Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

25 thg 5, 2014

Chuyện ly kì về những kho báu ở Việt Nam

1.Kho báu núi Bạc ở Hà Giang

Thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang, Hà Giang) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi non. Nhiều người dân bản địa nói họ có gốc gác là những người di cư theo cuộc khởi nghĩa của tướng Giàng Phụng gần 150 năm trước.

Câu chuyện về 12 thùng vàng lớn và hàng chục hầm chôn giấu đồ gia dụng của binh lính vẫn còn trong trí nhớ của bao người già trong vùng. Cho đến bây giờ, các thế hệ vẫn tin rằng kho báu của nghĩa quân vẫn còn ẩn giấu đâu đó trong khu vực hẻo lánh này. 
Sau thời gian đào bới và thất bại thê thảm của hai anh em Hứa Văn Dự, nhiều người đã lấy đó làm bài học xương máu cho niềm đam mê tìm kiếm những của cải tiền nhân. Cuộc sống ở vùng quê yên bình này đã trở lại như cũ. Ước mơ đổi đời nhờ những gì cha ông để lại không còn là đề tài nóng hổi như trước nữa. Thỉnh thoảng, nó mới lại được đề cập đến trong những cuộc họp của các bô lão trong làng.

2.Kho báu khổng lồ của vua Mèo Bắc Hà

Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã phong cho Thổ ty Hoàng Yến Chao chức quan Châu của Bắc Hà (Lào Cai), thông qua đó gián tiếp cai trị cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực hẻo lánh này.
Được thực dân Pháp hậu thuẫn, Hoàng Yến Chao và con trai là Hoàng A Tưởng đã bóc lột đồng bào không thương tiếc, chiếm đoạt cho mình không biết bao nhiêu tài sản của nhân dân. Ước tính, một mình Hoàng Yến Chao đã chiếm giữ 1/2 số đất đai cả vùng miền núi Bắc Hà. Để thể hiện sự giàu có và uy quyền của mình, cha con Hoàng Yến Chao cũng đã cho xây dựng một dinh thự uy nghi và bề thế giữa lòng cao nguyên.
Sự giàu có tột bậc của Hoàng Yến Chao đã để lại nhiều lời xầm xì bàn tán về kho vàng bạc, châu báu chất đầy trong một căn hầm của ông nằm sâu dưới lòng đất.

LÂU ĐÀI CỦA VUA MÈO

Chuỗi ngày sống trên xương máu người của Hoàng Yến Chao chỉ kết thúc khi tỉnh Lào Cai được giải phóng vào năm 1950. Chạy theo thực dân Pháp, toàn bộ gia quyến Hoàng Yến Chao đã tháo chạy vào Đà Lạt, bỏ lại dinh thự nguy nga cùng vô vàn đất đai, tài sản tại Bắc Hà.
Các bậc cao niên tại đây kể lại, trước khi đi, Hoàng Yến Chao còn ép mỗi người con mang theo một gùi vàng, bạc. Nhưng mãi đến tận sau này, người ta vẫn thắc mắc, không hiểu với cả kho của cải cướp được qua nhiều năm, Hoàng Yến Chao đã giấu đi đâu. Bởi những người con của Hoàng Yến Chao, với mỗi người một gùi vàng bạc cũng chỉ tẩu tán được một phần rất nhỏ.
Cho đến ngày nay, vẫn có lời đồn đại rằng đâu đó trong lòng đất phía dưới dinh thự của nhà họ Hoàng còn một kho của cải khổng lồ. Nhiều người đã thử vận may bằng cách đào bới những khu vực quanh đó, nhưng kết quả cho đến giờ vẫn chỉ là con số không…

3. Kho báu 3 tạ vàng ở Bắc Giang

Kho báu Hoàng Hoa Thám với hàng tạ vàng, nhiều viên ngọc trị giá hàng tỷ đồng vẫn được chôn giấu ở đâu đó… là điều mà người dân Tân Trung, Yên Dũng, Bắc Giang vẫn đồn thổi, truyền miệng bấy lâu nay.
Mảnh đất Yên Thế, Bắc Giang xưa vốn được coi là chốn "dọc ngang" của anh hùng thời loạn Hoàng Hoa Thám, vị tướng chuyên đoạt lấy của cải từ cường hào ác bá, những kẻ tham nhũng quốc khố để chia cho dân nghèo. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây lại đinh ninh rằng, có một phần kho báu không nhỏ trong số này đã được nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chôn giấu đâu đó trên đất Yên Thế.
Thậm chí, thông tin về kho báu không chỉ là những câu chuyện tiếu bên mâm rượu mà nó còn được coi là “gia phả truyền miệng” của một dòng họ Dương thuộc xã Tân Trung, Yên Dũng, Bắc Giang hiện nay.Dựa vào những lời đồn đại truyền miệng như thế, hàng trăm người đã đổ xô về làng thị để truy tìm kho báu. Họ đinh ninh ở đây ắt chứa nhiều của cải lắm, có người còn cho rằng dễ đến hàng tạ vàng được cất giấu. Thậm chí, theo ông Dương Minh Châu, cũng là con cháu dòng họ nhà cụ Dương Phùng Xuân, bố ông trước lúc chết còn trăng trối lại dặn ông nhất quyết tìm cho được kho báu.

4.Kho báu dưới giếng thiêng bị yểm bùa ở Bắc Giang

Lâu nay, người dân xã Vô Tranh (huyện Lục Nam, Bắc Giang) vẫn đồn đại với nhau về một kho báu bí mật được chôn gần cái giếng Chợ ở thôn Tranh. Theo các bậc lão làng kể lại, trước đây người Tàu đã chôn rất nhiều vàng bạc của cải kèm theo một trinh nữ để yểm không cho người ngoài xâm nhập.

GIẾNG CHỢ Ở THÔN TRANH

Xung quanh kho báu này đã xuất hiện nhiều câu chuyện nhuốm màu sắc hoang đường như những đàn lợn vàng, chó vàng chạy ra từ hướng cái giếng rồi mất tích một cách bí ẩn…
Trong một lần nạo vét giếng, người dân đã phát hiện dưới sâu lớp bùn trong lòng giếng có một con chó đá ở cổ có đeo vòng Tràng Hạt và một cái chuông. Điều này khiến người dân nơi đây càng tin vào những câu chuyện lạ lùng quanh chiếc giếng.
Cách đây hơn chục năm có vài người trên huyện Lục Ngạn xuống đo đạc và tìm kiếm kho báu. Họ lắp máy bơm với ý định bơm cạn cái giếng nhưng bơm mãi nước trong giếng cũng chỉ cạn có chừng mực mà không cạn hết được. Trong đoàn có người xuống lòng giếng và thọc tay sâu xuống lớp bùn lấy lên một nắm cát, sau khi quan sát kĩ họ công nhận có vàng sa khoáng.
Công việc đang được tiến hành suôn sẻ thì bỗng dưng có mấy người tự xưng là dân làng bên sang tranh và giở luật giang hồ, cuộc xô xát xảy ra và những người ở Lục Ngạn bỏ lại đồ đạc máy móc chạy thoát thân.
Sau khi chiếm được giếng, những người chủ mới tiến hành tìm kiếm nhưng tìm mãi cũng không thấy kho báu ở đâu. Một biểu hiện khá lạ là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh đang làm, tự dưng bị ốm mệt mỏi, uống thuốc cũng không khỏi nhưng khi làm lễ cúng lại đứng dậy đi làm bình thường.
Rốt cục, sau khoảng nửa tháng tìm kiếm, dù đã sử dụng cả các loại máy móc hiện đại, họ không tìm được gì mà còn phải tiêu tốn khoản chi phí khá cao cho thuê người, thuê máy.
Theo cán bộ xã Vô Tranh, có rất nhiều người dùng máy dò đến tìm kho báu nhưng chỉ tìm được những đồng tiền cổ, còn vàng thì chưa ai tìm thấy cả.
Theo lời người làng, những người đụng chạm đến cái giếng với ý đồ tìm kho báu đều có chung một kết cục về sau này là làm ăn thất bát, con cái đau ốm, gia đình lục đục dẫn đến ly hôn.

5.Kho báu của giặc khăn vàng ở Lạng Sơn

Theo khẳng định của người dân làng Khỏn Sình, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn thì miếu Thổ Công của làng là nơi chôn giấu một kho báu rất lớn. Vì thế mà từ hàng trăm năm nay, dân làng Khỏn Sình canh giữ miếu rất nghiêm ngặt không cho ai xâm phạm.
Theo các lời kể, có nhiều lần dân làng nhặt được tượng đồng đen gần miếu. Nhưng mọi người đều đem vứt xuống sông vì nơi đây có quan niệm rằng đồng đen là thứ mang đến rủi ro, có thể ám cả nhà ốm đau, bệnh tật mà chết...
Vào đầu những năm 1990, có vài người lạ mặt đến miếu Thổ Công đào bới. Địa điểm đào nằm ngay dưới gốc cây si và cây gạo cạnh miếu để tìm cổ vật. Không rõ những người lạ mặt đó có đào được thứ gì hay không, nhưng chỉ sau hai đêm đào bới, nhóm người này bỏ đi. Kể từ đó đến nay, xung quanh miếu Thổ Công đã diễn ra một số đợt đào bới lẻ tẻ do dân làng tự tổ chức để tìm kiếm đồ cổ nhưng không được.
Theo dân làng Khỏn Sình, kho báu là của quân khăn vàng thời Thái Bình Thiên Quốc chạy loạn xuống phương Nam để lại. Thông tin này có được do trong làng có một gia đình giữ được cuốn gia phả của dòng họ. Trong cuốn gia phả đó có nói đến các địa điểm ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn và Quảng Ninh chôn giấu vàng. Tuy nhiên, khối lượng vàng, bạc được chôn giấu nhiều hay ít thì cuốn gia phả không nói đến. Hiện nay, cuồn gia phả đã bị thất lạc.
Cũng theo dân làng, khoảng năm 1952 - 1953, có một người bộ đội đào được một chum vàng trong lúc đào hầm trú ẩn ở bờ sông Kỳ Cùng, ngay trước miếu Thổ Công. Khi đào được, anh bộ đội này đã đem cả chum vàng chôn lại gần một bụi tre để đánh dấu cho dễ nhớ. Sau đó ít lâu, đơn vị của người bộ đội được điều động vào miền Nam đánh Mỹ.
Trước lúc hi sinh, người bộ đội này đã viết một bức thư về cho gia đình, trong thư anh đã vẽ sơ đồ nơi anh chôn chum vàng, dấu hiệu nhận biết... Khi hòa bình lập lại, gia đình của người chiến binh này đã tìm đến miếu Thổ Công và đào được chum vàng mà anh bộ đội chôn giấu.
Hiện tại, người dân vẫn hàng ngày canh giữ miếu để “kho báu” không lọt vào tay của những cánh thợ chuyên đào bới, săn lùng đồ cổ.


6. Kho báu đồng trinh ở Hà Nội

Theo lời truyền đời của người dân xã Vân Côn (Hoài Đức Hà Nội), khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh thua chạy về nước, tướng giặc không nỡ bỏ đi số vàng bạc khổng lồ vơ vét được định đem về nước. Nhưng nhóm tàn quân không dám đem theo đành nghĩ ra cách chôn và trấn yểm bằng cách chôn sống một cô gái đồng trinh để làm thần giữ của.
Từ đó, linh hồn cô gái cứ quanh quất hiện lên quyết giữ kho báu này khiến bao nhiêu người tham của là bấy nhiêu người khuynh gia bại sản, gặp chuyện không may.

NÚI CÔ TIÊN


Lại có lời đồn đại khác rằng, 700 năm trước người Tàu qua đây làm ăn, buôn bán rồi trở nên giàu có. Sau đó ít lâu người nhà bên nước có việc lớn buộc phải để lại cơ nghiệp và một đống châu báu mà không đành lòng. Ông chọn ra cái hang có bốn tảng đá tạo thành kéo dài vào núi Vân Côn để chôn dấu của cải. Chắc ăn hơn, người Tàu tìm cách bắt một thiếu nữ đẹp chôn sống, trấn yểm thể đất để làm thần giữ của.
Vì những lời đồn đại ấy mà không biết bao người người dân đã bỏ công sức, tiền bạc mong một ngày tìm được kho báu nơi đây, trong đó có ông Nguyễn Tài Hận là người kiên trì hơn cả.
Ông Hận đã thuê hàng chục trai tráng trong làng gia nhập đoàn tìm vàng và dốc túi mua các dụng cụ khai quật và kể cả máy xúc, máy khoan. Ông Hận luôn dẫn đầu đoàn thăm dò sẵn sàng đi sâu vào tận cùng hang núi. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm không có kết quả, đoàn người đã phải bỏ cuộc.
Từ ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “hồn ma trinh nữ”, mà chuyện làm ăn của ông Hận liên tiếp gặp vận rủi. Từ một người giàu có nhất làng, ông gần như phá sản.

7.Kho báu lợn vàng hiện dưới ánh trăng ở Thanh Liêm, Hà Nam
                                                                                                
Có một truyền thuyết, ở Thanh Liêm, Hà Nam, vào những đêm trăng sáng có một đã chứng kiến đàn lợn vàng hàng chục con đùa giỡn trên đường làng. Có tin đồn rằng đàn lợn này là lộc trời cho và có liên hệ tới “hầm thần của”.
Theo những già trong thôn, tương truyền, "hầm thần của" là nơi chôn giấu vàng và kho báu của của người phương Bắc. Chủ nhân của kho báu này đã yểm bùa rất kỹ để không ai có thể xâm nhập khu vực này.
Cùng theo lời kể truyền đời, hầm thần của rất thiêng và không thể đụng vào. Tuy nhiên, lời cảnh báo này không phải khiến ai cũng khiếp sợ. Nhiều người đã lên đây đào bới, thử tìm kiếm cơ may của mình. Song, chỉ cần đào vào đến độ sâu chừng 3m, nhiều người chợt cảm thấy ớn lạnh và khó thở. Càng vào sâu bên trong thì cảm giác này càng gia tăng vì thế mà chưa một ai dám theo đến tận cùng hầm ngầm.
Có thể những tranh cãi về nơi được cho là tồn tại "hầm thần" ở Hà Nam vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng đến khi vấn đề thực sự được giải quyết thì những khu vực được cho là tồn tại những ngôi mộ cổ đã bị xóa sạch dấu vết bởi sự tàn phá của con người và môi trường tự nhiên.

8.Kho báu ở Hải Phòng

Truyền thuyết kể rằng, làng Mỹ Cụ có từ thời Hùng Vương, nhưng lúc đó, làng chỉ là cái trại nhỏ ven biển, do một vài cư dân nơi khác kéo đến sinh sống, đánh cá, trồng cấy. Thời Thục Phán An Dương Vương, dân cư đông đúc hơn, trại được mở rộng thành trang (trang là đơn vị hành chính lớn hơn trại - PV), được đặt tên là Mỹ Cát Trang, có nghĩa là bãi cát trắng rất đẹp.

CHÙA MỸ CỤ

Hiện nay, làng Mỹ Cụ thờ thành hoàng là vợ chồng cụ Lý Huy Chân và Đào Thị Bảo. Tên tuổi, gia cảnh hai cụ vẫn được ghi trong sử sách của làng, trong các câu chuyện truyền miệng và được thờ tự trong đền, đình. Quê gốc hai cụ ở Thanh Hóa, là hào phú anh hùng, biết nghề địa lý, giỏi buôn bán thương nghiệp.
Thời Hùng Vương, cụ Bảo từ quan, rồi dắt gia quyến về vùng đất thuộc huyện Thủy Nguyên bây giờ. Đến trang Mỹ Cụ, thấy thế đất đẹp, tiền có án thủy đáo đường (thủy triều lên xuống), hậu có đan phượng hàm thư (con chim phượng ngậm sách), tả hữu có song đồng sơn (hai quả núi hai bên), nên dừng chân, lập trại sinh sống, buôn bán.
Xưa kia, nơi nào có đất thiêng, thì thầy địa lý thường khuyên mang mồ mả tổ tiên đến chôn, với niềm tin sẽ phát nghiệp đời sau. Tất nhiên, cụ Chân đã rước mồ tổ tiên ra vùng đất này và chôn đúng huyệt thiêng giữa trại. Tuy nhiên, giờ đây, dân làng không biết huyệt đạo đó ở đâu.
Truyền thuyết kể rằng, tiền của nhiều, vàng bạc chất thành núi, nên để bảo toàn tài sản, tránh nạn cướp bóc, cụ Chân đã cho người đào các đường hầm ngang dọc trong lòng núi Mỹ Cụ rồi cất giấu các kho báu vào đó. Trải mấy ngàn năm, thế sự đổi thay, trộm cướp đào núi lấy đi vô số vàng bạc, châu báu, thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều.
Không phải ai cũng biết những truyền thuyết, huyền thoại về những kho báu trên mấy quả núi này, nhưng ai cũng biết và tin chắc chắn rằng, ba quả núi nằm cạnh nhau, gồm Phượng Hoàng, Hổ Phục và núi Rùa, là nơi cụ Lý Huy Chân thời Hùng Vương và người Sở cất giữ kho báu. 

Suốt hàng trăm năm nay, cứ thi thoảng có người đào trúng kho báu thực sự, nhất là 10 năm trở lại đây, liên tục các kho báu được khai quật, cả làng nhìn thấy tận mắt, bán lấy bộn tiền, nên không ai nghi ngờ gì về tính hư thực của những kho báu này. Cả làng đều tin chắc chắn rằng, đó không phải là những câu chuyện truyền thuyết suông.

9.Kho báu bị yểm bùa ở Lý Sơn

Theo tài liệu của họ Bùi ở đảo Lý Sơn, vào năm Ất Tỵ (1545) niên hiệu Nguyên Hòa thứ 13, Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán theo phò Lê diệt Mạc với sứ mệnh vỗ yên biên trấn Quảng Nam. Ông nhận thấy để lấy được Quảng Nam từ tay quân Mạc chỉ có một con đường là chiếm đảo Lý Sơn trước để lập căn cứ, làm bàn đạp. Việc đạt thành, Bùi Tá Hán cho dân ra Lý Sơn sinh sống. Từ đó, người Hời (tức người Chăm) ở đảo dần dần bỏ vào đất liền.
Thời ấy, Lý Sơn có tên là cù lao Ré, do tập quán sinh sống và điều kiện làm ăn mà chia thành hai vùng, nay là hai xã An Vĩnh và An Hải. Xã An Hải do có điều kiện thuận lợi hơn nên người Hời tập trung nhiều ở đó, điều này được thể hiện rõ qua các di tích còn đến bây giờ, cũng như một số kết quả khảo sát, nghiên cứu từ các nhà khảo cổ học. Hơn nữa, trong số các “truyền kỳ” về kho báu của người Hời trên đảo Lý Sơn, thì xã An Hải có nhiều câu chuyện và rõ nét hơn cả. Dân gian lưu truyền rằng người Hời có rất nhiều của cải, nhất là vàng. Khi rời đảo để vào đất liền, họ không thể mang hết tài sản theo nên để lại trên đảo. Tránh bị trộm mất, người Hời đã yểm bùa số vàng này.
Ông Ngô Văn Tùy (55 tuổi, ở xã An Hải), người được nghe khá nhiều chuyện này, kể lại những câu chuyện đã thành giai thoại, hư hư thực thực: “Trước khi người Hời rời đảo, toàn bộ số vàng đều được họ hóa phép. Để làm phép, họ chôn theo một trinh nữ vừa tròn 18 tuổi, tay trinh nữ này cầm một con dao nhỏ. Sau đó làm dấu bằng cách trồng một cây da (còn gọi là cây sợp). Một điều khá đặc biệt là, cây da này được tính toán rất kỹ, để mấy chục năm sau, khi trở lại, họ chỉ việc đo bóng cây vào một khung giờ đã tiên liệu rồi đào ngay vị trí đó là đúng nơi cất giấu vàng”.
Cũng theo ông Tùy, người dân trên đảo dù biết khu vực cất giấu vàng nhưng không thể nào tìm được. Họ đồn nhau rằng nhiều người cố đốn hạ những cây da làm dấu để tìm vàng thì thấy từ vết thương của cây chảy ra máu. Còn những kẻ động tay, động chân chắc chắn sẽ bị bệnh tật hoặc bất đắc kỳ tử. Ông Tùy cho biết khoảng 15 năm trở về trước, thỉnh thoảng thấy người Hời ra đảo trong vai người bán thuốc dạo. Sau khi họ về lại đất liền, thì có một vài cây da bị chết khô không rõ nguyên nhân. “Chúng tôi nghi rằng họ ra đảo lấy lại tài sản của mình, đó là nơi các cây da bị chết”, ông Tùy nghi hoặc.
ĐẢO LÝ SƠN

Trong dân gian Lý Sơn giờ vẫn còn lưu truyền những câu chuyện được thêu dệt ly kỳ. Chẳng hạn, số vàng được yểm, trong thời gian chờ chủ nhân đến lấy lại, hóa thành nhiều con vật, chủ yếu là cua vàng và gà vàng... Cua vàng xuất hiện nhiều tại xã An Vĩnh, ở những gò đá, mồ cũ và nhiều nhất là dưới chân núi hòn Tươi, nằm cạnh núi Giếng Tiền. Người ta kháo nhau rằng, muốn bắt được cua vàng phải dùng quần áo màu đen, càng dơ bẩn càng tốt, nhất là quần của phụ nữ vào kỳ kinh nguyệt. Người ta còn đồn rằng, thỉnh thoảng lại thấy ngựa vàng chiều chiều phi nước kiệu từ núi hòn Tươi sang núi Giếng Tiền.

10.Kho báu theo giấc mơ

Không giống như những cuộc truy tìm kho báu theo truyền thuyết khác, ông Nguyễn Viết Quý (Yên Thành, Nghệ An) đã nối tiếng khắp vùng với cuộc truy tìm kho báu theo giấc mơ của vợ.
Trước đó ít lâu, bà Ban - vợ của ông Quý đêm nằm mơ thấy tổ tiên về mách bảo là ngay dưới lòng đất trong mảnh vườn của gia đình có tồn tại một kho vàng của tổ tiên cất giấu hàng trăm năm nay.
Thấy giấc mơ quá kỳ lạ, gia đình đã đi xem bói thì quả đúng như giấc mơ, thầy bói cũng phán “có một kho báu đang nằm ngay phía sau vườn nhà của gia đình” . Ông Quý đã tức tốc về và mời thầy cúng đến làm lễ tạ xin phép thổ địa, được khai quật kho báu của tổ tiên.
Khu vườn nhà ông Quý rộng đến hàng trăm mét vuông gần như đã bị đào bới nham nhở. Xung quanh vườn nhà ông Quý là những hố đến cả chục mét vuông sâu hoắm và những bãi đất hàng nghìn mét khối còn tươi mới vừa mới được múc lên.
Cuộc tìm kiếm kho báu của ông Quý đến nay vẫn chưa có kết quả, chỉ có điều, ông vẫn hàng ngày đổ hết tiền của trong gia đình vào việc đào bới khắp khu vườn với một niềm tin mãnh liệt. 



11.Kho báu dưới đáy biển ở Cù Lao Chàm
Vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) đã từng dậy sóng bởi nạn săn lùng cổ vật. Ở đáy biển này, qua các cuộc khai quật khảo cổ cấp quốc gia một tàu cổ bị chìm vào thế kỷ XV - XVI đã thu được hàng trăm nghìn cổ vật có giá trị "liên thành", chủ yếu là đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương. Tuy nhiên, ngư dân cũng phát hiện được một con tàu khác vỏ bằng sắt có một số vàng bạc và cả thuốc phiện được giấu trong những chiếc bếp "lò xô".
CÙ LAO CHÀM

Có phải đây là một trong số tàu hải quân Nhật Bản chở báu vật bị phe Đồng minh ném bom đánh chìm vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2? Đáng chú ý, các chuyên gia lặn tìm đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương từ con tàu cổ bị đắm ở biển Cù Lao Chàm, cũng phát hiện một số ụ đất dưới đáy biển giống như ụ đất của con tàu cổ trước khi được tìm thấy và đưa ra nghi vấn, đây là những xác tàu bị đắm. Liệu các ụ đất kia bên dưới là những xác tàu của quân đội phát xít Nhật, trong đó có tàu chở châu báu? Và như thế, kho báu dưới đáy biển miền Trung vẫn đang còn là một ẩn số...

12.Kho vàng Hời ở Khánh Hòa

Chùa Hoa Tiên ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa bấy lâu nay vẫn được cho là nơi chôn giấu “kho vàng Hời”, một kho báu cực lớn mà người xưa để lại. Theo lời đồn, kho báu này nằm dưới một gốc cây đại thụ có đường kính thân bằng vòng ôm của hơn chục người, được gọi là cây cốc.

CHÙA HOA TIÊN

Lời kể từ xa xưa truyền lại rằng, đó là một kho báu của quý tộc Chăm gồm vô số tượng vàng, ngọc ngà. Kho báu được canh giữ bởi những trinh nữ bị chôn sống làm ma nhằm trấn giữ kho vàng.
Vào ban đêm, dân trong vùng thường thấy ánh vàng sáng rực di chuyển quanh gốc cây thần và khuôn viên chùa. Hiện tượng này được gọi là "vàng đi ăn". Có người cho rằng, những luồng sáng đó là hồn của những trinh nữ bị chôn sống hóa thân thành…
Một câu chuyện khác kì dị không kém là khoảng hơn nửa thế kỷ trước, dưới gốc cây cốc đại thụ kia bỗng lồi lên pho tượng. Vì nghĩ đó là vật thiêng nên thầy trụ trì kính cẩn mang vào chùa thờ. Ai ngờ nửa đêm thì tượng bỗng dưng rơi xuống đất, đầu lìa khỏi thân. Lời đồn rằng pho tượng không muốn rời khỏi cây cốc nên thầy trụ trì đã mang tượng ra đặt trở lại vị trí cũ.
Vì những câu chuyện nhuốm màu ma quái mà không có người nào cả gan xâm phạm đến gốc cây thiêng cùng kho báu của chùa Hoa Tiên.

13.Kho báu khổng lồ của vua Chăm

Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, nơi vốn là lãnh thổ của đế chế Chăm Pa ngày xưa, giờ đây vẫn còn lưu truyền những lời đồn đại về kho báu khổng lồ được chôn giấu trong lòng đất của các bậc vua chúa Chăm.
Dân gian đã thêu dệt nên những huyền thoại kì bí về kho báu này, như việc nó gồm những chiếc rương bằng gỗ quý trĩu nặng vô số vật dụng, đồ trang sức, triều phục, biểu tượng quyền lực (kiếm và ấn triện) bằng vàng, bạc, ngọc ngà... được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để làm thần giữ của.
Theo những biến thiên lịch sử, những báu vật ấy đã bị mất mát rất nhiều. Nhưng rất có thể một phần của nó vẫn còn nằm trong lòng đất. Điều này được minh chứng bằng việc đôi khi lại rộ thông tin có người tìm thấy nải chuối bằng vàng, con ngựa bằng vàng, pho tượng bằng vàng... tại ngôi cổ mộ, cánh đồng hay khu rẫy nào đó.
Quay ngược lại lịch sử, hơn 170 năm trước, các bảo vật Chăm vẫn do các thế hệ con cháu vua Chăm giữ. Số phận lưu lạc của chúng bắt đầu năm 1831, khi Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều đình nhà Nguyễn, chiếm 3 tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết.
Sau khi dẹp được Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã thẳng tay đàn áp con cháu vua Chăm vì tội hợp tác với quân nổi loạn. Một bộ phận người Chăm phải di cư sang Campuchia lánh nạn, số khác mang theo các bảo vật của tổ tiên lên núi sống với người Churu và Raglai. Đến đời Vua Thiệu Trị, lệnh đàn áp mới được hủy bỏ. Dù vậy con cháu của vua Chăm không mang báu vật cha ông xuống núi mà gửi lại cho những bộ tộc đã chở che cho mình lúc hoạn nạn.
Số báu vật này lúc đầu rất nhiều, nhưng do chiến tranh, loạn lạc, cướp bóc mà không còn lưu giữ được bao nhiêu bảo vật. Tấn bi kịch của kho báu này đã xảy ra cuối thập niên 1970, khi 3 ngôi đền Sóp, Krayo và Sópmadronhay do người Churu xây dựng để thờ các vua chúa Chăm và lưu giữ kho báu đã bị máy bay Mỹ ném sập và các toán quân Mỹ tràn vào chiếm đóng.
Đến nay người Raglai vẫn cất công lưu giữ các báu vật còn lại mà vua chúa Chăm ngày trước gửi lại, và người Chăm cũng không có ý định thu hồi là vì giữa hai tộc người có mối quan hệ mật thiết, gần gũi như anh với em.


14.Kho báu 4000 tấn vàng ở Bình Thuận

Chuyện kể rằng, trước khi đầu hàng quân Đồng Minh trong chiến tranh thế giới thứ 2, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã đem một lượng lớn tài sản mà quân Nhật vơ vét tại các nước Châu Á đến cất giấu tại khu vực núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Người ta ước đoán kho báu này gồm hơn 4.000 tấn vàng và các loại châu báu khác.

NÚI TÀU

Cụ Trần Văn Tiệp ở TP.HCM sau khi biết thông tin về kho báu đã bỏ 50 năm cho cuộc tìm kiếm. Cụ Tiệp đã thuê 1 đơn vị chuyên nghiệp sử dụng máy khoan, xe ủi, xe xúc đất để tìm kiếm kho báu huyền thoại này. Tuy nhiên, dù sử dụng rất nhiều thiết bị hiện đại để đo đạc địa chất và khoan sâu gần 50m nhưng đoàn thăm dò vẫn không đạt được kết quả khả quan, kho báu huyền thoại vẫn còn là một ẩn số.
Khi cụ Tiệp xin phép khoan thăm dò tìm kiếm kho báu ở núi Tàu năm 2011, UBND tỉnh đã yêu cầu ông nộp 500 triệu đồng ký quỹ để cam kết thực hiện việc hoàn thổ, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu cho khu vực núi Tàu nếu việc thăm dò không có kết quả. Và cuối cùng thì kho báu vẫn mãi là huyền thoại còn 500 triệu đồng của cụ thì không cánh mà bay.

15.Kho báu Ioshida ở Vũng Tàu

Năm 1971, nhà săn lùng kho báu Trần Văn Tiệp tình cờ quen một trung úy thông ngôn cho quân đội Nhật tại Việt Nam trước 1945 là ông Năm Thuận. Theo ông Thuận, tại Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu có một kho báu khá lớn do đại tá Ioshida, thuộc cấp của tướng Yamashita, chỉ huy chôn giấu.
Hai năm sau, khi khánh thành ngôi chùa trên Núi Lớn ở Vũng Tàu, ông Tiệp thấy khoảng 50 người Nhật, trong đó có một nhà sư tên Ioshida xuất hiện. Sau khi tham gia lễ khánh thành chùa, những người Nhật này đến một nhà nguyện của Giáo hội Tin Lành ở số 60 Bình Giã, phường 8, TP Vũng Tàu ở gần đó đo đạc, quay phim và ghi chép.
Tìm hiểu thêm ông Tiệp biết ngôi nhà nguyện xây vào năm 1971 và khi san ủi mặt bằng đã bật lên một nắp hầm bê tông lớn. Sau đó mục sư cai quản cho lấp lại và xây dựng ngôi nhà nguyện lên trên.
Đặc biệt, trong thời gian bám đuổi kho báu này, ông Tiệp còn được một người giấu tên đưa cho một cuốn kinh thánh mà chỉ cần nhúng nó vào nước thì toàn bộ sơ đồ chỉ những vị trí của kho báu trong khuôn viên nhà nguyện Bình Giã sẽ hiện lên. Vì chưa đủ điều kiện nên ông Tiệp xếp mật đồ vào vali chờ cơ hội.
Tháng 12/1989, ông Tiệp có đơn xin thăm dò, khai thác tài sản nghi chôn giấu dưới nhà nguyện Bình Giã. Sau khi ông Tiệp làm cam kết, Hội thánh Tin Lành không phản đối và tháng 2/1990, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép ông Tiệp khảo sát, tìm kiếm kho báu.
Ròng rã gần bốn năm tìm kiếm, “kho báu” Bình Giã vẫn không được khai mở. Do việc truy tìm kho báu ngay trong khuôn viên nhà nguyện gây nhiều phiền phức cho các giáo dân, năm 1994 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định đình chỉ việc tìm kiếm.
---------------------------------------

  • Ngoài ra còn có một số kho báu "ly kì" khác mà theo xác minh chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ như kho báu 1000 tấn vàng ở An Giang ; kho báu 9,6 tấn vàng ở Dak Lak....



Nguồn dulichvietnam.com.vn; vtc.vn; sieunhien.com; tienphong.vn; kienthuc.net.vn; thanhnien.com.vn; antg.cand.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved