Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

20 thg 1, 2014

Hồng Lâu Mộng - Hồi 11-15-Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc

Hồi 11

Mừng sinh nhật, phủ Ninh bày tiệc linh đình;
Gặp Hy Phượng, Giả Thụy động lòng dâm dục.

Nói về ngày sinh nhật Giả Kính, Giả Trân sắp các thức ăn ngon và hoa quả lạ, bày vào mười sáu mâm đồng lớn, bảo Giả Dung dẫn người nhà mang đến dâng Giả Kính, lại dặn:
- Phải để ý cẩn thận xem ông có vui hay không, rồi hãy làm lễ chúc thọ, và thưa với ông rằng: “Cha cháu vâng lời ông dạy, không dám đến, sớm hôm nay ở nhà cùng mọi người đã làm lễ bái vọng chúc thọ ông rồi”.
Giả Dung vâng lời, dẫn người mang lễ đi.

Ở nhà dần dần có người đến. Trước hết là Giả Liễn, Giả Tường đến xem những chỗ khách ngồi, rồi hỏi:
- Có trò gì vui không?
Người nhà đáp: 
- Ông chúng tôi trước tưởng cụ hôm nay về nhà, nên không dám sắp sẵn trò vui. Nhưng vừa rồi nghe nói cụ không về nên đã bảo chúng tôi đi đón một ban hát nhỏ và một phường âm nhạc đến, chúng đang chực sẵn ở rạp hát.
Sau đó, Hình phu nhân, Vương phu nhân, Phượng Thư, Bảo Ngọc đều đến cả. Vợ chồng Giả Trân ra đón. Mẹ vợ Giả Trân đã ở đây trước. Mọi người chào và mời nhau ngồi. Vợ chồng Giả Trân mời nước rồi cười nói:
- Cụ ta là bậc trên, cao tuổi, cha tôi là hàng cháu, đáng ra ngày hôm nay không dám mời người đến mới phải; nhưng được khi tiết trời mát mẻ, hoa cúc nở đầy vườn, chúng tôi muốn mời người sang chơi, trông thấy lũ cháu chắt vui đùa nhộn nhịp để người đỡ buồn. Không ngờ người lại không hạ cố. 
Phượng Thư không đợi Vương phu nhân trả lời, nói ngay:
- Hôm nọ cụ đã bảo hôm nay thế nào cũng sang, nhưng vì chiều hôm qua thấy chú Bảo ăn đào, người cũng ăn già nửa quả, đến canh năm phải đi ngoài hai lần. Sáng hôm nay thấy mệt, truyền tôi thưa với ông bác rằng người không sang được. Người truyền đưa sang vài món ăn ngon, nhưng phải nấu thật dừ.
Giả Trân cười nói:
- Tôi đã bảo người vẫn thích vui, hôm nay không sang được tất có chuyện gì. Té ra là thế.
Vương phu nhân nói: 
- Hôm trước thấy vợ anh Dung khó ở, bây giờ thế nào?
Vưu thị nói:
- Bệnh cháu cũng hơi lạ. Hôm trung thu vừa rồi, nó còn chơi ở bên cụ và bà Hai, đến nửa đêm về nhà vẫn khỏe. Sau đấy hai mươi hôm, càng ngày cháu càng thấy mệt, đến nửa tháng nay không chịu ăn uống gì. Hai tháng nay cháu lại không thấy kinh.
Hình phu nhân nói luôn: 
- Hay là có tin mừng?
Đương nói chuyện thì có người ở ngoài vào báo: “Hai ông và các vị bên phủ Vinh đã sang, hiện ở trên nhà khách.”
Giả Trân vội ra đón. Vưu thị nói tiếp: 
- Trước cũng có thầy thuốc nói là có tin mừng, nhưng hôm nọ ông Phùng Tử Anh mách một ông lang là thầy học của ông ta lúc bé, rất giỏi về nghề thuốc, đến xem cho nó. Ông ta bảo không phải tin mừng mà là bệnh nặng. Ông ta có kê đơn, đã uống một thang đầu đỡ nhức, còn các bệnh khác thì chưa thấy bớt.
Phượng Thư nói:
- Theo tôi thì chị ấy cũng không đến nỗi yếu lắm đâu, hôm nay vui thế này, nên cố gượng mà dậy. 
Vưu thị nói : 
- Hôm mồng ba vừa rồi, thím đến thăm, nó cố gượng dậy một lúc, cũng là chỗ thím cháu hợp tính nhau, nên quyến luyến không rời ra được. 
Phượng Thư nghe xong, mắt đỏ hoe, nói: 
- Trời có khi mưa gió bất ngờ, người cũng có lúc họa phúc không lường trước được. Mới bằng ấy tuổi đầu mà đã đau ốm như thế, nếu đến nỗi nào thì người ta ở đời, còn có thú gì!
Chợt Giả Dung đến chào Hình phu nhân, Vương phu nhân và Phượng Thư, rồi nói với với Vưu thị: 
- Con đã mang đến dâng ông các thức ăn và thưa: cha con ở nhà đang tiếp các ông, các chú bên phủ Vinh sang. Theo lời ông dạy, cha con không dám đến. Ông nghe nói rất vui, bảo thế mới phải. Lại truyền: cha mẹ tiếp các ông, các bà, con phải tiếp các chú, các thím, các em cho chu tất; và phải khắc ngay kinh “âm chất văn” in ra một vạn cuốn để phát cho mọi người. Việc này con đã thưa với cha rồi. Bây giờ con phải ra ngay mời các ông, các chú dùng cơm.
Phượng Thư nói:
- Anh Dung hãy đứng lại! Chị hôm nay thế nào?
Giả Dung chau mày nói: 
- Mệt lắm! Lát nữa thím đến thăm thì biết.
Nói xong đi ra. 
Vưu thị hỏi Hình phu nhân và Vương phu nhân:
- Các vị định xơi cơm trong này hay ra ngoài vườn? Ở ngoài ấy đã sửa soạn ban hát.
Vương phu nhân nhìn Hình phu nhân nói:
- Chúng ta sẽ ăn trong này cho tiện.
Hình phu nhân nói:
- Đúng đấy. 
Vưu thị liền sai dọn cơm, bọn người hầu đứng ngoài cửa dạ ran, rồi mỗi người bưng một thức vào.
Một lúc bày xong, Vưu thị mời Hình phu nhân, Vương phu nhân và bà mẫu thân cùng ngồi lên trên, còn mình ngồi bên cạnh Phượng Thư và Bảo Ngọc. Hình phu nhân và Vương phu nhân nói:
- Chúng tôi đến đây cốt để chúc thọ ông anh chứ có phải đến để ăn mừng ngày sinh nhật đâu.
Phượng Thư nói:
- Bác thích tĩnh dưỡng, tu luyện thành công, cũng chẳng khác gì thần tiên. Những lời chúc của hai mẹ cũng có thể là lòng thành thấu đến quỷ thần đấy!
Cả nhà nghe vậy cười ầm lên. 
Mẹ Vưu thị, Hình phu nhân, Vương phu nhân, Phượng Thư ăn cơm xong, súc miệng, rửa tay rồi bảo nhau ra vườn nghe hát.
Giả Dung đến nói với Vưu thị: 
- Hai ông, các chú, các em ăn cơm xong cả rồi. ông Cả thì nói nhà có việc; ông Hai thì không thích nghe hát, lại sợ đông người làm ồn ào nên đều về cả. Còn các chú, các anh thì con đã mời chú Liễn, chú Tường ra xem hát. Vừa rồi, bốn quận vương là Nam An Quận vương, Đông Bình Quận vương, Tây Ninh Quận vương, Bắc Tĩnh Quận vương, sáu quốc công như Trần Quốc Công ở phủ Ngưu, và tám tước hầu như Trung tĩnh hầu phủ Sứ, đều sai người mang danh thiếp và lễ vật đến chúc thọ, con đã trình cha và thu vào buồng, lễ đơn cũng đã vào sổ. Con đã đưa thiếp cám ơn, cho các người nhà tiền thưởng, và mời họ ăn uống chu tất cả rồi. Mẹ nên mời hai bà, bà ngoại, thím Phượng ra ngoài xem hát.
Vưu thị nói:
- Trong này ăn xong cũng sắp ra đây.
Phượng Thư nói:
- Xin phép mẹ, cho con vào thăm chị Dung, rồi sẽ ra sau.
Vương phu nhân bảo:
- Ừ, chúng ta cũng muốn vào thăm cháu, nhưng sợ ồn quá, con nói hộ là chúng ta có lời hỏi thăm.
Vưu thị nói với Phượng Thư: 
- Thím ơi! Cháu nó rất nghe lời thím. Thím vào khuyên giải cháu một câu, tôi cũng yên lòng rồi mời thím ra vườn xem hát.
Bảo Ngọc cũng đòi đi theo Phượng Thư. Vương phu nhân nói:
- Con vào thăm rồi ra ngay nhé, nó là cháu dâu đấy!
Vưu thị mời Hình phu nhân, Vương phu nhân và bà mẫu thân ra vườn Hội Phương.
Phượng Thư và Bảo Ngọc cùng Giả Dung vào buồng Tần thị. Đến cửa, đi se sẽ. Tần thị trông thấy, toan đứng dậy. Phượng Thư bảo: “Thôi đừng đứng dậy mà chóng mặt”.
Phượng Thư bước nhanh lại, cầm tay Tần thị nói:
- Cháu ơi, mới có mấy hôm nay không gặp mà đã gầy đến thế này à?
Rồi ngồi trên đệm, cạnh Tần thị.
Bảo Ngọc hỏi thăm rồi ngồi xuống ghế trước mặt.
Giả Dung gọi:
- Pha nước lại đây, thím và chú Hai ở nhà trên chưa uống nước đấy.
Tần thị cầm tay Phượng Thư gượng cười:
- Cháu thực là ít phúc quá! Ở trong nhà này, bố mẹ chồng thương như con đẻ. Thưa thím, chồng cháu tuy còn ít tuổi, nhưng vẫn kính yêu nhau, chưa hề gắt gỏng một câu. Thím thương cháu đã đành rồi, cả nhà, những bậc trên, người ngang hàng ai cũng thương cháu, yêu cháu. Bây giờ bị ốm, cháu chán ngán quá, chưa báo hiếu bố mẹ chồng được một ngày nào. Thím có lòng thương cháu, nhưng dù cháu muốn báo đáp lại cũng đành chịu vậy! Cháu lo chưa chắc đã chịu nổi hết năm nay.
Bảo Ngọc đương ngắm nhìn bức tranh “Hải đường xuân thụy" và đôi câu đối:
Lờ mờ giấc mộng xuân hơi lạnh;
Ngào ngạt mùi hương rượu khá nồng.
Lại nhớ ngay đến việc nằm ngủ ở đây, mơ đến “Thái hư ảo cảnh”. Đương lúc ngẩn ngơ suy nghĩ, chợt nghe thấy tiếng Tần thị, trong lòng Bảo Ngọc đau đớn như muôn mũi tên bắn vào, nước mắt tự nhiên chảy xuống ròng ròng. Phượng Thư thấy vậy, trong bụng áy náy bội phần, sợ người ốm trông thấy lại thêm đau lòng, còn đâu là an ủi nữa, liền nói:
- Chú Bảo thật là tính đàn bà! Người ốm bực mình thì nói thế, chứ đã đến nỗi nào. Tuổi cháu còn trẻ, ốm qua loa rồi sẽ khỏi. Và cháu cũng đừng nghĩ ngợi lung tung vậy, chỉ tăng thêm bệnh đấy thôi.
Giả Dung nói: 
- Bệnh nhà cháu chẳng cần phải uống thuốc men gì, cứ ăn được là khỏi.
Phượng Thư nói:
- Chú Bảo! Mẹ bảo vào rồi ra ngay. Chú đừng làm thế để cháu nó lại sinh buồn thêm. Mẹ ở ngoài kia đang mong chú đấy.
Rồi quay lại, bảo Giả Dung: 
- Cháu và chú Bảo hãy ra ngoài kia, để ta ngồi đây một lúc nữa.
Giả Dung nghe nói, cùng Bảo Ngọc đi ra vườn hoa Hội Phương.
Phượng Thư khuyên giải Tần thị một lúc, lại thì thào với nhau nhiều câu tâm sự. Vưu thị hai ba lần sai người về đón, Phượng Thư mới bảo Tần thị:
- Cháu cứ yên lòng tĩnh dưỡng, hôm nào rỗi, thím lại sang thăm. Bệnh cháu thế nào cũng khỏi. Hôm nọ đã tìm được thầy thuốc hay, vậy cháu cũng đừng lo nghĩ nữa.
Tần thị cười nói:
- Dù là thần tiên chăng nữa, chữa được bệnh chứ chữa sao được mệnh! Thím ơi, cháu biết bệnh này chỉ tính ngày tính giờ thôi.
Phượng Thư nói:
- Cháu cứ nghĩ thế thì bao giờ khỏi được? Nên khuây khỏa đi là phải. Vả lại thầy thuốc đã nói, không chữa ngay sợ đến mùa xuân sang năm, bệnh sẽ tăng lên, nay mới nửa tháng chín, còn bốn năm tháng nữa, lo gì bệnh chẳng chữa khỏi. Nếu như nhà khác không có nhân sâm, thì cũng khó đấy. Nhưng ở đây bố mẹ chồng cháu còn có thể chữa được thì đừng nói mỗi ngày hai đồng cân, chứ hai cân nhân sâm cũng có thể cho cháu uống được. Thôi cháu chịu khó tĩnh dưỡng, thím ra vườn đây.
Tần thị nói:
- Thím ơi, tha lỗi cho cháu, cháu không thể theo thím ra được. Lúc nào rỗi, mời thím sang chơi, thím cháu sẽ nói chuyện nhiều.
Phượng Thư nghe vậy tự nhiên mắt lại đỏ hoe lên:
- Lúc nào rỗi, thím lại sang thăm cháu. 
Rồi dẫn bọn người hầu và người nhà phủ Ninh ra quanh cửa đi tắt vào vườn hoa, nhìn thấy:
Hoa vàng giải đất, liễu trắng quanh bờ. Suối Nhược Gia(1) cầu nhỏ bắc qua; núi Thiên Thai(2) đường con rẽ tới. Khe đá dòng trong róc rách, hàng giậu đều thơm; trên cây lá đỏ rập rờn, rừng thưa như vẽ. Gió tây thổi mạnh, oanh còn thỏ thẻ bên tai; ngày ấm vui dồn, dế cũng rì rầm nói chuyện. Kìa phía đông nam, mấy tòa lầu nhấp nhô dựa núi; nọ nơi Tây bắc, ba gian hiên thấp thoáng kề sông. Vang tiếng phách sênh, tình riêng khôn tả; chen màu là lụa, cảnh đẹp nên thơ.



Phượng Thư đi thong thả xem cảnh trong vườn. Đương lúc ngắm nghía, chợt thấy một người ở sau núi giả chạy ra, đứng trước mặt, nói:
- Xin chào chị!
Phượng Thư giật mình, lùi lại hỏi: 
- Có phải chú Thụy đấy không?
Giả Thụy nói: 
- Chị không nhận ra tôi à? 
- Không phải tôi không nhận ra, đương lúc bất thình lình không ngờ chú lại ở đây.
Giả Thụy nói:
- Có lẽ tôi với chị có duyên hay sao? Tôi vừa ở trong tiệc lẻn ra, đến chỗ thanh vắng này cho khoan khoái một tí, không ngờ lại gặp chị. Thế chẳng phải có duyên là gì.
Vừa nói, mắt hắn vừa chòng chọc nhìn Phượng Thư.
Phượng Thư là người thông minh, thấy dáng bộ ấy đã đoán được tám chín phần, liền nhìn Giả Thụy, giả cách mỉm cười, nói:
- Không trách anh chú thường nhắc đến chú luôn, bảo chú tốt lắm. Nay được gặp, nghe nói mấy câu, biết ngay chú là người thông minh hòa nhã. Bây giờ tôi phải đến chỗ các bà, không tiện nói chuyện. Lúc nào rỗi, chúng ta lại sẽ gặp nhau.
Giả Thụy nói:
- Tôi muốn đến thăm chị, nhưng sợ chị trẻ tuổi không chịu tiếp khách dễ dàng.
Phượng Thư lại giả cách cười nói:
- Chỗ anh em ruột thịt trong nhà, sao lại nói trẻ tuổi với không trẻ tuổi?
Giả Thụy nghe thế, trong bụng mừng thầm: “Không ngờ hôm nay lại có cuộc gặp gỡ lạ lùng thế này!” Tình cảnh ấy càng làm cho Giả Thụy ngẩn ngơ ngơ ngẩn. Phượng Thư lại nói:
- Thôi, chú vào tiệc ngay đi. Coi chừng họ lại bắt uống phạt đấy!
Giả Thụy nghe xong, tê tái cả người, đi chầm chậm rồi cứ quay đầu lại nhìn. Phượng Thư cố ý đi thong thả. Thấy hắn đi xa rồi, trong bụng nghĩ: “Thế mới là: Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao? Đâu lại có hạng người chó má như thế! Nếu vậy có lúc nó phải chết với ta cho nó biết tay!”
Phượng Thư đang đi vòng qua quả núi giả, thấy hai bà già hớt hải chạy đến, cười nói:
- Mợ tôi không thấy mợ lại, sốt ruột quá, bảo chúng tôi đi mời. 
Phượng Thư nói: 
- Mợ các ngươi lúc nào cũng nóng tính thế!
Phượng Thư vẫn đi thong thả, hỏi: 
- Hát được mấy vở rồi?
Bà già nói:
- Được tám chín vở.
Đi đến cửa sau lầu Thiên Hương, thấy Bảo Ngọc đương chơi với lũ hầu nhỏ ở đấy. Phượng Thư nói:
- Chú Bảo đừng có đùa nghịch đấy. 
Một a hoàn nói: 
- Các bà đương ngồi trên lầu. Mời mợ lên. 
Phượng Thư thong thả vén áo bước lên lầu. Vưu thị đã đợi ở trên cầu thang, cười nói:
- Hai thím cháu nhà ngươi mến nhau lắm nhỉ, hễ gặp mặt là không thể nào rời ngay ra được. Ngày mai thím dọn sang đây với cháu. Ngồi xuống đây, tôi mời một chén đã.
Phượng Thư đến xin phép Hình phu nhân, Vương phu nhân rồi mới ngồi. Vưu thị đem giấy kê các vở hát, mời Phượng Thư chấm, Phượng Thư nói:
- Hai mẹ ngồi đây, khi nào con dám chấm! 
Hình phu nhân, Vương phu nhân nói:
- Chúng ta và bà thông gia đây đã chấm mấy vở rồi, bây giờ chị chấm mấy vở để họ hát cho chúng ta nghe.
Phượng Thư đứng dậy xin vâng, cầm giấy kê vở hát xem rồi chấm vở “Hoàn hồn” và vở “Đàn từ", sau đó trả lại giấy kê, nói:
- Hát xong vở “Song quan cáo” rồi đến hai vở này là vừa hết giờ.
Vương phu nhân nói:
- Phải đấy. Cũng nên để cho các anh các chị ấy đi nghỉ sớm, vì trong lòng họ cũng không được thư thái lắm đâu!
Vưu thị nói:
- Các bà mẹ có hay sang chơi đâu. Bây giờ trời hãy còn sớm, xin mời hai vị và thím Phượng hãy ngồi lại một lúc cho vui .
Phượng Thư đứng dậy nhìn xuống dưới lầu, nói:
- Các ông đi đâu cả? 
Một bà già đứng bên cạnh nói:
- Các ông ấy vừa đến hiên Ngưng Hy, đem cả phường âm nhạc ra đấy uống rượu!
Phượng Thư nói:
- Ở trong này không được thỏa thích hay sao? Họ định đem ra ngoài đó để làm trò gì?
Vưu thị cười nói: 
- Phải đâu người nào cũng đứng đắn như thím.
Mọi người cười cười nói nói, nghe hát xong, dọn tiệc rượu đi bưng cơm lên. Ăn xong, họ ra cửa vườn, lên buồng nhà trên, uống nước, gọi sắp sẵn xe, rồi cáo từ bà mẹ Vưu thị, Vưu thị dẫn người hầu ra tiễn. Giả Trân dẫn con cháu đứng hầu cạnh xe, nói:
- Ngày mai lại mời hai mẹ sang chơi.
Vương phu nhân nói:
- Thôi hôm nay chúng tôi ở cả ngày bên này mệt lắm. Ngày mai cần phải nghỉ. 
Rồi cùng lên xe về. 
Giả Thụy vẫn chòng chọc nhìn Phượng Thư. Sau khi Giả Trân quay vào, Lý Quí mang ngựa đến, Bảo Ngọc cưỡi đi theo Vương phu nhân về. 
Giả Trân cùng anh em, con cháu ăn cơm xong, rồi đâu về đấy. Hôm sau các người trong họ lại đến, nhộn nhịp suốt ngày. Chẳng cần phải kể rõ.
Từ đấy, Phượng Thư thỉnh thoảng sang thăm Tần thị. Bệnh tình Tần thị khi giảm khi tăng. Giả Trân, Vưu thị, Giả Dung rất buồn.
Giả Thụy đến phủ Vinh mấy lần, nhưng đều gặp lúc Phượng Thư sang phủ Ninh vắng.
Năm ấy ngày ba mươi tháng một là ngày đông chí. Gặp lúc tiết trời thay đổi, ngày nào Giả mẫu, Vương phu nhân, Phương Thư cũng sai người sang thăm Tần thị. Người nhà về đều nói: “Trong mấy hôm nay bệnh không thấy tăng giảm gì”.
Vương phu nhân nói với Giả mẫu:
- Tiết giời thế này, mà bệnh không tăng, may ra có thể khỏi được.
Giả mẫu nói:
- Phải đấy, con bé ngoan như thế, lỡ có mệnh hệ nào, thật đáng thương đến chết đi được.
Nói xong, lòng rất đau xót, quay lại bảo Phượng Thư:
- Thím cháu chúng mày xưa nay thân thiết với nhau. Mai là mồng một, đến mồng hai cháu nên sang thăm cháu xem bệnh tình nó thế nào? May nó đỡ được, về nói cho ta biết. Ngày thường nó thích ăn thứ gì, cháu sai người mang sang cho nó.
Phượng Thư vâng lời. Đến mồng hai, ăn cơm sáng xong, đi sang phủ Ninh, thấy bệnh tình Tần thị tuy không nặng thêm, nhưng người gầy võ đi. Phượng Thư ngồi chơi nói chuyện một lúc khuyên giải Tần thị là bệnh có thể khỏi được. Tần thị nói:
- Khỏi hay không, đến mùa xuân sẽ biết. Nay qua tiết đông chí mà không việc gì, may ra có thể khỏi được cũng chưa biết chừng. Nhờ thím về trình với cụ và bà Hai xin cứ yên tâm. Hôm nọ cụ cho bánh bột hoài sơn có nhân táo, cháu ăn hai chiếc, thấy dễ chịu và bệnh hơi chuyển.
Phượng Thư nói:
- Ngày mai thím lại mang sang. Bây giờ thím ra thăm mẹ chồng cháu, rồi về trình cụ.
Tần thị nói:
- Nhờ thím hỏi thăm sức khỏe cụ và bà bên ấy hộ cháu.
Phượng Thư nhận lời, đi đến buồng Vưu thị. Vưu thị nói:
- Thím xem cháu thế nào?
Phượng Thư cúi đầu một lúc, nói:
- Chẳng có cách nào cứu được. Chị nên cho sắm sửa đồ hậu sự cho cháu, mượn cách xung, họa may dữ hóa lành chăng.
Vưu thị nói:
- Tôi đã thầm sai người đi sắm rồi, nhưng chưa có gỗ tốt, thong thả sẽ sắm sau.
Phượng Thư uống nước, trò chuyện một lúc, nói:
- Tôi phải về trình cụ đây.
Vưu thị bảo: 
- Nói cho có ý nhé, đừng để cụ phải lo.
- Tôi biết rồi. 
Phượng Thư đứng dậy về trình Giả mẫu:
- Vợ cháu Dung có lời sang thăm sức khỏe bà, lạy tạ ơn bà, và nó nói đã hơi đỡ, xin bà cứ yên tâm, hễ nó hơi khá một chút, sẽ sang hầu ngay. 
Giả mẫu nói: 
- Cháu xem nó thế nào? 
- Hiện giờ chưa ngại, tinh thần còn khá.
Giả mẫu nghe nói, ngẫm nghĩ một lúc, bảo:
- Cháu hãy thay quần áo rồi đi nghỉ.
Phượng Thư vâng lời ra thăm Vương phu nhân rồi về nhà, Bình Nhi đem quần áo đã hơ ấm sẵn cho Phượng Thư thay. Phượng Thư ngồi xuống, hỏi:
- Ở nhà có việc gì không?
Bình Nhi pha trà mang đến, nói:
- Không có việc gì, chỉ có chị Vượng đem nộp tiền lãi ba trăm lạng bạc, tôi đã nhận rồi. Lại có cậu Thụy sai người sang xem mợ có nhà không để sang thăm. 
Phượng Thư nghe nói “hừ” một cái:
- Thằng súc sinh này đáng chết, xem nó đến đây làm trò gì?
Bình Nhi nói: 
- Cậu Thụy có việc gì mà cứ hay đến?
Phượng Thư mới kể lại câu chuyện gặp hắn, và những lời lẽ cử chỉ của hắn trong vườn hoa phủ Ninh cho Bình Nhi nghe.
Bình Nhi nói:
- Ếch ghẻ lại muốn ăn thịt ngỗng trời! Đồ khốn nạn! Không có luân thường gì! Nó có bụng dạ ấy tất phải chết không toàn vẹn được đâu.
Phượng Thư nói: 
- Cứ để hắn lại đây, ta sẽ có cách.
--------------------------------------
(1). Tên một cái suối ở Chiết Giang, tương truyền là chỗ Tây Thi giặt vải ngày xưa.
(2). Tên một quả núi ở Chiết Giang. Theo thần thoại Lưu Thần, Nguyễn Triệu gặp tiên ở trên núi này.
 


Hồi 12

Vương Hy Phượng độc ác, bày cuộc tương tư;
Giả Thiên Tường chết oan, soi gương phong nguyệt.

Phượng Thư đang nói chuyện với Bình Nhi thì có người vào báo:
- Cậu Thụy đến.
Phượng Thư bảo: 
- Mời vào đây! 
Giả Thụy thấy mời, trong bụng mừng thầm, vội vã vào ngay. Khi gặp Phượng Thư, hắn vui vẻ chào hỏi luôn mồm.
Phượng Thư làm ra dáng ân cần, mời hắn ngồi uống nước. Giả Thụy thấy Phượng Thư trang điểm, càng thêm say sưa, liền lim dim mắt hỏi:
- Anh nhà sao mà chưa về? 
- Không biết tại làm sao?
- Hay là đi đường lại có ai buộc chân, nên không về được?
- Cũng có lẽ, thế mới biết bọn đàn ông bạ người nào yêu người ấy.
Giả Thụy cười nói:
- Chị lầm rồi, tôi thì không phải hạng người ấy đâu.
Phượng Thư cười nói:
- Mấy người được như chú? Mười người chưa chắc đã được một.
Giả Thụy nghe nói mừng lắm, gãi mặt gãi tai, nói:
- Chắc ngày nào chị cũng buồn lắm thì phải?
- Đúng đấy, chỉ mong có người đến chơi nói chuyện cho đỡ buồn.
- Tôi thì ngày nào cũng rỗi, thỉnh thoảng đến chơi với chị cho đỡ buồn, có được không?
- Chú nói đùa đấy chứ, khi nào chịu đến đây?
- Trước mặt chị, nếu tôi nói dối, thì trời đánh thánh vật! Chỉ vì thường nghe nói chị ghê gớm lắm, đối với chị, hơi sơ suất một tí cũng không được, cho nên tôi sợ không dám đến. Nay thấy chị là người vui vẻ, rất thương người, sao tôi lại không đến? Dù có chết cũng cam lòng.
Phượng Thư cười nói:
- Chú là người tinh ranh hơn anh em cháu Dung nhiều! Mặt mũi họ sáng sủa thế, cứ tưởng bụng họ cũng tinh ranh, hay đâu họ đều là hạng lẩn thẩn. Chẳng hiểu bụng người ta một tí nào.
Giả Thụy nghe nói, bụng càng rộn rực, toan sấn lại ngắm nghía cái túi của Phượng Thư. Lại hỏi Phượng Thư đeo cái nhẫn gì?
Phượng Thư khẽ nói:
- Đứng đắn một tí nào! Đừng để bọn người nhà trông thấy.
Giả Thụy nghe, tưởng chừng như những lời vua ban, Phật dạy, vội lùi ra xa. Phượng Thư cười bảo:
- Thôi hãy về đi. 
- Tôi ngồi lại đây một lúc nữa. Chị nhẫn tâm thế! 
- Ban ngày ban mặt, kẻ đi người lại luôn, ngồi lại đây sao tiện. Hãy về đi! Đến tối, độ đầu canh một lẩn đến cái nhà trống phía tây chờ tôi. 
Giả Thụy nghe nói, như được của báu, vội nói:
- Đừng đánh lừa nhé. Nhưng chỗ ấy nhiều người đi lại lắm, núp vào đâu được?
- Cứ yên chí. Tôi cho những đứa canh đêm nghỉ hết, hai bên đóng cửa lại, chẳng còn có ai đâu.
Giả Thụy nghe nói, mừng quá, vội cáo từ, trong bụng chắc mẩm. Chờ đến chiều tối, hắn mò sang phủ Vinh. Đương lúc sắp đóng của, hắn lẻn vào cái nhà trống, quả thấy tối om, chẳng có người nào đi lại. Cửa sang bên nhà Giả mẫu đã khóa rồi, chỉ còn cửa phía đông chưa đóng. Giả Thụy lắng nghe giờ lâu chẳng thấy ai đến. Chợt nghe tiếng lách cách, cửa phía đông cũng đóng nết. Giả Thụy sốt ruột, nhưng không dám lên tiếng, khe khẽ lần đến đẩy mấy cái, thấy cửa đóng chặt như thùng sắt. Bấy giờ hắn muốn ra cũng không được. Phía nam, phía bắc đều là tường cao, muốn trèo cũng không có chỗ vịn. Chỗ ấy lại là nơi gió lùa, chung quanh trống hốc. Trời tháng chạp đêm dài, gió bấc thổi hun hút, rét buốt đến xương, ai đứng đó một đêm có thể chết cứng được. Chờ mãi đến mờ sáng, thấy một bà già mở cửa phía đông, rồi sang gọi cửa phía tây. Lúc bà già ngoảnh mặt đi, hắn liền cắm đầu cắm cổ chạy biến mất. May trời còn sớm, chưa ai dậy, hắn lẻn ra cửa sau chạy một mạch về nhà.
Vì bố mẹ mất sớm, Giả Thụy ở với ông là Giả Đại Nho. Đại Nho dạy cháu rất nghiêm, không cho ra ngoài một bước, sợ cháu uống rượu đánh bạc, học trai gái gì chăng, hại đến việc học. Nay thấy cháu suốt đêm không về, Đại Nho rất bực bội, cho là không rượu chè thì cờ bạc hoặc trai gái, hát xướng chứ ngờ đâu lại là cái chuyện tội nợ ấy. Giả Thụy sợ toát mồ hôi, phải nói dối:
- Đến thăm cậu, trời tối quá, cậu giữ ngủ lại một đêm.
Đại Nho nói:
- Xưa nay mày đi đâu là phải xin phép tao, sao hôm qua lại dám tự tiện lẻn đi, như thế đã đáng đánh đòn rồi, huống chi lại còn nói dối. 
Bèn đánh Giả Thụy ba bốn chục roi thật đau, lại không cho ăn cơm, bắt phải quỳ học bù mười buổi mới tha. Giả Thụy bị rét một đêm, lại bị một trận đòn đau, phải nhịn đói, quỳ ở dưới đất mà học, khổ sở muôn phần.
Nhưng lòng tà vẫn chưa chịu bỏ, Giả Thụy vẫn chưa biết mưu chước của Phượng Thư. Qua vài ngày được lúc rỗi, hắn lại tìm đến. Phượng Thư làm ra bộ trách móc sai hẹn. Giả Thụy vội vàng thề ngay. Phượng Thư thấy hắn tự đâm đầu vào tròng, lại bày mẹo khác để cho hắn tỉnh ngộ. Bèn giả cách hẹn:
- Tối hôm nay đừng đến chỗ cũ nữa, cứ đến chờ ở cái gian nhà bỏ không, có đường rẽ sang buồng tôi, đừng có lầm đấy!
- Thực thế chứ?
- Không tin thì đừng đến!
- Thế nào cũng đến, nhất định đến, dù chết cũng đến. 
- Bây giờ hãy về đi. 
Giả Thụy chắc mẩm tối ấy thế nào cũng ổn chuyện ra về ngay. Bấy giờ Phượng Thư mới điều binh khiển tướng, đặt sẵn vòng vây.
Giả Thụy chỉ mong sao chóng tối, chờ mãi cho đến chiều, không ngờ lại có người trong họ đến chơi, ăn cơm tối xong mới về. Đến lúc lên đèn hắn lại phải đợi cho ông đi ngủ rồi mới lẻn sang phủ Vinh, đứng chờ ở chỗ hẹn. Hắn đi đi lại lại, loanh quanh, luống cuống như kiến bò trên nồi nước sôi. Bên trái chẳng thấy bóng người, bên phải chẳng có tiếng động. Hắn vừa sợ vừa ngờ: “Hay là không đến, lại làm cho ta chịu rét một đêm nữa chăng?” 
Đương lúc phân vân, thấy lù lù một bóng đen đi đến, Giả Thụy đoán chắc là Phượng Thư. Người ấy vừa đến gần, Giả Thụy ôm chầm lấy, như hổ đói vồ mồi, mèo đói vồ chuột, nói: “Chị ơi! Làm tôi chờ lâu chết đi được!” Hắn ôm ngay lên giường, hôn hít, cởi dải quần, rồi cứ “cha ôi! mẹ ôi!” kêu cuống cuồng lên. Người ấy lặng yên chẳng nói gì. Giả Thụy cũng đang cởi dải quần định nhập cuộc. Chợt có bóng đèn lòe sáng. Giả Tường cầm nến soi, hỏi: 
- Ai ở trong nhà ấy? 
Người nằm trên giường té ra là Giả Dung cười nói:
- Chú Thụy định hiếp tôi đấy!
Giả Thụy xấu hổ quá, không lẩn vào chỗ nào được, quay mình toan chạy. Giả Tường giữ lại, bảo:
- Không được chạy! Thím Liễn đã trình với bà Hai là chú đến ghẹo thím ấy. Thím ấy dùng kế giữ được chú ở đây. Bà Hai nghe nói, tức lộn ruột, bảo đến bắt chú. Chú phải theo tôi đi ngay!
Giả Thụy sợ hết hồn, nói:
- Cháu ơi! Cháu cứ nói là không tìm thấy chú, ngày mai chú sẽ hậu tạ.
Giả Tường nói:
- Tha chú cũng chẳng sao, nhưng chú định tạ bao nhiêu? Nói miệng không được, phải viết văn tự.
Giả Thụy nói:
- Viết thì viết thế nào?
- Có khó gì, cứ nói là chú thua bạc, vay bao nhiêu lạng là xong.
- Điều ấy cũng dễ thôi, nhưng không có giấy bút. 
Giả Tường lấy giấy bút, ra vẻ làm phúc làm đức, bắt Giả Thụy phải viết văn tự và ký tên vay 50 lạng. Xong xuôi đâu đấy, hắn lại bắt điều đình với Giả Dung. Lúc đầu Giả Dung nhất định không nghe, chỉ nói: “Ngày mai báo cho cả họ biết, xem họ phân xử ra sao!” Giả Thụy kêu van mãi, sau phải sụp xuống lạy, Giả Tường mới làm ra vẻ nhân từ, bắt Giả Thụy phải viết một bức văn tự vay 50 lạng bạc nữa mới thôi.
Giả Tường lại nói:
- Bây giờ tha chú ngay, tôi phải chịu lỗi. Cửa bên buồng cụ đóng rồi: ông tôi đang ngồi ở trên nhà khách xem những thứ ở Nam kinh gửi đến, lối ấy cũng khó đi lọt. Nay chỉ có thể lẻn đi ra cửa sau. Nhưng đi lối ấy mà gặp người thì cả tôi cũng có lỗi. Chờ tôi đi trước dò xem sao. rồi sẽ về đưa chú đi. Chú đứng nấp ở đây cũng không yên, lát nữa người ta còn chất nhiều thứ ở đây. Để tôi đi tìm chỗ khác. 
Giả Tường tắt đèn, dắt Giả Thụy ra ngoài, lần mò đến dưới thềm nhà, bảo: 
- Chỗ này nấp được, chú hãy ngồi đây, không được lên tiếng. Đợi tôi đến sẽ đi. 
Giả Thụy không làm thế nào được, đành phải ngồi chồm chỗm ở dưới thềm. Đang lúc lo nghĩ. Chợt ở trên đỉnh đầu, nghe ào một tiếng, một thùng vừa cứt vừa nước đái đổ xuống suốt từ đầu đến chân, Giả Thụy “ối chào” một tiếng, vội bưng miệng, không dám kêu to, đầu và mặt đầy những cứt đái, người lạnh như băng, run cầm cập. Giả Tường chạy lại bảo “Chạy mau! Chạy mau!” Giả Thụy được lệnh, ba chân bốn cẳng, từ cửa sau chạy về. Bấy giờ đêm đã canh ba, phải gọi cửa.
Người nhà trông thấy quang cảnh như thế, hỏi: “Làm sao thế?” Giả Thụy phải nói dối “Trời tối nhỡ chân ngã xuống hố xí". Rồi vào buồng tắm rửa, thay quần áo. Bấy giờ hắn mới biết Phượng Thư lừa mình, tức giận một hồi, nhưng lại nghĩ đến bóng dáng yểu điệu của nàng, tiếc không được ôm ngay vào lòng. Hắn nghĩ vơ nghĩ vẩn suốt đêm, không chợp mắt. Từ đó, trong lòng vẫn tơ tưởng Phượng Thư, nhưng không dám bén mảng đến phủ Vinh nữa. 
Bọn Giả Dung thường đến đòi nợ, Giả Thụy sợ ông biết, bệnh tương tư đã khổ lắm rồi, huống chi lại mắc thêm mấy món nợ nữa. Việc học hàng ngày lại rất nghiêm. Với con người mới hai mươi tuổi đầu, chưa có vợ, mơ tưởng Phượng Thư không toại nguyện, tránh sao khỏi ngón tay rầy dã rành rơi(1), gia dĩ hai lần bị rét và đi lại đêm hôm vất vả. Mấy mặt dồn dập tấn công, hắn đâm ra mắc bệnh: bụng đầy, miệng nhạt, chân run, mắt cay, đêm sốt, ngày mỏi mệt, đi đái dắt, di tinh, ho ra máu... Chưa đầy một năm, bệnh cứ nặng lên. Không gượng được nữa, hắn phải nằm liệt trên giường, hễ nhắm mắt lại mê mẩn bàng hoàng, sợ hãi, hoảng hốt, nói nhảm luôn mồm. Thầy thuốc xoay xở hết cách, nhục quế, phụ tử, miết giáp, mạch đông, ngọc trúc, uống hàng mấy chục cân, vẫn không thấy chuyển. Hết đông sang xuân, bệnh hắn càng nặng. Đại Nho lo lắng, tìm đủ thầy, đủ thuốc, cũng chẳng thấy công hiệu gì. Sau uống đến bài “độc sâm”, nhưng nhà Đại Nho sức đâu mà kiếm ra được, phải sang xin ở phủ Vinh.
Vương phu nhân bảo Phượng Thư cân cho hai lạng. Phượng Thư nói: 
- Hôm nọ đã mang ra chế thuốc cho bà rồi; mẹ lại bảo giữ lại một ít để biếu bà Dương đề đốc, con đã cho mang biếu hết cả rồi.
Vương phu nhân nói: 
- Bên này hết thì cho hỏi bên mẹ chồng cháu hay anh Trân cố kiếm thêm cho đủ để giúp người ta, cứu người được cũng là việc phúc đức đấy.
Phượng Thư vâng lời, nhưng không cho người đi hỏi, chỉ lấy mấy đồng sâm vụn cho người mang đi, bảo là bà Hai cho đấy. Nếu xin thêm thì không còn nữa. Rồi đến thưa với Vương phu nhân: “Đã kiếm được hai lạng và cho người mang đi rồi”.
Giả Thụy muốn chóng khỏi bệnh, thuốc nào cũng uống, tiền mất tật mang, chả ăn thua gì. Một hôm có vị đạo nhân khiễng chân đi hành khất, nói là chữa được bệnh oan nghiệt. Giả Thụy nằm trong nhà nghe thấy, kêu to: “Ra mời ngay vị phật sống ấy vào cứu tôi”. Rồi hắn cứ dập đầu xuống gối lạy lấy lạy để. Khi người nhà đưa vị đạo sĩ vào. Giả Thụy kéo ngay lấy tay kêu luôn:
- Nhờ phật sống cứu tôi!
Đạo sĩ thở dài:
- Bệnh ngươi không thể chữa bằng thuốc được! Ta đưa cho ngươi cái “bảo bối” này, ngày ngày ngươi ngắm vào đấy mới có thể cứu được.
Đạo sĩ lấy ở trong tay nải ra đưa cho Giả Thụy một cái gương soi cả hai mặt. Đằng sau gương khắc bốn chữ “Phong nguyệt bảo giám”(2) và nói:
- Gương này lấy ở đền Không Linh trong cõi Thái hư ảo cảnh, do vị tiên Cảnh ảo làm ra, có công giúp người đời bảo toàn tính mệnh. Vì thế, ta mang xuống trần chỉ để cho những bọn Vương tôn công tử tuấn tú phong lưu soi thôi. Nhưng chỉ nên soi mặt trái, không được soi mặt phải. Cẩn thận đấy! Soi ngay đi! Ba ngày nữa ta lại lấy, chắc bệnh ngươi sẽ khỏi. 
Nói xong, thong dong đi ra, ai giữ cũng không chịu ở. Giả Thụy cầm lấy gương nghĩ thầm:
- Đạo sĩ này chắc có ý gì đây! Ta hãy soi thử xem sao?
Bèn cầm gương mang mặt trái ra soi, thấy trong có bộ xương người. Giả Thụy sợ quá, vội giấu gương đi, mắng: “Đồ láo! Làm sao lại dọa ta! Ta hãy soi mặt phải xem sao?” Bèn soi mặt phải, thấy Phượng Thư đứng ở trong, vẫy tay gọi. Giả Thụy mừng lắm, mê mẩn đi vào trong gương, cùng Phượng Thư vui cuộc mây mưa, rồi Phượng Thư lại đưa ra nằm trên giường. Giả Thụy kêu “ái chà” một tiếng, bừng mắt ra, cái gương tự nhiên lật lại mặt trái, vẫn thấy một bộ xương người đứng sừng sững ở trong. Giả Thụy mồ hôi đầm đìa, dưới quần tinh thoát ra một đống. Dục tình vẫn chưa được thỏa, hắn lại quay mặt phải ra soi, thấy Phượng Thư lại vẫy tay gọi, hắn lại đi vào trong gương, cứ thế ba bốn lần. Đến lần cuối cùng vừa mới ở trong gương ra, thấy hai người chạy lại mang xích sắt khóa tay lôi đi, Giả Thụy kêu “Để cho tôi lấy cái gương đã”. Rồi im bặt, không nói được nữa.
Những người hầu bên cạnh thấy Giả Thụy mang gương ra soi, gương rơi xuống, mắt trợn to, lại cầm lấy gương. Cuối cùng gương rơi ra, tay không động đậy nữa. Mọi người đến xem thì đã tắt thở rồi, dưới quần đầm đìa một vũng tinh lạnh buốt.
Họ mới vội vàng thay quần áo cho hắn và khiêng hắn lên giường. Vợ chồng Đại Nho khóc lóc, chết đi sống lại, mắng đạo sĩ ầm lên: “Giống yêu đạo nào đưa lại vật này, hại đời không ít. Sao không đem đốt nó đi?” Rồi sai người chất lửa đốt cái gương. Bỗng trong gương có tiếng nói: “Ai bảo soi mặt phải! Các ngươi tự mình lấy giả làm thực, việc gì lại đốt gương của ta?”
Chợt thấy đạo sĩ khiễng chân từ ngoài vào, nói to:
- Ai đốt cái gương “Phong nguyệt bảo giám” ta lại cứu đây!
Liền chạy thẳng vào trong nhà cướp lấy cái gương, rồi vùn vụt ra đi.
Đại Nho đành phải lo liệu việc tang, báo tin buồn đi các nơi, ba ngày tụng kinh, bảy ngày cất đám, đưa ra quàn ở chùa Thiết Hạm, đợi ngày đưa về nguyên quán. Người trong họ đều đến viếng. Phủ Vinh thì Giả Xá giúp hai mươi lạng, Giả Chính giúp hai mươi lạng. Phủ Ninh, Giả Trân cũng giúp hai mươi lạng; còn những người trong họ giàu nghèo không đều nhau, người thì một hai lạng, người thì ba bốn lạng. Ngoài ra, các bạn hữu giúp đỡ cũng được hai ba mươi lạng. Nhà Đại Nho tuy nghèo, nhưng được nhiều người giúp đỡ, việc tang cũng lo liệu đầy đủ.
Cuối mùa đông năm ấy, Lâm Như Hải mắc bệnh nặng, viết thư bảo Đại Ngọc phải về, Giả mẫu nghe tin, lại thêm lo buồn, đành phải sắm sửa cho Đại Ngọc lên đường. Bảo Ngọc bứt rứt khó chịu. Nhưng vì tình cha con, nên không tiện ngăn giữ.
Giả mẫu bảo Giả Liễn đưa Đại Ngọc đi, khi xong việc sẽ lại đưa về. Các món quà địa phương và tiền lộ phí đều sắm sửa đủ cả. Chọn ngày tốt, Giả Liễn cùng Đại Ngọc từ biệt mọi người, mang theo người hầu xuống thuyền đi Dương Châu.
------------------------------
(1). Nghĩa đen của chữ “thủ dâm” của Tây sương ký.
(2). Cái gương báu để cho những người say đắm tình duyên trăng gió tự soi mà tỉnh ngộ lại.
 

Hồi 14

Tần Khả Khanh chết được phong long cẩm túy;
Vương Hy Phượng sang giúp việc bên phủ Ninh.

Từ ngày Giả Liễn đưa Đại Ngọc đi Dương Châu, Phượng Thư trong lòng buồn bã, cứ đến tối là cười đùa qua loa với Bình Nhi một lúc rồi đi ngủ ngay. Một đêm, Phượng Thư cùng Bình Nhi ngồi dưới đèn, ôm lồng ấp, sai a hoàn hơ ấm chăn đệm, rồi hai người đi nằm. Phượng Thư bấm đốt tay, tính đường đi xem chừng đã đến đâu. Hai người nói chuyện, bất giác sang canh ba. Bình Nhi ngủ lúc nào không biết. Phượng Thư thì đang mơ mơ màng màng. 


Chợt thấy Tần thị ở ngoài bước vào, mỉm cười nói:
- Thím ngủ ngon thế! Hôm nay cháu về, sao thím không đi tiễn chân cháu một quãng! Chỗ thím cháu ta ngày thường thân mật với nhau, cháu không dứt ra được, nên lại đây từ biệt. Có một điều áy náy trong lòng, cháu chỉ nói với thím, chứ nói với người khác chưa chắc đã ăn thua gì. 
Phượng Thư nghe nói, hoảng hốt hỏi:
- Cháu có việc gì, nói cho ta biết. 
Tần thị nói: 
- Thím ơi! Thím là bực anh hùng trong đám phấn son, ngay bọn con trai mũ cao áo dài cũng chẳng hơn được. Câu tục ngữ “Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy thì tràn”, và “Trèo cao tất ngã đau”, chắc thím cũng đã hiểu. Nhà ta giàu sang lừng lẫy non trăm năm nay, một ngày kia “Hết vui đến buồn”, đúng như câu tục ngữ: “Cây đổ khỉ vượn tan”, chẳng hóa ra phụ cái tiếng dòng họ thi thư lâu đời hay sao?
Phượng Thư nghe nói, lòng đầy vui vẻ, kinh sợ bội phần, vội hỏi: 
- Cháu nghĩ thế rất phải. Nhưng có cách gì giữ lại để sau này khỏi lo không?
Tần thị cười nhạt:
- Thím thế mà cũng ngớ ngẩn! Bĩ chán thì phải thái, vinh chán thì phải nhục, xưa nay vẫn quanh quẩn như thế, sức người có giữ được mãi đâu! Nhưng đang lúc thịnh, ta nghĩ cách đề phòng lúc suy, thì cũng có thể giữ lâu được. Hiện giờ mọi sự điều ổn, chỉ có hai việc là chưa xuôi, nếu biết xếp đặt ngay thì sau này sẽ không phải lo. 
- Những việc gì? 
- Một là, hiện nay mộ tổ vẫn bốn mùa tế lễ, nhưng không có món tiền chi tiêu nhất định; hai là, trường học của họ cũng không có món nào cung cấp nhất định. Bây giờ đương lúc thịnh, hai món ấy không đến nỗi thiếu thốn. Sau này không may sa sút, thì lấy tiền đâu ra mà chi. Theo ý cháu, chi bằng đang lúc phú quý, nên đặt nhiều trang trại, nhà cửa, ruộng đất bên cạnh một tổ, để chi phí việc tế tự và cung cấp. Trường học của họ cũng đặt ở đấy. Họp cả lớn bé trong họ, đặt một điều lệ, phàm việc ruộng đất, tiền nong, tế lễ, cung cấp, mỗi nhà trông nom một năm. Cứ lần lượt như thế, có thể tránh được cái tệ tranh giành nhau, hay mang đi cầm bán. Nếu người nào có tội, chỉ tịch thu riêng của người ấy, còn sản nghiệp hương hỏa thì ngay quan cũng không lấy được. Như vậy dù khi sa sút, con cháu vẫn có thể lui về nhà đọc sách, làm ruộng, giữ trọn được tế tự. Nếu chỉ nhìn trước mắt cho là vinh hoa mãi mãi mà không tính đến mai sau, thì không phải là kế lâu dài. Rồi đây chẳng bao lâu nữa sẽ có một sự vui mừng khác thường, thực là: “lửa nóng sôi dầu, hoa tươi cài gấm!” Nhưng đó chỉ là cuộc phồn hoa nháy mắt, vui sướng một thời, đừng nên quên câu: “tiệc vui cũng tàn!” Nếu không lo xa từ giờ, sau này hối cũng vô ích!
- Việc gì đáng mừng thế?
- Cơ trời không thể tiết lộ được, chỉ vì thím cháu ta thân nhau, nay cháu sắp đi, xin tặng lại hai câu này, thím nên nhớ kỹ:
Ba xuân khi đã qua rồi. 
Hoa tàn, thơm hết, mọi người chia tay!
Phượng Thư còn muốn hỏi nữa, chợt thấy ở cửa ngoài vang lên bốn hồi mõ sắt, báo tin có tang. Phượng Thư giật mình tỉnh dậy. Có người vào báo:
- Mợ Dung bên phủ Đông mất rồi!
Phượng Thư thất kinh, toát mồ hôi, ngẩn người ra một lúc, vội mặc quần áo, đến chỗ Vương phu nhân. Bấy giờ cả nhà đều biết, ai nấy buồn rầu, vẫn chưa tin là thật. Khắp họ, bậc trên thì thương nàng là người nết na; hàng dưới thì thương nàng hiền hậu. Cả những người nhà, từ già chí trẻ, nghĩ đến nàng ngày thường thương kẻ nghèo hèn, kính nể người già, yêu mến trẻ con. nên ai cũng khóc lóc đau xót. Nói về Bảo Ngọc, gần đây vì Đại Ngọc đi vắng, một mình lẻ loi, cũng không chơi đùa với ai. Cứ tối đến là buồn thiu, đi ngủ ngay. Đang lúc mơ màng, chợt nghe tin Tần thị chết, Bảo Ngọc vội vùng trở dậy, ruột đau như cắt, không ngờ ọe một cái, khạc ra một cục máu. Bọn Tập Nhân vội vàng đến đỡ hỏi tại làm sao và định đi trình Giả mẫu, mời thầy thuốc đến. Bảo Ngọc nói: 
- Đừng làm rộn lên, ta không sao đâu. Đó là do tâm hỏa bốc mạnh, huyết không đi theo đường đấy thôi.
Nói xong vùng dậy, thay quần áo, đến thăm Giả mẫu, rồi xin đi ngay.
Tập Nhân thấy thế, trong bụng không đành, nhưng không dám ngăn; mặc cho Bảo Ngọc đi.
Giả mẫu thấy vậy, bảo: 
- Người mới tắt thở, không được sạch sẽ, vả lại đêm hôm gió to, sáng mai cháu đến cũng chưa muộn.
Bảo Ngọc nhất định xin đi. Giả mẫu đành bảo sắp xe, sai nhiều người đi theo. Đến phủ Ninh, Bảo Ngọc thấy cửa phủ mở toang, đèn đuốc sáng như ban ngày, người đi lại tấp nập. Trong nhà tiếng khóc ầm lên, tưởng như rung động cả rừng núi, Bảo Ngọc xuống xe, vội vàng đến ngay chỗ người chết, gào khóc một hồi, rồi đến thăm Vưu thị. Lúc này Vưu thị đang bị chứng dạ dày phát lại, nằm ở trên giường. Bảo Ngọc lại đến gặp Giả Trân. 
Giả Đại Nho cũng dẫn bọn Giả Sắc, Giả Hiệu, Giả Đôn, Giả Xá, Giả Chính, Giả Tông, Giả Biển, Giả Hanh, Giả Quang, Giả Thâm, Giả Quỳnh, Giả Lân, Giả Tường, Giả Xương, Giả Lăng, Giả Vân, Giả Cần, Giả Trăn, Giả Bình, Giả Tảo, Giả Hanh, Giả Phân, Giả Phương, Giả Lan, Giả Huân, Giả Chi đến. Giả Trân khóc sướt mướt, nói với bọn Giả Đại Nho:
- Tất cả lớn bé trong nhà, bè bạn gần xa, ai cũng khen con dâu tôi khôn ngoan hơn con trai nhiều. Nay nó mất đi, đủ biết nhành trưởng này lụn bại mất!
Nói xong lại khóc, mọi người khuyên giải:
- Người đã chết rồi, khóc cũng vô ích, ông nên lo liệu ngay việc ma chay là hơn.
Giả Trân đập tay, nói: 
- Lo liệu gì! Chẳng qua có bao nhiêu tiền làm hết bấy nhiêu thì thôi!
Đang nói chuyện thì Tần Nghiệp, Tần Chung và họ hàng chị em Vưu thị đều đến cả. Giả Trân sai Giả Quỳnh, Giả Thâm, Giả Lân, Giả Tường, bốn người đi tiếp khách. Một mặt sai mời quan giữ ty âm dương(1) ở tòa Khâm Thiên Giám đến chọn ngày. Linh cữu đặt ở trong nhà bốn mươi chín ngày, ba ngày sau thì phát tang và gửi cáo phó. Trong bốn mươi chín ngày ấy, đặc biệt mời một trăm linh tám vị sư làm lễ “Đại bi sám” ở nhà đại sảnh để siêu độ vong hồn. Lại đặt riêng một đàn ở lầu Thiên Hương, mời chín mươi chín vị đạo sĩ, làm lễ giải oan rửa tội mười chín ngày. Rồi rước linh cữu ra vườn Hội Phương. Trước bàn thờ có năm mươi vị cao tăng, năm mươi vị cao đạo lập đàn đối nhau, cứ bảy ngày làm lễ một lần.
Giả Kính nghe thấy cháu dâu trưởng chết, nhưng cứ tự cho mình sớm muộn sẽ thành tiên, không chịu về nhà nhuốm vào bụi trần, mất hết công tu luyện, nên không để ý đến, mặc cho Giả Trân lo liệu.
Giả Trân thấy cha không nhìn đến thì tha hồ phung phí. Nói đến áo quan, thì thứ gỗ nào cũng không vừa ý. Vừa lúc Tiết Bàn đến viếng thấy Giả Trân muốn tìm gỗ tốt, bèn nói:
- Cửa hàng gỗ nhà tôi có một cỗ ván gọi là gỗ đường, lấy ở núi Thiết Võng, đem làm quan tài thì muôn năm cũng không nát. Trước đây cha tôi lấy về, là vì Trung Nghĩa Thân Vương muốn dùng, nhưng sau Thân Vương bị mất chức, nên không dùng nữa. Hiện vẫn cất kỹ ở đó, không ai đủ sức mua nổi. Nếu anh cần, thì cho khiêng về mà dùng. 
Giả Trân nghe nói rất mừng, sai khiêng ngay về. Cỗ ván dày tám tấc, vân như vân hạt cau, thơm như mùi bạch đàn, xạ hương, lấy tay gõ kêu “keng, keng” như tiếng vàng tiếng ngọc. Mọi người đều khen lạ. Giả Trân cười hỏi:
- Giá bao nhiêu?
Tiết Bàn nói:
- Dù có một nghìn lạng cũng chẳng mua đâu được. Nói giá làm gì. Chỉ cho chúng nó mấy lạng bạc tiền công là đủ rồi.
Giả Trân nghe nói, cảm tạ luôn mồm, sai cưa ra và gắn sơn ngay. Giả Kính khuyên:
- Người thường thì không nên dùng thứ này, tìm thứ gỗ tốt là được.
Giả Trân không thể chết thay cho Tần thị, khi nào lại chịu nghe. 
Thấy Tần thị chết, a hoàn Thụy Châu cũng đập đầu vào cột chết theo, câu chuyện hiếm có ấy làm cho cả họ đều thở than khen ngợi. Giả Trân cho làm ma theo lễ “cháu gái”, cũng rước linh vào gác Đăng Tiên trong vườn Hội Phương. Lại có một a hoàn tên là Bảo Châu, thấy Tần thị không có con, xin làm con nuôi giữ tang lễ như con đẻ. Giả Trân mừng lắm, cho gọi là tiểu thư. Bảo Châu theo lễ con gái chưa gả chồng ngồi bên linh cữu khóc than thảm thiết.
Cả người trong họ và người nhà, đều theo đúng nghi lễ, không chút nhầm lẫn. Giả Trân nghĩ: “Giả Dung chẳng qua là một giám sinh ở huỳnh môn(2), viết trên minh tinh không đẹp lăm, số chấp sự(3) cũng không được nhiều, vì thế trong bụng rất là áy náy.
May sao hôm ấy là ngày thứ tư trong tuần thất đầu, có quan nội giám ở cung Đại Minh, tên là Đái Quyền sai người mang lễ đến, hắn ngồi trên kiệu lớn, có quân hầu đánh thanh la dẹp đường, thân hành đến viếng. Giả Trân vội ra tiếp đón, mời ngồi uống nước ở Đậu Phong hiên(4) Giả Trân đã có ý định trước, nhân dịp xin với Đái Quyền cho Giả Dung được quyên hàm. Đái Quyền hiểu ý cười nói:
- Chắc là ông muốn cho tang lễ được trọng thể hơn phải không?
Giả Trân vội nói: 
- Ngài đoán thực không sai.
Đái Quyền nói:
- Cũng may vừa có một chỗ khuyết. Trong số ba trăm long cẩm úy còn thiếu hai viên. Vừa rồi em Tương Dương hầu là Lão Tam đến xin, và đưa ngay đến nhà tôi một nghìn năm trăm lạng. Ông cũng biết đấy, chỗ chúng tôi chơi thân với nhau đã lâu, bất kỳ thế nào cũng nể mặt cha nó, nên tôi cứ nhận bừa. Còn một chân nữa thì Tiết độ sứ Vĩnh Hưng sai lão Phùng béo đến xin cho con, nhưng tôi không nhận lời. Nay cậu nhà ta muốn quyên, cứ viết ngay lý lịch đưa cho tôi. 
Giả Trân vội sai người viết lý lịch vào một tờ giấy đỏ. Bọn người nhà không dám trì trệ, lập tức viết ngay vào tờ giấy đỏ đưa đến. Giả Trân xem xong, liền đưa cho Đái Quyền. Thấy viết như sau:
Giám sinh ở huyện Giang Ninh, phủ ứng Thiên, tỉnh Giang Nam, tên là Giả Dung, hai mươi tuổi. Cụ là Giả Đại Hóa, nguyên là Tiết độ sứ Kinh Doanh, tập tước nhất đẳng Thần uy tướng quân. Ông là Giả Kính, đỗ tiến sĩ khoa ất mão. Cha là Giả Trân tập tước tam phẩm Uy liệt tướng quân.
Đái Quyền xem xong quay lại đưa cho lính hầu cận, bảo:
- Mang về đưa cho quan bộ Hộ họ Triệu, nhờ ông ta cấp văn bằng cho một chức ngũ phẩm Long Cẩm úy, và phát giấy chấp chiếu điền lý lịch này vào. Ngày mai ta sẽ đem tiền đến nộp.
Lính hầu vâng lời. Đái Quyền cáo từ ra về. Giả Trân cố giữ lại không được, đành phải tiễn ra cửa phủ. Khi sắp lên kiệu, Giả Trân hỏi: 
- Món tiền tôi mang đến bộ hay nộp ở phủ ngài? 
Đái Quyền nói: 
- Nếu mang đến bộ nộp, còn phải cân kẹo lôi thôi, ông sẽ bị thiệt; chi bằng khoán trắng một nghìn hai trăm lạng, đem đến nhà tôi là xong.
Giả Trân cảm ơn mãi, nói:
- Khi hết tang, sẽ đưa cháu đến phủ tạ ơn ngài.
Hai người chia tay nhau. 
Tiếp đó lại có tiếng dẹp đường, bà Trung Tĩnh hầu Sử Đỉnh đến viếng. Bọn Vương phu nhân, Hình phu nhân, Phượng Thư vừa đón vào phòng giữa, lại thấy lễ viếng của Cẩm Hương hầu, Xuyên Ninh hầu, và Thọ Sơn bá bày ở bàn thờ; một lúc ba người xuống kiệu, bọn Giả Chính ra tiếp ở nhà khách.
Bạn bè đến viếng lũ lượt không biết bao nhiêu mà kể. Suốt trong bốn ngươi chín ngày, người nhà thì mũ áo tang trắng xóa một màu, quan khách thì sắc áo gấm vóc như hoa sặc sỡ, đi đi lại lại chật ních cả quãng đường vào phủ Vinh.
Giả Trân bảo Giả Dung ngày hôm sau mặc cát phục đi lĩnh bằng. Nhưng đồ thờ đều theo thể lệ ngũ phẩm, trên linh bài viết: “Thiên triều cáo thụ Giả môn Tần thị nghi nhân chi linh vị”(5). Cửa vườn Hội Phương mở rộng, hai bên có phòng âm nhạc, hai ban nhạc công mặc áo xanh tấu nhạc; đồ chấp sự bày từng đôi một rất là nghiêm trang. Hai cái biển lớn sơn đỏ chữ vàng dựng ở ngoài cửa, viết: “Phòng Hộ nội đình tử cấm đạo ngự tiền thị vệ Long Cẩm úy”(6). Đằng trước có một cái đàn tụng kinh rất cao, hai bên có tăng đàn và đạo đàn đối nhau. Trên bảng đề những chữ lớn: “Tang lễ của nghi nhân họ Tần, nàng dâu cháu trưởng họ Giả thế tập tước Ninh Quốc công, hiện giữ chức Phòng Hộ nội đình Ngự tiền thị vệ Long Cẩm úy; ở đất chính giữa của bốn đại châu, là nước vâng mệnh trời thái bình lâu đời, có Tổng 1ý ty hư vô tịch tĩnh giáo môn tăng lục họ Vạn, Tổng lý ty nguyên thủy tam nhất giáo môn đạo lục họ Diệp, kính sửa đàn chay, cầu trời khấn phật..." và: "kính thỉnh các vị Dà Lam, Yết đế, Công Tào, ơn thánh rộng ban, oai thần xa khắp, bốn mươi chín ngày thủy lục đạo tràng tiêu tai rửa tội...”
Giả Trân lòng tuy đã thỏa, nhưng vì bệnh Vưu thị lại phát, không lo liệu được công việc, sợ các bà mệnh phụ đến, lỡ có sơ suất đều gì, sẽ bị người ta chê cười. Đương lúc lo nghĩ, Bảo Ngọc ngồi bên cạnh, hỏi:
- Mọi việc đều ổn thỏa cả, anh còn buồn cái gì? 
Giả Trân nói cho Bảo Ngọc biết là do không có người trông nom nhà trong, Bảo Ngọc cười nói:
- Có khó gì, tôi cử một người trông nom giúp một tháng, thì ổn thỏa hết.
Giả Trân vội hỏi là ai. Bảo Ngọc thấy có nhiều người ngồi đấy không tiện nói, bèn chạy đến ghé vào tai Giả Trân nói nhỏ mấy câu. Giả Trân mừng lắm, cười nói: 
- Được thế thì ổn lắm. Bây giờ chúng ta đi nói chuyện ngay đi.
Liền cáo từ mọi người, kéo Bảo Ngọc đi lên nhà trên.
Cũng may hôm ấy không phải là ngày lễ chính, ít bạn bè đến, nhà trong chỉ có Hình phu nhân, Vương phu nhân, Phượng Thư và mấy người trong họ ngồi đấy. Nghe người báo: “Ông vào!”, các bà các chị nhớn nhác lẩn vào phía sau, chỉ có Phượng Thư thong thả đứng dậy.
Bây giờ Giả Trân đang ốm, lại vì quá thương xót, nên chống gậy bước vào. Bọn Hình phu nhân nói:
- Anh đã yếu lại nhiều việc, nên nghỉ là phải, đến đây làm gì?
Giả Trân chống gậy, chực khom lưng quỳ xuống chào và xin lỗi. Bọn Hình phu nhân vội sai Bảo Ngọc ngăn lại, sai lấy ghế, bảo ngồi, Giả Trân không chịu ngồi, gượng cười, nói: 
- Cháu đến đây có một việc nhờ hai thím và cô em. Hình phu nhân hỏi: “Việc gì?” Giả Trân nói:
- Hai thím chắc cũng biết: Bây giờ vợ thằng cháu mất đi, nhà cháu lại ốm, công việc lộn xộn, chẳng còn ra thể thống gì. Cháu muốn nhờ cô em đến trông nom hộ một tháng, cháu mới yên lòng.
Hình phu nhân cười nói:
- Té ra vì việc ấy. Em Phượng hiện ở với thím Hai, anh cứ nói với thím ấy.
Vương phu nhân vội nói: .
- Em nó còn ít tuổi, đã quen đâu những việc này. Nếu lo liệu không ổn, chỉ tổ cho người ta cười. Nên nhờ người khác thì hơn.
Giả Trân cười nói:
- Cháu đã đoán được ý thím rồi. Thím chỉ sợ cô em khó nhọc đấy thôi. Nếu nói rằng lo liệu không nổi, cháu tin chắc là cô em lo liệu nổi. Dù có sai, thì ai mà chả có chỗ làm sai. Hồi cô em còn bé, từ lời nói tiếng cười đã có tính quyết đoán. Bây giờ đi lấy chồng, cáng đáng mọi việc bên nhà, chắc đã thành thạo lắm rồi. Cháu nghĩ mãi mấy hôm nay, ngoài cô em ra, không còn ai nữa. Nếu thím không thương đến vợ chồng cháu, thì xin thương đến vong hồn kẻ đã chết vậy!
Nói xong, nước mắt chảy xuống ròng ròng.
Vương phu nhân nghĩ Phượng Thư chưa từng trải việc tang bao giờ, sợ trông nom không nổi, người ta chê cười chăng; nay thấy Giả Trân nằn nì mãi thì cũng động tâm, cứ nhìn Phượng Thư rồi lặng lẽ ngồi yên. Phượng Thư xưa nay hay mua việc để tỏ ra mình là người thạo, thấy Giả Trân vật nài, trong bụng cũng đã thuận rồi, lại thấy Vương phu nhân có ý bằng lòng bèn nói: 
- Anh đã nói thiết tha như thế, mẹ cũng nên chuẩn y cho là phải.
Vương phu nhân khẽ hỏi:
- Liệu cháu có làm nổi không?
- Làm gì mà chẳng nổi! Những việc lớn bên ngoài đã có anh lo liệu, chỉ còn phải trông nom bên trong thôi. Nếu có điều gì con không biết, sẽ hỏi mẹ là được.
Vương phu nhân nghe nói có lý cũng ngồi lặng yên.
Giả Trân thấy Phượng Thư bằng lòng, cười nói:
- Bây giờ tôi cũng không nghĩ hết được, thôi thì phiền cô em khó nhọc ít lâu. Tôi xin chào cô em trước, khi nào xong việc, tôi sẽ sang bên phủ tạ ơn.
Nói xong vái một cái, Phượng Thư vội vái lại.
Giả Trân liền lấy đối bài(7) của phủ Ninh trong tay áo ra, nhờ Bảo Ngọc đưa cho Phượng Thư và nói:
- Cô em muốn làm gì cứ làm, muốn lấy gì cứ lấy không phải hỏi tôi. Tốn kém bao nhiêu cũng không cần, cốt làm thế nào cho trọng thể; đối với người bên này cũng như bên nhà, đừng sợ ai oán trách. Ngoài hai việc này, tôi chẳng còn gì đáng lo nữa.
Phượng Thư chưa dám nhận đối bài, chỉ nhìn Vương phu nhân. Vương phu nhân bảo:
- Anh đã nói thế, cháu cứ nhận. Nhưng không nên tự tiện, có việc gì phải sai người đến hỏi anh chị đã, rồi hãy làm.
Bảo Ngọc cầm lấy đối bài ở tay Giả Trân dúi vào tận tay Phượng Thư.
Giả Trân lại hỏi:
- Cô em ở luôn bên này, hay hàng ngày đi về? Nếu cứ đi về như thế thì vất vả lắm, để tôi cho dọn một cái buồng, cô em ở luôn bên này cho tiện.
Phượng Thư cười nói:
- Không cần, bên kia rời em ra cũng không được. Thôi để ngày mai em sang là hơn.
Giả Trân cũng bằng lòng, nói mấy câu chuyện phiếm rồi đi ra.
Một lúc họ hàng về cả, Vương phu nhân hỏi Phượng Thư:
- Bây giờ cháu định thế nào?
Phượng Thư nói:
- Xin mẹ cứ về trước, con phải ở lại hỏi cho ra đầu mối các việc, xong rồi hãy về.
Vương phu nhân bèn cùng Hình phu nhân về trước.
Phượng Thư vào ngồi trong cái phòng ba gian bên cạnh, suy nghĩ: một là số người lộn xộn, đồ đạc mất mát; hai là không có người chuyên trách công việc hay đùn lẫn cho nhau; ba là tiêu dùng phí phạm, cài bừa lĩnh bậy; bốn là trách nhiệm không phân biệt lớn nhỏ, người thì vất vả, người thì nhàn rỗi không đều; năm là người nhà ngông ngược, ai mạnh vế thì khó kiềm thúc, ai lép vế thì chịu ép một bề. Năm điều này là thói quen ở trong phủ Ninh xưa nay, ta cần phải chỉnh đốn lại. Thực là:
Trị nước khó giao phường mũ áo;
Tầy nhà đành mặc bọn quần thoa.
-------------------------------
(1). Một ty chuyên môn suy tính theo thuyết âm dương sinh khắc chọn ngày tốt cho việc hiếu, hỷ…
(2). Nghĩa chung: trường học; nghĩa riêng: trường Quốc tử giám dưới triều đại phong kiến).
(3). Những nghi trượng như cờ, lọng, bài quan hàm; của bọn quan thời phong kiến.
(4). Gọi con ong đến, ý nói có nhiều hoa.
(5). Linh vị của nhgi nhân họ Tần; nàng dâu họ Giả được triều đình phong hàm.
(6). Tên quan hàm.
(7). Bài làm bằng gỗ, hoặc bằng tre, có dấu hiệu và có số riêng của các gia đình quý tộc phong kiến, dùng để cấp phát tiền lương và các dụng cụ.
 

Hồi 14

Lâm Như Hải từ trần ở thành Dương Châu;
Giả Bảo Ngọc giữa đường chào vua Bắc Tĩnh.

Đô tổng quản ở phủ Ninh là Lai Thăng biết tin Phượng Thư đến giúp việc, liền gọi những người đồng sự đến bảo:
- Nay mời mợ Liễn ở phủ Tây sang trông nom công việc. Mợ ấy muốn chi cái gì, lấy cái gì, truyền bảo câu gì, mọi người phải hầu hạ cẩn thận. Hàng ngày chúng ta đến sớm về muộn, chịu vất vả một tháng rồi sau sẽ nghỉ, đừng để phải bẽ mặt. Mợ ấy là người ngoài mặt đanh đá, trong lòng sâu cay, đáo để có tiếng, khi nóng tiết lên, chẳng nể ai đâu.
Mọi người đều nói: “Phải đấy!” Có một người cười nói:
- Cứ lý ra, bên này chúng ta cũng cần được mợ ta sang để bắt vào khuôn khổ, nếu cứ như bây giờ thì chẳng còn ra thể thống gì.
Đương nói chuyện, vợ Lai Vượng cầm đối bài đến lấy giấy chép kinh viết sớ. Trong phiếu kê rõ số mục. Mọi người mời ngồi uống nước, một mặt sai người chiếu theo phiếu lấy giấy rồi cùng vợ Lai Vượng đi ra đến cửa nghi môn, mới giao mang đi. 
Phượng Thư sai Thái Minh đóng sổ, truyền cho vợ Lai Thăng tra xét lại danh sách người nhà; hẹn sáng sớm ngày mai, hết thảy người nhà và đàn bà hầu đều đến phủ để nghe lệnh. Phượng Thư điểm qua sổ sách xong, hỏi vợ Lai Thăng mấy câu, rồi lên xe về.
Ngày hôm sau, đúng giờ mão hai khắc, Phượng Thư lại đến. Những đàn bà và người hầu trong phủ đều đã đủ mặt. Thấy Phượng Thư và vợ Lai Thăng đương cắt các người chấp sự, họ đều đứng ngoài cửa sổ nghe ngóng không dám vào.
Phượng Thư bảo vợ Lai Thăng:
- Đã giao cho ta, nếu ta có điều gì làm cho các người khó chịu thì cũng đành vậy. Ta không nhu nhược như mợ các ngươi, muốn gì được nấy đâu. Các người cũng đừng lấy nê rằng phủ này từ trước đến nay vẫn thế. Bây giờ hết thảy đều theo lệnh ta, nếu làm sai một tý, bất luận là người có thể diện, đều nhất luật trừng trị. 
Phượng Thư nói xong, sai Thái Minh đọc danh sách, đọc đến tên người nào thì gọi người ấy lên nhận mặt, rồi cắt đặt như sau:
- Hai mươi người này chia làm hai ban, mỗi ban mười người, chuyên việc pha nước tiếp các tân khách;
- Hai mươi người này chia làm hai ban, chuyên việc cơm nước phục dịch họ hàng và những người trong nhà;
- Bốn mươi người này chia làm hai ban, chuyên việc thắp hương, róc dầu, kéo màn, cúng cơm, cúng nước, có khách đến viếng thì “cử ai” trước linh sàng; 
- Bốn người này chuyên ở phòng trà coi giữ ấm, chén, mất mát cái nào, phải chia nhau đền;
- Bốn người này chuyên giữ hồ rượu và bát đĩa, mất mát cái gì cũng phải chia nhau đền;
- Tám người này chuyên thu nhận lễ viếng;
- Tám người này coi giữ đèn, nến, dầu, các đồ mã: sẽ được cấp phát trước, rồi mới theo sổ phân phát đi các nơi;
- Ba mươi người này hàng ngày thay phiên canh đêm, trông nom cửa ngõ, đèn đuốc, quét dọn các nơi;
- Các người khác chia đi các phòng, mỗi người một chỗ, bàn ghế, đồ đạc, cho đến ống nhổ, phất trần... ở chỗ nào mất mát hoặc hư hỏng, trách cứ người đó phải đến.
- Chị Lai Thăng ngày nào cũng phải xem xét tất cả, nếu có ai lười biếng, uống rượu, đánh bạc, đánh cãi nhau, lập tức bắt đến trình ta. Nếu thiên vị một ai, ta xét ra, dù là người có thể diện từ mấy đời, ta cũng không nể. Bây giờ đã có khuôn phép, nếu ai làm bậy, người ấy phải chịu lỗi. Những người theo hầu ta hàng ngày đều có đồng hồ. Trong buồng nhà trên cũng có đồng hồ đánh chuông, nên bất cứ việc lớn hay nhỏ, phải có thì giờ nhất định. Hàng ngày cứ giờ mão hai khắc ta đến điểm danh; đúng giờ tỵ ăn cơm sáng; vào đầu giờ ngọ hai khắc lĩnh bài, trình việc; đầu giờ tuất đốt giấy báo hiệu tối, ta sẽ đến các nơi tra xét lại một lượt rồi nhưng người canh đêm đem nộp đủ chìa khóa cửa. Sáng hôm sau, đúng giờ mão hai khắc, mọi người lại phải có đủ mặt tại đây. Chúng ta chịu khó vất vả mấy ngày, khi công việc xong, ông các người sẽ thưởng cho.
Sau đó theo số phân phát: chè, dầu, nến, phất trần, chổi, các thứ. Một mặt sắp đặt các đồ trong nhà: bàn, ghế, nệm, chiếu, ống nhổ, đệm kê chân. Một mặt phân phát, một mặt vào sổ, ai trông chỗ nào, ai nhận thứ gì, biên chép rất rõ ràng. Mọi người nhận xong về chỗ, không như trước kia việc nhẹ thì tranh nhau làm, việc nặng chẳng ai ngó đến. Trong các phòng cũng không vì đông người nhốn nháo mà mất đồ đạc. Kẻ đến người đi, ở đâu vào đấy, không lộn xộn như trước người đang bưng nước thì lại bắt đi bưng cơm, người đang cử ai thì lại bắt đi tiếp khách. Hết thảy những chuyện lười biếng, trộm cắp cũng không xảy ra nữa.
Phượng Thư thấy mình có uy quyền, ra lệnh cho ai, đều răm rắp làm theo, trong bụng rất là đắc ý. Nhân thấy Vưu thị ốm, Giả Trân lại thương xót quá đỗi không ăn uống được, Phượng Thư ngày nào cũng bảo nấu cháo dừ và những món ăn ngon, rồi sai người mang đến. Giả Trân hàng ngày cũng sai người sửa soạn đồ ăn ngon đưa đến chỗ Phượng Thư làm việc. Phượng Thư không ngại khó nhọc, ngày nào cũng đến đúng giờ, điểm danh người nhà và bảo ban công việc. Một mình đứng ngồi ở trong phòng, không trò chuyện với các chị em dâu, ngay bạn gái thân thuộc đến cũng không ra đưa đón.
Hôm ấy là ngày thứ năm trong tuần thất thứ năm, các vị sư làm đàn khai phương phá ngục, thắp đèn cho vong hồn vào chầu vua Diêm Vương, bắt ma quỷ, mời Địa tạng bồ tát, mở cầu vàng, dẫn cành phan(1); các đạo sĩ đọc sớ, chầu Tam thanh(2), lạy Ngọc Đế; các sư đốt hương, phù phép, lễ kinh Thủy sám(3); lại có ba sư nữ trẻ tuổi mặc áo cà sa gấm, đi giày đỏ, niệm chú Tiếp dẫn(4) ở trước linh cữu, rất là nhộn nhịp. 
Phượng Thư chắc hôm ấy có nhiều khách, đúng giờ dần dậy rửa mặt chải đầu, sắm sửa đâu đấy, rồi mặc quần áo, uống sữa, súc miệng, đến giờ mão hai khắc, vợ Lai Vượng đem người nhà đến chờ sẵn. Phượng Thư ở trong nhà ra, lên xe, trước xe treo đôi đèn lồng viết ba chữ “Vinh quốc phủ”. Ngoài cửa phủ Ninh, ở giữa có đèn treo, hai bên có đèn cầy, đốt sáng như ban ngày. Người nhà mặc đồ tang, xếp hàng đứng hầu. Xe đỗ ở cửa giữa, bọn hầu nhỏ lui ra, bọn đàn bà chạy lại vén rèm. Phượng Thư xuống xe, tay vịn vào Phong Nhi, hai người đàn bà cầm đèn, đỡ Phượng Thư vào. Những người đàn bà bên phủ Ninh đều ra chào.
Phượng Thư thong thả bước vào bàn thờ ở gác Đăng tiên trong vườn Hội Phương. Vừa trông thấy quan tài, nước mắt đã lã chã như hạt châu sa. Những hầu nhỏ chắp tay đứng đợi đốt vàng. Phương Thư gọi to:
- Pha nước cúng, đốt vàng!
Một lượt thanh la và âm nhạc nổi lên. Có người mang một cái ghế tựa lớn để ở trước linh cữu, Phượng Thư ngồi xuống khóc to, hết thảy gái trai trong ngoài trên dưới đều khóc rầm lên. Giả Trân và Vưu thị sai người đến khuyên giải, Phượng Thư mới thôi.
Vợ Lai Vượng đem nước trà đến, Phượng Thư súc miệng, đứng dậy từ biệt mọi người trong họ, đi vào nhà bên, mang sổ ra gọi tên. Mọi người đều có mặt cả, chỉ trừ người giữ việc đưa đón các bạn thân là chưa thấy đến. Phượng Thư sai đi gọi ngay. Người kia rất sợ chạy đến. Phượng Thư cười nhạt:
- Ngỡ là ai hóa ra chính là mụ. Mụ cho mình có thể diện hơn người, nên không nghe lời ta! 
Người kia nói:
- Hôm nào tôi cũng đến sớm. Hôm nay tôi đã dậy từ lâu, thấy trời còn sớm, lại ngủ mất, thành ra đi chậm một bước, xin mợ tha cho lần đầu.
Đương nói thì vợ Vương Hưng ở bên phủ Vinh sang, đứng ngoài ló đầu vào.
Phượng Thư để người ấy đứng đấy, quay sang hỏi vợ Vương Hưng:
- Chị đến có việc gì?
Vợ Vương Hưng đến gần nói:
- Đến lĩnh bài lấy chỉ để đính diềm xe và kiệu.
Nói xong nộp đơn. Phượng Thư bảo Thái Minh đọc lên: “Kiệu nhỡ hai cỗ, kiệu nhỏ bốn cỗ, xe bốn cỗ, cộng tất cả phải dùng là bao nhiêu sợi, mỗi sợi bao nhiêu cân chỉ tơ”.
Phượng Thư nghe xong, thấy số mục đúng, liền sai Thái Minh biên vào sổ, rồi lấy đối bài ở phủ Vinh ném cho vợ Vương Hưng mang đi.
Phượng Thư định quay lại câu chuyện đi trễ, lại có bốn người chấp sự ở phủ Vinh đến, đều là những người lĩnh bài để đi lấy các thứ. Phượng Thư bảo họ đưa đơn đọc lên, nghe có bốn thứ liền trỏ vào hai thứ, bảo:
- Cái này khai nhầm, về tính lại sẽ đến lĩnh.
Nói xong vứt đơn xuống. Hai người này tưng hửng đi ra.
Phượng Thư thấy vợ Trương Tài đứng bên cạnh, hỏi:
- Chị có việc gì? 
Vợ Trương Tài vội đưa đơn ra nói:
- Vừa mới thuê làm màn xe kiệu xong, đến lĩnh tiền trả công thợ may. 
Phượng Thư thu lấy đơn trao cho Thái Minh vào sổ. Chờ Vương Hưng trao đồ xong, xem số trao có hợp với số mua không, rồi mới cho vợ trương Tài đi lĩnh. Sau đó lại sai đọc một đơn khác, tức là khoản tiền mua các thứ giấy, vải, hồ dán để sửa sang buồng học của Bảo Ngọc, Phượng Thư sai nhận đơn, biên sổ đợi vợ Trương Tài nộp đủ rồi mới phát.
Phượng Thư phân phát các việc xong, mới quay lại bảo:
- Ngày nay người này ngủ quên, ngày kia người kia ngủ quên, thì sẽ hết cả người. Ta cũng muốn tha cho mụ, nhưng lần đầu ta khoan thứ cho mụ, thì sau còn cai quản được ai? Chi bằng cứ xử trí ngay.
Nói xong lập tức nghiêm nét mặt, gọi:
- Mang mụ này ra đánh hai mươi roi.
Thấy Phượng Thư nổi giận, lông mày dựng ngược, không ai dám chậm trễ, người thì lôi mụ ra, người thì nhặt lấy đôi hài. Mụ kia bị đánh hai mươi roi, lại phải đến lạy tạ.
Phượng Thư nói:
- Ngày mai còn chậm, sẽ đánh bốn mươi roi, ngày kia đánh sáu mươi roi. Đứa nào muốn chịu đòn thì cứ chậm. Thôi, cho đâu về đấy.
Mọi người đứng ngoài cửa sổ, nghe vậy, đều răm rắp đi làm việc. Những người ở hai phủ Ninh, phủ Vinh đến lĩnh thẻ trả thẻ, đi lại tấp nập. Người đàn bà bị đòn xấu hổ bỏ đi. Lúc này mọi người mới biết Phượng Thư là tay ghê gớm, nên ai nấy nơm nớp lo sợ, làm việc cẩn thận, không dám lười biếng nữa.
Bảo Ngọc thấy đông người, sợ Tần Chung khó chịu, liền rủ đến chỗ Phượng Thư ngồi. Tần Chung nói:
- Bên ấy đang bận việc. Vả lại, chị ấy cũng không thích có người đến. Chúng ta đến đó sợ làm phiền chị ấy.
Bảo Ngọc nói:
- Phiền cái gì? Không ngại. Cứ theo ta.
Nói xong liền kéo Tần Chung đi. 
Phượng Thư đang ăn cơm, thấy chúng đến, cười nói:
- Sao mà nhanh chân thế! Mau lên đây.
Bảo Ngọc nói:
- Chúng tôi vô phép rồi.
- Ăn ở bên nhà hay bên này?
- Ở bên này đông người, ăn làm sao được. Chúng tôi ăn bên cụ rồi mới lại đây.
Nói xong, ngồi xuống.
Phượng Thư ăn xong, có một người đàn bà ở phủ Ninh đến lĩnh bài để lấy đến hương. Phượng Thư cười bảo:
- Ta chắc hôm nay chị phải đến lĩnh. Không thấy chị đến, ta cứ tưởng chị quên, hóa ra bây giờ mới lĩnh. Nếu quên thực, thì chị phải xuất tiền ra, càng lợi cho ta.
Người ấy cười nói:
- Tôi quên thật, vừa mới nhớ ra, nếu chậm một bước nữa thì có lẽ không lĩnh được.
Nói xong lĩnh bài đi.
Đương lúc biên sổ, trao bài. Tần Chung cười nói:
- Cả hai phủ đều dùng một thứ bài, lỡ có người làm bài giả đi lĩnh tiền, thì làm thế nào? 
Phượng Thư nói:
- Cứ như cháu nói thì ra không còn có phép vua nữa! 
Bảo Ngọc hỏi:
- Sao bên nhà ta không có ai đến đây lĩnh bài để lấy đồ vật?
Phượng Thư nói: 
- Khi họ đến thì chú hãy còn trong giấc chiêm bao kia! Tôi hỏi chú bao giờ các chú bắt đầu học tối?
- Chỉ trông mong học ngay từ bây giờ; nhưng họ chưa thu xếp xong buồng học nên đành chịu vậy.
- Chú cứ nói với chị là xong ngay.
- Chị cũng chẳng làm gì được, khi nào họ có làm thì mới xong.
- Họ dù có làm cũng phải cần các thứ, ta không cấp đối bài thì cũng khó mà làm được!
Bảo Ngọc nghe nói, xoắn lấy ngay Phượng Thư, đòi cho đối bài ngay tức khắc:
- Chị ơi, phát ngay bài cho họ đi sắm sửa các thứ.
- Ta mệt rồi, đau dừ cả người, chịu sao được cái lối quấy rầy của chú? Cứ yên tâm, hôm nay họ đã lĩnh giấy dán rồi, họ cần thứ gì thì đến lĩnh, còn chờ gọi à? Sao chú ngốc thế?
Bảo Ngọc không tin. Phượng Thư gọi Thái Minh đem sổ cho xem. Bỗng có người vào trình: 
- Chiêu Nhi ở Tô Châu đã về.
Phượng Thư bảo gọi ngay vào. Chiêu Nhi quì xuống vái chào. Phượng Thư hỏi về làm gì? Chiêu Nhi nói:
- Cậu con bảo về. Cụ Lâm đã mất hôm mồng ba tháng chín. Cậu con đưa cô Lâm và linh cữu cụ Lâm về Tô Châu, độ cuối năm nay mới về. Cậu sai con về báo tin, hỏi thăm sức khỏe cụ, chờ chỉ thị của cụ và xem các mợ ở nhà có mạnh khỏe cả không. Cậu con lại dặn lấy mấy bộ áo da mang đi.
- Mày đã gặp mọi người chưa?
- Đã gặp cả rồi. 
Nói xong vội vàng đi ra.
Phượng Thư nói với Bảo Ngọc: 
- Cô Lâm có thể ở lâu được với chúng ta. 
Bảo Ngọc nói:
- Khổ quá! Không biết mấy hôm nay em nó thương khóc đến thế nào!
Nói xong cau mày thở dài.
Phượng Thư thấy Chiêu Nhi về, trước mặt mọi người không kịp hỏi kỹ về Giả Liễn, nhưng nóng lòng sốt ruột, chỉ muốn về ngay. Vì công việc chưa xong, nên đành phải chịu. Chiều về, Phượng Thư gọi ngay Chiêu Nhi đến hỏi kỹ xem trên đường Giả Liễn có được bình an không. Suốt đêm Phượng Thư cùng Bình Nhi sửa soạn áo da, lại nghĩ xem chồng ở ngoài cần những thứ gì gói cả vào một gói trao cho Chiêu Nhi. Phượng Thư lại dặn dò Chiêu Nhi: “Phải hết sức hầu hạ cậu, đừng để cho cậu giận. Phải luôn luôn khuyên cậu ít rượu, không được đưa cậu đi lại với bọn con gái bậy bạ. Tao mà biết được, về đây tao sẽ đánh mày gãy chân”.
Chiêu Nhi cười, vâng lời đi ra.
Phượng Thư mãi canh tư mới đi ngủ, trời sáng lúc nào không biết, vội vàng dậy rửa mặt chải đầu rồi đi sang phủ Ninh.
Giả Trân thấy sắp đến ngày phát dẫn, liền lên xe mang theo người coi ty âm dương đến chùa Thiết Hạm xem xét chỗ quàn linh cữu. Lại dặn dò kỹ lưỡng nhà sư Sắc Không sửa soạn đồ lễ chuẩn bị mời các vị danh tăng đến để làm lễ tiếp linh. Giả Trân không nghĩ gì đến ăn uống, vì gần tối không tiện về nhà, phải ngủ lại đấy một đêm. Sáng sớm hôm sau, vội vàng trở về, lo liệu việc cất đám; một mặt sai người đến chùa Thiết Hạm sửa sang gấp chỗ để linh cữu, chỗ bếp núc và số người rước linh. Ngày phát dẫn sắp đến Phượng Thư phân phái người đi lo liệu các việc; mặt khác sai người phủ Vinh sắp sửa xe kiệu theo Vương phu nhân đi đưa đám, và thu xếp chỗ mình nghỉ.
Lúc này lại dồn dập nhiều việc như tang bà Thiện quốc công, Hình phu nhân, Vương phu nhân phải đến viếng và đi đưa đám; sinh nhật bà Tây An quận phi, phải đưa lễ mừng; lại có anh ruột là Vương Nhân và gia quyến về Nam, phải viết thư và sắm sửa các thứ mang về nhà; lại thêm Nghênh Xuân ốm, ngày nào cũng phải mời thầy xem bệnh, bốc thuốc. Phượng Thư bận quá đứng ngồi không yên, còn nghĩ gì đến ăn uống. Khi sang phủ Ninh thì người phủ Vinh đi theo, khi về phủ Vinh thì người phủ Ninh tới tìm. Thấy vậy, Phượng Thư càng hăm hở, không hề thoái thác việc gì, lỡ để người ngoài chê trách. Vì vậy ngày đêm bận rộn, tính toán công việc đâu vào đấy, nên trong họ, trên dưới ai cũng khen ngợi.
Chiều hôm trước ngày đưa đám, họ hàng bạn hữu cùng các ban âm nhạc đến đầy nhà. Vưu thị vẫn ốm nằm trong buồng, một mình Phượng Thư đảm đang hết mọi việc. Trong họ tuy có nhiều chị em dâu, nhưng người thì ăn nói vụng về, người thì đi đứng hấp tấp, hoặc e lệ với bọn quyền quý nên không quen tiếp khách. Riêng có Phượng Thư là người cử chỉ khoan thai, nói năng khoát đạt, tỏ vẻ cao quý, rộng rãi, nên chẳng coi ai vào đâu tha hồ phung phí, sai phái, muốn làm gì thì làm.
Suốt đêm hôm ấy, đèn đuốc sáng trưng, kẻ đưa người đón, rộn rịp trăm đường, chẳng cần phải nói. Sáng hôm sau, được giờ tốt, một bọn sáu mươi tư người mặc áo xanh rước linh, mặt trước minh tinh viết một dòng chữ lớn : “Linh cữu của nghi nhân họ Tần, quan hàm Ngự tiền thị vệ Long Cẩm úy đạo Tử cấm, phòng Hộ nội đình là cháu dâu trưởng họ Giả cáo phong nhất đắng Ninh quốc công. Thiên triều Hồng phúc triệu năm”. Bao nhiêu đồ chấp sự và trần thiết đều làm một loạt mới, trông choáng cả mắt. Bảo Châu theo lễ con gái chưa lấy chồng, chịu tang dẫn linh cữu, khóc lóc rất thảm thiết.
Quan khách đến đưa đám có: tập tước Bá nhất đẳng Ngưu Kế Tông là cháu Trần quốc công Ngưu Thanh; tập tước tử nhất đẳng Liễu Phương là cháu Lý quốc công Liễu Bưu; tập tước tam phẩm Uy trấn tướng quân Trần Thụy Văn là cháu Tề quốc công Trần Dực; tập tước tam phẩm Uy viễn tướng quân Mã Thượng là cháu Trị quốc công Mã Khôi; tập tước nhất đẳng Tử Hầu Hiếu Khang là cháu Tu quốc công Hầu Hiếu Minh; duy có bà Thiện quốc công chết, cháu là Thạch Quang Châu không đến được: Bấy giờ người ta gọi sáu nhà này cùng hai nhà Ninh, Vinh là “bát công”.
Ngoài ra còn có: cháu Nam An quận vương, cháu Tây Ninh quận vương, Trung tĩnh hầu Sử Đĩnh; tập tước nhị đẳng Nam là Tưởng Tử Ninh, cháu Bình Nguyên Hầu; tập tước nhị đẳng Nam kiêm chức Kinh doanh du kích là Tạ Côn, cháu Định thành hầu; tập tước nhị đẳng Nam là Thích Kiến Huy, cháu Tương Dương hầu; Ngũ thành binh mã Ty là Cừu Lương, cháu Cảnh Điền hầu. Lại còn các vương tôn công tử như Hàn Kỳ là con Cẩm hương bá, Phùng Tử Anh là con Thần vũ tướng quân, Trần Dã Tuấn và Vệ Nhược Lan... không kể xiết được. Khách đàn bà có độ mười kiệu lớn, ba bốn mươi kiệu nhỏ, cùng với kiệu xe trong nhà hơn một trăm cỗ. Trước mặt có bày các thứ lộ bộ chấp sự đi nối nhau một dãy dài đến ba bốn dặm đường.
Bên đường, có những trạm kết hoa cao ngất, bày cỗ bàn, tấu âm nhạc. Đó là trạm tế giữa đường của các nhà. Trạm thứ nhất là của Đông Bình quận vương, trạm thứ hai là của Nam An quận vương, trạm thứ ba là của Tây Ninh quận vương, trạm thứ tư là của Bắc Tĩnh quận vương. Trong bốn vị vương này, khi trước chỉ có Bắc Tĩnh vương công cao nhất, nên con cháu vẫn được tập tước... Hiện nay Bắc Tĩnh vương là Thủy Dung, chưa đầy hai mươi tuổi, tuấn tú khác thường, tính tình nhũn nhặn. Được tin vợ cháu đích tôn phủ Ninh chết, nghĩ đến tình nghĩa ngày trước ông cha hai nhà chơi thân với nhau, Bắc Tĩnh vương không nghĩ mình là tước vương, hôm trước đã đến nhà hỏi thăm, làm lễ điếu tang, nay lại sửa lễ tế giữa đường, sai các thuộc hạ túc trực ở đấy. Canh năm vào chầu xong, Bắc Tĩnh vương mặc đồ trắng, ngồi kiệu, đánh chiêng trương lọng đến trước trạm đỗ xuống. Các quan đứng hầu hai bên, không cho quân dân qua lại.
Một chốc, đám ma phủ Ninh như ngọn núi bạc, trắng xóa trên mặt đất, rầm rầm rộ rộ, từ phương Bắc đến. Thấy trạm tế, người giữ việc của phủ Ninh quay lại báo, Giả Trân truyền ngay nhưng người cầm chấp sự đằng trước đứng lại, rồi cùng Giả Xá, Giả Chính, vội vàng theo quốc lễ đến yết kiến. Bắc Tĩnh vương ngồi trong kiệu nghiêng mình mỉm cười đáp lễ. Trong khi trò chuyện, Bắc Tĩnh vương vẫn dùng tiếng xưng hô như bạn bè thân mật, không có ý gì tỏ vẻ cao quý cả. Giả Trân nói:
- Con dâu kẻ hèn hạ này mất, phiền đức vương hạ cố nhiều lần, bọn chúng tôi đâu dám nhận!
Bắc tĩnh vương cười nói:
- Chúng ta là chỗ bạn thân đời đời với nhau, sao lại nói thế?
Rồi quay lại bảo trưởng phủ quan thay mình chủ tế. Bọn Giả Xá đứng cạnh đáp lễ, rồi thân đến tạ ơn.
Bắc Tĩnh vương tỏ ý rất khiêm tốn, nhân hỏi Giả Chính:
- Có cậu con ngài khi mới sinh ngậm ngọc, tôi muốn xem mặt đã lâu, đều bị việc trở ngại. Hôm nay chắc cậu ấy có ở đây, sao không mời lại?
Giả Chính vội lui ra, gọi Bảo Ngọc thay áo rồi dẫn lại yết kiến. Bảo Ngọc xưa nay nghe tiếng Bắc Tĩnh vương là người hiền đức, tài mạo khác thường, phong lưu, phóng khoáng, không câu nệ lối quyền quý, vẫn muốn được gặp, nhưng vì cha ngăn giữ, không được như ý. Nay thấy gọi, rất là vui mừng, vội chạy lại liếc nhìn, thấy Bắc tĩnh vương nghiêm trang phong nhã đương ngồi trong kiệu.
---------------------------------
(1). Theo lễ bên nhà chùa; tức là Đàn mông sơn.
(2). Theo phái đạo gia (phái tu tiên). Tam thanh là ba cõi trong sạch nhất: Ngọc thanh, Thượng thanh, Thái thanh. Có thuyết cho là ba vị thánh: Nguyên thủy thiên tông; Thái thượng đạo quân; Thái thương lão quân.
(3). Những nghi lễ riêng bên nhà chùa, thường dùng trong tuần bốn mươi chín ngày để siêu độ vong linh.
(4). Đưa linh hồn về cõi phật.
 

Hồi 15

Vương Phượng Thư lộng quyền ở chùa Thiết Hạm;
Tần Kình Khanh gặp gái trong am Mạn Đầu.

Bảo Ngọc thấy Bắc Tĩnh vương đầu đội mũ tước vương, trâm ngọc, cánh chuồn bạc, mình mặc áo gấm trắng, thêu rồng năm móng, đai dạ màu đỏ, dát ngọc bích; mặt như ngọc, mắt như sao, thực là một bực tuấn tú. Bảo Ngọc vội chạy đến chào. Thủy Dung ở trong kiệu giơ tay ra kéo lại gần, thấy Bảo Ngọc đội mũ chóp bạc, đeo cái che trán thêu đôi rồng vờn, mặc áo chẽn thêu rồng trắng, thắt đai bạc, dát hạt châu; mặt tươi như hoa, mắt đen nhánh. Bắc Tĩnh vương cười nói: 
- Tiếng đồn không sai, quả là “bảo ngọc!”
Lại hỏi:
- Bảo bối ngậm khi mới sinh, bây giờ ở đâu?
Bảo Ngọc vội lấy ở trong áo đưa ra. Bắc Tĩnh vương ngắm nghía mãi, đọc mấy chữ khắc ở viên ngọc, rồi hỏi:
- Có linh nghệm thực không? 
Giả Chính đáp: 
- Tuy thế, cũng chưa thử bao giờ. 
Bắc Tĩnh vương luôn miệng khen lạ, vuốt lại dải đeo, rồi tự tay đeo cho Bảo Ngọc. Sau lại dắt tay Bảo Ngọc hỏi:
- Năm nay bao nhiêu tuổi? Học sách gì? 
Bảo Ngọc trả lời rành rọt từng câu.
Bắc Tĩnh vương thấy Bảo Ngọc giọng nói trong trẻo, chuyện trò phong nhã, liền ngoảnh lại bảo Giả Chính:
- Cậu bé nhà ta thực là “long câu phượng sồ”(1), không phải tiểu vương này nói đường đột trước mặt ngài đâu. Sau này tiếng phượng non trong hơn tiếng phượng già(2) cũng chưa biết chừng.
Giả Chính cười nói:
- Cháu ngu dại đâu dám nhận những lời vàng ngọc ấy. Nhờ ơn đức người, được thế thì thật là may cho chúng tôi.
Bắc tĩnh vương lại nói:
- Có một điều lạ, tư chất cậu bé như thế, chắc cụ nhà yêu lắm thì phải, nhưng bọn hậu sinh chúng ta thì đừng nên nuông quá, nuông quá sẽ làm cho cậu ta sao nhãng việc học. Tiểu vương này trước cũng ở trong cảnh ngộ ấy, e cậu ta rồi cũng như thế. Nếu ở nhà không tiện cho việc học, thì không ngại gì thỉnh thoảng ngài cho cậu ấy sang bên tôi. Tôi dù không có tài, nhưng được các bực danh sĩ trong nước quá yêu, hễ ai đến kinh đô đều có lòng hạ cố. Vì thế trong nhà thường có các bậc cao nhân họp mặt. Nếu cậu ấy năng lại chơi, thì việc học cũng có thể ngày một tiến hơn.
Giả Chính vội cúi đầu đáp: xin vâng.
Bắc Tĩnh vương lại tháo chuỗi hạt châu đeo trong cánh tay đưa cho Bảo Ngọc, nói:
- Hôm nay mới gặp lần đầu, không có vật gì tặng, xin lấy chuỗi hạt châu này là vật ban thưởng của thánh thượng, tạm làm lễ mừng. 
Bảo Ngọc vội đỡ lấy, quay lại đưa cho Giả Chính. Giả Chính dắt bảo Ngọc lại tạ ơn. Sau đó Giả Xá, Giả Trân đều đến cúi đầu xin mời quay xe về. Bắc Tĩnh vương nói:
- Người mất đã lên cõi tiên, không như chúng ta lận đận ở dưới trần này. Tôi tuy nhờ ơn trời, lạm tập vương tước, có lẽ nào dám vượt trước xe tiên?
Bọn Giả Xá đành phải tạ ơn, quay lại bảo người nhà im hẳn tiếng nhạc, rước cữu lẳng lặng đi qua, rồi mời Bắc Tĩnh vương về.
Đám ma phủ Ninh làm nhộn nhịp suốt cả quãng đường. Ra đến cửa thành, lại có các trạm tế của các đồng liêu thuộc hạ Giả Xá, Giả Chính và Giả Trân. Khi tang gia tạ ơn xong, đám ma rước ra ngoài thành, theo đường lớn đi về chùa Thiết Hạm. Bấy giờ Giả Trân dẫn Giả Dung đi mời các bực tôn trưởng lên kiệu, lên ngựa. Bọn Giả Xá đều lên kiệu, bọn Giả Trân cũng sắp sửa lên ngựa. Phượng Thư chợt nghĩ đến Bảo Ngọc, sợ ra ngoài thành hay chơi đùa, không chịu nghe lời người nhà. Giả Chính thì không để ý đến việc vặt, lỡ xảy chuyện gì sẽ bị Giả mẫu quở trách, bèn sai tên hầu bé đi gọi. Bảo Ngọc đến trước xe, Phượng Thư cười nói:
- Em ơi, em là bực tôn quý, cũng như các vị thiên kim tiểu thư, đừng bắt chước họ ngồi chồm chỗm trên ngựa như con khỉ ấy. Hãy xuống đây, chị em ta cùng ngồi xe chẳng hơn ư?
Bảo Ngọc nghe nói, xuống ngựa, trèo lên xe, cùng đi với Phượng Thư.
Một lát, có hai người cưỡi ngựa đến gần xe Phượng Thư, xuống ngựa, bíu xe lại nói:
- Đây có chỗ nghỉ, xin mợ hãy nghỉ chốc lát.
Phượng Thư bảo ra mời Hình phu nhân và Vương phu nhân. Hai người kia nói:
- Các vị bảo không cần phải nghỉ, còn mợ thì cứ tùy tiện.
Phượng Thư truyền cho nghỉ một lát sẽ đi. Bọn hầu nhỏ dắt kiệu rẽ đám đông quay sang phía bắc. Bảo Ngọc vội sai người đi mời Tần Chung. Tần Chung đang cưỡi ngựa đi theo kiệu cha, thấy đứa hầu Bảo Ngọc mời nghỉ lại ăn lót dạ. Nhìn xe Phượng Thư đi về phía bắc, mà ngựa của Bảo Ngọc thì để nguyên yên, Tần Chung biết ngay là hai người cùng ngồi một xe, liền cưỡi ngựa chạy theo, cùng vào trong trại. Người nhà đã đứng sẵn đó, đuổi hết cả đàn ông đi.
Trại này chỉ lơ thơ mấy nóc nhà, đàn bà con gái không có chỗ lẩn tránh, đành đứng liều đấy. Thấy dáng bộ khoan thai và quần áo lộng lẫy của Phượng Thư, Bảo Ngọc và Tần Chung, ai nấy đều dán mắt nhìn. Phượng Thư đi vào một ngôi nhà tranh, bảo bọn Bảo Ngọc ra ngoài chơi. Bảo Ngọc biết ý, cùng Tần Chung đem lũ hầu bé ra chơi các nơi. Trông thấy những vật dụng trong trại, họ rất lấy làm lạ, không biết gọi tên là gì, dùng để làm gì. Trong bọn hầu có người kể rõ từng cái một. Bảo Ngọc nghe xong, gật đầu nói:
- Không trách được, cổ nhân có câu: “Ai biết đầy mâm cơm trắng muốt. Hạt nào cũng đẫm những mồ hôi”.
Đi đến một gian buồng, Bảo Ngọc rất lấy làm lạ khi thấy có một cái guồng kéo sợi đặt ở trên giường. Bọn hầu nhỏ nói:
- Đó là cái guồng kéo sợi để dệt vải đấy.
Bảo Ngọc trèo lên giường cầm guồng quay, thì thấy một người con gái độ 17, 18 tuổi, ăn mặc lối nhà quê chạy lại nói:
- Đừng làm hỏng đấy!
Bọn hầu nhỏ chạy đến quát mắng om sòm. 
Bảo Ngọc ngừng tay lại nói:
- Ta không trông thấy cái này bao giờ, nên quay thử một tý chơi.
Người con gái nói:
- Ở nơi các cậu làm gì có cái này! Đứng xa ra, để tôi quay cho mà xem.
Tần Chung kéo Bảo Ngọc lại nói thầm:
- Cô này rất có tình tứ. 
Bảo Ngọc đẩy ra nói:
- Đồ đáng chết, nếu còn nói nhảm nữa ta đánh cho bây giờ. 
Nói xong, đứng xem người con gái quay guồng. Chợt thấy một bà già ở bên kia gọi:
- Con Hai về đây ngay!
Người con gái bỏ guồng chạy đi.
Bảo Ngọc có vẻ buồn thiu. Phượng Thư cho gọi hai người về. Phượng Thư rửa tay, thay quần áo xong, hỏi Bảo Ngọc có thay không? Bảo Ngọc trả lời “không thay”. Bọn người hầu mang hoa quả và pha trà thơm bưng lên. Phượng Thư uống nước rồi chờ cho mọi người thu xếp xong xuôi mới đứng dậy lên xe. 
Bên ngoài Vượng Nhi lấy phong bao thưởng cho những người trong trại, họ vội đến lĩnh thưởng và cảm ơn. Phượng Thư không thèm để ý đến. Bảo Ngọc cố chú ý nhìn, không thấy người con gái kéo sợi đâu cả. Đi một quãng, thấy người con gái ấy ẵm em, cùng với hai đứa bé nữa cười cười nói nói đi lại. Bảo Ngọc định xuống xe gặp cô ta, nhưng chắc chẳng ai cho xuống, chỉ liếc mắt nhìn lại. Xe ngựa đi nhanh như gió, trong nháy chẳng còn thấy dấu vết gì nữa.
Đi một quãng đã theo kịp đám ma. Mặt trước có đủ chiêng, trống, phướn, lọng. Các sư ở chùa Thiết Hạm đứng xếp hàng hai bên đường. Một lát, đến chùa lại lập đàn tụng kinh, rồi đặt linh cữu ở cái nhà gần bên đền phía trong. Bảo Châu sửa soạn chỗ nằm ngay cạnh linh cữu. Bên ngoài thì Giả Trân tiếp khách đàn ông, có người ở lại ăn cơm, có người cáo từ ra về, Giả Trân đều tỏ lời cảm tạ. Các tân khách từ tước công, tước hầu, tước bá, tước tử, tước nam, lần lượt ra về, đến cuối giờ mùi mới hết.
Bên trong, Phượng Thư tiếp các bà, cũng theo phẩm tước đến quá ngọ thì lần lượt về hết. Chỉ còn những người họ thân ở lại ban ngày chờ làm lễ xong mới về. Hai bà Hình phu nhân, Vương phu nhân biết Phượng Thư không về ngay được, muốn đem Bảo Ngọc về trước. Nhưng Bảo Ngọc, mới xuống hương thôn lần đầu, khi nào chịu về ngay cứ nằng nặc đòi ở lại với Phượng Thư. Vương phu nhân đành phái giao cho Phượng Thư, rồi về.
Chùa Thiết Hạm là do hai ông Ninh, Vinh ngày trước dựng nên, có đặt ruộng đất hương hỏa để phòng khi trong họ ở kinh có ai qua đời thì quàn cữu ở đây. Trong chùa có làm hai nơi, một để quàn linh cữu, một để người đi đưa đám nghỉ ngơi. Không ngờ về sau người nhiều, lại giàu nghèo không đều, hoặc tính tình khác nhau, nên nhà nào nghèo, thì khi đến đưa đám đều ở lại đây; còn nhà giàu sang muốn bày vẽ, thì cho là ở đấy không tiện, lại tìm ra ngoài, hoặc là trang trại, hoặc là chùa chiền nào, để khi xong việc sẽ về đấy nghỉ ngơi.
Nay đến đám ma họ Tần, những người trong họ đi đưa đều ở lại chùa Thiết Hạm cả, chỉ có Phượng Thư cho là ở lại đây không tiện, sai người đến nói với sư cô Tĩnh Hư ở chùa Mạn Đầu, dọn sẵn cho vài gian buồng để nghỉ. Chùa Mạn Đầu tức là chùa Thủy Nguyệt, vì ở đấy làm bánh mạn đầu ngon có tiếng, cho nên mới có tên ấy. Chùa này cách chùa Thiết Hạm không xa mấy.
Khi hòa thượng tụng kinh xong, cúng cơm chiều, Giả Trân sai Giả Dung đến mời Phượng Thư đi nghỉ. Phượng Thư thấy có mấy chị em tiếp khách hộ, bèn cáo từ mọi người, dắt Bảo Ngọc và Tần Chung sang chùa Mạn Đầu. Tần Nghiệp tuổi già nhiều bệnh, phải về nhà để Tần Chung ở lại dự lễ, vì thế Tần Chung ở lại với Phượng Thư và Bảo Ngọc. Một lúc đến chùa, sư cô Tĩnh Hư mang hai tiểu Trí Thiện, Trí Năng ra đón. Mọi người chào nhau. Phượng Thư vào nhà riêng thay áo, rửa tay, trông thấy Trí Năng càng lớn thân hình càng ngồn ngộn dễ yêu, liền nói:
- Thầy trò nhà ngươi lâu nay không thấy sang chơi?
Tĩnh Hư nói:
- Mấy hôm trước, nhà cụ Hồ sinh hạ cậu trai, bà Hồ đưa sang mười lạng bạc bảo mời mấy vị sư phụ niệm kinh “huyết bồn” trong ba ngày. Chúng tôi bận quá, nên không sang thăm sức khỏe mợ được.
Khi sư già tiếp Phượng Thư, thì Tần Chung, Bảo Ngọc ngồi chơi ở trên đền. Trông thấy Trí Năng đi qua, Bảo Ngọc cười nói:
- Con Năng đến kia kìa. 
Tần Chung nói:
- Nhắc đến nó làm gì! 
- Mi đừng nói dối, vừa mới hôm nào, ở nhà bà ta, trong lúc vắng người, mi ôm nó làm gì? Bây giờ mi còn dối ta à?
- Làm gì có chuyện ấy?
- Có hay không, thây kệ mi, chỉ bảo nó pha trà ta uống thì êm chuyện hết.
- Lạ thật! Anh bảo nó pha trà, nó không pha hay sao? Lại cứ phải nhờ tôi bảo?
- Ta bảo nó thì chẳng lý thú gì cả, mi bảo nó mới có tình tứ hơn.
Tần Chung không từ chối được, phải nói:
- Năng, pha trà lên đây.
Trí Năng từ bé vẫn đi lại phủ Vinh, thường chơi đùa với Bảo Ngọc và Tần Chung, ai cũng biết cả. Bây giờ nó đã lớn, hơi biết chuyện gió trăng và đã để ý đến Tần Chung là người có dáng bộ phong lưu. Tần Chung cũng yêu nó có duyên dáng thùy mị. Hai người tuy chưa được gần gụi nhau, nhưng đã tình đầu ý hợp rồi. Trí Năng bưng trà đến, Tần Chung bảo đưa cho Tần Chung, Bảo Ngọc bảo đưa cho Bảo Ngọc. Trí Năng bĩu môi cười:
- Có một chén trà cũng tranh nhau, có lẽ tay tôi dính mật chăng?
Bảo Ngọc giật lấy uống trước, vừa muốn nói chuyện, thì Trí Thiện gọi Trí Năng đi bày các thức quả. Một lúc mời hai người vào ăn. Hai người khi nào chịu ăn nhưng thứ ấy! Họ ngồi một lát rồi rủ nhau ra ngoài chơi.
Phượng Thư cũng vào nhà riêng nghỉ, có sư già tiếp đãi. Những người hầu thấy không có việc gì, đều ra chỗ khác nghỉ, chỉ còn vài người hầu nhỏ thân cận ở lại. Sư già thừa dịp nói:
- Tôi có một việc muốn đến phủ nhờ bà Hai, nay xin hỏi ý mợ trước.
Phượng Thư hỏi việc gì? Sư già đáp: 
- A di đà phật! Khi trước tôi mới xuất gia, đến ở chùa Thiện Tài, huyện Trường An, nơi đó có một thí chủ họ Trương, giàu lắm. Ông ta có cô con gái lúc bé tên là Kim Kha, thường hay đến chùa lễ phật. Một hôm gặp Lý công tử là em vợ ông phủ Trường An. Trông thấy Kim Kha, Lý công tử xiêu lòng ngay, lập tức nhờ người đến hỏi. Nhưng Kim Kha đã nhận lời con ông Thủ Bị phủ Trường An rồi. Họ Trương muốn thoái hôn, lại sợ ông Thủ Bị không nghe , nên phải trả lời với họ Lý là đã có người hỏi rồi. Lý công tử nhất định đòi lấy. Họ Trương thấy khó xử, không biết gả con cho bên nào. Ông Thủ Bị nghe tin ấy, chẳng hỏi trắng đen gì, đến làm ầm lên: “Có một con gái mà định gả cho mấy người à?” Ông ta không bằng lòng thoái hôn, và đi kiện ngay. Nhà gái bí quá, phải cho người vào kinh chạy thầy chạy thợ, và tức khí nhất định thoái hôn. Tôi nghĩ hiện nay cụ Vân làm Tiết độ sứ Trường An là chỗ thân với phủ ta. Tôi muốn nhờ bà nhà nói với ông lớn viết thư cho cụ Vân nói với ông Thủ Bị một câu, thì thế nào ông ấy chẳng phải nghe. Nếu được như thế thì họ Trương có dốc hết cơ nghiệp để tạ ơn cũng vui lòng.
Phượng Thư cười nói:
- Việc có to tát gì bà ta chẳng thèm bận tâm đến đâu.
- Bà nhà không thèm nhìn đến, nhưng mợ vẫn có thể giúp được
- Ta không cần tiền, cũng chẳng làm việc ấy.
Sư già nghe nói, nghĩ ngợi một lúc rồi thở dài: 
- Đã hay là thế. Nhưng họ Trương biết rõ tôi đến nhờ phủ ta rồi. Nếu không giúp, họ Trương có biết đâu là phủ ta không thèm làm, không thèm lễ tạ, mà lại cho rằng những việc nhỏ nhặt như thế phủ ta cũng không làm nổi.
Phượng Thư nghe xong, tự nhiên thấy cao hứng nói:
- Sư già hẳn đã biết rõ tính ta lắm. Xưa nay ta chẳng tin sự báo ứng âm ty địa ngục gì cả. Bất cứ việc gì ta đã làm là làm. Bảo họ đưa ba nghìn lạng bạc đến đây, ta sẽ nói hộ cho.
Sư già nghe xong mừng lắm vội nói:
- Có ngay! Có ngay! Việc ấy chẳng khó gì.
- Ta không phải như bọn người đưa đón để kiếm lời. Ba nghìn lạng bạc này chẳng qua để làm món tiền phí tổn đi lại vất vả cho người nhà, chứ ta thì chẳng cần một đồng, ngay đến ba vạn lạng ta cũng có sẵn.
- Đã thế, ngày mai nhờ mợ làm ơn cho. 
- Ta bận lắm, có chỗ nào là thiếu được. Ta đã nhận lời, thể nào cũng giúp bằng được.
- Việc này nếu vào người khác, chưa biết bận rộn đến chừng nào, nhưng đối với mợ thì dù có khó đến đâu cũng chỉ gảy cái móng tay là xong. Tục ngữ có câu: “Càng giỏi giang càng vất vả”. Bà nhà thấy mợ thông minh, thì giao hết mọi việc. Nhưng mợ cũng nên cẩn thận giữ gìn sức khỏe mới được.
Sư già hết sức tâng bốc, càng làm cho Phượng Thư lên nước, không nghĩ gì đến khó nhọc, câu chuyện càng nở như cơm vàng.
Tần Chung thừa dịp trời tối vắng người, đi tìm Trí Năng. Hắn vừa đến buồng sau, thì gặp Trí Năng đương ngồi một mình rửa ấm chén. Tần Chung kéo ngay lại hôn. Trí Năng vội lùi bước nói:
- Làm cái gì thế! Còn thế nữa, tôi sẽ kêu to lên. 
Tần Chung van nài:
- Em ơi, anh chết mất! Nếu hôm nay em không nghe anh, anh đành chết ngay ở đây!
- Cậu muốn thế nào, trừ phi em ra khỏi nơi giam hãm, xa rời những người ở đây mới được.
- Việc ấy dễ thôi, nhưng nước ở xa làm thế nào cho đỡ khát ngay bây giờ! 
Nói xong tắt phụt ngay đèn, nhà tối như mực. Hắn ôm Trí Năng lên giường định giở cuộc mây mưa. Trí Năng thì hết sức giãy giụa, nhưng không dám kêu, sau đành phải chịu vậy. Đang lúc hứng lên, bất thình lình có một người đến, chẳng nói chẳng rằng, đè chặt hai người xuống. Tần Chung và Trí Năng sợ quá không hiểu là ai, cứ nằm nép dài, không dám động đậy. Bỗng “phì” một tiếng, có người phá lên cười, họ mới biết là Bảo Ngọc.
Tần Chung hậm hực nói: 
- Làm trò gì thế? 
Bảo Ngọc nói: 
- Nếu mi không nghe, ta sẽ kêu ầm lên.
Trí Năng thẹn quá, thừa lúc tối chạy biến mất. Bảo Ngọc kêu Tần Chung ra ngoài nói:
- Mi còn già thồm nữa thôi? 
Tần Chung cười nói:
- Xin anh đừng to tiếng khỏi vỡ chuyện. Anh muốn gì tôi cũng xin vâng.
Bảo Ngọc cười nói: 
- Bây giờ không cần nói vội, để chốc nữa đi ngủ, ta sẽ kể tội cho.
Một lúc, hai người cởi áo đi ngủ, Phượng Thư nằm ở nhà trong, Bảo Ngọc, Tần Chung nằm ở nhà ngoài. Bọn hầu đàn bà giải chiếu ở dưới đất ngồi canh đêm. Phượng Thư sợ mất viên ngọc thiêng, chờ Bảo Ngọc ngủ rồi, sai người đến lấy và cất vào bên gối mình. Việc Bảo Ngọc kể tội Tần Chung thế nào chưa biết rõ, đó còn là một nghi án, nên không dám viết ra đây.
Sáng hôm sau, Giả mẫu và Vương phu nhân sai người đến thăm Bảo Ngọc, bảo phải mặc thêm quần áo, không có việc gì thì về nhà. Bảo Ngọc không nghe, Tần Chung còn mến tiếc Trí Năng, xui Bảo Ngọc nói với Phượng Thư ở lại một ngày nữa. Phượng Thư nghĩ: tang lễ tuy đã xong rồi, nhưng còn mấy việc vặt chưa sắp xếp ổn thỏa; nên ở thêm một ngày nữa. Một là để Giả Trân vừa lòng; hai là để xong việc của Tĩnh Hư; ba là để chiều ý Bảo Ngọc. Giả mẫu nghe thấy tất cũng vui lòng. Liền dặn Bảo Ngọc:
- Việc chị làm xong cả rồi, em còn muốn ở lại chơi, chị cũng đành nán lại hôm nữa. Nhưng thế nào sớm mai cũng phải về.
Bảo Ngọc nói:
- Muôn lạy chị, ngàn lạy chị, em chỉ ở lại một ngày nữa thôi. Sớm mai nhất định sẽ về.
Mấy người lại ở lại một đêm nữa. 
Phượng Thư đem việc sư già nói hôm trước khẽ bảo Lai Vượng. Lai Vượng hiểu ý, vội về thành tìm người thư ký, nói dối là Giả Liễn sai viết một bức thư rồi cho người sai ngay đến huyện Trường An. Quãng đường dài một trăm dặm, chỉ mất hai ngày là công việc xong xuôi cả. Quan Tiết Độ sứ ở đấy là Vân Quang, tử tước hàm ơn họ Giả, nay có việc nhỏ, lẽ nào lại không nhận lời? Ông ta trao ngay thư trả lời cho Lai Vượng mang về.
Phượng Thư ở lại một ngày. Đến hôm sau, cáo từ sư già ra về, hẹn ba ngày nữa vào phủ sẽ trả lời. Tần Chung và Trí Năng hai bên quyến luyến không nỡ xa nhau, ngấm ngầm hò hẹn những ngày gặp gỡ, rồi ngậm ngùi chia tay. Phượng Thư lại đi xem xét trong chùa Thiết Hạm một lần nữa. Bảo Châu nhất định không chịu về. Giả Trân đành phải cắt người ở lại để làm bầu bạn với nhau.
----------------------
(1). Long câu: con ngựa non, giống tốt, ví như con rồng. Phượng sổ con phương non, dùng để ví những bậc tài tuấn tú. Tấn thư, truyện Lục Vân: đứa trẻ này không phải là long câu thì là phượng sổ.
(2). Ví con giỏi hơn cha.

 

 Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved