Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

13 thg 1, 2014

Nam Hải Quy Khư -Chương 20- 24 (Thiên Hạ Bá Xướng)

Chương 20: Ốc ngậm ngọc

Các loài thủy tộc dưới biển đa số đều có tập quán trồi lên kiếm ăn vào những lúc sáng trăng, con cá to đại tướng bất thình lình ập đến này dường như chính là bị ánh đèn của chuông lặn thu hút mà tới. Cái chuông lặn bằng đồng mới bị quật cho một cú mà đã chao đảo liên hồi, hai ngọn đèn bên ngoài tắt ngúm. Tôi nghe tiếng lớp vỏ kim loại rung bần bật, sợ rằng nếu bị con cá ấy đụng cho cú nữa, quả chuông lặn sẽ không chịu nổi.
Cái chuông lặn đặc biệt này đã được người Anh cải tạo, chuyên dùng để trinh sát ở những khu vực đáy biển nguy hiểm. Để ứng phó với môi trường khắc nghiệt, ngoài thiết kế tinh vi chính xác ra, xung quanh chuông còn được gắn thêm các thiết bị phòng ngự tương đối hoàn thiện nữa. Ngoài cửa sổ quan sát có song sắt, đề phòng chuông bị các dòng hải lưu dưới đáy biển xô đẩy chạm đá ngầm.
Nhưng đối phó với những con cá dữ có thể chuyển động linh hoạt thế này, tôi đành sử dụng biện pháp ứng cứu khẩn cấp, kéo chốt an toàn, khiến mười mấy mũi lao nhọn bên ngoài chĩa ngược ra. Cái chuông lặn lập tức biến thành một con nhím bằng kim loại.
Mười mấy mũi lao vừa bật ra khỏi rãnh ngầm bố trí ngoài vỏ chuông lặn thì con cá dài bảy tám mét, da sần sùi như đá vừa khéo quay đầu lao tới. Con cá dường như cũng biết sự lợi hại của những mũi lao nhọn hoắt, nhưng muốn tránh né cũng không kịp nữa rồi. Nó chỉ kịp ngoặt đầu sang một bên, nhưng thân mình thì lại bị mấy mũi lao đâm trúng, toạc ra cả vết thương dài trên lớp da dày chắc. Chỉ thấy, loáng một cái, con cá đại tướng ấy đã kéo theo một dòng máu đục ngầu lặn tít xuống đáy sâu.
Nguyễn Hắc ở trong chiếc chuông lặn còn lại xoay chuyển đèn chiếu sáng, lần theo vết máu ấy. Tôi cũng ngó qua cửa sổ quan sát nhìn xuống, chỉ thấy có mấy con cá mập lớn bị mùi máu tanh thu hút, từ trong rặng san hô quẫy mình bơi ra, lao bổ đến chỗ con cá bị thương kia hung hăng cắn xé. Nhất thời, lớp cát và bùn dưới đáy biển bị chúng quẫy tung, hòa với máu loang ra, khiến cảnh cá mập giành mồi bị hoàn toàn che khuất khỏi tầm nhìn của chúng tôi.
Tôi thầm nhủ “Nguy hiểm quá,” xem ra dân miền Nam Hải này mò ngọc mưu sinh cũng chẳng dễ dàng hơn Mô Kim hiệu úy chúng tôi trộm mộ là mấy. Lúc này, đèn chiếu sáng dùng để trinh sát địa hình đáy biển đã hỏng, những mũi lao nhọn chĩa lên cũng ngăn cản một phần tầm nhìn, tiếp tục ngồi trong chuông lặn thế này cũng không còn ý nghĩa gì nữa, tôi vội dùng hệ thống điện thoại báo với mấy người trên tàu, giảm áp suất trong khoang lặn rồi từ từ nâng chuông lặn lên mặt nước.
Hai cái chuông lặn lần lượt trồi lên, người trên tàu trông thấy vỏ đồng của chuông lặn bị cá dưới biển húc lõm cả vào, ai nấy không khỏi lắc đầu le lưỡi. Đồng thời, mỗi người đều ngầm hiểu rằng, hành động mò ngọc ở Nam Hải này, bây giờ mới coi như chính thức mở màn, nếu muốn mò được hàng tốt, thì còn phải mạo hiểm nhiều hơn nữa.
Nhưng cả bọn cũng đều hiểu rất rõ, không vào hang cọp thì không bắt được cọp con, không vượt sông cao trăm thước thì khó mà bắt được cá nghìn cân. Nay đã tìm được nơi lũ ốc lũ trai khổng lồ thành tinh ẩn nấp trong vực xoáy San Hô, vậy thì việc mò ngọc coi như cũng có một chút manh mối để bắt tay thực hiện. Chúng tôi thảy đều phấn chấn tinh thần, người nào cũng hết sức hưng phấn, bận rộn sửa soạn trên boong tàu, chuẩn bị chu toàn để xuống nước mò ngọc quý.
Tôi đứng trên boong tàu quan sát tình hình mặt biển, biển Nam Hải ba đào cuồn cuộn, dẫu không có gió thì sóng cũng dâng cao đến ba thước, nhưng chỉ cần nước triều rút đi thì vùng biển vực xoáy San Hô này sẽ lại bình lặng đến dị thường. Trời mù mịt mây, nhưng lại không có dấu hiệu gì của sóng to gió lớn. Nếu không phải trước đó hải khí tích tụ bùng phát, gây ra hiện tượng long thượng thủy đáng sợ nhường ấy, thì giờ đây, tình hình ở vực xoáy San Hô cũng chưa chắc đã ổn định được như vậy. Thật đúng là đến sớm không bằng đến đúng lúc, lúc này, mực nước đang xuống rất thấp, chính là thời cơ tuyệt vời để lặn xuống.
Tôi đưa mắt nhìn khắp bốn xung quanh, đột nhiên phát hiện mặt biển ở phía đuôi tàu lộ ra một hòn đảo đen trùi trũi, lúc nãy trước khi lặn xuống có thấy gì đâu, nó xuất hiện từ lúc nào vậy nhỉ? Nghĩ đoạn, tôi vội giơ ống nhòm lên quan sát kỹ hơn. Thường nghe nói, trên biển đột nhiên xuất hiện hòn đảo kiểu như vậy đa phần là sống lưng của con cá khổng lồ nào đấy, hoặc mai của một con rùa to đại bố tướng, những người không hiểu chuyện lại dừng tàu leo lên, khiến con vật khổng lồ giật mình lặn xuống, kéo cả người lẫn tàu theo xuống đáy nước sâu.
Shirley Dương nói, vừa nãy cô và bọn Minh Thúc đã dùng pháo Chấn hải để thử rồi, nó không phải thú biển khổng lồ trồi lên mặt nước, mà là một hòn đảo u linh xuất hiện do tác dụng của nước triều. Lúc nước triều dâng lên, hòn đảo đen kịt này sẽ hoàn toàn chìm xuống bên dưới mực nước, khi triều xuống, lại lộ ra một phần trên mặt biển, cũng bởi nó khi ẩn khi hiện như thế, nên mới gọi là “đảo u linh”.
Vùng biển vực xoáy San Hô này là nơi tập trung đủ các loại hiện tượng thần bí, một hòn đảo u linh cũng không có gì là lạ, lúc trước ở trên đảo Miếu San Hô tôi cũng từng nghe qua một số truyền thuyết về đảo u linh rồi. Dân chài và dân mò ngọc địa phương gọi nó là “cá voi đen”, cũng có khá nhiều lời đồn đại khác nhau, nhưng người thực sự nhìn thấy rồi thì lại chẳng có mấy ai. Nếu có đảo này làm vật tham chiếu, thì công việc mò vớt coi như thành công được một nửa rồi.
Tôi định bảo Minh Thúc lái thuyền về phía hòn đảo u linh ấy, lên trên xem xét coi sao, nhưng Shirley Dương nói, cô có dự cảm chẳng lành về hòn đảo đó, chắc đó chẳng phải là nơi tốt lành gì, tốt nhất không tiến lại gần thì hơn. Cô khuyên tôi từ bỏ ý định, chớ nên mạo hiểm vô vị làm gì, vả lại nước triều xuống quá thấp, địa thế xung quanh đảo u linh lại khá cao, tàu Chĩa Ba của chúng tôi khó lòng mà tiếp cận được.
Sau đó, Shirley Dương lại hỏi tôi có phát hiện dấu vết của tàu đắm dưới đáy biển không? Ở trên biển, chữ “đắm” cũng là chữ cấm kỵ, không được nhắc đến, nếu muốn nói tới tàu đắm, thì phải dùng ẩn ngữ, thay bằng chữ “bay”, nhưng tôi chẳng tin mấy chuyện bàng môn tà đạo ấy. Thời Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh đả phá hủ tục mê tín, lên tàu lên thuyền ra sông ra hồ ra biển, lúc trên tàu trên thuyền còn ép nhà thuyền phải hét một nghìn lần chữ “đắm”, mà cùng chẳng thấy tàu thuyền nào bị chìm cả. Từ đó trở đi, tôi không tin mấy thứ kiểu này lắm, có thể là, nếu trên tàu có người mạng lớn, thì muốn tàu chìm cũng khó. Shirley Dương thì lại càng chẳng tin vào mấy thứ kỵ húy kiểu Trung Quốc này làm gì.
Tôi nhún vai với cô, dưới đáy biển chẳng có tàu chìm tàu đắm gì sất, có điều, cũng không thể vì vậy mà từ bỏ hy vọng, vì tôi phát hiện ra có mấy khe nứt rất sâu, trai ngọc và những cây san hô ở đó đều rất lớn, thuộc loại hiếm thấy trên đời. Nếu không phải sinh khí dưới đáy biển quá dồi dào thì khó lòng có được cảnh tượng như thế. Từ đây, có thể xác định nơi này một trăm phần trăm chính là điểm cuối của dư mạch Nam Long. Nếu dưới đáy biển thực sự có âm hỏa tiềm tàng, vậy thì nhất định thứ lửa ấy phun trào lên từ mấy rãnh sâu đó, nghĩa địa tàu đắm trong truyền thuyết hẳn cũng không xa đây lắm. Lúc xuống biển mò ngọc, tôi sẽ bảo mọi người lưu tâm hơn, nói không chừng lại có phát hiện đột phá cũng nên.
Shirley Dương gật đầu đồng ý. Lúc này Đa Linh lên boong tàu gọi mọi người vào ăn cơm, chúng tôi bèn vào trong khoang đánh chén, tiện thể bàn kế hoạch xuống biển mò ngọc luôn. Dựa trên thông tin tôi và Nguyễn Hắc thăm dò được dưới nước, địa hình đại thể của rừng san hô đã được vẽ lại thành một tấm bản đồ đơn giản.
Cơm Đa Linh nấu đa phần là món kiểu miền Nam Việt Nam, vừa chua vừa ngọt, thêm nữa là nguyên liệu trên tàu rất hạn chế, ngày lại qua ngày ăn uống đơn điệu, tôi ăn cơm mà cứ như uống thuốc vậy. Ăn vội ăn vàng mấy miếng cho qua bữa, rồi chỉ vào bản đồ miêu tả địa hình dưới đáy biển cho cả bọn. Vực xoáy San Hô, trên thực tế là một quần đảo hình bầu dục, các đảo quây lại thành một hình elip khép kín, vòng bên ngoài toàn là đá ngầm. Đây chính là vòng xoáy ngoài mà các thủy thủ giàu kinh nghiệm ở vùng này vẫn hay nhắc tới. Địa hình bên trong vòng xoáy ngoài rất phức tạp, càng vào giữa thì địa thế càng cao, điểm cao nhất ở giữa, có lẽ chính là hòn đảo u linh lộ ra trên mặt biển khi nước triều rút xuống. Khu vực này rất có thể là vùng đảo và núi non bị nhấn chìm cùng với sự hạ thấp của thềm lục địa. Dưới đáy biển, có mấy khe sâu không thấy đáy, nhiều khả năng thông ra vùng biển ngoài.
Giữa vòng xoáy ngoài và đảo u linh có một khu vực, địa thế hõm xuống như bồn địa, đáy biển mọc đầy san hô, hình thành một khoảnh rừng dưới đáy biển trải dài nhấp nhô, có những cây san hô cao đến mấy chục mét, trông sừng sững vững chãi vô cùng. Tuy dưới đáy biển, nhưng cảnh tượng vẫn hết sức hoành tráng. Trong khoảnh rừng ấy, nổi bật nhất là một cây lớn, trong suốt như thể bằng đồi mồi. Nơi đó phỏng chừng rất gần hải nhãn, cái cây ấy nhận được tinh hoa của hải khí và nhật nguyệt cả trăm nghìn năm, rốt cuộc mới thành ra như vậy. Cây đồi mồi ở độ sâu khoảng bảy tám chục mét đó chính là mục tiêu hàng đầu của hành động mò ngọc lần này.
Bên cạnh cây san hô lớn đó có một khe vực, độ sâu cụ thể không thể phán đoán được. Theo những gì tay thủy thủ sống sót trên tàu Mariana kể lại, tàu của bọn họ đã bị bão lốc cuốn vào vòng xoáy ngoài bình thường tàu bè khó có thể vượt qua, ở chỗ tàu đắm, mặt biển sáng như ban ngày. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất chứng tỏ dưới đáy biển có long hỏa tiềm tàng. Tôi đoán, mấy khe sâu dưới đáy biển này, rất có thể chính là nơi âm hỏa của Nam Long phun trào. Nếu độ sâu vượt quá hai trăm mét, thì dù biết rõ tàu Mariana bị chìm vào đây, chúng tôi cũng chỉ biết nhìn mà thở dài tiếc nuối chứ chẳng làm được gì. Vả lại, trong khe vực sâu ấy còn có các dòng chảy ngầm, một khi đã rơi xuống đó, thì đúng là chỉ có trời mới biết xác tàu đã bị đẩy đến nơi nào rồi.
Sau khi tôi nói xong, Nguyễn Hắc bổ sung thêm một số chi tiết. Ông ta là dân chài lưới, lại có kinh nghiệm xuống biển mò ngọc. Trên đảo Miếu San Hô, ngoài mò ngọc dưới biển, một trong những cách quan trọng để duy trì sinh kế, chính là giúp đỡ các đội trục vớt xuống biển kiếm thanh đầu, vì bản thân người mò ngọc cũng có thể coi như thợ lặn bán chuyên nghiệp rồi. Với kinh nghiệm mò ngọc trai, cùng những hiểu biết trong việc vớt thanh đầu, Nguyễn Hắc có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng, khoảnh rừng dưới đáy biển này cực kỳ nhiều cá dữ, mức độ nguy hiểm khi xuống nước mò ngọc cực lớn. Nhưng vừa nãy ở trong chuông lặn, ông ta cũng thấy rất rõ, lũ trai lớn dưới đáy nước sâu kia, con nào cũng ngậm ngọc, lấp lóa như ánh sáng trăng rằm, bản thân ông ta sống đến ngần này tuổi rồi cũng chưa thấy thứ nào giá trị đến thế. Đó là những sản phẩm diệu kỳ của tạo hóa, là linh khí dưới đáy biển tích tụ mà thành, sợ rằng trên thế gian này, chỉ vùng vực xoáy San Hô mới có mà thôi.
Từ bao đời nay, ở các đảo mạn Nam Hải này, dân mò ngọc là khổ nhất. Thảng như tổng kết những cảnh ngộ của họ lại, hoàn toàn có thể viết thành một bộ Huyết lệ sử của dân mò ngọc còn dày hơn cả cuốn Từ hải. Minh châu xưa nay vốn được phân thành “Đông châu” và “Nam châu”. Vùng ven sông Ninh Cổ Tháp thời Mãn Thanh có đặc sản Đông châu, mỗi hạt trung bình nặng khoảng hai đến ba chỉ[36], chủ yếu màu xanh da trời hoặc màu trắng, cũng có một số ít màu hồng phấn. Hạt Đông châu lớn nhất từ trước đến nay được ghi chép lại trong sử sách, là do một đứa trẻ địa phương bơi lội dưới sông, vô ý nhặt được trong miệng con trai, chuyện này xảy ra vào thời Khang Hy. Nghe nói, hạt Đông châu này đường kính khoảng một tấc rưỡi.
Nếu xét vẻ hoa mỹ quý hiếm của minh châu, Đông châu tuy cũng có chỗ hơn người, nhưng vẫn khó có thể so bì được với Nam châu cực phẩm. Thời trước, Nam châu là thứ phải tiến cống cho Hoàng đế sử dụng. Không có chiếu chỉ, dân mò ngọc cũng không được xuống nước. Lúc lặn xuống mò ngọc, trên tàu thuyền đều có quan binh giám quản. Dẫu cho biển động, không thể lặn xuống, quan binh cũng cưỡng ép, buộc dân mò ngọc phải đeo đá vào người cho chìm xuống, nếu để làm mất, hoặc quá kỳ hạn mà không tìm được ngọc quý, tất cả đều phải chịu hình phạt chặt chân tay. Từ cổ chí kim, thực không biết đã có bao nhiêu người mất mạng vì thứ này rồi, thi thoảng cũng có người ngẫu nhiên mò được Nam châu, nhưng đa phần đều bị đám gian thương lột mất, rốt cuộc, chỉ nhận được một phần nghìn giá trị của thứ mà họ phải đem tính mạng ra mạo hiểm mới mò được về ấy.
Dân mò ngọc đều biết, cho đến nay, viên Nam châu lớn nhất phát hiện được là từ thời Minh, khi Tam Bảo thái giám Trịnh Hòa ra biển đến Tây Dương. Tương truyền, trên tàu có thủy thủ vớt được một con ốc lớn, bỏ vào nồi nấu lên, vừa nổi lửa, nước trong nồi liền đột nhiên sôi sùng sục, nổ “oành” một tiếng, con ốc lớn bị đun cho dở sống dở chết trong nồi thình lình bắn vọt lên không trung. Khoang tàu trong chớp mắt mù mịt khói trắng như thể có sương mù, hai người ngồi đối diện cũng chẳng trông thấy nhau. Đám người nấu ốc ấy đều kinh hoảng tột cùng, vội tranh nhau chạy ra khỏi khoang. Hồi lâu sau, không thấy động tĩnh gì, họ mới dám trở vào xem xét, chỉ thấy con ốc lớn đã chết từ lâu, bên cạnh có một viên Nam châu to như mắt rồng, vì bị đun trên lửa nóng nên đã không còn phát sáng được, cũng không thể phục hồi.
Dưới đáy biển ở vực xoáy San Hô có suối nước ngọt phun trào, nước biển mặn vừa phải, lại tích tụ tinh hoa của hải khí và ánh trăng, nên Nam châu ở đây cơ hồ viên nào cũng to tướng. Lúc chúng tôi lặn xuống, mới thoạt nhìn qua đã thấy hạt châu tỏa sáng biến ảo, trên đời thật hiếm có thứ châu ngọc nào có thể sánh cùng. Chuyến này, nếu như thuận lợi, ít nhất cũng có thể mò được trăm viên ngọc chứ chẳng chơi. Từ hồi rời Việt Nam, cuộc sống của Nguyễn Hắc vẫn luôn khó khăn vất vả, rốt cuộc cũng đợi được cơ hội này, việc sang Pháp tìm người thân cho Đa Linh cuối cùng đã có hy vọng, nên ông ta có vẻ rất kích động, tỏ ý dù mạo hiểm mấy cũng đáng, làm được chuyến này thì chẳng uổng năm xưa liều mạng học nghề mò ngọc.
Nguyễn Hắc lại nói ra suy đoán của mình về tình hình dưới đáy biển. Khe sâu bên cạnh khu rừng san hô có dòng chảy ngầm và từng đợt từng đợt xoáy nước không ác liệt lắm, theo quan sát của ông ta, chỉ không hiểu tại sao thủy tộc ở vùng biển này thảy đều không dám lại gần. Lúc ở trong chuông lặn, ông ta đã dùng đèn công suất lớn chiếu xuống khe sâu, mơ hồ trông thấy cái bóng mờ mờ như của một con tàu lớn, có điều, Nguyễn Hắc cũng không dám khẳng định đó chính là tàu Mariana. Ở vùng biển nông gần đảo Miếu San Hô cũng có một nghĩa địa tàu đắm, nằm trong một khe sâu dưới đáy biển. Những con tàu đắm xung quanh, đều bị các dòng biển cuốn vào khe sâu đó, trải qua một thời gian dài, một phần khe sâu bị cát bùn và rong rêu che lấp, hình thành một tầng vỏ cứng, chỉ còn lại mấy lối có thể lặn ra lặn vào. Có rất nhiều đội trục vớt đến đó thử vận may, cũng có người tìm được khá nhiều món đồ tốt thật, nhưng cũng có kẻ đen đủi đi mấy chuyến liền, dốc hết tâm huyết tiền tài, cuối cùng tay trắng. Có khả năng, địa hình bên dưới vực xoáy San Hô cũng tương tự. Nơi này có cát biển trầm tích, đáy biển mà chúng tôi nhìn thấy có thể chính là một tầng vỏ xốp mềm hình thành từ cát bùn, tàu bè bị đắm sẽ lọt xuống, tạo ra những dấu vết thoạt trông tưởng như khe sâu dưới đáy biển. Những khe rãnh mà chúng tôi trông thấy khi lặn xuống, rất có thể chính là dấu vết của những con tàu đắm lưu lại.
Lời Nguyễn Hắc nói hoàn toàn chỉ là suy đoán, nhưng chúng tôi đều cảm thấy tương đối có lý, vậy là bèn lập tức xác định kế hoạch lặn xuống. Muốn lặn xuống, ít nhất cũng phải có một nhóm hai người để còn tiện hỗ trợ lẫn nhau. Có điều, người trên tàu đương nhiên không thể xuống nước hết một lượt, vì vậy, tôi quyết định chia thành ba nhóm A, B, và C. Tôi và Shirley Dương, Minh Thúc thuộc nhóm A, Nguyễn Hắc cùng đồ đệ Đa Linh là nhóm B, còn Tuyền béo và Cổ Thái là nhóm C.
Nhóm A và nhóm B sẽ đồng thời xuống nước, nhóm A sử dụng ba bộ trang bị lặn nước hạng nặng duy nhất mà chúng tôi có, lặn xuống gần khe vực, thăm dò xem bên dưới có tàu đắm hay không, sau khi xác định mục tiêu sẽ lập tức triển khai hành động. Có thể vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính lên hay không, chủ yếu là dựa vào hành động của nhóm này. Nhóm B và nhóm C thì sẽ luân lưu xuống mò ngọc ở rừng san hô. Cũng bởi các trang thiết bị và vật tư chúng tôi mang theo rất hạn chế, vả lại, thuật Ban Sơn Trấn Hải cũng có những giới hạn nhất định, nên nhân lúc thời tiết và tình hình mặt biển còn cho phép, hoàn thành công việc sớm phần nào là bớt mạo hiểm phần ấy.
Phân chia nhân lực như vậy, chủ yếu là do tôi nghĩ việc tìm xác tàu đắm rất cần nhân thủ, dù có ba người, thì lực lượng vẫn hơi mỏng một chút. Tuy nhiên, Minh Thúc có hiểu biết kha khá về kết cấu của các loại tàu thuyền, tương đối thành thạo việc dưới nước, để lão làm cố vấn kiêm trợ thủ, ít nhiều cũng có chút tác dụng. Ngoài ra, quan trọng nhất là phải có lão đi theo, tôi mới yên tâm lặn xuống vùng nước sâu, bằng không có trời mới biết lão già này sẽ lại giở trò quỷ quái gì. Thêm nữa, Shirley Dương là tinh anh trong Học viện Hảì quân Hoa Kỳ, cũng là một chuyên gia trinh sát dưới nước. Nhóm A lặn xuống khe sâu trong rừng san hô, dù có gặp phải chuyện gì ngoài ý muốn, cũng không khó rút lui an toàn.
Nguyễn Hắc, Đa Linh và Cổ Thái đều là dân mò ngọc chuyên nghiệp, bảo họ lặn xuống rừng san hô tìm ngọc, chính là làm những việc trước đây họ vẫn làm để sinh nhai, cũng có phần đảm bảo nhất định. Đồng thời, tách ba người nhà Nguyễn Hắc ra, để kẻ cực kỳ nhiệt tình hăm hở với sự nghiệp mò ngọc là Tuyền béo cùng làm với họ, còn có thể đề phòng ba người này thấy báu vật nổi lòng tham, bỏ lại ba người nhóm A chúng tôi mà lái tàu chạy nhất. Có điều, Nguyễn Hắc cũng không biết sử dụng Ti thiên ngư và Khôi tinh bàn, tôi sắp xếp như vậy chẳng qua cũng chỉ là đề phòng vạn nhất. Bởi lẽ, tôi hiểu rất rõ, một người nghèo túng quẫn bách rất dễ bị tiền bạc làm cho mờ mắt mà làm những chuyện họ căn bản không hề muốn làm. Dĩ nhiên, những tính toán này không thể nói ra với Shirley Dương được, tôi chỉ lẳng lặng tiến hành sắp xếp mà thôi.
Cả bọn đều hân hoan đồng ý, chỉ có Minh Thúc là lộ vẻ khó xử: “Đến cả lũ cá cũng không dám lại gần các khe sâu dưới đáy biển ở vực xoáy San Hô này, vì phần sâu bên dưới đều thông ra vùng biển bên ngoài, lũ quái vật khổng lồ dưới đáy đại dương thường chiếm cứ các nơi như thế làm sào huyệt, chúng ta tiến vào há chẳng phải tự đâm đầu vào chỗ chết à? Không nghe lời người già, thiệt thòi ngay trước mắt đấy, chú Nhất ơi, chú nghe Minh Thúc này nói đi. Dưới đáy biển, lợi hại nhất không phải bạch tuộc khổng lồ đâu, nghe đồn, tôm cua ở những vùng biển sâu thậm chí to ngang với cá voi đấy, trong đó lũ cua khổng lồ là khủng khiếp nhất, dẫu là loài hung ác như giao long thuồng luồng cũng không dám đụng vào bọn chúng. Các chú muốn đi thì tự mà đi với nhau, tôi... tôi thấy tôi hợp đi mò ngọc trai hơn.”
Tôi biết lão này muốn giở trò yêu ngôn hoặc chúng dọa dẫm mọi người, bèn nói thẳng vào mặt lão: “Nếu có con cua to như thế thật, vậy phải bán bao nhiêu tiền? Với lại, bác chẳng bảo bác là sói biển đánh không chết, quật không ngã đấy sao? Người dám cạo vàng trên mặt Phật, thọc tay vào chảo dầu sôi mò tiền như bác mà còn sợ hạng cua cáy ấy à? Vả lại, chuyến này chúng ta ra biển, đã nói trước là có tiền mọi người cùng chia, có nạn mọi người cùng gánh, nhưng giờ vừa mới định mạo hiểm một chút bác đã muốn né tránh rồi, sau này trở về chia tiền chia của, tôi cũng tránh bác, lúc ấy bác đừng có mà trách tôi đấy nhé.”
Minh Thúc vừa nghe đến chuyện chia tiền, liền đành im ỉm chấp nhận, dẫu có xuống biển lửa thì cũng phải xuống một phen. Lần này nếu thành được đại sự, thì bao nhiêu tổn thất mấy năm trước coi như bù đắp được hết, tỷ lệ thành công là năm ăn năm thua, lão thấy đánh liều cũng đáng, ai bảo tròng mắt đen ngòm của lão chỉ thấy bạc trắng ròng ròng thôi chứ.
Mọi người bàn bạc đã xong, liền dốc toàn lực ra bắt tay chuẩn bị, sắp đặt trên mặt biển mấy cái phao nổi dùng để định vị, tìm ra vị trí của cái cây lớn nhất dưới đáy biển kia, tiếp sau đấy, sẽ phải dùng đến thuật Ban Sơn Trấn Hải của Ban Sơn đạo nhân để đối phó với lũ cá dữ dưới nước. Tôi ra phía mũi thuyền, đốt cái lò hương cũ kỹ hình con vịt bằng đồng lên, chuẩn bị mời “Dưa thần” về.
Chú thích
[36] Một chỉ bằng 3,7 gam.
Chương 21: Dưa trôi dụ cá

Lan Sơn đạo nhân có thuật “Dưa trôi dụ cá” mà theo truyền thống trước đây, chỉ được thực hiện sau khi đã tế “Dưa thần” và “Ngư chủ”. Đương nhiên, đây chỉ là một dạng nghi thức, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Có điều, chúng tôi cũng cứ theo lệ cũ mà làm, chẳng ngại gì thêm một bước này, tránh để về sau xảy ra chuyện có hối cũng chẳng kịp. Thời xưa, dân chài nếu bắt được cá lớn dưới biển, đều phải tế Ngư chủ theo lệ, bởi trong mắt dân miền biển, lũ cá lớn ấy đều là con cháu của Long vương. Ngư chủ ở đây chính là Nam Hải Long vương. Thực tế là, dưới biển có những con cá lớn nặng đến cả tấn, nhìn đã thấy sợ rồi, hạ gục giống quái vật ấy, trong lòng ai mà chẳng có chút thấp thỏm không yên, mấy trò bái tế Ngư chủ gì gì đó, có thể chỉ là tìm một cái cớ để mình yên tâm mà thôi. Thuyền trưởng Nguyễn Hắc dẫn đầu cả bọn thắp hương, rồi lấy trong khoang ra một vò rượu ngon lâu năm đổ xuống biển, vậy là coi như đã bái tế Long vương.
Thời trước, dân mò ngọc lặn xuống nước, chỉ dựa vào một nắm sa thạch và dao găm, cùng với một cái bong bóng lợn để đổi hơi. Trước khi hành động, phải dùng nước lạnh tưới khắp toàn thân, gắng hết sức loại bỏ đi hơi nóng của người sống trên thân thể, hòng tránh bị lũ cá dữ dưới nước tấn công. Làm nghề này, có thể nói, gần như là đem tính mạng ra đổi lấy Nam châu.
Ban Sơn đạo nhân có hứng thú đối với tất cả các loại ngọc châu trên thế gian này, dù là loại ngọc ngậm trong miệng người chết hay là loại sinh ra trong tự nhiên, như loại còn nằm dưới đáy biển, chưa bị con người mò vớt. Bất kể thứ nào, họ cũng nghĩ trăm phương nghìn kế để lấy được về tay. Phương pháp mò vớt Nam châu của họ hoàn toàn đi theo một lối riêng, không giống bất kỳ ai. Tuy những bí pháp kỳ môn đa phần đều không được ghi chép trong kinh điển chính thống, song lại có hiệu quả rất kỳ diệu, thuật “Dưa trôi dụ cá” này là một trong số đó.
Trước khi lên đường ra biển, chúng tôi đã chất trong khoang hàng một lượng lớn dưa hấu còn xanh, và mấy bao tải vôi sống, lúc này, toàn bộ đều đem ra dùng hết. Chúng tôi bắc nồi ở mũi tàu, bỏ vôi sống vào nước cho sôi ùng ục, khoét lỗ to bằng nắm tay trên mấy quả dưa, móc hết ruột bên trong ra, đổ nước vôi sống vào, rồi lấy miếng vỏ bít lại như cũ, ở chỗ khe hở, dùng thứ keo chế từ cỏ Chiếu Hồ và nước sắc cua biển dính chặt, sau cùng thì thả từng quả, từng quả dưa nhồi vôi sống ấy xuống nước.
Quả dưa chứa đầy nước vôi sôi ùng ục, dập dềnh trôi nổi trên mặt biển. Khi quả dưa vẫn cứ dập dềnh chưa chìm xuống, trên mặt biển đột nhiên có hoa nước bắn tóe lên. Một con cá lớn dài khoảng hơn chục mét lao vút lên, đớp trọn cả quả dưa nhồi vôi đó vào miệng, theo đà vọt khỏi mặt biển, hơi dừng sững lại một chút, rồi mới rơi đánh “tũm” một tiếng, làm nước bắn tung ào ào.
Phàm là những loài thủy tộc bị minh châu thu hút, đều có cảm ứng với ánh trăng và âm tính, thiên tính thích âm mà ghét dương. Gặp phải quả dưa hấu tròn ung ủng nổi dập dềnh trên mặt biển, vỏ dưa lại có khí âm do thứ keo đặc biệt kia tiết ra, lũ cá này không con nào là không nhao lên giành ăn. Mặt biển nhất thời nổi sóng, các loại cá lớn đua nhau nhoi lên mặt nước nuốt dưa. Dưa hấu ngâm trong nước biển một chút là lạnh, nhưng là ngoài lạnh trong nóng, vôi sống bên trong vỏ dưa vẫn đang sôi, gặp nước lại càng sôi lên ùng ục. Bị lũ cá nuốt vào bụng, vỏ dưa lập tức vỡ toác ra, vôi sống tiếp xúc với nước, sinh ra nhiệt lượng cực lớn, dễ dàng đốt cháy nội tạng bọn chúng. Chỉ trong chớp mắt, đã có mấy con cá chết phơi bụng trắng hếu nổi trên mặt nước.
Dưa hấu thả xuống mỗi lúc một nhiều, con cá nào nuốt vào là đi đời con ấy, chỉ thấy trên mặt biển không ngừng xuất hiện những cái xác cá chết, ngửa bụng trắng phớ. Lũ cá đại tướng này trông vốn đã hung ác xấu xí, nay bị vôi sống thiêu đốt nội tạng mà chết, bộ dạng càng đau đớn khủng khiếp tột cùng. Hơn nữa, mắt cá trời sinh đã tròn xoe, nên lúc này nhìn càng giống như chết không nhắm mắt. Mấy người chúng tôi đứng trên boong quan sát, thảy đều kinh hãi. Từ đầu cả bọn đã có chuẩn bị tâm lý, nhưng vẫn không ngờ sử dụng bí thuật của Ban Sơn đạo nhân giết cá, lại có kết quả tàn bạo nhường này.
Tôi vẫy tay với Nguyễn Hắc, ra hiệu cho bọn họ chuẩn bị xuống nước. Nguyễn Hắc và Đa Linh lập tức thay đồ lặn, mang theo bình dưỡng khí, kính lặn và dụng cụ mò ngọc, ngồi trong xuồng cao su thả xuống bên mạn tàu đợi tín hiệu. Mấy người bọn Tuyền béo thì vẫn tiếp tục ném dưa xuống biển, lũ thủy tộc ẩn náu trong vùng biển này dường như đông vô hạn, chết một đám lại có một đám khác trồi lên, lồng lộn tranh ăn trên mặt biển. Tuyền béo cứ ngoác mồm ra than thở, lúc trước tính toán không chuẩn, cứ thế này thì dưa hấu với vôi sống không đủ dùng mất thôi.
Tôi bảo mấy người bọn họ, không nên ném dưa hấu nhanh quá, tránh để một con cá nuốt mất hai quả dưa, nhất định phải dùng tiết kiệm, đặt mục tiêu mỗi phát đạn hạ gục một tên địch, nếu không trừ hết lũ cá dữ cứ quanh quẩn xung quanh đám ngao sò ốc hến ngậm ngọc dưới đáy biển kia, lúc xuống nước mò ngọc thể nào cũng gặp bất trắc. Dẫu chúng không đớp người, thì chỉ cần bị mấy con cá to ấy húc cho một phát thôi cũng chẳng chịu nổi rồi. Chuyện đã đến nước này, chỉ còn cách dốc hết túi ra cược một phen, cá không chết thì lưới rách, nếu ném hết dưa hấu mà vẫn không diệt sạch được lũ cá lớn xung quanh mấy cây san hô đó, thì chỉ còn nước chọn lại ngày lành tháng tốt mà quay lại thôi. Có điều, sau này chưa chắc đã gặp được thời tiết trên biển thích hợp như lúc này, cũng không biết phải chờ tới lúc nào mới trở lại vực xoáy San Hô được.
Lúc này, Shirley Dương thấy việc giết chóc quá nặng nề, thời gian ăn chưa hết bữa cơm mà đã có gần hai trăm con cá lớn toi mạng, không khỏi hơi biến sắc mặt. Chỉ là, giờ cô có hối hận cũng đã quá muộn. Tôi thấy vậy, bèn cất tiếng khuyên giải, bảo rằng: “Đằng nào cũng đã đại khai sát giới rồi, tuyệt đối không thể mềm lòng, bây giờ mà dừng tay thì chẳng phải lũ cá này chết uổng hay sao? Vả lại, hãy nghĩ đến những thủy thủ và hành khách trên tàu gặp nạn, rồi cả dân mò ngọc nữa, một khi rơi xuống nước chẳng phải chỉ có kết cục chôn thây nơi bụng cá hay sao? Tuy bây giờ không còn trả thù giai cấp nữa, nhưng chúng ta làm vậy, cứ coi là báo thù cho những người mò ngọc bất hạnh kia cũng được mà.”
Thực ra, tôi chẳng để tâm đến bọn cá chết kia mấy, không diệt hết bọn chúng, lúc xuống nước chẳng khác nào tự hiến thân vào bụng cá, chỉ là, trong lòng không khỏi ngấm ngầm lo lắng giết không hết, sợ phải trở về tay không mà thôi. Cũng may, lúc còn khoảng gần ba mươi quả dưa hấu, dưới biển không có cá nổi lên nữa, có lẽ bọn cá đại tướng ấy đều chết tiệt hết cả rồi. Dưới đáy biển, các khu vực được phân chia bởi những dòng hải lưu ngầm, các loài thủy tộc rất ít khi chịu vượt qua ranh giới, nhưng cũng có một số ít con tham luyến tinh hoa của ngọc trai, vẫn lẩn khuất ở gần rừng rậm san hô, phải diệt trừ hết sạch thì lúc lặn xuống mò ngọc mới khỏi lo trước lo sau. Còn bọn cua cá thuồng luồng ở những vùng nước khác, thì ít nhất trong thời gian ngắn cũng sẽ không mạo muội tiến vào vùng biển trống này.
Nguyễn Hắc thuở trước đi mò ngọc, nhưng lần nào cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần lao đầu vào chỗ chết để tìm đường sống, nay thấy thuật “Dưa trôi dụ cá” lợi hại như vậy, chỉ trong chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đã dẫn dụ toàn bộ lũ cá dữ tiềm phục ở xung quanh cây san hô lớn ra, hạ sát sạch sẽ, thủ đoạn thực là tàn độc hết sức, cũng không khỏi trợn mắt há hốc miệng ra. Tôi gọi mấy tiếng liền, ông ta mới giật mình sực tỉnh, giơ ngón tay cái lên nhắn xuống, ra hiệu với chúng tôi rằng mình sẽ lặn xuống ngay. Sau đó, ông ta liền cùng nữ đồ đệ mang hai dòng máu Pháp-Việt Đa Linh, gắn các trang thiết bị lặn vào, ngồi lên mép xuồng cao su, ngả người ra phía sau, lộn đầu xuống nước.
Thấy nhóm B đã xuống nước, Shirley Dương bèn gọi tôi và Minh Thúc: “Nhóm A vào khoang đáy chuẩn bị lặn.” Tuy đã tiêu diệt được khá nhiều con cá dữ có khả năng tấn công, nhưng tình hình dưới nước vẫn rất khó lường, có lẽ không yên bình được mấy chốc, thời gian rất có hạn, nhóm A chúng tôi cũng phải nhanh chóng hành động.
Trong các trang bị kèm theo tàu Chĩa Ba có ba bộ đồ lặn hạng nặng, chuyên dùng để thăm dò vùng biển sâu, chế tác từ vật liệu có thể chịu áp lực cao, trọng lượng lên tới một trăm bảy mươi lăm ki lô gam, mặc vào để xuống nước không dễ dàng như thợ lặn đeo trang bị bình thường được. Các nhà thiết kế người Anh đã khéo léo lợi dụng cấu tạo của con tàu cũ, đặt một khoang nhỏ ngập nước đặc biệt trong khoang đáy, trang bị lặn đặc cố định trong đó, chúng tôi phải chui vào bộ đồ lặn này, đợi nước dâng lên ngập khoang, mới lặn xuống được.
Sau khi chúng tôi xuống nước, trên tàu chỉ còn lại nhóm C đảm nhiệm việc chi viện, nên tôi phải dặn dò Tuyền béo mấy câu, rồi mới dẫn theo Cổ Thái xuống khoang đáy, nhờ cậu ta giúp một tay chuẩn bị thiết bị lặn, mở van xả nước vào khoang nhỏ. Cùng với nhịp hô hấp của chúng tôi, khí thể xì ra, tôi, Shirley Dương và Minh Thúc rời khoang đáy, bám theo dây thừng từ từ lặn xuống.
Tàu Chĩa Ba dừng ngay phía trên cây san hô cao to, trong nhờ nhờ như đồi mồi ấy. Tôi thấy giữa mấy tán cây có ánh đèn lấp lóa, chính là Nguyễn Hắc và Đa Linh đang lấy ngọc của một con ốc xanh rất lớn. Mấy con cá mập bơi lượn vòng xung quanh hai người họ. Cá mập không có tính háo trăng như các loài thủy tộc khác dưới đáy biển, thuật “Dưa trôi dụ cá” không hề có tác dụng với bọn chúng. Ở dưới biển, xét về các mối uy hiếp đối với dân mò ngọc, thì phải tính đến loài cá mập hung hãn vô địch này đầu tiên. Thời xưa, khi chưa có thiết bị đuổi cá mập bằng tín hiệu điện tử, Ban Sơn đạo nhân lặn xuống nước mò ngọc, thông thường đều dùng một loại thuốc đuổi cá mập phối chế theo phương pháp cổ xưa, nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Lúc xuống nước, mang theo bên mình một cái bình thủng lỗ chỗ như cái sàng, bên trong nhét đầy thuốc đuổi cá mập dạng cao đặc. Mỗi khi cơ thể chuyển động dưới nước, thuốc đuổi cá mập trong bình sẽ hòa tan liên tục qua các lỗ nhỏ, có thể ngăn cản lũ cá mập đến gần người thợ lặn. Nguyễn Hắc và Đa Linh đã mang theo bình thuốc đuổi cá mập của Ban Sơn đạo nhân, nhưng cũng vẫn có những con cá tò mò, quây lấy hai người họ từ đằng xa.
Cũng may, thầy trò Nguyễn Hắc đã đi mò ngọc được mấy năm rồi, làm cái nghề này cực kỳ nguy hiểm, chẳng khác nào vuốt râu hùm, nên tố chất tâm lý của bọn họ tương đối ổn định, bị lũ cá mập vây quanh rình mò mà vẫn không hề rối loạn. Dân mò ngọc có ba cách lấy ngọc, nếu hoàn cảnh cho phép, thông thường họ trực tiếp phá vỏ ốc vỏ trai để lấy ngọc; giả như cây san hô kích thước không lớn lắm, thì có thể nhổ cả cây mang lên, vì san hô thượng phẩm cũng bán được giá rất cao; cuối cùng chính là kéo cả con trai lên mặt nước, chuyển lên tàu rồi mới đập vỡ vỏ trai lấy ngọc, thịt trai thì đem ăn. Có điều, làm theo cách này không thể chắc chắn bên trong con trai có ngọc hay không.
Hai người nhóm Nguyễn Hắc lặn xuống gốc cây san hô, lũ trai ngọc khổng lồ đã bám dưới đáy biển này không biết bao nhiêu năm tháng, cơ hồ đã nối liền thành một thể với rặng đá ngầm bên cạnh cây san hô, sẽ rất phiền phức nếu muốn tách chúng ra khỏi rặng đá để mang cả lên mặt nước, chỉ có thể lấy ngọc tại chỗ mà thôi. Họ dùng đèn lặn tụ quang hoặc cát mịn dẫn dụ con trai hé mở vỏ ra, rồi đâm lưỡi dao tẩm thuốc mê vào, nhân lúc con trai khổng lồ mất cảm giác, liền bạnh vỏ trai ra, thò tay vào móc lấy Nam châu.
Hai thầy trò Nguyễn Hắc không thích dùng dao găm lặn chuyên dụng, mà vẫn mang theo lưỡi dao phân thủy truyền thống của dân mò ngọc từ bao đời nay, nhưng để không cắt vào thịt trai, thịt ốc khiến lũ cá mập gần đấy ngửi mùi máu mò tới, ông ta hết sức cẩn chận chỉ rạch khẽ một chút rồi thò tay mò mẫm, lấy được Nam châu liền tức khắc bọc lại, giấu kín vào trong lòng, không dám để lộ ra ánh sáng.
Tôi và Shirley Dương, Minh Thúc lặn qua chỗ hai thầy trò Nguyễn Hắc, thấy bọn họ thực hiện đâu ra đó rất bài bản, cũng cảm thấy yên tâm phần nào, bèn vẫy tay ra hiệu, rồi tiếp tục lặn xuống sâu hơn. Gốc cây san hô cao mấy chục mét ấy mọc trên tầng cát mịn cùng cả một rừng san hô trải dài, chúng tôi chạm đất làm bùn cát cuộn lên, khiến nước biển đục ngầu. Đột nhiên có một dòng chảy ngầm cuốn xuống khe sâu cạnh đó, nhờ có trang bị nặng, thân thể chúng tôi chỉ bị lảo đảo mấy cái. Tôi bám vào một cây san hô, trụ vững thân mình, đoạn chỉ tay xuống phía dưới, ra hiệu cho Shirley Dương và Minh Thúc rằng đấy chính là khe sâu mà tôi trông thấy lúc ngồi trong chuông lặn.
Giả sử cái khe nứt đen ngòm trước mắt chúng tôi đây không phải khe sâu đáy biển, mà là một lớp vỏ cứng hình thành bởi các vật trầm tích dưới biển, thì con tàu đắm rất có thể đã lọt vào trong đó rồi. Có điều, trước khi xác nhận chắc chắn thì khó mà phán đoán được. Tôi cũng hiểu rất rõ, với trang bị của chúng tôi, và sự chuẩn bị vội vàng thế này, muốn vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính trong tàu Mariana thực sự còn khó hơn lên trời, nhưng dù sao tôi vẫn muốn thử vận may một chút xem sao, nếu vớt được đương nhiên là tốt nhất, bằng không thì chỉ cần tìm thấy xác tàu đắm là cũng tốt lắm rồi. Bởi lẽ, chỉ cần giơ ra một món di vật trong tàu, là có thể tuyên bố quyền sở hữu xác tàu đắm ấy là của chúng tôi, những đội trục vớt khác sẽ không có ý với nó nữa. Chỉ cần có đủ thời gian, có thể bảo Shirley Dương đi thuê một nhóm trục vớt chuyên nghiệp đến làm nốt những thứ còn lại.
Shirley Dương giơ đèn lặn lên, định thăm dò tình hình ở bên rìa mép cái khe nứt ấy, hiềm nỗi, đèn chiếu cường độ mạnh ở đây gần như mất tác dụng, không thể chiếu xuyên qua được nước biển có quá nhiều tạp chất, càng chẳng thể nào chiếu xa được.
Minh Thúc nghĩ ra một cách, ném ống khói phát sáng dưới nước xuống dưới, một luồng sáng chói mắt tức thì chiếu rọi xung quanh. Trong khoảnh khắc ánh sáng lóe lên ấy, chỉ thấy phía dưới có vô số cột đá sừng sững, tựa như di tích của một kiến trúc cổ đại nào đó, nhưng dưới đáy sâu, nước xoáy cuộn lên, lại có nhiều dòng chảy ngầm đan xen lẫn nhau, ống khói phát sáng nhanh chóng bị cuốn đi mất, không biết rơi vào góc chết nào, chẳng còn thấy chút ánh sáng nào nữa.
Nhưng trong một thoáng ấy, tôi phảng phất thấy dưới khe sâu có một cái bóng đen khổng lồ, tựa như xác tàu đắm, có điều vì khoảng cách quá xa, nên không dám chắc. Vả lại, điều làm chúng tôi kinh ngạc nhất là những khối đá khổng lồ kia, tuy bám đầy trầm tích, nhưng lại rất vuông vắn trật tự, không giống như sản phẩm của thiên nhiên. Trong khe sâu dưới đáy biển không ngờ lại có di tích thành cổ, sự việc này khiến tôi không khỏi liên tưởng đến bức phù điêu ngọc phát hiện trên đảo Miếu San Hô, cùng với cỗ quan tài nổi ở gần vực xoáy San Hô. Xem ra, nơi này quả nhiên từng xuất hiện một nền văn minh phồn thịnh, nhưng đã bị chôn vùi dưới đáy biển sâu, dù ngẫu nhiên có vài thứ sót lại được vớt lên, coi là hàng thanh đầu, thì đa phần đã bị nước biển xâm thực mà biến dạng nghiêm trọng, khó nhận ra, rốt cuộc cũng chỉ làm nên một trang thiếu khuyết trong lịch sử nhân loại. Nơi này, rất có thể chính là Quy Khư được ghi chép trong sách cổ, là hải nhãn ở Nam Hải, dẫu có đổ hết nước trong thiên hạ vào cũng không thể đầy, là lối thông đến cõi vĩnh hằng hư vô vô tận.
Tôi thấy sâu bên dưới dường như có tàu đắm, nhìn có vẻ hết sức thần bí; không sao nén nổi cảm giác tò mò, muốn tiến xuống xem cho rõ ràng, ngoảnh sang thấy Shirley Dương và Minh Thúc vẫn đang quan sát, bèn từ phía sau gõ gõ lên mũ lặn của họ, ý bảo hãy quay sang phía này. Tôi chỉ vào thiết bị đo độ sâu, rồi lại chỉ xuống khe vực. Bọn tôi có động cơ đẩy nước gắn trên đồ lặn, sẽ không dễ bị các dòng chảy ngầm cuốn đi, vả lại, còn mang theo súng bắn lao phòng thân, cậy vào mấy thứ trang bị này, chi bằng lặn sâu xuống quan sát thêm một chút.
Shirley Dương hơi do dự, còn Minh Thúc thì ngược lại, thấy tiền tài lại nổi lòng tham. Chắc hẳn lão nghĩ, mò được ngọc trai rồi, lại vớt thêm được ít hàng độc trong khu hoang phế dưới đáy biển này, chẳng phải càng trúng quả đậm hay sao, nên đồng ý mạo hiểm ngay lập tức. Một khi lòng tham đã nổi, rắn còn nuốt cả voi, chỉ cần có lợi lộc, trên đời chẳng có nơi nào mà lão già này không dám đi cả.

Chương 22: Quái vật biển

Dung lượng bình ô xy có hạn, đương nhiên không thể dây dưa trì hoãn quá lâu dưới nước được, Shirley Dương thấy tôi và Minh Thúc đều đồng ý tiếp tục lặn sâu xuống, bèn đưa tay ra dấu phải cẩn thận hơn nữa, rồi cả ba lấy dây thừng chuyên dụng nối nhau lại, bật hết thiết bị chiếu sáng trên người lên, đoạn cùng lúc lao xuống khe sâu tối om dưới đáy biển, van khí trên mũ lặn xả ra một chuỗi bọt nước trắng xóa.
Chúng tôi lặn xuống men theo vách đá, Shirley Dương rút con dao găm thợ lặn, cạy một mảng trầm tích màu trắng xám dày bự, chỉ thấy bên trong lộ ra bề mặt đá thô ráp sần sùi, lồi lồi lõm lõm như thể một tấm bia cổ. Tôi không kìm được, vươn tay vuốt nhẹ lên những dấu vết cổ xưa ấy, đang định tiếp tục lặn xuống, chợt cảm thấy trong vách đá truyền ra những chấn động dữ dội, khác thường. Tôi giật mình kinh hãi, thầm nhủ không hay rồi, lần này trước khi xuống nước lại quên không xem giờ hoàng đạo, sao không dưng lại gặp đúng lúc có địa chấn dưới đáy biển thế này cơ chứ? Ở lại trong khe sâu này rất có khả năng sẽ bị bùn đất chôn vùi hoặc đá lở đè chết, đến nước này tôi đâu còn dám do dự, người mà ngỏm củ tỏi thì tìm thấy bảo vật cũng chẳng ích gì, phải lập tức rút lên mặt biển thôi.
Tôi đang định bảo Minh Thúc và Shirley Dương mau chóng rút lui, bỗng thấy Shirley Dương đột nhiên giơ tay lên, ra hiệu “cẩn thận”, tôi thoáng ngẩn người, liền hiểu ra ngay, vách đá chấn động không phải do địa chấn, mà là có thứ gì đó trong khe sâu này đang chuyển động. Những dòng chảy ngầm xuống phía dưới bỗng chảy xiết hẳn lên, xem ra, thứ va chạm vào vách đá đang ở phía trên chúng tôi, trong tình hình chưa rõ ràng này, chắc chắn là không thể mạo hiểm trồi lên được. Shirley Dương kéo theo tôi và Minh Thúc, lợi dụng một dòng chảy ngầm, nấp vào phía sau một trụ đá bị đổ dưới đáy biển.
Cái khe này không sâu như chúng tôi tưởng tượng, bên trong có nhiều dòng chảy ngầm phức tạp, lại quá tối tăm, chiếu đèn pha không thể nhìn rõ được địa hình bên dưới, nhưng khi lặn xuống, sử dụng “Con mắt của Poseidon” với bóng đèn khí flo, cột ánh sáng chiếu tới đâu, cảnh vật trong khoảng mấy chục mét liền hiện lên rõ mồn một. Ba chúng tôi nấp sau tảng đá, giơ hai ngọn đèn pha công suất lớn quét khắp lượt, chăm chú quan sát động tĩnh bốn xung quanh.
Tôi đưa mắt theo cột ánh sáng đèn pha, phát hiện đây không phải một khe vực tự nhiên, những cột đá to lớn xếp thành hàng san sát kia chứng tỏ ở nơi này từng tồn tại một quần thể kiến trúc quy mô hùng vĩ, nhưng đã bị nhấn chìm xuống đáy biển sâu bởi một thiên tai khủng khiếp. Phần mái của quần thể kiến trúc bị bùn cát phủ lấp, trải qua nhiều năm tháng, tạo nên một tầng vỏ cứng nhưng giòn và dễ vỡ.
Cãi khe này bạo lộ, không phải do tàu đắm rơi xuống, vì xung quanh đây không thấy có bóng dáng của tàu bè hiện đại nào cả, bên cạnh chúng tôi chỉ có mỗi cái xác tàu kiểu cũ đã mục ruỗng đến trơ khung, không biết là bị đắm từ đời xa xưa nào nữa, nên rất có thể khe nứt hình thành do những cây cột đã chỗ chúng tôi đang náu mình đổ sập.
Vực xoáy San Hô chạy dài theo hướng Đông Tây, chiều Nam Bắc rất hẹp, những mảng rừng rậm dưới đáy biển tập trung nhiều ở mé Đông có địa hình hõm sâu xuống, địa thế cao dần theo hướng từ Đông sang Tây, khi nước triều xuống thấp sẽ có đảo u linh lộ ra trên mặt nước.
Cái khe mà chúng tôi lặn xuống thám hiểm này, chính là nằm giữa rừng san hô và đảo u linh. Lúc dùng chuông lặn xuống nước trinh sát địa hình lần đầu tiên, tôi từng phát hiện trong khu vực này có rất nhiều khe sâu tối om om, giờ nghĩ lại, có lẽ bên dưới đều là di tích của tòa thành cổ này, xem ra quy mô cũng khá lớn.
Tôi mải suy nghĩ, thoáng ngẩn ra mất một lúc, chợt cảm thấy Shirley Dương khẽ chạm vào tay phải mình. Thứ trên đầu kia cũng đã lặn xuống. Tôi không nén nổi tâm trạng hồi hộp, vội giơ súng bắn lao lên chuẩn bị nghênh địch. Minh Thúc vội vàng xua tay lia lịa, ra hiệu không thể lấy cứng chọi cứng được, trong cái khe dưới đáy biển này chắc chắn có loài hải quái khổng lồ nào đang ẩn náu, chưa chắc lúc này nó đã phát hiện ra chúng tôi. Kế đó, lão lại ra hiệu cho tôi và Shirley Dương mau chóng tắt hết các nguồn sáng trên người, tránh để bại lộ mục tiêu, đợi nó bơi đi rồi mới tìm cách trở lên mặt nước.
Shirley Dương cũng đồng ý với cách của Minh Thúc, chúng tôi vội vàng, tắt đèn, ngoài ngọn đèn pha “con mắt của Poseidon”, cùng với đèn đeo trên người và gắn bên ngoài mũ lặn, bên trong mũ kim loại cũng có hai ngọn đèn nhỏ. Loại đèn này gắn liền với công tắc giảm áp, khi lặn xuống dưới sâu ba mươi mét trở lên sẽ tự động bật sáng, không tắt bằng tay được. Hai ngọn đèn ấy có thể chiếu sáng trong phạm vi tầm nửa mét phía trước mặt trong môi trường tối tăm áp suất lớn, đồng thời cũng để những đồng bạn ở gần đó nhìn rõ gương mặt mình, giảm bớt áp lực về mặt tâm lý. Loại đèn gắn bên trong mũ này so với đèn pha công suất lớn thì chẳng đáng là gì, chính vì vậy, dù để bật sáng, chúng tôi cũng không lo bị lộ tung tích.
Nguồn sáng vừa tắt, đáy biển lập tức tối đen như mực, xung quanh chìm vào sự tĩnh lặng chết chóc. Tôi chợt nghĩ, tòa thành cổ này năm xưa gặp phải thiên tai hủy diệt, những người Hận Thiên trong thành, dẫu là già trẻ gái trai hay chó mèo gà lợn hẳn đều đã thành thức ăn cho cá, chỉ còn lại vong hồn vẩn vít quanh đây thôi. Mà nghe nói, dân mò ngọc Nam Hải lúc lặn xuống tìm ngọc không dám nhắc đến chữ “ngọc”, tương truyền chính là vì dưới đáy biển có u hồn ác quỷ bảo vệ ngọc trai, lũ ác quỷ ấy lẽ nào chính là những vong hồn trong tòa thành cổ này? Nghĩ tới đây, tôi rùng mình ớn lạnh, vội trấn tĩnh, cố không nghĩ ngợi lung tung nữa.
Nhưng môi trường đặc thù dưới đáy biển, cộng với áp lực nước ở độ sâu hơn trăm mét khiến người ta phải chịu đựng sức ép tâm lý rất lớn. Tôi cảm nhận được một nỗi sợ khó hiểu đang dâng lên trong lòng, không cách nào xua đi nổi. Có điều, nghĩ đến Shirley Dương ở bên cạnh, rốt cuộc tôi cũng khắc chế được tâm trạng bất an ấy. Đúng lúc đó, lại chợt cảm thấy dòng chảy ngầm bên cạnh đột nhiên chấn động! Tôi biết có thứ gì đó rất lớn đang lướt qua chỗ chúng tôi ẩn nấp, lại không sao đè nén nổi cảm giác căng thẳng cuộn dâng lên. Bấy giờ, tôi không hiểu, đây là hiện tượng tâm lý thường xuất hiện khi ở dưới biển sâu, cơ hồ tất cả các thợ lặn đều như vậy, mới thầm mắng mình quá vô dụng. “Năm đó thấy đao trắng đâm vào đao đỏ rút ra cũng không hề chớp mắt một cái, sao giờ xuống đáy biển lại biến ra kém cỏi thế này?” Nghĩ đoạn, tôi lại thầm nhủ, tuyệt đối không thể để Shirley Dương và Minh Thúc nhìn ra, bằng không thì đúng là chẳng còn mặt mũi nào mà lên tàu nữa.
Tuy tôi rất căng thẳng, nhưng có người còn căng thẳng hơn cả tôi. Minh Thúc ở bên cạnh như bị sứa biển đốt cho mấy phát, đớ người như có dòng điện chạy qua, một chuỗi bong bóng nước ùng ục tuôn từ mũ lặn. Tôi và Shirley Dương bị lão làm cho giật thót cả mình, nhưng nhanh chóng hiểu ra ngay, lão Minh Thúc chắc là bị thứ gì làm cho kinh hãi quá độ mà thôi. Đúng lúc đó, tôi thấy lão đưa tay lên định cởi mũ lặn ra, thầm chửi lão nông dân Hồng Kông này không hiểu uống lầm thuốc gì, vội đưa tay chụp vào vai, xoay người lão lại, mượn ánh đèn mờ mờ trong mũ quan sát, mới thấy không hiểu ở đâu chui ra một con mực đang xòe rộng xúc tu bám chặt lên kính quan sát trên mũ lặn của lão già. Con mực không lớn lắm, chỉ cỡ bằng hai nắm tay người lớn, toàn thân trắng nhợt, lốm đốm những vệt nâu nâu tím tím. Nó trợn trừng hai con mắt xám đục, nhích động liên tục trên mặt kính quan sát của cái mũ lặn.
Minh Thúc bị chắn mất tầm nhìn, đâu có biết đó chỉ là một con mực bé tẹo, còn tưởng đã bị quái thú đáy biển nào nuốt chửng, trước mắt toàn là ruột với dạ dày đang nhu động. Lão ta dẫu từng chạy tàu lâu năm, từng lặn xuống biển mò ngọc, cũng phải kinh hãi đến mức luống cuống cả chân tay. Tôi sợ Minh Thúc giật đứt ống thở, vội giữ chặt hai tay lão, Shirley Dương từ phía sau dùng dao thợ lặn khẽ hất cái vòi của con mực lên, nhẹ nhàng cạy nó ra khỏi mũ lặn của Minh Thúc. Cô ra tay rất khẽ khàng, con mực thậm chí không cảm thấy bị uy hiếp, từ đầu chí cuối không hề phun mực đen.
Đang mải quan sát, tôi đột nhiên cảm thấy dòng nước bỗng xao động, có xoáy nước dữ dội cuộn trào lên ngay cạnh. Một cái bóng mơ hồ màu trắng quẫy đuôi ló đầu tới, chỉ còn cách chúng tôi gang tấc. Tôi biết giờ có trốn cũng không nổi, cái khó ló cái khôn, vội giật lấy con mực Shirley Dương vừa tóm được, bóp mạnh một cái, rồi thả ra luôn. Con mực vừa đau vừa kinh hoảng, theo bản năng lập tức phun túa ra một đống mực đen hòng thoát thân.
Luồng mực phụt ra đen kìn kịt, tựa làn khói mù mịt từ đáy biển bốc lên. Thân con mực liền đó lao vọt đi. Quả nhiên, con hải quái trong bóng tối lập tức bị con mực bỏ chạy thu hút, quay đầu đuổi theo luôn trước mắt chúng tôi. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn gắn trong mũ, tôi không nhìn ra nổi nó rốt cuộc là giống gì, chỉ thấy một mảng trắng nhờ nhờ to đến phát hãi lướt qua. Dòng nước do thứ ấy quẫy động rất mãnh liệt, như thể lốc xoáy từ đáy biển trào dâng, nếu không phải chúng tôi ôm chặt lấy trụ đá, nói không chừng đã bị cuốn phăng rồi. Dòng xoáy ngầm đó còn xoáy đảo mãi hồi lâu mới lắng xuống. Tôi thầm kinh hãi, cái thứ vừa rồi rốt cuộc là gì mà to lớn nhường ấy? Lẽ nào, dưới đáy biển này có rồng thật?
Tôi mới vừa nghĩ tới đó, thì quầng mực đen trước mắt đã bị cuốn theo xoáy nước, chỉ thấy cái bóng to lớn dài thượt như dải lụa kia đã nuốt chửng con mực, rồi quay ngoắt lại, bơi về phía chúng tôi. Ba bọn tôi đang mặc bộ đồ lặn hạng nặng, dù dưới nước có lực đẩy, nhưng muốn cất tay nhấc chân vẫn khó, nên cực kỳ chậm chạp, căn bản không có khả năng chạy trốn, chỉ còn cách đánh liều một phen thôi vậy. Tôi giương súng bắn lao lên, định cho con quái vật kia một phát. Nhưng Shirley Dương nhanh hơn tôi nửa nhịp, bật luôn đèn pha công suất lớn, cột ánh sáng chói mắt trắng lòa bắn vút ra, rọi thẳng vào con hải quái đang bơi đến.
Chỉ thấy trong ánh đèn hiện ra một vật thể khổng lồ màu trắng, đầu như con trâu, thân như mãng xà, vừa có sừng vừa có vảy. Cả ba bọn tôi tái mặt, con này là rồng hay là gì đây? Nếu bảo nó là rồng, thì hình như thiếu móng vuốt. Còn bảo nó không phải rồng, vậy thì cặp sừng nhú ra trên cái đầu như đầu trâu kia, cùng với thân thể dài như dải lụa trắng, chỉ thấy đầu không thấy đuôi kia rốt cuộc là thuộc về giống gì? Tôi sững người, nhất thời quên cả bắn mũi lao ra.
Con quái vật bị luồng sáng mạnh chiếu phải, bất thình lình ngoặt cái đầu đang lao tới chỗ ba chúng tôi, vòng sang bên cạnh cột sáng trong gang tấc, thân thể dài thườn thượt lướt vèo qua. Luồng nước xiết khiến cả ba chúng tôi lảo đảo muốn ngã nhào. Con quái vật kia hình như rất sợ ánh sáng mạnh, thoắt cái đã quay đầu lặn sâu xuống bên dưới khu cổ thành hoang phế, khòng thấy động tĩnh gì nữa.
Chúng tôi còn chưa kịp vui mừng, thì mấy trụ đá sau lưng đã bị luồng nước ngầm cực xiết do con quái vật kia gây ra ập vào, rung rinh muốn đổ. Bản thân những trụ đá này đã bị các dòng chảy ngầm dưới đáy biển xối vào nhiều năm, không còn vững chắc nữa, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tôi chỉ cái xác tàu đắm cách không xa ở mé bên, phía sau hình như có một gian điện bằng đá, nấp vào bên trong may ra có thể tránh được những khối đá rơi xuống.
Trụ đá đã xiêu vẹo, nói đổ là có thể đổ ngay, mà không thể đoán được sẽ ập xuống theo hướng nào. Chúng tôi nhanh chóng tìm ra góc chết nơi các khối đá không rơi tới được, rồi vội né vào trong cái xác tàu. Đúng lúc đó, các trụ đá nứt gãy đổ sập xuống ngay sát sau lưng. Bùn đất dưới đáy biển cuộn lên tạo thành một vùng mờ mịt, che phủ cả khu vực chúng tôi vừa náu vào. Cũng may, chấn động ấy không gây ra phản ứng dây chuyền. Song, không ai dám chắc chắn những khu vực khác sẽ an toàn kiên cố hơn chỗ vừa rồi. Trong tòa thành cổ đã bị vùi lấp dưới đáy biển không biết mấy nghìn năm này, căn bản không có nơi nào an toàn cả.
Chúng tôi nấp vào trong khung giá của con tàu đắm, tranh thủ nghỉ ngơi giây lát. Minh Thúc liên tiếp bị mấy phen kinh hãi, bắt đầu không trấn tĩnh được nữa, tay chân luống cuống hết cả lên. Lão cầm cái bảng viết chữ dưới nước đeo bên người lên, ngoáy vội mấy chữ đưa cho chúng tôi xem. Loại bảng viết này chuyên dùng cho thợ lặn, trừ những người đã hợp tác với nhau lâu đến mức có thể hiểu hết mọi ám hiệu ra, thì khi có những điều phức tạp khó có thể dùng tay ra hiệu, ai cũng phải dùng đến loại bảng viết này.
Tôi vừa thấy Minh Thúc viết đến chữ “rồng”, biết ngay lão muốn nói con hải quái chúng tôi vừa gặp phải là rồng. Lần này đúng là phiền phức to rồi. Tôi chưa từng gặp rồng thật bao giờ, cũng không biết cái lão này trước đây đã đụng phải con rồng nào chưa. Có điều, chủ nghĩa Mác bao la rộng lớn, rốt cuộc cũng chỉ quy lại thành hai chữ “tạo phản”. Tạo phản là gì? Chính là dám làm những điều người trong thiên hạ không dám làm. Trong thế giới quan của tôi, rồng với cá chẳng khác quái gì nhau cả. Tôi giơ súng bắn lao trong tay lên ra hiệu với Minh Thúc, bảo đợi khi nào nổi lên mặt nước, con quái vật ấy mà còn dám lộ diện lần nữa, nhất định tôi phải cho nó ăn vài mũi lao, để cho nó biết thế nào là mùi vị mũi lao thấm đẫm máu và nước mắt của dân mò ngọc.
Shirley Dương xua xua tay, ý bảo chúng tôi không cần lo lắng, cô viết lên tấm bảng ba chữ “rắn biển lớn”, rồi lại chỉ chỉ vào ngọn đèn pha. Bấy giờ, tôi mới nhớ ra, hai hôm trước, ở trên tàu, cô từng nói với tôi về loài rắn sống ở vùng biển sâu. Người phương Tây gọi nó là “rắn biển”, còn người phương Đông thì gọi là “rồng”, trên thực tế là cùng một loài sinh vật biển. Loài này thoắt ẩn thoắt hiện, mỗi khi trời nổi gió bão, thường hay nổi lên tấn công tàu bè hòng ăn thịt người và gia súc, vì vậy, đám thủy thủ mỗi khi nhắc đến đều biến sắc. Thời xưa, các chùa miếu bên bờ biển đa phần đều có vẽ cảnh hải quái nuốt tàu lật thuyền, hình tượng rồng nhe nanh múa vuốt trong đó chính là lấy nguyên mẫu từ loài rắn biển này. Có điều, lũ rắn này sợ ánh sáng nên bình thường chỉ xuất hiện ở các vùng biển tối tăm, có mang theo thiết bị chiếu sáng công suất lớn rồi thì chẳng có gì phải sợ nó cả. Nếu sớm phát hiện ra là rắn biển, thì vừa nãy chẳng cần phải nghe theo chủ ý vớ vẩn của lão Minh Thúc kia tắt hết cả đèn đuốc đi, hại cho cả bọn suýt chút nữa bị tấn công.
Minh Thúc cũng biết lai lịch của giống rắn biển này, nếu không có tình huống gì đặc biệt, nó sẽ không lao ra vùng sáng tấn công tàu bè và thợ lặn. Lão cầm chắc ngọn đèn công suất lớn trong tay, sau một hồi, rốt cuộc cũng đã trấn tĩnh, hướng về phía chúng tôi giơ ngón cái lên, ý bảo không cần lo lắng, lão không có vấn đề gì nữa.
Tôi và Shirley Dương cầm đèn pin rọi khắp xung quanh, chỉ thấy con tàu cổ bị đắm này tuy chỉ còn lại phần khung, song vẫn có thể nhận ra kiểu dáng khác xa tàu Trung Quốc, đượm vẻ phong tình vùng Ả Rập. Thân tàu bị vùi lấp quá nửa trong cát biển, đã mục ruỗng gần hết. Đây rất có thể là một tàu buôn qua lại trên vùng biển này vào thời Nguyên Minh không biết gặp tai nạn gì trên biển mà bị cuốn vào trong vực xoáy San Hô.
Khu thành cổ hoang phế dưới đáy biển đã suy tàn đổ nát, không còn chút bóng dáng huy hoàng của thời phồn thịnh xa xưa, đối với các nhà khảo cổ học có lẽ là một phát hiện kinh người, nhưng trong mắt chúng tôi thì chẳng có giá trị quái gì cả. Bọn tôi bơi một vòng quanh con tàu đắm, không phát hiện ra xác tàu Mariana hay con tàu đắm nào khác. Quy mô của di tích dưới đáy biển này tuy lớn, nhưng những nơi thợ lặn có thể đến lại rất hạn chế, một là vì các bức tường và trụ đá đổ xuống chắn đường, hai là vì nguy cơ sụp đổ rình rập khắp nơi, rất dễ chỉ vô ý chạm phải thứ gì đó là lập tức khiến tường ngả cột nghiêng. Chừng như cả lũ thủy tộc dưới đáy biển này cũng biết mối nguy đó, nên xung quanh đây không hề thấy bóng dáng chúng xuất hiện, hoàn toàn là một khu vực chết chóc tử khí nặng nề.
Trong khu hoang phế ấy có mấy khe sâu tối om, con rắn biển kia đã rúc vào một trong số đó. Tôi muốn lại gần xem xét kỹ hơn, nhưng nước ở những chỗ ấy cuộn xoáy liên tục, các dòng chảy ngầm chằng chịt giao nhau, đến cả lũ cá cũng khó lòng lại gần, vậy là đành bỏ qua. Tôi vẫy tay ra hiệu với Shirley Dương, ý rằng, nơi này không có con tàu đắm chúng tôi muốn tìm rồi. Xem ra, cái Tần Vương Chiếu Cốt kính cũng không phải dễ dàng mà vớt lên được. Khu thành cổ hoang phế dưới đáy biển này đầy rẫy nguy cơ, không phải là chỗ tiện ở lâu, tốt nhất cứ trở lên mặt nước rồi tính kế sau vậy.


Chương 23: Xà cừ

Shirley Dương cũng đồng tình với ý kiến đó. Chúng tôi khởi động thiết bị đẩy, theo đường cũ nổi lên. Thấy Shirley Dương lấy máy ảnh dưới nước ra chụp hết xung quanh một lượt, tôi thầm nhủ: “Triều nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc chỉ giới hạn phát triển ở khu vực Trung Nguyên, so với bản đồ Trung Quốc hiện nay thì nhỏ hơn nhiều, nếu thực sự phát hiện ra một khu phế tích chịu ảnh hưởng sâu xa của triều đại này ở tận cùng Nam Hải, thì sẽ có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với công tác nghiên cứu lịch sử hàng hải và lịch sử văn minh loài người, dẫu không tìm được Tần Vương Chiếu Cốt kính, chỉ riêng những tấm ảnh này thôi cũng đủ khiến giáo sư Trần kích động đến phải nhập viện lần nữa rồi.
Ba chúng tôi bật hết các thiết bị chiếu sáng, chầm chậm nổi lên đến chỗ khu rừng san hô. Nhưng vừa lên đến nơi lập tức phát hiện có điều không ổn, đội B ở chỗ cây san hô đại tướng mò ngọc đang vẫy đèn về phía chúng tôi, rõ ràng là cần chi viện khẩn cấp. Tôi chém tay về phía trước ra hiệu, kéo theo Shirley Dương và Minh Thúc nhanh chóng bơi đến tiếp cận cây san hô.
Bên dưới gốc cây san hô, Nguyễn Hắc và Đa Linh đang ra sức nạy một con trai khổng lồ. Con trai bám chặt vào rặng san hô đã vôi hóa ấy to hơn cái cối xay cỡ đại phải đến ba bốn vòng, vỏ khép chặt, mặc cho hai người bọn Nguyễn Hắc cạy thế nào cũng không nhúc nhích. Xem ra ít nhất nó cũng đã nghìn năm tuổi rồi, vỏ ngoài trắng muốt óng ánh, như gắn liền thành một với khối đá khổng lồ dưới đáy biển. Đây là giống trai ăn thịt, rất hay kẹp chân người, tên khoa học là xà cừ, nhưng ngư dân và dân mò ngọc hay gọi là “khám trắng”, không biết đã có bao nhiêu dân mò ngọc bị thứ này hại chết rồi. Tôi không hiểu tại sao Nguyễn Hắc lại muốn cạy nó ra, còn chưa kịp hỏi, ông ta đã vội vàng ra dấu tay báo cho chúng tôi biết, bên trong con trai này có người!
Tôi nhìn dấu tay ấy mà tưởng mình hiểu lầm ý của Nguyễn Hắc, ở vùng biển vực xoáy San Hô sóng gió rợp trời này ngoại trừ chúng tôi ra thì có còn ai khác nữa đâu, cho dù đây là một con xà cừ, tục gọi là trai ăn thịt người ở vùng biển sâu, thì trong vỏ nó sao lại có “người” được chứ? Người sống hay người chết? Minh Thúc dường như sực hiểu, liền giơ tay làm điệu bộ cá bơi ngoằn ngoèo, lần này thì phát tài to, bên trong con xà cừ này tám chín phần là có kẹp một con nhân ngư cực kỳ hiếm thấy, thịt nó còn đắt gấp đôi bạch kim chứ chẳng chơi đâu.
Minh Thúc ấn tay lên con trai ăn thịt người to như cái cối xay cỡ đại, kích động phun ra một chuỗi bọt khí dài, khua tay múa chân nói với chúng tôi, bên trong con trai này có thể đang kẹp một con nhân ngư dưới đáy biển. Có điều, đây chỉ là suy đoán một phía của lão mà thôi, bên trong con trai này có thứ gì, thì chỉ có hai người Nguyễn Hắc và đồ đệ Đa Linh của lão trông thấy. Ở dưới nước cũng khó mà miêu tả tỉ mỉ được.
Tôi thấy con trai lớn có vỏ ngoài lấp lánh rất hiếm gặp, rõ ràng là món hời to. Đằng nào thì dưa hấu ở khoang sau cũng đã ném xuống biển hết rồi, trên tàu còn ối chỗ trống, không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho trót, sao không mang cả vỏ lẫn ruột lên trên cho xong? Nghĩ đoạn, tôi bèn đánh tay ra hiệu, bảo hai thầy trò Nguyễn Hắc và Đa Linh ở dưới canh chừng, còn tôi và Shirley Dương lên tàu trước, để Tuyền béo mang đục và xà beng xuống giúp một tay, nạy con trai ngọc nghìn năm lên boong tàu.
Sắp xếp xong xuôi, chúng tôi liền nổi lên đến gần mực giảm áp, sau đó lần lượt trỏ vào khoang lặn như cái tủ lạnh ấy, tháo bỏ bộ trang bị nặng trịch như cái cùm trên người ra. Tôi kể sơ qua cho Tuyền béo và Cổ Thái nghe tình hình dưới nước. Tuyền béo ở trên tàu đợi đã sốt ruột lắm rồi, vừa nghe xong liền kéo Cổ Thái đổi ca lặn với chúng tôi, mang theo đục và thiết bị kích bằng áp lực chất lỏng lặn xuống bắt con trai lên.
Ba thầy trò Nguyễn Hắc đều là thợ bắt trai mò ngọc lành nghề, có dụng cụ trong tay, công việc càng thêm thuận lợi, nhưng cũng phải tốn khá nhiều công sức mới đục được con trai to tướng ra khỏi rặng đá ngầm. Mấy người họ lợi dụng lực đẩy của dòng nước ngầm, đưa nó lên mặt biển, rồi lấy dây thép buộc chặt lại. Minh Thúc khởi động tay cần cẩu trên tàu, rốt cuộc cũng kéo được con trai nghìn năm khổng lồ lên khỏi mặt nước.
Tuyền béo có ý khoe khoang, đứng trên vỏ trai đang lơ lửng giữa không trung, đẩy cặp kính râm lên trán, hét ầm ĩ: “Êu Nhất, cậu xem Tư lệnh Tuyền béo tôi bắt được cái gì này? Tính giá thị trường bây giờ, bứng cả con sang Mỹ, ít nhất cũng phải đổi được một quả du thuyền. Đến lúc ấy hai anh em mình ôm mấy cô em người Mỹ...” Cánh tay cẩu rời mặt biển lên mỗi lúc một cao, Tuyền béo còn chưa dứt lời đã bắt đầu hoa mắt chóng mặt, kêu “ái ôi” một tiếng, hai chân mềm nhũn ngã bổ ngửa xuống nước.
Tôi lo cậu ta hí hửng quá hóa rồ, gây động quá lớn làm bọn cá mập lại kéo đến, vội bảo Nguyễn Hắc kéo cu cậu lên tàu, đồng thời cũng nói Nguyễn Hắc mau chóng trở lên, xem chừng đến lúc thu dọn trở về rồi, nhưng Nguyễn Hắc lại cho rằng mặt biển đang phẳng lặng, nước triều xuống thấp, mà dưới đáy biển vẫn còn rất nhiều trai ngọc, cơ hội mò ngọc nghìn năm hiếm có này sao có thể dễ dàng bỏ qua như thế? Ông ta cũng chẳng buồn để ý đến nguy cơ mắc phải bệnh khí ép[37], sau khi thay bình dưỡng khí mới, nằng nặc đòi dẫn theo hai đồ đệ lặn xuống mò ngọc thêm lần nữa.
Minh Thúc cũng có ý này, lão khuyên tôi chớ nên ngăn cản mấy người nhà Nguyễn Hắc, nhìn thời tiết này có thể sẽ đổ mưa, nhưng không thấy có gió, ắt không thể nổi sóng được. Chỉ cần không có sóng dữ, dù trên biển đổ mưa to mấy, cũng chẳng thể ảnh hưởng gì đến việc lặn xuống cả. Có điều, Minh Thúc cũng không muốn đích thân lặn xuống nữa. Xét cho cùng, thầy trò nhà Nguyễn Hắc là trợ thủ dùng tiền thuê về, mà bọn chúng tôi đã ăn bớt phần tiền công nào của ba người đó đâu, bọn họ đã muốn ra sức kiếm thêm một mớ, cớ gì phải ngăn cản chứ? Cứ để cho họ thỏa sức làm có phải hơn không? Lúc này, bầu trời càng thêm u ám, mây dày đen như mực trùm cả mặt biển. Trong luồng gió vừa lùa tới, dường như ẩn chứa một thứ tín hiệu nguy hiểm. Tôi thoáng giật mình, thầm cầu khấn, xin ông trời tuyệt đối đừng nổi sóng to gió lớn đêm hôm nay. Có điều, tôi lại nghĩ Minh Thúc và Nguyễn Hắc đều là hạng sói biển lão luyện, hết sức quen thuộc thời tiết trên biển, bọn họ đã nói không sao thì có lo mấy cũng chẳng được tích sự gì.
Tương truyền vùng biển vực xoáy San Hô này một năm bốn mùa không lúc nào ngơi gió bão, chỉ vào những đêm trăng tròn mới trời quang mây tạnh, còn lại liên tục mây mù mờ mịt, không ngừng xuất hiện những luồng không khí hỗn loạn kèm theo tiếng sấm thứ thanh[38], nên máy bay khó lòng bay qua được. Sóng điện từ tần số thấp dưới đáy biển gây nhiễu loạn thiết bị điện tử, khiến hầu hết tàu thuyền không tránh khỏi lạc xa tuyến đường định sẵn. Vì thế, rất nhiều tai nạn khủng khiếp đã xảy ra ở đây, nhưng đến nay, hiện tượng này vẫn chưa có lời giải thích.
Trong lúc đó, Shirley Dương tò mò quan sát con trai ăn thịt người chúng tôi mới bắt lên. Trừ cô ra, cả bọn cứ mải lo việc tiếp tục xuống biển mò ngọc, không có thời gian để ý đến nó, chỉ lấy dây thép buộc lại quẳng ở một góc, định là khi nào rảnh tay sẽ xử lý sau. Shirley Dương nói với tôi: “Vỏ con trai này trắng bóng lấp lánh, vừa bồng bềnh như sóng cuộn, vừa hơi giống với bánh xe của chiến xa thời La Mã cổ đại, quả là một tạo vật kỳ diệu của thiên nhiên, đẹp đẽ vô cùng. Anh xem, những đường vân rất mảnh mà dày đặc, chứng tỏ ít nhất nó cũng phải sống dưới đáy biển kia mấy nghìn năm rồi. Mà nền văn minh của loài người chúng ta cũng chỉ có ngần ấy năm thôi... Điều này thật khiến những kẻ chỉ có thể sống vài chục năm như chúng ta đây phải bồi hồi cảm thán.”
Tôi lo Shirley Dương nổi lòng từ bi bất chợt, lại đòi thả con trai cụ cổ này về biển, há chẳng phải bao nhiêu công sức của mọi người từ nãy đến giờ thành ra công cốc, miếng thịt đã đến miệng rồi còn bị chó tha đi mất hay sao? Nó đã sống mấy nghìn năm thì chắc là cũng quá đủ, người thầy vĩ đại của chúng ta chẳng phải từng nói, ý nghĩa của cuộc sống không phải ở sự dài ngắn, mà là ở chỗ có giá trị hay không đó sao?
Nhưng suy nghĩ đứng đắn như thế chẳng thể nào rơi từ trên trời xuống được, tôi đành phải làm công tác tư tưởng cho cô nàng: “Sinh vật dưới đáy biển có rất nhiều loại sống dai sống lâu. Tôi thấy, nghìn năm vạn năm cũng chẳng có gì đặc biệt cả. Con trai này thực ra không ăn thịt ngươi, chẳng qua cái vỏ hình răng cưa của nó một khi đã kẹp phải chân người thì có chết cũng không chịu nhả, xưa nay đã không biết bao dân chài và dân mò ngọc mắc phải nạn này, nên người ta mới đặt cho nó cái tên nghe phát khiếp như thế thôi. Nghe Nguyễn Hắc nói, hình như ông ta trông thấy bên trong cái vỏ xà cừ này có một người chết. Cả trăm năm nay không ai dám đến trung tâm vực xoáy San Hô mò ngọc, thật không biết bên trong là xác nhân ngư ở Nam Hải hay là thủy thủ của con tàu bị nạn nào đấy nữa. Nhưng mà, nợ máu thì phải trả bằng máu, chúng ta cứ nạy con quái này ra xem thế nào rồi tính sau.”
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, trời bắt đầu đổ mưa. Trời biển mênh mang thoắt cái đã tối tăm mù mịt, tuy đang giữa ban ngày ban mặt, nhưng chẳng khác nào lúc chập choạng tối cả. Mặt biển phía xa xa biến thành một khoảng mịt mùng, chỉ có mấy cái phao tiêu lập lòe chớp sáng. Khốn nỗi, chúng tôi còn phải đợi đến khi nước triều dâng lên cao nhất lần nữa mới có thể rời khỏi nơi này, thời tiết có ác liệt mấy cũng chẳng cách nào ứng phó. May thay, đúng như Minh Thúc nói, cơn mưa tuy lớn thật, nhưng ảnh hưởng không nhiều đến khí tượng trên biển, mặc biển vẫn phẳng lặng như cũ, điều này có lẽ ít nhiều liên quan đến hiện tượng hải khí bùng phát hôm trước. Thời tiết vùng biển vực xoáy San Hô này thật khó dùng lẽ thường để xét đoán, trời đổ mưa như trút, vậy mà mặt biển vẫn cứ sóng yên gió lặng lạ thường.
Chúng tôi cùng vào trong khoang lấy áo mưa mặc lên người, rồi quay ra xử lý con trai khổng lồ to như cái cối xay. Ánh sáng trong màn mưa rất mờ mịt, ảm đạm, tôi buộc phải cho chỉnh ngọn đèn pha công suất lớn gắn trên nóc khoang thuyền chiếu xuống, khiến màu trắng trên vỏ con trai ngọc càng ánh lên vẻ nhợt nhạt. Con trai lớn bị cẩu lên khỏi mặt nước vẫn chưa chết hẳn, nay được nước mưa tưới tắm lại rục rịch muốn động cựa, nhưng vỏ trai vẫn khép cứng, không lộ ra dù chỉ một khe hở nhỏ. Đứng trước cái giống đã sống mấy nghìn năm này, tôi với Tuyền béo loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu, chỉ lo không may làm hỏng cái vỏ đẹp đẽ của nó thì đúng là mất oan cả núi tiền.
Minh Thúc thấy bọn tôi định nạy vỏ con trai ra, cứ rối rít chạy xung quanh xem xem ngó ngó. Lão đoán chắc trong bụng con trai khổng lồ này đang kẹp một con nhân ngư cực kỳ giá trị. Tôi chưa từng nghe chuyện Nam Hải có nhân ngư bao giờ, cho rằng thứ này chắc cũng giống giao nhân vảy đen bị chế thành nến trường sinh trong mộ Hiến Vương, bèn hỏi Minh Thúc xem hai thứ này có phải là một hay không.
Minh Thúc lắc đầu, bảo giao nhân và nhân ngư là hai thứ hoàn toàn khác nhau, một ác một thiện, hình dáng lẫn tập tục sống cũng không giống nhau. Nhân ngư không thể phát ra âm thanh, thịt ăn được, còn giao nhân tính ác, có thể trồi lên mặt biển phát ra âm thanh hấp dẫn dụ hoặc người ta, thịt có độc không ăn được, duy chỉ có cao chế từ mỡ nó có tác dụng làm dầu đèn trường minh. Những người không biết rất dễ nhầm hai thứ này là một, có điều, giao nhân vảy đen tuy rất hiếm thấy, nhưng dù sao cũng từng có người bắt được, còn “nhân ngư”, hoặc “ngư nhân” thì thực sự là thứ cực hiếm lạ trên đời, trăm năm khó gặp. Tương truyền, thịt nó thơm ngon không gì sánh nổi, lại có thuyết nói, ăn thịt nhân ngư có thể trường sinh bất tử, chỉ có điều, bản thân Minh Thúc cũng chưa từng gặp ai được ăn thứ thịt ấy cả. Có một lần, thời lão còn chạy tàu ở Nam Dương, thủy thủ bắt sống được hai con nhân ngư, từ bụng trở lên là hình người, không khác gì người bình thường cả, thân dưới như đuôi cá, có thể dùng vây quẫy nước, ung dung bơi lội giữa sóng to gió lớn, lại gần xem, thấy toàn thân bao bọc trong một lớp nhầy nhầy, mùi tanh tưởi cực kỳ khó chịu. Cả hai con nhân ngư bị bỏ vào một thùng nước lớn, đám thủy thủ tò mò quây hết lại xem, nhưng chúng không hề kinh hãi, vẫn bình thản bơi vòng quanh trong cái thùng gỗ.
Bấy giờ Minh Thúc không biết hàng, gặp phải một tay thương nhân trên tàu muốn xuất tiền ra mua đôi nhân ngư phóng sinh, lão liền hạch một món tiền lớn, rồi để tay kia mang nhân ngư đi mất. Sau này, khi biết giá trị của nhân ngư ở chợ đen châu Âu và Bắc Mỹ còn đắt gấp ba lần giá bạch kim, Minh Thúc mới biết mình hố to, lúc ấy chỉ biết giẫm chân vỗ ngực hối hận vô cùng. Chuyện đã qua mười mấy năm mà giờ nhớ lại lão vẫn thấy tức ngực khó chịu, rủa xả không ngớt, tuôn ra hàng tràng những lời lảm nhảm kiểu như, năm đó mình tử tế quá, tốt quá, dễ tin người quá, bằng không sao lại bị tên gian thương khốn kiếp chết băm chết vằm đó lừa cơ chứ... Lúc này, thấy có cơ hội bắt được một con nhân ngư nữa, thử hỏi, Minh Thúc làm sao mà không bừng bừng nhiệt huyết cho được?
Minh Thúc vừa nói vừa chuẩn bị các thứ cần thiết, bảo, con trai này là sinh linh đã sống dưới đáy biển cả mấy nghìn năm, mấy nghìn năm là gì chứ? Dù là Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế chưa chết, sống một mạch đến bây giờ, chưa chắc đã hơn tuổi con trai này đâu. Vì vậy, trước khi giết nó dĩ nhiên phải làm lễ tế Ngư chủ, đây là quy củ ngàn đời của các thủy thủ trên biển, không làm theo trình tự thì cấm không ai được ra tay, bằng không tổn dương thọ thì chớ trách.
Tuyền béo không bỏ lỡ thời cơ xỉa xói Minh Thúc, vội lên tiếng bảo rằng: “Nguyễn Hắc chỉ nói trong vỏ con trai thấp thoáng thấy có người, chắc gì đã là nhân ngư. Dưới biển này có nhiều thứ hình dạng giống con người lắm. Những nơi gần biển gần hồ lớn ở trong nước, nơi nào chẳng hay diễn kịch về lũ trai lũ ốc thành tinh. Bọn yêu tinh này thường biến thành các cô con gái xinh đẹp, dụ dỗ đàn ông trai tráng bắt ăn thịt, về sau có một lão ngư ông đã vạch trần trò bịp của yêu tinh, bắt nó phải hàng phục khiến người người đều hoan hỉ. Vậy nên, bên trong con trai này tôi thấy mười phần chắc tám là không có nhân ngư rồi, có khi lại có yêu tinh náu mình cũng nên, ai nạy vỏ con trai ra, nó sẽ nhảy ra thơm người ấy một phát. Bác mau đi rửa cái bộ mặt già quắt queo của bác đi, đợi lát nữa là nó hôn bác đấy.”
Minh Thúc đang quỳ trước lò hương mỏ vịt bằng đồng, mặc kệ nước mưa làm tắt hết cả hương khói, vẫn làm bộ thành tâm khấn khấn khứa khứa, nghe Tuyền béo nói nhăng nói cuội, ngoảnh đầu lại mắng: “Cái thằng béo chết tiệt nhà cậu lại nói xằng, đám trộm mộ chúng ta đào không biết bao nhiêu cái mả rồi, chẳng lẽ còn tin mấy thứ ma quỷ đấy à? Các cậu không phải vẫn bảo mấy thứ đấy là mê tín sao?” Mắng dứt lời, lão chẳng buồn để ý đến Tuyền béo nữa, giơ con dao cong chuẩn bị dùng để lách qua khe vỏ giết con trai lên, cung kính dập đầu lẩm nhẩm khấn nguyện.
Tuyền béo thấy Minh Thúc không tin, bèn lôi tôi với Shirley Dương về hùa chứng thực lời mình. Tôi bảo: “Tôi chưa xem kịch có ngư ông bắt yêu tinh hóa thành thiếu phụ dâm ô ấy bao giờ. Cái loại kịch đó chẳng bao giờ được diễn chính thức cả đâu, toàn là đoàn hát rong đến các làng chài biểu diễn lúc dân chài nghỉ đánh bắt để lũ cá ngoài biển kịp sinh sôi nảy nở. Mấy cô đào hát đánh phấn tô son choe choét lên mặt, mỗi cánh tay buộc một cái chảo to sơn màu trắng, trông như con gà đập cánh ấy, lúc diễn thì nhảy qua nhảy lại, ưỡn ẹo cợt nhả với ngư ông và đám trai tráng, ảnh hưởng rất là không tốt, mà người xem còn có rất nhiều thiếu niên nhi đồng nữa…”
Shirley Dương chưa nghe chuyện trai hóa thành tinh bao giờ, hiếu kỳ hỏi tôi: “Anh chưa xem bao giờ sao lại biết rõ thế? Đến cả khán giả có nhiều trẻ con cũng biết, mà con trai thành tinh sao lại biến thành cô gái?”
Tôi đáp, chưa xem đâu có nghĩa là không hiểu biết. Những chuyện ở nhà quê, chuyện gì tôi chẳng biết. Hồi trước khi nhập ngũ, tôi đây từng có một lý tưởng thiêng liêng, chính là về nông thôn, nghiên cứu quy luật đấu tranh giai cấp để sau này khi triển khai cách mạng ra toàn thế giới mới có thể xây đựng đầy đủ nền móng chiến lược cho kế hoạch lấy nông thôn bao vây thành thị. Tại sao cách mạng thế giới phải đi theo con đường lấy nông thôn bao vây thành thị chứ? Bởi vì trong mắt chúng ta, Bắc Mỹ và Tây Âu chính là những thành thị lớn nhất, châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đều là nông thôn... Có điều chuyện này nói ra thì dông dài lắm, ta đang nói chuyện tại sao trai thành tinh lại hóa ra cô gái cơ mà. Hồi xưa, ở bên hồ Động Đình có truyền thuyết về Nàng Ốc, kể rằng: có một gã ngốc lại còn nghèo rớt mồng tơi, nghèo đến nỗi nhà cửa không có gì, chỉ có sức trâu quần quật đi đánh cá nuôi dưỡng người mẹ già bị mù. Cũng bởi vì nghèo quá mà thường không đủ ăn, hai mẹ con chỉ được bữa đực bữa cái qua ngày.
Sau này, gã ngốc kia bắt được một con ốc lớn ở hồ Động Đình, thấy lạ bèn bỏ vào ang nước trong nhà nuôi. Té ra con ốc ấy đã thành tinh, biến thành một cô nàng mặt hoa da phấn xinh đẹp tuyệt trần, đã cho gã ngốc kia lương thực thực phẩm, lại cho cả tiền, rồi còn giúp gã ta quét dọn nhà cửa, chăm sóc mẹ già. Ốc thành tinh với trai thành tinh đại để cũng cùng một loại thôi. Nàng Ốc thành tinh ấy đã nhìn trúng gã ngư dân nghèo, cảm thấy gã ta thuần phác lương thiện cần lao dũng cảm gì gì đó, nói chung là con người có đầy đủ mọi mỹ đức của nhân dân lao động, cuối cùng đã quyết ý gả làm vợ gã. Cọc đi tìm trâu, chuyện tốt thế này, thì cả gã ngốc cũng biết nhận lời, vậy là từ đó trở đi hai người sống mãi bên nhau, cũng không biết là nhà ấy có sinh ra quái thai quái dị gì hay không nữa.
Shirley Dương phì cười nói: “Đây hình như là một truyền thuyết dân gian tuyệt đẹp mới đúng. Nhưng tôi cũng thật lấy làm lạ, nghe qua cái miệng anh kể thì lại chẳng thấy đẹp đẽ gì hết, ngược lại chỉ cảm thấy tức cười. Có phải anh thích châm chọc phá thối những thứ đẹp đẽ lắm phải không?”
Tôi vội bảo, cô nói thế là đổ oan tày trời cho tôi rồi còn gì? Truyền thuyết Nàng Ốc ấy thật sự đẹp đẽ lắm hay sao? Đẹp đẽ chỉ là cái vỏ bề ngoài, còn bản chất của sự vật thì sao? Bản chất thật sự phía sau truyền thuyết đẹp đẽ ấy không đáng để chúng ta đào sâu suy nghĩ hay sao? Những truyền thuyết đẹp đẽ kiểu như Nàng Ốc ấy thật nhiều không kể xiết, thời trước giải phóng, nhân dân đều rất thích nghe, tại sao lại như vậy chứ?
Đó là tại vì quần chúng lao khổ quanh năm ngày tháng đổ máu đổ mồ hôi, nhưng rốt cuộc tài sản làm ra đều thuộc về những kẻ khác, cả đời chăm chỉ cần mẫn, vậy mà vẫn phải lo ăn đói mặc rét, rốt cuộc vẫn phải sống cảnh nghèo, ăn không no mặc không ấm, dù có bệnh nặng bệnh nhẹ cũng không dám bỏ lỡ công việc, mồ hôi vừa ráo là đã không có cái ăn rồi. Những người số khổ ấy có ai không mong muốn tự dưng trên trời rơi xuống một người vợ tốt, vừa xinh đẹp lại vừa hiền thục, lý tưởng nhất là giống như Nàng Ốc kia, chẳng những biết phép thuật biến ra gạo, biến ra tiền, biến ra tem phiếu đổi lương thực trên toàn quốc, chàng muốn ăn gì là biến ra cái ấy cho chàng xơi, đã thế nàng dâu xinh đẹp tuyệt trần lại còn không có nhà mẹ đẻ, một lòng một dạ tòng phu sống đời thanh bần đạm bạc, có lấy chổi quét nhà ra đuổi cũng nhất quyết không chịu đi.
Bọn họ tất cả đều sẵn lòng tin những truyền thuyết mỹ miều ấy là sự thật, nhưng thực ra chỉ là sự dối trá, dối trá trần trụi trăm phần trăm, do đám vương tôn quý tộc cố ý bịa đặt để vẽ ra cho nhân dân lao động một tương lai tưởng như quá đỗi xán lạn huy hoàng. Cứ làm đi, làm hộc máu mồm ra cũng chớ kêu mệt, cứ từ từ nín nhịn khổ nhục nghèo hèn cho qua ngày tháng, nhưng phải thành thực, không được lười, không được trộm, không được cướp, lại càng không được tạo phản, cũng không được bất mãn với gốc gác gia thế và số phận mà ông trời đã sắp xếp cho ngươi. Ngươi cứ sống thành thật cần lao như vậy, tương lai nhất định sẽ có một người vợ xinh đẹp chui từ trong vỏ ốc ra, đợi ngươi ở nhà. Hỏi nàng ta hình dáng thế nào à? Phi tử của hoàng đế hẳn cũng không tồi rồi đúng không? Nhưng hồng phấn giai nhân khắp tam cung lục viện gộp lại cũng không bằng cái gấu quần của nàng tiên Ốc đấy đâu. Nàng Ốc không những xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có gia tài khổng lồ, bảo bối dưới Long cung muốn lấy thứ gì cũng có, tấm lòng lại chỉ yêu nghèo yêu khó, ghét kẻ giàu sang, nhất tâm nhất ý muốn cùng tên ngốc nhà ngươi chịu khó chịu khổ, chắp cánh uyên ương. Thế chẳng phải gạt người ta thì là cái nước mẹ gì chứ?
Tuyền béo nghe tôi xổ ra một tràng toàn là cao kiến, không nhịn được vỗ tay bôm bốp: “Tư lệnh Nhất cậu nói hay quá đi mất, một phát là trúng phóc, mấy truyện cổ tích của nước ngoài không phải nói chuyện công chúa thì cũng là hoàng tử, mà chủ yếu toàn là theo nguyên tắc môn đăng hộ đối, từ đây có thể thấy tác dụng đầu độc của câu chuyện Nàng Ốc kia thật là khủng khiếp. Mao chủ tịch từng nói, năm xưa dẫu có quan cao chức trọng đến mấy, giờ cũng chỉ là phân thổ mà thôi, chúng ta nhất định phải đào mả mấy cái bánh tông xưa kia từng dùng lời ngon lẽ ngọt lừa dối quần chúng lao động lên, cho bọn chúng biết, lừa của ông cái gì sớm muộn cũng phải ọe ra cái ấy!”
Shirley Dương đã bị tôi làm cho tức nghẹt cả thở, giờ nghe Tuyền béo có ý rủ rê tôi trở lại nghề Mô Kim hiệu úy, vội lên tiếng nhắc nhở, bùa Mô Kim đã gỡ xuống rồi, làm sao làm Mô Kim hiệu úy được nữa? Sau này sang Mỹ, tốt nhất hãy nên chịu khó làm ăn thì hơn.
Tuyền béo cười hì hì nói: “Dương tiểu thư, xưa nay tôi vẫn nghĩ cô là người thông minh, nhưng giờ thì phát hiện cô so với tư lệnh Nhất nhà ta đúng là vẫn không cùng một cấp bậc rồi. Cứ nghĩ sau này cô phải sống với cậu ta, tôi đây lại không khỏi lấy làm lo lắng thay cho cô đấy. Cái danh dự thanh cao với cả niềm tin sâu sắc vào giá trị nước Mỹ đã làm cô lú lẫn không phát giác nổi cậu ta đang giở trò gì rồi. Tên Hồ Bát Nhất này mà là hạng thiện nam tín nữ ăn chay niệm Phật được sao? NO! Cậu ta chả phải ngọn đèn cạn dầu đâu, mà là hạng người mồm đầy lý lẽ, miệng trơn tuồn tuột như bôi mỡ đấy. Cậu ta mà muốn bỏ bùa Mô Kim đi thì Tuyền béo tôi đây mang đầu ra cho các vị đá bóng luôn nhé. Hừ đeo bùa Mô Kim lên cổ mà xem là rửa tay gác kiếm hả? Mà rửa tay rồi thì còn chân đã rửa đâu chứ...”
Tôi thầm mắng cái thằng Tuyền béo này nói gì không nói lại lôi chuyện này ra, phá hoại hình tượng tuân thủ kỷ cương phép nước mà tôi khó khăn lắm mới gây dựng được trong lòng Shirley Dương. Chuyện này vị tất cô đã không biết, chẳng qua là muốn để cho tôi chút thể diện nên mới không bươi móc ra thôi, cái thằng Tuyền béo kia cần gì phải lắm mồm chõ mõm vào. Nghĩ đoạn, tôi vội nói lảng đi, phân tán sự chú ý của cả bọn, vừa khéo lúc ấy Minh Thúc cũng đã bái tế Ngư chủ xong xuôi, đang định động thủ với con trai ăn thịt người, mới gọi chúng tôi lại giúp sức nên cũng tạm thời hàm hồ cho qua được cái vụ kia.
Chỉ thấy Minh Thúc bước lên hai bước, chúc ngược con dao lưỡi cong, liên tiếp dịch chuyển trên vỏ trai, phát ra những chuỗi âm thanh ken két chẳng lành. Lưỡi dao này dài không đến một thước, thân cong, phát ra ánh sáng lạnh ghê người ngay cả trong mưa, chỗ đốc dao khảm một đầu rồng mạ vàng, trên tay nắm có hoa văn dạng vảy. Món đồ này chúng tôi mua được từ tay Võ thọt trên đảo Miếu San Hô, là loại dao chuyên dùng giết trai lấy ngọc của các thủ lĩnh mò ngọc thời xưa, có lai lịch phải mấy chục đời rồi, số lượng trai ngọc chết dưới lưỡi dao cong bén ngọt ấy e khó mà tính nổi, nhưng dùng để xử lý thứ “xà cừ” nghìn năm tuổi này, thì hẳn mới là lần đầu.
Chú thích
[37] Bệnh do có bọt ni tơ trong máu và các mô (thường gặp ở thợ lặn và người thường xuyên làm việc trong đường hầm), triệu chứng là buồn nôn, khó cử động, khó thở, huyết áp tụt nhanh, đau khớp và ngực, rát da và chuột rút.
[38] Thứ thanh: sóng âm thấp hơn tần số thấp nhất mà tai người có thể nghe thấy được.


Chương 24: Khinh núi chớ khinh biển

Cơn mưa lớn ầm ầm trút xuống mặt biển, bọn chúng tôi mặc áo mưa đứng trên boong tàu nhìn Minh Thúc tay cầm dao lưỡi cong chạm đầu rồng, xoèn xoẹt đưa qua đưa lại trên vỏ con trai khổng lồ. Dân mò ngọc thời xưa chỉ biết dựa vào nghề xuống biển tìm ngọc trai để mưu sinh, thường tự xem mình là đồng loại với giống ngư long, sở dĩ cũng vì nghề mò ngọc quá nguy hiểm, muốn ghép thêm chữ “long” vào để các loài cá dữ dưới biển không làm hại. Con dao này chuyên dùng giết trai lấy ngọc, cũng có tác dụng chiến đấu lúc lặn dưới nước, được gọi là “long hồ đao”, nhưng vì thời xưa chỉ có hoàng đế mới được ví với “long”, dân mò ngọc dùng chữ “long” là đã phạm húy, nên người bên ngoài đều không biết đến danh xưng này, mà bọn họ cũng không bao giờ dám cho người khác xem long hồ đao của mình.
Ông cậu của Minh Thúc năm xưa xuất thân từ dân mò ngọc, vì vậy lão ta rất quen thuộc với các loại tập tục cũng như tiếng lóng của hạng người này. Tôi và Tuyền béo thấy lão ta cứ cầm con dao chọc chọc cái vỏ trai, lẩm bà lẩm bẩm đọc bùa chú cứ như lão thầy cúng đang làm pháp sự siêu độ trước khi hành hình người ta, đều lấy làm tức cười.
Minh Thúc lại quở trách chúng tôi không hiểu cái sự lợi hại bên trong, đổ đấu và mò ngọc đều là nghề truyền thống, ngành nào chẳng có quy tắc riêng. Quy tắc hành nghề đổ đấu có vô số, chẳng ai tránh khỏi phạm phải một hai điều, nhưng, phạm thì cứ phạm, chỉ cần mạng lớn phước lớn, chưa chắc đã phải mất mạng. Riêng nguy hiểm mà dân mò ngọc phải đối mặt ở trên biển so với Mô Kim hiệu úy lên núi đào mồ trộm mả thì lớn hơn không biết bao nhiêu lần mà kể. Thường có câu, “khinh núi chớ khinh biển, lừa trời đừng dối biển”, mộ cổ trong núi niên đại cổ xưa đến mấy cũng chưa chắc đã bằng tuổi thọ của một số loài thủy tộc dưới đáy biển sâu. Nếu không có lòng kính sợ biển cả, ở trên biển mà cứ tùy tiện vọng động thì có mười cái mạng cũng không đủ mà chết. Trên đời này, kẻ làm nghề chạy tàu đánh cá mò ngọc nhiều như lông trâu, vậy mà nào có ai dám bất kính với hải thần đâu.
Tôi thì không cho là vậy, kinh nghiệm mấy năm làm Mô Kim hiệu úy cho tôi biết, quy củ “gà gáy đèn tắt không mò vàng” của Mô Kim hiệu úy tuyệt đối chẳng phải thứ mê tín dị đoan gì, chẳng qua là đám người phàm tục không hiểu được ý tứ cốt lõi của nó nên mới hiểu lầm mà thôi. Có điều, lúc này cũng không tiện nói nhiều, tôi chỉ nhắc Minh Thúc mau ra tay để mọi người xem thử, bên trong rốt cuộc có phải đang ẩn náu một con trai thành tinh đáng ghét chuyên lừa gạt những tình cảm tốt đẹp của nhân dân lao động hay không?
Shirley Dương không muốn nhìn thấy cảnh đổ máu, bèn đi ra phía mũi tàu tiếp ứng cho thầy trò nhà Nguyễn Hắc. Trước lúc đi, cô gọi tôi lại: “Anh Nhất, chúng ta ra chỗ mũi tàu kia được không? Tôi có mấy câu muốn nói với anh.”
Tôi thầm than không ổn, chắc chắn là thằng Tuyền béo vừa nãy nhỡ mồm, giờ Shirley Dương muốn truy vấn tôi xem rửa tay với rửa chân có gì khác biệt đây. Tôi sợ nhất cô nhắc đến chuyện này, vội tóm lấy một sợi dây trói con trai ăn thịt người trên boong sau, lắc đầu nguầy nguậy nói: “Minh Thúc với Tuyền béo làm sao xử lý được con trai to vật thế này? Tôi phải giúp bọn họ một tay, có nói gì thì nói ở đây cũng được, giờ có chết tôi cũng không đi đâu hết cả.”
Shirley Dương nhìn tôi với ánh mắt thất vọng, rồi một mình đội mưa ra chỗ mũi tàu. Tôi nhìn theo bóng lưng cô mà thở phào nhẹ nhõm, xem chừng cái bùa Mô Kim này của tôi rốt cuộc cũng không giữ được rồi, có điều, chỉ cần lần này kiếm được đủ vốn liếng, sang Mỹ làm ăn nghiêm chỉnh tử tế thật thà cũng được. Dù gì trên đời này cũng còn bao nhiêu người cần tôi nuôi sống, thiếu gì thì thiếu, chứ tuyệt không thể thiếu tiền, chỗ khó của mình cũng chỉ có mình biết mà thôi.
Nghĩ đến ánh mắt của những đồng đội hy sinh ngay bên cạnh mình nơi tiền tuyến, người nhà của họ ở quê vẫn sống nghèo sống khổ qua ngày, tôi làm sao an tâm mà đi cho đành? Đầu óc tôi rối loạn mất một lúc, đợi khi định thần lại thì Minh Thúc đã niệm xong bài chú dài dằng dặc của lão, giờ đang dùng lưỡi dao cong nạy khớp nối giữa hai mảnh vỏ trai, nghe phát ra những tiếng trong vắt, như thể theo một tiết tấu nhất định nào đó, con trai khổng lồ đã bị thôi miên, khe khẽ nhích động, không ngờ hai nửa vỏ lại có thể tự tách ra một khe hở nhỏ.
Tôi và Tuyền béo nhìn mà chỉ biết há hốc miệng, mãi hồi lâu mới ngậm lại được: “Chiêu này không ngờ lại có công dụng không khác gì bài ‘Khai quan chú’ đã thất truyền nhiều năm của Mô Kim hiệu úy, nghe nói, gặp phải quan đồng quách sắt gì cũng chỉ cần niệm đủ trăm lần bài ‘Khai quan chú’ ấy, không cần động tay động chân cũng có thể thăng quan phát tài rồi. Mà sao bác mới nạy nạy có vài cái, con trai nghìn năm đã tự buông súng đầu hàng rồi thế?”
Minh Thúc lộ vẻ đắc ý, phương pháp cổ này lão cũng mới dùng lần đầu tiên, không ngờ lại có hiệu quả kỳ diệu thế, xem ra đúng là có Long vương bảo hộ, con trai lớn này coi như phần thưởng cho dân mò ngọc rồi.
Tôi và Tuyền béo đều xuýt xoa tán thưởng Minh Thúc thủ đoạn cao minh: “Tiên sư nhà bác, bác làm chúng tôi phải thấy kính nể rồi đấy.” Xem chừng, các ngón nghề của dân mò ngọc thời xưa truyền lại, quả đều có đạo lý riêng cả.
Ba chúng tôi đều hết sức hưng phấn, trong màn mưa mù mịt, chỉ thấy từ khe hở trắng nhợt giữa hai miếng vỏ của con trai ăn thịt người bắn vọt ra một tia sáng vàng chói lóa, hoa hết cả mắt. Cũng may, Tuyền béo nhanh tay nhanh mắt, giơ ngay mũi kim tiêm có thuốc mê cực mạnh chọc vào khe hở ấy, làm con trai đau đớn run lên bần bật, chỉ trong chớp mắt đã tê liệt toàn thân, không nhúc nhích gì được nữa.
Chúng tôi vội dùng kích chống hai miếng vỏ trai lên, chỉ thấy mùi biển tanh nồng xộc vào mũi, dưới làn mưa u ám, ánh sáng bên trong vỏ trai lóe lên rực rỡ chói mắt, chiếu xa đến cả trăm bước trên mặt biển mênh mang. Chúng tôi chưa kịp nhìn rõ là cái gì, Minh Thúc đã cuống quýt giật bung áo mưa mặc trên người, che chắn luồng ánh sáng chói lòa đó, vẻ mặt hết sức phức tạp, vừa kinh hãi lại vừa mừng rỡ.
Tuyền béo sốt ruột hỏi: “Sao thế? Bên trong là nhân ngư hay là ốc yêu tinh vậy?” Minh Thúc vuốt mặt, tuy toàn thân ướt sũng nước mưa, nhưng trong lòng lão đang bốc hỏa, miệng khô khốc, phải nuốt mấy ngụm nước bọt mới thốt lên lời được: “Mỹ nhân ngư cánh ngọc vảy vàng, không thể sai được, xem chừng đã chết trong miệng con trai khổng lồ này nhiều năm lắm rồi. Quả này phát tài to con mẹ nó rồi, còn đáng tiền hơn một cục kim cương to đúng bằng nó ấy chứ...” Nói tới đây, lão nghẹn giọng nấc lên, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng: “Ngư chủ Long vương Thiên hậu nương nương trên cao có mắt, cho Lôi Hiển Minh có được ngày hôm nay, bắt được tổ của thanh đầu dưới biển sâu... đời này con sống đủ rồi, dẫu có chết ngay lập tức cũng không uổng...”
Tôi vội bịt ngay mõm lão ta lại, nói nhăng nói bậy, cái gì mà chết cũng đáng chứ? Vừa mới vớt được dị bảo dưới đáy biển, giờ mà chết mới gọi là ngàn vạn lần không đáng. Minh Thúc sực hiểu ra, cật lực tự vả luôn hai phát, không ngừng lẩm nhẩm khấn nguyện, bảo những lời vừa nói toàn là đánh rắm, không tính chữ nào cả.
Tôi và Tuyền béo chẳng buồn để ý đến cái lão Minh Thúc đang không kiểm soát nổi cảm xúc bản thân ấy làm gì, cùng chui đầu vào trong lớp áo mưa che con trai, định nhìn cho kỹ xem cái gọi là “tổ của thanh đầu” kia là gì. Nhưng vừa mở mắt, ngoại trừ kinh ngạc ra, thì bao nhiêu ý nghĩ có trong óc lập tức bay biến đi đằng nào. Tôi vốn tự cho rằng mình đã gặp vô số kỳ trân dị bảo trong các mộ cổ, nhưng tất cả những thứ ấy gộp lại, e cũng không cách gì so được với bảo vật trong cái vỏ trai trước mắt này.
Chỉ thấy trong đám thịt trai vẫn đang khe khẽ nhu động có một con quái ngư to như đứa trẻ. Con cá ấy đầu người, thân phủ vảy lấp lánh. Nói là “đầu người”, nhưng kỳ thực chẳng qua chỉ là một cách ví von hình tượng thôi, vì so với đầu người thật thì thật quá sức khác biệt. Con cá nhìn na ná một quái thai còn non, vây lưng và vây hai bên lườn cá tựa hai cánh tay ngọc trong vắt, sắc vàng của vảy cá sáng chói lóa cả mắt. Tôi phát hiện, con cá này đã hóa sừng từ nhiều năm trước, sở dĩ vẫn phát sáng được là bởi trong khuôn miệng he hé của cái đầu trông như đầu cô gái kia lộ ra nửa hạt minh châu, linh khí dạt dào, khiến vảy vàng vây ngọc sáng lòa, không ai có thể nhìn thẳng vào được.
Tôi chỉ nhìn thoáng một cái mà mắt hoa đầu váng, vội dụi dụi mắt, che áo mưa lại, hỏi Minh Thúc xem con quái ngư đầu người ấy sao lại thành ra như thế? Thật không thể nào tưởng tượng nổi, rốt cuộc giá trị của nó lớn chừng nào?
Minh Thúc nói thứ này quý giá lắm, thực sự là một món kỳ trân của thiên địa. Cứ thử nghĩ, con trai này phải mất bao nhiêu năm mới ngậm được viên ngọc hóa từ thứ vô hình thành thực thể như vậy chứ? Chúng tôi cũng từng nghe đến câu, trăng là tinh hoa của nước, ngọc châu là tinh hoa của mặt trăng, viên linh châu này chính là do con trai hấp thu tinh hoa của mặt trăng hàng bao nghìn vạn năm mới thành được. Ở dưới đáy biển, những đêm trời không trăng, lũ trai ốc đều ngậm ngọc khư khư không nhả, nhưng gặp lúc trăng tròn rạng rỡ, sẽ nhả ngọc giỡn trăng, khiến thủy tộc đua nhau kéo đến. Chắc chắn, một đêm trăng tròn của trăm năm trước, có con nhân ngư bị hạt minh châu của con trai này thu hút, đã lẳng lặng tiếp cận, lao vào khoang miệng con trai với tốc độ sét đánh không kịp bưng tai, đớp viên ngọc rồi quẫy đuôi định dông thẳng.
Dân mò ngọc gọi hành vi này của lũ thủy tộc là “đoạt đan”. Con nhân ngư tuy giỏi quẫy nước đạp sóng, nhưng dẫu nhanh đến mấy cũng không bì được với tốc độ con trai khép miệng, liền bị đối phương giữ lại cái mạng. Nhưng tại sao trải qua bao nhiêu năm như thế mà xác nhân ngư không tan, ngược lại còn hóa thành chất sừng trong suốt như ngọc? Chính là nhờ vào Nam châu trân quý vô ngần, từ xưa đã có tên gọi là “Trú nhan châu”, người chết ngậm vào, thi thể sẽ không thối rữa, ủ lâu ngày biến thành sáp khô. Thứ ngọc này mới chính là minh khí hàng đầu trong các mộ cổ.
Nhân ngư “đoạt đan” cướp linh châu, rồi bị chôn thây trong miệng con trai khổng lồ, con trai không nỡ bỏ hạt châu bao năm mới kết được thành hình, cuối cùng tạo nên cục diện “trai nuốt cá, cá nuốt ngọc”, chuyện cũng là lẽ thường tình, không hề khó suy đoán chút nào. Giống nhân ngư vảy vàng vây ngọc chỉ có ở trong hải nhãn này xưa nay hiếm gặp, lại được bảo tồn hoàn hảo như thế trong miệng con trai, trong miệng còn ngậm một viên Trú nhan châu, cứ thế tính ra, giá trị của nó hẳn phải bay vút lên mấy tầng trời cao ấy chứ.
Tôi và Tuyền béo cả mừng, chuyến này thì mười cái du thuyền cũng có, hai thằng vội lấy nệm dày cẩn thận bọc kín cái xác nhân ngư, khiêng vào khoang đáy cất thật kỹ. Lúc trở ra thì mấy người nhà Nguyễn Hắc từ dưới đáy biển đã nổi lên, nhìn nét mặt là biết thu hoạch của lần lặn xuống thứ hai không hề nhỏ. Minh Thúc còn muốn xẻo hết thịt trai, lấy hai mảnh vỏ xà cừ mang về bán. Nhưng tôi biết Shirley Dương không muốn chúng tôi sát hại con vật đã sống cả nghìn năm này, bèn ngăn lại, nói với cả bọn: “Con trai này sống nhiều năm như thế, không biết đã trải qua bao nhiêu biến cố long trời lở đất dưới biển rồi, sống được đến ngày nay không phải chuyện dễ dàng gì, chi bằng chúng ta phóng sinh cho nó thì hơn. Chính sách của chúng ta là khoan hồng độ lượng, nó đã hiến báu vật, ta hé một góc lưới tha cho nó cũng là lẽ thường tình. Vả lại, lần này vớt được rất nhiều đồ tốt, dẫu thiếu một cái vỏ trai, công sức coi như cũng đã được đền đáp hậu hĩnh rồi, chúng ta ra biển mò được không ít báu vật của Nam Hải, nhưng đồng thời cũng làm tổn hại đến linh khí của trời đất, làm gì cũng phải giữ một đường lui, chớ có tuyệt tình quá, tránh để sau này lại xảy ra việc gì ngoài ý muốn.”
Shirley Dương hết sức tán đồng, chỉ Tuyền béo và Minh Thúc là có vẻ không hoan hỉ lắm, đằng nào cũng đã bái tế Ngư chủ rồi, có lẽ nào lại thả nó về biển khơi chứ? Tuyền béo bèn nghĩ ra một chiêu độc, giật con dao lưỡi cong của Minh Thúc, khắc mấy hàng chữ lên vỏ trai, ghi rõ quyền sở hữu: “Mô Kim hiệu úy kiêm chuyên gia mò ngọc Vương Khải Tuyền dẫn theo các thuộc hạ đã đến nơi này, chúng ta đứng chỗ cao nhìn chỗ xa, lòng ôm tổ quốc mắt dối hoàn cầu, giờ đây có việc gấp phải bôn ba sang Mỹ kiếm tiền, tạm thời lưu con trai khổng lồ này lại đây, đợi khi cách mạng thế giới thành công sẽ quay về vớt lên bán lấy tiền, kẻ nào chưa được chúng ta cho phép mà vớt vật này lên, nhất định sẽ bị trời đánh, chết không chốn chôn thây giữa biển. Ngày... tháng... năm...” Bấy giờ mới ném con trai to bự chỉ còn thoi thóp chút hơi tàn ấy xuống nước, mặc cho nó tự tìm đường sống. Con trai đã mất linh châu, thực chẳng khác nào phượng hoàng bị vặt trụi lông, vội vàng lặn xuống đáy sâu lẩn đi mất.
Sau đấy, cả bọn bắt đầu kiểm lại thu hoạch sau hai lần lặn, tổng cộng được ba mươi hai viên minh châu, thêm một cái xác nhân ngư ngậm ngọc, một cỗ quan tài cổ bằng “thạch kính”. Mấy thứ ấy, đem bày trong khoang đáy, liền tỏa sáng lung linh, khiến người ta có cảm giác như thể đang ở chốn Long cung. Có điều bọn tôi cũng không dám ngắm nhìn lâu mà nhanh chóng cất giấu, thứ nhất là sợ những thứ châu báu này rời khỏi môi trường đáy biển sẽ mất linh khí, thứ hai là các bảo vật đó, thứ nào cũng là tinh hoa của biển, bảo khí xung thiên, bày lồ lộ ra, chỉ sợ kình ngư, hải thú dưới biển sẽ liều mạng nổi lên tranh đoạt. Khinh núi chớ khinh biển, những thứ dưới biển tốt nhất cố gắng không dây dưa vào thì hơn.
Lúc này, sắc trời đã ngả về hoàng hôn, Minh Thúc lên khoang lái quan sát tình hình mặt biển, những người khác thì vào trong khoang ăn cơm. Nguyễn Hắc và hai đồ đệ đều đã mệt rũ, nhưng Nguyễn Hắc bảo, những dân mò ngọc chuyên nghiệp như bọn họ vốn là cầm tinh con cá rồi, ở dưới nước lâu mấy cũng chịu được, chỉ cần nghỉ ngơi một chút là khỏe, đợt lát nữa ăn cơm xong nhân lúc không có sóng lớn, còn có thể xuống mò thêm một lần nữa, hai chuyến đầu tiên chẳng qua mới chỉ lấy ngọc của đám trai ốc xung quanh cây san hô thiết thụ kia, mà trong khu rừng đáy biển ấy còn rất nhiều cây như thế, thời cơ sau này khó mà gặp lại được không thể để lỡ, giờ nguồn cung Nam châu trên thế giới đã cạn kiệt từ thời nhà Thanh rồi, chúng ta đã gặp được đúng thời gian mức nước triều xuống thấp thế này, nhất định phải xuống mò cho sướng tay đã đời.
Tôi nghe ông ta nói mà không khỏi thầm kinh hãi, hồi trước vẫn cho rằng đám dân mò ngọc cũng dựa vào tay nghề đem tính mạng ra đánh cược này không khác gì Mô Kim hiệu úy chúng tôi cả, giờ thì coi như đã biết nhau rồi, xem ý tứ của Nguyễn Hắc thì chừng như không mò hết Nam châu, quyết không dừng tay, dẫu có mất mạng cũng chẳng để tâm. Thì ra, sự khác biệt giữa dân mò ngọc và Mô Kim hiệu úy chính là ở một chữ “tham” này.
Mô Kim hiệu úy tuy mạo hiểm cầu tài, nhưng vẫn có quy tắc “gà gáy đèn tắt không mò vàng” và “ba lấy ba không lấy”. Trên thực tế, những quy tắc ấy đặt ra chẳng phải vì tôn trọng vong linh mộ chủ hay gì gì cả, mà chẳng qua chỉ là cố gắng không để mình trở nên quá tham lam. Tự cổ chí kim, những kẻ xấu xa chuyên đi đào mồ quật mả người ta nhiều không kể xiết, thử hỏi có bao nhiêu tên trộm mộ chỉ vì một chữ “tham” này mà mất đi tính mạng chứ? Không phải vì không đủ trí tuệ, cũng chẳng phải vì kỹ thuật kém người, mà chỉ bởi một chữ “lợi” làm mê muội tâm thần. Lòng tham không đáy, chính là nguồn gốc của tai họa, là căn nguyên của thất bại. Mô Kim hiệu úy xưa nay vẫn luôn biết dừng đúng thời điểm, giữ cho mình một đường lui và đầu óc tỉnh táo, còn mạng thì mới hưởng được sự giàu sang, mất mạng rồi hết thảy chỉ là hư không mà thôi.
Nhưng dân mò ngọc trên biển, vốn là những người bị bóc lột tàn khốc nhất trong lịch sử thì khác. Thời xưa, bọn họ chịu sự giám sát cực kỳ nghiêm ngặt, nếu quan binh nghi ngờ kẻ nào nuốt Nam châu ở dưới nước hòng che giấu, lúc trồi lên thậm chí có thể bị rạch bụng moi ra. Sinh tồn trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, dân mò ngọc thành ra toàn những kẻ sống chỉ biết hôm nay mà không biết ngày mai, trình độ giác ngộ đương nhiên không sánh được với các cao thủ đổ đấu mò vàng tinh thông Dịch lý, hiểu được lẽ “sinh sinh bát tức” như chúng tôi. Vì vậy, quy củ của dân mò ngọc chính là bất chấp tính mạng, chỉ cần mò được ngọc. Nhìn ánh mắt sôi sục nhiệt huyết mà mệt mỏi của Nguyễn Hắc, tôi có cảm giác dường như ông ta chẳng đếm xỉa gì đến những nguy cơ dưới nước, dù có mắc bệnh khí ép mà chết cũng chẳng hề tiếc cái mạng già chút nào thì phải. Xem ra mạng người tuy quan trọng, nhưng mò ngọc còn quan trọng hơn, vả lại đến giờ ông ta cũng chưa rõ số hàng trong khoang tàu của chúng tôi có thể đem lại biết bao nhiêu tiền. Có thể nói, Nguyễn Hắc này chưa từng thấy nhiều tiền bao giờ, chẳng có khái niệm gì về tiền bạc hết, không như Minh Thúc cáo già kia, rành rẽ giá cả thị trường, biết thứ nào giá trị thứ nào không. Tóm lại, Nguyễn Hắc chỉ biết mò được càng nhiều ngọc thì thu được càng nhiều tiền mà thôi.
Tôi thật không biết nên giải thích đạo lý không thể quá tham lam này với Nguyễn Hắc như thế nào, đành dùng biện pháp mạnh với ba thầy trò nhà họ, nói trong rãnh sâu dưới đáy biển có ngư long, lúc này trời mưa lớn, đến tối nước triều sẽ dâng cao, con rắn biển đang ẩn nấp dưới đáy sâu sẽ nhân lúc mây mù mà nổi lên mặt biển, lặn xuống mò ngọc chẳng phải là tự đâm đầu vào chỗ chết sao. Còn ai muốn tự tiện xuống nước, con bà nhà nó, đừng trách thằng Nhất này trở mặt không nhận người nhé. Chuyến này ra biển vật tư đều do chúng tôi cung cấp, phương pháp tiến vào vực xoáy San Hô cũng do chúng tôi nghĩ ra, nói trắng ra thì mấy tên Mô Kim hiệu úy bọn tôi mới là ông chủ, dân mò ngọc các ông chỉ đi làm thuê thôi, kể từ bây giờ trở đi, tôi nói gì, ông phải nghe đấy.
Có điều, cứ nghĩ đến chuyện tiền mua tàu là của Shirley Dương xuất ra, Ti thiên ngư, Khôi tinh bàn giúp chúng tôi có thể tiến vào vùng vực xoáy San Hô, rồi cả thuật “Dưa trôi dụ cá” cũng do tổ sư Ban Sơn đạo nhân của cô truyền xuống, tôi cũng hơi ngượng mồm khi nói ra mấy lời này, bèn liếc trộm Shirley Dương một cái. Thấy cô khe khẽ gật đầu với mình, tôi lập tức vững dạ hẳn lên, mắng cho ba thầy trò nhà Nguyễn Hắc một chặp, im thin thít không còn gì để nói, đành phải nghe theo sự sắp xếp của tôi, từ bỏ ý định mò ngọc khi tối trời.
Sóng gió vô tình, tôi định kiếm đủ rồi là đánh trống thu quân, nhưng lại chưa tìm thấy xác tàu Mariana, đâm ra rất khó xử. Nếu thời tiết ban đêm cho phép, tôi bàn với cả hội, định sử dụng chuông lặn thăm dò thêm mấy khe sâu dưới đáy biển nữa, chỉ cần chụp được một bức ảnh thôi là cũng có cái ăn nói với giáo sư Trần rồi. Đúng lúc này, Minh Thúc đang ở trên khoang lái đột nhiên phát tín hiệu qua ống đồng truyền âm: “Mau lên trên này, nguy cấp lắm rồi, âm hỏa cháy lên mặt biển rồi đây này!”


Nguồn doc.178vn.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved