Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

26 thg 1, 2014

Hồng Lâu Mộng - Hồi 61- 65 Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc

Hồi 61:
Ném chuột sợ vỡ đồ, Bảo Ngọc đành phải nhận lỗi;
Xét việc thấy oan uổng, Bình Nhi khéo tòng quyền.

Thím Liễu nghe đứa bé nói thế, cười bảo:
- Đồ khỉ con này! Thím mày đi kiếm một ông chồng nữa thì mày chẳng được thêm một ông chú hay sao? Có gì mà đáng ngờ! Đừng để cho tao phải túm chỏm mày dúi xuống! Còn không mở cửa cho tao vào à!
Đứa bé vẫn không mở cửa, kéo thím lại cười nói:
- Thím ơi! Thím có vào, thế nào cũng ăn cắp cho cháu mấy quả mận. Cháu sẽ chờ mãi ở đây. Thím quên thì sau này đêm khuya có đi mua rượu mua dầu, cháu không mở cửa cho đâu, tha hồ thím gọi.
Thím Liễu mắng:
- Mày mê rồi! Năm nay có được như năm ngoái nữa đâu? Bao nhiêu cây cối ở đây đã chia cho các bà già cả. Người nào người ấy mặt cứ sưng lên. Hễ có ai đi qua gốc cây là mắt cứ nhìn hau háu như cú vọ ấy. Thế thì còn ai dám động đến hoa quả của họ. Hôm qua tao đi qua gốc mận, gặp phải con ong mật bay qua mặt, tao lấy tay đập, không ngờ mợ mày ở đằng xa đi lại nhìn không rõ, lại cho tao trẩy mận, thế là cứ mồm năm miệng mười, tru tréo lên. Nào là “còn chưa cúng Phật; cụ và bà Hai không có nhà, chưa biếu của mới, đợi biếu bậc trên xong, các chị em sẽ đều có phần cả”. Cứ như người mắc bệnh lao, đợi có quả mận mới ra được mồ hôi ấy, làm cho tao không giữ được lời, cãi nhau với bà ấy một trận. Mợ mày và dì mày cũng đều trông nom trong vườn đấy, sao mày không xin, lại cứ đi xin tao? Thật không khác gì “chuột ở trong kho lại hỏi vay thức ăn của quạ”. Cái giống ở liền trong kho không có thức ăn lại còn đi hỏi cái giống bay trên trời à?
Đứa bé cười nói:
- Úi chà ! Không có thì thôi,  thím cứ nói dài dòng mãi! Liệu từ nay trở đi thím không cần đến cháu nữa hay sao? Chị Năm có việc làm thì sau này còn phải sai khiến đến chúng cháu nhiều. Chỉ cần chúng cháu ngoan một tý là được. 
Thím Liễu cười nói: 
- Con khỉ con này lại giở lối ranh mãnh ra! Chị mày có việc làm ở đâu?  
Đứa bé cười nói:
- Cháu biết rồi, đừng nói đối nữa. Chỉ thím có tay trong, chứ chúng cháu không có tay trong hay sao? Tuy cháu ở ngoài này nhưng có hai chị là người hầu có thể diện ở trong ấy, còn giấu cháu sao được!
Chợt có tiếng bà già ở trong gọi ra:
- Đồ khỉ con, đi gọi ngay thím Liễu mày về đây, nếu không thì nhỡ việc đấy.
Thím Liễu không nói chuyện với đứa bé nữa, vội đẩy cửa đi vào, cười nói:
- Vội gì thế, tôi đã về đây.
Nói rồi đi vào bếp. Trong bếp cũng có mấy người cùng làm, nhưng họ không dám tự tiện, cứ phải đợi thím về đề cắt đặt.
Thím Liễu hỏi: 
- Con Năm đi đâu?
Mọi người đều nói:
- Nó vừa sang phòng trà tìm chị em.
Thím Liễu nghe nói, cất gói bột phục linh rồi đi chia thức ăn cho các phòng. Chợt thấy Liên Hoa là hầu nhỏ ở buồng Nghênh Xuân đến nói:
-  Chị Tư Kỳ bảo muốn ăn trứng gà luộc lòng đào.
Thím Liễu nói:
- Thứ ấy đắt lắm, không biết vì sao năm nay hiếm trứng gà thế! Mười đồng một quả trứng cũng không mua được. Hôm nọ ở nhà trên muốn cho bà con ít trứng để ăn cháo, bốn, năm người đi mua mãi mới được hai nghìn quả. Bây giờ bảo tôi tìm đâu ra? Về nói với chị ấy, hôm khác hãy ăn vậy.
Liên Hoa nói:
- Bữa ăn đậu phụ hôm nọ, thím cho đậu thiu, làm tôi bị mắng một trận. Hôm nay muốn ăn trứng gà, thím lại bảo không có. Thế thì còn ăn món gì? Tôi không tin được, đến cả trứng gà cũng không có nữa kia? Thím đừng để tôi phải đi lục!- Vừa nói nó vừa đến chạn lục, thấy có độ mười quả trứng gà để đó, liền nói:
- Không phải trứng đây à? Sao thím ghê gớm thế? Chúng tôi ăn vào phần của chủ cho, sao thím cũng tiếc đứt ruột ra thế? Có phải trứng của thím đẻ ra đâu mà sợ người ta ăn đi?
Thím Liễu chạy lại nói:
- Mày đừng có mở mồm nói láo! Mẹ mày mới đẻ ra trứng ấy. Tất cả còn mấy quả trứng để bày trên món ăn, các cô chưa ăn, nên chưa làm vội, sắp sẵn đấy để chờ khi cần. Bây giờ cho các người ăn, lỡ khi hỏi đến, món gì không có thì thôi, chứ quả trứng cũng không có à? Các người ở nơi nhà cao cửa rộng, cơm bưng tận miệng, nước rót tận tay, nên mới coi thường quả trứng, chứ có biết đâu ngoài chợ mua bán khó khăn? Không nói đến trứng làm gì, có khi rễ cỏ cũng chẳng có mà ăn nữa kia! Ta bảo cho mà biết, ngày nào cũng ăn cơm trắng gạo ngon, gà béo, vịt to, thì có sút đi một chút cũng được. Ăn lắm cho đầy ruột rồi đi bới chuyện: nào là trứng gà, đậu phụ rồi miến, củ cải xào, muốn ăn gì là tự ý thay đổi. Ta không thể chiều các người được. Mỗi nơi đòi một thứ, đến hàng chục thứ ấy, thì ra ta không còn hầu chủ nhất, mà chỉ sắp sẵn để hầu chủ nhì thôi!
Liên Hoa đỏ mặt lên, nói to:
- Ai là người ngày ngày đến đòi, thím phải kể ra hàng tràng thế! Không phải để trên sai bảo thì cho thím đến đây làm gì? Hôm nọ Xuân Yến đến bảo chị Tình Văn muốn ăn rau ngải, tại sao thím lại còn hỏi xào với thịt gà hay thịt lợn? Xuân Yến bảo món ấy xào mặn không ngon, phải xào riêng một món miến, cho ít mỡ mới ngon, thím lại bảo là thím đâm mê, vội rửa tay đi xào, rồi tự mình bưng ngay lên, thím cứ xoăn xoe như con chó vẫy đuôi ấy! Thế mà hôm nay thím lại lấy tôi ra làm bung xung, rêu rao trước mặt mọi người!
Thím Liễu nói:
- A di đà phật, ai cũng trông thấy cả đấy! Không nói hôm nọ làm gì, ngay từ năm ngoái đến nay, trong các phòng, bất cứ cô nào, chị nào, thỉnh thoảng muốn thêm thức ăn gì, ai chẳng đưa tiền trước để mua riêng. Dù có hay không, cũng phải giữ tiếng chứ! Nếu tôi nấu riêng cho các cô, sẽ lại được thừa nữa. Khi tính sổ càng làm người ta ghét thêm. Tất cả các cô với bọn chị em hàng bốn, năm mươi người, mỗi ngày chỉ có hai con gà, hai con vịt, non chục cân thịt, một quan tiền rau, các chị thử tính xem, như thế có đủ vào đâu. Ngay hai bữa cơm cũng còn chưa xoay nổi, lại người này đòi thứ này, người kia đòi thứ kia. Thứ mua về thì không thèm ăn, lại còn ăn thứ khác! Chi bằng trình với bà, cho thêm phần ăn rồi cũng như nhà bếp của cụ, thiên hạ có bao nhiêu thứ ăn cứ viết lên bảng, mỗi ngày thay món ăn một lần, đến cuối tháng tính tiền, thế là xong chuyện. Ngày hôm nọ cô Ba và cô Bảo tình cờ bàn với nhau muốn ăn đậu xào mỡ, sai cô bé đưa cho tôi năm trăm đồng tiền. Tôi cười nói: “Bụng hai cô có to bằng bụng phật Di Lặc cũng chả ăn hết năm trăm đồng. Món ấy chỉ đáng độ vài ba chục đồng, tôi có thể mua được.” Sau tôi trả lại tiền, các cô ấy cũng không chịu nhận, bảo là thưởng cho tôi để uống rượu. Các cô lại bảo: “Hiện giờ bếp dọn vào trong này, không tránh khỏi mọi người đến quấy rầy. Một tí tương, một tí muối, cái gì mà chẳng phải mua? Không cho thì không đành lòng, nếu cho thì thím lấy tiền đâu mà mua bù. Thím cứ giữ lấy món tiền ấy coi như để bù những thứ trước quấy rầy”. Hai cô thực là biết thương kẻ dưới, trong bụng tôi luôn luôn cầu khấn cho hai cô được khỏe mạnh. Không ngờ dì Triệu biết việc này, tức mà không nói ra, cho là hai cô ấy dễ dãi với tôi quá, chưa đầy mười hôm đã sai đứa hầu nhỏ đến đòi thứ nọ, đòi thứ kia, thực đáng buồn cười. Các chị lại coi như có lệ sẵn rồi, người nọ đòi, người kia đòi, tôi lấy đâu mà bù được.
 Đang lúc ồn ào, thấy Tư Kỳ sai người đến giục Liên Hoa, bảo:
- Mày chết ở đây à? Sao không đi về?
Liên Hoa hậm hực trở về lại bày thêm chuyện mách với Tư Kỳ. Tư Kỳ nghe vậy nổi giận, hầu cơm Nghênh Xuân xong, liền mang mấy đứa hầu nhỏ chạy đến. Lúc ấy mọi người đương ăn cơm, thấy Tư Kỳ đến với vẻ mặt hầm hầm, đều đứng dậy đon đả mời ngồi.
 Tư Kỳ thét bảo bọn hầu nhỏ:
- Mang hết cả thức ăn ở trong rương, trong chạn ra cho chó ăn, chẳng ai được ăn nữa.
Bọn hầu nhỏ ba chân bốn cẳng chạy ùa cả vào lục lọi bừa bãi, quăng vứt lung tung. Mọi người sợ quá, vừa ngăn lại, vừa van xin:
- Xin cô đừng nghe trẻ con nói nhảm! Dù thím Liễu có ba đầu sáu tay cũng chả dám hỗn với cô. Thím ấy có nói trứng gà khó mua thực. Chúng tôi vừa mới trách thím ấy không biết điều, dù là thứ gì cũng phải cố tháo vát tìm cách mà mua chứ. Thím ấy đã biết lỗi và đi luộc rồi. Cô không tin, vào bếp mà xem.
Mọi người khuyên răn mãi, Tư Kỳ mới bớt giận. Bọn hầu nhỏ cũng thôi không vứt thức ăn nữa. Tư Kỳ mắng ầm lên một lúc mới về. Thím Liễu vùng vằng quăng mâm quăng bát, lủng bủng một lúc, rồi luộc một bát trứng cho người mang đi. Tư Kỳ hắt cả xuống đất. Người kia trở về không dám nói, sợ lại sinh chuyện.
Thím Liễu cho con gái ăn một bát canh, nửa bát cháo, rồi nói đến việc mợ nó gửi cho bột phục linh. Con Năm nghe nói, muốn cho Phương Quan một ít, liền lấy giấy sẻ ra một nửa gói, nhân buổi chiều tối vắng người, lẻn lút dưới khóm hoa, rặng liễu đi tìm Phương Quan. May sao đến tận cửa viện Di Hồng cũng không có ai hỏi. Con  Năm không tiện đi vào, đành đứng xa xa trước rặng hoa hồng nghe ngóng. Độ uống xong một chén nước, thấy Xuân Yến ra, con Năm cất tiếng gọi, Xuân Yến không biết là ai, đến gần mới rõ, liền hỏi:
- Chị đến làm gì đây?
- Chị bảo hộ Phương Quan ra đây, tôi có câu chuyện muốn nói với chị ấy.
- Chị nóng nảy quá. Chẳng qua chỉ chờ độ mươi ngày nữa thì vào, cứ đến tìm chị ấy làm gì? Vừa rồi chị ấy có việc đi ra đằng kia, chị hãy chờ một lúc; hay là có việc gì cứ nói, tôi sẽ nói lại với chị ấy cho. Chị chờ không được đâu, sợ cửa vườn lại đóng.
Con Năm đưa gói bột phục linh cho Xuân Yến, nói:
- Đây là bột phục linh. Ăn bổ lắm. Tôi có một ít biếu chị ấy, nhờ chị đưa hộ.
Nói xong quay về. Khi ra đến bến Lục Tự, thấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn mấy bà già đi tới, con Năm không kịp tránh, đành phải đứng lại chào. Vợ Lâm Chi Hiếu hỏi:
- Tao nghe nói mày ốm, sao lại ra được đây?
- Mấy hôm nay đã khá, tôi theo mẹ tôi đi chơi cho đỡ buồn. Vừa rồi mẹ tôi sai tôi đưa mấy thứ đồ dùng đến viện Di Hồng. 
 - Mày nói dối rồi, vừa nãy thấy mẹ mày đi ra, tao mới  đóng cửa. Nếu mẹ mày sai mày đi, tại sao không bảo cho tao biết? Lại cứ để cho tao đóng cửa, thế là nghĩa làm sao?
 Con Năm không biết trả lời thế nào, chỉ nói:
 - Mẹ tôi bảo tôi đi lấy đồ từ sớm. Tôi quên mất, đến bây giờ mới nhớ ra. Có nhẽ mẹ tôi tưởng tôi đi từ trước rồi, nên không nói gì với bà. 
   Thấy nó vẻ mặt hoảng hốt, ăn nói lúng túng, lại vì  gần đây Ngọc Xuyến nói ở buồng bên ấy mất đồ đạc, mấy a hoàn đổ lẫn cho nhau, chưa tìm ra manh mối, vợ Lâm Chi Hiếu đâm ra ngờ vực. Vừa lúc ấy Tiểu Thiền, Liên Hoa cùng mấy bà già đi đến, thấy vậy liền nói: 
- Bà Lâm nên tra hỏi nó. Hai ngày nay nó cứ thậm thụt  đi vào đây không biết làm việc gì?
 Tiểu Thiền lại nói: 
 - Phải đấy. Hôm nọ chị Ngọc Xuyến đã nói: Cái hòm của bà để ở buồng bên cạnh bị mở, mất khá nhiều đồ vật. Mợ Hai sai cô Bình đến nói với chị Ngọc Xuyến để lấy ít rượu mai quế lộ thấy mất một chai. Nếu không lục đến, có nhẽ cũng không biết.
Liên Hoa cười nói:  
- Việc ấy tôi không nghe thấy. Nhưng tôi lại trông thấy cái chai đựng rượu mai quế lộ.
 Vợ Lâm Chi Hiếu vì chưa tra ra việc này, ngày nào  Phượng Thư cũng sai Bình Nhi đến giục, nên hỏi ngay:
- Trông thấy ở đâu?
- Ở trong bếp nhà nó ấy. 
Vợ Lâm Chi Hiếu liền sai thắp đèn lồng dẫn người đi tìm.
Con Năm vội nói:
- Đó là chị Phương Quan ở nhà cậu Bảo cho tôi đấy.
Vợ Lâm Chi Hiếu nói: 
- Phương Quan hay “viên quan”(1) cũng mặc kệ! Hiện bắt được tang chứng, tao phải đi trình! Mày cứ đến chỗ chủ mà nói!
Vừa nói vừa đi vào trong bếp. Liên Hoa đi theo lấy chai rượu ra. Vợ Lâm Chi Hiếu vẫn ngờ nó còn ăn trộm thứ khác, lại khám kỹ một lượt, bắt được một gói phục linh, liền cầm cả lấy rồi dẫn nó đến trình Lý Hoàn và Thám Xuân. 
Vì Giả Lan ốm, Lý Hoàn không trông nom công việc, bảo đến trình Thám Xuân.
Thám Xuân lúc này đã về buồng và đang tắm rửa trong nhà, bọn a hoàn thì đứng hóng mát ở ngoài sân. Thị Thư vào trình, một lúc ra nói:
- Cô đã biết rồi, bảo các người đến nói với chị Bình để trình lên mợ Hai.
Vợ Lâm Chi Hiếu đành phải dẫn sang bên nhà Phượng Thư, nhờ Bình Nhi vào trình. Phượng Thư vừa mới đi ngủ, nghe vậy liền bảo:
- Đánh cho mẹ nó bốn mươi roi rồi đuổi đi, từ nay không được vào đến cửa thứ hai; đánh cho con Năm bốn mươi roi, rồi mang trả ngay lên trại, hoặc bán hay gả cho người ta.
Bình Nhi theo thế bảo vợ Lâm Chi Hiếu. Con Năm sợ quá khóc ầm lên, quỳ xuống trước mặt Bình Nhi kể lại việc Phương Quan cho nó.
Bình Nhi nói:
- Việc ấy cũng không khó. Ngày mai hỏi lại Phương Quan sẽ biết thực hay dối. Nhưng gói bột phục linh, hôm nọ người ta đem biếu, còn phải chờ cụ và bà về xem mới dám động đến, sao đã lấy trộm trước.
Con Năm kể lại việc ông cậu nó cho nó. Bình Nhi cười nói:
- Nếu thế thì mày là đứa thẳng thắn, không có tội gì, người ta mang mày ra để thế mạng đấy thôi. Bây giờ tối rồi, mợ vừa uống thuốc đi nghỉ, việc nhỏ không nên làm phiền. Hãy giao nó cho người gác giữ một đêm, ngày mai ta trình với mợ, sẽ liệu sau.
Vợ Lâm Chi Hiếu không dám trái lời, đành phải mang nó ra giao cho các bà già canh đêm rồi mới về. 
Con Năm bị người ta giam lỏng ở đấy, không dám đi đâu một bước. Bọn bà già có người khuyên nó: “Không nên làm những việc xấu xa như thế!” Cũng có người ghét nó, nói: “Canh đêm không xong, lại còn đưa con ăn cắp này đến đây cho chúng mình giữ, nếu không cẩn thận, lỡ nó tự tử hoặc trốn đi, lại rầy rà đến mình đây!” Lại có một bọn xưa nay không ưa thím Liễu, thấy thế lấy làm thích thú, chạy đến đùa cợt chế giễu nó. Con Năm trong bụng vừa tức vừa oan, không biết kêu vào đâu. Vả xưa nay người nó hay ốm yếu, bây giờ muốn uống chè không có, nước cũng không, muốn ngủ không có chăn gối, nên cứ khóc nức nở suốt đêm. 
Những người xưa nay có thù hằn với mẹ con nó, chỉ mong sao đuổi ngay được nó đi, kẻo mai sự việc lại thay đổi chăng, nên họ dậy thật sớm đưa quà đến mua chuộc Bình Nhi, vừa ton hót cô ta làm việc dứt khoát, vừa kể tội mẹ con Năm xưa nay làm nhiều điều không tốt. Bình Nhi gật đầu bảo họ về, còn mình đến đằng Tập Nhân hỏi xem có thực Phương Quan cho nó rượu mai quế lộ không. Tập Nhân nói:
- Có cho Phương Quan rượu mai quế lộ, nhưng sau Phương Quan cho ai thì không biết.
Tập Nhân lại hỏi Phương Quan. Phương Quan giật mình, nhận là có cho con Năm thực. Phương Quan lại nói với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cũng cuống lên nói:
- Rượu mai quế lộ thì đúng là có cho rồi. Bột phục linh nó khai cũng đúng đấy. Nhưng nếu người ta biết là cậu nó khi gác cửa nhận được, tất có lỗi. Thế chẳng hóa ra người ta có bụng tốt lại bị chúng ta làm hại hay hao?
Liền bàn với Bình Nhi:
- Việc rượu thì xong rồi, nhưng việc bột phục linh cũng có lỗi đấy. Chị cứ bảo nó nói của Phương Quan cho là xong cả.
Bình Nhi cười nói:
- Dù thế, nhưng hôm qua nó đã nói với mọi người là cậu nó cho nó rồi. Sao bây giờ lại bảo là Phương Quan cho? Vả lại, bên ấy mất bột phục linh chưa tìm ra manh mối, bây giờ có tang chứng rõ ràng, lại tha trắng đi, thế thì còn đi bắt ai? Ai còn chịu nhận? Xử thế chắc người ta không phục đâu.
Tình Văn chạy lại cười nói:
- Rượu mai quế lộ ở bên bà không ai lấy đâu, rõ ràng là Thái Vân ăn cắp cho cậu Hoàn đấy thôi, các chị đừng có nhắm mắt nói liều.
Bình Nhi cười nói:
- Ai chẳng biết nguyên do như vậy? Bấy giờ Ngọc Xuyến tức quá phát khóc lên. Lẽ ra khẽ hỏi nó, nó nhận đi thì Ngọc Xuyến cũng thôi, mà cả nhà cũng lờ đi, ai hơi đâu còn bôi chuyện ra nữa. Nhưng đáng giận là Thái Vân không những không nhận, còn đổ cho Ngọc Xuyến ăn cắp! Hai đứa trong một nhà lại cứ hục hặc cãi cọ nhau, cả phủ đều biết, chúng ta làm ngơ đi sao được? Thế nào cũng phải tra hỏi. Biết đâu đứa kêu mất trộm lại chả là đứa ăn trộm. Nhưng không có tang chứng thì làm gì được nó?
Bảo Ngọc nói:
- Thôi việc này tôi lại đứng ra nhận cho, cứ nói là tôi lẻn sang ăn cắp của bà để dọa họ chơi đấy. Như thế là hai việc đều xong cả.
Tập Nhân nói: 
- Cũng là việc làm phúc đấy, đỡ cho người ta khỏi mang tiếng ăn cắp, nhưng nếu bà nghe thấy lại bảo cậu là trẻ con, không biết hay dở gì cả.
Bình Nhi cười nói:
- Chỉ là việc nhỏ thôi. Bây giờ nếu vào tìm tang vật ở nhà dì Triệu thì cũng dễ đấy, nhưng tôi sợ lại làm mất thể diện của một người tốt. Người khác không sao chứ người ấy thì thế nào mà không tức giận? Người ấy thực đáng thương, không nên vì việc “ném chuột làm vỡ mất bình ngọc”.
Nói xong giơ ba ngón tay lên.
Bọn Tập Nhân nghe nói, biết ngay là chỉ vào  Thám Xuân. Mọi người liền nói:
- Thực đúng như chị nói. Nếu thế, chúng ta ở đây nhận cho là được rồi. 
Bình Nhi lại cười nói:
- Nhưng cũng phải gọi hai con ranh Thái Vân và Ngọc Xuyến đến đây, hỏi cho rõ nhẽ mới được; nếu không, chúng nó lại được thể, có nghĩ thế đâu, lại cho mình không có tài tra xét nên lấp liếm cho xong chuyện. Sau này đứa ăn trộm cứ ăn trộm, đứa không trông nom vẫn không chịu trông nom.
Tập Nhân cười nói:
 - Đúng đấy, cũng nên để lại đường đất sau này.
Bình Nhi sai gọi hai người đến, nói:
- Đừng sợ, đã bắt được kẻ trộm rồi.
Ngọc Xuyến hỏi trước:
- Kẻ trộm ở đâu?
- Hiện nó ở nhà mợ Hai này, hỏi gì nó nhận nấy. Tôi đã biết rõ: không phải nó ăn trộm, nhưng nó sợ quá, đều nhận cả. Cậu Bảo không nỡ lòng, muốn nhận hộ nó một nửa. Tôi muốn nói ra, nhưng đứa ăn trộm ấy ngày thường lại là chị em thân thiết với ta, người chủ chứa chỉ là một người thường thôi, nếu xét ra, sợ mất thể diện một người tốt trong nhà. Vì thế mới khó xử, đành phải nhờ cậu Bảo đứng lên nhận cho thì cả nhà đều được yên. Nhưng bây giờ phải hỏi hai chị xem thế nào? Từ nay trở đi, ai cũng giữ gìn thể diện, tôi sẽ nhờ cậu Bảo nhận; nếu không thì tôi sẽ trình mợ Hai xét cho ra, chứ không nên đổ oan cho người khác. 
Thái Vân nghe nói, đỏ ửng mặt lên, trong lòng rộn rực, tỏ vẻ xấu hổ, liền nói:
- Xin chị cứ yên tâm. Không nên đổ oan cho người ngay, tôi xin nói thực: làm việc mất thể diện, ăn cắp đồ vật, là do dì Triệu cả. Dì ấy nằn nì tôi mấy lần, tôi có lấy cho cậu Hoàn một ít, tình thực như thế. Ngay khi bà ở nhà, tôi vẫn thường lấy cho người khác. Tôi cứ tưởng, dù có ai biết cũng chỉ rêu rao vài ngày là xong. Bây giờ lại đổ oan cho người, thì bụng tôi không nỡ. Chị cứ mang tôi đến trình mợ Hai, tôi xin nhận hết.
Mọi người nghe nói, ai cũng lấy làm lạ, sao nó có can đảm như thế.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị Thái Vân thực là người đứng đắn. Nay không cần chị phải nhận, tôi cứ nói là tôi lấy trộm để dọa các chị. Bây giờ việc xảy ra, tôi tất phải nhận. Tôi chỉ mong từ nay các chị bớt việc đi, thì mọi người mới được yên ổn.
Thái Vân nói:
- Việc tôi làm, tại sao lại để cho cậu phải nhận? Sống chết tôi cũng phải chịu lấy.
Tập Nhân và Bình Nhi vội nói:
- Không phải thế đâu. Nếu chị nhận, không khéo lại kéo cả dì Triệu vào. Cô Ba nghe thấy, lại chẳng tức sao? Để cậu Bảo nhận thì chẳng ai vướng víu gì cả. Vả lại trừ mấy người này ra không còn ai biết, như thế thì rảnh rang biết nhường nào! Nhưng từ nay mọi người nhất thiết phải cẩn thận mới được. Muốn lấy cái gì phải chờ bà về hãy hay. Khi đó đem cả cái nhà cho người ta, cũng chẳng can hệ gì đến chúng tôi.
Thái Vân cúi đầu nghĩ một lúc, đành phải nghe lời.
Mọi người bàn định xong rồi. Bình Nhi dẫn hai người cùng Phương Quan đến buồng canh đêm, gọi con Năm ra, khẽ bảo nó cứ nói là bột phục linh cũng của Phương Quan cho. Con Năm cám ơn mãi. Bình Nhi đem bọn này về nhà, thấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn mấy người đàn bà, áp giải bọn thím Liễu đến chờ đấy đã lâu.
Vợ Lâm Chi Hiếu nói với Bình Nhi:
- Sớm nay giải họ đến đây, sợ trong vườn không có người hầu cơm sáng, tôi đã tạm cắt vợ Tần Hiển đến sắm sửa cơm các cô rồi.
Bình Nhi hỏi:
- Vợ Tần Hiển là ai? Tôi không biết rõ.
Vợ Lâm Chi Hiếu nói:
- Chị ta là người trực đêm ở phía nam trong vườn, ban ngày không đến làm việc, nên cô không biết. Chị ta có gò má cao, mắt to, sạch sẽ và nhanh nhẹn.
Ngọc Xuyến nói:
- Phải đấy. Chị quên rồi à? Chị ta là thím của Tư Kỳ hầu cô Hai ấy. Bố Tư Kỳ là người hầu ở phủ bên kia, nhưng chú nó thì lại hầu ở bên này.
 Bình Nhi nghĩ ra, cười nói:
- À! Nếu chị nói ra từ trước thì tôi hiểu ngay.- Lại cười nói: Cắt thế e vội quá. Hiện nay việc đã hai năm rõ mười, rành rành ra đấy rồi. Cả những thứ bên nhà bà Hai mất hôm nọ cũng ra manh mối cả. Hôm ấy không biết cậu Bảo đến nhà bà Hai bảo hai con ranh này lấy cái gì, nhưng chúng nó lại nói trêu chọc là “Bà đi vắng, không dám lấy”. Nhân lúc chúng không để ý, cậu Bảo tự mình đi vào lấy mấy thứ ra. Hai đứa không biết ai lấy, sợ hoảng lên. Nay cậu Bảo thấy mình làm liên lụy đến người khác, mới kể rõ ràng với tôi, có mang những thứ ấy ra cho tôi xem, thì không sai một tý gì. Còn bột phục linh, cậu Bảo nhận được ở bên ngoài, đem thưởng cho nhiều người. Không chỉ cứ người ở trong vườn mới có đâu, ngay bọn bà già cũng có, đem ra chia cho bọn Phương Quan. Tình riêng của họ, có đi có lại biếu xén nhau, cũng là việc thường. Hai giỏ bột phục linh hôm nọ đương để trên nhà khách vẫn còn nguyên, không ai động đến, sao lại vu vạ cho người ta? Để tôi vào trình mợ Hai xem đã.
Nói xong, liền đi vào buồng đem đầu đuôi câu chuyện kể lại cho Phượng Thư nghe.
Phương Thư nói:
- Mặc dù thế, nhưng Bảo Ngọc là người bất chấp hay dở, việc gì cũng thích dây vào. Ai đến nhờ việc gì, hễ nói vài câu tử tế là nó cũng nể lời. Ai tâng bốc mấy câu thì việc gì mà nó chẳng nhận? Nếu chúng ta cứ vội tin, sau này có việc gì quan trong hơn, làm thế nào mà trừng trị được người khác? Cần phải dò xét cẩn thận mới được. Cứ ý ta, phải gọi tất cả bọn a hoàn ở nhà bà đến, tuy không tiện tra khảo, nhưng cũng bắt chúng nó quỳ lên mảnh sành ở ngoài nắng, cơm không cho ăn, nước không cho uống, không thú thực, cứ quỳ mãi, dù gan sắt cũng chỉ một ngày là chúng nó thú ra hết.
Lại nói:
- “Thớt có tanh ruồi mới đỗ”, mặc dầu vợ họ Liễu không lấy trộm, nhưng cũng dính dáng ít nhiều, người ta mới đổ cho nó. Không bắt phạt nó, nhưng cũng phải đuổi nó đi, không dùng nữa. Triều đình cũng còn trị kẻ sai nữa là, như thế cũng chẳng phải oan ức cho nó.
Bình Nhi nói:
- Tội gì nghĩ lắm cho bận lòng? Có thể nới tay được thì cứ nới, việc có to tát gì, cũng nên ra ơn thì hơn. Cứ như tôi, dù bên này có lo lắng trăm phần đi nữa, rút cục chúng ta vẫn phải về bên kia, đừng nên gây thù gây hằn với bọn tiểu nhân để họ oán ghét. Vả chăng mợ lại gặp năm xung tháng hạn, vất vả mãi mới có mang được em trai thì sau bảy tháng, lại bị sẩy, biết đâu chẳng phải ngày thường mợ quá vất vả hay tức giận mới đến nỗi thế? Bây giờ nhân lúc còn mập mờ chưa rõ lẽ, cũng nên bỏ qua cho xong chuyện là hơn.
Phượng Thư bật cười, nói:
- Tùy chị đấy! Nhưng đừng làm cho tôi bực mình.
- Tôi nói thế không đúng à? 
Nói xong quay ra, tha cả cho mọi người về.
----------------------------
(1). Phương là vuông, viên là tròn; đây là dùng chữ trái nghĩa để đối chọi lại.




Hồi 62:
Tương Vân ngây thơ, ngủ trên hoa thược dược;
Hương Lăng trơ trẽn, cởi tấm quần hồng lăng.

Bình Nhi ra bảo vợ Lâm Chi Hiếu:
- Việc lớn coi thành nhỏ, việc nhỏ coi như không, thế mới là nhà thịnh vượng. Chỉ một tý cỏn con, chị đã đánh trống gõ mõ ầm lên, thì không ra làm sao. Bây giờ cho mẹ con con Năm về, vẫn giữ việc như cũ. Vợ Tần Hiển thì cho ra. Từ nay không ai được nhắc đến việc này nữa, chỉ cần hàng ngày để ý canh gác cho cẩn thận thôi.
Nói xong đứng dậy đi. Mẹ con thím Liễu vội cúi đầu cám ơn. Vợ Lâm Chi Hiếu dẫn bọn họ về trong vườn trình Lý Hoàn và Thám Xuân. Hai người đều nói:
- Biết rồi. Bớt việc đi thế là phải.
Bọn Tư Kỳ bị một phen tưng hửng. Vợ Tần Hiển chờ mãi mới có chỗ khuyết, nhưng chỉ mừng hão được có nửa ngày. Lúc này chị ta đương ở trong bếp thu xếp lại đồ đạc, thóc gạo, than củi, thấy thiếu mất nhiều thứ, liền nói:
- Gạo tám thiếu hai gánh, gạo ăn hàng ngày lại chi thừa ra một tháng, than cũng thiếu.
Rồi len lén sắp một sọt than, một gánh gạo tám, sai người mang biếu vợ Lâm Chi Hiếu. Lại sắp lễ mang biếu phòng thu chi và sửa rượu mời mấy người làm việc ở đó và nói:
- Tôi đến đây đều nhờ ở các vị giúp đỡ. Từ nay chúng ta là người một nhà, tôi có điều gì thiếu sót, xin các bà nhắc bảo cho. 
Đương lúc tíu tít thì có người đến nói: “Xong bữa cơm sáng rồi chị đi về. Mẹ con thím Liễu không bị lỗi, lại giả công việc cho thím ấy trông nom”.
Vợ Tần Hiển nghe vậy, mất cả hồn vía, ủ rũ cúi đầu, rồi không kèn không trống cuốn gói đi về. Bao nhiêu lễ vật đưa cho người ta đành chịu mất không. Chị ta phải bán chác của nhà để bù vào.
Dì Triệu vì Thái Vân dấm dúi cho nhiều thứ. Bị Ngọc Xuyến phát giác, sợ họ tra ra, nên ngày nào cũng nơm nớp lo âu, cứ lẻn đi thăm dò tin tức. Chợt thấy Thái Vân đến nói:
- Cậu Bảo nhận cả rồi. Từ nay không có việc gì nữa.
Dì Triệu mới yên tâm.
Không ngờ Giả Hoàn nghe thấy, đâm ra ngờ vực liền đem những thứ của Thái Vân cho mình vất cả vào mặt nó mà nói:
- Mày là đồ lá mặt lá trái, tao không thèm những thứ này đâu! Nếu mày không có tình ý với Bảo Ngọc, sao nó lại nhận hộ mày? Mày đã có gan đưa cho tao thì không nên nói cho một người nào biết; bây giờ mày đã mách nó, tao có lấy những thứ này cũng chẳng thú gì.
Thái Vân tức quá, phân trần, thề bồi, đến nỗi phải khóc lên. Nó tìm hết cách để giãi bày, nhưng Giả Hoàn nhất định không tin, nói:
- Nếu không nghĩ tình cũ, tao sẽ đi mách chị Hai, bảo là mày ăn cắp đem về, nhưng tao không dám nhận. Mày nghĩ kỹ xem!
Nói xong nó hất tay ra đi.
Dì Triệu mắng:
- Đồ vô phúc! Mày nói gì thế?
Thái Vân tức quá, khóc hết nước mắt. Dì Triệu tìm cách an ủi:
- Con ơi! Nó phụ lòng con, nhưng ta thì biết rõ lắm. Ta cứ cất những thứ này đi, độ vài ngày nữa, thế nào nó cũng phải nghĩ lại.
Dì Triệu định cất những thứ ấy đi, nhưng Thái Vân cứ vùng vằng gói cả vào bọc, nhân lúc không ai trông thấy, đem vào trong vườn vứt xuống sông, cái thì chìm lỉm, cái thì nổi lềnh bềnh. Sau đó quay về bực dọc trùm chăn khóc thầm suốt đêm.
Ngày sinh nhật Bảo Ngọc đã đến! Bảo Cầm cũng sinh đúng vào ngày ấy. Vì Vương phu nhân đi vắng, nên không được vui nhộn như năm ngoái, chỉ có vị đạo sĩ họ Trương đưa đến bốn thứ đồ lễ và đổi bùa bán khoán, hòa thượng và sư cô các nơi đưa đến biếu các vật như ngựa giấy, lá số, sao bản mệnh, sao thái tuế năm ấy, và khóa thay hàng năm v.v... Những người hầu thân trong nhà đến chúc mừng trước một hôm. Bên Vương Tử Đằng vẫn đưa mừng một bộ quần áo, một đôi giày, một trăm quả thọ đào, một trăm bó miến, buộc bằng dây bạc. Bên Tiết phu nhân đưa lễ mừng kém một nửa, người trong nhà như Vưu thị cũng đưa mừng một đôi giầy. Phượng Thư đưa mừng một cái túi thêu bốn mặt của trong cung làm, trong đựng một cái thọ tinh bằng vàng và một thứ đồ chơi của nước Ba Tư. Rồi sai ngươi đi bố thí và cúng tiền ở các miếu. Ngoài ra có lễ mừng cho Bảo Cầm, không thể kể hết được. Bọn chị em thì tùy tình, có người mừng quạt, có người mừng chữ, có người mừng tranh vẽ, có người mừng bài thơ.
Hôm đó Bảo Ngọc dậy sớm, rửa mặt chải đầu xong, đội mũ mặc áo đi ra nhà khách, bọn Lý Quý bốn người đã đặt sẵn hương đèn lễ trời đất. Sau khi Bảo Ngọc thắp hương làm lễ, dâng trà, đốt vàng, liền đến làm lễ ở hai nhà thờ trong phủ Ninh. Rồi ra nguyệt đài bái vọng Giả mẫu, Giả Chính và Vương phu nhân. Bảo Ngọc trước tiên đến phòng Vưu thị làm lễ, ngồi một lúc rồi về phủ Vinh. Bảo Ngọc trước hết đến chào Tiết phu nhân. Tiết phu nhân giữ ở lại; sau mới đến thăm Tiết Khoa một lúc, rồi về vườn. Tình Văn, Xạ Nguyệt đi theo, bọn a hoàn nhỏ mang sẵn cái thảm để đi chào, từ họ Lý trở xuống, lần lượt đi đến những người hơn tuổi mình. Rồi lại ra cửa ngoài, đến thăm bốn bà vú nuôi, một lúc mới trở về. Mọi người đều xin làm lễ, nhưng Bảo Ngọc không nhận. Về đến phòng, bọn Tập Nhân chỉ đến chào thôi. Vương phu nhân đã bảo còn trẻ tuổi không được nhận lễ, sợ giảm tuổi thọ, vì thế không ai làm lễ cả.
Giả Hoàn và Giả Lan đến mừng. Tập Nhân mời họ ngồi một lúc rồi về.
Bảo Ngọc cười nói:
- Hôm nay đi mệt lắm rồi!
Liền nằm nghiêng xuống giường. Mới uống được nửa chén nước, thì bọn Thúy Mặc, Tiểu Loa, Thúy Lũ, Nhập Họa, Triệu Nhi hầu Hình Tụ Yên, cùng vú em bế Xảo Nhi, Thái Loan, Tú Loan, tất cả tám chín người đều mang thảm đỏ từ ngoài, cười ầm ĩ đi vào, nói:
- Người đến chúc thọ chen đổ cả cửa rồi. Mau mang miến ra đây cho chúng tôi ăn!
Thám Xuân, Tương Vân, Bảo Cầm, Tụ Yên và Tích Xuân cũng đều đến cả.
Bảo Ngọc vội ra đón, cười nói:
- Không dám phiền các cô. Mau pha trà ngon ra đây!
Mọi người vào trong nhà đun đẩy nhau một lúc rồi cùng ngồi.
Bọn Tập Nhân pha trà mang lại. Vừa uống một chén thì Bình Nhi cũng ăn mặc lộng lẫy tha thướt đi vào. Bảo Ngọc vội ra đón, cười nói:
 - Tôi đến chào chị Phượng nhưng chị ấy không tiếp. Tôi lại cho người đến chào chị.
Bình Nhi cười nói:
- Tôi đương chải đầu cho chị Phượng, nên không ra tiếp cậu được. Sau lại thấy cậu cho người đến chào, nhưng khi nào tôi dám nhận, giờ tôi lại đây chúc thọ cậu.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi cũng không dám nhận.
Tập Nhân đã để sẵn cái ghế ở cạnh cửa, mời Bình Nhi ngồi, Bình Nhi liền cúi xuống lạy, Báo Ngọc vội vàng vái lại. Bình Nhi lại quỳ xuống, Bảo Ngọc cũng vội quỳ xuống. Tập Nhân liền kéo dậy. Bình Nhi lại lạy một lạy, Bảo Ngọc vái lại một cái.
Tập Nhân cười đẩy Bảo Ngọc, nói:
- Cậu vái thêm một vái nữa.
Bảo Ngọc nói:
- Đã vái xong rồi, sao lại còn vái nữa?
Tập Nhân cười nói:
- Đấy là chị ấy đến chúc thọ cậu. Nhưng hôm nay cũng là ngày sinh nhật chị ấy, cậu cũng nên chúc thọ chị ấy. 
Bảo Ngọc mừng lắm, lại vái nữa, cười nói:
- Thế ra hôm nay cũng là ngày sinh nhật của chị!
Bình Nhi vội vái giả lại.
Tương Vân kéo Bảo Cầm và Tụ Yên nói:
- Bốn người chúc thọ lẫn nhau thì vái suốt cả ngày mới đủ.
Thám Xuân vội hỏi:
- Thế ra cô Hình cũng đẻ ngày hôm nay à? Sao tôi lại quên mất?
Liền bảo a hoàn:
- Đến nói với mợ Hai sắp thêm một phần lễ vật nữa, cũng như phần của cô Cầm, để đưa sang nhà cô Hai.
A hoàn vâng lời rồi đi. 
Tụ Yên thấy Tương Vân buột mồm nói ra như thế, đành phải đi chào các nhà.
Thám Xuân cười nói:
- Thế cũng hay đấy. Một năm có mười hai tháng, tháng nào cũng có mấy ngày sinh nhật. Trong nhà nhiều người, nên khéo trùng nhau. Có khi ba người, có khi hai người cùng một ngày. Mồng một tết cũng có sinh nhật, chính chị Nguyên Xuân đẻ vào ngày ấy đấy. Không trách chị ấy hưởng phúc nhiều, đến ngày sinh nhật cũng chiếm trước tiên. Hôm đó cũng lại là ngày sinh nhật của cụ tổ nhà ngày trước. Sau tết nguyên tiêu là ngày sinh nhật của bà Cả(1) và chị Bảo, sao mà hai người khéo gặp nhau thế? Mồng một tháng ba là sinh nhật bà Hai, mồng chín tháng ba là sinh nhật anh Liễn. Tháng hai thì không có ai.
 Tập Nhân nói:
- Ngày mười hai tháng hai là ngày sinh nhật cô Lâm, sao lại bảo không có ai? Chỉ có điều cô ấy không phải là người trong nhà chúng ta thôi.
Thám Xuân cười nói:
- Chị xem trí nhớ của tôi như thế đấy!
Bảo Ngọc cười, trỏ Tập Nhân nói:
- Vì chị ấy đẻ cùng ngày với em Lâm, nên mới nhớ được.
Thám Xuân cười:
- Thế ra hai cô đẻ cùng một ngày à? Vậy mà năm nào cũng không thấy chị đến lạy mừng chúng tôi.(2) Ngày sinh nhật chị Bình, chúng tôi cũng không biết, nay mới rõ đấy.
Bình Nhi cười nói:
- Chúng tôi là hạng không có tên tuổi gì, không có phúc để làm lễ sinh nhật, và cũng không có chức phận gì để nhận lễ thì rêu rao lên làm gì? Chẳng thà lẳng lặng bỏ qua đi là hơn. Thế mà hôm nay chị ấy lại nói ầm lên. Thôi chờ khi các cô về nhà, tôi sẽ đến làm lễ vậy.
Thám Xuân cười nói:
- Không dám làm phiền chị. Nhưng hôm nay phải làm lễ sinh nhật cho chị thì tôi mới đành lòng.
Bảo Ngọc, Tương Vân đều nói: “Phải đấy”.
Thám Xuân liền sai a hoàn: 
- Đến thưa với mợ Hai, hôm nay không cho chị Bình đi đâu, chúng tôi sẽ góp tiền làm lễ sinh nhật cho chị ấy.
A hoàn cười rồi đi, một lúc về nói: 
- Mợ Hai bảo, cám ơn các cô làm cho chị Bình được thể diện. Không biết làm sinh nhật thì cho chị ấy ăn những thứ gì? Nhưng đừng có quên mợ Hai, mợ ấy mới không làm rầy rà đến chị Bình.
Mọi người đều cười. Thám Xuân nói:
- May sao hôm nay bếp nhà trong không làm cơm, các thức ăn đều lấy ở bên ngoài cả. Nay chúng ta góp tiền lại, sai mụ Liễu làm, và sẽ nấu nướng ở bếp trong này.
Mọi người đều nói: “Phải đấy!”
Thám Xuân vừa bảo đi mời Lý Hoàn, Bảo Thoa, Đại Ngọc, vừa sai người đi gọi thím Liễu đến, bảo phải làm hai bàn rượu ở bếp trong. Thím Liễu không biết thế nào, nói:
- Bếp ngoài đã sắp sẵn cả rồi.
Thám Xuân cười nói:
- Chị không hiểu hôm nay là ngày sinh nhật của cô Bình. Ở bếp ngoài sắp đồ ăn là của trên nhà. Bây giờ chúng tôi góp tiền riêng làm hai bàn rượu để mời cô ấy. Chị cứ đi sắm sửa những thức ăn ngon và mới, sau đó biên vào sổ, sẽ sang bên tôi nhận tiền.
Thím Liễu cười nói:
- Thế ra hôm nay là sinh nhật cô Bình à? Tôi thật không biết.
Nói xong cúi đầu làm lễ, Bình Nhi vội kéo đứng dậy.
Thím Liễu liền đi sắp sửa tiệc rượu.
Thám Xuân lại cho đi mời Bảo Ngọc cùng đến nhà khách ăn mì. Chờ Lý Hoàn, Bảo Thoa đến đủ, rồi sai người đi mời Tiết phu nhân và Đại Ngọc. Hôm ấy ấm trời, Đại Ngọc đã đỡ nên cũng đến được. Một đoàn như hoa như gấm, chật ních cả nhà. Tiết Khoa mang khăn, quạt, hương, lụa đến chúc thọ Bảo Ngọc. Bảo Ngọc lại sang nhà Tiết Khoa ăn mì. Hai nhà cùng làm rượu thọ, cùng đưa lễ mừng nhau. Đến buổi trưa, Bảo Ngọc lại đến uống mấy chén rượu với Tiết Khoa. Bảo Thoa dẫn Bảo Cầm đến lạy chào và dâng rượu Tiết Khoa. Sau đó, Bảo Thoa dặn Tiết Khoa:
- Rượu ở nhà không phải mang sang bên ấy nữa, bỏ những việc khách sáo ấy đi. Cậu cứ mời những người giúp việc hiệu buôn đến uống rượu thôi. Chúng tôi và cậu Bảo còn phải về mời khách, không thể ở lại tiếp cậu được.
Tiết Khoa nói:
- Xin chị và cậu Bảo cứ về, có lẽ bọn người giúp việc sắp đến đấy.
Bảo Ngọc cũng xin lỗi, cùng về với chị em Bảo Thoa. Đến cửa bên, Bảo Thoa sai bà già khóa cửa lại, rồi tự cầm lấy chìa khóa. Bảo Ngọc nói:
- Cái cửa ấy ít người đi lại, cần gì phải đóng? Dì và chị em lại đều ở cả trong này, muốn về nhà lấy cái gì, chẳng phiền lắm hay sao?
Bảo Thoa cười nói:
 - Cẩn thận thế cũng không lấy gì làm quá! Bên nhà cậu mấy hôm nay xảy ra nhiều việc lôi thôi, không có người nào bên tôi dính dáng vào đấy, thế mới biết là đóng cửa này cũng có công hiệu. Nếu cửa mở, những người quen lối thuận đường cứ theo đây mà đi, thì ngăn làm sao được? Chi bằng khóa lại, ngay mẹ tôi và tôi cũng không được đi lối ấy. Lỡ có xảy ra việc gì cũng không thể đổ cho người bên này được.
- Thế ra chị cũng biết bên tôi mấy hôm nay mất đồ đạc à?
- Cậu chỉ biết mất hai thứ rượu mai quế lộ và bột phục linh thôi. Đó là vì đụng đến người mới biết mất đồ vật, nếu không, chính hai việc này cậu cũng không biết. Cậu có biết đâu ngoài hai thứ ấy ra còn mất nhiều thứ quan hệ hơn kia. Sau này tra xét không ra thì cũng phúc cho mọi người, nếu tra xét ra thì không biết liên lụy đến bao nhiêu người ở nhà này. Cậu không trông nom công việc, nên tôi mới nói cho cậu nghe. Bình Nhi là  người hiểu biết, hôm nọ tôi đã nói rõ với chị ấy. Vì mợ Hai mệt, không ra ngoài, thành ra tôi phải nói cho chị ấy hiểu tất cả. Nếu không xảy việc gì, mọi người sẽ rảnh tay. Lỡ xảy ra, chị ấy đã nắm trước, tự nhiên tìm được manh mối, không đến nỗi xử oan cho người. Cậu nên nghe lời tôi, từ nay để ý cẩn thận mới được. Chuyện này không nên nói cho người thứ hai biết.
Nói xong, đến đình Thấm Phương, thấy Tập Nhân, Hương Lăng, Thị Thư, Tình Văn, Xạ Nguyệt, Phương Quan, Nhụy Quan, Ngẫu Quan, đương ngồi xem cá bơi ở đấy. Thấy Bảo Ngọc và Bảo Thoa đến, họ đều nói:
- Đã sắp sẵn ở dưới giàn thước dược cả rồi, xin mời vào tiệc.
Bảo Thoa dẫn bọn họ vào trong nhà ba gian Hồng Hương phố ở dưới giàn thước dược. Vưu thị cũng đã đến. Mọi người đều ở đấy chỉ thiếu Bình Nhi thôi.
Lúc Bình Nhi về, có vợ họ Lâm, vợ họ Lại đưa lễ vật đến, hết người nọ đến người kia, hàng trên, hàng giữa, hàng dưới, đều mang lễ đến chúc thọ khá nhiều. Bình Nhi mang tiền ra thưởng và cám ơn, rồi đem các thứ lễ vật trình Phượng Thư, chỉ giữ lại một vài thứ để dùng thôi. Có thứ không nhận; có thứ nhận rồi lại đem thưởng cho người khác ngay. Bận rộn lúc lâu, lại phải chờ Phượng Thư ăn mì xong mới đi thay quần áo sang bên vườn. Vừa tới nơi, đã gặp mấy a hoàn đi mời, rồi cùng vào Hồng Hương phố thì thấy khắp nơi toàn là đồi mồi sáng ngời, phù dung rực rỡ. Mọi người đều cười nói: “Thọ tinh đủ cả rồi!” Rồi mời bốn người ngồi ở bàn trên, nhưng không ai chịu lên.
Tiết phu nhân nói:
- Ta già rồi, không hợp với bọn tuổi trẻ, nếu ngồi đây có phần gò bó, chi bằng lên nằm ở nhà trên thì hơn. Ta cũng không ăn, không uống rượu gì, để cho các ngươi ở đây được tự nhiên.
Vưu thị nhất định không nghe. Bảo Thoa nói:
- Thế cũng được. Cứ để mẹ tôi lên nhà nằm nghỉ thì dễ chịu hơn. Tùy ý thích, người thích ăn gì, thì đưa lên. Vả lại trên ấy vắng người, lại có thể trông nom được.
Thám Xuân cười nói:
- Đã thế thì cung kính không bằng theo ý người.
Mọi người đều đưa Tiết phu nhân lên nhà trên, trông  những đứa hầu nhỏ trải nệm và đặt gối dựa, rồi dặn:
- Phải bóp đùi cho bà cẩn thận, phải pha trà rót nước,  không được tị nạnh đổ đưa cho nhau. Thức ăn sẽ đưa lên sau. Bà ăn xong thì cho chúng mày. Không đứa nào được đi đâu đấy.
 Lũ hầu nhỏ đều vâng lời.
 Thám Xuân quay về. Bảo Cầm, Tụ Yên được mời ngồi trên, Bình Nhi ngồi ngoảnh phía tây, Bảo Ngọc ngoảnh phía đông. Thám Xuân lại mời Uyên Ương lên, hai người ngồi đối diện nhau. Bảo Thoa, Đại Ngọc, Tương Vân, Nghênh Xuân, Tích Xuân, theo thứ tự ngồi ở bàn phía tây, lại kéo Hương Lăng, Ngọc Xuyến ngồi ngang hàng. Vưu Thị, Lý Hoàn ngồi ở bàn thứ ba, lại kéo Tập Nhân, Thái Vân cùng ngồi, Tử Quyên, Oanh Nhi, Tình Văn, Tiểu Loa, Tư Kỳ thì ngồi chung quanh bàn thứ tư. 
Thám Xuân định nâng chén mừng. Bọn Bảo Cầm đều nói:
- Làm như thế thì cả ngày cũng chẳng xong.
Mọi người mới chịu thôi. Hai cô xẩm đánh đàn hát chúc thọ. Mọi người đều nói:
- Ở đây chúng lôi không ai nghe những câu hát quê ấy đâu. Các chị lên nhà trên hát cho bà dì nghe để đỡ buồn. Rồi chọn mấy món ăn ngon, sai người mang lên cho Tiết phu nhân. Bảo Ngọc nói:
- Ngồi im thì không có thú gì, nên làm tửu lệnh mới vui.
Trong đó có người nói làm lệnh này hay, làm lệnh kia hay. Đại Ngọc nói:
- Cứ ý tôi, đem bút giấy ra kê hết các thứ tửu lệnh, rồi bỏ vào rút thăm, rút được cái nào, chúng ta làm cái ấy. 
Mọi người đều nói: “Hay lắm”. Liền sai lấy bút giấy ra.
Gần đây Hương Lăng học làm thơ, ngày nào cũng tập viết, trông thấy bút giấy không nhịn được, vội đứng dậy nói:
- Để tôi viết cho.
Mọi người nghĩ một lúc, được tất cả mười tửu lệnh, đọc ra cho Hương Lăng viết, rồi vo viên bỏ vào trong cái lọ. Thám Xuân bảo Bình Nhi gắp. Bình nhi xóc đều lên, lấy đũa gắp một cái, mở ra xem, thấy viết hai chữ “xạ phúc”.(3)
Báo Thoa cười nói:
- Lại vớ cái lệnh từ đời ông tổ ông tinh nào rồi. “Xạ phúc” có từ lâu nhưng đã thất truyền, sau này người ta mới bịa ra, khó hơn tất cả các tửu lệnh khác. Ở đây có tới nửa số người không hiểu, chi bằng bỏ đi, gắp cái khác để cho người nhã, người tục đều thưởng thức cả.
Thám Xuân cười, nói:
- Đã gắp được, sao lại bỏ đi? Bây giờ gắp thêm cái khác, nếu gắp đúng cái lệnh người nhã người tục đều thưởng thức được, sẽ để cho họ dùng cái lệnh ấy, còn chúng ta cứ theo cái lệnh này.
Nói xong, lại bảo Tập Nhân gắp một cái, là chữ “mẫu chiến”(4). Tương Vân cười nói: 
- Cái này giản dị vui nhộn, hợp với tính tôi. Tôi không phơi cái “xạ phúc”, khỏi phải buồn tẻ, tôi chỉ đánh toan thôi.
 Thám Xuân nói:
- Cô này phá rối tửu lệnh. Chị Bảo phạt cô ấy một chén.
Bảo Thoa không cho Tương Vân phân trần, dốc luôn cho một chén rượu.
Thám Xuân nói:
- Tôi là người cầm lệnh, uống trước một chén. Không  cần nói gì cả, ai nấy đều phải nghe tôi cắt đặt. Đem hộp súc sắc đến đây, cô Cầm gieo trước, rồi theo thứ tự, nếu hai người gieo đúng điểm nhau, thì một người đố, một người đoán.
Bảo Cầm gieo được mặt “tam”. Tụ Yên, Bảo Ngọc gieo không đúng, đến Hương Lăng mới gieo được mặt “tam”, Bảo Cầm cười nói:
- Chỉ nói những chuyện vui ở trong nhà thôi, nếu nói các việc ở ngoài thì xa xôi quá không biết đâu mà lần.
 Thám Xuân nói:
 - Đúng đấy. Đoán ba lần không đúng phải phạt một chén. Bây giờ chị đố để chị ấy đoán.
Bảo Cầm nghĩ một lúc, nói chữ “lão”. Hương Lăng vốn không quen chơi cái lệnh này, nghĩ một lúc không ra, trông suốt cả nhà, cả bàn tiệc, cũng không tìm được câu thành ngữ nào hợp với chữ “lão” cả. Tương Vân nghe vậy cũng nhìn quanh nhìn quẩn, chợt trông thấy trên cửa có dán ba chữ “Hồng Hương phố” biết ngay là Bảo Cầm đố chữ “phố” trong câu “ngộ bất như lão phố”(5). Thấy Hương Lăng đoán không đúng, mọi người lại đánh trống giục. Tương Vân khẽ kéo Hương Lăng, bảo nói chữ “được”. Đại Ngọc trông thấy nói:
- Phạt nó đi. Nó lại gà rồi đấy. 
Mọi người đều biết, làm ầm lên và phạt Tường Vân một chén. Tương Vân tức quá, lấy đũa đánh vào tay Đại Ngọc. Hương Lăng cũng phải phạt một chén. Rồi đến Bảo Thoa và Thám Xuân gieo đúng điểm nhau. Thám Xuân đố chữ “nhân”.
Bảo Thoa cười nói:
- Chữ “nhân” thì rộng quá.
Thám Xuân cười, nói:
- Thêm một chữ nữa, đố hai chữ mà đoán cũng không rộng đâu.
Nói xong lại đọc một chữ “song” nữa. Bảo Thoa vừa nghĩ, thấy trên bàn tiệc có thịt gà, chắc cô ta dùng hai điển: “kê song”(6) và “kê nhân”(7) liền đoán ngay là chữ “thời”. Thám Xuân biết Bảo Thoa đoán đúng, theo điển “kê thê vu thời”(8). Hai người cười rồi uống một chén rượu.
Tương Vân không chờ được, đã đánh toan với Bảo  Ngọc, hét “tam” hét “ngũ” ầm lên. Bàn bên kia, Vưu thị với Uyên Ương cũng đánh toan, hét “thất” hét “bát” ầm lên. Bình Nhi với Tập Nhân cũng đánh toan, toàn nghe vòng xuyến trên tay rung động lẻng kẻng. Một lúc, Tương Vân được Bảo Ngọc; Tập Nhân được Bình Nhi; hai người hẹn trước những câu tửu lệnh.
Tương Vân nói:
- Vào đầu phải đọc một câu cổ văn, một câu thơ cũ, một câu tên bài, một câu tên khúc hát, lại phải một câu nói ở trong quyển lịch. Tất cả phải liền nghĩa với nhau. Đến cuối phải có một câu tên một thứ quả hoặc một thức ăn, có ý liên quan với việc người.
Mọi người nói:
- Chỉ có tửu lệnh của cô ấy là rắc rối hơn cả, nhưng cũng có ý nghĩa đấy.
  Liền giục Bảo Ngọc nói. Bảo Ngọc cười.
 - Ai đã học qua cái ấy? Phải để nghĩ một lúc đã.
 Đại Ngọc liền nói:
  - Thôi anh hãy uống thêm một chén rượu đi, em nói hộ cho. 
Bảo Ngọc quả uống rượu thật. Rồi nghe Đại Ngọc đọc:
Chim vụ cùng bay với dáng chiều,
Qua sông, gió lộng, nhạn buồn kêu.
Thế là nhạn đã què đôi cẳng.
Khiến người chín khúc ruột hắt hiu(9)
Đó là chim Hồng nhạn bay đến.
Mọi người nghe vậy cười nói: “Đọc ra một tràng như vậy cũng có ý nghĩa đấy!” Đại Ngọc lấy tay cặp quả giẻ đọc câu cuối:
Hạt giẻ phải chăng là đá giặt;
Tiếng đâu đập áo khắp muôn nhà.
Xong lệnh, Uyên Ương, Tập Nhân mỗi người đều nói một câu tục ngữ, có kèm theo một chữ “thọ” không cần phải kể rõ.
Mọi người lại lần lượt đố nhau lung tung. Ở trên thì Tương Vân đối lại với Bảo Cầm. Lý Hoàn và Tụ Yên gieo đúng điểm nhau. Lý Hoàn đố chữ “biều” (bầu). Tụ Yên đoán chữ “lục” (xanh). Hai người hiểu ý nhau, cùng uống một chén. Tương Vân đố thua, liền hỏi đến câu đầu và câu cuối lệnh. Bảo Cầm cười nói:  
- Mời cô vào cái vò này.(10)
Mọi người cười nói:
- Dùng cái điển này rất thích đáng.
Tương Vân liền đọc:
- Vùn vụt mông mênh, trên sông sóng cuộn ngập trời xanh; phải dùng dây sắt, gò lại chiếc thuyền lênh đênh; gặp khi sóng gió, không nên xuất hành.
Mọi người nghe vậy đều cười nói: “Thực khéo nói đùa làm người ta cười đứt ruột. Thảo nào cô ấy ra cái lệnh này”. Họ lại giục: “Đọc mau câu cuối đi”. Tương Vân uống rượu, gắp một miếng thịt vịt, nhấp một hớp rượu, chợt thấy trong bát có nửa cái đầu vịt liền moi lấy óc ra ăn. Mọi người lại giục: “Đừng có mải ăn nữa, hãy đọc ngay đi”.
Tương Vân cầm đũa lên nói:
- Đầu vịt không phải là “a đầu”(11)
Trên đầu làm gì có dầu quế?
Mọi người đều cười. Tình Văn, Tiểu Loa chạy đến nói:
- Cô Vân thật khéo đùa, đem chúng tôi ra làm trò cười, phải phạt một chén mới được. Tại sao cô lại biết chúng tôi phải bôi dầu hoa quế? Phải cho chúng tôi mỗi người một lọ dầu hoa quế để bôi!
Đại Ngọc cười nói:
- Cô ấy cũng muốn cho các cô một lọ dầu đấy, nhưng lại sợ can tội ăn trộm phải ra cửa quan. 
Mọi người không để ý đến. Chỉ có Bảo Ngọc hiểu rõ, cúi đầu không nói gì. Thái Vân có tật giật mình, đỏ bừng mặt lên, Bảo Thoa khẽ đưa mắt cho Đại Ngọc. Đại Ngọc đã nói lỡ lời và định trêu Bảo Ngọc thôi, không ngờ lại đụng chạm đến Thái Vân, ăn năn không kịp, vội quay ra làm lệnh đánh toan dể xí xóa câu chuyện.
Cuối cùng Bảo Ngọc lại gieo đúng điểm với Bảo Thoa, Bảo Thoa đố chữ “bảo”. Bảo Ngọc nghĩ một lúc, biết là Bảo Thoa nói đùa, liền trỏ viên ngọc “thông linh” của mình cười nói:
- Chị mang tôi ra đùa một cách nhã, tôi đã đoán được rồi. Nói ra thì chị đừng giận, tôi đoán là chữ “thoa” tức là tên của chị.
Mọi người nói:
- Thế thì cắt nghĩa ra sao?
Bảo Ngọc nói:
- Chị ấy đố chữ “bảo” tất nhiên ở dưới chữ “bảo” phải là chữ “ngọc”. Tôi đoán chữ “thoa”, vì thơ cũ có câu: “Thoa ngọc gõ xong tàn đuốc lạnh”, đoán như thế chẳng đúng à?
Tương Vân nói: 
- Không thể dùng việc người thời bây giờ được. Cả hai người đều đáng phạt.
Hương Lăng nói:
- Không chỉ là việc thời bây giờ, mà trước kia cũng đã có nói rồi.
Tương Vân nói:
- Hai chứ “bảo ngọc” không thấy ở đâu cả, có chăng chỉ trong những câu đối mừng xuân, chứ Kinh Thi, Kinh Thư đều không chép đến, không thể nói thế được.
Hương Lăng nói:
- Ngày trước tôi đọc thơ ngũ ngôn của Sầm Gia Châu có một câu: “Nơi này nhiều bảo ngọc”. Thế mà cô quên à? Sau đọc thơ thất ngôn tuyệt cú của Lý Nghĩa Sơn lại có một câu: “Thoa báu ngày nào không bám bụi?” Tôi thường cười nói: thì ra tên hai người ấy đều có ở trong thơ Đường cả. 
Mọi người cười, nói:
- Thế là không hỏi vào đâu được nữa rồi, cô phải phạt một chén!
Tương Vân không trả lời, đành phải uống rượu phạt. Mọi người lại gieo điểm đánh toan.
Nhân Giả mẫu và Vương phu nhân đi vắng, không có ai cai quản, nên họ cứ chơi đùa bừa bãi, hò hét ầm ĩ, đầy nhà đỏ xanh tha thướt, châu ngọc rung rinh, rất là vui nhộn. Chơi đùa một lúc rồi mọi người tan tiệc ra về, riêng Tương Vân không thấy đâu cả. Ai nấy cứ tưởng cô ta đi ra ngoài rồi trở vào ngay, không ngờ càng chờ càng mất hút, liền sai người đi tìm khắp nơi, nhưng nào có thấy.
Khi ấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn mấy bà già đến, một là xem có việc gì sai khiến; hai là sợ bọn a hoàn còn trẻ tuổi, nhân lúc Vương phu nhân đi vắng, không chịu nghe lời Thám Xuân, uống rượu bừa bãi, làm mất thể thống.
Thám Xuân biết ý, cười nói:
- Các bà không đành tâm, đến đây dò xét. Chúng tôi không hề uống rượu nhiều đâu, chẳng qua chị em chơi đùa với nhau, mượn chén làm vui đấy thôi. Các bà đừng lo.
Lý Hoàn, Vưu thị đều cười nói:
- Các bà về nghỉ thôi. Chúng tôi không để cho họ uống nhiều rượu đâu.
Vợ Lâm Chi Hiếu cười nói:
- Chúng tôi biết rồi. Ngay những khi cụ cho uống rượu, các cô còn chẳng chịu uống. Bây giờ các bà không có nhà tất nhiên các cô chỉ chơi đùa đấy thôi. Chúng tôi sợ có việc gì sai bảo nên đến chực sẵn. Vả lại mùa này ngày dài, các cô chơi một lúc rồi cũng nên ăn một chút gì. Ngày thường các cô không ăn được nhiều, bây giờ uống mấy chén rượu, nếu không ăn sợ sinh bệnh ra.
Thám Xuân cười nói:
- Bà nói đúng đấy, chúng tôi phải ăn chứ!
Rồi quay lại bảo mang đồ điểm tâm lên. Thám Xuân lại cười nói:
- Các bà đi nghỉ hay sang bên kia chuyện trò với dì Tiết cho vui. Tôi sẽ sai người mang ngay rượu sang để các bà uống.
Vợ Lâm Chi Hiếu cười nói:
- Chúng tôi không dám nhận.
Họ đứng một lúc rồi mới về.
Bình Nhi sờ lên mặt cười nói:
- Mặt tôi nóng rồi, không tiện tiếp họ. Cứ ý tôi, nên xếp dọn đi thôi, đừng để họ quay trở lại thì chẳng ra sao cả.
Thám Xuân cười nói:
- Không việc gì, dù sao chúng ta không uống nhiều rượu là được rồi.
Chợt một đứa hầu bé cười hì hì, đến nói:
- Các cô ra mau mà xem cô Vân say rượu, ra hóng mát, ngủ ngay ở trên hòn đá sau núi kia kìa. 
Mọi người nghe nói đều cười:
- Đừng làm ồn lên!
Họ chạy ra xem, thấy Tương Vân đầu gối vào cái khăn lụa bọc chùm hoa thược dược, đang ngủ say trên hòn đá ở hẻm núi. Hoa thược dược bay đầy lên người, mặt mũi và quần áo sực những mùi thơm. Quạt trong tay rơi xuống đất cũng bị hoa phủ lấp mất một nửa. Một đàn ong bướm xôn xao bay lượn chung quanh. Mọi người trông thấy, vừa cười vừa yêu, vội đánh thức và nâng cô ta dậy. Tương Vân vẫn ngủ say, mơ nói lệnh rượu, miệng còn lảm nhảm: “Suối thêm say rượu... phải đưa về… nên gặp bạn bè”.


Mọi người đẩy cô ta dậy, cười nói:
- Mau tỉnh dậy, đi ăn cơm, ngủ ở đá ướt này thì ốm mất!
Tương Vân lim dim con mắt, nhìn mọi người, lại cúi đầu nhìn mình, mới biết là say. Nguyên Tương Vân định ra chỗ vắng hóng mát, không ngờ bị phạt mấy chén rượu, sức yếu không chịu nổi, liền ngủ đi mất, trong bụng có ý hối hận. Ngay lúc đó có một đứa hầu nhỏ bưng chậu nước rửa mặt, và hai đứa mang gương lược phấn sáp đến. Mọi người đứng chờ. Tương Vân ngồi trên hòn đá đánh phấn chải đầu, rồi đứng dậy cùng về Hồng Hương phố. Lại uống mấy chén nước trà đặc. Thám Xuân vội sai lấy viên đá tỉnh rượu cho cô ta ngậm. Một lúc lại cho ăn canh chua, mới thấy tỉnh dần. Bấy giờ lại chọn mấy thứ hoa quả mang sang biếu Phượng Thư, Phượng Thư cũng biếu lại mấy thứ. Bọn Bảo Thoa ăn điểm tâm xong, có người ngồi lại, có người đứng dậy, có người ra ngoài, có người tựa vào lan can xem cá, thích gì chơi nấy, cười nói ầm ĩ. Thám Xuân đánh cờ với Bảo Cầm, Bảo Thoa, Tụ Yên đứng xem. Đại Ngọc và Bảo Ngọc thì to nhỏ với nhau ở dưới rặng hoa, không biết là nói những gì.
Bỗng thấy vợ Lâm Chi Hiếu và một bọn con gái đưa một người đàn bà đến. Người này nét mặt buồn rầu, không dám lên trên nhà, chỉ đứng ở dưới thềm quỳ vái. Thám Xuân có một quân cờ bị nước bí, tính đi tính lại, nếu gỡ được hai quân thì mất một nước quan trọng, hai mắt chăm chú nhìn vào bàn cờ, một tay để vào trong hộp, sờ quân cờ suy nghĩ. Vợ Lâm Chi Hiếu đứng chờ mãi. Thám Xuân quay lại uống nước mới trông thấy, hỏi: 
- Việc gì đấy?
  Vợ Lâm Chi Hiếu trỏ người đàn bà ấy nói:
- Người này là mẹ Thái Nhi hầu ở bên nhà cô Tư, hiện đương hầu hạ trong vườn. Vừa rồi tôi nghe thấy nó nói nhiều câu bậy, những lời nó nói tôi không dám trình. Cô cứ nên đuổi nó đi mới phải.
Thám Xuân nói:
- Sao không đi trình mợ Cả. 
- Mợ Cả sang bên dì Tiết. Tôi đã gặp và trình rồi, mợ bảo sang trình cô.
- Sao không đi trình mợ Hai?
Bình Nhi nói:
- Thôi không trình cũng được, tôi về nói là đủ. Đã thế thì hãy đuổi nó ra, chờ bà về sẽ trình. Xin cô định đoạt cho.
Thám Xuân gật đầu rồi lại cúi xuống đánh cờ. Vợ Lâm Chi Hiếu dẫn người đàn bà ấy đi ra.
Đại Ngọc và Bảo Ngọc đứng dưới rặng hoa, ngắm nhìn đằng xa, Đại Ngọc nói:
- Cô Ba nhà anh thật là khôn ngoan quá. Tuy bảo cô ta trông nom công việc, nhưng một chút cũng không dám làm quá tay, nếu là người khác đã làm mưa làm gió rồi.
Bảo Ngọc nói:
- Em không biết, khi em ốm, cô ấy đã làm được mấy việc. Vườn này đã chia cho mấy người trông nom. Bây giờ muốn nhổ một cái cỏ cũng không được. Cô ấy cũng đã bớt được mấy việc; lại đem anh và chị Phượng ra làm bung xung để cấm đoán người ta. Cô ấy là người biết tính toán, không những khôn ngoan mà thôi đâu!
- Phải như thế mới được. Nhà chúng ta tiêu phí nhiều quá. Tuy em không phải trông nom công việc, nhưng khi nào trong lòng thư thái, thường hay tính toán, thấy tiêu nhiều mà thu ít. Bây giờ nếu không tằn tiện thì sau này lấy đâu cho đủ.
- Dù sau này không đủ, hai chúng ta cũng không đến nỗi phải bị thiếu thốn.
Đại Ngọc nghe nói liền quay người đi lên nhà tìm Bảo Thoa nói chuyện. 
Lúc Bảo Ngọc sắp đi, thấy Tập Nhân đến tay bưng cái khay sơn chạm lối liên hoàn, trong đặt hai chén trà mời, và hỏi:
- Cô ấy đi đâu rồi? Tôi thấy hai người đã lâu không uống nước, nên pha hai chén trà mang lại đây.
Bảo Ngọc nói:
- Không phải cô ấy ở kia à? Chị mang đến cho cô ấy.
Nói xong, Bảo Ngọc cầm lấy một chén nước. Tập Nhân mang chén nước kia đi, nhưng thấy Đại Ngọc cùng ngồi với Bảo Thoa, mà chỉ có một chén nước, liền nói:
- Cô nào khát thì xin uống trước, tôi lại đi pha nữa.
Bảo Thoa cười nói:
- Tôi không uống, chỉ cần một ngụm súc miệng thôi.
Nói xong cầm lấychén nước uống một ngụm, còn thừa nửa chén đưa cho Đại Ngọc.
Tập Nhân cười nói:
- Tôi lại đi pha thêm nữa nhé?
Đại Ngọc cười nói: 
- Chị đã biết bệnh tôi rồi, thày thuốc không cho uống nhiều nước trà, nửa chén này là đủ. Cảm ơn chị nghĩ chu đáo quá!
Nói xong, uống hết và đặt chén xuống.
Tập Nhân lại sang lấy chén của Bảo Ngọc. Bảo Ngọc  hỏi:
- Từ nãy đến giờ không thấy Phương Quan. Nó đi đâu rồi?
Tập Nhân nhìn chung quanh nói:
- Nó vừa mới ở đây. Mấy người đương đánh chọi gà  chơi, giờ không thấy đâu cả.
Bảo Ngọc nghe nói, chạy về phòng, thấy Phương Quan đương ngủ ở trên giường, mặt ngoảnh vào trong. Bảo Ngọc đẩy nó nói:
- Đừng ngủ nữa, chúng ta ra ngoài chơi một lát rồi đi ăn cơm.
- Các người uống rượu, không nhìn gì đến tôi, nãy giờ  tôi buồn quá, thà về ngủ cho xong.
Bảo Ngọc kéo Phương Quan dậy, cười bảo:
- Chiều nay chúng ta lại uống rượu ở nhà. Để rồi tôi bảo chị Tập Nhân dẫn cô lên ăn chung một bàn có được không? 
- Ngẫu Quan, Nhụy Quan không ai được lên ăn, một  mình tôi lên đấy không tiện. Tôi không ăn quen cái món mì ấy. Vả lại sớm dậy cũng không muốn ăn. Vừa rồi đói, tôi đã nói với thím Liễu làm cho tôi một bát canh với nửa bát cơm, tôi ăn ở đây là được rồi. Nếu chiều hôm nay uống rượu, đừng ai ngăn tôi, để tôi uống đủ sức mới được. Trước tôi ở nhà, uống được hai ba cân rượu Huệ Toàn đấy. Bây giờ học cái nghề khốn nạn này, họ bảo uống vào hỏng mất giọng, nên mấy năm nay không biết đến rượu là gì. Hôm nay tôi phải phá giới mới được.
- Việc ấy cũng dễ thôi.
Bỗng thím Liễu sai người mang một cái quả đến. Xuân Yến đỡ lấy, mở ra xem, trong có một bát canh da gà bọc tôm, một bát vịt tần rượu, một đĩa nem ngỗng ướp mặn, một đĩa bốn miếng bánh cuốn hạt thông trộn với sữa, một liễn cơm gạo tám nóng, thơm phức. Xuân Yến, để cả lên bàn, chạy đi đặt bát đũa rồi xới một bát cơm, Phương Quan nói:
- Mỡ ngấy lắm, ai ăn được những thứ này!
Rồi chỉ lấy canh chan cơm ăn một bát, gắp mấy miếng thịt ngỗng thôi. Bảo Ngọc ngửi thấy mùi ngon hơn thức ăn mọi ngày, liền ăn một miếng bánh cuốn, lại bảo Xuân Yến xới nửa bát cơm chan canh ăn rất ngon lành. Xuân Yến và Phương Quan đều cười. 
Xuân Yến định đưa trả những thức ăn còn thừa lại, Bảo Ngọc nói: 
- Cứ ăn đi, nếu không đủ thì bảo lấy thêm.
- Không cần lấy thêm nữa, thế này là đủ. Vừa rồi chị Xạ Nguyệt cho chúng tôi ăn hai đĩa điểm tâm, bây giờ tôi ăn những thứ này cũng đủ.
Nói xong Xuân Yến đứng ở cạnh bàn ăn. Rồi để lại hai cái bánh cuốn, nói:
- Cái này để phần mẹ tôi. Chiều nay có uống rượu, cho tôi uống vài chén nhé.
Bảo Ngọc cười nói:
- Cô cũng thích uống rượu à? Chiều nay chúng ta sẽ uống một bữa thật say. Chị Tập Nhân và chị Tình Văn cũng uống được khá đấy, nhưng ngày nào cũng uống thì không tiện. Nhân dịp hôm nay chúng ta phá giới một bữa. Lại còn việc này, tôi định bảo cô nhưng quên mất, giờ mới nhớ ra. Từ nay trở đi, cô phải trông nom Phương Quan, có điều gì sơ suất, cô nên nhắc nó. Chị Tập Nhãn không trông nom xuể đâu.
- Tôi biết rồi, cậu không phải bận tâm đến. Nhưng việc chị Năm thì thế nào?
- Chị bảo thím Liễu biết, ngày mai cho nó vào đây. Tôi dặn họ một câu là xong.
Phương Quan nghe rồi cười:
- Đúng! Việc ấy cần phải làm ngay đi.
Xuân Yến lại sai hai đứa hầu nhỏ đến hầu Bảo Ngọc rửa tay, uống nước, còn mình đi thu dọn bát đĩa giao cho bà già rồi cũng đi rửa tay, và sang tìm thím Liễu. Bảo Ngọc lại đi đến Hồng Hương phố tìm các chị em. Phương Quan cầm khăn và quạt theo sau. Vừa ra đến cửa, thấy Tập Nhân và Tình Văn dắt tay nhau đi vào, Bảo Ngọc hỏi:
- Các chị đến làm gì đấy?
Tập Nhân nói:
- Dọn cơm xong rồi, chờ cậu đến ăn đấy.
Bảo Ngọc cười, nói là vừa mới ăn cơm ở nhà xong, Tập Nhân cười:
- Cậu ăn như mèo ấy, chỉ đánh hơi là đã đủ no. Tuy  vậy cũng nên tiếp họ một tý.
 Tình Văn ấn tay vào trán Phương Quan, nói:
 - Mày là con yêu tinh! Hở một tý là chạy đi rình ăn!  Chẳng biết các người đã hẹn nhau bao giờ rồi? Sao không  bảo chúng tao một tiếng?
Tập Nhân cười nói:
- Chẳng qua vừa gặp thì ăn đấy thôi, chứ có hẹn hò gì  đâu.
- Đã thế ở đây cũng vô ích. Ngày mai chúng ta bước  cả để một mình Phương Quan ở lại cũng đủ sai rồi.
- Chúng tôi đi được, chứ chị không thể đi được.
- Tôi là người đáng đi đầu tiên. Vừa lười biếng, vừa thô tục, lại xấu tính chẳng làm được việc gì.
- Nếu chị đi mà cái áo lông công cháy miếng nữa thì ai  là người vá cho? Chị đừng lời qua tiếng lại với tôi nữa. Tôi nhờ làm gì, dù là mũi chỉ đường kìm, chị cũng cứ !ười. Nhưng đó có phải là việc riêng của tôi đâu, cũng là việc của cậu ấy cả đấy. Khi tôi đi vắng mấy hôm, chị ốm thập tử nhất sinh, tại sao lại cố sống cố chết thức suốt đêm vá áo cho cậu ấy? Thế là nghĩa làm sao? Chị nói đi nào! Sao lại cứ giả bộ ngây thơ mà cười với tôi? Nói đi xem sao?
Mọi người nói chuyện rồi đi vào nhà khách. Tiết phu nhân cũng đến, theo thứ tự ngồi ăn cơm. Bảo Ngọc chỉ lấy nước trà chan cơm ăn nửa bát cho qua chuyện.
Ăn xong, mọi người uống nước nói chuyện, rồi ai thích gì chơi nấy. Ở bên ngoài, bọn Tiểu Loa, Hương Lăng, Phương Quan, Ngụy Quan, Ngẫu Quan, Đậu Quan ra vườn chơi. Mọi người hái ít hoa cỏ ngồi xúm lại ở bãi cỏ đánh chọi gà chơi. Người này nói: “Tôi có cây liễu Quan Âm”; người kia nói: “Tôi có cây thông La Hán”. Người này nói: “Tôi có cây trúc Quân Tử”; người kia nói: “Tôi có cây chuối Mỹ Nhân”. Người này nói: “Tôi có cỏ tinh tinh”(12); người kia nói: “Tôi có hoa nguyệt nguyệt”(13). Người này nói: “Tôi có hoa mẫu đơn trong vở Mẫu Đơn đình”; người kia nói: “Tôi có quả tỳ bà trong bản Tỳ bà ký”.
Đậu Quan nói:
- Tôi có cành hoa “tỉ muội”.
Nghe vậy không ai đáp lại, Hương Lăng liền nói:
- Tôi có cánh huệ “phu thê”.
Đậu Quan nói:
- Xưa nay chẳng thấy ai nói cánh huệ “phu thê” cả.
Hương Lăng nói:
- Một cành có một bông hoa gọi là “lan”, một cành có mấy bông hoa gọi là “huệ”. Trên dưới đều có hoa thì gọi là cánh huệ “huynh đệ”; hoa nở ngang nhau thì gọi là cánh huệ “phu thê”. Chùm hoa này của tôi nở liền nhau, chẳng phải cánh “phu thê” là gì?
Đậu Quan không cãi lại được, đứng dậy cười nói:
- Cứ như chị nói thì một bông hoa lớn, một bông hoa bé là cánh huệ “bố con”; bông hoa quay lưng lại nhau thì gọi là cánh huệ “kẻ thù” à? Chồng chị đi vắng hơn nửa năm nay, chị nhớ anh chàng, nên nhìn chùm hoa, cũng bảo là hoa vợ chồng, không biết xấu hổ!
Hương Lăng nghe nói, đỏ mặt lên, đứng dậy định bẹo Đậu Quan, cười mắng:
- Con ranh thối miệng này! Chỉ nói những chuyện khó ngửi!
Đậu Quan thấy vậy khi nào chịu tha, liền kéo Hương Lăng xuống, quay lại cười bảo bọn Nhụy Quan:
- Lại đây giùm tôi bẹo vào mồm nó! 
Hai người vật nhau ở dưới đất. Mọi người vỗ tay cười nói:
- Hỏng rồi! Vũng nước kia kìa, khéo làm bẩn cả quần mới của chị ấy!
Đậu Quan quay lại nhìn, thấy bên cạnh có một vũng nước mưa, Hương Lăng bị bẩn quần đâm ngượng, vội giật tay bỏ chạy. Mọi người cười ầm lên, nhưng sợ Hương Lăng giận lây nên cũng bỏ đi cả.
Hương Lãng đứng dậy, cúi đầu nhìn, thấy quần áo mình hãy còn nước bẩn đương nhỏ từng giọt, liền mắng luôn miệng. Vừa lúc ấy Bảo Ngọc trông thấy họ chọi cỏ gà, cũng đi ngắt cỏ đến chơi. Thấy mọi người bỏ chạy, chỉ còn trơ lại một mình Hương Lăng đương cúi đầu nhìn xuống quần, liền hỏi:
- Tại sao họ chạy cả thế?
- Tôi có một chùm hoa “phu thê”, họ không biết lại bảo tôi nói bậy, đâm ra cãi nhau. Họ lại làm bẩn cả quần mới của tôi.
  - Chị có chùm hoa “phu thê” thì đây tôi lại có hoa ấu “tịnh đế”.
Miệng nói, tay Bảo Ngọc cầm một cành hoa ấu “tịnh đế” chập cả chùm hoa “phu thê” vào làm một.
Hương Lăng nói:
- “Phu thê” với không phu thê, “tịnh đế” với chẳng tịnh đế! Cậu hãy nhìn cái quần tôi đây này!
Bảo Ngọc cúi đầu nhìn, “úi chà” một tiếng nói:
- Tại sao chị lại bị kéo xuống bùn thế này? Đáng tiếc! Lụa đỏ thạch lựu này dễ bẩn lắm!
- Đây là của cô Cầm mang đến cho hôm nọ, cô Bảo may một cái, tôi may một cái, hôm nay mới đem ra mặc đấy. 
Bảo Ngọc giậm chân thở dài:
- Nhà các chị, một ngày làm hỏng một cái quần cũng chẳng thấm vào đâu. Nhưng một là cô Cầm mang đến cho, chị và chị Bảo, mỗi người may một cái. Quần của chị Bảo còn tốt, mà quần của chị đã hỏng rồi, như thế chẳng phụ lòng tốt của cô Cầm hay sao? Hai là, dì bên ấy cũng lắm nhời, tôi thường nghe thấy dì ấy bảo các chị hoang phí, chỉ phá hại, không biết tiếc của. Bây giờ để dì ấy trông thấy, lại làm rầm lên đấy!
 Hương Lăng nghe vậy chạm trúng lòng mình, vui lên cười nói:
- Chính thế đấy. Tuy tôi có mấy cái quần mới, nhưng đều không giống màu này. Có cái nào giống, đổi được thì hay, sau này sẽ liệu. 
Bảo Ngọc nói:
- Chị cứ đứng đây, đừng đi vội. Nếu không thì cả áo lót, quần đùi và giày cũng đính bùn đấy. Tập Nhân có may một cái quần giống hệt như thế. Nhưng vì chị ấy có tang, chưa mặc đến. Tôi sẽ lấy cho chị đổi, có được không.
Hương Lăng cười, lắc đầu nói:
- Không được. Nếu họ biết thì còn ra làm sao?
Bảo Ngọc nói: 
- Sợ cái gì? Chờ khi hết tang, chị ấy thích thứ gì, ta sẽ trả cho chị ấy, chẳng lẽ lại không được à? Chị mà nghĩ thế thì còn gì là tình thân mật với nhau hàng ngày? Vả chăng cũng không phải là việc che giấu người ta, chị cứ nói với chị Bảo là được. Chỉ sợ dì tôi biết lại gắt thôi.
Hương Lăng nghĩ một lúc cho là phải, gật đầu cười nói:
- Thế cũng được, không dám phụ lòng cậu. Tôi chờ ở đây. Xin cậu bảo chị ấy thân hành mang đến cho tôi mới được!
Bảo Ngọc nghe nói rất mừng, nhận lời về nhà ngay. Rồi cúi đầu ngẫm nghĩ: “Đáng tiếc con người như thế không có bố mẹ, quên cả họ hàng, bị người ta dỗ đi, lại đem bán cho hạng vũ phu ấy!” Rồi lại nghĩ: “Dạo trước ta gặp Bình Nhi là việc không ngờ, bây giờ cũng lại là việc không ngờ ngoài cái không ngờ nữa!” Nghĩ quanh nghĩ quẩn, Bảo Ngọc về đến phòng, kéo tay Tập Nhân, khẽ bảo cho biết việc ấy.
Hương Lăng vốn được mọi người thương yêu, Tập Nhân lại có tính hào phóng, vẫn chơi thân với chị ta. Được tin, mở ngay hòm, lấy cái quần ra, gấp cẩn thận, theo Bảo Ngọc đi tìm Hương Lăng. Thấy chị ta đứng yên ở đấy. Tập Nhân cười nói:
- Chị hay quấy lắm, quấy đến nỗi xảy ra chuyện mới  chịu thôi.
 Hương Lăng đỏ mặt cười nói:
- Cám ơn chị lắm, không ngờ bọn quỷ sứ ấy nó làm ác.
Nói xong cầm lấy cái quần, giở ra xem, quả nhiên giống hệt cái quần của mình, liền bảo Bảo Ngọc quay mặt đi chỗ khác rồi ngoảnh vào phía trong cởi quần bẩn ra, mặc quần mới vào.
Tập Nhân nói: 
- Đưa cái quần bẩn ấy cho tôi giặt hộ rồi sẽ đưa sang  cho. Chị mang về, người ta trông thấy, lại hỏi căn vặn đấy.
- Chị ơi, chị cứ mang về, không cần phải trả lại em. Em đã có cái này, không cần cái ấy nữa.
 - Bụng chị rộng rãi quá.
 Hương Lăng lạy tạ Tập Nhân hai lạy. Tập Nhân mang cái quần kia về.
Hương Lăng thấy Bảo Ngọc ngồi xổm dưới đất, lấy cành cây đào một cái hố, rắc hoa rụng vào đấy, rồi chôn chùm hoa “phu thê” và cành hoa “tịnh đế” xuống, lại phủ hoa rụng lên trên, lấp đất lại. Liền kéo tay Bảo Ngọc cười nói:
- Cậu lại làm cái trò gì đấy? Không trách ai cũng bảo cậu hay chơi ma chơi mãnh, làm cho người ta ghê cả người. Xem kìa! Tay cậu dính đầy bùn và rêu, không rửa ngay đi à?
Bảo Ngọc cười, đứng dậy đi rửa tay, Hương Lăng cũng quay về.
Hai người đi được mấy bước, Hương Lăng gọi giật lại. Bảo Ngọc không biết có chuyện gì, xoa hai tay dính bùn, cười hì hì quay lại hỏi: “Việc gì thế?”
Hương Lăng đỏ mặt chỉ cười, mồm muốn nói, nhưng không ra lời. Lúc đó Trăn Nhi là đứa hầu ở bên kia chạy lại nói:
- Cô Hai chờ chị đấy!
Hương Lăng lại đỏ mặt lên, rồi nói với Bảo Ngọc:
- Việc cái quần, cậu đừng nói cho anh cậu biết nhé!
Nói xong quay đi. Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi điên đâu? Lại thò đầu vào miệng hổ!
------------------------------
(1). Câu này có bản chép là lão thái thái (tức Giả mẫu), có bản chép là đại thái thái (tức Hình phu nhân) và tiếp ngay câu sau nói: “Hai mẹ con khéo gặp nhau thế”. Nhưng ở Hồi hai mươi hai có nói đến sinh nhật Bảo Thoa vào ngày 21, ngoài ra không có sinh nhật ai nữa. Chúng tôi dịch theo chữ đại thái thái (bà Cả) và dưới đổi là “hai người khéo gặp nhau” để đợi trả lời sau.
(2). Theo tục lệ phong kiến Trung Quốc đời xưa, ngày sinh nhật chủ nhà, thì tôi tớ phải lạy mừng; ngày sinh nhật của tôi tớ, cũng phải lạy chủ nhà.
(3).Một trò chơi rượu, đại khái: người này dùng chữ đố, người kia dùng chữ giảng.
(4). Đánh toan.
(5). Ta không bằng lòng lão làm vườn - chữ trong sách luận ngữ.
(6). Ngôi nhà yên lặng để đọc sách.
(7). Chức quan giữ trống canh buổi sáng.
(8). Gà đậu trên giậu - chữ trong Kinh Thi.
(9). Bài này mỗi câu có một điển tích, đúng như lời Tương Vâ
n giao hẹn.
(10). Võ Hậu đời nhà Đường, có Chu Hưng và Lai Tuấn Thần tra xét tội phạm rất là tàn ác. Sau có người nói: Chu Hưng làm phản. Võ Hậu sai tra hỏi. Lai Tuấn Thần mời Chu Hưng đến hỏi: “Tôi tra xét tù phạm nhiều đứa không chịu thú thì nên làm thế nào?” Chu Hưng nói: “Việc ấy rất dễ, chỉ lấy một cái vò lớn, đốt than nóng xung quanh, rồi bắt nó vào, thì việc gì nó chẳng thú nhận”. Lai Tuấn Thần liền sai người lấy cái vò lớn, đốt than đỏ lên, rồi nói với Chu Hưng: “Xin mời bác vào trong vò, vì có người cáo giác bác”. Chu Hưng cúi đầu xin nhận tội.
(11). “Đầu vịt” tiếng Trung Quốc cũng đọc là a đầu, và a đầu có nghĩa là đứa ở.
(12). Cỏ tinh tinh cứ đến mùa hạ mùa thu nở hoa nhỏ như sao.
(13). Hoa nguyệt nguyệt là một loại hoa hồng, cứ đến cuối tháng sáu thì nở.


Hồi 63:
Viện Di Hồng chị em mở tiệc;
Nuốt kim đan, Giả Kính chết oan.

Bảo Ngọc về phòng rửa tay, rồi bàn với Tập Nhân:
- Tối nay uống rượu, chúng ta chỉ cần góp vui, chứ không nên câu nệ. Bây giờ muốn ăn món gì, chị bảo họ sắp sẵn đi.
- Cậu cứ yên tâm, tôi cùng Tình Văn, Xạ Nguyệt, Thu Văn, mỗi người góp năm đồng, cộng là hai lạng. Phương Quan, Bích Ngân, Xuân Yến, con Tư mỗi người góp ba đồng; những người nghỉ phép thì thôi không kể. Tất cả là ba lạng hai đồng cân. Tôi đã giao cho thím Liễu sắp sẵn bốn mươi đĩa các thứ quả. Tôi lại bảo chị Bình lấy một vò rượu Thiệu Hưng để ở bên kia rồi. Đó là riêng tám người chúng tôi làm sinh nhật mừng cậu.
Bảo Ngọc vui mừng nói:
- Họ lấy đâu ra tiền? Không nên bảo họ góp mới phải.
Tình Văn nói:
- Họ không có tiền, thì chúng tôi có tiền à? Đó là bụng tốt của mọi người, dù là tiền ăn cắp đâu ra cũng nên nhận cho họ mới phải.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị nói phải đấy.
Tập Nhân cười nói:
- Ngày nào không được người ta nói nặng mấy câu thì cậu không chịu yên.
Tình Văn cười nói:
- Chị cũng học được thói xấu rồi đấy, cứ hay giở cái lối đâm bị thóc chọc bị gạo!
Nói xong mọi người đều cười.
Bảo Ngọc nói:
- Đóng cửa đi thôi.
Tập Nhân cười nói:
- Không trách người ta bảo cậu “không có việc lại hay bận”. Đóng cửa từ giờ, người ta lại ngờ đấy. Hãy chịu khó chờ một tý nữa.
Bảo Ngọc gật đầu nói: 
- Tôi đi dạo chơi một lúc. Con Tư đi múc nước vắng, Xuân Yến sẽ theo tôi.
Bảo Ngọc ra ngoài thấy không có ai, liền hỏi đến việc con Năm, Xuân Yến nói:
- Tôi đã bảo thím Liễu rồi, thím ấy mừng lắm, nhưng đêm nọ con Nam bị oan, bực quá đâm ốm, chưa đến được. Chờ khi nào khỏi sẽ hay.
Bảo Ngọc nghe nói, đâm ra hối hận thở dài, lại hỏi:
- Việc này chị Tập Nhân có biết không?
- Tôi không nói với chị ấy, chẳng biết chị Phương Quan có nói hay không?
- Tôi cũng chưa nói gì với chị ấy cả. 
- Thôi, để tôi bảo chị ấy là xong.
Nói xong, Xuân Yến chạy về giả cách rửa tay.
Đến lúc lên đèn, nghe ngoài sân có một toán người. Nhìn qua cửa sổ, thấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn lũ đàn bà coi việc đi đến. Một người đi trước cầm đèn lồng. Tình Văn khẽ cười nói:
- Họ đi tuần tra những người canh đêm đấy. Chờ họ ra là chúng ta đóng cửa thôi.
Những người canh đêm ở Viện Di Hồng đều ra đón cả.
Vợ Lâm Chi Hiếu xem xét cẩn thận rồi dặn:
- Không được bạc bài, chè rượu rồi ngả ra hè ngủ đến trời sáng bảnh mới dậy. Tôi biết sẽ không tha đâu.
- Chúng tôi đâu dám cả gan như thế.
- Cậu Bảo đã đi ngủ chưa?
- Chúng tôi không biết.
Tập Nhân vội đẩy Bảo Ngọc. Bảo Ngọc đi giày ra cửa đón, cười nói:
- Tôi chưa đi ngủ. Bà hãy vào chơi.
Lại gọi Tập Nhân đi pha nước. Vợ Lâm Chi Hiếu đi vào cười nói:
- Cậu chưa đi ngủ à? Dạo này ngày dài đêm ngắn, cậu nên đi ngủ ngay để ngày mai dậy sớm; nếu dậy trưa người ta sẽ cười cho. Họ bảo không phải cậu ấm đi học, mà là hạng người đi gánh thuê.
- Bà nói phải đấy. Hôm nào tôi cũng đi ngủ sớm. Mọi khi bà đến, tôi đã đi ngủ rồi, nên không biết gì cả. Hôm nay vì ăn miến, sợ không tiêu, nên phải thức chơi một lúc.
Vợ Lâm Chi Hiếu quay lại nói với bọn Tập Nhân:
- Nên pha trà Phổ Nhị cho cậu ấy uống.
- Đã pha một ấm trà Nữ Nhi cho cậu ấy uống hai chén rồi. Có sẵn đây, mời bà xơi một chén.
Nói xong, Tình Văn pha trà mang đến. Vợ Lâm Chi  Hiếu đứng dậy cầm lấy, cười nói:
- Gần đây tôi xem ra cậu Hai đã đổi cả cách xưng hô,  trước mặt các cô, lại gọi tên người ta ra thế. Tuy ở trong nhà, nhưng đều là người của cụ và bà Hai. Cậu cũng nên ăn nói dè chừng mới phải. Một đôi khi lỡ miệng nói lầm thì được chứ quen mồm gọi tràn, sợ sau này anh em con cháu bắt chước, người ta sẽ cười cho. Họ lại bảo con cháu nhà này không coi bậc tôn trưởng ra gì cả.
Bảo Ngọc cười:
- Bà nói phải đấy. Chẳng qua tôi gọi nhầm một đôi khi đấy thôi.
Tập Nhân, Tình văn đều cười nói:
- Không nên trách oan cậu ấy. Từ trước đến giờ, cậu ấy vẫn luôn miệng gọi là chị, chẳng qua trong những lúc vui đùa với nhau, thỉnh thoảng cậu ấy mới gọi tên thôi. Nhưng có người lạ, cậu ấy vẫn gọi như trước.
Vợ Lâm Chi Hiếu cười nói:
- Thế mới là người đi học biết lễ phép chứ! Càng khiêm tốn bao nhiêu, người ta càng trọng mình bấy nhiêu. Không kể những người ở đã lâu đời, ngay những người của cụ và bà Hai sai sang hầu, hay cả từ con mèo con chó của người, cậu cũng không nên khinh rẻ. Thế mới là cách ăn ở của cậu ấm đã được ăn học chứ.
Bà ta uống nước, rồi nói:
- Thôi mời cậu đi ngủ, chúng tôi đi đây.
Bảo Ngọc nói:
- Bà hãy ngồi chơi đã.
Vợ Lâm Chi Hiếu đã dẫn mọi người đi tuần tra chỗ khác.
Bọn Tình Văn ra bảo đóng cửa, rồi đi vào cười nói:
- Cái bà này đã uống rượu ở đâu, ăn nói ba hoa, lại còn lên giọng dạy chúng mình một trận.
Xạ Nguyệt cười nói:
- Bà ta có phải tốt bụng gì đâu? Chẳng qua nhắc nhở để ngăn ngừa trước những chuyện lầm lỗi lớn đấy thôi.
Nói xong, đi dọn rượu.
Tập Nhân bảo:
- Không cần bày bàn cao. Chúng ta cứ đem cái bàn tròn kiểu hoa lê đặt lên trên giường, vừa rộng, lại vừa tiện.
Mọi người cùng khiêng bàn đến, Xạ Nguyệt và con Tư, dùng hai khay lớn, mang các thứ quả đến bốn, năm lần mới hết. Hai bà già ở bên ngoài hâm rượu.
Bảo Ngọc nói:
- Giời nực, chúng ta cởi áo ngoài ra mới được.
Mọi người cười nói:
- Cậu muốn cởi cứ cởi, chứ chúng tôi còn phải thay phiên nhau mời rượu kia.
Bảo Ngọc cười nói:
- Nếu mời rượu thì đến canh năm mới xong. Tôi rất ghét cái lối ấy. Đối với người lạ, bất đắc đĩ mới phải theo. Bây giờ làm phiền tôi như thế thì mất thú.
Mọi người đều nói:
- Thôi cũng nghe cậu.
Ai nấy chưa vào ngồi hãy đi cởi áo ngoài và tháo bỏ đồ trang sức, đầu búi tóc trần, mình mặc áo lót. Bảo Ngọc chỉ mặc một cái áo cánh lụa đỏ, quần lót lụa xanh, ống quần buông xỏa, thắt một cái dây lưng, dựa vào cái gối lụa thêu hoa hồng và hoa thước dược, rồi cùng đánh toan với Phương Quan. Phương Quan cứ kêu nóng, chỉ mặc cái áo lót kẻ ô bằng đoạn ba màu, thắt một cái dây lưng màu lá liễu, dưới mặc cái quần lót màu thủy hồng cải hoa, cũng buông tỏa ống; trước trán tết một búi tóc nhỏ lên tận đỉnh đầu, lại tết một cái đuôi sam vắt ra đằng sau gáy; tai bên phải giắt một viên ngọc to bằng hạt gạo, tai bên trái đeo một cái khuyên vàng đỏ chói to bằng quả mận; rõ ràng mặt trắng như trăng hôm rằm, mắt trong hơn nước mùa thu. Mọi người thấy vậy cười nói:
- Hai người này trông như là anh em sinh đôi vậy.
Tập Nhân đến rót rượu nói: 
- Lát nữa hãy đánh toan. Tuy không mời rượu, nhưng chúng ta mỗi người phải tự uống một chén đã.
Tập Nhân cầm chén uống trước, theo thứ tự, ai cũng uống hết, rồi đều ngồi quây cả xuống. Xuân Yến và con Tư vì không ngồi được cạnh giường, liền ngồi vào hai cái đòn lót đệm gấm ở gần đó. Bốn mươi đĩa sứ Định Châu màu trắng, to bằng đĩa trà, đều đựng những thứ quả khô và tươi cùng sơn hào hải vị, hoặc ở trong nước, hoặc ở nước ngoài.
Bảo Ngọc nói:
- Chúng ta nên làm tửu lệnh cho vui.
Tập Nhân nói: 
- Nhưng phải nhã một tý mới được, đừng hét ầm lên để người ta nghe thấy, vả chăng chúng tôi không biết chữ, cũng không nên nói văn chương nhiều quá. 
Xạ Nguyệt cười nói:
- Thôi lấy hột xúc xắc ta gieo chơi.
Bảo Ngọc nói:
- Chẳng có thú gì, không thích. Chúng ta chơi cách rút tên hoa thì hơn.
Tình Văn cười nói:
- Phải đấy. Tôi đã nghĩ đến cái lối chơi như thế rồi.
Tập Nhân nói:
- Chơi thế vui thật, nhưng ít người quá không thú.
Xuân Yến cười nói:
- Cứ ý tôi khẽ lại mời cô Bảo, cô Vân, cô Lâm sang chơi một lúc, đến canh hai về ngủ cũng chưa muộn.
Tập Nhân nói:
- Lại phải mở cửa, đóng cửa ầm lên, nhỡ gặp bọn đi tuần đêm hỏi.
Bảo Ngọc nói:
- Sợ gì? Cô Ba cũng biết uống rượu đấy. Mời cô ấy một tiếng mới phải. Và cả cô Cầm nữa.
Mọi người đều nói: 
- Thôi đừng mời cô Cầm, cô ấy ở nhà mợ Cả, rồi lại làm to chuyện lên.
 Bảo Ngọc nói:
- Sợ cái gì? Các cô cứ đi mời sang đây.
 Xuân Yến, con Tư không nói câu gì. Nó mở cửa dẫn bọn hầu nhỏ chia nhau đi mời. Tình Văn, Xạ Nguyệt và Tập Nhân lại nói:
- Hai cô ấy đi mời chưa chắc họ đã chịu đến, để chúng tôi đi sống chết cũng kéo họ lại cho được.
Tập Nhân, Tình Văn sai lũ bà già cầm đèn lồng đi. Quả nhiên Bảo Thoa thì nói: “Đêm khuya rồi”. Đại Ngọc thì nói: “Người không được khỏe”. Nhưng hai người cứ nằn nì nói: “Thế nào cũng xin nể mặt chúng tôi, đến ngồi chơi một lúc rồi về ngay”. Mọi người nghe nói, đều lấy làm vui thích. Trước không định mời Lý Hoàn, nhưng họ nghĩ, nhỡ ra chị ấy biết lại không ra làm sao, liền sai Thúy Mặc cùng đi với Xuân Yến cố đến mời Lý Hoàn và Bảo Cầm. Mọi người đều lần lượt đến cả. Tập Nhân lại cố kéo Hương Lăng đến. Trên giường bày thêm một cái bàn nữa rồi mới vào ngồi.
Bảo Ngọc vội nói:
- Em Lâm chắc sợ lạnh, sang ngồi dựa cạnh vách này.
Rồi đem đến một cái nệm dựa lót vào phía sau. Bọn Tập Nhân lấy ghế ngồi tiếp ở cạnh giường. Đại Ngọc ngồi dựa vào nệm, cách bàn hơi xa, cười nói với bọn Bảo Thoa, Lý Hoàn và Thám Xuân:
- Chị em thường vẫn nói, người ta đêm hay đánh bạc  uống rượu. Hôm nay chúng ta lại như thế này, liệu còn bảo ai được nữa!
Lý Hoàn nói:
- Có hại gì đâu? Trong một năm chỉ có ngày sinh nhật,  chứ có phải đêm nào cũng như thế đâu, chẳng đáng ngại lắm.
Tình Văn mang đến một cái ống thẻ bằng trúc chạm, trong đựng những thẻ bằng ngà có khắc tên hoa, xóc đi xóc lại, đem để ở giữa. Lại lấy quân xúc xắc ra bỏ vào trong hộp, xóc một cái mở ra xem, vừa đúng sáu chấm, tính đến Bảo Thoa. Bảo Thoa cười nói:
- Tôi rút trước, chẳng biết rút được cái gì đây!
Nói xong, xóc ống, rút ra một cái thẻ, mọi người xem, thấy vẽ một cành hoa mẫu đơn, có đề bốn chữ “Hơn hẳn trăm hoa”. Phía dưới có khắc mấy chữ nhỏ là một câu thơ Đường: “Dù chẳng tình gì, người cũng cảm”. Lại chua thêm: “Cả bàn tiệc mừng một chén. Vì là đứng đầu các thứ hoa, nên được tùy ý mình bảo ai đọc mừng một bài thơ từ hay khúc hát cho vui”.
Mọi người đều cười nói:
- Khéo quá! Cô thực đáng là hoa mẫu đơn.
Mỗi người đều mừng một chén. Bảo Thoa uống xong, cười nói:
- Cô Phương Quan hát một câu cho chúng tôi nghe nào.
Phương Quan nói:
- Đã thế thì mỗi người hãy uống trước một chén để nghe cho vui.
Mọi người đều uống. Phương Quan hát: “Tiệc thọ bày đây phong cảnh đẹp”... Mọi người đều nói: “Bỏ câu ấy đi! Bây giờ không cần cô đến chúc thọ. Chọn bài nào hay nhất thì hát”.
Phương Quan đành phải khẽ hát một câu ở hài “Thưởng hoa thì”:
Cánh tiên cắp chổi thướt tha,
Gót sen đủng đỉnh, quét hoa cửa trời…
Bảo Ngọc cứ cầm lấy cái thẻ, miệng đọc đi đọc lại: “Dù chẳng tình gì, người cũng cảm”. Nghe hát xong, Bảo Ngọc vẫn nhìn vào Phương Quan không nói gì. Tương Vân giật lấy cái thẻ đưa cho Bảo Thoa. Bảo Thoa lại gieo được một quân mười sáu điểm, tính đến lượtThám Xuân.
Thám Xuân cười nói:
- Không biết rút được cái gì đây?
Rồi lấy ra một cái thẻ, xem xong vứt ngay lên bàn, đỏ mặt cười nói.
- Không nên chơi cái lệnh này. Đó là cái lệnh của bọn đàn ông thường chơi ở ngoài, có nhiều câu nói nhảm.
Không ai hiểu ra sao cả. Bọn Tập Nhân vội nhặt lấy thẻ đưa cho mọi người xem, thấy mặt trên vẽ một cành hoa hạnh, viết bốn chữ đỏ “Tiên phẩm đền Dao”. Mặt sau có đề câu thơ: “Tựa mây hồng hạnh giồng bên mặt trời”. Lại chua thêm: “Ai rút được thẻ này, tất lấy được chồng sang. Mọi người mừng một chén rồi cùng uống một chén”.
Mọi người cười nói:
- Chúng tôi tưởng là cái gì kia chứ, thẻ này cốt để bày trò cười ở trong khuê các, chỉ có vài ba cái là có những câu thế này thôi, còn thì không nói nhảm cả. Thế có hại gì? Nhà chúng ta đã có vị vương phi rồi. Có lẽ cô lại sẽ là vương phi cũng chưa biết chừng? Đáng mừng! Đáng mừng!
Nói xong mọi người lại đưa rượu mừng. Thám Xuân không chịu uống. Sau bị Tương Vân, Hương Lăng, Lý Hoàn ép mãi mới uống một chén. Thám Xuân nói:
- Bỏ cái tửu lệnh này đi, chơi cái khác thôi.
Mọi người nhất định không nghe. Tương Vân cầm lấy tay Thám Xuân bắt gieo được điểm mười chín, tính đến lượt Lý Hoàn.
Lý Hoàn xóc ống, rút thẻ ra xem, cười nói:
- Hay lắm! Chị em xem mấy chữ này, rất có ý nghĩa.
Mọi người cầm thẻ xem, thấy vẽ một cành mai già, viết bốn chữ “Vóc đựng sương mai”. Mặt sau đề một câu thơ cổ: “Nhà tranh giậu trúc nhưng lòng vẫn vui”. Lại chua thêm: “Tự mình uống một chén, người ngồi dưới gieo xúc xắc”. 
Lý Hoàn cười nói:
- Rất là thú! Các cô cứ gieo đi. Tôi tự uống một chén, dở hay mặc các cô.
Nói xong uống chén rượu, đưa xúc xắc cho Đại Ngọc. Đại Ngọc gieo được số mười tám điểm, tính đến tượt Tương Vân.
Tương Vân cười, xoa tay xắn áo rút ra một cái thẻ. Mọi người xem, thấy cành hải đường, có đề bốn chữ “Mộng thơm say tít”. Mặt sau có đề một câu thơ: “Chỉ sợ đêm khuya hoa ngủ mất”.
Đại Ngọc cười nói:
- Hai chữ “đêm khuya” nên đối là “đá lạnh” thì hay hơn.
Mọi người biết Đại Ngọc nói chọc Tương Vân say rượu ngủ trên hòn đá giữa ban ngày, đều cười ầm lên. Tương Vân cười chỉ cho Đại Ngọc xem cái thuyền rồi nói:
- Thôi xuống cái thuyền này mà đi về nhà, đừng nói nhảm nữa.
Mọi người đều cười. Lại xem thấy lời chú: “Đã gọi là “mộng thơm say tít” thì người nào rút được thẻ này không nên uống rượu, chỉ để cho người ngồi trên, ngồi dưới, mỗi người uống một chén thôi”.
Tương Vân vỗ tay cười nói:
- A di đà Phật! Thẻ này hay quá!
Vừa đúng Đại Ngọc ngồi trên. Bảo Ngọc ngồi dưới hai người rót hai chén rượu, đành phải uống vậy. Bảo Ngọc uống được nửa chén, thấy không ai nhìn đến, liền đưa cho Phương Quan. Phương Quan cầm lấy, ngửa mặt lên uống hết. Đại Ngọc giả vờ nói chuyện với người khác, rồi đổ hết rượu vào trong ống nhổ.
Tương Vân lấy xúc xắc gieo được chín điểm, đếm số đến lượt Xạ Nguyệt. Xạ Nguyệt rút một cái thẻ, mọi người xem thấy một cành hoa đồ mi, có đề bốn chữ “Cảnh xuân đẹp tuyệt”. Lại có một câu thơ cổ: “Hoa đồ mi nở là ngày xuân đi”. Lại có chua thêm: “Mỗi người trong tiệc uống ba chén tiễn xuân”.
Xạ Nguyệt hỏi:
- Nói thế nào?
Bảo Ngọc cau mày, giấu thẻ đi, nói:
- Thôi, chúng ta cứ uống rượu đi.
Mọi người uống đủ ba nhấp thay cho ba chén.
Xạ Nguyệt gieo được mười điểm, đếm số đến lượt Hương Lăng. Hương Lăng rút được một cái thẻ vẽ cành hoa “tịnh đế” có đề bốn chữ “Điềm xuân liên tiếp”. Mặt sau có một câu thơ cổ: “Liền cành hoa nọ vừa đua nở”. Lại chua thêm: “Cùng mừng người rút uống ba chén, sau đó mọi người đều uống một chén”.
Hương Lăng lại gieo được sáu điểm, tính đến lượt Đại Ngọc. Đại Ngọc nghĩ thầm: “Không biết còn thẻ gì hay nữa!” Rồi rút được một thẻ vẽ một cành hoa phù dung, có đề bốn chữ “sương gió buồn tênh”. Mặt sau có một câu thơ cổ: “Thương mình nào dám giận gì gió đông”. Lại chua thêm “Tự uống một chén, hoa mẫu đơn uống tiếp một chén”.
Mọi người cười nói:
- Hay quá! Trừ cô ấy ra, không còn có ai đáng làm hoa phù dung nữa.
Đại Ngọc cũng cười thầm, uống một chén, rồi gieo được mười hai điểm, tính đến lượt Tập Nhân.
Tập Nhân rút ra một cái thẻ vẽ cành hoa đào, đề bốn chữ “Phong cảnh Vũ Lăng”. Mặt sau có đề một câu thơ cổ: “Hoa đào lại báo một mùa xuân sang”. Lại chua thêm: “Hoa hạnh uống tiếp một chén, người nào cùng tuổi hay cùng họ đều uống tiếp một chén”.
Mọi người cười nói:
- Lần này nhộn nhịp quá, rất vui.
Tính tất cả thì Hương Lăng, Tình Văn và Bảo Thoa đều cùng tuổi với Tập Nhân, Đại Ngọc thì đẻ cùng giờ, nhưng không có người nào cùng họ.
Phương Quan vội nói:
- Tôi cũng họ Hoa, để tôi uống tiếp với chị ấy một chén.
Rồi mọi người đều rót rượu uống.
Đại Ngọc cười bảo Thám Xuân:
- Có số lấy được chồng sang. Cô là hoa hạnh phải uống đi để cho chúng tôi cùng uống.
Thám Xuân cười nói:
- Nói gì thế! Chị Cả tiện tay tát cho nó một cái!
Lý Hoàn cười nói:
- Người ta đã không lấy được chồng sang, lại còn bị đánh, tôi không nỡ đâu. 
Mọi người đều cười.
Tập Nhân đương định gieo, chợt có người gọi cửa, bọn bà già ra hỏi thì té ra Tiết phu nhân sai người sang đón Đại Ngọc về. Mọi người hỏi:
- Canh mấy rồi?
Có người nói: “Quá canh hai. Đồng hồ đã điểm 11 tiếng”.
Bảo Ngọc không tin, bảo mang đồng hồ đến xem, thì đã quá giờ tý. Đại Ngọc đứng dậy nói:
- Tôi không thể ngồi nán được nữa, còn phải về uống thuốc.
Mọi người đều nói:
- Cũng nên về cả thôi.
Bọn Tập Nhân, Bảo Ngọc còn muốn giữ lại, nhưng Lý Hoàn, Thám Xuân đều nói:
- Đêm đã khuya, thế này cũng quá lắm rồi.
Tập Nhân nói:
- Đã thế mỗi người uống thêm một chén nữa rồi hãy về.
Bọn Tình Văn vội rót đầy chén, mọi người uống rồi, đều sai thắp đèn đi về.
Bọn Tập Nhân tiễn họ đến bờ sông đình Thấm Phương, mới quay về, đóng cửa lại, đánh đố rượu. Tập Nhân rót mấy chén to, lấy mấy thứ ăn, đưa cho các bà già hầu ở đấy ăn uống. Ai cũng ngà ngà say, vừa đánh toan vừa hát. Bấy giờ đã đến canh tư, các bà già vừa ăn thật, vừa ăn vụng, vò rượu hết sạch. Mọi người thấy thế, mới thu dọn rửa ráy đi ngủ.
Phương Quan uống nhiều quá, mặt đỏ dừ, đầu mày cuối mắt, càng nhìn càng xinh. Nó cố gượng không đứng dậy được, liền nằm ngả vào người Tập Nhân, nói:
- Chị ơi! Bụng tôi cồn cào quá!
- Ai bảo mày cứ nốc cho lắm vào!
Xuân Yến và con Tư cũng say mềm, đi ngủ cả rồi. Tình Văn thì cứ kêu mãi. Bảo Ngọc nói:
- Đừng kêu nữa, chúng ta cứ nằm bừa ra đây mà ngủ.
Nói xong, gối đầu vào cái gối thơm màu đỏ, nằm ngả ra ngủ ngay. Tập Nhân thấy Phương Quan say quá, sợ nó bị nôn, bèn khẽ nâng nó dậy, đặt nằm ngủ cạnh Bảo Ngọc, còn mình sang nằm ngủ ở cái giường trước mặt. Mọi người ngủ say không biết trời đất gì cả.
Tập Nhân choàng mắt dậy, trời đã sáng bạch, nói:
- Muộn mất rồi!
Trông sang giường trước mặt, thấy Phương Quan gối đầu vào thành giường, vẫn ngủ say, vội gọi nó dậy. Bảo Ngọc cũng giở mình tỉnh dậy, cười nói:
- Muộn mất rồi!
Bèn lay Phương Quan. Phương Quan ngồi dậy giật mình dụi mắt.
Tập Nhân cười nói:
- Rõ không biết xấu hổ! Say rượu không biết đi tìm chỗ ngủ, lại nằm lăn ra đấy.
Phương Quan nhìn ra mới biết là mình nằm cũng giường với Bảo Ngọc, xấu hổ tụt xuống đất cười nói:
- Tôi ăn uống ra làm sao lại chẳng biết gì cả.
Bảo Ngọc cười nới:
- Tôi cũng không biết gì; nếu biết đã bôi mực vào mặt cô rồi.
Bọn a hoàn lên hầu rửa mặt chải đầu. Bảo Ngọc cười nói:
- Hôm qua làm phiền các chị, tối nay tôi xin giả tiệc.
Tập Nhân cười nói:
- Thôi, thôi! Hôm nay đừng quấy nữa, nếu còn quấy thì người ta sẽ nói cho đấy.
Bảo Ngọc nói: 
- Sợ cái gì! Chẳng qua mới có hai lần thôi. Chúng ta kể cũng uống được rượu đấy. Thế nào lại uống hết cả một vò kia à? Tiếc đương lúc vui rượu lại hết!
Tập Nhân cười nói:
- Uống vừa vừa thế mới thú, chứ uống quá lại mất vui. Hôm qua hứng lên, Tình Văn cũng không biết xấu hổ nữa. Tôi nhớ nó còn hát một bài gì đó?
Con Tư cười nói:
- Chị quên rồi, chị cũng có hát một bài đấy! Trong tiệc rượu ai mà chẳng hát? 
Mọi người nghe nói, đều đỏ mặt, lấy tay bưng mặt cười rũ rượi.
Chợt Bình Nhi cười hì hì chạy đến, nói:
- Hôm nay tôi thân đến mời trả lại những người dự tiệc hôm qua, thiếu một vị cũng không được.
Mọi người mời chị ta ngồi uống nước. Tình Văn cười nói:
- Tiếc rằng hôm qua không có chị!
Bình Nhi vội hỏi:
- Tối hôm qua các chị làm trò gì?
Tập Nhân nói:
- Không thể kể hết với chị được. Hôm qua vui nhộn lạ thường, dù những ngày cụ và bà Hai cho mọi người đi dự tiệc cũng không vui bằng. Cả một vò rượu cũng nốc sạch. Ai cũng say không biết xấu hổ, lại còn hát nữa cơ. Đến quá canh tư mới nằm ngổn ngang ra ngủ.
Bình Nhi cười nói:
- Giỏi nhỉ! Chỉ biết lấy rượu lại không mời tôi, còn kể ra để trêu tức người ta!
Tình Văn nói:
- Chiều nay hắn mời trả lại, thế nào cũng sang mời chị, chị hãy chờ đấy.
Bình Nhi cười hỏi: 
- Hắn là ai? Ai là hắn?
Tình Văn nghe nói, đỏ bừng mặt lên, chạy lại đánh, cười nói:
- Chị thính tai quá, nghe rõ thế!
Bình Nhi cười nói:
- Con ranh này không biết xấu hổ! Bây giờ đương bận đây không nói chuyện với cô vội! Tôi đi có việc, lúc về sẽ cho người lại mời. Người nào không đến tôi vào tận nhà kéo cổ bắt đi!
Bảo Ngọc vội giữ lại, nhưng Bình Nhi đã đi rồi. Bảo Ngọc tắm gội xong, đương uống nước, nhìn dưới nghiên mực có một tờ giấy, liền nói:
- Các chị cứ để bừa bãi thế này không được đâu.
Tập Nhân và Tình Văn vội hỏi:
-  Lại cái gì đấy? Chắc có ai làm điều gì không đúng rồi?
Bảo Ngọc trỏ tay nói:
- Dưới cái nghiên kia là cái gì? Chắc là miếng giấy mẫu của cô nào bỏ quên không cất. 
  Tình Văn vội nhấc cái nghiên ra, thấy một tờ thiếp, đưa cho Bảo Ngọc xem, một tờ giấy hoa tiên màu phấn hồng, có viết: “Người ngoài cửa là Diệu Ngọc kính chúc ngày sinh nhật”. Bảo Ngọc xem xong, nhảy lên hỏi:
- Ai nhận được giấy này lại không cho tôi biết?
Tập Nhân và Tình Văn thấy thế, tưởng là cái thiếp của người nào quan hệ đưa đến có việc gì, liền cùng hỏi:
- Hôm qua ai nhận được cái thiếp này?
Con Tư vội chạy đến cười nói:
- Hôm qua cô Diệu Ngọc sai bà già đưa đến, chứ cô ấy không đến đây. Tôi để ở đấy, không ngờ uống rượu say quên mất.
Mọi người đều nói:
- Cứ tưởng là ai, đâm ra nhớn nhác như thế! Chứ biết của người ấy thì đáng kể gì.
Bảo Ngọc liền sai:
- Mang giấy đến đây.
Trong khi sắp giấy mài mực, nhìn thiếp, thấy Diệu Ngọc viết ba chữ “người ngoài cửa”. Bảo Ngọc cầm bút nghĩ mãi không biết dùng chữ gì để đáp lại được. Lúc lâu vẫn chưa biết viết chữ gì. Liền nghĩ: “Nếu đi hỏi Bảo Thoa, chắc cô ấy lại trách mình là gàn dở, chi bằng đi hỏi Đại Ngọc”. Bèn bỏ thiếp vào tay áo, chạy đến tìm Đại Ngọc. Vừa đến đình Thấm Phương, thấy Tụ Yên thướt tha đi đến. Bảo Ngọc hỏi:
- Chị đi đâu đấy?
- Tôi đến thăm Diệu Ngọc đây.
Bảo Ngọc lấy làm lạ nói:
- Cô ấy khó tính, không hợp với đời, không coi ai ra gì cả. Vậy mà cô ấy lại quý trọng chị! Thế mới biết chị không phải là hạng tục như chúng tôi! 
Tụ Yên cười nói:
- Chưa chắc cô ấy thực bụng quý trọng tôi, nhưng chúng tôi đã ở gần nhau hàng mười năm trời, chỉ cách nhau có một cái tường thôi. Cô ấy tu ở chùa Bàn Hương, nhà tôi vốn nghèo, phải thuê một gian buồng ở trong chùa ấy suốt mười năm. Lúc rỗi tôi thường đến chơi với cô ấy. Tôi biết ít chữ cũng là nhờ cô ấy dạy cho cả. Tôi đối với cô ấy đã là bạn chơi lúc nghèo hèn, lại có tình thầy trò nữa. Khi chúng tôi đi đến nhà cô tôi, có nghe nói cô ấy không hợp với đời, bọn quyền thế không ưa, nên phải đến ở đây. May sao chúng tôi lại gặp nhau, tình cũ vẫn chưa thay đổi, cô ấy đối với tôi mối tình lại hơn ngày trước.
Bảo Ngọc nghe vậy, choáng tai lên, mừng nói:
- Không trách được, cách ăn nói đi đứng của chị như là hạc nội mây ngàn. Té ra là có lai lịch. Tôi đương băn khoăn vì một việc của cô ấy, định đi hỏi người khác. May được gặp chị, thực là duyên trời đem lại, nhờ chị bảo giúp cho.
Nói xong cầm thiếp đưa cho Tụ Yên xem. Tụ Yên cười nói:
- Tính nết cô này chẳng đổi tí nào, vẫn giữ cái thói ngông gàn kỳ quặc. Xưa nay chưa thấy ai viết thiếp mà lại đề biệt hiệu. Thực đúng như tục ngữ nói: “Sư không phải sư, tục không phải tục, gái không phải gái, trai không phải trai”, chẳng ra nghĩa lý gì cả!
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị không biết, cô ấy không phải là người trong đám trần tục, mà là đứng ngoài cuộc đời, vì thấy tôi cũng hiểu biết một đôi chút, nên mới đưa đến cái thiếp này. Tôi không biết hàng chữ gì để trả lời cho phải, nghĩ mãi không ra, đương định đi tìm cô Lâm, may sao lại gặp chị.
Tụ Yên nghe vậy, đưa mắt ngắm nghía Bảo Ngọc một lúc, cười bảo:
- Tục ngữ nói: “Tai nghe không bằng mắt thấy”, không trách được Diệu Ngọc lại đưa cái thiếp này cho cậu, cũng không trách được năm ngoái cô ấy cho cậu cành hoa mai. Đã vậy tôi xin nói rõ đầu đuôi câu chuyện cho cậu nghe. Cô ấy thường nói: người xưa từ đời Hán, Tấn, Ngũ Đại, Đường, Tống đến nay, chẳng có bài thơ nào hay, chỉ có hai câu dưới đây là hay thôi:
Cửa sắt nghìn năm dầu vững chắc,
Đốt bùn một nắm cũng chôn vùi.
Vì thế cô ấy tự xưng là “người ngoài cửa”. Lại thường khen: Văn của Trang Từ là hay nhất, nên cũng tự xưng là “kỳ nhân”. Nếu trong thiếp cô ấy xưng kỳ nhân” tức cho mình là người kỳ quặc, thì cậu nên khiêm tốn xưng “thế nhân”, tức là người nhiều tục lụy, như vậy cô ấy sẽ thích. Nhưng bây giờ, cô ấy lại xưng là “người ngoài cửa”, nghĩa là cô ấy đứng ở ngoài cửa sắt, thì cậu nên xưng là “người trong cửa”, tất sẽ hợp ý cô ấy.
Bảo Ngọc nghe xong tỉnh ngộ ngay, liền “úi chà” một tiếng, rồi cười nói:
- Thảo nào chùa nhà tôi đặt tên là “Thiết Hạm”, tức là “cửa sắt”, té ra như thế đấy! Xin chị cứ đi, để tôi về nhà viết thiếp trả lời.
Bảo Ngọc về nhà viết thiếp, ngoài đề mấy chữ “Người trong cửa là Bảo Ngọc kính cẩn bái tạ”, tự mình mang thiếp đến am Lũng Thúy, từ ngoài khe cửa đưa qua rồi về.(1) 
Xong bữa cơm, Bình Nhi mời đãi tiệc, lại bày mấy mâm rượu, hoa quả trong Du Ấm đường, vì cho vườn Hồng Hương nóng lắm, Vưu thị cũng đem theo hai người nàng hầu là Bội Phượng, Giai Loan đến chơi ngắm cảnh. Hai người nàng hầu này cũng là bọn con gái trẻ tuổi láu lỉnh không hay đến đấy. Nay vào vườn gặp bọn Tương Vân, Hương Lăng, Phương Quan, Nhụy Quan thực là “người họp theo loại, vật chia theo đàn”, hai câu nói ấy quả không sai. Thấy mọi người cười đùa, người này không nghĩ gì đến Vưu thị có mặt ở đó, cứ để mặc cho đám a hoàn phục dịch, rồi chơi đùa khắp nơi.
Bây giờ họ đều đã ở trong Du Ấm đường, mượn tiếng uống rượu, mọi người chơi đùa, bảo các cô xẩm đánh trống. Bình Nhi ngắt một cành thược dược, tất cả độ hai mươi người, chuyền tay cành hoa làm tửu lệnh, vui đùa với nhau một lúc. Khi đó có người vào trình:
- Bên nhà họ Chân cho hai người đàn bà đem lễ đến.
Thám Xuân, Lý Hoàn và Vưu thị cùng ra tiếp ở nhà khách.
Mọi người trong nhà đều ra ngoài chơi, Bội Phượng và Giai Loan đi ra đánh đu, Bảo Ngọc nói:
- Hai cô cứ trèo lên, để tôi đẩy cho.
Bội Phượng cuống lên, nói:
- Thôi, đừng quấy rối chúng tôi nữa!
Chợt thấy mấy người bên phủ Đông hớt hải chạy đến nói:
- Ông(2) đã quy tiên rồi.
Mọi người giật mình nói: 
- Lạ nhỉ, chẳng thấy ốm đau gì, sao lại mất ngay!
Người nhà nói:
 - Ngày nào ông cũng tu luyện, chắc là thành quả tên tiên.
Vưu thị thấy thế, nghĩ ngay bố con Giả Trân và Giả Liễn không có ai ở nhà. Lại không có một người đàn ông nào lo lắng cho mình, nên cũng không khỏi bối rối. Chị ta vội bỏ ngay đồ trang sức, sai người đến quán Huyền Chân giam tất cả bọn đạo sĩ lại, chờ Giả Trân về xét hỏi; một mặt vội lên xe, dẫn bọn vợ Lai Thăng và những người hầu già trong nhà đi ra ngoài thành. Lại mời thầy thuốc đến xem chết vì bệnh gì. Thầy thuốc thấy người đã chết rồi, còn bắt mạch vào đâu được nữa. Họ vốn biết thuật “đạo khí” của Giả Kính rất là hão huyền, đến cả những việc lễ sao, giữ giờ, uống linh sa, nhiều sự nhảm nhí hư tổn tinh thần, hại cả đến tính mệnh. Nay ông ta đã chết, bụng cứng như sắt, mật và môi sém nứt cả ra. Các thầy thuốc bảo bọn bà già:
- Đó là do ông nuốt vàng, uống linh sa, theo phép đạo, đâm ra chảy ruột chương bụng mà chết.
Các đạo sĩ sợ quá nói:
- Đó là vì ông nuốt đan sa theo phép bí truyền mới, đến nỗi bị hại. Bọn tiểu đạo chúng tôi thường khuyên: “Công tu luyện chưa đến ngày thì không nên uống”. Không ngờ hôm nay vào lúc giữa giờ, người lẻn đi uống, liền quy tiên ngay. Việc ấy là do thành tâm đắc đạo, ra ngoài bể khổ, thoát khỏi thể xác đấy.
Vưu thị cũng không nghe, cứ bảo giam họ lại, rồi sai người cưỡi ngựa đi báo tin. Thấy trong quán chật hẹp không để được áo quan và cũng không thể rước vào thành được, Vưu thị cho chết mặc quần áo cẩn thận, đặt vào kiệu êm đưa về để ở chùa Thiết Hạm. Bấm đốt ngón tay sớm nhất cũng phải nửa tháng nữa Giả Trân mới về đến nhà, hiện giờ trời đương nồng nực, không thể chờ được. Vưu thị liền đứng lên lo liệu, bảo thầy cúng chọn ngày khâm liệm. Áo quan thì sắp sẵn từ lâu, đã để sẵn ở chùa này, nên cũng rất tiện. Sau ba ngày sẽ phát tang và đặt đàn làm chay.
Phượng Thư ở bên phủ Vinh ốm, nên không đi được. Lý Hoàn phải trông nom bọn chị em, Bảo Ngọc chẳng biết việc gì cả, nên công việc bên ngoài đành phải tạm giao cho mấy người quản lý hạng nhì. Bọn Giả Thiên, Giả Quang, Giả Hành, Giả Anh, Giả Xương, Giả Lăng mỗi người giữ một việc. Vưu thị không về nhà được, liền mời kế mẫu của mình đến phủ Ninh trông nom hộ. Bà kế mẫu đem theo hai người con gái chưa có chồng đến ở cả đấy, mới yên lòng.
Được tin cha chết, Giả Trân xin phép nghỉ. Giả Dung cùng là một viên chức. Bộ Lễ thấy nhà vua coi trọng đạo hiếu, nên không dám tự quyết, phải tâu lên xin ý chỉ. Nhà vua là bậc nhân hiếu hơn trời, trọng đãi dòng dõi những bậc công thần, tiếp được sớ tâu liền xuống chiếu hỏi Giả Kính giữ chức gì? Bộ Lễ tâu: “Giả Kính là tiến sĩ xuất thân, còn quan chức của ông ta đã phong ấm cho con là Giả Trân rồi. Giả Kính tuổi cao nhiều bệnh, thường tịnh dưỡng ở quán Huyền Chân ngoài đô thành, nay bị ốm chết ở đó. Con là Trân, cháu là Dung, nhân có quốc tang, đều chực hầu ở đây cả, nên mới xin phép về khâm liệm”.
Nhà vua nghe nói, đặc cách xuống chiếu chỉ: “Giả Kính tuy không có công gì với nước, nhưng nghĩ đến lòng trung thành của ông cha, truy tặng cho hàm ngũ phẩm, cho phép con cháu đem linh cữu qua cửa Bắc vào đô thành, được khâm liệm ở nhà riêng. Con cháu phát tang, làm lễ xong rồi, rước linh cữu về quê quán. Lại truyền cho Quang Lộc tự chiếu lệ đến tế. Trong triều từ Vương công trở xuống cho phép đến tế riêng. Phải theo chỉ thi hành”.
 Chỉ vua vừa xuống, không những người nhà phủ Giả tạ ơn, mà cả bậc đại thần trong triều cũng không ngớt lời reo mừng ca tụng.
Cha con Giả Trân ngày đêm lật đật trở về. Giữa đường thấy Giả Thiên, Giả Quang cưỡi ngựa dẫn người nhà đi đến. Trông thấy Giả Trân, họ đều xuống ngựa chào hỏi.
Giả Trân hỏi:
- Đi làm gì thế?
Giả Thiên trình:
- Chị Cả sợ anh và cháu về trước rồi, cụ đi đường không có người trông nom, nên bảo hai chúng tôi đến đây để hộ tống.
Giả Trân nghe thấy nói thế, khen ngợi không ngớt. Lại hỏi: “Ở nhà lo liệu ra sao rồi?”
Giả Thiên kể lại việc giam bọn đạo sĩ; việc rước cữu về gia miếu, lại sợ trong nhà không có người trông nom, nên đã mời bà thông gia cùng hai dì đến lo liệu giúp. Lúc đó Giả Dung xuống ngựa, nghe thấy hai dì đến ở nhà mình, nét mặt tươi cười hớn hở. Giả Trân khen luôn miệng: “Thu xếp ổn đấy!” Rồi ra roi chạy liền, suốt đêm thay đổi ngựa để phóng về không nghỉ lại ở trạm nào cả.
Hôm sau đến cửa thành, Giả Trân đi thẳng vào chùa Thiết Hạm. Bấy giờ đã canh tư, người gác nghe thấy, liền gọi mọi người đậy. Giả Trân xuống ngựa cùng Giả Dung khóc ầm lên, từ cửa ngoài, quỳ đi vào đến trước cữu, đập đầu khóc lóc thảm thiết cho đến sáng; khóc khản tiếng mới thôi. Bọn Vưu thị đều ra chào. Cha con Giả Trân vội mặc đồ tang, đến trước cữu quỳ lạy. Đứng trước công việc, Giả Trân không thể nhắm mắt bịt tai được, đành phải nén bớt nỗi đau thương, tự mình cắt đặt mọi người. Rồi hắn kể lại việc ân chỉ nhà vua cho họ hàng bạn hữu nghe, lại sai Giả Dung về nhà lo liệu việc quàn cữu.
Giả Dung lập tức cưỡi ngựa về nhà, sai người thu dọn bàn ghế, bỏ vách chắn đi, treo màn tang, trước cửa dựng nhà tang. Rồi vội vàng chạy vào chào bà ngoại và hai dì. Bà Vưu tuổi già hay ngủ, cứ nằm luôn; dì Hai và dì Ba đương làm việc với bọn a hoàn, thấy hắn vào, đều tỏ lời chia buồn.
Giả Dung trông thấy dì Hai, hì hì cười nói:
- Dì Hai, dì đã sang đấy à? Cha tôi đang mong dì đấy.
Dì Hai đỏ mặt lên mắng:
- Thằng ranh con này! Cứ vài hôm tao không mắng là mày không chịu được, càng ngày càng tệ, chẳng giữ thể thống gì cả! Mày là một vị công tử nhà đại gia, ngày nào cũng đọc sách học lễ, thế mà không bằng con nhà ti tiện!
Nói xong, tiện tay cầm cái bàn là đánh vào đầu Giả Dung. Hắn vờ làm bộ run sợ, ôm đầu lăn xả vào lòng dì Hai xin tha tội. Dì Ba quay mặt đi, nói:
- Chờ chị về sẽ mách cho nó!
Giả Dung cười, quỳ xuống giường xin tha tội, làm cho cả hai người cười ồ lên. Giả Dung lại vồ nắm sa nhân của dì Hai để ăn. Dì Hai nhai bã sa nhân đầy mồm nhổ toẹt vào mặt, hắn thè lưỡi liếm hết. Bọn a hoàn thấy trái mắt, đều cười, nói:
- Cậu vừa có tang, bà ngoại lại mới ngủ. Hai cô tuy trẻ tuổi nhưng đều là bậc dì. Cậu không coi bà ra gì à! Khi ông về bà sẽ mách, liệu cậu chạy đằng nào cho thoát!
Giả Dung buông dì hắn ra, ôm lấy a hoàn hôn, nói:
- Em ơi! Em nói phải đấy. Chúng ta buông hai dì ấy ra!
Bọn a hoàn giận quá, đẩy hắn ra, mắng:
- Anh đốn kiếp này! Anh đã có vợ và a hoàn, lại còn chòng ghẹo chúng tôi! Người biết ra cho là đùa, người không biết hay những hạng người thối bụng, thối dạ, thích ngồi rồi mách lẻo, vắng mặt nói xấu, sẽ đồn đại sang phủ bên kia, cho là bên này chúng ta hay bậy bạ.
Giả Dung cười nói:
- Đèn nhà ai rạng nhà ấy, ai còn hơi đâu lo chuyện nhà người. Từ xưa đến nay, dù nhà Hán, nhà Đường, người ta cũng còn chê là “Đường dở, Hán thối” nữa là nhà chúng ta. Nhà nào mà chẳng có chuyện phong lưu? Đừng để tôi phải nói ra. Ngay ông Cả phủ bên kia cũng là tay đáo để, thế mà chú Liễn dám tằng tịu với dì bé đấy! Thím Phượng đanh đá như thế mà chú Thụy còn hòng gạ gẫm! Có việc gì giấu được tôi đâu!
Giả Dung cứ nói huênh hoang bậy bạ, dì Ba sa sầm mặt, bước xuống giường, vào nhà trong đánh thức bà già Vưu dậy.
Giả Dung thấy bà ngoại dậy rồi, liền vào chào hỏi, nói:
- Làm bà phải bận lòng, lại làm hai dì phải vất vả, cha con cháu rất là cảm động! Để khi xong việc cả nhà cháu sẽ sang tạ ơn bà.
Bà già Vưu gật đầu nói:
- Cháu ơi, cháu khéo nói lắm! Chỗ thân thuộc thì phải thế chứ.
Lại hỏi:
- Cha cháu có mạnh khỏe không? Biết tin bao giờ mà về ngay thế?
Giả Dung cười, nói:
- Cũng vừa mới về. Cha cháu bảo cháu về thăm bà, nhờ bà trông nom hộ việc nhà cho, khi xong việc bà hãy về.
Nói xong hắn lại nháy mắt nhìn dì Hai. Dì Hai khẽ nghiến răng mắng:
- Thằng ranh con lém lỉnh này! Giữ chúng tao ở đây để làm mẹ bố mày à?
Giả Dung lại nói với bà ngoại:
- Xin bà cứ yên tâm. Cha cháu ngày nào cũng nghĩ đến hai dì, muốn kén hai người con nhà giàu sang, vừa trẻ vừa đẹp để gả hai dì. Thế mà mấy năm nay vẫn chưa kén được. May sao hôm nọ đi đường mới tìm được một người vừa mắt.  
Bà già Vưu tưởng thực hỏi:
- Con nhà ai đấy?
Dì Hai bỏ việc, vừa cười, vừa chạy đến đánh, nói:
- Mẹ ơi, đừng nghe thằng trời đánh ấy.
Bọn a hoàn đều nói: 
- Ông trời có mắt, liệu coi chừng đấy.
Chợt có người vào thưa:
- Mọi việc xong cả, mời cậu ra xem rồi đi trình ông.
Giả Dung cười hì hì đi ra.
-------------------------
(1). Trong nguyên bản, chỗ này còn thêm một đoạn: Bảo Ngọc cho Phương Quan ăn mặc giả trai và đổi tên là Hung Nô, sau lại đổi thành tên Thổ Phồn là “Da luật hùng nô”. Mọi người thấy vậy cũng mến, liền cho Quỳ Quan, Đậu Quan cũng ăn mặc giả trai và đổi tên… Nhưng các bản Hồng lâu mộng khác đều lược đi. Chúng tôi thấy đoạn này không cần thiết lắm, nên cũng không dịch thêm nữa.
(2). Tức Giả Kính.


Hồi 64:
Gái buồn rầu đề thơ ngũ mỹ;
Trai lẳng lơ tặng ngọc cửu long.

Giả Dung thấy mọi việc thu xếp đã ổn, liền chạy đến chùa trình với Giả Trân. Ngay đêm đó, các người coi việc được cắt đặt, các thứ cần dùng được sắp sẵn như cờ phướn để chọn đến giờ mão ngày mồng bốn là rước linh cữu vào thành; mặt khác cho người đi báo tang các nhà bạn bè thân thích. Hôm ấy đám ma linh đình, khách khứa tấp nập, từ chùa Thiết Hạm đến phủ Ninh, đứng xem ở hai bên đường kể có mấy vạn người. Trong đám, có người than thở; có người khen ngợi; lại có bọn thầy đồ dở hơi, bảo là “lễ nên tiết kiệm hơn là xa xỉ, tang nên thương xót hơn là linh đình”. Trên đường mỗi người bàn mỗi cách. Đến khoảng giờ mùi, giờ thân mới rước linh cữu vào gian giữa. Tế viếng xong, bạn bè dần dần ra về, chỉ còn những người trong họ ở lại tiếp khách. Bà con gần chỉ có ông cậu họ Hình ở lại chưa về.
Giả Trân, Giả Dung bị lễ pháp ràng buộc, cũng phải nằm cỏ, gối đất ở cạnh linh cữu, buồn rầu chịu tang. Nhưng khi vắng người, họ lại lẻn vào trong nhà dan díu với hai dì. Bảo Ngọc ngày nào cũng mặc đồ tang sang phủ Ninh, đến chiều vắng người mới về trong vườn. Phượng Thư tuy người chưa được khỏe, không đến luôn được, nhưng gặp những ngày lập đàn tụng kinh hay bạn bè đến tế viếng, cũng cố gượng đến giúp đỡ công việc cho Vưu thị.
Một hôm, cúng cơm sớm xong, vì ngày dài, Giả Trân mấy ngày nhọc mệt, phải nằm chợp mắt ở cạnh linh cữu. Bảo Ngọc thấy không có khách, muốn về nhà thăm Đại Ngọc, liền đi về viện Di Hồng. Vào đến cửa, thấy trong nhà vắng tanh, có mấy bà già và a hoàn nhỏ ngồi hóng mát ở ngoài hiên, có người nằm ngủ, có người ngủ gật. Bảo Ngọc cũng không muốn gọi họ dậy. Chỉ có con Tư trông thấy vội chạy đến vén rèm. Ngay lúc ấy Phương Quan từ trong nhà cười chạy ra, suýt nữa đâm sầm vào Bảo Ngọc. Vừa trông thấy Bảo Ngọc, Phương Quan mỉm cười đứng lại hỏi:
- Sao cậu lại về? Cậu cản ngay chị Tình Văn lại cho tôi. Chị ấy định đánh tôi đấy!
Nói chưa dứt lời, thấy trong nhà có tiếng loảng xoảng, không biết là vỡ cái gì. Sau thấy Tình Văn chạy đến mắng ầm lên:
- Tao xem con ranh con này chạy đến đâu nào? Thua mà lại không cho đánh à? Cậu Bảo không ở nhà, tao xem ai cứu mày?
Bảo Ngọc vội ngăn lại cười nói:
- Em chị còn bé, không biết có lỗi gì với chị, thôi hãy  nể tôi tha cho nó!
Tình Văn không ngờ Bảo Ngọc đã về, trông thấy bật cười, nói:
- Phương Quan là con yêu tinh hiện ra đấy! Dù nó biết phù phép hô thần, sai tướng cũng không nhanh được như thế!
Lại cười nói:
- Mày có hô thần về đây tao cũng không sợ! 
Tình Văn liền giằng tay định túm lấy Phương Quan, nhưng nó đã luồn ra đằng sau, ôm lấy Báo Ngọc. Bảo Ngọc một tay nắm lấy Tình Văn, một tay giữ Phương Quan. Lúc đi vào thấy Xạ Nguyệt, Thu Văn, Bích Ngân, Xuân Yến đương ngồi đánh chắt ở giường bên tây, ai được thì ăn hạt dưa. Vì Phương Quan thua Tình Văn, không chịu cho đánh và bỏ chạy, Tình Văn chạy đuổi theo Phương Quan, nên những hòn chắt trong người đều rơi xuống đất.
Bảo Ngọc cười nói:
- Ngày dài thế này, tôi phải đi vắng, sợ các chị buồn, nếu ăn xong đi ngủ ngay sẽ sinh bệnh. Bây giờ các chị bày ra trò chơi này để tiêu khiển thì hay lắm.
Không thấy Tập Nhân đâu, Bảo Ngọc hỏi:
- Chị Tập Nhân đi đâu?
Tình Văn nói:
- Chị ấy à? Đạo mạo lắm rồi, đương ngồi “nhập định” ở trong nhà đấy. Từ nãy đến giở, chúng tôi không vào, không biết chị ấy làm cái gì, chẳng nghe tăm hơi gì cả. Cậu vào mà xem, hay là đã “ngộ đạo” rồi cũng chưa biết chừng.
Bảo Ngọc nghe nói, vừa cười chạy vào trong nhà, thấy Tập Nhân đương ngồi ở giường trước cửa sổ, tay còn tết một sợi dây đen. Thấy Bảo Ngọc vào, liền đứng dậy cười nói:
- Con Tình Văn đã đơm đặt gì tôi đấy? Vì tôi phải tết vội cho xong cái dây này, không có thì giờ đi chơi phiếm với họ, nên nói dối là các chị cứ chơi đi, được lúc cậu Hai đi vắng, tôi muốn ngồi dưỡng thần ở trong này một lúc. Thế mà nó lại lem lém cái mồm những “nhập định” và “ngộ đạo” gì gì ấy. Để lúc nữa tôi sẽ xé miệng nó ra mới được!
Bảo Ngọc cười, ngồi sát vào Tập Nhân xem tết dây, rồi hỏi:
- Ngày dài thế này, chị cũng nên nghỉ ngơi, hay là chơi đùa với họ, nếu không cũng nên sang thăm cô Lâm. Trời nóng thế mà ngồi tết cái này, chị định để làm gì đấy?
Tập Nhân nói:
- Tôi thấy cái dây quạt cậu đeo vẫn là cái dây tết từ ngày có đám tang mợ Dung bên phủ Đông năm trước. Chỉ người trong họ hoặc bạn thân có tang vào mùa hạ mới đeo cái dây xanh kia, tình cờ gặp việc thì một năm đeo một vài lần thôi, chứ lúc thường không cần đeo. Bây giờ bên phủ ấy lại có việc, cậu ngày nào cũng phải sang, nên tôi mới tết vội cái khác cho cậu đeo. Tết xong sẽ đem thay cái cũ. Cậu thì không hay để ý đến việc này, nhưng sợ khi cụ về trông thấy, lại bảo là chúng tôi lười nhác, đến cả những thứ mặc, thứ đeo của cậu cũng không để ý đến.
Bảo Ngọc cười nói:
- Thật chị nghĩ chu đáo quá. Nhưng cũng không nên vội, nếu chị cảm nóng lại ra to việc.
Nói xong Phương Quan bưng đến một chén trà mới ngâm ở trong nước lạnh ra. Vì Bảo Ngọc người vốn yếu, mùa hè cũng không dám dùng nước đá, chỉ lấy nước giếng mới múc lên, đem ngâm cả ấm nước trà vào trong chậu, cứ thế thay đổi để cho có hơi mát thôi. Bảo Ngọc cầm lấy chén nước ở tay Phương Quan uống một nửa rồi quay lại bảo Tập Nhân:
- Khi tôi về đã dặn Bồi Dính, nếu bên anh Trân có khách sang đến viếng, phải về báo tôi ngay. Không có việc gì cần, tôi sẽ không sang nữa.
Nói xong ra khỏi buồng, quay lại bảo bọn Bích Ngân:
- Có việc gì, sang bên cô Lâm tìm tôi.
Bảo Ngọc đi thẳng đến quán Tiêu Tương thăm Đại Ngọc.
Khi gần đến cầu Thấm Phương, thấy Tuyết Nhạn dẫn hai bà già mang theo củ ấu, ngó sen và mấy quả dưa, Bảo Ngọc hỏi Tuyết Nhạn:
- Xưa nay cô Lâm không ăn những thứ mát bao giờ, mang dưa ấu ấy về làm gì? Hay là định mời mợ nào, cô nào đấy?
Tuyết Nhạn cười nói:
- Tôi nói cho cậu nghe, nhưng cậu không được kể lại với cô tôi.
Bảo Ngọc gật đầu nhận lời.
Tuyết Nhạn bảo hai hà già:
- Mang những thứ dưa ấu này đi trước, giao cho chị Tử Quyên, nếu chị ấy hỏi, thì bà bảo tôi còn bận một tý, rồi về ngay.
Bà già nhận lời đi. Tuyết Nhạn mới nói:
- Hai hôm nay cô tôi mới thấy người dễ chịu. Hôm nay ăn xong, cô Ba đến rủ đi thăm mợ Hai, cô tôi không đi. Sau không thiết nghĩ đến việc gì, ngồi khóc một lúc, rồi cầm bút viết khá nhiều, không biết là thơ hay từ. Lúc sai tôi đi lấy dưa lấy ấu lại thấy sai chị Tử Quyên cất những thứ ở trên cái bàn nhỏ trong nhà đi, đem bàn bày ra phía ngoài. Rồi lại sai bày cái đỉnh Long Văn lên bàn, chờ khi mang dưa ấu về sẽ dùng. Nếu bảo là để mời khách, thì không lẽ lại bày lư hương ra trước. Nếu bảo là để thắp hương thì trong nhà cô tôi xưa nay trừ những khi có hoa quả mới ra, cũng vẫn không thích xông quần áo. Dù có thắp hương cũng phải thắp ở nơi mình thường nằm ngồi chứ. Chẳng lẽ vì các bà già nặng hơi, sặc sụa cả nhà mà phải đốt hương xông để át mùi đi hay sao? Rút cục chính tôi cũng chẳng hiểu tại sao cả. Cậu Hai thử đến mà xem.
 Bảo Ngọc nghe xong, tự nhiên cúi đầu, trong lòng  ngẫm nghĩ: “Cứ theo như lời Tuyết Nhạn, chắc có duyên cớ gì đây. Nếu có chị em nào đến chơi, cũng không cần phải bày biện như thế. Hay là gặp ngày giỗ chú, giỗ cô nào cũng nên? Nhưng mình vẫn nhớ hàng năm đến ngày giỗ ấy, cụ vẫn sai làm cỗ bàn riêng, mang sang cho cô Lâm làm lễ. Những ngày đó thì đã qua rồi. Có lẽ giờ là tháng bảy, mùa có dưa ấu và sen, nhà nào cũng ra mộ làm lễ cúng mùa thu, chắc cô Lâm trong lòng cảm động, nên đặt lễ riêng ở trong nhà, theo ý sách lễ ký “đến mùa xuân mùa thu thì dâng lễ vật trong mùa ấy” cũng chưa biết chừng. Bây giờ ta đến ngay, thấy cô ấy thương cảm, tất phải hết sức khuyên ngăn, sợ cô ấy trong bụng buồn rầu uất ức; không đến lại sợ cô ấy thương cảm quá không có người khuyên ngăn. Cả hai đều có thể làm cho cô ấy sinh ốm. Chi bằng hãy đến thăm chị Phượng, ngồi một lúc rồi về. Nếu thấy cô Lâm thương cảm, sẽ nghĩ cách khuyên giải. Như thế đã không để cho cô ấy đau khổ quá mà lại được hả nỗi đau thương ít nhiều, cũng không đến nỗi đau buồn thành bệnh.
Bảo Ngọc nghĩ xong, cáo từ Tuyết Nhạn, ra ngoài cửa vườn, đi thẳng đến nhà Phượng Thư. Bấy giờ nhiều bà già đến trình việc xong, lần lượt ra về. Phượng Thư đương đứng dựa cửa nói chuyện với Bình Nhi.  
Trông thấy Bảo Ngọc, Phượng Thư cười nói:
- Chú đã về đây à? Tôi vừa dặn vợ Lâm Chi Hiếu, sai người đến bảo đứa hầu của chú, nếu không có việc gì thì mời chú về nhà nghỉ. Bên ấy đông người, chú chịu sao được những hơi hướng ấy? Không ngờ chú đã về rồi. 
- Cám ơn chị nghĩ đến em. Vì hôm nay em rỗi việc, lại thấy hai ngày vừa rồi chị không sang phủ bên kia, không biết chị đã khỏi hẳn chưa, nên đến thăm chị. 
- Bệnh chị nó cứ lằng nhằng thế thôi, ba ngày khỏe lại hai ngày ốm. Nhân lúc cụ và bà Hai đi vắng, các bà già không người nào chịu yên phận cả. Ngày nào không đánh nhau cũng cãi nhau, và đã xảy ra hai ha việc cờ bạc trộm cắp rồi đấy! Tuy cô Ba có giúp việc, nhưng lại là một cô gái chưa chồng, có việc nói cho cô ấy biết, cũng có việc không thể cho cô ấy biết, đành phải cố gượng làm lấy vậy. Không được một lúc nào trong bụng yên ổn! Đừng nói mong khỏi bệnh, chỉ mong đừng ốm thêm là được rồi. 
- Tuy chị nói thế, nhưng chị cũng nên giữ gìn sức khỏe đừng lo nghĩ nhiều.
Rồi lại nói mấy câu chuyện phiếm, mới cáo từ Phượng  Thư, đi về trong  vườn. Khi đến cửa quán Tiêu Tương, thấy khói hương nghi ngút, rượu lễ sặc mùi. Tử Quyên đương đứng trông cho người thu dọn bàn và đồ lễ. Bảo Ngọc biết là đã lễ xong, liền chạy vào trong nhà, thấy Đại Ngọc nằm ngoảnh mặt vào trong, người mệt lử đi, có dáng khó chịu lắm. Tử Quyên vội nói:
- Cậu Bảo đã đến đấy.
Đại Ngọc mới uể oải ngồi dậy, mỉm cười mời Bảo Ngọc ngồi.
Bảo Ngọc hỏi:
- Mấy hôm nay em đã khỏe chưa! Thần sắc xem cũng tỉnh táo đấy, nhưng tại sao lại thương cảm như thế?
- Sao anh lại nói như vậy! Tự nhiên vô cớ khi nào em lại thương cảm?
- Mặt em hãy còn ngấn nước mắt, sao lại nói dối anh thế? Vì anh nghĩ, thường ngày em vốn là người lắm bệnh, việc gì cũng nên bỏ qua, đừng buồn rầu vô ích. Nếu cứ hủy hoại thân thể như thế, làm cho anh...
Vừa nói đến đấy, thấy khó nói được nữa, liền ngừng lại. Vì Báo Ngọc và Đại Ngọc tuy từ bé đến lớn cùng ở một chỗ với nhau, tính tính cũng hợp nhau, lại muốn sống chết cùng nhau, điều này chỉ biết riêng trong bụng, chưa từng nói hẳn ra mặt. Xưa nay Đại Ngọc tính hay chấp nhặt, nhỡ mình hấp tấp  nói nhầm câu gì sợ lại mang lỗi với cô ta. Hôm nay cốt đến để khyên giải, không ngờ lại nói hấp tấp quá, thành ra không nói được nữa, trong bụng bối rối, lại sợ Đại Ngọc giận. Rồi lại nghĩ bụng, mình cốt cho Đại Ngọc được vui, vì thế lại đâm buồn rầu, ứa nước mắt ra.
 Lúc đầu Đại Ngọc giận Bảo Ngọc nói không biết cân nhắc, nhưng trông thấy quang cảnh ấy, lòng cũng cảm động, và xưa nay tính vẫn hay khóc, nên bây giờ cũng lại nhìn nhau mà khóc.
Tử Quyên bưng nước đến, trong bụng đoán hai người này lại có chuyện gì cãi nhau đây, liền nói:
- Cô tôi vừa mới hơi đỡ, cậu Bảo lại đến trêu tức rồi. Lại vì chuyện gì như thế?
Bảo Ngọc lau nước mắt, cười nói:
- Ai dám trêu tức cô em?
Rồi đứng dậy dạo chơi, bỗng thấy dưới nghiên lòi ra một mảnh giấy, liền giơ tay cầm lấy. Đại Ngọc định đứng dậy giật lại, nhưng Bảo Ngọc đã giấu vào trong người, cười nói:
- Em ơi, để cho anh xem đã!
- Chẳng cứ cái gì, hễ đến là lục bừa ra!
Đại Ngọc vừa nói dứt lời, thì Bảo Thoa chạy đến cười nói:
- Cậu Bảo định xem cái gì đấy!
Bảo Ngọc chưa nhìn thấy trong giấy viết những gì, lại không biết bụng Đại Ngọc thế nào, nên không dám hấp tấp trả lời, chỉ nhìn Đại Ngọc mà cười. Đại Ngọc vừa mời Bảo Thoa ngồi, vừa cười nói:
- Tôi từng xem trong sử chép những người con gái có tài, có sắc mà cảnh ngộ suốt đời có nhiều điều làm cho người ta đáng vui, đáng khen, đáng thương, đáng tiếc. Hôm nay ăn cơm xong, rỗi việc, muốn chọn ra mấy người làm mấy bài thơ nhảm để bày tỏ nỗi lòng, vừa hay cô Thám lại đến rủ tôi đi thăm chị Phượng, nhưng tôi thấy người uể oải, không đi với cô ấy. Vừa làm xong được năm bài thơ, mệt quá vứt ra đấy, không ngờ anh Bảo đến trông thấy. Thực ra thì cho anh ấy xem cũng chẳng sao, nhưng tôi chỉ sợ anh ấy lại viết cho người ngoài xem thôi.
Bảo Ngọc vội nói:
- Tôi đã đưa cho ai xem bao giờ đâu. Hôm nọ vì tôi thích mấy bài thơ “Bạch hải đường”, nên có viết theo lối chân phương vào cái quạt, cốt để cầm luôn  tay xem cho tiện. Tôi lại không biết bút tích thi từ trong khuê các không được tự tiện đem truyền ra ngoài. Từ khi em bảo tôi, không bao giờ tôi mang quạt ra ngoài vườn nữa.
Bảo Thoa nói:
- Cô Lâm nghĩ thế cũng phải. Cậu đã viết vào quạt, lỡ quên đi, mang để ở ngoài thư phòng, các ông nhà nho trông thấy, lẽ nào họ không hỏi ai làm? Lỡ họ đồn đại ra ngoài lại càng không hay. Người xưa nói: “Con gái không có tài ấy là đức” đấy! Con gái cần phải lấy trinh tĩnh làm chủ, nữ công cũng chỉ là việc cần thiết thứ hai. Còn như thi từ, chẳng qua là để chơi đùa trong khuê các, biết cũng được mà không biết cũng được. Chúng tôi là con gái trong những nhà thế này, không cần đến tiếng khen ngợi tài hoa ấy.
Rồi lại cười nói với Đại Ngọc: 
- Cô cứ cho tôi xem không hại gì, chỉ không để cho cậu Bảo mang ra ngoài là được rồi.
Đại Ngọc cười nói:
- Chị đã nói thế, thì chính chị cũng không nên xem nữa.
Rồi trỏ vào Bảo Ngọc cười nói:
- Anh ấy đã cướp đi mất rồi.
Bảo Ngọc nghe nói, lấy ở trong người ra một tờ giấy, đến cạnh Bảo Thoa cùng xem, thấy viết:
TÂY THI(1)
Trôi theo hoa sóng ngán cho đời,
Luống để vua Ngô nhớ thiếp hoài.
Đừng bảo Đông Thi nhăn mặt vụng,
Bạc đầu mà vẫn giặt bên khơi.
NGU CƠ(2)
Gió thét chim kêu ruột rối ghê,
Nhìn ai buồn hát khúc “ngu hề”.
Kình, Bành(3) sau chịu thân làm mắm,
Thua kẻ trong màn tuốt kiếm kia.
MINH PHI(4)
Người tiên ra khỏi Hán cung,
Mỏng manh là kiếp má hồng xưa nay.
Quân vương dù rẻ thân này,
Trọng khinh thợ vẽ hỏi bay quyền gì?
LỤC CHÂU(5)
Hạt châu viên ngói quăng bừa,
Thạch Lang nào biết đẹp là gì đâu?
Cũng vì nợ trước duyên sau,
Kiếp này sống thác cùng nhau đỡ buồn.
HỒNG PHẤT(6)
Chống gươm tỏ vẻ anh hùng,
Mắt xanh biết kẻ đường cùng là ai?
Già Dương thoi thóp cầm hơi,
Dây nào mà buộc được người anh thư?
Bảo Ngọc xem xong, khen không dứt lời, nói:
- Thơ của em vừa đúng năm bài, sao không đặt tên là “Ngũ mỹ ngâm”?(7)
Rồi không chờ nói lại, Bảo Ngọc cầm bút viết ngay đằng sau. Bảo Thoa cũng nói:
- Làm thơ không kể là đầu bài gì, cốt khéo lật lại cái ý của cổ nhân là được. Nếu cứ theo dấu vết người trước mà làm, dù chữ có hay, câu có khéo thế nào đi nữa, cũng là kém, không gọi thơ hay được. Người xưa có rất nhiều thơ vịnh Chiêu Quân, có bài thương tiếc Chiêu Quân, có hài oán trách Mao Diên Thọ(8), lại có người chê vua Hán không cho thợ vẽ bầy tôi hiền, lại đi vẽ các mỹ nhân. Mỗi người mỗi ý, không ai giống ai. Sau Vương Kinh Công(9) lại có một câu: “Thần thái xưa nay ai vẽ nổi, giết Mao Diên Thọ cũng là oan”. Âu Dương Vĩnh Thúc(10) lại có câu: “Tai nghe mắt thấy còn như thế, muôn dặm ngăn sao được rợ Hồ”. Hai câu thơ này đều do ý sâu sắc của mình, không giống với người khác. Năm bài của cô Lâm cũng có thể gọi là dùng ý mới lạ, mở riêng ra một lối khác vậy.
Bảo Thoa còn muốn nói nữa, thì có người vào trình:
- Cậu Liễn đã về. Nghe người ngoài nói cậu ấy sang phủ Đông đã lâu rồi, chắc sẽ về đấy.
Bảo Ngọc nghe nói, đứng ngay dậy, ra cửa ngoài chờ đón, vừa gặp Giả Liễn từ ngoài xuống ngựa đi vào. Bảo Ngọc ra trước vái chào, trước hết hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu và Vương phu nhân, sau mới hỏi thăm Giả Liễn. Hai người dắt tay nhau đi vào. Bọn Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Thoa, Đại Ngọc, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân đương đứng chờ ở nhà giữa. Mọi người chào hỏi nhau xong. Giả Liễn nói:
- Sáng sớm mai cụ về đến nhà. Đi đường người vẫn được mạnh khỏe. Hôm nay người sai tôi về thăm nhà trước. Sớm mai, canh năm tôi phải ra ngoài thành đón người.
Nói xong mọi người lại hỏi qua tình hình đi đường. Vì Giả Liễn đi xa mới về, mọi người đều cáo từ lui ra, để hắn về nhà nghỉ.
Vào khoảng bữa cơm sáng hôm sau, Giả mẫu, Vương phu nhân về đến nhà. Mọi người đến chào hỏi, ngồi một lúc, uống trà. Giả mẫu dẫn bọn Vương phu nhân sang bên phủ Ninh. Tới nơi, nghe bên trong tiếng khóc vang trời, đó là tiếng Giả Xá, Giả Liễn. Khi đưa Giả mẫu về đến nhà rồi, họ sang ngay bên này. Giả mẫu vào đến nhà, Giả Xá, Giả Liễn đã dẫn những người trong họ khóc lóc ra đón. Hai bố con mỗi người một bên, dìu Giả mẫu đi đến trước linh cữu. Giả Trân, Giả Dung quỳ xuống, gục vào lòng Giả mẫu khóc ầm lên. Giả mẫu tuổi già, thấy quang cảnh ấy cũng ôm lấy Giả Trân, Giả Dung khóc mãi. Giả Xá, Giả Liễn đứng  bên cạnh khuyên ngăn, mới chịu thôi. Vòng sang bên hữu linh cữu, thấy Vưu thị và nàng dâu, lại khóc to lên một hồi. Khóc xong, mọi người mới đứng lên hỏi thăm sức khỏe.
Giả Liễn thấy Giả mẫu mới về, chưa được nghỉ ngơi, sợ ngồi mãi đấy, sẽ không khỏi thương tâm, liền khuyên can hai ba lần, Giả mẫu bất đắc dĩ mới chịu về nhà. Vì người già không chịu nổi phong sương và lòng thương xót, quả nhiên đến đêm Giả mẫu thấy nhức đầu đau bụng, ngạt mũi nặng tiếng, vội mời thầy thuốc đến xem mạch bốc thuốc, chạy cuống lên mất đúng một ngày và nửa đêm. May sao phát tán ngay được, bệnh chưa nhiễm sâu vào người, đến canh ba ra ít  mồ hôi, mạch lắng xuống, người mát hẳn, cả nhà mới yên tâm. Hôm sau vẫn còn phải uống thuốc.     
Mấy hôm sau, đến ngày đưa ma Giả Kính. Giả mẫu chưa khỏi hẳn, nên giữ Bảo Ngọc ở  nhà hầu. Phượng Thư vì chưa được mạnh cũng không đi. Giả Xá, Giả Liễn, Hình phu nhân và Vương phu nhân dẫn người  nhà và bọn đàn bà theo hầu đi đưa đám đến chùa Thiết Hạm, chiều tối mới về. Giả Trân, Vưu thị cùng Giả Dung ở lại chùa túc trực. Qua một trăm ngày mới rước linh cữu về nguyên quán. Mọi việc trong nhà vẫn nhờ già Vưu, dì Hai và dì Ba trông nom hộ.        
Giả Liễn ngày thường vẫn nghe tiếng chị em họ Vưu, nhưng chưa có dịp được gặp. Gần đây, vì linh cữu Giả Kính để ở trong nhà, nên ngày nào hắn cũng gặp chị em họ. Nhìn nhau quen mặt trong bụng đâm ra thèm thuồng.Vả chăng ngày thường nghe cha con Giả Trân, Giả Dung vẫn có tiếng xấu hỗn dâm,  vì thế Giả Liễn muốn nhờ dịp tìm cách khêu gợi  đưa tình. Dì Ba biết vậy cứ lờ như không, riêng dì Hai lại có ý lưu luyến, chỉ vì người đông, tai  mắt nhiều, nên chưa tiện dịp giở trò. Giả Liễn lại sợ Giả Trân ghen, chưa dám làm liều. Hai người cứ ngấm ngầm hiểu ý nhau thôi.  
Từ khi rước linh cữu đi, trong nhà Giả Trân vắng người làm, chỉ có già Vưu, dì Hai, dì Ba cùng a hoàn và bọn bà già để sai vặt thôi, còn bao nhiêu tì thiếp đều đến chùa hầu hạ cả. Bọn đầy tớ đàn bà bên ngoài đêm đi tuần, ngày canh cửa, không có việc gì không vào đến nhà trong. Giả Liễn định nhân dịp ấy giở trò. Hắn mượn tiếng đến cùng ở với Giả Trân, rồi cũng vào nghỉ trong chùa, nhưng lại thường hay về trông nom đỡ việc nhà cho Giả Trân, thỉnh thoảng lại đến phủ Ninh gạ gẫm dì Hai.
Một hôm tên quản gia là Du Lộc đến trình Giả Trân:
- Món tiền chi việc bắc rạp, vải tang và may áo xanh cho người khênh đòn, cộng tất cả là 1.110 lạng bạc, đã trả được 500 lạng, còn thiếu 610 lạng nữa. Hôm nọ người bán hàng ở hai nơi đều đến đòi, con đến hỏi ông truyền bảo thế nào?
- Mày cứ đến kho mà lĩnh, việc gì phải hỏi ta nữa?
- Hôm nọ con đã đến kho lĩnh, nhưng từ khi cụ nhà mất, các nơi chi phí rất nhiều, lại phải để dành làm chay một trăm ngày và chi tiêu các việc trong miếu. Hiện giờ không có tiền chi ra, vì thế con phải đến hỏi ông. Hoặc tạm trích kho trong nhà ra, hoặc mượn món nào, xin ông truyền cho, con mới dám làm.
- Mày cứ tưởng lúc nào ta cũng sẵn tiền không tiêu như ngày trước hay sao. Thôi mày vay đâu được để trả cho người ta thì vay.
- Nếu một vài trăm con có thể lo liệu được, chứ những năm, sáu trăm thì con lấy đâu ra.
Giả Trân nghĩ một lúc rồi bảo Giả Dung:
- Đi hỏi mẹ mày xem, hôm nọ khi rước cữu, có nhà họ Chân ở Giang Nam đem đến viếng 500 lạng, chưa giao vào kho, nên về nhà gom góp thêm nữa rồi đưa cho nó mang đi trả.
Giả Dung vâng lời, chạy vào trong nhà trình Vưu thị, sau đó quay ra trình với Giả Trân:
- Món tiền ấy hôm nọ đã tiêu mất 200 lạng, còn lại 300 lạng, mẹ con đã sai người mang về nhà đưa cho bà giữ rồi.
Giả Trân nói:
- Đã thế, mày dẫn nó về nhà hỏi bà lấy tiền đó giao cho nó. Rồi xem nhà có việc gì không, và hỏi thăm sức khỏe hai dì mày. Còn thiếu bao nhiêu, Du Lộc sẽ vay tạm bù vào.
Giả Dung và Du Lộc vâng lời, định đi ra. Thấy Giả  Liễn đi vào, Du Lộc vội đến chào, Giả Liễn hỏi: “Có việc gì?” Giả Trân kể lại cho nghe. Giả Liễn nghĩ bụng: “Nhân dịp này ta có thể về phủ Ninh lần đến với dì Hai được”. Liền nói:
- Đáng là mấy mà phải đi vay. Hôm nọ em vừa lấy được món tiền, chưa tiêu đến, chi bằng đưa cho nó thêm vào đấy, lại không đỡ việc hay sao?
- Như thế rất tốt, chú dặn cháu Dung bảo nó đi lấy một thể.
- Món tiền này em phải tự mình đi lấy mới được. Mấy hôm nay em chưa về nhà, cũng muốn về thăm sức khỏe cụ và cha mẹ, rồi sang bên anh xem bọn người nhà có sinh chuyện gì không, và cũng đến hỏi thăm sức khỏe bà thông gia luôn.
- Như thế thì phiền chú quá, tôi không đành lòng tý nào.
- Chỗ anh em nhà có ngại gì việc ấy.
Giả Trân lại dặn Giả Dung:
- Mày theo chú về hỏi thăm sức khỏe cụ, ông Cả và bà Cả, nhớ nói là ta và mẹ mày gửi lời hỏi thăm. Để ý hỏi xem cụ đã khỏi hẳn chưa, còn phải uống thuốc nữa không?
Giả Dung vâng lời, theo Giả Liễn đi ra, dẫn mấy người hầu cùng cưỡi ngựa về thành. Đi đường chú cháu nói chuyện với đi nhau. Giả Liễn có ý gợi chuyện dì Hai họ Vưu, khen ngợi nào là phong nhã, đứng đắn, đi đứng đường hoàng, ăn nói nhũn nhặn, cái gì cũng đáng để cho người ta kính mến. Ai cũng bảo thím đẹp, nhưng theo ý ta thì so với dì Hai mày đã thấm vào đâu.
Giả Dung biết ý, cười nói:
- Chú đã thích dì ấy, cháu xin làm mối, hỏi làm vợ hai  cho chú có được không?
- Mày nói đùa hay nói thực thế?
- Cháu nói thực đấy chứ!
- Thế thì tốt lắm. Nhưng chỉ sợ thím mày không nghe và cũng sợ bà cụ không bằng lòng. Ta lại nghe dì Hai mày cũng đã có nơi rồi.
- Cái đó không can gì. Dì Hai và dì Ba không phải là con của ông cháu, mà là bà cháu mang đến nuôi. Cháu nghe nói, bà cháu khi còn ở nhà chồng trước có mang dì Hai cháu, đã hứa gả cho nhà họ Trương là người giữ trại nhà vua. Về sau, nhà họ Trương bị kiện sa sút, bà cháu cũng lại đi lấy chồng khác. Đến nay đã mười mấy năm, hai nhà không biết tin tức nhau nữa. Bà cháu thường hối hận, không muốn gả cho họ nữa. Cha cháu cũng muốn gả dì cháu cho người khác, chỉ chờ có người tử tế đến dạm, sẽ sai người đi tìm nhà họ Trương đến cho nó mười mấy lạng bạc, bảo nó viết một tờ thoái hôn. Nhà họ Trương nghèo túng thế, thấy tiền làm gì mà chả xong? Vả chăng, nó biết nhà ta thế này, bảo sao chẳng phải nghe. Chú mà lấy dì cháu về làm vợ hai, chắc bà cháu và cha cháu đều bằng lòng cả. Nhưng chỉ có chỗ thím là khó thôi.
Giả Liễn nghe thấy câu ấy, mừng nở gan nở ruột, còn biết nói gì nữa, chỉ cười ngẩn ra mà thôi.
Giả Dung lại nghĩ một lúc, cười nói:
- Nếu chú có can đảm, cứ theo ý cháu, chắc không can gì, chỉ phải tiêu tốn ít tiền thôi.
- Cháu ơi! Ý cháu thế nào, cứ nói cho chú nghe.
- Chú về nhà không nên để lộ ra một tí gì . Để cháu trình với cha cháu, nói với bà cháu xong đã, rồi tìm một nơi ở sau phủ, mua một cái nhà và các đồ dùng, cắt hai người đến đấy hầu hạ, chọn ngày tốt, cưới về đó, người không biết, ma không hay, rồi dặn họ không được để lộ tiếng tăm. Thím ở trong nhà sâu vườn rộng, biết thế nào được. Chú cứ ở hai nơi, độ một năm nửa năm, dù có vỡ chuyện, đến tai ông, bị mắng một trận là cùng. Chú cứ nói là vì thím không sinh đẻ nữa, muốn có con trai nối dõi, nên mới lấy giấu để ở bên ngoài. Khi thấy “gạo đã nấu thành cơm”, thím cũng đành phải chịu. Vả lại, nhờ cụ can thiệp cho thì việc gì mà chẳng xong.
Xưa có câu: “Dục vọng làm người ta mất khôn”. Giả Liễn chỉ thích dì Hai có sắc đẹp, nghe Giả Dung tán một hồi, cho là mọi việc đều êm thấm cả, có nghĩ đâu hiện mình đương có tang, có vợ rồi lại  lấy vợ khác, bố thì nghiêm, vợ thì ghen. Tất cả những điều rắc rối đều gác ra ngoài cả. Mặt khác, Giả Dung cũng chẳng tử tế gì, ngày  thường nó vẫn nô đùa với dì nó, chỉ vì có Giả Trân ở đấy, nên không được thỏa lòng. Giờ đây Giả Liễn lấy về, tất nhiên phải để ở bên ngoài, nhân những lúc Giả Liễn vắng mặt, nó sẽ dễ giở trò ma. Giả Liễn không hề nghĩ đến điều ấy, cứ cảm ơn Giả Dung:
- Cháu ơi, nếu cháu thu xếp được như thế, chú sẽ mua hai con hầu thật đẹp trả ơn cháu. 
Hai người về đến cửa phu Ninh. Giả Dung nói:
- Chú đến nói với bà ngoại cháu để lấy  tiền đưa cho Du Lộc mang đi. Cháu phải đến chào cụ đã.
Giả Liễn mỉm cười gật đầu nói:
- Đến bên cụ, cháu đừng nói chú cùng về với cháu nhé. 
- Cháu biết rồi.
Giả Dung lại nói thầm với Giả Liễn:
- Hôm nay gặp dì Hai, chú không nên hấp tấp vội, lỡ xảy ra chuyện gì, thì sau khó xử lắm đấy.
- Đừng nói nhảm. Mày đi mau lên! Tao đợi ở đây. 
 Giả Dung đi sang chào Giả mẫu. Giả Liễn vào phủ Ninh. Tên quản gia dẫn mọi người đến chào, rồi lên nhà trên. Giả Liễn hỏi mọi người xong, bảo họ đi ra, một mình vào trong nhà. Vì Giả Liễn và Giả Trân là anh em thân mật với nhau, chẳng kiêng kỵ gì, nên cứ ra vào tự nhiên, không phải có người báo trước. Tới nhà trên, đã có bà già  chực hầu ở dưới thềm vén rèm mời vào.
Giả Liễn đi và trong phòng, chỉ có dì Hai họ Vưu cùng hai a hoàn làm việc ở trên cái bục phía nam, không thấy bà già và dì Ba đâu cả. Giả Liễn đến trước mặt chào hỏi. Dì Hai mỉm cười mời ngồi, Giả Liễn ngồi xuống hàng ghế ở phía đông, mời dì Hai ngồi lên phía trên. Hàn huyên mấy câu, rồi Giả Liễn cười hỏi:
- Bà và dì Ba đi đâu? Sao không thấy?
- Vừa mới có việc đi ra ngoài, cũng sắp về.
Bấy giờ a hoàn đi pha trà, không có người nào ở đấy. Giả Liễn luôn luôn liếc nhìn dì Hai. Dì Hai chỉ cúi đầu mỉm cười không để ý đến. Giả Liễn không dám hấp tấp sỗ sàng. Thấy dì Hai đương mân mê chiếc khăn lụa buộc cái túi, hắn cũng ra vẻ băn khoăn sờ vào lưng, nói:
- Tôi quên không mang  túi cau đến, cô có cau cho tôi một miếng.
- Có đây, nhưng cau của tôi xưa nay không cho ai ăn cả.
Giả Liễn cười, muốn đến gần để lấy. Dì Hai sợ có người trông thấy không tiện, liền cười rồi vứt khăn ra. Giả Liễn cầm lấy túi dốc ra, chọn miếng đã ăn giở, cho vào mồm nhai ngấu nhai nghiến, rồi lấy số cau còn thừa đùm lại. Đương định mang trả cái túi, thấy hai a hoàn pha trà mang đến. Giả Liễn vừa cầm lấy chén nước, vừa khẽ cởi viên ngọc Cửu Long đeo ở trong mình, buộc vào cái khăn tay lụa, nhằm lúc a hoàn quay đi, liền ném cái khăn sang. Dì Hai không cầm, giả vờ không trông thấy, cứ ngồi uống nước.
Lúc đó, phía sau có tiếng mở rèm, thì ra bà già họ Vưu cùng dì Ba dẫn hai a hoàn nhỏ từ đằng sau đi vào. Giả Liễn đưa mắt cho dì Hai, bảo cầm lấy khăn, dì Hai vẫn không để ý đến. Giả Liễn không biết ý dì Hai ra sao, rất là nóng ruột, đành phải đứng dậy chào bà già và dì Ba. Khi quay lại nhìn, dì Hai vẫn cười nói như thường, cái khăn lụa đã biến đâu không thấy nữa. Giả Liễn mới yên lòng. Rồi mọi người cùng ngồi xuống nói chuyện. Giả Liễn nói: 
- Chị tôi bảo, hôm nọ có gửi bà một gói bạc. Nay cần  tiền trả người ta, anh tôi sai tôi về lấy và nhân tiện hỏi xem trong nhà có việc gì không.
Bà già họ Vưu thấy nói thế, sai dì Hai mở khóa lấy gói bạc ra.
Giả Liễn lại nói:
- Nhân tiện tôi cũng đến chào bà và hỏi thăm hai dì. Trông sắc mặt bà thì khá đấy, chỉ có hai cô em thật là vất vả.
Bà già họ Vưu cười nói:
- Chúng ta là chỗ bà con thân thuộc, sao cậu lại nói thế? Ở nhà cũng như ở đây. Không nói giấu gì cậu, từ khi ông nó mất đi, nhà tôi thật là khó khăn, cái gì cũng phải nhờ bác nó(11) ở bên này giúp đỡ. Bây giờ bác nó có việc to tát như thế này, chúng tôi đã không giúp được việc gì khác, chỉ ngồi trông nhà, thì có gì là vất vả?
Đương nói thì dì Hai đã mang gói bạc ra, đưa cho bà già họ Vưu. Bà già đưa lại cho Giả Liễn. Giả Liễn sai một đứa a hoàn nhỏ gọi một bà già đến dặn:
- Già cầm gói bạc này đưa cho Du Lộc bảo nó mang về chờ tôi ở bên nhà.
Bà già vâng lời đi ra. Bỗng ở ngoài sân có tiếng Giả Dung. Một thoáng, hắn vào chào bà ngoại và hai dì, rồi quay lại cười nói với Giả Liễn:
- Vừa rồi ông Cả hỏi chú, ông nói là có việc gì cần, định sai người đến miếu gọi chú. Cháu nói chú sắp về đấy. Ông dặn cháu, nếu gặp chú ở đường, bảo chú phải về ngay.
 Giả Liễn nghe nói, muốn đứng dậy ngay, nhưng lại nghe thấy Giả Dung nói với bà hắn:
- Lần trước cháu đã nói với bà là cha cháu muốn tìm chú dượng cho dì Hai. Người ấy mặt mũi và hình dáng chẳng khác gì chú cháu đây. Bà bảo có được không?
Nói xong lại khẽ trỏ tay vào Giả Liễn và hất làm cho dì Hai. Dì Hai không tiện nói câu gì, chỉ thấy dì Ba cười không ra cười, giận không ra giận, quát mắng: 
- Thằng khỉ con đốn kiếp này! Hết chuyện cho mày nói rồi à? Thế nào ta cũng sẽ xé rách mồm mày ra.
Giả Dung cười chạy mất, Giả Liễn cũng cười rồi cáo từ đi ra. Tới nhà ngoài, Giả Liễn dặn dò người nhà không được đánh bạc, uống rượu. Lại khẽ dặn Giả Dung nói ngay việc ấy với Giả Trân. Giả Liễn lại dẫn Du Lộc về lấy đủ số tiền, giao cho hắn mang đi. Sau đến chào Giả Xá và Giả mẫu.
Giả Dung thấy Du Lộc theo Giả Liễn đi lấy tiền, mình  không có việc gì liền quay vào trong nhà, đùa cợt với hai dì một lúc rồi mới đi. Buổi chiều đến chùa, Giả Dung vào trình Giả Trân:
- Đã giao tiền cho Du Lộc rồi. Cụ đã khỏi hẳn, không phải uống thuốc nữa.
Sau đó nhân tiện hắn lại nói việc khi đi đường, Giả  Liễn ngỏ ý muốn lấy dì Hai làm vợ lẽ, rồi tìm một cái nhà ở bên ngoài để cho Phượng Thư không biết. “Muốn như thế chẳng qua là vì con cái hiếm hoi, và vì đã gặp mặt dì Hai rồi, hai bên thân lại thêm thân, hơn là lấy người ngoài xưa nay chưa hề quen biết”. Vì thế chú Hai ân cần nhờ con nói với cha.
Hắn không nói rõ đó là ý của mình. 
Giả Trân nghĩ một lúc, cười nói: 
- Việc đó cũng được thôi, nhưng không biết dì Hai  có bằng lòng hay không. Sáng mai mày về nói với bà. Nhờ bà thử hỏi dì Hai xem rồi sẽ liệu.
Giả Trân lại bày cho Giả Dung mấy câu, rồi qua bên kia nói cho Vưu thị biết. Vưu thị biết việc này không ổn, nên cố can ngăn. Nhưng Giả Trân đã nhất định như thế, mà Vưu thị xưa nay vẫn quen lối chiều chồng, vả chăng dì Hai lại là chị em khác mẹ nên không cần để ý lắm, cứ mặc họ làm thế nào thì làm.  
Sáng sớm hôm sau Giả Dung lại về thành thăm bà ngoại nói lại ý định của hắn rồi thêm thắt nhiều điều, nào là Giả Liễn người tử tế, hiện giờ thím Phượng đương ốm, khó lòng khỏi được. Trước hết hãy mua tạm một cái nhà cho dì ở riêng bên ngoài độ một năm, năm bảy tháng, chờ thím Phượng chết đi là đón dì Hai về làm chính thất. Lại nói đến việc cha hắn sẽ đứng lên sắm sửa lễ cưới như thế nào, bên Giả Liễn sẽ làm lễ cưới ra sao, rồi sẽ đón bà về nuôi nấng thế nào, còn dì Ba sau này cũng sẽ do bên ấy gả bán cho. Nó tán hươu một hồi, làm bà già họ Vưu chẳng bằng lòng. Vả chăng ngày thường bà ta vẫn nhờ Giả Trân giúp đỡ, bây giờ Giả Trân lại đứng lên chủ hôn, mình không phải sắm sửa đồ tư trang, Giả Liễn  lại là chàng công tử trẻ tuổi, hơn nhà họ Trương nhiều. Vì vậy bà già vào bàn với dì Hai. Dì Hai vốn là người lẳng lơ, dâm đãng, trước kia đã tằng tịu với anh rể, thường oán mình gả nhầm cho Trương Hoa đến nỗi sau này phải long đong cả đời, không nơi nương tựa. Nay thấy Giả Liễn yêu mình, mà anh rể mình lại đứng lên gả bán cho thì làm gì mà chẳng bằng lòng? Dì Hai gật đầu nhận lời ngay. 
Giả Dung về trình với cha hắn. Sáng hôm sau sai người mời Giả Liễn đến chùa, Giả Trân nói cho hắn biết về việc bà già Vưu đã bằng lòng. 
Giả Liễn mừng quá, cám ơn hai cha con Giả Trân. Hai người bàn với nhau, sai người đi tìm nhà, sắm cho dì Hai những đồ trang sức, giường màn và các thứ cần dùng trong nhà mới. Chỉ trong mấy ngày, mọi việc đã thu xếp đâu vào đấy, Giả Liễn mua một cái nhà hai mươi gian ở trong ngõ Tiểu Hoa Chi, cách phía sau phủ Vinh, phủ Ninh độ hai dặm. Lại mua hai a hoàn nhỏ nữa. Giả Trân lại cho hai vợ chồng Bào Nhị vào ở nhà mới để chờ hầu hạ dì Hai.
Sau đó Giả Trân lại cho gọi bố con Trương Hoa đến, bắt nó viết tờ thoái hôn đưa cho bà già họ Vưu. 
Trước đây, ông của Trương Hoa là người coi trại cho nhà vua. Người ông chết đi, bố Trương Hoa lại làm việc ấy. Vì bố Trương Hoa chơi thân với người chồng trước của bà già họ Vưu, nên ông ta đã hứa gả dì Hai cho Trương Hoa từ lúc ở trong bụng mẹ. Không ngờ về sau nhà Trương Hoa bị kiện, cửa nhà sa sút, ăn mặc không đủ, thì còn lấy gì mà cưới vợ nữa. Sau bà già họ Vưu lại đi lấy chồng khác, thành ra mười mấy năm ròng hai bên im bặt không có tin tức đi lại. Nay thấy người nhà phủ Giả gọi đến, bắt phải thoái hôn với dì Hai, Trương Hoa tuy không bằng lòng, nhưng sợ uy thế Giả Trân, nên đành phải viết giấy thoái hôn. Bà già họ Vưu cho hắn hai mươi lạng bạc, thế là xong việc.
Giả Liễn thấy công việc thu xếp đâu vào đấy, liền chọn ngày mồng ba là ngày hoàng đạo, đón dì Hai về. Chính là:
Bởi tại cùng cành tham sắc dục; 
Gây nên liền gốc nổi gươm đao.
-------------------------------
(1).Người con gái đẹp nước Việt, mỗi khi nhăn mặt lại thấy đẹp thêm. Có nàng Đông Thi rất xấu, cũng bắt chước ôm bụng nhăn mặt, người ta trông thấy bỏ chạy. Tục truyền Tây Thi có đến giặt áo quần ở khe Nhược Gia (thuộc huyện Thiệu Hưng).
(2). Vợ Hạng Vũ nước Sở, thường theo Hạng Vũ ra trận. Khi Hạng Vũ bị thua ở đất Cai Hạ, nàng rút kiếm ra tự tử.
(3). Kình Bố và Bành Việt là hai viên tướng đời Hán Cao Tổ; bị Cao Tổ giết chết và xào thịt làm mắm.
(4). Tức Vương Chiêu Quân, đời Hán Nguyên Đế, bị đưa sang cống Hồ.
(5). Ái thiếp của Thạch Sùng đời Tần. Khi Thạch Sùng  bị giết, Lục Châu nhảy trên lầu xuống tự tử.
(6). Con hầu của Dương Tố đời Tùy, tên là Xuất Trần. Khi Lý Tĩnh vào hầu Dương Tố, Xuất Trần liếc mắt nhìn. Đêm ấy lẻn ra theo Lý Tĩnh.
(7). Vịnh năm người con gái đẹp.
(8). Người thợ vẽ đã vẽ xấu dung mạo Chiêu Quân.
(9). Tức Vương An Thạch, tể tướng đời Tống.
(10). Tức Âu Dương Tu, một nhà văn nổi tiếng đời Tống.
(11). Chỉ Giả Trân.

Hồi 65:
Giả Liễn vụng trộm cưới dì Hai;
Dì Ba quyết lòng lấy chàng Liễu.

Giả Liễn, Giả Trân và Giả Dung bàn định mọi việc xong xuôi, đến ngày mồng hai, cho mời bà già Vưu cùng dì Ba vào ở nhà mới. Bà già họ Vưu nhìn một lượt, tuy không được như lời Giả Dung nói, nhưng thấy mọi thứ đầy đủ cả, hai mẹ con đều lấy làm bằng lòng. Hai vợ chồng Bào Nhị rất là vồn vã nồng nhiệt luôn miệng gọi bà già họ Vưu là “mẹ” hoặc “cụ”, gọi chị Ba là “dì ba” hoặc “dì”. Canh năm sáng hôm sau, một cỗ kiệu đưa dì Hai đến, hương nến, ngựa giấy, chăn màn cùng cơm rượu đã sắp đủ cả. Một lúc sau, Giả Liễn mặc quần áo thường, ngồi kiệu nhỏ đến, lễ trời đất, đốt ngựa giấy. Bà già Vưu thấy chị Hai ăn mặc toàn mới, không như lúc còn ở nhà, nên rất đắc ý. Hai người dắt nhau vào động phòng. Đêm ấy Giả Liễn cùng chị Hai phượng loan nghiêng ngửa, ân ái tràn trề, không thể kể ra hết được.
Giả Liễn càng nhìn càng yêu, càng ngắm càng mến, không biết làm cách gì để chiều chuộng dì Hai cho phải. Hắn truyền cho bọn Bào Nhị không được dùng tiếng hai ba gì cả, cứ gọi thẳng dì Hai là “mợ”. Ngay hắn cũng gọi là “mợ” mà gạt phăng Phượng Thư đi. Có khi về nhà, hắn cứ nói là sang bên phủ Đông có việc. Phượng Thư biết hắn thân với Giả Trân, chắc có việc gì bàn bạc, nên cũng không ngờ vực. Trong nhà tuy nhiều người, nhưng chẳng ai để ý đến việc ấy. Ngay những kẻ nhàn rỗi, hay tò mò bới việc cũng đều chiều ý Giả Liễn, muốn nhân đó luồn lọt kiếm chác, còn ai nói hở ra nữa.
Giả Liễn rất cám ơn Giả Trân. Mỗi tháng hắn bỏ ra mười lăm lạng bạc để chi dùng hàng ngày. Khi Giả Liễn không đến, thì ba mẹ con họ Vưu cùng ăn một nơi, khi Giả Liễn đến thì hai vợ chồng hắn ăn với nhau, mẹ con bà già Vưu về phòng ăn riêng. Giả Liễn lại đem hết cả tiền riêng của mình dành dụm mấy năm đưa cho dì Hai  giữ. Những khi đầu gối má kề, Giả Liễn kể hết chuyện ngày thường của Phượng Thư cho dì Hai nghe. Chỉ chờ khi nào Phượng Thư chết, sẽ đón dì Hai về. Dì Hai nghe nói tất nhiên vui lòng lắm. Trong nhà độ mười người ăn tiêu rất là đầy đủ.
 Thấm thoát đã hai tháng. Hôm đó Giả Trân lễ Phật ở chùa Thiết Hạm xong, đến chiều về nhà. Đã lâu không được gặp chị em họ Vưu, nên Giả Trân định đến thăm. Hắn sai người hầu đến trước xem Giả Liễn có ở đấy không. Người hầu về trình: “Cậu Liễn không có ở đấy”. Giả Trân thích lắm, bảo người nhà về trước, chỉ để lại đứa hầu thân dắt ngựa. Một lúc đến nhà vừa mới lên đèn, Giả Trân lẳng lặng đi vào. Hai đứa hầu đem ngựa buộc ở ngoài vườn, rồi xuống nhà dưới chực hầu.
Khi Giả Trân vào, trong nhà mới thắp đèn. Trước hết Giả Trân vào thăm mẹ con già Vưu, sau đó dì Hai ra chào. Giả Trân trông thấy dì Hai hớn lở vui cười, vừa uống nuớc vừa nói: 
- Người tôi làm mối thế nào? Nếu lỡ dịp thì có thắp đèn lồng đi tìm cũng chẳng thấy. Mai kia, chị nhà sẽ mang lễ đến mừng chú và dì đấy.
Trong khi nói chuyện, dì Hai đã sai người dọn rượu. Rồi đóng cửa lại, vì đều là người trong một nhà, nên không e dè gì cả. Bào Nhị đến chào, Giả Trân nói: 
- Anh là người có bụng tốt, nên cậu Hai bảo anh vào đây hầu. Sau này còn cần đến anh nhiều nữa đấy. Anh không nên ra ngoài uống rượu gây chuyện, thế nào ta cũng sẽ thưởng cho. Cậu Hai thì bận việc, bên ấy lại đông người, nếu có gì thiếu thốn, anh cứ đến trình ta. Anh em chúng ta không như người khác đâu.   
- Cháu biết rồi, chỉ trừ cháu mất đầu mới không hết lòng hầu hạ thôi.        
- Anh mà biết thế thì tốt lắm. 
Bốn người cùng ngồi uống rượu, dì Hai biết chừng, liền nói với bà già họ Vưu: 
- Con sao cứ sờ sợ, mẹ cùng con đi sang bên kia đi. 
Bà già họ Vưu hiểu ý, cùng dì Hai đi ra, chỉ còn trơ lại lũ a hoàn nhỏ. Giả Trân liền ngấp nghé dì Ba, định giở trò bậy bạ. Bọn a hoàn nhỏ thấy ngượng, đều lẩn đi một nơi, để mặc hai người muốn làm trò gì thì làm.  
Hai người hầu nhỏ thì xuống uống rượu với Bào Nhị ở dưới bếp. Vợ Bào Nhị đương làm cơm. Chợt thấy hai a hoàn chạy xuống, cười đùa đòi uống rượu, Bào Nhị nói:  
- Các chị không hầu ở trên ấy, sao lại lẻn xuống đây? Nhỡ ông gọi đến, không có ai, lại sinh chuyện. 
Vợ hắn mắng:
- Đồ ngu! Nốc cho nhiều rượu vào. Say bứ họng ra rồi dấp cổ mà ngủ đi. Gọi hay không có việc gì đến anh. Việc gì đã có tôi đây. Mưa hay gió cũng chẳng ướt đến đầu thứ người ấy.
Bào Nhị nhờ vợ mới có thể diện. Gần đây ngoài việc ăn bớt tiền đi uống rượu, hắn không nhìn đến việc gì. Giả Liễn cũng không hề trách mắng hắn. Vì thế, hắn sợ vợ như mẹ, bảo gì nghe nấy. Lúc này hắn uống rượu say mềm, đi ngủ ngay.
Bấy giờ vợ Bào Nhị cùng ngồi uống rượu với bọn a hoàn và người hầu, cố chiều lòng bọn này để chúng ton hót với Giả Trân.
Đang uống rượu cao hứng thì có tiếng gõ cửa, vợ Bào Nhị chạy ra mở cửa, thấy Giả Liễn xuống ngựa, hỏi nhà có việc gì không. Vợ Bào Nhị khẽ nói:
- Ông Cả bên phủ Đông đương ở buồng phía tây kia.
Giả Liễn nghe nói, đi vào buồng, thấy dì Hai cùng bà già họ Vưu đương ở đấy. Thấy Giả Liễn vào, dì Hai có vẻ hơi ngượng. Giả Liễn làm ra không biết, chỉ nói: 
- Thôi lấy rượu ra, chúng ta uống vài chén rồi đi ngủ. Hôm nay anh mệt lắm.
Dì Hai cười, đỡ áo, bưng nước, hỏi vắn hỏi dài, Giả Liễn thích quá, trong bụng ngứa ngáy khó chịu. Một lúc, vợ Bào Nhị bưng rượu lên, hai người cùng uống. Bà già họ Vưu không uống, về buồng ngủ ngay. Hai a hoàn nhỏ chia nhau mỗi đứa hầu mỗi nơi.
Đứa hầu thân của Giả Liễn là thằng Long dắt ngựa, trông thấy ở đấy có một con ngựa nữa, nhìn kỹ biết là ngựa của Giả Trân. Nó hiểu ý, chạy xuống dưới bếp. Thẳng Hỉ và thằng Thọ đương ngồi uống rượu ở đấy, thấy thằng Long vào, cũng đều hiểu ý, cười nói:
- Anh đến thật là khéo. Vì chúng tôi không theo kịp ngựa ông tôi, sợ đi đêm khuya bị phạt, phải vào nghỉ nhờ ở đây một tối.
Thằng Long cười nói:
- Có giường thì các anh cứ ngủ. Cậu Hai sai tôi mang tiền sang giao cho mợ rồi. Tôi cũng không về nữa.
Thằng Hỉ bảo thằng Long:
- Chúng tôi uống nhiều rồi, anh lại đây uống một chén.
Thằng Long vừa ngồi xuống, cất chén rượu lên, nghe thấy trong chuồng có tiếng ngựa hét. Vì hai con ngựa buộc cùng chuồng, không chịu, nên chúng cắn đá nhau. Bọn thằng Long vội bỏ chén rượu xuống, chạy ra quát cho im đi, buộc riêng mỗi con ra mỗi nơi rồi đi vào. Vợ Bào Nhị cười nói:
 - Các chú ngủ đi. Trà được rồi, ta phải đi đây.
  Thằng Hỉ uống mấy chén, say đờ mắt ra. Thằng Long, thằng Thọ đi đóng cửa, quay lại thấy thằng Hỉ nằm sóng sượt trên giường. Hai đứa đẩy nó, nói:
- Anh ơi, dậy đi, rồi nằm cho ngay ngắn mà ngủ. Anh chỉ biết lấy mình, còn để khổ cho chúng tôi.
Thằng Hỉ cười nói:
- Hôm nay chúng ta trông thấy một lò bánh nướng thật đường hoàng. Nếu có đứa nào, ta phải đ... mẹ nó một cái cho sướng.
Thằng Long, thằng Thọ biết nó say, cũng mặc kệ, tắt đèn đi ngủ.
Dì Hai nghe thấy ngựa hét, trong bụng rất áy náy, cứ phải tìm cách nói lấp đi. Giả Liễn uống được mấy chén, hứng lên, sai cất dọn bàn rượu rồi đóng cửa cởi áo đi ngủ. Dì Hai chỉ mặc một áo chẽn đỏ, tóc buông xõa, vẻ mặt lẳng lơ, trông càng đẹp hơn ban ngày. Giả Liễn ôm lấy cười nói:
- Ai cũng bảo con vợ dạ xoa nhà anh đẹp, nhưng bây giờ xem ra nó xách dép cho em cũng không đáng!
Dì Hai nói:
- Em có đẹp lại kém phẩm hạnh, chẳng thà đừng đẹp còn tốt hơn.
- Sao em lại nói thế? Anh không hiểu.
Dì Hai rớm nước mắt nói:
- Các người cho em là người hồ đồ, nhưng có việc gì mà em chẳng biết. Bây giờ chúng ta làm bạn với nhau mới hai tháng, kể ra hãy còn mới mẻ, nhưng em biết anh không phải là người hồ đồ.
Em sống là người của anh, chết là ma của anh! Đã là vợ chồng thì suốt đời em trông cậy vào anh, còn dám giấu anh một tí gì? Hôm nay em đã có nơi nương tựa rồi. Còn dì nó sau này biết kết quả ra sao? Theo ý em, nếu cứ nhập nhằng mãi như thế, sợ không thể yên được đâu, phải nghĩ một cách nào lâu dài mới được! 
Giả Liễn cười nói:
- Em cứ yên tâm, anh không phải là người hay ghen tuông đâu. Việc trước của em, anh biết cả rồi, em không cần phải nói úp mở nữa. Bây giờ em thấy anh ấy, tất nhiên cũng ngượng. Chi bằng ta phải bỏ thói đó đi.
Nói xong, Giả Liễn đi sang phòng phía tây, thấy trong cửa sổ đèn nến sáng trưng, hai người vẫn đang uống rượu vui đùa. Giả Liễn đẩy cửa vào, nói.  
- Anh ở đây à, em sang chào anh.
Giả Trân đứng dậy mời ngồi. Giả  Liễn cười nói:  
- Anh làm gì như vậy? Chúng ta là chỗ anh em từ trước đối xử với nhau như thế nào. Anh phải bận lòng vì em, dù em có thịt nát xương tan cũng không quên ơn. Nếu anh quá nghĩ, làm em càng khó xử. Từ nay xin anh cứ coi như người thường mới phải, nếu không, em thà đành chịu không có con trai, chứ không dám đến chỗ này nữa.  
Nói xong liền quỳ xuống. Giả Trân vội kéo dậy nói:
- Chú bảo gì anh cũng xin vâng lời.      
Giả Liễn sai: 
- Mang rượu đến đây, ta cùng anh Cả uống vài chén.
Rồi lại cười hì hì bảo dì Ba:
- Sao dì không mời ông chú uống một chén.
Giả Trân cười nói: 
- Chú Hai! Vì chú, anh cũng uống cạn chén này.
Nói xong, ngửa cổ lên uống.
Dì Ba đứng ở trên giường, chỉ vào Giả Liễn, cười nhạt:
- Anh đừng có giở giọng đường mật với tôi. Đem miến nấu với nước lã, anh ăn đi tôi xem. Đưa người vẽ lên sân khấu, khéo kẻo làm rách giày. Anh đừng lú lấp ruột gan, tưởng chừng tôi không biết việc trong nhà các anh hay sao? Lần này anh em nhà anh định vung một ít tiền thối ra, coi chị em chúng tôi là đĩ thõa để mua vui. Các anh đừng có nghĩ nhầm! Tôi cũng biết vợ anh là một người đáo để. Nay anh lấy chị tôi làm vợ lẽ, khác nào “kẻ ăn trộm chiêng không dám đánh”. Tôi nhất định gặp chị Phượng, xem chị ấy có mấy đầu mấy tay! Nếu hai bên  hòa thuận thì thôi, chứ có việc gì ngang trái, tôi cũng đủ sức moi ruột móc gan các anh ra, rồi liều chết với con mụ cay nghiệt ấy một phen. Uống rượu chứ sợ gì. Nào chúng ta uống đi.
Nói xong, chị ta cầm ngay lấy nậm rót ra một chén, rồi kéo Giả Liễn lại, dốc nốt cho hắn, nói:
- Tôi đã uống với ông anh anh rồi. Bây giờ chúng ta uống với nhau. 
Giả Liễn sợ quá, tỉnh hẳn rượu. Giả Trân cũng không ngờ dì Ba lại giở mặt đến thế. Hai anh em hắn xưa nay quen lối ăn chơi sỗ sàng trong đám giăng hoa, không dè hôm nay lại bị cô gái này choảng cho một vố, không hé răng vào đâu được.
 Dì Ba thấy thế, càng dồn già:
- Mời chị ra đây! Muốn vui thì bốn người chúng ta cùng vui. Tục ngữ nói: “Vui gì cho bằng người nhà”. Các anh là anh em, chúng tôi là chị em, không phải người ngoài, chị cứ ra đây.
Dì Hai bấy giờ thấy ngượng. Giả Trân định nhân dịp chuồn nhưng dì Ba khi nào chịu buông. Bấy giờ Giả Trân mới hối hận, không ngờ cô ta là hạng người như thế. Hắn cùng Giả Liễn không còn giở thói khinh bạc được nữa.
Dì Ba tháo đồ trang sức, cởi áo ngoài, vén tóc mai lên, chỉ mặc một cái áo lót đỏ, nửa kín nửa hở, cố ý để lộ bộ ngực trắng nõn ra, dưới mặc quần xanh, đi giày đỏ, trông rất lộng lẫy. Lúc đứng lúc ngồi, khi vui khi giận, không có một phút nghiêm trang, đôi khuyên cứ lủng lẳng như đánh đu; dưới ánh đèn, trông càng tỏ ra mày liễu xanh rờn, môi son đỏ chót, đôi mắt như nước mùa thu, lại uống mấy chén rượu, càng thêm lẳng lơ khêu gợi. Vẻ đẹp của chị ta không những ăn đứt chị Hai, mà theo lời ca tụng của Giả Trân, Giả Liễn, thì biết bao con gái, bất cứ nhà sang hay hèn, từ trên chí dưới, họ đã được nhìn qua, chưa ai có dáng điệu phong lưu, lộng lẫy như vậy. Hai người càng nhìn càng say, bất giác gọi dì Ba lại. Nhưng dáng điệu lẳng lơ tình tứ của dì Ba lại làm cho hai người phải im bặt. Chị giơ tay ra, thử một tý, thấy hai anh em nhà kia chẳng biết chút gì, ấp úng không nói được một câu, chẳng qua chỉ là đồ “tửu sắc” mà thôi. Chị Ba cứ cười nói huyên thuyên, tự ý muốn làm gì thì làm, lôi hai anh em nhà kia ra làm trò đùa một trận, khác nào chị ghẹo con trai, chứ không phải con trai dám chòng ghẹo chị. Một lúc, rượu say, hết hứng, chị Ba không muốn cho anh em họ ngồi lâu, liền đuổi ra, rồi đóng cửa đi ngủ.
Từ đó trở đi, bọn a hoàn hầu hạ không đến nơi đến chốn, chị Ba cứ mắng bọn Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung thậm tệ. Chị nhiếc là bố con, anh em nó đã lừa dối gái góa, con côi. Từ đó Giả Trần không dám bén mảng đến nữa. Chị Ba nhiều lúc cao hứng, lại sai đứa hầu nhỏ đi mời, hắn mới dám đến, nhưng mặc chị Ba muốn làm gì thì làm.
Chị Ba có tính kỳ quặc lạ thường, vì nhan sắc chị ta có vẻ phong lưu lịch sự, lại thích trang điểm hơn người, nay lối này, mai kiểu khác, làm ra nhiều vẻ lẳng lơ không ai theo kịp. Bọn đàn ông nhìn thấy thèm thuồng, muốn gần không được, muốn xa không dứt, đầu óc cứ choáng váng, say mê. Chị ta thấy thế lại cho là khoái trí. Bà già và chị Hai khuyên can. Chị ta nói:
- Chị thực là hồ đồ! Chúng ta là thân vàng ngọc, nỡ để cho hai thằng quỷ dữ ấy giày vò nhơ bẩn đi thì hèn quá! Nhà nó có một chị vợ rất là đanh ác, bây giờ lén lút không cho biết cũng được đấy, nhưng sau này chị ta biết, lẽ nào lại chịu thôi. Chắc rồi sẽ có một phen lục đục, biết đâu ai sống ai chết. Không bằng nhân lúc này chúng ta đưa nó ra làm trò cười, khỏi về sau phải mang tiếng xấu, hối cũng đã muộn.
Hai mẹ con thấy chị Ba nói thế, biết không khuyên nổi, nên cũng đành thôi.
Chị Ba ngày nào cũng kén chọn thức ăn đồ mặc, đã đeo bạc lại muốn đeo vàng, có hạt châu lại đòi ngọc báu; ăn ngỗng xong lại đòi mổ vịt; có điều gì không bằng lòng, liền hất cả mâm đi. Quần áo không vừa ý thì bất cứ lụa là mới may cũng lấy kéo cắt vụn ra, vừa xé vừa mắng. Rút cục bọn Giả Trân có được ngày nào vừa ý đâu? Trái lại phải tiêu trộm mất bao nhiêu là tiền. Nhưng khi Giả Liễn đến, chỉ ở buồng chị Hai, trong bụng đã dần dần hối hận. Chị Hai lại là người đa tình, cho Giả Liễn là người nương tựa suốt đời của mình, việc gì cũng chăm sóc hỏi han. Chị Hai lại có vẻ dịu dàng hòa thuận, không những mọi việc bàn bạc không dám lộng quyền mà đáng điệu và lời nói việc làm cũng hơn hẳn Phượng Thư. Nhưng đã trót lỡ bước mắc phải một chữ “dâm” rồi, thì bao nhiêu điều hay cũng vứt đi cả. Giả Liễn lại nghĩ: “Ai không có điều lầm lỗi? Nhưng biết lỗi mà sửa đổi đi thì tốt”. Cho nên hắn không nhắc đến việc dâm lúc trước, chỉ kể điều hay bây giờ thôi, thành ra hai người một lòng một dạ, dính như keo sơn, thề cùng sống chết với nhau, còn để ý gì đến Phượng Thư và cô Bình nữa.
Những khi bên chăn bên gối, chị Hai cũng thường khuyên Giả Liễn:
- Anh nên bàn với anh Cả xem có quen biết người nào thì gả chồng cho dì Ba đi, cứ để mãi thế này không tiện đâu, sau tất có ngày sinh chuyện.
- Hôm nọ anh đã nói với anh Cả rồi, nhưng anh ấy không chịu buông ra. Anh ấy lại nói “miếng thịt dê béo thực, nhưng nóng quá sợ bỏng mồm; hoa hồng đáng yêu thực, nhưng nhiều gai đâm phải tay”. Chúng ta chưa chắc đã nói nổi, nên chọn người gả cô ấy đi là phải. Nhưng anh ấy cứ dùng dằng bỏ qua. Như thế em bảo anh còn có cách gì nữa. 
- Anh cứ yên tâm, chúng ta sẽ khuyên dì Ba, hỏi lại cho rõ, cứ để cho dì ấy quấy, quấy chán không còn cách gì nữa, rồi cũng phải lấy chồng thôi.
- Phải đấy. 
Hôm sau chị Hai sắp dọn rượu. Giả Liễn cũng không đi đâu, đến trưa mời em và mẹ đến. Chị Ba đã biết ý, khi mời rót rượu không để cho chị phải nói, rỏ nước mắt nói trước:
- Hôm nay chị mời em đến, tất là định một việc gì quan hệ đây, nhưng em không phải là người mê muội, chị không cần phải nói đi nói lại nhiều điều. Những việc về trước em đã biết hết cả, nói cũng vô ích. Bây giờ chị đã được chỗ tử tế yên thân, mẹ cũng đã có chỗ nương tựa, em cũng phải tự mình lo liệu lấy cuộc đời mới đúng lẽ. Nhưng việc này quan hệ suốt đời, từ lúc sống đến lúc chết, không phải trò đùa. Chị muốn em sửa chữa tính nết thì phải chọn một người như ý muốn, em mới lấy. Nếu để mẹ và chị chọn cho, dù là người giàu như Thạch Sùng, tài hơn Tử Kiến, đẹp sánh Phan An, em cũng không bằng lòng, đành bỏ qua một đời thôi.
Giả Liễn cười nói:
- Việc ấy dễ lắm. Dì bằng lòng ai thì lấy người ấy. Những đồ sính lễ đã có anh chị xếp đặt cho, mẹ cũng không phải bận lòng.
Chị Ba khóc nói:
- Ai thì chị đã biết rồi, em không cần phải nói.
Giả Liễn cười hỏi chị Hai:
- Ai thế?
Chị Hai nghĩ mãi không ra. Giả Liễn đoán, rồi vỗ tay cười nói:
- Anh biết người ấy rồi, khen cho em tinh mắt thực!
Chị Hai cười hỏi: “Ai đấy?”
- Người khác khi nào dì ấy bằng lòng. Nhất định là Bảo Ngọc.
Chị Hai và bà già Vưu nghe thấy nói thế, cũng chắc là Bảo Ngọc.
Chị Ba nhổ toẹt một cái, nói:
- Chúng tôi có mười chị em cùng phải lấy mười anh em nhà anh hay sao. Chẳng lẽ trừ nhà anh ra, thiên hạ không còn có người con trai nào giỏi à?
Mọi người đều lấy làm lạ nói:
- Trừ Bảo Ngọc ra, còn có người nào nữa?
Chị Ba nói:
- Chị đừng nghĩ đến người hiện giờ ở đây, cứ nhớ lại việc năm năm về trước thì biết. 
Đương nói chuyện, chợt thấy đứa hầu thân của Giả Liễn là thằng Hưng đến mời về, nói:
- Ông nhà đương chờ cậu có việc cần. Cháu nói là cậu đương ở bên nhà ông cậu. Cháu phải chạy ngay lại đây mời cậu.
Giả Liễn hỏi:
- Ở nhà hôm qua có hỏi gì ta không?
- Cháu trình với mợ: cậu phải ở trong miếu bàn việc làm lễ trăm ngày với ông Cả bên kia, có lẽ không về được.
Giả Liễn sai dắt ngựa ra, thằng Long theo sau, để thằng Hưng ở lại xem có ai hỏi gì không?
Chị Hai lấy ra hai đĩa thức ăn, sai lấy chén to để rót rượu, bảo thằng Hưng đứng ở cạnh giường uống rồi nhỏ to, hỏi nó mấy câu:
- Mợ bên nhà độ bao nhiều tuổi? Là người đáo để như thế nào? Cụ bao nhiêu tuổi? Có bao nhiêu cô? - Cùng những việc vặt trong nhà.
Thằng Hưng cười hì hì, đứng bên cạnh giường vừa uống rượu, vừa kể tỉ mỉ các việc bên phủ Vinh cho mẹ con chị Hai nghe. Lại nói:
- Cháu là người canh cửa thứ hai. Chúng cháu có hai tốp, mỗi tốp bốn người, tất cả là tám người. Có mấy người thân với mợ, chúng cháu không dám động đến. Những người hầu thân của cậu, thì mợ lại đe nẹt luôn. Cháu không thể nói hết với mợ về việc mợ Hai ở nhà được. Bụng thì nham hiểm, mồm thì thơn thớt. Kể ra cậu Hai cũng là tay khá đấy, nhưng địch thế nào được với mợ ấy. Cô Bình cũng tốt, tuy cùng một bè với mợ ấy, nhưng khi vắng mặt lại làm được nhiều việc hay. Chúng cháu có điều gì lầm lỗi, mợ ấy không tha, chỉ nhờ cô Bình là xong. Bây giờ lớn bé trong nhà, trừ cụ và bà Hai ra, ai cũng oán ghét mợ ấy, chẳng qua ngoài mặt phải nể sợ đó thôi. Vì mợ ấy không cho ai bằng mình, chỉ tìm cách lừa phỉnh để cụ và bà Hai vui lòng. Mợ ấy nói một là một, hai là hai, chẳng ai dám cãi lại. Lại muốn tìm hết cách bớt xén tiền bạc, chất lại thành núi để cho cụ và bà Hai khen là biết thu vén, chứ biết đâu mợ ấy mà được tiếng khen thì chỉ khổ người dưới thôi. Nếu có điều gì hay thì mợ ấy đi hớt lẻo trước, không để cho người khác nói; điều gì không hay hoặc tự mình làm trái thì rụt đầu lại, đổ cho người khác, lại còn đứng bên cạnh hùn thêm vào. Hiện giờ ngay chính bà mẹ chồng mợ ấy cũng phải ghét, thường nói “Chim khôn biết tìm nóc nhà quan mà đỗ”, “gà mái đen cả ổ cùng đen”, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Nếu không có cụ ở bên ấy thì đã tống mợ ấy về từ lâu rồi.
Chị Hai cười nói:
- Mày nói vụng mợ ấy như thế, sau này không biết mày nói vụng ta thế nào. Ta kém mợ ấy một bực, chắc mày lại càng nói xấu ta nhiều hơn. 
Thằng Hưng vội quỳ xuống nói:
- Mợ nói thế, cháu không sợ giời đánh à? Nếu chúng cháu có phúc ra, khi cậu cháu lấy vợ, lấy ngay được người như mợ, chúng cháu cũng đỡ bị đánh mắng, đỡ phải lo sợ. Hiện giờ mấy người hầu cậu cháu, ngay khi vắng mặt, đứa nào cũng khen mợ là người có đức, biết thương kẻ dưới. Chúng cháu đương bàn với nhau xin với cậu Hai cho sang ở bên này để chúng cháu được hầu mợ.
- Thằng ranh con này! Sao mày không đứng dậy. Mới nói một câu mà đã sợ hãi như thế. Chúng mày định đến đây làm gì? Tao đương định sang bên ấy với mợ mày đây.
Thằng Hưng vội xua tay nói:
- Xin mợ nhất thiết chớ sang bên ấy. Cháu nói cho mợ biết: Suốt đời mợ không gặp mợ ấy càng hay. Mợ ấy “miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm”, “đòn xóc hai đầu”, trên nét mặt thì tươi cười cởi mở, nhưng dưới chân thì ngấm ngầm giật dây trói người. Đúng là “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Tất cả những điều này, mợ ấy đều có đủ cả. Mồm mép như chị Ba đây cũng chưa chắc đã theo kịp, huống chi mợ là người hiền lành thùy mị đối địch thế nào với mợ ấy.
- Ta cứ lấy lẽ phải đối đãi thì mợ ấy dám làm gì ta?
- Không phải là cháu uống rượu nói bừa: dù mợ có chịu nhường nhịn chăng nữa, nhưng mợ ấy thấy mợ đẹp hơn, lại được lòng mọi người hơn, khi nào mợ ấy chịu thôi. Người ta chỉ có một lọ dấm, chứ mợ ấy thì một vại dấm, một chum dấm kia. Những a hoàn nào mà cậu Hai có nhìn đến một tý là mợ ấy quả quyết đánh vỡ đầu người ấy ngay trước mặt cậu ấy. Cô Bình tuy là nàng hầu, nhưng một hai năm hai người chỉ được gần nhau độ một lần, thế mà mợ ấy còn nhắc đi nhắc lại hàng mười lần, làm cô Bình ức quá phát khóc lên nói: “Có phải tự tôi tìm đến đâu! Mợ cứ ép tôi. Tôi không bằng lòng thì bảo tôi giở quẻ. Bây giờ lại đối xử với tôi như thế”.
- Mày đặt chuyện ra phải không? Mợ ấy đã nổi tiếng là con quỷ dạ xoa, sao lại phải sợ nàng hầu?
- Tục ngữ nói “Khôn chẳng qua nhẽ”. Cô Bình vốn là a hoàn của mợ ấy từ lúc bé. Khi mợ ấy đi lấy chồng, có bốn người theo hầu, về sau người thì chết, người thì đi lấy chồng, chỉ còn lại một mình cô ấy là được tin cậy nhất, nên nhận làm nàng hầu. Một là để tỏ ra mợ ấy là người hiền lành, hai là để buộc cẳng cậu Hai, không cho ra ngoài làm bừa. Lại còn một nguyên do nữa: Theo khuôn phép nhà chúng cháu, các cậu lớn rồi, trước khi lấy vợ, đều được đưa đến hai người hầu hạ. Cậu Hai cũng có hai người hầu. Ngờ đầu mợ ấy về chưa đầy nửa năm, đã bới lông tìm vết, đuổi đi sạch. Người ngoài tuy không nói gì, nhưng mợ ấy cũng thấy trẽn mặt, liền bắt ép cô Bình làm nàng hầu. Cô Bình vốn người đứng đắn, không hề để tâm đến việc đó, và cũng không hay xoi mói chuyện nọ chuyện kia, chỉ hết lòng hầu hạ mợ ấy. Vì thế mới còn ở lại được đến giờ.
- Té ra như thế. Nhưng ta nghe ở bên ấy còn một mợ góa chồng và mấy cô nữa, nếu mợ Hai đanh ác, thế thì người ta chịu à? 
Thằng Hưng vỗ tay cười nói:
- Thế mà mợ không biết à? Mợ góa này là người phúc hậu bực nhất, chúng cháu thường gọi là phật sống. Khuôn phép nhà chúng cháu ghê lắm. Các mợ góa chỉ giữ tiết trong sạch, không nhìn đến việc gì cả. Hơn nữa lại có nhiều các cô, nên cụ tôi giao cho mợ ấy trông nom dạy bảo các cô xem sách, viết chữ, thêu thùa, học điều hay lẽ phải. Đó là việc của mợ ấy. Ngoài ra việc gì cũng không biết, chuyện gì cũng không hay. Hôm nọ vì mợ Hai ốm, mợ Cả phải trông tạm việc trong phủ mấy hôm, nhưng cứ theo thể lệ cũ mà làm, chứ không như mợ Hai chỉ bày việc để khoe tài. Cô Cả thì tốt lắm không cần phải nói. Còn cô Hai thì gọi đùa là “cô hai gỗ”, châm kim vào người cũng không biết “ái” lên một tiếng. Cô Ba gọi là “hoa hồng”.
Chị em họ Vẫn liền hỏi nguyên do, thằng Hưng cười nói:
- Hoa hồng vừa đỏ vừa thơm, ai mà chẳng phải yêu, có điều lắm gai thôi. Đáng tiếc là cô ấy lại không phải bà Hai đẻ ra, thực là “phượng hoàng đẻ trong tổ quạ”. Cô Tư, chính ra là em ruột cậu Trân. Bà Hai mang về nuôi cho lớn như thế. Cô ấy cũng không hay nhìn đến việc nhà. Mợ chưa biết rõ, trừ các cô bên nhà chúng cháu ra, còn có hai cô nữa, thực là thiên hạ hiếm có. Một cô là con gái của bà cô chúng cháu, họ Lâm, tên là Đại Ngọc. Cô này giống hệt dì Ba, lại văn hay, chữ tốt, chỉ tội hay ốm đau luôn. Trời này mà cô ấy vẫn phải mặc áo kép, đi ra ngoài gió thổi là ngã. Chúng cháu thường gọi vụng cô ấy là “nàng Tây Thi đa bệnh”, một cô là con gái bà dì chúng cháu, họ Tiết, tên gọi Bảo Thoa, chừng như ở trong đống tuyết chui lên vậy. Khi gặp các cô ấy đi ra cửa, hoặc lên xe hay chơi trong vườn, chúng cháu sợ quá không dám thở.
Chị Hai cười nói:
- Nhà mày phép tắc lắm, khi trẻ con đi ra ngoài gặp các cô đều phải tránh xa, còn dám thở vào đâu nữa!
Thằng Hưng xua tay nói: 
- Không phải thế! Không phải thế! Chính là giữ lễ  phải tránh xa, điều đó không cần nói. Mặc dầu đã tránh xa, nhưng ai nấy vẫn phải nín thở vì sợ thở mạnh quá sẽ thổi ngã mất cô Lâm, thở nóng quá sẽ làm tan cô Tiết.
Câu nói ấy làm cho mọi người cười ầm lên.


Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved