Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

29 thg 8, 2015

Tượng Linh Lang Đại Vương đứng lên ngồi xuống

Trải qua hàng nghìn năm, dải đất Bắc Bộ đã sản sinh ra hằng trăm pho tượng có giá trị lịch sử nghệ thuật vô giá như Tượng Phật A Di Đà Chùa Phật Tích -tác phẩm điêu khắc đầu tiên của nhân dân ta từ thời nhà Lý, 287 Pho Tượng Phật La Hán trong chùa Mía vào thế kỉ XVII,XVIII, 18 Vị La Hán Chùa Tây Phương …; nhưng có một báu vật hiếm gặp trong quần thể tượng ở Việt Nam mà không phải ai cũng biết đó là pho Tượng Linh Lang Đại Vương miếu Bảo Hà. 

Điều gì đã làm cho pho tượng trở nên độc đáo ? Không nằm trong một công trình kiến trúc đồ sộ, pho tượng được đặt trong một ngôi miếu nhỏ làng Bảo Hà. Ngôi miếu còn có tên Tam Xã Thương Đẳng Từ thuộc ba thôn Bảo Động, Hà Cầu và Mai An của xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.




Cũng cây đa , giếng nước  sân đình làng Bảo Hà xanh mát ruộng đồng như bao ngôi làng vùng quê Bắc Bộ, nhưng có lẽ không nhiều người biết Bảo Hà chính là cái nôi của nghề tạc tượng. 



Rất nhiều các pho tượng ở đình chùa miếu mạo phía Bắc, phần lớn là các sản phẩm sáng tạo của các nghệ nhân nơi đây, trong đó có pho tượng biết cử động được người dân nơi đây coi như báu vật và biểu tượng của ngôi làng truyền thống .
Câu chuyện xưa được kể lại rằng , vào TK XV giặc Minh sang xâm lược nước ta, cụ Nguyễn Công Huệ cùng một số thanh niên trai tráng bị bắt sang đất bắc làm việc. Trong thời gian nơi đất khách , ông đã chủ tâm học được nghề tạc tượng, làm sơn mài. Đến đời Lê Nhân Tông (1443-1459), cụ Huệ trở về quê và dạy nghề tạc tượng , mọi người suy tôn cụ là tổ nghề tạc tượng và được thờ tại miếu Bảo Hà. Không chỉ để lại nghề tạc tượng, cụ Huệ còn truyền lại cho dân làng nghề rối cạn, những tượng rối vừa tay người điều khiển kết  cấu chuyển động chính chỉ nằm duy nhất ở hai chiếc que nhỏ nằm trong bụng rối. Đây là nét đặc sắc riêng của làng Bảo Hà. Phải chăng pho tượng biết chuyển đông trong miếu chính là sự kết hợp giữa nghệ thuật múa rối và tạc tượng .Đến miếu Bảo Hà , chiêm ngưỡng nét đẹp cũng như sự chuyển động của pho tượng có kích thước gần bằng người thực đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp .


Thần phả trong miếu ghi lại, pho tượng đứng lên ngồi xuống trong miếu chính là Linh Lang Thần ngài là thái tử Hoằng Chân con vua Lý Thánh Tông . Vào TK XI khi giặc Tống xâm lăng nước ta, thái tử đã cầm quân chống giặc . Trong một đợt hành quân ngài đã tới Trang Linh Động tức làng Bảo Hà ngày nay dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ và tuyển mộ quân. Ngài đã hy sinh trong trận chiến chống quân xâm lược, dân làng tiếc thương, và luôn ghi nhớ công ơn của ngài nên xây miếu thờ ngay trên đồn binh xưa , tôn ngài làm thành hoàng  và tạc tượng thờ. Các triều đại sau này như Cảnh Thịnh, Tự Đức , Duy Tân, Khải Định đều sắc phong cho ngài là thượng đẳng thần.Tạc tượng ngài cũng là một cơ duyện với dân làng. Dân làng nằm mộng rằng ra sông Vĩnh Trinh để vớt khung gỗ tạc tượng ngài. Khi họ tập trung đến thì đúng có một khung gỗ rất lớn ở trên sông .



Bí mật pho tượng Linh Lan Thần chuyển động dần được hé lộ. Khi mở dần cánh cửa nằm ngay điện thờ bên phải, tượng thờ đức Linh Lan Đại Vương trong tư thế ngồi trên ngai tay cầm văn tự từ từ đứng dậy, khi khép lại thì pho tượng lại dần trở về tư thế ngồi ban đầu . Đây không chỉ là sự kết hợp giữa nghệ thuật rối và nghề tạc tượng mà còn là sự phối hợp ăn ý với nghệ thuật kiến trúc ngôi miếu . Chân và tay pho tượng có nhiều khớp, đinh gỗ, cùng với cấu trúc ròng rọc nối với cánh cửa tạo thành đòn bẩy nâng vật nặng chỉ bằng động tác đóng mở cửa nhẹ nhàng .Trước kia, ổ quay nằm ở vị trí 2 ô gạch mà người dân quỳ xuống lễ, đầu gối chạm xuống nền gạch Đức Linh Lan Đại Vương chậm rãi uy nghiêm đứng dậy. Đến nay qua một số lần trùng tu, người ta đã chuyển ổ quay sang phải nối với cánh cửa. 




Dưới pho tượng Linh Lang Thần còn có một giếng bán nguyệt cổ thông sang sông Vĩnh Trinh xưa nay chỉ còn là cái ao nhỏ thuộc thôn Thâm Động . Tương truyền, nếu thả quả bòng, quả bưởi xuống giếng thì  sau một hồi trống quả sẽ nổi lên trên ao nhỏ sông Vĩnh Trinh xưa.


Trở lại với kĩ thuật đòn bẫy, sẽ không bất ngờ nếu pho tượng được làm trong những năm gần đây, nhưng pho tượng Thượng Đẳng Thần đã lên tới hằng trăm năm tuổi , niên đại của pho tượng hiện cũng rất khó đưa ra câu trả lời chính xác . Theo người cao tuổi trong làng bao đời kể lại, pho tượng được tạc vào TK XIII, nhưng dựa trên các tài liệu nghiên cứu cũng như  đặc điểm của các bức tượng trong ngôi miếu thì niên đại pho tượng có thể ở TK XVIII . Khoảng từ TK XVI-XVII trở về trước người ta thường thờ ngai và bài vị, trong tâm thức dân gian thần linh và vị thần vô hình và họ đặt trên ngai bài vị ghi tên ngài, việc thắp hương mang ý nghĩa mời vị thần linh về ngự trên ngai . 


Đến đầu TK XVII, người ta có phong trào lập tượng hậu để thờ . Do vậy, có thể pho tượng đức Linh Lang Đại Vương được làm vào thế kỉ này. Đây cũng là thời kì Việt Nam nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc chân dung .
Yếu tố chân dung của mỗi pho tượng được tạc rất trau chuốt, tỉ mỉ , nhìn vào những pho tượng, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự tài hoa của những nghệ nhân nơi đây. Từ những khúc gỗ vô tri đã được họ chuyển thành những chân dung nhiều cảm xúc, khuôn mặt hiền từ của các  thị giả đến nét nghiêm nghị của các viên quan,  tưởng như chúng ta đã gặp họ ở đâu đấy trong đời sống thực và hoàn toàn không mang tính lí tưởng hóa.


Những nghệ nhân làng Bảo Hà còn có một câu nói từ bao đời nay khi truyền nghề :”Dĩ nhân định, vi cốt tượng” tức là lấy con người để làm hình mẫu cho bức tượng. Đã hơn 500 năm trôi qua , bao thế hệ trong làng nối tiếp nhau phát huy nghững tinh hoa ông cha để lại như hoài bão, ước mơ xưa ngấm trong những tâm hồn mỗi con người . Làng nghề như mạch chảy lúc ngầm, lúc sôi nổi cùng sự phát triển của xã hội nhưng chắc chắn rằng làng Bảo Hà sẽ không bao giờ mất đi những nét riêng trên những tác phẩm của nó, những pho tượng mới lại ra đời mang trong mình cái hồn người dân nơi đây.


Nguyenhathuytrinh.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved