Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

29 thg 1, 2014

Liêu Trai Chí Dị - Tập 1-10 - Bồ Tùng Linh

Dế Chọi
    Thời Tuyên Đức (1) trong cung rất chuộng chơi chọi dế, hàng năm bắt dân gian cung tiến. Trò đó không phải nảy sinh từ đất Thiểm Tây mà do viên quan huyện lệnh huyện Hoa Âm muốn lấy lòng quan trên đem tiến một con. Quan tỉnh thâý nó chọi hay quá đòi phải cung tiến thường xuyên. Quan huyện lại đòi lý trưởng phải cung cấp. Ngoài chợ bọn tay chơi tìm mua được con nào tốt, đem nhốt vào lồng nuôi, nâng giá lên thành hàng quý lạ. Còn bọn lý dịch giảo hoạt lấy lệ cung tiến dế, sách nhiễu dân chúng. Mỗi đầu dế phải nộp, đủ làm khuynh gia bại sản mấy nhà. 

    Huyện ấy, có người tên Thành Danh đã là một đồng sinh (2) nhưng không theo học tiếp nữa. Anh ta vốn người chất phác, ít nói, cho nên bọn hương chức quyền thế ép phải giữ chân chức dịch trong làng. Tuy nhiên phương bách kế từ chối nhưng vẫn không thoát. Mới chưa đầy một năm mà gia sản nhỏ mọn của anh ta cơ hồ đã kiệt. Gặp vụ nộp dế, Thành không dám bổ bán sách nhiễu dân mà nhà thì không còn gì để bù, bởi thế lo buồn quá chỉ muốn chết đi cho rảnh. Người vợ khuyên can: 
    - Chết thì được việc gì, chi bằng tự tìm bắt lấy, muôn một may ra được con nào chăng. 
    Thành cho là phải, từ đó cứ sáng đi tối về, tay xách ống tre , lồng tơ, đủ cách bới đất lật đá tìm hang, mọi nơi tường đổ, bờ hoang bãi cỏ. Cũng có lần moi được vài ba con, nhưng vừa yếu lại vừa bé, không đủ quy cách. Quan trên cứ hạn mà trách phạt, quá hơn chục ngày Thành phải chịu đòn trăm gậy, đôi mông máu me be bét mà chẳng có con dế nào để nộp. Về nhà anh ta lăn lộn, trăn trở trên giường, chỉ còn nghĩ đến chuyện tự tử mà thôi. 
    Lúc ấy, trong thôn có cô đồng gù mới đến, có tài bói toán cầu thần. Vợ Thành chạy tiền đến bói. Gái tơ, nạ dòng kéo đến chật cổng ngõ. Trong nhà buồng kín che mành, cửa bày hương án. Nguời đến bói thắp hương sì sụp lễ. Cô đồn đứng bên hướng lên không trung khấn thay mồm mấp máy thì thầm không biết nói những gì. Mọi người xung quanh cung kính đứng nghe. Lát sau trong mành ném ra mảnh giấy ghi rõ những lời truyền phán chỉ bảo, không mảy sai lẫn lộn. 
    Vợ Thành nộp tiền trước án rồi cũng thắp hương làm lễ như những người trước. Độ giập bã trầu thì mành động có mảnh giấy ném ra. Giở ra xem, không thấy chữ, chỉ có hình vẽ: ở giữa là đền gác như kiểu chùa Phật; đằng sau dưới ngọn núi nhỏ lổn nhổn những mô đất kỳ quái, những bụi gai tua tua, một chú dế “thanh ma” nằm phục, bên cạnh là con ếch trong tư thế định nhảy ra. Xem mà không hiểu ra sao, chỉ thấy qua chú dế dường như có bao hàm ẩn ý về việc mình cầu khẩn, cho nên vợ Thành bọc giấy vào người, đem về đưa chồng xem. Thành xem trăn trở tự nhủ: “Phải chăng bức vẽ này chỉ cho ta chỗ bắt dế?”. Ngắm kỹ hình vẽ thấy giống như Đại Phật Các ở mé đông thôn. Bèn gượng dậy, cầm theo bức vẽ, chống gậy lần ra mé sau chùa. Ở đó có một ngôi mộ cổ trên gò cây cỏ um tùm. Lần theo xung quanh mộ thấy đá lởm chởm rất giống hình vẽ. Thành vạch cây vén cỏ, căng mắt dỏng tai như đi tìm mũi kim hạt cải, nhưng không thấy dấu vết gì cả. Bỗng có một con ếch nhảy vọt ra, Thành kinh ngạc vội đuổi theo, ếch lẫn vào đám cỏ. Thành dõi theo hướng, lần tìm thấy một chú dế núp dưới gốc gai. Thành chộp vội, nhưng dế đã chui tọt vào trong hang. Lấy cỏ nhọn chọc, nó vẫn nằm lỳ trong ấy. Sau khi đem ống phung nước vào, bị sặc, một chú dế cực to khỏe mới thòi ra. Tóm được chú ta, nhìn kỹ: mình to, đuôi dài, cổ xanh, cánh vàng. Thành vô cùng mừng rỡ liền nhốt vào lồng mang về. Cả nhà ăn mừng, cho bắt bắt được trân châu bảo ngọc cũng không bằng. Rồi thả vào bồn, nuôi nấng hàng ngày bằng thóc ngâm sữa, thịt cua luộc, chắm sóc chí chút từng li từng tí, đợi đến kỳ hạn nộp quan. 
    Thành có đứa con trai lên chín, thấy bố đi vắng liền mở trộm bồn ra xem. Dế thừa cơ vọt ra. Thằng bé đuổi theo mãi vồ được vào tay thì dế đã gãy cẳng bẹp bụng, chết ngay tức khắc. Nó sợ quá chạy mách mẹ. Mẹ vừa nghe xong, mặt nhợt như chết rồi, quắt mắng ầm lên: 
    - Thật là tiền oan nghiệp chướng! Chết đến nơi rồi! Bố về sẽ cho mày biết! 
    Thằng bé khóc lóc bỏ đi. Lát sau Thành về, nghe vợ kể lại mà lạnh toát xương sống, đi tìm con thì con đã biến đâu không biết. Mãi sau mới vớt được xác con dưới giếng. Chuyển giận thành thương, Thành vật ra kêu trời muốn chết. Nhà tranh bặt khói, vợ chồng im lặng nhìn nhau không còn gì nữa. Trời gần tối mới đem chiếu cỏ liệm thây con, ôm ấp vỗ về thì thấy con còn thoi thóp thở. Mừng quá! Nửa đêm con sống lại. Hai vợ chồng hơi yên tâm. Song đứa con vẫn cứ trơ ra như khúc gỗ, bằn bặt ngủ lịm. 
    Thành nhìn cái lồng dế rỗng không lại như đứt hơi, tắc họng, không nghĩ gì đến con nữa. Suốt một đêm ròng không hề chợp mắt. Mặt trời mọc, Thành vẫn nằm dài lòng buồn rười rượi. Bỗng nghe bên ngoài có tiếng dế gáy, vội nhỏm dậy nhìn ra thì dế vẫn còn đó. Thành mừng quá vồ lấy. Kêu to một tiếng, dế nhảy bật đi. Tay Thành chộp được thì thấy dường có dường không. Mở ra, dế lại nhảy vọt mất. Thành đuổi theo đến góc tường, không thấy nó đâu. Hoảng hốt nhìn quanh bốn phía thấy nó đã nép trên vách. Nhưng con này vừa nhỏ vừa ngắn, đỏ đen nham nhở, không phải con trước. Thành cho là hạng bét không thèm để mắt mà cứ quanh quẩn đi tìm con trước. Bỗng dế con từ trên vách nhảy xuống tọt ngay vào tay áo Thành. Ngắm kỹ, đầu vuông đùi dài, dáng ve sầu, cánh hoa mai, có vẻ tốt. Thành hơi mừng giữ lấy định đem lên công đường nộp, song chỉ lo sợ không được vừa ý quan, mới nghĩ cách cho chọi thử xem sao. 
    Một chàng trai tay chơi trong thôn nuôi được một chú dế nòi đặt tên là “Cua xọc xanh”, hàng ngày đem chọi với dế của đồng bọn đều thắng cả. Chàng ta muốn giữ để kiếm lời, ai trả giá cao mấy cũng chưa chịu bán. Nhân qua nhà thăm Thành, thấy dế Thành nuôi, chàng ta bịt miệng cười và đưa dế mình, bỏ vào lồng để đánh. Nhìn thấy dế người vừa to vừa cao, Thành lại càng xấu hổ, không dám đưa dế mình ra. Chàng trai cố ép. Thành nghĩ: “Nuôi vật hèn kém cuối cùng cũng vô dụng, chi bằng đem chọi lấy một tiếng cười.” Thành đưa dế vào bồn đấu. Chú dế con nằm ẹp xuống không dám động đậy. Chàng trai cười ngất, cầm cái lông lợn chọc vào râu, nó vẫn nằm im. Chàng trai lại cười, lại chọc. Dế con nổi giận, xông thẳng ra, phấn chấn cất tiếng gáy ke ke. Rồi vểnh râu, cong đuôi nhảy xổ vào cắn cổ địch thủ. Chàng trai hốt hoảng xin ngưng chọi. Dế con dõng dạc cất tiếng gáy như báo cho chủ biết mình vừa thắng cuộc. Thành chứng kiến cảnh ấy, vui mừng vô cùng. 
    Đang khi cùng nhau ngắm nghía dế con thì một con gà sán lại gần mổ dế. Thành hoảng, đứng dậy thét đuổi. May mà gà mổ không trúng. Dế co càng nhảy một phát đến hơn một thước. Gà đuổi sấn theo, dế đã nằm dưới móng gà. Thành thảng thốt không biết làm thế nào để cứu dế, chỉ còn dậm chân thất sắc. Nhưng sao gà cứ vươn cổ, sã cánh? Nhìn kỹ thì dế đã bám trên mào gà cắn chặt lấy không buông. Thành vừa kinh ngạc vừa mừng, vội bắt lấy dế bỏ vào lồng. 
    Hôm sau, Thành đem dâng quan huyện. Quan huyện thấy dế quát ầm lên. Thành thuật lại chuyện lạ về con dế ấy, nhưng quan không tin. Đem chọi với các con khác, dế Thành đều thắng. Đem thử với gà quả như lời Thành nói. Quan trên thưởng cho Thành và hiến dế lên tỉnh. Quan tỉnh vui lòng lắm liền bỏ dế vào lồng vàng tiến vua, lại dâng sớ tâu rõ cái hay của nó. Đã vào cung rồi, dế còn phải tỉ thí với khắp các loại dế kì hình dị dạng của cả thiên hạ dâng tiến như dế bướm, dế bọ ngựa, dế dầu, dế “trán tơ xanh”... con nào cũng chịu thua cả. Còn điều kỳ lạ hơn nữa, ở trong cung con dế của Thành mỗi khi nghe tiếng đàn cầm, đàn sắt lại nhảy múa theo các tiết điệu. Hoàng thượng hết sức đẹp lòng, rộng ơn ban thưởng, xuống chiếu cấp cho quan tỉnh ngựa hay, vải quý. Quan tỉnh không quên nguồn gốc dế nên ít lâu sau tiến cử quan huyện là người “tài năng ưu diệt” có thể thăng cấp. Quan huyện sướng quá cho Thành được miễn sai dịch; lại dặn học quan cho Thành thi lấy học vị tú tài. 
    Còn con Thành hơn năm sau tinh thần trở lại như cũ và kể rằng: Mình đã hóa thành dế, lanh lẹ, chọi giỏi, nay mới thực sống lại. Quan tỉnh biết rõ chuyện ấy, lại hậu thưởng cho Thành. Chỉ mấy năm thôi, Thành đã có ruộng đồng trăm khoảnh, lầu gác nguy nga, trâu dê đầy đàn. Ra khỏi nhà thì áo cừu, ngựa xe vượt cả các bậc quyền thế. 
    LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ 
    Bậc thiên tử dùng một vật gì chốc lát rồi quên; còn kẻ hầu cận bèn lấy làm lệ định. Từ đó qua bọn tham quan lại ngược, dân phải bán vợ đợ con không dứt. Cho nên nửa bước của thiên tử cũng quan hệ đến dân, không thể coi nhẹ được. Riêng họ Thành vì sâu mọt mà nghèo, vì dế chọi mà giàu, vênh vang áo cừu, ngựa béo, lúc còn bị lý dịch sách nhiễu chẳng tưởng đến chuyện như thế. Còn ơn trời đáp đáp sao mà lâu dài hậu hĩ vậy, khiến cho quan tỉnh quan huyện đều được ân thưởng vì con dế. Ta từng nghe: “Một người thăng gà chó cũng thành tiên”(3). Đáng tin vậy thay! 
     
    (1) Tuyên Đức: niên hiệu thời vua Tuyên Tông nhà Minh khoảng 1426- 1435 
    (2) Theo chế độ khoa cử lúc ấy ai có học đi thi nhưng chưa thi đỗ tú tài thì bất kể tuổi tác đều gọi là đồng sinh. 
    (3) câu này do điển: Thời Hán, Hoài Nam vương Lưu Yên tu luyện đắc đạo bay lên trời. Lũ gà chó trong nhà ăn phải thuốc luyện còn dư cũng đều trở thành tiên cả. 
Đạo Sĩ
    Hàn sinh nhà thế gia, thích khách. Người cùng xóm có anh chàng họ Từ, thường hay đến uống rượu. Một hôm khi họp vui, ở ngoài cổng có kẻ đạo sĩ đến ăn xin. Người nhà cho tiền, cho gạo không lấy, cũng không đi. Lũ người nhà tức giận, cũng mặc kệ. Hàn nghe thâý tiếng xô xát cãi cọ nhau đã lâu, hỏi các người nhà, chúng thưa thực như vậy. Nói chưa dứt lời đạo sĩ đã cứ vào. Hàn cho mời ngồi. Đạo sĩ đến với chủ nhân và các khách giơ tay chào khắp một lượt, rồi liền ngồi. hỏi qua gốc tích thời nguyên ở trong cái miếu đổ nát ở xóm đông. 
    Hàn nói: 
    -“Không hay con hạc lại về từ bao giờ, thành ra tôi thiếu cái lễ địa chủ”. 
    Trả lơì thưa rằng: 
    -“Kẻ quê kệch mơí đến, không có chơi bời quen ai, nghe rằng ông ở đây rộng tính, cho nên muốn được đến để uống rượu mà thôi”. 
    Hàn bảo rót rượu. Đạo sĩ uống được nhiều. Từ thấy quần áo rách bẩn, lại trông ra khốn đốn, có ý khinh bỉ không cần làm lễ tiếp chi. Hàn cũng coi là một người khách thoáng qua vậy. Đạo sĩ uống luôn đến hơn hai chục chén, rồi chào mà ra đi. 
    Từ đấy, mỗi lần yến họp khách, đạo sĩ cứ đến gặp ăn thời ăn, gặp uống thời uống. Hàn cũng hơi thấy là đáng chán. Trong khi uống rượu vui, Từ đùa giễu rằng: 
    “Đạo sĩ chỉ cứ làm khách mãi, sao không làm chủ một bận chăng?” 
    Đạo sĩ cười mà rằng: 
    “Đạo sĩ với cư sĩ cũng như nhau, chỉ có hai vai đem một cái mồm mà thôi”. Từ thẹn không nói được nữa. 
    Đạo sĩ nói: 
    “Tuy vậy, kẻ theo đạo này có lòng thành đã lâu, thế nào cũng cố hết sức gọi là kiếm một hai chén nước để báo đền lại”. 
    Uống xong, dặn rằng: 
    “Đến trưa mai xin mời quá bộ”. 
    Ngày hôm sau, chúng rủ nhau cùng đi, còn ngờ là không đặt rượu, mà đạo sĩ đã đón đợi ở ngang đường. Vào cổng thời thấy nhà cửa mới làm hết, gác rộng liền mây, rất lấy làm sự lạ, cùng bảo với nhau rằng: 
    -“Lâu chúng ta không đến đây, không biết làm nhà mới từ khi nào?” 
    Đạo sĩ nói: 
    - “Vừa mới làm xong không bao lâu”. 
    Vào đến trong nhà, thời bày đặt rất lịch sự sang trọng những vật mà các nhà gia thế không thể có. Hai người thấy mà phải kính sợ. Mời ngồi xong rót rượu, bưng thức ăn lên, toàn là đứa hầu nhỏ khoảng mười sáu tuổi cả, mà mặc áo gấm đi giày điều. Rượu và thức ăn, thơm tho đầy nhiều. Ăn xong các thứ đồ nước bưng lên, nhiều quả không biết tên gọi đựng bằng những đồ thủy tinh quý, ngọc thạch sáng soi khắp bàn ghế và giường phản. Rượu uống bằng thứ chén pha lê, chu vi đến một thước. Đạo sĩ nói: 
    - Gọi chị em họ Thạch lên đây. 
    Đứa nhỏ chạy lúc lâu. Có hai mỹ nhân đến. một người nhỏ dài như thể cành liễu yếu, một người mình ngắn tuổi trẻ hơn. Hai đằng cũng đẹp cả, đạo sĩ sai hát để mua vui cho cuộc rượu. Người trẻ tuổi đánh phách mà hát, người lớn tuổi thổi sáo mà họa lại. Tiếng nghe trong mà nhỏ tuyệt hay. Một khúc hát đã xong, đạo sĩ sai rót rượu mời cả khách một lượt. Lại quay lại hỏi người đẹp rằng: 
    - Lâu không múa còn nhớ chăng? 
    Liền có những đầy tớ đem chiếu trải ra ở dưới chỗ chiếu rượu, hai người con gái múa đối nhau. Áo dài phất tung, hương thơm bay loạn. Múa xong tựa nghiêng mình ở bức họa hình. Hai người khách thần hồn bay mất, không ngờ say quá lúc nào. Đạo sĩ cũng chẳng cần sự khoản tiếp nữa, chỉ cứ cất chén uống thật mạnh. Rồi đứng dậy bảo khách rằng: 
    - Xin các ông cứ xơi rượu cho, tôi đi nghỉ một thoáng xin ra ngay. Nói xong liền đi. 
    Ở dưới vách phía nam nhà, có bày một cái giường khảm xà cừ. Đứa con gái đem nệm gấm ra trải, ôm đỡ đạo sĩ lên nằm. Đạo sĩ kéo người đẹp mà dài, lên giường cùng gối nằm, sai người bé tuổi đứng ở bên dưới để xoa, gãi. Hai người khách thấy bộ trạng ấy, lấy làm khó chịu quá. Từ bèn nói to bảo rằng: 
    - Đạo sĩ không được hỗn thế. 
    Nói rồi định đến để quấy rối. Đạo sĩ vội trở mình trốn đi mất. 
    Trời đã sáng, rượu và mộng cùng tỉnh ra, thấy một vật gì ở trong lòng lạnh thấu điếng người. Dậy nhìn xem, thời là mình ôm một hòn đá dài mà nằm dưới hầm vậy. Vội trông lại Từ, thấy Từ vẫn chưa tỉnh, mà đầu gối vào một hòn gạch vỡ, ngủ say bét ở trong chỗ như chuồng tiêu vậy. Đá cho vậy, cùng nhau lấy làm sợ lạ, trông nhìn khắp bốn phía thời một sân cỏ rậm, hai gian nhà nát mà thôi. 
    
Thư Sinh Họ Diệp
    Miền Hoài Hương có chàng thư sinh họ Diệp, không rõ cả tên và tự. Văn chương từ phú trội nhất đương thời, nhưng đến đâu cũng lận đận, long đong khốn khổ mãi trong trường công danh. 
    Gặp lúc ông Ðinh Thừa Hạc, người Ðông Quan, đến làm quan ở ấp ấy, xem văn chương của chàng, cho là kỳ tài, bèn mời đến đàm đạo. 
    Ông rất bằng lòng, cho chàng đến ở trong dinh thự, cơm nước đèn sách, cấp cho đầy đủ, thỉnh thoảng lại gửi tiền thóc về giúp đỡ gia quyến nữa. 
    Ðến kỳ sơ thí, ông hết sức tán dương văn tài của chàng trước mặt quan học sử, rồi đó chàng đỗ đầu hàng xứ. 
    Ông trông mong vào chàng rất tha thiết; sau khi vào trường thi Hương, cho lấy văn của chàng để xem và đọc vừa gõ bàn đánh nhịp, ngợi khen không ngớt. 
    Ngờ đâu thời vận neo người, văn chương ghen mệnh, bảng đã treo, lại hỏng tuột. 
    Chàng trở về, choáng váng tê mê, trong lòng lại thẹn là mình đã phụ người tri kỷ, thân hình gầy ruộc như bộ xương còn đứng, người ngây ra như khúc gỗ. 
    Ông nghe tin, cho mời đến an ủi. 
    Chàng rơi lụy dầm dề. 
    Ông rất thương tình, hẹn đến khi nào mãn kỳ khảo tích về kinh thì đem chàng cùng đi. 
    Chàng rất cảm kích cáo từ ra về , từ đấy đóng cửa không đi đâu nữa. 
    Chẳng bao lâu chàng lâm bệnh, ông luôn luôn hỏi thăm và đưa quà, nhưng thuốc uống đã trăm thang mà vẫn không công hiệu. Vừa lúc ấy ông lại có điều xúc phạm đến quan trên, bị cất chức, sắp về nhà, viết thư cho chàng, đại lược nói rằng: "Tôi nay mai về Ðông, mà sở dĩ còn chần chừ chưa đi ngay, là chỉ vì muốn chờ túc hạ đi đó thôi. Túc hạ đến buổi sáng, thì buổi chiều là tôi khởi hành..." 
    Thư đưa đến bên giường nằm, chàng cầm xem khóc sụt sùi, rồi nhắn sứ giả về nói là đang bị bệnh nặng, khó bình phục ngay được, xin cứ đi trước. 
    Sứ giả về bẩm, ông không nỡ đi, ráng ở lại chờ. 
    Qua mấy hôm, người canh cổng báo có chàng họ Diệp đến, ông mừng quá, ra đón mà hỏi han. 
    Chàng nói: 
    - Vì cái bệnh của thân hèn để đại nhân phải chờ đợi lâu, lòng này thật áy náy không yên. Nay, may đã có thể ráng theo kịp dấu giày chân ngựa. 
    Ông bèn gói buộc hành trang lại, để dậy sớm ra đi. 
    Chẳng mấy ngày đã về đến làng, ông cho con thụ giáo với chàng, đêm ngày ở liền bên cạnh. 
    Cậu con tên là Tái Xương lúc bấy giờ mới mười sáu tuổi, chưa biết làm văn chương nhưng thông minh lắm, phàm văn bài cử nghiệp, xem qua hai ba lần thì không quên nữa. ở được một năm, cậu đã hạ bút thành văn, nhờ có thêm thế lực của ông, bèn được nhận vào nhà học của huyện. 
    Chàng bàn chép lại những bài văn cử nghiệp đã làm lúc bình thời đem hết cho công tử học. 
    Vào trường thi, bảy đầu đề không sai đề nào, công tử liền đậu á khôi. 
    Một hôm ông bảo chàng rằng: 
    - Túc hạ chỉ vứt ra một mối tơ thừa mà cũng đủ làm cho thằng trẻ nên đanh, nhưng còn quả chuông vàng kia cứ bị bỏ rơi mãi thì làm thế nào? 
    Chàng nói: 
    - Ðiều đó e rằng có mệnh. Tôi mượn cái phúc trạch của đại nhân để hà hơi cho văn chương, khiến người thiên hạ biết rằng nửa đời luân lạc không phải vì kém tài đánh trận, như thế là thỏa nguyện rồi. Vả chăng kẻ sĩ mà được một người biết, đã đủ không ân hận nữa, cần gì phải đỗ đạt mới đắc chí? 
    Ông thấy chàng xa nhà đã lâu, sợ nhỡ mất kỳ sát hạch năm, khuyên chàng nên về thăm nhà. Chàng rầu rĩ không vui. Ông cũng không nỡ ép, bèn dặn công tử khi đến kinh đô thì nạp thóc hộ chàng, công tử lại giật giải Nam Cung được bổ chức Chủ sự trong bộ, đem chàng vào Giám sớm tối gần nhau. 
    Qua một năm, chàng vào trường thi Hương ở kinh, đỗ Cử nhân. 
    Vừa lúc ông được bổ đi coi thi ở Hà Nam bàn nhân tiện nói với chàng rằng: 
    - Chuyến đi này không xa quê hương tiên sinh là mấy. Nay hãy nhẹ bước đường mây, tiên sinh cũng nên một phen về làng cho được khoái chí. 
    Chàng cũng mừng. Rồi chọn ngày tốt lên đường. 
    Ðến địa giới Hoài Dương, công tử cho người và ngựa đưa chàng về. 
    Ðến nhà thấy cổng ngõ tiêu điều, chàng chạnh lòng buồn bã lững thững đi vào sân. 
    Người vợ cầm nong nia đi ra, thấy chàng thì vứt xuống sợ hãi bỏ chạy. 
    Chàng rầu rĩ mà nói: 
    - Ta bây giờ đã nên danh phận rồi. Mới ba bốn năm không thấy mặt, sao bông như không quen biết nhau vậy? 
    Người vợ đứng xa mà bảo rằng: 
    - Chàng chết đã lâu, còn nói nên danh nên phận gì nữa? 
    Sở dĩ còn để mãi linh cữu trong nhà, là vì nhà nghèo con bé đó mà thôi! Nay thằng cả đã khôn lớn, cũng đang tìm một ngôi đất để đưa chàng ra. Chớ nên hiện về làm gở để quấy người sống. 
    Chàng nghe nói thì bùi ngùi rũ rượi, bàn lững thững đi vào trong nhà, thấy linh cữu rành rành, liền ngã ra giữa đất mà biến mất. 
    Người vợ kinh hãi nhìn xuống thấy áo mũ giày tất bỏ đấy, như cái xác lột. Nàng mũi lòng quá, ôm xống áo khóc lóc. Người con đi học về, thấy một cỗ xe ngựa buộc ở trước thì dò hỏi xem ở đâu đến, rồi kinh hãi chạy về báo với mẹ. 
    Mẹ gạt nước mắt kể lại chuyện vừa xảy ra. Lại hỏi kỹ những người theo hầu mới biết rõ đầu đuôi. 
    Người theo hầu trở về, công tử nghe tin nước mắt rơi ướt cả ngực, lập tức lên xe, đến tận nhà mà khóc, rồi bỏ tiền lo liệu việc tang, chôn cất theo lệ hiếu liêm. 
    Lại chu cấp rất hậu cho đứa con, mời thầy về dạy và gửi gắm cho quan học sứ, hơn một năm sau được vào nhà học phán


Ðạo Sĩ Núi Lao
    Trong huyện có chàng họ Vương, vào hàng thứ bảy, là con nhà cố gia, tuổi trẻ mộ đạo. 
    Nghe nói núi Lao Sơn có nhiều tiên ở, liền quẩy tráp đi thăm. 
    Trèo lên một ngọn núi thấy có đạo quán thật u nhã. 
    Một vị đạo sĩ ngồi trên tấm bồ đoàn (chiếc chiếu đan bằng cỏ bồ, hình tròn, để người đi tu hành quỳ hoặc ngồi cho êm, mỗi khi hành lễ) tóc trắng rủ xuống tận cổ, nhưng dáng vẻ thư thái, tinh thần trông thật sắc sảo. 
    Vương liền khấu đầu, bắt chuyện, thấy đạo lý rất huyền diệu, bèn xin thờ làm thấy. 
    Ðạo Sĩ nói: 
    - Chỉ sợ quen nhàn rỗi, không chịu nổi khó nhọc thôi. 
    Vương hứa là: "Ðược" 
    Học trò Ðạo Sĩ đông lắm, gần tối mới kéo hết về. 
    Vương cùng họ cúi đầu làm lễ, rồi lưu lại trong quán. 
    Sáng tinh sương, Ðạo Sĩ gọi Vương, đưa cho cái búa, bảo theo đám học trò đi hái củi. 
    Vương kính cẩn vâng lời. 
    Ðược hơn một tháng, tay chân phồng rộp thành chai, cực khổ không chịu nổi, Vương đã ngầm có bụng muốn về. 
    Một buổi chiều, trở về, thấy hai người khách đang cùng thầy uống rượu. 
    Trời đã tối mà chưa thấy đèn lửa gì cả. 
    Thầy bèn cắt một miếng giấy như hình cái gương, dán lên vách. 
    Phút chốc, ánh trăng vằng vặc soi sáng khắp nhà, trông rõ từng sợi tơ, cái tóc. 
    Ðám học trò chạy quanh hầu hạ. 
    Một người khách nói: 
    - Ðêm này đẹp trời có thể vui chi, nên cho ai nấy cùng vui. 
    Bèn lấy hồ rượu lên bàn, chia cho các học trò, lại dặn nên uống thật say. 
    Vương nghĩ bụng: Bảy tám người một hồ rượu, làm sao cho đủ khắp được? 
    Mỗi người đều đi tìm chén, bát , tranh nhau rồi uống trước, chỉ sợ rượu trong hồ hết mất. Thế mà rót hết lần này lượt khác, vẫn chẳng vơi đi chút nào. Bụng thầm lấy làm lạ. 
    Giây lát, một vị khách nói: 
    - Ðã làm ơn ban cho ánh sáng trăng, mà lại chỉ tịch mịch uống suông. Sao không gọi Hằng Nga xuống chơi? 
    Ðạo sĩ bèn lấy một chiếc đũa, vứt vào trong trăng. Bỗng thấy một người đẹp từ trong vùng ánh sáng bước ra: mới đầu chưa đầy một thước, xuống đến đất thì cao lớn như người thường, lưng thon nhỏ, cổ trắng muốt, phấp phới múa khúc Nghê thường. 
    Rồi ca rằng: 
    Tiên tiên nào! 
    Về đây nao! 
    Giữ ta mãi chốn Quảng Hàn sao! 
    Âm thanh trong trẻo, cao vút, nghe hay như tiếng tiêu, tiếng sáo. Ca xong, uốn lượn mà đứng lên, rồi nhảy lên mặt bàn, ngoảnh đi ngoảnh lại, đã biến trở lại thành chiếc đũa. 
    Ba người cùng cười lớn. 
    Lại một vị khách nói: 
    - Ðêm nay vui quá, nhưng uống vẫn chưa đã. Có thể đãi rượu tiếp chúng tôi trên cung nguyệt được chăng? 
    Ba người bàn rời chiếu tiệc bước vào dần trong trăng. 
    Mọi người nhìn thấy rõ cả ba đang ngồi trong trăng uống rượu: râu, lông mày, đều trông thấy hết, như bóng hiện trong gương. 
    Một chốc, ánh trăng mờ dần; đám học trò châm đèn mang đến thì một mình Ðạo Sĩ còn ngồi đấy mà khách đã biến đâu mất. 
    Trên bàn thức nhắm hãy còn. Mà mặt trăng trên vách chỉ còn là miếng giấy tròn như tấm gương mà thôi. 
    Ðạo Sĩ hỏi: 
    - Mọi người đã uống đủ cả chưa? 
    Các học trò cùng thưa: 
    - Ðủ cả. 
    - Ðủ rồi thì nên đi ngủ sớm, đừng làm lỡ việc kiếm củi ngày mai. 
    Chúng học trò đều "vâng" mà lui ra. 
    Vương lòng thầm thích thú, hâm mộ, bụng muốn về lại tiêu tan. 
    Lại một tháng nữa, khổ không thể nào kham nổi, mà Ðạo Sĩ tuyệt không truyền dạy cho một phép nào. 
    Sốt ruột không chờ được nữa, Vương bèn lên cáo từ rằng: 
    - Ðệ tử này vượt mấy trăm dặm đường đến đây thụ nghiệp với thầy; dẫu chẳng học được cái thuật trường sinh bất tử, thì cũng mong thầy cho chút gì gọi là h tấm lòng cầu học. Thế mà qua hai ba tháng, chỉ những sáng đi kiếm củi, tối lại trở về. 
    Hồi còn ở nhà, đệ tử chưa bao giờ phi chịu khổ như thế. 
    Ðạo Sĩ cười bảo: 
    - Ta vẫn nói là anh không kham nổi khó nhọc, nay đã quả nhiên. Sáng mai, sẽ cho anh về: 
    Vương nói: 
    - Ðệ tử làm lụng đã bao ngày, xin thầy dạy qua cho một thuật mọn, khỏi phụ công lao đệ tử lặn tới tới đây. 
    Ðạo Sĩ hỏi: 
    - Muốn học thuật gì? 
    Vương đáp: 
    - Thường thấy thầy đi đâu, tường vách không ngăn được. Chỉ xin một phép cũng đủ. 
    Ðạo Sĩ cười nhận lời. Bèn đem một bí quyết truyền cho, bảo miệng đọc mấy câu thần chú xong rồi hô: "Vào đi!" Vương đối diện với một bức tường mà không dám vào. 
    Ðạo sĩ lại nói: 
    - Cứ vào thử đi! 
    Vương theo lời, thong thả tiến lại, đến tường thì bị vấp. Ðạo Sĩ bảo: 
    - Cúi đầu, vào cho nhanh, đừng lần chần! 
    Vương quả quyết, đứng cách tường mấy bước, lao nhanh tới. Gặp tường, cảm thấy trống không có vật gì cả. 
    Quay lại thì đã thấy mình ở bên kia tường rồi. 
    Vương mừng quá, vào lạy tạ. 
    Ðạo Sĩ bảo: 
    - Về nhà nên giữ mình đứng đắn, không thế thì phép không nghiệm nữa đâu. 
    Nói rồi cấp lộ phí cho mà về. 
    Ðến nhà, chàng khoe đã gặp tiên, tường vách dày đắn đâu cũng không ngăn được mình. 
    Vợ không tin. 
    Vương làm đúng như lời đạo sĩ đã dạy, đứng cách tường mấy bước, chạy ù vào. Ðầu đụng phải tường cứng, bỗng ngã lăn đùng. 
    Vợ Vương đỡ dậy, nhìn xem, thấy trán đã sưng lên như một quả trứng lớn. 
    Vợ Vương đưa ngón tay lêu lêu, diễu cho. 
    Vương vừa thẹn vừa ức, chỉ biết chửi lão Ðạo Sĩ bất lương mà thôi.
Thụy Vân
    Thuỵ Vân là danh kỹ của đất Hàng Châu . Nhan sắc tài nghệ có một. Năm tuổi mười bốn, mẹ là mụ đầu họ Sái định cho nàng ra tiếp khách. 
    Thụy Vân thưa rằng: 
    - Ðây là lúc bánh xe duyên nghiệp của đời con bắt đầu vận chuyển, không nên qua loa cẩu thả . Giá thì do mẹ định, nhưng khách thì xin cho con được tự lựa chọn. 
    Mẹ bảo được, bèn định giá mười lăm đồng vàng rồi hàng ngày ra tiếp khách. 
    Khách muốn gặp thì phải có lễ, lễ hậu mới được tiếp một ván cờ, một bức tranh, lễ bạc thì giữ lại uống chén trà mà thôi. 
    Thuỵ Vân lừng tiếng đã lâu, từ đó các bậc đại thương, giới quyền quí, ngày ngày nối gót nhau vào. 
    Giới Trấn Dư Hàng có người thư sinh họ Hạ, tài danh nức tiếng đã lâu mà gia tư chỉ vào bậc trung. Chàng vốn ngưỡng mộ Thụy Vân, nhưng chưa dám nghĩ đến giấc mộng uyên ương, cũng gắng hết sức sắm được chút lễ mọn, chỉ mong một phen nhìn ngắm mặt hoa, mà vẫn thầm lo nàng tri đời đã nhiều sẽ không đoái hoài gì đến một kẻ sĩ bần rách như mình. 
    Ðến lúc gặp mặt, trò chuyện dăm câu, nàng đã tiếp đãi rất mực ân cần. Ngồi nói chuyện giờ lâu, đầu mày cuối mắt đều chứa chan tình . Lại tặng chàng bài thơ : 
    Việc gì kẻ xin nước 
    Cầu lam phải nệm sương? 
    Có lòng tìm chày ngọc, 
    Ngay giữa chốn người thường 
    Ðược thơ, chàng mừng rỡ như cuồng, còn muốn nói gì nữa, bỗng con hầu vào báo khách đến, bèn vội vàng từ biệt. Về nhà, đem bài thơ ra ngắm nghía ngâm nga, tơ lòng vương vít. 
    Ðược một hai ngày, cầm lòng không đậu, lại phải sắm sửa lễ vật rồi trở lại. 
    Thụy Vân đón tiếp niềm nở, dần dần ngồi dịch lại gần chàng, nét mặt rầu rầu mà rằng: 
    - Có thể lo toan được một đêm sum họp với nhau không? 
    Chàng rằng: 
    - Học trò túng kiết chỉ có cái tấm tình si là có thể đem tặng tri kỷ; sắm được cái lễ biếu nhỏ mọn thì bao nhiêu tơ tằm đã rút hết; được gần mặt hoa là mãn nguyện lắm rồi, còn như tựa gió kề hoa dám đâu mộng tưởng. 
    Thụy Vân nghe nói chau mày không vui, hai người chỉ nhìn nhau mà không nói gì. 
    Chàng ngồi lâu không ra; mụ chủ giữ mấy lần gọi Thụy Vân, có thúc giục chàng về đi. Chàng bèn ra về, trong lòng buồn rười rượi. Muốn khánh kiệt gia sản để chuốc một lần vui, nhưng lại nghĩ, sum họp một đêm rồi phải ly biệt suốt đời, tình trạng ấy chịu làm sao nổi. Trù tính đến đấy thì nỗi lòng hăm hở đều tiêu mất hết. 
    Từ đó bặt không có tin tức vãng lai gì. 
    Thụy Vân kén khách mở khoá động đào mấy tháng mà chưa chọn được nơi nào xứng đáng. Mụ dầu khá bực tức, rắp toan ép uổng duyên nàng nhưng cũng chưa ra tay. 
    Một hôm, có chàng tú tài đem lễ biếu đến xin ra mắt, ngồi nói chuyện chốc lát liền nhổm dậy, lấy ngón tay ấn lên trán nàng mà nói: "Ðáng tiếc, đáng tiếc" rồi bỏ đi. 
    Thụy Vân tiễn khách ra, trở lại , thì mọi người đều thấy trên trán nàng có dấu tay in đen như mực, càng rửa càng thêm rõ. 
    Sau đó vài ngày vết mực dần dần lan rộng, hơn một năm sau thì lan khắp trán, đến cả mũi nữa. Ai thấy cũng cười mà từ đó, dấu vết xe ngựa ở ngoài cũng dần dần mất hẳn. 
    Mụ dầu lột hết trang sức, xếp nàng vào hàng ngũ con hầu. Thụy Vân vốn ẻo lả không đưng nổi công việc tôi đòi, ngày càng thêm tiều tuỵ. 
    Hạ nghe nói, đi qua ghé vào, thấy bù đầu ở dưới bếp, xấu xí như ma, ngẩng đầu thấy chàng thì quay mặt vào tường mà tránh. 
    Hạ đem lòng thương xót, bèn nói với mụ, muốn chuộc nàng về làm vợ. 
    Mụ bằng lòng. 
    Hạ bán ruộng và dốc hết hành trang vốn liếng mua nàng đem về. Ðến nhà, nàng kéo áo lau nước mắt, không dám tự xem là người sánh vai với chàng, chỉ xin giữ phận làm lẽ, để ngôi chính thất chờ người sau này. 
    Hạ nói: 
    - Ở đời, cái đáng quí là tri kỷ. Lúc khanh đang thịnh, khanh còn biết đến tôi, lẽ nào vì khanh suy mà tôi lại quên khanh? 
    Rồi không chịu cưới ai nữa. Ai nghe nói việc này cũng cười cợt, nhưng với chàng thì mối tình càng thêm nồng thắm. 
    Ðược hơn một năm. Hạ ngẫu nhiên đến đất Tô, gặp chàng thư sinh họ Hoà, cùng trọ một chỗ. 
    Bỗng dưng Hoà hỏi rằng: 
    - Danh kỹ đất Hàng là Thụy Vân gần đây ra sao? 
    Hạ đáp: 
    - Ðã lấy chồng rồi. 
    Hoà lại hỏi: 
    - Lấy ai đấy? 
    Ðáp: 
    - Người đó cũng đại loại như tôi. 
    Hoà nói: 
    - Ðược như anh thì có thể nói là đúng người rồi đấy, không biết giá bao nhiêu? 
    Hạ nói: 
    - Mắc phải bệnh lạ nên cũng rẻ thôi, chẳng thế, loại người chúng tôi sao có thể mua được người đẹp. 
    Hoà lại hỏi: 
    - Người đó quả thật có được như anh không? 
    Hạ thấy anh ta hỏi hơi lạ, nhân đó cũng căn vặn hỏi lại. 
    Hoà cười mà đáp rằng: 
    - Thực ra không giấu nhau nữa. Năm trước tôi từng được chiêm ngưỡng danh hoa một lần, rất lấy làm tiếc rằng tài mạo tuyệt vời mà lênh đênh không vừa đôi phải lứa, cho nên đã dùng một thuật mọn làm giảm bớt hào quang, và giữ gìn lấy vẻ ngọc, để dành lại đó chờ tấm gương soi thật mặt của kẻ yêu tài. 
    Hạ vội hỏi: 
    - Anh đã chấm được thì cũng có thể chữa được chứ? 
    Hoà cười mà rằng: 
    - Sao lại không được, nhưng mà cần vai chính thành tâm cầu xin thì mới được. 
    Hạ đứng dậy vái mà rằng: 
    - Người chồng của Thụy Vân tức là tôi đây! 
    Hoà mừng quá, nói: 
    - Trong thiên hạ, chỉ có người nhân tài mới thật đa tình, không vì chuyện xấu đẹp mà thay đổi ý nghĩ. Anh cho tôi theo anh về nhà, tôi sẽ tặng anh một người đẹp. 
    Bèn cùng nhau về. Ðến nơi, Hạ bảo dọn rượu, Hoà vội gạt đi mà rằng: 
    - Ðể tôi làm phép trước đã, thì người dọn cỗ mới vui lòng chứ! 
    Tức thì bảo bưng lên một thau nước, lấy ngón tay thư lên trên nước mà nói rằng: 
    - Rửa đi thì khỏi ngay! Nhưng phải đích thân ra tạ ơn người làm thuốc đấy! 
    Hạ cười, bưng thau đi vào, đứng đợi Thụy Vân tự rửa mặt trong thau, tay đưa đến đâu thì sạch đến đấy, diễm lệ chẳng khác gì năm xưa. 
    Vợ chồng cảm cái hậu đức của Hoà, cùng nhau ra ngoài tạ ơn, thì khách đã mất hút đâu rồi, tìm khắp nơi mà không được. 
    Có lẽ là tiên chăng?
Vương Thành
    Vương Thành, con nhà thế tộc lâu đời ở Bình Nguyên, tính lười biếng, sinh nhai ngày càng sa sút, chỉ còn mấy gian nhà nát, vợ chồng đêm nằm đắp mảnh vải bố, nhiếc móc nhau đủ điều. Bấy giờ là tiết đại thử, khí trời nung nấu. Trong làng có cái vườn cũ của họ Chu, tường vách đã đổ nát, chỉ còn một cái đình, người làng vẫn đến đấy ngủ nhờ, Vương cũng thế. Một hôm trời sáng , mọi người đi cả rồi, mặt trời đã lên cao ba con sào, Vương mới dậy, quanh quẩn muốn về, chợt thấy trong đám cỏ có chiếc thoa vàng, nhặt lên xem thấy có khắc mấy chữ nhỏ Phủ Nghi Tân chế tạo . 
    Ông nội của Vương là Nghi Tân trong phủ Hành. Những vật cũ trong nhà phần nhiều đều có dấu hiệu ấy, nên chàng nhân cầm chiếc thoa có dáng chần chừ. 
    Bỗng có một bà cụ đến tìm thoa. Vương tuy nghèo nhưng tính vốn liêm khiết , liền đưa trả lại. 
    Bà cụ mừng lắm, hết sức khen ngợi tấm lòng cao thượng, bà nói rằng: 
    - Chiếc thoa có đáng giá trị là bao, nhưng là chút kỷ vật của ông nhà tôi ngày xưa để lại. 
    Vương hỏi: 
    - Cụ nhà xưa là ai? 
    Ðáp rằng: 
    - Ðó là quan Nghi Tân, họ Vương tên Giản Chi đã quá cố. 
    Vương kinh ngạc, nói rằng: 
    - Ông nội tôi đấy! Sao mà gặp nhau với bà được? 
    Bà cụ cũng kinh ngạc nói: 
    - Anh là cháu cụ Vương Giản Chi đó sao? Ta là hồ tiên một trăm năm trước đây có trao duyên gắn bó với cụ cố nhà anh. Cụ cố mất đi, già này tu ẩn, đi qua đây đánh rơi chiếc thoa lại vào tay anh, đó chẳng phải là số trời hay sao? 
    Vương cũng đã nghe nói ông nội mình có vợ hồ, cho nên tin lời bà cụ, bèn mời bà hạ cố đến nhà. Bà cụ theo về, Vương gọi vợ ra chào; áo rách bù đầu, sắc mặt đói ăn tối sầm. 
    Bà cụ than rằng: 
    - Ôi! Con cháu Vương Giản Chi mà nghèo khổ đến thế này sao? 
    Lại nhìn về phía cái bếp lạnh tanh không có khói lửa mà nói: 
    - Gia thế như thế này thì lấy gì mà sống? 
    Người vợ bèn kể hết nỗi khổ, nghẹn ngào sướt mượt. 
    Bà cụ đưa chiếc thoa cho chị vợ, bảo hãy cầm cho người ta lấy tiền để đong gạo, rồi ba ngày nữa bà sẽ đến thăm. Vương cố giữ lại, bà nói: 
    - Anh có một vợ mà nuôi không nổi; ta ở lại đây thì chỉ ngồi mà ngắm xà nhà chứ có ích gì? 
    Nói xong đi liền. Vương kể lại đầu đuôi, người vợ sợ quá. 
    Vương ngợi khen tấm lòng ân nghĩa của cụ và bảo vợ phải thờ bà như mẹ. Người vợ xin vâng. 
    Qua ba ngày, quả nhiên bà già lại đến, đưa ra mấy đồng vàng để đong lúa và mạch, mỗi thứ một thạch. 
    Tối đến, bà cụ và người vợ nằm chung một cái giường bé. Chị vợ lúc đầu còn sợ, nhưng xét thấy tình rất mực ân cần, nên cũng không ngờ nữa. 
    Ngày hôm sau, bà cụ bảo Vương rằng: 
    - Cháu đừng lười, nên tìm một nghề mọn mà làm, chứ ngồi không mà ăn thì lâu thế nào được? 
    Vương nói mình không có vốn liếng gì cả. Bà đáp: 
    - Khi ông nội nhà anh đang còn, thì vàng lụa tha hồ mà lấy, vì ta không phải là người trần, không dùng đến những thứ ấy, nên cũng không lấy nhiều, chỉ dành giữ món tiền phấn sáp được bốn mươi lạng vàng, đến nay vẫn còn, tàng trữ cũng chẳng làm gì. Anh hãy đem đi mà mua vải cát cho hết, rồi mang gấp vào kinh thành, có thể có chút lãi. 
    Vương theo lời, đi mua hơn năm mươi tấm mang về. 
    Bà cụ giục thu xếp hành trang, tính rằng sáu, bảy ngày có thể đến Yên Kinh. Dặn rằng: 
    - Chớ lười, nên siêng! Chớ hoãn nên kíp! Chậm trễ một ngày ăn năn chẳng kịp. 
    Vương xin kính vâng, xắp hàng vào bao tải rồi lên đường. 
    Giữa đường đi gặp mưa, áo giày ướt sũng. Suốt đời Vương chưa từng dầu dãi gió dầm sương. Vì vậy mệt rũ, chịu không thấu bèn vào nhà trọ tạm nghỉ. 
    Ngờ đâu mưa cứ tầm tã mãi đến chiều hôm, nước trên rèm chảy xuống như thừng. Qua một đêm, đường càng lầy lội, người đi ngập đến cổ chân.
    Vương trong lòng nản lắm. Chờ mãi đến giờ ngọ, đường mới hơi khô, nhưng mây đen lại kéo lên, rồi trời lại mưa to. Phải ngủ đến hai đêm ở nhà trọ mới đi được. 
    Gần đến kinh, nghe đồn giá vải lên cao vọt, trong lòng mừng thầm. Vào kinh nghỉ ở quán trọ. 
    Chủ quán lấy làm tiếc là Vương đến chậm. Trước đó đường giao thông với phía Nam vừa mới được mở, vải cất đến rất ít, các nhà buôn lớn ở kinh đô mua khá nhiều, giá cao gấp ba so với thường ngày, nhưng một ngày trước thì hàng vải ùn đến giá bỗng xuống rất thấp, những người đến sau thất vọng. 
    Chủ quán nói rõ đầu đuôi cho Vương biết, Vương ưu uất không vui. Qua một ngày qua, vải cát đến càng nhiều, giá càng xuống. Vương cho là không có lãi, không chịu bán. Nấn ná đến hơn mười ngày, tiền cơm chưa tính ra đã tốn nhiều, nghĩ càng thêm lo buồn. 
    Chủ quán khuyên Vương nên bán rẻ đi, để xoay cách khác. 
    Vương nghe theo bán tháo hết, lỗ vốn mười lượng. Sáng dậy, soạn sửa ra về, mở đẫy ra xem thì bạc đã mất rồi. Hoảng loạn lên báo với chủ quán. Chủ quán không biết làm thế nào. Có kẻ bảo Vương lên kêu quan, bắt chủ quán bồi thường, Vương than rằng: 
    - Ấy là cái số của ta, chứ chủ quán có lỗi gì? 
    Chủ quán nghe vậy, rất mến tấm lòng trung hậu của Vương, tặng năm lạng vàng, kiếm lời an ủi, khuyên về. 
    Vương nghĩ bụng, không còn mặt mũi nào gặp lại bà tổ mẫu, loanh quanh hết ra lại vào, tiến thoái đều khó. Chợt thấy có người chọi chim Thuần, mỗi lần chọi đặt cuộc đến mấy ngàn, mua mỗi con chim Thuần nhiều khi hơn một trăm đồng tiền. 
    Chàng bỗng nảy ra một , tính nhẩm tiền còn trong đáy, may ra chỉ đủ buôn chim Thuần, bèn đem cái này bàn với chủ quán. Chủ quán khuyến khích tận tình, lại hứa cho ở nhờ nhà trọ, ăn uống không phải trả tiền, Vương mừng lắm, bèn ra đi, mua đầy một gánh chim Thuần đem về trong thành. Chủ quán cũng mừng, chúc cho bán được nhanh. Ðến đêm, mưa to mãi đến mờ sáng. Khi trời đã sáng hẳn, nước trên đường cái như sông, mà trời vẫn rả rích mưa. Ngồi chờ tạnh liên miên mấy ngày, mưa không ngớt hột. Dậy nhìn chim Thuần trong lồng thì đã chết mất nhiều. Vương sợ lắm, không biết làm thế nào. Sang ngày sau, chết càng nhiều, chỉ còn được mấy con, đem bỏ chung vào một lồng để nuôi. Qua đêm, lại ra thăm thì vẻn vẹn còn được một con, bèn chạy vào nói với chủ quán, bất giác ứa nước mắt, chủ quán cũng thương cảm. Vương tự liệu, tiền hết không về được, chỉ muốn tìm đường chết. Chủ quán khuyên giải an ủi, rồi cùng nhau ra xem con chim còn lại, ngắm nghía rất kỹ, nói rằng: 
    - Ðây hình như là một con chim quí ! Những con kia mà chết biết đâu không phải là bị con này chọi chết? Anh bây giờ cũng rỗi không có việc gì, hãy chăm chút tập tành cho nó. Nếu quả là con chim hay, thì mang nó đi đánh cũng mưu sinh được. Vương nghe theo. Khi con chim đã thuần thục, chủ quán bảo đem ra đường phố, đánh cuộc lấy rượu thịt. Chim khoẻ lắm, luôn luôn thắng. Chủ quán mừng, đưa tiền cho Vương, bảo đem ra quyết ăn thua với đám con em trong làng chơi chim Thuần ở kẻ chợ. Ba lần chọi ba lần đều thắng. Chừng nửa năm, góp nhóp được hai mươi lạng vàng, trong lòng cũng được an ủi, xem con chim như tính mệnh của mình. 
    Thuở đó có một vị Thân Vương rất thích chim Thuần; mỗi năm gặp tiết thượng nguyên, thách dân gian ai có nuôi chim Thuần thì đem đến phủ đệ để chọi. Chủ quán bảo Vương rằng: 
    - Giờ đây, cái cơ đại phú đã có thể đến ngay rồi đấy. Chỉ có điều không biết vận may của anh như thế nào thôi! 
    Bèn nói rõ sự tình và đem Vương cùng đi, dặn rằng: 
    - Ví thử có thua thì nín hơi mà đi ra thôi! Còn như vạn nhất con Thuần mình đấu thắng thì Thân Vương thế nào cũng hỏi mua, anh đừng nhận bán; nếu gạn hỏi thì cứ nhìn vào cái đầu của tôi, chờ khi nào đầu tôi gật thì hẵng ngả giá! 
    Vương nói: 
    - Ðược! 
    Vào đến phủ thì thấy những người chọi chim sát vai nhau đứng cả ở dưới thềm. Chốc lát Thân Vương ngự ra trên điện, tả hữu truyền rằng có ai muốn chọi thì cho lên. Liền có một người xách lồng bước bậc mà lên trên điện. Thân Vương sai thả chim Thuần ra. Khách cũng thả. Mới nhảy đá qua loa, con chim của khách đã thua chạy. Thân Vương cả cười. Chỉ một lúc, người đến chọi mà thua đã có đến mấy vị. Chủ quán nói: 
    - Ðến lúc rồi! 
    Bèn cùng nhau bước tới bậc mà lên. Thân Vương xem tướng con chim của Vương mà nói: 
    - Tròng mắt có vằn máu giận dữ,cũng là một cánh hùng kiện đây! không nên khinh địch. 
    Bèn truyền lệnh cho đem con Mỏ Sắt ra nghênh chiến. Mới nhảy vọt đấu đá vài lần mà con chim của Thân Vương đã sả cánh. Lại chọn một con chim giỏi hơn đem ra, hai lần đổi, hai lần thua. Thân Vương cấp tốc truyền lệnh vào lấy con Ngọc Thuần của nội cung. Một lát mới thấy đem ra, lông trắng như cò, thần khí hùng dũng khác thường. 
    Vương Thành thấy thế, trong lòng nao núng, bèn quỳ xuống xin thôi, nói rằng: 
    - Con chim của Ðiện Hạ là chim thần, sợ đánh giết mất chim tôi thì tôi sạt nghiệp mất! 
    Thân Vương cười rằng: 
    - Cứ thả ra cho nó chọi, chẳng may nó chết thì ta sẽ đền bù cho thật hậu. 
    Thành bèn thả chim mình ra. Con Ngọc Thuần xông thẳng đến. Nhưng khi Ngọc Thuần đang chạy tới thì con Thuần của Vương nằm phục xuống như con gà dữ để đợi. Con Ngọc Thuần mổ vào nó thật mạnh, nó liền nhảy phắt lên như con hạc bay liệng để đánh lại. Khi tiến, khi lui, khi trên, khi dưới, cầm cự với nhau áng chừng một khắc, thì con Ngọc Thuần lơi dần, mà con Thuần của chàng giận càng sôi, đánh đá càng gấp. Chẳng mấy chốc bộ lông tuyết của Ngọc Thuần rụng xơ ra, rồi sã hai cánh chạy trốn. Cả ngàn người đứng xem, không ai là không tấm tắc khen ngợi. Vị Thân Vương bèn bảo bắt nó lên, thân hành cầm lấy xem xét một lượt từ đầu mỏ đến móng chân, rồi hỏi Thành rằng: 
    - Con chim này anh có bán không? 
    Thành đáp: 
    - Tiện nhân nghèo khó, phải nương nhờ vào nó mà sống, không dám bán. 
    Thân Vương nói: 
    - Ta trả giá cao, anh sẽ có một gia tư bậc trung, có bằng lòng không? 
    Thành cúi đầu suy nghĩ giây lâu mới nói: 
    - Thật quả không muốn để lại, nhưng nay Ðiện Hạ đã yêu thích nó; nếu khiến cho tiện dân được có ăn mặc, thì còn đòi gì hơn. 
    Thân Vương hỏi giá, Thành xin ngàn lạng vàng. Thân Vương cười rằng: 
    - Cái anh ngốc này, nào có phải châu ngọc gì mà giá ngàn vàng? 
    Vương nói: 
    - Ðiện hạ không cho nó làm báu, nhưng với hạ thần thì ngọc bích liên thành cũng chẳng bằng! 
    Thân Vương hỏi: 
    - Thế nào? 
    Thành đáp: 
    - Tiện dân đem nó ra chợ, mỗi ngày được vài đồng, đổi thưng đấu gạo, một nhà mười miệng ăn, nhờ đó mà không đến nỗi đói rét, còn của báu nào bằng? 
    Thân Vương nói: 
    - Tôi không để anh thiệt đâu, thôi trả anh hai trăm đồng. 
    Thành lắc đầu; lại trả thêm một trăm. Thành đưa mắt nhìn chủ quán. Chủ quán không động đậy. Thành bèn nói: 
    - Thưa mệnh Ðiện Hạ, xin bớt một trăm. 
    Thân Vương nói: 
    - Thế thì thôi vậy, ai đời lại đem chín trăm lạng đổi lấy một con chim Thuần bao giờ? 
    Thành xách lồng chim lên định đi thì Thân Vương gọi: 
    - Này anh chọi chim, lại đây! Lại đây! Tôi dứt khoát trả anh sáu trăm đồng. Bằng lòng thì để, không bằng lòng thì thôi vậy! 
    Thành lại đưa mắt về phía chủ quán. Chủ quán vẫn điềm nhiên. Ý nguyện của Thành đã hoàn toàn thoả mãn, chỉ sợ nhỡ mất thời cơ, bèn nói: 
    - Với cái giá của Ðiện Hạ, thật không hài lòng, nhưng đã y ước với nhau mà lại không xong, sợ mắc lỗi thất kính càng lớn cực chẳng đã, xin y theo mệnh lệnh của Ðiện Hạ. 
    Thân Vương mừng rỡ, cho người cân vàng đưa ngay, Thành nhận vàng, lạy tạ mà đi ra. Chủ quán giận, trách rằng: 
    - Tôi bảo anh thế nào mà đã vội vã bán đi như thế ? Nếu kéo thêm một chút nữa thì đã có tám trăm cầm tay rồi! 
    Thành về nhà trọ, đặt vàng lên án mời chủ quán tự lấy. Chủ quán không chịu, Thành ép mãi mới đem bàn tính ra, tính toán đủ tiền phí tổn ăn uống mà nhận. 
    Thành xắp đặt hành lý ra về. 
    Ðến nhà, thuật lại những việc đã làm, bỏ vàng ra cùng mừng với nhau. 
    Bà cụ bảo tậu ba trăm mẫu ruộng tốt, dựng nhà cửa, sắm đồ đạc, nghiễm nhiên là một thế gia. 
    Bà cụ dậy sớm, đôn đốc cho Thành trông nom việc cày bừa, vợ trông nom việc canh cửi, hơi lơ là thì quát tháo, mà vợ chồng vẫn không hề oán thán. 
    Qua ba năm, nhà càng giàu, bà cụ ngỏ ý muốn đi, vợ chồng cố giữ lại, đến chảy nước mắt. Bà bèn ở lại. 
    Sáng ngày vào hầu, thì đã mất hút.
Anh Ninh
    Vương Tử Phục, người La Ðiếm, huyện Cử. Sớm mồ côi cha, thông tuệ rất mực, mười bốn tuổi đã vào học nhà phán. Mẹ hết đỗi cưng yêu, bình thường không cho đi chơi ra ngoài đồng ruộng. Ðã hỏi con gái họ Tiêu, chưa cưới thì nàng mất. Vì thế việc nhân duyên vẫn chưa thành. 


    Gặp tiết Thượng Nguyên, có người con nhà cậu là chàng Ngô đến rủ đi chơi. Vừa ra đến đầu xóm thì có đầy tớ nhà cậu sang gọi Ngô về. Chàng thấy con gái đi chơi lũ lượt như mây, hứng lên cũng một mình ngao du. 
    Có một cô gái dắt con hầu đi theo, tay cầm một cành hoa mai, nhan sắc tuyệt vời, nụ cười xinh tưởng có thể vốc được. Chàng nhìn đăm đăm đến nỗi quên cả giữ ý tứ. Cô gái đi vượt lên mấy bước, quay sang nón cả giữ 
    - Người đâu mà mắt chòng chọc như giặc. 
    Rồi bỏ cành hoa xuống đất, cười nói mà đi. Chàng nhặt cành hoa, buồn thiu, hồn phách xiêu lạc đâu mất, lầm lũi quay về. 
    Ðến nhà đặt hoa dưới gối, gối đầu lên mà ngủ, không nói cũng không ăn. Mẹ đâm lo, đi cầu cúng thì bệnh càng nặng, da thịt gầy tóp. Thầy thuốc thăm bệnh, cắt cho thang phát tán, nhưng chàng cứ hốt hoảng như người mê. Mẹ dỗ dành hỏi nguyên do, chàng lặng thinh không đáp. 
    Vừa lúc đó chàng Ngô đến, bà dặn nhỏ chàng hỏi dò riêng xem sao. Ngô vào trước giường; vừa nhìn thấy, chàng đã chảy nước mắt. Ngô ghé sát bên giường an ủi, lân la gặng hỏi. Chàng bèn thổ lộ thực tình, lại nhờ lo toan hộ. Ngô cười đáp: 
    - Anh cũng lại ngố rồi! Ước muốn đó thì khó gì mà chẳng toại! Ðể đấy tôi hỏi dùm cho. Cuốc bộ ở giữa đồng, thì hẳn không phải là con nhà thế gia. Nếu chưa có đám nào thì việc xong là cái chắc. Bằng không, cứ liều vứt nhiều tiền ra thì toan tính gì cũng phải thành. Chỉ cần anh thuyên giảm, xong việc là ở tôi. 
    Chàng nghe vậy bất giác nở nụ cười. Ngô trở ra bảo với bà mẹ rồi để dò tìm làng ở của cô gái; song thăm hỏi đã cùng khắp vẫn không dò ra tin tức. Mẹ lo lắm, chẳng biết tính thế nào. Nhưng từ sau khi Ngô về rồi thì sắc mặt con tự nhiên tươi tỉnh, ăn uống đã có phần khá hơn . 
    Mấy hôm sau, Ngô trở lại. Chàng hỏi đã lo giúp đến đâu. Ngô vờ vịt nói: 
    - Xong rồi! Cứ tưởng người nào, hoá ra là con gái bà cô tôi, tức là vào hàng em con nhà dì với anh đấy. Hiện vẫn còn đợi gả chồng. Dẫu họ hàng về đằng mẹ kết thông gia không tiện, nhưng cứ tình thực mà nói thì cũng chẳng có gì không xuôi. 
    Chàng mừng, rạng rỡ cả mặt mày, hỏi Ngô: 
    - Thế ở làng nào? 
    Ngô thác rằng: 
    - ở trong núi, về phía Tây Nam cách đây ngoài ba mươi dặm. 
    Chàng lại dặn dò nhờ cậy đến năm lần bảy lượt. Ngô cũng sốt sắng tự xin đảm nhận, rồi lui gót. Từ đấy chàng ăn uống ngày một khá hơn, sức khoẻ dần dần bình phục. Lật gối lên xem, hoa tuy khô nhưng vẫn chưa tàn héo hẳn. Mải mê cầm ngắm, tưởng như còn thấy được người. 
    Mãi sau lấy làm lạ sao Ngô không đến, bàn viết giấy mời, thì Ngô kiếm cớ chối từ không chịu đến. Chàng tức giận, buồn bã không vui. Mẹ lo bệnh con lại tái phát, vội bàn chuyện hôn nhân, nhưng mới trao đổi sơ qua, đã lắc đầu không chịu, chỉ ngày ngày ngóng đợi chàng Ngô. Cuối cùng tin tức về Ngô cũng bặt, chàng càng thêm ức. Rồi bỗng vụt nghĩ rằng ba mươi dặm cũng chằng lấy gì làm xa, hà tất phải ỷ lại vào người khác. Bàn giấu cành mai vào tay áo, tức mình cất bước ra đi, mà người nhà chẳng một ai hay. 
    Lủi thủi cuốc bộ một mình, không có ai để hỏi đường, chỉ nhắm mắt hướng núi Nam đi tới. Ðược chừng hơn ba mươi dặm, thấy núi mọc ngổn ngang, lô nhô chồng chất; xanh rợp tầng không, mát rợi da thịt; vắng vẻ tịch mịch không một bóng người, chỉ có đường chim bay. Xa xa trông xuống dưới khe núi trong chỗ cây cối um tùm chằng chịt hoa nở từng đám dày, thấp thoáng như có một xóm nhỏ. Xuống núi, vào trong xóm, thấy nhà cửa thưa thớt, toàn là nhà tranh, mà xem chừng lại rất thanh nhã. Một ngôi nhà hướng Bắc, trước cửa buông đẳu tơ liễu, trong tường đào hạnh lại càng sum suê, chen lẫn với những khóm trúc vươn dài; chim rừng kêu lách chách ở trong. Chàng cho là nơi vườn cảnh của ai, không dám đường đột bước vào. Quay nhìn phía đối diện với cánh cổng, thấy có hòn đá lớn trơn nhẵn, sạch sẽ, bàn ngồi lên đó tạm nghỉ. Giây lát nghe phía trong tường có tiếng một người con gái dài giọng gọi: Tiểu Vinh , tiếng nghe êm ái, nhỏ nhẹ. Ðang chăm chú lắng nghe, thấy một cô gái từ phía Ðông rảo sang phía Tây, tay cầm đóa hoa hạnh, cúi đầu cài lên mái tóc; vừa ngẩng đầu lên trông thấy chàng liền không cài nữa, mỉm cười cầm đóa hoa đi vào. Nhìn kỹ lại thì đúng là người mình đã gặp hôm trên đường đi chơi tiết Thượng Nguyên. Trong lòng mừng quýnh lên, chỉ nghĩ không lấy cớ gì mà vào được, muốn gọi bằng cô em con dì, lại e từ thuở nào đến giờ không hề đi lại, nhỡ ra có nhầm lẫn chăng 
    Trong cửa không có một ai để hỏi, đành quẩn quanh hết ngồi lại đứng từ sớm mãi đến tận trưa, đăm đăm trông ngóng, quên cả đói khát. Thỉnh thoảng thấy cô gái hé nửa mặt ra nhòm, tựa hồ lấy làm lạ sao mình vẫn không bỏ đi. Bỗng có một bà già chống gậy đi ra, hướng vào chàng mà hỏi: 
    - Chàng trai ở đâu, nghe như từ giờ thìn đã đến đây, ở mãi cho đến bây giờ. giả cần gì? 
    Chàng vội đứng dậy vái chào, đáp rằng: 
    - Ðịnh tìm thăm người bà con. 
    Bà cụ nghễnh ngãng nghe không rõ. Chàng lại phải nói to lên. Bèn hỏi: 
    - Vậy chứ quý vị thân thích họ gì ? 
    Chàng không sao trả lời được. Bà cười bảo: 
    - Kỳ chưa! Ðến họ tên còn không biết thì biết bà con như thế nào mà tìm thăm? Tôi xem bộ cậu cũng chỉ là tay nghiện sách mà thôi. Chi bằng hãy theo tôi vào đây, lót lòng lưng cơm hẩm; nhà có chiếc giường con cũng ngả lưng được. Ðợi sáng mai vế hỏi lại cho biết họ gì, rồi đắn tìm thăm cũng chưa muộn. 
    Chàng đang lúc bụng đói muốn ăn, lại được vào đó lân la gần gụi người đẹp, thì mừng quá, bèn theo bà già đi vào. Thấy trong cổng, lối đi lát toàn đá trắng, hai bên đường, hoa hồng từng cánh từng cánh rụng trên thẳm. Quanh co đi về phía Tây, lại mở ra một cửa ngăn nữa, phên đậu giàn hoa lan đầy giữa sân. Cung kính dẫn khách vào nhà, tường phấn sáng rỡ như lồng kính; ngoài song, những cành hoa hải đường thò vào cả trong nhà; đệm chiếu, ghế giường, không một thứ gì không bóng lộn, sạch sẽ. 
    Vừa ngồi xuống đã thấy có bóng người từ ngoài cửa sổ thấp thoáng nhòm trộm. Bà cụ gọi: 
    - Tiểu Vinh! Khá làm cơm mau! 
    Bên ngoài có tiếng dạ to của con hầu. 
    Ngồi đâu đấy rồi bàn bảy tỏ dòng dõi. Bà già hỏi: 
    - Ông ngoại của cậu chẳng biết có phải họ Ngô không? 
    Ðáp: 
    - Thưa phải. 
    Bà cụ kinh ngạc nói: 
    - Thế thì cậu là cháu của ta. Mẹ cậu là em gái ta. Mấy năm nay vì gia cảnh bần hàn, lại không có chút con trai, nên việc thăm hỏi mới để đến thưa bẵng đi. Cháu đã khôn lớn thế này rồi mà vẫn không biết. 
    Chàng đáp: 
    - Lần này cháu đến đây là để hỏi thăm dì, mà trong khi vội vàng thành ra quên mất cả họ. 
    Bà cụ đáp: 
    - Già đây lấy về họ Trần, không sinh nở bận nào cả. Chỉ có một mụn con gái, cũng là con dì hai nó sinh ra. Mẹ nó đi bước nữa, để nó lại cho ta nuôi nấng. Kể cũng chẳng đến nỗi đần, chỉ hiềm ít được dạy dỗ, nên cứ cười cợt suốt, chẳng biết buồn lo gì cả. Chốc nữa sẽ bảo ra chào anh cho biết. 
    Chẳng mấy lúc, con hầu đã dọn cơm lên; có món gà tơ đang độ béo. Bà cụ ngồi tiếp chàng; cơm xong rồi con hầu lại đến dọn đi. Bà bảo: 
    - Gọi cô Ninh ra đây! 
    Con hầu vâng lời đi vào. Lúc lâu, nghe như ngoài cửa có tiếng cười, bà cụ lại gọi: 
    - Anh Ninh! Có người anh con dì mày ở đây đấy! 
    Ngoài cửa tiếng cười khúc khích vẫn không ngừng. Con hầu đẩy cô gái vào, vẫn còn che miệng cười không nín được. Bà già chừng mắt bảo: 
    - Nhà đương có khách, mà cứ khúc kha khúc khích, là cung cách gì thế? 
    Cô gái nhịn cười đứng yên. Chàng vái chào. Bà cụ nói: 
    - Ðây là cậu Vương, anh con dì của mày. Người trong một nhà mà không biết nhau, thế mới đáng cười chứ! 
    Chàng hỏi: 
    - Em đây năm nay bao nhiêu tuổi? 
    Bà già chưa nghe kịp. Chàng bèn nhắc lại. Cô gái lại rũ ra cười, không ngẩng đầu lên nhìn ai được nữa. Bà cụ bảo chàng: 
    - Tôi vừa nói nó ít được dạy dỗ, giờ thì thấy rồi đấy. Tuổi đã mười sáu mà vẫn ngây dại như trẻ con. 
    Chàng đáp: 
    - Thua cháu một tuổi. 
    Bà nói: 
    - Cháu đã mười bảy rồi, thế chẳng hóa ra là tuổi canh ngọ, cầm tinh con ngựa ư? 
    Chàng gật đầu thừa nhận. Lại hỏi: 
    - Thế vợ cháu là ai? 
    Ðáp rằng: 
    - Vẫn ở không ạ! 
    Bà bảo: 
    - Tài mạo như cháu, sao mười bảy tuổi rồi còn chưa cưới vợ? Anh Ninh cũng chưa hứa gả về đâu, kể sánh với nhau thật xứng đôi, chỉ hiềm có chút họ hàng đằng mẹ. 
    Chàng không đáp, mắt cứ nhìn dán vào Anh Ninh, không còn rời đi đâu một chớp. Con hầu quay sang cô gái nói nhỏ rằng: 
    - Vẫn con mắt chòng chọc như giặc cấm không có thay đổi. 
    Nàng lại cười to, ngoảnh lại bảo con hầu: 
    - Ta đi xem bích đào nở chưa đi! 
    Rồi vụt đứng ngay dậy, láy tay áo che miệng, rón rén gót sen bước nhanh ra, khỏi cửa rồi tiếng cười mới phá lên. Bà già cũng đứng dậy, gọi con hầu mang chăn chiếu để xắp đặt chỗ nghỉ cho chàng. Bà bảo: 
    - Cháu một lần đắn không phải dễ, hẵng ở chơi dăm ba hôm thư thả rồi sẽ tiễn mày về. Nếu hiềm vì vắng vẻ buồn chán thì sau nhà có mảnh vườn con, cũng đủ làm nơi tiêu khiển; có cả sách nữa, cháu có thể đọc chơi. 
    Hôm sau, chàng ra phía sau nhà, quả có thửa vườn chừng nửa mẫu, cỏ mịn như rải thảm, hoa dương rắc lấm tấm đầy lối đi. Ba gian nhà cỏ, cây và hoa vây phủ bốn chung quanh. Ðang luôn trong hoa nhích từng bước, chợt nghe trên ngọn cây có tiếng khinh khích , ngẩng lên nhìn thì ra Anh Ninh đang ở trên đó, thấy chàng đến cười rũ lên muốn ngã. Chàng vội kêu: 
    - Ðừng thế, ngã đấy! 
    Nàng vừa tụt xuống vừa cười, không sao nhịn được. Gần đến đất, tuột tay ngã, tiếng cười mới tắt. Chàng đỡ dậy, ngầm chạm vào cổ tay, lại rũ ra cười, phải dựa vào thân cây, không sao bước được nữa, một lúc lâu mới hết. Chờ cho ngớt cơn cười, chàng mới rút cành hoa trong tay áo ra cho xem. Cô gái cầm lấy, nói: 
    - Khô rồi, còn giữ làm gì? 
    Vương đáp: 
    - Ðây là hoa em bỏ lại hôm tiết Thượng Nguyên, nên mới giữ. 
    Anh Ninh hỏi: 
    - Giữ thế là có ý gì 
    Vương đáp: 
    - Ðể tỏ rằng yêu thương nhau không quên được. Kể từ hôm tiết Thượng Nguyên, được gặp, cứ tơ tưởng đến thành bệnh. Những tưởng phận mình đã hóa ra ma rồi, nào ngờ lại còn được thấy mặt. Xin hãy rủ lòng thương xót. 
    Cô gái đáp: 
    - Ðấy là việc quá nhỏ mọn. Chỗ họ thân nào có tiếc gì. Ðợi hôm nào anh đi, các thứ hoa trong vườn, sẽ gọi lão bộc đến, bẻ hẳn một ôm lớn đội theo tiễn anh. 
    Chàng nói: 
    - Em ngây đấy ư? 
    - Thế nào là ngây? 
    Vương đáp: 
    - Anh chẳng phải yêu hoa mà yêu người cầm hoa cơ. 
    Nàng nói: 
    - Tình thân họ hàng, yêu nhau còn phải nói gì? 
    Chàng đáp: 
    - Anh nói yêu, chẳng phải là cái tình yêu họ hàng giây mơ rễ má, mà là tình yêu vợ chồng kia. 
    Cô gái nói: 
    - Có gì khác nhau sao? 
    Vương đáp: 
    - Ðêm thì cùng chung chăn gối. 
    Cô gái cúi đầu nghĩ ngợi giây lâu, nói: 
    - Em không quen ngủ với người lạ 
    Nói chưa dứt lời, con hầu đã rón rén đi đến. Chàng hoảng sợ, vội lẩn đi. Lát sau, cùng họp mặt ở chỗ bà mẹ. Mẹ hỏi đi đâu, cô gái đáp rằng ở trong vườn trò chuyện. 
    Bà cụ hỏi: 
    - Cơm đã chín lâu, có gì dài lời mà con cà con kê mãi thế? 
    Nàng đáp: 
    - Anh cả muốn cùng con ngủ chung. 
    Nói chưa hết câu chàng đã cuống cả lên, vội đưa mắt lườm. Nàng mỉm cười ngừng ngay lại. May bà già không nghe rõ, còn phải lẵng nhẵng hỏi lại. Chàng vội đem chuyện khác lấp liếm đi. Nhân đó, khẽ rỉ tai trách riêng nàng. Cô gái hỏi: 
    - Thế chuyện ấy không nên nói à? 
    Chàng đáp: 
    - Ðó là chuyện phải giấu người khác. 
    Nàng bảo: 
    - Giấu người khác, chứ giấu mẹ già sao được. Vả lại, ngủ đâu là chuyện thường, việc gì phải kiêng không nói. 
    Chàng bực vì nỗi ngố, không cách gì làm cho hiểu ra được. 
    Ăn vừa xong thì gia nhân dắt hai con lừa đến tìm chàng. Số là, bà mẹ đợi lâu không thấy con về, sinh nghi, cho tìm kiếm hầu khắp mọi chỗ trong làng, cũng không thấy tăm hơi gì cả, bàn đến hỏi Ngô. Ngô nhớ ra lời mình nói trước đây, liền bảo đến xóm núi Tây Nam mà tìm. Ði lần qua hết mấy hôm mới đến được đây. Chàng tình cờ ra cửa thì gặp nhau, bèn trở vào thưa bà già, lại xin được dẫn cô gái về cùng. Bà cụ mừng nói: 
    - Ta vẫn có ấy từ lâu rồi, hiềm vì tấm thân già yếu không thể đi xa được. Nay được cháu dẫn em nó về, để nhận dì, thì tốt quá 
    Bàn gọi Anh Ninh., Ninh cười, bước ra. Bà nói: 
    - Có gì vui mà cười hoài không ngớt thế? Giá không cười thì cũng được là người toàn vẹn rồi đấy. 
    Bà nhân đấy lừ mắt giận dữ, rồi bảo: 
    - Anh cả muốn mày đi cùng, hãy vào sắm sửa hành trang đi! 
    Lại dọn cơm rượu thắt đãi người giai nhân, rồi mới tiễn ra cửa, nói: 
    - Nhà dì ruộng nương dư dật, đủ sức nuôi người ăn dưng. Ðến đấy hãy khoan về, cố học lấy chút thi lễ, để biết đường thờ phụng bố mẹ chồng rồi sẽ cậy bà dì kiếm cho mày một tấm chồng xứng đáng. 
    Hai người bàn khởi hành. Ðến vạt núi trũng, quay lại nhìn, còn lờ mờ thấy bà cụ tựa cửa trông về hướng Bắc. 
    Về tới nhà, mẹ nhìn thấy cô gái xinh đẹp, kinh ngạc hỏi là ai. Chàng đáp là con bà dì. Mẹ nói: 
    - Những điều anh Ngô nói với con dạo trước là dối đấy. Mẹ chưa từng có chị, sao lại có cháu con dì được? 
    Hỏi cô gái, nàng đáp: 
    - Tôi không phải là do mẹ đẻ ra. Bố vốn họ Tần, lúc mất, con còn nằm trong tã, nên không thể nhớ được gì. 
    Bà mẹ nói: 
    - Ta có một người chị lấy chồng họ Tần thật, nhưng mất đã lâu, làm sao lại còn được? 
    Nhân hỏi kỹ những dấu vết trên mặt, nốt ruồi, cục bướu, nhất nhất đều phù hợp. 
    Lại ngờ ngợ mà nói: 
    - Thế thì phải đấy! Nhưng chết đã bao năm nay rồi, làm gì mà còn được đến giờ? 
    Giữa lúc đang ngẫm nghĩ nghi hoặc thì chàng Ngô đến, cô gái lánh vào nhà trong. Ngô hỏi biết duyên cớ, ngẩn ra một lúc hồi lâu rồi chợt hỏi: 
    - Cô gái này có phải tên là An Ninh không? 
    Chàng bảo phải. Ngô vội nói ngay là chuyện lạ lùng. Hỏi vì sao mà biết. Ngô đáp: 
    - Từ sau khi cô Tần mất, dượng ấy ở góa, bị hồ ám, mang bệnh mỏi mòn mà chết. Hồ sinh một gái tên là An Ninh, vẫn quấn tã giữa đường, gia nhân đều trông thấy cả. Dượng mất rồi, hồ thỉnh thoảng còn tới, sau xin bùa của thiền sư dán lên vách, hồ mới ôm con gái bỏ đi. Chẳng lẽ lại là đấy chăng? 
    Bên nào bên ấy cũng bàn qua tán lại những đìêu còn nghi ngờ. Chỉ nghe buồng trong vẳng ra những tiếng khúc khích, đều là tiếng cười của An Ninh. Bà mẹ bảo: 
    - Con bé này cũng ngớ ngẩn quá thể! 
    Ngô xin cho xem mặt. Mẹ vào nhà trong, nàng còn rũ ra cười không ngoái lại. Mẹ giục bảo ra, mới cố sức nín cười, lại phải ngoảnh mặt vào vách mất một lúc mới ra được. Vừa mới vái chào, đã xoay mình trở vào rất lẹ, rồi buông tiếng cười to. Ðàn bà con gái đầy nhà, ai cũng đều cười vui theo nàng. 
    Ngô xin đi dò xét sự lạ, tiện thể sẽ làm mối luôn. Tìm đến xóm nọ, nhà cửa đều chẳng thấy đâu, chỉ có hoa rừng rơi rụng mà thôi. Ngô nhớ lại nơi chôn bà cô, phảng phất đâu đây không xa lắm, nhưng phần mộ đã bị lấp mất, chẳng còn nhận ra được, đành thở than mà quay về. 
    Bà mẹ ngờ cô gái là ma. Vào buồng thuật lại những lời Ngô vừa nói, nàng không mảy may tỏ sợ hãi. Lại xót cho nàng không có nhà cửa gì, cũng không hề có buồn rầu, cứ rúc rích cười hoài mà thôi. Mọi người không mảy may tỏ 
    Mẹ bảo cùng ngủ với bọn con gái; sáng tinh mơ đã đến vấn an. Giữ việc nữ công, tinh xảo không ai bì. Chỉ phải cái tật hay cười, cấm cũng không nhịn được. Song nét cười rất tươi, dẫu cười đến phát rồ cũng không giảm vẻ yểu điệu, ai thấy cũng vui thích. Ðàn bà con gái láng giềng thường tranh nhau mời đón nàng. 
    Mẹ đã chọn ngày tốt để cho làm lễ hợp cẩn, mà vẫn cứ sợ là ma; bèn rình lúc nàng đứng dưới bóng mặt trời nhòm xem, thì hình bóng không có gì khác lạ. Ðến ngày đã định, bảo nàng trang sức đẹp đẽ để làm lễ cô dâu. Cô gái cười quá, không thể cúi xuống, ngẩng lên được, đành phải thôi. 
    Chàng thấy vợ ngây dại, sợ nàng đem những chuyện kín trong phòng riêng tiết lộ ra ngoài, nhưng cô gái lại hết sức kín đáo, một câu cũng không nói. 
    Mỗi khi mẹ có điều lo giận, nàng dâu đến, chỉ cười một tiếng là lập tức nguôi hết. Ðầy tớ, con hầu có lỗi nhỏ, sợ bị roi vọt liền cầu xin nàng đắn nói chuyện với mẹ; nhờ thế chúng đến chịu tội thường được tha. Mà nàng yêu hoa thành nghiện, vẫn tìm kiếm khắp nơi trong thân thích xóm làng, lại phải cầm trộm cả thoa vàng đi, để mua cho được giống hoa đẹp, mới có vài tháng mà thềm hè, bờ giậu, chuồng lợn hố tiêu, không chỗ nào không có hoa. 
    Sân sau có một giàn mộc hương, vốn ăn liền với nhà láng giềng phía Tây. Nàng vẫn thường vin cây trào lên, hái hoa cài đầu chơi. Mẹ thỉnh thoảng bắt gặp lại mắng, mà nàng rốt cuộc vẫn không chừa. Một hôm, con trai nhà phía Tây trông thấy, ngây ra nhìn, lòng dường điên đảo. Cô gái không tránh mặt mà lại cười. Con trai nhà phía Tây nghĩ rằng nàng đã thuận, bụng càng khao khát. Nàng chỉ tay vào chân tường, rồi cười mà trèo xuống. Con trai nhà phía Tây cho là nàng trỏ nơi hò hẹn, sướng quá đỗi. Ðến tối mò ra, thì nàng đã ở đấy thật. Sáng đêm hành dâm, thì chỗ kín như bị mũi dùi đâm, đau buốt đắn tận tim, kêu rú lên mà ngã vật ra. Nhìn kỹ lại thì chẳng phải là cô gái, chỉ là một cây khô nằm ở bên tường, chỗ mình chọc vào là một cái hốc rịn nước. Ông bố nhà láng giềng nghe tiếng con kêu, vội chạy ra hỏi xem, chỉ rên rỉ không nói. Vợ đến, mới chịu nói thực. Ðốt đuốc soi vào thấy trong hốc cây có một con bọ cạp lớn như con cua con. Ông bố bổ cây ra, bắt giết đi, rồi vực con về, nửa đêm thì rằng 
    Nhà láng giềng đâm đơn kiện chàng, cáo giác Anh Ninh là yêu quái. Quan huyện vốn ngưỡng mộ tài học của chàng, lại biết chàng là một học trò năng trau dồi đức hạnh, cho rằng nhà láng giềng kiện xằng, toan nọc ra đánh. Chàng xin cho, mới được phóng thích mà về. Bà mẹ bảo rằng: 
    - Cứ ngây dại như thế mãi, từ sớm đã biết vui quá hoá lo mà. May được quan huyện sáng suốt như thần nên mới không liên luỵ, chứ nếu gặp phải hạng quan hồ đồ hẳn đã bắt đàn bà con gái đến chất vấn ở công đường, thì con ta mặt mũi nào nhìn thấy họ hàng làng xóm nữa? 
    Cô gái liền nghiêm sắc mặt lại, kể từ nay không cười nữa. Mẹ bảo: 
    - Người ta ai mà không cười, nhưng cười cũng phải có lúc. 
    Thế mà từ đấy về sau nàng không cười nữa thật, dù cố trêu, vẫn không bao giờ cười, nhưng suốt ngày chưa hề lúc nào có vẻ mặt đăm chiêu. 
    Một đêm, nàng nhìn chàng ứa nước mắt. Chàng lấy làm lạ, thì nàng nghẹn ngào nói: 
    - Trước đây, vì gần gũi chưa lâu, nói ra sợ cho là quái gở mà đâm hoảng. Nay xét ra, mẹ và chàng đều quá yêu, không có bụng gì khác, đành xin thưa thực, may không hại gì chăng? Thiếp vốn do hồ sinh ra. Lúc mẹ thiếp sắp bỏ đi, đem thiếp gửi lại cho bà mẹ ma, nương nhờ nhau đã hơn mười năm mới có ngày nay. Thiếp lại không có anh em, chỉ trông cậy vào một mình chàng. Mẹ già nằm cô quạnh nơi góc núi, không ai thương xót mà hợp táng cho, dưới chín suối vẫn còn sầu tủi. Nếu chàng không tiếc chút phí tổn, khiến cho người nằm dưới đất tiêu tan được khối hận đó, thì ngõ hầu những kẻ nuôi con gái vế sau không còn nỡ đem con dìm nước bỏ đi nữa. 
    Chàng nhận lời, nhưng lo phần mộ đã bị lẫn, giữa cỏ rậm. Cô gái nói rằng không lo. Bèn định ngày, vợ chồng xe quan tài đem đi. Giữa đám mây khói hoang vu, gai góc chằng chịt, cô gái chỉ đúng phần mộ,quả đào được thi thể bà già, da thịt vẫn còn. Nàng ôm lấy khóc thảm thiết. Rồi cùng đưa về, tìm mộ người chồng họ Tần mà hợp táng. 
    Ðêm hôm đó chàng nằm mơ thấy bà già trở về tạ ơn. Tỉnh dậy thuật lại với nàng. Nàng đáp: 
    - Hồi đêm thiếp có trông thấy, chỉ dặn đừng làm chàng kinh động mà thôi. 
    Chàng ân hận không giữ bà cụ lại chơi. Nàng đáp: 
    - Ðấy là ma, nơi có người sống nhiều, khí dương thịnh, ở lâu sao được? 
    Chàng hỏi đến Tiểu Vinh. Nàng đáp: 
    - Nó cũng là hồ, rất linh lợi, mẹ hồ thiếp giữ lại để trông nom thiếp, thường vẫn đút bánh cho thiếp ăn, nên nhớ ơn nó không bao giờ quên. Ðêm qua hỏi mẹ, thì nói đã gả chồng cho nói rồi. 
    Từ đó hàng năm, gặp ngày hàn thực vợ chồng lại đi thăm mộ ông bà Tần khấn vái quét dọn, không năm nào bỏ sót. Ðược hơn một năm, cô gái sinh được một con trai, lúc còn bế ẵm đã không sợ người lạ, thấy người là cười, hệt như phong thái của mẹ.


Không đề
    Tôn Tử Sở người Việt Tây là một danh sĩ, sinh ra có một ngón tay chẽ, lại có tính vẩn vơ, lẩn thẩn, ai nói dối điều gì cũng tin là thật, hoặc khi gặp đám tiệc mà có ca nhi kỹ nữ thì từ xa nhác thấy đã bỏ chay. Có người thấy vậy, dụ chàng đến nhà, cho kỹ nữ đến ôm ấp để bỡn chàng chơi thì mặt đỏ đến tận cổ, mồ hôi chảy xuống thành giọt. Họ nhân đó cười với nhau, rồi xa gần chuyền nhau vẽ vời cái trạng mạo ngây ngô của chàng để làm một trò cười, lại đặt cho chàng cái tên Tôn khờ. 
    Trong huyện có ông nọ là nhà buôn lớn, giàu lướt cả vương hầu, thông gia họ mạc đều là dòng dõi quý phái. Ông cụ có một con gái tên là A Bảo, là người tuyệt sắc. Ðến tuổi kén duyên, con cái các nhà đại gia tranh nhau đưa sính lễ đến giạm, nhưng không ai vừa ông cả. Chàng Tôn bấy giờ vừa goá vợ, có người đùa nên cậy mối đến hỏi. Chàng không biết phận, quả nhiên nghe theo lời khuyên. Ông cụ vốn biết tiếng chàng nhưng chê nghèo. Khi mụ mối vừa ở chỗ ông đi ra thì gặp A Bảo, hỏi đi đâu, mụ nói thật. Cô gái nói bỡn rằng: 
    - Nếu chàng ta bỏ được ngón tay chẽ đi thì tôi về với ngay. 
    Mụ về kể lại với chàng. Chàng nói: 
    - Cái đó thì khó gì. 
    Mụ đi rồi, chàng lấy búa chặt ngón tay chẽ, đau thấu ruột, máu phụt ra chảy lênh láng, suýt chết, qua mấy ngày mới dậy được, sang nhà mụ mối chìa tay xem. Mụ thất kinh, chạy sang nói với cô gái. Nàng cũng lấy làm lạ, nhưng lại nói bỡn rằng còn phải bỏ cái ngây đi nữa. Mụ về nói lại, chàng cãi ầm lên, bảo nào tôi có ngây đâu! Nhưng cũng không có cớ gì gặp mặt để tự giãi bày. Dần dà bàn chuyện , nghĩ rằng cô nàng Bảo chưa chắc đã đẹp như tiên sao dám tự đánh giá mình quá cao như vậy? Từ đó lòng chàng nguội hết mộng tưởng trước. 
    Vừa gặp tiết Thanh Minh, lệ thường cứ đến ngày ấy phụ nữ đi chơi, những thiều niên khinh bạc cũng kết thành từng đội đi theo, tha hồ bình phẩm. Mấy người bạn làng văn đến rủ chàng, bắt đi cho được. Có người lại nói đùa rằng: 
    - Lại không muốn xem mặt người mình ưng hay sao? 
    Chàng cũng biết hắn nói bỡn mình, nhưng vì đã bị cô gái hợm hĩnh đùa cợt nhiều phen, nên cũng muốn nhìn mặt một lần xem sao, bèn vui vẻ nhập bọn đi tìm. 
    Thấy đằng xa có một cô gái đang nghỉ dưới gốc cây, những cậu trai mất nết vây quanh như bức tường. Cả bọn nói: 
    - Chắc là cô nàng Bảo đấy rồi. 
    Chàng rảo bước đến xem thì quả là Bảo. Nhìn kỹ, thì thấy vẻ xinh đẹp yểu điệu có một không hai. Một lát, người xem lại càng xúm đông. Cô gái vội đứng dậy bỏ đi. Mọi người đều nhộn nhạo bàn tán, kẻ khen cái đầu, người tán cái chân, nhao nhao cả lên như một lũ điên. Chỉ riêng chàng là đứng lặng lẽ. Ðến lúc cả bọn đã tản đi nơi khác, ngoái lại, vẫn trông thấy chàng vẫn đứng ngây ra ở chỗ cũ, gọi chẳng thưa, chẳng rằng. Họ bàn kéo nhau đi, nói: 
    - Hồn theo A Bảo rồi ư? 
    Cũng không đáp. Biết tính chàng vốn lẩn thẩn, nên họ cũng không thấy làm lạ, người thì đẩy, người thì kéo, dẫn về. 
    Ðến nhà thì lên ngay giường nằm, suốt ngày không dậy, li bì như người say rượu, gọi mấy cũng không tỉnh. Người nhà nghi là mất hồn, đi gọi hồn ở ngoài đồng, nhưng cũng vô hiệu. Lay người thật mạnh để hỏi thì ú ớ nói rằng: Tôi ở góc nhà cô Bảo. 
    Hỏi kỹ lại thì lại làm thinh không nói nữa. Người nhà hoang mang không biết ra sao. 
    Nguyên hôm ấy, khi chàng thấy cô gái đứng dậy, bỏ đi thì lòng không nỡ dứt, bỗng cảm thấy mình đã bén gót đi theo rồi; dần dần đi sát vào cạnh tà áo, đai lưng, cũng không ai la mắng gì cả. Cứ như thế, theo mãi cô ta về nhà, khi ngồi khi nằm đều tựa kề một bên, đêm lại thì cùng ân ái, rất lấy làm thích; nhưng thấy trong bụng đói quá, muốn trở về nhà mà quên mất cả đường. Còn nàng thì mỗi lần chiêm bao thấy mình giao hợp với một người nào đó,hỏi tên nói là Tôn Tử Sở, lòng lấy làm lạ, nhưng không thể nói với ai được. 
    Ở bên nhà, chàng đã nằm ba ngày, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Người nhà hoảng lên, cho lấy lời mềm mỏng đến nói với ông cụ xin tới nhà để chiêu hồn cho chàng. Ông cụ cười rằng: 
    - Bình nhật không từng vãng lai thăm hỏi gì cả, làm sao mất hồn ở nhà tôi được? 
    Người nhà năn nỉ van lơn mãi, ông mới chịu. Thầy pháp cầm áo cũ và đồ cúng bằng rơm sang nhà, cô gái bắt gặp, hỏi biết lý do, mặt thất sắc, không cho đi tìm chỗ khác mà dẫn thẳng vào phòng mình, để cho mặc y kêu gọi xong rồi ra. Thầy pháp vừa về đến cửa thì ở trên giường chàng đã rên lên một tiếng. Tỉnh rồi, phòng nàng có bao nhiêu tráp hương, hộp phấn, bao nhiêu đồ đạc, sắc gì, tên gì, kể ra vanh vách không sai. Nàng nghe tin lại càng kinh hãi và thầm cảm cái thâm tình của chàng. Chàng đã dậy khỏi giường được rồi thì khi đứng khi ngồi, trầm ngâm nghĩ ngợi chợt nhớ chợt quên. Thường thăm dò tin tức cô Bảo, chỉ mong tìm được cơ hội để gặp lại. 
    Ðến ngày tắm Phật nghe tin nàng sẽ dâng hương ở chùa Thủy Nguyên, chàng dậy thật sớm, đến đứng ở một bên đường chờ nàng đi qua. Trông ngóng đến hoa cả mắt, mãi khi mặt trời đứng ngọ, nàng mới đến, ngồi trong xe dòm ra thấy chàng, lấy bàn tay xinh nhỏ vén màn, mắt nhìn đăm đắm không chuyện. Chàng càng xao xuyến, đi theo xe luôn. Nàng bỗng sai thị nữ đến hỏi họ tên. Chàng ân cần kể lại. Hồn vía rung chuyển, xe đi đã xa rồi mới quay về. Ðến nhà thì ốm trở lại, mê man không ăn uống, trong giấc mơ thường gọi tên Bảo, những giận hồn mình sao không thiêng như trước nữa. Trong nhà nguyên có nuôi một con vẹt, bỗng lăn ra chết, đứa bé cầm chơi ở trên giường. Chàng nghĩ nếu thân được làm con vẹt thì có thể vỗ cánh bay đến phòng nàng. Còn đang chú tâm mơ tưởng thì mình đã là con vẹt nhẹ nhàng phơi phới bay vụt lên, thẳng sang nhà A Bảo. Cô gái thấy vẹt bay xuống mừng quá, chộp bắt, xích chân lại, lấy hạt vừng cho ăn. Vẹt kêu to lên rằng: 
    - Cô đừng xích! Tôi là Tôn Tử Sở đây mà! 
    Nàng kinh hoảng, mở dây buộc, vẹt cũng không bay. Nàng khấn rằng: 
    - Tình thâm đã khắc tận đáy lòng, nhưng nay người và chim khác loài, làm sao nhân duyên còn vuông tròn được! 
    Vẹt nói: 
    - Ðược gần vóc thơm là mãn nguyện lắm rồi! 
    Người khác cho mồi thì không ăn, nàng cho mới ăn. Nàng ngồi thì đâu trên về, nằm thì đứng mé giường. Như thế ba ngày, cô gái rất lấy làm thương, cho người sang nhà chàng thăm dò, thì biết chàng thiếp đi, nằm sóng sượt tắt thở đã ba ngày, chỉ còn một chút trên tim chưa lạnh. 
    Nàng lại khấn rằng: 
    - Nếu chàng trở lại làm người, thì xin thề chết cũng theo nhau. 
    Vẹt nói: 
    - Lừa tôi đấy! 
    Nàng bèn thề thốt. Vẹt nghiêng mắt, ra dáng nghĩ ngợi. Một lát, nàng bó chân, cởi giày để dưới gầm giường. Vẹt nhảy vụt xuống, ngậm giày bay đi, nàng kíp gọi lại thì đã bay xa rồi. Nàng cho mụ ở sang dò thăm thì thấy chàng đã tỉnh. Người nhà thấy con vẹt ngậm chiếc giày bay về, ngã xuống đất mà chết, đang cùng lấy làm lạ thì chàng vừa hồi sinh, hỏi ngay đến chiếc giày. Không ai hiểu ra sao cả. Vừa lúc ấy thì mụ ở bên nhà kia đến, vào thăm chàng, hỏi chiếc giày ở đâu. Chàng nói rằng: 
    - Ðó là vật làm tin của cô Bảo. Xin gửi lời về nhắn hộ, rằng tiểu sinh không dám quên lời vàng đá. 
    Mụ ở về bẩm, nàng lại càng lấy làm lạ, cố bảo thị tỳ tiết lộ sự tình cho mẹ biết. Mẹ xét thấy đích xác, bảo rằng: 
    - Anh chàng ấy tài danh cũng chả vừa, chỉ hiềm nghèo như Tương Như. Kén chọn mấy năm được rạ như thế, sợ các nhà quý hiển người ta cười cho. 
    Cô gái vin cớ chiếc giày, thề không lấy người khác.Ông bà cũng phải theo vậy, cho người kíp báo với chàng. Chàng mừng, bệnh khỏi ngay. Ông muốn cho chàng ở gửi rể, nàng thưa rằng: 
    - Con rạ không nên ở nhà cha vợ lâu, huống chàng lại nghèo, ở lâu càng bị coi rẻ. Con đã về tay người, thì ở nhà gianh, nhà lá cũng cam, ăn rau lê rau hoắc cũng không dám oán trách. 
    Chàng bàn làm lễ rước dâu; hai người gặp nhau như có cái vui cách thế. Từ đó, nhà chàng nhờ có của hồi môn của nàng cũng khá hơn trước, mua sắm thêm của cải. Chỉ phải cái chàng mê sách, không biết chăm lo việc sinh kế trong nhà. Nhưng nàng khéo chắt lót, những việc trong nhà không phải phiền đến chàng. 
    Ðược ba năm, nhà thêm giàu, bỗng chàng mắc bệnh tiêu khát mà chết. Nàng khóc lóc thảm thiết, nước mắt không lúc nào ráo, bỏ cả ăn ngủ, ai khuyên giải cũng chẳng được. Thừa lúc đêm khuya, bèn thắt cổ, may có con ở biết được, vội cứu sống lại, nhưng cũng không chịu ăn. Ðược ba ngày, mời họ hàng đến để liệm chàng, bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên và tiếng thở nhẹ. Mở ra, chàng đã sống lại. Tự nói rằng: 
    - Khi ra mắt Diêm vương, ngài bảo: Người này bình sinh thành thực, chất phác, cho làm chức Bộ Tào . Bỗng có người đến thưa rằng: Vợ của Bộ Tào họ Tôn sắp tới . Ngài tra sổ ma rồi bảo: Người ấy chưa đáng chết . Lại tâu rằng: Không ăn đã ba ngày rồi Diêm vương ngoảnh lại nói rằng: Ta cảm vợ ngươi tiết nghĩa, cho ngươi sống lại , bàn sai lính thắng ngựa đưa tôi về. 
    Từ đó bình phục dần. 
    Gặp năm có kỳ thi Hương, trước khi vào trường bọn thiếu niên muốn bày trò trêu chàng, bèn cùng đặt ra bảy đầu đề rất hiểm hóc rồi kéo chàng ra chỗ vắng nói riêng rằng: 
    - Ðây là nhờ thế lực của đại gia mới có, xin bí mật trao tay nhau. 
    Chàng tin là thật, đêm ngày mài miệt, làm cả bảy bài. Chúng cười thầm. 
    Không ngờ năm ấy, viên chủ khảo nghĩ rằng ra đề quen thuộc thì thường có cái tệ sao chép văn cũ, bàn cố sức thay đổi cho thật mới lạ. Giấy đầu bài đưa xuống thì cả bảy bài chàng làm đều phù hợp. Nhờ đó, chàng đỗ thủ khoa. Năm sau đỗ tiến sĩ, được chọn vào viện Hàn lâm. Vua nghe thấy chuyện lạ, triệu vào hỏi, chàng khải tấu lên, vua hết lòng ngợi khen, liền cho gọi A Bảo vào bệ kiến, tặng thưởng rất nhiều.
Hồng Ngọc
    Ông cụ họ Phùng người Quảng Bình có một con trai tên chữ là Tương Như. Hai bố con cùng là Chư sinh. Ông Phùng tuổi gần sáu mươi, tính ương ngạnh mà nhà vẫn thiếu thốn. Trong khoảng vài năm, vợ và con dâu lại cùng mất cả, việc cơm nước đều phải tự làm lấy. 
    Một đêm, Tương Như ngồi dưới bóng trăng, chợt thấy người con gái láng giềng từ bên kia tường nhòm sang. Chàng nhìn thấy đẹp, đến gần thấy hé cười, lấy tay vẫy, không đến, cũng không di, cố nài mãi mới trèo thang sang. Liền ăn nằm với nhau. Hỏi họ tên, cô gái nói: 
    - Thiếp là con gái nhà láng giềng, tên là Hồng Ngọc. 
    Chàng rất yêu, xin cùng nàng tính chuyện lâu dài. Cô gái nhận lời. Từ đấy, đêm đêm thường đi lại, được độ nửa năm. Một đêm, ông Phùng thức dậy, nghe có tiếng con gái cười nói, nhòm vào gian nhà của con thì nhìn thấy cô gái. Giận lắm, gọi chàng ra mắng: 
    - Ðồ súc sinh, làm cái trò gì thế? Cửa nhà sa sút như thế, còn không biết chịu khó gìn giữ, lại còn học thói đàng điếm ư? Người ta biết ra thì phẩm hạnh của mày còn ra gì nữa! Dẫu người ta không biết thì tuổi thọ của mày cũng giảm. 
    Chàng quỳ xuống nhận lỗi, khóc xin hối cải. Ông cụ mắng cô gái: 
    - Con gái không biết giữ phép buồng khuê, đã nhuốc mình lại làm nhuốc cả người. Nếu việc vỡ lở ra, hẳn không chỉ một mình nhà này xấu hổ. 
    Mắng xong, bực tức trở về nhà ngủ. Cô gái chảy nước mắt nói: 
    - Lời bố quở trách thật là thẹn nhục! Duyên phận hai ta thôi thế là hết. 
    Chàng nói: 
    - Còn cha, con không được tự quyết định. Nếu nàng còn có tình, thời nên cố gắng ngậm tủi làm lành. 
    Cô gái muốn quyết tuyệt. Chàng nghe, sa nước mắt. Cô gái lại khuyên giải, nói: 
    - Thiếp với chàng không có lời của mối lái, không có lệnh của cha mẹ, chỉ là trèo tường chui gạch mà theo nhau, thì sao có thể cùng nhau đầu bạc được? Vùng này có một người tốt đôi với chàng, có thể hỏi làm vợ. 
    Chàng phàn nàn nhà nghèo, cô gái nói: 
    - Tối mai xin đợi, tôi sẽ mưu tính cho. 
    Ðêm hôm sau, cô gái quả nhiên đến, bỏ bốn mươi lạng bạc ra tặng chàng, nói rằng: 
    - Cách đây sáu mươi dặm, ở thôn Ngô có người con gái họ Vệ, tuổi đã mười tám, còn cao giá nên chưa ai lấy; chàng đưa nhiều tiền thì ắt phải xong việc. 
    Nói xong, từ biệt mà đi. Chàng tựa lúc thuận tiện, thưa với bố, muốn xin đi xem mặt, nhưng câu chuyện số tiền thì giấu đi, không dám nói cho bố biết. Ông Phùng tự lượng nhà nghèo, lấy cớ đó gạt đi. Chàng lại tìm lời ôn tồn nói với bố cứ thử đến xem cho biết thôi. Ông cụ gật đầu. 
    Chàng bàn thuê đầy tớ và người ngựa đi đến nhà họ Vệ. Vệ vốn là người làm ruộng. Chàng gọi ra ngoài nói chuyện riêng. Vệ biết chàng là con nhà dòng, lại thấy dáng vẻ đàng hoàng, trong bụng đã bằng lòng, nhưng còn ngại chàng kỳ kèo tiền nong chăng. 
    Chàng nghe ông cụ nói ngập ngừng, đã biết , bàn dốc tiền trong túi ra, bày trên bàn. Vệ mừng, nhờ người học trò bên láng giềng đứng giữa, viết tờ giấy đỏ mà giao ước với nhau. Chàng vào nhà chào lạy cụ, thấy nhà cũng chật hẹp, cô gái đứng nấp sau mẹ. Chàng đưa mắt nhìn, tuy ăn mặc xuềnh xoàng mà thần sắc tinh anh rực rỡ, bụng mừng thầm. Vệ mượn tạm nhà bên để tiếp đãi chàng rể và nói: 
    - Công tử không cần đón dâu, đợi may được ít quần áo sẽ đưa đến tận nơi 
    Chàng liền hẹn ngày rồi về, nói dối với bố rằng: 
    - Họ Vệ mến nhà ta dòng dõi thanh bạch nên không đòi tiền. 
    Ông cụ cũng mừng. 
    Ðến ngày hẹn, Vệ quả đưa cô gái đến. Cô gái siêng năng dè sẻn, lại thuần tục nết na, tình nghĩa vợ chồng thật là thắm thiết. Hơn hai năm sau, sinh được một con trai, đặt tên là Phúc Nhi. 
    Nhân ngày tết Thanh Minh, bố con đi thăm mộ, gặp kẻ thân hào trong huyện họ Tống. Tống nguyên làm quan Ngự Sử trong triều, phạm tội tham tang, phải cách chức về làng, những vẫn giương oai hà hiếp người. Hôm đó cũng đi thăm mộ về, thấy cô gái cho là đẹp, hỏi người trong thôn biết là vợ chàng. Nghĩ Phùng là học trò nghèo, đem nhiều của ra dụ dỗ, có thể làm cho đổi lòng. Liền sai người bắn tin cho chàng. Chàng nghe thấy, giận hiện ra mặt, rồi lại nghĩ thế không địch nổi với Tống, bàn nén giận làm vẻ tươi cười, về nói với bố. Ông Phùng giận lắm, chạy ra trước mặt người nhà họ Tống, trỏ trời vạch đất mắng nhiếc tàn tệ. Tên người nhà ôm đầu lủi đi mất. Họ Tống cũng tức giận, sai mấy đứa xông vào nhà chàng, đánh cả bố lẫn con, làm sôi sùng sục. Cô gái nghe thấy, bỏ con xuống giường, xoã tóc chạy ra kêu cứu. Chúng bèn cướp lấy, khiêng lên rồi ầm ầm kéo đi. Hai bố con bị đánh sụm, rên rĩ trên đất; đứa bé khóc oe oe trong nhà. Hàng xóm láng giềng cùng thương hại, xóc đỡ đặt lên giường. Qua ngày sau, chàng chống gậy mới đứng lên được, còn ông cụ thì tức giận không ăn rồi thổ huyết mà chết. 
    Chàng lăn khóc, ẵm con đi kiện Ðốc Phủ. Kiện hầu khắp mọi nơi, rút cục vẫn không thắng, sau lại nghe nói vợ không chịu khuất phục mà chết, lại càng đau xót. Khí oan đầy bụng, không lối nào giãi bày được. Thường nghĩ muốn đón đường đâm Tống chết, nhưng lo đầy tớ nó đông, con nhỏ, lại không gửi được. Ngày đêm buồn bã nghĩ ngợi, hai mắt không chớp nổi. 
    Chợt có một người đàn ông đến viếng nhà, râu quăn, hàm bạnh, xưa nay chưa từng quen. Chàng mời ngồi, toan hỏi họ tên quê quán, khách đã vội nói trước: 
    - Ông có cái thù người ta giết mất bố, cướp mất vợ mà không báo ư? 
    Chàng ngỡ là người của Tống sai đến dò hỏi, nên chỉ trả lời ậm ừ cho xong. Khách giận, mắt trợn tròn muốn rách khóe, liền bước ra nói: 
    - Tôi tưởng anh là người, nay mới biết anh là thằng hèn không đáng đếm xỉa. 
    Chàng xét thấy có cái gì là lạ, liền quỳ xuống, kéo áo khóc nói rằng: 
    - Thực ra vì sợ là người nhà họ Tống đến dò la, nay xin giãi bày hết tâm can. Cái điều nằm gai nắm mật của tôi, kể đã nhiều ngày rồi vậy; chỉ thương hòn máu trong bọc này, sợ rồi tuyệt tự mất. Ngài là bậc nghĩa sĩ, liệu có thể vì tôi mà làm chàng Chữ Cu được chăng? 
    Khách nói: 
    - Ðó là việc của đàn bà con gái, tôi không làm được. Cái việc ông muốn nhờ người, xin hãy tự làm lấy, còn cái việc ông muốn tự làm thì tôi xin làm thay cho. 
    Chàng nghe nói, đập đầu xuống đất. Khách chẳng thèm ngoái lại, bỏ đi ra. Chàng chạy theo hỏi họ tên, đáp rằng: 
    - Việc không xong, không oán; việc xong không nhận ơn. 
    Rồi đi liền. 
    Chàng sợ vạ đến mình, ẵm con đi trốn. 
    Ðến đêm, cả nhà họ Tống đang ngủ, có người vượt qua mấy lần tường, giết ba cha con nhà Ngự Sử với một thị tì, một con dâu. Nhà họ Tống làm tờ trạng cáo quan, quan rất kinh hãi. Tống cố vu cho Tương Như. Vì thế quan cho lính đi bắt chàng. Chàng trốn không ai biết là đi đâu, vì thế càng cho là thật. Ðầy tớ nhà họ Tống cùng với nhà quan đi lùng khắp nơi, đêm đến núi Nam Sơn, nghe có tiếng trẻ khóc, lần tìm ra được, liền trói mang về. Ðứa bé càng khóc dữ, chúng liền giật lấy vứt đi. Chàng oan ức muốn chết. Khi gặp quan lệnh ở huyện, quan hỏi tại sao giết người? Chàng thưa: 
    - Thực là oan! Nhà họ Tống chết về đêm, tôi ra đi từ ban ngày; vả lại ẵm đứa nhỏ khóc oe oe như vậy thì leo tường giết người sao được? 
    Quan lệnh nói: 
    - Không giết người sao lại đào tẩu? 
    Chàng đuối lý, không biện bạch được nữa. Liền giam vào ngục. Chàng khóc nói rằng: 
    - Tôi chết cũng không tiếc nhưng đứa bé mồ côi kia có tội tình gì? 
    Quan lệnh nói: 
    - Mày giết con người ta đã nhiều, thì giết con mày còn oán gì nữa? 
    Chàng bị lốt áo mũ nho sinh lại bị cùm kẹp, đánh đập khổ sở nhưng cung không xưng nhận điều gì. 
    Quan lệnh đêm hôm ấy nằm ngủ bỗng nghe có vật gì cắm phập vào giường, kêu bần bật thành tiếng, sợ quá kêu lên. Cả nhà giật mình thức dậy, xúm lại đốt đuốc soi, thấy một con dao ngắn lưỡi sắc nhọn sáng loáng, găm vào giường, sâu xuống gỗ đến hơn một tấc, chặt cứng không thể rút ra được. Quan lệnh trông thấy, sợ hết hồn vía, cho người cầm giáo đi lùng khắp nơi cũng không thấy tung tích gì cả. Bụng cũng nản, lại nghĩ: người nhà họ Tống đã chết rồi, không có gì phải kiềng họ nữa, bàn trình bẩm lên quan trên để giải oan cho chàng rồi tha về. 
    Chàng về đến nhà, trong hũ không còn một đấu gạo,một mình một bóng ngồi trông bốn bức tường mà thôi. May được nhà hàng xóm thương xót cho ăn uống, tạm bợ sống qua ngày. Nghĩ đến cái thù lớn đã trả được thì mừng đến tươi tỉnh lại; nhưng nghĩ đến cái hoạ thảm khốc, suýt nữa chết cả một nhà thì nước mắt lại đầm đìa sa xuống; lại nghĩ nửa đời nghèo xác dòng dõi không ai nối, thì ở nơi vắng người bỗng khóc rống lên, khản cả tiếng không tự nén giữ được. 
    Như thế chừng nửa năm, việc bắt bớ cũng nhạt dần, bàn kêu xin với quan huyện được mang hài cốt họ Vệ về. Chôn cất xong, đau xót muốn chết. Một mình trằn trọc trên giường, nghĩ không còn cách gì để sống. 
    Bỗng có người gõ cửa, chàng chú lắng nghe, thấy ngoài cửa có tiếng một người đang nói chuyện với trẻ con. Chàng vội dậy, dòm xem thì hình như một người con gái. Cánh cửa vừa mở, liền hỏi: 
    - Cái oan lớn đã được rửa, may không việc gì chứ? 
    Tiếng nói nghe quen lắm,mà trong lúc thảng thốt không thể nhớ được. Ðánh lửa soi thì ra Hồng Ngọc, dắt một đứa nhỏ cười đùa ở dưới đầu gối. Chàng chẳng kịp hỏi, ôm lấy cô gái mà khóc oà. Cô gái cũng thảm đạm lắm. Rồi đẩy đứa bé mà nói: 
    - Mày quên bố mày rồi ư? 
    Ðứa bé nắm lấy áo cô gái, mắt chòng chọc nhìn chàng. Chàng nhìn kỹ thì ra Phúc Nhi. Giật mình kinh hãi, khóc mà nói rằng: 
    - Sao con lại về đây được? 
    Cô gái nói: 
    - Nói thực với chàng, trước kia thiếp nói là con gái bên láng giềng là nói dối đấy, thiếp thực là hồ. Nhân đi đêm thấy tiếng trẻ khóc trong hang, liền bế về nuôi ở Tần. Nghe nạn lớn đã yên nên đem con về cùng chàng đoàn tụ. 
    Chàng gạt nước mắt lạy tạ. Ðứa bé ngồi trong lòng cô gái y như nương tựa vào mẹ đẻ, thật không nhận ra bố nữa. Trời chưa sáng, cô gái đã trở dậy. Hỏi thì đáp: 
    - Kẻ hèn mọn này muốn đi đây. 
    Chàng chưa mặc áo, quỳ ở đầu giường, khóc không ngẩng mặt lên được nữa. Cô gái cười nói rằng: 
    - Thiếp nói dối chàng đấy. Nay nhà đương gây dựng lại, không thức khuya dậy sớm sao được? 
    Rồi phát cỏ, quét dọn, làm như đàn ông vậy. Chàng lo nhà nghèo túng, không thể đủ ăn. Cô gái nói: 
    - Chỉ xin chàng cứ việc buông màn đọc sách không phải hỏi đến thiếu đủ, may không đến nỗi chết đói nào. 
    Rồi bỏ tiền sắm khung cửi dệt vải, lại thuê vài mươi mẫu ruộng, mướn người cày cấy, vác phạng đi phát tranh, kéo lá lợp nhà, hàng ngày như thế, coi là việc thường. Làng xóm nghe nói có vợ hiền càng vui lòng giúp đỡ. Chừng nửa năm sau, cảnh nhà thịnh vượng, như thể một nhà giàu lớn. 
    Một hôm chàng nói: 
    - Sau lúc tro tàn, nhờ mình tay trắng gây dựng lại, nhưng còn một việc chưa được thoả mãn, biết làm thế nào? 
    Hỏi là việc gì, chàng đáp: 
    - Kỳ thi sắp đến, mà khăn áo chưa lấy lại được? 
    Cô gái cười nói: 
    - Trước đây thiếp đã lấy bốn lạng vàng gửi lên quan quảng văn đã lấy lại được tên vào sổ. Ðợi chàng nhắc thì đã lỡ lâu rồi còn gì? 
    Chàng càng cho là thần. Khoa ấy, chàng đỗ thi Hương. Bấy giờ tuổi vừa ba mươi sáu, ruộng tốt liền bờ, nhà cửa cao rộng. Cô gái người vẫn mảnh dẻ tưởng như gió thổi là bay, mà làm lụng quá con nhà nông. Tuy mùa đông rét buốt vẫn chịu khó làm, mà bàn tay vẫn mềm mại như mỡ đông. Tự nói là ba mươi tám tuổi, người ta trông chỉ chừng đôi mươi.
Bành Hải Thu
    Nho sinh ở Lai Châu, là Bành Hiếu Cồ, học ở cơ ngơi khác cách nhà khá xa. Trung thu không về kịp, một mình hiu quạnh, nghĩ trong thôn chẳng có ai trò chuyện được. Chỉ có chàng thư sinh họ Khâu là danh sĩ trong huyện, nhưng vốn có tật kín, Bành thường khinh bỉ. 
    Trăng lên, càng thấy buồn tênh, cực chẳng đã đành viết thiếp mời Khâu. Rượu nửa chừng, có một người gõ cửa lạch cạch, tiểu đồng chạy ra xem thì là một thư sinh muốn yết kiến chủ nhân. Bành đứng lên cung kính mời khách vào. Vái chào xong, cùng ngồi quanh chiếu rượu, hỏi họ hàng quê quán, khách đáp: 
    - Tiểu sinh người Quảng Lăng, cùng họ với ngài, tên chữ là Hải Thu. Gặp đêm trăng đẹp thế này, ở nhà trọ càng buồn khổ. Nghe tiếng ngài là bậc cao nhã, bàn đường đột yết kiến. 
    Nhìn xem, người ấy áo vải mà sạch sẽ chỉnh tề, nói cười phong lưu. Bành mừng lắm nói: 
    - Vậy ra là người đồng tông với tôi. Ðêm nay là cái đêm gì mà gặp được khách quý thế này 
    Liền sai rót rượu, khoản đãi như bạn thân từ trước. Xem , khách dường như cũng rất khinh Khâu, Khâu ngẩng lên bắt chuyện, thì ngạo mạn không đáp lễ. Bành thẹn thay cho Khâu, bàn đánh lảng câu chuyện, xin hát trước một khúc dân ca cho vui. Rồi ngửa mặt dặng hắng lần nữa, hát khúc Hào Sĩ Phù Phong, cùng nhau vui cước. 
    Khách nói: 
    - Tiểu sinh không biết hát, không lấy gì đáp lại khúc dương xuân của ngài. Xin nhờ người hát thay được chăng? 
    Bành đáp: 
    - Xin vâng. 
    Khách hỏi: 
    - Ở thành Lai Châu này có danh kỹ nào không? 
    Bành trả lời: 
    - Không có. 
    Khách nín lặng hồi lâu rồi bảo tiểu đồng: 
    - Ta vừa gọi một người đến ở ngoài cửa, hãy ra dẫn vào đây! 
    Tiểu đồng đi ra, quả thấy một cô gái đang loanh quanh ngoài cửa. Nàng khoảng đôi tám, xinh đẹp như tiên. Bành ngạc nhiên hết sức, kéo nàng cùng ngồi. Cô gái mặc áo màu lá liễu, choàng khăn màu vàng, hương thơm sực nức bốn bên. 
    Khách an ủi: 
    - Lặn lội ngàn dặm tới đây, thật phiền nàng quá! 
    Cô gái mỉm cười vâng dạ. Bành lấy làm lạ, gạn hỏi, khách đáp: 
    - Quê quán khổ nỗi không có giai nhân, tiểu nhân vừa phải gọi cô này trên thuyền ở Tây Hồ đến đây 
    Ðoạn bảo nàng: 
    - Khúc Chàng Bạc Tình cô vừa hát ở trên thuyền hay lắm, xin hát lại lần nữa. 
    Cô gái hát rằng: 
    Chàng bạc tình, 
    Tắm ngựa ao xuân nọ, 
    Tiếng người xa, 
    Tiếng ngựa bỏ. 
    Trời sông cao, 
    Trăng núi nhỏ, 
    Ngoảnh đầu đi không về, 
    Trong sân trời rạng tỏ. 
    Chẳng oán xa nhau nhiều, 
    Sầu hội vui ít có, 
    Ngủ nơi nao? 
    Ðừng như bông theo gió. 
    Cho dù chẳng phong hầu, 
    Chớ về Lâm Cùng đó! 
    Khách lấy cây sáo ngọc dắt trong tất ra hoà theo tiếng hát, hết khúc thì sáo cũng dừng. 
    Bành sửng sốt khen mãi không thôi, rồi hỏi: 
    - Từ Tây Hồ đến đây đâu chỉ ngàn dặm? Thế mà trong phút chốc vời đến được, chẳng là tiên hay sao? 
    Khách đáp: 
    - Ðâu dám nói đến tiên, nhưng có thể coi muôn dặm gần như ngoài cửa. Ðêm nay trăng gió trên Tây Hồ đẹp hơn mọi khi nhiều, không lẽ không đến xem một chuyến? Ngài theo chơi được chăng? 
    Bành đang để tâm xem sự lạ liền nhận lời đáp: 
    - Rất hân hạnh. 
    Khách hỏi: 
    - Ngài đi thuyền hay cưỡi ngựa? 
    Bành nghĩ ngồi thuyền nhàn nhã hơn bàn nói: 
    - Xin cho đi thuyền. 
    Khách bảo: 
    - Nơi đây gọi thuyền hơi xa, trên sông Ngân hẳn có người chở đò. 
    Bàn giơ tay vẫy lên không, gọi: 
    - Thuyền ơi! thuyền xuống đây! Bọn tôi muốn đến Tây Hồ, không sẵn tiền thưởng đâu. 
    Lát sau, một chiếc thuyền hoa từ trên không lướt xuống, khói mây quấn quýt. Họ cùng lên thuyền. Thấy một người cầm bơi chèo ngắn, đoạn cuối gài kín lông chim dài, hình dáng như cái quạt lông, phẩy một cái là gió mất vi vu. Thuyền dần dần lên tít mây xanh, nhằm hướng Nam lướt tới, vùn vụt như tên
    Khoảnh khắc thuyền đã hạ xuống nước. Chỉ nghe sáo đàn rộn rã, chiêng trống vang lừng. Ra khỏi khoang nhìn, trăng in khói sóng, thuyền chơi họp chợ, người lái buông chèo, mặc thuyền tự trôi. Nhìn kỹ, quả là Tây Hồ thật. 
    Khách lấy ra từ sau khoang món nhắm lạ và rượu ngon, vui vẻ đối ẩm. Lát sau, một chiếc thuyền lầu tới gần rồi đi sát ngay bên cạnh. Nhòm qua song cửa thấy trong thuyền có hai người đang cười rộ bên bàn cờ. 
    Khách đưa chén rượu mời cô gái, nói: 
    - Cạn chén, rồi đưa cô về. 
    Trong lúc cô gái nâng chén, Bành bịn rịn bồi hồi, chỉ sợ nàng đi mất, bàn lấy chân bấm khẽ. Nàng đưa mắt liếc ngang, Bành càng xao xuyến, xin hẹn ngày gặp lại. 
    Cô gái nói: 
    - Nếu chàng có lòng thương, cứ hỏi tên Quyên Nương là ai cũng biết. 
    Khách lấy ngay khăn lụa của bành trao cho nàng, bảo: 
    - Tôi thay ông ấy đính ước lời hẹn ba năm sau. 
    Ðoạn khách đứng lên, đặt cô gái trên lòng bàn tay nói: 
    - Tiên chăng! tiên chăng! 
    Rồi kéo cửa sổ thuyền bên, bỏ cô gái sang. Mắt cửa chỉ bằng cái đĩa nàng ép mình trườn vào, không cảm thấy bị chật hẹp chút nào. Lát sau nghe thuyền bên có tiếng nói: 
    - Quyên Nương tỉnh rồi! 
    Tức thì thuyền ấy chèo đi ngay. Xa trông thuyền nọ đã ghé bến, người dưới thuyền kéo cả lên bờ, Bành bỗng mất hứng chơi, bèn nói với khách muốn lên bờ cùng xem qua đây đó. Vừa mới thương lượng, thuyền đã tự cập bờ, nhân đó bỏ thuyền lên bộ dạo quanh chừng hơn một dặm. Khách đến sau, dắt một con ngựa, bảo Bành giữ lấy. Rồi khách lại đi ngay, dặn rằng: 
    - Ðợi tôi mượn thêm hai con ngựa nữa. 
    Mãi không thấy khách đến, đường đã vắng người, nhìn trông trăng đã xế về Tây, trời đã sắp rạng. Khâu cũng không biết đi đường nào. Bành dắt con ngựa tới lui, không biết nên đi hay ở. Khi giong cương cho ngựa tới nơi đậu thuyền thì cả người lẫn thuyền đều chẳng thấy đâu. Bành nghĩ lưng túi rỗng không, càng thêm lo sợ. Trời đã sáng rõ, thấy trên mình ngựa có một túi nhỏ, thò tay xem, được ba bốn lạng bạc, bàn mua thức ăn rồi cứ đợi, bất giác gần trưa. Bành tính chi bằng hỏi thăm Quyên Nương dần dà sẽ hỏi được tin Khâu nhưng khi hỏi đến tên Quyên Nương thì chẳng một ai biết cả. Bành cụt hứng buồn tênh, hôm sau lên đường. Ngựa chạy tốt, may không liệt nhược, nửa tháng về tới nhà. 
    Lúc ba người cưỡi thuyền bay lên, tiểu đồng về báo: 
    - Ông chủ đã lên tiên rồi! 
    Cả nhà đau buồn khóc lóc, nghĩ rằng không về nữa. Bành về tới nhà, buộc ngựa bước vào, người nhà sửng sốt mừng rỡ, xúm lại hỏi han, bấy giờ Bành mới kể hết những sự lạ. Nhân nghĩ chỉ một mình về quê quán, e bên nhà Khâu nghe tin sẽ đến gạn hỏi, bàn răn người nhà chớ nói rộng ra. Trong lúc chuyện trò, Bành kể đến lai lịch con ngựa. Mọi người nghe nói của tiên cho bàn kéo cả ra chuồng xem. Tới nơi chẳng thấy ngựa đâu, chỉ thấy chàng Khâu bị buộc cạnh chuồng ngựa bằng giây cương cỏ. Ai nấy kinh hãi quá sức, gọi Bành đến xem. Thấy Khâu gục đầu dưới máng cỏ, mặt mày xám ngắt, hỏi không nói, duy hai mắt lúc nhắm lúc mở mà thôi. Bành thấy bất nhẫn quá,sai người cởi giây cương vực lên giường. 
    Khâu như người mất hồn, đổ nước cháo nóng cho, nuốt được chút ít, giữa đêm hơi tỉnh vội đòi ra nhà tiêu. Xốc nách nách đưa đi. Khâu xón ra được mấy cục phân ngựa. Lại cho ăn uống tí chút, bấy giờ mới nói được, Bành đến bên giường hỏi han, Khâu kể: 
    - Sau khi rời thuyền, hắn dẫn tôi đi nói chuyện phiếm. Ðến chỗ vắng, hắn vỗ đùa vào gáy, tôi liền mê mẩn ngã lăn ra. Nằm phục giây lát, nhìn lại thấy mình đã hoá ngựa. Tâm trí vẫn tỉnh táo nhưng không nói được. Thật là chuyện vô cùng nhục nhã, không sao nói với vợ con được. Xin bác chớ tiết lộ. 
    Bành nhận lời, sai người hầu thắng ngựa đưa Khâu về. 
    Từ đấy Bành không sao quyên được Quyên Nương. Ba năm sau, vì có người anh rể làm chức quan Phán ở Dương Châu, Bành nhân đến thăm. Châu này có Lương công tử là chỗ thân quen với Bành, mở tiệc mời chàng đến uống rượu. Trong tiệc có mấy đào hát đều đến vái chào. Công tử hỏi đến Quyên Nương, người nhà thưa là bị ốm. 
    Công tử giận dữ nói: 
    - Con tiện tỳ cao ngạo thanh giá, hãy mang thừng trói đem đến đây! 
    Bành nghe đến tên Quyên Nương, giật mình hỏi là ai. Công tử đáp: 
    - Nó là con hát số một ở Quảng Lăng. Cậy có chút tiếng tăm mới dám kiêu căng vô lễ. 
    Bành ngờ tên họ ngẫu nhiên trùng nhau, nhưng lòng vẫn xúc động hồi hộp, chỉ mong được thấy mặt ngay. Lát sau, Quyên Nương đến, công tử hầm hầm kể tội. 
    Bành nhìn kỹ, quả là người đã gặp trong tiết trung thu, bèn thưa với công tử: 
    - Cô này là chỗ tôi quen biết cũ, mong ông tha thứ 
    Quyên Nương đưa mắt ngắm Bành, dường như cũng ngạc nhiên. 
    Công tử chưa vội hỏi kỹ đã sai người mời rượu. Bành hỏi: 
    - Khúc Chàng Bạc Tình nàng còn nhớ chăng? 
    Quyên Nương càng kinh hãi, chăm chú nhìn Bành rồi mới hát khúc xưa. Lắng nghe, đúng là tiếng hát đêm trung thu năm ấy. 
    Rượu tàn, công tử sai nàng chăn gối hầu khách. Bành nắm lấy tay nàng hỏi: 
    - Lời hẹn ba năm hôm nay mới thực hiện được chăng? 
    Quyên Nương đáp: 
    - Năm xưa theo người đi chơi thuyền Tây Hồ, em uống chưa được mấy chén đã như say. Trong lúc choáng váng bị một người nhấc đem đến một thôn nọ. Một tiểu đồng dẫn em vào nhà trên chiếu rượu có ba người, chàng là một trong số đó. Sau lại đi thuyền đến Tây Hồ , người ta mới đưa em về thuyền cũ qua mắt cửa sổ. Mỗi khi nhớ lại lúc cầm tay ân cần, cứ bảo là mộng ảo. Nhưng khăn lụa còn đây, em vẫn gói kỹ cất đi. 
    Bành kể nguyên do rồi cùng nhau than thở. Quyên Nương ngả mình vào lòng Bành, nức nở nói: 
    - Tiên đã làm mối, xin chàng đừng cho em là kẻ phong trần đáng vứt bỏ mà thôi không nghĩ đến người đang ở trong bể khổ này. 
    Bành đáp: 
    - Lời hẹn trên thuyền chưa ngày nào tôi lãng quên. Nếu nàng có đó, dù có phải dốc túi bán ngựa, tôi cũng khô
š 
    Sáng hôm sau, thưa chuyện với công tử, lại vay mượn quan Biệt giá ngàn vàng, xoá sổ cho nàng rồi đưa nhau về quê. Tình cờ đến cơ ngơi nọ, nàng vẫn nhận ra nơi uống rượu năm nào.


Nguồn music.vietfun.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved