Cái xác cổ đời Nguyên
toàn thân khôi giáp, so vai cúi đầu đang đứng yên bất động bỗng đột nhiên vồ
lấy Gà Gô, bụi đất mạng nhện trên người nó cũng bay lên tứ tung, thoắt chốc mù
mịt cả hang động.
Gà Gô đâu phải kẻ hữu
dũng vô mưu, anh ta dám lấy nòng súng chọc vào cái mũ sắt trên đầu cổ thây,
đương nhiên gan đã to tài nghệ lại càng cao, không có bản lĩnh đã không dám
liều. Đứng sẵn theo tư thế chân trước chân sau, bất luận gặp phải dị trạng đột
biến gì Gà Gô cũng đều đã chuẩn bị sẵn sàng kế sách tiến thoái ứng biến. Chợt
nghe có tiếng giáp sắt lách cách, không đợi cổ thây kia tới gần, anh ta đã cúi
người xoay nửa vòng, sượt qua cương thi trong lòng mộ đạo chật hẹp, vòng ra sau
lưng nó.
Thân hình Gà Gô cực
nhanh, tựa như một làn khói nhẹ, vòng một cái đã tới sau lưng cương thi, hai
cánh tay lập tức vươn ra, móc vào dưới nách, rồi bẻ ra sau khóa cứng ót nó, đầu
gối phải đồng thời co lên, thúc mạnh vào xương sống. Chiêu này nhìn có vẻ đơn
giản, kỳ thực chính là tuyệt kỹ Khôi Tinh Thích Đẩu mà Ban Sơn đạo nhân dày
công luyện tập, hai cánh tay và đầu gối Gà Gô cùng lúc phát lực, chỉ nghe tiếng
xương cốt gãy răng rắc, cái xác khô khoác giáp sắt đã bị Gà Gô bẻ gãy xương
sống, đổ sụp xuống đất như đống bùn nhão.
Dân đổ đấu ít nhiều đều
chuẩn bị vài ngón nghề đối phó với xác chết bị quỷ nhập tràng khi khai quan, đề
phòng hiểm nguy bất trắc trong mộ cổ. Mô Kim hiệu úy có đinh đóng thây và móng
lừa đen, còn Ban Sơn đạo nhân lại có sở trường là Khôi Tinh Thích Đẩu, nhưng
nếu không phải xảy ra thi biến, cương thi chưa chắc đã bật dậy vồ người.
Nghe nói một trong
những nguyên nhân phổ biến của hiện tượng quỷ nhập tràng là do thi khí tích tụ
không tiêu, xác chết gặp phải luồng điện hoặc dương khí của người sống bèn sinh
ra phản ứng, đột nhiên chồm dậy vồ người. Loại cương thi này không hề biết mệt
mỏi, da thịt lại cứng hơn sắt thép, dao súng đều không thể đả thương, duy có vị
trí sau gáy sau lưng là nơi thi khí yếu nhất, có thể dùng tuyệt chiêu bẻ gãy
xương sống nó, rồi dùng lực vặn mạnh, khiến xương cốt nó gãy vụn, không thể tác
oai tác quái được nữa.
Nhưng sự việc không đơn
giản như thế. Động tác của Gà Gô quả thực quá nhanh, anh ta thấy cương thi nhào
tới bèn mau lẹ xoay người bẻ gãy xương sống của nó, chuỗi động tác liên hoàn
này vừa nhanh vừa hiểm, một khi đã ra tay là không chút dung tình, nhưng chính
vì Gà Gô ra tay quá hiểm quá độc nên muốn dừng lại giữa chừng cũng không dừng
nổi. Anh ta vừa nhao người lên trước, cùng lúc liền cảm thấy trong lòng núi có
một trận rung lắc dữ dội, hình như không phải xác chết bị quỷ nhập tràng mà là
cả ngọn núi Bình Sơn đang chuyển mình, làm cho cái xác khô ngã dúi về trước.
Gà Gô giật mình: “Chả
nhẽ trong núi lại có động đất?” Anh ta sợ còn động đất tiếp, cả ngọn núi sẽ đổ
sập xuống chôn sống mình, không dám nán lại bên trong mộ đạo nữa, mà vội vàng
rút ra ngoài. Ra khỏi khe núi trên Trân Châu Tản, anh ta thấy đám trộm đang
trèo trên vách Dược khe ai nấy mặt vàng như nghệ, nắm chặt lấy thang tre và dây
leo, dường như cũng vừa cảm thấy cơn chấn động dữ dội khi nãy.
Lão Trần thấy Gà Gô
chui ra từ hang đá hẹp vội gọi lớn: “Không hay rồi, Bình Sơn sắp sập, mau tẩu
phản thôi!”
“Tẩu phản” ở đây chính
là bỏ chạy. Thì ra khe nứt trên núi Bình Sơn này quá sâu, cổ bình và thân bình
chỉ còn gắn hờ với nhau, mười phần thì đến chín phần đã nứt toác theo năm
tháng, cứ chực gãy như thế mà hứng mưa chịu gió suốt mấy trăm năm, đây chính là
kiến tạo tinh xảo của tự nhiên, giống như “phong động thạch”, nhìn có vẻ bấp
bênh nhưng thực ra lại rất vững chắc, trong cheo leo tuyệt hiểm vẫn có sự thăng
bằng vô cùng tinh tế, nếu không có ngoại lực cực mạnh tác động phá vỡ sự thăng
bằng này, có lẽ mấy trăm mấy nghìn năm sau, nó cũng vẫn cứ như vậy.
Thế nhưng đám trộm Xả
Linh trước nay chưa từng có kinh nghiệm với mộ táng trong lòng núi, lại đi sử
dụng thuốc nổ quá liều. Trong số họ chẳng ai hiểu thế nào là “rút dây động
rừng”, chỉ chăm chăm đặt mìn chôn thuốc, nổ cho miệng núi lưng núi chi chít lỗ,
sóng xung kích của những vụ nổ hết lần này đến lần khác dội vào lòng núi, khiến
khe nứt khổng lồ trên đỉnh sắp sửa nứt lìa, chấn động khi nãy chỉ là điềm báo
ban đầu mà thôi.
Cả quả núi lại rung lên
từng cơn, nhẹ hơn so với lần đầu nhưng kéo dài liên miên, cơn này nối tiếp cơn
kia. Bùn đất và đá vụn rào rào rơi từ trên cao xuống, Gà Gô biết một khi thân
núi thực sự đứt lìa, cả đám người đang bám trên vách đá sẽ theo một bên vách
Dược khe rơi xuống khu rừng rậm bên sườn núi Bắc, lúc ấy thì dù có mình đồng da
sắt cũng đừng mong sống sót. Ngọn núi vẫn đang rung lắc không ngừng, chỉ cần
sẩy chân một bước là lập tức rơi xuống vực sâu, trong tình cảnh này, điều tối
kỵ chính là manh động, Gà Gô nghe thấy tiếng lão Trần lệnh cho mọi người mau
chóng nhảy sang vách núi bên kia thì vội vàng ngăn lại.
Nhưng không đợi anh ta
kịp mở mồm, đã có mấy tên trộm do quá sợ hãi, nóng lòng muốn thoát khỏi hiểm
cảnh, trong lúc hoảng loạn mất hết bình tĩnh, mặc kệ ngọn núi đang rung lắc mỗi
lúc một dữ dội, cứ giơ bừa thang rết, tung người nhảy sang vách đá đối diện,
đinh ninh sẽ móc được thang rết vào vách đá, nào ngờ đúng lúc ấy, từ trong lòng
núi bỗng vang lên tiếng ầm ầm tựa trời long đất lở, khe nứt đột nhiên toác rộng
ra tới vài trượng. Những kẻ bỏ chạy trước tiên còn đang lơ lửng giữa không
trung, vốn đã ngắm chuẩn khoảng cách, giờ lại không thể với tới mục tiêu, thang
rết bắc sang bị hụt, cả người rơi thẳng xuống vực thẳng trong tiếng kêu gào
khiếp đảm.
Mạng của mấy người này
kể ra cũng lớn, trong khi rơi xuống tay vẫn nắm chặt thang rết không rời, mấy
cái thang tre vướng vào nhau tạo thành một mảnh võng tre, kẹt lại khoảng hẹp
giữa vách đá. Nhưng bọn họ còn chưa kịp vui mừng vì thoát chết thì mấy chục
tảng đá to bên trên đã ầm ầm rơi xuống, bọn họ bám trên thang tre biết tránh đi
đâu, tất cả đều bị nghiền nát như tương. Đá lớn đá nhỏ theo nhau rơi xuống, đập
vào vách đá phát ra tiếng vọng trầm vang, lẫn với tiếng kêu gào xé ruột xé gan,
hết thảy đều rơi tõm vào hồ nước dưới đáy vực sâu, vẳng lại những tiếng lùng
bùng hỗn loạn.
Lúc này những người còn
lại đều cố ép sát vào vách đá phía miệng bình, cả người và vách đá cùng rung
lên từng chập, đá tảng cổ thụ đen sì bị kình phong cuốn phăng từ trên xuống.
Những tảng đá lỏng lẻo chênh vênh trên đỉnh núi đều rơi hết xuống vực, tránh
được một tảng cũng khó tránh nổi cả trận mưa đá giội xuống không ngớt, liên
tiếp có người bị đá va phải, ngã xuống vực chết bất đắc kỳ tử. Việc đã đến nước
này chỉ còn cách nghe theo mệnh trời, ai chết thì là cái số, những người may
mắn sống sót coi như chưa đến ngày tận.
Chỉ nghe một tiếng nứt
toạc như xé vải từ dưới khe sâu vọng lên, đám người lão Trần và Gà Gô cảm thấy
Dược khe càng thêm xiêu vẹo, khe nứt vốn dày đặc sương mù mây cuộn cứ mỗi lúc
một rộng thêm mãi. Mọi người chợt thấy trước mắt hoa lên, như có ánh sáng mặt
trời rọi thẳng vào mặt, cây cỏ trong khe núi đều đã lộ rõ mồn một, hóa ra sau
khi vết nứt toác ra, ánh sáng mặt trời đã chiếu được vào trong.
Bình Sơn trong chớp mắt
đã thực sự chao đảo tựa trời nghiêng đất ngả, nhật nguyệt đổi dời, đám trộm
trải qua cơn sóng gió, chân tay ai nấy đều đã mỏi nhừ. Gà Gô bám trên vách đá
né trái tránh phải, mắt thấy tảng đá ngàn vạn cân trên miệng bình đang từ từ lăn
ngược ra sau, đám đá vụn từ trên không tới tấp rơi xuống khi nãy cũng đột nhiên
giảm hẳn, bèn hô lớn: “Đến lúc đi được rồi đấy!” Đoạn chìa tay kéo tên trộm
đang run như cầy sấy bên cạnh, bảo mọi người mau kết thang rết lại thành cầu
tre để chạy về khe núi trước mặt.
Bọn người lão Trần cũng
hiểu đây là cơ hội cuối cùng, ngọn Bình Sơn đã sắp đứt lìa đến nơi rồi. Nhưng
dục tốc thì bất đạt, đám trộm trong lòng hoảng loạn, lại thêm chân tay run rẩy,
liên tiếp tuột tay đánh rơi mất mấy cái thang rết, chỉ còn lại bốn cái thang
tre kết thành hai cái cầu, nối liền giữa khe núi.
Đám trộm đẩy lão Trần
lên thang tre trước, dù sao lão cũng là thủ lĩnh Thường Thắng sơn, về lý đương
nhiên phải để lão thoát thân trước. Lão Trần lúc này cũng không hơi đâu làm bộ
làm tịch, chẳng từ chối lấy nửa lời, ngẩng đầu nhìn lên thấy không có đá rơi
nữa, liền hít sâu một hơi giẫm lên thang tre, bước vội ba bước làm hai, chao
đảo chạy qua, đến hết cầu tre thì nhún chân nhảy lên bám vào mỏm đá, quay đầu
lại vẫy tay lia lịa, ý bảo Gà Gô đừng để ý đến đám người bên cạnh, quả núi này
có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, mau nhảy sang đây, việc cấp bách là bảo toàn
tính mạng hai huynh đệ ta, nếu không vạn sự đều vô ích.
Gà Gô vốn tự tin vào
bản lĩnh của mình, không muốn giành giật đường sống với người khác, anh ta vẫy
tay ý nhường cho những người còn lại sang trước, còn mình đi cuối cùng. Hơn
chục kẻ may mắn sống sót thấy vậy tuy trong bụng kính nể nhưng chân chẳng muốn
nhường, lập tức chen nhau chạy lên cầu tre, trong cơn chấn động tựa sấm rền chớp
giật, trời rung đất chuyển, lại thêm mấy người nữa trượt chân rơi xuống vực sâu
bỏ mạng, cuối cùng bên này vách núi chỉ còn lại Hồng cô nương và Gà Gô.
Lúc này Gà Gô thấy núi
non rung chuyển, cỏ cây đổ gãy, ngọn núi sắp đứt lìa đến nơi, đã không đủ thời
gian để từng người một qua cầu nữa, anh ta chẳng còn tâm trí nghĩ xem cầu tre
có chịu được sức nặng của hai người hay không, vội đẩy Hồng cô nương phi thân
nhảy lên cầu, chạy thật nhanh qua trong tiếng đá núi nứt lìa và dòng khí lưu
xoay vần giữa chừng không.
Gà Gô đi được nửa
đường, chợt cảm thấy chiếc thang tre dưới chân có vẻ không ổn, liền theo đó là
trận cuồng phong thổi qua khe núi, chân người chợt lơ lửng như tàu lá bay, chỉ
chực cuốn theo cơn gió. Anh ta biết sức gió quá mạnh, hễ có chút sơ sảy ắt sẽ
bị cuốn xuống vực sâu, lại càng vội vã lao về phía trước đưa tay nắm chặt lấy
Hồng cô nương nhẹ như chim yến, hai người liên thủ sẽ không d bị cuốn xuống vực
nữa.
Nhưng vừa giữ được
thăng bằng thì một cơn chấn động tựa trời long đất lở nữa lại từ đáy vực truyền
đến, hai bên vách đá như mồm con quái vật đang từ từ há to, cuối cùng đã tách
hẳn ra, tảng đá khổng lồ trên miệng bình lăn xuống đất. Chiếc thang rết dưới
chân Gà Gô bị luồng loạn khí sinh ra từ cơn chấn động cuốn đi chẳng khác nào
phiến lá, lộn nhào rồi rơi xuống đáy núi, Gà Gô và Hồng cô nương cũng chỉ cảm
thấy hẫng một cái, bên tai gió thổi ù ù, người đột ngột rơi xuống.
Gà Gô lâm nguy không
loạn, vội nắm chặt cánh tay Hồng cô nương, lợi dụng luồng loạn khí, cùng nhau
nhoài người về phía vách đá nơi có bọn lão Trần, hai người như đôi chim, liệng
xuống chênh chếch theo hình vòng cung giữa tiếng rít gào của gió núi, cảnh vật
nơi vách núi lướt nhanh qua mắt.
Gà Gô nhanh tay tinh
mắt, thấy sắp tới gần vách đá liền với tay trải ra, bách tử câu giấu ở mặt
trong khuỷu tay và cổ tay lập tức cắm vào vách đá, nhưng lớp đá xanh rắn chắc
trơn tuột, phủ đầy rêu xanh, bách tử giáp chỉ có thể cào lên đó mấy chục vết,
rồi lại bị Hồng cô nương đang theo đà rơi kéo đi, hai người dán chặt vào vách
đá dựng đứng, từ từ trượt xuống không sao dùng lại được.
Hồng cô nương lúc này
cũng đã sợ đến hồn bay phách lạc, nhắm chặt mắt không dám nhìn, chợt cảm thấy
Gà Gô túm lấy cánh tay mình, hai người chầm chậm rơi xuống như cưỡi mây đạp
gió, thì thu hết cản đảm nhìn xuống, đúng lúc tảng đá to trên miệng bình rơi
xuống đất đánh uỳnh một cái, nghiền nát bấy bùn đất cây cối dưới đáy vực, bắn
tung tóe đủ loại vụn lên giữa tầng không. Cô ta vội lấy tay che mặt để tránh bị
bắn vào mắt, chỉ thấy một luồng khí lưu giội mạnh vào người, cảm giác như nghẹt
thở, không biết mình còn sống hay đã chết.
Mặt đất và cây cối dưới
chân núi mấp mô, tảng đá khổng lồ trên miệng bình sau khi rơi xuống đất lăn hai
vòng rồi uỳnh một tiếng trời long đất lở rơi vào giữa đám cổ thụ cao lớn um
tùm. Gà Gô nào rỗi hơi xem xét tình hình dưới chân núi, anh ta bị Hồng cô nương
kéo không hãm nổi đà rơi, trượt qua liên tiếp mấy kẽ đá lồi lõm cũng không ăn
thua gì, bên tai chỉ nghe tiếng bách tử câu cọ vào vách đá ken két.
Gà Gô biết nửa còn lại
của Bình Sơn đã trở thành vách núi dốc đứng, do thế núi xiêu vẹo như sắp đổ,
phần chân vách đá vuông góc với mặt đất sẽ tạo thành một khoảng không, cứ thế
này trượt xuống, tay không có điểm bám, ắt sẽ rơi thẳng xuống đất mà chết. Lúc
này tính mạng đã như ngàn cân treo sợi tóc, tay anh ta càng bám chắc hơn, chợt
thấy cánh tay căng ra, anh ta kéo Hồng cô nương treo người trên gờ con dốc dựng
đứng, thân hình đong qua đưa lại giữa không trung. Cuối cùng cũng bám được vào
một khe đá, bách tử giáp tuyệt đối không thể bám vào hư không, nếu rơi xuống
thêm nửa thước nữa e cả hai người chẳng còn sức mà sống nữa.
Gà Gô một tay bám vào
dốc đá, thở hắt ra một hơi, nhìn cảnh sắc mây núi xa mờ, khói sương thấp thoáng
quanh núi Bình Sơn nằm gọn trong tầm mắt thì không khỏi thầm thán phục: “Tạo hóa!”
Anh ta cúi xuống nhìn Hồng cô nương, hỏi: “Bị treo lơ lửng giữa không trung thế
này, phong cảnh tuy đẹp thật nhưng cánh tay chẳng dễ chịu tẹo nào, cô có tự bám
được không? Tôi kéo cô lên trước nhé?”
Hồng cô nương rốt cuộc
cũng chỉ là phận nữ nhi, tuy thủ đoạn hiểm độc, lại là người trong giới lục
lâm, nhưng không được thần dũng đảm lược như Gà Gô. Mặt cô ta tái xanh, tim đập
thình thịch, song nghĩ lúc này rơi vào hiểm cảnh, may sao ông trời lại xếp đặt
cho mình ở cùng Gà Gô, có chết cũng không uổng, nên nỗi hoảng sợ cũng vơi đi
phần nào, hai tay bám chặt lấy cánh tay Gà Gô, hít vào một hơi, đau đớn đáp:
“Tôi không sao, nhưng... mấy trăm anh em vận chuyển minh khí dưới chân núi coi
như xong rồi... e là bị tảng đá lớn này nghiền nát cả...”
Chương 37 : Trong Màn Đêm
Đám phiến quân do La
Lão Oai cầm đầu đang vận chuyển báu vật bên sườn núi Bắc, cả đội quân lên tới
trăm nghìn người tụ tập cả dưới chân núi, địa hình nơi này lại gồ ghề khúc
khuỷu, cho dù bọn họ phát hiện ra đỉnh núi trên đầu đang sập xuống thì cũng
không thể di tản hết trong chốc lát. Lại thêm tảng đá ngàn cân từ trên miệng
bình rơi xuống, sức mạnh vô cùng khủng khiếp, ngay cả những cây cổ thụ trọc
trời còn bị đè nát như tương, xem ra cánh quân dưới chân núi đa phần đều chết
chắc.
Gà Gô đang treo người
giữa không trung, nghe Hồng cô nương nói vậy liền cúi đầu nhìn xuống, tuy bản
thân đã thoát chết nhưng trong lòng vẫn rầu rĩ bi thương, không ngờ chỉ trong
chốc lát đã mất đi nhiều mạng người như vậy.
Gà Gô cảm thấy cánh tay
bắt đầu tê mỏi, khó mà bám trụ trên gờ vách đá được nữa, vội để Hồng cô nương
leo lên lưng mình, sau đó triển khai bách tử giáp, bám chặt vào vách núi cao
trăm nhẫn[31] mà leo lên như thạch sùng leo tường.
Hồng cô nương không dám
nhìn xuống, cứ nhắm tịt hai mắt lại, chỉ nghe bên tai tiếng gió ù ù, cả người
như đang bay giữa không trung, chân đạp lên mây, sượt qua từng lớp sương mù vấn
vít, vững vàng leo lên cao. Cô ta thầm nhủ, cả đời mình chưa bao giờ gặp nguy
hiểm thế này, lại càng khâm phục thân thủ và lòng can đảm của Gà Gô.
Hai người bám vào vách
đá trèo lên, sắp đến lỗ hổng nơi hậu điện sơn cung thì thấy thang rết của đám
người Xả Lĩnh thả xuống tiếp ứng. Lúc này lão Trần và những người may mắn sống
sót đều đã tới hậu điện tụ họp lại với nhau, ai nấy không ngớt lời thán phục,
còn tưởng Gà Gô đã bỏ mạng dưới vách đá, nào ngờ vị Ban Sơn đạo nhân này quả là
mạng to phúc lớn.
Cả bọn mê tín chăm chăm
tin rằng mộ cổ đời Nguyên táng trên đỉnh núi thực sự linh thiêng, vừa bị đám
trộm mộ phát hiện ra liền tự nứt khỏi núi Bình Sơn, đè chết bao nhiêu người
phái Xả Lĩnh, mà không hề nghĩ nguyên nhân thực sự đến từ chính việc nổ mìn phá
đá của họ.
Lo lắng không biết tình
trạng thương vong của các anh em dưới chân núi thế nào, đám người vội vàng ra
khỏi Bình Sơn, chạy sang sườn núi Bắc xem xét, quả nhiên thảm cảnh tử thương vô
cùng nặng nề, số người chết vì bị đá nghiền nát nhiều không kể xiết, lại thêm
vô số người toác đầu chảy máu, thương tích nặng nề, ngay đại quân phiệt hoành
hành khắp Tương Âm như La Lão Oai cũng thịt nát xương tan, bỏ mạng tại trận.
Tảng đá lớn trên miệng
bình theo triền dốc lăn xuống một khu rừng rậm rạp, cách sườn núi khá xa. Mặt
đất bị lõm thành một cái hố to, cây cối đất đá, máu thịt người ngựa trộn thành
một đống nát bấy. Những kẻ may mắn sống sót ai nấy mặt cắt không còn giọt máu,
thần sắc đờ đẫn, bị bợp tai mấy cái vẫn không có phản ứng gì.
Thấy tình hình này lão
Trần cơ hồ tuyệt vọng, thầm than một tiếng: “Trời hại ta rồi!” Cơ đồ bao năm
khổ tâm dốc sức giờ đã tan tành theo núi Bình Sơn. Thương vong mất mấy trăm
người chỉ là chuyện nhỏ, có điều đám phiến quân địa phương vốn là một đội quân
ô hợp, nay La Lão Oai chết đi, đội quân mấy vạn người trong tay hắn tất sẽ như
rắn mất đầu. Tương Âm lại chính là sào huyệt của phái Xả Lĩnh, hậu quả việc này
thực nghiêm trọng khó lường, thêm cả ba lần vào núi Bình Sơn, số người tử
thương lần sau nhiều hơn lần trước, uy danh thủ lĩnh Thường Thắng sơn giờ chẳng
còn gì nữa, nếu không đào thêm được mười cái mồ to mả lớn, e khó lòng lấy lại
danh dự.
“Tát cạn nước sông
Tương, khó rửa nỗi nhục này”, lão Trần chán nản vô cùng, cảm giác như sự
nghiệp, dã tâm đời mình từ nay tan tành mây khói, đúng sai thành bại thoắt cái
đã về không, nghĩ đến đây bi hoả công tâm, suýt chút nữa thổ ra cả máu.
Thuộc hạ vội dìu lão ra
một bên ngồi xuống, lần lượt khuyên giải: “Trần thủ lĩnh thần thông cái thế,
tuy chuyến này chúng ta thua một vố đau, nhưng nền móng của Thường Thắng sơn
chưa hề lung lay, sau này tất có lúc ngóc đầu trở dậy. Chẳng phải ngài từng
khuyên răng bọn tiểu nhân rằng thành bại binh gia không hẹn trước đó sao, La
soái tuy bỏ mạng chết thảm, nhưng cũng coi như oanh liệt bất khuất. Bậc anh
hùng hảo hán không chết thì thôi, đã chết là phải vì đại sự đại danh, chỉ cần
thủ lĩnh không mệnh hệ gì, chúng ta còn núi xanh lo gì không có củi đốt.”
Lão Trần thấy đám thuộc
hạ toàn nói những lời xằng bậy chẳng đâu vào đâu, đến nửa lời cũng không lọt lỗ
tai thì lòng càng ảo não, bèn xua tay bảo bọn họ tránh cả sang bên, chỉ để Gà
Gô ở lại với mình, đoạn thở dài nói: “Người anh em, chúng ta từ khi kết nghĩa
chưa từng phụ nhau, nay lòng ta đã quá loạn, thực không biết phải làm sao mới
tốt, chỉ có cậu mới có thể đưa ra chủ ý giúp ta mà thôi.”
Gà Gô là nhân vật cơ
mưu tuyệt đỉnh, anh ta hiểu rõ hoàn cảnh trước mắt của lão Trần, cái ghế thủ
lĩnh Xả Lĩnh e không ngồi vững nữa rồi, kế sách duy nhất bây giờ chỉ có cố gắng
sửa sai, còn nước còn tát, giang hồ hành sự xưa nay luôn ngược dòng quạt mái,
không tiến thì lùi, lại rất khó quay đầu.
Việc gấp trước mắt là
phải vỗ yên lòng quân, đề phòng lính của La Lão Oai thừa cơ làm loạn. Cuộc
chiến giành địa bàn giữaác phiến quân hiện nay rất khốc liệt, nếu không ổn định
được quân đội, một khi xảy ra việc đào ngũ hàng loạt, các phiến quân to nhỏ
xung quanh sẽ thừa nước đục thả câu, phái Xả Lĩnh về sau đừng hòng còn chỗ đứng
ở Tương Âm nữa.
Tiếp đến, vẫn phải tiến
vào mộ cổ Bình Sơn lần nữa. Nay mộ thất trên đỉnh núi đã theo một phần Bình Sơn
lăn vào rừng sâu, không biết quan quách minh khí bên trong có bị tổn hại gì
không, nhưng nếu không vét sạch ngôi mộ cổ này, lão Trần sẽ chẳng còn mặt mũi
nào nữa.
Gà Gô xung phong một
mình một súng vào rừng trộm mộ, còn lão Trần phải chỉ huy thuộc hạ thu thập tàn
binh, động viên thương binh, thu liệm người chết, đồng thời phái người trở về
Tương Âm ngay trong đêm, tìm nhân vật thứ hai trong đội quân của La Lão Oai,
dùng thủ đoạn để người này dốc lòng dốc sức vì Thường Thắng Sơn, mau chóng ổn
định lại cục diện.
Lão Trần nói: “Đây
chính là sách lược vẹn toàn nhất, có điều ngôi mộ cổ đó đã bị lộn ngược mất rồi,
để một mình cậu vào đó thực quá mạo hiểm, một bàn tay vỗ không lên tiếng, cần
cử thêm người tương trợ mới được.”
Gà Gô không muốn có
thêm người đi theo, thủ pháp của Ban Sơn không giống như Xả Lĩnh, xưa nay không
cần nhiều người, đối với Ban Sơn đạo nhân, người càng đông lại càng khó hành
động, tuy vậy anh ta cũng ngại từ chối lão Trần. Cuối cùng hai người bàn bạc,
nhất trí để Hồng cô nương và tay người Miêu dẫn đường đi theo Gà Gô, nếu gặp
nguy hiểm thì phóng hoả tiễn là ám hiệu, đám tàn quân ở đây sẽ lập tức tiếp ứng.
Hồng cô nương là cao
thủ trong Nguyệt Lương Môn, phá khoá mở quan đều tài giỏi hơn người, lại có
tuyệt kỹ phóng tiễn phi dao, không ham lợi danh như đám người Xả Lĩnh, thực sự
là trợ thủ đắc lực bên cạnh Gà Gô. Tay người Miêu kia tuy nhát như thỏ đế nhưng
là thổ dân bản địa, quen thuộc địa hình Lão Hùng Lĩnh cùng sự tích trong vùng,
xuyên rừng vượt núi đều không thể thiếu hắn. Tay này tham mấy lạng thuốc phiện
lão Trần thưởng thêm nên chẳng xá gì mạng sống, lập tức bằng lòng theo Ban Sơn đạo
nhân đi trộm mộ.
Sắp xếp xong xuôi đâu
đấy, ăn được chút lương khô thì trời đã sẩm tối. Gà Gô và Hồng cô nương đều
thay áo đi đêm màu đen, để tay dẫn đường vác theo một cái thang rết, ba người
mỗi người cõng theo một cái sọt, đựng gà Nộ Tinh và hai con gà trống khác, chờ
khi trăng vừa ló dạng, ánh sáng rõ như ban ngày thì lập tức khởi hành.
Mõm núi gãy ra đã văng
xuống đáy thung, dọc đường đè gãy biết bao cây cối, khắp nơi toàn máu thịt vung
vãi, không có lấy một tấc đất bằng phẳng mà đặt chân, ba người đành men theo
bìa rừng đi vòng vào trong. Ánh trăng đêm sáng vằng vặc, cả ba không cần thắp
đèn mà chỉ giữ đèn bão ở thắt lưng, xuyên qua rừng cây tĩnh mịch. Mới tiến vào
thung lũng không xa đã không còn nghe thấy tiếng đám người Xả Lĩnh thu gom thi
thể, chỉnh đốn hàng ngũ sau lưng nữa.
Ba người vừa đi vừa bàn
bạc về mộ cổ Bình Sơn, Hồng cô nương nhân cơ hội liền cảm ơn ơn cứu mạng của Gà
Gô, anh ta không mảy may để tâm, nói chỉ là việc nhỏ không đáng nhắc đến.
Hồng cô nương nói ơn
cứu mạng sao có thể coi như việc nhỏ, tuy cô ta tạm thời nương thân lánh nạn
chốn giang hồ, theo chân Trần thủ lĩnh đi làm những chuyện trái vương pháp,
nhưng vẫn không quên đạo làm người sống ở trên đời có ơn phải báo. Hôm nay Ban
Sơn đạo nhân cũng đã mất đi hai người, cô ta thấy Gà Gô hiện tại không còn trợ
thủ nào nữa, bèn nói nguyện từ nay rời khỏi Thường Thắng sơn, theo anh ta đi
khắp nơi đổ đấu, tuy là phận liễu yếu đào tơ nhưng nhất định không quản an
nguy, hết lòng phò trợ.
Gà Gô là người tinh ý,
nghe Hồng cô nương nói vậy thì biết ngay cô nàng có ý lấy thân đáp đền, đành
nói thẳng tránh sau này tình cảm mắc míu lại sinh ra lắm phiền phức, rằng Ban
Sơn đạo nhân tuy vẫn có thể kết hôn với người ngoài, nhưng vì trong gia tộc đã
có lời nguyền nên những người này đều rất đoản mệnh.
Hồng cô nương thấy đối
phương biết tỏng ý tứ của mình thì nóng bừng cả mặt mày, may là dưới ánh trăng
nên nhìn không rõ, gã người Miêu ngoài cuộc không phát hiện ra. Cô ta vội nói
lảng sang chuyện khác, tuy không bận tâm tới thành bại được mất trên đời, nhưng
nói về mệnh khổ, Nguyệt Lương Môn xưa nay vốn là tầng lớp dưới đáy xã hội, phải
chịu mọi áp bức bóc lột, kẻ đoản mệnh đâu ít hơn Ban Sơn đạo nhân chịu lời
nguyền. Sư muội của Hồng cô nương là Hắc nha đầu mới mười sáu tuổi đã phải mất
mạng, già trẻ lớn bé trong nhà tổng cộng bảy mạng người đều bị quan phủ hại
chết, nói đến đây cô ta lại không cầm nổi nước mắt.
Gà Gô không muốn bàn
chuyện thế thái nhân tình, nhắc đến lại khiến người ta thêm ngán ngẩm, chỉ thấy
Hồng cô nương nói có sư muội tên Hắc nha đầu, phái Nguyệt Lương Môn này thật kỳ
lạ, toàn lấy màu sắc làm tên. Nghĩa trang Lão Hùng Lĩnh cạnh núi Bình Sơn trước
kia vốn là “Miếu Bà Bà”, thờ phụng Bạch Lão thái thái, chả nhẽ con hồ ly già đó
cũng là người của Nguyệt Lương Môn? Hèn nào nó cũng biết dùng yêu thuật.
Vừa đi vừa nói chuyện
đã sắp tới canh ba, trăng đã lên cao, sương khói bủa vây tứ phía, vẫn là thứ
yêu khí bảng lảng chốn rừng sâu. Gà Gô bảo hai người Hồng cô nương và tay người
Miêu tạm dừng chân, còn mình trèo lên một cây đại thụ, phóng tầm mắt quan sát
xung quanh, xác định nơi tảng đá lớn lăn tới đang chìm trong một màn sương mỏng
quái dị, xong xuôi liền tụt xuống, hỏi cặn kẽ tay người Miêu về địa hình sau
núi.
Tay Động Di vồn vã trả
lời: “Nói để ông anh mộc công biết, sau núi này chỉ toàn rừng thôi, hoang vu
không có lấy một bóng người, bốn bề là cột đá nhũ đá tự nhiên, Động dân chúng
tôi gọi là thẻ đá. Rừng thẻ đá đó chính là thung lũng Nộ Tinh có hình dáng như
phượng hoàng sải cánh bay, nơi sâu nhất nghe nói năm xưa vốn là động tổ của bảy
mươi hai động ngày nay, đến giờ hình như vẫn còn vài di tích tượng đá huyền
điểu, hắc hùng[32], hoang phế đã lâu nên cũng chẳng ai coi trọng nữa.” Ấn tượng
ban đầu của hắn về Gà Gô đến giờ vẫn không đổi, cứ ngỡ người này là thợ buộc
lầu do lão Trần mời tới giúp việc trộm mộ, Động dân bản địa vốn vô cùng kính
trọng cánh mộc công buộc lầu nên cứ gọi Gà Gô là mộc công.
Gà Gô gật đầu, thầm
nghĩ mộ cổ Bình Sơn quả nhiên dùng phép Yếm thắng, lấy âm khí huyệt mộ trên
không để trấn áp khí lành của động tổ người Di. Phương pháp này của người
Nguyên không hề hiếm thấy, sau khi Nguyên diệt Nam Tống, tổng quản Phật giáo ở
Giang Nam Dương Liễn Chân Già từng đào xới tất cả Hoàng lăng của triều Nam Tống
ra băm vằm, trộn lẫn với xương cốt của loài súc sinh chó lợn rồi chôn xuống một
cái hố to, bên trên xây một toà tháp Trấn Nam, dùng để trấn áp long khí người
phương nam, cách làm này chính là phép Yếm thắng điển hình. Lại nghĩ: “Động tổ
của người Di không biết có trò trống gì thực không, cứ nhìn sương trong rừng
mãi không tan thế này có thể thấy đây cũng chẳng phải nơi tốt lành, không thể
không đề phòng.”
Nghĩ đến đây, anh ta
liền bảo Hồng cô nương và tay người Miêu bước chân khẽ thôi, tìm nơi bóng cây
ánh trăng không soi tới mà đi. Lúc này bỗng nghe có tiếng khóc vang lên từ bốn
bề rừng sâu. Tiếng khóc nức nở nghẹn ngào nghe vô cùng thống thiết, hệt như
tiếng khóc bên linh cữu người chết lúc đưa ma, vang lên giữa rừng sâu trong đêm
khuya thanh vắng lại càng thê lương, khiến người ta nghe mà sởn da gà.
Tay người Miêu biết rõ
trong núi không hề có người sinh sống, sao có thể có nhiều tiếng khóc vang lên
cùng lúc như vậy, bụng bảo dạ lẽ nào là oan hồn tiền nhân trong động tổ hiện về
kể khổ trong đêm? Nghĩ đến đây hắn liền run như cầy sấy, tóc tai dựng ngược cả
lên, chân nhũn ra như giẫm phải ruột bông, chỉ chực ngồi bệt xuống đất.
Gà Gô vội giơ tay tóm
lấy gáy áo, không để hắn ngồi phệt xuống đất phát ra tiếng động, đồng thời ra
hiệu cho hai người kia im lặng, lấy mảnh lụa đen bịt kín mũi mồm che giấu hơi
thở người sống, đoạn rút khẩu súng Đức lên đạn, sẵn sàng tư thế chiến đấu. Anh
ta làm dấu chỉ hướng cho Hồng cô nương và gã người Miêu, ý bảo hai người theo
sát phía sau, còn mình nhón chân đi trước lần theo tiếng khóc lóc thảm thiết
vọng lại từ rừng sâu.
Chương 38 : Vượn Trắng
Gà Gô mặc quần áo đi
đêm, dẫn theo Hồng cô nương và anh chàng người Miêu, ba người lần mò theo tiếng
khóc… dẫn bước tiến vào bóng đêm phía trước. Nơi phát ra tiếng khóc trùng hợp
thay lại chính là chỗ tảng đá lớn rơi xuống, càng tới gần, tiếng khóc nức nở nghe
càng rõ hơn thống thiết hỗn loạn, giống như một đám người đang cất tiếng ai oán
khóc thương. Tiếng khóc theo gió vang vọng trong rừng sâu, tuyệt đối không phải
là âm thanh do gió động rừng lay tạo ra.
Gà Gô thấy giữa đêm
khuya tự nhiên có âm thanh lạ lùng như vậy thì đâu phải chuyện thường. Anh ta
thầm lấy làm kinh ngạc bèn vậnh hết tinh lực, nín thở bước lên phía trước mấy
chục bước, thấy trước mắt hiện ra một rừng cổ thụ um tùm rậm rạp, âm thanh quỷ
khóc thần sầu đang phát ra từ đó, trong rừng ánh trăng mờ ảo, yêu khí bức người.
Gã dẫn đường người Miêu
thấy cảnh tượng như vậy thì sợ hết hồn hết vía, hắn biết không được lên tiếng
lúc này, liền ra hiệu bằng tay với Gà Gô và Hồng cô nương , ý bảo đừng tiến lên
trước nữa. Đêm hôm khuya khoắt trong rừng sâu làm gì có người, chắc chắn là ác
quỷ trong mộ cổ Bình Sơn thấy huyệt mộ bị phá hủy, âm hồn không siêu thoát, cứ
lảng vảng quanh đây, ba người chúng ta có ăn phải gan hùm mật gấu cũng chớ lại
gần đấy.
Gà Gô đâu thèm để ý đến
tay người Miêu, thấy bóng cây kín mít che khuất cả ánh trăng đi sâu vào rừng
lúc này chắc không ổn, bèn túm lấy cổ áo gã người Miêu, chỉ lên ngọn cây ra
hiệu cho Hồng cô nương, rồi lập tức kéo gã dẫn đường trèo lên một gốc cây to,
nhờ chạc cây to khỏe nên ngọn cây đầu cành đều chịu được trọng lượng không nhỏ.
Trong ba người, tay
người Miếu vốn là dân bản địa đã quen trèo cây băng rừng, Hồng cô nương và Gà
Gô thân thủ lại càng nhanh nhẹn phi phàm, bọn họ trèo lên tán cây không phát ra
tiếng động nào, đoạn thu mình nấp trong đám cành lá, từ trên cao lặng lẽ quan
sát động tĩnh bên dưới trong ánh trăng mờ ảo.
Dưới ánh trăng, họ thấy
sau cánh rừng chính là phần ngọn trên của núi Bình Sơn đã nứt lìa, nằm im lìm
đen thui trên mặt đất như một con quái vật khổng lồ đang say ngủ. Mỏm núi đã bị
nứt ra thành vô số khe to kẽ nhỏ, với rất nhiều đá vụn vỡ nát bên trong, phần
lõi đá phơi bày hết ra ngoài, có điều bọn họ ở quá xa không nhìn rõ được.
Ngay trước tảng đá là
ngói vụn và các loại minh khí rơi đầy trên mặt đất, vàng bạc đồng ngọc có cả,
hẳn do một thất phải chịu xung lực quá mạnh nên gạch đá minh khí bên trong đều
vỡ hết. Trên mặt đất còn có một cố quách tử kim to lớn khác thường nằm nghiêng
ngả, trông vô cùng xa hoa lộng lẫy, xung quanh phủ tráp ngọc áo châu, áo châu ở
đây chính là tấm vải đính trân châu, trên thân quách khảm đầy ngọc bích.
Tiếc thay cỗ quách tử
kim đã vỡ, châu ngọc bên trên nát vụn văng tung tóe khắp mặt đất, trong quách
là một chiếc quan tài quét sơn, làm bằng gỗ lim ánh vàng, nắp áo quan đã bị bật
tung, chỉ còn một tấm ván thất tinh đậy hờ bên trên. Tấm ván này được làm bằng
gỗ sam, kích thước vừa vặn đặt lọt thỏm trong lòng áo quan, được thiết kế nằm
dưới nắp quan tài, bên trên đục bảy cái lỗ tròn to bằng đồng xu, có một cái
rãnh được khoét để nối liền bảy cái lỗi với nhau, nên gọi là ván thất tinh,
phong tục này xuất hiện vào thời Tùy Đường.
Tấm ván thất tinh che
hờ lòng quan tài, bên trong tối om không trông thấy gì,hài cốt của viên tường
Nguyên kia không rõ đã ra sao, chỉ nghe tiếng khóc ai oán vẫn từ trong rừng
vọng lại. Lúc này trong rừng sâu, sương đêm đã giăng dày đặc giữa những gốc
cây, ánh trăng cũng bị mây che khuất, bốn bề đều mờ mờ ảo ảo. Ba người Gà Gô
nấp trên ngọn cây, tuy nghe thấy tiếng khóc từ bốn phương tám hướng nhưng vẫn
không cách nào phân biệt được âm thanh thảm thiết đó xuất phát từ đâu, chỉ đành
kiên trì bám trụ, im lặng chờ đợi, hạ thấp nòng súng, mở to cặp mắt cú, chăm
chú quan sát động tĩnh dưới gốc cây.
Đang trong lúc nín thở
quan sát, Hồng cô nương đột nhiên kéo nhẹ ống tay áo Gà Gô, giơ tay trỏ cỗ quách
tử kim, ra hiệu từ chỗ cô ta có thể nhìn thấy điều bất thường dưới đáy quách.
Gà Gô nhẹ nhàng di chuyển trên ngọn cây, đổi vị trí, vừa căng mắt ra nhìn đã
thấy chột dạ: “Cái gì thế kia?”
Thì ra dưới đáy quách
đăng mắc một cánh tay người trắng ởn, cánh tay đó to khỏe thô kệch, năm móng
tay dài tới mấy tấc, lông trắng mọc dài tua tủa, thò ra một nửa từ đáy quách,
im lìm bất động.
Cương thi có hiện tượng
thi biến, bỗng chốc mọc lông khắp người xưa nay được gọi là “hung”, đây cũng là
cách gọi khác của xác biết đi, thường nghe có hắc hung, bạch hung và phi mao
sát. Nhưng vào thời Dân Quốc, lý luận khoa học đã tiến bộ hơn nhiều so với thời
kỳ phong kiến, nên đến Gà Gô cũng biết thi biến mọc lông chỉ là do tác dụng của
nấm mốc.
Quan quách đóng kín cả
trăm ngàn năm, chỉ cần bên trong không có không khí lưu thông, cổ thây ngàn năm
sau khai quan ra vẫn hệt như khi còn sống, nhưng tiếp xúc với không khí rồi,
cương thi nhất định sẽ biến đổi trong chớp mắt, sự biến đổi này có liên quan
tới vật liệu làm quan quách, cũng như minh khí giấu trong xác chết.
Nếu trong áo quan phủ
một lớp vôi xác hay thủy ngân chống ẩm, thi thể ắt sẽ thành xác khô, không bị
sinh nấm mốc. Còn nếu cổ thây được ngậm châu ngọc, nút chặt cửu khiếu[33], được
bảo quản đúng cách, khi khai quan đã phần đều là xác ướt, bởi tất cả lượng nước
trong thi thể vẫn được giữ lại nguyên vẹn, thậm chí cả tóc và móng tay vẫn tiếp
tục mọc dài ra trong quan tài suốt trăm năm. Khi tiếp xúc với không khí, lượng
nước trong xác chết nhanh chóng tiêu tan, nếu đột ngột tiếp xúc với luồng điện
hay sinh vật sống, quá trình sinh nấm càng được thúc đẩy nhanh hơn, thi mao màu
trắng xám sẽ nhanh chóng mọc dài, hiện tượng quỷ nhập tràng hay xác chết biết
đi đều từ đó mà ra.
Đối với thủ lĩnh Ban
Sơn chuyên nghề trộm mộ như Gà Gô, từ hiện tượng thi biến hay quỷ nhập tràng
đến những chuyện kỳ quái như xác chết biết đi vồ người đều là bình thường, anh
ta đã gặp qua không biết bao nhiêu lần nền chẳng lấy gì làm lạ. Nhưng thấy dưới
cỗ tử kim quách nạm châu khảm ngọc kia kẹt cứng một cương thi thì không khỏi
lấy làm cổ quái, đỉnh núi Bình Sơn sụp xuống bao bọc mộ thất trong lòng núi, cỗ
quách này văng ra từ đó, vừa hay lại ngửa lên trời, lẽ nào bộ quan liền quách
này lại không chắc chắn đến nỗi lòi cả cổ thây bên trong ra ngoài? Hay là trong
rừng vốn đa có cương thi ẩn mình, nay cỗ tử kim quách rơi trúng, đè cứng dưới
áo quan?
Mộ thất này xây trong
đỉnh núi, treo lơ lửng giữa trời cao do núi sập đất lở nên quan quách trong mộ
mới văng vào rừng rậm, tình huốn này xưa nay e rằng chưa từng có dân trộm mộ
nào gặp phải, nên đương nhiên Gà Gô cũng không có kinh nghiệm, trong rừng yêu
khí nặng nề, chưa nấm được tình hình cụ thể, anh ta không dám manh động.
Tay người Miêu thấy Gà
Gô và Hồng cô nương đều dán mắt vào cỗ quách tử kim, không biết hai người đang
nhìn gì, bèn nhanh tay bám chạc cây đu qua, dụi mắt nhìn kỹ, thấy dưới đáy áo
quan là một cương thi khắp người mọc toàn lông trắng, gã bất giác túa mồ hôi
lạnh.
Cổ nhân có câu: “Con
nít miệng hôi sữa, đâu dám nghe tiếng sấm vang chớp giật? Kẻ tiều phu ốm yếu,
sao dám hóng tiếng hổ gầm rồng rít?” Nười sống nơi hoang sơ hẻo lánh là đám
người mê tín nhất, nỗi sợ hồ ly cương thi đã ăn vào máu tủy, tay người Miêu vừa
nhìn thấy cương thi liền tái xám mặt mày, nằm rạp trên ngọn cây run lên bần
bật, chỉ hơn mỗi tượng gỗ phỗng đất là còn biết run.
Hồng cô nương bên cạnh
thấy tên man di sợ đến nỗi tứ chi tê liệt, dễ thường tuột tay cắm đầu xuống đất
như chơi, bèn vội vàng túm lấy lưng hắn. Lúc này tiếng khóc lóc trong rừng đã
gần tụ lại, giữa những vạt cây nháo nhác bóng người, va quệt vào cành lá phát
ra tiếng lào xào.
Thấy nhân vật chính đã
xuất hiện, Gà Gô khẽ xua tay vơi Hồng cô nương và gã người Miêu, ra hiệu:
“Không được gây ra bất kỳ tiếng động nào kẻo đánh rắn động cỏ, trước mắt hẵng
cứ lo ẩn nấp, nhìn rõ đầu đuôi sự tình rồi hẵng tính.” Tay anh ta còn chưa hạ
xuống, bên dưới đã có một đám những bóng đen loi nhoi nhảy tới.
Lúc này sương đêm đã
tan bớt, mặt trăng nó ra nửa chừng sau những đám mây, chỉ thấy trong rừng xuất
hiện một bầy vượn, già trẻ lớn bé lên tới trăm con, thậm chí có cả những con
non đỏ hỏn mới đẻ cũng được vượn mẹ bế theo. Bầy vượn khóc lóc chạy đến, cách
cỗ quách tử kim chừng mười mấy bước thì dừng cả lại, có vẻ vô cùng sợ hãi trước
cỗ quách vỡ, không dám mon men tới gần nửa bướ cứ đứng xung quanh gãi đầu gãi
tai, ôm mặt khóc, nhảy nhót không yên lấy một phút
Gà Gô và Hồng cô nương
thấy bầy vượn giống như người ùa vệ hộ tang, không khỏi lấy làm kinh hãi, Gà Gô
chột dạ nghĩ: “Hay là cỗ quách kia đè chết một con vượn già lông trắng?” ý nghĩ
vừa lóe lên trong óc, anh ta lại nhìn kỹ cánh tay dưới cỗ quách tử kim, quả
nhiên dài hơn tay người thường, địch thị là cánh tay vượn, có vẻ một con vượn
trong rừng đã bất ngờ gặp phải tai bay vạ gió, chết thảm dưới cỗ áo quan.
Nghe nói muôn loài sinh
linh sống trên đời đều có số kẻ nào sống lâu tất bị trời tru đất diệt, nếu may
mắn tránh khỏi trùng trùng kiếp nạn mới có thể thoát khỏi nỗi thống khổ của
luân hồi, đi vào cõi tiên trường sinh bất lão. Con vượn trắng này nhanh hơn một
bước, hay chậm hơn một bước đều sẽ không bị cỗ quách tử kim từ trên trời rơi
trúng, nếu không phải số kiếp thì sao đến nỗi chết oan thế này?
Gà Gô nhất thời cũng
không chắc mình đoán trúng hay không, đành tiếp tục dõi theo động tĩnh của bầy
vượn. Chúng đang vây quanh cỗ quách, khóc than thảm thiết, như muốn nhấc cỗ
quan lên để khiêng thi thể con vượn trắng ra nhìn lần cuối, nhưng lại có vẻ sợ
hãi thứ gì đó, vừa hò nhau tiến lên nửa bước lại kêu choe chóe như có lửa đốt
đít, nhảy thụt về sau.
Ba người ở trên cây
nhìn rõ mồn một, không ai biết vì sao bầy vượn lại sợ cỗ quách tử kim đến vậy,
chả nhẽ chúng cũng biết cái bánh tông trong áo quan vô cùng lợi hại? Có câu:
“Bánh tông Thần Châu, quỷ Liễu Châu”, trong số những sản vật địa phương nổi
danh nhất vùng Thần Châu Tương Tây, ngoài chu sa được gọi là Thần Châu Sa và
Miêu khí Thần Châu, còn phải kể đến cương thi. Nơi đây có tập quán hành cương
tống xác lâu đời, truyền thuyết thi biến cũng nhiều hơn cả, nên vào núi Bình
Sơn Tương Tây gặp phải thi biến cũng không có gì là lạ, e rằng ngay cả vượn vọp
trên núi cũng biết không được tùy tiện chạm vào cổ thây.
Gà người Miêu kia sợ hồ
ly cương thi chứ không sợ vượn, bởi lưu vực sông Mãnh Động thường xuất hiện
vượn hoang kéo bầy, ở Lão Hùng Lĩnh cũng có Bạch Hầu động xa gần nức tiếng, đám
vượn này là một trong những kẻ thù của thương nhân qua lại nơi núi sâu rừng thẳm.
Chúng biết người qua đường trên người lúc nào cũng có rượu nước lương khô, bèn
nấp trong rừng cây rậm lây đá chọi người, sau đó cướp lấy thức ăn, nên dân bản
địa dẫn đường cho thương khách qua đây đều biết hát “vượn ca”, xua đuổi bầy
vượn quấy nhiễu.
Gà Gô rất giỏi khẩu kỹ,
cũng biết hát “vượn ca, vượn tán” đuổi vượn, có điều lúc này bầy vượn đông
nhung nhúc vây quanh cỗ quách tử kim nhảy nhót khóc thương, hành động rất khác
thường, trước khi biết rõ đầu đuôi sự tình thì không nên động thủ, anh ta bèn
ra hiệu cho hai người đồng hành cứ ở trên cây quan sát, không được làm kinh
động bầy vượn.
Lúc này trong hang trăm
con vượn nhốn nháo vòng quanh cỗ quách, có một con nom nhanh nhẹn nhìn xa trông
rộng, đi đi lại lại mấy vòng liền ngồi thụp xuống, nhặt đá chọi thẳng vào áo
quan, lũ vượn còn lại lũ lượt học theo, hang trăm hòn đá rào rào như mưa rơi
xuống cỗ quách tử kim, nhưng bên trong quách vẫn yên lặng như tờ, không chút
động tĩnh.
Gà Gô nhủ thầm: “Lũ
vượn này khôn thật, còn biết ném đá dò đường, không biết chúng rốt cuộc định
làm gì, mình cứ yên lặng theo dõi xem sao.” Đoạn lại nghĩ: “Cỗ quách bị trận
mưa đá tấn công tới tấp vẫn không có động tĩnh gì, xem ra lũ vượn phải tới gần
thôi…”
Vừa nghĩ đến đó, quả
nhiên thấy mấy con vượn to gan nhanh nhẹn chui ra khỏi bầy, một con trong số đó
có vẻ hơi sợ sệt, giữa chừng muốn quay đầu bỏ chạy, liền bị một con vượn đực
vừa cào vừa cắn đuổi ra. Năm sáu con vượn rón rén lại gần cỗ quách tử kim nặng
nề âm khí, không thôi gãi đầu gãi tai kêu chí chách, rõ ràng vừa sợ vừa sốt
ruột, chỉ muốn lập tức khiêng cỗ quách sang bên nhưng lại e thứ ghê gớm bên
trong đột nhiên xuất hiện, cứ thấp thà thập thò, mãi mới thu hết can đảm tiến
lên phía trước song vẫn cảnh giác nhìn quanh, chỉ cần thấy gió động cỏ lay là
lập tức cong đuôi bỏ chạy.
Đúng lúc ấy, cánh tay
con vượn trắng bị đè dưới cỗ áo quan đột nhiên động đậy, không biết là hoàn
dương hay bị quỷ nhập tràng, khiến mấy con vượn đứng gần sợ đến long tóc dựng
đứng, nhảy lên tưng tưng rồi phóng tót về phía bầy vượn. Những con còn lại cũng
sợ hãi không kém, lập tức bỏ chạy tán loạn.
Nhưng chỉ lát sau,
chúng lại từ đằng xa thò đầu thò cổ nhìn về chỗ áo quan, chí chóe ầm ĩ một hồi
mới vây quanh cỗ quách tử kim lần nữa. Gà Gô đứng ngoài quan sát, cũng thấy sốt
ruột thay cho lũ vượn. Bầy vượn sau phút hoảng sợ đã dần trấn tĩnh lại, phát
hiện ra con vượn trắng bị đè dưới cỗ quách hình như vẫn còn sống thì nhảy tưng
tưng trong bụi cây tỏ vẻ vui mừng.
Tức thì có mấy con vượn
cong đuôi mò tới, thò tay sờ sẫm vào cỗ áo quan như muốn khiêng nó đi, khổ nỗi
không biết bắt đầu từ đâu, nên cứ nhảy tới nhảy lui. Một con vượn già cụt đuôi,
dáng vẻ to cao, có vẻ cam đảm nhất bọn, sau mấy lần xem xét thấy bên trong áo
quan không có gì bất thường bèn tung người nhảy lên tấm ván thất tinh, định lôi
tấm gỗ ấy ra.
Đúng lúc đó, một làn
khí đen bỗng trồi lên từ trong áo quan, một cỗ cổ thây ngồi bật dậy. Cương thi
này cao to vạm vỡ, mặt đỏ tía như gan bò, đầu không đội mũ, tóc tai rũ rượi,
dáng vẻ vô cùng quyền quý. Xác chết bật dậy nhanh như điện, con vượn cụt đuôi
chưa kịp phản ứng đã bị cương thi lôi tuột vào trong áo quan, kêu ré lên thảm
thiết. Cỗ quách tử kim vừa sâu vừa tối, từ trên cây nhìn xuống không thấy được
tình hình bên trong, chỉ nghe con vượn cụt đuôi đang ré lên thất thanh đột
nhiên im bặt, bên trong cỗ quách lại lặng như tờ.
Chương 39 : Khều Xác
Cảnh con vượn cụt đuôi
bị cương thi lôi vào áo quan nhanh tới mức bọn Gà Gô trên cây chưa kịp nhìn rõ,
chỉ thấy trước mắt nhoáng lên một cái, liền sau đó đã nghe tiếng kêu thê thảm
của con vượn đang hấp hối vọng ra từ cỗ quách tử kim. Gà Gô lo tay người Miêu
sợ quá sẽ bật lên thành tiếng, vội lấy tay bịt ngay mồm hắn lại.
Trong rừng, bầy vượn
cũng sợ hãi chết sững tại chỗ, mắt nhìn chòng chọc vào cỗ quách tử kim, tròng
mắt như sắp lồi cả ra ngoài, mãi đến lúc tiếng kêu xé ruột xé gan của con vượn
cụt đuôi im bặt, cả bầy như mới sực tỉnh, cây đổ thì khỉ tan đàn, cả lũ kêu la
ầm ĩ bỏ chạy tán loạn vào rừng, thoáng cái đã không thấy bóng dáng con nào nữa.
Khu rừng sâu trở lại tĩnh lặng như lúc ban đầu, chẳng còn sót nổi nửa cọng lông
vượn.
Hồng cô nương thấy có
thi biến, vội vớ lấy cây phi đao bôi máu chó mực, chuẩn bị phóng ra. Gà Gô khẽ
xua tay ý bảo đừng vội manh động, cương thi quý tộc đời Nguyên kia rất lợi hại,
nhìn ngoại hình có lẽ là người Sắc Mục Tây Vực. Nhà Nguyên vốn duy trì chế độ
đa sắc tộc, có người Sắc Mục là tướng cũng không có gì lạ, vị đại tướng thống
binh thảo phạt bảy mươi hai động ở Lão Hùng Lĩnh có lẽ chính là người này.
Phong tục tuẫn táng người sống rất thịnh vào thời Nguyên, cái xác khô khoác bộ
áo giáp gặp phải trong mộ lúc trước có lẽ là võ sĩ bồi táng. Thiên tử được tuẫn
táng hàng trăm người, vương công được tuẫn táng hàng chục người, đại tướng
thốnginh tuân táng theo vài tùy tùng thân cận canh cửa trong mộ đạo, theo quan
niệm xã hội lúc bấy giờ cũng chẳng lấy gì làm tàn khốc hay xa xỉ.
Nhưng nền văn hóa Tây
Vực có bối cảnh rất đặc biệt, tập tục an táng cũng khác xa quy củ truyền thống,
quan quách, mộ huyệt, minh khí cũng như phương pháp bảo quản thi hài, dưới mắt
nhìn thời đó đều nhuốm màu thần bí. Ban Sơn đạo nhân từ núi Song Hắc sa mạc Tây
Vực tiến vào Trung Nguyên đã hàng ngàn năm, hiểu biết về phương pháp an táng
Tây Vực bắt đầu nổi lên từ thời nhà Hán có phần hạn chế, Gà Gô cũng không dám
chắc ngọn nguồn về việc thi biến trong cỗ quách khổng lồ Bình Sơn, chỉ đành
kiên nhẫn, tiếp tục nấp trên cây quan sát tình hình.
Trong khu rừng im lìm
chết chóc, chỉ có tiếng rột roạt phát ra từ cỗ áo quan, như thể cương thi bên
trong đang gặm xác con vượn cụt đuôi, tay người Miêu nghe mà muốn nghẹt thở,
chợt thấy trên cổ lạnh ngắt trơn trượt. Gã còn tưởng rằng Gà Gô sợ mình rơi
xuống gốc cây nên buộc dây vào cổ, vừa kinh hoàng đưa tay lên sờ, vừa thì thầm
hỏi: “Ông anh mộc công, đừng thít nữa, để tôi thở với chứ…”
Nói chưa hết câu, gã đã
phát hiện ra thứ trên cổ chẳng phải dây nhợ gì, vội hoảng hốt túm lấy giơ ra
trước mặt nhìn, thì ra là một con rắn bách hoa cực độc, đang phì phì lưỡi chực
mổ tới, tay người Miêu kia thất kinh, hồn phách lên mây, vội lấy hết sức bình
sinh, quăng mạnh con rắn ra xa, khổ nỗi cành cây bên dưới chịu không nổi anh ta
làm tình làm tội như thế, tức thì gây đánh rắc một cái, cả người lẫn cành rơi
tọt xuống dưới.
Gà Gô và Hồng cô nương
đang chú tâm vào cỗ áo quan không để ý thấy tay người Miêu gặp bất trắc, gà Gô
tuy thân thủ nhanh nhẹn, nhưng đến khi phát hiện cành cây bị gẫy cũng đã chậm
nửa bước. Cây đại thụ này cao đến vài trượng, anh ta lo tay người Miêu từ trên
cây ngã xuống không chết cũng bị thương, trong lúc mạng người nguy cấp, chẳng
kịp màng đến chuyện ẩn mình nữa, vội treo ngược người, chân đạp cành cây hai
tay dang rộng, thả người rơi xuống như con dơi, chậm chân mà đến trước, giữa
chừng túm được cổ áo tay người Miêu.
Từ trên cao thế này rơi
xuống, cho dù Gà Gô cũng không tránh khỏi bị thương, may mà cây cối um tùm, dây
leo đan kín, nên cả hai chưa kịp chạm đất đã mắc lại trên một bụi dây leo già,
bấy giờ Gà Gô mới thả tay người Miêu ra, từ trên cây tụt cuống, hai người họ
đứng ngay trước cỗ quách tử kim.
Lúc này Hồng cô nương
cũng từ trên cây tụt xuống, nghe tiếng ken két từ trong áo quan phát ra không
ngừng, cứ như cương thi bên trong sắp sửa nhảy ra bắt người, không khỏi nhíu
mày rùng mình, hỏi Gà Gô: “Xử lý thế nào đây? Hay phóng hỏa đốt!”
Gà Gô vốn định ẩn mình
trong tối quan sát đầu đuôi, nhưng giờ đã đứng trước quan tài, đành lập tức
động thủ. Có điều dân trộm mộ xưa nay rất kỵ chưa kiểm tra áo quan đã phóng hỏa
thiêu rụi, một khi ngọn lửa bùng lên, tất cả minh khí bên trong coi như hết,
đang trông mong tìm được đơn châu, sao có thể tùy tiện phóng hỏa? Anh ta liền
bảo Hồng cô nương: “Đừng phóng hỏa, hãy dùng thang rết khều cương thi ra trước,
sau đó hẵng tính.”
Nói xong liền quay đi
lôi thang rết tới giao cho gã người Miêu cùng Hồng cô nương nắm chắc thang rết
trong tay, song song chọc vào trong áo quan, bất kể móc phải thứ gì đều vận hết
sức lôi ra, còn anh ta đứng bên canh chừng, tay đặt sãn trên cò súng.
Gã người Miêu gặp rắn
ngã từ trên cây xuống, trong lòng hoảng loạn, bắt đầu có ý bỏ trốn, nhưng thấy
khẩu súng Đức trong tay Gà Gô thì hiểu rõ, bỏ chạy lúc này tất ăn cả băng đạn.
Trời sinh ra gã là kẻ nhát gan, mây năm gần đây thấy bao chuyện phiến quân thổ
phỉ tàn sát nhân mạng, nên còn sợ bọn phiến quân trong tay có súng hơn cả ác
quỷ cương thi, hễ nhìn thấy nòng súng đen ngòm, bắp chân liền nhũn ra, có thêm
mấy lá gan cũng không dám bỏ chạy nửa bước, đành phải lên gân lên cốt giúp Hồng
cô nương khiên thang rết chọc vào trong cỗ quách tử kim.
Trước tiên hai người họ
dùng thang rết hất tung tấm ván thất tinh che hờ bên trên áo quan, rồi hạ thấp
đầu thang giống như đuôi rồng khuấy nước, khoắng một lượt bên trong, thấy nằng
nặng tay, liền biết đã móc được vào thứ gì đó. Hồng cô nương liếc nhìn Gà Gô,
thấy anh ta đang trong tư thế sẵn sàng, bèn đưa mắt ra hiệu cho người Miêu,
đoạn dồn sức vào hai tay, hất thang rết lên.
Cả Hồng cô nương và gã
người Miêu đều cảm thấy thang bỗng nặng khác thường, liền dồn hết sức nhấc lên,
không ngờ lại lôi ra một đống tròn tròn. Lúc này ánh trăng lạnh lẽo trải dài
trên đất, ba người đứng gần đều nhìn thấy rõ mồn một, chiếc lưỡi câu bọc đồng
trên đầu thang rết móc trúng mồm con vượn cụt đuôi đã chết, cái mồm con vượn bị
móc đến toác ra, khuôn mặt không chút sinh khí ngửa thẳng lên trời, để cho lưỡi
câu lôi ra khỏi áo quan như câu cá.
Gà Gô đã quen với việc
sinh tử, trong mắt anh ta xác chết ở trong trạng thái kinh khủng thế nào cũng
chỉ như đồ bằng đất nặn, khi chưa cần thiết, quyết không dùng thủ đoạn tàn khốc
với cổ thây. Anh ta cho rằng chỉ khi hiểu đúng sự uy nghiêm của cái chết mới có
thể hết lần này đến lần khác tránh khỏi tiếng gọi của Tử thần. Trước mắt dùng
thang rết khều xác chỉ là bất đắc dĩ, bởi chẳng ai biết cương thi trong áo quan
sẽ phát tác thế nào, thấy cái xác vượn được lôi ra ngoài, anh ta vẫn trơn mắt
đứng yên bên cạnh quan sát, toàn thân thu liễm chờ đợi, chuẩn bị sãn sàng ứng
phó với mọi biến cố xảy ra.
Hồng cô nương thấy cái
xác vượn dữ dằn khủng khiếp như vậy, cô ta dù sao cũng không phải dân dổ đấu
chuyên nghiệp, không khỏi sợ đến dựng tóc gáy, không dám nhìn thẳng vào mặt nó,
chỉ biết đánh bạo hợp sức với tay người Miêu lúc này cũng đang run như cầy sấy,
từ từ nhấc thang rết lên.
Thứ được lôi ra từ
trong áo quan không chỉ có mỗi cái xác vượn lông mọc tua tủa, xác con vượn cụt
đuôi dính chặt với cỗ cương thi trong quan tài, đầu cương thi rúc vào cổ vượn,
tựa như đang ngoác miệng ngoạm chặt không buông, thang tre lôi được xác con
vượn nên cũng lôi luôn cương thi ra ngoài.
Một mình con vượn cụt
đuôi kia thì bọn họ còn cố được, chứ cỗ cương thi đời Nguyên to lớn kềnh càng,
quá sức nặng nề, có lẽ bên trong được đổ đầy thủy ngân chống thỗi rữa, tóm lại
Hồng cô nương và gã người Miêu trán đẫ lấm tấm mồ hôi, cố nâng thang tre lên
mấy lần liên tiếp mà cặp thi thể một vượn một người cứ như mọc rễ trong quan,
không thể chốc nhát mà khều ra được.
Sở dĩ Gà Gô bảo họ đứng
từ xa dùng thang rết khều cương thi ra khỏi áo quan là vì anh ta sợ đứng gần cỗ
quách tử kim trong tình trạng ván nắp đã mở toang thế kia, nếu chẳng may cương
thi đột ngột bật dậy, anh ta sẽ trở tay không kịp, cách xa một chút mới đủ thời
gian ứng phó. Không ngờ hai cái xác bị thang tre lôi lên mới được vài thước đã
không chịu nhúc nhích thêm lấy một li, cây thang dài bị trọng lượng hai cái xác
ghì xuống cong như cây cung, run lên bần bật phát ra những tiếng răng rắc.
Gà Gô thầm lấy làm lạ:
“Lại trò quái gì nữa đây, không lẽ cương thi không muốn ra ngoài?” Anh ta bán
tín bán nghi, rảo bước vòng sang mé bên quan tài, ai ngờ vừa dợm bước thì phát
hiện phía sau cương thi thò ra hai cái càng cua đen nhánh, giống như hai gọng
kìm quặp chặt lấy cái xác vượn, sau gáy cương thi cũng thò ra một cái đuôi mọc
đen sì. Té ra có một con bò cạp núi to như con chó ưa thích âm khí bên trong áo
quan bèn nhân lúc quan quách rời ra khỏi mộ thất chiu vào trong, thứ ban nãy
bầy vượn e sợ, có lẽ cũng chính là con vật cực độc nấp trong áo quan này.
Loài bò cạp núi lúc sắp
tấn công đuôi thường dựng đứng lên, không biết tại sao khi chui vào áo quan nó
lại nấp dưới cương thi, đợi khi con vượn cụt đuôi lật tấm ván thất tinh lên mới
ra tay, con bọ cạp chỉ cần nhấc đuôi lên là nâng được cương thi ngồi dậy, sau
đó cắn chết con vượn già, từ sau cương thi lôi nó vào áo quan. Giờ bị thang tre
lôi ra khỏi đáy quách, con bò cạp dường như không muốn rời cái quách tử kim,
càng không muốn bỏ cái xác vượn nên cứ giằng co với cai thang rết như thế.
Gà Gô vừa nhìn thấy con
bọ cạp to tướng nấp dưới đáy quách, phản ứng tức thì là nổ súng bắn chết nếu
không đợi nó trở lại quách rồi, lại phải tới gần chỗ quách mới nổ được súng.
Khẩu súng Đức trong tay đã lên đạn chờ sẵn, có thể khai hỏa bất cứ khi nào, anh
ta bình sinh rất giỏi bắn súng, cách trăm bước vẫn ngắm cực chuẩn, lập tức giơ
tay lên định bóp cò.
Nào ngờ Gà Gô thân thủ
đã nhanh, con bò cạp núi còn nhanh hơn, nó cảm thấy có người sống lại gần,
thình lình vung đuôi lên, một dòng kịch độc đen sì như mũi thủy tiễn bắn thẳng
vào Gà Gô. Khí hậu quanh núi Bình Sơn rất đặc biệt, mưa dầm quanh năm, trên núi
mọc nhiều kỳ hoa dị thảo, loài bò cạp núi ở vùng này không chỉ to lớn mà đuôi
của con cái còn có thể phun độc như rắn chúa mắt kính, nhanh như điện giật
khiến đối phương không kịp phản ứng.
Gà Gô chỉ ngửi thấy mùi
tanh, thậm chí còn không kịp nhìn kỹ con bọ cạp phun độc thế nào, dòng thủy
tiễn cực độc đã bắn tới trước mắt, không sao tránh kịp, trong lúc nguy cấp, Gà
Gô đành ưu tiên bảo toàn tính mạng, vội giơ khẩu súng trong tay lên chắn trước
nguời, chất độc lập tức phun trào lên khẩu súng Đức, anh ta sợ chất độc dính
vào tay nên quẳng súng đi ngay, đồng thời rụt người lùi thật nhanh.
Lúc này Hồng cô nương
là tay người Miêu cũng đã nhìn thấy con bò cạp núi sau lưng cương thi, kinh
ngạc buông lỏng tay, con bò cạp lập tức lôi tuột cả cương thi lẫn cái xác vượn
vào lại trong áo quan.
Gà Gô nhảy sang một bên
kêu to: “Mau thả gà Phượng Hoàng ra đi.” Ba người họ trước khi vào rừng đào mộ,
ai cũng mang theo một sọt tre đựng gà, đích thân Gà Gô cõng con gà Nộ Tinh thần
kỳ nhất, hai con của Hồng cô nương và tay người Miêu cũng đều là hạng ngàn con
lấy một.
“Long lân quy phụng”
vốn là bốn loài linh vật Trung hạ, từ thời Yên Thương đã có tô tem Kim Phượng
điểu, nhưng cũng như rồng, phượng hoàng chỉ là loài vật hư cấu, trong thần
thoại nó là huyền điểu trường sinh bất tử, chết đi rồi lại tái sinh trong ngọn
lửa, chỉ đậu trên cây ngô đồng, không bao giờ đậu nơi đất thường, cho nên từ xa
xưa đã là loài vật linh thiêng được người tu tiên luyện đơn coi trọng nhất. Nộ
Tinh chính là điềm phượng gáy, hoàng đế các chiều đại xưa xây đơn cung trong
núi Bình Sơn thuộc huyện Nô Tinh Tương Tây, e ít nhiều cũng có liên quan đến
địa danh này.
Nếu truy theo nguồn cội
thì phượng hoàng có thể được tiến hóa từ loài gà núi, lông mao gà núi hoang vốn
rực rỡ óng ánh, đuôi dài như đuôi công, cũng có thể bao vòng vòng giữa không
trung, rất giống với phượng hoàng. Có điều chỉ trong đám gia cẩm mới có thể xuất
hiện giống gà Nộ Tinh hiếm có, mí mắt mọc ở phía trên như phượng hoàng, khác
hẳn gà thường, là khắc tinh tự nhiên của trăm loài độc vật.
Song đồng hồ sinh học
trong cơ thể loài gà lại hoạt động vô cùng chuẩn xác, trời vừa tối, còn nào con
nấy đã ủ rũ ỉu xìu, hơn nữa vào ban đêm thị lực và năng lực cảm nhận của loài
gà cũng suy giảm nghiêm trọng, tuy bị nhốt trong sọt tre, dọc đường lắc lư
không thể chợp mắt nhưng chúng đều im lặng như thóc đổ bồ, không ho he tiếng
nào. Lúc này ba người Gà Gô không nghĩ được gì nhiều, vội mở nắp sọt tre, ném
cả ba con gà trống về phía cỗ quách tử kim.
Với gà Nộ Tinh dẫn đầu,
ba con gà trống từ trên cao dang cánh lao xuống, chúng sinh ra đã là khắc tinh
của muôn loài độc vật, chỉ cần đụng phải là xông vào đánh nhau một trận sống
mái. Tuy dưới ánh trăng tinh thần sa sút, nhưng đột nhiên gặp phải bò cạp núi,
mắt chúng đều vằn đỏ, vừa đáp xuống áo quan đã mổ lấy mổ để.
Con bò cạp núi trốn
dưới cương thi tuy không muôn rời bỏ cỗ quách tử kim, nhưng bị dồn tới đường
cùng, lại không thể chống cự trong cỗ áo quan chật hẹp, đành phải nhả cương thi
và xác con vượn cụt đuôi ra, chui qua kẽ hở trên áo quan, thoát ra ngoài theo
lối cũ.
Ba người bọn Gà Gô đứng
nhìn từ xa, chỉ thấy con bò cạp khắp mình dơ bẩn, từ đầu tới chân tuyền một màu
xanh đen, hai càng to như cánh tay em bé, bên trên phủ đầy lông đen tua tủa
cưng như kim châm, phần bụng rất dày, đuôi chia làm mười ba đốt, khi chạy trốn
di chuyển nhanh như chớp giật. nó dừng lại một chỗ hoảng loạn xoay vòng, cái
đuôi cong lên, lộ rõ vẻ lo lắng không yên. Ba con gà trống tuy vây quanh nó
nhưng trong đêm tối cũng khó xông vào mổ, đành không ngừng khiêu khích làm nó
tiêu hao sức lực.
Gà Gô thấy đã đuổi được
con bò cạp ra khỏi áo quan, liền rút khẩu súng Đức còn lại trong người ra, định
một phát kết liễu mạng sống của nó, nhưng thấy ba con gà trống đang quần nhau
ác liệt với con bò cạp khổng lồ, che khuất tầm ngắm, chuyến đào mộ lần này
không thể thiếu gà Nô Tinh trợ giúp chống lại cương thi trùng độc, đương nhiên
không thể tùy tiện làm nó bị thương, đành nín nhịn đứng bên quan đấu.
Đúng lúc đó, trên lưng
con bò cạp núi bỗng lồi lên một cục, dần dần kéo căng lớp giáp lưng khiến nó
gần như trở nên trong suốt, con bò cạp như phát điên đâm loạn khắp nơi, phút
chốc, một tiếng xoạc như xé lụa vang lên, lưng con bò cạp lập tức toác ra, từ
bên trong trồi lên một làn khí trắng, hình dạng giống như thủy ngân, xộc thẳng
lên mặt trăng.
Trong mắt người đời,
Ban Sơn Phân Giáp thuật của Ban Sơn đạo nhân sử dụng khi đổ đấu thực sâu xa
huyền diệu, song mấu chốt hết thảy đều không rời xa thuyết “sinh khắc chế hóa”.
Lần này vào Bình Sơn trộm mộ, chính vì trong khe núi có lắm độc trùng chướng khí
nên mới đặc biệt đi tìm gà Nộ Tinh ở bản Kim Phong, trăm loài độc vật tiềm
dưỡng thành hình bên sườn núi Bắc này đều không phải đối thủ của nó. Nhưng ban
đêm, gà trống chỉ còn lại một nửa dũng khí, nhất thời không làm gì được con bọ
cạp núi đã chui khỏi áo quan.
Bọn Gà Gô đứng cách đó
mười mấy bước, thấy con bọ cạp lưng bè bụng dày đang lồng lộn điên cuồng, tả
xung hưu đột mà không sao thoát được, cuối cùng bỗng co rúm lại, trên lưng nứt
ra một kẽ to, từ bên trong bay lên một làn sương trắng, dập dềnh lên xuống chứ
không tan ra, ba con gà trống tuy đang máu chiến, nhưng thấy con bọ cạp núi đột
nhiên biến đổi khác thường cũng không khỏi kinh ngạc, không biết xảy ra chuyện
gì, lập tức mạnh con nào con nấy chạy.
Gà Gô thấy lưng con bọ
cạp bốc lên một làn sương trắng cổ quái cũng vội vã xua tay bảo Hồng cô nương
và gã người Miêu kia lùi lại mấy bước. gió núi khẽ thổi, đánh tan là sương
trắng, lúc này vết nứt trên lưng con bọ cạp đã rộng ngoác ra như một cái mồm
đen ngòm, một lũ bọ cạp con trắng lốm đốm từ bên trong bò ra, giẫy giụa thoát
khỏi lưng bọ cạp mẹ, rồi tán loạn tìm đường trốn.
Bọ cạp mẹ bị rách toạc
cả lưng, giống như bọc giáp rách nằm im lìm dưới đất, chắc là đã chết. Gà Nộ
tinh thấy bao nhiêu bọ cạp com trắng trắng đỏ đỏ bò ra từ lưng bọ cạp mẹ, vốn
đã thiên địch khắc tinh, lẽ nào chịu bỏ qua, lập tức vỗ cánh xù lông xông vào mổ
từng con một, nuốt gọn vào bụng. Hai con gà trống còn lại cũng tả xung hữu
đột,trong nháy mắt đã ngốn sạch mấy chục con bọ cạp con, như gió cuốn mây bay,
hết thảy đều chui vào bụng gà không sót lấy nửa con.
Người Miêu đứng bên
thấy vậy liền đưa tay vỗ đầu, đoạn nói với Gà Gô: “Hóa ra bọ cạp núi chui vào
áo quan là muốn nhờ âm khí để sinh con…” Độc vật ở núi Bình Sơn đều là những
loài kỳ độc, lại quanh năm suốt tháng hít nhả dược khí trong núi, nên đều thích
trốn ở những nơi âm u lạnh lẽo, đặc biệt bò cạp cái lúc sinh con lại càng tích
chui vào quan tài hay phần mộ.
Quanh Lão Hùng Lĩnh vốn
lưu truyền câu ngạn ngữ “Bọ cạp từ nhỏ không có mẹ”, bọ cạp núi ở đây cả đời
chỉ sinh sản một lần, đẻ con đằng lưng, khi bò cạp con ra đời cũng chính là lúc
bọ cạp mẹ từ giã cõi đời, bởi thế những đứa trẻ mồ côi không người thân thích
trong các làng bản Tương Tây đều được sơn dân gọi là “bọ cạp con”.
Bọ cạp mẹ chui vào quan
quách có xác chết vì tử khí âm u sẽ giúp nó tạm thời giảm bớt đau đớn do nứt da
mà chết. Đa phần sơn dân bản địa đều biết bọc con mà bọ cạp mẹ sinh ra lúc nào
cũng có ba mươi sáu con, không hơn không kém, vừa bằng số xương sườn của một bộ
xương sườn, vì thế bọ cạp núi còn được gọi là “xương sườn”.
Gà Gô trước giờ chưa
bào giờ từng đi qua Lão Hùng Lĩnh vùng Mãnh Động này, anh ta tuy kiến thức sâu
rộng nhưng không phải điều gì cũng biết, tập tính đặc biệt của loài bọ cạp núi
ở vùng này chính là một trong những điều anh ta không am tường, nghe người Miêu
giải thích ngọn nguồn mới biết. Có điều Bình Sơn này lắm dược thạch quý hiếm,
độc vật sinh sống trong núi hình dạng đều kỳ quái, sao mà biết cho hết được,
chỉ cần nắm rõ thuyết sinh khắc, mang theo mấy con gà trống vào núi là ổn thỏa
cả thôi.
Gà Gô thấy ba con gà
trống đã ngốn sạch mấy chục con bọ cạp con, bụng no căng, tinh thần càng thêm ủ
rũ, liền bảo người Miêu nhốt chúng lại vào sọt, còn anh ta và Hồng cô nương
tiến lên trước kiểm tra tình hình bên trong áo quan.
Hai ngư̗i xách dao súng
tới bên áo quan, trước tiên kiểm tra con vượn già bị đè dưới cỗ quách. Phần đáy
quách tử kim đúc tám con kỳ súc khiêng quan, đều mang hình dạng nửa người nửa
thú, cơ thể to khỏe mình đầy vảy giáp, quái vật có vảy khiêng quan không chỉ
thể hiện địa vị tôn quý của người chết trong quan, mà còn có tác dụng chống ẩm
bên trong mộ thất, giúp nâng cỗ quách tử kim lên cao cách mặt đất một đoạn,
phòng khi nước mưa tràn vào mộ thất không thể thoát ra ngay, quan tài gỗ bên
trong cũng không bị ngâm nước.
Con vượn già toàn thân
lông trắng bị cỗ quách rơi trúng, may mà phần đáy quách có quái thú khiêng
quan, tạo thành khe hở giữa áo quan với mặt đật, lại thêm lá mục sau mỗi trận
mưa táp gió quật, phủ lên mặt đất một lớp thảm dày êm ái, cộng với bản thân nó
xương cốt chắc khỏe, trải qua đại nạn không chết, có điều thương tích cũng
không nhẹ.
Gà Gô cúi xuống, xách
đèn bão soi vào đấy quách, thấy con vượn già lông bạc mồm mũi chảy đầy máu
tươi, bị đè chặt không thể cựa quậy, nằm im như chết.
Anh ta nghĩ bụng, con
vượn già ban nãy còn động đậy, sao giờ lại bất động thế này, liền giơ chân đá
vào cánh tay vượn đang thò ra. Con vượn già quả nhiên rụt tay lại tránh, hai
con mắt gian xảo mở to, đảo loạn lên rồi nhe nanh ra bộ hù dọa Gà Gô, trong ánh
mắt nó ngoài bảy phần sợ hãi còn ba phần độc địa.
Gà Gô thấy con vượn già
lông bạc trắng, thần sắc gian xảo thì biết không phải loài lương thiện. Vạn vật
trên đời sinh diệt đều theo lẽ tự nhiên, nếu sống lâu năm, màu lông nguyên bản
trên thân mình tất sẽ thay đổi, từ màu tro chuyển sang màu trắng, rồi lại từ
màu trắng chuyển thành màu bạc, đến giai đoạn này đã không còn là vật thường
nữa, không phải tiên tất là yêu, có thể nhìn thấu lòng người.
Nghe tay người Miêu
nói, bầy vượn này ở hang Vượn Trắng trên núi Bình Sơn, thường chặn đường thương
khách để cướp thức ăn, đã hại chết rất nhiều mạng người, ngay cả quần áo hàng
hóa cũng không chừa, khuân tất vào hang rồi gianh giật với nhau, có khi mặc cả
quần áo, bắt chước dáng vẻ con người, diễu qua diễu lại trong núi, quá nửa đều
do con vượn lông bạc này bày trò dẫn lối.
Gà Gô thầm nghĩ thứ này
cũng cùng một giuộc với con báo già ở bia cổ, rắp tâm trừ khử, định cho nó một
phát đạn, xóa sổ cái tên hang Vượn Trắng. Hồng cô nương lại không tin vào
chuyện lũ vượn hại người của tay người Miêu, hắn đâu có tận mắt nhìn thấy bầy
vượn hại người, huống hồ con vượn già này đã bị trọng thương, có được thả ra
cũng không thể sống thêm mấy ngày, cô ta bèn khuyên Gà Gô nương tay, niêm tình
con vượn trắng chỉ còn chút hơi tàn mà để nó sống thêm ngày nào hay ngày nấy,
hôm nay số anh em ta mất mạng đã quá nhiều, chúng ta cũng nên vì họ mà tích
chút âm đức.
Gà Gô nghe cô ta nói
vậy không tiện phản đối, đành bỏ ý định giết con vượn già, đằng nào nó cũng đã
dở sống dở chết, tạm để lại cái mạng cho nó cũng chẳng sao, sẵn súng trong tay,
muốn lấy mạng nó thì thiết nghĩ chẳng có gì khó. Giờ đại sự phải đặt lên hang
đầu, khai quật lấy báu vật mới là việc gấp, nghĩ vậy anh ta bèn thu súng đứng
dậy, để mặc con vượn già bị đè dưới cỗ quách nhe nanh nhe lọi, không thèm để ý
đến nó nữa.
Ba người lập tức đến
bên cỗ quách tử kim, nhờ ánh trăng sáng thò đầu vào trong xem xét tình hình.
Lúc này trăng đã ngả bóng, ánh sáng lạnh lẽo mờ ảo rọi vào trong quan tài, chỉ
thấy bên trong xác vượn và cương thi vẫn đè chồng lên nhau, bọn họ liền dùng
thang rết móc xác con vượn cụt đuôi, lôi nó ra ngoài quăng dưới gốc cây đằng xa.
Cỗ thây nằm ngửa trong
quan bây giờ mới hiện rõ mồn một. Cương thi đời Nguyên tuy chết đã gần bảy trăm
năm, ngay cả bộ áo bào tím thêu hoa mặc trên người cũng bắt đầu biến chất,
nhưng diện mạo vẫn không hề thay đổi, chỉ có da thịt trên người là trương lên
tím bầm cứng ngắc, tóc trên đầu bù xù che khuất nửa mặt, thân hình cao lớn hơn
hẳn người thường, tuy chết mấy trăm năm rồi nhưng khí phách uy phong lẫm liệt
vẫn chưa tiêu tan.
Quân đội thời Nguyên
không chỉ có người Mông Cổ, mà còn tụ họp đủ trai tráng từ các nước ở sa mạc
phía Bắc Tây Vực đến Cao Ly, Hán Di. Vị tướng này diện mạo màu tóc đều mang đặc
điểm của người Tây Vực, duy có cái miệng ngậm chặt, hai má hơi nhô vẫn chưa tóp
lại, có lẽ đang ngậm báu vật trụ nhan.
Gà Gô đương nhiên hy vọng
thứ cương thi ngậm trong mồm là một viên minh châu, nhưng anh ta biết rõ, xưa
nay vật trụ nhan ngậm trong mồm thi thể vương công qúy tộc phân làm ba loại:
một là Trụ nhan tán, phương thuốc chống thối rữa bí truyền lấy thủy ngân làm
nguyên liệu chính; hai là ngọc, bởi ngọc sinh hàn, đem miếng ngọc lạnh đẽo
thành hình lưỡi người, đợi khi liệm thì đặt vào mồm người chết sẽ giúp cửu
khiếu thoáng mát, thi thể không bị thối rữa; tốn kém nhất chính là minh châu
Nguyệt Quang dưới đáy biển sâu, hoặc các loại trân châu quý hiếm, riêng cách
ngậm tiền áp khẩu, giới quý tộc cổ đại hầu như không dùng.
Cứ nhìn cương thi trong
cỗ quách tử kim bằng gỗ lim này được phơi trước gió đêm mà da dẻ vẫn không hề
teo tóp khô héo, thì biết trong thi thể tất có phương pháp chống rữa đặc biệt
nào đó. Nhưng đén khi cúi gần nhìn kỹ , Gà Gô lập tức ngạc nhiên khôn cùng, hóa
ra lỗ mũi lỗ tai cương thi đều nhét đầy bột vàng ròng. Chuyện dùng vàng trụ
nhan xưa nay chưa từng có, trong người cương thi đời Nguyên này sao lại có
vàng? Lấy mũi súng ấn vào tai xác chết, bột vàng lập tức rơi ra lả tả, máu từ
trong tai tràn ra áo quan thối không ngửi nổi.
Gà Gô trong lòng nghi
hoặc, không đoán được đầu đuôi sự tình,chỉ còn chách vạch mồm xác chết ra xem
thế nào. Đúng lúc định nhập quan phanh thây, chợp nghe sau vạt cây có tiếng sột
soạt, vội ngẩng lên nhìn thì thấy một cành cây cong đang rung lên bần bật, lá
rụng tơi tả, như bị ai đó lắc mạnh, nhưng thân cây đó to đến vừa một sải tay
người ôm, sức mạnh thông thường sao có thể làm nó lay động?
Gà Gô ngoác mồm chửi:
“Nhiễu quá, lại là lũ vượn trộm cắp kia phải không?” Chưa dứt lời đã rút khẩu
súng pạc hoọc lia một vòng, chốt an toàn mở sẵn, nòng súng nhắm thẳng vào con
vượn trắng nằm dưới áo quan, bụng nghĩ nếu bầy vượn còn ở bên chọc phá thì làm
sao yên tâm phanh thây moi ngọc, tốt nhất là cho con vượn già ngắc ngoải này
một phát cho sạch sẽ.
Thấy Gà Gô định kết
liễu con vượn già, tay người Miêu bấy giờ mới nhảy dựng lên chừng hơn thước, la
lớn: “Không xong rồi, lại quên béng mất chuyện quan trọng. Ông anh mộc công ơi,
giờ tý đã qua mất rồi, hôm nay là mồng mấy nhỉ?”
Gà Gô và Hồng cô nương
thấy tay người Miêu biến sắc, không biết sợ hãi điều gì mà cứ như bị quỷ nhập
tràng, càng không hiểu anh ta hỏi thế có ý gì, đồng thanh hỏi: “Mồng mấy cái gì
cơ?”
Tay người Miêu ôm cái
lồng gà vào lòng lắc lấy lắc để, cũng đã nhớ ra ngày giờ, liền bảo: “Nói để hai
vị biết, vào thời khắc giao nhau giữa ngày và đêm, bọ cạp núi thường đi thành
đôi, ban nãy vữa trừ khử một bọ cạp cái, quanh đây ắt vẫn còn một con đực độc hơn
ẩn nấp.” Trong loài bọ cạp núi, bọ cạp đực là hung dữ nhất, hình dáng tuy nhỏ
hơn con cái nhưng chất độc tiết ra lại khủng khiếp vô cùng, cực kỳ khó đối phó.
Giờ là canh khuya, ba con gà trống vừa ăn đẫy bọ cạp con, tinh thần đều đã suy
kiệt, lắc sọt thế nào cũng không chịu tỉnh.
Thấy tay người Miêu
hoảng sợ, trán vã mồ hôi, Gà Gô bèn giữ lấy hắn, nói: “Hoảng gì chứ? Chỉ là một
con bọ cạp thì làm được trò trống gì?”
Lúc này hồng cô nương
bỗng chỉ tay về phía gốc cây lay động đằng xa, khẽ gọi: “mọi người xem có thứ
gì trên cây thế kia?” Gà Gô và tay người Miêu nghe tiếng liền quay lại nhìn,
dưới ánh trăng đêm trông rõ rành rành một con bọ cạp núi đen sì treo ngược trên
cành cây cong, như một cây đàn tỳ bà cũ kỹ mãu đen. Hễ con bò cạp khẽ cựa quậy
những đốt vỏ như những chiếc lá sắt trên mình nó lại cọ vào nhau kêu ken két,
dũng mãnh khác thường, không thua gì con rết sáu cánh trốn trong đơn cung.
Tay người Miêu sợ hãi
nói: “Ối ông nội ơi, chính là Hắc tì bà thành tinh trong đàn bọ cạp núi Tương
Tây…” Không đợi hắn nói hết câu, con Hắc tì Bà đang treo ngược cành cây nhe
nanh thò ra hai cái càng màu đỏ máu, thoăn thoắt từ trên cây bò xuống.
Bò cạp không phải loại
vật tầm thường, chúng cực kỳ nóng nảy, lấy ví dụ một việc đòi hỏi sự cương
quyết như tự sát, có người dám làm nhưng không phải ai ai cũng làm được, trong
số các loại trùng độc thì chỉ có bọ cạp núi mới có khả năng tự sát. Nếu bắt một
con bọ cạp nhốt vào bình thủy tinh, lấy kính núp chiếu thẳng vào nó dưới ánh
mặt trời, bọ cạp đau đớn, lại không tài nào thoát khỏi chiếc bình, sẽ lập tực
dùng đuối tự đâm mình rồi chết, từ đấy có thể thấy một phần bản tính tàn bạo
của nó.
Con Hắc Tì Bà từ trên
cây bò xuống, nhận thấy quanh cỗ áo quan có bọ cạp chết và gà trống thì bỗng
trở nên điên cuồng, nỗi căm hận sục sôi khắp toàn thân, quay mòng mòng dưới gốc
cây như một trận gió đen, cái cây mọc vẹo tức thì bị nó nhổ bật cả rễ, đổ rầm
xuống đất. Hắc Tì Bà nhân đó liền chui tọt vào trong bụi cỏ, chỉ thấy đám cỏ
xao động nhanh chóng xáp gần tới cỗ quách tử kim.
Gà Gô kêu lên: “Mày khá
lắm!”, khẩu súng pạc hoọc chờ sẵn trong tay vãi ra một loạt đạn, làn mưa đạn
bay rào rào khiến cả dải cỏ tốt um tùm rậm rạp, không thể biết con Hắc Tì Bà có
trúng đạn hay không, hai mươi đầu đạn đã bắn sạch chỉ trong giây lát. Gà Gô dán
chặt hai mắt vào đám cỏ đang xao động theo chuyển động của con bò cạp, tay
thoăn thoắt thay băng đạn khác, đông thời quát bảo gã người Miêu và Hồng cô
nương mau mở sọt thả gà. Trong bụi cây có quá nhiều chướng ngại vật, đứng từ
đằng xa khó lòng bắn trúng mục tiêu, chỉ có thả gà trống vây đánh trước mới là
thượng sách.
Không đợi Gà Gô ra
lệnh, Hồng cô nương và gã người Miêu đã tự động tung ba con gà trống đang say
ngủ ra ngoài. Khổ nỗi chúng đã no nê, lại đang giữa đêm hôm khuya khoắt, dù tử
địch ở ngay trước mắt vẫn không tài nào phấn chấn lao lên ra sức truy đuổi cho
được. Gã người Miêu có lo cũng chỉ đành bó tay hết cách, mắt dán vào con Hác Tì
Bà đang từ trong bãi cỏ lao tới mỗi lúc một gần, chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều,
ôm cả ba con gà trống đang ngái ngủ, tung thẳng về phía con bọ cạp đực.
Gà Nộ Tinh bị tung lên
cao đột ngột, luc lơ lửng trên không mới choàng tỉnh dậy, cái mào đỏ chót lập
tức dựng đứng, nộ khí bừng bừng, cất tiếng gáy vang, chao lượn trên không rồi
đáp xuống bãi cỏ rậm, lập tức xông vào quần nhau với con Hắc Tì Bà. Gà trống
không thể bay như chim, độ sải cánh và lực gân đều có hạn, duy chỉ cổ và chân
là chắc chắn khỏe khác thường. Cặp móng vàng của gà Nộ Tinh quắp chặt lấy đuôi
bọ cạp, dồn hết sức lực, kéo con Hắc Tì Bà xoay tròn trên đất.
Lúc này, hai con gà
trống còn lại cũng lần lượt lao tới, thần thái không lẫm liệt như gà Nộ Tinh,
vừa quần nhau với bọ cạp mẹ một trận đã mệt rã rời, giờ lại bỗng nhiên phải lâm
trận, chúng không khỏi có chút mông lung. Một con còn chưa tỉnh hản liền bị Hắc
Tì Bà hung bạo dùng càng cắt phăng mất đầu, đuôi bọ cạp vung lên, hất cái đầu
gà máu me bay thẳng về phía tay người Miêu.
Gã ta đương khi hoảng
sợ, thấy cái đầu gà đầy máu xé gió lao tới, chỉ nhìn thôi đã hoa cả mắt thì làm
sao tránh nổi, may mà Gà Gô nhanh thay tinh mắt, kéo gã sang một bên, vừa hay
cái đầu gà bay sượt qua mặt, suýt đâm mù mắt gã người Miêu. Chỉ nghe một tiếng
“phập” vang lên, đâu gà đâm trúng vật gì đó phía sau.
Chương 41 : Thi Vương Tương Tây
Lúc này ánh trăng như
phấn trắng rắc kín mặt đất, bốn bề sáng tỏ, bọn Gà Gô đều nìn thấy rõ mồn một:
“Quái lạ, cương thi đời Nguyên sao lại tự ngồi dậy thế kia? Hay sắp biến thành
hành thi rồi!”
Thi vương đời Nguyên
này cao lớn hơn người, sinh thời chắc là bậc kỳ nhân tu luyện cả nội công lẫn
ngoại công, hẳn thi biến không phải chuyện thường. Gà Gô chẳng còn tâm trí nào
để mắt đến trận ác đấu giữa gà Nộ Tinh và Hắc Tì Bà nữa, sự việc quá bất ngờ,
nói không hết được, hẵng cứ hạ thủ trước để chiếm thế thượng phong cái đã, nghĩ
vậy anh ta liền quay ngoắt lại, tung người nhảy vào trong áo quan, định bẻ gãy
xương sống cương thi.
Nào ngờ chưa tới nơi đã
thấy lưng cương thi thò ra một cái mặt lông lá tua tủa, cặp mắt hấp háy, nhìn
ra mới biết là một con vượn. Thì ra con vượn này thấy bọ cạp trong áo quan đã
chết, con Hắc Tì Bà lại đang bị gà Nộ Tinh cầm chân ở tít xa, bèn nhân lúc đám
người không đề phòng, muốn tới cứu con vượn trắng đang bị đè dưới đáy quách. Nó
âm thầm chui vào trong áo quan, định khiêng cương thi ra ngoài, giảm bớt trọng
lượng của cỗ quách.
Nào ngờ vừa đẩy được
cương thi ngồi dậy thì cái đàu gà lập tức bay tới, đập trúng mặt cương thi, máu
gà bắn ra tung tóe. Khỉ vượn sợ nhất máu gà, thế nên ngạn ngữ mới có câu “giết
gà dọa khỉ”, con vượn vừa thò đầu ra đã thấy ngay máu gà đầm đìa, cái đầu gà
lại rơi ngay bên cạnh, chết rồi vẫn chưa nhắm mắt, như đang giương mắt nhìn
chòng chọc vào mình thì sợ đến hồn xiêu phách lạc, ngoác mồm kêu oai oái, vãi
cả cứt lẫn đái, phi vọt ra khỏi quách tử kim, trèo lên cây trốn biệt vào rừng.
Con vượn vừa bỏ chạy,
cương thi lập tức mất đi điểm tựa đổ xuống đánh rầm một cái, Gà Gô thấy thế vừa
tức vừa buồn cười, chửi thầm: “Đồ vượn chết giẫm, chạy nhanh thế không biết.”
Anh ta thấy không phải thi biến thì như hất được cục đá tảng đè nặng trong
lòng, nhưng vẫn không dám lơ là cảnh giác, trái lại càng cảm thấy cỗ thây trong
quan có gì đó kỳ quái. Cương thi này ít nhất đã chết mấy trăm năm, chôn xuống
đất không mục rữa mà cứng lại, tên đặt ắt có nguyên do, khi ấy chữ “cương”
trong “cương thi” còn được viết thành chữ “cương” có bộ “đãi” mang ý nghĩa xấu
xa, vừa có ý thi thể chôn trong lòng đất cương hóa như cành cây khô, vừa giải
thích thi thể không thối rữa chính là cương thi. Có điều thân xác dù không rữa,
cũng nhất định cứng lại như gỗ,các khớp không thể co gập, vậy làm sao con vượn
kia lại dựng được cương thi ngồi dậy, chả nhẽ cơ thể cương thi không khác gì
người sống?
Ở vùng núi non hẻo lánh
đất Tương, Kiềm, Quảng Đông, Quảng Tây thường có truyền thuyết cương thi thành
tinh. Cương thi thành tinh vẫn lấy quan quách làm sào huyệt, lông mọc khắp
người, đêm xuống liền ra khỏi áo quan bắt người hoặc súc vật để ăn, dân gian
gọi là “Thi Vương”.
Cũng có cách lý giải
khác về “Thi Vương”, cho rằng do người chết lúc sinh thời có địa vị hiển hách,
đồ tùy táng và trấn thi chống rữa đều là minh khí huyền bí hiếm có, nếu nhập
tràng bật dậy sẽ vô cùng lợi hại, các loại pháp khí như bùa giấy vàng hay kiếm
gỗ đào đều không thể khống chế. Thi vương lúc sinh tiền chắc chắn thuộc dòng
dõi quý tộc, bách tính bần hàn chỉ được an táng qua loa, sau khi chết dù có quỷ
nhập tràng cũng không có phúc phận được mang tên này. Thực tế, các lý giải này
chỉ chứng tỏ cái nhìn phiến diện tôn thờ quyền quý khi xưa.
Tương tuyền Thi vương
Tương Tây trăm năm mới xuất hiện một lần, đa phần chỉ là chuyện hoang đường,
những cỗ thây từng được mục kích chưa chắc đã là cùng một cương thi. Ngày trước
từng có người hái thuốc tự nhận đã nhìn thấy Thi Vương trong khe núi Bình Sơn,
nhiều khả năng chính là cái xác khô mình vận khôi giáp đã bị Gà Gô dùng Khôi
Tinh Thích Đầu bẻ gãy xương sống, cứ xem cách ăn mặc thì chắc là võ sĩ tuẫn
táng theo mộ, phong tục tuẫn táng người sống vốn thịnh hành vào thời Nguyên,
không có gì lạ cả.
Gà Gô thấy mũi mồm cỗ
thây trong tử kim quách nhét đầy bột vàng, hơn nữa thân xác đã khô cứng mà dung
mạo vẫn như còn sống, uy phong lẫm liệt, lại có thể gập lưng ngồi dậy, thì đoán
trong cái xác cổ thời Nguyên này nhất định cất giấu một vật cực kỳ quý hiếm.
Ban Sơn đạo nhân chui
rúc khắp các hầm mộ trong thiên hạ chỉ để tìm kiếm một viên Mộc Trần Châu giấu
trong mồm cỗ thây, gặp cơ hội này đương nhiên không dễ dàng bỏ qua. Nhưng cương
thi này dáng dấp cổ quái, không thể không đề phòng, hẵng cứ bẻ hết gân cốt nó
rồi lục soát khắp người, thế mới là sách lược chu toàn.
Gà Gô hạ quyết tâm,
định tiến lên động thủ, chợt nghe có tiếng vèo vèo xé gió sau gáy. Anh ta dỏng
tai nghe ngóng, căng mắt nhìn quanh, vội nghiêng người tránh, chỉ thấy một hòn
đá to bằng nắm tay bay sượt qua người, đập bốp vào thành cỗ quách tử kim.
Thì ra bầy vượn trốn
trong rừng sâu nghe ngóng, thấy Gà Gô lại gần áo quan, tưởng anh ta định ra tau
sát hại con vượn lông bạc, liền nhặt đá ném tới tấp về phía ba người, vì sợ đầu
và máu gà trong áo quan nên không con nào dám tiến lên nửa bước, chỉ đứng ở xa
gào rú ném đá.
Loài vượn chiếm cứ nơi
núi cao rừng già vốn xấu tính vô cùng, hễ thấy có thương nhân qua đường là lẳng
lặng đi theo, đợi đến đoạn đường vắng vẻ nguy hiểm liền đột ngột ra tay ném đá.
Khách qua đường bị tấn công bất ngờ không kịp phòng bị, hoặc lạc lối vào rừng,
hoặc trúng đá bị thương, thường mất mạng với chúng, lương khô quần áo đều bị
chúng cướp sạch. Bầy vượn hoang nàyưởng lộc quen mùi, không coi người lạ ra gì,
đã trở thành mối họa ở Lão Hùng Lĩnh, còn khó đối phó hơn cả sơn tặc thổ phỉ.
Trong chốc lát, trận
mưa đá nhỏ từ trong rừng bay ra nhanh như vãi trấu, rơi xuống lộp bộp, tay
người Miêu tránh không kịp, bị một hòn nện vào sau gáy, hoa mày chóng mặt, đưa
tay lên sờ, thấy dính đầy máu liền nổi giận chửi loạn lên: “Ai cũng chê tao
nhát như thỏ đế, cả lũ vượn trời đánh cũng không coi tao ra gì. Nói cho chúng
mày biết, người bùn cũng có ba phần đất đấy nhá!” Vừa chửi hắn vừa nhặt đá ném
lại, nhưng bầy vượn quá đông nên một trận mưa đá nữa lại rào rào giội xuống,
khiến tay người Miêu ôm đầu ba chân bốn cẳng chạy tới nấp sau lưng Gà Gô.
Gà Gô và Hồng cô nương
tuy thân thủ nhanh nhẹn, nhưng đá ném ra quá nhiều, không tránh được cũng trúng
mấy phát. Gà Gô thấy đầu gã người Miêu máu tuôn xối xả liền đẩy hắn và Hồng cô
nương vào trong quách tử kim, may mà cỗ quách này to lớn khác thường, chứa ba
bốn người vẫn còn dư chỗ, còn anh ta một mình nâng cái nắp quách nặng trịch,
xoay tròn như gió lốc, chặn đứng trận đá đang bay tới từ bốn phương tám hướng.
Gà Gô chuyến này tới
Bình Sơn trộm mộ, ra quân chưa thắng đã mất hai chiến hữu, thấy đám trộm mộ Xả
Lĩnh cũng thương vong nặng nề, bình sinh chưa gặp thất bại nào lớn thế này, lửa
giận đã sớm ngùn ngụt, lòng đầy sát khí chưa tìm được chỗ trút. Đại sự đổ đấu
phải đặt lên đầu, anh ta vốn định giữ lại mạng sống cho con vượn già dưới đáy
quan, nhưng thấy bầy vượn vướng tay vướng chân, năm lần bảy lượt phá bĩnh, lại
không biết tiếng vượn nên không thể hiểu chúng đinh làm gì, đến nước này đành
ra tay tàn độc, vào rừng bắt hổ, giết một con để răn trăm con, diệt trừ hậu họa.
Nghĩ tới đây, Gà Gô lập
tức động sát cơ, mới đầu đã có ý giết con vượn này, giờ đúng lúc cả giận, sát
niệm đã động không thể dừng lại. Giết một là giết, giết một trăm cũng là giết,
mắt anh ta như tóe lửa, lạnh lùng đứng sau nắp quan tài giơ súng, liên tục bóp
cò, tiếng đầu đạn bay ra khỏi nòng xé toạc màn đêm, mỗi tiếng súng vang lên là
một con vượn từ trên cây ngã xuống đất. Gà Gô vốn có tài bắn súng bách phát
bách trúng, khoảng cách ngoài trăm bước chân vẫn trúng mục tiêu, bọn vượn trúng
đạn giữa ấn đường, chẳng kịp rơi xuống đất đã bị đạn găm vào não chết tươi.
Trong chớp mắt, hai
mươi đầu đạn đã giết chết hai mươi con vượn, những con còn lại từ lớn đến bé
đều ngây ra như phỗng, tay ôm chạc cây, cứ trố mắt ra nhìn không chớp, y như
tượng gỗ. Vài con sợ quá còn vãi đái dầm dề, cuối cùng không biết con nào dẫn
đầu thét lên một tiếng, cả bầy liền chen nhau chạy thục mạng vào rừng, không
dám quay lại nữa. Từ đó về sau, loài vượn ở Lão Hùng Lĩnh hễ thấy người mặc áo
đen là cuống cuồng bỏ chạy như gặp rắn, bọ cạp, đến giờ vẫn vậy.
Hồng cô nương và tên
người Miêu nằm trong quan tài nghe tiếng bèn thò đầu ra xem, thấy tài bắn súng
của Gà Gô thì kinh khiếp vô cùng, không nói nên lời, thầm nghĩ người này xuống
tay thực tàn độc, chắc khi giết người cũng chẳng kém, hệt như quỷ vương Tu La
vậy.
Trong lúc ấy, trận đấu
giữa hai con gà trống với Hắc Tì Bà đã đến hồi phân thằng bại. Trận ác đấu sống
còn giữa hai kẻ khắc tinh khiến nhật nguyệt phải lu mờ, gà Nộ Tinh vốn là khắc
tinh của rắn rết bọ cạp, nhưng lúc này đang giữu đêm khuya, ánh trăng rải đầy
đất, không phải lúc để loài gà phát huy bản lĩnh, thế nên chỉ ngang cơ với Hắc
Tì Bà, lông gà sặc sỡ lăn cùng mảnh giáp bọ cạp, bị gió thổi tung cùng với là
cây, bầy vượn náo loạn trong rừng cũng chẳng làm chúng bận tâm.
Con gà trống còn lại
tuy không phải giống gà thần Nộ Tinh, nhưng cũng mào cao lông ngũ sắc, thiện
chiến xuất chúng, tuy đã bị thương khắp mình, máu me bê bết từ đầu đến chân
song vẫn liều mạng xông lên tấn công, không lùi nửa bước.
Con Hắc Tì Bà tinh là
độc vật đã sống cả ngàn năm gần mộ cổ Bình Sơn, bản tính hung bạo yêu dị, có
điều vật tính vốn tương khắc tương chế, vừa thấy gà trống, nó đã khiếp đảm ba
phần, tuy mới đầu tỏ ra dũng mãnh, kẹp đứt cổ một con gà trống, nhưng sau quần nhau
với hai con còn lại một lúc đã có vẻ yếu đi trông thấy, dần không còn trụ vững
nữa.
Nhưng hai con gà trống
mới có vài năm tuổi, đâu được như Hắc Tì Bà vương ăn thảo dược linh chi trường
kỳ sống lâu hóa cáo, con bọ cạp bất ngờ cuộn tròn thân lại, chìa cái mai cứng
đơ cho hai con gà vàng mặc sức mổ, hai con gà trống không biết quỷ kế, thấy thế
cũng dang cánh giương vuốt lao vào.
Để cứu lấy tính mạng,
con bọ cạp liều chết phóng độc trong tiếng gà gáy, âm thầm dồn hét chất độc vào
đuôi, đoạn dồn toàn tinh lực, vung đuôi như vung roi sắt, phóng ra một làn
sương còn đen hơn cả bóng đêm. Làn sương đen này do dịch độc kết tủa mà thành,
nguy hiểm vô cùng, gà Nộ Tinh biết lợi hại nên không dám xông vào, vội gáy vang
nhảy lên tránh đòn, chỉ con gà trống mào cao là bị khí độc trùm lên đầu,lông
mao oàn thân bỗng chốc xác xơ, da thịt xương cốt đều biến thành bãi máu.
Con Hắc Tì Bà tuy một
đòn đắc thủ nhưng đã như cây đèn cạn dầu, lúc này gà Nộ tinh từ trên cao vừa
hay đáp xuống, bó càng đánh càng khỏe, ập đến như chớp giật, quặp chặt vào lưng
và đuôi bọ cạp, như được tiếp thêm thần lực từ bên trong, lại dang cánh nhảy
vọt lên lần nữa, hai chân quắp lấy con Hắc Tì Bà bay lên cao hệt chim ưng bắt
thỏ.
Khi hạ cánh, gà Nộ Tinh
đã kịp lật ngửa con bọ cạp. Lưng bị móng gà xé toạc, con Hắc Tì Bà đau quá giãy
giụa quằn quại, quấn lấy gà trống không rời, thế nào lại bị móng gà chọc cho
thủng bụng, giãy giãy vài cái rồi gục xuống chết.
Nhưng Hắc Tì Bà rốt
cuộc vẫn là loài hiểm độc, trước khi chết còn kịp dùng đuôi đâm thẳng vào ức gà
Nộ Tinh, xuyên thủng ức gà, lại dùng càng kẹp đứt một bên chân gà, hai kẻ khắc
tinh quần nhau dến chết, rốt cuộc chôn thân trong đóng máu thịt lẫn lộn.
Gà Gô mải tấn công bầy
vượn, quay đầu lại vừa khéo chứng kiến cảnh hạ màn, thầm than một tiếng xót xa.
Con “gà Phượng Hoàng” này do chính tay hắn cứu mạng dưới lưỡi dao của một sơn
dân xa lạ, là vật quý hiếm trên đời, người xưa có câu “tráng sĩ chết dưới lưỡi
đao, ngựa tốt chết nơi trận tiền”, gà Nộ Tinh oanh liệt chết cùng con Hắc Tì Bà
vương ngàn năm tuổi coi như cũng không uổng, còn hơn chán trở thành món ăn trên
mâm mấy kẻ thường dân.
Bức màn im ắng chết
chóc lại bao trùm lên khu rừng, Gà Gô thấy Hồng cô nương và gã người Miêu cứ
ngây ra trong quách tử kim liền bảo: “Trong áo quan âm khí nặng nề, không tiện
ở lâu, mau ra ngoài đi…”
Chưa nói hết câu đã
nghe tiếng con vượn lông bạc nằm dưới quan tài rít lên thảm thiết, như sợ hãi
điều gì không dám giả chết nữa, tiếng rú kinh hoàng xao động cả ngọn cây, khủng
khiếp dị thường, không sao diễn tả nổi.
Gà Gô biết sự chẳng
lành, sợ trên Lão Hùng Lĩnh này sắp xảy ra biến cố gì, lập tức nhoài người nắm
lấy cánh tay Hồng cô nương lôi ra ngoài. Hồng cô nương tuy bạo gan nhưng nghe
tiếng vượn kêu thảm cũng không khỏi hoảng sợ, cô ta đâu được lòng gang dạ sắt
như Gà Gô, hai chân như giẫm trên bông, không biết trên dưới cao thấp thế nào
nữa.
Lúc này nghe có tiếng
xương cốt cương thi răng rắc trong quan, cùng tiếng móng tay cào vào áo quan
không ngừng nghỉ. Tay người Miêu phát hiện cương thi bên dưới mình sắp biến
thành hành thi, sợ đến nỗi lông mao dựng đứng, dùng cả tứ chi bò ra ngoài,
nhưng trong lúc kinh hồn táng đảm chân tay cứ đờ ra như bị liệt, chỉ mỗi mồm
còn gọi được: “Ông anh mộc công, mau tới cứu tôi với…”
Gà Gô không dám chậm
trễ, đang đnh chạy lại kéo gã người Miêu ra thì thấy cương thi đã “bật” dậy
ngồi trong quan, cái mồm đen ngòm há to ra để lộ hai hàm răng nanh, toan cắn
phập vào gáy người Miêu, hệt như hổ dữ vồ cừu, ngoạm chặt lấy gã mà nhấm nháp.
Gà Gô nhanh tay tinh
mắt, thấy mồm cương thi bất ngờ há to, đã bị quỷ nhập tràng, phải hút máu và
dương khí của người sống, không kịp suy nghĩ gì vội nhét ngay khẩu súng vào mồm
nó. Chỉ nghe một tràng tiếng răng nghiến vào kim khí, rốt cuộc cũng cứu được
mạng gã người Miêu trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc, gã người Miêu hồn xiêu
phách lạc, thực như từ cõi chết trở về.
Sau khi giúp gã người
Miêu tránh được đòn hiểm, Gà Gô lập tức thò tay túm lấy cổ áo gã ta định kéo ra
ngoài, nào ngờ móng tay cương thi đột ngột dài ra, quấn chặt lấy cánh tay người
Miêu làm gã không thể cựa quậy, Gà Gô ra sức kéo mà chẳng nhúc nhích được phân
nào.
Gà Gô có tài ứng biến,
kế này không được, lập tức nghĩ ngay mưu khác, đang định cứu người lần nữa,
bỗng nghe trong khu rừng vang lên tiếng ầm ầm tựa sét đánh ngang tai, trời long
đất lở.
Nguồn tangthuvien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét