Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

13 thg 1, 2014

Thi vương Tương Tây - Chương 47 - 51 (Thiên Hạ Bá Xướng)

    Chương 47 : Lập Lời Nguyền

Lão Trần không nắm được huyền cơ bên trong đồng nhân, lại không muốn lộ vẻ lo lắng trước mặt đám thuộc hạ, bèn trích dẫn điển tích trả lời qua quýt vài câu, rồi lệnh cho vài tên thuộc hạ châm một mồi lửa thiêu rụi đống xương xẩu trong hang. Hòm bó đạo tang điển tịch cũng bị đốt sạch, làm như vậy không phải để trút nỗi căm hận mà do quy định hành sự trong giới lục lâm, bất luận giết người cướp của hay đào mồ quật mả, sau cùng đều phải phóng hỏa thiêu rụi, xóa sạch dấu vết để tránh hậu họa về sau.

Sau đó đám trộm còn chặt xác mãng xà ném vào ngọn lửa, mùi hôi thối xông lên tận mặt, nhiều người không chịu được nôn thốc nôn tháo. Đúng lúc ấy có trinh sát về báo, nói xung quanh Lão Hùng Lĩnh huyện Nô Tinh xuất hiện mấy cánh quân không rõ lai lịch, có cả binh lính lẫn thổ phỉ, ý chừng nhân lúc đám trộm Xả Lĩnh đang náo loạn, định thừa cơ tới Bình Sơn hôi của, đám đại binh đào ngũ khi nãy đa phần đều bị chúng giết chết dọc đường.
Lão Trần nghĩ bụng, con mẹ nó chứ, đúng là giậu đổ bìm leo, đám sơn tặc thổ phỉ quanh huyện Nô Tinh cũng tới thừa nước đục thả câu đây mà. Chuyến này Xả Lĩnh đã mất quá nhiều nhân mạng, lòng quân hoang mang, tiếp tục ở lại chiến đấu cũng chẳng có kết quả gì tốt đẹp, hảo hán không màng nỗi nhục trước mắt, còn rừng xanh thì lo gì không có củi đốt, chi bằng mau chóng rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt.
Lão Trần đã có chủ ý, bèn gọi người tới, ném hết xác đám trộm và lính công binh bị đá đè chết vào hang đốt luôn một thể, sau đó mang theo anh em thương binh ra khỏi rừng, rời khỏi Lão Hùng Lĩnh ngay trong đêm qua được dãy Miêu Cương coi như đã về địa bàn của mình, còn lão đích thân dẫn theo hai ba mươi tay chân thân tín, lưng giắt tiểu liên bụng giấu dao nhọn, tiến vào thung lng tiếp ứng cho bọn Gà Gô.
Gà Gô cũng kể vắn tắt một lượt chuyện anh ta gặp phải trong rừng. Nói gì đi nữa tới giờ phút này không thể xem như hoàn toàn công cốc, tốt xấu gì cũng đã phá được mộ cổ Bình Sơn, khai quan mở thây, lấy được đai vàng nạm ngọc, biến thảm bại thành chiến thắng, công lao đạt được cũng vớt vát ít nhiều sĩ diện cho lão Trần.
Lão Trần thấy Gà Gô vào sinh ra tử vì mình, lòng vô cùng cảm kích, liền chắp tay nói: “Giữa anh em ta không cần nói lời cảm ơn làm gì, sau này chú đi tìm Mộc Trần Châu, mười vạn người của Thường Thắng sơn nhất định sẽ giúp chú một tay. Chú lên rừng chúng tôi lên rừng, xuống biển chúng tôi cũng xuống biển, nếu trái lời thì tôi sẽ giống như đồng nhân này, hỏng hai con mắt, suốt đời làm một phế nhân.”
Gà Gô vội nói: “Trần thủ lĩnh quá lời rồi, tôi trộm mộ lần này cũng tìm được chút manh mối về Phượng Hoàng Đảm, nếu không có các vị hảo hán Thường Thắng sơn tương trợ thì giờ này vẫn đang mò kim đáy biển trên đất Kiềm, đây mới là ân đức trời biển. Sau này Trần thủ lĩnh có lên núi đào mộ, cho dù non nước hiểm trở thế nào, tôi cũng nhất quyết đi theo, xả thân báo đáp đại ân đại đức này, bằng không Gà Gô tôi suốt đời làm kẻ tàn phế cụt chân khuyết tay.”
Hai người kích động theo cảm tính nhất thời, trong lúc sơ ý đã lập lời nguyền, nhưng khi đó chẳng ai thực sự để tâm. Trời sắp sáng, bỗng nghe từ đằng xa có tiếng súng nổ loạn xạ, nghe ngóng động tĩnh, hình như mấy cánh quân thổ phỉ tới dò la báu vật Bình Sơn đang nổ súng giao tranh. Lão Trần thời gian qua hình sự trên núi Bình Sơn nên đã nằm lòng địa hình địa thế, sợ chạm trán với đám thổ phỉ, lão liền dẫn mọi người khiêng thương binh, theo con đường nhỏ ra khỏi núi, trèo đèo lội suối rốt cuộc cũng tới được dãy Miêu Cương, tụ họp với đại quân, rồi vội vã rút về sào huyệt ở Tương Âm không kịp nghỉ ngơi.
Đám trộm mệt mỏi quá độ, nghỉ một mạch suốt mấy ngày liền, tay dẫn đường người Miêu khi ở trong mộ không thể nín thở nên hít phải không ít lăng chướng, nên thế là đi tong thêm một mạng. Hồng cô nương gãy chân đã được bó lại, tục ngữ có câu: “Bong gân gãy xương phải trăm ngày”, chưa đủ ba tháng, cô ta sẽ không thể đi lại được.
Đến khi nguyên khí phục hồi, lão Trần nhận ra địa vị thủ lĩnh Thường Thắng sơn của mình đã lung lay như răng bà lão. Từ cổ chí kim, lần trộm mộ thảm bại nặng nề tử thương nhiều nhất có lẽ thuộc về chuyến đào mộ cổ Bình Sơn lần này của phái Xả Lĩnh, lại thêm đội quân dưới trướng La Lão Oai, số thì bỏ trốn số thì tan tác, không sao gom lại được, uy danh Thường Thắng sơn trên đất Hồ Nam giờ đã mất sạch.
Lão Trần nổi giận đùng đùng, cục diện trước mắt không thể lạc quan, nếu không quật được một cái mả to kiếm được một khoản thì khó mà ngóc đầu lên được. Nhưng giờ mộ cổ ở mấy tỉnh quanh đây đa phần đều bị xới tung lên cả rồi, bói đâu ra một ngôi mộ quy mô cỡ chư hầu vương bây giờ? Lão âm thầm tính toán, chợt nảy ra một ý.
Năm xưa khi mới vào nghề, lão Trần thường đổ đấu ở phương Nam, từ Lưỡng Việt Lưỡng Hồ[34] cho đến Vân Nam Giang Tây không có nơi nào chưa đặt chân tới. Lão từng đào mộ Điền vương ở Lý Gia sơn Vân Nam, mộ cổ nước Đền ở Lý Gia sơn tầng tầng lớp lớp, dân trộm mộ bao đời đa số đều đào được báu vật từ ngọn núi này, nhưng cũng chính vì mộ Điền vương Lý Gia Sơn quá ư lộ liễu, nên từ đời Tống trở đi đã bị trộm không biết bao lần, không phải mười cái mất chín mà là mười cái mất cả mười.
Lão Trần tới Lý Gia sơn vào thời Dân Quốc, vừa nhìn đã biết ngay nơi đây “người đá không nhắm mắt, cột biểu đốt lặng câm”, chỉ còn quang cảnh điêu tàn với trăm ngàn hang hố do dân trộm mộ để lại. Dân đổ đấu gọi huyệt mộ đã bị người khác đào là “hố lọc”, đám trộm đầu tiên vào được lăng mộ cổ là béo bở nhất, vàng bạc châu báu tha hồ mà chở, chỉ để lại những thứ chẳng ra gì.
Nhóm trộm thứ hai vào được huyệt mộ, tuy đỡ tốn công sức nhưng các món minh khí có giá đã chẳng đến phần, đánh nhặt nhạnh những thứ nhóm đầu tiên vứt lại, ví như áo liệm trên người mộ chủ hoặc đèn đồn, bình gốm, hình nhân thú đá trong mộ thất.
Đến lượt nhóm trộm thứ ba, mộ thất cơ bản chỉ còn một cỗ quan tài trống rỗng với bốn bức tường, nhưng có câu “ăn trộm chẳng về tay không”, trong mộ nếu có bích họa sẽ lập tức bị đám trộm cạy xuống ngay, không có bích họa thì chúng đào gạch dỡ ngói, sau cùng còn tha cả ván áo quan về nhà rửa ráy qua loa bán cho tiệm quan tài làm vật liệu.
Khi bọn lão Trần đến được Lý Gia sơn, thấy khu mộ táng vương công quý tộc nước Điền chỉ còn toàn hang bùn hố đất nham nhở thì biết ngay nơi này đã bị phường trộm vặt lọc không biết bao lần, ngay mẩu xương người chết cũng không chừa lại cho người đến sau.
Nhưng lần ấy số lão cũng may, cả bọn chưa hết hi vọng, lại đào xới một lượt những hang hố còn đậm sắc bùn vết cỏ, phát hiện ra một mộ thất Điền vương đời cuối mới chỉ bị đào qua hai ba lượt. Trong mộ chẳng có lấy món minh khí nào ngoài một cỗ quách không, nhưng xem ra chất liệu cũng không xoàng, toàn là gỗ quý trong rừng nguyên sinh ở Vân Nam, lão Trần đành tháo quan lấy ván, không ngờ lại phát hiện được một tấm bản đồ bằng da người bên trong, trở về mời thọ khéo tới khôi phục lại hóa ra hình vẽ trong bản đồ chính là vị trí chi tiết của lăng mộ Hiến vương.
Dân trộm mộ đa phần đều biết các truyền thuyết liên quan đến lăng mô Hiến vương. Nghe nói ngôi mộ cổ đó được xây dựng vô cùng xa hoa, từng tuẫn táng cả vạn người sống, hơn nữa địa cung lại là một tòa điện trên trời, người phàm muốn vào trong mộ cổ bái kiến Hiến vương chỉ có cách ngồi thuyền lá trôi trên Thiên Hà, chèo qua Âm Hà mới đến được, một khi đi rồi sẽ vĩnh viễn không thể trở lại, phải ở đó hầu hạ Hiến vương.
Mộ này chỉ có trên trời nên vĩnh viễn không thể bị dân trộm mộ đổ đấu. Nhưng những truyền thuyết này lưu truyền đã nhiều năm, khó tránh khỏi sai lệch so với sự thật, nhiều cao thủ trong nghề đổ đấu đều cho rằng lăng mộ Hiến vương chỉ là truyền thuyết, bậc thiên tử như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế hay Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ cũng chỉ có thể xây lăng dưới đất, Hiến vương chẳng qua là một quốc vương tép riu vùng Nam Cương, sao có thể xây mộ cổ trên trời, chuyện này tuyệt đối không thể coi là thật.
Có điều hiện giờ mộ cổ quanh đây quả thật khó tìm, lão Trần lại nóng lòng muốn kiếm một khoản lớn, đã quyết nhắm vào lăng mộ Hiến vương, bèn đem tấm bản đồ da người ra bàn bạc với Gà Gô.
Gà Gô chỉ chăm chăm nghĩ đến Mộc Trần Châu chôn trong Hắc Thủy thành ở Tây Vực, không chút hứng thú với lăng mộ Hiến vương. Huống hồ truyền thuyết Trùng cốc Vân Nam lại mù mờ, trên đời có lăng mộ Hiến vương hay không còn chưa biết, kéo đàn kéo lũ tới Vân Nam chưa chắc đã thu hoạch được gì, nghĩ vậy anh ta bèn bảo lão Trần mình phải đi sa mạc Hắc Thủy thành đào báu vật trước, đại sự xong xuôi sẽ quay lại giúp phái Xả Lĩnh tìm lăng mộ Hiến vương.
Lão Trần không đồng ý, trước mắt củng cố địa vị thủ lĩnh Thường Thắng sơn mới là việc gấp của lão. Theo lý mà nói, đi tìm lăng mộ Hiến vương trong rừng sâu núi thẳm còn dễ hơn tìm kiếm Hắc Thủy thành vùi dưới sa mạc nhiều, vả lại tìm mộ Hiến vương còn có tấm bản đồ da người chỉ đường vẽ lối tham khảo; chứ đi tìm di chỉ xa xưa trong lòng sa mạc thực khó hơn lên trời, trước nay chưa từng nghe nói có kẻ nào mò được kho báu trong sa mạc cả. Nơi mênh mông không bến không bờ ấy đối với dân trộm mộ vốn là cấm địa khó lòng đặt chân, phương pháp đổ đấu của Ban Sơn Xả Lĩnh đến đó thành vô dụng.
Gà Gô vẫn thường hành sự một mình, lần này tới Hắc Thủy thành Tây Hạ vốn không muốn đám người Xả Lĩnh đi cùng, nhưng anh ta bụng dạ ngay thẳng nên mới không giấu lão Trần chuyện tới sa mạc trộm mộ. Thực ra dòng dõi Ban Sơn đạo nhân vốn từ sa mạc Tây Vực di cư tới Giang Nam, cũng từng nhiều lần vào sâu trong sa mạc kiếm tìm di tích cổ, nhưng đó đã là chuyện mấy ngàn năm về trước rồi.
Từ thời nhà Hán, Ban Sơn đạo nhân đã dốc hết tâm trí vào việc tìm kiếm Mộc Trần Châu, khi đó từng có người nghĩ đến việc nếu không tìm ra Mộc Trần Châu, chi bằng quay về đất tổ Song Hắc sơn, đến động quỷ không đáy trên núi thần Zhaklama thăm dò xem sao, chưa biết chừng có thể tìm ra căn nguyên của lời nguyền độc địa.
Song khi ấy Song Hắc sơn Zhaklama bị người trong động quỷ chiếm cứ, bọn họ xây dựng thành trì ở nơi tận cùng sơn cốc Song Thánh, lấy quốc hiệu Tinh Tuyệt, do một vị Nữ vương là kỳ nhân xuất thế đứng đầu.
Tương truyền Nữ vương Tinh Tuyệt có thể dùng mắt khống chế người ta, kẻ thì nói do bà ta có yêu pháp lôi kéo sai khiến, kẻ lại nói đó chính là tà thuật Viên quang nhiếp hồn, song không ai biết được tường tận. Ba mươi sáu nước ở lưu vực sông Khổng Tước đều nằm trong vòng kiểm soát của Tinh Tuyệt, Ban Sơn đạo nhân đã vài bận xâm nhập vào sa mạc Taklimakan được canh phòng nghiêm ngặt, rốt cuộc đều bị lính canh phát hiện, khi không mất mấy mạng người.
Về sau có một Ban Sơn đạo nhân nghĩ ra kế sách đối phó Tinh Tuyệt quốc, sức mạnh của Tinh Tuyệt quốc thực ra đều đến từ vị Nữ vương lợi hại, chỉ cần trừ khử người này, việc phá thành sẽ dễ như trở bàn tay.
Vị tiền bối ấy cải trang thành lão thầy bói đến từ miền Đông xa xôi, dụng kế xúi giục để các nước Tây Vực vốn phải chịu ách nô dịch của Tinh Tuyệt cùng nhau bắt tay chống lại kẻ địch, âm thầm lên kế hoạch tập kết người ngựa, khởi binh tiến đánh thành chủ Tinh Tuyệt. Ban Sơn đạo nhân còn điều chế mạn dược, bí mật tẩm vào thịt cừu vàng, cho vương tử Cô Mặc là dũng sĩ số một trong ba mươi sáu nước đem dâng lên Nữ vương Tinh Tuyệt, nhằm hại chết bà ta.
Điểm yếu của Nữ vương Tinh Tuyệt chính là ở chỗ tự cao tự đại, bà ta là vầng trăng sáng trên sa mạc khiến quần tinh đều phải lu mờ, cho rằng chỉ người trời như mình mới được thưởng thức thịt cừu vàng nên quả nhiên trúng kế, chẳng bao lâu sau độc phát mà chết, được chôn trong động quỷ không đáy trên núi Zhaklama. Liên quân các nước mai phục trong sa mạc từ lâu, được tin Nữ vương đã chết thì hừng hực khí thế, nổi trống hăng hái xông vào công thành, đồ sát tất cả người Tinh Tuyệt không phân thiện ác.
Tấn công liên tục từ rạng sáng ngày thứ nhất đến mờ sáng ngày thứ hai, rốt cuộc cũng lọt được vào vương cung trong lòng đất, các tướng sĩ liên quân đều có thù sâu như biển với Nữ vương Tinh Tuyệt, quyết đào mộ Nữ vương lên băm thây rửa hận, vét sạch số của cải châu báu bà ta vơ vét mới cam. Nào ngờ đúng lúc ấy trên sa mạc đột nhiên cát bay đá lở, nhật nguyệt lu mờ.
Trận bão cát nuốt gọn hết thảy giống như cây roi dài của Chân thần thò tới mọi nơi, di chuyển gò cát, vùi lấp toàn bộ núi Zhaklama. Liên quân đánh vào trong thành, bao gồm cả Ban Sơn đạo nhân nghĩ ra diệu kế ám sát Nữ vương đều bị chôn vùi trong sa mạc. Trăm ngàn năm sau, chỉ khi nào sa mạc nổi bão cát, thành cổ Tinh Tuyệt mới chịu hiện ra sau lớp màn thần bí, theo dòng cát chảy, tòa thành Mắt Quỷ oanh liệt một thời lại chìm vào biển hoàng sa cuồn cuộn.
Những Ban Sơn đạo nhân còn lại đều không cam tâm, từ đó về sau không ngừng tìm cách tiến vào sa mạc, tìm kiếm Song Hắc sơn vùi trong biển cát vàng, song đều thất bại thảm hại, dốc hết tâm sức cũng không tìm ra được manh mối nào về núi thần Zhaklama, mãi đến nay mới hoàn toàn từ bỏ.
Trong thời gian này, Ban Sơn đạo nhân tiến vào sa mạc gặp phải vô số kỳ ngộ, vô tình tìm thấy vài di tích cổ mộ, cuối cùng đều nhận ra rằng, nếu không có manh mối nào trong tay thì đừng mong có nổi một phần vạn cơ hội tìm được thành cổ huyệt vùi trong sa mạc.
Lão Trần nghe nhắc chuyện cũ, dã tâm lại bừng bừng, đầu óc phiêu diêu tưởng tượng cảnh mình đích thân dẫn theo đội quân trộm mộ tiến sâu vào sa mạc mênh mông, đào cho bằng hết số của cải châu báu cao như núi trong thành cổ Tinh Tuyệt, sau đó trở về Tương Âm làm những việc kinh thiên động địa, mở mày mở mặt cho giới lục lâm, tương biết đâu họ Trần còn làm Khai quốc Thái tổ ấy chứ, bắt bọn Anh Mỹ Oa Di[35] hết lần này đến lần khác xâm phạm Trung Hoa chúng ta phải “viết thư xin hàng, nộp sớ quy thuận, mùa mùa cúng tiền, năm năm yết kiến”, nếu được như vậy, mới thỏa chí bình sinh của bậc đại trượng phu, cái tên Xả Lĩnh lưu danh sử sách.
Gà Gô thấy mặt lão Trần thoắt tối thoắt sáng, như chợt vui chợt buồn, đâu biết được dã tâm của lão, vội hỏi lão đang bận lòng vì chuyện gì. Lão Trần nghe hỏi mới định thần lại, liên tục thở dàim lão biết việc kiếm tìm châu báu trên sa mạc đối với đám trộm Xả Lĩnh chẳng khác nào mơ ước viễn vông, dù có mấy vạn người nựa, đến vùng sa mạc mênh mông không bến bờ đó cũng chỉ như muối bỏ biển, chẳng làm nổi trò trống gì, có trời mới biết phải bắt đầu đào từ đâu.
Nghĩ đến đây lão bèn quay sang hỏi Gà Gô, trên sa mạc đã không còn dấu vết gì, sao cứ muốn đi Hắc Thủy thành Tây hạ mãi thế? Mấy trăm năm trước một trận cát chảy nghiêng trời lệch đất cuốn trôi tất cả, tòa thành nổi tiếng ở Tây Hạ đó sớm đã bị vùi lấp hoàn toàn, cũng giống như thành cổ Tinh Tuyệt, đến nay giả nửa vẫn chưa tìm thấy, chi bằng đi Vân Nam đào mộ theo tấm bản đồ, ít nhiều còn có manh mối để tìm. Với bản lĩnh của hai anh em ta, dưới gầm trời này có việc lớn nào mà không làm được chứ!
Thực hiện

Chương 48 : Điểm Danh Trạng

Gà Gô lắc đầu nói: “Hắc Thủy Thành Tây Hạ bị bão cát vùi lấp, thuật Ban Sơn Điền Hải quả thật không làm gì nổi. Nhưng tương truyền trên đời này có Mô Kim hiệu úy giỏi sưu sơn tầm long, phân kim định huyệt, trong Tầm Long quyết của họ có bí thuật về Thiên tinh phong thủy, có thể ngửa cổ nhìn sao trời, cúi đầu tìm địa mạch, nếu học được thuật này, hoặc mời được Mô Kim hiệu úy tới tương trợ, việc tìm dấu vết Thông Thiên Đại Phật tự và Hắc Thủy thành sẽ dễ như thò tay vào túi lấy đồ vậy.”
Lão Trần nói: “Mô Kim hiệu úy? Nghe nói truyền đến đời Trương Tam Gia cuối thời nhà Thanh, dưới gầm trời này chỉ còn lại có ba tấm bùa Mô Kim thôi, từ sau thời Dân Quốc đã không còn nghe nói trên đời có sự tích phái Mô Kim nữa rồi. Cứ cho là nay vẫn còn hai ba cao thủ biết thuật Phân kim định huyệt, nhưng bậc cao nhân như thế biết tìm đâu bây giờ?”
Nghe nói trụ trì chùa Vô Khổ trước khi xuất gia từng là một Mô Kim hiệu úy, có điều thời nay những chuyện khoác lác vô căn cứ quá nhiều, lão Trần và Gà Gô chưa gặp vị trưởng lão này bao giờ nên không biết lai lịch thật thế nào, vả lại lão hòa thượng đó tuy tinh thông thiền học nhưng tuổi tác đã cao, có trời mới biết ông ta giờ còn sống trên đời hay không. Huống hồ bí thuật Thiên tinh phong thủy của Mô Kim hiệu úy có triển khai được trên sa mạc hay không, cũng chưa dám nói chắc.
Gà Gô và lão Trần ai cũng có việc đại sự không thể không làm, đều cho rằng “việc người kia nghĩ thực mù mờ vô căn cứ, khó mà thành công”, hai bên tâm ý đã định, dù tám bò chín trâu kéo cũng nhất định không chịu quay đầu, nói đến cùng cũng chỉ chốt lại một câu “mỗi người mỗi chí, không thể cưỡng cầu”, đành chia tay nhau ở Tương Âm, chuẩn bị đường ai nấy đi, người đi tìm lăng mộ Hiến Vương, kẻ tới Hắc Thủy thành.
Mấy ngày sau tin tức lại truyền về, đám sơn tặc thảo khấu quanh Lão Hùng Lĩnh đã nhất loạt động binh, đến cổ mộ trong đơn cung Bình Sơn “lọc hố”, các bên xảy ra xung đột vũ trang kịch liệt , nhân mạng thương vong rất nhiều , bọn chúng không chỉ hủy sạch sơn động tổ đơn cung, mà vừa hưởng được chút lợi lộc nên tưởng đào mộ dễ phát tài to, liền tập hợp đội ngũ , đánh phá huyện thành, dùng mìn nổ tung cổ tháp Phụng Minh của huyện Nộ Tinh.
Tòa cổ tháp này rất linh nghiệm, trước đây từng xây đi xây lại đến tám lần, mỗi lần không quá mời năm đều tự dưng sập xuống, hoàn toàn không phải do bớt công giảm liệu hay có người phá hoại, nguyên nhân không sao lý giải nổi, đến tận lần tu sửa cuối cùng vào đời nhà Nguyên mới giữ được đến giờ, là di tích nổi danh trong vùng.

Thổ phỉ và phiến quân địa phương nhân thanh thế trộm mộ Bình Sơn, dùng cực hình tra khảo vị sư già canh tháp, biết được bên dưới tháp Phụng Minh có một lăng mộ cổ, có thể chính là vị Lạt ma chết cùng tay tướng Nguyên trong núi Bình Sơn.
Đám trộm nắm được tin tức, liền cho nổ tung cổ pháp dưới móng tháp quả nhiên tìm thấy cánh cửa đá ngàn cân, có điều bên trong ngoài kim thân của Lạt ma ra cũng không có nhiều châu báu lắm, lại gặp phải sự cố quỷ nhập tràng nhả đơn, trong lúc hỗn loạn có kẻ châm thuốc nổ làm chết không biết bao nhiêu người. Dân chúng đều bảo do cổ tháp bị hủy, kinh động đến Thi vương trong núi, nhà nào nhà nấy thi nhau dán bùa Thần Châu, cả Lão Hùng Lĩnh nhớn nhác như ong vỡ tổ, khắp nơi kinh động không yên.
Lão Trần nghe thế thì nổi cơn thịnh nộ, cơ hội đám trộm Xả Lĩnh lỡ để tuột mất rốt cuộc lại rơi vào tay đám trộm tép riu ngoại đạo, bảo sao không buồn phiền cho được, càng nghĩ lại càng muốn làm một vố lớn chấn hưng thanh thế.
Vừa hay gặp đúng dịp rằm tháng Ba âm lịch, chính là ngày Quan lão gia mài dao, phải tổ chúc đại lễ thưởng phạt mỗi năm một lần. Đám trộm cướp cắm chân hương trong Thường Thắng sơn vào ngày này đều từ khắp nơi kéo về tụ họp, lập hương đường trong miếu Thánh Vũ Tương Âm, cúng thần bái thánh, triệu tập các đầu đảng trộm cướp thổ phỉ, bảy tám trăm người cùng tề tựu trước lễ đường.
Mười lần như một, rằm tháng Ba năm nào trời cũng mưa. Trên trời mây đen giăng kín, mưa bụi lất phất, đát trời xám xịt, thi thoảng lại có tiếng sấm đì đùng, lễ đường tuy rộng cũng chỉ chứa được hơn trăm con người, số còn lại phải đứng dưới trời mưa. Lần này thất bại nên không so được với mọi năm, không khí nặng nề khác thường, gần ngàn con người lạnh ngắt như tờ.
Đầu tiên Trần thủ lĩnh bước lên, dẫn mọi người dập đầu lạy Quan Công đao, sau đó đốt hương khấn vái trái thần vị. Dân trộm cướp hương không giống với người thường, theo lệ cũ chỉ đốt ba nén rưỡi, bên trong có rất nhiều quy củ điển cố về tôn trọng đạo nghĩa, ngầm ám chỉ nghĩa khí giữa những kẻ đào mộ.
Nén thứ nhất đốt cho Dương Giác Suy và Tả Bá Đào thời Xuân Thu chiến quốc. Năm đó hai người kết bạn đi nhờ vả nước Sở, giữa đường cơm áo thiếu thốn chỉ đủ cho một người dùng, Tả Bá Đào vì muốn Dương Giác Suy thuận lợi đến được Sở đã tự vẫn chết, quần áo lương thực đều để lại cho bạn, hy sinh mạng sống giúp cho Dương Giác Suy hoàn thành sự nghiệp.Tấm lòng người xưa đến nay vẫn khiến người đời cảm kích.
Hai nén còn lại lần lượt đốt cho ba anh em kết nghĩa vườn đào là Lưu Quan Trương và một trăm lẻ tám tướng Lương Sơn Thủy Bạc, họ vừa có cái “nghĩa” huynh đệ, lại vừa có cái “trung” quân thần. Thêm vào hai bậc tiền nhân Dương Tả đến chết vẫn không phụ nhau, truyền lại tiếng thơm, khiến người đời sau thành tâm cúng bái, được thụ toàn hương.
Một nửa nén hương cuối cùng đốt cho các hảo hán ở Ngõa Cương trại. Vì sao các anh hùng ở Ngõa Cương trại không được thụ toàn hương? Là vì vào thời Tùy Đường, Tùy Dạng đế vô đạo, thiên hạ đại loạn, ở Giả Gia Lâu có ba mươi sáu bạn hữu cùng nhau kết nghĩa tạo phản, họ tụ nghĩa ở Ngõa Cương trại, dựng cờ hiệu muốn thay trời hành đạo, trừng phạt hôn quân bất nghĩa, một độ danh nổi như cồn. Về sau đám người này thuận theo ý trời quy thuận Lý Đường, duy chỉ Đơn Thông Đơn Hùng Tín là thà chết chứ nhất định không chịu hàng Đường, vì thế mà mất mạng, lúc bị giải đến pháp trường hành hình, trong số các anh em kết nghĩa của ông ta chỉ có Tần Quỳnh Thúc Bảo một mình đến đưa tiễn bạn . Cái chết tình nghĩa Ngõa Cương không trọn vẹn nên chỉ đốt cho họ nữa nén hương, cũng là để cảnh báo hậu nhân.
Đốt hương kính cáo thần linh xong bắt đầu đến mục luận công lĩnh thưởng mỗi năm một lần của phá Xả Lĩnh, những kẻ làm điều xằng bậy cũng sẽ bị trừng phạt hôm nay. “Trộm cũng có đạo” nghĩa là quân trộm cướp vẫn mang bản sắc Lương Sơn, quan bức thì dân phản, vào rừng làm cướp, hoặc có tài không gặp thời tạm nương thân chốn lục lâm, đều không có gì đáng hổ thẹn. Có điều trộm cướp cũng có quy định của trộm cướp, kẻ nào dám phạm điều cấm kỵ coi như tự tìm cái chết, Thường Thắng sơn trừng phạt vô cùng nghiêm khắc.
Lão Trần ra lệnh cho người chấp sự bước lên trước, nhắc lại một lượt những điều cấm kỵ của Thường Thắng sơn, người chấp sự bày hết các loại hình cụ ra trước hương án, đoạn đọc to: “Vong ân bội nghĩa quên trung nghĩa, chặt chân bẻ tay đào hố chôn; dưới trướng làm phản không tuân lệnh, tám mươi gậy hồng da thịt nát; tham thủy thông phong[36] bị bắt gặp, tam đao lục động[37] cũng khó tha; nói lời sơ sẩy phá hoại sơn danh, lấy răng mà tự nhai lưỡi…”
Đợi chấp sự đọc hết từng điều một, lão Trần liền vẫy tay làm hiệu cho thuộc hạ áp giải bảy tám tên trộm bị trói giật cánh khuỷu ra trước lễ đường. Mấy kẻ này lúc Bình Sơn sập xuống đã ôm theo châu báu đào ngũ cùng đám phiến quân của La Lão Oai, về sau đều bị bắt giải về đây. Bọn họ thấy thủ lĩnh mặt nặng như chì, sát khí bao trùm khắp lễ đường thì biết phen này chết chắc, người nào người nấy nhũn ra như bún.
Chỉ nghe tiếng lão Trần hỏi chấp sự: “Theo quy định của Thường Thắng sơn ta, những kẻ lâm trận ôm theo minh khí đào ngũ làm phản phải xử thế nào?”
Chấp sự đáp: “Tội này quá lớn, không thể dung tha. Theo lệ phải chặt đầu dưới đao, chết rồi mà không được an táng hoàn thân.” Bảy tám tên trộm bị trói nghe rõ mồn một từng câu từng chữ, mặt mày xám ngắt, việc đến nước này không thể trách ai, mình làm mình chịu, đành nhắm mắt chờ chêt, những người chứng kiến trước lễ đường cũng đều run rẩy sợ hãi.
Những lão Trần lại nói: “mộ cổ Bình Sơn đã cướp mất nhiều huynh đệ của ta, lỗi này do tôi lâm nguy do dự, trước khi hành sự không chu toàn kế hoạch, theo lệ cũng phải rơi đầu dưới đao, về lý thì phải chặt đầu tôi trước. Mấy anh em này tuy có tội nhưng chưa đến mức phải đáng chết, dập đèn[38] trừng trị là được rồi.”
Đám trộm ai cũng thán phục lão Trần lòng ngay dạ thẳng, vội lên tiếng khuyên ngăn, nói chuyện Bình Sơn là do ý trời muốn Thường Thắng sơn ta phải tổn thất chuyến này, đây đâu phải chuyện sức người có thể xoay chuyển được, nên sai không ở một người, Thường Thắng sơn quyết không thể như rắn mất đầu, sau này còn mong thủ lĩnh dẫn anh em ngóc đầu dậy.
Lão Trần vốn cũng tiếc cái mạng sống hơn năm mươi cân của mình, cố làm ra vẻ đòi sống đòi chết một hồi, được mọi người khuyện giải liền mượn dốc xuống ngựa, tiện thể tha luôn mấy tên trộm kia, lệnh cho họ theo mình lấy công chuộc tội. Mấy tên này giữ được mạng sống, nước mắt nước mũi ròng ròng, cam tâm tình nguyện nghe lời thủ lĩnh.
Lão Trần bước tới trước lễ đường, quay về phía mọi người cao giọng nói: “Hiện nay thế đạo suy yếu, chính là lúc anh hùng hảo hán kiến công lập nghiệp. Mười vạn quân trộm cướp Xả Lĩnh chúng ta, sau khi đạo quân Xích Mi bị bại trận dưới thời nhà Hán thì tứ tán bốn phương, tụ nghĩa sơn lâm, bước vào giang hồ đã lâu, tuy chỉ làm những việc đổ đấu kiếm lợi, chia của tụ nghĩa nhưng trong lòng vẫn luôn mưu đồ việc lớn. Nhìn cục diện thiên hạ hiện nay tứ hải rối ren, lòng người thay đổi, chúng ta lẽ nào lại ngồi im? Hiểu thời cuộc mới là trang tuấn kiệt, biết thế đạo mới xứng bậc anh hùng, gặp cơ hội tốt này chúng ta anh hùng hợp chí, hào kiệt đồng tâm, tất sẽ đoạt được áo tím đai vàng, lưu danh sử xanh, không uổng phí một đời.”
Đám trộm toàn phường mạt hạng, nghe những lời sặc mùi kích động của lão Trần lập tức hò hét rầm trời. Có điều các phiến quân ở phương Bắc hiện nay thế lớn lực mạnh, trang bị toàn súng tây pháo tây vô cùng lợi hại, Thường Thắng sơn tuy có mấy cánh phiệt quân nhưng vẫn khó lòng chống chọi với chúng, không có súng ống đạn dược hiện đại việc lớn khó thành.
Lão Trần bảo, đám trộm mộ Xả Lĩnh đã quen kiếm ăn bằng nghề trộm mộ, bất cứ lăng mộ cổ xưa nào cũng phải chứa đến già nửa của cải trong thiên hạ đương thời, chỉ cần đào được một tòa Đế lăng hoặc mộ chư hầu vương nguyên vẹn thì từ vàng bạc châu báu đến báu vật thượng cổ e là vạn người lấy trong mấy tháng cũng không hết . Vừa hay hôm trước biết tin, sau núi Già Long bên dòng Lan Thương có lăng mộ Hiến Vương, trong mộ xa hoa trang nghiêm, đa phần không chỉ là phàm vật nhân gian, nếu đào được ngôi mộ này thì đại sự ắt thành, của cải châu báu mười đời cũng không tiêu hết.
Nhưng Vân Nam núi cao đường xa, lại vượt suối băng đèo không phải ngày một ngày hai là tới, lại cách xa địa bàn Thường Thắng sơn, gian nan nguy hiểm trùng trùng không nói đã biết, song đây cũng là cơ hội vang danh tên tuổi, kiếm một mẻ lớn. Trong đám trộm, những kẻ có dã tâm lớn liền muốn đi ngay, đám lão thành già cả lại chủ trương không đi, còn đa số đều chần chừ không quyết, bèn tranh luận ầm ĩ cả lên.
Lão Trần từ khi thất bại trên núi Bình Sơn, cảm thấy người đông việc lại khó thành, lần này chỉ cần ma mấy chục người xuống Vân Nam, nếu chẳng may thất thủ cũng không đến nổi mất nhiều nhân mạng, bằng không lỡ chết thêm vài trăm người nữa, dù người xung quanh không nói năng gì, lão cũng chẳng còn mặt mũi nào mà làm thủ lĩnh. Chủ ý đã quyết, đợi cho tiếng ồn trong lễ đường lắng bớt, lão mới sai bày giấy vàng, lập đại chú Quá Hồng Kê truyền lại từ xa xưa, quyết định ai đi ai không.
Mọi người lập tức tán đồng, thuận mệnh nghe trời như thế để không ai cấn cá do dự, những kẻ muốn lập công chuộc tội đương nhiên phải đi, số còn lại ai bị Hồng Kê chỉ định cũng chẳng nói thêm được nữa.
Lục lâm chính là hắc đạo, đốt hương lập hội đều không thể thiếu những việc chặt đầu gà, đốt giấy vàng, thề thốt lập minh ước. Quá Hồng Kê cũng là một loại trong Tài Kê lệnh nhưng không phải thề thốt kết nghĩa mà chọn ra đội cảm tử quân đi trộm mộ.
Vậy Quá Hồng Kê làm thế nào để chỉ định tên người? Chỉ thấy dưới màn mưa mù lâm thâm, trong miếu Quan Đế đèn đuốc sáng choang, trước tên giấy bút được mang ra, tên họ của đám trộm Xả Lĩnh được viết cả lên một trang giấy vàng lớn, do người quá đông nên khi viết xong nhìn lại, trang giấy chỉ chit chẳng còn trống chỗ nào, trợ thủ cùng lão Trần tới núi Già Long ở Vân Nam sẽ được chọn ra từ danh sách này, đi bao nhiêu người, những ai đi, hết thảy đều nghe theo ý trời.
Người chấp sự chọn ra một con gà trống khỏe mạnh, đứng trước mọi người hát một lượt bài “Tài kê tán”, cũng không ngoài những câu như: “Gà mày vốn ở trên trời, có sao xuống hạ giới này làm chi? Phàm nhân có nó như không, ta đây đệ tử đem tài hồng kê…” Hát hết bài tán người chấp sự liền lôi ra một con dao sang loáng, quỳ gối trước mặt lão Trần: “Dám hỏi thủ lĩnh hôm nay tài phượng hoàng kê, dùng văn tài hay là võ tài[39]?”
Lão Trần đang ngồi ngay ngắn trên lễ đường, lúc này liền đứng dậy hành một lễ với con gà phượng hoàng, đoạn bảo người chấp sự: “Chiếu theo lệ cũ của Xích Mi, Hồng kê này đem điềm danh trạng nên không dùng văn tài cũng không dùng võ tài, phải xem khẩu tài của người anh em.”
Chấp sự nhận được hiệu lệnh “khẩu tài” bèn ngậm lưỡi dao trong mồm, nhấc con gà trống lên trước mặt, xoay đầu một cái, lưỡi dao trong mồm lập tức rạch đứt cổ gà, sau đó chấp sự há mồm nhả dao, đoạn kêu to: “Đỏ quá này!”, hai tay núm chặt lấy con gà đã bị cắt đứt khí quản đưa đến trước tấm giấy vàng đang trải trên hương án, quét qua một lượt từ Tây sang Đông, tiết gà vừa hay phun ra, máu nóng rỏ xuống ướt đẫm tờ giấy.
Trên tờ danh sách, phàm tên người bị tiết gà nhỏ trúng liền coi như “phạm hồng”, những người này sẽ phải đi Vân Nam với lão Trần, tính đi tính lại được hơn ba chục người, lập tức tuyên đọc danh tính.
Những người nào không vào hồng danh đều chắp tay chúc mừng người “phạm hồng”, rượu mừng lũ lượt mang ra; những người được điểm tên cần phải uống liền ba bát huyết tửu cho vững dạ, rượu rót đến đâu cạn đến đấy. Huyết là tiết gà vàng, rượu là rượu Đỗ Khang, uống hết huyết tửu coi như đã loại bỏ hết ám khí trên “điểm danh trạng”. Lão Trần lại phát ngay tại chỗ cho mỗi người một khoản tiền đề lo liệu cho già trẻ trong nhà, gọi là “tiền cược mạng”.

Chương 49 : Giang Hồ

“Tiền cược mạng” vừa là tiền thưởng vừa là phí an gia, nếu chẳng may người “phạm hồng” có đi mà không có về, già trẻ trong nhà cũng có khoản tiền này để duy trì sinh kế, không phải lo ngày sau; còn nếu người đó lập công trở về, “tiền cược mạng” sẽ coi như một phần thêm vào khoản khao thưởng riêng.
Lão Trần không hổ danh là thủ lĩnh quân trộm cướp trong thiên hạ, rất giỏi mua chuộc lòng người, tiền cược mạng phát vô cùng hậu hĩnh. Sắp xếp ổn thỏa, lão liền hạ lệnh giải tán, tất cả bắt tay chuẩn bị ngay trong đêm.
Đám trộm Xả Lĩnh có các loại trận pháp, khí giới, trước khi xuất phát phải cọ xát diễn tập thêm, các công cụ trộm mộ cũng phải lần lượt sắp xếp chỉnh đốn, lại thêm phải học phương ngữ phong tục Vân Nam, đợi khi vạn sự sẵn sàng, đã không chỉ một ngày.
Gà Gô lại đơn thương độc mã, nói đi là đi, chưa quá vài ngày đã chuẩn bị hoàn tất, lấp tức khởi hành. Lão Trần cứ khăng khăng đưa tiền, dẫn theo mấy tên thân tín, tiễn chân Gà Gô tới tận hồ Động Đình.
Hồ Động Đình rộng tám trăm dặm, khói sóng mênh mông, thuyền buồm thấp thoáng, lão Trần và Gà Gô một đời phiêu bạt, quẩn quanh với những tục lụy thế gian, chưa lúc nào được thảnh thơi nhàn rỗi, nay trước cảnh sơn thủy hữu tình đều cảm thấy lòng như được gột sạch bụi trần. Ngẩng đầu thấy trên ngọn núi bên hồ có một tửu lâu, lão Trần bèn đề nghị lên đó ngắm cảnh, mượn vò rượu tiễn Gà Gô lên đường.
Gà Gô bảo như thế cũng hay, anh ta đang muốn chiêm ngưỡng phong cảnh Động Đình. Lão Trần liền dặn dò thuộc hạ ở dưới lầu, đoạn cùng Gà Gô hai người một trước một sau đi lên gác hai, chọn chỗ ngồi ngay cạnh cửa sổ, gọi rượu thịt tới, trước tiên uống với nhau vài chén, sau đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy vị trí tửu lâu này thực đắc địa, từ trên cao nhìn xuống, cảm giác cột buồm mọc ngay dưới chân, toàn cảnh sông núi phía xa hiện ra trước mắt.
Hai người dang nặng trĩu ưu tư, lên lầu nhìn thấy sơn thủy hữu tình, thực đúng như giữa ngày hè gặp con suối mát, lòng chợt dạt dào cảm xúc. Lão Trần tay cầm chén rượu, mắt nhìn ra mặt hồ, đắc ý nói với Gà Gô: “Hiền đệ này, chú xem từ cổ chí kim, thời nào cũng có bậc anh hùng hảo hán kinh thiên động địa, không sợ gian nan nguy hiểm, chỉ vì giang sơn gấm vóc này mà dốc tài thao lược tung hoành thiên hạ, lưu danh thiên cổ. Ta và chú cũng đều là hạng chân tài thực học, tuyệt đối không thể lạc hậu thua kém.”
Gà Gô không có dã tâm như lão Trần, từ lâu đã chán cảnh suốt ngày vào sinh ra tử, thấy lão Trần lại lôi lời cũ ra nói để khuyên mình nhập bọn, chỉ đành miễn cưỡng trả lời: “Được mất thịnh suy đều do số trời, đâu phải cứ tính là được? Đệ đây không được như Trần huynh, vốn không có tài mưu đồ việc lớn, sau khi tìm được Mộc Trần Châu, nếu trời cao thương tình cho giữ lại mạng này, đệ nguyện học theo ẩn sĩ thời xưa, rời khỏi giang hồ, không bao giờ làm mấy chuyện bán mạng này nữa”
Lão Trần thấy Gà Gô tâm ý đã quyết, khó lòng níu giữ thì nghĩ bụng: “Như thế cũng tốt, đằng nào một núi cũng không thể có hai hồ, nếu ta đã không dùng được, thà để hắn rời khỏi giang hồ, tránh về sau gặp nhau lại tay đao tay súng, mất cả nghĩa khí. Sắp tới hắn đi Tây Hạ đào cát ở Hắc Thủy Thành, cầm chắc toi công uổng sức, đợi ta đào được lăng mộ Hiến vương ở núi Già Long rồi, hắn sẽ biết bản lĩnh thực sự của Thường Thắng sơn, Ban Sơn đạo nhân có theo cũng không kịp.”
Lão còn định mang Hồng cô nương ra làm bài để Gà Gô vì Thường Thắng sơn mà bán mạng thêm vài lần nữa, bènCòn một việc nữa, Hồng cô nương trong sơn đầu chúng ta có nhờ Trần mỗ làm mai, ta thấy việc tốt nên nhận lời cô ấy, coi như em gái. Sau này đợi chú từ Hắc Thủy Thành trở về, lúc ấy cái chân gãy của Hồng cô nương chắc cũng đã lành, chi bằng để cô ấy theo chú, cả nhà cô ấy gặp họa diệt môn, một thân một mình đơn côi khổ sở, chốn gian hồ lại chẳng phải nơi đàn bà con gái an thân lập mệnh.”
Gà Gô không nề hà tiểu tiết, lập tức nhận lời: “Chuyến này tới Hắc Thủy thành Tây Hạ, thành bại khó lường, nhưng chỉ cần còn sống trở về nhất định sẽ không phụ ý tốt của Trần huynh, nguyện dẫn cô ấy cao chạy xa bay.”
Lão Trần chửi thầm trong bụng: “Hay cho cái đồ đạo sĩ rởm tu tâm không tu khẩu, cai sắc chẳng cai dâm nhà ngươi, nhận lời mau mắn làm sao, cũng chẳng thèm từ chối lấy lệ… Hồng cô nương dù gì cũng đã cắm chân hương trong Thường Thắng sơn, sau này muốn rút chân hương xuống núi, rửa tay gác kiếm đâu phải chuyện dễ dàng, đến lúc đó xem ta làm khó ngươi thế nào.”
Hai người trong lòng đã chia rẽ sâu sắc, có điều vẫn chưa để lộ ra ngoài mà thôi, lúc này trong tửu lâu thực khách đã dần đông lên, ngồi kín hết chỗ, chuyện bí mật không tiện thổ lộ chỗ đông người, Gà Gô và lão Trần tuyệt nhiên không nhắc đến việc trộm mộ nữa, chỉ lẳng lặng uống rượu ngắm cảnh, chỉ trỏ phong cảnh núi non.
Không ngời mới uống được nửa tuần rượu, chợt nghe đám thương nhân bàn kế bên trong lúc nói chuyện cứ nhắc đi nhắc lại mấy từ “phong thủy đổ đấu”, hai người liền bị thu hút. Đám người này cố ý hạ thấp giọng, nhưng làm sao giấu được bốn cái lỗ tai chuyên nghe huyệt tìm mộ táng của hai bấc trùm sỏ đổ đấu.
Gà Gô và lão Trần đều quen hành tẩu trên giang hồ, kinh nghiệm vô cùng phong phú, thường nghe nói “người trên giang hồ”, vậy thế nào mới gọi là giang hồ? Thực ra giang hồ không phải toàn đánh đấm giết chóc, mà là tên gọi của một dạng xã hội ngầm, có hệ thống quy củ và ám ngữ riêng, sống nhờ vào xã hội bình thường, người chưa từng tiếp xúc với xã hội này đương nhiên không thể hiểu, nhưng nếu gặp phải dân trong nghề thì chỉ nhìn qua là biết ngay. Nhìn bề ngoài hai người có vẻ dửng dưng, vừa uống rượu vừa nói chuyện phiếm, nhưng từng lời của đám thương khách đều không lọt khỏi tai họ một chữ.
Sáu người khách ăn mặc theo lối thương gia ngồi quây quanh cái bàn bên cạnh, người nào người nấy cao to lực lưỡng, uống rượu nói chuyện đều phải lom khom cúi người nhìn là biết kẻ quanh năm đào mộ, lại thêm trên người còn thoang thoảng mùi đất tanh. Thứ mùi này chỉ có dân trộm mộ quanh năm đào đất, phá quan, khiêng xác, kỳ cọ tóe máu cũng không hết được, nhưng người bình thường thậm chí ngay chính họ cũng không ngửi ra.
Đám người này gặp phải lão Trần và Gà Gô thì giấu sao nổi. Lão Trần lẳng lặng nghe ngóng quan sát, sớm đã nhận ra mấy thương khách này đều là dân trộm mộ cải trang, thầm nghĩ không biết lũ trộm vặt có mắt như mù nào lại dám mò đến Tương Âm đổ đấu thế này? Bèn nháy mắt ra hiệu với Gà Gô, lặng im nghe xem bọn chúng định mưu đồ gì.
Chỉ nghe mấy tên trộm giả dạng thương khách đang bí mật bàn bạc, mộ gã mặt rỗ nói: “Lần này gọi anh em tới là muốn bàn một chuyện đại sự. Gần đây việc phiến quân đào trộm mộ ở huyện Nộ Ninh Tương Tây, chắc anh em đã nghe cả rồi chứ?”
Một gã mặt sẹo dáng vẻ cục cằn nói: “Việc này thực ồn ào quá, quân thổ phỉ trong vùng đều tham dự, ngay cả báo chí cũng đưa rặt tin này. Nghe nói có một nhóm phiến quân dùng rìu phá quan trong mộ cổ, kết quả làm làn khí trắng trong đó tràn ra khắp mộ thất, mẹ nó chứ, sơn dân trong vòng mười mấy dặm đều nhìn thấy làn khó đó. Cùng lúc, một cỗ cương thi bỗng dưng bật dậy từ trong áo quan, mồm nhả ra một viên kim đơn trấn thi, đám trộm mộ sợ quá tán loạn quay đầu bỏ chạy, cừ thật, dọa người hay lắm…”
Gã mặt rỗ khinh bỉ nói: “Giả Lão Lục, ông biết cái cóc khô gì, đấy toàn là bọn ký giả trong tỉnh bịa ra làm nhiễu thông tin thôi, nếu không viết vậy thì tờ báo rách của bọn nó đến chùi đít cũng không ai thèm.”
Một tên có cái cổ như trục xe ngồi bên liền hỏi: “Ngô Lão Đại này, tôi có cậu em họ đang kiếm cơm trong đám phiến quân, nghe cậu ta nói đến Lão Hùng Lĩnh Tương Tây trộm mộ lần này là một đội quân gồm vô số người ngựa. Chúng ta chỉ có mấy anh em thế này thì làm được trò trống gì? Vả lại, ăn đồ thừa người khác bỏ lại cũng không đỡ thèm được đâu.”
Gã mặt sẹo tên Giả Lão Lục cũng phụ họa: “Nhị Bột Tử nói phải đấy. Anh Ngô ạ, hiện nay mộ cổ trong núi sâu huyện Nộ Ninh đa phần đều đã bị bọn phiến quân thổ phỉ vét sạch cả rồi, chúng ta lại đi “lọc hố” thì còn kiếm chác được gì? Vả lại chúng ta không thông thuộc địa hình nơi đó. Theo ý anh em, chẳng thà chạy đến Thiểm Tây cho xong, nghe nói ở đó có một ngọn núi lớn bên trong chôn một vị nữ Hoàng đế, với mấy gã trai bà ta lén lút qua lại lúc sinh tiền.”
Gã mặt rỗ lại chặn họng Giả Lão Lục: “Này, im con mẹ nó mồm ông đi, làm như chỉ mình ông là hiểu biết, ông thông thuộc đất Thiểm Tây đấy phỏng? Còn bày đặt giả vờ giả vịt trước mặt tôi, tôi bóp ông chết trước… Giờ nói vào việc chính đây, chuyện ở Tương Tây mặc dù đã đồn đại khắp nơi, nhưng càng nơi đầu sóng ngọn gió lại càng dễ kiếm chác. Cứ theo kinh nghiệm của Ngô Lão Đại tôi thì Lão Hùng Lĩnh rất có thể còn một khu mộ táng lớn, đám thổ phỉ phiến quân ô hợp kia biết gì về thuật trộm mộ chứ hả? Tiên sư… chúng nó chỉ đào bới lung tung thôi, mộ thất thực sự bao giờ cũng chôn sâu dưới lòng đất, đào sâu ba thước thì sao thấy được. Tôi đoán cái bọn phiến quân kia chỉ đào được mấy ngôi mộ táng nông toẹt cận đại, còn ngôi mộ cổ nhét đầy vàng bạc trong núi vẫn chưa lộ diện tí nào đâu.”
Giả Lão Lục và Nhị Bột Tử nghe thế đều nỏi máu tham nhưng suy đi tính lại, bọn phiến quân thổ phỉ cứ hở ra là dùng đến cả nghìn người, lại chả xới tung vùng đồi này rồi ấy à? Mộ cổ ngay bọn chúng cũng không đào được, ắt chôn giấu kỹ lắm, có trời mới biết là chỗ nào. Tuy thuật đổ đấu của Ngô Lão Đại không ai sánh bằng, nhưng muốn tìm lăng tầm dưới lòng đất e không dễ tẹo nào,chẳng lẽ lại phải học theo Ngu Công dời núi, đào bới mãi đến đời con đời cháu, cứ thế này chắc đến đời chắt mới đào được đến nơi.
Lão Trần và Gà Gô nghe đến đây đã có ý khinh thường, té ra là mấy tên trộm vặt không biết trời cao đất dày, ngồi đây nghe bọn chúng nói vớ vẩn cũng chẳng ích gì, đợi lát nữa cử hai tên thuộc hạ lanh lợi tìm nơi vắng vẻ kết liễu chúng, quẳng xác xuống hồ là xong, khi không lại bị chúng làm cho cụt hứng.
Đúng là hai người định mác xác chúng thì lại nghe Ngô Lão Đại mặt rỗ cười nhạt một tiếng, hạ giọng nói đám đàn em: “Lũ quê mùa các ông, tưởng trộm mộ thực sự chỉ là bới đất đào hố thôi chắc, những tay cao thủ trộm mộ thực sự đều dùng mắt để nhìn, đấy gọi là xem phong thủy. Mộ cổ trong núi đều chôn ở nơi có đất báu phong thủy tốt, chỉ cần tìm ra long mạch, một nhát xẻng đào xuống là đủ để kiếm chác, đâu phải cứ đào bới lung tung mà được. Cái đạo cao thâm tầm long điểm huyệt này các ông có hiểu không hả?”
Mấy tên còn lại lắc đầu: “Chúng tôi là ếch ngồi đáy giếng, không hiểu đâu. Lẽ nào anh Ngô lại biết cả tầm long điểm huyệt? Vậy mà thường ngày giấu kỹ thế?”
Ngô Lão Đại kia bèn cao giọng: “Tôi đoán ngay các ông không hiểu mà. Nhưng nói thật, tôi cũng chẳng hiểu mẹ gì, chúng ta không hiểu cũng không sao, tôi nói các ông đừng phao tin ra ngoài, trong thành có tay thầy bói họ Hồ, mở một cửa hiệu gieo quẻ xem tướng đoán chữ ngay đường cái, nói về phúc họa chẳng sai tẹo nào. Thế thì cũng thôi, quan trọng là người này rất giỏi xem đất, âm trạch dương trạch không gì là không tinh thông, chỉ cần lão ấy biết là được rồi. Đợi tý cơm no rượu say, ta vào trong thành hỏi thăm xem lão họ Hồ ấy ở đâu, đợi khi trời tối lẳng lặng xông vào trói nghiến lão lại, mang sinh mệnh già trẻ lớn bé nhà lão ra uy hiếp, bắt lão phải chỉ huyệt vị phong thủy trong núi cho bọn ta, lúc ấy lo gì không tìm thấy ngôi mộ cổ to nhất trong rừng sâu núi thẳm. Đợi bọn ta đào được đầy chầu đầy bát rồi thì cho cả nhà lão đi luôn, con bà nó, đảm bảo thần không hay quỷ không biết.” Lão Trần và Gà Gô đưa mắt nhìn nhau, không khỏi kinh nhạc, đám trộm này âm mưu thật độc ác. Thường Thắng sơn tuy là phường trộm cướp táo tợn nhưng không dám làm thứ việc hạ cấp này, lẽ nào trong thành có lão họ Hồ biết xem phong thủy thật? Trước đây chưa nghe nói bao giờ, không biết là thật hay giả, có điều cõi trần rộng lớn, hào kiệt đông đúc, mắt trần không nhìn ra được bỏ lỡ mất bao dịp may, nay gắp được cơ duyên này, lẽ nào lại không vào thành gặp lão ta một chuyến? Người này có phải là hữu danh vô thực hay không, phải thử mới biết được.

Chương 50 : Thầy Phong Thủy

Lão Trần lập tức trả tiền, đứng dậy xuống lầu, mấy tay trộm vặt chẳng hay biết gì, vẫn thì thầm bàn mưu tính kế. Lão Trần đánh tiếng gọi mấy tên thuộc hạ đang đứng chờ ở cửa, bảo chúng đưa bọn người Ngô Lão Đại xuống Long cung dưới đáy hồ Động Đình dạo chơi một chuyến, sau đó tìm người bản địa hỏi thăm cửa hiệu của thầy phong thủy họ Hồ, cùng Gà Gô vào thành thăm hỏi.
Hồ tiên sinh cũng có chút tiếng tăm trong thành, bất luận là đoán chữ gieo quẻ hay là cất nhà âm dương đều mười lần linh nghiệm cả mười, chưa sai bao giờ, nên chỉ cần hỏi thăm qua loa đã tìm đến nơi.
Lão Trần vốn tự phụ tài hoa xuất chúng, thuở thiếu thời từng học qua Nguyệt ba chiếu quản động thần cục, thông thạo mọi ngón nghề của đám thuật sĩ giang hồ xem sao xem tướng, biết đó chẳng qua chỉ là mánh khóe lừa gạt bách tính của mấy tên quê mùa mồm mép giảo hoạt, ngữ ấy nếu thực sự bói được vận mạng, sao chẳng bói cho mình trước đi.
Lão và Gà Gô đều không tin vào chuyện bói toán, chẳng qua nhất thời sinh trí hiếu kỳ nên tiện đường ngó qua xem sao. Đến trước hiệu bói, thấy bên trong bày biện sạch sẽ, Hồ tiên sinh đang gật gà gật gù đàm luận với mấy tay thân hào địa chủ chuyện di dời một tổ thế nào.
Lão Trần và Gà Gô ở bên nghe một lúc, thấy Hồ tiên sinh nói về chuyện âm trạch dương trạch, quả là bách hô bách ứng, đối đáp trôi chảy, tỏ ra rất tinh thông về thuật Thanh Ô. Tuy chỉ nói về chuyện hương thổ tu mồ sửa mả trong dân gian nhưng hiểu biết sâu rộng, lời lẽ như phun châu nhả ngọc, có nhiều cách nhìn khác với tiền nhân, hai người nghe mà không khỏi gật gù: “Hồ tiên sinh này nói năng thành thạo, thế sự thông suốt, tất được cao nhân truyền dạy, không phải nhân vật tầm thường.”
Hồ tiên sinh giảng giải một hồi cho đám thân sĩ cường hào về phong thủy mộ tổ, nhận tiền cảm ơn rồi tiễn họ ra cửa quay lại đã thấy Gà Gô và lão Trần đứng đó. Vài năm trước Hồ tiên sinh từng làm sĩ quan trong một đội phiến quân cũ, nên rất hiểu nhân tình thế thái, giờ làm nghề gieo quẻ bói toán lại càng giỏi quan sát lời ăn tiếng nói, nhìn mặt biết người. Lão vừa nhìn là biết ngay hai người này không phải hạng tầm thường, tuy ăn mặc giản dị nhưng vẫn không giấu được cốt cách xuất chúng toát ra từ đầu đến chân, hơn nữa trên người sát khí nặng nề không giống với kẻ làm ăn buôn bán, nhất định là có chuyện mới đến điện Tam Bảo, lão đâu dám chậm trể, vội mời hai người ngồi xuống, vừa pha trà mời khách vừa hàn huyên: “Khi nãy mải ba hoa với đám hương hào ở đây, không biết có khách quý ghé qua, không nghênh tiếp được từ xa, mong nhị vị thứ lỗi.”
Gà Gô vòng tay đáp lễ: “Đâu có đâu có, anh em tôi ngưỡng mộ cao danh của tiên sinh đã lâu, nay mạo muội gõ cửa quấy rầy, mong tiên sinh rộng lòng lượng thứ. Khi nãy nghe giọng Hồ tiên sinh chắc là người ở đây?”
Hồ tiên sinh nói: “Tổ tiên bần sĩ không phải người ở đây, chẳng qua phiêu bạt giang hồ đã lâu, thường học theo tiếng phương Nam, quên mất giọng cố hương, thật khiến các vị chê cười”.
Gà Gô và lão Trần nghe vậy, cảm thấy Hồ tiên sinh này quả nhiên tinh tế, nói chuyện vô cùng kín kẽ, đoán không ra gốc gác. Lão Trần muốn thử bản lĩnh của lão, bèn ngửa mặt cười ha hả, nói “Chúng ta có gì nói thẳng không khách sáo nữa, anh em tôi đang muốn đi xa một chuyến, nhờ tiên sinh xem giúp cho một chữ, đặng chuyến này đi hung cát thế nào, xin cho mượn bút giấy”.
Nói xong liền tới bên bàn lấy bút nghiên giấy mực, mài mực nhúng bút, giơ cây bút lông sói lên vẽ một chữ “sơn” trên tờ giấy trắng, nét chữ uy nghiêm sừng sững, đoạn mời Hồ tiên sinh giảng giúp chữ “sơn” này.
Lão Trần viết chữ “sơn” là có hai ý, Hồ tiên sinh thông minh hiểu chuyện, nhìn thấy chữ thì hơi sững người , lập tức hiểu ý, vội ra cửa nhìn trước ngó sau xem có ai không, đoạn đóng cửa hiệu, quay vào hành lễ lần nữa, dùng tiếng lóng trong sơn kinh thăm hỏi: “Bốn biển nay giờ không dậy sóng, qua núi cao rồi đến biển khơi, trời Tây Bắc đùn mây mỏng, trùm núi mênh mông khói tím ngời, núi là quân mây là thần, không biết hai vị ai núi ai mây?”
Lão Trần cười hì hì đáp: “Tây Bắc trời quang chẳng thấy mây, chỉ có hai ngọn núi Hắc Bạch, chẳng hay tiên sinh hỏi Hắc sơn hay Bạch sơn?”
Hồ tiên sinh nghe nói thế quả thực quá bất ngờ, cảng cảm thấy lai lịch hai người đối diện quyết không tầm thường, luống cuống nói: “Qua Hắc sơn là tới Bạch sơn, Hắc Bạch âu cũng đều là núi; diều hâu liệng từ Đông sang Tây, kim phong thông thốc chín tầng mây. Dám hỏi hai vị hạ cố tới tiệm của bần sĩ chẳng hay có gì muốn hỏi?”
Lão Trần bê bát trà lên nhấp một ngụm, bắt chân thong thả nói: “Trong ngũ hành không hỏi kim mộc thủy hỏa, chỉ hỏi riêng chữ thổ mà hôi.”
Hồ tiên sinh thầm thất kinh, lão đã từng gặp nhiều loại người, sớm nhận ra hai vị khách này chẳng phải hạng lương thiện, nhìn thế nào cũng không giống người đến xem âm trạch tổ mộ, liền đánh bạo hỏi một câu: “Không lẽ là… dân đổ đấu?”
Gà Gô đáp lời: “Tiên sinh quả có mắt tinh đời, chẳng giấu gì tiên sinh, anh em tôi chuyên nghề đổ đấu. Lần này tới đây là vì nghe nói trên đời có môn bí thuật phong thủy, có thể chỉ ra long mạch bảo địa, trăm lần chính xác cả trăm, không biết có thực vậy không? Mong tiên sinh thực tình chỉ giáo.”
Hồ tiên sinh bấy giờ đã nhìn ra đây chắc chắn là quân trộm cướp giết người không chớp mắt, bụng nghĩ bọn người này coi quốc pháp ra gì, rặt lũ ác ôn “xòe tay ra lệnh, thu tay giết người”, mình không thể rượu mời không uống đi uống rượu phạt, chẳng may chọc giận bọn chúng, e rằng tính mạng khó giữ, thôi thì đành nói thật vậy.
Hồ tiên sinh nói, trò gieo quẻ đoán chữ này đều là lừa đảo, thuật bói cổ xưa giờ đã thất truyền, ông ta chẳng qua chỉ dựa vào đó mưu sinh mà thôi. Nhưng cái món phong thủy thì đích thị được chân truyền, bí thuật phong thủy lão học có nguồn gốc cổ pháp, sau kết hợp với lý luận phong thủy Hình Thế Tông của Giang Tây, nhào nặn thành bí thuật phong thủy Âm Dương.
Dựa vào thuật Thanh Ô Hình Thế Tông xem phong thủy, quan sát kinh mạch sông núi, không chỉ thấy được hình dáng bên ngoài mà còn thấy được cái cốt hà lưu sơn mạch bên trong, nhìn thấu cả tinh thần khí chất của sự vật, gọi là “hình, thế, lý, khí”, chuẩn xác vô cùng.
Ví dụ như, dùng thuật phong thủy để xem xét đo đạc đất đai, cũng giống như xem tướng cho người ta. Có cổ nhân cho rằng xem tướng là không chuẩn xác, bời từ cổ chí kim, có biết bao kẻ đại ác mang diện mạo lương thiện, lại có biết bao người chân thiện mang diện mạo độc ác.
Nếu nói một người sinh ra tướng mạo đường đường khí phách bất phàm là người có tướng tốt thì cũng chưa hẳn. Sách sử từng ghi, Trụ vương cuối đời nhà Thương sinh ra đã Thiên đình đầy đặn, Địa các vương tròn, hai tai chảy dài, nhìn thế nào cũng có tướng tôn quý phi phàm. Vậy mà thân làm vua một nước lại đi sủng ái Đát Kỷ vô đạo, phản lại bảy mươi hai lộ chư hầu trong thiên hạ, khiến cho muôn dân chịu cảnh lầm than, như vậy tướng của ông ta chẳng phải hung tướng tàn sát sinh linh hay sao?
Lại nói Chu Văn vương, người đời đều biết ông ta là bậc minh quân đắc đạo, nhân nghĩa vô cùng, yêu dân như con nhưng sinh ra đã có cặp lông mày dựng ngược, eo rắn nước nhìn kiểu gì cũng ra kẻ tiểu nhân phúc mỏng, vậy mà ngược lại không chỉ là người đặt nền móng cho cơ nghiệp tám trăm năm của vương triều nhà Chu, mà còn có phúc trăm con, nhìn vào đó thì thấy tướng mạo không thể nói chuẩn hay không được.
Thực ra muốn nhìn một người phải nhìn từ trong ra ngoài, có câu rằng “cốt cách con người ở hết trong tinh thần cũng chính là “có hình không bằng có cốt, có cốt không bằng có thần”, mỗi con người như một chiếc đèn dầu, tinh thần giống như dầu đèn, bề ngoài giống như ngọn lửa, dầu phải trong đủ đầy thì ngọn lửa mới có thể cháy sáng.
Thuật phong thủy Âm Dương chủ yếu nhìn vào tinh thần khí chất của sông suối núi non, nếu nghiên cứu học tập thông suốt, chắc chắn có thể đạt tới ranh ranh giới cao minh thiên nhân tương ứng “trên xem thiên văn dưới dò địa mạch, tường tận lầu rồng điện báu, chỉ đâu trúng đấy”, mớ thủ đoạn xem đất xem cát lừa bịp trên giang hồ không thể so bì.
Lão Trần và Gà Gô nghe xong đều giơ ngón cái tán thưởng. Lão Trần khen ngợi: “lời luận bàn cao kiến của tiên sinh thật chí lý, giúp hai anh em tôi rẽ mây nhìn thấy mặt trời…” Liền đó, lão nói đến chuyện muốn mời Hồ tiên sinh ra mặt, tới Vân Nam và sa mạc tìm kiếm lầu rồng điện báu, dốc tâm dốc sức vì Thường Thắng sơn, làm một phen kinh thiên động địa, mưu cầu đại phú đại quý, để đời con đời cháu sau này hưởng mãi không hết, há chẳng hơn là làm ăn kiểu cò con chuốc tội vào thân ở chốn này sao?
Hồ tiên sinh ngay từ đầu đã đoán ra tâm ý này của họ, nhưng trước mắt hai vị đại hành gia tinh tường không dám giấu giếm, giờ đã lật ngửa bài, cũng đành thực thà mà kể khổ: “Hai vị lão gia đều là bậc đại cao thủ, chút tài mọn này của bần sĩ chỉ để kiếm cơm đút mồm mà thôi, hơn nữa tiên sư trước khi lâm trung từng dặn dò phải an phận thủ thường, nay nhà còn mấy miệng ăn, vạn phần không dám nghĩ khác.”
Ông ta còn bảo bí thuật phong thủy vừa nói khi nãy đều là những điều cao siêu huyền bí, mình chỉ là hạng ếch ngồi đáy giếng, biết vài tiểu xảo xem âm trạch dương trạch mà thôi, muốn lên núi tìm long mạch vẫn còn kém mười vạn tám ngàn dặm, có đi cũng chẳng giúp được gì, ngược lại còn làm lỡ đại sự.
Lão Trần thấy người này không biết điều, đang định nổi giận thì Gà Gô vốn tâm cao khí ngạo, không thích ép buộc người khác, đã nói với Hồ tiên sinh: “Mỗi người mỗi chí, không tiện cưỡng ép. Hôm nay gặp tiên sinh đã là được mở rộng tầm mắt rồi. Trước khi từ biệt còn có chuyện muốn nói, những mong tiên sinh cẩn trọng.” Rồi anh ta kể lại văn tắt chuyện có đám trộm đã nghe được tiếng tăm của ông ta, lên kế hoạch bắt già trẻ lớn bé trong nhà để huy hiếp, ép ông ta chỉ cho chúng long mạch bảo huyệt, hiện giờ đám người này đã bị “đả phế”, từ nay về sau không thể tìm tới quấy nhiễu nữa, nhưng cây to thì gió lớn, lão mở cửa hiệu xem phong thủy đoán chữ thế này, khó tránh phải va chạm với nhiều loại người, nghề thì vẫn phải giữ, song nếu không thu liễm lại vài phần tất không thoát được tai mắt quân trộm cướp.
Nói xong liền ôm quyền chào Hồ tiên sinh: “Đa tạ tiên sinh khoản đãi, xin được cáo từ.” đoạn đứng dậy đi thẳng. Lão Trần nghĩ bụng: “Mình là loại người nào chứ? Tài đức phong độ sao lại thua đạo nhân Ban Sơn được?” cũng không tiện lải nhải nữa, phẩy tay áo bước ra cửa.
Hồ tiên sinh sợ toát mồ hôi lạnh, vội theo sau luôn miệng cảm ơn rối rít, sắp tới cửa lớn ông ta mới chợt nhớ ra một chuyện, liền kéo Gà Gô lại nói: “Nhị vị ân công, không phải tiểu nhân tham sống sợ chết không dám đi đổ đấu mà vì quả thật đã trót thề bồi trước mặt sư phụ, suối đời sẽ không mó tay vào việc này nữa, nhưng mà…”
Hồ tiên sinh bống lái sang chuyện khác, nói trước đây từng tham gia phiến quân, sau khi bại trận liền lên núi đào mộ, được Âm Dương Nhãn Tôn Quốc phụ cứu giúp nên nguyện bái ông ta làm thầy. Nay hai vị hảo hán muốn dùng quyết tầm long để trộm mộ, sao không mời Mô Kim hiệu úy giúp đỡ?
Gà Gô và lão Trần nghe thế khác nào sét đánh ngang tai, kinh ngạc hỏi: “Lẽ nào Hồ tiên sinh lại quen biết với Mô Kim hiệu úy?”
Hồ tiên sinh bèn nói rõ đầu đuôi. Hóa ra sự phụ Âm Dương Nhãn của lão tuy không phải Mô Kim hiệu úy, nhưng sư phụ của sư phụ lại là một đại sư Mô Kim tiếng tăm lừng lẫy vào cuối đời nhà Thanh, hiệu là “Trương Tam Liên Tử”. Trương Tam Gia từng phò tá Tôn Đường Tả đại nhân đi bình định phản loạn ở Tân Cương, lập nhiều công lớn, sau khi thu binh bèn rút khỏi quân ngũ, đi mò vàng khắp các mộ cổ ở Thiểm Tây Hà Nam, bình sinh gặp lắm chuyện ly kỳ, về sau một mình đeo ba lá bùa Mô Kim, bùa Mô Kim cổ được lưu truyền đến nay chỉ có ba lá này thôi, cũng bởi vậy mà sư phụ của sư phụ mới có biệt hiệu này.
Hồ tiên sinh hay nghe sư phụ nhắc nhỏm, cũng biết nhiều chuyện về Mô Kim hiệu úy, nhưng đệ tử của Trương Tam Gia rất đông, bùa Mô Kim không đến lượt truyền tới Hồ tiên sinh lên ông ta cuối đời vẫn không thể trở thành một Mô Kim hiệu úy. Hồ tiên sinh bảo Liễu Trần trưởng lão trong chùa Vô Khổ là người được Trương Tam Gia đích thân truyền dạy, là một Mô Kim hiệu úy chính tông có điều nay ông ta tuổi cao sức yếu nên đã rửa tay gác kiếm từ lâu, chỉ chuyên tâm niệm kinh lễ Phật không ra mặt nữa.
Nhưng trưởng lão này có thể biết được tung tích hai lá bùa Mô Kim còn lại, nếu tới chùa Vô Khổ tham kiến Liễu Trần trưởng lão, hẳn có thể hỏi thăm từ miệng ông ta hai vị Mô Kim hiệu úy còn lại hiện đang hành nghề ở đâu, nếu may mắn chỉ cần mời được một trong hai vị thì mồ to mả lớn trên đời này đều tìm được hết.
Những việc sau này lão Trần chỉ nghe nói lại nên không biết tường tận. Sau khi lão đi Vân Nam không lâu, ở Tương Âm xảy ra một trận dịch lớn, Hồng cô nương của Nguyệt Lương Môn cũng nhiễm bệnh, trước khi nhắm mắt vẫn không được gặp măt Gà Gô lấy một lần.
Còn Gà Gô lại bái Liễu Trần trưởng lão làm sư, sau đó tới Hắc Thuỷ thành ở Tây Hạ, không ngờ gặp phải bất trắc bị trọng thương, nghe nói cố nhân mắc nạn, không chết cũng lưu lạc ở đâu chẳng rõ thì nản lòng khoái chí, dẫn tân quyến tho một vị thần phu người Mỹ bỏ ra hải ngoại, không quay lại nữa.
Shirley Dương nghe lão Trần thuật lại chuyện trộm mộ năm xưa, chỉ thấy mù mờ như một giấc mộng, dường như hố sâu ngăn cách giữa hai thế hệ chúng tôi và bọn lão phải sâu lắm chứ không vừa. Có điều trong thư tín nhật ký Gà Gô để lại không hề thuật rõ câu chuyện trộm mộ Bình Sơn, nếu không được nghe kể lại từ lão Trần mù, e rằng tất cả sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn. Điều này khiến cô nàng tin vàoự xui khiến của số mệnh huyền bí, còn hỏi tôi có tin vào sự an bài của số phận hay không.
Tôi bảo đây chưa chắc đã là “số mệnh” gì cả, cái nghề đổ đấu này đã lụi tàn từ thời Dân Quốc, truyền đến đời chúng ta còn được mấy người? Đây gọi là “mèo có đường mèo, chó có đường chó, chim câu sang lối khác bay”, nghệ nhân đổ đấu hàng ngày tiếp xúc với những ai, đương nhiên không thể thiếu đám nhân sĩ cùng ngành phong thủy, trộm mộ, cổ đồng, bọn họ lại chẳng túm lại với nhau ấy à. Nhưng nghe lão Trần mù kể chuyện lần này thực khiến chúng tôi được mở rộng tầm mắt, hôm nay mới xem như biết Ban Sơn, Xả Lĩnh đổ đấu ra sao, phương pháp thực khác xa Mô Kim hiệu úy. Ai cũng nói phải Mô Kim là vua, xong cứ nhìn phương pháp đổ đấu của Ban Sơn Xả Lĩnh muôn màu muôn vẻ, thực khiến người ta phải mắt tròn mắt dẹt, thì có kém gì Mô Kim.
Lão Trần than thở: “Lão phu nay cũng không dám ba hoa khoác lác. Cậu xem Ban Sơn Xả Lĩnh đều đã suy yếu thành ra thế nào rồi? Chỉ e rồi từ đây tuyệt tích, Mô Kim lại có vẻ bắt đầu chấn hưng, thiết nghĩ cũng có cái lý của nó. Ban Sơn Xả Lĩnh xuống tay quá tàn độc, không được như Mô Kim hiệu úy lấy Dịch làm tôn chỉ. Sinh sối nảy nở ấy là Dịch, cổ nhân thật chẳng lừa ai bao giờ, tiếc là lúc đó lão phu tài trí trác tuyệt, duy chỉ chưa nghộ ra đạo lý này, giờ hiểu ra thì đã muộn.”
Tôi chợt nhớ ra truyện đồng nhân, đồng quỷ trong mộ cổ Bình Sơn mà lão mù nhắc tới, hình như giống với đồng long tôi từng gặp, cả đồng ngư khảm trên Tần Vương Chiếu Cốt kính, đều cùng một chủng loại, trước đây từng nghe lão nói vật này có liên quan tới quẻ số thời cổ, nhưng lúc đó chưa kịp tìm hiểu, giờ chợt nhớ ra bèn nhờ lão giảng giải giúp.
Lão Trần nói: “Nguồn gốc xuất xứ của những món minh khí này… lão phu khi xưa tuy là hạng học cao hiểu rộng, không thua Khổng Mạnh, nhưng thực chẳng đọc ra Sửu Dần Tí Mão trên mấy thứ đồ này. Vì sao mà biết thì phải nói tới một cơ duyên khác.”

Chương 51 : Bảo Tàng Tự Nhiên

Lão Trần kể lại chuyện năm xưa, năm đó trước khi dẫn thuộc hạ xuống Vân Nam đổ đấu, lão muốn đem hết số của cải châu báo đào được trong mộ cổ Bình Sơn ra định giá bán. Bình thường minh khí qua tay không nhanh như lần này, nguyên do là bởi chuyện trộm mộ ở Tương Tây đã ầm ĩ khắp nơi, khi ấy mặc cho dư luận xã hội lên án gay gắt hành động trộm mộ của bọn phiến quân thổ phỉ, dân buôn cổ vật khắp mọi nơi vẫn ùn ùn kéo đến, muốn nhân cơ hội này kiếm chác chút đỉnh.
Gặp đúng lúc thiên hạ đại loạn, cổ đồng bị rớt giá, nhưng có giảm ắt có tăng, rất nhiều thương nhân đều muốn tranh thủ lúc này tích trữ một lô hàng thật giá thực, đợi khi thái bình có thể nói thách đến trời, thế nên giao dịch minh khí cổ đồng trước sau vẫn không hề gián đoạn.
Trong tỉnh có một tay trọc phú họ Tiền thích chơi đồ cổ, lão có đến mấy nhà máy sợi ở Thượng Hải, Thanh Đảo, sản nghiệp riêng trong vùng cũng nhiều vô kể. Ông chủ Tiền xuất thân từ gia đình đại Nho, chịu ảnh hưởng của gia tộc nên từ nhỏ đã thích chơi đồ cổ, lão đặc biệt phái người tới tìm lão Trần, đích thân lựa vài món đồ ưng ý, trong đó có cỗ quan tài Gà Gô thấy con rết sáu cánh bái quan nhả đơn và cái lò luyện đơn bằng đồng xung quanh trong giếng đơn, cùng số đồng nhân đồng quỷ tạo hình kỳ dị cổ phác. Ông chủ Tiền mua được những thứ này như bắt được của báu, vui mừng ra mặt.
Lão Trần trước nay luôn tự cho mình hiểu biết hơn người, thường chê Dương Vũ khinh Khổng Mạnh, lúc nào cũng thấy mình tài cao học rộng, trên đời không ai bì kịp, chẳng xem các bậc thánh hiền tiền bối ra gì. Lão thấy cặp đồng nhân đồng quỷ không mắt, tuy biết bên trong chắc chắn có điều kỳ lạ, nhưng không đoán ra được là huyền cơ gì, xem lão ta có biết được nguồn cơn sâu xa trong đó không, song lời ra đến miệng lại thấy hơi mất mặt nên thôi.
Cuối cùng lão vòng vo tam quốc, mượn cớ đàm cổ luận kim, cũng moi được từ ông chủ Tiền lõm bõm vài điều. Ông chủ Tiền rất thích đọc Dịch, hơn nữa lại nghiên cứu sâu, biết rằng quẻ tượng bát quái ngày nay đều do đám hậu thế suy diễn mà ra, quẻ bói cổ xưa nhất không hề dùng quẻ “càn khôn cấn chấn”, hình người và quỷ không mắt bằng đồng xanh này đều là những dấu hiệu nguyên thủy nhất trong quẻ tượng cổ đại, muốn bói quẻ ít nhất phải gom đủ bốn miếng, tiếc là trong tay chỉ có hai, không thể thành một quẻ hoàn chỉnh.
Quẻ đồng xanh cổ phải có ít nhất bốn miếng mới có thể sử dụng, nghe nói người hiểu được thuật này có thể biết được thiên cơ huyền diệu, nhưng dụng pháp ra sao thì lão Tiền hoàn toàn mù tịt, chỉ biết quẻ đồng xanh ắt là cổ vật của tam triều trước kia. Tam triều ở đây ám chỉ ba nhà Hạ Thương Chu, những món gì thời Đường Tống đem so với văn vật tam triều còn không thể gọi là cổ vật, trong con mắt của tay nhà nghề thực thụ, giá trị sưu tầm của chúng không cần phải so sánh.
Còn cái lò đồng luyện đơn có lẽ là cổ vật cuối thời Tây Hán. Trên thân lò vẽ cảnh cổ nhân đang luyện tiên đơn, nét vẽ tinh xảo diệu kỳ, nhìn kỹ sẽ phát hiện ra những ký hiệu của quẻ bói bằng đồng xanh. Ông chủ Tiền trình độ tuy cao cũng không hiểu được ẩn ý trong đó, chỉ thấy món đồ này kỳ lạ, ẩn chứa nhiều bí mật sâu xa, có giá trị sưu tầm rất cao.
Lão Trần nghĩ bụng không hiểu ẩn ý thì để trong nhà làm quái gì, tiễn ông chủ Tiền đi rồi cũng quên luôn chuyện này.Thời gian nhanh như tên bắn, chớp mắt đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, lão chưa bao giờ gặp lại những quẻ bói bằng đồng xanh tương tự, câu chuyện năm xưa cũng trôi vào dĩ vãng, mãi đến khi tôi nhắc chuyện long chú trăm hố mắt lão mới chợt nhớ ra.
Lão bảo tôi: “Nếu cô cậu có cơ duyên hãy tập hợp bốn quẻ bói ấy lại, cũng là để lão phu được biết rốt cuộc là huyền cơ gì trong đó.”
Tôi nói: “Thực ra tôi chỉ vô tình thấy hai quẻ đồng xanh, bản thân tuy hứng thú nhưng không đến nỗi phải chạy khắp thiên hạ tìm xem cổ nhân để lại thiên cơ gì. Giờ tôi chỉ cần biết mộ cổ nào trên đời còn có kim đơn thôi. Cứu người như cứu hỏa, nếu không tìm được nội đơn trong cổ thây thì cô bạn tôi phải đi gặp cụ Các Mác mất.”
Lão Trần cười nói: “Cậu nói nghe kém quá, đời người ngắn ngủi có mấy chục năm, nhỏ bé hèn mọn như con sâu cái kiến, nếu phận sâu kiến mà biết được bí mật của ông trời thì dù thịt nát xương tan cũng không uổng.”
Tôi lắc đầu cười khổ, lão Trần mù này tuy anh hùng xế bóng nhưng dã tâm vẫn còn lớn lắm, có điều giờ mục tiêu truy cầu đã thay đổi rồi, cảnh giới còn cao hơn, lại muốn biết cả bí mật của “thần tiên” kia đấy.
Tôi nghĩ Shirley Dương tin vào mấy thứ tôn giáo, lại rất ngoan đạo, có lẽ cô ấy sẽ tin mớ khái niệm “thiên cơ, khởi thị, thần minh” này, vậy mà cô nàng cũng lắc đầu, miệng bảo: “Hỏi một người Thượng đế hình dáng thế nào cũng giống như hỏi con cá vàng môi trường nước nó đang sống là gì, chẳng có ý nghĩa gì cả, tín ngưỡng chỉ nên là cõi đi về của tâm linh thôi.”
Lão Trần nói: “Còn về nội đơn cổ thây kia, ở Bình S Tương Tây có, mà không chỉ có một hai viên đâu, bởi Bình Sơn vốn là đơn cung, lại là một ngọn dược sơn, có vật này cũng là chuyện thường tình, còn những nơi khác thì hiếm lắm. Có điều Bình Sơn đã bị vét sạch cách đây mấy chục năm rồi, ngay cả huyệt mộ người Động Di chẳng có tí minh khí nào cũng bị lũ trộm tép riu không ra giống gì kia khoắng sạch. Giờ cô cậu muốn đi tìm kim đơn trong mộ cổ thì chỉ có cách đi hỏi ông trời, bằng không thế giới này rộng lớn thế, có đi rách giày sắt cũng chẳng tìm được đâu.”
Tôi thấy tia hi vọng cuối cùng tắt ngúm, trong lòng không khỏi chán nản, xem ra tính mạng Đa Linh không cứu được rồi, nhưng chưa đến Hoàng Hà chưa ngã lòng, chỉ cần Đa Linh còn sống, tôi sẽ dốc sức tìm cách khác. Bấy giờ thấy trời đã tối, hôm nay chắc không kịp quay về Bắc Kinh, tôi và Shirley Dương đành nghỉ tạm ở nhà khách gần Cục Đường sắt.
Hôm sau tôi hỏi lão Trần mù có dự định gì cho những ngày tới, có muốn cùng bọn tôi sang Mỹ một chuyến hay không, lão bèn thở dài nói: “Cổ nhân từng thương cho kiếp phù du như một giấc mơ, thời gian thấm thoắt thoi đưa, một đời người gửi thân nơi cõi hư vô, trong đó có biết bao hỉ nộ ái ố, bi hoan tiều tụy, được mất hợp tan, sinh ly tử biệt, thay hình đổi dạng, đi hết cuộc đời tựa giấc chiêm bao, có tụ hợp có ly tán, đó chính là hai chữ vô thường. Lão phu không ngờ năm xưa từ biệt bên hồ Động Đình, là kiếp này mãi mãi không ngày tái ngộ, ngoảnh đầu nhìn lại thấy mới như hôm qua, về lý về tình cũng nên đến trước mộ cố nhân Gà Gô tế bái một lần. Có điều cái thân già của lão phu đây e cũng chẳng sống được mấy hồi, thực không muốn chết nơi đất khách quê người, xa xôi vạn dặm, nên muốn trở về quê nhà Tương Âm một chuyến trước đã.”
Tôi đành mua vé tàu hỏa , cùng với Shirley Dương đưa lão lên tàu, còn hẹn trước tết Thanh Minh sẽ đi tìm lão, sau đó cùng đi Mỹ tảo mộ cho vị Ban Sơn đạo nhân cuối cùng Gà Gô.
Sau khi tiến lão Trần mù, bọn tôi liền quay lại nhà khách thu dọn hành lý, trên đường mua một tờ báo, ngồi trên xe buýt lật lật vài trang, thấy có trang nội dung toàn là “Từ sau cải cách mở cửa, Đại hội Trung ương Đảng toàn quốc lần thứ mười một đến nay, trên tất cả lĩnh vực đều đạt được thành tựu to lớn ABC gì đó. Để làm phong phú thêm đời sống văn hóa của nhân dân thành phố Thiên Tân, bảo tàng Tự nhiên của thành phố đã bắt đầu mở cửa trở lại, lãnh đạo các cấp nô nức gửi lời chúc mừng”.
Tin tức kiểu này nhan nhản khắp nơi, chẳng có gì đặc biệt, nhưng có một điểm thu hút sự chú ý của tôi. Bản tin nói để làm phong phú thêm các vật phẩm trưng bày trong bảo tàng, một loạt các hiện vật văn hóa khảo cổ đào được ở tỉnh Hồ nam sẽ được đưa tới Thiên Tân trưng bày trong thời gian một tuần, địa điểm là phòng triển lãm số sáu, tầng hai bảo tàng.
Trong số các văn vật quý hiếm của tỉnh Hồ Nam có một số món được xếp vào hàng Quốc bảo do một kiều bào yêu nước quyên tặng, trong đó đáng quan tâm nhất là những cổ vật hiếm thấy trong lịch sử: “trang sức hình người không mắt bằng đồng xanh (đời Chu), lò đồng cửu sắc họa tượng, khảm vàng chạm bạc (đời Hán)…”
Tôi ngạc nhiên nói: “Lịch sử thật trùng hợp đến kinh người, chẳng phải những thứ này đều là báu vật hảo hán Ban Sơn Xả Lĩnh năm xưa đi đổ đấu ở Bình Sơn đào được đó sao? Hóa ra được được kiều bào yêu nước hiến tặng cho nhà nước rồi, lại còn mang đến Thiên Tân trưng bày cho mọi người cùng xem nữa.”
Shirley Dương đón lấy tờ báo xem qua một lượt, cũng nổi tính hiếu kỳ: “Ảnh đăng trên báo hơi mờ, sao chúng ta không tiện đường ghe qua bảo tàng Tự nhiên mục sở thị một chuyến?”
Hai chúng tôi tâm đầu ý hợp, lập tức không về nhà khách nữa mà tới thẳng bảo tàng Tự nhiên mua vé vào trong. Bảo tàng này được thành lập từ rất sớm, vào đầu những năm Dân Quốc gọi là Bảo tàng Bắc Cương, sau đổi thành Viện Khoa học Nhân dân, trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa từng bị gián đoạn một độ. Do mới mở cửa trở lại nên vật phẩm trưng bày không nhiều nhặn gì, vậy mà khách tham quan vẫn đông nườm nượp, chủ yếu là đoàn thể các trường học, đa phần đều đi xem hóa thạch và tiêu bản các loài sinh vật cổ.
Xã hội bấy giờ đang định hành triển lãm, chỉ cần đi vào công viên cũng gặp phải thập cẩm các loại triển lãm như “Tiêu bản thai nhi dị dạng, Cổ thây Tân Cương, Giải phẫu cơ thể người…”, thậm chí còn có cả triển lãm về các loài động vật quý hiếm, nào là chuột to bằng con lợn con, quái vật đầu người mình rắn… thủ đoạn muôn màu muôn vẻ, song cũng không thiếu cảnh treo đầu dê bán thịt chó.Chính vì vậy, tôi chẳng hứng thú gì với những thứ được trưng bày trong bảo tàng này, thấy bên ngoài có cầu thang dẫn lên tầng hai, là nơi “Trưng bày các hiện vật văn hóa khảo cổ đào được ở tỉnh Hồ Nam”, bèn dẫn Shirley Dương đi thẳng lên đó.
Từ ngoài nhìn vào thấy vật phẩm trưng bày quả thật phong phú, có tới vài trăm thứ văn vật to nhỏ được phân loại cẩn thận, bày đầy trong các tủ kính, đa phần đều là hàng giả cổ vì hàng thật sao có thể tùy tiện bày ra cho người ta xem thế này, nhưng khách tham quan thông thường cũng có nhìn cũng không phát hiện ra nổi, chỉ thấy mới lạ mà thôi. Người tham quan trên tầng hai không nhiều, quang cảnh có phần vắng vẻ.
Tôi đã từng xem qua vô số minh khí, nhìn những thứ ở đây đều có cảm giác quen quen, cưỡi ngựa xem hoa đảo qua một vòng, quả nhiên bắt gặp cái lò luyện đơn truyền thuyết bày ngay trên kệ, đúng như lão Trần miêu tả, dựa vào nhãn lực của mình, tôi đoán món đồ này tuyệt đối là hàng thật, có thể do hình dáng to lớn nên không lo bị trộm.
Shirley Dương nghĩ tới ông ngoài năm xưa từng ẩn thân trong lò đơn này thì bất giác ưu tư, ngơ ngẩn như mất hồn. Tôi lại dán mắt vào đường nét hoa văn trên thân lò, muốn nhận rõ từng chi tiết trong bức họa, tiếc r lò đơn cách tủ kính dễ đến cả mét, tuy tôi không bị cận thị nhưng vẫn không nhìn rõ được mấy chi tiết nhỏ, lại thêm trên thân lò chạm khảm tổng cộng tám bức “Tiên nhân hóa đơn đồ”, có mấy mặt nằm trong góc bị che khuất, đến nhìn còn không thấy nữa là.
Shirley Dương chợt nhớ ra cái máy ảnh luôn mang theo như hình với bóng lại để quên ở nhà khách, cô muốn chụp vài bức nên bảo tôi ở lại mặc sức ngắm nghía, còn mình vội vàng quay về lấy máy. Tôi đành một mình thong dong trong bảo tàng, ngắm nghía cái lò đơn mấy lượt, lại đi xem mớ que đồng được bày trong tủ, đầy đủ cả người cả quỷ, vệt đồng xanh đã lên màu loang lổ, dường như đều là hàng thật, tôi đang định lại gần nhìn cho rõ thì bỗng đâu xuất hiện một cảnh sát mặc sắc phục chẳng nói chẳng rằng vỗ vai tôi một cái.
Tôi chỉ chăm chăm đi xem quẻ cổ, nào nghĩ đến tình huống này, sự việc xảy ra bất ngờ nên có chút bàng hoàng, chẳng lẽ xem minh khí cũng là phạm pháp? Tôi ngỡ ngàng nói với anh ta: “Đồng chí cảnh sát ơi, đồng chí làm thế là ý gì? Tôi chỉ ngắm thôi chứ có làm gì đâu…”
Nào ngờ viên cảnh sát reo lên: “Đại đội trưởng, không nhận ra tôi sao?” giọng oang oang làm tôi như muốn ong cả óc.
Tôi định thần nhìn lại, hóa ra là một chiến hữu hồi còn trong quân ngũ, ngày trước từng cùng tôi vào sinh ra tử nơi chiến tuyến, Ngải Hồng Quân, biệt hiệu “Kẻ gây chuyện”. Từ khi rời quân ngũ đến giờ chưa lần nào gặp lại cậu ta, không ngờ hôm nay lại gặp trong bảo tàng Tự Nhiên này. Bât ngờ được trùng phùng với chiến hữu năm xưa cùng chui từ đống xác chết khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng.
Tôi cười nói: “Lão Ngải này, cổ họng cậu vẫn to thế nhỉ, sao bây giờ lại đứng trong hàng ngũ công an thế này…” Đúng lúc định ôn lại kỷ niệm xưa với cậu ta, chợt có một bóng người rất quen lướt qua cửa phòng triển lãm làm tôi sững người, linh tính mách bảo có điều gì không ổn, giống như có kẻ kề dao sau gy, nghĩ mãi không ra đã gặp ở đâu, trong lúc hấp tấp không kịp suy xét đầu đuôi, tôi vội gạt Ngải Hồng Quân ra, đuổi theo cái bóng bí ẩn kia.

Nguồn tangthuvien


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved