Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

3 thg 7, 2014

Chuông vàng vọng cổ qua các năm


Năm 2006




Chuông vàng :Võ Minh Lâm

 Võ Minh Lâm sinh ra và lớn lên tại Tp Cần Thơ. Xuất thân trong gia đình có cha mẹ đều là nghệ sĩ. Vì thế ngay từ nhỏ Lâm sống trong sự chở che, nuôi dưỡng của bà nội. Mỗi dịp được nghĩ hè, Lâm theo cha mẹ xuống các Đoàn hát chơi và chính nơi đó đã nhen nhóm, ươm mầm trong Lâm một ước mơ cháy bỏng. Những làn điệu vọng cổ, những điệu lý thân quen từ đó thấm dần trong Lâm. Tốt nghiệp trung học cơ  sở được sự ủng hộ của gia đình, Lâm thi vào trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Cần Thơ. Những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường giúp Lâm có thêm kiến thức và vững vàng những bài bản, điệu lý cải lương. Trong các hoạt động văn nghệ, các hội thi của Trường và Tỉnh tổ chức, Lâm năng nổ nhiệt tình tham gia và mang về những giải thưởng: Giải 3 cuộc thi – Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền năm 2005, giấy khen Liên hoan Đờn ca tài tử Quận Ninh Kiều –  Cần Thơ năm 2004 và 2006.  Tuổi trẻ thường có những ước mơ và hoài bão luôn nung đúc mình phải phấn đấu đạt được. Năm 2006 cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình  ( tức Chuông vàng vọng cổ bây giờ) do Đài truyền hình TPHCM tổ chức, cả khán phòng Nhà hát truyền hình HTV vỡ òa những tràng pháo tay khi Võ Minh Lâm thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình năm 2006 giành giải chuông vàng  với hơn 23.316 lượt khán giả bình chọn. Từ đó con đường hoạt động nghệ thuật của Lâm bước sang một trang mới…

Chuông bạc: Hồ Thị Ngọc Trinh

Xuất thân từ vùng quê Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) từ nhỏ Hồ Ngọc Trinh  đã quen chịu ảnh hưởng của dòng nhạc tài tử - cải lương nên mê ca hát và nung nấu ước vọng tương lai thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. 
Duyên mai đã đến với Hồ Ngọc Trinh  rất sớm (từ năm 17 tuổi, năm 2001) được gia đình và bạn bè động viên, cô đã khăn gói một mình từ quê lên Tân An dự thi chương trình Liên hoan TH-TH Long An.
Với chất giọng thổ trầm buồn, nhịp chắc, ngọt ngào, cách thể hiện bài VC khá xuất sắc nên Hồ Ngọc Trinh  đã đạt ngay HCV của giải. Từ bệ phóng nầy Hồ Ngọc Trinh  có điều kiện đến với môi trường sân khấu chuyên nghiệp: vì sau đó vài tháng đoàn CL-LA đã chính thức mời cô về cộng tác.
Với nội lực dồi dào, cộng thêm sự phấn đấu kg ngừng, được lãng đạo và ACE nghệ sĩ đoàn Long An (đặc biệt là vợ chồng NSUT Hữu Lộc - Ánh Hồng) tận tình dìu dắt, giúp đỡ nên sau bốn năm tập sự Hồ Ngọc Trinh  đã trở thành đào chánh của đoàn.
Hơn sáu năm hát đào chánh, Hồ Ngọc Trinh  thường đóng thành công các dạng vai đào thương (giọng ca của cô rất thích hợp vai nầy vì đây là sở trường của cô), có thân phận bi đát cùng cực .Gần đây Hồ Ngọc Trinh  thể hiện tính cách đa năng của mình khi thể nghiệm một số dạng vai khác khá thành công như: vai lẳng mùi (vai Thảo, trong Hoa tình nở muộn), đào võ (Phàn Lê Huê, Thoại Ba Công Chúa)... được người xem và đồng nghiệp đánh giá cao
Tuy mười năm qua Hồ Ngọc Trinh  chỉ cộng tác duy nhất ở Đoàn CL-LA, nhưng do hoạt động rộng ở nhiều hoạt động rộng ở nhiều lĩnh vực sân khấu khác nhau nên cô có khá nhiều bạn diễn. Ngoài Vương Tuấn là bạn diễn thường trực ở đoàn Long An, thời gian qua Hồ Ngọc Trinh  còn đóng chung với nhiều anh kép tên tuổi như: NSUT Trọng Hữu, Kim Tử Long, Tấn Giao, Ns Vũ Luân, Lê Tứ ... Mỗi người một vẽ, nhưng theo số đông kháng giả thì rơ diễn của Hồ Ngọc Trinh  hợp với Vũ Luân và Lê Tứ hơn
Mười năm phấn đấu không ngừng, Hồ Ngọc Trinh  ngoài những vai diễn được kháng giả gần xa yêu thích, cô còn có được một bảng thành tích khá ấn tượng: HCV Liên hoan TH-TH tỉnh Long An 2001, HCB giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền 2002, thí sinh nhỏ tuổi nhất có giọng hát hay nhất giải BLV 2003 (do báo chí bình chọn), HVĐ tiếng hát dân ca các dân tộc toàn quốc 2005, Giải A đàn c tài tử khu vực phía Nam 2005, Chuông Bạc vọng cổ HTV 2006, HCV giải triển vọng THT 2007, HCV Hội diễn SKCNTQ 2009, HCB dân ca Việt Nam 2010.

Chuông đồng : Cao Thúy Vy

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông nội và ba Vy tham gia phòng trào đờn ca tài tử ở huyện Châu Thành, Tiền Giang. Vy theo ba và ông nội ca hát mà yêu thích cải lương hồi nào không hay. Cô bé Vy tập tành ca vọng cổ từ khi còn bé xíu. Trước khi tham gia cuộc thi Ngôi sao Vọng cổ Truyền hình 2006 (Chuông vàng Vọng cổ sau này), Cao Thúy Vy từng chinh chiến qua rất nhiều cuộc thi, hội diễn, liên hoan cải lương tại các tỉnh miền Tây và đoạt một số giải thưởng cao. Thế nhưng cô nàng chỉ thực sự được nhiều người biết đến khi đoạt giải 3 cuộc thi Ngôi sao Vọng cổ Truyền hình 2006 (cùng năm với Võ Minh Lâm và Hồ Ngọc Trinh). Từ đây Vy thường xuất hiện thường xuyên trong các chương trình ca cổ và hàng loạt vở cải lương truyền hình. Vy nhận  được sự ủng hộ của ba mẹ để theo con đường chuyên nghiệp. Hành trang duy nhất của Vy lúc ấy là lòng yêu thích cải lương, giọng ca trong trẻo và sự quyết tâm để tồn tại với nghề. Trong suốt thời gian hoạt động tại đoàn Tổng hợp Tiền Giang, Cao Thúy Vy luôn hoàn thành công tác và nhiệm vụ và tạo niềm tin cho mọi người. Vì muốn có sự thay đổi và muốn học nghề tại môi trường sân khấu sôi động của TP. HCM nên Vy xin vào Đoàn Nghệ thuật Quân Khu 7 làm việc. Những tưởng Vy ít có dịp thể hiện các vai trên sân khấu sàn diễn vì đoàn thường hát phục vụ tại đơn vị và lưu diễn các tỉnh. Thế nhưng, soạn giả Hoàng Song Việt thấy được khả năng của Vy nên mời cộng tác với đoàn Thắp sáng Niềm tin cùng các anh chị diễn viên chuyên nghiệp. Không bỏ qua dịp xuất hiện trên sân khấu và học nghề, Vy tham gia nhiệt tình dù có lúc chỉ xuất hiện thoảng qua trên sân khấu. Sự chân thành, chân  chất của Vy chiếm cảm tình của nhiều khán giả và người trong giới.


Giải tư:



  • Giang Bích Phượng
  • Thạch Tiên

Giải khuyến khích : 

Lê Văn Gàn, Nguyễn Thị Ngọc Đặng, Trương Ánh Tuyết, Nguyễn Điền Trung, Nguyễn Thị Diễm Kiều



Năm 2007




Chuông vàng : Nguyễn Ngọc Đợi

Ngọc Đợi sinh năm 1987, trong một gia đình có 5 anh em nhưng chỉ có duy nhất Ngọc Đợi là gái. Cha của Đợi là nghệ nhân đờn ca tài tử Nguyễn Văn Lập. Từ nhỏ, Đợi đã theo cha biểu diễn khắp nơi trên vùng đất huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu với nghệ danh là Xuân Đợi. Mới 7, 8 tuổi nhưng cô bé Ngọc Đợi đã ca rành rẽ các bài bản cải lương theo chắc nhịp đờn. Năm 2004, sau khi đoạt giải nhất Cuộc thi Tiếng hát cải lương Cao Văn Lầu, Ngọc Đợi được đoàn cải lương Cao Văn Lầu chính thức tuyển dụng và đào tạo thêm dưới sự dẫn dắt, chỉ dạy của các nghệ sỹ: Minh Chiến, Công Tràng, Quốc Khánh, Tuyết Mơ… Cũng từ đây Ngọc Đợi chính thức mang nghệ danh mới là nghệ sỹ Xuân Huyền.
Như nhiều nghệ sỹ khác mới vào nghề, Ngọc Đợi tham dự rất nhiều cuộc thi về vọng cổ, cải lương để qua đó tự rèn luyện thêm và đưa tên tuổi mình đến với công chúng nhưng dường như Ngọc Đợi không được sự trợ giúp của thần may mắn. Ba năm liên tiếp, Đợi tham dự 3 cuộc thi lớn nhưng đều nhận lấy kết quả thảm hại: Năm 2005, dự thi giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền bị rớt ở vòng bán kết. Năm 2006, bị loại ngay từ vào sơ tuyển cuộc thi: Ngôi sao vọng cổ truyền hình. Tháng 7, năm 2007, tham dự giải triển vọng Trần Hữu Trang lần X cũng chỉ dừng lại ở đêm bán kết
Đến với cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ 2007” dường như thần may mắn đã kịp nhìn lại, Ngọc Đợi đã tiến thẳng một mạch từ vòng loại cho đến vòng chung kết xếp hạng với số điểm cao nhất dẫn đầu các thi sinh trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi. Qua năm đêm diễn ra chung kết, Ngọc Đợi có những hình ảnh trái ngược nhau: có lúc thì quá đẹp, sắc sảo, có lúc thì tầm tầm không có gì nổi bật nhưng giọng ca thì mỗi thì không hề thay đổi, ổn định trong suốt cuộc thi. Ngọc Đợi có giọng ca khỏe, thanh thoát luôn đi đôi với làn hơi dài, cao, có độ ngân vang, xa. Bên cạnh đó, lối ca của Đợi thuần chất Nam bộ, không cầu kỳ, lạng lách, tự nhiên mà duyên dáng.
Đêm chung kết xếp hạng, Ngọc Đợi đã thể hiện xuất sắc lớp diễn Tô Ánh Nguyệt mang con đến trao cho chồng để về nhà báo hiếu cho mẹ trong trích đoạn Tô Ánh Nguyệt (của cố soạn giả Trần Hữu Trang) và mượt mà, sâu lắng trong bài ca cổ nổi tiếng Chợ Mới (của Trọng Nguyễn) nên đã đăng quang vòng nguyệt quế Chuông vàng vọng cổ 2007.

Chuông bạc: Lê Văn Gàn

Lê Văn Gàn sinh năm 1978, là con út trong một gia đình ở huyện Cần Đước Long An. Có lẽ được sinh ra và lớn lên giữa miền sông nước miền Tây nam bộ, nơi mà bộ môn nghệ thuật cải lương vẫn còn là niềm yêu thích sâu đậm trong lòng mọi người nên Lê Văn Gàn đã biết ca vọng cổ từ nhỏ.
Năm 1993, sau khi đạt giải A của một cuộc thi cấp huyện, Lê Văn Gàn bắt đầu thọ giáo các nghệ nhân như Út Bù, Minh Nhường để học các kiến thức về cải lương bài bản hơn. Năm 2005, Lê Văn Gàn dự thi cuộc thi “Bông lúa vàng lần 6” của đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (cùng với các thí sinh quen thuộc: Hồ Thị Ngọc Trinh, Giang Bích Phượng, Thạch Tiên…) Lê Văn Gàn đã đạt giải thí sinh ca bài bản cải lương hay nhất. Đây cũng là năm Lê Văn Gàn tham dự cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình Tp.HCM năm 2006” (tiền thân của cuộc thi “Chuông vàng Vọng Cổ”). Sở hữu giọng ca lạ, đầy tính riêng biệt, vô cùng chân phương đã thu hút khán giả ngay từ những vòng thi đầu tiên. Tuy nhiên, Lê Văn Gàn lại yếu về khả năng diễn xuất, đây cũng là một yếu tố để ăn điểm trong cuộc thi “Ngôi Sao Vọng Cổ" nên Lê văn Gàn đã dừng lại ở đêm Chung kết 3 (Đêm này Lê Văn Gàn đã thể hiện không tốt vai Minh trong Tô Ánh Nguyệt).
Tiếp tục rèn luyện, Lê Văn Gàn mạnh dạn đến với cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ lần 2”. Qua một năm, giọng ca của Gàn chính chắn hơn, diễn xuất cũng khá hơn. Lê Văn Gàn đã chiếm được cảm tình của khán giả xuyên suốt từ 5 đêm chung kết của cuộc thi “Chuông Vàng Vọng Cổ”. Có những đêm, Lê Văn Gàn ca diễn tốt mà bài ca cổ Đêm thơ trên dòng Như Nguyệt xem như là tốt nhất trong các đêm thi (trước đó là bài ca Truơng Chi cũng rất đạt) nhưng cũng có lúc Lê văn Gàn làm người hâm mộ thót tim khi ca rớt nhịp (Bên cầu dệt lụa), hay diễn xuất chưa trọn vẹn lắm (Nỗi lòng Chu Văn An, Đời cô Lựu). Trong đêm Chung Kết xếp hạng, Lê Văn Gàn đã làm mọi người ngạc nhiên và thích thú khi Gàn thể hiện thành công bài ca cổ Lá trầu xanh của soạn giả Viễn Châu. Bài ca không được chuẩn bị trước và đây là bài hát dành cho nữ nói về nỗi khổ đau của người con gái bị phụ tình nhưng Văn Gàn đã trình bày thật hay, rất ngọt nhất là các câu vô vọng cổ.

Chuông đồng : Nguyễn Thị Diễm Kiều

Nguyễn Thị Diễm Kiều đến từ Cần Thơ, ở mùa giải năm 2006, cô  từng “lọt” vào đến đêm chung kết 2 và sau đó phải chấp nhận dừng bước khi thể hiện không thành công bài ca cổ. Năm 2007, Diễm Kiều bước vào chung kết xếp hạng  Chuông Vàng Vọng Cổ và nhận được chuông đồng.

Giải tư:


  • Trần Thanh Cường
  • Bùi Thanh Phong


Giải khuyến khích : 
Phạm Hùng Phương, Trần Thị Như Huỳnh, Phạm Anh Chàng, Ngô Công Hậu, Hồ Thị Thu Trang, Trần Thị Khéo, Nguyễn Tấn Thuật.


Năm 2008





Chuông vàng : Võ Thành Phê

Võ Thành Phê sinh năm 1979, nhưng có hơn 15 năm mưu sinh bằng nghề lái xà lan cho gia đình ở Cần Giuộc - Long An trước khi đoạt Chuông vàng vọng cổ (CVVC) năm 2008. Ngoài nghề thương hồ, cậu út Võ Thành Phê (trong 10 anh em) còn mê nghề hát. Theo gia đình lênh đênh trên sông nước, "thầy" dạy ca vọng cổ của cậu bé Phê là đài truyền hình, đài phát thanh hay băng cassette, nhờ nghe riết nhập tâm rồi tự ca theo.
Năm 16 tuổi, được mấy anh trong xóm khen có giọng rồi rủ theo gánh hát, nhưng Phê đành gác lại niềm đam mê quá...xa vời, để chọn nghề lái tàu phụ giúp gia đình kiếm sống. Đời thương hồ rày đây mai đó, mỗi lần tàu ghé bến chợ có gánh hát về diễn Phê tìm mọi cách để được đi xem, hoặc lên bờ tìm các quán tài tử để ca cho thoả niềm mơ...mộng.
Nghe tin  Đài truyền hình TPHCM - HTV tổ chức cuộc thi CVVC lần đầu tiên năm 2006, Võ Thành Phê ứng thi và chỉ đậu đến vòng 50 người, vì còn non nớt do tự học, nhịp nhàng chưa vững và chưa biết cách chọn bài ca. Năm 2007, Phê đoạt giải nhất cuộc thi "Giọng hát hay trên sóng phát thanh hàng tuần" của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM. Sau cuộc thi, Phê được một số nhạc sĩ trong đài dùi dắt trong quá trình thu thanh, nên đã dành chiến thằng thuyết phục trong kỳ CVVC một năm sau đó. Kể từ đó, giọng ca khoẻ, mùi của Võ Thành Phê có cơ hội vang xa: Đài và Trung tâm văn hóa Long An mời thu và hát phục vụ dịp lễ, tết; được ca với NSUT Phượng Hằng cho Đài Bà Rịa - Vũng Tàu, đóng cặp với NSUT Thanh Ngân vở "Dưới rặng dừa xanh" (vai anh bộ đội) cho Đài Bình Dương và hát sô ở Kiên Giang, Sóc Trăng,...
Cuối năm 2008, đầu năm 2009, Võ Thành Phê được NSUT Minh Vương mời hát cho Sân Khấu Vàng. Khỏi phải nói Phê vui sướng cỡ nào khi được tập tuồng, được học nghề từ những nghệ sĩ lớn và nhất là được đứng chung sân khấu với các cô chú, anh chị mà mình ngưỡng mộ, khi được giao vai chính - Dũng (hát màn đầu lúc nhân vật còn trẻ, màn sau do Minh Vương thủ diễn) trong vở cải lương "Đoạn tuyệt" và vai Hà Lâm trong "Rạng ngọc Côn Sơn"…

Chuông bạc: Lê Quốc Phòng

Lê Quốc Phòng đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng cải lương của tỉnh và khu vực. Anh cũng từng hát cho Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Danh hiệu chuông bạc là thành tích cao nhất của Phòng trong các cuộc thi vọng cổ và mở ra triển vọng rất lớn cho anh theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật.

Chuông đồng : Võ Thị Trí

Thí sinh đến từ Bến Tre

Giải tư:


  • Lê Minh Hảo
  • Trần Thị Như Huỳnh

Giải khuyến khích : 
Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Nhơn Hậu, Đào Văn Vũ Thanh, Nguyễn Ngọc Lê, Phạm Anh Chàng.


Năm 2009





Chuông vàng : Trần Thị Thu Vân

Khi mới 21 tuổi, Trần Thị Thu Vân đã có trong tay 2 giải thưởng lớn: giải Nhì Hội thi giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng năm 2007 và giải Nhất khối chuyên nghiệp ở Hội thi ca cải lương giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền lần IV năm 2008. Ít ai biết rằng, Thu Vân đã tự lập từ năm 17 tuổi và chưa hề được đào tạo bài bản mà cô chỉ hát bằng niềm đam mê cộng với nỗ lực tự học hỏi. Năm 2009, Lư Quốc Vinh tham gia cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ, xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh vào đến vòng Chung Kết Xếp Hạng và đạt Huy Chương Vàng


Chuông bạc: Lư Quốc Vinh

Khi Đức Tài nghỉ hưu, tìm một giọng ca trẻ thay thế không phải là chuyện dễ dàng. Có một chàng trai đến từ Chợ Mới, Tỉnh An Giang, nơi có phong trào đờn ca tài tử phát triển rất mạnh. Anh có giọng ca trong trẻo, cao vút, âm vực rộng, lên cao xuống thấp đều rất ngọt, tròn vành, rõ chữ, đặc biệt anh có bộ nhịp rất chắc, lại cũng ảnh hưởng bởi cách ca vọng cổ của danh ca Thanh Tuấn như Đức Tài, nhưng anh vẫn giữ được những sắc thái riêng của mình, anh lại thích khoác áo lính, nên chuyện gia nhập vào đoàn Văn Công Quân Khu 7 như mối lương duyên định sẵn. Mới đó anh đã có trên 12 năm là chiến sĩ nghệ sĩ. Đó là Lư Quốc Vinh, Chuông Bạc giải Chuông Vàng Vọng Cổ năm 2009.
Đức Tài rất thích giọng ca của Vinh, đã giới thiệu với lãnh đạo Đoàn Văn Công Quân Khu 7, người sẽ thay thế vị trí của mình sau này. Xét toàn diện thì Vinh có nhiều điểm tương đồng với Đức Tài, một sự kế thừa hoàn hảo. Năm 2009, Lư Quốc Vinh tham gia cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ, xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh vào đến vòng Chung Kết Xếp Hạng và đạt Huy Chương Bạc chỉ xếp sau Thu Vân.

Chuông đồng : Lê Minh Hảo

Lê Minh Hảo là trường hợp hy hữu trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Năm 2008, Hảo là một trong những thí sinh nặng ký có thể đoạt giải cao nhưng vì một sơ suất nhỏ gây phản ứng xôn xao trong ban giám khảo, thí sinh để cuối cùng phải nhận giải tư. Không nản chí, năm sau (2009) Lê Minh Hảo tiếp tục dự thi và lần này thì anh đoạt giải ba một cách xứng đáng đúng khả năng của một giọng ca đầy triển vọng.

Giải tư:



  • Nguyễn Ngọc Lê
  • Bùi Thanh Phong

Giải khuyến khích : 

Ninh Thị Như Quỳnh, Nông Thị Gấm, Nguyễn Thị Luận, Trần Thị Bé Tám , Lê Thị Kim Hồng.



Năm 2010:





Chuông vàng : Bùi Trung Đẳng

Bùi Trung Đẳng sinh năm 1983, quê quán Cần Thơ. Anh là gương mặt sáng sân khấu, có triển vọng đóng kép trên sân khấu cải lương, có một giọng ca khỏe, cách xử lý câu ca thường luyến láy giống NSƯT Thanh Tuấn (luyến láy, lạng lách, ngân nga). Trung Đẳng hiện là một diễn viên tự do. Từng đoạt giải đồng cuộc thi “Bông lúa vàng lần 8-2009” nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc thi cử ca hát và anh đã "ẳm" trọn giải nhất Chuông vàng Vọng cổ năm 2010. Một giọng ca rất ngọt ngào đầy cảm xúc như đang rót mật ngọt vào lòng người mộ điệu những cung bậc tình cảm đầy màu sắc. 

Chuông bạc: Đặng Thị Mỹ Vân

Đặng Thị Mỹ Vân (Sinh năm 1982), tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mỹ Vân có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, dễ đi vào lòng người.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghệ thuật Đồng Nai (năm 200 - 2004), Mỹ Vân về đầu quân cho Đoàn Cải lương Đồng Nai. Chị tham gia biểu diễn nhiều vở cải lương để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả như: Công chúa Phát Ngân trong vở cải lương “Dời đô” của tác giả Lê Duy Hạnh, vai Triệu Trinh Nương trong vở cải lương “Triệu Trinh Nương”, vai A Khắc Thiên Kiều trong vở cải lương “Người tình trên chiến trận”, Ngọc Hà trong vở cải lương “Tâm sự Ngọc Hân”...
Năm 2010, Mỹ Vân tham gia Cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” do Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Mỹ Vân đã vượt qua được nhiều thí sinh đến từ các địa phương trên cả nước để đoạt huy chương bạc của cuộc thi.

Chuông đồng : Nguyễn Bình Trọng

Nguyễn Bình Trọng đoạt giải ba (HCĐ) giải Chuông Vàng Vọng Cổ năm 2010, một kết quả khá bất ngờ bởi các vòng thi trong vòng trung kết, Trọng luôn luôn được điểm cao và phần trình diễn của mình đã chinh phục được khán giả, suốt 5 vòng bình chọn. Trọng liên tiếp nhận giải thí sinh được yêu mến nhất, ai cũng đinh ninh em sẽ nhận được HCV, nhưng bất ngờ ở đêm chung kết xếp hạng xảy ra một sơ suất nhỏ khi cầm bài hát thi trong phần bóc thăm chọn bài hát Trọng đã ca rớt nhịp, đành chấp nhận HCĐ một cách nuối tiếc.

Giải tư:


  • Nguyễn Chí Luông
  • Đoàn Hoa Mai
  • Trần Kim Phính

Giải khuyến khích : 
Ninh Thị Như Quỳnh, Lê Thị Huyền Trân, Nguyễn Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Thu.


Năm 2011:




Chuông vàng : Nguyễn Văn Mẹo

Nguyễn Văn Mẹo, SN 1987, quê Bình Định
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh em trai (Sửu, Mẹo, Thìn, Tỵ), Mẹo luôn quyết tâm học tập để sau này có thể giúp mình thoát cảnh nghèo. Đó chính là động lực để chàng trai có vóc dáng nhỏ bé này thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế TPHCM, chuyên ngành quản trị kinh doanh.
Sau bốn năm học tập, Mẹo tốt nghiệp năm 2009, đúng lúc ấy, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa – nghệ thuật TPHCM tuyển sinh khóa đào tạo diễn viên, Mẹo đăng ký dự và trúng tuyển. Sau mấy tháng học, Mẹo tham gia cuộc thi Tiếng ca vọng cổ học đường 2010 do Nhà Văn hóa sinh viên TPHCM tổ chức và vượt qua nhiều thí sinh khác, đoạt giải nhất.
Với “vốn liếng” mà thầy cô đã truyền dạy, chính là hành trang quý báu, hữu ích giúp cho Mẹo rất nhiều trên con đường chinh phục “chuông vàng”.
Theo đánh giá của nhiều thành viên trong hội đồng nghệ thuật, giọng ca của Mẹo ngày một đạt đến mức “ca hòa nhập diễn”. Mẹo chia sẻ: “Em bị thất tướng hơn các bạn khác nên khó vào những vai kép đẹp. Cho nên em sẽ nỗ lực đóng những vai kép mùi, kép độc hoặc những vai hài. Hiện nay, tất cả thời gian em đều dành cho việc học hát cải lương”. Với những nỗ lực trong học tập của mình, “chuông vàng” Nguyễn Văn Mẹo mơ ước: “Sau khóa học, được đi hát thật nhiều, được gắn bó lâu dài với nghiệp cải lương, để chuông vàng sẽ mãi ngân vang”.

Chuông bạc: Phùng Ngọc Bảy

NSND Bạch Tuyết: Phùng Ngọc Bảy trẻ tuổi, đẹp trai, giọng ca vừa mùi, vừa hùng như tiếng chuông ngân vang vọng, diễn tốt, luôn chịu khó luyện tập, tính tình hiền hòa. Bảy sẽ là một kép chánh đầy triển vọng của cải lương nếu em giữ được phong độ như hôm nay, đồng thời, biết tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các bậc chú bác đi trước.
Một điều mà cho đến bây giờ Phùng Ngọc Bảy luôn cảm thấy tiếc nuối là mình vào nghề hơi bị… trễ, mặc dù niềm đam mê ca hát đã nẩy mầm từ khi anh còn nhỏ. 

Chuông đồng : Nguyễn Thanh Nhường

Trở về từ cuộc thi CVVC 2011 với vị trí thứ 3, tùy không như nhiều người kỳ vọng lúc ban đầu là sẽ đoạt chuông vàng nhưng không vì vậy mà Thanh Nhường cảm thấy buồn bởi lẻ bản thân là một chiến sĩ thì dù ở đâu hay vị trí nào chỉ cần được phục vụ khán giả, phục vụ bà con đó chính là hạnh phúc của một người lính.
Hiện tại Thanh Nhường đang là sĩ quan quân khu 9, công tác tại đoàn văn công quân khu với cấp hàm trung úy. 

Giải tư:



  • Lâm Thị Nhản
  • Nguyễn Thị Diễm Kiều
Giải khuyến khích : 
Nông Thị Gấm; Nguyễn Minh Trường, Trần Ngọc Nhã Thi, Đỗ Thị Yến, Trà Thị Thanh Nhàn.


Năm 2012:






Chuông vàng : Phạm Thị Huyền Trang

Đăng quang Chuông vàng vọng cổ 2012 - mốc son và là bệ phóng để Phạm Thị Huyền Trang nỗ lực tỏa sáng hơn nữa trong bước đường nghệ thuật tiếp theo. Vì quá yêu cải lương nên năm 2005, Huyền Trang xin ba mẹ cho thi vào trường Sân khấu 2 (nay là Đại học SK-ĐA TP.HCM) nhưng rồi chỉ theo học một thời gian ngắn thì phải nghỉ ngang để cùng ba mẹ xuôi ghe mua bán trái cây dọc vùng sông nước Cửu Long. Hễ rảnh rỗi, Huyền Trang nghêu ngao hát; hát như để giải tỏa bớt muộn phiền, để thỏa niềm đam mê cháy bỏng… Năm 2007, chị về Cần Thơ, hoạt động tại Trung tâm Văn hóa Cần Thơ và Đoàn cải lương của Quân khu 9. Năm 2010, chị đoạt giải nhất Tiếng hát phát thanh tỉnh Kiên Giang vào vòng bán kết cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Qua năm sau, Huyền Trang vào vòng bán kết cuộc thi Bông lúa vàng do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức… 
Qua nhiều cuộc thi, Huyền Trang rút ra bài học quý báu nên ngày càng tiến bộ để giành được giải Chuông vàng 2012… “Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi đoạt được Chuông vàng. Theo tôi, muốn trở thành một nghệ sĩ thực thụ thì cần phải trau dồi nghề nghiệp, chiếm được cảm tình của đông đảo khán thính giả gần xa… Hiện nay tôi đang dành hầu hết thời gian của mình để tập tuồng cho HTV…”, Huyền Trang tâm sự.

Chuông bạc: Lê Thị Ngọc Thảo

Đoạt giải Chuông bạc không bao lâu sau thì Lê Thị Ngọc Thảo đã được mời vào vai Lịch trong bộ phim truyện cải lương (CL) “Người anh khác mẹ” của đạo diễn Lê Văn Tĩnh, do HTV sản xuất. Đây một phần nhờ vào sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng từ bản thân Ngọc Thảo và tiếng vang từ giải Chuông vàng…
Năm 2010, Ngọc Thảo đã dự thi Chuông vàng vọng cổ nhưng đã phải dừng lại ở vòng bán kết. Không nản chí, năm 2012, chị lại tiếp tục thi để rồi “Hạnh phúc ngập tràn đến với tôi khi được xướng danh trong đêm chung kết xếp hạng. Mặc dù không đạt được ngôi vị cao nhất song bấy nhiêu đó cũng đã cho tôi niềm sung sướng tột cùng…”, Ngọc Thảo tâm sự 

Chuông đồng : Nguyễn Văn Đáng 

Sau hơn một tháng hành phương Nam phiêu lưu cùng cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, cuối cùng những nỗ lực của Nguyễn Văn Đáng cũng đã được đáp đền với giải ba và giải khán giả yêu thích nhất trong đêm chung kết xếp hạng. Ngoài ra, anh còn lập “thành tích” là thí sinh đầu tiên của miền Bắc được lọt vào đến vòng chung kết xếp hạng của cuộc thi này.
Nguyễn Văn Đáng kể, hồi còn bé tí ở quê, anh luôn được cha chở đi xem hát cải lương ở khắp các nẻo đường. Xem riết rồi anh ghiền lúc nào không hay. Chính vì thế năm 2000, Nguyễn Văn Đáng đã quyết định thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội để được học hát cải lương, rồi ra trường công tác ở Nhà hát cải lương Việt Nam. 

Giải tư:



  • Đoàn Hoa Mai
  • Phan Tấn Đạt


Giải khuyến khích : 

Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Sơn, Trần Ngọc Nhã Thy , Phạm Thị Thúy Loan.



Năm 2013:



Chuông vàng : Nguyễn Thị Luận

Gương mặt Chuông vàng thứ 8 Nguyễn Thị Luận nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ phía người xem.
Không chờ đến đêm chung kết xếp hạng, ngay từ những đêm thi đầu tiên, Nguyễn Thị Luận đã là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Chuông vàng. Nổ lực khẳng định mình của Nguyễn Thị Luận đã thể hiện rất rõ trong từng thêm thi. Cô tâm sự: "Dù ít nhiều đã rút kinh nghiệm cho bản thân sau những lần thất bại của những năm trước, nhưng tôi cũng không bao giờ dám đặt kỳ vọng quá cao. Mục tiêu trong mỗi đêm thi luôn là phải cố gắng hết mình để thầy cô, gia đình và bạn bè không phải thất vọng về mình. Tôi luôn đặt hết tâm trí của mình cho từng đêm thi, hoàn thành đêm thi này, nghe kết quả rồi tôi mới bắt đầu nghĩ tới đêm thi tiếp theo. Do vậy nếu có phải dừng chân ở bất kỳ điểm dừng nào tôi cũng không phải hối tiếc rằng mình đã chưa cố gắng hết mình".

Chuông bạc: Lâm Ngọc Hoa 

13 tuổi Lâm Ngọc Hoa đã phải nghỉ học đi chăn vịt. Suốt ngày giữa đồng với bầy vịt, bé Hoa “giết thời gian” bằng cách sưu tầm các bài ca cổ để nghêu ngao. Thấy con gái mê ca hát, ba của Ngọc Hoa, vốn là một tay đờn tài tử ở huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) khuyến khích con đi học nhịp ở nhà một nghệ nhân đờn ca tài tử tại địa phương.
Là thí sinh nhỏ nhất cuộc thi , Lâm Ngọc Hoa (đoàn cải lương Cao Văn Lầu) đưa những người đã biết cô từ giải Chuông vàng vọng cổ 2013 đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ một diễn viên chỉ có chất giọng, gần như “tờ giấy trắng” trong diễn xuất, Lâm Ngọc Hoa đã có một cuộc “chuyển mình” ngoạn mục. Nếu Kiều Nguyệt Nga (trích đoạn Kiều Nguyệt Nga) ở vòng một của Lâm Ngọc Hoa vẫn còn đôi chỗ hơi non trong diễn xuất thì đến Võ Thị Sáu (trích đoạn Người con gái đất đỏ) ở vòng hai, Ngọc Hoa đã cho người xem cảm nhận được sự hồn nhiên của một cô gái trẻ luôn biết dành tình yêu cho quê hương, gia đình, đồng đội và anh dũng trước kẻ thù… Lâm Ngọc Hoa  đã đoạt giải chuông bạc trong cuộc thi chuông vàng vọng cổ 2013 khi chưa đầy 20 tuổi và mới vào nghề hơn hai năm.

Chuông đồng : Nguyễn Minh Hải

Nguyễn Minh Hải sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Bình – quê hương của những làn điệu chèo truyền thống nhưng anh lại mê cải lương, vọng cổ từ nhỏ. Học đến trung học phổ thông, anh mê vọng cổ đến mức thuộc lòng những vở tuồng kinh điển như "Thuyền ra cửa biển", "Lan và Điệp"… Anh tập ca vọng cổ, giữ nhịp bằng những đoạn nhạc sưu tầm trên mạng internet. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Minh Hải chọn thi vào trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội để thỏa ước mơ trở thành nghệ sĩ cải lương. Ra trường, anh đầu quân về Nhà hát Cải lương Việt Nam cho đến nay.
Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, đam mê và theo đuổi loại hình không phải truyền thống của quê hương nên Minh Hải gặp nhiều khó khăn. Theo cải lương, buộc Minh Hải phải nói thoại, ca bằng giọng miền Nam, luyến láy, uyển chuyển trong các điệu thức. Vì vậy, chuỗi ngày dài anh phải "vật lộn" với cách phát âm tr, s, v… Những lúc bị bạn bè trêu chọc vì ca lơ lớ "nửa Bắc nửa Nam" càng khiến Minh Hải quyết tâm tập luyện.
Theo giới chuyên môn, Nguyễn Minh Hải có chất giọng khỏe, hơi dài, cao độ tốt, nhất là cách luyến láy, kết hợp ca – diễn nhuần nhuyễn, gương mặt biểu cảm. Trong các trích đoạn dự thi, Minh Hải cho thấy khả năng phối hợp nhịp nhàng với bạn diễn. Nét diễn có duyên cùng nụ cười quyến rũ của chàng trai đất Bắc đã chiếm được tình cảm của khán giả mộ điệu.

Giải tư:



  • Tô Tấn Loan
  • Phạm Vũ Thành

Giải khuyến khích : 

Trần Thoại Mỹ, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Linh Phượng , Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trần Thị Xê Ri, Đỗ Bảo Lắm.



Năm 2014



Chuông vàng : Nguyễn Minh Trường

Nguyễn Minh Trường sinh năm 1983 là con của NSƯT Vũ Hoài Sơn (đang công tác tại Đoàn cải lương Văn Công Đồng Tháp).
Là giọng ca chính của nhóm nhạc trẻ 007, Minh Trường có hai năm đi hát nhạc trẻ ở các tụ điểm trong thành phố với nhóm 007 gồm ba thành viên: Hà Thiên Phúc, Kim Thiên Tài và Dương Thiên Lộc (là nghệ danh của Minh Trường).
Trước Chuông vàng vọng cổ Minh Trường đã lọt vào  top 10 Cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ (2010),  đoạt giải nhất Cuộc thi Giọt Nắng Phù Sa của HTV tổ chức (2011) , HCV Giải Bông Lúa Vàng của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM (2011)
Cuối năm 2011 Nguyễn Minh Trường được soạn giả Hoàng Song Việt mời về đoàn Thắp Sáng Niềm Tin (thuộc Nhà hát CL Trần Hữu Trang).


Chuông bạc : Nguyễn Thị Linh Phượng

Nguyễn Thị Linh Phượng lấy nghệ danh làThy Nhung. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô bắt đầu tham gia sân khấu ca nhạc của “ông bầu” Minh Quân, sở trường là các bài dân ca trữ tình, song song đó, cô học hát cải lương với đôi vợ chồng NSUT Hoài Thanh – Đỗ Quyên.
Tiếp đó, Thy Nhung thi vào trường Cao đẳng sân khấu-điện ảnh. Sau khi học xong, cô không bỏ lỡ cơ hội nào nếu được bước lên sân khấu sàn diễn. Vai diễn đánh dấu sự trưởng thành sau 9 năm theo nghề là vai Tuyết Mai trong vở “Sắc xuân gửi lại” của tác giả Hoàng Song Việt (năm 2010) trên sân khấu Thắp sáng niềm tin (trực thuộc Nhà hát CL Trần Hữu Trang). Đó cũng là vai diễn cô được giới chuyên môn đánh giá cao, là bậc thang đầu tiên cho cô từng bước khẳng định trên sân khấu cải lương chuyên nghiệp.
Cô nỗ lực và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như: giải đặc biệt thí sinh nhỏ tuổi hát hay nhất Bông lúa vàng (năm 2000), giải nhất tiếng hát truyền hình Kiên Giang (năm 2010), Huy chương vàng giải tài năng trẻ trong Liên hoan sân khấu các trường cao đẳng đại học chuyên nghiệp toàn quốc, Bằng khen do thành đoàn trao tặng chiến sĩ tình nguyện xuất sắc trong chương trình Đồng hành Mùa hè xanh…
Tuy là nghệ sĩ cải lương, nhưng cô… chạy show ca nhạc là chính. Có lẽ do Thy Nhung là một trong số ít cô đào trẻ có giọng hát ngọt ngào trong làn điệu dân ca Nam bộ và một phần khác nữa vì cô ít có cơ hội biểu diễn trên sân khấu cải lương sàn diễn. Ở sân khấu ca nhạc, Nhung thường được khán giả yêu cầu biểu diễn các bài: “Tình lúa duyên trăng”, “Miền tây quê tôi”, “Hành trình đất phù sa”, “Ước nguyện đầu năm”…
Ngoài hát trên sân khấu, thu hình trên Đài truyền hình, cô còn cùng các nghệ sĩ, ca sĩ trong câu lạc bộ “Hoa Tâm” như Quý Luân, Cát Phượng, Hoàng Đăng Khoa, MC Xuân Hiếu… đóng góp và vận động, tổ chức biểu diễn phát quà từ thiện tại chùa Phổ Đà ở Hà Tĩnh, chùa Nhơn An ở Cai Lậy, chùa Khánh Linh ở Bến Tre… Hoạt động này cô thực hiện với sự thành tâm, tự nguyện bởi được góp mặt chia sẻ với đồng bào nghèo khó, đó cũng là cách Thy Nhung luôn tự nhắc nhở bản thân cần sống tốt hơn, bởi mình còn hạnh phúc, sung sướng hơn biết bao người… 

Chuông đồng : Nguyễn Thị Lý

Là thí sinh đến từ Hải Dương, Nguyễn Thị Lý luôn chiếm ưu thế về khả năng ca diễn và bản lĩnh sân khấu qua từng vòng thi. Trong đêm chung kết xếp hạng, do diễn xuất của 2 thí sinh Minh Trường và Linh Phượng có phần nhỉnh hơn nên Nguyễn Thị Lý chỉ xếp thứ 3.

Giải tư:


  • Tạ Công Thành
  • Nguyễn Văn Sơn


Giải khuyến khích:


Nguyễn Hồng Cẩm, Nguyễn Ngọc Thảnh, Phạm Thị Mỹ Linh, Nguyễn Thị Kim Ngân

Nguồn baomoi.com; tuoitre.vn; nld.com.vn; conhacvietnam.com; cailuongvietnam.com; phunuonline.com.vn; baobinhduong.vn; baodongthap.com.vn; diendan.cailuongso.com; cailuong.org.vn; thethaovanhoa.vn; sankhau.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved