HỒI 13
Trương Công Cẩn vì nghĩa giúp bạn,
Tần Thúc Bảo đi đày gặp cô.
Từ rằng:
Mây quay mưa trút
Gặp nạn chưa chi đã vội
khóc
Riêng đấng anh hùng
Tâm đầu ý hợp chí kiên
trung
Thư đưa bụng cá (1)
Hăm hở bấy, tử sinh nào sá
Cứu nạn giúp nghèo,
Quản, Bảo bạn hiền gương
sáng treo (Theo điệu "Giảm tự Mộc lan hoa")
Bạn bè nhạt nhẽo xưa nay
nhiều, tình bạn thắm thiết vốn cũng không ít. Sự bội bạc thường là lúc phú quý
thì gắn bó keo sơn, lúc hoạn nạn thì chẳng khác gì những hạt cát khô rã rời,
không thể nào viên lại thành hòn. Còn nếu có tấm lòng của một bậc hiệp sĩ thì
sao lại không xả thân mà cứu giúp cho được, chỉ cần một lá thư đã là như một tờ
chiếu, một đạo sắc chỉ của hoàng đế rồi. Tấm gương Quản thúc ngày xưa (2), Trần
Lôi ngày nay (1) còn đó.
1 Thơ cổ: "Khách từ
xa đến, cho ta đôi cá chép. Gọi trẻ mổ cá chép, trong bụng có lá thư”. Chỉ việc
đưa thư từ tin tức.
2 Quản Trọng và Bảo Thúc
Nha cùng nhau buôn bán. Quản Trọng lấy phần hơn, Thúc Nha không chê Quản Trọng
tham, Quản Trọng chưa làm nên, Thúc Nha không chê Quản Trọng bất tài, lại giới
thiệu Quản Trọng với Tề Hoàn Công để Quản Trọng có cơ hội giúp Hoàn Công làm
cho nước Tề cường mạnh, trở thành bá chủ. Quản
Trọng nói: "Sinh ta là cha mẹ, biết ta là Bảo Thúc..." (Đông Chu liệt
quốc).
1
xem ở hồi thứ 22.
Thôn
Thuận Nghĩa cách U Châu chừng ba mươi dặm, sáng canh năm lên ngựa, thì mặt trời
mọc đã tới rồi. Trương Công Cẩn, tìm đến soái phủ U Châu, thu xếp chỗ ăn, ở
hành lý xong xuôi, một mặt chuẩn bị cơm rượu, một mặt cho tay chân đến Tây viên
môn, mời hai vị Uất Trì tới. Hai vị này, tuy không phải thân thuộc, gần gũi với
Uất Trì Cung, nhưng vốn là cháu Uất Trì Quýnh, tổng quản Tường Châu triều Chu
trước, nên cũng dòng dõi họ Uất Trì này cả. Anh em hai người, anh là Uất Trì
Nam, em là Uất Trì Bắc, từ lâu đã đi lại rất thân thiết với Công Cẩn, hiện đều
dưới trướng La Công và là những viên kỳ bài quan quyền hành. Soái phủ Đông viên
môn là sảnh đường của bọn văn quan, soái phủ Tây viên môn là sảnh đường của bọn
võ quan. Kỳ bài quan nhận được kỳ bài rồi, viên môn sẽ chuông trống nổi đúng ba
lần, đội trung quân tiến ra cửa, một tiếng pháo nổ, lúc ấy cửa soái phủ mới
được mở ra. Lúc này, Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc, võ phục chỉnh tề, đang ngồi chờ
lệnh, hai bên tay chân kính cẩn vào bẩm:
-
Thưa hai ngài, Trương đại nhân có lời mời.
Uất
Trì Nam hỏi:
-
Các anh có phải ở Trương Gia trang đến không?
Cả
hai vội thưa:
-
Vâng ạ!
Uất Trì Nam hỏi tiếp:
- Chủ các ngươi hiện ở
đâu?
Một tên thưa:
- Dạ, hiện ở ngay cửa tây
soái phủ. Mời hai người tới thưa chuyện.
Uất Trì Nam phân phó thủ
hạ cai quản ban phòng, rồi tìm đến chỗ Công Cẩn. Cũng bởi anh em Uất Trì đang
toàn thân mang cân đai, giáp trụ nên không tiện thi lễ. Thúc Bảo, Bội Chi, Quốc
Tuấn, ở phòng sau, đợi để trò chuyện với khách xong xuôi, sẽ ra sau. Công Cẫn, Đại
Nại cùng Hiển Đạo đang ngồi chờ, thì thấy hai anh em Uất Trì tới.
Chào hỏi xong, chừa ghế
chủ khách, Uất Trì Nam
nhận ra Đại Nại, bèn hỏi ngay:
- Trương hiền huynh hôm
nay vào soái phủ sớm thế này, có lẽ vì việc mở Đả lôi đài đã hết hạn kỳ, cần
phải vào trình bản quan chăng?
Công Cẩn đáp:
- Việc ấy cũng có, nhưng
còn một chuyện khác nữa, xin trình nhị vị.
- Có việc gì xin hiền
huynh cứ chỉ giáo!
Công Cẩn lấy thư trong
tay áo ra, đưa cho anh em Uất Trì, hai người cùng xúm lại xem, xem xong, Uất
Trì Bắc lên tiếng:
- Ái chà! Thì ra nét chữ
của Đơn viên ngoại ở Nhị Hiền trang Lộ Châu, giới thiệu Tần bằng hữu tới đầu
quân ở vệ môn này, xin nhờ tiến dẫn. Tần bằng hữu hiện nay ở đâu, xin cho gặp
mặt!
Công Cẩn quay vào cửa
trong mời:
- Xin mời Tần đại huynh
ra ngoài này.
Tiếng xích sắt leng keng,
Bội Chi cầm công văn, Quốc Tuấn xách dây xích, Thúc Bảo lom khom đi ra, kéo lê
dây xích. Anh em Uất Trì biến sắc mặt, đứng dậy:
- Trương hiền huynh, hiền
huynh thật không nể mặt anh em chúng tôi, "tứ hải chi nội, giai huynh đệ
dã". Chữ viết của Đơn viên ngoại còn đó. Thân với thân là thân, đều là bạn
thân thiết, sao lại đối xử với nhau thế này!
Công Cẩn cười đáp:
- Sự thực thì chẳng cần
che đậy làm gì. Nhưng hình cụ này đều là quy định của nha môn, sợ hai vị có
trách cứ gì chăng, nên cứ phải để thế mà ra mắt. Nay đã có lời như thế, xin
được tạm mở ra vậy!
Hai anh em Uất Trì thân
hành mở mọi hình cụ trên người Thúc Bảo, rồi cùng lạy chào và nói với Thúc Bảo:
- Từ lâu đã nghe đại danh
của hiền huynh, như sấm đánh bên tai, nơi nơi đều biết, chỉ hiềm một nỗi đường
xá xa xôi, không thể gặp gỡ nay được gặp hiền huynh ở đây, thật là may mắn.
Thúc Bảo đáp:
- Tiểu đệ đang mang quân
phạm trên người, may được chư huynh che chở, thật là ơn tái tạo.
Uất Trì Nam đỡ lời:
- Xin hiền huynh yên tâm.
Đó là bổn phận của anh em chúng tôi. Đây có lẽ là hai vị Bội Chi, Quốc Tuấn
chăng?
Hai người vội đáp:
- Tiểu nhân đúng là Đổng
Hoàn, Kim Giáp.
Uất Trì Nam tiếp:
- Xin đừng quá khiêm
nhường! Trong thư của Đơn viên ngoại cũng có nói đến tên tuổi hai vị, đều là
anh em một hội. Xin cho được bái kiến.
Chào hỏi xong, Uất Trì Nam lại nói:
- Xin hỏi hai vị, có phải
giấy tờ trên bàn, là công văn gửi tới bản quan chăng?
Bội Chi đáp:
- Thưa đúng!
Uất Trì Nam nói:
- Xin cho xem, để cho anh
em chúng tôi biết được trước công việc đợi đến lúc bản quan thăng đường có hỏi
đến còn biết mà trả lời.
Quốc Tuấn giả vờ cẩn thận:
- Công văn này, ngoài đều
có dấu niêm phong, chúng tôi không dám tự tiện mở xem.
Uất Trì Nam đáp:
- Không hề gì! Việc mở
công văn, đều ở tay anh em chúng tôi cả. Công văn này cũng thế thôi, có mở cũng
chẳng hề gì, đến lúc thăng đường, cũng chúng tôi mở cả, không có điều gì phải e
ngại.
Công Cẩn sai tay chân lấy
một nửa bát rượu, nhẹ nhàng nhúng cục ấn ở công văn vào, đợi cho cục ấn ngấm
rượu, rồi nhẹ nhàng bóc ra, lấy công văn bên trong, đưa cho anh em Uất Trì xem.
Họ cùng nhau xem xong rồi, lại đưa trả ngay cho Bội Chi, theo thứ tự dán lại
như cũ.
Chỉ thấy Uất Trì Nam yên lặng
không nói năng gì, nên Công Cẩn lên tiếng:
- Đại huynh xem xong công
văn, sao lại có vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi?
Uất Trì Nam đáp:
- Từ lâu chúng tôi đã
nghe Đơn viên ngoại ở Lộ Châu là bậc tình nặng nghĩa dày, chỉ giận chưa được
gặp mặt. Nay có chuyện này, vì viên ngoại mà lo, nhưng chỉ sợ không được trọn
vẹn chăng!
Tần Thúc Bảo cảm ơn cứu
sống của Hùng Tín, nay thấy Uất Trì Nam có vẻ trách Hùng Tín lo việc
không đến nơi, cho nên cũng không giữ nổi dù buổi đầu gặp mặt, lên tiếng phân
giải:
- Xin thưa hai vị, Tần
Quỳnh này ở Lộ Châu, vốn không phải chỗ quen biết cũ của Đơn nhị ca, mà chỉ mới
gặp gỡ lần đầu, Đơn nhị ca đã cứu tiểu đệ khỏi cơn thập tử nhất sinh, lại cho
năm trăm lạng bạc để về quê. Nhưng chỉ tại cơn vận hạn chưa qua, nên lại xảy ra
chuyện chết người ở rừng Tạo Giác, bị Thái thú khép vào trọng tội, may có những
lo toan hữu hiệu của Đơn nhị ca, chẳng tiếc nghìn vàng, cứu được tiểu đệ khỏi
chết một lần nữa, quả là ơn cứu sống. Hai vị sao lại nói chuyện không trọn vẹn
ở đây?
Uất Trì Nam đáp:
- Chính là ở chỗ này. Xem
thư của Đơn viên ngoại, giới thiệu tới Trương hiền huynh, thế là trách nhiệm
của viên ngoại coi như xong. Xem trong công văn, hiền huynh tại rừng Tạo Giác
đánh chết Trương Kỳ, khép vào trọng tội, viên ngoại tìm mọi cách đổi trọng
thành khinh, khiến hiền huynh chỉ bị đưa xung vào quân số ở soái phủ đây thôi.
Anh em chúng tôi nghĩ rằng, khắp gầm trời này, thiếu gì chỗ để xung quân, phát
phối, sao lại chọn cái nơi nước sôi lửa bỏng này. Hiền huynh chưa biết sự lợi
hại của bản quan chúng tôi nên chúng tôi phải nói rõ. Quan lớn tổng trấn U Châu
đây, họ La, tên Nghệ, sau khi nhà Bắc Tề bị diệt, không chịu về Tùy triều, lãnh
một đội quân, đánh chiếm U Châu này, liên kết với Khả Hãn của nước Đột Quyết,
cương quyết chống lại. Triều đình bao phen đánh mà không xong, phải giở cách
chiêu an, đem cắt đất U Châu cho phép thu thuế má, phu dịch cai quản mười vạn
tinh binh đóng giữa U Châu. Tổng trấn cậy mình có sức muôn người khôn địch, mọi
việc tự quyết đoán. Phàm có kẻ đến xung quân, sợ khi ghép vào hàng ngũ, giở trò
ngang ngược, không chịu trói buộc của cảnh quân kỷ, nên hôm đến trình, cứ đánh
đủ một trăm trượng gọi là "sát úy bổng", mười người giải đến đây,
chín người chết, một người sống. Quả là hiền huynh rơi vào hố lửa vậy. Bây giờ
ta phải tìm cách đối phó vậy thôi. Sau khi Bội Chi hiền đệ đã dán công văn lại
như cũ, tiểu đệ sẽ đem đến phòng thư lại, chỉ để mỗi cái công văn của phủ Lộ
Châu này, rồi dẫn riêng Tần huynh vào soái phủ vậy.
Mọi người nghe Uất Trì Nam nói xong,
đều lắc đầu lè lưỡi kinh ngạc, Công Cẩn lên tiếng:
- Sao nhị vị Uất Trì lại
chỉ muốn giải một mình Tần đại huynh đến.
Uất Trì Nam đáp:
- Hiền huynh có chỗ không
biết. Tổng quản phu nhân rất mộ Phật tổ ngày rầm, mồng một đều ăn chay niệm
Phật rất kính cẩn. Những ngày đó, tổng quản thăng đường đều được phu nhân nhắc
kỹ là không được đánh đập một ai. Tần hiền huynh còn gặp may, hôm nay đúng ngày
mười lăm tháng ba. Nhưng nếu công văn tới xung quân nhiều, công việc bận rộn,
tổng quản vẫn có thể nổi xung mà đánh đập như thường, lời khuyên của phu nhân
cũng chẳng ích gì. Bây giờ Tần hiền huynh hãy tạm bỏ khăn chít đầu, để tóc tai
rũ rượi, lấy bùn đất bôi mặt mày cho đen xám, nói thác là đang có bệnh. Hai vị
Bội Chi, Quốc Tuấn chuẩn bị sẵn lời bẩm báo, chứng thực là có bị ốm trên đường
đi, dù tổng quản đang tức giận sẽ sai chúng tôi khám nghiệm thực hư, chúng tôi
sẽ chứng nhận đúng là đang có bệnh, thế là tổng quản sẽ tha, cho về quân ngũ
bình thường. Lúc ấy, với một đao một thương trong tay. Thúc Bảo hiền huynh lại
sẽ làm nên công nghiệp, lại khoác áo gấm về quê. Chỉ có điều sắp lên soái phủ,
chuyện rất quan hệ đến tính mạng, chư huynh mau mau xếp đặt. Chúng tôi còn phải
mang công văn sang chỗ thư lại.
Uất Trì Nam cùng Uất
Trì Bắc sang phòng thư lại, nói với viên quan này:
- Hãy gác lại tất cả các
công văn xung quân các nơi gửi đến, chỉ trình cho chúng tôi mỗi công văn của
phủ Lộ Châu này thôi.
Viên quan này không dám
cãi một lời, vội thưa:
- Tiểu quan biết rồi ạ!
Lúc này chiêng trống đã
đánh đủ ba lần, đội trung quân đã tiến ra cửa, Thúc Bảo cũng đã chuẩn bị xong
xuôi, đang đứng chờ. Anh em Uất Trì đã lấy lại công văn, đưa trả cho Bội Chi. Ở
cửa ngoài phủ cũng đã nghe tiếng pháo bắn ba lần cửa lớn từ từ mở ra. Đội trung
quân, đội cờ, đội trống, kỳ bài quan, thích dụng quan, bọn cầm dây xích gông
cùm, bọn đao phủ, hàng hàng, lối lối, tầng tầng, lớp lớp kéo vào, đứng chật sân
lớn của công đường, ban nào chỗ ấy, người nào chỗ ấy, nghiêm chỉnh đứng hầu.
Viên quan phụ trách việc tuần tiễu canh phòng ngày cũng như đêm của thành U
Châu, đứng ra tâu trình mọi việc. Rồi đến lượt viên quan coi việc cung cấp
trong quân, tâu trình những lương thực, thực phẩm nhập vào xuất ra trong ngày,
cũng là những quân trang quân dụng khác. Thứ ba mới là viên quan thư lại tâu
trình sổ sách, công văn gửi đi, gửi đến soái phủ, tâu rõ số phạm nhân giải tới,
hiện trạng ra sao, ở đâu.
Quan phủ lại lui lại vài
bước thì lúc này mới là lúc đáng lo ngại, hai bên thềm gạch đỏ hai mươi tư cái
thanh la lớn nhất tề đánh mạnh, một viên hổ đầu quân, hai viên cầm cờ hiệu, kèm
viên quan thư lại, đi về cổng soái phủ. Chấp kỳ quan mới lên tiếng gọi các viên
công sai giải phạm nhân tiến lên. Quốc Tuấn xách xiềng xích sắt, Bội Chi nâng
công văn, kèm Thúc Bảo mang đầy đủ hình cụ tiến vào cửa, vẫn chưa được mở dây
trói, khóa còng, cứ thế vào nghi môn, hai bên lính đao thương giơ cao như rừng
cây. Từ trên thềm cao hình bán nguyệt, chấp bài quan quát quỳ xuống. Từ góc
đông của cửa soái phủ cho tới thềm bán nguyệt, thực ra cũng chỉ nửa đường tên
bắn, mà chẳng khác gì phải bò lên mười dặm vách núi tai mèo vậy.
Thúc Bảo đường đường thân
cao hơn trượng, mà giờ cũng thấy mình thật bé nhỏ, quỳ xuống sát đất, đưa mắt
liếc trộm vị tổng quản trên đài cao.
Phong hầu tướng như ngọc
Giúp chúa lòng tựa vàng
Tóc bạc trí thêm sáng
Tuổi cao sức vẫn hăng
Biên thùy uy chấn động
Tướng sĩ lực kiên cường
Trấn thủ tài Lý Mục
Thái bình khắp phong
cương.
Râu tóc đã lốm đốm bạc,
ngồi vững như núi Thái Sơn, uy nghiêm không động đậy, La Công gọi trung quân,
đem công văn lên, quan trung quân bước xuống bán nguyệt cầm công văn, bước lên
bậc cuối cùng, hai chân quỳ xuống, dâng công văn cho viên thượng quan. Viên này
xem xét dấu ấn xong, liền xé công văn, lấy giấy tờ bên trong, kính cẩn đặt lên
án trước mặt đại quan tổng quản.
La Công lúc này mới cầm
giấy tờ xem, nhận ra thứ sử của Lộ Châu gửi tới xung quân. Nếu là của châu quận
khác, đánh hay không đánh tổng quản cũng tùy thích chẳng cần xem kỹ giấy tờ làm
gì, nhưng thứ sử Lộ Châu là Sái Kiến Đức, vốn là hàng học trò thân thuộc của
tổng quản: La Nghệ này là một võ tướng hiển hách, sao lại có thể có một văn
quan mang dấu vuông là học trò cho được. Vốn là trước kia Sái Kiến Đức từng làm
nhiệm vụ áp tải lương thực cho quân lính U Châu, không đảm bảo thời hạn quy
định, lẽ ra phải xử tội nặng, nhưng La Nghệ thấy Sái là một tiến sĩ mà tuổi còn
ít, nên mới thi ơn không bắt tội, Sái nhớ ơn đó, bái nhận làm học trò La Nghệ.
Nay thấy Sái gửi công văn
xung quân tới, La Nghệ mới cầm xem kỹ từ đầu chí cuối, để xem cách làm ăn của
Sái thái thú ra sao, tội trạng gì, xử có đúng không nặng hay nhẹ. Lại thấy thêm
tội phạm là Tần Quỳnh, người ở Lịch Thành, La Nghệ bỗng giật mình, ngồi lặng
một lát, gấp giấy tờ lại, gọi viên lại coi giữ giấy tờ, trao cho y ghi sổ đẩy
đủ, rõ ràng, đâu đó rồi, La Nghệ truyền:
- Cho giải phạm nhân ra.
Chờ đến giờ ngọ (1) giải vào hậu đường thẩm xét.
1 Giờ ngọ: từ 11 đến 13
giỜ.
Bội Chi, Quốc Tuấn, gọi
Thúc Bảo xuống, cùng vội vàng rời khỏi nơi trên đao dưới búa đi thẳng ra cửa.
Bấy giờ Công Cẩn, Đại
Nại, Hiển Đạo, đều đang chờ ở Tây viên môn, thấy mọi người ra, vội hỏi anh em
Uất Trì:
- Công việc ra sao rồi?
Cả hai đều đáp:
- Giờ ngọ vào hậu đường
thẩm xét.
Công Cẩn hỏi:
- Còn thẩm với xét gì nữa?
Uất Trì Nam đáp:
- Xưa nay chưa từng thấy
xảy ra chuyện như thế này bao giờ, đánh hay không đánh cũng đều đưa xuống các
đội lính cả thôi. Không biết lần này lại còn xem xét gì nữa.
Công Cẩn hỏi tiếp:
- Còn phải chờ bao lâu
nữa thì vào hậu đường?
Uất Trì Nam đáp:
- Còn sớm. Bây giờ mới
đóng cửa về hậu đường, ăn ngủ trưa, rồi mới thẩm vấn. Cũng pháo bắn, cờ bay,
chẳng khác gì buổi thăng đường ban sớm vậy.
Công Cẩn bàn:
- Nếu còn thì giờ vậy, ta
hãy đi tìm nơi nào uống vài chén rượu cho đỡ lo lắng. Ra khỏi cửa viên môn, bỏ
mọi hình cụ, khi nào nghe tiếng pháo bắn, vào cũng không muộn.
***
Lại nói La Nghệ trở về
hậu đường, chưa về nhà riêng vội, sai thủ hạ cởi hết mũ mãng, cân đai, đội khăn
Gia Cát, mặc áo lụa nhẹ, đi hài cườm ngọc, ngồi trên một chiếc ghế dựa nhẹ
nhàng, sai gia tướng gọi tên thư lại giữ giấy tờ, đem công văn của phủ Lộ Châu
vừa gửi tới vào hậu đường. La Nghệ cầm xem từ đầu chí cuối một lần nữa, lại sai
gia tướng mở cửa sau vào nhà riêng, mời Tần phu nhân sang hậu đường bàn chuyện
cần. Tần phu nhân đem theo La Thành công tử vừa mười một tuổi, bọn quản gia, a
hoàn theo sau, sang hậu đường. Phu nhân khẽ chào rồi ngồi xuống, La Thành đứng
hầu bên.
Phu nhân lên tiếng:
Phu nhân lên tiếng:
- Tướng công hôm nay xong
việc, sao không về nhà riêng, lại gọi lão phụ tới hậu đường có việc gì vậy?
La Nghệ hỏi lại:
- Hồi xưa khi mắc cạn
nước, lệnh tiên huynh (l) Vũ vệ tướng quân bỏ mình, hiện còn ai là người nối
dõi nữa không?
1 Lệnh tiên huynh: tôn
xưng anh Tần phu nhân, là Tần Di, bố đẻ ra Thúc Bảo đã chết.
Phu nhân nghe hỏi thế,
liền rơi nước mắt đáp:
- Tiên huynh Tần Di, chết
trận ở Tế Châu, chị dâu là Ninh Thị chỉ sinh một trai, tên gọi Thái Bình, lúc
bấy giờ mới ba tuổi. Cả hai mẹ con đều lưu lạc trong cảnh giặc giã, đến nay đã
hai mươi năm, mỗi người một phương trời. Nhưng sao hôm nay tướng công nói đến
chuyện này?
La Nghệ đáp:
- Ta vừa thăng đường, ở
Hà Đông giải đến một tên quân phạm. Xin phu nhân đừng lấy làm lạ, tên này lại
cùng họ với phu nhân.
Tần phu nhân đáp:
- Hà Đông cũng là Sơn
Đông sao?
La Nghệ cười đáp:
- Đúng là chuyện đàn bà,
Hà Đông cách Sơn Đông hơn nghìn dặm, làm sao Hà Đông lại là Sơn Đông cho được?
Phu nhân nói:
- Nếu không phải Sơn
Đông, thì thiên hạ cùng họ biết kể sao cho hết, đâu chỉ phải mình họ Tần ở Sơn
Đông.
La Nghệ đáp:
- Vừa rồi trên giấy tờ,
thấy ghi rõ là họ Tần chính là quê Lịch Thành, Sơn Đông, làm công sai ở phủ Tế
Châu, giải phạm nhân tới phủ Lộ Châu.
Phu nhân bèn nói:
- Nếu như là người Sơn
Đông, hoặc là Thái Bình cũng nên. Mặt mũi Thái Bình cũng chẳng nhớ được nữa,
nhưng nhất định Tần Quỳnh phải biết. Lão phụ muốn rõ mặt Tần Quỳnh, hỏi rõ tung
tích, thì làm thế nào cho tiện?
La Nghệ đáp:
- Điều này không khó. Phu nhân cứ ngồi trong nội thất xem xét Tần Quỳnh. Nhưng để khỏi mất thể diện ta, thì phải buông rèm che kín, rồi mới cho gọi Tần Quỳnh vào.
- Điều này không khó. Phu nhân cứ ngồi trong nội thất xem xét Tần Quỳnh. Nhưng để khỏi mất thể diện ta, thì phải buông rèm che kín, rồi mới cho gọi Tần Quỳnh vào.
La Nghệ sai gia tướng bày
biện lại hậu đường, rồi truyền lệnh ra ngoài, cho công sai Lộ Châu giải Thúc
Bảo vào. Lúc này cả bọn đang tìm nơi uống rượu cho đỡ nóng ruột. Chỉ có Thúc
Bảo, vì lo còn phải thẩm vấn, nên không dám uống nhiều. Ba tiếng pháo mở cửa,
một viên quan nội kỳ oang oang truyền lệnh:
- Tổng quản đại nhân,
ngồi hậu đường thẩm vấn, truyền công sai Lộ Châu, giải quân phạm Tần Quỳnh vào.
Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc
cùng Bội Chi, Quốc Tuấn vội khoác đủ hình cụ lên người Thúc Bảo, rồi cùng nhau
vào cửa soái phủ. Công Cẩn, Đại Nại cùng Hiển Đạo lại ngồi bên ngoài chờ tin
tức. Năm người bước qua cửa lớn nghi môn, qua bán nguyệt đài, qua tiền đường,
gần đến hậu đường, thì từ phía bình phong, hai viên gia tướng đi ra, truyền
lệnh:
- Công sai giải quân phạm
đứng ngoài!
Rồi hai viên gia tướng
cầm lấy dây xích, giải Thúc Bảo vào hậu đường, quỳ xuống dưới thềm. Thúc Bảo
đưa mắt nhìn trộm lên, thì thấy quang cảnh không có gươm giáo uy nghi như buổi
sáng. La Nghệ mặc áo trắng rộng, phía sau là một hàng sáu viên gia tướng áo
xanh, mũ rộng đứng hầu, hai tay buông xuôi. Dưới thềm cũng tên gia tướng, cũng
chỉ áo rộng, thắt thêm một cái đai. Thúc Bảo thấy thế lòng cũng đỡ lo lắng ít
nhiều. La Nghệ truyền lệnh:
- Tần Quỳnh bước lại gần
án!
Thúc Bảo giả vờ bệnh vì
sợ bị đánh, nên cứ vờ đứng dậy không nổi. La Nghệ sai hai viên tướng tháo hết
xiềng xích cho Thúc Bảo. La Nghệ lại lệnh đến gần án. Thúc Bảo cố lê lên phía
trước. La Nghệ hỏi:
- Ở Tế Châu, Sơn Đông
những nhà họ Tần như ngươi nhiều không?
Thúc Bảo thưa:
- Trình đại nhân, huyện
Lịch Thành, thuộc Tế Châu họ Tần làm các nghề khác thì nhiều, nhưng làm công
sai như tiểu nhân thì chỉ có mình tiểu nhân.
La Nghệ lại hỏi:
- Người vốn phải theo
nghiệp võ biền không?
Thúc Bảo thưa:
- Dạ vốn theo nghiệp lính
đã từ lâu.
La Nghệ căn vặn:
- Hãy khoan. Ngươi nói
càn rồi. Người làm công sai ở Tế Châu, vâng lệnh Lưu Thứ sử đi công cán ở Lộ
Châu thuộc Hà Đông, nếu là quân binh thì sao lại đi làm công sai ở Tế Châu?
Thúc Bảo cúi đầu thưa:
- Trình đại nhân, vì ở
Sơn Đông trộm cắp nổi dậy khắp nơi, bản châu lực có hạn, cho nên ra lệnh ai bắt
được trộm cướp thì thưởng. Tần Quỳnh này vốn là quân binh, bắt cướp có công,
nên được
Lưu Thứ sử thăng làm Binh
mã bổ đạo đô đầu, lại được lệnh thứ sử đi công cán ở Lộ Châu, Hà Đông, không
may ngộ hại Trương Kỳ, nên mới phải làm thành án, đến dưới trướng đại nhân.
La Nghệ tiếp:
- Nhà ngươi nguyên là
quân binh, hổ làm công sai, vậy ta hỏi thêm: Thuở Bắc Tề, có Vũ Vệ tướng quân
Tần Di, vì nước tận trung, nghe nói gia thuộc hiện lưu lạc ở Sơn Đông, nhà
ngươi có biết không?
Thúc Bảo nghe đến tên phụ
thân, rơi nước mắt thưa:
- Vũ Vệ tướng quân là phụ
thân của Tần Quỳnh này. Xin đại nhân nể mặt người xưa, mà gượng nhẹ cho tiểu
nhân.
La Nghệ đứng ngay dậy:
- Ngươi đúng là con của
Vũ Vệ tướng quân sao?
Lúc đó, trong màn gấm đỏ,
Tần phu nhân cũng không nhịn nổi, lên tiếng hỏi:
- Tần Quỳnh, mẫu thân nhà
ngươi mang họ gì?
Thúc Bảo thưa:
- Dám thưa, mẫu thân tiểu
nhân là Ninh Thị.
Tần phu nhân lại hỏi:
-
Thái Bình là tên ai?
Thúc
Bảo thưa:
-
Dạ, đó là tên đặt lúc nhỏ của tiểu nhân.
Tần
phu nhân thấy cháu cơ khổ đến thế, cuốn ngay rèm gấm, chạy ra hậu đường, ôm đầu
mà khóc. Thúc Bảo chưa dám nhận, chỉ khóc mà lạy sát đất. La Nghệ cũng dậm chân
mà than:
-
Đúng là cháu ta rồi, đứng dậy nhận họ hàng đi nào?
La
Thành đứng bên, thấy Tần phu nhân khóc lóc cũng nhỏ nước mắt lặng lẽ. Bọn gia
tướng vội thu tất cả các hình cụ, đem ra phía tiền đường gọi lớn:
-
Công sai Lộ Châu đâu rồi? Ra mà lĩnh hình cụ về cho sớm. Tần đại huynh vốn là
cháu của ngài tổng quản, Tần phu nhân chính là cô ruột của đại huynh, vừa nhận
ra ở ngay hậu đường rồi. Cầm luôn cả công văn, sáng mai sẽ đóng dấu trở về Lộ
Châu ngay cho!
Anh
em Uất Trì vỗ tay mừng rỡ. Bọn Công Cẩn chờ bên ngoài, thấy họ ra, mặt mày vui
vẻ, bèn hỏi:
-
Chuyện ra sao rồi mà hai vị mặt mày rạng rỡ thế kia?
Uất
Trì Nam đáp:
-
Các vị giờ thì hoàn toàn yên tâm rồi. Tần hiền huynh vốn thật là người danh giá
lắm. La đại nhân vốn là chú, Tần phu nhân vốn là cô ruột. Giờ mới nhận ra người
một nhà. Chúng ta phải tìm nơi nào ăn mừng mới được.
***
Lại
nói La Nghệ đưa Thúc Bảo về nhà riêng, bảo La Thành:
-
Con đưa anh con về thư phòng tắm rửa, thay quần áo, cứ lấy quần áo của ta cho
anh con mặc.
Thúc
Bảo chải đầu tóc, rửa mặt mày, rồi mới ra bái lạy chú, cô, cùng La Thành lạy
bốn lạy, nhận anh em. Lập tức nhờ La Thành lấy giấy mực, viết hai lá thư, một
gửi luôn cho La Nghệ, nhờ đưa cho viên thư lại sáng mai đóng dấu công văn,
chuyển cho Bội Chi, đem về Lộ Châu, tạ ơn Đơn Hùng Tín và báo tin mừng, một đưa
anh em Uất Trì, chuyển tới ba anh em Công Cẩn, cùng để tạ ơn, báo tin mừng. Lúc
này ở nhà riêng, Tần phu nhân đã sai bày tiệc rượu huy hoàng, vợ chồng La Nghệ
ngồi trên, Thúc Bảo cùng La Thành và mọi người ngồi vây xung quanh. Rượu uống
được hai tuần, La Nghệ lên tiếng:
-
Thúc Bảo, ta thấy cháu tướng mạo đường đường, nhất định là một kẻ có sức địch
muôn người, chỉ tiếc lệnh tiên quân sớm từ giã cõi thế, lệnh đường ở góa, tha
hương một mình. Liệu cháu có được luyện tập võ nghệ gì không?
Thúc
Bảo thưa:
-
Cháu biết múa giản.
La
Nghệ hỏi tiếp:
-
Chính là đôi giản bằng đồng đen mà lệnh tiên quân để lại chứ gì cháu có mang
tới đây không?
Thúc
Bảo thưa:
-
Cháu ở Lộ Châu vì xảy ra chuyện như thế, đôi giản coi như là vũ khí giết người,
cùng với con hoàng phiêu, yên cương đều bị Sái Thái sứ đưa vào kho cất giữ.
La Nghệ an ủi:
- Cái đó thì chẳng lo.
Sái Thái sứ vốn là học trò của ta mai kia ta sai người đến lấy là xong. Nhưng
bây giờ có điều cần phải nói với cháu. Ta trấn giữ U Châu này, có hơn mười vạn
tinh binh, hơn nghìn viên dũng tướng, đều phải dựa trên công tội mà luận thưởng
phạt. Pháp luật không thể dựa vào sự thân thuộc, họ hàng. Ta nay dù có muốn lấy
cháu vào làm tướng, làm quan dưới trướng, thì cũng không thể nào tránh được lời
ra tiếng vào của tướng sĩ, binh lính, khiến cho cháu cũng không còn mặt mũi
nào. Theo như ý ta, mai đây cháu nên ra biểu diễn võ trường, cùng tỉ thí võ
nghệ, đọ tài cao thấp, nếu quả cháu có võ nghệ hơn người, kiếm mã tinh thông,
thì ba quân cũng không còn dám nghị luận gì nữa. Ý cháu thế nào?
Thúc Bảo đứng dậy, quỳ
thưa:
- Được chú, cô cất nhắc
cho như thế, lo đến công nghiệp mai sau cho cháu, thì chẳng khác gì ơn cứu sống
vừa rồi.
La Nghệ liền truyền lệnh
cho gia tướng, đem binh phù hiển dụ ba quân, ngày mai kéo hết binh mã ra khỏi
thành, đến diễn võ trường để dự tỉ thí võ nghệ .
Hôm sau mới canh năm. La
Nghệ ra lệnh bắn pháo mở cổng soái phủ, trung quân đứng thành đội ngũ, Sử Đại
Nại giữa tiền đường tiến lên trình tổng quản cùng ba quân về kết quả việc mở Đả
lôi đài, liền được lệnh nhận chức kỳ bài quan. Sau đó tướng sĩ, quân lính đội
nào cơ ấy trang bị chu đáo, theo La Nghệ ngồi trên xe tứ mã, rầm rộ kéo khỏi
soái phủ.
Mười vạn tinh binh giữ
cõi ngoài
Ấn vàng treo đầu, ánh
trăng soi
Lá cờ sông Dịch mây tung
ngất
Mũi giáo đài Yên sương
chói ngời.
Lúc này Thúc Bảo chưa có
dây vàng tua bạc ghi võ công để đeo, nhưng trang phục cũng như mọi gia tướng
của La Nghệ: đầu quấn khăn the có đính hoa vàng, mặc áo có thêu hình đầu hổ,
đeo đai lưng nạm bạc lóng lánh, có kèm cả túi đựng tên bắn, chân đi giày màu
trắng, cưỡi ngựa, theo sau La Nghệ ra diễn võ trường bằng đường cửa đông. La
Thành công tử cũng đi theo bốn viên gia tướng, ra cửa soái phủ thì bị kỳ bài
quan trông coi viên môn chặn lại, van xin thế nào, kỳ bài quan cũng nhất định
không cho La Thành ra khỏi cửa.
Nguyên là đã có nghiêm
lệnh của La Nghệ đến các thủ hạ là: tuy La Thành đã mười một tuổi sức lực hơn
người, biết cưỡi ngựa mạnh, giương cung cứng, thường theo gia tướng đi săn ở
ngoài thành; La Nghệ làm quan liêm khiết chỉ sợ La Thành tính khí chưa định,
rồi dẫm đạp lên ruộng vườn, hoa màu của dân chúng, nên nhất định cảnh báo quân
sĩ dưới trướng, không được cho La Thành ra khỏi soái phủ.
La Thành chỉ đành theo
gia tướng dắt ngựa trở về, đến trước mẫu thân ở nhà riêng, giở trò trẻ con, đòi
kỳ được ra diễn võ trường, xem anh Thúc Bảo tỉ thí võ nghệ. Tần phu nhân vì mới
tìm ra được đứa cháu ruột mồ côi của mình, cũng nóng biết võ nghệ Thúc Bảo ra
sao, nên muốn cho La Thành ra xem, rồi trở về sớm cho mình biết đầu đuôi đỡ lo
lắng, chờ đợi trong lòng. Tần phu nhân cho gọi bốn vị cựu lão trong nhà, cả bốn
đều râu tóc bạc trắng, đã từng theo La Nghệ từ triều Bắc Tề đến nay, cũng trải
bao vinh nhục đời lính, cùng vui khổ lập nhiều quân công, dây vàng tua bạc đã
lắm, và giảng giải:
- Bốn vị đều là bậc thạo
việc hiểu người, hãy dắt công tử ra diễn võ trường xem Tần đại huynh tỉ thí võ
nghệ. Nếu kỳ bài quan có ngăn trở, thì cứ nói là lệnh của phu nhân là được. Chỉ
nhớ là đừng để La tổng quản trông thấy.
Bốn người nhất loạt thưa:
- Chúng tôi rõ rồi ạ!
La Thành thấy mẫu thân
sắp xếp như thế, mừng không nén nổi. Vội nhảy vào thư phòng lấy cung hoa tiêu,
cùng túi gấm có đựng mấy mũi tên cánh bằng lông chim, tính chuyện sau khi xem
Thúc
Bảo tỉ thí xong xuôi, còn
tính ra bãi hoang ngoài thành bắn chim, đuổi thú nữa.
Năm người cùng lên ngựa,
ra cửa soái phủ, kỳ bài vẫn không cho ra. Một vị cựu lão nhanh miệng nói:
- Tần phu nhân đã cho
phép công tử ra xem đại huynh Thúc Bảo tỷ thí võ nghệ, chỉ cần đừng để La tướng
công trông thấy là được.
Kỳ bài quan còn căn dặn:
- Xin công tử mau trở về,
đừng để tướng công biết.
La Thành tức giận quát
lớn:
- Không cần phải nhiều
lời!
Năm ngựa ra khỏi viên
môn, đi về phía giáo trường ngoài cửa đông. Lúc này ở ngoài giáo trường pháo đã
bắn, cờ đã kéo lên, năm ngựa lại cũng từ cửa đông mà vào, cả năm người xuống
ngựa, vào xem cảnh thao diễn. Bốn vị cựu lão chỉ sợ La tướng công trên trướng
đài trông thấy La Thành, nên hai người đứng che bên phải, hai người đứng che
bên trái, ép La Thành vào giữa, cứ thế đứng xem.
Chẳng biết sự thể ra sau,
xin Xem hồi sau sẽ rõ.
HỒI 14
Múa giản trước ba quân, nức tiếng Tần Quỳnh
Tặng vàng hơn trăm lạng, đền ơn Liễu
Thị.
Thơ rằng:
Ngọc trong đá, vàng trong
bùn đục
Can Tương vùi dưới Phong
Thành ngục (1)
Gặp thì mài dũa thợ lành
nghề
Chọc trời ánh kiếm chói
như đuốc
Trượng phu tung tích xưa
nay rõ
Vụt mây, vụt bùn, vụt
chuột, hổ
Vua hán xây đàn, ba quân
kinh
Hoài âm hay là Giang,
Quân đó?(2)
Khốn cùng không ép chớ
nên hiền
Hùng dũng đao thuơng, há
chịu hèn
Vật báu nhắn ai còn cất
túi
Đợi ngày xỏng xảnh tiếng
vàng chen.
1 Có người xem thiên văn,
thấy vùng Phong Thành có kiểm quý, sai Lôi Hoàn đến tìm. Lôi Hoàn đào nền nhà
ngục Phong Thành, thấy một hòm đá, trong đựng hai thanh bảo kiếm, một thanh có
tên là Can Tương, một thanh có tên là Mạc Gia (Đông Chu Liệt Quốc).
2 Lưu Bang sai đắp đàn
cao để phong chức đại tướng, mọi người bàn luận ai đáng được nhận chức ấy,
không ai chịu ai. Không ngờ người được phong lại là Hàn Tín chưa có danh hiệu
gì. Sau làm nên công trạng to lớn, được phong Hoài âm Hầu (Sử Ký).
Lời người xưa chẳng sai,
vận xấu đến thì vàng mười cũng mất giá, số may còn thì sắt rĩ cũng phát ánh
sáng lóng lánh. Thúc Bảo lúc ở sơn Đông làm bấy nhiêu việc, đến Lộ Châu gặp bao
chuyện sóng gió, cũng chỉ vì thời vận chưa đến. Một buổi sớm, gặp được La Nghệ
đang là là mặt đất bỗng vụt tận trời cao, lộ rõ tất cả bản lãnh cả đời của
mình. La Nghệ cũng vì muốn cất nhắc Thúc Bảo, nên mới có cuộc đại thao diễn ba
quân.
La Nghệ ngồi trên trướng
đài, mười vạn hùng binh, đội ngũ chật đất, chia thành từng ô vuông vắn. Phía dưới
trướng đài, các tướng cao thấp dàn hàng túc trực, toàn thân nai nịt gọn gàng,
sắc kiếm sáng ngời, mũi thương nhọn sắc sắp hàng hai phía tả hữu. Thúc Bảo đứng
phía bên tả nhìn suốt lượt xa gần bốn phía, lòng thầm nghĩ: "Ta lâu nay
giống như ếch ngồi đáy giếng, không biết đến trời cao đất rộng, chỉ biết mỗi
đất Sơn Đông là lớn. Hãy cứ nhìn ông chú ngoài năm mươi của ta, râu tóc đều còn
xanh đen, mà đã khoác nhung phục đệ nhất phẩm, nắm quyền sinh sát hàng vạn
người, một lời hô, trăm lời dạ. Đại trượng phu trên đời, phải như thế mới
xứng!".
Nào có biết đâu, lần thao
diễn võ nghệ này, La Nghệ chỉ để ý thấy Thúc Bảo, chẳng hề bận tâm một sự gì
khác. Thấy Thúc Bảo như có vẻ tính toán, lo lắng điều gì, La Nghệ liền dõng dạc
gọi:
- Tần Quỳnh!
Thúc Bảo quỳ xuống thưa
lớn:
- Có!
La Nghệ hỏi:
- Người sử dụng vũ khí gì
thạo hơn cả?
Thúc Bảo vội thưa:
- Dạ, múa song giản?
La Nghệ hôm qua trong bàn
tiệc ở nhà riêng cũng đã từng hỏi rồi, nhưng sao hôm nay còn hỏi lại. Chỉ vì
biết đôi giản của Thúc Bảo, vẫn còn đang nằm ở kho của phủ Lộ Châu, chưa có thể
lấy về kịp, La Nghệ bèn truyền gia tướng:
- Đem đôi giản bằng bạc
của ta ra đây.
Đôi giản này của La Nghệ
đúng là rèn bằng bạc, có cán mạ vàng, cả hai nặng hơn sáu mươi cân. So với đôi
giản của Thúc Bảo vừa ngắn hơn, vừa nhẹ hơn, nhưng vì đã sử dụng quen đôi giản
nặng của mình, nay cầm đến đôi giản này của La Nghệ, Thúc Bảo lại càng có điều
kiện trổ tài hơn. Hai viên gia tướng xách đôi giản bạc ra, Thúc Bảo quỳ dưới
đài, hai tay giơ lên kính cẩn đỡ đôi giản, rồi nhẹ nhàng đứng dậy, vung tít đôi
giản, chẳng khác gì hai con rồng bạc, che kín thân mình, lại giống như hai con
mãng xà dát ngọc lấp lánh quanh lưng. La Nghệ ngồi trên dài cao giọng khen một
mình:
- Múa giỏi lắm!
Cũng chẳng phải dưới
trướng La Nghệ không có người biết múa giản, mà chỉ có riêng Thúc Bảo biết múa
thôi đâu, chẳng qua La Nghệ muốn chư tướng lên tiếng ca ngợi, khâm phục tài múa
giản của Thúc Bảo. Chư tướng cũng đón biết ý
của La Tướng quân, nên cả hai hàng tướng sĩ đều nhất loạt trầm trồ:
- Giỏi lắm! Hay lắm!
La Thành công tử, vì ở
tận ngoài viên môn của giáo trường, nên phải trèo đứng lên vai của bốn vị cựu
lão, mới thấy rõ Thúc Bảo múa giản thế nào. Đến những khi Thúc Bảo múa thật
nhanh, thân người cũng bị đường giản che kín hết, chỉ thấy ánh bạc loang loáng,
La Thành cũng xuýt xoa thán phục, nhưng không dám la ầm ĩ, chỉ khẽ lẩm nhẩm:
- Đúng là giỏi thật!
Thúc Bảo múa xong, lại
quay về trước trướng đài chờ lệnh, La Nghệ hỏi tiếp:
- Tần Quỳnh còn biết sử
dụng vũ khí gì nữa?
Thúc Bảo đáp:
- Dạ, thương cũng biết ít
nhiều.
La Nghệ sai mang thương
đến, hai viên gia tướng lại cầm thương đưa cho Thúc Bảo, họ đã chọn cây thương
gỗ tốt nhất trên giá, cái này cũng nặng tới một trăm hai mươi cân, hai đầu đều
bịt sắt quấn gân trâu, đã lên nước bóng loáng như sơn đen. Thúc Bảo đỡ lấy,
người cúi xuống, đè lên cây thương, tay phải đánh mạnh, thương gãy làm hai
đoạn, những quận gân trâu quấn lằng nhằng không đứt. Thúc Bảo quỳ xuống thưa:
- Tiểu tướng phải dùng
hỗn thiết thương mới được!
La Nghệ gật đầu khen:
-
Đúng là con nhà võ tướng?
Truyền
cho gia tướng:
Hãy
lấy cây thương của ta trên giá, đem xuống cho Tần Quỳnh.
Hai
viên tướng y lệnh lại vác cây thương xuống. Cây này cũng nặng một trăm hai mươi
cân, dài một trượng tám thước. Thúc Bảo đỡ lấy xoay toàn thân, kéo thương vào
lòng. Thấy dáng vẻ chưa thật thuần thục, La Nghệ gật gật đầu, khẽ nói:
-
Thương pháp chưa được bằng múa giản, còn cần phải chỉ bảo thêm nữa.
Lời
nhận xét của La Nghệ cũng thể hiện ở soái phủ U Châu, việc rèn luyện về thương
pháp rất được chú ý. Không như Thúc Bảo, không hề được truyền thụ về cách sử
dụng thương pháp cho đến nơi đến chốn, làm công sai ở Tế Châu, chẳng qua học
được ít miếng của bạn bè, trong cảnh tự do tự tại, mang phong cách lục lâm
giang hồ mà thôi, cho nên không thể qua được mắt tài nghệ của La Tướng quân. Nhưng
vì vừa nghe La Nghệ ngợi ca tài múa giản, lại thấy Thúc Bảo không hề lúng túng,
không hề phải lấy sức, vẫn múa nhẹ nhàng cây thương nặng một trăm hai mươi cân,
nên tướng sĩ cho đến lính tráng đều đủ kinh ngạc, mà cũng khó nhìn rõ tài nghệ
đến đâu, cuối cùng cũng được khắp giáo trường tán thưởng.
Thúc
Bảo biểu diễn thương xong, La Nghệ truyền lệnh tam quân thao diễn. Một tiếng
pháo nổ đinh tai, chỉ thấy:
Trận
xếp tám phương
Cờ
tung năm sắc
Cọp
rồng đua cánh
Tàn
quạt rợp trời
Mây
đen ngang dọc
Cờ
đen chỉ phương Bắc hùng quân
Ráng
đỏ thẳng xông
Cờ
đỏ chỉ phương nam dũng sĩ
Tuyết
phủ đầy đồng khắp nội, hiệu báo canh tân
Xuân
về núi thẳm hang sâu, màu nêu giáo ất
Xấu
tốt chẳng giống đá Giang Lăng
Mạnh
yếu vẫn nòi quân U, Lý.
Thao
diễn xong, viên quan xướng lệnh trong quân hô lớn:
-
Chư tướng, tam quân thao diễn đã xong, thừa lệnh tổng quản tướng quân, đến phần
tỷ thí cung tên!
La
Nghệ gọi Thúc Bảo hỏi:
-
Nhà ngươi có thạo cung tên không?
La
Nghệ hỏi thế cũng là có ý, nếu Thúc Bảo biết bắn thì thi, nếu không thì thôi,
chẳng hề bị mang tiếng xấu xa gì nữa. Nhưng Thúc Bảo lúc này, đang hồi đắc ý,
tự thấy mình giản rồi thương đều giỏi giang, nên cũng buột miệng thưa:
-
Dạ, có!
Có
ngờ đâu trong số hơn nghìn viên tướng dưới trướng La Nghệ, cũng có tới hơn ba
trăm viên thần tiễn. Từ ba trăm đó, lại chỉ chọn ra sáu mươi viên giỏi nhất trong
việc vừa trên ngựa vừa bắn cung, đều là những kẻ bách phát bách trúng. Với đích
bắn là cán thương dài nạm bạc, thì những viên tướng này xem là trò đùa con trẻ.
La Nghệ hiểu rõ điều này, lại biết rõ sức lực của Thúc Bảo, nên lệnh cho gia
tướng lấy cho Thúc Bảo chiếc cung của mình vẫn dùng, vừa dài vừa cứng, và chín
mũi tên. Quân chính ty lập tức ghi tiếp tên Thúc Bảo vào cuối sổ dự thi, rồi
bước lại trướng đài, quỳ thưa.
-
Trình tổng quản tướng quân, xin tướng quân chỉ định đích bắn!
La
Nghệ cũng vì có Thúc Bảo trong bọn thi tài, nên phán ngay:
-
Lấy cán thương như mọi lần vậy.
Những
cán thương làm đích bắn ở giáo trường lại càng dễ trúng, đều được làm bằng gỗ
mềm, mỗi cán dài chín thước đứng cách một trăm tám mươi bộ (1), cứ mỗi lần tên
bắn trúng vào cán thương, thì cờ hiệu màu xanh lại phất nhất loạt để thay tướng
khác bắn, theo đúng thứ tự xướng danh của quân chính ty. Những viên tướng này,
đều phải rèn luyện một ngày, đến viên kỳ bài quan mới được nhận chức Sử Đại Nại
nữa là đã có tới năm mươi bảy tướng dự thi bắn, mà chưa từng có một mũi tên nào
chệch khỏi cán thương, rơi ra ngoài. Thúc Bảo đứng xếp hàng phía sau, thấy
quang cảnh như vậy, trong lòng thầm hối hận: "Đáng ra ta cũng không nên
khoác lác quá. Vừa rồi khi La tướng quân hỏi: "Có thạo cung tên
không", chỉ cần ta đáp: “Không thạo!", thế là xong, tướng quân cũng
chẳng ngạc nhiên làm gì. Sao ta lại dại dột trả lời rằng có. Giờ biết làm sao
đây!".
1
Bộ: đơn vị đo chiều dài, tùy thời thay đổi. Thường khoảng cách giữa một bước
chân là một bộ.
La
Nghệ vốn là người rất cẩn thận, tinh tế, bày ra chuyện thi bắn cung này cũng
chính chỉ để Thúc Bảo trổ tài, nay thấy tinh thần Thúc Bảo có vẻ hoảng hốt, ngờ
là việc cung tên Thúc Bảo cũng chưa được luyện tập nhiều, liền gọi Thúc Bảo
đến, hỏi:
-
Ngươi có thấy các tướng dưới trướng ta, bắn có giỏi không?
La
Nghệ hỏi thế vẫn là có ý tốt, chỉ cần Thúc Bảo khiêm nhường, La Nghệ có thể ra
ngay lệnh miễn thi bắn cho. Thúc Bảo vẫn không hiểu ra thiện ý câu hỏi đó, với
vẻ cuồng vọng của bậc thiếu niên, không chút từ tốn, đáp:
-
Chư tướng đều bắn vào đích đứng yên, chưa đủ lấy làm lạ!
La
Nghệ hỏi:
-
Ngươi bắn còn tài hơn nhiều sao?
Thúc
Bảo thưa:
-
Tiểu tướng có thể bắn được chim đang bay trên trời cao.
Chả
cần đến người nhiều tuổi, sáng suốt như La Nghệ mới hiểu ra là Thúc Bảo không
bắn thạo một cái đích như thế, cũng muốn xem Thúc Bảo sẽ bắn chim bay như thế
nào? Ra lệnh cho chư tướng tạm ngừng việc thi bắn cán thương, xem Thúc Bảo bắn
chim trên trời cao. Quân chính ty lập tức gấp sổ sách lại, chư tướng buông
cung, bỏ tên vào túi. Thúc Bảo thì giương cung chờ sẵn, đứng ngay bên thềm đài
hình bán nguyệt. Giữa thanh thiên bạch nhật, bầu trời trong suốt, không một
bóng chim bay. Chỉ bởi cả muôn vạn tinh binh, cờ dong trống gióng để thao diễn,
thì chim nào còn dám bay tới. La Nghệ bèn ra lệnh:
-
Lệnh cho quan coi tiền lương, đem ra mấy miếng thịt bò tươi, treo trên ngay
đỉnh cột cờ.
Thế
là thịt bò treo lên, thỉnh thoảng những giọt máu tươi lại nhỏ giọt, lúc bấy giờ
ở vách núi gần đó thấy một vài cánh chim ưng đói mồi mới mon men tìm đến. Thói
thường, người trong cuộc thì mê, người bên ngoài lại sáng suốt, La Thành ngoài
viên môn, lúc này thầm nghĩ: "Anh Thúc Bảo giờ định giở trò xấu chơi đây. Bắn
bầy chim sẻ, quạ đen còn dễ, chứ chim ưng thì sao mà hạ nổi. Con hươu không bị
quáng bởi mắt người, con cá không bị lòa vì nước trong, trời xanh, thảo nguyên
xanh không làm lạc mắt chim ưng được. Trong mắt chim ưng, có đôi đồng tử nhỏ
bằng hạt đậu, chim đang bay trên lưng chừng trời, dưới bãi cỏ bên sườn núi, chỉ
thấy một hạt đậu lăn đi lăn lại, nó cũng còn nhìn thấy. Anh ấy nói có thể hạ
được chim ưng đang bay, chỉ là khoác lác một chút cho sang. Nhược bằng không
bắn được, phụ thân sẽ không trọng dụng anh ấy nữa, thì thật đáng thương cho một
anh hùng vừa lỡ vận, từ nghìn dặm tới đây. Ta phải giúp anh ấy một tay mới
xong!”
Nghĩ
rồi mở áo khoác, lôi chiếc cung hoa tiêu của mình ra, lắp tên vào, giương lên
chờ sẵn, lại cố ý lấy áo khoác che bớt. Hàng vạn quan quân đều đang chú mục chờ
Thúc Bảo bắn chim ưng, chẳng ai biết chuyện La Thành đang giương cung ngoài cửa
đông này: Chỉ có bốn cựu lão ở ngay dưới chân La Thành, cũng chẳng biết thì
thôi. Hai người đứng bên phải lúc nào cũng luôn miệng chuyện trò, chẳng để ý gì
đến xung quanh, hai người bên trái vì bị ánh mặt trời chiếu vào mắt, phải lấy
tay che để nhìn rõ Thúc Bảo bắn ưng, La Thành lại giương cung rất nhẹ nhàng,
không một tiếng động nhỏ, nên cả bốn người đều không hay biết gì. La Thành cũng
tính thật kỹ lưỡng lúc nào thì nên bắn tên đi. Nếu Thúc Bảo chưa bắn, La Thành
bắn thì có ích gì, nên La Thành vẫn giương cung chực sẵn mà thôi. Đáng lo ngại
thay cho Thúc Bảo lúc này, đã thấy chim xuất hiện gần mấy miếng thịt bò tươi,
cung đã giương sẵn, mọi người reo hò thúc giục, chim vẫn bay đi bay lại, Thúc
Bảo không còn biết thế nào, chỉ còn cách giơ ngược cung, bắn một phát.
Dây cung khẽ động, chim ưng đã biết có tên đến gần, liền xoay thân hình một vòng kín, vỗ mạnh đôi cánh vừa dày những lông, vừa cứng như sắt, chụp lấy mũi tên của Thúc Bảo mà thân hình chẳng hề một xây xát nhỏ nào. Thúc Bảo thấy thế, trong lòng vô cùng hoang mang, nhưng rồi lại thấy, con chim ưng đó vật vã đôi cánh, liệng bên này, chao bên kia, không còn giữ được thăng bằng nữa, từ từ rơi xuống đất trước mặt ba quân tướng sĩ. Cả thao trường lại một lần nữa náo động, ai nấy hò reo ầm ĩ như phát cuồng.
Dây cung khẽ động, chim ưng đã biết có tên đến gần, liền xoay thân hình một vòng kín, vỗ mạnh đôi cánh vừa dày những lông, vừa cứng như sắt, chụp lấy mũi tên của Thúc Bảo mà thân hình chẳng hề một xây xát nhỏ nào. Thúc Bảo thấy thế, trong lòng vô cùng hoang mang, nhưng rồi lại thấy, con chim ưng đó vật vã đôi cánh, liệng bên này, chao bên kia, không còn giữ được thăng bằng nữa, từ từ rơi xuống đất trước mặt ba quân tướng sĩ. Cả thao trường lại một lần nữa náo động, ai nấy hò reo ầm ĩ như phát cuồng.
Kẻ
đứng xem hò reo một tiếng
Người
trong cuộc phấn khởi trăm lần.
Tất
nhiên, ngay cả đến Thúc Bảo cũng không rõ vì sao con ưng đó lại rơi xuống. La
Thành thì lại giấu cung hoa tiêu của mình vào ngay trong áo khoác như cũ, rồi
cùng bốn cựu lão lên ngựa, trở về soái phủ trước. Quân lính nhặt con ưng dâng
lên cho La Tướng quân, La Nghệ vì vẫn thiên vị Thúc Bảo ngay từ đầu, nên tự
thân xuống ngay trướng đài, gài cho Thúc Bảo một bông hoa đỏ vào áo. Thế rồi
trống gióng, cờ mở, rước về soái phủ, truyền lệnh tất cả chư tướng, không kể có
tham dự tỷ thí hay không, đều được thưởng nhất loạt, ba quân cũng vậy, đều được
ban rượu thịt để tưởng lệ sự khó nhọc. La Nghệ về hậu đường, La Thành thì đã về
nhà riêng từ trước, riêng chuyện bắn tên giúp Thúc Bảo, cũng không dám nói với
mẫu thân, chỉ sợ lộ chuyện, Thúc Bảo sẽ mất thể diện chăng.
Sau
đó, La Nghệ về yến tiệc tại nhà riêng, nói chuyện với Tần phu nhân:
-
Tần Quỳnh múa giản giỏi lắm, cung tên cũng thật lạ lùng ít có. Chỉ có thương
pháp là chưa được rèn luyện chu đáo thôi.
Rồi
quay ra nói với Thúc Bảo:
-
Trong soái phủ cũng có sân tập luyện, cháu phải cùng em học thêm thương pháp.
Thúc
Bảo thưa:
-
Xin tạ ơn những lời chỉ giáo của chú!
Từ
đó hai anh em, ngày ngày ra sân tập ngựa, luyện thương. La Nghệ những hôm nghỉ
việc cũng ra bày vẽ thêm cho những đường thương gia truyền của họ La.
Quang
âm thấm thoắt, đã gần một năm trôi qua, Thúc Bảo vốn là người con có hiếu, chỉ
tính từ ngày đi công sai ở Lộ Châu, hẹn trên dưới một tháng sẽ về, chẳng ai ngờ
được chuyện rẽ muôn đường, bao nhiêu rắc rối xảy ra, đến nay vẫn chưa được về
Sơn Đông chăm sóc mẹ già. Cũng không thể nói vì ở soái phủ đông người vui cảnh
mà quên cả quê nhà, quên cả mẹ già. Mà thật ra lòng thương nhớ người thân,
không lúc nào là không có, nhưng vì Thúc Bảo hiểu ra rằng: Nếu ta đến U Châu
này để thăm họ hàng, ở đã lâu ngày, lấy cớ mẫu thân trông ngóng, cáo từ thật dễ
dàng. Nhưng hiện nay, ta vẫn là người đi đày, may mà gặp chú cô che chở, nếu
xin về, không biết La Tướng quân sẽ trả lời thế nào? Có bằng lòng cho ta về
không. Nếu như La Tướng quân lại đáp: "Hiện giờ ta đương làm quan ở đây,
ngươi về cũng có thể được, nếu ta không làm quan ở đây, ngươi có về được
không?". Lúc bấy giờ, về cũng không xong, mà ở cũng dơ dáng nốt.
Những
điều này không phải bây giờ Thúc Bảo mới nghĩ tới, mà ngay những ngày đầu nhận
được cô chú, Thúc Bảo đã nghĩ ra. Giờ chỉ có cách, nhờ La Thành, chờ dịp nào
đấy nói hộ với cô, rồi cô sẽ lo lắng cho mình trở về là tốt hơn cả. Nhưng tính
khí La Thành vẫn còn trẻ con, đã thích ai thì suốt ngày không rời người ấy một
bước. Từ ngày gặp Thúc Bảo, anh em hợp tình, lại rất phục cử chỉ, bản lĩnh anh
hùng của Thúc Bảo, đời nào lại bằng lòng cho Thúc Bảo về Tế Châu, để rồi lỡ phụ
mẫu có đánh mắng, còn có người xin cho. Cho nên dù có thuyết phục La Thành bao
nhiêu, thì có khi La Thành ngoài miệng cũng sẽ tỏ vẻ bằng lòng: "Hôm qua,
đã nói với mẫu thân. Phụ thân một vài ngày nữa sẽ cho anh về Tế Châu
thôi!". Thành ra vẫn chẳng dám ngỏ lời, ngày tháng càng dài, càng dài mãi
mà vẫn chưa được trở về.
Mãi
cho tới tháng tám, năm thứ ba, đời Nhân Thọ, một hôm La Nghệ ngồi trong thư
phòng hỏi về việc học hành của hai anh em, lúc này La Thành còn chưa kịp chải
dầu. La Nghệ ngước mắt nhìn lên tường có đề bốn câu thơ, La Nghệ nhận ra nét
Thúc Bảo. Thì ra Thúc Bảo vì quá tha thiết về quê, một lần uống mấy chén rượu
vào, bỗng hứng lên đề mấy câu thơ trên tường này, La Nghệ nhận ra tình cảm Thúc
Bảo, trong lòng không vui. Mấy câu như thế này:
Một
ngày xa cách một ngày đau
Lẻ
bạn chim rừng ủ rũ sầu
Đất
khách dẫu vui cho đến mấy
Lòng
quê hôm sớm vẫn nao nao.
La
Nghệ không chờ chuyện trò với hai anh em nữa, ra phía phòng sau. Phu nhân ra
đón, hỏi:
-
Tướng quân vừa vào thư phòng để xem việc học hành của hai anh em, sao đã thấy
vào đây?
La
Nghệ phàn nàn:
-
Chúng nó không chịu rèn luyện, thì dù có bắt chúng rèn luyện cũng chẳng xong.
Phu
nhân hỏi tiếp:
-
Sao tướng quân lại nói thế?
La
Nghệ đáp:
-
Phu nhân, từ ngày cháu tới U Châu, ta xem nó chẳng khác gì La Thành, không hề
có sự phân biệt. Ta cũng muốn giữ ở đây ít lâu, để nó lập nên công trạng gì đó,
rồi sẽ tâu với triều đình, phong cho quan chức, để rồi mặc áo gấm trở về quê
hương. Không ngờ nó chẳng biết đến lòng tốt của ta, mà lại có vẻ oán giận. Vừa
rồi vào thư phòng, thấy trên vách có đề bốn câu thơ, đều nói tới lòng nhớ nhà,
nhớ quê. Thế thì ta còn giữ ở đây cũng vô ích.
Phu
nhân nghe thế, nhỏ nước mắt mà thưa:
-
Tiên huynh sớm từ giã cõi thế, chị dâu ở góa một mình ở quê người, đất khách,
chỉ có mỗi một mình nó, ra đi đã gần một năm nay, nhìn bốn bên chẳng có người
máu mủ, bây giờ được tướng quân nâng đỡ cháu nó mà kiếm được một chút địa vị,
mặc áo gấm về làng cũng là điều tốt. Nhưng chi bằng cho nó về chăm sóc mẫu thân
thì hơn.
La
Nghệ hỏi lại:
- Ý
phu nhân cũng muốn cho nó về quê sao?
Phu
nhân đáp:
-
Chị dâu tuổi cao, ngày ngày lo lắng trông chờ. Chẳng có gì phải bàn nhiều.
La
Nghệ kết luận:
-
Bất tất phải sụt sùi làm gì. Giờ chỉ sắp xếp cho nó về quê vậy thôi?
Rồi
cho dọn tiệc tiễn hành, sai bên ngoài lấy một con ngựa tốt, một bộ yên cương đi
đường xa đem vào soái phủ. La Nghệ về phòng mình, sai tiểu đồng đến thư phòng,
dặn Thúc Bảo:
-
Nói với Thúc Bảo, ghi rõ những thứ còn nằm ở kho của phủ Lộ Châu, đem sang đây,
để ta viết thư.
Lúc
này Sái Kiến Đức vẫn còn trị nhậm ở Lộ Châu, cho nên cũng rất tiện cho Thúc Bảo
quay lại cầm thư của La Nghệ, để lấy những tư trang, vũ khí, ngựa cưỡi của mình.
Tiểu
đồng sang thư phòng, nói với Thúc Bảo:
-
Tiểu chủ, ý của La đại nhân có vẻ bằng lòng cho tiểu chủ về Sơn Đông. Truyền
tiểu chủ ghi lại tất cả các thứ còn ở kho phủ Lộ Châu, để La đại nhân viết thư.
Thúc
Bảo nghe xong lòng vui vô hạn, vội lấy giấy bút, kê khai rõ ràng, tiểu đồng
mang trình cho La Nghệ. La Nghệ viết hai lá thư: một gửi cho Sái Thứ sử ở Lộ
Châu để lấy đồ đạc, một lá thư tiến cử Thúc Bảo với Sơn Đông đạo hành đài Lai
Tổng quản. Tiệc rượu bày xong, La Nghệ báo tiểu đồng:
-
Mời Thúc Bảo cùng phu nhân ra uống rượu tiễn hành.
Phu
nhân chỉ tiệc rượu, nói với Thúc Bảo:
-
Đây là tiệc rượu chú cho bày để thay cô tiễn cháu về với mẫu thân.
Thúc
Bảo lạy sát đất. La Nghệ kéo dậy mà rằng:
-
Không phải ta không có ý giữ cháu, để mong lâu dài có được ít công trạng nào
đó, kiếm chút quan chức thì về cũng vẻ vang hơn, để mai kia cháu còn kế tục
được công nghiệp của tiền nhân. Nhưng ta không nghĩ tới chuyện mẫu thân cháu
ngóng trông, không như ý ta. Cô cháu lại khuyên: “Thân mẫu tuổi cao sức
yếu". Nay ta để cháu trở về, đây là hai phong thư, một gửi cho Sái Kiến
Đức ở Lộ Châu để cháu lấy đồ đạc, một gửi cho Sơn Đông đạo hành đài kiêm Thanh
Châu Tổng quản họ Lai, tên Hoạch Nhi. Ta là hàng cha chú của họ Lai, nay đang
tiến cử cháu làm kỳ bài quan dưới trướng họ Lai. Mai kia lập được công trạng,
thì đường tiến thân của cháu sẽ càng rộng mở.
Thúc
Bảo cúi đầu tạ ơn cô chú, lại vái lạy La Nghệ bốn lạy, rồi tất cả ngồi vào tiệc
rượu. Yên cương, hành lý đã chuẩn bị chu đáo. Thúc Bảo ra qua soái phủ, anh em
Uất Trì đã biết trước, cũng đặt rượu tiễn hành, Thúc Bảo vì nghĩa nặng không
thể từ, nên cũng gượng uống mấy chén, rồi lên đường qua Trác Châu. Ở đây,
Trương Công Cẩn còn tỏ ý giữ Thúc Bảo lại chơi vài ngày, nhưng vì Thúc Bảo nóng
lòng về quê, nên cương quyết ra đi. Công Cẩn lại viết thư, nhờ gửi Đơn Hùng
Tín. Hai bên chia tay.
Thúc
Bảo lòng muốn hóa thành mũi tên, ngựa không dừng vó, ba ngày sau, đã về tới Lộ
Châu, Hà Đông rồi. Vào thành, lại tìm đến trước cổng phủ đường, đến quán trọ
Vương Tiểu Nhị. Tiểu Nhị vừa thoáng thấy bóng Thúc Bảo, vội chạy trốn ra phía
sau, gọi Liễu Thị:
-
Mình ơi, nguy lắm rồi!
Liễu
Thị vội hỏi:
- Có
chuyện gì thế?
Tiểu
Nhị đáp:
-
Cái ông quý khách họ Tần hồi trước thiếu tiền cơm sau vì can tội phải đi đày ở
U Châu, chưa đầy một năm, nay đã trở thành một ông quan trở về rồi. Đầu đội
khăn the đen, vừa mới cưỡi ngựa qua cổng phủ. Nhất định ông ta sẽ tới trả nợ
cũ, làm thế nào bây giờ?
Liễu
Thị giảng giải:
-
Người xưa đã nói: "Khách đi lưu chút nghĩa, mai mốt còn thấy nhau. Nhưng
lúc ấy, tôi đã khuyên can, mình chẳng nên đen bạc, khắc nghiệt quá, mình chẳng
nghe, nay còn mặt mũi nào mà trông thấy Tần quý khách nữa, mình hãy lánh mặt là
hơn!
Tiểu
Nhị đáp:
-
Trốn cũng không xong!
Liễu
Thị hỏi:
-
Sao lại trốn cũng không xong?
Tiểu
Nhị đáp:
-
Mình là nhà hàng. Nếu ông ta đến, gọi ra gặp mặt, thử hỏi trốn đi đâu bây giờ?
Liễu
Thị hỏi:
-
Thế thì làm thế nào?
Tiểu
Nhị đáp:
-
Nếu ông ấy hỏi, nói tôi chết rồi là xong. Người chết không ai kể oán, hỏi tội
nữa. Đến lúc ông ta đi rồi, tôi hãy ra vậy.
Lập
tức Tiểu Nhị chuẩn bị mọi thứ, dặn vợ nên nói năng, khóc lóc như thế nào, cuống
cuồng cả lên. Liễu Thị vốn hiền lành, đành phải nghe theo, khóc lóc sụt sùi ở
nhà trong. Thúc Bảo đến trước cửa quán, Liễu Thị ra chào:
-
Tần quý khách mới về!
Thúc
Bảo đáp:
-
Chào chị! Ta tìm đến để tạ ơn chị về chuyện trước đây.
Rồi
bảo đầy tớ trông ngựa, hành lý, đợi Thúc Bảo vào phủ đường gặp Sái Thái thú,
đưa thư của La Nghệ.
Lúc
này, Sái Thái thú đang ngồi trên công đường, lính canh cổng vào trình có quan
sai của La Tổng quản đem thư tới. Thái thú sai mời vào. Thúc Bảo cũng vốn là
người cẩn thận, gặp lúc đắc ý, lại thấy càng cần có ý tứ, nhũn nhặn từ cửa đi
vào, Thái thú ngồi trên ghế cao, nhận ra Thúc Bảo, liền xuống thềm, thân hành
mời lên ghế ngồi. Thúc Bảo bước lên thềm bán nguyệt bái chào. Thái thú hỏi
chuyện về La Tổng quản, sau đó nhắc lại chuyện ở rừng Tạo Giác, Thái thú cũng
đã có châm chước như thế nào, để Thúc Bảo chỉ phải đày đi xung quân. Thúc Bảo
thưa:
-
Nhờ Thái thú che chở, Tần Quỳnh này xin ghi nhớ ơn sâu.
Thái
thú tiếp:
-
Đồng Hoàn cùng Bội Chi ở U Châu về, nói chuyện La Tổng quản là họ hàng thân
thiết, ta cũng mừng thay. Thành ra từ chuyện rủi hóa may, cũng vì vậy mới nhận
được người nhà ruột thịt.
Thúc
Bảo thưa:
-
Trình Thái thú, hiện có thư của La Tướng quân gửi ngài!
Thái
thú cầm thư, mở ra, thì đúng là nét chữ của La Tổng quản, không lại án ngồi,
thái thú đứng đọc ngay trước mặt Thúc Bảo, đọc xong, nói với Thúc Bảo:
- Tần tráng sĩ, La tướng
quân trong thư này không nói chuyện gì khác, chỉ nói tráng sĩ tới đây để lấy
những thứ năm xưa ở Lộ Châu. Thúc Bảo thưa:
- Dạ!
Thái thú gọi viên coi
kho, lấy sổ sách của năm thứ hai đời Nhân Thọ, đối chiếu xem tang vật còn lại
những gì, giữa sổ sách với vật hiện còn trong kho hay mất mát nhiều. Thực chỉ
còn: năm mươi lạng bạc vụn đựng trong một cái túi vải; ngựa hoàng phiêu thì đã
đem bán, được ba mươi lạng, đã nạp lại kho. Lụa ngũ sắc mười tấm, khăn lớn một
cái, hiện cũng còn đủ; yên cương khảm bạc một bộ cũng chưa mất, một đôi giản
đồng cũng vẫn đấy. Thái thú lệnh cho đem ra trước công đường, giao lại cho Thúc
Bảo. Một mình Thúc Bảo thì làm sao khuân hết được bấy nhiêu thứ lỉnh kỉnh, cũng
may Đồng Hoàn, Kim Giáp trông thấy, giúp đem đi cho. Sái Thái thú lại còn bảo
viên coi kho:
- Lấy trong sổ công phí
một trăm lạng bạc, gói ghém cẩn thận, tặng Tần tráng sĩ làm lộ phí.
Chính là:
Gặp thời dễ kiếm vàng
muôn lạng
Lỡ vận khôn mua rượu nửa
bầu.
Thúc Bảo lạy chào Sái
Thái thú, cầm một trăm lạng bạc, cùng Đồng Hoàn, Bội Chi mang theo tất cả đồ
đạc đến quán Vương Tiểu Nhị. Thúc Bảo cùng Bội Chi, Đồng Hoàn chào hỏi nhau
xong, thấy Liễu Thị vừa khóc lăn lóc vừa thưa:
- Chồng thiếp làm nhiều
điều không phải với Tần quý khách, thật đắc tội vô cùng. Từ lúc Tần quý khách
vướng vào chuyện rắc rối, nha lại mấy lần đến hạch sách, cũng mất ít lạng bạc,
lòng lo nghĩ không yên, nên nhiễm bệnh qua đời.
Thúc Bảo đáp:
- Chuyện năm ngoái cũng
chẳng phải lỗi lầm gì ở Vương Tiểu Nhị đâu. Ta thì túi rỗng không, Tiểu Nhị
thấy thế, thói đời ấm lạnh là chuyện thường, xưa nay đều thế, nhưng cũng may
còn được chị chăm sóc cái kim, sợi chỉ, đến nay vẫn không dám quên. Nay chồng
chị lại đã mất, chị ở góa nuôi con nhỏ, ta cũng từng nói với chị, chị có thể
sánh với Phiếu Mẫu ở Hoài âm, nay hãy xin biếu chị một trăm lạng vàng (1), để
làm kế lâu dài.
1 Ở đây chi tiết chưa
thật rõ. Nguyên tác đều dùng từ "kim" mà không dùng “ngân". Hoàn
cảnh Thúc Bảo lúc này, thực ra không thể có một trăm lạng vàng, mà chỉ được một
trăm lạng bạc cũng đã nhiều.
Liễu Thị bái tạ. Thúc Bảo
giữ Đổng Hoàn, Bội Chi lại quán Tiểu Nhị, còn mình thì lên ngựa, ra cửa Nam,
tìm mẹ con Cao Khảo Đạo. Không ngờ mẹ con Cao Khảo Đạo, nửa năm trước đã chuyển
đi nơi khác.
Giàu dễ trả nghĩa trả ơn
Nghèo kia mới khó thiệt
hơn giúp đời
Cứ xem Hàn Tín mà coi
Nghìn vàng đâu xứng với
người cho cơm.
Thúc Bảo về quán, gói
buộc đồ đạc lên sau yên ngựa, con ngựa đã thấy khó mang nổi bấy nhiêu thứ. Bội
Chi bàn:
- Hãy chịu khó dắt ngựa
tới Nhị Hiền trang, hai chúng tôi sẽ cùng đi với đại huynh, mượn một con ngựa
của Đơn viên ngoại nữa mà về quê vậy.
Mọi người chào Liễu Thị,
ra cửa Tây đi về Nhị Hiền trang. Không rõ sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ
biết
Nguồn tusach.mobi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét