Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

23 thg 1, 2014

Hồng Lâu Mộng - Hồi 46- 50 Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc

Hồi 46:

Người liều lĩnh khó thoát việc liều lĩnh
Gái Uyên Ương thề dứt bạn uyên ương

Phượng Thư thấy Hình phu nhân gọi, không biết là việc gì, liền mặc áo lên xe đi sang. Hình phu nhân đuổi những người trong nhà ra, rồi khẽ bảo Phượng Thư:
- Gọi con đến đây, vì có một việc khó nghĩ quá. Cha con bảo ta điều này, ta chưa biết nghĩ sao, hãy bàn với con trước. Cha con trông thấy con Uyên Ương ở đằng nhà cụ, muốn lấy nó làm nàng hầu bảo ta đến xin cụ. Ta nghĩ cũng là một việc thường, nhưng chỉ sợ người không cho. Con có cách gì giúp được việc này không?
Phượng Thư cười nói:
- Cứ ý con thì không nên đụng vào cái đinh ấy. Cụ mà dứt con Uyên Ương ra thì sẽ ăn không ngon ngủ không yên đâu. Vả chăng ngày thường lúc vui chuyện, người vẫn nói: cha con bây giờ đã có tuổi rồi, thế mà nàng hầu ở trong nhà cứ kè kè bên này một đứa bên kia một đứa. Điều thứ nhất là làm nhỡ nhàng con gái nhà người ta, điều thứ hai là không biết giữ gìn thân thể, việc quan làm cũng chẳng ra gì, cả ngày chỉ chè chén với bọn hầu trẻ! Mẹ nghe đấy, bà có ưa gì cha con đâu? Bây giờ muốn tránh đi chả được, lại còn định cầm gậy rơm thọc vào mũi hùm hay sao? Xin mẹ đừng giận, con không dám nói việc ấy đâu. Rõ ràng nói cũng chẳng ăn thua gì, mà lại gây thêm những điều không hay. Cha con bây giờ đã già rồi, việc làm cũng có khi nhầm lẫn, mẹ nên khuyên ngăn mới phải. Nếu lúc còn trẻ mà làm những việc ấy thì cũng không sao. Bây giờ anh em con cháu hàng đàn rồi, lại còn gây chuyện như thế, chẳng khó coi với người ta lắm hay sao?
Hình phu nhân cười nhạt nói:
- Nhà quan năm thiếp bảy thê cũng là thường, riêng nhà ta lại không được à? Mẹ có ngăn cha con cũng chẳng nghe đâu. Con Uyên Ương dù là người hầu thân yêu của cụ, nhưng một ông con cả đầu râu đốm bạc; lại làm quan, muốn lấy nó làm nàng hầu, chắc nó cũng chả từ chối. Ta gọi chị đến đây, chẳng qua để bàn thôi, thế mà chị đã nói ra hàng tràng không nên. Lẽ nào ta lại bảo chị đi? Tất nhiên ta phải đi lấy. Chị lại còn bảo ta không biết can ngăn. Chị không biết tính bố chồng chị à! Can không được lại đâm ra cãi nhau với ta thôi.
Phượng Thư thấy Hình phu nhân tính vốn khờ dại nhút nhát, chỉ tìm cách chiều chuộng Giả Xá để được yên thân, và tham vớ được nhiều tiền là thích, còn việc lớn nhỏ trong nhà đều mặc Giả Xá sắp đặt. Những khoản chi thu nào vào tay bà ta, thì tìm cách bớt xén thậm tệ. Bà ta thường lấy cớ Giả Xá hay hoang phí, ta phải tằn tiện, mới có thể bù vào. Trong bọn con gái, người hầu, không tin ai và cũng chẳng nghe ai. Phượng Thư biết bà ta lại giở tính, dù can ngăn cũng chẳng được nào, liền cười nói:
- Mẹ nói rất phải. Con hãy còn dại, chưa biết đắn đo. Con nghĩ rằng đã xin trước cha mẹ, thì không những một con a hoàn, dù người ngọc đi nữa cụ chả cho cha con còn cho ai? Những lời nói vắng mặt, tin làm sao được? Con thực là ngu ngốc! Ngay như cha con, khi có điều gì không phải, cha mẹ giận, muốn lôi ngay đến đánh chết, nhưng khi thấy mặt là xong hết, rồi lại lấy những vật quý đem ra cho. Cứ ý con, hôm nay cụ đang vui, mẹ đến xin ngay đi. Con hãy đến trước chuyện trò cho cụ vui, khi mẹ đến con sẽ kiếm cách đem tất cả người hầu trong nhà lảng ra một chỗ. Khi ấy mẹ tha hồ nói với người, nếu người cho càng hay, không cũng chẳng sao, chả ai biết cả.
Hình phu nhân thấy Phượng Thư nói thế, liền vui vẻ bảo:
- Ta định không nên thưa với cụ vội, nếu nói trước, người không nghe sẽ hỏng mất việc. Ta nghĩ nên bảo khẽ Uyên Ương trước đã. Dù nó xấu hổ, ta sẽ nhỏ to bảo nó rạch ròi, nó không nói gì tức là yên chuyện. Bấy giờ ta mới trình cụ, dù người không bằng lòng cũng không thể ngăn cấm được ý muốn của nó. Người ta thường nói "người đã định không nên giữ lại, như vậy mới là ổn thỏa".
Phượng Thư cười nói:
- Mẹ nhiều mưu trí thực, thế là êm thấm vạn phần. Đừng nói là con Uyên Ương, dù ai đi nữa, cũng chẳng muốn trèo cao trông lên, để mong được mở mày mở mặt hay sao? Nó bỏ danh giá nửa bà chủ không làm, đâm đầu đi làm a hoàn, sau này lấy một thằng ranh con, thế là xong đời.
Hình phu nhân cười nói:
- Nói thế phải đấy. Không cứ con Uyên Ương, ngay cả đến những a hoàn lớn coi việc, ai mà chẳng thích được như thế? Giờ chị hãy sang trước đi, chớ để lộ chuyện đấy, ta ăn cơm xong sẽ sang ngay.
Phượng Thư nghĩ thầm: “Con Uyên Ương thực đáng ghét. Nhưng chắc đâu nó bằng lòng? Nếu mình sang trước, nó bằng lòng ra thì không có chuyện gì, nếu không bằng lòng, mẹ ta là người đa nghi, lại ngờ ta nói lộ chuyện, để cho nó làm bộ. Bấy giờ mẹ ta thấy đúng như lời ta nói, đâm xấu hổ, đem ta ra giày vò cho hả giận, như thế không hay. Chi bằng ta cùng đến với mẹ ta, dù nó bằng lòng hay không, chắc mẹ chẳng ngờ đến ta”. Liền cười nói:
- Lúc nãy con vừa về đến nhà, bên nhà mợ con mang cho hai lồng gà gô, con đã bảo chúng nó quay rồi, định đến bữa cơm chiều đưa sang biếu mẹ. Khi mới đến cửa ngoài, thấy bọn hầu nhỏ kéo xe đi, nói: “Xe của mẹ bật mui, phải đem đi sửa”. Chi bằng bây giờ mẹ ngồi xe của con cùng đến thì hơn.
Hình phu nhân nghe nói, liền gọi người đến lấy quần áo thay, Phượng Thư vội vàng hầu hạ một lúc, rồi hai mẹ con cùng ngồi xe đi, Phượng Thư lại nói:
- Mẹ đến đằng cụ, nếu con cùng đi, người hỏi đến làm gì sẽ không tiện; vậy mẹ đến trước, con về thay quần áo rồi sẽ sang sau.
Hình phu nhân nghe nói có lý, liền một mình đến chỗ Giả mẫu, chuyện phiếm một lúc rồi ra, nói vờ là sang nhà Vương phu nhân. Theo lối cửa sau tìm đến buồng Uyên Ương, thì thấy nó đang ngồi thêu. Thấy Hình phu nhân đến, Uyên Ương đứng dậy. Hình phu nhân cười hỏi:
- Cô làm gì thế?
Vừa hỏi vừa cầm lấy bức thêu ở tay Uyên Ương ra xem, rồi nói:
- Ta xem hoa của cô thêu nào. 
Ngắm một lúc rồi nói: “Đẹp lắm”. Liền bỏ bức thêu xuống, ngắm nghía suốt người Uyên Ương, thấy nó mặc áo lụa màu hoa sen rung rúc, đeo cái khoác vai bằng nhiễu xanh, mặc quần màu nước biển, thắt đáy lưng ong, mặt trái xoan, tóc đen láy, mũi dọc dừa, hai má có mấy nốt rỗ nhỏ.
Uyên Ương thấy Hình phu nhân nhìn mình, đâm ra ngượng, trong bụng lấy làm lạ, cười hỏi:
- Thưa bà, bây giờ giữa chừng giữa buổi, bà sang có việc gì?
Hình phu nhân đưa mắt, bọn người hầu lui ra ngoài. Hình phu nhân ngồi xuống, cầm lấy tay Uyên ương cười nói:
- Ta sang cốt để mừng cho cô đây.
Uyên Ương nghe nói, trong bụng đã đoán được vài ba phần, đỏ mặt cúi đầu, không nói câu gì. Hình phu nhân nói:
- Chắc cô cũng biết, ông nhà hiện giờ không có người hầu nào đáng tin cậy cả. Định bụng mua một người, nhưng lại sợ những người của bọn lái buôn đưa đến không được tử tế, nhỡ ra phải người có tật xấu gì, mua về được vài ba ngày lại đâm giở quẻ. Muốn tìm một người con gái ở ngay trong nhà, nhưng không có người nào khá cả: kẻ thì xấu người, kẻ thì xấu nết, được đằng nọ, hỏng đằng kia. Ta để ý đến nửa năm nay, chỉ có cô là hơn cả: dáng người đẹp, thạo công việc, tính nết ôn hòa, có thể tin cậy, thật là được cả người lẫn nết, ý ta muốn trình cụ lấy cô em về nhà. Cô không phải như người ở ngoài mới mua về, cứ về đến nhà là sẽ phong ngay làm dì Hai, vừa có thể diện, vừa được tôn quý. Tục ngữ nói: "người vàng lại đổi lấy vàng”, ngờ đâu lại vừa mắt ông nhà như thế! Bây giờ cô về bên nhà, sẽ được thỏa lòng mong muốn cao quý xưa nay, lại bịt miệng được những kẻ vẫn không ưa cô. Cô theo tôi về trình cụ đi.
Nói xong định kéo tay Uyên Ương đi.
Uyên Ương đỏ bừng mặt lên, giật tay lại không đi. Hình phu nhân tưởng cô ta xấu hổ, liền nói:
- Việc gì mà cô phải xấu hổ? Cô không phải nói câu gì cả, chỉ theo tôi đi là được rồi.
Uyên Uơng chỉ cúi đầu không đi. Hình phu nhân thấy thế liền hỏi:
- Không lẽ cô còn không bằng lòng hay sao? Nếu quả có thế thì cô khờ dại quá. Không muốn làm bà chủ, lại muốn làm con hầu à! Vài ba năm nữa, cô đi lấy một thằng bé con, đầy tớ lại hoàn đầy tớ. Nay về với chúng tôi, chắc cô đã biết tính tôi, hiền lành, hay dung kẻ dưới, ông nhà lại đối đãi tử tế với cô. Độ chừng một năm, năm bảy tháng sinh được đứa con, thế là cô bằng vai với tôi rồi. Cô muốn sai bảo người trong nhà ai chẳng phải nghe? Danh giá bà chủ mà không chịu làm, sau này lỡ dịp có hối cũng muộn!
Uyên Ương vẫn cúi đầu, không chịu nói một câu. Hình phu nhân lại nói:
- Cô xưa nay là người nhanh nhẹn kia mà, sao bây giờ lại thẫn thờ ra thế? Có điều gì không bằng lòng cô cứ nói, tôi hứa sẽ làm cho cô được vừa ý”.
Uyên Ương vẫn không nói gì. Hình phu nhân lại cười nói:
- Chắc cô còn bố mẹ ở nhà, tự mình không nói ra, sợ xấu hổ, phải chờ bố mẹ cô hỏi mới nói ra chăng? Như thế cũng đúng lý. Vậy để tôi đi hỏi, rồi bảo bố mẹ cô đến. Có điều gì cô cứ nói với bố mẹ cô cũng được.
Nói xong liền đi đến nhà Phượng Thư.
Phượng Thư đã thay quần áo xong, nhân tiện trong nhà vắng người, liền đem việc này nói cho Bình Nhi biết. Bình Nhi lắc đầu cười nói:
- Cứ ý tôi việc này chưa chắc đã ổn. Những khi vắng người, chúng tôi thường gợi chuyện, nhưng xem ý chị ta chưa chắc đã chịu. Thôi hãy cứ nói xem sao.
Phượng Thư nói:
- Bà Cả tất phải đến đây bàn việc ấy, nó bằng lòng còn khá nếu không, chỉ thêm bẽ mặt với các chị thôi, nghĩ cũng khó coi đấy. Chị đi bảo họ quay gà gô, làm thêm mấy món ăn nữa, sắp sửa bữa cơm rồi chị đi ra đâu đó, lúc nào bà ấy về hãy vào.
Bình Nhi nghe nói, truyền bảo bọn bà già, rồi đủng đỉnh đi qua bên vườn.
Uyên Ương thấy Hình phu nhân đi rồi, chắc thế nào cũng đến bàn với Phượng Thư và sẽ có người đến hỏi mình, chi bằng tránh đi một chỗ cho xong. Uyên Ương liền tìm Hổ Phách bảo:
- Cụ có hỏi tôi, chị cứ bảo tôi khó ở, sáng nay không ăn cơm, đi vào trong vườn chơi một chốc sẽ về.
Hổ Phách nhận lời. Uyên Ương qua vườn chơi, không ngờ lại gặp Bình Nhi. Bình Nhi thấy không có ai, liền cười nói:
- Bà dì mới đã đến đấy à?
Uyên Ương đỏ mặt nói:
- Không trách được chúng mày thông đồng với nhau định kế hại tao! Tao sẽ đến làm to chuyện với mụ chủ nhà mày xem!
Bình Nhi thấy Uyên Ương giận dỗi ra mặt, tự hối mình đã lỡ lời, liền kéo chị ta đến gốc cây phong, ngồi xuống hòn đá, kể rõ đầu đuôi câu chuyện Phượng Thư vừa nói. Uyên Ương đỏ mặt lên, cười nhạt, bảo Bình Nhi:
- Tôi nghĩ chị em chúng ta vẫn ăn ở tốt với nhau: như các chị Tập Nhân, Hổ Phách, Tố Vân, Tử Quyên, Thái Hà, Ngọc Xuyến, Xạ Nguyệt, Thúy Mặc, cùng chị Thúy Lũ theo hầu cô Sử, chị Khả Nhân và chị Kim Xuyến đã chết rồi, chị Phiến Tuyết đã đi rồi, kể cả chị với tôi nữa tất cả hơn mười người, từ khi còn bé, điều gì mà chẳng nói với nhau, việc gì mà chẳng bàn với nhau? Bây giờ đã lớn cả rồi, ai có thân người ấy lo,nhưng bụng tôi thì vẫn như trước: có điều gì, việc gì, tôi không giấu các chị. Câu này thì tôi nói, chị hãy để bụng, đừng nói cho mợ Hai biết: đừng nói ông ấy muốn tôi làm vợ lẽ, chứ dù bây giờ, bà ấy chết đi, ông ấy mối lái năm lần bảy lượt lấy tôi về làm vợ cả, tôi cũng chẳng nghe!
Bình Nhi muốn nói nữa, thấy đằng sau núi có tiếng cười ha hả nói:
- Thật cái con không biết thẹn! Nói không biết ngượng mồm!
Hai người nghe nói giật nảy mình, vội chạy ra sau núi tìm, thấy Tập Nhân đang cười rồi chạy đến hỏi:
- Có việc gì thế? Nói cho tôi nghe với.
Rồi ba người cùng ngồi trên hòn đá, Bình Nhi kể lại chuyện vừa rồi cho Tập Nhân nghe. Tập Nhân nói:
- Nhẽ ra chúng ta không nên nói: lão già này thực là đê tiện quá! Hễ thấy ai hơi dễ coi là lão không chịu buông tha.
Bình Nhi nói:
- Chị đã không bằng lòng, tôi xin bảo cách cho chị.
Uyên Ương hỏi: “cách gì?”
- Chị cứ nói với cụ rằng, đã cho cậu Liễn rồi, như thế ông Cả sẽ không thể đòi nữa.
Uyên Ương nhổ toẹt một cái nói:
- Mày còn nhắc đến cái của ấy làm gì? Hôm trước chủ mày chả đã nói bậy đó sao? Không ngờ bây giờ tao mới rõ.
Tập Nhân cười nói:
- Chị không bằng lòng hai người kia, theo ý tôi, chị nên nói với cụ, nhờ người bảo rằng đã cho cậu Bảo rồi, như thế ông Cả cũng sẽ dứt lòng đòi hỏi.
Uyên Ương vừa tức vừa thẹn, vừa nổi nóng, liền mắng:
- Hai con khốn nạn này! Chúng mày không được chết tử tế đâu! Người ta có việc khó xử, tưởng chúng mày là người đứng đắn, nên bàn cách giúp, chúng mày chẳng nghĩ hộ được gì, lại thay nhau đem tao ra làm trò cười Chúng mày tưởng rằng rồi đây sẽ tốt cả đấy! Sẽ làm dì Hai cả đấy? Cứ ý tao, việc ở trên đời này chưa chắc đã được như ý cả đâu. Chúng mày hãy xếp lại, vừa vừa chứ, đừng có hí hửng vội.
Hai người thấy Uyên Ương nóng lên, liền cười nói:
- Chị đừng nên ngờ vực, chúng ta từ bé đến giờ đã thân mật với nhau như chị em ruột, chẳng qua lúc vắng người, chúng tôi nói đùa để cười cho vui đấy thôi. Chị định thế nào cứ nói cho chúng tôi biết, không ngại gì đâu.
- Chả có ý định gì. Tôi cứ không đi là xong. 
Bình Nhi lắc đầu nói:
- Chị không đi, chưa chắc người ta đã để cho chị yên. Tính ông Cả thế nào, chị đã biết rồi đấy. Tuy chị là người hầu bên cụ, bây giờ lão chẳng dám làm gì chị đâu, nhưng không dễ chị theo hầu cụ suốt đời? Cũng có lúc phải đi chứ. Bấy giờ mà lọt vào tay lão thì không ra gì đâu!
Uyên Ương cười nhạt:
- Cụ còn sống ngày nào tôi nhất định không rời chỗ này! Nếu người quy tiên, thế nào lão ta cũng phải để tang ba năm, không có lẽ mẹ vừa chết lại đi lấy vợ lẽ! Chờ hết ba năm, xem cơ mầu thế nào bấy giờ sẽ liệu. Nếu khi nguy cấp khó xử, tôi đành cắt tóc đi tu! Không thì chết là cùng! Suốt đời chẳng lấy chồng đã làm sao? Lại càng khỏi vướng.
Bình Nhi và Tập Nhân cười nói:
- Con bé này thật không biết thẹn, thuận miệng cứ lau láu nói ra hết cả.
- Đã đến nông nỗi này thẹn mà làm gì? Các chị không tin, sau này sẽ biết! Bà ấy nói sẽ đi tìm bố mẹ tôi. Cứ cho đến tận Nam Kinh mà tìm!
Bình Nhi nói:
- Ông bà nhà chị đều trông nhà cho chủ ở Nam Kinh không đến đây bao giờ, lâu rồi cũng sẽ tìm được. Nhưng hiện giờ có anh và chị dâu chị ở đây. Tiếc rằng chị là người sinh ra ở nhà này, chứ không như hai chúng tôi chỉ có một mình đến đây thôi.
Uyên Ương nói:
- Sinh ra ở nhà này thì đã làm sao? "Trâu không muốn uống nước cố đè sừng" liệu có được chăng? Tôi không bằng lòng chẳng lẽ giết cả bố mẹ tôi?
Đương nói thì chị dâu Uyên Ương đến. Tập Nhân nói:
- Bây giờ họ không tìm đến bố mẹ chị, chắc họ đã nói chuyện với chị dâu chị.
Uyên Ương nói:
- Con đĩ ấy chỉ chuyên làm nghề “bán rau chào khách”, nghe thấy vậy làm gì mà nó chẳng chiều chuộng đi ngay.
Vừa lúc ấy người chị dâu đến nơi, cười nói:
- Cô ở đây à? Tôi đi tìm mãi không thấy. Cô lại đằng này tôi nói câu chuyện.
Bình Nhi, Tập Nhân đều mời ngồi. Người chị dâu nói:
- Các cô cứ ngồi, tôi cùng cô em nói câu chuyện riêng.
Tập Nhân và Bình Nhi giả cách không biết, đều cười nói:
- Chuyện gì mà cần thiế? Chúng tôi thử đoán xem, chờ đoán xong rồi hãy đi.
Uyên Ương nói:
- Chuyện gì đấy? Chị cứ nói đi.
Người chị dâu cười nói:
- Cô cứ lại đây tôi sẽ nói, thế nào cũng có chuyện hay.
- Có phải là việc bà ấy đã nói với chị không?
- Cô đã biết lại còn hỏi vặn gì tôi! Mau mau lại đây! Tôi nói rạch ròi cho mà nghe. Việc vui mừng to như trời ấy!
Uyên Ương nghe nói, đứng ngay dậy, nhìn thẳng vào mặt chị dâu nhổ toẹt một cái, mắng:
- Thôi hãy ngậm ngay cái mồm l... ấy lại, cút khỏi chỗ này cho rảnh. Chuyện gì hay? Chuyện con khỉ ăn gừng! Chuyện gì mừng? Chuyện ông huyện về quê!(1) Thảo nào ngày thường các người cứ thèm thuồng bọn a hoàn nhà khác được làm bà trẻ, để cả nhà cậy thế làm càn, cả nhà đều được làm bà trẻ! Thấy thế là các người nóng mắt lên, chực đẩy tôi vào lò lửa. Nếu tôi đắc thế, các người ở ngoài tha hồ ngang tàng làm bậy, tự phong cho mình là ông cậu. Nếu tôi không ra gì, gặp lúc thất thế, các người sẽ rụt cổ lại, sống chết bỏ mặc tôi.
Uyên Ương vừa nói vừa khóc. Bình Nhi, Tập Nhân tìm cách khuyên giải. Người chị dâu ngượng mặt quá, liền nói:
- Bằng lòng hay không, cô cũng nói tử tế, việc gì mà phải xỉa xói nhau. Tục ngữ có câu: "Trước mặt người lùn chớ nói chuyện lùn”. Cô mắng tôi, tôi không dám nói lại; nhưng hai cô này có trêu ghẹo gì cô, thế mà cô cũng nhai nhải như bà trẻ thế này, bà trẻ thế nọ, như thế có ngượng mặt cho các cô không?
Bình Nhi, Tập Nhân vội nói:
- Chị đừng nói những câu như thế. Chị ấy có nói gì đến chúng tôi đâu, chị đừng có gắp chúng tôi vào. Chị đã thấy các ông bà nào cất nhắc chúng tôi lên làm bà trẻ chưa. Vả chăng hai người chúng tôi chẳng có anh em, bố, mẹ nào ở đây để nhờ thế lực chúng tôi mà làm bậy! Chị ấy muốn mắng người nào tha hồ mà mắng, chúng tôi không việc gì phải chạnh lòng.
Uyên Ương nói:
- Nó thấy tôi mắng, đâm ra xấu hổ, không biết làm thế nào cho khỏi bẽ mặt, mới kiếm lời xúc xiểm hai chị đấy thôi. May mà hai chị là người hiểu đời. Vì tôi quá nóng, nói không biết giữ lời, nó mới nhân đó bày chuyện.
Chị dâu cụt hứng, hầm hầm bỏ đi.
Uyên Ương tức quá vẫn còn mắng theo. Bình Nhi, Tập Nhân can ngăn một lúc mới yên. Bình Nhi hỏi Tập Nhân:
- Chị núp ở đây làm gì thế? Chúng tôi không trông thấy chị.
Tập Nhân nói:
- Tôi nhân sang buồng cô Tư thăm cậu Bảo. Không ngờ chậm một chút, nghe nói cậu ấy đã về rồi. Tôi đang ngờ, sao lại không gặp? Tôi định sang bên cô Lâm tìm, lại gặp người nhà cô ấy bảo là cậu ấy không sang đấy. Tôi ngờ cậu ấy đi ra ngoài vườn. Ngay lúc đó gặp chị ở đằng kia lại. Tôi tránh ra một bên, chị không trông thấy. Sau chị Uyên Ương đến, tôi liền ở trong gốc cây chạy về phía sau núi giả, thấy hai chị đương ngồi nói chuyện. Thế mà bốn con mắt không trông thấy tôi.
Nói chưa dứt lời, chợt đằng sau có người nói:
- Bốn con mắt không trông thấy chị à? Giờ cả sáu con mắt cũng không trông thấy tôi đấy!
Ba người giật mình quay lại nhìn, té ra Bảo Ngọc.
Tập Nhân cười nói:
- Cậu ở đâu đến đây? Làm tôi tìm mãi.
- Tôi ở đằng cô Tư về, thấy chị đi đến, chắc là chị tìm tôi, nên tôi nép vào một chỗ để lừa chị. Trông thấy chị ngơ ngác đi qua, vào nhà rồi lại ra, gặp ai cũng hỏi, tôi buồn cười quá. Có ý chờ chị đến gần sẽ dọa lên một tiếng cho giật mình. Sau lại thấy chị cũng lẩn lẩn lút lút, biết là chị lại định dọa ai. Tôi ló đầu ra nhìn thấy hai chị kia, tôi liền đi vòng đến sau lưng chị. Chị đi rồi, tôi nấp vào chỗ của chị.
Bình Nhi cười nói:
- Chúng ta ra phía sau tìm xem chưa biết chừng lại vớ được một đôi nữa đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Không còn ai nữa đâu.
Uyên Ương biết là Bảo Ngọc nghe hết chuyện này rồi, nên chỉ gục đầu xuống hòn đá giả cách ngủ. Bảo Ngọc lay dậy cười bảo:
- Đá này lạnh lắm, chúng ta về nhà ngủ chẳng hơn ư?
Nói xong, kéo Uyên Ương dậy, lại mời cả Bình Nhi về nhà uống nước, và cùng Tập Nhân khuyên Uyên Ương đi, Uyên Ương mới chịu đứng dậy. Bốn người cùng đến viện Di Hồng. Những câu chuyện vừa rồi, Bảo Ngọc đã nghe thấy cả, nên trong bụng cũng khó chịu thay cho Uyên Ương, cứ lặng lẽ nằm ngủ trên giường, mặc cho ba người cười nói ở nhà ngoài.
Hình phu nhân hỏi Phượng Thư về bố mẹ Uyên Ương, Phượng Thư nói:
- Bố nó tên là Kim Thái, hai vợ chồng đều trông nom nhà cửa ở Nam Kinh không hay về đây. Anh nó là Văn Tường, hiện giữ việc mua bán cho cụ. Chị dâu nó cũng trông coi việc giặt rửa ở nhà cụ.
Hình phu nhân sai người gọi vợ Kim Văn Tường đến, nói rạch ròi cho nghe. Chị ta lấy làm thích lắm, hăm hở đi tìm Uyên Ương, chắc mẩm nói một câu là xong ngay; ai ngờ bị Uyên Ương mắng cho một trận, lại bị Tập Nhân, Bình Nhi nói cho mấy câu, xấu hổ quá, về nói với Hình phu nhân:
- Chẳng ăn thua gì, tôi lại bị nó mắng cho một trận.
Vì có Phượng Thư ở đấy, chị ta không dám nói đến Bình Nhi chỉ nói:
- Tập Nhân lại hùn thêm vào, nói tôi nhiều câu chẳng ra gì, không thể kể với bà được. Bà bàn với ông đi mua đám khác vậy thôi. Chắc con ranh ấy chẳng có số tốt, mà nhà chúng tôi cũng chẳng làm gì có phúc lớn như thế.
Hình phu nhân nói:
- Việc gì đến con Tập Nhân? Sao nó lại biết được?
Rồi lại hỏi: 
- Còn có ai ở đấy nữa không?
Vợ Kim Văn Tường nói: 
- Còn có cô Bình nữa.
Phương Thư vội nói:
- Sao chị không lôi cổ nó về cho tôi? Tôi vừa mới đi khỏi, nó đã chạy biến rồi, về đến nhà chẳng thấy bóng vía đứa nào! Chắc nó cũng hùn thêm mấy câu chứ gì?
- Cô Bình không đứng gần đấy, tôi nhìn xa hình như cô ta, nhưng không chắc có đúng không, tôi đoán chừng đấy thôi.
Phượng Thư liền sai người:
- Mau đi gọi Bình Nhi, nói ta đã về rồi, bà cũng ở đây, bảo nó phải về ngay.
Phong Nhi liền thưa:
- Cô Lâm cho người mang giấy đến mời ba, bốn lần chị ấy mới đi. Lúc mợ vừa về đến cửa, tôi đi gọi chị ấy ngay. Nhưng cô Lâm nói: “về thưa với mợ, ta nhờ chị ấy một việc”.
Phượng Thư nghe vậy mới thôi, lại cố ý nói: 
- Có việc gì mà ngày nào cũng nhờ nó thế?
Hình phu nhân không làm thế nào được, ăn xong cơm chiều rồi về nói với Giả Xá, Giả Xá nghĩ một lúc, liền gọi Giả Liễn đến bảo:
- Nhà cửa ở Nam Kinh còn có nhiều người khác trông nom, chứ không phải một mình Kim Thái, phải gọi ngay nó về đây.
Giả Liễn thưa:
- Lần trước ở Nam Kinh đưa tin về nói Kim Thái bị chứng đờm, thường mê man bất tỉnh, đã cho cả tiền mua sẵn áo quan rồi. Không biết bây giờ nó còn sống hay chết. Nếu nó sống cũng chẳng biết việc gì, gọi về cũng vô ích. Còn vợ nó thì lại điếc.
Giả Xá nghe xong quát mắng:
- Đồ ngu biết gì? Mày không cút ngay đi à?
Giả Liễn sợ quá lùi ra. Một lúc lại cho gọi Kim Văn Tường đến, Giả Liễn đành đứng chờ ngoài thư phòng, không dám về, cũng không dám gặp bố.
Một lúc, Kim Văn Tường đến. Bọn hầu nhỏ dẫn hắn vào cửa thứ hai, lâu lắm mới thấy hắn ra về. Giả Liễn không dám hỏi chuyện. Một lúc sau, thấy Giả Xá ngủ rồi mới dám về nhà. Đến tối, Phượng Thư kể lại chuyện, hắn mới hiểu rõ.
Uyên Ương suốt đêm không ngủ. Đến hôm sau, người anh cô ta đến xin Giả mẫu cho cô ta về nhà chơi, Giả mẫu bằng lòng. Uyên Ương không muốn về, nhưng sợ Giả mẫu ngờ, nên đành phải đi. Người anh đem những lời của Giả Xá nói cho cô ta biết, lại hứa hẹn nào là được thể diện, được làm dì Hai, trông nom việc nhà. Uyên Ương chỉ cắn răng không bằng lòng. Người anh không biết làm thế nào, đành phải về trình Giả Xá. Giả Xá tức giận nói:
- Ta bảo cho mà biết, mày về bảo vợ mày rằng: xưa nay “chị hằng yêu tuổi trẻ” chắc nó chê ta già, có lẽ nó chỉ yêu các cậu trẻ thôi! Chắc chắn là nó đã nhắm vào Bảo Ngọc, có lẽ cả thằng Liễn nữa. Nếu nó có bụng ấy thì bảo nó hãy mau mau xếp lại. Ta muốn lấy, nó không bằng lòng, sau còn ai dám lấy nó nữa? Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai nó tưởng cụ thương nó, sau này sẽ chính thức gả nó cho một người ở ngoài phủ này. Bảo nó nghĩ kỹ đi: dù nó lấy ai nữa, cũng khó thoát khỏi tay ta! Trừ phi nó chết đi, hay suốt đời không lấy chồng, ta mới chịu! Nếu không, bảo nó nên mau mau nghĩ lại, sẽ có nhiều điều hay đấy.
Giả Xá nói một câu, Kim Văn Tường “vâng” một câu. Giả Xá lại bảo:
- Không được nói dối ta, ngày mai ta lại bảo bà mày đến hỏi thẳng Uyên Ương. Mày nói nó không bằng lòng, sẽ không có lỗi; nếu ta hỏi nó bằng lòng thì mày liệu hồn đấy!
Kim Văn Tường vâng dạ luôn mồm. Về đến nhà, không kịp bảo vợ đi nói, hắn tự mình đến bảo thẳng Uyên Ương; Uyên Ương tức quá không trả lời được câu gì. Nghĩ một lúc, Uyên Ương nói:
- Dầu tôi bằng lòng, cũng phải mang tôi đến trình cụ đã.
Người anh và chị dâu đều cho Uyên Ương đã nghĩ lại, vui mừng khôn xiết. Người chị dâu liền dẫn Uyên Ương đến trình Giả mẫu.
Vừa gặp lúc Vương phu nhân, Tiết phu nhân và bọn chị em Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Thoa cùng mấy người đàn bà coi việc có thể diện đang nói chuyện vui ở đấy. Uyên Ương mừng lắm, kéo chị dâu vào quỳ trước mặt Giả mẫu, vừa khóc vừa kể lại những câu Hình phu nhân nói thế nào, chị dâu nói ở trong vườn thế nào, nay người anh lại nói như thế nào. "Vì cháu không bằng lòng, ông Cả bảo là cháu mê cậu Bảo Ngọc, nếu không thì cũng đợi lấy người ngoài, bảo cháu có chạy lên trời suốt đời cũng không thoát khỏi tay ông ấy. Thế nào ông ấy cũng báo thù! Lòng cháu đã lạnh tắt rồi! Cháu nói trước mặt mọi người ở đây, đừng nói là Bảo Ngọc, chứ dù “Bảo Kim”, "bảo Ngân”, “Bảo Thiên Vương”, “Bảo Hoàng Đế” nào nữa, cháu cũng chẳng lấy, cứ ở vậy suốt đời là xong chuyện! Nếu cụ ép quá, cháu đành một nhát dao là xong đời, chứ không thể nào tuân lời được. Tốt phúc ra, cháu được chết trước cụ, nếu không may, cháu cũng đành nhất định hầu hạ đến khi cụ quy tiên, cháu sẽ không về với bố mẹ và anh em cháu đâu, hoặc tự tử, hoặc gọt đầu đi tu. Nếu bảo cháu không thực bụng, chỉ tạm thời tình cách chống đỡ, thì đã có giời đất, quỷ thần, mặt trời, mặt trăng chứng minh, sẽ bóp cháu sưng cổ nổ hầu ra mà chết! 
Trước lúc Uyên Ương đến, trong tay áo đã giấu sẵn một cái kéo, nay vừa nói vừa đưa kéo lên cắt tóc. Bọn bà già, a hoàn trông thấy vội giữ lại, thì đã cắt mất một nửa nắm rồi. May tóc cô ta quá rậm, cắt vẫn không việc gì, mọi người vội vàng giúp cô ta búi lên.
Giả mẫu nghe nới, giận quá, người run cầm cập, rít giọng nói:
- Ta chỉ còn có một người trông cậy được, chúng nó lại định tìm cách cướp đi.
Nhân thấy Vương phu nhân đứng bên cạnh, liền bảo:
- Các người xưa nay đều lừa ta cả! Ngoài mặt ra vẻ hiếu thảo trong bụng lại ngấm ngầm chực hại ta. Có của gì tốt cũng đến lấy, có người nào tốt cũng đến đòi; còn có một con bé, thấy ta yêu nó, tự nhiên các người đâm tức, định xách nó đi, để rồi tha hồ mà làm hại ta.
Vương phu nhân đứng dậy, không dám nói lại một câu gì. Tiết phu nhân thấy Vương phu nhân cũng bị quở, nên không tiện khuyên giải; Lý Hoàn vừa nghe thấy những câu nói của Uyên Ương, đã dẫn chị em đi ra rồi. Thám Xuân là người biết nghĩ: biết Vương phu nhân bị mắng oan không dám nói lại; Tiết phu nhân là em ruột Vương phu nhân, không tiện cãi hộ cho chị; Bảo Thoa cũng không thể nói hộ cho dì; Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Ngọc lại càng không dám lên tiếng; chỉ còn nhờ có bọn cháu gái; nhưng Nghênh Xuân thì thực thà, Tích Xuân hãy còn bé. Vì vậy, chị ta đang đứng ngoài cửa sổ nghe ngóng, vội chạy ngay vào cười nói với Giả mẫu:
- Việc này có liên can gì đến mẹ cháu đâu? Bà nghĩ lại xem: ông anh Cả muốn lấy người trong nhà, thì em dâu biết làm sao được? Mà dù có biết cũng phải chịu thôi.
Thám Xuân chưa nói dứt lời, Giả mẫu cười nói:
- Thật ta già lẫn rồi! Bà dì đừng cười tôi nhé? Chị bà là người rất hiếu thuận, không như chị dâu cả của tôi, một tí gì cũng sợ chồng, trước mặt mẹ chồng chẳng qua cũng chỉ dựa dẫm cho xuôi chuyện thôi. Thật là tôi nói oan cho chị ấy.
Tiết phu nhân chỉ vâng dạ, rồi lại nói:
- Cụ hơi thiên vị, có lẽ cũng vì thương con dâu út hơn.
Giả mẫu nói:
- Tôi không thiên vị đâu!
Lại nói:
- Bảo Ngọc, bà mắng nhầm mẹ cháu, sao cháu không nhắc để mẹ cháu bị mắng oan?
Bảo Ngọc cười nói:
- Không có nhẽ cháu lại bênh mẹ cháu mà nói bác giai và bác gái à? Chung quy cũng có người không phải, nhưng nếu mẹ cháu không nhận thì còn đổ cho ai? Cháu nhận lỗi về cháu chắc bà cũng chẳng tin nào.
Giả mẫu cười nói:
- Thế cũng có nhẽ. Nay cháu quỳ xuống trước mặt mẹ cháu nói: Mẹ đừng bực nữa, bà đã có tuổi rồi, xin mẹ hãy nhìn Bảo Ngọc này thôi.
Bảo Ngọc chạyđến quỳ xuống định nói, Vương phu nhân vội cười kéo Bảo Ngọc dậy:
- Đứng dậy, không thể thế được, lễ nào mày lại thay bà đến xin lỗi ta à?
Bảo Ngọc nghe nói liền đứng dậy:
Giả mẫu cười nói:
- Cháu Phượng cũng chẳng nhắc gì bà!
Phượng Thư cười nói:
- Cháu chưa vạch những điều không phải của bà ra, bà đã lại quặc cả cháu vào.
Giả mẫu nghe nói, cùng mọi người cười ầm lên:
- Thế mới lạ chứ! Ta cần nghe điều nào là điều không phải?
Phượng Thư nói:
- Ai bảo bà khéo chải chuốt cho người? Chải chuốt đến nỗi nó đẹp mơn mởn lên, trách nào người ta chả thích? May cháu là dâu đấy, chứ là cháu trai, thì cháu đòi bà đã lâu rồi, không còn chờ đến bây giờ.
- Đó là điều không phải của ta à?
- Đúng là điều không phải của bà.
- Đã thế thì ta không cần nó nữa, cháu đem nó về.
- Để cháu tu hết kiếp này, đến kiếp sau được làm con trai, cháu mới cần đến nó.
- Cháu mang nó về cho thằng Liễn, để xem ông bố chồng mặt dày của cháu còn đòi nữa hay thôi!
- Cháu Liễn không xứng đáng, nó chỉ xứng đáng với cháu và Bình Nhi là hai chiếc “bánh cháy” đấy thôi.
Mọi người nghe nói cười ầm lên.
A hoàn vào trình:
- Bà Cả đã đến.
Vương phu nhân vội ra đón.
------------------------
(1). Nguyên văn truyện con cắt của vua Huy Tông đời Tống, con ngựa của Triệu Tử Ngang và truyện quan trạng lên đậu mùa đang mưng. 
 



Hồi 47:
Tiết Bàn đa tình bị đánh
Tương Liên sợ tội trốn đi

Vương phu nhân thấy Hình phu nhân đến, liền ra đón. Hình phu nhân chưa hiểu Giả mẫu đã biết việc Uyên Ương, định đến thăm dò tin tức. Vào đến cửa, được bọn bà già khẽ mách, Hình phu nhân mới biết. Định quay về, nhưng người trong nhà đã trông thấy; lại thấy Vương phu nhân ra đón, nên đành phải vào chào Giả mẫu. Giả mẫu không thèm bắt lời. Hình phu nhân tự nghĩ xấu hổ. Phượng Thư mượn cớ tránh đi chỗ khác. Uyên Ương tức giận về buồng. Tiết phu nhân và Vương phu nhân sợ Hình phu nhân sượng mặt, cũng dần dần lui ra. Hình phu nhân đành phải ngồi lại. Giả mẫu thấy không có ai, mới bảo:
- Ta nghe nói, chị đi làm mối cho ông nhà chị phải không? Chị cũng làn hạng có đủ “tam tòng tứ đức” đấy. Nhưng cái hiền hậu của chị thật là quá đáng. Bây giờ nhà chị, con cháu đã đầy đàn rồi, thế mà chị còn sợ ông ấy. Tại sao chị không can ngăn câu nào, cứ mặc cho ông ấy muốn giở tính gì thì giở.
Hình phu nhân đỏ bừng mặt lên, thưa:
- Con đã khuyên ngăn nhiều lần, mà không nghe. Mẹ còn lạ gì nữa? Con cũng bất đắc dĩ phải chiều đấy thôi.
Giả mẫu nói:
- Thế nó bắt chị giết người, chị cũng giết à? Chị thử nghĩ xem, em dâu chị xưa nay vốn là người thực thà, lại hay đau ốm. Nhưng có việc gì mà không qua nó. Tuy có con dâu chị giúp đỡ nhưng cứ “buông dầm cầm chèo”, trăm việc đến tay. Mặc dù ta đã bớt việc cho nó nhiều rồi, nhưng cũng có khi cả hai người không nghĩ xiết, thì đã có con Uyên Ương cẩn thận, biết lo toan ít nhiều đến việc riêng của ta. Cái gì cần nó lấy ngay cho ta; cái gì đáng thêm, nó lựa dịp bảo họ thêm cho ta. Nếu không được con Uyên Ương thì các việc trong ngoài lớn nhỏ, chỉ có hai mẹ con nó, làm gì chằng có thiếu sót? Bây giờ lại còn để ta phải lo lắng, để ta ngày nào cũng tính toán đòi thứ này thứ nọ hay sao? Cả nhà này, chỉ còn một mình nó lớn tuổi, nó đã biết nết ta, hợp tính với ta, nó lại không hề mượn tiếng ta đòi bà này cho áo quần, bà nọ cho tiền bạc bao giờ. Vì thế mấy năm nay, hễ nó nói việc gì, thì từ em dâu chị, nàng dâu chị, cho chí lớn bé trong nhà, chẳng ai là không tin nó. Bởi vậy không những một mình ta nhờ cậy nó, mà cả em dâu chị, nàng dâu chị, cũng đỡ phải lo toan. Có con bé ấy, dù việc gì con dâu, cháu dâu không nghĩ xiết, ta cũng không phải thiếu thốn và cũng không có gì phải bực mình. Bây giờ lấy nó đi, các chị định cho ai đến hầu ta? Dù các chị có đem đến một người đẹp như châu báu mà không biết nói năng gì thì cũng vô ích. Ta đang định sai người đến bảo ông chồng chị muốn lấy ai, ta có tiền đây, nó lấy tám nghìn, một vạn đi mua cũng được, chứ đòi con bé này thì không xong đâu! Để nó hầu hạ ta mấy năm, cũng như chính chồng chị giữ đạo hiếu hết lòng hầu hạ ta. Nay vừa hay chị đến đây, chị sẽ đem lời ta về nói cho chồng chị biết, để cho êm chuyện.
Nói rồi, gọi người đến bảo: “Mời bà dì và các cô đến đây, đang nói chuyện vui, sao lại về cả thế?"
A hoàn vội đi tìm. Mọi người lại đều sang cả. chỉ có Tiết phu nhân bảo a hoàn:
- Ta vừa sang rồi, giờ còn sang làm gì nữa? Chị về nói là ta đã ngủ rồi.
A hoàn nói:
- Trăm lạy bà dì! Ngàn lạy bà dì! Cụ cháu đang giận đấy! Nếu bà không sang thì làm sao cho êm chuyện được. Xin được thương các cháu với! Nếu bà ngại đi, cháu xin cõng bà sang.
Tiết phu nhân cười nói:
- Đồ ranh con! Việc gì phải sợ! Chẳng qua bị mắng mấy câu thôi.
Nói xong, đành cùng a hoàn đi sang. Giả mẫu mời ngồi, rồi cười nói:
- Chúng ta đánh bài chứ! Bà đánh bài cũng vẫn còn thấp, chúng ta ngồi một chỗ đừng để con Phượng ăn gian.
Tiết phu nhân cười nói:
- Phải đấy! Xin cụ xem hộ bài cho. Chỉ có bốn bà cháu đánh thôi, hay phải thêm một vài người nữa?
Vương phu nhân cười nói:
- Bốn người thôi!
Phượng Thư nói:
- Thêm một người nữa càng vui. 
Giả mẫu nói:
- Gọi con Uyên Ương đến đây, cho nó ngồi tay dưới. Mắt bà dì đã kém, cho nó trông cả bài của hai chúng ta.
Phượng Thư cười bảo Thám Xuân:
- Các cô biết chữ, sao không đi học xem bói.
Thám Xuân nói:
- Thế mới lạ chứ, bây giờ chị không cố nghiền ngẫm để kiếm mấy đồng của bà, lại nghĩ đến xem bói?
Phượng Thư nói:
- Tôi đương muốn bói xem hôm nay thua hết bao nhiêu, chứ tôi lại còn mong gì được nữa! Cô thử xem, chưa đánh bài mà hai bên đã sẵn sàng mai phục cả rồi.
Giả mẫu và Tiết phu nhân cười ầm lên.
Một lúc, Uyên Ương đến ngồi ở dưới cánh Giả mẫu. Dưới cánh Uyên Ương là Phượng Thư. Thảm đỏ giải ra, lần lượt trang bài, bắt cái. Năm người cầm bài lên đánh một lúc. Uyên Ương thấy bài của Giả mẫu đã thập thành, chỉ chờ một quân “nhị bính” thôi, liền ra hiệu cho Phượng Thư. Đến lượt đánh ra, Phượng Thư cố ý ngần ngừ một lúc, rồi nói:
- Nếu cháu đánh quân này thì đúng vào quân chờ của dì. Nếu cháu không đánh thì dì không ù được.
Tiết phu nhân nói:
- Tôi không chờ quân của chị đánh ra đâu.
- Để rồi cháu xem bài dì.
- Chị cứ việc xem bài. Thôi hãy đánh đi, xem quân gì nào?
Phượng Thư liền để ngay quân bài ra trước mặt Tiết phu nhân. Tiết phu nhân xem là quân “nhị bính”, cười nói:
- Ta không cần quân này, chỉ sợ cụ ù đấy thôi!
Phượng Thư cười nói: 
- Cháu đánh nhầm rồi!
Giả mẫu hạ ngay bài xuống, cười nói:
- Mày dám rút về à? Ai bảo mày đánh nhầm?
Phượng Thư nói:
- Cháu đã nói là phải bói một quẻ mới được! Tự mình đánh ra, không còn dám trách ai!
Giả mẫu cười nói:
- Thế là tự mày vả vào mồm lại còn hỏi mình xem có đúng hay không?
Lại cười bảo Tiết phu nhân:
- Không phải tôi thích được tiền, cốt để làm vui đấy thôi.
Tiết phu nhân cười nói:
- Chúng cháu ai mà chả nghĩ thế. Đâu lại có người vớ vẩn dám bảo cụ chỉ thích tiền.
Phượng Thư đang đếm tiền, nghe thấy nói thế, liền xâu tiền vào, cười bảo mọi người:
- Thế là tôi hòa vốn rồi! Bà không thích tiền, chỉ thích vui thôi. Tôi bủn xỉn thật, đánh thua là đếm tiền, thôi cất đi vậy.
Giả mẫu vẫn quen lối để Uyên Ương trang bộ bài, rồi cười nói với Tiết phu nhân. Nhưng không thấy Uyên Ương trang bài. Giả mẫu nói:
- Mày giận gì thế? Bài cũng chẳng buồn trang cho tao?
Uyên Ương cầm bài lên cười nói:
- Mợ không xỉa tiền ra cho bà?
Giả mẫu nói:
- Nó không xỉa tiền cho tao, thế là nó đếm hộ tao rồi đấy.
Liền sai a hoàn nhỏ lấy hết chuỗi tiền của Phượng Thư về. A hoàn cầm lấy chuỗi tiền, để bên cạnh Giả mẫu, Phượng Thư cười nói:
- Bà cho cháu xin lại chuỗi tiền! Cháu thua bao nhiêu bà lấy đủ số thôi, còn thừa bà trả lại cháu.
Tiết phu nhân cười nói: 
- Chị Phượng này bủn xỉn thật, bà đùa đấy thôi!
Phượng Thư nghe nói, đứng dậy kéo Tiết phu nhân, quay lại trỏ vào cái hòm đựng tiền của Giả mẫu, cười nói:
- Dì xem kìa, không biết trong hòm này đã “đùa” bao nhiêu tiền của cháu rồi đấy! Chuỗi tiền này chơi chưa đầy nửa giờ, tiền ở trong hòm đã vẫy tay gọi, chờ khi nào chuỗi tiền này rơi vào hòm rồi thì chả cần đánh bài và bà cũng hết cả giận. Thế là bà lại sai cháu đi làm việc khác ngay.
Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Giữa lúc ấy Bình Nhi lại mang một chuỗi tiền đến, vì sợ không đủ đánh, Phượng Thư nói:
- Không cần phải để trước mặt ta, cứ để bên cạnh bà. Đưa cả số tiền một lúc cho gọn, không cần phải đưa hai lần, sợ số tiền ở trong hòm thêm bận việc.
Giả mẫu cười, bài ở trên tay rơi cả xuống bàn, liền đẩy Uyên Ương bảo:
- Mau đến rạch mồm nó ra coi!
Bình Nhi theo lời, đặt tiền xuống, cười một lúc mới về. Vừa đến cửa, Giả Liễn hỏi:
- Bà bây giờ ở đâu? Ông bảo ta mời về.
- Bà đứng hầu cụ lâu lắm, chẳng dám động đậy gì, cũng chỉ muốn có dịp là lẻn về thôi. Cụ tức giận mãi, may có mợ Hai pha trò một lúc mới hơi nguôi nguôi.
- Giờ ta sang hỏi cụ xem hôm mười bốn này có sang nhà Lại Đại không, để sắp kiệu sẵn. Ta đến vừa mời bà về, vừa góp vui, thế có được không?
- Cứ ý tôi, cậu không nên sang là phải, cả nhà này, ngay đến bà Hai và Bảo Ngọc cũng còn có lỗi nữa là, bây giờ cậu sang chỉ tội rước vạ vào mình mà thôi.
- Câu chuyện đã xong rồi, không lẽ lại còn kéo cả ta vào hay sao? Vả chăng việc này không liên can gì đến ta. Ông bảo ta phải đi tìm bà về. Nếu biết ta sai người khác đi, trong lúc ông đang giận, sẽ lại mượn cớ để mắng ta cho hả.
Bình Nhi thấy Giả Liễn nói có lý, cũng theo cả sang. Lên đến thềm, Giả Liễn rón rén đi, ngó đầu vào trong nhà, thấy Hình phu nhân đang đứng ở đấy. Phượng Thư trông thấy trước liền đưa mắt bảo hắn đừng vào; lại đưa mắt cho Hình phu nhân. Hình phu nhân không tiện đi ngay, liền rót một chén nước dâng Giả mẫu. Giả mẫu quay lại, Giả Liễn không kịp tránh. Giả mẫu liền hỏi:
- Ai ở ngoài kia? Trông như đứa bé con nào thò đầu vào đấy.
Phượng Thư đứng dậy nói:
- Cháu cũng thoáng nhìn thấy có bóng một người.
Vừa nói vừa đứng dậy đi ra.
Giả Liễn liền đi vào cười nói:
- Cháu đến hỏi xem hôm mười bốn này bà có đi chơi không để sắp sẵn kiệu.
Giả mẫu nói:
- Sao mày không vào ngay, lại thậm thụt ngoài ấy như con ma ấy?
- Thấy bà đang đánh bài, cháu không dám vào, gọi nhà cháu ra ngoài hỏi đấy thôi.
- Làm gì mà vội thế? Chờ khi nó về nhà, hỏi có được không? Sao trước kia không thấy mày cẩn thận như thế? Không biết mày đến đây để lắng tin hay dò xét việc gì! Cứ thập thò như ma, làm tao giật cả mình! Cái thằng đê tiện kia! Vợ mày đánh bài với tao, được lúc vắng nhà, mày hãy về mà bàn với con vợ Triệu Nhị tìm cách hại vợ mày đi!
Nói xong, mọi người cười ầm lên. Uyên Ương cười nói:
- Vợ Bão Nhị chứ! Bà lại kéo vợ Triệu Nhị vào.
Giả mẫu cười nói:
- Thế à? "Bão" hay "bội" tao nhớ thế nào được(1). Nhắc đến chuyện này làm tao thêm bực mình! Khi tao về nhà này làm chắt dâu, đến bây giờ tao cũng có chắt dâu rồi. Trước sau năm mươi tư năm, bao nhiêu việc rùng rợn quái gở đều đã qua cả, nhưng chưa từng gặp việc nào như thế! Mày còn không bước khỏi chỗ này à!
Giả Liễn không dám nói câu gì, vội chạy ra. Bình Nhi chờ ở ngoài cửa sổ, khẽ cười nói:
- Tôi đã bảo cậu không nghe, để đến nỗi sa vào lưới!
Đương nói thì Hình phu nhân cũng ra. Giả Liễn nói:
- Chỉ vì cha sinh chuyện, bây giờ trút cả tội cho mẹ con ta!
Hình phu nhân nói:
- Cái giống bất hiếu trời đánh này! Người ta chết thay cho cha còn được nữa là; mới bị mắng có mấy câu mà đã kêu ca ầm lên. Mày hãy liệu chừng! Mấy hôm nay bố mày tức giận, giờ hồn không lại bị đòn đấy!
- Thôi mẹ về đi, cha con bảo đi mời mẹ đã lâu rồi.
Nói xong Giả Liễn đưa mẹ hắn về nhà.
Hình phu nhân đem chuyện vừa rồi kể qua mấy câu, Giả Xá không còn cách gì, đâm ra xấu hổ. Từ đấy, liền cáo bệnh, không dám đến hầu Giả mẫu, chỉ sai Hình phu nhân và Giả Liễn hàng ngày đến thăm. Rồi sai người đi tìm kiếm các nơi, sau cùng, bỏ ra năm trăm lạng bạc, mua một đứa con gái mười bảy tuổi, tên là Yên Hồng đem về.
Thấm thoát đã đến ngày mười bốn. Tờ mờ sáng, vợ Lại Đại lại đến mời. Giả mẫu cao hứng, dẫn Vương phu nhân, Tiết phu nhân và chị em Bảo Ngọc đến vườn hoa nhà Lại Đại ngồi một lúc. Vườn hoa này tuy không bằng vườn Đại Quan, nhưng cũng rộng rãi ngăn nắp, rừng suối lâu đài, cũng có nhiều chỗ đẹp làm cho người ta say sưa mến cảnh. Ở bên ngoài, có Tiết Bàn, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung cùng mấy người họ gần đều đến cả. Lại Đại cũng mời mấy người quan lại đương chức và một số con nhà đại gia đến tiếp. Trong đám ấy có Liễu Tương Liên mà trước đây Tiết Bàn đã được gặp một lần, trong bụng vẫn quyến luyến không quên. Lại nghe thấy hắn thích chơi tuồng hát, và trong đó chơi toàn những vai học trò, vai nữ rất tài hoa. Tiết Bàn nhận nhầm hắn là con nhà ăn chơi, muốn kết thân với hắn, nhưng không có người đưa đón. May sao hôm đó gặp hắn, Tiết Bàn vui quá, mê tít. Bọn Giả Trân cũng hâm mộ tiếng hắn, liền mượn hơi men nói với hắn hát cho nghe hai vở. Sau lại sang ngồi bên cạnh, hỏi tẩn mẩn chuyện nọ chuyện kia.
Liễu Tương Liên nguyên là con nhà thế gia, vì học không đỗ lại gặp cha mẹ mất sớm. Hắn vốn tính hào hiệp, không câu nệ những việc vặt, lại thích chơi thương múa kiếm, rượu chè, cờ bạc, trai gái, đàn hát, cái gì cũng biết. Vì hắn trẻ tuổi xinh trai, những người không biết rõ tung tích, đều nhận nhầm là hạng phường chèo con hát. Con Lại Đại là Lại Thượng Vinh thường chơi thân với hắn, nên hôm nay cũng mời hắn đến dự tiệc. Không ngờ sau khi say rượu, người khác còn khá, chứ Tiết Bàn thì lại trở lại bệnh cũ. Vì thế, Liễu Tương Liên trong bụng không vui, định lừa dịp ra về cho xong chuyện. Không ngờ Lại Thượng Vinh đến nèo nằng mãi:
- Vừa rồi cậu Bảo dặn tôi; cậu ấy vừa vào đến cửa, tuy trông thấy anh, nhưng đông người không tiện nói chuyện, bảo tôi dặn anh, khi tan tiệc anh đừng về vội, cậu ấy có câu chuyện muốn nói với anh. Nếu anh nhất định đòi về, để tôi gọi cậu ấy ra, hai người gặp nhau đã, như thế thì không can gì đến tôi.
Nói xong, liền sai đứa hầu bé vào trong nhà bảo khẽ bà già mời cậu Bảo đến. Đứa bé vào một lát thì Bảo Ngọc đi ra. Lại Thượng Vinh cười bảo Bảo Ngọc:
- Thưa chú, tôi giao anh này cho chú, để tôi đi tiếp khách đây.
Nói xong đi ngay.
Bảo Ngọc kéo Liễu Tương Liên đến thư phòng bên cạnh hỏi chuyện:
- Lâu nay anh có đến thăm mộ Tần Chung không?
- Có đến. Hôm nọ mấy người chúng tôi đi săn, cách mộ anh ấy chỉ có vài dặm. Tôi nghĩ mùa hạ năm nay nhiều mưa, sợ mộ lở, liền lẻn đến đấy xem, thì có chỗ bị lở. Khi về nhà kiếm được mấy trăm đồng tiền, đến sáng hôm thứ ba, tôi thuê mấy người đến đắp lại tử tế rồi.
- Thảo nào. Tháng trước sen trong ao vườn Đại Quan nở hoa, tôi ngắt mười cái, sai Dính Yên đem đến viếng mộ anh ấy. Khi về tôi hỏi: trời mưa thế, mộ có bị lở không? Dính Yên nói: Không những không lở mà lại mới hơn trước. Tôi chắc là có người bạn nào đã đến sửa dọn. Tiếc rằng ngày nào tôi cũng bị giữ rịt ở nhà không được đi đâu, hơi làm việc gì người nhà cũng biết, không người này ngăn thì người khác khuyên, chỉ nói được chứ không làm được! Dù có tiền đấy, tôi cũng không được tiêu.
- Anh không cần phải để ý đến việc ấy, bên ngoài đã có tôi, chỉ cần anh có bụng nghĩ đến cậu ấy là được rồi. Tôi đã sắp sẵn một món tiền để đến ngày mồng một tháng mười sắp tới sẽ tiêu về việc thăm mộ. Anh cũng biết đấy, tôi nghèo rớt mồng tơi, trong nhà chung dành dụm được gì, hễ kiếm được đồng nào lại tiêu hết sạch. Nên nhân dịp này, tôi dành lại một món, để đến khi ấy khỏi phải chạy vạy.
- Cũng chính vì việc ấy mà tôi định sai Dính Yên đi tìm anh, nhưng anh không mấy khi ở nhà, biết anh thường nay đây mai đó, không ở chỗ nào nhất định.
- Anh không cần phải tìm tôi, tôi làm việc này chẳng qua chỉ vì hết lòng với bạn. Bây giờ tôi lại phải đi xa, có lẽ năm, ba năm tôi mới về.
Bảo Ngọc nghe nói, vội hỏi:
- Tại sao lại thế?
Liễu Tương Liên cười nhạt nói:
- Tâm sự của tôi, chờ khi đến nơi sẽ biết. Giờ xin tạm biệt.
- Không mấy khi được gặp nhau, anh nên đợi đến chiều chúng ta cùng về một thể có hơn không?
- Anh con nhà dì của anh vẫn giữ cái thói ấy, nếu tôi ngồi lại, không khỏi có chuyện, chi bằng tôi tránh đi là hơn.
Bảo Ngọc nghĩ một lúc, nói:
- Đã thế thì anh tránh hẳn đi là phải. Nhưng nếu anh quả thực định đi xa, cũng nên nói trước cho tôi biết, chứ nhất thiết đừng lẳng lặng mà đi!
Nói xong, nước mắt tràn ra.
Liễu Tương Liền nói:
- Thế nào tôi cũng phải từ biệt anh, nhưng anh đừng nói cho ai biết.
Nói xong liền đứng dậy chực đi, lại nói:
- Thôi anh vào đi, không cần phải tiễn tôi.
Vừa nói vừa ra khỏi thư phòng. Mới đi đến cửa ngoài, đã thấy Tiết Bàn đứng đấy gọi ầm lên:
- Ai cho chú Liễu đi đấy?
Liễu Tương Liên nghe hắn nói, bốc nóng lên, giận không đánh được một cái cho chết ngay. Nhưng rồi lại nghĩ, khi say rượu mà đánh người, chỉ làm ngượng mặt Lại Thượng Vinh, nên đành phải nén giận. Tiết Bàn thấy Liễu Tương Liên đi ra, mừng như được của báu, vội loạng choạng chạy theo nắm lấy cười hỏi:
- Em ơi! Đi đâu đấy?
- Đi một tí rồi về ngay.
- Em mà đi thì anh mất vui. Em thương anh với, hãy ngồi một tí đã. Có việc gì cần, em cứ giao cho anh, đừng vội vã như thế. Em có người anh này, thì muốn làm quan, phát tài, cái gì cũng dễ thôi!
Tương Liên thấy Tiết Bàn nói những câu khó chịu quá, trong lòng bực bội, nghĩ ngay một kế, liền kêu hắn ra chỗ vắng, cười nói:
- Anh thực bụng yêu em hay là nói dối em đấy?
Tiết Bàn nghe nói, trong lòng rạo rực, liếc mắt nói:
- Em ơi! Sao em lại hỏi anh câu ấy? Nếu có bụng giả dối, anh chết ngay ở đây!
- Đã thế, ở đây không tiện, anh hãy ngồi lại một chốc, rồi em đi trước, anh sẽ theo sau. Khi về nhà em, chúng ta nhất định uống rượu suốt đêm. Ở nhà em còn có hai đứa bé con rất đẹp, chưa hề tiếp khách bao giờ. Anh không cần phải mang ai đi theo, đến đấy có sẵn người hầu.
Tiết Bàn nghe nói, mừng quá tỉnh hẳn rượu, nói:
- Có thật thế không?
- Người ta thực bụng đối với anh, anh lại không tin à?
- Anh có phải thằng ngốc đâu, sao lại không tin? Nếu em đi trước, anh không biết chỗ, làm thế nào tìm được em?
- Nhà em ở ngoài cửa Bắc, anh có thể ra đó ngủ một đêm được không?
- Đã có em thì anh còn cần gì đến nhà nữa?
- Đã thế em chờ anh ở đầu cầu ngoài cửa Bắc. Chúng ta hãy vào uống rượu đã. Khi nào em đi rồi, anh hãy đi theo, như thế họ không để ý.
Tiết Bàn nhận lời.
Hai người lại vào uống rượu một lúc. Tiết Bàn không nén nổi, cứ đưa mắt nhìn Tương Liên, trong bụng càng nghĩ càng vui sướng, hết be rượu nọ đến be rượu kia, cứ tự rót uống, không cần phải ai mời. Không ngờ hơi men đã hăng lên tám chín phần. Thấy không ai để ý, Tương Liên đứng dậy đi ra ngoài cửa, bảo hầu nhỏ là Hạnh Nô:
- Mày về trước đi, tao đi ra ngoài thành đã rồi về sau.
Nói xong, cưỡi ngựa ra thẳng cửa Bắc, đến cầu chờ Tiết Bàn. Độ chừng ăn xong bữa cơm, thấy Tiết Bàn cưỡi ngựa chạy đến, phùng má trợn mắt, đầu lắc lư, hết nhìn bên nọ lại quay sang bên kia. Khi hắn đi đến trước ngựa Tương Liên, mắt cứ nhìn về đằng xa, không để ý đến xung quanh. Tương Liên vừa bật cười, vừa tức giận, liền lùi ngựa về đằng sau. Tiết Bàn đi mãi, thấy đã dần dần thưa vắng bóng người, liền quay ngựa trở lại gặp ngay Tương Liên. Hắn vui mừng như được ngọc báu, vội cười nói:
- Anh chắc em không khi nào sai hẹn.
- Đi mau lên, cẩn thận không có người ta trông thấy lại chẳng ra làm sao! 
Nói xong Tương Liên tế ngựa đi trước. Tiết Bàn theo sát đằng sau. 
Tương Liên thấy trước mặt vắng người, lại có một bãi sậy, liền xuống buộc ngựa vào cây, rồi cười bảo Tiết Bàn:
- Anh xuống ngựa đi, chúng ta hãy thề trước đã, nếu sau này ai thay lòng đổi dạ, nói cho người khác biết, sẽ chịu tội như lời thề.
- Em nói phải đấy.
Rồi cũng buộc ngựa vào cây, Tiết Bàn quỳ xuống thề:
- Nếu anh ngày sau thay lòng đổi dạ, nói cho người khác biết, thì trời tru đất diệt...
Nói chưa dứt lời, thấy đằng sau "choang” một tiếng như chùy sắt giáng xuống, Tiết Bàn mặt tối sầm lại, mắt nổ đom đóm, người lảo đảo, ngã lăn xuống đất. Biết hắn không chịu quen đòn, Tương Liên mới tát nhẹ mấy cái, hắn đã mặt mũi thâm tím như quả bồ quân. Tiết Bàn trước muốn chống đỡ, định đứng dậy, nhưng bị Tương Liên lấy chân đá một cái, lại ngã vật xuống. Hắn liền làu nhàu:
- Hai người đều bằng lòng cả! Nếu em không nghe thì cứ nói, việc gì lại lừa tôi đến đây để đánh tôi?
Rồi hắn mắng ầm lên. Tương Liên nói:
- Tao bảo cho thằng mù này! Mày có biết cụ Liễu là ai không? Mày không van xin, lại dám nói láo! Tao đánh chết mày cũng vô ích, chỉ đánh cho mày ốm đòn thôi.
Nói xong, lại lấy roi ngựa, đánh ba bốn chục roi vào lưng và đùi.
Tiết Bàn đã gần tỉnh rượu, đau quá không chịu nổi, kêu lên một tiếng “úi chao”. Tương Liên cười nhạt nói:
- Mới có thế thôi! Tao cứ tưởng mày dạn đòn!
Vừa nói vừa kéo chân trái Tiết Bàn dìm xuống bãi sậy, bùn lấm be bét, đầy người, lại hỏi:
- Mày đã biết tay tao chưa?
Tiết Bàn không trả lời, chỉ nằm gục xuống rên hừ hừ. Tương Liên lại vất roi đi, nắm tay đấm mấy quả. Tiết Bàn kêu rối rít lên:
- Xương tôi gãy cả rồi! Tôi biết em là người đứng đắn, chỉ vì tôi nghe người ta đồn nhầm đấy thôi!
- Không được kéo người ta vào. Mày chỉ được nói chuyện hiện giờ thôi.
- Hiện giờ tôi không có gì đáng nói cả? Chẳng qua em là người đứng đắn, tôi trót nhầm đấy thôi!
- Phải nói nhũn nữa, tao mới tha cho.
Tiết Bàn rén hừ hừ, nói: “Bạn ơi”. - Tương Liên lại đấm cho một quả nữa. Tiết Bàn kêu lên một tiếng, rồi nói: “Ông anh ơi” - Tương Liên lại đấm luôn cho hai quả nữa. Tiết Bàn vội kêu lên “úi chao ơi”, rồi nói:
- Ông ơi! ông tha cho con là thằng mù không có mắt! Từ nay trở đi, con kinh người, sợ lắm rồi.
- Mày phải uống hai ngụm nước bùn này đi!
- Nước này bẩn quá, con uống thế nào được?
Tương Liên lại giơ tay lên đấm. Tiết Bàn vội nói:
- Con xin uống... Con xin uống... -
Nói xong hắn đành phải cúi đầu xuống gốc sậy uống một ngụm, chưa kịp nuốt đã ọe ngay ra, bao nhiêu thức ăn mửa ra hết cả. Tương Liên nói:
- Mày phải ăn hết những đồ thối tha này tao mới tha cho!
Tiết Bàn lạy thì thụp nói:
- Xin ông làm phúc tha cho con, đến chết con cũng không ăn được đâu!
- Đồ thối xác này, làm bẩn lây cả đến tao!
Nói xong Tương Liên bỏ mặc Tiết Bàn ở đấy, rồi lên ngựa đi.
Tiết Bàn thấy Tương Liên đi rồi mới yên tâm, tự hối mình không nên nhận nhầm người ta. Muốn gượng đứng dậy, nhưng khắp người đau đớn không chịu được.
Bọn Giả Trân không thấy Tiết Bàn và Tương Liên ở trong tiệc, đi tìm các nơi cũng không thấy. Có người nói: “Thấy họ đi vội ra cửa Bắc rồi." Đứa hầu nhỏ của Tiết Bàn xưa nay vẫn sợ hắn, thấy hắn bảo không được theo, nó còn dám đi sao được? Giả Trân không yên tâm, sai Giả Dung dẫn bọn hầu nhỏ đi tìm; ra thẳng cửa Bắc, đi qua cầu độ hai dặm đường, chợt trông thấy ngựa của Tiết Bàn buộc ở bên bãi sậy. Mọi người đều nói: “May quá! Có ngựa tất phải có người!” Rồi cùng đến chỗ buộc ngựa, nghe trong đám sậy có người rên rỉ. Mọi người chạy đến xem, thấy quần áo Tiết Bàn rách tươm, mặt mũi sưng vù lên, khắp người ướt như lợn sề đẫm bùn.
Giả Dung đã đoán được tám chín phần, liền xuống ngựa sai người kéo hắn lên, cười nói:
- Chú Tiết ngày nào cũng giở thói lẳng lơ, hôm nay lại lẳng lơ đến bãi sậy này, chắc hẳn ông long vương yêu chú là người phong nhã, muốn vời chú đến làm phò mã, chú đã va phải sừng rồng rồi đấy!
Tiết Bàn xấu hổ quá, không thể chui ngay xuống hố được, còn mặt mũi nào trên lên ngựa nữa. Giả Dung liền sai người ra cửa ô thuê một cái kiệu nhỏ cho Tiết Bàn ngồi, rồi cùng về trong thành. Giả Dung lại muốn khiêng hắn vào dự tiệc ở nhà họ Lại, nhưng Tiết Bàn vật vã van xin đừng cho ai biết. Giả Dung mới chịu thôi. Giả Dung lại đến nhà họ Lại trình Giả Trân việc này. Giả Trân cũng biết là hắn bị Tương Liên đánh, liền cười nói:
- Cho nó như thế mới đáng kiếp!
Đến chiều về, Giả Trân đến hỏi thăm, Tiết bàn nằm ở trong nhà, cáo ốm không ra.
Giả mẫu về rồi, mọi người đâu về đấy cả. Tiết phu nhân và Bảo Thoa về, thấy Hương Lăng khóc sưng cả mắt, hỏi nó đầu đuôi rồi vội đến thăm Tiết Bàn, thấy trên mặt và mình đầy thương tích, nhưng không đến nỗi sai gân gẫy xương gì.
Tiết phu nhân vừa thương vừa giận, mắng Tiết Bàn, rồi lại mắng Tương Liên, muốn nói với Vương phu nhân sai người đi bắt hắn. Nhưng Bảo Thoa ngăn lại nói:
- Việc này không quan trọng gì, chẳng qua họ uống rượu với nhau, quá say thường hay giở mặt. Kẻ say bị đánh đau cũng là lẽ thường. Vả chăng ai còn chả biết cái anh bạo thiên nghịch địa của nhà ta. Chẳng qua chỉ tại mẹ quá thương anh ấy thôi. Muốn hả giận cũng dễ, chờ năm, ba ngày nữa anh ấy khỏi, đi ra ngoài được, bên bác Trân và cậu Liễn chưa chắc đã chịu bỏ qua việc này, nhất định sẽ đứng ra dàn xếp, mẹ sẽ bắt hắn xin lỗi anh con ở trước mặt mọi người là được rồi. Nếu mẹ coi việc này là to tát, đi nói với mọi người chỉ tỏ ra mẹ quá nuông chiều, để anh ấy gây chuyện với người ta, nay anh ấy mới bị đánh đau một lần, mẹ đã làm ầm lên, dựa thần dựa thế bà con để đè nén người ta à.
Tiết phu nhân nói:
- Con ơi! Con nghĩ phải đấy, mẹ vì một lúc tức giận đâm ra hồ đồ.
Bảo Thoa cười nói:
- Thế mới được. Anh ấy không sợ mẹ, không nghe người ta khuyên ngăn, càng ngày càng ngông cuồng; có bị vài ba lần như thế mới chừa.
Tiết Bàn nằm trên giường, chửi mắng Tương Liên luôn miệng, lại sai người hầu đến phá nhà, đánh chết hắn, rồi đi kiện. Tiết phu nhân quát ngăn bọn hầu lại, bảo:
- Tương Liên lúc say rượu ngông cuồng, bây giờ tỉnh rượu hối lại sợ tội, đã trốn đi mất rồi.
------------------------
(1). “Bão” là ôm, “bội” là cõng. Người Trung Quốc thường dùng chữ trong khi khôi hài. Việc Giả Liễn ngoại tình với vợ Bão Nhị xem ở hồi 41.
 


Hồi 48:

Dùng bậy chữ tình, nhầm về tình, chàng đi buôn bán
Mến yêu gái nhã, gặp cuộc nhã, nàng mải ngâm thơ

Tiết Bàn nghe thấy Tương Liên trốn đi rồi mới đỡ giận. Mấy hôm sau, hắn bớt đau, nhưng thương tích chưa lành, đành phải giả ốm ở nhà, không dám ló mặt đến thăm bè bạn.
Thấm thoát đã đến tháng mười, trong số người làm công ở các cửa hiệu, cuối năm tính tiền xong, họ muốn về nhà, nên phải sửa rượu tiễn. Trong đó có một người tên là Trương Đức Huy, từ bé vẫn làm quản lý cho hiệu cầm đồ của nhà Tiết Bàn. Gia tài hắn có đến hai, ba nghìn vàng. Năm nay hắn cũng muốn về quê, sang xuân mới đến, liền nói với Tiết Bàn:
- Năm nay giấy sắc và các loại hương khan hiếm, sang năm tất phải đắt. Ra giêng tôi sẽ cho đứa con lớn của tôi đến trông nom cửa hiệu, trước tết Đoan Ngọ, tôi tiện đường đi mua một số giấy sắc và hương bánh về bán. Trừ nộp thuế và tiêu pha, ít nhất cũng có thể được lãi gấp mấy lần.
Tiết Bàn nghe nói, nghĩ bụng: “Giờ mình bị đòn, không mặt mũi nào nhìn thấy người ngoài, muốn tránh đi ít lâu, nhưng không có chỗ, nếu ngày nào mình cũng giả cách ốm, chẳng lẽ cứ ốm mãi sao được. Vả chăng mình đã lớn rồi, vẫn văn dốt vũ dát, nói là đi buôn, nhưng cân kẹo, bàn tính không sờ đến bao giờ; thổ ngơi, phong tục, đường sá xa gần cũng chẳng biết gì cả. Chi bằng ta thu xếp ít tiền vốn, đi theo Trương Đức Huy độ một năm, lỗ lãi không cần, hãy tránh đi cho đỡ xấu hổ đã. Mặt khác, đi ra để xem phong cảnh các nơi cũng hay”. Đến khi tan tiệc, hắn liền vui vẻ bảo Trương Đức Huy hãy chờ một vài ngày nữa, hắn cùng đi một thể.
Đến tối, Tiết Bàn nói việc ấy với mẹ. Tiết phu nhân nghe nói tuy cũng thích đấy, nhưng lại sợ con ra ngoài sinh sự, còn việc tiêu mất tiền vốn chỉ là điều nhỏ thôi. Vì thế không muốn cho hắn đi và nói:
- Mày thế nào cũng phải ở gần tao, tao mới yên lòng. Vả chăng cũng không cần mày phải đi buôn, không phải chờ mấy trăm bạc lãi của mày mới có mà tiêu. Mày ở nhà yên phận làm ăn, còn hơn là được mấy trăm bạc lãi.
Nhưng khi nào Tiết Bàn lại chịu nghe, liền nói:
- Ngày thường mẹ vẫn bảo con không biết việc đời, cái này không biết, cái kia không hay. Bây giờ con cố cắt đứt những việc chơi phiếm, để đi lập thân, học buôn học bán, mẹ lại không để cho con đi à! Vậy mẹ bảo con làm gì bây giờ? Con không phải là con gái, cứ giam hãm ở nhà, thì bao giờ mới khá ra được? Vả chăng Trương Đức Huy là người có tuổi, nhà ta quen ông ta từ lâu, việc gì con cũng hỏi ông ấy, thì nhầm thế nào được? Nhỡ con có sơ hở việc gì, ông ta tất phải khuyên bảo. Món hàng đắt rẻ thế nào, ông ấy thông thạo cả, cái gì con cũng hỏi ông ấy rồi mới mua, thì thuận lợi biết chừng nào! Thế mà mẹ lại không cho con đi! Mấy hôm nữa con không nói gì với nhà, cứ việc sửa soạn đi. Sang năm phát tài trở về, lúc đó mẹ mới biết tay con!
Nói xong, hắn hậm hực đi ngủ.
Tiết phu nhân liền bàn với Bảo Thoa. Bảo Thoa cười nói:
- Quả thực anh ấy muốn ra đời làm ăn đứng đắn thì cũng được đấy. Chỉ sợ ở nhà nói hay, đến khi ra ngoài lại chứng nào tật ấy, thì khó mà ngăn giữ được. Thôi mẹ chẳng hơi đâu mà lo nhiều thế. Nếu anh ấy biết sửa lỗi, thì phúc cho cả đời anh ấy; bằng không mẹ cũng chẳng còn cách nào hơn. Ta chỉ biết hết sức người thôi, còn hay dở là nhờ trời. Giờ anh ấy đã lớn rời, mẹ không cho anh ấy đi ra khỏi cửa, không cho làm việc gì, năm nay ru rú trong nhà, sang năm cũng lại thế thôi. Anh ấy đã nói, có phần danh chính ngôn thuận, thì mẹ cũng nên nghĩ kỹ, bỏ ra một nghìn hay tám trăm lạng bạc giao cho anh ấy đi thử một chuyến xem sao. Dầu sao đã có bạn buôn giúp đỡ chắc họ cũng không nỡ lừa dối anh ấy đâu. Vả lại anh ấy đi ra ngoài, bên cạnh không có ai xúi giục làm bậy, không có chỗ dựa để cậy thần cậy thế. Mỗi người ở mỗi nơi thì còn ai sợ ai nữa? Có thì ăn, hết thì nhịn, chung quanh không có người nương tựa, biết thân như thế, anh ấy sẽ đỡ sinh chuyện cũng chưa biết chừng.
Tiết phu nhân ngẫm nghĩ một lúc, nói:
- Con nói phải đấy, để cho nó đi học khôn, có tốn ít tiền cũng đáng.
Đến sáng hôm sau, Tiết phu nhân sai người mời Trương Đức Huy đến, bảo Tiết Bàn thết rượu ở ngoài thư phòng, còn mình ngồi ở sau hành lang cách cửa số, dặn đi dặn lại, nhờ Trương Đức Huy trông nom con hộ. Trương Đức Huy vâng dạ luôn mồm. Ăn cơm xong, hắn cáo từ ra về, và nói:
- Ngày mười bốn này xuất hành rất tốt, xin cậu sắp sẵn hành lý, thuê một con lừa, đến sáng hôm ấy chúng ta cùng đi.
Tiết Bàn mừng lắm, kể lại cho Tiết phu nhân nghe.
Tiết phu nhân, Bảo Thoa và Hương Lăng cùng mấy bà già sửa soạn hành lý trong mấy ngày liền, sai bõ già của Tiết Bàn, và hai người hầu đã quen việc cùng hai đứa hầu cận đi theo, tất cả là sáu người. Thuê ba cỗ xe lớn chở hành lý, lại thuê bốn con lừa đi đường trường. Tiết Bàn cưỡi con lừa lớn màu xám của nhà nuôi, lại dắt thêm một con ngựa nữa đi theo. Mọi việc xong xuôi, Tiết phu nhân và Bảo Thoa suốt đêm khuyên bảo Tiết Bàn.
Đến ngày mười ba, Tiết Bàn sang chào mợ trước, rồi đi chào những người trong nhà họ Giả. Bọn Giả Trân cũng đều chào lại, không cần kể rõ. Đến sáng ngày mười bốn, Tiết phu nhân và Bảo Thoa tiễn Tiết Bàn ra cửa ngoài, hai mẹ con nhìn hắn đi khuất rỗi mới quay về.
Khi Tiết phu nhân vào kinh, chỉ mang theo bốn năm gia đinh người nhà, vài ba bà già và lũ hầu con thôi. Bây giờ trừ những người đi theo Tiết Bàn ra, ở nhà chỉ còn có vài đứa hầu trai. Vì thế, hôm đó Tiết phu nhân đến thu dọn ngay những đồ chơi và rèm màn ở thư phòng Tiết Bàn đem về, rồi gọi vợ của hai người hầu trai đi theo Tiết Bàn cũng vào trong nhà ngủ. Lại bảo Hương Lăng: “Xếp đặt cẩn thận trong nhà, khóa cửa lại, tối đến lên ngủ với ta”.
Bảo Thoa nói:
- Mẹ đã có những người này ở bên cạnh rồi, nên cho chị Lăng đến ở với con. Trong vườn vắng, đêm lại dài, đêm nào con cũng làm việc, nếu thêm được một người chẳng vui hay sao?
Tiết phu nhân cười nói:
- Phải đấy, ta quên mất, nên cho nó sang ở với con là phải. Hôm đó, ta đã bảo anh con: Văn Hạnh còn bé, nói trước quên sau, một mình Oanh Nhi hầu không xuể. Cần phải mua thêm cho con một con hầu nữa.
- Không biết lai lịch mà cứ mua người về, lỡ ra không vừa ý, tốn tiền không đáng kể, lại thêm bực mình nữa. Mẹ hãy để thong thả xem đã, biết rõ người rồi sẽ mua.
Vừa nói vừa bảo Hương Lăng thu dọn chăn đệm, hòm rương, sai một bà già và Trần Nhi mang đến Hành Vu Uyển, rồi Bảo Thoa và Hương Lăng cùng vào trong vườn.
Hương Lăng nói với Bảo Thoa:
- Tôi vẫn muốn nói với mẹ, khi cậu ấy đi rồi, tôi sẽ đến ở với cô. Nhưng lại sợ mẹ ngờ vực bảo tôi chỉ thích sang vườn để chơi đùa, không ngờ bây giờ cô lại nói cho.
Bảo Thoa cười nói:
- Tôi vẫn biết chị thích vườn này đã lâu, chỉ vì không có dịp thôi. Thỉnh thoảng đến một lần, chị lại vội vội vàng vàng, chẳng có thú gì. Vì thế, nhân dịp này, tôi xin cho chị ở lâu, chừng một năm. Tôi thì có thêm bạn, chị thì được thỏa lòng.
- Cô ơi! Nhân dịp này, cô dạy tôi làm thơ nhé!
- Chị thật là được đất Lũng lại mong đất Thục(1). Tôi khuyên chị hãy thong thả. Hôm nay mới đến, trước hết chị ra phía cửa Đông, đến chào cụ, rồi chào tất cả mọi người, nhưng không nên nói cho họ biết vì cớ làm sao mà chị lại dọn sang ở bên vườn này. Có ai hỏi, chỉ nói là tôi bảo chị sang ở với tôi cho vui. Xong rồi chị vào vườn thăm các cô.
Hương Lăng vâng lời, khi sắp đi, thấy Bình Nhi vội vàng chạy đến. Hương Lăng liền hỏi thăm. Bình Nhi cũng cười đáp lại. Bảo Thoa cười bảo Bình Nhi:
- Hôm nay tôi đem chị Hương Lăng đến ở với tôi, định sang nói với mợ chị đây.
- Sao cô lại nói câu ấy? Làm tôi không thể trả lời được.
- Như thế mới đúng nhẽ. “Nhà phải có chủ, đền phải có ông từ chứ". Tuy việc không to tát, nhưng cũng phải nói qua, để những người canh gác trong vườn biết là có thêm hai người, tiện cho họ trong khi đóng mở cửa ngõ. Chị về nói hộ, tôi khỏi phải sai người sang nữa.
Bình Nhi vâng lời, lại hỏi Hương Lăng:
- Chị đến ở đây sao không đi chào bà con hàng xóm?
Bảo Thoa cười nói:
- Tôi đang bảo chị ấy đi đấy.
Bình Nhi nói:
- Chị đừng đến nhà tôi vội, cậu Hai đương ốm nằm ở nhà đấy.
Hương Lăng vâng lời, đến chào Giả mẫu trước.
Bình Nhi thấy Hương Lăng đi rồi, liền kéo Bảo Thoa khẽ hỏi:
- Cô có nghe thấy bên nhà tôi mới xảy ra việc gì không?
- Không. Vì mấy hôm nay bận tiễn anh tôi đi, nên việc bên nhà các chị, tôi chẳng biết gì cả. Ngay các chị em mấy hôm nay tôi cũng không được gặp.
- Ông tôi vừa mới đánh cậu ấy một trận nhừ tử. Thế mà cô không biết à?
- Sáng ngày mới thoảng nghe, nhưng tôi chưa tin là thực. Tôi định sang thăm mợ chị, lại gặp chị đến. Tại sao ông lại đánh cậu ấy thế?
Bình Nhi nghiến răng nói:
- Chỉ vì lão Giả Vũ Thôn “Vũ xã”(2) nào ấy, bỗng dưng vác cái mặt vọ ở đâu lần đến. Mới nhận họ chưa đầy mười năm, nó đã sinh ra bao nhiêu chuyện rắc rối! Mùa xuân năm nay, không biết ông tôi trông thấy mấy cái quạt cũ ở đâu khi về, xem tất cả những quạt ở nhà đều không có cái nào đẹp bằng. Thế là ông tôi lập tức sai người đi tìm các nơi. Ai ngờ có một tên oan gia không sợ chết, người ta đặt đùa cho nó cái hiệu thằng “ngốc đá”. Nó nghèo xác, cơm cũng không có mà ăn, nhưng trong nhà lại có đến hai mươi cái quạt. Nó chết cũng không chịu mang ra khỏi nhà. Cậu tôi nhờ người nói lót mãi mới được gặp; nói đến hai, ba lần, nó mới chịu mời đến nhà chơi và giở quạt ra cho xem qua một tí. Theo lời cậu tôi, hạng quạt ấy làm bằng loại trúc Tương phi(3) và ngọn trúc... lại đều có nét vẽ và chữ đề của người xưa. Cậu tôi về trình, ông tôi liền bảo đi mua, hết bao nhiêu tiền cũng trả cho nó. Nhưng thằng “ngốc đá” nói: “Tôi thà chết đói chết rét, chứ một nghìn lạng bạc một cái, cũng không bán”. Ông tôi không biết làm thế nào, ngày nào cũng cứ mắng cậu tôi là không làm được việc gì. Cậu ấy đã hứa đưa trước cho nó năm trăm lạng bạc, sau mới lấy quạt, nhưng nó nhất định không bán, chỉ nói: “Muốn lấy quạt thì hãy giết tôi trước đã!" Cô thử nghĩ xem còn có cách gì nữa không? Ngờ đâu lão Vũ Thôn là hạng không có lương tâm, nghe thấy thế, liền bày mưu vu cho nó thiếu tiền công, bắt nó đến cửa quan, bảo: Mày thiếu tiền công, phải bán gia tài để nộp Rồi tịch thu số quạt, tính thành quan giá, mang đi! Hiện giờ thằng “ngốc đá” không biết còn sống hay chết. Ông tôi mới hỏi cậu tôi: “Sao người ta lại lấy đước về đây?” Cậu ấy chỉ nói có một câu: “Vì một việc nhỏ làm người ta khuynh gia bại sản cũng không phải là giỏi”. Ông tôi nổi giận, bảo là cậu ấy đem lời chẹn họng ông tôi. Đó là việc lớn thứ nhất. Mấy ngày sau, lại có mấy việc nhỏ nữa, tôi không nhớ hết; vì thế ông tôi góp cả tội lại, đánh cậu tôi một trận. Chẳng biết đánh đấm thế nào, không đánh bằng roi, bằng vọt, bạ cái gì ông tôi đánh cái ấy, làm mặt cậu tôi bị toạc hai chỗ. Thấy nói bên bà dì có một thứ thuốc chữa khỏi vết đòn, nên đến nhờ cô tìm hộ cho tôi xin một viên.
Bảo Thoa sai Oanh Nhi lấy hai viên thuốc đưa cho Bình Nhi, rồi nói:
- Như thế tôi không sang nữa, nhờ chị về nói hộ, tôi gửi lời hỏi thăm.
Bình Nhi nhận lời rồi về.
Hương Lăng đi chào mọi người xong, về nhà ăn cơm chiều. Ăn xong, bọn Bảo Thoa đến cả đằng Giả mẫu, Hương Lăng liền sang quán Tiêu Tương. Bấy giờ Đại Ngọc đã đỡ nhiều rồi, thấy Hương Lăng vào ở trong vườn, tự nhiên cũng vui thêm. Hương Lăng cười nói:
- Em sang ở đây, lúc nào rỗi, đến nhờ cô dạy làm thơ thì phúc cho em lắm.
Đại Ngọc cười nói:
- Chị đã muốn làm thơ thì phải gọi tôi bằng thầy. Tôi không giỏi, cũng dạy nổi chị.
- Nếu thực thế, em xin gọi cô là thầy, xin cô đừng ngại.
- Làm thơ có gì khó mà phải học? Chẳng qua chỉ có khai, thừa, chuyển, hợp, trong đó thừa và chuyển đều là hai vế đối nhau, chữ bằng đối với chữ trắc, hư đối với hư, thực đối với thực. Nếu được câu hay khác thường thì bằng trắc hư thực không cần phải đối nhau cũng được.
- Thảo nào khi rảnh, em thường lấy quyền thơ cũ ra xem mấy bài, có câu đối nhau rất chỉnh, có câu lại không đối. Lại nghe người ta nói, các chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần, chỉ có các chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu là phải rõ ràng. Xem thơ của cổ nhân, có khi đúng như thế, có khi những chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu lại không thế. Vì vậy lúc nào em cũng lấy làm ngờ. Bây giờ cô nói, thì ra khuôn phép ấy không cần lắm, chỉ cần lời và câu văn cho mới lạ là hay thôi.
- Đúng đấy. Nhưng lời và câu văn là việc phù du, cần nhất phải đặt từ cho sát. Nếu từ sát thực thì lời và câu văn không cần điêu luyện cũng vẫn hay. Như thế gọi là: “Không nên lấy lời hại ý”.
- Em chỉ thích câu thơ của Lục Phóng Ong(4), lời rất thiết thực:
Rèm mau không cuộn hơơng còn mãi,
Nghiên cổ hơi sâu mực đọng nhiều.
- Chớ nên xem loại thơ ấy. Vì chị chưa biết làm thơ, nên thấy những câu nông cạn đã thích ngay. Nếu mắc vào khuôn sáo ấy thơ sẽ không tiến được nữa. Chị hãy nghe tôi: chị thích học, ở đây tôi có toàn tập thơ Vương Ma Cật, chị hãy chịu khó nghiền ngẫm kỹ càng một trăm bài thơ ngũ ngôn của ông ta, rồi sau đọc một trăm hai mươi bài thất ngôn của Đỗ Phủ, sau nữa lại đọc độ một, hai trăm bài thất ngôn tuyệt cú của Lý Bạch. Phải lót dạ thơ của ba thi hào ấy đã, sau mới xem đến thơ của Đào Uyên Minh, Ứng Dịch, Lưu Vũ Tích, Tạ Diểu, Nguyễn Tịch, Dữu Lượng, Bão Chiếu. Chị là người thông minh nhanh nhẹn, học chừng trong một năm sẽ thành nhà thơ.
- Cô ơi, đã thế cô cho em mượn sách mang về, đến đêm em đọc mấy bài.
Đại Ngọc bảo Tử Quyên đưa tập thơ ngũ ngôn của Vương Ma Cật cho Hương Lăng và bảo:
- Chị xem những bài nào có khuyên đỏ là tôi đã chọn rồi, có bài nào học bài ấy. Nếu không hiểu nghĩa, chị sẽ hỏi cô Bảo, hoặc gặp tôi, tôi sẽ giảng cho.
Hương Lăng cầm tập thơ về Hành Vu Uyển, chẳng nhìn đến công việc gì, thắp ngay đèn đọc hết bài này đến bài khác. Bảo Thoa mấy lần giục cũng không đi ngủ. Bảo Thoa thấy Hương Lăng mài miệt quá, đành phải để tùy ý.
Một hôm, Đại Ngọc vừa rửa mặt chải đầu xong, thấy Hương Lăng cười hớn hở đem đến giả tập thơ cũ, và mượn tập thơ Đỗ Phủ. Đại Ngọc cười nói:
- Nhớ được tất cả bao nhiêu bài rồi?
- Nhưng bài có khuyên đỏ, em đọc hết cả.
- Đã lĩnh hội được ít nào chưa?
- Em đã lĩnh hội được một ít, nhưng chưa biết có đúng không. Em nói cho cô nghe nhé.
- Cần phải nhận xét bàn bạc mới tiến được. Chị hãy nói cho tôi nghe nào.
- Cứ ý em thì những chỗ hay của bài thơ, có nhiều ý tứ không thể nói ra được, nhưng ngẫm nghĩ lại rất thiết thực; có nhiều câu thơ như là vô lý, nhưng nghĩ rất có lý có tình.
- Nói thế là chị đã có ít nhiều thi tứ rồi đấy! Nhưng do đâu mà chị biết được như thế?
- Em xem bài “Ngoài cửa ải” có câu:
Bãi rộng khói đùn làn thẳng tắp;
Sông dài ác xế mặt tròn vành.
Em nghĩ khói thì “thẳng” thế nào được? Mặt trời tất nhiên là “tròn” rồi. Thế thì chữ “thẳng” như là vô lý, mà chữ "tròn” hình như rất tục. Nhưng sau gấp sách lại ngẫm nghĩ, hình như mắt trông thấy hẳn cái cảnh ấy. Muốn tìm hai chữ khác thay vào nhưng không sao tìm được. Lại còn câu:
Trắng xóa sông ngòi khi ác lặn;
Xanh lè giời đất lúc trào dâng.
Hai chữ "trắng” và “xanh , mới nghe cũng hình như vô lý, nhưng nghĩ kỹ ra thì chỉ có hai chữ ấy mới hình dung hết được phong cảnh. Đọc lên thấy nặng chình chịch như miệng ngậm quả trám ấy. Lại có câu:
Mặt trời rớt lại rơi đầu bến;
Đám khói trơ ra bốc giữa làng.
Chữ “rớt” và chữ “trơ" sao mà họ khéo nghĩ được như vậy. Năm trước, khi chúng em lên kinh, một hôm về chiều, thuyền đậu trên bờ, người vắng, chỉ có mấy cái cây, đằng xa có mấy nhà đang nấu cơm chiều, khói bốc lên màu xanh biếc lẫn với đám mây. Ngờ đâu đêm qua đọc đến hai câu thơ này, mắt em như lại trông thấy cảnh ấy.
Đang nói chuyện thì Bảo Ngọc và Thám Xuân đến, đều vào ngồi nghe Hương Lăng nói về thơ. Bảo Ngọc cười nói:
- Đã thế thì không cần phải xem thơ nữa. Chỗ lãnh hội không phải ở đâu xa xôi, cứ nghe nói hai câu ấy đủ biết về chị đã nắm được mấu chốt của cách làm thơ rồi.
Đại Ngọc cười nói:
- Chị bảo mấy chữ “đám khói trơ ra” là hay, nhưng chị chưa biết đó là bắt chước ý câu thơ của người trước. Tôi cho chị xem câu này, so với câu kia nhẹ nhàng và thiết thực hơn.
Nới xong, liền đưa cho Hương Lăng xem câu thơ của Đào Uyên Minh:
Tờ mờ xóm làng xa,
Trơ vơ khói trên bãi.
Hương Lăng xem rồi gật đầu khen ngợi mãi, cười nói:
- Thế thì chữ "trơ" là do ý hai chữ “trơ vơ" mà ra!
Bảo Ngọc cười to nói:
- Thế là chị đã hiểu lắm rồi, không cần phải giảng giải nữa. Nếu còn giảng giải đâm ra loãng mất. Bây giừ chị cứ làm thơ đi, nhất định là hay.
Thám Xuân cười nói:
- Ngày mai tôi viết thêm một cái thiếp, mời chị vào thi xã.
Hương Lăng nói:
- Cô ơi, sao cứ trêu chọc em thế? Chẳng qua thích thơ, em học để mà chơi đấy thôi.
Thám Xuân, Đại Ngọc đều cười nói:
- Ai chẳng chơi? Không lẽ chúng tôi mới là người biết làm thơ à? Nếu bảo chúng tôi biết làm thơ, tiếng đồn ra khỏi vườn này, có lẽ người ta cười đến vỡ bụng mất!
Bảo Ngọc nói:
- Thế là mình coi rẻ mình rồi. Hôm trước tôi ra bàn việc vẽ với các ông họa sư ở ngoài kia, họ nghe thấy chúng ta mở thi xã đều xin tôi đưa tập thơ cho họ xem. Tôi viết mấy bài đưa cho họ, ai cũng phải thán phục. Họ đã chép để mang đi khắc rồi.
Thám Xuân, Đại Ngọc hỏi:
- Có thật thế không?
- Tôi mà nói dối thì cũng như con vẹt trên cây này.
- Anh thật bậy quá! Đừng nói thơ chẳng ra thơ, mà có ra thơ chăng nữa cũng không nên mang bút tích của chúng tôi ra ngoài.
- Sợ cái gì? Nếu bút tích của những người trong khuê các trước kia không truyền ra ngoài, bây giờ biết sao được những bài thơ của họ.
Chợt thấy Tích Xuân sai Nhập Họa đến mời Bảo Ngọc. Bảo Ngọc vừa đi thì Hương Lăng lại xin đổi lấy tập thơ Đỗ Phủ, và nói với Đại Ngọc, Thám Xuân:
- Xin hai cô ra đầu bài cho em về làm thử; làm xong, nhờ hai cô chữa hộ.
Đại Ngọc nói:
- Đem qua trăng đẹp quá, tôi đang định làm một bài, nhưng chưa nghĩ xong. Chị làm đi. Hạn vần thập tứ hàn, chị muốn dùng chữ nào trong vần ấy thì dùng.
Hương Lăng mừng quá, mang tập thơ về, nghĩ một lúc, làm được hai câu. Nhưng lại tiếc thơ Đỗ Phủ, nên mải miết đọc vài bài, không thiết đến ăn uống, nằm ngồi cũng không yên. Bảo Thoa nói:
- Làm gì chị phải đeo khổ vào mình thế? Chỉ tại cái cô Tần cám dỗ chị, để tôi kể tội cho nó. Xưa nay chị vốn là ngớ ngẩn, giờ đến việc này, lại cảng ngớ ngẩn thêm.
- Cô ơi! Cô đừng làm rầy tôi nữa.
Hương Lăng vừa nói vừa đưa bài thơ mới làm cho Bảo Thoa xem. Bảo Thoa cười nói:
- Bài này không được, không phải lối làm như thế. Nhưng đừng xấu hổ, cứ mang sang cho cô Đại Ngọc, xem cô ta bảo thế nào.
Hương Lăng cầm bài thơ sang đưa cho Đại Ngọc, Đại Ngọc xem thơ thấy:
Đêm lạnh vừng trăng đừng giữa giời,
Tròn xoe trong vắt bóng chơi vơi.
Nhà thơ hứng quá trừmg đôi mắt,
Khách ẩn buồn tênh lảng một nơi.
Lầu thúy gương đâu treo xế cạnh,
Rèm châu băng những giắt bên ngoài.
Đêm nay đuốc bạc chi cần đốt,
Bức vẽ lan can đã sáng ngời.(5)
Đại Ngọc cười nói:
- Ý tứ thì có, nhưng lời không được nhã, chỉ vì chị xem thơ ít nên bị nó gò bó. Bỏ bài này đi, chị làm bài khác. Cần phải mạnh dạn mà làm.
Hương Lăng nghe nói, lẳng lặng về nhà, không buồn vào buồng, lại đến gốc cây bên bờ ao, khi thờ thẫn trên hòn đá, khi ngồi xuống vạch đất. Những người qua lại đều lấy làm lạ. Bọn Lý Hoàn, Bảo Thoa, Thám Xuân và Bảo Ngọc đều đứng ở sườn núi đằng xa nhìn mà cười. Thấy Hương Lăng lúc cau mày, lúc mỉm cười một mình, Bảo Thoa cười nói:
- Chị này nhất định điên rồi! Đêm qua chị ta lầm rầm đến tận canh năm mới ngủ. Nằm được một lúc giời sáng, đã lại thấy dậy rồi, vội vàng chải đầu sang ngay bên cô Tần. Khi về thẫn thờ một lúc, làm được một bài nhưng không hay, chắc bây giờ chị ta lại làm bài khác đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Thật đúng là “đất thiêng thì người giỏi!” Trời đã sinh ra người, không bao giờ bỏ phí tính tình của người. Ngày thường chúng ta vẫn phàn nàn, tiếc cho chị ấy là người tục! Ngờ đâu bây giờ lại thế này! Mới biết trời đất rất công bằng.
Bảo Thoa cười nói:
- Anh chịu khó được như chị ấy, thì học cái gì mà chẳng thành tài?
Bảo Ngọc không trả lời. Chọt thấy Hương Lăng hớn hở chạy sang bên Đại Ngọc. Thám Xuân cười nói:
- Chúng ta đi sang đó, xem thơ của chị ta có hay không?
Liền cùng nhau đến quán Tiêu Tương, thấy Đại Ngọc đang xem và giảng giải bài thơ của Hương Lăng. Mọi người hỏi Đại Ngọc:
- Thơ làm ra sao rồi?
- Kể ra chị ta cũng đáng khen rồi đấy, nhưng vẫn chưa được. Bài thơ này lại gọt quá, còn phải làm lại.
Mọi người xem, thì thấy:
Bạc hay là nước dọi ngoài song,
Mâm ngọc nhìn xem giữa ánh hồng.
Hương đượm hoa mai màu nhạt nhạt,
Móc tan tơ liễu sợi thòng thòng.
Thềm vàng xoa phấn thừa, đâu đấy?
Giàn ngọc dây sương nhẹ phải không?
Tỉnh giấc lâu tây người vắng ngắt,
Ngoài rèm còn đấy mảnh gương trong.
Bảo Thoa cười nói:
- Không phải là vịnh trăng. Theo tứ bài này, dưới chữ trăng phải thêm chữ “sắc" nữa mới được. Chị xem đấy, câu nào cũng là vịnh “sắc trăng" cả. Nhưng thôi, xưa nay thơ vẫn là nói phiếm hết, chị cứ làm ít lâu nữa, thơ sẽ hay đấy.
Hương Lăng vẫn cho bài thơ này đã hay lắm rồi, giờ nghe nói thế, đâm ra cụt hứng, không chịu bỏ qua, lại muốn nghiền ngẫm ngay. Thấy các chị em đang cười nói, Hương Lăng ra đứng trước cây trúc dưới thềm, dốc cả tâm trí vào thơ, tai không cần nghe, mắt không cần nhìn đến nhưng sự việc ở chung quanh. Một lúc Thám Xuân đứng ở trong cửa sổ cười nói:
- Cô Lăng ơi, hãy “nhàn nhàn” một tí đã.
Hương Lăng giật mình trả lời:
- Chữ “nhàn” ở vần thập ngũ san kia, cô nhầm rồi.
Mọi người nghe nói, cười ầm lên. Bảo Thoa nói:
- Thực là con ma thơ! Chỉ tại con Tần cám dỗ chị ấy.
Đại Ngọc cười nói:
- Thánh nhân nói “dạy người không biết chán”, chị ta cứ hỏi đến tôi, lẽ nào tôi lại không bảo?
Lý Hoàn cười nói:
- Chúng ta kéo chị ấy đến nhà cô Tư xem bức vẽ, để chị ấy tỉnh lại mới được.
Nói xong, đứng dậy, kéo Hương Lăng đi sang Ngẫu Hương tạ. Vào đến ổ Noãn Hương, thấy Tích Xuân đang mệt, nằm ngủ trưa trên giường, bức vẽ dựng cạnh vách, ngoài có the phủ. Mọi người gọi Tích Xuân dậy, mở the ra xem, thấy mười phần mới vẽ xong được ba. Trong bức vẽ có mấy vị mỹ nhân, Hương Lăng liền chỉ vào đó nói:
- Vị này là các cô, vị kia là cô Lâm. 
Thám Xuân cười nói:
- Những người nào biết làm thơ, đều được vẽ vào bức tranh này, chị cố học thơ đi.
Mọi người cười đùa một lúc, rồi đâu lại về đấy.
Hương Lăng trong bụng lúc nào cũng nghĩ đến thơ. Buổi tối ngồi thờ thẫn ở trước đèn cho đến hết canh ba mới lên giường nằm, hai mắt cứ trừng trừng cho đến canh năm mới ngủ được một tí.
Một lúc trời sáng, Bảo Thoa trở dậy. Lắng nghe Hương Lăng đang ngủ say, nghĩ bụng: “Chị ta trằn trọc, cả đêm không biết đã làm xong thơ chưa? Bây giờ chắc mệt, ta đừng gọi vội”. Bỗng thấy Hương Lăng nói mê:
- Thơ xong rồi! Lẽ nào bài này lại không hay?
Bảo Thoa nghe vậy, vừa bực mình vừa buồn cười, liền gọi Hương Lăng dậy hỏi:
- Đã xong thơ chưa? Lòng thành của chị đã thấu đến trời rồi. Khéo không thơ chẳng học nổi, lại đeo cái ốm vào người đấy!
Vừa nói vừa đi rửa mặt chải đầu, rồi cùng chị em sang bên Giả mẫu. Nguyện Hương Lăng cố chí mài miệt học làm thơ, tinh thần để cả vào đấy, ban ngày chẳng nghĩ được câu gì, chợt trong giấc mộng, lại nghĩ được cả tám câu. Rửa mặt chải đầu xong, chị ta vội vàng viết ngay ra, đem đến đình Thấm Phương, thấy Lý Hoàn cùng các chị em vừa ở bên Vương phu nhân về, Bảo Thoa nói với họ là chị ta ngủ mê cũng làm thơ. Mọi người đang cười, ngẩng đầu lên, đã thấy Hương Lăng đến rồi, liền tranh nhau xem thơ.
-----------------------
(1). Ý nói được cái nọ lại mong cái kia.
(2). Nguyên văn: Vũ thôn “phong thôn”.
(3). Vợ vua Thuấn là Tương phu nhân. Khi vua Thuấn chết, bà khóc nhiều quá, nước mắt nhỏ vào cành trúc đến đâu thì có vần đến đấy, nên gọi là Tương phi trúc.
(4). Tức Lục Du, người đời Tống, làm thơ rất giỏi.
(5). Nguyên văn “Hàn”, vì hạn chế của dịch, phải dịch theo vần khác.
 

Hồi 49:
Cõi lưu ly mai hồng tuyết trắng;
Gái son phấn, ăn sống nuốt tanh.

Hương Lăng thấy mọi người đang cười mình, liền đi lại cười nói: 
- Các cô xem bài thơ này được thì tôi còn học nữa; nếu không, tôi cũng chán chết về thơ thôi.
Nói xong đưa bài thơ cho Đại Ngọc và mọi người xem, thì thấy:
Tinh hoa đâu để giấu cho mình.
Bóng vẫn run run vẻ vẫn xinh.
Nghìn dặm chày vang khi giặt lụa, 
Nửa vừng gà giục lúc dòn canh.
Sáo nghe mặt nước thu buồn ngắt,
Áo tựa bên lầu đêm vắng tanh.
Hãy hỏi mình xem này chị Nguyệt,
Khi tròn khi khuyết mãi sao đành.
Mọi người xem xong cười nói:
- Bài này không những hay mà lại có ý mới mẻ khéo léo. Mới biết tục ngữ nói “Đời không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Nhất định chúng tôi phải mời chị vào thi xã.
Hương Lăng nghe nói, trong bụng vẫn không tin, cho là bọn họ nói dối, lại cứ xoắn hỏi Đại Ngọc và Bảo Thoa.
Chợt bọn a hoàn và bà già vội vàng chạy đến, cười nói:
- Có các cô các mợ nào đến chơi ấy, chúng tôi không biết là ai; các cô các mợ về mà nhận bà con.
Lý Hoàn cười nói:
- Làm gì có chuyện ấy? Các người cứ nói rõ xem, bà con của ai nào?
- Hai cô em của mợ đều đến; lại có một cô nữa, nói là em của cô Tiết, còn một cậu thì nghe nói là em của cậu Tiết. Tôi đi mời bà dì đây! Mợ và các cô hãy về trước.
Nói xong họ đi thẳng. Bảo Thoa cười nói:
- Không lẽ là Tiết Khoa nhà chúng tôi và em gái nó đến chơi chăng?
Lý Hoàn cười nói:
- Có lẽ thím tôi cũng lại vào Kinh đây? Tại sao bọn họ lại cùng đi với nhau một chuyến? Chuyện này cũng lạ thật.
Mọi người sang bên Vương phu nhân, thấy chật ních cả nhà. Lại có chị dâu của Hình phu nhân đem con gái là Tụ Yên đến Kinh nhờ vả Hình phu nhân. Vừa gặp lúc anh Phượng Thư là Vương Nhân cũng vào Kinh, nên hai nhà cùng đến một lúc. Đi đến nửa đường khi thuyền đậu lại, gặp thím của Lý Hoàn đem theo hai con gái cô lớn là Lý Văn, cô nhỏ là Lý Ỷ, cũng lên Kinh. Mọi người kể chuyện, té ra đều là chỗ bà con cả. Vì thế ba nhà cùng đi một đường. Sau lại có em họ Tiết Bàn là Tiết Khoa, mang theo em gái là Tiết Bảo Cầm vào Kinh để đính hôn, vì trước đây cha hắn đã hứa gả Bảo Cầm cho con quan hàn lâm họ Mai. Nay nghe Vương Nhân vào Kinh, nên hắn đem em gái đi theo. Hôm nay mọi người cùng đến, người nào hỏi thăm vào nhà bà con người ấy.
Giả mẫu và Vương phu nhân rất đỗi vui mừng, Giả mẫu cười nói:
- Thảo nào, đêm qua ngọn đèn cứ nở hoa mãi, thì ra báo điềm cho ngày hôm nay.
Mọi người kể lể chuyện nhà, thu nhận quà bánh, rồi mời khách ở lại cơm rượu, Phượng Thư tất nhiên đã bận lại càng bận thêm. Lý Hoàn và Bảo Thoa kể lể những chuyện xa cách lâu ngày với thím và các chị em. Đại Ngọc thấy thế, trước còn vui, sau nghĩ người ta đều có bà con, chỉ mình là trơ trọi, nước mắt tự nhiên lại chảy ra. Bảo Ngọc hiểu ý, khuyên ngăn an ủi mãi mới thôi.
Bảo Ngọc vội về viện Di Hồng, cười bảo Tập Nhân, Xạ Nguyệt, Tình Văn:
- Các chị không đi mà xem! Ai ngờ anh ruột chị Bảo như thế, mà em con nhà chú hình dáng đi đứng khác hẳn. Thật giống hệt em ruột chị Bảo vậy. Còn lạ hơn nữa là ngày thường các chị nói chị Bảo rất đẹp, nay hãy so với cô em chị ấy xem. Lại còn hai cô em chị Cả nữa, tôi không thể tả ra hết được! Trời ơi! Có bao nhiêu tinh hoa đúc ra được lớp người đẹp đẽ tuyệt vời như vậy! Thế mới biết tôi là “con ếch dưới giếng". Ngày thường cứ nói mấy người ở đây đẹp có một không hai, ngờ đâu không phải tìm đâu xa, chỉ ở trong vùng này cũng mỗi người mỗi vẻ. Giờ tôi lại hiểu thêm được một bậc nữa. Ngoài mấy người này ra, biết đâu chẳng có những người đẹp hơn nữa?
Bảo Ngọc nói rồi lại cười một mình.
Tập Nhân thấy Bảo Ngọc nói có ý vớ vẩn, không thèm đi xem. Bọn Tình Văn đi xem về ngặt nghẽo cười bảo Tập Nhân:
- Chị đi mà xem! Cháu gái Hình phu nhân, em gái cô Bảo, hai em gái mợ Cả, trông đều ngồn ngộn như đám hành non.
Nói chưa dứt lời, thấy Thám Xuân hớn hở tìm Bảo Ngọc nói:
- Thi xã của chúng ta có lẽ thịnh vượng đấy.
- Phải đấy. Vì chúng ta có hứng mở thi xã nên quỷ thần xui khiến những người ấy đến đây. Có điều, không hiểu họ đã biết làm thơ chưa? 
-Em có hỏi, họ đều nói nhũn, nhưng xem ra có lẽ ai cũng biết cả. Nếu họ chưa biết cũng chẳng khó gì. Anh cứ xem Hương Lăng đủ biết.
Tập Nhân cười nói:
- Nghe đâu em cô Bảo đẹp lắm, cô Ba xem thấy thế nào?
- Đúng đấy. Cứ theo ý tôi, ngay chị Bảo và những người ở đây cũng không ai bằng.
Tập Nhân lấy làm lạ, cười nói:
- Lạ nhỉ! Ở đâu còn tìm người đẹp hơn thế nữa? Tôi phải đi xem mới được. 
Thám Xuân nói:
- Cụ mới trông thấy Bảo Cầm đã mừng rối lên, bắt mẹ tôi phải nhận cô ấy làm con nuôi. Cụ định mang cô ấy về nuôi đấy.
Bảo Ngọc cười hỏi:
- Em nói có thực không?
- Khi nào em lại nói dối. - Lại cười nói - Giờ cụ đã có cô cháu gái đẹp ấy, chắc sẽ bỏ quên anh là cháu giai! 
- Cái đó không sao, đúng lẽ ra cũng nên thương cháu gái hơn mới phải. Mai là ngày mười sáu, chúng ta nên mở thi xã đi thôi. 
- Cô Lâm vừa ốm khỏi, chị Phượng cũng ốm, được người nọ lại mất người kia.
- Chị Phượng không biết làm thơ, thiếu chị ấy cũng không sao.
- Thôi hãy cố chờ mấy hôm nữa, để những người mới đến làm quen với nhau đã, chúng ta sẽ mời họ chẳng hơn ư? Hiện giờ chị Lý và chị Bảo chắc không còn bụng nào nghĩ đến chuyện làm thơ nữa. Vả chăng Tương Vân chưa đến, cô Tần mới khỏi, còn những người khác đều chưa hợp lệ. Chi bằng hãy chờ Tương Vân sang, mấy người mới đến dần dần quen thuộc nhau, cô Tần khỏi hắn, chị Lý và chị Bảo trong bụng thư thái. Hương Lăng làm thơ đã khá, bấy giờ chúng ta mới họp thi xã thực đầy đủ, như thế chẳng vui hơn ư? Nay chúng ta hãy sang bên cụ nghe ngóng xem, cô em chị Bảo nhất định ở lại nhà chúng ta rồi, còn ba cô kia nếu không ở lại, chúng ta xin với cụ cho họ ở trong vườn, như thế lại thêm được mấy người nữa, chẳng hay hay sao.
Bảo Ngọc hớn hở cười nói:
- Em nghĩ sáng suốt quá. Anh thực là hồ đồ, chỉ mừng hão một lúc, chứ không nghĩ được đến đấy.
Nói xong. hai anh em sang bên Giả Mẫu. Quả nhiên Vương phu nhân đã nhận Tiết Bảo Cầm làm con nuôi. Giả mẫu rất là vui mừng, không cho Bảo Cầm sang ở bên vườn, bắt phải ngủ ở đây với mình. Tiết Khoa thì đến ở buồng của Tiết Bàn. Giả mẫu bảo Hình phu nhân:
- Chị không cần phải mang cháu gái chị về nhà vội, cứ để nó ở trong vườn chơi mấy hôm đã. Anh và chị dâu Hình phu nhân vì nhà túng thiếu, chuyến này vào Kinh cốt để nhờ Hình phu nhân giúp đỡ cho nhà cửa và tiêu pha. Nay nghe nói thế, lẽ nào họ lại không vui lòng.
Hình phu nhân liền giao Hình Tụ Yên cho Phượng Thư. Phượng Thư nghĩ chị em trong vườn thì nhiều, tính tình mỗi người một khác, sợ Hình Tụ Yên ở riêng một nơi không tiện. Chi bằng đưa nó đến ở với Nghênh Xuân, sau này nó có điều gì không vừa lòng. Hình phu nhân có biết cũng chẳng liên lụy gì đến mình. 
Từ đó trở đi, trừ khi Hình Tụ Yên về nhà không kể, nếu ở lại trong vườn Đại Quan độ một tháng trở lên, Phượng Thư cũng cấp tiền lương cho cô ta như Nghênh Xuân. Phượng Thư thấy Tụ Yên tâm tính ôn hòa, đáng mến, không giống như Hình phu nhân và cha mẹ nó, lại nhà nghèo vất vả, nên thương nó hơn các chị em khác. Hình phu nhân thì chẳng để ý gì đến.
Giả mẫu và Vương phu nhân vẫn mến Lý Hoàn là người hiền lành, góa chồng từ trẻ, mà vẫn giữ được tiết. Nay thấy bà thím của Lý Hoàn đến, liền không cho ra ở ngoài. Tuy bà thím không bằng lòng, nhưng vì Giả mẫu nhất định giữ lại nên đành phải mang Lý Văn, Lý Ỷ vào ở trong Đạo Hương thôn.
Công việc xếp đặt xong. Chợt Trung Tĩnh hầu là Sử Đỉnh phải đổi ra làm quan ở tỉnh ngoài, sắp sửa mang gia quyến đi nhậm chức. Giả mẫu không rời được Tương Vân, liền đem cô ta sang bên này và bảo Phượng Thư sắp đặt một chỗ cho ở. Sử Tương Vân xin đến ở với Bảo Thoa.
Bấy giờ trong vườn Đại Quan lại nhộn nhịp hơn trước: Lý Hoàn là đầu, còn nữa là Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Bảo Thoa, Đại Ngọc, Tương Vân, Lý Văn, Lý Ỷ, Bảo Cầm, Hình Tụ Yên, lại thêm Phượng Thư và Bảo Ngọc, tất cả mười ba người. Kể tuổi ra, Lý Hoàn lớn hơn, Phượng Thư thứ hai. Còn mấy người kia chỉ chừng mười lăm, mười sáu, mười bảy tuổi, hoặc cùng năm khác tháng, hoặc cùng ngày khác giờ, ngay bọn họ cũng không thể nhớ rõ ai là lớn, ai là bé được, thành ra bốn tiếng “chị", “em", "anh", “em", muốn gọi thế nào thì gọi.
Hương Lăng đang hăm hở thích làm thơ nhưng không dám quấy rầy Bảo Thoa. May sao có Sử Tương Vân đến, Tương Vân rất thích nói chuyện, tránh sao Hương Lăng chả lại nhờ chỉ bảo cách làm thơ? Tương Vân thấy vậy càng cao hứng, suốt ngày đêm trò chuyện huyên thiên. Bảo Thoa cười nói:
- Điếc tai quá, không thể chịu được. Chúng mình là gái lại thích thơ, coi việc làm thơ là chính, như vậy chỉ tổ làm cho bọn có học cười thôi, họ lại cho là mình không biết yên phận. Một mình Hương Lăng đang làm nhộn nhà rồi, lại thêm cái lưỡi gầu dai của cô nữa, luôn mồm luôn miệng nào là thơ của Đỗ Công Bộ(1) uất ức âm thầm; thơ của Vi Tô Châu(2) thanh đạm tao nhã; thơ của Ôn Bát Soa(3)  đẹp nhời; thơ của Lý Nghĩa Sơn(4) kín đáo sắc sảo. Cô bỏ hai nhà thơ hiện đại không nói, lại cứ nhắc đến những nhà thơ trước làm gì?
Tương Vân nghe xong cười hỏi:
- Hai nhà thơ hiện đại là ai?
Bảo Thoa cười nói:
- Nỗi lòng chật vật của Hương Lăng ngốc và lời nói ba hoa của Tương Vân điên.
Hương Lăng và Tương Vân nghe vậy đều cười ầm lên.
Chợt Bảo Cầm khoác áo đi mưa vàng xanh lấp lánh, không biết làm bằng thứ gì, từ ngoài đi vào. Bảo Thoa hỏi: 
- Cái áo này em lấy ở đâu đấy?
- Vì trời xuống tuyết, cụ tìm cái này cho em đấy.
Hương Lăng đứng lên xem, nói:
- Thảo nào, trông đẹp quá, dệt bằng lông công đấy.
Tương Vân cười nói:
- Có phải lông công đâu? Là lông mào vịt trời đấy. Thế mới biết cụ thương cô thực. Người thương Bảo Ngọc đến thế cũng không cho anh ấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Tục ngữ nói rất đúng: “Mỗi người có một số phận riêng". Tôi không ngờ nó đến đây, lại được cụ thương như thế.
Tương Vân nói:
- Cô ở bên nhà cụ, hoặc sang bên vườn, nơi nào cũng tha hồ chơi đùa ăn uống. Còn khi đến nhà bà Hai, người ở nhà, cô có thể ngồi lâu nói cười không sao, nếu người đi vắng, cô đừng nên vào. Vì ở đấy họ đều xấu bụng, chỉ muốn trêu chọc chúng ta thôi.
Bảo Thoa, Bảo Cầm, Hương Lăng, Oanh Nhi nghe vậy đều bật cười. Bảo Thoa nói: 
- Cứ tưởng chị là người vô tâm, mà hóa ra con người hay để ý. Thực ra chị có để ý đấy, nhưng có gì lại nói tuột ra. Em Cầm nhà tôi cũng giống chị. Trước đây, chị muốn nhận tôi làm chị, bây giờ tôi bảo chị nên nhận nó là em đi.
Tương Vân lại nhìn Bảo Cầm cười nói:
- Chỉ có cô ấy mới đáng mặc cái áo này, chứ người khác thì không xứng.
Lúc đó Hổ Phách chạy đến cười nói:
- Cụ bảo: Cô Cầm hãy còn bé, cô Bảo không được thằng thúc cô ấy quá. Cô ấy thích cái gì. muốn cái gì cũng nên chiều, đừng xét nét lắm.
Bảo Thoa vội đứng dậy vâng lời, lại đẩy Bảo Cầm cười nói:
- Phúc em đấy! Thôi về đi, kẻo lại bảo là chị quấy rầy em. Thật không ngờ chị lại không bằng em.
Đương nói thì Bảo Ngọc, Đại Ngọc đến. Bảo Thoa vẫn còn cười đùa. Tương Vân cười nói:
- Chị Bảo ơi, tuy chị nói đùa, nhưng biết đâu có người lại thật lòng nghĩ như thế đấy.
Hổ Phách cười nói:
- Kể ra cũng chẳng ai bực tức đâu. có chăng chỉ người này thôi.
Miệng nói tay chỉ vào Bảo Ngọc. Bảo Thoa, Tương Vân đều cười nói:
- Anh ấy không phải là người như thế đâu.
Hổ Phách lại cười nói:
- Không phải cậu đấy thì là cô này.
Vừa nói, vừa chỉ vào Đại Ngọc. Tương Vân không nói gì, Bảo Thoa cười nói:
- Cũng không đúng nữa. Em tôi cũng như em cô ấy, có lẽ cô ấy lại vui thích hơn tôi nữa kia, việc gì mà bực tức. Chị nghe chị Vân nói nhảm, chẳng có gì đứng đắn cả.
Bảo Ngọc xưa nay biết rõ Đại Ngọc có tính hẹp hòi, nhưng chưa biết câu chuyện giữa Đại Ngọc và Bảo Thoa. Nay thấy Giả mẫu thương Bao Cầm quá, Bảo Ngọc sợ Đại Ngọc trong bụng khó chịu, giờ thấy Tương Vân nhắc đến, Bảo Thoa lại đưa thêm, nhưng nét mặt Đại Ngọc không có gì thay đổi, lại hùa theo với Bảo Thoa, nên Bảo Ngọc trong bụng không hiểu ra sao, liền nghĩ: “Xưa nay hai người này không như thế bao giờ, nay xem ra lại thấy họ đối xử với nhau tốt hơn người khác nhiều". Một chốc lại thấy Đại Ngọc gọi Bảo Cầm là em, chứ không gọi đến tên họ, coi như chị em ruột vậy. Bảo Cầm lại trẻ người hăng hái, thông minh nhanh nhẹn, từ bé đi học, nay đến phủ Giả mới vài ngày, đã quen biết hầu hết mọi người, thấy đám chị em không phải là bọn gái khinh bạc, đối xử tử tế với chị mình, nên không dám khinh nhờn ai. Cô ta lại rất kính mến Lâm Đại Ngọc là người xuất sắc nhất. Bảo Ngọc thấy vậy, trong bụng càng lấy làm lạ.
Sau khi chị em Báo Thoa đến nhà Tiết phu nhân. Tương Vân về nhà Giả mẫu. Đại Ngọc về buồng nghỉ. Bảo Ngọc liền đến tìm Đại Ngọc, cười nói:
- Trước anh xem Tây Sương ký có mấy câu rõ nghĩac anh thường nói để mà cười, em lại sinh ra tức giận. Bây giờ nghĩ lại còn có một câu không hiểu, anh đọc ra đây, em giảng cho anh nghe nhé.
Đại Ngọc nghe nói, biết Bảo Ngọc lại có ý tứ gì đây, liền cười nói:
- Anh cứ đọc cho em nghe đi.
- Trong khúc "Náo giản" có một câu rất hay: “Tự bao giờ Mạnh Quang đỡ án trước Lương Hồng?”(5) Câu này chẳng qua là điển có sẵn, nhưng ba chữ "tự bao giờ" ý hỏi rất thú vị. Vậy thì họ đỡ án tự bao giờ? Em nói cho anh nghe.
Đại Ngọc nghe xong. cười nói: 
- Nguyên câu hỏi ấy là hay. Họ hỏi cũng hay, nay anh hỏi lại càng hay. 
- Trước kia em cứ ngờ anh, bây giờ chắc em không ngờ nữa. 
- Ngờ đâu chị Bảo thực là người tốt, trước em vẫn cứ cho chị ta là hạng ác ngầm.
Rồi Đại Ngọc đem việc nói nhầm tửu lệnh, Bảo Thoa dặn bảo thế nào, khi có bệnh, Bảo Thoa đến chuyện trò và cho yến sào ra sao, kể hết cho Bảo Ngọc nghe. Bảo Ngọc mới biết rõ đầu đuôi, liền cười nói:
- Đã biết mà, anh đang băn khoăn về việc "Tự bao giờ Mạnh Quang đỡ án trước Lương Hồng" thì ra đỡ từ lúc "Đồ trẻ con nói chẳng nể lời"(6) ấy.
Nhân câu chuyện Bảo Cầm, Đại Ngọc nghĩ ngay mình không có chị em, nên lại không cầm được nước mắt. Bảo Ngọc vội vàng khuyên:
- Thật là em chuốc lấy phiền não vào người. Em thử nhìn xem, năm nay lại gầy hơn năm ngoái đấy. Thế mà không biết giữ gìn, hàng ngày bỗng dưng vô cớ, em cứ phải khóc được một lúc mới coi như xong việc một ngày.
Đại Ngọc gạt nước mắt nói:
- Gần đây em cảm thấy trong lòng chua xót, nước mắt ít hơn năm ngoái. Lòng càng đau xót, thì nước mắt lại càng ít đi!
- Vì em khóc quen rồi, nên ngờ thế thôi, chứ nước mắt có bao giờ ít đi.
Đương nói chuyện, một a hoàn đưa cái áo khoác da vượn đến, nói: 
- Mợ Cả vừa cho người đến bảo: “Giờ đã có tuyết, muốn bàn ngày mai mời mọi người đến làm thơ đấy.”
Bỗng cả a hoàn của Lý Hoàn đến mời Đại Ngọc. Bảo Ngọc liền rủ Đại Ngọc cùng đến Đạo Hương thôn. Đại Ngọc thay đôi giày da dê thêu hoa nạm kim tuyến, khoác một cái áo da cáo trắng, ngoài bằng lông chim màu đỏ, thắt một cái dây lưng như ý xanh vàng lấp lánh, đầu đội mũ che tuyết. Hai người giẫm tuyết cùng đến, đã thấy bọn chị em ở cả đấy rồi. Người nào cũng mang áo khoác màu đỏ, bằng lông chim, riêng Lý Hoàn mặc một cái áo nỉ rộng, Tiết Bảo Thoa mặc một cái áo gấm thêu hoa. Hình Tụ Yên vẫn mặc áo thường, không có áo đi mưa.
Một lúc, Tương Vân đến, khoác một cái áo của Giả mẫu cho, bên ngoài bằng da con rái cá, bên trong bằng da chuột đen, đầu trùm một cái khăn kiểu Chiêu Quân dệt bằng da vượn màu đỏ giát vàng, lại quấn một cái khăn quàng cổ, bằng da rái cá. Đại Ngọc cười nói:
- Các chị xem kìa, Tôn Hành Giả đến đây rồi. Cũng một thứ áo che tuyết, mà nó cố ý làm ra vẻ tao nhã lắm đấy.
Tương Vân cười nói:
- Các chị xem bên trong tôi mặc đây này.
Vừa nói vừa cởi áo ngoài ra, thấy bên trong mặc một cái áo ngắn kín vạt bằng da chuột bạch đã hơi rung rúc, cổ áo giát vàng, tay áo hơi hẹp, thêu rồng bằng chỉ ngũ sắc, mặc cái quần đoạn thủy hồng lót bằng da cáo, lưng thắt một cái dây dài năm màu tết hình con bướm, chân đi đôi giày da hươu. Trông người càng tỏ ra thướt tha uốn éo, như lưng ong mình vượn, dáng hạc hình ve. Mọi người cười nói:
- Cô ấy thích mặc kiểu cậu bé, vì kiểu ấy trông sắc sảo lanh lợi hơn là kiểu cô bé.
Tương Vân cười nói:
- Hãy bàn việc làm thơ đi! Cho tôi biết ai là chủ đây?
Lý Hoàn nói:
- Theo ý tôi, hôm qua là ngày chính đã qua, nếu lại chờ đến ngày chính nữa, sợ lâu quá. Nay lại có tuyết, chi bằng chúng ta họp nhau đầy đủ, vừa để mừng khách mới đến, vừa để làm thơ. Chị em nghĩ thế nào?
Bảo Ngọc nói ngay:
- Chị nói rất phải nhưng hôm nay đã muộn, ngày mai lỡ không có tuyết thì còn thú gì.
Mọi người đều nói:
- Mai chắc chưa tạnh, có tạnh nữa thì trong đêm nay tuyết còn xuống cũng đủ thưởng rồi. 
Lý Hoàn nói:
- Họp ở đây cũng được, nhưng ra Lư Tuyết am tốt hơn. Tôi đã sai người đào lò sưởi rồi, chúng ta sẽ đến đấy sưởi lò làm thơ. Cụ chưa chắc đã thích đến. Vả chăng đây là cuộc chơi đùa của chúng tao chỉ nên cho thím Phượng biết thôi. Chị em mỗi người bỏ ra một lạng, đưa lại đây cho tôi.
Rồi trỏ Hương Lăng, Bảo Cầm, Lý Văn, Lý Ỷ, Tụ Yên nói: 
- Năm người này không phải góp, trong bọn chúng ta, cô Hai ốm, cô Tư xin nghỉ, đều không kể, còn bốn phần của chị em mang lại dây, tôi bỏ thêm năm, sáu lạng là đủ.
Bọn Bảo Thoa nhận lời, rồi bàn đến việc ra đầu bài và hạn vần, Lý Hoàn cười nói:
- Tôi đã định trước rồi. Để đến ngày mai thế nào sẽ biết.
Nói xong, mọi người chuyện phiếm, một lúc, rồi sang bên Giả mẫu.
Cả đêm, Bảo Ngọc thắc thỏm không sao ngủ được. Hôm sau, trời vừa sáng, đã trở dậy mở màn ra xem thì cửa sổ còn đóng, nhưng trông sáng lóa cả mắt, trong bụng ngần ngại, thầm trách trời đã lạnh và mặt trời đã lại mọc rồi. Bảo Ngọc vội đứng dậy, mở cửa sổ, từ trong cửa kính nhìn ra, té ra không phải ánh sáng mặt trời, mà là tuyết rơi đêm qua đọng dày gần một thước, trên trời còn trắng xóa như bông. Bảo Ngọc sung sướng lắm, gọi người dậy, rửa mặt súc miệng xong, mặc cái áo bằng da cáo khổ rộng màu tím lại thêm cái áo bằng da con cắt bể, thắt lưng, ngoài khoác cái áo tơi giát ngọc, đội nón mây vàng, đi đôi guốc gỗ đường, vội vàng đến Lư Tuyết am. Nhìn ra ngoài cửa, bốn bề trắng xóa một màu, xa xa là tùng xanh trúc biếc, chẳng khác nào mình đứng trong chậu pha lê vậy. Bảo Ngọc đi đến dưới dốc núi vừa vòng qua chân núi, đã ngửi thấy mùi hương lạnh. Quay lại, am Lũng Thúy của Diệu Ngọc ngay đó có mấy chục cây hồng mai, đỏ thắm như son, chiếu xuống màn tuyết càng thêm chói lọi, trông rất đẹp mắt. Bảo Ngọc đứng lại ngắm nghía một lúc rồi mới đi.



 Thấy trên cầu Phong Yên có một người che dù đi đến, đó là người của Lý Hoàn sai đi mời Phượng Thư. Bảo Ngọc đến Lư Tuyết am, thấy bọn bà già a hoàn đương quét tuyết dọn đường. Am này làm dựa vào núi trông ra sông, một dãy mấy gian nhà gianh tường đất, cửa trúc giậu găng, mở cửa ra đã có thể buông câu, bốn mặt lau sậy che kín, có một lối quanh co lách qua lau sậy đi ra, đến ngay cái cầu trúc ở Ngẫu Hương tạ. Các bà già, a hoàn thấy Bảo Ngọc mặc áo tơi, đội nón đến, đều cười nói:
- Chúng tôi vừa nói chỉ thiếu có một ông câu cá thôi, giờ đủ cả rồi. Các cô ăn cơm xong mới đến, cậu vội vã quá.
Bảo Ngọc nghe nói, đành quay trở về. Đến đình Thấm Phương, thấy Thám Xuân ở Thu Sảng trai ra, khoác cái áo tơi màu đỏ, đội mũ quan âm, vịn vào vai a hoàn, đằng sau có một người đàn bà che dù lụa xanh. Bảo Ngọc biết Thám Xuân đến nhà Giả mẫu liền đứng lại chờ, rồi hai người cùng đi ra vườn. Bảo Cầm đương rửa mặt chải đầu và thay quần áo ở trong buồng.
Một lúc, chị em đến đủ cả. Bảo Ngọc kêu đói cứ đòi ăn cơm. Chờ mãi mới có cơm bưng lên, món đầu là dê bao tử hầm với sữa. Giả mẫu nói:
- Đó là vị thuốc của người già đấy. Những thứ chưa ra bóng mặt trời thì các cháu còn bé không nên ăn. Hôm nay có món thịt hươu tươi, các cháu hãy chờ mà ăn.
Mọi người vâng lời.
Bảo Ngọc không chờ được, lấy nước chè chan vào cơm, ăn với thịt gà rừng, và lấy và để cho xong bữa. Giả mẫu nói:
- Ta biết các cháu hôm nay có việc bận, nên chẳng thiết gì đến ăn.
Liền gọi:
- Để lại món thịt hươu, đến chiều cho chúng nó ăn.
Phượng Thư vội nói:
- Hãy còn nhiều, cứ ăn cho hết đi.
Tương Vân bàn với Bảo Ngọc:
- Có thịt hươu mới, chi bằng chúng ta xin một miếng mang vào vườn, rồi vừa ăn vừa chơi.
Bảo Ngọc xin Phượng Thư một miếng, sai bà già mang vào trong vườn.
Mọi người đến Lư Tuyết am để nghe Lý Hoàn ra đầu bài và hạn vần, nhưng không thấy Tương Vân và Bảo Ngọc đâu. Đại Ngọc nói:
- Hai người ấy cùng đi với nhau, sẽ sinh lắm chuyện. Nhất định bây giờ họ chỉ bàn tính cái món thịt hươu đấy thôi.
Đương nói thì thím Lý chạy đến xem và hỏi Lý Hoàn:
- Tại sao một cậu đeo ngọc, một cô đeo kỳ lân vàng, trông vẻ thanh tú, lại không phải thiếu ăn, thế mà họ đương bàn với nhau ăn thịt sống đấy. Tôi không tin, thịt sống lại ăn được à?
Mọi người đều cười:
- Khá thật! Gọi ngay hai đứa về đây!
Đại Ngọc cười nói:
- Chỉ tại cô Vân bày chuyện ra thôi. Tôi đoán không sai mà!
Lý Hoàn vội chạy đi tìm hai người, bảo:
- Hai đứa chúng bay muốn ăn thịt sống, ta đưa đến chỗ cụ cho mà ăn, chỉ sợ không ăn hết cả con hươu thôi. Sau này có sinh bệnh cũng chả việc gì đến ta. Tuyết xuống nhiều, lạnh dữ, khéo lại làm tội ta đấy!
Bảo Ngọc vội cười nói:
- Có ăn thịt sống đâu! Chúng tôi nướng rồi mới ăn đấy.
Lý Hoàn nói:
- Thế thì được.
Rồi thấy bọn bà già mang lò sắt, xiên sắt, vỉ sắt đến, Lý Hoàn nói: 
- Cẩn thận đấy, lỡ đứt tay lại khóc!
Phượng Thư ở nhà đường bận việc phát tiền thưởng hàng năm, nên sai Bình Nhi đi trả lời là không đến được. Tương Vân gặp Bình Nhi, khi nào cho về ngay? Bình Nhi vốn thích chơi đùa, ngày thường ở với Phượng Thư cũng cứ chơi bừa bãi, giờ thấy thế, càng vui, liền tháo ngay vòng ở tay ra, ba người ngồi quanh lò lửa, Bình Nhi muốn nướng ba miếng ăn trước. Bảo Thoa, Đại Ngọc ngày thường đã trông quen rồi, không lấy làm lạ. Bảo Cầm và thím Lý cho là việc chưa từng có. Thám Xuân cùng Lý Hoàn đã bàn nhau ra bài hạn vần rồi. Thám Xuân cười nói:
- Các chị ngửi xem, ở đây cũng sực cả mùi thơm, tôi đi ăn đây.
Nói xong, chạy ngay đến chỗ mấy người nướng thịt. Lý Hoàn cũng theo ra nói:
- Khách đến đủ cả rồi, các người còn ăn chưa chán à?
Tương Vân vừa ăn vừa nói:
- Ăn đến món này muốn uống rượu. Có uống rượu mới ra thơ chứ. Nếu không cò món thịt hươu này, hôm nay chắc không làm được thơ.
Chợt thấy Bảo Cầm mặc báo cừu thêu đàn le, đứng đó cười. Tương Vân cười nói:
- Đồ ngốc! Lại đây mà nếm xem!
Bảo Cầm cười nói:
- Bẩn lắm!
Bảo Thoa cười nói:
- Em thử nếm xem, ngon lắm đấy! Chị Lâm người yếu, ăn không tiêu, chứ không thì chị ấy cũng thích lắm!
Bảo Cầm nghe nói, đến ăn một miếng thấy ngon, lại ăn nữa.
Phượng Thư cho a hoàn đến gọi Bình Nhi. Bình Nhi nói:
- Mày cứ về trước đi, cô Sử còn giữ tao ở lại đây.
A hoàn về. Một lúc thấy Phượng Thư khoác áo tơi đến, cười nói:
- Ăn gì ngon thế, lại không gọi tôi?
Nói xong liền ngồi xuống ăn. Đại Ngọc cười nói:
- Ở đâu kéo đến một lũ ăn mày thế kia? Thôi, thôi! Hôm nay Lư Tuyết am thực là đốn kiếp, chỉ tại con Vân làm hại thôi. Ta phải khóc cho Lư Tuyết am mới được. 
Tương Vân cười nhạt:
- Chị biết cái gì: "Là danh sĩ thật phải phong lưu”. Các người chỉ giả làm bộ thanh cao, đáng ghét nhất! Bây giờ chúng tôi ăn uống nhồm nhoàm, tuy tanh hôi thật, nhưng chốc nữa sẽ là bụng gấm miệng thêu cả đấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Lát nữa làm thơ không hay, sẽ móc hết thịt ra, rồi lấy lau sậy dính tuyết tọng vào họng họ để cho hết kiếp đi.
Ăn xong, mọi người đi rửa tay.
Bình Nhi định đeo vòng vào tay, thấy thiếu một cái, tìm trước tìm sau, chẳng thấy đâu cả. Mọi người đều lấy làm lạ. Phượng Thư cười nói:
- Cái vòng đi đâu, tôi đã biết rồi. Các chị cứ việc làm thơ, chúng ta cũng không cần phải tìm. Độ ba ngày nữa thế nào cũng thấy.
Nói xong lại hỏi:
- Các chị hôm nay làm thơ gì đấy? Cụ bảo bây giờ gần hết năm, sang giêng nên bày cuộc đố thơ đèn để mọi người cùng vui.
Mọi người đều cười nói:
- Phải đấy, thế mà quên mất. Bây giờ làm sẵn mấy bài thật hay, để ra giêng chơi.
Nói xong mọi người cùng vào nhà có lò sưởi ngầm. Ở đây mâm bát hoa quả đã bày đủ cả, trên tường đã dán đầu bài, vần thơ và thể lệ làm thơ. Bảo Ngọc, Tương Vân vội đến xem, thấy đầu đề: Tức cảnh liên cú ngũ ngôn bài luật nhất thủ, hạn nhị tiêu vận.(7) Nhưng dưới chưa kê thứ tự.  Lý Hoàn nói:
- Tôi không quen làm thơ mấy. Tôi chỉ xướng ra ba câu thôi, còn sau ai nghĩ được trước làm trước.
Bảo Thoa nói:
- Phải viết thứ tự ra chứ.
----------------------------------
1. Tức Đỗ Phủ.
2. Tức Vi Ứng Vật, người đời Huyền Tông và Đức Tông nhà Đường.
3. Tức Ôn Đình Quân người đời nhà Đường,làm thơ rất nhanh, xoa tay tám lần là làm xong bài thơ, vì thế người ta gọi là Ôn Bát Soa.
4. Đã chú thích ở hồi 40.
5. Mạnh Quang là vợ Lương Hồng, nhà nghèo, nhưng vẫn kính trọng nhau như chủ với khách. Khi đưa đồ ăn cho chồng, Mạnh Quang dâng khay lên đến tận lông mày.
6. Chữ trong “Tây Sương ký”
7. Một bài thơ Đường luật 5 chữ, tả cảnh trước mắt, mỗi người nối một câu, hạn vần “nhị tiêu”.


Hồi 50:
Am Lư Tuyết nối nhau thơ tức cảnh;
Ổ Noãn Hương khéo đặt câu đố đèn.

Bảo Thoa nói:
- Cần phải định thứ tự, để tôi viết ra.
Nói xong, liền bảo mọi người rút thăm. Người bắt đầu chính là Lý Hoàn, rồi theo thứ tự mà rút.
Phượng Thư nói:
- Đã thế tôi cũng đọc một câu.
Mọi người đều cười nói:
- Thế thì càng hay.
Bảo Thoa viết một chữ “phượng” ở trên chữ “Đạo Hương lão nông”. Lý Hoàn giảng nghĩa đầu bài cho Phượng Thư nghe.
Phượng Thư nghĩ một lúc, cười nói:
- Chị em đừng cười tôi nhé, tôi chỉ có một câu nôm na thôi, còn sau không biết gì hết.
Mọi người đều cười nói:
- Càng nôm na càng hay. Chị cứ đọc ra đây, rồi đi làm việc của chị.
Phượng Thư cười nói:
- Khi tuyết xuống thế nào cũng có gió bấc. Đêm qua nghe gió bấc thổi, tôi có một câu: “một đêm gió bấc ào ào”, được hay không, tôi cũng chẳng cần.
Mọi người nhìn nhau cười nói:
- Câu này tuy nôm na, nhưng chưa nói hết ý. Đó chính là biết cách mở đầu bài thơ đấy. Không những hay, mà còn để lại rất nhiều ý tứ cho người làm sau. Vậy cứ lấy câu này làm đầu, Đạo Hương lão nông tiếp luôn đi.
Phượng Thư cùng thím Lý và Bình Nhi lại uống hai chén rượu rồi đi.
Lý Hoàn viết:
Một đêm gió bấc ào ào(1), 
Rồi đọc câu của mình:
Cửa ngoài còn thấy tuyết giào giạt bay.
Thương thay thân trắng bùn dây,
Hương Lăng:
Tiếc thay ngọc lại rắc đầy khắp nơi.
Muốn cho cỏ héo lại tươi,
Thám Xuân:
Còn như mầm lụa tưới hoài công thôi.
Rượu quê giá đã lên rồi,
Lý Ỷ :
Được mùa kho thóc khá dồi dào thay.
Gió lay ống sậy, gió bay,
Lý Văn: 
Giời kia ló mặt, sao này quay chuôi.
Hàn sơn xanh đã kém mùi,
Tụ Yên:
Nước chiều gặp lạnh đọng rồi không dâng.
Trên cành liễu, bám lưng chừng,
Tương Vân:
Chuối kia lá rách, đong chăng được nào.
Đỉnh vàng mùi xạ ngạt ngào,
Bảo Cầm:
Vạt tay áo lụa ủ vào kim điêu.
Trước song sáng lấn gương treo,
Đại Ngọc:
Mùi thơm quyện lẫn hạt tiêu trên tường.
Vẫn còn ngọn gió tạt ngang,
Bảo Ngọc:
Ai người tỉnh giấc mơ màng là ai
Nơi nào tiếng sáo hoa mai?
Bảo Thoa:
Nhà nào đương thổi mấy bài ngọc tiêu? 
Cua buồn trục đất sắp xiêu,
Lý Hoàn cười nói:
- Để tôi đi xem rượu nóng cho các chị thôi.
Bảo Thoa nhắc Bảo Cầm đọc tiếp, Tương Vân đứng ngay lên đọc:
Đuổi nhau rồng đánh tan vèo đám mây.
Chiếc thuyền bến nội về đây,
Bảo Cầm:
Bá kiều roi trỏ chốn này tặng thơ.
Áo cừu cho tướng nơi xa,
Tương Vân đâu có chịu kém. Vả lại, không ai nhanh bằng cô ta, nên đều trừng mắt nhìn cô ta đọc:
Áo bông này thiếp gửi đưa tới chàng.
Tổ xây kiến khéo lo lường,
Bảo Thoa khen hay luôn miệng, rồi đọc tiếp:
Cành kìa lá nọ xem nhường lung lay.
Sáng trong nhẹ bước đường mây,
Đại Ngọc:
Uốn lưng thoăn thoắt múa may giữa trời.
Đòi khi trà đắng thưởng chơi,
Đại Ngọc vừa đọc vừa đẩy Bảo Ngọc bảo đọc tiếp. Bảo Ngọc đương mải nhìn Bảo Cầm, Bảo Thoa, Đại Ngọc hùa nhau đấu với Tương Vân, rất lấy làm thú, còn nghĩ gì đến thơ nữa. Bây giờ bị Đại Ngọc đẩy, mới đọc:
Rắc đầy hoa muối nhớ lời ca xưa.
Câu buông, tơi khoác trên bờ,
Bảo Cầm:
Tiếng tiêu văng vẳng vọng qua rừng nào.
Voi quỳ nghìn ngọn núi cao,
Tương Vân:
Một đường rắn lượn ngoằn ngoèo đằng xa.
Hoa này lạnh mới chồi hoa,
Bảo Thoa cùng mọi cười đều khen hay. Thám Xuân đọc tiếp:
Màu này nào sợ sương sa kém màu.
Trong nhà sẻ lạnh xôn xao,
Tương Vân đương khát, vội đi uống nước, bị Tụ Yên đọc cướp:
Cú già trên núi nghẹn ngào buồn tênh.
Trên thềm lên xuống lượn quanh,
Tương Vân vội vất chén nước xuống, đọc luôn:
Nước ao mặc sức bập bềnh khắp nơi.
Trong veo khi mới sáng trời,
Đại Ngọc:
Đến đêm khuya lại tơi bời bay cao.
Lòng thành biết lạnh đâu nào.
Tương Vân:
Điềm lành sua nóng tan vào từng mây.
Nằm khèo ai hỏi ta đây,
Bảo Cầm vội đọc:
Chơi ngông có bạn rủ ngay đi cùng.
Dây lưng trắng đứt trên không,
Tương Vân:
Lụa giao chợ bể chớ mong sánh cùng.
Đại Ngọc ngắt ngay Tương Vân:
Vẻ buồn che kín lầu hồng,
Tương Vân đọc cướp:
Giỏ bầu nghèo xác nhớ ông Nhan Hồi. 
Bảo Cầm cũng không chịu thua, đọc ngay:
Trà pha nước mới gần sôi,
Tương Vân thấy thế, rất lấy làm thú, vừa cười vừa đọc:
Lá tươi nấu rượu lá đời nào khô?
Đại Ngọc cười đọc:
Chổi đâu sư muốn quét chùa,
Bảo Cầm cười đọc:
Đàn vui đâu để trẻ khua gậy tìm.
Tương Vân cười ngặt nghẽo, định đọc luôn một câu.
Mọi người cười hỏi:
- Cô định đọc câu gì đây?
Tương Vân đọc:
Hạc trên lầu đã ngủ yên,
Đại Ngọc ôm bụng cười rồi đọc to:
Quen người, mèo cũng ủ rền nệm nhung.
Bảo Cầm:
Trong trăng sóng bạc trập trùng,
Tương Vân:
Thành mây thấp thoáng vầng hồng trên cao.
Đại Ngọc:
Hương mai hãy nhấm xem nào,
Bảo Thoa cười khen hay rồi đọc:
Rượu pha nước trúc nhấp vào càng say.
Bảo Cầm:
Uyên ương lưng ướt đầm dây,
Tương Vân:
Kìa chim phỉ thúy dính đầy cả đuôi.
Đại Ngọc:
Tiếng đâu như gió thổi ngoài,
Bảo Cầm:
Tiếng đâu sầm sập như trời đổ mưa.
Tương Vân gục xuống, cười rũ rượi. Mọi người thấy ba người này đối chọi nhau, không ai nghĩ đến làm thơ, chỉ nhìn mà cười. Đại Ngọc lại giục Tương Vân đọc luôn nữa và bảo:
- Mày đến lúc tài cùng lực kiệt rồi sao? Tao xem mày còn nỏ mồm nữa thôi?
Tương Vân cứ gục vào lòng Bảo Thoa cười mãi. Bảo Thoa đẩy dậy, nói:
- Mày có giỏi gieo hết cả vần nhị tiêu tao mới phục.
Tương Vân đứng dậy cười nói:
- Không phải làm thơ đâu, tôi đọc liều đấy thôi.
Mọi người cười nói:
- Chính là tự cô nói ra đấy!
Thám Xuân nghĩ mình không thể đọc chen vào chỗ nào được nữa, liền viết ra rồi nói:
- Chưa kết thúc đâu.
Lý Văn cầm lấy đọc một câu:
Sớm nay hỏi đã vui chưa?
Lý Ỷ đọc kết một câu:
Mượn thơ để chúc Đường Ngu thanh bình.
Lý Hoàn nói: 
- Thôi đủ rồi! Tuy chưa làm hết vần nhưng gò ép mãi, nặn thêm ra lại không hay.
Nói xong, mọi người lại bình phẩm một lần nữa, có thơ Tương Vân là nhiều hơn. Họ đều cười nói:
- Đó là công lao của miếng thịt hươu đấy.
Lý Hoàn cười nói:
- Cứ theo từng câu mà cắt nghĩa, đều liền mạch cả, chỉ có Bảo Ngọc là hỏng thôi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi vốn không biết làm thơ liên cú, phải nơi nới cho tôi mới được.
Lý Hoàn cười nói:
- Không lẽ lần nào họp thi xã cũng nới cho chú, khi chú bảo vần khó, khi làm dở bài, nay lại bảo không biết làm liên cú. Hôm nay nhất định tôi phải phạt chú. Tôi vừa trông thấy những cây hồng mai trong am Lũng Thúy rất đẹp, muốn bẻ một cành để cắm lọ, nhưng tôi ghét Diệu Ngọc, không muốn gặp cô ta. Bấy giờ chú phải đến đấy lấy một cành mang về thưởng chơi.
Mọi người đều nói:
- Cách phạt này vừa nhã lại vừa thú!
Bảo Ngọc thấy thế cũng thích, nhận lời đi ngay. Tương Vân, Đại Ngọc đều nói:
- Ngoài ấy lạnh lắm, anh uống một chén rượu nóng rồi hãy đi.
Lúc đó Tương Vân đã hâm sẵn bình rượu rồi. Đại Ngọc cầm lên rót đầy một chén lớn. Tương Vân cười nói:
- Anh uống chén rượu này của chúng tôi, nếu không lấy được hoa về, sẽ lại phạt thêm!
Bảo Ngọc uống ngay một chén, rồi đi ra ngoài tuyết.
Lý Hoàn sai người đi theo. Đại Ngọc ngăn lại nói:
- Không cần. Có người nữa đi theo sẽ không lấy được hoa đâu.
Lý Hoàn gật đầu nói: “Phải đấy”.
Rồi sai a hoàn mang đến một cái bình vẽ một mỹ nhân nhún vai, đổ nước vào để chờ cắm cành mai, lại cười nói:
- Nếu mang về, ta phải làm bài thơ vịnh hồng mai mới được
Tương Vân nói:
- Tôi làm trước một bài.
Bảo Thoa cười nói:
- Hôm nay không cho cô làm nữa! Cô cướp mất cả để người khác ngồi không thì chẳng có thú gì. Khi nào Bảo Ngọc về sẽ bắt phạt cậu ta cứ nói là không biết liên cú. Đã vậy bắt cậu ta phải làm bài thơ này.
Đại Ngọc cười nói:
- Phải lắm. Tôi không có ý định ấy. Những người vừa rồi không liên cú được nhiều, bây giờ phải làm thơ hồng mai.
Bảo Thoa cười nói:
- Phải lắm. Vừa rồi các cô Hình, cô Lý không được thi tài, và lại là khách. Cô Cầm, cô Tần và cô Vân làm tranh mất nhiều, chúng ta không ai nên làm nữa, cứ để cho các cô ấy làm mới phải.
Lý Hoàn nói:
- Cô Ỷ không quen làm thơ lắm, nên để cho em Cầm làm thôi.
Bảo Thoa đành phải nhận lời, rồi nói:
- Thế thì dùng ba chữ “hồng mai hoa” làm vận, mỗi người làm một bài thất ngôn: cô Hình làm vần “hồng”, cô Lý làm vần “mai” cô Cầm làm vần “hoa”.
Lý Hoàn nói:
- Nếu tha cho Bảo Ngọc, tôi không phục.
Tương Vân nói:   
- Có một đầu bài hay lắm, bắt anh ấy làm.
Mọi người hỏi: “Đầu bài gì?” 
Tương Vân nói:
- Bắt anh ấy làm bài thơ “Đến thăm Diệu Ngọc xin cành hồng mai”, như thế chẳng thú lắm hay sao?
Mọi người đều nói: “Thú đấy!”
Nói chưa dứt lời thì Bảo Ngọc hớn hở cầm cành hồng mai về. Bọn a hoàn vội ra đỡ lấy cắm vào lọ, mọi người đều đến ngắm nghía. Bảo Ngọc cười nói:
- Bây giờ chị em thưởng ngoạn đi, không biết mất bao nhiêu hơi sức mới xin được đấy!
Thám Xuân đã mang một cốc rượu ấm đến. Bọn a hoàn đi lấy nón, áo tơi rồi đập tuyết đi. Người hầu ở các nhà đều mang thêm quần áo đến. Tập Nhân cũng sai người mang cái áo khoác da cáo còn rung rúc đến. Lý Hoàn sai người mang một khay khoai luộc, hai mâm cam, quất và trám đưa cho Tập Nhân. Tương Vân nói lại cho Bảo Ngọc biết đầu bài thơ vừa rồi, và giục làm ngay, Bảo Ngọc nói:
- Xin các chị em đừng hạn vần, để tôi chọn lấy.
Mọi người đều nói: 
- Anh muốn làm vần nào thì làm.
Mọi người vừa nói, vừa ngắm cành mai. Cành cao gần hai thước, bên cạnh có một nhánh đâm ngang dài độ hai, ba thước. Nhánh ấy lại có nhiều nhánh nhỏ đâm ra, nhánh như ly cuộn tròn, nhánh như giun nằm thẳng, nhánh khẳng khiu như cái bút, nhánh rườm rà như rừng cây. Thật là hoa khoe son phấn, hương lấn huệ lan. Mọi người xem đều khen ngợi. Ngờ đâu Tụ Yên, Lý Văn, Bảo Cầm đã làm xong thơ, viết ra cả rồi. Mọi người theo thứ tự xem chữ hồng, chữ mai, chữ hoa. Đầu tiên là bài Hồng mai hoa của Hình Tụ Yên.
Kìa đào kia hạnh chửa đâm bông.
Mai đã ngoài sương cợt gió đông,   
Đại Dĩu(2) hồn bay xuân khó biết,
La Phù(3) ráng phủ mộng chưa thông.
Cuống xanh đuốc rợi tô màu đẹp,
Rượu choáng tiên dìu vượt quãng không.
Nhìn kỹ sắc này hồ dễ có,
Ở hàng băng tuyết nhạt pha nồng.
Lý Văn:
Bạch mai biếng vịnh, vịnh hồng mai,
Đón khách say hoa, trổ mọi tài.
Mặt lạnh nổi hằn dây những máu,
Lòng chua thành bụt giận gì ai.
Uống nhầm viên thuốc xương thay hẳn,
Ăn trộm đào tiên kiếp đổi rồi.
Giang Bắc, Giang Nam xuân chói lọi,
Bướm ong thôi chớ đắn đo hoài.
Bảo Cầm:
Cành lá lơ thơ hoa chói màu,
Chị em trang điểm khéo đua nhau.
Cửa cong sân vắng trời tan tuyết,
Nước chảy non cao ráng dọi đầu,
Mộng kín lạnh lùng vang sáo ngọc,
Chèo tiên ngào ngạt lướt sông Ngâu.
Dao đài kiếp trước là ai đấy,
Sắc tướng này xem có khác đâu.
Mọi người xem xong, đều cười khen ngợi và cho bài cuối cùng hay hơn. Bảo Ngọc thấy Bảo Cầm trẻ hơn cả lại có tài nhanh nhẹn. Đại Ngọc, Tương Vân mỗi người rót một chén rượu nhỏ mừng Bảo Cầm, Bảo Thoa cười nói:
- Cả ba bài đều có câu hay. Ngày thường các chị trêu tôi chán rồi, bây giờ lại trêu đến em nó.
Lý Hoàn lại hỏi Bảo Ngọc:
- Chú đã làm xong thơ chưa?
Bảo Ngọc vội nói:
- Tôi đã làm xong rồi, nhưng khi xem ba bài này lại sợ quá quên mất cả. Để tôi nghĩ lại xem.
Tương Vân nghe nói, liền cầm cái đũa đồng gõ vào lồng ấp cười nói:
- Tôi gõ hết hồi mà anh không làm xong thì lại phải phạt đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi có thơ rồi.
Đại Ngọc cầm bút cười nói:
- Anh đọc đi, em viết hộ.
Tương Vân gõ một cái, cười nói:
- Thế là hết một hồi rồi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Có thơ rồi, em viết đi.
Mọi người nghe Bảo Ngọc đọc:
Thơ chửa làm xong rượu chửa mời.
Đại Ngọc viết rồi lắc đầu cười nói:
- Câu mở đầu thường lắm.
Tương Vân lại nói:
- Đọc nhanh lên!
Bảo Ngọc cười đọc:
Tìm xuân, hỏi chạp tới bồng lai.
Đại Ngọc, Tương Vân đều gật đầu cười nói:
- Cũng hơi có tứ đấy.
Bảo Ngọc lại đọc:
Cần chi Đại Sĩ lưng bình móc,
Xin hẳn Sương Nga một nhánh mai.
Đại Ngọc viết rồi lấc đầu nói:
- Chỉ khéo vặt đấy thôi.
Tương Vân lại gõ một cái, Bảo Ngọc cười đọc:
Gạt tuyết đỏ đi đời bớt lạnh,
Kéo mây tía xuống bụi thêm mùi.
Nhà thơ ai tiếc thân gầy guộc,
Áo dính đầy rêu trước phật đài.
Đại Ngọc viết xong, Tương Vân đương bàn thơ, thấy mấy a hoàn chạy đến nói:
- Cụ đến đấy!
Mọi người vội ra đón, cười nói:
- Sao người cao hứng thế?
Nói xong, trông đằng xa thấy Giả mẫu khoác áo che tuyết đội mũ bằng lông chuột, ngồi trên kiệu nhỏ, che dù xanh, bọn Hổ Phách, Uyên Ương và năm sáu a hoàn, cầm dù đỡ kiệu đi đến. Bọn Lý Hoàn vội chạy ra đón. Giả mẫu bảo họ đứng lại, nói:
- Thôi, các cháu cứ đứng ở đấy được rồi. 
Giả mẫu xuống kiệu cười nói: 
- Ta trốn mẹ mày và cháu Phượng đến đây. Tuyết xuống nhiều, ta ngồi kiệu không sao, chứ không nên để cho mẹ con nó phải dầm tuyết.
Mọi người vâng dạ, đều cầm lấy áo tơi và đỡ Giả mẫu xuống.
Giả mẫu vào trong nhà, cười nói:
- Hoa mai đẹp nhỉ! Các cháu chỉ biết vui lấy một mình ta không tha cho đâu!
Lý Hoàn sai người lấy một cái nệm da chó sói đến trải  giữa. Giả mẫu ngồi xuống cười nói:
- Các cháu cứ việc chơi đùa ăn uống. Mùa này ngày ngắn, ta không muốn ngủ trưa. Đánh một hồi bài, chợt nghĩ đến các cháu, nên ta lại đây để góp vui.
Lý Hoàn lại mang cái lồng ấp đến. Thám Xuân lấy riêng đũa chén, rót rượu ấm mời Giả mẫu. Giả mẫu uống một hớp, hỏi:
- Ở mâm kia có những thứ gì đấy?
Mọi người liền bưng lại, nói:
- Đây là món gà gô om rượu.
Giả mẫu nói:
- Được rồi, xé một miếng đùi mang lại đây.
Lý Hoàn vâng lời đi rửa tay, xé một miếng mang đến.
Giả mẫu nói:
- Các cháu cứ ngồi xuống, coi như ta không đến đây mới được, nếu không ta sẽ về ngay.
Mọi người nghe nói, mới theo thứ tự ngồi xuống. Lý Hoàn ngồi ở tận bên dưới. Giả mẫu hỏi:
- Các cháu chơi gì đấy?
- Chúng cháu đang làm thơ.
- Làm thơ chẳng bằng làm mấy câu đố đèn để ra giêng chơi.
Mọi người vâng lời.
Cười nói một lúc, Giả mẫu nói:
- Chỗ này ẩm ướt, các cháu đừng ngồi lâu, sợ bị cảm lạnh. Nhà cháu Tư ấm hơn, chúng ta đến xem bức vẽ của nó xem cuối năm liệu có xong được không.
Mọi người cười nói:
- Cuối năm nay xong thế nào được? Có lẽ đến tiết đoan ngọ sang năm mới xong.
- Như thế sao được? Thật lại tốn công hơn là làm cái vườn này.
Nói xong, Giả mẫu ngồi vào kiệu, mọi người đi theo, qua Ngẫu Hương tạ, đi vào một con đường hẹp, hai bên đông tây đều là cửa đi ra phố, trên cửa lầu, trong ngoài đều có biển đá. Đi vào cửa tây, có biển phía ngoài khắc hai chữ xuyên vân, biển bên trong khắc hai chữ độ nguyệt. Lên đến thềm, vào cửa giữa hướng nam, Giả mẫu xuống kiệu. Tích Xuân ra đón. Đi qua dãy hành lang, đến buồng ngủ Tích Xuân. Dưới mái treo cái biển có chữ Noãn Hương ổ, đã có mấy người đứng mở bức rèm da vượn màu đỏ, hơi ấm bốc ngay lên mặt.
Mọi người vào trong nhà, Giả mẫu không ngồi, hỏi ngay Tích Xuân:
- Vẽ đến đâu rồi?
- Trời lạnh lắm, keo rắn lại không chảy, sợ vẽ không đẹp nên cháu phải cất đi.  
- Cuối năm nay thế nào cũng phải xong, cháu đừng giở lối lười ra; hãy mang ra vẽ đi cho ta.
Nói chưa dứt lời, thấy Phượng Thư mặc áo nhung màu tía, cười hì hì đi vào, nói:
- Hôm nay bà lẻn đi một mình, chẳng nói cho ai biết, làm cháu phải đi tìm mãi!
Giả mẫu thấy Phượng Thư, trong bụng mừng lắm, nói
- Ta sợ cháu rét, nên không cho cháu biết. Cháu thật là con ma khôn, cũng biết tìm đến đây. Cứ lý ra có phải hiếu kính ở chỗ ấy đâu.
Phượng Thư cười nói:
- Có phải là cháu hiếu kính mà đi tìm bà đâu? Vì cháu đến đó, thấy im lặng như tờ, hỏi bọn hầu nhỏ, chúng không chịu bảo, cháu đành phải vào vườn tìm. Đương lúc nghi hoặc thấy có hai sư cô đến, cháu mới hiểu là các sư cô chắc lại đến đòi tiền sớ hay tiền hương đèn hàng năm gì chăng, chả vì cứ cuối năm là bà tiêu nhiều, nên phải đi trốn nợ. Cháu hỏi sư cô, quả thế thật. Cháu đã giả tiền lễ hàng năm cho họ về rồi. Thế là chủ nợ đã đi bà không cần phải trốn nữa. Cháu đã nấu sẵn gà gô non, mời bà về xơi cơm chiều, nếu để chậm sợ quá lửa mất.
Phượng Thư nói một câu làm mọi người lại cười ầm lên.
Phượng Thư không chờ Giả mẫu trả lời, cứ sai người khiêng kiệu đến. Giả mẫu cười, vịn tay Phượng Thư bước lên kiệu, dẫn mọi người, cười nói ra đến cửa Đông, nhìn lên xem bốn mặt đều trắng xóa như trát phấn, dát bạc. Trông thấy Bảo Cầm mặc áo cừu thêu đàn le, đang đứng đợi ở sau sườn núi, sau lưng có một a hoàn, bưng cái lọ cắm cành hồng mai. Mọi người đều cười nói:
- Thảo nào thiếu hai người, thì ra họ đến chờ ở đây, lại cũng đi kiếm hoa mai rồi!
Giả mẫu mừng quá, cười nói:
- Các cháu hãy nhìn xem, trên sườn núi tuyết này, có dáng người như thế, ăn mặc quần áo như thế, đằng sau lại có hoa mai như thế liệu giống cái gì?
Mọi người đều cười nói: 
- Giống bức tranh Diễm tuyết đồ của Cừu Thập Châu(4) treo ở nhà cụ.
Giả mẫu lắc đầu, cười nói:
- Bức vẽ ấy đâu có quần áo như thế này? Người cũng không được đẹp như thế! 
Nói chưa dứt lời, thấy phía sau Bảo Cầm có một người mặc áo da vượn màu đỏ đi đến. Giả mẫu hỏi: 
- Lại cô ả nào nữa đấy?
- Chúng cháu ở đây cả, chắc là cậu Bảo Ngọc.
- Ta càng ngày càng sinh lóa mắt.
Hai người đi đến, chính là Bảo Ngọc và Bảo Cầm. Bảo Ngọc cười bảo bọn Bảo Thoa, Đại Ngọc:
- Tôi vừa đến am Lũng Thúy, cô Diệu Ngọc gửi biếu chị em mỗi người cành mai, tôi đã sai người đưa đến nhà rồi.
Mọi người đều cười nói:
- Cám ơn cậu có lòng nghĩ đến chúng tôi.
Mọi người ra khỏi cửa vườn, đến buồng Giả mẫu. Ăn cơm xong, lại chuyện trò một lúc. Chợt thấy Tiết phu nhân đến, nói:
- Tuyết xuống nhiều quá! Suốt ngày không đến thăm cụ được. Hôm nay sao người không cao hứng? Đáng lẽ người nên đi thưởng tuyết mới phải.
Giả mẫu cười nói:
- Sao lại không cao hứng? Tôi đã đến chỗ chị em chúng nó thưởng tuyết một lúc rồi.
Tiết phu nhân cười nói:
- Chiều hôm qua tôi định đến mượn dì nó cái vườn một ngày, bày vài bàn rượu, mời cụ hôm nay đến đó thưởng tuyết. Nhưng thấy người đã đi nghỉ rồi, tôi lại nghe cháu Bảo nói là người không được khoan khoái. Vì thế tôi không dám quấy rầy. Nếu biết thế này, tôi phải đến mời người mới phải.
Giả mẫu cười nói:
- Bây giờ là tháng mười mới bắt đầu có tuyết, sau này còn nhiều, sẽ còn làm phiền đến bà dì, lúc ấy cũng chưa muộn.
Tiết phu nhân cười nói:
- Được như vậy cũng bõ lòng thành kính của tôi.
Phượng Thư cười nói:
- Chỉ sợ dì lại quên chăng? Chi bằng bây giờ dì cân ngay năm mươi lạng bạc giao cho cháu, khi nào có tuyết, cháu sẽ sắm sửa tiệc rượu. Như thế, người không phải để ý đến và cũng không quên được nữa.
Giả mẫu cười nói:
- Đã vậy bà dì cứ giao hẳn cho nó năm mươi lạng và nó sẽ chia đôi mỗi người một nửa. Hôm nào có tuyết, tôi giả cách người khó ở để lấp liếm cho xong chuyện. Như thế bà dì không phải bận lòng, mà tôi và cháu Phượng sẽ được hưởng món lộc đó.
Phượng Thư vỗ tay cười nói:
- Hay lắm! Bà nói rất hợp ý cháu.
Mọi trời đều cười.
Giả mẫu cười nói:
- Hừ! Không biết xấu! Cứ định nhờ bão bẻ măng. Sao mày chẳng nói: bà dì là khách, đến ở nhà ta, chúng ta nên bày tiệc mời bà dì mới phải, lẽ nào để bà dì tốn tiền! Mày lại còn giở mặt ra đòi bà dì năm mươi lạng bạc, thật không biết xấu hổ!
Phượng Thư cười nói:
- Bà tinh lắm, cháu mới nói thử đấy thôi. Nếu bà dì nhẹ dạ bỏ ra năm mươi lạng bạc, bà sẽ chia ngay cho cháu đấy. Bây giờ bà đắn đo biết là không ăn thua gì, nên trở mặt đem cháu ra làm bung xung, nói những câu ra vẻ đứng đắn. Thế thì bây giờ cháu cũng không lấy bạc của bà dì nữa, cháu sẽ ứng tiền ra làm tiệc rượu mời bà đến ăn, rồi lại gói thêm năm mươi lạng bạc nữa đem biếu bà, coi như bà phạt cháu hay ôm đồm những việc không đâu. Thế có được không?
Mọi người nghe nói cười lăn ra.
Nhân nói tới việc Bảo Cầm bẻ cành mai dưới tuyết, đẹp hơn trong tranh, Giả mẫu lại hỏi tỉ mỉ về ngày sinh tháng đẻ cùng tình cảnh gia đình của Bảo Cầm. Tiết phu nhân biết ý, có lẽ lại muốn dạm hỏi cho Bảo Ngọc đây, trong bụng cũng rất vui, nhưng đã trót hẹn gả cho nhà họ Mai rồi; vì Giả mẫu chưa nói rõ, nên tự mình cũng không tiện nói ra, cứ nửa kín nửa hở nói với Giả mẫu:
- Tiếc rằng cháu nó kém phúc! Cha cháu mất năm trước rồi. Từ bé cháu vất vả nhiều, theo cha đi khắp đó đây, hễ nó buôn bán ở đâu là đem gia quyến đi theo. Năm nay chơi tỉnh này một năm, sang năm chơi tỉnh khác mấy tháng, vì thế trong nước mười phần cháu đi tới năm sáu. Mấy năm trước đây, cha cháu đã hứa gả cháu cho con quan hàn lâm họ Mai. Năm sau cha cháu mất, rồi mẹ cháu lại bị bệnh suyễn…
Chưa chờ dứt câu, Phượng Thư đã thở dài giậm chân nói:
- Thực không may! Tôi đang định làm mối cho cô ấy, đã lại nhận lời người khác mất rồi! 
Giả mẫu cười hỏi:
- Cháu muốn làm mối cho ai?
- Bà không cần phải nghĩ nữa. Trong bụng cháu đã nhằm sẵn rồi. Hai người ấy xứng đôi lắm. Nhưng bây giờ đã có người khác hỏi, nói cũng vô ích, thà chẳng nêu ra cho xong.
Giả mẫu cũng biết ý Phượng Thư, thấy đã gả cho người khác nên không nói nữa. Mọi người lại nói chuyện phiếm một lúc mới về.
Hôm sau tạnh tuyết. Ăn cơm xong, Giả mẫu lại dặn Tích Xuân: 
- Bất cứ lạnh hay ấm, cháu phải vẽ đi, cuối năm chưa xong cũng được. Có điều cần nhất là cháu phải theo đúng cảnh Bảo Cầm cùng a hoàn và hoa mai, mà vẽ thêm vào đấy.
Biết là khó, Tích Xuân cũng vẫn phải nhận lời. Một lúc, mọi người đến xem, thấy Tích Xuân đang ngồi thừ người ra. Lý Hoàn cười bảo mọi người:
- Chúng ta hãy nói chuyện với nhau, để cho cô ấy nghĩ. Hôm nọ cụ bảo phải làm mấy bài thơ đố đèn, về đến nhà không ngủ được, tôi đã đặt hai câu đố về “Tứ thư”. Còn cô Ỷ và cô Văn mỗi người cùng đặt hai câu.
Mọi người đều cười nói: “Cái đó cần phải làm. Chị hãy nói trước để chúng tôi đoán”.
Lý Hoàn cười đọc:
- Quan âm vị hữu thế gia truyền(5), đố một câu ở trong “Tứ thư”.
Tương Vân liền đọc câu:
- Tại chỉ ư chí thiện(6)
Bảo Thoa cười nói:
- Cô hãy nghĩ nghĩa ba chữ thế gia truyền đã rồi hãy đoán. 
Lý Hoàn cười nói:
- Nghĩ nữa đi.
Đại Ngọc cười nói:
- Tôi đoán nhé. Có phải là câu “tuy thiện vô trưng”(7) hay không?
Mọi người đều cười nói:
- Câu ấy phải đấy.
Lý Hoàn lại đọc:
- Cỏ xanh ao nọ gọi tên gì?
Tương Vân nói:
- Nhất định là “lau sậy” có đúng không?
- Cô đoán tài đấy. Còn câu của cô Văn là “Nước trôi bên đá dòng càng lạnh”, đố tên một người xưa.
Thám Xuân cười hỏi:
- Có phải là Sơn Đào(8) không?
- Đúng đấy.
Lý Hoàn lại nói:
- Câu đố của cô Ỷ là một chữ “huỳnh” (đom đóm), đoán ra một chữ.
Mọi người đoán một lúc, Bảo Cầm nói:
- Chữ này ý tứ rất sâu. Không biết có phải chữ “hoa” là hoa cỏ không(9)?
Lý Ỷ cười nói: “Phải đấy”.
Mọi người hỏi: “Đom đóm với hoa có liên can gì với nhau?”
Đại Ngọc cười nói:
- Hay lắm! Đom đóm không phải là cỏ hóa ra à?
Mọi người hiểu ý, đều cười nói: “hay”
Bảo Thoa nói:
- Những câu này tuy hay đấy, nhưng không hợp với ý cụ. Chi bằng chúng ta tìm những vật gần gũi dễ trông thấy để người nhã hay người tục đều thưởng thức được cả mới vui.
Mọi người đều nói
- Cũng nên làm câu đố những vật gì gần gũi dễ thấy mới phải.
Tương Vân nghĩ một lúc, cười nói:
- Tôi đặt một khúc hát “điểm giáng thần”(10) thật là một vật tục, các chị thử đoán xem. - Nói xong liền đọc:
Suối khe nỡ bỏ mà đi,
Bụi hồng nào có thú gì mà chơi ?
Hão huyền danh lợi một đời.
“Việc sau” thôi thế thì thôi còn gì.
Mọi người đều không hiểu, nghĩ một lúc, có người đoán là ông sư, có người đoán là đạo sĩ, có người đoán là con rối. Bảo Cầm cười một lúc rồi nói:
- Không đúng cả. Tôi đoán trúng rồi, nhất định là con khỉ nuôi để làm trò chơi.
Tương Vân cười nói: “Đúng đấy”.
Mọi người nói:
- Câu đầu đúng, nhưng câu cuối cùng cắt nghĩa thế nào?
Tương Vân nói:
- Con khỉ nào để chơi mà chẳng chặt đuôi?
Mọi người đều cười nói:
- Nó đặt câu đố cũng lắt léo kỳ quái quá!
Lý Hoàn nói:
- Hôm qua bà dì nhân nói cô Cầm trải đời nhiều, đi đây đi đó cũng nhiều, cô cần phải làm câu đố. Vả chăng làm thơ cô lại hay, tại sao không biên mấy câu đố để cho chúng tôi đoán?
Bảo Cầm nghe nói, gật đầu mỉm cười, đang nghĩ. Bỗng Bảo Thoa đọc ngay một bài:
Gỗ đàn gỗ tử chạm trồng lên.
Thợ giỏi nào đây xếp đặt nên?
Mưa gió lưng trời dù tạt lại.
Chùa đâu nghe được tiếng chuông rền?
(Là một vật gì?)
Mọi người đang đoán, Bảo Ngọc cũng lại đọc một bài:
Tiên tục hai nơi khéo viển vông,
Ngọc đâu hòa nhịp vẳng trên không.
Tiếng loan tin hạc nghe cho kỹ.
Cũng thở than đi đáp tấm lòng.
Đại Ngọc cũng đọc một bài:
Ngựa tốt cần chi phải buộc thừng?
Lên thành xuống trại dáng hung hăng,
Gió mây chuyển động tùy tay chủ,
Núi cưỡi lưng ngao cũng khó bằng.
Thám Xuân cũng có một bài, định đọc, thì Bảo Cầm chạy đến cười nói: 
- Từ bé tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều cổ tích. Tôi chọn mười nơi, làm ra mười bài hoài cổ. Thơ tuy quê, nhưng ghi lại được việc trước, và ám chỉ được mười vật thường trông thấy, các chị thử đoán xem.
Mọi người nghe xong, đều nói:
- Thế càng hay lắm. Sao không viết ra cho chị em xem?
--------------------------
1. Nguyên văn mỗi câu năm chữ. Muốn đọc dễ hiểu, chúng tôi xin dịch ra thể lục bát.
2. Núi Đại Dĩu cao tuyệt vời có nhiều hồng mại và bạch mai.
3. Cát Hồng đời Tấn tu tiên ở núi này.
4. Ông tên là Cửu Anh, người quận Thái Thương, nhà Minh, có tài vẽ, nhất là vẽ nữ sĩ, thì thần thái rất sinh động.
5. Đây là câu đố, chưa rõ nghĩa là gì.
6. Chữ ở sách Đại học, nghĩa là cốt ở chỗ làm điều lành.
7. Chữ trong sách Trung dung. Nghĩa là: tuy làm điều lành nhưng không có báo ứng.
8. Sơn Đào người đời Tấn. Theo nghĩa chữ Hán, “sơn” là núi, “đào” là sóng. Có nghĩa là nước ở trong núi. Đúng với nghĩa câu đố “nước ở bên đá chảy ra”.
9. Theo chữ Hán, chữ “hoa” trên là bộ “thảo”, dưới là chữ “hóa”. Tục truyền giống đom đóm là do cỏ mục hóa ra, tức là chữ “thảo” và chữ “hóa”, cho nên đố chữ “huỳnh”, đoán chữ “hoa” là đúng.
10. Tên điệu hát.


Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved