Chương 29 : Giả
Chết
Gà gô cũng vì cuống quá
sinh liều, để tránh đà lao tới thần tốc của con rết sáu cánh, vội đạp hai chân
vào thành giếng, tung người nhảy xuống giếng sâu. Nhưng thân thủ của anh ta đã
nhanh tốc độ của con rết còn nhanh hơn, nó thấy mình vồ hụt, bèn khua râu rung
hàm, rướn nửa thân hình khỏi vách đá dựng đứng, tựa như con rồng đen quay đầu
tìm châu, nhắm thẳng Gà Gô đang lơ lửng giữa không trung.
Gà Gô nào phải dạng hữu
dũng vô mưu, làm gì cũng có tính toán kỹ càng, biết con rết sau khi vồ hụt thế
nào cũng giở chiêu này. Anh ta nhảy khỏi thành giếng, dồn trọng tâm vào hai bàn
chân, xoay người một vòng giữa không trung, nhanh tay cởi phăng áo choàng đang
mặc trên người, quăng thẳng vào con rết, chuẩn xác thần kỳ, vừa hay trùm kín
đầu nó.
Con rết đột nhiên bị tấm
áo choàng trùm kín hàm râu, chẳng biết đây là thứ gì thì không khỏi hoảng hốt,
bám trên vách đá ra sức quẫy đầu vẩy đuôi, toan hất tung tấm đạo bào nhưng càng
giẫy giụa lại càng bị thít chặt, trong chốc lát không sao thoát nổi.
Gà Gô tuy nhanh trí,
dùng đạo bào chặn được con rết, nhưng anh ta tung mình bay ra giữa lòng giếng,
lại cởi phăng tấm áo choàng chẳng khác nào bá vương cởi giáp, quả thực đã sức
cùng lực kiệt, sau khi áo bào rời khỏi tay, cả người cũng lập tức rơi xuống,
trước mắt chỉ thấy lập lòe ánh đèn nến hệt một bầu trời đầy sao.
Huyệt giếng bày đầy
thạch đăng sâu không thấy đáy, càng không biết bên dưới là nước hay là đá, rơi
thẳng xuống thế này dù có mình đồng da sắt e cũng thịt nát xương tan. Nhưng Gà
Gô liều chết nhảy xuống hoàn toàn không phải tự tìm cái chết, mà là tìm đường
sống trong cái chết.
Bên ngoài anh ta khoác
đạo bào nhưng bên trong còn mặc bộ quật tử giáp leo núi chịu được nước lửa. Bộ
quật tử giáp này làm từ da cá nhám, ở mặt trong chổ khủyu tay, cổ tay, mắt cá,
đầu gối đều có vô số móc câu ngược nhỏ xíu, bình thường nằm im trong rãnh giáp,
chốt mở nằm ở sau lưng, lúc sử dụng chỉ cần gạt một cái, bách tử câu leo núi sẽ
lập tức bắn ra khỏi rãnh. Hai chữ “bách tử” trong bách tử câu, ‘bách” có nghĩa
là nhiều, “tử” có nghĩa là nhỏ bé, trong những khí giới trộm mộ có rất nhiều
dụng cụ có cấu tạo “bách tử”, như tấm quật tử giáp leo núi này cất giấu bên
trong rất nhiều những móc câu bằng thép tinh luyện nhỏ bé mà chắc chắn.
Trong lòng giếng sâu
không phải nơi không gian thoáng đãng, mà luôn có khí lưu tồn tại nên tốc độ
rơi của cơ thể chậm hơn bình thường đôi chút. Gà Gô thả mình xuống lòng giếng,
đưa tay giật giây chốt sau lưng, lợi dụng dòng khí lưu, dang rộng hai cánh tay
liệng tới nơi thành giếng gần nhất, bách tử câu ở cổ tay chỉ chờ có thế bám
chặt vào vách đá dốc đứng thành vại, đà rơi đột ngột chậm lại, cả người dính
chặt vào vách đá như thạch sùng.
Gà Gô bám lấy vách đá
thở phào, vừa nãy cởi đạo trùm lên đầu con rết, rồi lại dùng quật tử giáp treo
người trên thành giếng, động tác nối tiếp nhau không một chút ngơi nghỉ, bao
nhiêu tuyệt kỹ sống còn cất sâu đáy hòm đều đã lôi ra cả, chỉ cần giữa chừng có
chút sai sót, e không làm mồi cho rết thì cũng thịt nát xương tan, dù anh ta có
to gan lớn mật cũng không khỏi tim đập chân run.
Nhưng không đợi Gà Gô
kịp lấy lại hơi, trên đầu đã lại nghe lạo xạo tiếng rết bò. Con rết sáu cánh đã
thoát được khỏi tấm đạo bào vướng víu, men theo thành giếng bò xuống, qua mấy
trận ác đấu liên tiếp nó đã thương tích đầy mình, tức giận điên cuồng, nhất quyết
phải dồn Gà Gô vào chỗ chết.
Gà Gô trước khi vào núi
Bình Sơn vốn định dùng gà Nộ Tinh đối phó với con rết già thành tinh này, không
ngờ người tính không bằng trời tính, rốt cuộc lại cùng nó rơi xuống miệng giếng
khổng lồ dưới điện Vô Lượng, lối ra bên trên bị bịt kín, tự biết lần này nguy
hiểm tột cùng, gặp phải kình địch bình sinh hiếm thấy, đương nhiên không dám lơ
là, vội hít sâu một hơi, lợi dụng quật tử giáp leo núi bám chặt vào thành
giếng, triển khai thuật thạch sùng leo tường, nhanh chóng bò xuống đáy giếng.
Gà Gô từng bước bò
xuống đáy giếng, thân thủ tuy nhanh nhẹn nhưng con rết từ trên cao đuổi xuống
quá sát, anh ta đành phải rời khỏi thành giếng, vừa đu vừa nhảy xuống dưới, chỉ
thỉnh thoảng dùng quật tử giáp bám vào vách đá dốc đứng để giảm bớt đà rơi,
tránh rơi thẳng xuống đáy giếng.
Cái giếng này sâu đến
mấy chục trượng, lại dốc đứng thành vại, tựa hồ sắp đâm thẳng xuống chân núi
tới nơi, thân mình Gà Gô như phiến đá rơi, tránh rơi thẳng xuống đáy giếng đã
hiện ra trước mắt. Chỉ thấy dưới này chất đống đến mấy trăm cỗ quan quách, có
quan có quách, lại có cả chum vò táng xương, tất cả đều cũ kỹ dị thường, kiểu
dáng niên đại cũng không hề giống nhau, phía trên là quan tài sơn son khảm ngọc
xa hoa, phía dưới là áo quan mộc đầy mối mọt giòi bọ, hình như từ quan lớn
quyền quý tới bách tính tiện dân đều được an táng tại đây, quan tài chất cao
như núi, nhiều không đếm xuể.
Gà Gô hành nghề đổ đấu
đã lâu nhưng thấy đống quan quách chồng chất dưới đáy giếng cũng không khỏi
kinh ngạc, chưa kịp nhìn kỹ thì cả người đã rơi xuống tới nơi, bấy giờ mới thấy
rõ xung quanh núi quan tài còn vô số những hài cốt, có người chết rồi mà diện
mạo vẫn như còn sống, cũng có người chỉ còn trơ sọ, nhìn vào dáng vẻ phục sức
lại càng thấy rõ khác biệt, như thể lẫn lộn cả người Di người Hán, niên đại thì
từ Thương Chu cho tới Đường Tống đều có cả.
Gà gô hiểu biết uyên
thâm, vả lại Ban Sơn đạo nhân thường cải trang thành đạo sĩ hành tẩu khắp thiên
hạ, cũng biết chút ít về thuật Hoàng lão, anh ta vừa nhìn thấy cái lò luyện đơn
bằng đồng xanh khổng lồ kia thì trong bụng đã hiểu bảy tám phần. Thì ra cái
giếng sâu này chính là giếng luyện đơn trong đơn cung Bình Sơn, khi luyện đơn
hỏa bốc lên cao, bắt buộc phải có một nơi như thế này, còn đống quan quách cổ
xưa kia đều do đám phương sĩ luyện đơn đào trộm từ khắp nơi đem về nấu đơn. Từ
xa xưa, người ta đã cho rằng thịt cường thi có thể làm thuốc gọi là “muộn
hương”, bởi những cường thi chết rồi mà không thối rữa đều nhờ hấp thụ long khí
trong địa mạch, long khí vô hình vô ảnh khó lòng nắm bắt, nhưng đem nấu thịt
cường thi thì có thể tinh luyện được long khí trong di hài.
Lại thêm quan quách
dùng để liệm hài cốt đều được làm từ những nguyên liệu như gỗ, đá, ngọc, đồng,
chôn vùi dưới đất nhiều năm, cũng hấp thu linh khí của địa mạch nên có thể dùng
làm nguồn lửa luyện đơn. Chuyên luyện đơn thuốc để thành tiên từ xa xưa đã có,
ai mà chẳng mong được trở thành bậc thần tiên sống nơi thanh tịnh, đi mây về
gió, siêu phàm thoát tục, trẻ mãi không già, thọ cùng trời đất? Nhưng phép
luyện nội đơn tu chân luyện tính, gạn đục khơi trong, cũng phân trên dưới cao
thấp khác nhau, đa số phương sĩ đều không muốn dùng người chết để luyện âm đơn.
Không ngờ Bình Sơn tuy là đơn cung luyện đơn cho hoàng gia song bên trong kỳ
thực lại là nơi nhơ nhuốc thế này, không từ thủ đoạn để luyện thành chân đơn,
thực khiến người ta phẫn nộ.
Gà Gô đảo mắt một vòng
đã thông tỏ đầu đuôi ngọn ngành, thấy xung quanh đáy giếng có rất nhiều khe đá
hình thành do dáng núi xiêu vẹo của Bình Sơn. Con rết sáu cánh nhờ đó mà có thể
chui qua chui lại giữa các gian điện, chứ con người ở dưới này chẳng khác nào
ếch ngồi đáy giếng, không phân biệt nổi Đông Tây Nam Bắc, cũng chẳng biết cái
khe nào mới thông được ra ngoài. Anh ta đang định chui vào đó trốn tạm thì lại
nghe tiếng hàng trăm cái chân rết lạo xạo từ thành giếng trên cao bò xuống càng
lúc càng gần, con rết sáu đuôi đang đuổi riết.
Gà Gô thấy con rết đến
quá nhanh, dưới đáy giếng chẳng khác nào đáy phễu này làm sao quần nhau được
với nó? Anh định lách mình trốn vào một khe đá nhưng không kịp, huống hồ một
khi con rết kia đuổi theo vào khe núi, tính mạng sẽ càng khó bảo toàn.
Cái khó ló cái khôn,
anh ta đảo mắt nhìn quanh rồi nhả đại xuống chỗ quánh ngọc, nằm lẫn trong đống
xác chết, lại tiện tay túm lấy một cái xác khô che chắn. Cái xác cổ được bao
bọc trong một lớp da khô đỏ tía, mồm há hốc để lộ hàm răng lởm chởm, hai hốc
mắt sâu hoắm, trên đầu và dưới cằm còn mấy sợi râu tóc hoa râm vẫn chưa rụng
hết, dáng vẻ vô cùng nanh ác.
Nhưng Gà Gô vốn to gan
lớn mật, đương nhiên chẳng nề hà gì, anh ta đẩy cái xác khô sang bên chừa chỗ
cho mình chui xuống nằm, rồi trốn trong đống xác người xương cốt lổn nhổn, vận
thuật Quy tức điều hòa cho hơi thở và nhịp tim tức thì chậm lại.
Ban sơn đạo nhân khi đổ
đấu thường qua lại như con thoi trong mộ cổ dưới lòng đất sâu yếm khí, ở đó âm
khí và tử khí đều rất nặng nề, để đối phó ngoài cách ngậm thuốc, các đạo nhân
còn bắt buộc phải học cách bế khí, tinh thông thuật này rồi, có thể luyện đến
mức nhiều nhất chỉ hơn người chết một hơi sinh khí. Loài rùa đất sống sâu dưới
lòng đất, nhịp thở và nhịp tim đều vô cùng chậm, vậy mà sống được mấy trăm năm.
Từng có người đào lên một tấm bia mộ, dưới tấm bia có một con rùa đất bị chôn
vùi suốt mấy trăm năm, chỉ sống nhờ vào không khí trong các khe kẽ dưới lòng đất,
không hề ăn bất cứ thứ gì, khát thì uống nước mưa ngấm qua bùn đất, đói thì cực
kỳ chậm rãi nuốt từng tí không khí luồn qua kẽ đất, mãi đến mấy trăm năm sau
mới được moi lên, tấm bia đã mục nát nhưng con rùa vẫn còn sống. Cho nên phương
pháp hít thở dưới lòng đất sâu của dân trộm mộ được gọi là thuật Quy tức.
Gà Gô sử dụng thuật
này, bế khí nín thở trốn trong đống xác khô đề cao cảnh giác với mọi tiếng động
bên ngoài, chỉ nghe sột soạt từng chập trên thành giếng, con rết sáu cánh đã bò
xuống tới đáy.
Gà Gô hé mắt trộm nhìn,
thấy nó đang loay hoay giữa núi quan quách và đống xác khô, chốc chốc lại thò
hai cái râu dài vào đống xác người như thể muốn tìm kẻ vừa đả thương mình. Thân
nó đã trúng phải một loạt đạn, lại bị gà Nộ Tinh mổ cho một trận nên thân, sáu
cái cánh trong suốt đã rụng mất ba, mình mẩy te tua nhưng bản tính hung tợn và
sức mạnh vẫn còn, râu chân loạt xoạt, thoăn thoắt bò qua lại dưới đáy giếng.
Gà Gô thầm lo, cái đồ
thối thây này không phải đã tu thành chính quả thật rồi chứ, sao bị thương nặng
thế vẫn không suy sụp tẹo nào? Đang kinh ngạc, chợt thấy mắt mũi tối sầm, con
rết vừa khéo bò qua người anh ta, từng đốt vỏ giáp dưới bụng nó như những chiếc
lá khô cận kề ngay trước mắt, may có đống xác khô che phía trên nên nó vòng qua
vòng lại mấy lần vẫn không phát hiện ra Gà Gô.
Gà Gô vốn tưởng con rết
sáu cánh bị thương sắp chết nên tính trốn trong đống xác khô kéo dài thời gian,
đợi vết thương phát tác, nó chết đi rồi tính tiếp, nào ngờ giống rết này bản
tính hung ác, thân mang trăm ngàn vết thương mà vẫn bò tới bò lui không ngừng.
Gà Gô không biết rằng con rết này tuy lợi hại nhưng cũng không phải không biết
đau, kỳ thực do bầy gà trong núi Bình Sơn cứ gáy ầm ĩ nên nó mới bứt rứt không
yên, cứ như phát rồ phát dại, không muốn nghỉ ngơi phút nào.
Con rết sáu cánh vòng
đi vòng lại mấy lượt không đánh hơi thấy người sống liền bò lên thành giếng,
liên tục cọ mình vào vách đá. Gà Gô thấy lạ lại he hé mắt nhìn, thấy góc thành
giếng chất đầy dược thạch cỏ cây, lại thêm vô số vò thuốc bình đơn vỡ nát khắp
nơi, các loại đơn dược vãi đầy trên đất, con rết già cọ vết thương vào dược
thạch, hóa ra đang tự chữa thương cho mình.
Gà Gô chửi thầm trong
bụng: “Con yêu nghiệt, còn chưa chịu chết đi!” Anh ta tuy muốn trừ khử con rết
nhưng lúc này chỉ có tay không, hai khẩu súng Đức vứt đi khi nãy không biết đã
rơi ở chỗ nào, nghĩ tới sư đệ sư muội chết thảm trong tay nó mà hận đến nghiến
răng nghiến lợi, lại nghĩ Ban sơn giờ đây chỉ toàn người già trẻ nhỏ ốm yếu,
nhớ năm xưa Ban Sơn đạo nhân từ núi Song Hắc sông Khổng Tước trên sa mạc tiến
vào nội địa, lưu truyền cả ngàn năm nay, giờ chỉ còn lại mỗi mình mình, trong
lòng tuyệt vọng, chỉ muốn hất tung đống xác khô, nhảy ra sống mái với con rêt
kia một phen. Nhưng anh ta cũng rõ, chỉ cần bản thân nhất thời xốc nổi, có sơ
suất gì thì Ban Sơn đạo nhân coi như tuyệt tự từ đây, nên đành tiếp tục ẩn
nhẫn, trốn trong đống xác khô hôi thối đợi thời cơ, nếu chưa chắc ăn quyết
không thể manh động.
Đang lúc suy nghĩ đắn
đo, Gà Gô bỗng cảm thấy bên tai ngứa ngáy, suýt nữa thì giật mình đánh thót, mồ
hôi lạnh túa ra. Hóa ra trong đống xác chết này có con rết dài chừng ba tấc, bò
ra từ hốc mắt một cái đầu lâu bên dưới, tựa hồ phát hiện ra Gà Gô là vật sống,
men theo tai bò lên mặt anh ta.
Gà Gô than thầm: “Khốn
khổ khốn nạn, chắc rơi vào ổ rết mất rồi, giờ làm sao đây?” Anh ta cảm thấy con
rết từ bên tai trái bò lên trán, rồi mấy chục cặp chân lại du ngoạn xuống sống
mũi, hai sợi râu linh hoạt quét qua quét lại, cảm giác ngứa ngáy vô cùng khó
chịu, oái oăm hơn là lòng dạ nhộn nhạo, thuật Quy tức sắp mất tác dụng rồi.
Gà Gô biết chỉ cần hơi
thở của mình loạn nhịp, con rết sáu cánh sẽ phát hiện ra ngay, nên đành gắng
chịu, mặc cho con rết nhỏ bò lên bò xuống giữa hai chân mày, không dám cựa
quậy. May sao tiếng gà gáy trong núi đã làm lũ rết mất đi bản năng, không dám
nhả độc, bằng không chỉ cần dính phải một ít chất kịch độc của loài rết trong
núi Bình Sơn, thì dù có bản lĩnh thông thiên cũng phải bỏ mạng ở đây.
Hàng trăm cái chân rết
cứ ngọ nguậy, bò qua bò lại trên mặt như thế ai mà chẳng sợ đến sởn da gà, may
mà Gà Gô có sức chịu đựng hơn người, toàn thân cứng đơ như xác chết, ngay cả
lông mày cũng không hề động đậy. Nhưng điều gì phải đến cũng đã đến, con rết
nhỏ bò qua bò lại chán chê, lại tính chui vào mồm Gà Gô.
Dưới lòng giếng sâu
trong đơn cung này xương cốt chất thành núi, con rết vốn đã quen trò chui ra
chui vào các cái xác chết, nó cảm thấy cái xác này hình như vẫn còn sinh khí,
nhưng lại khó xác định nên chẳng nghĩ ngợi gì liền bò ngay vào mồm Gà Gô.
Toàn thân Gà Gô căng
cứng như dây đàn, nếu để con rết nhỏ này chui vào mồm không biết hậu quả sẽ ra
sao, việc này xẩy ra quá bất ngờ, khiến anh ta không sao lường nổi, giờ có tiếp
tục nhẫn nhịn giả chết cũng không được nữa rồi, nhưng chỉ cần cử động hơi mạnh
một chút, nhất định sẽ kinh động tới con rết sáu chân kia.
Gà Gô ứng biến cực
nhanh, lại quyết đoán kịp thời, chuyên làm những việc người bình thường chẳng
ai dám nghĩ, anh ta lập tức hạ quyết tâm, thừa lúc con rết vừa đưa đầu thăm dò,
chưa kịp cong mình chui vào, Gà Gô liên há mồm cắn một nhát thật mạnh.
Chương 30 : Lò Luyện Đơn
Đám trộm Xả lĩnh mang
theo bầy lớn gà trống vào núi trộm mộ, trời sinh rết và gà trống vốn là tử
địch, lũ rết to rết nhỏ trong địa cung mộ cổ mới đầu còn đua nhau bỏ chạy thục
mạng, về sau không chịu được tiếng gà gáy váng óc, lũ lượt bò ra liều chết, sống
mái với bầy gà, song lại vừa hay rơi vào vòng tròn sinh khắc chế hóa của Ban
sơn đạo nhân, cuối cùng chỉ còn sót lại con rết sáu cánh và vài con rết nhỏ sợ
đến vỡ mật.
Bầy rết trong núi Bình
Sơn đã chết gần hết, con rết nhỏ ba tấc này trốn trong đống xác người dưới đơn
tỉnh, nghe tiếng gà gáy trong núi càng hồn xiêu phách lạc, cuống quýt chui ra
chui vào cái đầu lâu khô, không chịu yên lấy một giây, thế nào lại chui đúng
mồm Gà Gô đang giả chết.
Gà Gô tuy đảm lược hơn
người, nhưng nếu làm kinh động tới con rết trời đánh thánh vật không chết kia
thì chỉ có bỏ mạng trong núi luyện đơn này. Tuy nhiên, cứ để mặc con rết nhỏ
chui vào mồm cũng chẳng khác nào trơ mắt chờ chết, anh đành hạ quyết tâm, chờ
cho nó bò tới mồm, hai sợi râu vừa chạm vào đầu lưỡi, liền hơi ngẫng đầu, há
mồm cắn phập một phát, đứt đôi con rết nhỏ.
Gà Gô dùng lực vô cùng
chuẩn xác, hai hàm răng cắn phập chỉ nghe đánh “khậc” một tiếng khẽ khàng.
Nhưng cái đầu rết tuy bị cắn đứt rời thân vẫn chưa chết ngay, còn ngúc ngắc
trong mồm anh ta,nhe răng giơ râu rồi mới chịu đơ ra.
Gà Gô cảm thấy đầu lưỡi
chân răng bắt đầu tê dại, tự nhủ chắc con rết nhỏ trước khi chết vẫn kịp nhả
độc. Tuy khoang miệng không bị nó cắn rách, chất độc không thể ngấm vào máu
thịt, nhưng cứ ngậm mãi thứ độc tố này trong mồm cũng không phải là cách, anh
ta vội nghiêng người nhổ toẹt cả đầu rết lẫn bãi máu tươi sang đống xương bên
cạnh, nhưng cảm giác tê miệng vẫn không biến mất. Gà Gô lòng thầm kinh hãi,
trúng độc là cái chắc rồi.
Nào ngờ tiếng động nhỏ
xíu khi nãy đã đánh động con rết sáu cánh. Nó đang chà xác vết thương vào đống
dược thạch, không biết thứ vụn thuốc đó làm từ nguyên liệu quý hiếm nào mà có
tác dụng cầm máu trị thương tuyệt vời đến vậy, chỉ thấy con rết lăn mình lật
cánh cho mình mẩy dính đầy bột thuốc, vết thương to bằng cái sàng trên thân nó
lập tức liền miệng. Tựa hồ phát giác thấy động tĩnh trong đơn cung, nó quay
phắt lại, ngoe nguẩy đôi hàm và râu thăm dò, rồi bắt đầu ngọ nguậy trăm cái
chân bò về đống xác.
Gà Gô đang lo trúng
phải kịch độc, lại nghe tiếng con rết sáu cánh thoăn thoắt từ góc giếng bò tới,
nghĩ bụng lần này đúng là họa vô đơn chí. Hoa Linh và Lão Tây đều chết trong
Bình Sơn, không ngờ nay lại đến mình cũng không thoát khỏi kiếp nạn này, đây
hóa ra lại là nơi Ban Sơn đạo nhân tuyệt tự.
Song anh ta cũng nhanh
chóng trấn tĩnh, nín thở nhẹ nhàng nắm lấy một khúc xương cánh tay của người
chết, khúc xương gẫy tương đối sắc nhọn, vừa khéo có thể dùng làm dùi đâm. Gà
Gô hạ quyết tâm, đã giả chết thì giả chết đến cùng, cứ để nó tới đây, mày không
động đến tao thì tao cũng không động đến mày, còn nếu bị con rết sáu cánh phát
hiện ra thật, anh ta sẽ liều mạng dùng khúc xương này đâm thẳng vào đầu nó.
Sẵn sàng cho một trận
quyết tử, Gà Gô nằm bất động dưới đống xác, hé mắt nhìn trộm, thấy con rết khổng
lồ di chuyển lòng vòng trên đống quan quách lổm nhổn, cuối cùng lại bò tới một
góc giếng. Anh ta chột dạ nhủ thầm: “Trò quái quỉ gì đây? Giờ cũng chỉ lấy bất
biến ứng vạn biến thôi, cứ nằm yên xem nó định làm gì rồi tính”.
Lại thấy con rết bò đến
một cổ áo quan sơn son thếp vàng rực rỡ rồi đột nhiên dừng lại, cuộn mình xòe
hàm, nhúc nhích như đang giơ vuốt nhe nanh. Gà Gô cành nhìn càng thấy kỳ lại,
nhờ ánh đèn như sao trời giăng kín trên thành giếng, anh ta lờ mờ trông thấy
hình mấy người phụ nữ vận cổ trang, dáng điệu thướt tha, đang gẫy đàn thổi sáo
giữa cung điện mây trời, xem ra đều là tiên nữ trên thiên đình, tuyệt nhiên
không giống người phàm, vẫn còn lưu giữ trên cổ áo quan to lớn.
Mặt ngoài quan quách
thời xưa thường vẽ hình tiên nhân sơn son thếp vàng, có ý gởi gắm chốn đi về ở
cõi u minh cho người chết nằm trong quan tài. Không biết cỗ quan tài quét sơn
này được tạo ra từ bàn tay người thợ tài hoa của triều đại nào chỉ thấy thần thái
các tiên nữ vô cùng sinh động, khung cảnh trong tranh cũng rất truyền thần,
khiến người ta nhìn vào đã có cảm giác thoát tục như đang được lắng nghe khúc
nhạc trời giữa chốn tiên cung.
Con rết sáu cánh quanh
quẩn trước cỗ quan tài, hồi lâu vẫn không muốn bỏ đi, tựa như đang quỳ bái thần
tiên trong bức tranh. Rồi đột nhiên, từ mồm nó nhả ra một viên hồng hoàn to
bằng quả long nhãn, đỏ tươi như máu, xung quanh bao phủ một quầng sáng mờ ảo,
hồng hoàn bị con rết nhả ra rồi lại nuốt vào, lặp đi lặp lại, vờn giỡn mãi
không thôi.
Gà Gô thấy con rết bất
ngờ nhả ra hồng hoàn thì vô cùng kinh ngạc, lại ngửi thấy trong lòng giếng tự
nhiên có mùi hương lạ xộc thẳng vào mũi, không khỏi run run trong dạ. Thì ra
con rết này ngoại thương sắp lành, bèn nuốt nhả nội đơn tự chữa trị nội thương.
Bất kể sinh linh nào cũng chỉ có thể đem nội đơn kết thành trong cơ thể ra nuốt
nhả trong núi vào giờ khắc giao nhau giữa hai giờ Tý Ngọ, phân rõ âm dương mà
thôi.
Gà Gô trong lòng hiểu
rõ, vạn sự vạn vật trên đời đều có định mệnh, có hai cực âm dương, đó là lẽ tự
nhiên của tạo hóa, là thuyết âm dương, bất kỳ sinh linh sự vật nào, có sinh tất
có diệt, chỉ có thần tiên phiêu diêu cõi hư vô trong truyền thuyết mới có thể
tu hành chính quả, hoàn toàn siêu thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Bất luận con người hay
những sinh linh khác, một khi sinh ra trong cõi đời này, sẽ không bao giờ tránh
khỏi nỗi khổ sinh lão bệnh tử, cho nên từ xưa đã có biết bao người vứt bỏ gia
nghiệp người thân, cả đời chuyên tâm cầu tiên luyện đơn, chỉ để được hóa thân
xác thành thần tiên, trường sinh bất lão, trường tồn cùng thiên địa nhật
nguyệt, suy nghĩ này có lẽ xuất phát từ nỗi sợ hãi trước quy luật tàn khốc của
tự nhiên.
Thực ra không chỉ con
người mới có nỗi sợ này, tất cả mọi sinh linh trên đời đều tham sống sợ chết
như vậy, mưu toan nhìn thấu thiên cơ, tu thành chính quả. Trong ngàn vạn năm
qua,cách thức muôn loài kiếm tìm sự trường sinh không nằm ngoài hai loại nội
đơn ngoại đơn, trong đó ngoại đơn được luyện từ các loại kim thạch dược liệu
thủy ngân, còn nội đơn thì thần bí hơn, bên trong có âm dương bổ trợ, lại cả
luyện khí nạp thổ nạp ra.
Chỉ nói riêng về luyện
khí, thực ra là thông qua nuốt vào nhả ra tinh hoa của nhật nguyệt để dưỡng
thành nội đơn trong cơ thể, cách thức thì nhiều vô số kể, lại phức tạp ảo diệu,
khó mà nói hết, nhưng đa phần đều chỉ là mấy mánh khóe hù người, bất luận sinh
linh nào sống trong trời đất, nếu không gặp được cơ duyên đặc biệt, tuyệt đối
khó lòng luyện thành.
Trái lại, loài súc sinh
ngu độn như trâu ngựa lợn dê lại vô tình sinh ra ngưu hoàng, cẩu bảo, một dạng
kết thạch từa tựa như nội đơn, chỉ bởi đầu óc đơn giản hơn nhiều so với các
loài khác. Nhưng cũng chính bởi chúng ngu ngốc, nên nếu trong cơ thể nếu có nội
đơn cũng không biết, càng không hay cách thổ nạp tu luyện, cuối cùng chỉ báu
những tên đồ tể chuyên giết lợn mổ bò, hễ lần nào giết trâu bò, nhặt được ngưu
hoàng, la bảo trong bụng gia súc, đem bán cho những người thu mua dược liệu, là
coi như kiếm được một món bẫm.
Bắt đầu từ thời Tần
Hán, đã có trường phái xây dựng thuật nội đơn khảm ly, người tu tập theo có cả
nam lẫn nữ, kỳ thực là bắt đầu từ nguyên lý “ngưu sinh hoàng, cẩu kết bảo”.
Phái luyện đơn này cho rằng sở dĩ mọi sinh linh trên đời không thoát khỏi sinh
lão bệnh tử là bởi trong cơ thể có một búi gân, muốn nắm lấy số tuổi thọ sinh
mệnh, phải thông qua nuốt nhả tinh hoa nhật nguyệt, đem bó gân ấy hóa thành
chân đảm, đợi đến khi luyện thành hình tròn thì có thể thoát khỏi sinh tử luân
hồi, tu thành Đại la Kim tiên. Môn khí công thổ nạp này lưu truyền mấy ngàn
năm, quả thực cũng có người cá biệt luyện thành, luyện đến cuối cùng kết thành
huyết đơn trong Đan Điền, nhưng đến lúc phải chết thì v cứ chết, hầu như không
ai sống quá trăm tuổi, chết rồi có thành tiên không thì cũng chẳng ai biết.
Không ngờ con rết sáu
cánh sống trong đơn cung nhiều năm, ăn đơn dược sót lại trong địa cung mà cũng
luyện thành nội đơn hồng hoàn, trông hành động của nó, có vẻ như muốn thổ nạp
nội đơn mấy lượt dưới giếng này, gia tăng tinh lực rồi lại ra chiến đấu với gà
Nội Tinh.
Gà Gô chợt nghĩ: “Viên
hồng hoàn này chính là sinh mệnh của con rết sáu cánh, tất cả tinh lực của nó
đều tích tụ trong đó, giờ là cơ hội ngàn vàng, cần phải liều chết cướp lấy nội
đơn. Bằng không để nó nuốt đơn vào rồi, không biết đến tận khi nào mới lại nhả
ra, tới lúc đấy không phanh thây nghiền xương được nó, e khó mà dồn nỗi nó vào
chỗ chết.”
Gà Gô đang cảm giác nơi
đầu lưỡi đang dần mất hẳn, biết còn chần chừ thêm nữa chất độc sẽ công vào tim,
lúc đó chỉ còn biết giương mắt ếch ra nhìn con rết sáu cánh bay lên khỏi đơn
tỉnh. Không nghĩ ngợi nhiều, anh ta nhắm chuẩn thời cơ, nhằm lúc con rết quay
lưng lại phía mình nhả viên hồng hoàn, bèn nhanh như cắt hất phăng cái xác khô
che phía trước, tung người nhảy vọt khỏi đống xác chết, giơ chân đá bay một cái
đầu lâu về phía con rết.
Đây là chiêu dương Đông
kích tây, cái đầu lâu bị đá bay vụt qua đầu con rết, đập vào thành giếng nát
vụn. Tiếng động đột ngột quả nhiên làm con rết giật mình, đơn khí đứt đoạn
khiến viên hồng hoàn đang lơ lửng giữa không trung rơi ngay xuống nắp quan tài,
xoay tròn mấy vòng.
Cú đá càn khôn của Gà
Gô tựa long trời lở đất, chân đá đầu lâu, người cũng cùng lúc bắn ra,
nhanh tới nỗi tựa hồ chân không chạm đất, trong lúc viên nội đơn của
con rết rơi xuống, anh ta chỉ nhún chân mấy cái đã tới bên cỗ áo
quan, viên nội đơn chưa kịp từ nắp áo quan rơi xuống đã nằm gọn trong
tay.
Con rết sau cánh coi
nội đơn như sinh mạng, nhưng vì trọng thương nên thành ra như “chim sợ
cành cong”, thấy cái đầu lâu đập đánh bốp vào thành giếng thì hoảng
hốt không để đâu cho hết, vừa thoắt phân tâm đã đánh rơi nội đơn, vội
vàng quay lại định hút ngay hồng hoàn vào cơ thể. Nào ngờ chỉ trong
tích tắc ấy, nội đơn đã bị người khác cướp mất, nó lo sợ cuống
cuồng, vội khua khoắng râu vuốt toàn thân, bổ nhào tới chỗ Gà Gô.
Gà Gô vừa cúi người
chộp được nội đơn nhưng chân vẫn không hề ngừng nghỉ, theo quán tính
tiếp tục nhảy về phía trước, đồng thời hất tấm ván áo quan trên
mặt đất ra sau cản đường con rết.
Đợi đến khi con rết
phá tung được mảnh nắp quan tài mục nát, Gà Gô đã chạy được nửa
vòng giếng, vòng tới lò luyện đơn bằng đồng xanh ở chính giữa đáy
giếng. Anh ta biết dù thân thủ mình có nhanh đến mấy cũng không thể
quần nhau với con rết khổng lồ trong lòng giếng sâu như cái thùng sắt
này được, tốt nhất là tìm nơi tránh mũi tấn công của nó. Con rết đã
mất nội đơn chắc cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, vừa chạy vừa
phóng mắt quan sát, chỉ thấy có cái lò luyện đơn là nơi dung thân
tốt nhất.
Gà Gô chẳng buồn
quay lại nhìn xem con rết đã đuổi tới đâu, anh ta hít sâu một hơi, lao
thẳng về phía lò đơn, một bước sáu thước hai bước trượng hai, loáng
cái đã tới cạnh lò, đoạn xoạc chân, triển khai Khôi Tinh Thích Đẩu,
vận lực xuống chân, đá tung nắp lư đồng nặng tới trăm cân có lẻ, để
lộ ra một khe hở vừa khéo đủ cho một người chui vào. Chỉ chờ có
vậy, anh ta liền phóng người lên, lách một cái chui tọt vào lò đơn
Chỉ nghe tiếng nắp
lò sập xuống đánh rầm một tiếng, tiếp theo đến là tiếng con rết
sáu cánh xồ đến dội mạnh vào chiếc lò đồng. Tất cả điều diễn ra
nhanh như chớp giật, Gà Gô trở mình chui vào lò đơn, người còn chưa
chạm đáy lò đã nghe tiếng nắp đồng đóng sập trên đỉnh đầu, cùng
tiếng con rết húc đầu vào thân lò dội lại.
Âm thanh trong lò
đồng đặc biệt vang vọng, nghe như tiếng chuông đồng, cứ lùng bùng bên
tai không dứt. Gà Gô vội há mồm bịt tai, nhưng lúc này trăm cái chân
rết bên ngoài đang thi nhau cào vào lớp vỏ đồng, phát ra từng trành
sột soạt nhức óc, mặc Gà Gô ra sức bịt tai, chuỗi âm thanh dày đặc
ấy vẫn như khoan thẳng vào óc anh ta.
Chương 31 : Tiên Cảnh Điêu Tàn
Gà Gô cướp được rết
đơn, tiện thể trốn luôn trong chiếc lò đồng, tuy nằm trong lò nhưng anh ta vẫn
nghe rõ mồn một mọi động tĩnh bên ngoài, biết con rết đuổi sát theo sau, không
húc thủng được lò đơn, liền bò quanh, dùng râu vuốt cào vào thành lò.
Con rết sáu cánh dường
như cũng biết mất nội đơn coi như chết chắc, bèn mang nỗi ai oán căm hận trút
lên cái lò đồng, hàng trăm cái chân cứ cào lấy cào để vào thành lò. Tuy cái lò
chẳng xây xước gì nhưng âm thanh sột soạt từ bốn phương tám hướng dội vào tai,
chẳng có vô số con rết nhỏ đang đục vào óc, khiến Gà Gô gần như phát điên, chỉ
biết ôm đầu chịu đựng.
Gà Gô vốn có sức khỏe
hơn người, nhưng khi nãy thực hiện liền một loạt hành động cướp đơn không ngơi
nghỉ, nhanh đến khó bề tưởng tượng, kỳ thực chỉ là quẫn quá làm liều, mang hết
tuyệt học bình sinh ra sử dụng. Do ban nãy anh ta đang trong trạng thái Quy tức
lại đột ngột bật dậy chạy nhanh, khiến khí huyết trong lồng ngực cuộn lên ùng
ục, giờ lại bị nhốt trong lò đồng, trong đầu ong ong tiếng hàng trăm cái chân
rết khua khoắng, tưởng như sắp vỡ tung ra, tim đập loạn xạ, làm thế nào cũng
không trấn tĩnh được.
Gà Gô vẫn còn tỉnh táo,
sợ mình sẽ phát điên mà chết, định cắn rách đầu lưỡi để định thần, nhưng lại
thấy cảm giác tê dại nơi đầu lưỡi, đang dần lan rộng, biết độc rết trong mồm đã
phát tác, vừa nãy vận sức vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể, giờ đầu lưỡi
lẫn chân răng đều dính phải kịch độc, e sắp ngấm vào não tủy mất rồi.
Anh ta chợt nhớ ra viên
nội đơn đang nằm trong tay, nội đơn của loài rết vốn là tinh hoa của dược thạch
nhật nguyệt trong núi Bình Sơn, con rết sáu cánh để mất nó không chỉ nguy hiểm
đến tính mạng mà còn không thể nhả độc được nữa. Nghe nói nội đơn có tác dụng
cải tử hoàn sinh, cho dù bệnh nặng đến đâu, chỉ cần vẫn còn chút hơi tàn, nuốt
viên chân đơn này vào là có thể sống lại, hoàn dương lần nữa. Rết châu đã giải
được độc rết thì viên nội đơn này hẳn cũng có thể, có điều rết châu không thể
để sát mũi mồm, không biết nội đơn có đặc tính vậy không.
Gà Gô nghĩ bụng đằng
nào cũng chết, tội gì không nuốt thử xem sao? Nếu ông trời không bắt Ban Sơn
đạo nhân tuyệt tông từ đây, có lẽ vẫn còn một hy vọng sống. Anh ta xưa nay vốn
không tin quỷ thần, cũng không phải gánh trách nhiệm nặng nề, tốt xấu gì cũng
không thể để Ban Sơn Phân Giáp thuật tuyệt đường hương hỏa. Nghĩ vậy, anh ta
thầm cầu khẩn: “Hỡi các vị tổ tiên an nghỉ nơi Song Hắc sơn, hỡi vị chân thần
toàn trí toàn năng duy nhất tổ tiên chúng con tôn thờ, nếu thần sơn Zhaklama có
linh thiêng, xin hãy cho con giữ lại mạng này…”
Trong tích tắc suy
nghĩ, Gà Gô đã cảm thấy cổ họng bắt đầu tê tê,nếu không mau chóng nuốt nội đơn
vào, đến khi cổ họng đã tê dại đi rồi thì viên kim đơn này có là tiên dược khó
lòng nuốt nổi, việc đến nước này không thể tiếp tục chần chừ nữa. Nghĩ vậy, anh
ta bè đem viên nội đơn của con rết bỏ tọt vào mồm, rướn cổ nuốt gọn xuống bụng,
chỉ thấy lục phủ ngũ tạng lập tức nóng như lửa đốt, tiếp đến máu tươi bắt đầu
ộc ra từ mũi và mồm.
Gà Gô không chỉ can đảm
hơn người mà còn lòng gan dạ sắt, dù róc xương lột da cũng không cau mày, vậy
mà lúc nà lại đau đến mức nghiến nát cả hàm răng, không sao chịu đựng nổi cơn
đau đang đục khoét khoan sâu vào ngũ tạng cốt tủy, chỉ biết đấm thùm thụp lên
thành lò, những mong giảm bớt cảm giác đau đơn khủng khiếp này.
Con rết sáu cánh đang
bò bên ngoài lò đồng, dường như cũng cảm nhận được nội đơn của mình đã bị người
khác nuốt mất. Trên thân lò tuy có nhiều khe kẽ chạm rỗng nhưng nó không sao
chui vào được, càng không thể làm gì với lớp thành đồng vừa dày vừa nặng, chỉ
biết cuồng lên lo lắng. Vô số chân rết cào vào thành lò mỗi lúc một gấp gáp,
nhưng nó cũng đã đến lúc sức cùng lực cạn, chẳng được bao lâu tiếng lạo xạo
cũng yếu dần đi, con rết sáu cánh cuối cùng rơi khỏi lò đơn, mấy đôi cánh mỏng
và cặp râu rung rung mấy cái rồi không cựa quậy gì nữa.
Không gian trong giếng
luyện đơn bỗng trở nên im ắng, Gà Gô nằm trong lò đơn, cảm giác như trăm ngàn
mũi tên đang đâm thẳng vào tim, thầm nghĩ chắc sắp chết đến nơi. Nhưng cứ thế
hồi lâu, lại thấy khí huyết trong ngực dần dần thông thuận, từng luồng khí mát
luồn vào tam quan, tỏa khắp xương cốt tứ chi, tâm thần dần ổn định lại, anh ta
há mồm thổ ra mấy ngụm máu đen, cảm giác tê dại dã mất hẳn, tay chân cử động
như thường, thầm reo lên: “May quá!”
Nghe ngóng bên ngoài
chỉ thấy một bầu không khí im lặng chết chóc, Gà Gô bèn đẩy mở nắp lò đồng, vịn
một tay vào miệng lò, nhún người nhảy ra. Đập vào mắt là cảnh tượng con rết sáu
cánh nằm chết ngay bên cạnh lò đồng, toàn thân khô héo, cái mai vốn đen bóng
giờ nhăm nhúm vàng ệch như xác ve tựa hồ đã lão hóa trong chớp mắt, già yếu mà
chết, chắc chính vì mất kim đơn.
Lúc này từ trong khe đá
bên lề đáy giếng bỗng vang lên một tràng tiếng động lớn, lão Trần dẫn hơn trăm
tên trộm Xả Lĩnh soi đèn ùa tới. Thì ra bọn họ đứng trước điện Vô lượng, thấy
gian điện sụp xuống chôn vùi cả Gà Gô và con rết sáu cánh, còn nghĩ rằng Ban
Sơn đạo nhân chuyến này khó lòng sống sót, bèn vội vàng nạy cột khiêng gạch,
Ban Sơn Xả Lĩnh đã đồng tâm kết nghĩa, tốt xấu gì cũng phải mang thi thể nguyên
vẹn của Gà Gô trở về an táng.
Có điều điện Vô lượng
kết cấu quá đỗi đặc biệt, cả một khối kiến trúc không có xà ngang mà toàn bộ
trụ gỗ san sát, giật một sợi tóc động đến toàn thân, đám trộm Xả Lĩnh tuy người
đông thế mạnh cũng không thể đào hết đống đổ nát này trong chốc lát. Có vài
người xuống lòng hồ cạn nhặt nhạnh thi thể các anh em bỏ mạng, liền phát hiện
dưới đáy hồ có một khe đá, chính là nơi con rết sáu cánh đã chui ra rồi bò lên
cầu.
Lão Trần dẫn theo một
đám người, chui vào khe đá đuổi theo Gà Gô, không ngờ bắt gặp anh ta đang đứng
ngay cạnh một lò luyện đơn bằng đồng xanh to tướng, con rết sáu cánh dữ dằn nằm
chết dưới chân, lại thấy bên trong giếng cổ thây chất cao như núi, ai nấy đều
kinh ngạc vô cùng.
Hồng cô nương mừng vui
hơn cả, những tưởng hôm nay sinh ly tử biệt, nào ngờ còn được gặp lại cố nhân,
cô ta vội chạy lại túm lấy Gà Gô, nhìn đi nhìn lại mấy lượt. Gà Gô cười gượng
nói: “Các vị, tôi là người không phải ma, nhưng cũng không chịu được bị chiêm
ngưỡng thế này đâu .” Đoạn kể lại cho mọi người đầu đuôi sự việc mình ngã từ
điện Vô Lượng xuống giếng luyện đơn.
Đám trộm nghe xong
không ngớt trầm trồ than phục Ban Sơn đạo nhẫn bản lĩnh thông thiên. Từ thời
Tần Hán đến nay, phường trộm mộ được chia thành bốn phái Phát Khâu, Mô Kim ,
Ban Sơn, Xả Lĩnh, trong đó Ban Sơn đạo nhân và Mô Kim hiêu úy trước giờ nhân số
không nhiều, đem so với số người lên đến hàng nghìn vạn của Thường Thắng sơn,
thì thật chẳng là gì, nhưng đấy chỉ là xét thể lực, nếu luận về “phương pháp”
đỗ đấu thì Ban Sơn vẫn hơn Xả Lĩnh một bậc. Trước đây một số người phái Xả Lĩnh
vốn rất không đồng ý với điều này, hôm nay tận mắt thấy Ban Sơn đạo nhân cướp
lấy nội đơn, diệt trừ con rết sáu cánh mới hoàn toàn tâm phục khẩu phục.
Hơn nữa, lần này vào
núi trộm mộ, tuy thuận theo thuyết sinh khắc trong Ban Sơn Phân Giáp thuật,
mang theo cả ngàn con gà trống đối phó với lũ rết độc, nhưng cuối cùng lại vẫn
phải dựa vào bản lĩnh công phu điêu luyện của Gà Gô tiêu diệt cường địch.
Dân trộm mộ thường kể
cho nhau nghe một truyền thuyết cổ xưa rằng, trước kia có một bậc tiền bối hành
nghề đổ đấu, tìm được một cỗ áo quan rách trong ngôi miếu cố trên núi hoang, cỗ
áo quan đó là mục nát lắm rồi, bên trong không có xác chết nhưng rất nhiều vàng
bạc minh khí, đã là trộm há có chuyện tay không quay về, đương nhiên ông ta
tiện tay vét sạch. Đúng lúc định bỏ đi thì một cơn gió lạnh bỗng nhiên nổi lên,
một cương thi tay ôm một người con gái từ ngoài miếu xông vào, tay trộm mộ đêm
hôm đụng phải cương thi thì biết thế nào cũng bỏ mạng, cái khó ló cái khôn,
liền co mình chui vào cỗ áo quan, lấy chăn bông trong quan tài trùm lên nắp
quan, mặc cho cương thi đứng ngoài cào cấu, ông ta cứ nằm lì bên trong, cố sống
cố chết túm chặt không buông. Đến khi trời sáng gà gáy, cương thi phủ ục trên
nắp áo quan bất động, móng tay cắm sâu vào tấm ván, không thể rút ra được nữa,
tay trộm mộ vội vàng châm lửa đốt luôn nó cùng nắp áo quan thành tro bụi.
Câu chuyện này đã lưu
truyền rộng rãi trong giới trộm mộ, mà việc Gà Gô cướp đơn lần này cũng gần
giống như thế, quả là có cốt cách của bậc tiền nhân đổ đấu, nên đám trộm cứ
chụm đầu ghé tai thì thầm bàn tán mãi, đúng là thần dũng hơn người.
Lão Trần cũng khen:
“Không chặt tay rồng sao lấy được long châu. Con rết sáu cánh này cuối cùng vẫn
bị người anh em dụng kế lạ trừ khử, thực khiến bọn tôi phải vỗ tay khen ngợi…”
Nói đến đây lão Trần thở dài, lần thứ ba tiến vào Bình Sơn, lại mất thêm vài
huynh đệ, hai Ban Sơn đạo nhân là Lão Tây và Hoa Linh cũng bỏ mạng trong lúc
hỗn loạn, mộ cổ Bình Sơn dường như là nơi cực kỳ xúi quẩy, đến nay tổng cộng đã
lấy hơn trăm sinh mạng, linh đường tạm thời trong nghĩa trang Lão Hùng Lĩnh đã
không còn chỗ đặt bài vị nữa rồi.
Sắc mặt Gà Gô cũng vô
cùng nặng nề, anh ta thoát chết là do may mắn nên nào dám huênh hoang, từ nay
trên cõi đời này phái Ban Sơn chỉ còn lại một mình anh ta đơn thương độc mã,
cái giá phải trả cho lần vấp ngã này quá lớn, mà địa cung minh điện thật sự của
mộ cổ Bình Sơn thì vẫn chưa thấy đâu. Xem ra đơn cung này vẫn chỉ là mộ giả,
chứ không hề chôn cất tay quý tộc người Nguyên nào.
Đám người Ban Sơn Xả
Lĩnh đều là những kẻ thích tranh cường háo thắng, không đành để từng ấy anh em
chết oan như thế, cả bọn quyết định dằn lòng, tiếp tục gắng sức, dù có phải cày
nát cả ngọn núi đá này cũng quyết vét sạch mộ cổ Bình Sơn.
Lão Trần và Gà Gô là
hai kẻ vô cùng lão luyện trong nghề trộm mộ, vậy mà hết lần này đến lần khác
đều phán đoán sai vị trí minh điện trong mộ cổ Bình Sơn, xem ra chuyến này
không thể suy đoán theo nguyên lý sơn lăng thông thường được, tiếc là không ai
biế thuật phân kim định huyệt nên khó lòng đào thẳng vào hoàng long. Hai vị thủ
lĩnh lập tức chụm đầu bàn bạc, cảm thấy bên trong giếng luyện đơn này có rất
nhiều điều cổ quái, tiên cung luyện đơn đáng lẽ là nơi động thiên phúc địa,
không ngờ bên trong lại chất đầy thi hài quan quách, dưới đáy tiên cung “Hồng
trần đảo ảnh, thái hư ảo cảnh” lại ẩn giấu một mật thất dùng cương thi luyện
đơn âm, chả trách âm khí trong núi nặng nề như vậy.
Muốn nấu âm đơn, trước
hết phải đào lấy cổ thây ở những nơi có huyệt phong thủy tốt, sau đó dùng vạc
đồng ninh nấu, chưng cất long khí địa mạch từ trong cơ thể cương thi ra dưới
dạng thi du thi lạp, rồi dùng thứ đó làm chất dẫn để luyện kim đơn. Cách làm
này thường bị đạo phái chính tông khinh miệt, coi là “yêu thuật” nên hầu như
không mấy ai dám ngang nhiên nấu luyện âm đơn. Không biết việc nấu luyện âm đơn
trong tiên cung Bình Sơn này là do vị hoàng đế triều nào muốn trường sinh bất
lão tới mức hóa điên, hay đám phương sĩ luyện đơn vì muốn đối phó với bọn quan
sai mà áp dụng tà thuật. Vị hoàng đế nào không biết rõ nội tình, cứ uống âm đơn
được luyện từ thi du thi cao này, đợi khi chết đi nằm trong Hoàng lăng biết
được chân tướng, chắc cũng đội mồ sống dậy mà nôn thốc nôn tháo.
Thành giếng trong đơn
cung do bị thế núi Bình Sơn xiêu vẹo chèn ép, lại thêm tác động của trận động
đất từ mấy trăm năm trước nên nứt ra vô số khe kẽ, ngoài khe nứt một đầu thông
ra lòng hồ cạn dưới điện Vô lượng, một đầu có lẽ thông thẳng ra từ đỉnh núi đến
hậu điện, cũng chính là nơi lão Trần dẫn người phóng hỏa thiêu rụi, bên trong
giếng ngoài lò luyện đơn này chắc vẫn có đơn phòng, hỏa thất, dược các, cùng
nơi chưng cất thi du.
Giếng luyện đơn này bị
con rết sáu cánh chiếm cứ nhiều năm, nó tham lam dược thạch, thường lặn lộn cọ
mình dưới đáy giếng, khiến đống quan quách xương cốt chất đống xáo trộn bung
bét cả, giờ muốn tìm ra mật thất khác dưới đấy hặc trên thành giếng, trước hết
phải thu dọn sạch sẽ đống thây cổ quách cũ này đã.
Lão Trần lập tức hạ
lệnh, trước tiên cắt một nhóm người khiêng những anh em tử thương ra khỏi Bình
Sơn, một nhóm khác tiếp tục chuyển những thứ đáng tiền ra khỏi tiên cung. Ngoài
núi đã có La Lão Oai dẫn quân tiếp ứng, trong này lão và Gà Gô sẽ đích thân đốc
thúc chỉ huy một toán công binh đào bới thu dọn đống hài cốt quan quách.
Gà Gô thấy thi thể sư
đệ sư muội được đám trộm khiêng ra khỏi núi, trong lòng đau đớn không nói nên
lời. Bọn họ tuy xưng hô sư huynh đệ, nhưng thực ra Hoa Linh và Lão Tây đều do
một tay anh ta dìu dắt, là đồng tông đồng tộc, lại sớm tối bên nhau, quả thực
tình thân như ruột thịt. Nếu chỉ dựa vào một mình anh ta thì dù bản lĩnh đến
đầu, tài thuật đảm lược cũng có giới hạn, nay mắt thấy sư đệ sư muội chết thảm
nơi núi hoang mà không thể ra tay cứu giúp, hỏi sao không đau lòng cho nổi? Tuy
đã tự tay báo thù cho họ nhưng trong thâm tâm anh ta vẫn đau đớn vạn phần, càng
lo Ban Sơn Phân Giáp thuật từ nay thất truyền.
Tuy nhiên đại sự trước
mắt vẫn chưa thành, Gà Gô đành phải xốc lại tinh thần, chỉ huy đám trộm thu dọn
đống hài cốt quan tài dưới đáy giếng. Để đề phòng trong đống xác chết có cương
thi đột ngột vùng dậy, vài chục người được cắt cử cầm gậy sáp trắng canh chừng
xung quanh, nếu có gì bất thường sẽ nhất loạt xông vào khống chế, không để
cương thi hại người.
Cổ thây được tập hợp từ
khắp mọi nơi, đa phần đều là những nơi có mạch phong thủy rất tốt, nên rất
nhiều cương thi vẫn tươi tắn như khi còn sống. Cương thi ở đây không nhất định
là quái vật thi biến vùng dậy, những trường hợp chết mà không hóa, cơ thể cương
thi cứng không thể uốn gập, cũng có thể gọi là cương thi.
Còn có những người sau
khi chết đi, thi thể sinh ra dị tướng, ví dụ như cổ thây trăm năm, đầu tóc móng
tay vẫn tiếp tục mọc dài ra mãi, móng tay dài tới mức cuộn cả lại, da thịt vẫn
mềm mại như khi còn sống, các khớp tứ chi vẫn có thể duỗi gập bình thường, loại
này cũng được gọi là cương thi, song phân tích kỹ hơn thì nên được liệt vào
dạng “hành thi”
Dưới sự chỉ đạo của lão
Trần, hơn hai trăm lính công binh và đám trộm Xả Lĩnh, người nào người nấy mặt
che tấm lụa đen, tay xỏ găng, cố chịu đựng mùi hôi thối thấu trời, lên gân lên
cốt len lỏi vào đống xác chết, trước tiên bật nắp từng cỗ áo quan, cạy hết vàng
ngọc khảm trên đó, sau lại dùng lưỡi câu móc vào mõm từng cái xác lôi tuột ra
ngoài, đoạn dùng thừng trói chặt, rồi lấy dao cạy mồm, móc ruột tìm châu ngọc.
Minh khí tùy táng chia làm hai loại trong ngoài, trong đó thứ minh khí giấu
trong thi thể thường có giá hơn nhiều.
Phương pháp đổ đấu này
của phái Xả Lĩnh tất nhiên không giống với Mô Kim hiệu úy. “Mô” trong “Mô Kim”
tức là “mò”, dùng tay sờ soạng khắp lượt thi thể người chết rồi thôi; còn Xả
Lĩnh lại là “xả”, cũng chính là dỡ, nếu trong mồm cổ thây có khảm răng vàng,
bọn họ không dùng búa gõ thì dùng kìm để kẹp, tốt xấu gì cũng phải dỡ ra cho
bằng hết. Cổ thây nào trong mồm ngậm châu ngọc, rơi vào tay đám người Xả Linh
thì coi như xui tận mạng, nếu hài cốt cương cứng không cạy mồm ra được, thì bọn
họ cũng quyết dùng rìu bổ vỡ sọ ra mới cam.
Thời xưa, phong tục
khâm liệm an táng người chết rất khác nhau, có người mong muốn sau khi chết cơ
thể được giải thoát, nhưng giữa thời Xuân Thu – Tần Hán , lại có rất nhiều
người ủng hộ việc giữ gìn diện mạo người chết y như lúc sống. Các phương pháp
lưu giữ hình hài lại càng muôn hình muôn vẻ, giàu có kiểu của giàu, nghèo có
cách của nghèo, có người dùng tráp ngọc, áo ngọc để khâm liệm, có người nhét
ngọc lạnh vào trong thi thể, lại có người ngậm trụ nhan châu, trụ nhan tán,
hoặc đổ thạch tín, thủy ngân vào xác chết, người nghèo không có điều kiện cũng
cố ngậm một đồng xu, gọi là “tiền áp khẩu”.
Người phái Xả Lĩnh róc
thây tìm ngọc hầu như chẳng kiêng kỵ gì, các loại thủ đoạn đều có thể mang
dùng, chuyện này liên quan tới truyền thống của quân Xích Mi năm xưa. Khi đó quân
Xích Mi khởi nghĩa đào bới khắp lượt lăng tẩm Hán đế, tiêu hủy thi thể tổ tiên
của những kẻ cầm quyền chính là một cách để cổ vũ tinh thần nghĩa quân nông
dân. Loạn qân tạo phản, có có còn để ý đến thi thể trong mộ cổ lúc sinh thời
vinh hiên quyền quý ra sao, dù trong hài cốt không có minh khí cũng cứ theo lệ
giày xéo một phen, hoặc thiêu đốt hoặc phanh thây, thủ đoạn vô cùng tàn khốc,
giữa họ và đám chủ quý tộc kia dường như đều có mối huyết hận thâm thù.
Cho nên thuộc hạ của
lão Trần vẫn làm theo những quy ước thủ đoạn đã được truyền lại từ bao đời nay.
Tuy nhiên tới thời Dân Quốc đã không còn ý nghĩa gì đặc biệt nữa, nhưng về độ
tàn khốc vẫn khiến cho Ban Sơn đạo nhân Gà Gô nhìn mà không thôi xýt xoa, Ban
Sơn đổ đấu, quả nhiên khác xa Mô Kim Xả Lĩnh.
Cảnh tượng trong giếng
vô cùng hỗn loạn, hài cốt quan quách tan tành, nước thối, chu sa, thủy ngân
vung vãi khắp nơi, đâu đâu cũng nghe những tiếng đao rìu bổ quan chặt thây đinh
tai nhức óc. Để rảnh chân rảnh tay, đám trộm đã mang hết cổ thây treo ngược lên
trên cái lư hương bằng đồng, trước tiên vơ sạch trang sức liệm phục, sau đó moi
hết các chất độc thủy ngân, dịch thối trong bụng cương thi, rồi phanh thây mổ
bụng, đến khi chắc chắn bên trong xác chết không còn thứ gì đáng tiền, mới mang
cái xác nát bươm vứt vào sọt tre để lính công binh khiêng ra khỏi giếng. Hài
cốt quan quách liên tục được chuyển đi, toàn bộ diện mạo nơi đáy giếng cũng dần
lộ ra. Lão Trần và Gà Gô đưa mắt nhìn quanh, dưới ánh đèn bập bùng, thấy nền đá
nơi đáy giếng không bằng phẳng mà lồi lõm khác thường, dường như lờ mờ hai bức
phù điêu hình người, liền giật mình đánh thót, đưa mắt nhìn nhau: “Trong giếng
này ngoài hài cốt ra…lẽ nào dùng cả ma quỷ để luyện thành đơn hoàn?”
Chương 32 : Vân Tàng Bảo Điện
Lão Trần dẫn đám trộm
Xả Lĩnh phá quan hủy thây trong giếng đơn, chẳng kiêng kỵ gì quỷ thần. Ai nấy
đều nén nỗi ghê sợ, hạ quyết tâm, tập trung vào việc, đến khi tiêu hủy sạch sẽ
đồng cổ thây quách cũ, lại thấy trên phiến đá dưới đáy giếng lộ ra một bức phù
điêu, khắc hình hai con ác quỷ tóc tai bù xù. Tuy dáng vẻ mơ hồ nhưng vẫn nhìn
ra bộ mặt nanh ác chẳng khác nào Tu La, Dạ Xoa, quái dị hơn là cả hai con quỷ
này đều không có mắt, thay vào đó là hai cái hốc đen ngòm.
Lão Trần và Gà Gô là
những kẻ dĩ nhiên đi nhiều hiểu rộng, nhưng cũng chưa từng thấy trên đời có
dạng quỷ mù không mắt thế này, thấy hình ác quỷ kỳ quặc dị thường khắc dưới đáy
giếng, trong lòng không khỏi hồ nghi, thực không biết có ẩn ý gì.
Trên đời này quả thật
từ xưa đã có thuật dung cương thi luyện âm đơn, nhưng tuyệt nhiên không nghe
nói đến chuyện luyện đơn bằng ma quỷ. Đơn cung trong núi Bình Sơn nhìn giống
như một dao đài thần tiên với lầu vàng điện ngọc, vậy mà bên trong lại giấu một
đống xác chết moi lên từ khắp mọi nơi, chuyện thực hiện những tà thuật bàng môn
tả đạo, không thể suy đoán theo lẽ thường. Thêm nữa, xem ra mộ thất của tướng
quân nhà Nguyên hoàn toàn không đặt trong đơn cung chính điện, không biết bên
dưới cánh cửa đá khắc hình ác quỷ này ẩn giấu huyền cơ gì đây?
Lão Trần đảo mắt suy
tính, bảo thuộc hạ đưa người dẫn đường tới, hỏi anh ta xem Bình Sơn có truyền
thuyết ma quỷ quấy nhiễu không. Gã Động Di xua tay lắc đầu quầy quậy: “Nói để
chư vị anh hùng biết, chỗ chúng tôi xưa nay chỉ có truyền thuyết về cương thi
hại người, chưa từng nghe nói có ma quỷ làm loạn…”
Lão Trần nghe thế gật
đầu, không có ma thì tốt, nghe nói trong núi Bình Sơn có một cái giếng chứa tất
cả của cải châu báu do các bậc Hoàng đế cúng tiến thần tiên, lẽ nào chính là
chỗ này? Xem ra quân Nguyên sau khi chiếm được Bình Sơn cũng không phát hiện ra
dưới đống xác người nơi đáy giếng còn có chỗ bí mật này, lão bèn nói với Gà Gô:
“Mật thất dưới đáy giếng rất có thể là hang giấu báu vật, trong tình hình này
có vẻ vẫn chưa bị quân Nguyên sờ đến. Lão Hoàng đế dùng thi du luyện đơn, lẽ
trời không dung, đống của báu trong đơn cung này coi như là của anh em ta rồi.”
Gà Gô đã tìm lại được
hai khẩu súng Đức, anh ta mất không hai người cộng sự, lửa giận bừng bừng trong
gan ruột, chỉ muốn xới tung cái địa cung này lên, nghe lão Trần nói vậy lập tức
gật đầu tán thành: “Giờ vẫn còn mấy trăm con gà trống, máu gà trống và tiếng
gáy của nó là thứ trừ ta diệt ma tốt nhất, dù bên trong gian mật thất này chứa
thứ tà tông độc dị thế nào cũng không lo, tôi đây chẳng ngại gì nguy hiểm,
quyết truy tới cùng.”
Lão Trần lập tức lệnh
cho thuộc hạ cạy tung cánh cửa đá khắc hình ác quỷ, phía ngoài cánh cửa đã bị
khóa chặt bằng khóa đồng, loại khóa đầu chó dùng để khóa thành vào thời Tống,
khóa đóng khít như hai hàm răng chó, không có chiếc chìa đặc biệt sẽ không tài
nào mở nỗi. Nhưng đám trộm Xả Lĩnh người đông thế mạnh không gì không khuất
phục nổi, hàng trăm cuốc xẻng búa rìu thay nhau bổ xuống, chưa tới một tuần
trà, cánh cửa đá đã được nạy tung.
Đáy giếng bỗng chốc lộ
ra một cái hố to tướng, không đèn không đuốc, chỉ tuyền một màu đen kịt, xòe
tay ra không thấy ngón, chỉ nghe tiếng gió thổi ù ù bên dưới, có vẻ động huyệt
rất rộng rất sâu, lính công binh lấy dây thừng buộc vào đèn bão thả xuống thăm
dò. Nhìn rõ quang cảnh dưới huyệt, ai nấy không khỏi giật mình kinh ngạc.Thì ra
dưới đáy giếng là một cây quế khổng lồ sum suê rậm rạp, tán lá ken dày như cái
lọng, không biết rộng tới bao nhiêu dặm.
Cây quế này mọc dưới
chân núi, sống nhờ vào thi khí trong đơn tỉnh, tán lá sum suê âm khí bức người.
Đám trộm đứng trên miệng hồ nhìn xuống, ai cũng cảm thấy tán cây quế toát ra
một luồng khí lạnh thấu xương, khiến lông mao khắp người dựng đứng.
Lão Trần cũng thấy kỳ
quái, câu quế cổ thụ cành lá sum suê dưới đáy giếng này tại sao bị cánh cửa đá
khóa lại? Động huyệt phía dưới rất rộng, không giống với mật thất chôn giấu của
cải châu báu, lão rủa thầm quái lạ, đoạn lệnh cho thuộc hạ khiêng thang rết tới
móc vào chạc cây, trèo xuống thăm dò tình hình.
Đám trộm khiêng thang
tre tới, tất cả đều mang theo dao súng, gà trống trên lưng, từ ngọn cây ù ù gió
âm trèo xuống. Cây quế già trong động huyệt to thì to thật, nhưng không cao
lắm, chỉ được cái cành nhánh rậm rạp, thân cây phủ lớp vỏ xù xì, có tên trộm sờ
vào, cảm giác là lạ bèn đứng trên thang giơ đèn soi, lập tức giật mình kinh hãi
suýt thì rơi ngã, may mà Gà Gô giơ tay túm kịp.
Gà Gô cũng giơ đèn soi
lên thân cây, thì ra những chỗ lồi lõm trên đó đều có hình mặt người, cũng có
mắt mũi mồm miệng đầy đủ ngũ quan, có điều thần thái đều như quỷ khóc thần sầu,
méo mó vẹo vọ đáng sợ.
Gà Gô hít một hơi khí
lạnh, quế là loại cây thuộc tính âm hàn, trong giếng lại chôn nhiều xác chết,
thi khí trong đó đều bị cái cây này hút hết, nghĩ đoạn anh tiện tay chém một
nhát dao lên thân cây thì thấy máu tươi tuôn ra xối xả, nghĩ nát óc cũng không
đoán ra nổi tại sao trong tiên cung luyện đơn lại phải cất giấu một cây quế già
hấp thu khí như vậy. Có lẽ đây là một cây “thi quế”, giống như “quỷ du”, đều là
những loại cây độc hiếm thấy, tương truyền loài cây này là cầu nối giữa hai cõi
âm dương. Trong đơn cung Bình Sơn đâu đâu cũng đầy những thứ quỷ dị, không biết
địa cung thật sự nằm ở chỗ nào, nghĩ đến đây anh ta bèn âm thầm rút súng ra.
Lão Trần cũng có cùng
cảm giác như Gà Gô, lão và thủ lĩnh Ban Sơn đạo nhân dặn mọi người trèo xuống
gốc cây, giơ đèn giơ đuốc soi bốn phía, thấy rễ cây cắm sâu vào vách đá, trong
động không hề có hơi ẩm mà chỉ có khí lạnh thấu xương, cây quế này hoàn toàn
sống nhờ vào âm khí cổ thây, cành lá rậm rạp sắp trĩu cả xuống đất.
Dưới tán cây quế sương
mây vấn vít như trong cõi mơ, quanh gốc cây có bốn tòa lầu các, hình dáng kích
thước tương đồng, đều chung lối kiến trúc hai tầng, mái cong lợp ngói, hiên
rộng xà cao, đứng dưới gốc cây, cảm giác như mọi tục niệm trong lòng đều được
gột rửa, xuất trần thoát tục, khác hẳn cảnh giới nhân gian.
Nhưng cả bốn tòa lầu
đều tối thui, không có lấy một tia sáng nào, ngay mái ngói và khung cửa sổ cũng
tuyền một màu đen. Khung cảnh thần tiên này cùng tồn tại bên âm khí nặng nề của
cây quế già, thật chẳng hài hòa tí nào. Đám trộm đứng dưới gốc cây quan sát
chung quanh, ai cũng có cảm giác như rơi vào hiểm cảnh, run rẩy sợ hãi, không
đợi lão Trần ra lệnh đã tự giác lưng tựa lưng, kết thành trận thế, đề phòng bất
trắc.
Bọn người lão Trần đã
bị cạm bẫy mai phục trong núi Bình Sơn làm cho khiếp đảm, giống như chim sợ
cành cong, thấy mặt ngoài bốn tòa lầu dưới gốc cây đều được chạm trổ tinh xảo
vô cùng thì bất giác căng thẳng, hè nhau giơ khiên chầm chậm tiến lại gần, song
các tòa lầu các vẫn tối đen như mực, lại thêm bên trong động huyệt không có đèn
nến, khiến chúng dường như tan nhòa vào bóng tối.
Gà Gô là người gan dạ,
lại có áo giáp bảo vệ, tự mình xách theo một cây đèn bão và khẩu súng Đức, bước
ra khỏi hàng, đến trước một tòa lầu để nhìn cho rõ. Nhưng điện đài lầu các tối
đen như mực, rọi đèn vào cũng không thể nhìn rõ, chỉ lờ mờ thấy hình dáng nhà
cửa ẩn hiện trong biển sương mù.
Anh ta đành chĩa súng
bắn một phát vào tòa lầu đen thui, lập tức nghe thấy tiếng vọng lại, hình như
đã bắn phải một bức tường sắt. Lão Trần đứng sau ngạc nhiên hỏi: “Không lẽ tòa
lầu này được đúc bằng sắt?”
Gà Gô gật đầu xác nhận,
tòa lầu này quả thật làm hoàn toàn bằng sắt, chả trách không có màu sắc của
ngói ngọc cửa son, anh ta chưa từng gặp tòa lầu sắt nào kỳ quái thế này, cửa ra
vào cửa sổ đều làm bằng sắt, chạm rỗng hoa văn, tinh xảo tới phi phàm, giống
hệt lầu thông thường, cửa có thể mở ra khép vào, bên trong lầu đầy đủ phòng ốc.
Có điều cả ngôi điện được làm bằng sắt thép, kiên cố vô cùng, từ ngoài nhìn vào
không phát hiện ra bên trong có gì, nhưng bên ngoài chắc sẽ có mấy chốt bẫy,
giờ anh ta vẫn chưa biết cái chốt đó nằm chỗ nào, nên nhất thời không dám manh
động, bèn quay lại hội ý với lão Trần.
Lão Trần ngẫm nghĩ,
đoạn nói: “Lầu sắt đương nhiên không thể là nơi ở của chủ nhân, nhìn tường đồng
vách sắt thâm nghiêm thế này, lại còn khóa kín khác thường, bên trong nhất định
cất giấu của cải châu báu gì đó. “Đám trộm Xả Lĩnh đến Bình Sơn vì mưu cầu tiền
tài, nay tìm thấy tòa lầu cất giâu của báu này thật như mèo già vơ được chuột
chù, sao cầm lòng cho đặng?
Lão lập tức dặn dò
thuộc hạ và cử ra một nhóm người nào người nấy cao to vạm vỡ, đều là những tay
cường tráng giỏi nghề đập phá, dùng cuốc to xẻng lớn phá cửa. Có điều, tuy
người đông thế mạnh nhưng do không tìm được chốt mở lầu nên cũng phải tốn nhiều
sức mới phá được cánh cửa sắt. Dưới bốn mái hiên của tòa lầu giấu nhiều cung
nỏ, nhưng sắt thép lâu ngày đều đã hoen gỉ, mất hết công dụng, chẳng thể gây
khó khăn gì cho dân trộm mộ.
Thấy tòa lầu sắt bố trí
cung nỏ chống trộm, mọi người càng thêm chắc chắn bên trong thế nào cũng có
châu bau. Trong tiếng bản lề gỉ sét rít lên ken két, cánh cửa sắt từ từ mở
toang. Đám trộm hết sức cẩn trọng, trước tiên cử hai người vào thăm dò xem còn
cạm bẫy gì không, sau đó hơn mười người nữa mới tiếp tục tiến vào, soi đèn bão
kiếm tìm châu báu giấu trong đơn cung.
Gà Gô tò mò nên để lão
Trần đứng ngoài tiếp ứng, còn mình xách súng theo đám trộm vào trong, ngẩn đầu
nhìn quanh bốn phía, chỉ thấy vừa bước vào cửa đã là chính đường, bên trong
ngay cả nền nhà cũng đúc bằng sắt. Ngay giữa chính đường là bức tượng ngọc chân
trần, có lẽ là Dược Vương trong tiên đạo, tượng thần không cao, chỉ chừng hai
thước, toàn thân bóng láng, vài tên trộm lập tức bước lên phía trước, khiêng
tượng Dược tiên từ trên bàn xuống bỏ vào bao da.
Gà Gô thấy thế nhủ thầm
trong bụng, thì ra đây là Dược vương các. Nơi cất giáu đan dược trong đơn cung
còn được gọi là lộ các, thứ được cất giữ trong lộ các nhất định đều là những
loại dược liệu vô cùng quý hiếm, có lẽ cây quế khổng lồ được trồng dưới đáy
giếng là để hút hết âm khí, mục đích giữ cho đơn hoàn cao tán bên trong lộ các
không bị biến chất. Anh ta vừa đi vừa nhìn ngó, vòng qua mấy gian phòng bằng
sắt chật hẹp sau chính đường.
Trong căn phòng cuối
cùng toàn bình gốm lọ ngọc dùng để đựng thuốc, vài cái còn được nút kín, linh
chi dược thảo cùng nhục khuần vẫn giữ được dược tính y như cũ. Trong đó có một
cái hộp ngọc bắt mắt nhất, ngoài mặt vẽ hoa văn sặc sỡ, toàn những biểu tượng
cát tường như tùng hạc tiên thảo. Gà Gô mở nắp hộp ngọc, chỉ thấy bên trong
được chia làm rất nhiều ô vuông, trên mỗi ô đều có một kim bài nhỏ xíu, trong ô
đựng các loại dược thạch hình thù khác nhau.
Soi đèn nhìn kỹ, thấy
trên các tấm kim vài viết nào là vuốt sư tử, ngọc nhện, mắt rắn, ngọc chó, ngọc
ba ba…tuyền là kết thạch nội đơn của các loài linh vật. Nhưng thứ này đều là
những dược liệu quý hiếm chỉ có trong hoàng cung đại nội, ngay như viên ngọc
nhện nhỏ nhất ở đây cũng phải to bằng quả hạch đào, bóng tròn đen nhánh, là
linh đơn dược liệu hiếm thấy trên đời.
Đám trộm đa phần đều là
những kẻ sành sõi, chỉ riêng đống chai lo đựng thuốc kia đã là cực phẩm đắt
tiền rồi, đơn hoàn dược thạch bên trong càng khỏi phải nói, đứng trước kho báu
này ai nấy đều sướng rơn, thấy gì nhặt nấy, không hề khách khí. Từ cầu thang
sắt đi lên tầng hai, sương khói dần dày hơn, các bức tường sắt vẫn đen kịt, trong
ánh đèn lờ mờ không thể nhìn rõ bất cứ thứ gì.
Gà Gô cầm đèn xách súng
dẫn đầu đi lên, vừa đến tầng hai, anh ta liền giơ chân đá tung cánh cửa sắt,
thứ đầu tiên trông thấy là một người con gái áo quần diêm dúa đang đứng ngay
trong phòng. Người đó ngoảnh mặt vào trong, đứng yên bất động giữa căn phòng
sắt tối đen, nhìn từ phía sau hệt như người sống, nhưng thân thể không toát lên
chút hơi người nào.
Cặp mắt chuyên đào mộ
cổ cửa Gà Gô tinh như mắt cú, ánh đèn vừa quét qua đã nhìn rõ người con gái đó
mặc trang phục thời Minh, chân đi giày bó đế gỗ, trên người vận một bộ quần áo
thủy điền ghép từ bốn loại vải vụn, hình dáng hơi giống áo cà sa của đám tăng
nhân, bên ngoài khoác một chiếc áo chẽn không tay, đây chính là trang phục thủy
điền của phụ nữ thời Minh.
Bắt đầu từ thời nhà
Minh, tất cả sĩ nông công thương quân dân đều bị cấm mặc Hồ phục, hoàng đế Đại
Minh chiếu cáo thiên hạ “áo mũ hết thảy theo kiểu nhà Đường”, về tổng thể khôi
phục hệ thống trang phục Hán tộc, sử dụng kiểu áo cổ vạt chéo phải hoặc áo cổ
tròn đã có từ thời Thương Chu xa xưa. Phụ nữ thời Minh thường mang khăn quàng
vai, áo chẽn không tay, đeo gùi, về màu sắc trang phục phải tuân theo yêu cầu
nghiêm ngặt, chỉ được dùng màu sắc nhã nhặn như tím, xanh, hồng đào, không được
dùng bất kỳ màu sắc sặc sỡ nào.
Mộ cổ đời Minh qua tay
Gà Gô không dưới mười cái, đương nhiên anh ta vừa nhìn đã nhận ra ngay niên đại
của bộ y phục này, trong lòng vô cùng kinh ngạc. Tòa điện sắtá này đã bị phủ
bụi từ thời Nguyên, cửa khóa kín mít, chẳng khác nào cái lồng sắt, đến con
chuột nhắt còn không chui vào được, vậy người con gái thời Minh này ở đâu ra?
Làm thế nào cô ta vào được đây, chẳng nhẽ ả biết phép thu cốt thuật di hình ư?
Gà Gô dẫn đám trộm lên
lầu, nhưng người con gái nọ vẫn đứng im như tượng, quay lưng lại về phía họ,
như không hề hay biết có kẻ tiến vào, từng làn sương lạnh len qua cánh cửa sổ
đen thui, bóng người con gái mơ hồ cũng như trong cõi âm tào địa phủ.
Đám trộm khựng lại chen
chúc trước cửa, cứ ngây ra nhìn, trộm mộ lắm quả nhiên có ngày gặp ma, đừng
thấy ngày thường đào mồ quật mã chẳng làm sao, ấy là chưa thực sự gặp phải
chuyện tà môn đó thôi. Vừa nghĩ tới có ma thật, ai nấy đều mềm nhũn cả hai bắp
chân, chỉ chực quay đầu bỏ chạy, nhưng lúc này chân tay đã không còn nghe theo
ý người nữa, cứ như bị đinh đóng chặt xuống đất.
Gà Gô không buồn để ý
đến phản ứng của mấy tên trộm, xách đèn bước lên phía trước, đột ngột quát hỏi:
“Là người hay là ma?”, vừa nói, anh ta giơ tay vỗ vai người con gái mặt y phục
thời Minh, nào ngờ thứ mà anh ta chạm phải chỉ là khoảng không.
Chương 33 : Sương Ẩn Hành Lang
Gà Gô thấy một người
con gái mặc y phục thời Minh, đứng bất động trên tầng hai tòa lầu sắt, nền nhà
phủ một lớp bụi dày nhưng không hề có dấu chân, xem ra mấy trăm năm rồi không
ai qua lại, chả nhẽ là gặp ma? Anh ta khẽ rùng mình, lại muốn xem người con gái
này có gì cổ quái, bèn bước lên trước hai bước, từ phía sau giơ tay vỗ vào vai
cô ta, không ngờ chỉ vỗ vào khoảng không.
Gà Gô vồ hụt, vội né
người lại, chỉ thấy từ vị trí người con gái bỗng chốc bốc lên một làn khói bụi,
tản ra khắp một căn phòng chật hẹp.
Đám trộm tưởng có độc
vội vàng nín thở, bịt mũi bịt mồm tránh cả ra xa. Gà gô từ khi bước vào tòa lầu
cũng cảm thấy nơi đây dược khí nặng nề, sợ đụng phải bẫy khói độc nên đã sớm
phòng bị kĩ càng. Có điều người con gái kia vừa bị chạm phải đã hóa thành bụi,
lớp bụi dày như một lớp sương mù, nhưng hoàn toàn không có vẻ gì khác thường.
Gà Gô đeo gang tay da
cá nhám, tiện thể chộp vào đám sương mù một cái, soi đèn thì thấy trên găng tay
mạt giấy khô xác, nát vụn như bột, chỉ còn sót lại vài vết tích gân giấy, chả
nhẽ đây là người giấy được cắt dán tinh xảo, đặt trong phòng đã mấy trăm năm,
gân giấy sớm đã khô xác, vừa bị chạm vào lập tức hóa thành tro bụi. Gà Gô càng
lấy làm lạ: “Lẽ nào người con gái này không phải người cũng chẳng phải ma, chỉ
là hình nhân bằng giấy? Vậy mà nom y như người thật, quả là thật tài tình,
nhưng cô ta mang trang phục thời Minh, sao lại ở trong lộ phòng bằng sắt khóa
kín này được? Niên đại này…”
Liên tiếp gặp phải bao
chuyện kì lạ trong núi Bình Sơn, người học vấn uyên bác như anh ta cũng không
sao đoán được nguồn cơn. Anh ta đi quanh căn phòng sắt trên lầu hai một vòng,
thấy không có gì bất thường, cửa sổ và cửa ra vào đều khóa chặt, thực sự khó
phán đoán người giấy đời Minh kia được đặt trong phòng bằng cách nào, chẳng nhẽ
do mình hoa mắt? Bụng đầy ngờ vực, anh ta bèn quay xuống dưới lầu, đến bên cây
quế già, đem chuyện gặp phải trong lộ phòng cho lão Trần nghe.
Lão Trần nghe xong cũng
thấy kỳ lạ, vắt óc suy nghĩ mãi chẳng tìm chút manh mối nào, đành cử người đi
lục soát ba tòa lầu sắt còn lại, hoặc bẩy hoặc đào, bật tung cửa từng tòa,
trong ngoài lục lọi một lượt mới biết bốn tòa lầu sắt này thì ra chẳng cất giấu
thứ báu vật đại nội gì. Động huyệt dưới đáy giếng này là mật thất, còn bốn tòa
lầu sắt đen sì kia đều là lộ phòng cất giữ đơn dược quý báu và thư tập kinh
điển, bọn họ vơ vét được không ít của cải, chỉ riêng hà thủ ô thành hình đã lên
đến hơn chục cặp, nhưng trong cả ba tòa lầu còn lại không thấy hình nhân bằng
giấy mặc trang phục thời Minh nào nữa.
Lão Trần thấy thu hoạch
không nhỏ, khoan hãy nói tới những thứ đơn hoàn cao tán đã hang trăm năm không
biết còn có dược tính hay không, chỉ riêng những cái chai lọ đựng thuốc đều là
cổ vật thời Hán Đường, cái nào cũng giá trị vô cùng. Nhưng trước sau vẫn không
tìm thấy cái cương thi già gọi là “Thi vương Tương Tây” đâu cả, nếu làm đến đây
rồi thôi, lão thân làm đầu sỏ đám trộm mộ không biết giấu mặt đi đâu nữa, dù gì
cũng đã mất hơn trăm anh em ở cái chốn Bình Sơn này rồi.
Lão quyết định tiếp tục
lùng sục, cho quân tản ra khắp nơi trong huyệt động có cây thi quế. Đám trộm
đốt đuốc lùa gà, xếp thành một bức tường người, sục sạo kỹ từng khe núi hốc đá
xung quanh.
Phạm vi tìm kiếm được
mở rộng, đám người dần phát hiện động huyệt này bao quanh bởi một bức thành
đồng vách sắt, tạo thành một mảnh sân ở giữa. Ngoài bốn tòa lầu sắt dưới cây
thi quế, còn có đơn thất luyện đơn, bên trong xây lò gạch ống bễ, để vài dụng
cụ bằng đồng xanh cổ đại, đằng sau tấm bình phong bằng ngọc thạch là một cánh
cửa bị khóa trái bên trong.
Lão Trần và Gà Gô tuy
là những bậc “trạng nguyên khôi tinh” đứng đầu làng đổ đấu, nhưng trước giờ chỉ
trộm mộ cổ, vào đơn cung gặp phải bao thứ bình sinh chưa từng trông thấy, đều
thầm lấy ngạc nhiên. Tìm kiếm mấy lượt vẫn không phát hiện ra dấu vết địa cung
cổ mộ, cuối cùng cả bọn tới trước cánh cửa lớn đằng sau tấm vách ngọc, lão Trần
bèn lệnh cho người dùng cuốc xẻng nạy cửa, tiếp tục đi sâu vào bên trong.
Lão dựa vào địa thế
Bình Sơn để phán đoán, sau cánh cửa này có lẽ thông tới đáy hậu điện, nhưng địa
hình trong lòng núi vốn lắt léo phức tạp, bên trong ủng thành, chính điện lẫn
đơn cung đều không có dấu vết của mộ cổ đời Nguyên. Sau khi phóng hỏa hậu điện,
cả bọn vội vã thoát ra ngoài, nhưng trong ngôi điện đó quả thật có xương ngựa,
binh khí, giáp trụ bồi táng, cứ từ giếng đơn này suy ra thì dưới hậu điện chắc
cũng có mật thất mật động gì đấy, mộ thất thực sự có lẽ nằm đâu đó gần đấy.
Đoạn lão lệnh cho thuộc
hạ phá tung cửa lớn, còn mình cùng Gà Gô đứng đợi giữa mảnh sân bên trong bức
tường sắt. Khi đó lão Trần có dã tâm rất lớn, lão cho rằng đám trộm Xả Lĩnh
chuyên bày trò tụ tập mưu phản, dưới triều đại nào cũng luôn là “cái đinh trong
mắt cái dằm trong tay” của bọn quan phủ, thế lực phái Xả Lĩnh tuy lớn, nhưng
một khi thiên hạ thái bình, bọn họ sẽ trở thành mục tiêu trấn áp đầu tiên của
quan binh, đến nay khó khăn lắm mới gặp cảnh thiên hạ đại loạn, phiên quân chia
rẽ, đây chính là lúc cần phải mở rộng thế lực, thâm nhập vào “Côn Luân sơn”,
chính vì vậy lão vẫn luôn ngấm ngầm hỗ trợ tiền cho vài lộ phiến quân, đi khắp nơi
lôi kéo người tài trong thiên hạ.
Trước mắt lão tự thấy
bản lĩnh đổ đấu của mình còn thua Gà Gô một bậc, nên sớm có ý lôi kéo Ban Sơn
đạo nhân nhập bọn, có kẻ bản lĩnh cao cường như Gà Gô làm trợ thủ đắc lực, lão
có thể rảnh tay chuyên tâm vào củng cố thế lực quân phiệt, như thế lo gì đại sự
không thành? Có điều con người này trước sau chỉ thích độc hành, tầm nhìn lại
xa, muốn anh ta nhập bọn thực không phải là dễ.
Nhân đây lão muốn vòng
vo thăm dò ý tứ Gà Gô, kiếm cớ lôi kéo Ban Sơn đạo nhân nhập bọn. Đảo hai hàm
răng, uốn ba tấc lưỡi, lão bắt đầu nói từ Thi Vương Tương Tây trong mộ cổ Bình
Sơn. Nghe tên dẫn đường người Miêu nói, vùng lưu vực sông Mãnh Động nhiều núi
cao rừng sâu, nhất là ngọn Bình Sơn dưới chân Lão Hùng Lĩnh, trước đây thường
có người lên đó hái thuốc, bị cương thi nấp trong khe núi kéo vào hút hết máu
tủy, những người may mắn thoát chết đều nói, cương thi đó thân hình vô cùng cao
lớn, thân khoác bào tím lưng thắt đai vàng, nhìn trang phục thì biết không phải
vương hầu cũng là thừa tướng, cho nên đều gọi là Thi vương Tương Tây. Nghe nói
ban ngày ban mặt nó cũng dám mò ra hại người, từ đó không ai dám bén mảng đến
gần núi này nữa, vậy mà chúng ta lên núi chỉ thấy đủ loại trùng độc, chứ chưa
gặp yêu tinh yêu tướng gì cả, xem ra mấy truyền thuyết của đám người Động Di
kia không hề đáng tin.
Gà Gô lòng đầy tâm sự,
nghe những lời không đầu không cuối của lão Trần bèn thuận mồm đáp: “Trần thủ
lĩnh nói rất phải. Nghe nói vùng Lưỡng Quảng – Quảng Đông Quảng Tây cũng có
nhiều truyền thuyết tương tự, phàm đào được cổ thây quý tộc, chỉ cần nhìn thấy
trang phục xa hoa, lưng thắt dây vàng đai ngọc, lập tức một đồn mười mười đồn
trăm, gọi là Thi vương, gần như cương thi cũng có thể phân làm Tam lục, cửu
đẳng, sinh thời làm Vương công sau khi chết đi, thi biến cũng lợi hại hơn cương
thi bình thường. Quan niệm này của đám trộm vặt ngu dân, nói ra chỉ tổ nực
cười.”
Lão Trần liền bảo,
người anh em nói rất có lý, thực ra người cao quý lúc sinh thời sau khi chết
đi, cách an táng và bảo quản thi hài không giống như bách tính nghèo khổ, cho
nên thi hài quý tộc moi lên từ mổ cộ thường vẫn tươi tắn sinh động nhờ tác dụng
của minh khí quan tài; còn thi thể người nghèo chôn trong bãi tha ma, nếu không
bị chó hoang moi lên gặm xương thì cũng bị dòi bọ gặm nhấm, chỉ chưa đầy nửa
năm, ngay cả xương sọ cũng khó lòng nguyên vẹn nữa là. Cho nên sinh tiền là
vương công tôn quý, chết đi thi thể vẫn tôn quý vạn phần so với bách tính tầm
thường, còn được làm “Thi vương” hù dọa đám người khổ mạng đổ đấu chúng ta nữa
chứ, nghĩ mà bực mình, chỉ tổ càng thêm căm hận..
Lão Trần nhân cơ hội
chuyển chủ đề, đi thẳng vào vấn đề chính, nói: “Cái nghề đổ đấu này tuy có thể
kiếm bộn tiền nhưng trong mắt người ngoài lại vô cùng tăm tối, năm này qua năm
khác tiếp xúc với minh khí quan quách trong mộ cổ, khắp người khó tránh âm khí.
Bọn chúng ta không phải sinh ra đã muốn làm cái việc đào mổ quật mả vơ vét cổ
đổng này, nhưng tạo hóa âm dương có cái lý của nó, cứ theo như tôn chỉ Ban Sơn
Phân Giáp thuật của phái Ban Sơn các chú, thì trên cõi đời này một vật sinh ra
tất có một vật khắc chế, vậy nghệ nhân đổ đấu chính là khắc tinh của cái đám
sinh tiền phú quý đó đấy thôi.
Thời thế loạn lạc, nạn
binh đao thiên tai xảy ra liên miên, nào để bách tính có ngày an cư lạc nghiệp.
Nói như Trần gia tôi đây, sản nghiệp tổ tiên để lại tưởng chừng tiêu mười đời
cũng không hết, vậy mà trong thời loạn chỉ như muối bỏ biển. Trần mỗ một thân
tuyệt kĩ đổ đấu Xả Lĩnh, lại được anh em coi trọng, tôn làm đầu sỏ Xả Lĩnh khắp
Nam Bắc mười ba tỉnh, trước loạn thế này thật không cam lòng đứng nhìn nước
chảy bèo trôi, chỉ mong nắm lấy thời cơ giơ cao cờ nghĩa, trộm mộ đem tiền tài
cứu tế muôn dân.”
Nói đến đây lão thở
dài, làm ra vẻ hào sảng nói tiếp: “Tiếc rằng lực bất tòng tâm, bên cạnh thiếu
người thực tài có bản lĩnh. Nếu người anh em bằng lòng cắm chân hương ở Thường
Thắng sơn, ta đây đảm bảo ngôi vị thứ hai sẽ thuộc về đệ. Thường Thắng sơn của
chúng ta có tới mười mấy vạn quân, gọi gió được gió hô mưa được mưa, từ nay hai
ta liên thủ…”
Gà Gô sớm đã đoán được
ý của lão Trần, chỉ đợi lão nói đến câu nhập bọn bèn vội vàng từ chối: “Bí mật
của ba phái trộm mộ từ xưa truyền lại, trong đó Mô Kim, Xả Lĩnh đều là tụ nghĩa
đoạt tài cứu độ thế nhân, tiếc rằng Ban Sơn lại không đi theo con đường ấy, đã
không cùng đạo sao lại có thể cùng mưu việc lớn, ý tốt của Trầ thủ lĩnh tôi xin
nhận, nhưng quả thật tôi không thể.”
Lão Trần vốn tưởng Ban
Sơn đạo nhân Gà Gô giờ đã thành thân cô thế cô, tỉ tê một hồi chẳng khác nào
“dốc ruột dốc gan, thiên hạ thuận lòng” có thành ý mời anh ta nhập bọn Thường
Thắng sơn như vậy, rốt cuộc lại bị đối phương thẳng thừng từ chối, không vừa
khỏi ngạc nhiên vừa phẫn nộ, liền hỏi: “Đạo của nghề đổ đấu không nằm ngoài câu
trộm cũng có đạo, lẽ nào đạo của Ban Sơn có chỗ nào không giống? Có thể nói
thẳng cho ta rõ được không.”
Gà Gô lúc này đã có
phần chán nản, vả lại cũng không hứng thú với mấy chuyện tạo phản mưu đồ bá
nghiệp, bèn nói thẳng: “Tiểu đệ vốn có chút tâm sự trước mặt người khác không
tiện nói ra, nay huynh trưởng đã có lời hỏi, lẽ nào lại giấu?” Đoạn kể vắn tắt
chuyện Ban Sơn đạo nhân trộm mộ tìm Mộc Trần Châu, nhưng manh mối ngày càng mờ
mịt, giờ phái Ban Sơn chỉ còn lại mình anh ta, có lẽ số trời đã định không thể
cưỡng. Nhưng chỉ cần anh ta còn sống một ngày, sẽ còn tuân theo di huấn của tổ
tông, tiếp tục đi khắp nơi tìm kiếm viên trân châu ấy.
Lão Trần chợt hiểu ra,
té ra vẫn là vì “tìm kiếm tiên dược bất tử”, liền cười nói: “Sao không nói sớm,
đợi sau khi xong việc ở Bình Sơn, ta sẽ phái tay chân đi khắp nơi dò manh mối…”
Lão vốn giỏi lung lạc lòng người, định ôm đồm gánh luôn việc khó cho Gà Gô, về
sau chẳng lo anh ta không nhập bọn, nhưng chưa nói hết câu đã nghe thấy tiếng
la thất thanh của đám trộm đang phá cửa đá.
Lão Trần và Gà Gô biết
có chuyện dị thường, vội dặn người tới xem. Thì ra đám trộm đã mở được cánh cửa
đá trên bức tường sắt vốn chỉ có thể mở từ phía trong, chỉ thấy đằng sau cánh
cửa là một đường hầm trong núi, tối tăm ngoằn nghèo, bên trong sương mù lững lờ
trôi nổi, hệt như cảnh khói hương nghi ngút, không nhìn rõ sâu bên trong có gì.
ão Trần thấy đám trộm
chuyện bé xé ra to, thực mất hết uy phong của Xả Lĩnh thì trong bụng không vui,
sầm mặt hỏi: “Vừa nãy làm sao mà la hét kinh thế? Chỉ là một cái hành lang thôi
mà, bên trong rất có thể chính là mộ thất của người Nguyên rồi…”, vừa nói vừa
giơ đèn soi ra ngoài cửa, nào ngờ lại nhìn thấy giữa làn khói sương bềnh bồng,
hình như có người đang ngồi xếp bằng dưới đất, trong lúc hốt hoảng chỉ nhìn
thấy người đó toàn thân mặc áo đen, trang phục vô cùng quái dị. Dáng người cao
to béo tốt, mũi mồm to rộng, râu hùm hàm én, hai mắt sáng quắc. Ánh mắt hai bên
vừa chạm nhau, lão Trần chợt thấy ớn lạnh, mồ hôi túa ra khắp người, muốn nhìn
kĩ hơn nhưng người đó đã bị sương mù che khuất.
Trong khoảnh khắc đó,
những người đứng cạnh lão Trần cũng nhìn rõ mồn một, người nào người nấy nhũn
cả chân ra, lắp bắp nói không nên lời: “Cương thi… là…là Thi vương trong mộ cổ
Bình Sơn đấy!”
Đám trộm nghe thế lập
tức dựng hết sào tre vót nhọn lên, giăng sẵn lưới cá nghênh địch. Cương thi có
loại chết rồi vẫn không thối rữa, lại có loại gặp phải dương khí của người sống
liền bật dậy vồ người, nếu thật gặp phải đại bánh tông, chỉ có cách chụp lưới
cá lên nó, hoặc nhét cho no cái móng lừa đen vào mồm.
Lão Trần đang định gọi
mọi người tiến lên dàn trận, bỗng con gà trống Nộ Tinh bay vụt ra từ trong bầy
gà, đậu ngay trên vai lão nghền cổ gáy vang. Sau khi Gà Gô rơi xuống đơn tỉnh,
con gà này liền nhập bầy gà trống, đuổi giết lũ rết khắp nơi trong cung điện. Khi
đám trộm tiến vào lộ phòng bằng sắt, để đề phòng lũ trùng độc cũng đem theo cả
bầy gà, nhưng mãi vẫn không thấy xảy ra chuyện gì bất thường, vậy mà gà Nộ Tinh
đột nhiên cất tiếng uy phong lẫm liệt, nhất định có điềm báo gì đây.
Đám trộm thấy thế cũng
ngẩn người ra, bước chân có phần do dự, ai nấy đều có linh cảm rằng, chỉ cần
đến gần Thi vương Bình Sơn lập tức rước họa vào thân. Gà Gô thấy vậy liền bảo:
“Kẻ trong đó có vẻ không bình thường, có khi nào lại là người giấy không? Bên
trong hành lang sương mù bưng bít, e là có yêu thuật tác quái, để mình tôi vào
trước xem tình hình thế nào.” Nói đoạn liền xách đèn bước lên.
Hồng cô nương ngăn anh
ta lại nói: “Khoan đã, lẽ nào mọi người lại không nhận ra, Thi…Thi vương đó mặc
áo bào đen, dưới chân lại còn đi ủng, quý tộc người Nguyên sao lại có thể ăn
mặc như thế?”
Lão Trần và Gà Gô đều
cảm thấy kỳ lạ, sao Hồng cô nương lại biết bộ trang phục màu đen quái dị đó?
Phục sức như vậy có nghĩa gì? Hồng cô nương nói: “Trước đây tôi từng ở trong
Nguyệt Lương Môn lương bạt giang hồ mãi nghệ mưu sinh, Thuyết Thư Xương Hí hay
Cổ thái Hí pháp cũng chung một nghề cả, các chiêu trò trong ghánh hát tôi đều
nắm rõ trong lòng bàn tay. Vừa nhìn rõ rành, trên đời chỉ có con đào hát kép
trong ghánh hát mới ăn mặc như vậy, ăn vận đen từ đầu tới chân thế này, rõ ràng
đang diễn vai quỷ câu hồn trong kịch văn.”
Chương 34 : Quan Sơn Thái Bảo
Hồng cô nương đã quá
quen với những trang phục đạo cụ trong ghánh hát, vừa nhìn đã nhận ra kẻ trong
hành lang không hề ăn mặc như tướng nhà Nguyên, mà từ đầu xuống chân vận toàn
màu đen, hóa trang thành ác quỷ Vô Thường. Áo liệm mặc cho thi thể khi liệm táng
tuy khác xa quần áo thông thường, nhưng dù gì không có quý tộc nào mặc bộ áo
quần hóa trang mà khâm liệm thế này. Trang phục của người xưa, có lẽ vào thời
Dân Quốc trông chẳng khác phục trang trên sân khấu là bao, nhưng làm gì có ai
mặc bộ áo đen hóa trang làm quỷ câu hồn ngồi trong mộ kia chứ?
Đám trộm nghe vậy đều
kinh ngạc vô cùng. Lúc đầu thì gặp phải hình nhân nữ bằng giấy mặc trang phục
thủy điền thời Minh, bây giờ lại lòi ra một kẻ mặc áo đen đóng giả quỷ câu hồn,
mộ thất thực sự trong đơn cung Bình Sơn chưa thấy đâu đã gặp phải bao chuyện cổ
quái kì dị thế này, ai nấy đều có cảm giác run sợ, nếu chẳng may trong lớp
sương mù kia quả thật có Hắc quỷ Vô Thường ẩn náu thì biết phải làm sao?
Đào mồ quật mả hoàn
toàn dựa vào can đảm nhất thời, lòng càng bất an thì càng dễ bị quỷ ám, cho nên
xưa nay vẫn có câu “đổ đấu chớ tin ma quỷ, tin ma quỷ chớ đổ đấu”. Đám trộm Xả
Lĩnh trước giờ đều cho rằng những nguy hiểm bên trong mộ cổ chủ yếu chỉ là mấy
thứ cạm bẫy, cương thi, hiếm ai nhắc đến những chuyện kỵ húy về yêu tinh ma
quỷ. Nhưng khi nãy tất cả đều đã tận mắt nhìn thấy con quỷ câu hồn vận đồ đen,
hoạt động giải trí chủ yếu vào thời bấy giờ chính là nghe sách xem kịch, các vở
kịch dân gian tương đối bình dân gồm có các loại kịch về ma quỷ, hồ ly, và mèo,
đều dựa vào những tình tiết ma quỷ được thổi phồng để hấp dẫn người xem, quỷ
câu hồn vận áo mũ đen, là một trong những nhân vật chính trong các vở kịch kiểu
này, chính vì rất gần gũi với cuộc sống nên lại càng dễ khiến người ta tin là
thật.
Lão Trần thấy lòng
người hoang mang, sợ đám thuộc hạ mất hết nhuệ khí, bèn nói: “Kịch cọt toàn là
mấy thứ bịa đặt hàm hồ, mười vở thì đến tám chín vở bốc phét nói bừa, sao có
thể tin là thật? Khoan nói tới cái gì mà quỷ Vô Thường chuyên hút hồn lấy mạng
người ta, ở thời nay, ngay cả thần tiên cũng không tránh nổi súng Tây đạn Tây
nữa là, thôi kệ trong hành lang này có thứ gì, hãy cứ nã hai loạt đạn vào trước
rồi hẵng nói.” Nói xong liền khoát tay lệnh cho thuộc hạ giơ cao súng trường,
đồng loạt kéo chốt an toàn, sẵn sàng lên nòng, chuẩn bị nã đạn tới tấp vào
trong hành lang.
Gà Gô đứng bên thấy đám
trộm sắp sửa nổ súng, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, vội nhỏ giọng khuyên
lão Trần không nên dùng súng, gà Nộ Tinh đã gáy khác thường, nhất định trên
người cái xác mặc đồ đen kia có vật gì cực độc, không thể cậy súng đạn mà sơ
suất, bằng không một khi chất độc tung tóe khắp nơi, lúc ấy có muốn tiến vào
bên trong cũng không được nữa.
Lão Trần chợt hiểu ra,
vội nói: “Thực đúng là bậc hào kiệt kiến giải tương đồng, hô anh em lên đạn sẵn
là để tăng thêm can đảm thôi, ta đây cũng đang định cử một nhóm dùng sào móc.”
Nói đoạn liền ra lệnh cho mười mấy tên thuộc hạ tiến lên phía trước, thò thang
rết vào đám sương mù, ngoắc vào người mặc áo đen kéo về.
Đám trộm theo lệnh hành
động, sau một hồi hết lôi lại kéo cũng móc được người mặc áo đen ngồi xếp bằng
vào trong vách tường sắt, những người còn lại tay lăm lăm dao súng, như đang
vao vây bốn phía nghênh đón cường địch. Kéo lại gần mới biết, quả nhiên là một
cương thi mặt mũi quái dị, cũng chính là loại cổ thây chết rồi không thối rữa.
Cái xác nam mặc áo bào
đen này cao to béo tốt, ngồi khoanh chân xếp bằng, tay bấm chỉ quyết rất kì dị,
quần áo trên người quả nhiên là trang phục đóng quỷ câu hồn, bị thang tre lôi
kéo một hồi, bộ quần áo đã mục nát từ lâu liền bị toạc ra tơi tả, để lộ lớp da
thịt đang trương phềnh, trắng bệch như ngâm nước, chọc thang tre vào thấy có mủ
chảy ra, trong các hốc tai mắt mũi mồm toàn là thứ bột màu đen, có thể nguyên
nhân chết trước kia là do thất khiếu thổ huyết. Nhìn bề ngoài, thực không phân
biệt nổi cái xác này niên đại thế nào, chỉ thấy áo quần giày dép đều mục nát
hết cả, chắc chết cũng đã lâu rồi.
Đám trộm thấy chỉ là
cái thây cổ cứng ngắc, bấy giờ mới yên tâm, thi nhau mắng mỏ: “Đồ quỷ chết
giẫm, ăn mặc giả quỷ giả ma làm khi nãy các ông nội mày sợ vỡ mật…”
Lão Trần thấy cái xác
này chết rất kì lạ, bèn dẫn người lại gần kiểm tra tỉ mỉ, thấy bên trong xác đồ
đầy kịch độc, nhưng nhìn thì không phải dịch độc của loài rết thường thấy trong
núi Bình Sơn, chất độc đã lan khắp người, hẳn trước khi chết kẻ này đã uống độc
dược. Vì sợ dính phải mủ độc nên bọn họ chỉ dám gảy gảy bằng sào tre, khều hết
những thứ trên người xác chết ra xem, ngoài vài chai lọ đựng thuốc, một hình
nhân bằng giấy đủ cả chân tay, còn có một cái túi da to tướng, bên trong đựng
đầy hạt đậu cứng đen, mọi người thây thế đều mơ mơ hồ hồ, không biết trăm thứ
bà rằn này là thế nào.
Cuối cùng có kẻ khều ra
được một tấm kim bài từ eo xác chết, tấm kim bài bên trên khắc chữ, lão Trần và
Gà Gô đều biết cổ văn, vừa nhìn đã nhận ra ngay đó là bốn chữ Triện cổ rắn rỏi
“Quan Sơn thái bảo”.
Hai người thoạt nhìn
thấy vật này, đầu óc đang mờ mịt chợt lóe lên một tia sáng, bỗng nhớ một chuyện
đã xảy ra từ nhiều năm trước, thì ra ngôi mộ cổ Bình Sơn này đã có người nhanh
chân đến trước, bọn họ không phải là nhóm trộm mộ đầu tiên đặt chân đến nơi
đây! Hai người đồng thanh thốt lên: “Té ra là Quan Sơn thái bảo của Đại Minh!”.
Lão Trần cúi đầu ngẫm
nghĩ hồi lâu, đoạn sai người kéo cái xác tới lò luyện đơn châm lửa đốt, sau đó
mới quay lại hỏi Gà Gô: “Chuyện Quan Sơn rất khó đoán định, trước đây chỉ coi
là truyền thuyết dã sử không có thật, giờ mới biết thì ra trên đời đúng là có
Quan Sơn thái bảo thật. Hiền đệ đi khắp thiên hạ, đã nghe nói tường tận bao giờ
chưa?”
Gà Gô đã từng nghe nói
đến chuyện này nhưng cũng không hơn lão Trần là mấy. Tương truyền nghề trộm mộ
trong thiên hạ có tiếng tăm, truyền thống chỉ gói gọn trong bốn phái Phát Khâu,
Mô K, Ban Sơn và Xả Lĩnh, nói bốn phái nhưng kỳ thực là ba nhánh, bởi Phát Khâu
thiên quan và Mô Kim hiệu úy vốn là một. Sau khi ấn Phát Khâu bị hủy, trên đời
chỉ còn lại Mô Kim hiệu úy, cùng Xả Lĩnh lực sĩ người đông thế mạnh và Ban Sơn
đạo nhân cơ mưu biến hóa.
Ngoài ba môn phái này,
còn lại toàn là đám trộm cướp vặt, có chút tiếng tăm chẳng qua cũng chỉ là
phiên huân tử cõng xác ở phương Nam, còn những phường trộm gà trộm chó đều
không đáng nhắc đến. Nhưng trong lịch sử nghề trộm mộ mấy trăm năm vẫn lưu
truyền một truyền thuyết vô cùng thần bí. Nghe nói vào thời Minh có một đám
nghệ nhân đổ đấu gọi là “Quan Sơn thái bảo”, rất giỏi quan núi chỉ mê, đã bí
mật đào được vô số lăng tẩm đế vương, thủ pháp và động cơ trộm mộ của bọn họ
trước sau không ai biết được, một khi đã ra tay, ngay cả thần tiên cũng không
ai đoán nổi. Truyển thuyết chỉ nói có vậy, người đương thế càng không biết gì
về họ, ngay cả sự tích Quan Sơn trong truyền thuyết cũng không rõ thật giả thế
nào.
Không ngờ hôm nay lại
gặp phải một thây ma Quan Sơn thái bảo trong một đường hầm đằng sau lộ phòng
Bình Sơn. Nhìn phục trang phong thái, cũng như những thứ kẻ này mang theo bên
mình, thực đều hết sức kì quái, bình sinh hiếm gặp. Lão Trần bất giác liên
tưởng tới trong đám phi tặc mò mẫm ngàn nhà đi qua trăm hộ trước đây, có phái
chỉ nhờ vào “thuật thu cốt” mà có thể chui qua lỗ chó hang chuột, mò vào cả
những nơi kín cổng cao tường, khoắng hết tiền của trong nhà, sau đó lại theo
đường cũ chui ra.
Nhưng tà thuật này bị
hạn chế về mặt thời gian, một khi quá giờ, tên trộm sẽ kẹt cứng trong phòng
ngay. Có điều đây đây chẳng qua chỉ là mấy lời đồn thổi đầu đường xó chợ, nếu
trên đời này quả thật có thuật thu cốt tháo cùm phá gông thì cũng chỉ là phép
tháo khớp chứ làm sao có thể chui qua được lỗ chó mèo. Bên cạnh đó còn có thuật
áp vong gần giống với thuật điều khiển cương thi, có thể điều khiển người giấy
chó giấy chui qua khe hở trên tường để trộm cắp, nguyên lý điều khiển hoàn toàn
không phải cho hồn nhập giấy, mà ép buộc lũ sâu kiến trở thành những tên trộm,
nội tình cụ thể bên trong lão Trần cũng không nắm được.
Trông người giấy trong
lầu sắt và Quan Sơn thái bảo chết ngoài cửa, hình như đang dùng phương thuật tà
môn để trộm đơn dược trong lầu, do muốn tránh bị rết độc trong núi bị cắn chết
nên vị Quan Sơn thái bảo này đã tự mình uống thuốc để có thể chui vào trốn
trong đây, nhưng có vẻ bố cục của cây thi quế già và bốn tòa lầu sắt vượt ngoài
dự liệu, khiến ông ta mất quá nhiều thời gian cuối cùng phép hết mạng tận ở đây.
Lão Trần dựa vào kinh
nghiệm bản thân suy đoán được bảy tám phần, có điều thuật trộm mộ của Quan Sơn
thái bảo kỳ dị vô cùng, người ngoại môn căn bản không thể nhìn ra ngọn nguồn.
Đám trộm Xả Lĩnh vì muốn đào trộm mộ cổ Bình Sơn có thể nói đã dốc hết toàn
lực, không chỉ hao tiền tốn của mà còn tổn thất không ít nhân mạng, không ngờ
lại gặp cảnh “nhất xuất nhị tiến cung”, chậm chân hơn Quan Sơn thái bảo đến mấy
trăm năm.
Nhưng cái thây đen này
chết trong đường hầm, trên người chẳng có thứ minh khí châu báu nào, lại không
người nhặt xác, điều này chứng tỏ vị tiền bối này tuy nhanh chân đến trước, vào
được Bình Sơn đào báu vật, song không hề có bạn đồng hành, nếu thực có mộ cổ
trong núi, chắc phần lớn của cải trong mộ mật thất vẫn còn nguyên vẹn.
Nghĩ đến đây, lão Trần
cũng yên tâm phần nào. Xưa nay giữa các phái trộm mộ không mấy khi có thù hằn
ân oán, trước sau không có chuyện can thiệp vào công việc của nhau, ai chậm
chân hơn người khác, vào mộ cổ đổ đấu phát hiện thấy đã có người đào qua thì
tối đa cũng chỉ trách mình đen đủi mà thôi. Bởi vậy đám người Xả Lĩnh cũng
không mấy bận tâm trước việc phát hiện ra một cỗ cổ thây đeo bên mình thẻ bài
Quan Sơn trong mộ, dù sao cũng là cổ nhân chết cách đây hai triều đại rồi, sau
khi thiêu hủy cái xác trong lò gạch, chẳng ai còn để ý đn chuyện này nữa.
Sau khi đống của báu
dưới cây quế già được khuân đi hết, đám trộm liền cử ra mấy tên tay chân nhanh
nhẹn đi trước dò đường, số còn lại cùng với lão Trần và Gà Gô dàn hàng theo
sau, tiến vào đường hầm. Con đường trong lòng núi này ngoằn ngoèo uốn lượn, cao
dần lên theo thế núi, đi được một quãng, con đường đá càng lúc càng dốc, rồi
bỗng chốc biến thành một cầu thang đá, trèo lên lại là một cái hang chật hẹp,
cửa mật đạo đã bị mở toang, mọi người xách đèn đuốc chui ra khỏi hang, thấy
trước mắt bày ra một đống phế tích cung điện hoang tàn đổ nát, ngói gỗ ngổn
ngang.
Quả nhiên không ngoài
dự liệu của lão Trần, chỗ này chính là gian hậu điện mà nhóm trộm mộ đã vào ban
đầu. Hành lang giữa hậu điện và điện Vô Lượng trong đơn cung đã bị người Nguyên
bịt kín bằng đá tảng và đồng nung, còn tòa điện thì bị bọn lão Trần cho một mồi
lửa lúc bỏ chạy thoát thân. Mật đạo thông từ đây tới giếng đơn được giấu trong
khuôn viên non bộ, vị trí vô cùng kín đáo, nếu không phải từ trong đó chui ra,
tìm từ bên ngoài hậu điện sẽ không bao giờ thấy.
Đến được đây rồi, lão
Trần không khỏi sốt ruột trong lòng, lũ rết trốn trong núi đã bị diệt sạch,
nhưng trước sau vẫn chưa tìm thấy dấu vết của mộ thất, chỗ nào cũng là mồ giả
mả trống, khiến lão không nhịn được thầm rủa lũ người Nguyên xảo quyệt. Mộ cổ
khó đào nhất trong mọi thời đại chính là mộ cổ thời Nguyên, bởi thời Nguyên
dung hòa thu nhận nhiều luồng văn hóa, cùng là vương công quý tộc nhưng phong
tục an táng lại khác nhau một trời một vực. Bố cục và địa điểm của lăng mộ mang
đậm phong tục vùng sa mạc phía Bắc Tây Vực, lại pha lẫn cái huyền diệu của
thuật phong thủy Trung Nguyên, những mộ phần chôn ngang táng ngược chính là kết
quả của thời kì đặc biệt này, cho nên chuyện nghệ nhân đổ đấu đào được mộ cổ
đời Nguyên đa phần đều là đào bới lung tung mà được, chứ xưa nay mộ cổ đời
Nguyên vẫn là “điểm mù” của dân trộm mộ.
Lúc này có một tên
thuộc hạ hiến kế với lão Trần, đã tìm khắp lượt mà vẫn không thấy mộ thất đâu,
sao không dùng thuật Ủng thành thám thính? Thuật Ủng thành có nghĩa là đào một
cái hố trong núi, chôn xuống một cái vò vừa đủ để người chui vào, sau đó kẻ
trộm mộ nằm phục trong vò, gần như chôn mình trong lòng đất, nhờ sự khuếch đại
âm thanh của cái vò khổng lồ để thám thính vị trí không gian trong lòng đất.
Lão Trần lắc đầu, nghe
đã biết là kẻ ngoại đạo. Thuật Ủng thành chỉ có thể thăm dò lòng đất ngay dưới
chỗ chôn vò, thường dùng tại nơi có thổ tầng, thế núi Bình Sơn xiêu vẹo thế
này, khắp núi đâu đâu cũng là đá xanh, về cơ bản không thể làm vậy được. Hơn
nữa lần đầu thăm dò Bình Sơn, lão Trần cũng đã dùng “quyết văn” nghe ngóng, chỉ
biết được động huyệt trong lòng núi rất lớn, cái nọ nối tiếp cái kia, nhưng
cũng chính vì động huyệt quá lớn nên ảnh hưởng tới độ chính xác của tiếng vọng
trong lòng đất, dù thính lực của lão hơn hẳn người thường, cũng không thể phân
rõ hình dáng từng nơi trong lòng núi, vì thế không thể dùng cách này.
Nay Ủng thành, đơn cung
Vô Lượng, giếng đựng thây, lộ phòng bằng sắt và hậu điện, đều đã tìm khắp lượt
mà vẫn không thấy chỗ chôn tay tướng Nguyên kia, không hiểu có phải huyệt mộ
này chẳng nhưng bên trên kín mít không cây không cửa, mà còn được lấp kín bằng
đất nên mới không có kẽ hở nào như vậy hay không. Ở nơi địa hình phức tạp như
trong lòng Bình Sơn, nếu quả thật mộ phần được làm bằng đất nện sẽ không có
cách nào tìm ra, người Nguyên không dựng mộ theo hình thức phong thủy, nên sợ
rằng dù có Mô Kim hiệu úy tới đây tương trợ cũng không thể dùng Phân kim định
huyệt đào thẳng đến hoàng long.
Song lão Trần cũng
biết, lần này tuy kiếm được nhiều đồ quý giá, nhưng nếu không tìm ra mộ huyệt
thực sự thì vẫn coi như thất bại, đầu tư một khoản lớn thế mà rốt cuộc lại công
cốc qu về, từ nay lão thân làm thủ lĩnh còn mặt mũi nào đi tranh cao thấp với
người trong thiên hạ.
Đang khi khó xử, Gà Gô
chợt nảy ra một suy đoán, nghe đất tìm mồ tuy rằng hiệu nghiệm, nhưng quy mô đơn
cung trong núi Bình Sơn quá lớn, khiến mọi người dồn hết chú ý vào đó mà bỏ qua
địa hình của núi. Dáng núi Bình Sơn giống như chiếc bình quý thần tiên đựng
tiên đơn, cả quả núi không khác nào một chiếc bình cổ, lòng núi cũng rỗng như
ruột bình, đơn cung bảo điện đều được xây trong đó, cho nên dân trộm mộ tới đây
chỉ chăm chăm vào hang động trong núi mà quên mất miệng bình trên đỉnh núi.
Lăng tẩm thời xưa đều
xây trong lòng đất, xẻ núi làm quách, đục đá xây lăng, một thất cũng nằm sâu
trong núi, nhưng mộ cổ Bình Sơn lại thuận theo lẽ thường? Rất có thể vị trị
huyệt mộ sẽ hoàn toàn trái ngược với các mộ cổ thông thường, xây tít trên đỉnh
núi cao, dưới chân núi chỉ cố tình bố trí huyệt mộ giả không để đánh lừa tai
mắt.
Đỉnh núi Bình Sơn cheo
leo hiểm trở, nếu quả thật mộ cổ được chôn trên đó, ưu điểm người đông thế mạnh
của đám trộm Xả Lĩnh sẽ không có đất dụng võ, kế sách oái ăm này thực nằm ngoài
dự liệu của mọi người. Nhưng Gà Gô có tài tùy cơ ứng biến, kinh nghiệm trộm mộ
cũng cực kỳ phong phú, vòng ra vòng vào núi đã đoán ra khả năng này.
Lão Trần luận về tài
trí mưu lược không hề thua kém Gà Gô, không hiểu sao lão thống lĩnh đám trộm
cướp khắp thiên hạ, mưu đồ nghiệp lớn, lòng dạ sâu hiểm, nhưng đến khi gặp phải
vấn đề nan giải lại không sáng suốt, nhạy bén bằng Gà Gô, nên trước sau không
mảy may nghĩ tới chi tiết này. Giờ nghe Gà Gô nói vậy lão mới sực tỉnh, vội
nói: “Thực ra là một câu nói vén cả màn mê!” Người Nguyên xây mộ trong đơn cung
Bình Sơn là có ý đồ trấp áp người Động Di, cái này gọi là thuật Áp thắng, bày
trận Áp thắng trong lăng mộ quả thật hiếm thấy, nhưng thợ buộc lầu bày trận Áp
thắng cho dương trạch thường ở nơi cao nhất trong nhà, nên chắc chắn mộ cổ Bình
Sơn được chôn trên đỉnh núi.
Chương 35 : Núi Có Tam Hương
Lão Trần đã có chủ
định, nhưng thấy đám người Xả Lĩnh và đội công binh đều sức cùng lực kiệt, nhất
là trong đó có nhiều con nghiện, cơn nghiện phát tác nên bải hoải toàn thân, đi
tìm mãi vẫn không thấy mộ cổ đời Nguyên chôn ở chỗ nào, thì nhất loạt chùn chân
không buồn bước nữa.
Lão đành khích lệ mọi
người: “Các anh em, theo quy định của Thường Thắng sơn chúng ta, phàm đào được
mồ to mả lớn thì đều có thưởng. Hôm nay chính là ngày hoàng đạo đổ đấu, tuy
trên đường đi gặp nhiều khó khăn, làm hơn trăm anh em phải bỏ mạng ở Bình Sơn,
nhưng họ đều là những bậc anh hùng hảo hán có chí khí, cũng là anh em kết nghĩa
của chúng ta, nhất định đã lên thiên giới, ở trên đó phù hộ cho chúng ta hồng
phúc dồi dào, kiếp này không thể gặp lại, những kiếp sau vẫn nguyện cùng kết
nghĩa vườn đào...”
Trước tiên lão nói đến
hai chữ “lợi, nghĩa”, sau đó lại nhắc nhở đám trộm trước khi vào núi Bình Sơn
đều đã thề nguyền chưa vét sạch Bình Sơn quyết không trở về. Tuy người trong
giới lục lâm có thể không tin quỷ thần nhưng rất trọng lời hứa, làm trái lời
thề coi như đã phá vỡ lời nguyền, tất bị người đời khinh bỉ. Sách sử cũng có
nhiều sự tích nổi tiếng ghi trên giấy trắng mực đen làm chứng: năm xưa Lương Vũ
Đế không tin lời nguyền nên chết đói trên Đài thành không người thu lượm; Ngân
Thương tướng quân La Thành vào thời Tùy Đường không tin lời nguyền nên đoản
mệnh, chết năm ba mươi hai tuổi; Tổng Công Minh ở Thủy bạc Lương sơn không tin
lời nguyền, cuối cùng mất mạng vì một bỉnh rượu độc.
Dân trộm cắp lấy “lợi”
làm đầu, xem nghĩa khí làm trọng, nghe những lời này tinh thần như được lên dây
cót, lũ lượt xin thủ lĩnh cho lên phía trước, lần này dù có thịt nát xương tan
cũng không làm nhụt nhuệ khí Thường Thắng sơn, nhất định dốc lòng dốc sức. Còn
lại đám lính công binh không phải là người Xả Lĩnh, tuy trong bụng muốn bỏ cuộc
giữa chừng, nhưng bị đám trộm cướp này thúc giục, đành lên gân lên cốt tiến lên.
Họ giẫm lên đống hoang
tàn đổ nát của hậu điện, tìm kiếm khắp xung quanh, cuối cùng cũng đến được khe
nứt lớn nhất của núi Bình Sơn. Khe nứt khổng lồ này giống như bị một lưỡi rìu
chém xuống, nằm ngay gần cổ bình, do thân núi xiêu vẹo nên vết nứt cũng xiên
lệch xuống dưới, ăn vào điểm đầu thân bình. Khe nứt trên rộng dưới hẹp, sương
mù dày đặc dập dềnh dưới vực sâu, cổ tùng mọc ngược, nhìn từ trên cao xuống mà
bủn rủn chân tay, từ bên dưới nhìn lên thấy vách núi dựng đứng, treo giữa lưng
trời, dường như chỉ cần một cơn gió lớn thổi qua, mỏm núi cheo leo đầu cổ bình
sẽ bị cuốn bay bất cứ lúc nào. Ngọn núi mang hình chiếc bình cổ nứt toác này cứ
lơ lửng như thế qua vô số tuế nguyệt, dưới thân núi xiêu vẹo lơ lửng lại là
trập trùng khe sâu hẻm đá rừng rậm um tùm, dù nhìn từ góc độ nào, thế núi Bình
Sơn vẫn nguy hiểm vạn phần.
Lão Trần quan sát phần
đáy khe núi rất lâu, đỉnh núi như một tảng đá xanh khổng lồ nặng đến ngàn vạn
cân, hai bên vách đá dốc đứng lạnh lẽo tuy hẹp nhưng vẫn khá rộng, nơi sâu nhất
tích tụ nước mưa trong lòng núi, muốn leo lên hai bên vách chỉ có cách bắc
thang rết bám vào đó mà trèo. Lão lại cho gọi anh chàng dẫn đường tới, lệnh cho
anh ta chỉ rõ nơi những sơn dân hái thuốc thường bắt đầu leo xuống vực sâu, và
nơi họ thường hái thuốc.
Anh chàng người Miêu
tuy chưa lên núi Bình Sơn bao giờ, nhưng dù sao vẫn là dân bản địa, nghe hơi
nồi chõ nên ít nhiều cũng biết được đại khái, còn hơn người ngoài. Anh ta nghển
cổ chỉ tay vẽ các vị trí trên vách đá.
Bình Sơn là nơi có lắm
kỳ hoa dị thảo và các loại dược liệu quý hiếm, sơn dân Động Di quanh đây thường
mưu sinh bằng nghề hái thuốc, nếu hái được hoàng sinh, tử sâm trên núi, có thể
bán cho thương lái thu mua dược liệu, hoặc tự mang vào thành mà bán. Thứ đáng
tiền nhất trong núi chính là hà thủ ô, linh chi, cửu long bàn... tréo ngoe một
chỗ là chúng đều mọc sâu trong kẽ đá trên vách núi dựng đứng.
Trong những kẽ đá vốn
toàn đá xanh, nhưng thỉnh thoảng cũng có bùn đất từ trên cao rơi xuống, tích tụ
nhiều năm lấp đầy các khe nhỏ, lại nhờ sương khí dưới vực sâu nên mọc ra nhiều
loại linh dược, dân bản địa gọi khe nứt trên đỉnh núi Bình Sơn này là Dược khe.
Nhưng nghe nói bên trong Dược khe có cương thi thành tinh ẩn nấp, người xuống
đó hái thuốc dù không gặp phải cương thi thì cũng bị vật độc trong núi lấy
mạng, lại thêm Bình Sơn được bao bọc trong dược khí, xung quanh tiềm phục rất
nhiều thứ tà ma kiểu như Bạch Lão thái thái, nên lâu dần chẳng ai dám tự tiện
vào núi nữa, thỉnh thoảng cũng có kẻ liều lĩnh to gan đâm đầu vào đây, song đa
phần đều có đi mà không có về.
Trong Dược khe này có
một khu vực gọi là Trân Châu Tản, Trên vách núi xuất hiện nhiều mỏm đá nhấp
nhô, hình như thạch nhũ, chất như mã não, trông giống một cái ô bằng trân châu
nên mới có tên như vậy. Những mỏm trân châu này không có màu tro hay trắng mà
đỏ tươi màu máu, giống như huyết thạch của gà, là nơi sinh trưởng của loại cửu
long bàn vô cùng quý giá.
Từng có một gã trai
người Động Di, cả nhà tám đời đều giỏi nghề hái thuốc, muốn chữa bệnh cho vợ
bèn liều mạng men theo vách đá leo xuống tìm cửu long bàn, anh ta quen thuộc
dược tính, trên người mang theo cả thuốc xua rết và rắn độc, rốt cuộc cũng tìm
được Trân Châu Tản, nhưng đúng lúc giơ tay hái thuốc thì chợt trông thấy từ
trong khe núi bò ra một cương thi cao lớn, mặc áo bào màu tím thắt đai lưng
vàng. Cỗ thây đó đã thành tinh, há mồm nhả ra làn khí tím, giơ cánh tay to lớn
đầy lông trắng ra định túm lấy anh ta, anh chàng Động Di nọ sợ đến hồn bay
phách lạc, chẳng còn lòng dạ nào màng tới cửu long bàn nữa, vội vận hết thân
thủ nhanh chẳng kém khỉ vượn, leo dây xuyên mây, chạy như bay lên đỉnh núi, từ
đó sợ quá ốm liệt giường, không đầy hai năm sau thì chết.
Theo người này kể lại,
khu Trân Châu Tản đó nằm bên mặt âm của khe núi. Lão Trần nghe xong nghĩ ngợi
một hồi, những lời đồn thổi kiểu này không thể không tin, cũng không thể tin
hết, nhưng dù không tìm được lối vào mộ cổ, ít nhất cũng phải hái hết cửu long
bàn mọc trên Trân Châu Tản mới được. Đoạn lão quay sang hỏi ý kiến Gà Gô.
Gà Gô thấy vách đá dốc
đứng, nhưng có thể dùng thang rết leo lên không khó khăn gì, quanh Trân Châu
Tản có mộ đạo, huyệt môn hay không cũng phải tận mắt nhìn mới biết được, bèn
gật đầu đồng ý. Chỉ chờ có thế, lão Trần liền chọn ra hơn ba mươi tên trộm sở
trường chạy tường đạp ngói, mỗi người hai chiếc thang tre leo lên vách núi, lại
dùng sọt tre cõng theo hai con gà trống, nếu quả thật có cương thi thành tinh hại
người, nghe tiếng gà gáy ắt sẽ kinh sợ, đoạn phái tất thảy số linh công binh
còn lại theo đường cũ trở ra, cùng đồng bọn vận chuyển mấy thứ như đèn lưu ly
trong đơn cung ra ngoài...
Dưới đáy khe núi rất
nhiều nước mưa, mặt nước phủ kín lá bào, khí ẩm nặng trĩu, trên vách đá đẫm
nước li ti, không gian dưới đáy vực chật hẹp, nếu chẳng may bị kẹt dưới này thì
đúng là tiến thoái lưỡng nan, đám trộm chỉ còn cách móc thang tre vào các khe
đá, treo mình leo lên vách đá dựng đứng.
Mọi người bỏ ra mấy
chục cái thang rết, ghép, nối, xếp, treo, rồi lấy hơi tập trung trèo lên vách
đá. Cứ men theo các kẽ đá mà leo lên, chỉ thấy giữa hai vách vực mây xanh thăm
thẳm, cách nhau vỏn vẹn mấy bước chân, vách đá trên miệngình xanh như bức tường
ngọc. Màu sắc của đá núi cũng dần sẫm hơn, xung quanh tử đằng rủ xuống khe sâu,
trên thân cây nở đầy những hoa cỏ lạ lùng, lớp bùn đất trong các kẽ đá thì mọc
đầy cỏ dại.
Chỗ này tiếp giáp với
điểm đầu sườn núi Bắc, trên Dược khe quanh năm không thấy ánh mặt trời này càng
leo lên càng bắt gặp nhiều loài cây cỏ kỳ lạ không rõ tên, điều này rất không
bình thường. Lão Trần và Gà Gô đều biết thuật nhìn vết bùn phân sắc cỏ trong
tìm mộ táng, chỉ cần quan sát các loài cây dại cỏ hoang trên mồ có thể đoán ra
tuổi tác, thân phận, giới tính của bộ hài cốt nằm bên dưới, bất luận niên đại
xa gần, thực vật sinh trưởng quanh mộ đều có điểm khác biệt. Tình trạng sinh
trưởng của cây cỏ trên mộ được gọi là “mạch phần”, cách phân loại mạch hưng suy
đều bắt nguồn từ tập Lăng phổ thời xưa, nói kỹ e còn phức tạp hơn cả bí thuật
phong thủy của Mô Kim hiệu úy.
Ví dụ quanh mộ hoang vô
chủ, ngay đến bia mộ cũng không có, nhìn vào chỉ thấy cỏ dại um tùm, nhưng
trong mắt người hiểu “mạch phần” thì đám cỏ dại giản đơn ấy lại ẩn chưa rất
nhiều thông tin, chẳng hạn như “cỏ trên mồ xanh xanh, trong quan là nhược
quán”, hay “cỏ trên mộ mọc lung tung, dưới đất tất có người chết bệnh”, ý nói
rằng nếu cỏ mọc trên nấm mồ vừa xanh vừa non, người nằm bên dưới chắc chắn là
yểu mệnh chết trẻ; cỏ vàng khô xơ xác, chứng tỏ không có sức sống, người chết
nằm dưới mồ nhất định là do nhiễm bệnh mà chết; xung quanh mộ phần của người
khỏe mạnh cây cỏ ắt tốt tươi... đại loại như vậy, có thể kể ra vô số. Riêng cái
gọi là mộ phần đã có nghĩa rất rộng, những chỗ có đất có vỏ trên nấm mồ đều thuộc
về mạch phần, quy mô mộ phần dưới lòng đất càng lớn thì phạm vi mạch phần càng
rộng. Nhưng trên đời này chỉ có những kẻ trộm mộ nắm chắc quyết “vọng” mới hiểu
cách quan sát phân biệt.
Đám trộm trèo lên thang
rết, soi đèn nhìn kỹ các loài thực vật sinh trưởng trên vách đá. Gà Gô nhìn
sang hai bên, thấy cành lá cây tùng lẫn các câyây leo đều um tùm xanh tốt, rõ
ràng là phần mộ của võ tướng, anh ta lại chỉ một đóa hoa màu vàng trên thân dây
leo, nói với mọi người: “Đây chính là hoa mắt mèo, chỉ mọc gần mồ mả, chắc chắn
trong đỉnh núi có mộ huyệt rồi.”
Lão Trần thấy mấy đóa
hoa lạ quả nhiên có hình dáng giống mắt mèo, hoa cỏ nơi này sinh trưởng nhờ vào
âm khí ngưng kết trong mộ cổ, nên đều thấp thoáng tỏa ra sát khí, xem ra ngôi
mộ đời Nguyên kia tuy táng rất sâu nhưng rốt cuộc vẫn để lộ dấu vết. Lão xem
xét một lượt vết cỏ, lại hếch mũi hít hà mùi trên Dược khe. Thuật ngửi đất
trong quyết “văn” tuy dính thêm chữ “thổ” nhưng về cơ bản làm gì có ai nằm bò
ra đất như loài chó mà đánh hơi từng tí một, thuật này bắt buộc phải học từ khi
còn nhỏ, suốt đời kiêng cữ rượu thuốc đắng cay, hơn nữa không chỉ đơn thuần
ngửi đất, mà phàm núi cao vực sâu, có nhiều mùi lạ vấn vít, lão Trần đều có thể
dùng thuật Văn sơn ngửi mùi tìm mộ táng.
Những mùi thường thấy
nơi thâm sơn cùng cốc gồm có ba loại, những ngọn núi không có mùi hương thì đều
là núi hoang, chỉ ở nơi địa hình đặc biệt như tận cùng hai vách đá dốc đứng
song song, nơi sơn khí ngưng kết, mới có thể triển khai thuật này. Mùi hương rõ
rệt nhất trong núi chính là mùi khí độc, chướng khí càng độc thì mùi càng nồng,
nhưng mùi khí độc thường pha lẫn mùi bụi đất, rất dễ nhận ra.
Còn có mùi hương tinh
túy của các loài cây cỏ như dược thảo, dã hoa, sơn dược, thoang thoảng phảng
phất, khiến người ta ngửi vào cảm thấy sảng khoái tinh thần. Mùi hương đặc biệt
nhất lại là mùi mộ cổ, pha trộn giữa các mùi thủy ngân, gỗ áo quan, minh khí,
tử thi và vôi bột chống thối rữa. Bên trong mộ nhất định sẽ thấy âm lạnh hôi
thối, nhưng bên ngoài lẫn với mùi hoa cỏ mạch phần, nên chỉ ngửi thấy một mùi
hương dìu dịu phảng phất mơ hồ, lúc gần lúc xa. Càng lại gần huyệt mộ, mùi
hương lạnh lẽo này càng mạnh hơn, xen lẫn một mùi tanh đặc biệt, âm lạnh nhưng
không hề khó ngửi.
Lão Trần hít một hơi
thật sâu, cảm thấy trong mùi hương tươi mát ở dải Trân Châu Tản này thoang
thoảng một mùi tanh nồng kỳ lạ, càng xuống sâu mùi tanh ấy lại càng nồng đậm,
rất khó diễn tả, vừa ngửi một lần đã cảm thấy lạnh thấu xương tủy, thì càng
khẳng định trong vách đá có giấu huyệt mộ. Chỗ này là nơi khuất nẻo bên sườn núi
Bắc, nếu không phải rắp tâm tìm kiếm thì dễ gì tìm ra. Hai bên vách đá chằng
chịt cổ tùng dây leo, chắc hẳn mộ đạo đã bị bịt kín, lão Trần nghĩ vậy bèn
khoát tay ra hiệu, lệnh cho đám trộm mang thang rết kết thành một chiếc cầu tre
bắc ngang khe núi.
Mọi người thấy đã tìm
ra tung tích mộ cổ, tinh thần phấn chấn hẳn lên, liền bắc cầu tre giữa hai bên
vách Dược khe, từng người giẫm lên cái thang tre rung rinh, nối nhau đi xuyên
qua làn sương mây, nếu không bám vào dây leo thì dùng thang rết bám vào vách đá,
treo lơ lửng giữa không trung, rút dao rút rìu phạt hết cây cỏ che phủ trên
Trân Châu Tản.
Dây leo cành cây đã bị
phạt đứt rơi lả tả xuống đáy vực, không lâu sau mảng đá lõm vào màu máu gà đã
lộ ra quá nửa, chỉ thấy trên vách đá có nhiều vết nứt lớn, vết to nhất nhét vừa
một con bò, bên trong tối om không biết nông sâu thế nào, trong những vết nứt
nhỏ hơn là mấy khóm cửu long bàn vảy giáp xinh xắn.
Bọn người lão Trần mừng
thầm trong bụng, truyền thuyết về người Miêu trèo xuống Trân Châu Tản Dược khe
hái thuốc quả nhiên là thật. Loại cửu long bàn mọc ở sườn núi Nam đều không
đáng tiền, thông thường chỉ có thể đánh cảm giải độc, duy ở những khe sâu quanh
năm không thấy ánh mặt trời mới có thể mọc ra loại cửu long bàn vảy giáp mỡ
màng này, còn được gọi là cửu quỷ bàn, mỗi cây đáng giá ngàn vàng, có công dụng
thần kỳ kéo dài tuổi thọ.
Đám trộm thấy thế thì
tạm thời quên phắt chuyện mộ cổ, những kẻ ở gần vội thò tay hái thuốc, nhẹ
nhàng cẩn trọng nhổ cả rễ lẫn gốc, bởi chỉ cần cửu quỷ bàn thiếu mất một cái rễ
hay cái vảy thì coi như mất hết giá trị, không còn đáng tiền nữa.
Gà Gô lại hoàn toàn
dửng dưng, từ trên thang tre, anh ta tung người nhảy vào khe nứt to nhất, vừa
giơ tay chạm vào vách đá đã cảm thấy đầu ngón tay lạnh buốt, chính là cái lạnh
chỉ có trong mộ cổ. Giơ đèn soi vào phía trong, anh ta phát hiện ra phía cuối
ánh đèn chập chờn có một bóng người, tiến lên trước nửa bước, thì thấy một cái
xác nam cao to đang đứng yên bất động trong khe núi hiện ra rõ ràng trước mắt.
Cổ thây so vai cúi đầu nên không nhìn rõ mặt, khắp người bám đầy bụi đất, cứ
nhìn lớp bụi dày đó đủ thấy cái xác này đã đứng cô độc trong khe núi rất nhiều
năm không hề nhúc nhích, bộ giáp trụ trên người rõ ràng là quân phục khi lâm
trận thời xưa.
Gà Gô đã quen hành sự
một mình, hơn nữa lại là cao nhân to gan lớn mật trong nghề đổ đấu, anh ta
không đủ kiên nhẫn chờ đám người Xả Lĩnh đang dò dẫm vơ vét đến từng tấc một,
thầm nghĩ tội gì không vào trước xem sao. Nghĩ là làm, không đợi bọn người lão
Trần đang ở phía sau, anh ta giơ cao cây đèn bão trên đầu, rút khẩu súng Đức từ
eo ra, dùng mũi súng nâng đầu xác chết lên, định xem diện mạo nó thế nào. Không
ngờ khẩu súng Đức còn chưa chạm được vào cổ thây toàn thân giáp trụ, trong động
bỗng nổi lên một cơn gió lạnh cỗ cương thi rùng mình giũ khỏi lớp bụi dày, bất
ngờ bổ nhào về phía trước.
Nguồn tangthuvien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét