Chương 5: ĐỌC NHỮNG GÌ?
1. Đọc tiểu thuyết tâm lý
Đọc tiểu thuyết, nhất là
tiểu thuyết tâm lý hoặc kịch, là để xem người ta bày giãi tâm trạng con người
quá nhiều khía cạnh trong khi tiếp xúc với đời để giúp cho ta suy nghĩ việc đời
một cách sâu sắc hơn. Tiểu thuyết và kịch cũng giúp cho ta đặt lạivấn đề giá
trị của cuộc đời, và đi sâu vào tâm lý của con người.
Nhưng làm cách nào, do tiêu
chuẩn nào để nhận thấy một tiểu thuyết gia hay một kịch gia sành sỏi về tâm lý?
Tiểu thuyết gia hoặc kịch
gia tầm thường bao giờ cũng miêu ta r nhân vật của họ có một chiều thôi, nghĩa
là nhân vật của họ rất thuần nhất, trung hay nịnh. Sự thật trong đời, con
người, dù là bực hiền hay ngu, quân tử hay tiểu nhân, không có một tâm hồn nào
thuần nhất cả. Người cao nghĩa không phải luôn luôn là người cao nghĩa, người quân
tử hay người anh hùng. Có những lúc tâm hồn họ bị nhiều thử thách và có những
cái tầm thường quá mức tầm thường. Bề mặt nào cũng có bề trái của nó. Những
nhân vật thuần thanh cao hay đê tiện là những nhân vật nguỵ tạo. André Gide có
bảo: “Chính nhờ nơi những mâu thuẫn của họ mà một nhân vật làm cho ta lưu ý và
chứng tỏ sự thành thật của y”. Pascal cũng có nói: “Con người không phải là một
vị tiên thánh, mà cũng không phải là một con vật. Và kẻ nào chỉ muốn làm bực
thánh lại trở làm con vật”.
Tâm hồn con người bao giờ
cũng có hai mặt: một mặt phàm, một mặt thánh. Không có một bực anh hùng vĩ nhân
nào mà không có những lúc tầm thường và ti tiện. Không có một bực thánh nào mà
chẳng có những sa ngã cùng tội lỗi. Có điều là bực thánh hay bực hiền là những
kẻ trong cuộc tranh đấu với cõi lòng họ đã đem ông thánh trong con người của họ
thắng được cái con vật trong lòng họ.
Đời người thật là hết sức
phức tạp. Trên thế, chưa từng có một người nào mà con đường đi được luôn luôn
phẳng phiu không trở ngại. Ai ai cũng phải hằng ngày đụng chạm với người và vật
chung quanh. Cách phản ứng phải có khi mềm, bao giờ cũng còn phải biết chiều
theo hoàn cảnh, theo biết bao nhiêu là sự bó buộc của xã hội không thể nào
tránh được.
Khi tạo một nhân vật điển
hình yếm thế ghét đời, một nhà văn vụng về thiếu tâm lý sẽ làm thế nào? Họ sẽ
đặt nhân vật của họ ở trong những trường hợp và hoàn cảnh luôn luôn thuận tiện
để cho nhân vật ấy tha hồ thi thố tấm lòng hiếu tố của mình không gặp gì trở
ngại cả: họ tha hồ mỉa mai chỉ trích thiên hạ không sợ thù oán, không chút thắc
mắc gì cả. Tánh tình ấy vẫn luôn luôn không thay đổi bất cứ ở vào trường hợp
nào.
Cách miêu tả ấy rất sai với
sự thực. Thực ra, không bao giờ có hạng người như thế trong đời nầy. Dù là một
“người chuyên quyền độc tài bực nào cũng phải có lúc lo nghĩ và biết nể người
chung quanh mình. Cũng phải có lúc biết sợ đến dư luận chung quanh, biết sợ đến
trời đất thánh thần, và cũng muốn được lòng người chung quanh mình. Cho nên họ
cũng phải biết chiều chuộng và nhún nhường. Chính những lúc ấy, giữa sự xung
đột của bản tánh và hoàn cảnh là những lúc gây cấn và linh hoạt nhất làm cho
câu chuyện trở nên thú vị.
Thật vậy, một nhà tâm lý
sành sỏi như Moliere sẽ trình bày nhân vật ấy như thế nào? Đọc vở “Misanthrope”
của Moliere các bạn hẳn đã thấy kịch gia đại tài ấy dùng những lối nào? Moliere
để cho chàng “ghét đời” Alceste trong những trường hợp khó khăn đặc biệt làm
cho chàng ta không làm sao tha hồ kích bác chê bai như ý muốn. Alceste rất ghét
những kẻ luôn tươi cười và chiều đời, xu thời nịnh thế. Anh ta rất bất bình đối
với chàng Philinte, vì anh nầy mới vừa gặp người lạ là đã niềm nở ngon ngọt
không tiếc lời. Cái đó cũng có lý do: anh vừa bị kiện tụng bởi một gã “lưu
manh” mà tất cả mọi người đều biết mặt, nhưng trước mặt lại được người người
tươi cười niềm nở. Vì vậy, anh ta tức giận muốn điên. Qua màn nhì, Alceste lại
gặp một anh “nịnh thần” đến đọc cho anh ta nghe những bài thơ “ngửi” không vô.
Alceste cũng muốn nói tạt trong mặt ông ta sự thật chua cay…nhưng làm sao mà
nói cho thẳng được, nhất là địa vị của anh nầy kể ra cũng đáng sợ. Dù sao một
người có giáo dục chả lẽ lại nói thẳng một sự thật trắng trợn và không đẹp đẽ
ngay trong mặt một nhà thơ đã có mũ ý đến đọc thơ người ta cho mình nghe, cũng
như ai nỡ nào nói trắng trợn sự thật trước mặt một cô gái làm dáng rằng cô ấy
không đẹp chút nào cả và lại vô duyên là khác? Alceste biết rõ rằng ở trường
hợp nầy, anh ta phải bắt buộc không được nói sự thật…
Và ông ta đã phải đôi ba
lần thối thác không dám nói thẳng một sự thật mà ông biết sẽ làm nặng lòng, dù
là đối với một người xấc xược hỗn láo. Lòng nhân của Alceste cũng như lễ độ đã
bắt buộc anh ta không đặng quyền nói thật những sự thật đau lòng và làm nhục
người ta một cách vô ích. Cái hay của tác phẩm là chỗ mà tác giả khéo đặt nhân
vật chánh của mình trong những nghịch cảnh như ta thường thấy trong đời sống
hằng ngày. Càng gặp nhiều nghịch cảnh càng làm cho nhân vật càng tăng lòng
cương quyết tranh đấu, càng làm cho vở kịch thêm nhiều hứng thú.
Nhưng những kẻ có một tâm
hồn như Alceste, ghét đời, ghét những thói đời siểm nịnh, Moliere lại bắt chàng
ta đáng buồn cười hơn là phải bị si tình…Mà si tình phải một cô nhí nhảnh…Rõ là
một sự phi lý…Nhưng trong thực tế lại luôn luôn có những sự tình oái ăm và
ngang trái, nếu không nói là phi lý như thế. Người ta là một cái gì mâu thuẫn
không thể giải được. Những nhà đạo đức, những bực vĩ nhân thường lại có rất
nhiều tiểu tật, những cái yếu đuối, những cái ngu dại tầm thường và bất ngờ
(3). Nhà bác học Newton là một bực thông minh xuất thế, nhưng lắm lúc tỏ ra đần
độn buồn cười: Ông có nuôi hai con chó, một con chó lớn và một con chó nhỏ.
Muốn cho hai con chó ra vào khỏi phải mở cửa, ông bèn khoét cho mỗi con một cái
lỗ trống nơi chân sách. Thánh Benoit nói: “Người trí sở dĩ khác thường nhân là
trong ngày chỉ sống ngu có vài khắc đồng hồ thôi”. “Khôn ba năm, dại một giờ”
là thường sự mà cũng là may mắn lắm mới được thế.
Đem những hoàn cảnh trái
ngược với bản tính của nhân vật chánh trong truyện để làm nổi lên rõ ràng hơn
tánh đặc sắc ấy, đó là phương pháp chung của những nhà văn đại tài và tâm lý
sâu sắc.
Jean Valjean, trong vở
truyện Les Miserables của Victor Hugo, là một nhân vật cũng linh động lắm. Ông
là một người có một tấm lòng hào hiệp, cứng cỏi, anh hùng nhưng gặp toàn là
nghịch cảnh. Càng gặp nghịch cảnh bao nhiêu ông lại càng tỏ ra càng hào hiệp,
anh hùng bấy nhiêu. Tuy vậy phần đông các nhân vật của Victor Hugo không được
thực tế lắm.
Hamlet, trong vở kịch bất
hủ của Shakesease, là một thành niên đa cảm, có tánh do dự và thờ ơ, đang sống
một đời sinh viên lười biếng êm đềm ở Đức. Bỗng tin cha chết và hồn cha về mách
cho biết là ông bị ám sát mà người ám sát ấy lại là chú của Hamlet. Hamlet hứa
với hồn người chết sẽ trả thù…Nhưng anh ta là một tâm hồn uỷ mỵ nay gặp việc
cần phải cương quyết, anh ta tìm đủ mọi cách để diên trì và thối thác. Tất cả
vở truyện toàn dệt bằng những do dự, rụt rè của chàng Hamlet. Khi cơ hội đã
đến, chàng thấy rõ bằng cớ chắc chắn để trả thù, lúc ấy kẻ sát nhơn kia đang
quỳ đọc kinh…Hamlet rút gươm, nhưng rồi, ngừng lại…do dự và tìm lý lẽ để tự
nhủ: “Nó đang cầu nguyện…giết nó, thế là nó đang sám hối và hồn nó sẽ lên trời.
Ta sẽ đợi lúc nó đang tội lỗi mà giết đi thì mới đưa hồn nó vào địa ngục”…Thế
là bản tánh Hamlet, vẫn càng ngày càng hiển lộ ra rõ ràng trong nhiều trường
hợp gây cấn bắt buộc anh ta phải làm sái lại với bản tánh của anh ta (2)
Đem đối chọi hoàn cảnh và
bản tánh của những nhân vật chánh để bắt buộc nó phải bộc lộ ra một cách tinh
tế và muôn mặt, đó là mật pháp chung của phần đông các nhà tiểu thuyết, các
kịch gia tài giỏi.
Tóm lại, đọc tiểu thuyết có
ích cho sự học là để giúp ta hiểu biết rõ hơn ý nghĩa của đời sống của ta và là
của đời sống của những người chung quanh ta thường bị thói quen hàng ngày che
giấu. Cần phải đọc tiểu thuyết để đi sâu vào nhiều hoàn cảnh xã hội khác ta để
tìm thấy chỗ đại đồng của bản tánh con người sống dưới hình thức của những
phong tục khác nhau, và để mà nghiên cứu mọi vấn đề quan trọng của nhân sinh
như tội lỗi, ái tình và số mạng một cách cụ thể hơn, ngoài sự giải thích xuyên
tạc của luân lý, đạo đức…Những tiểu thuyết hay bao giờ cũng đặt cho ta nhiều
nghi vấn về cuộc đời…và bắt ta suy nghĩ. Ngoài ra những tiểu thuyết có mục đích
khác khêu gợi những dục vọng tầm thường của ta để thoả mãn óc tò mò bệnh hoạn
đều là những sách cần phải vứt vào lò lửa.
Về phương diện nầy, nên đọc
tiểu sử các bực danh nhân thế giới. Nó sẽ giúp ta thấy rõ tâm lý phức tạp của
con người, và những bực phi phàm cũng chỉ phi phàm ở những mực độ nào thôi. Có
nhiều lúc họ cũng tầm thường hơn chúng ta nhiều.
Đọc tiểu thuyết cần phải
thận trọng. Kẻ nào đọc những loại tiểu thuyết nhảm sẽ làm mất thời giờ rất quý
báu của họ và đáng ân hận hơn, là rồi họ sẽ mất lần óc phán đoán và quân bình
của tâm tình họ nữa. Giờ ngày cần phải dành cho những sách chuyên môn, những
sách tu luyện thân tâm cùng trí não. Những loại tiểu thuyết diễm tình xa sự
thực dắt dẫn những kẻ đầu óc non nớt, nhất là phụ nữ đa cảm đa tình đi vào con
đường phiêu lưu lãng mạn ngoài thực tế đến đỗi quên rằng đời là một trường
tranh đấu trắng trợn của các dục vọng, quyền lợi của con người, và chỉ có những
kẻ nào thật khôn mới sống nổi. Lãng mạn của những tiểu thuyết như Tố Tâm,
Werther đã làm hư hỏng đầu óc thanh thiếu niên nam nữ không phải ít.
Những tiểu thuyết phải đọc
là những tiểu thuyết có tánh cách soi đường chỉ nẻo, cắt nghĩa đời sống con
người trải qua những giai đoạn đi tìm con đường lập chí. Loại tiểu thuyết ấy
trong văn học giới rất ít. Những quyển Les Annees d’Apprentissage de W.Meister
của Goethe; Jean Christophe của Romain Rolland là những bộ sách không thể bỏ
qua được đối với những người tự học. Sách Việt dĩ nhiên là chưa có loại nầy.
Nhất Linh, trong quyển
“Viết và đọc tiểu thuyết” có nói: “Thế nào là những cuốn tiểu thuyết hay, có
giá trị trong không gian và thời gian và chỉ giúp ích nhiều nhất cho nhân loại?
Những cuốn tiểu thuyết hay là những cuốn tả đúng thực sự cả bề trong lẫn bề
ngoài, diễn được một cách linh động các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi
thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh tế nhị của tâm hồn,
bằng cách dùng những chi tiết về người và việc để làm hoạt động những hành vi,
cảm giác và ý nghĩ của họ. Những cuốn đó cần phải do sự thành thực của tác giả
cấu tạo nên, viết bằng một lối văn giản dị, không giảng giải nhiều và không
phải hay chỉ vì cốt truyện.”
Biết đọc tiểu thuyết là
biết thưởng thức cái hay của tiểu thuyết. Muốn biết thưởng thức cái hay của
tiểu thuyết phải biết qua những quy tắc cần thiết để viết một quyển tiểu thuyết
hay. về sách giúp cho ta có một quan niệm tổng quát về tiểu thuyết, các bạn nên
đọc những quyển sau đây: “Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh (1929), Khảo về
tiểu thuyết của Vũ Bằng (1951) và nhất là Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh
(1961).
Sách Pháp thì nên đọc Defense
des Letres của Georges Duhamel, Comment un Romancier fait ses Romas của Claude
Farrere (Conferencia số 12, 5/6/1927), Pour quoi et Comment on ecrit un Roman
của Andre Maurois (Conferencia số 3, 20/1/1932), Reflexions sur le Roman của
Albert Thibaudet (Gallimard).
Theo Georges Duhamel, trong
Defense des Lettes, thì thể văn tiểu thuyết tuy khác nhau nhiều, nhưng kể về
loại thì chỉ có 2 loại: một loại cốt làm cho ta quên cuộc đời đang sống của ta
đây, và một loại khác cố gắng soi sáng và làm cho đời sống trong thực tế của ta
trở nên có ý thức hơn. Hay nói một cách khác: Có hai loại tiểu thuyết, một loại
giúp ta trốn cuộc đời hiện tại và một loại giúp ta sống cuộc đời hiện tại bằng
cách nhìn thẳng vào thực trạng của nó.
Nhưng dù sao, dù tiểu
thuyết thuộc về loại tả chân, tả thực, cũng là “đặt ra một truyện khác với việc
thường của mỗi người, khiến cho người ta trong cái khoảng dài hay ngắn, cầm đến
quyển truyện trên tay, thoát ly được ra ngoài cái đời mình mà cùng với người
trong truyện hoặc vui hoặc buồn, hoặc sướng hoặc khổ, hoặc đi viễn du những nơi
xa lạ, hoặc ngồi hồi tưởng việc xa xưa. Tiểu thuyết hay, người đọc trong lúc
đọc tưởng như mình không phải là mình nữa mà là người trong truyện…” (Khảo về
Tiểu thuyết của Phạm Quỳnh).
Người ta sở dĩ khác muôn
vật là có tành không chịu an phận, không chịu mãn nguyện với hiện tại của mình,
bao giờ cũng đứng núi này trông núi nọ, tìm cách thoát ly cuộc đời bình thường
của ta đây để mà tưởng tượng một cuộc đời khác thú vị hơn, ly kỳ hơn, sung
sướng hơn. Vì vậy, đối với phần đông, tiểu thuyết là nguồn an ủi duy nhất để ta
có thể an phận mà vượt qua những đau khổ trắng trợn của cuộc đời đầy gió bụi và
ngang trái…Đó cũng là sứ mạng cao cả nhất của nó, một sứ mạng văn hoá nếu nó
đừng huyễn hoặc người đời đến lôi kéo họ vào cõi mộng và không còn biết phân
biệt đâu là Thực, đâu là Mộng nữa. Nó là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng sai lầm,
nó là một tai hoạ cho người đời không nhỏ.
2. Đọc sử
Đọc sử có ích gì cho sự đào
luyện óc phán đoán của ta chăng? Phần đông cho rằng sử là việc đã qua, sử là để
học những bài học của quá khứ.
Nói thế có đúng mà cũng có
sai.
Muốn cho sử học giúp ta
những tài liệu đã qua, để hiểu hiện tại và dự bị cho tương lai thì sử phải
trước hết được viết ra và thuật lại một cách đúng với sự thực đã xảy ra, nghĩa
là phải được thuật lại một cách khách quan. Nhưng làm gì viết sử được một cách
khách quan? Nhiều người còn rất hoài nghi chỗ đó. Tôi nhớ có đọc được một câu
chuyện mang máng như sau đây do nhà văn Anatole France thuật: Có một nhà bác
học quyết đem hết đời mình để viết lại một bộ sử tổng quát về nhân loại. Ông đã
tham khảo hầu hết sách vở từ cổ kim để soạn bộ sử ấy. Công việc gần xong, thì
ông đã già gần xuống lỗ. Ngày kia, vào một buổi sáng, ông đứng trên lầu cao,
trước cửa sổ, chứng kiến được một cuộc cãi lộn và ẩu đả ở phố trước từ đầu đến
cuối. Một hồi lâu, chị nấu bếp dọn ăn cho ông, vui miệng thuật lại câu chuyện
cãi lộn và ẩu đả ấy cho ông nghe. Nhưng ông lấy làm lạ tại sao những chi tiết
đều sai cả với những điều chính ông đã nghe thấy? Ông suy nghĩ và không bao giờ
ngờ đến lòng thành thực của chị nấu bếp vì ông biết chị ấy thực thà lắm. Ông
bèn xách gậy đi xuống đường phố…Khi ông vừa gặp bà giữ cửa, bà ấy thuật lại cho
ông nghe câu chuyện trên, hoàn toàn không giống với những điều ông nghe thấy,
lại cũng không giống với những điều nghe thấy của chị bếp nữa. Ông tò mò đi từ
đầu phố đến cuối phố…thì ông lại được nghe biết bao chi tiết ly kỳ hơn
nữa…không đúng với những sự nghe thấy của ông mà lại còn nghịch nhau lung tung.
Ông trở về …cảm thấy sự mỏng manh của chứng từ con người…Các chứng cứ do các sử
gia từ thế kỷ này đến thế kỷ kia để lại…ông cảm thấy cũng chỉ là những chứng cứ
không sao tin cậy được nữa…
Buồn chán, ông cho chồng sử
của ông đã viết vào lò lửa…
Hẳn các bạn cũng đã có xem
qua vở tuồng Rashomon của Nhật và các bạn cũng đã có dịp nghĩ qua sự mong manh
của những chứng cứ của con người.
Huống chi những cái mà
người gọi là những “bài học lịch sử” lại càng bắt ta nên thận trọng. Người ta
thường có thói dùng lịch sử để làm những bài học luân lý, chánh trị. Thực ra,
những sự kiện lịch sử thường chỉ có giá trị của những tài liệu lịch sử mà thôi
chứ tự nó không có ý nghĩa để dùng làm bài học.
Tôi xin đơn cử một tài liệu
lịch sử nầy về trận giặc Peloponese. Vào khoảng 431 trước tây lịch kỷ nguyên là
khởi đầu trận giặc Peloponese giữa hai địch quốc Athenes và Sparte. Vào năm 404
trước tây lịch kỷ nguyên thì Sparte thắng Athenes và bắt Athenes phải chịu nhận
một chánh phủ do ba mươi vị quan toà cai trị thường gọi là Ba mươi vị Độc tài
(Les Trente Tyrans) phần đông là người Sparte.
Tại sao là có sự kết cuộc
như thế, đem Sparte làm bá quyền Athenes? Là vì người xứ Athenes, nghệ sĩ,
thông minh nhưng không kỷ luật, rất ghét rất giai cấp và sống dưới chế độ dân
chủ và tự do. Trái lại, địch thủ của họ thì tuy không quan thiết gì đến văn
minh, nhưng biết lấy tánh khí làm căn bản, và sống dưới chế độ giai cấp, khắt
khe theo truyền thống theo kỷ luật khắt khe, biết đem uy quyền đặt trên những
nền tảng vững chắc và độc tài.
Dĩ nhiên, Sparte phải thắng
Athenes.
Đó là bài học của lịch sử.
Và người ta lại không để ý,
cũng chính lịch sử cho ta biết, chính Thrasybule lại lật đổ “Ba mươi vị Độc
tài” kia trong mấy tháng sau khi Athenes thất thủ, và hai mươi bốn năm sau,
Pélopides, người Thèbes đuổi quân Sparte ra khỏi thành nầy. Epaminondas, tám
năm qua, cũng là dân Thèbes, thắng dân Sparte trong trận Leuctres, và Mantinee
làm cho Sparte mất cả tên tuổi trên lịch sử ngày xưa. Ta nên nhớ rằng Thebes
lại là bạn đồng minh của Athenes.
Những anh học sinh ngoan
ngoãn đều biết rõ những sự kiện lịch sử ấy và đã học thuộc lòng nó để trả bài
cho giám khảo họ nhưng cũng luôn luôn không quên nhắc đến cái bài học lịch sử
trên đây về việc Sparte bá quyền Athenes. Ta thấy rằng ở đây lịch sử lại bị
lịch sử cải chính, nhưng rồi cũng không ai quan tâm đến, người ta chỉ lo nhớ cả
cái bài học lịch sử và luôn sự cải chính lại nó nữa, mới là mỉa mai!
Các bài học lịch sử khác
thì cũng một thế: phần nhiều đều có một tánh cách chung là dạy cho người ta đã
biết, nghĩa là không dạy thêm được việc gì cả.
Khi người ta đọc sử với cái
mộng tìm nơi đó một bài học, thì có khác nào người ta gặp phải tâm trạng của
một luật sư đang soạn bài biện trạng của ông ta. Ông luật sư ấy không làm việc
như một nhà khoa học đi tìm chân lý mà chỉ làm cái việc tìm những chứng minh
cho một định kiến sẵn có của anh ta. Những sự kiện lịch sử chỉ là những bằng cứ
để anh ta dùng chứng minh những ức đoán của anh ta: anh đã biết trước phải dùng
những sự kiện gì rồi. Thực ra, sự kiện không chứng minh gì cả (les faits ne prouvent
rien). Phần đông ngày nay người ta quá mê tín, quá tin tưởng nơi nó và cho rằng
tự nó có đủ uy quyền để bảo đảm sự thật. Người ta không để ý rằng: cũng thời
những sự kiện ấy, người ta lại có thể dùng mà giải thích rất hợp lý những lý
thuyết trái nghịch nhau như nhiều nhóm duy vật và duy tâm đã làm. Như vậy,
những sự kiện lịch sử tự nó không thể bảo đảm rằng nó là một chân lý bất di bất
dịch, giá trị của nó có cùng không là do sự giải thích của nhà viết sử mà thôi.
Muốn viết sử mà được liêm
khiết, nhà viết sử chỉ nên trình bày sự kiện lịch sử đủ mọi phương diện nhưng
đừng cố gắng rút ra một bài học lịch sử quá vội vàng.
“Lịch sử vị lịch sử” cũng
như “nghệ thuật vị nghệ thuật” là quan niệm rất cận thời. Ngày xưa lịch sử
trước tiên là do chánh trị mà ra, thường là công việc của những kẻ chuyên môn
ca tụng chánh thể, những kẻ nịnh thần, những nhà lập pháp, nghĩa là của những
kẻ phụng sự một chủ quyền nào. Đọc sử cần phải biết tránh sự xuyên tạc của nhà
viết sử.
Tóm lại, viết sử cho thật
đúng rất khó. Huống chi, nhân quá khứ để tìm một bài học cho tương lai, thiết
tưởng ta cũng cần phải hết sức thận trọng mơí được.
Ta nên tự hỏi: những bài
học của cuộc đời trong quá khứ có thể nào giúp ta để giải quyết được những vấn
đề rất phức tạp của thời buổi hiện tại nầy chăng? Thời cung tên dao kiếm, đánh
giặc thì theo lối địa phương có thể nào giúp ta hiểu được những biến cố hiện
tại của thời nguyên tử lực chăng? Nhiều người lại nghi ngờ rất có lý nhưng kết
luận trẻ con và ngây thơ của một phần đông các nhà viết sử đã vượt qua sứ mạng
khoa học của nhà kể chuyển để sang qua cái nghề triết luận và lý sự…
Có kẻ chủ trương rằng bỏ
qua những bài học của lịch sử thì có khác gì trong khi du lịch, từ chối không
chịu nghe lời khuyên của người dẫn đường: kẻ ấy sành đường hơn ta…Họ làm như
người ta luôn luôn có thể biết trước được những tai nạn sẽ xảy ra, họ làm như
không biết đến những bất ngờ của lịch sử, và hễ biết được việc trước tất sẽ
đoán được tương lai, dòng đời sẽ luôn luôn chảy xuôi mà không bao giờ chảy
ngược…Họ tin tưởng một cách quá thật thà rằng “những nguyên nhân giống nhau sẽ
tạo ra những hậu quả giống nhau”. Tương lai đâu phải là quá khứ diễn lại.
Phải coi chừng, trong cuộc
cờ người ta đâu phải chỉ chơi mãi một nước cờ mà thôi đâu. Lắm khi ta có thể
nói theo Andre Gide rằng: “Lịch sử để lại cho ta nhiều bài học có hại hơn là có
lợi. Nó tạo cho ta nhiều ảo vọng sai lầm..rất đáng nguy hiểm”. Chính vì quá tin
nơi những bài học của trận giặc vừa qua mà phần đông có lắm bộ tham mưu phải
chiụ thất bại nặng nề trước những chiến thuật tối tân của quân địch.
Andre Gide cho rằng: “Bài
học của lịch sử nếu có thể nói là một bài học, là nó dạy cho ta biết rằng quá
khứ không thể dùng để soi sáng tương lai, và muốn đối phó với những biến cố
hiện tại và mới mẻ, thà có một đầu óc không quan thiết gì đến quá khứ còn hơn
là có một đầu óc quá bị mù loà vì những ánh sáng giả tạo của quá khứ”.
Thật là câu nói đáng cho ta
suy nghĩ mà dè dặt và hoài nghi, một thứ “hoài nghi triết học” theo Descartes.
Với những “dè dặt” trước
đây, thì đọc sử mới có bổ ích mà không sợ bị di hại.
Nhưng học sử cần nhất là
học phương pháp viết sử và phương pháp học sử. Hai phương pháp ấy đều quy về
một mối: phương pháp phê bình sử học. Muốn đọc sử mà không sành phương pháp phê
bình sử học, rất nguy hiểm. Thật vậy, muốn cho hành động ta khỏi phải có sự sai
lầm hay thất bại, cần phải thấy đặng sự thật trong những việc xảy ra chung
quanh ta hằng ngày.
Vậy phải làm thế nào để
nhận thấy được sự thật? Có hai cách: tự mình tai nghe mắt thấy, hoặc nghe hay
đọc lại những gì kẻ khác đã nghe đã thấy.
Nhưng đối với mắt thấy tai
nghe, chắc gì ta đã nghe thấy đúng y như sự thật đã xảy ra, hay ta chỉ thấy
nghe những gì ta muốn thấy muốn nghe và mong ước đó phải xảy ra như thế nào? Vì
quyền lợi, vì tư dục, vì thành kiến…ta đã nghe thấy sai cả với sự thật. Ta hãy
để ý nghe câu chuyện cãi vã của hai người, ta sẽ nhận thấy rõ điều ấy: mỗi
người mỗi nghe theo ý riêng của mình, chứ không ai chịu nghe những gì họ không
muốn nghe.
Huống chi sự thấy nghe ấy
lại do kẻ khác thuật lại hay biên chép lại, thì quả quyết ta cần phải hết sức
thận trọng và hoài nghi trước khi tin nó.
Những nguyên nhâ xui giục
người ta mang đến cho mình những tin tức sai lầm thật rất nhiều. Vả, cũng như
ai, ai lại là người không đeo theo mình một quyền lợi, một thành kiến hay một
tư dục…Lẽ cố nhiên sự nghe thấy của họ khó có thể khách quan được và không nên
tin họ bằng lời mà phải biết xem xét và phê bình cẩn thận lại. Muốn có được một
bộ óc phê bình cho đúng đắn, theo tôi, không còn phương pháp nào hay bằng dùng
đến phương pháp phê bình sử học
Phương pháp phê bình sử
học,(xem lại quyển Thuật Tư Tưởng) không phải chỉ dùng vào việc sưu tầm tài
liệu về viết lịch sử mà thôi, nó lại còn giúp cho ta phê bình tất cả những điều
ta nghe hay đọc, do báo chí, sách vở hoặc những lời đồn đãi của dư luận đem lại
cho ta hằng ngày.
Vậy, trước một câu chuyện
nào bất luận, ta phải tự hỏi:
- Ai thuật lại chuyện đó?
- Người thuật lại chuyện đó
có thuật lại rõ ràng câu chuyện của họ thuật chăng?
- Người đó có thể tin cậy
được chăng?
- Người đó có phải là người
hay quả quyết suông những chuyện vu vơ, và họ làm thế là để thích ra mặt sành
chuyện hơn người không?
- Người ấy có quyền lợi gì
để dối mình hay dối người chăng?
Tánh tự nhiên của con người
là hay tin những điều kẻ khác thuật lại. Vậy chớ ta không thấy, hằng ngày, bất
kỳ là chuyện gì của ai thuật lại, ta sẵn sàng tin theo một cách dễ dàng, không
đòi hỏi một bằng cứ nào cả hay sao? Trừ ra khi nào tin tức ấy quan hệ đến
nhiều, ta mới chịu để ý đến mà phê bình, mà gạn lọc…bằng không, nếu câu chuyện
ấy không đến ngớ ngẩn hay phi thường thì ta nhận nó ngay, lại còn đem nó mà
thuật lại cho kẻ khác nghe và có khi lại còn tô điểm thêm cho nó có duyên hơn
là khác nữa. Bất cứ ai thành thật với mình đều phải công nhận rằng mình thường
có tánh hay lười biếng cẩu thả như thế. Bởi vậy óc phê bình không phải là tánh
tự nhiên của con người, mà cần phải tập luyện cho nó lâu ngày mới thành thói
quen được.
Những sự vật trên đời mà
chính tai ta nghe, mắt ta thấy rất ít. Hầu hết những điều ta hay biết đều do kẻ
khác đem lại cho ta: hoặc nhân nói chuyện mà biết, hoặc do đọc sách, đoc báo
hay nghe đài phát thanh mà biết. Những điều mà kẻ khác mang lại cho ta, sử gia
gọi chung là chứng cứ. Chứng cứ thật rất quan trọng trong đời sống của ta không
phải nhỏ, vì không có nó, ta không thể biết được những điều gì đã quan. Vị lại
thời chưa có thể biết được, người ta cần phải căn cứ nơi hiện tại mới có thể độ
mà hiểu trước được. Nhưng hiện tại làm sao hiểu được, nếu không đem so sánh với
những gì đã qua. Người ta bảo: Quá khứ là nguồn gốc của sự hiểu biết của con
người.
Nhưng, những chứng cứ ấy có
nên tin cả không? Và phải làm sao biết nó có thể tin đặng? Đó là vấn đề quan
trọng mà phương pháp phê bình sử học giải quyết cho ta vậy.
Phần đông ai ai cũng tin
rằng: một người kia, nếu không có lợi riêng gì để gạt gẫm ta, ắt không bao giờ
họ nói dối với ta làm chi cả. Nghĩ thế là không đúng. Thường thường những điều
họ nói với ta nếu đúng cả trăm phần trăm, thì có lẽ đó là một điều may mắn bất
ngờ. Như ta đã thường thấy xảy ra hằng ngày có lắm chứng cứ không đúng với sự
thật đã gây ra không biết bao tai hoạ. Một chứng cứ sai lầm đủ làm cho người
lương thiện hàm oan trong ngục thất. Nếu phải kể ra những vụ “sai lầm của công
lý” thì không biết phải bao nhiêu quyển sách mới nói ra hết được.
Ngay trong đời sống hằng
ngày của ta đây, cả danh dự và hạnh phúc ta, có thể do một chứng cứ sai lầm mà
tiêu tan như giá rữa. Nguy hiểm nhất là có những lời vu báng tồi tệ nhất lại do
những kẻ thành thực nhất đưa ra. Họ không phải vì ác tâm mà hại ta, nhưng vì họ
thấy sai hoặc nghe kẻ khác thuật sai mà vội tin và lặp lại với kẻ khác. Chúng
ta cần phải để ý đến sự mỏng manh của chứng cứ mà không bao giờ vội tin liền.
Hãy biết thận trọng phê bình trước khi tạm thời chấp nhận nó.
Ta nên biết rằng trí não ta
bị luật tư lợi chi phối, chỉ thấy và nghe cùng nhớ được có những gì quan thiết
ích lợi đến ta mà thôi, ngoài ra đều bị để qua một bên cả, nghĩa là ta sẽ không
thấy gì khác hơn những gì ta cần muốn thấy. Giữa một sự vật ở ngoài với cái tâm
nhận thức của ta ở trong, có một khoảng cách xa hoặc nhiều hoặc ít, không thế
nào không có được. Ta thử thí nghiệm như vầy thì rõ: để trên bàn một mớ đồ
thường dùng như cây viết mực, cây viết mực, cây viết chì, một cái khoá, một cái
ly…và trong mớ đồ đó ta có thể thêm vào một cái ghết nhỏ (đồ chơi con trẻ) mà
thiếu một chân. Ta bảo một người nào quan sát kỹ các vật ấy. Ta cho họ một thời
gian vừa ngó qua đủ món. Rồi bắt họ tả lại các vật họ vừa thấy, ta sẽ thấy họ
tả lộn xộn cả. Cây viết chì có khía, họ cho là tròn; cái ly tròn, họ cho là có
khía. Nhiều món họ lại kể thiếu, có khi có cái thiếu họ lại kể thêm. Nếu hỏi
cáu ghế nhỏ có mấy chân, họ sẽ nói có bốn, trong khi sự thật chỉ có ba. Họ
không quen quan sát, nhứt là họ không biết cách quan sát. Mà phần đông con
người là thế. Ta không nên quá tin cậy nơi trí nhớ của ta. Lại nữa, ta cũng cần
để ý đến điều quan trọng nầy: Ta chỉ có thể thấy được những gì ta đã biết thôi.
Những y sĩ quen với cách sắc bệnh nhân, hễ nhìn ai là họ đã nhận thấy kẻ ấy đau
bệnh gì rồi mà chính người ấy soi mặt hằng ngày không thấy biết gì cả.
Do đó ta nên để ý hai điều
nầy:
a. Trước một sự vật, chỗ
nghe thấy của ta không bao giờ đầy đủ đặng. Có nhiều việc và chi tiết ta không
thể nghe thấy đặng, mặc dù ta đã để cả hai mắt mà nhìn, hai tai mà nghe.
b. Sự nguỵ tạo của trí nhớ
rất là tai hại. Thường ta hay thêm vào những gì ta không nhớ để cho sự nhớ được
đầy đủ. Chính đó là cách nhận lầm cái bóng đen là kẻ trộm, sợi dây thừng là con
rắn. Thấy trong bóng tối mập mờ một sợi dây thừng, và bởi thấy không rõ, ta bèn
dùng trí tưởng tượng mà thêm vào và cho đó là con rắn.
Chứng cứ sai không phải
luôn luôn do sự thiếu trí nhớ. Thường lại do nơi sự nhận thức sai lầm. Chính
ngay vào lúc ta nhận thức sự vật, đã bắt đầu có sự thay đổi dạng rồi. Ở đây, ta
lại đi vào cái giới bao la của “tình cảm”. Ta thấy sự vật, thường ít khi nào y
như nó có thật mà thường thường là theo cái chiều của ý muốn của ta ao ước nó
phải xảy ra như thế nào. Dục vọng, yêu ghét, óc phe đảng, tư lợi…làm cho ta
giải thích sai lầm tất cả những điều ta nghe thấy. Không cần phải nói ra, cái
kết quả tai hại của những chuyện hiểu lầm rất đáng tiếc thường xảy ra giữa
người và người, hoặc giữa dân tộc khác nhau, rất là chan nhản, không ai không
thấy.
Tai hại hơn hết, là những
kẻ đem lại cho ta những chứng cứ sai ngoa ấy, lại là những kẻ hết sức thành
thật. Họ không có chút lòng dối trá gì cả, vì chính họ tin thật những điều họ
đã thuật lại cho mình kia là đúng cả trăm phần trăm. Họ tin như thế, nên họ mới
quả quyết như vậy. Đó mới thật là nguy hiểm. Bởi vậy, đối với những kẻ tố cáo,
thuật lại hay biên ra, ta phải hết sức thận trọng dè dặt cho lắm mới đặng. Bất
cứ là chứng cứ nào, hãy phê bình nó rồi sẽ tin sau. Phải coi chừng sự dối trá
của con người, nhứt là những nguyên nhân sai lầm về tâm lý mà người thường vô
tâm sa vào như ta đã thấy ở trên.
Ta nên để ý điều nầy: Những
kẻ có ý gạt gẫm mình thì ít, mà những kẻ vô tâm gạt mình thì rất nhiều. Vì vậy,
những chứng cứ thành thực rất dễ tìm hơn những chứng cứ xác thực.
Giờ đây xin bàn qua phương
pháp phê bình sử học:
Chương 5 (tt)
A. PHÊ BÌNH NGOẠI BỘ
1. Trước hết, nhà làm sử
hay viết sử phải để ý đến sự tìm tài liệu cho đầy đủ. Tài liệu mà thiếu sót thì
không thể nào có cơ sở để phê bình được. Tìm tài liệu là để tìm ra thực sự.
Thực sự là gì? Là những sự
có thực xảy ra. Đó là lấy theo nghĩa hẹp và cụ thể của nó. Còn lấy theo nghĩa
rộng và trừu tượng của nó thì thực sự cũng dùng để chỉ một ý tưởng, một trạng
thái của tâm ý hay một ý kiến.
Nếu lấy theo cái nghĩa hẹp
của nó, thì ta phải để ý kỹ điều nầy: có tài liệu, chưa ắt ta đã nắm ngay được
thực sự. Như ta đã thấy, tài liệu là những hình ảnh sai lầm của thực sự. Những
chứng cứ của kẻ khác mang lại cho ta đâu phải là luôn luôn đúng với sự thực
trăm phần trăm. Trái lại, có khi nó chỉ là những phán đoán hay phỏng đoán của
kẻ khác, trong đó đã pha phách ít nhiều dục vọng ưa ghét rồi. Thật vậy, những
điều kẻ khác mang lại cho ta toàn là những điều mà họ muốn cho ta thấy như họ.
Nếu họ ưa thì họ sẽ thêm thắt hoặc xới bớt câu chuyện, sắp đặt cách nào mà cho
câu chuyện trở nên dễ ghét.
Bởi vậy, ta phải phân biệt
cẩn thận cái nào là “thực sự”, cái nào là “phán đoán” hay “phỏng đoán” và cố
nhiên là phải dùng “thực sự” làm tài liệu và chứng cứ mà thôi. Những cái sau
thì nếu muốn dùng, cần phải lo tẩy sạch cái màu chủ quan của nó đi, để tìm lại
cái thực diện của nó, nghĩa là phải phê bình nó một cách không thiên lệch mới
đặng.
Ứng dụng phương pháp nầy,
tưởng không gì hay bằng đem năm, bảy tờ báo khác đảng chính trị với nhau nhưng
cùng thuật lại một việc mà so sánh…Ta hãy so sánh lại những điều các báo ấy
thuật lại, phân tích ra từng bộ phận như sau đây:
a. những chỗ dị đồng, thuộc
về “thực sự”;
b. những cách thuật lại
khác nhau, vì chánh kiến, vì dục vọng biến thiên thể cách;
c. những phỏng đoán rặt
ròng là phỏng đoán thôi, chứ không dính dấp gì đến thực sự cả.
Bên Anh trong những trường
bình dân cao đẳng, có những lớp học gọi là “lớp báo chí”. Ở đó diễn viên mỗi
tuần gom góp lại tất cả báo chí trong nước, nghiên cứu và đem ra diễn giải cho
học sinh thấy những chỗ dị đồng về thực sự, phân tích những chỗ khác nhau về cách
trình bầy và giải thích những tin tức của các báo,và tìm cắt nghĩa lý do của
những sự sai biệt ấy. Thật rất bổ ích cho óc phê bình không biết chừng nào.
2. Tìm được tài liệu rồi,
hãy phê bình về lai lịch của nó.
Phê bình lai lịch của nó,
phải hỏi coi:
- nó ở đâu mà đến?
- nó xảy ra hồi nào?
- ai thuật nó lại đó?
Phê bình lai lịch của sử
liệu là cốt kiểm soát lại sự chính xác của nó, bởi thường có rất nhiều tài liệu
hoàn toàn giả, do bọn con buôn giả mạo để bán cho những nhà hiếu cổ. Cũng có
nhiều câu chuyện người trước tạo ra, truyền tụng lại một cách quả quyết như
việc có thật. Ta phải thận trọng những thứ nguỵ tạo ấy.
3. Ta lại cũng phải biết
“phục hồi” lại nguyên văn hay nguyên thể những tài liệu mình đang nghiên cứu
nữa.
Có nhiều tài liệu truy ra,
thấy tuy thật là món tài liệu chính xác rồi, nhưng trong đó có nhiều chỗ hoặc
nhiều chữ, nhiều câu hoặc nhiều đoạn văn bị kẻ khác thêm vào (sách xưa thường
bị sự thêm thắt ấy, vì người chéo sách hay thêm ý riêng của mình vào), hoặc vì
kẻ sau cho là nói không hết ý nên tự tiện viết tiếp theo mà thành ra “tam sao
thất bổn”. Lại nữa cũng có khi quyển sách bị ấn công sấp làm sai cả nguyên văn,
vậy ta phải để ý tìm cách phục hồi lại nguyên văn mới đặng.
B. PHÊ BÌNH NỘI BỘ
Biết đặng lai lịch và phục
hồi lại được nguyên thể hay nguyên văn của sử liệu rồi, đó cũng mới chỉ là công
việc phê bình ở ngoại bộ mà thôi. Muốn cho sự phê bình được đầy đủ hơn, phải đi
sâu vào nội bộ nó mà phê bình.
Phê bình một chứng cứ, theo
cái nghĩa rộng và hẹp của nó, cần phải phân ra làm hai giai đoạn:
1. giải thích nó;
2. tìm sự thành thực và
đích xác của nó.
I. Giải thích tài liệu
Trước hết, phải tìm coi tác
giả muốn nói gì?
Đây là lời phê bình, để tìm
lại cái nghĩa chánh của một văn bản, từ cái toàn thể đến từng chi tiết của nó.
Nếu tư tưởng của tác giả trong sáng, văn chương của tác giả rõ ràng thì có gì
là khó khăn. Nhưng sự thực thì đâu phải luôn luôn gặp được như thế mãi. Phải
coi chừng: nhiều khi tác giả (thuộc về thế hệ trước) dùng một thứ tiếng như ta,
nhưng thưcj ra để chỉ một nghĩa khác hơn ta đang hiểu và đang dùng bây giờ. Đọc
cổ văn thường gặp những khó khăn nầy. Bởi vậy, có nhiều nhà nghiên cứu họ gán
cho cổ nhân nhiều tư tưởng tân thời mà tự cổ nhân không bao giờ nghĩ đến.
Có khi tác giả lại viết một
lối văn tư riêng của họ, nhất là những nhà tư tưởng triết học. Vây ta phải biết
cho thật rõ cái định nghĩa riêng của văn tự ấy. Tỉ như đọc sách của Montaigne
mà thiếu bản tự vị về những danh từ dùng riêng của ông và ở thế hệ ông, thì
không tài nào hiểu nổi ông. Đọc sách Lão, Trang mà cứ hiểu theo cái nghĩa văn
tự bây giờ thì hiểu sai đến vạn dặm.
Chẳng những văn tự khá, mà
cả đến văn pháp cũng khác nữa. Tìm lại được cái nguyên nghĩa của bài văn xưa dễ
đúng gì.
Có khi tác giả lại dùng một
lối văn “ẩn dụ” hay “bóng dáng”, hoặc “mỉa mai” hay “hài hước”. Nếu vô tình, ta
lại tưởng đó là lời nói thật, thì lại càng bị sai lầm biết mấy.
Seignobos và Langlois nói:
“Cái khuynh hướng tự nhiên, dù là những nhà viết văn làm việc theo phương pháp
cung vậy, khi đọc một bản văn nào là cốt tìm ngay tài liệu để tham khảo, chứ
không chịu tìm hiểu coi ý tác giả nói gì trong đó. Lối làm việc có thể được đối
với những tài liệu thuộc về thế kỷ thứ 19, do những kẻ cùng lối tư tưởng cùng
một lối ngôn ngữ như ta. Trái lại, nếu gặp phải những lối văn chương tư tưởng
không cùng thời với ta nữa, hoặc cái nghĩa của bài văn không được rõ ràng và
không thể dị nghị được nữa thì thật là nguy hiểm. Kẻ nào đọc văn mà không lo
tìm hiểu tác giả, cố nhiên là đọc nó theo cảm tưởng của mình; trong (bài văn
dùng làm) tài liệu kia, họ chỉ để ý đến những câu hoặc những chữ nào thích ứng
với quan niệm riêng của họ, hoặc hợp với ý kiến của họ đã có sẵn trước đối với
sự vật, họ trích riêng ra những câu hoặc những chữ ấy mà họ đâu có dè, để làm
thành một bản văn riêng theo trí tưởng tượng của họ và đem bản văn ấy mà thay
vào bản chánh của tác giả”.
Nhà viết sử phải tự lập cho
mình một quy luật nầy: “Phải tìm hiểu bài văn theo cái chân nghĩa của nó trước
hết, rồi sau sẽ tự hỏi: nó có thể dùng được chỗ nào để làm tài liệu”. (17)
Vậy, ta có thể tóm lại
trong một câu, quy tắc trọng yếu nầy của phép làm sử: “Một câu văn, nghĩa nó
thay đổi, chẳng những tuỳ theo thời đại và tuỳ theo vị trí của đoạn văn ấy
trong bài; ta chớ bao giờ tách một câu ra ngoài cái văn mạch của nó, nghĩa là
ngoài cái bài mà nó chỉ là một câu hay một đoạn trích ra; và nếu giải thích,
phải giải thích nó theo cái ý chánh và tổng quan bao trùm bài văn” (.17)
Thật vậy, trong một bài
văn, luôn luôn tư tưởng nầy cùng với tư tưởng kia liên quan mật thiết nhau, nếu
chỉ “tách” ra một đoạn hay một câu, thì tư tưởng chung của toàn bài văn, có khi
có những nghĩa trái nghịch với tư tưởng chung của toàn bài cũng không chừng.
Thường những nhà phê bình mà có ác ý, hoặc những người bút chiến, họ thích
“chặt khúc” hoặc “trích” rời một đoạn văn trong một bài, một câu văn trong một
đoạn, hoặc một chữ trong một câu, để thay đổi cái chánh nghĩa của nó đi và cố
bắt bên địch phải nói những điều mà kẻ ấy không bao giờ có nói…”Cái thủ đoạn thô
bỉ và vô liêm sỉ ấy rất được phần đông công chúng vô học thức hoan nghênh và
tín nhiệm lắm, nhưng nó chỉ là một sự khiếp nhược mà thôi. Nhà phê bình thường
cũng có thể vô tình sa vào cái lầm nầy nếu họ không chịu để ý đến văn mạch”.(4)
Trích sai hay trích thiếu
một nguyên văn là không nên, huống hồ lại trích những đoạn văn trích của kẻ
khác đã trích thì lại càng không nen nữa. Phải đọc ngay nguyên văn, do tay đầu
tiên viết ra. Không nên bao giờ căn cứ nơi những sách do tay thứ hai chép lại.
Những đoạn văn hoặc những câu văn của họ trích ra, ta cần phải xét xem lại thận
trong, không nên lấy đó dùng làm tài liệu: biết đâu họ không trích thiếu hay
trích sai? Vậy, nếu muốn dùng nó, ta hãy đọ lại với chánh văn mà kiểm soát lại.
Đọc sách nghiên cứu không nên trọn tin nơi những câu chứng dẫn của họ, trái
lại, phải luôn luôn dò lại chánh văn. Bởi vậy, những nhà khảo cứu khi chứng dẫn
cần phải chua xuất xứ mới đúng phép.
Nếu ta chỉ muốn biết tư
tưởng của tác giả mà thôi thì công việc tìm hiểu bản ý của họ như thế là đủ
rồi. Nhưng, nhiều khi chủ ý lại muốn tìm coi cái việc họ nói đó có thật không?
Cho nên, chỉ giải thích nó mà thôi chưa đủ, cần phải phê bình thêm một bước nữa
để tìm sự thành thực của tác giả và sự đích xác của tài liệu.
2. Tìm sự thành thực của
tác giả.
Tác giả có thành thực
không? Muốn trả lời câu hỏi nầy, ta hãy xét qua những nguyên nhân tâm lý đã
khiến tác giả nói sai với sự thật:
a. Tác giả có phần vì tư
lợi mà nói dối không? Quyền lợi họ buộc họ phải nói như thế vì nếu nói khác đi,
họ sẽ bị thiệt. Hoặc vì địa vị họ cần phải giữ gìn. (Ở đây, các công văn, sử
sách của nhà nước thường hay sa vào cái tệ ấy). Hoặc vì lý tưởng, vì tự kiêu mà
họ buộc lòng bỏ qua hay thêm bớt sự thật đi, để đừng chạm đến tín ngưỡng và
danh dự riêng của học?
b. Tác giả có phải vì hoàn
cảnh buộc lòng phải nói không đúng với sự thật để mưu sự an thân không? Những
nhà văn ở các triều đại xưa, đâu có dám nói ngay sự thật, họ phải quanh co úp
mở…Những nhà văn ở các nước độc tài, sống trong những chế độ văn hoá chỉ
huy…cũng một thế.
c. Tác giả có những ưa ghét
riêng, đối với một người nào hay một nhóm người nào?
d. Tác giả có phải vì muốn
mỵ chúng nghĩa là chiều theo thị dục của quần chúng, hoặc vì muốn tránh sự đụng
chạm hay xung đột với lòng tín ngưỡng của quần chúng mà nói sai với sự thật
không?
e. Tác giả có phải vì thiên
về một chủ nghĩa nào, thiên về một đảng phái chính trị hay tôn giáo nào, thiên
về xứ sở quê hương mình, thiên về giai cấp xã hội mình mà nói sai với sự thật
không?
f. Hoặc tác giả có phải vì
quyền lợi chung của một hội đảng nào mà chính mình là phần tử quan trọng. Dĩ
nhiên vì quyền lợi chung của hội hay đảng, tác giả buộc phải làm thinh hoặc
không được nói ngay sự thật nào có hại cho hội hay đảng.
g. Tác giả có phải vì hiếu
danh mà xướng xuất ra những điều không đúng với sự thật không?
h. Tác giả có phải vì
chuộng mỹ thuật văn chương hơn sự thật, muốn cho câu chuyện được ly kỳ đẹp
đẽ…mà thành ra nói không đúng với sự thật không?
Phần đông con người có tánh
hay thuật lại một câu chuyện không phải y như nó đã xảy ra, mà là theo cái ý
tưởng tượng muốn cho nó phải xảy ra như thế nào…Phần nhiều, những “tiếng nói
lịch sử” là do toàn trí tưởng tượng của nhà viết sử tạo ra. Họ tiểu thuyết hoá
hay thi vị hoá cả mọi sự mọi việc của họ nghe thấy.
3. Tìm sự đích xác của
chứng cứ.
a. Chỉ tìm sự thành thực
của tác giả mà thôi, không đủ. Vì người thành thực chưa đủ bảo đảm điều họ nói
là đúng với sự thật: họ vẫn bị sai lầm như mọi người.
Vậy tìm sự thành thực của
tác giả rồi, cần phải tìm coi điều họ nói có đúng với sự thật không? Tác giả
rất có thể là người thành thực lắm, nhưng bị ở vào một trường hợp không thuận
tiện cho sự quan sát nên sự nghe thật sai đi.
Bất kỳ ai đều không bao giờ
chịu tin những lời nói của người điên. Là vì những điều họ nói đều do ảo giác
mà ra, không sao có thể dùng làm bằng cứ được. Nhưng nếu không nên tin nơi ảo
giác của người điên thì mình cũng phải coi chừng những “thành kiến” và “ảo
tưởng” vì đó là những cái mà nhà triết học gọi là “bán ảo giác”.
Chúng ta thường xem sự vật
trong đời theo lòng sở nguyện của ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào, hoặc,
theo như ta quen thấy nó đã xảy ra. Nếu trái lại, nó xảy ra không chiều theo ý
muốn của ta thì ta lại cưỡng ép nó chiều theo ta, nghĩa là ta sẽ giải thích nó
theo thành kiến của ta. Hoặc nếu nó xảy không giống với những điều ta quen thấy
thì ta cũng cố cưỡng giải thích nó theo những điều ta đã quen thấy, chứ không
chịu thoát khỏi cái tâm lý eo hẹp của ta, để mà độ hiểu hành vi của kẻ khác.
Bởi vậy, những câu chuyện của những nhà du lịch kể lại thường không bao giờ
đúng với sự thật, hoặc vì, họ gặp phải tâm lý các dân tộc không giống với tâm
lý họ, nên họ không thể hiểu được.
Tác giả sai lầm vì thấy
sai, nghe sai, hoặc nhớ sai…vì quan sát không đúng, nhận thấy sự vật theo thành
kiến của mình, và tưởng rằng mình nhớ trong khi mình chỉ có tưởng tượng thôi.
Tuy theo việc, nếu người
thuật lại một câu chuyện mà mình biết chắc rằng người ấy là người chuyên môn và
sành chuyện thì lẽ cố nhiên mình có thể tin người đó hơn. Tỉ như, nếu là một y
sĩ mà thuật lại về việc bệnh hoạn, tự nhiên mình tin họ hơn tin một kẻ “tay
ngang”. Vì chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể thấy rành được những chi tiết
trong món chuyên môn của mình, chứ những kẻ không biết gì cả trong đó, dù họ có
mở trao tráo đôi mắt, cũng không làm gì thấy trong đó có những gì cho đúng
được. Bởi vậy, sở dĩ tác giả thành thực nhưng lời họ thuật không đúng với sự
thực là tại câu chuyện của họ thuật lại ở ngoài cái tầm hiểu biết của họ. Các y
sĩ xem bệnh có bao giờ chịu tin theo những lời khai bệnh của bệnh nhân hay của
người nhà người bệnh đâu. Là vì họ biết rằng những người ấy có hiểu gì được về
bệnh chứng mà thấy rõ được nó như thế nào.
b. Những tài liệu, nếu
không phải là những tài liệu “sốt dẻo” chép lại liền sau khi quan sát hay mục
kích, mà chép lại sau một thời gian lâu, tất nhiên phải thận trọng. Ta nên biết
rằng: trí nhớ của ta không sao tin cậy được, dù mình nhớ dai đến bực nào. Những
thiên hồi ký trong đó tác giả thuật lại những việc làm lúc nhỏ, không thể trọn
tin được. Đó là chưa kể cái lòng tự đắc, thiên vị của tác giả thường có thói
“che cái dở, đỡ cái hay” của mình.
c. Tác giả vì phận sự của
nghề nghiệp buộc phải biên chép những điều không quan hệ gì đến mình cả. Hoặc
như trả lời cho một bản điều tra của nhà chức trách, hoặc làm phóng viên cho
nhà báo, tác giả chỉ biên lại những lời nói của kẻ khác mà tác giả đã nghe
“lỏm” đó đây chứ không phải tự mình quan sát.
Nếu là một anh thuộc viên
thuật lại cho ta nghe câu chuyện trong một hội nghị cơ mật thì anh ấy làm gì
thuật lại đúng với sự thật ? Chẳng qua anh ấy nghe lóm một vài mẩu của câu
chuyện rồi thì chỗ nào thiếu sót, anh dùng trí tưởng tượng mà bổ khuyết vào cho
câu chuyện có đầu đuôi. Đó là anh nhận lầm sự giải thích của anh làm thực sự,
thành ra trong câu chuyện của anh, ta không biết chỗ nào là thực sự, chỗ nào là
câu chuyện tưởng tượng.
Thường những việc xảy ra
trước mắt ta, dễ nhận thấy hơn là những việc xảy ra trong tâm giới. Cho nên,
mỗi khi có người quả quyết một việc thuộc về tâm lý… ta phải biết cho đó chỉ là
một ức đoán chứ không phải là một thực sự. Ở trong trường hợp nầy ta phải tự
hỏi: người ấy có đủ điều kiện cần thiết để ức đoán như thế không ? Người ấy có
biết cách áp dụng những điều kiện cần thiết ấy để quyết đoán đúng đắn không?
Có người thuật lại cho ta
nghe một việc, nhưng là một việc do kẻ khác thuật lại cho họ : đó là thứ tài
liệu của một kẻ thứ hai, hoặc của một kẻ thứ ba hay thứ tư thuật lại cũng không
chừng. Từ “tài liệu do tay đầu tiên” thuật lại cho ta hôm nay đã trải qua không
biết bao nhiêu lần nghe đi nói lại, thì sự sai lạc lại càng to tát là chừng
nào.
Lại nữa, những câu chuyện
xưa khởi đầu bằng câu: “Xưa kia, có tích rằng…” hay “Có kẻ nói rằng…” đều là
không thể tin là thực sự được. Những câu chuyện do thiên hạ đồn, nhưng không
biết đích xác là của ai, đều là những câu chuyện không nên tin vội…
*
* *
4. – So sánh tài liệu
Như ta đã thấy, nguyên nhân
sai lầm rất nhiều, nên đối với một việc xảy ra mà chỉ có một người chứng thì
chứng cứ ấy không đáng kể. Muốn biết sự thực, cần phải có chứng cứ của nhiều
người để so sánh mới có thể tin được.
Nhưng các chứng cứ cần phải
được khác nhau, chứ nếu người nầy chỉ chép lại chuyện người kia thì không thể
gọi đó là hai chứng cứ, mà phải kể là có một thôi. Dù có cả trăm người thuật
lại, cũng chỉ nên kể là có một chứng cứ thôi.
Tóm lại, nếu hai chứng cứ
mà giống hệt nhau, ta không quyền xem đó như có hai chứng cứ. Thật vậy, dù hai
người cùng đứng trước một việc, khi thuật lại họ sẽ không bao giờ thuật lại
giống nhau từng chi tiết. Trước tòa nếu có hai người chứng thuật lại một câu
chuyện giống nhau từng chi tiết, từng lời ăn tiếng nói như trả một bài học
thuộc lòng, quan tòa dĩ nhiên sẽ không thể không nghi ngờ rằng đây là một sự a
ý của người chứng. Vậy ta có thể kết luận rằng : Những tài liệu so sánh với
nhau, được nhận là đúng nhau khi nào nó giống tương tự nhau thôi, chứ không
giống như khuôn.
Tuy nhiên, lắm khi ta cũng
gặp được nhiều chứng cứ giống hệt nhau về một việc. Đó là điều may mắn lạ
thường. Nhưng ta cũng phải thận trọng : con người mà chum nhum cho thật đông
thường hay bị ảo giác chung mà đồng thấy giống nhau nhưng sai với sự thật. Ảo
giác ấy có thể do ám thị của một người thấy sai đầu tiên, rồi thì càng đông
người sự truyền nhiễm tư tưởng và cảm giác càng mạnh, người ta bị sai sử theo
một ám thị sai lầm không dè.
Trái lại, nếu nhiều người
không cùng một phái đảng, không cùng một lý tưởng… lại đồng thanh chứng nhận
một việc thì dĩ nhiên việc đó rất đáng tin hơn hết, vì vô lý cả thiên hạ một
thế hệ đều a ý để lừa gạt mình.
*
* *
Muốn biết một việc là có
thật không, người ta hay lấy những sự hiểu biết hiện thời để đối chiếu. Nếu là
một việc quả quyết là có thật, nhưng trái với lẽ thường, trái với khoa học thì
ta cũng không nên tin liều là có được.
Tuy vậy, ở đời cũng có
không biết bao nhiêu chuyện có thật mà rất vô lý, lại cũng có không biết bao
nhiêu chuyện rất hợp lý lại không có thật. Khoa học chưa phải đã đạt đến mục
đích cuối cùng của nó : nó còn đang dò dẫm, tìm kiếm bơi móc những huyền vi của
tạo hóa. Cho nên, biết đâu theo quan niệm hiện thời của khoa học, chuyện ấy là
vô lý mà vài ba chục năm sau nầy, chứ đừng nói nửa thế kỷ sau nầy, khoa học
tiến bộ sẽ lại cho đó là hợp lý. Cách vài trăm năm nay nói đến những luồng điện
giết người cách ngoài ngàn dặm người ta sẽ cho là vô lý, mà ngày nay chuyện ấy
đâu còn là vô lý nữa. Ta lại cũng nên để ý câu nầy của Diêm thiết Luận : “Vì
không trông thấy mà cứ không tin thì cũng như con ve sầu không biết tuyết”.
Nhà làm sử cũng như nhà phê
bình, thường cho những điều gì hạp với lý thuyết mình, hạp với điều mình ưa
thích là có thể đặng mà thôi, trái lại là không thể có, vì mình không muốn cho
nó có, mặc dù nó có thật.
Tóm lại, phương pháp phê
bình sử học mà tôi lược thuật đại cương trên đây, không chỉ để dùng trong việc
nghiên cứu sử mà thôi. Một vị thẩm phán muốn tìm thủ phạm cũng dùng phương pháp
phê bình sử học. Thường những sai lầm của công lý là do sự thiếu óc phê bình mà
ra. Trong đời sống hằng ngày, bất luận là một tin gì kẻ khác mang lại cho ta,
ta phải thận trọng phê bình gắt gao mới được, nhứt là những câu chuyện thiên hạ
đồn đãi, hoặc là những tin tức báo chí đưa đến cho ta. Báo chí, thường là một
cơ sở buôn bán ở dưới quyền điều khiển của tiền bạc hoặc là những cơ quan tranh
đấu chánh trị, thường dễ bị dục vọng chánh trị chi phối và lôi cuốn. Đối với
họ, ta phải hết sức dè dặt cho lắm mới đặng. Bằng không, vô tình ta sẽ là cái
mồi thơm của họ rất dễ dàng, và nhân thế tự mình làm giảm nhân phẩm của mình để
biến thành một con vật hi sinh vô ý thức.
*
* *
3. ĐỌC BÁO
Ở đây tôi không nói chung
đến sự ích lợi của báo chí mà chỉ bàn riêng về sự lợi ích của nó trong vấn đề
học vấn.
Người không thích đọc sách
cũng thường ưa đọc báo. Có kẻ mỗi ngày đọc năm bảy tờ báo, đọc từ cái in vặt
đến mớ quảng cáo thầy bói nha khoa. Người ta đọc báo tùy nhu cầu: có kẻ đọc báo
để săn tin, có kẻ đọc báo để theo dõi những tin thể thao hay tin tòa án và án
mạng, có kẻ đọc báo để theo dõi những thiên tiểu thuyết tình tứ ly kỳ hay trinh
thám nghĩa hiệp, có kẻ đọc báo để theo dõi kịch trường hay những cuộc giải trí
khác… Nhưng, báo có giúp ích gì cho ta về văn hóa chăng, đó là một vấn đề khác.
Tôi chắc chắn rằng báo chí
không giúp được gì bao nhiêu cho người tự học, tìm cho mình một cơ sở văn hóa
vững chắc. Tôi biết có nhiều tờ báo (phần nhiều là tạp chí văn hóa) rất đứng
đắn, vì báo cũng có nhiều dường báo. Nhiều tờ báo đăng nhiều bài nghiên cứu về
văn học, khoa học, kinh tế, chính trị rất hay, nhưng chỉ có những bậc túc học,
bác học, học giả mới đọc mà thôi…Kỳ dư những kẻ học thức tầm thường không thu
rút được lợi ích là bao : họ cần phải có một sự dìu dẫn từ bước ban đầu. Vì
vậy, báo chí đăng những bài nghiên cứu chỉ giúp tài liệu cho những nhà có một
cơ sở văn hóa cao và vững vàng, chứ không phải viết cho “tay ngang”, vì vậy ít
người đọc được và đọc có hiệu quả. Đọc một bài nghiên cứu về kinh tế, hay chánh
trị… người ta đinh ninh rằng người đọc bài ấy ít ra phải có một số vốn học thức
kha khá về đại cương. Bởi vậy đối với dạng học giả ít học hoặc chưa có một cơ
sở học vấn khá, cần phải được người ta chỉ dẫn vào bước đầu, một cách nhẫn nại
và tuần tự, có phương pháp. Họ muốn cho ta cầm lấy tay họ mà dắt đi từng bước
một chứ đâu có muốn cho ta mỗi ngày mỗi thay đổi và theo con đường mới. Báo chí
chỉ là cơ hội để cho họ tiêu tán và tản mác tinh thần thôi, chứ thực ra không
giúp gì cho họ bồi đắp cơ sở học vấn của họ là bao. Hôm nay báo chí bàn với họ
về vấn đề Dương Tử, câu chuyện chưa ngã ngũ là ngày mai họ đã bàn về những bức
thư tình của Hàn Mặc Tử. Đề tài hốn tạp làm cho họ biến thành như con bướm giỡn
hoa: cái gì cũng “nếm” phớt qua mà không có một cái gì là thật biết rõ. Sự thu
thập học vấn cần phải có một sự cố gắng hướng về một chiều sâu và khéo nhất trí
hơn, chứ bắt họ chứng kiến mãi những cuộc bàn cãi về sử học, về văn học, về
những tác phẩm mà họ chưa từng biết đến hoặc biết một cách mơ hồ về những lý
thuyết mới về khoa học mà cái này chống bang cái kia, hoặc chữa sửa cái kia,
những lý thuyết mà họ “mù tịt” không rõ đầu đuôi gì cả. Các bạn hẳn cũng đã
được đọc qua những bài phê bình sách của một vài tạp chí mà dụng tâm của nhà
phê bình không phải cố ý trình bày một cách khách quan những quyển sách mình
phê bình, mà trái lại họ phê bình với tánh cách hằn học, thù ghét và vu cáo để
cốt dìm kẻ khác đặng nâng cao mình lên, trong khi tự mình cũng chưa biết cách
đọc sách là gì cả. Họ đã lầm lẫn công kích với phê bình. Có khi họ không đọc
hết tác phẩm, chỉ đọc “mớ nhắm” , “cắt xén văn mạch” rồi “vơ đũa cả nắm”, phê
bình và lên án liều lĩnh vô cùng, xuyên tạc, vu khống, bắt tác giả nói những gì
họ không nói. Độc giả thiếu học thức tin lời và bị họ gạt gẫm. Cũng có nhiều
nhà phê bình có óc bè đảng, đề cao và khen tặng quá lời những tác phẩm của bè
bạn, bất chấp liêm sỉ của nhà phê bình chân chính. Tuy nhiên cũng có được một
số những nhà phê bình đúng đắn, liêm sỉ giúp cho ta rất nhiều trong việc chọn
lựa sách đọc. Nhưng phần ấy thật rất ít. Dù sao mình cũng không nên quá tin và
để cho kẻ khác, dầu họ là nhà túc học, đa văn quảng kiến bực nào, thay thế ta
mà phán đoán suy nghĩ thế cho ta. Đọc sách mà tự mình làm giảm óc phán đoán và
suy nghĩ của mình là một điều tai hại vô cùng cho tinh thần độc lập và tự do
của mình. Đừng để cho ai “che cái ánh mặt trời của mình” như Diogène đã bảo với
Alexander đại đế.
Tôi có biết một vài người
suốt đời không bao giờ chịu đọc một quyển sách gì cho kỹ…họ toàn đọc mớ nhắm
một vài bài báo tạp chí như Nam Phong, Trung Bắc chủ nhật, Tao Đàn… rồi cũng tự
tin là đã có sẵn một học vấn “uyên thâm” cho phép họ được “mục hạ vô nhân” và
xem người bằng nửa con mắt. Còn nói gì có nhiều người có chút tây học chuyên
môn đọc báo ngoại quốc, và đọc ròng những bài báo phê bình văn học, chánh trị
v.v… rồi tha hồ mà dìu dắt quần chúng, dẫn đạo dư luận… Kẻ nào muốn có một cơ
sở học vấn chắc chắn không nên phiêu lieu theo dõi sự dìu dắt của những nhà
“dẫn đạo” ấy. Tôi có biết nhiều nhà “học thức” bàn bạc về Malraux, Jean Paul,
Camus, André Gide, Romain Rolland v.v… hễ đụng đến họ là họ kể cho nghe những
thuyết phân tâm học, siêu nhiên học, hiện thực học, hoặc Phật học v.v… mà thực
ra, trong đời họ, họ chưa từng đọc kỹ một tác phẩm nào của Malraux, Jean Paul,
Camus, André Gide, Romain Rolland, của Freud hay một quyển kinh Phật nào cả… Họ
sở dĩ biết được tên những người ấy là nhờ đọc ba bài báo phẩm bình tác phẩm,
lịch sử của những nhà văn ấy trên tạp chí hay trong những quyển văn học sử.
Những bài nghiên cứu đứng
đắn ở các báo chí trang nghiêm thật ra không dùng gì được cho những kẻ thiếu
căn bản học vấn. Những bài báo ấy chỉ có ích lợi cho những nhà chuyên môn hay
học giả mà thôi, để họ theo dõi tình hình hiện tại của khoa học hay văn học
trên thế giới. Những báo chí có cao vọng đào luyện học vấn cho quần chúng bằng
một cái học truyền bá phổ thông kể ra thật là mỏng manh, vì tự nó muốn đào tạo
văn hóa mà miễn phải dùng đến sự cố gắng tinh thần, lại chỉ đi tìm những con
đường tắt thì đó cũng đã là sai rất xa với nguyên tắc đầu tiên của văn hóa rồi.
Cho nên phần nhiều cái vốn học vấn tìm thấy trong báo chí không có là bao.
Tóm lại những báo chí
nghiên cứu đứng đắn thường viết ra cho những người đã có một học vấn khá cao.
Báo chí văn học và khoa học chỉ là những món ăn bổ túc, chứ không phải là những
món ăn căn bản. Muốn có được một món ăn căn bản và xây dựng, phải dùng đến
những phương tiện khác, tôi muốn nói đến “sách”. Báo chí chỉ đem lại cho ta
những cái có thừa, nhưng lại để cho ta thiếu những cái gì cần thiết”.
*
* *
Ở thời buổi nầy, báo chí là
hình thức văn học được truyền bá rộng nhất: dù là người dốt cũng như người có
học, người giàu cũng như người nghèo đều không sao thoát khỏi ít nhiều ảnh
hưởng của nó. Những bài xã thuyết của mỗi tờ báo thường khác nhau, nhưng tựu
trung đều đưa ra một tài liệu chung, cốt ý “nhồi nắn” dư luận theo một chiều
nào.
Bời vậy, dù báo chí có cố
gắng trình bày sự việc xảy ra hằng ngày một cách hết sức khách quan, thực sự
bên trong bao giờ cũng có những ý kiến chủ quan, những phê phán đại cương để tỏ
ra những “thái độ” hơn là những “chân lý”. Báo chí là tiêu biểu lý tưởng hoặc
nhhu cầu của một hạng độc giả nào. Ngoài ra báo chí cũng không còn có sứ mạng
nào khác hơn được nữa, nghĩa là không làm sao vô tư khách quan được.
Bởi vậy các sự việc xảy ra
đều được họ trình bày theo những khía cạnh thuận lợi cho quyền lợi và chánh
kiến của họ, còn những gì không lợi cho họ, họ giả lờ bỏ qua, hay chỉ nói phớt
qua cho có. Như thế, đọc báo mà chỉ đọc “chết” một tờ chì dù có thiện chí đến
bực nào, óc sáng suốt cũng sẽ có ngày mờ tối, óc phê bình cũng sẽ có ngày lệch
lạc.
Muốn thấy đặng sự thật,
phải đọc báo như đọc sử, nghĩa là phải biết phê bình như người ta phê bình sử
liệu.
*
* *
4. – ĐỌC NHỮNG SÁCH VỀ
THIÊN VĂN VÀ ĐỊA LÝ
a. – Con người trong Vũ trụ
Như ta đã biết, người có
cao vọng xây đắp cho mình một cơ sở học vấn đứng đắn, không thể không khởi sự
bằng nghiên cứu học hỏi về mình trước hết. Biết mình là cái học đầu tiên của
người trí thức.
Con người không phải là một
sinh vật độc lập trong hoàn vũ, mà là một sinh vật sống trong hoàn vũ. Người
học thức không thể giam mình trong “lũy tre xanh”, mà phải có một sự hiểu biết
về những cái gì xa xăm trong không gian và thời gian mới được. Không có được sự
hiểu biết ấy thì có khác nào kẻ sống trong một thung lũng, không bao giờ vượt
ra khỏi những dãy núi chung quanh, suốt đời giam mình trong một vòng chân trời
eo hẹp… Họ cần phải biết vượt thời gian và không gian để mà nhìn cao và nhìn
rộng, biết rõ được hoàn cảnh xã hội của mình đang sống, biết đặt hoàn cảnh xã
hội ấy trong một khung cảnh rộng hơn và bao bọc nó, đem dân tộc mình sánh với
dân tộc khác, biết đem nhân loại đặt trong một khung cảnh rộng hơn là vạn vật
trong vũ trụ… Muốn được vậy thì cần phải nhờ đến khoa thiên văn để mở rộng nhãn
quan của tar a ngoài vũ trụ.
Thiên văn học là một ngành
rất cần thiết để cho ta nhận thấy cái địa vị con người trong vũ trụ là như thế
nào. Địa vị của thiên văn học phải có một chỗ ngồi xứng đáng và quan trọng
trong cái học về con người.
Có bao giờ các bạn ngồi
trước mặt bể bao la, nhìn thấy cái mênh mông của những lượn sóng trùng dương
mịt mù trước mắt, bạn có những cảm tưởng như thế nào? Có bao giờ bạn nằm ngoài
bãi cỏ hay trên núi cao, mắt nhìn bầu trời bao la với hàng triệu ức ngôi sao
lấp lánh và khi bạn biết rằng mỗi vì sao lấp lánh ấy có thể là mỗi một vầng
thái dương to lớn mấy trăm ngàn lần thái dương hệ của ta đang ở, khi mà bạn
biết rằng ánh sáng của nhiều vì sao, như vì sao Bắc Đẩu, phải để 36 năm trời
mới đến hành tinh ta, mà ánh sáng thì đi nhanh đến mức 300.000 cây số một giây
đồng hồ… Đó là chưa nói đến những tinh vân mà mắt ta thấy được, như tinh vân
Andromède, ánh sáng từ đó đến ta phải để cả triệu năm mới tới… Thế thì không
gian quả là vô tận mà thời gian lại cũng vô cùng. Tấm than nhỏ bé của con người
với trăm năm là hạn, ví với cái không gian vô tận, với cái thời gian vô cùng
của Vũ Trụ thì không thể còn so sánh được nữa, không thể nói rằng ta đối với Vũ
Trụ chỉ là một hột cát trong bãi sa mạc, một giọt nước ở Thái Bình Dương… Cảm
tưởng bạn như thế nào ở giữa cảnh vô biên vô tận của trời đất? Pascl đã nói:
“Sự lặng thinh của những khoảng không gian vô tận nầy làm cho tôi kinh khủng!”
Nó là mối phát sanh những tư tưởng thanh thoát đưa con người ra khỏi những cảm
tưởng nhỏ nhen ti tiện và chật vật của cuộc đời vật chất… và gây cho mình có
nhiều tư tưởng thâm trầm về ý nghĩa của nhân sinh.
Nói thế không phải bảo ta
phải đọc sách và nghiên cứu khoa thiên văn như những nhà bác học thiên văn.
Khoa học nầy đòi hỏi nơi ta nhiều năng khiếu đặc biệt và học vấn sâu rộng mà
không phải ai ai cũng làm được. Ta chỉ cần học nơi khoa thiên văn học trước hết
hai điều thôi:
- Nhận chân rằng, có một
trật tự thiên nhiên vĩnh cửu trong trời đất vạn vật và bất di bất dịch mà người
ta gọi chung là luật của tạo hóa: không một vật nào trong Vũ trụ mà thoát khỏi
định luật tự nhiên ấy, từ một cái cực tiểu đến cái cực đại của trời đất.
- Quả địa cầu ta ở đối với
vũ trụ thì nhỏ bé không thể nói, cũng không phải là trung tâm của vũ trụ như
ngày xưa người ta đã tin. Không biết rằng vũ trụ mênh mông vô tận, cho rằng
những con đường di chuyển của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao mà ta thấy
đây là những con đường di chuyển thật, đó là nhìn sai cả sự thật.
Muốn có được một ý niệm
tổng quát và rõ rang vè vị trí của quả địa cầu ta ở đối với các vì hành tinh,
tinh tú trên không gian vô tận, một quyển sách về thiên văn học đại cương đủ
rồi. Sách Việt tôi chưa thấy quyển nào đáng kể. Về sách Pháp, nên đọc các quyển
Initia-tion Astonomique của Camille Flammarion, Le ciel et l’Atmosphère của
L.Houllevigne,… Quyển Le Ciel của Alphonse Berget (Larousse) là một quyển phổ
thông rất hay, đã rất dễ đọc lại đọc một cách say sưa cho bất cứ một ai có một
cái học ngoại ngữ cỡ cử nhân ngày nay, cở trung học đệ nhất cấp ngày xưa thời
Pháp thuộc.
Trước khi chấm dứt chương
nầy, tôi xin trích dẫn lời nói sau đây của Alphonse Berget, để gọi là tạm kết
luận :
“Khi bàn đến khoa thiên văn
học người ta đã bảo rất đúng rằng đó là “khoa đẹp nhất”. Thật vậy, chỉ nhờ có
nó mà thôi; nhờ chime vọng bầu Trời mà tinh thần ta được nâng cao trên những
quan niệm cao cả nhất; trong khi nó giúp ta quen thuộc với những ý niệm về sự
vô cùng của không gian và sự vô tận của thời gian, nó chỉ cho ta thấy rõ cái
nhỏ bé không đáng kể của ta trong Vũ trụ, nhưng đồng thời cũng chứng minh rằng
đầu óc con người “to rộng” là bực nào mới có thể hiểu biết được nổi những kỳ
diệu ấy.
Học được bấy nhiêu thôi
cũng đã là đầy đủ lắm rồi. Người học thức mà thiếu sự hiểu biết ấy là một thiếu
sót rất quan trọng vậy”.
b. – Con người trong thời
gian
Sau khi đặt địa vị con
người trong Vũ trụ, ta cũng cần đem cái đời sống ta mà đặt vào một khung cảnh
co hẹp hơn, là nhân loại. Vậy, ta phải tìm trở lại trong thời gian cái nguồn
gốc nhân loại, tức là tìm mà hiểu biết sự phát sinh đầu tiên của con người trên
mặt đất và sự tiến bộ của nhân loại trong từng giai đoạn của nó trong lịch sử.
Đặt nhân loại vào hoàn cảnh tự nhiên của thuở ban đầu, đâu phải chỉ để thõa mãn
óc hiếu kỳ của một đầu óc biết nhìn lại quá khứ mà là một cần thiết cho sự hiểu
biết thâm sâu cái đường lối tiến bộ của con người trong thời gian và không
gian.
Tôi xin giới thiệu các bạn
quyển La Terre avant l’histoire của Edmond Perrier. Quyển nầy là một cái thang
nối lại lịch sử và những khoa vật lý. Mục sách tham khảo rất đầy đủ để cho ai
muốn đi sâu vào vấn đề có thể tìm kiếm được dề dàng. Quyển La Vie et la Mort
của Dastre ( Flammarion) rất hay và rất dễ hiểu. Đọc xong nó, ta có thể có được
một mớ kiến thức căn bản để đọc tiếp những quyển sâu sắc và khó khăn hơn như La
Genèse des espèces animals ( Alcan), l’Adaptation ( Doin) của Lucien Cuénot,
hoặc những quyển như Le Transformisme et l’Expérience (Alcan), l’Hérédité
(Colin), l’E1volution et l’Adaptation (Chiron) của Etienne Rabaud, nhất là
quyển Eléments de biologie générale (Alcen) cùng một tác giả.
Nhờ đọc những quyển trên
đây, ta có thể đi từ tinh vân đến sự phát sinh con người trên quả địa cầu.
*
* *
Muốn truy tìm đến nguồn gốc
của nhân loại, chúng ta cần phải quay về tiền sử. Trước hết chúng ta là người
Đông Phương, tiền sử các nước láng giềng như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật BẢn không
thể bỏ qua. Cô học Trung Hoa lại rất gần với ta, phải được quyền ưu tiên chọn
lựa. (1) Một cái vốn hán học để đọc nổi cổ văn là tối cần cho bất cứ người nào
muốn có một nên học vấn vững chắc. Kế đó phải để ý đến các nước Tây Phương,
nhất là về lịch sử thời trung cô Âu châu. Nhưng cái học cổ điển Tây Phuong,
cũng như cái học cổ điển Đông Phương đều là những cái học rất khó khăn và phải
tốn nhiều công phu. Đọc nổi một bài văn cổ đâu phải dễ. Người học thức Việt Nam
ngày nay không thể là một người chỉ biết có một thứ tiếng mẹ đẻ mà thôi, Ít ra
cũng phải có một cơ sở về sinh ngữ tối thiểu về Hán văn, Pháp văn hay là Anh
văn. Những dân tộc hậu tiến là những dân tộc cần phải biết được nhiều ngoại ngữ
chừng nào hay chừng nấy – mới mong theo kịp các nước tiên tiến – mơi có thể gọi
là “ đa văn quảng kiến”.
*
* *
b) Con người trong không
gian :
Muốn rõ được vị trí con
người trong không gian, tức là muốn biết thế giới chung quanh ta, phải cần đến
những sách về địa lí, du kí.
Nên đọc quyển Ce monde où
nous vivons của Lincoln Barnet ( Hachette). Hình ảnh rất đẹp và bài vở chọn
lựa, cách trình bày hấp dẫn, thật là một quyển sách quí.
Các sách giáo khoa về Địa
lí, nhất là quyển Geographie Générale Illustrée ( Quillet xuất bản) dưới quyền
giám đốc của Maurice Allain với sự cộng tác của các ông Elicio Collin, Hardy,
Vallaux và Weulersse cần phải có trong tủ sách. Phải có một quyển địa đồ đây
đủ. Hiện thời các nhà xuất bản Quillet, Hachette, Colin có cho in ra nhiều
quyển địa đồ rất đầy đủ, quyển nào cũng dùng được cả.
Cũng cần đọc những quyển du
kí và những quyển sách bàn về tân hồn của từng dân tộc. Muốn biết về dân tộc
Tây Ban Nha thì nên đọc những quyển Essence de l’Espagne của Miguel de Unamuno
( bản dịch tiếng Pháp của Marcel Bataillon, Plon, 1923), quyển l’Espagne
moderne vue par vue ses e1crivains của Henri Guerlin ( Perrin, 1924);- về dân
tộc Anh thì nên đọc quyển Histoire de la literature anglaise của Taine (
Hachette, 5 quyển), Quyển Nauvelles Etudes anglaises (1910), quyển l’Angleterre
et la guerre (1916) của André Chevrillon (Hachette),quyển l’Angleterre moderne,
son évolution của Louis Cazamian ( Flammarion, 1911); - về nước Đức thì nên đọc
quyển l’Allemagne moderne, son évolution (Flammarion) của Henri Lichtenberger,
quyển Panorama de la literature allemande contemporaine của Félix Bertaux (Kra,
1928); - vế nước Nhật thì nên đọc Société japonaise ( Plon), quyển Nauveau
Japon (Perrin) của Bellesort, quyển Japon của Emile Hovelaque (Flammarion).
Không nên bỏ qua quyển du kí Journal d ‘um Philosphe của Hermann de Keyserling
( Stock).
Lại còn có một cách khác để
hiểu biết tâm hòn của một dân tộc là đi sâu vào sự nghiên cứu những tác phẩm
trứ danh của mỗi dân tộc, nghĩa là nghiên cứu văn học của dân tộc đó.
Muốn biết về tâm hồn dân
tộc Anh thì nên đọc sách và dịch của Shakespeare, nhat61l à những quyển Hamlet
(Fasquelle, bản dịch của E. Morand và Schwob, hoặc của Guy de Pourtales (
Gallimard), quyển Antoine et Cleopatre (bản dịch của A. Gide), quyển Romeo et
Juliette (bản dịch của Koszul), Macbeth và Othello ( bản dịch của Derocquigny),
Jules Cesar ( Bản dịch của Ch. M. Garnier), La Temptete (bản dịch của aynard).
Tiểu thuyết của Dickens thì
nên đọc David Copperfield (Hachette), Moel Flanders của Daniel de Foe ( bản
dịch của Marcel Schowob).
*
* *
Muốn hiểu về tâm hồn nước
Đức thì nên đọc sách của Goethe như Faust, Werther, Les Affinites Electives,
Les Annees d’Apprentissage và Les Annees de voyage de Withelm Meister, Verite
et Poesie ( bản dịch của Porchat do Hachette xuất bản), quyển Correspondance
avec Schiller (Plon) bản dịch của Lucien Herr, quyển Conversations avec
Eckermann ( Charpentier) bản dịch của Emile Delerot.
Đọc sách của văn hào heine,
thì nên đọc những quyển De l’Allemagne, Lutece, (Calman Levy). Đọc Hoffmann thì
đọc Contes fantastiques, bạn dịch của X. marmier ( Fasquelle). Đọc Schopenhauer
thì nên đọc Qphorismes, sur la sagesse dans la vie, và nếu có một căn bản học
vấn khá cao thì nên xem cả bộ Le Monde Comme Representation ( bản dịch của
Burdeau). Về nhà văn Nietzche, thì tất cả sách của ông đọc quyển nào cũng được
cả.
*
* *
Muốn nghiên cứu hiểu biết
về tâm hồn nước Ý thì nên đọc trước hết nhà văn hóa Dante, quyển Ladivine
comedie ( bản dịch của Laminnais [Didier] là hay nhất. Cũng nên đọc tác phẩm
Memoires của Benvenutto Cellini ( bản dịch của Leclanche). Sách của Annunzio
thì đọc những quyển L’enfant de volupte, Le Fue, Le Triomphe de la Mort, Les
Vierges aux Roches ( Calmann- Levy).
Về Tây Ban Nha, nên đọc Don
Quichotte của nhà đại văn hào Cervantes. Bản dịch hay nhất của Viardot hoặc của
Xavier de Cardaillac và Jean Labarthe (Toulouse, Edouard Privat 1927).
Về văn hào Lope de Vega thì
đọc Theatre ( bản dịch của Damas Hinard). Đọc của Sainte Therese quyển Vie
ecrite patell Meme ( Beauchesne, 6 quyển).
*
* *
Về Nga, thì nên đọc sách
của Tolstoi, nhất là những quyển La Guerre et la Paix và Anna Karenine (
Hachette). Đọc sách của Dostoiewki thì nên đọc Crime et Chatiment bản dịch của
Derely (Calmann Levy), Freres Karamazou bản dịch H. Mongault và Leval
(Bossard), Confession de Stravroguine, bản dịch của Chuzeville (Bossare),
L’Idiot (Plon), Humilies et Offenses (Plon)- Về nhà văn hóa Kropotkine thì nên
đọc Autour d’une vie ( bản dịch chủa Martin và Leray, Stock).
*
* *
Đấy là sơ lược những sách
mà ta cần phải đọc để có một ý niệm về văn tài cũng như về tâm hồn các dân tộc
khác ta. Dù sao ta nên biết rằng trên đây chỉ nói về những tác phẩm được dịch
ra tiếng Pháp là tiếng ngoại ngữ mà người việt được biết nhiều nhất. Những ai
không đọc được tiếng Pháp hay tiếng Anh thì đọc qua một vài tác phẩm đã được
dịch ra tiếng Việt.
*
* *
Ta cũng cần phải quan tâm
nghiên cứu đến ảnh hưởng của địa lí đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần của
con người. Ảnh hưởng của thời tiết, của khí hậu, của đất đai phong thổ, của
cảnh vật thiên nhiên đối với sức khỏe, tính tình, tư tưởng của con người rất là
quan trọng.
Vấn đề này nên đọc quyển
Geopsyche của bác sĩ Willy Hellpach (bản dịch chữ Pháp của bác sĩ F. Gidon –
Payot) trong đó trình bày một cách tinh tường ảnh hưởng của địa lí đối với tâm hồn
con người. Cũng nên đọc La Geographie Humaine của Maurier Le Lannou (
Flammarion), L’Homme et le Sol của Henri Prat (Gallimard), Geographie
psychologique (Gallimard) của Georges Hrdy, L’Homme et la Cote (Gallimare) của
Pierre Deffontaines, L’Homme et le Vent ( Gallimard) của E. Aubert de la Rue,
Geographie des frotieres (Gallimard) của Jacques Ancel và Esquisse de
Geopolitique của Ernest H. Short (Payot).
Người xưa khuyên người trí
thức phải có một cái học “ thượng tri thiên văn, hạ tri địa lí, trung tri nhân
sự” thật là chu đáo. Phải chăng đó cũng là cao vọng của tất cả mọi người hiếu
học, mong mỏi có được một vốn học vấn rộng rãi vững vàng.
Chương 6: HỌC NHỮNG GÌ ?
Như ta đã thấy trước đây,
đọc sách mà muốn có được kết quả phải là một công trình học tập, chứ không thể
là một công việc giải trí của những kẻ nhàn hạ. Học, không có nghĩa là chỉ để
ứng dụng lập tức, mà trước hết phải là một công trình văn hóa nghĩa là công
việc đào luyện trí não và tinh thần.
Vấn đề học vấn và văn hóa
là vấn đề mà từ lâu người ta đã suy nghĩ và đặt ra khi lập ra chương trình học
chính cấp trung học. Đứng về phương diện nguyên tắc thì chương trình học vấn ở
các cấp trung học phải là một chương trình văn hóa.
*
* *
Như chúng ta điều biết :
Cấp tiểu học là cấp chỉ lo dạy cho trẻ em một số kiến thức cần thiết và cấp
bách trong một thời gian hạn định. Dù làm nghề gì, một người sống trong thời
đại văn minh này cần phải biết đọc, biết văn, biết tính toán, biết một trong
những kiến thức về vệ sinh, về khoa học thường thức, về văn phạm và sử kí địa
dư. Đó là điều mà không ai có thể cãi gì được nữa.
Cũng như cái học của cấp
Đại học là lo đào tạo những chuyên viên, những luật sư, những bác sĩ, những nhà
lí học, ngôn ngữ học, sử học hay triết học …vv. Còn về nhiệm vụ của cấp Trung
học là như thế nào ? – Tất cả các nhà giáo dục trên thế giới đều đồng ý với
nhau về điểm này: Cần phải lợi dụng thời gian cấp Trung học này, giữa cấp Tiểu
học và Đại học, để dạy cho trẻ em một cái vốn hiểu biết căn bản thuần túy, dạy
cho chúng ta biết sử dụng óc thong minh và tình cảm tốt đẹp, taoc5 cho chúng
một nếp sống tinh thần, một phương pháp làm việc có lề lối và học hỏi kiểu mẫu,
sử chữa cho chúng ta về tư tưởng và khuynh hướng sai lầm, đồng thời tu bổ và
khởi phát những khả năng tốt đẹp chưa có cơ hội phát triển đúng đường lối.
Như thế, cấp Trung học có
sứ mạng là lo tu tạo, bồi dưỡng, nuôi nấng cái tiềm lực của con người. Vậy chứ
những thói quen, nếp sống, cũng như những khuynh hướng của con người không phải
là những tiềm lực đang nằm yên lặng lẻ trong đáy lòng của con người sao ? Nói
tắt một lời, lối dạy dỗ ở cấp Trung học phải biết làm sống lại cái sống tiềm
tàng trong con người, tức là cái học về bề sâu, cái học về con người sâu thẳm
của mình.
Đành rằng cái học ở Tiểu
học hay ở Đại học cũng đâu có hoàn toàn quển hẳn được cách đào luyện những nếp
sống cùng những khuynh hướng tốt. Nhưng ở cấp Tiểu học, sự truyền giáo cho học
sinh mốt số kiến thức sơ đẳng để ra đời, phải được thỉ hành cấp bách : Đứa trẻ
sắp xa nhà trường để ra đời và sống với cái vốn học thức ấy. Còn cấp Đại học
thì chỉ chuyên tạo những chuyên viên, tức người biết dung tài năng mình trong
một ngành hoạt động nhất định theo nghề nghiệp mình. Dĩ nhiên là lối giáo dục ở
đây, các nhà chuyên môn cũng phải đào tạo cho họ những nếp sống và khuynh hướng
của một nhà chuyên môn, nghĩa là hạn định, để trở thành một luật sư, một bác sĩ
hay một sử gia giỏi thôi.
Như vậy ta thấy, chương
trình và phương pháp dạy ở cấp Trung học, theo nguyên tắc, phải là chương trình
và cách dạy để đào luyện óc thông minh. Tình cảm và tính khí con người, nghĩa
là đào luyện tinh thần toàn diện của con người, hay nói một cách khác phải là
một chương trình văn hóa.
*
* *
Hiện thời nếu mốt đào tạo
cho mình mot65co7 sở học vấn và văn hóa trung bình, ta cần để ý đến mục đích và
phương pháp giáo dục của cấp Trung học ở những nước tiên tiến nhất. Ta thấy
những nhà giáo dục cao thâm nhất đều dành cho cấp học này phần ưu tiên văn học
và dành cho những bài tập luyện văn học thì giờ nhiều nhất, mặc dù sự đào tạo
một căn bản học vấn về khoa học là cần thiết. Giáo dục về văn học không phải
chỉ chuyên ở sự học hỏi kĩ lưỡng về tiếng mẹ đẻ mà lại cũng cần chuyên chú về
những bài tập về dịch thuật những bài văn ngoại ngữ qua tiếng mẹ đẻ nghĩa là
tập đem những tư tưởng của người ngoại quốc mà tập diễn đạt bằng tiếng nước
mình.
Chương trình Trung học cũng
dành cho những khoa về sử học một địa vị không kém quan trọng, nhưng không có
tính cách nhồi sọ và bắt đầu óc của học sinh phải nhớ những sự kiện, những niên
biểu, những tiên tuổi các nhân vật lịch sử cùng những câu chuyện vụn vặt, mà nó
chỉ là một phương thế dạy cho học sinh cái ý nghĩa của những gì đã xảy ra trong
lịch sử. Người ta muốn dùng sử để tập cho ta óc tưởng tượng, lí luận cùng đức
dục, đồng thời tập cho ta phép phê bình sử liệu. Bên Pháp, chương trình cuối
cùng bao giờ cũng bắt buộc phải học một năm triết lí, dù là ở ban toán cũng
phải dạy về triết lí khoa học và triết lí đạo đức. Ở các nước khác, triết học
là môn học cao đẳng và dành riếng cho nhà chuyên môn. Bên Pháp thì triết học là
khoa bổ túc cho chương trình văn hóa tổng quát.
Đó là đại cương những nét
đặc biệt nhất của nên học chính Trung học, trong đó ta có thể tóm tắt như thế
này :
Học viết, biết đem ý tưởng
của tiếng nói nước này sang qua tiếng nói của một nước khác, biết hướng mình
trong thời gian và không gian, biết phân biệt được những gì có thể chứng minh
được bằng lí luận và thực nghiệm với những gì không thể chứng minh được, biết
đào luyện óc sáng tác, biết tổ chức lại tư tưởng của mình cho có trật tự và
nhất trí bằng triết luận. Và phải chăng đó là một chương trình kể ra khá đầy đủ
cho những người cao vọng tạo cho mình một cơ sở học vấn có căn bản. Nhưng
chương trình học tập này cần phải bổ túc bằng hai điều kiện này nữa là :
1. Phải tìm cách nhận thức
ngay sự vật bằng mắt thấy, tai nghe, bằng du lịch.
2. Đào luyện cảm giác và
tình cảm bằng cách sống trong cảnh thiên nhiên và bằng nghệ thuật.
A. HỌC VIẾT VĂN :
Đào luyện nhãn thức, phương
pháp muôn đời là tập làm văn ( Xem quyển để thành nhà văn cùng tác giả ). Thật
vậy, làm văn hay tức là biết tư tưởng đúng đắn mực thước, tức là biết phân tích
tinh tế tình cảm của mình, tức là biết dùng danh từ đúng với tình ý và tư tưởng
của mình, nghã là biết so sánh, cân nhắc, biết dung những câu văn sáng sủa mà
hàm súc, gọn gang và bong bẩy, chứ không phải như những kẻ cầu kì phiền phức,
dung toàn sáo ngữ mà không nói được một ý nghĩ tân kì. Viết được một bài văn
hay tức là mình đã tào luyện cho mình được cái khiếu biết điều hòa và mực độ,
biết lợi dụng những phương tiện nghệ thuật để diễn tả tư tưởng tình cảm mình
một cách nhẹ nhàng.
Người ta bải, ngoài phép
viết văn, cùng còn rất nhiều nghệ thuật khác có thể giúp ta đào luyện nhận thức
như, vẽ, họa, nhạc v.v…Nhưng, nghệ thuật viết văn có tính cách thực dụng hơn.
Nhạc, thì ta có thể cảm được hay không cảm được, nhưng nói ra được “cái cảm”
cảu mình thật là khó mà thực hiện cho rõ ràng được. Một bài văn hay, xem qua có
thể biết liền và ta có thể nói ra được cảm tưởng của mình, người dạy cũng có
thể giảng ra được cái hay của nó.
*
* *
+ Làm cách nào để tập viết
văn ?
Trước hết cần phải viết cho
thường. Người ta bảo : Có thường rèn giũa mới thành anh thợ rèn giỏi. Có thường
viết, người viết văn mới thành nhà văn.
Dĩ nhiên là khi làm văn, ta
phải có óc phê bình tối thiểu về nghệ thuật viết văn để khỏi phải savao2 lối
viết văn tầm thường của những nhà văn hạng rẻ tiền, chỉ viết bừa bãi mà khống
biết mình muốn nói gì. Die4 nhiên là cũng phải có một học vấn tối thiểu về nghệ
thuật viết văn, phải biết cách lựa chọn tài liệu, sắp đặt ý tứ, trình bày hấp
dận, kết luật tân kì.
Về nghệ thuật viết văn,
sách Việt cuãng đã có nhưng nên đọc bộ luyện văn của Nguyễn Hiến Lê. Thuật viết
văn của Nguyễn Văn Hầu, thì quá đơn giản và chỉ dung cho học sinh cỡ Trung học
thôi. Sách Pháp ngữ thì nên đọc bộ L’Art d’E1crire enseigneen 20 lecons, La
Formation du Style và Le Travail du Style enseigne par les corrections
manuserites des grands e1crivains, của Antonie Albalat, quyển L’Art de la
Prose, Conseils sur l’Art d’E1virire cảu Gustave Lanson, quyển L’Apprentissage
de l’Art d’Ecrire của Jules Payot.
*
* *
Có một nhóm sinh viên
trường Đại học Sư phạm bên Pháp dung đến phương pháp này để tập viết văn. Mỗi
tối, một người trong nhóm đọc lớn lên một bức thư của nhà đại văn hào Voltaire,
mà mỗi người, qua mỗi ngày sau phải viết lại bức thư ấy. Dĩ nhiên, là mỗi người
sẽ viết một cách. Tuy nhiên, khi nghe đọc văn của Voltaire, mội lối văn cực kì
giản dị, sáng sủa thì không một ai là không nghĩ rằng có khó gì mà khống viết
được những điều dễ dàng và tầm thường như thế ! Nhưng khi cầm bút viết lại, họ
mới cảm thấy khó khăn vất vả. Ý tưởng mất lần sự tế nhị, giọng mỉa mai lại mất
sự nhẹ nhàng… Có nhiều bài đầy dẫy chi tiết nặng nề và phải viết có trên mười
hàng trong khi Voltaire chỉ viết vắng tắt có ba hàng. Bấy giờ đem đọlại với
nguyên văn, mỗi người đều thấy những lỗi vụng về của mình, bấy giao72 mới hiểu
biết thế nào là văn hay và gọn ghẽ. Chừng ấy mỗi người mới biết rằng lối văn mà
ta thường gọi là văn dễ dàng giản dị đâu phải là lối văn dễ viết.
*
* *
Đó là phép làm văn bằng
cách theo gương của cá đại văn hào. Cần phải tập viết lối văn tự nhiên mà hàm
súc, giản dị và nhẹ nhàng, chứ đừng bắt chước lối văn luẩn quẩn, cầu kì, đa
đoan gút mắc. Văn luận thì cần phải có “ dụ” có “ luận” xen nhau thì văn mới
được linh hoạt.
Văn là người. Người mà tâm
hồn chất phác thật thà thì văn cũng chất phát thật thà. Tư tưởng mà được hàm
dưỡng, thì lời văn hàm súc sâu xa. Cho nên học làm văn, cần phải học làm người
trước hết.
Viết văn hay rất khó và
không phải ai cũng làm được, nhưng viết văn đừng cho dở lắm thì ai ai cũng có
thể làm được cả, miễn là mình biết tránh lối viet61bang82 sáo ngữ và biết nói
thẳng những gì mình đã nghiền ngẫm lâu ngày.
*
* *
B. HỌC DỊCH VĂN
Muốn học viết văn cần phải
học dịch văn. Đó là phương pháp hay nhất để viết văn hay, mà đó cũng là ý kiến
của phần đống các thức giả từ xưa đến nay.
Là tại sao ? Bất cứ ai cũng
nhận thấy rằng dịch văn là khó. Thà là mình viết, thì viết sao cứ viết, chứ
dịch văn phải giữ ý của tác giả, lựa cdhon5 chữ dung cho thích đáng, không được
viết bừa. Ta bị bắt buộc phải thật hiểu ý của tác giả và những danh từ, trạng
từ, tính từ cùng động từ mà tác giả đã dùng. Đó là một cách bắt buộc ta phải
diễn đạt cho thật đúng một ý tưởng, không được miễn cưỡng dùng sai, dùng tạm.
*
* *
Muốn dịch văn cần phải nhớ
hai nguyên tắc chính này :
1. Phải đi từ cái chung đến
cái riêng, tức là đi từ cái ý chính của đoạn văn mà tìm hiểu ý nghĩa những
chitiet61, những từ ngữ, những bút pháp cảu tác giả đã dùng để biểu diễn tư
tưởng của mình. Vì vậy, đừng có lật đật tìm tự điển mà phải lo đọc trước cho
thật kĩ bài văn, đọc đi đọc lại đôi ba lần cho đến khi nào thoáng hiểu được cái
thâm ý của tác giả, đạt được cái ý chính của đoạn văn, bấy giờ sẽ tìm hiểu cái
vai trò của mỗi câu trong đoạn, và cái ý nghĩa của từng chữ trong câu văn. Sau
đó mới tìm những danh từ tương đồng để dịch ra cho sát ý. Ta nên nhớ rằng mỗi
danh từ đều có nhiều nghĩa, tùy vị trí cảu nó trong câu, tùy ý tưởng chung của
đoạn văn mà nó có một nghĩa nào đó. Nếu cứ lật tự điển mà tìm chữ tương đương
thì càng dịch ẩu, bất chấp mạch lạt của câu văn và đoạn văn, bài dịch không sao
trung thành được với nguyên văn.
2. Người dịch văn mà có
kinh nghiệm bao giờ cũng thể theo cai1li1 mà dịch chứ không căn cứ và sự tương
đồng về hình thức của câu văn. Có những từ ngữ bề ngoài giống nhau mà trong
thực sự không đồng nghĩa với nhau. Dịch cổ văn lại càng khó : danh từ dùng ngày
xưa với ngày nay có khi khác nhau rất xa, nuế cư hiểu theo nghĩa ngày nay thì
dịch sai đến vạn dặm. Tiếng Anh mà dịch qua tiếng Pháp cũng rất khó. Như chữ To
be agreeable đâu phải luôn luôn có nghĩa là “ consenter à” ; chữ “ a1vidence”
cảu tiếng Anh không phải đồng nghĩa với tiếng “ e1videncde” của Pháp, mà thường
có nghĩa là Preuve” hay là “te6moignage”.
Muốn dịch văn Anh ra văn
Pháp, nên xem quyển “ Les faux amis ou les trahisons du vocabulaire anglais”
cảu Maxime Koessler vav2 Jules Derocquigny ( Vuibert xuất bản). Những từ ngữ mà
những tác giả trên đây gọi là “bạn giả” ( faux amix), tiếng nước nào cũng có.
Vậy phải thận trọng.
Tóm lại, dịch văn là phương
pháp hữu hiệu nhất để tập cho ta biết tôn trọng lí luận và biết diễn đạ trung
thành tư tưởng của mình trong khi biết diễn đạt lại một cách trung thành tư
tưởng của kẻ khác.
Như ta đã thấy trước đây,
chương trình học vấn có thể tóm trong ba điều này :
1. Có một kiến thức rộng
rãi về sử học, then văn và địa lí.
2. Tạo cho mình có được một
đầu óc khoa học, biết cách vật trí tri.
3. Cố gắng đi lần đến một
quan niệm tổng quát về cuộc đời nghã là đi đến một quan niệm triết lí về vũ trụ
và nhân sinh.
Chương 7: BA YẾU TỐ CHÍNH CỦA MỘT -NỀN
VĂN HÓA VỮNG VÀNG
A. ÓC KHOA HỌC :
Tạo cho mình có được một
đầu óc khoa học là phát huy được cái khiếu ham chứng minh và lí luận, đồng thời
phân biệt được rõ rang thế nào là một chứng minh luận cứ, thế nào là một thực
nghiệm.
*
* *
Chứng minh luận cứ là đem
một thực nghiệm để chứng minh, để lập luận, còn thực nghiệm là một sự kiện và
chỉ là một sự kiện thôi. Như trước đây đã có nói : những sự kiện không chứng
minh gì cả ( les faits ne prouvent rien). Chứng minh luận cứ thì có màu sắc chủ
quan, trái lại không cố cưỡng đem sự thật để chứng minh gì cả, đó là nhận xét
khách quan.
Vì thế, óc khoa học có rất
nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu trung ta nên phân biệt óc toán học và óc
thực nghiệm. Người có óc toán học ( esprit mathematique)thì ưa lí luận, ưa
chứng minh, người có óc thực nghiệm ( esprit exprerimenta) thì trái lại, không
tin nơi lí luận mà chỉ dùng thực nghiệm làm nền tảng cho sự hiểu biết của mình.
Thực ra hai khuynh hướng ấy không phải ngược nhau mà thường bồi bổ cho nhau.
Các bậc vĩ nhân trong giới khoa học như Henri Poincare, tự mình vưa làm một nhà
toán học đại tài, vừa cũng là một nhà vật lí học đại tài, ông không chịu hạn
chế mình trong khu vực một khoa học nào cả. Nhà toán học cần phải nhận thấy
rằng đời rất là phức tạp và những vấn đề nhân sinh không thể nằm ngoan ngoãn
trong hình thức của những phương trình toán học. Còn nhà sinh vật học cũng phải
biết nhìn lên trên những hình thức phức tạp của các giống sinh vật, cây cỏ và
thú vật, để tìm lấy một ý nghĩa chung của sự vật trên đời, tìm mà hiểu biết và
chứng minh.
Bởi thế, tinh thần khoa học
đời hỏi nơi ta một học vấn khá cao về toán học và biết rành rẽ những phương
pháp thực nghiệm. Nhưng, ở đây cái phẩm quí hơn cái lượng cũng như bất cứ trong
các vấn đề liên quan đến văn hóa. Sự học vấn của ta nên chú trọng về bề sâu hơn
bề rộng.
Hình học sở đẳng cũng đủ
cho ta ý niệm được thế nào là một luận chứng. Không có gì giúp ta thấy rõ cách
cấu tạo một khoa học khít khoa bằng một quyển hình học. Hình học là một cái học
giúp cho người ta biết cách “ đứng dừng một chỗ”. Thật vậy, mỗi định lí mới đều
bị qui về một định lí cũ : “luận chứng” tức là lập định rằng cái định lí mới
chẳng qua là mới về hình thức thôi, thực ra nó là kết quả dĩ nhiên của những
định lí cũ, những công thức mà ai ai cũng phải nhìn nhận không cần chứng giải,
những thứ chân lí tiên thiên. Cho nên mới nói rằng hình học là cái học “ đứng
dừng một chỗ”.
Tuy nhiên, lần lần tinh
thần ta nhờ sự nghiền ngẫm mà tiến lên, tiến một cách từ từ mà ta không dè, vì
“ chân đứng” đã vững vàng rồi.
*
* *
Toán học giúp cho vật lí
học phương tiện biểu diễn một cách rạch ròi những qui luật của thiên nhiên.
Nhưng, ta cũng nên nhớ rằng lí thuyết suông không đủ, cần phải thông hiểu những
phương pháp thực nghiệm. Có được một mớ hiểu biết thực dụng như có được vài
phương thức sẳn để trở thành một anh thợ chụp ảnh hay sửa chữa máy, chưa có thể
xem đólà mình đã thông hiểu được phương pháp thực nghiệm. Một cái học đã thành
lập rồi thường lại che lấp không cho ta thấy cái học đang thành lập, những
“phương thức sẵn có” thường làm cho ta lãng quên những kinh nghiệm mà người
khác đã trải qua và dò dẫm lâu ngày để lần mò đến chân lí. Vì vậy, tự mình tìm
tòi và kinh nghiệm tuy không là bao, nhưng nó giúp cho sự hiểu biết của mình
rất linh động sâu sắc hơn là sự thu nhận thụ động một số kiến thức sẵn có do kẻ
khác phát minh sáng tạo đã trình bày trong cá sách khoa học.
Bởi vậy, thay vì “nhồi
nhét” một mớ học thức “sẳn” về một phát minh nào, ta cần trình bày trước những
dò dẫm vất vả của nhân loại đi từ kinh nghiệm này sang kinh nghiệm kia mới đến
kết quả ấy. Có khi chỉ vì một sự kiện mới vừa được phát minh mà tất cả hệ thống
học thuyết đã an bày kia cần phải kiểm soát lại và đánh giá lại. Người ta sẽ
thấy rõ sự cần thiết cảu phương pháp thực nghiệm trong việc đi tìm chân lí.
Cũng phải chỉ cho học sinh biết rằng lắm khi kết quả của một cuộc tìm tòi khoa
học lại đi ngược lại mới mục đích ban đầu, nghĩa là thực nghiệm thường chống
đối lại với ức thuyết.
*
* *
Học khoa học, cần phải tìm
biết bằng cách nào và bởi những nguyên nhân nào các nhà bác học đã phát minh
sáng tạo được, tức là biết được lề lối làm việc trong công trình suy tầm chân
lí nghĩa là hiểu được những phương pháp thực nghiệm cảu những bậc vĩ nhân trong
giới khoa học. Đời sống hằng ngày của ta không cung cấp cho ta đủ hpuong7 tiện
để tự mình thực hiện được phương pháp thực nghiệm, thì ta chỉ còn có một cách
là theo đõi những công trình tìm kiếm của những nhà bác học đường thời đã được
ghi trong những tập lí thuyết của họ hay trong những tiểu sử do những kẻ cộng
sự của họ tường thuật lại. Nhà sách Armand Colin có cho ra tập sách nhan đề là Classiques
de la Science, trong đó chính các nhà bác học viết ra những thực nghiệm của họ
nhưn tập lí thuyết của Augustin Fresnel về ánh sáng, của Lavoisier về hông khí
và nước. Công trình tìm tòi và phát minh khoa học của Pasture được Rene Vallery
Rodot miêu ta tì mỉ trong một quyển tiểu sử nói về ông. Darwin đã để lại cho ta
một tài liệu vô cùng quí giá về sự cấu tạo tư tưởng của ông ta trong quyển
Voyage d’un naturaliste autour du monde fait à bord du navire le Beagle de 1931
à 1936 (bản dịch của Barbier, Paris – 1883). Tủ sách Bilitheque de Philosophie
scientifique in ra dưới quyền giám đốc của bác sĩ Gustave le Bon ( Flammarion)
cũng nh7 tủ sách Nouvelle Collection scientifique sau này xuất bản dưới quyền
giám đốc của Emile Borel (alcan), có cho in nhiều quyển sách về khoa học trong
đó miêu tả rất rõ ràng những phương pháp thực nghiệm của chính những nhà phát
minh khoa học viết ra. Nhờ đọc những quyển sách ấy người ta mới quen thuộc được
với những phương pháp thực nghiệm. Đó là vai trò của những quyển lịch sử khoa
học và lí thuyết học đối với sự đào tạo óc khoa học của ta vậy.
B. ÓC TRIẾT HỌC
Con người mà biết suy nghĩ,
dù lòng có ham muốn thích theo đuổi theo cái học thế nào, dù lòng có ham muốn
hạn định ngành hoạt động của mình trong một khu vực khoa học nào, trong đời
cũng không sao có lần trách khỏi chạm đến những vấn đề to tát của nhân sinh,
liên quan đến số phận con người. Khi mà ta biết thắc mắc tự hỏi thế nào là ý
nghĩa của cuộc đời, ở đâu ta đến, nơi đâu ta ở, và trên con đường vô định sau
này, ta sẽ đi về đâu, sao là phải, sao là quấy, đâu là cứu cánh giá trị của
khoa học, của nghệ thuật, của tôn giáo và đâu là chỗ sơ khởi và dừng lại của
kiếp người trong khoảng mênh mông vô tận, đó là ta đã bắt đầu triết luận. Triết
luận tức là tìm hiểu cái ý nghĩa của mọi sự vật trên đời, tức là tìm cái chỗ ý
thức và nhất trí của những gì rời rạc vô ý thức, tức là biết nhìn lại quá khứ,
nhận định được hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Triết luận là tìm một
phương, một thái độ trước sự phiền phức của cuộc đời. Tìm hạnh phúc, tránh đau
khổ và tìm những nguyên nhân đã tạo ra cái khổ, đó là mục tiêu của triết lí.
Thực ra, trong đời sống
hằng ngày của ta, mỗi người đều đã hoặc vô tâm hay hữu ý, nhìn nhận một thái độ
triết lí nào rồi. Dù là kẻ không tin đến triết lí và tìm cách để chứng minh
rằng sống không cần đến triết lí, sự chứng minh ấy tỏ rằng họ cũng đã triết lí
nhiều rồi đấy.
*
* *
Một thứ triết lí, dù tầm
thường và nông cạn thế nào, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cách ăn ở cư xử của
người nhận nó, hoặc giúp cho mình có thêm nhiều can đảm, nhiều hy vọng mà chịu
đựng mọi đau khổ trên đời. Tôi nhớ có một nhà văn đã nói : “Có nhiều người – mà
tôi là một trong nhóm người ấy tin rằng sự quan trọng nhất và ích lợi nhất cho
ta là đứng trước bất cứ một ai, cần phải biết quan niệm của họ về vũ trụ như
thế nào…Đành rằng ông chủ nhà cần phải biết trước số huê lợi của người mướn
nhà, coi họ có đủ điều kiện trả tiền tháng cho mình không ? Nhưng quan trọng
hơn nữa, là phải biết nhân sinh quan của người ấy như thế nào ? Một vị tướng
trước khi giao chiến đành rằng phải biết tổng số quân của địch, nhưng quan
trọng hơn hết là phải biết trước triết lí về nhân sinh của quân địch như thế
nào”.
*
* *
Bất cứ một thứ học nào mà
thiếu những chân trời rộng rãi của triết học làm hậu thuẩn là những thứ học còn
thiếu sót và không vững chắc.
Triết học phải là cứu cánh
của tất cả mọi ngành học của ta, mỗi khoa là mỗi con đường, chung qui rồi cũng
phải đổ dồn về một khối, là Triết học.
Chân lí là một cái gì duy
nhất, bao trùm; khoa học chỉ cắt xén nó ra từng mảnh vụn vặt để nghiên cứu
riêng về một khía cạnh nào thôi. Mỗi khoa học chỉ nhìn thấy có một khía cạnh
chứ không sao thấy được thật toàn diện.
Sứ mạng của Triết học là
nhắm vào sự thỏa mãn óc thống quan của con người, tổng hợp lại những gì rời rạc,
mâu thuẫn trong đời. nhìn cuộc đời một cách cao xa và rộng rãi hơn như người
đứng trên núi cao mà nhìn khắp chân trời…Vì vậy, nhờ óc triết học, người ta
thấy được sự liên lạc giữa các sự vật vì bao giờ cũng có cái nhìn bao trùm.
Khoa học thì thiên về óc phân tích hơn, triết học thì chuyên về óc tổng quan
hơn.
Tuy vậy, “óc hệ thống”
(esprit de systeme) không phải là không đáng ngại : Óc tổng quan thường lại dễ
biến thành óc hệ thống, vì vậy chân lí chỉ có một mà học thuyết triết học thì
mọc lên như nấm, khiến cho kẻ nào đam mê triết học, đọc triết học miết cũng
phải điên đầu. Tâm trí loài người không thể nào nhận được có một sự mâu thuẫn,
cái này phủ nhận cái kia, cái kia phủ nhận cái nọ, vì vậy họ tìm đủ cách để hệ
thống hóa tư tưởng của họ, chung qui chỉ vì bản tính của loài người là thế :
Không thể chấp nhận được luật mâu thuẩn. Và vì thế mà suốt đời vẫn triết luận
mãi không thôi.
Dù sao triết học vẫn phải
là việc học căn bản của con người, một cái học làm danh dự cho con người.
Phải làm cách nào để tạo
cho mình có được một cái học cơ sở tạm vững về triết học ? Ở đây, nếu có được
một bậc thầy chỉ dẫn cho thì rất có lợi. Nhưng nếu mình là kẻ chỉ biết cậy nơi
mình mà thôi, không được cái hạnh phúc có người giỏi người hay chỉ dạy cho, thì
bước đầu tiên là phải nhờ đến những sách triết học đại cương, loại sách giáo
khoa đang áp dụng trong các trường học.
Nhưng nên nhớ kĩ điều này :
nhờ đến những sách giáo khoa là để mà vượt qua khỏi nó. Nghĩa là chỉ có những
nhà triết học mới có thể truyền cho ta cái hiểu biết về triết học mà thôi. Vậy
đọc sách giáo khoa trong đó người ta tóm tắt, lược thuật lại tư tưởng của các
nhà triết học sao bằng đọc ngay tác phẩm của các nhà đại triết học. Dĩ nhiên là
lúc đầu, phải có sự giới thiệu của một người sành sỏi trong giới triết học để
ta lam2quen được với tư tưởng của các bậc đại triết gia ấy, bằng không ta phải
mất nhiều thời giờ vô ích.
*
* *
Bắt đầu các bạn nên khởi
bằng tâm lí học, rồi tiếp đó luận lí học và luân lí học. Đó là hệ thống mà
người ta đã dùng trong các lớp triết học.
Về sách giáo khoa thì phần
đông các nhà giáo khuyên ta nên đọc những sách do một người viết ra, một quyển
sách vắn tắt hơn, gọn gẫy hơn để cho ta dễ nhìn thấy mạch lạc về đại cương
trước đã.
Theo chúng tôi, thì quyển
Precis de Psychologie của William Mames, bản dịch của E.baudin và G. Bertier
(Marcel Riviere, 1909) là dễ đọc và linh động hơn hết. Gần đây E.Baudin lại cũng
có cho xuất bản một quyển Cours de Psychologie có vẻ thông thía hơn, nhưng sách
của Desire Roustan thì gọn gẫy hơn.
*
* *
Khởi đầu học triết lí cần
phải quan tâm đến cái ý nghĩa chính xác cảu những danh từ chuyên môn. Cần phải
mua những bộ sách này : quyển Vocabulaire philosophique của Edmond Goblot
(Colin, 1909) – và nhất là quyển Vocabulaire technique et critique de la
Philosophie của Andre Lalande với sự cộng tác nhiều hội viên của Societe
francaise de Philosophie (Alcan). Quyển của Lalande là quyển sách rất hay và
rất đúng đắn. Trước khi học triet61li1 cần phải biết rõ định nghĩa của những từ
ngữ triết học, bằng không chúng ta không sao tránh khỏi sự hiểu sai lầm.
*
* *
Học về luận lí học thì
những bộ sách giáo khoa của Rabier (Hachette) và Liard (Masson) vẫn còn dùng
được tuy đã cũ.
Có những quyển mới hơn như
lecons de Logique et de Morale của R. Horrticq (Dalagrave), Philosophie
scientiguque et Philosophie morale của Felicien Challaye (F. Nathan); Manuel de
Philosophie của A. Cuvillier (Colin).
Nên đọc thêm queyn63
Lectures sur la Philosophie des sciences của A. Lalande (Hachette). Quyển
Logique của Goblot hay nhất, nhưng không phải viết cho hạng độc giả mới bắt đầu
học triết học.
*
* *
Nhân các quyển nói trên của
Hourticq, Challaye, Cuvillier chúng ta nên bắt qua khoa luân lí học. Về khoa
luân lí, ta không cần phải lệ thuộc các sách giáo khoa nữa vì đề tài luân lí
không khó gì mấy mà phải theo dõi những sách có tính cách giáo khoa. Ta nên đọc
ngay những bộ như Justive et Liberte của Goblot ( Alcan), Devoirs của Jacob
(Rieder). Muốn hiểu biết các triết gia hiện thời đối với vấn đề luân lí ra sao
thì nên xem quyển Le probleme moral et la pensee contemporaine ( Alcan) và Les
bases psychologiques de la vie morale (Alcan) và Les bases psychologiques de la
vie morale (Alcan) của Parodi.
*
* *
Giờ đây ta hãy đi ngay vào
trung tâm triết học. Cần học qua những quan niệm chính của các bậc đại triết
gia về những vấn đề lịch sử triết học.
Nên đọc Les Systemes
philosophie của A. Cresson, quyển la Philosophie compare của Masson Oursel,
quyển Histoire de la Philosophique của E. Brehier. Những quyển Initiatin à la
PHilosophique của S. de Coster và Initiation philosophie của A. Ponceau cần
phải đọc kĩ và nghiền ngẫm, nó sẽ giúp ta có nhiều ý tưởng hay lạ. Quyển Tour d’horizon
philosophie (Gallimard) của Matila C. Ghyka giúp ta có được một cách nhìn thống
quan rất cần thiết cho những ai bắt đầu học triết học, mặc dù hơi nông cạn.
*
* *
Về triết học Đông phương,
thì cần phải đọc trước hết những bộ lịch sử triết học để có sơ lược một ý niệm
chung về các luồng tư tưởng rất triết học của tam giáo Nho, Lão, Phật. Ba hệ
thống tư tưởng căn bản của triết học Đông phương. Bộ Trung Quốc triết học sử
của Phùng Hữu Lan, hoặc Trung Quốc triết học sử cương yếu của Tưởng Duy Kiều,
học của Hồ Thích, đều đọc được cả. Bộ triết học sử của Phùng Hữu Lan xuất bản
bằng tiếng Anh đã được dịch ra tiếng Pháp nhan đề Precis d’histoire de la
philosophie chinoise (Payot).
Tác phẩm của hermann de
Keyserling nhan đề Journal d’un Philosohpie cũng xin đặt biệt giới thiệu với
các bạn. Phần phê bình của ông về các học thuyết Đông phương rất là sâu sắc.
*
* *
Đọc triết học không nên đọc
sách một chiều. Như trước đây tôi đã nói, ta nên tìm mà đọc những lí thuyết
tương phản. Lại cũng không nên tản mát tư tưởng của mình trong những học thuyết
này, học thuyết kia vô cùng phiền phức. Trong các học thuyết, cần phải chọn lọc
cái nào hợp với tâm hồn ta, bấy giờ cũng như lựa bạn mà chơi, ta hãy quyết tâm
đi cho thật sâu vào học thuyết ấy đề tìm lấy một con đường tu tâm xử thế đúng
theo nguyện vọng thâm sâu của lòng mình. Sách mà đọc nhiều quá cũng có hại, vì
nó không ảnh hưởng gì ta được cả. Người xưa có nói : “Tôi sợ người chỉ đọc có
một quyển sách mà thôi”.
Dưới đây, xingioi71 thiệu
các bạn một số sách của người Tây Phương viết về triết học Đông phương mà tự
tác giả đã đọc qua và cho là hay :
A. Sách thuộc về Triết Học
Đại Quan :
1. Histoirre de la
Philosophie orientale của Rene Grousset (Lib. Balois). Sâu sắc.
2. La Pensee Chinoise của
Marcel Granet (Renaissance). Công phu.
3. Histoire de la
Philosophie chinoise của A.V. Zenker ( Payot).
4. Philosophie de l’Orient
(trong bộ Histoire de la Philosophie ) của Masson Oursel (Alcan). Nhiều ý kiến
tân kì.
5. Les trios Religions de
la Chine của W.E. Southil (Payot).
6. L’Orient et sa Tradition
của Alfred Le Ranard (Dervy).
7. Les Cinq Grandes
Religions du monde của H. de Glassenapp (Payot). Quyển này thâm sâu.
8. Histoire des Croyances
religieuses et des Opnions philosophiques en Chine, dequis l’origine jusqua nos
jours của Wieger. Công phu
9. Introduction generale a
l’Etude des doctrines hindoues của Rene Guenon (Chaconrnac). Rất hay
10. Orient et Occident của
Rene Guenon. ( Cần đọc kĩ)
11. La metaphysique
orientale của Rene Guenon (Chacornac).
12. Troi caurants de la
Pensee Chinois qntique của A. Waley (Payot).
B. Sách thuộc về loại Tam
Giáo :
a) Phật giáo :
1. La doctrine supreme (2
quyển) của bác sĩ H. Benoit (Cercledu Livre). Thật hay
2. Lacher prise của H.
Benoit. Trong mấy quyển này tác giả bàn rất sâu về Thiền Tông (Zen).
3. Essais sur le Bouddhisme
en general et sur le Zen en particulier của R. Linssen ( 2 quyển). Vắn tắt và
hàm súc.
4. Le Bouddhisme của A.
David Neel (F. Alcan). Gọn gẫy và xác đáng.
5. Les Enseignements
secrets dans les sects bouddhistes tebetains của A. Davil Neel. Thật hay
(Adyar).
6. Le Mental Cosmique của
His Yun. Sách nghiên cứu về thiền tong (Adyar).
7. Essais sur le Bouddhisme
Zen của Daisetz Teitaro Suzuki. Bộ này rất quí tuy rất khó đọc (A. Michel).
8. La Sagesse du Ebuddha
của Georges Grimm ( Lib. Paul Geuthmer, Paris, 1931)..có thể nói là tinh hoa
của Phật học.
9. Sectes bouddhiques
japonaises của E. Steinilber Oberlin. Quyển này thật hay, văn chương lại bay
bướm.
10. L’Essence du Bouddhisme
của Daisetz T. Suzuki ( Cercle du Livre). Chương đầu là một bài nghiên cứu của
C.G. Jung về Le Zen et l’Occident. Rất thâm
11. La Religion du Bouddha
của Geirges Grimm ( A. Maisonneuve). Hay
12. Le Non Mental selon la
Pensee Zen của D.T. Suzuki (Cercle de Livre).
13. Le Bouddhisme của
Entail Tomomatsu (F.Alcan).
( Sách về Phật giáo còn rất
nhiều, nhưng thiết nghĩ những cuốn trên đây đầu là lựa chọn, nếu đọc kỹ, sẽ
giúp chúng ta có một cái vốn hiểu biết kha khá về Phật giáo).
b) Lão giáo :
+ Sách Pháp :
1. Les Pe2res du Systeme
taoiste của Leon Wieger (Canthasia).
2. La Sagesse Chinoise
selon le Tao của Rene Bremond.
3. Wu Wei của H. Borel (Ed.
Du Rocher).
4. L’Esprit du Tao của
Grenier (Flammarion).
5. Le Taoisme của henri
Maspero ( Civilisations du Sud S.A.E.P- Paris).
6. Le Livre de la Voie et
de la Vertu bản dịch của Stanislas Julien. (1812). Rất công phu.
7. La voie et sa Vertu bản
dịch Đạo đức. Kinh của Houang Kia Tcheng và Pierre Leyris. ( Bản dịch khéo giữ
được phần nào khí văn của nguyên tác).
+ Sách Việt :
1. Lão Tử (1942) của Ngô
Tất Tố - Nguyễn Đức Tịnh. Bình luận sai lạc nhiều và có nhiều thiên kiến đáng
tiếc.
2. Nam hoa kinh của Nhượng
Tống dịch. (Tân Việt – Hà Nội). Bản dịch này chỉ dịch này chỉ dịch sát văn mà
không sát ý. Không công dụng gì cả, rất khó đọc.
3. Đạo đức kinh bản dịch
dủa Nghiêm Toản. Sách có tính cách giáo khoa hơn là phổ thông.
4. Trang tử tinh hoa của
T.G Nguyễn Duy Cần. ( P. Văn Tươi).
c) Nho giáo :
+ Sách Việt :
1. Bộ Nho giáo của Trần
Trọng Kim. ( Công phu).
2. Tống Nho của Bưu Cầm.
3. Khổng học đăng của Phan
Sào Nam. Sâu sắc nhưng khó hiểu.
4. Vương Dương Minh của
Phan Văn Hùm (Tân Việt).
5. Vương Dương Minh của Đào
Trịnh Nhất (Tân Việt).
+ Sách Pháp :
1. Textes Philosophiques
của L. Wieger
2. Les quatre livres của
Couvreur.
3. La Sagesse de Conjucius
của Lin Yu Tang ( victor Attinger). Hay
4. Le Yih King (texte
primitive retabli, traduit et commente) của Ch. De harles (Bruxelles – 1889).
( Nền tảng triết học Đông
phương của Trung Hoa là ở Kinh Dịch).
Cái học về Dịch Kinh đã có
nhiều học giả Việt Nam đề cập đến. Tìm hiểu Kinh Dịch của Bửu Cầm, chỉ mới in
tập 1 (Nguyễn Đỗ). Một nhận xét về Kinh Dịch của Uyển Diễm thì đứng trên lập
trường mạt xích mà phê bình.
*
* *
Những sách về triết học
Đông phương của Ấn Độ, tôi xin giới thiệu các bạn tủ sách Les grands Maitres
spitrituels l’Inde contemporaine, Les trios Lotus, Boudhismen et Jainisme và
Spiritualites Vivantes (albino Michel). Các bạn hỏi ngay nhà sách Adrien
Maisonneuve, 11, Saint Sulpice, Paris (6e).
Jean Herbert, Romain
Rolland, Rene, Guenon là ba học giả uyên thâm đáng là nhà hướng dẫn ta trong
con đường đi tìm ánh sáng của triết học Đông phương.
Triết học phải là cái học
căn bản cho các thứ học khác. Triết học giúp ta nhận chân được sự tương đối của
khoa học, sự hạn định của nó trong vấn đề nhân sinh và nhắc cho ta nhớ rằng còn
có nhiều giá trị khác nữa cũng không kém quan trọng.
*
* *
Tuy nhiên, học triết lí
không có nghĩa là làm con mọt sách, nhớ vanh vách những gì của kẻ khác đã nói,
thuộc làu làu những hệ thống tư tưởng, những học thuyết của bá gia, để mà đem
ra lòe người. Dù là những kẻ có cấp bằng tiến sĩ triết học mà chỉ là những kẻ
giỏi thuộc lòng tư tưởng của kẻ khác, giái cái thuật nhớ dai…để lặp đi nói lại
cho kẻ khác nghe, chứ không biết suy nghĩ tư tưởng theo mình, kẻ ấy là để đào
tạo cho mình cái khiều ham suy nghĩ, biết tư tưởng, biết phán đoán, biết nhìn
xét việc đời bằng con mắt thống quan, biết tìm hiểu những ý nghĩ sâu kín bên
trong các sự vật.
Tôi có nhiều người bạn rất
sành về triết học, họ lại là người có những mảnh bằng cao. Mỗi khi ngồi hầu
chuyện thì với họ, tối hết sứ bực mình vì bị gán là kẻ mang đầu kẻ khác mà suy
nghĩ. Bất cứ là mình nói với họ những gì thì đã bị họ cắt ngang và bảo : Đó là
của Hegel… Hay đó là của Descartes. Thật là những người đáng thương hại với cái
vốn học vấn không tiêu hóa của họ.
Ông Phan Văn Hùm, trong bài
tựa quyển Phật giáo triết học có nói : “ Tôi muốn sao như vị hòa thượng kia ở
Trung Kì. Ngày sung sướng đề lên vách chùa bốn câu tuyệt diệu :
Kinh điển lưu truyền tám
vạn tư,
Học hành khống thiếu, cũng
không dư.
Năm nay tính lại : chừng
…quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ
“như”.
Có học, có hiều rồi có quên
đi hết mới thật là nhập diệu. Mới không câu nệ nơi sách. Mới thoát được lên
trên một học thuyết mà điều khiển những vấn đề thuộc về nó, không bị điều khiển
bởi học thuyết hay bởi vấn đề Jules Lachelier, chấm vở của emile Boutroux ở
trường Normale Paris, luận về một điểm nọ trong học thuyết Spinoza có đề một
câu sâu sắc : “Pour comprendre un systeme, la premiere condition est d’y
entrer, mais la seconde est d’en sortir”.(Để hiểu đặng một học thuyết, điều thứ
nhất là phải vào trong đó và điều kiện thứ hai là phải ra khỏi nó).
Người có óc triết học không
phải là người chết trong các chồng sách triết học, mà là người đã biết thuần
hóa cái học của mình rồi. Pascal nói : “La vraie philosophie se moque de la
philosophie”. ( Chân triết học chả cần gì đến triết học)
Chương 7 (tt)
C. BIẾT XÚC CẢM :
“ Biết xúc cảm là điều kiện
cốt yếu để tạo cho mình một cơ sở văn hóa sâu sắc hơn”.
Thật vậy, ta thường gặp
biết bao kẻ học giỏi, biết tư tưởng, biết phán đoán… nhưng dường như cơ sở học
vấn vẫn ở mực tầm thường mãi…Là tại sao ?
Là vì họ thiếu “ngọn lửa”
lòng, họ là những tâm hồn thiếu hăn hái, thiếu say mê vì ít thắc mắc và rất dễ
dãi đối với bất kì việc gì…Sở dĩ họ cố công học hỏi ngày đêm là vì phải trải
qua những kì thi khó khăn. Bởi vậy, họ phải “học gạo”, chỉ học và đọc những gì
có trong chương trình thi mà thôi, những môn nào không bắt buộc phải thi, thì
họ dẹp lai5mot65 bên miễn cưỡng vì bị bắt buộc nên họ xem sự học như một phận
sự phải làm, không gì hứng thú cả. Đến khi họ trở thành một nhà giáo, họ cũng
vẫn dạy cho có dạy không phải bài dạy của họ sai lầm hay vô ý thức, nhưng họ
dạy một cách buồn chán, lạnh lùng, họ chỉ dạy trong chương trình trung học hay
đại học, một cách lạt lẽo, không gây được lòng hăn hái hâm mộ của học sinh,
cũng không truyền được cho học sinh lòng nhiệt thành ham mê học hỏi gì cả. Họ
thiếu ngọn lửa thiêng của lòng hăn hái.
*
* *
Người ta đã nhận xét rất
đúng : “Thiếu dục vọng, khó mà làm nên đại sự”. Kẻ thiếu nhiệt thành là những
kẻ tầm thường. Học mà không biết ham mê, không bao giờ thành công. Luận ngữ có
nói: “ Biết mà học, không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà
học”.
*
* *
Làm sao tạo cho mình một
tâm hồn nhạy cảm ? Một tình cảm dồi dào ?
1. Phương pháp thứ nhất là
sống cho người khác.
Sống cho kẻ khác là biết hi
sinh cho kẻ khác, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình, tức là biết
cảm và biết yêu. Kẻ mà không biết yêu ai cả, không biết thương thân phận của
những người khác ngoài cái thân phận của mình, tức là người sống một đời chỉ lo
cho mình thôi, là người mà tâm hồn cằn cỗi, không thể là một con người văn hóa
cao được. Người có văn hóa cao là người có Tâm và có Trí. Một văn hào Pháp có
nói : “Những tư tưởng cao cả đều do quả tim mình mà ra cả”. Chính vì lòng yêu
nhân loại mà Pastuer tìm kiếm và phát minh vô số phương thức cứu nhân loại. Nói
thế không phải muốn nói rằng chỉ có lòng yêu nhân loại mới xui người làm nên
những phát minh vĩ đại. Có rất nhiều nhà bác học đại tài lại đi phụng sự bạc
tiền và quyền thế thì sao ? Không ! Con người văn hóa cao, trước nhất phải là
một người xứng đáng danh hiệu con người, nghĩa là trước hết phải là một người
Tài và có Đức.
*
* *
2. Phương pháp thứ nhì để
tạo cho mình một mối cảm xúc dồi dào phải cậy đến văn nghệ. Văn nghiệ làm tăng
gia xúc cảm của ta bằng cách kích động nó. Thi ca, kịch , nhạc, họa…sẽ gây cho
ta những xúc cảm thẩm mĩ dồi dào. Thường ta gặp một cảnh hoạn nạn thương tâm,
ta hay đem lòng thương cảm, rồi nhân cái đau khổ của người, ta liên cảm đến cái
đau khổ của ta… nhờ vậy ta thấy mình biết cảm và ra khỏi cái tâm trạng khô khan
của một tâm hồn không biết rung động…
Trên màn bạc hay sân khấu,
kịch sĩ đã khéo gây thương cảm và làm cho lòng ta bồi hồi xúc động đến rơi
lệ…Những vở tuồng hay là những vở tuồng bắt ta thấy lòng ta nhẹ nhàng vì đã
biết cảm động và đau khổ cái đau khổ của kẻ khác. Có điều là kẻ đi xem kịch mà
khóc vãn biết là mình khóc những cảnh thương tâm trong tưởng tượng chứ không
phải những cảnh thương tâm có thực. Vì thế mà ta ưa nó hơn những cảnh thực ở
ngoài đời.
Ta đòi hỏi nơi nghệ sĩ cái
tài tạo ra xúc cảm và nghệ sĩ sở dĩ được coi là cao quí do tài nghệ tạo xúc cảm
của họ đã nâng tâm hồn ta lên tiếp cận đến cái chân, thiện, mĩ.
Phải chăng câu thơ hay là
câu thơi làm cho lòng ta xúc cảm. Và truyện Kiều sở dĩ được đa số ưa thích một
phần nào phải chăng cũng vì cốt truyện cũng như văn chương thật là lâm li cảm
động ?
Trong chương trình văn hóa
của người trí thức ngày xưa có bốn hoạt động văn nghệ là Cầm, Kì, Thi, Họa kể
ra cũng rất là chu đáo. Theo chỗ tôi biết, người học thức ngày xưa ít thấy có
người nào là không biết làm thơ, không thích ngâm thơ.
Mà thơ là một nghệ thuật
bao gồm gần hết các nghệ thuật. Theodore Bainville nói : “Thơ là gổm cả âm
nhạc, hội họa, điêu khắc, hùng biện. Và phải chăng nó là một nghệ thuật bao gồm
đây đủ nhất”. Và theo Lamartine, một câu thơ hay phải gồm đủ 4 yếu tố sau này :
phải có cảnh, có tình, có tứ, có nhạc. Nghĩa là nó phải thể hiện được một cái
tứ cho trí não, một cái tình cho tâm cảm, một hình ảnh cho con mắt và một nhạc
điệu cho lỗ tai. Như vậy bốn câu thơ sau đây của Nguyễn Du :
Buồn trông cửa bể chiều
hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh
buồm xa xa,
Buồn trông ngọn nước mới
sa,
Hoa trôi mang mác biết là
về đâu.
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu
xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt
ghềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh
ghế ngồi.
Phải chăng là những câu thơ
tuyệt hay vì nó gồm đủ cả bốn yếu tố đã nói trên, có sức gợi cảm mãnh liệt.
*
* *
Thơ hay là ở sự khêu gợi,
chứ không phải ở chỗ nói hết được ý mình. Những cái mông lung, mờ mịt càng kích
động óc tưởng tượng và làm cho câu thơ trở nên huyền ảo li kì…Tiếng đàn hay là
hay ở dư âm…Câu thơ hay là hay ở chỗ hàm súc, lời vắn tắt mà hậu ý thâm trầm
man mác.
Trong Tỳ Bà Hành của Bạch
Cư Dị có câu :
“Thủy tuyền lãnh sáp huyền
ngưng tuyệt,
Ngưng tuyệt bất thông thanh
lạm yết.
Biệt hữu ưu tình ám hậu
sinh,
Thử thời vô thanh thắng hữu
thanh”.
Tạm dịch :
Doành lạnh ngắt tơ mành như
đứt,
Đứt chẳng thông tạm ngớt
cung tơ
Như sầu như ngẩn như ngơ
Tứ riêng hay gấp tiếng tơ
muôn phần.
(Vô Danh dịch)
*
* *
Con người đâu phải chỉ sống
bằng Lí, mà cũng phải sống bằng Tình. Một đời sống mà người ta chỉ nghĩ đến ăn,
ngủ, làm việc…mà lòng mình không bao giờ biết đến những xúc cảm mãnh liệt của
tâm tình, thì dễ chán làm sao !
Một nhà trí thức có văn hóa
cao mà khống thích thơ, hoặc không biết làm thơ, khống biết thế nào là một câu
thơ hay và hay ở chỗ nào thì tôi cho là điều thiếu sót đáng tiếc – Có nhiều kẻ
đã vu cho Thơ là mơ mộng, là huyền ảo, là lơ lửng trên hư không…Nhà văn Ernest
Bersot trả lời :
“Người ta thường tin tưởng
rằng Thơ là giả dối bởi nó biết thể tất cả những gì nó mó đến, người ta lầm :
Thơ, không phải là giả dối, nó chính là chân lí đấy, nhưng là thứ chân lí mãnh
liệt hơn cái chân lí trong đời sống tầm thường”.
Theo Lamatine, “Thơ là một
sự an ủi tâm hồn mình bằng những tiếng khóc nức nở của quả tim”. Nó là tiếng
“kêu thương, rênh rỉ” của tâm hồn. Bởi vậy Anatole France mới nói: “ Khoa học
không quan tâm gì đến việc làm vui lòng hay làm buồn lòng ai cả. Vì vậy, nó
không có lòng nhân. Thơ làm cho ta say mê ngây ngất, an ủi vỗ về ta, cho nên nó
còn cần thiết hơn là khoa học”.
Nhà bác học Darwin, lúc về
già than thở vì đã mất hứng thú về mĩ cảm : “Từ mấy năm nay tôi không thể đọc
được một câu thơ nào cả…Tôi cũng không thể đọc Shakespeare…lại cũng đã không
còn ưu thích họa và nhạc nữa…Than ôi, mất những hứng thú ây là mất một nguồn
hạnh phúc, có thể rất nguy hại đến sự thông minh va2 tính tình của mình bằng sự
làm giảm mất cảm xúc của tâm hồn”.
*
* *
2. Phương pháp thức ba là
biết sống một mình trong cô tịch, giữa cảnh vật thiên nhiên.
Sống trong xã hội, người ta
vì nể nhau mà phải bị bắt buộc trong giả dối. Cả một giàn “ nghi lễ” giả tạo
bắt buộc ta phải dẹp tình cảm ta qua một bên, tỏ vẻ lạnh lùng và cố giữ vẻ trầm
lặng bí ẩn. Chẳng những ta không được quyền bộc lộ bản tính của ta, lại còn bị
phong tục, tập quán xã hội làm lệch đi và lại phải thay vào đó bằng những cử
động, những cảm tưởng mà xã hội, thời thượng chấp nhận, dù chỉ là trái với tâm
cảm của ta. Cái sống phiền phức, nhộn nhịp của đô thị dễ làm ta khô héo tình
cảm thanh cao của ta. Sống trong cô tịch là dịp hay để mình sống trở lại trong
sự thành thực với cõi lòng.
Trong những lúc mà văn minh
trở nên phiền phức nhất có lẻ là những lúc mà lòng người cảm thấy ham thích cái
thú sống trong những cảnh thiên nhiên cô tịch nhất. Là vì cái đời sống cạnh
tranh nhộn nhịp khiến lòng ta càng khao khát sự sống trong yên tĩnh, thành thực
và tự do. Sống được năm ba ngày trong thôn quê, nơi một làng mạc xa xôi hẻo
lánh đem lại cho tâm hồn mình một liều thuốc thanh lương và yên tĩnh.
Lại nữa, nếu cảnh vật thiên
nhiên càng gồ ghề hùng vĩ thì sự tẩm bổ tinh thần lại càng thêm sâu mạnh. Trước
cảnh vật vô cùng hùng vĩ, con người cảm thấy những cao vọng của mình đều quá
nhỏ bé không đâu. Một thứ tình cảm thanh cao sâu sắc xâm chiếm tâm hồn ta và
nâng nó lên cao trên những vùng cao nhất của tinh thần…
“Khí tượng như chim phụng
hoàng trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không còn động đucợ tâm nữa…”
Bernard có nói : “anh sẽ
tìm được một cái gì rộng rãi hơn và sâu thẳm hơn trong những cảnh rừng hoang vu
vắng lặng hơn là trong sách vỡ”. Vì vậy, ta đã thấy, các bậc đạo học cao thâm
thường là những kẻ thích sống trong những cảnh non cao rừng thẳm, chằng phải để
tránh đời mà là vì hợp với tâm hồn thiên về hướng nội của mình hơn. Kẻ nào
thích sống một mình, bao giờ cũng là người thâm trầm sâu sắc hơn kẻ thích sống
trong nhộn nhịp tưng bừng của bè bạn, hôi hè…ảnh hưởng của thiên nhiên đối với
tâm hồn thật là rõ rệt như ta đã biết qua khi bàn đến trước đây ảnh hưởng của
đĩa lí đối với tâm tính con người. Người xưa tin nơi địa lí cũng có một phần
nào đúng với tâm lí đã nói trên.
Hồng Lĩnh sơn cao,
Song ngư hải khoát.
Nhược ngộ minh thời
Nhân tài tú phát.
Hoan Châu ( Nguyễn Thiếp)
Văn hào Anfre Maurois cũng
có nói :
“Những người làm việc
nhiều, nên thỉnh thoảng sống một đời sống ẩn dật”…
Họ tìm về nhà quê, bên sườn
núi, hay những bãi bể vắng vẻ để xa hẳn với mọi liên lạc, từ chối cả sự luyến
ái tâm tình cùng bè bạn. Trong một khung cảnh rộng rãi bát ngát như thế mới
thích hợp với tâm hồn của họ được. Ở giữa sự nhộn nhịp tưng bừng của các đô thị
lớn, thì một tuồng hát, một bài báo, một câu chuyện ngồi lê đôi mach cũng sẽ
thành ra điều quan trọng, lấn át cả công việc của ta, cả tình cảm đứng đắn của
ta. Nhưng dưới cảnh trời sao mênh mông bát ngát, những chuyện vụn vặt ấy phải
chìm lần mất hẳn trong bóng tối. Trong sự im lặng ban đêm và trong sự im lặng
của tâm hồn, trên những khoảng bao la man mác thì mọi sự phù phiếm vô giá trị
đều bị gạt bỏ hết, và ta có thể xây dựng được những công trình lâu dài. Sự tĩnh
mịch không bao giờ làm hèn yêu con người đâu.
Chương 8: MỘT VÀI NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC
I. Nguyên tắc thứ nhất là
đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công. Đừng đặt mục đích của
mình cao quá, quá cái khả ngăn và phương tiện của mình. Đặt cho mình một mục
đích quá cao để rồi không thể đạt được thật là một việc làm chẳng những vô ích
lại còn nguy hiểm là khác. Là vì sự thất bại sẽ giết mất lòng tin và làm tê
liệt sức cố gắng của mình đi. Goethe thường khuyên các nhà thơ trẻ tuôi nên làm
các bài thơ ngắn trước khi viết những thiên anh hùng ca.Đối với một tác phẩm to
và phiền phức, hãy bắt đầu viết những phần dễ nhất trước. Nếu con đường quá
dài, không sao đi một mạch được thì tốt hơn là chia nó ra từng đoạn và thi hành
cho xong từng đoạn một. Người đãng trí cho cái gì cũng dễ, để rồi bị thất vọng,
người ươn hèn cho cái gì cũng khó, để rồi không chịu làm gì cả, chỉ có người
thông minh mới biết rằng không có gì là dễ dàng cả, nhưng với sự cố gắng và
biết phân phối tổ chức, thì rồi việc gì cũng sẽ trở nên dễ dàng tất cả. Dĩ
nhiên, đâu phải làm việc mười giờ một ngày mà ta có thể trở thành một đại thi
sĩ. Phải có năng khiếu. Nhưng cố gắng mãi thì cũng có khi “ thiên tài chỉ là
một sự kiên nhẫn lâu ngày” mà thành.
II. Nguyên tắt thứ hai để
làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn. Nhà văn
Emile Zola có cho khắc trên phòng ông câu này : Nulla dies sine linca nghĩa là
“không một ngày nào mà không viết một hàng”. Thật sự thì mỗi ngày ông viết có
cả nghìn hàng chữ, nhưng câu châm ngôn trên đây là một khẩu hiệu rất hay để bắt
buộc mình làm việc đúng giờ và đều đều không gián đoạn. Đừng bắt chước việc làm
của những kẻ làm việc suốt ngày suốt đêm, để rồi nằm không chổng cẳng ngủ cả
hai ba tuần lễ sau. Đây là một nguyên tắc làm việc rất hay cho bất cứ một sự
học hỏi hay việc làm nào. Cứ ngày nào cũng học mười lăm phút đồng hồ thôi,
nhưng ngày nào như ngày nấy, không bao giờ sai chạy. Đó là một thói quen rất
tốt cho những ai muốn làm nên việc lớn và đó cũng là một phương pháp để luyện
tập ý chí.
Lương Khải Siêu, trong Âm
Băng Thất có viết :
“…Hồ Văn Trung khi ở trong
quân, mỗi ngày đều đọc Thông Giám mười tờ.
“Tăng Văn Chính khi tại
quân mỗi ngày đều viết nhật kí vài mục, đọc thơ vài bài, đánh cờ một bàn.
“Lý Văn Trung mỗi ngày dậy
sớm viết theo Lan Đình một trăm chữ”.
“Suốt đời họ, lấy đó làm
thường thường, người thường tình thấy thế, há chẳng cho rằng những sự tiểu tiết
ấy không có liên lạc gì đến việc lớn sao ? Nhưng các người ấy đâu hiểu đặng
rằng đặt ra các phép tắc có chừng mực và làm theo đó luôn luôn một cách không
sai chạy, thật là một sự to tát hạng nhất của phẩm giá con người. Kẻ khéo quan
sát đều xem xét mãnh lực tinh thần con người bằng cách ấy”.
Sự làm việc, có ngày ta hăn
hái, có buổi ta uể oải, bơ phờ…Nhưng kinh nghiệm cho ta biết rằng, dù có hứng
hay không có hứng, phải tự mình cương quyết đặt cho mình một kie3 luật là phải
ngồi lại bàn viết, cầm viết viết lên…rồi thì “cái máy”của ta bắt đầu “ấm” lại
và “mở máy” chạy như thường. Đừng bao giờ tự nhủ: “Hôm nay thấy trong mình
khống muốn làm việc…Vậy hẹn ngày mai!” Đó là cách nuôi dưỡng cái tính lười
biếng của ta mà thôi.
Bàn viết của tôi bao giờ
cũng sẵn sang giấy mực cả. Viết của tôi luôn luôn đây mực. Thời dụng biểu cùng
chương trình làm việc đã ghi rõ chiều hôm qua những gì tôi làm sáng nay…Tất cả
đều sẵn sang chờ đợi tôi. Chỉ chờ có tôi đến ngồi là tất cả “guồng máy” bắt đầu
làm việc theo ý muốn.
*
* *
III. Nguyên tắc thứ ba là
bất cứ học môn nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy.
nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn. Phần
nhiều những thất bại về tinh thần đều do sự không biết xây đắp vững chắc cho
nền tảng học thức đầu tiên của ta.
Một phần đông chugn1 ta
ngày nay thích học nhảy giai đoạn, “học tắt”. họ muốn nghiên cứu đến các khoa
học phức tạp về những vấn đề hết sức gay go trong khi họ không hiểu gì ráo về
hình học và đại số học sơ đẳng. Có nhiều cô cậu bàn luận đến Elinstein mà chưa
hiểu nổi Euclide !
IV. Nguyên tắc thứ tư :
Biết lựa chọn
Biết lựa chọn, là biết lựa
chọn những công việc nào hợp với khả năng của mình. Và một khi đã lựa chọn xong
thì hãy can đảm thực hiện cho kì được môn mình đã lựa chọn.
Ta chỉ có thể là một nhà
tiểu thuyết, hoặc một nhà đại thương gia hay một nhà chính trị, nhưng đừng cao
vọng mình sẽ kiêm luôn cả ba, trừ ra những kẻ phi thường.
Tuy nhiên, nếu ta quá chăm
chú vào một việc gì thì ta cũng phải thỉnh thoảng biết giải trí bằng cách thay
đổi công việc làm. Ignace de Loyola khuyên các tu sĩ dòng Da Tô đầu tiên đừng
bao giờ làm quá hai tiếng đồng hồ vào một công việc.
Ở nhà trường thời dụng biểu
không bao giờ cho dạy luôn một môn suốt ba tiếng đồng hồ. Đó là một nguyên tắc
làm việc rất hay. Trong đời ta phải có một trung tâm hoạt động duy nhất và ít
ra cũng có vài trung tâm hoạt động phụ thuộc.
V. Nguyên tắc thứ năm là
phải biết quí thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỉ luật.
Đối với người làm việc, cần
phải có bổn phận là gạt bỏ những kẻ làm mất thời giờ của mình, tức là những kẻ
phá quấy ta. Lễ độ, nhẫn nhục đối với họ đều là những lỗi lầm nặng. Phải hết
sức gắt gao đối với hạng người này, đón rước họ tức là mình tự phá hoại đời
mình đó.
Goethe khuyên ta : “Phải
tuyệt đối sửa dạy những kẻ đến quấy rầy ta cho họ mất cái thói đến làm rộn mình
mà không cho hay trước. Họ chỉ đến bắt ta phải nghe chuyện của họ…Ai muốn làm
việc ích lợi cho đời phải coi chừng đừng để bị kẻ ấy đến quấy rối”. Khi gặp
phải trường hợp có kẻ xông vào phòng ông làm việc một cách tràng tráo, thì thi
sĩ giữ một thái độ hết sức lạnh lạt làm cho họ phải thất vọng ngay. Goethe chỉ
chắp tay sau lưng, không nói một tiếng gì cả. Nếu khách là một người danh giá
thì Geothe chỉ làm bộ ho hen và thỉnh thoảng : “Hừ ! Hừ !...”cho qua, thế là
câu chuyện đứt ngang. Đối với thư từ, thi sĩ chia ra làm hai loại : thư xin xỏ
cầu cạnh thì ông liệng vào sọt giấy, chỉ thư nào giúp ông có được cơ hội để
tiến thêm thì ông mới chịu trả lời. Ông lại thường nói : “ Ạ, thanh niên ! Các
anh không biết giá trị của thời giờ. Andre Maurois : Un art de vivre ( Plon,
1939). Kể ra cách cư xử ấy có thể xem là tàn nhẫn thật, vì cũng có không biết
bao bậc vĩ nhân sẵn sàng trả lời cho tất cả mọi người cần dùng đến mình, trong
đó có rất nhiều kẻ đáng thương hại và đáng nâng đỡ. Nhiều người cho rằng các cư
xử của Goethe thiếu hẳn long2nhan6, nhưng sự thiếu lòng nhân ấy đã giúp cho ông
để lại cho hậu thế những tác phẩm như Faust và Wihelm Meister. Thực sự, kẻ nào
tự mình để cho kẻ khác xâm chiếm sẽ bị xâm chiếm, và rốt cuộc rồi cũng sẽ không
đểlại được cho đời một công trình gì đáng kể. kẻ nào ham mê làm việc phải biết
từ khước tất cả mọi việc nhảm, làm phí thời giờ quí báu của mình, như những
cuộc hội họp, trò chuyện, tán hão và không đâu. Goethe lại còn khuyên ta đừng
quan tâm đến thời sự, nếu tự mình không có phận sự gì để thay đổi được cuộc
diện xã hội. Nếu mỗi sáng đều phí mất một vài giờ đồng hồ để theo dõi tin tức
chiến tranh ở ngoài tận xa xăm mút bên kia thế giới, để suy nghĩ vẩn vơ về
những hậu quả tai hại của thời cuộc có thể xảy ra trong khi chúng ta chẳng phải
là một nhà chính khách, một vị tướng lãnh hay một kí giả hoặc không phải là gì
gì cả… thì liệu chúng ta có làm việc gì được cho xứ sở không, lại còn làm mất
thời giờ quí báu một cách rất vô ích trong một cuộc đời sống ngắn ngủi và chỉ
có sống một lần thôi.
Kỉ luật “quí thời giờ” này
bắt ta cũng đừng để cho tình cảm không đâu làm phí tổn thời giờ khó kiếm của ta
trong khi ta đang làm một công việc quan trọng. Cái ý nghĩa cao cả về đời sống
của một bậc nam nhi không phải ở trong những mối tình cảm cỏn con, chỉ làm tổn
thất thời giờ vô ích. Người có quyết tâm làm nên đại nghiệp cần phải biết hi
sinh. Có nhiều bạn trai đây nhựa sống, đây thiên chí, đầy khả năng làm việc và
học hỏi lại bỏ mất thời gian quí báu của mình để bận đến những mối tình “đầu
lưỡi” của các bạn gái lãng mạn. Người đàn bà là một “cạm bẩy”, kẻ nào sa vào
đều hỏng cả cuộc đời mình. Có bao kẻ học thi lại vì những tình cảm không đâu,
đành phải làm hại cả một đời mình vì một vài cô nhí nhảnh ! Phải dám hy sinh
tình cảm mình cho những công trình quan trọng hơn.
Đọc tiểu sử các bậc vĩ nhân
anh hùng ta thấy rõ rệt điều này : họ không bao giờ để ái tình họ trên sự
nghiệp. Những bặc nam nhi mà đời họ chỉ biết nuông chiều theo tình cảm, phí
thời giờ để làm vui lòng người đàn bà, suốt đời sẽ không làm nên đại nghiệp gì
cả và có khi vì thế mà tan nát cả tương lai mình là khác. Bởi vậy, người đàn bà
mà khôn, sẽ làm nên sự nghiệp cho chồng, giúp cho chồng đạt thành sở nguyện
bằng sự hi sinh, không đời hỏi nơi người đàn ông phải vỉ mình mà làm mất những
thời giờ quí báu trong khi làm việc. Bà vợ của Edison là gương của một người
đàn bà của một bậc vĩ nhân. Bà kính cẩn tôn trọng những giờ phút làm việc của
chồng như một cái gì thiêng liệng bất khả xâm phạm, và suốt đời không bao giờ
đòi hỏi chồng phải chiều chuộng mình mà làm mất thời giờ quí báu của chồng.
VI.Nguyên tắc thứ sáu là
biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút một.
Thời gian đối với một kẻ
lười biếng thì dài lê thê bất tạn, họ tìm cách giết thời giờ mà giết không sao
cho hết. Trái lại, đối với những kẻ ham làm việc và học hỏi thì ngày giờ rất eo
hẹp vô cùng. Một đời sống như của Pascal hay Spinoza tuy rất ngắn ngủi nhưng
thật là phong phú lạ ; trái lại có những cuộc đời dài lê thê mà vô vị và khô
khan nhu bãi sa mạc.
Thời gian làm việc rất là ngắn.
Nếu kể 60 năm là hạn, mà phải trừ lại tuổi của lúc ấu thơ, những giấc ngủ thì
chỉ còn lại bao nhiêu năm ? Ba mươi năm là cùng. Thế mà nếu lại trừ bớt trong
30 năm ấy những thời giờ tắm rửa, ăn uống, tiêu hóa, đau ốm, mệt mõi, những
cuộc viếng thăm, xã giao, tán nhảm, thư từ, nghỉ hè…cùng những thời giờ bị kẻ
không đâu đến quấy rối…thì còn lại bao nhiêu năm để làm việc bằng trí ? Mười
hoặc mười hai năm là nhiều nhất ! Kinh khủng chưa ?
Những kẻ bị nghiề nghiệp
ràng buộc, đầu tắt mặt tối thì dĩ nhiên không sao còn có thời giờ rãnh rỗi. Đối
với họ, đời sống trôi chảy một cách lạnh lùng tẻ và không gì gọi là có tư tưởng
cả! Nhưng giả sử bạn là một sinh viên, bạn là người có phúc hơn nhiều và được
nhiều ưu đãi vì bạn được có thời giờ tự do để làm việc và học hỏi, bản thử tính
lại ngày giờ làm việc thật của bạn được là bao ? Nhất là trong những giờ bạn
làm việc, thời giờ lo tìm tự điển, chép bài, nói chuyện khào, đọc sách nhảm hay
nhật báo…thời giờ làm việc của các bạn thực sự còn có là bao ? Giỏi lắm là hai mươi
phút trong một giờ là cùng. Nhưng hai mươi phút ấy cần phải để mà suy nghĩ,
nghiền ngẫm, đem tất cả nghị lực vào việc làm không xao lãng.
Trong thời gian hai mươi
phút làm việc của ta trong một giờ ấy, ta có để mất nó nữa không ? Thiếu gì cơ
hội bất thường đến làm cho ta bị xao lãng mà phải bị ngưng công việc. Một con
ruồi rớt trong bình mực cuãng là một cơ hội ta bị xao lãng. Con mèo kêu trên
mái nhà…Cánh cửa bị gió đập mạnh…Một chiếc xe hơi đậu lại trước nhà mà máy vẫn
chạy…đều cũng là cơ hội để ta bị xao lãng. Trong khi đi tìm một chữ nào ở tự
điển lại cũng có khi bị quyến rũ mà liếc mắt mấy chữ kế bên, hoặc nếu là một
quyển tự điển có hình nhiều làm sao tránh khỏi không xao lãng mà nhìn sang các
hình bên cạnh…Rồi đến lượt có một tờ báo đến nhà, mình cũng ngưng đi một chút
để xem qua các tít…Có gì đâu…chỉ vài phút thôi là xong ! Đó là chưa nói đến
những mơ mộng phiêu lưu theo sự khêu gợi của vài danh từ quen quen.
Littre lúc ban mai, khi ông
chờ người làm phòng làm xong công việc deon5 dẹp, ông viết bài tự cho bộ tự
điển khổng lồ của ông. Có những phút đồng hồ kể là bỏ mà người biết tiết kiệm
thời giờ lại dùng nó để làm được nhiều công trình to lớn. Ông d’Aguesseau thay
vì rầy rà, bất bình bà vợ có tính chậm chạp bắt ông luôn luôn chờ đợi lúc giờ
ăn, ông lợi dụng những phút đợi chờ ấy mà viết một quyển sách. Ngày kia, ông
đưa cho bà quyển sách ấy và nói: “Đây là những món ăn “đầu bữa” của tôi đây.
VII.Nguyên tắc thứ bảy là
hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai. Đó
là một thói quen rất tốt cho tất cả mọi công việc.
Chesterfield trong một bức
thư gởi cho con có nói : “không có gì dễ bằng, miễn là chỉ nên làm một việc
thôi và đừng bao giờ để qua ngày mai việc gì ta có thể làm ngay bây giờ.”
Việc gì cũng vậy, hãy từ từ
mà làm, đừng làm hối hả, vụt chạt, làm một cách tắc trách mà phải làm một cách
đàng hoàng dứt khoát với tất cả tâm hồn. Phải tập quen cái tính này : không bao
giờ chịu làm một việc gì mà làm cho có, miễn cưỡng, cẩu thả và phải làm lại một
lần thứ hai.
Khổng Tử có nói: Học cho
rộng, hỏi cho kĩ, phân biệt sáng rõ, làm cho hết sức. Có điều không học, nhưng
đã học điều gì không hay, không thôi. Có điều không hỏi, nhưng đã hỏi điều gì
mà không biết, không thôi. Có điều không phân biện, nhưng đã phân biện điều gì
mà không minh bạch, không thôi. Có điều không nghĩ, nhưng đã nghĩ điều gì mà
không nghĩ đến nơi, không thôi. Có điều không làm, nhưng đã làm điều gì mà chưa
tận lực, không thôi. Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được thì
phải dụng công gấp trăm, người ta dụng công mười, ta dũng công gấp mười mà
không thành thì phải dụng công gấp nghìn để đến kì được mới thôi. Nếu quả theo
được đạo ấy thì tuy ngu rồi cũng thành sáng, yếu rồi cũng thành ra mạnh. (
Trung Dung)
VIII.Nguyên tắc thứ tám là
muốn làm việc cho nó hiệu quả phải có một sức khỏe dồi dào.
Một thân thể tráng kiện là
điều kiện cốt yếu cho một tinh thần sáng suốt. Bệnh hoạn là một trở ngại to tát
cho sự làm việc bằng trí óc.
Tôi có nhiều bạn văn, ngày
nay đã ra người thiên cổ vì làm việc không nguyên tắc, không biết giữ gìn sức
khỏe. Họ làm việc ban đêm với chè tàu và cà phê, thuốc là…Sống trong những căn
phòng tồi tàn, không đủ không khí, vì vậy, bệnh tật dấy lên và cướp đi mạng
sống họ trong lúc tuổi mới vừa ba mươi, tương lai đang đầy hứa hẹn…
Có người bải : “Ba điều
kiện để được thành công là : “ Tài hoa, sức khỏe và may mắn!”. Lời nói ấy gẫm
cũng chí lí. Epicure có nói : “Một thân thể không đau, một tinh thần không
loạn, đó là chân hạnh phúc của con người”. Thật vậy, có được một tinh thần
không loạn cũng nhờ một phần nào nơi một thân thể không đau. ảnh hưởng của sức
khỏe đối với tính tình và tư tưởng của ta đâu phải là thường !
Như vậy, điều kiện đầu tiên
của sự thành công là có được một thân thể tráng kiện. Và muốn được như thế, dĩ
nhiên là phải có đủ những điều kiện sau đây : ăn uống đầy đủ, bổ dưỡng, nhẹ
nhàng, vận động thân thể vừa vừa, đừng nặng nhọc lắm, thường sống ngoài trời có
gió, có nắng và nhất là có được những giấc ngủ ngon lành. Sự vui vẻ cũng là một
liều thuốc bổ nhất.
Giấc ngủ là quan trọng hơn
hết. Nhưng đừng ngủ thái quá, nhất là “ngủ nướng”. Ngủ nhiều quá làm cho máu
chạy chậm lại, làm cho cảm giác nhụt lần và óc thông minh thêm nặng nề uể oải.
Nhưng, ngủ vừa đủ để lấy lại sức khỏe là cần nhất. Về số giờ phải ngủ thì không
sao định được, nó tùy mùa, tùy công việc làm nặng nhẹ, tùy sự mệt mõi nhiều ít…
Chính mỗi người tùy nhu cầu mà tự định đoạt lấy.
Nhưng nếu mình cảm thấy mất
ngủ, thì phải ngưng lập tức các công việc làm bằng trí óc, và hãy đi ra ngoài
chỗ thoáng khí. Sự mất ngủ, nếu không phải do sự dùng chất kích thích thần kinh
như rượu, trà hay cà phê cùng thuốc lá hoặc vì ăn quá no, thì đó là triệu chứng
của sự làm việc quá độ. Khi nào ngủ lại được thì mới nên bắt đầu làm việc lại.
Những lo âu, cũng là nguồn kích động làm cho ta mất ngủ.
Ngoài trời rộng, đi bách
bộ, giúp cho máu chạy mạnh, rất có lợi cho sự trầm tư mặc tưởng. Nhà nhạc sĩ
đại tài Beethoven thường thích lưu động ngoài đồng ruộng. Trong khi tôi đi thì
đầu óc tôi làm việc mãnh liệt. “Stuart Mill thuật rằng phần lớn quyển sách
Logique ông đã được nghiền ngẫm trong những lúc đi làm việc mà phải đi bách bộ
đến sở.
Làm việc ban đêm đừng bao
giờ quá khuya, sau 10 giờ đêmlà phải ngưng làm việc ngay. Không có gì nguy hại
bằng cách tiêu pha sức khỏe mình trong các tiệm nước hay các rạp xine. Những
giờ nghỉ, cần tìm cách tiêu khiển ngoài trời tốt hơn, nhưng cũng đừng quá phung
phí sức mình trong các cuộc thể thao quá nhọc mệt.
KẾT LUẬN
Người học thức, túc là
người thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì mình không
biết, thì cũng biết rõ là mình không biết. “ Không có sự dốt nát nhục nhã bằng
tin tưởng rằng mình đã biết trong khi mình chưa biết”. văn hóa là một vấn đề
thuộc phẩm chứ không phải lượng.
Tuy nhiên, càng biết rộng
càng hay, càng biết sâu càng quý. Một cái học về bề rộng mà kém về bề sâu, là
một cái học nông nổi phù phiếm. Một cái học về bề sâu nhưng kém về bề rộng, là
một cái học câu chấp hẹp hòi. Cả hai đềulà thiếu sót cả. Có đượcmột cái học
rộng rãi thì tránh được nạn thiên kiến chấp nhất. Có được một cái học chuyên
môn thì cía học của mình mới biến thành thực dụng. Điều hòa được cả hai lối học
ấy là thực hiện được mức cao nhất của công trình văn hóa của mình.
Đọc sách và biết đọc sách
rất cần, nhưng chính mắt thấy tai nghe, biết nhìn xem và quan sát, biết suy
nghĩ và phê bình những sự việc chung quanh ta hằng ngày lại càng cần hơn. Cái
lợi của sách là giúp cho mình suy nghĩ, chứ không phải suy nghĩ thế cho mình.
Học khoa học và triết học rất cần, nhưng đào tạo cho mình một tinh thần khoa
học và triết học lại càng cần hơn.
Mỗi người, tùy khả năng,
tùy phương tiện, tùy tính khí, tùy khuynh hướng…phải biết tự mình tìm thấy một
phương pháp thích ứng cho riêng mình.
Thật vậy, sở dĩ “ không ai
giúp ai được là vì không ai giống ai cả” như Jules Payot đã nói. Và cũng vì tin
tưởng như thế nên tôi chỉ nêu lên những nguyên tắc mà không dám đưa ra những
thí nghiệm của bản thân. Tôi lại còn muốn nói thêm : “không ai bắt chước ai
được, vì không ai giống ai cả”. Socrate nói rất chí lí : “Tôi không dạy ai được
cả, tôi chỉ khêu gợi mà thôi”.
Học cũng như ăn. Tuy là cần
thiết cho tất cả mọi người, nhưng không phải món ăn nào cũng hợp cho tất cả mọi
người. Có kẻ ăn mau tiêu, có người ăn lâu tiêu : sức tiêu hóa của mỗi người mỗi
khác. Lớn ăn khác, nhỏ ăn khác, mạnh ăn khác, đau ăn khác,ở xứ nóng khác, ở xứ
lạnh ăn khác. Có phương pháp học, lợi cho người này, nhưng không lợi cho người
kia. Ai đã từng đi dạy học đều biết rằng phương pháp dạy phải tùy từng cá nhân
mà áp dụng. Nhà giáo dục phải như người trồng cây. Cho nên người Tây phương đã
dùng chữ “culture” để chỉ về văn hóa. Mỗi loại cây đều có những nhu cầu khác
nhau, cần sự chăm nom săn sóc khác nhau.
*
* *
Nói thì dễ…nhưng làm được
bây nhiêu thôi, đâu phải còn dễ nữa. “Trị dị, hành nan” hay “tri nan, hành dị
?”. Theo tôi, cả hai đều khó cả.
Học đâu phải là công việc
của một thời kì cắp sách và trường, “thập niên đăng hỏa” mà thực ra, phải là
công phu thực hiện của suốt một đời người. “Học là một vấn đề không biết lúc
nào là cùng. Còn sống giờ nào, còn phải học giờ nấy.”
Nhưng, học mà không hóa có
hại cho tinh thần, cũng như ăn mà không tiêu, có hại cho sức khỏe. Người có học
thức là người đã “thuần hóa” cái học của mình. Bởi vậy, học mà đến mức gần như
quên hết cả sách vở của mình đã học, cái học ấy mới gọi được là cái học “tinh
nghĩa nhập thần”.
Văn hóa không là quyền sở
hữu của bất cứ một dân tộc nào : những quyển Bible, Koran, Bhagavad Gita, Đạo
Đức Kinh, Dịch Kinh, Hoa Nghiệm Kinh không phải là của riêng của một màu da,
một dân tộc, một thế hệ nào cả. Nó là kho tàn chung của nhân loại. Và người văn
hóa cao cũng không phải là người riêng của một màu da, của một dân tộc hay của
một thế hệ nào cả, mà là một người đã hoàn thành sứ mạng con người của mình,
trong nhân loại.
LỜI HAY Ý ĐẸP
Nhìn lên trên cao,
Học rộng hơn nữa,
Tìm thế vượt cao lên mãi.
(PASTEUR)
Hãy là ngọn đèn trong căn
phòng thấp nếu không thể là ngôi sao giữa khoảng trời cao
(TOPPEUR)
Điều mà tôi biết chắc hơn
hết,
Là tôi không biết gì cả.
(SOCRATE)
Có ba thứ dốt:
Không biết những gì mình
phải biết;
Không biết rành những gì
mình biết;
Biết những gì mình không
nên biết.
(La ROCHEFOUCAULD)
Từ sự không có văn hoá đến
lòng thiên chấp mê tín, chỉ có một bước thôi.
(Charles BAUDOIN)
Óc hẹp hòi là những đầu óc
không thể thưởng thức nổi những gì mình không ưa thích.
(Charles BAUDOIN)
Đem những điều gì mình ưa
thích để chống lại với những gì mình không ưa thích là căn bệnh trầm trọng nhất
của tâm hồn.
(TĂNG XÁN)
Nguồn tusach.mobi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét