Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

27 thg 1, 2014

Câu chuyện hoa giấy

Chuyện kể rằng:
"Trong ruộng mả làng Cối có một nấm mồ nhỏ, nhìn nấm mộ này không đặc biệt gì nhiều so với những nấm mồ khác. Nếu khác biệt duy nhất là trên nấm mồ ấy người ta nhìn thấy một khóm hoa giấy màu tím, bao giờ cũng mọc um tùm xanh tốt, nở hoa tươi thắm bốn mùa.

Vào mùa mưa, khóm hoa giấy trên ngôi mộ này nở lan tràn cũng là điều bình thường, không đáng nói. Mùa khô hoa vẫn nở, chúng nở một cách thắm đượm. Gần như cái nắng nung người kia xem ra chẳng thể nào khuất phục chất ham sống của nó được. Có mấy người đi tảo mộ đốt hương cho người nhà quả quyết rằng người yên nghỉ dưới lòng đất kia là người thuở sinh tiền đã sống rất có hậu, nên khi nằm xuống cái nghĩa của người ấy đã toát lên qua những cánh hoa:
- Giời hành thế này mà trông nó mỡ màng làm sao.


Chỉ có vài đứa trẻ chăn trâu quanh đấy thì lại bảo nhau rằng:

- Hoa giấy trên mộ bà Hợi mẹ thằng Sinh tốt thế là vì bà cô của nó chiều nào cũng ra đây tưới nước đấy!

Một con bé còi cọc, tóc khô, sún mất một cái răng cửa, chừng mười ba tuổi, nhoẻn miệng cười bảo mấy đứa khác:

- Chỉ có bà cô thằng ấy bị điên mới đem nước ra đây tưới. Hoa giấy đầy gai. Thế mà cũng đem trồng.

Một thằng bé khác, mặt mũi đen như than, răng bị hô, nheo mắt lại mỗi khi nói chuyện:

- Hình như là hai người đàn bà này có cái gì với nhau ấy. Có hôm tao nhìn thấy cái bà Nghêu, cô thằng Sinh ngồi khóc một mình ở ngoài này!

Một thằng bé khác gầy còm, khuôn mặt nhỏ choắt, nhưng hai con mắt to quá khổ, choán hết gần khuôn mặt, hai con mắt to và đen. Lúc nào đôi mắt ấy cũng chực cười. Nó bảo hai đứa kia:

- Chúng mày chỉ được vớ vẩn là giỏi. Chuyện nhà người ta thì mặc kệ nhà người ta. Chúng mày là cái thá gì mà nói chen vào chuyện nhà thằng Sinh. Tao ghét nhất cái thói nói chuyện sau lưng người khác.

Thằng bé có khuôn mặt đen như than nói chen vào:

- Thằng Phú này thì chỉ được cái bênh cho thằng Sinh là giỏi. Cái gì cũng thằng Sinh thằng Sinh. Làm cái gì cũng bảo: Rủ thằng Sinh đi chung với. Chả lẽ mày thích thằng Sinh đến thế cơ à?

Thằng bé tên Phú quay mặt đi hướng khác. Hình như nó cố giấu một điều gì đó rất bí mật. Con bé sún răng sau cùng nói:

- Có khi mày thích nó phải không Phú?

Thằng bé có khuôn mặt đen lại nói phụ họa vào:

- Tao nói thật. Nhìn thằng Sinh, tao nhận ra là nó thích mày. Nhưng mà chuyện đó chẳng liên quan gì đến tao và cái Chanh cả.
- Quay sang con bé có chiếc răng sún, nó nói tiếp: Tao bảo thế có đúng không, Chanh?

Con bé nọ gật đầu, rồi nó nói với thằng Phú:

- Thằng Lực nói đúng đấy!

Thằng Phú không nói gì cả. Nó chỉ đứng im lặng.
Nó không biết nó và thằng Sinh có thích nhau thật sự hay không, điều đó nó chẳng biết, nhất là khi nó chỉ vào cái tuổi mười bốn. Nhưng nó biết rất rõ vì sao trên mộ mẹ thằng Sinh có trồng một khóm hoa giấy nở những bông hoa màu tím rất đẹp như thế. Nó còn biết vì sao bà cô của thằng Sinh chiều nào cũng ra ngoài này tưới nước cho khóm hoa giấy ấy. Thực ra, nó rất muốn kể cho thằng Lực và con Chanh nghe toàn bộ câu chuyện bí ẩn đằng sau. Nhưng nó không thể kể ra được. Vì thằng Sinh, bạn thân của nó đã dặn kỹ:

- Mày đã nghe tao kể hết câu chuyện của mẹ tao. Tao chỉ xin mày, đừng bao giờ kể lại cho bất cứ một người nào khác nghe. Mày có dám hứa với tao như vậy hay không Phú?

Thằng Phú lúc ấy gật đầu. Nó đã hứa với thằng Sinh là nó sẽ không kể cho ai nghe. Nhưng cứ hễ mỗi lần nghe người ta nói đến khóm hoa giấy trên mộ người đàn bà, với những nhận xét phỏng đoán đủ kiểu khác nhau, nó lại thấy hậm hực vù nó biết đã đoán sai. Nó biết rất rõ chỉ có mình nó, bà mẹ, ông bố và bà cô của thằng Sinh mới là người đã biết toàn bộ chân tướng sự thực của câu chuyện.

Và câu chuyện ấy bao giờ cũng ùa về đầy ắp những chi tiết... Như thể đấy là câu chuyện của riêng thằng Phú vậy. Như thể nó là một phần của một câu chuyện đau lòng. Như thể chính nó đã nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn thiêng liêng của loài hoa giấy.

Một điều rất lạ là nó luôn cảm thấy bất ngờ mỗi khi nó nghĩ về câu chuyện ấy. Một câu chuyện đã đưa nó về những miền cổ tích. Một câu chuyện cổ tích rất buồn, bao giờ cũng để lại trong tâm trí nó một cảm giác man mác bang khuâng khó rũ bỏ.


Nó có cảm giác câu chuyện nó nghe được chính là một truyền thuyết về sự tích của loài hoa giấy. Một loài hoa - sau khi nghe về một chuyện tình - nó không còn nhìn bằng con mắt bình thường như trước đây nữa. Nó nhìn thấy ý nghĩa của một loài hoa mỏng mảnh, không hương thơm, không kết trái. Một loài hoa thân đơm đầy gai nhọn nên chẳng được đối xử may mắn ưu đãi như hoa hồng. Một loài hoa nó đã nhìn thấy từ bao nhiêu ngày trước đó.
Dù không được người đời trân quý, loài hoa ấy vẫn nở rất nhiệt tình. Nở như quên đi sự bạc đãi của cuộc đời đói với chính bản thân nó. Hình như nó chỉ cần biết mục đích cuộc đời của nó là mở ra những bông hoa mang một sắc màu tươi thắm nhất.
Câu chuyện bỗng chợt ùa về trong đầu nó rất nhanh.

Ngày xưa...làng Cối...
Có một chuyện tình...
Tiếp theo câu chuyện về hoa giấy xoay quanh sự nhận xét, phán xét của lũ trẻ trong làng Cối về hoa giấy ở nấm mộ, thì đây là nguồn gốc thật của loài hoa Giấy ấy.

Chuyện kể rằng:
"Vợ chồng phó Biện lấy nhau đã được hơn hai năm rưỡi mà chẳng có dấu hiệu chửa đẻ gì, bà mẹ chồng tỏ ra sốt ruột một cách lộ liễu. Bà hay thở dài đánh sượt mỗi khi nhìn vào bụng đứa con dâu. Có vẻ nó dài như thể hai mươi năm vậy.

Vợ Biện chán ngán cái nhìn săm soi ấy của bà mẹ chồng lắm nhưng chẳng biết làm sao khác hơn được. Nhất là mỗi khi bà mẹ chồng nhìn đàn chó con đang rúc vào cú con chó cái, tranh nhau bú, bà đây liền nói:

- Nhà này nuôi chó chó đẻ sai, nuôi lợn lợn đẻ mắn. Thế mà nuôi người thì người lại chả đẻ hộ cho. Chả biết cái phúc nhà này nó ra làm sao nữa.

Có một lần khác, vợ Biện cố gánh chỗ bèo về băm nấu cám lợn, bà mẹ chồng không thương cảm lại còn nói kháy một câu:

- Chị chả cần phải cố như thế cho hại người. Chịu khó nghỉ ngơi rồi đẻ cho tôi một vài đứa cháu nội, thế là được rồi.

Kể từ đó vợ phó Biện trong lòng bao giờ cũng canh cánh một nỗi niềm đau khổ. Có lần bà mẹ chồng còn hỏi cậu con trai một câu mà vợ Biện nghe được: Thế mày với mẹ thằng cu không ngủ với nhau à?Tuy vợ Biện chưa bao giờ sinh cho nhà họ Huỳnh lấy một mụn con, song bà mẹ chồng bao giờ cũng gọi vợ Biện là mẹ thằng cu. Cứ như thể gọi mãi như thế, cô con dâu của bà một ngày nào đó sẽ có chửa. Người con trai trả lời bà mẹ:

- Tuần nào cũng đánh hơn chục lần...Mà mẹ lo làm gì...từ từ thủng thẳng, đi đâu mà vội.

Bà mẹ thở dài đánh sượt một cái rồi nói:

- Cha bà cái thói bênh vợ của nhà anh. Tôi sắp chui xuống lỗ rồi. Bảo từ từ thủng thằng là từ từ thủng thẳng thế nào. Anh không mau mau kiếm tí cháu nội cho tôi bồng, sau này ngộ nhỡ tôi không chờ được, rồi đi xuống chốn cửu tuyền, tôi biết ăn biết nói với các cụ tổ họ Huỳnh nhà anh như thế nào!

- Vợ Biện nghe nói thế, trong bụng cảm thấy rát ruột lắm.

Ban đầu vợ Biện mới về làm dâu nhà họ Huỳnh, bà mẹ chồng tỏ ra chăm chiều hết mực. Có cái gì ngon bà cũng dành riêng cho đứa con dâu. Có quả xoài bổ ra thì bà sẽ nhất định chọn phần cái hột, ép cô con dâu ăn bằng được hai cái má thịt xoài. Cả chuyện băm bèo nấu cám lợn bà cũng giành lấy: Chị xê ra đi, nom chị băm bèo tôi ngứa mắt lắm. Nói xong bà không quên kèm theo một nụ cười thật to ra điều mình đang mắng yêu cô con dâu.

Nhưng rồi sau đó sự nôn nóng của vợ Biện mong mình cấn thai cũng giống như chuyện bà mẹ chồng mất dần kiên nhẫn. Hình như bà bắt đầu sốt ruột thật sự. Có thời gian cây đu đủ trước nhà rất sai quả, bà ngày nào cũng bắt cô con dâu ăn đu đủ. Thôi thì đủ cả các món canh, xào, nộm, dưa, luộc... Thì ra bà đã hỏi xem vợ nhà Thoan ăn cái gì mà mắn chửa. Vợ Thoan bảo: Nhà con nghèo, chỉ có mỗi món đu đủ. Hóa ra ăn cái ấy nó mắn lắm, bà ạ!

Cây đu đủ dễ có đến hơn ba mươi quả, đeo bám kín một khúc thân cây, nhưng chẳng quả nào kịp chín. Chả là bà mẹ chồng cứ vặt xanh xuống. Vợ Biện độ ấy cứ nhìn vào mâm cơm là phát ốm vì nhìn thấy toàn là món đu đủ.

Cuối cùng ăn xong hết mùa đu đủ ấy, nhưng cái bụng của vợ Biện không chịu ngoan ra, không chịu cấn chửa. Tháng nào vợ Biện cũng thấy máu chảy ra từ âm hộ, lòng vợ Biện lại nhói đâu như có ai thắt lại bằng gai mây. Bà mẹ chồng thấy mình đã dày công như thế mà cái nết chửa đẻ của vợ Biện xem ra vẫn chẳng ăn thua gì. Chán nản, bà bỏ mặc ý định mình đang sốt ruột chờ một đứa cháu nội.

Trong nhà bây giờ bông nặng nề u ám như thể mọi xó xỉnh ngóc ngách đều ngập tràn chướng khí. Anh chồng cũng chán nản nhìn vợ. Hình như anh không hiểu tại sao anh và chị vẫn đều đặn chuyện ân ái nhưng vợ anh vẫn không có chửa. Có lần chồng bảo vợ:

- Trông mình lành lặn khỏe mạnh như thế, tôi nghĩ chắc là lỗi tại do tôi mà ra cả.
Vợ Biện nghe chồng nói thế chỉ biết nằm rưng rưng khóc. Thì ra chồng chị cuối cùng đã than thở về điều mà chị nghĩ chỉ có bà mẹ chồng mới thực sự quan tâm đến. Anh đã nói đến một sự thật bao giờ cũng khiến cho chị nhói đau. Đối với vợ Biện, khổ và nghèo, cơ cực đến mấy vợ Biện không hề ca thán ngần ngại. Chị chỉ đau khổ khi trách nhiệm chửa đẻ của mình không hoàn thành trọn vẹn. Nay nghe chồng nói thể, thử hỏi làm sao lòng chị không đau cho được.

Vợ Biện một hôm lén đi coi bói. Bà thầy bói xem quẻ bài xong rồi bảo:

- Thú thật... Tôi không muốn nói ra những điều mà quẻ bài đã ứng. Nhưng mà thấy chị hiền lành, lại thành tâm, tôi không nỡ nói dối. Cái số chị long đong về đường chửa đẻ lắm.

- Thế là cháu không bao giờ có con...

Người đàn bà vội trả lời:

- Ấy chết! Không phải như thế. Số chị... Chỉ nhờ được con nuôi thôi. Theo quẻ bài thì đấy là một đứa con gái. Con thì hai lần chửa, đẻ đủ cả hai. Hai đứa con giai đàng hoàng. Nhưng chỉ giữ lại được một đứa. Cái đứa đầu tiên, xin đừng trách tôi nói gở mồm... đẻ ra thì có mà cho bú thì không!

Nghe xong, vợ Biện khuôn mặt chùng xuống. Một ý nghĩ thoáng nhanh xuất hiện trong đầu chị, có lẽ không nên tin vào bói toán. Hoặc là nếu xoa bài lại, rất có thể quẻ thứ hai sẽ không ứng xấu như quẻ trước. Chị nói nhanh:

- Bài xấu thế cơ à? Hay để cháu xoa bài quẻ khác!

Người đàn bà vội lắc đầu:

- Ấy chết... Không được đâu. Làm thế cũng chẳng giúp được việc gì. Chẳng linh nghiệm gì đâu.

- Nhưng cháu muốn. Xin bà giúp cháu... - Vợ Biện năn nỉ. Hình như chị nghĩ rằng với sự thành tâm khẩn thiết của mình, số phận sẽ cảm động cho hoàn cảnh bẽ bàng của chị. - Cháu xin bà thật lòng đấy!
Người đàn bà nhác thấy có một khách lạ đến đang đợi ngoài sân vội nói tránh đi: Có muốn xem lại thì phải đợi hôm khác! Nhưng khi nhìn vẻ mặt chết lặng của vợ Biện, bà ta không nỡ ăn ở cạn tình. Thành ra bà sai con bé giúp việc ra ngoài thềm báo lại với khách là chừng mười phút nữa là bà sẽ cho mời khách vào.

Vợ Biện lại xoa bài một lần nữa. Thật trớ trêu thay. Những con bài vẫn là con bài ban nãy. Nhưng vợ Biện vẫn cầu xin là bà thầy bói mấy phút trước đã coi nhầm. Nhưng nhìn khuôn mặt lặng lẽ đến độ tàn nhẫn của bà ta, vợ Biện toàn thân lạnh đến độ toát mồ hôi hột. Người đàn bà lên tiếng:

- Bài quẻ này ứng lên càng xấu hơn.

- Thưa bà. Là thế nào, cơ ạ? - Khuôn mặt vợ Biện tái xanh lại.

- Theo quẻ...bài nói... Thằng con trai của chị sau này cũng khổ đau về chuyện gia đạo. Không có hạnh phúc. Còn đứa con gái nuôi thì đường tình duyên tan tành. - Nghĩ sao bà ta nói: Thôi đi đâu cũng chẳng thoát khỏi mệnh Giời. - Cuối cùng bà ta lẩy một câu Kiều:

Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Vợ Biện hôm ấy ra về lòng đau như cắt.

Đất bằng dậy sóng.
Một điều vợ Biện không thể ngờ được là quẻ bài linh nghiệm cực kỳ. Ngay buổi sáng hôm ấy, trên bến đò làng Cối vắng khác, chị nghe có tiếng khóc trẻ con re ré cất lên, nghe như thể nó đang rất khát sữa, hình như nó sợ chết nên cố hết sức khản cổ gào để người ta có thể nghe được tiếng kêu cứu thảm thiết của nó.
Vợ Biện đi lại nơi có tiếng khóc thì nhận ra đấy là một đứa trẻ được bọc trong một cái xống cũ, rách nát, bẩn thỉu. Hai bàn chân con bé thò ra, bám đầy kiến lửa. Vợ Biện vội gỡ cái xống ra, nhanh tay nhặt những con kiến lửa. Đến lúc này thì vợ Biện mới nhận ra là con bé không chỉ khát sửa mà nó còn bị kiến đốt nhừ tử. Quan sát kỹ, vợ Biện nhìn thấy đấy là một đứa con gái. Nhưng nom kỹ, đứa con gái ấy không bình thường, hình như nó có một cái âm vật khá lớn, không giống như những đứa con gái nhỏ khác mà vợ Biện đã từng gặp qua.

Vợ Biện nhìn quanh nhưng không trông thấy ai. Bất chợt chị hiểu ra đã có người đẻ xong rồi đem vứt con bé đi. Thế là chị cảm động ẵm nó về. Trên đường về nhà, chị cứ lo lắng là bà mẹ chồng sẽ tìm cách mắng trách chị. Chị sợ bà sẽ nói: Con chị đẻ ra tôi mới quý. Còn con người ta vứt đi, chị khuân về để cả nhà này hầu nó à? Đúng là đoảng từ cái nết đẻ đoảng đi.
Chị lo lắng như vậy là vì từ hai năm nay, hình như mọi chuyện chị làm trong tầm mắt bà mẹ chồng cũng đều sai cả. Nhưng nhìn con bé trong tình cảnh tang thương như thế này, chị không nỡ đành đoạn bỏ nó lại bến đò một mình. Thế là vợ Biện quyết định ẵm con bé về. Dù sao thì nó cũng mang một thân phận kiếp con người. Đâu phải cái thúng rách vứt ở vệ đường. Thế là chị nói với con bé:

- Thôi ngoan, không khóc nữa. Để mẹ ẵm con về. Mẹ sẽ nuôi con. Nín đi nào. Ngoan nào...

Có lẽ con bé vừa đói vừa bị kiến cắn, nên nó hờn, nhất mực cứ khóc thét lên, dù vợ Biện vẫn đều tay vỗ về cho con bé.

Trước sân nhà Biện có một giàn hoa giấy nở đầy những cánh hoa màu tím.

Vợ Biện ẵm con bé về, vừa bước vào đầu ngõ đã gặp ngay phải bà mẹ chồng. Lúc này thì con bé đã nín khóc, thiêm thiếp ngủ. Vừa nhìn thấy con dâu cụ đã đay nghiến. Hình như từ hai năm trở lại đây, bà cụ bao giờ cũng bực bội mỗi khi nhìn thấy người con dâu:

- Mặt trời đã lên cao thế này, thôi chị vào trong kia mà ngủ, chốc ta thổi cơm chiều ăn luôn một thể.
Kỳ tình lúc ấy cũng chỉ mới hơn mười một giờ sáng. Nhà lại chẳng nấu nướng gì nhiều. Nhưng bà mẹ chồng bao giờ cũng cạnh khóe đáo để như thế. Có khi bà con chửi đổng, nói xiên nói xỏ, lời lẽ rất xóc óc, cố tình khiến cho đứa con dâu phải rơi vào tình cảnh khó xử.

Hôm nay, sau câu nói gay gắt ấy, nhìn thấy đứa con gái ẵm một cái búi giẻ trên tay, bà gay gắt hỏi:
- Chị lại khuân cái của nợ gì về nhà đấy!

Vợ Biện ghé mông ngồi xuống bậc thềm nhà, ngả cái xống nát chìa sát về phía bà mẹ chồng, chị mở cho bà nhìn thấy đứa con gái bị bỏ rơi ngoài bến đò. Chị lí nhí nói:

- Giời ơi! - Bà cụ lập tức hét toáng lên. - Chị làm cái gì thế này hở. Ai đời mà người ta lại vứt con đi. Chắc là chị lại đẻ không được nên ẵm trộm con người ta về. Biện ơi...Anh ra đây mà xem vợ anh đây này.

Biện đang dở tay trát lại cái vách phía sau nhà bếp nghe thấy tiếng mẹ thét lên, vội vứt bỏ tất cả mọi chuyện chạy ra xem. Nhìn thấy trên tay vợ là một đứa trẻ con, anh trố mắt nhìn:

- Con cái nhà ai thế này?

Vợ Biện ngước mắt lên nhìn chồng:

- Tôi nhặt được nó ở bến đò...

Bà mẹ chồng vội xỉa xói:

- Nhặt. Nhặt. Nhặt... Ai đẻ con ra rồi vứt cho nhà chị nhặt. Mà chị có muốn nhặt nó về thì chị cũng phải hỏi tôi một tiếng chứ. Tôi có phải đã bạc phước chết khuất đi đâu mà chị coi tôi như đã chết. Mà tôi có chết thì trong nhà này cũng vẫn còn thằng Biện. Chị chỉ là con dâu, cái nết đẻ đái còn làm không xong. Giờ chị còn ngang nhiên chiếm hết cả quyền hành trong cái nhà này phải không? Hử.

Vợ Biện ngơ ngác đôi mắt:

- Con nom thấy đứa trẻ, tội nghiệp quá...

Người đàn bà tru lên ngay tức thì. Có lẽ bà không thể chịu được cảnh cô con dâu đã dám trả lời bà như thế:

- Giời ơi là giời. Ông ngó xuống đây mà coi đây này. Các ông tổ, các bác nhà họ Huỳnh sống lại mà coi con vợ Biện nó chửi tôi là người thất đức đây này. - Nói xong một tay bà ta đập xuống nền gạch huỳnh huỵch, một tay bứt tung cúc áo.

Biện thấy mẹ làm thế, bực lây sang vợ. Anh đã dặn chị nhiều lần, mỗi khi bà cụ nói chuyện, chị chỉ được phép ngồi nghe. Thế là anh quát lên, có lẽ vì bực bội khi nhìn thấy mình rơi vào cảnh đôi bề khó xử. Trong trường hợp này anh chẳng biết bênh bên nào cả. Mẹ anh thì tuy có hơi khó tính nhưng luôn là vai mẹ. Còn vợ anh hiền lành đáng thương nhưng anh chỉ có thể chiều chuộng đằng sau mặt mẹ. Thế là Biện quát vợ:

- Còn không biết há mồm ra mà xin lỗi mẹ ngay à?

Không hiểu sau vợ Biện hôm nay dở chứng, cứ như thể là vừa nhai xong nguyên cả một cái mật cọp. Chị ẵm đứa trẻ, đứng lên:

- Tôi không làm gì sai cả. Thấy người sắp chết không cứu tôi không làm được. Nếu mẹ và anh không chịu giữ nó thì tôi đun cháo đổ hồ cho nó vài hôm rồi tôi sẽ tìm cho nó một nơi. Còn nếu như bắt tôi phải vứt nó ra đường ngay bây giờ. Tôi sẽ ẵm nó về nhà u đẻ tôi. Sống ở đời phải có đức chứ!

Nói xong vợ Biện ẵm đứa trẻ đi thẳng vào trong phòng. Bên ngoài anh chồng đứng chết trân. Bà mẹ chồng thì vật ra thềm giãy đành đạch: Giời ơi là Giời. Ông ngó xuống đây mà xem đây này. Con dâu dám chửi lại mẹ chồng. Con giai thì bênh vợ. Giời sao có mắt hay không mà ông nỡ đối xử với tôi như thế, hả Giời ơi. Sao ông nỡ hành hạ tôi khổ sở như thế này? Giời ơi là Giời...

Biện bực quá, không biết phải làm sao, thế là anh bỏ ra sau nhà trát tiếp bức vách.

Cứ tưởng là sau vài hôm đổ hồ, người ta sẽ chứng kiến cảnh vợ Biện đem đứa trẻ đi gạ gẫm những người trong làng Cối để họ nhận nuôi nó. Nhưng mà hình như thiên duyên lại nghễnh ngãng thế nào ấy, chuyện đem đứa trẻ cho người khác cuối cùng đã không xảy ra.

Chuyện là thế này. Một hôm vợ chồng Biện cùng nhau ra đồng, ở nhà chỉ còn bà mẹ chồng và con bé. Có lẽ vì đói nên nó khóc. Ban đầu bà cụ nhất mực không ngó ngàng gì đến con bé. Nhưng sau thấy nó hờn, khóc quá, sốt ruột không chịu được, cuối cùng bà phải ẵm con bé lên.

Lạ thật, ban đầu con bé không nín ngay nhưng sau đó tiếng khóc dịu dần. Cuối cùng thì nín bặt. Của đáng tội là mấy hôm nay bà mẹ chồng rất giận đứa con dâu nên không thèm ngó ngàng gì đến con bé. Thế là hôm nay nhà vắng người, bà liền vạch mặt nó ra nhìn. Không hiểu sao con bé nhoẻn miệng ra cười, khoe hai cái nứu thâm, khiến cho lòng bà chùng hẳn lại.
Ẵm con bé theo xuống bếp, bà gạn ra một ít nước hồ rồi bón cho nó. Con bé uống ừng ực những muỗng hồ loãng rồi lâu lâu rồi lại mỉm cười. Lòng người đàn bà vì thế càng lúc càng nở ruột ra. Kỳ tình mà nói, bà tuy mồm mép hằn học nhưng trong bụng luôn có cái tâm Bồ tát, thành ra nhìn một đứa trẻ như thế, bà không thể không động lòng thương xót nó.

Khi vợ chồng Biện về nhà thấy bà cụ đang ru cháu. Cả hai vợ chồng đều rất lấy làm lạ. Nhất là khi chị nghe cụ nói với chồng: Con bé này thế mà ngoan lắm. Hôm nay ở nhà ăn hết một bát cháo đầy.

Sau đó cả nhà không ai nhắc đến chuyện đem con bé cho đi nhà khác. Mà có lẽ do ăn ở có đức, Trời động lòng thương, con trăng ấy vợ Biện không thấy mình có tháng như bình thường. Rồi tháng thứ hai cũng không có nốt. Đã thế vợ Biện lại cứ hay thèm ăn lá me. Mỗi lần nhai cả hang vốc.

Cuối cùng bà mẹ chồng bắt con dâu vạch vú ra cho bà xem. Nom thấy hai quầng thâm xung quanh nhũ hoa, bà cụ nhe răng ra cười, bảo:

- Thâm như thế đúng là chửa thật rồi đấy!

Hóa ra đấy không phải là niềm vui của người con dâu mà con là niềm vui của cả bà mẹ chồng nữa."

Vợ Biện có chửa thật.
Đây là một tin tốt cho nhà họ Huỳnh. Chẳng hiểu sao ai cũng vui nhưng chỉ có vợ Biện là khuôn mặt lúc nào cũng ưu tư, vương vấn một nỗi buồn xa vắng.
Thì ra là chị luôn luôn ám ảnh về lần voi bói hôm nào. Theo lời của bà thầy bói mà luận thì một phần của quẻ bài đã ứng. Vợ Biện đã có một đứa con gái nuôi. Vợ Biện lại nhớ lại cái hôm ở ngoài bến đò, khi ẵm con bé về, trong bụng chị rất lo sợ, vì chị thấy quẻ bài sao mà linh nghiệm đến độ bất ngờ. Vừa nói đấy, đã ứng ngay ra đấy.
Bà mẹ chồng nhìn thấy cô con dâu cấn chửa nên càng vui vẻ hơn. Hình như bao nhiêu bực dọc bức xúc đều được tan biến hết. Thế là bà cụ ngoài niềm vui sắp có cháu nội bồng, nay lại được chơi với con bé nhặt về được, trong lòng cụ lúc nào cũng thư thới. Trong nhà họ Huỳnh vì thế bây giờ không còn căng thẳng như trước đây nữa. Không khí lúc nào cũng tươi tắn như gió xuân.
Cây đu đủ trước sân năm ngoái quả kém lắm, thế mà năm nay nổi hứng, tự nhiên quả lại sai y như cái năm vợ Biện mới về làm dâu nhà họ Huỳnh. Năm vừa rồi gà qué cả làng Cối bị rù tiệt cả, chỉ có nhà Biện có ba con gà mái không bị rù. Thành ra năm nay ngoài sân nhà họ Huỳnh gà nhiều lắm, hết lứa nọ đến lứa kia, bới đất tìm giun, mổ nhau chí chóe.
Sẵn sân nhà lắm gà, bà mẹ chồng lựa những con gà giò béo nhất rồi tự tay cắt tiết nấu cháo, có bỏ đỗ xanh vào cho con dâu tẩm bổ. Cứ lần lượt hết con này đến con khác. Thành ra cũng giống như ngày xưa sợ món đu đủ trường kỳ, vợ Biện hôm nay ngày nào cũng nhìn thấy thịt gà lại phát sợ. Nhưng biết làm sao được, cản mãi nhưng bà mẹ chồng có cái tính gàn cố hữu nhất định một mực không chịu nghe. Mà cũng chả ai nỡ chống lại bà cụ. Bà đã có tuổi mà vẫn như trẻ con, thích cái gì thì nhất nhất sẽ làm cho kỳ được. Nên anh chồng cứ phải bảo vợ:
-Ngán thịt gà thì cứ bưng vào buồng rồi để đấy, chốc tôi xong việc tôi vào ăn hộ cho. Mẹ hỏi có ngon không thì cứ bảo là ngon lắm cho mẹ vui. Nhá.
Mùa thu năm ấy vợ Biện cái bụng lặc lè trông rất hay. Có người nhìn bụng bảo nhất định sẽ sinh ra con trai. Bà mẹ chồng vì thế càng mát ruột hơn. Bà không cho vợ Biện làm những công việc nặng nhọc nữa. Đã thế, bà còn nhờ người đi chợ mua vải về rồi cặm cụi khâu tã, khâu áo cho cháu nội. Các việc ấy bà làm một cách tự nguyện, không ai ép. Nhìn thấy mẹ chồng hăng hái, trong tâm vợ Biện càng lo nhiều hơn. Vì chị biết sô phận của đứa trẻ này rồi đây sẽ ra sao, nếu cứ dựa theo quẻ bài hôm nọ.
Đầu đông thì vợ Biện đi đứng càng khó khăn hơn. Rồi khi những quả hồng chín được người ta bảo nhau hái xuống vì đã có vài quả bị dơi khoét trộm. Đáng lẽ ra người ta cứ để những quả hồng chín treo trên cây cho đến khi tết về mới hái vào cúng ông bà. Chả hiểu sao năm nay tự nhiên lại nảy ra cái giống dơi khoét đêm. Thành ra họ tuy không muốn nhưng vẫn phải vặt xuống sớm. Đến lúc này thì vợ Biện cảm thấy giờ sinh con đã sắp đến gần.
Vào một đêm trời đầy sao, giá băng như cắt da, vợ Biện ôm bụng đau đớn, khuôn mặt tái nhợt. Chồng chị vội chạy đi kêu bà mụ.
Đêm ấy, vợ Biện luôn miệng lầm rầm khấn vái. Cơ khổ, nỗi ám ảnh từ lời của bà thầy bói cứ vang lên trong đầu vợ Biện, càng nghe rõ rệt hơn. Bà mẹ chồng chỉ nghe thấy con dâu lầm rầm mà chả hiểu chuyện gì xảy ra. Bà cứ nghĩ là con dâu lo sợ, nên bà bảo:
-Vợ Biện này, chuyện đẻ con, người đẻ cũng giống như con lợn đẻ vậy. Con thấy đấy, lợn sề có con nào chết vì đẻ đâu?
Cơ khổ, nào bà mẹ chồng có biết là vợ Biện không hề sợ chết. Chị nào có sợ gì cho chính bản thân mình. Chị lo là đang lo cho đứa con trong bụng của mình kia. Với chị, vợ Biện chẳng thích cái chết bao giờ. Nhưng nếu có một lựa chọn, chị nghĩ rằng thà là chị chết để con chị được sống còn hơn. Chị sẽ nhường mạng để con mình được sống. Nhất là trong hoàn cảnh này, bà mẹ chồng bao giờ cũng khát khao mong ước có một đứa cháu nội. Bà mong mỏi có một cháu nội đến độ cuống cuồng của trẻ con. Kể cả giận lẫy và khóc thầm. Nên vợ Biện bụng bảo dạ, thế nào thì thế, nếu chị chết đi sẽ đỡ khổ cho cả chị và cho bà cụ, nhiều hơn là con của chị sẽ phải ra đi.
Có lần vợ Biện đã khấn: Con xin trên có Trời, dưới có đất. Con cầu xin các vong hồn anh linh tổ tiên của nhà họ Huỳnh. Nếu như con có phải tổn thọ mười năm, hay hai mươi năm cũng được, hãy rủ lòng để cho con của con được sống, con nhất định sẽ xin được vâng lời làm y theo như thế.
Thành ra đến giờ sanh, vợ Biện luôn bị ám ảnh rằng con chị sinh ra sẽ chết. Có sinh thì có, mà bú thì không. Lời của bà thầy bói càng lúc càng cất lên nghe rõ rệt trong đầu vợ Biện hơn, chan chát như tiếng búa nện. Khi nghe thấy tiếng chồng về, có cả tiếng bước chân của bà mụ đi sau, vợ Biện càng run sợ nhiều hơn. Chả là chị tin rằng khi rằng khi bà mụ đến sẽ là lúc chị sanh con. Mà khi sanh ra đứa trẻ sẽ chết thì chị thà giữ nó trong bụng. Dù sao thì quả tim đứa trẻ cũng đã đập trong bụng chị hơn chín tháng nay rồi.
-Có khi bói toán chả đúng đâu. Coi bói ra ma, quét nhà ra rác.
Một lúc nào đó vợ Biện đã nghĩ đến chuyện mê tín này. Nhiều lần chị đã không tin lắm vào bói toán nhiều. Ngặt cái là quẻ bài quá linh đến độ không muốn tin cũng khó. Đứa con gái được nhặt về ứng ngay sau khi vợ Biện bước ra khỏi nhà người đàn bà thầy bói kia. Đã thế, thiên hạ đồn rằng bà ấy xem quẻ rất thiêng. Mười người đến nơi đều công nhận là bà ta có thể biết được cả những chuyện thiên cơ kín kẽ nhất, nên nhất nhất chuyện gì bà ta nói cũng đều đúng cả. Chính vì thế mà vợ Biện mới lén chồng đi coi bói xem đường gia đạo con cái của mình sau này sẽ ra làm sao.
Khi bà mụ đến nơi thì nước ấm và giẻ sạch, lá chuối khô, cùng là rơm rạ đã được bà mẹ chồng chuẩn bị đâu vào đấy. Vợ Biện nằm trên cái phản ở nhà trong, khuôn mặt méo xệch, tái hẳn lại.
Một cái đèn bão được thắp lên, ánh sáng tù mù le lói. Anh chồng lóng ngóng đứng ở bên ngoài, ruột gan nóng như lửa đốt vì không biết vợ mình có vượt cạn được an toàn hay không. Bụng sốt ruột như kiến bò chảo rang mà Biện không làm gì được. Thành ra anh chỉ biết đi tới đi lui ở phòng ngoài, sớ rớ, thừa thãi, tay ẵm đứa con gái nuôi. Miệng ru nó mà cũng như thể đang cố tự trấn an chính mình.
Không hiểu vì vợ Biện không muốn sinh con vì sợ nó chết ngay sau khi lọt lòng; hay là vì đứa trẻ không chịu chui ra vì nó có một khiếm khuyết nào đó, không thể sống tồn tại một mình được. Vì thế khi vợ Biện chuyển dạ lúc đầu canh một mà đến giữa canh tư vẫn chưa sinh con được. Người chồng đứng bên ngoài càng lúc càng đau đớn hơn khi anh nghe thấy tiếng vợ mình thở rất nặng nhọc trong nhà.
Sau cùng Biện sốt ruột quá, đánh liều nhìn qua khe liếp, anh nhìn thấy bà mụ thọc sâu cánh tay của mình vào cửa mình của vợ, ngập đến tận cùi chỏ. Tim Biện thắt lại. Anh bỗng òa lên khóc. Sao mà vợ anh lại phải chịu cảnh đau khổ đến dường ấy. Cuối cùng thì Biện không thể đứng đó chứng kiến cảnh vợ mình đau đớn, anh bỏ ra ngoài hiên nhà, lòng nát tan như có rất nhiều mảnh sành đang cắt cứa bên trong.
Cuối cùng anh nghe tiếng bà mụ thốt lên, thay vì phải là tiếng trẻ con khóc ré lên. Anh tốc chạy vào xem coi đấy là chuyện gì, con trai hay con gái. Nhưng anh chưa kịp vào đến bên trong thì mẹ anh đã cả lại:
-Thôi anh đừng vào trong ấy. Anh ra đây tôi bảo cái này.
Nói xong bà mẹ lôi tay người con trai đi ra ngoài, nét mặt bà biến sắc. Bà mệt mỏi nói với con trai khi hai người họ ra đến ngoài thềm:
-Sao mà cái vận nhà họ Huỳnh ta nó lại xấu như thế không biết!
-Chuyện gì thế, hở mẹ. – Biện sốt ruột hỏi.
Bà mẹ chồng lắc đầu: 
-Có đẻ mà cũng như không. Chửa lượt này thế là hỏng.
Người ta đặt tên cho con bé bị vứt ở bến đò làng Cối là Diệu. Cái tên ấy do bà nội nuôi của nó đặt cho. Vì bà tin là con bé có cái tên như thế sau này sẽ tránh được những chuyện duyên tình long đong trắc trở.
Gọi là đặt tên Diệu, nhưng bà hay gọi nó là con Nghêu.
Nghêu từ độ được đưa vào nhà họ Huỳnh phổng phao hẳn lên. Nó rất hay ăn nên chóng lớn. Chả mấy chốc đã mọc răng, rồi thì biết bò, biết ngồi, biết đứng. Nhiều người đàn bà trong làng Cối nhìn con bé khỏe mạnh rất lấy làm ganh tị:
-Uống độc có nước hồ mà cũng khỏe thế, chóng nhớn phết.
Kỳ tình thì bà nội nó chăm đẵm con bé nhiều lắm. Ban đầu bà còn bực bội nên bỏ mặc. Nhưng từ dạo con bé biết cười với bà, thế là bà xay gạo nếp, ngâm cả đỗ xanh, đun lên rồi hòa cả đường phổi vào cho nó bú. Thỉnh thoảng bà còn cho cả một thìa dầu lạng vào nồi bột, nên con bé tình thực ra là được nuôi đầy đủ hơn con cái nhà khác. 
Thỉnh thoảng bà nội con bé nói chuyện với vợ chồng Biện: Con bé chân tay chắc nình nịch thế này, lớn lên chả đứa nào dám bắt nạt nó. Có khi bà nói chuyện với con bé: Nghêu này, ăn cho chóng lớn. Rồi lớn lên thì bà mua trâu cho mày trông. Rồi thì con nghé đẻ đầu tiên bà cho mày làm vốn đấy.
Cũng nhờ con bé mà sau lần đẻ hỏng, vợ Biện đỡ buồn hơn rất nhiều.
Vợ Biện ngồi ngoài thềm nghe bà cụ nói chuyện với con bé trong bụng rất vui, như thể đấy là niềm an ủi cho mẹ chồng và cho cả mình. Nhất là khi chị nghĩ đến cảnh chị dạy dỗ con bé về các điều phải quấy để khi nó lấy chồng sẽ không bị nhà chồng xem thường. Chị nhớ đến cảnh mẹ chị đã dạy chị biết bao điều, từ lời ăn tiếng nói cho đến cách đi đứng, làm cơm, làm cỗ.
Con Nghêu càng lớn càng chắc nịch, nó biết đi khi mới lên mười một tháng tuổi. Bà nội nó nhìn vào bụng vợ Biện lúc ấy sắp sanh rồi bảo cháu: Sau này cháu trông em cho bà, nhớ không cho đứa nào bắt nạt em, nghe không? Con bé chưa biết nói nhưng biết toe miệng ra người. Bà nội nó rất lấy làm thích, khoe với mọi người rằng: Nó chưa biết nói, thế mà bảo cái gì nó cũng biết đấy!
Giữa lúc Nghêu biết gọi ba ba, bà bà thì vợ Biện chuẩn bị nằm cữ. Nhưng hình như người đàn bà sức không được khỏe nên sinh con sớm. Bà mụ đêm hôm vợ Biện lâm bồn đã cố hết sức nhưng khi bà đưa được đứa trẻ ra, chính bà cũng không thể tin vào mắt mình được nữa. Đứa trẻ xám ngoắt, có vẻ như nó đã chết trong bụng mẹ nó từ lâu. Khi bà chạm vào đứa bé thì bà biết nó đã lạnh ngắt ngay từ trong bụng mẹ.
Ngay sáng hôm sau, người ta bảo Biện nên chôn ngay đứa trẻ. Vì nó đã chết từ khi còn trong bụng mẹ, nên để ở ngoài lâu e không tiện. Vợ Biện thì gần như đã ngất xỉu khi chị nghe tiếng bà mẹ chồng tru lên:
-Sao lại quái lạ như thế này hở bà.
Khi tỉnh dậy, chị biết có điều gì đó không bình thường trong lần sinh nở này. Mặc dù chị tin rằng lời của bà thầy bói thật rất linh nghiệm, biết thế nhưng chị vẫn lần sờ. Chị lần tay sờ hai bên xem coi người ta có đặt con của chị bên cạnh hay không, nhưng chị không sờ thấy gì cả. Cố gượng nghếch đầu lên, chị nhìn thấy chồng đang ngồi ở cuối cạnh giường. Chị vội thều thào hỏi:
-Con nó chết rồi phải không mình?
Anh cầm lấy tay chị đưa lên miệng hôn nhẹ rồi bảo:
-Ừ. Thằng con này hư lắm. Nó không chịu ở với bà nội. Nó đòi đi theo ông nội trước rồi…
Anh nói chưa dứt câu thì bật lên khóc. Nước mắt chợt trào ra hai khóe mắt chị vợ. Chị cảm thấy chua xót khi mình biết trước được số phận kém may mắn của mẹ con chị, nhưng chị không thể chia sẻ với ai được. Chị không thể nào bảo chồng rằng: Đứa con đầu lòng này tôi sinh ra sẽ chết ngay.
Trước khi sinh con, mặc dù đấy chỉ là chuyện bói toán, nhưng vợ Biện vẫn thấy rất lo. Nhiều phen chị nghe người ta kể lại rằng những chuyện thiên cơ thì có thờ mới có thiêng, có kiêng mới có lành. Chị không muốn tin vào lời của bà thầy bói nhưng xem ra quẻ bài quá linh, nên dù cố gắng cách mấy, chị vẫn không thể gạt bỏ ý nghĩ con chị vừa sinh ra sẽ chết.
Anh chồng an ủi vợ:
-Mai kia… Mình lại sanh một đứa khác. Lần này chính tay tôi sẽ thịt gà làm cơm cúng ông nội, bảo là cấm không cho đứa nào đi trước tôi với mình nữa.
Vợ Biện nắm nhẹ vào tay chồng, hình như chị muốn nói: Đứa thứ hai sẽ không việc gì đâu mình ạ.Nhưng đấy chỉ là suy nghĩ riêng tư trong lòng chị. Sau đó vợ Biện xin chồng cho mình nhìn xác con. Nhưng anh chồng liền bảo: Tôi đã đắp mộ yên lành cho con nó đi rồi. Có lẽ sợ vợ buồn anh vỗ về an ủi vợ: Người ta bảo là mình còn yếu, không nên để tâm đến thằng cò nhiều. Họ bảo, còn sức còn có cơ hội. Tôi nghe thấy họ nói phải, nên đã đưa con ra ngoài chỗ ông nội từ sớm rồi.
Vài hôm sau thì vợ Biện bắt đầu ngồi dậy được. Bà mẹ chồng bế cả con Nghêu vào cho nó chơi với chị. Con bé bây giờ đã tập nói được vài mươi chữ. Chả hiểu sao khi trông thấy vợ Biện, con bé liền kêu lên, nghe rất sõi:
-M… ẹ… Mẹ… ơi.
Thì ra bà nội con Nghêu đã tập cho nó nói như thế. Vợ Biện quay lại nhìn con bé, tự nhiên nước mắt chị trào ra như mưa. Thì ra hai tiếng mẹ là một âm thanh thiêng liêng và đầy quyền lực đối với những người đàn bà đã một lần bụng mang dạ chửa. Trong trường hợp của vợ Biện thì cảnh tình càng chông chênh trắc trở nhiều hơn. Chị sinh con nhưng không một lần cho con bú. Thế mới đau. Nếu đã nói thế, chuyện chị nghe được con mình gọi hai tiếng mẹ ơi làm sao có thể xảy ra được. Vừa sinh nó đã chết rồi.
Nay nghe con Nghêu gọi chị bằng hai tiếng mẹ ơi, bất chợt vợ Biện vừa đau xót vừa cảm thấy ngậm ngùi, cô đơn. Rồi không hiểu sao con bé chồm ra với lấy chị. Vợ Biện cố gượng đưa tay ra đón con bé. Cái đầu bé nhỏ của nó tựa nhanh vào ngực người đàn bà vẫn còn đang nằm cữ chỉ có một mình. Con bé xoay nhanh người rồi nhìn bà nội, cái miệng nho nhỏ của nó lại líu ríu gọi:Mẹ… mẹ… ơi. Nói xong con bé nhe bốn cái răng sữa ra cười. Trông nó mới thật xinh xắn dễ thương làm sao?

Rồi thì vợ Biện cũng từ từ bình phục hẳn.

Từ lúc vợ Biện sinh con cho đến lúc này, chị gầy tóp hẳn đi, giảm mất hơn chục cân, người chỉ còn một tay xách nặng. Con bé Nghêu bây giờ đã bi bô được nhiều tiếng hơn. Nó bắt đầu hỏi lung tung. Dạo lên ba, có hôm nó hỏi là tại sao nó không có em bé như mấy đứa trẻ nhà cô Thoan. Vợ Biện nghe thấy càng cực thân hơn, vì kể từ hôm con chết, vợ Biện tránh hẳn chuyện ân ái với chồng, chị cảm thấy chuyện nằm với chồng nó nhạt nhẽo làm sao ấy.
Nếu như trong nhà không có con bé Nghêu ấy mỗi ngày a ê, bi bô với tất cả mọi người, chắc là bầu không khí trong nhà phải buồn chán lắm. Vì thế các sự bực dọc giữa bà mẹ chồng và cô con dâu rất có thể sẽ trở lại tình trạng gầm ghè như xưa. Nhưng nhờ có con bé nên câu chuyện giữa hai người được cải thiện một cách đáng kể.
Vì thế vô hình chung con bé đã trở thành niềm vui của cả nhà. Con bé lại khỏe cười, hay nói chuyện. Bi bô, bà bà, ba ba, mẹ mẹ… khắp nơi. Nhất là cái cách nó hay chạy lao ra rồi ôm chầm lấy chân người khác. Vì thế không chỉ có người làng Cối bên ngoài nhìn vào mà tất cả các thành viên trong nhà họ Huỳnh đều yêu thương con bé.
Có lẽ vì thế mà vết thương lòng (mất đứa cháu nội hiếm hoi) của bà mẹ chồng đã không bị cắt quá sâu. Chả là con bé có duyên với bà nội. Bà đánh mắng thế nào nó cũng nhe răng ra cười. Bị bố chòng, nó khóc to lắm, nhưng bà nội chỉ bảo một tiếng là im ngay. Thành ra bà nội bỗng yêu thương con bé Nghêu này một cách hết sức đặc biệt.
Câu nói màu nồng hơn nước đôi khi không phải lúc nào cũng đúng.
Sau đận sinh ra đứa con đầu lòng chết trong bụng mẹ từ lúc nào không ai hay biết, vợ Biện quay ra ăn chay trường. Nếu nhà có nấu canh cua hay kho tép, kể cả luộc trứng, chị chỉ lẳng lặng gắp mấy quả cà pháo muối ghém ăn với nước tương. Hình như chị đang thành tâm khấn vái với trời đất: Xin cải cho con cái mệnh. Xin đừng để cho đứa con trai thứ hai sau này và đứa con gái nuôi của con phải long đong đường tình cảm như quẻ bài đã ứng.
Nhìn thấy người con dâu ra chiều chán nản, bà mẹ chồng muốn nói vài lời can vào nhưng không biết phải ăn nói làm sao. Bà chỉ ái ngại cho tình cảnh của vợ Biện. Dù sao thì mang chửa chín tháng, thế mà đàng sinh nở lại kém phúc. Vận hạnh nhà họ Huỳnh xem ra đã bị sao quả tạ ám nặng quá. Bà mẹ chồng vì thế cũng chỉ còn biết cách thở dài, chẳng làm gì khác hơn được.
Không chỉ ăn chay, vợ Biện còn năng đi chùa hơn. Có hôm chị nhìn thấy một con cá bị mắc kẹt cạnh bờ ao, chị còn khỏa đám rau muống cho con cá ấy bơi đi. Bà mẹ chồng nhìn con cá vẫy đuôi mà tiếc của. Nhưng khi bà biết con dâu mình phóng sanh tạo phước thì lại thôi.
Một hôm bà hỏi con trai:
-Thế mẹ thằng cu với anh có còn ăn ngủ với nhau không?
Biện trả lời mẹ:
-Người ta chưa hoàn người, mẹ bảo, ai mà ép chuyện ấy cho được.
Biết con trai nói có lý, bà mẹ chỉ còn biết thở than: Thôi thì mẹ cũng chỉ cầu mong cho nó chóng nguôi ngoai. Chứ ép ăn ép mặc thì ép được, còn chuyện ép chửa, ép đẻ, chả ai ép được đâu. Rồi như nghĩ sao đó, bà lại bảo: Gía mà nó đẻ được một đứa con, cảnh nhà sẽ không quạnh như thế này. Chứ cảnh nhà vô hậu, hương hỏa mà không có người trông nom, các cụ sau này làm ma chả ai lo đến chuyện giỗ chạp, hương đèn, cúng quẩy.
Hôm ấy vợ Biện đang nhặt rau cần ở chái nhà nghe thấy lời mẹ chồng nói lời nghe thật thống thiết như thế, tự nhiên như có một sở ngộ điều gì đó, chị cảm động quá, đêm đến, chị bảo chồng:
-Mình cho em sinh một đứa con nữa cho mẹ vui.
Biện cầm tay vợ, nâng lên áp vào má anh:
-Thôi cứ để thư thư...
Không đợi chồng nói tiếp, vợ Biện xòe bàn tay ra vuốt lên má chồng, sau đó những ngón tay lần nhẹ xuống chiếc cằm mọc khá nhiều râu của anh. Rồi chị ân cần mấy ngón tay xoa nhẹ lên cổ chồng. Nơi đó trái cấm nơi cổ Biện chạy lên chạy xuống vì anh cảm động muốn khóc. Cứ thế bàn tay của vợ Biện hạ thấp xuống hơn, xoa lên ngực chồng. Chị tìm đến trái tim chồng lúc ấy đang đập một cách hối hả. Rồi bàn tay chị luồn xuống cạnh sườn anh, chị ghì chặt. Người đàn bà gục đầu vào ngực chồng:
-Nhanh nhanh để mẹ sớm có cháu bồng, mình ạ.
Máu trong người Biện chợt chạy loạn lên rần rật. Anh quàng tay ôm lấy vợ. Rồi Biện cúi xuống hôn nhanh lên đỉnh đầu người vợ, trong lòng chợt rung lên biết bao niềm cảm xúc.
Rồi thì sau đó cả hai vợ chồng cùng rung vai vì tiếng nấc. Bàn tay vợ Biện bây giờ đặt lên đùi chồng. Chị xoa nắn nhẹ nhàng bằng một cử chỉ khuyến khích và gởi gắm. Biện chợt trỗi lên một niềm khát khao bất chợt. Thế là không hẹn hò gì cả, hai người họ cũng ngả đầu trên mặt gối.
Ánh trăng ngoài sân vẫn sáng vằng vặc.
Bên kia gian nhà bà cụ đang ôm con bé Nghêu bay giờ đã ngủ rất say. Bất chợt bà cụ cười khi bà nghe tiếng chiếc giường tre bên phía buồng con trai và con dâu rung lên những tiếng kêu kẽo kẹt rất nhịp nhàng. Bất chợt bà cụ lẩm bẩm cầu xin một mình: Xin vong linh các cụ tổ nhà họ Huỳnh hãy cám cho cái cảnh mẹ con nhà tôi mà cho vợ Biện sinh lấy một mụn cháu. Rồi thì các cụ có muốn bắt tôi về chốn ấy bất cứ lúc nào tôi cũng xin được đi ngay không chậm trễ.
Tiếng giường tre càng lúc càng vặn rõ và nhanh hơn, gấp gáp hơn. Tự nhiên chưa bao giờ âm thanh ấy lại hiền hòa thân thương đối với bà mẹ của Biện như trong buổi tối hôm nay.

Đúng là vận hạnh nhà họ Huỳnh có lúc tưởng như là đen tối, nhưng cuối cùng thì sau cơn mưa trời lại sáng. Giông tố có hung hăng cách mấy thì có lúc cơn bão cuối cùng cũng sẽ qua đi.
Chả mấy chốc mà cơn mưa đầu mùa vãi xuống, những vạt rau dền, rau đay tranh nhau mọc lên, ngút ngát cả một góc sân. Trông chúng xanh non mơn mởn, lớn nhanh như thổi, bà mẹ chồng nghĩ ngay đến mấy bát canh rau dền nấu với tôm khô mà năm nào bà cũng chờ đợi.
Cây khế cũng buông xuống những chùm hoa màu tím trông rất nhộn nhịp, hình như bọn chúng quá háo hức, quá xăm xắn, muốn được ra quả thật nhiều trong năm nay. Kiến bống cũng hăm hở một cách khác thường. Chúng tranh nhau kéo những chiếc lá khế lại gần nhau, rồi nhả dãi làm thành những cái tổ, nom xa trông như giống những chiếc lồng đèn con con, bé tí xíu, màu xanh nõn nà.
Mưa về đem theo cả giun và sâu. Châu chấu và cào cào cũng tanh tách nhảy. Đàn gà vì thế tranh nhau mổ những con sâu béo mẫm, bỏ hẳn nắm thóc mà vợ Biện vãi ra cho chúng nhặt. Dế cơm và dế mèn thì táo tợn liều lĩnh, bay tràn cả bầy vào trong nhà mỗi khi đèn thắp lên. Biện có hôm bắt được lưng rổ dế, hôm sau đưa cho vợ kho với riềng ăn cơm.
Bà mẹ chồng thì hai con mắt cứ chăm chắm quan sát từng nét biểu hiện trên khuôn mặt cô con dâu. Tuy không nói ra miệng, nhưng bà rất sốt ruột mong ngóng xem bao giờ thì con dâu bà lại có chửa. Lắm lúc quá sốt ruột, bà gần như cau có với cả ông Trời:
-Giời hóa ra thế mà ăn ở bất công. Nhà Thoan con đẻ thòn thòn, nuôi không hết. Chà bù cho vợ Biện hiền lương thế mà chỉ xin lấy một mụn con xem ra mới thấy khó khăn làm sao!
Khi cây khế đã treo những quả bé tí xíu bằng ngón chân cái, lủng là lủng lẳng, cỡn lên mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua; đấy cũng là lúc vợ Biện lại hái lá me sống vào nhai, ăn vã nguyên cả một nắm to đùng.
Bà mẹ chồng tuy khấp khởi vui sướng như có đèn chăng trong bụng. Nhưng hình như bà sợ bày tỏ ra niềm vui của mình sớm quá trong lúc này có khi lại bị ma tà ám khí nó rình rập. Thành ra bà chỉ vừa ẵm con Nghêu, vừa xốn xang, giấu chặt cõi lòng trong ruột tượng, như thể bà mới là người có chửa chứ không phải vợ Biện.
Rồi vợ Biện có chửa đận ấy thật.
Tàn lượt khế đầu mùa rồi thì đến lúc mấy khóm mía mọc lên cao quá mái gianh, dóng mía nào cũng dài, đỏ tía một cách mời mọc. Đám người vẫn hay vào vườn mua hoa quả, chuối, mía... chở ra chợ huyện bán, nhìn vào cái bụng của vợ Biện phưỡn ra, đi đứng rất lách cách, tiện mồm bảo:
-Thế nào cũng đẻ con giai cho mà xem.
Khi mấy cây hồng sát hàng rào trái đã chuyển sang màu xanh thẫm, vợ Biện bảo chồng là chị gần đến ngày sanh. Thế là bà mẹ chồng sai Biện đi chợ mua cho bà mấy thẻ hương và một mớ giấy vàng mã. Bà định sẽ chống gậy ra ruộng mả nhà họ Huỳnh để đốt cho người dưới cõi âm, giúp bà đuổi xa mấy cái ma cô lảng vảng quanh nhà, giúp cho vợ Biện lần này mẹ tròn con vuông, cho bà khỏi rơi vào cái cảnh tuổi già mong cháu vò võ mà chẳng được một mụn cháu nào để ẵm.
Vợ Biện sinh nở đầu xuôi đuôi lọt, thuận buồn xuôi gió, đứa trẻ vừa chào đời đã cất tiếng oa oa khóc. Bà mụ lần nãy ẵm đứa trẻ ra trao cho bà nội nó, miệng ti toe, ra như thể tất cả đều là công lao của bà ta:
-Này bác nom xem. Hai cái bìu dái mẩy thế kia. Chim cò thì cứ gọi là ngồn ngộn như thế, nhà ta dẫu chỉ có một mụn đinh nhưng mà sau này thì cứ gọi là con đàn cháu đống, sướng nhá!
Mẹ Biện định bịt miệng bà mụ lại, nhưng không kịp. Chả là bà nội đứa trẻ không muốn nói lớn về đại hỷ sự này, tà ma chướng khí, oan hồn lảng vảng mà nghe được, rất có thể sẽ đeo bám theo thằng bé. Như thế sẽ chả tiện chút nào. Nên bà nội thằng cu chỉ nói khẽ:
-Cô cho tôi mượn thằng cò...
Khi bà mụ trao đứa bé cho bà nội nó, người đàn bà đang mỏi mòn ngóng trông cháu nội gần như ôm chặt đứa trẻ, gồng cái vai của mình khom xuống để che chắn bảo vệ cho thằng cháu nội. Bất chợt như nghĩ ra điều gì đó, bà gọi Biện vào, bảo:
-Anh chạy ngay đi kiếm mấy khúc xương rồng rồi treo bên ngoài hai chái nhà cho tôi!
Biện không hỏi vì sao vì mẹ bảo anh làm thế. Anh biết mẹ muốn anh treo xương rồng để xua tà. Mỗi lần lợn đẻ, mẹ anh vẫn hay có thói quen treo một khúc xương rồng ở cột chuồng lợn. Có lẽ mạng người quan trọng hơn nên mẹ mới bảo anh treo cả hai bên chái nhà.
Bà mụ tay bưng ra một chậu nước, lưng chậu là một thứ nước có màu đỏ khá đậm, cho thấy vợ Biện sinh con ra máu chảy hơi nhiều. Lều bều nổi bên trong cái chậu là cái nhau của đứa trẻ. Có cả giẻ rách đã ướt sũng trong chậu nữa.
Vợ Biện sinh con khỏe mạnh. Sữa lại nhiều nên đứa trẻ trông bụ bẫm khác thường. Nom cứ như một quả bí đao phổng phao trồng ngay sát sàn rửa bát, nước nhiều, quả bí ắt là phải đẫy.
Giống như con chị tên Nghêu của nó, thằng bé được bà nội đặt tên cúng cơm cũng rất có ý nghĩa: Huỳnh Văn Phúc. Bà nội đứa trẻ chỉ mong muốn là sự ra đời của nó sẽ đem lại phúc lộc cho nhà họ Huỳnh và cho cả riêng bản thân đứa trẻ. Nhưng bên ngoài thì cả nhà gọi nó là Ốc. Bà nội bảo bố thằng cu:
-Gọi cái tên xấu như thế cho dễ nuôi.
Nghêu và Ốc lớn lên trong tình thương yêu đằm thắm của bà nội và của cha mẹ. Theo lẽ thường, trẻ con khi có đứa em mới chào đời kế mình thường hay dễ tủi thân. Nhưng Nghêu thì không thế. Nó quý em lắm. Bà nội con bé vì thế càng vui hơn. Thành ra cứ mỗi lần đút bột cho Ốc, bao giờ bà cụ cũng không quên đút cả cho Nghêu. Tiếng cười đùa của ba bà cháu nghe líu ríu rất vui. Cảnh nhà họ Huỳnh vì thế không thể bảo là không đề huề ấm cúng cho được.
Cắc cũm mãi rồi thời gian cũng trôi qua thật nhanh. Khi Ốc đã biết nghịch phá ngoài sân, biết đòi chị bắt chuồn chuồn cho chơi thì cũng là lúc bà nội cảm thấy mệt mỏi trong người. Có hôm bà còn bảo Nghêu:
-Con đưa em ra ngoài kia chơi cho bà nằm nghỉ một chốc.
Bố mẹ Nghêu và Ốc bận rộn hơn.
Làng Cối vài năm trở lại đây mùa màng kém hẳn. Nạn sâu cắn lúa chưa qua, nạn còng lại đến phá phách. Rồi thì đang lúc lúa giỗ đòng thì lại bão. Phấn không thụ được, thành ra lúa chỉ có bông mà không có hạt. Người làng Cối lấy rơm lợp nhà, thấy nguyên cả thóc lép nằm cả trên mái rạ.
Thành ra Nghêu phải trông em cho bố mẹ đi vợ đất giồng khoai. Thằng Ốc bao giờ cũng nghịch phá. Nên hay đòi chị dẫn ra ngòai đường chơi. Lại vốn không có bà nội trông nom, thế là hai chị em rủ đi ra ngoài ngõ rồi lững thững đi về phía bác Thoan.
Nhà ấy có con chó cái đẻ, rất dữ. Vô phúc cho hai chị em Nghêu và Ốc hôm ấy lại đi về ngả ấy. Thấy hai đứa trẻ sớ rớ đi ngòai ngõ, con chó mẹ xông ra sủa rất gắt. Ốc mặt tái mét cắt không còn một hạt máu. Nghêu thì khác, bản tánh con chị này chẳng hiểu sao lại bình tĩnh từ thuở bé. Nghêu hai tay vòng lấy che chở cho em, miệng sủa gâu gâu lại như tiếng chó, hai con mắt nhìn thẳng vào mắt chó mẹ chứ không sợ sệt. Nhà bác Thoan gái khi chạy ra trông thấy Nghêu đang sủa với con chó nhà bác ấy nên không nhịn được cười. Bác ta quát chó:
-Quýt! Không được cắn người ta.
Con chó thấy chủ quát nên không dám làm dữ nữa. Nghêu lúc này mới thả em ra. Rồi nó nhanh tay dắt em về nhà. Thằng Ốc vẫn đang khóc thút thít vì quá sợ.
Đấy chỉ là một câu chuyện điển hình mà con Nghêu luôn bảo vệ cho em nó.
Rồi thì bà nội hai đứa qui tiên. Kể từ đó, con Nghêu bao giờ cũng nhớ lời bà nó dặn:
-Con là chị, phải biết thương em, bênh em. Đừng để cho người ta bắt nạt nó. Bà kém phúc không còn khỏe để lo cho chị em chúng mày. Nhưng nếu bà có làm con ma thì bà cũng sẽ không cho người ta bắt nạt hai đứa đâu. Nhớ lời bà dặn đấy nhá. Chị em phải thương yêu quấn túm lấy nhau.
Lần ấy, Nghêu lên mười hai tuổi đầu. Nó đã cầm tay bà nội và hứa:
-Con sẽ không để cho ai bắt nạt em con đâu. Con sẽ cho nó tất cả những gì con có. Bà nội cứ an tâm nhé.
Đấy cũng chính là một lời hứa mà con Nghêu đã sống bằng chính cuộc đời của nó với thằng em tên Ốc của mình.
Bên nhà bác Thoan có cái Thường, tên tục gọi là Hợi. Con bé này kém tuổi Ốc đúng một năm. Hai đứa cùng đẻ vào rằm tháng mười. Thành ra cứ mỗi năm tháng mười đến, vợ Biện lại bảo vợ Thoan:
-Thằng Ốc nhà em mười hai, cái Hợi nhà chị mười một rồi đấy nhỉ!
Hai nhà không cách xa nhau lắm. Hồi nhỏ Nghêu nhớ là từ sân nhà nó mà đi qua bên nhà bác Thoan phải mất một lúc lâu. Dạo ấy bà nội hay nhờ nó qua ấy xin nắm lá mơ hay nắm lá ngải cứu. Bao giờ bà nội cũng bảo:
-Nhớ mà cầm theo cái gậy, Nghêu nhá! Chó nhà ấy dữ lắm. Nó mà cắn cho thì khổ.
Nghêu chỉ dạ cái miệng nhưng vẫn đi tay không. Ngày còn bé Nghêu đã không sợ chó. Giờ lớn lên, Nghêu càng coi thường con vật hơn. Con chó thì ra về sau này già hơn, nó trở nên lười nhác, không còn hung hăng nữa. Vả lại mỗi lần nó bị Nghêu đá cho một cái vào bụng, thế là con chó đâm kiềng mặt Nghêu. Chả là chú Biện lâu lâu vẫn tập vài ngón võ cho con gái. Thỉnh thoảng đi ngang qua nhà bác Thoan, Nghêu còn chõ miệng vào trêu con chó bằng mấy tiếng sủa: Gâu. Gâu. Gâu.
Nhưng từ dạo lớn lên, nó thấy hai nhà rõ ràng chỉ cách nhau có mỗi một bờ trúc của nhà bà phán Hựu. Gọi là bờ trúc cho oai nhưng thực ra đấy là cái thổ đầu chuột đuôi voi. Chả biết ngày xưa người ta khai khẩn ra làm sao mà mặt tiền phía trước chỉ rộng có vài thước. Còn đâu thì miếng đất cứ ăn thuôn ra phía sau, dài mãi, rồi thì phình ra thành một khuỷnh rộng, nom như hình một quả bầu.
Trong ruộng trúc ấy nghe đâu ngày xưa có một hai người con trai vào đấy bắt rắn bắt rết gì ấy rồi thì cả hai cùng bị rắn hổ cắn chết. Nhưng có người lại kể là hai người họ cùng mắc bệnh long dương với nhau. Rồi thì người nhà của cả hai bên ra sức cản phá, một bên thì đánh chửi con trai, một bên thì khóc lóc van xin thằng con đừng làm chuyện ngược đời ấy. Yêu không trọn, thế là hai người họ mới rủ nhau vào ruộng trúc. Mãi cho đến khi có người ngửi thấy mùi xác chết, tri hô lên thì mới biết hai cái xác của họ đã trường phềnh.
Sát với bờ trúc là một cái vực, không sâu lắm. Nhưng nếu ai sơ ý mà ngã xuống, không vong mạng thì có sống cũng thành tật. Có lần nhà ông Khiết, bà con bên vợ của bác Thoan qua ăn cỗ, xơi đẫy rượu, đêm về chả biết đi đứng lẩn thẩn ra làm sao, gieo ngay xuống vực, sáng ra khi phát hiện thì đã chết. Còn chuyện người bị què chân hay gẫy tay do ngã xe đạp, do trượt chân ngã xuống vực, chả thiếu.
Thoai thoải xuống sâu hơn một chút, cái vực ấy tiếp giáp với con sông Lạch. Thổ nhà thím Biện và nhà thím Thoan cùng ăn thông với con sông Lạch ấy.
Nhà bác Thoan đông con, nhưng toàn là những đứa rấm rớ, nửa người nửa ngợm, đen trùi trũi như than, người cả làng Cối chẳng ưa gì bọn ấy. Nhưng cái Hợi thì khác, ai cũng thương nó. Nghe đâu nó không phải là con đẻ của bác Thoan giai. Người ta bảo là bác Thoan gái cái đận gánh chanh vườn nhà đi bán trên chợ huyện, bị mấy thằng cửu vạn thổ tả nó hãm cho. Thành ra cái Hợi đẻ ra, ngay từ bé, nước da đã trắng mịn không lẫn vào đâu được, khuôn mặt dễ coi, không câng cấc như mấy đứa khác. Nhìn vào chả khác nào một con bồ câu trắng đang nhặt thóc giữa một bầy quạ đen.
-Cả nhà ông Thoan đen như củ ấu thế kia, đẻ ra con bé da trắng như cùi dừa. Mắt mũi con bé nom cũng chả giống họ nhà ấy tẹo nào. Họa là có mù mới không biết đấy là con chim kền kền đi nuôi chim con tu hú.
Thằng Ốc thích con bé Hợi lắm. Thích ngay từ thuở để chỏm. Đấy là một thứ tình bạn thật đẹp. Thật trong sáng. Chả là mấy đứa con lớn nhà bác Thoan bao giờ cũng ưa thích gây sự, cà khịa. Chúng nó rất thích chơi lắm trò tai ngược, khỏe cậy đông bắt nạt trẻ nhà khác, bao giờ cũng khiến cho thằng Ốc rất ghét.
Không chỉ bắt nạt thằng Ốc, bọn kia vì biết thân phận con Hợi không cùng dòng máu với chúng nên bọn này không ngại gì mà không hành hạ con bé. Mặc cho bác Thoan gái bảo thế nào quân nọ cũng không nghe. Chả là chúng biết ông bố cục súc bao giờ cũng nhìn con bé Hợi với một cặp mắt rất hằn học. Trong bối cảnh ấy, vô tình hai đứa trẻ ấy chơi rất thân với nhau.
Tất nhiên con Nghêu cũng thích con Hợi. Nhưng vì hơn nhau năm tuổi đầu nên hai đứa con gái này thỉnh thoảng mới có thời gian ngồi chơi dăm ván ô quan. Còn thằng Ốc thì tuy không cùng tuổi với con Hợi nhưng lại đi học chung một lớp từ cái đận vỡ lòng. Thành ra hai đứa thường tha thẩn đi từ trường học về nhà. Vì nhà bác Thoan và nhà con Nghêu nằm ở cuối làng Cối, nên hai đứa có nhiều dịp để hái lá, hái hoa, và tha hồ trêu ghẹo nhau.
Tình bạn của hai đứa cuối cùng trở thành một tình bạn rất đẹp, rất hiền hòa, rất trong sáng.

Giá như mà con người đừng bao giờ bước vào tuổi dậy thì, tuổi thơ sẽ mãi mãi đẹp như một bức tranh vẽ cảnh những cánh đồng lúa của làng Cối, chuyện cổ tích vì thế sẽ không bao giờ mòn cũ, và chẳng ai phải cảm thấy mình đang bước vào một thế giới của những chông chênh khó lường trước được của người lớn.
Nghêu bước vào tuổi dậy thì trước tiên. Đấy cũng là lúc chú Biện đi vào rừng đắn gỗ vàng tâm, nhưng khi về đến nhà thì quay ra bị cảm thương hàn. Bị bệnh đúng có bốn hôm thì người suy kiệt hẳn đi trông thấy. Cuối cùng thì kiếp người cũng chẳng thoát được cái câu bốn tấm dài, hai tấm ngắn.
Trông con bé lớn nhanh lên trông thấy, mông và ngực đều nở, thím Biện một hôm hỏi con gái:
-Thế con đã có tháng chưa?
Nghêu ngơ ngác nhìn mẹ:
-Tháng là cái gì, hở mẹ.
Thím Biện ghé sát miệng vào lỗ tai con gái rồi thì thào rất khẽ. Nghêu nghe xong, khuôn mặt có vẻ rất ngỡ ngàng:
-Máu chảy ra ở chỗ ấy á, hở mẹ.
Người mẹ gật đầu. Nghêu lắc đầu, nói:
-Con chả bao giờ thấy cái ấy.
Thím Biện nhẩm tính thật nhanh trong đầu. Tính ra thì cái Nghêu nhà thím đã gần mười bảy tuổi. Thím so sánh với mình. Độ ấy, mới chỉ quá mười ba tuổi đầu mà thím đã có tháng. Nay nhìn thấy con gái to cao như thế mà lại không có, thím thấy hơi ngờ ngợ. Thế là thím lại ghét sát vào tai con gái hỏi tiếp một câu mà chỉ có Nghêu mới nghe thấy. Đứa con gái nghe xong liền trả lời bà mẹ:
-Lông mọc ở chỗ nào, hở mẹ!
Rõ ràng là đứa con gái của thím Biện chả biết chuyện gì. Mà có thể nó không biết là vì nó không có. Thảng hoặc thím Biện có nghe qua về những người đàn bà không có mao mọc ở vùng kín thì thiên hạ bảo là bị đoi. Nghe con gái nói chuyện rổn rang như bình thường, thím Biện vội đưa tay lên che miệng con gái:
-Khẽ cái mồm chứ. Lông mọc chỗ này này. – Vừa nói, thím Biện vừa chỉ vào khu vực kín sau phía dưới rốn, vị trí tự nhiên vào tuổi dậy thì người ta sẽ nhận ra những thay đổi vì lông sẽ mọc. Thím hỏi con gái: Thế chỗ ấy có mọc không?
Nghêu lắc đầu. Thím Biện cảm thấy lo lo. Đàn bà mà bị đoi thì người đời hay rỉa rói lắm. Nếu mà nhà chồng có gặp phải bất cứ chuyện gì xui xẻo đứa con dâu bị đoi sẽ bị người ta xem thường. Rồi họ sẽ không ngần ngại chuyện đổ thừa là cô gái đã đem sự xúi quẩy về nhà chồng. Nghêu nhìn thấy vẻ lo lắng xuất hiện trên khuôn mặt mẹ vội hỏi:
-Thế con có bị làm sao không, hở mẹ?
Thím Biện không trả lời con gái được. Thím chỉ nói:
-Nếu có ai hỏi là có không thì bảo là có nhá!
Thím dặn con gái như thế vì thím nhớ thời thím con trẻ; mấy người đàn bà trong làng Cối đã hỏi thím xem thím có mao hay không. Sau này thím biết họ hỏi là vì họ đang ngắm nghía thím cho đám con trai của họ. Rồi thím chợt nhớ đến hồi con nhỏ, lúc thím nhặt được con bé Nghêu ở ngoài bến đò, nhìn thấy con bé có cái âm vật to hơn bình thường, thím lại đâm lo. Nên thím bảo con Nghêu:
-Vạch quần ra cho mẹ xem nào.
Nghêu đỏ mặt. Nhưng con bé làm theo lời mẹ nó. Con bé chưa bao giờ cãi mẹ nó bất cứ điều gì. Nhìn kỹ lại bộ phận kín của con gái, thím Biện không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy âm vật của con gái phình ra như một đụn thịt. Thím bỗng lắc đầu:
-Sao lại lạ thế nhỉ. – Nghĩ sao đó, thím Biện lại bảo Nghêu:
-Con vạch áo lên cho mẹ xem nào.
Thím Biện nhìn thấy hai nhũ hoa của con gái bình thường, cặp ngực xem ra có phần nhỉnh hơn, to đầy, không thây lẩy, nhưng gọn và chắc, có phần lớn hơn những đứa con gái khác.
Câu chuyện của hai mẹ con họ đã để lại trong đầu Nghêu biết bao nhiêu là câu hỏi. Cô bé không hề biết tại sao mẹ lại hỏi mình những câu như thế. Và đây cũng là lần đầu tiên Nghêu nhận ra là mẹ đang nói chuyện với Nghêu như nói với một người đã lớn.
Đấy là kỷ niệm đầu tên mà Nghêu sau này đã nhớ lại. Những câu hỏi liên quan đến tuổi dậy thì của cô.
Theo dòng thời gian, Nghêu bắt đầu hiểu ra vì sao mẹ đã hỏi cô những câu như thế

Nguồn blog.zing.vn (Blog của bui tieu minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved