Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

31 thg 8, 2014

Các vị thần Nhật Bản

Theo thần thoại Nhật Bản trong Cổ Sự Ký viết vào đầu thế kỷ thứ 8, thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù. Có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở trên Cánh Ðồng Trời, từ đó nhìn xuống chỉ thấy bóng tối, sương mù và nước. Các vị thần đầu tiên ra đời tại Takamagahara (Cao thiên nguyên) . Bắt đầu với ba kami nguyên thủy : Amenominakanushi , Takamimusubi và Kamimusubi. Từ họ bảy thế hệ kế tiếp của các vị thần và nữ thần ra đời và thế hệ thứ bảy chính là Izanagi và Izanami.Họ nhận nhiệm vụ làm cho mặt đất đi theo đời sống mà sinh sôi nẩy nở. Họ bước qua Thiên Phù Kiều là chiếc cầu nối trời và đất, quậy sóng cho kết đọng lại mà thành đảo Onogoro và xuống đó, đây là sáng tạo đầu tiên của họ. Họ bắt tay dựng trụ trời và xây nhà trên quê hương mới. 
Rồi hai vị thần trẻ quên mình là thần linh, sống như con người, kết hôn với nhau sinh "con" đầy đàn... là những đảo khác tạo thành quần đảo Nhật Bản ngày nay. Rồi Izanagi sinh ra thần Mặt Trời Amaterasu-Thiên Chiếu Ðại Thần là nữ thần nhan sắc và ánh sáng (tượng trưng cho phụ nữ Nhật) từ mắt trái, thần Mặt Trăng Tsukiyomi từ mắt phải và thần Bão Susanoo từ mũi của mình. Sau đó, nữ thần Mặt Trời phái cháu trai của mình là Ninigi giáng thế, chinh phục vùng Izumo. Ninigi gặp và lấy con gái sinh đẹp của thần Oyamatsumi sinh ra hai con trai là Hoderi và Hoori . Hoori sau lấy công chúa Thủy Cung Toyotama sinh được một con trai. Người con trai này lấy em gái của Toyotama sinh ra bốn hoàng tử, họ chinh phục xứ Yamato (Ðại Hòa). Sau khi các anh chết, hoàng tử út lên ngôi xưng là Thiên Hoàng Jinmu (Thần Vũ), đó là Thiên Hoàng đầu tiên gọi là Hoàng Kỷ (kỷ nguyên Thiên Hoàng), cai trị xứ Yamato tức Nhật Bản năm 660 BC... truyền tới nay là 125 đời. 

*Các vị thần tiêu biểu:

Thần Izanagi (Y Tà Na Kỳ )

Là chồng của thần Izanami-no-Mikoto, thần sinh ra Amaterasu (thần Mặt trời và cai trị thiên đường ) từ mắt trái, Tsukiyomi (thần Mặt trăng và bóng đêm) từ mắt phải, thần Susanoo (vị thần của các cơn bão và cai trị các vùng biển) từ mũi .
Quyền lực:
Ông và vợ là thần Izanami-no-Mikoto tạo ra nước Nhật.
Truyền thuyết:
Izanagi là vị nam thần đầu tiên, chồng của Izanami. Ông cùng vợ đã tạo ra nước Nhật. Theo truyền thuyết các thế hệ cổ thần đã giao cho Izanagi và Izanami nhiệm vụ mang lại trật tự và sự sống cho thế giới đang còn hỗn mang và vô định. Để làm được điều này 2 người được ban cho 1 thanh thần giáo gọi là Ame-no-nuboko. 



Từ trên cầu Ame-no-ukihashi Izanagi dùng ngọn giáo thần Ame-no-nuboko nhúng vào đại dương và khuấy. Khi ngọn giáo được rút lên, một giọt nước rơi xuống và tạo thành hòn đảo đầu tiên: Onogoro. Hai người quyết định sống ở đó và họ đã xây đựng một lâu đài ở đây.Sau đó Izanagi và Izanami quyết định kết hôn để gầy dựng gia đình và lập nên các thế hệ thần tiếp nối. 2 người đã tạo nên 1 nghi lễ, trong quá trình thực hiện Izanami đã ngỏ lời trước còn Izanagi là người đáp lại.
Do Izanami là nữ mà lại ngỏ lời trước nên khi Izanami hạ sinh đứa con đầu tiên chỉ là một hài nhi xấu xí không mắt mũi tay chân, hình thù như con đĩa tên là Hiruko (Điệt tử, bé đĩa). Đứa bé sau đó được đặt trên 1 chiếc thuyền bằng lau sậy và bị bỏ mặc trôi theo dòng nước cùng với số phận nghiệt ngã của mình.
Quá thất vọng và bỡ ngỡ, Izanagi và Izanami trở lại Thiên đường và hỏi xin các cổ thần họ đã sai ở đâu. Các vị thần bèn chỉ cho họ biết rằng việc Izanami chủ động là không đúng tự nhiên thế nên người con đầu của họ mới bị biến dạng. Rút kinh nghiệm, hai vợ chồng quay trở về và thực hiện đúng nghi thức. Họ đã tạo thêm 8 hòn đảo lớn nhất Nhật Bản và từ những bọt bong bóng trên biển tạo nên những hòn đảo nhỏ hơn và những vùng đất bên ngoài khác. Tiếp đó họ cũng hạ sinh được những đứa con xinh đẹp. Đó là những vị thần (kami) biển, thần núi, thần sông, cây cỏ….
Tiếp đó để sinh được thần lửa, Kagu-tsuch. Izanami đã bị thiêu đốt đến chết bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng của chồng nhằm cứu cô. Khi Izanami chết, những vị thần khác tiếp tục được sinh ra từ cơ thể của cô, trong đó có cả thổ thần và thủy thần. Từ đây cái chết và nỗi buồn xuất hiện trên thế gian.
Còn về Izanagi, quá đau buồn vì cái chết của người vợ ông đã bật khóc và từ những giọt nước mắt của ông xuất hiện thêm nhiều kami hơn nữa. Do quá tức giận trước cái chết của vợ ông đã dùng kiếm chặt phăng đầu của Kagu-tsuchi và chém thành 8 khúc. Các phần của Kagu-tsuchi trở thành những ngọn núi lửa bao bọc lấy nước nhật và những giọt máu bắn ra vương vãi trở thành những vì sao trên dải ngân hà. Những người con khác lại tiếp tục được sinh ra từ thanh kiếm đẫm máu của Izanagi.
Quá nhớ thương người vợ, Izanagi quyết tâm đem Izanami trở về và lên đường đến Yomi, thế giới của người chết. Cuối cùng sau một hành trình dài và nguy hiểm, Izanagi đặt chân đến 1 lâu đài lớn được gác bởi những con quỷ đáng sợ. Sau khi lẻn được vào chàng đã gặp lại vợ liền cất tiếng: “Hiền thê yêu dấu, vương quốc chúng ta cùng tạo dựng đang còn dang dở, xin hãy về cùng ta để hoàn tất nó”. Nàng đáp: “Than ôi, chàng đến quá muộn, không ai có thể trở lại dương gian khi đã ăn thực phẩm âm phủ, mà thiếp thì đã trót ăn thực phẩm âm phủ mất rồi. Muốn trở lại dương gian, em phải xin phép vị thần cai quản chốn đây. Nhưng trong khi chờ đợi, chàng phải hứa là không được tìm cách gặp mặt thiếp. Lệ luật nơi này tuyệt đối như vậy”.
Chàng đợi. Chàng đợi. Giây phút đợi chờ dài đằng đẵng tưởng như ngày này qua ngày khác... Không cầm nổi lòng, Izanagi bèn bẻ một chiếc răng lược giắt bên trái, châm lửa soi đường. Âm phủ chợt bừng sáng nhưng cảnh tượng hãi hùng biết chừng nào! Khi ánh lửa vừa bùng lên từ răng lược, vợ chàng, Izanami, ngã lăn xuống đất, cơ thể rữa nát, khuôn mặt xanh lợt, tóc rụng từng tảng, đôi mắt trợn trừng, thất tinh lạc, dòi bọ lúc nhúc. Xác chết nàng thét lên: "Quân khốn kiếp, mi đã không giữ lời hứa!". 
Những tia chớp bao quanh lấy thân thể nàng; tám vị thần sét xuất phát từ đầu, bụng, hai bầu ngực, hai tay, hay chân nàng đâm bổ ra.
Trên đường tháo chạy, Izanagi đã bẻ những cành đào ném về phía lũ quỷ, do đó mà ngày nay, gỗ đào được xem như một chất liệu xua đủa tà ma linh nghiệm.Sau khi thoát khỏi sự săn đuổi của Izami, Izanagi đã dùng 1 phiến đá lớn lấp chặn lối đi về giữa dương gian và âm phủ. Từ đó, chàng và nàng trở thành hai kẻ tử thù. Nàng nguyền rằng mỗi ngày sẽ cho quân sát hại một ngàn sinh linh. Chàng phải bảo tồn bằng cách mỗi ngày cho gia tăng sinh sản lên một ngàn năm trăm sinh linh để duy trì lấy sự sống trên dương gian. Từ đó, Izanami ở lại Yomi no Kuni và được gọi là Yomotsu Ookami, hòn đá tảng 1000 người khiêng không xuể chặn lối đi từ Yomi no Kuni lên dương gian được gọi là Chigaeshi no Ookami, con dốc dẫn xuống Yomi no Kuni được gọi là Ifuya Zaka.
Trở về từ địa phủ, Izanagi tắm rửa ở một dòng suối và từ cơ thể sinh ra một loạt các vị thần. Cuối cùng, khi rửa đến mặt thì từ mắt trái ngài sinh ra Nữ thần Mặt Trời Amaterasu-omikami mắt phải sinh ra Nam thần Mặt Trăng Tsukuyomi-no-mikoto; từ mũi sinh ra Thần Bão Susa-no-O. Đây là ba người con cao quý nhất, nổi tiếng nhất của người và được thờ phụng trên toàn cõi nước Nhật.




Thần Izanami ( Izanami-no-Mikot -Y Tà Na Mỹ)

Là vợ thần Izanagi.Khi sinh thần Thần lửa Kagu-Tsuchi lửa bốc cháy khiến bà bị thương và chết.
Quyền lực:
Trong tôn giáo Shinto ở Nhật Bản, Izanami là nữ thần sáng tạo ra sự sống và cái chết nơi trần gian. Theo đức tin của các tín đồ Shinto, Izanami-no-Mikoto không chỉ là người có nhiệm vụ đưa lối linh hồn mà còn nắm trong tay quyền sinh tử của con người.



Truyền thuyết:
Izanami cùng với chồng là Izanagi là người tạo ra vùng đất đầu tiên cho con người. Lúc Izanami qua đời sau khi hạ sinh ra Thần lửa Kagu-Tsuchi, Inazagi nổi giận và dùng kiếm chém vào đầu của Kagu-tsuchi và chặt thành 8 khúc. Các phần của Kagu-tsuchi trở thành những núi lửa bao bọc nước Nhật. Khi Izanagi xuống Suối Vàng để đón Izanami về, bà đã biến thành thần chết. Izanagi bị vợ đuổi và trở về một mình.


Thần  Amaterasu (Amaterasu-o-mi-kami -Thiên Chiếu Đại Thần)

Nữ thần được sinh ra từ mắt trái của Izanagi khi ông rửa mặt sau khi trở về từ Suối Vàng. Là chị của Tsukiyomi (thần Mặt trăng và bóng đêm), thần Susanoo (vị thần của các cơn bão và cai trị các vùng biển và em củaThần lửa Kagu-Tsuchi.
Hình dạng:
Là vị nữ thần mặt trời có nhan sắc kiều diễm nhất trong thần thoại Nhật Bản
Quyền lực:
Amaterasu là người trị vì Cao Thiên Nguyên - nơi các thần linh ngự tại. Bà là nữ thần Mặt Trời, đồng thời cũng là nữ thần Vũ Trụ, và được coi là thủy tổ của hoàng gia Nhật Bản (theo truyền thuyết cháu bà, Thiên Hoàng Niniji no Mikoto khi thành lập Nhật Bản đã đem theo Tam chủng Thần khí). 
Truyền thuyết:
Một ngày, thần Susano'o, trong cơn say, giẫm phải đồng lúa của Amaterasu, lấp đầy tất cả các kênh mương của bà, ném thứ ô uế vào cung điện và đền thờ của bà. Omikami yêu cầu em trai mình dừng lại nhưng ông ta mặc kệ, thậm chí còn ném xác một con ngựa lang trắng đã lột da vào người hầu gái của bà lúc đó đang dệt vải. Người con gái bị chết bởi một thoi cửi buộc bung ra ngoài và đâm xuyên qua người .
Khi Amaterasu hết sức bất bình bèn lánh vào Thiên Nham Cung (hang trời) lấp kín cửa vào, dương gian chìm đắm trong tăm tối không còn ngày đêm. Nàng tuyên bố hễ chư thần còn chấp nhận cho Susano-o sống chung, nàng sẽ ở lì trong Thiên Nham Cung không xuất hiện nữa. Chư vị thần linh hết sức bối rối, cùng tập hợp trên dòng Thiên Hà cạn khô, thoạt còn ít, sau đông dần, tới tám triệu vị, bàn nhau kiếm cách nào khiến Amaterasu rời khỏi Thiên Nham Cung. Vị thần mưu cơ là Taka-mi-misubi nói: "Thường thường nữ thần Amaterasu ló dạng mỗi khi nghe tiếng gà gáy, vậy chúng ta nên buộc chạc, rồi cho những con gà trống thật tốt giọng đậu lên đó thay phiên nhau gáy." Việc đó được thực hiện ngay, nhưng vô hiệu quả. Amaterasu vẫn bằn bặt trong cùng thẳm Hang Trời. Thần mưu cơ Taka-mi-misubi lại tìm ra kế gợi trí tò mò của nữ thần Mặt Trời. Thần sai một thần thợ rèn độc nhỡn làm một tấm gương thật sáng, đặt trước Hang Trời. Trên tấm gương thần có treo những chuỗi ngọc trắng hình cánh cung và những đồ lễ tết bằng chỉ bạch, rồi tất cả hát lễ van vái. Tuy nhiên cuộc vận động của chư thần chỉ hiệu nghiệm khi nữ thần Amano Uzume xuất hiện với một màn vũ khúc thoát y, Amaterasu nghe tiếng chư thần cười vang, động lòng hiếu kỳ mở hé cửa hang. Rồi cất tiếng hỏi lớn:
"Ta ngỡ vắng ta, tám triệu chư vị thần linh sẽ buồn bã trong đêm tối dầy đặc, làm sao chư vị lại vui cười hả hê như vậy được?"
Nữ thần Uzume lanh trí trả lời ngay:
"Làm sao chúng tôi vui ư? Xin thưa, vì bọn chúng tôi đã kiếm được một vị nữ thần mới nhan sắc còn kiều diễm hơn Người nữa."
Nghe vậy Amaterasu càng động lòng hiếu kỳ, và lòng ghen tức nữa, bèn mở rộng cửa bước ra, thoạt nhận thấy bóng mình phản ánh rỡ ràng trong gương. Một vị thần tiến tới cầm lấy tay Amaterasu, chư thần khác lập tức chăng dây ngang phía sau, chặn lối vào động.
Kể từ lúc đó ánh sáng lại chan hoà khắp dương thế, ngày đêm lại bắt đầu vận chuyển.



Thần Tsukuyomi (Nguyệt Độc)

Ông còn có những tên gọi khác như Tsukiyomi, Tsukino-kami, Tsukiyumi-no-Mikoto,… 
Tsukuyomi là em trai của Amaterasu, anh trai của Susanoo . Tsukuyomi được sinh ra từ mắt phải của Izanagi khi ông rửa mặt sau khi trở về từ Suối Vàng.
Quyền lực:
Là vị thần cai quản bóng đêm
Truyền thuyết:
Một ngày nọ, thần Amaterasu cử thần Tsukiyomi đến trái đất và đến thăm nữ thần thực phẩm Uke - Mochi. Để chào đón khách đến thăm, Uke Mochi đã nôn ra gạo, cá và các động vật khác xuống Trái đất. Uke - Mochi sau đó sử dụng phép thuật tương tự để tạo ra một bàn thức ăn để mời Tsukiyomi.
Thần Tsukiyomi cảm thấy bị xúc phạm và phẫn nộ với hành động này nên đã giết nữ thần Uke - Mochi. Khi trở về thiên đường, thần Tsukiyomi đã nói với nữ thần Mặt trời Amaterasu những gì đã xảy ra trong chuyến đi của mình.
Nghe xong, Amaterasu đã tức giận với hành động của em trai và thề rằng sẽ không bao giờ gặp và mặt đối mặt với em trai một lần nào nữa. Do đó, khi Mặt trời mọc cũng là lúc Mặt trăng khuất dần.
Sau khi Ukemochi chết, Amaterasu lại sai một sứ giả nữa xuống thì thấy xác nữ thần đã biến thành nhiều thứ : đầu hóa thành con bò, con ngựa; trán hoá thành cây kê; lông mày thành tằm; bụng hóa thành lúa; bộ phận sinh dục thành lúa mì và đỗ. Thần sứ giả thu lượm những thứ đó về trình với nữ thần Mặt Trời. Nữ thần bèn lấy ngũ cốc làm hạt giống, trao cho một vị thần linh đem gieo, rồi ngậm con tằm mà rút tơ ra”. Từ đó bắt đầu có thuật nuôi tằm lấy tơ dệt lụa.




Thần Susanoo


Quyền lực:
Thần bão tố 
Truyền thuyết:
  • Sau khi sinh ra ba người con, thần Izanagi trao cho cho nữ thần Amaterasu một vòng ngọc và quyền kiểm soát ánh sáng, bóng đêm cho thần Tsukuyomi còn thần Susano-O được trao cho thanh Totsuka-no-Tsurugi (thanh kiếm mà Izanagi đã dùng để chém Kagutsuchi) và quyền cai quản biển cả. Tuy nhiên, thần Bão Tố lại có ý nguyện muốn ở bên mẹ mình là nữ thần Izanami khiến thần Izanagi vô cùng tức giận và để mặc ông đến bất cứ đâu ông muốn (xong rồi, giận rồi...). Trước khi xuống Yomi, Susanoo tìm đến chị mình là nữ thần Amaterasu để nói lời chia tay. Ngặt nỗi, chẳng hiểu từ đâu mà nữ thần Mặt trời lại nghĩ rằng em mình đến đây để tranh giành quyền kiểm soát ánh sáng của mình, thế là người tiếp Susanoo trong một chiến bào. Vừa nhìn thấy, thần Bão tố không khỏi thắc mắc:
  • - Sao đại tỉ lại ăn mặc như vậy?
  • - Vì ta nghe rằng đệ đến đây để đấu với ta. - Nữ thần trả lời thẳng thừng.
  • - Đời nào đệ có ý nghĩ đó!? Đệ đến chỉ để nói lời tạm biệt vì đệ sắp xuống Yomi.Vậy đệ có thể chứng minh không?
  • Được rồi. Hãy đổi gươm của đệ và vòng ngọc trên cổ tỉ. Chúng ta sẽ tiến hành Ukei (Ukei là một nghi lễ thần thánh cổ xưa dùng để chứng minh sự thật)
  • Thế là, nữ thần Amaterasu nuốt thanh gươm của thần Susano-o và từ miệng sinh ra ba nữ thần. Trong khi đó, thần Bão tố nhai chuỗi ngọc và nhả ra năm nam thần. Điều đó đã chứng minh những gì thần Susano-o nói là thật. Thế là hai vị thần cùng hòa giải và hứa sẽ chăm sóc con cái của nhau.

  • Susanoo làm Amaterasu tức giận và bị đuổi đi. Khi đến huyện Izumo, Susanoo gặp hai thần đất. Họ đã bị một con rắn 8 đầu Yamata-no-Orochi bắt mất 7 người con gái. Susanoo hỏi cưới cô thứ 8 nhỏ nhất chưa bị bắt là Kushi-inada-hime rồi biến cô thành một chiếc lược để dấu trên đầu. Susanoo dùng 8 bình rượu để làm con rắn bị say rồi chặt khúc. Từ đuôi của đại xà, Susanoo tìm được thanh gươm Thảo Thế và gửi tặng Amaterasu để làm hòa. .Trở về trong niềm vui sướng hân hoan, Ngài xây một ngôi nhà và sáng tác bài tanka nổi tiếng "Yakumo Tatsu". Nơi dựng nên ngôi nhà đó giờ đây là điện thờ Suga xứ Izumo, một trong những điện thờ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng bên cạnh thần cung Ise thờ nữ thần Amaterasu và các đại thần điện khác.



Thần Uzume (Ame-no-Uzume-no-mikoto )

Bà là vợ của Saruta-Hiko ,là một trong những vị thần đi theo phò trợ Ninigi-no-Mikoto khi ông tuân mệnh tổ mẫu của mình là nữ thần Amaterasu xuống trần gian lập quốc.
Quyền lực:
Là nữ thần của bình minh, sự hoan lạc và những vũ điệu tuyệt mĩ. Bà thường được nhắc đến như một “công thần” trong bộ ba Trí tuệ - Sức mạnh - Nghệ thuật qua truyền thuyết về sự tái sinh của mặt trời.
Người dân Nhật Bản tôn thờ bao qua những vũ điệu giúp trấn an linh hồn người chết và cầu mong sự sống được tái sinh. Vào mùa thu, một lễ hội quan trọng được gọi là Chinkonsai (Trấn hồn tế) được tổ chức mà người chủ trì buổi lễ chính là Thiên hoàng. Về sau, hoàng hậu hoặc hoàng thái tử cũng có thể đảm nhận vai trò này.
Truyền thuyết:
Khi Amaterasu nhốt mình trong hang, Ame-no-Uzume treo một chiếc gương bằng đồng lên cây, khoác hoa lá lên mình rồi nhảy múa trước cửa hang. Các vị thần kéo tới xem, Ame-no-Uzume vất bỏ chiếc áo bằng hoa và đám đông nam thần hét lên thích thú. Amaterasu tò mò lẻn ra khỏi hang xem, ánh sáng của bà phản chiếu trong gương tạo ra bình minh xóa tan bóng tối. Các vị thần lấp của hang, mọi người vui vẻ trở lại và cùng nhau lập lễ hội.




Thần Saruta-Hiko

Saruta - Hiko (Ông hoàng khỉ). Theo Cổ sự kí ghi chép, ông là người đứng đầu các vị thần ở nhân gian và là người có công hướng dẫn Ninigi khi vị thần này vừa từ Cao Thiên Nguyên xuống.Ông là chồng của Ame-no-Uzume-no-mikoto
Hình dạng: 
Saruta-Hiko thường được mô tả là một người rất to lớn và cầm giáo dài. Ông có mũi to, râu rậm, mắt sâu, lưng thẳng…những chi tiết khiến người ta dễ liên tưởng đến một người Châu Âu hơn một người Nhật Bản.



Quyền lực: 
Sarutahiko là vị thần bảo trợ cho những môn nghệ thuật chiến đấu như Aikido và tượng trưng cho sức khỏe, sự minh mẫn.
Truyền thuyết:
Khi Ninigi-no-Mikoto được phái xuống mặt đất, ông ta bị Saruta-Hiko chặn đường. Khi Ame-no-Uzume đến hỏi, Saruta-Hiko chào đón Ninigi-no-Mikoto và cả 3 cùng đi chung với nhau.



Thần Inari

Có thể nói đây là một trong những vị thần quan trọng và được thờ phụng rộng rãi trên toàn cõi nước Nhật. Hình tượng Inari phổ biến trong cả Shinto giáo và Phật giáo.
Hình dạng, tính tình:
Inari được xem là một nam thần, nhưng cũng có khi là nữ thần hoặc một vị thần lưỡng tính. Nếu là nữ thần, người Nhật Bản có xu hướng hòa trộn hình tượng Inari với Daikiniten hoặc với Benzaiten. Bên cạnh đó, Inari là vị thần kết hợp từ ba hay năm vị thần khác nhau tùy tín ngưỡng mỗi vùng. Nếu kết hợp từ 3 vị thần ta có Inari-sanza, từ năm vị thần ta có Inari-goza. 
Đôi khi người ta thể hiện hình ảnh Inari trong lốt một cụ già, một con rắn hay con rồng, những phổ biến nhất là hình tượng con cáo Kitsune, vì cáo được xem là sứ giả của Inari.
Những bức tượng Kitsune quàng một dải khăn đỏ, miệng ngậm thanh chìa khóa hoặc cuộn giấy có thể được tìm thấy ở khắp nơi tại Nhật Bản như nhà ga, trạm xe điện, những nơi đông người...Các bảo vật đi kèm Inari có thể kể đến như một viên ngọc ước, một cái liềm, bó lúa và tất nhiên, con cáo. 
Cả Inari và Kitsune đều rất thích ăn đậu khuôn chiên Aburaage nên món này thường được dâng cho Inari cùng với rượu sake và bánh gạo.


Quyền lực:
.Đền của Inari thường có rất nhiều cổng nối tiếp nhau và có tượng cáo trắng đeo khăn đỏ ở hai bên. Inari là vị thần bảo hộ cho các thợ rèn. Chính xác hơn, đây là vị thần của nông nghiệp, công nghiệp, của thịnh vượng  thành công.
Truyền thuyết:
Nguyên nhân chọn Kitsune làm sứ giả đại diện cho thần Inari là vì tại Nhật Bản, cáo là con vật thiêng ẩn chứa nhiều sức mạnh và có khả năng trấn áp tà khí. Vì thế họ đặt Kitsune tại hướng Đông Bắc, hướng đi của quỷ, để bảo vệ đền và con người. Bên cạnh đó, người ta quan niệm cáo nếu tu luyện 100 có thể biến thành người. Còn nếu tu luyện 1000 năm, những con mạnh nhất sẽ biến thành cửu vĩ hồ, lông chuyển sang màu bạc, trắng hoặc vàng và có sức mạnh vô cùng to lớn. Có lẽ vì thế mà Kitsune được xem là sứ giả của Inari vì có thể lắng nghe tâm tư tình cả, nguyện vọng của con người rồi sau đó trình tấu lại thần. 
Tín ngưỡng thờ Inari phát triển trên khắp Nhật Bản. Theo cuộc điều tra năm 1989 có khoảng 32000 ngôi đền Shinto giáo thờ Inari, chiếm hơn 1/3 số đền ở Nhật. Nếu tính cả các chùa Phật giáo, các bệ thờ tại công sở, gia đình và những miếu thờ nhỏ...thì con số vô cùng lớn.



Thần Ninigi-no-Mikoto (Quỳnh Quỳnh Chử Tôn)

Ông là con trai của Ame no Oshihomimi no Mikoto và là cháu nội của nữ thần Mặt trời, chồng của Công chúa hoa anh đào Ko-no-hana và  là cụ nội của Thiên hoàng Jimmu. 
Truyền thuyết:
Nữ thần Mặt Trời phái ông xuống mặt đất để thành lập nước Nhật. Ninigi-no-Mikoto đem theo 3 bảo vật của Thiên Chiếu. Khi Ninigi-no-Mikoto gặp Konohana-sakuya-hime liền đem lòng yêu cô và đến gặp cha của Konohana để hỏi cưới. Công chúa hoa anh đào Ko-no-hana và Ninigi- là tổ tiên của người Nhật.




Thần Hachiman

Hachiman thường được gọi là Hachiman-shin hay Yamato-no-kami.
Hình dạng: 
Con vật biểu tượng và sứ giả của ông chính là chim bồ câu.
Quyền lực: 
Ông là thần chiến tranh và cũng là thần bảo hộ cho nước Nhật Bản. Ban đầu ông được thờ bởi các nông dân và ngư dân những mong cho lúa gạo đầy lưới. Sau đó nhà Minamoto mà đặc biệt là Minamoto Yorimoto, người đã thiết lập nên chế độ Mạc Phủ Kamakura ở Nhật, thờ phụng Hachiman như vị thần bảo hộ cho dòng họ Samurai này thì tín ngưỡng thờ Hachiman được mở rộng. Về sau, không chỉ giới Samurai mà cả người dân thường cũng thờ vị thần này. Hiện nay số đền thờ Hachiman trên toàn nước Nhật là khoảng 30 ngàn ngôi đền, chỉ đứng sau đền thờ thần Inari.




Phong Thần (Fuujin ) và Lôi thần (Raijin, Raiden )


Hình dạng:
Raijin được miên tả nhưng một vị thần cơ bắp với chuỗi trống được quấn quanh người mà ông dùng để tạo ra sấm chớp.Fuujin cũng là vị thần lực lưỡng mang một túi vải lớn trong đó chứa đựng hàng ngàn cơ cuồng phong. Khi ông mở chiếc túi ấy ra, một trận gió lớn sẽ nổi lên thổi tung mọi thứ. Hình dáng Raijin và Fuujin được miêu tả như những con quỷ Oni, và cả hai thường bị lẫn lộn với nhau. 
Quyền lực:
Raijin tạo ra sấm chớp
Fuujin tạo ra cuồng phong
Truyền thuyết:
Truyền thuyết Phật giáo bên Trung Hoa kể rằng, hai vị thần này tiền thân vốn là những con quỷ nhưng đã quy thuận theo đức Phật sau một cuộc chiến kinh thiên động địa giữa 33 vị thần và lũ quỷ.




Thần Ryujin (Oowatatsumi)

Hình dạng:
Thần có hình dáng một con rồng vĩ đại, nhưng đôi khi ông cũng hóa thành người.
Quyền lực:
là vị thần cai quản đại dương .Lâu đài của ông được làm bằng san hô đỏ và trắng, ông có thể điều khiển thủy triều lên xuống bằng chuỗi ngọc đầy quyền năng của mình.





Thất phúc thần- Bảy vị thần Shichifukujin


Người Nhật tin rằng những vị thần Shichifukujin xuống cõi trần trong đêm Giao thừa và ở lại trong ba ngày đầu của Năm Mới.

1.Thần Ebisu (Huệ-tỷ-thọ)

Thần là con của Izanagi và Izanami .Được xem là vị thần được mến chuộng nhất trong bảy vị thần, nông gia và doanh gia xem Ebisu như thần hộ mạng.
Hình dạng: 
Biểu tượng của thần Ebisu là một con cá cực lớn, thường là cá hồng , cá chép, cá cá rô biển, hoặc cá tara (có người gọi là “cá tuyết” theo chữ Hán trong tiếng Nhật) – một loại cá ở biển Bắc. Thần Ebisu thường buộc con cá hồng bằng sợi dây dừa rồi đeo ở tay mặt trước ngực, hoặc cầm dây buộc cá bằng tay trái. Thần có nụ cười hồn nhiên, bộ râu cằm cạo nhẵn nhụi, đội mũ như người đi săn.
Quyền lực:  
Thần Ebisu nguyên là Hiruko-no-Mikoto ở đền Nishinomiya, thuộc huyện Hyôgo, thần phù hộ người đi biển, ngư nghiệp và thương nghiệp. Ebisu cai quản các ngư dân và phù hộ họ với những mảng cá đầy khoang. Vì thần Ebisu có nguồn gốc từ biển, thần còn giúp cho người đi biển được an lành. Ở miền quê, vị thần này coi quản ruộng đồng và tất cả những gì có dính líu đến nghề nông.


2.Thần Daikokuten (Đại Hắc Thiên)

Thần có gốc từ Ấn Độ giáo, du nhập sang Nhật Bản từ Trung Hoa vào thế kỷ IX.
Hình dạng, tính tình:
Thần Daikokuten kính yêu tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) và thích ăn uống. 
Thường thường, ta thấy thần đầu chít khăn vải, đứng trên bồ lúa; tay trái mang một cái túi lớn, tay mặt cái vồ nhỏ bằng gỗ
Quyền lực:
Thần Daikokuten  là thần thủ hộ của Phật giáo Đại Thừa. Thần Daikokuten còn giúp người ta được mùa màng, hoặc may mắn khi buôn bán, làm ăn.



3.Thần Bishamonten (Tỳ Sa Môn Thiên)

Tên thần còn được dịch là Đa Văn Thiên.Thần có gốc từ Ấn Độ giáo, du nhập sang Nhật Bản từ Trung Hoa vào thế kỷ IX.
Hình dạng: 
Thần có dáng vẻ phẫn nộ, bận áo giáp như võ thần, một tay cầm bửu tháp (tahoto, đa bửu tháp) bên tay mặt và cái mâu bên tay trái.
Quyền lực:  
Là một của Tứ Thiên Vương hay Thập Nhị Thiên. Thần Bishamonten ở Bắc phương của Tu Di Sơn, lo coi giữ Bắc phương Thế giới và là người che chở cho lẽ phải và quyền uy.
 Bishamonten còn là thần tài (tượng trưng bởi bửu tháp) và thần của chiến tranh (tượng trưng bởi cái mâu). Thần mang lại điều may trong chiến loạn cũng như trong thái bình. Thần lo giữ Phật Giới và hoà bình trên thế gian. Trong chùa, thần chia của cải và điều may cho những người nghèo hoặc người xứng đáng. Nếu người ta đã ăn nên làm ra, thần giúp họ giữ gìn những cái gì họ đã có được. Điều đáng tiếc là trên thế gian có lắm người không xứng đáng, thần thường dùng sức mạnh để phá huỷ tài sản của họ.



4.Thần Benzaiten (Biện Tài Thiên, Biện Thiên) 

Là nữ thần duy nhất trong Shichifukujin. là một trong ba nữ thần Ấn Độ, tên tiếng Phạn là Sarasvati.
Hình dạng:
Thần thường cầm cây đàn tỳ bà (biwa). Thần thường ngồi hay đứng trên lá sen, hoặc cỡi bạch long (rồng trắng), rắn biển, hay rắn thường. Những sinh vật này thường ghen nhau, bởi vậy các đôi nam nữ thường tránh viếng nữ thần.
Thỉnh thoảng thần Benzaiten được hiện ra với nhiều tay (bốn tay, sáu tay hay tám tay) và có thể đàn hay hoạ cùng một lần.
Quyền lực:
là thần trông coi về âm nhạc, tài biện luận và ăn nói (biện tài), phúc trí, trường thọ, tai qua nạn khỏi, và chiến thắng. Mặc dù thần Sarasvati vốn là thần Ấn Độ giáo, thần Benzaiten được tiếp thu vào Nhật Bản cùng với Phật giáo. Những nghệ nhân, ca sĩ, cùng những người làm quán ăn cũng thường thờ nữ thần. 



5.Thần Fukurokuj (Fukurokujujin , Phúc Lộc Thọ)

Là một vị thần của Lão giáo (Đạo giáo)
Hình dạng:
Thần Fukurokuju mặc áo Tàu dài và rộng, tay chống gậy. Trên gậy thần buộc cuốn kinh ghi những bí truyền về sống lâu và trí khôn của nhân loại. Tay trái thần cầm cái quạt xếp .Thần trán rộng, đầu hói đội mũ văn nhân, bộ râu để dài và bạc, tượng trưng cho cao niên và trí tuệ. Bên cạnh thần Fukurokuju thường có nai, rùa, và hạc .Những sinh vật này tiêu biểu cho trường thọ.
Thần có cùng thân hình với Jurojin, và hai thần na ná giống nhau.
Quyền lực: 
Thần Fukurokuju thường biến hoá phép lạ, đặc biệt về sống lâu và phát tài. Ngoài ra, người ta choFukurokuju là thần tài, thần của trí tuệ, của những điều may mắn, sức khoẻ, sinh lực và sống lâu.



6.Thần Jurojin (Thọ Lão Nhân)

Là người Trung Hoa vào khoảng đời Nguyên Hữu (1086-1093) thời Tống. 
Hình dạng: 
Dáng vóc bên ngoài của thần Jurojin trông giống như thần Fukurokuju : một ông lão đầu dài, râu dài và bạc phơ, tay cầm trượng, trên đầu trượng có cuốn kinh ghi về trí khôn nhân loại và bí quyết sống lâu. Thần thường có những sinh vật tượng trưng cho sống lâu như nai, rùa, hạc đứng chung quanh.
Quyền lực:  
Jurojin thường được xem giống như Fukurokujin là thần tài.Thần là tiêu biểu của trường thọ, thần tài, của trí tuệ và sức khoẻ.



7.Thần Hotei (Bố Đại) 

Là một Thiền tăng đời Hậu Lương. Tên là Khế Tỷ, hiệu là Trường Đinh Tử hoặc Định Ứng Đại Sư, ngụ ở Tứ Minh Sơn. Người ta thường gọi hoà thượng là “ Ông Phật cười “ và tin rằng ông là hoá thân của Di Lặc Bồ Tát (Miroku Bosatsu).
Hình dạng: 
Hoà thượng Hotei có dung mạo phúc đức, thân hình to béo, lúc nào cũng mang cái đãy, bụng thường để lộ ra ngoài khi đi khất thực. 
Thần Hotei thường được người ta để thờ là một ông Phật cười với cái bụng to lớn để nói lên cái tâm rộng rãi của thần. Thần Hotei thường cầm quạt và mang trên vai một đãy gạo. Gạo trong đãy của thần không bao giờ cạn vì lòng độ lượng vô hạn của thần Hotei. Có khi thần ngồi trên xe kéo bởi các trẻ đã biết lòng vị tha của thần.

Quyền lực: 
Giống như Daikoku, Hotei là thần của dồi dào và may mắn. Thần cũng là thần cười và vui vẻ với những gì mình đang có. Bởi vậy, thần là thần viên mãn trong mậu dịch, như ta thường thấy tượng của thần để trước cửa hàng quán.


Nguồn ione.vnexpress.net; erct.com; kienthuc.net.vn; duhocnhatban.edu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved