Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

13 thg 6, 2014

Tôi Tự Học Chương 1-4 - Nguyễn Duy Cần

Lời tựa

Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn Á Rập rất ngộ nghĩnh sau đây do văn sĩ Anatole France thuật lại: Có một nhà vua gọi các bậc trí gia trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các nhà bác học ấy sưu tầm tất cả các sách vở hay nhất trong nước để chở đến cho nhà vua. Nhà vua đang bận vui chơi trong một yến tiệc nên không có ngày giờ đọc. Người nói: "Nhiều quá! làm sao đọc hết được? Suốt đời ta cũng không đọc hết. Các ngươi hãy tuyển lại trong đống sách ấy những quyển nào hay nhất và cần thiết nhất thôi".

Các nhà bác học ngày đêm tuyển chọn, còn được một số sách hay nhất, bèn đem chở đến nhà vua. Bấy giờ nhà vua đang mơ màng buồn ngủ, bèn bảo: "Vẫn còn nhiều quá! Các khanh cố gằng thêm lên, đọc lại thật kĩ các sách này và tóm tắt lại tinh hoa của nó, viết lại thành một quyển sách thôi, rồi ta sẽ đọc quyển ấy để thu nhập sự hiểu biết của những bậc thông minh nhất thế giới từ cổ chí kim, có phải tiện hơn không?"
Các nhà bác học uyên thâm nhất lại cặm cụi cả năm trời mới rút đặng tinh hoa vào một bộ sách duy nhất. Lòng mừng khấp khởi rồi vị cao niên nhất trong các nhà thông thái ôm bộ sách quí ấy vào đền. Nhà vua cũng vẫn chê là còn dài dòng lắm: "Khanh hãy cố gắng rút tất cả tinh hoa bộ sách này làm thành một câu thôi, như thế ta chỉ học lấy câu ấy để biết được tất cả cái biết của con người từ xưa đến nay, trong khắp thiên hạ".
Nhà thông thái trở về, và sau một tháng trở vào triều, cầm theo câu tư tưởng tinh hoa của tất cả sự hiểu biết của con người, viết trên một tấm lụa ngà: "Con người sinh ra yếu đuối, trần truồng. Càng ngày càng lớn hơn, về sức mạnh cũng như về dục vọng, nhưng lòng tham muốn lại không bao giờ thỏa mãn. Rồi tàn tạ, rồi tiêu vong..."
Nhà vua đang bận sửa soạn ra quân, tỏ vẻ giận dữ nói: "Điều ấy có gì mà phải nói. Ta đã biết dư rồi! Các anh toàn là bọn láo cá!".
* * *
Câu chuyện này muốn nói gì thế? Theo Charles Baudoin, thì trong những ý kiến các trí gia xưa nay ý kiến này của Alain có lẽ là đúng nhất: [b]"Văn hóa là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt lại được".
Tôi cũng nhìn nhận lối nhận xét trên đây của Alain là đúng. Như thế, sao lại còn viết ra quyểnTôi tự học để làm gì?
Tự học là một nghệ thuật. Là nghệ thuật thì không thể truyền được. Trang Tử cũng có câu chuyện ngụ ngôn sau đây, gẫm rất là ý vị: "Hoàn Công đọc sách ở trên lầu. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà dưới, nghe tiếng đọc, bỏ chàng, đục, chạy lên thưa với nhà vua:
-"Xin hỏi nhà vua học những câu gì thế?"
Hoàn Công nói:
-"Ta đọc những câu của thánh nhân".
-"Thánh nhân hiện còn sống không?".
-"Đã chết cả rồi?".
-"Thế thì những câu nhà vua đọc chỉ là cặn bã của cố nhân đấy thôi".
-"À, anh thợ ! Ta đang đọc sách, sao dám được nghị luận. Hễ nói có lí thì ta tha, bằng không có lí ta bắt tội".
Người thợ mộc nói:
-"Tôi xin cứ lấy việc tôi làm mà suy luận. Khi đẽo bánh xe, rộng, hẹp, vừa vặn, đúng mực thì thật là tự tâm tôi liệu mà nêu ra tay tôi làm, như đã có phép nhất định, chứ miệng tôi không thể nói ra được. Cái khéo ấy, tôi không thể dạy được cho con tôi, con tôi không thể học được của tôi. Bởi vậy, năm nay tôi đã bảy mươi tuổi rồi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe...
Người xưa đã chết, thì cái hay của họ khó truyền lại được, tưởng cũng như đã chết cả rồi. Thế thì những câu nhà vua học, thực ra chỉ là những cặn bã của người xưa mà thôi".
Thật có đúng như lời của Alain đã nói:
"Văn hóa là một cái gì không thể truyền, mà cũng không thể tóm tắt lại được".
* * * * * * *
Văn hóa tuy không thể truyền được cái hay nhưng có thể khêu gợi và giúp cho người ta đi đến chỗ hay. Cũng như nguyên tắc dạy vẽ, tuy không truyền lại được cái thiên tài của họa sĩ, nhưng cũng giúp cho người người có thể có được những lề lối làm việc để thành một nhà họa sĩ chân tài.
* * * * * * *
Tôi là người trước đây đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tôi là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khoẻ, sau khi ra trường lại cảm thấy bơ vơ, ngơ ngác trước con đường học vấn mênh mông. Thú thật, ở trường tôi không học được gì hơn là những ý thức thông thường, nhưng không tiêu hóa được bao nhiêu. là vì chương trình quá nặng mà thời gian"tiêu hóa" rất ngắn. Cho nên ra trường được vài năm thì dường như đã quên gần hết những gì mình đã học. Sở dĩ sau này mà có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả. Tôi nhận thấy câu nói này cũa Bibbon rất đúng:"Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự tạo lấy". Đó là trường hợp của tôi. Và, như bác sĩ Gustave Le Bon đã nói, tôi cũng đã "dùng phần thứ hai của đời mình để đả phá những ảo vọng, những sai lầm và những nếp suy tưởng hẹp hòi lạc hậu mà mình đã hấp thụ được trong khoảng đời thứ nhất" của mình ở nhà trường.
* * * * * * *
Trước đây, về vấn đề này, tôi đã có cho xuất bản hai quyển Óc Sáng Suốt vàThuật Tư Tưởng. Quyển "Tôi tự học" này chỉ để bổ túc hai quyển trước mà thôi. Bởi vậy, nếu bạn đọc nhận thấy rằng đề cập đến vấn đề học hỏi mà bỏ qua vấn đề luyện trí nhớ, tập quan sát, luyện giác quan, cũng như phương pháp suy luận là một điều thiếu sót lớn, thì xin các bạn nên biết cho rằng những vấn đề ấy đã được bàn rất rộng trong hai quyển đã kể trên. lắm khi cũng có một vài vấn đề đem ra bàn lại, dĩ nhiên là với nhiều tài liệu phong phú hơn, được bàn rộng hơn về nhiều khía cạnh hơn.
Đây là một mớ nguyên tắc, không phải chỉ tự mình tôi tìm ra, mà phần nhiều là của những bậc tiền bối cổ kim, đã giúp ích tôi rất nhiều trong con đường học vấn. Những kinh nghiệm của tôi trong thời gian tự học thường chỉ dùng để bàn rộng và bình phẩm những nguyên tắc do các bậc đàn anh chỉ dẫn. Dĩ nhiên là khi biên chép lại, đã có nhìn nhận rằng nó đã giúp được rất nhiều cho mình, và như thế cũng có nghĩa là rất có thể nó sẽ không giúp ích gì cho những ai khác có những thiên tư cùng năng khiếu khác mình. Vì vậy, mới có tên làm tựa sách làTôi tự họcmà không dám đềTự họcsuông, như các sách cùng loại đã xuất bản. Như vậy, những thiếu sót, hoặc vụng về, hoặc sai lạc đều là do những kinh nghiệm còn nhiều bỡ ngỡ của tôi. Seignobos, Désire' Roustan, Marchel Prévost, Jean Guitton, Jules Payot, Gastave Rudler, là những học giả mà tôi chịu nhiều ảnh hưởng nhất, không phải về tư tưởng mà về phương pháp tự học.
* * * * * * *
Học là để cho đầu óc và tâm hồn càng ngày càng cao hơn, rộng hơn...có cao, có rộng thì mới tránh được cái nạn "thiên kiến", "chấp nhất" của những đầu óc hẹp hòi. "Óc hẹp hòi", theo Charles Baudoin, "là những đầu óc không thưởng thức nổi những gì mình không ưa thích". Ông lại nói: :Từ sự không có văn hóa đến lòng thiên chấp, chỉ có 1 bước mà thôi". Thật có như vậy.
Người có văn hóa cao là người mà tâm hồn thật cao rộng, dung nạp được tất cả mọi ý kiến dị đồng, không có những thành kiến hay tư tưởng một chiều, bao giờ cũng nhìn thấy tất cả mọi mặt trái của sự đời. Bởi vậy, muốn có được một tâm hồn cao rộng ít ra phải có một nền học thức rộng đủ mọi mặt, kiêm cả động tây, kim cổ. kẻ nào tin tưởng một cách quả quyết rằng chỉ có mình nắm được chân lí tuyệt đối là kẻ không thể có lòng khoan dung rộng rãi. Nhất là không thể là một nhà tâm lí sâu sắc được.
Học rộng sẽ giúp ta đi từ "tuyệt đối luận" qua "tương đối luận", biết vượt lên trên những lập trường eo hẹp hạn định của một hệ tư tưởng khác không hợp với lòng ưa thích của mình. Người học thức rộng là người biết thưởng thức tất cả mọi hình thức văn hóa bất luận đông tây kim cổ.
Đầu óc hẹp hòi, hay suy nghĩ có một chiều, nên dễ sinh ra cuồng tín. Cuồng tín là tai họa ghê gớm nhất của thời đại, bất cứ là thời đại nào. Trừ bớt được nó chút nào, may ra chỉ có văn hóa. Như vậy, phải chăng văn hóa là một trong nhiều phương tiện tranh đấu để đem lại tình thương và hòa bình cho nhân loại? Đó là mục tiêu cao nhất của văn hóa: Làm cho con người hoàn thành sứ mạng của con người.
Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN



Chương 1: THỬ TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA

A. THẾ NÀO LÀ NGƯỜI HỌC THỨC?

Lễ Ký có nói: "Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri lí". Có người dịch như vầy: "Ngọc chẳng mài, chẳng ra chi. Người mà chẳng học, trí tri đâu tường..."
Như thế nào là "người có học"?
Có kẻ học đậu năm ba bằng, có người đậu cử nhân, tiến sĩ...thế mà cũng còn bị người ta mắng cho là đồ "vô học". Như thế thì "người có học" là người như thế nào? Chắc chắn, nó phải có một định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được hiểu ngầm hơn là nói trắng ra.
Tôi có quen nhiều bạn đậu kĩ sư điện, thế mà trong nhà có máy điện nào hư, phải đi tìm những anh thợ máy điện đến sửa. Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì phải biết, họ sẽ làm cho ta điếc óc...Tôi có biết nhiều ông giáo sư ở trường sư phạm ra, thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết, không hiểu được gì cả...Rồi họ bảo: "Học trò mà học dở, không phải lỗi tại thầy"...Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lí của con người cả.
Ai ai, nếu để ý quan sát, cũng sẽ nhận thấy như tôi...Sự tình ấy không phải lỗi hoàn toàn nơi những người ấy, mà tôi sẽ bàn đến một nơi khác. Tôi chỉ muốn nói, những người có những cấp bằng trên đây, họ có hơn gì kẻ vô học không? Nếu có hơn là họ hơn về lí thuyết nhưng về phần thực tế...họ đâu có hơn gì một con "Vẹt". Nói cho đúng hơn, họ chỉ có "học" mà không có "hành". Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là "biết". Tri và hành cần phải hợp nhất mới được gọi là người "có học thức".
Người xưa có ví: "Con chim ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ, mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ...". Học mà không "tiêu hóa", có khác nào con chim nhả cỏ, con tằm nhả dâu...Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những gì kẻ khác đã nói...Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang với máy móc. George Duhamel có nói: "Đừng sợ máy móc của bên ngòai...hãy sợ máy móc của cõi lòng...". Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hóa đã đến ngày cùng tận rồi...mà tinh thần loài người rồi cũng đến lúc diệt vong: có xác mà không hồn...Học mà đưa con người đến tình trạng ấy, tôi tưởng thà đừng học có hơn không? Cái hiểm trạng của xã hội phần lớn phải chăng một phần nào đều do những bộ óc "học thức nửa mùa" ấy gây nên?
Thế thì, học và học thức không thể lầm lẫn với nhau được. ta cần phải để ý phân biệt hai lẽ ấy.
Thật vậy, có những sự hiểu biết chỉ "bám" ngoài da mà không thể "ăn sâu" vào tâm khảm của ta. Nó là một nước sơn bóng nhoáng và chỉ là một lớp sơn thôi...Cái học của ta không có ảnh hưởng gì đến tâm hồn ta cả. Trái lại, cũng có nhiều thứ hiểu biết liên lạc với kí ức ta, với tư tưởng ta, với tình cảm dục vọng ta, nó hòa hợp với con người tinh thần của ta không khác nào khí huyết tinh tủy đối với thân thể của ta vậy. Giữa những sự hiểu biết ấy và ta, có một thứ tác động và phản động, xung đột nhau, hòa hợp nhau để thay đổi nhau và thay đổi luôn cả cái người của ta nữa...
Tôi muốn nói: giữa ta và những điều ta học hỏi phải có một sự tiêu hóa, hay muốn nói theo Kinh Dịch, phải có một việc thần hóa (thần nhi hỏa chi) mới được.
Vậy, ta phải dành chữ "học thức" cho những bộ óc thông minh biết đồng hóa với những điều mình đã học. Như thế thì, học nhiều và học thức không giống nhau.
Phần đông chúng ta thường hiểu lầm những việc ấy. Chúng ta thường đánh giá con người theo bằng cấp của họ, những bằng cấp ấy phần nhiều là những bằng cấp trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu. Sự nhận xét sai lầm này gây không biết bao tai họa cho loài người hiện thời.
Tóm lại, người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết.
"Tri chi vi tri chi, bất tri chi bất tri, thị tri dã" - Biết, thì biết là mình biết, không biết là biết mình không biết, ấy mới thật là biết. Học thức là một vấn đề thuộc "phẩm", chứ không phải thuộc "lượng".
Cái học mà đã được đồng hóa rồi thì không còn nói là cái học bên ngoài nữa. Cỏ mà bị chim ăn rồi, không còn là cỏ nữa. Dâu mà bị tằm ăn, không còn gọi là dâu nữa.
Học, cũng như ăn.

B. HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

Học để làm gì? Vài tại sao ta phải học?
Ta phải quan sát chung quanh ta, ta sẽ thấy có hai hạng người: học vì tư lợi, và học không vì tư lợi gì cả, nghĩa là học để mà học, học theo sở thích của mình...
Hạng học vì tư lợi, chiếm một phần rất đông. Họ học một nghệ thật nào, một khoa học nào, một nghề nghiệp nào là để tìm một kế sinh nhai. Cái ý muốn thiết thực này cũng là cái ý muốn chính của các bậc làm cha mẹ khi tìm thầy cho con, hay khi gởi chúng đến trường. Mà chính các học sinh, đa số cụng chỉ có một mục đích ấy: nắm lấy bằng cấp để tìm lấy một con đường sinh kế.
Thật ra, cũng có nhiều kẻ, đối với nghề nghiệp sau này của mình cảm thấy thích thú lắm. Cũng có thể rất sung sướng khi nghĩ đến sau này sẽ được làm kĩ sư, giáo sư, nghệ sĩ hay sĩ quan...Nhưng, cái ý nghĩ nhờ đó kiếm địa vị, tiền bạc, danh vọng, quyền tước...cũng đủ làm cho tâm hồn mình mất cả cái sung sướng tinh khiết của cái học vô tư lợi...Cái mộng của tuổi trẻ qua rồi, tôi thường thấy có nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con em mình sau này theo đuổi nghề nghiệp của mình. Học để tìm một nghề nghiệp làm kế sinh nhai, có cái lợi ích của nó, không một ai có thể chối cải được, nhưng dầu thích hay không thích nó chỉ là một cái học để thành công, một cái học vị lợi...mà đối với những người có đầu óc thiết thực, ít lí tưởng, cho là thỏa mãn lắm rồi!
Bên những nhà "tập sự" vị lợi ấy, chúng ta cũng thấy có nhiều kẻ, ngay tuổi còn thơ, nhất là lúc mà trí thức đương chừng nẩy nở, họ ham học mà không có một ý nghĩ gì vụ lợi cả: không phải để kiếm tiền, không phải để tìm địa vị, cũng không phải để tìm danh vọng...Chiều theo ý của cha mẹ, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc mà phải chọn một nghề nào, kì thực họ không để chút tâm hồn nào nơi ấy cả. Họ là một công chức sở hối đoái mà họ say mê thi phú hay âm nhạc. Họ là một sĩ quan mà họ mê say lịch sử hay văn chương. Họ là một trạng sư mà họ mê say toán học. Có kẻ, ngoài giờ phải lo lắng giồi mài nghề nghiệp của mình để kiếm ăn, cũng ráng dành một vài giờ để thỏa mãn tính tò mò của mình, học những môn không lợi ích gì cho cái đời vật chất của mình cả, khi thì đọc triết học, khi thì đọc sách nghiên cứu về văn chương, lắm khi "tập tễnh" cầm bút viết văn hay hội họa...
Đấy cũng là một cách học, một cái học hoàn toàn không chút gì vị lợi. Những kẻ học như thế, họ học văn chương vì văn chương, học nghệ thuật vì nghệ thuật, học khoa học vì khoa học.
Hai hạng người trên đây, ai có lí? Ai vô lí? Thật cũng khó mà trả lời. Cái thích của người này chưa chắc cũng là cái thích của người kia.
Lại còn có người nọ thích không học gì cả, thì sao? Họ sẽ nói: "Đời người ngắn ngủi, học cùng không học thì có khác gì nhau. Anh thích khoa học, tạo hóa ban cho anh nhiều năng khiếu, thì anh thành nhà bác học giúp đời...
Còn tôi không có năng khiếu chi cả, cố mà nhồi vào sọ những cái học hỏi của kẻ khác, cố mà sản xuất những tác phẩm không hơn gì những bài làm của học sinh...thì phỏng có lợi ích gì! Ta hãy cứ tìm lấy những hạnh phúc rẻ tiền không cần dụng công nhọc sức chi cả có hơn không! Anh đọc truyện kiều, anh biết thích...Tôi, tôi đọc Lục Vân Tiên, tôi cũng biết thích vậy. Anh, anh thích nhạc cổ điển, anh thích nhạc Âu Mỹ. Tôi, tôi nghe vọng cổ, tôi xem hát bội, tôi cũng biết thích vậy. Anh đọc tiểu thuyết cổ điền của Đông Phương, tôi cũng biết mê say...Vậy, thì cũng chưa chắc cái sướng của anh hơn cái sướng của tôi..."
Ta phải trả lời với họ cách nào?
Đã không thiếu gì những quyển luân lí tân cựu đã trả lời với họ rất hùng hồn...Nhưng, theo tôi, mặc dầu có rất nhiều bài văn mà tài hùng biện của tác giả không thể chối cãi được...Tôi thấy cũng chưa đủ sức cảm hóa hạng người trên đây.
Ta hãy can đảm nhìn ngay sự thật; có nhiều kẻ họ sống hết sức hạnh phúc trong sự ngu dốt và ở không của họ...Họ ghét đọc sách, họ ghét suy nghĩ, họ ghét làm việc bằng tinh thần cụng như họ ghét gông cùm tù tội vậy: một vấn đề hoàn toàn thuộc về bản chất...
Geothe, lúc mà danh vọng của ông lên đến tột độ, ngày kia dạo trên bờ sông thành Naples gặp một tên ăn mày nằm ngủ phơi mình trong ánh nắng...Ông dừng chân, tự hỏi:
"Ta và anh ăn mày này, ai hạnh phúc hơn ai?". Thật, cũng khó mà trả lời cho dứt khóat. Tuy nhiên, tôi chắc chắn, các bạn cũng như tôi, chúng ta thích sống trong hạnh phúc của Geothe hơn. Andre' Gide cũng nói: "Một cái hạnh phúc mà vô tâm, tôi không chịu sống trong hạnh phúc ấy ".
Nếu bạn là người chịu theo phái "ăn rồi nằm ngữa nằm nghiêng, có ai mướn tớ, thì khiêng tớ về..." Nghĩa là theo phái thích "ăn không ngồi rồi", "tối thiểu nổ lực" và cho đó là hạnh phúc nhất đời, thì xin mời bạn hãy để quyển sách này xuống...Nó không phải viết cho bạn.
Thú thật, tôi không đủ tài để thuyết phục bạn. Sách này viết ra, là cho những ai cùng đồng một ý kiến với tôi, cho rằng hạnh phúc của Geothe hơn hạnh phúc của anh ăn mày, hay nói đúng hơn, Geothe cao trọng hơn anh ăn mày.
Theo tôi, hạnh phúc là được làm chủ hành động ta, tư tưởng ta, tình cảm ta...và mỗi ngày mỗi làm cho "cái người" của ta thêm sáng suốt hơn, thêm tự do hơn, thêm to rộng hơn...nghĩa là thêm mới mẻ hơn. "Cấu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân". Mỗi ngày một mới, và ngày càng mới mãi...Đấy là lời khắc trên bồn tắm của vua Thành Thang ngày xưa. Và cũng chính là lí tưởng của Pastuer: "Cao lên, cao hơn lên, và cao lên mãi..."
Như thế, ta thấy rõ mục đích của sự học là gì rồi. Học, là để mưu hạnh phúc, nghĩa là để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng rộng.... Học, là tăng gia sự hiểu biết của mình, là mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của kẻ khác làm của mình. Có khác nào một đứa trẻ mới sinh, cân không đầy hai, ba kí...thế mà nhờ càng ngày càng lớn đến năm, sáu chục kí...trong khoảng vài mươi năm sau? Phải chăng nhờ rút lấy những vật liệu chung quanh: không khí, món ăn, món uống...mà tiến từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, nghĩa là càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng lớn. Bởi vậy, trước đây tôi có nói: "Học cũng như ăn".
Ăn mà không tiêu, thì có hại cho sức khoẻ. Học mà không tiêu hóa thì có hại cho tinh thần. Cỏ của con chim ăn mà được tiêu, không còn gọi là cỏ nữa, mà là bộ lông mướt đẹp của nó. Dâu của con chim ăn mà được tiêu, không còn là dâu nữa, mà là sợi tơ mịn màng tươi tốt của nó. Người có học thức là người đã thần hóa những cái học của mình. Bởi vậy, người có học thức là người dường như không biết gì cả, mà không có cái gì là không biết.
Học mà đến mực dường như quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới thật là "nhập diệu". Herriot nói: "Học thức là cái gì còn lại khi mình đã quên tất cả ".
Một nhà tâm lí học có nói: "Quên là điều kiện cần thiết của cái Nhớ". Thật là chí lí. Một điều gì học mà mình còn cố nhớ, là nó chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí mình thì môn học ấy mới được gọi là đã được tiêu hóa. Người học đánh máy chữ mà còn để ý tìm từng nét chữ, cố nhớ vị trí của nút chữ...là người đánh máy chưa tinh. Người học đi xe máy mà còn nhớ mình còn ngồi trên yên xe máy, còn để ý đến bàn đạp, cách đạp...là người đi xe máy chưa tinh. Tôi còn nhớ, lúc còn học thi, gần đến ngày thi, tôi băn khoăn nói với cha tôi: "Sao con học nhiều quá mà nay dường như con không nhớ gì cả. Lòng con như quên hết, không biết có nhớ được gì không? Con sợ quá ". Cha tôi cười bảo:
"Đấy là con đã học "mùi" rồi. Quên tức là nhớ nhiều rồi đó. Con hãy yên tâm...". Thật đúng như lời. Ngày thi giám khảo hỏi đâu, tôi trả lời liền đó, một cách dễ dàng hết sức.
Trang Tử nói: "Người bắn cung mà còn để ý đến việc bắn cung của mình là người bắn chưa tinh. Kẻ lội mà còn để ý đến cái lội của mình là người lội chưa giỏi. Phải biết quên thị phi đi, thì cái tâm mình mới thông suốt được cái lẽ thị phi...(Tri vong thị phi, tâm chi thích dã)". Hiểu được câu nói này của Trang Tử là hiểu được cái diệu pháp của Phép Học rồi vậy.

C. THẾ NÀO LÀ BẬC THIÊN TÀI?

Nói đến những bậc thiên tài nhiều người đã tưởng tượng họ như kẻ phi thường, cô phong độc tú...xa hẳn với loài người. Thực ra cũng không có gì lạ giữa họ và chúng ta cho lắm; có nhiều kẻ còn tệ hơn chúng ta nhiều về vấn đề thể chất lẫn tinh thần nữa. Họ chỉ khác ta có một điều thôi: họ có một đức tin vững vàng về phương pháp làm việc của họ. Họ tin rằng với sự cần cù nhẫn nại và cách làm việc có phương pháp, họ sẽ đạt được ý muốn cao xa của họ. Theo họ "thiên tài chỉ là một sự nhẫn nại bền bỉ lâu ngày" mà thôi.
Darwin, tác giả bộ "Vạn vật nguyên lai luận", người đã gây được một cuộc cách mạng to tát trong khoa học là một người có một trí nhớ rất tồi tệ, một sức khoẻ rất bạc nhược.
Spinoza thì đau bệnh phổi, chết vào khoảng 45 tuổi.
Pascal thì đau mãi và mất sớm năm 39 tuổi.
Montaigne cứ than vãn mãi về trí nhớ thậm tệ của ông cũng như về trí não "chậm chạp và tăm tối" của ông, còn Herbert Spencer thì không thể nào làm việc trong một giờ mà không đau. Có ai dám bảo rằng những người nói trên đây không phải là những bậc vĩ nhân trong nhân loại? Sự nghiệp tinh thần của họ đều là những kỳ công bất hủ, những tinh hoa của nhân loại. Thế mà vấn đề thể chất của họ còn thua ta xa, còn vấn đề tinh thần có khi cũng không hơn gì ta cho lắm. Nếu phải kể ra cho hết, thì cả năm mươi trang cũng không sao kể đủ tên tuổi của các bậc vĩ nhân mà về phương diện thể chất và tinh thần không có gì là đặc sắc hơn những kẻ tầm thường.
Thế nhưng họ đã để lại cho đời những kỳ công vĩ đại là nhờ đâu? Vì họ biết cách làm việc có phương pháp, có nghệ thuật.
Trong giới trí thức, cũng như trong các hiện tượng khác của tự nhiên: những hành động bạo phát, hùng hổ mãnh liệt như địa chấn, thủy tai...chỉ là những hiện tượng bạo phát mà bạo tàn...
Những gì có tính cách vĩ đại khó thoát khỏi yếu tố thời gian. Muốn học cho thâm, muốn gây tạo những công trình to tát cũng phải cần đến thời giờ. Nhất là văn hóa, không thể chấp nhận được thời gian. Một giọt nước con, mà với thời gian đã điêu khắc dải Hoành Sơn, Tuyết Lãnh...
Nếu các bạn xem kĩ đời niên thiếu của các bậc vĩ nhân đã làm vẻ vang cho Tổ quốc họ và cho cả nhân loại, các bạn sẽ thấy, khi các ông ấy còn là học sinh đâu phải luôn luôn là những học sinh đứng vào hạng nhất trong lớp họ. Có khi họ lại là những anh học sinh "hạng bét" là khác. Có nhiều kẻ, chính các ông thầy của họ cũng không để ý đến họ nữa. Nhưng, một ngày kia, một tình cờ run rủi, bỗng dưng cảm khích như Malebranche, sau khi đọc quyển "Traite' de lHomme của Descartes", đem hết nghị lực lao đầu vào sự học, nhẫn nại, cố gắng cho tới ngày tài hoa xuất hiện.
Một việc làm âm thầm, lặng lẽ trong cô tịch nhưng đầy hăng hái, đầy kiên nhẫn sẽ là những công việc làm có nhiều kết quả vẻ vang và sâu sắc nhất. Trong khoảng âm thầm lặng lẽ nghiên cứu học hỏi, các bạn đã tìm ra được lắm ý nghĩa hay ho, nhiều tư tưởng tân kì có thể là những nền tảng cho một đời sống tinh thần và phát minh sau này của bạn.
Trong lúc ấy, trong lúc mà các bạn khác của bạn, nhiều may mắn hơn, đi vào các trường cao đẳng để tản mác trí lực của họ trong những cuộc đua chọi bằng cấp và địa vị cao sang quyền quí, thì trong bóng tối, trong im lặng, tác phẩm của bạn như tiếng sấm đêm đông...làm cho mọi người kinh khủng. Công trình sự nghiệp của bạn chẳng khác nào những hòn đảo kia, từ lượng cát đắp bồi, bỗng trồi lên mặt nước, một cách vững vàng như con núi.
Những bậc vĩ nhân đều hiện lên một cách từ từ và lặng lẻ như thế. Họ nhẫn nại mà đi từng bước một; nhưng một bước của họ là một bước chắc chắn.
Leo núi cao, các người từng trải đều quả quyết rằng những kẻ nào háo thắng, vội vàng sẽ không bao giờ đi tới mức được. Họ sẽ mệt nhọc, đuối sức và bị bỏ lại giữa đường. Các bậc vĩ nhân họ đi từ từ mà không nghỉ, một cách hết sức trật tự và quy củ.
Ông Newton nói: "Nếu tôi có phát minh được một đôi điều gì, cũng là nhờ nghĩ ngợi mãi một việc và đem việc ấy mà quan sát đủ mọi phương diện. Nếu những phát minh của tôi có được chút ích lợi cho đồng bào là do sự cần cù và đeo đuổi mãi theo một ý nghĩ mà không thôi vậy ".
Giáo sư Duclaux, trong một bài diễn văn nói về Pastuer có nói: "Tôi không rõ những phát minh kì vĩ có phải là do thiên tài sản xuất, không cần đến sự cố công gắng sức không? Chứ ở trường hợp Pastuer đây, tôi thấy hẳn không phải vậy. Nếu ông là một nhà phát minh đã lập được rất nhiều kì công vĩ đại trong nhân loại, trước hết là nhờ ông là một người làm việc rất nhẫn nại và lặng lẽ..."
Nhất là họ không bao giờ hiếu danh, hối hả trong công việc học hỏi và nghiên cứu của họ.
Người ta bảo rằng lúc Pastuer thi vào đại học, chỉ đậu hạng ba hạng tư gì đó. Năm ấy, ông không chịu vào đại học. Học thêm một năm nữa, kì thi năm sau ông đứng đầu. Ông tự cho rằng sức ông còn yếu, nên cần học lại thêm một năm nữa, đâu có muộn gì, bởi theo ông cần nhất là phải có thật tài hơn là hối hả trong công trình học vấn. Thật có khác với đầu óc tâm tưởng của phần đông chúng ta ngày nay, bao giờ cũng không muốn cướp thời gian và thành công mau lẹ.
Tóm lại, thiên tài là một sự nhẫn nại bền bỉ và lâu dài. Muốn thành những bậc tài hoa, điều thứ nhất là phải có lí tưởng, có đủ tin tưởng và chí kiên nhẫn để thực hiện lí tưởng ấy; điều thứ hai là làm việc cho có trật tự, có phương pháp, nhẫn nại và lặng lẽ, không bồn chồn, không vội vã...

Chương 2: NHỮNG YẾU TỐ CHÍNH

A.HỌC VẤN VÀ THỜI GIAN

Trang Tử nói: "Đời sống ta có hạn mà sự học hỏi thì vô hạn...". Đời bấy giờ mà ông còn nói thế, thì sống vào đời này phải nói như thế nào? Khoa học đã đi đến trình độ cực kì phức tạp và sâu rộng, dẫu là bậc thông minh đến đâu cũng không thể dám nói: "Óc tôi có thể chứa được tất cả cái học hiện thời". Người như Trang Tử mà Tư Mã Thiên bảo là có một cái học "thông kim bác cổ", vậy mà còn phải nói thế. Ta cứ nhìn kĩ chung quanh từng ngành học, sẽ thấy sự gia tăng của nó trong mấy năm gần đây mà ngợp. Dù cho ta có thể đầu thai mấy ngàn kiếp cũng không sao chứa được hết cái học của con người, ngay trong mỗi một ngành học nào cũng vậy.
Sự học ngày càng tăng, mà thời giờ con người càng ngày càng thu hẹp. Đừng nói thì giờ rỗi rãi của ta ngày nay có nhiều...Lấy ngay một cái nghề giáo viên cũng đủ thấy ngày giờ của mình đã mất hết. Dù ta bỏ hết thời giờ của ta cũng không sao có đủ để nghiên cứu học hỏi cho tinh chuyên. Nghề bác sĩ, nghề kĩ sư...và bất luận là nghề nào, muốn học đến chỗ tinh vi của nó, đều phải mất thì giờ không ít. Thế là sự học càng tăng thì giờ để thu thập nó lại càng hẹp.
Thật là một sự mâu thuẩn đau đớn cho những người ham học như chúng ta. Trước vấn đề khó giải này phải đối phó cách nào?
Chắc chắn là chúng ta không nên giải quyết một cách tiêu cực như hạng "dốt kim thời" này: họ viện lẽ "bể học mênh mông mà thời giờ không có đủ...vậy tốt hơn việc nhà mình mình biết, ghé mắt vào việc nhà kẻ khác để làm gì? Học làm gì, rút cuộc cũng không hiểu biết gì hơn người không học..." Socrate há không có nói: "Điều mà ta biết rõ nhất là ta không biết gì cả!" hay sao?
Hạng "dốt" này, may thay chỉ có một phần tử rất ít trong xã hội ngày nay. Nói thế, đâu phải chỉ có đời nay mới có hạng người này mà thôi. Đời nào cũng có cả. Nhưng có điều là hạng "dốt kim thời" này họ dốt và biết biện hộ sự dốt nát của họ: họ viện đủ lí lẽ, nào là khoa học phá sản, nào là sức hiểu biết của trí não thì hữu hạn, còn sự hiểu biết của loài người thì vô biên...Nói cho đúng, họ là hạng dốt có "triết lí". Họ lí sự lắm và tìm đủ cách để biện hộ sự khuất phục của họ trước vấn đề học hỏi.
Lại còn có một hạng người phản đối hạng trên. Họ nhất định không chịu khoanh tay chịu dốt...Nhưng, cẩn thận hơn, họ quyết định chọn một vài sự hiểu biết nào mà họ thích nhất, rồi bám lấy, ngăn tường đắp lũy, đem tất cả thời giờ và tâm trí họ để nghiên cứu một cách sâu sa triệt để hơn. Đây là giải pháp của nhà chuyên môn. Hạng người này hiện thời rất đông. Bất cứ là đi vào giới trí thức nào ta luôn luôn đụng chạm với những nhà thông thái "trong tháp ngà" ấy. Một ông kĩ sư cấu cống không biết gì cả đến các phong trào văn nghệ trong nước, cũng không đủ sức hiểu biết một bài thơ hay. Một bác sĩ y khoa không bao giờ đọc sách triết học, hay văn chương. Một kịch gia suốt đời không đọc một quyển sách về khoa học ứng dụng.
Ngoài cái ngành chuyên môn của họ, họ không buồn biết đến việc gì ngoài chỗ sở trường của họ. Họ cũng là hạng người công nhận sự bất lực của trí não con người trước vấn đề mênh mông của sự học hỏi. Nhưng, thay vì như anh "dốt kim thời" trên đây bó tay chịu dốt, thì họ lại quyết định chọn con đường cô lập và chuyên môn. Tuy vậy, hạng người này đáng mến hơn hạng người trên đây, nhất là họ dễ thương hơn hạng người "ngụy trí thức" sau đây.
Hạng người "ngụy bác học" hay "ngụy trí thức" lại cũng là nạn nhân của vấn đề nan giải trên đây: cái học thì vô cùng mà thời gian thì có hạn. Họ không chịu dốt, nhưng họ cũng không có đủ can đảm làm nhà chuyên môn. Họ là những hạng người "dở dở ương ương" : cái gì cũng biết, nhưng biết không có cái gì thực biết. Đấy cũng là lối học ở nhà trường để đào tạo một hạng người "bác học nửa mùa". Sách gì họ cũng đọc...nhưng mà họ chỉ đọc phớt qua như con bướm giỡn hoa...Họ bàn đến nguyên tử lực, họ nói chuyện Einstein và thuyết tương đối, họ bàn đến Vô Vi của Lão Tử, họ luận về Tam Giáo, sành chính trị, kinh tế...không có câu chuyện gì là không thấy họ phê bình chỉ trích như một kẻ chuyên môn. Những nhà "bác học nữa mùa" này hiện thời đã chiếm số khá đông trong nhân loại. Chế độ dân chủ cho phép họ nghênh ngang múa mép trong khắp các ngành hoạt động xã hội. Những báo chí, những sách phổ thông viết một cách hối hả của những "học giả nữa mùa" là những "tội nhân" đã đào tạo ra hạng người này, nhất là cái học "bách khoa" của giáo dục.
Hạng "ngụy trí thức" này thật là cả một tai vạ cho xã hội hiện thời. Đối với hạng dốt và hạng chuyên môn trên đây họ là hạng người bêu xấu sự học, hạng người đáng ghét nhất. Dân chúng thiếu học thường bị bọn người này loè bịp khiến kẻ nào múa môi lẻo mép nhất, thường được quần chúng hoan nghênh...Và chính họ là kẻ dẫn dân chúng vào những con đường phiêu lưu tăm tối của lịch sử sau này. 

B. CÁI HỌC VỀ BỀ RỘNG VÀ CÁI HỌC VỀ BỀ SÂU

Có hai thứ học vấn: học về bề sâu và học về bề rộng
Có một thứ hiểu biết do bên ngoài đưa đến, có một thứ hiểu biết do bên trong mà phát huy ra được.
Cái học bao quát mà người xưa ở Đông Phương khuyên bảo: "Thượng tri thiên văn, hạ tri địa lí, trung tri nhân sự" là một cái học hết sức cần thiết để tìm biết được chân lí trong đời này. Thật vậy, mọi sự mọi vật trên đời liên quan rất mật thiết với nhau. Có biết được nguyên nhân mới hiểu rành lí sự. Nhưng cái "nhân" này sanh ra cái "quả" kia, rồi cái quả ấy lại là cái nhân cho cái quả khác, tiếp tục nhau mà đến. Sự việc này xảy ra trước mắt ta hôm nay, trước đây đã có một dọc nguyên nhân mà ta không biết và có biết chăng, cũng chỉ biết được một vài nguyên nhân thiển cận mà thôi, còn lại không biết bao nhiêu nguyên nhân khác nữa, hữu hình có, vô hình cũng có mà ta không làm sao biết hết được. Người trí sở dĩ khác được kẻ ngu chỉ ở điểm này: Một đàng đã tìm thấy được nhiều nguyên nhân sâu xa và rộng rãi, còn một đàng thì không nhận thấy một nguyên nhân nào khác hơn là sự việc đã xảy ra mà thôi. Vì vậy mà người trí thức cần phải có một cái học rộng rãi để khỏi phải bị thiên kiến trong khi nhận xét và phê bình.
Nhưng cần nhất là phải có một cái học chuyên môn, một cái học về bề sâu. Victor Duruy nói: "Phải có một cái học tổng quát để phụng sự cho ngành chuyên môn của mình!".
Câu chuyện sau đây chứng tỏ rằng cái học chuyên môn mà được tận tâm huấn luyện bắt buộc ta phải đi đến cái học tổng quát.
Một nhà tiến sĩ văn chương cổ điển, ngày kia đến viếng ông Kerschensteiner, bấy giờ đang làm hiệu trưởng các trường ở Munich, để xin một chân giáo học ở trường tiểu học của ông. Dĩ nhiên trong việc xin dạy đây, chắc hẳn không phải vì vấn đề sinh nhai mà chính vì ông ta muốn tự mình nghiên cứu sự tổ chức và phương pháp dạy dỗ ở cấp đại học mà ông sẽ có phận sự đảm nhiệm.
Kerschensteiner, trước lòng khẩn thiết nhật thành ít có ấy, bằng lòng nhận ông ấy vào dạy học, nhưng cũng không quên nhắc ông rằng cái học chuyên khoa về ngôn ngữ học của ông e sẽ là một trở ngại to tát cho công việc dạy dỗ của ông đối với cấp sơ học. Ông này cho biết rắng sự chuyên học về tiếng La Tinh va Hy Lạp đầu tiên đã hướng ông vào công việc nghiên cứu về lịch sử thời cổ sơ. Và nghiên cứu thời tiền sử, và vì thế bắt ông phải đeo đuổi theo khoa nhân loại học. Chính lúc ấy ông cảm thấy ông cần phải có một sự hiểu biết vững vàng về vạng vật học và ông bắt đầu nghiên cứu về thực vật học và động vật học. Nhân đó, ông cảm thấy ông còn thiếu sót rất nhiều về vật lí học cũng như về hóa học, bởi vậy ba năm sau khi thi đậu bằng tiến sĩ văn khoa, ông theo thọ giáo những nhà khoa học trứ danh Rontgen và Bayer.
Câu chuyện trên đây, đâu phải là một câu chuyện đặc biệt riêng gì của một người: các nhà học thức chân chính nào cũng đi một con đường như ông tiến sĩ trên đây cả. Thật vậy, khi mình muốn đi thật sâu vào một vấn đề nào, thường thường lại phải cầu cứu đến các ngành học khác có liên lạc đến nó. Như cái học về vật lí bắt ta phải sành toán học, cái học về địa lí buộc ta phải có một cơ sở học vấn vững vàng về địa chất học.
Thành ra, chỉ đi sâu vào ngành học nào, người ta rốt cuộc cũng tìm ra được cái học bao la tổng quát, vì sự vật trong đời chằng chịt dính líu nhau, không có một sự vật nào là cô đơn độc lập cả.
Rồi ra, cái học tổng quát có cái hại này, là cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì chuyên môn thực hiện được cả cho sự tiến bộ chung của nhân loại. Tuy vậy, nó có những cái lợi to tát này là nó đào tạo cho ta có được một cái nhìn bao quát, không thiên kiến, trí óc và tâm hồn rộng rãi, hiểu được người chung quanh, không có tinh thần quá khích. Đời sống tinh thần cũng dồi dào mà hưởng thụ sự sung sướng cũng rộng rãi. Thử tưởng tượng một người có óc thẩm mĩ, hiểu biết được cái hay của âm nhạc hay hội họa, bất kì là âm nhạc hay hội họa của nước nào. Người đó phải chăng là người có nguồn hạnh phúc tinh thần vô tận không? Trái lại, những kẻ chỉ biết cái hay của vọng cổ mà không thưởng thức cái đẹp của một bản nhạc Beethoven, biết cái hay của một tuồng hát bóng Âu Mỹ mà không thưởng thức nổi cái đẹp của một tuồng "hát bội" Á Đông...thì dĩ nhiên nguồn cảm hứng mĩ thuật phải kém nhiều, vì bị hạn định.
Cái học chuyên môn thì có cái lợi nhiều cho xã hội, khiến cho công việc làm ngày càng trở nên tinh tiến, mau lẹ, nhưng nó có cái hại là thường hay biến con người thành bộ óc hẹp hòi, vì nghề nghiệp. Có quá nhiều nhà chuyên môn họ làm thái quá đến lố bịch...Như nhà bác sĩ kia bị ám ảnh vì vi trùng, rồi dưới con mắt ông, cái gì cũng cắt nghĩa bằng vi trùng...Cho đến tình yêu họ cũng cắt nghĩa là bị vi trùng "yêu". Dưới mắt bác sĩ, điên là một chứng bệnh, nhưng thiên tài đối với các ông cũng là một chứng bệnh. Thậm chí có nhà bác học nọ cho Đức Jesus cũng là một người điên, vì là một người "phi thường". lại nữa, nhà chuyên môn cũng thường bị mang chứng bệnh "Sai ngoa về nghề nghiệp" nữa. Đó là một tai hại đáng lo ngại, cần phải tránh xa vì nó có tính cách phản văn hóa.

C. CỐ GẮNG: ĐIỀU KIỆN ĐẦU TIÊN CỦA SỰ TIẾN BỘ TINH THẦN

Muốn có sự tiến bộ về văn hóa, tức là muốn cho sự học được bổ ích cho tinh thần, phải để ý đến yếu tố đầu tiên này, sự cố gắng.
Một cố gắng dù nhỏ bậc nào cũng là điều kiện cần thiết để tinh thần trí não ta tiến bộ. Ngày nay, phần đông đã hiểu một cách sai lầm rằng: ông thầy dạy hay không phải ông thầy bắt ta làm việc, mà là ông thầy làm việc thế nào cho ta. Cũng như sách hay không phải là sách mà tác giả bắt ta suy nghĩ, trái lại là sách mà tác giả đã suy nghĩ sẵn cho ta, có khi tác giả đã làm sẵn bài tóm tắt cùng dàn bài cho ta nữa những sách học trò lớp năm...vậy.
Người ta lại còn rút ngắn và lược thuật các quyển sách chỉ nói đại cương như loại "Degest" của Mỹ, và loại sách ấy rất được đa số quần chúng ưa thích...Dường như càng cố tránh cho độc giả phải nhọc công tìm kiếm, và suy nghĩ được chừng nào hay chừng nấy, đó là người ta đã đạt được mục đích mà họ gọi là "phổ thông"...Kể ra những công việc làm ấy, về mặt văn hóa, không giúp ích gì tinh thần bao nhiêu. Độc giả chỉ đóng một vai tuồng thụ động trong khi đọc sách, thành ra, đọc sách thì thật nhiều, mà kết quả về văn hóa thì chả có là bao.
Đọc sách du lịch, viếng các việc bảo tàng, đi nghe âm nhạc, nghe diễn thuyết...không phải là đi tìm món ăn tinh thần, gây dựng cơ sở văn hóa cho mình sao? Làm mấy công việc đó đâu cần gì phải cố gắng?
Ta nên nhớ rằng, người ta có thể đọc sách rất nhiều, đi du lịch cùng khắp thế giới mà dốt nát vẫn hoàn dốt nát. Là tại sao? Đọc sách có nhiều sách. Nếu đọc sách chỉ để giết thời giờ, tìm vui thích hoặc để tìm quên lãng trong những lúc buồn chán ở trên toa xe hay đọc sách để tìm giấc ngủ - thì đọc sách không lợi gì cho tinh thần cả. Đọc sách mà có lợi cho tinh thần là khi nào mình biết vận dụng tất cả năng lực và năng khiếu của mình, nhận thức được rõ ràng những ý kiến sâu thẳm của lòng mình đem ra so sánh với những ý kiến dị đồng của tác giả, biết sắp đạt lại những kí ức của mình, biết trầm ngâm suy nghĩ, biết làm việc có phương pháp, tóm lại, biết thảo luận và thông cảm với tác giả quyển sách mình đọc, đó là cách đọc sách đấy.
Du lịch cũng là một nguồn học hỏi, nhưng biết du lịch chỉ là thụ động, mà không biết quan sát, biết suy nghĩ thì dù có lê chân suốt đời khắp năm châu thế giới cũng chẳng ích gì. Sở dĩ du lịch đã giúp ích cho sự "đa văn quảng kiến" cho nhiều bậc văn hào trên thế giới như bằng chứng nơi những tập du kí của những đại văn hào H. de Keyserling, Aldous Huxley, R.Rolland, A. Gide...là vì những nhân vật ấy đã khéo biết quan sát, không phải cái bề ngoài của sự vật và con người mà là vì họ đã biết nhìn xem cái động cơ vô hình đã nhào nặn những sự kiện hữu hình dưới mắt họ kia. Sự du lịch của họ không có tính cách thụ động nhọc nhằn chán nản như một thí sinh dượt thi một cách đau khổ chán chường...Sự cố gắng trong vấn đề học hỏi rất có thể trái ngược lại, là một cố gắng đầy hứng thú và hăng hái nhất đời - như sự cố gắng của nhà đánh vợt hay đá banh trong một cuộc tranh hùng hào hứng và sung sướng. Ta lại cũng có thể so sánh sự cố gắng ấy như sự cố gắng của nhà thi sĩ "nặn" được một vần thơ...tuy vô cùng nhọc mệt, nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.

D. CỐ GẮNG MÀ ĐƯỢC BỀN BỈ LÀ NHỜ CÓ SỰ HỨNG THÚ LÀM HẬU THUẪN

Giáo dục mà có hiệu quả, chỉ khi nào gây được nơi con người một sự cố gắng tinh thần. Nhưng đừng hiểu lầm rằng lối "giáo dục mới" chủ trương sự giáo dục tự do, nghĩa là không ép buộc làm việc, trái lại, để cho học sinh thích gì học nấy, đừng bao giờ bắt buộc học sinh những gì nó không thích, mà phải biết gây hứng thú cho việc học, là lối giáo dục hủy bỏ sự cố gắng. Hiểu thế là sai lầm. Lối giáo dục mới ngày nay không bao giờ chủ trương hủy bỏ sự cố gắng, mà thực ra là tìm cách để gây hứng thú cho sự cố gắng được lâu dài. Chỉ khi nào có hứng thú thì sự cố gắng mới được bền bỉ. Lòng ham muốn mê say là một động cơ thúc đẩy và nuôi nấng sức cố gắng không ngừng đến cực độ. Bởi vậy, tìm được hứng thú cho sự học, bất cứ là cái học nào, đó là điều kiện đầu tiên và cần thiết để duy trì sự cố gắng được lâu bền và có đường lối.

Đ. BIẾT TỔ CHỨC SỰ HIỂU BIẾT CỦA MÌNH

Người học thức không chỉ là người học nhiều mà thôi, mà là người đã "tiêu hóa" được cái học của mình, vì đã biết tổ chức những tài liệu mà mình đã thu thập thành một cái biết có cơ sở vững vàng và rộng rãi. Tổ chức sự hiểu biết của mình không phải là đem nó gò bó vào một hệ thống tư tưởng nào. Đừng học theo thói các nhà có óc câu nệ: bất cứ sự kiện nào cũng đều đem sắp vào một hệ thống tư tưởng mà mình đã tôn thờ.
Người có một trình độ văn hóa cao là người có một đầu óc rộng rãi, một tâm hồn khoáng đạt, không bao giờ chịu giam mình trong một học thuyết hay một chủ nghĩa nào. Họ biết rằng trong đời còn biết bao là điều hay chuyện lạ khác ngoài cái triết học mà họ tôn sùng. Vòng chân trời to rộng của sự hiểu biết của họ cứu họ thoát khỏi cái nhìn thiển cận và nô lệ của tâm hồn. Kẻ có một trình độ văn hóa cao rộng là người có rất nhiều bậc thầy nhưng không nô lệ một ông thầy nào cả. Nhờ đọc Epictete mà họ thoát khỏi ảnh hưởng của Montaigne, cũng như nhờ đọc Montaigne mà họ thoát khỏi Epictete. Nhờ đọc Lão Trang mà họ thoát khỏi Khổng Mạnh, nhờ đọc Vương Dương Minh mà họ thoát khỏi cái học của Tống Nho.
Tóm lại, nhờ họ có rất nhiều "Thầy" nên họ không lệ thuộc một ai cả. Họ nhờ đó mà biết quan sát một cách không thiên kiến, biết nhìn lạic các vấn đề quan trọng bằng những nhãn quan khác nhau, biết kiểm lại tư tưởng và những thành kiến của mình với cặp mắt luôn luôn mới mẻ. Họ không bao giờ có những định kiến không thay đổi nghĩa là họ có óc "hoài nghi triết lí" thỉnh thoảng biết đặt lại những vấn đề mà họ thiết tha tin tưởng nhất. Một bậc "thức giả" xứng đáng với cái danh từ tốt đẹp ấy sở dĩ khác kẻ tầm thường trong đời chỉ vì một đàng thì có những phản ứng cực kì uyển chuyển tùy nghi thích ứng, còn một đàng thì chỉ có những phản ứng hạn định một chiều mà bất cứ một ai để ý quan sát đều có thể đoán trước được. Họ là kẻ biết rõ cái đạo "tiến thoái tồn vong", nghĩa là kẻ biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên thối, lúc phải giữ cho còn, lúc phải làm cho mất.

E. ÓC PHÊ BÌNH

Đành rằng, người học thức không thể tránh được tất cả những ảnh hưởng ngoại giới...nhưng họ là người biết phê phán, biết lựa chọn với một đầu óc sáng suốt, độc lập và tự do. Dĩ nhiên những danh từ này dùng với cái nghĩa tương đối của nó. Hay nói một cách khác, họ là người có óc phê bình sáng suốt và linh động.
Một cái "học" mà xứng đáng với danh từ chân chính của nó, ít ra cũng phải có đủ hai điều kiện sau đây:
1. Trước hết cái "học" ấy đừng phải là cái học "quá chuyên môn". Một nhà khảo cứu về các loài bướm hay các loại "tem" bưu điện chưa phải là một nhà có học thức cao.
2. Cái "học" ấy phải là một cái học do sự suy nghĩ nghiền ngẫm mà có, chứ không nên là cái học do kẻ khác mang lại cho mình sẵn sàng, tránh cho ta phải vận động đến óc phê bình, phán đoán hay suy nghĩ gì cả. Một sự hiểu biết không giúp ta suy nghĩ thêm, lại làm tắt hẳn óc tò mò và gây tạo một tinh thần thụ động, không ham thích tìm tòi gì nữa cả...là một cái học "chết". Những kẻ tự hào có một cái học như một cái "đơn bá chứng" có thể dùng để giải quyết được tất cả mọi vấn đề trong đời mình là những kẻ đáng thương hại nhất.
Loài thú cũng giống như loài người đều có thiên tính. Thiên tính là một năng khiếu mà tạo hóa đã ban cho tất cả mọi sinh vật trên đời để phản ứng được với tất cả mọi biến cố trong đời mà không cần phải dùng đến lí trí, không cần phải đặt vấn đề. Trái lại, văn hóa làm nẩy sinh trong đầu óc con người vô số vấn đề, bắt phải luôn luôn suy nghĩ. Cặp mắt của người có một trình độ văn hóa cao luôn luôn nhìn đời với những khía cạnh và máu sắc mới lạ. Và phải chăng đó là tất cả danh dự của con người?

G. "BIẾT MÌNH" LÀ CÁI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI TRI THỨC
Sự học của ta thường có thể đi vào hai chiều. Chiều "hướng ngoại", tức là óc tò mò của ta thiên về ngoại giới, thì đi theo những vật gì ngũ quan tiếp xúc được như mắt thấy, tai nghe, mũi ngữi, chân tay rờ mó được, mà sự nghiên cứu có lề lối phương pháp, người ta cho nó cái tên chung là khoa học. Hoặc chiều "hướng nội", thì đi sâu vào đời sống tình cảm và ý tưởng của ta, tức là đi vào một cõi thế giới mà chỉ có tâm tư ta đạt đến được mà thôi, nghĩa là đi đến cái học về con người của ta, không phải về con người vật chất mà là về con người tinh thần, cái con người biết suy nghĩ, biết tư tưởng với cái nghĩa rộng của nó, tức là biết đau khổ, biết sung sướng, biết ham muốn, biết nhận thức, biết hiểu biết, biết phê bình, biết lí luận, biết sáng tác và biết tự mình định đoạt qui tắc cho hành động mình, biết chọn lựa sự tín ngưỡng của mình và biết trù liệu suy nghĩ đến số phận của mình. Sự hiểu biết về đời sống nội tâm của mình dường như đã bị nhà khoa học xem thường và cho đó là một cái học "xa xí phẩm" dành cho nhà luân lí, triết học, tâm lí và văn chương thi sĩ lo nghĩ mà thôi. Đối với thường nhân, đó cũng chỉ là một cái học sống trong tưởng tượng chứ không phải là cái học trong thực tế.
Thực sự, trong lịch sử tư tưởng loài người, bao giờ cũng khởi đầu bằng sự chú ý đến ngoại giới trước khi đi về cái học nội tâm. Phải có một trình độ văn hóa cao mới có thể dùng đến khẩu hiệu này: "Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan", và đi sâu vào con đường quan sát "nội giới".
Cái học cần thiết cho con người là cái học về bản thân.
Tất cả những cái học khác đều là phụ thuộc, đều để mà phụng sự nó, không được quyền cướp phần ưu tiên. Một nhà hiền triết Đông Phương nói: "Tri nhân giả tri, tự tri giả minh" (biết người là trí, biết mình là sáng). Hiền giả Hy Lạp Scrate cũng bảo: "Hãy tự tri". Cuối thế kỉ thứ 18, Geothe khuyên ta: "Cái học về con người là cái học hứng vị nhất đối với chúng ta, và có lẽ là mục đích quan trọng nhất mà ta nên chú trọng. Tất cả chung quanh ta chỉ là cái khung cảnh để chúng ta sinh hoạt, hoặc là để dùng làm dụng cụ cho ta mà thôi. Nếu chúng ta lại quá quan trọng và chú ý đến những hoàn cảnh bên ngoài ấy, đó là ta làm giảm mất nơi ta cái chân giá trị con người của ta và của xã hội nữa. Và ông đã phải than: "cái mà người ta biết thì không biết dùng để làm gì; trái lại cái mà người ta không biết lại chính là điều mà ta cần dùng nhất". Thật là một câu nói đáng cho ta chú ý, nhất là ở thời buổi này.

H. HỌC ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG CON ĐƯỜNG XỬ THẾ

Có kẻ cho rằng học là để có một phương tiện đắc lực để thành công - thành công trong con đường xử thế. Nhà văn sĩ Vauvenargues nói: "Người có một tinh thần sâu sắc cần phải tự đào tạo một cái học để khám phá những tế nhị của lòng người, tuy đối với nhà toán học, nó là một cái học mơ hồ nhưng chắc chắn nó giúp ta rất nhiều trong sự thành công trong đời"
Theo ông Vauvenargues thì sự hiểu biết một cách thâm sâu lòng người là để giúp ta gây ảnh hưởng và cái học xử thế phải chăng là cái học cơ sở mà chúng ta cần phải có, để được thành công trên đời? Nghĩa là không có cái học nào là cái xứng đáng với danh từ của nó, nếu nó không giúp ta điều khiển được kẻ khác? Hay nói một cách khác, nói theo danh từ ngày nay, học là để thành công. Thực ra, cái quan niệm về sự học này, có điều không ổn thỏa. Dù rằng, có văn hóa cao, tức là ta có thêm một yếu tố khuất phục được kẻ khác, nhưng đâu phải nó là yếu tố chính, yếu tố duy nhất để gây được uy tín cho mình. Người ta sở dĩ có được uy tín là nhờ rất nhiều yếu tố khác nữa như những yếu tố khách quan này: giọng nói chững chạc, tướng mạo điềm đạm, hoặc có những thiên tư quyết định lẹ làng, can đảm, dám nhận lãnh trách nhiệm...Vả lại, văn hóa cao tuy giúp cho ta có được thêm nhiều phương tiện để phô trương ý chí của mình, thì mặt khác nó cũng giúp cho ta nâng cao tâm hồn và đồng thời làm giảm bớt những dục vọng ích kỉ, không đem con người làm vật hi sinh, nghĩa là sai sử họ và lợi dụng họ để làm nấc thang cho con đường danh lợi của mình. Nó giúp cho ta có lòng biết tôn trọng nhân phẩm kẻ khác, nâng cao tính công bình và lòng nhân đạo của mình. Sự học hỏi không còn phải là một khí cụ để ta ngự trị và bóc lột người đồng loại, một năng lực để cho ta thành công trên sự vụng và ngu dại của kẻ khác. Nhưng, hiểu ngược lại cũng là sai. Nếu bảo rằng sự học không giúp gì cho con người trên thực tế, thì học để làm gì? Sống trong loài người, chúng ta phải cần đến mọi người khác, không có họ ta cũng không làm được gì cả. Ta cần phải làm cho họ nghe theo ta, phụ lực với ta...Vậy làm cách nào cho họ phục ta, đem người thù làm người bạn, đó là cách xử thế rất cần...Cái học dùng trong đạo xử thế không còn phải là cái học dùng để lợi dụng bóc lột người.
Dĩ nhiên, cái học xử thế không thể còn dùng đến toán học để giải quyết những vấn đề khúc mắc của lòng người. Mà trái lại, phải dùng đến một năng khiếu khác hơn là óc khúc chiết: tôi muốn nói đến óc tinh nhuệ.

J. ÓC TINH NHUỆ

Ngoài lí trí, tức là óc khúc chiết, ta cần phải lo đào luyện óc Tinh nhuệ.
Chính óc tinh nhuệ nó giúp ta trên con đường nghiên cứu những gì mà giác quan của ta không còn nhận xét được nữa, tức là giúp ta hoạt động trên những vùng tinh thần rất tế nhị của tình cảm về tư tưởng: ở đây ta chỉ có thể cảm được chứ không còn suy tính ra được, ta có thể nhận thấy ngàn muôn sợi dây liên lạc vô cùng tế nhị và chằng chịt mà ta không sao thấy được dấu hiệu gì bộc lộ bên ngoài...Óc tinh nhuệ giúp ta thấy được chỗ không thể lìa ra của sự vật trên đời, trong khi phần đông người ta thấy toàn là rời rạc.
Muốn đào luyện óc tinh nhuệ, điều kiện đầu tiên là phải biết tập trung tất cả sự chú ý của ta về cái con người "sâu sắc, phức tạp mà duy nhất" của mình đây...Trong tất cả cái học trên đời này, cái học về mình là quan trọng nhất. Cần suy nghĩ, nghiền ngẫm đến con người nói chung và của mình nói riêng, tìm hiểu một cách sâu sắc, tinh tế những tình cảm của ta, những cách suy nghĩ và hành động của ta...Phải để ý quan sát và tìm hiểu ý nghĩa và hành động của con người trong khi mình giao thiệp với họ, từ cái tiếng cười hay câu nói, trong cái lặng thinh hay liếc mắt đều có một cái gì biểu lộ được cái sâu kín của cõi lòng. Đó là phương pháp hiệu quả nhất để mài giũa óc tinh nhuệ của ta...Muốn cho óc tinh nhuệ được thêm tế nhị, ta cũng cần rút kinh nghiệm nơi những bộ tiểu thuyết danh tiếng của các đại văn gia Âu Mỹ cùng những tuồng truyện có tiếng tăm quốc tế.

K. BIẾT TUYỂN CHỌN

Học, cần phải biết tuyển chọn. Tuyển chọn, tức là phê phán, quyết định và lọc lại trong mớ sách ngổn ngang chồng chất trong các nhà sách những sách nào hợp với mình và cần thiết cho nhu cầu hiện thời của mình. Không lựa chọn, đụng đâu đọc đó, là làm tản mát tinh thần mà cũng không hiệu quả vào đâu cả.
Tuyển chọn phải là công việc đầu tiên của người ham học. Chẳng những phải biết chọn riêng cho mình những sách mà mình thích nhất, lại cũng phải biết chọn trong một quyển sách những chương nào hay nhất để ta thỉnh thoảng đọc đi đọc lại. Tuyển chọn cũng có nghĩa là tuyển lại một trang, một đoạn hoặc một câu nào hay nhất có thể là tinh hoa của cả một chương, hay của một tiết để xem đi xem lại, hoặc để học thuộc lòng hay ghi nhớ trong tâm khảm. Phải có những tập trích tuyển các câu văn hay, những câu thơ đẹp hoặc những đoạn sách đặc sắc với những tư tưởng mới...cho riêng mình. Nhưng cũng phải có một cuốn tập riêng để tóm tắt, và phê bình những sách hay mà mình đã học. Ở đây, mỗi người đều có một phương pháp riêng không thể bắt ai theo ai được.
Tập trích lục các đoạn văn hay nên sắp theo thứ tự vấn đề và theo mẫu tự. Tôi thấy có nhiều người cho dán vào những quyển sổ to luôn cả bài báo nào hay nữa. Thói quen ấy cũng rất hay, nhưng cốt yếu phải sắp đặt cách nào để một khi ta muốn dùng đến là tim được ngay lập tức. Có người chép lại hoặc tóm tắt lại những đoạn văn hay trên những tờ giấy rời, dĩ nhiên là chép trên một mặt thôi, và bỏ chung vào một trong bao thư lớn có đề tựa. Tóm lại, ta cần phải tuyển chọn những sách hay nhất trong những sách hay, những trang hay nhất trong những sách hay nhất. Phương pháp tuyển chọn ấy dĩ nhiên là có tính cách cá nhân, nhưng đó mới thật là phương pháp hay. Khi ta tìm ra được một trang sách hay là vì nó là tiếng dội của lòng ta và ta có thể nói: "Đây là ý tưởng và cảm xúc của tôi, và nếu tôi viết ra, tôi chỉ muốn viết được như thế, chỉ tiếc vì tôi không đủ tài hoa để miêu tả được thôi".
Ta nên dành riêng cho những sách ta đã tuyển chọn ấy một ngăn đặc biệt trong tủ sách ta, và có người lại khuyên ta nên "đem nó mà đóng lại, giấu nó đi, và đừng cho ai mượn cả, dù là bạn chí thân cũng vậy".
Sự tuyển chọn là một phương pháp hay để tự mình biết rõ cái chân tướng của mình. Cứ đọc những tập trích tuyển đủ biết khuynh hướng và tâm hồn của người trích tuyển ấy: hễ "đồng thinh" mới "tương ứng", "đồng khí" mới "tương cầu".
Khi mình còn ít tuổi thì mình chưa định, chưa biết tuyển chọn, nên sự kết giao rất bừa bãi. Đến khi có tuổi, thì sự kết giao bắt đầu siết chặt lại vòng dây: ta bắt đầu tuyển chọn. Về việc học cũng thế.
Lúc còn trẻ, mình thường có nhiều cao vọng muốn biết tất cả và nhớ tất cả! Vì vậy mà tuổi ấy khó học nhất, bởi chưa biết tuyển chọn.
Ngay khi viết sách cũng thế. Có nhiều nhà văn "trẻ tuổi" họ không biết tự giới hạn vấn đề, không biết tiết kiệm lời nói, họ thao thao bất tuyệt và giành hết quyền sáng tác của độc giả. Bởi vậy, có người đã bảo: "Thế nào là quyển sách hay? Là quyển sách mà tác giả đã biết hạn chế vần đề, tiết kiệm lời nói. Trái lại, quyển sách dở là quyển sách mà trong đó tác giả không còn để thiếu sót cái gì cả, không để cho độc giả cùng bàn góp thêm được phần nào ý kiến của mình". Cần nói nữa lời thôi, nhưng là những lời nói khêu gợi. Phải biết giúp cho người suy nghĩ, đừng suy nghĩ thế cho người. Sách hay, tức là sách bắt ta suy nghĩ, bắt ta hoài nghi và đặt lại vấn đề. Jean Giutton nói: "Nhà văn cần phải biết nín lặng, đừng nói hết ý nghĩ của mình và phải đề cho độc giả có chổ tỏ ra sự hiểu biết của họ". Như vậy, những vở tuồng hoặc truyện hay là những vỡ tuồng, truyện như vở Rhasomon hay là Địa ngục môn của Nhật, hoặc những tiểu thuyết của Andre Gide trong đó tác giả chỉ trình bày và đặt vấn đề, chứ không giải quyết. Lối dạy học của Socrate cũng một thế ấy: ông chỉ đặt câu hỏi. Đọc sách mà suy nghĩ thì nên đọc những quyển sách ấy, và sách như thế mới là những quyển sách hay.
Người ta bảo, Pascal chết sớm nên sự nghiệp văn chương của ông bị gián đoạn. Nhưng chính ông chết sớm mà sách vở của ông có tính cách giáo dục nhiều hơn cả, bởi một lẽ rất giản dị là nó bị gián đoạn và pascal không kịp nói hết lời. Tiếng đàn hay là hay ở dư âm...Lời nói hay là lời nói vắn tắt mà hậu ý thâm trầm và man mác...
"Kẻ nào chưa biết tự hạn chế là người không bao giờ biết viết văn". (Boileau)
* Có hai cách tuyển chọn:
Cách thứ nhất là lượm lặt tinh hoa của tất cả sách vở bất cứ thuộc về loại gì, bất cứ thuộc về thời nào.
Cách thứ nhì là chọn trước một đầu đề rồi sau lấy đó làm trung tâm nghiên cứu, tuyển chọn những gì liên quan mật thiết với nó, và mỗi ngày mỗi đi sâu vào vấn đề, được chừng nào hay chừng nấy.
Trong hai cách tuyển chọn ấy, cách sau này là tiếp thu hơn hết, và cách trước là lí thú hơn hết. Cũng cần tham khảo cả hai.
Về sự tuyển chọn, có người khuyên ta: "Đừng bao giờ đọc những vài văn bây giờ, nhất là vừa mới viết do những ngòi bút mới lạ. Đừng đọc sách mới xuất bản. Phải để cho thời gian đào thải...Ngày giờ ta rất ngắn ngủi: đừng nên đọc những sách chưa chịu nổi thử thách của thời gian. Đừng đọc sách của những nhà văn chưa có tên tuổi. Chỉ nên đọc những sách gì đã được tái bản hay xuất bản được trên ba mươi năm, trên ba trăm năm, trên ba ngàn năm...bấy giờ bạn sẽ lại gặp văn hào Homere"...
Lại cũng nên nói "tuyển chọn những sách nào làm cảm xúc được ta". Nhưng ta nên hiểu chữ "cảm xúc" đây không có nghĩa là cảm động ngoài da bằng một thứ cảm giác kích thích thần kinh hay vật dục của ta như những quyển tiểu thuyết diễm tình hạng rẻ tiền. Cảm xúc đây là sự cảm xúc sâu nặng như sự cảm xúc của Augustin Thierry khi đọc quyển Les Martyrs của Chateaubriand, của Malebranche khi đọc quyển Traite' de Lhomeme của Descartes: một người thì tìm ra được cái khiếu về sử học, một người thì tìm ra được cái khiếu về triết học của mình. Quyển sách đầu tiên đã làm cho tôi xúc cảm quá sâu nặng và đã ảnh hưởng tư tưởng của đời tôi không nhỏ là quyển La Conquete de l'Illision của J.J.Van Der Leeuw. Đó là những sách có thể gọi là hay, dĩ nhiên là đối với riêng từng cá nhân vậy.

Chương 3: NHỮNG ĐIỀU KIỆN THUẬN TIỆN

Trong những điều kiện đầu tiên để có thể xây đắp cho mình một nền học vấn vững vàng, ta phải kể trước hết điều kiện là thời gian.
Phần đông muốn học rút thời gian, học mau, học tắt… Họ chấp thời gian. Dù là bậc thông minh đến đâu cũng không thể chấp thời gian mà thành công trên con đường học hỏi. Ta nên biết rằng những kẻ thật thông minh, nghe qua là hiểu suốt mọi lẽ là hạng người rất hiếm trên đời. Bực tầm thường như chúng ta, không làm gì chấp thời gian mà học hiểu sâu sắc được. Tưới cây, người ta cũng tưới từ từ, và phải có thời gian, nước mới có thể thấm nhuần gốc rễ. Có thời gian, trái mới chín, hoa mới trổ. Thiếu thời gian, cái học của con người chỉ được có bề rộng, kém bề sâu hay cũng chỉ có được một nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi. Chấp thời gian là phản văn hoá.
*
* *

B. TINH THẦN TẢN MÁC.

Muốn có được một học vấn uyên thâm, cần phải tránh những cơ hội làm cho tinh thần tản mác trong một đời sống quá phiền phức.
Tản mác vì những xã giao nhảm nhí: sáng nầy mình định nghiên cứu về một vấn đề mà mình ôm ấp từ lâu. Sau khi tắm rửa xong xuôi, mình định lại bàn viết đọc sách và làm việc. Nhưng thắc mắc, mình lật quyển sổ tay xem coi ngày hôm nay có hứa hẹn với ai gì không? Chết chửa! suýt lại quên mất, mình đã hứa đi lễ cưới con của một người bạn ở Phú Nhuận. Mười giờ… Thì bây giờ còn sớm chán… Ngồi lại bàn, lấy sách ra đọc… Nhưng thỉnh thoảng áy náy mình cứ nhìn đồng hồ. Kết quả công phu nghiên cứu của mình chả có gì cả vì mình không còn tin tưởng nơi kết quả nữa, mình đã bận nghĩ đến cái phút mà mình bắt buộc phải dừng lại, thay áo quần, lên xe đi cho thật nhanh đến nơi kỳ hẹn… Rồi còn phải xã giao, miễn cưỡng, vui cười giả dối, chúc mừng, tán tụng hão… Lại còn nghĩ mình trước khi ra đi hôm nay, mặc bộ ào gì? Còn khổ nỗi, đây rồi còn bắt buộc phải gặp mấy thằng bạn “trời đánh” chuyên môn quấy rối và làm mất thời giờ người khác bằng những cái tán nhảm, những câu chuyện không đâu mà mình đã cố lẩn tránh từ lâu. Thật ra, buổi sáng nầy chắc chắn ta sẽ không làm nên trò gì được cả rồi!
Thôi thì ngày mai… có lẽ ta sẽ “yên thân” mà làm việc và học hỏi có kết quả hơn. Nhưng quyển sổ tay của ta đã ghi những gì? 8 giờ sáng đi dự đại hội nghiệp đoàn; 10 giờ đi dự lễ khai mạc phòng triển lãm hội hoạ; 11 giờ đưa đám táng ông phó chủ tịch hội Khuyến học; 3 giờ chiều nghe diễn thuyết tại Đại học đường Văn khoa… và, 5 giờ đi xem chớp bóng…
Thưa bạn, nếu thời dụng biểu ấy giống từa tựa với cái thời dụng biểu hằng ngày của bạn, thì bạn đừng mong đi sâu vào con đường học vấn… Hoặc ít ra, bạn phải cương quyết tổ chức thời giờ của bạn bằng cách giản dị hoá nó lại. Đời sống bạn, phiền phức lắm. Nếu bạn có thời giờ, tôi xin điểm chỉ cho bạn quyển “Đời sống giản dị” của Charles Wagner để mà nghiền ngẫm. Bấy lâu nay chúng ta đi dự không biết bao nhiêu đám cưới, không biết bao nhiêu đám táng, không biết bao nhiêu phòng triển lãm nhảm nhí, không biết bao tuồng hát tầm thường không giá trị… Đám tang thì chỉ nên dự vào những ai là người chí thân; những kẻ đến dự cho có, không nên đến nhiều, làm rộn tang gia. Đám cưới mà dự cho đông, toàn là để có dịp khoe khoang tán hão, không lợi gì thiết thực cho đôi tân nhân là chân hạnh phúc của tình yêu họ. Đi dự các phòng triển lãm nhảm, hoặc đi xem những vở tuồng “xoàng” là một sự mất thời gian đáng tiếc.
Phải biết bênh vực cái thời giờ quý báu của ta. Biết từ chối, đó là một sức mạnh của tâm hồn. Đừng sợ làm phật lòng kẻ khác bằng sự từ chối khéo léo: mình đã chẳng những làm lợi cho mình mà cũng không làm bận cho người. Những người thông minh họ rất hiểu tâm sự của các bực học giả cũng như của các nhà ham học. Phải thật can đảm, mới chống trả nổi những dụ dỗ của cuộc sống xa hoa phù phiếm chung quanh. Người quyết tâm đào tạo cho mình một đời sống tinh thần, phải ít ra có một đời sống đơn giản, một nếp sống xa hẳn cuộc sống xa hoa của đời náo nhiệt bên ngoài, nghĩa là, nếu có thể được, nên có một nếp sống của một người “ẩn dật”…
*
* *
C. ĐỜI SỐNG ĐƠN GIẢN.
Điều kiện thuận tiện nhất cho một người cố tâm học hỏi là phải có được một đời sống đơn giản nhất.
Sống đơn giản, đâu có nghĩa là sống nghèo khó trong cảnh muối dưa đạm bạc, sống thiếu tất cả tiện nghi và trở lại sống cái sống của người bán khai mộc mạc. Sự bận lòng vì quá thiếu thốn về vật chất, không những sẽ làm cho đời ta bực bội, lại còn làm cho nó thêm phiền phức hơn nữa, chứ không giản dị hoá nó được như ta đã tưởng. Trái lại, có một sự nghiệp to lớn của nhiều cũng làm bận thêm tâm trí: lo làm thêm ra mãi, lo thu cất giữ gìn, lo tranh đấu với những kẻ tranh thương với mình là cả một công việc vô cùng phiền phức. Đời sống như thế không thể nào gây dựng một công trình văn hoá gì được cho ra hồn. Chỉ có những đời sống mà gia tư kha khá về mực trung mới có thể đủ điều kiện thuận tiện nhất cho công trình tự học.
Tuy nhiên, ở đây, ta nên để ý đến vấn đề phẩm hơn là lượng. Không phải cái số tiền bạc tài sản nhiều hay ít là điều quan trọng. Quan trọng chăng là cái quan niệm của mình đối với tiền bạc. Đời sống đơn giản, tức là cái nếp sống tổ chức theo một quan niệm biết nhìn thấy cái gì là chánh, cái gì là phụ trong đời, biết quý cái cần thiết mà bỏ qua những cái không cần thiết… Phần đông con người không biết phân biệt cái gì là chánh, cái gì là phụ, chỉ loay quay quan trọng hóa những cái phụ thuộc của cuộc đời mà quên lửng đi cái cốt yếu.
Lấy ngay một việc hôn nhân thì đủ rõ: người ta lo nghĩ tất cả, nào là môn đương hộ đối, nào là chàng rể đẹp trai, nàng dâu kiều diễm, nào là tuổi tác đôi bên xứng đôi vừa lứa, cha mẹ đôi bên xứng đáng sui gia, nào là sắm lễ vật cùng trao tặng quà vật đắt giá, nào là quan khách đông đặc toàn là những bậc quyền quý cao sang, nào là xe hoa lộng lẫy, chúc tụng lăng nhăng… Nhưng cái điều cốt yếu, cái điểm chánh là tình yêu của đôi tân nhân có thành thực yêu thương nhau không, tánh tình họ có hoà thuận nhau chăng và họ phải làm cách nào để yêu thương nhau mãi và tự mưu hạnh phúc cho nhau… Phần chánh đó, người ta đã không bao giờ để ý đến hay nhắc đến. Người ta đã để ý đến cái phụ nhiều quá mà quên mất cái chánh yếu.
Lầm cái phụ với cái chánh, lầm hình thức với nội dung, có thể nói đó là cái thông bệnh của phần đông người đời nay vậy.
“Sự sung sướng vật chất, học vấn, tự do, tất cả nền văn minh… chỉ là cái khung của một bức tranh. Cái khung đâu phải là bức tranh. Cũng như cái áo choàng đâu có làm thành được nhà tu, bộ quân phục đâu có biến con người thành một nhà chiến sĩ… Bức tranh ở đây, tức là con người với tất cả những gì thâm sâu nhất của con người, tức là lương tâm, tánh khí và ý chí của mình. Trong khi người ta chăm lo săn sóc và đánh bóng cái khung cho đẹp đẽ, người ta đã quên mất, khinh thường và làm hỏng mất bức tranh. Cũng như, chúng ta có thứa thãi về vật chất bên ngoài, nhưng lại hết sức nghèo nàn về cái đời sống bên trong… Chúng ta có thừa thãi tiền của mà ta có thể không có cũng không cần, trái lại, ta lại rất nghèo thiếu cái điều cần thiết nhất của đời ta. Thế nào là một cây đèn tốt? Cây đèn tốt đâu phải là cây đèn có cái dáng ngoài rất đẹp, được điêu khắc cầu kỳ hay được làm bằng một thứ kim khí quý báu. Một cây đèn tốt là một cây đèn thắp sáng. Con người cũng một thế..” (8) Người giản dị nhất là người đã bộc lộ và thực hiện được cái người thật của mình mà không bị ràng buộc trong những điều phụ của mình như tiền của, danh vọng, sự nghiệp… của mình. Một hiền triết Hy Lạp có nói: “Nếu anh có ngựa tốt, hãy nói: Con ngựa tôi tốt, chứ không phải tôi tốt.” Người đời phần đông không phải đều có óc giản dị như thế cả. Phần đông có con ngựa tốt, lại cũng tin tưởng thật rằng mình tốt: họ đã đồng hoá họ với những vật ngoại giới mà họ đã có. Bởi vậy, phần đông con người đánh giá chính mình cũng như những kẻ khác bằng những ngoại vật mà mình đã chiếm đoạt. Có khi nhà lầu của họ rộng, nhưng con người của họ không rộng; địa vị của họ cao sang mà chính họ không cao sang. Họ đã lầm lẫn cái chánh và cái phụ, cái thực và cái hư, cái chân và cái giả. Có khi họ có tiền của nhiều và cứ tin tưởng rằng, họ là chủ nhân của số tiền ấy, mà trong thực tế, họ chỉ là kẻ nô lệ tiền tài cùng chức vị của họ. Họ đã lấy tiền của làm cứu cánh trong khi nó chỉ là phương tiện thôi.
Đời sống giản dị là đời sống của phần đông các bực vĩ nhân. Họ là người chống lại sự tản mác tinh thần không chạy theo những phụ thuộc của cuộc đời.
Đời sông của nhà hiền triết Spinoza có thể xem là gương mẫu của một đời sống đơn giản. Người thì ốm yếu, bệnh hoạn và đã phải làm cái nghề mài kiếng đeo mắt để mưu cho mình một đời sống tự do. Ông quyết định cư ở La Haye, trong một căn phòng ở từng lầu thứ hai. Ông cho người bưng cơm lên phòng và ở miết cả hai ba ngày không tiếp ai. Về sau, ông cảm thấy sống như thế vẫn còn tốn kém, ông bèn mướn một căn phòng khác và tự tay mình săn sóc lấy miếng ăn miếng uống của mình. Ông có ngày chỉ ăn có một món súp nấu với sữa và chút bơ, chỉ tốn ba xu và một ve rượu bia chừng một xu rưỡi.
Phải chăng là ông sống khổ hạnh? Hay vì ông chán đời? Không! Triết lý của ông là vui sống. Ông cũng không phải ghét đời hay chán đời: ông vẫn cho sự nghiệp với đời là cần thiết cho sự rộng thấy, xa nghe. Ông cũng đâu có khinh thường những tiện nghi của đời. Ông nói: “Người khôn ngoan biết hưởng thụ những khoái lạc của cuộc đời, phải biết ăn mặc đẹp, thưởng thức các mùi hương hoa, âm nhạc…” Nhưng, ông lại tự đặt cho mình một quy luật là không bao giờ vì một vài tiện nghi và sung sướng nhục thân đến phải hy sinh các tự do của tâm hồn mình. Người ta đề cử ông một chân giáo sư triết học ở Heidellberg. Ông từ chối: “Không khi nào tôi nghĩ đến việc làm cái nghề ấy. Dạy dỗ thanh niên sẽ làm trở ngại sự nghiên cứu học hỏi của tôi...” Nhiều bạn lại muốn tặng cho ông một số bạc thật to, ông cũng từ chối: “Chính cái hình ảnh của bạc tiền nó cứ ám ảnh những tâm hồn tầm thường. Nhưng đối với những kẻ biết dùng tiền và biết ăn xài theo túi tiền của mình thì họ phải biết sống an phận và sống không cần gì đến phải tiền nhiều cả”.
Đó là người biết sống một cách đơn giản, biết phân biệt cái gì là chánh, cái gì là phụ, cái gì là cứu cánh, cái gì là phương tiện.
Học, cần phải làm như con ong hút nhuỵ, đừng học đòi như con bướm giỡn hoa. Có người tưởng rằng mình sẽ có được số vốn học hỏi vừa căn bản, vừa rộng rãi bằng cách hằng ngày đọc năm ba quyển sách, chín mười tờ báo, đi xem ba bốn phòng triển lãm, đi nghe hai ba cuộc diễn thuyết văn học, chánh trị, triết lý… Là vì theo họ, nhờ thế họ sẽ được “nhìn xa thấy rộng” tất cả mọi năng khiếu đều sẽ được khải phát đủ mọi khía cạnh. Họ lầm! Tôi có thấy nhiều người họ đọc sách, đọc báo như điên… Bất cứ gặp gì dưới tay là họ đọc ngốn đọc nghiến, họ đọc cả tủ sách này đến tủ sách kia, bất cần là sách hay sách dở… Nếu họ là bực thông minh triệt để thì tôi chẳng dám nói, vì đó là những ngoại lệ. Thực sự, với hạng tầm thường như chúng ta, tôi quả quyết những người học như thế ấy không làm gì đào tạo cho mình một cơ sở văn hoá vững vàng được cả. Với cách học như thế, chắc chắn họ chỉ có được một cái học ngoài da, một cái hào nhoáng không sao tiêu hoá được. Cái học ấy có hại hơn là có lợi cho óc phán đoán đúng đắn và mực thước. Chông chất không thứ lớp những sự học hỏi hiểu biết của ta, đâu phải đó là mục tiêu của văn hoá. Riêng ta, mỗi sự kiện tự nó không có ý nghĩa gì cả: nó chỉ có giá trị khi nào nó được sắp đặt ngay vào vị trí của nó, liên lạc mật thiết với nhau như một tổ chức tự nhiên của một vật sống. Một ý tưởng rời rạc không thể dắt dẫn gì ta được trên con đường hành động. Là vì trong thực tế, sự việc trên đời là một cái gì phức tạp muôn màu và một khi muốn đem nó ra thích ứng với sự đời ta phải đem ý tưởng nầy sửa chữa lại bằng những ý tưởng khác, chứ không thể theo một chiều nào được. Vì vậy, sự tổ chức lại các điều học hỏi của ta còn quan trọng hơn là những điều mà ta đã học hỏi. Và chính sự tổ chức cho có hệ thống đàng hoàng là quan trọng nhất, nên sự tán mạn đó đây của óc tò mò của ta như trước đây nói không có lợi gì cho ta cả, mà trái lại, là một trở ngại to lớn cho cái học về bề sâu của ta vậy.
Cái học mà vụ về bề rộng và bề cạn nghĩa là cái gì cũng biết, nhưng không có cái gì là thật biết, là mối thù số một của Văn hoá. Có người lật sách đọc mà không quan tâm gì đến cái tên của tác giả, cái tựa của quyển sách. Họ đọc rồi là quên rồi. Có người, mỗi tuần lễ, đọc có trên mười quyển tiểu thuyết, hoặc mười quyển sách nghiên cứu phổ thông hạng rẻ tiền về triết học hay khoa học dành riêng cho những kẻ không thích cố gắng và suy nghĩ. Đó không phải là lối đọc sách để mà học.
Đọc sách để giải buồn trong những lúc ngồi không ở trên toa xe… thì lại là một việc khác. Đọc sách để giải trí thì nên đọc những tác phẩm để cầu vui, trái lại, đọc sách để mà đào tạo cho mình một cái vốn hiểu biết đứng đắn, phải đọc một cách chọn lọc những tác phẩm không thể nào đọc qua một bận mà lĩnh hội hết được ý nghĩa, những tác phẩm mà ta càng đọc đi đọc lại càng thấy thâm trầm. Vấn đề nầy chúng ta sẽ xem xét lại một cách rạch ròi hơn sau đây.
Đọc sách để mà học, cần phải chọn lọc thật kỹ. Sự gần gũi thân mật với những loại sách quá tầm thường sẽ càng ngày càng làm hạ thấp tinh thần trí não ta. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

D. SỰ TẬP TRUNG TINH THẦN.

Muốn có được một nền tảng văn hoá vững vàng phải biết thống nhất tất cả sự hiểu biết cùng học hỏi của ta vào một chiều sâu nào đó.
Một nhà văn Pháp có nói: “Tất cả những trước tác danh tiếng của những bực tài hoa viết ra, toàn là những giải thích về chiều rộng một ý tưởng duy nhất nào đó, một tình cảm về cuộc sinh tồn đang tìm đường sống… Đào mãi một cái lỗ, đó là phương thế duy nhất để đi sâu vào lòng đất và khám phá được những bí ẩn của nó”.
Nhờ sự tập trung tinh thần, ta lần lần tìm ra mối dây liên lạc duy nhất nối liền những ý tưởng cùng những sự kiện tạp nhạp mà mới xem qua ta không thấy ăn chịu với nhau chút nào cả. Nhưng chính cái chỗ “nhất dĩ quán chi” ấy là cái bí quyết của tất cả những danh tác bất hủ của nhân loại.
Khổng tử có nói: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (đạo của ta trước sau chỉ có một lý mà thông suốt cả mọi việc).
Cái “một” ấy cũng là cốt tử của tất cả nghệ thuật và tư tưởng. Một học thuyết, một quyển sách, một bài văn hay một bức hội hoạ… đều phải có điểm chánh dùng làm trụ cốt.
Một danh hoạ bao giờ cũng gợi cho ta một cảm giác gì. Cảm giác ấy mạnh hay yếu cũng nhờ nơi khéo lựa chọn một cách cẩn thận cân nhắc những chi tiết vừa đủ để gây cho ta cái cảm giác ấy. Nếu trái lại, hoạ sĩ phung phí những chi tiết vụn vặt không ăn, hoặc không mấy ăn vào đề thì đó là một bức hoạ thiếu tính cách nhất quán, một bức hoạ hỏng. Người ta xem nó, không hiểu rõ nó muốn miêu tả cái gì. Đứng trước nó, ta cảm thấy hoang mang.
Sự thuần nhất trong một tác phẩm hội hoạ hay văn chương là điều khó thì hành nhất. Có gì dễ bằng chồng chất một cách hỗn độn nhưng chi tiết rất hay rất ngộ, nhưng không liên lạc gì với ý chánh của tác phẩm mình. Trong mỗi ý tưởng hay cảm giác hỗn tạp do sự kích thích của ngoại giới đưa đến cho ta, ta phải biết lọc lừa, chọn những gì trọng yếu nhất ăn sát vào đề để sắp đặt lại và trình bày một cách khéo léo, hầu gây cho kẻ khác một cảm tưởng thuần nhất mạnh mẽ. Không khác nào người trồng nho: họ tỉa những nhánh lá không cần thiết hoặc đèo đẹt để tăng sinh lực cho những nhánh lá khác có thể trổ sanh được nhiều trái hơn: hoạ sĩ hay nhà văn cần phải biết hy sinh những chi tiết không cần thiết hoặc còn bạc nhược để cho tác phẩm mình thêm nhiều sinh lực. Có nhiều nhà văn tư tưởng họ dồi dào quá, họ phung phí tư tưởng họ trên mặt giấy không khác nào những cành lá rườm rà của đám nho rừng…
Vì thế, viết một bài văn hay, hoặc vẽ một bức hoạ khéo, đâu có dễ. Người viết nó phải, trong khi giải bày những ý phụ, đừng cho sa đà ra ngoài đề. Giá trị của một nghệ sĩ là chỗ biết giản lược những gì phiền phức rườm rà để tăng gia sinh lực cho cái cảm giác chung nghĩa là phải biết hy sinh. Mặc dầu là những chi tiết hay, hoặc là những tài liệu quý đến bực nào, nếu thấy không liên lạc một cách chặt chẽ với đầu đề, hãy có gan hy sinh nó đi. Nó là những thứ “chùm gởi” không nên dung dưỡng trong tác phẩm của mình. Viết văn mà biết mình thi hành nguyên tắc “nhất dĩ quán chi” ấy, đó là mình đã tập cho tinh thần mình bao giờ cũng được tập trung sáng suốt.
Taine có nói: “Điều khó khăn nhất trong khi nghiên cứu là tìm cho ra cái điểm đặc biệt và chủ yếu, do đó tất cả đều có thể quy về một mối…” Ông lại bày giải phép làm văn của mình: “Trong khi viết lại một tác phẩm nào, tôi luôn luôn làm một cái bản mục lục phân tích từng vấn đề. Tôi làm bản ấy, không phải lúc mới khởi thảo, hoặc sau khi viết xong bản thảo, mà là lần lần sau khi viết xong mỗi đoạn. Tôi tóm lại mỗi đoạn bằng một câu hết sức gọn gẫy và rõ ràng. Đâu phải dễ dàng gì tìm ra được liền câu đại lược ấy, nhưng hễ đã một khi tìm ra được nó rồi thì câu ấy chỉ cho ta thấy trong đoạn văn nầy có những gì dư, những gì thiếu, những gì không ăn chịu nhau, hoặc không đầu đuôi, bởi thảy đều phải quy về câu tóm tắt ấy. Hơn nữa, câu tóm tắt nầy cùng những câu tóm tắt khác của các đoạn sau, gộp chung lại, giúp ta thấy cái yếu điểm của toàn chương”.
Đây chẳng những là phương pháp làm văn mà cũng là phương pháp đọc văn và rộng hơn nữa, nó là tất cả phương pháp học hỏi bất cứ môn học nào.
Muốn có được luôn luôn một đầu óc sáng suốt mà cũng là phương pháp đọc văn và rộng hơn nữa, nó là tất cả phương pháp học hỏi bất cứ môn học nào.
Muốn có được luôn luôn một đầu óc sáng suốt phải biết tập cho mình cái thói quen tìm ngay cái ý chánh, biết phân biệt liền cái gì là yếu điểm với những gì là phụ thuộc, nhất định không bao giờ để mình bị lôi cuốn theo những đề phụ…mỗi khi đọc sách, xem tranh, làm văn, xem kịch hay nghe tiểu thuyết…
Nhất là khi đọc sách. Đọc sách là phương tiện quan trọng nhất trong khi tự học. Đọc sách mà muốn tìm nắm lấy cái đại ý của toàn tập, phải đọc nó suốt một hơi, đừng bận những tiểu tiết về văn từ cũng như về ý tưởng. Về sau sẽ đọc trở lại vài lần một khi đã nắm được đại ý. Bấy giờ ta sẽ đọc kỹ lại từng thiên, từng đoạn, từng câu. Nhưng bao giờ cũng phải biết để ý đến chỗ thuần nhất của nó.
Nếu ta thi hành nguyên tắc “nhất dĩ quán chi” nầy một cách trung thành trong mỗi khi đọc sách hay làm văn, lâu ngày ta sẽ tạo cho ta một thói quen rất tốt là bất kỳ đứng trước một việc gì phiền phức bực nào cũng không bao giờ để tinh thần mình bị lôi cuốn vào những chi tiết chi ly vụn vặt, không phân biệt được cái gì là chánh cái gì phụ…Người xưa thường dặn: “Tri kỷ lý giá, nhứt ngôn nhi chung, bất tri kỳ lý giả, lưu tán vô cùng”.
Đây nào phải đâu chỉ là công phu những khi đọc sách hay làm văn mà thôi đâu, ta phải lấy nó làm công phu của suốt đời, bất kỳ là đứng trước một trường hợp nào…”(Xem lại quyển Óc sáng suốt –trang 183).
Cái đặc điểm của những bậc vĩ nhân là nơi sức mạnh của sự tập trung tinh thần của họ. Roederer bàn Napoleon Bonaparte có nói: “Ông sở dĩ khác người là nhờ nơi sự tập trung tinh thần của ông rất mạnh và rất bền. Ông là người có thể làm việc liên tiếp mười tám giờ đồng hồ về một công việc…Không có người nào biết để hết tâm tư mình vào công việc mình làm hơn ông”.
Có kẻ hỏi Newton, nhà đại thiên văn nước Anh, cái mật pháp của sự phát minh về sự “dẫn lực của Vũ Trụ” của ông. Ông trả lời: “Có gì lạ, chỉ vì tôi cứ nghĩ đến nó mãi mà thôi!”
Ông Darwin sở dĩ làm được công nghiệp vĩ đại trong khoa học giới là nhờ ông có cái tài “đeo đuổi mãi theo một vấn đề suốt năm nầy đến năm kia mà không biết nản”, không bao giờ chạy theo cái phụ mà quên cái chánh.
Khổng Tử cũng thường nói: “Ta là người, hễ có việc gì nghĩ chưa ra, thì nghĩ đến quên ăn, nghĩ ra được thì vui quên cả lo, không biết rằng tuổi già đã sắp tới vậy.”
“Thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn lâu dài”, kiên nhẫn đeo đuổi mãi một ý nghĩ, một việc làm cho kỳ được mới thôi.
Darwin, mỗi buổi sáng làm việc từ 8giờ đến 9 giờ rưỡi, từ 10 giờ rưỡi đến 12 giờ trưa. Chiều, thì làm việc từ 3 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi, nhưng không phải luôn luôn như vậy, vì đó là công việc làm thêm. Tuy làm việc rất ít, mà hễ làm thì ông làm một cách nhiệt thành, đem cả tâm trí chuyên chú vào đó và không khi nào ông làm một việc gì mà còn phải làm lại một lần thứ hai nữa.
Bạn ông là nhà địa chất trứ danh Lyell cũng chỉ làm việc có 2 giờ liên tiếp thôi. Herbert Spencer, người bạn đồng hương của ông, có một sức khỏe rất tồi tệ, ông nầy không đủ sức tập trung tinh thần tư tưởng lâu được: thần kinh hệ của ông rất suy nhược. Làm việc liên tiếp ba giờ thì ông phờ cả người, không còn đủ sức để đọc một quyển tiểu thuyết nữa, ông đã đuối sức rồi. Thế mà vì khéo biết tập trung sinh lực vào một công việc sưu tầm của ông thôi và biết hy sinh tất cả những gì phụ cho cái chánh mà sau cùng ông đã để lại cho đời một công trình hết sức to lớn.
Bất cứ làm việc gì, chuyên tâm chú ý, tập trung tinh thần là bí quyết của thành công.
“Trọng Ni đi qua nước Sở, vừa ra khỏi rừng, thấy một người tật bướu bắt ve bằng môt cây sào dài, rất lẹ và chắc chắn cũng như nó bắt bằng tay vậy.
Trọng Ni nói: Anh thật là tài. Xin cho ta biết cái thuật của anh.
Tên tật bướu nói: Thuật của tôi là đây: trong năm, sáu tháng, tôi tập để viên đạn đứng thăng bằng trên ngọn sào của tôi mà không hề rớt. Khi tôi để đứng đặng hai viên, thì ít con ve nào thoát khỏi tay tôi. Khi tôi để đứng đặng năm viên, tôi không hề trật một con nào hết. Cái thuật cảu tôi là biết quy tất cả tinh thần của tôi vào chỗ chí hướng mà tôi mong đạt đó. Tôi trị cái tay tôi, cả thân thể tôi cho đến chừng nào thành một khúc gỗ, không còn xao nhãng nữa. Tuy Trời Đất là lớn, vạn vật là nhiều, nhưng tôi chỉ thấy có con ve mà tôi muốn bắt nó thôi. Không chỉ làm cho tôi xao lãng ngoài cái ý của tôi muốn đó, con ve làm gì thoát khỏi tay tôi”.(Trang Tử -Đạt Sanh thiên).
Đó cũng là cái bí quyết của phép tự học nữa.

E. ÓC TỔNG QUAN.

Như ta đã thấy trên đây, sự đi tìm cái lẽ “nhất dĩ quán chi” của mọi sự vật trên đời, đó là cách đào tạo cho mình tinh thần tổng quan.
Như thế, óc tổng quan thực là khuynh hướng chống lại với sự tản mạn tinh thần chống lại với sự quá phung phí tư tưởng vào những cái chi ly vụn vặt và phụ thuộc, nghĩa là biết đem những chi tiết phụ ghép vào cái chánh, biết nhận thấy cái dây liên lạc mật thiết giữa các sự vật rời rạc nhau, biết tìm hiểu cái ý nghĩa thâm sâu của mọi sự mọi vật trên đời, nhưng chú ý đến không có nghĩa là đã quên mất cái đại ý của cuộc đời, cái ý nghĩa thâm sâu của sự sống để mà giản dị hoá nó, mà “chuyên tâm bão nhất”.
“Tập trung tinh thần” cũng không có nghĩa là khép mình trong “chuyên môn”. Đây là hai hoạt động tinh thần khác nhau xa. “Chuyên môn” là hoạt động bằng tư tưởng cũng như bằng hành vi trong một khu vực hạn định nào, không khác nào một người thợ bắt bù lon, cứ bắt bù lon mãi suốt ngày, hay một người thơ ký đánh máy cứ đánh máy mãi suốt ngày…Tập trung tinh thần, là biết trung thành luôn luôn với lý tưởng. Tập trung tinh thần không có nghĩa là tự giam mình trong một phạm vi chật hẹp nào của nghề nghiệp, mà trái lại, tự mình lựa chọn một trung tâm hoạt động tha hồ quyền biến mà không bao giờ sai với tôn chỉ.
*
* *
F.ÓC NHÂN QUẢ.
Sự vật trong đời, không bao giờ ngẫu nhiên mà có, cũng không bao giờ ngẫu nhiên mà không. Có hoặc không chỉ là cái quả, nguyên nhân nó hoặc gần hoặc xa, chắc chắn là phải có. Có biết đặng nguyên nhân, mới biết rành kết quả. Thấy quả phải tìm đến nhân, đó là một trong nhiều khía cạnh của tinh thần khoa học. Cần phải tạo cho mình một khuynh hướng luôn luôn đứng trước một sự kiện gì đều phải biết tìm dây nhân quả thì sự học hỏi của ta mới chắc chắn vững vàng.
Thật vậy, chỉ có những đầu óc nông nổi mới hay tin đến sự cộng đồng sinh tồn và sự tiếp tục ngẫu nhiên trong sự vật mà thôi. Đời sống phức tạp, tản mác, giáo dục hấp tấp vội vàng, thói đọc sách sơ sài ngoài mặt là những nguyên nhân làm cho tinh thần ta thiển bạc lười biếng, thấy sao, hay vậy…không chịu khó tìm xem nguyên nhân sự vật ở nơi đâu.
“Có biết đặng nguyên nhân mới hiểu rành mọi sự…Tiền nhân, hậu quả. Quả cùng nhân tương tiếp tương thừa. Dây nhân quả vô cùng vô tận. Chận một khoảng nào thì khoảng ấy là quả của bao nhiêu nhân trước, mà là nhân của cả dọc quả về sau. Vậy thì quả đây, nhân nó ở đâu? Người ta cắt nghĩa lầm một sự là vì chỉ thấy một cái nhân nầy mà không thấy cái nhân khác của sự ấy, chỉ thấy có cái nhân gần mà không thấy được cái nhân xa của sự ấy. Muốn hiểu rõ một sự, phải biết cho tường tận cái dọc nhân ở đàng trước của nó là gì? Song le có nhiều sự không phải chỉ có một dọc nhân làm ra nó mà có nhiều dọc nhân khác làm ra. Không hiểu được hết cái dọc nhân, người ta đổ cho sự may rủi” (Luận Tùng trang 68 -Phạm Văn Hùm –Tân Việt xuất bản).
Biết tìm được cái dây nhân quả trong mọi sự mọi vật trên đời thì tư tưởng ta mới được đầy đủ và cường kiện thêm lên. “Không có gì ngẫu nhiên cả, thảy đều có cái lý của nó”. Đó là cốt yếu của tinh thần khoa học.
Vậy, trước một hiện tượng nào, hãy hỏi: Tại sao? Và nếu có ai quả quyết với mình một điều gì, phải lập tức đòi hỏi lấy “bằng cứ”!
Đọc báo, thấy nhà phê bình chê hoặc khen một tác phẩm nào, phải tự hỏi để tìm lấy cái nguyên nhân thầm kín của nó: “Tại sao khen? Tại sao chê?”. Ta phải đòi hỏi nơi nhà phê bình những bằng cứ đúng đắn trước khi nhận những lời phê phán của họ.
Nếu muốn hiểu rành một điều nghe thấy nào, cần phải “có đủ các dọc nguyên nhân” mới được. Nhưng “việc đời phức tạp mà đời người rất ngắn, con người phải tạm sống với những kết luận tạm”. Thà kết luận tạm với một mớ nguyên tắc thiếu sót, có phải còn quý hơn là kết luận liều lĩnh mà không cần hiểu đến một nguyên nhân cỏn con nào cả không?
Óc nhân quả, giúp cho ta nhận thấy được sự mâu thuẫn trong các hành vi tư tưởng của kẻ khác. Có nhiều nhà văn tả cảnh xuân mà lại nói đến “sen nở mai tàn” hoặc là cảnh ban đêm mùng một mà “vầng trăng vặc vặc, bóng sao ngời ngời”. Delacroix, trong bức hoạ Barque de Don Juan, vẽ nhiều người chết đói mà cánh tay hãy còn tròn ũm no nê. Những người viết ra, vẽ ra những cái ngớ ngẩn ấy, và những kẻ xem nó lại không để ý đến, toàn là tại thiếu óc nhân quả. Có được một đầu óc nhân quả thì công phu học hỏi của ta mới mong có kết quả chắc chắn được.

G. ÓC TẾ NHỊ.

Lại cũng phải cần tạo cho mình óc tế nhị. Trong khi học hỏi, quan sát ngoại giới cũng như nội giới, ta cần phải quan tâm đến sự giống nhau và khác nhau của mỗi sự vật. Không thế, ta chỉ có được một mớ học thức mơ hồ mà thôi.
Phần đông chúng ta hay có thói quen suy nghĩ theo loại vì đó là lối suy nghĩ thô sơ nhất. Phân biệt được những chỗ khác nhau và biết nhận thấy được những chỗ giống nhau của sự vật là một công phu không phải dễ.
Người vô học thường quan niệm sự đời bằng cách loại suy: họ không biết so sánh. “Những đầu óc tinh nhuệ mới nhận thấy được sự khác nhau trong sự vật, những đầu óc tầm thường chỉ thấy toàn là những sự giống nhau thôi”. Anh lính thuỷ thiện nghệ, thoáng qua nơi chân trời có thể nhận được liền một chiếc tàu hàng hay một chiến hạm. Anh bán vải sành, thoáng qua là đã phân biệt được thứ lụa giả lụa thiệt. Nhà trinh thám đại tài, thoáng qua là phân biệt liền được kẻ gian người ngay.
Về chỗ giống nhau của sự vật, cũng đâu phải dễ nhận thấy. Thấy cho đúng chỗ giống nhau, nhận cho đúng chỗ khác nhau, phải là một đầu óc tinh nhuệ sắc sảo lắm mới được. Phải có một thiên tư xuất chúng mới thấy được chỗ giống nhau hay khác nhau của sự vật. Nhiều việc bề ngoài thấy rất phiền phức khác biệt nhau mà kỳ trung lại giống nhau như một. Cũng có nhiều việc bề ngoài giống nhau như một mà kỳ trung khác nhau như trời vực.
Trong khi đọc sách, đọc báo hoặc đọc các bài diễn văn “giựt gân” của những lãnh tự các đảng phái chính trị, ta cần phải thận trọng để ý xem xét cho thật kỹ những lối so sánh tỉ luân của họ, như ta đã thấy trên đây, để ngừa sự nguỵ luận.
Hằng ngày nên tập quan sát sự đồng dị giữa sự vật. Thấy chỗ khác biệt giữa hai sự đồng tánh là khó, nhưng nhận được sự giống nhau giữa hai sự vật không đồng tánh cũng không phải dễ. Người ta thường nói Phật và Lão phảng phất giống nhau. Nhưng giống nhau chỗ nào? Khác nhau chỗ nào? Trong Phật học, Phật giáo có mấy tông phái? Các tông phái giống nhau chỗ nào và khác nhau chỗ nào? Khổng và Mạnh, Lão và Trang giống nhau chỗ nào và khác nhau chỗ nào? Nếu mỗi mỗi ta đều để ý quan sát để xem xét những chỗ đồng dị thì lý thú không biết chừng nào mà thụ dung cũng không biết là ngần nào.
Bất kỳ gặp một cơ hội nào cũng đừng bỏ qua: hễ thấy những vật giống nhau, cần phải tìm những chỗ dị đồng của nó. Không bao lâu ta sẽ thấy sự nhận xét của ta càng ngày càng tinh mật một cách hết sức mau lẹ. Bấy giờ ta sẽ có được cái biệt tài rất quý báu này là thấy được nhiều khía cạnh mà thôi.
Đứng về mặt thực tế, thì óc nhận xét nầy có rất nhiều lợi ích. Nó giúp ta thấy được được sự thực giả một cách rất dễ dàng trong các sự vật.
Hãy tập phân biệt sự thực giả của hột xoàn, của hột trai, của giấy bạc…là những điều rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Tập cho mình có được một đầu óc tế nhị là mình đã có một cơ sở khá cứng cát để đi vào con đường tự học.
*
* *
H. ÓC THÁN THƯỞNG

Aristote nói: “Tất cả mọi người đều ao ước được có nhiều hiểu biết. Nhưng muốn hiểu biết, điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ: cái gì cũng mới là và làm cho ta ngạc nhiên được cả.”
Biết ngạc nhiên biết nhìn đời bằng một cặp mắt mới lạ, giúp cho Newton tìm ra cái lực “vũ trụ hấp dẫn” trong khi ông nhìn thấy quả “bôm” rụng. Denis Papin tìm ra sức mạnh của hơi nước cũng chỉ vì biết nhìn với cặp mắt ngạc nhiên bình nước sôi…mà ai ai cũng thường thấy hàng ngày.
Sự quen thuộc thường làm cho ta không nhận thấy đặng những cái hay, cái đẹp của chỗ ta ở hàng ngày. Người ngoại bang đến xứ ta, thấy bao nhiêu là việc lạ mà chính ta không dè. Hãy biết phản ứng ngay với những thái độ tiêu cực ấy: phải biết xem xét chung quanh ta với cặp mắt của người xứ lạ. Ta sẽ thấy đời ta đổi khác với nhiều tư tưởng bất ngờ mà xưa nay ta chưa từng nghĩ đến. Nhà văn Lamennais có nói: “Tất cả mọi người đều biết nhìn cái tôi đã nhìn, nhưng họ không thấy được cái chỗ tôi thấy”.
Đừng để trong trí rằng dưới đời không còn có gì mới lạ và cái gọi là mới lạ, chỉ là những gì người khác đã nhận thấy và đã nói ra rồi.
Ta phải tập nhìn đời với một cặp mắt mới mẻ, với giác quan tinh tế của một kẻ đau liệt trên giường bệnh vừa mới khỏi, bắt đầu tiếp xúc với ánh sáng và không khí bên ngoài…
Nói thì có hơi như nguỵ biện, nhưng sự thật cần phải quả quyết rằng cái đức đầu tiên của óc thông minh là phải có cảm giác mình không hiểu biết gì cả. Một bộ óc “thông minh” mà việc gì cũng cảm thấy không có gì lạ cả, một bộ óc tê liệt, bệnh hoạn, không còn cơ phát triển gì được nữa. Đức Khổng Tử có ý bất mãn về Nhan Hồi khi Ngài nói: “Hồi không dạy được ta gì cả. Ta nói ra điều gì, nó hiểu liền và không ham cật vấn”.
Jules Lemaitre cũng nói: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đức không đồng ý với ý kiến với tôi”. Và đức học trò giỏi hơn nữa, có lẽ sẽ là đứa biết rõ ràng nó không hiểu gì cả. Phần đông, ta thường có cái khuynh hướng hay tưởng tượng rằng mình đã hiểu rõ rồi, nhưng khi bị bắt buộc phải giảng giải ra thì mình mới nhận thấy mình mới chỉ nhận thức một cách rất lờ mờ…Phải chăng ta thường thấy có quá nhiều kẻ quá hoạt bát, quá thông minh nhưng kỳ thật chỉ là những đầu óc thiển cận và chỉ bừng sáng lên như ngọn lửa rơm; trái lại, có nhiều kẻ mới xem thì lù đù mà tư tưởng lại uyên thâm…Họ hiểu chậm, nhưng đến khi hiểu thì hiểu một cách sâu sắc thâm trầm. Là tại sao? Nhờ họ không xem thường một việc nhỏ nhặt nào cả. Nhân đó ta có thể phân biệt rõ ràng kẻ nào biết tư tưởng với kẻ không có tư tưởng gì cả. Trước một sự kiện huyền bí, kẻ không tư tưởng quả quyết là không có gì lạ mà không hiểu. Trái lại, dù là đứng trước một sự kiện hiển nhiên, kẻ biết tư tưởng vẫn e dè và tự bảo: “Tôi cũng chưa hiểu rõ là cái gì cả!” Và chính đây mới là chỗ sâu sắc nhất của lời nói nầy: “Điều mà tôi biết rõ hơn hết, là tôi không biết gì cả.”
Cũng chính Socrate đã nói: “Không có sự dốt nát nào nhục nhã bằng tin tưởng rằng mình đã hiểu những gì mình không hiểu.”
Phải chăng bước đầu tiên của tư tưởng là phải dám đặt nghi vấn trước những vấn đề mà người người đều xem thường hay tin tưởng là mình đã hiểu rồi.
Một văn hào Pháp, Charles Péguy, có nói: “Trong đời ta, ít ra cũng phải có một lần đặt lại và kiểm soát lại những tư tưởng của ta”, nhứt là những tư tưởng mà ta thích nhất và tín ngưỡng nhất.
Chỉ có những người tự đắc và nông nổi mới dám quả quyết: “Đời đục cả, một mình ta trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh”. Tự mãn trong sự hiểu biết của mình và tin tưởng rằng không còn có gì phải suy xét lại nữa là tự huỷ hoại con đường tiến thủ tinh thần ta rồi.
Vì vậy, theo thiền ý, một trong những mật pháp của một nền giáo dục sâu sắc không gì bằng tập cho thanh thiếu niên sớm biết được cái nghệ thuật thán thưởng.
Platon có nói: “Biết ngạc nhiên, đó là nguyên nhân của triết học”.
Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, sở dĩ có thể xem là một quyển sách hay về tư tưởng, không phải vì nó đã giải quyết sẵn cho ta một vài quan niệm về cuộc đời, mà chỉ vì nó đã đặt thêm cho ta nhiều vấn đề mà hiện thời ta chưa rõ phải giải quyết ra sao cả. Tiểu thuyết mà hay không phải những loại tiểu thuyết có luận đề, trong đó người ta cố nặn bóp thế nào cho mọi sự kiện đều đi về một chiểu, một hướng như Lục Vân Tiên chẳng hạn. Tiểu thuyết của André Gide sở dĩ đã làm chấn động dư luận thế giới, tựu trung đã nhờ sự biết đặt những nghi vấn và tác giả đã biết nhường cho độc giả cái phần sáng tạo thêm là tìm hiểu lấy những nghi vấn ấy, chứ tự tác giả không bao giờ giải quyết sẵn cho. Cũng như đọc Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, đố ai biết được dụng ý của pho truyện này là để chứng minh quan niệm gì? Lối viết truyện này, tức cũng là lối viết truyện của André Gide ngày nay vậy.
Giờ đây, chúng ta thử bàn qua những phương pháp đào tạo óc thán thưởng.
Có hai cách thán thưởng: tiêu cực và tích cực.
Thán thưởng tiêu cực là biết ngạc nhiên, biết thán thưởng một cách tự nhiên không cần cố gắng gì cả. Tức là trường hợp của những người ở đồng quê vắng vẻ và lần đầu tiên lên đến đô thành đồ sộ nguy nga và vô cùng náo nhiệt. Họ nghĩ ngợi, họ bị bắt phải suy nghĩ và có những cảm tưởng lạ lùng. Là nhờ nơi đâu? Nhờ nơi sự so sánh và sự tương phản giữa hai hoàn cảnh khác nhau.
Chân lý là gì? Phải chăng chân lý là sự đối chọi và so sánh những chân lý tương đối khác nhau? Phải có một sự khác nhau mới làm cho ta để ý và suy nghĩ. Chính nhờ có bóng tối mới làm nổi bật được ánh sáng. Có sống trong nô lệ người ta mới biết nghĩ đến giá trị của tự do mà tiếc uổng.
Tóm lại, người ta mà có biết suy nghĩ, phần nhiều là nhờ có sự tương phản của hoàn cảnh gây nên. Sự có mặt của một sự vật nào mãi mãi bên ta sẽ gây thành thói quen. Thói quen sẽ làm nhụt cả cảm giác của ta đối với sự vật ấy. Bởi vậy, có một nhà văn đã nói: “Ta sống nhờ ngó đàng trước, ta hiểu nhờ ngó lại sau, ta cảm nhờ có sự vắng mặt”. Hay thay! Cái gì “đã đi qua” mà còn trở lại sẽ làm cho ta sung sướng không biết chừng nào!
Ngày mà ta thấy thâm cảm được mối tình sâu nặng của cha mẹ ta, chính là ngày mà hình bóng ấy đã vắng bặt trên cõi đời. Khi mà ta nếm được hương vị thần tiên của tình yêu thâm trầm ấy, chính là ngày mà ta cảm thấy đã quá muộn màng không còn phương gì để đền ơn đáp nghĩa nữa.
Và vì thế mà sự vắng mặt giúp cho chúng ta suy gẫm nhiều, đồng thời nó cũng là món ăn tinh thần cho những tâm hồn đa cảm. Xa nhau thường là mối dây thiêng liêng ràng buộc tình cảm càng thêm bền chặt. Sự sống chung đụng hằng ngày dễ làm cho ta nhàm chán và xem thường. Cho nên một trong những phương pháp nuôi dưỡng tình yêu là thỉnh thoảng nên xa nhau để cho tình thương càng thêm nung nấu.
Tóm lại, phương pháp giúp cho ta có nhiều sáng kiến và suy tưởng là phương pháp đối chiếu, phép dùng mâu thuẫn. Và những hình ảnh do đỗi chiếu mà ra.
Giờ thử bàn đến phương pháp tích cực để kích thích óc thán tưởng, tức là đặt vấn đề, đặt những câu hỏi, để mà “tiên đoán” hay dự đoán những gì ta sắp đọc, sắp nghe…
Rất có thể mình dự đoán sai. Nhưng cái đó không mấy cầu. Chính cái chỗ khác nhau giữa sự thực với việc ta dự đoán mới là điều quan trọng: nó kích thích óc tò mò và làm cho ta nhớ thật dai, đồng thời bắt ta suy nghĩ và làm óc giàu sáng kiến. Thiết tưởng những giáo sư dạy sử cũng nên dùng đến phương pháp này để dạy học trò, chắc sẽ linh động lắm. Khi ta trình bày những sự kiện lịch sử, đến khi kết cuộc ta nên dừng lại và “đố” học sinh phải tìm lấy…Học sinh có thể đoán lầm…và phần nhiều hay đoán lầm…là vì sự đời nhiều khi rất vô lý. Sự xảy đến thường lại không xảy đến như lòng ta sở nguyện: “nhơn nguyện như thử, thiên lý vị thiên”!
Chính đây cũng là phương pháp dạy học trò của Socrate hay của Khổng Tử: biết đặt câu hỏi là cả một nghệ thuật của phép dạy dỗ, làm kích thích tư tưởng.
Có người đề nghị phép học nên gồm trong câu châm ngôn nầy thôi: “Nếu muốn học “thấy” hãy “bịt” mắt lại mà tưởng tưởng trước bằng một viễn tưởng trong tâm hồn”; nếu muốn học “nghe” hãy “bịt tai lại”; nếu muốn học cách “đọc sách”, hãy “xếp sách lại mà phỏng đoán trước những gì ta sắp đọc”…đó là để mà lóng nghe cái tiếng dội của tâm hồn. Platon nói rất sâu sắc: “Hiểu biết, thực ra, là một sự nhận ra những gì ta đã biết”. Nghĩa là, cái thật biết là cái biết do mình đã tìm ra. Ta chỉ thấy được những gì ta đã thấy. Ta chỉ thích được những gì ta đã thích. Có đồng mới có ứng, không đồng không ứng. Đọc sách mà biết hay chẳng qua vì nó là tiếng dội của lòng mình. Những ý tưởng mà ta đã nghĩ qua, những tình cảm mà ta đã trải qua, nhưng vì không được hàm dưỡng đúng mực nên đã giống như ngọn lửa than âm ỉ trong đáy lòng, nay bỗng gặp được ngọn gió thổi lòng nên nó bừng lên mà cháy lại. Thực ra, chỉ có “đồng thinh” mới “tương ứng”, “đồng khí” mới “tương cầu”.
Những văn gia đại tài thường là những kẻ biết khêu gợi và làm sống lại những tư tưởng ấp ủ trong lòng người. Họ là những kẻ khéo gieo vào lòng người những câu hỏi, những thắc mắc, những hoang mang, những nghi vấn…Họ là những kẻ biết “thổi” vào lòng người ngọn gió “hoài nghi”, một thứ hoài nghi triết lý mà André Gide gọi là “hoài nghi phá hoại” làm nghiêng ngửa tất cả lâu đài tư tưởng mà vì tánh lười biếng người ta đã âm thầm xây dựng trên những thành kiến lâu đời…Có thể nói họ là những nhà đại cách mạng và cứu thoát tâm hồn con người ra khỏi gông xiềng của những tư tưởng hẹp hòi lâu nay đã giam hãm con người trong những giá trị sai lầm, không động. Thích Ca, Lão Tử hay Jesus phải chăng là những nhà đại cách mạng của nhân loại vì họ đã dám phá tan những ảo vọng của con người. Họ là những người làm thức tỉnh chứ không phải là người làm ru ngủ nhân loại bằng cách “gãi chỗ ngứa” của quần chúng.
Và vì thế mà họ thường là những kẻ bị kẻ đồng thời đối đãi một cách có khi hằn học hay lạnh lùng…nếu họ không bị đem lên cây Thập ác mà hành hình như Đức Datô. Trái lại, một Francoise Sagan, một James Deans…lại được phần đông thanh niên sùng bái như một vị thần. Đó là chỗ phân biệt những bậc vĩ nhân, thứ chân và thứ giả.
Phương pháp này chẳng những rất hiệu nghiệm trong khi đọc sách, mà nó cũng rất thực dụng trong khi đi nghe diễn thuyết, đi xưm bảo tàng viện hay các cuộc triển lãm hoặc đi xem xi nê hay diễn kịch. Nó cũng là phép dùng ức thuyết của các nhà bác học, y sĩ hay các nhà mật thám đại tài (Xem lại quyển “Óc sáng suốt” cùng một tác giả)
Cũng còn có nhiều cách để kích thích óc thán thưởng và sự ngạc nhiên là thường nên lân la với người có những quan niệm về cuộc đời khác ta, hoặc chống đối lại ta. Đọc sách cũng nên đọc những sách có những chiều tư tưởng nghịch lại với ta. Kẻ đồng chí với ta là bạn ta, mà kẻ thù của ta thường là “thầy” của ta, nếu ta biết lợi dụng sự chống báng của họ để kiểm điểm lại những sai lầm thiếu sót và nghiên cứu lại cho thật kỹ hơn những lý thuyết hay quan niệm về nhân mạng mà ta hằng ngày hằng sùng bái để nó càng ngày càng thêm khởi sắc. Chính đây là ý nghĩ thâm trầm của câu nói Jules Lemai re mà tôi đã nhắc trước đây: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đứa không đồng ý với tôi”.
Những người còn trẻ tuổi nên lân la những bậc trưởng thượng, những kẻ đã từng trải cuộc đời để nghe họ nói chuyện. Họ là những người không còn dục vọng sôi nổi của tuổi trẻ, đã có nhiều kinh nghiệm và cuộc đời sẽ có nhiều bình tĩnh hơn. Tóm lại, kẻ lớn tuổi cũng cần gần gũi thanh niên để khỏi bị tê liệt tinh thần; còn thanh thiếu niên cũng nên gần gũi với người già; họ không còn quyền lợi gì để lừa dối ta nữa. Đương lứa với nhau, vì sự tranh đua với nhau mới có sự lừa dối nhau, chử kẻ không còn tranh hơn tranh kém với mình, họ đâu có lợi gì để lừa bịp mình nữa! Sự va chạm giữa hai thế hệ là một nguồn kích thích tư tưởng rất lợi ích cho hai đàng.
Lại nữa, cũng nên cố gắng mà trả lời một cách thành thật và đúng đắn những câu hỏi đột ngột của trẻ thơ. Con trẻ thường giữ được sự thán thưởng tự nhiên: đối với chúng thảy đều là những hiện trạng bất thường…Chúng thường có những câu hỏi bất ngờ nhưng đầy ý vị sâu xa, mà phần đông người lớn không sao trả lời cho xuôi được. Nhưng thường lại là những câu hỏi đầy ý nghĩa của triết học nếu ta biết để ý đến. Đừng bỏ qua mà la rầy đàn áp chúng, như chúng ta thường có thói quen khinh thường chúng.
Có đứa trẻ nọ hỏi cha nó: “Tại sao Trời không giết những loài ma quỷ hại người, thì làm sao người ta còn phải khổ nữa?” Phải chăng là một câu hỏi thuộc về triết lý, một câu hỏi thuộc về vấn đề Thiện ác? (16)

Chương 4: NHỮNG PHƯƠNG TIỆN CHÁNH

A. ĐỌC SÁCH

Giáo dục có mục đích giúp cho trẻ em, trong một thời gian hạn định, vượt qua con đường mà nhân loại đã trải qua từ thượng cổ đến giờ, từ lúc còn ăn lông ở lỗ đến ngày văn minh của hiện đại. Vậy nhà giáo dục là kẻ có phận sự giúp trẻ em phải sống lại lịch sử của nhân loại…
Nhưng phải làm cách nào để thâu ngắn lại con đường kinh nghiệm của nhân loại? Chỉ có đọc sách, ngoài ra ít có phương pháp nào hơn nữa.
Đọc sách là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng.
Thật vậy, dầu là bực thông minh đến đâu cũng nhờ đọc sách mà kiến văn ngày một thêm rộng.
Đọc sách có lợi cho đường học vấn và tư tưởng mình thế nào, cái đó khỏi cần minh chứng, không còn một ai là không nhận thấy.
Những bực vĩ nhân trong tư tưởng giới, phần đông đều nhân đọc một quyển sách nào của người trước mà nghĩ ra nhiều ý tưởng hay lạ khác. Một câu sách, hoặc một quyển sách đọc xong, có khi đổi cả một đời tư tưởng của ta. Cái đó thường lắm.
Sách giúp ta suy nghĩ, chỉ cho ta khỏi phải tốn công tìm kiếm một điều gì mà kẻ khác đã tìm ra được trước ta. Đó là đã đỡ bớt cho ta một sự phí công vô ích. Ta cần dành sức, để tìm kiếm thêm những cái mà kẻ khác đã tìm, và nhân đó làm cho nó thêm sáng tỏ hơn. Hoặc nó cũng chỉ cho ta biết vấn đề đã phát ra như thế nào, và người ta đã giải quyết nó như thế nào, hoặc người ta đã tìm nó tới đâu rồi.
Đành rằng, xem tận mắt, nghe tận tai quý hơn xem bằng sách…Nhưng, các điều ta có thể quan sát đặng sao có thể sánh kịp với những điều sách vở để lại, bởi nó tóm cho ta biết bao nhiêu thế kỷ suy tìm và kinh nghiệm mà nếu ta phải tự mình tìm lại, tuổi thọ của ta không làm sao cho phép. Vậy, ta phải đốt giai đoạn là chỉ có sách là miễn được cho ta công trình khổng lồ ấy mà thôi.
Học bằng sách, rất quan trọng ở thế kỷ nầy, có thể tóm được trong hai điều kiện nầy:
- Chỉ đọc những sách hay mà thôi.
- Và phải biết cách đọc.
-
1. Thế nào là sách hay?
Thế nào là một quyển sách hay?
Làm cách nào để nhìn ra nó, và tìm ra nó?
Sách hay, đây là nói về sách học trước hết. Tuỳ theo loại, mỗi loại đều có cái hay của nó và cách lựa chọn cùng đánh giá cũng khác nhau xa.
Bắt đầu bằng cách loại trừ.
Loại trừ đầu tiên những thứ sách học mà dài nhăng nhẳng, mà to lớn nặng nề. Một người đọc sách, nhất là sách để học, ngày giờ của họ dic nhiên có hạn, sự chăm chú, năng lực tinh thần cũng như trí nhớ vẫn có hạn. Bởi vậy, một quyển sách học mà dài lê thê bất tận không thể thích nghi được. Thật ra, người nào viết sách học mà viết lê thê bất tận là chứng tỏ sự bất tài và bất lực của mình. Sách học, càng ngắn càng tốt, càng gọn càng hay. Loại sách “Expliquez moi…” của “Les Editions Foucher” rất tài tình.
(Hầu hết những sách dạy về sử học ở Trung học thường là những sách quá dài)
Sách nào quá dài, tốt hơn đừng đọc. Hãy đợi khi mình đã có một luồng mắt thống quan rồi, bấy giờ sẽ đọc đến những sách trường gian của những nhà nghiên cứu và chuyên môn.
Kế đó nên loại trừ những sách buồn chán. Sách học mà trình bày một cách buồn tẻ khô khan là sách không nên đọc. Mất thì giờ, mất hứng thú, thật không kết quả gì.
Và sau cùng, hãy loại trừ những sách khó hiểu. Sách khó hiểu, là sách của hạng tác giả không biết mình nói cái gì. Phần đông họ là những kẻ có đầu óc mù mờ, cho nên họ lượm thượm, nói cái gì cũng chả ra cái gì. Rất có thể, tác giả là bực thông thái, nhưng họ đã quên họ đang dạy học, dạy học cho những đầu óc tầm thường. Họ viết cho họ hơn là cho học sinh. Đó là cái tật của phần đông các nhà viết sách học hiện thời. Có khi vì họ muốn cầu kỳ để tăng “giá trị” của họ. Những loại sách ấy không nên giao cho học sinh, vì nó sẽ dễ làm chán nản và làm cho học sinh mất cả hứng khởi của sự học.
Tóm lại, cần phải loại trừ những sách dài lê thê bất tận, những sách buồn chán, những sách đọc khó tiêu. Tuy nhiên, một quyển sách ngắn, vui vẻ và dễ dàng cũng rất dễ biến thành những thứ sách đơn sơ quá, thiếu căn bản, thiếu cương yếu và là những thứ sách rỗng tuếch, rất tầm thường. Vậy, cần phải làm một cuộc chọn lọc trong đống sách không dài, không chán mà cũng không khó đọc như đã nói trên. Phải làm cách nào để chọn lựa, trong khi mình chỉ là tay ngang, một người đang ở thời kỳ “tập sự”? Muốn phê bình cho đứng đắn “ông thầy” của mình, ít ra mình cũng phải biết rõ cái khoa của mình học. Như thế, thì làm gì chọn lựa cho được!
Thì như đã nói trên, chúng ta hãy căn cứ vào ba yếu tố trên: loại trừ những sách dài lê thê, những sách buồn ngủ, những sách đọc khó hiểu. Chả lẽ mình lại không quen biết được một vài bực học thức cao thâm nào để mà hỏi thăm và cậy họ giới thiệu sách hay mà đọc.
Có người kia muốn mua một món đồ dùng thật tốt, nhưng họ không phải người chuyên môn, họ cũng không có kinh nghiệm để có thể phân biệt món hàng nào giả, họ lại không có ai có thể tin cậy để hỏi thăm, vậy họ phải làm cách nào để mua món đồ cần dùng ấy mà không bị lầm? Có gì khó. Họ lựa món đồ của “hiệu có danh tiếng” quốc gia hay quốc tế. Mua đồng hồ tay mà lựa hiệu “Omega”, “Longines” hay “Movado” của Thuỵ sĩ thì ít sợ lầm thứ xấu. Cũng có thể họ mua lầm được lắm nhưng ít ra họ đã thu hẹp được rất nhiều sự rủi ro lầm lạc.
Những ai không được may mắn gặp được những bực thức giả cao thâm giới thiệu cho những sách hay, tại sao không biết làm như người đi mua đồ trên đây mà lựa sách do những tác giả có tên tuổi viết ra? Đành rằng trong giao thời nầy vàng thau còn lẫn lộn, nhưng những ai đã chịu được thử thách của thời gian, ít nhiều đã chứng minh được giá trị tương đối của tác phẩm mình rồi.
Andre Mauroi khuyên ta: “Chúng ta nên tin cậy nơi sự lựa chọn của các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm, nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homere, Shakespeare, Moliere, chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả nầy hơn là các nhà chưa chịu sự thử thách của thời gian”.
Muốn đọc sách để bổ túc cho trí thức, cần nhất là phải biết cách đọc sách mới đặng.
Có nhiều kẻ đọc sách như điên, luôn luôn sách chẳng rời tay, nhưng kết quả không ích lợi gì cho đường học hỏi của họ cả, là vì họ không biết đọc sách.
Trong túi họ, ta thấy luôn luôn đầy sách báo. Họ vừa ngồi xuống, bất luận là ở trên xe đò hay toa xe điện, là ta thấy họ mở sách bảo ra mà đọc. Họ đọc tiểu thuyết, đọc những tin tức hàng ngày, đọc luôn cả những cột quảng cáo không sót một chữ. Sách ở thư viện họ đọc gần hết. Nhưng họ không hiểu họ đọc những gì, cũng không rõ tên tác giả là ai. Đó là lối đọc sách nguy hiểm nhất. Jules Payot nói: “Đọc sách là một cách lười biếng nguy hiểm nhất, bởi kẻ làm biếng mà ở không nhưng, họ sẽ cảm thấy như khó chịu với lương tâm. Trái lại, nếu họ có đọc sách, họ tin rằng họ có làm việc và nhân thế, cái bịnh lười biếng của họ không còn thế nào trị đặng nữa”. Thật có đúng như vậy. Lối đọc sách nầy chỉ làm phí thời giờ mà thôi. Nếu ta thành thực với ta, ta sẽ thấy sau một tuần lễ, ta sẽ không còn nhớ gì nữa cả.
Có một hạng độc giả đọc sách để mà lo việc khác. Họ vẫn chăm chú đọc hàng nầy đến hàng kia, nhưng thực sự tâm tư họ đi vào chỗ khác. Đó là một cố tật, không nên bắt chước.
Lại cũng có một hạng độc giả, sách gì cũng đọc, nhưng họ chỉ đọc từng chặng, khúc đầu, khúc đuôi rồi xếp sách lại, tin tưởng rằng mình đã hiểu được tất cả ý tưởng của tác giả. Tôi giám quả quyết kẻ đọc sách như thế, dù là bậc thông minh bực nào, cũng không làm gì hiểu được tất cả trong quyển sách. Nhất là một quyển sách thuộc về loại sách học, trong đó, mỗi câu có khi là một vấn đề, sự liên lạc của nó không thể bỏ qua một đoạn nào mà khỏi phải hiểu sai. Hạng độc giả nầy, đọc đây một đoạn, đó một đoạn…đọc cầu vui, đọc không mục đích…và đọc mãi suốt ngày. Có ai hỏi họ làm gì trong ngày: họ bảo họ đọc sách. Nhưng thực sự, trí họ như con bướm chập chờn lởn vởn từ đoá hoa nầy sang đoá hoa kia. Xong rồi, đầu óc họ vẫn trống trơn, không còn lưu lại một ấn tượng gì cả. Cũng có khi họ nhớ, nhưng chỉ nhớ những vụ lặt vặt không đầu đuôi, không thành vấn đề gì cả.
Trở lên là lối đọc sách không bổ ích gì cho trí thức cả. Kẻ nào muốn lợi dụng sự đọc sách để giúp óc suy nghĩ, phán đoán của mình và giúp thêm tài liệu cho sự hiểu biết của mình, đừng bao giờ đọc sách như những cách đã nói trên.
Goethe lúc về già, nói với Eckermann: “Người ta đâu biết rằng phải tốn bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu công khó mới học được cách đọc sách. Tôi đã bỏ công vì nó, trên 80 năm, thế mà bây giờ tôi chưa thể tự hào là đã đạt được mục đích ấy rồi vậy.”
Nghệ thuật gì mà khó khăn thế? Chỗ liên lạc giữa người đọc sách và người viết sách phải như thế nào? Người đọc sách phải giữ thái độ gì để khỏi phải bị sách đầu độc, và trái lại nhờ sách mà làm giàu thêm kinh nghiệm? Phải đọc những sách gì, và nhất là phải đọc cách nào? Đối với những loại sách danh tác ta phải đối xử như thế nào? Trái lại đối với sách hạng thứ, những sách phổ thông có tánh cách nhập môn, những sách có tánh cách đại lược hay trích lục ta phải sử dụng cách nào? Lợi ích của quyển sách phải chăng cũng chỉ có một giới hạn nào đó và phải dừng lại nơi đâu? Đó là mới kể sơ vài phương diện của vấn đề đọc sách để rèn luyện trí não mà thôi, chứ thật ra có rất nhiều cách đọc sách: có kẻ đọc sách để tìm tài liệu tin tức; cũng có kẻ đọc sách để giết thời giờ và để giải buồn. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nên chú trọng đến cách đọc sách để tự học nghĩa là để đào tạo cho mình một cơ sở văn hoá tinh thần mà thôi, vì đó là mục đích của quyển sách nầy. Như vậy thì sự đọc sách để tìm an ủi trong đau khổ, đọc sách để tìm một sức mạnh tinh thần, giúp tâm hồn mình thêm nhẫn nại, can đảm mà vượt qua những thống khổ của cuộc đời, đọc sách để tìm hứng thú cho tinh thần cũng đều thuộc về loại đọc sách để tự học cả, vì phàm cái chi hoạt khởi được tâm cảm mình, đổi mới được về khuynh hướng chân, thiện, mỹ đểu bổ ích cho tinh thần trí não của mình.
2. Đọc sách để tìm hiểu mình.
Đọc sách mà đến mức cao thâm, là đọc sách không phải để tìm hiểu cái ngoài ta, mà là để tìm hiểu cái người thật của ta. Sách vở, đối với ta, sẽ chỉ còn là cái nguồn khêu gợi…mà thôi.
Andre Maurois có khuyên ta một câu nầy mà tôi cho là sâu sắc nhất: “Phải tự làm cho mình xứng đáng với những tác phẩm mình đang đọc..(2) “Thuật đọc sách là cái nghệ thuật tìm thấy lại cuộc đời của mình và hiểu biết nó hơn, bằng sách”. Ông lại nói rõ ràng hơn “không có gì cảm động hơn là thấy người thanh niên năm ngoái chỉ chịu đọc những chuyện phiêu lưu, bỗng dưng nay lại đâm ra ham mê đọc những quyển như Anna Karenine (Tiểu thuyết của Tolstoi) hay Dominque (Tiểu thuyết của E.Fromentin), bởi vì bây giờ họ đã nếm qua thế nào là cái vui sướng và đau khổ của tình yêu. Những người ưa hoạt động là những đọc giả thưởng thức Kipling, những nhà chính trị đại tài là những độc giả của Tacite hay của Retz” (12).
Thật có đúng như thế. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Hễ “đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Những kẻ thích đọc Lão, Trang hay Phật đại thừa là những hạng độc giả thuộc hạng hướng nội nhiều hay ít…Phải chăng đọc sách là một cái thú thâm trầm khi chúng ta tìm thấy trong một tác phẩm, giãi bày một cách chu đáo và đầy đủ những tư tưởng mà chính mình đã nghĩ qua, đã hoài bão lâu ngày và băn khoăn tha thiết…Chúng ta nhận thấy những ý nghĩ kín đáo nhất của mình được một người khác công nhận, lại nói ra một cách vỡ vạc thì còn gì thú vị bằng! Phải chăng chỉ có những ai đã từng sống gượng xa người bạn thân yêu mà hoàn cảnh bắt buộc phải tươi cười với những kẻ chung quanh mà mình không chút tình thương, mới cảm thấy cái hay và thâm trầm của câu:
“Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai.” (KIỀU)
Một câu văn mà ta gọi là hay, phải chăng là câu văn đã làm vang động tâm hồn trí não ta, nghĩa là đã khêu gợi những gì sâu kín trong đáy lòng ta…Andre Gide có nói: “hình như nếu tôi không đọc Dostoi ewsky, Nietzche hay Frend…có lẽ tôi cũng sẽ nghĩ thế. Tôi chỉ tìm thấy ở họ một sự khuyến khích hơn là một mầm tư tưởng mới mà họ đã tặng thêm cho tôi, thật ra chính họ là những kẻ đã dạy tôi, đừng e sợ, đừng rụt rè và ngờ vực tư tưởng của mình nữa…” (12)

B. PHẢI ĐỌC SÁCH CÁCH NÀO

1.Tánh cách tôn nghiêm của sự đọc sách:
` Nói đến sự tôn nghiêm, tức là muốn khuyên các bạn nên “gây chung quanh những lúc đọc sách của ta một không khí trang nghiêm và trầm lặng thường bao bọc những cuộc hoà nhạc hay những buổi lễ cao quý”. Nên tránh cái cảnh vừa đọc, vừa ăn, vừa nói chuyện, hoặc đọc thoáng qua một trang, thì ngừng lại để trả lời với máy điện thoại, hoặc cầm sách mà trí nghĩ đâu đâu…rồi lại bỏ dở vì có người bạn đến nói chuyện kháo, rủ nhau đi ăn uống hay đi dạo mát…Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch. Nên dành riêng cho một nhà văn nào mình rất yêu quý, một buổi chiều trong ngày chủ nhựt trong tuần, hay một buổi chiều thứ bảy nào đó.
Riêng tôi, suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là 2 giờ đồng hồ để đọc sách khoảng từ 20 giờ đến 22 giờ không bao giờ sai chạy. Giờ ấy đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy…Giờ đọc sách này là giờ đọc sách hoạt động. Tất cả người trong gia đình đều phải nể cái giờ phút thiêng liêng nầy của tôi…ngoài ra, tôi không đòi hỏi gì hơn là để cho tôi được quyền sống một mình trong cô tịch và lặng lẽ. Ngoài cái giờ ấy, tôi cũng đọc sách, cũng xem báo như mọi người…nhưng làm việc một cách tiêu cực, hoặc sưu tầm tài liệu để qua một bên, đợi lúc đọc sách chánh thức đem ra mà nghiền ngẫm.
Dĩ nhiên là trong lúc đọc sách trang nghiêm ấy, tôi chỉ đọc toàn những tác phẩm hay nhất mà thôi.
2. Chỉ đọc những tác phẩm hay:
Jules Payot nói: “Nếu cho tôi được sống lại cuộc đời của tôi, tôi tự thệ trong lúc trẻ tuổi, chỉ đọc ròng sách hay, do những bực vĩ nhân trong tư tưởng giới viết ra thôi. Tôi đã mua rất đắt cái kinh nghiệm đã qua của tôi khi còn nhỏ, đã làm phung phí sức lực của tôi rất vô lối vì những tác phẩm vô giá trị. Nếu anh em muốn có một tương lai tốt đẹp về tinh thần, hãy nghe theo tôi, đừng bao giờ đọc sách nhảm…” (25)
Vậy làm cách nào để nhìn biết một quyển sách hay? Trước đây đã nói qua về loại sách học. Nay xin bàn đến những sách có tính cách đào luyện tinh thần trí não con người.
Sách hay nói đây chẳng những hay về văn chương tao nhã mà hay về ý tưởng thâm trầm.
Có một đặc điểm nầy để nhận thấy cái hay của một quyển sách, bất cứ là một quyển sách loại gì, là càng đọc đi đọc lại chừng nào, càng thấy nó rộng rãi sâu xa chừng nấy. Một quyển sách mà tháng này đọc thấy hay, tháng sau đọc lại thấy bớt hay hoặc hết hay là một quyển sách tầm thường. Có nhiều quyển sách mình chỉ đọc qua một bận là hết muốn giữ nó bên mình. Trái lại quyển sách hay dù cho một năm sau, ba năm sau, hay mười năm sau nữa mà đọc lại vẫn thấy thâm trầm man mác không biết chừng nào. Trình độ mình càng ngày càng lên cao, mình lại thấy nó càng thâm sâu hơn nữa. Những sách tầm thường không sao chịu nổi thử thách của thời gian. Đó là loại sách mà người ta thường gọi là “sách bất tận”. Cần lựa những sách ấy làm sách “gối đầu giường”. Những sách như quyển Ngữ lục (Pensees) của Pascal, Ethique cảu Spinoza, Pensees của Epictete va Marc-Aurele, Imitation de Jesus-Christ, Bible, Nam hoa Kinh, Đạo đức Kinh, Dịch Kinh…là những sách rất hay, đọc đến chết vẫn thấy còn luôn luôn sâu sắc thâm trầm.
Tuy nhiên, sách hay cũng không phải cần luôn luôn là “sách bất tận” mới được. Những quyển sách khêu gợi được ta nhiều ý nghĩ đột ngột, lạ lùng và mới mẻ, dù ta không thể nhìn nhận tư tưởng của tác giả, ta cũng không sao tránh khỏi những bâng khuâng và hoài nghi, hoặc trong nhất thời đưa đến cho ta những vấn đề mà xưa nay ta chưa từng để ý đến, đều là những thứ sách làm giàu thêm cho ta về kinh nghiệm, về tư tưởng và về tài liệu. Những thứ sách ấy cũng được xem là sách hay.
3. Sách gối đầu giường
Tiện đây, xin nói qua về những sách “gối đầu giường”. Những sách “gối đầu giường” phải là những bộ sách mà bất cứ ở hoàn cảnh nào đều có thể giúp cho ta một vài ý tưởng thích nghi và an ủi; những sách đưa ta lên cao bằng những tư tưởng thanh thoát hay những gương mẫu của những bực anh hùng vĩ nhân trong nhân loại; những sách giúp ta biết hoài nghi suy nghĩ thêm, biết đặt vấn đề, biết làm cho lòng ta nhẹ nhàng và phấn khởi, khôn ngoan và trong sạch hơn. Có người nói rằng: “Quyển sách đẹp nhất có lẽ là quyển sách viết ra không phải để mà đọc, và chỉ in ra khi nào tác giả đã qua đời, và nhờ vậy, nó có tánh cách của một bản di thư tinh thần, không có một ẩn ý gì là chiều chuộng hay làm vui lòng độc giả” (7). Người đọc sách phải cảm thấy có một sự kêu gọi khao khát thì sự đọc sách mới thật là hứng thú và có nhiều thụ dụng, nếu cảm thấy không có gì trong thâm tâm khát kêu gọi gì cả, thì thà đừng đọc sách còn hơn, cũng như nếu mình cảm thấy không có gì cần phải nói ra, thì đừng bao giờ miễn cưỡng mà viết sách. Những bài thơ hay và cảm động nhất phải chăng là những bài thơ mà thi sĩ đã cảm động nhất trong khi sáng tác nó?
Học cũng như ăn. “Mỗi một tâm hồn đều có một thức ăn riêng. Phải biết nhận cho ra ai là những tác giả riêng của mình. Dĩ nhiên là những tác giả ấy sẽ khác hẳn với những tác giả của bạn bè ta. Trong văn chương cũng như trong tình yêu ta thường phải ngạc nhiên vì sự chọn lựa của người khác. Chúng ta cần phải trung thành với các tác giả đã thích hợp với mình. Về việc lựa chọn nầy chỉ có chính mình mới là người xét đoán đúng nhất mà thôi”…(12)
Có những sách “gối đầu giường” mà người ta đọc mỗi ngày như kinh nhật tụng. Nhưng cũng có những thứ người ta không cần phải đọc, mà ảnh hưởng của nó đối với ta rất lớn: chỉ một cái tựa sách, hoặc cái tên tác giả mà thôi cũng đã là một khuyến lệ, một vị thiên thần luôn luôn ủng hộ che chở ta và nhắc nhở an ủi ta rồi.
Sau cùng, cũng cần giữ bên mình ta những sách có những tư tưởng đối lập với ta dùng làm sách “gối đầu giường”. Pascal lại đọc Montaige, Montaige lại đọc Seneque. Cái người “thù” với tư tưởng ta, thường lại là người giúp cho ta suy nghĩ nhiều hơn tất cả, vì chính họ là người giúp ta thấy rõ những nhược điểm của ta và bắt buộc ta phải tìm thêm bằng cứ cho lập trường tư tưởng của ta. Họ là kẻ nhìn thấy rất tăm tối chỗ mà ta nhận thấy rất sáng sủa, và chính họ là kẻ giúp ta biết giữ vững lập trường, biết hoài nghi và thận trọng.
4. Uống nước tận nguồn.
Đọc sách hay cần đọc ngay nguyên văn. Nếu không đọc được nguyên văn, thì phải tạm đọc sách dịch. Như thế thì sự hiểu biết của ta cũng kể là hiểu biết tạm thời thôi. Văn dịch chỉ đưa đến cho ta có một phương diện về tư tưởng của tác giả thôi, bởi người dịch cũng chỉ dịch theo sự hiểu biết tạm thời của họ. Câu nguyên văn, ta có thể ví như mặt biển rộng thênh thang, còn câu văn dịch không khác chi là mặt nước ao tù.
Văn dịch, nếu dịch đúng, chỉ đem lại cho ta một phần nào cái ý vị của nguyên văn thôi. Bởi vậy, nếu muốn đọc sách cho đứng đắn, cần phải đọc chánh văn. Đọc một trăm quyển sách khảo cứu về Vương Dương Minh, Lão tử, hay Trang tử…không bằng đọc ngay Vương Dương Minh, Lão tử, hay Trang tử. Vì vậy, học được nhiều ngoại ngữ chừng nào càng tốt đối với người muốn tạo cho mình một cơ sở học vấn rộng rãi và sâu sắc.
Có kẻ tưởng cần kiếm sách nghiên cứu về Lão tử, Trang tử hay Vương Dương Minh để dễ thấy đại lược tư tưởng của các ông ấy hơn là phải đọc ngay các ông ấy, khó khăn hơn. Tính như thế thật sai lầm. Đọc sách nghiên cứu trước khi đọc một tác giả nào, có cái lợi là khỏi cần mất nhiều thời giờ để hiểu tác giả ấy trong khi đã có người làm trước cho ta công việc đó. Nhưng ta sẽ bị cái hại nầy là ta chỉ hiểu biết tác giả qua sự hiểu biết và nhận xét của nhà nghiên cứu thôi, chứ khó lòng biết được cái chân diện mục của tác giả. Muốn biết Lão tử mà đọc cuốn Lão tử của Ngô Tất Tố thì ta chỉ biết được Lão tử theo Ngô Tất Tố chứ chắc chắn không làm gì hiểu được Lão tử. Nhưng thực ra, cũng không biết ta phải hiểu cách nào mới thật hiểu đúng theo như Lão tử đã hiểu, là vì “không có một danh từ nào mà có một nghĩa đối với hai người”. Mỗi độc giả đối với Lão tử có một cách nhận xét và phản ứng riêng, vì vậy, như ta đã biết, không biết bao nhiêu là bản dịch Đạo đức Kinh hoàn toàn khác nhau và những nhà chú giải Lão tử cũng không sao kể xiết.
Sở dĩ tôi đã nói trước khi đọc ngay chánh văn của Lão tử, đừng vội đọc sách nghiên cứu về Lão tử, là tôi muốn cho các bạn đối với Lão tử (hay bất cứ đối với một tư tưởng gia nào) đừng bị một thiên kiến nào trước cả, nó sẽ làm tê liệt óc phê phán của ta. Đối với những học sinh hay sinh viên không ngày giờ để nghiên cứu nghiền ngẫm thì sự đọc những sách nghiên cứu trước khi đọc chánh văn là một sự cần để biết mà trả lời cho giám khảo. Việc ấy là một sự bắt buộc, không thể nào làm khác hơn được. Chỉ cần đợi họ sau khi ra trường làm lại công cuộc giáo dục của họ sẽ hay. Chứ đối với người có công tự học thì việc “đi sau đuôi” kẻ khác, tìm lấy một “con đường mòn” theo kẻ khác mà đi…là một điều không nên có.
Dù sự phán đoán, phê bình của ta không được xuất sắc bằng nhiều nhà nghiên cứu khác, nhưng nó là của ta…nó là của trình độ hiểu biết hiện tại của ta…Sau nầy, ta sẽ đọc lại các sách nghiên cứu khác để so sánh và chữa lại hoặc bổ túc thêm những phán đoán sai lầm hay thiếu sót của ta, thì công phu tự học thụ dụng không biết chừng nào. Sự lợi ích của sách nghiên cứu là giúp cho ta so sánh lại những nhận xét của nhà nghiên cứu với những điều ta quan sát và suy xét, chứ không nên để cho nó quy định trước lề lối tư tưởng của ta và làm mai một tinh thần sáng tác và tự chủ của ta. Đọc sách phải là một sự sáng tạo. Chứ không phải là một sự nô lệ. Đừng bao giờ tìm hiểu biết một người bằng lời giới thiệu của một kẻ thứ ba. Sự ưa ghét, bao giờ cũng thiên lệch. Ưa thì nói tốt, ghét thì nói xấu…đều là những phê bình chủ quan cả. “Đồng với ta, cho ta là phải; không đồng với ta, cho ta là quấy”. Cái Phải Quấy của con người thường chỉ có thế thôi.
Phần đông một số sách nghiên cứu ngày nay ở nước ta là một sự nhai đi nhai lại những ý kiến của những người đi trước và chỉ có thế thôi, nhất là những sách giáo khoa. Vì vậy, một cái lầm lạc của người trước sẽ được người ta “tụng” đi “tụng” lại mãi như con “két” thật đáng thương hại không biết chừng nào!
5. Sách quá nhiều chú giải:
Có nhiều người tin tưởng rằng đọc những sách có nhiều chú giải và phê bình sẽ giúp cho mình hiểu tác giả một cách rành mạch hơn.
Giữa ta và quyển sách cần phải có một sự tiếp xúc trực tiếp, không nên có nhiều kẻ xen vào “giành giựt” sự thông cảm của riêng ta. Có những quyển sách dịch, vừa dịch vừa chú giải quá rườm ra, kể lể ông nầy bà nọ đã nói gì về ý nghĩa của câu văn kia trải qua từng thời đại. Kể ra công phu thì công phu thật, nhưng họ đã làm “mất” cả sự hứng thú của những cảm giác hồn nhiên của ta đối với tác phẩm. Sự bác học của nhà chú giải làm “rộn” ta nhiều hơn là giúp ích cho ta…Có gì bực mình bằng lúc mà nhà thơ đang đưa ta vào cõi mộng mê ly của một câu thơ tuyệt đẹp thì nhà chú giải bác học của ta lại kéo giựt ngược lại để giới thiệu cái nhạc điệu của câu văn và cách dùng chữ ở những vần bình thường bình hạ, hoặc cắt nghĩa cho ta nghe chữ dùng kia của nhà thơ là một chữ có một nguyên lai cực kỳ lạ lùng bí hiểm…Có khác nào trong khi ta đang nghe một khúc nhạc thâm trầm mê mẩn…người ta lại bắt ta dừng lại để nghe diễn thuyết cả một bài học về luật điều hoà! Ta đòi hỏi người ta nên để cho ta lặng lẽ mà nghe tiếng vang trong lòng thầm kín của ta khi tiếp xúc với tác phẩm ấy…
Đọc sách cần phải “uống nước tận nguồn” nghĩa là tìm chánh văn mà đọc, đừng vội đi tìm những sách về tác giả ấy do một “bàn tay thứ hai” viết lại.
Như thế ta lại cũng cần phải tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm ấy lâu chừng nào hay chừng nấy.
Tôi xin thử lấy một thí dụ. Các bạn muốn đọc Pascal là một đại văn hào Pháp ở thế kỷ thứ mười bẩy, nhưng từ trước đến giờ chưa có được nghe ai nói đến để dự bị cho bạn. Những sách chú giải về Pascal là cả một cái rừng. Thảy đều có giá trị cả. Như bộ sách Port-Royal của Sainte-Beuve có thể được xem là quyển sách chú giải rộng nhất và tự nó đã cũng là một tác phẩm rồi. Vậy, bạn có cần phải khởi đầu bằng đọc sách cảu Sainte-Beuve chăng? Nghĩa là bạn có bằng lòng đọc trước ba nghìn trang sách, trước khi mở ra quyển Tư tưởng lục (Pensees) của Pascal không? Dĩ nhiên bạn sẽ không phải làm một việc luỗng công vô ích, dù bộ Port-Royal là một bộ sách rất phong phú, nghiên cứu rất kỹ thống quan về lịch sử tư tưởng văn chương của nước Pháp hồi thế kỷ thứ mười bảy. Nhưng muốn gặp Pascal mà phải đánh một cái vòng to rộng như vậy, kể ra cũng khí quá, huống chi công phu của bạn nếu đã xong rồi, bạn cũng chỉ nghiên cứu về Sainte-Beuve chứ cũng chưa gặp đặng Pascal. Mà trong hai người ấy, bực vĩ nhân hơn hết có lẽ cũng chỉ là Pascal. Đành rằng Sainte-Beuve là một phê bình gia sâu sắc lắm, nhưng vẫn cũng không sao qua nổi Pascal là một thiên tài kỳ vĩ, uyên thâm và rộng rãi đã làm danh dự chung cho nhân loại.
Bạn nên đi ngay vào Pascal đừng diên trì gì cả, dĩ nhiên là bạn phải biết đặt ông vào hoàn cảnh xã hội của ông trước để có một ý niệm thống quan về những điều kiện khách quan đã chi phối và cấu tạo thiên tài của ông, nghĩa là bạn cần phải biết qua về sự hoạt động của nhóm “jansenisme” cũng như sơ lược về đời tư của ông. Nhưng muốn có được một khái niệm như thế. Nhưng muốn có được một khái niệm như thế, bạn chỉ cần đọc lối ba mươi trang sách và mất chỉ vài giờ là cùng. Bạn hãy lựa một quyển văn học sử đứng đắn như của các ông Gustave Lanson, hay của Bédier và Hazard, hoặc là trong một bài tự ngôn nho nhỏ ở đầu sách các quyển “Pensees” của Pascal cũng là đầy đủ lắm rồi. Dự bị được bao nhiêu đó, hãy đi ngay vào tác phẩm của Pascal. Và sau khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và nghiền ngẫm nó…bấy giờ nếu có thời giờ, hãy đọc thêm Sainte-Beuve, hoặc những bài nghiên cứu công phu của các văn gia Brunschivig, Ravaisson, Ranh, F. Strowski, Petitot, Jacques Chevalier…Nhưng dù sao, Pascal vẫn phải được quyền ưu tiên (3).
6. Đọc sách cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần:
Đọc sách hay không nên đọc đọc sách mượn. Sách mượn phải trả, không nên giữ nó lâu ngày đến đợi người ta đòi. Cái đó thiếu liêm sỉ. Vậy đọc sách hay, phải đọc sách mình đã mua, để có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.
Đọc đi đọc lại nhiều lần, chẳng phải để cho dễ nhớ, mà là bởi có nhiều thứ sách rất hàm súc: nếu chỉ đọc qua một bận, không tài nào hiểu nó được hết. Có nhiều quyển sách đọc đến lần thứ ba, thứ tư mới hiểu được. Trước đây tôi có bàn đến sách khó đọc. Khó đọc đây là khó đọc vì văn từ lòng dòng, cách cấu tạo hỗn độn mà ý nghĩa thì thực chẳng có gì. Còn ở đây, tôi muốn bàn đến những sách hàm súc mà văn từ quá điêu luyện, cần phải chú ý rất nhiều mới khám phá được những ẩn ý hoặc những tế nhị của tư tưởng. Nhất là sách xưa, văn từ rất ngắn, không thích giảng giải hay minh chứng dài dòng, nhưng hàm chứa những ý tưởng vô cùng sâu sắc.
Gặp phải những thứ sách như thế, có nhiều kẻ quá thận trọng, nhưng thiếu kinh nghiệm, họ nhất định không chịu bỏ qua một chứ nào còn nghi ngờ cả. Nếu họ gặp một câu nào khó hiểu, họ dừng lại, cố tìm cho ra nghĩa của câu đó mới chịu tiến tới. Với phương pháp đó, tôi dám quả quyết họ sẽ không bao giờ đọc hết mười trang sách Trang Tử hoặc của Kant hay Hegel. Gặp trở ngại mà cứ đứng lỳ lại, không chịu đi tới nữa, theo tôi là một phương pháp sai lầm.
Hãy cứ đi tới mãi…và đi cho tới cùng. Bấy giờ ta mới thống quan được cái đại ý, nắm được cái giềng mối. Biết được cái tổng quan niệm của tác giả, mình mới nhân đó mà suy xét lại những chi tiết của nó. Rồi những gì mập mờ sẽ lần lần sáng tỏ lại. Đọc lần đầu, cần phải đi thật mau, để xem cái lề lối đại cương của quyển sách, chẳng khác nào xem trước cái hoạ đồ của một đô thị trước khi mình đi vào đó vậy. Đọc lần thứ hai, ta sẽ ngạc nhiên thấy những trở ngại trước kia tiêu tan lần lần. Tư tưởng bấy giờ liên lạc tiếp tục nhau không bị gián đoạn nữa, là vì mình đã biết được phương hướng của nó rồi.
Đừng nói là đọc lần thứ nhì, có loại sách đọc đi đọc lại ba, bốn lần mà nghĩa nó vẫn mờ tối. Nhưng dù sao mình cũng đã biết được đại cương và phương hướng của nó rồi. Những chỗ mờ tối ấy thủng thẳng lâu ngày rồi cũng sẽ có ngày hiển lộ. Ta biết rằng câu văn của nhà đại tư tưởng thường rất vắn tắt mà hàm súc lắm. Kinh nghiệm của ta còn ít, tư tưởng của ta còn nông, muốn hiểu hết ý nghĩa của nó phải cần đến thời gian.
Không phải họ cố ý làm cho tư tưởng họ mờ tối làm gì. Chỉ vì họ có rất nhiều tư tưởng phải nói với ta, hềm gì họ phải dùng đến một tiếng nói tầm thường, không thể nào biểu diễn hết ý nghĩ của họ đặng. Ai đã từng cầm bút mới hiểu rõ nỗi thống khổ của ta khi biểu diễn tất cả nỗi lòng cảu ta mà văn từ không sao biểu diễn nổi. Dù là bực văn tài đến bực nào cũng cảm thấy cái chỗ thâm sâu của tấm lòng không sao truyền vào câu văn cho hết được. Thánh nhân mà còn nói: “Thơ bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” thay!
Vậy, đọc sách mà độ tới cái chỗ “không thể nói được” đó, nhận được cái mà người ta gọi là “ý tại ngôn ngoại”, thời đọc sách mới tinh thần.
Trang Tử nói: “Có nơm vì cá. Muốn đặng cá phải quên nơm. Có dò vì thỏ, muốn đặng thỏ phải quên dò. Có lời vì ý, muốn đặng ý phải quên lời”
Phật tổ ngày kia lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà bảo các đệ tử: “Kìa là mặt trăng! Các đệ tử hãy ngó theo ngón tay ta thì thấy. Nhưng, nên nhớ: ngón tay ta không phải là trăng. Những lời giảng của ta về Đạo cũng vậy. Các con cứ nghe lời ta giảng mà tìm Đạo. Nhưng nên nhớ: lời giảng của ta không phải là Đạo”.
7. Cần đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình:
Một nguyên tắc trong việc tự học mà ta không nên quên là chỉ có những công phu nào có nhiều cố gắng mới có thể có lợi cho sự tiến bộ tinh thần trí não thôi. Không cố gắng, không sao tiến bộ được.
Có nhiều người quá thận trọng, quá rụt rè, không dám đọc những sách cao quá trình độ hiểu biết của mình. Đọc sách cũng một trình độ tư tưởng của ta, cũng như đọc những sách cùng đồng một chí hướng của ta chẳng khác nào kết bạn với những bực ngang hàng, chỉ được có người tán tụng phụ hoạ mà không được có người nâng đỡ hoặc giúp ta đặt lại vấn đề cũng suy nghĩ thêm nhiều khía cạnh bất ngờ khác.
Có ích gì những sách cùng một trình độ với mình, vì họ chỉ mang lại cho ta có cái tiếng dội của những ý kiến của ta mà thôi. Tác giả không cao hơn ta sẽ không giúp ích gì cho ta. Tuy lắm khi mình không theo kịp họ, nhưng cũng có lúc mình cũng lấn họ, và nếu cần, cũng chống lại với họ.
Sau khi đọc xong quyển sách, mặc dù mình không đạt được hết tư tưởng của tác giả, mình cũng thấy chỗ thay đổi trong cái người tinh thần của mình. Những chỗ tối tăm khó hiểu của họ lắm khi cũng giúp cho ta suy nghĩ thêm nhiều hơn là khi họ nói ra môtj cách rạch ròi vỡ vạc. Nhà tư tưởng Joubert có nói đại khái như vầy: “Những ý tưởng rõ ràng sáng sủa giúp cho tư tưởng; nhưng chính những ý tưởng mập mờ lại giúp ta hành động, chính những ý tưởng ấy chỉ huy sự sống của ta”. Ở đây chúng tôi muốn nói về những quyển sách cao sâu, vượt quá cái tầm hiểu biết thường của ta, chứ không phải muốn nói về những loại sách tối nghĩa của những kẻ muốn lập dị cầu kỳ mà thực ra rất tầm thường và nông nổi.
Làm bạn thì nên làm bạn với những kẻ cao hơn mình về tài đức, đọc sách nên đọc những quyển sách cao hơn trình độ tư tưởng của mình thì mới mong tiến bộ mau trên con đường tri thức.
8. Đối với bất cứ sách nào, phải dành cho nó một tấm lòng thiện cảm.
Trước khi phê bình một quyển sách nào, phải để chút hy vọng và tin tưởng nơi nó. Một người viết sách, dù có dở đến bực nào, cũng đã lao khổ nhiều với tác phẩm của mình. Họ cũng đã bỏ nhiều thời giờ suy nghĩa nghiền ngẫm mới viết ra. Thật cũng đã lao tâm khổ tứ với nó không ít. Nếu trước khi đọc nó, mình lại thiên ý, hoặc có ý kình địch, ác ý, đó là tự mình làm mất một cơ hội tốt. Biết đâu trong khi cùng “âm thầm đàm luận” với quyển sách, nó không khêu gợi cho mình nhiều ý nghĩ hay hay.
Có nhiều người viết văn rất khúc mắc khó đọc. Có khi vì họ kém cái tài ăn nói, không biểu diễn ý tưởng của mình được một cách giản dị rõ ràng, hoặc là tác giả có ý cầu kỳ lập dị…Nhưng mình cũng không vì đó mà không ráng công với họ một chút để tìm hiểu họ. Có khi họ sẽ đền đáp với mình rất hậu. Cần nhất là mình phải có chút ít thiện cảm, để cùng nhận xét và thông cảm với họ.
Thường ta có thói quen “hễ đồng với ta là phải, không đồng với ta là quấy”mà mang theo mình đầy thành kiến trong khi đọc sách. Như thế, đọc sách không lợi ích gì cho ta cả. Huống chi đọc sách mà có nhiều thiên kiến, nhất là ác cảm, thì chắc chắn không làm gì hiểu được thâm ý của tác giả.
9. Cần ôn lại những gì ta đã hiểu biết hoặc đã suy nghĩ về vấn đề của quyển sách đã nêu ra:
Lại nữa, mình cần phải có hiểu biết hoặc suy nghĩ trước chút ít mới được. Đến khi đọc sách là mình tìm coi tác giả sẽ giải quyết hoặc đặt vấn đề ấy như thế nào, có đồng hoặc không đồng với ý kiến của ta chăng, mà nếu có đồng thì đồng chỗ nào, “đại đông” mà “tiểu dị”, hay “đại dị” mà “tiểu đồng”? Còn nghịch với ta, thì tác giả nghịch chỗ nào? Đừng vội đọc liền quyển sách. Nên chờ cho mình nhận định vấn đề trước đã. Muốn vậy nên đọc trước bản mục lục hay bài tựa để có một khái niệm chung về đề tài của quyển sách.
Không phải riêng gì việc đọc sách, đi nghe diễn thuyết cũng vây, cần phải ôn lại những gì mà ta đã hiểu biết hoặc đã suy nghĩ về đề tài sắp đem ra trình bày…để mình có thể theo dõi cuộc nói chuyện một cách hào hứng…Bằng không mình chỉ nghe đến đâu hay đến đó, chứ không sao nhận thấy liền được những ý tưởng đặc biệt tân kỳ của diễn giả.
10. Đọc sách cần phải đồng hoá với nó và phản động lại nó:
Đọc sách là để nuôi dưỡng tinh thần trí nào. Đồ ăn vào bao tử mà tiêu hoá được là nhờ các chất tiêu hoá dịch. Những điều hiểu biết mà mình mới thu thập đặng nơi sách vở sở dĩ bổ ích được tinh thần mình là nhờ mình biết so sánh, đối chiếu với sự hiểu biết của mình đã có trước. Hễ mình đã hiểu biết được nhiều chừng nào, đọc sách sẽ được bổ ích thêm chừng nấy. Một quyển sách mà mình thích đọc là vì nó với mình có nhiều chỗ cảm ứng mật thiết với nhau.
Khi cho in quyển sách, bản tâm soạn giả bao giờ cũng muốn cùng độc giả san sẻ tư tưởng về một vẫn đề nào. Vậy muốn cùng tác giả suy nghĩ thì độc giả cũng phải để một phần ý kiến mình vào trong đó, nghĩa là nếu muốn hưởng ứng cùng tác giả một cách thân mật, người đọc cần phải đem tư tưởng của tác giả đối chiếu với kinh nghiệm của mình.
Chỉ có cách so sánh và đối chiếu ấy mới giúp cho mình tìm thấy được mình, nghĩa là giúp cho chính mình nhận thấy được khuynh hướng thầm kín và sâu xa của cái người tinh thần của mình mà thôi. Trong cảnh tĩnh mịch âm thầm…một tư tưởng của tác giả đã làm rung động cả tầm hồn trí não ta, làm thành một tiếng gọi xa xăm mà rõ rết. Bấy giờ ta mới sực tỉnh, nhìn lại mới hay là tư tưởng của thâm tâm mình mà bấy lâu nay mình không dè, hoặc vì mình đã nghĩ đến mà chưa dám tìm ra được câu nói cho vỡ lẽ. Cả tâm hồn ta bấy giờ rung động sung sướng như mừng gặp đặng người tri kỷ đã lâu ngày cách biệt. Cũng như, đối với nhiều nhà viết sách, ta không thể hưởng ứng được, vì cái người tinh thần của họ không thể nào hoà hợp đặng với cái người tinh thần của ta. Tuy vậy, đối với họ, mình nên giữ thái độ một người bạn hơn một kẻ thù.
Đọc sách mà tin cả sách, cũng như đọc sách mà bất cứ câu nào cũng phản đối…đó là hai thái độ không nên có của một người đứng đắn.
Đọc sách mà phản động lại với sách là cái quyền, hơn nữa, là phận sự của mỗi người. Nhưng, ta chỉ có cái quyền đó, cái phận sự đó khi nào ta đã làm hết sức ta để đứng theo quan niệm của tác giả.
Nên nhớ kỹ: phản đỗi, chống lại tác giả không phải là bảo tác giả phải bỏ quan niệm của họ để nhìn nhận quan niệm của mình, mà trái lại, chỉ cho tác giả biết, đứng trong trường hợp của tác giả, tác giả phải nên có quan niệm như thế nào để khỏi phải có sự mâu thuẫn, phải lẽ hơn hoặc hay hơn mà thôi.
Những kẻ có tánh ưa phản đối công kích chỉ để phản đối công kích mà thôi, thì thật là khả ố. Họ lầm lẫn óc phê bình với óc phản bác. Hai thái độ ấy khác nhau rất xa. Những kẻ đụng đâu phê bình đó, không kể gì đến liêm sỉ, thường lại được bọn người vô học ưa thích, vì họ tưởng làm hạng người ấy là hạng đại tài, bởi có tài mới phê bình kẻ khác một cách dễ dàng được. Đứng về phương diện tâm lý mà xét thì phần đông kẻ có óc phản bác (hay ưa nói nghịch), đều có lẽ vì bị cái “tâm cảm tự ty”: họ dìm kẻ khác để nâng cao mình lên. Ngoài ra họ không còn có phương tiện gì khác để nâng cao giá trị của họ cả. Tôi thường thấy họ đọc sách một cách cẩu thả đến thế nầy: gặp bất cứ một quyển sách nào trên bàn, họ lấy lên, lật càng ra một trang nào cũng được, “túm” lấy một câu nào ở đâu cũng được, rồi lấy riêng nó ra mà đọc lên và nhạo báng mỉa mai. Mà làm gì không chế nhạo chăng? Trong một bài có nhiều câu, câu nầy ăn với câu kia mới có nghĩa. Nếu lấy rời ra một câu thời có khi nghe nó vô lý và ngây ngô là thế nào! Bảo đọc riêng nó lên, và dụng ác tâm mà tha hồ giải thích nó thì không làm trò cười cho kẻ khác sao đặng! Họ cắt xén đoạn mạch của bài văn, trong một đoạn họ rút ra một câu, thay đổi ý chánh, bắt tác giả phải nói những điều họ không nói, để chỉ trích phê bình có khi mỉa mai chế nhạo là khác. Đó là một việc làm thiếu liêm sỉ mà bất cứ một nhà văn nào có lương tâm không thể làm được. Một nhà phê bình trứ danh có nói: “Hãy đưa cho tôi một vài hàng chữ của người nào, tôi sẽ làm cho hắn bị xử giảo cho xem” (4).
11. Đọc sách cần đặt cho mình trước một vấn đề … hay một câu hỏi để tìm kiếm, săn đuổi…
Gặp những sách hay, đừng bao giờ đọc nó như ta đọc tiểu thuyết giải trí, tới đâu hay đó.
Ta nên biết rằng sách hay về tư tưởng, bao giờ cũng đề cập rất nhiều vấn đề. Ta không cần phải biêtd tất cả các vấn đề trong đó làm gì. Cứ lấy riêng ra một vấn đề nào để đặt lấy cho ta một câu hỏi, rồi tự mình tìm lấy một giải quyết tàm tạm trước khi đi vào quyển sách.
Ta sẽ tìm coi giải quyết của tác giả sẽ như thế nào? Cách giải quyết của tác giả có hợp với quan niệm của mình không? Nếu không hợp, vậy quan niệm cảu tác giả có đứng vững chăng, trước thực tế? Đọc sách như thế mới thật là thụ dụng.
Nếu trước khi đọc một tác phẩm nào mà ta lại đọc được một bài phê bình nào về nó, thì phải biết lợi dụng ngay bài phê bình đó, tìm coi bài phê bình ấy đối với quyển sách đã nêu thêm được vấn đề nào. Lấy vấn đề ấy làm câu hỏi cho mình, rồi đi ngay vào quyển sách mà quan sát tìm tòi theo phương hướng đó.
Tỉ như muốn đọc Luận ngữ, ta thử đặt trước một trong những vấn đề hay những câu hỏi sau đây:
- Đối với Khổng Tử quan niệm về giáo dục như thế nào?
- Sao gọi là người quân tử, theo Khổng Tử?
- Người quân tử theo Khổng Tử có sống được trong xã hội ngày nay không?
- Nhân sinh quan của Khổng Tử như thế nào? Quan niệm ấy có khác với Lão Tử không? và khác chỗ nào?...
Ta có thể nêu ra không biết bao nhiêu là câu hỏi hay vấn đề khác tuỳ thích. Nhưng cần phải nêu ra từng vấn đề mộtvà tìm giải quyết riêng từng vấn đề, chứ nếu xem tất cả một lượt thì sẽ không thấy gì cả.
Tìm ra một vấn đề hay một câu hỏi rồi, bấy giờ lật sách ra mà đọc và cứ theo phương hướng đó mà đi, ta sẽ thấy lý thú vô cùng.
Hoặc nhân câu nầy của một nhà phê bình: “Đạo trung dung bất thiên bất ỷ, không xu hướng về cực đoan, không thái quá, không bất cập tức là chiết trung chủ nghĩa vậy”. Nhân đó ta nêu lên một vấn đề: Đạo Trung dung của Khổng Tử có phải là chủ nghĩa chiết trung không?
Hoặc nhân một câu khác nầy của một nhà phê bình khác: “Xã hội nước ta chịu ảnh hưởng của thuyết trung dung mà hoá ra một cái xã hội dở dở ương ương trắng không ra trắng, đen chẳng ra đen…Trung dung chỉ là cái thai đẻ ra khiếp nhược và là cái ổ chứa gian tà thôi.”
Nhân đó ta sẽ nêu ra vấn đề nầy: Đạo Trung dung có phải là thai đẻ ra khiếp nhược và là cái ổ chứa gian ta không? Thuyết Trung dung nghĩa nó thật như thế không?
Đó là cách lợi dụng những phê bình của kẻ khác để tạo cho mình một câu hỏi, dùng làm phương hướng trong khi đọc sách.
Tóm lại, tôi thường dùng phương pháp nầy: đầu tiên, đối với quyển sách tôi lấy hết sức thiện cảm để đọc nó. Có thiện cảm mới có thể tìm hiểu được tác giả. Kế đó, tôi lấy tư cách đối phương để đọc nó. Tôi tìm đủ cách để bươi móc chỗ dở của nó, phê bình nó một cách hết sức nghiêm khắc như một kẻ thù. Rồi sau cùng, lấy tư cách của một trạng sư, tìm đủ lý lẽ để bênh vực nó, kỳ cho được lý mới chịu thôi. Như thế, bề mặt, bề trái của nó, tôi thấy rõ ràng hết sức. Sự phê phán của tôi bấy giờ mới có thể nhứt định đặng. Phương pháp ấy đã giúp tôi từ lâu nay để tránh khỏi mọi phê phán cẩu thả và bất công.
12. Làm thế nào để nghiên cứu một hệ thống tư tưởng?
Nếu muốn tự mình có được một ý niệm về một luồng tư tưởng nào, bất cứ thuộc về xưa hay nay, thì chỉ có một phương pháp duy nhất nầy: đi ngay vào những tác phẩm chánh.
Lấy một thí dụ: nếu ta muốn có được một ý niệm về chủ nghĩa “khắc kỷ”, ta phải làm sao? Tạm thời hãy tạm gác một bên những bài tóm tắt chủ nghĩa ấy trong các quyển triết học sử. Đừng bắt chước lối học của học sinh nhà trường. Phải dám đi ngay vào những tác phẩm chánh của phái học ấy. Nghĩa là hãy đọc ngay quyển “Entreiens d’Epictète” do Adrien sưu tập và Courdaveaux phiên dịch (Paris Perrin. 1908). Đừng nghe theo phần đông mà chon quyền “Manuel d’Epictète” vì quyền Manuel chỉ là bộ trích yếu tư tưởng của nhà hiền triết nầy, một bản trích yếu rất khô khan và không còn gì là hương vị của quyền trên. Ta cũng có thể đọc thêm quyển “Pensees de Marc-Aurele”. Quyển nầy có nhiều bản rất hay. Hoặc là ta hãy đọc quyển “Lettres à Lucilius” của Séneque. Một trong ba quyển trên đây cũng vừa đủ để cho ta có một tài liệu rõ ràng về chủ nghĩa trên đây mà không một nhà phê bình chú giải nào giúp ta hơn được (3).
Phải biết và dám tin tưởng nơi sự phê phán của mình trước hết: tiếng dội ấy sẽ là tiếng dội thành thật nhất và hồn nhiên nhất.
13. Làm cách nào để hiểu biết được học thuyết mới?
Dù là đối với những lý thuyết mới, phương pháp cũng như trên. Ví dụ đối với học thuyết phân tâm học của Freud. Bất cứ nhà trí thức nào cũng muốn biết qua nó như thế nào? Sách báo bàn tán đến nó không ngót, nhưng thực sự người ta cũng chỉ thực biết nó rất là thiển cận.
Mặc dù biết đến học thuyết Freud mà chỉ đọc mấy quyển Introduction à la Psychanalyse hoặc quyển Science des rêves thì cũng chỉ biết nhá nhem thôi, nhưng mà cần nhất là phải khởi đầu bằng những quyển ấy.
Có nhiều người có học thức khá, thế mà họ chỉ đọc ròng những sách kích bác học thuyết Freud mà chưa từng bao giờ đọc ngay tác phẩm của Freud. Làm thế là tự mình đã chịu khuất phục rồi, không làm gì có đủ tư cách và tài liệu để nhận xét những lời phê bình kia có đúng đắn hay không?
Tóm lại, bao giờ cũng phải kêu cứu ngay những tác phẩm do tay tác giả trước tác, hoặc nếu không có thì chỉ nên đọc những tác phẩm có giá trị. Đọc những sách, dù là đọc một phần thôi, chứ không được đọc hết tất cả tác phẩm của danh gia ấy, ta cũng có được một ý niệm giá trị hơn là đọc những sách toát yếu của nó.
14. Cái hại của những sách toát yếu.
Dùng đến những sách toát yếu rất nguy hiểm cho những người mới học. Đọc một bài tóm tắt một lý thuyết nào hay một quyển sách toát yếu kiểu Reader’s Digest của Mỹ, đâu phải là lối học tắt. Nó chỉ có ích để giúp trí nhớ cho những người đã biết rõ rồi, nay chỉ cần một vài câu để nhắc lại những gì mình đã học.Chứ khởi đầu học mà lại dùng đến những sách toát yếu thì là cả một sự sai lầm dại dột. Ngay khi mình đã hiểu rồi mà dùng đến sách toát yếu cũng vẫn còn nguy hại: những ý tưởng dồi dào phong phú kia đã mất cả sự linh hoạt của nó vì đã bị nhốt vào một vài câu văn cằn cỗi khô khan, không còn chút gì là sinh khí, mạch lạc, tư tưởng bị đứt đoạn, trí nhớ chỉ còn ghi lại những danh từ…và chỉ là những danh từ mà thôi. Sách toát yếu chỉ còn là sự “táo kết”, sự “khô gầy” của tri thức, nó chỉ nhằm vào mục đích “nấu cao” lại sự hiểu biết của con người…đã biến thành một chứng bệnh thiên về nghề nghiệp của một số người chuyên môn dạy học.
Thời gian ngắn, mà sự hiểu biết của một chương trình khổng lồ và tham lam bắt buộc người ta phải thu ngắn lại tất cả ngành hiểu biết của con người vào một vài trang sách để thắng thời gian. Người ta đã quên rằng văn hoá là một vấn đề phẩm chứ không phải lượng, và cũng là một vấn đề thời gian. Cái lợi của những sách toát yếu đại lược chỉ giúp cho ta một quan niệm tổng quát, dĩ nhiên thiếu sót về phần tinh vi sâu sắc…tức là phần cần thiết để đào luyện phần thâm thiết nhứt của tâm trí con người.
15. Viết lại những gì mình đã đọc.
Đọc sách để học, cần phải đọc thật kỹ, sau khi đọc xong phải biết nhận đại lý như thế nào. Đọc sách cần phải suy nghĩ, và muốn cho sự suy nghĩ được thâm sâu, tưởng không có phương pháp nào hiệu quả bằng viết lại và tóm tắt những gì ta đã đọc.
Nhưng chép lại và tóm tắt cũng vẫn còn là một việc làm thụ động. Ta còn phải biết biên lại cảm tưởng của ta, hoặc những ý kiến riêng của ta chống đối lại với tác giả, lọc lừa những gì nên giữ, những gì nên bỏ. Tuy vậy, trước hết đừng có thái độ chống đối mà cần phải có sự thông cảm vì đó là điều kiện đầu tiên để tìm hiểu tác giả. Phải biết để cái người của mình qua một bên, nghĩa là phải biết quên tất cả những thành kiến của mình, đem mình đặt vào hoàn cảnh của tác giả xem theo cặp mắt của tác giả để đi sau vào tình cảm và tư tưởng của tác giả.
Nhưng khi đã đọc xong, và nếu có thể được, sau khi đã đọc xong lần thứ hai hay thứ ba, phải biết trở về với sự phản ứng của con người thật của mình. Ta không cần phải viết lại một bài luận năm, mười trang giấy làm gì mà chỉ nên cố gắng trong mươi hàng để tóm tắt cảm tưởng của mình là đủ nếu thật tình mình muốn thấy rõ lòng mình.
Đây là thí dụ đọc sách của Felix Pecaut, một nhà đại giáo dục nước Pháp. Ông có viết một quyển sách trứ danh nhan đề là “Quinze ans d’éducation” (Mười lăm năm giáo giục). Quyển sách nầy là kết tinh của công trình đọc sách hằng ngày của ông. Mỗi buổi sáng, ngồi lại bàn viết, ông thảo sơ những đề tài thảo luận cho sinh viên trường Sư phạm Fontenay-aux-Roses trong ngày. Đề tài thảo luận thường là đề tài của một quyển sách mà ông vừa đọc được. Mặc dù là một kẻ rất sành sỏi kinh nghiệm, ông vẫn không chịu chiều theo cái hứng của ông, ông tư đặt cho mình một kỷ luật gắt gao là nghiền ngẫm trong sự tĩnh tâm tịch mịch những yếu điểm sẽ làm đề tài cho cuộc thảo luận. Mỗi ngày ông biên chép thêm một vài trang…lần lần tập ký ức biến thành tập sách danh tiếng ấy, trong đó ông chỉ viết ra những cảm tưởng dành riêng cho ông với mục đích là kiểm soát lại tư tưởng của ông và sắp đặt nó lại cho có hệ thống. Thiết nghĩ không còn có cách nào hay hơn nữa để đọc sách cho có hiệu quả. (3)
Tóm lại: Ta cần phải đọc những sách “vĩ đại”, những sách thật hay; đọc ngay nó mà đừng đi vòng chung quanh nó; đọc nó ít lắm cũng hai lần, lần thứ nhất để nhận thấy tổng quan và đại ý, lần thứ hai, đọc lại thật kỹ từng chi tiết; phải có can đảm đọc ngay những sách hay mà khó để bắt ta cố gằng và suy nghĩ, và phải đọc nó với một vấn đề tự mình đặt lấy và giải đáp trước để rồi sau kiểm soát lại; phải đọc sách thật có giá trị, dù chỉ đọc vài đoạn một, mà đọc ngay chánh văn còn hơn là đọc lại những bản toát yếu khô khan của nó: đọc xong nên ghi chép lại cảm tưởng của mình một cách đơn giản và chân thành.
Đọc sách mà thiếu lòng hâm mộ, nhiệt hứng, đọc một cách thụ động…đó là một tật làm biếng nên tránh xa. Nhiều kẻ đọc sách để tự mình khỏi phải suy nghĩ: đọc sách mà tin cả sách, mà không dám phản ứng lại với sách, thì thà đừng đọc sách còn hơn. Đọc sách như thế tức là tự huỷ hoại tư tưởng cũng nhân cách của mình. Đọc sách là để khải phát cõi lòng thâm sâu của mình, tìm thấy con người chân thật và sâu sắc của mình, để tăng cường đời sống tinh thần của mình thì mới nên đọc sách mà thôi. Nhược bằng đọc sách để mà nô lệ sách vở, đọc sách để mà bắt chước suy nghĩ theo kẻ khác thì đọc sách rất là có hại.
16. Đọc sách cần xem bản mục lục.
Tựa quyển sách, chỉ cho ta thấy trước đường lối để đi vào tư tưởng của tác giả. Nhờ có nó ta mới nhận thấy được mau lẹ mạch lạc của quyển sách, biết trước cách giải quyết của tác gỉa.



Nguồn tusach.mobi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved