Trời đất
đang xuân, thứ mưa bụi đặc hữu xứ Bắc lất phất bay, kinh thành Thăng Long
chìm trong hư thực, cảnh đẹp mê hồn khiến lòng người thêm say đắm, các văn nhân
cảm cảnh phóng bút viết những bài tuyệt cú lưu truyền thiên hạ.
Một chiều, năm Bảo Thái thứ ba thời Lê
Trung hưng, sau đêm ca trù trong những ngày hội xuân làng Dó, nhóm nho sinh
trường Hương cống Lê tụ hội quán lão Gàn gần đó dụng tửu. Chiều nay họ uống
tràn cung mây khiến lão phải dè chừng, khẻ nhắc: - “ Đa
tửu bại tâm” đó, thưa
quý nho sinh. Hà … hà…
Nguyễn sinh bỡn cợt:
- Thúc thúc! Vương tiên sinh chẳng có câu: “ Tửu
phùng tri kỷ thiên bôi thiểu ”
sao ? Thúc thúc chớ quá lo, bọn tiểu sinh không đến nỗi phải cầm áo như Đỗ
thánh thi đâu.
… Trần công tử mặt còn buồn bực gạt
ngang:
- Tức vỡ mật. Chư
huynh thử coi. Đệ cầm chầu mà Bạch nương còn ngạo mạn thế, câu hát diễu: - “
Ông nghè ông cống ở đâu ? …” lại xuống phách khô khốc, điếng cả
người. Ả thân phận đào nương, phường xướng ca vô loại mà sao lộng ngôn, không
coi ai ra gì cả ?
Phạm sinh nhấn nhá:
- Ừ thì Bạch nương là phận xướng ca mà sao thiên hạ cả
vùng ta ngưỡng mộ đến thế ? Đêm qua hầu như cả làng đến xem kìn kìn, cả lão
nông, cả bọn ta… Hề …hề… Thế thì lời ca tiếng nhạc nó quyến rũ kinh người thật
chư huynh ạ.
Trần pha ngang:
- Mà sao Bạch nương bỗng lả người khi thấy gã áo rách
ấy nhỉ ?
- Giận điên lên được. – Nguyễn tiếp lời - Một kẻ
ly hương đói khổ từ xứ đồng chiêm nghèo khó, may nhờ sư phụ ta thương tình nuôi
dạy mới ra người. Không hiểu sao mà nó học giỏi dường kia. Át cả chư huynh đệ
danh gia vọng tộc vùng ta.Bực thật.
Nguyễn nâng ly rượu nốc cạn, cả bọn như
vô thức làm theo. Im lặng.
Lão Gàn nãy giờ theo chuyện, giọng vang
chắc nịch:
- Mấy nho sinh ! Sao thế ? Không rõ thiên mệnh à ? Học
rộng như quý công tử mà không nhớ việc vua Lý Thái tổ ta dựng nghiệp lớn sao ?
Bài năm, thiên mười hai Luận Ngữ, Tử Lộ viết lời thánh Khổng: - “
Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên ” đó. Hà … – Lão lườm lườm nhìn
mặt từng người: - Thế đấy. Cũng có lúc những kẻ tiểu nhân tranh đoạt chính đạo
rồi sẽ phải trả giá, các ngươi chú tâm sẽ thấy.
Rồi tiếp:
- Lão nghe chuyện lạ. Cồn Thiêng trước nhà Võ đêm đêm có
tiếng học bài nhưng khi sinh hắn ra thì bặt tiếng. Võ Thân tướng mạo tuấn tú,
thần thái khác người, hiềm nỗi nhãn quang nhu thuận, chỉ đến bậc á khanh.
Cả bọn nín lặng thẹn thò vì đã mang tiếng
đứng đầu trong tứ dân mà tâm trí còn nông cạn, nhỏ nhen, lý số non kém
thua cả lão quán.
Trần nói nhỏ giọng bướng bỉnh:
- Cứ cho là thế. Được
! Để ta cho người theo hắn thử xem.
*******
Cũng
đêm ấy, đã canh ba rồi mà Võ Thân còn thao thức. Từ đêm qua Võ như sống trong
mây, lơ mơ làng màng, đầu óc luôn tơ tưởng đến hình dáng ấy, cơm chẳng thấy
ngon, nước nhấm chiếu lệ, đến trường mà chẳng thu nhận được một lời dạy nào của
ân sư. Sau phút giao hội sáng lòa làm thân tâm rúng động của đôi mắt hai bên,
nàng bỗng lạc giọng ca, rồi ú ớ, mặt tái dần rồi như bị ngất, giáo phường vội
dìu nàng vào hậu đình, còn Võ phải níu lấy thân cột mới vững… Mở kinh Thi cũng
thấy ánh mắt ấy, định tâm; điều khí, lật kinh Lễ vẫn không xong, Võ thở dài vào
sàng nằm mặc cho đầu óc lan man suy tưởng.
Ta vốn
ham học, chẳng may thân mẫu mất sớm, kế mẫu quản lý điền viên sinh lợi nên lạm
quyền hà khắc, phụ thân lại nhu nhược. Ngày ta bái tạ ra đi, người rơi nước mắt
chỉ dặn một câu: - “ Con cung mệnh công khanh. Ra Thăng Long tự lập thân rồi có
cơ lập danh. Phải giữ lễ nghĩa liêm sĩ. Cả đời ta buồn là chẳng giúp được gì
cho con. Hãy bảo trọng. ”
May mắn
ta được ân sư đoái thương nuôi dạy, mới 2 năm đã tiến bộ vượt bậc,
có tiếng một vùng. Chuyện tình cảm ta cố ép mình nén chịu để toàn tâm lo việc
học lập danh. Giờ đây ta sao thế này ? … Thấy đồng môn xôn xao đêm hội, xuýt
xoa khen ngợi Bạch ca nương, nào gương mặt xinh đẹp lạ thường, nào dáng hình
kiều diễm, nào giọng hát liêu trai … Họ xao nhãng việc học chờ xem đêm hát với
lòng nôn nao lộ liễu làm ta tò mò tìm đến.
Bận một bộ đồ
nâu cũ, Võ đứng nép bên cột đình nhìn trộm đào nương. Và Võ như bị sét đánh khi
thấy nàng, đúng là trang quốc sắc, chàng nhìn nàng say đắm như chỗ không người,
Võ như bị mộng du lần bước đi về phía nàng, nghe tiếng la thét của người bị Võ
chen ngang, nàng nhìn xuống. Và bốn mắt gặp nhau chói lòa duyên nợ.
Vũ đau đớn, tự sỉ vả mình, bức tóc nhéo tai mong cho tỉnh trí. Chiều nay chàng đã chạy như điên đến bở hơi tai rồi nhảy xuống dòng sông lạnh bơi một mạch để mong thoát khỏi cái dáng kiều ám ảnh ma quái đó, nhưng không xong. Ghê gớm thay cho mãnh lực ái tình, hay thật cho sự trêu ngươi của tạo hóa.
Vũ đau đớn, tự sỉ vả mình, bức tóc nhéo tai mong cho tỉnh trí. Chiều nay chàng đã chạy như điên đến bở hơi tai rồi nhảy xuống dòng sông lạnh bơi một mạch để mong thoát khỏi cái dáng kiều ám ảnh ma quái đó, nhưng không xong. Ghê gớm thay cho mãnh lực ái tình, hay thật cho sự trêu ngươi của tạo hóa.
Nàng. Nàng chỉ
là đào nương, phận xướng ca vô loại. Danh phận gì kia chứ ? Gia phong lễ giáo
gì kia chứ ? Ta ! Một nho sinh tài cao đức độ, văn chương thi phú vang danh,
bảng vàng đang đợi, tài chấm ngôi Tiến sĩ .
Mà ngẫm
lại… Nàng cũng là con người, lại có tài sắc, về sắc đã có câu thơ ca ngợi: “
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. Mỹ
nhân cũng hiếm như danh tướng, trời sinh họ như để giành cho nhau. Còn xướng ca
thì có tội gì. Họ có làm gì nên tội ? Đường Minh hoàng còn mê mẩn Dương Quý phi
qua điệu vũ Nghê thường kia mà. Thật phi lý. Và tại sao thiên hạ tranh nhau xem
họ hát ca ? Mà lời ca tiếng nhạc kia mới huyễn hoặc làm sao. Nó ru ta vào cõi
mộng yên bình, nhẹ nhõm, nó nói thay ta những điều mà ngôn ngữ bất lực. Ơi cao
xanh.
Dãy
phòng lưu trú dành cho đệ tử nghèo khó của Hương cống Lê nằm sau ngôi trường,
trong phòng của Võ đồ đạc tuềnh toàng, ngọn đèn dầu lạc leo lắt, bỗng có tiếng
gõ cửa sẽ sàng, Võ tưởng chú cẩu nghịch ngợm nên nằm im, tiếng gõ cửa mạnh hơn,
Võ ngạc nhiên tợn: - Ai nhỉ ? Hai năm ta ở đây không đêm nào có khách. Ma chăng
? - Nghĩ đến những chuyện liêu trai, cáo thành tinh trêu ghẹo thư sinh Võ
thoáng ớn lạnh, ngập ngừng ra mở cánh phên tre. Một dáng nữ nhi yểu điệu, Võ
như sụm xuống. Tiếng êm như gió thoảng: - “ Võ huynh! Thiếp đây! Bạch Hương đây
”. Võ sững sờ , thối lui mấy bước, lúng búng: - “ Là … là….. nà…nàng… ” .
Bạch
nương thong thả bước vào, thoáng nhìn quanh rồi nàng khẻ thở dài, chàng nghèo
khổ quá, thật tội, nhưng tướng mạo đường đường của bậc công khanh kia, văn tài
nổi danh trấn Tây Thăng Long thì ai cũng biết. Ta ! Một đào nương tài sắc vẹn
toàn, một danh ca cũng nổi tiếng vùng kinh Bắc, dòng dõi bà tổ ca trù Bạch
Hoa danh tiếng, có kết duyên Châu Trần với chàng thì cũng được chứ sao ? Thân
phận ta bị xã hội rẻ khinh, còn chàng vì nghèo mà thiên hạ cũng xem thường, lại
càng có cơ gá nghĩa. Ta có sai trái gì đâu, theo giáo phường đi hát, được bách
tính tung hô, trọng thưởng, cuộc sống thong thả, sau đêm hát ta về nhà cô cô,
ngàn vàng nguyên khối, lắm kẻ phú hào mong cưới làm thiếp, bọn công tử rửng mỡ
kia thì ta cạch. Ta giai nhân, chàng khanh tướng, long phụng hiệp hòa, tương
lai rỡ ràng. Ta không thoát phận nhi nữ thường tình, không bạo dạn tìm kiếm tấm
chồng thì sẽ một đời héo úa… Mà chắc là thiên định chăng ? Ta đã mong ngóng
chàng, chàng nào biết. Và chỉ một lần nhìn thấy nhau đã như tiếng sét ngang
tai, rúng động châu thân, ta như ngất khi thấy chàng mụ mị chăm chắm nhìn ta. Ngàn
lạy ơn trên cho con được có chàng, dựa bóng tùng quân để không phí một đời quần
hồng tài sắc.
Thấy Võ
Thân lúng ta lúng túng nàng kéo ghế phân đôi chủ khách:
- Võ huynh ! Mời thiếp ngồi
với chứ ?
Võ sực tỉnh
lập cập :
- Mời ngồi …., mời cô
nương ngồi tạm.
Cầm ấm trà
rót chẳng đủ một chén con Võ ngượng ngùng:
- Bạch cô nương
… uống nước.
Nàng
cười khẻ, đôi môi đẹp như hoa hàm tiếu, dưới ánh sáng lờ mờ nàng như tiên
nữ giáng trần:
- Vâng ! Cảm ơn
chàng, xin chàng đừng quá bận tâm.
Họ lúng túng
liếc nhìn trộm nhau, tình như chín dần, lòng hân hoan rộn ràng, nỗi vui ngập
tràn trời đất.
- Võ huynh ! Chàng
vẫn khỏe ?
- Ừ … à… Ngu huynh
cũng khỏe. Còn nàng ? - Võ mạnh dạn nhìn thẳng vào mặt nàng đầy âu yếm.
Nàng ngượng
ngùng: - Cảm ơn chàng, thiếp đã khỏe.
Họ lại im
lặng, cái lặng thinh toàn hạnh của sự giao hòa âm dương viên mãn, Võ tay chân
lóng ngóng thừa thải, khi chống tay, khi xoa cằm, còn nàng xoay xoay chén trà
như nương tựa vào giới hữu hình trong lúc hồn phách phiêu linh. Bao nhiêu điều
muốn nói với nhau giờ trốn biệt, thỉnh thoảng họ liếc nhìn nhau rồi cười gượng
gạo, lòng đầy bối rối.
… Tiếng gà o
óc gáy báo đêm đã quá khuya, nàng choàng tỉnh, lục tay nải lấy ra một túi gấm
đặt lên bàn:
- Võ huynh ! Thiếp đã
nghe về chàng, nay gặp gỡ như là duyên tiền định. Biết chàng rất khó khăn trong
việc dùi mài kinh sử, thiếp vốn thong thả, vậy mười quan tiền này gọi là lo cho
chàng trong cơn túng bấn. Chàng chớ bận tâm. … Đôi ta đầy duyên nợ. Thiếp về
đây… Mong chàng mã đáo công thành.
Nàng vụt
đứng lên bước ra khỏi cửa, Võ mụ mị theo. Nàng yên lặng nhìn chàng với
đôi mắt đầy yêu thương trao gởi, trong vô thức Võ nắm lấy tay nàng, hai bên
rùng mình như điện giật, hoảng hốt nàng rụt tay lại thảng thốt: - “ Võ lang ”
rồi bước nhanh như chạy trốn một mối tình thành tựu quá nhanh.
*******
5
năm sau, cũng một chiều xuân mưa bụi giăng mờ trời vùng trấn Tây đất Thăng
Long, cảnh vật không đổi mấy, vẫn đẹp nao lòng, chỉ có con người là thêm nhiều
nét lao khổ trên tiến trình sinh diệt. Nhóm nho sỹ ngày nào lại cùng nhau đồng
ẩm sau đêm ca trù thường niên, với họ sau khi Bạch nương biệt tích chẳng còn ca
nương nào đủ sức gây nên cảm xúc, luyến lưu, họ mượn rượu cầu tri âm tri kỷ, họ
đã chín hơn bởi vòng quay số phận. Trần, Lê giờ là thư lại của huyện nhà,
Nguyễn ngao du sơn thủy cho quên nỗi buồn bất đắc chí, Phạm tập tểnh thơ văn. Chỉ
có lão Gàn giờ đây tóc râu bạc như cước, khí sắc tiêu hao, lão cũng bớt gàn đi
mà chờ ngày quy khứ.
Trần như
bùng lên nỗi giận:
- Võ Tiến sĩ đã tiểu
đăng khoa, một tiểu thư con nhà danh giá. Hừ ! Nho sỹ ! Tình thua một con hát.
Cả bọn
trầm ngâm, lòng thẹn thùng lây cho một đồng môn công thành danh toại nhưng giá
trị xã hội đã bị tì vết ngàn năm.
Phạm đỡ lời:
- Giận lão cha hắn
hèn kém, bó buộc. Mà hắn cũng nhu nhược…
Nguyễn gay gắt
cắt ngang:
- Này các ông! Nhớ là
con nhà nho nhưng ai không có sỹ khí thì đừng gọi họ là nho sỹ đấy nhé.
Lão Gàn điềm
đạm xen vào:
- Quý thầy ! Cũng
đừng nên nặng nề quá, cuộc sống có quá nhiều ràng buộc mà cá nhân khó vượt qua,
nhưng với những người có trí họ sẽ suy ngẫm mà sửa mình. Võ không tệ đâu.
Trần vốn nặng
tình với Bạch nương than thở:
- Ai như nàng, biết Võ sau khi giải nhất thi Hương tại
phủ nhà, gia đình đã đính ước, năm ngoái lên kinh đô thi Hội nàng còn đến gặp,
trong lúc Võ thẹn thùng thì nàng nói câu này đệ nghe kể mà như đứt cả
ruột: - “ Thiếp biết cả rồi, chẳng cần chàng nói. Tiền đồ của chàng còn xa,
thiếp hèn hạ không xứng phận hầu khăn sửa túi cho chàng. Âu đó cũng là số phận
của thiếp ”. Khi đi còn để lại năm mươi quan tiền giúp Võ nộp phí Minh
Kinh cho trường thi…
Than ôi ! Bạch nương !
- Trần huynh ! Bao năm cho người dõi theo họ, giờ nàng
ở đâu ? - Phạm nôn nóng hỏi.
Trần cười như mếu:
- Phạm huynh ! Sau việc đó đệ mất dấu nàng, cho người
lùng sục hỏi han khắp nơi thì nghe kể hình như nàng đã bỏ xứ lên miền
ngược. - Ngập ngừng đôi chút rồi Trần trầm giọng: - Không đến lượt huynh
đâu, nếu gặp nàng ta sẽ tu thân để được nàng yêu rồi cưới nàng làm vợ. Lễ thành
thân nhất định ta sẽ mời Võ …
Mưa xuân nặng hạt
hơn, chợt nổi cơn xoáy nhẹ, những cánh hoa xoan tim tím rơi lả tả lòng vòng,
đất trời kinh thành Thăng Long như chìm đắm trong nỗi u buồn thiên cổ.
Nghe kể rằng Võ làm
đến chức Tham tụng, có tiếng là vị quan khảng khái, hào hiệp, dám nói, dám làm,
cả một đời thanh bạch, thường giúp đỡ những người cơ nhỡ. Khoảng 20 năm sau Võ
đã gặp lại người xưa trong một lần dự tiệc hát tại phủ đồng liêu họ Đặng. Bạch
nương giờ đây phai nhạt sắc hương, vẫn một mình nuôi mẹ, hoàn cảnh bần hàn. Võ
quận công khẩn khoản xin chu cấp cho mẹ con nàng để gọi là trả lại nghĩa xưa,
thế quẫn bách nàng đành nhận nhưng đến khi mẹ mất nàng bỏ đi biệt
tích.
Mạnh thu Quý Tỵ
( đã đăng t/c ĐÂT QUẢNG số Xuân Giáp Ngọ
Nguồn donhutthu.vnweblogs.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét