Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

22 thg 1, 2014

Các mĩ nhân Trung Hoa thời xưa (5)

Thái hậu Long Dụ (1868 – 1913)

Thái hậu Long Dụ vốn là cháu gái của Từ Hy thái hậu. Bà được gả cho Quang Tự hoàng đế theo sự sắp đặt của Từ Hy và lên ngôi hoàng hậu. Khi Quang Tự mất không có người kế vị, hoàng đế Phổ Nghi lên thay khi mới chưa đầy ba tuổi, còn Long Dụ lên ngôi thái hậu. 

Long Dụ Thái hậu được coi là một "Từ Hy thái hậu" thứ 2 bởi lẽ Phổ Nghi lên ngôi khi còn quá nhỏ, mọi công việc triều chính đều do Long Dụ Thái hậu xử lý. Tuy nhiên, trái với Từ Hy thái hậu, Long Dụ thái hậu là một người hiền lành, nhân hậu, thích đọc sách. Trên thực tế, bà cũng từng có tham vọng nắm mọi quyền lực như Từ Hy thái hậu nhưng lại không đủ sắc sảo, mưu mô nên cuối cùng thất bại. Cùng với sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh, Long Dụ thái hậu là vị thái hậu cuối cùng của lịch sử Trung Quốc.

Trại Kim Hoa (1872-4/12/1936)

Trại Kim Hoa tên thật là Triệu Linh Phi, người Giang Tô được mệnh danh là kỹ nữ cứu quốc. Triệu thị làm kỹ nữ từ năm mới 13 tuổi, được vài năm thì kết hôn với trạng nguyên Hồng Quân làm thiếp. Sau khi Hồng Quân qua đời, Triệu Linh Phi quay lại nghề cũ để kiếm sống. Vào những năm đầu thời dân quốc, Triệu Linh Phi lại làm quen với Triệu Tư Cảnh, lúc đó làm nghị viên quốc hội, hai người thuê nhà sống chung với nhau tại một ngõ nhỏ trong khu phố cổ Bắc Kinh. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Triệu Tư Cảnh cũng qua đời. Người nhà Triệu Tư Cảnh tứ tán khắp nơi, Trại Kim Hoa chuyển tới sống tại số 16 Nhân Lý, Thiên Kiều, Bắc Kinh. Tại đây, dưới sự chăm sóc của hai chị em người hầu cũ, Trại Kim Hoa bắt đầu gõ mõ, tụng kinh, sống qua ngày cho tới khi liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh và Trại Kim Hoa gặp được Waldersee. Khi liên quân 8 nước kéo vào Bắc Kinh, bà đã xin tướng quân nước Đức là Waldersee ngăn chặn việc lính Đức quấy nhiễu dân trong thành, có công với địa phương. Một đời huy hoàng, nhưng trời ghen ghét đố kị với kẻ hồng nhan, sau những phút giây rực rỡ, bà chết trong tuổi già và nghèo khổ.





Trân phi     

Khác Thuận hoàng quý phi (1876-1900) Tha Tha Lạp thị, thường được gọi là Trân phi là phi tử được hoàng đế Quang Tự yêu quý nhất nhưng lại phải chết oan uổng khi mới 25 tuổi.


Tha Tha Lạp thị là người Mãn Châu, xuất thân trong một gia đình danh giá, từ nhỏ đã hiểu biết lịch sử. Năm 1888, bà và chị gái cùng được tuyển vào cung, chị được phong là Cấn tần, sau được đổi thành Cấn phi, còn Tha Tha La Thị được phong là Trân tần, sau được đổi thành Trân phi.Hai chị em Trân phi là do Tây thái hậu (Từ Hy thái hậu) tuyển chọn, lúc mới vào cung, Tây thái hậu đối đãi với hai chị em không tệ, biết Trân phi thích vẽ tranh, Tây thái hậu còn mời thầy trong cung dạy thư pháp và quốc họa cho Trân phi, vì vậy khả năng hội họa của bà có cơ hội được phát triển hơn.
Quan hệ giữa hoàng đế Quang Tự và hoàng hậu không tốt trong khi Trân phi lại có tư tưởng và sở thích giống Hoàng đế nên hai người ngày càng gắn bó với nhau hơn, Trân phi nhanh chóng được hoàng đế Quang Tự ân sủng.  Trân phi ở cung Cảnh Nhân nhưng thường xuyên tới điện Dưỡng Tâm của hoàng thượng, điều đó đã khiến Hoàng hậu Diệp Hách Ná Lạp thị Thanh Phân (cháu họ của Tây thái hậu) ghen tức. 
Tây thái hậu cảm thấy quá phù phiếm khi Trân phi vừa thích chụp ảnh, vừa thích cải trang thành nam giới, Hoàng hậu cũng nhân dịp đó để vu khống cho Trân phi. Có một lần, Hoàng hậu đã nhờ thái giám vứt giày của một người đàn ông vào trong cung Cảnh Nhân nhằm vu khống Trân phi tội ngoại tình, Trân phi có một một quần áo thường xuyên mặc để diễn kịch cho mọi người trong cung xem, Hoàng hậu cũng đổ tội là Trân phi thích “đình trượng”. Vì những lời nói thị phi của Hoàng hậu mà quan hệ giữa Tây thái hậu với Trân phi ngày càng xấu đi.
Năm 1894, chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Anh em họ của Trân phi là Trí Nhuệ và Văn Đình Thức buộc tội Lý Hồng Chương thỏa hiệp và đầu hàng địch, hai người đã nhờ Trân phi chuyển bản tấu tới Hoàng đế Quang Tự, thúc giục Hoàng đế đứng ra lãnh đọa cuộc chiến. Không ngờ, Lý Hồng Chương lại vu khống Văn Đình Thức và Trân phi có mưu đồ cướp ngôi Hoàng hậu, phản đối Tây thái hậu can thiệp triều chính, giúp đỡ Hoàng đế làm chủ triều đình.
Quả nhiên, chị em Trân phi bị kết tội tạo phản và bị giáng xuống làm quý nhân, một năm sau mới được phục chức phi.
Năm 1898, Trân phi ủng hộ phái duy tân, nhằm thúc đẩy vua Quang Tự cải cách chính trị. Tây thái hậu càng ghét bà hơn, sau đó Tây thái hậu đã phát động chính biến, một lần nữa buông rèm nhiếp chính, bắt giết duy tân đảng, giam cầm vua Quang Tự và nhốt Trân phi vào lãnh cung.
Năm 1900, Liên minh 8 nước đánh vào Bắc Kinh, trong lúc Tây thái hậu và Quang Tự hoàng đế chuẩn bị chạy trốn về phía tây đã hỏi Trân phi có đi cùng không nhưng Trân phi đã từ chối và nói rằng: “Quốc nạn đương đầu, thần không đi, hoàng thượng cũng không nên rời khỏi Bắc Kinh”. Nghe vậy, Tây thái hậu tỏ ra vô cùng tức giận đáp: “Nhà người chết đến nơi rồi mà còn nói những lời lẽ đó”. Nói xong, Tây thái hậu ra lệnh cho thái giám Lý Liên Anh đẩy Trân phi xuống giếng mặc cho Quang Tự hoàng đế có quỳ xuống van xin thế nào đi chăng nữa.
Năm 1902, Tây thái hậu và hoàng đế Quang Tự trở về Bắc Kinh, để xóa tội giết chết Trân phi, Tây thái hậu nói rằng Trân phi vì không muốn bị người nước ngoài làm nhục nên đã nhảy xuống giếng tự vẫn, sau đó phục danh cho Trân phi làm Hoàng quý phí và sai người an táng bà tại cổng Tây Trực, thôn Ngoại Điền.

Mạc Quế Lan

Bà Quế Lan sinh năm 1892, tại Quảng Châu, sống tròn 90 tuổi (mất năm 1982). Mặc dù chồng đã mất năm 1924, nhưng suốt 58 năm liền, bà góa phụ Mạc Quế Lan chỉ sống với mục đích duy nhất là tạo dựng tên tuổi cho người chồng quá cố để tinh hoa võ thuật của bậc anh hùng này được truyền bá rộng khắp Trung Hoa. Câu chuyện về tình yêu của họ trong cái thời "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" còn hay hơn bất cứ tác phẩm giàu sức sáng tạo nhất nào của điện ảnh Hong Kong.
Một lần, trong cuộc diễn võ, chiếc giày của Hoàng sư phụ bị tuột ra và bất ngờ bay vào mặt một cô gái. Lúc ấy Hoàng đã nổi danh là bậc anh hùng cái thế. Cô gái Quế Lan lúc ấy 19 tuổi đã làm một việc không thể hay hơn khi muốn chiếm được tình yêu của người anh hùng, leo thẳng lên võ đài "xáng" cho người mà cả Quảng Đông ngưỡng mộ một bạt tai nổ đom đóm mắt cùng câu quát: "Nếu chiếc giày là vũ khí thì sao?".


Hoàng Phi Hồng không hổ danh là bậc anh hùng cũng làm một việc không thể hay hơn của một kẻ đại trượng phu trong tình huống tương tự, ngay lập tức ông "xin" cưới luôn Quế Lan trên võ đài. Rồi suốt 71 năm sau đó, dòng họ Hoàng có được một con người tài đức vẹn toàn chăm lo vun vén. Sau khi chồng qua đời, bà Quế Lan đã đứng ra thành lập quỹ Hoàng Phi Hồng và cũng chính từ nguồn quỹ này đã có một trường giáo dục thể chất mang tên Hoàng Phi Hồng được thành lập tại Hồng Kông và Hiệp hội Võ thuật Quốc gia Hoàng Phi Hồng cũng được thành lập. Bảo Chi Lâm sau sự kiện bi thảm năm 1924 (bị đốt phá, thiêu rụi) đã trở nên tan hoang nhưng bà Quế Lan lại tiếp tục tạo dựng việc buôn bán, sau đó xây dựng lại nguyên trạng cơ ngơi như khi chồng còn sống để Bảo Chi Lâm lúc nào cũng nằm trong 4 hiệu thuốc lớn nhất của Quảng Đông. Tài năng kinh doanh của bà không còn phải bàn cãi nhưng ngay cả võ học của chồng, bà cũng có những đóng góp không nhỏ.

Bên cạnh những việc làm trên bà Quế Lan còn là người cùng với Hoàng Phi Hồng "sáng chế" ra tuyệt kỹ Hương Lân (con lân có mùi thơm). Vào thời của Hoàng Phi Hồng tất cả các hiệu thuốc dù lớn hay nhỏ đều là các võ đường và đều có một đội lân do các võ sư hàng đầu biểu diễn, để bán thuốc và thi đấu với nhau nhằm quảng bá thương hiệu. Nhưng chính nhờ có bà vợ cả của Hoàng sư phụ là một võ sư nên đội lân Bảo Chi Lâm có một tiến bộ khác người, bà là người đầu tiên mạnh dạn dùng nữ để múa lân, với chiêu thức "Hương Lân quá giang". Bà Quế Lan cho sắm một bộ đồ múa lân khác lạ so với trước đây, đó là một con lân yểu điệu thục nữ, màu sắc trang nhã, khuôn mặt thanh thoát, và trông đáng yêu. Hương Lân với lợi thế linh hoạt mềm dẻo lại có phục sức và cách múa điệu đàng đã tận dụng tối đa lợi thế của mình trong các cuộc thi tài. Đến tận bây giờ, tuyệt kỹ "Hương Lân quá giang" vẫn được biểu diễn định kỳ ở Bảo Chi Lâm.


Ba chị em nhà họ Tống
(Tống gia tỷ muội ,Tống thị tam tỷ muội ) là ba người phụ nữ có chồng là những nhân vật chính trị nổi bật của Trung Quốc đầu thế kỷ 20. Trong ba chị em thì Tống Ái Linh được xem là "một người yêu tiền”, Tống Mỹ Linh được xem là "một người yêu quyền", Tống Khánh Linh được xem là "một người yêu nước"
Ba chị em là:
Tống Ái Linh: (1890-1973) chị cả, bà đã kết hôn với bộ trưởng tài chính và cũng là người giàu nhất Trung Quốc, Khổng Tường Hi.



Tống Khánh Linh: (1893-1981) kết hôn với Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, Tôn Dật Tiên. Sau này bà trở thành đồng Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Đổng Tất Vũ từ 1968 đến 1972 và Chủ tịch Danh dự năm 1981.



Tống Mỹ Linh: (1897-2003) trẻ nhất trong ba chị em, bà đã kết hôn với Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch.



Cha của họ là Tống Gia Thụ, một mục sư Hội Giám lý, đồng thời kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng và in ấn.
Em trai của họ đều là các quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Hoa Dân quốc, một trong ba người nổi tiếng là Tống Tử Văn.
Một bộ phim Hồng Kông về ba chị em có tên "Chị em nhà họ Tống", có sự tham gia diễn xuất của Trương Mạn Ngọc đã miêu tả cuộc sống của ba chị em đã được sản xuất năm 1997.

Tiểu Phụng Tiên (8/1900- 3/1954)


Tiểu Phụng Tiên, dân quốc hiệp kỹ. Truyền kỳ mối tình của Tiểu Phụng Tiên và danh tướng phong trào hộ quốc Thái Ngạc đã vang danh sử sách. Nhan sắc trời phú, tài trí hơn người nhưng cuộc đời không công bằng đã đẩy bà lưu lạc vào chốn bụi trần. Gặp Thái Ngạc chính là bước ngoặt trong cuộc đời bà. Một nàng Tiểu Phụng tài hoa xinh đẹp, khí khái nữ hiệp gặp được tướng quân Thái Ngạc tình đầu ý hợp, trời sinh một đôi tri kỉ, chính nàng đã nhiều lần giúp Thái Ngạc thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc. Cả đời hiệp nghĩa của nàng mãi lưu truyền trong nhân thế




Lâm Vy Nhân (1904 - 1955)

Bà  là người Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Bà là kiến trúc sư đồng thời là nhà văn. Ở lĩnh vực nào, Vy Nhân cũng để lại dấu ấn không thể phai mờ.
Lâm Vy Nhân tốt nghiệp Viện Mỹ thuật, Đại học Pennsylvania, Mỹ. Về nước, nữ kiến trúc sư tham gia thiết kế nhiều công trình cho các trường đại học như Thanh Hoa, Vân Nam… Thành tựu tiêu biểu nhất của Vy Nhân là tham gia thiết kế quốc huy Trung Quốc.

Thu Cẩn –người phụ nữ anh hùng hào khí nhất

Vào thời điểm quốc gia dân tộc đang phải đối mặt với nguy vong sinh tử, chứng kiến cảnh nước nhà bị Nhật xâm chiếm, vì bất đồng quan điểm với chồng, Thu Cẩn đã quyết định cải trang thành nam nhi, đến Nhật Bản theo đuổi một cuộc sống mới, tìm con đường chấn hưng đất nước, dân tộc. Cô trở thành biên tập của “Bạch thoại báo”. Đề xướng quyền nam nữ bình đẳng và chuẩn bị cho cuộc nổi dậy vào tháng 7/1907, trận chiến đã khiến các sinh viên biểu tình hy sinh vô số, cách mạng thất bại khiến Thu Cẩn bị xử tử khi cô mới 31 tuổi. Tinh thần yêu nước của vị nữ anh hùng khiến mọi người tôn kính, cô cũng là nữ cách mạng đầu tiền trong lịch sử Trung Quốc.


Hoàng hậu Uyển Dung

Quách Bố La Uyển Dung sinh năm 1906, là người tộc Đạt Oát Nhĩ. Bà được biết đến với vẻ đẹp đoan trang, thanh tú cùng tài cầm kỳ thi họa.
Bà sớm được tiếp thu nền giáo dục, văn hóa phương Tây khi theo học trường giáo hội Mỹ. Ngoài ra, Uyển Dung rất am hiểu tiếng Anh và văn hóa nhạc Jazz rất được ưa chuộng thời bấy giờ.



Bà là hoàng hậu của vị vua cuối cùng triều đình Mãn Thanh và cũng là của Trung Quốc – Phổ Nghi. Bà trở thành hoàng hậu vào năm 1922 trong một lễ thành hôn linh đình theo nghi thức phong kiến. Đoàn rước dâu của hoàng đế Phổ Nghi đông tới 3.000 người. Đi đến đâu cũng trải lụa vàng và hắt nước thơm.
Bởi, hoàng đế Phổ Nghi nổi tiếng là vị vua thờ ơ với chuyện sắc dục, thậm chí bị nghi ngờ mắc chứng liệt dương. Ông rất ít khi qua đêm cùng người vợ yêu của mình. Cũng vì thế, cuộc đời của Uyển Dung sa vào những bi kịch đáng tiếc xuất phát từ đời sống chăn gối lạnh nhạt với chồng mình.
Uyển Dung sa đà vào nghiện thuốc phiện rồi qua lại với người đàn ông khác đến mức mang thai và sinh con.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, đứa trẻ này đã bị chính Phổ Nghi vứt vào lò lửa thiêu chết.
Tôn Diệu Đình, vị thái giám cuối cùng của triều đại phong kiến tiết lộ, để quên đi những thiếu thốn trong đời sống chăn gối, hoàng hậu trẻ tuổi bắt đầu có sở thích khỏa thân.Theo lời của Tôn Diệu Đình, Uyển Dung thích được hầu hạ khi tắm, bà thường để cho tất cả thị nữ thay nhau tắm rửa cho mình như 1 đứa trẻ.
Uyển Dung thường tắm rất lâu và không bao giờ mặc quần áo ngay sau khi tắm xong.Mặc kệ ánh mắt của các thị nữ, bà hoàng này luôn để mình khỏa thân hồi lâu rồi tự vuốt ve thân thể để khỏa lấp nỗi cô đơn.Không những thế, Uyển Dung còn duy trì sở thích này trong cuộc sống hằng ngày như khi đi ngủ, khi trong cung vắng người và chỉ để lại những thị nữ quen thuộc.Theo tiết lộ của Tôn Diệu Đình, Uyển Dung có khá nhiều đòi hỏi trong việc chăm sóc đời sống cá nhân. Bà cũng có nhiều sở thích quái đản và kỳ lạ.
Cả cuộc đời chìm trong thuốc phiện và sự ghẻ lạnh của chồng, Uyển Dung kết thúc cuộc sống năm 1946 khi bà vừa tròn 40 tuổi.
Xinh đẹp và tài năng nhưng cuộc đời của hoàng hậu triều Thanh tràn ngập đau thương và hiu quạnh. Sử sách ghi rằng, người ta tìm thấy thi thể bà bên một con mương lạnh lẽo...



Thục phi Văn Tú

Văn Tú tên thật là Ngạch Nhĩ Đức Đắc Văn Tú, còn có tên là Phó Ngọc Phương, sinh ra trong một gia đình quý tộc quan lại thuộc Tương Hoàng Kỳ của Mãn Châu.
Cha là Đoan Cung mất sớm, một mình mẹ Văn Tú là Tưởng thị phải gánh vác nuôi 2 con gái ruột và 1 con chồng.
Đầu tháng 9/1916, Tưởng thị gửi con gái 8 tuổi Văn Tú tới Trường tiểu học Hoa Thị để theo học.
Kể từ khi bắt đầu đi học, Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương. Ngọc Phương tỏ ra là một cô bé có tư chất, học rất giỏi.
Không chỉ thế, Ngọc Phương càng lớn càng xinh đẹp, vóc dáng cao ráo, mắt to, da trắng.
Năm 1921, Phổ Nghi tròn 16 tuổi, hoàng thất nhà Thanh khi đó vẫn trong hoàng cung ở Bắc Kinh đã bàn bạc và quyết định phải chọn cho Phổ Nghi một hoàng hậu.
Chú của Phó Ngọc Phương là Hoa Kham nghe vậy liền lấy ảnh của Phó Ngọc Phương gửi để tuyển chọn.
Kết quả, Uyển Dung khi đó 17 tuổi được lựa chọn làm hoàng hậu còn Văn Tú mới chỉ 14 tuổi được lựa chọn làm hoàng phi của Phổ Nghi.
Mẹ con Văn Tú được sống trong một căn nhà lớn ở gần hoàng cung và được vua ban tặng rất nhiều đồ đạc.
Ngày 30/11/1922, Văn Tú được đưa vào hoàng cung trước Hoàng hậu Uyển Dung 1 ngày. Trong hoàng cung người ta gọi Văn Tú là Thục phi.
Trong đêm tân hôn, Phổ Nghi không ở cùng phòng với Văn Tú. Sáng sớm hôm sau, Phổ Nghi tổ chức hôn lễ với Hoàng hậu Uyển Dung nhưng cũng không ở cùng phòng với Uyển Dung.
Một mình Phổ Nghi cứ như vậy ở Dưỡng Tâm Điện.
Trong cung, Văn Tú bị Hoàng hậu Uyển Dung ganh ghét ra mặt bởi hoàng hậu chủ trương chỉ có một vợ một chồng, do vậy cực lực phản đối chuyện hoàng đế lấy vợ bé.
Văn Tú dù mang tiếng là hoàng phi song chỉ là vợ bé, đành ngậm ngùi một mình sống tại Cung Trường Xuân, thậm chí ngay cả ăn cơm cũng chỉ có một mình.
Về sau, Phổ Nghi cho mời một giáo viên nước ngoài tới dạy tiếng Anh cho Văn Tú. Nhờ việc này, Văn Tú trở nên cởi mở hơn.
Cô yêu thích Văn học và làm bạn với sách trong thời gian ở cung. Về sau, do chính quyền chao đảo, vua Phổ Nghi bắt tay với Nhật.
Thục phi cực lực phản đối chuyện này và ra sức khuyên can hoàng đế nhưng bất thành, cô còn bị Phổ Nghi ghét bỏ, xa lánh.
Văn Tú bị ghẻ lạnh, cảm thấy không thể sống nổi trong gia đình hoàng thất này nữa nên bắt đầu nghĩ cách rời đi.
Sau khi nghe lời khuyên của người cháu họ là Ngọc Phần, Văn Tú nảy ra ý tưởng ly hôn với Phổ Nghi.
Dưới sự giúp sức của Ngọc Phần và em gái Văn Sách, Văn Tú thuê 3 vị luật sư nộp đơn lên tòa với nội dung bị ngược đãi và Phổ Nghi mắc bệnh sinh lý nên không sủng hạnh vợ.
Thời điểm đó, các tờ báo tại Nam Kinh và Thiên Tân liên tục đăng tải các thông tin liên quan tới việc Văn Tú đòi ly hôn với cựu hoàng Phổ Nghi, gọi cô là một 'hoàng phi cách mạng'.
Cuối cùng, Phổ Nghi phải đồng ý ly hôn với Thục Phi Văn Tú trong hòa bình.
Đây có thể được coi là một sự kiện chấn động cả Trung Quốc thời bấy giờ.
Gia tộc Ái Tân Giác La thống trị Trung Quốc hơn 300 năm, chưa từng có vị hoàng hậu hay hoàng phi nào dám đề nghị ly hôn với hoàng đế.
Về sau, Văn Tú được mai mối với thiếu tá Quốc dân đảng Lưu Chấn Đông. Năm 1947, 2 người kết hôn và sống khá hạnh phúc.
6 năm sau, vào ngày 18/9/1953, Văn Tú, vị hoàng phi cuối cùng của Trung Quốc, cũng là hoàng phi duy nhất trong lịch sử dám ly hôn với vua qua đời. Năm đó, Văn Tú chỉ mới 45 tuổi.


Tường quý nhân Đàm Ngọc Linh (1920-1942) 

Cưới năm 1937, được Phổ Nghi sủng ái nhất. Đàm Ngọc Linh thông minh, xinh đẹp, lại có tư tưởng yêu nước nên vợ chồng rất tâm đầu ý hợp. Phổ Nghi chịu nhiều ảnh hưởng từ Ngọc Linh. Năm năm sau nàng mất (1942). Cái chết của nàng là một điều bí ẩn. Nàng bị bệnh thương hàn, theo một bác sĩ Trung Quốc, lẽ ra không phải chết như vậy. Lúc đó một người Nhật là Kichi Mouyasuchoku nói hắn muốn “săn sóc” nàng. Dưới sự chăm sóc của y và những hộ lý Nhật, ngay ngày hôm sau nàng đột ngột từ trần.
Viên bác sĩ Nhật chữa cho nàng lúc đầu rất tận tâm, nhưng sau khi nói chuyện khá lâu với Mouyasuchoku trong một căn phòng đóng kín, ông ta ngưng tiêm thuốc và truyền máu cho nàng. Phổ Nghi nhớ lại nàng thường nói với ông về sự bạo hành và ngang ngược của người Nhật ở phía nam Trường thành khi nàng còn học ở Bắc Kinh. Ông ngờ rằng người Nhật đã nghe lén những cuộc nói chuyện ấy và họ đã xuống tay.
Có lần Lý Thục Hiền phát hiện trong sổ công tác của Phổ Nghi tấm ảnh Đàm Ngọc Linh thời trẻ vì sau khi Ngọc Linh mất, ông luôn luôn giữ ảnh nàng trong sổ để tưởng nhớ. Thế rồi một đêm, trong giấc ngủ, Lý Thục Hiền mơ thấy Đàm Ngọc Linh vận bộ đồ trắng đi đến bên giường, nàng hét lên khiến Phổ Nghi đang ngủ ngon cũng phải giật mình tỉnh giấc.



Phúc quý nhân Lý Ngọc Cầm (1928-2001) 

Cưới năm 1943, lúc mới 15 tuổi, đã trở thành vật hy sinh thứ tư. Cô ta vào cung chưa đến hai năm thì chính quyền Ngụy Mãn sụp đổ. Trong lần tan vỡ đó, Phổ Nghi trở thành tội phạm, còn Ngọc Cầm bị đưa về Trung Quốc giam giữ rồi ly hôn năm 1958 khi ông đang còn trong trại cải tạo.



Lý Thục Hiền (1925-1997) 

Năm 37 tuổi Lý Thục Hiền trở thành người vợ thứ năm của Phổ Nghi. Bấy giờ nàng là hộ lý Bệnh viện liên hợp khu Triều Dương Bắc Kinh. Người ta đồn rằng chính Thủ tướng Chu Ân Lai là người chủ hôn nối duyên cho hai người, nhưng sự thật không phải như thế. Hôn nhân giữa Lý Thục Hiền và Phổ Nghi là do Sa Tăng Hy – cán bộ biên tập Nhà xuất bản Nhân dân Bắc Kinh – xe duyên làm mối.
Trước khi về với Phổ Nghi, Lý Thục Hiền đã có hai đời chồng và một thời gian làm ở vũ trường do bà mẹ kế rất độc ác nên nàng bỏ nhà lên Thượng Hải làm vũ nữ để kiếm sống. Vì thế phải đợi Chính hiệp điều tra rõ ràng rồi thì hai người mới được cưới hỏi. Ngày 21-4-1962 hai người đăng ký kết hôn và ngày 30-4-1962 thì làm đám cưới.
Vì Phổ Nghi bị chứng bất lực, không thể làm tròn bổn phận người chồng nên cuộc sống vợ chồng thường hay lục đục. Có lần Lý Thục Hiền đã than thở với một người bạn gái rằng:“Thật là hối hận đã lấy Phổ Nghi. Tôi xuất thân từ dân thường, nếu không lấy Phổ Nghi tôi cũng đã sớm đi làm Hồng vệ binh rồi”.


Trần Khiết Như

Trần Khiết Như tên thật là Trần Phượng, quê tại vùng Trấn Hải, Chiết Giang. Từ khi còn nhỏ Trần Khiết Như đã theo cha mẹ tới sống tại Thượng Hải. Vào thời điểm lúc bấy giờ, với nghề kinh doanh giấy của Trần Hạc Phong, cha Trần Khiết Như, gia đình của Trần Khiết Như cũng được coi là gia đình giàu có.
Chính vì vậy, từ khi còn nhỏ, Trần Khiết Như đã được cha mẹ rất chăm lo đến chuyện giáo dục. Do vậy, khi mới ở tuổi 13-14, Trần Khiết Như không chỉ xinh đẹp mà còn nổi tiếng là cô gái có trí thức, thông thạo cả 2 - 3 ngoại ngữ. Tuy nhiên, tới mùa thu năm 1921, Trần Hạc Phong qua đời do bệnh tim phát đột ngột.
Gia đình họ Trần mất đi người trụ cột, nhanh chóng trở nên sa sút. Để duy trì cuộc sống, nuôi dưỡng mẹ già và có tiền học cho người em trai, Trần Khiết Như buộc phải xin vào làm ca kỹ ở kỹ viện Trường Tam Đường Tử - một trong những kỹ viện nức tiếng Thượng Hải thời bấy giờ. Chính tại đây, Trần Khiết Như đã lần đầu tiên gặp Tưởng Giới Thạch. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Tưởng Giới Thạch đã mê Trần Khiết Như như điếu đổ, tìm mọi cách để theo đuổi. Trần Khiết Như vì gánh nặng gia đình đã nhiều lần từ chối. Sau đó, nhờ có Trương Tịnh Giang và Tôn Trung Sơn thay nhau làm mối giới thiệu, Trần Khiết Như mới nhận lời cầu hôn của Tưởng Giới Thạch.
Ngày 12/5/1921, hôn lễ chính thức diễn ra. Cũng sau lễ cưới này, Tưởng Giới Thạch mới chính thức đổi tên Trần Phượng thành Trần Khiết Như. Năm đó, Tưởng 34 tuổi còn Trần Khiết Như mới chỉ 15. Sau đám cưới không lâu, Tưởng Giới Thạch nhận được lệnh của Tôn Trung Sơn, chuyển tới Quảng Châu hoạt động.
Từ thời điểm đó cho tới khi cuộc chiến Bắc phạt tiêu diệt các thế lực quân phiệt phía Bắc kết thúc, dù Tưởng ở cương vị nào, Trần Khiết Như đều theo sát Tưởng và được công nhận như vợ chính thức của Tưởng. Trần Khiết Như tuy bị hoàn cảnh đưa đẩy, phải làm nghề ca nữ, song lại là người được giáo dục bài bản, giỏi ngoại ngữ và các hoạt động xã giao. Do vậy, trong suốt thời gian đó, Tưởng vô cùng tự hào vì người vợ của mình. Tình cảm giữa Tưởng và Trần cũng vì thế mà rất sâu sắc. 


Tuy nhiên, đến năm 1927, một năm quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Tưởng Giới Thạch, khi Tưởng bắt đầu bước chân vào trung tâm vũ đài chính trị Trung Quốc thì mọi chuyện bắt đầu trở nên xấu đi.Để thực hiện mục tiêu chính trị của mình, Tưởng đã tìm mọi cách để có được cuộc hôn nhân chính trị với Tống Mỹ Linh. Và để có được cuộc hôn nhân này, Tưởng sẵn sàng hy sinh cả 3 người phụ nữ đã hết lòng tận tụy với mình mà một trong số đó chính là Trần Khiết Như. Tưởng ép cô sang Mỹ du học vào năm 1927, trước khi ông ta và Mỹ Linh tổ chức đám cưới. 

Đến năm 1933 Khiết Như về nước rồi năm 1940, khi đến ở tại Trùng Khánh, hai người lại qua lại nồng nàn. Chuyện này vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ Linh nên từ đó hai người phải xa cách. Khi Tưởng thua chạy ra Đài Loan, Khiết Như vẫn ở lại Đại lục. Bà mất tại Hong Kong năm 1971.


Bà Trần Hương Mai

Bà Trần Hương Mai sinh năm 1925 trong một gia đình dòng dõi tại Bắc Kinh, bố bà lưu học tại Anh và Mỹ, từng làm giáo sư, quan chức ngoại giao.v.v... Thời thanh thiếu niên của bà Mai vừa đúng lúc Nhật xâm lược Trung Quốc, bà theo người nhà chạy quanh co lánh nạn ở Hồng Công và Đại lục Trung Quốc, cuộc sống rất gian khổ. Lúc này, bố bà làm việc tại Hoa kỳ xa xôi gọi sáu chị em bà đi Hoa Kỳ học tập, chỉ có bà Trần Hương Mai khước từ ở lại Trung Quốc.
Năm 1944, bà Trần Hương Mai mới 19 tuổi đã trở thành nữ phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Trung Ương và được cử đi phỏng vấn tướng Chennault, "Đội Phi Hổ" Tình nguyện của Không quân Hoa Kỳ chi viện Không quân Trung Quốc lúc bấy giờ.
Sau khi kết thúc chiến tranh chống Nhật, bà Trần Hương Mai và Tướng Chennault lại gặp nhau tại thành phố Thượng Hải, quen biết tìm hiểu và thành vợ thành chồng. Lúc ấy bà Trần Hương Mai 23 tuổi, tướng quân Chennault 54 tuổi. Tuy tuổi tác, văn hóa.v.v... có khoảng cách, nhưng bà Mai nói "Chỉ cần hai người yêu nhau thì mọi việc đều có thể giải quyết." Cuộc hôn nhân mỹ mãn Trung Quốc-Hoa Kỳ đã trở thành một giai thoại lịch sử.



Năm 1949, bà Trần Hương Mai theo chồng tới Đài Loan, chuyên viết văn và đã xuất bản nhiều tác phẩm nổi tiếng. Bà Trần Hương Mai là một phụ nữ ngoan cường và tự lập, sau hai năm chồng qua đời, năm 1960, bà dắt hai đứa con nhỏ tới Oa-sinh-tơn Hoa Kỳ định cư. Tác phẩm nổi tiếng "Một nghìn mùa xuân" bản tiếng Anh của bà Trần Hương Mai sau khi xuất bản tại Niu-ooc đã bán rất chạy, xuất bản 20 lần trong một năm. Bà đi diễn thuyết khắp Hoa Kỳ, nói về tình hình Trung Quốc, phân tích quan hệ Trung-Mỹ, cũng giới thiệu về nền Văn hóa Trung Quốc, đã được hoan nghênh rộng khắp. Bà Trần Hương Mai với dũng khí và nghị lực phi thường đã tiến quân vào giới chính trị và giới thương mại, nhưng là phụ nữ gốc Hoa, nhưng lại đứng trước chướng ngại to lớn tại tổ quốc của chồng bà. Bà Trần Hương Mai nói :
Chướng ngại lớn nhất là tại xã hội Hoa Kỳ này, bạn là người gốc châu Á, cảm thấy hình như tại sao bạn phải giành lấy nhiều danh vọng như vậy ? Đây là khó khăn lớn nhất."
Bà Trần Hương Mai cảm thấy sự từng trải phấn đấu tại Hoa Kỳ càng gian khó hơn so với những gian truân trong thời kỳ trẻ tuổi loạn lạc. Bà Trần Hương Mai nói :
Đến Hoa Kỳ, thử thách đó càng gian nan. Khó tới mức không thể nói ra được, bản thân làm mỗi một việc đều phải vững vàng gắng sức làm, giả sử không có ý chí kiên cường thì không thể nào có biện pháp. Khi cười thì mọi người cùng cười, khi khóc thì một mình rơi nước mắt. 
Bà Trần Hương Mai với ý chí kiên cường và sức quyến rũ độc đáo của mình đã dành được thành công, sáng tạo ra nhiều "Đệ nhất" : Năm 1963, bà được Tổng thống Ken-nơ-đi ủy nhiệm tới Tòa nhà trắng làm việc, trở thành người Mỹ gốc Hoa đầu tiên vào làm việc tại Tòa nhà trắng. Năm 1970, bà giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty hàng không Phi Hổ, trở thành nữ Phó tổng giám đốc đầu tiên của Công ty hàng không Hoa Kỳ. Bà gia nhập Ngân hàng lớn Hoa Kỳ, trở thành Thành viên Người gốc châu Á đầu tiên trong Ban quản trị. Bà còn được bầu là một trong bảy mươi nhân vật có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ.
Bà Trần Hương Mai lần lượt được trọng dụng từ thời Tổng thống Ken-nơ-đi đến Tổng thống Clin-tơn trong tám nhiệm kỳ Tổng thống Hoa Kỳ. Sau khi Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Hoa Kỳ và Trung Quốc cắt đứt quan hệ gần 30 năm. Bà luôn luôn quan tâm chú ý tới sự phát triển của Trung Quốc, ra sức thúc đẩy sự phát triển hữu nghị Trung – Mỹ, góp phần cống hiến tích cực cho hàng loạt sự kiện quan trọng như Tổng thống Nich-sơn thăm Trung Quốc năm 1972, Trung Quốc và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979.v.v...
Cuối tháng 12 năm 1980, sau 31 năm cách biệt, bà Trần Hương Mai đã trở lại Bắc Kinh nơi chôn rau cắt rốn của mình, là Đặc phái viên của Tổng thống đương kim Hoa Kỳ Ri-gân, bà trao bức thư riêng của Tổng thống Ri-gân về sự phát triển quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc cho Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Đồng chí Đặng Tiểu Bình mở tiệc chiêu đãi Đoàn và mời bà Trần Hương Mai ngồi ở vị trí khách quí số một, dí dỏm nói "Ở Hoa Kỳ có gần một trăm Nghị sĩ, nhưng không nói riêng Hoa Kỳ, mà cả thế giới cũng chỉ có một bà Trần Hương Mai". Nhớ lại quang cảnh lúc ấy, bà Trần Hương Mai nói :
Tôi cảm thấy ông Đặng Tiểu Bình rất thông thái, ông nói câu này là sự đánh giá cao đối với tôi, tôi vô cùng cảm động.
Sau đó, Bà Trần Hương Mai đi lại như mắc cửi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giúp đỡ thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác nhiều tầng lớp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bà Trần Hương Mai nói, 30 năm trước, Hoa Kỳ không hiểu biết Trung Quốc, Trung Quốc cũng không hiểu biết Hoa Kỳ, bà giải thích và giới thiệu về hai nước. Những điều tai nghe mắt thấy tại các nơi Trung Quốc đều là những tài liệu đầu tay của bà để giới thiệu về Trung Quốc cho Hoa Kỳ.
Vào lúc Tổng thống Obama vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc, bà Trần Hương Mai nhìn lại 30 năm qua, cho rằng sự biến đổi lớn nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nước đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau hợp tác, đây là điều vô cùng quan trọng. Bà đồng thời cũng cho rằng, hai bên vẫn cần phải nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề trong thời gian dài. Bà Trần Hương Mai nói :
Quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ 30 năm trước đương nhiên cũng đang tiến bước, nhưng tiến độ không được như ngày nay, giờ đây sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên đã tăng cường rất nhiều, do đó Tổng thống Obama mới có thể đến thăm Trung Quốc, có ý nghĩa vô cùng to lớn. Tôi cảm thấy nhiều sự việc không thể nói và làm được triệt để, nhưng mỗi bên đều có một số tiến độ nhất định, quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng hữu hảo, nhưng còn nhiều vấn đề chúng ta cần hiểu biết lẫn nhau, do đó cho dù là chính phủ hay dân gian, chúng ta cần phải nỗ lực tăng cường, đi theo định hướng tốt đẹp này.
Bà Trần Hương Mai nói : Tôi thường nói mình phải làm người phụ nữ bậc nhất, không làm người phụ nữ bậc nhì. Phụ nữ bậc nhất là một người phụ nữ, không nên nói là làm người đàn ông thứ hai. Về mặt này, nam nữ bình đẳng, làm việc có thể như nhau.

Ngày nay, bà Trần Hương Mai vẫn nhiệt tình gánh vác trác nhiệm Nhà hoạt động Xã hội, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban hợp tác quốc tế Hoa Kỳ, tuy đã trên 80 tuổi, nhưng bà vẫn kiên trì hàng ngày tới văn phòng làm việc và hàng năm tới thăm Trung Quốc hai lần để thúc đẩy giao lưu dân gian giữa hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bà cho rằng cho dù tuổi cao bao nhiêu, là con người thì nên góp phần cống hiến cho xã hội và đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved