Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

23 thg 4, 2014

Tiểu sử của những người phụ nữ được đặt tên đường ở TPHCM


Quận 1:

Đường Nguyễn Thị Minh Khai ( P.Bến Nghé, Q1, TPHCM)

Nguyễn Thị Minh Khai -Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên

Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Việt
 Nam. Cô sinh năm 1910 tại Vinh (Nghệ An), năm 1927 gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1929 thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng ở Trung Hoa. Năm 1935 vào học trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô cũ, cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản.



 Đường Võ Thị Sáu (P7, Q3, TPHCM – P.Tân Định, Q1, TPHCM)

Võ Thị Sáu (1933-1952)

Chị Võ Thị Sáu (1933-1952) xứng đáng với danh hiệu này. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5/1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và hành quyết. Năm 1993, Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Đường Lê Thị Hồng  (Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh )

Lê Thị Hồng

Anh hùng Lê Thị Hồng (tức Minh Thắng) sinh năm 1950, dân tộc Kinh, quê ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Khi được tuyên dương Anh hùng, chị là đảng viên, chính trị viên phân đội biệt động 3 thị xã Bến Tre.
Trong chiến đấu, Lê Thị Hồng luôn thể hiện quyết tâm cao, tích cực tiến công, dũng cảm, táo bạo luồn sâu đánh địch. Chị đã trực tiếp đánh 8 trận ở nội đô thị xã Bến Tre, diệt 65 tên địch (có nhiều sĩ quan), làm bị thương hơn 20 tên, phá huỷ 6 tấn đạn dược. Nhiều lần Hồng mưu trí, chuyển vũ khí vượt qua các trạm gác của địch phục vụ cho các đơn vị đánh các mục tiêu quan trọng trong thị xã. 
Trong trận đánh sở chỉ huy biệt kích ở ngã năm thị xã Bến Tre (20-5-1969), mục tiêu nằm sâu trong thị xã, địch bố phòng cẩn mật, Lê Thị Hồng đã mưu trí thọc sâu nắm chắc tình hình, đề ra phương án chính xác. Trận này, chị diệt 16 tên địch, phá huỷ 6 tấn đạn. Trận đánh thắng làm bọn biệt kích hoang mang, nhiều tên bỏ ngũ, nhân dân trong thị xã phấn khởi tin tưởng.
Trận đánh Ty chiêu hồi địch ở thị xã Bến Tre (1-12-1969), Lê Thị Hồng làm nhiệm vụ nghiên cứu mục tiêu và vận chuyển vũ khí phục vụ cho trận đánh. Tuy địch canh phòng nghiêm ngặt, chị vẫn vượt qua các trạm kiểm soát, dũng cảm bám sát mục tiêu phục vụ cho đơn vị diệt 12 tên, trong đó có tên trưởng ty chiêu hồi.
Chị được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 12 bằng khen và giấy khen, 1 lần là Chiến sĩ thi đua. Ngày 6-11-1978, Lê Thị Hồng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Đường Lê Thị Hồng Gấm (P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM)

Lê Thị Hồng Gấm (1951-1970)

Chị là anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, huân chương Quân công giải phóng hạng ba, sinh nǎm 1951, trong một gia đình nông dân lao động ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang).
Ngay khi còn nhỏ, chị đã được nghe kể những tấm gương hy sinh anh dũng của những người con ưu tú quê hương Mỹ Tho. Tấm gương can đảm của những Thủ Khoa Huân, Trần Xuân Hoà đã tạo cho chị lòng yêu quê hương, căm thù quân xâm lược. Chị còn nghe kể về chiến công nghĩa quân Tây Sơn tại Rạch Gầm - Xoài Mút vào năm 1779.
Năm 16 tuổi, chị tham gia du kích, được Cách mạng phân công làm giao liên. Rất nhiều lần chị dũng cảm đưa cán bộ vượt qua vòng vây của kẻ thù. Có lần chị đã vượt sông đánh lạc hướng quân giặc, để cán bộ cách mạng thoát khỏi vòng vây.
Năm 18 tuổi, chị được phân công về làm xã đội phó xã nhà. Khi ấy, chị ở hầm bí mật, cứ đêm lại về từng gia đình vận động nhân dân. Quê hương giải phóng, chị cùng bà con tổ chức sản xuất.
Với những thành tích ấy, chị được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng miền Nam, tức Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mùa xuân năm 1970, trên đường giao liên, chị đã bị máy bay địch bao vây phục kích, một mình Lê Thị Hồng Gấm với khẩu súng trên tay đã tiêu diệt nhiều tên địch và bắn rơi máy bay lên thẳng của chúng.
Bị thương nặng, biết không qua khỏi, Gấm đã bắn đến viên đạn cuối cùng rồi gắng sức đập gãy nát khẩu súng để khỏi lọt vào tay địch. Lê Thị Hồng Gấm đã hy sinh trong trận đánh quyết liệt ấy. Chị được tặng danh hiệu Anh hùng giải phóng Miền Nam.
Sau cái chết của người anh hùng 19 tuổi, phong trào học tập chị được dấy lên. Ngay quê hương chị, một đơn vị vũ trang nữ được mang tên Lê Thị Hồng Gấm. Tinh thần hy sinh kiên cường của chị là nguồn sức mạnh tiếp thêm, tạo ra những chiến công của đơn vị.
Cảm động trước sự hy sinh anh dũng của Lê Thị Hồng Gấm, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc Những cánh chim Hồng Gấm.

Đường Mạc Thị Bưởi (P.Bến Nghé , Q.1 ,Thành phố Hồ Chí Minh)

Nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi (1927- 1951)

Mạc Thị Bưởi sinh năm 1927 tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách Dân tộc Kinh Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mạc Thị Bưởi là một chiến sỹ du kích, một cán bộ cơ sở, hoạt động ở địa phương. Với lòng căm thù sâu sắc bọn đế quốc, và giai cấp phong kiến áp bức, bóc lột, chị  khắc phục khó khăn, kiên trì xây dựng cơ sở, vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống giặc trong những năm 1946-1947, tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Năm 1949, địch về đóng bốt Trung Hà, tại quê hương, chúng làm hàng rào, tháp canh, càn quét, vây bắt cán bộ. Vì vậy cán bộ ở xã Nam Tân bị bật sang các vùng lân cận. Trong điều kiện khó khăn ấy, một mình chị vẫn bám dân, bám đất, kiên trì hoạt động, giác ngộ nhân dân, xây dựng cơ sở kháng chiến, đào hầm bí mật, đón cán bộ về chỉ đạo kháng chiến. Kết quả, chị đã tổ chức được 3 tổ nữ du kích, xây dựng 35 cơ sở ở ba thôn của xã; vận động quần chúng chống nộp thuế, đi phu cho giặc.
Năm 1950, bộ đội ta đánh bật bốt Thanh Dung, Mạc Thị Bưởi làm liên lạc, lúc nổ súng chị đã bò qua 3 hàng rào dây thép gai và ra vào vị trí địch ba bốn lần để truyền lệnh và báo tình hình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều lần chị cùng cán bộ huyện đột nhập vào các xã để diệt tề, trừ gian, bảo vệ cơ sở.
Năm 1951, Mạc Thị Bưởi làm nhiệm vụ vận động nhân dân vùng tạm chiến chuẩn bị gạo, đường, sữa chuyển ra vùng tự do phục vụ chiến dịch. Chị đã tổ chức vận chuyển ra vùng tự do chu đáo. Trong chuyến cuối cùng, chị không may bị địch phục kích bắt được. Từ lâu chị đã bị địch theo dõi và chúng treo giải thưởng lớn, nếu ai bắt Mạc Thị Bưởi, nhưng không tìm ra tung tích chị. Khi sa vào tay giặc, chúng đã tra tấn cực kỳ dã man nhưng chị vẫn không khai một lời, trung thành tuyệt đối với tổ chức. Biết không thể khuất phục được người con gái kiên cường này, giặc đã treo chị lên bụi tre và dùng dao chọc tiết lợn giết chị. Mạc Thị Bưởi hy sinh khi mới 24 tuổi xuân. Nhân dân địa phương và đồng đội vô cùng thương tiếc chị, đã nêu quyết tâm hăng hái chiến đấu và tích cực công tác để trả thù cho chị.
Ngày 31-8-1955, Mạc Thị Bưởi được Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng Hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng nhì.
Ngày nay Đảng bộ và nhân huyện Nam Sách đã dựng tượng đài Mạc Thị Bưởi, cạnh quốc lộ 5 và xây nhà tưởng niệm tại khu vực đền thờ Mạc Đĩnh Chi để ghi công và tưởng nhớ người con gái anh hùng của quê hương.

Đường Huyền Trân Công Chúa  (Phường Bến Thành , Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)





Huyền Trân Công Chúa – Mở mang bờ cõi

Phật Hoàng VN Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo chiến thắng giặc Nguyên, trong thời bình, nhà vua thực hiện chủ trương “Khoan sức dân”, với tầm nhìn xa trông rộng, ngay cả sau chiến thắng và khi đã nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng hoàng (năm 1290), Trần Nhân Tông vẫn tham gia chính sự, trực tiếp điều binh khiển tướng củng cố vùng biên giới phí Tây và phía Nam đất nước. Ngay cả khi đã xuất gia, sáng lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, ông đã bôn ba hoằng dương Phật pháp ở phương Nam xa xôi, ông lại còn đóng thêm vai “Ong mai, ông mối”, dù chỉ có một con gái duy nhất, vậy mà vì vùng phên dậu phương Nam quan trọng, vì xã tắc muôn đời, ông sẵn sàng chịu để cho người đời chê trách. Ông có nghe câu:
Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thằng Mán , thằng Mường nó leo?
Ông biết nhưng ông tin cuộc đời sẽ hiểu, con cháu sau này sẽ mãi tri ân. Chính nhờ Huyền Trân công chúa gả cho chúa Chiêm thành (Champa, tên một loài hoa đại) là Chế Mân, mà bờ cõi nước Nam có thêm hai châu Ô, châu Lý sau đổi là châu Thuận, Hóa, chạy dài tới tân đèo Hải Vân.
Công chúa có dung mạo xinh đẹp, mới 19 tuổi, nàng vâng lênh vua cha về làm dâu nước Chiêm. Bất hạnh cho Huyền Trân là bà chỉ làm hoàng hậu được gần một năm thì Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm, hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu theo chồng về thế giới bên kia. Vì thế nhà Trần đã cho tướng Trần Khắc Chung sang tìm cách đưa Huyền Trân công chúa trở về nước Nam, chuyến hải trình kéo dài hơn một năm cho đôi trai tài gái sắc lãng mạn, dù tuổi tác hai người có thể khá so le (Chúng ta liên tưởng tới mối tình lãng mạn của mỹ nhân Tây Thi và tướng Phạm Lãi khi hai người tái ngộ sau khi quân Việt Câu Tiễn thắng quân Ngô Phù Sai).


Đường Bùi Thị Xuân (P.Bến Thành, Q1, TPHCM)





Danh tướng Bùi Thị Xuân

Bùi Thị Xuân là một danh tướng thời Nguyễn Tây Sơn. Bà là vợ danh tướng Trần Quang Diệu, có nhan sắc, văn võ toàn tài, được phong chức đô đốc và có tên trong danh sách “ngũ phụng thư” (năm vị anh thư trong đoàn quân Tây Sơn gồm có: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn,  Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc).
Bà cùng chồng theo phò vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đánh dẹp 20,000 quân Xiêm tại Rạch Gầm Xoài Mút (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) năm 1784 và góp công sức trong các chiến trận phá tan 200,000 quân Mãn Thanh xâm chiếm Thăng Long năm 1789. Khi ra trận, bà thật dũng cảm, có tài sử dụng song kiếm, cưỡi ngựa bắn cung và huấn luyện voi trận.
Bà có lòng thương dân khi được cử làm Trấn Thủ trấn Quảng Nam. Bà mở kho phát chẩn, trừng trị bọn cường hào, cứu nạn mất mùa tại đây và giúp cho dân được an cư lạc nghiệp, nên rất được lòng dân cảm phục.



Đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q1, TPHCM)

Hai Bà Trưng

Hai Bà Trưng dấy binh khởi binh chống lại quân Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là Nữ vương. Hình ảnh hai bà được khắc họa trong cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục như sau: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm!”

Đường Thạch Thị Thanh (P.Tân Định, Q1, TPHCM)

Bà Thạch Thị Thanh (1909-1972)

Bà Thạch Thị Thanh - Người phụ nữ Kh’mer, Người Mẹ, Người Bà. Bà là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Đảng viên Đảng Nhân dân Cách Mạng Việt Nam năm 1961 (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Bà sinh năm 1909 trong một gia đình nông dân nghèo dân tộc Kh’mer ở huyện Cầu Kè, Tỉnh Trà Vinh.
Lúc nhỏ, Bà phải đi ở đợ cho địa chủ để kiếm sống. Cách mạng Tháng 8 thành công, gia đình Bà được cấp ruộng đất, thoát cuộc sống nghèo đói, tối tăm. Mang nặng công ơn đối với cách mạng, Bà luôn cùng bà con Việt - Kh’mer ở địa phương đấu tranh chống kẻ thù để giải phóng xóm làng, phum sóc và động viên chồng con tham gia công tác kháng chiến. Đặc biệt từ sau năm 1954, Bà là một trong những người tiêu biểu ở địa phương tích cực đấu tranh chống Mỹ - Ngụy.
Từ năm 1954 đến 1960, trong lúc chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân, giết hại những người kháng chiến cũ, gia đình Bà vẫn một lòng với cách mạng, hết lòng nuôi dưỡng, che dấu cán bộ.
 Từ sau phong trào Đồng khởi 1960 đến 1972, Bà Thạch Thị Thanh liên tục tham gia các công tác cách mạng: Ủy viên Ban cán bộ phụ nữ, Trưởng ban đấu tranh chính trị của xã, Trưởng ban đấu tranh chính trị của huyện, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam.
 Suốt 16 năm, từ 1954 đến 1972, Bà đã tổ chức và tham gia trên 400 cuộc đấu tranh chính trị trực diện, trong đó có nhiều cuộc giằng co quyết liệt, chống địch tàn phá chùa chiền, phum sóc, chống bắt lính, đôn quân, đòi cho sư sãi được yên ổn tu hành và cho đồng bào được tự do đi lại làm ăn… Trong những năm từ 1961 đến 1971, địch tiến hành “Bình định” khốc liệt, Bà vẫn bám dân, bám đất, lãnh đạo bà con kiên trì đấu tranh chống mọi hành động tàn bạo của địch, cùng các gia đình có người thân bị bắt đi lính, kêu gọi hàng chục con em trở về với gia đình.
Quá trình hoạt động, Bà đã 4 lần bị địch bắt giam, 3 lần bị giặc bắn bị thương, 1 lần bị bắt trấn nước suốt ngày, Bà không nao núng. Được thả, Bà lại tiếp tục đấu tranh.
Bà còn góp công to lớn trong cuộc xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang ở xã nhà. Riêng Bà đã phát triển được 26 hội viên nông hội, 17 hội viên phụ nữ, xây dựng được 3 tổ xung kích đấu tranh chính trị làm nòng cốt, duy trì 1 tổ đổi công gồm 30 tổ viên. Bà cũng đã nhiều lần dẫn du kích đánh đồn, vận động nhân dân giúp đỡ bộ đội và đã tiễn 2 người con thân yêu lên đường kháng chiến.
Đầu tháng 4/1972, khi phong trào tấn công và nổi dậy của quân dân ta bùng nổ, mặc dù tuổi cao sức yếu, Bà vẫn tích cực cùng chính quyền cách mạng lãnh đạo đồng bào bao vây đồn bót, phá thế kềm kẹp của địch. Ngày 12/07 trong khi địch ném bom, bắn phá dữ dội để dọn đường xua quân, giải tỏa đồn R đang bị quân ta vây chặt, Bà đã dũng cảm băng qua bom đạn ác liệt, chở xuồng đưa du kích qua sông đánh địch. Xong nhiệm vụ, khi trên đường về, gặp lúc địch ném bom, Bà đã anh dũng hy sinh.
Bà Thạch Thị Thanh đã được Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Trà Vinh và Tây Nam Bộ tặng nhiều Bằng khen, được Trung ương Hội LHPNGMN tặng danh hiệu “Mẹ tiên tiến”, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công nhận “Chiến sỹ thi đua đấu tranh chính trị toàn miền Nam” trong những năm từ 1963 – 1966 và được thưởng Huân chương Giải phóng hạng 2.
63 tuổi đời, 27 năm tham gia công tác cách mạng, Bà Thạch Thị Thanh đã nêu tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân cùng ý chí chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.

Đường Cô Bắc  (Q. 1, Tp. HCM)

Nguyễn Thị Bắc (1908 – 1943)

 Tục thường gọi là Cô Bắc, nữ chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930. Cô sinh tại phố Thọ Xương, phủ Lạng Thương (nay là tỉnh Bắc Giang). Cô con ông Nguyễn Văn Cao và bà Nguyễn Thị Lưu. Ông Cao tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục, bị Pháp đày ra Côn Đảo. Năm 18 tuổi Cô cùng em ruột là Nguyễn Thị Giang, hay còn gọi là Cô Giang, tham gia tổ chức yêu nước Việt Nam dân quốc của Nguyễn Khắc Nhu. Sau gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng.

Trong khởi nghiã Yên Bái Cô Bắc được giao phụ trách công tác tuyên truyền, binh vận và giao liên. Chính cô Bắc đã cùng một số phụ nữ khác đưa bom từ làng Xuân Lũng (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lên tàu lửa đi Yên Bái để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tháng 2-1930 cuả Việt nam Quốc dân Ðảng. Sau khi cuôc khởi nghĩa Yên Bái do Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học lãnh đạo bị thất bại, Cô bị bắt cùng các đồng chí, vẫn hiên ngang, bất khuất trước Hội đồng đề hình, ngày 28.3.1930 tại Yên Bái. Nguyễn thị Bắc đã tỏ rõ là một người Anh thư có khí phách kiên cường, cô đã mắng giặc Pháp trước hội đồng đề hình với câu nói nổi tiếng: ’’Các người hãy về ngay nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne d’Arc đi thôi!’’ (Jeanne d'Arc là một nữ anh hùng Pháp), khiến người Pháp phải kiêng nể tinh thần bất khuất của người Phụ nữ Việt Nam. Bị kết án 5 năm cấm cố, năm 1936, cô được trả tự do. Cô đã cùng chồng là Phạm Quang Sáu, cũng là một yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng, mở cửa hàng lấy tên là Bôvô ở thị xã Bắc Ninh để làm nơi liên lạc với các nhà yêu nước. Nguyễn Thị Bắc qua đời năm 1943.


Đường Cô Giang (Phường Bến Thành, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh)

Cô Giang

Nguyễn Thị Giang sinh năm kỷ Dậu (1909) tại thị xã Phủ Lạng Thương, thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Việt. Nhà ba chị em gái, cha mẹ đặt tên theo tên tỉnh: chị là Bắc, rồi Giang, út là Tỉnh.
Trong khi Tỉnh còn măng sữa, cô Bắc và cô Giang đã lớn khôn, nhan sắc tuy không vẹn mười nhưng gọn gàng xinh xắn. Cô Bắc chín chắn, nói năng đanh thép, cô Giang có phần lanh lợi, tháo vát hơn, cả hai đều ngay thẳng và dạn dĩ.
Sau khi học xong lớp nhất, Cô Giang cùng chị là Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) được nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu (tức Xứ Nhu) dìu dắt rồi kết nạp vào tổ chức Việt Nam Dân Quốc
Ngày 25 tháng 12 năm 1927, nhóm trí thức trẻ trong Nam Đồng thư xã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau đó, đảng này sáp nhập với Việt Nam Dân Quốc . Nhờ việc sáp nhập này, Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học có dịp làm quen với Cô Giang. Hợp lòng nhau, vào một buổi chiều từ Phú Thọ về xuôi, hai người ghé vào Đền Hùng, sau khi hội đàm với các đồng chí của mình, cả hai vào đền thờ Tổ để cùng thề hẹn...
Theo một Ủy viên trong Việt Nam Quốc Dân Đảng là nhà văn Nhượng Tống, thì trong buổi ấy, Cô Giang đã cố xin Nguyễn Thái Học giao cho một khẩu súng lục, và hứa rằng “nếu Học chẳng may chết vì nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!.  Đứng trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Cô Giang được cử giữ chức Tổng thư ký của đảng. Sau, cô cùng chị là Cô Bắc được cử phụ trách việc truyên truyền, làm binh vận và liên lạc giữa các cơ sở đảng ởBắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái... Và bất cứ ở nơi đâu, hai chị em cô đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhiều nơi (khi ấy Cô Giang được phân công chỉ huy mặt trận tỉnh Bắc Ninh), nhưng nhanh chóng bị thất bại.  Lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí nòng cốt của ông (trong số đó có cả Cô Bắc) đều bị đối phương bắt được. Nghe tin vị hôn phu của mình bị bắt (ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Cô Giang đã nghĩ đến kế hoạch táo bạo là tấn công nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để giải thoát cho Nguyễn Thái Học và các người khác.
Kế hoạch chưa kịp thực hiện, thì ngày 16 tháng 6 năm 1930, Cô Giang nghe tin nhà cầm quyền Pháp đã đưa Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông từ Hà Nội lên Yên Bái, để xử chém vào ngày hôm sau (17 tháng 6).
Tức thì, Cô Giang cải trang, giáu khẩu súng lục trong người rồi đi tàu hỏa lên đó. Xem xử xong, cô lặng lẽ trở về phòng trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh trên trang giấy khổ nhỏ, bằng bút chì xanh. Lá thư thứ nhất cô gửi cho cha mẹ anh Nguyễn Thái Học, còn lá thứ hai cô gửi cho người chồng nơi chín suối. Viết xong thư, Cô Giang ra chợ mua mấy vuông vải trắng, thắt ngang đầu để tang chồng, rồi đáp tàu hỏa về Vĩnh Yên, quê Nguyễn Thái Học, ngay buổi chiều tối hôm đó.
Tờ mờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 1930, cô về làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay thuộc Vĩnh Phúc) để lạy tạ cha mẹ chồng (ông Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh), tháo chiếc đồng hồ có khắc chữ "G" tặng cho Nguyễn Văn Lâm, em trai Nguyễn Thái Học và từ giã mọi người.

Trên đường đi cô ghé quán trà bên gốc cây đề, thuộc Xóm Mới, xã Đông Vệ giáp quốc lộ số 2, cách làng Thổ Tang ước chừng một cây số. Sau khi uống bát nước trà xanh, từ biệt bà chủ quán, cô đến đứng dưới gốc cây đề, mắt nhìn về hướng làng Thổ Tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng cô ở đền vua Hùng ngày nào.


Đường Sương Nguyệt Ánh (P.Bến Thành, Q1, TPHCM)

Sương Nguyệt Anh
Sương Nguyệt Anh (1864 - 1921), tên thật là Nguyễn Thị Khuê (theo “Nguyễn chi thế phổ”), tuy nhiên tên khắc trên bia mộ của bà lại là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh... Bà là nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo Nữ giới chung do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn.

Đường  Lê Thị Riêng (P.Bến Thành, Q1, TPHCM)

Bà Lê Thị Riêng (1925 -1968)

Bà Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha mẹ sớm, được chứng kiến cảnh áp bức bốc lột của bọn địa chủ cường hào, ngay từ khi còn nhỏ Bà đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1945 khi Cách mạng tháng tám bùng nổ, Bà tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp thực hiện nguyện vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giới mình khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến. Năm 1948 được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Năm 1954 sau khi hiệp định Geneve được ký kết, Bà tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng chống chế độ độc tài phát-xít của Mỹ-Diệm. Năm 1960 Mật trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Bà được bầu làm Phó Hội trưởng Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Bà còn là một cây viết xã luận sắc xảo của báo Phụ nữ Giải phóng –một tờ báo của cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam – tiếng nói của phong trào phụ nữ, một vai trò chủ chốt và hùng hậu nhất trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện với quân thù.
Bà Lê Thị Riêng là một người phụ nữ giàu lòng yêu nước, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, là một cán bộ cách mạng tài năng và đức độ.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước Bà đã hoạt động liên tục không biết mệt mỏi. Trong những năm khó khăn, Bà luôn luôn tỏ ra là một Cán bộ rất mực trung kiên, xuất sắc của phong trào. Bà đã đóng góp nhiều công sức xây dựng cơ sở cách mạng, gây dựng phong trào phụ nữ ở Miền Nam, được toàn thể phụ nữ Miền Nam và nhân dân Miền Nam cảm mến tin yêu.
Trong một chuyến đi công tác hồi tháng 5/1967, Bà sa vào tay bọn mật thám và bè lũ Mỹ - Thiệu –Kỳ. Bọn mật vụ Mỹ CIA và bọn công an ngụy đã dùng cực hình tra tấn Bà rất dã man. Chúng đốt cháy tay Bà đến trơ xương, Bà vẫn giữ vừng khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, đã biểu hiện khí phách hiên ngang bất khuất. Tinh thần dũng cảm ngoan cường ấy đã làm cho bè lũ Mỹ và tay sai vô cùng khiếp đảm.
Đêm mồng 2 Tết  Mậu Thân (31/1/1968) bọn địch đã hèn hạ ám hại Bà cùng một số người yêu nước khác trên đường Hồng Bàng (nay là đường Hùng Vương –Tp.Hồ Chí Minh).Hành động ám hại Bà –Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng Miền Nam Việt Nam một cách hèn hạ, đê tiện như trên nằm trong âm mưu tàn sát những người yêu nước bị chúng giam giữ mà bọn Mỹ -Thiệu –Kỳ đã tiến hành hàng loạt ở các đô thị Miền Nam.
Sự hy sinh rất anh hùng của Bà đã nêu một tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bà đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ, những đức tính cần cù, giản dị, khiêm tốn và phẩm chất cao quý của Bà đã được mọi người kính phục và học tập. Bà đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam truy tặng huy chương "Thành Đồng" hạng II và huân chương "Quyết Thắng" hạng I.

Đường Bà Lê Chân (Phường Tân Định, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh)

Lê Chân -“Thánh Chân công chúa”

Nữ tướng Lê Chân quê ở một làng nhỏ là An Biên, huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Với dung mạo xinh đẹp, giỏi võ và thơ phú, bà nổi tiếng khắp vùng. Nghe tiếng Lê Chân, thái thú Tô Định đã ép bà về làm thiếp. Buộc lòng, bà phải trốn đến vùng sông Cấm, khai đất khẩn hoang lập nghiệp tạo nên một vùng đất trù phú, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.
Không những thế, bà Lê Chân còn truyền bá nghề trồng dâu, nuôi tằm, đánh bắt thủy sản cho nhân dân, giúp họ có cuộc sống ấm no. Bà còn chiêu mộ trai tráng, huấn luyện thành đoàn binh tinh nhuệ về thủy chiến. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa vào năm 40, Lê Chân đã mang quân gia nhập, góp sức đánh đuổi quân Đông Hán giành nền độc lập cho nước ta. Trong các trận chiến, bà thường được cử làm Tướng tiên phong và lập được nhiều chiến công hiển hách.
Vì thế, bà Lê Chân đã được Trưng Nữ Vương phong là Thánh Chân công chúa. Sau khi Hai Bà Trưng trầm mình tại sông Hát, bà Lê Chân rút quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn, thuộc Hà Nam ngày nay, để củng cố lực lượng, chờ cơ hội phản công chống lại quân Đông Hán giành độc lập.Tuy nhiên, lực lượng ta thế yếu, Mã Viện là một vị lão tướng nham hiểm với đông quân lính, nên để bảo vệ danh tiết, bà trầm mình xuống sông Hát như hai chủ tướng của mình.
Thương tiếc người con gái tài hoa, sau này , vua Trần Anh Tông phong bà Lê Chân là Thành hoàng xã An Biên. Hiện nay Hải Phòng nhớ ơn công lao thành lập vùng An Biên, nay là Hải phòng, nên lập Đền Nghè ờ trung tâm thành phố cùng với bức tượng bà Lê Chân mặc áo giáp oai phong đứng trên bệ cao ngất ngưởng, tọa lạc gần nhà Hát lớn của thành phố, nhìn ngắm Hải Phòng rạng rỡ công đức của nữ tướng Lê Chân tức Thánh Chân công chúa mãi mãi.

Đường Đặng Thị Nhu  (P. Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP Hồ Chí Minh)

Đặng Thị Nhu (? -1909)

Đặng Thị Nhu sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khó ở Yên Thế (Bắc Giang). Miền đất này đã tạo nên cho bà trở thành thiếu nữ gan dạ tháo vát và giàu lòng yêu nước thiết tha.
Trong cao trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX, cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám và nông dân vùng Yên Thế là cuộc đấu tranh vũ trang quyết liệt nhất, kéo dài nhất và cũng làm cho giặc lo ngại nhất. Cuộc khởi nghĩa kéo dài tới 30 năm, trong cuộc khởi nghĩa này, bà Đặng Thị Nhu đã góp phần quan trọng cùng chồng xông pha trận mạc.
Khoảng đầu năm 1894, nghĩa quân Yên Thế ở vào một giai đoạn gay go ác liệt, lực lượng bị tiêu hao sau nhiều trận chiến, nghĩa quân đành phải phân tán, một bộ phận lánh sang Thái Nguyên. Bản thân Hoàng Hoa Thám lúc đó cũng bị địch truy lùng gắt gao nên phải ẩn náu trong núi rừng. Một buổi chiều khi tới làng Vạn Vân, trên đường đi bỗng Hoàng Hoa Thám gặp một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh đó là Đặng Thị Nhu. Đề Thám nói dối với cô Nhu, ông là người đi buôn, bị kẻ cướp lấy hết tiền nong vốn liếng, trời lại sắp tối, sẵn lòng thương người, cô Nhu đưa khách về nhà diện kiến với cha. Cha cô có người con nuôi là Thông Luận là một vị tướng của Đề Thám, hôm ấy cũng về thăm cha nuôi, cũng từ đó, gia đình cô Đặng Thị Nhu trở thành cơ sở của nghĩa quân và cô Nhu trở thành người giúp việc đắc lực cho Đề Thám. Thấy Đề Thám và cô Nhu tâm đồng ý hợp, với sự cho phép của cha già, chẳng bao lâu cô Nhu trở thành vợ ba của Hoàng Hoa Thám, thành hôn Đặng Thị Nhu có tên mới là “Bà Ba Cẩn”. Sát cánh bên chồng bàn định kế hoạch xây dựng lực lượng, bà Ba Cẩn đã đề xuất ý kiến là ta nên tranh thủ sự hòa hoãn, để xây dựng lực lượng, để có thực lực chiến đấu lâu dài. Bà phân tích cặn kẽ, lập luận vững chắc, đã được tướng lĩnh nghĩa quân và thủ lĩnh Đề Thám tán thành.
Đến năm 1907, nghĩa quân của Đề Thám đã lan rộng đến Hà Nội, do sáng kiến và tổ chức của bà Ba Cẩn, Đảng Nghĩa Hưng một tổ chức yêu nước chống Pháp được thành lập ngay ở Hà Nội. Đảng Nghĩa Hưng đề ra kế hoạch đánh úp Pháp và đầu độc lính Pháp tại Hà Nội. Việc tiến hành bị lộ nhưng đã làm bọn Pháp rất hoang mang lo sợ.
Ngày 29-1-1909, quân Pháp tập trung lực lượng đánh vào Yên Thế, bà Ba Cẩn đã chỉ huy nghĩa quân chiến đấu kiên cường, kêu gọi binh sĩ người Việt quay lại với dân với nước. Bà Ba Cẩn đã chiến đấu dũng cảm liên tục 10 tháng trời nhưng thế giặc càng ngày càng mạnh, rồi chẳng may sáng ngày 1-12-1909, bà Ba Cẩn cùng con gái bị giặc bắt cùng một số chiến hữu. Thực dân Pháp đã đem bà đi đày cùng con gái sang Guyane (Nam Mỹ). Dọc hải trình viễn dương, thừa lúc quân canh sơ ý, bà đã nhảy xuống biển tuẫn tiết.
Là một cô gái nông dân, với ý chí căm thù giặc sâu sắc, bà Đặng Thị Nhu đã trở thành vị chỉ huy mưu hoạch chiến đấu oanh liệt và đã anh dũng hy sinh. Tấm gương dũng cảm, bất khuất của bà góp phần làm rạng ngời thêm truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta.

Quận 2

Đường Nguyễn Thị Định (Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh)

 Nguyễn Thị Định - Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỷ XX:

Bà Nguyễn Thị Định, sinh năm 1920 tại tỉnh Bến Tre. Năm 1974 là Thiếu tướng, Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, bà là nữ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó chủ tịch nước) đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đường Trn Ngc Din  (Phường Thảo Điền, Quận 2, Tp.HCM)

Trần Ngọc Viện

Trần Ngọc Viện sinh năm 1884 tại làng Vĩnh Kim (tỉnh Mỹ Tho nay là Tiền Giang), trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.
Ông nội bà là Trần Quang Thọ, vốn là một nghệ nhân nổi tiếng trong ban nhạc của cung đình Huế. Khoảng năm 1860, ông xin thôi việc rồi di cư vào Nam. Cha bà là nhạc sĩ Trần Quang Diệm (Năm Diệm, 1853-1925), em bà là Trần Văn Triều (Bảy Triều, 1897-1931) , và bà còn là cô ruột của Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch (cả hai đều là con của ông Triều).
Bà Ba Viện biết hát nhiều điệu hát, biết sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc, nhưng điêu luyện nhất là đàn thập lục (đàn tranh) và đàn tỳ bà. Ngoài ra, bà còn có tài thêu thùa may vá, và chính nhờ nghề này, bà đã nuôi sống cả gia đình.
Bà có chồng là con một ông Phán mê âm nhạc ở Mỹ Tho, được hơn một năm thì sinh con, nuôi được ba tháng thì mất, sau đó không lâu thì chồng bà cũng mất theo. Cảm thương tình cảnh góa bụa sớm, gia đình bên chồng cho bà về lại quê nhà.
Lối năm 1915-1916, nhờ ông Diệp văn Cương giới thiệu, bà lên Sài Gòn dạy đờn ở trường nữ sinh Áo Tím (tức trường Gia Long cũ, nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai).
Ở trường, bà đọc được nhiều sách báo tiến bộ của các nhà yêu nước. Rồi bà bị tình nghi làm "quốc sự" cùng với em rể là giáo sư Nguyễn Văn Bá (chủ bút tờ báo Thần Chung), nhưng mãi đến năm 1926, sau lần đi dự đám tang cụ Phan Chu Trinh, bà mới bị nhà trường đuổi việc và từ đó trường Áo Tím cũng dẹp luôn môn dạy đờn.
Về lại quê nhà Vĩnh Kim, bà tham gia hoạt động kháng Pháp. Lúc bấy giờ, nhiều người nghe tiếng, thường xuyên tới lui thăm viếng bà, trong số đó Nguyễn An Ninh, và ông này đã xem bà như người chị ruột.
Năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Mỹ Tho được thành lập, liền sau đó Chi bộ xã Vĩnh Kim, thuộc tổ chức trên cũng được thành lập.
Để tuyên truyền, khêu gợi lòng yêu nước của nhân dân, đồng thời để tạo ngân quỹ cho Chi bộ xã, bà Ba Viện, có sự góp sức của người em dâu là Nguyễn Thị Dành , bà hăng hái đứng ra thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban, đảm nhiệm một lúc nhiều vai trò, nhưng nổi trội hơn cả là vai trò bầu gánh và đạo diễn.
Biết được ý đồ của bà Ba Viện, thực dân Pháp và các cộng sự đã tìm đủ mọi cách cản trở không cho gánh hát của bà công diễn. Nhưng nhờ sự khôn khéo, tinh thần dám đấu tranh của bà, nhờ sự bao che của dân chúng nên gánh hát cũng được biểu diễn nhiều nơi và gây được tiếng vang tốt.
Đến khoảng giữa năm 1929, do sự khủng bố gắt gao của đối phương, gánh hát Đồng Nữ Ban phải giải tán.
Khi không còn đoàn hát nữa, bà Ba Viện về ở nhà người em là ông Bảy Triều, sống một cuộc đời thanh bạch. Ở đây, bà đã hết lòng nuôi dạy các cháu của mình là Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Trần Thị Mộng Trung...
Ngày 25 tháng 8 năm 1944, bà Trần Ngọc Viện mất, thọ 60 tuổi.


Quận 3:

Đường  Nguyễn Thị Diệu (P.6, Q3, TPHCM)

Nguyễn Thị Diệu (1926 - 1955)

Nhà giáo liệt sĩ. Quê huyên Đức Phổ (Quảng Ngãi). Nguyễn Thị Diệu từng học ở Sài
Gòn - đậu tú tài - sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp quay trở lại, bà tham gia kháng chiến ngay. Được bầu vào ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ.
Tuy xuất thân từ gia đình quan lại triều đình Huế cũ nhưng bà sống giản dị, hòa mình với quần chúng. Năm 1950 bà xuống miền Tây hoạt động, học bơi xuồng để một mình đi công tác tới các vùng nông thôn hẻo lánh. Năm 1952 bà phụ trách công tác thuế nông nghiệp. Sau hiệp định Genève, bà về Sài Gòn dạy học tại trường tư thục Đức Trí để hoạt động bí mật. Bọn tay sai Ngô Đình Diệm phát hiện; bà bị bắt ngày 6-7-1955 giữa lúc đang đứng trên bục giảng. Chúng tra tấn bà đến chết, lúc đó bà đang mang thai.TP. HCM có đường Nguyễn Thị Diệu (được đặt tên từ 1985).

Đường Bà Huyện Thanh Quan (Phường 7, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh)

Bà Huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan (sinh 1805(Ất Mùi) - mất 1848 (Mậu Thân)) tên thật là Nguyễn Thị Hinh bà là người giỏi về thơ văn thời Minh Mệnh và Tự Đức. thân sinh Bà Huyện Thanh Quan là danh nho Nguyễn Lý (1755-1837) vốn là một cựu thần nhà Lê, là học trò của danh sỹ Phạm Quý Thích một tiến sĩ đời nhà Lê và là bạn thân của thi hào Nguyễn Du.
Bà người làng Nghi Tàm, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Bà là vợ ông Lưu Nghi (1804 -1847), tự là Lưu Nguyên Uẩn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Lưu Nghi đỗ cử nhân năm 1821 (đời Minh Mạng thứ 2), làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình), vì vậy người ta thường gọi bà là "Bà huyện Thanh Quan".
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có nhắc tới chồng bà trong Nam thi hợp tuyển như sau: "Chồng bà là ông Lưu Nguyên Uẩn, sinh năm 1804, đậu tú tài năm 1825, cử nhân năm 1828 và được bổ nhiệm làm tri huyện Thanh Quan. Ông huyện Thanh Quan vì can án phải cách, bổ làm Bát phẩm thơ lại Bộ hình. Sau lại thăng lên chức Viên ngoại lang".
Năm 1839, bà vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và hậu phi. Ở Huế, bà giao thiệp và để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kẻ sĩ. Năm 1847, sau khi chồng mất, bà xin phép về quê nghỉ hưu và đưa bốn con nhỏ từ Huế về sống tại quê nội ở làng Nghi Tàm. Công chúa Mai Am đã tặng bà bài thơ "Tống Ái Lan Thất Nguyễn Thị Lưu Hà Nội"
Bà đã để lại 6 bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật, miêu tả phong cảnh đất nước như đèo Ngang (bài Qua đèo Ngang), thành Thăng Long (bài Thăng Long hoài cổ), chùa Trấn Bắc (bài Chùa Trấn Bắc),... biểu thị lòng yêu mến phong cảnh thiên nhiên và tâm trạng ai hoài trước sự đổi thay của thế sự. Ngoài ra còn một bài thơ Cảnh thu hiện vẫn chưa rõ là của bà hay của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Hai câu thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan nằm trong bài Qua đèo Ngang:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Đường Hồ Xuân Hương  (Phường 6, Quận 3, TP.HCM )
Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là nhà thơ Nôm nổi tiếng (1772-1822). Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Đền Thái Thú

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.

Quận 5

Đường Bà Triệu   (Phường 10, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh)

Triệu thị Trinh

Triệu thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 nǎm 226 (Bính Ngọ) tại huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình hào trưởng. Triệu thị Trinh là một phụ nữ có tướng mạo kỳ là, người cao lớn vú dài nǎm thước. Bà là người tính tình vui vẻ, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, trí lực hơn người. Truyền thuyết kể rằng, có lần xuất hiện một coi voi trắng một ngà phá phách ruộng nương, làng xóm, lầm chết người. Triệu Thị Trinh dũng cảm cầm búa nhảy lên đầu giáng xuống huyệt làm con voi lạ gục đầu xin qui thuận.
Khi nhà Ngô xâm lược đất nước gây nên cảnh đau thương cho dân chúng, khoảng 19 tuổi Triệu thị Trinh bỏ nhà vào núi xây dựng cǎn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Khi anh trai nhắn về nhà chồng, bà đã trả lời tỏ rõ khí phách của mình mà đến nay không mấy người Việt Nam là không biết: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta". Truyền thuyết kể rằng, nǎm 248 khi Triệu Thị Trinh khởi nghĩa trời đã sai đá núi loan tin tập hợp binh sĩ trong vùng. Đêm khuya từ lòng núi đá phát ra rằng: "Có Bà nữ tướng. Vâng lệnh trời ra. Trị voi một ngà. Dựng cờ mở nước. Lệnh truyền sau trước. Theo gót Bà Vương". Theo đó dân chúng trong vùng hưởng ứng nhiệt liệt, có người mang theo cả bộ giáp vàng, khǎn vàng.... dâng cho bà. Anh trai bà là Triệu Quốc Đạt được tôn làm Chủ tướng. Bà Triệu là Nhuỵ Kiều tướng quân (Vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa). Khi ra trận Bà mặc áo giáp vàng, chít khǎn vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi một ngà. Quân Bà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng, quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Bà Vương đánh giặc. Cho đến nay nhân dân vùng Thanh Hoá và lân cận còn nhiều câu ca, lời ru con nói về sự kiện này.
Sau hàng chục trận giao tranh với giặc, trận thứ 39 anh trai bà là Triệu Quốc Đạt tử trận, Bà Triệu lên làm chủ tướng và lập nên một cõi giang sơn riêng vùng Bồ Điền khiến quân giặc khó lòng đánh chiếm. Biết bà có tính yêu sự sạch sẽ, ghét tính dơ bẩn, quân giặc bố trí một trận đánh từ tướng đến quân đều loã thể. Bà không chịu được chiến thuật đê hèn đó phải lui voi giao cho quân sĩ chiến đấu rồi rút về núi Tùng. Bà quì xuống vái trời đất: "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn. Sau khi bà mất dân vùng Bồ Điền, Phú Điền vẫn nghe trên không trung tiếng cồng thúc quân, voi gầm, ngựa hí. Bà còn phù hộ cho nhiều thủ lĩnh sa này đánh tan quân xâm lược đất nước. Có người sau này lên làm ngôi vua, như Lý Bô, đã xây đền, lǎng mộ để ghi nhớ công ơn của Bà.
Đến nay chuyện Bà Triệu từ thế kỷ thứ II vẫn còn hằn đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam với lòng ngưỡng mộ và tự hào. Lǎng và đền thờ Bà vẫn còn mãi với thời gian tại huyện  Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia là bằng chứng về niềm tự hào một người phụ nữ liệt oanh của Dân tộc Việt Nam.


Quận 7

Đường Nguyễn Thị Thập (P.Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM)

Bà Nguyễn Thị Thập - Người phụ nữ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lâu nhất:

Bà Nguyễn Thị Thập, sinh năm 1908 tại Long Hưng, Châu Thành, Bến Tre. Có 18 năm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1956-1974). Bà cũng là nữ đại biểu Quốc hội nhiều khóa nhất (khóa 1-khóa 6) 36 năm làm đại biểu Quốc hội, nữ Phó chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam.

Quận 10:

Đường Hồ Thị Kỷ (P.1, Quận 10, Tp.Hồ Chí Minh)

Chị Hồ Thị Kỷ (1949 -1970)

Chị Hồ Thị Kỷ sinh năm 1949 ở ấp Cây Khô, xã Tân Lợi (nay là xã Hồ Thị Kỷ), huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Sinh ra và lớn lên trên một vùng đất có truyền thống cách mạng; với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, chị đã sớm giác ngộ cách mạng. Mới 11 tuổi, chị đã làm công tác giao thông liên lạc cho xã và nhiều lần đi theo người lớn tham gia đấu tranh, biểu tình…
Tháng 7/1966, chị đựơc phân công làm công tác văn phòng kiêm công tác giao liên của xã Tân Lợi. Tháng 9/1967, chị chuyển sang làm công tác Thanh niên. Trong thời gian này, chị cùng người chị dâu làm công tác binh địch vận. Bằng nhiều biện pháp, hai chị đã thuyết phục được tên đồn phó đồn Giồng Kê mang 10 quả lựu đạn về cho cách mạng. Chiến công này đã góp phần động viên tinh thần hăng say công tác của chị và nâng cao tinh thần chiến đấu của nhân dân địa phương.
Năm 1969, chị đựơc chọn vào đội biệt động thị xã Cà Mau và đựơc giao nhiệm vụ vào thị xã trinh sát. Vốn xinh đẹp lại thông minh nên chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã nắm thông thạo địa bàn. Mỗi lần được giao nhiệm vụ, chị đều chuẩn bị chu đáo, kỹ càng để hoàn thành công việc nên cấp trên rất yên tâm, tin tưởng ở chị.Trận đánh vào kho hậu cần tiểu đoàn 3 (trung đoàn 32, sư đoàn 21 ngụy) là trận mở đầu chị tham gia và đã lập công xuất sắc, tiêu diệt 2 tên địch, phá huỷ một kho đạn và đốt cháy 2.000 lít xăng. Chiến công này đã gây được tiếng vang lớn, động viên anh chị em trong đội. Tiếp đến, chị tham gia vào trận đánh Toà Hành chính thị xã Cà Mau. Trong trận này, quân ta đã tiêu diệt 1 xe tăng và 2 xe GMC địch. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu và những thành tích xuất sắc, ngày 2/10/1969 chị vinh dự được kết nạp vào Đảng.Ngày 10/7/1969, chị được giao chỉ huy một tổ đánh vào Phòng Căn cước, thuộc Ty Cảnh sát Cà Mau để tiêu diệt bọn ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Nhận nhiệm vụ, chị lên kế hoạch cụ thể, tự mình nhiều lần cải trang đi trinh sát, tìm hiểu quy luật hoạt động của địch. Nhờ vậy, trong trận này chị cùng với cả đội đã tiêu diệt được 6 tên địch và làm bị thương 5 tên. Chị được tặng danh hiệu Dũng sỹ quyết thắng cấp 2.
Câu chuyện còn mãi được người dân kể với niềm khâm phục, tự hào về tinh thần dũng cảm hy sinh của chị là trận đánh vào Ty Cảnh sát ngụy sáng ngày 3/4/1970. Hôm đó, khi chị cùng tổ chiến đấu gồm 4 đồng chí đến Ty, thấy bọn cảnh sát đang tập trung để chuẩn bị đi càn. Nhanh trí, chị quyết định cho cả tổ lùi ra và một mình thản nhiên xách chiếc làn đựng 10kg thuốc nổ tiến về phía quân địch. Thấy chị quen mặt, chúng xúm lại trêu chọc, hỏi thăm, chị lấy thuốc mời chúng hút...Nhanh như chớp, chị nhấn kíp mìn, một tiếng nổ dữ dội, quầng lửa trùm lên, 27 tên cảnh sát khét tiếng bị đền mạng trong đó có một sỹ quan Mỹ, 3 xe quân sự bị thiêu huỷ. Chị đã anh dũng hy sinh!Tinh thần xả thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của chị, người con gái đất Mũi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ chúng ta. Chị đã để lại niềm tự hào, lòng khâm phục, kính trọng cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Liệt sỹ Hồ Thị Kỷ đã được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 19/5/1972.

Quận 11:

Đường Nguyễn Thị Nhỏ  (Phường 16, Quận 11, TpHCM)

Nguyễn Thị Nhỏ (1909- 1946)

Nguyễn Thị Nhỏ, tức Sáu Nhỏ – còn gọi là Sáu Điếc, sinh năm 1909 trong một gia đình tiểu thương tại làng Long Hồ – chợ Ngã Tư, nay là xã Long An – huyện Long Hồ – tỉnh Vĩnh Long, con của ông Nguyễn Văn Vững và bà Tống Thị Tòng. 
Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có nhiều anh em đều tham gia hoạt động cách mạng, Nguyễn Thị Nhỏ sớm chịu ảnh hưởng giáo dục của gia đình, lúc còn đi học. Tư tưởng yêu nước, lòng yêu quê hương, căm ghét bọn thống trị bất công được dần hình thành trong chị qua sự giáo dục của cha, anh và nhất là những câu chuyện truyền thống mà người mẹ thường kể cho anh em chị nghe. 
Tháng 3/1926, phong trào học sinh - sinh viên và quần chúng lao động khắp Nam Kỳ rầm rộ xuống đường để tang nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Nguyễn Thị Nhỏ tham gia ngay vào những cuộc xuống đường này với một lòng nhiệt thành sẵn có. Sau đó, chị xin về dạy học ở Hương Điểm (Bến Tre) với ước mong truyền đạt cho lớp học trò nhỏ gương những nhà yêu nước “con Lạc, cháu Hồng”. Được ít lâu, chị chuyển về dạy ở “Sa Đéc học đường”. Tại Sa Đéc, chị chiếm được tình cảm của mọi người bằng những hành động yêu nước. Năm 1927, chị được kết nạp vào Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Sa Đéc. Chị được sinh hoạt chung với những nhà cách mạng như Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Phát và thường xuyên liên lạc với Châu Văn Liêm ở Chợ Mới (Long Xuyên). Đầu năm 1929, chị được cử đi học lớp huấn luyện chính trị do Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Nam Kỳ tổ chức. Lớp do các ông Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Kim Cương trực tiếp phụ trách. Nhờ hăng say học tập và có trí thông minh, Nguyễn Thị Nhỏ tiếp thu nhanh và nắm vững các nguyên lý cách mạng cơ bản, được các đồng chí lãnh đạo Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tỉnh Sa Đéc (tỉnh bộ do ông Nguyễn Văn Phát làm Bí thư) rất tín nhiệm.
Giữa năm 1929, chị cùng ông Nguyễn Văn Phát (lúc này, hai người vừa hứa hẹn kết duyên vợ chồng) được điều lên công tác tại cơ quan Kỳ bộ đóng ở số nhà 14 - hẻm La-ca-đơ (Sài Gòn – Chợ Lớn). Lúc lên đường, chị hẹn với anh Phát “đợi cách mạng thành công mới tổ chức đám cưới để lo làm tròn nhiệm vụ”. Ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Nhỏ và một số đồng chí chịu trách nhiệm cộng tác biên tập, in và phát hành báo “Công – Nông – Binh”, tờ nội san “Bôn-sơ-vích” và tài liệu Đại hội lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Công việc đang tiến triển, địch đánh hơi và phát hiện ra cơ quan Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Nam Kỳ. Ngày 23/9/1929, bị tên Sường – tức Hồ Cao Cương trong cơ quan Kỳ bộ – chỉ điểm, chị và các ông Nguyễn Văn Phát, Trần Ngọc Quế bị mật thám Pháp bắt.
Thực dân Pháp đưa chị giam ở Khám Lớn (Sài Gòn). Chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man song chị nhất quyết không khai nửa lời. Chị và anh Phát một mực khai nhận là vợ chồng, chủ ngôi nhà 14 đường La-ca-dơ và chị là người ở tỉnh lên Sài Gòn làm công việc nội trợ gia đình. Những đòn tra tấn của bọn cai ngục làm tai chị về sau thường sưng mủ, các đồng chí và bạn tù về sau hay gọi chị là Sáu Điếc. Được 6 tháng, bọn mật thám buộc phải thả chị vì không có đủ chứng cớ. Anh Phát, chúng còn tình nghi, tiếp tục bị giam giữ. 
Tranh thủ lúc được tha, chị liên lạc ngay với ông Châu Văn Liêm (tên lúc này là Việt) là Bí thư Kỳ bộ thay ông Phạm Văn Đồng đã bị thực dân Pháp bắt. Được biết Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội đã giải tán, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập, chị càng phấn khởi lao ngay vào nhiệm vụ, được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng (tháng 10/1929). Lấy lý do đi thăm chồng, chị được tổ chức cử vào Khám Lớn để liên lạc, truyền đạt chủ trương, quyết định của Đảng từ ngoài vào nhà tù. Các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và một số cán bộ của Đảng trong Khám Lớn bấy giờ nhận được quyết định kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng là nhờ Nguyễn Thị Nhỏ đem quyết định từ ngoài vào. 
Ngày 3/2/1930, ba tổ chức cộng sản ở 3 miền thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Nhỏ là một trong số lớp người đầu tiên ở Nam Kỳ đứng vào hàng ngũ của Đảng. 
Ngày 4/6/1930, Đảng tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đưa nông dân ra đấu tranh trực diện với địch đòi giảm sưu thuế, trong đó có cuộc biểu tình lớn tại Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn. Ông Châu Văn Liêm, Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn – Gia Định trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình này bị địch bắt và bị sát hại. Xứ ủy Nam kỳ cử Lê Quang Sung và Nguyễn Thị Nhỏ về phụ trách Tỉnh ủy Chợ Lớn thay ông Châu Văn Liêm để ổn định tình hình, lãnh đạo quần chúng chống địch khủng bố. Nhận nhiệm vụ mới Đảng phân công, Nguyễn Thị Nhỏ trực tiếp đi xây dựng cơ sở Đảng ở vùng Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn. Chị đã lập ra Chi bộ Đảng đầu tiên ở làng Thạnh Lợi (Đức Hòa). Chị đi diễn thuyết kêu gọi quần chúng đứng lên làm cách mạng tại làng Tân Phú, khu vực chợ Rạch Nhum v.v… Tại cuộc họp của Đảng tháng 11/1930 ở làng Long Hiện, quận Bến Lức, tỉnh Chợ Lớn, ông Lê Quang Sung được bầu Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Nhỏ được bầu Phó Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn. 
Lúc này, địch đánh phá phong trào và truy lùng rất gắt gao các chiến sĩ cộng sản. Chị Sáu Nhỏ phải luôn thay hình đổi dạng, ở và hoạt động nhiều nơi khác nhau. Chị về lại Đức Hòa, nhận làm con nuôi trong một gia đình là cơ sở cách mạng, có lúc cải dạng làm cô giáo để hoạt động. Chị có tài diễn thuyết và khéo léo, biết xây dựng các cơ sở bí mật của Đảng. Vì vậy, mật thám Pháp rình rập nhiều nơi trong tỉnh nhưng vẫn không tìm ra được manh mối của Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trong khi đó, chị vẫn hoạt động và liên lạc được với các đồng chí của mình. 
Giữa năm 1931, nhiều cơ sở Đảng bị địch phá vỡ trong toàn Nam bộ, nhiều đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt. Nguyễn Thị Nhỏ có chân trong Xứ ủy lâm thời. Lúc đó, chị tròn 22 tuổi. 
Tháng 11/1931, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn – Lê Quang Sung bị sa vào tay thực dân Pháp. Cùng với các đồng chí còn lại trong Tỉnh ủy, Nguyễn Thị Nhỏ chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo khôi phục và phát triển phong trào ở tỉnh Chợ Lớn, địa bàn hoạt động có lúc sang cả tỉnh Tân An. 
Cuối năm 1931, trong một chuyến công tác vào thành phố Sài Gòn, chị Sáu Nhỏ bị địch phục kích vây bắt. Lọt vào tay địch lần thứ hai, chị bị tra tấn man rợ hơn trướcNhưng tất cả đều vô hiệu trước con người đã chai sạn, gai góc, không còn biết sợ kẻ thù thực dân
Trong Khám Lớn, Nguyễn Thị Nhỏ vẫn tự tin và bàn bạc với chị em bạn tù tìm cách hoạt động. Chị và nhiều đồng chí cùng bị giam giữ thành lập một Ban trật tự trong Khám Lớn để vận động tù nhân đấu tranh với địch, giành giật quyền lợi tối thiểu cho sự sống của tù nhân, trong đó có cuộc đấu tranh ngày 20/11/1931.
Ngày 2 tháng 9 năm 1933, thực dân Pháp đưa 120 chiến sĩ cộng sản ra xử tại phiên tòa “Đại hình đặc biệt” ở Sài Gòn. Nguyễn Thị Nhỏ và các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Diễu, Phạm Hùng, Lê Văn Lương v.v… bị thực dân Pháp đưa ra phiên tòa xét xử kéo dài từ ngày 2 - 9/5/1933. Vụ án này gây chấn động chính trị mạnh trong toàn Nam Kỳ và lan rộng ra cả nước, gây làn sóng bất bình trong nhân dân tiến bộ thế giới. Do sức ép dư luận trong nước và ở Pháp, với sự can thiệp của luật sư tiến bộ người Pháp Kăng-xen-lơ-ri (Cancelleri), sau đó, thực dân Pháp buộc phải hạ mức án của 8 án tù tử hình xuống còn khổ sai chung thân, riêng Nguyễn Thị Nhỏ lãnh án 15 năm tù khổ sai. Ngày 16/5/1933, thực dân Pháp đưa tàu Ác-măng-rút-sô với 33 lính áp tải, bí mật rời cảng Sài Gòn, đưa 89 tù nhân cộng sản đi đày Côn Đảo, trong đó có Nguyễn Thị Nhỏ. 
Nhờ sự vận động tích cực của Lu-i Ma-ri Phe-rơ và tổ chức quốc tế Công hội Đỏ tiếp sức can thiệp, tháng 7/1935, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải ra lệnh đặc xá Nguyễn Thị Nhỏ. Dù thả ra, nhưng sự sống của chị bị suy sụp do những trận đòn đẫm máu của chúng tra tấn. Chị được thả về quê ở Châu Thành - Vĩnh Long và bị chúng theo dõi, quản thúc cho đến sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Từ đó đến năm 1946, chị vẫn sống ở quê. Do sức khỏe quá suy yếu vì địch tra tấn, ngày 21/11/1946, Nguyễn Thị Nhỏ đã vĩnh biệt chồng là anh Nguyễn Văn Phát - lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long – và 5 con thơ. 
Để ghi nhớ công ơn của người phụ nữ gan dạ, kiên cường trong những ngày hoạt động ở Tỉnh ủy Chợ Lớn, ngày 4/4/1985, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đổi tên đường Nguyễn Công Trừng ở Quận 5 thành đường Nguyễn Thị Nhỏ, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày quân và dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, xóa sạch chủ nghĩa thực dân và đế quốc trên đất nước Việt Nam .

Đường Lê Thị Bạch Cát (Phường 11, Quận 11, TP Hồ Chí Minh)

Lê Thị Bạch Cát (1940- 1968)

Lê Thị Bạch Cát sinh năm 1940 tại Nghi Thuỷ - Nghi Lộc - Nghệ An. Năm 1961, Lê Thị Bạch Cát (bí danh Sáu Xuân) là một trong những giáo viên đầu tiên của trường trung cấp Sư phạm TDTT (nay là Trường Đại học Sư phạm TDTT) Hà Tây
Giai đoạn từ tháng 6- 1964 đến cuối năm 1966, thực hiện chỉ thị 05/TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển hướng hoạt động trong thời kỳ chống Mỹ, nhà trường tạm ngừng nhiệm vụ đào tạo, chuyển sang phục vụ cho tiền tuyến. Vì vậy, năm 1964, cùng với thầy Hoàng Đình Ái, Lê Văn Lý, Trịnh Sâm, ... Chị được điều động sang công tác ở trường đại học TDTT 1 - Từ Sơn với vai trò huấn luyện viên bộ môn thể dục dụng cụ.
Đúng vào lúc giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Miền Nam và đem không quân, hải quân phá hoại Miền Bắc. Tổ Quốc lâm nguy. Chị cùng các anh chị Đinh Thị Tâm (Tức Hai Nguyệt, sau này là Chánh văn phòng Sở TDTT Hà Nội), Phạm Thị Lăng, các anh Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Hoài Vân là những cán bộ TDTT đầu tiên tình nguyện đi vào Nam chiến đấu.
83 ngày đêm hành quân vượt Trường Sơn, K33 vào đến Trung ương Cục tại chiến khu Lộc Ninh. Lê Thị Bạch Cát mang tên Lê Liên Xuân, Sáu Xuân. Hai năm sau, Liên Xuân từ Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục, được bổ sung về Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định, làm Bí thư Quận đoàn Quận Nhất. 
 Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 68, sáng mồng một tết, mũi tiến đánh Quận Nhất giành thắng lợi to lớn. Đơn vị do Liên Xuân chỉ huy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đánh chiếm đại sứ quán Mỹ, đài phát thanh Sài Gòn, trại lính Mỹ, đơn vị cảnh sát dã chiến…Đợt tiến công lần thứ hai vào đầu tháng 5, yếu tố bất ngờ không còn, các mũi tiến công đều gặp cực kỳ khó khăn.
 Trong trận chiến tại hẻm 83 Đề Thám do Liên Xuân chỉ huy, khi không còn đủ lực lượng, súng đạn để chiến đấu, chỉ huy đã hạ lệnh tất cả đơn vị ai khoẻ cõng thương binh, hoặc khênh tử sĩ rút theo phương án đã định, còn Sáu Xuân thu hết đạn, lựu đạn, súng… để đánh chặn của kẻ thù. Bắn hết đạn, chị Sáu Xuân lăm lăm khẩu súng ngắn, với mỗi viên đạn là một tên giặc Mỹ... và chỉ huy Liên Xuân đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, hy sinh anh dũng.
Khi hy sinh, Bạch Cát mới 28 tuổi, chưa lập gia đình. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân thành phố đã lấy tên chị đặt tên cho một trường trung học cơ sở và một đường phố Lê Thị Bạch Cát ở quận 11 hiện nay. Lê Thị Bạch Cát (1940-1968) đã để lại niềm tiếc thương khôn nguôi trong lòng bạn bè đồng đội, đồng chí và nhiều anh chị em cán bộ TDTT.

Quận Thủ Đức

Đường Đặng Thị Rành (P. Linh Tây, Q.Thủ Đức,Tp.HCM)

Đặng Thị Rành (1953-1969)

Liệt sỹ, quê xã Hiệp Bình, huyện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; chiến sĩ biệt động Tiểu đoàn 3 Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên dương ngày 11 tháng 6 năm 1999.
Chị Đặng Thị Rành sinh năm 1953, ấp Diều Gà, xã Hiệp Bình, quận Thủ Đức, chị tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Chị đã có gần 200 lần đi thư cho lãnh đạo, trên 30 lần trinh sát nắm tình hình để thông báo cho lãnh đạo và đơn vị đóng quân, 17 lần theo dõi địch để phục vụ cho lực lượng vũ trang tác chiến và chống càng thắng lợi, 22 lần đưa cán bộ ta đi lại an toàn… chị vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm trong nụ cười phấn khởi lạc quan. Chị đã bị địch bắt và sát hại trong trại biệt giam khi 16 tuổi.
Cuối tháng 8-1969, cuộc đấu tranh trong nhà lao Thủ Đức diễn ra ngày càng khốc liệt, Đặng Thị Rành và Nguyễn Thị Tần anh dũng hi sinh. Cái chết của hai nữ tù kiên trung đã làm dấy lên cao trào phản kháng mạnh mẽ.
Hơn 30 năm qua hài cốt chị vẫn chưa tìm thấy. Nhưng khí phách của cô gái đang tuổi thanh xuân - người nữ đảng viên trẻ quê hương Hiệp Bình - Thủ Đức vẫn sáng ngời niềm kiêu hãnh của một nhân sinh quan cách mạng “ Sống là chiến đấu, chết vinh quang”. Để ghi nhận sự hy sinh anh dũng của chị, quê hương Hiệp Bình- Thủ Đức đã làm hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Đặng Thị Rành.
Tên của Chị đã được đặt tên cho một ngôi trường tiểu học và một con đường tại Quận Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh.

Quận Tân Bình

Đường Nhất Chi Mai  (Phường 13, Quận Tân Bình, TPHCM

Phan Thị Mai - Nhất Chi Mai (1934 -1967)


Phan Thị Mai, tự Nhất Chi, bút hiệu là Nhất Chi Mai,  pháp danh Thích nữ Diệu Huỳnh, là một nữ Phật tử đã tự thiêu ở Sài Gòn để phản đối Chiến tranh Việt Nam. Bà sinh năm 1934 tại xã Thái Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh.

Cha bà là ông Phan Duy Mỹ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Duyệt, ngụ tại nhà số 60/59 đường Yên Đổ, Sài Gòn. Bà tốt nghiệp Trường Quốc gia Sư phạm năm 1956, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964 và Trường Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh năm 1966. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, bà về làm giáo viên tiểu học ở trường Tân Định (Sài Gòn). Bà đã tham gia nhóm "Thanh niên phụng sự xã hội" (một hội đoàn thanh niên ở Sài Gòn lúc bấy giờ), và dạy dỗ nhiều trẻ em mồ côi.
Vào 7 giờ 20 sáng ngày 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi (16 tháng 5 năm 1967 dương lịch), tức ngày Phật Đản thứ 2511, bà đã tưới xăng lên người mình và châm lửa tự thiêu trước sân chùa Tư Nghiêm (Sài Gòn, nay thuộc Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Bà mất khi mới chỉ 33 tuổi. Trước khi tự thiêu, bà đã để lại 10 bứ

Đường  Âu Cơ  (P.9, Quận Tân Bình, TP HCM)

Quốc mẫu Âu Cơ

Theo truyền thuyết Việt Nam, Âu Cơ  là tổ mẫu của người Việt. Tương truyền, Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Trong khi đi tuần thú phương Nam, ông đã để Âu Cơ lại trên một cái động. Khi Lạc Long Quân đi đến đây thì thấy nàng xinh đẹp nên đã đem lòng yêu mến và đem về làm vợ. Hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sống với nhau và sinh ra 100 người con . Sau đó vì thủy thổ tương khắc nên hai người phải chia con ra 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ về núi và chia nhau cai quản các vùng. Đây là tổ tiên của người Bách Việt

Đường  Út Tịch (Phường 4, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh)

Út Tịch (1931-1968)

Bà là một nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Cuộc đời bà đã được nhà văn Nguyễn Thi xây dựng thành nhân vật chính trong tác phẩm Người mẹ cầm súng, được đưa vào các giáo trình văn học phổ thông.
Bà tên thật là Nguyễn Thị Út, sinh ngày 19 tháng 4 năm 1931, nguyên quán tại làng Tích Thiện, tổng Thạnh Trị, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc xã Tam ngãi, huyện Cầu kè , tỉnh Tra Vinh).Thân phụ của bà là ông Nguyễn Văn Xương, sinh năm 1899, người làng Tích Thiện. do gia đình nghèo, ông phải lưu lạc đến vùng Rạch Lá (nay thuộc xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), lập gia đình với bà Lê Thị Mười, sinh được 3 người con gái. Do hoàn cảnh nghèo khó, cả gia đình ông phải đi làm mướn, ở đợ cho một địa chủ trong vùng tên là Hàm Giỏi.
Bà là con thứ 3 và cũng là con út trong gia đình. Trong 3 chị em, bà được xem là có tính khí phản kháng nhất, nhiều lúc đánh trả lại với gia đình địa chủ.
Thân phụ mất sớm khi bà mới 13 tuổi. Cùng năm đó, được sự ủng hộ của các cán bộ Việt Minh, bà được nhà địa chủ cho phép chuộc thân và từ đó thoát được cuộc sống nô tỳ. Là người có tính khí mạnh mẽ, bà sớm chịu ảnh hưởng từ sự tuyên truyền về cuộc cách mạng của các cán bộ Việt Minh, từ đó tích cực ủng hộ những người Cộng sản cho đến mãi sau này.
Khi người Pháp tái chiếm Nam bộ, mở rộng trên toàn cõi Đông Dương, bà xung phong tham gia chiến đấu chống quân Pháp nhưng do tuổi còn quá nhỏ nên bà đều bị từ chối. Tuy nhiên, bà hoạt động tích cực trên vai trò giao liên, liên lạc cho các cán bộ quân sự. Tháng 12 năm 1949, lực lượng Việt Minh mở Chiến dịch Cầu Kè, là chiến dịch công kích lớn đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, bà được giao công tác giao liên, trinh sát của tổ chức Công an xung phong do ông Chín Luông chỉ huy, chịu trách nhiệm dõi, nắm vững tình hình quân Pháp, báo tin kịp thời với lực lượng quân sự địa phương và bộ đội chủ lực để hiệp đồng tác chiến (trận Rạch Cách, trận bót Bến Cát) gây nhiều tổn thất cho quân Pháp và lực lượng bổ sung trong chiến dịch này.
Đầu năm 1950, bà lập gia đình với ông Lâm Văn Tịch (người Việt gốc Khmer) cũng là chiến sĩ trong lực lượng vũ trang địa phương. Từ đó bà mang tên Út Tịch ghép từ tên của bà và của chồng. Ông Tịch hy sinh ngày 14 tháng 5 năm 1974 và được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Liệt sĩ.Ông bà có với nhau 9 người con. Người con đầu mất sớm chưa kịp đặt tên. Sau Hiệp định Genève, 1954, vợ chồng bà được phân công ở lại, không tập kết mà sống hợp pháp tại miền Nam. Lo ngại trước ảnh hưởng của những người Cộng sản, chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho thực thi Chính sách tố cộng và diệt cộng, nhắm đến những người kháng chiến cũ, trong đó có gia đình bà. Chồng bà và nhiều bạn chiến đấu cũ cũng bị bắt và chỉ được thả ra sau khi bà cùng nhiều phụ nữ khác gây áp lực với chính quyền. Tuy nhiên, để được yên ổn, gia đình bà tạm lánh về Kế Sách làm ăn.
Mãi đến cuối năm 1959, gia đình bà trở về Tam Ngãi. Sau Phong trào Đồng khởi, ông bà tham gia hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dù phải chăm lo chuyện gia đình và con cái, nhưng bà vẫn tích cực tham gia hoạt động binh vận, du kích, tham gia đánh nhiều trận, tuyên truyền vận động nhiều binh lính bỏ ngũ. Năm 1964, bà được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam. Năm 1965, bà được cử đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang toàn miền Nam và được bầu là nữ anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì.
Sau năm 1965, bà được điều về Quân khu 9 công tác. Trong một trận oanh kích bằng máy bay B52 của Mỹ vào ngày 27 tháng 11 năm 1968 xuống vùng Tân Châu, Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang), bà và người con gái thứ 3 không may bị tử thương. Sau năm 1975, các con của ông bà đã quy tập mộ cha mẹ về quê nhà tại Tam Ngãi.
Bà nổi tiếng với câu nói "Còn cái lai quần cũng đánh", thể hiện quyết tâm đấu tranh của mình.
Bà được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Đường Ni sư Huỳnh Liên (P10, Quận Tân Bình, TP HCM)

Ni sư Huỳnh Liên (1923- 1987)


Ni sư Huỳnh Liên sinh năm 1923 tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang. Cha là ông Nguyễn Văn Vận, mẹ là bà Lê Thị Thảo đã xuất gia. Bà là Trưởng Giáo Đoàn Ni và là Đại Biểu Quốc Hội Khóa VI, Phó Chủ Tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc TP, Ủy viên ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới của Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1943, khi được 20 tuổi, bà đã quy y Phật Đường Minh Sư, tu học theo hạnh cư sĩ tại gia. Bà kế tục sự nghiệp Tổ Thầy, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất Sĩ trong phận sự Ni Trưởng Ni năm 1954.
Từ năm 1960 đến năm 1975, Ni Sư Huỳnh Liên âm thầm và công khai tham gia đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Sau đó từ năm 1975, bà là thành viên Đoàn Đại Biểu miền Nam Hiệp Thương Thống Nhất Tổ Quốc Việt Nam. Bà mất ngày 16 tháng 4 năm 1987



Đường Ngô Thị Thu Minh (Phường 2, Quận Tân Bình, TPHCM )

Ngô Thị Thu Minh (1936 -1963)

Nữ tu sĩ Phật giáo Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, pháp danh Diệu Quang, sinh năm Bính Tý (1936), quê ở xã Phú Cát, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là phường Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Ngô Thị Thu Minh là người rất mộ đạo Phật. Khi còn đang học Trung học, cô đã phát nguyện đi tu. Đến khi tốt nghiệp trường Sư phạm Nha Trang, cô xuống tóc trở thành nữ tu sĩ, đệ tử của sư cô Diệu Hoa, chùa Vạn Thạnh, Nha Trang.
Vì phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, sư cô tự thiêu ngày 15-8-1963 tại Ninh Hòa, tử vì đạo, hưởng dương 27 tuổi.
Hiện nay, ở thành phố Hồ Chí Minh có chùa đặt tên nữ của nữ tu sĩ Thu Minh.



Quận Phú Nhuận

Đường  Đoàn Thị Điểm  (Phường 1, Quận Phú Nhuận,TPHCM)

Nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm

Đoàn Thị Điểm (1705-1748), có biệt hiệu là Hồng Hà Nữ Sĩ dưới thời Lê Trung Hưng. Bà là người được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài văn trong những nữ sĩ danh tiếng nhất, bên cạnh là Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan.
Bà chính họ là Đoàn, nhưng vì bà lấy chồng họ Nguyễn (ông Nguyễn Kiều), nên có sách chép bà là Nguyễn Thị Điểm. Bà sinh năm Ất Dậu (1705), thời Lê Trung Hưng. Bà là con gái ông hương cống Đoàn Doãn Nghi. Mẹ bà là người họ Vũ và là vợ hai ông Nghi, nhà ở phường Hà Khẩu, Thăng Long (phố Hàng Bạc bây giờ), sinh một trai (1703) là Đoàn Doãn Luân và một gái (1705) là Đoàn Thị Điểm. Từ nhỏ anh em bà đã theo mẹ về ở với ông bà ngoại là quan Thái Lĩnh Bá và được dạy dỗ chu đáo, lầu thông Tứ thư, Ngũ kinh.
Đoàn Thị Điểm là người có tài trí và nhan sắc hơn người, nổi tiếng từ hồi trẻ. Năm 6 tuổi đã học rất giỏi. Năm 16 tuổi, có quan thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi, để tiến cử vào cung Chúa Trịnh, nhưng bà nhất định từ chối. Về sau cha mất, gia đình phải chuyển về quê nhà, được ít lâu dời về làng Võ Ngai, tại đây Đoàn Thị Điểm cùng anh trai Đoàn Doãn Luân hành nghề dạy học. Bà được trau dồi học vấn với các bậc thi hào tài danh, gặp gỡ với nhiều trí thức của khắp miền hội tụ về kinh sư, nơi trung tâm văn hoá, chính trị của cả nước. Cùng với sự thông minh, tài trí, thích văn chương, ham học hỏi, môi trường ấy, tố chất con người ấy đã tạo nên một hồn thơ dân tộc Hồng Hà nữ sĩ.
Nhắc đến Đoàn Thị Điểm, chúng ta nghĩ ngay đến tác phẩm Chinh phụ ngâm và trong tâm khảm của mỗi người đều thấu hiểu cảnh biệt ly, tang tóc, đồng cảm với lời than oán của người phụ nữ phải chịu đựng nhiều thiệt thòi khi đất nước có chiến tranh.
" Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi
Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên
Lá màn lay ngọn gió xuyên
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm
Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau."

Huyện Hóc Môn

Đường Trịnh Thị Miếng ( Huyện Hóc Môn, TP.HCM)

Trịnh Thị Miếng

Bà sinh năm 1912 tại Bà Điểm, xã Tân Thới Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 1934. Những năm 1936 – 1939 chị là liên lạc viên của Xứ ủy và của Trung ương Đảng. Bà đã tham gia vận động, bố trí cơ sở nuôi chứa, bao bọc các đồng chí Trung ương Đảng về hoạt động và họp hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7 tại vùng Bà Điểm, 18 Thôn Vườn Trầu – Gò Vấp – Hóc Môn.
Về công tác bảo vệ Đảng, trong năm 1939 – 1940, Tỉnh ủy Gia Định giao cho bà Chín Miếng chịu trách nhiệm, lo bố trí địa điểm, tổ chức bảo vệ cho các cuộc họp của Xứ ủy, thường có mặt các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Tạ Uyên … và các cuộc họp của Tỉnh ủy Gia Định. Bà Chín Miếng chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn từ Bà Điểm đến Hóc Môn. Cho đến ngày khởi nghĩa 23-11-1940, các cuộc họp Xứ ủy, Tỉnh ủy đều được bảo vệ bí mật, an toàn.
Năm 1937, bà là Quận ủy viên Quận Gò Vấp. Sách báo tài liệu truyền thống phụ nữ Nam Bộ đều ghi nhận bà là liên lạc viên trung kiên nhất của Đảng thời kỳ bí mật. Bà vừa là liên lạc, vừa tham gia vận động tổ chức những cuộc đấu tranh của các tầng lớp phụ nữ Gia Định. Như năm 1938, phụ nữ Gia Định tổ chức mít tinh ủng hộ ba đồng chí: Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn ra tranh cử Hội đồng Thành phố Sài Gòn. Bà Thử cầm cờ đi đầu, bà Chín Miếng, bà Tư Giả, và Hai Sóc theo sát để hộ vệ. Cuộc mít tinh đã góp phần cho ba đồng chí đắc cử vô “nghị trường”, đấu tranh công khai cho quyền lợi dân chúng.
Cách mạng tháng Tám thành công, Tỉnh ủy giao cho bà Chín Miếng và và Mười Lụa đảm nhận phong trào Phụ nữ tỉnh Gia Định, chuẩn bị cùng toàn dân Gia Định bước vào cuộc trường chinh 9 năm gian lao vào anh dũng.
Năm 1946, bà là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc đầu tiên của Tỉnh Gia Định và là người phụ nữ đầu tiên của quận Gò Vấp được bầu là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I năm 1946 và liên tiếp các khóa II, III khi bà tập kết ra miền Bắc.
Suốt cuộc đời theo Đảng làm cách mạng, giữ nhiều trọng trách, được thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, nhà Cách mạng lão thành Trịnh Thị Miếng hết sức nhã nhặn, khiêm tốn. Trong bản lý lịch, ta thấy bà tự nhận xét: “Lúc nhỏ nhà nghèo, không được đi học”, “Ngày vào Đảng không biết chữ”. Tự nhận xét cuối đời: “Có tinh thần trách nhiệm. Đảng giao việc gì cũng tích cực làm tròn. Khuyết điểm: Trình độ văn hóa và lý luận kém”. Thật là một tấm gương soi sáng cho mọi tấm lòng của chúng ta. Quyển lịch sử truyền thống phụ nữ quận Gò Vấp đã viết những dòng hết sức thân thương về bà: “Khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, trụ sở cơ quan phụ nữ Cứu quốc quận Gò Vấp đóng ở Trung Nhứt. Ban chấp hành do chị Trịnh Thị Miếng làm Đoàn trưởng. Chị em phụ nữ còn gọi thân mật là chị Chín Miếng, chị Chín Trầu bởi chị ghiền ăn trầu xỉa thuốc rê, đi đến đâu chị cũng xách giỏ trầu cau… Bản chất chị rất là phụ nữ Nam bộ, cần cù, tận tụy công tác, trung thành với Đảng, hết dạ vì dân vì nước, sống giản dị chan hòa với chị em, mọi người đều thương mến chị. Ngày 6-1-1946 nhân dân toàn quốc đi bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong quận Gò Vấp chị Trịnh Thị Miếng đắc cử Quốc hội…Chị là ngọn cờ tiêu biểu cổ vũ cho phong trào phụ nữ Gò Vấp, phụ nữ tỉnh Gia Định…”

Các con đường khác mang tên phụ nữ :

Bà Hạt  (Q.10) , Bà Hom (Q.6) , Bà Lài (Q.6)

Lúc trước Ông Lãnh Binh Thăng có 5 bà vợ,vì không muốn các bà ở không làm phiền ông vì hay cải cọ nhau,nên ông lâp ra 6 cái chợ mổi bà trông nom một cỏi riêng ,còn ông thì là chợ đầu mối.Nên bây giờ TP HCM đã có tên "Một Ông và 5 Bà"

Nguyễn Thị Nghĩa (Q1), Thái Thị Nhạn (Q.Tân Bình), Lê Thị Siêng (H.Củ Chi) , Phạm Thị Hối (H.Củ Chi), Lê thị Hoa (Q.Thủ Đức), Nguyễn Thanh Tuyền (Q.Tân Bình), Đỗ Thị Tâm (Q. Tân Phú) , Bà Ký (Q.6), Trần Thị Nghỉ (Q.Gò Vấp), Lê Thị Hà (H.Hóc Môn), Trần Thị Ngần (H.Củ Chi), Mai Thị Lựu (Q.1), Nguyễn Thị Huỳnh (Q.Phú Nhuận), Nữ Dân Công (Q.Bình Chánh).


Nguồn danghuuthangpnf.blogspot.com; trianlietsi.vn; hoilhpn.org.vn; doisongphapluat.com; vinhthanh.binhdinh.gov.vn; bimson.gov.vn; lichsuvietnam.vn; baodongnai.com.vn; baotangphunu.com; baclieu.gov.vn; na.gov.vn; thvl.vn; cualo.gov.vn; vinhanonline.com; bentre.gov.vn; pup.edu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved