Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

5 thg 10, 2013

Cao thủ đại nội-Vĩnh Quyền

“André, ly nữa nhé?”
“Ông biết tôi nhấm nháp đủ lấy hứng viết feuilleton (1) cho báo, đâu có thể say”.
“Đêm cuối năm mà, thoải mái đi, lần này tôi bao”.
“Cám ơn, nhưng ngày mai báo vẫn ra, tôi vẫn ăn bánh mì”.
“Mặc, tôi cứ gọi...”
Một lát sau.
“André..., tôi giết người đấy”.
“Hà, ông say rồi”.
“Tôi uống nhiều hơn mọi khi, nhưng không say..., đúng là tôi đã giết hắn, André ạ”.
“Chà, có cần báo án không, hả ông bạn?”.
“Án đâu mà báo? Đó là chiến công, nhìn theo con mắt lịch sử. Thật ra tôi thọ án đủ rồi, những hơn ba mươi năm sống trong ám ảnh còn gì? Suy cho cùng, dưới cái nhìn của tôn giáo, giết một kẻ thù cũng là hủy hoại một sinh linh, người ta càng luống tuổi càng gần với tôn giáo, tôi cũng thế dù chẳng muốn... E hèm, nhưng giả sử đời tôi lặp lại, tôi sẽ không tránh được việc giết hắn, dù chẳng thiết cái danh cao thủ đại nội như hồi tôi mười sáu, và dù biết trước nỗi ám ảnh sẽ cắn xé thế nào, cho đến hết đời trong câm lặng...”.
“Sao lúc này ông thổ lộ với tôi?”
“Tôi chẳng giấu, chỉ là không nói ra. Có lẽ nỗi hiu quạnh của quán rượu đêm giao thừa khiến tôi nói ra, và nói với anh là có lý nhất, tôi không quan tâm anh là nhà văn hay cảnh sát, chỉ vì anh là bạn rượu của tôi, chúng ta đã lai rai với nhau thế này gần mười năm rồi, phải không André?”.
“Ừ, khoảng đó, từ hồi tôi bắt đầu viết... Mà này, ngà ngà rồi, về ngủ đi, Monsieur (2) Nguyễn”.
Pháo hoa đón năm mới 1946 nổ trên bầu trời cảng Marseille, dội đến khu ngoại ô nghèo này chỉ còn là những tiếng lụp bụp tấm tức. Nhưng âm thanh đó đủ nhắc nhở vài ba ông khách đang gục đầu cô đơn trước ly rượu rẻ tiền đến lúc phải về nhà. Khi chỉ còn hai người, nhà văn bỗng nối lại chuyện: “Mười sáu tuổi đã giết người thật sao?”.
“Giết người đâu định tuổi, mà tôi có muốn giết ai đâu, nhiệm vụ thôi”.
“Hồi còn ở Việt Nam?”
“Hẳn rồi, nói lại nhé, đó là nhiệm vụ, tôi phải bảo vệ nhà vua của tôi, đức ngài đây...”.
Nhìn bức ảnh cũ kỹ vừa lấy ra từ ví người đàn ông Việt, nhà văn nhận ra vị cựu hoàng. “Tôi đã đọc bài thơ Những biến tấu của cây đàn lia gãy vỡ của ổng. Vậy ra ông tháp tùng cựu hoàng đi đày Réunion?”.
“Không, tôi chỉ được diện kiến đức vua một lần trong đời, ngài bị đày ở Réunion hơn mười năm tôi mới rời Việt Nam, và chưa gặp lại, giờ thì vĩnh biệt”.
“Chia buồn với ông, tôi đã đọc tin cựu hoàng tử nạn máy bay”.
“Tôi không tin là tai nạn, mưu sát đấy... Thật ra việc tôi sang Pháp không liên quan đến đức ngài, với tôi, nhiệm vụ bảo vệ một vị vua đã kết thúc từ lâu”.
“Bảo vệ vua, kiểu như ngự lâm quân?”
“Ừ, nhưng không hẳn, có thể hiểu là vệ sĩ, hoặc đơn giản là người hầu bên cạnh vua. Sau công trạng, tôi được cái danh hão cao thủ đại nội, rồi được tuyển vào đội thị vệ, mới mười sáu tuổi nên người ta thêm chữ tiểu - tiểu thị vệ”.
Đến lượt nhà văn gọi rượu cho hai người, vẻ như quên việc viết feuilleton.
“Đừng bảo tôi tò mò nhé, nhưng chuyện ông trở thành sát thủ năm mười sáu tuổi cứ ám ảnh...”.
“Hồi đó, nước Pháp đặt đức ngài lên ngai vàng làm vua bù nhìn. Tòa Khâm cài tay chân vào triều, từ đại thần đến lái xe để điều khiển và theo dõi nhà vua. Cha tôi, một thị vệ thân tín, nhận được mật chỉ từ đức ngài: loại tay chủ sự xa mã sở! Hắn là kẻ điều hành mọi phương tiện đi lại của nhà vua, biết rõ ngài xuất cung đi đâu, gặp ai để báo Tòa Khâm...”.
“Thì Tòa Khâm sẽ cho thay bằng một kẻ tay chân khác?”
“Đành vậy, nhưng phải loại hắn trước thời điểm nhà vua đi tiếp xúc các thủ lĩnh khởi nghĩa, trong khi người Pháp cần có thời gian tìm người... Để không lộ ý đồ, cha tôi đóng vai khách giang hồ, đón lõng đêm hắn xuống thuyền nghe hát trên sông Hương, vờ gây chuyện tranh giành ca nương, ẩu đả đến chết người, rồi đào thoát. Giữ bí mật tối đa, tôi vừa giữ vị trí hỗ trợ cho cha vừa chèo thuyền. Tôi cho thuyền áp sát thuyền hắn, cha tôi nhảy sang. Bất ngờ khách cùng đi nghe hát với hắn là một cao thủ người Tàu, tên này cầm chân cha tôi để hắn nhảy xuống sông trốn. Tôi lao theo, quần nhau với hắn giữa dòng, từ bến Thương Bạc đến trước Tòa Khâm mới kết liễu được hắn, thực thi thành công mật chỉ...”.
“Và nổi danh cao thủ đại nội!”.
“Mãi sau tôi mới nghiệm ra, vượt qua nỗi sợ hãi để thể hiện bản thân khiến người ta trở thành cao thủ chứ không phải ở đẳng cấp võ thuật...”.
“Nhờ vậy ông được gặp vua?”.
“Với công trạng ấy, hơn ba tháng sau tôi được gọi vào nội cung. Khi đến thư phòng của vua, tôi thấy đã có quan trưởng thị vệ và một người chưa từng gặp trạc năm mươi mà nhìn thoáng là biết ngay cao thủ. Tôi lễ độ chào hai vị, phát ngượng khi người lạ chào lại tôi với nụ cười: “Cao thủ đại nội đây rồi!”. Ông thân tình, đồng thời giữ bí mật danh tính: “Gọi ta là sư thúc cho tiện”, và đi thẳng vào việc, “cha con cho ta biết con luyện thuật Bích hổ du tường được mười năm, may cho ta khi được con cùng hành sự...”.
Lúc ấy nhà vua đến. Ngài trạc tuổi tôi nhưng đã đeo kính cận, xua tay miễn lễ khi chúng tôi quỳ nghinh đón. Lát sau, tôi biết nội dung mật chỉ: Nhà vua đã ký với người Pháp một văn ước có điểm bất lợi, sư thúc và tôi sẽ đột nhập Tòa Khâm, tìm hủy văn ước đó trước khi nó được chuyển về Paris bằng đường thủy. Truyền mật chỉ xong, nhà vua giao trưởng thị vệ tiếp tục các việc cụ thể với chúng tôi. Ngài không quên ủy lạo sư thúc mấy câu và vỗ vào vai tôi trước khi rời thư phòng.
Trưởng thị vệ trao chúng tôi sơ đồ Tòa Khâm, cho biết nó được vẽ bởi một người có biệt danh Kẻ giấu mặt, mà chính ông cũng không rõ là ai. Trên sơ đồ đánh dấu lối đi, vị trí văn phòng cất văn ước. Tiếp đến, chúng tôi xem bản gốc của văn ước, viết bằng song ngữ Hán - Pháp, để có thể nhận ra người anh em song sinh của nó đang nằm trong Tòa Khâm bên kia sông Hương. Trưởng thị vệ đặt vào tay tôi lọ sứ nhỏ màu huyết dụ: “Trong này đựng loại bột làm giấy tự mục rã, khi tìm được văn ước, hãy rắc nó lên, cũng làm vậy với vài văn bản chung quanh để tránh hoài nghi. Người Pháp nhất định phải trở lại xin phó bản, khi ấy vua ta sẽ đưa ra yêu cầu sửa đổi văn ước cho công bằng...”. Khi tôi đút lọ bột vào túi, ông căn dặn: “Bột đó gây chết người, không được để dính vào da”. Cuối cùng, ông hắng giọng: “Các người từ nay vô danh tính, chỉ là những kẻ đi đánh cắp văn phòng bát bửu quý giá... Tốt nhất là không để xảy ra tra khảo...”. Chúng tôi hiểu điều ông ám chỉ: hãy chọn cái chết khi thất bại. Tôi cũng nghiệm ra, rằng cao thủ không chỉ cần bản lĩnh vượt trội để sống sót mà còn phải biết sắp xếp cho mình cái chết đáng giá. Nhưng chẳng còn thời gian suy ngẫm, tôi chỉ có một canh giờ cùng sư thúc hoạch định cách thức phối hợp trước khi lên đường.
Thầy trò tôi mặc trang phục dạ hành, chạy nhảy như bóng ma trên đầu tường, mái nhà, dễ dàng qua mặt lính gác Tây dương, đột nhập Tòa Khâm, tìm đúng văn phòng có văn ước. Chỉ bằng một thanh thép mỏng, sư thúc mở khóa cửa trong nháy mắt. Ra dấu tôi canh chừng động tĩnh bên ngoài, ông lách vào phòng, khép cửa lại. Tôi nép sát góc tối gờ tường, căng thẳng chờ đợi, nghe được cả âm thanh mở tủ, tiếng lục lạo các chồng văn thư bên trong, thời gian như ngừng lại... Bỗng cánh cửa hé mở, sư thúc ló gương mặt đầm đìa mồ hôi, gọi tôi. Vào trong, tôi thấy ngay một cảnh bừa bộn đáng sợ dưới ánh nến lù mù. Trên mặt bàn dài rộng là những cặp bìa da màu nâu đã mở, giấy tờ xổ ra ngổn ngang, trong tủ còn chồng đống cặp da như thế, và hai tủ lớn nữa chưa mở. Tôi ước tính, nếu không gặp may thì phải đến khi mặt trời mọc mới có thể lục hết chừng ấy giấy tờ để tìm ra bản văn ước.
Thầy trò tôi nhìn vào những dòng chữ viết nắn nót bằng bút rông trên mỗi cặp da, nhằm phân loại nội dung văn bản chứa bên trong, rồi buồn bã nhìn nhau. Ngoài trái tim quyết tử phụng sự vua và đất nước, ngoài thuật phi hành, trèo tường dựng đứng, bò ngược trần nhà để vào hang hùm, chúng tôi đã không mang được trong đầu lấy một chữ Pháp bẻ đôi để có thể thực hiện nhiệm vụ nhanh gọn, chính xác. Ba nghìn chữ Hán trong Tam thiên tự kinh tôi học mấy năm cũng vô dụng lúc này. Còn lọ bột bé tí thì không thể hủy hoại được hết ngần ấy văn bản. Thế là, chúng tôi đành xới tung lên hết. Gần một canh giờ sau, bản văn ước vẫn lẩn đâu đó, trong khi nỗi căng thẳng mệt nhọc đã khiến chúng tôi không còn giữ được khẽ khàng như ban đầu, mà tiếng xoàn xoạt lật xáo nghe nặng nề hơn, bên ngoài lại không người cảnh giới. Việc lính gác phát hiện chỉ còn là vấn đề thời gian!
Ngay trước khi cánh cửa bị phá tung, sư thúc cạy được ô thông gió trên đầu tường. Ông ôm lấy tôi, thì thầm: “Ta ở lại để chúng tưởng đã bắt được kẻ trộm, con cố tìm đường thoát...”. Tôi nói không, thầy trò ta cùng chết. Ông lắc đầu: “Con phải sống để mọi người biết vì sao ta thất bại, vì sao cao thủ phải am hiểu tiếng kẻ thù”. Nói xong, ông đẩy tôi ra ngoài, đóng lại ô thông gió. Qua khe hở, tôi thấy ông kịp vơ vài món quý giá trong tủ của Khâm sứ đút vào túi đóng trọn vai kẻ cắp trước khi cánh cửa mở bùng bởi một cú thúc bằng vật nặng từ bên ngoài. Sư thúc chủ ý nhảy bổ vào bọn lính gác với thanh đoản kiếm, đón nhận những phát súng trực diện...
Lát sau, tôi chạy dọc bờ sông vắng, hoang mang chưa biết về đâu, vì chúng tôi không có kế hoạch quay về đội thị vệ khi thất bại. Được một quãng khá xa, tôi dừng lại trong bóng tối, ngoảnh nhìn hướng Tòa Khâm, bật khóc. Tôi thầm vĩnh biệt vị sư thúc, người vừa cùng tôi trải qua mấy canh giờ khốc liệt. Đừng cười cao thủ mà khóc, tôi vẫn là cậu chàng mười sáu tuổi...

“Phải am hiểu tiếng kẻ thù”, lời nói cuối cùng của sư thúc bỗng cho tôi biết nên đến đâu lúc này. Tôi gõ cửa nhà X ở khu Phủ Cam với tâm trạng bồn chồn. X có thể xua đuổi tôi, thậm chí bắt tôi nộp cho Tòa Khâm. Hơn tôi năm tuổi, X từng đối xử với tôi như anh em. Nhưng chúng tôi xa cách dần khi X cải đạo để được du học trường dòng đảo Penang, rồi tuyệt giao hẳn từ ngày X làm viên chức Tòa Khâm, còn tôi trở thành cao thủ đại nội. Nhưng đêm nay chỉ có nhà X là an toàn cho tôi.
Có lẽ tôi đã quá lo lắng về X. Anh cho tôi vào nhà, không truy hỏi tình cảnh, vui vẻ dọn phòng cho tôi nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau tôi thức dậy, X đã đi làm, nhà chỉ còn lão bộc chăm vườn. Khoảng 10 giờ, nghe tiếng hốt hoảng ngoài cổng, tôi chạy ra, thấy phu xe và lão bộc dìu X vào phòng riêng. Anh ngồi tựa lưng trên ghế bành, mặt tái xanh lấm tấm mồ hôi, tay chân lẩy bẩy. Cho hai người hầu ra ngoài, anh quay sang tôi: “Lấy thanh kiếm Nhật trên tường...”. Tôi làm theo như máy. X cởi áo bành tô ném xuống sàn, tay trái chỉ vào dưới bả vai của cánh tay phải duỗi dài trên mặt bàn salon: “Đây, chỗ này, chém phăng đi, nhanh kẻo muộn!”. Tôi không nhấc nổi thanh kiếm, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bỗng thấy lọ bột màu huyết dụ ló ra nơi túi áo bành tô nằm dưới sàn, tôi chợt hiểu: “Anh...?”. X gật đầu, nghiến răng chịu đựng cơn đau: “Hủy được văn ước rồi..., nhiều người tham gia xếp dọn văn phòng Khâm sứ..., không thể lộ liễu với cái lọ được..., đành giấu bột trong tay áo từ trước...”. Tôi không nén được: “Cũng chính cái tay này vẽ sơ đồ Tòa Khâm?”. X lại gật đầu, giọng yếu hẳn nhưng vẫn cố đùa: “Cao thủ đại nội ơi, cậu biết quá nhiều về Kẻ giấu mặt đó!”. Tôi bật khóc: “Không, anh mới là cao thủ!”. Cùng câu nói tự đáy lòng, tôi vung kiếm chém vụt xuống cánh tay đang dẫn độc vào tim X...”.
“Bây giờ anh ấy ở đâu?”.
“Tôi đã không cứu được X, quá muộn”.
***
“André, ly nữa nhé?”.
“Không, đủ rồi. Tôi trọ ngay tầng trên, còn ông phải về, đường xa đấy”.
“Ừ, đường xa...”.
“Tôi tiễn ông một quãng, Monsieur Cao Thủ”.


 Nguồn thanhnien.com.vn
Chú thích: 1-truyện nhiều kì; 2-ông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved