuyến tàu này, ngoại trừ một người đàn ông say rượu bị bảo vệ liên
tục nện dùi cui vào đêm thứ hai và một cậu bé ba tuổi ngồi cùng khoang với tôi
bẽn lẽn nói với mẹ răng lớn lên cậu muốn cưới tôi làm vợ vì tôi “xinh” (yêu trẻ
con Ấn Độ thế ha ha). Tàu đến ga Delhi
lúc năm giời sáng. Robinson đã đợi sẵn ở ga mặc dù tôi đã nói với anh rằng tôi
có thể vật vờ đến khi trời sáng hẳn để anh khỏi phải dậy sớm. Tôi quen Robinson
một cách rất bất thường, bất thường đến mức mỗi khi giới thiệu tôi với bạn, anh
đều hớn hở: “Chip, kể cho mọi người nghe em quen anh thế nào”. Chẳng là khi còn
tìm việc ở Mumbai, tôi có lên LinkedIn tìm kiếmnhững người làm trong ngành du
lịch ở Ấn Độ. Hồ sơ Robinson ngay ở trang đầu tiên, anh là phó chủ tịch một
công ty du lịch khá lớn. Tôi gửi tin nhắn cho anh với số điện thoại của mình.
Khoảng một tuần sau, anh gọi điện cho tôi. Cuộc hội thoại diễn ra thế này:
“A lô. Cho hỏi đây có phải số
điện thoại của Chíp không?”.
“Dạ, đúng rồi ạ”.
“Cháu cho chú gặp bố”.
“Bố cháu ở Việt Nam cơ”. Tôi
ngơ ngác. “Chú có nhầm số không? Đây là Chíp”.
Anh cũng lúng túng không kém
gì tôi. Sau này khi gặp mặt rồi anh mới giải thích rằng vì giọngtrong thư của
tôi chững chạc quá, anh cứ nghĩ tôi phải là đàn ông đã đứng tuổi rồi. Vậy nên
khi nghe điện thoại thấy giọng trẻ măng, anh cứ nghĩ tôi là con của người đang
ông tưởng tượng đó. Quay trở lại với cú điện thoại. Sau khi đã nhận ra Chíp chỉ
là một con bé giọng non choẹt, Robinson vẫn đồng ý gặp tôi. Robinson kể cho tôi
đủ chuyện trên trời dưới bể. Anh kể ngày xưa anh cũng thích đi lắm. Không có
tiền, anh tìm hiểu xem nghề gì có thể cho anh đi nhiều nhất. Anh phát hiện ra
nghề tiếp viên hàng không. Thế là anh luyện và thi đậu vào hãng American
Airlines. Công việc không chỉ cho phép anh bay lượn suốt ngày, mà còn cho phép
anh mua vé của hãng với giá cực rẻ. Anh đã từng sang Bắc Mỹ ,
Nam Mỹ, châu u. Khi tôi đến
ở nhà anh ở Delhi ,
anh khoe với tôi một xấp vé máy bay ngày xưa anh đi. Anh bảo rằng anh thích nói
chuyện với tôi vì tôi hiểu được đi là như thế nào. Nhiều người ở Ấn Độ không
hiểu tại sao anh lại mê đi như vậy, mà dù học có mê đi thì họ cũng ít đi, thành
ra cũng khó nói chuyện với họ về thế giới bên ngoài. Anh quý tôi tới mức lần
tiếp theo tới Mumbai, anh dẫn theo cả gia đình anh để giới thiệu cho tôi: vợ
anh Murdi và bé gái Karen. Anh thết đãi tôi ở trong một quán hải sản sang trọng
bậc nhất ở đây.
Murdi xinh và duyên theo tiêu
chuẩn của Ấn Độ: hơi mỡ màng một tí, hơi thẹn thùng một tí. Bé Karen thì yêu
không chịu được. Bé vào nhà hàng thấy ai cũng bắt chuyện, nói một vài câu là
cười tít mắt. Tôi hỏi Murdi:
“Chị có thích ăn hải sản
không?”
“Không biết nữa”. Chị bẽn lẽn.
“Đây là lần đầu tiên chị ăn hải sản”.
“Hả?”. Tôi nhìn sang Robinson
“Chị nói thật á?”
“Thật”.
“Cá chị ăn chưa?”.
Chị cười, lắc đầu.
Cả đời chưa từng ăn cá bao
giờ?
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam,
tôi đã quá quen với việc có cá trong bữa ăn hàng ngày nên phát hiện một người
cả đời chưa từng ăn cá bao giờ giống như khi tôi phát hiện ra khủng lỏng cũng
có loài chỉ ăn cỏ vậy.
“Chị không ăn cá là do đạo Hindu
không cho ăn hay do chị không thích?”.
“Chị cũng chẳng biết. Từ nhỏ
gia đình đã không ăn cá, ở Delhi
cũng chẳng thấy ai bán cá”.
“Những lần đến Mumbai trước
chị cũng không ăn cá à?”.
“Không, đây là lần đầu chị đến
Mumbai”.
Tôi định sốc thêm lần nữa, nhưng
chợt nhớ ra là ở Việt Nam
cũng nhiều bạn ở đầu này đất nước đã bao giờ đến đầu kia đất nước đâu. Cũng lạ,
ra nước ngoài rồi tự nhiên thấy mấy ngàn cây nó gần, ở trong nước thì đi mấy
trăm cây cũng đã là xa.
Tôi ngắm Murdi và Karen ăn cá,
cua, tôm lần đầu tiên mà ghen tị. Tôi ăn mấy thứ này lần đầu tiên quá sớm,
không nhớ được cảm giác lần đầu tiên ăn như thế nào. Murdi bảo thịt cá có kết
cấu hơi lạ, thịt không ra thịt, rau không ra rau nên chỉ ăn vài miếng là không
ăn nữa, cua thì chị không thích mùi, chỉ có tôm hùm là chị thích (cũng sành ăn
lắm chứ hơ hơ).
Nói chung là tôi quen gia đình
Robinson như thế. Khi tôi đến Delhi ,
Robinson tất tả dậy sớm ra tận bến tàu đón tôi. Nhà Robinson là một căn hộ
chung cư kiểu cũ nằm ở Noida, một trong những thành phố vệ tinh của Delhi . Căn hộ nhỏ nhỏ
xinh xinh với một cái ban công cực kỳ dễ thương, trên đó đặt một đu quay cho bé
Karen. Mẹ Robinson sống một mình ở căn hộ ở dưới đấy hai tầng, Robinson và vợ
không muốn ở quá xa để có thể chăm sóc mẹ, cũng không muốn ở chung vì cần sự
riêng tư.
Để giúp các bạn hiểu rõ thêm
về gia đình nhà này, cũng như hiểu rõ hơn về văn hóa Ấn Độ, tôi kể một câu
chuyện thế này. Tôi có một thói quen xấu, rất xấu, đó là khi thấy một cặp trai
gái bên nhau hạnh phúc, tôi hay hỏi cặp này quen nhau thế nào. Thế là tôi hỏi
hồi đó Robinson ngỏ lời như thế nào. Murdi bỗng nhiên đỏ bằng mặt, còn Robinson
thì cười hỉ hả.
“Hồi đấy đâu có ngỏ lời đâu…”
Robinson chưa nói hết lời thì
Murdi véo tay anh.
“Đừng có kể mà”.
“Em việc gì phải ngại”.
“Anh hồi đấy có phải chịu đàm
tiếu đâu mà hiểu”.
“Ơ hay, hồi đấy anh cũng phải
dằn vặt lắm chứ. Hồi đấy anh cũng phải từ bỏ ước mơ của mình để cưới em còn
gì”.
“Anh làm như cưới tôi là đau
khổ lắm vậy”.
…
Thế là hai người bắt đầu cãi
nhau. Bé Karen sợ khóc thét lên. Tôi dẫn bé Karen về phòng mình, khóa cửa chặt,
vừa ngồi vừa run. Tôi rất sợ cãi nhau. Bản thân tôi không cãi nhau được và cứ
thấy mọi người cãi nhau là đầu óc tôi quay cuồng. Ngồi trong phòng không biết
làm gì, tôi bắt đầu nghĩ quẩn. Chẳng may hai người ly dị thì sao? Lỗi này có
phải từ tôi mà ra không? Tôi có nên chuyển ra ngoài không? Khoảng gần một tiếng
thì có tiếng gõ cửa phòng tôi. Robinson hùng hổ bước vào phòng, mặt đỏ gay.
“Chip này, giờ anh đi đây.
Hàng tháng anh sẽ để lại 500$ cho mẹ con Karen. Em ở đây chăm sóc hai người
giùm anh nhé”.
Tôi sửng sốt không biết trả
lời sao nữa. Chẳng lẽ mọi chuyện đã đến mức này. Tôi nhìn bé Karen mà lòng sắt
lại. Bất chợt Robinson phá lên cười. Murdi từ đâu cũng nhảy ra cười rũ rượi.
“Trời ơi, nhìn mặt Chíp kìa”.
“Em tưởng anh bỏ đi thật à? Vợ
chồng là thế, cãi nhau thì cãi nhau là thế, nhưng vẫn yêu nhau lắm chứ”.
Hai người ôm nhau hết sức tình
cảm, rồi kêu tôi thay quần dài vào ra ngoài ăn coi như “đền bù” cho phút đứng
tim. Trời ạ, hai vợ chồng nhà này lắm trò quá, dễ làm tôi đứng tim mà chết mất.
Nguồn sstruyen.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét