Chương 14: Thủy Thần
Pháo Kumbhira
Con tàu ba cột buồm
kiểu cổ bị nước ùa vào, cuối cùng cũng chìm xuống. Trên mặt biển, đàn cá mập
đông lúc nhúc bơi lượn vòng, bị mùi máu tanh quyến rũ, trở nên hưng phấn kích
động, lao tới húc “cục cục” liên hồi vào thân tàu bằng gỗ. Tôi cuống cuồng leo lên
đỉnh cột buồm, không ngờ trúng lúc thân tàu lại lắc mạnh, phần vừa chìm xuống
nước đột nhiên nhô lên. Trong sương mù, chỉ nghe trong khoang tàu phát ra một
âm thanh vang dội rất khủng khiếp, như tiếng rồng gầm.
Áo quần tôi ướt sũng
nước biển, gió bên tai thổi vù vù. Con tàu dập dềnh chao lắc dữ dội, tôi ôm
chặt cột buồm không dám buông tay, nghe thấy động tĩnh bên dưới, trong lòng
thầm than không ổn: chẳng trách con tàu đã bị nước vào này vẫn không chìm
xuống, thì ra là dưới biển có thứ nâng nó lên. Thứ này phải to chừng nào mới
làm vậy được? Chẳng lẽ máu trong khoang tàu là của nó sao?
Nghĩ tới đây, mồ hôi
lạnh bắt thần túa ra, chỉ biết thầm kêu khổ, tim đập thình thịch. Bất thình
lình, trước mắt hoa lên, đeo mình trên đỉnh cột buồm, tôi đã trông thấy trong
màn sương có ánh đèn chớp chớp. Thì ra, Shirley Dương đang chỉ huy Nguyễn Hắc
điều khiển tàu Chĩa Ba rẽ sóng đi tới. Tôi cả mừng, tuy không rõ bọn họ lần
theo âm thanh mà đến hay là theo dấu đàn cá mập đang bao vây con tàu này, chỉ
cần kịp thời quay lại là tôi đã cám ơn trời đất lắm lắm rồi.
Con tàu cổ xưa nghiêng
ngả, cột buồm lung lay như sắp đổ nhào. Lúc tàu Chĩa Ba hiện trong sương mù,
khoảng cách giữa hai bên đã rất gần rồi, mắt thấy hai con tàu sẽ lại lướt qua
nhau trong sương, tôi thầm nhủ có leo xuống chắc cũng không kịp, bèn tính toán
khoảng cách giữa hai tàu, quyết định mạo hiểm nhảy một cú năm ăn năm thua. Nhân
lúc thân tàu lắc lư đổ về phía tàu Chĩa Ba, tôi dứt khoát phi thân rời cột
buồm, thân thể rơi xuống theo góc chênh chếch, lướt qua mặt biển đầy cá mập, bổ
tới chiếc xuồng cứu sinh bằng cao su buộc bên mạn tàu Chĩa Ba.
Có điều thân tàu liên
tục dập dềnh nổi trôi theo sóng, nào phải mục tiêu cố định, thời cơ và khoảng
cách đã được tính toán thỏa đáng chỉ trong chớp mắt đã nảy sinh biến hóa, tôi
không rơi xuống xuồng cứu sinh như dự định ban đầu mà hụt mất nửa bước, hướng
thẳng xuống mặt biển. Trong tiếng kêu kinh hãi của bọn Tuyền béo và Shirley
Dương, tôi giơ cả hai tay gắng hết sức chồm về phía trước, rốt cuộc cũng tóm
được sợi dây thừng cố định ở dưới đáy xuồng cứu sinh, thân thể đeo lơ lửng,
nhưng hai chân đã chạm mặt nước rồi.
Sợi thừng cọ vào tay
tôi đau rát như lửa đốt, nhưng trong lòng tôi hiểu rất rõ, dù gãy tay, cũng
quyết không được buông, buông tay là thành mồi cho cá mập ngay. Tôi uốn mình,
dồn sức vào hông, định bám vào xuồng cứu sinh leo lên, đột nhiên cảm thấy dưới
chân có thứ gì đó húc vào. Thì ra, cá mập lúc nhúc vây quanh con tàu ba cột
buồm đông quá, trong lúc bất cẩn tôi đã giẫm phải một con. Cũng chẳng rõ đã
giẫm phải chỗ nào trên mình nó, nhưng dã tính hung hăng khát máu cùng với sức
mạnh hừng hực trong cơ thể nó thì tôi cảm nhận được rõ rệt lạ thường.
Tôi giật mình kinh
hoảng, tóc gáy dựng ngược hết cả lên, trong tích tắc toàn thân như có dòng điện
chạy qua, chẳng kịp cúi nhìn con cá mập dưới chân, vận hết sức cố leo lên tàu.
Nhưng tâm càng rối thì tay chân càng cuống, lúc ấy may có bọn Tuyền béo ở bên
trên đưa gậy móc câu ra cho tôi bám, rồi hợp lực kéo lên, tôi mới thuận đà leo
lên được xuồng cứu sinh bằng cao su.
Shirley Dương đưa tay
kéo tôi lên tàu, miệng khẽ gắt: “Cái anh Nhất này đúng là thật liều hết chỗ
nói, cao như vậy mà cũng dám nhảy à? Anh chán sống rồi chắc?” Tôi vẫn chưa định
thần nổi sau cơn kinh hồn bạt vía, nghĩ lại cũng rùng mình, cảm giác toàn thân trên
dưới đều ướt sũng, chẳng phân biệt được là nước biển hay là mồ hôi túa ra nữa.
Nhưng sợ mấy thì cũng không thể gục ngã, tôi còn định nói vài câu giành lấy
chút thể diện với cả bọn nữa.
Lúc này, Minh Thúc mới
từ trong khoang bò ra ngoài boong tàu. Chắc lão ta uống say quá, giờ vẫn chưa
được tỉnh táo cho lắm. Có điều, vừa ngước mắt thấy con tàu ba cột buồm tựa như
cái bóng trắng đung đưa lướt qua sát sạt, sắc mặt Minh Thúc đột nhiên tái mét
như gặp ma quỷ. Lão cũng không dài lời thừa thãi, chỉ kêu ầm lên: “Đây là…
huyết thuyền. Mau... mau kéo pháo ra. Chuẩn bị đạn pháo.”
Tôi nghe Minh Thúc đột
nhiên kêu lên, thầm nhủ có lẽ lão ta biết lai lịch của con tàu thần bí kia,
nhưng sự việc trước mắt khẩn cấp hơn, tạm thời cũng không cần phải giải thích
kỹ càng. Nghĩ đoạn, tôi bèn tập hợp người trên tàu nhanh chóng bố trí thủy thần
pháo Kumbhira, chuẩn bị pháo kích con tàu ma. Hành động được triển khai cực kỳ
mau mắn. Khoang tàu tuy chật hẹp nhưng tất cả mọi người đều đã sẵn sàng, trong
tình huống khẩn cấp vẫn phân chia phối hợp đâu ra đấy. Ai nấy đều hiểu rõ, một
đám người nếu ô hợp như nắm cát khô lại muốn mạo hiểm tiến vào vùng biển vực
xoáy San Hô thì hết sức phi thực tế. Những lúc rảnh rỗi, tôi và Tuyền béo, cùng
Cổ Thái, Đa Linh đều được Shirley Dương tiến hành huấn luyện quân sự hóa theo
tiêu chuẩn hải quân. Bởi lẽ, đi tàu trên biển không giống như trên đất liền,
năng lực của một người khó mà chống chọi được sóng gió bão táp, nên toàn thể
thành viên trên tàu nhất định phải hợp thành một chỉnh thể thống nhất. Một khi
xảy ra sự cố, hoặc đối mặt với nguy cơ, phải cùng nhau ra sức hợp lực tác
chiến, mới có thể hòa nguy thành an được. Tàu của chúng tôi tổng cộng chỉ có
bảy người, thành ra mỗi người phải kiêm đến mấy việc, toàn là những trách nhiệm
quan trọng không thể khuyết thiếu.
Mệnh lệnh vừa được phát
ra, cả bọn tức tốc ai vào việc nấy như đã được sắp xếp trong những lần diễn
luyện trước đây. Tôi và Tuyền béo xuống khoang điều chỉnh nòng pháo, nhắm chuẩn
mục tiêu, Cổ Thái với Đa Linh mở hòm đạn mang đạn pháo đến, còn Shirley Dương
thì thông qua hệ thống truyền âm ra chỉ thị cho Nguyễn Hắc điều chỉnh hướng
lái, để họng pháo có góc bắn.
Mấy giây sau, thủy thần
pháo trên tàu Chĩa Ba đã sẵn sàng nã đạn. Sương mù vẫn dày đặc, hai con tàu
lướt qua nhau lần thứ ba, con tàu kiểu cổ sũng máu đang từ từ biến mất khỏi tầm
mắt chúng tôi. Shirley Dương không ngừng thông báo phương vị, góc độ và vận tốc
của tàu, thuyền trưởng Nguyễn Hắc tuy sợ con tàu ma, nhưng việc can hệ đến tính
mạng, đành liều một phen lấy hết dũng khí quay mũi tàu, tăng tốc lao đến gần mé
đuôi tàu ba cột buồm.
Minh Thúc ở trong
khoang tàu hoa chân múa tay chỉ huy bát nháo hết cả lên, tôi và Tuyền béo đã
chuẩn bị khai pháo, ai nấy đều nín thở chờ tàu Chĩa Ba tiến vào vị trí xạ kích
thích hợp nhất. Tranh thủ một thoáng chờ đợi ấy, tôi hỏi Minh Thúc: “Con tàu ba
cột buồm dùng giấy bìa trắng bít kín cửa khoang, bên trong toàn là máu, rốt
cuộc nó là cái gì vậy?”
Minh Thúc quệt quệt mồ
hôi túa ra to như hạt đậu trên trán: “Mẹ cha nhà các chú, cũng may Minh Thúc
tôi kịp thời phát hiện, là U Linh huyết thuyền để đánh tiêu đấy, nếu không bắn
đạn pháo cho chìm xuống đáy biển, không khéo còn gặp phiền phức to lắm đấy.”
Thì ra ở mạn duyên hải
Nam Dương cũng có tập tục tương tự như phong tục thả tàu đuổi ôn thần xua ôn
dịch, gọi là tục “đánh tiêu”. Điểm khác biệt là, trong khoang tàu đi “đánh
tiêu” không đặt xác người chết, mà đặt một loại hải thú thể hình to lớn. Ở biển
Nam Dương có một loài động vật đặc biệt, hình dáng từa tựa con ba ba, gọi là
con “luồn cát”. Cái tên “luồn cát” này là do dân chài đặt cho, còn danh xưng
khoa học của nó thì không rõ là gì. Hình dạng con này trông như con ba ba mà
không phải ba ba, có yếm nhưng không có chân, lưng màu xanh đen, bụng có vằn
trắng lớn, bình thường chủ yếu sống ở vùng biển nông, vùi thân trong cát. Chúng
thường hay quẫy mình gây sóng gió, làm lật tàu bè nhỏ, ngư dân căm hận lắm. Đôi
khi có con “luồn cát” bò lên bờ bị mắc cạn không trở về biển được, ngư dân nào
phát hiện ra liền lập tức đi thông báo cho những người khác, mang xích sắt ra
gông lại bắt sống. Đại phàm, nếu bắt được giống này, lại gặp đúng thời gian tế
bái Long thần, người ta sẽ tu bổ một con tàu cá cũ bỏ đi đã lâu, rồi cắt tiết
con “luồn cát” bỏ vào trong khoang tàu. Kế đó, mới dùng giấy bồi, lưới cá phong
kín con tàu cũ đó, dắt ra vùng biển sâu, để mặc cho trôi theo dòng nước.
Biển Nam Hải nhiều sóng
dữ, xưa nay là nơi gió bão hoành hành, loại tàu kiểu này quá nửa đều không chắc
chắn, sau khi được kéo ra vùng biển sâu, trôi nổi chẳng được mấy chốc sẽ bị
sóng gió đánh chìm, con “luồn cát” cũng theo đó mà chôn thây nơi đáy biển.
Những loài cá dữ hay giao long thuồng luồng ở vùng nước sâu cực kỳ khoái thịt
con “luồn cát”, sẽ ào ào nhao đến phá vỡ tàu, tranh nhau giằng xé con “luồn
cát” đến lúc nào chỉ còn cái vỏ không mới thôi. Ngư dân tin dưới đáy biển có
“rồng”, thờ phụng làm hải thần, tập tục này của họ chính là một hành vi tế bái
hải thần, cầu mong Long vương bảo hộ cho mặt biển được sóng yên gió lặng.
Nhưng cũng có những
trường hợp đặc biệt, giống “luồn cát” quá chừng dai sức, lại còn trì độn kềnh
càng da thô thịt dày, không biết đau đớn là gì, bị ngư dân lấy giáo đâm cho máu
túa ra như suối mà không chết, vẫn còn sức phá tàu lặn xuống biển. Bên ngoài
tàu “đánh tiêu” có phủ thêm lưới cá, chính là để phòng bị nó giằng thoát ra
được. Con tàu ba cột buồm chúng tôi đụng phải này có rất nhiều điểm đặc trưng
rõ rệt, nếu là hạng thủy thủ sành sỏi biết được duyên cớ bên trong, thoáng nhìn
sẽ lập tức biết ngay đây chính là tàu “đánh tiêu” chở con “luồn cát” tế cho
Long vương gia. Bởi một là nó không có tàu kéo, hai là tàu kéo cũng không thể
vào vùng biển bốn bề đầy rẫy hiểm nguy này được. Rõ ràng, nó đã bị thả ở ngoài
khơi xa, tại mấy hôm nay mặt biển không có sóng lớn, thời tiết đẹp đến bất ngờ
nên mẫi vãn chưa bị nhấn chìm, rồi không hiểu sao lại trôi dạt đến vùng phụ cận
vực xoáy San Hô này.
Con tàu ấy tuy đã bị
vào nước, nhưng mãi không chìm, cứ đung đưa chao đảo theo làn sóng, còn ba lần
bốn lượt húc vào tàu của chúng tôi, rõ ràng là có nguyên nhân của nó. Con người
Minh Thúc này tuy không đáng tin cậy lắm, nhưng lão ta đã chạy tàu khắp mạn Nam
Dương, kinh nghiệm đi biển phong phú vô cùng, lại từng gặp vô số những chuyện
kỳ quái trên biển, thoạt nhìn đã biết ngay có chuyện chẳng lành: rất có khả
năng con “luồn cát” vẫn chưa chết hẳn, đã phá vỡ đáy tàu, nhưng vì thể hình lớn
quá nên bị kẹt trong khoang không ra được. Cái giống này khỏe cực kỳ, có thể
chở cả trái núi, nhưng lại không xuống nước sâu được, hẳn là nó muốn tìm thứ gì
đó trên mặt biển húc cho cái khung tàu mắc trên thân mình văng ra, mới cứ bám
chằng chằng theo tàu Chĩa Ba như âm hồn bất tán vậy.
Tầm nhìn trong sương mù
rất thấp, tàu của chúng tôi không dám chạy quá nhanh, chứ không đã bị con quái
kia húc phải rồi. Tuy hai bên tàu Chĩa Ba đều ốp các tấm đồng bảo vệ, song cũng
chẳng thể bảo đảm tuyệt đối. Chết người nhất là máu chảy ra đã thu hút cả đàn
cá mập lớn, chẳng may lại dụ cả quái vật dưới vùng biển sâu mò đến, lúc ấy thì
mới gọi là lật sông lật biển. Minh Thúc từng gặp sự việc tương tự, đến giờ nhớ
lại vẫn còn chưa hết sợ, lúc này bị tôi hỏi, lập tức nói vắn tắt cho cả bọn
biết tình hình nguy hiểm đến nhường nào.
Giống “luồn cát” chỉ
sống ở một số quần đảo và vùng biển có hoàn cảnh tự nhiên đặc thù, nên tập tục
“đánh tiêu” tế Long vương cũng rất hiếm gặp, đừng nói là tôi với Tuyền béo chưa
từng nghe nói đến, đến cả dân đi biển dạn dày kinh nghiệm như Nguyễn Hắc cũng
không hề biết. Chỉ có đám gian thương xưa nay vẫn chạy tàu buôn lậu ở vùng biển
xa, đương đầu với sóng to gió lớn liên tục như lão Minh Thúc kia họa hoằn mới
biết đến.
Có điều, tôi và Tuyền
béo chẳng tin chuyện này cho lắm. Mắt thấy con tàu ba cột buồm kia đã từ góc
chết dịch dần vào tầm bắn của thủy thần pháo, Tuyền béo vẫn không kìm được hỏi
Minh Thúc: “Bác nói thật hay đùa thế, cúng cho Long vương xơi ấy à? Dưới biển có
rồng thật á? Thế thì Long cũng có phải còn cả binh tôm tướng cá với đại tướng
quân rùa đen múa chùy như trong phim Tây Du ký không?”
Minh Thúc dán mắt vào
con tàu kia, như chỉ sợ lỡ mất thời cơ khai pháo, cắn cảu đáp lời Tuyền béo:
“Cậu có bị lẫn không hả? Trông thấy Long vương gia rồi mà còn đứng đây nói
chuyện với cậu được chắc? Muốn biết thì tự xuống đấy mà xem. Con tàu kia mà
không chìm, sớm muộn gì cũng dụ lũ quái vật dưới biển sâu lên, đợi đến lúc ấy
thì quá muộn. Con tàu này của chúng ta, nhanh thì cũng nhanh thật đấy, nhưng
chắc chắn chả thoát được đâu... nhanh lên… nổ pháo đi...” Trong tiếng hét của
Minh Thúc, tàu của chúng tôi và con tàu đầy máu me kia lại ở vào vị trí song
song với nhau, khoảng cách chỉ tầm mười lăm mười sáu mét. Đây chính là thời cơ
thích hợp nhất để sử dụng thủy thần pháo Kumbhira. Vì tầm bắn quá gần, thậm chí
không cần phải tính toán đến các yếu tố đại loại như lực giật của thân pháo và
điểm rơi của đường parabol..., gần như chỉ cần chĩa nòng pháo sang mà nã là
được.
Thủy thần pháo Kumbhira
được thiết kế cải tiến từ loại súng pháo có thể di chuyển trên tàu biển thời
xưa, được đặt tên theo tên thủy thần Ấn Độ Kumbhira[27]. Sở dĩ được cải tiến từ
súng pháo cỡ nhỏ kiểu cũ, là bởi, mục đích sử dụng chủ yếu của loại thủy thần
pháo này không phải là sát thương. Trên tàu, ngoài vai trò là vũ khí ra, thủy
thần pháo còn có rất nhiều tác dụng khác, hơn nữa đạn pháo kiểu cũ dễ cải tiến,
tùy theo yêu cầu cụ thể, rất dễ chế tạo ra các loại đạn pháo khác nhau cho
nhiều mục đích.
Khẩu thủy thần pháo này
hao hao “tân pháo” thời cổ đại, có điều “tân pháo” thân ngắn mà thô, phải bắn
theo góc cao trên bốn mươi lăm độ, đạn bay theo đường parabol. Thời xưa “tân
pháo” còn có tên tục là “hổ ngồi” hay “pháo gà đồng”[28], đều là theo hình dạng
mà đặt tên. Còn ở các nước xung quanh như Nhật Bản, Lưu Cầu thì gọi loại pháo
này là “Khúc xạ pháo”. Thủy thần pháo phát xạ theo nguyên lý gần như tương tự
“tân pháo” nhưng có cấu tạo đường kính nhỏ hơn nhiều, thân pháo dài hơn, góc xạ
kích có thể hạ thấp xuống. Nếu cùng lúc có ba pháo thủ, được huấn luyện bài
bản, phối hợp nhịp nhàng, tốc độ nhồi đạn và xạ kích sẽ tăng lên rất nhiều.
Thủy thần pháo này dùng
được nhiều loại đạn. Trong đó, có một loại gọi là đạn tử mẫu cấu tạo rất đặc
biệt, đạn mẹ rỗng lòng, bên trong nhồi thuốc nổ và hạt chì, lại chia làm hai
phần trước sau, có thể nổ bung trên không. Sau khi đạn mẹ nổ, đạn con bắn ra
khắp bốn phía, trùm lên một diện tích rất rộng. Bên trong đạn con lại nhồi bột
chế từ tảo biển Bala nghiền nát. Tảo biển Bala là loài thực vật kỳ dị ở Ấn Độ
Dương, xưa nay vạn vật có tương sinh thời cũng có tương khắc, phàm là những
loài cá kình cá voi dưới biển sâu, đại đa phần rất sợ thứ tảo này. Nếu gặp phải
những giống cá lớn quẫy sóng làm lật tàu, có thể dùng loại đạn này tạm thời ép
chúng lặn xuống đáy sâu.
Còn một loại nữa gọi là
khai hoa đạn. Đạn này cũng chia làm hai tầng, chất liệu cấu tạo gồm đồng và
thép. Sau khi bắn ra, đạn nổ thành các mảnh nhỏ, uy lực rất lớn, là loại đạn
pháo tấn công, chuyên dùng để bắn đá ngầm và các công trình ven biển. Các loại
đạn khác còn có đạn đặc ruột, bên trong là chì đặc, bên ngoài bọc gang thép, có
thể bắn xuyên tường, chuyên dùng để tấn công các tàu giáp sắt của hải tặc; đạn
nhỏ thì nổ ngay bên trong họng pháo, bắn tung tóe, phạm vi rộng nhưng không thể
bắn xa... Và còn rất nhiều, rất nhiều loại khác nữa. Chính vì có nhiều công
dụng khác nhau như vậy, loại thủy thần pháo được người Anh phát minh đầu tiên,
về sau sử dụng hết sức rộng rãi ở Nam Dương, xứng đáng với danh xưng thần hộ vệ
của tàu biển.
Con tàu ba cột buồm vừa
chập chờn vào tầm bắn của thủy thần pháo, Minh Thúc cuống lên giục chúng tôi
khai hỏa. Tôi bảo Cổ Thái ôm một quả đạn tử mẫu nhồi vào nòng súng, rồi dùng hệ
thống ống đồng truyền âm dặn Nguyễn Hắc cố gắng giữ tốc độ tàu ổn định, sau đó
mới vẫy tay phát tín hiệu. Tuyền béo châm dây dẫn hỏa, khói trắng khét lẹt bốc
lên kèm một tràng tiếng “xèo xèo”, nòng pháo lóe ánh lửa, quả đạn pháo đã đâm
lút vào thân con tàu kia. Liền sau đó, lại nghe thấy tiếng những hạt nhỏ bên
trong viên đạn mẹ va vào nhau, nổ bùng tung tóe, bột tảo biển Bala phun mờ mịt,
rải kín khắp bên trên, bên trong khoang tàu.
Tôi vốn định chỉ huy
hội Tuyền béo tiếp tục pháo kích, nhưng thứ tảo biển Bala này không ngờ lại cực
kỳ hiệu quả. Con “luồn cát” bên trong tàu ba cột buồm bị bức ép, tuy không quen
lặn xuống nước sâu, cũng buộc lòng phải tạm trốn xuống phía dưới. Cả lũ cá mập
ngửi thấy mùi máu tanh mò đến kia cũng vội vã tản đi.
Con tàu ba cột buồm ma
quái chìm xuống, thân tàu vốn đã yếu ớt lập tức vỡ tan tành vì sức ép của nước,
chỉ còn lại tầng tầng lớp lớp lưới cá bọc lấy một vật màu xanh đen to tướng lùi
lũi lặn dần, máu nhuộm đỏ lòm một vùng mặt biển. Con “luồn cát” to như trái núi
nhỏ màu xanh đen đang chảy máu xối xả, lại mất đi con tàu gỗ che chắn, chìm xuống
đáy biển ắt không tránh được bị lũ cá dữ vây công, hoặc chết hoặc sống mà thoát
được, cách gì cũng không uy hiếp chúng tôi được nữa.
Mấy người trong khoang
tàu đồng thanh hoan hô vang dậy. Tôi nói với Minh Thúc: “Những năm bốn mươi thì
dựa vào chiến đấu, năm năm mươi trở đi phải nhờ khẩu hiệu, năm sáu mươi thì nhớ
khổ nhớ nghèo, năm bảy mươi sống bằng phê phán đấu tố, đến thập niên tám mươi
như chúng ta bây giờ, chúng ta phải dựa vào biện pháp mới sống được. Biện pháp,
chính là chiến thuật đấy. Tôi thấy từ giờ trở đi, chỉ cần linh hoạt vận dụng
chiến thuật này, chúng ta nhất định có thể thuận lợi mò được ngọc quý và Tần
Vương Chiếu Cốt kính.”
Minh Thúc vẫn đang quệt
mồ hôi vã ra, vừa nãy lão đúng là được một phen bở vía, xuýt xoa nói: “Cũng may
đấy, cũng may đấy, nếu dằng dai nữa, Long vương dưới ấy mò lên thì chúng ta có
nhiều biện pháp mấy cũng toi thôi. Đại nạn không chết ắt có phúc về sau, lần
này tôi nom đúng là có ăn rồi.”
Tuyền béo làu bàu chửi:
“Long vương cái rắm, tôi với cậu Nhất đây chẳng phải mới nghe chuyện kiểu đó
một hai lần đâu nhé. Chẳng lần nào gặp được rồng thật cả, với lại, dẫu dưới
biển có rồng thật đi nữa, thì sợ con mẹ gì nó chứ? Người ta chết vì tiền tài,
tiền tài là cái gì? Tiền tài là chân lý chứ còn là cái gì? Ông mày đây đi tìm chân
lý, chết còn chẳng sợ, lại sợ rồng sợ rắn chắc?”
Chúng tôi đang xôn xao
tranh luận, chợt nghe từ hệ thống truyền âm vang lên tiếng Shirley Dương gọi
toàn bộ mọi người hỏa tốc lên boong tàu tập hợp. Cơn sóng này chưa qua cơn sóng
khác đã ập đến, chúng tôi thấy lại có chuyện, nào dám chần chừ, vội nối đuôi
nhau leo lên boong tàu. Sương mù trên mặt biển giờ đã loãng đi nhiều, nhưng vẫn
chưa tan hẳn. Shirley Dương đang ngẩng nhìn trời, thấy chúng tôi chạy tới, chỉ
tay lên bầu không nói: “Các anh nghe xem đó là âm thanh gì vậy?”
Tôi ngẩng nhìn bầu
không vẫn mờ sương, nghiêng tai lắng nghe, quả nhiên thấy loảng xoảng như có
những phiến kim loại đang va đập vào nhau, không làm được, lẩm bẩm tự hỏi:
“Tiếng gì thế nhỉ?” Âm thanh càng lúc càng lớn, một cái bóng đen khổng lồ từ từ
hiện rõ đường nét trong màn sương trên cao. Minh Thúc kinh hoảng ngồi phịch
xuống sàn tàu, chỉ há mồm kêu lên được một tiếng: “Cá!”
Chú thích
[27] Nghĩa là cá
sấu.
[28] Ý chỉ con ếch.
Chương 15: Long Thượng
Thủy
Sắc trời đã hửng, sương
mù trên mặt biển loãng dần, tầm nhìn xa tăng lên đến mấy trăm mét, nhưng bên
ngoài phạm vi đó, mặt biển vẫn chỉ là một vùng trắng mờ đục. Đứng trên boong
tàu nghe tiếng kim loại va chạm loảng xoảng hòa trong tiếng gió, chúng tôi biết
là đã có điềm chẳng lành, vẫn còn đang phân vân nghi hoặc, không đoán nổi phía
sau tấm màn sương kia xảy ra chuyện gì, thì Minh Thúc đột nhiên phịch ngã xuống
sàn tàu, kinh hoảng gào lên: “Cá!”
Gần như cùng lúc, tôi
cảm giác có thứ rơi xuống đầu mình, lành lạnh trơn trơn, đưa tay sờ thử, hóa ra
là một con cá nhỏ. Cá trên không liên tiếp rơi xuống, cá lớn cá nhỏ đủ cả,
không ít con rơi xuống boong tàu, vẫn còn giãy lên đành đạch, lật cái bụng
trắng hếu lên quẫy loạn xạ hòng bật trở lại xuống nước. Tôi thầm kêu một tiếng,
trên trời sao lại có cá rơi xuống chứ?
Cùng với hiện tượng cá
lớn cá nhỏ đua nhau từ trên không lao xuống, mặt biển chấn động như thể có mưa
lớn đổ xuống. Bốn bề ầm vang như sấm động, lại có âm thanh tựa như gió thổi vào
ống tre, “ù ù ù” kéo dài hàng tràng, không thể nhận ra rốt cuộc là phát ra từ
chứ gì nữa. Có điều, trận mưa cá vừa ập xuống, sương mù liên tan nhanh.
Chúng tôi còn chưa kịp
hiểu ra chuyện gì đã trông thấy phía trước không xa xuất hiện một bức tường
nước khổng lồ sầm sập lao tới. Trước bức tường đột ngột đội lên từ đáy biển ấy,
con tàu của chúng tôi thật chẳng khác nào một phiến lá khô. Ánh mặt trời le lói
ở phương Đông bị bức tường nước chặn đứng, bầu không vừa tan sương tối sập đi,
tàu Chĩa Ba cơ hồ như đã rơi xuống một vực sâu đáy biển tăm tối, nghìn vạn năm
không thấy ánh mặt trời.
Chúng tôi bị cảnh tượng
kinh hồn ấy làm cho chấn động, thảy đều run lên. Biển lớn bình lặng cuối cùng
cũng phơi bày bộ mặt hung hãn cuồng bạo của nó, mắt thấy bức tường lừng lững
dồn tới, càng đến gần uy thế càng muôn phần đáng sợ. Nước biển dựng đứng, khiến
người ta không dám nhìn thẳng, thuyền trưởng Nguyễn Hắc vội xoay bánh lái,
không thể cứ tiếp tục xông lên, e rằng tàu Chĩa Ba sẽ bị con sóng khổng lồ đó
đập vỡ tan tành.
Tôi tóm cánh tay Minh
Thúc kéo lão dậy: “Đây là cái gì? Sóng thần hả?” Hôm qua, lúc hoàng hôn đang
buông, tôi quan sát mặt biển, thấy mây đen cuồn cuộn ngút trời thấp thoáng
trong màn sương phía đằng Đông, tựa như có quái vật giáng phàm. Đó chính là
trạng thái hải khí ngưng kết được nhắc đến trong sách Thập lục tự âm dương
phong thủy bí thuật, chỉ là không rõ, bức tường nước đang xuất hiện trước mắt
chúng tôi đây có phải do hải khí tích tụ mà sinh ra hay không.
Minh Thúc ôm cái phao
cứu sinh, chạy vào khoang tàu kêu lên: “Sóng thần cái nỗi gì, chú nhìn kỹ lại
mà xem, đó là Long vương gia nổi lên đấy, rồng hút nước...” Kế đó lão hét bảo
Nguyễn Hắc bật hết động cơ, tăng tốc hết cỡ, tránh khỏi xoáy nước tạo ra bởi áp
lực không khí do hiện tượng rồng hút nước gây ra.
Tôi nghe Minh Thúc nói,
mới biết đây là hiện tượng “long thượng thủy” mà những thủy thủ dạn dày kinh
nghiệm nhất cũng phải biến sắc mặt mỗi khi nhắc đến. Long thượng thủy, cũng gọi
là “thượng thủy long” hay “rồng hút nước”, trước đây mới chỉ nghe nói đến, chưa
được chứng kiến bao giờ, không ngờ lại uy lực nhường ấy. Tôi hét bảo những
người khác mau chóng vào khoang, cứ đứng trên boong tàu thế này, không khéo lại
bị sóng lớn cuốn xuống biển. “Long thượng thủy” là một trong những sức mạnh
mang tính hủy diệt khủng khiếp nhất trên biển khơi.
Trong đạo phong thủy,
“long” hay “long mạch” chỉ những mạch núi trập trùng liên miên trên mặt đất hay
dưới đáy biển, đây chỉ là một hình ảnh tỉ dụ. Còn trong lịch sử Trung Quốc,
“rồng” còn rất nhiều hàm nghĩa đặc biệt khác. Người xưa cho rằng, rồng đứng đầu
những loài có vảy, có thể tạo mây làm mưa, lợi cho vạn vật, là một trong bốn
linh thú, nhưng cho đến ngày nay, chưa hề có ai chứng minh được trên đời này
rốt cuộc có tồn tại loài sinh vật nào như thế hay không.
Những thủy thủ chuyên
chạy tàu ngoài biển khơi cũng có nhận định riêng của mình về rồng. Họ tin Long
vương gia chắc chắn có tồn tại, nhưng nhắc đến “rồng”, thì chủ yếu để hình dung
các hiện tượng thời tiết khủng khiếp, chẳng hạn như “long thượng thủy” trước
mắt chúng tôi đây. Hình tượng con rồng khổng lồ trợn mắt lè lưỡi, cưỡi mây đen
cuồn cuộn trong các bức họa cổ đại, rất có thể chính là một hình ảnh trừu tượng
của hiện tượng có sức mạnh hủy diệt trên biển khơi này.
Trong Kinh Dịch chép:
“vân tùng long” cũng có thể lý giải là “rồng tức là mây”, chỉ các yếu tố tự
nhiên như khí áp và khí lưu. Khí áp không cân bằng, sẽ sản sinh ra gió. Còn
không khí bốc lên, thể tích răng mà nhiệt độ giảm, sẽ hình thành mây. Hiên
tượng vòi rồng ở hồ lớn, hay biển khơi, chính là do khí áp cực thấp hình thành
nên. Còn hiện tượng “long thượng thủy” này lại do hải khí dưới đáy biển cuồn
cuộn phun trào, va chạm với khí áp thấp, thoạt trông tựa như một con rồng khổng
lồ từ dưới nước lao vút lên không trung vậy.
Trong Thập lục tự âm
dương phong thủy bí thuật thì cho rằng, mạch Nam Long khởi nguồn từ núi Nga My
là long mạch lớn nhất thiên hạ, vượt xa Bắc Long và Trung Long bắt nguồn từ núi
Côn Luân. Nam
Long khởi nguồn từ Nga My, chạy song song với Trường Giang về phía Đông, trong
đó có một mạch nhánh đổ ra biển vươn về phương Bắc, án hộ hai nước Nhật Bản,
Triều Tiên. Ngoài ra, còn hai nhánh dư mạch khác ngoằn ngoèo chạy xuống phía Nam , rồi quây
lại với nhau dưới đáy biển. Vùng biển xoáy San Hô này, chính là nơi hải khí của
Nam Long cuộn trào, cho dù không phải mùa mưa bão, nơi này vẫn có gió lốc hoành
hành, cũng thường xuyên xảy ra những hiện tượng đáng sợ như “long thượng thủy”.
Rồng nước từ đáy biển cuộn lên như núi lửa phun trào, rất nhiều tàu đắm, gỗ đá
trầm tích dưới lớp bùn lắng dưới đáy biển sâu, cùng các loài thủy tộc, hễ ở
trong vòng ảnh hưởng của vòi rồng, thảy đều bị nó cuốn lấy quẳng lên không
trung.
Chúng tôi nhìn khắp bốn
phía xung quanh, đều chỉ thấy sóng dâng rợp trời, thế nước như bài sơn đảo hải.
Giữa trời và biển chỉ còn lại những bức tường nước khổng lồ, mấy chục con rồng
nước “long thượng thủy” cùng lúc xuất hiện, nước biển đổ ngược lên trời. Kinh
hãi nhất là trong khoảnh khắc nước biển cơ hồ dựng đứng lên ấy, mặt biển ở giữa
những bức tường nước đó lại hoàn toàn phẳng lặng. Mấy chục bức tường nước tựa
như ngưng kết, hải khí cuồn cuộn, mặt biển thậm chí còn chưa kịp chấn động dữ
dội.
Trong bức tranh tĩnh
lặng thể hiện uy lực của thiên nhiên vĩ đại, chỉ có lũ cá và bụi nước bị quăng
lên không trung không ngừng rơi xuống đồm độp. Lọt vào giữa những biến đổi kinh
hồn của tự nhiên ấy, con tàu Chĩa Ba của chúng tôi, bốn phía trước sau trái
phải, thậm chí cả trên đầu, toàn bộ đều bị nước biển màu lam thẫm bao vây,
người trên thuyền thật không còn biết mình đang ở nơi nào nữa.
Tàu Chĩa Ba cơ hồ đã bị
nước biển hút chặt, khổ sở vùng vẫy giữa vực sâu hình thành bởi những bức tường
nước cao ngất trời. Chúng tôi tập trung trên khoang lái, cổ vũ tinh thần cho
nhau thêm vững dạ, ai nấy đều muốn tìm được chút lòng tin trên gương mặt người
khác, để có thêm dũng khí đối mặt với cuộc khảo nghiệm khó khăn không tưởng
tượng nổi trước mắt. Nhưng trước sự biến đổi kinh hoàng của trời đất, tất cả
chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau, sắc mặt tái đi, xám xịt chẳng khác tro tàn một
chút nào.
Đúng lúc ấy, những âm
thanh giống tiếng sắt thép va đập chan chát hồi nãy đột nhiên áp sát lại, một
cái bóng khổng lồ lừ lừ xuất hiện. Đó là nửa mảnh xác một con tàu lớn bằng kim
loại, từ bên trong bức tường chậm rãi nhô ra, nom như cả con tàu treo lơ lửng
giữa tầng không, chuẩn bị đổ sầm xuống mặt biển bên dưới.
Một nỗi sợ vô bờ bến
chụp xuống đầu tất cả chúng tôi. Trong khoảnh khắc vạn vật tựa như đông cứng
đó, phía trên và phía dưới con tàu của chúng tôi gần như đồng thời xuất hiện
hai mặt biển. Một mặt biển lơ lửng trên không, một mặt biển bên dưới, nơi tàu
Chĩa Ba dù bật hết động cơ cũng không sao vùng thoát ra được. Mặt biển phía
trên trút xuống vô số những thứ bị cuốn từ đáy biển lên không trung, những mảnh
tàu vỡ, xương cá voi... tóm lại là mọi trầm tích dưới đáy biển đều bị lật tung
lên. Trước mắt chúng tôi là nghìn vạn tấn nước biển, bị hải khí cuồn cuộn đẩy
lên không trung, chia thành cả trăm bức tường nước lơ lửng trên đầu. Một cái
xác tàu đắm khổng lồ cũng bị dòng khí lưu mãnh liệt đẩy lên, nhưng vì ở ngoài
rìa vùng ảnh hưởng, nên cũng giống như lũ cá bị hất văng ra, đang chuẩn bị rơi
từ trên cao xuống.
Minh Thúc giơ tay chỉ
lên cao, há miệng lấy hết sức lực gào thét, nhưng không ai nghe thấy tiếng lão
cả. Lỗ tai mỗi người đã bị âm thanh ken két loảng xoảng kia lấp đầy rồi. Tôi
biết lão định nói: “Xác tàu đắm rơi xuống rồi, rơi ngay xuống đầu chúng ta.”
Nhưng lúc này, ngôn ngữ đã mất đi tác dụng, tôi vung tay lên chỉ sang phía
trái, ý bảo Nguyễn Hắc đang cầm bánh lái: “Mau lái tàu thoát ra, không thì cả
bọn toi đời...”
Gân xanh trên trán gồ
cả lên, thuyền trưởng Nguyễn Hắc dốc hết sức xoay bánh lái. Thân tàu Chĩa Ba
rốt cuộc cũng ngoặt sang ngang, cái xác tàu đen ngòm tựa như một quả tạc đạn
khổng lồ từ không trung rơi xuống đúng vị trí của mũi tàu Chĩa Ba lúc nãy. Nước
biển bùng lên thành cơn sóng lớn, con tàu bị quật trúng thân, chao đi như chiếc
lá trong cơn gió dữ, thực đúng là nguy hiểm tiếp nối hiểm nguy, liên miên không
dứt.
Xác tàu đắm vừa rơi
xuống, tất cả những bức tường nước đột nhiên bị hút cả lên không trung, tách
rời khỏi mặt biển bên dưới. Những bức tường nước dày nặng che kín bầu trời, mây
đen ngùn ngụt, mặt biển đen kịt một màu, trong chớp mắt, quang cảnh đã tối sầm
đến mức ngay sát bên cũng chẳng thấy gì. Sau một khoảng tĩnh lặng ngắn ngủi,
cuồng phong bỗng nổi lên, mưa rơi như trút. Cả đời tôi chưa từng gặp trận mưa
nào lớn đến thế. Sóng gió cuốn lên, tựa như sông trời đổ ngược nước xuống, mặt
biển sôi trào dữ dội. Giữa cơn bão to ầm ầm, tàu Chĩa Ba trên mặt biển thoắt
cao thoắt thấp, bị hết cơn sóng này đến cơn sóng khác quăng quật tựa một món đồ
chơi.
Mấy người chúng tôi ở
trong khoang nắm chặt lấy tất cả những gì cố định có thể bám được bên cạnh
mình, cảm giác lục phủ ngũ tạng bên trong lúc như bị đẩy bắn lên trời cao vạn
trượng, lúc rơi tuột xuống vực sâu không đáy cùng với con tàu. Cả bọn không ai
là ngoại lệ, đều bị giày vò điên đảo thần hồn, dẫu là bất cứ ai, đối mặt với
tình cảnh này cũng tuyệt đối không còn tự chủ, chỉ biết tuân theo mệnh trời
thôi vậy.
Hải khí tuy đã tan đi,
nhưng mặt biển lại nổi gió lốc. Giữa biển khơi sóng dữ cuộn dâng ngất trời,
chúng tôi chỉ còn một hy vọng duy nhất là con tàu bằng gỗ liễu biển được người
Anh công phu cải tạo này có thể vượt qua khảo nghiệm của thiên nhiên. Có điều,
dẫu có là những con sói biển dạn dày kinh nghiệm, Minh Thúc và Nguyễn Hắc cũng
không phán đoán nổi trận bão này sẽ kéo dài bao lâu.
Gặp phải tình cảnh này,
người khổ sở nhất trong nhóm chúng tôi chính là Tuyền béo. Cậu ta đặc biệt
không thể chịu nổi mỗi lần bị sóng cuốn lên không trung, rồi rơi xuống như diều
đứt dây. Nước mưa và nước biển không ngừng táp vào cửa kính quan sát của khoang
lái, giữa trời và biển chỉ thấy một vùng mờ mịt mênh mông, căn bản không thể
phân biệt đâu là trước sau trái phải, sắc mặt Tuyền béo xanh lét như tàu lá
chuối, sóng gió tuy lớn, nhưng trên không trung đã không còn tiếng kim loại
loảng xoảng như hồi nãy, chỉ nghe Tuyền béo không ngừng lẩm bẩm cầu khấn:
“Thiên hậu nương nương phù hộ, Thiên hậu nương nương mau đến phù hộ chúng con
với, trở về con nhất định sẽ dâng hương cúng hoa quả tô sơn đắp tượng cho
ngài... đệ tử đập đầu lạy trước, mau đến cứu mạng chúng con đi mà...”
Tôi biết Tuyền béo
chẳng sợ trời sợ đất gì hết, chỉ sợ có mỗi độ cao. Giờ dẫu có dùng biện pháp
cũ, nhắm chặt hai mắt lại cũng chẳng ích gì. Từng cơn sóng khổng lồ liên tiếp
ập đến, khiến người ta chẳng kịp rảnh ra lúc nào mà thở lấy hơi nữa. Đến cả
thần Phật cũng phải lôi ra cầu khấn rồi, nỗi sợ trong lòng cậu ta lớn đến
nhường nào, thiết tưởng khỏi cần nghĩ cũng biêt. Có điều tôi lo Tuyền béo sợ
quá bủn rủn chân tay, không khéo lại rơi từ trong khoang xuống biển, vội bảo Cổ
Thái với Đa Linh giữ chặt người cậu ta lại, đừng để cu cậu sợ đến u mê đầu óc
rồi xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn.
Ở trên biển, Minh Thúc
chỉ dựa vào chất cồn để thêm can đảm, cứ cắn nút chai nhổ đi, tu ồng ộc từng
ngụm lớn, thành ra lại còn trấn định hơn những người khác nhiều. Lão nghe Tuyền
béo cầu cứu Thiên hậu nương nương phù hộ, lập tức hồn phi phách tán, nhất thời
cuống quýt liền nhét cả miệng chai rượu vào mồm cu cậu: “Thiên hậu... thiên cái
đầu mẹ cậu ấy, Tuyền béo ơi là Tuyền béo, cậu có lầm không đấy, lúc này mà còn
dám nói lăng nhăng… mau uống rượu, uống rượu bịt cái mồm thối nhà cậu vào.”
Thiên hậu nương nương
là bậc thần minh được vạn dân tôn kính, phàm là người đi biển, gặp phải sóng
gió, cầu xin Thiên hậu nương nương phù hộ ắt sẽ được sóng yên gió lặng, tàu bè
bình yên, linh ứng vô cùng. Nhưng ở đây có một cấm kỵ, “Thiên hậu nương nương”
là danh xưng chỉ được dùng trên đất liền, chẳng hạn như lúc vào các miếu thờ
Thiên hậu hay Mẹ tổ dâng hương lễ tạ, thì mới gọi ngài là “Thiên hậu”, còn ở
trên biển mà gặp phải sóng gió nguy hiểm thì ngàn vạn lần tuyệt đối không được
khấn “Thiên hậu nương nương phù hộ”, mà phải khấn rằng “Mẹ tổ phù hộ”. Nói
chung là, ở trên biển tuyệt đối không được nhắc đến hai chữ Thiên hậu .
Kỳ thực, Thiên hậu và
Mẹ tổ đều là một, nhưng những người quanh năm chạy tàu trên biển, gần như chẳng
ai là không mê tín cả. Trong câu chuyện mê tín của người đi biển, nếu gặp phải
sóng to gió lớn, tình thế hiểm nghèo có thể lật tàu lật bè, người trên thuyền
mà lớn tiếng cầu xin Thiên hậu nương nương cứu mạng, chắc chắn Thiên hậu nương
nương sẽ đến cứu. Nhưng trước khi xuất cung, ngài phải bày sắp xếp nghi trượng,
mà nghi thức xuất cung của Thiên hậu rất lớn, rất tốn thời gian, đợi đến lúc xa
giá của Thiên hậu đến nơi thì sóng cũng yên gió cũng lặng rồi. Vì vậy, trừ phi
là đã chán sống, bằng không thủy thủ và khách đi tàu bất kể thế nào cũng không
dám gọi Thiên hậu cứu mạng.
Trên biển gặp nguy,
nhất định phải gọi “Mẹ tổ phù hộ”, như vậy Thiên hậu có thể nai nịt gọn gàng,
ngay lập tức xuất hiện trên biển cứu khổ cứu nạn. Đây là quy ước của nghề đi
biển, đã được các thủy thủ già công nhận, vì vậy Minh Thúc vừa nghe Tuyền béo
gọi Thiên hậu nương nương, vội vàng cầm chai rượu đổ vào mồm cậu ta, rồi hét
lên giữa sóng to gió lớn ngập trời: “Mẹ tổ hiển linh.”
Chương 16: Quan tài nổi
Trời đổ mưa như trút,
mặt biển cuồn cuộn từng cơn sóng cao ngất, tàu Chĩa Ba gặp hết hiểm nguy này
đến hiểm nguy khác giữa chốn phong ba, bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị lật,
tàu thì đắm còn người thì chôn thây nơi bụng cá. Minh Thúc ôm phao cứu sinh kêu
lớn: “Mẹ tổ hiển thánh!”
Bên này, thuyền trưởng
Nguyễn Hắc cũng bắt đầu cùng với Minh Thúc niệm “Hải thiên thông thánh chú” cầu
khẩn Mẹ tổ hiện thân cứu mạng. Nguyễn Hắc tuy tướng mạo thô hào hung dữ, râu
quai nón tua tủa như lông nhím, nhưng đám thủy thủ này, dẫu có dũng cảm đến mấy
khi đối đầu với sóng gió, cũng đều mê tín đến mức cực kỳ nghiêm trọng, ai cũng
một lòng kính sợ các lực lượng của cõi khác. Đó có lẽ chính là nơi chốn duy
nhất họ có thể gửi gắm tinh thần khi lênh đênh cô quạnh giữa giữa biển khơi.
Mắt thấy sóng to gió
lớn, con tàu sắp bị lắc giật cho long ra đến nơi, chẳng rõ còn cầm cự được bao
lâu nữa, tôi cũng không thể không mong chờ Mẹ tổ hiển linh mau chóng dẹp yên
cơn phong ba bão táp trước mắt. Tôi cực kỳ phản cảm với cái kiểu quanh năm ngày
tháng chẳng thắp hương, đến khi việc xảy ra mới ôm chân Bồ tát thế này cầu thần
cầu Phật, chi bằng dựa vào bản thân mà nghĩ ra một biện pháp thiết thực khả thi
còn hơn.
Cái câu cửa miệng “nhờ
vào biện pháp” này, là ý chỉ chế độ khoán sản phẩm được thực hiện từ sau Cải
cách mở cửa. Chính sách đến tận hộ gia đình, nông dân ai nấy đều hăng hái tăng
gia sản xuất, có gan lớn chừng nào thì làm lớn chừng đó. Nếu nghĩ ra được càng
nhiều biện pháp mới, tận dụng đất đai, sẽ thu được thành quả càng lớn, không
thể cứ bảo thủ giậm chân tại chỗ, mãi mãi dừng ở giai đoạn sống nhờ thành tích
cũ được. Khẩu hiệu này về sau cũng được áp dụng đến các hộ cá thể làm nghề buôn
bán ở vùng biển, người người đều đem ra để tự khuyến khích mình. Nhưng chúng
tôi lúc này, đã sắp không còn kiểm soát được con tàu đang lồng lộn trong sóng
gió cuồng loạn nữa, ngoài tuân theo mệnh trời ra, còn lấy đâu ra biện pháp nào
được nữa.
Bấy giờ, Shirley Dương
nhích lại, hỏi tôi xem phải làm thế nào? Vừa lúc, một cơn sóng lớn từ ngoài cửa
quật tới, xối ướt sũng tất cả người trong khoang lái, làm ai nấy toàn thân đều
nhớp nháp thứ nước biển vừa mặn vừa tanh. Tôi gạt nước đẫm trên mặt, nói với
Shirley Dương: “Không ngờ hiện tượng long thượng thủy lại có thanh thế ghê gớm
nhường này. Những cách cũ dùng khi trộm mộ mò vàng trong núi thuở trước đều
chẳng dùng được, mà mấy biện pháp mới của thủy thủ và dân mò ngọc thì chẳng
biết dùng, cầu thần khấn Phật lại càng vô dụng, cả cái cách ào ào xông lên lấy
cứng chọi cứng của bộ đội cũng không thể dùng. Tôi hoàn toàn bó tay rồi đấy. À,
phải rồi... thuật Ban Sơn Trấn Hải có phép nào ứng phó với tình huống này
không?”
Shirley Dương nói:
“Thuật Ban Sơn Trấn Hải đâu thể hô phong hoán vũ, lại càng chẳng thể nào khiến
sóng yên gió lặng được. Tôi thấy trận bão do long thượng thủy này đến nhanh,
chắc hẳn đi cũng rất nhanh, giờ chỉ còn cách gắng hết sức kiểm soát tàu, tranh
thủ thời gian cầm cự đến khi bão tan thôi.”
Nói thì dễ, làm mới
khó. Con tàu gỗ liễu biển của chúng tôi dập dềnh trồi lên hụp xuống giữa muôn
ngàn con sóng dữ, liên tục bị đẩy lên ngọn sóng rồi lại trượt xuống đáy khe sâu
giữa hai con sóng cao ngất, mỗi giây mỗi phút đều ở trong tình thế hiểm nguy
tột cùng. Bầu không phủ kín mây đen, u tối ảm đạm, đang giữa ban ngày ban mặt,
song cũng chẳng khác gì nửa đêm canh ba. Giữa tầng mây thấp thoáng ẩn hiện sấm
chớp ì ùng, nước biển sục sôi như chảo nước, mãi không bình lặng nổi. Cũng may
kinh nghiệm lái tàu của Nguyễn Hắc và Minh Thúc đều rất phong phú, vì mạng sống
của mình, cả hai cùng dốc toàn lực ứng phó với tình thế trước mắt. Những người
còn lại cũng ra sức hiệp trợ, khiến tàu Chĩa Ba mỗi lần rơi vào giờ khắc sinh
tử lại có thể hóa nguy thành an.
Con tàu được người Anh
cải tạo lại này cũng thật kiên cố chắc chắn, cưỡi sóng vượt gió, bị quăng lên
quật xuống như thế mà thân tàu vẫn nguyên vẹn không tổn hại mấy. Có điều, sau
một trận giày vò, bản thân chúng tôi cũng không rõ mình cầm cự qua được khảo nghiệm
của cơn bão này, rốt cuộc là do tàu bằng gỗ liễu biển đúng là bảo vật ngoài
khơi, hay do Mẹ tổ hiển thánh nữa. Cuối cùng, chúng tôi cũng thấy một tia nắng
rọi xuống qua đám mây đen, sóng gió lắng dần, mặt biển sôi trào từ từ bình lặng
trở lại. Lúc này, tuy rằng không ai có chuyện, nhưng cả đám người trên tàu Chĩa
Ba cơ hồ đã đến cực hạn của sức chịu đựng. Người nào người nấy sức cùng lực
kiệt, toàn thân xương cốt rã rời muốn sụm cả xuống.
Thấy sóng gió cuối cùng
đã qua đi, Minh Thúc kích động quỳ xuống sàn tàu đập đầu tạ ơn lia lịa, thuyền
trưởng Nguyễn Hắc như làm trò ảo thuật, trong chớp mắt đã lấy trong khoang đáy
ra lò hương, giấy tiền vàng bạc, định đốt cho Mẹ tổ. Tôi cũng không can thiệp
quá sâu vào tín ngưỡng cá nhân của bọn họ, lại đưa mắt nhìn sang phía Tuyền
béo, cậu ta nốc vào nhiều rượu trắng quá, giờ nằm lăn ra một góc khoang ngủ tít
thò lò, sàn tàu bên cạnh nhoe nhoét những thứ do cu cậu nôn ọe ra. Cổ Thái và
Đa Linh khó nhọc kéo lê thân hình mềm nhũn của Tuyền béo vào khoang trong, tránh
để cậu ta nằm chắn cửa, vướng víu người ra kẻ vào.
Tôi đi tới mũi tàu,
nhìn ánh dương chói mắt chiêu xuyên qua màn mây đen, thở phào một hơi. Trận bão
này qua đi, ít nhất trong vài ngày tới sẽ không có hải khí ngưng tụ nhiều như
vậy nữa, chúng tôi có thể nhân cơ hội này lợi dụng nước triều tiến vào vùng vực
xoáy San Hô, hòng tìm kiếm tàu đắm và âm hỏa ở bên cạnh hải nhãn. Dĩ nhiên, còn
phải mò thêm một mớ minh châu Nam Hải nữa, tuy rằng nhiệm vụ phức tạp khó khăn,
nhưng thời gian như vậy chắc cũng đủ. Có điều, cơn bão vừa rồi đã đẩy chúng tôi
đi lệch khỏi tuyến đường định sẵn, phải tốn thêm một ngày nữa so với dự tính
thì mới đến được vùng biển có khu rừng san hô.
Nghĩ tới đây, tôi bèn
nảy ra ý định đi kiếm Shirley Dương bàn cách lợi dụng nước triều để đưa tàu qua
rặng đá ngầm dày đặc ở rìa ngoài vực xoáy San Hô. Đang tính lên khoang lái tìm
cô nàng, tôi chợt thấy trên mặt biển hình như có gì đó không được bình thường
cho lắm, nhìn kỹ lại, liền không khỏi giật thót mình, nước biển đã chuyển thành
màu đen kịt. Hải khí đã đẩy những thứ bị vùi lấp dưới đáy biển sâu nổi lềnh
phềnh trên mặt biển, hình thành một dòng thủy triều đen. Tàu Chĩa Ba của chúng
tôi, đang đi giữa một vùng biển nước đen kịt như mực.
Những người khác cũng
phát hiện ra cảnh tượng này, vừa quan sát mặt nước biển đen như mực vừa bàn tán
xôn xao, mỗi người đều có lý lẽ riêng. Shirley Dương bảo, trên mặt biển có rất
nhiều cá chết, thềm lục địa Nam Hải có kết cấu hình bậc thang đi xuống, dưới
đáy vùng biển này vừa khéo lại là vực sâu, trong nham tầng dưới đó rất có thể
có một lượng khí than lớn đã bị nước biển đẩy lên. Lũ cá dưới biển sâu sợ rằng
phen này gặp phải tai ương lớn rồi.
Nguyễn Hắc thì lại tin
theo cách giải thích của ngư dân Việt Nam. Ông ta nói, ở dưới đáy sâu có vài
dòng nước biển màu đen, chỗ sâu nhất nước biển sôi sục, rất khác với nước biển
bình thường, dù là các sinh vật đáy biển cũng không dám tiếp cận, nhiệt độ nước
còn cao hơn ở suối nước nóng cả trăm lần. Rất có khả năng, thủy triều đen này
chính là do những dòng nước đen dưới đáy biển phun trào gây ra.
Minh Thúc lại bảo, chắc
chắn là long thượng thủy đã khiến bạch tuộc khổng lồ náu mình trong khe sâu
dưới đáy biển xông ra. Giống bạch tuộc này có tám chân xúc tu, mỗi xúc tu dài
đến cả trăm trượng, to lớn khôn cùng, trong bụng đầy chất dịch đen, lúc chết sẽ
phun hết ra, vậy nên nước biển mới biến thành màu đen như thế. Nếu vớt được xác
nó lên, có thể liên hệ với khách mua ở nước ngoài, cái xác mà còn nguyên vẹn
thì rất được giá, đại khái cũng phải ngang tầm với xác người phụ nữ Lâu Lan dạo
trước.
Tôi nói với Minh Thúc:
“Thì ra bác chẳng những buôn bán xác khô, mà còn làm ăn cả tiêu bản cá chết nữa
cơ à?” Mọi người mồm năm miệng mười, không ai chịu theo lý lẽ của ai, liệt kê
hết mọi khả năng có thể làm sinh ra thủy triều đen, nhưng rốt cuộc vẫn không
kết luận được vùng nước biển đen ngòm này được hình thành thế nào, chỉ biết là
có thứ gì đó ở dưới đáy biển cuộn trào lên thôi. Nhưng nhìn cá chết phơi bụng
dập dềnh trắng lóa giữa làn nước đen kịt, chẳng ai là không ngấm ngầm kinh
hoảng, nếu không phải con tàu Chĩa Ba này cấu tạo chắc chắn, lúc này rất có thể
chúng tôi cũng trở thành mấy cái xác nổi lềnh phềnh như lũ cá kia rồi.
Thủy triều đen dưới đáy
biển dâng lên tuy lớn, nhưng chẳng mấy sau sẽ chìm lắng xuống rồi biến mất,
chúng tôi đứng trên boong tàu quan sát một lúc lâu, định tìm cái xác bạch tuộc
khổng lồ mà Minh Thúc nói đến, dù không thể mang được nó trở về thì mở mang tầm
mắt một chút cũng là việc tốt. Kết quả, cũng phát hiện ra ở mặt biển phía xa
quả nhiên có một vật thể màu trắng trôi, thoạt trông có cảm tưởng nó chỉ to
bằng một người bình thường mà thôi. Tôi vội bảo Nguyễn Hắc lái tàu lại gần, còn
Minh Thúc thì sớm đã lấy ống nhòm chĩa về hướng ấy: “Tiên sư cha bố nhà nó...
quái lạ thật... không phải xác bạch tuộc đâu... trên biển hình như có một cỗ
quan tài đang trôi... màu trắng...”
Tôi còn tưởng mình nghe
lầm, trên mặt biển sao lại có một cỗ quan tài màu trắng trôi nổi được, đang
định giật ống nhòm của Minh Thúc xem thử, thì tàu Chĩa Ba đã đến gần vật ấy.
Càng đến gần, chỉ bằng mắt thường cũng thấy rất rõ, trên mặt biển quả nhiên có
một cỗ quan tài bằng đá trắng trôi nổi theo dòng hải lưu. Đám người chúng tôi
đây đã nhìn thấy vô số quan tài rồi, tuyệt đối không thể nhận lầm được, Nguyễn
Hắc cho tàu đến sát cạnh vật thể ấy, nhìn lại càng rõ hơn. Cái quan tài hình
chữ nhật đó rất thẳng thớm phẳng phiu, góc cạnh rõ ràng, thể tích lớn hơn quan
tài đá thông thường rất nhiều, bên trong chứa hai ba cái bánh tông cũng chẳng
thành vấn đề. Phía mặt ngoài được điêu khắc rất kỳ công, vài chỗ còn có san hô
bám vào, kết thành một lớp loang lổ màu trắng xám. Quan tài đá này được cố định
bằng mấy sợi xích sắt lớn, nắp đậy rất chặt không thấy khe hở nào. Mấy sợi xích
gỉ sét buộc chặt quan tài đá với một vật dưới mặt nước. Vật này to hơn bốn cái bàn
tám người ngồi ghép lại, dập dềnh lên xuống theo dòng nước. Chính nhờ có thứ ấy
nâng bên dưới, quan tài đá mới không bị chìm xuống đáy biển.
Có thể thứ này cũng bị
long thượng thủy đưa từ dưới đáy biển lên, thoạt trông có vẻ rất cổ quái, chúng
tôi thực là bình sinh chưa thấy bao giờ. Tôi có ý vớt nó lên thử xem sao, nhưng
chưa kịp mở miệng thì đã nghe sau lưng có người hò hét chuẩn bị cánh tay cần
cẩu, định vớt thanh đầu của Long vương tặng cho lên tàu. Thì ra Tuyền béo đã
tỉnh rượu từ lúc nào không biết, thấy mọi người phát hiện một cỗ quan tài đang
trôi trên biển, mà phàm có quan tài thì bên trong ắt hẳn sẽ có bánh tông và
minh khí, nhất thời mừng rỡ như điên, lập tức lộ ra bộ mặt thật tham lam.
Nguyễn Hắc vội can
ngăn: “Chúng ta không phải định đến vực xoáy San Hô mò ngọc quý hay sao, tốt
nhất là đừng thêm chuyện rắc rối dây cà ra dây muống làm gì. Chẳng ai nói rõ
được những chuyện lạ kỳ giữa biển khơi đâu. Ngộ nhỡ bên trong quan tài này nhốt
yêu quái gì thì sao? Tốt nhất đừng tự gây phiền phức cho mình nữa, vả lại có
quan tài trên tàu chẳng phải điềm lành, chỉ sợ sẽ xảy chuyện mất. Tôi thấy,
chúng ta cứ coi như không nhìn thấy nó là được rồi, đằng nào không vớt nó lên
thì chúng ta cũng có thiệt thòi gì đâu, việc gì phải ôm rơm giặm bụng chứ.”
Tuyền béo chưa kịp mở
mồm, Minh Thúc đã thay cậu ta trả lời Nguyễn Hắc: “Ai chà chà, tôi bảo chú Hắc
này, chú không hiểu cái cậu béo này rồi. Cậu ta là loại người gì cơ chứ? Chính
là cái loại không chiếm được lợi thì cảm thấy bị thiệt thòi đấy. Tôi thấy chúng
ta cứ nên theo ý cậu ấy, vớt món hàng dưới biển kia lên xem thế nào, bằng không
ngộ nhỡ cậu ta mà khó chịu thì mới là phiền phức tày trời đấy nhé...”
Kỳ thực, Minh Thúc còn
máu me vớt cái cỗ quan tài đá kia lên tàu hơn cả Tuyền béo, lão chẳng qua chỉ
muốn mượn lời Nguyễn Hắc đẩy trách nhiệm qua cho Tuyền béo mà thôi. Tuyền béo
nghe lão nông dân Hồng Kông ấy muốn phá hoại hình tượng chói lọi của mình trong
lòng quảng đại quần chúng nhân dân, đùng đùng nổi giận, xốc tay áo khua chân
múa tay định đánh người.
Tôi vội ngăn hai người
họ lại: “Minh Thúc, bác thật đúng là, dù có muốn hủy hoại hình tượng Tuyền béo
thì cũng nên lập kế hoạch trong bí thất, châm củi đốt lửa từ phía sau chứ, sao
có thể làm ngay trước mặt cậu ta được? Thế chẳng phải là bại lộ mục tiêu à? Có thể
thấy, hạng người chưa từng trải qua Cách mạng Văn hóa như bác, đúng là chưa
thấm nhuần quy luật và bản chất của đấu tranh rồi. Khi nào trở về, tôi nhất
định sẽ dạy bác cái sự tinh túy bên trong, thế nào là đấu trời, đấu đất, đấu
người, có điều đạo lý trong này sâu xa quá, hạng người như bác chưa chắc đã lý
giải được... Còn cả cậu nữa, Tuyền béo, Minh Thúc lớn tuổi như vậy rồi, sao cậu
có thể động tay động chân với bác ấy được chứ? Chúng ta phải tuân theo nguyên
tắc, đứng trước chân lý mọi người đều bình đẳng, phàm chuyện gì cũng phải lấy
lý lẽ ra thuyết phục, dù làm gì cũng phải nói đạo lý trước chứ lại? Sau này,
nếu bác ấy còn nói mấy câu cậu không thích nghe, thì cậu có thể nói lý với bác
ấy trước, thậm chí là chửi bới bác ấy cũng được. Chửi bới thì chẳng sao cả,
tiên sinh Lỗ Tấn ngày xưa chết rồi vẫn còn chửi bới người ta cơ mà, khi cần
thiết thậm chí cậu có thể chụp mũ cho bác ấy cũng được luôn, nhưng ngàn vạn lần
không được đánh người. Nếu thực sự muốn đập cho bác ấy một trận thì kiếm chỗ
nào không có người mà đập, vậy thì chúng tôi cũng khỏi phải khó xử mà, cậu nói
xem, chúng ta đều là người trong một nhóm, cậu đánh bác ấy trước mặt mọi người,
chúng tôi nên ngăn lại hay là không nên đây?”
Minh Thúc vừa nãy có lẽ
đúng là nhất thời lỡ miệng, lúc này trông thấy Tuyền béo trợn mắt lên, lập tức
rụt cả vòi lại, chỉ hận không thể nhảy xuống biển mà trốn, đành tỏ vẻ ăn năn
hối cải, vội xun xoe với Tuyền béo, rối rít bảo rằng vừa nhìn thấy món hàng
kia, tinh thần quá đỗi kích động, chứng tâm thần phân liệt lại tái phát, thậm
chí bản thân còn không biết mình vừa nói cái gì nữa.
Lúc này, Shirley Dương
nói với tôi: “Các anh cứ lằng nhằng mãi thì cỗ quan tài kia sẽ trôi theo dòng
hải lưu đi mất đấy.” Tôi nghe cô nhắc nhở, vội bảo Cổ Thái chuẩn bị dây móc,
Tuyền béo, Minh Thúc đi dọn dẹp boong sau. Trên tàu chỉ có boong sau là tương
đối rộng rãi. Còn Đa Linh thì chạy đi nối ống nước, chuẩn bị xì rửa những thứ
bẩn thỉu bám trên quan tài.
Cả bọn chia nhau làm
việc, cuống quýt bận rộn một hồi, cuối cùng cũng kéo được cỗ quan tài đá lên,
dùng cân treo treo lơ lửng ở đuôi tàu. Thì ra phần bên dưới cỗ quan tài đá bị
khóa chặt vào một cái mai rùa rất lớn. Đa Linh và Cổ Thái đều là những người
trưởng thành trong lao động gian khổ, làm việc rất chăm chỉ, lại hết sức quen
thuộc với các hoạt động trên tàu, không cần tôi nhắc nhở đã mở máy bơm, hút
nước biển đen kịt lên xì sạch tảo biển và các uế vật bám lên quan tài.
Luồng nước phun tới,
các chi tiết ở mặt bên quan tài đá hiện rõ dần, chỉ thấy đó là vô số dấu hiệu
kỳ quái khắc chi chít. Shirley Dương có thị lực hơn người, dù cỗ quan tài vẫn
còn treo lơ lửng trên cao, đã lập tức phán đoán: “Trên đó hình như điêu khắc đồ
án trong Kinh Dịch, anh Nhất, anh hiểu được quẻ tượng, thử xem có gì không?”
Minh Thúc đánh tay phát
tín hiệu, Nguyễn Hắc bèn thu cần treo. Khoảng cách dần hẹp lại, có thể thấy
trên cỗ quan tài khắc rất nhiều đồ hình bát quái, nhưng cặn san hô xám bám đóng
cứng nhiều quá, nhiều chỗ thành ra nhìn không được rõ. Cả bọn vội tháo cỗ quan
tài đặt xuống boong tàu, thấy bên trong mai rùa vẫn còn một cái xác nguyên vẹn,
chưa phân hủy, có vẻ mới chết chưa lâu. Có điều, xét bề ngoài của cỗ quan tài
đá này thì ít nhất nó cũng đã nghìn năm tuổi có lẻ. Thường có câu: “Rùa sống
nghìn vạn năm,” tuổi thọ của rùa cao hơn các loài sinh vật khác rất nhiều,
không biết con rùa già to tướng vác quan tài đá trên lưng đó đã sống bao nhiêu
năm rồi mới chết đi nữa.
Trên mai con rùa đội
quan tài cũng khắc hoa văn, có điều nhìn rất lờ mờ. Môi trường dưới đáy biển
gây tác hại ăn mòn quá lớn đối với những thứ này, giờ chỉ hy vọng thứ bên trong
quan tài vẫn còn bảo tồn được phần nào mà thôi. Tuyền béo đã chạy đi lấy thám
âm trảo để nạy nắp. Khe nắp quan tài đá bít kín bùn đất, vừa nạy lên, bên trong
hiện ra một lớp quan tài nữa, hình điêu khắc ở mặt trong nắp quan tài đá vẫn
rất nguyên vẹn. Sau khi lấy nước xối sạch các thứ bẩn bám bên trên, trước mắt
chúng tôi liền hiện ra một quẻ tượng trong Kinh Dịch, xem thử mấy chi tiết đặc
trưng, thấy hoàn toàn trùng khớp với bức tượng ngọc được giáo sư Trần phục nguyên
mấy hôm trước.
Chương 17: Khoang đáy
Cổ nhân cho rằng vạn sự
vạn vật đều hiển hiện ra thành “tượng”. “Tượng” ở đây chính là tượng trong bao
la vạn tượng. Bởi thế, mới có câu “vật sinh hữu tượng, tượng sinh hữu số.” Quẻ
tượng cổ trên nắp quan tài cực kỳ phức tạp khó dò, nhưng xét về đại thể thì cơ
bản giống với quẻ tượng tôi đang nghiên cứu, chẳng qua là suy diễn sâu hơn, bí
ảo hơn mà thôi. Tôi chăm chú quan sát một hồi lâu không nói gì, đến khi bọn
Shirley Dương lên tiếng hỏi, mới giật mình sực tỉnh, đọc cho cả bọn nội dung
khắc ở mặt bên trong nắp quan tài: “Chấn thượng chấn hạ, chấn kinh bách lý.”
Những ký hiệu cổ xưa
bên trong nắp quan tài gần tương tự chữ triện kiểu Trùng ngư thời Thương Chu
được dùng để khắc đồ án của quẻ “Chấn”, còn các ký hiệu xương cá dài hoặc ngắn
lần lượt diễn tả các hào của quẻ Chấn. Kinh Dịch viết: “Chấn hanh, chấn lai hích
hích, tiểu ngôn ách ách, chấn kinh bách lý, bất táng chủy sưởng.”[29] Đây
chính là quẻ Chấn kinh bách lý, kế đó là phần suy diễn các hào trong quẻ Chấn,
có điều, khác biệt quá lớn so với Hậu thiên Bát quái mà tôi biết, nên càng xem
càng thấy rối, chẳng hiểu gì cả.
Sau khi trải qua một
trận bão lốc, chúng tôi vô tình phát hiện ra cỗ quan tài xích chặt trên xác rùa
này, đây có lẽ là một sự trùng hợp gần như kỳ tích, nhưng tôi nghĩ lại, thấy
chưa chắc đã là vậy. Những miếng ngọc cổ bọn tôi mua được trên đảo Miếu San Hô
cũng ẩn chứa huyền cơ, vừa khéo lại có quẻ tượng Bát quái, từ đây có thể thấy,
vùng biển này hẳn phải chôn vùi rất nhiều cổ vật loại này, nhiều đến mức đâu
đâu cũng thấy, nhưng hầu hết đều đã bị nước biển xâm thực hủy hoại, không thể
nhận diện nguyên vẹn, nên xưa nay đều không mấy được coi trọng.
Mấy người hội Shirley
Dương lại hỏi tôi quẻ Chấn này phải giải như thế nào? Tôi giải thích rằng,
trong Bát quái, quẻ này có ý chỉ sự thông thuận và sự tỉnh ngộ tu thân, khó nói
là hung hay cát. “Chấn” là sấm, “chấn thượng chấn hạ”, ý rằng tiếng sấm trùng
điệp không ngừng, giữa trời đất có sấm nổ làm mặt đất rung động, khiến người ta
run rẩy toàn thân, qua một hồi lại nói cười như không có gì xảy ra. Sấm nổ ì
ùng, chấn kinh cả trăm dặm, nhưng các lễ tế quan trọng vẫn cứ được cử hành như
thường. Có sấm nổ, không biết là phúc hay họa, mọi người cảm thấy sợ hãi, đồng
thời cũng phải cẩn trọng đề phòng, tránh để xảy ra tai họa.
Minh Thúc và Tuyền béo
nghe xong, đều nói thật là khéo quá, vừa trải qua một trận bão to do Long
thượng thủy gây ra, trên trời sấm vang chớp giật, thật là khiếp hồn khiếp vía
một phen, thế chẳng phải đã ứng với Chấn kinh bách lý rồi đó sao?
Tôi lắc đầu nói: “Quẻ
Chấn tuy có tượng sấm động thật đấy, nhưng không phải chỉ mưa gió sấm chớp thật
sự gì cả, cũng không phải chỉ việc trời long đất lở. Chỉ có đám thầy bói giang
hồ lường gạt mới giải thích như vậy thôi. Vả tại, đồ án quẻ tượng này thâm ảo
phức tạp, đại để hẳn có liên quan đến Tiên thiên Thập lục quái của Chu Văn
Vương, chỉ dựa vào Hậu thiên Bát quái còn sót lại đến ngày nay để giải đọc thì
thực khó mà nhìn ra nổi thâm ý bên trong. Những phàm phu tục tử như chúng ta
đây không thể tùy tiện suy đoán bừa bãi được đâu.” Nói xong, tôi bảo Shirley
Dương chụp ảnh nắp quan tài làm tư liệu, vật này e rằng có uyên nguyên rất sâu
với Quy Khư dưới đáy biển, nếu sau này có cơ hội gặp lại Trương Doanh Xuyên,
họa may có thể nhờ anh ta chỉ dạy cho cái sự bí ảo mầu nhiệm bên trong cũng nên.
Nói thì nói vậy, nhưng
trong tôi cũng ngấm ngầm có một dự cảm chẳng lành. Chuyến đi biển này, nếu
không thể giải được bí mật của Chấn kinh bách lý, sợ rằng cả bọn chúng tôi sẽ
gặp phải phiền phức tày trời mất. Có điều, muốn làm được việc này, ắt phải rất
hao tâm tốn sức. Tôi không chắc lắm, song cũng không để tâm quá nhiều, đằng nào
thì “thuyền tới đâu cầu tự nhiên thẳng, binh đến ắt có tướng ngăn,” sau này bất
luận có gặp phải chuyện gì, chỉ cần suy đoán thiên đạo, tùy cơ ứng biến là được
rồi.
Tôi xem xét xong nắp
quan tài đá, liền khiêng sang một bên, chuẩn bị mở nắp tầng quan tài bên trong.
Nghe giáo sư Trần nói văn minh Thanh đồng của người Hận Thiên rất phát triển,
vì dân tộc này nắm được cách sử dụng long hỏa, có thể đúc ra Thiên đỉnh. Hôm
nay được chứng kiến tận mắt, quả nhiên danh bất hư truyền, nắp và thân quan tài
đều đục lỗ, luồn xích đồng to bằng cánh tay người, trải qua bao nhiêu năm
tháng, tuy chất đồng đã bị nước biển ăn mòn gần hết, bên ngoài lại bị xác san
hô bọc kín, nhưng phần lộ ra ngoài vẫn sáng bóng, cứng rắn chắc bền, khác hẳn
với đồng xanh thông thường. Thứ này đúng là hàng thượng hảo hạng, tôi không
chút do dự, bảo Tuyền béo cất đi ngay, lớn tiếng xưng rằng, mang về để “nghiên
cứu”.
Cả bọn tò mò quây lại
xung quanh chiếc quan tài, định xem bên trong có thứ gì hay ho. Shirley Dương
đại để biết có khuyên chúng tôi cũng vô dụng, mà óc hiếu kỳ của cô nàng cũng
chẳng thua kém tôi chút nào hết, nên chỉ nói trên biển gió lớn, mở quan tài, e
là thứ bên trong không dễ gì bảo tồn được, nếu thứ này đích thực đến từ Quy Khư
dưới đáy biển, thì bên trong có lẽ là thi thể của người Hận Thiên cũng nên.
Tôi nghe vậy, bèn nói
với Shirley Dương: “Thế là từ dưới đáy biển lên à? Vậy có khác gì trong phim Vị
khách từ đáy Đại Tây Dương[30] đâu nhỉ, không biết là có đeo kính râm
không nữa?”
Tuyền béo nói: “Cũng
chưa chắc là vật từ trong hải nhãn trồi lên đâu, không thấy nó được buộc trên
lưng con rùa to tổ bố kia à? Chắc là con rùa thành tinh kia bò đi loăng quăng
khắp nơi dưới đáy biển, chết ngỏm củ tỏi trong khe rãnh nào gần đây, rồi mới bị
dòng nước đen đẩy lên mặt nước, kết quả là bị chúng ta phát hiện ra. Đây chính
là cái mà người ta gọi là duyên phận đấy.”
Tuyền béo nói xong,
liền móc ra một hộp dầu cù là. Mấy người chúng tôi đều lấy đầu móng tay khêu ra
một ít quẹt lên mũi, chỉ có ba người nhà Nguyễn Hắc là ngơ ngác không hiểu gì.
Tuyền béo nói: “Mấy
người nhà bác chỉ biết mò ngọc dưới biển, đương nhiên là không thể hiểu thứ quy
củ thăng quan phát tài[31] này. Bọn tôi đây là chuyên nghiên cứu cái thứ
này đấy, ai cũng biết nếu không đeo khẩu trang thì phải bôi một chút cái thứ
này vào, không để hơi xác chết xộc lên làm cho bị sặc.”
Nguyễn Hắc không biết
cái lĩnh vực bọn tôi chuyên nghiên cứu ấy là gì, nhưng đã có quy củ như thế thì
cũng đành học theo. Hai người Cổ Thái, Đa Linh lại càng vừa tò mò vừa sợ hãi,
muốn xem mà không dám xem, nấp sau lưng Nguyễn Hắc, chốc chốc lại tròn mắt ngó
nghiêng về phía cỗ quan tài.
Thấy việc chuẩn bị đã
xong xuôi, tôi ngẩng đầu lên nhìn sắc trời, lúc này tuy đương lúc thanh thiên
bạch nhật, nhưng lại mù mịt mây đen chưa đổ mưa, ánh dương bị mây che khuất.
Mặt biển sóng yên gió lặng, dòng nước đen đã lùi đi. Đang ban ngày ban mặt, tôi
nghĩ cũng không cần chuẩn bị đến móng lừa đen làm gì, vậy là bèn để chuyên gia
mở quan tài Tuyền béo xuất trận. Thuật thăng quan phát tài trong các bí thuật của
Mô Kim hiệu úy tuy không có cấm kỵ gì, song cũng có quy củ “mở phía Tây không
mở phía Bắc, mở bên trái không mở bên phải”. Những “Đông Tây Nam Bắc trên dưới
trái phải” đó đều dùng quan tài làm vật tham chiếu, vì trong các huyệt vị phong
thủy thời xưa, những bậc đại phú đại quý đều đặt quan tài theo hướng Nam Bắc.
Bắc là đầu, Nam là chân, nhưng cũng có trường hợp xác chết hướng mặt về phía mé
bên: người tin Phật thì hướng mặt về phía Tây, hàm ý mong được vãng sinh đến
chốn Tây Thiên cực lạc; người theo Đạo giáo thì hướng mặt về phía Đông, hàm ý
đón khí lành từ phía Đông đến[32]. Ngoài ra, Mô Kim hiệu úy “mở phía Tây không
mở phía Bắc” cũng là để tránh bên trong quan tài có cạm bẫy hại người, ý là:
chọn cửa Sinh mà nhường ra cửa Tử.
Quan tài đá dưới biển
sâu này tạo hình cổ phác mộc mạc, khá gần với phong cách quan quách đá thời Tây
Chu. Tuyền béo lăn lộn bao năm nay, cũng có thể coi như là một nửa chuyên gia
nạy quan tài được rồi. Tôi vừa lên tiếng, cậu ta liền đẩy ngay đầu quan tài ra
chỗ đầu ngọn gió, như vậy bên trong có khí độc gì, thì cũng bị gió biển thổi
bạt đi.
Lớp quan tài bên trong
cũng bằng đá chứ không phải bằng gỗ, đen tuyền, nửa trong suốt. Đây là hóa
thạch của một loại cổ tùng mọc dưới đáy biển, tên là “Thạch kính”, màu đen
nhuận, có hoa văn dạng sóng. Hoa văn này là do nước biển vỗ vào nghìn vạn năm
mới thành, càng nhiều đường vân thì niên đại càng lâu, giá trị cũng càng cao.
Nhìn những đường vân nước tầng tầng lớp lớp trên cỗ quan tài này, có thể thấy,
chỉ riêng cỗ quan tài không thôi cũng có giá trị cực kỳ rồi. Bốn phía quan tài
đều được niêm phong rất chặt, Tuyền béo sợ hủy mất cỗ quan tài đắt giá, bèn cố
nén cảm giác nóng lòng, động tác hết sức cẩn thận, tốn khá nhiều công sức mới
dùng thám âm trảo bật được cái chốt cố định lên.
Tôi ở phía đuôi quan
tài trợ sức, bảo những người khác lùi lại mấy bước, rồi cùng Tuyền béo nín thở
nhấc nắp quan lên. Chợt thấy một luồng khí trắng trong quan tài phun ra, cùng
với luồng thi khí ấy, cái xác bên trong bỗng “binh” một tiếng ngồi bật dậy, đội
cả nắp quan tài sang một bên. Người chết ấy hình như là nữ, tóc rất dài, bị gió
biển thổi cho rũ rượi, thoạt trông hệt như người sống vậy. Có lẽ tại quan tài
bít chặt quá, thi thể sau khi thối rữa trương phình lên, thi khí bị dồn nén bên
trong không thoát ra được. Cũng bởi vậy, xác chết được bảo tồn ở trạng thái này
từ đó đến giờ. Nắp quan tài vừa bật lên, bị ảnh hưởng của không khí bên ngoài,
môi trường bên trong quan tài nảy sinh biến đổi mãnh liệt, cơ thịt của xác chết
co rút lại trong nháy mắt, khiến nó thình lình ngồi bật dậy, hệt như là bị thi
biến vậy.
Luồng khí trắng phụt ra
ấy rất thối, tuy bọn tôi đã ở trên đầu ngọn gió, mũi lại bôi một lớp dầu cù là
mỏng, nhưng vẫn cảm thấy thối nồng thối nặc không chịu nổi, lại bị cái xác đột
nhiên ngồi bật dậy làm cho giật bắn cả mình, cả bọn vội vàng vừa lùi lại vừa
đưa tay bịt mũi. Tuyền béo và Minh Thúc vẫn còn mở miệng xuýt xoa: “Trời ơi là
trời, bà chị này sao thối thế nhỉ? Chắc là vị mỹ nhân đây... thuở sinh tiền bị
táo bón, sau đó chết vì bí tiện rồi.”
Trong tiếng chửi bới
rủa xả không ngớt mồm của Tuyền béo và Minh Thúc, mùi hôi thối nhanh chóng tan
đi. Chỉ thấy cái xác ngồi bật dậy trong quan tài toàn thân xanh lét, mình mẩy
lẫn mặt mũi mọc kín vảy thịt, mặt xanh nanh vàng, trông tựa như loài ác quỷ.
Tôi giật thót cả tim: “Tiên sư cha con bà nó, đây là người à?” Nhưng còn chưa
kịp nhìn kỹ hơn, một trận gió biển thổi đến, lớp da của xác chết đã nhanh chóng
lún xuống, khô héo tàn tạ. Màu sắc xác chết từ xanh chuyển sang đen, chỉ trong
chớp mắt đã hóa thành tro bụi, từ ngoài vào trong, tầng tầng tro đen bị gió
biển thổi bay tứ tán, chỉ còn lại mấy mảnh xương tàn rơi xuống bên trong quan
tài, chẳng còn hình hài gì nữa. Bọn tôi thấy vậy, cũng biết là cái bánh tông
này đã xong đời, cả linh hồn lẫn nhục thể, đều hóa thành bụi trần lịch sử cả
rồi.
Minh Thúc đã có nửa đời
làm bạn với xác ướp, cơ hồ loại cổ thi nào cũng từng gặp hết rồi, nhưng cái xác
nữ trên người có vảy thịt này thì lão chưa từng nghe nói đến chứ đừng nói là
được thấy bao giờ. Lẽ nào dưới biển Nam này có người cá thật? Thế thì không
phải là người, mà là cá rồi, giống ấy có chết cũng rất chi đáng tiền. Nghĩ vậy,
lão bèn lại gần định xem xét mấy mảnh xương tàn còn lại trong quan tài, coi có
vây cá hay không.
Nhưng khi cả bọn xúm
lại xem, thì thấy mấy mảnh xương cốt còn sót lại vừa đen đúa vừa nát vụn, ngoài
mấy cái răng nanh, chẳng còn nhận ra được gì khác nữa. Tuyền béo chẳng hứng thú
gì với người chết, cái xác bị gió biển thổi cho tan đi lại càng bớt việc, chỉ
chăm chăm cầm thám âm trảo quờ loạn các thứ còn sót lại trong quan tài, xem có
hạt châu ngậm trong miệng xác chết không. Thứ ấy thì chắc chắn không thể nào bị
gió thổi tan được.
Nhưng trong quan tài
bằng thứ đá Thạch kính ấy chẳng có gì nhiều, đáy quan tài chỉ còn một bãi nước
trong vắt, bên trong có mấy con vật trông như con tôm nhỏ, cơ thể gần như trong
suốt đang quẫy nước cung quăng, thoạt trông chắc cũng chẳng còn sống được mấy
nữa. Shirley Dương lấy làm kỳ quái, quan tài đá này bít kín mít mịt như vậy,
rồi lại chìm sâu dưới đáy biển cả mấy nghìn năm, làm sao bên trong lại có tôm
vẫn còn sống được chứ?
Tôi bèn bảo, điều này
thì khoa học tạm thời vẫn khó mà lý giải được, nhưng thuật Phong thủy Thanh ô
lại có đề cập đến từ xưa rồi. Giả như trong quan tài có sinh khí quá vượng,
tinh khí ngưng kết, trong nước chảy ra từ xác chết rất có khả năng sẽ sản sinh
ra những vật dị hóa, cũng tức là, một vài tổ chức trên xác chết biến thành tôm,
cá hoặc thể sống gì đó, ngoài ra, cũng có khả năng thứ này là do chính cái quan
tài bằng đá Thạch kính hiếm thấy tự sinh ra cũng nên.
Minh Thúc cũng nói:
“Chú Nhất nói rất có lý, hồi xưa tôi chạy tàu, từng thấy có người Thái mua được
một hòn đá cuội, bỏ hòn đá ấy vào trong cái bát không, sau một đêm, cái bát
liền đầy ắp nước trong. Tay buôn người Thái ấy tưởng trong đá có báu vật, muốn
tìm hiểu sự bí ảo bên trong, bèn đập ra xem thử, không ngờ bên trong chỉ có một
khối nước và hai con cá nhỏ trong suốt, vừa tiếp xúc với không khí liền nhanh
chóng chết đi. Vậy là hòn đá ấy chẳng đáng đồng xu nào nữa, tay buôn ấy kích
động quá, sém chút nữa thì nhảy xuống biển. Cái sự trong đá có nước, trong nước
có cá này vốn là lẽ nhiệm mầu của thiên nhiên tạo hóa, cũng chẳng ly kỳ gì cho
lắm, có điều, cái quan tài cổ này mới đúng là tuyệt thế kỳ trân, mọi người xem
vân nước bên trên có dày đặc chưa này...”
Minh Thúc nói tới đây
thì đột nhiên ngắc ngứ, cả cỗ quan tài đá to tướng thế này, trong khoang thuyền
lại đã chứa đầy các loại vật tư thiết bị, làm gì còn chỗ mà chứa nữa? Tuyền béo
cười hì hì bảo, đơn giản lắm, tôi thấy ở phía trên khoang đáy còn một tầng kép
nữa, gỡ khúc gỗ bên trong ra, há chẳng phải có chỗ để rồi hay sao? Chúng ta
đừng lỡ dở thời gian nữa, mau cất hàng đi rồi còn nhanh nhanh lên đường, phía
trước còn nhiều thành quả huy hoàng hơn đang chờ đợi đấy.
Thuyền trưởng Nguyễn
Hắc nghe vậy thì tái mét mặt, sống chết ngăn cản, không để bọn Tuyền béo và
Minh Thúc nhét quan tài đá vào khoang đáy. Tôi thấy thần sắc ông ta có vẻ kỳ
dị, biết bên trong ắt hẳn có duyên cớ chi đây, bèn hỏi lại kỹ càng, bảo ông nói
cho rõ, rốt cuộc dưới khoang đáy ấy có thứ gì?
Nguyễn Hắc cơ hồ đã sắp
quỵ xuống cầu xin, nhưng vẫn không chịu nói cho rõ nguyên cớ: “Dưới khoang đáy
có một tầng kép ngăn cách với khoang trên, nhưng tuyệt đối không thể nào dỡ ra
được đâu, dỡ ra thì chẳng ai sống nổi hết cả đó.” Nói xong, ông ta lại nhìn
Shirley Dương với ánh mắt van cầu: “Cô Dương là người hiểu lý lẽ nhất, xin cô
khuyên giải bọn họ với, chuyện này không thể làm được đâu, không thể đâu.”
Chúng tôi truy vấn mãi,
Nguyễn Hắc vẫn không chịu hé lộ nửa lời, bị bức bách quá, ông ta cũng chỉ thậm
thụt: “Chuyện có bảy người Anh chết trên con tàu gỗ liễu biển này thì các vị
đều biết cả rồi. Họ chính là chết ở dưới khoang đáy đó đấy. Tôi chỉ nói được
thế thôi, những thứ khác thì xin chịu, tóm lại là thứ ở trong tầng kép ấy không
thể xem được, xem là chết chắc đó.”
Chú thích
[29] Dịch nghĩa:
Sấm động thì hanh thông. Lúc sấm nổ ầm ầm mà nơm nớp lo sợ thì sau sẽ cười nói
ha ha. Sấm động trăm dặm mà không mất muỗng và rượu nghệ (đồ tế thần).
Giảng nghĩa: Sấm phát
động thì vạn vật mới nảy nở, cho nên bảo là hanh thông. Khi có điều gì kinh
động mà nơm nớp lo sợ, giữ gìn sửa mình thì không bị tai họa mà sau sẽ được vui
vẻ. Sấm vang động xa đến trăm dặm, mà tinh thần vẫn vững, không đến nỗi đánh
mất đồ tế thần (cái muỗng và rượu làm bằng lúa mạch hòa với nghệ) thế là tốt,
hanh thông. Nói đến việc tế thần là để diễn tả ý: giữ được tôn miếu, xã tắc.
[30] Một bộ phim
truyền hình khoa học viễn tưởng của Mỹ phát sóng lần đầu năm 1977.
[31] Tác giả chơi
chữ đồng âm, ý nói nâng quan tài lên sẽ phát tài.
[32] Tử khí Đông
lai.
Chương 18: Thủy triều
Tàu Chĩa Ba vốn được
cải tạo từ một con tàu gỗ liễu biển tương đối cổ, tuy đã được người Anh thay
đổi diện mạo bên ngoài, nhưng các phần chính trong kết cấu tàu thì vẫn dùng lại
gỗ liễu biển trên tàu cũ. Nhóm trục vớt người Anh chuẩn bị con tàu này, tổng
cộng có bảy thành viên, nhưng ngày chuẩn bị lên đường thì bỗng dưng chết tập
thể mà chẳng rõ nguyên nhân tại sao. Địa điểm xảy ra sự kiện ấy, chính là
khoang đáy của tàu Chĩa Ba.
Trước khi ra biển,
chúng tôi cũng đã thăm dò nhiều nơi, nhưng dân chài và thương nhân trên đảo
Miếu San Hô đa phần đều không rõ sự tình cụ thể thế nào. Lúc này, chợt nghe
Nguyễn Hắc đề cập tới chuyện đó, bảo rằng trong khoang tàu chúng tôi đích thực
có một tầng kép, có điều thứ ở bên trong bất luận ra sao cũng không thể xem được,
bằng không ắt sẽ đại bất lợi cho người trên tàu, cả đám người Anh kia cũng vì
vậy mà mất mạng.
Tôi đưa mắt nhìn Minh
Thúc, thấy lão ta cũng lộ vẻ hoang mang, rõ ràng là chưa từng nghe qua sự việc
nào tương tự như vậy. Thấy thế, tôi bắt đầu nghi ngờ Nguyễn Hắc giở trò yêu
ngôn hoặc chúng, lại càng muốn xuống khoang đáy tra xét rõ ràng.
Nguyễn Hắc lại cầu xin
Shirley Dương lên tiếng khuyên giúp. Ông ta có biết người chủ trước của con tàu
này. Hồi đó, khi mấy người Anh cải tạo con tàu, ông ta cũng được thuê đến làm
phụ giúp, vì vậy mới biết được một số điều bí ẩn bên trong. Thậm chí, ông ta
còn thề độc, ở khoang kép phía trên khoang đáy đích thực có thứ gì đó, nhưng
nhìn thấy thứ đó, đối với thành viên trên tàu chỉ có trăm cái hại mà chẳng được
lợi gì, nếu cứ coi thứ ở khoang kép kia không tồn tại, thì mọi việc vẫn sẽ bình
thường, cũng không ảnh hưởng gì đến con tàu hết. Đây tuyệt đối không phải lời
lừa gạt hay muốn dọa dẫm gì mọi người, mà là bài học phải dùng rất nhiều nhân
mạng đổi lấy.
Tôi thấy Nguyễn Hắc đã
thề độc, biết rằng đám thủy thủ mê tín này mà đã thề độc thì ắt hẳn không có
lòng giấu giếm gì, ông ta đã nói trong khoang đáy có thứ không thể kinh động
đến được, vậy thì chỉ cần nó không ảnh hưởng đến hành trình của chúng tôi,
chúng tôi cũng không nhất thiết phải phá hoại những phong tục và điều cấm kỵ
đặc biệt ấy làm gì.
Nguyễn Hắc thấy tôi rốt
cuộc cũng nhận lời, bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm nói: “Đợi khi mò được ngọc
trở về, nhất định tôi sẽ nói điều bí mật này cho các vị nghe. Chỉ những người
không ở trên con tàu này mới biết được, bằng không, nếu vô ý nhắc đến chuyện
này lúc ở trên tàu thì sẽ chuốc họa vào thân đó. Lúc ấy, giữa chốn biển khơi
mênh mông, muốn chạy cũng chẳng biết chạy vào đâu cả.”
Tôi gật đầu đồng ý, có
điều lập tức nghĩ lại ngay, mấy trò giả thần giả quỷ này gặp tôi đều không linh
hết, đợi khi nào trở về mới cho tôi biết nguyên nhân bên trong thì phỏng còn
tác dụng gì nữa? Sớm muộn cũng phải kiếm cơ hội xem cho rõ ràng rồi tính sau,
chứ cái kiểu bị bít bùng trong bụng trống thế này, tôi là tôi không thích chút
nào hết.
Nghĩ đoạn, tôi không tỏ
thái độ gì, tạm thời gác chuyện này sang một bên, rồi cùng những người khác bắt
tay vào việc. Vì không gian trên thuyền có hạn, nên quách đá bên ngoài, cùng
những khối gỗ chèn giữa hai lớp quan quách đành phải cho chìm xuống biển lần
nữa, chúng tôi chỉ giữ lại quan tài đá bên trong. Kế đó, cả bọn lại nhét đầy
các vật tư dưới khoang đáy vào trong quan tài, vậy là trong khoang liền thừa ra
một khoảng không gian đủ nhét nó vào. Vả lại, bên trong quan tài này rất mát
mẻ, bỏ dưa hấu vốn để trong khoang tàu vào trong, thậm chí còn giữ được tươi
lâu hơn nữa.
Chúng tôi ở bên dưới
khoang đáy sắp xếp, còn Nguyễn Hắc đi lên lái tàu, tranh thủ lúc ấy, tôi đặc
biệt lưu ý đến cái tầng kép kia. Ngoài việc nó bị bít kín, khó lòng cạy ra được
thì thực sự chẳng nhìn ra điểm gì đặc biệt cả. Tôi vừa áp tai vào nghe ngóng
động tĩnh bên trong, liền bị Shirley Dương phát hiện, lập tức bước tới vỗ lên
vai tôi một cái: “Anh làm cái gì thế?”
Tôi đang tập trung toàn
bộ tinh thần lắng nghe xem bên trong tầng kép ấy có động tĩnh gì không, trong
đầu cũng đang nghiền ngẫm xem rốt cuộc có thứ gì vừa không thể nhắc đến, lại
không thể trông thấy, hoàn toàn không để ý phía sau lưng, bị Shirley Dương vỗ
nhẹ một cái giật thót cả mình, vội vàng quay mặt về phía cô, chỉ tay vào lớp
ván chắn bên ngoài tầng kép: “Tôi thăm dò một chút, cô cũng đến nghe thử xem,
bên trong hình như có chứ gì đó đang chuyển động...”
Shirley Dương không
cùng tôi thăm dò tầng kép ấy, dường như cô có chuyện muốn nói, chỉ đánh mắt ra
hiệu, ý bảo tôi tìm nơi nào khác nói chuyện. Tôi bèn đi với cô lên boong phía
sau, lúc này Nguyễn Hắc và Minh Thúc đã xác nhận lại hướng đi, đang tăng hết
tốc lực tiến về phía vùng biển vực xoáy San Hô. Tàu Chĩa Ba cưỡi gió phá sóng lướt
đi băng băng trên mặt biển, hai cái chuông lặn treo phía đuôi tàu cũng đung đưa
lắc lư theo.
Sau cơn thủy triều đen,
cả một vùng biển chẳng còn chút sinh khí nào. Lúc trước, thi thoảng còn có thể
thấy lũ cá kết thành từng đàn bơi trên mặt biển, giờ thì sạch không, bốn phía
chỉ có nước biển cuồn cuộn mênh mông vô cùng tận. Shirley Dương đứng trên boong
tàu, ngước mắt nhìn về phía biển trời tiếp giáp, hồi lâu sau mới cất tiếng:
“Giáo sư Trần là bạn thân của cha tôi lúc sinh tiền, tâm nguyện của bác ấy cũng
là tâm nguyện của cha tôi, mạo hiểm thế nào tôi cũng đều không để tâm. Có điều,
Nam Hải thực quá rộng lớn, Quy Khư trong vùng biển vực xoáy San Hô lại càng
thần bí khó dò, tôi hơi lo, sợ chúng ta không thể thuận lợi tìm được Tần Vương
Chiếu Cốt kính. Xét cho cùng, đội của chúng ta cũng ít người, thuyền lại nhỏ
nữa.”
Tôi mỉm cười nói với
cô: “Có gì mà phải lo lắng chứ, người ít thuyền nhỏ không phải là vấn đề, chúng
ta tuy ít người, nhưng người nào cũng có bản lĩnh đặc biệt về một mặt nào đó.
Thế này gọi là binh quý ở tinh chứ không quý ở nhiều. Thời xưa có Trần Thắng,
Ngô Quảng[33]khởi nghĩa, ban đầu chỉ có tám chín trăm người. Bọn họ đã hét lên
với toàn thế giới này rằng, Vương, hầu, tướng quân, thừa tướng, há phải có dòng
dõi mới làm nên sao! rồi phát động khởi nghĩa vũ trang, cũng từng một độ quét
ngang khắp thiên hạ. Thế nhưng, về sau tại sao cánh quân khởi nghĩa này lại
thất bại chứ? Chính vì bọn họ càng về sau càng đông người, trở thành một đám
quân ô hợp, mất đi tính chất thuần khiết của cách mạng và sự đoàn kết. Chúng ta
cần phải học tập bài học kinh nghiệm từ sự thất bại của khởi nghĩa nông dân,
đến cả ông già hướng đạo cho chúng ta hồi ở sa mạc cũng biết: người đời duy chỉ
có đoàn kết mới giành được chiến thắng cơ mà. Ngoài ra, việc tiếp nạp thành viên
cũng phải hết sức cẩn trọng, thà được một miếng đào ngon còn hơn cả một bồ táo
thối. Người ít mà đồng lòng, không sợ không thành được đại sự.”
Shirley Dương cũng mỉm
cười nói: “Sao chuyện gì anh cũng phải viện dẫn đến kinh điển thế? Có phải như
vậy mới tỏ ra có sức thuyết phục không? Có điều, anh nói cũng có lý lắm, muốn
có thể cùng hội cùng thuyền, đồng tâm hiệp lực thì phải đoàn kết chặt chẽ, tín
nhiệm lẫn nhau, đó mới là điều quan trọng nhất. Anh có tin được Nguyễn Hắc
không?” Tôi đã đoán trước sẽ bị cô hỏi câu này, nhưng vẫn hơi trầm ngâm, nghĩ
ngợi giây lát rồi mới nói: “Nghe nói Nguyễn Hắc là người gốc Việt Nam, vì tránh
nạn nên mới lưu lạc ra hải đảo, trước đây ông ta là người thế nào tôi hoàn toàn
không biết, trong lòng ông ta nghĩ gì tôi cũng càng không thể biết được. Nhưng
bản chất có thể biểu hiện ra thông qua hiện tượng, sau mấy ngày tiếp xúc, tôi
cảm thấy ông ta... cũng có thể coi là một người đáng tin cậy. Tôi từng đi lao
động cải tạo ở vùng núi, rồi hồi tham gia quân ngũ và đi làm ăn bên ngoài, đều
đã tiếp xúc với vô số nhân dân lao động, tôi tin rằng mình không nhìn lầm người
đâu.”
Shirley Dương gật đầu:
“Vậy thì tốt quá rồi, nếu đã có thể tin tưởng ông ấy, vậy thì cũng nên có lòng
độ lượng nghĩ cho người ta. Tôi nghĩ, Nguyễn Hắc có lý do của ông ấy, vì vậy
anh cũng chớ nên đi thăm dò thứ ở trong tầng kép ấy làm gì, như vậy là phá hoại
quy củ trên tàu. Tuy rằng tôi cũng rất tò mò, có điều, thiết nghĩ, chúng ta vẫn
nên tôn trọng kiến nghị của Nguyễn Hắc thì hơn. Đây gọi là đã dùng người thì
không nghi, mà đã nghi thì chớ dùng người.”
Nghe Shirley Dương
khuyên giải, tôi đành cố nén hiếu kỳ, hứa với cô, nếu không đến lúc vạn bất đắc
dĩ, sẽ không vi phạm điều cấm kỵ này. Nói chuyện xong, chúng tôi quay vào trong
khoang ăn cơm do Đa Linh nấu. Một ngày ba bữa trên tàu đều do Đa Linh chuẩn bị,
nhưng lượng nước ngọt được sử dụng trên tàu bị hạn chế một cách nghiêm khắc,
nên bữa cơm nào cũng đều hết sức đơn điệu. Chúng tôi nhân bữa cơm, triệu tập
tất cả mọi người lại, cùng bàn vài chuyện quan trọng để chuẩn bị tiến vào vực
xoáy San Hô. Chúng tôi sẽ đi từ Tây sang Đông, sau khi vượt qua rãnh biển sâu
không thấy đáy phía trước, địa thế đáy biển sẽ thình lình dâng cao. Lấy ranh
giới là dãy núi dưới đáy biển, vùng biển phía Đông đã hoàn toàn nằm trong vực
xoáy San Hô rồi. Nơi đó hình như là một quần đảo bị nhấn chìm.
Bên trong vực xoáy San
Hô chia làm hai tầng đá san hô lớn, phạm vi rất rộng, đường kính ước khoảng cả
trăm ki lô mét, hình dạng cụ thể thế nào hoàn toàn không thể thăm dò. Khu vực
giữa hai dãy núi đá san hô đó võng xuống, đều là rừng san hô và khe rãnh biển
chằng chịt. Vì dưới đáy vùng biển này có hai dây núi vây bọc, hải khí tích tụ
mấy nghìn mấy vạn năm, nên quanh năm luôn có gió to bão lớn, các thiết bị điện
tử thường hay mất tác dụng. Chẳng những thế, lại có các truyền thuyết về lửa
ma, u linh dưới đáy biển v.v..., nên mấy trăm năm nay, rất ít người dám mạo
hiểm tiến vào. Cũng có vài nhà thám hiểm và đội trục vớt có máu đầu cơ, liều
chết xông vào, nhưng đều chỉ có đi mà chẳng thấy ai về, không rõ là vì tàu bè
mất phương hướng, hay gặp phải sự cố gì trên biển. Một số dân chài vì kế sinh nhai
phải lặn xuông biển mò ngọc, nhiều lắm cũng chỉ dám đến vùng ngoại vi của vực
xoáy San Hô, chứ tuyệt đối không dám vượt qua lằn ranh nửa bước, đến cả Minh
Thúc và cậu lão ta cũng chưa từng tiến vào đó bao giờ. Ông cậu ấy của Minh
Thúc, chính là đang khi mò ngọc ở vùng ngoại vi vực xoáy San Hô, thì gặp phải
lũ cá dữ nên mới tiêu đời, cái xác cũng không tìm về được.
Con tàu đắm mang theo
Tần Vương Chiếu Cốt kính, tên là Mariana, là một du thuyền hạng sang của tư
nhân, thuộc về một vị phú hào đất Nam Dương. Tàu này bị gió bão làm chệch
hướng, đi vào vực xoáy San Hô, rồi va phải đá ngầm trong đó. Người sống sót duy
nhất trên con tàu đã miêu tả lại nơi Mariana bị đắm rằng: ánh lửa hừng hực bên
dưới chiếu sáng cả vùng đáy biển, trông như thể thủy tinh cung thoắt ẩn thoắt
hiện vậy.
Trữ lượng dầu khí ở Nam
Hải rất lớn, đáy biển có các núi lửa vẫn đang hoạt động. Nhưng dầu khí phun
trào thì không thể có năng lượng lớn như vậy được, mà đáy biển vùng phụ cận vực
xoáy San Hô cũng không có núi lửa nào. Chỉ có long hỏa hình thành từ hải khí
được nhắc đến trong các sách phong thủy, cộng với ánh sáng hắt từ minh châu
trong miệng lũ trai khổng lồ quanh đó, mới có thể chiếu sáng rực đáy biển như
lời miêu tả của người thuyền viên kia. Có điều, kỳ quan ấy không phải ai cũng có
duyên thấy được, một tháng đại khái chỉ có một hai lần mà thôi.
Dựa vào hai đầu mối độc
nhất vô nhị là âm hỏa dưới đáy biển, và minh châu Nam Hải này, có thể suy đoán
tàu Mariana ắt hẳn bị đắm ở đâu đó gần hải nhãn trong vực xoáy San Hô. Sau khi
tiến vào vùng biển ấy, chỉ cần tìm được dư mạch của Nam Long dưới đáy biển, thì
sẽ không khó tìm ra xác tàu đắm, cũng như khu rừng san hô dưới đáy biển nơi có
lũ trai thành tinh ngậm ngọc.
Khó khăn lớn nhất mà
nhóm người chúng tôi đang phải đối mặt lúc này, chính là làm thế nào để tiến
vào vùng vực xoáy San Hô đầy rẫy đá ngầm; sau khi tiến vào đó rồi, nếu thời
tiết không tốt, làm sao có thể phân biệt phương hướng mà không có la bàn? Đây
cũng chính là chướng ngại chung lớn nhất của tất cả các nhà thám hiểm có ý đồ xà
xẻo chấm mút kho báu khổng lồ ở Nam Hải. Nếu như không thể khắc phục được khó
khăn ấy, thì chỉ còn biết nhìn bảo tàng rồi thở dài tiếc nuối mà thôi.
Cũng may là chúng tôi
nắm được những kỳ thuật bí truyền của kẻ trộm mộ thời xưa. Tỉ như, bí thuật
phong thủy của Mô Kim hiệu úy có ghi chép một cách chuẩn xác về các dư mạch của
mạch Nam Long. Nam Long tuy khởi nguồn từ núi Nga My, cuối cùng nhập về biển ở
Triết Giang, song dư mạch lớn nhất của nó ở dưới biển lại vươn tới tận Nam Hải.
Khái niệm hải khí mà thuật phong thủy hay nhắc đến có một phần liên quan đến sự
vận hành của thủy triều. Nếu xét trên nguyên lý của khoa học hiện đại ngày nay,
thì đó chính là chỉ hiện tượng nước biển dâng lên hạ xuống mang tính chu kỳ
dưới tác động sức hút của mặt trăng và mặt trời. Vì có quan hệ đến hiện tượng
thiên văn, nên hiện tượng này có một tên gọi khác nữa, gọi là “thiên văn
triều”. Hiện tượng nước biển dâng lên tuy cùng là một, nhưng để phân biệt,
người ta gọi ban ngày là triều, ban đêm là tịch.
Vì khoảng cách từ mặt
trời, mặt trăng đến trái đất khác nhau, nên lực thủy triều do mặt trăng gây ra
lớn gấp đôi so với mặt trời. Nước triều lớn nhỏ, và thời khắc nước dâng lên
không cố định, chủ yếu thay đổi theo sự vận hành của mặt trăng, đồng thời chịu
ảnh hưởng của địa hình, độ sâu vùng biển, cùng với kinh độ, vĩ độ... Ngoài bán
nhật triều, mỗi ngày lên xuống hai lần, còn có toàn nhật triều, mỗi ngày chỉ
lên xuống một lần, hoặc hỗn hợp triều, một ngày lên xuống một hoặc hai lần.
Vùng biển vực xoáy San
Hô ở cuối đoạn dư mạch của Nam Long này hải khí hỗn loạn, thường xuất hiện thủy
triều hỗn hợp rất phức tạp, mỗi tháng vào khoảng mùng Một hay tiết rằm đều có
triều lớn. Con tàu Mariana kia, chính là gặp phải mưa bão cộng với nước triều
lớn tiết trăng tròn, nên mới bị sóng lớn cuốn vào vùng biển mà tàu lớn khó tiến
vào.
Tối qua chúng tôi gặp
phải long thượng thủy, suýt chút nữa thì đắm tàu. Có điều lần ra biển này có
thể xem như may mắn, vì đã chuẩn bị đầy đủ, dẫu gặp trắc trở, cũng chỉ có kinh
mà không có hiểm, chưa gì đã kiếm được một cỗ quan tài cổ hiếm thấy. Những kẻ
biết hàng như bọn tôi đều cực kỳ hưng phấn. Lúc này, Nguyễn Hắc đã chỉnh hướng
tàu chạy men theo vực biển, chạy đến lúc trời sắp sáng, bầu không vẫn mờ mịt
mây đen, chẳng thấy trăng sao gì hết. Mặt biển sóng cao gió cả, la bàn bắt đầu
mất tác dụng, đây chính là dấu hiệu tàu Chĩa Ba đã đến gần vực xoáy San Hô. Sau
khi được Minh Thúc báo tin qua hệ thống truyền âm, tôi và Shirley Dương vội
vàng chạy lên khoang lái, lấy cái tráp gỗ và cái vò đất màu đen chuẩn bị sẵn ra,
chuẩn bị thi triển bí thuật Ban Sơn Trấn Hải ghi chép trong cuốn số của ông Gà
Gô, chỉ đợi thời cơ đến, là sẽ mượn nước triều dâng lên buổi sáng, đi xuyên qua
rặng đá ngầm ở ngoại vi vùng biển vực xoáy San Hô.
Chú thích
[33] Trần Thắng và
Ngô Quảng là hai lãnh tụ khởi nghĩa nông dân nổi tiếng ở Trung Quốc, lãnh đạo
cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc vào thời
cuối nhà Tần.
Chương 19: Xuống biển
dò Nam Long
Ngoại vi vùng vực xoáy
San Hô là rặng đá ngầm chằng chịt, tựa như một vách chắn thiên nhiên khổng lồ.
Khi nước triều rút xuống mức thấp nhất, dải đá ngầm sẽ hiện lên một nửa, nước
triều dâng lên thì hoàn toàn chìm xuống mặt nước, ngăn cản đường đi của những
kẻ dòm ngó kho báu bên trong. Tàu lớn thì không qua nổi, thuyền nhỏ có qua cũng
chẳng làm được gì, vì vậy vùng biển phía sau rặng đá ngầm này cho đến nay vẫn
còn là một khu vực thần bí đối với thế nhân[34]. Minh Thúc và Nguyễn Hắc đều là
hạng sói biển lão làng, hiểu được thông điệp của sóng và gió, có thể điều khiển
tàu Chĩa Ba lợi dụng nước triều vượt qua tầng tầng lớp lớp đá ngầm. Nhưng hiềm
nỗi, một khi lọt vào vùng biển này, la bàn và các thiết bị định vị đều mất tác
dụng, dòng biển và hướng gió cũng cực kỳ phức tạp khó xác định rõ, muốn vượt
qua khu vực đá ngầm dài mấy hải lý này trong tình trạng không biết phương
hướng, thực sự còn khó hơn lên trời, chẳng khác nào bắt một vận động viên chạy
cự ly ngắn ưu tú bịt mắt tham gia thi chạy vượt rào vậy, dù không ngã chổng
mông lên trời thì cũng chạy vòng vòng tại chỗ, vĩnh viễn chẳng thể nào chạy đến
đích được.
Bởi lẽ đó, hy vọng của
cả bọn đều gửi gắm vào thuật Ban Sơn Phân Giáp của tổ sư Ban Sơn đạo nhân để
lại. Chỉ cần biết được phương hướng để tham chiếu, đợi khi nước triều dâng lên
là có thể vượt qua rặng đá ngầm tiến vào vực xoáy San Hô mò ngọc được rồi.
Trước ánh mắt nhìn chằm chằm của chúng tôi, chỉ thấy Shirley Dương ung dung
chậm rãi lấy ra mấy món đồ khác nhau. Trước tiên, cô mở cái tráp gỗ ra, bên
trong tráp gỗ là một bình thủy tinh bọc vóc đỏ, thân bình trong suốt, bụng
phình to, mỏng như cánh ve. Bên trong bình là nước sạch và một viên thuốc, nước
trong veo, nên nhìn viên thuốc to bằng móng tay út trông rất nổi bật. Bọn Minh
Thúc, Tuyền béo đều không biết đó là thứ gì, cảm thấy hết sức mù mờ khó hiểu.
Shirley Dương lại lấy
ra một cái vại sành đen sì, bên trong đựng nước sạch, nuôi mấy con cá nhỏ. Mấy
con cá dài bằng ngón tay, đầu rất to, thân đỏ rực như lửa, bộ dạng trông quái
dị vô cùng, đang bơi lội rất hoan hỉ trong vại sành. Chỉ thấy Shirley Dương cẩn
thận vớt ra một con cá, thả vào bình thủy tinh, sau đó đặt bình vào tráp, lấy
vóc đỏ quấn lại để cố định. Con cá nhỏ bơi vòng quanh viên thuốc nọ vài vòng,
rồi bắt đầu đẩy nó sang một phía, bất luận nước trong bình có dập dềnh dao động
thế nào, vẫn ra sức đẩy viên thuốc về một hướng cố định.
Cả bọn đều trố mắt ra
nhìn, nhìn bộ dạng xem chừng người nào người nấy đều muốn hỏi thế này là thế
nào, tôi bèn giải thích: “Đây chính là Ti thiên ngư của Ban Sơn đạo nhân. Cá
này đẩy Thái Âm hoàn về hướng nào, thì đó chính là hướng chính Đông, lần nào
cũng ứng nghiệm hết. Tuy ngẩng đầu không thấy sao Bắc Đẩu, nhưng cúi đầu có thể
xem Ti thiên ngư, có nó chỉ rõ phương vị cho chúng ta, các vị còn lo lắng điều gì
nữa không?”
Ban Sơn đạo nhân từng ở
miền duyên hải Giang Chiết một thời gian dài, không ngừng tìm kiếm Mộc Trần
châu trong các mộ cổ ở khắp nơi, cũng có ý vượt biển tránh họa từ lời nguyền
Động quỷ không đáy, đồng thời tìm kiếm tiên sơn linh được trên biển, trải bao
năm tháng, đã sáng tạo ra một bộ phương thuật, người đời sau gọi là Ban Sơn
Phân Giáp. Trong bộ kỳ thuật này, không chỉ có phương pháp tìm kiếm và khai
quật mộ cổ, mà bao gồm cả những pháp môn và bí phương về sự sinh khắc biến hóa
của vạn vật vạn tượng nữa.
Con người phàm làm việc
gì, cũng đều phải dựa vào cảm giác phương hướng. Chỉ nói riêng trùng đạo phong
thủy, những nhân tố quan trọng nhất như “long, sa, huyệt, thủy” đều không thể
tách rời khỏi một “hướng” nhất định. Không có phương hướng chỉ dẫn, thì cũng vô
phương tiến hành phân kim định huyệt. Thuở ban đầu, con người dựa vào mặt
trăng, mặt trời và tinh tú để xác định phương vị, về sau lại phát minh ra la
bàn dạng đơn giản, rồi dần dần tiến hóa lên thành loại xe chỉ Nam[35] chính
xác hơn. Đến thời Minh, khi phái Phong thủy Hình Thế tông hình thành hoàn
thiện, loại la bàn phong thủy chuyên dùng để xem đất tìm long mạch cũng theo đó
mà hoàn thiện tối đa. La bàn có ghi rõ âm dương thái cực, ngũ hành bát quái, hà
đồ lạc thư, cửu tinh, nhị thập bát tú, hai mươi bốn tiết khí, mười hai cung,
hai mươi bốn núi, sáu mươi long mạch... ít nhất cũng phải có ba tầng hoặc hơn,
nhiều khi lên đến hơn bốn chục tầng. Trên la bàn, quan trọng nhất là ba kim
“chính, phùng, trung”.
Nguyên lý định vị của
la bàn cổ đại không thể tách rời với từ trường mặt đất, người thời xưa cho
rằng, kim la bàn và từ trường là đạo mẹ con. Nếu trong một số trường hợp đặc
thù, la bàn mất hiệu lực thì chỉ còn cách dùng đến Ti thiên ngư. Phương pháp sử
dụng loại cá này được giấu trong mộ Ngu Vương, vốn đã thất truyền trên thế
gian, Ban Sơn đạo nhân cũng là tình cờ nên mới có được. Còn “Thái Âm hoàn”, kỳ
thực chính là loại thuốc chống thối rữa ngậm bên trong miệng chủ mộ. Loại thuốc
này tập hợp tinh khí của Thái Âm, người chết ngậm trong miệng, thì dù có phơi
dưới ánh nắng mấy tháng cũng không bị thối rữa mục nát, cho đến khi khí âm
trong viên thuốc tan hết thì mới hết tác dụng. Thời Tần Hán, thuật luyện đơn
rất thịnh, nhưng từ thời Tống trở đi thì bắt đầu suy bại, phương pháp phối chế loại
đơn hoàn này cũng theo đó mà thất truyền, không thể tìm lại được nữa.
Ban Sơn đạo nhân dùng
nước thuốc đặc chế ngâm tẩm, có thể khiến Thái Âm hoàn tích tụ khí âm. Mặt
trăng thuộc Thái Âm, đặt viên thuốc trong bình thủy tinh, là mô phỏng trăng
sáng trên trời. Ti thiên ngư thấy trăng sáng, thì nhất định sẽ từ phía Tây bơi
tới, đầu cá hướng về phía Đông hấp nạp tinh hoa của Thái Âm, đây là thuộc tính
trời sinh của chúng, không chịu ảnh hưởng của bất cứ nhân tố nào bên ngoài, đầu
cá luôn luôn hướng về phía Đông. Nếu là giống Ti thiên ngư to như con thuyền,
gặp lúc trăng sáng nhất thì còn tỏa sáng tranh quang với ánh trăng nữa. Có
điều, đây chỉ là một truyền thuyết ghi lại trong mộ Ngu Vương mà thôi. Thời
nay, con Ti thiên ngư to nhất có thể tìm được cũng chỉ dài bằng ngón tay trỏ là
cùng. Khi la bàn mất tác dụng, trăng sao bị mây mù che khuất, sử dụng Ti thiên
ngư tham chiếu phương hướng tuy không phải là chuẩn xác trăm phần trăm, nhưng
cũng tuyệt đối không đến nỗi để tàu phải đi vòng vòng rồi lạc phương hướng giữa
biển khơi.
Ngoài ra, Shirley Dương
còn có Khôi tinh bàn phụ trợ. Đây cũng là bảo khí do Ban Sơn đạo nhân đào được
từ mộ Ngu Vương thời cổ đại, công dụng tương tự như một Quan tinh bàn trong
thuật phong thủy, không bị ảnh hưởng của khí hậu, từ trường mặt đất và điện từ.
Người xưa cho rằng, thiên địa nhân là một chỉnh thể, có thể dựa vào sự biến hóa
ảo diệu của các dòng khí chảy giữa núi non sông ngòi để xem xét sao trời, thăm
dò mạch đất và ngược lại. Tuy Ban Sơn đạo nhân không thông thạo việc xem sao trời,
dò địa mạch cho lắm, nhưng cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật của
tôi lại ghi chép rất kỹ về những lẽ nhiệm mầu này. Có Ti thiên ngư và Khôi tinh
bàn, chúng tôi cơ hồ như được khai thiên nhãn, điều khiển tàu Chĩa Ba ra vào
vực xoáy San Hô, thực cũng không còn khó khăn nhiều mấy.
Cả bọn nghe giải thích
về công dụng của Ti thiên ngư và Khôi tinh bàn, đều kích động đến nỗi không
biết phải nói gì, không ngờ chướng ngại tưởng chừng như không thể vượt qua ấy
đã được cổ nhân nghĩ cách phá giải từ mấy trăm năm trước. Tuy khoa học kỹ thuật
hiện đại ngày càng phát triển, nhưng cũng không thể không thừa nhận, nếu quá
dựa dẫm vào khoa học kỹ thuật và các trang thiết bị, ở một phương diện nào đó,
sẽ khiến người ta thoái hóa phần nào. Có điều, những chuyện này tốt nhất nên để
cho mấy bác triết gia suy ngẫm, giờ đây, kho báu lớn nhất ở Nam Hải, cơ hồ như
đã ở gần ngay trước mắt chúng nhân, chỉ đưa tay ra là chạm tới được. Tiền tài
phú quý sắp ngập đầu đến nơi, còn ai tốn thời giờ lo lắng về mâu thuẫn giữa
tiến bộ của xã hội và sự thoái hóa của con người nữa chứ.
Không bao lâu sau, liền
nghe thấy phía xa vẳng lại tiếng sóng dữ cuồn cuộn, nước biển dâng trào, chỉ
trong chớp mắt đã ngập cả rặng đá ngầm. Có bí thuật Ban Sơn Trấn Hải trợ giúp,
tàu Chĩa Ba của chúng tôi dễ dàng cưỡi gió lướt sóng vượt qua rặng đá ngầm, chỉ
thấy mặt biển phía trước xuất hiện một ráng mây màu sắc rực rỡ. Những người
chạy tàu trên biển gọi thứ này là “núi tiên”. Núi tiên ở đây không phải để chỉ
những đỉnh núi đá trồi lên mặt biển, mà chính là chỉ hiện tượng ráng mây sà xuống
sát mặt biển. Những người quen đi tàu biển trông thấy cảnh tượng đặc biệt này,
đều cho là điềm cực tốt.
Ở đằng xa thì thấy trên
mặt biển có ráng mây che phủ, tàu đến gần lại không thấy đâu nữa, đoán chừng,
có lẽ tại đáy biển có hai dãy núi quây lại, hải khí nồng đậm bốc lên, gặp không
khí liền trở nên mông lung biến ảo. Cũng bởi hôm nay trời nhiều mây, bằng không
ánh mặt trời chiếu vào, ở đây ắt hẳn sẽ xuất hiện ảo ảnh hải thị thần lâu trong
truyền thuyết. Xem lại Ti thiên ngư và Khôi tinh bàn, thì thấy nơi này đại khái
đã là khu vực có âm hỏa tiềm tàng của mạch Nam Long rồi.
Long mạch trong thiên
hạ có Nam Long, Bắc Long và Trung Long. Bắc Long và Trung Long phát xuất từ núi
Côn Luân tuy ổn định vững vàng, nghìn đời không suy suyển, nhưng duy chỉ có Nam
Long là khí thế lớn nhất. Có điều, Nam Long hành tung phiêu hốt, vương khí
không đủ, long mạch có đầu mà không có đuôi. Nam Long khởi phát từ núi Nga My,
chạy song song với Trường Giang, rồi từ núi Hải Diêm - Chiết Giang đâm xuống
biển, chạy ngoằn ngoèo qua eo biển giữa Triều Tiên và Nhật Bản, không biết kết
cục thế nào, có thể nói là thần long thấy đầu mà chẳng thấy đuôi. Nếu không
phải bậc chí thánh chí hiền, tuyệt đối không nên xây mộ ở mạch Nam Long này.
Vùng biển vực xoáy San Hô ở Nam Hải cũng thuộc dư mạch của Nam Long, hình thế
kỳ quái, thiên hạ hiếm thấy.
Có điều, đây chỉ là
phán đoán sơ bộ, còn phải xác nhận thêm một bước nữa, sau đó mới sử dụng chuông
lặn xuống nước trinh sát. Tôi bảo Minh Thúc dừng tàu, lấy gạo trắng và dầu đã
chuẩn bị từ trước, lần lượt đổ xuống biển, chỉ thấy gạo trắng không chìm, dầu
không nổi, đây chính là dấu hiệu được ghi trong sách cổ, nếu bên dưới có âm hỏa
long hỏa gì, thì chắc chính là ở chỗ này đây. Kế đó, chúng tôi lại thăm dò mực
nước nông sâu, thấy khoảng chưa đến bảy chục mét, bèn thả cục chì có gắn phao
nổi xuống để định vị.
Tiếp sau đấy, cả bọn
lập tức tụ tập trên boong tàu hội ý, thảo luận phương án hành động. Khu vực này
gần như có thể coi là vùng trung tâm của vực xoáy San Hô rồi, trước mắt thì mọi
việc đều thuận lợi, nhưng tình hình ở đây thế nào thì chẳng ai rõ được, có tìm
được con tàu đắm hay không cũng vẫn là một ẩn số. Chúng tôi thống nhất kể từ
giờ trở đi, nhất thiết phải tăng cường giới bị, cẩn thận gấp đôi, đi bước nào
là chắc bước đó. Để không phải lưu lại chốn thị phi nguy hiểm này quá lâu, cả
bọn quyết định nhân lúc sóng gió không lớn lắm, lập tức triển khai hành động,
trước tiên xuống nước trinh sát, tìm kiếm vị trí của tàu đắm và ngọc trai Nam
Hải, sau khi nắm được địa hình đáy biển rồi mới tùy cơ ứng biến, sắp xếp nhiệm
vụ cho mỗi người.
Trên tàu chỉ có hai cái
chuông lặn, mỗi cái chứa được một người, cuối cùng quyết định để tôi và Nguyễn
Hắc xuống nước trinh sát. Nguyễn Hắc đã từng xuống nước mò ngọc, rất thông
thuộc những việc này, vì vậy để ông ta xuống nước hỗ trợ cho tôi là thích hợp
nhất. Sau khi sắp xếp xong xuôi, Tuyền béo dẫn bọn Cổ Thái và Đa Linh chuẩn bị
chuông lặn, kiểm tra lại xem trang thiết bị có ổn định không.
Trước khi xuống nước,
Shirley Dương dặn dò tôi: “Tuy chúng ta đã tiến vào vực xoáy San Hô, nhưng sự
việc diễn ra quá thuận lợi, ngược lại khiến tôi không thể yên tâm. Nghe giáo sư
Trần nói, hải nhãn trong vực xoáy San Hô này chính là Quy Khư vẫn được nhắc đến
trong truyền thuyết xưa. Tương truyền, nước của tất cả sông hồ biển trên đời
này cuối cùng đều đổ vào Quy Khư, nước chảy không bao giờ ngừng, vậy mà Quy Khư
thủy chung cũng không đáy. Chuyện này xuất hiện rất nhiều lần trong các sách
cổ, người chạy tàu nào cũng biết trên đời này có một hải nhãn như thế. Nhưng
anh xem, mặt biển bốn bề trải ra tít tắp, đâu có thấy xoáy nước hay hải nhãn
nào đâu? Đương nhiên, Quy Khư dù sao cũng chỉ là một truyền thuyết, chỉ mong là
tôi đã quá lo nghĩ thôi. Có điều, sau khi anh xuống nước, vẫn phải hết sức cẩn
thận, không được hành sự lỗ mãng.”
Tôi gật đầu nhận lời,
dẫu sao thì chuông lặn cũng cực kỳ kiên cố, nếu dưới đáy biển có xảy ra chuyện
gì bất trắc, ít nhất cũng đảm bảo cho người trinh sát có thể an toàn rút lui.
Bị óc hiếu kỳ mãnh liệt
thôi thúc, tôi nôn nóng lặn xuống xem xét tình hình đáy biển, nên chỉ nói vài
câu với Shirley Dương, rồi vội vàng chui vào trong chuông lặn bọn Tuyền béo đã
chuẩn bị xong xuôi.
Chuông lặn đúc bằng
đồng, bít kín, có thể lặn xuống độ sâu tối đa năm mươi lăm mét, bốn phía có cửa
sổ quan sát, được lắp thiết bị chiếu sáng chuyên dụng có tên là “Con mắt của
Poseidon” phát sáng cực mạnh, bên trong có gắn hệ thống điện thoại để liên lạc
với chỉ huy trên boong tàu. Tuy đã có ống thông khí nối liền với hệ thống bơm
trên tàu, nhưng chúng tôi vẫn mang theo bình dưỡng khí xuống để đề phòng bất
trắc.
Tôi chui vào chuông lặn
chuẩn bị xong xuôi, bèn vẫy tay ra hiệu với những người còn lại trên boong.
Chiếc chuông lặn nước bắt đầu từ từ hạ xuống, lúc ở trên mặt biển vẫn chưa thấy
gì, nhưng sau khi chuông đồng chìm xuống đáy nước, lập tức cảm giác chịu áp lực
mạnh dấy lên, nỗi sợ bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài theo đó cũng
bùng lên tự đáy lòng. Tôi gắng hết sức tập trung chú ý quan sát cảnh vật ngoài
cửa sổ, tìm mọi cách để phân tán nỗi bất an khó xua đuổi hoàn toàn đó.
Tuy nói là chỉ lặn
xuống sâu hơn năm chục mét, nhưng quá trình này diễn ra cực kỳ chậm chạp, tôi
vừa nhìn nước biển bên ngoài ô cửa kính quan sát, vừa thầm đếm tiếng khí thể
thoát ra cách quãng từ hệ thống van xả khí trong khoang đồng. Đếm đến mười lăm
thì chuông lặn cũng được thả hết dây. Đương là ban ngày, nhưng trời nhiều mây,
tầm nhìn xa dưới mặt nước chỉ ở mức độ vừa phải hoặc thấp hơn. Có điều, từ độ
sâu hai mươi mét, xung quanh càng lúc càng tối đen, tạp chất trong nước biển
nhiều hơn, tầm nhìn xa giảm xuống nhanh chóng, cũng may là bên trong bên ngoài
khoang đồng này đều có thiết bị chiếu sáng. Trước tiên, tôi tìm vị trí chuông
lặn của Nguyễn Hắc, giơ ngón tay cái lên với ông ta, biểu thị mọi việc đều bình
thường. Nguyễn Hắc cũng ra dấu hồi đáp lại như vậy.
Tiếp sau đó, chúng tôi
sử dụng “con mắt của Poseidon” chiếu sáng, bắt đầu trinh sát địa hình dưới đáy
biển, rồi thông qua hệ thống điện thoại báo cáo tình hình với những người ở
trên tàu. Vùng biển thần bí tương truyền có u linh ẩn hiện này, từ từ lộ ra
diện mạo chân thực dưới ánh đèn. Mấy chục mét sâu dưới mặt nước, là một khu
rừng đáy biển, xung quanh có núi non bao bọc, giữa vùng địa hình nhấp nhô trùng
điệp ấy có một rãnh biển sâu thăm thẳm, bên trong chốc chốc lại cuộn lên những
xoáy nước quái dị, chiếu đèn xuống cũng không thấy đáy. Sâu bên dưới, dường như
có vật gì đó đen đúa thò đầu thò đuôi ra, nhưng không nhìn rõ là thứ gì, lũ cá
dưới biển đều không dám lại gần.
Trong khu rừng san hô
bên rìa khe vực ấy, có rất nhiều cây cao đến mấy chục mét, cực kỳ dị thường,
gần như trong suốt giống đồi mồi. Đồi mồi, còn gọi là độc mồi, trên lưng có
mười ba phiến giáp xếp chồng lên nhau như ngói úp, màu vàng nhạt hơi ngả sang
đen, có đốm đen, lớp giáp này sau khi gia công sẽ trở nên mềm dẻo, dùng để chế tác
các đồ trang sức quý giá. Những cây to dưới đáy biển ấy, màu sắc và hình dạng
đều rất giống đồi mồi, ốc và trai lớn bám chi chít, con nhỏ nhất cũng phải to
bằng cái thớt. Mỗi khi vỏ trai mở hé, dường như có ánh sáng như ánh trăng lấp
lóa từ bên trong, khiến các loài thủy tộc chen nhau vây lại.
Tôi nuốt ực một ngụm
nước bọt, thầm nhủ dưới đáy biển quả nhiên có ngọc quý, xem ra chuyến này không
uổng công rồi. Nhưng ở xung quanh đấy lại không thấy xác con tàu Mariana đâu
cả, đừng nói là không có con tàu đắm ấy, toàn bộ những nơi trong tầm nhìn của
chúng tôi, chẳng có bóng dáng một con tàu đắm nào cả. Tôi đoán, nếu nghĩa địa
tàu đắm trong truyền thuyết là có thực, thì chỉ có khả năng nằm dưới vực sâu
trong rừng san hô. Nếu tàu Mariana chìm xuống đó, nếu độ sâu vượt quá hai trăm
mét, với năng lực của chúng tôi thực không có cách nào để trục vớt.
Nghĩ tới đây, tôi
ngoảnh lại nhìn xuống khe sâu bên dưới qua cửa sổ quan sát, không ngờ, vừa mới
quay đầu, liền thấy một con cá to đại tướng toàn thân sần sùi chẳng biết đã
xuất hiện bên cạnh chuông lặn nước từ lúc nào. Nó quẫy đuôi, quật cho khoang
tàu lặn bằng đồng của tôi một cú trời giáng, làm bên trong khoang tàu ầm vang
những tiếng đinh tai nhức óc. Tôi lảo đảo ngã nhào, đèn chiếu sáng bên ngoài
lập tức tắt ngúm. Con cá ấy quật đuôi một cú, rồi lại vòng ngược trở lại, há
ngoác miệng hung hăng lao đến, tựa hồ muốn nuốt chửng luôn cả cái chuông lặn.
Chú thích
[34] Quý độc giả
chú ý, bối cảnh của câu chuyện này là thời điểm những năm 80 của thế kỷ hai
mươi.
[35] Trên xe có
một người gỗ, trong xe lắp rất nhiều bánh răng. Dù xe đi theo hướng nào, thì
ngón tay người gỗ trên xe cũng luôn chỉ về hướng Nam.
Nguồn doc.178vn.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét