“Sơn thủy hữu tình còn được hiểu như là một trong những đặc
điểm mỹ học của phương Đông… Nước ta trải suốt từ
Bắc vào Nam, có hàng nghìn con sông, hàng nghìn ngọn núi. Sông bắt nguồn từ
núi, sông thường đi liền trong cặp từ "sông nước". Sông chở nước,
mang tính thuỷ, tính âm, thực hiện chức năng sinh thành sự sống, duy trì sự
sống. Nhờ sông mà châu thổ đồng bằng được sinh ra. Núi hay đi liền trong cặp từ
"núi rừng", chỉ nơi trên cao, mạn ngược, mang tính dương, đèo dốc,
đỉnh cao chót vót, cây cối lâm sản...Như vậy, chẳng biết tự bao giờ, cặp sông -
núi trong văn hóa người Việt chính là một cặp Âm - Dương, cha - mẹ. Trong tâm
thức Việt, cặp đôi này có chức năng sản sinh, duy trì sự sống; nơi nào có cặp
đôi sông - núi nơi đó được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra
những bậc hiền tài góp phần làm rạng danh cho quê hương, đất nước.” ( Cặp đôi sông - núi trong tâm thức Việt - PGS.TS Ngô Văn Giá –danviet.vn)
Núi Mường Hung - sông Mã (Sơn La)
Con sông Mã chảy đến Núi
Mường Hung chừng như chững lại, mở rộng bồi đắp đôi bờ thành cánh đồng
của Chiềng Cang, Mường Hung. Núi ở đây không cao lắm nhưng trên đỉnh có mây phủ
với rừng đại ngàn ngút tới Thượng Lào (Hủa Phăn). Bản nhà ở đây đông vui trù
phú với những ruộng lúa, bãi dâu xanh biếc…
Núi Tản - sông Đà ( TP Hà Nội)
Nhìn từ xa, núi Ba Vì
(còn gọi là Tản Viên) sừng sững tạc trên nền trời xanh cao rộng. Núi Tản gồm có
ba đỉnh, cao nhất là đỉnh Vua (cao 1.296m, nơi đây có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí
Minh), đỉnh Tản Viên (cao 1.227m, có Đền thờ đức thánh Tản Viên Sơn Tinh) và
đỉnh Ngọc Hoa (cao 1.131m). Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn về
Thủ đô Hà Nội, Thuỷ điện Hoà Bình, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Ba
Vì và dòng sông Đà uốn khúc… Sông Đà vào mùa xuân hiền hòa và duyên dáng
như cô gái Việt cổ yếm thắm lụa đào. Cảnh sắc thơ mộng yên bình trong tiết trời
xuân khiến Ba Vì chẳng khác chốn bồng lai tiên cảnh nơi hạ giới...
Núi Hàm Rồng - sông Mã (Thanh Hóa)
Núi
Rồng còn có tên là núi Đông Sơn, với 99 ngọn núi quây quần bên nhau và một hòn
núi đứng riêng gọi là núi Ngọc (hay núi Nít). Ngoài ra còn có các dãy núi đơn
lẻ như: Bằng Trình, Đại Khánh (Đại Khánh là khúc đuôi con Rồng bị chém văng
ra). Tuỳ theo hình thức và sự tích trong dãy núi Rồng mỗi ngọn núi đều mang tên
riêng. Ngọn đầu Rồng có hình tượng Rồng nên thường gọi là núi Hàm Rồng (tên chữ
Hán là Long Hạm).
Đứng
trên đỉnh núi Rồng cao hơn 100 mét có thể phóng tầm mắt nhìn ra "bốn
phương tám hướng" dường như sông núi làng quê đâu đâu cũng chầu về nơi
"rồng thiêng ngự trị". Phía Nam
và Tây Nam
toàn những ngọn núi nổi tiếng như: Núi Nhồi, núi Long, núi Hổ, núi Ngọc Nữ, núi
Kim Đồng... Đặc biệt núi Long, núi Hổ, đầu thế kỷ XIX được các nhà phong thuỷ
học chọn làm tiền án cho toà thành tỉnh Thanh Hoá mang cái tên đầy ý nghĩa là
"Hạc Thành". Thành Hạc cuối thế kỷ trước là nguồn cảm hứng vô tận của
thi nhân.
Dưới
chân núi Rồng có động Hàm Rồng hay còn gọi là động Long Quang, trước kia là nơi
du khách đặt bàn trà bếp rượu.Trên đỉnh núi Rồng có đường đi xuống động Tiên
(với cái tên mỹ lệ "Bạch tiên nương", động Tiên sâu thẳm, có đường
thông xuống động Rồng. Người ta gọi đó là cái cuống họng con Rồng thần lửa, có
lối đi thông với các hang động khác trong dãy núi 99 ngọn).
Sự
tích núi Rồng gắn liền với sự tích sông Mã. Núi Đọ "Rồng thiêng" mà
thành. Sông bởi "ngựa thần" mà nên. Đời vua Minh Mệnh thứ 17 (1836)
sông Mã được khắc hình tượng vào Anh Đỉnh, đến đời Tự Đức thứ 3 (1850) sông Mã
được chép vào điện lễ để thờ cúng. Chuyện núi Rồng sông Mã đâu chỉ là cách cắt
nghĩa một hiện tượng thiên nhiên theo cảm quan của người xưa. Sông Mã được xếp
vào loại "thần thiêng" sông núi nước Nam nên đã được Vua Tự Đức phong
thần. Bắt nguồn từ dãy núi Phu Huổi Luông, tỉnh Lai Châu, sông Mã chảy đến gần
núi Trịnh chia làm hai dòng, dòng hướng đông chảy ra cửa biển Bạch Câu (Ngã Ba
Bông) dòng quay hướng Nam để đón tiếp sông Chu (Ngã Ba Giàng).
Dọc
theo sườn núi Rồng qua hòn Công, hòn Ngựa, đồi Lượn vàng tới một làng khuất nẻo
nhưng đã lừng danh khắp trời Âu - Mỹ, đó là làng cổ Đông Sơn. "Nếu Bắc
Việt Nam là quê hương buổi đầu của dân tộc thì Đông Sơn là một trong những làng
quê buổi đầu của dân tộc Việt Nam (Tạp chí khảo cổ học). Làng quê ấy xuất hiện
từ thuở Hùng Vương. Nơi đây xuất hiện trống đồng Đông Sơn, mang phong cách nghệ
thuật riêng biệt, toả ánh hào quang lấp lánh mặt trời Đông Sơn trên bầu trời Đông
Nam Á.
Sông Lam - núi Hồng (Nghệ An)
Từ bao đời nay, núi Hồng – Sông
Lam là biểu tượng của sự hòa quyện đầy chất thơ, nhạc của vùng quê giàu truyền
thống đấu tranh cách mạng. Sông Lam với chiều dài 432 km, bắt nguồn từ đại ngàn
Trường Sơn. Qua bao thác ghềnh, sông như dải lụa mềm chở nặng phù sa xuôi về
bến Tam Soa. Đoạn cuối của dòng Lam uốn lượn, quanh co dưới chân dãy núi Hồng
Lĩnh tạo thành bức tranh thủy mặc hùng vĩ mà nên thơ.
Núi Hồng Lĩnh có chiều dài hơn
30 km nhấp nhô, điệp trùng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam . Tương truyền, núi Hồng Lĩnh có
99 ngọn. Tên các ngọn núi được đặt theo dáng hình Ngũ Mã (hình năm con ngựa),
Sư Tử, Hàm Rồng. Theo truyền thuyết, thời vua An Dương Vương mở nước đã từng
đặt chân đến nơi này. Trải qua mấy nghìn năm văn hiến, núi Hồng – sông Lam đã
tích tụ, lắng đọng nên khí chất lẫm liệt của những người con xứ Nghệ, trở thành
biểu tượng của một nền văn hóa đặc trưng vùng, miền đậm đà bản sắc dân tộc.
Không
chỉ có dáng núi, hình sông lung linh, huyền ảo, núi Hồng Lĩnh còn lưu giữ những
câu chuyện đượm màu huyền thoại. Chuyện kể rằng, ông Đùng (ông khổng lồ) là
người có sức khỏe phi thường, có tài chuyển núi dời non. Một ngày kia ông vần
tất cả những quả núi ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng
Lĩnh. Sau khi xong việc chuyển núi, dời non, ông Đùng lại đào quặng sắt núi
Hồng đem về chỉ giáo cho nhân dân các làng Vân Chàng – Minh Lương nghề rèn, đúc
truyền lại cho đời sau. Chính vì thế mà thế hệ cháu con hôm nay đều ra sức gìn
giữ, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống của ông cha để lại…Có lẽ tạo
hóa ban tặng cho vùng đất nhân ái, bao dung mà giàu truyền thống đấu tranh kiên
cường, bất khuất nên đã hình thành nên dãy núi Hồng Lĩnh điệp trùng như bức
tường thành vững chãi trấn giữ miền biên ải để ngăn ngừa giặc giã và những trận
cuồng phong từ biển Đông tràn vào tàn phá quê hương…
Sông Hương - núi Ngự (Huế)
Từ xưa đến nay, núi Ngự và sông Hương là hai thắng cảnh thuộc vào hàng
số một của xứ Huế. Hễ nói đến sông Hương là người ta nghĩ ngay đến núi Ngự, và
khi nghe đến núi Ngự, người ta liên tưởng đến sông Hương.
Sông
Hương hay Hương Giang là con sông chảy qua thành phố Huế và các
huyện, thị xã: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sông Hương có hai nguồn chính và
đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km,
bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn Quốc Gia Bạch Mã, chảy theo
hướng tây bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp
lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng, cách khoảng 3 km về phía bắc khu
vực lăng Minh Mạng. Dòng Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo
hướng bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai
dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương. Từ Bằng Lãng đến cửa sông Thuận An, sông
Hương dài 33 km và chảy rất chậm, khi chảy quanh dọc chân núi Ngọc Trản, sắc
nước sông Hương xanh hơn.
Sông Hương được cho là rất đẹp
khi chiêm ngưỡng nó từ nguồn và khi nó chảy quanh các chân núi, xuyên qua các
cánh rừng rậm của hệ thực vật nhiệt đới. Con sông chảy chậm qua các làng mạc
như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh , Nam
Phổ, Bao Vinh. Nó từng là nguồn cảm xúc của du khách khi họ đi thuyền dọc theo
dòng sông để nhìn ngắm phong cảnh và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống.
Cùng với sông Hương, núi Ngự
Bình là quà tặng thứ hai của tạo hoá ban cho kinh thành Huế. Từ lâu, ngọn núi
xinh đẹp này cùng với dòng sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của
thiên nhiên Huế. Bởi vậy mà người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương – núi
Ngự.
Núi Ngự Bình nằm cách bờ nam
sông Hương khoảng 3km, ở địa điểm trước kia thuộc ấp Tứ Tây, làng An Cựu; sau
đó thuộc xã Thủy An, thành phố Huế; nay lại thuộc phường An Cựu của thành phố.
Tuy hòn núi này chỉ cao 104m, nhưng vì nó đột khởi giữa chỗ đất bằng, ở một vị
thế đặc biệt, cho nên, ngay từ thế kỷ XVII, nó đã nằm trong tầm ngắm và lọt vào
mắt xanh của các nhà quy hoạch và xây dựng đô thị Huế. Bấy giờ, nó đã được gọi
là hòn Mô hoặc Bằng Sơn. Bằng là loài chim rất to lớn, như chim đại bàng chẳng
hạn. Sở dĩ đặt tên Bằng Sơn là vì hòn núi mang dáng vẻ như một con chim đại
bàng dang hai cánh để bay. Đây là một hòn núi tự nhiên, nhưng, từ phía bắc nhìn
lại, trông nó cân phân, hai cánh hai bên đông tây đối xứng với nhau một cách
đều đặn như do bàn tay con người đắp nên và tạo dáng.
Đứng trên đỉnh núi Ngự lắng tai nghe tiếng
thông reo. Vào những ngày đẹp trời, thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn
hiện những lâu đài thành quách, những mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của
cây cối, dòng sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co... xa hơn là dãy Trường
Sơn trùng điệp ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía đông là những dải
cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của Biển Đông. Núi Ngự
không cao, không cheo leo gập ghềnh nhưng lại mang một dáng vẻ của sự trầm tư
mặc tưởng.
Sông Hàn - núi Ngũ Hành (TP Đà Nẵng)
Nói đến Đà Nẵng không thể
không nhắc đến dòng sông Hàn thơ mộng và cầu Sông Hàn - cây cầu quay đầu tiên ở
Việt Nam
- niềm tự hào của người dân thành phố. Cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống
mới, là khát vọng đi lên của thành phố được xây dựng bằng sự đóng góp của mọi
người dân. Dường như mọi vẻ đẹp nên thơ của đòng sông Hàn chỉ được bộc lộ một
cách hoàn mỹ nhất trong không gian cầu Sông Hàn lộng gió và mát rượi.
Bên cạnh đó, ai từng biết đến
Đà Nẵng là biết đến Ngũ Hành Sơn. Không gian thơ mộng của cảnh trí và vẻ bãng
lãng cổ tích của những câu chuyện cổ đã mang lại cho Ngũ Hành Sơn cái ý vị mà
ít nơi nào có được. Trong tư duy triết học của Trung Hoa, Ngũ hành: Kim, Mộc,
Thủy, Hỏa, Thổ là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Con số 5 là con số cực kỳ quan
trọng trong tư duy và trong đời sống phương Đông. Nhìn như thế, trong sự trùng
hợp ngẫu nhiên, 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự
trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường. Cũng tại nơi đây, các hang động,
cảnh quan tự nhiên và hệ thống chùa chiền vừa ngẫu nhiên, vừa có ý thức đã tạo
ra một vẻ đẹp hài hòa, có cái quyến rũ, mời mọc nhưng cũng có những ý tứ, kín
đáo, che giấu niềm cảm xúc bất ngờ trong suốt cuộc hành trình tham quan của du
khách.
Núi Ngọc Linh - sông Thu Bồn (Quảng Nam )
Thu
Bồn, dòng sông đẹp như tranh thủy mạc là nơi giao thoa của hai nền văn hóa Chăm
– Việt, bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quý báu. Cùng với sự tiếp bước
của lịch sử, giờ đây, sông Thu Bồn lại mang vẻ đẹp hiền hòa và chứa đựng tiềm
năng lớn về du lịch, là điểm đến lý tưởng để du khách tìm hiểu, khám phá những bất
ngờ. Sông
Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ ngọn núi
Ngọc Linh ở chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng Nam – Kon Tum (thuộc huyện Duy
Xuyên). Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm băng qua các ghềnh
thác, khi thênh thang băng qua những đồng ruộng phì nhiêu, làng mạc trù phú,
khi ghé qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông biểu hiện một dáng
dấp riêng. Nhưng bất cứ ở đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông hài hòa sự kết hợp
giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với sự phong phú của cải được bàn tay và khối óc
của người đất Quảng gây dựng.
Vùng hạ lưu sông Thu Bồn và khu vực quần thể kiến trúc đô thị cổ
đã được giới nghiên cứu khoa học khẳng định là nơi “Hội thủy, hội nhân, hội văn
hoá”, UNESCO đã công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999.
Ngọc Linh Liên Sơn là liên hoàn
núi non bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, bắt đầu từ
ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Trong đó, Ngọc
Linh là đỉnh núi cao nhất (2.598 m), xung quanh còn có những “người anh em” là
đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc
Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m),... Nếu như đỉnh Phanxipang của dãy
Hoàng Liên Sơn được người ta biết đến là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Ngọc
Linh lại được biết đến như một ngọn núi linh thiêng của huyền thoại bao đời
nay. Những câu chuyện xung quanh Ngọc Linh khiến người ta cảm thấy e ngại chốn
rừng thiêng nước độc kì bí, ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng cũng dấy lên sự tò mò
làm nhiều người muốn chinh phục.
Núi Thiên Ấn - sông Trà khúc (Quảng Ngãi)
Núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc hay
còn gọi núi Ấn, sông Trà là cảnh đẹp nổi tiếng của đất trời Quảng Ngãi. Từ cầu
Trà Khúc (nằm trên quốc lộ 1A) chạy qua thị xã Quãng Ngãi, du khách đi dọc theo
tả ngạn sông Trà khoảng 1000m sẽ gặp núi Ấn cao 100m đỉnh bằng phẳng rộng lớn,
quanh năm soi bóng dưới dòng sông Trà.
Trên đỉnh núi Ấn có mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng từng là quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Núi Ấn - sông Trà như hình với bóng, tạo nên một phong cảnh đẹp non nước hữu tình.Từ chân núi Ấn có đường xoáy ốc lên tận đỉnh, hai bên đường là rặng phi lao rì rào trong gió và những cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Đứng trên đỉnh núi Thiên Ấn, du khách sẽ thưởng thức hết vẽ đẹp của Quãng Ngãi và dòng sông Trà Khúc với những bờ xe nước cao lớn, có cái đường kính tới 12m, đang từ từ cuộn tròn theo dòng nước, đưa nước vào ruộng đồng tắm tưới cho những đồng lúa gặp lúc khô hạn.
Trên đỉnh núi Ấn có mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng từng là quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Núi Ấn - sông Trà như hình với bóng, tạo nên một phong cảnh đẹp non nước hữu tình.Từ chân núi Ấn có đường xoáy ốc lên tận đỉnh, hai bên đường là rặng phi lao rì rào trong gió và những cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Đứng trên đỉnh núi Thiên Ấn, du khách sẽ thưởng thức hết vẽ đẹp của Quãng Ngãi và dòng sông Trà Khúc với những bờ xe nước cao lớn, có cái đường kính tới 12m, đang từ từ cuộn tròn theo dòng nước, đưa nước vào ruộng đồng tắm tưới cho những đồng lúa gặp lúc khô hạn.
Nguồn danviet.vn; sonla.gov.vn;
newvietart.com; baobacgiang.com.vn; web.thanhhoatourism.gov.vn; llct.cntp.edu.vn; thethaovietnam.vn; tapchisonghuong.com.vn;
hoian- tourism.com; vanhien.vn; jimmyhoteldanang.com.vn; hoangvanlac31.blogspot.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét