Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

7 thg 2, 2014

Hồng Lâu Mộng - Hồi 96 - 100 Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc

Hồi 96:
Giấu hẳn tăm hơi Phượng Thư bày kế lạ;
Cơ mưu đã lộ, Đại Ngọc mất tính thường.

Giả Liễn cầm viên ngọc giả hầm hầm đi ra thư phòng.
Người kia thấy sắc mặt hắn, trong lòng đã lo sẵn, liền đứng ngay dậy. Y đang định nói thì Giả Liễn cười nhạt bảo:
- Đồ khốn nạn, to gan thật? Đây là nơi nào mà mày dám đến lừa dối như thế?
Rồi hắn ngoảnh lại gọi:
- Những người hầu đâu rồi?
Bên ngoài bọn hầu dạ ran như sấm. Giả Liễn nói:
- Lấy dây trói nó lại, đợi ông lớn về trình rõ, sẽ giải nó vào cửa quan. 
Bọn hầu răm rắp trả lời:
- Thưa, sẵn sàng rồi ạ!
Miệng nói như thế, nhưng họ vẫn đứng im.
Người kia khiếp sợ, tay chân run lẩy bẩy, thấy tình cảnh này biết rằng khó lòng tránh được pháp luật, liền quỳ xuống sụp lạy kêu van 
- Xin ông bớt giận, thật là con cùng cực quá, không biết làm thế nào, mới nghĩ ra việc làm vô liêm sỉ ấy. Viên ngọc này là con mượn tiền người ta làm ra, giờ đây con cũng không dám lấy lại nữa, xin biếu các cậu em trong phủ chơi thôi.
Nói xong, người kia sụp lạy lia lịa.
Giả Liễn quát:
- Mày liều thật! Nhà chúng tao đây thiếu gì cái đồ vứt đi không đắt ấy!
Đang lúc ầm ĩ thì Lại Đại đi vào, cười nói với Giả Liễn:
- Xin cậu bớt giận, quân này có đáng kể gì, tha cho nó, bảo nó cút đi thôi.
Giả Liễn nói:
- Thật đáng ghét quá.


Lại Đại và Giả Liễn vờ làm bộ vừa dọa vừa dỗ. Bọn người hầu ở ngoài đều gắt:
- Đồ chó, mày lại còn không lạy tạ cậu và ông Lại mà cút cho mau, còn chờ mấy cái đá nữa à?
Người kia vội vàng sụp lạy hai lạy, rồi ôm đầu chạy ra.
Từ đó, tiếng ấy đồn ra ngoài phố, ai cũng nói:
- Giả Bảo Ngọc thành Bảo Ngọc giả.
Hôm đó, Giả Chính đi chào khách trở về, mọi người thấy giữa tiết hoa đăng, sợ Giả Chính sinh giận chăng, nên cũng không trình lại những việc đã qua. Vì gần đây Nguyên Phi chết, bận rộn mất mấy hôm, rồi Bảo Ngọc lại ốm, cho nên tuy lệ thường có bày tiệc ăn uống, nhưng ai nấy đều không vui vẻ, nên không có việc gì đáng nói.
Đến ngày mười bảy tháng giêng, Vương phu nhân đang ngóng trông Vương Tử Đằng vào kinh, bỗng thấy Phượng Thư đến trình:
- Hôm nay cậu Hai ở ngoài nghe người ta đồn: ông cậu nhà ta đi gấp vào kinh, đến một chỗ cách kinh thành hơn hai trăm dặm thì bị bệnh mất giữa đường, thím có nghe nói không?
Vương phu nhân giật nẩy mình bảo:
-Ta không nghe nói. Chiều qua cũng không nghe ông nhà nói. Vậy thì chị nghe ở đâu thế?
- Con nghe người lạ nói, họ nghe tin ở nhà ông Trương trong Viện khu mật.
Vương phu nhân ngẩn người ra một lúc, nước mắt ròng ròng. Bà ta lau nước mắt nói:
- Chị về bảo anh Liễn hỏi cho rõ ràng rồi nói lại với tôi.
Phượng Thư vâng lời.
Vương phu nhân khóc thầm một mình, thương con gái, khóc em, lại lo cho Bảo Ngọc, việc này tiếp đến việc khác, đều là những chuyện đau lòng, làm sao chịu nổi. Vì thế đâm ra chứng đau bụng.
Giả Liễn đi hỏi rõ về trình lại:
- Ông cậu đi đường nhọc mệt, ngẫu nhiên cảm bệnh phong hàn, đến vùng đồn Thập Lý mời thầy thuốc điều trị. Khốn nỗi ở đó không có thầy thuốc giỏi, uống lầm thuốc, chỉ một thang là chết ngay. Nhưng không biết gia quyến đã đến đây chưa?
Vương phu nhân nghe nói, liền nổi cơn đau bụng, ngồi không được, bảo bọn Thái Vân đỡ lên giường nằm, gượng gạo gọi Giả Liễn đi trình với Giả Chính và dặn:
- Anh mau mau sắm sửa hành lý, đi đến đấy, lo liệu giúp việc chôn cất, xong rồi về ngay nói cho chúng ta biết, và cũng để cho chị ấy yên lòng.
Giả Liễn không dám trả lời, liền cáo từ Giả Chính rồi đi. Giả Chính cũng đã nghe tin, trong bụng rất là đau xót. Lại biết rằng Bảo Ngọc mất ngọc, mê mẩn tâm thần, thuốc thang không công hiệu, còn Vương phu nhân thì đau bụng. 
Lúc bấy giờ vừa gặp dịp xét công lao các quan, Bộ công liệt Giả Chính vào hạng nhất. Tháng hai bộ Lại dẫn vào bệ kiến. Hoàng thượng nghĩ Giả Chính cần kiệm cẩn thận, liền bổ chức lương đạo tỉnh Giang Tây. Giả Chính tạ ơn rồi tâu rõ ngày lên đường nhậm chức. Tuy có bạn hữu và bà con đến mừng, nhưng vì trong nhà có người đang yếu, nên Giả Chính cũng chẳng bụng dạ nào tiếp, lại cũng không dám ở nhà lâu.
Giả Chính đang phân vân chưa biết làm thế nào thì thấy bên nhà Giả mẫu có người sang nói:
- Xin mời ông lớn sang.
Giả Chính vội vàng đi vào, thấy Vương phu nhân đang ốm cũng ngồi ở đấy.
Giả Chính hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu. Giả mẫu bảo ông ta ngồi xuống rồi nói:
- Anh sắp đi nhậm chức, ta có nhiều điều muốn nói với anh, không biết anh có nghe hay không?
Giả mẫu nói đến đó thì nước mắt giàn giụa, Giả Chính vội vàng nói:
- Mẹ có việc gì cứ nói, con đâu dám trái lời.
Giả mẫu nghẹn ngào nói:
- Ta nay đã tám mươi mốt tuổi, anh lại đi làm quan ở ngoài. Vì có anh Cả, nên anh không thể viện cớ cớ mẹ già mà xin ở lại được. Nay anh ra đi, thằng Bảo là đứa ta yêu nhất, thế mà nó lại ốm mê mệt, chưa biết rồi ra sao. Hôm nay ta bảo mụ Lai Thăng ra gọi người xem bói cho nó, thầy bói đoán rất giỏi. Ông ta bảo: "Cần phải cưới người vợ thuộc mệnh kim về nâng giấc và cũng để "xung hỷ"(1) thì mới khỏe được, nếu không sợ khó mà qua khỏi". Ta biết anh không tin những chuyện ấy, nên gọi anh đến bàn. Vợ anh cũng ở đây. Hai vợ chồng cũng nên bàn xem: có muốn cho thằng Bảo khỏe hay không? Hay là để mặc nó?
Giả Chính vội vàng nói:
- Trước kia mẹ thương con như thế, không lẽ con lại không thương nó hay sao? Chỉ vì thằng Bảo không chịu chăm chỉ học hành, nên con hay giận nó, chẳng qua cũng là giận “sắt không thành thép" đấy thôi. Nay mẹ muốn cưới vợ cho nó, cũng là việc phải, lẽ nào con lại trái lời. Giờ đây nó ốm con cũng băn khoăn lo lắng, nhưng vì không cho nó gặp con, con cũng không dám nói. Con cũng muốn nhìn một chút xem nó ốm đau ra sao?
Vương phu nhân thấy Giả Chính nói đến đó, mắt cũng hơi đỏ lên, biết rằng ông ta trong lòng đau xót, liền cho người đưa Bảo Ngọc đến.
Bảo Ngọc tới gặp cha, Tập Nhân nhắc hỏi thăm sức khỏe thì hỏi. Giả Chính thấy Bảo Ngọc gầy gò, cặp mắt đờ đẫn, như người có bệnh điên, liền bảo người hầu vực vào trong nhà. Ông ta nghĩ bụng: “Mình năm nay gần sáu mươi tuổi, bổ quan ngoài không biết mấy năm nữa mới về được. Nếu quả thật nó có mệnh hệ nào thì tuổi già không ai nối dõi. Đành rằng mình có cháu, nhưng đã cách một tầng rồi. Mẹ mình lại rất yêu Bảo Ngọc, nếu có điều gì nhầm nhỡ, tội mình lại chẳng nặng hơn hay sao?" Nhìn lại Vương phu nhân thì nước mắt lưng tròng, lại càng lo lắng cho sức khỏe của vợ. Giả Chính liền đứng dậy nói:
- Mẹ đã già, nếu mẹ muốn lo cho nó, con đâu dám trái lời? Mẹ định làm thế nào thì cứ làm. Nhưng không biết đã nói với bên dì chưa?
Vương phu nhân nói:
- Dì đã nhận lời rồi, nhưng vì việc thằng Bàn chưa xong, nên lâu nay không nhắc đến.
- Đó là việc khó xử nhất. Anh đang còn ở trong nhà giam thì em xuất giá làm sao được. Vả lại mặc dầu việc Quý phi chết không cản trở gì việc cưới hỏi, nhưng theo lệ, Bảo Ngọc phải chịu tang chín tháng đối với người chị đã xuất giá, như vậy hiện giờ nó cũng chưa cưới vợ được. Về phần con thì ngày lên đường đã tâu rồi, không dám chậm trễ, trong mấy ngày nay thì lo liệu làm sao cho kịp?
Giả mẫu ngẫm nghĩ: “Nói như thế quả đúng đấy. Nhưng nếu chờ cho qua mấy việc kia, cha nó lại đi mất rồi, nhỡ ra bệnh nó càng ngày càng thêm nặng thì làm thế nào. Thôi đành phải chịu làm trái lễ phần nào mới được”. Rồi nói:
- Nếu anh bằng lòng lo vợ cho nó thì ta đã có cách, nhất định các việc kia thì không trở ngại gì. Bên dì thì ta với chị ấy sẽ qua nói chuyện. Chỗ thằng Bàn thì nhờ thằng Khoa nói hộ. Cứ nói rõ là cốt để cứu tính mệnh cho thằng Bảo nên mọi việc phải tòng quyền. Như thế chắc nó cũng bằng lòng. Còn việc cưới vợ trong lúc có tang chị thì thật là không được. Vả lại Bảo Ngọc đang ốm, cũng chưa thể làm lễ thành hôn, chẳng qua là để xung hỷ đó thôi. Hai nhà chúng mình đều bằng lòng, hai đứa nó lại sẵn có nhân duyên "vàng ngọc", chả cần làm lễ hợp hôn cũng được. Rồi chọn ngày tốt đưa lễ theo như lệ thường của nhà mình. Liền đó lại định ngày đưa dâu, theo như cách thức trong cung, bất tất phải dùng âm nhạc, chỉ dùng mười hai đôi đèn hoa, một cỗ kiệu tám người đón dâu về, rồi chiếu theo nề nếp miền Nam, cũng lễ gia đường, cũng ngồi giường buông màn(2) thế chẳng phải là cưới vợ rồi hay sao? Con Bảo rất thông minh, sáng suốt không cần phải lo. Trong đó lại có con Tập Nhân cũng là đứa biết việc, lại có người hiểu biết luôn luôn khuyên nó thì càng hay. Vả chăng thằng Bảo và con Bảo xưa nay vẫn thân với nhau. Hơn nữa bà dì thường nói: "Cái khóa vàng của con Bảo trước đây đã có một vị hòa thượng nói rằng chỉ chờ người có ngọc sẽ là vợ chồng.” Thì biết đâu con Bảo về đây lại không nhờ cái khóa vàng mà tìm được viên ngọc kia. Thế rồi mỗi ngày nó một khá dần, không phải phúc cho nhà mình sao? Giờ đây chỉ cần dọn dẹp nhà cửa, bày biện các phòng cho tử tế. Các phòng này thì phải do anh chị định mới được. Tất cả bạn bè thân thích không cần mời ai, cũng không cần bày biện tiệc tùng làm gì. Chờ lúc Bảo Ngọc thật khỏe, hết trở rồi, khi ấy hãy bày tiệc mời khách. Làm như thế thì việc gì cũng kíp. Anh cũng có thể nhìn thấy việc hôn nhân của hai con, để đi nhậm chức cho yên tâm.
Giả Chính nghe nói, tuy không bằng lòng, nhưng vì đó là ý định của Giả mẫu, nên không dám trái lời, đành phải nói miễn cưỡng:
- Mẹ nghĩ rất phải, lại rất chu đáo, nhưng phải dặn mọi người trong nhà không được rêu rao cho bên ngoài biết, nếu không thì sẽ có lỗi đấy. Chỉ sợ bên dì không bằng lòng thôi. Nếu dì bằng lòng, cũng chỉ có thể theo như ý mẹ mà lo liệu.
Giả mẫu nói:
- Thôi anh cứ ra, bên dì đã có ta.
Giả Chính vâng lời lui ra, trong bụng áy náy, nhưng vì bận việc đi nhậm chức, vào bộ lĩnh giấy tờ, bạn bè lại tiến cử người giúp việc, phải tiếp chuyện luôn, đành phải phó mặc việc cưới của Bảo Ngọc cho Giả mẫu, Vương phu nhân và Phượng Thư. Ông ta chỉ cho Bảo Ngọc một tòa nhà hai mươi gian sau nhà Vượng Hy, cạnh phòng ở của Vương phu nhân, còn các việc khác đều không nhìn đến. Tất cả đều do Giả mẫu quyết định, rồi sai người nói với ông ta, và ông ta cứ bảo là rất tốt.
Sau khi Bảo Ngọc gặp Giả Chính, Tập Nhân vực anh ta về nằm trên giường. Vì có Giả Chính ở ngoài, nên không ai dám nói chuyện với Bảo Ngọc. Anh ta nằm ngủ mê mệt. Những lời nói của Giả mẫu và Giả Chính, Bảo Ngọc chẳng hề nghe một câu nào. Tập Nhân thì lại lẳng lặng nghe rất rõ. Trước đây Tập Nhân cũng có nghe ít nhiều, nhưng còn không rõ, chỉ thấy Bảo Thoa không sang, nên cũng hơi tin. Nay nghe những câu nói ấy, trong bụng mới thật rõ ràng đích xác. Tập Nhân cũng rất mừng, nghĩ bụng: “Thật là con mắt bề trên rất tinh, dạm hỏi như thế mới đáng. Mình cũng có phúc, nếu cô ta về đây thì mình cũng đỡ được một phần gánh nặng. Có điều trong bụng cậu ấy chỉ có mê cô Lâm mà thôi, may mà cậu ấy chưa biết, nếu biết ra, chưa biết dằn vặt đến thế nào?" Tập Nhân nghĩ đến đó, lại đổi mừng thành lo, nghĩ bụng: "Việc này biết làm thế nào bây giờ? Cụ bà và bà Hai làm sao biết được những ý nghĩ của họ. Trong lúc cao hứng, họ tưởng nói cho cậu ấy biết thì bệnh sẽ khỏi. Nhưng nếu cậu ấy vẫn một lòng như trước thì làm thế nào. Mới lần đầu tiên thấy cô Lâm, cậu ấy đã đòi vứt ngọc, đập ngọc. Rồi như mùa hè năm trước ở trong vườn, cậu ấy nhận lầm mình là cô Lâm, thốt ra những lời ân ái. Sau đó, Tử Quyên chỉ nói đùa mấy câu, cậu ấy đã khóc lóc, chết đi sống lại. Nay nếu nói với cậu ta dạm cô Bảo, bỏ cô Lâm thì trừ phi là cậu ta mê man không biết gì, chứ nếu còn hơi tỉnh táo, thì không những không thể xung hỷ mà sợ lại chóng chết nữa kia! Mình mà không nói rõ thì chẳng phải làm hại một lúc cả ba người hay sao?"
Tập Nhân đã sẵn có ý định ấy, chờ cho Giả Chính đi ra liền gọi Thu Văn đến trông nom Bảo Ngọc, còn mình thì đi ra gặp Vương phu nhân, mời bà ta vào cái nhà sau phòng Giả mẫu để nói chuyện. Giả mẫu tưởng là Bảo Ngọc nói gì nên không để ý, còn ngồi tính toán việc đưa và rước dâu như thế nào.
Tập Nhân cùng Vương phu nhân vào nhà sau, chị ta liền qùy xuống mà khóc. Vương phu nhân chẳng hiểu vì sao, đưa tay kéo chị ta dậy nói:
- Tự dưng vô cớ, sao con lại như thế? Có việc gì oan ức đứng dậy mà nói.
- Việc này đáng lẽ con không nên nói, nhưng giờ đây không có cách nào khác nữa.
- Con cứ nói xem nào?
- Cụ và bà đã định việc hôn nhân của cậu Bảo, thật là  việc rất tốt. Nhưng con nghĩ, bà xem thử cậu Bảo thân với cô Bảo hay là thân với cô Lâm hơn?
 - Chúng nó từ lúc nhỏ ở với nhau một chỗ, nên ta xem thằng Bảo có phần thân với cô Lâm hơn.
- Không phải chỉ thân mà thôi đâu.
Tập Nhân liền đem tình hình giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc kể rõ đầu đuôi, và nói thêm:
- Những việc ấy chính mắt bà lớn đã thấy, chỉ có câu chuyện mùa hè trước đây, con chưa hề dám nói với ai.
Vương phu nhân nắm tay Tập Nhân nói:
- Ta nhìn bề ngoài cũng đã biết được một vài phần, nay con lại nói như thế thì thực là đúng rồi. Nhưng vừa rồi những lời nói của ông lớn, chắc Bảo Ngọc cùng đều nghe cả. Vậy con xem thần sắc nó ra sao?
- Cậu Bảo giờ đây có ai nói chuyện với thì chỉ cười, nếu không ai nói thì cứ ngủ hoài, cho nên những câu chuyện vừa rồi cậu ấy không hề nghe biết gì cả.
- Việc này biết làm thế nào bây giờ?
- Con nói thế thôi, bà lớn cần phải trình với cụ, nghĩ một kế gì cho vẹn toàn mới được.
- Đã thế thì con cứ đi làm việc của con. Lúc này trong nhà đông người hãy khoan nhắc đến việc ấy, chờ có dịp rảnh ta sẽ trình với cụ tùy cách lo liệu.
Nói xong, bà ta lại trở sang phòng Giả mẫu.
Giả mẫu đang bàn với Phượng Thư, thấy Vương phu nhân đi vào liền hỏi:
- Con Tập Nhân nói gì mà thầm thầm thụt thụt thế?
Vương phu nhân nhân dịp liền nói rõ tâm sự của Bảo Ngọc cho Giả mẫu rõ. Giả mẫu nghe nói im lặng một lúc lâu. Vương phu nhân và Phượng Thư cũng không nói nữa. Một chốc Giả mẫu than thở: 
- Việc này đối với con Lâm cũng dễ thôi, chẳng sao cả. Nhưng nếu thằng Bảo Ngọc mà thật như thế thì cũng khó liệu đấy.
Phượng Thư nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Khó thì cũng không khó. Tôi mới nghĩ được một cách, không biết cô(3) có bằng lòng không?
Vương phu nhân nói:
 - Chị có cách gì cứ nói cho cụ nghe, chúng ta bàn bạc cho kỹ rồi sẽ làm.
 - Theo ý cháu thì việc này chỉ có cách đánh tráo mà thôi. Bây giờ không kể là chú Bảo có hiểu hay không hiểu, mọi người chúng ta cứ rêu rao lên là ông lớn làm chủ, cưới cô Lâm cho chú ấy xem thần sắc chú ấy như thế nào. Nếu chú ấy không hề để ý gì cả thì bất tất phải dùng cách này, nếu mà chú ấy có ý vui mừng thì việc này phải mất công sắp đặt mới được.
Vương phu nhân nói:
- Nếu như nó vui mừng thì chị định tính cách nào?
Phượng Thư ghé lại bên tai Vương phu nhân nói phải làm như thế. Vương phu nhân gật đầu mấy cái rồi cười nói:
- Cũng được.
Giả mẫu liền hỏi:
- Mẹ con nhà mày làm cái trò quỷ gì thế. Nói ta nghe rõ xem nào!
Phượng Thư sợ Giả mẫu không hiểu, để lộ mưu mô, liền ghé bên tai Giả mẫu nói thầm mấy cầu. Quả nhiên Giả mẫu chưa hiểu được ngay. Phượng Thư lại cười nói mấy câu nữa. Giả mẫu cười nói: 
- Như thế cũng được, nhưng thật tội cho con Bảo. Nếu mà rêu rao ra thì con Lâm sẽ ra sao?
Phượng Thư nói:
- Những câu nói ấy chỉ nói cho một mình chú Bảo nghe, nhất thiết không hở ra với một người nào, thì ai biết được!
Đang nói chuyện thì a hoàn vào trình:
- Cậu Hai Liễn đã về. 
Vương phu nhân sợ Giả mẫu hỏi Giả Liễn, liền đưa mắt ra hiệu với Phượng Thư. Phượng Thư đi ra đến lấy Giả Liễn rồi vĩu môi ra hiệu. Hai vợ chồng hắn cùng đến chờ ở nhà Vương phu nhân. Một lúc Vương phu nhân về, thấy Phượng Thư đã khóc đỏ cả hai mắt. Giả Liễn hỏi thăm sức khỏe rồi kể lại chuyện đến đồn Thắp Lý lo liệu đám ma Vương Tử Đằng cho Vương phu nhân nghe. Giả Liễn lại nói thêm:
- Có chiếu chỉ nhà vua truy phong chức hàm nội các, cho thụy hiệu là Văn Cần Công, bảo người nhà đưa linh cữu về quê, truyền cho quan lại dọc đường trông nom lo liệu. Ngày hôm qua, linh cữu bắt đầu ra đi, gia quyến đã bắt đầu khởi hành về Nam rồi. Mợ(4) có gửi lời về hỏi thăm sức khỏe và nói không ngờ giờ đây lại không thể vào kinh, có bao nhiêu câu chuyện không thể nói được. Mợ lại nghe nói anh Cả nhà cháu(5) cũng định vào kinh, nếu dọc đường gặp nhau, thì sẽ bảo anh ấy đến chỗ nhà ta nói lại. 
Vương phu nhân nghe xong, đau xót vô cùng.
Phượng Thư khuyên lơn một hồi và nói:
- Mời thím hãy nghỉ một chốc, đến đêm ta lại bàn chuyện chú Bảo.
Phượng Thư nói xong cùng Giả Liễn về phòng, đem câu chuyện vừa rồi kề cho hắn biết và bảo hắn sai người sắp xếp nhà mới cho Bảo Ngọc.
Một hôm Đại Ngọc ăn cơm sáng xong, cùng Tử Quyên sang nhà Giả mẫu hỏi thăm sức khỏe, đồng thời để đi dạo cho khuây. Vừa ra khỏi quán Tiêu Tương được mấy bước bỗng nhớ lại quên mất cái khăn tay. Đại Ngọc liền bảo Tử Quyên về nhà lấy còn mình thì thong thả vừa đi vừa chờ. Đến sau núi đá, bên cầu Thấm Phương, chỗ trước kia cùng chôn hoa với Bảo Ngọc, bỗng nghe ở đấy có tiếng người nức nở. Đại Ngọc dừng chân lại nghe, nhưng không nhận ra tiếng của ai, lại cũng không nghe rõ người ấy vừa khóc vừa kể lể những gì, trong lòng rất là ngờ vực. Đại Ngọc liền thong thả lại gần, thì thấy một a hoàn mày rậm, mắt to đang khóc ở đấy. Lúc chưa trông thấy người ấy, Đại Ngọc ngờ là a hoàn lớn nào đó có tâm sự không nói ra được nên đến đấy khóc. Đến khi trông thấy, Đại Ngọc lại buồn cười, nghĩ bụng: “Đồ ngu xuẩn này, làm gì có tình với tứ. Chắc là con này giận gì bọn a hoàn lớn đấy thôi”. Cô ta nhìn kỹ lại không biết là người nào. Người con gái ấy thấy Đại Ngọc đến, không dám khóc nữa, liền đứng dậy lau nước mắt.
Đại Ngọc hỏi:
- Sao vô cớ lại ra đây mà khóc?
Người con gái ấy nghe hỏi lại chảy nước mắt nói:
- Cô Lâm! Cô thử nghĩ mà xem: họ nói chuyện cháu không biết, dù có nói sai một câu, chị cháu cũng không nên đánh cháu kia mà?
Đại Ngọc nghe không hiểu nó nói gì, liền cười hỏi:
- Chị mày là ai?
- Chị cháu là Trân Châu.
Đại Ngọc nghe nói biết nó là người bên nhà Giả mẫu, lại hỏi:
- Mày tên gì?
- Tên cháu là con Ngốc.
Đại Ngọc cười rồi lại hỏi:
- Vì sao chị mày đánh mày? Mày nói sai câu gì thế?
- Vì việc gì à? Chỉ vì câu chuyện cậu Bảo nhà ta ăn cưới cô Bảo đấy thôi.
Đại Ngọc nghe câu ấy, tim đập thình thình, như sét đánh bên tai. Một lát sau, tinh thần hơi bình tĩnh, liền bảo người a hoàn ấy:
- Đi lại đây với ta.
Người a hoàn theo Đại Ngọc đến góc bên kia, chỗ chôn hoa đào năm trước, thấy vắng vẻ im lặng. Đại Ngọc hỏi:
- Cậu Bảo lấy cô Bảo, tại sao mà họ đánh mày?
- Cụ, bà Hai và mợ Phượng Thư bàn với nhau, nhân lúc ông lớn sắp lên đường, gấp rút bàn với dì Tiết để cưới cô Bảo. Thứ nhất là muốn xung hỷ gì đó cho cậu Bảo, thứ hai…
Nói đến đó, nó lại lườm Đại Ngọc mà cười rồi nói tiếp:
- Lo xong việc này, còn phải kén chồng cho cô Lâm nữa.
Đại Ngọc nghe nói vậy đã ngơ ngác cả người, nhưng nó vẫn cứ nói tiếp:
- Cháu cũng không biết họ bàn bạc như thế nào mà không cho nói đến chuyện ấy, chừng họ sợ cô Bảo hổ thẹn thì phải. Cháu chỉ nói chơi với chị Tập Nhân một câu: “Chúng ta rồi đây càng thêm nhộn nhịp, vừa là cô Bảo, vừa là mợ Hai Bảo, biết gọi thế nào cho tiện?” Cô thử nghĩ xem, nói như thế, động chạm gì đến chị Trân Châu kia chứ? Thế mà chị ta chạy lại tát cháu một cái bảo là cháu nói bậy, không nghe bề trên dặn bảo, định đuổi cháu đi. Cháu có biết bề trên tại sao không cho nói đâu. Các chị không bảo cho cháu biết, lại đi đánh cháu!
Nó nói đến đó lại khóc oà lên.
Lúc bấy giờ, trong lòng Đại Ngọc rối như mớ bòng bong, trăm mối tơ vò, ngọt, bùi, chua, cay lẫn lộn.
Nghỉ một chút rồi cô ta run run nói:
- Mày đừng nói bậy nữa. Nếu còn nói bậy, họ nghe được, họ lại đánh cho đấy. Về đi thôi!
Đại Ngọc định trở về quán Tiêu Tương, nhưng cảm thấy người mình nặng trĩu, hai chân mềm nhũn như mớ bông, đành phải gắng gượng đi từ từ từng bước một. Đi một lúc lâu vẫn chưa đến cầu Thấm Phương, thì ra chân yếu đi đã chậm lại mê man bước như cái máy, đi quanh về bên kia mới quay lại, nên đường đi lại xa ra nhiều. Vừa về đến cầu Thấm Phương, Đại Ngọc thuận đường, đi luôn vào trong. 

Tử Quyên trở về lấy khăn tay ra, chẳng thấy Đại Ngọc  đâu cả, đang nhìn quanh quẩn, thấy Đại Ngọc sắc mặt tái đi, chân tay bủn rủn, hai mắt sững sờ, đang loay hoay ở đấy, lại thấy phía trước có một a hoàn chạy, nhưng xa quá, không nhận ra ai. Tử Quyên ngờ vực và lấy làm lạ, đành phải chạy lại hỏi khẽ:
-  Sao cô lại trở về? Hay định đi đâu thế?
Đại Ngọc hình như chỉ nghe loáng thoáng, liền buột miệng trả lời:
- Ta đi tìm Bảo Ngọc đây.
Tử Quyên nghe nói chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, đành phải dìu cô ta qua nhà Giả mẫu. Đại Ngọc đi đến cửa Giả mẫu, trong lòng hơi tỉnh táo, ngoảnh lại thấy Tử Quyên đang dìu mình liền đứng lại hỏi:
- Chị làm cái gì thế?
Tử Quyên cười nói:
- Cháu về lấy khăn tay đưa đến, thấy cô đang ở bên cầu, cháu chạy lại hỏi, cô chẳng để ý gì cả.
Đại Ngọc cười:
- Tôi tưởng là chị đi thăm cậu Bảo, không thì sao lại tới đây?
Tử Quyên thấy cô ta trong lòng mê mẩn, biết ngay là đã nghe con a hoàn kia nói gì rồi, nên chỉ gật đầu mỉm cười mà thôi. Nhưng Tử Quyên lại sợ cô ta khi gặp Bảo Ngọc, một người đã ngây ngây dại dại, một người lại mơ mơ màng màng, nhỡ thốt ra những lời không nhã nhặn thì biết làm thế nào? Bụng tuy nghĩ thế, nhưng cũng không dám trái lời, đành phải dìu cô ta đi vào.
Lúc đó, lại rất lạ, Đại Ngọc không phải yếu đuối như trước nữa. Cũng không cần Tử Quyên vén màn, tự mình vén màn lên. Vào nhà thấy im lặng, Giả mẫu đang ngủ trưa, bọn a hoàn, người thì bỏ đi chơi, người thì ngủ, người thì ở lại chờ hầu Giả mẫu. Tập Nhân nghe tiếng mở màn, ngó ra ngoài xem, thấy Đại Ngọc liền nói:
- Mời cô vào trong này ngồi.
Đại Ngọc cười nói:
- Cậu Bảo ở nhà không?
Tập Nhân không hiểu đầu đuôi, đang định trả lời thì thấy Tử Quyên ở đằng sau vỉu môi ra hiệu, rồi chỉ vào Đại Ngọc và xua tay. Tập Nhân chẳng hiểu ra sao cũng không dám nói.
Đại Ngọc cũng chẳng để ý, cứ đi thẳng vào phòng. Bảo Ngọc đang ngồi đấy, cũng không đứng dậy mời, cứ nhìn Đại Ngọc mà cười hì. Cả hai người chẳng chào hỏi, chẳng nói năng mời mọc gì cả, chỉ có nhìn nhau mà cười một cách ngây ngô.
Tập Nhân thấy tình hình như thế, trong bụng bối rối, nhưng chẳng biết làm thế nào. Bỗng nghe Đại Ngọc hỏi:
- Anh Bảo, anh vì sao mà ốm thế.
Bảo Ngọc cười, nói:
- Tôi vì cô Lâm mà ốm đấy.
Tập Nhân và Tử Quyên đều khiếp sợ thất sắc, vội vàng lựa lời nói lảng. Thế rồi Đại Ngọc và Bảo Ngọc cũng chẳng nói gì cứ ngồi cười ngây ngô như trước. Tập Nhân thấy thế, biết rằng hiện giờ trong bụng Đại Ngọc cũng mê mẩn chẳng khác gì Bảo Ngọc, liền bảo nhỏ với Tử Quyên:
- Cô mới khỏe, để tôi bảo em Thu Văn cùng chị dìu cô về nghỉ thôi. 
Rồi chị ta ngoảnh lại bảo Thu Văn:
- Em cùng chị Tử Quyên đưa cô Lâm về, đừng có nói nhảm đấy.
Thu Văn cười, không nói gì rồi cùng Tử Quyên đỡ Đại Ngọc dậy. Đại Ngọc cũng đứng dậy và cứ nhìn Bảo Ngọc vừa cười vừa gật đầu.
Tử Quyên giục:
- Cô về nhà nghỉ thôi.
Đại Ngọc nói:
- Phải đấy, giờ đến lúc ta về đây.
Đại Ngọc nói đến đó, liền quay gót đi ra, vẫn không cần bọn a hoàn dìu dắt, tự mình đi nhanh hơn ngày thường. Tử Quyên và Thu Văn vội vàng chạy theo. Đại Ngọc ra khỏi cửa nhà Giả mẫu, cứ một mực đi thẳng. Tử Quyên vội vàng dìu lại và nói:
- Cô ơi, đi đường này chứ? 
Đại Ngọc chỉ cười rồi theo Tử Quyên đi về quán Tiêu  Tương.
Khi đã gần đến cửa, Tử Quyên nói:
- A di đà Phật! May đến nhà rồi!
Nói chưa xong thì thấy Đại Ngọc ngã sấp xuống, oẹ một cái, miệng nhổ ra một cục máu tươi.

Hồi 97:
Đốt cảo thơ, Đại Ngọc dứt tình si;
Về nhà chồng, Bảo Thoa thành lễ lớn.

Đại Ngọc về đến cửa quán Tiêu Tương, nghe Tử Quyên nói, xúc động trong lòng, miệng hộc máu ra, choáng váng muốn ngã, may có Tử Quyên và Thu Văn vực dậy, dìu vào trong nhà.
Sau khi Thu Văn về, Tử Quyên và Tuyết Nhạn ngồi bên cạnh trông nom, thấy cô ta tỉnh dần, hỏi Tử Quyên:
- Các chị ngồi khóc gì đấy?
Tử Quyên thấy cô ta nói được, người đã tỉnh táo, mới yên lòng, liền nói:
- Vừa rồi cô ở bên nhà cụ về, xem chừng mệt lắm, làm cho chúng tôi khiếp quá, chẳng biết thế nào, nên mới khóc.
Đại Ngọc cười nói:
- Tôi đã chết đâu được!
Nói chưa xong, lại thở hổn hển một hồi.
Số là hôm nay Đại Ngọc nghe được câu chuyện kết hôn giữa Bảo Ngọc và Bảo Thoa - điều này vốn là tâm bệnh mấy năm nay của cô ta, nên tức giận quá, đâm ra mê mẩn. Đến khi hộc máu ra rồi, trong lòng cô ta mới dần dần tỉnh lại, câu chuyện vừa rồi không hề nhớ một tý gì cả. Nay thấy Tử Quyên khóc, mới mơ màng nhớ tới lời nói của con Ngốc. Bây giờ Đại Ngọc không cảm thấy đau xót nữa, chỉ mong chết cho mau, để hết nợ tình.
Tử Quyên và Tuyết Nhạn đành phải ngồi đấy trông nom, muốn đi nói với Giả mẫu thì sợ lại bị Phượng Thư quở mắng như lần trước là vô cớ làm ầm ĩ lên.
Giả mẫu đang nghỉ trưa, thấy Thu Văn về, thần sắc hoảng hốt, liền hỏi:
- Làm sao thế?
Thu Văn vội vàng đem việc vừa rồi trình lại rõ ràng. Giả mẫu sợ quá, nói:
- Thế thì chết thật!
Và vội vàng cho gọi Vương phu nhân và Phượng Thư đến, nói rõ cho hai người biết. Phượng Thư nói:
- Cháu đã dặn dò cả rồi, ai lại làm lộ chuyện ra thế? Thật là khó xử!
Giả mẫu nói:
- Hãy khoan nghĩ gì việc ấy, thử qua xem thế nào đã.
Nói xong, Giả mẫu cùng Vương phu nhân và Phượng Thư qua quán Tiêu Tương. Tới nơi, thấy Đại Ngọc sắc mặt tái xanh không có hột máu, nằm mê man, thở thoi thóp, cứ chốc chốc lại ho. A hoàn đưa ống nhổ ra thì thấy toàn là đờm lẫn máu. Mọi người thấy vậy đều hoảng hốt. Bỗng Đại Ngọc hé mắt ra, trông thấy Giả mẫu ở một bên, liền thở hổn hển nói:
- Bà ơi, bà thực hoài công thương cháu!
Giả mẫu nghe vậy rất là khó chịu liền nói:
- Cháu ơi, cháu cứ nằm yên, không sợ gì đâu?
Đại Ngọc mỉm cười, nhắm mắt lại.
A hoàn ở ngoài vào trình với Phượng Thư:
- Thầy thuốc đã đến. 
Mọi người tránh ra một bên. Thầy thuốc cùng Giả Liễn đi vào xem mạch rồi nói: 
- Cũng chưa can gì lắm. Đây là khí uất làm thương tổn đến can, can không giữ được máu cho nên thần kinh rối loạn. Bây giờ phải dùng thứ thuốc giữ âm cầm máu mới mong khỏi được.
Thầy thuốc họ Vương nói xong, cùng Giả Liễn đi ra kê đơn bốc thuốc.
Giả mẫu thấy thần sắc của Đại Ngọc nguy lắm, liền đi ra bảo bọn Phượng Thư: 
- Không phải là ta rủa nó, chứ bệnh tình con bé này nặng lắm, sợ khó khỏi. Các người cũng nên lo đồ hậu sự cho nó, mượn cách xung xem sao, may ra mà khỏe thì chúng mình cũng được rảnh rang, lỡ có xảy ra việc gì cũng không đến nỗi nước đến chân mới nhảy. Vả lại hai hôm nay, nhà mình còn lắm việc nữa kia đấy.
Phượng Thư vâng lời, Giả mẫu lại hỏi Tử Quyên một hồi, nhưng cuối cùng cũng chẳng biết ai để lộ chuyện.
Giả mẫu buồn bực nói:
- Trẻ con từ khi nhỏ ở với nhau một chỗ, thân thiết nhau là lẽ thường, nhưng bây giờ khôn lớn đã hiểu việc đời, cũng nên phân biệt mới đúng là thân phận người con gái; xứng đáng với lòng yêu thương của ta. Nếu bụng nó có ý nghĩ gì khác thì còn ra người thế nào nữa? Có phải là ta hoài công thương nó không. Xem như điều các người nói đó thì ta có phần không an tâm.
Về đến nhà, Giả mẫu lại gọi Tập Nhân đến hỏi. Tập Nhân nói lại đầu đuôi những điều đã nói với Vương phu nhân hôm trước và tình hình của Đại Ngọc vừa rồi. Giả mẫu nói:
- Vừa rồi, ta thấy nó vẫn còn tỉnh táo. Chuyện ấy ta thật không thể nào hiểu được. Nhà chúng ta đây, việc khác cố nhiên không có, còn cái thứ tâm bệnh ấy lại càng không thể có. Con Lâm nếu mắc bệnh khác thì mất bao nhiêu tiền ta cũng bằng lòng, nhưng nếu là bệnh ấy thì chẳng những không chữa được mà ta cũng chẳng thương.
Phượng Thư nói:
- Việc em Lâm bà cũng không cần lo liệu, đã có anh Hai nó ngày nào cũng đi với thầy thuốc đến trông nom. Việc quan trọng là bên nhà cô cháu. Sáng nay nghe nói nhà cửa đã gần xong xuôi cả rồi. Giờ đây có lẽ bà và thím qua bên ấy, cháu cũng theo sang để cùng bàn bạc. Có điều bên nhà cô cháu, có em Bảo ở đấy, nói chuyện không tiện, chi bằng mời cô cháu đêm nay sang đây cùng bàn bạc cho xong, thế là có thể lo liệu được.
Giả mẫu và Vương phu nhân đều nói:
- Cháu nói phải đấy! Hôm nay muộn quá, đến mai ăn cơm xong, tất cả mẹ, con, bà cháu ta sẽ sang bên ấy.
Nói xong, Giả mẫu ăn cơm chiều, Vương phu nhân và Phượng Thư về nhà.
Hôm sau Phượng Thư ăn cơm sớm rồi qua nhà Giả mẫu, muốn thử Bảo Ngọc xem thế nào, liền đi vào phòng anh ta và nói:
- Có điều rất mừng chú Bảo ạ! Ông nhà đã chọn ngày tốt cưới vợ cho chú, chú có thích không?
Bảo Ngọc nghe nói cứ nhìn Phượng Thư mà cười và khẽ gật đầu.
Phượng Thư cười nói:
- Cưới cô Lâm cho chú có được không?
Bảo Ngọc càng cười to lên. Phượng Thư thấy thế cũng không dám đoán ra anh ta tỉnh hay mê, liền nói tiếp:
- Ông nhà nói chú mà lành mạnh thì mới cưới cô Lâm cho, nếu cứ ngớ ngẩn như thế thì không cưới đâu.
Bảo Ngọc bỗng nghiêm nét mặt:
- Tôi không ngớ ngẩn đâu, chị mới là ngớ ngẩn.
Rồi đứng dậy nói:
- Tôi đi thăm em Lâm, bảo cho cô ta yên lòng.
Phượng Thư vội cản lại nói:
- Em Lâm đã biết rồi. Bây giờ sắp làm cô dâu mới, cô ta thẹn không chịu gặp chú đâu.
- Cưới về đây thì rồi cô ta có phải gặp tôi hay không?
Phượng Thư nghe nói vừa lo lắng, nghĩ bụng: “Lời nói của Tập Nhân quả nhiên không sai. Nghe nhắc đến em Lâm, tuy chú ấy vẫn còn nói nhảm, nhưng xem bộ tỉnh hơn nhiều. Nếu thật tỉnh rồi, sau này cưới về không phải là cô Lâm, vỡ lở câu chuyện ra thì điều rắc rối này mới thật khó xử.”
Phượng Thư nín cười và nói:
- Chú có tử tế thì cô ta mới chịu gặp, nếu cứ ngây ngây dại dại thì cô ta không chịu gặp đâu.
- Tôi chỉ có một quả tim, trước đây đã giao cho em Lâm rồi. Nếu cô ta đến thì thế nào cũng mang tim sang và đặt nó vào lòng tôi.
Phượng Thư nghe nói câu ấy biết là nói điên, liền sang bên Giả mẫu vừa cười vừa kể lại. Giả mẫu nghe vậy vừa cười vừa thương, nói:
- Ta cũng đã nghe rồi. Bây giờ hãy để mặc nó, bảo con Tập Nhân yên ủi nó. Chúng ta đi thôi.
Nói đến đây thì Vương phu nhân vừa đến, rồi cùng nhau sang nhà dì Tiết. Tới nơi, họ chỉ nói “lo cho việc bên này nên đến thăm”. Tiết phu nhân rất cảm kích, nói chuyện Tiết Bàn một chốc rồi uống trà. Tiết phu nhân định cho người tin với Bảo Thoa. Phượng Thư vội vàng ngăn lại:
- Thôi, cô không cần phải nói với em Bảo làm gì.
Rồi chị ta lại cười, nói với Tiết phu nhân:
- Lần này cụ tôi đến đây, một là thăm cô, hai là cũng có câu chuyện cần, định mời cô sang bên nhà bàn bạc.
Tiết phu nhân nghe nói gật đầu: “Phải đấy”
Mọi người lại nói chuyện suông một lúc rồi về.
Chiều hôm ấy quả nhiên Tiết phu nhân sang gặp Giả mẫu rồi đến nhà Vương phu nhân. Chị em nhắc đến chuyện Vương Tử Đằng, lại khóc lóc một hồi. Rồi Tiết phu nhân nói:
- Vừa rồi tôi sang nhà cụ, cháu Bảo ra chào, thấy vẫn khỏe khoắn như thường, chỉ hơi gầy thôi, sao các người nói dễ sợ thế?
Phượng Thư nói:
- Thực ra thì cũng không sao, có điều bà cháu cứ lo lắng. Hiện giờ ông lớn cháu lại phải lên đường đi nhậm chức ở ngoài, chẳng biết bao giờ mới về. Theo ý cụ bà cháu, thứ nhất là để ông lớn cháu nhìn thấy chú Bảo nên cửa nên nhà, thì đi cũng yên lòng, thứ hai là nhân tiện cũng làm cách xung cho chú Bảo, mượn cái khóa vàng của cô Bảo trấn áp tà khí, có lẽ chú ấy sẽ khỏe hẳn.
Tiết phu nhân cũng bằng lòng, chỉ sợ Bảo Thoa còn có điều gì ấm ức trong lòng, liền nói:
- Thế cũng được, có điều chúng ta phải tính toán cho kỹ.
Vương phu nhân theo lời Phượng Thư, bàn với Tiết phu nhân, lại nói:
- Giờ bên nhà dì ít người, chi bằng tất cả đồ nữ trang hãy khoan sắm. Ngày mai bảo cháu Khoa đi nói với cháu Bàn. Một mặt ở đây làm lễ đưa dâu, một mặt tìm cách lo liệu việc quan cho nó.
Vương phu nhân không hề nói gì đến tâm sự của Bảo Ngọc, lại nói thêm:
- Dì đã bằng lòng gả thì cho rước dâu đi, công việc xong nhanh được ngày nào, chúng ta sớm yên tâm ngày ấy.
Đang nói thì Giả mẫu sai Uyên Ương qua hỏi tin. Tiết phu nhân tuy sợ Bảo Thoa có điều gì thắc mắc trong lòng, nhưng cũng chẳng có cách nào, lại thấy tình hình như thế, đành phải vâng lời.
 Uyên Ương về trình với Giả mẫu. Giả mẫu rất mừng, lại sai Uyên Ương sang nhờ Tiết phu nhân nói rõ với Bảo Thoa khỏi để Bảo Thoa thắc mắc. Tiết phu nhân cũng vâng lời. Hai bên đều bàn định cho vợ chồng Phượng Thư đứng ra làm mối. Bàn xong, mọi người ra về, chị em Vương phu nhân lại nói chuyện đến nửa đêm mới ngủ.
Hôm sau, Tiết phu nhân về nhà, đem chuyện bàn ở bên này nói kỹ cho Bảo Thoa nghe, và nói thêm:
- Mẹ đã nhận lời rồi.
Bảo Thoa ban đầu cúi đầu không nói gì, sau lại chảy nước mắt ra. Tiết phu nhân lựa lời khuyên giải. Rồi Bảo Thoa trở về phòng mình. Bảo Cầm cũng theo đi để khuyên giải.
Tiết phu nhân lại nói cho Tiết Khoa biết, và bảo anh ta:
- Ngày mai cháu đi, một là xem quan xử ra sao, hai là tin cho anh cháu biết chuyện này rồi về mau.
Tiết Khoa đi bốn ngày rồi về trình với Tiết phu nhân:
- Việc anh Cả quan trên đã chuẩn y là bị lỡ tay đánh chết người, chờ xét qua một lần nữa sẽ bẩm lên trên. Anh Cả bảo chúng ta phải sắp sẵn tiền bạc chuộc tội, còn việc cô em thì anh ấy nói: “Mẹ làm chủ là tốt, gấp rút lo liệu như thế cũng đỡ được một ít bạc. Đừng có chờ đợi, nên lo liệu như thế nào thì cứ làm đi thôi”.
Tiết phu nhân nghe nói mừng rỡ vì Tiết Bàn có thể về nhà, nếu lo xong việc Bảo Thoa thì cũng yên tâm được nhiều. Cho nên xem bộ Bảo Thoa hình như bằng lòng, nhưng bà ta vẫn nghĩ: “Mặc dù thế, nó là con gái, xưa nay lại hiếu thuận và biết giữ lễ, biết mình nhận lời rồi thì nó cũng chẳng có thể nói gì”. Tiết phu nhân nghĩ thế rồi bảo Tiết Khoa:
- Cháu sắm một bức canh thiếp, viết tám chữ lên trên(6) rồi sai người đưa sang bên nhà cậu Hai Liễn hỏi rõ ngày đưa lễ để chúng ta có thể sắp đặt sẵn sàng. Chúng ta vẫn định không mời mọc bà con, bạn bè. Bạn bè của anh cháu như cháu đã nói, đều là hạng người tầm bậy. Còn bà con thì chỉ có hai nhà họ Giả và họ Vương. Nay họ Giả là họ giai, họ Vương thì ở kinh chẳng có ai. Việc gả cô Sử nhà họ chẳng mời nhà mình, nay nhà mình cũng không cần cho họ biết làm gì. Chỉ cần mời ông Trương Đức Huy đến, nhờ ông ta trông nom xếp đặt ít nhiều. Ông ta là người có tuổi, thế nào cũng hiểu việc hơn.
Tiết Khoa vâng lời, sai người đưa canh thiếp đi.
Hôm sau Giả Liễn đến gặp Tiết phu nhân, hỏi thăm sức khỏe rồi nói:
- Ngày mai là ngày tốt. Hôm nay đến trình với dì, xin đến ngày mai làm lễ nạp tài, mong dì thể tất cho.
Nói xong, bưng quyển thông thư(7) lại. Tiết phu nhân cũng nói ít câu khiêm tốn, rồi gật đầu nhận lời. Giả Liễn vội vàng về trình rõ với Giả Chính. Giả Chính nói:
- Cháu vào trình với cụ, đã không cho bà con bạn bè biết thì nên đơn giản là hơn. Còn về lễ vật thì mời cụ xem qua là được, không cần phải nói với ta.
Giả Liễn vâng lời, vào trong trình rõ với Giả mẫu. Trong này Vương phu nhân gọi Phượng Thư sai người đưa các lễ vật nạp tài cho Giả mẫu xem, và bảo Tập Nhân nói với Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc cười nói:
- Ở đây đưa vào trong vườn, rồi chốc nữa ở trong vườn lại đưa đến đây; người nhà mình đưa đi, người nhà mình lại nhận; tội gì mà làm như thế? 
Giả mẫu và Vương phu nhân nghe xong, đều vui mừng và nói:
- Người ta bảo nó ngớ ngẩn, nhưng hôm nay sao lại sáng suốt như thế? 
Bọn Uyên Ương nhịn cười không được, đành phải xướng rõ từng thứ cho Giả mẫu xem:
- Đây là vòng vàng đeo cổ. Đây là đồ đeo tay bằng vàng ngọc cộng tám mươi cái. Đây là vóc bốn mươi tấm. Đây là các thứ trừu và đoạn cộng một trăm hai mươi tấm. Đây là quần áo bốn mùa cộng một trăm hai mươi cái. Đây là bạc thay tiền dê, rượu vì không sắm các thứ đó.
Giả mẫu xem qua đều khen là tốt, rồi nói nhỏ với Phượng Thư:
- Cháu đi nói với dì rằng: không phải chỉ lễ suông như thế này đâu. Xin dì chờ lúc nào cháu Bàn được ra, sẽ thong thả sai người sắm sửa cho em nó. Còn chăn đệm đêm hợp hôn cũng để bên nhà chúng ta sắm thôi.
Phượng Thư vâng lời đi ra, bảo Giả Liễn qua bên kia trước, rồi chị ta dặn bọn Chu Thụy và Lai Vượng:
- Bất tất phải đi cửa chính, chỉ theo cửa nhỏ trong vườn trước kia thường mở mà đưa đi thôi. Ta cũng sẽ qua đấy. Cửa ấy xa quán Tiêu Tương, nếu người khác trông thấy thì dặn dò họ đừng có nói cho người ở quán Tiêu Tương biết.
Mọi người đều vâng lời, rồi đưa lễ đi.
Bảo Ngọc tưởng là thật, mừng quá, tinh thần có phần tỉnh táo hơn trước, nhưng ăn nói vẫn còn ngớ ngẩn. Những người đi đưa lễ về, đều không nói đến tên họ. Tuy trên dưới ai cũng biết, nhưng vì Phượng Thư đã dặn trước nên không ai dám tiết lộ.
Đại Ngọc tuy có uống thuốc, nhưng bệnh càng ngày càng nặng. Bọn Tử Quyên ở gần bên, tìm hết lời an ủi và nói:
- Sự tình đã đến nông nỗi này, không thể không nói nữa. Tâm sự của cô, chúng cháu đều biết. Còn như việc bất ngờ kia thật là không có. Cô không tin thử nhìn thân thể của cậu Bảo cũng đủ rõ. Bệnh nặng như thế, kết hôn làm sao được. Cô đừng nghe những lời nói nhảm, tự mình phải giữ lấy sức khỏe mới được.
Đại Ngọc mỉm cười, cũng không nói gì, rồi ho vài tiếng, khạc ra một ít máu.
Bọn Tử Quyên xem chừng cô ta chỉ còn thoi thóp, biết chắc không thể khuyên giải, đành nhìn nhau mà ứa nước mắt. Ngày nào bọn Tử Quyên cũng đi trình với Giả mẫu ba bốn lần. Uyên Ương đoán biết gần đây Giả mẫu thương yêu Đại Ngọc đã khác trước ít nhiều, nên cũng không mấy khi trình lại cho Giả mẫu biết. Vả lại, mấy hôm ấy Giả mẫu chỉ nghĩ đến Bảo Ngọc và Bảo Thoa nên không nghe nói đến Đại Ngọc, cũng không nhắc nhở lắm, chỉ bảo mời thầy đến chạy chữa mà thôi.
Trước đây, mỗi khi Đại Ngọc ốm, từ Giả mẫu đến những người hầu của các chị em vẫn thường đến hỏi thăm. Nay thấy tất cả mọi người trên dưới ở trong phủ Giả chẳng có ai qua lại, chẳng có lấy một người đến thăm nom, Đại Ngọc mở mắt ra chỉ có một mình Tử Quyên, tự nghĩ mình không thể sống được, bèn gắng gượng nói với Tử Quyên:
- Em ơi, em là người thân nhất của ta, tuy rằng mấy năm nay bà sai em hầu hạ ta, ta vẫn coi em như là em ruột...
Nói đến đó, Đại Ngọc hết hơi, nói không được nữa.
Tử Quyên nghe nói, trong lòng chua xót, nghẹn ngào nói chẳng nên lời. Một hồi lâu. Đại Ngọc vừa thở vừa nói:
- Em Tử Quyên ơi! Ta nằm khó chịu quá! Em đỡ ta dậy. Ta muốn ngồi nghỉ một chút.
Tử Quyên nói:
- Người cô mệt lắm, nếu ngồi dậy lại sợ mệt thêm.
Đại Ngọc nghe nói, nhắm mắt nằm im, một lúc sau lại đòi ngồi dậy. Tử Quyên không biết làm thế nào, đành phải cùng với Tuyết Nhạn vực cô ta dậy, lấy gối mềm đỡ hai bên. Tử Quyên đứng dậy một bên đỡ Đại Ngọc.
Đại Ngọc cảm thấy nửa người phía dưới ê ẩm, ngồi không vững, nhưng cũng cắn răng chịu rồi gọi Tuyết Nhạn lại bảo:
- Tập thơ của ta... - Vừa nói vừa thở.
Tuyết Nhạn đoán là cô ta đòi tập thơ vừa sửa chữa hôm nước liền lấy đưa đến trước mặt Đại Ngọc. Đại Ngọc gật đầu rồi đưa mắt nhìn cái rương. 
Tuyết Nhạn không hiểu Đại Ngọc cần gì, cứ đứng ngẩn người ra. Đại Ngọc tức quá, hai mắt trợn ngược, lại nổi ho lên và khạc ra máu. Tuyết Nhạn vội chạy đi lấy nước. Đại Ngọc súc miệng, rồi nhổ vào ống nhổ. Tử Quyên lấy khăn lau miệng cho cô ta, Đại Ngọc liền nắm khăn mà chỉ cái rương rồi thở dốc, nhắm mắt lại, nói không được. Tử Quyên nói:
- Cô nằm thôi.
Đại Ngọc lại lắc đầu.
Tử Quyên nghĩ cô ta muốn cái khăn lụa, liền bảo Tuyết Nhạn mở rương, lấy ra một cái khăn lụa trắng. Đại Ngọc nhìn qua, vứt ra một bên, cố hết sức nói:
- Có chữ kia. 
Lúc bấy giờ Tử Quyên mới hiểu rõ cô ta đòi cái khăn lụa cũ có đề thơ, đành phải bảo Tuyết Nhạn lấy ra đưa cho Đại Ngọc.
Tử Quyên khuyên:
- Cô nghỉ đi, tội gì làm mệt thân như thế Khi nào khỏe hãy xem.
Đại Ngọc cầm lấy cái khăn, cũng không xem, rồi giơ tay ra cố sức xé, nhưng tay chỉ run lẩy bẩy, không sao xé được. Tử Quyên biết là cô ta giận Bảo Ngọc, nhưng cũng không dám nói rõ, chỉ khuyên:
- Cô ơi, tội gì mà giận?
Đại Ngọc gật đầu nhè nhẹ, nhét cái khăn vào ống tay áo rồi bảo:
- Thắp đèn.
Tuyết Nhạn vội vàng vâng lời, thắp đèn lên.
Đại Ngọc nhìn một tý, nhắm mắt lại thở một hơi rồi nói:
- Đốt nồi than.
Tử Quyên tưởng là cô ta lạnh, liền nói:
- Cô nằm xuống rồi đắp thêm cái chăn thôi, không chịu nổi hơi than đâu.
Đại Ngọc lại lắc đầu. Tuyết Nhạn đành phải đốt nồi than, rồi đặt nó vào cái giá đặt dưới đất.
Đại Ngọc gật gật đầu như muốn bảo đưa nồi than lên trên giường. Tuyết Nhạn đành phải đưa nó lại và đi ra ngoài tìm cái bàn.
Đại Ngọc lại nhổm dậy. Tử Quyên đành phải đưa hai tay đỡ lấy. Đại Ngọc cầm cái khăn tay vừa rồi, nhìn ngọn lửa gật đầu, vứt cái khăn lên trên lửa.
Tử Quyên giật nẩy mình, muốn cướp lấy, nhưng hai tay không dám động đậy. Còn Tuyết Nhạn thì đã ra ngoài lấy cái bàn để nồi than. Cái khăn lụa đã bị cháy mất. Tử Quyên khuyên:
- Cô ơi! Làm sao thế?
Đại Ngọc cứ làm như không nghe gì, lại trở tay cầm tập thơ lên, nhìn một cái rồi lại vứt xuống.


Tử Quyên sợ cô ta lại đốt, vội vàng dùng người dựa lấy Đại Ngọc, giơ tay ra định nắm lấy tập thơ. Nhưng Đại Ngọc đã nhặt lên và vứt vào nồi than.
Tử Quyên cướp lại không được, đang hoảng lên thì Tuyết Nhạn đưa cái bàn vào, thấy Đại Ngọc vứt một cái, không biết là cái gì, vội vàng chạy lại cướp, nhưng giấy rơi vào lửa, chỉ nháy mắt là cháy bùng lên. Tuyết Nhạn cũng không nghĩ đến lửa bỏng, liền thò tay vào trong lò than kéo ra, rồi vất xuống dưới đất, hai chân giẫm lấy giẫm để, nhưng giấy cháy gần hết, chẳng còn bao nhiêu.
Sau đó, Đại Ngọc nhắm mắt lại, ngả người về đằng sau, suýt nữa thì đè cả Tử Quyên xuống. Tử Quyên gọi Tuyết Nhạn lại, hai người đỡ Đại Ngọc nằm xuống, tim Tử Quyên cứ hồi hộp đập mạnh. Chị ta muốn gọi người thì trời đã tối, không gọi người thì chỉ có mình với Tuyết Nhạn cùng mấy đứa a hoàn nhỏ, sợ đêm có chuyện gì thì nguy. Cả một đêm ấy thật là vất vả, đến sáng hôm sau thấy Đại Ngọc lại hơi đỡ. Sau bữa cơm lại ho, lại thổ huyết, có vẻ nguy cấp lắm.
Tử Quyên thấy vậy, liền gọi Tuyết Nhạn vào trong phòng trông nom, còn mình đi trình Giả mẫu. Không ngờ đến phòng Giả mẫu, thấy rất im lặng, chỉ có vài ba bà già và mấy người a hoàn làm việc nặng ở đấy coi nhà. Tử Quyên hỏi:
- Cụ đi đâu rồi?
Bọn họ đều trả lời:
- Không biết! 
Tử Quyên đã đoán biết tám chín phần, nghĩ bụng: “Bọn họ sao lại lạnh nhạt, độc ác như thế?” Lại nghĩ đến Đại Ngọc mấy hôm nay không có lấy một người đến thăm, càng nghĩ càng thương, tức đầy cả ruột, quay người đi ra. Rồi chị ta lại nghĩ thầm: “Hôm nay để xem bộ tịch anh chàng Bảo Ngọc ra sao? Để xem anh ta thấy mình rồi làm ra sao? Năm nọ mình chỉ nói đùa một câu anh ta đã sinh ốm, thế mà bây giờ lại công nhiên làm việc này! Thật bụng dạ con trai lạnh lùng, chẳng khác gì mảnh băng, làm cho người ta phải nghiến răng tức giận!” Tử Quyên vừa nghĩ vừa đi, đã đến Viện Di Hồng. Thấy cửa viện đóng hờ, bên trong rất lặng lẽ. Cô ta chợt nghĩ ra: “Anh ta định cưới vợ, thế nào cũng có nhà mới, nhưng không biết nhà mới ấy ở vào chỗ nào?” 
Tử Quyên đang nhìn quanh quẩn, thì thấy Mặc Vũ chạy như bay. Tử Quyên gọi nó dừng lại.
Mặc Vũ chạy lại cười hì hì:
- Chị đến đây làm gì?
Tử Quyên nói:
- Tôi nghe cậu Bảo cưới vợ, định đến xem đám cưới, không ngờ lại không ở đây, và cũng không biết bao giờ cưới.
Mặc Vũ nói nhỏ:
- Điều này chỉ nói với chị, đừng có mách với Tuyết Nhạn nhé. Bề trên dặn dò, ngay cả bọn các chị cũng không cho biết. Chính đêm hôm nay sẽ rước đâu. Đâu có phải ở đây, ông lớn đã sai cậu Hại Liễn thu xếp nhà cửa rồi.
Nói xong Mặc Vũ lại hỏi:
- Chị có việc gì không?
- Có việc gì đâu, em đi thôi.
Mặc Vũ lại chạy như trước.
Tử Quyên đứng ngơ ngẩn một lúc, chợt nghĩ đến Đại  Ngọc không biết bây giờ chết hay sống, chị ta lại hai hàng nước mắt ròng ròng, nghiến răng tức giận nói: “Bảo Ngọc! Giờ đây cô ấy chết, anh tưởng đã tránh được rồi, không gặp mặt nữa đấy hẳn! Để ta xem, sau khi xong việc vui mừng của anh rồi, anh còn mặt mũi nào nhìn thấy ta nữa!” 
Tử Quyên khóc lóc nghẹn ngào rồi chạy một mạch về nhà.
Chị ta chưa về đến quán Tiêu Tương đã thấy hai a hoàn nhỏ ở trong cửa ló đầu ra nhìn. Thấy Tử Quyên, một đứa kêu lên:
- Chị Tử Quyên đã về đấy à?
Tử Quyên biết là việc không lành, vội vàng xua tay bảo chúng đừng làm ầm lên. Đoạn vội chạy vào nhà xem, thấy Đại Ngọc can hỏa bốc lên, hai gò má đỏ ửng.
Tử Quyên biết tình thế nguy rồi, liền gọi bà vú của Đại Ngọc là Già Vương đến. Già Vương vừa nhìn thấy đã khóc ầm lên. Tử Quyên vốn nghĩ Già Vương là người có tuổi, có can đảm giúp đỡ được mình, không ngờ bà ta chẳng nghĩ được kế gì, lại làm Tử Quyên càng thêm hồi hộp. Bỗng chị ta nghĩ ra một người, vội vàng sai a hoàn đi mời. Người ấy là ai? Thì ra Tử Quyên nhớ đến Lý Hoàn là người ở góa. Bây giờ Bảo Ngọc cưới vợ, thế nào chị ta cũng tránh mặt. Vả lại, mọi việc trong vườn, trước đây đều do Lý Hoàn lo liệu. Vì thế Tử Quyên mới cho người đi mời.
Lý Hoàn đang ở nhà sửa thơ cho Giả Lan, bỗng thấy một a hoàn hớt hơ hớt hải chạy đến nói:
- Mợ Cả ạ! Có lẽ cô Lâm nguy lắm rồi! Ở bên ấy họ đã khóc cả rồi!
Lý Hoàn nghe nói giật nẩy mình, cũng không kịp hỏi lại, vội vàng đứng dậy đi ngay. Tố Vân và Bích Nguyệt đi theo. Chị ta vừa đi vừa chảy nước mắt, nghĩ bụng: “Chị em xưa nay cùng sống với nhau. Vả lại cô ta dung mạo tài tình, thật là trên đời ít có, họa chăng chỉ có Thanh Nữ và Tố Nga(8) giống được ít nhiều mà thôi. Ngờ đâu mới chừng ấy tuổi đầu, đã vội làm ma đất khách! Khốn nỗi, Phượng Thư lại bày ra cái mưu “thay rường đổi cột” nên mình cũng không tiện đến quán Tiêu Tương, thành ra tình nghĩa chị em, chưa thỏa chút nào, thật là tội nghiệp cho cô ta”.
Lý Hoàn đang nghĩ thì đã tới cửa quán Tiêu Tương.
Trong nhà lặng lẽ chẳng nghe tiếng gì. Lý Hoàn lo cuống lên. “Chắc là cô ta đã chết, họ đã khóc rồi, không biết áo quần và đồ khâm liệm đã sắp sẵn đầy đủ chưa?" Lý Hoàn vội vàng ba chân bốn cẳng bước vào nhà. Một a hoàn nhỏ đứng trong cửa trông thấy liền nói:
- Mợ Cả đã đến!
Tử Quyên vội vàng ở trong chạy ra. Vừa gặp mặt, Lý Hoàn vội hỏi:
- Cô ra sao rồi?
Tử Quyên chỉ nghẹn ngào trong họng, nói không ra lời, nước mắt giàn giụa, lã chã, một tay chỉ về phía Đại Ngọc.
Lý Hoàn thấy vậy, càng thêm đau lòng, cũng không hỏi. Vội vàng chạy lại, thấy Đại Ngọc không nói được nữa. Lý Hoàn sẽ gọi vài tiếng. Đại Ngọc hơi hé mắt ra, hình như còn biết, nhưng chỉ có mi mắt và môi hơi rung động, trong miệng còn thoi thóp thở, chứ không nói được, cũng không còn một giọt nước mắt nữa.
Lý Hoàn ngoảnh lại không thấy Tử Quyên, liền hỏi Tuyết Nhạn. Tuyết Nhạn nói:
- Chị ấy đang ở nhà ngoài. 
Lý Hoàn vội vàng đi ra thì thấy Tử Quyên, đang nằm trên cái giường bỏ không ở nhà ngoài, mặt tái nhợt, mắt nhắm lại, nước mắt như mưa, làm cho cái nệm hoa viền gấm ướt mất một vạt lớn bằng cái bát. Nghe Lý Hoàn gọi, Tử Quyên mới từ từ mở mắt và nhổm dậy.  
Lý Hoàn nói:
- Con ngốc này! Lúc này là lúc nào mà mày chỉ lo khóc? Áo xống của cô Lâm ở đâu rồi, không đưa ra thay cho cô ta, còn đợi lúc nào nữa. Không lẽ cô ta là một người con gái, lại để trần truồng như thế mà lìa bỏ cuộc đời à?
Tử Quyên nghe câu ấy càng khóc rống lên.
Lý Hoàn cũng vừa khóc vừa cuống quít, lau nước mắt, vừa vỗ vào tai Tử Quyên vừa nói:
- Em ơi! Em khóc làm rối cả ruột ta. Mau mau sửa soạn để khâm liệm cho cô ta đi thôi, để chậm lát nữa không kịp đâu!
Đang lúc rối rít thì thấy ở ngoài có một người lật đật chạy vào. Lý Hoàn giật mình, nhìn lại, thì ra Bình Nhi. Bình Nhi chạy vào thấy tình hình như thế, ngơ ngác sửng sốt. Lý Hoàn nói:
- Chị lúc này không ở bên ấy, đến đây làm gì?
Vừa nói đến đây thì vợ Lâm Chi Hiếu cũng chạy vào.
Bình Nhi nói:
- Mợ tôi không đành lòng, bảo tôi đến xem sao? Đã có mợ Cả ở đây thì mợ tôi chỉ lo việc bên kia thôi.
Lý Hoàn giật đầu. Bình Nhi nói:
- Tôi cũng vào xem cô Lâm một chút.
Nói đến đấy, chị ta vừa đi vào vừa chảy nước mắt.
Lý Hoàn ở ngoài nói với vợ Lâm Chi Hiếu: 
- Bà đến vừa đúng lúc, mau mau đi ra ngoài xem sao, rồi nói với người coi việc sắp sửa hậu sự cho cô Lâm. Khi đã xong xuôi rồi, bà bảo họ tới nói lại với tôi, không cần đến bên kia làm gì.
Vợ Lâm Chi Hiếu vâng lời, nhưng vẫn đứng đấy. Lý Hoàn nói:
- Còn việc gì nữa? 
- Vừa rồi mợ Hai và cụ bàn định bên kia có việc cần gọi cô Tử Quyên sang để sai bảo.
Lý Hoàn chưa kịp trả lời. Tử Quyên đã nói:
- Bà Lâm ơi, mời bà cứ đi trước. Chờ khi người chết rồi chúng tôi tự nhiên về cả, cần gì phải như thế? 
Tử Quyên nói đến đó, nghĩ không tiện, liền đổi giọng:
- Vả lại chúng tôi ở đây phục dịch người ốm, trong người cũng không được sạch sẽ. Cô Lâm còn thở, có khi sẽ gọi đến tôi.
Lý Hoàn đứng một bên sẽ nói dàn hòa:
- Thật thế, cô Lâm và cô này là duyên nợ từ trước để lại. Tuyết Nhạn là người từ phương Nam đưa đến mà cô Lâm lại không để ý lắm, chỉ có Tử Quyên với cô ấy thì một phút cũng không rời nhau.
Vợ Lâm Chi Hiếu ban đầu nghe Tử Quyên nói, trong bụng cũng khó chịu, nhưng khi nghe Lý Hoàn nói rõ như thế, bà ta cũng chẳng biết nói gì nữa. Lại thấy Tử Quyên nước mắt giàn giụa nên bà ta chỉ mỉm cười đứng nhìn rồi lại nói:
- Những lời cô Tử Quyên nói không quan hệ, nhưng cô thì như thế được, chứ còn tôi thì làm sao mà trình lại với cụ và mợ Hai được.
Đang nói thì Bình Nhi ở trong lau nước mắt đi ra, liền hỏi:
- Bà nói trình với mợ Hai việc gì thế?
Vợ Lâm Chi Hiếu đem câu chuyện vừa rồi kể lại đầu đuôi. Bình Nhi cúi đầu nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Thế này thôi, gọi cô Tuyết Nhạn đi cũng được.
Lý Hoàn nói:
- Cô ấy cũng được à?
Bình Nhi ghé vào tai Lý Hoàn nói nhỏ mấy câu. Lý Hoàn gật đầu nói:
- Đã thế thì bảo Tuyết Nhạn qua bên ấy cũng được.
Vợ Lâm Chi Hiếu hỏi lại Bình Nhi:
- Cô Tuyết Nhạn có được không?
- Được đấy, cũng như nhau thôi.
- Đã thế thì cô bảo cô Tuyết Nhạn mau mau đi theo tôi. Tôi sẽ trình với cụ và mợ Hai. Đây là ý định của mợ Cả và cô, rồi chốc nữa cô lại trình với mợ Hai.
Lý Hoàn nói:
- Thôi được, bà chừng ấy tuổi đầu mà chút việc như thế cĩmg còn không làm nổi à? 
Vợ Lâm Chi Hiếu cười nói:
- Không phải là tôi không làm nổi, nhưng vì một là việc này cụ và mợ Hai lo liệu như thế nào, tôi không được rõ lắm, hai là đã có mợ Cả và cô Bình rồi.
Đang nói thì Bình Nhi đã gọi Tuyết Nhạn ra. Số là mấy hôm nay, Đại Ngọc cho Tuyết Nhạn còn trẻ con, không biết gì, lên nó cũng đâm ra hờ hững. Nó lại sợ cụ và mợ Hai gọi, không đi không được, nên vội vàng sửa lại đầu tóc. Bình Nhi bảo nó thay quần áo mới rồi theo vợ Lâm Chi Hiếu đi.
Sau đó, Bình Nhi lại nói với Lý Hoàn mấy câu. Lý Hoàn lại dặn dò Bình Nhi qua bên ấy giục vợ Lâm Chi Hiếu mau mau nhắn ông ta sắm sửa hậu sự cho Đại Ngọc. 
 Bình Nhi vâng lời đi ra, vừa qua quãng đường, thấy vợ Lâm Chi Hiếu dẫn Tuyết Nhạn đi phía trước. Chị ta liền gọi bà ấy đứng lại và nói:
- Để tôi đưa em Tuyết đi cho. Bà về nói với ông Lâm lo liệu hậu sự cho cô Lâm. Còn ở chỗ mợ Hai, tôi sẽ trình hộ.
Bà Lâm vâng lời ra đi. Bình Nhi dẫn Tuyết Nhạn đến nhà mới, nói lại rõ ràng rồi đi làm việc.
Tuyết Nhạn thấy quang cảnh phòng mới của Bảo Ngọc, nghĩ đến cô mình, không khỏi đau lòng, nhưng vì đứng trước mặt Giả mẫu và Phượng Thư nên không dám để lộ nỗi buồn của mình. Tuyết Nhạn nghĩ bụng: “Chả biết họ dùng mình vào việc gì, để ta xem thử. Ngày thường Bảo Ngọc với cô mình gắn bó như keo với sơn, mà giờ đây không gặp mặt nhau nữa. Cũng không biết anh ta bệnh giả hay bệnh thật. Có lẽ anh ta sợ cô mình đâm giận, nên bịa chuyện mất ngọc, giả cách si ngốc làm cho cô mình nguôi lòng để rồi cưới cô Bảo cho tiện cũng nên. Để ta thử gặp anh ta, xem anh ta thấy mình rồi còn si ngốc nữa hay không? Chả nhẽ giờ đây còn vờ làm bộ si ngốc nữa hay sao?”
Tuyết Nhạn nghĩ như thế rồi lén vào cửa nhà trong xem trộm.
Lúc bấy giờ, Bảo Ngọc vì mất ngọc đâm ra mê mẩn, nhưng nghe nói mình được lấy Đại Ngọc làm vợ, thật là việc vui lòng thỏa dạ thứ nhất từ trước tới nay, từ trên trời đến cõi tục, nên người khỏe hẳn lên, duy chỉ không được lanh lợi như trước mà thôi. Vì thế, diệu kế của Phượng Thư thật là “bách phát bách trúng”. Bảo Ngọc chỉ mong được gặp Đại Ngọc ngay. Nghe người ta nói hôm nay làm lễ cưới, anh ta hoa chân múa tay, vui không kể xiết, dầu còn đôi câu nói dại dại ngây ngây, nhưng đã khác hẳn khi còn bệnh nặng. Trông thấy thế, Tuyết Nhạn vừa tức giận vừa đau lòng, nhưng hiểu sao được nổi lòng của Bảo Ngọc. Tuyết Nhạn liền bỏ đi ra.
Trong này Bảo Ngọc gọi Tập Nhân mau mau thay quần áo mới cho mình, rồi ngồi chờ trong nhà Vương phu nhân. Trông thấy Phượng Thư và Vưu Thị vội vàng lật đật, anh ta chờ mãi chẳng thấy đến giờ tốt, cứ hỏi Tập Nhân:
- Cô Lâm ở trong vườn, sao vẫn dằng dai mãi chưa đến?
Tập Nhân mỉm cười nói:
- Còn chờ giờ tốt chứ!
Lúc đó, lại nghe Phượng Thư nói với Vương phu nhân:
- Mặc dầu có tang, nếu gọi ban nhạc ở ngoài thì không nên, nhưng nề nếp nhà chúng ta, có lệ con dâu vào làm lễ nhà thờ, nếu lặng lẽ quá sợ không nên. Để cháu gọi bọn đàn bà con gái trong nhà đã học âm nhạc và học hát trò đến đánh đàn thổi sáo cho vui.
Vương phu nhân gật đầu nói:
- Cũng được.
Một lúc sau, một cỗ kiệu lớn đi từ cửa chính vào, ban âm nhạc trong nhà ra đón, mười hai đôi đèn hoa kiểu trong cung bày hàng đi vào, xem cũng có vẻ trang nhã mới mẻ. Người giúp lễ mời cô dâu xuống kiệu. Bảo Ngọc thấy cô phù dâu mặc áo đỏ, đỡ lấy cô dâu. Cô dâu đội khăn che đầu.
Người đỡ cô dâu đó là ai? Thì chính là Tuyết Nhạn.
Bảo Ngọc thấy Tuyết Nhạn, nghĩ bụng: “Sao Tử Quyên không đi mà lại là cô này?” Rồi lại nghĩ: “Phải rồi, Tuyết Nhạn nguyên là cô ta đưa từ phương Nam đến, Tử Quyên là người nhà mình, dĩ nhiên không cần cô ta đưa đến”. Vì thế, khi thấy Tuyết Nhạn, Bảo Ngọc vui mừng y như thấy Đại Ngọc.
Người giúp lễ xướng lễ, trước lạy trời đất rồi mời Giả mẫu ra lạy bốn lạy, lại mời vợ chồng Giả Chính lên nhà để vợ chồng mới làm lễ. Lễ xong, đưa vào động phòng. Ngoài ra, còn có những lễ như ngồi giường buông màn đều là theo lệ cũ đất Kim Lăng, không cần nói kỹ.
Giả Chính vốn không tin chuyện "xung hỷ", chẳng qua vì Giả mẫu làm chủ, không dám trái lại mà thôi. Ai ngờ hôm nay thấy Bảo Ngọc như có vẻ khỏe thật, Giả Chính thấy thế cũng rất vui mừng.
Lúc cô dâu ngồi màn là phải cất cái khăn che đầu, Phượng Thư đã đề phòng sẵn, nên mời Giả mẫu và Vương phu nhân cùng vào để trông nom lúc đó, Bảo Ngọc vẫn còn phần nào ngây dại, liền chạy đến trước mặt cô dâu nói:
- Cô em có khỏe không? Đã mấy ngày không gặp nhau đội cái quái này làm gì?
Bảo Ngọc định cất cái khàn che đầu của cô dâu, làm cho Giả mẫu sợ toát mồ hôi. Báo Ngọc lại nghĩ: "Cô Lâm hay giận, không nên hấp tấp". Lại nghỉ một chút. Anh ta nhịn không được, đành phải tới nơi cất cái khăn che đầu của cô dâu đi. Người phù dâu đỡ lấy khăn, Tuyết Nhạn chạy ra, bọn Oanh Nhi tới hầu.
Bảo Ngọc trừng mắt nhìn, thấy giống như Bảo Thoa, trong bụng không tin, một tay cầm đèn, một tay dụi mắt, trông kỹ lần nữa, thì chẳng phải Bảo Thoa là gì! Thấy cô ta ăn mặc lộng lẫy, thân thể đẫy đà, mái tóc rủ nghiêng, mặt mày e lệ. Rõ ràng:
Vẻ thanh nhã bông sen sương rủ,
Dáng yêu kiều hoa hạnh khói lồng.
Bảo Ngọc đứng ngẩn người ra một lúc, thấy Oanh Nhi đứng một bên mà không thấy Tuyết Nhạn. Lúc đó, trong lòng Bảo Ngọc rối loạn, cho là mình ở trong giấc chiêm bao, cứ đứng ngơ ngác. Mọi người đỡ lấy đèn, dìu Bảo Ngọc ngồi xuống, Bảo Ngọc hai mắt trợn ngược, chẳng nói nửa lời. Giả mẫu sợ Bảo Ngọc lại phát ốm, liền thân hành đến vỗ về. Phượng Thư và Vưu Thị mời Bảo Thoa vào nhà trong ngồi. Lúc đó, Bảo Thoa cố nhiên là ngồi cúi đầu không nói gì cả.
Một lát, Bảo Ngọc hơi tỉnh lại, thấy Giả mẫu và Vương phu nhân ngồi bên kia, liền khẽ hỏi Tập Nhân:
- Tôi ở chỗ nào đây, không phải là chiêm bao à?
Tập Nhân nói:
- Hôm nay là ngày vui của cậu. Sao lại nói nhảm, chiêm bao với chẳng chiêm bao! Ông lớn đang ngồi ngoài kia kìa! 
Bảo Ngọc lại lấy tay chỉ vào nhà trong, hỏi khẽ:
- Cô gái đẹp ngồi trong ấy là ai?
Tập Nhân bưng lấy miệng nhịn cười, nói không ra lời, hồi lâu mới nói:
- Mợ Hai mới cưới đấy.
Mọi người ngoảnh đầu đi, không nhịn cười được.
Bảo Ngọc lại nói:
- Khéo lẩn thẩn thật! Chị nói mợ Hai là ai đấy?
- Cô Bảo đấy!
- Cô Lâm đâu rồi?
- Ông lớn làm chủ, cưới cô Bảo, sao lại nói bậy là cô Lâm? 
- Ta vừa thấy cô Lâm, có cả Tuyết Nhạn nữa; sao lại nói không có? Các người đùa cái gì thế?
Phượng Thư liền chạy lại nói khẽ:
- Cô Bảo đang ngồi ở trong nhà đấy, đừng nói nhảm, làm cô ta mếch lòng thì cụ không nghe đâu.
Bảo Ngọc nghe nói, càng thêm mê mẩn. Vốn đã sẵn bệnh hôn mê, lại thêm đêm nay tình hình kỳ quặc, càng làm cho anh ta tình hình rối loạn. Anh ta không quản gì nữa, miệng đòi đi tìm cho được cô Lâm.
Giả mẫu tới an ủi. Nhưng khốn nỗi Bảo Ngọc không hiểu nữa. Lại có cả Bảo Thoa ngồi trong nhà không tiện nói rõ. Giả mẫu biết rằng bệnh cũ của Bảo Ngọc lại phát nên cũng không nói, đành phải thắp hương an thần khắp nhà để giữ vững thần hồn rồi dìu anh ta nằm ngủ.
Mọi người ngồi im lặng. Sau một lát, Bảo Ngọc ngủ mê mệt, bọn Giả mẫu mới hơi yên lòng, đành phải ngồi chờ trời sáng. Giả mẫu lại bảo Phượng Thư vào mời Bảo Thoa nằm nghỉ.
Bảo Thoa làm như không nghe gì chỉ, rồi cũng mặc cả áo đi nằm.
Giả Chính ở ngoài không biết nguyên do trong ấy ra sao, nhưng cứ quang cảnh tai nghe mắt thấy vừa rồi, trong bụng cũng khoan khoái. Vừa đúng ngày mai là ngày tốt lên đường, ông ta nằm nghỉ một lát rồi mọi người làm lễ chúc mừng tiễn đưa.
Giả mẫu thấy Bảo Ngọc nghỉ rồi, cũng về phòng nghỉ.
Sáng hôm sau Giả Chính làm lễ cáo từ ở nhà thờ, rồi đến từ biệt Giả mẫu và thưa:
- Con bất hiếu đi xa, mong mẹ yên tâm tĩnh dưỡng. Con đến chỗ làm việc sẽ biên thư về ngay, xin mẹ đừng lo nghĩ. Việc của Bảo Ngọc đã theo lời mẹ lo liệu xong xuôi, chỉ mong mẹ để ý dạy dỗ cho. 
Giả mẫu sợ Giả Chính dọc đường không yên tâm, nên không nhắc đến chuyện Bảo Ngọc ốm trở lại, chỉ nói:
- Ta có một câu: Hôm qua Bảo Ngọc cưới vợ nhưng chưa phải là chung phòng. Hôm nay anh lên đường, đáng lẽ bảo nó đi đưa xa mới phải. Nhưng vì nó ốm, phải làm cách “xung hỷ” mới đỡ ít nhiều. Hôm qua nó lại mệt suốt ngày, đi ra ngoài sợ gặp gió. Vì thế, ta hỏi anh: Nếu bảo nó đi tiễn thì tức khắc cho gọi nó, nếu anh thương nó thì gọi người đưa nó đến để anh gặp nó một tí và bảo nó dập đầu làm lễ cũng như là nó tiễn đưa anh rồi.
Giả Chính nói:
- Bảo nó tiễn đưa làm gì? Chỉ cần từ nay về sau nó chăm chỉ học hành, còn mừng hơn là nó tiễn đưa.
Giả mẫu nghe nói mới đỡ lo, liền bảo Giả Chính ngồi xuống rồi gọi Uyên Ương, như thế như thế, đưa Bảo Ngọc đến đây, và bảo cả Tập Nhân theo đến.
Uyên Ương đi chẳng bao lâu đã dẫn Bảo Ngọc đến. Nghe Giả mẫu bảo làm lễ chào thì Bảo Ngọc chào. May lúc đó, Bảo Ngọc gặp bố, tinh thần hơi tỉnh táo một chút, cho nên cũng chẳng có gì sai lầm lắm.
Giả Chính dặn dò mấy câu, Bảo Ngọc vâng lời. Giả Chính bảo người nhà dìu anh ta về phòng.
Giả Chính về phòng Vương phu nhân, lại dặn dò phải hết sức dạy bảo con “nhất thiết không được thả lỏng như trước, khoa thi hương sang năm, thế nào cũng bảo nó đi thi.”
Vương phu nhân nhất nhất vâng theo, cũng không nhắc đến việc gì khác, và vội vàng sai người dẫn Bảo Thoa đến, làm lễ dâu mới tiễn chân, nhưng cũng không ra khỏi nhà, còn các người khác thì tiễn ra cửa thứ hai rồi về.
Giả Chính lại dặn dò Giả Trân một hồi rồi mọi người rót rượu tiễn chân. Một số con em và bạn hữu lớp trẻ đưa chân mãi đến mười dặm mới từ biệt.
Bảo Ngọc từ khi trở về phòng, bệnh cũ trở lại, càng thêm mê mẩn không ăn uống gì.

Hồi 98:
Giáng Châu đau buồn, hồn về nơi ly hận;
Thần Anh mang bệnh, lệ tràn cõi tương tư.

Bảo Ngọc gặp Giả Chính rồi về phòng, càng thấy đầu choáng mắt hoa, chân tay rời rạc, cơm cũng không ăn, liền nằm ngủ ly bì, mời thầy đến xem mạch, cho thuốc uống, cũng chẳng thấy công hiệu gì, ngay đối với người trong nhà cũng không nhận ra được ai nữa. Nhưng khi đỡ, anh ta ngồi dậy thì xem bộ như là người khỏe. Tình trạng ấy kéo dài luôn mấy hôm. Hôm ấy vừa đến ngày làm lễ “hồi môn”(9). Nếu không làm lễ hồi môn về thăm Tiết phu nhân thì thật khó coi. Nhưng nếu về lại không tiện. Thấy bộ dạng Bảo Ngọc như thế, ai cũng biết bệnh Bảo Ngọc vì nhớ Đại Ngọc mà sinh ra. Nhưng không muốn nói rõ, lại sợ anh ta tức uất, có thể xảy ra nguy hiểm. Về phần Bảo Thoa lại là cô dâu mới, cũng khó khuyên lơn an ủi, việc này cần có Tiết phu nhân sang mới được.
Giả mẫu sợ không về hồi môn thì Tiết phu nhân trách giận, liền bàn cùng Vương phu nhân và Phượng Thư:
- Ta xem Bảo Ngọc như người mất hồn, nhưng đi đứng thì không sợ đâu. Bây giờ nên dùng hai cỗ kiệu nhỏ, sai người dìu đi, rồi cho vợ chồng nó đi qua vườn mà sang để đúng với lễ về hồi môn. Sau đó, mời dì sang an ủi Bảo Thoa, còn chúng ta thì hết sức tìm cách chạy chữa cho Bảo Ngọc, như thế có phải cả hai đường đều trọn vẹn không?
Vương phu nhân vâng lời, lập tức sắm sửa. May được Bảo Thoa là cô dâu mới, Bảo Ngọc thì điên dại, bảo gì làm nấy. Bảo Thoa hiểu rõ như thế, trong bụng chỉ trách mẹ quá hấp tấp, nhưng đã đến nông nỗi này, cũng không nói nữa. Riêng Tiết phu nhân thấy bộ dạng Bảo Ngọc như thế, trong bụng phàn nàn, nhưng đành phải làm qua loa cho xong chuyện.
Trở về nhà, bệnh Bảo Ngọc càng thêm trầm trọng đến nỗi hôm sau không ngồi dậy được nữa. Bệnh cứ một ngày một nặng thêm, thậm chí cháo và nước cũng không nuốt được.
Bọn Tiết phu nhân đều cuống quít mời đủ danh y các nơi, nhưng không ai hiểu bệnh gì. Chỉ có một ông thầy thuốc nghèo túng ở một ngôi chùa đổ nát ngoài thành là họ Tất, biệt hiệu Tri Am, xem mạch và đoán là do mừng buồn đột ngột, ấm lạnh thất thường, ăn uống lỗi thời, lo giận uất tích, chính khí bế tắc. Nói tóm lại là bệnh nội thương kiêm ngoại cảm. Rồi ông ta cho phương thuốc. Chiều hôm ấy uống vào, đến sau canh hai, quả nhiên tỉnh táo hơn. Bảo Ngọc liền đòi uống nước. Giả mẫu và Vương phu nhân mới yên lòng, mời Tiết phu nhân dẫn Bảo Thoa đến bên nhà Giả mẫu tạm nghỉ.
Bảo Ngọc trong chốc lát tỉnh táo, tự nghĩ khó sống, khi thấy mọi người ra khỏi, chỉ có Tập Nhân ở đấy, liền gọi chị ta tới gần, cầm tay khóc và nói:
- Tôi hỏi chị, tại sao chị Bảo lại đến đây? Tôi nhớ cha tôi cưới cô Lâm cho tôi, tại sao chị Bảo đuổi cô ta đi mà ngồi ở đây? Tôi định nói, lại sợ mếch lòng chị ta. Các chị có biết cô Lâm khóc như thế nào không?
Tập Nhân không dám nói rõ, đành phải trả lời:
- Cô Lâm đang ốm.
- Để tôi đi thăm cô ta một tý.
Nói xong, Bảo Ngọc định đứng dậy, ngờ đâu mấy ngày không ăn uống, người không sao cử động được. Bảo Ngọc liền khóc và nói:
- Tôi chết mất! Có một câu nói tâm tình nhờ chị trình lại với cụ: Thế nào cô Lâm cũng phải chết! Tôi bây giờ cũng không thể sống được. Hai người ốm ở hai nơi đều phải chết! Chết như thế càng khó sắp đặt, chi bằng dọn một căn nhà bỏ không, khiêng tôi và cô Lâm đến đấy, khi sống cùng sống một nơi cho dễ thuốc thang hầu hạ, mà có chết cũng để quan tài một nơi cho tiện. Chị nghe lời này của tôi thì cũng không đến nỗi uổng mối tình đôi ta trong mấy năm nay.
Tập Nhân nghe vậy nghẹn ngào đau xót. Giữa lúc ấy, Bảo Thoa cùng Oanh Nhi đến. Nghe vậy, Bảo Thoa liền nói:
- Cậu ốm không lo tĩnh dưỡng, tại sao lại nói những lời không tốt lành ấy? Bà vừa hơi yên tâm một chút cậu lại sinh chuyện. Cả đời bà, chỉ có thương mình cậu, nay đã hơn tám mươi tuổi đầu không mong sắc tặng của cậu, nhưng rồi đây cậu được nên người, bà trông thấy cũng vui, không uổng công lao khó nhọc của người. Còn mẹ thì không cần phải nói. Mẹ dồn cả tâm huyết, tinh thần suốt một đời người, chỉ nuôi nấng được một mình cậu, nếu dở chừng cậu chết đi thì sau này mẹ sẽ ra thế nào? Tôi dầu bạc phận cũng không đến nỗi như thế. Cứ xem ba việc ấy thì dầu cậu có muốn chết, trời cũng chẳng cho chết, cho nên cậu nhất định không thể chết được đâu. Cậu cứ yên tâm tĩnh dưỡng ít ngày, phong tà tan đi, chính khí đầy đủ, thì những bệnh kia đều sẽ hết…
 Bảo Ngọc nghe nói, chẳng biết trả lời ra sao, một hồi lâu mới cười hì hì mà nói:
- Đã lâu nay chị không nói chuyện với tôi, bây giờ lại nói những câu đạo lý lớn lao như thế, định để cho ai nghe đấy?
Bảo Thoa nghe câu ấy liền nói:
- Nói thật với cậu, trước đây hai ngày, khi cậu còn ốm mê không biết gì, em Lâm đã chết rồi.
Bảo Ngọc bỗng ngồi phắt dậy, ngơ ngác hỏi to:
- Em Lâm chết thật rồi à?
- Chết thật rồi. Ai lại độc mồm độc miệng đi rủa người ta chết bao giờ? Bà và mẹ biết anh em cậu thân mật, khi nghe tin cô ấy chết, thế nào cậu cũng muốn chết, nên không nói với cậu đấy thôi.
Bảo Ngọc nghe nói, khóc ầm lên rồi ngã vật xuống giường, bỗng thấy trước mặt tối đen, không nhìn rõ phương hướng, bụng đang hoảng hốt thì thấy trước mặt như có người đi tới. Bảo Ngọc mơ màng hỏi:
- Xin hỏi: ở đây là chỗ nào?
Người kia nói:
- Đây là đường đi xuống âm ty. Tuổi thọ của anh chưa hết, sao lại tới đây?
- Tôi vừa nghe có người bạn chết, nên tìm hỏi đến đây, không ngờ bị lạc đường.
- Bạn anh là ai?
- Cô Lâm Đại Ngọc ở Cô Tô.
Người kia cười nhạt nói:
- Lâm Đại Ngọc, sống không giống người, chết không giống quỷ, không hồn không phách, tìm ở đâu thấy được. Đại phàm hồn phách người ta, tụ lại thì thành hình, tan ra thì thành hơi, khi sống thì tụ lại, khi chết thì tan ra. Người thường cũng khó lòng tìm thấy, huống nữa là Lâm Đại Ngọc. Anh về mau đi thôi.
Bảo Ngọc nghe nói ngẩn người ra một lúc, rồi hỏi:
- Đã nói chết thì tan ra, sao lại còn có “âm ty”?
- Âm ty bảo có thì có, bảo không thì không! Vì người đời say đắm về thuyết sống chết nên đặt chuyện ra để khuyên răn đời đấy thôi. Người ta nói trời rất giận những người ngu, hoặc không chịu biết thân biết phận; hoặc tuổi thọ chưa hết mà tự mình làm chết non, hoặc ham mê dâm dục, nóng nảy làm càn, vô cớ mà tự vẫn nên đặt ra địa ngục này, giam cầm những hồn phách ấy, phải chịu vô cùng khổ sở để đền cái tội khi còn ở trên dương gian. Nay anh đi tìm Đại Ngọc là vô cớ mà tự hãm mình đấy. Vả chăng Đại Ngọc đã về Thái Hư ảo cảnh, muốn tìm thì phải dốc lòng tu dưỡng rồi cũng có lúc gặp nhau. Nếu không yên phận thì sẽ chịu cái tội tự mình chết non, bị giam vào âm ty, chỉ có thể gặp cha mẹ mà thôi, không thể gặp Đại Ngọc được(10).
Người ấy nói xong, lấy ra một hòn đá trong ống áo, nhằm bụng Bảo Ngọc mà ném.
Bảo Ngọc vừa nghe câu chuyện xong, lại bị hòn đá ném trúng bụng, sợ quá muốn về nhà ngay, chỉ giận không biết đường. Đang lúc dùng dằng, bỗng nghe bên kia có người gọi anh ta, anh ta ngoảnh lại thì chẳng phải ai, mà là Giả mẫu, Vương phu nhân, Bảo Thoa, Tập Nhân đang vây bọc chung quanh, vừa khóc vừa gọi, còn mình thì vẫn nằm ở trên giường, nhìn lại thấy đèn sáng trên bàn, giăng soi ngoài cửa, vẫn là cõi đời gấm vóc, thế giới phồn hoa. Té ra là giấc chiêm bao. Cả người anh ta mồ hôi lạnh toát, cảm thấy trong lòng tỉnh táo. Nghĩ kỹ không còn biết làm thế nào, chỉ còn thở dài.
Bảo Thoa vốn biết Đại Ngọc đã chết rồi, nhưng bọn Giả mẫu không cho ai nói với Bảo Ngọc, sợ bệnh Bảo Ngọc nặng thêm khó chữa. Riêng Bảo Thoa biết rất rõ bệnh Bảo Ngọc là vì Đại Ngọc mà ra, còn chuyện mất ngọc chỉ là việc phụ, cho nên cô ta muốn nhân dịp nói rõ, dù Bảo Ngọc có đau đớn chốc lát, nhưng rồi trong lòng dứt khoát, thần hồn ổn định, mới dễ chữa được. Giả mẫu và Vương phu nhân không hiểu dụng ý của Bảo Thoa trách cô ta hấp tấp. Sau thấy Bảo Ngọc tỉnh lại, họ mới yên lòng, lập tức sai người ra thư phòng mời thầy thuốc họ Tất vào xem mạch.
Thầy thuốc xem mạch xong, nói:
- Lạ thật! Bây giờ xem ra mạch trầm và yên, tinh thần đã an, khí uất đã tan, ngày mai dùng thuốc điều trị, có thể khỏe được.
Nói xong, ông ta đi ra. Mọi người đều an tâm ra về. Ban đầu Tập Nhân cũng trách Bảo Thoa đáng lẽ không nên để lộ chuyện, nhưng không tiện nói ra. Lúc vắng người, Oanh Nhi cũng nói với Bảo Thoa:
- Cô nóng quá!
Bảo Thoa nói:
- Mày biết cái gì? Hay dở đã có ta.
Bảo Thoa mặc cho người ta chê bai, không hề để ý, chỉ dò xem tâm bệnh của Bảo Ngọc, dùng cách chữa ngầm.
Qua một hôm, tinh thần của Bảo Ngọc đã thấy dần dần tỉnh táo, mặc dầu có khi nghĩ đến Đại Ngọc, thần sắc vẫn còn ngơ ngẩn. Nhờ có Tập Nhân từ từ khuyên giải:
- Ông lớn chọn cô Bảo là người hiền hậu, không bằng lòng cô Lâm vì cô Lâm tính tình kỳ quặc, sợ dễ chết non. Cụ sợ cậu không rõ dở hay đang ốm lại đâm ra hoảng hốt, nên gọi Tuyết Nhạn đến lừa cậu...
Bảo Ngọc vẫn cứ đau lòng và chảy nước mắt. Muốn tìm cách chết, nhưng lại nghĩ đến câu chuyện trong chiêm bao vừa rồi, sợ bà và mẹ giận, không thể đi cho đành. Lại nghĩ Đại Ngọc đã chết, Bảo Thoa là người hạng nhất, mới tin rằng “nhân duyên vàng đá” quả nhiên định sẵn, do đó cũng khuây khỏa ít nhiều.
Bảo Thoa xem chừng không ngại gì lắm, trong lòng cũng yên. Trước hết, cô ta chăm chú làm tròn bổn phận gia đình đối với Giả mẫu và Vương phu nhân rồi sau tìm cách làm cho Bảo Ngọc khuây khỏa. Bảo Ngọc tuy chưa thể ngồi dậy luôn, nhưng thường thấy Bảo Thoa ngồi trước giường nên tật cũ lại nổi lên.
Bảo Thoa thường đem những lời khuyên giải: “Cần nhất là phải giữ gìn thân thể. Cậu với tôi đã là vợ chồng, có phải chỉ trong một lúc đâu”. Bảo Ngọc tuy không bằng lòng, lắm nỗi ban ngày thì Giả mẫu, Vương phu nhân, Tiết phu nhân thay phiên nhau ở đó, ban đêm Bảo Thoa đi ngủ riêng một mình. Giả mẫu lại sai người hầu hạ nên phải an tâm tĩnh đường. Bảo Ngọc lại thấy Bảo Thoa tính nết dịu dàng, dần dần cũng đem lòng yêu mến Đại Ngọc chuyển sang Bảo Thoa một phần nào.
Chính đêm Bảo Ngọc làm lễ thành hôn ban ngày Đại Ngọc đã mê sảng đi rồi, chỉ còn thở thoi thóp. Lý Hoàn và Tử Quyên khóc lóc, chết đi sống lại. Đến chiều bệnh tình lại có vẻ dịu đi. Đại Ngọc hơi hé mắt, hình như muốn uống nước. Lúc đó, Tuyết Nhạn đã đi, bên mình chỉ có Lý Hoàn và Tử Quyên. Tử Quyên liền lấy thìa bạc nhỏ múc chè quế viên hòa với nước quả lê đổ cho cô ta hai ba thìa. Đại Ngọc nhắm mắt nghỉ một lát, trong lòng như mê như tỉnh. Lúc ấy Lý Hoàn thấy Đại Ngọc hơi tỉnh lại biết đó là lúc hồi dương(11) trước khi tắt thở, nhưng còn có thể nửa ngày nữa mới chết, nên trở về thôn Đạo Hương lo liệu công việc một lát. Đại Ngọc mở mắt ra nhìn chỉ thấy Tử Quyên và bà vú cùng mấy a hoàn nhỏ, liền một tay nằm lấy tay Tử Quyên, cố hết sức nói: 
- Ta là người bỏ đi rồi! Em hầu ta mấy năm nay, ta cũng định rồi chúng ta ở chung một chỗ, không ngờ ta...
Nói đến đó lại thở dốc lên, nhắm mắt nằm nghỉ. Tử Quyên thấy Đại Ngọc nắm chặt tay mình không chịu buông cũng không dám động đậy, xem bộ dạng cô ta có phần khá hơn buổi sớm, tưởng rằng có thể khỏe trở lại. Tử Quyên nghe nói câu ấy lại cảm thấy lạnh buốt cả người. Hồi lâu Đại Ngọc lại nói:
- Em ơi, ta ở đây không có ai là bà con, thân ta vốn trong sạch, thế nào em cũng bảo họ phải đưa ta về!
Nói đến đó lại nhắm mắt không nói nữa, tay dần dần nắm chặt lại, hơi thở hổn hển nhưng thở ra thì mạnh thở vào thì nhẹ, rồi thở dốc lên rất dữ.
Tử Quyên hoảng sợ, vội vàng sai người đi mời Lý Hoàn.
Vừa khi đó Thám Xuân cũng đến. Tử Quyên thấy Thám Xuân vội vàng nói khẽ:
- Cô Ba ơi! Nhìn cô Lâm chút này!
Nói đến đó, nước mắt chảy như mưa. Thám Xuân bước tới, sờ tay Đại Ngọc thì đã lạnh rồi, con mắt cũng không có thần. 
Thám Xuân và Tử Quyên đang khóc và gọi người múc nước lau rửa cho Đại Ngọc, thì Lý Hoàn đã vội vàng chạy đến. Ba người gặp nhau, không kịp nói chuyện. 
Đang lau rửa, chợt thấy Đại Ngọc buột miệng kêu:
- Bảo Ngọc! Bảo Ngọc! Anh thật...(12)
Nói đến tiếng “thật”, cả người toát mồ hôi lạnh ra, không nói gì nữa. Bọn Tử Quyên vội vàng đỡ lấy, mồ hôi càng toát ra, người lạnh dần.
Thám Xuân và Lý Hoàn cuống quít, gọi người vén tóc, mặc áo, chỉ thấy hai con mắt của Đại Ngọc trợn ngược một cái. Thương ôi!
Hương hồn một mối tan theo gió,
Sầu nặng ba canh giấc mộng xa.
Lúc Đại Ngọc tắt thở, chính là giờ ăn cưới của Bảo Thoa. Bọn Tử Quyên đều khóc ầm lên. Lý Hoàn, Thám Xuân nghĩ Đại Ngọc hàng ngày thật đáng thương yêu, mà giờ đây lại càng tội nghiệp, nên đều đau lòng khóc mãi. Vì quán Tiêu Tương cách phòng cưới của Bảo Ngọc rất xa, nên không ai nghe thấy. Mọi người đang khóc lóc thảm thiết thì xa xa thoảng nghe có tiếng âm nhạc vọng đến, lắng tai nghe lại thoảng như không. Thám Xuân và Lý Hoàn chạy ra ngoài, chỉ thấy gió lay cành trúc, giăng xế đầu tường, cảnh tượng rất là thê lương ảm đạm! Họ gọi vợ Lâm Chi Hiếu đến, đặt cho Đại Ngọc nằm ngay ngắn rồi cắt người coi sóc chờ đến sáng mới đưa tin cho Phượng Thư biết.
Phượng Thư thấy Giả mẫu và Vương phu nhân đang rối rít. Giả Chính thì sắp lên đường. Bảo Ngọc càng mê mẩn, chính là lúc bối rối vô cùng, nếu nói việc Đại Ngọc chết, sợ Giả mẫu và Vương phu nhân càng thêm đau xót, không khéo đâm ốm. Phượng Thư đành phải một mình vào vườn. Đến quán Tiêu Tương, Phượng Thư cũng khóc một hồi, gặp Lý Hoàn, Thám Xuân, Phượng Thư biết là mọi việc đều đã đầy đủ liền nói:
- Tốt lắm! Nhưng tại sao vừa rồi các người không nói, làm cho tôi hoảng lên?
Thám Xuân nói:
- Vừa rồi trong lúc tiễn cha tôi lên đường, nói làm sao được?
- Thôi chị và cô thương lấy cô ta với. Tôi còn phải về bên ấy chạy chữa cho của oan gia kia. Nhưng việc này thật rắc rối. Hôm nay mà không trình rõ thì không được, nếu trình rõ thì lại sợ cụ không sao chịu nổi.
Lý Hoàn nói:
- Thím về đó, liệu chừng mà làm, có tiện thì trình mới được.
Phượng Thư gật đầu, vội vàng ra về. Đến chỗ Bảo Ngọc, nghe thầy thuốc nói không can gì. Giả mẫu và Vương phu nhân đã hơi yên tâm. Phượng Thư tránh mặt Bảo Ngọc, thong thả đem chuyện Đại Ngọc nói rõ. Giả mẫu và Vương phu nhân nghe nói đều giật mình. Giả mẫu nước mắt giàn giụa, nói:
- Thật là ta làm nó chết đấy! Nhưng con bé ấy cũng ngốc quá!
Giả mẫu muốn vào vườn khóc Đại Ngọc, nhưng lại lo cho Bảo Ngọc, nên nghĩ khó xử. Bọn Vương phu nhân nín khóc cùng nhau khuyên Giả mẫu:
- Thân thể của cụ là quan hệ hơn cả, còn việc sang bên kia thì cũng không cần.
Giả mẫu không biết làm thế nào, đành phải để một mình Vương phu nhân đi, và nói:
- Chị sang bên ấy, khấn với linh hồn cháu Lâm, không phải ta nỡ lòng không đến đưa cháu, chỉ vì thân sơ có khác. Cháu là cháu ngoại ta, cũng là chỗ thân thiết, nhưng so với Bảo Ngọc thì nó còn thân hơn. Nếu Bảo Ngọc có mệnh hệ nào thì ta mặt mũi nào mà thấy cha nó?
Nói đến đó Giả mẫu lại khóc. Vương phu nhân khuyên:
 - Cụ rất yêu cô Lâm, nhưng sống chết là do ông trời định sẵn. Giờ đây cô ta đã chết rồi, mình có hết lòng cũng không làm thế nào được, chi bằng dùng lễ hạng nhất để tống táng cô ta, một là gọi tỏ tấm lòng của chúng ta; hai là âm hồn của bà cô và cháu ngoại cũng được yên nơi chín suối.
Giả mẫu nghe đến đó, càng khóc rống lên. Phượng Thư sợ Giả mẫu thương cảm quá, lại biết Bảo Ngọc cũng không tỉnh táo lắm, liền âm thầm sai người đến nói dối: “Bảo Ngọc đang tìm bà đấy.”
Giả mẫu nghe nói, mới nín khóc mà hỏi:
- Lại có việc gì thế?
- Có việc gì đâu, chắc là chú ấy nhớ bà đấy thôi.
Giả mẫu vội vàng vịn vào vai Trân Châu đi sang. Phượng Thư cũng theo sau. Đi được nửa đường, gặp Vương phu nhân ở bên kia đi về nói lại đầu đuôi cho Giả mẫu nghe, cố nhiên Giả mẫu lại thương xót, nhưng vì định sang nhà Bảo Ngọc, đành phải ngậm buồn nuốt lệ mà nói:
- Đã thế thì ta cũng không qua nữa, mặc các người lo liệu lấy thôi. Ta mà nhìn thấy nó thì lòng càng đau xót. Vậy các người lo liệu sao cho chu tất là được.
 Vương phu nhân và Phượng Thư nhất nhất vâng lời, Giả mẫu mới sang Bảo Ngọc. Thấy Bảo Ngọc, Giả mẫu hỏi:
- Cháu làm gì mà tìm ta?
Bảo Ngọc cười nói:
- Đêm hôm qua cháu thấy em Lâm đến nói định về Nam. Cháu nghĩ không ai giữ được, nên nhờ bà giữ cô ấy lại hộ cháu.
Giả mẫu nghe nói, trả lời:
- Được! Cháu cứ yên lòng.
Tập Nhân đỡ Bảo Ngọc nằm xuống.
 Giả mẫu đi ra, đến phòng Bảo Thoa. Lúc đó Bảo Thoa chưa về lễ hồi môn, cho nên thấy ai cũng có vẻ bẽn lẽn. Thấy Giả mẫu mặt đầy ngấn lệ, cô ta bưng trà lại. Giả mẫu bảo ngồi xuống, Bảo Thoa nghiêng mình ngồi hầu. rồi hỏi:
- Nghe nói em Lâm ốm, không biết đã đỡ chưa?
Giả mẫu nghe câu ấy, nén không được, nước mắt ròng ròng liền nói:
- Cháu ơi, ta nói với cháu, cháu đừng nói lại với thằng Bảo Ngọc, chính vì em Lâm cháu nên mới làm cho cháu chịu bao sự thiệt thòi! Giờ cháu là cháu dâu rồi, nên ta mới nói với cháu: Hiện nay em Lâm cháu đã chết hai ba ngày rồi, chết đúng cái giờ cưới cháu đấy. Giờ đây bệnh của Bảo Ngọc cũng là vì con bé ấy. Cháu trước cũng ở trong vườn, chắc cũng rõ điều đó. 
Bảo Thoa nghe nói, má đỏ ửng lên, nghĩ đến Đại Ngọc chết, lại rơi nước mắt.
Giả mẫu nói chuyện một lúc rồi về. Từ đó Bảo Thoa cứ nghĩ đi nghĩ lại, tìm một kế nào đó, nhưng không dám hấp tấp, chờ khi về hồi môn rồi, mới nghĩ ra một kế như vừa kể ở trên. Quả nhiên lúc này thấy Bảo Ngọc khá hơn trước ít nhiều và sau này nói chuyện, mọi người cũng không cần phải để ý như trước. 
Riêng phần Bảo Ngọc, tuy bệnh tình đã ngày một đỡ dần, nhưng mối si tình không sao gỡ sạch, nhất định cứ đòi đi khóc Đại Ngọc một chuyến. Giả mẫu biết bệnh Bảo Ngọc chưa hết, không muốn cho nghĩ ngợi miên man. Khốn nỗi lòng anh ta uất ức khó chịu, bệnh cứ khi tăng khi giảm thất thường. Thầy thuốc cũng đoán ra tâm bệnh ấy, nên bảo cứ để cho anh ta được cởi mở nỗi uất ức rồi lại dùng thuốc điều trị thì mau khỏe hơn. Bảo Ngọc nghe nói, lập tức đòi qua quán Tiêu Tương.
Giả mẫu đành phải bảo người nhà đưa cái ghế trúc đến, đỡ Bảo Ngọc ngồi lên, Giả mẫu và Vương phu nhân liền đi trước.
Đến quán Tiêu Tương, thấy quan tài của Đại Ngọc, Giả mẫu nghẹn ngào khóc hết nước mắt. Bọn Phượng Thư khuyên lơn mãi mới nín. Vương phu nhân cũng khóc một hồi. Lý Hoàn mời Giả mẫu và Vương phu nhân vào nhà trong tạm nghỉ, nước mắt hãy còn lã chã không thôi. 
Bảo Ngọc đến nơi, nghĩ lại khi mình chưa ốm, vẫn thường đến đây, ngày nay nhà còn kia, người đâu mất, trước đây thân mật dường nào, mà nay kẻ khuất người còn, tránh sao khỏi nỗi lòng thương cảm. Nhịn không được anh ta khóc òa lên. Sợ Bảo Ngọc mới ốm dậy mà đau thương quá độ, ai nấy đều tới khuyên can. Bảo Ngọc khóc lóc chết đi sống lại. Mọi người đỡ anh ta đi nghỉ. Những người đi theo như Bảo Thoa, đều khóc rất thảm thiết. Bảo Ngọc đòi gọi cho được Tử Quyên tới để hỏi rõ khi cô Lâm chết có nói những gì. Từ Quyên vẫn giận Bảo Ngọc, nay thấy thế, trong lòng cũng đã nguôi nguôi, lại có Giả mẫu và Vương phu nhân ở đây, nên không dám trách móc gì Bảo Ngọc, liền đem chuyện cô Lâm ốm trở lại, đốt khăn tay, đốt tập thơ như thế nào và những câu nói của cô ta trước khi tắt thở đều kể lại tường tận. Bảo Ngọc lại khóc lóc đến nỗi khản cả tiếng. Thám Xuân nhân tiện cũng nói đến chuyện khi Đại Ngọc sắp chết dặn đưa linh cữu về Nam. Giả mẫu và Vương phu nhân lại khóc lần nữa. May được Phương Thư khéo léo tìm lời khuyên giải, mới dần dần dẹp đi. Rồi họ mời bọn Giả mẫu ra về. Bảo Ngọc không thể nào bỏ cho dứt, nhưng vì Giả mẫu bắt buộc mãi, đành phải miễn cưỡng về phòng.
Giả mẫu là người nhiều tuổi, từ khi Bảo Ngọc bị ốm, đêm ngày không yên, hôm nay lại khóc lóc một trận, cảm thấy nóng đầu choáng váng, mặc dù vẫn lo cho Bảo Ngọc, không thể đành tâm, nhưng cũng không thể gắng gượng được nữa, đành phải về phòng nằm nghỉ. Vương phu nhân lại đau bụng khó chịu, cũng về phòng ngay, sai Thái Minh sang giúp Tập Nhân trông nom và dặn:
- Nếu Bảo Ngọc lại thương khóc, thì mau mau báo cho ta biết.
Bảo Thoa biết Bảo Ngọc trong lúc này thế nào cũng không quên Đại Ngọc được, nên chỉ dùng lời bóng gió khuyên răn. Bảo Ngọc lại sợ Bảo Thoa lo lắng, nên cũng đành yên tâm nuốt lệ. Nghĩ một đêm, người cũng tạm yên ổn. Sáng sớm hôm sau, mọi người đến thăm, thấy Bảo Ngọc thân hình hư nhược, nhưng về phần tâm bệnh thì bớt được mấy phần. Từ đó họ chăm lo tẩm bổ thêm, làm cho Bảo Ngọc dần dần trở lại khỏe hẳn. Giả mẫu may không sinh ốm, chỉ có Vương phu nhân bụng đau vẫn chưa khỏi. Hôm đó Tiết phu nhân sang thăm, thấy tinh thần Bảo Ngọc hơi khá, thì cũng yên lòng.
Một hôm, Giả mẫu mời riêng Tiết phu nhân qua bàn bạc, và nói:
- Tính mệnh của Bảo Ngọc thật là nhờ dì cứu cho. Giờ đây chắc không can gì nữa, chỉ thiệt thòi cho con cháu thôi. Nay Bảo Ngọc đã điều dưỡng hơn ba tháng, thân thể bình phục như thường, lại hết tang quí phi rồi, chính nên làm lễ hợp hoan, nhờ dì lo liệu và chọn ngày nào tốt thì làm.
Tiết phu nhân nói:
- Ý cụ rất hay, phải hỏi tôi làm gì? Con Bảo tuy vụng về nhưng trong lòng rất sáng suốt, tính tình của cháu, ngày thường cụ cũng đã biết rồi. Mong vợ chồng nó hòa thuận với nhau, từ nay cụ cũng đỡ lo; chị tôi cũng thỏa dạ, mà tôi cũng được yên lòng. Xin cụ cứ định ngày đi. Thế có mời bà con không?
- Việc này là một việc quan hệ thứ nhất trong đời của Bảo Ngọc và cháu, huống chi đã tốn bao nhiêu công phu xoay xở bây giờ mới được yên ổn, thể nào ta cũng phải vui nhộn mấy ngày. Bà con thì đều mời hết. Một là thỏa lòng mong ước, hai là chúng ta uống chén rượu mừng, cũng không uổng công tôi lo lắng bấy lâu.
Tiết phu nhân nghe xong, cố nhiên là vui mừng, liền nói ra ý của mình định sắm đồ nữ trang cho con. Giả mẫu nói:
- Chúng ta thân lại thêm thân. Tôi nghĩ cũng không cần như thế. Nếu nói là đồ dùng thì trong nhà chúng nó đã đầy ứ lên rồi; hoặc giả trong bụng con Bảo có thích cái gì thì dì cho nó mấy cái. Nhưng tôi xem con Bảo không phải là đứa hay nghĩ ngợi, chứ như tính khí con cháu ngoại nhà tôi thì khác hẳn, nên nó không thọ.
Nghe vậy, Tiết phu nhân cũng chảy nước mắt.
Vừa lúc ấy Phượng Thư đi vào, cười nói:
- Bà và cô lại nghĩ gì thế?
Tiết phu nhân nói:
- Ta với cụ nói đến em Lâm chị nên đau lòng.
Phượng Thư cười, nói:
- Bà và cô đừng đau lòng. Cháu vừa nghe được câu chuyện buồn cười, nói cho bà và cô nghe.
Giả mẫu lau nước mắt, nói:
- Không biết mày định chọc người nào đây? Mày cứ nói đi để ta và dì nghe. Nếu nói mà không cười được, ta không nghe đâu.
Trước khi nói, Phượng Thư dang hai tay ra, khom lưng lại mà cười, chưa biết là chị ta nói chuyện gì.

Hồi 99:
Giữ phép công bọn hầu ác cùng nhau phá lệ;
Xem tin báo ông cậu già đâm ra lo phiền

Phượng Thư thấy Giả mẫu và Tiết phu nhân nghĩ đến Đại Ngọc mà đau lòng, liền nói:
- Cháu có câu chuyện buồn cười nói cho bà và cô nghe.
Chưa kể chuyện chị ta đã cười trước, rồi nói:
- Bà và cô thử nghĩ xem câu chuyện này ở đâu? Chính là chuyện của cô dâu chú rể mới nhà ta đấy.
Giả mẫu nói:
- Làm sao rồi?
Phượng Thư giơ tay ra:
- Một người ngồi như thế này, một người đứng như thế này, một người ngoảnh đi như thế này, một người xoay lại như thế này, một người lại...
Nói đến đó Giả mẫu đã cười ồ lên và bảo:
- Mày nói rõ đi thôi! Đó không phải chuyện hai vợ chồng nhà nó, mà chỉ là mày chọc cho người ta khó chịu đấy.
Tiết phu nhân cũng cười, nói:
- Cháu cứ nói thẳng đi thôi, đừng làm trò nữa.
Phượng Thư mới nói:
- Cháu vừa đến nhà chú Bảo, nghe có tiếng mấy người đang cười, cháu tưởng là ai, khi nhòm vào song cửa, thì ra em Bảo đang ngồi bên cạnh giường; chú Bảo đang đứng dưới đất. Chú Bảo cứ nắm ống áo em Bảo mà nói: “Chị Bảo! Sao chị không biết nói nữa? Chị chỉ nói một câu thì nhất định bệnh tôi khỏi hẳn.” Em Bảo cứ ngoảnh mặt tránh mãi. Chú Bảo lại vái rồi nắm lấy tay áo em Bảo. Em Bảo hoảng lên, giật một cái, chú Bảo vì mới ốm dậy, chân còn yếu, liền ngã đè lên mình em Bảo. Em Bảo cuống quít đỏ mặt lên, và nói: “Cậu bây giờ lại càng lẩn thẩn hơn trước…”
Nói đến đó Tiết phu nhân và Giả mẫu đều cười rũ rượi.
Phượng Thư lại nói: 
- Chú Bảo đứng dậy, cười nói: “May ngã một cái mới làm cho tiếng nói của chị bật ra được?”
Tiết phu nhân cười, nói:
- Đó là con Bảo quái gở như thế thôi. Điều đó có can gì? Đã là vợ chồng thì cười cười nói nói có sợ gì. Nó lại không thấy anh Liễn và cháu à?
Phượng Thư mặt đỏ, nói:
- Cô nói gì thế? Cháu nói câu chuyện vui để cho cô đỡ buồn, mà cô lại đem cháu ra làm trò cười.
Giả mẫu cũng cười, nói:
- Phải như thế mới được. Vợ chồng tuy cần hòa thuận, nhưng cũng phải có chừng mực. Ta yêu con Bảo chỉ vì có cái đức tính tôn trọng ấy. Ta vẫn lo thằng Bảo còn điên điên, dại dại, nay cháu thấy thế, thì ra nó đã tỉnh táo hơn trước nhiều rồi. Cháu thử nói xem có chuyện gì buồn cười nữa không? 
Phượng Thư nói:
- Mai đây chú Bảo làm lễ hợp hôn, rồi bà thông gia bế cháu ngoại, lúc bấy giờ không phải là chuyện buồn cười nữa hay sao.
Giả mẫu cười nói:
- Ta với dì còn đang tưởng nhớ em Lâm cháu, mày đến chọc chúng ta cười đã đành, sao lại còn văng tục ra nữa. Mày không để cho chúng ta tưởng nhớ em Lâm à? Mày đừng có hí hửng cho lắm, em Lâm giận mày đấy. Sau này mày đừng vào vườn một mình, coi chừng nó nắm lấy, nó không nghe cho đâu!
Phượng Thư cười nói:
- Khi gần chết, cô ta nghiến răng nghiến lợi chỉ giận chú Bảo, chứ có giận cháu đâu.
Giả mẫu và Tiết phu nhân nghe nói, vẫn cho là chuyện đùa, nên không để ý, rồi nói:
- Thôi cháu đừng có vơ quàng vơ xiên nữa, ra bảo các ông ngoài ấy chọn ngày tốt để làm lễ hợp hoan cho Bảo Ngọc thôi.
Phượng Thư vâng lời, nói chuyện một lúc nữa, rồi ra ngoài bảo người xem ngày tốt, để bày cỗ bàn, hát xướng và mời khách. Bệnh Bảo Ngọc tuy đã lành, có lúc Bảo Thoa cao hứng, dở sách ra bàn luận với chồng về việc sách vở. Cái gì Bảo Ngọc thường thấy thì nhớ được, còn nói về trí thông minh thì khác trước xa. Chính anh ta cũng không hiểu ra sao. Bảo Thoa biết vì mất ngọc thông linh nên mới như thế. Chỉ có Tập Nhân vẫn thường nói:
- Tại sao mà khiếu thông minh của cậu trước kia mất đâu cả? Đáng lẽ ra cậu quên cái tật xấu kia đi thì tốt hơn, đằng này, tính khí vẫn như cũ, mà sao riêng về đạo lý lại mù mờ như thế?
Bảo Ngọc nghe nói, cũng không giận, chỉ cười hì hì. Có lúc Bảo Ngọc cứ tùy ý chơi đùa, may nhờ Bảo Thoa khuyên lơn, cũng đỡ phóng túng ít nhiều. Tập Nhân đỡ phải nói năng, chỉ biết hết sức hầu hạ. Các a hoàn khác ngày thường vốn mến phục đức tính hiền hậu của Bảo Thoa, nên thảy đều vui vẻ yên lặng.
Nhưng Bảo Ngọc vốn không ưa động không ưa tĩnh, thường cứ muốn vào vườn chơi. Bọn Giả mẫu sợ anh ta cảm nắng cảm lạnh, lại sợ anh ta nhìn cảnh thương tình. Tuy linh cữu Đại Ngọc đã đem để vào cái am ngoài thành, nhưng quán Tiêu Tương vẫn còn đó; người mất nhà còn, tránh sao khỏi gây nên bệnh cũ? Vì thế mọi người không cho anh ta vào vườn. Đã thế trong số các chị em, Bảo Cầm đã về nhà Tiết phu nhân rồi, Tương Vân thì vì Sử hầu vào kinh, gọi về nhà, mà lại gần ngày về nhà chồng, nên chỉ có lần ăn cưới Bảo Ngọc, và lần bày tiệc rượu mừng là đến và cũng chỉ ở bên nhà Giả mẫu. Vì nghĩ rằng Bảo Ngọc đã lấy vợ, mà mình cũng sắp về nhà chồng, cho nên cô ta không cười đùa như trước. Có lúc cô ta đến chơi, thì cũng chỉ nói chuyện với Bảo Thoa; khi gặp Bảo Ngọc chẳng qua chỉ chào hỏi mà thôi. Hình Tụ Yên thì sau khi Nghênh Xuân về nhà chồng rồi, liền về ở với Hình phu nhân. Chị em họ Lý cũng đều ra ngoài, đôi khi đến chơi với thím Lý, cũng chẳng qua đến chỗ các bà và bọn chị em, chào hỏi xong, liền đến chỗ Lý Hoàn, ở một vài hôm rồi về ngay. Vì thế ở trong vườn bây giờ chỉ có Lý Hoàn, Thám Xuân và Tích Xuân. 
Giả mẫu muốn đưa cả bọn Lý Hoàn ra, nhưng vì sau khi Nguyên phi qua đời, trong nhà việc này việc khác xảy ra luôn, không lúc nào rảnh mà lo việc ấy. Hiện nay khí trời ngày một nóng thêm, trong vườn còn ở được, nên chờ đến mùa thu sẽ dời. 
Giả Chính đem theo mấy người giúp việc giấy tờ từ kinh đi. Ngày đi đêm nghỉ. Đến tỉnh Giang Tây, yết kiến quan trên xong, Giả Chính đến nơi làm việc làm lễ nhận ấn, lập tức điều tra các kho lương thực trong các châu, các huyện. Giả Chính xưa nay làm quan ở kinh, chức lang trung cũng là chức quan rảnh. Dù có lúc ra làm quan ở ngoài nhưng lại là giáo chức, không liên quan gì đến việc cai trị. Vì thế những điều xấu xa như khấu bớt lương gạo, bóp nặn dân đen, tuy có nghe người ta bàn tán, nhưng bản thân chưa hề trải qua, chỉ một lòng muốn làm ông quan tốt. Ông ta liền cùng bọn giúp việc bàn bạc, yết thị nghiêm cấm những điều xấu xa kia, và hiểu thị hễ tra ra thì sẽ trình quan trên trị tội. Ban đầu mới đến, quả nhiên bọn lại dịch đều sợ, liền dùng đủ cách để xoi bói, kiếm chác, nhưng lại gặp phải Giả Chính là người cố chấp. Bọn người nhà theo hầu Giả Chính lúc ở kinh không hề được chút lợi lộc gì cả, trông mong mãi mới được chủ nhà bổ nhậm quan ngoài, bèn mượn tiếng để vay nợ sắm sửa áo quần cho có thể diện. Họ cứ nghĩ hễ đến chỗ làm quan là sẽ kiếm chác dễ dàng. Không ngờ Giả Chính có cái thói ngây ngô, thật thà muốn trừng trị những thói tệ, các quan châu huyện đưa lễ vật đến ông ta nhất thiết không nhận. Bọn thư biện trong bụng tính thầm: “Mình chỉ gắng nửa tháng nữa là áo quần cầm hết, mà nợ họ cũng giục gấp, biết làm thế nào? Mình thấy rõ những đồng bạc trắng xóa trước mặt mà không sao nắm được.” Bọn lính lệ cũng nói:
- Các ông chẳng mất vốn mất lãi gì, chứ bọn chúng tôi mới thật là oan! Bỏ ra bao nhiêu tiền, lo một chức canh cửa, nay đã hơn một tháng, chằng hề vớ được một đồng xu, chắc chắn theo hầu vị chủ này không làm gì mà được vốn. Ngày mai chúng tôi kéo cả bè lên xin nghỉ hết.
Ngày hôm sau bọn lính hầu quả nhiên đến họp đủ mặt và xin nghỉ. Giả Chính chẳng biết ra sao, liền nói:
- Muốn đến cũng do các anh, muốn đi cũng do các anh, đã chê ở đây không tốt thì cứ tùy ý thôi.
Bọn lính hầu vùng vằng hờn giận đi ra, chỉ còn lại bọn người nhà. Họ liền bàn với nhau:
- Người đi được thì đi rồi, còn bọn mình không đi được, cũng phải nghĩ cách gì chứ!
Trong đó có một người coi cửa, tên gọi Lý Thập nói:
- Các anh chẳng biết nhẫn nại gì hết, có việc gì mà hoảng lên thế? Vì trước có người đầu xâu của họ ở đấy không lẽ tôi lại ra lo thay cho họ. Bây giờ họ đều đói chạy hết cả rồi. Các anh hãy xem cái bản lĩnh của tôi đây, thế nào ông chủ cũng phải theo tôi cho mà xem. Nhưng các anh phải đồng lòng, cùng giúp nhau kiếm ít tiền về nhà mà tiêu. Nếu các anh không theo tôi, tôi cũng mặc, tôi cũng chẳng cần gì các anh! 
Mọi người đều nói:
- Ông Thập này! Ông chủ đang tin ông hơn, nếu ông để mặc thì chúng tôi chết mất.
Lý Thập nói:
- Đừng có cái lối thấy tôi giơ mặt ra, được tiền được bạc rồi lại bảo tôi ăn phần hơn. Cái trò rối từ trong nhà rối ra khó coi lắm đấy.
Mọi người đều nói:
- Ông cứ yên tâm, làm gì có việc ấy. Dầu cho chẳng được bao lăm, còn hơn là cứ phải moi tiền lưng ra.
Đang nói thì thấy người thư biện ở phòng lương thực chạy đến tìm ông Hai Chu. Lý Thập ngồi trên ghế, vắt chân chữ ngũ, ưỡn bụng ra, nói:
- Tìm ông ta làm gì?
Người thư biện buông tay xuống, cười lấy lòng mà nói:
- Ông lớn tới nhậm chức đã hơn một tháng, các quan châu huyện thấy giấy cáo thị của ông lớn nghiêm ngặt, biết rằng khó lòng nói chuyện, cho nên đến bây giờ còn chưa mở kho. Nếu quá hạn vận tải, thì các ông đến đây làm gì?
- Anh đừng có nói bậy! Ông lớn ta là người có căn cơ, đã nói thế nào là làm thế ấy. Hai hôm nay đáng lẽ ra đã gửi công văn đi thúc giục rồi, vì tôi nói hãy hoãn lại ít hôm, cho nên mới tạm dừng lại. Vậy thì anh tìm ông Hai Chu để làm gì?
- Cũng chỉ là dò xem việc gửi công văn thúc giục ra sao thôi, có việc gì khác đâu.
- Lại nói bậy! Vừa rồi tôi nói gửi công văn thúc giục, rồi anh cũng luôn miệng nói nhảm. Đừng có cái thói thầm thầm thụt thụt đến bàn việc gì đó. Tôi sẽ trình với quan đánh anh và đuổi anh đi đấy.
- Nhà tôi ở nha môn đây đã ba đời, cũng có ít nhiều thể diện với người ngoài; trong nhà cũng đủ ăn, có thể giữ gìn khuôn phép hầu hạ quan lớn cho đến khi ngài thăng quan tiến chức chứ không đến nỗi như những kẻ chờ có gạo mà bỏ vào nồi ấy.
Rồi anh ta chào:
- Chào ông Hai, tôi đi đây.
Lý Thập đứng dậy, cười vui vẻ nói:
- Ông này thật không biết đùa! Người ta vừa nói mấy câu đã nóng mặt. 
- Không phải tôi nóng mặt, nếu tôi nói gì nữa, lại không liên lụy đến thanh danh của ông Hai à?
Lý Thập lại gần nắm tay người thư biện nói:
- Ông họ gì?
- Không dám, tôi họ Thiềm, tên là Hội, lúc nhỏ cũng có ở kinh mấy năm. 
- Ông Thiềm này! Tôi nghe tiếng ông đã lâu, anh em chúng tôi đều như nhau cả. Có việc gì, chiều tới, chúng ta nói chuyện. 
- Ai chẳng biết ông Lý là người biết việc, ông vừa dọa tôi một tiếng mà tôi đã khiếp run lên đấy.
Nói xong, hai người cùng cười rồi chia tay nhau.
Đêm ấy Lý Thập cùng người thư biện bàn bạc lầm rầm đến nửa đêm. Hôm thứ hai, Lý Thập tìm lời để dò Giả Chính, bị ông ta mắng cho một trận nên thân. Cách hôm sau Giả Chính có việc đi chào khách dặn dò người nhà chờ sẵn. Mọi người vâng lời. Chờ một lúc lâu, đồng hồ đã đánh ba tiếng, trên công đường không thấy trống đánh, gọi mãi mới có người tới. Giả Chính từ trong bước ra, chỉ có một người nha dịch đi dẹp đường. Giả Chính cũng không hỏi, từ dưới thềm, bước lên kiệu ngồi, chờ bọn phu kiệu một hồi lâu mới đủ người khênh kiệu ra trước cửa nha môn, pháo chỉ nổ một tiếng. Tất cả bọn nhạc công chỉ có một người đánh trống và một người thổi kèn.
Giả Chính nổi giận, nói:
- Mọi hôm còn khá, sao hôm nay không ai đến như thế?
Ngước mắt nhìn bọn coi việc thì kẻ trước người sau, rời rạc không ra hàng ngũ gì cả. Giả Chính đành phải miễn cưỡng đi chào khách, rồi về, truyền gọi bọn làm lo buổi hầu đến định đánh. Người nói vì không có mũ; người nói vì áo lính đem cầm mất; lại có người nói, ba hôm nay không có cơm ăn nên khênh không được. Giả Chính tức giận đánh mấy người, rồi cũng cho qua. Cách mấy hôm, người đầu bếp lên lấy tiền, Giả Chính đem số bạc ở nhà đến, giao cho anh ta. Sau đó cảm thấy mọi việc không vừa ý, so với lúc ở kinh thì khó khăn hơn nhiều, ông ta không biết làm thế nào, liền gọi Lý Thập đến hỏi:
- Bọn người theo ta đến đây, sao đều thay đổi tính cách như thế? Anh phải trông nom chứ. Hiện nay số bạc đưa đến, đã tiêu hết rồi. Bạc lương trong kho thì đang còn chậm, phải sai người về kinh lấy.
Lý Thập thưa:
- Hôm nào tôi chẳng nhắc nhở họ! Nhưng không biết tại sao bọn họ lại thờ ơ, làm tôi cũng không có cách nào, ông lớn bảo về nhà lấy bạc thì lấy bao nhiêu? Bây giờ nghe nói ở nhà quan tiết độ mấy hôm nay làm lễ sinh nhật, các quan phủ, quan đạo đều đưa lễ mừng hàng ngàn vạn lạng bạc. Đây ta định mừng bao nhiêu? 
- Sao không nói sớm?
- Ông lớn là người rất sáng suốt. Chúng ta mới bắt đầu đến đây lại không năng đi lại với các quan khác, ai chịu tin cho mình biết? Họ chỉ trông cho ông lớn đừng đi mừng quan tiết độ, để mong giành chức quan của ông lớn.
- Nói nhảm! Chức quan của ta là do hoàng thượng trao cho, không lẽ vì việc ta không đi mừng sinh nhật quan tiết độ mà họ có thể cách chức ta à?
- Ông lớn nói cũng đúng. Nhưng kinh đô cách đây xa lắm, trăm việc đều do quan tiết độ tâu lên, ông ta nói tốt thì được tốt ông ta nói xấu thì phải chịu xấu. Đến khi rõ việc ra thì đã chậm rồi. Ngay cả cụ và bà lớn ai chẳng muốn cho ông lớn làm quan tỉnh ngoài vẻ vang hiển hách? 
Giả Chính nghe mấy câu ấy, trong bụng cũng đã hiểu, liền nói:
- Ta định hỏi anh sao anh không nói trước?
- Tôi vốn không dám nói, nay ông lớn đã hỏi đến, không nói thì ra tôi không có lương tâm mà nói ra thì sợ ông lớn lại nổi giận.
- Cốt sao anh nói cho có lý.
- Bọn thơ lại và nha dịch, đều mất tiền để mua việc làm ở nha môn này, ai lại không nghĩ đến việc phát tài, ai lại không phải nuôi sống gia đình kia chứ? Từ khi ông lớn nhậm chức tới nay, chưa hề thấy làm việc gì cho nước nhà, mà đã nghe người ta bàn tán đầy đường.
- Dân gian nói những gì?
- Dân gian nói: "Đại phàm các quan mới nhậm chức, cáo thị càng nghiêm ngặt thì càng nghĩ đến cách xoay tiền. Vì các quan châu huyện sợ hãi sẽ phải đưa tiền bạc nhiều.” Lúc thu lương thực, bọn nha dịch cứ nói, theo lệnh cấm của quan đạo mới, không dám lấy tiền, nhưng họ lại dây dưa làm khó dễ. Nhân dân ở hương thôn chỉ muốn mất một ít tiền để mau xong việc. Vì thế họ không khen ông lớn là tốt mà lại cho là không am hiểu dân tình. Như quan lớn nọ người họ ta(13) là người ông lớn rất thân, chẳng mấy năm đã leo lên chức cao nhất. Đó cũng chỉ vì ông ta thông hiểu cách làm việc, biết làm cho trên hòa dưới thuận đó thôi.
Giả Chính nghe đến đấy, quát:
- Nói nhảm! Ta mà không thông hiểu cách làm việc à? Nếu nói trên hòa dưới thuận thì bảo ta cũng như họ, cũng phường mèo chuột chung giường hay sao?
- Tôi vì hết lòng trung thực không chút giấu giếm mới dám nói ra. Nếu ông lớn cứ thế mà làm, đến khi công chẳng thành, danh chẳng đạt, lại bảo là tôi không có lương tâm. Thực ra tôi có dám giấu ông lớn gì đâu?
- Theo anh nên thế nào?
- Cũng chẳng có gì khác, ông lớn nên nhân khi còn khỏe mạnh, trong nhà có người giúp đỡ, cụ bà còn sáng suốt, mà chăm lo lấy việc mình là hơn. Nếu không thì không đầy một năm nữa, tiền nhà cũng hết, mà từ trên đến dưới ai cũng oán giận, sẽ cho rằng ông lớn làm quan ngoài, tất nhiên là kiếm được tiền mà thu giấu đi để tiêu riêng. Nhỡ ra gặp một vài việc khó khăn thì ai còn chịu giúp ông lớn nữa. Lúc bấy giờ không những không làm được việc gì, có ăn năn cũng không kịp.
- Cứ như anh thì ta phải làm ông quan tham nhũng à? Việc mất mạng không quan hệ bằng bôi nhọ công nghiệp của ông cha mới được hay sao?
- Ông lớn là người rất sáng suốt, lại không thấy mấy vị quan phạm tội năm xưa hay sao? Mấy vị đó đều thân với ông lớn, ông lớn thường nói họ làm quan thanh liêm giờ đây thanh danh của họ ra sao rồi? Lại có mấy vị thân thích, xưa nay ông lớn cứ nói họ là không tốt. Thế mà tới nay người thì đổi đến nơi tốt người thì thăng chức. Cho nên cốt làm sao cho khéo là được. Ông lớn nên biết: Cũng phải lo cho dân mà cũng phải lo cho chức quan của mình. Nếu như ý ông lớn, không cho phép các quan châu huyện được một đồng tiền, thì những công việc bên ngoài ai lo cho? Chỉ cốt sao bề ngoài ông lớn vẫn giữ được tiếng thanh liêm, còn những việc quanh co ở bên trong cứ mặc chúng tôi lo liệu không can ngại gì đến ông lớn cả. Chúng tôi đã theo hầu chủ, thì thế nào cũng phải đem hết lương tâm ra mà làm việc.
Giả Chính bị Lý Thập nói cho một hồi, trong bụng bối rối, liền nói:
- Ta cần phải giữ gìn tính mệnh. Các anh mà gây chuyện ra thì ta không biết đến đâu.
Nói xong, ông ta vào phòng trong.
Từ đó, Lý Thập làm mưa làm gió, cấu kết trong ngoài kéo bè kéo cánh lừa phỉnh Giả Chính làm việc, quả nhiên việc gì cũng chu đáo, việc gì cũng vừa lòng. Vì thế Giả Chính chẳng những không nghi, mà lại tin cậy. Lúc đó cũng có mấy nơi phát giác, nhưng quan trên thấy Giả Chính chất phác trung hậu, nên cũng không tra xét. Riêng có bọn môn khách giúp việc giấy tờ là nhìn xa thấy rộng, gặp dịp cũng có đem lời khuyên can. Nhưng Giả Chính không tin, nên cũng có người từ việc mà đi; cũng có người thân thiết với Giả Chính thì ở trong giúp đỡ. Nhờ vậy việc chuyên chở xong xuôi, không bị thiệt hại và quá thời hạn.
Một hôm, Giả Chính rảnh việc, ngồi trong phòng xem sách. Bỗng phòng công văn trình lên một bức thư, ngoài bì đề là: “Công văn của quan Tổng chế trấn thủ các xứ ở Hải Môn đệ gởi nha môn quan lương đạo tỉnh Giang Tây”. Giả Chính mở ra xem thấy viết: 
“Kim Lăng bạn cũ, lân lý tình sâu. Năm trước khi về làm  việc ở kinh, mừng được gần gũi bên cạnh, lòng yêu rủ tới, hứa kết Châu Trần, đến nay cảm kích không quên. Chỉ vì được điều ra làm quan miền ven biển, chưa dám vội vã nài xin, trong dạ băn khoăn, than thở vì nỗi không có duyên gặp gỡ. Nay nghe ngựa xe xa tới, thực là thỏa dạ bình sinh. Đương định sang mừng, thì thơ tiên đến trước. Chốn biên đình thêm phần rạng rỡ, kẻ vũ phu này xiết đỗi đội ơn. Tuy cách bể khơi, cũng nhờ phúc âm. Mong không bỏ nơi thấp hèn, dây leo nương tựa. Cháu bé đã dược đoái thương, thục nữ vẫn nghe nết tốt. Nếu dược nhận lời, xin nhờ người mối. Đường sá dầu xa, nước sông cũng tiện; dám đâu trăm cỗ rước dâu, xin dọn thuyền tiên để đợi. Thư tiên một bức, kính chúc thăng quan và cầu xin y ước. Đang khi cầm bút, khôn xiết mong chờ.
Em là Chu Quỳnh cúi đầu.”
Giả Chính xem xong, nghĩ bụng: “Nhân duyên con cái, quả nhiên là có tiền định. Năm trước vì thấy ông ta làm quan ở kinh, lại là người làng, xưa nay thân thiết với nhau, lại thấy thằng con xinh xắn nên ở trong tiệc rượu đã nói đến chuyện này. Nhưng vì chưa nhất định, nên cũng không nói với người nhà. Sau đó ông ta được điều đi làm quan ở miền ven biển, hai bên cũng không nói đến nữa. Không ngờ nay mình thăng nhậm đến đây, ông ta lại viết thư đến hỏi. Ta xem đôi bên cũng môn đăng hộ đối mà con ông ta cùng với Thám Xuân thì cũng vừa đôi. Nhưng vì ta chưa đưa gia quyến đến đây, đành phải viết thư bàn với người nhà đã.”
Giả Chính đang lưỡng lự thì thấy ngoài cửa lại đưa vào một công văn, mời lên tỉnh họp bàn công việc. Giả Chính đành phải sắp xếp lên tỉnh, chờ quan tiết độ sai phái. Một hôm ở tỉnh rảnh việc ngồi trong công quán, thấy trên bàn chồng nhiều giấy báo tin tức việc quan, Giả Chính lấy xem hết. Xem đến một tờ thuộc bộ hình, thấy viết như thế này: "Xin báo về việc tên hành thương là Tiết bàn quê ở Kim Lăng... " Giả Chính giật nẩy mình: “Nguy to? Đã đệ án lên rồi!" Liền chú ý xem tiếp thì ra việc Tiết Bàn đánh chết Trương Tam, đút lót cho bọn nhân chứng, bịa đặt ngộ sát. Giả Chính vỗ bàn nói:
- Thôi, thế là hết!
Lại xem xuống phần dưới, thấy viết:
- Theo tờ tư của viên kinh doanh tiết độ sứ: “Nguyên Tiết Bàn vốn người Kim Lăng, đi qua huyện Thái Bình, nghỉ ở hàng nhà họ Lý mà không quen biết gì với người bán rượu ở hàng ấy là Trương Tam cả. Ngày tháng năm nọ, Tiết Bàn bảo chủ hàng dọn rượu để cùng uống với Ngô Lương, người ở huyện Thái Bình. Tiết Bà bảo Trương Tam lấy rượu, nhưng chê không ngon, bắt đổi thứ tốt, Trương Tam nói: “Rượu đã mua rồi… không thể đổi được” Tiết Bàn thấy anh ta ương ngạnh, cầm bát rượu hắt vào giữa mặt, không ngờ hắt mạnh quá, lại vừa gặp khi Trương Tam đang cuối xuống nhặt đũa, thành ra nhỡ tay, đập đúng thóp Trương Tam. Y đầu chảy máu, một chốc thì chết. Chủ hàng là họ Lý tới chữa không kịp, liền tin cho mẹ Trương Tam biết. Mẹ anh ta đến xem, thấy con đã chết, liền trình lý dịch địa phương, lên huyện trình báo. Viên tri huyện trước tới khám nghiệm. Người khám thương tích nói bị thương một chỗ, xương vỡ một tấc ba phân, và một chỗ bện sườn, rồi tư lên phủ xét lại. Quan phủ cho rằng Tiết Bàn thực vì hắt rượu nhỡ tay, ném bát đánh lầm, làm chết Trương Tam, chiếu theo tội ngộ sát, cho phép nộp tiền chuộc tội, theo luật đấu sát. Chúng tôi xét kỹ những lời khai của các người làm chứng và bà con người chết, trước sau không ăn khớp nhau. Lại tra luật đấu sát có ghi chú: “Tranh nhau gọi là đấu, đánh nhau gọi là ẩu”. Phải thật không có tranh nhau, đánh nhau gì mà bất thình linh bị chết thì mới khép vào án ngộ sát được, Vậy nên giao cho quan tiết độ ở đấy xét rõ sự tình định án cho đúng mà trình lên. Nay cứ tờ sớ của quan tiết độ, thì Tiết Bàn vì Trương Tam không chịu đổi rượu, liền nắm lấy tay Trương Tam và đánh một đấm vào bên sườn. Trương Tam mắng lại, bị Tiết Bàn ném bát rượu, làm bị thương nặng ở thóp, xương nát óc chết tươi tức khắc. Như thế thì cái chết của Trương Tam là do Tiết Bàn dùng bát rượu đánh bị thương nặng mà gây nên. Cần phải bắt Tiết Bàn đền mạng, chiếu luật đấu sát, khép Tiết Bàn vào tội  giảo giám hậu Ngô lương khép tội trượng đồ. Các quan phủ huyện xét hỏi không thật, xin nên... " Dưới bài báo này chua: “Bài này chưa hết".
Giả Chính vì Tiết phu nhân nhờ mình nên đã xin với tên tri huyện. Nếu họ xin chiếu chỉ nhà vua xét hỏi việc này sẽ liên lụy đến mình, ông ta lo lắng, liền tìm tờ báo tiếp sau đó mở xem, thì lại không đúng, đành cứ lục đi lục lại, xem hết chồng báo rút cục chẳng có tờ nào tiếp theo tờ báo đã đọc, trong bụng bối rối ngờ vực càng thêm lo sợ, ông ta đang bực mình thì thấy Lý Thập đi vào nói:
- Mời ông lớn vào hầu, trong nha môn đã đánh hai hồi trống.
Giả Chính vẫn cứ ngơ ngác như không nghe gì cả. Lý Thập lại mời lần nữa. Giả Chính nói:
- Việc này biết xử trí ra sao?
Lý Thập nói:
- Ông lớn có điều gì lo nghĩ thế?
Giả Chính đem việc xem báo nói cho anh ta nghe.
Lý Thập nói:
- Ông lớn cứ yên tâm, nếu trong bộ định thế là còn nhẹ cho cậu Tiết đấy! Khi ở kinh, tôi nghe nói cậu Tiết ở trong hàng rượu gọi một số đàn bà con gái đến, uống rượu say rồi gây chuyện, đánh anh hầu rượu chết tươi. Tôi lại nghe nói chẳng những đã nhờ quan huyện, mà còn nhờ cậu Hai Liễn, tung ra một số tiền, thông đồng với các nha môn. Không biết tại sao mà ở bộ không làm cho xong. Nay việc dù vỡ lở, quan bênh vực cho nhau, nhiều lắm chỉ phạm cái tội xét không đúng, bị cách chức là cùng, đời nào họ chịu nhận câu chuyện ăn tiền ấy? Ông lớn không cần lo lắng làm gì, để chúng tôi dò xem, đừng làm nhỡ việc quan trên.
Giả Chính nói:
- Các anh làm gì mà biết? Tiếc thay cho quan tri huyện chỉ vì một chút tình mà làm mất cả chức quan còn không biết có mang tội hay không?
- Bây giờ lo nghĩ cũng vô ích, ngoài kia người ta chờ chực đã lâu rồi, mời ông lớn đi ngay thôi.

Hồi 100:
Làm hỏng mất dịp tốt, Hướng Lăng gây mối oán thù;
Thương em lấy chồng xa, Bảo Ngọc cảm tình ly biệt.

Giả chính tới hầu quan tiết độ, đến nửa ngày vẫn không thấy ra, bên ngoài bàn tán xôn xao. Lý Thập cũng không dò ra việc gì, liền nghĩ đến câu chuyện trên tờ quan báo cũng đâm hoảng. Chờ mãi mới thấy Giả Chính đi ra, Lý Thập chạy lại đón. Không kịp chờ về nhà, đến chỗ vắng người, Lý Thập hỏi ngay:
- Ông lớn vào lâu thế, có việc gì quan trọng không?
Giả Chính cười nói:
- Không có việc gì, chỉ vì quan Tổng chế Trấn Hải là bà con với quan tiết độ, nên viết thư nhờ người nâng đỡ cho ta, vì thế nói chuyện lâu và người còn bảo: “Chúng ta bây giờ cũng là bà con rồi".
Lý Thập nghe nói, trong lòng mừng rỡ, càng bạo gan, liền hết sức xúi giục Giả Chính nên bằng lòng việc hôn nhân ấy.
Giả Chính nghĩ bụng: “Không biết Tiết Bàn can ngại như thế nào, ở tỉnh ngoài tin tức không thông, khó bề lo liệu. Khi về đến nha môn của mình, Giả Chính sai người nhà về kinh thăm dò, nhân tiện trình Giả mẫu biết, nếu như Giả mẫu bằng lòng, thì đón cô Ba về đây. Người nhà vâng lời, về kinh trình lại với Vương phu nhân, rồi vào bộ lại hỏi dò, thì nghe nói phần Giả Chính chẳng bị liên quan gì, chỉ có quan tri huyện Thái Bình bị cách chức. Người ấy lập tức biên tờ thiếp cho Giả Chính yên lòng, còn mình ở lại chờ tin.
Tiết phu nhân vì vụ án mạng của Tiết Bàn, mất không biết bao nhiêu tiền bạc cho các quan, mới được định tội ngộ sát tư lên. Bà ta định gán hiệu cầm đồ cho người ta, để dành bạc chuộc tội. Không ngờ bộ hình bác lời xét ấy đi. Bà ta lại phải nhờ người vung ra một số tiền nữa mà vẫn không ăn thua gì, vẫn bị khép vào tội chết, giam lại để chờ mùa thu sẽ xét.
Tiết phu nhân vừa giận vừa thương, ngày đêm khóc lóc. Bảo Thoa thường thường qua lại khuyên giải:
- Anh Cả thật là vô phúc! Thừa kế cơ nghiệp của ông cha to lớn như thế, đáng lẽ phải yên phận làm ăn mới phải. Trước kia ở phương Nam đã làm bậy bạ, câu chuyện chị Hương Lăng đã là quá lắm. May nhờ có thế lực bà con, tốn mất một số tiền bạc, thế đã là vô cớ đánh chết người. Đáng lẽ anh ấy phải sửa lỗi, ăn ở đứng đắn, và lo phụng dưỡng mẹ già. Ai ngờ tới kinh lại vẫn như thế. Vì anh mà mẹ phải bao phen tức giận, khóc hết bao nhiêu nước mắt. Cưới vợ cho anh chỉ cốt sao cho cả nhà được yên ổn qua ngày. Không ngờ số mệnh như thế, lấy phải người vợ lại là người lắm chuyện, cho nên anh mới bỏ nhà ra đi. Thật đúng như tục ngữ nói: “Oan oan tương báo" chẳng được bao lâu đã lại xảy ra việc này! Mẹ và anh Hai không phải là không hết lòng. Mất tiền không nói lại còn phải lạy lục xin xỏ người ta. Khốn nỗi số mệnh của anh như thế, cũng chỉ là mình làm mình chịu. Nuôi con cốt để nhờ vả khi tuổi già sức yếu, dầu là con nhà nghèo hèn cũng biết kiếm bát cơm về nuôi mẹ, có ai lại phá sạch tư gia, bắt mẹ già phải khóc lóc chết đi sống lại như thế? Con nói không phải, chứ anh làm như thế, thật không phải là con, mà chẳng khác gì kẻ oan gia thù địch. Mẹ còn không hiểu điều đó, chứ khóc đêm khóc ngày. Đã thế lại còn bị chị ấy trêu tức nữa. Con lại không ở luôn nên này để khuyên giải. Thấy mẹ như thế thì con yên lòng sao được? Nhà con tuy nói là ngơ ngẩn, cũng không chịu chơ về. Hôm trước, cha con sai người về nói, xem tờ quan báo sợ quá, nên cho người về lo liệu. Con nghĩ anh con gây ra chuyện, khiến bao người để tâm lo lắng. May con ở gần đây, vẫn còn như đang ở với mẹ, chứ nếu phải đi xa quê cách biệt, nghe được tin này, có lẽ con nhớ mẹ mà chết mất! Con xin mẹ hãy di dưỡng tinh thần, nhân khi anh con còn sống đây, hỏi lại sổ sách các nơi, có ai nợ mình, hoặc mình nợ ai, cũng nên mời người đồng sự cũ đến tính toán xem còn có đồng nào nữa không.
Tiết phu nhân khóc lóc nói:
- Mấy hôm nay vì việc anh con, nên mỗi khi con về không ngoài việc con khuyên mẹ hoặc mẹ nói việc quan cho con nghe. Con không biết, chứ cái tên “mua hàng cho nhà vua" ở kinh đã bị xóa rồi; hai hiệu cầm đồ đã bán cho người ta và tiêu hết tiền rồi. Còn một hiệu nữa thì người coi việc trốn mất, hao hụt đến mấy ngàn bạc và đang xảy ra kiện cáo. Anh Hai con ngày nào cũng ở ngoài lục lọi sổ sách, số tiền ở kinh đã mất đến mấy vạn lạng bạc, đành phải rút số bạc chung vốn ở Nam lên và bán nhà ở đi mới đủ. Hai hôm trước đây còn nghe tin đồn nhảm, nói hiệu cầm đồ chung vốn ở miền Nam cũng vì lỗ vốn phải đương cửa. Nếu quả thế, mẹ còn sống làm sao được nữa!
Nói đến đó, bà ta lại khóc ầm lên. Bảo Thoa cũng khóc, và khuyên:
- Việc tiền bạc mẹ lo lắng cũng không ăn thua, đã có anh Hai lo liệu. Chỉ đáng giận bọn làm công thấy tình cảnh nhà mình suy sụp họ bỏ cả đi, mỗi người mỗi nẻo. Con nghe nói họ về hùa với người khác đến dọa dẫm chúng ta. Thế mới biết anh lớn chừng ấy tuổi đầu mà giao du toàn những bọn tham ăn tục uống, khi nguy cấp hoạn nạn thì chẳng có một người nào nhìn. Nếu mẹ thương con, xin mẹ nghe lời con, mẹ đã có tuổi cần phải giữ gìn đôi chút. Đời mẹ chắc không đến nỗi phải chịu đói, chịu rét đâu. Có ít quần áo đồ đạc trong nhà này, mẹ cứ để mặc chị ấy. Kể ra cũng chẳng còn cách nào hơn. Bọn bà già và người nhà xem chừng họ cũng không muốn ở đây nữa, ai đáng về thì cho họ về. Chỉ đáng thương chị Hương Lăng khổ một đời người, đành cứ để theo mẹ. Nếu thiếu thốn gì, bên con có, cũng có thể đưa sang ít nhiều, chắc nhà con cũng không nói gì đâu. Chị Tập Nhân cũng là người thực thà đứng đắn. Mỗi lần chị ta nghe việc của anh con, hễ nhắc đến mẹ là chị ấy khóc. Nhà con cứ tưởng là vô sự, nên không lo lắm; nếu mà biết rõ thì cũng khiếp đến chết đi được.
Tiết phu nhân không chờ con gái nói xong, vội bảo:
- Con ơi, con đừng nói với chồng con! Vì cô Lâm, chồng con định liều cả cuộc đời, mãi bây giờ mới đỡ ít nhiều. Nếu lại để nó sợ lỡ xảy ra việc gì, chẳng những con đeo phiền não, mà mẹ cũng hết nơi nương tựa.
- Con cũng nghĩ thế, nên không hề nói với nhà con.
Đang nói chuyện thì thấy Kim Quế chạy đến gian phòng bên ngoài, vừa khóc vừa kêu:
- Tao không cần sống nữa đâu! Chồng thì nắm chắc phần chết rồi! Nay chúng ta phá một trận, rồi kéo cả lên pháp trường liều mạng một phen!
Vừa nói, chị ta vừa đập đầu vào bức ván ngăn nhà, đầu tóc rũ rượi. Tiết phu nhân tức quá, trợn ngược mắt lên, không nói gì. May có Bả Thoa một điều gọi chị, hai điều gọi chị, đem lại hơn lẽ thiệt ra khuyên. Kim Quế nói:
- Cô ơi, giờ đây cô không phải như trước nữa. Hai vợ chồng cô sống vui vẻ, còn tôi là con người cô đơn trơ trọi, thì giữ thể diện làm gì?
Chị ta nói xong, định chạy ra đường về nhà mẹ. Nhờ có đông người giữ lại, khuyên lơn một hồi lâu chị ta mới im. Bảo Cầm sợ quá, từ đó không dám gặp chị ta nữa. Những khi Tiết Khoa ở nhà thì chị ta lại bôi son đánh phấn, rẽ tóc rẽ mày, ăn mặc rất là lả lơi kỳ quái, rồi lượn qua ngoài phòng Tiết Khoa thường cố ý ho một tiếng. Có khi biết rõ Tiết Khoa ở trong phòng, chị ta cũng cứ vờ hỏi ai ở trong ấy? Lúc gặp Tiết Khoa thì chị ta thướt tha nũng nịu, hỏi han vờ vẩn, vui giận thất thường.
Bọn a hoàn trông thấy, vội vàng tránh ra. Chính chị ta cũng không biết gì cả, chỉ một lòng một dạ định làm cho Tiết Khoa mê mẩn để giở mưu kế của Bảo Thiềm. Tiết Khoa chỉ có cách tránh, lỡ gặp chị ta, sợ chị ta bướng bỉnh, liều lĩnh nên cũng phải chiều chuộng ít nhiều. Kim Quế mê mệt sắc đẹp của Tiết Khoa, càng nhìn càng yêu, càng nghĩ càng mê, còn phân biệt sao được việc Tiết Khoa thật hay giả. Có điều là bất cứ cái gì Tiết Khoa đều nhờ Hương Lăng cất; áo quần giặt giũ, may vá, cũng nhờ Hương Lăng; khi hai người ngẫu nhiên nói chuyện, thấy Kim Quế đến, lại vội vàng lảng ra. Thấy vậy Kim Quế càng nổi cơn ghen, muốn lên tiếng quở trách Tiết Khoa, nhưng lại không nỡ, đành phải đem lòng tức giận ngấm ngầm, trút hết lên người Hương Lăng. Nhưng sợ đụng chạm đến Hương Lăng, lại mang lỗi với Tiết Khoa, thành ra Kim Quế cứ phái cắn răng mà nhịn.
Một hôm, Bảo Thiềm chạy đến, cười hì hì nói với Kim Quế:
- Mợ có thấy cậu Hai không? 
- Không.
- Tôi đã bảo cái lối đứng đắn giả vờ của cậu Hai nhà ta là không tin được. Trước đây chúng ta đưa rượu đến cậu ấy bảo không hay uống, nhưng vừa rồi tôi thấy cậu ta sang bên nhà bà, mặt đỏ gay, người bốc lên mùi rượu. Mợ không tin, chốc nữa đứng trong cửa nhà ta đây mà chờ. Cậu ấy ở bên kia qua đây, mợ thử gọi lại hỏi. Xem cậu ấy nói thế nào?
Kim Quế nghe nói, trong bụng tức giận, liền nói:
- Cậu ta làm gì mà đã ra ngay. Họ đã không có tình nghĩa, mình còn hỏi làm gì?
Bảo Thiềm nói:
- Nếu khốn tử mình sẽ liệu (á(hậu ấy tử tế thì mình cũng tử tế, 
Kim Quế nghe nói có lý, liền bảo Bảo Thiềm:
- Mày xem cậu ấy đã ra chưa?
Bảo Thiềm vâng lời đi ra. Kim Quế giở hộp gương ra soi, xoa một ít phấn lên môi, rồi cầm lấy một cái khăn lụa, vừa định đi ra lại quên mất cái gì trong bụng chẳng biết làm thế nào. Bỗng nghe Bảo Thiềm ở ngoài nói:
- Cậu Hai hôm nay cao hứng thật! Uống rượu ở đâu về đấy?
Kim Quế nghe nói, biết là Bảo Thiềm cốt gọi mình ra, liền vội vàng vén màn đi ra, thì thấy Tiết Khoa đang nói với Bảo Thiềm:
- Hôm nay là sinh nhật của ông Trương. Tôi bị họ ép không chối được, phải uống nửa chén, đến bây giờ má đang nóng bừng lên đấy.
Nói chưa xong, Kim Quế đã đỡ lời:
- Cố nhiên là uống rượu nhà người ta thú vị hơn là uống rượu ở nhà mình.
Tiết Khoa bị chị ta nói chọc, má càng đỏ lên, vội vàng chạy lại cười lấy lòng mà nói:
- Chị nói gì thế?
Bảo Thiềm thấy hai người nói chuyện với nhau, liền lẩn tránh vào trong nhà. Ban đầu Kim Quế định vờ làm bộ trách Tiết Khoa mấy câu, khốn nỗi khi thấy gò má anh ta đỏ lên, hai mát lờ đờ lại có vẻ thùy mị rất đáng yêu thì tính khí kiêu căng của mình đã hay đi đường nào hết. Chị ta liền cười nói:
- Nói như thế thì phải có người bắt ép chú mới chịu uống à?
Tiết Khoa nói:
- Tôi làm gì mà uống được?
- Không uống cũng tốt, còn hơn anh chú cũng vì uống th ra chuyện không hay, rồi sau này lấy mợ ấy về, lại như tôi đây phải chịu cô đơn góa bụa trong khi chồng vẫn sống.
Nói đến đó, đôi con mắt của chị ta lim dim và hai gò má cũng ửng đỏ lên. Tiết Khoa nghe câu nói càng có vẻ bậy bạ, định bỏ chuồn. Kim Quế biết ý, nhưng đời nào lại chịu, liền chạy nắm lấy tay. Tiết Khoa hoảng lên, nói:
- Chị ơi! Phải đứng đắn chứ!
Nói đến đó, cả người run lẩy bẩy.
Kim Quế cứ trơ trẽn nói:
- Chú cứ vào đây, tôi nói với chú một câu chuyện rất quan hệ.
Đang khi giằng nhau, bỗng sau lưng có người gọi:
- Mợ ơi! Hương Lăng đến đấy.
 Kim Quế giật nẩy mình, ngoảnh cổ nhìn thì đó là Bảo Thiềm. Bảo Thiềm đang vạch rèm ra xem hai người. Khi ngước đầu lên thấy Hương Lăng từ bên kia lại, nên vội vàng báo cho Kim Quế biết. Kim Quế sợ quá, buông tay ra. Tiết Khoa nhân đấy chạy thoát. Hương Lăng đang đi không để ý, bỗng nghe Bảo Thiềm kêu lên, mới thấy Kim Quế đang nắm lấy Tiết Khoa, cố sống cố chết kéo vào trong nhà. Hương Lăng sợ quá, tim đập thình thình, vội vàng quay trở về.
Kim Quế vừa sợ vừa tức, ngơ ngác nhìn Tiết Khoa chạy đi, đứng sững ra một lúc lâu, “hừ” lên một tiếng, rồi tiu nghỉu trở về phòng. Từ đó chị ta căm giận Hương Lăng đến xương tủy.
Hương Lăng định đến bên Bảo Cầm, nhưng vừa ra khỏi cửa nách nhìn thấy thế, sợ quá bỏ chạy về.
Hôm ấy, Bảo Thoa ở bên nhà Giả mẫu, nghe Vương phu nhân nói với Giả mẫu về việc định gả Thám Xuân. Giả mẫu nói:
- Đã là người làng thì hay lắm, nhưng nghe nói thằng bé ấy đã đến nhà ta, tại sao anh ấy không nhắc đến? 
- Ngay chúng con cũng không biết.
- Tốt thì tốt đấy, nhưng đường xa quá. Hiện nay anh ấy làm quan ở đấy, nhưng sau này anh ấy đổi đi nơi khác thì con nhà mình chẳng lẻ loi sao?
- Hai nhà đều làm quan, thì cũng không thể nói trước được! Chưa chừng bên kia đổi về đây cũng nên. Nếu không thì “lá rụng rồi cũng xuống gốc cây”, biết đâu sau này chả có ngày lại gặp được nhau. Vả lại, nhà con làm quan ở đấy, quan trên đã nói, không lẽ không gả? Chắc là ý nhà con đã quyết, nhưng không dám làm chủ, nên mới sai người về trình với cụ.
- Các người bằng lòng càng hay, nhưng con Ba đi lần này, không biết vài ba năm có về nhà được hay không? Cứ thế chắc gì ta được gặp nó một lần nữa.
Nói đến đó, Giả mẫu chảy nước mắt. 
- Con gái lớn, thế nào cũng phải lấy không. Dù gả cho người cùng quê cùng quán, nếu không làm quan thì thôi, chứ đã làm quan, thì ai dám chắc ở gần một chỗ? Cốt sao con nó có phúc là tốt. Ví như con Nghênh Xuân thì gả gần đấy, nhưng vợ chồng lại hay đánh nhau, thậm chí cơm nó cũng không cho ăn. Nhà ta đưa cái gì đưn, con Nghênh Xuân cũng không nhận được. Gần đây nghe nói lại càng tệ lắm, mà họ cũng chẳng cho con kia về. Hễ hai vợ chồng cãi nhau là thằng kia lại nói nhà mình tiêu mất tiền của nó. Thật đáng thương con bé không biết đến bao giờ mới mở mày mở mặt ra được! Hôm trước đấy, nhớ đến nó, con cho người sang thăm, con Nghênh Xuân trốn ở trong phòng bên cạnh, không chịu ra. Bọn bà già đòi vào cho được, thì thấy trời lạnh như thế mà nó chỉ mặc một cái áo cũ. Nó nước mắt lưng tròng, nói với bọn bà già: “Các bà về đừng nói chuyện khổ của tôi. Đây cũng là do số phận của tôi mà ra. Các bà về dặn bên nhà đừng đưa áo xống, đồ vật gì đến, chẳng những tôi không được nhận mà lại thêm trận đòn. Nó cho là tôi về mách!” Cụ thử nghĩ xem chính là gần mà mắt trông thấy đấy, nếu không tử tế càng thêm khó chịu. Thế mà bà Cả cũng không để ý, ông Cả cũng cứ điềm nhiên. Hiện giờ, con Nghênh Xuân so với bọn a hoàn hạng ba ở nhà chúng ta đây cũng còn kém xa. Con nghĩ con Thám Xuân tuy không phải con đẻ ra, nhưng nhà con đã biết anh rể rồi, chắc là có tốt mới gả. Vậy xin cụ cho chọn ngày tốt, sai mấy người đưa cháu đến nơi làm việc của nhà con, nên như thế nào, chắc nhà con cũng sẽ lo liệu chu đáo.
Giả mẫu nói:
- Đã có anh ấy làm chủ thì chị cứ thu xếp cho ổn thỏa, chọn ngày tốt đưa nó đi, thế là xong việc. 
Vương phu nhân vâng lời. Bảo Thoa nghe nói, cũng không dám lên tiếng, nhưng trong bụng xót thầm: "Trong các cô ở nhà mình cô Ba là trội hơn cả, nay lại gả đi xa, thì người ở đây thật là càng ngày càng ít.”
Thấy Vương phu nhân đứng dậy cáo từ ra về, Bảo Thoa cũng đưa ra, rồi quay ngay về phòng mình, không nói cho Bảo Thoa biết. Thấy Tập Nhân đang làm việc một mình, Bảo Thoa liền đem câu chuyện vừa rồi nói với Tập Nhân, Tập Nhân cũng rất lấy làm áy náy. 
Về phần dì Triệu, nghe tin Thám Xuân lấy chồng xa, lại càng vui mừng, nghĩ bụng: “Cái con này ở nhà chẳng coi mình ra gì. Nó có coi mình là mẹ nó đâu. Nó không coi mình bằng con hầu của nó. Nó lại cứ về hùa với trên bênh vực người ngoài. Có nó ở đây, ngay thằng Hoàn cũng không mở mặt ra được. Bây giờ cha nó đem đi, mình càng rảnh rang. Hòng gì sau này nó hiếu thảo với mình nữa. Mong sao nó cũng như con Nghênh Xuân mình mới hả dạ.”
Dì Triệu vừa nghĩ vừa chạy đến bên Thám Xuân mừng cho cô ta, và nói:
- Cô ơi! Cô là người sắp bay cao rồi. Về nhà chú rể tất nhiên là tốt hơn ở đây, chắc cô cũng bằng lòng. Tôi sinh ra cô bấy lâu, chưa hề nhờ được gì, dù cho tôi có bảy phần xấu, cũng còn ba phần tốt, đừng có đi rồi cô bỏ quên ngay tôi.
Thám Xuân nghe nói chẳng có nghĩa lý gì cả, nên chỉ cúi đầu làm việc, không nói nửa lời. Dì Triệu thấy cô ta không thèm để ý liền vùng vằng bỏ đi.
Thám Xuân vừa tức, vừa buồn cười, lại vừa đau xót, nên cũng ngồi chảy nước mắt. Ngồi một lúc rồi cô ta buồn rầu đi sang bên nhà Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc hỏi:
- Em Ba, anh nghe khi em Lâm chết, em ở bên ấy, đâu như lúc em Lâm chết có tiếng âm nhạc xa xa. Có lẽ cô ta là người khác thường cũng chưa biết chừng?
Thám Xuân cười:
- Đó là bụng anh nghĩ thế thôi. Nhưng đêm ấy cũng lạ, tiếng nhạc gì, không giống như tiếng ta thường nghe. Lời anh nói có lẽ đúng.
Bảo Ngọc nghe nói, càng cho là thật. Anh ta lại nghĩ trước đây khi thần hồn của mình đang phiêu dạt, từng nghe một người nói: “Sinh không giống người, chết không giống quỉ", chắc cô ta là nàng tiên xuống trần cũng nên. Lại nhớ đến năm nọ trong khi hát trò, họ đóng vai Hằng Nga, thướt tha lộng lẫy, yêu kiều biết chừng nào!” Một lúc sau, Thám Xuân ra về. Bảo Ngọc muốn Tử Quyên đến ở, lập tức trình Giả mẫu cho người đi gọi. Khốn nỗi Tử Quyên không bằng lòng, dù cho Giả mẫu và Vương phu nhân sai đến ở. Không có cách gì từ chối, nhưng ở trước mặt Bảo Ngọc, chị ta cứ than vắn thở dài. Khi vắng người, Bảo Ngọc nắm lấy tay chị ta, ôn tồn hỏi nhỏ chuyện Đại Ngọc nhưng không bao giờ Tử Quyên trả lời tử tế. Bảo Thoa thầm khen chị ta có lòng thủy chung, không hề quở giận. Tuyết Nhạn tuy có giúp sức đêm Bảo Ngọc rước dâu nhưng Bảo Thoa thấy tâm địa của con này không được ngay thẳng lắm, nên trình với Giả mẫu và Vương phu nhân đem gả cho một người hầu trai, đi ở nơi khác. Mụ vú họ Vương thì vẫn nuôi để tiện việc sau này đưa linh cữu Đại Ngọc về Nam. Bọn a hoàn nhỏ như Anh Kha thì lại về hầu Giả mẫu như trước. Bảo Ngọc nhân nhớ Đại Ngọc, từ cái nọ ra cái kia lại nghĩ đến những người theo hầu Đại Ngọc cũng đều tan tác các nơi, do thêm buồn bực, không biết làm thế nào; nhưng nghĩ lại Đại Ngọc đến chết vẫn còn tỉnh táo, chắc là thoát khỏi cõi trần trở về cõi tiên, nên lại vui vẻ. Bỗng nghe Tập Nhân và Bảo Thoa đang bàn về chuyện Thám Xuân đi lấy chồng, Bảo Ngọc nghe rồi kêu “ái chà" một tiếng, ngã lăn ra giường mà khóc. Bảo Thoa, Tập Nhân sợ quá, vội vàng chạy lại đỡ dậy, và hỏi:
- Cậu sao thế? 
Bảo Ngọc nghẹn ngào không ra tiếng, im lặng giờ lâu mới nói:
- Giờ đây không thể sống được nữa! Chị em mỗi người tan tác mỗi nơi. Em Lâm đã thành tiên, chị lớn đã chết, hàng ngày không được với nhau một chỗ, thế cũng đành. Chị Hai thì gặp phải cái thằng bậy bạ không ra người. Nay em Ba lại đi lấy chồng xa, không sao gặp mặt được nữa? Cô Sử thì không biết sẽ phải đi đâu? Em Tiết thì đã có nhà chồng. Bấy nhiêu chị em, chẳng nhẽ không để một ai ở nhà sao? Còn lại một mình tôi để làm gì?
Tập Nhân vội vàng đem lời khuyên giải.
Bảo Thoa xua tay nói: 
- Chị không cần khuyên, để tôi hỏi cậu ấy.
Rồi quay lại hỏi Bảo Ngọc:
- Theo ý cậu đòi đám chị em phải ở nhà làm bạn với cậu cho đến già, đừng ai nghĩ gì về việc lấy chồng phải không? Nếu là người khác còn có thể nói cậu có ý nghĩ gì. Còn các chị em của cậu không cần nói là không gả chồng xa, dẫu có chăng nữa thì cha làm chủ, cậu còn có cách gì?  Cậu nghĩ trong thiên hạ này chỉ có một mình cậu yêu chị em hay sao? Nếu ai cũng như cậu cả, ngay tôi đây cũng không làm bạn với cậu được nữa. Người ta đi học là cốt cho sáng lẽ, tại sao cậu càng học lại càng lẩn thẩn thế?  như tôi với cô Tập Nhân mỗi người đi mỗi nơi, để cho cậu đem hết chị em đến nhà mà ở với nhau.
Bảo Ngọc nghe nói, hai tay nắm lấy Bảo Thoa, Tập Nhân và nói:
- Tôi cũng biết vậy, Nhưng tại sao mà tan tác sớm như thế? Chờ lúc tôi hóa thành tro rồi hãy tan, cũng chưa muộn mà!
Tập Nhân bưng miệng anh ta lại và nói:
- Lại nói nhảm rồi, mới hai ngày nay, người cậu hơi khá, mợ Hai đã ăn được ít nhiều cơm. Nếu bây giờ cậu lại làm hỏng chuyện thì tôi cũng mặc kệ đấy.
Bảo Ngọc thấy hai người nói đều có lý, nhưng trong lòng chẳng biết nên như thế nào, đành phải nói: 
- Tôi cũng hiểu rõ như thế nhưng trong bụng cứ rối cả lên.
Bảo Thoa cũng để mặc, nhưng ngấm ngầm bảo Tập Nhân đem thuốc viên “định tâm" cho anh ta uống, và khuyên giải từ từ.
Tập Nhân muốn nói với Thám Xuân, lúc ra đi bất tất phải từ biệt Bảo Ngọc. Bảo Thoa nói:
- Sợ gì việc đó? Hãy thư thả mấy hôm để cậu ấy tỉnh táo đã rồi để cho anh em họ nói chuyện với nhau. Vả lại cô Ba rất sáng suốt, không phải hạng người giả vờ, làm bộ, thế nào cũng có những lời khuyên răn, sau này cậu ấy sẽ không như thế nữa đâu.
Đang nói thì bên Giả mẫu sai Uyên Ương tới nói:
- Nghe nói bệnh cũ của Bảo Ngọc lại phát. Bảo Tập Nhân khuyên dỗ an tôi, nói với cậu ấy đừng có lo nghĩ vớ vẩn.
Bọn Tập Nhân vâng lời, Uyên Ương ngồi một lúc rồi về. Giả mẫu lại nghĩ Thám Xuân sắp đi xa, đồ tư trang tuy chưa cần sắm đầy đủ, nhưng nhất thiết mọi vật cần dùng đều phải sắm sửa, liền gọi Phượng Thư đến, nói rõ ý định của Giả Chính, rồi bảo chị ta lo liệu, Phượng Thư vâng lời.


 Nguồn maxreading.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved