Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

29 thg 7, 2014

Người Xtiêng và nghi thức cưới hỏi

A.Giới thiệu

Dân tộc bản địa cư trú lâu đời nhất ở bình phước là người Xtiêng. Hiện nay người Xtiêngcó số dân đông thứ hai sau người kinh, nhưng cũng là dân tộc có đời sống kinh tế khó khăn vì đang trong giai đoạn chuyển sang để thích nghi với cuộc sống định canh định cư, xóa hẳn tập quán du canh, du cư.


1.Tên dân tộc: Xtiêng (Xa Điêng)

2.Cư trú :

Tập trung tại Bình Phước và một phần sinh sống ở Đồng Nai và Tây Ninh

3.Phong tục tập quán:

Họ Điểu là họ phổ biến khắp vùng Xtiêng. Làng Xtiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một ông già am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Mức giàu được tính bằng tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng, trang sức...

4.Ngôn ngữ

Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á) tương đối gần gũi với tiếng Mạ, Mnông, Chơ Ro. Chữ viết hình thành từ trước năm 1975, theo chữ cái La-tinh.

5.Văn hóa:

Người Xtiêng ưa thích âm nhạc, nhạc cụ thường thấy nhất là bộ chiêng 6 cái. Chiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Chiêng dùng trong hội lễ, cả trong bộc lộ tình cảm, hòa giải xích mích giữa các gia đình. Ngoài chiêng còn có cồng, khèn bầu cũng được đồng bào ưa thích. Cuối mùa khô, đồng bào hay chơi thả diều.

6.Nhà cửa:

Tình hình nhà ở của người Xtiêng hiện nay hết sức phức tạp. Ví dụ: người Xtiêng ở Bù Lơ sống trong nhà đất dài - gia đình lớn phụ hệ; Ơ Đắc Kia người Xtiêng cư trú trong nhà sàn, nhà đất ngắn - gia đình nhỏ; Ơ Bù Đeh người Xtiêng lại sống trong nhà sàn dài (chịu ảnh hưởng nhà người Khơ me) - gia đình lớn mẫu hệ.
Bộ khung nhà người Xtiêng dù nhà sàn hay đất (xưa) đều trên cơ sở vì hai cột (không có kèo).
Nếu căn cứ vào cấu tạo của bộ khung nhà đất của người Xtiêng hiện nay còn thấy thì nhà đất của người Xtiêng quả là rất cổ. Nhà đất của người Xtiêng chỉ như là một cái chòi, mái được kéo gần sát mặt đất. Cửa ra vào rất thấp. Mở ở hai đầu hồi và một cửa ở mặt trước nhà, mái trên cửa cũng phải cắt bớt hoặc làm vòng lên như ở nhà người Mạ. 


Vùng cao ở nhà trệt, mái trùm gần xuống mặt đất và có nơi uốn tròn ở hai đầu hồi và ở một mặt bên. Vùng thấp thường làm nhà sàn khá khang trang, vách dựng nghiêng phía trên ra ngoài. Theo nếp xưa, mỗi làng chỉ gồm một vài ngôi nhà dài, nay hình thức nhà ngắn của từng hộ đang phát triển.

7.Hoạt động sản xuất:

Nguồn lương thực chính là lúa gạo, khoảng 80% lúa gạo do rẫy cung cấp. Nhóm Bù Lơ ở cao, sâu hơn hoàn toàn làm rẫy. Nhóm Bù Ðeh (Bù Ðêk) ở vùng thấp làm ruộng nước từ khoảng 100 năm, như cách thức canh tác của người Việt sở tại. Lúa rẫy có các giống khác nhau, được trồng theo lối "phát-đốt-chọc-trỉa", kết quả mùa màng phụ thuộc lớn vào thiên nhiên và việc bảo về trước sự phá phách của chim muông. Công cụ làm rẫy chủ yếu gồm rìu và dao xà gạc để khai phá rừng, sau khi đốt thì dùng cây cào tre có 5 răng để dọn rồi đốt lại, khi trỉa dùng gậy nhọn (mỗi tay cầm một chiếc) để chọc lỗ, đồng thời gieo hạt giống theo, làm cỏ bằng loại cuốc con (về sau thay thế bằng cái xà - bát người Việt sử dụng), dùng tay tuốt lúa. Hái lượm, săn bắt và kiếm cá đưa lại nguồn lợi quan trọng thiết thực. Gia súc phổ biến gồm: trâu, bò, lợn, chó, một số hộ nuôi voi; gia cầm chủ yếu là gà. Có nghề dệt vải và đan lát. Việc mua bán thường dùng vật đổi vật (nay dùng tiền) có quan hệ hàng hoá với người Việt, Khơme, Mnông, Mạ và cả với bên Campuchia.

8.Ăn

Người Xtiêng ăn cơm tẻ, cơm nếp. Thực phẩm thường ngày của họ chủ yếu là những thứ kiếm được trong rừng và sông suối (nay có mua ở chợ hay của thương nhân). Thức uống truyền thống nước lã, rượu cần. Ðồ đựng cơm canh, nước đều là vỏ bầu chế tác có hình dạng thích hợp. Họ hút thuốc lá bằng tẩu (nay ít thấy).

Đọt mây nướng - món ăn hấp dẫn của người Xtiêng

9.Trang phục:

Trang phục của người Xtiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông người ta choàng một tấm vải để chống rét. Người Xtiêng để tóc dài búi sau gáy, tai sâu lỗ, hoa tai bằng gỗ, ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Trẻ em còn nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân.

10.Kinh tế:

Nhóm Bù Đéc ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu. Nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người M'Nông và người Mạ.

B.Nội Dung

1.Phong tục cưới xin:

Mỗi cặp vợ chồng và con cái là một "bếp" (nak). Nhiều bếp hợp thành một nhà (yau). Mỗi làng xưa gồm một vài nhà, càng về sau số nhà càng tăng do việc tách hộ ở riêng. Mỗi người không chỉ thuộc về một "bếp", một nhà, một làng, mà còn là thành viên của một dòng họ nhất định và nằm trong các mối quan hệ họ hàng nhất định và nằm trong các mối quan hệ họ hàng khác nữa. Người Xtiêng lấy vợ, lấy chồng khác dòng họ. Thông thường con trai từ tuổi 19-20, con gái từ tuổi 15-17 bắt đầu tìm bạn đời. Sau lễ cưới cô dâu về nhà chồng hoặc chú rể về ở đằng vợ.
Thông thường nếu nhà trai có đủ của cải sính lễ, cô dâu về ở đằng chồng, nhưng thực tế phần đông phải ở rể do chưa có đủ đồ dẫn cưới theo yêu cầu của nhà gái (ché quý, chiêng cồng, trâu...); riêng ở vùng Bình Long, chàng rể luôn phải về ở nhà vợ. Tập tục hôn nhân giữa các nơi, các nhóm có những điểm khác nhau, chẳng hạn: Nhóm Bù Ðek cho phép con trai cô với con gái cậu cũng như con gái cậu với con gái cô lấy nhau, nhưng ở nhóm Bù Lơ chỉ con trai cô được lấy con gái cậu với điều kiện cậu là anh của cô, cũng chỉ được chấp nhận một lần trong mỗi gia đình.

2.Hình thức cưới xin:

Tập tục cưới vợ, cưới chồng của người Xtiêng bao gồm đám hỏi, đám cưới và những nghi lễ tuy đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Đám hỏi phải có hai người làm mai (người làm chứng, gọi là Đhran) đi sang nhà gái hỏi cưới cô gái. Sau khi đã biết ngày làm đám cưới, hai ông mai lại tiếp tục sang nhà cô gái thông báo ngày cưới và lúc này có tục "bẻ cây thách cưới" (gọi là kích năng). Tục kích năng nghĩa là cha cô gái bẻ những cây que và đưa cho ông mai đếm để biết bao nhiêu tố trâu, bò, heo... phải đưa sang nhà gái. Đến ngày đám cưới, nhà gái chuẩn bị ba tố rượu và con heo. Khi nhà trai mang đồ vật sang nhà gái (được ông mai đưa đi), sau khi thủ tục kiểm tra số lượng tài sản mọi người cùng vào nhà. Bà con dòng họ, đôi trai gái và ông mai cùng hai người ngồi trước tố rượu để khấn thần linh. trong nhà người ta làm thịt heo, gà đãi khách và lần lượt mời hai ông mai, ông sui gia, con rể, con gái và bà con dòng họ cùng hàng xóm ăn uống vui vẻ. Cũng như nhiều lễ hội khác, các món ăn được chế biến ở đám cưới là canh bồi, canh thụt, thịt nướng, đọt mây nướng và thức uống không thể thiếu là rượu cần. 


Mọi người ăn uống rất tự nhiên, ai say thì ngủ. Đối với người Xtiêng đám cưới là việc riêng của của mỗi nhà cũng như niềm vui chung của sóc, của cộng đồng. Họ cùng nhau chuẩn bị lễ vật, thức ăn, giúp đỡ gia đình chủ, chia sẽ công việc cung như tham gia sinh hoạt trong đám cưới. Theo phong tục xưa của người Xtiêng, trong đêm cưới hai vợ chồng buộc chỉ đỏ vào tay nhau hoặc trao cườm thay cho lời thề chung thủy. Trong lúc mọi người ăn uống, đánh đồng la vui vẻ thì cô dâu, chú rể cùng bước vào nhà trước sự chứng kiến của những người phụ nữ trong dòng họ. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống mới với gia đình, dòng họ và cộng đồng. Sau đám cưới, người Xtiêng còn có tục trả của. Lễ trả của có thể tổ chức bên nhà trai hay bên nhà gái đều được. Tục "nối dây" của người Xtiêng là nếu vợ chết, người chồng có thể lấy vợ khác được lấy chính em gái của vợ nếu cô này đồng ý. Nếu chồng chết, em trai có thể lấy chị dâu. Tục cưới vợ bé cũng được người Xtiêngcho phép. Nếu sau nhiều năm chung sống mà không có con hoặc gia đình giàu có cần thêm người làm và quản lý người chồng có thể xin vợ cả cho cưới thêm vợ bé. Vợ cả và vợ bé phải coi nhau như chị em và con cái của họ đẻ ra đều phải gọi họ bằng mẹ. Tục giao ước hôn nhân của người Xtiêng cho phép cha mẹ giao ước với nhau về hôn nhân của người con cái, vật làm tin đơn giản chỉ là một chuổi cườm, một cái vòng đồng. Người Xtiêng xem tội gian đâm là rất nặng, mức bồi thường thì rất nặng nếu không bồi thường được thì phải ở đợ để trả nợ.

3. Tính cộng đồng và tính tín ngưỡng của các nghi thức cưới

a.Tính cộng đồng của các nghi thức cưới
Đối với người Xtiêng đám cưới là việc riêng  của mỗi nhà cũng như niềm vui chung của sóc của cộng đồng. họ cùng nhau chuẩn bị lễ vật, thức ăn giúp đỡ gia đình chủ, chia sẽ công việc cụng như tham gia sinh hoạt trong đám cưới.

b.Tính tín ngưỡng của các nghi thức cưới

Theo phong tục xưa của người XTiêng, trong đêm cưới hai vợ chồng buộc chỉ đỏ vào tay nhau hoặc trao cườm thay cho lời thề chung thủy. Trong lúc mọi người ăn uống, đánh đồng la vui vẻ thì cô dâu, chú rể cùng bước vào nhà trước sự chứng kiến của những người phụ nữ trong dòng họ.

4. Đám Cưới  Người Xtiêng Ngày Nay

Ngày nay, trước xu thế kinh tế thị trường, hội nhập và phát triển, đồng thời với việc đóng cửa rừng và chấm dứt cảnh du canh du cư, ngừơi XTiêng đã bắt đầu có những chuyển biến khá mạnh mẽ kể cả những nhận thức và lối sống văn hóa. Nhiều tập tục lạc hậu, rườm rà trong cuộc sống đã bị bỏ hoặc rơi vào quên lãng, thay vào đó là sự xâm nhập của đời sống văn hóa mới lạ. Các thôn, sóc bây giờ rất ít nơi chỉ mình người XTiêng mà còn có cả người Kinh, Khơ-me... cùng chung sống nên lớp trẻ người XTiêng cũng đang dần sống "hiện đại" hơn và cùng hòa nhập với cộng đồng dân cư trên địa bàn để chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.




Nguồn vietnamcuture.com.vn; web.cema.gov.vn; chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved