Giữa mênh mông đầm nước với bạt ngàn lác và sen, trong góc
khuất kín nhất của dãy núi đá Thúi Thó, người dân Vân Long (thuộc Gia Viễn -
Ninh Bình) đã phát hiện được nhiều hình vẽ "khó hiểu" trên vách đá.
Kỳ lạ là muốn xem được những hình ảnh này người ta phải dùng nước hắt lên thì
hình mới hiện ra rõ nét. Không ít người dân cho rằng những hình vẽ này do ma
quỷ tạo nên. Một số khác lại tin đây là bản đồ chỉ đường đến kho báu được vẽ
bằng máu. Vậy đâu là sự thật của những bức họa hiếm hoi và độc đáo này?
Dãy Thúi Thó bắt nguồn từ Hòa Bình và trải dài cho đến tận
Ninh Bình với một màu xanh ngút ngàn của cây dại. Riêng ngọn núi nơi có những
hình vẽ kỳ lạ được người dân Vân Long gọi là núi Cửa Chùa vì vốn nơi đây từng
tồn tại ngôi đền Bái Vọng. Kỳ lạ là khắp chân các ngọn núi đá vôi trong khu
sinh thái ngập nước này đều có một màu trắng xám, bạt ngàn lau lách, cỏ dại...
riêng khu đất đền Bái Vọng lại là một bãi đất bằng phẳng, rộng rãi và khá khô
nước.
Vách đá khổng lồ có các hình vẽ vốn trước đây nằm sau lưng chùa, có hình thế nghiêng khoảng 65 độ, đỉnh hướng ra ngoài chân lùi sâu vào trong như một mái nhà che chắn cho ngôi chùa cổ. Ngày xưa, cứ mỗi lần đến mồng 8 tháng Giêng là ngày hội của làng, người dân thường rước kiệu đi qua đền Bái Vọng làm lễ rồi mới rước vào đền chính Bến Nổi, cũng vì thế đền Bái Vọng còn có tên gọi khác là đền Trình. Chỉ tiếc, trước năm 1945, ngôi đền bị xuống cấp nặng nhưng do đất nước đang chiến tranh, người dân quá nghèo nên đành phải nhìn đền tự đổ mái. Bên nền đền cũ hiện nay vẫn còn một khối đá mà theo truyền thuyết kể lại thì chính khối đá này là nơi dấu của của người Hoa ngày xưa. (Các nhà nghiên cứu, khoa học đã từng tìm thấy các dấu tích khẳng định người tiền sử đã từng cư trú trong hang ở khu vực này từ khoảng 10.000 năm trước).
Những bức bích họa ở vách đá nơi đây vốn được một người dân
địa phương phát hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX. Chuyện rằng, người dân khi
đi mò cua bắt ốc ở đầm, gặp mưa giông, đã chạy vào mái đá trú ẩn. Gió mạnh tạt
nước mưa vào vách đá khiến những hình thù quái lạ hiện ra đỏ ối. Chính sự kỳ
quái của những nét vẽ liên quan đến nước đã khiến người dân này rất sợ hãi chạy
về báo với một số cụ cao niên trong làng. Sau khi ra tận nơi xem xét, nhiều cụ
cao niên cho rằng đó là những hình vẽ của ma quỷ. Cũng
từ đó, các cụ truyền miệng nhau là chỗ đó có ma, không ai được đến gần nếu
không sẽ bị ma quỷ bắt. Lời đồn những hình vẽ này là của ma quỷ càng được người
dân tin hơn, khi cách đây khoảng 8 năm, một người dân không hiểu vì lý do gì đã
bỏ làng vào nền đất đền Bái Vọng dựng nhà sống như một đạo sĩ. Tuy nhiên, cứ
đêm ngủ, anh ta lại "thấy" những hồn ma đỏ chót như hình vẽ nhảy múa
trước mặt, dao kiếm loảng xoảng, rồi tiếng cười nói văng vẳng bên tai... Sợ
quá, anh này phá bỏ ngôi nhà tạm trở về làng sinh sống như xưa... Đó cũng là lý
do khiến những hình vẽ kỳ quái này bị lãng quên trong ký ức của những người
già, còn lớp thanh niên thì tuyệt nhiên không ai biết đến..
Bên cạnh đó, do những hình vẽ được vẽ bằng mực đỏ như màu
máu, lại có những nét vẽ thô giản, ngoằn nghèo như những ký tự mật mã... nên
không ít người đã móc nối chúng với sự kiện Cao Biền dời non. Thậm chí, một số
người còn khẳng định, đây chính là tấm bản đồ vẽ bằng máu chỉ đường đến kho báu
- nơi người Tàu giấu của cải sau khi vơ vét của dân lành xung quanh vùng Gia
Viễn. Cụ Nguyễn Văn Báu (82 tuổi) thôn Mai Trung kể: Thời xưa, những vùng núi
có địa thế thuận phong thủy đều bị Cao Biền tìm đến tìm cách chặt đứt long
mạch, tìm cách trấn yểm để vùng đất đó không phát được. Tuy nhiên, khi Cao Biền
tìm đến vùng đất này để trấn yểm các đỉnh núi cao của dãy Thúi Thó liền bị
người dân phát hiện. Họ đã dùng cung tên bắn lên đỉnh núi để ngăn không cho Cao
Biền thực hiện ý đồ xấu. Không thực hiện được ý đồ, một số thuộc hạ của Cao
Biền đã tìm cách vơ vét của cải trong dân làng định bụng sẽ mang về nước. Tuy
nhiên, do của cải quá nhiều, không thể đem về hết được, nên họ đã giấu vào lòng
núi, sau đó vẽ một tấm bản đồ bằng những hình vẽ trên vách đá để đánh dấu, sau
này quay lại lấy. Trước năm 1945, nhiều người Trung Quốc vẫn thường qua lại khu
vực này, người dân trong vùng không biết họ làm gì vì hành tung của họ rất bí
hiểm. Khi những người Trung Quốc biến mất thì con rùa đá cổ thường ngày vẫn nằm
bên phải nền cũ đền Bái Vọng cũng "không cánh mà bay". Nhiều người
dân tin rằng, bên trong con rùa chứa kho báu nên họ đã tìm cách khiêng cả con
rùa đi (?!). Câu chuyện này vẫn chỉ là những mảnh miếng được chắp nối vụn vặt
qua lời kể của một số cụ già và một số người dân trong làng, chưa hề được kiểm
chứng. Nhưng theo một số lãnh đạo địa phương thì ngày xưa xung quanh khu vực đó
có nhiều lò vôi tự phát của người dân và có thể con rùa đá đã bị chính chủ của
những lò vôi cho vào lò nung để lấy vôi.
Tìm
hiểu thêm một số tài liệu về văn hóa và lịch sử thì thấy người Việt cổ xưa rất
tin tưởng, sùng bái núi sông và cảnh giới vu thuật. Có thể bức họa phản ảnh các
loại hoạt động lễ nghi vu thuật của người Việt cổ như các hoạt động tế ngày, tế
trống, lễ sông, lễ quỷ thần, lễ thần ruộng, lễ thần đất, cầu chiến tranh thắng
lợi, tế người, tế vật tổ... Một số nhà khoa học cho rằng, bích họa là tác phẩm
có ý thức tôn giáo nguyên thủy, dường như có quan hệ với tục treo quan tài
trong hang động (khu vực gần mái đá Cửa Chùa như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La...
đã phát hiện loại hình này) và vẽ đội ngũ bảo vệ cho người chết, để biểu thị sự
tôn kính. Hoặc cho rằng các bức bích họa có quan hệ với việc cúng tế thủy thần,
do được vẽ ở những nơi hiểm yếu, dòng sông uốn khúc, nước sâu chảy mạnh... Con
người không sợ nguy hiểm, leo lên vách núi cao hàng trăm thước tiến hành vẽ
sáng tác là để trấn thủy(?!). Hoặc cho rằng, nó quan hệ với việc tế thần Sấm,
hoặc cúng bái tổ tiên..., nhưng nói chung đều là những nghi lễ tôn giáo nguyên
thủy.
Nguồn vietifo.eu (Hà
Chung/ Giadinh); giadinh.net.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét