Vào tháng trọng Xuân, vua Hùng
mở hội săn cầu may. Năm đó, bắn được nhiều hươu. .Ngài dựng trại nghỉ dưới chân núi Lạn,
phía nam núi Nghĩa Lĩnh. Các Lạc Hầu, Lạc Tướng ngả hươu, lột da thì công chúa
Kiệu cùng tỳ nữ vặt lông con chim vãy( Loại chim rừng, giống chim ngói)
nàng hạ bằng tên nỏ. Bếp lửa rực nhen bên suối. Ống tre tươi đợi sẵn. Chim vãy
nướng ống tre là món nàng thường làm.
Gió to, lửa tạt, ống tre lại không có nút đậy, nhiệt bốc
thoát, thức mãi không chín. Công chúa Kiệu liền đi dọc bờ suối kiếm lá chuối
rừng. Không chuối rừng, dương xỉ cũng không mà đám cỏ ống cao mượt lại níu
chân, nàng trượt ngã theo triền dốc. Gượng dậy nàng nhận ra thứ hương xa lạ,
thơm, cay, đắng, hăng hắc dịu nhuần lan tỏa như đánh thức cơn đói bụng thèm ăn.
Biết là giống cỏ không chứa độc, nàng nhổ vài khóm, rửa sạch dùng làm nút đậy
ống tre.
Món chim vãy nướng ống tre có nút đậy cỏ dại có vị ngon lạ thường.
Thịt chim đằm ngọt hơn, thơm mềm bắt vị hơn. Và nếm thử món cỏ lạ, nàng bỗng
cảm giác an lành, hài hòa trong cơ thể. Nàng liền dâng lên vua cha.
Ghi công con gái phát hiện món ăn mới, loại gia vị mới cho
bộ tộc, vua Hùng đã ban tên giống cỏ đó là Kiệu. Từ đấy giống cỏ thơm được mang
tên công chúa. Các món ăn từ kiệu người hay chữ thôn Cổ Tích gọi là món công
chúa.
Một truyền
thuyết khác kể rằng:
Công chúa
Kiệu rất thông minh, và hay tìm tòi ra những giống cây mới giúp cải
thiện đời sống cho người dân.
Một ngày nọ,
công chúa bước xuống một thửa ruộng bỏ hoang. Nàng định dọn sạch đám cỏ đang mọc
cao để gieo lúa. Trong lúc ngắm nghía nàng thấy một cây cỏ lạ, nàng
thấy nó rất giống với cây hành lá. Công chúa Kiệu tò mò, nếm và ngửi
thử mùi vị của củ. Kỳ lạ thay, củ của cây cỏ này tuy hơi nồng gắt nhưng rất lạ,
không giống với những củ nàng đã biết qua. Công chúa vui mừng quá, liền đem
giống cỏ lạ về trồng.
Khi đã đến lúc gặt hái, nàng thử ngâm củ trong hỗn hợp
giấm và nước ngọt của cây trái. Vài ngày sau, củ đã không còn vị gắt
mà thơm nồng và vị lạ chưa từng thấy. Nàng dùng củ đã ngâm, ăn với thịt
hay bánh chưng, thì sự kết hợp đó thật là tuyệt hảo.
Lúc đó cũng
là dịp Xuân về, nhân một ngày vua Hùng xuống thăm dân, công chúa Kiệu dâng lên
vua cha những củ trắng trong, thơm ngát, cùng với những món ăn dân gian. Vua
Hùng nếm thử, và rất thích. Từ đó, vua hạ lệnh trong dân gian cho trồng phổ
biến cây cỏ lạ đó, mà vua đã đặt tên là Kiệu theo tên nàng công chúa đã có công
khám phá.
Nguồn baoxaydung.com.vn;
quehuongonline.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét