Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

30 thg 10, 2013

Tùy Đường diễn nghĩa - Chữ Nhân Hoạch Hồi 21,22

HỒI 21

Mượn quán rượu, kết nghĩa kim lan,

Xưng hô tên, nổi tiếng hào kiệt.

Thơ rằng: 
Vác cày ông lão khóc sướt mướt 
Vườn ruộng năm năm lo đứt ruột 
Quan huyện tô thuế mãi mãi tăng 
Nộp thu, thu nộp đủ sao được 
Nịnh ông lớn khấu hao đóng bù 
Bòn dân ngu dọa nạt đốc thúc 
Con trẻ khóc, đói rét bủng beo 
Vợ không quần cầm cố bán chác 
Mông đít chục trận đòn nát nhừ 
Nhà tranh ba đợt thuế quang lắc 
Lăn lóc suối giọt lệ không khô 
Tối tăm đường đưa chân nhắm mắt 
Nào ai vẽ giúp bức tranh dân 
Dâng lên vua ngắm cảnh khổ cực. 

Dân đen ăn ở trên đất vua, mùa thu nộp lương mùa hạ đóng thuế là lẽ đương nhiên. Nhưng cái khổ chính là ở chỗ, không thu hoạch mà vẫn phải lo nợ nhà vua, gặp mùa việc thì lại phải phu dịch. Giả như mỗi phủ phải đóng ba nghìn lạng bạc, nhưng có bao giờ đúng thế cho đâu, chỉ vì cả đám quan nha lòng tham không cùng, thừa cơ này mà kiếm lợi, liền tìm cách thêm thắt, bớt xén, nào là dịch phí, nào là lộ phí, nào là hao hụt, tất cả đều đổ lên đầu dân đen. Cứ thấy có khoét được, kẻ tham vẫn còn tham, kẻ giàu vẫn còn ác, bốn phương trộm cướp hoành hành, hờn oán khóc than theo đó mà gia tăng cũng là lẽ thường vậy thôi. 

Bấy giờ vua Tùy vì những việc thổ mộc lớn đó, các phủ châu phải sai quan áp tải tiền bạc đem đến Lạc Dương nạp. Hai phủ Tế Châu và Thanh Châu của Sơn Đông cũng đều đã sắp sẵn ba nghìn lạng bạc đem tới Lạc Dương, nhân chuyện náo động này mà xuất hiện một tay hảo hán khác nữa, chuyện đầu đuôi như sau: 

Ở Vũ Nam trang, thuộc huyện Đông A của Duyện Châu có một viên ngoại họ Vưu, tên Thông, hiệu Tuấn Đạt, cũng đã từng theo đòi nghề cướp đường lâu năm, gia tư giàu có, sáu phủ thuộc Sơn Đông đều kính nể gọi là Vưu viên ngoại.

Lâu nay, muốn làm được một tướng cướp lẫy lừng ở vùng bắc này, phải vừa giàu có vừa có thế lực mới xong. Vưu Thông nghe được huyện Thanh Châu sẽ áp tải ba nghìn lạng bạc lên kinh, tất nhiên phải đi đường Duyện Châu, ý muốn cướp số bạc này, mới thầm nghĩ: “Cướp của bọn khách buôn, một toán bất quá mười đứa, mình chỉ cần vài người cũng xong, chẳng sợ gì bọn này. Nhưng đây lại là lương tiền của Nhà nước nhất định sẽ có quan lính đi hộ tống, qua các châu huyện, đều phải phái thổ binh lính đi kèm, muốn cướp được cũng khó, lại nữa lương tiền là của ngay phủ bên cạnh, sợ chúng sẽ tầm nã rất gắt gao. Chi bằng đừng đụng đến nữa, đỡ phải lôi thôi". 

Nhưng lòng tham con người ta, không biết đâu là cùng, thật đáng cười. Vưu Thông biết rõ sự lợi hại như vậy song vẫn nuối tiếc ba nghìn lạng bạc này. Điểm mặt những khách khứa, bạn bè, hiện không kẻ nào có thể đảm đương nổi chuyện này, Vưu Thông bèn đem ra bàn bạc với trang khách: 
- Quanh trang Vũ Nam chúng ta đây, liệu có thể tìm ra một bậc hảo hán, lấy gọn được số bạc này, cũng là một chuyện thích ý! 
Trang khách có người đáp: 
- Nhìn trước nhìn sau ở đất Vũ Nam này, chỉ có những kẻ múa chân múa tay được, chứ không thể gọi là hảo hán được. Cách đây năm sáu dặm, có một người họ Trình, tên gọi Giảo Kim, hiệu là Tri Tiết, vốn người ở Ban Cưu điếm. Trước kia đã từng đi buôn muối lậu, kháng cự lại quan binh, bị tội xung quân ở ải bắc, gặp buổi ân xá được tha về. Nếu được người này đứng ra, thì mọi việc dễ như trở bàn tay. 
Vưu Thông nói: 
- Ta cũng đã nghe nói tới. Quý khách đã ai thấy mặt họ Trình này chưa? 
Trang khách đáp: 
- Chúng tôi cũng chỉ toàn tai nghe. Mắt quả chưa được thấy! 
Vưu Thông vẫn để tâm lo lắng chuyện này, không ngờ lại gặp. 
Hôm ấy có việc đi ra ngoài trang, trời lạnh, gió tây thổi mịt mù, cây lá nghiêng ngả, Vưu Thông chợt thấy thèm rượu, bèn xuống ngựa, bước vào quán. Ngồi vào bàn, vừa uống được chén trà nóng, đã thấy một chàng trai trẻ cao lớn bước vào, trông ra diện mạo, quần áo người này, thì thấy: 

Lông mày chổi rễ 
Con mắt ốc nhồi 
Mặt gồ ghề vô số nốt ruồi 
Miệng khấp khểnh một hàng nanh lợn 
Râu quai nón đỏ hoe dữ tợn 
Tóc rễ tre sóng gợn rối tung 
Thô kệch như thanh sắt vừa nung 
Ngang ngạnh như tượng đồng mới đúc 
Rồi ra mới biết tay cương trực 
Chớ vội xem thường bậc trượng phu. 

Chàng trai trẻ này áo quần rách nát, vai vác một bó củi lớn, vứt củi xuống sân, ngồi vào ghế, dáng diệu đàng hoàng, gọi chủ quán mua rượu nóng uống, có vẻ quen biết với chủ quán từ lâu. Vưu Thông chăm chú theo dõi, thấy vẻ người khác thường, bèn nhân lúc không ai để ý, hỏi khẽ chủ quán: 
- Người này tên họ là gì? Bác có quen biết anh ta chăng? 
Tiểu Nhị đáp: 
- Anh ta thường vào đây uống rượu, vốn người Ban Cưu điếm, thượng gọi là Trình Nhất Lang, còn không rõ tên thật là gì, thưa viên ngoại. 
Vưu Thông nghe đến Ban Cưu điếm, lại họ Trình, nghĩ ngay đến Trình Giảo Kim nên đứng dậy, lại gần, vòng tay hỏi chàng trai trẻ: 
- Xin cho biết quý tính đại huynh? 
Chàng trai đáp: 
- Tiểu nhân họ Trình! 
Vưu Thông hỏi tiếp: 
- Đại huynh hiện ở đâu? 
Họ Trình đáp: 
- Tiểu nhân đang ở Ban Cưu điếm. 
Vưu Thông hỏi thêm: 
- Ở Ban Cưu điếm có một vị là Trình Tri Tiết, có họ hàng gì với đại huynh chăng? 
Họ Trình cười đáp: 
- Họ hàng với anh em gì gia mẫu sinh được mỗi mình tiểu nhân, chẳng biết có họ hàng gì nữa không, chỉ biết tiểu nhân vốn là Trình Giảo Kim, hiệu là Tri Tiết, cũng còn gọi là Trình Nhất Lang. Dám thưa viên ngoại có điều gì dạy bảo? 
Vưu Thông thấy nói Trình Giảo Kim mừng như bắt được vàng, vội hỏi: 
- Sao lại có bó củi này, để bán sao? 
Giao Kim đáp: 
- Quả là như vậy. Tiểu nhân nhà còn có mẹ già, nhờ vào mấy que củi khô này mà hai mẹ con sống qua ngày. Hôm nay vác ra đây, chẳng ai mua, trời lại nổi gió lớn, vào đây kiếm vài chén rượu nóng, chờ ngớt gió rồi cũng đến về thôi. Xin được biết quý tính của viên ngoại. Viên ngoại hỏi tới có chuyện gì cần chăng? 
Vưu Thông đáp: 
- Từ lâu đã được nghe tên tuổi, nay có việc cần nhờ, một việc rất thích ý, nhưng chỉ ngại đây pha tạp không phải chỗ bàn luận. Xin mời tới tệ gia, sẽ thưa chuyện đầu đuôi. 
Giảo Kim nói: 
- Hôm nay gặp tri kỷ ở đây, viên ngoại đã dạy thế lẽ nào không theo. Nhưng rượu đã kề miệng, hãy cứ uống vài bát đã, tới nhà ta lại uống nữa có được không? 
Vưu Thông đáp: 
- Thế thì hay lắm? 
Thế rồi kéo Giảo Kim cùng ngồi. Một ông nhà giàu, một anh áo rách cùng ngồi uống rượu với nhau, chủ quán và mọi người bưng miệng mà không nhịn được cười. Cả hai uống mấy bát lớn, Vưu Thông tính tiền trả tiểu nhị, Giảo Kim nói với tiểu nhị: 
- Chỗ củi này gán luôn, trả số tiền rượu hôm qua tiểu nhân còn thiếu. 
Cả hai vái chào, ra khỏi quán rượu. 

Lúc này Vưu Thông cưỡi ngựa, giờ bảo đầy tớ dắt về trước, rồi cùng đi với Giảo Kim. Về đến nhà, cả hai ngồi, gối liền gối, vai liền vai. Cùng nói đủ chuyện trên trời dưới đất: chuyện hạn hán lụt lội, chuyện đạo đức suy đồi, chuyện buôn bán, làm ăn, đi lại khó khăn. Từ đó Vưu Thông ngỏ ý cùng Giảo Kim đi buôn chung, lời lãi chia hai. 
Giảo Kim hỏi lại: 
- Viên ngoại định rủ tiểu nhân buôn chung thật sao? 
Vưu Thông đáp: 
- Thực không phải thế. Tiểu huynh lâu nay mộ tiếng dũng cảm, nghĩa khí hiền đệ, nhưng chưa một lần được gặp, nay mới có duyên may, xin kết nghĩa đệ huynh, mãi mãi gắn bó, xin đừng hiềm nghi. 
Giảo Kim đáp: 
- Tiểu đệ vốn người thô lỗ, không phải chỗ tốt để kết nghĩa đệ huynh. 
Vưu Thông vẫn giữ ý: 
- Đây là ý nguyện của tiểu huynh, hiền đệ không nên từ chối. 
Hai người đem tuổi ra so, Vưu Thông hơn năm tuổi, nhận làm anh. Giảo Kim làm em, cùng thắp hương kính cẩn lạy nhau tám lạy, thề cùng sống chết, hoạn nạn cùng giúp nhau. 
Chính là: 

Kết giao chớ ngại câu bần phú 
Chung thủy đừng quên nghĩa tử sinh. 

Giảo Kim nói: 
- Đi ra để buôn bán, cũng là điều tốt, nhưng tiểu đệ còn có mẹ già ở nhà, không người coi sóc, làm thế nào được? 
Vưu Thông đáp: 
- Đã là huynh đệ, lệnh đường cũng chính là bá mẫu của tiểu huynh, lẽ đương nhiên là phải đưa về đây phụng dưỡng. Chi bằng ngay đêm nay đưa tới là tốt hơn cả! 
Giảo Kim nói: 
- Tiểu đệ đi bán củi, chẳng được đồng nào. Một hạt gạo cũng không nốt, về gặp mẹ già, trời đã chiều tối, nói chuyện tới đây nữa, thì cũng thật khó nghe. 
Vưu Thông khuyên: 
- Hiền đệ nói có lý lắm. Nhưng không có gì khó. Hôm nay hãy cầm về một đỉnh bạc, coi như dùng để chi vào việc di chuyển chỗ ở, kiếm chén rượu nhạt, nói chuyện với xóm giềng, nhất định bá mẫu sẽ bằng lòng ngay. 
Giảo Kim ưng thuận: 
- Nếu thế mới được, xin đem tiền ra đây! 

Vưu Thông lấy ra một đỉnh bạc đưa cho Giảo Kim, Giảo Kim đỡ lấy bỏ ngay vào ống tay áo, cũng chẳng cảm ơn. Vưu Thông sai bày cơm rượu. Giáo Kim mười phần vui vẻ, uống thoải mái hết chén này đến chén khác, không ngờ là rượu nhà nấu lấy, rất nặng, lại uống đến hàng chục chén lớn, nên đã say mèm. Vưu Thông sợ Giảo Kim quá say, sáng mai tốt ngày, phải còn lo liệu để lên đường buôn bán một chuyến xem sao. Giảo Kim đành phải đứng dậy ra cửa, tuy đã say, nhưng vẫn còn nhớ tới đỉnh bạc, bỏ vào ống tay áo, xem ra có vẻ nặng, trù trừ bước ra cổng lớn. Không ngờ ống tay áo, tuy đã buộc, nhưng lại rách nát, nên khi giơ tay vái chào Vưu Thông lần nữa, thì đỉnh bạc cũng theo chỗ rách mà rơi tọt xuống đất lúc nào cũng không biết nữa. Trang khách có người trông thấy nhặt lấy, đưa trình Vưu Thông: 
- Viên ngoại vừa đưa cho, đã rơi vào ngay trước cổng lớn. Nên chạy theo mà giao lại cho Giảo Kim chăng? 
Vưu Thông đáp: 
- Ta đưa thỏi bạc cho Giảo Kim xong, nghĩ lại đang thấy hối hận đây! 
Trang khách hỏi: 
- Đã đưa rồi, viên ngoại còn gì mà phải hối hận? 
Vưu Thông đáp: 
- Người này tính ngay thẳng, không biết luồn cúi ai. Đem bạc về, mẹ con bàn cãi, nhất định sẽ không chịu đến đây nữa, thì cũng đành chịu. Nay lại đánh rơi mất thỏi bạc, thì còn phải nghĩ đến ta, nên tối nay thế nào mẹ con sẽ cùng đến đây. 

*** 

Lại nói Giảo Kim về đến nhà, mặt mày vẫn còn rạng rỡ. Mẹ ngồi chờ suốt từ chiều tới giờ, nay thấy con về, uống rượu mặt còn đỏ gay, mùi rượu vẫn sặc sụa, thì tức giận mắng: 
- Mày là đồ súc sinh, tìm chỗ ăn uống say sưa, chẳng nghĩ tới mẹ ở nhà không củi không gạo, đói sắp chết mà vẫn còn vác cái mặt dương dương đắc chí về thế kia. Ta thử hỏi mày: củi bán được rồi, tiền tiêu cái gì hết cả rồi? 
Giảo Kim cười đáp. 
- Mẫu thân đừng vội giận. Sắp đến ngày mở mày mở mặt rồi. Còn hỏi đến chuyện củi đóm làm gì? 
Trình mẫu gắt gỏng: 
- Mày đúng là vẫn còn say rượu, tuôn ra toàn những lời mơ màng, ta làm sao mà tin được. 
Giảo Kim nói: 
- Mẫu thân nếu vẫn chưa tin, con lấy thỏi bạc này ra cho mà xem nhé! 
Trình mẫu hỏi: 
- Bạc ở đâu ra? 
Giảo Kim sờ vào ống tay áo, hết tay này tới tay kia, lần đầu rồi lại lần nữa, vẫn chẳng thấy bạc đâu, Giảo Kim bứt tóc dậm chân tức tối: 
- Thỏi bạc không biết rơi lúc nào mất! 
Trình mẫu lại càng được thể: 
- Ta đã nói là chuyện khoác lác mà. Trong cái tay áo rách ấy thì làm sao có bạc được? 
Giảo Kim trừng mắt cãi: 
- Mẫu thân nếu không tin con, con xin thề độc địa rằng dù trong cơn say đi chăng nữa, con cũng không bao giờ dám nói chuyện đùa vơ vẩn với mẫu thân. Hôm nay, con vác bó củi ra đi khắp một lượt phố xá, chợ búa, chẳng ai thèm hỏi đến, mới vào trong quán uống mấy chén rượu, gặp một nhà giàu đó là Vưu viên ngoại ở Vũ Nam trang, mới thấy nhau mà như gặp bạn cũ, kéo con về trang trại. Con liền vứt ngay bó củi, gạt tiền rượu cho tiểu nhị, cùng với viên ngoại về trang trại. Con với ông ta làm lễ kết nghĩa huynh đệ, rồi tính chuyện cùng nhau đi buôn bán xa kiếm lời. Con nói chuyện ở nhà còn mẹ già, không người chăm nom, viên ngoại bảo ngay đêm nay đưa mẫu thân sang bên ấy, lại còn đưa cho con một đỉnh bạc, để có phải tiêu đến việc gì khi chuyển chỗ ở chăng. Con thấy vui vẻ, uống mấy chén rượu lớn, nên cũng không biết bạc rơi lúc nào, mặc dù suốt dọc đường con đã cố ý, túm ống tay áo thật chặt. Mẫu thân nếu vẫn chưa tin, ngay bây giờ con cõng sang bên ấy, thì sẽ rõ con nói đúng hay nói khoác cho vui ngay thôi mà! 
Trình mẫu đáp: 
- Nếu đã như thế, ta sẽ đi với mày. Trong nhà tìm khắp ba ngày cũng chẳng có cái gì đáng giá, cứ khóa cửa lại là xong. Nhưng ta đang đói lả cả người, làm thế nào bây giờ? 
Giảo Kim đáp: 
- Con đưa mẫu thân sang trang trại, chỉ sợ không có sức mà ăn, tiêu không kịp, lại nôn mửa cả ra bây giờ, chứ lại còn lo không có cái gì mà ăn! 

Nói xong, khóa cửa, rồi đang giữa đêm tối Giảo Kim cõng mẫu thân sang trang trại họ Vưu ở Vũ Nam trang, bao nhiêu say sưa bay biến sạch. Giảo Kim đặt mẫu thân xuống gõ mạnh cửa, lão canh cổng đã được Vưu Thông sai từ trước, chờ sẵn để mở cửa cho Giảo Kim, rồi vào báo cho viên ngoại biết. 

Vưu Thông vẫn chưa đi ngủ, chờ Giảo Kim tới, nghe đầy tớ vào trình, mừng không nói hết, ra đón mẹ con Giảo Kim vào nhà ngồi đâu đấy Vưu Thông lên tiếng trước: 
- Mang ơn tổ tiên để lại cho ít nhiều của cải, mấy năm nay thì năm nào cũng hết hạn hán lại lụt lội, gia tư ngày càng hao hụt dần. 
Nay muốn về Giang Nam buôn vài chuyến tơ lụa, nhưng nghe nói các nơi trộm cướp sinh như ong, sợ đi chẳng được. Nghe danh lệnh lang là bậc hào kiệt, cũng muốn có lệnh lang cùng đi, được lời sẽ chia đều, may kiếm được ít nhiều để phụng dưỡng bá mẫu chăng? 
Trình mẫu vốn cũng nhà giàu có, ít nhiều biết lẽ đời, nghe thế cười đáp: 
- Viên ngoại lầm rồi! Viên ngoại giàu có, còn ta thì nghèo khó, suốt ngày chân tay vất vả. Nay viên ngoại đi buôn xa, hoặc giả trên đường không người sai phái đỡ đần, cần phải con ta đi theo sau, rồi hàng tháng trả cho nó ít nhiều, lấy cái nuôi mẹ già, thì nghe ra còn thông. Chứ thử hỏi con ta có tài đức gì, mà dám kết huynh đệ với viên ngoại. Lại thêm vốn liếng không một đồng đóng góp, làm sao dám nghĩ tới chuyện buôn chung, chia lãi đều cho được. 
Vưu Thông nói: 
- Vưu Thông này từ lâu mộ tiếng lệnh lang, tình nguyện xin được kết nghĩa huynh đệ, xin bá mẫu đừng ngại. 
Rồi sai sửa soạn hương án, Vưu Thông bái lạy, nhận Trình mẫu làm bá mẫu, Trình mẫu cũng hoảng hốt vái đáp lễ bốn vái. Vưu Thông nói tiếp với Trình mẫu: 
- Cháu cùng lệnh lang ra đi rồi, sợ một mình bá mẫu ở nhà có chỗ không tiện, nên mời bá mẫu về trang trại đây. Nếu có gì chưa được chu tất, xin bá mẫu lượng thứ. 
Trình mẫu đáp: 
- Con ta được đi với viên ngoại, ta thật đội ơn. Chỉ sợ tính tình nó lỗ mãng, viên ngoại phải luôn để ý mà rèn cặp, thể tất cho nó ít nhiều, sợ còn ít tuổi, chưa thấy hết được ơn nghĩa của viên ngoại. 
Vưu Thông mời Trình mẫu ra nhà sau ăn cơm, còn mình với Giảo Kim lại bày cuộc rượu nữa. Rượu vừa chớm say, Vưu Thông mang chuyện ba nghìn lạng bạc kể để dò ý Giảo Kim: 
- Hiền đệ có nghe những chuyện về việc vua mới lên ngôi chưa? 
Giảo Kim vừa được chịu ơn ân xá, nên đáp: 
- Vưu đại huynh, đó là một vị vua thật thương dân. Tiểu đệ mấy năm ở ngoài tít ải bắc, nếu không có chuyện vị vua mới này lên ngôi, thì làm sao có thể trở về quê hương mẹ con sum họp. 
Vưu Thông gợi ý: 
- Vua mới giở đắp thành xây gác, mỗi châu, mỗi huyện đều phải góp ba nghìn lạng bạc để góp vốn cho những việc thổ mộc đó. Thật là không biết lấy đâu ra mà đóng góp. 
Giáo Kim đáp: 
- Làm dân đen dân đỏ của đất nhà vua, thì tất phải nạp lương, phải chịu tạp dịch, phu phen. Làm quan nha của hoàng đế, thì phải sai phái, phải quát nạt, đừng nghĩ tới sự nhàn rỗi, bình yên. 
Vưu Thông nói: 
- Chuyện ấy thì đã hẳn rồi. Có điều vùng Thanh Châu của Sơn Đông ta cũng phải tuân theo lệnh vua, đóng vào đó ba nghìn lạng. Thái thú Thanh Châu, đang nhân dịp này để lột tận xương tủy trăm họ, tàn khốc không chừng chỉ để lấy ba nghìn lạng đem đi, còn bao nhiêu thì bỏ túi thầy trò cả bọn. Số bạc ba nghìn lạng bạc này đem lên kinh, tất phải đi qua địa phận Duyên Châu ta đây. Ta định nhờ vào đôi tay của hiền đệ, chiếm lấy ba nghìn lạng này, làm vốn đi buôn, liệu có nên chăng? 
Trình Giáo Kim cũng đã từng đi buôn muối lậu, ba chìm bảy nổi, vào tù ra tội, so với chuyện cướp đường cũng chẳng xa xôi gì. thấy Vưu viên ngoại đối xử với mẹ con mình thật hết lòng, nên cũng muốn đền ơn tri ngộ, nên cười đáp: 
- Đại huynh, chỉ sợ tiền bạc của họ không đi đường này. Nếu chắc chắn là đi đường này, thì chẳng cần đại huynh phải lo nghĩ nhiều, tiểu đệ chỉ cần một người một ngựa ra đi, sẽ đem ngay số bạc ấy về đây cho đại huynh! 
Vưu Thông hỏi: 
- Hiền đệ quen dùng loại vũ khí gì? 
Giảo Kim đáp: 
- Tiểu đệ quen dùng búa. Cũng chẳng được học ra bài ra lớp cẩn thận gì đâu. Trong lúc nhàn rỗi chẳng biết làm gì, cứ lấy búa kiếm củi thay cán thật dài vào, một mình ở nhà tập múa may, thế mà tiện lợi trôi chảy phải biết. 
Vưu Thông nói: 
- Trong nhà ta có một cây búa, nặng sáu mươi cân, liệu hiền đệ có dùng vừa không? 
Giảo Kim bằng lòng: 
- Sáu mươi cân, cũng chưa phải là nặng. 
Vưu Thông ra phía sau nhà, đem cây búa ra, thì ra búa được đánh bằng loại thép tốt, hai mặt búa khắc hình bát quái, vì vậy mọi người thường gọi loại búa này là "bát quái tuyên hoa phủ". Lúc này Giảo Kim mới mặc vào mình một áo giáp đồng, một mũ đồng đã lên nước xanh biếc, khoác một áo khoác màu xanh chàm, cưỡi một con ngựa thanh tông khỏe mạnh. Còn Vưu Thông cũng nai nịt không kém phần hùng dũng, đội một mũ sắt dày, một áo giáp lấp loáng màu dầu đen bóng, vác một cây thương mũi nhọn hoắt, đi đôi ủng sơn trắng, cưỡi con Ô truy. 

Cả hai nai nịt giờ lâu ngay trước bàn tiệc, rồi sai đầy tớ đèn đuốc sáng rực, ra khỏi trang trại kéo nhau ra mấy đám ruộng cạn vừa gặt, dùng mấy cây tre, treo cao đèn bốn phía, một khoảng rộng sáng như ban ngày, cả hai người lên lưng ngựa cùng nhau thử sức. Búa qua thương lại, bọn tay chân xúm quanh, hò hét ầm ĩ. Bọn này đều nương dựa hoàn toàn vào họ Vưu, cho nên mọi chuyện lớn nhỏ đều chẳng có điều gì phải giữ gìn. Tập tành chán cả hai xuống ngựa kéo nhau về trang trại đi ngủ. 

Ngày hôm sau. Vưu Thông cho người đi Thanh Châu, dò la xem đoàn quân áp tải ba nghìn lạng hạc bao giờ thì lên đường, liệu bao giờ đến rừng Trường Diệp. Mấy ngày sau, kẻ được sai đi trở về thưa: 
- Trình viên ngoại ngày mười lăm tháng mười này sẽ lên đường, ngày hai mươi bốn này thì có thể đến vùng rừng Trường Diệp. Đoàn áp tải có một viên quan cầm đầu, một viên võ quan hộ tống, chỉ huy một đội lính khoảng hai mươi tên chuyên dùng cung tên. 

Tối ngày hai mươi ba, Vưu Thông lấy rượu ngon cho Giảo Kim uống gần say, chọn người đi theo, canh năm đến rừng Trường Diệp, động viên Giảo Kim: 
- Hiền đệ, ta cùng hiền đệ sẽ đủ chi suốt đời, chỉ cần một việc này! 
Giảo Kim gật đầu, xách búa lên ngựa, tiến ra phía đường quan, dừng ngựa, dắt búa ngang yên, trông như hổ dữ ngồi chặn giữa đường lớn. Trước tiên là viên quan Lô Phương xuất hiện; viên này vốn là hiệu úy Thanh Châu, mở đường đi trước cũng là để đề phòng sợ có chuyện không lường chăng. Mới vào đến rừng, Giảo Kim giật ngựa nhảy ra, cao giọng quát: 
- Tiền lộ phí đâu, dốc ra! 
Lô Phương vốn là một võ quan cũng thạo nghề cung kiếm, giơ thương lên vừa đỡ vừa chửi: 
- Thằng giặc cỏ! Mày chỉ quen sống lẩn lút trong rừng rậm, lo ăn từng bữa như loài thú dữ, đây chính là lương tiền giải đi tam kinh lục phủ, hãy tránh cho mau, loại giun dế như mày đừng có to gan lớn mật. 
Giảo Kim vẫn lớn tiếng: 
- Bọn khách thương trong thiên hạ, bố già đây không thèm đụng đến đâu. Nghe nói Thanh Châu phủ có ba nghìn lạng, bố già đây chờ sẵn, kiếm làm vốn buôn bán. 
Lô Phương nạt: 




- Hà hà! Đồ giặc cỏ không biết nông sâu. Hãy chờ xem mà buôn bán! 
Ngựa chồm lên, thương giơ cao, xốc tới, Giảo Kim cũng vung búa vội đỡ, ngựa với ngựa, người với người, thương với búa cùng thi gan, được vài chục hợp, phía sau thấy khói mịt mù, quân quan áp tải cũng vừa tới. Giảo Kim thấy thế, sợ chúng sẽ xắn tay cùng đánh, bèn chồm ngựa xông lên, búa bổ mạnh, mặc mọi sự. Lô Phương đỡ không nổi, ngã quay xuống ngựa. Hai mươi tên lính cầm cung thương tràn tới, thấy Lô Phương ngã ngựa, cả bọn giơ cao thương la lớn: 
- Phía trước Lô hiệu úy bị tướng cướp đánh cho bị thương rồi! 
Giảo Kim thừa thế chém thêm vài tên tay chân, cả bọn cứ thế vứt cung, bỏ thương, lội bừa qua suối mà chạy, bỏ cả bạc tiền, hành lý lại mà thoát lấy thân đã. Tào tham quân Tiết Lượng, viên quan chỉ huy cả đoàn áp tải, thấy thế, quay ngựa chuồn thẳng. Giảo Kim vẫn không tha, giục ngựa đuổi theo. Bọn đầy tớ, cùng trang khách đi theo vội chạy báo cho Vưu Thông: 
- Bố già thắng lớn rồi! Bạc tiền bọn chúng đều vứt lại trong rừng mà thoát thân rồi? 
Vưu Thông dẫn tay chân ra đường quan, mở toang tất cả các thùng chứa bạc, đút vào những bao tải gai, khuân về Vũ Nam Trang, giết dê lợn, bày tiệc rượu chờ sẵn, đợi Giảo Kim về đánh chén. 
Giảo Kim lúc này đuổi theo Tiết Lượng có đến mười dặm mới kịp, chủ ý cũng chẳng để giết Tiết Lượng cho bằng được, mà Giảo Kim cũng chẳng biết rằng tiền bạc bọn này đã vứt lại cả ở trong rừng rồi, nên cố tình đuổi theo bắt cho kỳ được cả người lẫn ngựa. Tiết Lượng quay đầu nhìn lại, thấy người ngựa Giảo Kim tới gần, không biết làm thế nào để đối phó, đành liều lên tiếng: 
- Anh bạn lạc thảo! Ta với anh không thù không oán, anh chặn đường ta cũng chỉ vì tiền bạc. Nay bao nhiêu tiền bạc chúng tôi đã vứt lại trong rừng, anh còn đuổi theo ta để làm gì? 
Giảo Kim nghe nhắc tiền bạc đã vứt cả ở trong rừng liền không đuổi theo nữa, quay ngựa, không cần phi nhanh nữa. Tiết Lượng thấy Giảo Kim đã quay ngựa, bạo dạn hơn ít nhiều, gọi với theo hăm dọa: 
- Anh bạn lạc thảo, tiền bạc cướp được, giữ cho cẩn thận. Ta trở về trình quan Thứ sử, sai người tìm bắt, lúc ấy thì đừng có mà chạy thoát đâu nhé! 
Giáo Kim nghe thế, nổi cơn điên khùng, gọi theo: 
- Quan nhân đừng chạy vội, ta không giết quan nhân. Ta cũng không phải loại hảo hán không tên tuổi. Hãy cứ tạm cho quan nhân biết tên tuổi ta nhé, ta là Trình Giảo Kim, suốt đời chưa từng nói dối ai bao giờ. Ta có một người bạn rất trung hậu, tên gọi Vưu Thông. 
Chính hai người chúng ta lấy số bạc ba nghìn lạng này đấy. Quan nhân cứ yên tâm về mà trình Thứ sử. 
Giảo Kim nói xong tên tuổi hai người, mới thực sự quay ngựa trở về chưa đến trang trại đã thầm nghĩ lại: "Vừa rồi lẽ ra không nên nói rõ tên tuổi. Vưu viên ngoại biết ra lại oán giận ta. Thôi tìm vài lời quấy quá lờ đi cho xong". Chẳng mấy lúc về tới trang trại, cùng nhau hoan hỉ ăn uống. Chuyện không nói nữa. 
Chính là: 

khi vui rượu uống hũ chìm 
Khi buồn mặt nặng như lim khác gì! 


Lại nói Tào tham quân Tiết Lượng trở về phủ đường Thanh Châu, chính là lúc Thứ sử Hộc Tư Binh đang ngồi trên công đường. 
Tiết Lượng vội quỳ trước công đường thưa: 
- Trình Thứ sử, được lệnh áp tải lương tiền về Lạc Dương, ngày hai mươi tư đi đến rừng Trường Diệp của Tế Châu, bỗng xuất hiện khoảng mười tên cướp, cướp mất tất cả tiền bạc, giết chết võ tướng Lô Phương cùng bốn tên lính. Tiểu quan ra sức chống đỡ, may toàn tính mạng, về trình đại nhân, xin cho công văn tới Tế Châu, để phủ đường Tế Châu lùng bắt tội phạm, cùng thu lại ba nghìn lạng bạc. 
Tư Bình nghe trình, nổi giận đùng đùng: 
- Cướp đường nào mà dám cả gan đón đường quan quân. Ngươi không cẩn thận, đến nỗi mất của hại người. Ta sẽ cho người giải về trình Tổng lý đại nhân Vũ Văn Khải, để xem ngài xét xử thế nào; ngươi phải đền hay phủ đường Tế Châu phải đền ba nghìn lạng bạc này. 
Rồi quát tháo ầm ầm. Tiết Lượng hồn bay phách lạc, vội vàng thưa: 
- Có đại nhân ở trên, bọn cướp này nhất định bắt được, lúc chúng bị bọn tiểu nhân kháng cự còn xưng cả tên hiệu là Tĩnh Sơn đại vương Trần Đạt, Ngưu Kim gì gì đó, tiểu nhân nghe không thật rõ ràng, chỉ cần đưa ra những tin này cho phủ đường Tế Châu là có thể bắt được bọn này. 
Thứ sử Tư Bình gọi bọn tay chân, làm văn thư gửi trực tiếp cho Tổng lý doanh tạo Đông Đô Vũ Văn Khải: 

Thanh Châu phủ đã cho áp tải ba nghìn lạng bạc theo lệnh Tổng lý. 
Đi vừa đến rừng Trường Diệp thuộc Tế Châu phủ, cũng bởi phủ đường Tế Châu không cử thổ binh hộ tống, gặp ngay giặc cướp lấy hết, lại giết cả quan hiệu úy Lô Phương. Xin tổng lý đại nhân lệnh cho Tế Châu phủ bắt bọn cướp này, bồi thường số bạc cho Thanh Châu phủ.” 
Một mặt đưa công văn sang phủ Tế Châu, yêu cầu Thứ sử Tế Châu bắt kỳ được bọn Trần Đạt, Ngưu Kim lấy lại số bạc. Tiết Lượng tạm thời bị giữ lại ở phủ đường, chờ công văn của quan Tổng lý ở Lạc Dương sẽ xét xử một thể. 
Mấy ngày sau, Tổng lý Vũ Văn Khải có lệnh đưa về: 
“Công trình đang khẩn cấp tạo dựng. Trong vòng một tháng không tìm thấy số bạc bản phủ Tế Châu phải bỏ tiền bồi nạp. Trong hạn hai tháng giặc cướp vẫn chưa bắt được, Thứ sử Tế Châu cùng Thanh Châu sẽ bị ngừng cấp tiền lương, các đô đầu đều phát phối làm lao dịch chuộc tội. Tiết Lượng cách chức làm dân thường, Lô Phương được hưởng mọi đặc ân với liệt sĩ.” 

Nhận được lệnh này, Thứ sử Tư Bình đành phải tự đứng ra lo mọi công việc trong phủ mình và đốc thúc Lưu Thứ sử Tế Châu. Lưu Thứ sử cũng sợ bị bị liên lụy, nên vội vàng bàn bạc với tay chân: 
- Số bạc ba nghìn lạng này, không phải là nhỏ dễ giấu ngay cho được mà cũng lấy đâu ra số bạc nữa mà bồi thường cho họ được. Nay ta chia thành từng đội, đội nào bắt được trước sẽ trọng thưởng, đội nào không làm nên chuyện sẽ bị phạt. 
Rồi lên công đường, cho gọi chánh đô đầu Phàn Kiến Uy, phó đô đầu Đường Vạn Nhẫn tới, truyền lệnh: 
- Bọn cướp này có tên tuổi rõ ràng, cũng dễ bề tìm ra, tại sao đến tháng nay vẫn không có tin tức gì. Phải chăng là bọn này cùng các ngươi có quan hệ mờ ám gì đây về tiền nong, nên các ngươi không chịu ra tay, để mọi chuyện phiền toái đổ lên đầu ta. 
Kiến Uy thưa: 
- Xin Thứ sử xét kỹ cho, xưa nay chưa từng có bọn cướp nào có gan xưng cả họ tên, rõ ràng là những tên để lừa bịp, quan quân chẳng biết lối nào mà lần. Vì thế chúng tôi đã tìm khắp nơi mọi chốn trong phủ, mà không hề thấy vết tích. 
Lưu Thứ sử quát: 
- Dù rằng là tên giả đi chăng nữa, thì những ba nghìn lạng bạc, hàng chục đứa tham gia, chứ có phải cái kim đâu, mà đã cả tháng nay, tịnh không vết dấu, rõ ràng các ngươi lười nhác, không chịu tận tâm mà thôi! 

Rồi ra lệnh đánh Kiến Uy, Vạn Nhẫn mỗi người mười lăm roi, hạn cho ba ngày nữa, nếu không có tin gì mới, sẽ phạt mỗi người ba chục roi. 
Ngày giờ trôi mau, sáng mai ra, đã lại một ngày. Cả bọn kéo về nhà Kiến Uy rồi còn nghĩ ngợi đủ cách, nốc rượu lấy sức, kéo nhau về phủ đường, trình lại Thứ sử. Lúc này Kiến Uy bàn với Vạn Nhẫn: 
- Vạn Nhẫn hiền đệ, chúng ta khổ nhục chịu đựng thế này, nếu đại huynh Thúc Bảo còn làm đô đầu với chúng ta ở Tế Châu này, thì những chuyện như vậy. Tần đại huynh không bắt được Trần Đạt thì ít ra cũng tóm được Ngưu Kim rồi. Nay Tần đại huynh ở dưới trướng Lai Tổng quản, làm sao trình bày với Lưu Thứ sử đưa được Tần đại huynh về đây, chúng ta nhất định sẽ làm nên chuyện ngay, không thể bó tay chịu đòn như hiện nay. 
Kiến Uy, Vạn Nhẫn cùng Thúc Bảo vốn là chỗ bạn bè thân thiết. Năm sáu chục thổ binh, kẻ biết, người thì đã nghe danh tiếng Thúc Bảo, thấy hai đô đầu bàn thế, đều nhất loạt hoan hô ầm ĩ: 
- Nếu được thế, nhất định không ai có thể bắt nạt chúng ta nữa rồi. Phái về bẩm ngay với Lưu Thứ sử, nguyên đô đầu Tần Quỳnh, đã giữ chức này ở Tế Châu nhiều năm, biết rõ từng sào huyệt của bọn cướp nắm vững đường đi lối lại của bọn chúng, nay đương đảm nhiệm chức kỳ bài quan dưới trướng Lai Tổng quản, nhàn rỗi không có việc gì. Nay xin Thứ sử đứng ra đưa được Tần Quỳnh trở về, là có thể bắt được ngay Trần Đạt, Ngưu Kim. 
Kiến Uy khuyên: 
- Các anh không nên làm huyên náo đến thế, hãy vào công đường trình rõ với Lưu Thứ sử là hơn cả! 
Sáng ra, mọi người vào phủ đường Kiến Uy lên bán nguyệt đài đưa trát ra để xin gia hạn, ai nấy đều quỳ dưới thềm. Lưu Thứ sử hỏi Kiến Uy: 
- Đã có tung tích gì của bọn cướp chưa chánh đô đầu? 
Kiến Uy thưa: 
- Trình Thứ sử đại nhân, vẫn chẳng thấy tăm hơi! 
Thứ sử sai đem hình cụ ra để phạt. Roi sắp sửa ra tay, Kiến Uy lại lên tiếng thưa: 
- Tiểu nhân còn chuyện nữa, xin trình với Thứ sử đại nhân! 
Lưu Thứ sử hỏi: 
- Còn chuyện gì nữa? 
Kiến Uy thưa: 
- Bản châu ta, mấy năm trước có đô đầu Tần Quỳnh hiện đang giữ chức kỳ bài quan trong soái phủ Lai Tổng quản. Tần Quỳnh làm đô đầu lâu năm, biết rõ từng tên cướp trong phủ ta, xin Thứ sử đại nhân thân hành tới soái phủ Lai Tổng quản, xin cho được Tần Quỳnh về thì sẽ bắt được bọn Trần Đạt, Ngưu Kim. 
Thứ sử chưa trả lời ngay, lưỡng lự cân nhắc, thì hơn năm mươi tên thổ binh quỳ dưới thềm đều lên tiếng kêu: 
- Đại nhân đứng ra, xin được Tần Quỳnh về, Tần Quỳnh biết rõ từng tên cướp, lại đương nhàn rỗi dưới trướng Lai Tổng quản. Nếu đại nhân không đứng ra làm việc này cho, Tần Quỳnh không có mặt, dẫu đại nhân có đánh chết chúng tôi cũng chẳng nên công chuyện gì. 
Lưu Thứ sử thấy "chúng khẩu đồng từ”, cũng đành miễn tội, cho cả bọn ra khỏi công đường chờ lệnh. 

*** 

Không nói chuyện mọi người được yên ổn qua một kỳ hạn của Lưu Thứ sử, hãy kể chuyện của Tần Thúc Bảo, từ ngày ở Trường An trở về thường nghĩ tới chuyện nghĩa hiệp đã làm ở Trường An vừa rồi, nhưng cũng sợ mọi chuyện lỡ dở, kéo theo nhiều chuyện lôi thôi khác, nên từ đó ẩn nhẫn qua ngày. Hôm ấy, Thúc Bảo đang buổi hầu trong soái phủ, nghe báo có Lưu Thứ sử bản châu xin vào gặp, Lai tổng quản ra lệnh mời vào. Hai người chào hỏi đâu đấy, yên vị chủ khách, vài câu hàn huyên xong, Lưu Thứ sử lên tiếng: 
- Năm ngoái nhân Đông Kinh khởi công xây dựng cung điện, các lộ ở Sơn Đông này đều được lệnh góp tiền của, chẳng ngờ ba nghìn lạng bạc của phủ Thanh Châu, áp tải tới rừng Trường Diệp của bản phủ bị cướp lấy hết. Bọn này lại xưng cả tên họ, một tên là Trần Đạt một tên là Ngưu Kim. Phủ Thanh Châu lại gửi công văn trực tiếp cho Đông Kinh, Tổng lý Vũ Văn Khải đại nhân chuyển lệnh ngừng cấp lương tiền cho cả hai Thứ sử Tế Châu, Thanh Châu, bắt trong vòng một tháng phải nạp đủ số bạc bị cướp, cùng là nạp đủ từng tên giặc cướp, nếu chậm trễ sẽ gia tội. Chúng tôi đã sai quan tầm nã ráo riết, nhưng vẫn không thấy một bóng dáng nào. Theo lời đô đầu cùng bọn thổ binh, nguyên phủ Tế Châu trước có đô đầu Tần Quỳnh, hiện đang giữ chức kỳ bài quan ở soái phủ thành thạo bắt các bọn trộm cướp ở phủ, ý chúng tôi đến đây muốn xin đại nhân cho bản phủ mượn tạm Tần Quỳnh ít lâu về để bắt kỳ được bọn cướp này. 
Lai Tổng quản nghe nói thế, đưa mắt nhìn Thúc Bảo rồi trả lời: 
- Đây chính người cao to tướng kia là Tần Quỳnh, tuy thật tài cán, nhưng bản quan cũng thường cần đến thì làm sao mà có thể cáng đáng công việc cả hai nơi cho được! 
Thúc Bảo lúc này cũng quỳ gối tâu: 
- Trình hai vị đại nhân, kỳ bài hạ quan ở soái phủ đây luôn luôn công việc chờ sai phái, không thể nào đảm đương được cả việc bắt cướp. Lại nữa việc này ở Tế Châu đã có đô đầu Phàn Kiến Uy, sao lại dạy hạ quan làm chuyện này thay Kiến Uy cho được? 
Lai Tổng quản cũng tán đồng: 
- Chính vậy, việc này là việc của các đô đầu hiện đương chức của phủ Tế Châu. 
Lưu Thứ sử thấy Thúc Bảo từ chối, Lai Tổng quản cũng lại ra mặt khuyến khích Thúc Bảo, trong lòng lấy làm bực bội nói: 
- Chúng tôi cũng chỉ muốn bắt được bọn cướp này để khỏi phải bồi thường ba nghìn lạng bạc, nên mới phải khổ nhục đi mời Tần Quỳnh. Lại thêm bọn đô đầu cùng thổ binh của bản phủ đều cứ nhất tề ngợi ca Tần Quỳnh là người hiểu rõ từng tên cướp, nhớ kỹ đường đi lối lại thông thuộc lề thói của chúng. Ngoài việc chúng tôi đến đây, xin đại nhân nể tình, cũng đã gửi văn thư trình với Đông Kinh kể rõ đầu đuôi, Tần Quỳnh nên giúp chúng tôi làm tốt chuyện này, cũng là một sự tiến thân đáng khích lệ. Nhược bằng cứ kiên quyết chối từ thì khi đã có ý lệnh của Đông Kinh, dẫu có chối cũng không được nữa. 
Lai Tổng quản nghe nói thế, bèn bàn: 
- Thôi thì ta bàn thế này, về tài năng của Tần Quỳnh, ta cũng biết thế, để nâng đỡ Tần Quỳnh làm công vụ tốt hơn cũng là điều này. Việc bắt cướp này, cũng là việc lớn của quốc gia, chi bằng Tần 
Quỳnh hãy giúp Lưu Thứ sử một thời gian là tiện hơn cả! 
Thúc Bảo đã thấy Lai Tổng quản nói thế, cũng không còn cách nào khác, đành phải lên tiếng: 
- Đại nhân đã phân xử như vậy, Lưu Thứ sử đã cần đến hạ quan này, thì hạ quan xin đi vậy. Chỉ sợ rằng tài cán của hạ quan, so với bọn Phàn Kiến Uy cũng chẳng hơn gì, công việc không thành, rồi cả lũ chúng tôi sẽ bị tội thôi. 
Lai Tổng quản đáp: 
- Cả một đội từ đô đầu đến thổ binh đều nhất loạt đề cử ngươi, thì nhất định ít nhiều ngươi cũng có thạo việc hơn ai, ngươi cứ đi. Ta sẽ theo dõi việc này, xong xuôi lại trở về đây với soái phủ. Bất nhược có việc cần, ta sẽ cho người gọi về ngay! 
Thúc Bảo đành theo lời Lưu Thứ sử ra khỏi soái phủ. Đường Vạn Nhẫn cùng một số thổ binh theo chờ sẵn ngoài cổng, ùa đón Thúc Bảo: 
- Tần Quỳnh, việc này nhất định phải đến tay đại huynh mới xong được. Tiểu đệ cũng biết đại huynh nghĩa nặng tình sâu, không nỡ nhìn bọn tiểu đệ lao đao vất vả, vào sống ra chết, ăn gió nằm sương mà vẫn không xong. 
Thúc Bảo đáp: 
- Hiền đệ! Ta quả chẳng biết gì về Trần Đạt với Ngưu Kim cả đâu! 
Về tới phủ đường Tế Châu, Thúc Bảo làm lễ lạy chào Lưu Thứ sử, họ Lưu lấy lời lẽ ôn tồn động viên Thúc Bảo: 
- Tần Quỳnh, ta không coi ngươi như các quan chức khác trong phủ đường này đâu, ngươi nhất định rồi sẽ có một tiền đồ rực rỡ, công việc bình thường hàng ngày cũng rất mẫn cán, nay ta đưa ngươi về đây cũng chẳng có việc gì đáng ngại. Nếu ngươi tìm được ra hai tên cướp có tên tuổi này, ngoài việc phủ đường cứ theo lệ thường mà thưởng tiền, sẽ có nhiều thứ mà thưởng công nhà ngươi, mà ngay cả 
Lai Tổng quản đại nhân cũng sẽ thưởng công này thích đáng. Rồi trong văn thư trình lên Tổng Lý đại nhân Vũ Văn Khải, ta cũng sẽ kể đến tên ngươi đầu tiên. 

Thúc Bảo cùng mọi người ra khỏi phủ đường, dốc tâm huyết sức lực để tìm cho ra bọn cướp, nhưng vẫn chẳng thấy một vết tích nào. Ba ngày sau vào phủ phúc trình, lại cũng theo lệ ba ngày không tìm thấy gì thì bị tội đánh đòn. Hạn thứ hai, rồi lại hạn thứ ba, 
Thúc Bảo còn phải chịu nhiều hoạn nạn, muốn biết sự thể thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ .


HỒI 22

Phát lệnh tiễn, Hùng Tín truyền danh,

Lỡ việc quan, Thúc Bảo chịu phạt.

Thơ rằng: 
Bốn biển tâm đầu nghĩa trước sau 
Nhớ mong khôn kể tháng ngày lâu 
Cầm tay ngờ ngợ, cười không nói 
Trong mộng thường thường vẫn gặp nhau. 

  
Người ta nếu chỉ có tình nghĩa bạn bè, mà không đủ nghĩa vua tôi, cha con, hoặc chỉ có tình thương giữa anh em, vợ chồng đều không thể được. Nhưng thực quả tình bằng hữu keo sơn, tương thân tương ái thì khó mà quên được, dễ là đầu mối cho nhiều nỗi nhớ mong. Nếu lại là chuyện bậc hào kiệt gặp người hào kiệt, ý chí hòa hợp, chẳng có sự nghi ngại của sự gặp gỡ ban đầu, chẳng bị ràng buộc bởi phân biệt giàu nghèo, hiểu lòng dạ nhau bỗng nhiên phải xa nhau, thì đúng là "ba thu dồn lại một ngày", rồi ra cũng phải tìm mọi cơ hội để gặp gỡ. 

Lúc này tiết thu sắp hết, trời đã sang cuối tháng chín. Đơn Hùng Tín ở trang trại đôn đốc đầy tớ, người làm, thu hoạch mùa màng, đang ngồi trong nhà trên, thấy tay chân vào thưa, có hai vị khách họ Lý, họ Vương đến. Hùng Tín nghe nói, mừng rỡ ra cổng đón, mời hai người xuống ngựa, đưa vào thư phòng. Chẳng mấy chốc tiệc rượu đã bày ra, cùng ngồi bên bàn, kể lể chuyện xa cách lâu nay. 
Hùng Tín trách: 
- Năm ngoái, nhận được thư của Vương hiền đệ, Hùng Tín này đã quyết dọn nhà cửa, hạ giường (1) chờ sẵn. Làm sao mãi nay mới tới? 

1 Trần Phồn, đời Hậu Hán, có người bạn rất thân là Tử Trĩ. Phồn dành riêng cho bạn một cái giường, bạn về treo cao lên, bạn đến mới cho hạ xuống (Quỳnh lâm). 

Bá Đương đáp: 
- Dạo ấy chia tay với Đơn nhị ca, Huyền Thúy thì được Việt Quốc Công Dương Tố mời về phủ ở Trường An. Tiểu đệ cũng lang thang khắp đây đó, đến khi về Trường An để tìm gặp Huyền Thúy thì lúc qua Thiếu Hoa Sơn, bị Tề Quốc Viễn giữ lại, ở đó khá lâu, cho nên mới gửi thư cho nhị ca, cũng muốn về Nhị Hiền trang sum họp bàn hoàn, bất đồ sau khi gửi thư đi thì lại gặp Tần đại huynh. 
Hùng Tín ngạc nhiên: 
- Thúc Bảo ở đây trở về, nghe nói ra làm kỳ bài quan ở soái phủ của Lai Tổng quản, sao lại có chuyện gặp gỡ với hiền đệ ở Thiếu Hoa Sơn? 
Bá Đương đáp: 
- Thúc Bảo nhân Lai Tổng quản đi Trường An nạp lễ mừng thọ của Việt Quốc công, nên mới có chuyện xem đèn nguyên tiêu, đành phải lỡ hẹn với Nhị ca. Vào chùa Vĩnh Phúc, cách Trường An khoảng sáu mươi dặm, gặp con rể Đường Công Lý Uyên là Sài Tự Xương. Thúc Bảo trước kia đã cứu Đường Công ở Tra Thụ cương thoát khỏi đại nạn, nên mới cho xây ở Vĩnh Phúc này tháp Báo Đức. Thúc Bảo thấy vậy mới kể lại. Tự Xương biết ra, nên quyết giữ lại. Năm cũ qua đi, mãi đến mười bốn tháng giêng mới vào kinh ngày mười lăm thì tại họa ập tới, cả bọn đánh chết công tử Huệ Cập nhà họ Vũ Văn. 
Hùng Tín lè lưỡi kinh hoàng: 
- Chết thật! Hùng Tín nghe nói có sáu tên cướp nổi tiếng náo loạn Trường An, chuyện ầm ĩ khắp nơi, cũng chẳng ai biết họ tên là gì mải về sau lại nghe gia tướng của Đường Công Lý Uyên. Hùng Tín cũng chẳng để ý nữa, thì ra bọn tiểu đệ làm chuyện tày trời này sao? 
Huyền Thúy thêm vào: 
- Chuyện này thì quả là to gan lớn mật. Nếu không dính dáng đến thế lực vững vàng của Đường Công, bọn Vũ Văn Thuật không tìm ra tung tích, có thể tất cả họ Lý đều mang  họa vào thân. 
Hùng Tín hỏi: 
- Thế hiện nay Thúc Bảo đã trở về nhà chưa? 
Bá Đương đáp: 
- Ngay sau đêm hôm ấy, chúng đệ mỗi người mỗi nơi ngay. 
Hùng Tín tiếp: 
- Hùng Tín nhiều lần định đi Sơn Đông thăm Tần hiền đệ, nhưng chưa có dịp nào. Nay nghe chuyện này ý cũng muốn đi Sơn Đông một chuyến xem sao. 
Bá Đương vội đỡ lời: 
- Chúng đệ đã lâu cũng muốn đến thăm nhị ca, hai nữa cũng đến mời nhị ca đi Sơn Đông một chuyến. 
Hùng Tín hỏi: 
- Có chuyện gì chăng? 
Bá Đương đáp: 
- Năm nay, ngày hai mươi ba tháng chín, thì mẫu thân Tần đại huynh vừa tròn lục tuẩn. Thúc Bảo vốn chí hiếu, sau chuyện đại náo Trường An, lúc vội vàng chia tay, trên ngựa Thúc Bảo còn dặn dò: “Mẫu thân vừa đúng lục tuần, vào ngày hai mươi ba tháng chín năm nay, các bạn nếu như không bỏ Thúc Bảo này, xin đến mừng, để tệ xá thêm rực rỡ”. Vì vậy tiểu đệ đi Trường An tìm Huyển Thúy, lại tình cờ gặp cả Sài Tự Xương, đang ở Trường An làm chuyện gì đó cho nhạc phụ Đường Công, có mấy ngàn lượng bạc, muốn tặng Thúc Bảo, Tự Xương cũng sẽ trỡ về đem đến vào dịp này luôn. Cho nên tiểu đệ rũ Huyền Thúy đến mời nhị ca cùng đi. 
Chính là: 

Giao kết Trần Lôi (1) nghĩa sắc son 
Tình như cốt nhục chẳng hao mòn. 
Bàn đào chúc thọ hàng con cháu 
Tuổi mẹ dài lâu vững núi non. 

1 Trần Lôi: Trần Trọng và Lôi Nghĩa, người đời Đông Hán, là đôi bạn rất thân, sống chết có nhau, dân gian khen: “Vững bền như thể keo sơn, vẫn thua hai gã Lôi Trần vùng ta”(Từ Hải) 

Hùng Tín bàn thêm: 
- Chuyện này rất là hay rồi. Chỉ có điều: bạn bè chúng ta thì nhiều, người biết chuyện thì nói: Bá Đương đứng ra mời Hùng Tín đi Tế Châu, cùng dự lễ thọ của Tần mẫu. Người không biết chuyện sẽ phàn nàn, Hùng Tín đối với bạn bè chỗ thân chỗ sơ, đi Sơn Đông chúc thọ Tần mẫu chỉ rũ  mình Bá Đương, mà không thèm nói với mình một tiếng. Thế là bao nhiêu tội đổ lên đầu Hùng Tín này cả. 
Huyền Thúy nói: 
- Tiểu đệ có ngụ ý như thế này. Nhị ca chỉ cần làm một việc mà được hai. 
Hùng Tín giục: 
- Xin Hiền đệ cứ nói. 
Huyền Thúy đáp: 
- Nhị ca cứ nói với tất cả bạn bè thân tín, mời mọi người cùng đi. Trước là làm cho lễ mừng của Tần mẫu thêm long trọng, sau nữa nhị ca khỏi mang tiếng hậu bạc khác nhau với bạn bè. Thúc Bảo hiện nay thật chưa dư dật gì lắm, nên ta mang lễ mừng kha khá vào, điều này cũng tỏ ý biết rõ bạn bè của chúng ta như vậy. 
Hùng Tín đáp: 
- Hay lắm! Chỉ lo thế này: bạn bè ở vùng Lộ Châu, chỉ cần đưa thiếp mời đến cũng kịp nhưng ở xa lại sợ chẳng biết có nhà hay không, lỡ cả ngày mừng thọ, thành chuyện không hay. Phải làm thế này mới xong, nhưng xin hai hiền đệ hãy uống rượu đi đã rồi hãy bàn tiếp vậy. 
Hùng Tín quay vào nhà trong lấy ra hai mươi lạng bạc vụn, chia làm hai gói, rút ra hai mũi tên lệnh của mình. Hùng Tín vốn không phải là quan võ, làm sao lại dùng lệnh tiễn. Nguyên là cái lệnh tiễn này cũng giống như một cái thẻ tre, trên có viết tên tuổi, đóng dấu riêng của Hùng Tín, để làm hiệu riêng trong đám anh hùng giang hồ quen biết, bạn bè thấy cái thẻ đó, như thấy hiệu lệnh tập hợp, lên đường không trù trừ. Hai thẻ lấy ra cùng với hai gói bạc, đặt ngay ngắn trên bàn, rồi sai đầy tớ cầm lại cho Bá Đương. Huyền Thúy xem qua, gọi thủ hạ lại, ai nấy đều náo nức muốn đi, nhốn nháo cả lên: 
- Xin cho tiểu nhân được đi chuyến này? 
Hùng Tín chọn hai người: 
- Hai anh hãy nghe ta nói đây. Ta chọn hai anh vì nhanh nhẹn, được việc hãy chuẩn bị hành lý, yên cương thật chu đáo, mỗi anh nhận mười lạng bạc, làm tiền đi đường cho cả người lẫn ngựa. Cầm lệnh tiễn này, một anh thì tìm thôn Thuận Nghĩa, phủ U Châu, Hà Bắc, đưa lệnh tiễn trình Trương Công Cẩn, nói rõ, ngày mười lăm tháng chín này có mặt ở Nhị Hiền trang cùng nhau đi Tế Châu để kịp ngày hai mươi ba tháng chín dự lễ mừng thọ Tần mẫu. Còn một anh thì đến tìm Vưu viên ngoại ở Vu Nam trang, thuộc Duyên Châu, cũng nói tương tự như vậy, nhưng để khỏi phải đi vòng vèo xa thêm thì hẹn với Vưu viên ngoại không cần phải tới Nhị Hiền trang, mà chuẩn bị sẵn lễ vật, chờ ở bên đường quan rồi sẽ cùng đi Tế Châu một thể. 
Hai người lĩnh mệnh ra đi. 
Chính là: 

Tin đưa nhanh quá gió 
Bạn đến chật như mây. 
 


Còn Bá Đương và Huyền Thúy thì suốt ngày rượu chè, đàm đạo cùng Hùng Tín. Đến ngày mười bốn, tháng chín đã có thêm ba hào kiệt tới, đó chính là Trương Công Cẩn, Sử Đại Nại cùng Bách Hiền Đạo ở Thuận Nghĩa thôn U Châu. Dự định sáng mai sẽ lên đường đi Tế Châu. Hùng Tín gọi đầy tớ lấy hai cái thiếp, nói với Bá Đương: 
- Đồng Bội Chi cùng Kim Quốc Tuấn, năm xưa cũng đã từng kết nghĩa với Thúc Bảo, cũng nên báo cho họ biết, để xem có đi cũng tiện. 
Bội Chi, Quốc Tuấn được Hùng Tín cho mời, sau khi rõ ngọn ngành, cũng thu thập lễ vật, người ngựa đến Nhị Hiền trang tụ tập. 
Sáng hôm sau, cả chủ lẫn khách là tám người, dậy thật sớm, kể cả đầy tớ theo hầu là hơn mười người, hành trang lễ vật khí giới tùy thân kéo theo một chiếc xe nhỏ để chở, bọn cưỡi ngựa đi trước, theo lối Nhã Nam tìm đường đi về Sơn đông. 
Lúc này vào khoảng tháng chín, gió thu gọi rụng lá vàng, cả bọn anh hùng đường trường ruổi ngựa, thì thấy phía trước gió bụi mịt mù, bọn tay chân đi trước quay lại bảo: 
- Trình các ngài, đã tới địa phận Sơn Đông, trong bìa rừng thấy một vị trung niên, cùng một bậc trai tráng đón đường, sát khí đằng đằng, chúng con không dám đi nữa, quay lại báo các ngài rõ. 
Bọn tay chân của Hùng Tín cũng thừa biết trong số tám vị đi đây tính ra cũng vài vị đã từng rượu trà với đám lục lâm, vì vậy khi nói những người này, họ cũng giữ ý, mà gọi là vị, là bậc hẳn hoi. 
Hùng Tín nghe thế, đắc ý cả cười: 
- Chẳng biết đám anh em nào đấy không biết. Nhận được lệnh tiễn của Hùng Tín này, có ý chờ ở đây để kiếm chác ít nhiều. Hãy để ta xem sao nào! 
Bội Chi, Quốc Tuấn tự cho mình là bậc hào kiệt mà không thấy hết sự lợi hại của phường lục lâm, nên nói với Hùng Tín: 
- Xin để chúng tôi lên trước xem sao! 
Rồi cả hai kéo cương ngựa phóng lên. Hùng Tín nói với Bá Đương. 
- Hai vị này, tuy là chỗ quen biết lâu ngày, nhưng quả không biết võ nghệ ra sao, mới chỉ nghe hai tiếng lục lâm, là đã xông lên muốn đánh rồi. 
Bá Đương lắc đầu: 
- Đơn nhị ca ơi! Hai vị này không làm nên trò gì đâu. 
Hùng Tín hỏi: 
- Sao hiền đệ biết? 
Bá Đương đáp: 
- Hai vị này chỉ chuyên làm công sai ở Lộ Châu, chẳng có tiếng tăm gì lắm, nghe đến lục lâm, họ cũng nghĩ chẳng khác gì họ, do chưa lịch duyệt nhiều, nên cũng không nhận rõ bản lĩnh của đối phương vậy. Đối phương cũng chưa từng biết tên tuổi họ. Rồi ra lời qua tiếng lại, không khỏi chuyện đao thương, nếu hai vị này thua, thì cũng mang tiếng nhị ca mời họ đi Sơn Đông, không thể bỏ được bạn đồng hành, thế nào nhị ca cũng mang tiếng. Còn nếu bản lĩnh của họ tốt hơn, thì đối phương kia sẽ thiệt hại. Biết đâu cũng là bạn bè mà nhị ca mời đi Sơn Đông chờ ở đấy, thì lại tổn thương đến tình nghĩa giang hồ vậy. 
Hùng Tín tán đồng: 
- Hiền đệ nói có lý lắm. Vậy xin nhờ hiền đệ lên xem sao. 
Bá Đương nhận lời: 
- Tiểu đệ đâu dám từ nan. 

Rồi xách cây thương bạc ruổi lên phía trước, thấy trong đám khói mịt mù, quả nhiên Bội Chi, Quốc Tuấn đang thua chạy quay lại. Thì ra đúng là Sài Tự Xương y hẹn ở đây chờ Bá Đương, hành lý của Tự Xương thì nặng, trang phục đầy màu sắc lấp lánh, như chọc vào mắt bọn Vưu Tuấn Đạt, Trình Giảo Kim nên xảy ra chuyện xung dột ngay.

Tự Xương cũng là kẻ có bản lĩnh, nhưng vì một đánh hai, nên cũng có chỗ bất cập, vừa dịp Bội Chi, Quốc Tuấn xông đến bạt đao tương trợ. Giảo Kim giơ búa đón đánh hai người, để mặc Vưu Thông quần với Tự Xương một mình. Giảo Kim chẳng hỏi chẳng rằng, nện hết búa này đến búa khác, làm đến nỗi Bội Chi cùng Quốc Tuấn đều phải bỏ chạy, Giảo Kim giục ngựa đuổi theo. Chẳng khác gì: 

Tinh tường như mắt chim ưng 
Nhanh như chớp, bóng thỏ rừng về hang. 


Bội Chi, Quốc Tuấn thấy Bá Đương vội nói: 
- Gặp phải tay tướng cướp không vừa? 
Bá Đương nhường đường cho hai người, rồi lặng lẽ tiến lên phía trước, gọi lớn: 
- Anh bạn ơi! Hãy từ từ xem sao đã, hình như ta với anh đi cùng một con đường thì phải. 
Giảo Kim vốn nghe không hiểu tiếng vùng kinh đô, cứ thế giơ búa nhằm trán Bá Đương mà nện xuống, miệng thì hét lớn: 
- Ta chẳng phải kẻ ăn chay niệm phật gì cả, mà kể lể Đạo với Phật! (l) 
Bá Đương vẫn cười nói: 
- Anh này quả là nóng tính. Ta với anh đều là bạn lục lâm với nhau cả mà! 
Giảo Kim đáp: 
- Dù là lục lâm hay "thất lâm" gì nữa cũng phải bỏ tiền lộ phí ra đây đã. 
Búa cứ nhằm giữa trán Bá Đương mà bổ xuống một đường sáng loáng, chẳng khác gì nước bạc trút từ trong bầu ra, gió rít mưa gào, lưỡi búa tung hoành. Bá Đương thấy thế nhanh tay múa thương tránh hết miếng này đến miếng khác. Giảo Kim hết sức bình sinh, bổ hết búa nọ búa kia, chẳng búa nào trúng, sức lực cạn dần, tâm thần cũng bắt đầu hoảng loạn, lưỡi búa cũng bắt đầu lúng túng. Lúc này Bá Đương mới cả hai tay, một trước một sau, lao nhanh thương theo đúng thế "Ngân long xuất hải, ngọc mãng thân yêu", một thế thần thương, khó người tránh kịp (2). phóng thẳng vào yết hầu Giảo Kim, nhưng Bá Đương cũng thương tình, hạ thấp tay xuống, rồi rút ngay đường thương hiểm hóc đó về, nên Giảo Kim chưa đến nỗi ngã ngựa. Giảo Kim lại giơ cao búa chém loạn mấy đường vào thương của Bá Đương. Bá Đương quay ngay mũi thương, dùng móc kéo mạnh làm cả người lẫn ngựa Giảo Kim ngã lăn ra đất, Bá Đương cho ngựa chồm tới căn vặn họ tên. Giảo Kim chưa kịp đứng dậy, miệng hét ầm ĩ: 
1 Giảo Kim hiểu chữ "đạo" là đường, ra nghĩa Đạo giáo, Phật giáo. 
2 "Ngân long xuất hải": rồng bạc bay lên khỏi mặt biển, "ngọc mãng thân yêu”: con rắn ngọc quấn chặt lấy lưng. 

- Vưu viên ngoại ơi? Cứu ta với! 
Nhưng lúc này Vưu Thông vẫn đang quần nhau với Tự Xương làm sao mà thoát ra được. Bá Đương nghe thấy thế, liền lớn tiếng gọi cả hai: 
- Sài Quận mã, Vưu viên ngoại, xin hai vị hãy dừng tay, chúng ta cùng một nhà, cùng đến đây để đi Tế Châu cả mà! 
Lúc này cả ba xuống ngựa chào hỏi. Giảo Kim cũng đứng dựa vào ngựa, vẫn còn thở hổn hển, từ xa nhìn. Vưu Thông gọi Giảo Kim lại cùng mọi người tương kiến, rồi hỏi Bá Đương: 
- Đại huynh đã gặp Đơn viên ngoại chưa? 
Bá Đương chỉ phía sau đáp: 
- Đơn nhị ca đang lại kia thôi! 
Cũng vì Bội Chi cùng Quốc Tuấn nói với Hùng Tín gặp phải tên cướp không vừa, nên Hùng Tín vội phi ngựa lên xem sao để còn đối phó. Đến nơi, mọi người chào hỏi. 
Chính là: 

Ngỡ bèo theo gió mà trôi dạt 
Mừng gió đưa duyên họp bạn bè.





Bá Đương giới thiệu với Hùng Tín: 
- Đây chính là Sài Quận mã! 
Cả hai lấy tuổi tác hơn kém để chào nhau. Hùng Tín lại hỏi: 
- Còn người vừa cho Bội Chi, Quốc Tuấn biết sức lực của đôi búa đâu nữa? 
Vưu Thông đáp: 
- Đấy chính là Trình Tri Tiết, bạn của tiểu đệ. 
Ai nấy đều cười đùa vui vẻ, lại làm lễ chào hỏi. Vưu Thông mời mọi người về Vũ Nam trang nghỉ ngơi. Hùng Tín tính toán: 
- Hôm nay đã là ngày hai mươi mốt tháng chín rồi, nếu còn đến quý trang Vưu viên ngoại, sợ không kịp ngày sinh nhật. Sau khi làm lễ mừng thọ rồi, đến quý trang chơi vài ngày cũng chưa muộn. Nhưng chẳng hay lễ vật mừng thọ, Vưu viên ngoại đã mang theo chưa? 
Vưu Thông đáp: 
- Cũng chẳng có gì nhiều, nên đã đem theo sẵn đây cả! 
Thế là mười một hảo hán cả thảy, cùng đi Tế Châu, cách khoảng bốn mươi dặm, thì trời đổ chiều, cũng là lúc tới thôn Nghĩa Tang. Thôn này có khoảng ba bốn trăm nóc nhà, cũng là một thị trấn nhỏ, vì khắp thôn đều trồng dâu, dân thôn đều làm nghề dâu tằm, nên có tên Nghĩa Tang này. 

Giữa lúc xuân sắp tàn, hạ sắp tới là giữa dâu tằm, thì thôn làng còn tấp nập, nay giữa tháng chín, trời tiết thu vàng, nhà nhà đều đóng cửa cài then. Chỉ có nhà hạ Đại là vẫn mở cửa hàng lớn của mình để đón khách lại qua, buôn bán. Cả bọn hào kiệt đều đến trước cửa hiệu thì xuống ngựa. Chủ quán gọi đầy tớ mang hành lý vào các phòng trọ, cho ngựa vào tàu, rồi lấy thức ăn cho chúng. Còn cả bọn kéo nhau lên gác ngồi nghỉ chờ dọn cơm rượu, thì lại thấy có ba người nữa đừng ngựa trước cửa quán. 
- Ba người này là ai vậy? Đó là tướng của La Tổng quản ở U Châu, cũng vì Hùng Tín truyền lệnh tiễn cho Trương Công Cẩn, nên Sử Đại Nại, rồi anh em Uất Trì đều biết. Sử Đại Nại thì mới nhận chức kỳ bài quan, cũng chưa có việc gì nhất định cho nên đi trước với 
Trương Công Cẩn. Anh em Uất Trì thì phải tính toán ít nhiều, phải vào nhờ công tử La Thành thưa chuyện với Tần phu nhân. Phu nhân vẫn nhớ ngày hai mươi ba tháng chín này là ngày lục tuần thọ nhật của chị dâu, cho nên mới bàn với La Tổng quản sai gia tướng đem lễ vật mừng. Anh em Uất Trì vì vậy được La Tổng quản sai đi, vừa việc của người, vừa việc của mình. Lại thêm một tên lính đi theo dắt ngựa thồ hành lý, vậy là ba người cũng vừa dịp hôm ấy đến Nghĩa Tang thôn. Chủ quán từ sau quầy hàng đon đả mời: 
- Đây đi Tế Châu còn những bốn chục dặm nữa. Lại chẳng còn nơi nào nghỉ ngơi tiện lợi cả, xin mời nhị vị quý khách vào quán đây, cơm rượu sẵn sàng là tốt hơn cả! 
Anh em Uất Trì cùng thủ hạ, nâng bao hàng xuống, vào quán. Chủ quán bước ra sắp xếp rối rít: 
- Trước cả hai quý khách, đã có một đoàn các ngài đang ăn uống trên lầu từ lâu, xem ra có vẻ say sưa cả rồi. Hai vị vốn là khách quý, lên lầu bây giờ cũng có điều không tiện, dưới phòng có phòng đầu nhà kia rất tươm tất, xin mời hai vị vào đấy lại thêm tự tại thoải mái dùng cơm tối là hơn cả. 
Uất Trì Nam đáp: 
- Bác chủ quán thật là một tiểu nhị biết người biết việc. Ngồi với mấy ngài nốc rượu say như thế thì chúng ta chẳng thích thú gì, ở dưới này mà lại hay hơn đấy! 
Chủ quán sai bày cơm rượu cho anh em Uất Trì. 

*** 

Lại nói chuyện mười một vị hảo hán ở trên lầu, vừa cơm rượu, vừa chuyện trò vui vẻ, rượu đã ngà ngà say cả, riêng Giảo Kim thì đã túy lúy rồi. Giảo Kim vốn nghiện nặng, thấy rượu thì phải uống kỳ say mới thôi. Cầm bát rượu trong tay, Giảo Kim vừa lè nhè kể lại những ngày khốn nạn ở ải quan. 
- Tiểu đệ đã từng bị đi đày ở ải quan nhiều năm, chẳng còn khổ cực nào bằng. Trở về chẳng bao lâu, may gặp Vưu viên ngoại, mời đi rừng Trường Diệp, làm một chuyến kiếm sống. Nay lại dược kết giao với các bậc hào kiệt trong thiên hạ, tiểu đệ thật sung sướng không lúc nào bằng. 
Bao nhiêu điều ấp ủ trong lòng lâu nay chưa nói ra được thì bây giờ cứ thế Giảo Kim tuôn ra một mạch, không cần nghĩ ngợi, đắn đo gì cả. Lại cạn thêm một bát rượu nữa, dằn mạnh cái bát xuống bàn, ra ý đã cạn rồi miệng lại gào lớn: 
- Thế này mới là uống chứ? 
Tất nhiên cái bát làm sao mà có thể chịu nổi một cú trời giáng như thế, lập tức vỡ ra như bột phấn, Giảo Kim lại dậm chân, đạp mạnh một cái nữa, sàn gác lập tức lại thủng ngay một đám lớn dưới chân. 

Mừng rơn thành rộng tượng 
Say tít hóa đa ngôn. 


Dân vùng Sơn Đông làm những lầu gác kiểu này, thì sân chỉ là mấy cây dương liễu cưa cho vừa, xếp cho khít, hai đầu cũng có khóa ngàm sơ sơ nên cũng chẳng thể nào chịu được những chấn động mạnh như thế. Lập tức bụi đất rơi vãi khắp từng dưới, nơi anh em Uất Trì đang ăn uống. Cũng may, Uất Trì Nam bình tĩnh, hỏi rất từ tốn: 
- Vị khách nào trên ấy, sao lại xấu chơi thế? 
Uất Trì Bắc đang còn ít tuổi, tính hãy còn hung hăng, làm sao chịu nổi những chuyện thế này, ngửa mặt lên trần nhà chửi lớn: 
- Thằng súc sinh nào trên ấy? Nhai đầy bụng cỏ ngựa rồi, vứt tất cả góc bẩn xuống dưới này phải không? 
Giảo Kim vốn là người nóng tính, không chịu thua kém ai bao giờ lại nghe chửi thế, vốn ngồi ngay cạnh cầu thang, cứ thế mấy bước nhảy xuống ngay trước mặt Uất Trì Bắc. Cả hai túm chặt lấy nhau, trong phòng chặt chội, lôi đi kéo lại, quần nhiễu áo lụa, cứ thế mà toạc từng miếng lớn. Thấy thế, Uất Trì Nam cũng chẳng lại can, mà lại ra vẻ quan dạng, gọi chủ quán, chỉ cho y thấy cảnh đánh đấm đang kịch liệt trong phòng nhỏ rồi hỏi: 
- Nơi này thuộc nha phủ nào cai quản đây tiểu nhị? 
Hùng Tín ở trên lầu nghe cách nói năng thế, biết ngay là vẻ khệnh khạng của hạng quan cách, lập tức tức khí, hét lớn tiếng: 
- Các bạn, vị khách dưới nhà mở miệng ra đầy vẻ kẻ cả. Ở cái chốn hoang thông dã điếm như thế này, uống rượu say rồi nện nhau vài hiệp, ai mạnh thì thắng, hỏi gì đến chuyện ai cai quản làm gì, mà phải động đến phủ đường với quan nha? 
Nhưng do nói tiếng thổ âm vùng U Châu, cho nên trên gác này, Công Cẩn cũng nghe ra, bèn can: 
- Xin Đơn nhị ca khoan nóng giận. Hình như giọng nói vùng quê U Châu của tiểu đệ thì phải. 
Hùng Tín giục: 
- Thế thì tiểu đệ hãy xuống ngay xem sao! 
Công Cẩn mới bước xuống thang, đã nhận ra Uất Trì Nam, liền quay ngay lên nói lại với Hùng Tín: 
- Đơn nhị ca, thì ra lại cũng anh em Uất Trì cả thôi! 
Thấy Công Cẩn cùng mọi người, kịp nghĩ ra kẻ đang ẩu đả với Uất Trì Bắc cũng là bạn bè, Uất Trì Bắc hãy dừng tay. Vưu Thông kéo ngay Giảo Kim ra. Giảo Kim, Uất Trì Bắc đều phải đi thay quần áo khác quay lại làm lễ tương kiến với mọi người. Còn chủ quán thì sai đầy tớ vác cưa đục lên lầu, chữa lại chỗ sàn gác bị hỏng, tiếng đục, tiếng cưa inh tai. 
Lại tiệc rượu, Hùng Tín đếm đủ mười ba hảo hán, đèn nến đốt sáng, rượu cứ rót tràn. Nhưng người đông, ý lại khác, kẻ nào thích rượu thì cứ bám lấy bàn lấy ghế, hết uống lại chuyện trò. Có người do mệt nhọc, sai đầy tớ giải chăn đệm, nằm ngủ tít trong phòng riêng. 
Lại có bậc cao hứng, ra khỏi cửa hàng, đêm khuya, ánh trăng le lói dắt nhau dạo dưới hàng dâu cao, kể chuyện xa cách, gặp gỡ lâu nay của bậc giang hồ hảo hán. Còn ngồi lại trên gác, chỉ có Công Cẩn, Hiển Đạo, Đại Nại đều là bạn rượu lâu nay, ba tháng cùng nhau mở 
Đả lôi đài ở thôn Thuận Nghĩa, Đại Nại trở thành kỳ bài quan ở U Châu, xa nhau cũng đã lâu, giờ mới có dịp khề khà ấm lạnh. Còn Bội Chi, Quốc Tuấn hôm nay bị Giảo Kim đánh bại gân cốt rã rời, cùng với Sài Tự Xương vốn giữ phong độ quý tộc của mình, nên đều đi nằm sớm. Đám Đơn Hùng Tín, cùng với Vưu Thông, Bá Đương, Huyền Thúy, Uất Trì Nam, dưới rừng dâu chuyện trò khá khuya rồi mới kéo nhau về ngủ. 
Sang canh năm, cả bọn trở dậy đi Tế Châu, từ thôn Nghĩa Tang này tới Tế Châu còn bốn mươi dặm. Đi được khoảng hai mươi dặm thì trời vừa sáng, còn hai mươi dặm nữa mới tới thành, đã thấy vô số bọn tay chân chào hàng, mời khách trọ. Ở thành Tế Châu này, các quán trọ lớn đều cho tay chân rải khắp các cửa thành để lôi kéo khách. Bọn này đủ các cách khác nhau để giành cho được khách, miệng chào đon đả, kể hết món ăn thức uống sang trọng, lại khoe các thứ hàng lụa gấm rực rỡ, đồ gỗ, yên cương, tha hồ đại ngôn khoác lác. Khách bị lôi khắp, Hùng Tín lúc này vẫn ngồi trên yên ngựa, cũng phải sai phái: 
- Khỏi được lôi kéo loạn xạ như vậy. Chúng ta đã có nhà trọ quen thuộc lâu nay rồi. Hàng yên cương Giả gia điếm ở cửa tây, chính là chỗ quen thuộc lâu nay của ta. 
Vốn là từ dạo Giả Nhuận Phủ mở cửa hàng bán yên cương. Hùng Tín mỗi lần ở Lộ Châu có ngựa bán hoặc đi Sơn Đông, đều đến hàng họ Giả. Lúc này cũng có hai kẻ tay chân của họ Giả trong dám này, nghe tiếng, nhận ra Hùng Tín, bèn chạy lại: 
- A ha! Đơn viên ngoại, chúng tôi chính là tay chân của Giả gia điếm đây. 
Hùng Tín đáp: 
- Nếu thế thì một tay hãy dẫn người ngựa, hành lý của chúng ta. Một tay hãy chạy về báo với họ Giả trước. 
Giả Nhuận Phủ nguyên là bạn thân của Thúc Bảo. Sáng nay cũng đang ở nhà sửa soạn lễ vật, để sáng mai sang mừng thọ Tần mẫu, thấy đầy tớ vào báo: 
- Trình đại huynh. Đơn viên ngoại cùng các bậc hào kiệt ở Lộ Châu mười hai người nữa đều đã tới. 
Nhuận Phủ cười nói: 
- Đơn viên ngoại cùng các bạn hôm nay tới đây cũng là để ngày mai mừng thọ Tần mẫu. Thế là ta phải thay mặt Thúc Bảo lấy lễ chủ khách ra mà tiếp đón. Các anh hãy dọn cất chỗ lễ vật này đi, còn chuẩn bị đón khách. 

Rồi sai phái đầu bếp, làm ngay cơm rượu, xem lại chuồng ngựa, thức ăn cho ngựa. Mua sắm thêm trà rượu, các loại hoa quả, thực phẩm, đủ cho hàng chục người ăn uống, cho mời cả đội nhạc tới để thêm phần trọng thể. Nhuận Phủ cũng thay quần áo mới, ra đón các vị khách. 

Hùng Tín cùng bạn bè vào đến phủ, đều xuống ngựa đi bộ, xe nhỏ, ngựa, người dắt đều phải đi phía sau. Nhuận Phủ ra đón giữa phố, Hùng Tín nhường cho các bạn đi trước, về đến trước cửa, tháo bỏ yên cương, dẫn ngựa vào chuồng. Nếu là nhà bình thường ở trong thành, thì làm sao mà chứa nổi số người ngựa như vậy, lại là những ngựa thiên lý câu long, ô truy, con nào cũng to lớn, không vừa chuồng, mãi mới đưa vào được. Bàn ghế bày ra, chiếu đệm rải khắp, mọi người cùng chào hỏi, vái nhận bạn bè cũ, giới thiệu bạn bè mới tên tuổi quê quán đều rất mực cẩn thận, thân thiết. Uống một tuần trà, Hùng Tín vẫn thắc thỏm không yên, mới hỏi Nhuận Phủ: 
- Nhuận Phủ hiền đệ, nhân ngày tốt lành này, Thúc Bảo mời bọn Hùng Tín đến đây, sao không thấy có mặt gặp nhau hôm nay. Kẻo rồi ngay mai, mọi người lại mỗi ngã rồi. Hay là chủ nhân kiếm chưa đủ rượu cho khách uống? 

Nhuận Phủ nghe Hùng Tín hỏi thế, lòng thầm nghĩ: "Hôm nay đã là kỳ hẹn thứ hai rồi. Thúc Bảo vẫn chưa thấy tăm hơi gì của bọn cướp Trần Đạt, có lẽ phải vào phủ đường để đổi trát mới. Thúc Bảo là người vốn giàu tình cảm, giờ nghe báo Hùng Tín cùng các bạn tới đây lại càng chẳng yên tâm mà lo lắng việc công. Ta cũng chẳng biết có xảy ra chuyện gì trong phủ thì đi mời Thúc Bảo cũng đành. Đường này đã biết rõ chuyện khó khăn như vậy mà còn vào mời Thúc Bảo ra, thì quả là làm khổ Thúc Bảo đến hai lần". Lại thêm ở đây đông người, không thể kể rõ cả mọi chuyện, nên đành trả lời Hùng Tín chung chung: 
- Tiểu đệ cho người đi mời Thúc Bảo tới ngay. 
Nhuận Phủ nói thế, vì sợ mọi người chờ không được bỏ ra phố đi chơi hết, thì rõ chuyện lôi thôi hiện nay của Thúc Bảo ở phủ đường, nên muốn giữ chân khách khứa lại trong quán ăn uống say sưa đã. 
Chính là: 

Tiệc hoa chuốc chén đồi mồi 
Rượu bồ đào dễ say người bạn xưa. 


*** 

Không nói chuyện Nhuận Phủ bày rượu giữ khách, lại nói chuyện Thúc Bảo từ buổi dính vào chuyện bắt cướp. Bọn Phàn Kiến Uy cũng ngợi ca Thúc Bảo bản lĩnh giỏi giang, quen thuộc việc bắt cướp có thể làm rất tốt chuyện này, thật ra cũng vô tình làm hại Thúc Bảo. Mà không nghĩ ra cho hết rằng, nếu trên lưng ngựa, một đao một thương, thì quả tình không mấy ai địch nổi Thúc Bảo, nhưng đây là chuyện lùng bắt, sưu tra, thì Thúc Bảo tài năng cũng chẳng hơn gì người khác. Lại nữa chuyện này, hàng tháng nay, cả Kiến Uy, Vạn Nhẫn cùng một bọn năm sáu mươi thổ binh tìm kiếm cũng chẳng ra rồi, muốn trút bỏ công việc cho người khác nhưng đời nào Lưu Thứ sử chịu. Hôm nay bạc ba nghìn lạng vẫn chẳng thấy tăm dạng, nên cả bọn dành kéo nhau vào phủ, xin đổi trát lần thứ hai. Vào đến nghi môn rồi, cửa phủ đóng lại. Lưu Thứ sử hỏi kết quả công việc ngày hôm qua. Thúc Bảo trình thưa đầu đuôi,

Lưu Thứ sử ngồi trên công đường, mặt đỏ bừng giận dữ, quát lớn: 
- Đã mấy tháng nay rồi! Làm sao lại không tìm ra được hai thằng giặc cướp. Rõ ràng là các ngươi thông đồng với chúng, để cam chịu trận đòn ngày hôm nay còn hơn. Quyết hại bản quan chứ không vừa. Nếu đã thế, ta sẽ đánh gấp đôi. 

Rồi chẳng nghe biện luận, can gián của xung quanh, Lưu Thứ sử ra lệnh hành tội. Cả năm mươi tư người trong đội thổ binh có ai họ hàng thân thích đều kéo tới trước phủ đường để theo dõi, đoạn đường trước cổng phủ Tế Châu đông nghịt, không còn chen được. Lần hành tội này, Lưu Thứ sử đánh từng người một, mỗi người đủ ba chục roi, nhưng ai bị đánh rồi, vẫn phải nằm chờ trong phủ, vì vậy đánh đủ năm mươi tư người, thì lúc này trời cũng đã chiều, cả bọn mới được lĩnh trát gia hạn, rồi cổng phủ mới mở cho ra. 

Bên ngoài là một cảnh huyên náo lạ thường, tiếng khóc như ri, chỗ này thì khiêng, chỗ kia thì dìu, thì vịn, thì cõng trên lưng bọn thổ binh ra khỏi cổng phủ. Cũng có kẻ phải vào tạm trong quán để nghỉ ngơi, cũng có kẻ được đưa về nhà để rồi còn rượu thuốc giảm đau, chạy chữa các vết thương. Chỉ riêng Thúc Bảo là không giống như người khác, qua trận đánh ba mươi roi này, đầy người vết thương nham nhở, roi trúc cứa rách da lòi thịt, mặt mày xây xát máu me bùn đất chỉ có nỗi hối hận, hổ thẹn dày vò trong lòng thì không sao nguôi được. Thúc Bảo ra khỏi phủ, tự mình gượng bước đi. 
Chính là: 

Nửa này đàn sớm sáo trưa 
Nửa kia nuốt giận gió mưa não nùng. 


Chưa rõ mọi chuyện sẽ ra sao, hãy xem hồi sau phân giải.

Nguồn maxreading.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved