Chương 23 : Tài
Kê Lệnh
Gà Gô nói con gà này
gọi là gà Nộ Tinh, kim kê báo sáng vốn có ý phân biệt đêm ngày âm dương, tiếng
gáy sáng của gà Nộ Tinh chẳng những có tác dụng xua yêu giải độc, mà còn có thể
diệt trừ ma quỷ. Loài gia cầm bình thường chỉ có mí mắt dưới, con gà này có mí
mắt trên thì đích thị là “Phượng Hoàng”, tuy cũng gọi là gà nhưng tuyệt nhiên
không thể xem như gà thường.
Trên đời này thật sự có
phượng hoàng hay không, chưa ai tận mắt trông thấy nên cũng không tiện bàn luận
lung tung. Ngày nay nhiều người cho rằng “huyền điểu dụ hồn” chính là bắt nguồn
từ tô tem gà trống. Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có truyền thuyết về gà Nộ
Tinh, nhưng đến thời Dân Quốc hiện nay, giống gà quý này rất hiếm gặp, dù ngay
trên vùng dất Nộ Tinh Tương Tây đã sản sinh ra chúng, cũng dễ đến một hai trăm
năm mới gặp một lần. Xưa nay “rồng bay phượng hót” vốn là điềm lành trong cõi
nhân gian, bởi loài linh vật này chính là kết tinh của trời đất, giết hại bừa
bãi tất sinh ra đại hoạ.
Gà Gô khẩn thiết nói
với chủ nhà: “Vì thế mới khuyên lão trượng không nên động dao giết gà.” Nói
xong liền nhắc ông ta thực hiện giao ước khi nãy, nhượng lại con gà ngũ sắc cho
mình, bản thân cũng chẳng lấy không, trong cái sọt sau lưng Hồng cô nương có
một túi muối to, dễ đến hơn năm cân. Ở vùng sơn cước, muối còn có giá hơn tiền,
đối với dân bản nơi thâm sơn cùng cốc này, hơn năm cân muối đâu phải chuyện
nhỏ, Gà Gô bằng lòng mang túi muối này đổi lấy con gà.
Ông chủ nhà nghe xong
mới biết, hoá ra gà trống nhà mình đúng là báu vật nhân gian, bình thường giết
gà mổ lợn là chuyện không đáng phải bàn, nhưng giết phượng mổ rồng thì ai có
gan? Thế khác nào tự chuốc lấy vận đen? Ông ta lập tức bỏ ý định giết gà, chỉ
giận mình lâu nay không chịu để ý mí mắt con gà cổ quái như vậy, giờ thì đành
trơ mắt ếch, đem báu vật nhà mình trao cho đám thợ buộc lầu. Ông có ý muốn huỷ
giao ước, nhưng cũng là kẻ có chút hiểu biết, vừa trông hai người Gà Gô và lão
Trần đã biết không phải thợ buộc lầu tầm thường, chẳng may đắc tội với thợ buộc
lầu biết bày bùa trận thì rắc rối to, đành chịu thiệt, cắt đặt con trai mang gà
Nộ Tinh nhốt vào trong sọt tre, đem đổi lấy túi muối của đám thợ mộc.
Lão Trần đứng bên nhìn
thật sướng mắt, hàng ngày lão tự cho mình tài trí hơn người, bụng đầy học vấn,
mấy năm nay lại dẫn dắt phái Xả Lĩnh đi khắp nơi trộm mộ, cũng coi là học cao
hiểu rộng, ăn không ít gà quay, chém không ít đầu gà kết nghĩa, vậy mà quả thật
cũng không biết mí mắt bọn gà nằm trên hay dưới.
Bây giờ mới biết núi
cao còn có núi cao hơn, người tài còn có người tài hơn, không thể không thầm giơ
ngón tay cái khen ngợi. Ban Sơn đạo nhân thịnh vào thời Đường, đến nay tuy đã
lâm vào cảnh chợ chiều, môn đệ còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng thuật
Phân Giáp đã truyền cả ngàn năm quả có chỗ kỳ diệu. Mấy năm gần đây lại xuất
hiện một nhân vật kiệt xuất như Gà Gô, xem ra ngày sau chính là thời Ban Sơn
đạo nhân chấn hưng, nếu kéo được họ cùng nhập hội với Thường Thắng sơn thì lo
gì Xả Lĩnh không có ngày hưng thịnh?
Lão Trần còn đang âm
thầm tính toán làm thế nào để kéo được Ban Sơn đạo nhân nhập bọn, thì Gà Gô đã
trao đổi xong xuôi, cõng trên lưng sọt gà Nộ Tinh, chắp tay cáo từ chủ nhà rồi
quay người bước ra khỏi cổng. Thấy lão Trần vẫn thừ người như kẻ mất hồn, Hồng
cô nương liền kéo nhẹ tay lão. Lúc ấy lão mới giật mình sực tỉnh, vội vã chắp tay,
cười hì hì với hai cha con chủ nhà, nói: “Đã quấy quả lão trượng, nếu có gì đắc
tội, xin lão trượng hải hà lượng thứ, xin cáo từ”. Nói xong liền giũ tay áo,
dẫn Hồng cô nương và anh chàng người Miêu dẫn đường đuổi theo Gà Gô.
Chủ nhà từng là môn đệ
phái Kim Trạch Lôi Đàn phải ngậm bồ hòn chịu thiệt, lại thua kém hiểu biết,
càng nghĩ càng bực mình, thâm tâm ông ta cũng linh cảm đám người này không
giống thợ buộc lầu, không nhịn được bèn nói với theo: “Bái sơn bái đến Bắc Cực
sơn, Bắc Cực sơn mây tía tràn đầy, thập thất nhị danh sơn thiên hạ, chỉ có Bắc
Sơn ánh kim quang... Cướp gà Nộ Tinh nhà tao, tốt xấu gì cũng nên để lại cái
tên!”
Thời đó bọn kết đảng
buôn lậu nhiều như trấu vãi, lại thêm đám người chuyên hành tẩu giang hồ mãi
nghệ kiếm ăn, lục lâm khắp nơi phân thành hai phái chính tà riêng biệt, đều lấy
chữ “sơn” làm hiệu, mỗi “sơn” đại diện cho một ngành nghề hoặc một tổ chức độc
lập, trong thiên hạ lớn thì có ba mươi sáu, nhỏ thì có bảy mươi hai “sơn”, ví
như cánh thợ mộc đều thuộc Hắc Mộc sơn; ăn mày hành khất là Bách Hoa sơn;
phường Cổ thái Hí pháp tạp kỹ mãi nghệ là Nguyệt Lương sơn; còn mấy môn đạo
trước nay đều tự xưng là Bắc Cực sơn, thực ra cũng chỉ là nói phét không mắc
cỡ, ám chỉ nơi thần tiên cư ngụ. Các nghề khi báo sơn đầu với nhau đều dùng
tiếng lóng, gọi là “sơn kinh”, trong mỗi nghề mỗi đạo cũng có tiếng lóng riêng
không truyền ra ngoài, so với “sơn kinh” thì phạm vi sử dụng nhỏ hơn nhiều. Chủ
nhà cho rằng đám thợ mộc này không giống nghệ nhân Hắc Mộc sơn, nên buột miệng
dùng ám ngữ trong “sơn kinh” hỏi xem rốt cuộc bọn họ là người phái nào.
Chủ nhà đã tự báo gia
môn, nhưng trùm sỏ Ban Sơn Xả Lĩnh nào xem bọn Bắc Cực sơn ngoại đạo ấy ra gì.
Lão Trần nghe xong chỉ hừ một tiếng, vờ như không biết, cùng Gà Gô chăm chăm
bước thẳng không thèm quay đầu, đằng nào cũng đã lộ hành tung, đôi ba cái lễ
giáo chẳng cần quan tâm làm gì, một lão già cặn bã trong cái môn đạo vớ vẩn,
đến xách giày cho thủ lĩnh bọn lão còn không xứng nữa là.
Nhưng theo quy định
trong giới giang hồ, chỉ cần đối phương xưng tên hiệu trước, người nghe thấy
buộc phải đáp lại một câu, đây gọi là “người quang minh không làm việc mờ ám”.
Lão Trần đã làm lơ thì Hồng cô nương đi sau phải báo sơn đầu thay cho thủ lĩnh,
lời lẽ cô ả cũng xem như “khiêm tốn”, không nhắc Bắc Cực chỉ so Côn Luân.
Bởi Côn Luân là tổ tiên
của các ngọn núi, không nghề nào dám lấy Côn Luân làm tên hiệu, thế khác nào tự
xưng thủ lĩnh của người khắp thiên hạ, chỉ có quan phủ triều đình mới được xưng
là Côn Luân sơn. Trong số một trăm lẻ tám sơn đầu chỉ có Côn Luân là ngọn núi
thật, những tên núi khác đều là hư danh, chỉ quan lại hoặc đám cảnh sát quân
đội mới được bách tính trộm gọi là Côn Luân sơn. Ngoài những kẻ có tâm làm
phản, coi thường vương pháp, còn chẳng ai dám tuỳ tiện so mình với núi Côn
Luân. Hồng cô nương nghĩ vậy lập tức đáp rằng: “Phỏng sơn có phải phỏng Côn
Luân sơn[26], Côn Luân sơn cao thần tiên lắm, Thường Thắng còn cao hơn Côn
Luân, khí phách trên non thấu tận mây.”
Ông chủ nhà nghe rõ mồn
một, giọng Hồng cô nương tuy không cao nhưng từng từ từng chữ lọt vào tai ông
ta đều như sấm nổ giữa trời quang, hai chân ông ta nhũn ra, cả người ngã phịch
xuống đất.
Anh con trai ngờ nghệch
làm sao hiểu được đoạn ám ngữ đối đáp này, thấy cha ngồi bệt xuống đất lại
tưởng trúng gió, vội giơ tay ra đỡ: “Cha... cha sao vậy?” Ông chủ nhà mặt mày
xám ngắt, tim đập thình thịch, thở dốc mấy hơi mới trả lời được: “Ối cha mẹ ôi,
đám buộc lầu đó... là quân trộm cướp... Thường Thắng sơn!”
Từ đám môn nhân đệ tử
Kim Trạch Lôi Đàn cho đến tất cả những kẻ tu đạo ở Bắc Cực sơn, bất kể đạo sĩ
hay phương sĩ, chẳng qua chỉ là vẽ bùa đuổi tà kiếm miếng ăn lay lắt, lừa lọc
ngu dân kiếm chút bạc tiền mà thôi. Nay thiên hạ đại loạn, lại đã là thời Dân
quốc rồi, còn ai rỗi hơi tin vào mấy thứ bùa chú luyện đơn ấy nữa? Đám người
Bắc Cực sơn đến sống lay lắt qua ngày còn khó, sao sánh được với chúng thái tuế
chuyên giết người phóng hoả, tụ tập làm phản của Thường Thắng sơn? Vào thời đó,
trộm cướp và phiến quân không khác nhau là mấy, chúng xông vào phủ huyện gặp
thành to thành nhỏ đều cướp sạch chẳng tha, tiện tay giết vài mạng dân đen còn
dễ hơn di mấy con kiến.
Thường Thắng sơn tuy
không có hưng thịnh như xưa, nhưng vẫn nắm trong tay mười mấy vạn quân trộm
cướp rải rác khắp các tỉnh lớn, còn ngấm ngầm chống lưng cho mấy thế lực phiến
quân, nếu thật sự hợp sức lại thì những tỉnh thành lớn có trọng binh trấn giữ
cũng khó lòng chống đỡ, Hồng cô nương báo danh vậy là muốn doạ cho chủ nhà sợ
vỡ mật. Ông ta nghĩ lại mà run, vừa nãy nếu có ý huỷ giao kèo, không chịu giao
gà Nộ Tinh theo thoả thuận, chọc giận lũ trộm cướp giết người như ngoé đó, sợ
rằng giờ này già trẻ lớn bé trong nhà đã mất mạng cả rồi. Nghĩ vậy, ông ta vội
cất cờ dẹp trống, đóng chặt cổng giả, trốn biệt trong nhà không dám ho he tiếng
nào.
Bọn lão Trần lấy được
gà Nộ Tinh dễ như trở bàn tay, yên tâm rời khỏi bản Kim Phong, quay về nghĩa
trang Lão Hùng Lĩnh. Lúc này vết thương của La Lão Oai đã khỏi được bảy tám
phần, con mắt độc nhất của hắn long lên sòng sọc, thề dẫn quân lật tung núi
Bình Sơn, mặc kệ Thi vương Thi hậu gì gì, nhất định phải lôi mấy cái xác khô
thời Nguyên ấy ra khỏi mộ cổ giày xéo cho hả dạ, đốt xương cốt thành tro mới
giải được mối hận này.
Lão Trần nói, một dải
Bình Sơn Lão Hùng Lĩnh là nơi sản sinh nhiều chu sa, dược liệu nên sơn dân
thường liều chết lên núi hái thuốc, vì thế có nhiều truyền thuyết bắt gặp cương
thi trong núi, giờ đã tìm được khắc tinh của độc vật bên trong mộ cổ, nhưng lũ
cương thi mấy trăm năm kia một khi đã thành tinh thì cũng phải đề phòng. Nghe
nói cương thi là thứ chết rồi không hoá, những cổ thi đó nếu chết đúng giờ âm
ngày âm tháng âm năm âm, nhờ vào âm khí trời đất sẽ không thối rữa, ban đêm
thường hiện về ăn não người sống. Chúng ta phá núi Bình Sơn ngoài việc diệt trừ
hết lũ yêu tà trùng độc, vét sạch của báu trong mộ đem mưu đồ đại sự, cũng phải
nghĩ cách trừ khử Thi vương Tương Tây, làm vang danh tên tuổi Ban Sơn Xả Lĩnh.
Gà Gô gật đầu đồng ý,
địa hình Tương Tây đa phần là núi cao nước xiết, rừng sâu lắm hang động, cách
biệt với thế giới bên ngoài, là nơi người Di Hán quần cư nên phong tục tập quán
khá đặc biệt. Truyền thuyết về Thi vương Tương Tây đã lưu truyền không dưới
hàng trăm năm, phàm những người lên núi hái thuốc bán hàng hoặc đào mồ trộm mả,
phải qua đêm nơi núi hoang vắng vẻ, gặp phải bất trắc là chuyện thường tình,
trong số đó quả thật có vài người bị khoét rỗng não, chết rất lạ lùng, nên sơn
dân bản địa mới tin chuyện Thi vương ăn não người sống là có thật. Gà Gô vốn
không tin chuyện này, nhưng nhiều sơn dân đã thề độc từng trông thấy cổ thi đời
Nguyên ăn thịt người trên núi, nếu không tận mắt trải nghiệm, quả khó đoán định
thật giả.
Mô Kim hiệu uý có ấn
Phát Khâu, dây trói thây, móng lừa đen và kim Tinh Quan đóng thây để đối phó
với cương thi. Ban Sơn đạo nhân cũng có tuyệt kỹ Khôi Tinh Thích Đẩu chuyên đá
cương thi; phái Xả Lĩnh lại có các loại khí giới như lưới quần thây giống như
lưới bắt cá, sào khiêng thây... Vào trong mộ cổ Bình Sơn không tìm được Thi
vương đời Nguyên thì thôi, nếu đụng phải thật, mọi người cùng tung ra tuyệt kỹ,
nhất định phải bắt lấy nó đốt thành tro.
Đám trộm cùng bàn mưu
tính kế, trước tiên cắt cử một nhóm người vào các bản làng thu mua gà sống, chỉ
lấy gà trống không lấy gà mái, đằng nào việc quân đội của La Lão Oai vào núi
lấy cớ diễn tập để trộm mộ cũng bại lộ rồi, không làm thì thôi, đã làm phải làm
cho trót, chẳng cần giấu giấu giếm giếm nữa làm gì. Mộ cổ Bình Sơn đã nằm trong
tầm ngắm của Thường Thắng sơn, những thế lực khác muốn nhằm vào nó, ít nhất
cũng phải cân nhắc xem thực lực thế nào, chắc không dám manh động.
Nếu trong mộ cổ quả
thực có giếng châu báu từ thời Tống, dù bị quân Nguyên cướp mất một phần, số
còn lại đem làm đồ tuỳ táng cũng tương đối đáng kể. Mộ người Nguyên chôn sâu
táng lớn, nhưng không có nghĩa là dùng toàn áo giấy quách đất giản tiện việc
mai táng, đồ tuỳ táng cũng hậu hĩnh vô cùng. Có thể thấy huyệt mộ và địa cung
trong núi Bình sơn tuyệt đối không nhỏ, một khi đào được, đừng nói là trang bị
vũ khí Anh quốc cho một sư đoàn, ngay cả lập ra hai sư đoàn vũ khí Đức quốc e
vẫn đủ, đám trộm nóng lòng sốt ruột, vội vã bắt tay chuẩn bị.
Mấy hôm sau, lão Trần
chọn ngày hoàng đạo tiến hành lễ “kết liên minh”, lấy nghĩa trang Lão Hùng Lĩnh
làm nghĩa đường. Đám trộm trước khi tiến vào Bình Sơn đổ đấu lần thứ ba, cần phải
kính cáo trời đất, bởi việc lần này không giống mọi khi, Ban Sơn, Xả Lĩnh hai
ngọn sơn đầu bắt tay hành sự, không còn đơn thương độc mã nên cần phát nguyện
trước mặt Thần minh, một là tỏ đồng tâm, hai là cùng kết nghĩa, tránh cảnh ham
lợi quên nghĩa giữa đường, tạo phản ngay trong nội bộ.
Hôm đó hương án được
bày trong mảnh sân đổ nát của nghĩa trang, thực chất chính là bàn thờ chuẩn bị
cho người chết trong toàn quán. Trên án bày thủ cấp ba loài gia súc lợn, bò và
dê, sau treo bức hoạ hai vị Tổ sư gia Tây Sở Bá Vương và Ngũ Tử Tư, cùng thần
vị Quan đế bên trên. Đám trộm khấu đầu bái Tổ sư gia trước, sau mới cắt máu ăn
thề.
Do không phải kết nghĩa
nên rượu huyết không cần máu cắt từ ngón tay giữa mà chỉ dùng máu gà. Việc cắt
máu gà do người phụ trách nghi lễ đảm nhiệm, tuỳ ý chọn lấy một con trong số gà
trống thu được mấy ngày nay, trước tiên xướng bài ca ngợi gà trống, khen con gà
này tốt ra sao, vì cớ sao mà phải giết, bởi đây là bài tán khẩu hát khi cắt
tiết giết gà nên còn được gọi là “Tài kê lệnh”.
Mặt trời đã lặn sau dãy
núi phía Tây, núi rừng mênh mông dần trở nên mơ hồ. Trong ánh hoàng hôn, đám
trộm đốt đuốc xung quanh thắp sáng mảnh sân, chỉ nghe tiếng người chấp sự cao
giọng đọc rằng: “Gà này không phải gà thường, thân khoác lông ngũ sắc, gót mang
cựa ngũ đức, mào đỏ uy phong; gà bay lên đỉnh Thiên cung, Ngọc Đế gọi là Tử vân
kê, bay tới núi Côn Luân, nhân gian gọi là gà báo sáng; hôm nay rơi vào tay đệ
tử đặt tên là gà Phượng hoàng, gà Phượng hoàng thế gian hiếm có, tiếng vang
khắp miền Nam Bắc; mượn máu tươi mày tế trời đất, dâng lên chư vị thần linh,
hai chữ trung nghĩa trước sau như một, đồng tâm hợp lực lên tận trời xanh...”,
chưa dứt lời đã dùng dao cứa cổ gà, đem máu gà nhỏ vào bát rượu.
Tiếp đó, đám trộm tay
bê bát rượu lập lời thề, cũng không nằm ngoài mấy chữ “đồng tâm đồng đức, tụ
lực đoạn vàng”, sau cùng thề độc để tỏ rõ tấm lòng, nếu ai trái lời thề, thiên
địa quỷ thần không dung, tất sẽ bị trời tru đất diệt.
Người chấp sự đứng bên
ghi tất cả những lời thề ấy vào một tờ giấy vàng, đoạn cuộn lại giơ lên cao hỏi
rằng: “Minh thệ ở đây, lấy gì làm chứng?”
Được hai vị đại thủ
lĩnh là lão Trần và Gà Gô dẫn đầu, đám người đồng thanh đáp ran: “Có tán thi
làm chứng.”
Người chấp sự lại giơ
cao cuộn giấy vàng hỏi: “Tán thi ở đâu?”
Cả đám trộm mặt mày
nghiêm trang, không dám chểnh mảng, lập tức ngửa mặt lên trời đọc hết bài tán
thi kết minh, bài tán khẩu này trước ca ngợi Quan Nhị Gia nghĩa khí thầu trời:
“Giáng trần mặt đỏ tóc xanh, lòng son một tấm sánh cùng nước non, năm cửa ải
chặt đầu sáu tướng, bạch mã phi nhanh tỏ thần uy, đào viên kết nghĩa càn khôn
thấu, tiếng thơm vạn cổ mãi lưu truyền.”
Sau là ca ngợi Tống
Công Minh ở Thuỷ Bạc Lương Sơn: “Lương Sơn Thuỷ Bạc một toà thành, hảo hán
trong thành trăm lẻ tám, thiên cang địa sát tụ về đây, Cập Thời Vũ chính ngôi
cao nhất, đến nay bách tính còn ngợi ca, can đảm vô song một lòng trọng nghĩa.”
Đọc hết tán thi, đám
trộm nhất tề hướng về người chấp sự hô to một tiếng “Đốt!”, người chấp sự đốt
tờ giấy vàng, đám trộm đồng thời ngửa cổ uống cạn bát rượu huyết, rồi giơ cao
cái bát không trong tay, ném mạnh xuống đất, chỉ nghe một loạt những tiếng
“choang choang”, mảnh sành bắn tung toé.
Một buổi lễ kết liên
minh trong giới lục lâm nhất định phải đầy đủ những thủ tục nói trên, đem so
sánh với nghĩa cử của người xưa sẽ thấy có phần học hỏi. Sau khi tuyên thệ, thề
độc, hán tán khẩu, lại uống rượu huyết, đốt giấy vàng, coi như lễ bái xong
xuôi, hai sơn đầu đã có thể “hợp binh một mối, cùng đánh một nhà”, giở hết
tuyệt kỹ cất nơi đáy hòm, hợp sức xới tung mộ cổ Bình Sơn.
Chương 24 : Sơn Âm
Đám trộm chặt đầu gà
đốt giấy vàng, lập thành hiệp ước đồng minh: tất cả đơn dược minh châu bên
trong mộ cổ đều thuộc về Ban Sơn đạo nhân, số minh khí tuỳ táng còn lại là của
đám trộm Xả Lĩnh. Ngay sau đó, đèn đuốc nhất loạt được thắp sáng, đoàn người rời
khỏi nghĩa trang Lão Hùng Lĩnh, mượn ánh trăng soi đường rồng rắn kéo nhau lên
núi trộm mộ.
Đội quân trộm mộ đi đầu
là lính công binh của La Lão Oai, gồm không ít người “cắm chân hương” tại
Thường Thắng sơn. Cắm chân hương trong giới lục lâm mang hàm ý nhập bọn, đám
lính này cũng giống như quân trộm mộ Xả Lĩnh, trên cánh tay đều buộc dây chu sa
làm dấu.
Đám công binh còn lại
chẳng khác gì lính hậu cần của phiến quân, có nhiệm vụ khiêng súng ống và thuốc
nổ, mang vác các loại dụng cụ đào đất như cuốc, xẻng, rìu, ngoài ra sau lưng
mỗi người còn phải đèo sọt tre lồng tre đựng một con gà trống sống. Trong tiếng
gà gáy loạn xị, lính công binh xếp thành hàng rời rạc hành quân lên núi.
Đường núi mấp mô bước
đi chật vật nhưng người nào người nấy mặt mày rất phấn chấn, không mảy may nghĩ
tới những nguy hiểm gặp phải trong hai lần lên núi trước, vì hầu như tất cả đều
mong được cùng Trần thủ lĩnh và La đại soái đổ đấu phát tài. Một khi đào được
địa cung thật, phận lính quèn chẳng sơ múi gì nhiều, nhưng cứ theo lệ cũ thì
cũng không dưới mười đồng bạc trắng và một bánh Phúc Thọ cao. Trộm mộ tuy là
công việc nguy hiểm nhưng thời đó phiến quân bạo loạn khắp nơi, lòng người rối
ren, dù trộm mộ trúng tà gặp ma vẫn còn tốt hơn làm bia đỡ đạn nơi sa trường,
cái việc đào mồ quật mả này, đổ sức đổ máu ít ra còn được vài đồng bạc trắng,
làm lính ăn lương cũng là vì kiếm bát cơm ăn, có mấy ai vì đánh trận mà sang
quân làm lính.
Theo sau đội công binh
là đám trộm Xả Lĩnh do lão Trần trực tiếp cầm đầu, hai lần trước vào núi thiệt
mạng hơn trăm huynh đệ, nên vừa phải điều thêm một đội quân tinh nhuệ từ Tương
Âm, ai nấy trang bị kỹ lưỡng giắt trong giắt ngoài, đều là các anh tài.
Ban Sơn đạo nhân Gà Gô
dẫn theo Lão Tây và Hoa Linh đi lẫn trong đội hình Xả Lĩnh. Gà Gô đeo trên lưng
sọt gà Nộ Tinh, trong người giắt theo khẩu súng ngắn hai mươi viên. Sư đệ Lão
Tây tướng mạo quá đỗi đặc biệt, nhìn biết ngay là người Sắc Mục từ Tây Vực tới,
tuổi đời mới ngoài hai mươi tám mà bộ râu rậm đã dài tới ngực, dáng người lại
cao to vạm vỡ, trông như gã trung niên ngoài bốn mươi. Người này tính tình rộng
rãi nhưng kiệm lời, chỉ răm rắp nghe theo sư huynh Gà Gô.
Hoa Linh lại có tướng
mạo khá giống Gà Gô, ngoài đặc điểm mũi khoằm mắt sâu ra thì chẳng khác gì
người Hán, bên người lúc nào cũng mang theo một gùi thuốc. Đám Ban Sơn đạo nhân
hiện giờ có thể ra ngoài trộm mộ chỉ còn ba người bọn họ. Lần này vào núi Bình
Sơn, cả ba đều mang theo Phân Sơn Quật Tử giáp vô cùng nặng, xưa nay vật này
luôn là bí mật của phái Ban Sơn, chưa ai từng tận mắt thấy họ sử dụng, ngay cả
lão Trần là trùm sỏ Xả Lĩnh cũng không được tường tận.
Vùng Tương Tây có tổng
cộng tám trăm ngọn núi, ba ngàn con sông, cách cổng trời mười bước leo, địa
hình thế núi so với nơi khác đều rất đặc biệt. Đám trộm tới được Bình Sơn thì
trời đã sáng rõ mặt người, chỉ thấy xung quanh núi cao rừng sâu, xanh ngắt một
màu. Bên trong khe núi sương mây âm u, yêu khí bao trùm, đâu đâu cũng thấy vẻ
yêu dị tà quái, cũng may lần này lên núi lại kéo cả đội quân hùng hậu, sát khí
nặng nề trên người đám lính đã giúp xua tan lớp sương mù ma quái.
Lão Trần mời Gà Gô tới
xem địa hình Bình Sơn, hai phái Ban Sơn Xả Lĩnh đều không có bản lĩnh xem thế
núi dò địa mạch như Mô Kim hiệu uý, song được cái lão Trần giỏi dùng quyết
“văn”, trong núi chỗ nào có địa cung lớn ra sao lão đều đã thăm dò được ngay từ
đầu, toà ủng thành có giếng thuỷ ngân bẫy tên đã bị cát chảy vùi lấp, nhưng có
lẽ còn minh thành đại điện, ước chừng vị trí nằm ngay giữa lòng núi.
Có điều cấu tạo Bình
Sơn toàn là đá xanh nên rất khó nhìn sắc cỏ phân vết bùn, tìm ra lối vào thực
sự của mộ đạo địa cung, cũng có lẽ chẳng có lối vào nào khác ngoài toà thành
bẫy đã bị lấp đá đổ chì kín mít từ khi niêm phong minh điện kia. Nếu muốn vào
mộ cổ trộm bảo vật, chắc chỉ còn cách trèo xuống khe nứt trên đỉnh núi, thông
thẳng tới hậu điện, có điều giữa hậu điện và đại điện cũng bị bít kín bằng đá
tảng, lính tráng phải đông đảo mới mong dịch chuyển được.
Lão Trần đưa ra kế
hoạch: đầu tiên thả lũ gà trống giải quyết gọn ghẽ bọn trùng độc ẩn nấp trong
khe núi và hậu điện, sau mới dùng thuốc nổ mở đường tới thẳng minh điện, hoặc
vẫn dùng thuốc nổ mở đường làm chủ đạo, chọn một nơi kém kiên cố nhất trên
triền núi rồi cho nổ mìn từ đấy, sau đó đào thằng tới địa cung. Đây là cách đám
lực sĩ Xả Lĩnh hay làm, tuy khả thi nhưng tốn rất nhiều thời gian lẫn sức người
sức của.
Gà Gô quan sát Bình
Sơn, trầm ngâm giây lát, ngọn núi này quả thật đặc biệt, dáng núi xiêu vẹo như
sắp đổ, thân núi có nhiều vết nứt lớn như dao chém, nhìn tổng thể ngọn núi
giống như một chiếc bình cổ, e đúng là bình quý đựng tiên đơn từ trên trời rơi
xuống, nếu không lấy đâu ra một thứ tạo vật thần kỳ như vậy? Nhìn mãi nhìn mãi,
anh ta bỗng sực nghĩ, đã không vào được từ đỉnh núi, sao không tiến vào từ chân
núi?
Núi Bình Sơn đổ nghiêng
tạo thành một góc nhọn so với mặt đất, trong góc dây leo chằng chịt, nước chảy
róc rách, cùng với thế đổ của vách đá, góc càng vào sâu càng hẹp, ánh sáng mặt
trời bị mây mù núi đá che khuát, khiến chân núi lúc nào cũng như bao phủ bởi
màn đêm.
Gà Gô tuy không hiểu về
thuật phong thuỷ nhưng vốn là kẻ tinh nhanh, cũng biết nhìn bùn phân đất. Khe
đá dưới chân núi trăm ngàn năm không có ánh mặt trời, chính là bối âm địa, vậy
mà lại xuất hiện dây leo rậm rạp, chứng tỏ chân núi không phải toàn nham thạch,
nếu từ đó đào thông lên trên, chắc sẽ tốn ít công sức hơn đào từ trên xuống.
Mọi người bàn bạc hồi
lâu, cuối cùng quyết định chia quân thành hai lộ, lão Trần và La Lão Oai dẫn
đội công binh tới lưng chừng núi đào lỗ gài mìn, nổ mìn phá đá đào mộ đạo, còn
Gà Gô dẫn người của Ban Sơn và một toán quân Xả Lĩnh xuống chân núi kiếm lối
vào. Lần này nhân lực dồi dào, chia nhau hành động như thế, dù lộ quân nào đắc
thủ trước, báu vật trong mộ cổ Bình Sơn cũng coi như nắm chắc trong tay.
Số gà trống gom được
đều giao cho lão Trần sử dụng, đủ để tiêu diệt trùng độc trong lòng mộ cổ.
Tiếng gà gáy giữa núi rừng âm u xua tan hoàn toàn lớp sương độc khí độc trong
khe núi, rết lớn rết nhỏ hình như biết khắc tinh xuất hiện nên bảo nhau trốn
biệt trong gốc cây khe đá, không dám cựa quậy, sao còn dám nhả độc hại người
nữa. Cánh quân lão Trần bận bịu với việc nghe đất tìm huyệt, đặt mìn, chuyện
này không nhắc tới nữa.
Chỉ nói đến cánh quân
của Gà Gô mang theo mỗi con gà Nộ Tinh sau lưng thủ lĩnh, ngoài hai Ban Sơn đạo
nhân là Hoa Linh và Lão Tây, còn có Hồng cô nương dẫn theo mười mấy tên trộm Xả
Lĩnh tương trợ. Bọn họ chuẩn bị xong xuôi, bèn vòng ra sau núi, đường xuống
chân núi chẳng dễ xơi tẹo nào, từ lưng đèo tới chân núi toàn vách đá dốc đứng,
không có lấy một lối đi, cả bọn phải bám vào vách núi mà bò xuống.
Khắp vách núi là những
mỏm đá đâm ngược lên hoặc chĩa thẳng xuống, tuy có thể mạo hiểm leo bám, nhưng
nếu phải kẻ nhát gan, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ cứng cả bắp chân. Đám Ban Sơn
đạo nhân Gà Gô đều là những tay to gan lớn mật, nhóm anh em Xả Lĩnh do Hồng cô
nương chỉ huy cũng là cao thủ Thường Thắng sơn, dùng thang rết móc vào vách đá
hiểm trở trèo xuống không tốn chút sức nào.
Gà Gô thấy thang rết
móc vách núi tuy cấu tạo đơn giản nhưng lại là công cụ đào mộ độc đáo sáng tạo,
tác dụng cực lớn, không khỏi thầm khâm phục món đồ bí truyền của phái Xả Lĩnh.
Đoàn người như lũ vượn
vọp đu dây bám thang tụt xuống, ngẩng đầu nhìn lên chỉ thấy cổ và thân bình
Bình Sơn xanh ngắt một màu, cao vợi trên đỉnh đầu. Nhìn từ xa, chỉ thấy ngoài
thế núi kỳ thú vách đá hiểm trở, cũng chẳng có gì đáng sợ, nhưng xuống tới chân
núi rồi mới nhận ra ngọn núi đá xanh này quả thật hùng vĩ thâm nghiêm, ngàn vạn
mỏm đá lớn cứ treo nghiêng giữa trời như vậy không biết đã mấy ngàn mấy vạn
năm. Nếu chẳng may cả quả núi này bỗng dưng đổ xuống, dân chúng chỉ còn nước
thịt nát xương tan, đến thần tiên cũng khó tránh nổi hoạ, đám tộm tuy to gan
lớn mật vẫn không khỏi run sợ trước hiểm thế Bình Sơn, hơi thở bất giác nặng nề
hẳn.
Đi thêm mấy bước, nước
từ các nhũ đá thấm ra rỏ tí tách xuống đầu, lạnh thấu xương, cả đám đành đội
nón lá khoác áo tơi, xách đèn bão tiến về phía trước, chốc chốc lại phải đưa
tay ra gạt đám dây leo thòng lòng trước mặt, chậm chạp nhích lên từng bước.
Vách núi trên đỉnh đầu ngày càng thấp xuống, không khí xung quanh ẩm ướt vô
cùng, ai cũng cảm thấy ngột ngạt khó thở.
Thêm mấy trăm bước nữa,
trước mặt hiện ra một cái ao do nước mưa trong núi tích tụ thành, mặt đất bị
nước lạnh ngâm trong nhiều năm, lõm xuống thành ao. Ao rất sâu, mặt nước nổi
đầy bèo tấm, nước trên nhũ đá liên tục rỏ xuống khiến mặt ao cứ lăn tăn gợn
sóng, lại thêm rất nhiều dây leo rủ xuống lòng ao. Gà Gô thấy dưới chân núi quả
thực có động thiên hiếm có, chứng tỏ phán đoán ban đầu của mình là đúng. Có
điều nơi này thâm u nhỏ hẹp, ao nước lại sâu, nếu muốn tiếp tục tiến vào trong
chỉ có cách đu dây nhảy qua, cách này đối với Gà Gô đương nhiên không khó,
nhưng những người khác thì chưa chắc đã ổn, không lẽ lại dầm mình trong nước hồ
lạnh thấu xương mà bơi qua? Nghĩ đến đây, hàng chân mày hắn khẽ cau lại.
Hồng cô nương nhìn ra ý
hắn, liền bảo thuộc hạ lấy thang rết kết thành dạng lưới, ruột tre vốn rỗng nên
sức nổi cực lớn, có thể làm bè vượt ao.
Gà Gô bèn gật đầu tán
thưởng, nhanh chóng bước lên bè tre ghép bằng thang rết, giơ cao cây đèn bão
xác định rõ hướng đi, đoạn lệnh cho mọi người khoát nước lái bè tiến lên phía
trước, ba chiếc bè tre rẽ nước trôi ra giữa ao.
Đi được nửa đường, Hồng
cô nương đang đứng trước mũi bè chợt thấy trong bóng tối dường như có hàng loạt
tiếng bò lúc nhúc, cô cũng là người có nhãn lực tốt nhưng không thể so với lão
Trần sinh ra gặp kỳ duyên, trong lòng cổ mộ còn có thể mở to mắt cú, chứ nơi
tối đen thế này thì chịu, không sao nhìn rõ được.
Hồng cô nương từng tận
mắt trông thấy những loại độc vật sinh trưởng trong núi Bình Sơn, ngờ rằng phía
trước không lành, vội rút ra ba cây phi đao, dồn hết thần lực chăm chăm hướng
về phía trước, hễ có thứ gì xuất hiện, lập tức dùng thủ pháp của Nguyệt Lương
Môn găm cho nó mấy phát rồi tính.
Gà Gô cũng phát hiện
thấy điều bất ổn từ sớm, nhưng hắn vốn là tay lão luyện nên vẫn dỏng tai nghe
ngóng đoán định tình hình. Bè tre càng tiến tới âm thanh phía trước lại càng rõ
ràng hơn, như thể có cả một đàn chuột đang đua nhau gặm nhấm, chí chí chách
chách không biết bao nhiêu con. Trong đầu chợt loé lên một ý nghĩ, hắn vội la
lớn “Nằm xuống!” rồi ấn ngay Hoa Linh đứng bên nằm úp xuống bè tre.
Bọn Hồng cô nương nghe
vậy cũng giật mình, vội ngồi thụp xuống. Chỉ thấy bên tai vù vù hỗn loạn, từ
khe đá trước mặt bỗng ào ra một bầy dơi lớn, tựa như một trận cuồng phong đen
ào tới giữa không gian chật hẹp của vách đá và mặt ao. Bầy dơi quá đông, lại
hoảng loạn nên bay loạn xị đâm cả vào nhau rơi xuống ao nước hoặc va đầu vào
vách đá, kêu lên thảm thiết, âm vang cả núi.
Một tên trộm Xả Lĩnh
đứng trên bè tre phản ứng hơi chậm liền bị lũ dơi xúm lại. Chúng hoàn toàn
không có chủ ý tấn công con người, song vì vừa bị kinh động, đụng phải thứ gì
liền vô thức cắn bừa theo bản năng để bảo toàn mạng sống, móng vuốt lũ dơi rất
sắc nhọn, cào trúng một nhát có thể tước cả mảng da thịt. Tên trộm giãy giụa
tránh né thế nào cũng vô dụng. Chỉ trong chốc lát da thịt trên người hắn đã bị tước
sạch, còn trơ lại bộ khung xương nham nhở máu thịt rơi tõm xuống nước, tiếng
kêu thảm trước khi chết của hắn như còn vọng lại giữa vách đá âm u.
Gà Gô không ngờ trong
khe núi này lại có nhiều dơi đến vậy, cái khó ló cái khôn, anh ta vội vỗ mạnh
vào lồng gà sau lưng, gà Nộ Tinh lập tức cất tiếng gáy vang, âm thanh dội xuống
mặt nước. Gà gáy sáng vốn là điềm báo âm dương phân chia giữa trời và đất, loài
dơi chỉ xuất hiện khi đêm tối, vật tính thiên nhiên tương khắc, gà Nộ Tinh lại
không phải vật thường, quả nhiên bầy dơi đông đúc nghe tiếng liền bay tan tác,
không dám bén mảng tới gần bè tre nữa, chẳng bao lâu đã tản đi không còn một
mống.
Đám trộm vừa vào núi đã
mất đi một mạng, ai cũng rùng mình ớn lạnh, cảm thấy mới xuất quân đã gặp điểm
bất lợi thật chẳng tốt đẹp gì. Đời họ tuy đã quen với cảnh đầu rơi máu chảy,
chẳng lạ lẫm gì chuyện sống chết, cũng biết trộm mộ mất vài mạng người là
chuyện thường, nhưng cái chết của người anh em vừa rồi quá đỗi tàn khốc, khiến
ai nấy chứng kiến đều dựng tóc gáy.
May sao bầy dơi đến
nhanh đi lại càng nhanh, chiếc bè tre cũng sắp sửa cập bờ. Núi Bình Sơn cắm
xuống lòng đất chính tại nơi này, quanh chân núi toàn đá vụn, không ai có thể
tiếp cận chỗ hẹp nhất, chỉ cần đứng thẳng ngẩng đầu liền va phải nham thạch
lạnh ngắt phía trên.
Mọi người theo Gà Gô
nhảy lên bờ, chợt nghe có tiếng chóp chép như người đang uống nước, ai nấy đều
kinh ngạc, giơ đèn soi bốn phía, bỗng buột miệng kêu “á” một tiếng.
Dưới ánh đèn tù mù, họ
thấy trong khe núi có tới mười mấy đụn đất, như một dãy mồ nằm san sát bên
nhau, bị nước xối bùn rơi, những chiếc quan tài dưới mộ đều lộ cả ra ngoài.
Trong số đó có một cỗ áo quan gỗ để mộc bắt mắt, máu tươi tanh tưởi rỉ ra từ
nắp áo quan, một con báo nhỏ đang nằm phục trên nắp áo quan, thè lưỡi liếm lấy
liếm để vũng máu đen.
Chương 25 : Phân Sơn Quật Tử Giáp
Con báo nhỏ nằm bò trên
nắp áo quan liếm máu, say sưa tham lam không hề biết đến đám người mới tới. Gà
Gô cách đây không lâu đã cùng Hoa Linh và Lão Tây trừ khủ Bạch Lão thái thái
dùng thuật Viên quang hại người trên bia cổ. Quanh núi Bình Sơn âm u lạnh lẽo,
ít thấy báo, không ngờ xuống dưới chân núi này lại đụng phải một con, nhìn màu
lông và dáng vẻ gian tà của nó thì biết ngay chính nó là cháu chắt chút chít
của con báo già ở khu bia mộ bên kia.
Những việc thế này
trước đây không cần đến Gà Gô ra tay, sư đệ tóc xoăn Lão Tây đã nhanh nhẹn bước
lên phía trước, dùng bàn tay như gọng kìm sắt tóm lấy cổ con báo, xách đến
trước mặt sư huynh chờ xử lý.
Lúc này con báo nhỏ như
mới bừng tỉnh, hai bên mép vẫn còn vương máu đen rỉ ra từ vỏ quan tài, nó thông
thuộc tính người, tựa hồ cũng có thể thấy sát khí bừng bừng tỏa ra từ đám trộm
mộ, biết đại nạn sắp giáng xuống đầu nên toàn thân run lên lẩy bẩy, vãi ra cả
cứt lẫn đái.
Hồng cô nương đứng bên
chẳng hiểu trời trăng gì, cô ta giữa đường xuất gia nhập bọn với bọn Thường
Thắng sơn, đối với việc trộm mồ quật mả vẫn là dân ngoại đạo, nay thấy trong
khe núi âm u có mộ phần quan quách, lại có con báo nhỏ mắt la mày lét không
biết đang làm trò xấu xa gì, không kìm được lên tiếng hỏi.
Gà Gô không trả lời,
chỉ khoát tay ra hiệu với Hồng cô nương và thuộc hạ đứng sau, dẫn cả bọn tiếp
cận dãy mồ trong chân núi. Chỗ này là nơi Bình Sơn tiếp giáp với mặt đất, đám
trộm vào đến đây không thể đứng thẳng lưng, chỉ đành lom khom xách đèn chui vào
góc hẹp, tới gần cỗ áo quan để mộc đang rỉ ra máu bẩn.
Mùi máu tanh xộc vào
tận mũi, cả bọn vội dùng lụa đen che mặt, bịt kín mũi mồm, đoán chừng trong áo
quan đến tám phần là đựng xác thối. Nhưng Gà Gô cảm thấy cỗ quan tài mộc này
không giống áo quan thông thường, phàm là nơi có mộ cổ, đại điện, đạo quán lớn,
sinh khí ắt phải tràn trề, núi non bàn đất đều có hai mặt âm dương, trong chân
núi tối tăm ẩm ướt này, một cỗ áo quan từ hàng trăm năm trước không thể nào mới
tinh như vậy được, dù là kẻ đi nhiều hiểu rộng, hắn cũng không biết có chuyện
cổ quái gì ở đây.
Gà Gô vốn là cao nhân
to gan lớn mật, gặp phải chuyện gì kỳ lạ đều nhất định phải tra tới ngọn nguồn,
hắn đưa tay gõ vào cỗ áo quan hai cái, “cạch cạnh”. Thứ gỗ này xem ra cũng là
loại quý, nhưng tuyệt đối không phải hàng hiếm, từ các khe kẽ trên áo quan rỉ
ra thứ máu tanh tưởi dính nhớt, bốc mùi như cá chết gặp nắng.
Quan sát bên ngoài
không thu được kết quả gì, Gà Gô bèn lệnh cho mấy tên Xả Lĩnh lên trước phá
quan, đám người này đã nghe lão Trần căn dặn phải phục tùng Gà Gô như phục tùng
thủ lĩnh Thường Thắng sơn, lập tức vâng lời, xách rìu dài tiến lên phía trước.
Phá quan là một khâu
quan trọng không thể thiếu trong mỗi vụ đổ đấu của dân trộm mộ. Mô Kim hiêu úy
khai quan dùng Thám Âm trảo và Hắc Chiết tử, chủ yếu là “bẩy” và “nhấc” nên mới
có câu “thăng quan phát tài”, Xả Lĩnh lực sĩ đi trộm mộ khai quan lại quen dùng
Khai Sơn phủ, tập trung “phang”, “bổ”. Có điều không gian dưới chân núi này quá
hẹp, không thể bổ nắp áo quan, chỉ thấy ba người họ cùng vung ngang rìu lên,
lưỡi rìu bổ xuống, nứt toác một khe lớn trên thân quan tài.
Họ lại dùng rìu bẩy
rộng khe nứt ra, chẳng mấy chốc cỗ áo quan lành lặn đã bị tháo tung, soi đèn
nhìn vào, chỉ thấy bên trong chẳng có cái xác nào ngoài đám nhục khuẩn[27] to
lù lù, đang không ngừng rỉ nước đen, mùi vị màu sắc đều giống hệt xác thối.
Gà Gô thấy vậy chợt
hiểu sự tình, bèn sai người thắp đuốc đốt cháy đống nhục khuẩn. Thì ra cỗ áo
quan để mộc này không phải quan tài đặt xác chết mà hộp đựng nhục khuẩn trong
Đơn cung. Kỹ thuật luyện đơn bằng thủy ngân thời Tống khác xa thời Tần Hán, so
với triều đại trước đã tinh vi hơn nhiều, bắt buộc phải nung chảy thủy ngân
thành bạc, đồng sắt thành vàng, thêm thảo dược làm vật dẫn để hợp thành đơn,
thảo dược luyện đơn không thể thiếu những thúy quý hiếm như linh chi, cửu long
bàn, nhục khuẩn, thái tuế[28]…, nhưng nhục khuẩn sau khi bị hái, để trong môi
trường bình thường rất khó bảo quản, chẳng mấy chốc sẽ khô đi, mất hết dược
tính, cách bảo quản duy nhất là bỏ chúng trong lớp gỗ mộc, chôn chặt sau sườn
núi tối tăm ẩm thấp.
Tất cả các đụn đất
trông như mộ phần ở đây đều chôn những hộp gỗ như vậy, cũng không biết là do
con báo kia moi lên hay bị nước bùn xâm thực nên trồi cả lên. Nhục khuẩn trong
hộp ở môi trường ẩm ướt vẫn sinh sôi nảy nở, nhưng chôn đã nhiều năm nên không
thể làm thuốc, chỉ tổ cho con báo nhỏ tìm đến liếm nước dịch tiết ra.
Gà Gô gườm gườm nhìn
con báo nhỏ bị Lão Tây bắt về, chửi: “giống súc sinh này cũng không khác gì lũ
người vọng tưởng thành tiên kia, đều định nuốt đơn phục thuốc để được trường
sinh bất tử. Người xưa chưa luyện được linh đơn trong núi Bình Sơn, dược liệu
thừa lại thành ra báu chúng mày, còn để mày làm xằng làm bậy, sớm muộn gì cũng
sinh hậu họa.”
Hồng cô nương nghe lão
Trần kể chuyện con báo già ở chỗ bia cổ nên vô cùng lo lắng, bèn hỏi Gà Gô: “Đã
vậy, hay là để anh em giết luôn con báo này đi?”
Gà Gô bình sinh giết
người như ngóe, gặp phải hạng lòng lang dạ sói hay gian xảo điêu ngoa, đều ra
tay không dung tình, giết một con người bằng xương bằng thịt chỉ đơn giản như
di lũ chấy rận, huống hồ một con báo không biết thân biết phận, ham muốn đơn
dược?
Nhưng anh ta trước nay
đều quen hành sự một mình, chỉ vì phái Ban Sơn đang trong cảnh chợ chiều, người
biết thuật Ban Sơn ngày càng ít, nên mới dẫn Hoa Linh và Lão Tây theo mình để
học chút tài nghệ thực sự, phòng khi đổ đấu nhỡ may bất trắc thì Ban Sơn Phân
Giáp thuật lưu truyền cả ngàn năm cũng không đến nỗi thất truyền. Gà Gô không
muốn tùy tiện sát sinh trước mặt sư đệ sư muội, mọi việc trong thiên hạ vốn đã
không thể rạch ròi, giết hay không giết cũng chỉ là ranh giới mong manh trong
suy nghĩ, anh ta không muốn đưa họ vào con đường tà đạo gieo nhiều nghiệp
chướng.
Cho nên nghe Hồng cô
nương hỏi có nên giết luôn con báo hay không, Gà Gô liền lắc đầu: “Cứ tạm giữ
cái đồ thối thây này lại đã, lát nữa khắc cần đến.”
Đám trộm không biết Gà
Gô định giữ lại con báo làm gì, nhưng cũng không dám hỏi nhiều, đành theo lời
anh ta cắt đặt, đào từng hộp nhục khuẩn lên rồi châm lửa đốt, sau đó tận dụng
đám cháy châm một lượt đuốc, tạm thời tắt đèn bão đi, tản ra khắp các ngóc
ngách dưới chân núi tìm xem chỗ nào có thể đào được đường hầm.
Cứ theo tuyệt chiêu
nghe gió nghe sấm của lão Trần thì mộ cổ trong núi Bình Sơn chẳng khác mấy so
với tiên cung đạo quán xây dựng trên đỉnh núi, chẳng qua chỉ là lợi dụng các
hang động, dựng tiên cung trong lòng núi, xây dần theo hình bậc thang. Bình Sơn
thế núi đổ nghiêng, điện cung trong lòng núi cứ dải nọ cao hơn cái kia, ước chừng
cao đến bốn năm tầng, quy mô cực kỳ hùng vĩ.
Tòa thành đào được từ
địa môn dưới chân núi có lẽ là lối vào tiền diện, nhưng khó ở chỗ không biết âm
cung chôn mớ xương khô mộ chủ và đống minh khí bồi táng rốt cuộc nằm ở điện
nào. Theo suy đoán của Gà Gô, nếu bắt đầu đào từ chân núi ước chừng vị trí vừa
hay có thể đào thẳng tới đại điện phía sau ủng thành. Nhưng dưới chân núi đất
đá lẫn lộn, khe núi lại tịch mịch ngoắt ngoéo, thực không biết phải đào từ đâu.
Gà Gô trước khi vào đây
cũng chỉ định thăm dò một chuyến chứ không nắm chắc được gì, có điều vừa quan
sát qua đã biết mình đoán trúng đến bảy tám phần. Bình Sơn tuy là một khôi đá
xanh nguyên vẹn, nhưng không phải không cách nào phá nổi, ở sườn núi Nam như
một tấm khiên đá xanh khổng lồ, tựa tấm giáp sắt đao gươm bất nhập, chặn đứng
hết thảy đám trộm mộ định dùng ngoại lực đào khoét mộ cổ, thì sườn núi Bắc
chính là nơi bị bỏ ngỏ lãng quên, là khe hở của tấm giáp sắt. Dưới gầm trời này
thứ càng quy mô to lớn thì càng dễ tìm ra nhược điểm, trăm chỗ dày ắt có chỗ
thưa, sơ hở nơi sườn Bắc đất đá hỗn tạp này, e rằng đến lũ người Nguyên cải tạo
cung điện thành huyệt mộ cũng không ngờ tới.
Phương pháp trộm mộ
muôn hình muôn vẻ, trên thực tế đều can hệ đến khoét hầm xuyên quách phá quan,
tuy mỗi cách một kỹ thuật riêng, nhưng cũng không mấy khác biệt, duy chỉ có
phương pháp tìm mộ táng là khác nhau một trời một vực, phân ra cao thấp rõ
ràng. Ba quyết đầu trong “vọng văn vấn thiết” đều là phương pháp tìm mộ táng,
trong đó kỹ thuật của Mô Kim hiệu úy là lợi hại nhất, Ban Sơn Xả Lĩnh đều tâm
phục khẩu phục, những bí thuật phong thủy như “Tẩm long quyết”, “Phân kim định
huyệt” thì chỉ những kẻ đeo bùa Mô Kim mới có thể triển khai. Phái Mô Kim vạch
núi bới đầm tìm kiếm mộ cổ, nhìn dáng núi biết được địa cung nông sâu, xem sao
trời đoán ra phương vị quan quách, bản lĩnh tài nghệ đám trộm mộ khác có theo
cũng không kịp.
Nhưng ai nấy đều có
điểm mạnh điểm yếu, Ban Sơn đạo nhân cũng có phương pháp độc môn của mình.Đám
trộm tìm kiếm hồi lâu, giơ gậy tre chọcông chọc tây, nơi này đâu đâu cũng ngấm
nước ẩm ướt, phương pháp nhìn vết bùn phân sắc cỏ của phái Xả Lĩnh coi như vô
dụng.
Trong các thủ pháp đào
mộ, hạn chế nhất là xem đât phân bùn, hễ gặp nơi sa mạc hoặc chố bị ngập nước
là mất hết linh nghiệm. Gà Gô thấy tình hình như vậy bèn bảo đám Xả Lĩnh dừng
tay, túm lấy con báo trong tay Lão Tây, lại thò tay vào bụng móc ra một viên
rết châu. Đây chính là thứ lão Trần và La Lão Oai lấy được từ đợt đào Thi đầu
man lần trước, khi vào núi đã chia cho mỗi người một ít, phòng khi bị trùng độc
cắn có dùng để hút độc, nhưng tuyệt đối không được đưa sát vào mũi miệng.
Gà Gô móc ra viên rết
châu, đưa lên huơ huơ trước mũi con báo mấy cái, con báo nhỏ lập tức co rút
toàn thân, hai mắt trợn trừng trắng dã, lỗ mũi nhỏ máu tươi tí tách. Gà Gô xách
nó đi lại quanh khe núi để máu tươi nhơ xuống khắp nơi, Hoa Linh giơ bó đuốc
theo sau soi cho Gà Gô, quan sát tỉ mỉ xem những giọt máu tươi rỏ trên đất đá
biến đổi ra sao.
Rốt cuộc cũng phát hiện
ra một nơi máu nhỏ xuống nền đất cứng mà không ngấm xuống ngay cũng không chảy
đi, cứ lăn tròn sau mới thấm vào lòng đất. Xem ra thổ tầng chỗ này tiếp nhận âm
khí của Bình Sơn nên kỵ máu tươi nóng, thay đổi này cũng vô cùng nhỏ, nếu không
phải tay lão luyện sẽ không thể phát hiện ra điều kì diệu bên trong. Nơi này đã
cách xa chỗ chôn nhục khuẩn, Gà Gô quan sát thật kỹ rồi mới gật đầu nói: “Chính
là chỗ này, đào từ đây chắc chắn sẽ xuyên thẳng tới địa cung.”
Sau khi xác nhận xong
xuôi, anh ta bảo Hoa Linh bôi thuốc cầm máu cho con báo. Con báo này có lẽ kiếp
trước không tu nhân tích đức nên kiếp này mới gặp tai ương, không may rơi vào
tay Ban Sơn đạo nhân, mất không biết bao nhiêu là máu, tìm ra thổ tầng chậm tí
nữa chắc cạn sạch.
Gà Gô lại lấy dao găm
cắt đứt yêu gân sau gáy con báo, để kiếp này nó khỏi thổ nạp tu luyện, chẳng
thể dùng thuật che mắt tàn hại sinh linh được nữa, chỉ có thể thuận theo quy
luật tự nhiên cùng vạn vật sinh diệt, xong xuôi mới tiện tay ném nó sang một
bên: “Cút mau, đừng để rơi vào tay Ban Sơn đạo nhân lần nữa đấy.”
Con báo được đại xá, cố
nén cơn đau bị cắt gân máu tuôn xối xả, cúp đầu chui thẳng vào khe đá. Hồng cô
nương và đám trộm Xả Lĩnh thấy thủ pháp của Gà Gô biến hóa khôn lường, đều trợn
mắt há mồm kinh ngạc, lẽ nào đào xuống mặt đất nơi có máu tươi của con báo rỏ
xuống là có thể đâm thẳng vào địa cung mộ cổ? Đây khác nào thuật “ bốc huyệt”
trong thượng pháp của quyết “vấn”, thực là thần kỳ bí ẩn, bọn họ còn tưởng Ban
Sơn đạo nhân dùng máu báo gieo quẻ, để tìm ra vị trí đào đường hầm nữa kia.
Đám trộm xoa chân xoa
tay, lũ lượt chuẩn bị khí giới đào hầm. Hồng cô nương thấy chỉ có hơn chục
người, lại không biết đường hầm này nông sâu thế nào, e một chốc một lát không
đào xong được, có ý cử hai anh em quay lại điều thêm người tới hỗ trợ.
Gà Gô nghĩ bụng, Hồng
cô nương xuất thân từ Nguyệt Lương Môn, không am tường mấy trò đồ đấu, không
biết rằng nếu chỉ dựa vào người đông thế mạnh thì Ban Sơn chi thuật đã chẳng
nổi danh như thế, bèn nói: “Không cần đâu, các anh em Xả Lĩnh chỉ cần đứng bên
nghỉ ngơi, tiện xem Ban Sơn Phân Giáp thuật…” Nói đoạn liền vẫy tay gọi Lão Tây
và Hoa Linh: “Mang Quật Tử giáp lại đây!”
Đám trộm Xả Lĩnh nghe
xong liền sững cả người, không ngờ hôm nay lại được mục sở thị bí thuật Ban
Sơn. Dân đổ đấu ai chẳng nghe qua Ban Sơn Phân Giáp thuật, nhưng trước đây Ban
Sơn đạo nhân thường không qua lại với người ngoài, nên hầu như chưa có ai được
tận mắt nhìn thấy Phân Sơn Quật Tử giáp, cùng trong nghề đồ đấu với nhau, bọn
họ sao có thể không hiếu kỳ? Mọi người lập tức tập trung cao độ, ai nấy đều nín
thở dán mắt vào nhất cử nhất động của ba Ban Sơn đạo nhân.
Chỉ thấy Lão Tây và Hoa
Linh hạ cái sọt sau lưng xuống, sọt tre được đậy kín bằng tấm vải hoa nhuộm
sáp, bên trong có có vẻ nặng như đựng rất nhiều thứ. Hoa Linh lấy ra một bánh
thuốc, bóp nát rắc lên sọt tre, không biết bánh thuốc đó được làm bằng gì mà
Hoa Linh mới động tay đã nghe trong sọt có tiếng thứ gì cựa quậy như muốn chui
ra, “loạt roạt loạt roạt”, tựa hồ hàng ngàn chiếc lá giáp sắt đang cọ xát vào
nhau.
Đám trộm vô cùng kinh
ngạc, từ lâu đã nghe đại danh Phân Sơn Quật Tử giáp, nhưng ai có ngờ đó lại là
một vật sống. Hai chữ “quật tử” vốn là tên gọi khác của lính công binh khi xưa,
chiến tranh thời cổ thường có sách lược công thành, gặp phải thành cao hào sâu
khó lòng công phá, lính công thành sẽ phân chia binh lực đào địa đạo vây quanh,
lính giữ thành bên trong cũng đào hào sâu rồi chôn đá đổ nước xuống, ngăn chặn
kẻ địch từ ngoài đào xuyên tường thành. Binh lính đảm nhiệm công việc này đa số
đều là những người thấp bé thô kệch, rất giỏi đào đất bới bùn, có thể chui rúc
trong địa đạo như lũ chuột đồng, nên còn được gọi là “quật tử quân” hoặc “quật
tử doanh”. Bởi thế nên ai cũng tưởng Phân Sơn Quật tử giáp là một bộ giáp đồng,
có lẽ là loại giáp trụ đặc biệt mà quân quật tử thời xưa thường dùng mặc mỗi
khi đào đất, có vuốt sắt lá sắt dùng để bới đất, chứ hoàn toàn không ngờ nó lại
là một vật sống. Âm thanh phát ra từ sọt tre mỗi lúc một lớn, đột nhiên lại có
hai vật hình cầu phủ kín lá giáp từ trong sọt lăn ra, lăn tròn trên đất hai
vòng rồi mới duỗi dài thân hình, hiện rõ là hai con quái vật khắp mình đầy vải
giáp.
Cặp quái vật này hình
dáng giống như loài cá sấu Dương Tử[29], lớp vảy trên mình ngay ngắn như khôi
giáp thời cổ, đầu như cái dùi, đuôi mọc sừng, bốn chân vừa ngắn vừa to, móng
vuốt sắc nhọn khác thường, lắc đầu vẩy đuôi đều tỏ rõ sức mạnh phi phàm, mỗi
khi bò lớp vảy trên mình lại phát ra tiếng lách cách như giáp sắt va vào nhau,
trên mình chúng còn đeo vòng đồng, trên vòng khắc hai chữ “Huyệt lăng”.
Đám trộm Xả Lĩnh đa
phần đều chưa từng thấy loài vật này, vẻ kinh ngạc hiện rõ trên nét mặt, chẳng
ai bảo ai liền lùi hết về phía sau, chỉ có hai ba tay giang hồ lão luyện xem ra
có chút kiến thức, vừa nhìn dã nhận ra đây là con tê tê, nhưng thấy chiếc vòng
gỉ hoen gỉ hoét trên mình chúng thì biết đây không phải tê tê thông thường,
chợt nhớ ra một chuyện, không khỏi thốt lên kinh ngạc: “Lẽ nào là Xuyên Sơn
Huyệt Lăng giáp?”
Chương 26 : Huyệt Lăng
Cặp tê tê Huyệt Lăng
một to một nhỏ, dường như từ nãy đến giờ vẫn ngủ say trong chiếc sọt tre, mãi
tận khi bò lăn ra đất mới thực sự tỉnh giấc, vặn mình duỗi chân, móng cào rồn
rột, nghe đã biết ngay sức mạnh kinh người. Trong đám trộm có nhiều kẻ không hiểu
chuyện, sợ nó tấn công con người nên không ai bảo ai đều lùi cả về phía sau.
Lúc này Hoa Linh và Lão
Tây cùng bước lên phía trước, túm chặt chiếc vòng đồng trên mình cặp tê tê, ấn
chúng nằm dạt xuống đất. Hai con tê tê ra sức giã dụa, bốn cặp chân cào loạn xạ
trên đất, khổ nỗi đã bị vòng đồng khóa chặt huyệt vị, nên dù có sức mạnh xuyên
đá phá núi cũng không tài nào thoát được.
Loài tê tê Huyệt Lăng
vốn là dị vật trên đời, diện mạo tuy giống tê tê nhưng kỳ thực khác nhau một
trời một vực. Hơn hai ngàn năm trước, dân trộm mộ đã bắt đầu thuần phục tê tê
bằng cách cho chúng ăn những thức ăn và dược liệu tinh túy, để chi trước của
chúngtriển vượt bậc, trải qua quá trình thuần dưỡng lâu dài có thể trở thành vũ
khí đào bới lợi hại dùng để trộm mộ, gọi là tê tê huyệt lăng.
Mộ cổ thời xưa đa số
bên trên đắp đất thành gò, bên dưới không có địa cung minh điện, mà phần lớn
chỉ là quan quách, dùng gỗ xếp tầng tầng lớp lớp thành thế Hoàng tràng đề
tấu[30], rất ít lăng mộ được xây hoàn toàn bằng gạch, càng hiếm những sơn lăng
đồ sộ táng trong núi, những mộ phần bằng đất đầm thông thường đều không ngăn
được móng vuốt của tê tê Huyệt Lăng.
Mộ táng sau này dần rút
ra kinh nghiệm chống trộm, đá dùng xây mộ càng ngày càng lớn, mức độ kiên cố
cũng theo đó mà tăng lên, các khe còn được nung đồng nấu sắt đổ vào bịt kín
kiến tê tê Huyệt Lăng mất đất dụng võ. Tuy vậy, đối với những mộ phần táng ở
những nơi ẩm ướt lạnh lẽo này, chúng vẫn tỏ ra vô cùng hữu hiệu. Cổ thuật tê tê
Huyệt Lăng đã thất truyền từ thời Đường, đến nay chỉ có Ban Sơn đạo nhân còn
biết cách sử dụng nên vẫn được xem như pháp môn bí truyền của phái Ban Sơn.
Ban Sơn đạo nhân không
dùng pháp “thiết huyệt” của Mô Kim và Xả Lĩnh, Mô Kim hiệu úy ỷ vào Phân kim
đinh huyệt đã chính xác tuyết đối, quen dùng xẻng Hoàn Phong đào hầm; Xả Lĩnh
lực sĩ người đông thế mạnh, đống đất to đến mấy cũng không cản nổi họ; còn Ban
Sơn đạo nhân lại thường dùng Phân Sơn Quật Tử giáp để đào mộ, xưa nay vẫn gọi
là “Tam đinh tứ giáp”. Tê tê huyệt lăng là một trong tứ giáp, ra khỏi đất Tương
Kiềm Lưỡng Việt thì thuật này coi như vô dụng, nhưng bọn họ vốn giỏi tùy cơ ứng
biến, vẫn có thể dùng Phân Sơn Quật Tử giáp khác, đây đều thuộc về quyết
“thiết” trong khi đồ đấu của phái Ban Sơn.
Gà Gô sai Hoa Linh mang
ra mấy ống tre, trong đựng đầy kiến đầu đỏ, nặng dễ đến vài cân, trước tiên
phải để cho hai con tê tê Huyệt Lăng này ăn lửng bụng, rồi mới lôi chúng vào
trong khe chân núi, lấy thuốc mồi rắc lên chỗ máu báo vừa nhỏ xuống khi nãy,
đẩy chúng tới đó bới đất đào đá.
Loài tê tê Huyệt Lăng
này cứ thấy núi là dúi đầu vào, thích nhất lớp thổ tầng nham thạch âm khí nặng
nề gần huyệt mộ, chỉ thấy con nhỏ hơn húc tới trước, thân hình cong lên, vảy
giáp dựng đứng, móng cào thoăn thoắt khiến người đứng bên xem cũng hoa cả mắt,
khoét đất cứng mà như chọc đậu phụ, xuyên vào lòng núi dễ như trở bàn tay.
Con tê tê Huyệt Lăng
lớn hơn lại bị Lão Tây giữ chặt, buộc xích sắt vào vòng đồng để nó không lao
theo con tê tê nhỏ. Hai con vật này như cán cân phải đi liền với quả cân, túm
chặt lấy một con thì không lo con kia đi chệch phương hướng, hay đào ngũ giữa
chừng, đoạn dây xích chỉ hơi nới lỏng đủ để con tê tê to cuống lên xoay tròn
tại chỗ, khoét rộng thêm lỗ con tê tê nhỏ vừa đào.
Đám trôm Xả Lĩnh tuy
đều là những tay đổ đấu lão luyện nhưng chưa ai được mục sở thị phương pháp này
nên cứ trố mắt nhìn. Thì ra cặp tê tê Huyệt Lăng kích cỡ khác nhau chính là sự
kết hợp vây công tuyệt vời: một con chuyên đào huyệt đạo theo chiều ngang, tốc
độ đào đất xuyên núi nhanh đến nỗi không thể tưởng tượng, nếu không tận mắt chứng
kiến, chắc chẳng thể tin trên đời lại có loại dị thuật này.
Đường hầm tê tê Huyệt
Lăng đào rộng đủ cho người ngồi xổm chui vào, góc độ song song với mặt đất, từ
chân núi xiêu vẹo đâm thẳng vào trong lòng núi, khoảng cách từ đây tới địa cung
sau tòa ủng thành cũng khá xa, cặp tê tê dù thần kỳ dũng mãnh vẫn phải tốn
nhiều công sức nếu muốn xuyên thẳng vào địa cung.
Gà Gô lúc rảnh rỗi liền
ngồi xếp bằng trên đất, nhắm mắt dưỡng thần, một khi cặp tê tê đào tới địa
cung, bọn họ không biết sẽ gặp phải những nguy hiểm gì bên trong ngôi mộ cổ
hình thế kỳ tuyệt này. Bên tai là những tiếng ầm ầm vang trong lòng núi, đoán
chừng đám trộm Xả Lĩnh do lão Trần cầm đầu đang đặt mìn phá đá. Nhưng Gà Gô nắm
chắc mười mươi, thế núi Bình Sơn kiên cố, vững chãi thế này, từ sườn núi nam
phá đá chui vào chắc chắn không thể xong trước trong hai ngày. Cặp tê tê Huyệt
Lăng này nếu không gặp trở ngại gì, ước chừng chỉ cần qua đêm nay là có thể vào
được địa cung, không biết đơn hoàn châu tán trong mộ cổ hình dạng ra sao, nhưng
đến nước này có vội mấy cũng đành kiên nhẫn chờ đợi, nhấn nha giăng lưới bắt cá
mà thôi, theo đà suy nghĩ, tinh thần anh ta cũng dần phiêu du như cao tăng nhập
định.
Đám trộm Xả Lĩnh đương
nhiên không dám quấy rầy anh ta, liền ngồi cả dưới chân núi nghỉ ngơi. Hồng cô
nương mấy hôm nay ở bên, mắt thấy Gà Gô thần cơ ứng biến, cử chỉ phóng khoáng,
lời lẽ hào sảng, tuyệt nhiên không giống đám người Thường Thắng sơn trên là hai
kẻ đầu sảo Trần La, dưới toàn đám trộm vô lễ thô tục, lúc nào cũng chỉ ôm giã
tâm xưng vương xưng bá, thầm nhủ gả cho người này mới không phí một đời, năm
xưa phát nguyện cả đời không xuất giá giờ không khỏi thấy làm hối hận, thật là
“Đêm về ngắm trăng sáng trên lầu, chỉ mình Thường Nga không xuất giá”. Nghĩ đến
đây cô ta khẽ thở dài, trong lòng đã quyết, từ nay về sau dù chân trời hay góc
bể, tốt xấu gì cũng theo anh ta, chẳng màng tới lời thề độc năm xưa nữa, có
điều không biết tay Ban Sơn đạo nhân này đã lấy vợ hay chưa?
Nghĩ đoạn, Hồng cô
nương bèn hạ giọng hỏi nhỏ sư muội của Gà Gô là Hoa Linh, có điều chuyện này tế
nhị không thẻ hỏi thẳng, chỉ đành vòng vèo: “Tiểu muội này, chị thấy em đẹp như
hoa như ngọc thế này, năm nay đã mười bảy mười tám rồi nhỉ? Sau này ai lấy được
em thực là có phúc, thế sư huynh đã định hôn sự cho em chưa?”
Hoa Linh chưa nghe nói
đến tục lệ này nên ngạc nhiên hỏi: “Chị à, sao hôn sự của em lại do sư huynh
quyết đinh được? Bố mẹ em vẫn còn, tuy đều ngã bênh nhưng…”
Hồng cô nương nói:
“Theo lý mà nói, lệnh tôn lệnh đường sức khỏe không tốt, đại sự nên để sư huynh
em lo liệu mới phải. Trai khôn dựng vợ gái lớn gả chồng, có câu củ cải nhổ lên
thì đầu bờ mới rộng, em lấy chồng thì anh em mới yên tâm được. Nhìn sư huynh em
suốt ngày mặt cau mày có, hình như tâm sự trùng trùng, cũng không biết anh ấy
đã nghĩ tới chuyện của em chưa nữa, anh ấy…anh ấy đã có vợ chưa? Chắc cũng chưa
đâu nhỉ?”
Hoa Linh mới mười bảy
tuổi, lại ít giao tiếp với người ngoài sao hiểu được ý tứ của Hồng cô nương,
chỉ thấy mấy chuyện cô ta hỏi có phần kỳ quặc. Nhưng trong đám người Xả Lĩnh có
rất nhiều kẻ từng trải tình trường, thính tai nhanh mắt, đã đoán được quá nửa
suy nghĩ của Hồng cô nương, thấy cô ả cứ xoắn lấy tiểu cô nương kia hỏi dò Ban
Sơn đạo nhân có vợ hay chưa thì không khỏi cười thầm, không ngờ mỹ nhân băng
giá như ả cũng biết rung động.
Càng nghĩ lại càng thấy
buồn cười, một trong số họ không nhịn được liền cười lên thành tiếng, Hồng cô
nương nghe thấy thì biết ngay chuyện đã hỏng bét, khi nãy nóng vội không nghĩ
âm thanh trong khe núi vốn vang vọng, giờ thì những lời gan ruột đều bị nghe thấy
cả rồi.
Cô ta bực bội vung tay
lên tát cho người kia gãy hai cái răng cửa, những người còn lại đều biết đến sự
lợi hại của người đàn bà này, ngoài đầu sỏ Xả Lĩnh ra, đến La Lão Oai cô ta còn
dám đánh nữa là, lũ lâu la Thường Thắng sơn ai có gan chọc vào cô ta. Cả đám
vội nghiêm mặt lại, làm vẻ thản nhiên như không có chuyện gì, bầu không khí
bỗng trở nên gượng gạo vô cùng.
Hồng cô nương mặt nóng
phừng phừng, chỉ muốn tìm ngay cái lỗ nẻ để chui xuống. Đúng lúc ấy, Lão Tây từ
trong đường hầm chui ra, dắt theo hai con tê tê Huyệt Lăng, thông báo với Gà
Gô: “Đã đào tới sơn lăng, phong sinh thủy khởi.”
“Phong sinh thủy khởi”
là tiếng lóng thường dùng khi đào mộ, “phong” có nghĩa là trong mộ không có âm
khí tích tụ, không khí lưu thông. Tòa ủng thành phía trước bị phong tỏa cô lập
để làm thành một cái bẫy mộ giả, nên bên trong không thấy dấu vết trùng độc.
đường hầm hai con tê tê Huyệt Lăng đào vừa hay xuyên thẳng vào cái địa đạo bịt
kín ngay sau ủng thành. “Thủy” ám chỉ của cải hoặc minh khí, có thủy chứng tỏ có
minh điện địa cung thực sự.
Gà Gô nghe thế liền
đứng bật dậy, lập tức lệnh cho mọi người chuẩn bị tiến vào đường hầm. Bản thân
anh ta đeo riêng một chiếc đèn bão, kiểm tra hai khẩu mô de hàng Đức quốc lắp
đầy đạn, lấy một mảnh lụa đen che kín mít, chỉ để lộ hai con mắt. Những người
còn lại đều nhanh chóng chuẩn bị, tháo rời thang rết chia nhau mang theo, hàng
ngũ chỉnh tề đợi lệnh ngay trước đường hầm.
Gà Gô thấy mọi người đã
tập hợp đầy đủ, liền bế gà Nộ Tinh ra khỏi sọt tre, con gà trống lông cánh sặc
sỡ, móng vuốt vàng kim, dường như cũng có thể cảm thấy có tử địch ẩn nấp trong
mộ cổ Bình Sơn, biết hôm nay thế nào cũng có trận huyết chiến sống còn, tức thì
nghển cổ ngó quanh, dang rộng hai cánh, cất cao tiếng gáy, thần thái vô cùng
phấn chấn.
Gà Gô khẽ gật đầu,
không cần biết con gà trống có hiểu tiếng người hay không, vẫn dặn dò nó một
lượt trước mặt mọi người, bảo rằng nó là Nộ Tinh được cứu khỏi lưỡi dao trong
nhà dân bàn Kim Phong, giờ có bao nhiêu tài nghệ hãy trổ hết ra đi, khỏi uổng
uy danh gà Nộ Tinh, cũng không ơn cứu mạng của Ban Sơn đạo nhân.
Mười mấy tên trộm Xả
Lĩnh thấy vậy cũng biết gà Nộ Tinh có thể quét sạch rắn rết trùng độc trong mộ.
Bọn họ đã tận mắt chứng kiến con sâu rết sáu cánh dưới khe sâu xuyên qua sương
dày bay lên, tuyệt không phải thứ súng đạn thông thường có thể chống chọi, lòng
thầm nhủ chỉ cần con gà trống này đuổi hết lũ trù rết kia đi, giúp Ban Sơn Xả
Lĩnh lấy được báu vật trong mộ cổ thì từ nay về sau gọi nó một tiếng “ông gà”
cũng không hề gì, sinh mạng của cả bọn giờ đều trông vào nó cả.
Gà Gô lập tức cử ra bốn
người, hai người lên núi báo tin cho lão Trần. Từ chỗ này chốc chốc lại nghe
thấy tiếng nổ mìn phá đá vang lên, có lẽ lính công binh trên núi vẫn chưa nổi
ra được manh mối nào, đường hầm dưới chân núi dù sao cũng đã đào xong, phải bảo
lão Trần đưa người xuống hợp sức. Hai người còn lại đứng ngoài đường hầm phụ
trách liên lạc.
Bố trí xong xuôi đâu
đấy, anh ta liền dẫn những người còn lại chui vào đường hầm. Đám trộm mang theo
trên người rất nhiều đinh sắt, cứ đi được một đoạn lại đóng lên vách hầm hai
cái đinh bắt chéo nhau, treo lên một chiếc đèn lồng đơn giản thắp sáng làm dấu.
Vào trong mới thấy địa
đạo xuyên núi mà cặp tê tê Huyệt Lăng đào được thực rộng rãi bằng phẳng, người
ở bên trong chỉ cần hơi khom lưng là di chuyển được. Bên trong địa đạo ngoài
đất cứng còn có rất nhiều nham thạch kiên cố, vậy mà hai con tê tê vẫn có thể
xuyên qua, đám người Xả Lĩnh thấy vậy không khỏi chậc lưỡi khen ngợi cổ thuật
trộm mộ bằng tê tê Huyệt Lăng quả nhiên ghê gớm.
Chiều dài đường hầm
ngắn hơn so với dự tính của Gà Gô, nhưng cũng đến mấy trăm bước chân. Đám trộm
thận trọng lần mò từng bước, rất lâu mới đi hết đường hầm, chỉ vừa chui ra liền
gặp ngay một đoạn đường dốc, đá lát trên mặt đường dã bị nạy tung, soi đuốc
xung quanh thì thấy dưới chân dốc bị một khối đá to tướng chặn ngang, bịt kín
lối đi, men theo con dốc đi lên, trên cao là vòm đá xanh khổng lồ.
Giữa các khe kẽ đá của
bức tường đá, thi thoảng gặp một hai con rết đang cuống cuồng đào tẩu, vật tính
vốn tương sinh tương khắc, loài rết gặp gà Nộ Tinh khắp nào lửa gặp nước, một
khi đụng phải chỉ còn có cách bỏ chạy tháo thân. Các loài trùng độc trong núi
thường nhả độc trong đêm hoặc ở những nơi tối tăm, vừa nghe gà Nộ Tinh gáy một
tiếng đã không dám nhả độc nữa, chỉ lo rúc vào khe núi sâu, tránh loài thiên
địch này càng xa càng tốt.
Gà Gô biết trong mộ cổ
có nhiều cạm bẫy nên không dám chủ quan, cứ từ từ men theo con dốc tiến lên
phía trước, đám trộm cõng thang rết xúm xít xung quanh. Đi chưa được bao xa thì
bắt gặp trên vách đá có một tấm bia đá lớn, đề bốn chữ như rồng bay phượng múa,
Gà Gô xách đèn lại xem, thấy bốn chữ đó là “Hồng trần đảo ảnh”, không biết là ý
gì.
Đi hết con dốc rồi lại
băng qua một cây cầu đá chạm nổi rồng mây, cảnh vật hiện ra trước mắt vô cùng
lộng lẫy. Bên trong huyệt động to lớn là vô số đại điện trùng trùng gác mái,
điện vũ cao ngất, lầu các cheo leo, mái cong đấu củng chen nhau, rường hoa cột
đẽo lặng lẽ thâm nghiêm, đèn đuốc sáng rực trong điện ngoài điện, tầng tầng lớp
lớp không thấy điểm dừng, ánh lên nét huy hoàng riêng có của gạch vàng ngói
ngọc.
Bụi đá bay lên từ tầng
nham thạch trong động trông rực rỡ như khói hương bảng lảng chốn cung điện
Thiên Hà, toát lên một vẻ thần bí tịch mịch khó mà tưởng tượng, không khác gì
tiên cảnh nhân gian trong thiên động. Có điều trong lòng núi âm u kỳ lạ, lại bị
mây khói bao trùm, khiến người ta có cảm giác không thật, cứ hư hư ảo ảo như
mộng thủy cung, chả trách trên bia văn ghi là “Hồng trần ảo ảnh”.
Thì ra Bình Sơn kiên cố
song dáng núi lại xiêu nghiêng theo năm tháng, thành ra trên thân núi có rất
nhiều khe nứt to nhỏ, từ ngoài nhìn vào khó mà thấy được. Lòng núi này là nơi
có phong thủy cực quý, sinh khí không ngừng lưu thông nên cổ vật chôn bên trong
dù qua nhiều năm vẫn còn như mới, chén lưu ly, nến vạn niên trong lầu đài điện
các, nhất nhất được sắp đặt theo bố cục tinh cung, nhiều mà không loạn, vô cùng
chặt chẽ.
“Tiên cung” này vốn là
nơi thờ cúng trong quá trình Hoàng gia cất đơn luyện dược, bắt đầu được xây
dựng từ thời Tần Hán, lưu giữ rất nhiều dấu tích khác nhau của các triều đại,
nhưng tất cả đều mang cốt cách Hoàng thất. Bên trong những chiếc chén lưu ly
đều là nến thiên niên, đuốc vạn niên quý báu, ánh sáng tuy leo lét nhưng ngàn
năm không tắt, hiện tại mới chỉ cách mấy trăm năm nên đa phần vẫn sáng như xưa,
đặc biệt những chiếc chén lưu ly bát bảo vẫn còn lấp lánh trong ánh nến bập
bùng.
Đám trộm đi theo Gà Gô,
thấy tiên cảnh trong núi Bình Sơn đều ngây ra như phỗng, nhìn đến lờ cả mắt, dù
tham lam đến đâu có nằm mơ, họ cũng không nghĩ lại có tòa minh điện to thế này,
chỉ tính riêng mấy cây đèn cổ kia thôi cũng đã lấy không hết rồi.
Hoa Linh ra ngoài đổ
đấu chưa đầy nửa năm, chẳng có mấy kinh nghiệm, chỉ thấy sâu trong tòa cung
điện này có yêu khí bao trùm, không khỏi thầm run sợ, níu chặt cánh tay Gà Gô,
nấp sau lưng anh ta: “Sư huynh này, nơi kỳ quái trước mặt…giống như cung điện
đạo quan luyện đơn, sao có thể là minh điện chôn người chết?”
Gà Gô mười ba tuổi đã
theo các tiền bối Ban Sơn đạo nhân đi trộm mộ, để lăng dẫn mổ cổ chư hầu vương
quy mô hoành tráng đều đã đào qua, địa cung trong các sơn lăng tuy xa hoa tráng
lệ nhưng không thấy nơi đâu có tiên cảnh tráng lệ thế này. Dường như toàn bộ
kiến trúc trong danh sơn đạo giáo đều được đặt vào đây, song âm khí nơi này quá
nặng nề, giống như quỷ cung chứ chẳng có chút khí tiên nào.
Nghe Hoa Linh hỏi vậy,
Gà Gô bèn đáp bừa: “Ăn uống để cầu thành thần tiên? Ha ha… Đó chẳng qua chỉ là
giấc mộng xuân của mấy tay hoàng đế mà thôi, về sau sơn hà tan nát, tiên cung
kim điện này chẳng phải đã biến thành mộ phần cho đại tướng quân nhà Nguyên đó
sao. Ta đây phải xem Thi vương Tương Tây trong tiên cung thế nào…xem nó rốt
cuộc ba đầu sáu tay, hay mình đồng da sắt?”
Chương 27 : Đấu Cung
Gà Gô trước đó tời đất
Kiềm đào mộ Dạ Lang Vương, không ngờ lại toi công một chuyến nên đang nóng
ruột, thấy mộ cổ Bình Sơn cảnh sắc tráng lệ, tựa nơi tiên cảnh trong lòng núi,
không biết bên trong cất giấu những bí mật gì của triều đại trước, thì ngứa chân
ngứa tay, chỉ trực phô tài, lập tức muốn đơn thương độc mã tiến vào địa cung
phía trước thăm dò thực hư.
Đám trộm Xả Lĩnh với
Lão Tây và Hoa Linh thấy anh ta săp sửa động thủ cũng vội vàng chuẩn bị khí cụ,
theo đi đổ đấu. Nhưng chân vừa nhúc nhích đã thấy lâu đài, điện các trước mặt
thấp thoáng làn khí đen,, giữa các mái hiên bao cột tựa như có những dòng hắc
thủy cuồn cuộn chảy. Mọi người tức thời sững sờ, không biết trong điện có điều
gì cổ quái, có người tinh mắt nhìn rõ kinh hoàng thốt lên, không hay rồi, trong
điện có rất nhiều rết.
Gà Gô biết mang theo gà
Nộ Tinh bên người có thể khắc chế độc vật trong mộ, nhưng cũng chỉ đảm bảo được
trong phạm vi mấy trăm bước, nếu mười mấy người cùng vào một lúc, một mình anh
ta khó lòng bảo vệ hết tất cả. Lúc này trời đã về đêm, chính là lức loài rết
trong núi nhả độc, chẳng may sót lại vài con trong khe núi,tính mạng cả đám ắt
gặp nguy hiểm. Cung điện trong núi Bình Sơn quả thật quá lớn, muốn vơ vét báu
vật, chỉ còn cách chờ Lão Trần đưa người tới diệt tận gốc lũ trùng độc trong mộ.
Chuyến này vào Bình Sơn
trộm mộ không giống những lần đổ đấu trước của Gà Gô, thứ nhất là vì Ban Sơn Xả
Linh đã kết liên minhnếu không đợi thủ lĩnh Thường Thắng sơn tới đã động thủ
trước, chỉ e bị coi là bội ước, không có nghĩa khí; thứ hai là hiện giờ đi theo
anh ta còn có mười mấy anh em, không phải như trước một mình hành sự, cho nên
không chỉ vì ý nghĩ nhất thời của mình mà mạo hiểm tính mạng bọn họ.
Nghĩ vậy, Gà Gô cố dằn
lòng, thăm dò tỉ mỉ địa hình kết cấu kiến trúc trong lòng núi, rồi cùng Hồng cô
nương dẫn mọi người rút ra ngoài, chỉ để mấy người ở lại nới rộng đường hầm, mở
đường cho đại đội phía sau.
Địa hình Bình Sơn cheo
leo hiểm trở, hai tên trộm được cử lên núi liên lạc với Lão Trần, không thể từ
sáng tới chiều mà vừa đi vừa về được. Gà Gô bèn tìm một nơi khô ráo bằng phẳng
trong lòng khe núi, ngả lưng đánh một giấc, tĩnh dưỡng xong mới ba hoa khoác
lác với đám trộm, ai cũng hào hứng kể ra những phi vụ đổ đấu đắc ý của mình
trước đây.
Gà Gô nhớ lại năm xưa
đào lăng cung Tư Thiên Đại Đường ở Thiểm Tây, có quen hai đứa bé chăn cừu, vừa
hay khi ấy Lão Trần đang làm ăn ở hai tỉnh Sơn Thiểm, anh ta bèn đem hai anh em
nọ gửi gắm cho lão, giờ mới nhớ ra lên hỏi thăm họ hiện giờ ra sao.
Nhắc đến hai người này,
đám Xả Lĩnh đều tỏ vẻ coi thường. Lão Dương Bì và Dương Nhị Đản tính tình hèn
nhát, bụng dạ lại hẹp hòi, tuy được thủ lĩnh cho gia nhập Thường Thắng sơn,
nhưng chỉ có thể làm chân lăng xăng sai vặt, lần trước đi đổ đấu hai tên sợ vãi
ra quần, chuyến này nghe nói đi đào mộ Thi vương Tương Tây thì nhũn cả chân ra,
nên mọi người cũng chẳng buồn cho theo, thật không biết làm sao ngày ấy thủ
lĩnh lại thu nạp bọn chúng.
Gà Gô nghe xong cũng
thấy buồn cười, hai thằng nhóc chăn cừu đó xuất thân là dân lương thiện, việc
xấu không làm việc phạm pháp càng không hay, giữa chừng lên núi làm cướp, đổ
đấu, tạo phản, giết người, phóng hỏa, quả thật là làm khó cho bọn họ, càng nghĩ
càng thấy không ổn, sau này thế nào cũng phải nói cho Lão Trần một tiếng, để
bọn họ rút chân hương rửa tay gác kiếm, phát cho ít tiền vốn làm ăn lương thiện.
Cứ thế đợi mãi đợi mãi,
cuối cũng Lão Trần cũng dẫn người tới sườn núi phía bắc, kể chuyện công binh nổ
mìn phá đá mất tan một ngày vẫn chẳng thu được kết quả gì,thế mà dưới chân núi
đã đào thông được huyệt đạo, có thể dặn người tiến vào đổ đấu rồi, đoạn nhất rẽ
vào đường hầm xem cung điên trong lòng núi thế nào
Bọn Lão Trần và La Lão
Oai lần đầu thấy cảnh cung vàng điện ngọc nguy nga nhường ấy cứ trầm trồ xuýt
xoa mãi, sướng đến phát cuồng. Trên đời này chỉ có bậc đế vương tự xưng là chân
long thiên tử mới có thể ngự trong cung điện, thứ nữa là thánh thần tam giáo
Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đa phần đều xây dựng trong động thiên phúc địa
của thần tiên Phật đạo. Tuy Bình Sơn đất đai chật hẹp, nhưng đơn cung đặt trong
lòng núi đem so với những cung điên Phật giáo nổi tiếng trên đất Đại Xuyên chỉ
hơn chứ không kém, không hổ là “hồng trần đảo ảnh, thái hư ảo ảnh”. Châu báu
trong cung ắt lấy thỏa thích không hết.
La Lão Oai dùng mũi
sung đẩy vành mũ, vui sướng đến khô cả họng, hớn hở nói: “Trần huynh còn đợi gì
nữa? cho anh em xông lên thôi!”
Lão Trần lần trước suýt
chút nữa bị lũ âm binh hộ lăng chôn sống trong ủng thành,giờ đã khôn ra, thấy
địa cung to lớn kinh người, đoán chắc không phải bẫy mộ giả, nhưng vẫn không
dám manh động thấy lợi trước mắt mà mạo hiểm tính mạng, chẳng may bên trong có
cạm bẫy rồng lửa mai phục thì khác nào tự dẫn xác vào tấm lưới giăng sẵn của
chủ mộ lần nữa?
Lão lập tức cắt đặt, để
một trăm lính công binh mang theo bầy gà trống đi trước mở tung các cửa điện,
nếu không có gì bất trắc sẽ cho đại độvào vét của; lại phái riêng hai trăm lính
công binh đi bắc cầu tre qua ao bùn tích dưới chân núi, đồng thời khoét rộng
huyệt đạo, chuẩn bị vận chuyển của báu ra ngoài.
La Lão Oai chột mất một
mắt,thương tích còn chưa khỏi hẳn lên được Lão Trần cho dẫn trọng binh, mang
theo súng ống cố thủ bên ngoài núi phòng khi đội trộm mộ có kẻ bất ngờ tạo
phản, ngoài ra còn mở đường núi, để dắt lừa ngựa vào núi chở hàng. La Lão Oai
hậm hực vì không được đích thân vơ vét minh khí, nhưng lại nghĩ vào núi lần này
tuy là đám tâm phúc, nhưng vẫn không ít kẻ thấy tiền hoa mắt, thành ra không
thể lơ là, đành nghe theo sắp xếp của Lão Trần, ra sau núi điều binh.
Lão Trần và Gà Gô ở lại
quan sát tình hình, chỉ thấy một trăm lính công binh tiến sâu vào khu điện các,
xua bầy gà trống xông vào các cửa điện lớn, làm lũ rết kinh động bỏ chạy tán
loạn, huyên náo một hồi cũng không thấy động phải bẫy mai phục gì.
Lão Trần mừng thầm
trong bụng, nghĩ lần này xem ra nắm chắc phần thắng, dẫn đầu lấy mảnh lụa đen
che mặt, bịt kín mũi mồm. Truyền thống khi đổ đấu phải dùng lụa đen che mặt
khởi nguồn từ đám trộm cướp chuyên phóng hỏa giết người, khi hành sự đều muốn
trời không biết đất không hay, sợ ngườ khác nhìn thấy sẽ lộ thân phận, báo quan
binh tới bắt, đi đào mộ lại sợ oan hồn trong mộ dòm dỏ, che kín mặt mụi lại để
khi về nhà khỏi lo ma quỷ đeo bám.
Đám trộm mặt bịt lụa
đen, cánh tay buộc dây tầm chu sa, thắp đèn đốt đuốc, mang theo thang rết, nghe
tiếng hô hào của thủ lĩnh, cả trăm người đồng thanh đáp lớn, cùng xua gà trống
đi vào.
Mấy ngày nay quân của
La Lão Oai đi khắp nơi lung bắt sạch gà trống trong vùng, lại mua thêm một lô
từ Tương Âm, già có non có, đến gà lỡ cỡ cũng tha cả về. Bầy gà quá đông khó
tránh hỗn loạn, chẳng hiểu tại sao lại lẫn vào mấy chị gà mái, vừa được thả vào
địa cung đã lập tức xảy ra vô số trận đòn ghen giữa đám gà trống. Đôi bên xông
vào mổ nhau đến toác đầu chảy máu, nhưng hễ thấy con rết nào trong đại điện lại
lao vào tranh ăn ngay lập tức, lấy chân dí bẹp rết độc không kể lớn bé xuống mổ
chết ngay tại chỗ.
Lão Trần và đám Xả Lĩnh
thấy thuật Ban Sơn Điền Hải quả thật không thể xem thường thì vô cùng thán
phục. Thuật này tuy không hợp với nguyên lý ngũ hành nhưng lại vận dụng được
thuyết sinh khắc chế hóa của vạn vât trên đời, xua bầy gà trống vào địa cung
đuổi cùng giết tận lũ rết độc, cũng coi như trừ được mối họa lớn, giờ đoạt lấy
sô châu báu trong mộ này há chẳng dễ như trở bàn tay.
Tiếng gà gáy phá tan
không khí tĩnh mịch trong địa cung, bầy gà trống tỏa ra khắp nơi truy tìm rết
độc, chốc lát đã có hàng ngàn con rết mất mạng. Tạo hóa sinh ra vạn vật trên
đời đều tương khắc, bởi vậy mới gọi là thiên địch. Rết thường nhả độc màu đen,
nhưng do mộ cổ Bình Sơn là nơi cất giữ nhiều dược liệu quý giá, nên dịch độc
của lũ rết sống trong này đều có màu sắc sặc sỡ, vài con rết già trên mình còn
có luồng khí ngũ sắc biến ảo, bị đàn gà trồng dồn đến đường cùng đành phải đối
mặt với lũ khắc tinh, tuy không thể tiết độc nhưng vẫn liều chết xông lên,
trong trận ác chiến liên miên, có đến mấy chục con gà già ốm yếu, đuối sức bị
rết cắn chết, lông cánh rũ rượi nằm lăn ra đất, toàn thân chuyển thành màu đen,
rồi dần dần biến thành bãi máu.
Địa cung Bình Sơn tuy
đèn đuốc rực rỡ nhưng bao năm không có ánh mặt trời, âm khí nặng nề, lũ rết con
nào con nấy cứ béo mẫm, lại chuyên ăn các loài trùng độc khác nên dịch độc tiết
ra càng ghê gớm. Rết trong đại điện quá nhiều, mới đầu bị thiên địch truy đuổi
chỉ lo chạy tan tác tứ phía, nhưng khi bị dồn đến chân tường lại như chó cùng
rứt giậu, lũ lượt chui ra từ khe kẽ cột điện, ba bốn con cùng hợp sức tấn công
một con gà. Mặt đất giữa các điện rải đầy xác gà xác rết, những con còn sống
vẫn hăng máu lao vào kẻ thù,quần au không biết mệt.
Đám trộm Xả Lĩnh đều là
lũ trộm cướp giết người như ngóe, đám công binh cũng nhiều kẻ gan dạ từng trải
sa trường, nhưng những cảnh gió tanh mưa máu họ từng chứng kiến tựa hồ cũng chả
ác liết bằng trận chiến giữa bầy gà trống và đàn rết độc trong mộ cổ này. Không
phải một hai con, không phải năm mười con mà là hàng ngàn con rết đang quần
nhau với hàng ngàn con gà trống, sát khí ngùn ngụt át cả ánh đèn ánh đuốc.
Gà trống vốn tính hiếu
chiến, hễ thấy bóng từ thù là tự dựng xù lông dựng cánh, quyết dồn đồi phương
tới chỗ chết mới thôi; lũ rết kia bị đuổi tới đường cùng, dù nấp trong khe đá
nghe tiếng gà gáy vẫn không được yên thân, đành liều mạng sống mái với thiên
địch, trong trận chiến khốc liệt dưới ánh đèn nến chập chờn, chẳng bên nào chịu
lui lấy nửa bước, nhất thời quả khó phân thắng bại.
Trong đám trộm mộ có
những kẻ nhát gan, nhìn thấy trận huyết chiến trước mắt thì mặt vàng như nghệ.
Lão Trần thầm than không hay, trong tình hình này, gà và rết không biết bên nào
thắng bên nào thua, sớm biết thế đã mang theo gà trống lên núi.
Gà Gô đứng quan sát bên
cạnh, con gà Nộ Tinh sau lưng anh từ đầu chí cuối vẫn nằm yên trong sọt, chưa
được thả ra. Con gà trống mào đỏ móng vàng này chính là phượng hoàng trong bầy
gà, một khi con rết sáu cánh sắp thành tinh còn chưa xuất hiện, quyết không thể
thả nó ra, cứ nhốt trong sọt để nuôi dưỡng nộ khí.
Gà Nộ Tinh cảm giác
được bầy gà đang ác đấu với lũ rết ngoài kia, quả nhiên nó nóng lòng sốt ruột
muốn xông ra mổ cho chúng một trận nên thân, khổ nỗi lại bị nhốt trong sọt che,
cứ dụi lấy dụi để toan thoát ra ngoài.
Thấy bầy gà đã không
còn giữ được thế thượng phong, ngược lại còn bị rết đôc cắn chết một lúc một
nhiều, Gà Gô bèn đưa tay vỗ mạnh vào cái sọt sau lưng, gà Nộ Tnh trong sọt đang
bồn chồn, lập tức vỗ cánh, cất tiếng gáy dội vang trong lòng đại điện. Lũ rết
đang liều mạng ác chiến chợt nghe tiếng gáy của gà Nộ Tinh đều sợ rúm lại, hồn
xiêu phách tán, lũ lượt đờ ra như gỗ, chân cẳng tê cứng, những con đang bò trên
rui cột, vách đá đều cắm đầu rơi xuống, bị đám gà trống đứng gần đuổi tới mổ
chết.
Lão Trần thấy tình thế
tức thời xoay chuyển thì mừng lắm, quay sang tâng bốc Gà Gô: “Ban Sơn chi thuật
quả là danh bất hư truyền, đại sự thành đến nơi rồi!” Nói xong liền ra hiệu cho
mấy trăm thuộc hạ đứng sau, cao giọng nói: “Các anh em, ai muốn phát tài thì đi
cùng với ta đây!”
Gần ngàn tên trộm Xả
Lĩnh và lính công binh theo sau thủ lĩnh, tay giơ cao đuốc, chia thành mấy lộ
hệt như những con rồng lửa đang chuyển mình, họ giẫm lên thềm đá cầu đá trước
đại điện, xông vào tầng đại điện đầu tiên. Đa phần rết ở đây đã bị giết sạch,
bầy gà được xua vào sâu bên trong điện các, tiếp tục truy sát những loài độc
trùng còn lại.
Đám trộm ai cũng mang
theo sung ống, thấy con rết nào chưa chết thì bồi them phát đạn, hoặc lấy cuốc
xẻng đập cho nát bét. Tiếng chân người, tiếng súng nổ vang lên ầm ĩ trong lòng
núi, đám trộm ùn ùn kéo vào gian điện, trong điện có động, lợi dụng địa hình
địa thế tự nhiên mà kiến tạo vô cùng tài tình khéo léo.
Bọn người Lão Trần và
Gà Gô tay lăm lăm dao súng, bước vào gian đại điện ngoài cùng, thấy bên trong
đèn lưu ly bát bảo, mới cháy được chừng non nửa, dưới ánh sáng bập bùng của đèn
đuốc, cảnh tượng trong điện cứ như mơ như thực. Trong ngôi điện này chỉ có một
cây cột sơn son, trên bắc mười tám xà ngang làm trụ đỡ, kiểu kiến trúc một cột
mười tám xà này rất hiếm gặp trong cung điện thời xưa, vì điện chính trong đơn
cung thường chỉ có một cột mà không có xà, hàm ý “vô lượng” trong tiên pháp.
Trên bức tường bên
trong tiền điện một cột mười tám xà có treo rất nhiều tranh vẽ thần tiên, được
khảm nạm, điểm xuyết bằng trân châu đá quý, ánh lửa chiếu lên càng lung linh
rực rỡ, khiến đám trộm trông thấy mà ngây ra như phỗng. Lão Trần nói: “Giờ
thiên hạ đại loạn, trên đời làm gì có nghề nào làm ăn chân chính? Tụ nghĩa chia
của là việc lên làm, đây gọi là anh hùng khắp nơi vùng dậy, kẻ nào có súng kẻ
ấy làm vua, giờ chính là lúc Thường Thắng sơn chúng ta hưng thịnh phát tài.
Chúng ta cả đời quật mồ vơ của, đến nước này hà tất phải kiêng dè, cứ cái gì
đáng tiền là đào hết khuân về, nửa cái cũng không để lại.”
Đám trộm Xả Lĩnh không
giống mô kim hiệu úy, vào mộ cổ chỉ lựa lấy một hai món đồ cổ rồi còn đắn đo
đường tiến đường lui, Thường Thắng sơn có đến mười mấy vạn anh em, vơ ít minh
khí về lại không đủ chia chác. Trần thủ lĩnh đã có lời, mọi người chẳng ai giữ
kẽ nữa, lập tức chia nhau hành sự, dùng cuốc xẻng nạy hết những viên ngọc quý
khảm nạm trên tường.
Thực ra báu vật trong
ngôi điện này đều đã bị quân Nguyên trước kia khoắng sạch, những món còn sót
lại vào thời ấy đều chẳng được xem ra gì, nhưng năm tháng qua đi, đến thời Dân
Quốc này, cổ vật mấy trăm năm trước cũng thành báu vật cả rồi, bao gồm những lư
hương đồng hình hạc, những món trang sức mạ vàng khảm trên những cây cột giữa
điện, phàm thứ gì gỡ được đều bị đám trộm nạy ra bằng sạch. Riêng đám đèn lưu
ly bát bảo tạm thời giữ lại để chiếu sáng, khi nào rút đi mới lấy cũng chưa
muộn.
Trong đám trộm, những
kẻ nhanh tay nhanh mắt đều là tâm phúc của Lão Trần, thuộc hạng lão luyện trong
nghề, phân nhau ra chỉ huy anh em vận chuyển của cải châu báu, vì thế người tuy
đông mà không bị loạn, thậm chí còn rất trật tự.
Hai vị thủ lĩnh Lão
Trần và Gà Gô đương nhiên không bị đống của cải trong tiền điện hút hồn, chân
không dừng bước, tiếp tục dẫn anh em đi qua tiền điện ồn ào, thằng tới gian
điện phía sau. Dọc đường đi, xác rết la liệt khắp nơi, tuy đều đã chết hết cả
nhưng số lượng kinh khủng khiến ai nhìn vào cũng phải sởn da gà.
Toán trộm người đông
thế mạnh can đảm kỳ lạ, chen nhau xông lên, qua hết mấy tầng điện là đến điện
Vô Lượng ở nơi cao nhất. Ngôi điện này tọa lạc trong một hang động cheo leo,
trước mặt có một khoảng sân bằng phẳng rộng rãi, xung quanh là hàng lan can bằng
đá cẩm thạch chạm rỗng, phía sau là lớp đá xanh sẫm của núi Bình Sơn, hậu điện
của Vô Lượng đã bị lấp kín, từ cấu trúc điện, có thể suy đoán hậu điện này
chính là nơi Lão Trần đã xuống lần đầu qua nối khe nứt trên đỉnh núi.
Trong mấy ngôi điện đã
qua đều không thấy quan quách của mộ chủ, nên chắc rằng nó sẽ nằm trong điện Vô
Lượng này. Đám trộm nhớ lại truyền thuyết Thi vương Tương Tây thì không khỏi
run run, bước chân bất giác chậm lại, xúm xít quanh Lão Trần và Gà Gô, tiến vào
khoảnh sân trước điện.
Chỉ thấy trên sân có
mấy trăm con gà trống máu me bê bết đang vây đánh gần trăm con rết còn lại.
Cạnh đó là chiếc cầu đá hình vòm, dưới cầu là ao sâu không thấy đáy. Có lẽ
trước kia ở đây đã từng có một dòng suối chảy qua các hành lang trạm quán rồi
chảy ra ngoài núi, làm tăng thêm cảnh sắc sơn thủy lâm tuyền trong chốn địa
cung, nhưng nay nước suối đã khô cạn từ lâu, chỉ còn lại một hố sâu đen ngòm
ngay trước sường núi dưới gian điện.
Đúng lúc mọi người đang
định tiến lên diệt sạch đám rết to nhỏ còn lại, Gà Gô bỗng phát hiện có điều
không ổn, vội vàng rụt ngay tay về bấm quẻ, biết có sát cơ trước mặt, ngẩng đầu
nhìn lên đã thấy mấy tên trộm đang bước lên đầu cầu, vội vàng la lớn: “Mau quay
lại!”
Chương 28 : Cường Địch
Lão Trần cũng nghe thấy
tiếng động khác thường từ dưới sâu lòng hồ cạn, nhưng cả lão lẫn Gà Gô lên
tiếng cảnh báo đều đã quá muộn, loạt roạt loạt roạt, con rết sáu cánh đã men
theo vách đá bò lên. Thì ra nó cảm nhận được thiên địch đã vào trong núi, theo bản
năng sợ hãi trốn riệt dưới khe sâu không dám động đậy, nhưng lại thấy lũ con
cháu bị bầy gà đuổi cùng giết tận, không sao nín nhịn được cuối cùng xông lên
cầu đá trước điện Vô Lượng.
Hai Bình Sơn đạo nhân
mới xuất đạo là Lão Tây và Hoa Linh vừa khéo cũng đang cùng mấy tên trộm Xả
Lĩnh đi trên cầu, ai ngờ con rết cụ kia xuất hiện quá nhanh, người khác muốn
cứu họ cũng không kip. Con rết sáu cánh bò tới chân cầu, cong mình xồ ra từ
thành cầu, trăm chiếc chân dưới cái bụng nâu vàng ngọ nguậy liên tục, dáng vẻ
vô cùng dữ tợn.
Đám trộm tuy đã chuẩn
bị tinh thần nhưng việc xảy ra quá đường đột, thấy con rết khổng lồ bỗng dưng
chui lên thì quên cả bỏ chạy, Lão Tây cùng hai tên trộm khác bị nó hất văng
khỏi cầu, gào thét rơi xuống lòng hồ lởm chởm đá chết ngay tại chỗ.
Tiếng kêu thảm thiết
cùng tiếng xương cốt vỡ nát vọng lên từ đáy hồ, còn âm vang mãi trong lòng địa
cung, khiến đám trộm còn lại nghe mà mặt mày thất sắc, những người ở hang trên
hét lớn một tiếng, chực giương súng bóp cò. Trước khi tiến vào mộ cổ, súng ống
đã được lên đạn sẵn sàng, loạt đạn này vãi ra, tốt xấu gì chẳng khoét được mấy
lỗ trên thân con rết cụ.
Nhưng Gà Gô th con rết
sáu cánh đang bám vào thành cầu, nếu nhất loạt nổ súng không những khó lòng
giết được nó mà ngược lại, mấy người còn sống trên cầu gồm cả Hoa Linh đều sẽ
thành bia đỡ đạn,lúc này nhất định không được nổ sũng bừa bãi. Anh ta vội giơ
tay gạt lòng súng của mấy kẻ hàng trên, giữa tình thế ngàn cân treo sợi tóc,
“đoàng đoàng đoàng” một loạt đạn sượt qua đầu mấy người trên cầu.
Lão Trần lập tức hét
lên: “đừng nổ súng nữa, bắn phải anh em ta rồi!”. Đám trộm nghe tiếng thủ lĩnh
quát mới miễn cưỡng hạ súng, vài tên công binh chết nhát thấy tình hình trước
mắt liền lũ lượt quay đầu bỏ chạy, trong đội quân trộm mộ có những tay sũng chuyên
phụ trách những kẻ đào ngũ này, mấy kẻ bỏ chạy lập tức bị bắn chết tại chỗ, đám
người bỗng trở lên hỗn loạn.
Gà Gô thấy Lão Tây chết
tức tưởi, trong bụng vừa cuống vừa hận, đưa tay gạt phăng mấy người đứng cạnh,
cuống cuồng xông lên cầu định cứu sư muội Hoa Linh, nhưng bấy giờ con rết sáu
cánh trong thoắt chốc từ dưới chân cầu nhảy lên, hai hàm quắp lấy Hoa Linh, con
rết sáu cánh trăm chân nhanh nhẹn, tha Hoa Linh lên lóc mái điện Vô Lượng.
Động tác của con rết
sáu cánh nhanh không thể tưởng, nào để cho người ta kịp phản ứng hay tránh né,
Hồng cô nương cũng nóng lòng cứu người,vội vàng phóng ra mấy cây tụ tiễn, nhưng
con rết cồng kềnh mà di chuyển lại nhanh như chớp, chỉ thấy một bóng đen xẹt
qua trước gian điện, mấy cây tụ tiễn đã ngắm chuẩn mục tiêu, đủ kình lực song
rốt cuộc vẫn chậm một tích tắc, găm cả lên cây cột trước cửa điện, đến cái bóng
nó cũng không chạm được tới.
Gà Gô không biết Hoa
Linh sống chết thế nào,không kịp suy nghĩ vội chụp lấy thang rết của người bên
cạnh, móc vào góc mái điện, phi lên lóc điện đuổi theo con rết.
Gà Gô giẫm lên mái ngói
trơn trượt, chỉ nghe phía trưc tiếng gạch ngói va vào nhau loảng xoảng, ngước
mắt nhìn, thì ra con rết sáu cánh kia duỗi ra cả trăm cái chân gạt ngói lưu ly
lợp trên lóc điện rơi rào rào, tốc độ bò của nó cũng vì thế mà chậm hẳn lại.
Lão Trần ở dưới chỉ huy đám trộm ổn định lại trận thế, chĩa hết lòng súng lên
trên mái điện, nhưng phần vì Gà Gô cũng đang trên đó, phần vì con rết sáu cánh
đang nấp mình thập thò giữa mái điện và xà nhà, nên không ai dám tùy tiện nổ
súng. Chợt nghe tiếng ngói rơi loảng xoảng, mọi người hoảng sợ vội lùi hết về
sau, liền sau đó mấy chục mảnh ngói to rơi xuống đất vỡ tan. Đám trộm thấy con
rết sáu cánh khí thế phi phàm, tựa hồ đã thành tinh vậy, vậy mà Ban Sơn đạo
nhân Gà Gô lại dám trèo lên mái điện đuổi theo, gọi ới ới bảo anh ta mau quay
lại, vội gì thì vội cũng không bằng mạng sống của chính mình.
Nhưng Gà Gô đã quen đối
đầu với song to gió lớn, coi ngàn nguy vạn hiểm cũng như không, nào chịu nghe
lời đám người Xả Lĩnh. Anh ta lách người tránh những mảng ngói rơi, đi vòng qua
mái điện, quành về bên cạnh con rết, chỉ thấy con rết sáu cánh dùng hàm quặp
chặt lấy Hoa Linh, dãi rớt chảy ra đầy mồm.
Gà Gô chợt hiểu ra, con
rết này quanh năm hung cứ trong núi thuốc, đặc biệt thích mùi vị các loài kì
hoa dị thảo để luyện đơn, Hoa Linh từ nhỏ lên núi hái thuốc, bầu bạn với các
loài thảo dược, nên mới bị con rết sáu cánh bắt đi, tính tha về tổ ăn dần.
Ý nghĩ vừa lóe lên
trong óc, nhân lúc con rết sáu cánh đang loạng choạng trên ngói lưu ly, anh ta
vội nhào lên phía trước, giật phắt lấy Hoa Linh bị kẹp trong hàm rết, ôm cô bé
lăn theo mái điện xuống đất.
Con rết sáu cánh đang
định nhảy từ mái điện sang vách hang rồi lần xuống dưới, nên hai hàm ngoặm Hoa
Linh có phần hơi lỏng, nào ngờ có kẻ tiếp cận quá gần, chớp mắt cướp mất con
mồi ngon trong miệng. Nó vốn đã bị bức đến tức điên, sao có thể bỏ qua việc
này, trong tiếng ngói lưu ly loảng xoảng, nó nhảy vọt lên cao, rồi nhào xuống
đuổi theo Gà Gô.
Đám người Xả Lĩnh đứng
nhìn rõ mồn một, thấy Gà Gô hai tay ôm chặt Hoa Linh, trượt xuống theo mái
điện, đằng sau là con rết sáu cánh đang đuổi theo, khí thế mạnh tựa sấm vang
chớp giật, ai nấy đều há hốc mồm kinh sợ, đồng thanh kêu trời, tim thót lên tận
họng.
Nghe tiếng gió rít phía
sau, Gà Gô biết khó lòng tránh nổi, đành nghĩ cách chặn đứng mũi tấn công của
con rết tinh, anh ta vặn hông, ôm chặt Hoa Linh quay phắt người lại, lưng áp
sát mái điện lộn một vòng, theo đà trượt xuống góc mái vểnh náu mình, hai khẩu
súng Đức lăm lăm trong tay.
Mọi người đứng nghển cổ
nhìn lên chỉ thấy trước mắt nhoắng một cái, không ai trông rõ anh ta rút súng
xoay người trên mái điện thế nào, càng không biết anh ta lên nòng ra sao, đến
khi nhìn thì rõ tiếng súng đã vang lên chát chúa.
Hai khẩu súng trong tay
Gà Gô đều là loài súng bắn nhanh, bóp cò một phát, bốn mươi đầu đạn bay tới tấp
tựa hai luồng sao băng, dội thẳng vào mồm con rết sáu cánh đang nhào tới phía
sau.
Đà lao của con rết thì
khựng lại,cứ mỗi lần trúng đạn, sức mạnh gê gớm của khẩu mô de lại đẩy nó lùi
về sau một đoạn, phát đầu tiên trúng đích thì những phát tiếp theo không thể
chệch được, bốn mươi viên đạn bắn ra là bốn mươi cái lỗ được khoét trên mình
con rết chẳng thiếu cái nào, chất dịch màu trắng đặc quánh chảy ra từ những cái
lỗ, con rết bị trọng thương lăn lốc xuống đoạn mái bằng trên nóc điện, đau đớn
giãy dụa khiến ngói lớp trên mái va vào nhau loảng xoảng. Sự việc xảy ra quá
nhanh, đám trộm phía dưới thậm chí còn chưa kịp bắc thang trèo lên giúp sức thì
cục diện thắng thua trên mái đã được phân định. Mọi người đều đang trợn mắt há
mồm trông lên, đến tận lúc nghe tiếng súng nổ mới như bừng tỉnh, liền hò hét vỗ
tay vang dội, tán tụng Ban Sơn đạo nhân Gà Gô quả nhiên bản lĩnh phi phàm.
Nhưng tiếng vỗ tay chưa dứt hẳn đã thấy con rết vặn mình, cong thân bật lên cao
rồi lạ từ trên lao xuống, đột ngột ngóc dậy phản công, rốt cuộc bốn mươi viên
đạn kia vẫn không lấy được mạng nó.
Hai khẩu súng trong tay
đã hết đạn, Gà Gô không kịp thay hộp đạn mới, vội vàng quay sang kiểm tra
thương thế Hoa Linh. Thấy trên người cô có mấy vết bị hàm rết cắn vào, máu chảy
ròng ròng, mặt vàng như nghệ, thực đúng là “thân như ngũ nhạc ôm sơn nguyệt,
mệnh tựa tam canh bấc sắp tàn”, hít vào thì ít thở ra thì nhiều, dáng vẻ như
sắp hương tàn ngọc nát tới nơi, không sao cứu nổi. Không ngờ chỉ trong chớp mắt
Ban Sơn Ban Sơn đạo nhân cuối cùng trên đời chỉ còn lại một mình Gà Gô, nghĩ
tới đây anh ta chợt thấy đầu óc trống rỗng, quên mất mình đang ở đâu.
Bỗng nghe phía dưới có
tiếng hò hét kêu trời ầm ĩ, Gà Gô sực tỉnh, thấy con rết sáu cánh đang lao bổ
xuống, hai mắt anh ta vằn đỏ, hai hàm răng nghiến chặt, lòng ngùn ngụt sát cơ.
Nãy giờ không còn tay nào tháo sọt thả gà Nộ Tinh, lúc này gân xanh nổi lên đầy
trán,anh ta chống tay tung người nhảy lên khỏi lớp mái ngói, ngoác mồm ra chửi:
“súc sinh, xem pháp bảo đây!”.
Tiếng hét còn chưa dứt,
anh ta đã xé tung nắp sọt, đá thẳng chiếc sọt về phía con rết khổng lồ, đột
nhiên thấy chui ra một con gà trống ngũ sắc móng vàng, chính là thiên địch khắc
tinh của nó thì hồn vía lên mây, vội quay đầu bỏ chạy.
Gà Nộ Tinh đâu chịu bỏ
qua, dù vừa đáp xuống đầu rết, còn đang loạng choạng, nó vẫn kịp mổ cho kẻ địch
mười mấy phát. Bấy giờ con rết đột ngột chồm lên, gà Nộ Tinh mắt đỏ vằn, chỉ
chăm chăm dồn đối phương vào chỗ chết, bị thân hình khổng lồ của con rết lắc
mạnh một cái, trượt khỏi đầu nó, vội bấu thật sâu hai bộ móng vào lưng rết,
đúng chỗ mọc ra sáu cái cánh,trong tiếng gà kêu quang quác, một cái cánh rết
trong suốt đã gãy lìa.
Gà Gô thấy hai luồng
khí ngũ sác và sương đen cứ quấn nhau trên đỉnh điện, không phân nổi thắng
thua,chốc chốc lại thấy mấy cọng lông ngũ sắc, mấy cái chân gãy cánh cụt lả tả
rơi xuống. Gà Nộ Tinh không phải vật thường, nhưng con rết kia cũng đã ẩn náu
trong núi thuốc nhiều năm, lúc này tuy đang bị khắc tinh khống chế không dám
nhả độc, song vẫn chống trả ngoan cường, muốn giết nó không phải chuyện dễ.
Hiện giờ đã thế để thêm mười mấy năm e rằng không còn vật nào trên đời đả
thương nổi nó, nếu hôm nay để nó thoát sau này tất thành đại họa.
Nghĩ vậy Gà Gô quyết
tâm phải trừ khử con vật này, tránh cảnh đêm dài lắm mộng đế nó lọt lưới. Anh
ta lập tức lắp đạn cho hai khâu súng Đức, tung người lại gần đoạn mái bằng trên
lóc điện, định hợp sức với con gà Nộ Tinh giết chết con rết sáu cánh. Ở dưới
Lão Trần cũng chỉ huy thuộc hạ bắc thanng trèo lên.
Lúc này con rết sáu
cánh đang giãy chết, đột nhiên lật mình hất văng gà Nộ Tinh ra, bản thân nó rơi
uỵch xuống dưới. Ngôi điện Vô Lượng kì thực là điện không xà, không có lấy một
thanh xà ngang, toàn bộ trọng lượng của mái điện đều đè lên cột rui, tuy vô
cùng kiên cố nhưng dù sao cũng không vững bằng bốn xà tám cột, mái điện bị con
rết khổng lồ hết lần này đến lần khác húc vào từ lâu đã không chống đỡ nổi, sau
cú dội cuối cùng của con rết, rui mộc lỏng lẻo cùng gạch ngói tức thời đổ ập
xuống để lộ trên mái điện Vô Lượng một lỗ hổng to tướng.
Gà Gô đang chạy được
nửa đường thì hẵng chân rơi xuống, có câu “lực sinh ra từ đất”, bất kể là nhấc
tay hay giơ chân gì cũng đều phải dựa vào đất mà phát lực, anh ta tài giỏi cỡ
nào cũng không thể lăng không bay qua, rầm một tiếng đã cùng con rết theo rui
gãy ngói vụn rơi xuống gian điện.
Đột nhiên bị hụt chận,
Gà Gô chỉ thấy trước mắt tối sầm, người đã rơi xuống gian điện. Không ngờ trong
gian điện lại có một cái động không đáy như một miệng giếng sâu, to lớn lạ kì,bên
trên che lọng ngọc, Gà Gô rơi xuyên cả qua tán lọng, khắp mình ê ẩm, xương cốt
tưởng chừng nátụn, vậy mà đà rơi vẫn chưa chịu dừng, cứ thế tiếp tục rơi xuống
cùng gạch vỡ gỗ vụn.
Cũng may Gà Gô thân thủ
phi phàm, kinh ngiệm dày dạn, lúc cận kề nguy hiểm cũng không hề hoảng loạn,
thân xác tuy đau đớn nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, trong khi rơi xuống bỗng
thấy trước mắt lóe lên một tia sáng, vội vứt luôn khẩu súng đang cầm, với dài
tay, bám vào một cái hốc nhỏ trên vách đá dựng đứng. Bản lĩnh phiên cao đầu của
Gà Gô không thua gì Lão Trần , ngón tay tuy mất một mảng da nhưng rốt cuộc cũng
treo được người giữa không trung.
Lúc này chợt nghe bên
trên ầm ầm chấn động, lại một trận đất đá ào ào đổ xuống, thì ra mấy cây cột
trong gian điện cũng đã sập, chèn kín miệng giếng bên trong, dù cho cả đám
người Xả Lĩnh lập tức bắt tay đào bới cứu người, một sớm một chiều cũng không
thể dỡ nổi tòa điện Vô Lượng đã sập này.
Gà Gô hít một hơi thật
sâu, đổi tay bám vào hốc đá, cả người treo lơ lửng giữa không trung, anh ta cố
nén cơn đau, đưa mắt nhìn quanh mới biết mình đang bám trên một cái giếng khổng
lồ. Gọi là giếng có lẽ không đúng lắm, bởi riêng đường kính của nó dễ dãi cũng
đã mười trượng, rất giống một hang động khổng lồ thẳng đứng, bốn bề nhẵn thín
trơn bóng, cứ cách một đoạn lại có một cái hốc lõm vào, có điều không phải để
cho người trèo lên, mà bên trong mỗi một hốc lõm đều gắn một ngọn thạch đăng
Kim Giáp thần nhân bưng lửa, ngàn năm không tắt, chuyên được dùng trong các tổ
miếu tổ lăng của bậc đế vương, những hốc đá đặt thặch đăng ấy chính là những
máng đèn.
Chỉ thấy trong lòng
động rộng mênh mang, đâu đâu cũng lập lòe những đốm thạch đăng nhiều không đếm
xuể, Gà Gô liều chết bám lấy một cái máng đèn mới may không ngã chết, nhưng
thạch đăng để qua bao năm, dầu bên trong đã sắp cạn, ánh sáng tỏa ra vô cùng tù
mù, cúi đầu nhìn xuống vẫn không thấy đáy chỉ thấy tầng tầng nhưng quầng sáng
vàng vọt mịt mùng.
Gà Gô một tay bám vào
thành giếng, sau khi quan sát kĩ địa hình mới điều hòa nhịp thở, thử duỗi duỗi
chân thì biết mình không sao. Anh ta vốn gan lớn tày trời, rơi vào hiểm cảnh
vẫn ung dung trấn tĩnh ngẩng đầu nhìn lên, thấy từ chố mình lên điện Vô Lượng
bên trên không xa lắm, toan bám vào vách đá dốc đứng trèo lên.
Đang định hành động
bỗng nge tiếng rết bò loạt soạt dưới giếng sâu, Gà Gô ớn lạnh toàn thân, thầm
rủa con rết thối tha bám dai như đỉa. Hai khẩu súng vừa ý vừa tay đã ném đi ban
nãy rồi, gà Nộ Tinh lại bị chặn bên ngoài động, lúc này dù có lòng diệt ác cũng
lực bất tòng tâm. Anh ta thầm kêu khổ đưa mắt nhìn về phía phát ra tiếng động
thì thấy con rết sáu cánh đang men theo thành giếng bò về phía mình.
Dọc theo mình nó có tới
trăm cái chân, trời sinh loài rết vốn là quán quân leo tường, tuy thương tích
đầy mình nhưng tốc độ của nó vẫn cực nhanh, không để Gà Gô kịp chuẩn bị, loáng
cái đã ập tới ngay trước mặt, hai cái hàm khua khua cũng những vết thương chi
chit mình mẩy đều hiện ra rõ mồn một.
Gà Gô biết tình thế
xoay chuyển,chuyến này mình lại bị dồn tới đường cùng, cá không chết thì lưới
rách, việc đến nước này chỉ còn cách liều thôi, nghĩ đoạn anh ta hét to: “đến
đúng lúc lắm” rồi buông tay khỏi máng đèn, hai chân đạp mạnh vào thành giếng,
né mình trách đà lao tới của con rết, trong tiếng rít lanh lảnh anh ta đã tung
người nhảy xuống vực sâu.
Nguồn tangthuvien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét