Hoàng Tố tự Nguyệt Anh(188-255),
được mệnh danh là một trong năm người phụ nữ tài năng nhưng xấu nhất trong lịch
sử Trung Hoa (Ngũ xú Trung Hoa). Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn và
là vợ của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Tương truyền Hoàng Nguyệt Anh là một người
phụ nữ rất có tài và giúp đỡ rất nhiều cho Khổng Minh.
Theo mô tả trong lịch sử
thì bà có mái tóc vàng và làn da nâu, còn về dung mạo như thế nào thì không
được mô tả lại. Có sách tả bà dáng người cao,thon thả nhưng mặt đen đúa đầy mụn
nhọt trông rất khó coi, sách khác lại tả bà hình dáng thô kệch, thấp bé đen
gầy, khuôn mặt đầy rỗ. Tuy thế, bà lại là một người phụ nữ rất dịu dàng và chu
đáo. Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, thừa tướng Gia Cát sau khi xuất sơn, mọi
việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhân chu toàn tất cả, vợ chồng kính nhau như
khách, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì.
Nếu không nhờ có bà làm hậu
phương vững chắc phía sau, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm
phò trợ cho Lưu Bị. Thế mới biết câu “tề gia trị quốc bình thiên hạ” là một thứ
tự có cơ sở. Người đàn ông phải làm cho yên ổn chuyện gia thất mới có thể ra
ngoài trị nước cứu đời. Và Hoàng Nguyệt Anh đã làm thay cho Gia Cát Lượng nhiệm
vụ “tề gia” để ông chuyên tâm giúp đỡ Lưu Bị ... Ta có thể thấy, vị trí và vai
trò không nhỏ của Hoàng Nguyệt Anh đối với bản thân cũng như sự nghiệp của Gia
cát Lượng.
Ý kiến thứ hai thì lại cho
rằng Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ có nhan sắc mĩ miều, xinh đẹp tuyệt
trần nhưng lại cố ý đeo mặt nạ xấu xí để tìm được "người anh hùng thật
sự" của mình. Khổng Minh nghe tiếng Hoàng Nguyệt Anh tài giỏi phi thường,
đã bất chấp mọi tin đồn không hay về nhan sắc của bà và đến cầu hôn. Hoàng
Nguyệt Anh đã thử thách trí tuệ, tài năng (qua trận pháp vườn đào) lẫn đức độ
của Gia Cát Lượng trước khi chấp nhận cuộc hôn nhân này. Để rồi sau đó, bà âm
thầm lui về sau làm hậu phương ủng hộ và giúp đỡ cho chồng. Có người cho rằng
sau đó bà vẫn mang mặt nạ (mạng che mặt) khi ra ngoài. Điều đó chứng tỏ rằng bà
không phải là người trọng hư danh, không vì chút sĩ diện,danh dự mà làm ảnh
hưởng đến cuộc sống gia đình, gây nên nhiều xáo trộn không cần thiết. Một người
phụ nữ có địa vị, có nhan sắc và có tài năng như bà lại chấp nhận rút lui, làm
cái bóng phía sau chồng, phẩm chất này chỉ có ở những người phụ nữ dịu dàng,
nhân hậu. Hoàng Nguyệt Anh quả thật là người vợ vĩ đại mà Khổng Minh tiên sinh
đã may mắn tìm thấy được.
Những truyền thuyết,dã sử
chung quanh người phụ nữ tài năng này rất nhiều, và hiện tại cũng đang trong
tình trạng "chín người mười ý".Thế nhưng tóm tắt sơ lược lại thì có
hai luồng ý kiến cơ bản nhất. Mọi người đều đồng ý rằng, Hoàng Nguyệt Anh là
một người phụ nữ có tài hoa xuất chúng, thông thiên văn, tường địa lý, bát quái
ngũ hành,kì môn độn giáp, ngay cả binh pháp (thứ chỉ dành cho đấng mày râu) bà
cũng rất am hiểu. Gia Cát tiên sinh tinh thông binh pháp, ít nhiều phải kể đến
công lao của bà.Trong một vài tư liệu cũng có ghi, các phát minh "mộc ngưu
lưu mã", "nỏ liên châu","Khổng Minh đăng" và bánh bao
của Khổng Minh cũng đều có sự tham gia giúp đỡ của Hoàng Nguyệt Anh. Và cũng ít
ai biết rằng, Long Trung sách của Gia Cát Lượng cũng dựa trên sự gợi ý ít nhiều
của bà. Nói chung,Hoàng Nguyệt Anh là một hậu phương vững chắc và trợ thủ đắc
lực của Gia Cát Lượng, góp phần không nhỏ vào các thành công của ông sau này.
Gia Cát Lượng trong lần đầu tới
cầu hôn, cô gái xấu xí tóc vàng da đen đã tặng chàng một cái quạt lông và hỏi:
"Gia Cát tiên sinh, có biết tại sao tôi lại tặng ngài quạt lông
không?" Gia Cát Lượng nói: "Là lễ nhẹ mà nghĩa tình thì nặng phải
chăng?" A sửu cô nương nói: "Còn ý nghĩa thứ hai?" Gia Cát Lượng
suy nghĩ mà không thể giải đáp. A sửu nói tiếp: "Gia Cát tiên sinh, tiên
sinh vừa cùng gia phụ đàm luận thiên hạ đại sự, tâm mang đại kế, khí vũ hiên
ngang, say mê hứng thú. Nhưng mà, tôi phát hiện ngài nói tới Tào Tháo Tôn Quyền
thì chân mày hiện rõ ưu tư. Tôi tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt lúc
đó". Chính là A sửu cô nương thông minh hiểu chuyện, biết đại trượng phu
khi làm việc tập trung khí lực, không thể để tình cảm xao động, càng không thể để
người ta phát hiện, nếu không đại sự tất không thành. Đó cũng chính là lí do
sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về rồi quạt lông vẫn không rời tay.
Nguồn blog.zing.vn (blog của Thập Diện Mai Phục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét