Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

6 thg 2, 2014

Liêu Trai Chí Dị - Tập 41-50 - Bồ Tùng Linh

Tế Liễu

    Thái tức Cao lang thọ bất cao 
    Khổ đàn tâm lực vị nhi tào 
    Ân uy tịnh dụng vô kỳ thị 
    Phú quý vô vong mẫu thị lao 
     
    Huyện Bình Diêu, tỉnh Sơn Tây, có thày đồ họ Triệu, tên Thành Long, có một gái, tên Thường Nga. Vì Thường Nga có eo thon nhỏ, dễ thương, nên dân làng thường gọi đùa bằng lộng danh Tế Liễu (Liễu Nhỏ). 

    Tế Liễu thực thà chất phác, nói chẳng dư lời, đặc biệt là chẳng nói xấu ai bao giờ. Vì tư chất thông minh lại được cha chỉ dạy nên Tế Liễu rất giỏi văn chương. Tế Liễu ưa đọc sách tướng số, thích xem tướng cho người. 


    Năm mười ba tuổi, có đám tới hỏi, xin cưới. Triệu bà hỏi ý, Tế Liễu đòi xem mặt, rồi chê xấu tướng, chẳng ưng. Trong sáu năm liền, đám nào tới hỏi, cũng xin xem mặt, rồi chê xấu tướng, chẳng ưng đám nào. Triệu bà giận lắm, nói:"Ai tới hỏi, cũng chê xấu tướng thì định ở vậy tới già hay sao?" Tế Liễu đáp:"Muốn lấy chí người thắng số trời, song số trời mạnh hơn, chẳng sao thắng nổi. Những đám đã tới hỏi đều thấy chẳng vừa ý. Thôi! Từ nay xin để tùy ý cha mẹ!" 
    Trong huyện, có nho sinh họ Cao, tên Trường Lộc, con nhà dòng dõi, nổi tiếng danh sĩ. Năm mười tám tuổi, Trường Lộc cưới vợ. Năm sau, vợ sanh con trai, đặt tên Trường Phúc. Bốn năm sau, vợ bị bạo bệnh rồi mất. Năm ấy, Trường Lộc hết tang vợ, nhờ bà mối tới hỏi Tế Liễu cho mình làm vợ kế. 
    Bà mối tới nhà họ Triệu, nói chuyện. Triệu bà gọi Tế Liễu ra, hỏi mát:"Có đám nhà họ Cao tới hỏi, có ưng không hay lại cần phải xem tướng trước đã?" Tế Liễu đáp: "Ðã xin thưa là để tùy ý cha mẹ!" Ông bà Triệu bèn nhận lời gả, rồi tháng sau, cho cưới. 
    Cưới xong, hai vợ chồng rất tương đắc. 
    Năm ấy, Trường Phúc lên năm. Vì mẹ đẻ đã mất nên quấn quýt mẹ kế, đi đâu cũng đòi đi theo. Không cho đi thì khóc thất thanh, chẳng chịu nín. Tế Liễu trông nom, nuôi nấng rất chu đáo. 
    Năm sau, Tế Liễu sanh trai, tự đặt tên con là Trường Hỗ. Chồng hỏi:"Trường Hỗ có nghĩa gì?" Tế Liễu đáp:"Chẳng có nghĩa gì cả, chợt nghĩ ra thì đặt thế thôi!" Hỏi:"Mai sau, mong gì ở con?" Ðáp:"Chỉ mong con ở gần mình lúc tuổi già" Chồng cười. 
    Vì là nho sinh nên tuy có chút ruộng đất của cha mẹ để lại song Trường Lộc chỉ biết giữ sổ chi thu, còn canh tác thì phải thuê người. Vì chi tiêu bừa bãi nên bị thiếu hụt luôn, năm nào cũng nạp thuế trễ cho huyện. 
    Từ ngày về nhà chồng, Tế Liễu chỉ giở sổ chi thu ra coi có một lần. Một hôm, Trường Lộc để sổ lẫn trong đống sách rồi quên đi. Lúc cần sổ để trả công thợ, tìm mãi chẳng thấy. Ðang lúng túng chẳng biết phải làm thế nào thì Tế Liễu tới đọc vanh vách từng khoản chi thu trong sổ cho nghe. Ai hiện diện cũng phải kinh ngạc. Tế Liễu bèn nói với chồng:"Xin để cho thiếp trông nom công việc cầy cấy, giữ sổ chi thu trong một năm, xem có làm nổi không?" Trường Lộc cười rồi thuận cho. 
    Nửa năm sau, thấy vợ trông nom công việc còn giỏi hơn mình, Trường Lộc phục lắm. 
    Một hôm, giữa mùa thuế, Trường Lộc sang hàng xóm uống rượu. Ở nhà, lính huyện tới đòi thuế, đập cổng ầm ầm. Tế Liễu sai con ở ra khất, nói hôm sau sẽ xin đem thuế lên huyện nạp. Lính chẳng chịu đi, cứ đứng ở cổng quát tháo ầm ĩ. Tế Liễu phải sai tiểu đồng chạy sang hàng xóm mời chồng về. Trường Lộc về, khất với lính thì lính chịu đi. Trường Lộc cười, nói:"Chắc bây giờ nàng mới biết đàn bà thông minh cũng chẳng bằng đàn ông ngu dốt phải không?" Tế Liễu bật khóc. Trường Lộc sợ quá, vội an ủi vợ. Tế Liễu nín, song vẫn buồn. Trường Lộc nói:"Ta thương nàng lắm! Ðàn bà mà phải trông nom cả công việc cầy cấy lẫn giữ sổ sách chi thu thì vất vả quá. Thôi để ta trông nom cho!" Tế Liễu chẳng nghe, đáp:"Xin cứ để cho thiếp trông nom thêm một năm nữa xem sao!" Trường Lộc cười, nói:"Tùy ý nàng!" 
    Tế Liễu thức khuya, dậy sớm, làm lụng chăm chỉ, một mình quán xuyến mọi gia vụ, chẳng để chồng phải nhúng tay. Vì thế, Trường Lộc thầm cám ơn vợ. 
    Năm sau, Tế Liễu dành riêng tiền thuế một nơi rồi tới ngày đáo hạn, bảo chồng đem lên huyện nạp. Vì thế, nhà chẳng còn bị lính tới đòi thuế nữa. Trường Lộc càng phục vợ. 
    Tế Liễu dự trù mọi món chi thu cho gia đình đâu vào đấy nên gia đình mỗi ngày một đỡ túng thiếu. Chồng mừng lắm, chỉ việc ăn chơi, ngâm vịnh. 
    Trường Lộc thường cùng vợ bàn chuyện văn chương, rất tương đắc. Một hôm, Trường Lộc đùa vợ, ra câu đối:"Liễu Nhỏ, sao nhỏ thế! Mày nhỏ, eo nhỏ, gót sen nhỏ, lại mừng lo toan thậm nhỏ" Tế Liễu ứng khẩu, đối: "Chàng Cao, quả là cao! Phẩm cao, chí cao, chữ nghĩa cao, những mong tuổi thọ tột cao" 
    Một hôm, Tế Liễu đi qua tiệm bán quan tài trong làng. Thấy trong tiệm có một cỗ quan tài rất đẹp, Tế Liễu vào hỏi giá thì chủ tiệm nói giá quá cao. Thấy mình chẳng đủ tiền mua, Tế Liễu bèn về bàn với chồng cho mình đi vay mượn để mua. Trường Lộc can, nói:"Vợ chồng mình còn trẻ, đâu đã cần phải dùng tới quan tài?" Tế Liễu nói:"Xin cứ để cho thiếp được tự quyền định liệu!" Trường Lộc liền ưng thuận. Tế Liễu bèn đi vay mượn để mua, rồi thuê người khiêng về, cất kỹ vào kho. 
    Năm sau, phú ông họ Tiền trong làng qua đời. Gia nhân nhà phú ông nghe nói Tế Liễu có mua được một cỗ quan tài rất đẹp, bèn tới gặp Trường Lộc, xin mua lại với giá gấp đôi. Trường Lộc thấy lãi quá, bèn vào nhà trong, nói với vợ:"Mua một mà bán được hai thì lãi quá rồi! Bán đi để lấy tiền mà chi tiêu! Lúc nào gặp dịp, sẽ mua cỗ khác!" Tế Liễu đáp:"Thiếp chẳng muốn bán!" Trường Lộc hỏi:"Lãi nhiều như thế, sao chẳng chịu bán?" Tế Liễu lặng im, không đáp. Trường Lộc hỏi:"Sao không trả lời?" Tế Liễu chỉ rưng rưng nước mắt. Trường Lộc lấy làm lạ song vì không muốn làm buồn lòng vợ nên ra phòng khách, nói rằng vợ mình chẳng muốn bán. Gia nhân nhà phú ông đành ra về. 
    Năm sau. Nhân lễ sinh nhật thứ 25 của chồng, Tế Liễu nói:"Năm nay vận hạn chàng xấu lắm, chỉ nên ở nhà, chẳng nên đi xa" Trường Lộc cười, nói:"Vận hạn xấu thì ở nhà cũng đâu có tốt ra được?" Tế Liễu lại rưng rưng nước mắt. Trường Lộc vội an ủi vợ, song Tế Liễu vẫn chẳng vui. Ngày nào Trường Lộc cũng cưỡi ngựa tới nhà bạn bè, yến ẩm, ngâm vịnh thơ phú. Bữa nào thấy chồng chậm về, Tế Liễu cũng sai tiểu đồng đi tìm ở khắp mọi nhà quen. Bạn bè thấy thế, thường đem chuyện ấy ra chế giễu Trường Lộc để cười đùa với nhau. 
    Ba tháng sau, một hôm Trường Lộc cưỡi ngựa tới nhà bạn dự tiệc. Ðang uống rượu, bỗng thấy trong người khó chịu, bèn xin phép ra về. Dọc đường, bị xây xẩm mặt mày rồi ngã từ trên mình ngựa xuống đất mà chết. Người làng tới báo tin. Tế Liễu òa lên khóc rồi thuê người theo mình đi khiêng xác chồng về khâm liệm. 
    Sáng sau, người làng tới phúng điếu thì thấy xác Trường Lộc đã được đặt nằm trong cỗ quan tài đẹp. Lúc đó, họ mới phục tài tiên tri của Tế Liễu. 
    Chồng chết, một mình Tế Liễu vừa phải trông nom công việc làm ăn, vừa phải dạy dỗ con cái. 
    Ba năm sau, Trường Phúc lên 10. Ðầu mùa thu, Tế Liễu cho đi học. Vì cha chết, Trường Phúc chẳng sợ mẹ kế nên thường trốn học để đi theo trẻ chăn trâu. Tế Liễu la mắng thế nào, Trường Phúc cũng chẳng nghe. Dùng roi vọt, vẫn chứng nào tật nấy. Tế Liễu bèn đổi cách dạy con, gọi lên, ôn tồn nói:"Không muốn đi học nữa thì thôi, chẳng ai ép! Tuy nhiên, nhà nghèo, chẳng thể ăn không ngồi rồi được, phải theo gia nhân đi làm. Nếu chẳng nghe, bị đánh đòn, đừng có oán!" Nói xong, bắt cởi quần áo lành, mặc quần áo rách, đi chăn heo. Chăn heo về, bắt rửa nồi, nấu cháo, ngồi ăn với gia nhân. 
    Ba hôm sau, Trường Phúc thấy mình khổ cực quá, bèn lên gặp mẹ, quỳ xuống đất, thưa:"Con xin đi học lại!" Tế Liễu quay mặt đi, không đáp. Chẳng biết làm thế nào, Trường Phúc đành sụt sùi, quay xuống bếp, tiếp tục nấu cháo, chăn heo. Hết thu sang đông, thân không áo ấm, chân không giày lành, mưa dầm ướt át, co đầu rụt cổ, trông tựa ăn mày. Người làng trông thấy, ai cũng thương con, trách mẹ. Ðàn ông trong làng, ai có vợ kế cũng đem chuyện Tế Liễu ra để làm gương răn vợ. Phong thanh nghe thấy lời người làng chê trách, Tế Liễu cứ bỏ mặc ngoài tai, giả vờ như chẳng biết. 
    Một hôm, Trường Phúc dắt đàn heo đi chăn, thấy mình khổ cực quá, bèn bỏ mặc đàn heo, trốn đi mất tích. Tế Liễu nghe tin, cũng cứ lờ đi, chẳng hỏi han gì. 
    Ba tháng sau, người làng thấy Trường Phúc rách rưới, thân hình tiều tụy, ốm nhom ốm nhách, ăn mày dọc đường, mon men về nhà. Tới cổng, Trường Phúc chẳng dám vào nhà mà sang nhờ Thái bà ở hàng xóm phía đông sang xin giùm mẹ mình cho mình về. Thái bà thương hại, sang xin giùm. Tế Liễu nói:"Nhờ bà về bảo nó, liệu sức có chịu nổi trăm roi thì hãy xin về! Bằng không, hãy tìm nẻo khác mà đi!" Thái bà về lập lại. Trường Phúc nghe xong, vội chạy vụt về nhà, vào gặp mẹ, òa lên khóc, thưa:"Xin chịu trăm roi!" Tế Liễu hỏi:"Ðã hối hận chưa?" Trường Phúc đáp:"Ðã hối hận rồi!" Nói:"Ðã hối hận rồi thì còn đánh làm chi? Bây giờ, hãy xuống bếp nấu cháo, rồi đi chăn heo! Lần này mà còn trốn nữa thì sẽ cấm cửa, chẳng cho về!" Trường Phúc òa lên khóc, thưa:"Xin đánh trăm roi rồi cho đi học lại!" Tế Liễu nghiêm nét mặt, nói: "Không được!" Trường Phúc lại òa lên khóc, chạy sang nhờ Thái bà. Thái bà thương hại, lại dắt về xin giùm. Tế Liễu nói:"Cho nó đi học, thế nào rồi nó cũng lại trốn đi chơi!" Thái bà nói:"Chắc nó chẳng dám thế nữa đâu!" Tế Liễu hỏi:"Sao bà biết?" Thái bà đáp:"Tôi xin bảo đảm" Tế Liễu nói:"Nể lời bà, tôi cho nó về đi học lại, nhưng trước hết nó phải quỳ xuống đất, lạy tạ bà đi đã!" Trường Phúc vội quỳ ngay xuống đất, lạy tạ Thái bà. Thái bà phải đứng im nhận lạy, chẳng dám né tránh vì sợ Tế Liễu không cho con đi học lại. Thái bà cáo biệt. Tế Liễu bắt Trường Phúc đi tắm gội sạch sẽ, cho mặc quần áo mới rồi cho ăn một bữa ngon. 
    Hôm sau, Tế Liễu dắt cả hai con cùng tới trường xin học. Trường Phúc vốn thông minh, nay lại đổi hẳn tính nết, học hành chăm chỉ, nên văn hay chữ tốt. Trường Hỗ thì ngu si, lười biếng, học nửa năm mà chưa viết nổi tên mình. 
    Ba năm sau, thi nhập học trường huyện, Trường Phúc đậu, Trường Hỗ hỏng. Tế Liễu cho Trường Phúc tiền lên huyện trọ học. Quan trung thừa họ Dương ở huyện thấy Trường Phúc văn hay chữ tốt, liền xuất quỹ, phát cho chút học bổng. Vì thế, Tế Liễu cũng đỡ tốn. 
    Thấy Trường Hỗ dốt nát, Tế Liễu gọi lên, nói: "Học chẳng được thì theo đuổi làm chi? Vừa tốn tiền vừa phí thời giờ, vô ích. Hãy bỏ học, quay về mà làm ruộng" Vốn thích được nhàn rỗi, thoạt nghe nói được bỏ học, Trường Hỗ mừng lắm song khi nghe nói phải làm ruộng thì lại sợ nên đáp:"Bắt bỏ học thì xin vâng nhưng xin đừng bắt đi làm!" Tế Liễu giận lắm, mắng:"Học chẳng được mà lại chẳng chịu đi làm thì toan sống bám vào người khác hay sao?" Trường Hỗ đáp:"Chừng nào không sống bám được thì hãy hay!" Tế Liễu giận quá, lấy roi đánh. Trường Hỗ uất ức song cũng chẳng làm chi được. 
    Sáng sau, Tế Liễu đánh thức Trường Hỗ dậy sớm, bắt đốc thúc gia nhân ra đồng làm ruộng. Chỉ cho mặc quần áo thường, ăn thức ăn thường, còn bao nhiêu quần áo đẹp, thức ăn ngon đều để dành để gửi lên huyện cho Trường Phúc. Nghĩ mẹ bất công, Trường Hỗ bất bình song chẳng dám nói ra. 
    Sau mùa gặt, Tế Liễu gọi Trường Hỗ lên, bảo: "Nông vụ đã xong, chẳng thể ăn không ngồi rồi được! Phải đem chút vốn mà tập đi buôn!" Vốn ham mê cờ bạc, được mẹ cho đi buôn, Trường Hỗ mừng lắm. Tế Liễu bèn đưa cho mười lạng vàng, bảo:"Hãy lên tỉnh buôn vải, đem về đây mà bán!" Trường Hỗ lên tỉnh, đem vàng vào sòng đánh bạc. Thua hết, sợ quá, về qua chỗ anh, rủ cùng về thăm mẹ. Trường Phúc liền theo em về. Tới nhà, Tế Liễu hỏi:"Vải đâu?" Trường Hỗ đáp:"Dọc đường, bị giặc cướp hết rồi!" Tế Liễu hỏi:"Chứ không phải là đi đánh bạc, bị thua hết rồi hay sao?" Trường Hỗ sợ quá, chẳng hiểu tại sao mẹ mình lại biết, song vẫn chối:"Bị cướp chứ đâu có đánh bạc!" Tế Liễu hỏi:"Thế không nhìn thấy Trương Bảo trong sòng bạc hay sao?" Lúc đó Trường Hỗ mới vỡ lẽ là con bạc chuyên nghiệp Trương Bảo, người cùng làng, nhìn thấy mình trong sòng bạc nên về mách với mẹ mình. Trương Hỗ đành thú tội:"Xin lỗi mẹ, con trót dại!" Tế Liễu lấy roi quất túi bụi. Trường Phúc bất nhẫn, quỳ xuống đất xin chịu đòn thay em. Tế Liễu quẳng roi đi. Từ đó, cứ mỗi lần Trường Hỗ đi đâu Tế Liễu cũng khám xét xem có ăn cắp tiền nhà để đem đi đánh bạc hay không. Vì thế, cũng đỡ. 
    Nghe nói huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, có danh ca họ Lý, đẹp nổi tiếng trong vùng, Trường Hỗ vẫn ước ao được gặp. Cuối năm ấy, nhân dịp đám khách buôn trong làng rủ nhau đi Lạc Dương buôn hàng Tết, Trường Hỗ xin mẹ cho mình theo đám khách đi buôn. Tế Liễu chẳng suy nghĩ, lấy ngay ba mươi lạng vàng vụn và một đĩnh vàng khối đưa cho, nói:"Mới tập đi buôn, chẳng mong kiếm được nhiều lời. Ba mươi lạng vàng vụn này cũng đủ làm vốn. Còn đĩnh vàng khối này là của ông nội mày để lại. Cho để phòng hờ khi bị quẫn bách chứ chẳng phải là cho để tiêu bậy!" Trường Hỗ vâng dạ rối rít, rồi vội cầm vàng, theo đám khách lên đường. 
    Trường Hỗ vừa đi, Tế Liễu liền lên huyện thành Bình Diêu, tới nhà trọ, nói với Trường Phúc:"Mười ba hôm nữa, mẹ muốn con về làng để mẹ nhờ một việc! Nhớ xin phép nhà trường cho nghỉ học mười ngày, nghe không?" Trường Phúc hỏi:"Thưa, mẹ muốn sai con làm việc gì?" Tế Liễu im lặng chẳng đáp, nét mặt rầu rầu. Trường Phúc chẳng dám hỏi nữa. Tế Liễu ra về. 
    Ba ngày sau, đám khách buôn tới huyện Lạc Dương. Trường Hỗ nói với đám khách:"Tôi có chút việc, xin được đi riêng!" Ðám khách ưng thuận. Trường Hỗ bèn đi riêng, tới thẳng nhà Lý cơ xin ở. Lý cơ đòi tiền trước. Trường Hỗ vội lấy ba mươi lạng vàng vụn đưa ra. Sau mười ngày, Lý cơ nói:"Chỗ vàng vụn ấy hết rồi, còn tiền thì ở lại, hết tiền thì đi đi!" Trương Hỗ yên chí là mình còn một đĩnh vàng khối nên đáp:"Còn chứ hết thế nào được!" Lý cơ hỏi:"Ðâu? Ðưa coi!" Trương Hỗ liền móc bọc đưa ra. Lý cơ cầm lên soi thì thấy là vàng giả nên giận lắm, nói xiên xỏ:"Công tử mà cũng biết tiêu vàng giả cơ ư?" Trường Hỗ giật mình kinh hãi. Lý cơ lạnh lùng, nói mát:"Công tử muốn ở lại chơi bao lâu mà chẳng được? Ðĩnh vàng này còn lâu lắm mới hết!" Trường Hỗ sợ quá, chẳng biết phải làm thế nào, vội năn nỉ:"Xin nghĩ tới tình nghĩa trong mười ngày qua mà cho ở lại thêm ít bữa để xoay sở!" Lý cơ chẳng đáp, đi ra khỏi nhà. 
    Lát sau, Trường Hỗ đang ngồi tính kế, bỗng thấy hai lính huyện xông vào nhà, giở dây ra, trói mình lại. Trường Hỗ hỏi:"Tôi có tội gì?" Lính đáp:"Tội tiêu vàng giả" Lúc đó Trường Hỗ mới vỡ lẽ là Lý cơ đã lên huyện tố cáo mình. Lính giải Trường Hỗ về huyện. 
    Quan tể huyện Lạc Dương là người họ Chu, tính rất nghiêm khắc. Chu công ra lệnh cho lính đánh Trường Hỗ đủ trăm roi rồi nhốt vào ngục, bắt nhịn đói một ngày. Trường Hỗ chẳng có tiền để hối lộ quản ngục nên bị ngược đãi. Ðói quá, Trường Hỗ phải xin chút cơm tù của tù nhân trong ngục để cầm hơi. 
    Ở Bình Diêu, Trường Phúc ghi tâm lời mẹ dặn. Ðúng mười ba hôm, tới trường xin phép nghỉ học mười ngày rồi về làng trình mẹ, nói:"Hôm nay con đã xin nghỉ học, về đây trình mẹ để mẹ sai bảo!" Tế Liễu hỏi:"Con còn nhớ ngày trước, lúc con bỏ nhà trốn đi không?" Trường Phúc đáp:"Thưa còn!" Tế Liễu nói:"Lúc đó, ai cũng chê trách mẹ là mẹ kế tàn nhẫn với con chồng, nhưng chẳng ai biết là đêm nào nước mắt mẹ cũng ướt đẫm giường chiếu! Lúc đó, nếu mẹ chẳng chịu mang tiếng ác với đời thì sao con có được ngày nay?" Nói xong, bật khóc. Trường Phúc chẳng dám nói một lời, chỉ kính cẩn đứng chắp tay, lắng nghe. Tế Liễu gạt nước mắt, nói tiếp:"Bây giờ, em con cũng đang lang thang như con ngày trước. Nó xin tiền để đi buôn song mẹ chắc nó chỉ muốn xin tiền để đi chơi! Ðể khuất nhục nó, mẹ đã cho nó một đĩnh vàng giả! Vì thế, giờ này mẹ chắc nó đang bị nằm tù ở huyện Lạc Dương vì tội tiêu vàng giả. Chu huyện tể là học trò cũ của Dương trung thừa. Dương công quý con lắm. Con nên trình bày chuyện này với Dương công rồi xin Dương công viết thư nói với Chu công tha tội cho nó để cho nó có cơ hội hối cải. Nếu Dương công thuận viết thư cho con thì con phải đem ngay đi Lạc Dương mà trình Chu công!" Trường Phúc nói:"Con xin tuân lệnh mẹ! Con đi ngay bây giờ!" 
    Trường Phúc vội trở lại huyện thành Bình Diêu, tới xin gặp Dương công, trình bày câu chuyện. Dương công bèn viết một lá thư, phong kín lại rồi trao cho Trường Phúc. Trường Phúc nhận thư rồi lạy tạ Dương công, tức tốc lên đường, đem thư đi Lạc Dương. 
    Tới nơi, Trường Phúc hỏi thăm tin tức thì được biết em mình đã bị tống giam vào ngục từ ba hôm trước. Trường Phúc vội tới thẳng ngục, xin viên quản ngục cho vào gặp em. Thấy Trường Phúc là một nho sinh hiền lành, mặt mũi sáng sủa, viên quản ngục liền cho vào. Thấy anh, Trường Hỗ ngượng quá, chẳng dám ngửng mặt lên, cứ cúi đầu mà khóc. Thấy em mặt mũi bẩn thỉu, thân hình tiều tụy, Trường Phúc cũng khóc theo. 
    Lát sau, Trường Phúc cám ơn viên quản ngục rồi tới thẳng huyện, trình thư của Dương công lên Chu công. Chu công đọc thư xong liền ra lệnh cho viên quản ngục thả Trường Hỗ. Hai anh em bèn tới huyện lạy tạ Chu công rồi cùng lên đường về quê. 
    Tới nhà, Trường Hỗ quỳ gối, lết từ ngoài sân vào nhà, tới cạnh mẹ, lạy xin tha tội. Tế Liễu hỏi:"Ðã toại nguyện chưa?" Trường Hỗ chẳng dám đáp, chỉ rưng rưng nước mắt. Trường Phúc cũng quỳ gối xuống cạnh em. Tế Liễu quát: "Ðứng cả dậy" 
    Từ đó, Trường Hỗ hối hận, một mình trông nom mọi công việc trong nhà, chẳng để mẹ phải nhúng tay. Trường Hỗ thức khuya dậy sớm, tính toán sổ sách, đốc thúc gia nhân. Hôm nào mệt quá, Trường Hỗ ngủ quên, đến trưa mới dậy, cũng không thấy bị mẹ la mắng như trước nữa. Trường Hỗ muốn đi buôn lắm song chẳng dám nói với mẹ. 
    Ba tháng sau, Trường Phúc lại về thăm nhà. Trường Hỗ nhờ anh nói với mẹ ý muốn của mình. Trường Phúc trình lại. Tế Liễu mừng lắm, cầm cố, vay mượn, lấy tiền cho Trường Hỗ đi buôn. Hơn nửa năm sau, Trường Hỗ kiếm được rất nhiều lời, đem về nạp mẹ hết. Năm ấy, Trường Phúc đi thi hương, đậu cử nhân. 
    Ba năm sau. Trường Phúc đi thi hội, đậu tiến sĩ, được bổ làm quan. Trong ba năm ấy, Trường Hỗ đi buôn, lời trên vạn lạng. Từ đó, gia đình Tế Liễu trở thành một gia đình quyền quý ở Sơn Tây. 
    Một hôm, có một khách buôn, bạn của Trường Hỗ, từ Lạc Dương tới Sơn Tây có việc. Xong việc, khách ghé vào thăm Trường Hỗ. Vào nhà, thấy một vị phu nhân rất trẻ, dáng vẻ quý phái, phục sức giản dị, khách bèn hỏi thăm gia nhân xem là ai thì được biết chính là thân mẫu của Trường Hỗ. Khách về Lạc Dương. Bạn bè tới thăm, hỏi chuyện gia đình Trường Hỗ. Khách thuật chuyện mình thấy Tế Liễu rồi kết luận: "Trông phu nhân còn trẻ lắm, chỉ chừng ngoài ba mươi. Chẳng thể ngờ được phu nhân lại là thân mẫu của bạn Trường Hỗ!"

Báo Oán
    Khiết tí đương thời cưỡng đế minh 
    Như hà ủy khí đẳng trần khinh 
    Kỳ kỳ quái quái tần tu oán 
    Bất sát hương khuê hận bất bình 
     
    Huyện Tấn Dương, tỉnh Sơn Tây, có công tử họ Nam, tên Tam Phục, thuộc dòng dõi thế gia, được dân chúng trong vùng nể trọng. Năm ấy, Tam Phục hai mươi bảy tuổi, góa vợ, chưa có con. 
    Tam Phục có một ngôi biệt thự ở cách tư thất chừng mươi dặm. Một sáng mùa hè, Tam Phục cưỡi ngựa đi thăm biệt thự. Ði được nửa đường, bỗng trời đổ mưa, Tam Phục bèn xuống ngựa, dắt vào đứng dưới mái cổng căn nhà bên đường để tránh mưa. Chủ nhà là một nông dân, nhận ra khách đứng ở ngoài ngõ là Tam Phục, vội giương dù chạy ra mời vào nhà ngồi chơi. Tam Phục nhận lời. Chủ nhà bèn buộc ngựa của Tam Phục vào cột cổng rồi cung kính che dù cho Tam Phục vào nhà. 
    Tam Phục thấy nhà nghèo lắm, chỉ có một phòng khách hẹp với hai phòng ngủ nhỏ. Chủ nhà mời Tam Phục ngồi, đi lấy nước rẩy sàn quét nhà cho khỏi bụi rồi pha trà nóng với mật ong, mời Tam Phục uống. Chủ nhà cứ đứng khoanh tay hầu chuyện Tam Phục cho tới khi Tam Phục bảo ngồi, chủ nhà mới dám ngồi. 
    Tam Phục hỏi:"Ông họ gì?" Chủ nhà đáp:"Tôi họ Ðậu, tên Ðình Chương" Hỏi:"Bà ấy đâu?" Ðáp:"Tiện nội mất đã được ba năm rồi!" Hỏi:"Ông được mấy người con?" Ðáp:"Tôi chỉ được một mụn con gái" Hỏi:"Tên chi?" Ðáp:"Tiện nữ tên Tố Nga" Hỏi:"Bao nhiêu tuổi?" Ðáp:"Tiện nữ mười lăm" Tam Phục cứ hỏi chuyện Ðậu ông như thế. Chợt Ðậu ông nói:"Chẳng mấy khi công tử tới tệ xá chơi, xin mời công tử ở lại dùng với tôi một bữa rượu!" Tam Phục nói:"Cũng được" Ðậu ông bèn xin phép xuống bếp làm cơm. 
    Lát sau, Ðậu ông bưng lên một mâm cơm với thịt gà và rượu, xin phép Tam Phục cho mình được ngồi đối ẩm, chuyện trò. Tam Phục gật đầu. Ăn xong, Ðậu ông xuống bếp bảo con pha trà mới rồi lại trở lên tiếp khách. 
    Tố Nga đun nước sôi pha trà, bưng khay trà lên đặt ở cửa phòng khách rồi lại quay xuống bếp. Ðậu ông ra cửa bưng khay trà vào mời Tam Phục. Tuy chỉ nhìn thấy nửa người Tố Nga thấp thoáng ngoài cửa, song Tam Phục cũng biết là Tố Nga đẹp lắm và có mái tóc xõa xuống hai vai. Trời tạnh mưa, Tam Phục xin cáo biệt. 
    Về nhà, Tam Phục thấy hình bóng Tố Nga cứ lởn vởn trong đầu rồi thấy lòng mình xao xuyến. Hôm sau, Tam Phục sai gia nhân đem gạo và lụa tới biếu Ðậu ông để đáp l. Từ đó, cứ ba ngày một lần, Tam Phục lại sai gia nhân đem rượu thịt tới nhà Ðậu ông để mình tới đối ẩm, chuyện trò. Lâu dần, Tam Phục với Ðậu ông trở thành bạn thân. Vì thế, Tố Nga cũng dạn dần, chẳng còn phải tránh né Tam Phục như trước nữa. Mỗi lần cha gọi pha trà, Tố Nga đã dám bưng thẳng khay trà vào phòng khách. Thấy Tố Nga, Tam Phục cứ ngây người ra ngắm. Bắt gặp Tam Phục ngắm mình, Tố Nga chỉ mỉm cười. 
    Một hôm, Tam Phục tới gõ cổng nhà Ðậu ông để vào thăm. Tố Nga ra mở. Tam Phục hỏi:"Lệnh tôn có nhà không?" Tố Nga đáp:"Gia nghiêm vừa đi vắng!" Hỏi:"Bỉ nhân có thể vào nhà ngồi chờ được không?"Ðáp:"Xin mời công tử vào!" Tam Phục bèn vào ngồi ở phòng khách. Tố Nga vào nhà trong, thầm mong cha chóng về tiếp khách. 
    Chờ mãi chẳng thấy cha về, Tố Nga ngại cho khách phải ngồi lâu, bèn đánh bạo bước ra, thay cha tiếp khách. Tam Phục lợi dụng thời cơ, nắm lấy cổ tay Tố Nga, buông lời chọc ghẹo. Tố Nga ngượng quá, nghiêm sắc mặt, nói: "Nhà thiếp tuy nghèo song cha con thiếp chẳng chịu để cho ai làm nhục cả! Xin công tử chớ cậy mình giàu có mà làm nhục thiếp! Gia nghiêm muốn thiếp phải đứng đắn để lấy được một tấm chồng tử tế!" Tam Phục hoảng sợ, vội chắp tay xin lỗi, nói: "Vì bỉ nhân thành tâm muốn được tiểu nương để ý nên mới trót xúc phạm, mong tiểu nương thứ lỗi cho! Bỉ nhân đã hết tang tiện nội, nay muốn xin cưới tiểu nương về làm kế thất! Nếu tiểu nương ưng thuận thì bỉ nhân sẽ nhờ người tới thưa chuyện với lệnh tôn, khỏi phải nhờ người đi kiếm giùm đám khác!" Tố Nga tỏ vẻ nghi ngờ, nói: "Thiếp thấy khó lòng mà tin được lời công tử! Công tử là con nhà dòng dõi thế gia, khi nào lại chịu đi cưới con gái một gia đình nông dân như thiếp?" Tam Phục nói: "Nếu tiểu nương chẳng tin thì bỉ nhân xin thề độc!" Tố Nga mỉm cười, nói: "Công tử cứ thử thề độc cho thiếp coi xem công tử thề độc tới mức nào?" Tam Phục bèn thề: "Bỉ nhân là Nam Tam Phục, thề sẽ hỏi cưới tiểu nương Ðậu Tố Nga làm kế thất, xin quỷ thần chứng giám. Nếu sau này, bỉ nhân bội lời thề này thì xin quỷ thần cứ xử bỉ nhân tội chết!" Thấy lời thề độc, Tố Nga mỉm cười tin tưởng, rồi để mặc cho Tam Phục muốn làm chi thì làm. Tam Phục bèn bồng Tố Nga vào phòng trong mà ân ái. Khi Tam Phục từ biệt Tố Nga, Ðậu ông vẫn chưa về. 
    Từ đó, ngày nào Tam Phục cũng sai gia nhân tới ngõ nhà Ðậu ông rình lén. H thấy Ðậu ông vừa ra khỏi cổng là gia nhân lại chạy về báo để Tam Phục cưỡi ngựa sang ân ái với Tố Nga. 
    Mười tháng sau. Một hôm Tố Nga giục Tam Phục: "Công tử cứ lén lút với thiếp mãi như thế này thì chẳng phải là kế lâu dài. Công tử đã thuận cho thiếp được núp bóng thì xin công tử hãy chính thức hỏi cưới thiếp ngay đi! Công tử mà hỏi thì chắc chắn là gia nghiêm sẽ gả ngay chứ chẳng thể nào từ chối, vì chẳng ai có thể đem lại vinh dự cho gia đình thiếp như công tử được! Xin công tử hãy xúc tiến việc cưới hỏi gấp cho, chớ để thiếp phải lo lắng mãi!" Tam Phục gật đầu. 
    Tối ấy, về nhà, Tam Phục lại nghĩ là mình dòng dõi thế gia, chẳng thể nào hỏi cưới con gái một gia đình nông dân được. Vì thế, hôm sau Tam Phục kiếm cớ nói quanh với Tố Nga để trì hoãn việc cưới hỏi, rồi nhờ bà mối để ý kiếm cho mình một nơi môn đăng hộ đối. 
    Tháng sau. Một hôm bà mối tới nhà Tam Phục, nói: "Lão thân đã kiếm được cho công tử một đám đăng đối rồi!" Tam Phục hỏi: "Ðám nào?" Ðáp: "Tô tiểu thư, ái nữ của Tô công!" Hỏi:"Tô công là ai?" Ðáp: "Công tử chẳng biết sao? Tô công, quán tại vùng này, được triều đình bổ nhậm đi làm quan tể ở xa, nay mới hồi hưu!" Thấy Tam Phục có vẻ còn trù trừ chưa quyết, bà mối liền tiếp: "Tô tiểu thư đẹp lắm! Sắc nước hương trời, ai nhìn thấy cũng phải mê! Còn Tô công thì giàu có lắm, hứa với ái nữ rằng khi nào vu quy, sẽ cho ngàn vàng làm của hồi môn!" Nghe thấy thế, Tam Phục bèn quyết định nhờ bà mối đi hỏi Tô thị cho mình. Bà mối tới thưa chuyện với Tô công. Tô công ưng thuận, hẹn năm sau cho nghênh hôn. 
    Một hôm, Ðậu ông đi vắng, Tam Phục lại tới nhà ân ái với Tố Nga. Tố Nga nói: "Thiếp muốn nói với công tử một việc quan trọng!" Tam Phục hỏi: "Việc gì?" Ðáp: "Thiếp đã mang thai với công tử. Xin công tử hãy xúc tiến việc cưới hỏi gấp cho!" Tam Phục chỉ ậm ừ rồi ra về. Từ hôm ấy, Tam Phục biệt tăm, chẳng bén mảng tới nhà Ðậu ông nữa. 
    Ðậu ông thấy bụng con gái mình mỗi ngày một lớn thì tra hỏi. Tố Nga thú thực. Ðậu ông bèn nhờ bà mối tới hỏi Tam Phục cho rõ thực hư. Tam Phục chối, nói: "Nếu cô ta mang thai thì bào thai trong bụng cô ta là của đàn ông nào đó chứ đâu có phải là của tôi?" Bà mối về thuật lại. Nghe thấy thế, Ðậu ông giận quá, lấy roi đánh con. Tố Nga uất ức lắm song cũng đành chịu, chẳng biết phải biện bạch với cha như thế nào để cho cha tin mình. 
    Sáu tháng sau. Một chiều đông, Tố Nga sanh con trai. Tối ấy, Tố Nga mệt mỏi, nằm ngủ thiếp đi. Thấy thế, Ðậu ông vội vùng dậy, bế đứa cháu đem ra sau nhà, vứt vào thùng rác. Tỉnh giấc, Tố Nga thấy mất con thì biết ngay là con mình đã bị ông ngoại vứt đi, nên lẻn ra vườn sau tìm con. Thấy con nằm trong thùng rác, vẫn còn sống, Tố Nga vội ẵm ra, chạy sang nhà Chương bà ở hàng xóm phía đông, xin ngủ nhờ. 
    Sáng sau, Tố Nga nhờ Chương bà tới thuật chuyện cho Tam Phục nghe. Nghe xong, Tam Phục cứ lờ đi, chẳng nói năng chi. Thấy vậy, Chương bà nói: "Cô Tố Nga nhờ tôi nhắn với công tử rằng cô ta chẳng xin công tử cưới cô ta đâu mà chỉ xin công tử nhận đứa bé, đem về nuôi thôi!" Tam Phục tỏ vẻ bực mình, nói: "Bà đừng nói nữa! Bà hãy về đi! Ðứa bé ấy đâu có phải là con của tôi?" Chương bà đành về nói lại cho Tố Nga nghe. 
    Tố Nga bế con tới thẳng nhà Tam Phục, xin vào gặp mặt. Người canh cổng không cho vào. Tố Nga nói: "Ðứa bé này là con của chủ ông! Nếu ông không cho tôi vào thì nhờ ông vào nói với chủ ông rằng tôi chẳng cần chủ ông phải cưới tôi làm vợ song đứa bé này là con của chủ ông, chẳng lẽ chủ ông lại nỡ để cho nó bị chết đói chết rét hay sao?" Người canh cổng vào trình lại với Tam Phục. Tam Phục nói: "Ra bảo nó bế con cút đi! Nếu nó không chịu đi thì cứ để mặc nó ngồi ở ngoài ngõ chứ không được cho vào trong nhà!" Người canh cổng vâng dạ rồi ra nói lại. Tố Nga cương quyết không đi, cứ ngồi lỳ ở ngoài ngõ, ôm con mà khóc. Tới tối, rồi tới khuya, đói chẳng có chi ăn, rét chẳng có chi đắp. 
    Sáng sau, người canh cổng ra mở cổng thì thấy cả hai mẹ con đều đã chết cóng. Xác Tố Nga ngồi tựa vào thành cổng, hai tay còn ẵm đứa con ở trong lòng. Tam Phục nghe tin, liền sai gia nhân chạy đi báo cho Ðậu ông hay. Ðậu ông vừa kinh hãi vừa phẫn uất, vội chạy tới đem xác hai mẹ con về, mua quan tài chôn cất. 
    Hôm sau, Ðậu ông làm đơn kiện Tam Phục, đem lên nạp ở huyện đường. Quan tể đọc đơn, sai lính đi bắt Tam Phục vào huyện đường. Quan hỏi: "Ðứa bé ấy có phải là con của nhà ngươi không?" Tam Phục chối, đáp: "Bẩm đại quan, không!" Quan bèn cho điều tra. Nha lại phúc trình rằng đứa bé ấy đúng là con của Tam Phục. Quan bèn kết tội Tam Phục bất nghĩa, xử phạt mười năm tù ở. Tam Phục vội nhờ người đem vàng tới hối lộ quan. Quan nhận hối lộ rồi tha bổng Tam Phục. 
    Ðêm ấy, Tô công nằm mộng thấy một thiếu nữ, tay ẵm con, đầu xõa tóc, tới nhà mình, nói: "Tiểu nữ là Ðậu Tố Nga, bị tên Nam Tam Phục dụ dỗ cho y ân ái thì y sẽ cưới làm kế thất. Nay tiểu nữ đã có con với y thì y lại hắt hủi cả hai mẹ con để đến nỗi hai mẹ con cùng bị chết cóng. Y lại nhờ bà mối đi hỏi cưới lệnh ái và đã được tôn ông ưng thuận. Bây giờ, xin tôn ông hãy từ hôn với y để tránh cho lệnh ái khỏi bị ải tử. Nếu tôn ông chẳng tin lời tiểu nữ thì sau này xin tôn ông chớ oán trách là tiểu nữ chẳng có lời báo trước!" Nói xong, thiếu nữ biến mất. Tỉnh giấc, Tô công lo sợ lắm, toan từ hôn với Tam Phục nhưng rồi thấy Tam Phục giàu có nên lại nổi lòng tham, cho rằng mộng mị chỉ là chuyện hão huyền. Vì thế, Tô công vẫn quyết định gả con gái cho Tam Phục. 
    Tới ngày nghênh hôn, Tam Phục thấy Tô thị mi thanh mục tú, có ngàn vàng hồi môn thì mừng lắm. Tuy nhiên, trong suốt ngày cưới, Tam Phục thấy Tô thị lúc nào cũng âu sầu buồn bã thì lại rất ngạc nhiên. Tới tối, khi động phòng hoa chúc, Tam Phục thấy Tô thị cứ ứa nước mắt khóc, bèn hỏi: "Từ sáng tới giờ, lúc nào ta cũng thấy nàng âu sầu buồn bã! Rồi bây giờ lại khóc là nghĩa làm sao?" Tô thị chẳng đáp, làm Tam Phục càng ngạc nhiên. Thế rồi Tam Phục thấy Tô thị cương quyết chẳng chịu thân thiết với mình. Tam Phục bắt đầu linh cảm thấy một điều chi bất tường nên rất bồn chồn. 
    Tháng sau, Tô công tới nhà con rể thăm con gái. Người canh cổng mở cổng mời vào, rồi chạy vào báo tin cho chủ biết. Từ cổng vào nhà có hai ngả, ngả trước xuyên qua vườn hoa, ngả sau xuyên qua vườn đào. Tô công theo ngả sau mà vào. Khi xuyên qua vườn đào, chợt nhìn thấy một thiếu nữ treo cổ trên cành, dáng dấp trông giống con mình, Tô công kinh hãi quá, vội chạy tới để coi thì thấy đúng là con mình. Tô công cực kỳ hoảng sợ, vội chạy vào phòng khách để tìm con rể song lại chạy lạc vào phòng ngủ. Thấy một thiếu nữ lạ ngồi trên giường của con gái mình, Tô công vừa sợ vừa giận, vội quay người chạy ra. Tam Phục ngồi trong phòng khách chờ nhạc phụ. Thấy nhạc phụ chạy vào phòng ngủ, Tam Phục ngạc nhiên, vội chạy vào theo. Vừa tới cửa phòng ngủ thì thấy nhạc phụ từ trong phòng chạy ra, Tam Phục càng ngạc nhiên hơn. Tam Phục toan lên tiếng hỏi thì chợt thấy nhạc phụ lên tiếng quát: "Ta vào đây qua ngả vườn đào, thấy vợ anh treo cổ chết trên cành! Anh làm chi mà để cho nó phải tự ải? Còn thiếu nữ đang ngồi trên giường kia là ai?" Tam Phục chẳng hiểu đầu đuôi sự thể ra sao nên cực kỳ hoảng hốt, luýnh quýnh la lên: "Trời ơi! Sao lại có chuyện lạ thế này? Nhạc phụ để con coi xem!" Rồi tới gần giường xem thiếu nữ là ai thì bỗng thấy thiếu nữ ngã lăn xuống đất mà chết. Tam Phục nhìn kỹ thì nhận ra là xác Tố Nga. Tô công tới gần, hỏi: "Thiếu nữ này là ai?" Tam Phục đành phải thú thực mọi chuyện với nhạc phụ. Thấy xác Tố Nga phảng phất giống thiếu nữ trong giấc mộng đêm nọ, Tô công vừa căm tức Tam Phục lại vừa hối hận là đã gả con gái cho Tam Phục. Vì thế, Tô công lẳng lặng bỏ về. 
    Tam Phục nhờ người lên huyện đường trình quan tể về việc vợ mình tự ải và xin được phép mai táng. Mặt khác, Tam Phục sai gia nhân đi báo cho Ðậu ông biết về việc xác Tố Nga đang ở nhà mình. Ðậu ông nửa tin nửa ngờ, chạy ra mộ con coi thì quả nhiên thấy mộ con đã bị đào tung, quan tài bật nắp, xác con biến mất. Ðậu ông bèn sang nhà Tam Phục xin xác con, đem ra mộ chôn lại. 
    Ðậu ông đang phẫn uất về việc con mình bị chết oan, nay lại thấy xảy ra vụ này thì cho là Tam Phục đã dàn cảnh để làm chuyện dâm ô. Bèn lại làm đơn kiện Tam Phục, nạp quan tể. Quan thấy chuyện hoang đường, chưa biết xử ra sao. Tam Phục sợ quá, lại lấy vàng nhờ người đem hối lộ. Quan nhận hối lộ rồi dẹp vụ án. Tam Phục cũng sai gia nhân đem chút tiền bạc tới biếu Ðậu ông để cho câu chuyện được êm xuôi. 
    Từ đó, tự nhiên nhà Tam Phục cứ suy dần, tiền vào thì ít, tiền ra thì nhiều. Năm sau, Tam Phục nhờ bà mối đi kiếm vợ khác cho mình. Bà mối kiếm mãi chẳng được vì người nào trong vùng cũng đều biết chuyện Tam Phục, chẳng ai chịu gả con gái cho. Bà mối bèn tới nói với Tam Phục: "Bây giờ trong vùng này chẳng ai dám gả con gái cho công tử nữa! Nếu công tử muốn hỏi vợ thì phải đi hỏi ở xa. Lão thân biết một đám ở xa, đăng đối với công tử lắm, song chẳng biết công tử có thuận chăng?" Tam Phục hỏi: "Ðám nào?" Ðáp: "Tào nương, con gái của Tào tiến sĩ!" Hỏi: "Ở tận đâu?" Ðáp:"Ở Sơn Ðông! Nếu công tử thuận thì lão thân sẽ sang đó hỏi!" Tam Phục chẳng muốn cưới vợ ở xa song vì thấy chẳng còn nơi nào ở gần chịu gả con gái cho mình nên đành ưng thuận. Bà mối bèn sang Sơn Ðông hỏi Tào nương cho Tam Phục. Khi về, bà mối tới nói với Tam Phục:"Tào ông đã bằng lòng gả Tào nương cho công tử, hẹn ba tháng nữa sẽ cho nghênh hôn!" Tam Phục bèn nhờ bà mối đem sính l sang Sơn Ðông. 
    Hai tháng sau. Trong dân gian có tin đồn triều đình sắp ra lệnh bắt cung nữ ở các địa phương. Vì thế, nhà nào có con gái đã hứa hôn cũng cho người đưa con về nhà chồng ngay, chẳng cần đợi ngày cưới. 
    Trong làng của Tam Phục có một vị cử nhân họ Diêu, gia pháp rất nghiêm, có cô con gái tên Tố Tố. Tuy Tam Phục giao du với Diêu ông song vẫn chưa được biết mặt Tố Tố. Một hôm, Tam Phục chợt nghe tin Tố Tố vừa bị bạo bệnh mà thác, liền tới nhà Diêu ông để viếng tang. Tới nơi, Tam Phục thấy linh cữu Tố Tố đã được đậy nắp, đặt giữa phòng khách. Viếng tang xong, Tam Phục xin cáo biệt. Hôm sau, Diêu ông làm l mai táng cho con. 
    Cũng ngày hôm ấy, Tam Phục đang ngồi trong phòng khách thì chợt thấy người canh cổng chạy vào báo có xe ngựa của Tào ông cho đưa Tào nương sang. Tam Phục vội bảo người canh cổng ra mở cổng mời vào. Xa phu vừa cho xe vào đậu trước cửa phòng khách thì từ trên xe có một bà vú bước xuống, đỡ một thiếu nữ xuống theo, dắt vào phòng. Bà vú chào Tam Phục, nói: "Thưa công tử, triều đình đang ra lệnh bắt cung nữ ở Sơn Ðông gấp lắm. Vì thế, Tào ông nhà lão tì quyết định sai lão tì đưa Tào nương sang đây với công tử ngay, chẳng thể chờ ngày cưới được!" Tam Phục thấy ngoài xa phu ra, chỉ có cô dâu với bà vú nên cũng nghi ngờ, hỏi: "Tại sao lại chỉ có một mình lão bà đưa dâu sang? Chẳng có khách khứa nào đi đưa dâu hay sao?" Bà vú cười, đáp: "Thưa công tử có chứ! Xe cô dâu chạy trước, chở đầy quần áo, nữ trang và của hồi môn nên chẳng còn chỗ trống cho khách đưa dâu ngồi. Khách ngồi trên ba xe sau, cũng sắp tới rồi!" Bà vú bèn ra bảo xa phu khuân mấy rương quần áo, nữ trang và của hồi môn của cô dâu vào phòng khách rồi dặn dò cô dâu mấy lời. Xong, bà vú chắp tay vái chào Tam Phục rồi xin phép lên xe. Xa phu liền phóng xe ra khỏi cổng. 
    Tam Phục ngắm nhìn Tào nương, thấy cũng xinh đẹp, bèn tới gần trêu ghẹo, đùa cợt chớt nhả. Tào nương nghiêm nét mặt, nói: "Thiếp đi đường xa mệt mỏi, xin tân lang cho thiếp được vào phòng nằm nghỉ một lát. Tới tối, thiếp sẽ xin hầu tiếp tân lang!" Tam Phục bèn dẫn Tào nương vào phòng ngủ. Tào nương liền cởi bỏ nữ trang, quần áo, rồi lên giường nằm. Thấy điệu bộ của Tào nương giống hệt điệu bộ của Tố Nga, Tam Phục đã cảm thấy chẳng vui, song chưa tiện hỏi. Chợt thấy Tào nương kéo chăn trùm kín đầu để ngủ, Tam Phục hỏi: "Nàng trùm kín đầu như thế thì làm sao mà thở?" Tào nương đáp: "Thiếp có thói quen này từ hồi còn nhỏ, xin tân lang chớ để tâm!" Tam Phục bèn bỏ ra phòng khách, chờ đón ba xe khách đưa dâu. 
    Chờ đến tối cũng chẳng thấy chi, Tam Phục sinh nghi, bèn chạy vào phòng ngủ hỏi Tào nương. Thấy Tào nương vẫn còn trùm chăn kín đầu, Tam Phục liền lớn tiếng gọi: "Nàng nằm nghỉ đã thấy đỡ mệt chưa? Dậy đi cho ta hỏi một câu!" Chẳng thấy tiếng đáp, Tam Phục bèn chạy tới giường lật chăn ra coi thì thấy Tào nương đã tắt thở. Tam Phục kinh hãi quá, chẳng hiểu tại sao Tào nương lại chết bất thần như thế! Tam Phục vội sai bốn gia nhân tức tốc sang Sơn Ðông báo tin cho Tào ông hay. 
    Bốn gia nhân tới nhà Tào ông, vào báo tin thì Tào ông kinh ngạc, nói: "Gia nữ hiện đang ở nhà đây, chứ ta có cho ai đưa nó sang bên ấy bao giờ đâu?" Bốn gia nhân nghe thấy thế thì chỉ biết giương mắt nhìn nhau, chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao. 
    Sáng sau, Diêu ông ra thăm mộ con thì thấy mộ con đã bị khai quật, quan tài bật nắp, xác con biến mất. Diêu ông kinh hãi quá, chẳng hiểu kẻ đào mộ con mình muốn cướp xác con mình để làm chi. Quanh quẩn bên mộ hồi lâu, Diêu ông đành ra về. Vừa về tới nhà thì lại nghe tin cô dâu mới của Tam Phục là Tào nương ở Sơn Ðông, sáng qua vừa được bà vú đưa sang nhà Tam Phục thì tối qua đã bất thần lăn ra chết. Diêu ông liền tới nhà Tam Phục để viếng tang. 
    Thấy Diêu ông sang viếng tang, Tam Phục bèn dẫn vào phòng ngủ cho coi xác Tào nương. Vào phòng, Diêu ông giật mình kinh hãi vì thấy xác Tào nương chính là xác con gái mình. Diêu ông giận quá, chẳng nói chẳng rằng, vội bỏ về ngay, chẳng thèm chào Tam Phục lấy một lời. Tam Phục sững sờ kinh ngạc, chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao. 
    Về nhà, Diêu ông bèn làm đơn kiện Tam Phục về tội đã đào mả con mình, đem xác về nhà làm chuyện dâm ô. Quan tể bèn cho lính đi bắt Tam Phục tới huyện đường thẩm vấn. Tam Phục trình bày sự thực song quan chẳng tin vì Tam Phục đã nổi tiếng là một kẻ có nhiều thành tích vô hạnh ở trong vùng. 
    Thế rồi quan khép Tam Phục vào án tử hình.
Hằng Nương
    Hồng Đại Nghiệp người kinh đô, vợ là Chu thị, nhan sắc khá đẹp, hai bên đều yêu quý nhau. Sau Hồng lấy cô hầu gái Bảo Đới làm vợ lẽ, diện mạo kém xa Chu thị nhưng Hồng lại yêu nhiều. Chu thị lấy làm bất bình, vì thế vợ chồng sinh bất hòa. Hồng tuy không dám công nhiên ngủ lại buồng vợ bé, nhưng càng bênh chiều cô ta mà cách xa Chu thị. Sau họ dời nhà, làm hàng xóm với một người buôn lụa họ Địch. 
    Vợ Địch là Hằng Nương, sang thăm Chu thị trước. Hằng Nương trạc tuổi ba mươi, nhan sắc chỉ trung bình nhưng nói năng nhẹ nhàng dể ưa, Chu thị rất mến. Hôm sau sang đáp lễ, Chu thị thấy nhà này cũng có vợ bé, tuổi chừng đôi mươi lại rất xinh đẹp. Ở cạnh nhà nhau gần nửa năm, Chu thị tịnh không nghe một lời chửi mắng nào cả, còn Địch chỉ yêu quý có một mình Hằng Nương, cô vợ bé có cũng như không . 
    Một hôm, Chu thị sang Hằng Nương chơi, hỏi rằng: 
    - Em trước đây cho rằng chồng yêu vợ bé, là vì cái người giữ phận bé ấy thường chỉ muốn đổi cách xưng hô "vợ cả " thành "vợ lẽ" nay mới biết không phải. Chị có thuật gì thế, nếu có thể truyền được thì em xin ngoảnh mặt về phương Bắc (*) làm học trò của chị. 
    Hằng Nương đáp: 
    - Hừ, chị tự xa cách rồi lại trách chồng phải không ? Ngày đêm cứ nói sa sả là đuổi chim vào bụi (**), càng cách xa nhau hơn. Chị cứ về thả lỏng cho họ, dù anh ấy có tự đến cũng đừng cho vào phòng. Sau một tháng, em sẽ liệu tính cho chị. 
    Chu thị theo lời, càng trang điểm cho Bảo Đới, cho cùng ngủ với chồng. Mỗi khi chồng ăn uống thức gì đều cho Bảo Đới ăn chung. Lúc nào Hồng săn đón thì Chu thị lại cố tình từ chồi, thế là ai nấy đều khen Chu thị hiền. Như thế được hơn một tháng, Chu thị sang thăm Hằng Nương. Hăng Nương vui mừng mà rằng: 
    - Được đấy, bây giờ về nhà chị bỏ hết trang sức, không mặc đẹp, không phấn son để mặt bẩn, đi giày rách, cùng làm lụng với bọn người nhà, một tháng sau hãy sang đây. 
    Chu thị nghe theo, mặc áo vá, cố ý luộm thuộm, bẩn thỉu, chỉ biết dệt vải, ngoài ra không hỏi han gì đến. Hồng thương tình, sai Bảo Đới chia sẻ việc nặng nhọc, nhưng Chu thị gắt gỏng bảo về. Như thế được một tháng, lại sang gặp Hằng Nương. Hằng Nương bảo: 
    - Cô bé này dạy bảo được đấy! Ngày kia là tết Thượng Tỵ (***) muốn rủ chị cùng đi chơi hội xuân. Chị nên trút hết quần áo rách ra, tất dép áo quần thay mới một loạt rồi sơm sớm sang đây nhé! 
    Chu thị xin vâng . Đến ngày, Chu thị soi gương trang điểm kỹ càng, hết thảy làm như lời Hằng Nương dặn. Trang điểm xong, sang nhà Hằng Nương. Hằng Nương mừng rỡ khen: 
    - Khá lắm! 
    Rồi Hằng Nương búi hộ tóc hình cánh phượng, mượt bóng như gương soi, kiểu giày vụng thì lấy những mảnh giày của nhà từ trong rương ra ghép thành (****), xong đâu đấy liền bảo thay đổi... 
    Trước khi chia tay ra về, nàng mời Chu thị uống rượu rồi dặn: 
    - Lúc về giáp mặt anh chàng xong là lập tức đóng cửa đi ngủ cho sớm, chàng ta đếm gõ cửa cũng chớ mở ra. Ba lần gọi mới mở cửa cho vào một lần, nhưng phải dè sẻn những khi môi tìm lưỡi tay tìm chân. Nửa tháng sau hãy sang đây. 
    Chu thị về nhà ăn mặc cực đẹp ra mắt chồng. Hồng ngắm vợ từ trên xuống dưới, tươi cười khác hẳn ngày thường. Chu thị kể sơ qua buổi đi chơi rồi ngồi đỡ má r chiều mệt mỏi. Trời chưa nhá nhem đã đứng dậy đi về buồng cài cửa đi nằm. Lát sau quả nhiên Hồng đến gõ cửa, Chu thị cứ nằm không chịu dậy, Hồng đành bỏ đi. Tối sau cũng thế. Sáng thứ ba, Hồng trách vợ, Chu thị đáp: 
    - Ngủ một mình quen mất rồi, không kham nổi quấy rầy. 
    Hôm ấy, trời vừa xế bóng, Hồng đã vào buồng vợ ngồi chờ sẵn, rồi tắt nến lên giường như buổi tân hon, ái ân khôn xiết. Hồng hẹn đêm sau lại đến, Chu thị không chịu được mãi, mới ước với Hồn ba ngày một lần. Khoảng nửa tháng, Chu thị sang gặp Hằng Nương. 
    Hằng Nương đóng cửa lại chuyện trò với Chu thị rằng: 
    - Từ nay chị có thể độc chiếm anh ấy được rồi. Có điều chị tuy đẹp, nhưng chưa thật duyên. Nhan sắc như chị mà biết làm duyên nữa thì giành được cả lòng sủng ái đối với Tây Thi, huống hồ là người kém hơn. 
    Đoạn Hằng Nương bảo Chu thị liếc thử, rồi nói: 
    - Không phải thế! Cạnh ngoài mí mắt chưa ổn. 
    Bảo cười thử, rồi nhận xét: 
    - Không phải thế! Má bên trái chưa được. 
    Bèn dùng khóe thu ba lộ vẻ yêu kiều, mím miệng cười tươi hé hai hàng ngọc, bảo Chu thị bắt chước, đến mấy chục lần mới hơn giông giống. Hằng Nương bảo: 
    - Chị về đi rồi soi gương mà tập cho thành thạo, phép thuật chỉ có thế mà thôi. Còn như khi ở trên giường tuy cơ mà khơi động, tùy sở thích mà ứng theo, những điều ấy không thể dùng lời mà truyền cho nhau được. 
    Chu thị về nhà làm đúng như lời Hằng Nương dạy bảo. Hồng ưng ý lắm, si mê hình thể lẫn nhan sắc của vợ, chỉ sợ vợ cự tuyệt. Trời xế chiều là ngồi trước mặt nhau trò chuyện vui cười không chịu rời phòng khuê đến nửa bước, ngày nào cũng thế, không làm sao đâỷ đi chỗ khác được. Chu thị càng ưu đãi Bảo Đới hơn, mỗi khi bày tiệc trong phòng đều bọi Bảo Đới cùng ngồi chung giường, nhưng Hồng càng thấy Bảo Đới xấu xí, chưa xong bữa đã cho cô ta ra ngoài. Chu thị lại dụ Hồng vào buồng Bảo Đới rồi cài cửa ở bên ngoài nhưng Hồng không hề động đến, do đó Bảo Đới giận Hồng, gặp ai oán thán, khiến Hồng càng tức giận ghét bỏ, dần dần đến đánh đập cô ta. Bảo Đới phẫn uất, bỏ cả trang điểm, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, đầu tóc như đám cỏ rối, nên càng không thể nói năng gì đến người khác nữa. 
    Một hôm Hằng Nương hỏi Chu thị: 
    - Chị thấy thuật của em thế nào? 
    Chu thị đáp: 
    - Đạo thầy thật tuyệt diệu nhưng đệ tử này chỉ có thể làm theo mà rốt cuộc vẫn chưa thể hiểu được. Thả lỏng là vì sao? 
    - Chị chẳng nghe nói con người ta thường thích mới bỏ cũ, khó khăn coi trọng, dễ dàng coi thường đó sau? Chồn yêu vợ lẽ không cứ vì cô ta đẹp, mà vì chợt đươc nếm thì thấy ngọt, khó được gặp thì thấy mong. Thả lỏng cho no nê thì sơn hào hải vị cũng còn chán huống hồ là loại rau mọc dại. 
    - Bỏ hết trang điểm, sau lại chải chuốt cho cực đẹp là cì sao? 
    - Bỏ đấy không để mắt đến nữa thì tựa hồ xa nhau lâu ngày; bỗng thấy trang điểm đẹp đẽ thì như vừa mới đến, khác nào người nghèo đột nhiên được nếm món ngon, ắt thấy gạo lức chả còn mùi vị gì. Rồi lại không dễ dàng cho nếm ngay, thì kẻ kia cũ mà mình mới, kẻ kia dễ dải mà mình khó khăn. Đấy chính là đổi vợ thành thiếp vậy. 
    Chu thị mừng lắm, từ đó coi Hằng Nương là bạn tin cẩn chốn khuê phòng. Được mấy năm Hằng Nương bỗng bảo bạn rằng: 
    - Hai tâm tình đã như một, tự nghĩ không nên giấu diếm tung tích. Trước đâyđã toan nói nhưng sợ chị nghi ngại. Nay sắp từ biệt nhau, dám xin nói thật, em chính là hồ. Thuở nhỏ em gặp cái nạn mẹ kế, bán em lên đô thành. Chồng em đối với em rất hậu tình nên em không nỡ dứt tình ngay, lưu luyến đến nay. Ngày mai cha em thoát xác lên tiên, em phải tới thăm, không trở lại nữa. 
    Chu thị sụt sùi cầm tay Hằng Nương. Sáng sớm hôm sau sang thăm thì cả nhà bên ấy đang hoảng hốt kinh sợ vì không thấy Hằng Nương đâu nữa. 
    Dị sử bàn rằng: 
    Người mua ngọc không quý ngọc mà quý cái hộp đựng ngọc (*****). Tình người đối với mới, cũ, khó dễ vẫn là điều lạ lùng kỳ quặc mà từ nghìn xưa đến nay vẫn chưa phanh phui hết được. Nhưng cái thuật đổi ghét thành yêu thì đã được đem dùng trong thế gian. Đời xưa, bọn nịnh thần thờ vua, ngăn vua gặp người, cản vua đọc sách, do đó biết rằng giữ mình trong sự sủng ái lâu bền cũng là một tâm thuật truyền thụ được vậy. 
    Chú thích 
    (*) Xưa, vua bao giờ cũng ngòi quay mặt về phương Nam. Ở đây ý nói học trò ngoảnh mặt về phương Bắc, tỏ ý kính trọng thầy như vua. 
    (**) Chữ trong Mạnh tử, ý nói làm người tốt xa lánh mình. 
    (***) Tức tết mồng ba tháng ba âm lịch, ở nước Trịnh thời xưa, vùng Thượng nguồn sông Trăn sông Vĩ, người ta tổ chức du Xuân, tay cầm cành hoa Lan để gọi hồn người chết, và trừ tà cầu phúc. 
    (****)Giày vải do phụ nữ khâu tay. 
    (*****) Ngụ ngôn đời xưa kể rằng người nước Sở sang nước Trịnh bán ngọc, dùng gỗ thơm làm hộp đựng ngọc, trang trí rất đẹp. Người nước Trịnh thấy cái hộp đẹp bèn mua hộp mà trả lại ngọc. 


Con Trai người lái buôn ( Cổ Nhi)
    Ông nọ người đất Sở (*) ra xứ ngoài buôn bán. Vợ ở nhà một mình, đêm nằm mơ thấy giao hợp với người lạ. Tỉnh dậy sờ thì ra một người đàn ông bé nhỏ. Xem cung cách khác với người thường, biết là hồ. Một lát sau bước xuống giường mà đi, cửa chưa mở đã mất hút. Đến tối phải bảo vú già vào ngủ chung. Có đứa con trai mười tuổi, từ trước vẫn ngủ ở giường khác, cũng gọi đến cùng ngủ. Đêm đã khuya, vú già và con đã ngủ cả, hồ lại đến, người đàn bà ú ớ như nói mê. Vú già biết vội hô lên, hồ mới đi. 
    Từ đó, người cứ ngẩn ngơ như đánh mất một vật gì. Tối đến không dám tắt đèn, dặn con không được ngủ say. Đêm khuya, con và vú già dựa lưng vào tường ngủ chợp đi, một lát tỉnh dậy, mẹ đã biến mất. Tưởng đi tiểu tiện, đợi lậu không thấy trỏ vào mới sinh nghi. Vú già sợ không dám đi tìm, thằng con cầm đèn đi soi khắp nơi. Đến một gian buồng khác thì thấy mẹ trần truồng nằm trong đó. Lại gần nâng dậy cũng không biết xấu hổ. 
    Từ đó hóa điên hát, khóc, chửi, mắng, mỗi ngày hàng vạn cách; đêm không muốn ở chung với người, cho con ngủ giuờng khác, vú cũng cho đi chỗ khác. Đứa con mỗi khi nghe thấy tiếng mẹ cười nói, thì dậy châm lửa soi. Mẹ tức giận mắng con, con cũng chẳng để ý, vì vậy ai cũng cho rằng đứa bé gan dạ. 
    Nhưng thằng bé lại hay đùa nghịch quá chừng, hàng ngày bắt chước người thợ đấu (**) lấy gạch đá xếp lên cửa sổ. Ngăn nó, nó không nghe. Hoặc rút một hòn đá của nó đi, nó liền lăn ra đất kêu khóc, cho nên không ai dám chọc tức nữa. Qua mấy hôm sau, hai cửa sổ đều bị lấp kín, không còn chút ánh sáng lọt qua. Thế rồi, nó mới lấy bùn chít che tường hở, suốt ngày quần quật không sợ mệt. Chít xong, không có việc gì làm, liền lấy dao làm bếp ra mài xoèn xoẹt. Ai trông thấy cũng ghét cho là gàn bướng, không coi ai ra người nữa. 
    Đến nửa đêm, thằng bé dấu dao vào bụng, chụp quả bầu lên cây đèn. Đợi mẹ nói mê, lập tức mở đèn ra, chặn cửa buồng kêu to lên. Một lúc lâu chẳng thấy gì lạ, liền rời khỏi cửa, vờ nói to lên là muốn đi tiểu tiện. Bỗng có một vật như con cáo từ khe cửa vọt ra. Vội chém nó, chỉ đứt được khúc đuôi, dài độ hai tấc, máu còn nhỏ giọt. 
    Mới đầu nó vừa dậy khêu đèn mẹ nó đã mắng chửi, đứa bé làm như không nghe; chém không trúng hồ nó buồn giận đi ngủ. Tự nghĩ tuy không chém chết ngay được, nhưng có thể may ra nó không đến nữa. Đến sáng, xem vết máu thấy leo qua tường mà đi. Lần theo thấy vào tường nhà họ Hà. Đêm đến quả nhiên không thấy gì nữa. Thằng bé mừng thầm, nhưng mẹ lại ngủ mê mệt như người chết vậy. 
    Không bao lâu, người lái buôn vế, đến bên giường thăm hỏi, vợ chửi mắng coi như cừu thù. Thằng bé kể chuyện lại, ông bố kinh sợ, mời thầy lang về chữa. Vợ hắt bát thuốc đi chửi mắng thậm tệ. Ngầm lấy thuốc bỏ vào nước thang (***) cho uống lẫn, mấy ngày sau, dần dần yên, hai bố con đều mừng. 
    Một đêm, tỉnh giấc dậy, người đàn bà lại biến mất Hai bố con lại tìm thấy ở buồng khác. Từ đó lại điên, không muốn ngủ cùng buồng với chồng nữa. Gần tối là chạy sang buồn khác, giữ lại càng mắng chửi thậm tệ. Chồng không làm cách nào được, phải đóng tất cả cá buồng khác lại. Người đàn bà chạy đến thì tự dưng cửa mở ra. Chồng rất lo sợ, cầu cúng đủ cách cũng không hiệu nghiệm tý nào. 
    Một hôm gần tối, đứa bé lẻn đến giường họ Hà, nấp trong bụi rình xem hồ ở đâu. Trăng vừa lên, bỗng nghe có tiếng người nói, lén vạch cỏ nhòm, thấy hai người đến uống rượu, một người đầy tớ râu dài bê hồ rượu, áo màu lá cọ. Tiếng nói rầm rì nhỏ quá không nghe được rõ. Một lúc nghe thấy một người nói: 
    - Ngày mai hãy mang lại đây một nậm rượi trắng. 
    Lại một lúc nữa hai người đều bỏ đi, duy chỉ có lão râu dài ở lại, cởi aó nằm trên tảng đá trong vườn. Nhìn kỹ tay chân đều như người, chỉ có cái đuôi thò ra đàng sau. Thằng bé muốn về nhưng sợ hồ biết, đành nấp suốt đêm. Trời chưa sáng, lại nghe thấy hai người lục đục trở lại, tiếng nói lí nhí đi vào trong bụi trúc. Thằng bé mới trở về. Bố hỏi đi đâu, đáp: 
    - Ngủ ở nhà bác. 
    Bỗng một hôm, theo bố vào chợ, thấy hàng mũ có treo cái đuôi chồn, liền xin bố mua cho. Bố không nghe. Nó cứ kéo áo bố, nằn nì đòi mua. Bố không nỡ phật ý, bèn mua cho. Bố buôn bán trong cửa hàng, con đùa nghịch ở bên cạnh. Thừa lúc bố ngoảnh đi chỗ khác, thằng bé lấy cắp tiền, đi mua rượi trắng gửi lại ở quán. Có người cậu ở trong thành vốn nghề săn bắn. Nó chạy đến nhà cậu, cậu di vắng. Mợ hỏi bệnh mẹ, nó đáp: 
    - Mấy hôm nay đã khá lớn. Nhưng chuột cắn quần áo, mẹ cháu giận, khóc mãi không nguôi, nên sai cháu xin tí thuốc đánh bả thú(****). 
    Mợ mở hòm lấy độ một đồng cân, gói lại đưa cho thằng bé. Nó cho là ít. Nhân lúc mợ đi làm mì nước cho cháu ăn, nó nhìn trộm nhà không có người, liền mở gói thuốc, trộm lấy một vốc, giấu vào trong bọc, đoạn ra bảo mợ đừng nhóm bếp nữa: 
    - Bố cháu đợi cháu ở chợ, cháu chả kịp ăn đâu. 
    Nói xong đi ngay. Nó lén bỏ thuốc độc vào trong rượu, rồi đi chơi rong trong chợ, gần tối mới về. Bố hỏi đi đâu, nói thác là ở nhà cậu. 
    Từ đó thằng bé ngày ngàyđi chợ chơi. Một hôm thấy người râu dài cũng lẫn trong đám đông. Nó nhìn kỹ quả đúng, liền ngầm theo sát nút. Dần dà nói chuyện với lão. Lão đáp: 
    - Ở thôn Bắc. 
    Lão cũng hỏi lại thằng bé, nó vờ đáp rẳng: 
    - Ở trong hang núi. 
    Lão râu dài thấy nó ở trong hang núi, lâý làm lạ. Thằng bé cười nói: 
    - Nhà tôi đời đời ở trong hang núi, ông cũng thế chứ không ư? 
    Người đó càng kinh ngạc , hỏi họ nó, thằng bé đáp: 
    - Tôi là con họ Hồ, hình như đã từng gặp ông ở đâu, theo sau hai chàng trè tuổi, ông quên rồi ư? 
    Người đó nhìn kỹ thằng bé nửa tin nửa ngờ. Thằng bé khẽ vạch đũng quần, hơi thò cái đuôi giả ra, nói: 
    - Bọn mình trà trộn giữa giống người, chỉ cái của này là vẫn còn, thật cũng đáng bực. 
    Người đó hỏi: 
    - Đi chọ làm gì? 
    Thằng bé nói: 
    - Bố sai tôi đi mua rượu. 
    Lão bảo lão cũng đi mua rượu. Thằng bé hỏi: 
    - Mua chưa? 
    Đáp: 
    - Bọn tôi phần lớn đều nghèo, nên thường đánh cắp nhiều hơn mua. 
    Thằng bé nói: 
    - Việc ấy kể cũng khổ, luôn luôn phải lo sợ. 
    Người đó nói: 
    - Chủ sao làm, không thể không làm được. 
    Thằng bé nhân đấy lại hỏi: 
    - Chủ là ai? 
    Đáp: 
    - Thì là anh em người trẻ tuổi hôm nào chú nhìn thấy đó. Một người thì dang díu với vợ chàng Vương ở ngaòi cửa Bắc, còn một người thường ngủ nhà ông nọ ở thôn Đông. Chẳng may gặp thằng bé con nhà ông ta dữ quá, bị chém đứt đuôi, mười ngày mới khỏi, bây giờ lại mò đến rồi. 
    Nói xong toan đi, bảo rằng: 
    - Đừng làm lỡ việc của lão nhé. 
    Thằng bé nói: 
    - Lấy trộm khó lắm, chi bằng mua dễ hơn. Tôi đã mua trước gửi ở trong quán, xin tặng ông đấy. Túi tôi còn thừa tiền, không lo gì chuyện mua cả. 
    Lão thẹn vì chẳng có gì trả ơn. Thằng bé nói: 
    - Chúng ta vốn cùng loài, làm gì một tý đó, lúc nào rỗi còn phải chén với ông một bữa say khướt. 
    Liền cùng đi lấy rượu đưa cho rồi về. 
    Đến đêm mẹ quả ngủ yên, không chạy đi đâu nữa. 
    Bụng biết là có chuyện lạ, liền bảo bố cùng đi xem; thì thấy có hai chú hồ chết ở trên ngôi đình. Một con hồ nữa chết trong đám cỏ, máu còn ròng ròng nơi miệng,. Bình rượu cũng ở gần đó, cầm lên lắc, vẫn chưa hết. Ông bố lấy làm lạ, hỏi: 
    - Sao không bảo trước? 
    Thằng bé đáp: 
    Giống này cực thính, hơi lộ là nói biết ngay. 
    Bố mừng nói: 
    - Con ta có cái mưu đánh hồ của Trần Bình (*****) đây! 
    Hai bố con đem xác hồ về. Thấy một con cụt đuôi vết dao còn rõ. 
    Từ đó mới yên, mà người đàn bà gầy ốm quá, dần dần tỉnh ra, nhưng ho càng nặng, khạc ra hàng đấu đờm, chẳng bao lâu rồi chết. Vợ chồng họ Vương ngoài cửa Bắc trước vẫn bị hồ trêu ghẹo, nay đến hỏi thì hồ đã dứt, mà bệnh cũng khỏi. Ông bố vì vậy biết con là đứa trẻ lạ, liền dạy cưỡi ngựa bắn cung, về sau làm đến chức tổng nhung. (******) 
    ĐỖ NGỌC TOẠI dịch 
    Chú thích: 
    (*) đất Sở : Tên một nước ở TQ thời xưa, hiện nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. 
    (**) thợ đấu: thợ làm đất. 
    (***) Nguyên văn: "thang thủy" là nước sôi hoạc một thứ nước lá trợ lực cho thuốc. 
    (****) bả thú: Nguyên văn "lạp dược" là thuốc độc dùng để săn thú. 
    (*****)Trần Bình là người đầu đời Hán, sau này bày kế giúp Lưu Bang (Hán cao tổ) thu lấy thiên hạ. Ở đây ý nói em bé có mưu kế giỏi như Trần Bình vậy. 
    (******) tổng nhung: chức quan võ về đời Thanh. 
    
Cô Tú ( A Tú )

    Lưu Tử Cố quê ở Hải Châu (*), năm mười lăm tuổi đến đất Cái thăm cậu, thấy trong cửa hiệu tạp hóa có một cô gái yểu điệu, xinh đẹp vô song, lòng rất yêu thích, lần vào trong hiệu giả vờ mua quạt. Cô gái lên tiếng gọi bố. Bố ra, ý định của Lưu bị cản trở, bèn cố ý trả rẻ mà lui ra. Xa trông thấy người cha đi nơi khác bèn quay lại, cô gái toan tìm bố. Lưu ngăn lại nói: 
    - Không cần, cứ nói giá, tôi không trả rẻ đâu. 
    Cô gái được lời, cố ý nâng giá lên. Lưu không nỡ mặc cả, rút tiền trả rồi đi. Hôm sau lại đến, lại làm như trước. Vừa đi được vài bước, cô gái gọi theo: 
    - Trở lại đã! Vừa rồi nói dối đấy, giá thế đắt quá! 
    Nhân mới lấy nửa tiền trả lại. Lưu càng cảm lòng thành thực, hễ rỗi lại đến, vì thế ngày càng quen. 
    Cô gáo hỏi: 
    - Chàng ở đâu? 
    Lưu cứ thực nói. Lại hỏi lại thì tự nói là họ Diêu tên là A Tú (**). Lúc Lưu sắp đi, cô gái đem những vật đã mua, lấy giấy bọc hộ cẩn thận, rồi lè đầu lưỡi, thấm ướt để dán lại. Lưu đem về không dám động đến, sợ mất hẳn lằn lưỡi của nàng. 
    Được nửa tháng, người đầy tớ nhòm biết, mới ngầm cùng cậu, cố bắt Lưu phải về. Chàng bâng khuâng vơ vẩn không khuyây, đem những thứ như khăn mặt, phấn, sáp đã mua cất giấu vào trong một cái tráp, lúc vắng người lại khép cửa, tự mình lần giở xem một lượt. Hễ thấy món nào cũng tưởng nhớ ngẩn ngơ. 
    Năm sau lại đến đất Cái. Hành lý vừa cởi, liền đến ngay chỗ cô gái. Tới nơi thì thấy cửa ngõ đóng chặt, thất vọng mà về, bụng vẫn nghĩ rằng đi đâu vắng chưa về. Sáng hôm sau lại đến, cửa vẫn khóa như cũ. Hỏi các nhà hàng xóm mới biết, họ Diêu vốn người Quảng Ninh, vì buôn bán không lợi lắm nên tạm về quê ở. cũng không biết rõ bao giờ sẽ trở lại. Tâm thần như nghiêng như đổ; chàng ở vài ngày rồi rầu rĩ mà về. 
    Mẹ bàn dạm vợ cho, nhưng mấy lần chàng đều ngãng ra. Mẹ vừa giận vừa lấy làm lạ. Người đầy tớ liền kể chuyện mấy năm trước cho mẹ biết, mẹ càng đề phòng ráo riết. Đường sang đất Cái từ đó tuyệt hẳn. Lưu đâm thảng thốt, rồi giảm ăn kém ngủ. Mẹ lo lắng không tìm ra cách gì, bèn nghĩ: chẳng bằng theo ý con vậy. 
    Ngay hôm đó liền sắm sửa hành trang cho chàng sang đất Cái, lại chuyển lời nhắn với người cậu nhờ làm mối dùm. Cậu nhận lời, đến nhà họ Diêu, một lát trở về nói với Lưu: 
    - Việc không xong rồi. A Tú đã hứa gả cho một người ở Quảng Ninh!! 
    Lưu cúi đầu ngao ngán, lòng nguội như tro, hy vọng mất hết. Về nhà rồi thường ôm tráp mà khóc, bồi hồi tưởng nhớ, chỉ mong thiên hạ lại có người giống như thế. 
    Gặp khi người mối đến, khen người con gái họ Hoàng ở Phục Châu tuyệt đẹp. Lưu sợ không đúng, bèn sai đánh xe đến đất Phục. Vào cổng Tây, thấy một nhà hướng Bắc, hai cánh cửa cổng nửa khép nửa mở, trong đó một cô gái giống A Tú lạ. Lại chú ý dõi theo, thấy cô gái vừa đi vừa trông lại mà vào, đích thị không sai. 
    Lưu rất xúc động bèn thuê nhà bên Đông, hỏi dò kỹ thì là nhà họ Lý. Nghĩ đi nghĩ lại, chẳng lẽ thiên lại có người giống nhau đến thế ư? Ở mấy hôm, không cậy ai được, chỉ hằng ngày đăm đăm trông chờ ngoài cổng, hy vọng cô gái có lúc lại đi ra.Một hôm mặt trời xế về Tây, cô gái quả ra thực, bỗng thấy Lưu, liền quay vào, lấy tay chỉ ra đằng sau, lại để bàn tay lên trán, đoạn mới vào. Lưu mừng hết sức nhưng không hiểu ý ra sao. Ngẫm nghĩ một lát, rảo bước ra sau nhà, thì thấy vườn hoang trống trải, phía Tây có một bức tường thấp độ ngang vai, mới chợt hiểu, liền ngồi phục trong đám cỏ sương. Một lúc lâu, có người từ bên tường kia thò đầu sang khẽ hỏi: "Đã đến đấy à". Lưu đáp : "Vâng" rồi đứng dậy, nhìn kỹ thì thật A Tú. Nhân khóc nức nở, nước mắt như dây giòng (***). Cô gái cách tường tay vuốt ve lên mình Lưu lấy khăn lau nước mắt cho chàng, kiếm lời an ủi ân cần. 
    Lưu nói: 
    - Xoay xỏa trăm kế chẳng xong, tự bảo kiếp này thôi thế là thôi, nào ngờ lại có đêm nay. Nhưng sao nàng lại đến đây? 
    Đáp: 
    - Họ Lý là chú bên ngoại của thiếp. 
    Lưu xin trèo tường sang, cô gái nói: 
    - Chàng cứ về trước, bảo người nhà đi ngủ chỗ khác, thiếp sẽ tự đến. 
    Lưu làm như lời nàng, ngồi đợi. Một lúc sau cô gái lặng lẽ đi vào, ăn mặc không lộng lẫy lắm, vẫn quần áo ngày trước. Lưu kéo ngồi xuống, kể lể nổi nhớ, nhân hỏi: 
    - Nghe nói nàng đã nhận lời người ta, sao còng chưa cưới? 
    Cô gái nói: 
    - Ai bảo thiếp nhận lời là nói sai đấy. Cha thiếp thấy đường sá xa xôi không muốn gả thiếp cho chàng. Có lẽ đó là cậu nói thác ra để chàng đừng mong tưởng nữa mà thôi. 
    Rồi đó lên giường chung gối; lả lướt muôn nghìn cách, đưa đón thật hoan lạc, không sao nói hết cho được. Đến canh tư vội trở dậy trèo tường mà đi. Từ đấy Lưu quên hẳn ý định đến nhà họ Hoàng, trọ liền nửa tháng tại đây, tuyệt nhiên không nói gì đến việc về nữa. 
    Một đêm người đầy tớ dậy cho ngựa ăn, thấy trong nhà đèn còn sáng, nhòm vào thấy A Tú sợ lắm, không dám hỏi chủ. Sáng dậy, ra hỏi các cửa hàng ngoài chợ, rồi trở về hỏi Lưu: 
    - Người đêm đêm vẫn đi lại với công tử là ai vậy? 
    Lúc đầu Lưu chối, người đây tớ nói: 
    - Nhà này vắng vẻ là nơi quỷ hồ tụ tập, công tử nên giữ gìn. Cô gái họ Diêu làm gì mà đến chốn này? 
    Lưu mới thẹn nói: 
    - Nhà hàng xóm phía Tây là chú bên ngoại của nàng, có gì mà ngờ. 
    Người đầy tớ đáp: 
    - Tôi đã hỏi kỹ. Nhà bên Đông chỉ có một bà cụ già, nhà bên Tây chỉ có một người con trai còn nhỉ, nggoài ra chẳng có thân thích nào nữa. Người cậu gặp gỡ đây tất là ma quỷ, nếu không, chẳng lẽ cái áo mấy năm vẫn không thay? Vả lại da mặt trắng quá, hai má lại hơi gầy, lúc cười không thấy lúm đồng tiền không đẹp bằng A Tú. 
    Lưu suy đi nghĩ lại đâm hoảng, nói: 
    - Bây giờ làm thế nào? 
    Người đầy tớ bàn tính đọi cô gái đến, cầm binh khíxông vào cùng đánh. Chập tối, cô gái đên, nói với Lưu rằng: 
    - Biết chàng sinh lòng ngờ vực, nhưng thiếp cũng không có ý gì khác, chẳng qua cho trọn cái duyên phận với nhau thôi. 
    Nói chưa dứt, người đầy tớ đẩy cửa xông vào. Cô gái mắng: 
    - Bỏ ngay binh khí xuống, rồi mang rượu đến đây, để ta từ biệt chủ nhân. 
    Người đầy tớ tự nhiên ném dao xuống như bị người giằng lấy. Lưu càng sợ cố gằng tiếp rượu. Cô gái cười như thường, giơ tay chỉ vào Lưu mà nói: 
    - Biết tâm sự chàng, vẫn định lo toan giúp chàng chút ít, sao lại nỡ phòng bị ngầm? Tuy thiếp không phải A Tú, nhưng cũng tự cho mình không kém. Chàng tự nhìn kỹ xem, không phải ư? 
    Lưu rợn hết lông chân, miệng đờ ra không nói được. Cô gái nge canh đã sang ba, liền cầm chén hớp một hớp, đứng dậy nói: 
    - Tôi hẵng đi đã, đợi đến sau hôm động phòng hoa chúc sẽ lại đến so với người đẹp của chàng xem ai hơn ai kém. 
    Đoạn quay mình ra, biến mất. 
    Lưu tin lời hồ nói, lại sang đất Cái. Oán cậu nói dối mình, không đến nhà cậu nữa mà trọ ở gần nhà họ Diêu, nhờ mối đến nói chuyện, đút cho nhiều tiền. Bà vợ họ Diêu nói: 
    - Chú nó định kiếm chồng cho cháu ở Quảng Ninh nên ông nó sang đấy. Việc thành hay không chưa thể biết; phải đợi ông ấy về, mới có thể bàn được. 
    Lưu nghe nói, bàng hoàng không biết làm thế nào, đành phải cố đợi ông Diêu về. 
    Được hơn mười ngày, bỗng nghe có loạn, còn ngờ là lời đồn huyễn; lâu về sau, tin càng gấp, bèn thu xếp hành trang ra đi. Giữa đường gặp loạn thầy tớ lạc nhau, Lưu bị quân trinh sát bắt. Thấy Lưu họ trò yếu đuối, họcũng lơ là việc canh phòng, Lưu liền ăn trộm ngựa trốn đi.Đến giáp giới Hải Châu, thấy một người con gái, đầu tóc rối bù, mặt mũi nhem nhuốc, bước chân thất thiểu, dường không lê nổi. Lưu ruổi ngựa vượt lên trước, cô gái vội vàng gọi: 
    - Người cưỡi ngựa có phải là chàng Lưu đó không ? 
    Lưu dừng roi lại, nhìn kỹ thì ra là A Tú. Bụng còn sợ là hồ, liền hỏi: 
    - Nàng là A Tú thật đó chăng? 
    Cô gái hỏi: 
    - Tại sao lại hỏi câu đó? 
    Lưu kể lể những chuyện mình đã gặp. Cô gái nói: 
    - Thiếp là A Tú thực. Cha thiếp đem thiếp từ Quảng Ninh về, gặp loạn bị bắt, họ đưa ngựa cho cưỡi , nhưng mấy lần đều bị ngã. Chợt một người con gái nắm lấy cổ tay lôi đi, trốn lẩn lút trong đám quân cũng không có ai hỏi. Cô gái ấy đi nhanh như cắt, thiếp khốn khổ mà không theo kịp, mới độ trăm bước đã mấy lần tụt lại phía sau.Một lúc lâu, nghe thâý tiếng người reo ngựa hí xa gần, mới buông tay thiếp ra, nói: 
    - Từ giã thôi! Đường trước mặt đều yên ổn, có thể thủng thẳng mà đi; người yêu của em cũnga sắp đến, nên theo chàng cùng về. 
    Lưu biết đấy là hồ, lầy làm cảm kích, nhân kể rõ đầu đuôi vì sao mình lưu lại đất Cái. Cô gái nói rằng chú nàng định gả cho người họ Phương, chưa kịp ăn hỏi thì gặp loạn, Lưu mới biết lời cậu nói không phải là dối trá, bèn đỡ nàng lên ngựa, cùng cưỡi về. 
    Vào cổng, mẹ già vẫn không việc gì, Lưu rất mừng, bèn buộc ngựa mà vào nhà, kể chuyện đầu đuôi. Mẹ cũng mừng, liền sửa soạn cho cô gái đi tắm rửa. Nàng trang điểm, dung nhan lộng lẫy, mẹ vỗ tay nói: 
    - Chả trách gì thằng con si mộng hồn không lúc nào yên. 
    Bèn trải đệm bảo cô gái nằm chung với mình. Lại sai người đến đất Cái đưa thư cho họ Diêu biết. Chưa được mấy ngày, vợ chồng Diêu cùng đến, chọn ngày lành cho con gái thành hôn rồi mới đi. 
    Lưu đem cái tráp mình cất giữ ra, dấu phong còn nguyên vẹn.. Có hộp phấn mở ra thì hóa ra đất đỏ. Lưu lấy làm lạ. Cô gái bưng miệng cười nói: 
    - Vụ trôm mấy năm trước, nay bị phát giác rồi. Ngày ấy, thấy chàng để mặc thiếp tự gói, không xem lại thật giả, nên làm thế để bỡn nhau đấy thôi.
    Đang lúc cười đùa, một người vén màn bước vào nói: 
    - Thích ý như thế, thì phải tạ ơn bà mối chứ? 
    Lưu nhìn lại thì lại một A Tú nữa, vội gọi mẹ. Mẹ và người nhà đều cùng đến, mà không ai pân biệt được. Lưu vừa đảo mắt một cái cũng lẫn luôn. Phải chú mục giây lâu mới biết mà vái tạ. Cô gái ấy tìm gương tự soi, rồi thẹn thùng đi vội ra, theo tìm thì đã biến mất rồi. Vợ chồng cảm nghĩa lập bài vị thờ trong nhà. 
    Một đêm, Lưu uống rượu say về, trong nhà tối tăm không có ai, đương tìm đèn để thắp thì A Tú đến. Lưu kéo lại hỏi đi đâu, cười nói rằng: 
    - Hơi men sặc người, làm người ta không chịu được. Như thế mà còn tra hỏi vòng vo! Ai đã trốn vào ruộng dâu đâu nào! 
    Lưu cười nâng hai má nàng lên. Cô gái nói tiếp: 
    - Chàng trông thiếp với chị hồ ai hơn? 
    Lưu nói: 
    - Mình đẹp hơn, nhưng người nào chỉ xem bề ngoài thì không sao phân biệt được. 
    Thế rồi khép cửa lại ôm nhau giao hợp, chốc lát có tiếng gõ cửa, cô gái liền đứngdậy cười nói: 
    - Chàng cũng là kẻ chỉ biết xem bề ngoài thôi nhá. 
    Lưu chưa hiểu, ra mở cửa thì A Tú bước vào, rất kinh ngạc, mới biết người vừa nói chuyện vừa rồi là hồ. Trong đêm tối lại nghe thấy tiếng cười. Hai vợ chồng trông vào quảng không mà vái, cầu xin nàng hiện hình trơ lại. Hồ nói: 
    - Tôi không muốn trông thấy A Tú. 
    Hỏi: 
    - Tại sao không biến thành khuôn mặt khác? 
    Nói: 
    - Không thể được. 
    Hỏi tại sao, nói rằng: 
    - A Tú là em gái tôi, kiếp trước không may chết yểu. Khi còn sống, cùng tôi theo mẹ lên thiên cung, thấy Tây Vương Mẫu đem lòng yêu mến, lúc về cồ sức bắt chước. Em tôi thông tuệ hơn tôi, chỉ một tháng là bắt chước giống hệt, tôi học đến ba tháng mới giống mà rồi cũng không bằng nó. Đến nay đã khác kiếp, tự nghĩ hơn nó, không ngờ vẫn như ngày xưa. Tôi cảm lòng thành của hai người, nên thỉnh thoảng sẽ đến thăm, bây giờ thì đi đây. 
    Liền không nói gì nữa. Từ đấy, dăm ba ngày lại đến một lần, những việc khó khăn nghi ngại đều giải quyết được cả. 
    Khi A Tú về thăm cha mẹ thì ở luôn mấy ngày không đi, người nhà đều sợ mà tránh. Nhà có mất gì thì lại ăn mặc kịch sự, cài cái trâm đồi mồi dài mấy tấc, bắt người nhà đứng xung quanh, rồi nghiêm giọng bảo rằng: 
    - Vật lấy trộm, đêm nay phải mang đến chỗ ấy chỗ nọ mà để, nếu không đầu sẽ nhức buốt lên, hối không kịp đâu. 
    Trời sáng quả lấy lại được đúng chỗ đã bảo. 
    Ba năm sau, tuyệt không đến nữa. Bỗng nhiên gặp chuyện mất tiền lụa. A Tú bắt chước ăn mặc đúng như cô ta mà đe người nhà, cũng thường thấy kiến hiệu. 
    :) 
    ĐỖ NGỌC TOẠI dịch 
    Chú thích 
    (*) một huyện thuộc tỉnh Giang Tô 
    (**) Trong bản chúng tôi dùng làm gốc, cô gái không xưng tên. Nhưng xét toàn bộ câu chuyện thì không ở đâu xưng tên nữa, vì vậy chúng tôi tham khảo thêm các bản khác mà thêm vào câu này. 
    (***) Dây giòng xuống giếng để múc nước. 


Cô Tư Họ Hồ ( Hồ Tứ Thư )
    Thư sinh họ Thượng, ngường đất Thái Sơn (*), ở một mình nơi thư trai thanh tịnh. Gặp đêm thu, sông Ngân vằng vặc, trăng sáng lưng trời, chàng bồi hồi dưới bóng hoa, thả hồn tưởng nghĩ xa xôi. Bỗng một cô gái trèo qua tường vào, cười nói: 
    - Cậu tú nghĩ gì lung thế? 
    Chàng đến gần nhìn thì mặt đẹp như tiên, mừng đến thảng thốt. bèn dìu nàng vào, cùng nhau ân ái thỏa sức. Nàng tự xưng họ Hồ, tên là cô Ba. Hỏi nhà cửa ở đâu, chỉ cười không nói. Chàng cũng thôi không cật vấn nữa, chỉ hẹn gắn bó lâu dài mà thôi. Từ đó không đêm nào nằm suông. 
    Một đêm ngồi kề đùi dưới ánh đèn thấp thoáng sau mán, chàng yêu quá, mắt nhìn nàng không chớp. Nàng cười nói: 
    - Sao nhìn thiếp đăm đăm thế? 
    Chàng đáp: 
    - Nàng như hoa hồng dược, hoa bích đào, nhìn suốt đêm cũng không chán. 
    Cô Ba nói: 
    - Thiếp thô lậu thế này mà còn được mắt xanh tưởng đến, nều gặp em Tư nhà thiếp thì không biết chàng còn điên đảo đến đâu. 
    Chàng nghe vậy càng thêm động lòng, chỉ hận chưađược một lần thấy mặt, bèn quỳ gối van nài. Đêm sau quả nhiên cô gái dắt cô Tư cùng đến. Tuổi mới cập kê, như hoa sen đượm sương, hoa hạnh khói tỏa, nét cười tươi rói, xinh đẹp tuyệt trần. Chàng mừng cuống cuồng, vội dẫn vào ngồi. 
    Trong khi cô Ba cùng chàng chuyện trò cười nói thì cô Tư chỉ ngồi cúi đầu, tay mân mê giảu lưng thêu. Lát sau cô Ba đứng dậy cáo biệt, em gái cũng định ra theo, nhưng chàng kéo lại, không chịu buông, mắt nhìn sang cô Ba cầu cứu: 
    - Ái Khanh, phiền nàng nói giúp một câu. 
    Cô Ba bèn cười nói: 
    - Anh chàng cuồng si này yêu quýnh lên thật rồi. Em hãy nán lại một lát. 
    Thấy cô Tư không nói gì, cô chị mới giã từ ra đi. Hai người bèn giao hoan thật thỏa thích. Xong đâu đấy mới gối đầu trên cánh tay, thố lộ hết chuyện bình sinh, không còn dấu diếm điều gì. Cô Tư tự nói mình là hồ, nhưng chàng Thượng vì đang mê đắm nhan sắc nên cũng không lấy thế làm quái lạ. Cô Tư nhân thế lại nói: 
    - Chị Ba em ác độc như lang sói, nghiệp của chị là phải giết được ba người. Ai đã bị chị mê hoặc thì không tránh khỏi chết. Em may mắn được chàng đoái thương, không nỡ nhìn chàng bị hại, hãy sớm dứt tình với chị đi. 
    Chàng sợ, xin bày cho cách đối phó. Cô Tư nói: 
    - Em tuy là hồ, nhưng lại học được chính pháp của tiên. Để em viết một lá bùa dán lên cửa phòng ngủ của chàng thì có thể dứt bỏ được. 
    Nói rồi viết liền. Trời sáng, cô Ba trở lại thấy bùa bèn lui ra nói: 
    - Con tiện tỳ này nỡ phụ bụng ta! Hết lòng với tân lang mà không nhớ gì đến bà mối nữa. Song hai chúng bay cũng có chút duyên trước với nhau, ta chẳng thù hận gì. Có điều hà tất phải làm thế. 
    Nói rồi đi ngay. Mấy hôm sau cô Tư có việc phải đi nơi khác, hẹn cách một đêm sẽ đến. Hôm đó, chàng ngẩu nhiên ra cửa nhìn về phía xa, nơi đám rừng sồi dưới chân núi. Chợt thấy một thiếu phụ từ trong lùm cỏ rậm đi ra, nhác trông cũng ra chiều phong vận. Nàng đến gần bảo chàng: 
    - Cậu tú việc gì phải bo bo quyến luyến chị em nhà họ Hồ? Chúng có đồng nào để tặng chàng đâu! 
    Nói rồi đưa ngay cho Thượng một quan, bảo: 
    - Hãy cầm về trước mua rượu ngon, thiếp sẽ đem một ít đồ nhắm đến để vui cùng với chàng. 
    Thượng cầm tiền về, làm như lời dặn. Lát sau thiếu phụ đến, đặt lên bàn một con gà quay, một vai lợn muối, rồi rút dao thái thành từng miếng. Rượu rót ra cùng nhắm, chuyện trò đùa giỡn vui vẻ lạ thường. Rồi tắt đèn lên giường, yêu đương quấn quít, buông thả đến cùng cực. Trời sáng mới dậy. Đang ngồi ở đầu giường xỏ chân vào giày, bỗng nghe có tiếng người. Vừa mới lắng tai, bước chân đã vào đến màn ngủ, thì ra chính là chị em họ Hồ. Thiếu phụ vừa nhìn thấy liền vội vàng lẩn trốn, bỏ lại đôi giày cạnh giường. Hai chị em đuổi theo mắng rằng: 
    - Con chồn ô uế kia, sao dám cùng ngủ với người? 
    Đuổi một lúc lâu mới quay lại. Cô Tư giận dỗi nói: 
    - Chàng không thể khá được! Đã chung chạ với con chồn ô uế ấy thì không thể thân cận được nữa! 
    Nàng đùng đùng bỏ đi. Chàng hoảng sợ, phải tự mình tạ lỗi, lời lẽ khẩn khoảng rất thảm. Cô Ba đứng bên hòa giải giúp, cơn giận của cô Tư mới tạm nguôi. Tư đó lại yêu mến nhau như buổi đầu. 
    Một hôm có người ở đất Thiểm cưỡi lừa đi qua cửa nói: 
    - Ta đi tìm loài yêu quái, chẳng phải một sớm một chiều, thế mà mãi hôm nay mới gặp. 
    Người cha nghe nói lấy làm lạ hỏi rõ nguồn cơn, thì nói: 
    - Tiểu sinh ngày ngày lênh đênh với khói sóng, du ngoạn bốn phương; một năm hơn mười tháng thì vắng nhà đến tám chín. Bọn yêu quái nhân đó đã giết hại em trai tôi. Khi trở về biết tin, lòng khôn xiết đau thương, uất hận, thề phải tìm diệt chúng kỳ hết. Bôn ba đã mấy nghìn dặm mà tuyệt chưa thấy dấu vết gì. Hôm nay biết chúng đang ở trong nhà cụ. Nếu không diệt đi hẳn sẽ lại bị hại như em tôi. 
    Thường ngày chàng ngấm ngầm đi lại với cô gái, cha mẹ đã phọng phanh biết chuyện.Nghe khách nói thế, ông bà rất sợ, xin mời vào nhà, xin làm phép trừ yểm. Khách lấy ra hai bình, đặt xuống đất, niệm chú một lúc lâu. Bỗng bốn luồng khói đen bay tới, chia ra mà chui lọt vào trong hai bình. Khách mừng nói: 
    - Cả nhà nó đều vào đây hết rồi! 
    Sau đó lấy bong bóng lợn bịt miệng bình, buộc lại thật chặt. Cha chàng cũng mừng, cố giữ khách lại dùng cơm. Riêng chàng thấy buồn bã trong lòng, lại gâ2n bình nhìn trộm. Bỗng nghe cô Tư ở trong bình nói vọng ra: 
    - Nỡ ngồi nhìn mà không cứu, sao chàng phụ lòng nhau đến thế? 
    Chàng càng cảm động, vội mở miệng bình, nhưng dây buộc không thể cởi ra được. Cô Tư lại nói: 
    - Đừng làm thế. Chỉ cần hất đổ lá cờ trên đàn cúng, lấy kim châm thủng một lỗ trên lớp bong bóng là em sẽ ra được ngay. 
    Chàng làm như lời cô gái, quả nhiên trông thấy một sợi khói trắng chui qua chỗ kim châm, bay vụt lên trời đi mất. 
    Khách ra, thấy cờ đổ xuống đất, cả sợ nói: 
    - Trốn mất rồi! Việc này chắc hẳn là do công tử thôi. 
    Bèn lắc bình, ghé tai nghe rồi nói: 
    - May chỉ có một con trốn thoát. Con này dẫu có giao hợp với người cũng chẳng chết ai; còn có thể tha được. 
    Nói rồi mang bình từ biệt mà đi. 
    Về sau, có lần chàng đang trông coi người gặt lúa ngoài đồng, chợt xa xa thấy cô Tư ngồi dưới gốc cây. Chàng đến cầm tay ân cần hỏi thăm. nàng đáp: 
    - Xa nhau chốc đã mười năm. Nay tu luyện đã thành, chỉ vì lòng nhớ chàng chưa dứt nên trở lại thăm nhau một lần nữa. 
    Chàng muốn đưa náng cùng về, nàng nói: 
    - Thiếp bây giờ không còn như ngày xưa; không thể vướng vào ái tình nơi cõi trần được nữa, sau này sẽ còn gặp lại nhau. 
    Nói rồi chẳng thấy đâu nữa. 
    Lại hơn hai chục năm qua, vừa khi chàng đang ở nhà một mình thì cô Tư từ ngoài bước vào. Chàng mừng rỡ, cùng trò chuyện. Cô gái nói: 
    - Thiếp nay đã ghi tên trong sổ tiên, lẽ ra không trở lại cõi trần. Nhưng cảm lòng chàng, thiếp đến báo tin cho chàng biết: hạn kỳ tuổi thọ đã hết, hãy sớm thu xếp việc nhà. Cũng đừng buồn phiền, thiếp sẽ độ trì cho chàng làm quỷ tiên, cũng không đến nỗi khổ đâu. 
    Nói rồi từ biệt mà đi. Đến ngày quả nhiên chàng qua đời. 
    Thư sinh họ Thương là người thân thích của Lý Văn Ngọc, bạn ta chính chàng đã từng được gặp. 
    Chú thích 
    *) đất Thái Sơn : tên quận, thuộc tỉnh Sơn Đông. 
    
Công Tử Họ Vi ( Vi Công Tử )

    Công tử họ Vi dòng dõi thế gia ở Hàm Dương (*) tính buông thả dâm dật. Những người hầu gái có nhan sắc trong nhà không ai thoát khỏi bàn tay chàng. Chàng từng mang mấy nghìn vàng ra đi, tính thưởng thức hết kỹ nữ danh tiếng trong thiên hạ. Các chốn phồn hoa không đâu không tới. Không phong nhã lắm thì ngủ một đêm rồi đi ngay. Còn như vừa ý thì lưu lại hàng trăm ngày. 
    Chú ruột chàng cũng là một vị quan có tiếng, mới hồi hưu, thấy hạnh kiểm cháu như vậy thì giận lắm, bèn mời thầy giỏi về nhà, dựng một cơ ngơi riêng, bắt cháu cùng các con đóng cửa học tập. Tối đến, công tử chờ thầy ngủ rồi, trèo tườing trốn về, sáng mới trở lại; như thế đã thành quen. Một hôm bị trợn chân ngã, gãy cánh tay, thầy mới biết, báo cho chú. Ông liền đánh cho một trận bò lê bò càng rồi mới thuốc thang cho. Khi khỏi ông lại giao hẹn: nếu học vược hẳn các em, văn hay chữ tốt, thì đi chơi không cấm. Nhưng vụng trộm giở trò phóng dật thì sẽ bị đánh đòn như trước. 
    Công tử rất thông minh, học thường vượt mức. Vài năm sau đậu khoa thi hương. Chàng muốn bỏ lời ước cũ, nhưng người chú vẫn ra sức kiềm chế. Chàng lên kinh đô, ông sai người lão bộc đi theo, giao cho một quyển sổ nhật ký, dặn phải ghi chép lời nói việc làm của chàng hàng ngày. Vì vậy liền mấy năm, chàng không có hành vi gì sai trái. 
    Sau khi đậu tiến sĩ, ông chú mới hơi nới lệnh cấm. Công tử muốn làm gì vẫn sợ chú biết. Vào chơi các ngỏ hẻm, phải giả danh là họ Ngụy. Một hôm, qua Tây An, thấy một thiếu niên làm con hát tên là La Huệ Khanh, tuổi độ mười sáu mười bảy, xinh đẹp như con gái. Chàng thích lắm đêm giữ lại quấn quít, rồi cho rất nhiều tiền. Ngh nói cô vợ mới cưới của Huệ Khanh lại còn phong nhã, tình tứ hơn, chàng ngỏ ý riêng với Huệ Khanh. Huệ Khanh không tỏ ra khó chịu, tối đến dấn vợ tới thực. Ba người ngủ chung một giường. Lưu lại vài hôm, quyến luyến yêu đương rất mực. Bàn tính đem nhau cùng về. Hỏi tới người nhà, Huệ Khanh đáp rằng: 
    - Mẹ mất sớm chỉ còn cha. Tôi vốn không phải họ La. Mẹ tôi hồi nhỏ hầu hạ nhà họ Vi ở Hàm Dương. Bị bán hết nhà họ La được bốn tháng thì sinh ra tôi. Nếu được theo công tử về, may ra cũng hỏi thăm được gốc gác. 
    Công tử kinh ngạc, hỏi đến họ của người mẹ. Khanh đáp: 
    - Họ Lã. 
    Chàng kinh hãi cực độ, mồ hôi toát đầm mình mẩy. Vì mẹ Khanh chính là thị tỳ nhà chàng trước kia. 
    Chàng không nói một lời. Lúc ấy trời đã sáng. Chàng cho Huệ Khanh rất nhiều tiền và khuyên cậu nên bỏ nghề. Rồi vờ thác còn có việc phải đi, hẹn khi nào trở về sẽ cho gọi, thế là chàng từ giã bỏ đi tuốt. 
    Sau được bổ làm quan huyện ở Tô Châu. Ở đây có một con hát tên là Thẩm Vi Nương, xinh nhã tuyệt trần. Chàng rất yêu, giữ lại cùng chung chăn gối. Đùa cợt, hỏi nàng rằng: 
    - Tiểu tự của em có phải lấy ý tứ câu thơ: " Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương" chăng? 
    Nàng đáp: 
    - Không phải thế. Mẹ em mười bảy tuổi đã là kỳ nữ nổi tiếng. Có vị công tử ở Hàm Dương cùng họ với ngài, lưu lại cùng mê em ba tháng, thề thốt chuyện cưới xin. Công tử đi rồi, tám tháng sau thì sinh ra em. Do đó mới đặt tên là Vi. Thực ra đó là họ của em. Lúc lâm biệt công tử có tặng mẹ em đôi chim uyên ương bằng vàng, đến nay hãy còn. Sau khi công tử bỏ đi, bặt không tin tức. Mẹ em vì phẫn uất buồn rầu mà chết. Tư thuở lên ba, em được bà Thẩm nuôi nấng, bèn lầy theo họ Thâm. 
    Công tử nghe nói xấu hổ không còn chịu nổi. Lặng đi một lúc, chợt nảy ra một kế. Chàng chợt nhỏm dậy khêu đèn, gọi Vi Nương vào uống rượu rồi ngầm bỏ thuốc độc vào trong chén. Vi Nương vừa nuốt khỏi cổ, lliền vật vã kêu rên, mọi người chạy tới, thì đã tắt thở. Chàng gọi con hát đến, giao phó tử thi, rồi đút lót cho chúng rất nhiều tiền. 
    Nhưng những kẻ giao hảo với Vi Nương hết thảy lại là đám con nhà thần thế. Nghe tin chúng đều bất bình, cho tiền và xúi giục con hát kiện lên quan trên. Chàng hoảng sợ, phải dốc sạch túi chạy vạy dập đi. Cuối cùng chàng bị cách chức vì tội sa đà bừa bãi. 
    Trở về nhà, tuổi đã ba mươi tám, chàng rất hối hận về những việc làm làm khi trước, mà vợ và hầu gái năm sáu người đều không có con. Muốn xin đứa cháu nội của ông chú về làm con kế tự, nhưng ông nghĩ cửa nhà ấy vô hạnh, vợ trẻ con nhiễm phải thói xấu, nên tuy nhận lời cho thừa kế, song phải đợi khi nào chàng già yếu mới cho sang. Chàng phẫn uất muốn cho gọi Huệ Khanh, người nhà đều cho là không được, bèn thôi. 
    Vài năm sau, chàng bỗng lâm bệnh, thường đấm vào ngực mà nói rằng: "Dâm bôn với con hầu, ngủ với kỹ nữ không phải là giống người". Ông chú nghe thấy thế bảo: 
    - Thế này thì sắp chết rồi. 
    Bèn cho đứa con của người con trai thứ sang nhà chàng để sớm hôm nâng giấc. Hơn một tháng, quả nhiên chàng mất. 
    (*) Hàm Dương : một huyện thuộc tỉnh Thiểm Tây. 


Uông Sĩ Tú
    Ở Lỗ Châu (*) có chàng Uông Sĩ Tú là người cứng cỏi, khỏe mạnh, nhấc bổng đưọc cối đá. Hai bố con chàng đều giỏi đá bóng. Năm người bố ngoại tứ tuần, khi qua sông Tiền Đường bị chết đuối. Tám chín năm sau, Uông có việc đến Hà Nam, đêm đậu thuyền trên hồ Động Đình. Lúc bấy giờ trăng rằm nhô lên ở đỉnh đằng Đông, mặt nước lặn trông khác nào tấm lụa. Uông đang ngắm nhìn, bỗng thấy năm người từ dưới hồ nhô lên, mang theo chiếc chiếc rất to, trải lên mặt hồ rộng ước nửa mẫu, đoạn lăng xăng bày tiệc rượu, cốc chén chạm nhau lách cách, song tiếng va dịu trầm, không tiếng sành sứ. Bày xong ba người ngồi xuống chiếu, hai ngườikia hầu rượu. Trong số người ngồi, một áo vàng, hai áo trắng, cả ba đều đội khăn màu xám cao ngất nghiểu, đuôi khăn viền với vai và lưng,, kiểu rất khác lạ; phải nỗi trăng sáng mênh mang, trông không được rõ lắm. Hai người hầu đều mặt áo đen, một người tựa tiểu đồng, một người tựa ông già. 
    Chợt nghe người áo vàng nói: 
    - Đêm nay trăng đẹp tuyệt phải uống cho thỏa thích mới được. 
    Người áo trắng đáp: 
    - Phong cảnh đêm nay chẳng khác nào cái hôm Quảng Lợi Vương thết tiệc ở đảo Lê Hoa. 
    Ba người chuốc rượu lẫn nhau, nâng chén phù bạch(**) nhưng nói hơi khẽ nên không nghe được câu nào nữa. 
    Người lái thuyền nép mình, không dám thở mạnh. Uông nhìn kỹ người hầu già thấy rất giống cha, nhưng nghe tiếng nói lại không giống. Canh hai sắp tàn, bỗng một người nói: 
    - Nhân lúc trăng sáng thế này, nên đem bóng ra đá cho vui. 
    Tức thì thấy tên tiểu đồng ngụp xuống nước lấy lên một quả bóng to đẫy một ôm, bên trong chứa đầy chất gì như thủy ngân, sáng thấu từ trong ra ngoài. Mấy người ngồi đứng dậy cả. Người áo vàng gọi ông già cùng đá. Họ đá bổng lên đến hơn một trượng, bóng đi lấp loáng chói cả mắt. Lát sau nghe "bình" một tiếng, bóng từ xa bay vọt vào khoang thuyền. Uông ngứa nghề lấy hết sức đá trả, thấy bóng nhẹ lạ thường. Cú đá mạnh như phá, bóng vọt cao lên mấy lần, mỗi lần lên đến gần trượng, bên trong có cái gì bắn sáng ra, tia xuống tựa cầu vồng, rồi bỗng rơi xuống rất nhanh như một ngôi sao chổi lao thẳng xuống nước, sôi lên mấy tiếng ùng ục rồi mới tắt ngấm. 
    Mấy người trên tiệc chiếu đều nổi giận: 
    - Đứa trần tục quái nào dám làm chúng tao mất hứng thế? 
    Người hầu già cười: 
    - Không tồi! Không tồi! Đó là món "quặt sao băng" (***) của nhà tôi đấy! 
    Người áo trắng nghe giọng bỡn cợt ấy thì trừng mắt lên, giận dữ: 
    - Ta đang bực mình, thằng hầu già lại dám vui đùa hả? Mau cùng thằng oắt áo đen đi bắt tên ngông cuồng kia về đây, bằng không chân cẳn chúng baysẽ được xơi dùi đấy! 
    Uông liệu chẳng trốn đi đâu được nên cũng không sợ nữa, bèn xách dao đứng giữa thuyền. Thấy ông già và tiểu đồng cầm khí giới đi đến, Uông nhìn kỹ thì đúng là cha mình thật, vội vàng gọi to: 
    - Cha ơi! Con đây mà! 
    Ông già kinh sợ, nhìn con mà buồn đứt rả ruột. Tiểu đồng thấy vậy quay về ngay. Ông già bảo: 
    -- Con trốn ngay đi kẻo chết cả hai cha con bây giờ. 
    Nói chưa dứt lời ba người kia đã lêen cả trên thuyền. Người nào người nấy mặt đen sì, mắt to hơn trái lựu. Chúng túm lấy ông già lôi đi, Uông cố sức giằng lại làm thuyền tròng trành đứt cả dây néo. Chàng dùng dao chém đứt được cánh tay một người rơi xuống. Người áo vàng bỏ chạy, một người áo trắng xông tới. Uông cứ nhằm đầu mà chém, hắn ngã "ùm" xuống nước rồi mất tăm. 
    Hai cha con đang tính trẩy thuyền đi ngay đêm ấy thì thấy một cái mõm rất to nổi lên khỏi mặt nước. Mõm ấy sâu, miệng như miệng giếng nước hồ bốn bên chảy cả vào đó, réo lên thành tiếng ào ào. Lát sau nó phụt nước lên, đánh sóng cao ngất đến tận nhưng vì sao, làm hàng vạn chiếc thuyền đều bị lắc tròng trành. Người trên hồ đều sợ khiếp vía. Trên thuyền của Uông có hai cái trống đá, mỗi cái nặng đến hơn trăm cân, chàng nhấc một cái ném xuống, nước bắn tóe lên vang như sấm, sóng êm dần; ném cái nữa, sóng gió lặn hẵn. 
    Uông ngờ cha mình là ma. Ông già nói: 
    -Cha chưa chết con ạ. Mười người đắm đò thì bọn yêu quái ăn thịt đến chín. Cha vì giỏi đá bóng mà được toàn tánh mạng. Bọn yêu đắc tội với Đức Vương ở sông Tiền Đường nên chúng phải tránh sang hồ Động Đình này. Cả ba đưá đều là cá thành tinh, quả bóng vừa đá là bong bóng cá đấy. 
    Cha con mừng rỡ, chèo thuyền đi ngay lúc nửa đêm. Sáng ra thấy trên thuyền có cái vây cá, đường kính dài đến bốn năm thước ,mới chợt nghĩ ra đó là cánh tay chặt đứ được đêm qua. 
    Chú thích 
    (*) Lô Châu : tên phủ, thuộc tỉnh An Huy. 
    (**) Phù bạch: tên một loại chén uống rượu. 
    (***) Quặt sao băng (lưu tinh quái) : tên gọi một ngón đá bóng, người đá nhấc hân trái lên trước rồi chân phải từ phía sau đá bóng bay đi. 
Liên Tỏa
    Dương Vu Úy dời nhà đến sông Tứ Thủy (*); phòng học trông ra mộ cánh đồng ruộng có nhiều ngôi mộ cổ ở ngoài tường. Đêm nghe hàng bạch dương lao xao như tiếng sóng vỗ. Đêm tàn đốt đèn ngồi, lòng đang buồn rượi bỗng nghe phía ngoài tường có tiếng ngâm thơ: 
    Gió lạnh xoay chiều giữa bóng đêm, 
    Đóm bay trong cỏ, đậu lên rèm. 
    Ngâm đi ngâm lại nghe rất buồn thảm. Lắng nghe giọng ngâm nhỏ nhẹ uyển chuyển như tiếng con gái, lấy làm ngờ. Sáng hôm sau, nhìn ra ngoài tường chẳng thấy dấu vết một ai, duy chỉ có một dải lụa tím rơi giữa đám gai góc; Dương nhặt về đặt lên song cửa sổ. Khoảng canh hai đêm ấy lại nghe tiếng ngâm như hôm trước. Dương bắt ghế nhòm ra, tiếng ngâm im bặt, biết là ma, nhưng vẫn có lòng ái mộ. đêms au chàng rình nấp ở mé đầu tường. Canh một gần tàn từ trong đám cỏ, có người con gái lững thững bước ra, đến vịnh tay vào một cành cây nhỏ, cúi đầu ngâm ảo não. Dương khẽ đằng hắng, cô gái vội lẩn vào đám cỏ hoang biến mất. Từ đó Dương nấp chờ dưới tường, nghe nàng ngâm xong liền từ bên này tường ngâm tiếp:
    Nỗi buồn trăm mối nào ai tỏ, 
    Áo chiếc trăng lên, luống lạnh thêm. 
    Hồi lâu vẫn thấy lặng im, Dương đi vào phòng. Vừa ngồi xuống, bỗng thấy người đẹp từ ngoài đi vào, khép vạt áo nói: 
    - Quân tử là bậc sĩ nhân phong nhã, thế mà thiếp sợ hãi lẩn tránh. 
    Dương mừng, kéo áo mời ngồi, thấy nàng gầy héo lạnh buốt, dường như không mang nổi áo. Hỏi nàng quê quán nơi nào, ngụ đây đã lâu chưa? 
    Đáp rằng: 
    - Thiếp người Lũng Tây, theo cha lưu ngụ ở đây, năm mười bảy tuổi bỗng bị bạo bệnh mà chết. Đến nay đã hơn hai mươi năm rồi. Chốn cửu tuyền hoang dã lẻ loi vắng vẻ như thân cò. Lời ngâm đó là do thiếp tự nghĩ ra để gửi gắm mối sầu hận. Nghĩ lâu rồi mà chưa nối vần được, nay đội ơn chàng làm tiếp, dưới suối vàng cũng thấy lòng vui sướng. 
    Dương muốn cùng nàng giao hoan, nàng buồn bã nói: 
    - Nắm xương nát chốn dạ đài không thể ví với người sống được. Nếu làm chuyện mây mưa tăm tối sẽ làm cho người ta đoản thọ. Thiếp không nỡ gây họa cho bậc quân tử. 
    Dương bèn thôi. Đùa bỡn đưa tay thăm dò trên ngực thì thấy núm vú còn hồng mào gà, rõ ràng vẫn là gái đồng trinh. Lại toan nhìn xuống đôi giày dưới quần cô gái, nàng cúi mặt cười: 
    - Anh chàng cuồng si này thật là phiền nhiễu. 
    Dương cầm lên xem, một chiếc tất gấm màu nguyệt bạch buộc bằng những sợi tơ ngũ sắc; lại nhìn chiếc bên kia thì thắt bằng dải lụa màu tím. Hỏi sau không thắt cùng một dải giống nhau thì nàng đáp: 
    - Đêm trước sợ chàng, chạy trốn, không biết rơi ở chỗ nào. 
    Dương nói: 
    - Để tôi tay chiếc khác cho nàng. 
    Nói rồi lấy trên cửa sổ xuống đưa cho cô gái. Nàng kinh ngạc hỏi ở đâu ra, chàng nhân kể lại đầu đuôi. Bèn dứt bỏ sợi tơ đi mà buộc lại bằng dải lụa. Lúc sau lật xem sách trên án, bỗng thấy tập Liên Xương Cung Từ (**) nàng thở dài: 
    - Lúc sinh thời thiếp thích nhât đọc sách này. Nay nhìn thấy tưởng như trong mộng. 
    Rồi cùng đàm đạo thơ văn, thì thông minh lanh lợi rất đáng yêu. Liền chong đèm ngồi cửa sổ hướng Tây, như gặp được người bạn tốt. Tư đó, đêm đêm hễ nghe tiếng ngâm nga khe khẽ thì lát sau nàng đã đến. Lại dặn: 
    - Chàng giữ kín đừng nói với ai. Thiếp nhút nhát, sợ có kẻ thô bạo đến bắt nạt. 
    Dương nhận lời; Hai người hoà hợp như cá với nước. Tuy không đến nỗi quá sàm sỗ, nhưng nơi khuê phòng còn nồng nàn hơn cái tình chồng kẻ lông mày cho vợ. 
    Nàng thường ngồi dưới đèn chép sách cho Dương, nét chữ mềm mại và ngay ngắn. Lại tự chọn một trăm bài từ trong cung (***) chép riêng ra để đọc. Nàng bảo Dương sắm bàn cờ mua đàn tỳ bà, mỗi đêm thường dạy Dương đánh cờ, nếu không chơi cờ thì dạo khúc Tiêu song linh vũ, buồn đến não lòng. Dương không thể nào nghe trọn bài ấy được, thì nàng chuyển lại chơi khúc Hiểu uyển oanh thanh, bất giáctâm hồn chàng trở nên thanh thản. Rồi khêu đèn diễn trò, vui quên cả sáng, nhìn ra ngoài song thấy ánh dương le lói mới vội vã trốn đi. 
    Một hôm, thư sinh họ Tiết đến thăm, gặp Dương đang ngủ ngày. Nhìn trong phòng thì bàn cờ, đàn tỳ bà còn đó, biết là những thứ mà bạn không sành. Lại giở sách xem thì thấy tập cung từ, chữ viết đẹp và ngay ngắn, càng thêm ngờ. Dương tỉnh dậy, Tiết hỏi những đồ chơi ấy ở đâu ra. 
    Đáp rằng: 
    - Đang định học đấy! 
    Lại hỏi đến tập thơ, Dương nói dối là mượn của nguời bạn. Tiết lật từng trang xem, thấy ở trang cuối có dòng chữ rất nhỏ: "ngày... tháng ...Liên Tỏa chép", liền cười: 
    - Đây là tên tự của con gái, sao giấu nhau mãi thế? 
    Dương bí quá không biết nói sao. Tiết càng gặn hỏi, Dương vẫn không chịu nói. Tiết kẹp quyển sách nhất định mang đi, Dương càng quẫn đành phải nói thật. Tiết xin được gặp mặt nàng. Dương nhân nhắc lại lời nàng căn dặn; Tiết càng thiết tha ngưỡng mộ hơn, Dương bất đắc dĩ phải nhận lời. 
    Nửa đêm cô gái đến, Dương chuyển lời cầu khẩn của bạn. Nàng nổi giận: 
    - Dặn anh thế nào mà lại bép xép với người khác rồi? 
    Dương đem hết tình thực ra nói, nàng bảo: 
    - Duyên phận với chàng đến đây là hết. 
    Dương khuyên giải bằng trăm cách, rốt cuộc nàng vẫn không vui, đứng dậy từ biệt, nói: 
    - Thiếp tạm lánh mặt họ đã. 
    Hôm sau Tiết đến, Dương chuyển lời nàng rằng không được. Tiết ngờ chàng thoái thác, chiều tối bèn cùng hai người bạn đồng song đến nhà Dương ở lì lại không chịu đi, cố ý quấy nhiễu làm ầm ỹ suốt đêm, khiến Dương phải thức trắng, mà vẫn chẳng có gì. Chúng thấy mấy đêm liền vẫn yên vắng, nên bụng cũng hơi khoái chí, sự huyên náo dần dần lắng xuống. Bỗng nhiên có tiếng ngâm thơ cất lên. Cả bọn cùng để ý nghe, giọng ngâm buồn não ruột. Đương lúc Tiết lằng tay chăm chú, thì một anh chàng học võ họ Vương cùng trong đám bè bạn, nhặt hòn đá to ném ra ngoài rồi nói lớn:
    - Làm bộ không cho khách gặp mặt; câu thơ thậm hay lại nỉ non rầu rĩ khiến người ta buồn phiền? 
    Tiếng ngâm thơ tắt ngay. Mọi người đều bực tức, Dương uất quá để lộ ra cả nét mặt, lời nói. Hôm sau, cả bọn mới kéo nhau đi. Chỉ còn Dương ở một mình trong thư trai trống vắng, hy vọng cô gái lại tới nữa, nhưng tuyệt nhiên không cìn tăm dạng gì. Qua hai ngày nữa, nàng đột nhiên bước vào, khóc rằng: 
    - Chàng rước đám hung tợn đến nhà quát nạt làm thiếp chết khiếp. 
    Dương cuống quít tạ lỗi, nhưng nàng đã vội vàng đi ra, nói rằng: 
    - Thiếp đã nói duyên phận đã hết rồi, từ nay xin vĩnh biệt. 
    Dương cố níu lại thì đã biến mất. Từ hôm đó đến hơn một tháng sau, nàng không trở lại, Dương thương nhớ đến mình gầy mặt võ nhưng không làm thế nào tìm lại được nàng. 
    Một đêm đang uống rượu một mình, cô gái bỗng vén màn bước vào. Dương mừng quá hỏi: 
    - Nàng tha thứ cho tôi rồi ư? 
    Cô gái nước mắt lã chã, lặng lẽ không nói một lời. Gạn hỏi mãi, nàng định nói lại thôi, chỉ đáp: 
    - Giận dỗi bỏ đi, bây giờ có việc khẩn cấp lại phải đến năn nỉ, thật khó tránh khỏi hổ thẹn. 
    Dương hỏi đi hỏi lại đôi ba phen, mới nói: 
    - Có một đêm nha lại cục súc không biết ở nơi nào đến, buộc thiếp nhận làm vợ lẽ hắn. Nghĩ mình con nhà thanh bạch, không lẽ chịu khuất thân làm vợ con quỷ hèn hạ đó. Nhưng tấm thân yếu đuối kháng cự sao được. Nếu chàng có lòng liệt thiếp vào hàng cầm sắc, ắt không để mặt thiếp sống chết thế nào cũng được. 
    Dương giận quá, phẫn uất muốn chết. Song nghĩ kẻ sống người chết hai đàng khác nhau khó mà dùng sức được. Nàng dặn: 
    - Đêm mai đi ngủ sớm, thiếp sẽ đón chàng trong giắc mộng. 
    Thế rồi cùng nhau trò chuyện, ngồi lại đợi sáng. Trước khi đi, nàng dặn ban ngày chớ có ngủ(****) chờ giữ đúng lời hẹn vào đêm. Dương nghe theo. Buổi chiều chàng uống một chút rượu, nhân lúc chếnh choáng lên giường để nguyên áo xống mà nằm. Bỗng thấy cô gái đến, đưa cho con dao rồi cầm tay dắt đi. Đến một trang viện, vừa mới khép cửa trò chuyện, đã nghe có nguời cầm đá đập vào cánh cửa ầm ầm. Cô gái sợ hãi bảo: 
    - Kẻ thù đến rồi. 
    Dương mở cửa lao ra, thấy một người mũ đỏ áo xanh, râu tua tủa quanh mồm như lông nhím, liền nổi giận quát mắng. Kẻ kia trợn mắt nhìn lại, lời lẽ hung hăng ngạo mạn. Dương càng giận đuổi hắn đi, nhưng tên nha lại nhặt đá ném rào rào như mưa, trúng cổ tay Dương, Dương không thể cầm dao được nữa. Đang lúc nguy cấp, trông xa thấy một người lưng đeo cung tên đi săn giữa đồng. Nhìn kỹ thì ra chàng võ sinh họ Vương, bèn gọi cầu cứu. Chàng Vương giương cung chạy tới, bắn một phát trúng đùi tên nha lại, bồi thêm nhát nữa y lăn ra chết. Dương mừng rỡ cảm tạ. Vương hỏi nguyên do, chàng kể sự tình. Vương cũng lấy làm mừng đã chuộc lỗi cũ, bèn cùng tới nhà cô gái. Nhưng nàng sợ hãi thẹn thùng, chỉ đứng xa không nói một lời. Trên thư án có con dao nhỏ dài chừng hơn một thước, khảm vàng, dát ngọc, rút ra khỏi vỏ thì sáng loáng như gương. Vương tấm tắc khen mãi, không nỡ rời tay. Cùng Dương chuyện trò thấy cô gái e ấp thật tội nghiệp, Vương liền bỏ ra, chia tay mỗi người một ngã. 
    Dương cũng trở về, trèo lên giường ngã sóng soài. Vừa hay giật mình tỉnh dậy, nghe trong thôn gà đã gáy ran. Chợt cảm thấy cổ tay đau nhói, sáng sớm nhìn xem thì da thịt vẫn còn tấy đỏ. Giữa trưa chàng Vương đến, nhân nói đêm qua nằm mơ rất lạ. Dương nói: 
    - Có phải mơ thấy bằn cung không? 
    Vương lấy làm lạ sao bạn lại biết trước như vậy, Dương bèn đưa cổ tay cho xem, kể lại rõ nguyên do. Vương nhớ lại nhan sắc người đẹp trong mộng, chỉ hận rằng không được trông thấy người thật. Lại lấy làm may đã có chút công lao với nàng nên một lần nữa xin cho được thấy dung nhan. Đêm đến nàng tới cảm ơn. Dương nói công của Vương, rồi đạo đạt ý của bạn. Nàng đáp: 
    - Công lao giúo đỡ nghĩ chẳng dám quên, nhưng anh ta dáng dấp hùng dũng, thực lòng thiếp sợ lắm! 
    Lát sau lại nói: 
    - Anh ta thích thanh bội đao của thiếp. Thanh đao ấy vốn thực cha thiếp mua ở Việt Trung, giá một trăm đồng vàng. Thiếp thích nên mới được giữ, lại tết bằng dây kim tuyến, dát bằng ngọc minh châu. Phụ thân thương thiếp chết yểu, chôn nó theo. Nay xin dứt lòng yêu thích đưa tặng. Thâý đao cũng như thấy thiếp vậy. 
    Hôm sau Dương nói lại ý nàng, Vương thích lắm. Đêm đến cô gái quả mang đao lại, dặn: 
    - Bảo anh hãy trân trọng giữ gìn. Đao này không phải là sản vật của Trung Hoa đâu. 
    Từ đấy nàng lại tới lui như xưa. 
    Được vài tháng, bỗng một hôm nàng ngồi dưới đèn nhìn Dương như muốn nói điều gì, nhưng đôi ba phen đỏ mặt lại thôi. Chàng hỏi thì đáp: 
    - Ơn chàng yêu thương đã lâu, thiếp được tiếp hơi người sống, hằng ngày lại ăn thức ăn nấu nướng, nên bộ xương trắng lại có cơ hồi sinh. Song cần có tinh huyết của người sống nữa mơí có thể sống lại được. 
    Dương cười đáp: 
    - Tại nàng không chịu, chứ tôi nào có tiếc gì. 
    Nàng nói: 
    -Sau khi chung đụng chàng tất bị ốm nặng trong hơn hai mươi ngày, nhưng uống thuốc vào sẽ khỏi. 
    Bèn cùng nhau giao hoan. Xong rồi mặc áo ngồi dậy, lại nói: 
    - Cần một giọt máu tươi. Chàng có thể vì yêu mà chịu đau được không? 
    Được. Lấy con dao sắc chích vào cánh tay cho chảy máu. Cô gái nằm trên giường bảo nhỏ vào rốn. Rồi ngồi dậy dặn: 
    - Thiếp không đến nữa. Chàng nhớ tính đủ kỳ hạn trăm ngày, hễ có con chim xanh đậu trên ngọn cây trước mộ thiếp kêu lên mấy tiếng thì phải đào mộ ngay. 
    Dương cẩn thận ghi nhớ lời dặn. Bước ra cửa rồi, nàng còn nghoảnh lại bảo: 
    - Hãy nhớ kỹ đừng quên nhé, sớm hay muộn đều không thể được! 
    Nói rồi ra đi. Hơn mườn ngày sau Dương quả ốm nặng, bụng trướng lên tưởng chết. Thầy lang cho thuốc uống, chàng đi ngoài ra những chất đen nhão như bùn, đúng muời hai hôm thì khỏi. 
    Tính đúng một trăm ngày, chàng sai người nhà vác mai thuổng ra đợi sẵn. Khi mặt trời sắp lặn, quả thấy con chim xanh kêu hai tiếng. Dương mừng nói: 
    - Được rồi! 
    Bèn phát gai góc, đào mộ. Thấy quan quách đã nát mà nét mặt vẫn tươi như người sống, sờ vào còn ấm. Trùm áo mang về, đặt chỗ nằm ấm áp, nghe có hơi thở thoảng nhẹ, mảnh như sợ tơ. Dần dần đổ cháo nóng cho, nửa đêm thì tỉnh hẳn. 
    Vẫn thường bảo Dương rằng: 
    - Hai mươi năm mà như một giấc mộng vậy. 
     
    Chú thích 
    (*) sông Tứ Thủy : thuộc huyện Tứ Thủy, tỉnh Sơn Đông. 
    (**)Liên xương cung từ : tập thơ của Nguyên Chẩn (778-831) nhà thơ đời Đường. 
    (***) Nguyên văn : "cung từ" là những bài thơ chuyên vịnh các việc lặt vặt trong cung cấm, nhất là về số phận người cung nữ. 
    (****) Có bản chép : "ban ngày phải ngủ" 


Hoa Cô Tử
    An Ấu Dư đỗ khoa bạt cống (*) là người ở Thiểm Tây. Tính chuộng nghĩa, hay vung tiền vì người khác, lại thích phóng sinh, gặp ai săn được chim đều không ngại giá cao, mua lấy rồi thả ra. 
    Gặp lúc nhà ông cậu có tang, chàng đến giúp việc đưa đám, chiều tối trở về qua núi Hoa Nhạc, bị lạc lối quẩn quanh trong núi, lòng rất lo sợ. Chợt thấy cách một quãng xa chừng mũi tên bắn có ánh đèn, bèn xăm xăm đi lại. Được mấy bướcbỗng thấy một cụ già lưng còng kéo lê gậy, băng đường tắt đi tới rất mau. An dừng chân toan hỏi thăm thì cụ già đã hỏi trước chàng là ai. An thưa là lạc lối và nói chỗ có ánh đèn kia hẳn là xóm núi, định đến ngủ nhờ. 
    Cụ già bảo: 
    - Đấy không phải là nơi yên ổn đâu. May gặp lão đây, hãy theo về, nhà tranh cũng xếp được nơi nghỉ cho ngài. 
    An mừng quá, đi theo chừng một dặm tới một xóm nhỏ. Ông già gõ vào cửa phên, một bà già ra mở cửa chào hỏi: 
    - Ông nó đã về đấy à? 
    Ông già đáp: 
    - Phải. 
    An bước vào thấy nhà thấp mà hẹp. Cụ già khêu đèn giục chàng ngồi rồi bảo có gì thì bày lên mời khách. Lại bảo với cụ bà: 
    - Ông đây không phải ai khác, chính là ân nhân của nhà ta đó. Bà đi lại không thuận, hãy gọi Hoa Cô Tử ra lọc rượu đi. 
    Lát sau một cô gái bưng mâm bát vào rồi đứng cạnh ông cụ liếc mắt nhìn chàng. An nhìn lại thấy nàng nhỏ tuổi mà xinh đẹp như tiên. Ông già nghoảnh lại sai hâm rượu. Phía Tây phòng trong có lò than, cô gái vào đó cời lửa. An hỏi: 
    - Cô đó là người thế nào với cụ! 
    Cụ già đáp: 
    - Lão họ Chương, bảy chục tuổi đầu chỉ có một mụn con gái đó thôi. Nhà nông ít tôi tớ, lại vì ngài không phải là ai khác lạ, cho nên mới dám gọi vợ con ra bái kiến, mong chớ chê cười! 
    An lại hỏi: 
    - Nhà chồng cô em ở làng nào? 
    Cụ gìa đáp: 
    - Còn chưa có ai. 
    An luôn miệng khen cô gái xinh đẹp thông minh. Cụ già vừa mới ngỏ ý khiêm nhường bô4ng nghe cô gái la hoảng, chạy vào thì rượi sôi lửa bốc. Cụ giập tắt xong, mắng: 
    - Lớn chừng ấy, rượu trào ra không biết à? 
    Ngoái lại thấy bên cạnh lò có hình nữ thần Tử Cô (**) ghép bằng ruột cây quỳ còn dở dang, ông già lại mắng: 
    - Tóc bồng bồng chừng ấy mà còn như con nít. 
    Bèn cầm lên cho An xem và nói: 
    - Nó mải làm cái trò kiếm ăn này để cho rượu sôi trào lên. Được ngài quá khen, há chẳng thẹn chết đi được ư? 
    An ngắm nghía thấy mắt mày xiêm áo làm rất tinh xảo, bèn khen: 
    - Tuy tựa đồ chơi trẻ nhỏ nhưng cũng cho thấy em nhà rất sáng dạ. 
    Chuốc chén giờ lâu, cô gái nhiều lần ra rót rượu, mỉm miệng cười tươi không ngượng ngùng chút nào. An nhìn chăm chú, xao xuyến tâm tình. Bỗng nghe bà cụ gọi, ông lão bèn đi vào. An thấy không có ai, bảo cô gái: 
    - Em đẹp quá khiến tôi mất cả hồn vía. Muốn nhờ mối lái, nhưng sợ việc không thành, ý em thế nào? 
    Nàng lẳng lặng ôm hồ rượu, tới bên lò, dường như không nghe tiếng. Hỏi mấy lần đều không đáp, chàng bèn vào buồng. Cô gái đứng phắt dậy nghiêm mặt nói: 
    - Ông khùng này vào buồng định làm gì thế? 
    An cứ quì nài nỉ mãi, nàng định đi nhanh tới cửa định ra ngoài. Chàng vụt đứng lên chắn lối, ôm chầm lấy, hôn vào miệng vào môi. Nàng run rẩy gọi to lên, ông già vội vàng chạy vào hỏi. An buông tay bước ra, vừa thẹn vừa sợ. Nhưng cô gái thong dong thưa với cha: 
    - Rượu lại sôi trào, nếu ông đây không vào thì tiêu tan cả hồ rượu rồi. 
    An nghe nàng nói như thế trong lòng mới yên, càng cảm ơn nàng, hồn phách đảo điên, mất cả ý định ban nãy. Bèn vờ say rời chiếu rượu, cô gái cũng bỏ ra ngoài. Ông già trải chăn nệm xong, đóng cửa rồi ra nốt. An không ngủ được, trời chưa sáng đã gọi ông cụ từ biệt. 
    Về đến nhà, chàng lập tức nhờ bè bạn thân tới nhà cô gái cầu hôn, nhưng mất cả ngày rồi về mà không tìm được xóm nhà đâu cả. An bèn sai người hầu thắng yên cương tự tìm đường đi đến. Đến nơi chỉ thấy vách núi cao ngất, chẳng có xóm làng nào. Hỏi thăm các thôn xóm gần quanh thì chẳng có mấy ai họ Chương . Chàng thất vọng ra về, bỏ cả ăn ngủ, từ đấy mắc chứng ngẩn ngơ, cố ép húp tí nước cháo thì nôn naomuốn mửa. Trong cơn mê sảng cứ gọi tên Hoa Cô Tử, người nhà chẳng hiểu ra sao, đành suốt đêm đứng quanh theo dõi, thế xem ra muốn nguy. Một đêm, người canh mỏi mệt ngủ cả, chàng lờ mờ thấy có người đụng vào mình, hé mắt nhìn thì Hoa cô Tử đứng ngay bên giường, bất giác thần khí tỉnh táo hẳn, nhìn nàng chăm chú, hai hàng nước mắt muốn trào rơi. Nàng nghiêng đầu cười bảo: 
    - Anh si tình sao đến nông nỗi này? 
    Bèn trèo lên giường, ngồi lên đùi An, lấy hai tay day huyệt thái dương. An cảm thấy mùi xạ hương thơm lạ lùng, xộc vào mũi thấm tận xương. Day một lúc, bỗng trên sống mũi đổ mố hôi, dần dần lan tới chân tay mình mẩy. Nàng khẽ nói: 
    - Trong nhà đông người em không tiện ở lại. Ba ngày nữa em lại đến thăm. 
    Lại lấy trong ống tay áo thêu ra mấy cái bánh hấp đặt ở đầu giưòng rồi lẳng lặng ra đi. Đến nửa đêm, An toát hết mồ hôi, thấy thèm ăn, bèn quờ bánh mà ăn. Không biết bánh bao nhân gì mà thơm ngon lạ thường, ăn liền ba cái, rồi lấy áo đậy lên chỗ bánh còn lại, thiêm thiếp ngủ say, đến sáng bảnh mới tỉnh giấc, như trút được gánh nặng. Ba ngày ăn hết bánh, tinh thần càng sảng khoái, bèn cho ngươì nhà tản đi hết; sợ nàng đén không vào được cửa, bèn lẻn ra mảnh sân ăn thông vào thư phòng mở hết then khóa. Lát sau, quả nhiên nàng đến, cười nói: 
    - Anh chàng si tình kia không tạ ơn bà lang à? 
    An mừng quá, ôm lấy nàng cùng giao hoan, ân ái hết mực. Sau đó cô gái nói: 
    - Thiếp mạo hiểm chịu nhơ là vì cớ báo đền ơn sâu đó thôi, thực không thể vui hòa cầm sắc dài lâu, xin chàng sớm lo nơi chốn khác. 
    An nín lặng hồi lâu mới hỏi: 
    - Vốn không rõ bình sinh đã từng giao tiếp với gia đình nàng ở đâu, quả thực không nhớ nữa. 
    Cô gái không chịu nói, chỉ bảo: 
    - Chàng tự nghĩ thì biết. 
    An cố nài xin được gắn bó dài lâu, nàng đáp: 
    - êm nào cũng trốn đi thì hẳn không được rồi, mà mãi mãi vui vầy lứa đôi cũng không được nốt. 
    An nghe nói rầu rầu buồn bã, cô gái bèn bảo: 
    - Nếu muốn nên việc, đêm mai mời chàng đến nhà thiếp. 
    An bèn đổi buồn thành vui, hỏi: 
    - Đường sá xa xôi, bước chân em nhỏ bé thế kia, sao tới được đây? 
    Nàng đáp: 
    - Thiếp đã về nhà đâu. Bà điếc ở xóm Đông này là bà dì của thiếp. Vì chàng mà thiếp nấn ná đến nay, sợ ở nhà nghi ngại. 
    An chung chăn với nàng chỉ thấy từ hơi thở đến thịt da, không chỗ nào không thơm,bèn hỏi: 
    - Nàng xức thứ dầu thơm gì mà thấm cả vào xương thịt thế? 
    Nàng đáp: 
    - Thiếp sinh ra đã như thế rồi, không phải do xức dầu thơm đâu. 
    An càng lấy làm lạ. Nàng dậy sớm từ biệt, An sợ mình lạc đường, nàng hẹn sẽ đứng chờ bên đường. Đến chiều tối An phóng ngựa đi, quả nhiên nàng đón đợi, cùng đi tới chốn cũ. Hai ông bà vui vẻ đón tiếp, cơm rượu chẳng c1 món gì ngon, chỉ toàn những món rau tạp, ăn xong mời khách đi nghỉ. Cô gái chẳng ngó ngàng gì đến, An càng nghi ngại. Canh khuya nàng mới đến, nói: 
    - Cha mẹ rì rầm mãi không ngủ khiến chàng vất vả chờ đợi lâu. 
    Hai người quấn quít suốt đêm, rồi nàng mới bảo An: 
    - Gặp đêm nay để rồi xa cách trăm năm đấy. 
    An sửng sốt hỏi lại, nàng đáp: 
    - Cha thiếp thấy xóm này lẻ loi vắng vẻ nên sắp dời đi xa. Sum vầy với chàng đêm nay là hết. 
    An không nỡ buông nàng ra, thở than buồn bã. Trong lúc bịn rịn màn đêm dần tan, ông già bỗng sồng sộc bước vào mắng: 
    Con ranh, làm nhơ nhuốc cửa nhà thanh sạch khiến tao xấu hổ muốn chết. 
    Cô gái tái mặt vội vội vàng vàng chạy mất. Ông già cũng ra theo, vừa đi vừa chửi mắng con. An kinh sợ cuống quít, không còn biết làm thé nào đành lẻn trốn về nhà. Mấu ngày bồi hồi, trong lòng bức rứt không yên, nhân nghĩ rằng đến đêm lần tới đó, trèo tường vào xem sao. Ông cụ đã nói ta có ơn với họ, thì dù việc có bại lộ chắc cũng không khiển trách quá nặng nề. Bèn thừ lúc đêm tối cấ lẻn ra đi. Chàng lần mò giữa núi,, lạc lối chẳng biết đường nào. Sợ quá đang tìm lối về thì thấy trong hẻm núi thấp thoáng có nhà cửa. Mừng rỡ đến nơi thấy tường cao cổng rộng tựa nhà thế gian, mấy lớp cử vào còn chưa đóng. Chàng hỏi thăm người gác cổng về nhà họ Chương. Có cô hầu áo xanh ra hỏi: 
    - Đêm hôm ai hỏi thăm nhà họ Chương thế? 
    An đáp: 
    - Đó là người quen thân với tôi, tự nhiên lạc mất lối đến nhà. 
    Cô hầu nói: 
    - Ông không phải hỏi họ Chương nữa. Đây là nhà mợ của cô ấy, Hoa Cô hiện đang ở đây, để tôi báo với cô ấy. 
    Cô hàu vào một lát rồi trở ra mời An vào. Vừa mới bước vào hành lang, Hoa Cô đã bước nhanh ra đón, rồi bảo cô hầu: 
    - Chàng An xuôi ngược đêm hôm hẳn đã mệt mỏi, hãy sửa soạn chỗ ngủ đi! 
    Lát sau dắt tay An vào màn, An hỏi: 
    - Nhà mợ sao không còn ai khác nữa? 
    Cô gái đáp: 
    -Mợ đi vắng để thiếp lại trông nhà. May được gặp chàng, há không phải có duyên số từ trước hay sao? 
    Nhưng trong lúc tựa kề bên nhau, An thấy mùi rất tanh hôi, lòng ngờ có điều lạ. Nàng ôm lấy cổ An, thè ngay lưỡi liếm vào lỗ mũi, như mũi kim đâm buốt lên tận óc. An sợ quá chỉ muốn trốn thoát nhưng thân thể như bị dây chão trói chặt, giây lát băn bặt thiếp đi. 
    An không về, người nhà tìm hết những nơi có thể tìm được. Có người mách một chiều tối gặp An trên đường vào núi. Người nhà bèn vào núi, tìm thấy chàng trần truồng nằm chết dưới chân vách núi cao, lạ lùng kinh sợ chẳng rõ nguyên do, khiêng về nhà. Cả nhà xúm lại than khóc thì có một cô gái đến viếng, từ ngoài cửa gào khóc đi vào, vỗ thây day mũi, nước mắt rỏ ròng ròng, rồi kêu to: 
    - Trời ôi! Trời ôi! Sao lại ngu muội đến thế? 
    Nàng đau đớn kêu khóc khản cả tiếng, một lúc sau mới nguôi, bảo với người nhà: 
    - Xin để đó bảy ngày đừng liệm vội! 
    Mọi người không biết là ai, toan hỏi thì nàng không chào hỏi gì hết, chỉ nuốt nước mắt lừng lững đi ra, giữ lại cũng không thèm nghoảnh mặt. i theo dấu chân, chớp mặt đã không thấy đâu nữa. Ai nấy ngờ là thần, kính cẩn vâng theo lời dặn. Đêm, nàng lại đến khóc như ngày hôm trước. Đến đêm thứ bảy, An bông hồi tỉnh, trở mình ren rỉ, người nhà đều kinh hãi. Cô gái bước vào ngẹn ngào nhìn chàng. An giơ tay vẫy bảo mọi người lui ra. Cô gái lấy ra một bó cỏ tươi, nấu với chừng một đấu nước rồi cho uống ngay trên giường. Lát sau An nói được, thở dài bảo nàng: 
    - Giết chết tôi lần nữa là nàng mà tái sinh tôi cũng là nàng đấy! 
    Nhân đó kể lại những chuyện đã gặp. Nàng bảo: 
    - Con yêu rắn giả mạo làm thiếp đó. Hôm chàng lạc lối đầu tiên nhìn thấy ánh đèn chính là của nó đấy! 
    An hỏi: 
    - Sao nàng có thể làm cho người chết hồi sinh, xương khô mọc được thế? Chẳng phải là tiên ư? 
    Cô gái đáp: 
    - Bấy lâu nay định nói nhưng lại e chàng kinh lạ. Năm năm trước đây, trên đường núi Hoa Sơn, chàng từng mua lại con chương săn được rồi thả ra, có phải thế không? 
    An đáp: 
    - Đúng, có việc đó. 
    Nàng bảo: 
    - Con chương ấy là cha thiếp. Trưóc đây thiếp nói ơn lớn chính là về cớ đó. Hôm mới rồi chàng đã đầu thai vào nhà ông ph3 chính họ Vương ở thôn Đoài, thiếp cùng cha kiện với Diêm Vương, nhưng Diêm Vương không nghe. Cha thiếp tình nguyện hủy đạo để chết thay cho chàng, nài nỉ đến bảy ngày mới nên việc. Buổi gặp gỡ hôm nay là may mắn lắm. Nhưng chàng tuy sống lại vẫn bị tê liệt, phải lấy được máu rắn ấy hoà với rượu mà uống thì bệnh mới khỏi hẳn. 
    An nghiến răng căm giận nhưng lo nghĩ không có phép gì bắt được nó. Cô gái bảo: 
    - Không khó đâu. Có điều giết nhiều sinh mạng sẽ để lụy cho thiếp trăm năm không được lên tiên thôi. Hang của nó ở sườn núi cũ ấy, vào lúc xế trưa chất cỏ mà đốt, bên ngoài phòng bị thêm nỏ cứng ắt bắt được con yêu ấy. 
    Nói xong, nàng từ biệt rằng: 
    - Thiếp không thể hầu chàng mãn đời, thực rất đau buồn. Nhưng vì cứu chàng mà sự nghiệp tổn thất hết bảy phần rồi, xin chàng thương xót dùm thiếp. Một tháng nay nghe máy trong bụng, chắc là nghiệt căn. Con trai hay con gái, sang năm sẽ gửi cho chàng. 
    Rồi rơi lệ mà ra đi. Qua đêm ấy, An thấy từ thắt lưng trở xuống như chết rồi, cấu vét cũng không biết đau, bèn đem lời cô gái dặn bảo với người nhà. Người nhà tới nơi, hun đốt hang như lời nàng. Có con rắn trắng lớn xông qua lửa trườn ra, bị cung nỏ bắn một loạt giết được. Lửa cháy vào hang, rắn lớn rắn bé mấy trăm con đều chết cháy, mùi tanh nồng mũi. Người nhà ra về, đưa máu rắn cho An. Chàng uống ba ngày, hai chân dần dần có thể xoay trở, nửa năm mới đứng lên được. 
    Sau đó,một mình vào núi, gặp bà già ôm đứa trẻ quấn tã cói trao cho, bảo rằng: 
    - Con gái già gửi cho chàng đây. 
    An toan hỏi thăm, loáng đã không thấy đâu nữa. Giở tã ra xem thì là trai. Chàng bế về nhà, rồi suốt đời không lấy ai nữa. 
    Chú thích 
    (*) bạt cống: Tên một khoa thi đời Thanh. Cứ 12 năm một lần, quan học chính đề bạt những người học giỏi lên kinh, triều đình khảo hạch xong, tùy hạng đỗ mà trao chức. 
    (**) nữ thần Tử Cô : Tên mộ cô gái làm lễ nhà người, bị vợ cả ghen, chết vào ngày rằm tháng giêng. Dân thờ làm thần, đón vào ngày rằm tháng giêng để bói việc tằm tang và nhiều việc khác. 



Nguồn music.vietfun.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved