Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

23 thg 1, 2014

Hồng Lâu Mộng - Hồi 41- 45 Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc

HỒI 41:

Am Lương Thúy, Bảo Ngọc thưởng trà ngon
Viện Di Hồng, già Lưu say rượu ngủ

Già Lưu xoa tay nói:
- Đến khi hoa rụng lại là quả dưa.
Mọi người cuời ầm lên. Già Lưu uống chén rượn rồi nói đùa:
- Hôm nay xin nói thực: Tôi chân tay thô kệch, lại uống nhiều rượu không cẩn thận lỡ đánh vỡ chén sứ thì không tiện. Xin cho tôi một cái chén gỗ, có đánh rơi xuống đất cũng không can gì.
Mọi người lại cười. Phượng Thư nói:
- Bà muốn dùng chén gỗ à? Tôi sẽ lấy cho. Nhưng có điều này phải nói trước: chén gỗ không như chén sứ đâu, nó có từng bộ một, phải uống hết mới được.
Già Lưu trong bụng ngần ngừ: “Vừa rồi chẳng qua ta nói đùa cho vui đấy thôi, biết đâu họ lại có thực. Ta thường đến ăn tiệc ở các nhà thân hào trong làng, trông thấy chén vàng chén bạc, chứ có chén gỗ bao giờ: A! Đúng rồi! chắc là thứ bát gỗ của trẻ con dùng. Họ làm thế, chẳng qua lừa ta uống thêm vài bát đó thôi. Nhưng không sao, rượu ngọt như nước đường, uống thêm một ít cũng chẳng hại gì.” Nghĩ vậy già liền nói:
- Cứ mang lại đây tôi sẽ liệu.
Phượng Thư liền bảo Phong Nhi:
- Lấy bộ chén gốc trúc mười cái để trên giá sách trước mặt lại đây.
Phong Nhi định đi, Uyên Ương cười nói:
- Tôi biết rồi. Nhưng mười cái chén ấy hãy còn bé. Vả chăng mợ vừa bảo lấy chén gỗ, bây giờ lại lấy chén gốc trúc, như thế thì khó coi. Chi bằng lấy bộ mười cái chạm bằng rễ cây hoàng dương, đem đến đây, dốc hết cả cho bà ấy.
Phượng Thư cười nói: “Càng tốt”.
Uyên Ương sai người mang đến. Già Lưu trông thấy vừa sợ vừa mừng: sợ là phải uống mười chén lớn nhỏ một lúc, cái lớn vừa bằng cái chậu, cái nhỏ nhất cũng to gấp đôi cái chén mình cầm trên tay; mừng là thấy những chén chạm trổ rất đẹp, một màu non nước, cỏ cây và người, lại có đề chữ đóng dấu, liền nói:
- Đem cái chén nhỏ đến đây thôi.
Phượng Thư cười nói: 
- Ở đây sức rượu kém cả, nên không ai dám dùng bộ chén ấy. Vì bà thích, tôi phải đi tìm mãi mới thấy, nhất định là bà phải lần lượt uống hết mười chén mới được.
Già Lưu sợ hãi vội nói:
- Không dám đâu, xin mợ tha cho.
Giả mẫu, Tiết phu nhân và Vương phu nhân biết già Lưu đã có tuổi, không uống nổi, liền cười nói:
- Nói thế cho vui đấy thôi, bà không nên uống nhiều. Uống một chén đầu là đủ.
Già Lưu nói:
- A di đà phật! Tôi xin uống chén nhỏ, còn chén nhớn thì cất đi, để tôi mang về nhà uống dần.
Mọi người lại cười ầm lên.
Uyên Ương không làm thế nào được, đành phải sai người rót một chén lớn. Già Lưu bưng lấy định uống. Giả mẫu và Tiết phu nhân đều nói:
- Uống thong thả chứ, không thì sặc đấy.
Tiết phu nhân lại sai Phượng Thư đưa đồ ăn đến.
Phượng Thư cười nói:
- Bà muốn ăn món gì, cứ nói, tôi sẽ gắp cho.
Già Lưu nói:
- Tôi biết tên món gì mà gọi? Cái gì cũng ngon cả.
Giả mẫu cười nói:
- Gắp cà xào cho bà ấy ăn.
Phượng Thư vâng lời, gắp miếng cà xào đưa vào mồm già Lưu, cười nói:
- Ngày nào bà cũng ăn cà, giờ thử nếm xem món cà ở đây chúng tôi làm có ngon hay không?
Già Lưu cười nói:
- Đừng đánh lừa tôi, nếu cà mà ngon thế này, thì chúng tôi chỉ giồng cà thôi, không cần giồng các thứ ăn khác.
Mọi người cười nói:
- Cà thật đấy, chúng tôi không nói dối bà đâu.
Già Lưu lấy làm lạ nói:
- Cà thật đấy à? Tôi ăn từ nãy đến giờ, vẫn không biết mùi gì cả! Mợ gắp ít nữa cho tôi, đến miếng này tôi nhai kỹ xem.
Phượng Thư lại gắp một miếng đưa vào mồm già Lưu. Nhai một lúc lâu, già Lưu cười nói:
- Cũng hơi có mùi cà, nhưng không phải là cà. Mợ bảo cách cho tôi, khi về tôi cũng học nấu món ăn này.
Phượng Thư cười nói:
- Có khó gì đâu cứ đến tháng tư tháng năm, bà hái cà về gọt vỏ bỏ núm, chỉ lấy ruột thôi, đem thái nhỏ như sợi tóc, phơi thật khô. Sau đó bắt một con gà mẹ, ninh ra nước và hấp cà lên, xong đem ra phơi, chín lần phơi, chín lần hấp, lại đem phơi thật khô, rồi bỏ vào trong lọ sứ bịt thật kín. Khi ăn sẽ lấy một thìa trộn với thịt gà xào mà ăn.
Già Lưu lắc đầu lè lưỡi nói:
- Phật tổ ơi! Thế thì phải hết đến non chục con gà mới nấu được một bát. Chẳng trách ngon là phải!
Già Lưu vừa cười vừa thong thả uống hết một chén rượu, rồi cứ ngắm nghía mãi cái chén. Phượng Thư cười nói:
- Nếu chưa đủ hứng, thì bà uống thêm một chén nữa.
Già Lưu nói:
- Không uống được nữa, say chết mất! Tôi thích cái chén này quá, không biết họ làm bằng gỗ gì!
Uyên Ương cười nói:
- Bà uống hết rượu rồi, cũng không biết cái chén này người ta làm bằng gỗ gì à?
Già Lưu nói:
- Không trách được các cô không biết là phải. Các cô ở trong nhà vàng cửa gấm, biết sao được các thứ gỗ? Chúng tôi quanh năm làm quen với rừng. Khi buồn ngủ lấy gỗ mà gối, lúc mệt lấy gỗ mà nằm dựa lưng, năm mất mùa đói kém phải ăn đến cả nó. Mắt lúc nào cũng trông thấy gỗ, tai lúc nào cũng nghe thấy gỗ, miệng lúc nào cũng nói đến gỗ. Vì thế thứ gỗ nào tốt, xấu, thật, giả, tôi đều biết cả, để tôi thử nhận xem.
Già Lưu vừa nói vừa ngắm nghía cái chén một lúc nói:
- Nhà các người thế này, khi nào có chăng đồ xấu. Những thứ gỗ xoàng chắc các người chẳng chịu sắm đâu. Tôi cầm thấy nó nặng chình chịch ấy. Nếu không phải là gỗ dương, cũng là gỗ thông vàng.
Mọi người nghe nói lại cười ầm lên.
Một bà già chạy đến trình Giả mẫu:
- Các cô đã đến Ngẫu Hương tạ cả rồi, xin cụ truyền cho hát ngay hay phải chờ lúc nữa.
Giả mẫu cười nói:
- Ta quên khuấy đi mất, bảo chúng nó cứ hát đi.
Bà già vâng lời đi ra.
Một lúc tiếng sênh, tiếng sáo lộn ràng, đàn địch vang dậy. Lại gặp buổi trời trong gió mát, điệu nhạc văng vẳng luồn qua khe rừng bến nước vọng lại, làm cho mọi người tâm thần sảng khoái. Bảo Ngọc không nén nổi lòng, liền cầm cái hồ rót một chén rượu uống hết. Đang định uống thêm chén nữa, bỗng thấy Vương phu nhân cũng sai người đi lấy rượu ấm, Bảo Ngọc vội mang ngay chén rượu của mình đưa đến tận miệng Vương phu nhân. Vương phu nhân uống hai hớp.
Một lúc, rượu ấm mang đến, Bảo Ngọc lại về chỗ cũ. Vương phu nhân cầm lấy hồ rượu, nói: "Mời bà dì mày ngồi. Ai ở đâu về đấy.” Vương phu nhân mới đưa cái hồ cho Phượng Thư, rồi tự mình ngồi xuống. Giả mẫu cười nói:
- Hôm nay thú quá, mọi người đều uống hai chén.
Rồi cầm chén mời Tiết phu nhân, lại bảo Tương Vân và Bảo Thoa:
- Hai chị em mày mỗi người phải uống một chén. Em Lâm mày không uống được nhiều cũng bắt phải uống.
Giả mẫu tự mình uống cạn chén trước, Tương Vân, Bảo Thoa, Đại Ngọc cũng đều uống cả.
Già Lưu nghe nhạc vui tai, lại có rượu mừng quá, múa chân múa tay lên. Bảo Ngọc liền đến cười bảo Đại Ngọc:
- Em xem già Lưu kìa.
Đại Ngọc cười nói:
- Ngày trước nhạc nhà vua vừa nổi lên, thì trăm muông nhảy múa. Bây giờ mới chỉ có một con trâu thôi.
Chị em đều cười.
Một lúc nhạc im. Tiết phu nhân cười nói:
- Mọi người uống rượu cả rồi, xin ra ngoài chơi một lúc.
Giả mẫu cũng thích ra chơi. Thế là cả nhà đều theo ra ngoài ngắm cảnh. Giả mẫu muốn đưa già Lưu đi dạo chơi, liền kéo già đến trước núi, dưới cây, quanh quẩn một lúc, bảo cho già biết cây này tên là gì, đá này tên là gì, hoa này tên là gì. Già Lưu đều ghi nhớ cẩn thận, nói:
- Ngờ đâu ở trong thành này, không những người, đến cả giống chim sẻ cũng sang trọng. Giống chim sẻ được ở trong nhà cụ cũng sinh khôn ra, và cũng biết nói.
Mọi người không hiểu, hỏi:
- Chim sẻ nào sinh khôn và biết nói?
Con chim có lông xanh, mỏ đỏ đậu ở cái cầu vàng ngoài hiên kia là con vẹt tôi đã biết rồi. Còn con quạ đen đầu có mào đang ở trong lồng kia cũng biết nói đấy.
Mọi người lại cười ầm lên.
Bọn a hoàn đem món điểm tâm đến. Giả mẫu nói:
- Mới uống vài chén rượu, chưa đói. Thôi cứ mang đến đây, ai muốn ăn gì thì ăn.
A hoàn khiêng đến hai kỷ, bày hai cái hộp nhỏ. Mở ra, mỗi hộp đựng hai thứ. Một hộp đựng hai món hấp: bánh hấp ngọt bột ngó sen có mùi hoa quế, và bánh cuốn mỡ ngỗng. Còn hộp nữa đựng hai thứ bánh rán: một thứ là bánh miến hấp, lớn độ một tấc. Giả mẫu hỏi:
- Bánh nhân gì đấy?
Bà già thưa:
- Nhân cua đấy ạ. 
Giả mẫu cau mày nói:
- Bây giờ ngấy mỡ lắm rỗi, ai ăn được món ấy nữa.
Lại trông thấy món mì xào với mỡ, Giả mẫu cũng không thích, liền mời Tiết phu nhân ăn. Tiết phu nhân cầm một miếng bánh hấp ngọt. Giả mẫu cầm một cái bánh cuốn, nếm một miếng, còn thừa một nửa gọi cho a hoàn.
Già Lưu thấy bánh mỳ hấp trong suốt, lóng lánh, đủ màu đủ vẻ, lại cầm một cái bánh kiểu hoa mẫu đơn, cười nói:
- Các cô gái khéo nhất ở làng tôi cũng không cắt được cái hoa đẹp như thế này! Tôi muốn ăn nhưng lại tiếc, gói đưa về nhà để cho họ bắt chước cắt hoa thì tốt hơn.
Mọi người đều cười, Giả mẫu cười nói:
- Khi về tôi sẽ cho bà một vò mang về. Bây giờ bánh còn nóng, bà hãy ăn đi.
Mọi người chỉ lấy một vài cái nào mình thích ăn thôi.
Già Lưu xưa nay chưa từng được ăn những thứ này bao giờ, vả bánh làm lại khéo léo, xinh xắn, nên cùng thằng Bản ăn mỗi thứ mấy cái, đã vơi mất nửa mâm. Còn thừa, Phượng Thư sai dồn lại hai mâm và một hộp cho bọn Văn Quan ăn.
Bỗng vú em ẵm cháu Đại Thư đến. Mọi người đùa với nó một lúc, Đại Thư đương ôm quả bưởi chơi, thấy thằng Bản ôm quả phật thủ, nó đòi ngay. A hoàn dỗ đi lấy quả khác, nó chờ không được, khóc ầm lên. Mọi người lấy quả bưởi đưa cho thằng Bản rồi lấy quả phật thủ của thằng Bản đưa cho nó. Thằng Bản chơi quả phật thủ đã lâu rồi, lúc ấy hai tay lại đương cầm bánh ăn, trông thấy quả bưởi vừa thơm, vừa tròn, lại càng thích, định làm quả cầu để đá, nên không lấy quả phật thủ nữa.

Giả mẫu uống nước xong, dẫn già Lưu đến am Lũng Thúy. Diệu Ngọc đón chào. Mọi người vào đến sân, thấy hoa tươi cây tốt, Giả mẫu cười nói:
- Bọn họ tu hành rỗi việc, hay sửa sang, trông đẹp hơn các nơi nhiều.
Vừa nói vừa đi lên thiền đường bên đông. Diệu Ngọc cười mời vào trong nhà, Giả mẫu nói:
- Chúng tôi vừa uống rượn, ăn thịt xong, trong nhà thờ Phật vào sợ mắc tội; ngồi ở đây thôi. Người cứ mang trà ngon ra, chúng tôi uống một chén rồi đi.
Bảo Ngọc để ý xem cách tiếp đãi của Diệu Ngọc như thế nào, thấy Diệu Ngọc mang cái khay nhỏ kiểu hoa hải đường, sơn bốn chữ vàng "vân long hiến thọ”, trong đặt một cái chén sứ Châu Thành năm màu dâng lên. Giả mẫu nói:
- Tôi không uống trà Lục An đâu.
- Tôi đã biết rồi. Đây là trà “Lão quân my”(1) đây.
- Pha bằng nước gì?
- Nước mưa năm ngoái đấy.
Giả mẫu uống nửa chén rồi đưa cho già Lưu, nói:
- Bà thử nếm trà này xem.
Già Lưu uống một hơi, cười nói:
- Ngon có ngon, nhưng hơi nhạt. Pha đặc một tí thì hơn.
Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Sau đều uống trà rót vào bát trắng có nắp.
Diệu Ngọc kéo áo Bảo Thoa và Đại Ngọc đi ra. Bảo Ngọc cũng khe khẽ đi theo. Diệu ngọc mời hai người vào buồng bên cạnh. Bảo Thoa ngồi ở trên giường, Đại Ngọc ngồi ở chiếu tụng kinh của Diệu Ngọc. Diệu Ngọc lấy bếp lò đun nước, pha một ấm trà khác. Bảo Ngọc khẽ chạy đến, cười nói:
- Các cô uống trà riêng đấy à?
Hai người đều cười nói:
- Anh lại đến uống gạ! Đây không có trà cho anh uống đâu.
Diệu Ngọc đang định ra lấy chén, thấy bà già đã thu dọn ấm chén ở ngoài sân. Diệu Ngọc vội nói:
- Đừng cất cái chén sứ Châu Thành vội, hãy để ở ngoài ấy.
Bảo Ngọc hiểu ý, biết là già Lưu uống chén ấy, sợ bẩn nên cô ta không dùng nữa. Sau Diệu Ngọc lại mang hai cái chén khác ra, một cái có quai, trên khắc ba chữ lệ “cô kiều trác”(2), bên cạnh có một hàng chữ nhỏ, viết chân phương “Vương Khải trân ngoạn”(3); lại có một hàng chữ nhỏ nữa viết "Tống Nguyên Phong ngũ niên tứ nguyệt My Sơn Tô Thức kiến ư bí phủ"(4). Diệu Ngọc rót một chén đưa cho Bảo Thoa. Còn một chén dáng như cái bát nhưng mà nhỏ, cũng có ba chữ "điểm tế kiều”(5) khắc lối triện. Diệu Ngọc pha trà vào chén và đưa mời Đại Ngọc, rồi lấy cái chén ngọc xanh của mình thường dùng pha cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cười nói:
- Người ta thường nói “thế pháp bình đẳng”(6), sao hai cô được dùng đồ cổ quý, mà tôi lại phải dùng đồ tục này?
Diệu Ngọc nói:
- Thế là đồ tục à? Không phải tôi nói liều đâu, nhà cậu chưa chắc đã tìm ra được cái đồ tục này!
- Tục ngữ nói “Vào làng phải theo làng”, đến đây thì nhưng đồ vàng ngọc châu báu đều cho là tục cả.
Diệu Ngọc nghe nói thích lắm, lại lấy ra một cái chén lớn làm bằng gốc trúc chạm rồng cuộn ngoằn ngoèo nhiều khúc, cười nói:
- Chỉ còn có một cái chén nhớn này thôi, cậu có thể uống hết được không?
- Uống hết được.
- Dù uống hết, cũng chẳng phí trà đâu cho cậu uống. Cậu không nghe người ta nói: "Uống chén thứ nhất là để thưởng thức mùi vị trà, chén thứ hai là phường ngu xuẩn uống cho khỏi khát, đến chén thứ ba là con trâu con lừa uống rồi”. Bây giờ cậu uống cả một chén lớn này còn ra cái gì nữa.
Bảo Thoa, Đại Ngọc và Bảo Ngọc nghe xong đều cười ầm lên. Diệu Ngọc cầm bình nước chỉ rót độ một chén con vào chén lớn, Bảo Ngọc nhấm nháp từng tí, thấy hương vị mát nhẹ, khen ngợi không ngớt. Diệu Ngọc nghiêm nét mặt nói:
- Cậu nhờ phúc của hai cô mới được uống trà này, chứ một mình cậu thì tôi không mời đâu.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi biết lắm, vì thế tôi không cám ơn người, chỉ cám ơn hai cô thôi.
Diệu Ngọc nói: “Đúng đấy”.
Đại Ngọc hỏi:
- Đây cũng là nước mưa năm ngoái phải không?
Diệu Ngọc cười nhạt:
- Cô mà lại là người rất tục, ngay nước uống không biết nếm. Đó là tuyết ở trên hoa mai mà năm năm về trước tôi lấy ở chùa Huyền Mộ Bàn Hương đấy, chỉ chứa được đầy một lọ hoa màu xanh thôi. Tôi chôn xuống đất để dành mãi, không uống, đến hè năm nay mới đào lên. Tôi chỉ uống một lần, nay là lần thứ hai cô nếm cũng không biết à? Nước mưa năm ngoái làm gì có hương vị mát dịu như thế? Uống thế nào được?
Bảo Thoa biết Diệu Ngọc có tính dở hơi, không thích nói nhiều, cũng không thích ngồi lâu; uống nước xong, rủ Đại Ngọc đi ra. Bảo Ngọc nói với Diệu Ngọc:
- Cái chén bà già uống lúc nãy, tuy bẩn, nhưng vất đi thật đáng tiếc! Cứ ý tôi, nên cho bà già nghèo ấy đem bán cũng có thể sống qua ngày. Người thấy có được không?
Diệu Ngọc nghĩ một lúc gật đầu nói:
- Thôi được. May tôi chưa uống đến cái chén ấy bao giờ. Đã uống rồi thì tôi đập đi, không khi nào đem cho bà ấy. Cậu muốn cho bà ấy, xin mang ngay đi.
- Như thế là phải. Khi nào người lại thèm nói chuyện với bà ấy? Nếu nói chuyện với bà ta thì người cũng bị bẩn lây. Cứ đưa cho tôi là được.
Diệu Ngọc sai người mang cái chén đưa cho Bảo Ngọc, Bảo ngọc cầm lấy rồi nói:
- Khi chúng tôi ra về, sẽ bảo mấy đứa hầu nhỏ ra sông gánh mấy thùng nước rửa nhà, có được không?
- Thế thì tốt. Nhưng cậu dặn họ, gánh nước về cứ để ở chân tường ngoài cửa thôi, đừng mang vào đây.
- Đúng thế.
Rồi Bảo Ngọc cầm lấy cái chén đưa cho người nhà Giả mẫu và bảo:
- Ngày mai già Lưu về, mày đưa cái này cho già ấy.
Ngay lúc đó, Giả mẫu đã ra, muốn về. Diệu Ngọc cũng không giữ lại, đưa Giả mẫu ra đến cửa ngoài, rồi quay lại đóng cửa.
Giả mẫu thấy người mệt, liền bảo Vương phu nhân và chị em Nghênh Xuân mời Tiết phu nhân uống rượu, còn mình vào nằm nghỉ ở Đạo Hương thôn. Phượng Thư sai người mang cái ghế trúc nhỏ đến, Giả mẫu ngồi vào đó, bảo hai bà già kiệu đi. Phượng Thư, Lý Hoàn và bọn a hoàn theo sau.
Tiết phu nhân cũng cáo từ ra về. Vương phu nhân cho bọn Văn Quan về, rồi phân phát những hộp bánh còn lại cho đám a hoàn ăn. Còn mình nhân tiện cũng nằm ngả xuống giường của Giả mẫu vừa ngồi, sai một đứa nhỏ hầu nhỏ bỏ rèm xuống, bóp chân và dặn:
- Cụ có gọi gì thì bảo ta ngay.
Nói xong lăn ra ngủ.
Bảo Ngọc, Tương Vân trông thấy bọn a hoàn để những hộp bánh ở trên hòn đá, có đứa ngồi trên hòn đá, có đứa ngồi dưới đất, có đứa dựa vào cây, có đứa ngồi trên bờ hồ, rất là thỏa thích. Một lúc, Uyên Ương đến dắt già Lưu, mọi người lại đều theo đi dạo chơi. Đi đến dưới bức hoành có bốn chữ “Tỉnh thân biệt thự "(7), già Lưu nói:
- Úi chà! Có ngôi đền lớn thế này kia à!
Già liền cúi đầu lạy. Mọi người cười ngặt nghẹo. Già Lưu hỏi:
- Cười cái gì thế? Những chữ ở trên bức hoành này tôi đọc được cả. Ở nhà quê chúng tôi có nhiều đền miếu, cũng có bức hoành như thế này. Chữ này là tên cái đền đây.
Mọi người cười hỏi:
- Bà biết đây là đền gì? 
Già Lưu ngẩng đầu lên trỏ vào chữ nói:
- Đây không phải là “Ngọc Hoàng bảo điện” à!
Mọi người vỗ tay cười ầm lên. Họ đương định làm trò cười nữa. Nhưng già Lưu thấy bụng sôi sùng sục, vội kéo một a hoàn nhỏ, bảo lấy vài tờ giấy rồi cởi quần ra. Mọi người vừa cười vừa quát:
- Chỗ này không đi được đâu!
Liền sai một bà già đưa già Lưu đi về phía đông bắc. Bà già trỏ chỗ cho già Lưu, rồi lẩn đi một nơi.
Già Lưu uống nhiều rượu, không hợp với tỳ vị, lại ăn nhiều đồ mỡ, đâm khát, uống nhiều nước trà nên đi lỏng, phải ngồi mất lúc lâu. Khi ở nhà xí ra, lại bị gió. Hơn nữa, tuổi già, nên vừa đứng dậy, bà đã mắt hoa đầu váng, không nhận được lối đi. Nhìn chung quanh chỗ nào cũng cây cối um tùm, nhà cửa san sát, bà không tìm ra lối về, đành lững thững đi theo con đường đá. Khi đến trước một căn nhà, bà nghĩ bụng: “Ở đây cũng có giàn đậu à?” Liền theo hàng rào hoa đi vào một cái cửa tròn, thấy trước mặt có cái ao, bờ xây đá, rộng độ bảy tám thước, sông biếc nước trong, trên có cái cầu đá trắng bắc ngang.
Già Lưu trèo lên cầu, đi theo đường đá, quanh mấy vòng đến một ngôi nhà, liền đi vào, thấy một em gái bé đứng đó, hớn hở cười. Già Lưu vội cười nói:
- Các cô bỏ tôi để tôi lần mò mãi mới đến đây.
Em bé chẳng trả lời gì cả. Già Lưu chạy lại nắm lấy tay nó, “chát" một tiếng, bà vấp phải bức ván, bươu cả đầu. Nhìn kỹ hóa ra một bức vẽ. Già Lưu nghĩ bụng: “Bức vẽ sao lại nổi lên thế này?” Liền sờ tay thấy phẳng lì. Già Lưu gật đầu thở dài một tiếng rồi quay người đi đến một cái cửa nhỏ, trên treo rèm lụa màu xanh cải hoa. Già Lưu vén rèm đi vào, ngẩng đầu nhìn, bốn bên tường vách lộng lẫy, đàn, gươm, lư hương, bình hương, đều đặt vào lòng tường; lồng gấm, chao lụa, vàng ngọc sáng choang, cả gạch lát cũng đều chạm hoa xanh làm hoa cả mắt. Già Lưu lần cửa đi ra, nhưng nào có thấy? Bên trái đặt giá sách, bên phải đặt bình phong. Lần sau bình phong mới thấy một cái cửa, có một bà già ở trước mặt đi tới. Già Lưu lấy làm lạ, trong bụng hoảng lên đoán chừng: “Có lẽ là bà thông gia chăng?” Liền hỏi: "Bà cũng đến đấy à? Chắc thấy tôi đi mấy hôm nay không về, nên phiền bà phải đi tìm! Cô nào dẫn bà đến đây thế?"
Thấy bà già ấy chỉ cười mỉm, già Lưu cười nói: “Bà thật chả ra ngoài bao giờ, thấy vườn đây có hoa đẹp, là cố sống cố chết cắm đầy cả đầu."
Bà già vẫn không nói câu gì. Già Lưu nghĩ ngay: “Thường nghe nói các nhà giàu sang có tấm gương để mặc áo, có lẽ mình đứng ở trước gương hay sao đây?” Liền giơ tay ra sờ, và nhìn kỹ thì chính là bức vách chạm bóng bốn mặt và lắp gương giữa. Già Lưu bỗng cười lên rồi nói: “Thế này thì đi ra thế nào được?”
Cái gương này có nút bấm, có thể đóng mở được, không ngờ già Lưu sờ đúng vào chỗ bấm, cái gương gạt sang một bên, hé ra một cái cửa.
Già Lưu mừng mừng sợ sợ, chạy ra. Chợt thấy một cái giường rất lịch sự đặt đó. Lúc này già Lưu hãy còn say rượu,đi mãi đã mệt, liền ngồi thịch xuống giường, định nghỉ một lát, không ngờ mệt quá, hai mắt lim dim, hễ mở ra là nó díp lại, vừa ngả người xuống, bà đã ngủ thiếp ngay trên giường.
Mọi người chờ mãi không thấy già Lưu về, thằng Bản cứ khóc ầm lên. Ai nấy đều cười nói:
- Hay bà ấy rơi vào trong chuồng xí rồi? Phải sai người đi tìm xem.
Hai bà già đi tìm về nói: “Không thấy đâu cả”. Mọi người đều chia các ngả đi tìm. Tập Nhân nói:
- Chắc là bà ấy say rượu, đi lạc đường. Nếu theo con đường này bà ấy sẽ lạc vào nhà sau đến giàn hoa, lần theo cửa sau, thế nào đám hầu nhỏ cũng biết, không đi theo lối giàn hoa, lại đi về phía tây nam, bà ấy quanh ra thì chớ, bằng không sẽ vẫn lẩn quẩn ở đấy! Tôi phải đi tìm xem sao?
Tập Nhân trở về viện Di Hồng, gọi bọn hầu nhỏ, chúng đều lẻn đi chơi cả.
Tập Nhân đi vào cửa buồng, vòng qua bức ngăn bằng gấm, nghe tiếng gáy khò khò, vội chạy lại, ngửi thấy hơi rượu sặc sụa. Nhìn vào nhà, thấy già Lưu đương dang tay, ruỗi chân nằm ngủ trên giường. Tập Nhân sợ quá, chạy vào lay lấy lay để. Già Lưu giật mình tỉnh dậy, trố mắt nhìn, thấy Tập Nhân, liền loạng choạng bò dậy nói:
- Cô ơi! Tôi đáng chết! May chưa làm bẩn giường.
Rồi lấy tay phẩy giường.
Tập Nhân sợ Bảo Ngọc biết, xua tay bảo già Lưu không được nói, vội lấy ba bốn nắm hương bách hợp bỏ vào cái đỉnh gần đấy rồi đậy nắp lại. May mà già Lưu không nôn ra đấy. Tập Nhân khẽ cười bảo:
- Không việc gì đâu, có tôi đây. Già theo tôi ra ngoài này.
Ra đến buồng bọn hầu trẻ. Tập Nhân bảo già Lưu ngồi đấy rồi dặn:
- Bà cứ nói là say rượu, nằm ngủ gật trên hòn đá, thế là được.
Già Lưu vâng lời. Tập Nhân lại cho uống hai chén nước trà, già Lưu mới tỉnh rượu, liền hỏi:
- Chỗ ấy là buồng thêu của cô nào mà lịch sự thế? Khác nào được lên trời vậy!
Tập Nhân mỉm cười nói:
- Buồng ấy à? Là buồng ngủ của cậu Bảo đấy.
Già Lưu sợ quá không dám nói nữa. Tập Nhân đưa già Lưu đi ra đằng trước, gặp mọi người chỉ nói: “Bà ấy ngủ ở trên bãi cỏ, tôi đưa về đây”.
Mọi người đều không để ý đến. 
---------------------
(1). Lông mày ông già, tức là ché búp trắng như tuyết.
(2). Chén hình quả bầu.
(3). Đồ chơi quý của Vương Khải ngày xưa.
(4). Tháng tư năm Nguyên phong thứ năm đời Tống, ông Tô Thức người ở My Sơn tìm thấy trong bí phủ.
(5). Có tâm linh thông cảm với nhau. Kiều: một thứ chén xưa hơi lớn hơn cái chén uống rượu.
(6). Chữ trong kinh phật, nghĩa là: tăng tục đều bình đẳng với nhau.
(7). Xem chú thích hồi 17.
 



HỒI 42:
Giải mối ngờ, Bảo Thoa ngỏ lời thân thiết
Thêm vui chuyện, Đại Ngọc nói ý xa xôi

Một lúc, Giả mẫu tỉnh dậy, cơm chiều đã dọn ra ở Đạo Hương thôn. Nhân người mệt, Giả mẫu không muốn ăn, liền ngồi vào ghế trúc nhỏ sai người kiệu về phòng nghỉ và cho Phượng Thư đi ăn cơm. Các chị em lại trở về trong vườn. Ăn cơm xong, ai về nhà nấy. Già Lưu dắt thằng Bản đến nói với Phượng Thư:
- Sáng sớm mai tôi phải về. Tôi ở chơi đây mới vài ba hôm, nhưng những cái xưa nay chưa từng nghe, chưa từng thấy, chưa từng ăn, giờ đã đều được qua cả. Từ cụ đến các mợ, các cô, ngay cả các chị a hoàn cũng thương tôi là người già nghèo khổ. Tôi về, không biết lấy gì tạ ơn, chỉ định ngày ngày thắp hương niệm phật, khấn người phù hộ cho cụ cùng các mợ, các cô sống lâu trăm tuổi, để tỏ lòng thành kính của tôi.
Phượng Thư cười nói:
- Bà đừng mừng vội, vì bà mà cụ tôi bị cảm, khó ở; cả cháu Đại Thư nhà tôi cũng bị cảm siết đấy.
Già Lưu thở dài: 
- Cụ già rồi, không quen khó nhọc!
Phượng Thư nói:
- Xưa nay cụ tôi chưa từng cao hứng như thế bao giờ. Thỉnh thoảng người có đến chơi vườn, chẳng qua tới một vài chỗ, ngồi một lúc rồi về ngay. Hôm qua vì bà ở đây, muốn cho bà đi chơi khắp nơi, thành ra người đi quá nửa vườn. Lúc tôi đi tìm bà, ở nhà bà Hai cho cháu Đại Thư ăn miếng bánh, ngờ đâu nó đứng ở chỗ gió thành ra bị sốt.
Già Lưu nói:
- Chị bé nhà không quen ra vườn, chứ các cháu nhà tôi khi mới biết đi, bệ mả nào mà nó chẳng trèo lên? Có lẽ cảm gió đấy. Tôi sợ chị ấy người xinh xắn, con mắt sáng sủa, hoặc đi gặp phải ma chăng. Cứ ý tôi, nên giở quyển sách bói ra xem có phải gặp ma không.

Phượng Thư chợt nhớ ngay ra, sai ngay Bình Nhi mang quyển Ngọc Hạp và bảo Thái Minh đọc. Thái Minh giở một lúc rồi đọc: “Ngày 25 tháng 8, bệnh nhân mắc bệnh ở phía đông nam, gặp phải thần hoa. Lấy bốn mươi tờ giấy tiền ngũ sắc, tống tiễn ra khỏi nhà độ mươi bước về phía đông nam, bệnh sẽ khỏi."
Phượng Thư cười nói :
- Đúng lắm, trong vườn này làm gì mà chẳng có thần hoa? Chỉ sợ cụ cũng lại gặp ma thôi.
Rồi sai người đi lấy hai tập giấy tiền, gọi hai người đến tiễn ma cho Giả mẫu và cháu Đại Thư. Quả nhiên cháu ngủ yên.
Phượng Thư cười nói:
- Các bà đã có tuổi nên kinh nghiệm nhiều, con bé cháu nhà tôi bị bệnh luôn, không biết vì duyên cớ gì?
Già Lưu nói:
- Cái ấy cũng có lẽ. Trẻ con nhà giàu sang, khi mới đẻ ra đều yếu ớt cả, nên hay đau ốm luôn. Vả lại trẻ con mà nâng giấc quá không nên. Từ giờ trở đi, mợ cũng nên ít chiều chuộng chị ấy thì hơn.
Phượng Thư nói:
- Cũng có lẽ đấy. Giờ tôi sực nhớ đến, cháu chưa có tên, xin bà đặt tên cho cháu để cháu nhờ lộc của bà. Vả lại, tôi nói bà đừng giận, bà là người nhà quê bị nghèo khổ, được người nghèo khổ đặt tên cho nó thì mới đáng đầu đáng số.
Già Lưu nghĩ một lúc cười nói:
- Chị ấy đẻ bao giờ?
- Ngày sinh nó chả lấy gì làm tốt, nó đẻ “đúng vào"(1) ngày mồng 7 tháng 7.
- Như thế tốt lắm, cứ đặt tên cho chị ấy là Xảo Thư là được. Thế gọi là “lấy độc trị độc, lấy lửa trị lửa” đấy. Mợ cứ theo cái tên của tôi đặt cho, thì thế nào chị ấy cũng sống lâu trăm tuổi. Sau này lớn lên, sinh cơ lập nghiệp, hoặc có lúc gặp việc không may cũng tai qua nạn khỏi, gặp dữ hóa lành, đó đều nhờ chữ “Xảo” cả.
Phượng Thư mừng lắm, cảm tạ và nói:
- Chỉ cần cho nó được như lời bà nói là tốt rồi.
Liền gọi Bình Nhi đến dặn:
- Ngày mai chúng ta có việc bận. Bây giờ nhân lúc rỗi, chị sửa soạn sẵn những thứ biếu già Lưu để sáng mai bà ấy về lúc nào thì về.
Già Lưu nói:
- Tôi không dám nhận nhiều đâu. Đã đến quấy quả mấy hôm nay lại mang nhiều thứ về, trong bụng tôi không đành tí nào!
- Không có gì đâu, chẳng qua những đồ thường thôi. Xấu hay tốt bà cứ mang về để cho làng xóm nhìn vào, càng thêm vui vẻ thế mới bõ công ra tỉnh chứ!
Một lát, Bình Nhi lại nói:
- Bà lại đây mà xem.
Già Lưu theo Bình Nhi vào trong nhà, thấy các món chất đầy nửa giường. Bình Nhi trỏ từng thứ cho già Lưu xem, rồi nói:
- Đây là tấm lụa xanh mà bà thích hôm trước, mợ tôi còn cho riêng bà tấm lụa nguyệt bạch dày để may kép. Đây là hai tấm trừu bằng tơ, may quần áo đều đẹp cả. Còn gói này có hai tấm trừu để cuối năm may quần áo mặc tết. Cái này là hộp đựng các thứ bánh có thứ bà ăn rồi, có thứ bà chưa ăn, đem về bày ra đĩa mời mọi người, ngon hơn bánh mua nhiều. Hai cái túi này là của bà mang đến hôm nọ, bây giờ một túi tôi đựng hai đấu gạo tám ngự, đem nấu cháo thì quý lắm; còn túi này đựng các thứ quả tươi và khô hái ở vườn nhà. Cái bọc này có tám lạng bạc là của mợ tôi biếu riêng bà. Hai bọc này, mỗi bọc năm mươi lạng, cộng tất cả là một trăm lạng, là của bà Hai biếu bà mang về hoặc làm vốn buôn nhỏ, hoặc mua mấy mẫu ruộng để sau này khỏi phải vay mượn bà con bạn hữu.
Bình Nhi khẽ cười nói: 
- Hai cáo áo và hai cái quần, cùng bốn cái khăn chít đầu, một bọc nhung, là của tôi biếu riêng bà. Những quần áo này đã cũ, nhưng tôi cũng không mặc mấy. Nếu bà chê xấu thì tôi không dám biếu nữa.
Bình Nhi nói một câu, già Lưu lại niệm Phật một câu, kể ra đã niệm đến mấy nghìn câu. Lại thấy Bình Nhi biếu riêng mấy thứ và tỏ ra khiêm tốn, già Lưu cười nói:
- Sao cô lại nói thế? Những thứ này cũng rất đẹp, tôi dám chê vào đâu? Tôi có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Thật khó nghĩ quá: nhận thì ra người tham, không nhận thì phụ lòng cô.
- Bà đừng nói khách sáo nữa, chỗ người nhà với nhau, nên tôi mới dám xử thế. Bà cứ yên tâm nhận lấy, tôi còn có cái muốn xin bà nữa đấy. Đến cuối năm, bà mang ra cho chúng tôi ít rau, đậu, cá, bầu, vừa khô vừa tươi, ở đây chúng tôi ai cũng thích ăn những thứ ấy. Thế là đủ rồi. Các thứ khác không cần, bà đừng bận lòng nghĩ ngợi.
Già Lưu cám ơn luôn miệng và nhận lời, Bình Nhi nói:
- Thôi, bà đi ngủ đi, tôi sẽ thu xếp hộ, để sẵn cả đây. Sáng mai tôi bảo đứa hầu bé thuê xe chở đi, bà không phải bận lòng.
Già Lưu cảm động lắm, cám ơn không ngớt lời, rồi mới cáo từ Phượng Thư, sang nhà Giả mẫu. Sáng hôm sau dậy rửa mặt, chải đầu xong, định ra về.
Lúc này Giả mẫu khó ở, mọi người đều đến hỏi thăm, rồi ra bảo đi mời thày thuốc. Một lúc bà già trình: “Thày thuốc đã đến”. Bà già mời Giả mẫu vào ngồi trong màn, Giả mẫu nói:
- Ta già thế này, không đẻ được ra nó hay sao. Lại sợ nó à? Chẳng cần phải buông màn nữa, ta cứ ngồi ở đây cho nó xem.
Bọn bà già lấy một cái bàn nhỏ, đặt cái gối lên, rồi sai người mời thày thuốc vào.
Một lúc, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung đưa thày thuốc họ Vương vào. Thày thuốc không dám đi đường giữa, chỉ đi bên cạnh, theo Giả Trân bước lên thềm, có hai bà già đứng hai bên vén rèm, hai bà già nữa dẫn vào. Bảo Ngọc ra đón. Giả mẫu mặc chiếc áo khoác bằng da dê trắng, trong lót nhiễu xanh, ngồi trên sập. Hai bên có bốn a hoàn bé chưa để tóc, cầm phất trần, ống nhổ đứng hầu; lại có năm, sáu bà già đứng xếp hàng hai bên; đằng sau cái tủ bích sa, thấp thoáng có nhiều người mặc đồ xanh đỏ và đeo vàng ngọc. Thày thuốc không dám ngẩng đầu lên, chạy lại cúi chào.
Giả mẫu thấy ông ta mặc áo lục phẩm, biết ngay là thày thuốc trong cung, mỉm cười hỏi:
- Quan cung phụng khỏe chứ?
Rồi hỏi Giả Trân:
- Quan cung phụng họ gì?
- Họ Vương.
- Ngày trước ở thái y viện có ông Vương Quân Hiệu xem mạch rất giỏi.
Vương thái y liền cúi đầu mỉm cười nói:
- Đó là ông chú của vãn sinh.
Giả mẫu cười nói:
- Nếu thế cũng là người quen từ lâu.
Giả mẫu từ từ để tay lên trên gối. Bà già cầm một ghế nhỏ để chếch trước cái bàn. Vương thái y ngồi ghé xuống một bên, nghiêng đầu xem mạch tay này một lúc, rồi đến tay kia. Xem xong đứng dậy cúi đầu đi ra. Giả mẫu cười nói:
- Phiền người quá. Anh Trân mời thái y ra ngồi chơi xơi nước.
Giả Trân, Giả Liễn vâng lời, mời Vương thái y ra ngoài thư phòng. Vương thái y nói:
- Cụ không có bệnh gì khác, chỉ cảm phong hàn qua loa thôi. Không cần phải uống thuốc, chỉ ăn uống thanh đạm một tí và giữ người cho ấm là được. Giờ tôi kê đơn, người thích uống thì uống một thang, không thích thì thôi.
Ông ta uống nước, rồi kê đơn, đương định cáo từ ra về, chợt vú em bế cháu Đại Thư đến, cười nói:
- Nhờ người xem cho cô bé nhà tôi.
Vương thái y đứng dậy đến gần vú em, tay trái cầm tay cháu Đại Thư, tay phải bắt mạch, lại sờ đầu, bảo cháu thè lưỡi ra xem, cười nói:
- Tôi nói thì cô bé sẽ mắng tôi: cứ cho nhịn ăn hai bữa là khỏi, không cần phái thuốc thang gì. Tôi đưa cho viên thuốc, trước khi ngủ mài với nước gừng cho cô bé uống là khỏi.
Nói xong cáo từ ra về. Bọn Giả Trân mang đơn thuốc vào trình Giả mẫu, để ở trên án rồi đi ra.
Vương phu nhân và chị em Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Thoa thấy thầy thuốc đã về, mới ở sau tủ đi ra. Vương phu nhân ngồi một lúc rồi về buồng.
Già Lưu thấy rỗi, mới đứng dậy cáo từ Giả mẫu, xin về. Giả mẫu nói:
- Khi nào rỗi, bà lại ra chơi.
Lại bảo Uyên Ương đi tiễn chân già Lưu: “Ta không được khỏe không đi tiễn được”.
Già Lưu tạ ơn cáo từ, cùng Uyên Ương đi ra. Đến buồng dưới, Uyên ương trỏ một bọc để ở trên giường nói:
- Đây là mấy bộ quần áo của cụ, ngày sinh nhật năm ngoái, người ta dâng người đấy. Người xưa nay không mặc quần áo may ở ngoài bao giờ, bỏ đấy phí của. Người chưa mặc lần nào. Hôm qua bảo tôi mang hai bộ ra đưa cho bà đem về, bà mặc hay cho ai tùy ý. Trong hộp này đựng những bánh mà bà thích ăn. Hộp trong bao này là những thứ thuốc bà xin hôm nọ đây: mai hoa điểm thiệt đan, tứ kim đĩnh, hoạt lạc đan, thôi sinh bảo mệnh đan, thứ gì cũng có. Mỗi thứ có một cái đơn bọc ngoài, tôi gói chung vào một gói. Còn đây là hai túi đựng đồ chơi.
Uyên Ương lại cởi nút lấy hai thoi bút đĩnh như ý đưa cho già Lưu xem, rồi cười nói:
- Bà mang cái túi về, còn cái này để lại cho tôi nhé.
Già Lưu mừng quá không ngờ lại được như thế, cứ niệm Phật luôn mồm, vội nói: “Cô cứ để lại mà dùng".
Uyên Ương vừa cười vừa gói vào cho già Lưu và nói:
- Nói đùa bà thế thôi, chứ tôi có cái đẹp hơn kia. Thôi, bà mang về để đến cuối năm cho đám trẻ con.
Lúc đó lại thấy a hoàn nhỏ đem cái chén sứ Châu Thành đến đưa cho già Lưu và nói: “Cậu Bảo cho bà đây”.
Già Lưu cầm lấy, nói: 
- Sao lại có chuyện như thế. Tôi tu từ kiếp nào mà được như thế này!
Uyên Ương nói:
- Hôm nọ tôi bảo bà đi tắm rửa, quần áo đưa cho bà thay là của tôi đấy. Nếu bà không chê xấu, tôi còn mấy cái nữa, cũng xin biếu bà.
Già Lưu cám ơn. Uyên Ương vào lấy ngay mấy cái quần áo ra, bọc cẩn thận. Già Lưu lại muốn vào trong vườn từ tạ Vương phu nhân, Bảo Ngọc và các cô, Uyên Ương nói:
- Không cần phải vào nữa. Hôm nay họ không tiếp ai đâu, để sau tôi nói hộ bà cũng được. Khi nào rỗi, bà lại chơi nhé.
Uyên Ương gọi một bà già dặn:
- Ra cửa ngoài gọi hai đứa hầu bé đến đây mang những cái này ra hộ bà ấy.
Bà già vâng lời. Uyên Ương lại cùng già Lưu đến nhà Phượng Thư lấy các đồ để ở góc cửa, sai bọn hầu nhỏ khuân ra, rồi đưa già Lưu lên xe.
Bọn Bảo Thoa ăn cơm sáng xong, đến hỏi thăm Giả mẫu. Khi về vườn đến chỗ rẽ, Bảo Thoa gọi Đại Ngọc: “Cô Tần, theo ta vào đây, có câu chuyện muốn hỏi”.
Đại Ngọc cười, theo Bảo Thoa đến Hành Vu Uyển. Vào phòng, Bảo Thoa ngồi xuống cười bảo: “Sao mày không quỳ xuống? Ta định tra xét một việc!”
Đại Ngọc không hiểu tại sao, cười nói:
- Xem kìa, con Bảo này điên rồi! Ta có việc gì mà mày tra xét?
- Gớm thật, cô tiểu thư nghìn vàng ơi! Cô gái cấm cung ơi! Miệng cô đã nói những câu gì? Thôi hãy nói thực ra đi.
Đại Ngọc không hiểu, chỉ cười, nhưng trong bụng cũng có ý ngờ ngợ và nói:
- Nào tôi có nói gì đâu? Chẳng qua chị bắt nọn tôi đấy thôi. Có điều gì sai chị hãy nói cho tôi nghe nào.
- Cô lại còn giả vờ à! Trong cuộc tửu lệnh hôm nọ, cô nói gì thế? Tôi không biết những câu ấy ở đâu ra à?
Đại Ngọc nghĩ mãi mới nhớ hôm nọ mình không giữ gìn, có đọc hai câu trong chuyện “Mẫu đơn đình" và "Tây sương ký"(2), tự nhiên mặt đỏ lên, liền chạy lại ôm lấy Bảo Thoa cười nói:
- Chị ơi! Vì em quên đi, buột miệng đọc ra, chị bảo mới rõ. Từ giờ trở đi em không dám đọc những câu ấy nữa!
- Tôi cũng không hiểu, nghe thấy cô đọc hay quá, nên bây giờ hỏi lại cô.
- Chị ơi! Xin chị đừng nói với người khác, từ nay em không đọc những câu ấy nữa!
Bảo Thoa thấy Đại Ngọc thẹn đỏ mặt lên, cứ van xin mãi, nên cũng không hỏi vặn nữa, liền kéo Đại Ngọc ngồi xuống uống nước trà, và ân cần khuyên bảo:
- Cô cho tôi là người thế nào? Xưa nay tôi vốn bướng bỉnh. Từ khi bảy, tám tuổi, tôi đã làm rầy rà người ta. Nhà tôi vốn là nhà nho, ông cha cũng rất thích chứa sách. Khi trước nhà đông người, anh chị em tôi cùng ở một nơi, không ai thích xem sách đứng đắn cả. Có người thích thơ, có người thích từ, như "Tây sương", "Tỳ bà", "Nguyên nhân bách chủng", bộ gì cũng có. Họ cứ xem giấu chúng tôi, chúng tôi cũng xem giấu họ. Sau thầy tôi biết, đứa bị đánh, đứa bị mắng, sách lại bị đốt bị xé mất hết. Vì thế bọn con gái chúng ta không biết chữ càng tốt. Đám con trai học không hiểu nghĩa lý thì thà không học còn hơn; huống chi là tôi với cô? Ngay đến việc làm thơ, viết chữ, đã không phải là phận sự chị em mình, mà cũng không phải là phận sự của bọn con trai nữa. Người con trai đọc sách phải hiểu nghĩa lý để ra giúp nước trị dân mới đúng. Bây giờ không thấy những người như thế nữa, càng đọc sách bao nhiêu họ càng hư hỏng bấy nhiêu. Đó không phải là sách làm hư hỏng họ, tiếc rằng chính họ đã bôi nhọ sách. Bởi thế không bằng đi cày, đi buôn còn hơn. Còn bọn chúng ta, chỉ nên biết việc thêu thùa may vá mới phải, thế mà còn học đòi mấy chữ. Đã trót biết chữ thì nên chọn sách đứng đắn mà xem, chứ xem loại sách nhảm, sẽ đổi hẳn tâm tính đi, không thể sửa lại được.
Đại Ngọc cứ ngồi im cúi đầu uống nước, trong bụng thầm phục Bảo Thoa, chỉ trả lời một câu “phải” mà thôi. Chợt thấy Tố Vân đến nói:
- Mợ tôi mời hai cô đến bàn việc cần. Cô Hai, cô Ba, cô Tư, cô Sử, cậu Bảo cũng đương chờ đấy.
Bảo Thoa hỏi:
- Lại có việc gì?
Đại Ngọc nói:
- Chúng ta đến đấy sẽ biết.
Đại Ngọc, Bảo Thoa sang Đạo Hương thôn. Mọi người đã ở cả đấy.
Lý Hoàn trông thấy hai người đến, cười bảo:
- Thi xã chưa mở đã có người chực trốn việc rồi. Cô Tư xin nghỉ một năm đấy!
Đại Ngọc cười nói:
- Chỉ vì hôm nọ cụ nói một câu, bảo cô ta phải vẽ một bức tranh trong vườn, thành ra cô ta vịn cớ xin nghỉ.
Thám Xuân cười nói:
- Đừng trách cụ, cũng chỉ vì một câu nói của già Lưu đấy thôi.
Đại Ngọc cười nói:
- Đúng đấy! Đúng là vì câu nói của bà ấy đấy. Không biết bà ta là bà già nhà nào? Cứ gọi bà ta là “con cào cào mẹ” mới phải!
Mọi người cười ầm lên. Bảo Thoa cười nói:
- Tất cả chuyện trên đời này, hễ đến miệng chị Phượng là xong hết. Nhưng may chị ấy không thông chữ lắm, nên những câu nói của chị ấy đều là tục, chỉ để cười đùa thôi. Con Tần này miệng lưỡi mới là quỷ quái. Nó dùng lối bút pháp kinh xuân thu, nhặt nhưng tiếng tục ở nơi đầu đường xó chợ rút ra những lời chủ chốt, bớt chỗ rườm rà, rồi tô điểm thêm lên, nên nói câu nào ra câu ấy. Ba chữ “cào cào mẹ” đủ vẽ ra được cái hình ảnh hôm nọ. Kể ra nó nghĩ cũng nhanh đấy!
Mọi người đều cười nói:
- Lời giảng giải của cô cũng chằng kém gì hai cô kia.
Lý Hoàn nói:
- Tôi mời chị em đến đây để bàn xem nên cho cô ấy nghỉ bao nhiêu ngày? Tôi cho cô ấy nghỉ một tháng, nhưng cô ấy kêu ít, thế thì các cô định thế nào?
Đại Ngọc nói:
- Cứ lẽ ra thì một năm cũng chẳng lấy gì làm nhiều, cái vườn này một năm mới xây dựng xong. Bây giờ muốn vẽ cũng phải mất hai năm, vì còn phải mài mực dầm bút, trải giấy, tô màu, lại còn phải...
Nói đến đây, Đại Ngọc không nhịn được, lại cười nói:
- Lại còn phải theo đúng kiểu, thong thả vẽ, thế mà không đến hai năm à.
Mọi người nghe nói đều vỗ tay cười ầm lên. Bảo Thoa cười nói:
- Câu cuối cùng “lại còn phải theo đúng kiểu, thong thả vẽ” hay lắm. Vì thế, những câu nói đùa hôm nọ tuy buồn cười thật, nhưng nghĩ lại chẳng có gì là thú. Chúng ta nghĩ kỹ xem, mấy câu nói của cô Tần tuy chẳng có gì cả, nhưng lại có nhiều ý vị làm cho tôi cười lăn ra được!
Tích Xuân nói:
- Vì chị Bảo khen nó, nên nó càng làm bộ, giờ lại mang tôi ra làm trò cười.
Đại Ngọc kéo Tích Xuân, cười nói:
- Tôi hãy hỏi cô, giờ chỉ vẽ cái vườn thôi, hay là vẽ cả mọi người chúng tôi ở trong vườn ấy?
- Trước chỉ định vẽ cái vườn không thôi, nhưng hôm nọ cụ lại bảo, vẽ cái vườn không, thành ra vẽ kiểu nhà mất. Người bảo tôi phải vẽ cả người nữa, như là bức tranh hành lạc mới đẹp. Tôi cũng không biết vẽ tỉ mỉ những lâu đài và nhân vật, nhưng không dám trái lời, vì thế khó nghĩ quá.
Đại Ngọc nói:
- Vẽ nhân vật thì còn dễ, chứ sâu bọ thì không vẽ nổi đâu .
Lý Hoàn nói:
- Cô nói câu ấy lại không thông rồi. Trong ấy làm gì phải vẽ đến sâu bọ? Hoặc chỉ tô điểm một vài con chim thôi.
Đại Ngọc cười nói:
- Sâu khác chẳng vẽ thì thôi, chứ con “cào cào mẹ” hôm nọ, không vẽ thì thiếu mất điển tích đấy.
Mọi người nghe nói đều cười ầm lên. Đại Ngọc vừa ôm bụng cười vừa nói:
- Thôi cô cứ vẽ đi, tôi đã có sẵn cả chữ đề rồi. Tôi sẽ đặt tên bức tranh là “Huề hoàng đại tước đồ”(3).
Mọi người nghe nói càng cười ngặt nghẹo. “Thình” một tiếng, không biết là cái gì đổ, mọi người vội nhìn thì ra Tương Vân ngồi ngả người về đằng sau cười sặc sụa, không dè chừng, ghế chệch chân nghiêng về một bên, cả người lẫn ghế đều lăn ra. May có ván vách giữ lại, nên không ngã xuống đất. Mọi người trông thấy càng cười rộ lên. Bảo Ngọc vội đến đỡ dậy, mới dần dần bớt cười.
Bảo Ngọc đưa mắt cho Đại Ngọc, Đại Ngọc hiểu ý, chạy vào nhà trong bỏ cái khăn che gương ra soi, thấy hai bên mái tóc hơi xõa, liền mở hộp trang sức của Lý Hoàn lấy cái lược ra, soi gương chải lại đầu, xong chạy ra chỉ vào Lý Hoàn nói:
- Tưởng chị bảo chúng tôi học thêu thùa, học điều hay lẽ phải, ai ngờ chị lại gọi chúng tôi đến để cười đùa ầm ĩ thế này à?
Lý Hoàn cười nói:
- Các cô xem cô ta nói điêu thế kia. Chính cô ta làm đầu têu cho người ta cười, lại đổ lỗi cho tôi! Giận quá! Tôi chỉ mong sau này cô vớ một bà mẹ chồng cay nghiệt và mấy cô chị em chồng đanh ác, xem cô còn điêu được như thế nữa hay không?
Đại Ngọc đỏ mặt lên, kéo Bảo Thoa nói:
- Thôi chúng ta cho cô ấy nghỉ một năm.
Bảo Thoa nói:
- Tôi cứ công bằng mà nói, các chị nghe xem sao: con bé Ngẫu Tạ tuy biết vẽ, nhưng cũng chỉ vẽ được mấy nết tả ý thôi. Bây giờ vẽ cái vườn, nếu trong bụng không có một hiểu biết rộng thì vẽ sao nổi. Cái vườn này cũng giống như bức tranh, nào là đá núi, cây cối, nào là lâu đài nhà cửa, gần xa, thưa nhặt, đừng ít quá cũng đừng nhiều quá mà phải đúng mức. Nếu cứ theo thế vẽ lên trên giấy thì đẹp làm sao được. Phải xem khuôn khổ tờ giấy, nên để xa gần, nhiều ít thế nào, nên chia phần chính phần phụ ra sao, chỗ nào đáng thêm thì thêm, chỗ nào đáng bỏ, đáng bớt thì bỏ đi, bớt đi, cái gì đáng để lộ mới để lộ. Bắt đầu phải vẽ phác rồi ngắm nghía tính toán cẩn thận, mới thành công được bức vẽ. Điều thứ hai là, lâu đài nhà cửa phải chia giới hạn, sơ ý một tí là bao lan cũng lệch, cột cũng nghiêng, cửa sổ sẽ dựng ngược lên, thềm cũng không đúng chỗ, thậm chí bàn ghế cũng chen lên tường, chậu hoa bày ở trên màn. Như thế chẳng phải là vẽ ra một bức tranh để cười ư? Điều thứ ba là, phải xếp đặt nhân vật thưa hay nhặt, cao hay thấp, đều cho đúng chỗ. Nếp quần, dây lưng, ngón tay, bước chân cũng rất quan trọng; nếu sai một nét, không sưng tay cũng hóa kiễng chân, đến như bộ mặt mái tóc chỉ là việc nhỏ. Cứ như ý tôi, vẽ bức tranh này khó lắm đấy. Cho phép một năm thì nhiều quá, một tháng thì ít quá, cứ cho nghỉ nửa năm, lại giao cậu Bảo phải đến giúp đỡ cô ấy. Không phải vì cậu Bảo biết vẽ mà đến dạy cô ấy đâu. Như vậy lại càng hỏng việc. Chỉ cần chỗ nào cô ấy không biết hay xếp đặt lúng túng, cậu Bảo sẽ mang ra hỏi các vị họa sư bên ngoài, cho dễ làm việc.
Bảo Ngọc mừng lắm nói:
- Câu đó rất đúng. Ông Thiềm Tử Lượng vẽ lâu đài rất đẹp, ông Trình Nhật Nhưng vẽ mỹ nhân càng tuyệt, tôi sẽ đi hỏi hai ông ấy.
Bảo Thoa nói:
- Tôi đã bảo anh là người không có việc mà lại bận rộn. Vừa mới nói thế anh đã chực đi hỏi người ta rồi. Để bàn tính đã rồi hãy đi. Trước hết nên vẽ bằng giấy gì?
Bảo Ngọc nói:
- Ở nhà có giấy tuyết lãng, vừa rộng khổ, vừa ăn mực.
Bảo Thoa cười nhạt:
- Anh thật là vô dụng! Giấy tuyết lãng để viết chữ, để vẽ bức họa tả ý, hoặc để người biết vẽ sơn thủy vẽ tranh sơn thủy nhà Nam Tống, giấy vừa ăn mực mà lại không nhăn nhòe. Nếu vẽ vườn này bằng giấy ấy thì không ăn màu, lại khó khô, vẽ cũng không đẹp, phí cả giấy. Tôi bảo anh cách này: trước khi xây dựng cái vườn đã có một bức bản đồ vẽ tỉ mỉ rồi. Tuy là thợ vẽ vẽ ra, nhưng khuôn khổ, phương hướng đều rất đúng cả. Anh vào xin bà Hai bức vẽ ấy, đem ra xem rộng hẹp thế nào, rồi bảo chị Phượng cho một mảnh lụa, mang ra bên ngoài cho các họa sư bảo họ cứ theo khuôn khổ bức vẽ ấy, thêm bớt thành một bức vẽ, sau thêm nhân vật vào là được. Ngay đến pha màu thanh lục, màu kim nhũ, ngân nhũ, cũng phải nhờ họ pha cho. Còn phải có một cái lò, chuẩn bị nấu keo, lấy keo ra rửa bút, rồi kê một cái bàn sơn dầu rải thảm lên trên. Ngay đĩa và bút của nhà cũng không đủ, phải sắm một ít mới được.
Tích Xuân nói:
- Tôi làm gì có đồ vẽ? Chẳng qua vẽ bằng bút thường thôi. Còn màu sắc thì chỉ có màu đỏ, màu xanh, màu vàng, màu son. Bút cũng chỉ có hai cái để tô màu.
Bảo Thoa nói:
- Sao cô không bảo trước? Những thứ ấy bên tôi có, chỉ sợ cô không dùng đến, cho cũng phí thôi. Tôi vẫn cất đi, khi nào cô dùng, tôi sẽ đưa cho. Những thứ ấy chỉ để vẽ quạt thôi, nếu vẽ bức to thì cũng đáng tiếc. Giờ tôi kê hộ cái đơn, cô theo đơn đó xin với cụ mua cho. Các chị em chưa chắc đã biết hết đâu, tôi đọc cho cậu Bảo viết.
Bảo Ngọc đã sắp sẵn bút mực để ghi, sợ không nhớ hết, giờ thấy Bảo Thoa nói thế, mừng lắm, liền cầm bút lắng tai nghe.
Bảo Thoa đọc:
- Bút quét loại nhất bốn chiếc, loại nhì bốn chiếc, loại ba bốn chiếc; bút chấm loại lớn bốn chiếc, loại vừa bốn chiếc, loại nhỏ bốn chiếc; bút vắt ngòi lớn mười chiếc, vắt ngòi nhỏ mười chiếc; bút kẻ mày mười chiếc, bút tô màu loại lớn hai mươi chiếc, loại nhỏ hai mươi chiếc; bút vẽ mặt mười chiếc, bút cành liễu hai mươi chiếc; son nhọn đầu, son nam, thạch hoàng, thạch thanh, thạch lục, quản hoàng, mỗi thứ bốn lạng; quảng hoa tám lạng, bột chì bốn hộp, phấn yên chi mười hai thếp; bột đỏ, bột lá mạ mỗi thứ hai trăm thếp; keo quảng quân, phèn lọc mỗi thứ bốn lạng. Keo phèn để quét lụa không kể, cứ đưa lụa cho họ để họ quét lấy. Những thuốc pha màu ấy, chúng ta phải nghiền nhỏ lọc sạch. Như thế vừa chơi vừa dùng, cô có thể dùng trọn đời cũng đủ. Lại phải lấy vợt lụa mau bốn cái, vợt lụa thưa hai cái; gác bút bốn cái, bát nghiền to nhỏ bốn cái, bát sành lớn hai mươi cái, đĩa to năm tấc mười cái đĩa sành trắng hai mươi cái, lò hai cái, nồi đất lớn nhỏ bốn cái, vại mới hai cái, thùng đựng nước mới hai cái, túi vải trắng dài một thước bốn cái, than xốp hai mươi cân, than gỗ liễu vài cân, hòm ba ngăn một cái, lụa dày một trượng, gừng sống hai lạng, tương nửa cân.
Đại Ngọc cười nói:
- Chảo một cái, bàn sản một cái.
Bảo Thoa nói:
- Để làm gì?
- Chị bảo cần có gừng sống và tương thì tôi bảo lấy chảo hộ chị để nấu những thứ màu ấy mà ăn. 
Mọi người đấu cười ầm lên. Bảo Thoa cười nói:
- Cô thì biết cái gì? Những cái đĩa sành ấy không chịu được lửa, nếu không lấy nước gừng và tương xát dưới đáy trước mà đem đốt, gặp lửa một cái là nó nổ ngay.
Mọi người đều nói: “Phải đấy”.
Đại Ngọc xem đơn một lượt, kéo Thám Xuân khẽ nói:
- Cô xem vẽ một bức vẽ mà phải dùng đến vại và hòm, thực là lẩn thẩn. Chắc cái đơn này sắm cả đồ cưới của cô ấy đấy.
Thám Xuân không nhịn cười được, nói:
- Chị Bảo sao không véo mồm nó một cái? Nó đang đặt chuyện để chế giễu chị đấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Không phải hỏi, mồm chó làm gì có ngà voi?
Vừa nói, vừa chạy đến vật Đại Ngọc xuống giường, định véo vào mặt. Đại Ngọc cười rồi van lạy:
- Chị ơi, tha cho em! Em trẻ người non dạ, nói không biết cân nhắc, làm chị thì phải dạy bảo em chứ? Chị không tha cho em thì em còn cầu cứu ai được nữa?
Mọi người không biết câu nói có ý, đều cười nói:
- Câu nói đáng thương thực! Ngay chúng tôi cũng động lòng, thôi tha cho nó.
Bảo Thoa nguyên chỉ định đùa Đại Ngọc thôi, nhưng sau nghe Đại Ngọc nhắc lại câu chuyện lần trước về việc xem sách nhảm, nên không tiện đùa nữa, liền buông ra. Đại Ngọc cười nói:
- Đấy là chị đấy, chứ phải em thì em không tha đâu!
Bảo Thoa cười, trỏ Đại Ngọc nói:
- Không trách cụ thương cô, mọi người yêu cô tinh lanh, ngay tôi cũng phải thương cô. Đến đây tôi sửa lại tóc cho.
Đại Ngọc quay người lại, Bảo Thoa lấy tay sửa hộ tóc. Bảo Ngọc ngồi ở bên cạnh nhìn, thấy càng đẹp, bất giác hối hận: “Không nên để Bảo Thoa vuốt tóc cho Đại Ngọc, cứ để thế rồi mình đến vuốt ve cho thì hơn”. Đương nghĩ vớ vẩn, thấy Bảo Thoa nói:
- Viết xong rồi, ngày mai vào trình cụ. Thứ gì trong nhà có rồi thì thôi, thứ gì chưa có, xin tiền đi mua, tôi sẽ pha hộ.
Bảo Ngọc vội cất đơn đi. Mọi người lại nói phiếm một lúc nữa, sau bữa cơm chiều lại đến buồng Giả mẫu hỏi thăm. Giả mẫu nguyên không có bệnh gì, chỉ vì mệt, lại hơi cảm một tí, nghỉ ngơi một ngày, uống một vài chén thuốc phát tán, đến chiều lại khỏe như thường.
--------------------------
(1). Nguyên văn là “Khả xảo”, già Lưu nghe vậy mới đặt tên là “Xảo Thư”.
(2). Khi Uyên Ương đọc “tửu lệnh”, Đại Ngọc theo lệnh hai câu thơ lấy trong “Mẫu đơn đình” và “Tây Sương ký”: “Ngày vui cảnh đẹp tự giời biết sao” và “song the nào thầy ả Hồng báo tin” (xem hồi 40).
(3). Bức tranh vẽ mang con cào cào đi cắn.


HỒI 43:

Ngồi rỗi bày trò, góp tiền ăn sinh nhật
Mối tình không dứt, vốc đất viếng oan hồn

Vương phu nhân thấy Giả mẫu hôm ấy ở vườn Đại Quan chỉ bị cảm xoàng, không đến nỗi nặng, mời thầy thuốc uống vài thang là khỏi, nên mới bảo Phượng Thư sắp sửa đồ vật gửi cho Giả Chính. Đương khi bàn bạc thì Giả mẫu cho người lại gọi, Vương phu nhân dẫn Phượng Thư đến, hỏi:
- Hôm nay cụ đã khoan khoái hẳn chưa?
- Khá lắm rồi. Vừa rồi chị đưa sang bát canh thịt gà rừng tôi nếm thấy ngon, lại ăn vài miếng thịt, trong bụng dễ chịu.
Vương phu nhân cười nói:
- Đó là canh chị Phượng nấu dâng cụ đấy. Chị ấy thành tâm hiếu thảo, không uổng công cụ ngày thường thương yêu chị ấy.
Giả mẫu gật đầu cười nói:
- Đáng khen nó có lòng nghĩ đến ta. Nếu còn thịt sống, mang rán vài miếng rồi ướp muối, ăn với cháo thì ngon hơn. Canh ấy ngon thực, nhưng không hợp vị với cháo.
Phượng Thư nghe nói, sai người đến bảo nhà bếp. Giả mẫu lại cười bảo Vương phu nhân:
- Ta sai người gọi chị đến, nói chuyện. Đến ngày mồng hai này là sinh nhật của cháu Phượng. Hai năm trước ta vẫn muốn làm sinh nhật cho nó, nhưng cứ gần đến ngày lại bận việc, rồi quên khuấy đi. Năm nay con cháu đầy đủ chắc cũng rỗi việc, chúng ta nên làm một bữa tiệc cho vui.
Vương phu nhân cười nói:
- Con cũng nghĩ thế. Giờ cụ đã cao hứng thì nên bàn sẵn việc ấy đi.
- Ta nhớ mấy năm trước không cứ sinh nhật của cháu nào, đều đem lễ vật đến mừng, như thế vừa tục, mà tình lại thêm sơ. Ta nghĩ một cách mới, vừa thân mật lại vui hơn.
- Cụ thấy nên làm thế nào thì làm.
- Nay chúng ta học lối nhà thường dân, mỗi người góp phần mình vào, được bao nhiêu tiền lấy cả ra sửa tiệc, như thế có được không?
- Tốt lắm. Nhưng không biết góp thế nào cho phải?
Giả mẫu nghe nói, rất vui, liền sai người mời Tiết phu nhân, Hình phu nhân, các cô, Bảo Ngọc, Vưu Thị, vợ Lại Đại và những người quản sự đến. Bọn a hoàn, bà già thấy Giả mẫu rất cao hứng, cũng đều vui mừng, vội chia nhau đi mời, đi báo tin các nơi.
Một lúc, già trẻ, trên dưới đến chật ních cả nhà. Tiết phu nhân ngồi đối diện với Giả mẫu; Hình phu nhân và Vương phu nhân ngồi hai cái ghế trước cửa buồng; chị em Bảo Thoa năm sáu người ngồi cả trên bục; Bảo Ngọc ngồi vào lòng Giả mẫu; còn những người khác đều đứng đầy cả nhà. Giả mẫu vội bảo mang mấy cái ghế nhỏ lại cho mẹ Lại Đại và mấy bà già có thể diện ngồi. Theo tục lệ phủ Giả, những người hầu bố mẹ mà đã có tuổi, thì có thể diện hơn những người chủ còn trẻ tuổi. Vì thế Vưu Thị, Phượng Thư phải đứng. Mẹ Lại Đại và ba bốn người già xin lỗi rồi ngồi xuống ghế. Giả mẫu cười kể lại câu chuyện lúc nãy cho mọi người biết. Nghe vậy, ai chẳng muốn góp vui? Những người thân với Phượng Thư thì bằng lòng, cũng có người lại muốn chiều chuộng Phượng Thư. Vả chăng họ đều là những người có thể bỏ tiền được, nên vừa nghe thấy, ai nấy đều vui vẻ vâng lời.
Giả mẫu nói trước:
- Ta bỏ ra hai mươi lạng.
Tiết phu nhân cười nói:
- Tôi cũng theo cụ, xin bỏ hai mươi lạng.
Hình phu nhân, Vương phu nhân cười nói:
- Chúng con không dám sánh với cụ, xin kém một bực, mỗi người góp mười sáu lạng thôi.
Vưu Thị và Lý Hoàn cũng cười nói:
- Chúng cháu thế nào cũng phải kém một bực, mỗi người xin góp mười hai lạng.
Giả mẫu liền bảo Lý Hoàn:
- Cháu là đàn bà góa không làm gì, lấy tiền đâu ra mà góp. Thôi ta góp hộ cho.
Phượng Thư vội cười nói:
- Xin cụ đừng cao hứng quá, nên tính kỹ đã rồi hãy chuốc lấy việc. Một mình cụ đã phải nhận hai phần, bây giờ lại góp cho chị Lý. Lúc cao hứng cụ nói thế, chốc nữa nghĩ xót ruột lại lẩm bẩm: chỉ vì con Phượng mà ta phải tốn kém. Rồi ngon ngọt dỗ dành cháu phải bù ngấm bù ngầm ba bốn lần tiền vào đó. Cháu có phải mơ ngủ đâu!
Mọi người nghe nói cười ầm lên.
Giả mẫu cười nói:
- Cứ như ý cháu thì làm thế nào? 
Phượng Thư cười nói:
- Chưa đến ngày sinh nhật, cháu đã thấy khó chịu rồi. Tự mình chẳng bỏ ra lấy một đồng, mọi người phải lo lắng hộ, như thế cháu chẳng đành lòng tí nào. Chi bằng để cháu góp hộ phần cho chị Lý. Đến hôm ấy cháu ăn thêm mấy miếng nữa, thế là sung sướng lắm rồi.
Bọn Hình phu nhân đều cho là phải, Giả mẫu mới nghe lời.
Phượng Thư lại cười nói:
- Cháu còn muốn nói một câu này nữa; riêng phần cụ đã hai mươi lạng, lại còn phải góp phần cho cô Lâm và chú Bảo; phần dì Tiết đã hai mươi lạng, lại phải góp cho cô Bảo, như thế là công bằng. Còn hai mẹ, mỗi vị có mười sáu lạng, phần mình đã ít lại không hề góp cho ai, như thế chẳng công bằng tý nào. Cụ chịu thiệt nhiều quá!
Giả mẫu cười ầm lên, nói:
- Cháu Phượng lúc nào cũng về hùa với ta. Nó nói rất phải. Nếu không có cháu thì ta bị bọn họ lừa rồi!
Phượng Thư cười nói:
- Xin cụ cứ bắt hai mẹ phải nhận phần của hai người kia, mỗi vị góp thêm một phần là đúng.
Giả mẫu nói:
- Công bằng lắm, cứ nên làm như thế.
Mẹ Lại Đại đứng dậy cười nói:
- Như thế là không đúng! Tôi tức thay cho hai bà. Một bên là nàng dâu, một bên là cháu gái nội, mà không về hùa với mẹ chồng và bà cô(1), lại đi bênh người khác, như thế là nàng dâu cũng như người ngoài, cháu nội thành ra cháu gái ngoại mất!
Giả mẫu và mọi người nghe nói cười ầm lên.
Mẹ Lại Đại lại hỏi:
- Các mợ góp mười hai lạng thì chúng tôi phải kém đi một bực chứ?
Giả mẫu nói:
- Không được, các bà tuy đáng kém một bực, nhưng tôi biết các bà đều là tài chủ cả. Địa vị tuy kém, nhưng tiền thì lại nhiều hơn họ. Các bà nên đóng bằng họ mới phải.
Giả mẫu lại nói:
- Còn các cô, chằng qua góp tý thôi, mỗi người góp một tháng lương là đủ.
Lại quay lại bảo Uyên Ương:
- Bọn chúng bay họp nhau lại bàn việc góp tiền đi.
Uyên Ương vâng lời, đi một lúc rồi dắt Bình Nhi, Tập Nhân, Thái Hà đến, lại còn mấy a hoàn nữa, người hai lạng, kẻ một lạng, ai nấy đều góp cả.
Giả mẫu hỏi Bình Nhi:
- Không nhẽ mày không làm sinh nhật cho chủ mày à? Sao lại góp vào đám này?
- Cháu làm riêng không kể, đây là việc công, cháu cũng xin góp một phần.
- Con bé này thế mới ngoan chứ.
Phượng Thư lại cười nói: 
- Trên dưới góp đủ rồi. Còn hai bà dì, có đóng hay không, cũng nên hỏi một lời cho phải lẽ, nếu không các bà lại cho là khinh.
Giả mẫu nói:
- Phải đấy! Quên họ thế nào được? Chỉ sợ họ không được rỗi, bảo một đứa a hoàn đến hỏi xem.
A hoàn đi một lúc về trình: “Mỗi vị xin góp hai lạng."
Giả mẫu vui cười nói:
- Mang bút giấy lại đây, tính xem được bao nhiêu.
Vưu thị khẽ mắng Phượng Thư:
- Con ranh con tham quá! Các bà các thím góp tiền lại làm sinh nhật cho mày, còn chưa đủ à? Sao mày kéo cả hai người nghèo xác này vào!
Phượng Thư khẽ cười nói:
- Đừng có nói bậy! Chốc nữa ra ngoài tôi sẽ kể tội cho chị! Họ làm gì mà khổ? Họ có tiền đem cho người khác cũng uổng, chi bằng giữ lại để chúng ta cùng vui.
Số tiền đã góp đầy đủ cộng lại được hơn một trăm năm mươi lạng.
Giả mẫu nói:
- Làm tiệc vui một ngày không hết đâu.
Vưu Thị nói:
- Không mời khách ngoài, tiệc rượu lại không tốn mấy, món tiền này tiêu làm ba ngày cũng đủ. Trước hết, hát không phải mất tiền, đỡ được món ấy.
Giả mẫu nói:
- Cháu Phượng xem bọn nào hát hay thì gọi!
Phượng Thư nói:
- Bọn hát ở nhà, chúng ta đã nghe chán rồi. Bây giờ chịu tốn ít tiền, gọi bọn khác đến hát.
Giả mẫu nói:
- Việc này ta giao cho vợ cháu Trân, đừng để cho cháu Phượng phải lo nghĩ đến, cho nó nghỉ một ngày mới phải.
Vưu thị vâng lời, nói chuyện một lúc, ai cũng biết Giả mẫu mệt, liền dần dần ra về.
Vưu Thị đưa Hình phu nhân, Vương phu nhân ra, rồi đến đằng Phượng Thư bàn việc làm sinh nhật, Phượng Thư nói:
- Chị không cần hỏi tôi, chỉ theo ý cụ mà làm là đủ.
- Cái con ranh này, mày tốt số quá! Tao tưởng có việc gì kia! Thành ra gọi chúng tao đến chỉ có việc ấy thôi. Góp tiền chưa đủ, lại còn phải lo liệu các cái nữa. Mày định tạ tao cái gì nào?
- Chị đừng giở trò nữa! Tôi có gọi chị đến đâu mà phải tạ! Nếu chị sợ phải lo thì vào trình với cụ sai người khác cũng được.
- Xem kìa, nó vênh cái mặt lên thế đấy! Tao bảo cho mày hay, hãy dẹp cái lối ấy đi. Nước đầy thì trào đấy!
Hai người lại nói chuyện một lúc nữa, Vưu Thị mới ra về.
Hôm sau, Vưu Thị vừa mới dậy rửa mặt, chải đầu, đã thấy có người mang tiền đến phủ Ninh, Vưu Thị hỏi:
- Ai mang tiền đến đấy?
- Già Lâm đấy.
- Gọi bà ấy vào.
Bọn a hoàn xuống buồng dưới gọi vợ Lâm Chi Hiếu lên.
Vưu Thị mời ngồi xuống ghế thấp, rồi vừa chải đầu vừa hỏi:
- Trong gói ấy có bao nhiêu tiền đấy?
- Tiền này là của bọn chúng tôi góp lại mang đến trước. Còn cụ và các bà chưa góp.
Đương nói thì bọn a hoàn đến trình:
- Bên bà Cả và Tiết phu nhân cho người mang phần tiền đến.
Vưu Thị cười mắng:
- Bọn ranh con này! Chỉ nhớ nhưng việc không đâu ấy thôi! Chẳng qua hôm qua cụ cao hứng, cố ý học cách nhà thường dân góp tiền, thế mà chúng mày cứ nhớ mãi, cho là việc to tát, sao không nhận lấy, mời họ uống nước trà rồi cho họ về.
Bọn a hoàn cười rồi mang tiền vào. Tất cả là hai gói, có cả phần tiền của Đại Ngọc và Bảo Thoa.
Vưu Thị hỏi:
- Còn thiếu ai nữa?
Vợ Lâm Chí Hiếu nói:
- Còn thiếu cụ, bà Hai, các cô và bọn chị em chúng tôi.
- Còn của mợ Cả các chị đâu?
- Mợ qua bên nhà, số tiền ấy mợ Hai đã cầm cả rồi.
Vưu Thị rửa mặt chải đầu xong, sai người kéo xe đến phủ Vinh. Trước hết đến buồng Phượng Thư. Thấy Phượng Thư đã gói tiền cẩn thận, đương định đưa sang. Vưu Thị hỏi:
- Đã đủ cả chưa?
- Đủ rồi! Cầm đi, mất thì tôi không chịu lỗi đâu!
- Tao không tin, phải đếm ngay ở đây.
Vưu Thị đếm lại, thấy không có phần Lý Hoàn, cười nói:
- Mày lại định giở trò ma đấy! Sao không thấy phần chị Cả mày?
- Như thế không đủ à? Thiếu một phần cũng được, nếu không đủ tôi sẽ đưa sau.
- Hôm qua mày làm bộ trước mặt mọi người, bây giờ lại chối với tao, tao không nghe đâu. Tao cứ đến hỏi cụ.
- Chị ghê gớm lắm! Hễ sau này có việc gì tôi cứ làm cho rõ môn rõ khoai, lúc ấy chị đừng có trách.
- Thôi phần ấy không đưa cũng được. Nếu ngày thường mày không tử tế với tao, khi nào tao chịu nghe?
Nói xong, lấy phần Bình Nhi ra, và bảo:
- Bình Nhi! Lại lấy phần của mày về, hễ không đủ tao sẽ bù cho.
Bình Nhi hiểu ý, cười nói:
- Xin mợ hãy cứ tiêu đi, nếu thừa sẽ đưa lại cháu cũng được.
- Thế ra chỉ để cho chủ mày làm bậy, chứ không cho tao được làm ơn hay sao?
Bình Nhi đành phải nhận lấy tiền.
Vưu Thị lại nói:
- Tao xem chủ mày thật là khôn khéo! Vớ món tiền này định tiêu vào việc gì? Tiêu không hết sau này bỏ vào quan tài mà mang chôn à!
Nói xong, đi đến buồng Giả mẫu, hỏi thăm và nói mấy câu chuyện phiếm rồi đến buồng Uyên Ương bàn công việc. Vưu Thị nhất thiết đều theo ý Uyên Ương, cốt làm thế nào cho Giả mẫu vui lòng là được. Hai người bàn định xong xuôi. Khi trở về Vưu Thị lấy hai lạng bạc giả lại cho Uyên Ương, và nói: “Tiêu không hết đâu."
Nói xong, đi đến buồng Vương phu nhân nói chuyện. Nhân lúc Vương phu nhân đi vào Phật đường, Vưu Thị giả lại phần tiền cho Thái Vân. Vì Phượng Thư không ở đấy, nên Vưu Thị giả cả hai phần tiền cho dì Chu và dì Triệu nữa. Họ không dám nhận. Vưu Thị nói: 
- Đáng thương các dì quá, làm gì có tiền mà góp? Nếu thím Phượng biết thì tôi nhận cho.
Hai người cám ơn rối rít rồi nhận lấy món tiền.
Chả mấy lúc đã đến ngày mồng hai tháng chín. Người trong vườn đều nghe nói Vưu Thị bày biện linh đình lắm, không những có tuồng, còn có cả các trò chơi và cô gái mù kể chuyện nữa, nên ai đấy đều sắp sẵn đến xem để góp vui, Lý Hoàn lại bảo các chị em:
- Hôm nay là ngày họp thi xã, đừng ai quên đấy. Bảo Ngọc không thấy đến, chắc là không biết, hay lại ham chơi ở đâu mà quên hẳn việc này?
Nói xong, liền bảo a hoàn đi xem Bảo Ngọc làm gì, mời ngay lại đây. A hoàn đi một lúc về nói:
- Tập Nhân nói là cậu ấy đi từ sáng sớm rồi:
Mọi người đều lấy làm lạ, nói:
- Không lẽ cậu ấy lại đi vắng. Con a hoàn này lẩn thẩn lắm.
Rồi lại sai Thúy Mặc đi. Một lúc Thúy Mặc về, nói:
- Cậu ấy đi vắng thật. Nghe nói có người bạn nào chết, cậu ấy đi viếng tang đấy.
Thám Xuân nói:
- Nhất định không đúng. Dầu sao hôm nay anh ấy cũng không thể đi đâu được. Mày gọi Tập Nhân đến đây để tao hỏi.
Vừa nói xong, Tập Nhân đến, bọn Lý Hoàn đều nói:
- Dù hôm nay có việc gì, chú ấy cũng không nên ra khỏi nhà: một là ngày sinh nhật thím Hai, cụ rất cao hứng, mọi người trong hai phủ đều góp vui, thế mà chú ấy lại đi à? Hai là, hôm nay là ngày chính thi xã đầu tiên, chú ấy không xin phép lại dám tự tiện lẻn đi?
Tập Nhân thở dài nói:
- Chiều hôm qua cậu ấy nói sớm hôm nay có việc cần phải đến phủ Bắc Tĩnh vương, rồi về ngay. Tôi có khuyên cậu ấy đừng đi, cậu ấy nhất định không nghe. Sớm dậy, cậu ấy mặc quần áo trắng đi ra, chắc là trong phủ Bắc Tĩnh vương có người hầu nào mất, cũng chưa biết chừng.
Bọn Lý Hoàn nói:
- Nếu quả thực thế, chú ấy cũng nên đi, nhưng phải về ngay chứ.
Nói xong, mọi người lại bàn định: “Chúng ta cứ làm thơ trước đi, khi anh ấy về sẽ phạt." Vừa lúc ấy, Giả mẫu sai người lại mời. Mọi người rủ nhau đến, Tập Nhân trình việc Bảo Ngọc đi vắng. Giả mẫu không vui, sai người đi đón.
Nguyên là Bảo Ngọc có một tâm sự riêng, hôm trước đã dặn Dính Yên: 
- Ngày mai ta phải đi sớm, mày sắp hai con ngựa ở cửa sau chờ đấy, không cần người đi theo nữa. Mày bảo cả Lý Quý biết là ta sang phủ Bắc Tĩnh vương. Nếu có ai đi tìm, bảo nó ngăn lại, không cần phải đi, cứ nói rằng phủ Bắc Tĩnh vương mời ta ở lại, thế nào ta cũng về ngay.
Dính Yên không hiểu đầu đuôi làm sao, đành phải vâng lời, sắp hai con ngựa từ sớm, chờ ở cửa sau vườn, Khi trời sáng, Bảo Ngọc mặc thuần đồ trắng từ cửa bên đi ra, không nói một lời, lên ngựa, cúi lưng phóng thẳng theo đường phố. Dính Yên đành cũng lên ngựa quất roi đi theo sau, rồi hỏi:
- Cậu đi đâu đấy?
- Đường này đi đâu?
- Đây là đường ra cửa bắc, đi đường này vắng lắm, chẳng có gì vui đâu.
- Chính ta muốn đến chỗ thanh vắng.
Nói xong, Bảo Ngọc cùng ra roi. Ngựa đã ngoặt qua hai quãng đường vòng, ra khỏi cửa thành.
Dính Yên càng ngơ ngác, đành cứ theo riết, đi một mạch đến bảy, tám dặm đường. Chỗ này người ở thưa thớt. Bảo Ngọc mới dừng ngựa, quay lại hỏi Dính Yên:
- Ở đây có bán hương không?
- Có, nhưng không biết cậu cần dùng thứ gì?
Bảo Ngọc nghĩ một lúc rồi nói:
- Thứ hương khác không tốt, phải có thứ đàn hương, vân hương, giáng hương mới được.
- Ba thứ hương này khó tìm lắm.
Bảo Ngọc có ý băn khoăn. Dính Yên thấy thế, liền hỏi:
- Cậu cần hương để làm gì? Cháu thấy cậu thường đeo hương tán sẵn ở trong túi, sao không lấy ra mà dùng?
Bảo Ngọc nhớ ra, đưa tay sờ vào cái túi đeo trong áo, thấy hai thỏi nằng nặng, mừng quá, nhưng lại sợ không được thành kính. Suy nghĩ: “Hương đeo trong mình còn tốt hơn là hương mua ở ngoài”. Rồi lại hỏi đến lư hương. Dính Yên nói:
- Thôi đi, ở nơi đồng không mông quạnh này làm gì có lư? Muốn dùng lư sao cậu không bảo trước để cháu mang sẵn ở nhà đi có được không?
- Đồ gà mờ! Nếu mang được ở nhà đi thì chả phải chạy mửa mật như thế này.
Dính Yên nghĩ một lúc cười nói:
- Cháu nghĩ ra rồi, không biết bụng cậu thế nào. Cháu tưởng không những cậu cần cái ấy, mà còn cần cái khác nữa. Ở đây chắc không sẵn. Bây giờ chúng ta chịu khó đi đến am Thủy Tiên, chừng hai dặm thôi.
- Am Thủy Tiên ở đây à? Tốt lắm! Chúng ta đi đi.
Bảo Ngọc ra roi chạy trước, ngoảnh lại bảo Dính Yên:
- Sư cô ở am Thủy Tiên thường lui tới nhà ta, giờ đến đấy mượn cái lư hương chắc người cũng bằng lòng.
- Không cứ là nhà ta thường đến lễ ở đó mà ngay những chùa chúng ta không quen biết, họ cũng chẳng dám từ chối. Chỉ có một điều: cậu xưa nay vẫn ghét am Thủy Tiên, thế mà tại sao bây giờ thấy nói đến đấy, cậu lại vui mừng thế?
- Ngày thường ta rất ghét người đời không hiểu gì cả, bạ thần nào cũng cúng, miếu nào cũng xây. Đó đều là các cụ hoặc các bà ngày trước có tiền mà ngu xuẩn, hễ thấy nói có thần là xây miếu thờ ngay. Trong dã sử hay tiểu thuyết nói gì thì họ cho là có thực, chứ chẳng biết thần ấy là người nào. Ví như trong am Thủy Tiên thờ Lạc Thần(2), nên gọi là am Thủy Tiên, chứ làm gì có vị Lạc Thần. Đó là lời của Tào Tử Kiến bịa đặt ra, ai ngờ bọn ngu xuẩn lại đắp tượng để thờ. Giờ nhân tiện hợp với ý muốn của ta, nên đến đấy mượn để dùng thôi.
Nói xong hai người đã đến cửa am. Sư già thấy Bảo Ngọc đến bất ngờ, mừng quá như thấy rồng trên trời rơi xuống, liền chạy lại chào, rồi sai bà vãi đến giữ ngựa. Bảo Ngọc vào am, không lạy tượng Lạc Thần, chỉ đứng ngắm nhìn thôi. Tuy là tượng đất, nhưng cũng có cái dáng bay vút như chim hồng kinh, sợ uốn lượn như con rồng lẩn khúc, hoa sen mọc trên sóng biếc, mặt trời chiếu ráng sớm mai. Bảo Ngọc tự nhiên nước mắt nhỏ xuống.
Sư già mời vào uống nước, Bảo Ngọc mượn cái lư để đốt hương. Sư già đi một lúc, sắp cả hương và ngựa giấy mang đến. Bảo Ngọc nói:
- Các thứ tôi không dùng, chỉ dùng lư hương thôi.
Liền sai Dính Yên mang lư hương ra vườn sau, tìm một chỗ sạch sẽ, nhưng không được. Dính Yên hỏi:
- Trên bờ giếng kia có được không?
Bảo Ngọc gật đầu, cùng đi đến đó, đặt lư hương xuống. Dính Yên đứng sang một bên, Bảo Ngọc lấy hương ra đất, rơm rớm nước mắt, vái một cái rồi quay lại bảo cất đi. Dính Yên vâng lời, nhưng chưa cất, liền cúi đầu lễ mấy lễ và khấn:
- Tôi là Dính Yên đã hầu cận cậu Hai mấy năm nay, chỉ có ngày hôm nay đi lễ, cậu ấy không bảo gì tôi, mà tôi cũng không dám hỏi. Tuy tôi không biết tên tuổi vị âm hồn được tế này là gì, nhưng chắc là một vị chị em, vào bậc thông minh thanh nhã, có một không hai ở trên đời này. Tâm sự cậu Hai không nói ra được, vậy tôi xin khấn thay: cậu Hai tôi tưởng nhớ người như thế này, nếu người có linh thiêng, nên thường thường đến thăm nom cậu Hai tôi. Người ở cõi âm, phù hộ cho cậu Hai tôi kiếp sau sinh làm con gái, để cùng chị em các người vui đùa một nơi, không còn là hạng mày râu nhơ bẩn nữa.
Khấn xong, Dính Yên lạy mấy lạy rồi bò dậy.
Bảo Ngọc chưa nghe nó khấn hết, đã không nhịn được cười liền đá nó một cái và nói:
- Đừng nói bậy, người ta biết lại cười cho đấy!
Dính Yên đứng dậy, mang lư hương, cùng đi với Bảo Ngọc rồi nói:
- Cháu đã nói với nhà sư là cậu chưa ăn sáng, bảo họ tiện thể dọn mấy thứ, cậu chịu khó ăn tạm một ít. Cháu biết hôm nay ở nhà bày tiệc to, vui nhộn lắm, vì thế cậu mới lánh đến đây. Ở đây yên tĩnh một ngày cũng đủ vui rồi. Nếu cậukhông ăn thì không thể chịu được đâu.
- Không uống rượu vui, nghe hát, ở đây tuỳ tiện ăn một ít cũng chẳng sao.
- Thế mới phải. Nhưng cháu xin nói điều này: chúng ta đi đến đây, ở nhà tất có người không yên tâm. Nếu không, đến chiều về cũng chẳng sao. Nhưng vì có người không yên tâm, thì cậu nên về nhà ngay mới phải. Một là để cụ và bà Hai yên lòng, hai là lễ ở đây đã xong rồi, chẳng qua chỉ có thế thôi. Về nhà nghe hát uống rượu, dù không phải là ý muốn của cậu, nhưng cũng để hầu cha mẹ cho trọn đạo hiếu. Nếu chỉ vì việc lễ này, cậu không nghĩ đến cụ và bà đương mong đợi, thì âm hồn nào nhận lễ của cậu cũng không an tâm. Cậu nghe xem cháu nói thế có phải không?
Bảo Ngọc cười nói:
- Ta đoán được ý mày rồi, chắc mày nghĩ rằng chỉ có một mình mày đi theo ta thôi. Khi về mày sợ bị lỗi, nên giở những điều to lớn ra khuyên ta. Ta đến đây chỉ cốt làm lễ xong sẽ về uống rượu nghe hát, chứ không phải bỏ đi suốt ngày. Giờ đã thoả được ý muốn rồi, nên về nhà mau để cho mọi người yên tâm.
- Thế phải lắm.
Hai người vào đến chùa, nhà sư đã dọn lên một mâm cơm chay.
Bảo Ngọc ăn qua loa một ít. Dính Yên cũng ăn. Xong rồi hai người lên ngựa theo đường cũ về nhà. Dính Yên ở đằng sau dặn:
- Cậu đi ngựa cẩn thận đấy. Con ngựa này không quen cưỡi mấy, phải cầm cương cho chặt.
Hai người về đến thành, vẫn theo cửa sau vội đi về viện Di Hồng. Bọn Tập Nhân đi vắng, chỉ có mấy bà già trông nhà, thấy Bảo Ngọc về, đều mừng rỡ, nói:
- A di đà phật! Cậu về rồi! Tý nữa thì chị Tập Nhân điên mất! Ở trên ấy đương uống rượu đấy, cậu lên ngay đi.
Bảo Ngọc nghe nói, vội cởi quần áo trắng ra, mặc quần áo đẹp, hỏi:
- Tiệc bày ở đâu?
- Ở nhà hoa lơn mới dựng.
Bảo Ngọc chạy vội đến nhà hoa, đã văng vẳng nghe thấy tiếng đàn sáo ca hát. Vừa đến bên nhà trống, thấy Ngọc Xuyến ngồi một mình ở dưới thềm sùi sụt khóc. Thấy Bảo Ngọc đến, Ngọc Xuyến thở dài một cái, chép miệng nói:
- Úi chà! Phượng hoàng đã đến rồi! Đi vào ngay đi! Chốc nữa không về có lẽ cả nhà nhao lên đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị thử đoán xem tôi đi đâu nào?
Ngọc Xuyến quay đi, chỉ lau nước mắt thôi. Bảo Ngọc rầu rầu đi lên nhà hoa chảo Giả mẫu và Vương phu nhân. Mọi người mừng rỡ như được thấy chim phượng hoàng.
Bảo Ngọc vội đến chúc mừng Phượng Thư. Giả mẫu và Vương phu nhân đều nói:
- Em mày chả biết hay dở gì cả. Có việc cần, sao không nói trước mà lại lẻn đi? Thế còn ra làm sao nữa! Lần sau còn thế thì chờ bố mày về, ta sẽ mách nó đánh cho. 
Giả mẫu lại mắng người hầu:
- Tại sao chúng mày cứ nghe lời nó? Nó bảo đi đâu cứ cúi đầu mà đi, không trình qua một tiếng?
Rồi lại hỏi Bảo Ngọc:
- Cháu đi đâu về đấy? Đã ăn uống gì chưa? Có bị sợ gì không?
- Người nàng hầu của Bắc Tĩnh vương Chết, hôm nay cháu đến chia buồn. Cháu thấy đức vương khóc nhiều quá, không tiện bỏ về ngay, vì thế phải ngồi lại một lúc.
- Từ nay cháu còn lẻn đi như thế, không trình ta trước, nhất định ta bảo bố mày đánh cho!
Bảo Ngọc vâng lời. Giả mẫu lại muốn đánh người đi hầu, nhưng mọi người khuyên:
- Xin cụ bớt giận, cậu ấy đã hứa xin chữa. Vả chăng cậu ấy đi về không xảy ra chuyện gì, cả nhà cũng nên yên lòng để vui một lúc.
Lúc đầu, Giả mẫu còn nóng ruột, giờ thấy Bảo Ngọc về vui quá, hết cả giận, nên việc công bỏ qua. Giả mẫu lại sợ Bảo Ngọc khó chịu, hoặc chưa ăn uống, hay đi đường bị sợ hãi, nên tìm hết cách dỗ dành. Tập Nhân cũng chạy đến phục dịch. Mọi người lại ra xem hát.
Hôm đó diễn vở Kinh thoa ký(3), Giả mẫu và Tiết phu nhân đều mủi lòng rơi lệ, có người cười, người giận, lại có người mắng nữa.
-----------------------------
(1). Tức Vương phu nhân.
(2). Lạc Thần tên là Bật Phi, tương truyền là con gái họ Nhân. Khi Tào Tháo đánh Viên Thiệu, bắt được NhânThị mang về. Tào Thực xin không cho, đem cho con trưởng là Tào Phi. Tào Phi lập Nhân Thị làm hoàng hậu, sau có tội bị chết. Tào Thực nhớ Nhân Thị quá khi đến bến Lạc Thủy thấy Nhân Thị hiện ra. Thào Thực vui mừng làm bài Lạc Thần Phú.
(3). Tích vợ Vương Thạch Bằng là Tiến Ngọc Liên nghe đồn chồng lấy vợ lẽ, đâm đầu xuống sông tự tử, nhưng lại có người cứu. Vương Thạch Bằng cũng nghe đồn vợ đã chết rồi liền đặt một bàn tế.
 

HỒI 44:
Chuyện xảy bất ngờ, Phượng Thư đâm ghen
Mừng ngoài tưởng tượng, Bình Nhi trang điểm

Bảo Ngọc cùng chị em đang ngồi xem diễn vở Kinh thoa ký, Đại Ngọc xem đến hồi “Người chồng ra tế vợ", liền bảo Bảo Thoa:
- Vương Thập Bằng không thông một tí nào. Tế chỗ nào chẳng được, lại cứ phải ra tận bờ sông? Tục ngữ nói: “Trông thấy vật lại nhớ đến người”, nước ở khắp mặt đất đều do một nguồn mà ra, múc một bát nước ở nơi nào cũng được, rồi nhìn vào đấy mà khóc, thế cũng đã hết lòng với người khuất rồi.
Bảo Thoa không trả lời, Bảo Ngọc nghe xong lại ngẩn người ra.
Giả mẫu nghĩ bụng: “Hôm nay khác mọi ngày, phải làm thế nào cho cháu Phượng vui suốt ngày mới được”. Nhưng vì người mệt, Giả mẫu đành chỉ ngồi ngả ở trên giường cùng Tiết phu nhân xem hát, muốn ăn gì thì chọn mấy thứ bày ở trên kỷ, vừa ăn vừa nói chuyện. Còn hai bàn rượu của mình thì đem thưởng cho bọn a hoàn và nhưng người đàn bà đứng hầu không có cỗ ăn, bảo họ mang ra thềm trước cửa sổ mà ngồi, muốn gì tùy ý, không cần phải câu nệ lễ phép. Vương phu nhân và Hình phu nhân ngồi trước cái bàn cao kê ở dưới. Các chị em ngồi ở mấy bàn rượu bên ngoài. Giả mẫu thỉnh thoảng dặn bọn Vưu Thị:
- Mời cháu Phượng ngồi vào ghế trên, rồi các chị thay ta tiếp nó, để bõ công nó vất vả quanh năm.
Vưu Thị vâng lời, cười nói:
- Thím ấy nói không quen ngồi cỗ trên, gò bó ngượng nghịu lắm. Ngay rượu cũng chẳng chịu uống.
Giả mẫu cười nói: 
- Cháu không biết mời, để bà ra mời nó vậy.
Phượng Thư vội chạy lại cười nói:
- Xin bà đừng nghe chị ấy, cháu đã uống những mấy chén rồi.
Giả mẫu cười, sai bọn Vưu Thị:
- Kéo nó ra, ấn nó xuống ghế, các người phải thay nhau mời rượu, nếu nó vẫn không chịu uống, ta sẽ thân hành đến mời mới được.
Bọn Vưu Thị cười, rồi kéo Phượng Thư ngồi xuống, sai người lấy chén rót rượn, nói:
- Đầu năm chí cuối, thím hết lòng chiều chuộng cụ, bà Hai và chúng tôi. Tôi chẳng có gì đáp lại. Hôm nay xin thân rót chén rượu này chúc mừng thím. Ngoan này! Thím uống ngay chén rượu ở tay tôi đi.
Phượng Thư cười nói:
- Nếu chị có lòng kính tôi, thì quỳ xuống đây tôi mới uống.
- Đừng làm bộ nữa! Bảo cho mà biết: chăng dễ mà gặp được dịp này đâu. Mai sau liệu có được ngày nay mãi không? Hãy cố mà uống mấy chén.
Phượng Thư thấy không từ chối được, đành phải uống hai chén. Rồi đến bọn chị em lại mời, Phượng Thư đành phải uống hai hớp. Già Lại thấy Giả mẫu cao hứng, cũng phải góp vui, dẫn các già khác đến mời rượu. Phượng Thư không thể từ chối được, đành phải uống hai hớp. Bọn Uyên Ương cũng đến mời, Phượng Thư không uống được nữa, vội van vỉ:
- Các chị ơi, tha cho tôi, ngày mai tôi sẽ uống.
Uyên Ương cười nói:
- Nếu thế thì chẳng hóa ra chúng tôi bẽ mặt lắm hay sao? Ngay đến bà Hai cũng còn có lòng vì nể giữ thể diện cho chúng tôi. Hôm nay đứng trước mọi người, mợ lại ra bộ bà chủ. Thế ra chúng tôi không đáng đến mời. Thôi, mợ không uống thì chúng tôi đi vậy.
Nói xong nguây nguẩy đi ra. Phượng Thư vội kéo lại cười nói:
- Chị ơi, thôi để tôi uống vậy.
Liền rót đầy chén rượu uống hết. Uyên Ương mới cười, rồi về chỗ ngồi.
Phượng Thư đã say, trong bụng cồn cào khó chịu, muốn về nhà nghỉ, nhân thấy bọn con hát lên, liền bảo Vưu Thị:
- Sắp sẵn tiền thưởng ra, tôi phải đi rửa mặt đây.
Vưu Thị gật đầu, Phượng Thư thấy không ai để ý, liền đi ra ngoài theo thềm nhà sau đi về. Bình Nhi biết ý, vội theo ra, Phượng Thư vịn vào Bình Nhi, đi đến dưới thềm, thấy một đứa hầu bé trong nhà đứng ở đấy. Trông thấy hai người về, đứa hầu vội quay người chạy. Phượng Thư ngờ, gọi nó lại. Trước nó còn giả vờ như không nghe. Sau thấy Bình Nhi cũng gọi, không làm thế nào được, nó đành phải quay lại.
Phượng Thư càng ngờ, liền cùng Bình Nhi lên thềm gọi đứa bé ấy vào, rồi mở cánh cửa ra. Phượng Thư ngồi ngay ở trên thềm, bắt đứa bé quỳ xuống, rồi hét bảo Bình Nhi:
- Bảo hai đứa hầu ở cửa ngoài mang thừng roi vào đây, đem con ranh con này đánh chết đi cho tao. Nó chẳng biết tao là ai à?
Đứa bé hồn vía lên mây, vừa khóc vừa van lạy xin tha. Phượng Thư hỏi:
- Tao có phải là ma đâu. Mày trông thấy, không biết đứng lại, sao cứ chạy đi?
- Cháu thực không trông thấy mợ, và nhớ trong nhà không còn ai, nên mới chạy về.
- Trong nhà đã không có ai, thì ai bảo mày đến đây? Dù mày không trông thấy, nhưng tao và chị Bình ở đằng sau rát cổ gọi mày đến mười mấy lần, càng gọi mày càng chạy. Có xa xôi gì đâu mày điếc à? Lại còn cãi?
Nói xong, giơ tay tát một cái, đứa bé chúi đầu xuống, rồi lại tát một cái nữa, hai má nó sưng vù lên. Bình Nhi vội can:
- Thôi mợ ạ, không lại đau tay!
Phượng Thư nói:
- Đánh nữa đi, hỏi nó vì sao mà chạy, nó không nói thì đánh vỡ mồm nó ra.
Đứa bé trước còn chối cãi, sau thấy Phượng Thư bảo nung đỏ thanh sắt dí vào mồm, nó mới khóc nói:
- Cậu Hai ở nhà bảo cháu đến đây gác, thấy mợ về thì báo tin cho cậu biết. Không ngờ bây giờ mợ đã về.
Phượng Thư thấy câu nói có ý, liền hỏi:
- Bảo mày gác tao để làm gì? Không nhẽ lại cấm tao về à? Tất có duyên cớ làm sao đây. Mày phải nói ngay, tao sẽ thương mày, nếu không tao lấy dao xẻo thịt!
Nói xong, lấy cái trâm ở trên đầu ra đâm vào mồm đứa bé. Nó sợ quá, vừa tránh vừa khóc:
- Cháu xin nói thực, nhưng mợ đừng bảo là cháu nói!
Bình Nhi vừa ngăn Phượng Thư, vừa giục nó nói ngay đi. Đứa bé nói:
- Cậu Hai về đến nhà, ngủ một lúc mới dậy, cho người đến xem mợ đã sắp về chưa. Nghe nói mợ vừa mới vào tiệc, cậu ấy liền mở ngay hòm lấy hai nén bạc, hai cái trâm, hai tấm lụa, bảo cháu lẻn đưa cho vợ Bão Nhị và gọi nó lại. Nó nhận các thứ ấy rồi đi đến nhà ta. Cậu Hai bảo cháu đứng đây gác. Còn việc về sau thế nào cháu không biết.
Phượng Thư nghe nói, tức run người, đứng dậy đi thẳng về nhà. Vừa đến sân, thấy một đứa hầu đứng ở trong cửa ló đầu ra. Trông thấy Phượng Thư, nó cắm đầu chạy. Phượng Thư gọi hẳn tên nó, bảo đứng lại. Đứa bé này vốn láu lỉnh, thấy không chạy thoát, nên quay lại cười nói:
- Cháu đang định đi mách mợ, may mợ đã về.
- Mách tao việc gì?
- Cậu Hai ở nhà...
Rồi nó kể lại một lượt như đứa trước vừa nói.
Phượng Thư quát:
- Từ nãy mày làm gì? Bây giờ tao trông thấy rồi, mày mới tìm cách đổ quanh.
Nói xong, giơ tay tát một cái, làm cho đứa hầu ngã lạng choạng, Phượng Thư rón rén đi đến trước cửa sổ, nghe thấy ở trong có tiếng người đàn bà cười nói:
- Bao giờ bà vợ Diêm Vương của cậu chết đi thì hay!
- Nếu nó chết, ta lấy một mụ khác, cũng giống như thế, thì làm thế nào?
- Nếu nó chết thì đem cô Bình làm vợ cả, có lẽ còn hơn đấy.
- Nó chẳng để cho ta đụng chạm đến con Bình một tý nào, chính con Bình cũng ấm ức không dám nói ra. Số kiếp ra sao mà lại gặp phải sao Dạ Soa thế này!
Phượng Thư nghe nói, tức run người lên. Lại nghe thấy họ đều khen Bình Nhi, liền ngờ cho Bình Nhi ngày thường vắng mình, chắc cũng ngỏ lời oán trách. Hơi rượu càng hăng lên, không nghĩ ngợi gì cả. Phương Thư quay ngay người lại tát Bình Nhi hai cái; đạp cửa vào, không nói năng gì, túm lấy vợ Bão Nhị đánh xé. Lại sợ Giả Liễn trốn đi, liền đứng chặn lấy cửa và mắng:
- Con đĩ này! Mày đã cướp chồng chủ mày, lại định giết cả vợ chủ mày nữa à! Bình Nhi lại đây! Bọn đĩ này cùng về hùa với nhau để hại ta! Ngoài mặt thì vẫn thơn thớt dỗ dành ta.
Nói xong lại đánh Bình Nhi mấy cái. Làm Bình Nhi không có chỗ kêu oan, tức quá phát khóc lên và mắng:
- Các người đã làm việc xấu xa này, không dưng lại kéo cả tôi vào làm gì!
Nói xong, túm lấy vợ Bảo Nhị đánh xé. 
Giả Liễn vì uống nhiều rượu, đang khi hứng lên, không đề phòng cẩn thận, thì Phượng Thư về, nên lính quýnh không biết làm thế nào; lại thấy Bình Nhi cũng to tiếng, thành ra hơi men càng hăng lên. Thấy Phượng Thư đánh vợ Bão Nhị, hắn vừa tức vừa xấu hổ, nhưng không tiện nói ra; bây giờ thấy Bình Nhi cũng đánh vợ Bảo Nhị, hắn đứng dậy đá rồi mắng:
- Con đĩ kia! mày cũng đánh người à!
Bình Nhi sợ quá, ngừng tay, khóc nói:
- Các người chuyện trò thầm vụng với nhau, tại sao còn kéo tôi vào?
Phượng Thư thấy Bình Nhi sợ Giả Liễn, càng tức, chạy lại đánh Bình Nhi, và bắt phải đánh vợ Bảo Nhị. Bình Nhi tức quá chạy đi tìm dao định tự tử. Bọn bà già và người hầu bên ngoài vội ngăn lại khuyên răn.
Phượng Thư thấy Bình Nhi đi tự tử, liền đập đầu vào Giả Liễn, kêu ầm lên:
- Chúng nó vào hùa với nhau để hại ta, bị ta bắt được, lại còn dọa ta! Cậu bóp chết tôi đi!
Giả Liễn tức quá, rút kiếm ở trên tường xuống, nói:
- Không cần phải tự tử! Tao điên tiết lên rồi đây! Giết tất cả rồi tao đền mạng, thế là hết chuyện!
Đương lúc ầm ĩ, thì bọn Vưu Thị đến nói:
- Làm cái gì đấy? Tự dưng vô cớ sao lại to tiếng thế?
Giả Liễn thấy có người đến, liền mượn hơi men càng làm già cứ đòi giết Phượng Thư. Phượng Thư thấy người đến, không lồng lộn như trước nữa, liền bỏ mọi người, rồi khóc lóc ầm ĩ và chạy sang bên Giả mẫu.
Lúc đó tuồng đã tan, Phượng Thư chạy đến lăn vào lòng Giả mẫu nói:
- Bà cứu cháu với! Cậu Liễn định giết cháu đấy!
Giả mẫu, Hình phu nhân, Vương phu nhân vội hỏi “Sao thế?” Phương Thư khóc nói:
- Cháu về nhà thay quần áo, không ngờ cậu Liễn rước gái về trò chuyện. Cháu tưởng có khách đến chơi, sợ không dám vào; đứng ở ngoài nghe, thì ra cậu ấy đang bàn với vợ Bão Nhị, bảo là cháu ghê gớm lắm, định cho cháu uống thuốc chết đi, rồi lấy Bình Nhi làm vợ cả. Cháu tức quá, nhưng không dám cãi nhau với cậu ấy, chỉ đánh con Bình hai cái, hỏi nó vì sao định hại cháu. Cậu ấy xấu hổ nên chực giết cháu.
Giả mẫu nghe xong, tin là thực, nói:
- Như thế thì chịu sao được? Mau mau lôi cổ thằng khốn nạn ấy đến đây!
Nói chưa dứt lời, thấy Giả Liễn cầm kiếm chạy đến, có nhiều người theo sau. Giả Liễn xưa nay cậy Giả mẫu vẫn thương mình, ngay mẹ và thím cũng không nỡ ngăn cản, nên càng hung hăng chạy đến làm ầm lên. Hình phu nhân và Vương phu nhân trông thấy, giận quá vội ngăn lại mắng:
- Thằng khốn nạn này! Mày định làm loạn đấy à! Cụ ngồi kia kìa?
Giả Liễn lừ mắt nhìn, nói:
- Chỉ vì cụ nuông nó quá, nó mới dám thế. Nó mắng cả cháu nữa.
Hình phu nhân giận quá, giằng lấy kiếm quát:
- Mày bước ngay ra ngoài kia!
GIả Liễn giơ bộ mặt dày, lè nhè nói mãi.
Giả mẫu giận mắng:
- Tao biết mày không coi chúng tao ra gì! Gọi bố nó đến đây xem nó có bước hay không!
Giả Liễn thấy vậy, mới loạng choạng bước ra. Giận dỗi không về nhà, đi ra thư phòng phía ngoài.
Hình phu nhân và Vương phu nhân cũng trách Phượng Thư. Giả mẫu nói:
- Việc có quan hệ gì đâu. Bọn trai trẻ chúng nó, thấy gái khác nào mèo thấy mỡ, giữ làm sao được? Lúc còn trẻ ai mà chẳng thế? Việc này lỗi tại ta bảo mày uống thêm vài chén rượu mày lại uống phải giấm chua!(1)
Nói xong, mọi người cười ầm lên. Giả mẫu lại nói:
- Mày cứ yên tâm, mai ta sẽ bắt chồng mày đến xin lỗi, bây giờ đừng về mà nó bẽ mặt đấy.
Rồi lại mắng:
- Con Bình ranh con, ngày thường ta cứ tưởng nó khá, thế mà vắng mặt nó lại tệ thế!
Vưu Thị cười nói:
- Bình Nhi chẳng có lỗi gì, đó là thím Phượng giận cá chém thớt đấy thôi. Hai bên cãi nhau đều mang Bình Nhi ra hành hạ cho hả. Nó oan ức thế mà cụ lại còn mắng nó!
Giả mẫu nói:
- Phải đấy. Ta vẫn biết con bé ấy không phải là quân hay ton hót gì đâu. Đáng thương cho nó bị mắng oan.
Rồi gọi Hổ Phách đến bảo:
- Mày kể lại lời ta nói cho Bình Nhi nghe; ta biết nó bị oan, ngày mai ta sẽ bắt chủ nó đến xin lỗi. Hôm nay là ngày sinh nhật của chủ nó, đừng để cho nó làm ầm lên.
Lý Hoàn đã dắt Bình Nhi vào vườn Đại Quan rồi. Bình Nhi nghẹn ngào không biết nói làm sao. Bảo Thoa khuyên:
- Chị là người hiểu biết, xưa nay mợ chị đối đãi với chị thế nào. Hôm nay mợ chị say rượu, không đem dằn vặt để hả giận, thì biết đem ai? Chị đừng để người ta cười mợ là quá say. Chị chỉ nghĩ cái oan lúc này, chả hóa ra những cái tốt của mình trước đây đều là giả dối hay sao?
Ngay lúc ấy Hổ Phách đến, kể lại những lời của Giả mẫu cho Bình Nhi nghe. Bình Nhi cảm thấy mình còn chút thể diện, dần dần nguôi giận, cũng không về nhà nữa.
Bọn Bảo Thoa nghỉ một lúc rồi đến thăm Giả mẫu và Phượng Thư. Bảo Ngọc mời Bình Nhi đến viện Di Hồng. Tập Nhân ra đón, cười nói:
- Tôi định mời chị trước, nhưng vì mợ Cả và các cô đều mời, nên tôi đành phải để lại.
Bình Nhi cười nói:
- Xin cám ơn. Không biết chuyện này ở đâu mà ra! Bỗng dưng vô cớ tôi bị mắng oan một trận!
Tập Nhân cười nói:
- Mợ Hai xưa nay đối với chị vẫn tốt, chẳng qua nhất thời bực lên đó thôi.
- Mợ Hai có nói gì đâu, chỉ vì con đĩ nó làm tội tôi, nó mang tôi ra làm trò đùa. Lại còn cái cậu hồ đồ ấy quay ra đánh tôi nữa!
Bình Nhi ức quá, không cầm được nước mắt. Bảo Ngọc vội khuyên:
- Chị đừng buồn nữa, tôi xin lỗi thay cho hai người ấy.
Bình Nhi cười nói:
- Nào có việc gì đến cậu?
Bảo Ngọc cười nói:
- Anh em chị em chúng tôi cũng như là một, nếu họ có lỗi với ai, tôi cũng đáng xin lỗi thay cho họ.
Lại nói:
- Đáng tiếc bộ quần áo mới của chị bị lấm cả! Ở đây em Hoa của chị có quần áo, sao chị không lấy mà thay rồi đem phun rượu, là lại bộ quần áo và chị cũng nên chải lại đầu đi.
Vừa nói vừa sai bọn hầu nhỏ: “Múc nước rửa mặt và đốt bàn là đem đến đây!"
Bình Nhi xưa nay vẫn nghe nói Bảo Ngọc biết cách chiều chuộng bọn con gái. Bảo Ngọc ngày thường vì thấy Bình Nhi là nàng hầu yêu của Giả Liễn và lại là người tâm phúc của Phượng Thư nên không dám gần gũi. Bới vậy, thường ân hận không biết làm thế nào tỏ hết được lòng tốt của mình đối với chị ta. Bình Nhi thấy Bảo Ngọc ân cần như thế, nghĩ bụng: “Quả nhiên Bảo Ngọc đối xử chu tất quá, thật tiếng đồn không sai!”
Lại thấy Tập Nhân mở ngay hòm, lấy ra bộ quần áo ít hay mặc đến. Bình Nhi vội đi rửa mặt. Bảo Ngọc đứng bên cười nói:
- Chị cũng nên đánh tý phấn vào, kẻo người ta lại bảo giận nhau với chị Phượng đấy. Vả chăng hôm nay là ngày sinh nhật của chị ấy và cụ cũng đã sai người đến an ủi chị rồi.
Bình Nhi nghe nói có lý, liền đi tìm phấn, nhưng không thấy. Bảo Ngọc vội chạy đến đài trang, mở cái hộp sứ Châu Tuyên ra, trong hộp đựng một lượt mười thoi phấn hoa ngọc trâm, lấy ra một thoi đưa cho Bình Nhi, cười nói:
- Đây không phải là phấn thường đâu, là giống hoa dạ hương nghiền nát ra, chế với thứ bột thượng hảo hạng đấy.
Bình Nhi để lên trên tay xem, quả nhiên vừa nhẹ, vừa trắng, vừa đỏ, vừa thơm, xoa lên mặt thấy da mịn và mát, không bết như thứ phấn khác. Sau thấy một cái hộp ngọc trắng nhỏ, trong đựng một hộp sáp màu đỏ tươi như cao văn khôi, chứ không phải từng tờ một. Bảo Ngọc cười nói:
- Sáp bán ở hiệu không sạch, màu lại chóng bay. Đây là hạng sáp tốt nhất, vắt nước ra, lọc sạch rồi hòa lẫn với sương ở trong hoa, đem nấu lên. Chỉ lấy cái trâm nhỏ khêu một tí xát vào môi; lại lấy một giọt hòa lẫn nước với sáp vào lòng bàn tay rồi xoa lên mặt cũng đủ.
Bình Nhi cứ theo thế trang điểm, thấy tươi đẹp khác thường và mùi thơm ngào ngạt. Bảo Ngọc lại lấy một cành hoa huệ ở trong chậu dùng dao tre cắt đem cắm lên đầu cho Bình Nhi. Chợt thấy Lý Hoàn cho người sang gọi, Bình Nhi vội vàng đi sang.
Bình Nhi là cô gái thông minh, xinh đẹp vào bậc nhất, chứ không như những bọn tục tằn ngu xuẩn. Thế mà Bảo Ngọc xưa nay không được gần gũi săn sóc, nên rất lấy làm ân hận. Vả hôm nay là ngày sinh nhật của Kim Xuyến, nên suốt ngày Bảo Ngọc không vui. Không ngờ sau khi xảy ra việc này, Bảo Ngọc được tỏ hết nỗi lòng với Bình Nhi, thực là một niềm vui mà trong đời chưa hề nghĩ đến. Vì thế cậu ta nằm ngả xuống giường, trong bụng lấy làm khoan khoái. Chợt nghĩ đến Giả Liễn chỉ biết thỏa lòng dục vọng của mình, chứ không biết nâng niu các bạn son phấn. Rồi nghĩ đến Bình Nhi không có cha mẹ, không có anh chị em, trơ trọi một mình, phải hầu hạ hai vợ chồng Giả Liễn. Giả Liễn thì thô tục, Phượng Thư thì tàn nhẫn, thế mà Bình Nhi vẫn chiều chuộng được chu tất. Hôm nay lại gặp bàn tay ác nghiệt, thực là mệnh bạc hơn cả Đại Ngọc! Nghĩ đến đây, Bảo Ngọc lại càng thương cảm. Rồi đứng dậy, thấy quần áo phun rượu đã gần khô, Bảo Ngọc liền đem đi là và gấp lại cẩn thận. Thấy cái khăn mặt của Bình Nhi bỏ quên đấy, hãy còn vết nước mắt. Bảo Ngọc giặt đi rồi đem phơi. Vừa mừng vừa thương, ngồi thừ ra một lúc, rồi sang thôn Đạo Hương nói chuyện, đến khi lên đèn mới về.
Bình Nhi ngủ lại nhà Lý Hoàn một đêm. Phượng Thư ngủ ở bên nhà Giả mẫu. Giả Liễn tối về, thấy vắng tanh, không tiện đi gọi, đành phải nằm ngủ trần một đêm. Hôm sau trở dậy, nghĩ đến việc hôm qua, thấy bẽ mặt, hắn hối hận không kịp. Hình phu nhân nhớ lại câu chuyện hôm qua, liền đến gọi Giả Liễn sang nhả Giả mẫu. Giả Liễn đành phải nuốt nhục theo sang, quỳ trước Giả mẫu.
Giả mẫu hỏi:
- Tại sao vậy?
- Hôm qua cháu say rượu quá, làm phiền lòng bà, hôm nay sang xin nhận tội.
- Đồ khốn nạn! Uống cho bứ họng ra, rồi không biết yên phận dẫn xác đi cho rảnh, lại còn đánh vợ! Ngày thường con Phượng ăn nói như Hạng Võ, thế mà hôm qua trông nó run sợ thực đáng thương! Nếu không có tao, mày sẽ giết nó thì bây giờ còn ra làm sao nữa.
Giả Liễn trong bụng ấm ức nhưng không dám cãi lại, chỉ đành nhận lỗi. Giả mẫu lại nói:
- Con Phượng và con Bình không đẹp à? Mày còn chưa chán sao? Hàng ngày mày cứ thậm thậm thụt thụt, bất cứ hạng bẩn thỉu nào cũng lôi về nhà. Lại vì con đĩ ấy mà đánh vợ, đánh người hầu, thế cũng đòi là cậu ấm con nhà quan, tự mình trát trấu vào mặt! Nếu mày biết sợ tao thì phải đứng dậy xin lỗi vợ mày đi, rồi dắt nó về nhà, tao mới vui lòng và tha tội cho mày. Không thì mày bước ngay, tao không dám nhận lễ lạy của mày nữa!
Giả Liễn nghe vậy, lại thấy Phượng Thư đứng ở bên cạnh khóc sưng cả mắt lên, không trang điểm son phấn, mặt vàng khè, so với ngày thường lại càng đáng thương đáng yêu. Bụng nghĩ: “Thôi chi bằng xin lỗi đi thì đôi bên lại được thuận hòa mà cụ cũng vui lòng.” Liền cười nói:
- Bà dạy thế nào cháu cũng phải vâng lời, nhưng chỉ sợ lại đâm nuông nó thôi.
Giả mẫu cười nói:
- Nói bậy! Tao biết nó là đứa có lễ phép, không hay va chạm đến ai. Nếu sau này nó có lỗi với mày tao sẽ làm chủ cho mày trị nó.
Giả Liễn nghe nói, đứng dậy vái Phượng Thư một cái, cười nói:
- Đó là tôi không phải, xin mợ Hai đừng giận nữa.
Cả nhà đều cười ầm lên. Giả mẫu cười nói:
- Con Phượng không được giận nữa. Mày còn giận thì tao càng thêm bực.
Nói xong lại sai người đi gọi Bình Nhi đến, bảo Phượng Thư và Giả Liễn phải an ủi Bình Nhi mấy câu. Giả Liễn trôngthấy Bình Nhi, thực là “vợ cả không bằng nàng hầu, nàng hầu không bằng làm cách thầm vụng”. Thấy Giả mẫu bảo thế, Giả Liễn chạy ngay lại nói:
- Thực là tôi không phải, nên cô bị oan, cũng vì tôi mà mợ ấy có lỗi với cô, về phần tôi xin lỗi đã đành, tôi lại xin lỗi thay mợ ấy nữa.
Nói xong, vái một cái, làm cho Giả mẫu cười, Phượng Thư cũng cười.
Giả mẫu lại bắt Phượng Thư đến an ủi Bình Nhi mấy câu. Bình Nhi vội chạy lại vái Phượng Thư, nói:
- Ngày sinh nhật của mợ, tôi làm cho mợ bực tức, tội tôi đáng chết.
Phượng Thư xấu hổ vì hôm qua uống nhiều rượn, không nghĩ đến tình nghĩa xưa nay, đâm ra nóng nảy, nghe người ngoài nói, vô cớ làm cho Bình Nhi bẽ mặt. Nay thấy thế, vừa xấu hổ vừa đau xót, vội đỡ Bình Nhi dậy, nước mắt nhỏ xuống. Bính Nhi nói:
- Tôi hầu mợ bấy nhiêu năn, không bao giờ mợ động đến nửa móng tay. Hôm qua bị đòn, tôi cũng không dám oán mợ, chỉ vì con đĩ ấy làm hại, tránh nào mợ chả tức giận!
Nói xong nước mắt cũng tràn ra. Giả mẫu liền sai người đưa họ về nhà và nói:
- Đứa nào còn nhắc lại chuyện này phải đến trình ta ngay; bất kỳ là ai, ta cũng đánh cho một trận.
Ba người lại tạ Giả mẫu, Hình phu nhân và Vương phu nhân. Bà già vâng lời, đưa họ về nhà.
Về đến buồng, Phượng Thư thấy không có người liền nói:
- Tôi đâu phải giống vua Diêm Vương, giống quỷ Dạ Soa? Con đĩ ấy rủa tôi chết, cậu cũng theo nó rủa tôi. Nghìn ngày chả tử tế với nhau thì cũng phải có một ngày chứ. Tội nghiệp cho tôi không bằng cả con đĩ, thì còn mặt mũi nào sống ở trên đời nữa.
Nói xong lại khóc. Giả Liễn nói:
- Thế còn chưa đủ à? Mợ thử nghĩ xem hôm trước ai có lỗi nhiều? Hôm nay trước mặt mọi người, tôi phải quỳ, lại phải xin lỗi, như thế mợ đã hãnh diện rồi. Bây giờ lại còn cằn nhằn, chẳng lẽ lại bắt tôi quỳ nữa mới chịu thôi hay sao? Được đà lại cứ lên mặt mãi, như thế không tốt đâu!
Phượng Thư không nói lại được. Bình Nhi phì cười một tiếng. Giả Liễn cũng cười nói:
- Thế là xong. Tôi thật hết cách rồi!
Chợt một bà già đến trình: 
- Vợ Bão Nhị thắt cổ chết rồi!
Giả Liễn, Phượng Thư đều giật nảy mình. Nhưng Phượng Thư vội làm ra vẻ cứng, liền quát:
- Nó chết thì thôi. Việc gì bà phải nhớn nha nhớn nhác.
Một lúc, vợ Lâm Chi Hiếu đến nói khẽ với Phượng Thư:
- Vợ Bảo Nhị thắt cổ chết rồi, họ hàng nhà nó định đi kiện mợ đấy!
- Càng hay, tôi cũng đang định đi kiện nó đây!
- Chúng tôi vừa khuyên họ một lúc, rồi lại dọa cho họ một trận, hứa sẽ cho họ ít tiền, nghe đã xuôi rồi.
- Tôi chẳng có đồng nào. Nếu có tiền cũng chẳng cho nó! Cứ bảo nó đi mà kiện! Đừng ai ngăn nó và cũng không cần phải dọa nó. Nó muốn đi kiện đâu thì đi. Nếu nó không kiện, tôi sẽ kiện lại nó là “mang xác người chết ra vu vạ!”
Vợ Lâm Chí Hiếu đương lúc khó nghĩ, thì Giả Liễn liếc mắt một cái, chị ta hiểu ngay, liền ra ngoài chờ.
Giả Liễn nói:
- Tôi đi ra xem sao?
Phượng Thư nói:
- Không được cho nó tiền!
Giả Liễn chạy ra bàn với Lâm Chí Hiếu, sai người đến vừa dỗ vừa dọa và cho hai trăm lạng bạc. Giả Liễn lại sợ sẽ còn xảy ra chuyện lôi thôi, liền sai người đến nói với bọn quan lại rồi gọi mấy người lính canh và người chôn cất đến giúp đỡ việc tang. Bọn kia thấy thế, muốn làm cho ra nhẽ, nhưng không dám, đành phải im hơi lặng tiếng vậy. Giả Liễn lại bảo Lâm Chí Hiếu biên hão hai trăm lạng bạc vào các khoản chi tiêu khác lấp liếm cho qua chuyện. Rồi lấy tiền riêng của mình cho Bão Nhị, an ủi nó, và nói: “Sau này ta sẽ hỏi cho mày một con vợ đẹp khác”. Bão Nhị vừa có thể diện, lại vừa được tiền, làm gì mà chẳng bằng lòng, nên vẫn chiều chuộng Giả Liễn như trước.
Ở nhà, Phượng Thư trong bụng vẫn lo, nhưng ngoài mặt lại làm ra bộ không thèm để ý đến. Nhân lúc vắng người, Phượng Thư cười bảo Bình Nhi: 
- Hôm nọ ta uống nhiều rượu, em đừng giận nhé. Đánh vào đâu? Ta xem nào?
Bình Nhi nghe nói, mắt đỏ hoe lên, nhưng vội nhịn ngay:
- Đánh cũng chả đau lắm.
Rồi nghe ở ngoài có người nói:
- Các mợ các cô đến chơi đấy!
------------------------
(1). Ý nói hay ghen tuông.
 


HỒI 45:

Bạn kim lan ngỏ chuyện kim lan
Đêm mưa gió ngâm bài mưa gió

Phượng Thư đang vỗ về Bình Nhi, thấy chị em đến chơi, liền mời ngồi. Bình Nhi đi pha trà. Phượng Thư cười nói:
- Sao hôm nay đến chơi đông, như là có thiếp mời ấy.
Thám Xuân cười nói:
- Chúng tôi đến đây có hai việc: một là việc của tôi; hai là việc của cô Tư, lại kèm theo cả lời của cụ nữa.
- Việc gì mà cần thế?
- Chúng tôi mở thi xã, lần đầu không được đủ, mọi người nể nhau nên sai cả lệ. Chị là người thành thật không thiên vị ai, nên tôi muốn mời chị làm “giám xã ngự sử". Hai là cô Tư đang vẽ bức tranh cái vườn, không đủ đồ dùng, đã trình cụ rồi, người bảo: “Có lẽ dưới lầu còn những thứ ấy. Thử tìm xem, còn thì đem mà dùng, hết thì bảo người đi mua”.
Phượng Thư cười nói:
- Tôi chỉ biết ăn thôi, ngoài ra chẳng hiểu nếp tẻ gì cả.
- Chị không hiểu cũng không cần chị phải làm, chỉ nhờ chị xem xét trong đám chúng tôi có ai lười biếng đáng phạt thì phạt, thế là được rồi.
- Các cô đừng lừa tôi. Tôi đã đoán ra rồi. Đâu có phải mời tôi làm “giám xã ngự sử”? Rõ ràng là bảo tôi làm người lái “buôn đồng” để nộp tiền thôi. Các cô mở thi xã, tất phải thay phiên nhau làm chủ thết rượu. Vì không đủ tiền, nên bày ra cách này lôi tôi vào để lấy tiền đó thôi. Có phải thế không?
Mọi người đều cười nói: “Chị đoán đúng đấy!”
Lý Hoàn cười nói:
- Mày thật là người pha lê mà ruột thủy tinh!
Phượng Thư cười nói:
- Khen cho chị là chị cả! Các cô ấy muốn nhờ chị dìu dắt học hành, học khuôn phép, học may vá. Bây giờ mở thi xã hết bao nhiêu tiền mà chị không dám nhận. Cụ, bà Hai thì không nói làm gì, vì là các vị “phong quân”(1) già. Còn chị mỗi tháng được mười lạng bạc lương, so với chúng tôi nhiều hơn gấp hai lần. Thế mà Cụ và bà Hai cứ thương chị là đàn bà góa, không làm gì, không đủ tiền tiêu, lại có đứa con bé được thêm mỗi tháng mười lạng nữa, như thế thì lương bằng Cụ và bà Hai rồi còn gì. Chị lại được miếng vườn cho thuê, số tiền thưởng cuối năm chị cũng được nhiều hơn. Mẹ con, thầy tớ nhà chị tất cả chưa đầy mười người, ăn mặc các cái vẫn là của trong kho chi ra. Tính ra ít nhất chị cũng có bốn, năm trăm lạng bạc. Bây giờ mỗi năm chị bỏ ra độ một hay hai trăm lạng bạc cho họ vui chơi, kể cũng được mấy năm. Sau này họ lấy chồng rồi, chẳng lẽ chị còn phải bù nữa chăng? Bây giờ chị sợ phải tiêu tiền, xui họ đến quấy rầy tôi, để ăn cho núi lở non mòn, tôi lại chả biết hay sao?
Lý Hoàn cười nói:
- Các cô nghe đấy, tôi nói có một, nó đã điên lên nói ra hàng tràng những câu mất dạy! Thực là hạng lái buôn, chuyên nghề so kè tính toán, bủn xỉn từng ly từng tý! Cái hạng này may là một vị tiểu thư đẻ ra ở nhà thi thư, sĩ hoạn, lại được lấy chồng thế này mà cũng còn quá quắt như thế, nếu là con nhà nghèo hèn, làm hạng con hầu đứa ở, thì không biết đê tiện đến thế nào. Khắp gầm trời ai cũng kêu mày xoay xở quá lắm. Hôm qua lại đánh cả con Bình, sao mày bạo tay thế? Thật là đem rượu ngọt đổ vào bụng chó! Tức quá, tao chỉ muốn báo thù hộ con Bình thôi. Nghĩ mãi, không mấy khi gặp “ngày vui của con chó dài đuôi”, lại sợ cụ khó chịu, vì thế tao không nói ra, nhưng trong bụng vẫn tức. Thế mà hôm nay mày lại giở chuyện trêu tao. Kể ra mày xách giày cho con Bình cũng chưa đáng! Mày và con Bình nên đổi địa vị cho nhau mới phải!
Mọi người nghe nói đều cười ầm lên.
Phượng Thư cười nói:
- Ô! Tôi biết rồi! Thế ra các chị tìm tôi không phải vì thơ vì vè, chỉ để báo thù cho con Bình đấy thôi. Tôi thật không ngờ con Bình đã có một người để tựa lưng như chị. Tôi biết thế này, dù có ma quỷ kéo tay tôi đánh nó, tôi cũng không dám. Chị Bình lại đây, tôi xin lỗi chị trước mặt mợ Cả và các cô của chị, cứ cho tôi là “quá chén mất khôn thôi”!
Mọi người nghe nói đều cười ầm lên.
Lý Hoàn cười hỏi Bình Nhi:
- Thế nào? Tôi phải nói cho chị hả giận mới thôi!
Bình Nhi cười nói:
- Dù các mợ nói đùa, tôi cũng không dám nhận. 
Lý Hoàn nói:
- Sao lại không dám! Đã có tôi đây! Thôi, đi lấy chìa khóa, bảo chủ chị mở cửa lấy các đồ dùng ra.
Phượng Thư cười nói:
- Chị ơi! Chị hãy vào trong vườn với họ đã. Tôi vừa định mang sổ gạo ra tính với họ một lúc, mẹ tôi bên kia lại sai người sang gọi, không biết là bảo việc gì, tôi phải đi sang đó mới được. Lại còn quần áo cuối năm cho các cô, tôi phải sắp sẵn cho người ta may nữa.
Lý Hoàn cười nói:
- Mặc kệ! Thím cứ làm xong việc này cho tôi đi nghỉ, để các cô ấy khỏi quấy rầy tôi.
Phượng Thư vội cười nói:
- Chị ơi! Hãy để cho em rỗi một tý đã, xưa nay chị vẫn thương em, sao bây giờ vì việc Bình Nhi, chị lại không thương em nữa? Chị thường khuyên em: “Tuy nhiều việc, nhưng cũng nên giữ gìn sức khỏe, được rỗi lúc nào cũng nên nghỉ ngơi”. Thế mà hôm nay chị lại bắt ép em quá như thế à. Vả chăng, những quần áo cuối năm của người khác mà chậm thì không can gì, chứ quần áo của các cô mà chậm thì trách cứ ở chị đấy. Chị đã chẳng chịu làm gì, lại không nói giúp lấy một lời, lẽ nào cụ chả trách chị. Tôi thà đành nhận lỗi một mình, chứ không khi nào dám làm lụy đến chị.
Lý Hoàn cười nói:
- Các cô nghe kìa, nó nói thế có được không? Thế mà vẫn cho nó là biết ăn nói đấy, Tôi hãy hỏi: thím có nhận trông nom việc thi xã này không?
Phượng Thư cười nói:
- Sao chị lại nói thế? Nếu tôi không tốn mấy đồng tiền cho thi xã thì chẳng hóa ra tôi là kẻ lật lọng ở vườn Đại Quan này, còn hòng ăn ở đây được nữa không? Sớm mai tôi xin đến nhậm chức. Xuống ngựa nhận ấn, là tôi bỏ ngay ra năm mươi lạng bạc để chị em làm tiền mở tiệc họp thi xã tiêu dần. Sau này tôi không biết làm thơ làm văn, chẳng qua chỉ là một người rất tục thôi. Giám sát hay chẳng giám sát nữa cũng được, đã có tiền, chẳng còn lo chị em đuổi tôi ra nữa!
Mọi người đều cười. Phượng Thư lại nói:
- Lát nữa tôi sẽ mở buồng gác, còn thứ gì cho người mang xuống để chị em xem. Thứ gì dùng được để lại mà dùng, thiếu gì cứ chiếu đơn của chị em cho người đi mua là được rồi. Lụa vẽ tôi sẽ cắt. Tấm bản đồ không để ở bên cụ đâu, anh Trân giữ đấy. Nói cho các người biết khỏi phải tìm tòi lôi thôi. Tôi bảo người đi lấy về và đưa cả lụa cho bọn thợ vẽ hồ nước phèn, có được hay không?
Lý Hoàn gật đầu cười nói:
- Thế thì cảm ơn thím. Được như thế là xong việc. Thôi chúng ta về đi, nếu thím ấy không sai người mang đến, tôi lại phải đến quấy rầy lần nữa.
Nói xong, dẫn các chị em về.
Phượng Thư nói:
- Việc này chẳng phải tại ai, đều tự chú Bảo bới việc ra cả.
Lý Hoàn nghe nói, quay lại cười nói:
- Chính vì chú Bảo mới đến đây, thế mà lại lãng quên đi! Cuộc họp thơ đầu tiên, chú ấy đã làm lỡ việc. Chúng tôi nể quá, nay thím bảo nên phạt như thế nào?
Phượng Thư nghĩ một lúc rồi nói: 
- Chẳng có cách nào khác, chỉ bắt chú ấy quét một lượt các nhà cửa của chị em là đủ.
Mọi người đều cười nói: “Phạt thế phải lắm".
Mọi người định ra về, thấy một a hoàn nhỏ dắt bà Lại đến. Phượng Thư vội đứng dậy cười nói: “Mời bà ngồi chơi”. Rồi họ đều ngỏ lời mừng bà ấy. Bà Lại ngồi xuống cạnh giường, cười nói:
- Tôi mừng, các vị chủ nhà cũng mừng. Nếu không nhờ được ơn chủ, thì tôi làm gì có việc mừng này? Hôm nọ mợ lại sai anh Thái mang đến cho đồ mừng. Cháu tôi đã bái vọng tạ ơn rồi.
Lý Hoàn cười nói:
- Bao giờ anh ấy đi nhậm chức?
- Bao giừ nó đi thì đi, chứ tôi cô biết đâu? Hôm nọ nó đến lạy tôi, tôi cũng chăng biết nói gì hơn, chỉ dặn nó: “Cháu đừng tưởng được làm quan là tha hồ ngang tàng bậy bạ! Nay mày đã ba mươi tuổi, tuy là con nhà tôi tớ, nhưng vừa mới lọt lòng mẹ đã được ơn chủ buông tha ra, trên nhờ hồng phúc của chủ, dưới nhờ có bố mẹ, cũng như các cậu, mày được đọc sách biết chữ, có bà già, a hoàn, có vú nuôi nâng niu như chim phượng hoàng. Giờ nhớn như thế, liệu mày đã biết viết hai chữ “nô tài”(2) thế nào chưa? Hay chỉ biết hưởng phúc mà không hiểu ông mày, bố mày đã chịu bao nhiêu khổ nhục, hai ba đời người vất vả mới nặn ra được mày như thế này! Từ lúc bé, mày bị bao nhiêu là tai nạn, tốn kém bao nhiêu là tiền bạc, giá đúc lại cũng bằng người mày rồi ấy. Đến năm mày ngoài hai mươi tuổi, lại nhờ ơn chủ, quyên cho một chức. Mày có biết chính trong họ nhà chủ cũng còn bao nhiêu người nhịn đói nhịn khát đấy không? Mày là con nhà tôi tớ, giờ hồn đấy, khéo không lại hết phúc! Mười năm trời sung sướng không biết mày giở trò ma quỷ thế nào, van xin chủ, lại được ra làm quan. Chức quan huyện tuy nhỏ, nhưng trách cứ rất lớn. Làm quan ở vùng nào tức là cha mẹ dân vùng ấy. Nếu mày không biết làm tròn phận sự, hết lòng giúp nước thờ chủ, thì trời cũng không dung cho mày đâu!”
Lý Hoàn, Phượng Thư đều cười nói:
- Bà hay lo xa, chúng tôi xem anh ấy cũng tốt đấy chứ. Trước kia anh ấy còn đến đây vài lần, nhưng mấy năm nay không thấy anh ấy đến. Lễ sinh nhật cuối năm ngoái, chỉ thấy tên của anh ấy thôi. Hôm nọ anh ấy đến chào cụ và bà Hai khi ở bên nhà cụ, chúng tôi thấy anh ấy mặc quân phục mới, trông càng oai vệ và béo hơn trước nhiều. Giờ anh ấy được làm quan, bà nên vui mới phải, tội gì mà buồn? Nếu anh ấy không tốt, đã có cha mẹ anh ấy, bà cứ yên hưởng phúc nhà là đủ rồi. Khi nào rỗi, bà đi kiệu sang đánh bài với cụ chúng tôi, nói chuyện cho vui, ai nỡ khinh rẻ bà? Ở nhà lại có cửa cao lầu rộng, ai chả kính nể? Bà thật cũng như một vị phong quân già vậy.
Bình Nhi pha nước mang đến, bà Lại vội đứng dậy nói:
- Xin cô đừng làm phiền, cứ bảo đứa hầu nhỏ nào pha cũng được.
Bà ta ta uống nước vừa nói:
- Mợ không biết, đám trẻ con này cần phải dạy bảo nghiêm ngặt. Nghiêm như thế mà chúng còn lén lút làm bậy, để người nhớn phải bận lòng. Người biết ra bảo tính trẻ con bướng bỉnh; người không biết lại bảo là chúng nó cậy của, cậy thế khinh người, làm cho chủ nhà cũng mang tiếng. Nhiều khi tức quá, tôi không làm thế nào được, phải gọi bố chúng đến, mắng cho một trận mới yên.
Bà ta lại chỉ Bảo Ngọc nói:
- Cậu giận tôi cũng cứ nói, bây giờ hễ ông nhà có răn bảo cậu một chút, cụ đã chằm chặp bênh. Chứ khi ông nhà còn bé, bị cụ ông đánh luôn, ai mà không biết? Ông nhà hồi còn bé có ngỗ ngược như cậu thế này đâu! Lại còn ông bác ở bên kia hay nghịch ngợm thực, nhưng không ru rú ở trong nhà như cậu, thế mà ngày nào cũng bị đòn. Lại còn ông thân của cậu Trân ở bên phủ Đông, tính nóng như lửa, hễ nổi cơn giận chẳng kể gì con, đánh như tra giặc vậy! Bấy giờ tôi mắt thấy tai nghe, thì bác Trân dạy con cũng theo khuôn phép của cụ trước, nhưng chỉ có cái là gặp đâu nói đấy. Chính bản thân bác ấy cũng không kiềm chế được mình, trách sao được con cháu nó không sợ? Cậu hiểu ra sẽ cho tôi nói là phải, không hiểu thì ngoài mặt không nói, nhưng trong bụng có lẽ cậu chửi thầm tôi đấy!
Chợt thấy vợ Lại Đại đến, rồi vợ Chu Thụy và vợ Trương Tài cũng đến trình việc. Phượng Thư cười nói:
- Nàng dâu đến đón mẹ chồng đấy.
Vợ Lại Đại cười nói:
- Không phải tôi đến đón mẹ tôi về đâu, đến dò xem các mợ các cô có nghĩ đến thể diện cho không?
Bà Lại nghe thấy thế cười nói:
- Tôi lẩn thẩn thật! Cái việc đáng nói lại không nói, chỉ nói những chuyện dây mơ rễ má đâu đâu ấy thôi. Vì cháu nó được bổ làm quan, bạn hữu đều định đến mừng, thế nào cũng phải bày tiệc rượu. Tôi nghĩ đã bày tiệc rượn, mời người nọ không mời người kia thì không tiện. Sau lại nghĩ, nhờ ơn chủ mới được vẻ vang thế này, dù sạt nghiệp tôi cũng vui lòng, vì thế tôi bảo bố nó phải bày tiệc rượu ba ngày liền. Hôm đầu bày mấy bàn rượu và một rạp hát ở vườn hoa, mời cụ, các bà, các mợ, các cô đến giải buồn một hôm; nhà khách bên ngoài cũng bày một rạp hát, mấy bàn rượu mời các ông, các cậu đến cho được thơm lây. Hôm thứ hai mời các bạn thân. Hôm thứ ba mời bè bạn hai phủ. Vui nhộn luôn ba ngày, gọi là nhờ hồng phúc của chủ, được chút thể diện. 
Phượng Thư, Lý Hoàn đều cười nói:
- Định hôm nào đấy? Thế nào chúng tôi cũng sang. Chưa biết chừng cụ cao hứng cũng sang đấy.
Vợ Lại Đại vội nói:
- Chọn vào ngày mười bốn, xin các mợ nể lời bà tôi.
Phượng Thư cười nói:
- Ai không biết, chứ tôi thì nhất định đi. Nhưng phải nói trước, tôi không có lễ mừng, mà cũng không thưởng tiền gì cả. Chỉ ăn xong rồi về thôi, đừng cười nhé.
Vợ Lại Đại cười nói:
- Sao mợ lại nói thế? Khi mợ vui dù thưởng cho chúng cháu vài ba vạn bạc cũng có.
Bà Lại cười nói:
- Tôi vừa đến mời cụ, người đã nhận lời đi, thế mới biết tôi nói còn đắt nhời.
Nói xong, lại dặn một lượt nữa, rồi đứng dậy muốn về. Chợt trông thấy vợ Chu Thụy, lại nhớ ra một việc, bà Lại nói:
- Tôi còn có một điều muốn hỏi mợ: thằng bé con chị Chu phạm lỗi gì mà đuổi nó ra không dùng nữa?
Phượng Thư cười nói:
- Tôi đang định nói với nàng dâu của bà đấy. Nhưng lắm việc cũng quên đi mất. Chị Lại về bảo cho chồng chị biết, trong hai phủ không ai được chứa thằng con Chu Thụy nữa, bảo nó đi đâu thì đi.
Vợ Lại Đại đành phải nhận lời. Vợ Chu Thụy liền quỳ xuống van xin. Bà Lại vội nói:
- Việc gì thế? Nói ra để tôi bàn hộ.
Phượng Thư nói:
- Hôm nọ ngày sinh nhật tôi, trong nhà chưa ai uống rượu, con nó đã say khướt rồi. Bên nhà mẹ tôi đưa lễ sang, nó không ở ngoài trông nom, cũng không chịu mang lễ vật vào, lại ngồi mắng người ta. Hai người con gái mang đến, nó mới dẫn bọn trẻ con bưng vào. Bọn trẻ con bưng tử tế, còn nó thì đánh rơi một cái hộp bánh hấp đổ tung ra nhà. Người ta về rồi, tôi sai Thái Minh ra gọi, nó lại mắng Thái Minh một trận. Cái hạng ranh con láo lếu coi trời bằng vung ấy, không đuổi đi để làm gì?
Bà Lại nói:
- Tôi tưởng là việc gì, hóa ra việc ấy. Xin mợ hãy nghe lời tôi: nếu nó có lỗi, đánh mắng một trận để cho nó chừa đi thì phải hơn; chứ đuổi nó đi thì quyết không nên. Nó không phải như con đẻ của tôi tớ nhà ta, mà là người hầu của bà Hai đem sang. Nếu mợ đuổi nó đi, đối với bà Hai cũng khó coi. Theo ý tôi, mợ nên đánh nó mấy roi để bận sau nó chừa đi, rồi cứ cho nó ở lại. Dù không nể mẹ nó, cũng nên nể bà Hai chứ.
Phượng Thư nghe nói, liền bảo vợ Lại Đại:
- Đã thế, ngày mai bắt nó lại đây đánh bốn mươi trượng, từ nay cấm không cho uống rượu nữa.
Vợ Lại Đại vâng lời. Vợ Chu Thụy lạy tạ đứng dậy, muốn lạy tạ cả bà Lại, nhưng vợ Lại Đại kéo lên mới thôi. Sau đó ba người cùng đi ra. Bọn Lý Hoàn cũng về trong vườn.
Đến chiều, Phượng Thư sai người mang những đỗ vẽ vào trong vườn. Bọn Bảo Thoa chọn một lúc, chỉ dùng được một nửa. Còn thiếu một nửa, liền biên vào đơn đưa cho Phượng Thư theo thế mà mua.
Một hôm, thợ vẽ bên ngoài đã hồ lụa xong, kẻ thành mẫu mang vào. Bảo Ngọc hàng ngày đến giúp Tích Xuân. Bọn Thám Xuân, Lý Hoàn, Nghênh Xuân, Bảo Thoa cũng đến chơi, vừa xem vẽ vừa họp nhau nói chuyện.
Bảo Thoa thấy trời mát, đêm lại hơi dài, liền đến bàn với mẹ mang ít đồ thêu thùa sang. Ban ngày, hai lần sang thăm Giả mẫu và Vương phu nhân, có khi lại phải ngồi tiếp chuyện cho vui. Khi rỗi lại sang bên vườn nói chuyện phiếm với chị em, vì thế bận suốt ngày, đêm lại phải thắp đèn thêu thùa đến canh ba mới ngủ.
Đại Ngọc hàng năm cứ đến kỳ xuân phân, thu phân, là bệnh ho lại phát. Mùa thu năm nay, vì Giả mẫu cao hứng quá, phải dự tiệc vui hai lần, đâm ra mệt. Gần đây bệnh ho trở lại và nặng hơn trước, vì thế không ra ngoài được, chỉ tĩnh dưỡng ở trong buồng thôi. Lúc nào buồn thì mong chị em đến nói chuyện cho khuây khỏa; đến khi bọn Bảo Thoa tới thăm, nói được dăm ba câu lại uể oải không muốn tiếp. Mọi người đều biết Đại Ngọc đương ốm, vả lại ngày thường thân thể gầy yếu, hễ buồn phiền một tí là không chịu được, vì thế dù cô ta tiếp đãi không được chu tất cũng chẳng ai trách.
Hôm ấy, Bảo Thoa đến thăm Đại Ngọc, nhân nhắc đến bệnh, Bảo Thoa nói:
- Ở đây đã mời mấy thầy thuốc, nhưng có uống cũng không thấy khỏi, chi bằng mời một danh sư khác đến chữa thì hơn. Năm nào cứ đến mùa xuân, mùa hạ lại ốm, bé đã qua già chưa đến, cứ mãi thế này thì còn ra làm sao?
- Không ăn thua gì đâu. Tôi biết bệnh tôi không thể chữa được. Không cứ lúc có bệnh, ngay lúc khỏe trông thân hình tôi cũng đủ biết.
- Chính là như thế. Cổ nhân có câu “Có ăn được cơm mới sống”, nhưng ngày thường cô vẫn ăn cơm mà không bồi bổ được tinh thần khí huyết, tất không phải là việc tốt đâu.
Đại Ngọc thở dài nói:
- “Sống chết có số, phú quý ở trời”, người ta muốn cũng không được! Bệnh tôi năm nay xem ra có phần nặng hơn năm ngoái.
Trong khi nói chuyện, Đại Ngọc ho đến ba, bốn lần.
Bảo Thoa nói:
- Hôm nọ tôi xem đơn thuốc của cô, thấy nhiều nhân sâm, nhục quế lắm. Tuy bảo là ích khí bổ thần, nhưng không nên dùng vị nóng quá. Cứ ý tôi, trước hết phải bình can dưỡng vị. Can hỏa mà bình thì không khắc tỳ thổ, vị khí tự khắc không có bệnh, ăn uống vào mới có thể bổ dưỡng được. Cứ mỗi sáng lấy một lạng yến sào thượng hạng hòa với năm đồng cân đường miếng, lấy cái ấm bạc đun thành cháo, nếu ăn quen còn hay hơn thuốc, nó rất tư âm bổ khí.
Đại Ngọc thở dài:
- Chị ngày thường đối với mọi người rất tốt, nhưng tôi là người đa nghi, cứ cho chị là ác ngàm. Từ hôm nọ, chị bảo tôi không nên xem sách nhảm, giờ lại khuyên tôi câu này, tôi rất là cảm động. Trước đây tôi nhầm, nhầm mãi đến bây giờ. Ngẫm nghĩ từ khi mẹ tôi chết, tôi không có anh chị em, năm nay đã mười lăm tuổi, không có một người nào dạy bảo tôi như lời chị nói hôm trước. Không trách được, cô Vân bảo chị là người tốt. Trước đây thấy cô ấy khen chị, tôi vẫn khó chịu; hôm nọ chính tôi gặp mới biết rõ. Ví như chị nói câu nào, tôi hay chấp nhặt, chị cũng không để ý, lại còn lấy những lời khuyên tôi. Thế mới biết là tự tôi nhầm. Nếu hôm nọ tôi không nhận ra, có lẽ hôm nay tôi cũng không nói với chị những câu này đâu. Vừa rồi, chị bảo tôi ăn cháo yến sào, tuy yến sào cũng dễ kiếm đấy, nhưng chỉ vì người yếu năm nào cũng mắc bệnh. Kể ra bệnh không lấy gì làm quan hệ, nhưng cũng phải mời thầy bốc thuốc, uống nhân sâm, nhục quế đủ làm nghiêng trời lệch đất rồi. Bây giờ lại giở cái món cháo yến sào mới lạ ra, bà tôi, dì tôi và chị Phượng thì chẳng nói gì đâu, nhưng đám bà già và a hoàn chắc sẽ cho tôi bới chuyện. Chị xem bọn họ thấy bà tôi thương Bảo Ngọc và Chị Phượng hơn, họ còn nhìn chòng chọc, bày chuyện nói vụng, huống chi là tôi? Vả chăng tôi không phải là chủ nhà, chỉ vì không có chỗ nương tựa, nên mới đến đây, họ đã khó chịu với tôi lắm rồi. Bây giờ tôi lại không biết điều, để cho người ta phải nguyền rủa mình nữa hay sao?
- Cô đừng nói thế, tôi cũng như cô.
- Chị sao lại ví với tôi? Chị còn có mẹ, có anh; ở nhà, chị có nhà có ruộng, đến đây lại có đất, có cửa hàng. Chị chẳng qua vì chỗ bà con nên mới đến đây, việc lớn nhỏ không phải nhờ ai một đồng nào, lúc nào muốn đi thì đi. Tôi không có một tí gì, ăn mặc tiêu pha lại đều được đối đãi như các cô ở nhà này. Như thế bọn tiểu nhân lẽ nào họ không chán ghét mình?
Bảo Thoa cười nói:
- Sau này chỉ tốn thêm một bộ đồ cưới thôi, bây giờ hãy chưa cần nghĩ đến.
Đại Ngọc đỏ mặt lên, cười nói:
- Tưởng chị đứng đắn, nên người ta mới kể những nỗi buồn phiền ra cho nghe, thế mà chị lại đem tôi ra làm trò cười!
- Tuy tôi nói đùa, nhưng là chuyện thực. Cô cứ yên tâm, tôi còn ở đây ngày nào, sẽ làm cho cô được khuây khỏa ngày ấy. Cô có điều gì bực tức khó khăn, cứ nói cho tôi biết, có thể đỡ đần được, thế nào tôi cũng đỡ đần cho cô. Tôi tuy có anh, chắc cô cũng đã biết anh tôi như thế nào rồi, tôi chỉ hơn cô ở chỗ còn mẹ thôi. Chúng ta là người cùng bệnh nên thương lẫn nhau. Cô là người hiểu đời, tội gì lại than thở như Tư Mã Ngưu(3) ngày trước? Câu vừa rồi cô nói phải đấy, “thêm một việc chẳng bằng bớt một việc”. Có lẽ nhà tôi còn yến sào, tôi sẽ về nói với mẹ tôi đưa đến cho cô mấy lạng, mỗi ngày bảo bọn a hoàn nấu lên, vừa tiện vừa không bận đến ai.
- Vật tuy nhỏ, nhưng chị có lòng tốt như thế, thật là đáng quý.
- Cái đó có gì đáng nói? Chỉ sợ không được vừa lòng mọi người thôi. Bây giờ sợ cô mệt, tôi về đây.
- Tối chị lại đến chơi nói chuyện với tôi.
Bảo Thoa nhận lời rồi về.
Đại Ngọc húp mấy ngụm cháo rồi nằm ngả ở trên giường. Không ngờ về chiều giở trời, mưa xuống tầm tã, mây kéo đùn đùn, khi mưa khi tạnh. Lúc ấy đã về chiều, trời tối sầm xuống, nước mưa nhỏ róc rách vào những cành trúc, càng thêm buồn tẻ. Biết Bảo Thoa không thể đến được, Đại Ngọc ngồi bên đến cầm quyển sách xem, quyển Nhạc phủ tạp cảo(4), trong đó có hai bài từ “thu khuê oán” và “biệt ly oán". Đại Ngọc trong lòng cảm xúc, làm ngay một bài Đại biệt ly theo điệu "Xuân giang hoa nguyệt dạ"(5) đặt tên từ là "Thu song phong vũ tịch”(6) như sau:
Sang thu hoa cỏ úa vàng,
Đèn thu trằn trọc đêm trường đầy thu.
Song thu thu vẫn trơ trơ.
Lạnh lùng giờ lại gió mua thêm càng.
Đòi cơn mưa gió phũ phàng,
Sang thu tan giấc mơ màng từ đây.
Bận lòng nào nỡ ngủ say,
Bình kia bước tới, sáp này khêu cao,
Tờ mờ ngọn sáp dọi vào,
Này buồn, này giận nao nao khôn cầm.
Nhà nào gió chẳng tới thăm?
Nơi nào mưa chẳng rì rầm bên song?
Gió thu lạnh toát chăn hồng,
Mưa thu như giục tiếng đồng hồ reo.
Đêm đêm rả rích rì rào,
Trước đèn như muốn nghẹn ngào cùng ai.
Buồn tênh khói lạnh phía ngoài, 
Trúc thưa cửa vắng bên tai lầm rầm.
Lúc nào gió tắt mưa cầm,
Thì đây lệ đã ướt đầm song the.
Ngâm xong, Đại Ngọc gác bút lên định đi ngủ, có a hoàn vào báo: “Cậu Bảo đã đến”. Nói chưa dứt lời, đã thấy Bảo Ngọc đội nón lá, khoác áo tơi đến, Đại Ngọc phì cười nói:
- Chàng đánh cá này ở đâu đến đây?
Bảo Ngọc liền hỏi:
- Hôm nay có đỡ chưa? Uống thuốc gì? Ăn được bao nhiêu cơm?
Vừa nói vừa bỏ nón xuống, cởi áo tơi ra, một tay cầm đèn, một tay che ánh đèn, soi vào mặt Đại Ngọc, nhìn một lúc rồi cười nói:
- Hôm nay thần sắc khá rồi đấy. 
Khi Bảo Ngọc cởi áo tơi ra, Đại Ngọc thấy trong người cậu ta chỉ mặc một áo lụa đỏ ngắn hơi rung rúc, lưng buộc khăn xanh, mặc quần áo lụa xanh cải hoa, chân đi bí tất sợi dệt lẫn chỉ kim tuyến, đôi giày bươm bướm vờn hoa, Đại Ngọc hỏi:
- Trên đầu anh sợ mưa, sao dưới chân lại đi giày và bít tất này vẫn khô thế?
- Nguyên là anh mặc cái bộ như thế này. Vừa đi cả đôi guốc gỗ đường, lên đến thềm thì bỏ ra.
Đại Ngọc lại thấy áo tơi và nón rất tinh xảo nhẹ nhàng, không phải là đồ bán ở chợ, liền hỏi:
- Đan bằng cỏ gì thế? Thảo nào mặc những đồ này không lù xù như là lông dím.
- Ba thứ này là của Bắc Tĩnh vương cho. Khi trời mưa, Đức vương ở nhà thường dùng những thứ này, nếu em thích, anh sẽ kiếm một bộ đưa cho. Thứ khác không nói, chỉ có chiếc nón này là thích nhất: cái chóp ở trên có thể mở ra đóng vào được, gặp khi có tuyết đội mũ vào rút cái que cài ra, bỏ chóp trên đi, chỉ còn lại một cái vành thôi. Lúc có tuyết thì con trai con gái đều đội được cả. Anh đưa cho em một cái để mùa đông có tuyết sẽ đội.
Đại Ngọc cười nói:
- Em không cần, nếu đội cái này thành ra một bà đánh cá vẽ ở trong tranh hay là diễn ở trên sân khấu mất.
Nói đến câu này, Đại Ngọc mới nhớ ngay ra câu mình vừa nói ăn khớp với câu nói đùa Bảo Ngọc lúc nãy nên cứ hối mãi, rồi đỏ ửng mặt lên, gục xuống án ho.
Bảo Ngọc không để ý, thấy trên án có bài thơ, liền lấy ra xem, khen hay mãi. Đại Ngọc vội giật lấy đốt đi. Bảo Ngọc cười nói:
- Đốt cũng không can chi, anh đã thuộc hết rồi.
- Em khỏi nhiều rồi, cảm ơn anh hàng ngày lại thăm em mấy lần, mưa cũng lại. Bây giờ đêm khuya rồi, em muốn đi nghỉ, anh hãy về đi, mai lại đến.
Bảo Ngọc nghe nói, móc ra một cái đồng hồ vàng to bằng hạt đào để xem, thấy kim đã chỉ vào chỗ cuối giờ tuất đầu giờ hợi, vội vàng cất đi và nói:
- Đáng lẽ em đi nghỉ rồi, anh lại đến quấy rầy em một lúc.
Nói xong, đội nón khoác áo đi ra, bỗng quay lại hỏi:
- Em muốn ăn cái gì cứ nói, sáng mai anh sẽ trình với cụ. Anh nói lại không rõ ràng hơn bọn bà già à?
- Để đến đêm em nghĩ xem đã, sáng mai sẽ nói. Anh xem, lại mưa to rồi, về đi thôi. Có ai đi theo hầu đấy không?
Hai bà già trả lời:
- Thưa cô, đã có người ở ngoài này cầm dù và thắp đèn lồng rồi.
Đại Ngọc cười nói: 
- Giời này mà thắp đèn lồng à?
Bảo Ngọc nói:
- Không việc gì, đèn kiểu sừng dê đấy, không sợ mưa.
Đại Ngọc nghe nói, lấy cái đèn pha lê hình quả cầu ở trên tủ sách xuống, sai thắp một cây nếp nhỏ, đưa cho Bảo Ngọc, nói:
- Đèn này sáng hơn đèn kia, dùng để đi mưa đấy.
- Anh cũng có một cái đèn kiểu này, nhưng sợ họ trượt chân ngã thì vỡ mất, nên không mang đi.
- Vỡ đèn hơn hay người ngã đáng kể hơn? Anh lại không quen đi guốc gỗ. Cái đến lồng kia để họ thắp mang đi trước, còn cái đèn này vừa nhẹ vừa sáng, chỉ để cho một người dùng khi đi mưa thôi. Anh cầm lấy cái đèn này thì hơn, ngày mai sẽ mang sang giả em. Nếu nhỡ tay đánh vỡ cũng chẳng là bao, việc gì mà lại giở cái lối "mổ bụng giấu ngọc"(7) ấy?
Bảo Ngọc nghe nói, cầm lấy đèn. Đằng trước, hai bà già che dù và cầm đèn sừng dê; đằng sau lại có hai a hoàn nhỏ che dù. Bảo Ngọc đưa cái đèn cho một a hoàn cầm, rồi vịn vào vai nó đi về.
Có hai bà già ở Hành Vu Uyển, cũng che dù, xách đến đến đưa cho Đại Ngọc một gói yến sào lớn, một gói đường mai hoa trắng và nói:
- Những thứ này tốt hơn của đi mua. Cô chúng tôi bảo: “Cô cứ ăn đi, hết lại đưa sang”.
Đại Ngọc nói: “Làm phiền cô nhà quá". Rồi mời họ ra ngoài uống nước. Bà già cười nói:
- Chúng tôi không uống, còn phải đi có việc.
Đại Ngọc cười nói:
- Tôi cũng biết các bà bận. Hôm nay mát trời, đêm lại dài, càng nên chơi mấy ván bài.
Một bà già cười nói:
- Chẳng giấu gì, năm nay cũng có phần khá; vả chăng đêm nào cũng phải có mấy người canh, nếu để lỡ giờ không được, chi bằng họp nhau đánh bạc để vừa ngồi cầm canh vừa giải buồn. Đêm nay đến phiên tôi, hễ đóng cửa vườn là chúng tôi lại sắp đánh đấy.
Đại Ngọc cười nói:
- Phiền các bà phải đi giữa mưa vất vả, lại làm cho các bà lỡ dịp phát tài.
Rồi sai người đưa cho họ mấy trăm đồng tiền, đem mua rượu uống để chống lạnh. Hai bà già cười nói:
- Lại quấy quả cô phải thưởng rượu.
Nói xong, họ chào rồi ra ngoài nhận tiền, che dù ra về.
Tử Quyên cất yến sào rồi tắt đèn, buông rèm, hầu hạ Đại Ngọc đi ngủ. Đại Ngọc nằm nghĩ cảm ơn Bảo Thoa, lại mừng cho chị ta còn có mẹ có anh, một lúc lại nghĩ Bảo Ngọc thường ngày thân mật với chị ta, vẫn có chỗ đáng ngờ vực. Bỗng nghe giọt mưa róc rách trên tàu chuối và cành trúc, gió lạnh thổi qua màn, tự nhiên nước mắt Đại Ngọc lại tràn ra, đến canh tư mới ngủ được.
---------------------
(1). Thời phong kiến, những người được phong chức tước hoặc con làm quan to mà cha mẹ được phong, đều gọi là phong quân hoặc phong ông.
(2). Những người làm tôi tớ cho bọn quý tộc địa chủ trong thời phong kiến.
(3). Tư Mã Ngưu: học trò Khổng Tử, không có anh em nào.
(4). Các bài thơ trong Nhạc phủ.
(5). Đêm giăng hoa ở sông mùa xuân.
(6). Buổi chiều mưa gió trước cửa sổ mùa thu.
(7). Trọng của hơn người.
 

Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved