Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

13 thg 1, 2014

Nam Hải Quy Khư -Chương 8-13 (Thiên Hạ Bá Xướng)

Chương 8: Cổ ngọc dưới biển

Bên trong cái hòm cuối cùng của Võ thọt đựng đầy các loại ngọc cổ hình thù kỳ lạ, có miếng hình như mảnh sứ, lại có miếng như khúc xương khô, cũng có miếng như sừng thú răng thú, không chỉ hình dạng cổ quái đặc thù, mà màu sắc của những miếng ngọc này cũng pha tạp loang lổ. Vì mấy món này đều là đồ ở bên trong tàu đắm, bị môi trường tự nhiên dưới đáy biển xâm thực, nên chủ yếu là màu xám tro, nhưng cũng có một số phần vẫn giữ được nguyên màu cũ, hoặc đổi sang màu vàng vàng như củ gừng hay màu giống màu tương thối, cũng có miếng lốm đốm như màu táo đỏ.

Răng Vàng hiểu nghề ngọc nhất, vừa trông thấy thứ trong hòm, cái răng vàng cùng đôi mắt liền lập tức sáng rực lên. Phàm là ngọc cổ nghìn năm vớt dưới biển lên, xưa nay vốn chẳng có món nào là hoàn mỹ cả. Cổ nhân giữ ngọc xưa nay có ba điều kỵ: kỵ dầu, kỵ bẩn và kỵ tanh, những vật dầu mỡ sẽ bít kín những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt ngọc, khiến chất ngọc không thể óng ánh tươi nhuận được như ban đầu, làm mất đi ánh sáng xanh vốn có của tủy ngọc bên trong. Ngọc cổ dưới biển bị ngâm nước suốt cả một thời gian dài, chất tanh trong nước biển, và những thành phần như muối chát[14] hay vật ô uế làm bít kín những cửa thông hơi của miếng ngọc, khiến cho chất ngọc tổn thương rất lớn.
Minh Thúc cũng là người biết hàng, nhưng sở trường của lão là dựa vào khoản thức hình dạng của món đồ để nhận biết xem đó là hàng thật hay giả, trông thấy số đồ ngọc này toàn là những thứ tạo hình cổ quái hiếm thấy, đoán rằng niên đại cũng khá xa, bèn thì thầm thương lượng với Răng Vàng xem hòm thanh đầu này liệu đáng giá bao nhiêu?
Răng Vàng nhe hàm răng đầy bựa của y ra nói: “Những thứ này sợ đã ở dưới đáy biển không dưới mấy nghìn năm đâu, tuyệt đối không phải là thứ vớt được trong các thuyền đắm trên tuyến đường biển đi qua đây. Mức độ bảo tồn rất không đồng đều, nhưng nhìn hình dáng thì lại đều là cổ vật thời Thương Chu, trên hòn đảo chơi vơi giữa biển này lại gặp được những món hàng thật như vậy đúng là khiến người ta khó hiểu. Bác xem có những chỗ vẫn còn lấp lánh phát quang như pha lê, đúng là muôn màu muôn vẻ. Có điều ngọc cổ chính là vậy đấy, càng cổ lại càng kỳ quái, người thế tục làm sao hiểu được cái lẽ nhiệm mầu bên trong? Theo tôi, cái đống này bảo đáng tiền thì đáng tiền, bảo không đáng tiền thì cũng không đáng tiền, có đáng hay không thì phải xem nói thế nào đã.”
Răng Vàng, Tuyền béo và Minh Thúc chụm đầu thì thầm xem nên mặc cả làm giá với Võ thọt thế nào, còn tôi thì lại nhìn đống đồ ngọc trong hòm gỗ mà ngẩn ngơ một hồi. Trong mộ Hiến Vương ở Vân Nam, tôi đã từng thấy vô số kỳ trân dị bảo, trong số đó cũng có rất nhiều đồ ngọc thời Tần Hán, nhưng những món đồ ngọc vớt dưới biển lên này vẫn khiến tôi cảm thấy hết sức kinh ngạc. Toàn bộ đều là ngọc cổ thời Ân Thương, chẳng những vậy, tạo hình cực kỳ hiếm thấy, đặc biệt là có một bức tượng đầu người con gái, mặt mũi điêu tạc giống hệt như thật, trên đầu đội mũ Ngư cốt, phần cổ thon dài phủ đầy vảy như vảy rắn. Vì chỉ có phần đầu, từ dưới cổ trở xuống không biết có hay không, nên cũng không thể nhìn ra nguyên bản vốn là đầu người mình rắn hay là tạo hình kỳ dị nào khác. Cái đầu người bằng ngọc này bình sinh tôi chưa từng thấy bao giờ, thậm chí cũng chưa cả nghe nói đến có một thứ nào như vậy.
Những món đồ ngọc cổ quái hiếm thấy này đều rất dễ phân biệt thật giả. Từ thời Tống đã có người dùng máu gà ngâm ngọc để ngụy tạo những vết vằn màu đỏ giống như dấu vết do xác chết thối rữa để lại trên ngọc trong mộ cổ, hoặc cũng có người đem ngọc đun trong chảo dầu hay ngâm vào hố xí, nhưng những người trong nghề chỉ cần xoa xoa lòng bàn tay rồi cầm lên, ắt sẽ phân biệt được ngay đâu là thật đâu là giả. Chúng tôi giám định sơ qua, liền biết ngay số hàng trên tay Võ thọt đích thực đều là di vật từ thời thượng cổ, lẽ nào bức tượng ngọc hình đầu người con gái ấy, chính là cổ vật của nước Hận Thiên mà giáo sư Trần nhắc tới? Xem ra vùng biển vực xoáy San Hô này quả nhiên không đơn giản, tôi lập tức hỏi thăm tay chủ quán rượu Võ thọt ấy, rốt cuộc thùng hàng này ở đâu mà ra?
Võ thọt đáp: “Người anh em à, các vị đều là người làm ăn trong nghề, tôi cũng không dám giấu giếm, nói thực cho các vị biết, mấy tháng trước có sóng thần, dưới biển nổi lên một cái xác thú khổng lồ, nước rút đi để lại cái xác trên bờ biển. Thời tiết nóng bức nên cái xác ấy thối rữa rất nhanh, không ai nhìn ra nó rốt cuộc là loài thú biển nào, nhưng thể hình thì phải to hơn cả cá voi lưng gù nữa, chắc có lẽ là một loài quái vật sống ở vùng biển sâu. Trong bụng con hải thú khổng lồ ấy có xác của một con thuyền nhỏ, mấy món hàng này đều ở bên trong khoang thuyền đó. Các vị ngửi mùi có phải thấy tởm lợm buồn nôn lắm hay không? Nghĩ đủ cách rồi mà cũng không làm cho hết mùi được. Tôi thấy rất có khả năng là có tên đen đủi nào đấy đi vớt thanh đầu gặp bão, bị nhấn chìm xuống đáy biển, rồi lại để quái vật kia nuốt vào bụng. Sau cùng, các ngư dân tìm được số ngọc này rồi bán lại cho tôi.”
Võ thọt cho rằng hàng của mình là hàng độc, đương nhiên là hét giá thật cao. Trong rừng san hô dưới đáy biển đích thực là còn một lượng lớn các di tích cổ xưa, nhưng có thể tìm được lại không nhiều. Những đồ ngọc này đều bị tổn hại, chẳng những vậy còn bị ngâm dưới đáy biển một thời gian dài, phẩm chất màu sắc không được đẹp, nhưng niên đại vẫn còn rành rành ra đấy, hàng kiểu như vậy mấy chục năm mới gặp được một lần, chỉ cần muốn bán thì lúc nào cũng không thiếu người muốn mua.
Tôi nghe anh ta kể lể mà nửa tin nửa ngờ, ai biết được đây là hàng moi được trong bụng con hải quái hay là đồ ăn cướp của bọn hải tặc nhờ anh ta tiêu thụ hộ. Nhưng chuyện này không hề quan trọng, quan trọng là chúng tôi đã nhìn trúng số hàng này, vạn nhất mà không tìm được Tần Vương Chiếu Cốt kính, nhặt ra vài món ngọc cổ của nước Hận Thiên giao cho giáo sư Trần, ít nhiều cũng còn có cái để tiện ăn nói.
Lúc này bọn Răng Vàng cũng đã bàn bạc xong xuôi, tôi ngầm ra hiệu cho Răng Vàng đi mặc cả với Võ thọt. Răng Vàng lập tức nhe răng cười khì khì với đối tác: “Chú Võ này, chú đừng thấy mình chuyên làm cái nghề giao dịch thanh đầu này mà tưởng lầm, chưa chắc chú đã hiểu được đạo của kẻ chơi ngọc đâu nhé! Nói thực một câu, mấy món hàng này của chú cũng phỏng tay lắm đấy.”
Giao dịch thanh đầu cũng thế, mà buôn bán trao tay minh khí cũng thế, nếu cả hai bên mua bán đều là dân trong nghề, thì sẽ khác hẳn với kiểu một mua một bán bình thường. Thứ nhất là bởi ngày tháng sau này còn dài, làm cái nghề này không thể buôn bán kiểu mua đứt bán đoạn với đồng nghiệp được. Hai là ngành đồ cổ vốn đòi hỏi có con mắt nhìn hàng, sự quả quyết và tiềm lực tài chính, không trang bị đầy đủ kiến thức là không được, hai bên mua bán đàm phán giá cả không bao giờ tranh cãi mấy đồng tiền lẻ, mà là dùng lý lẽ để khiến đối phương phải khâm phục. Anh nói thứ này đáng tiền hay không đáng tiền, vậy thì cũng phải giải thích được để cho người ta tín phục, vì vậy chơi đồ cổ mới được gọi là thú chơi văn nhã, không thể qua loa giống như mua gia súc gia cầm được. Sau mỗi bận mua bán đồ cổ, người mua người bán đều được mở rộng kiến thức một phen, bởi thế, giao dịch giữa những người trong nghề với nhau chú trọng vào việc có thể nâng cao trình độ của mình, còn giá tiền ngược lại chỉ là thứ yếu, vì có một số thứ, dẫu bỏ tiền ra cũng không thể mua về được.
Võ thọt thấy Răng Vàng muốn vòng vo Tam Quốc, tuy trong lòng không cho là vậy, nhưng cũng chỉ còn biết rửa tai cung kính lắng nghe. Răng Vàng vừa uống bia vừa lan man dông dài giảng giải một đống những lý luận cao siêu. Thời Chiến Quốc trở về trước, dân gian căn bản không được phép mua bán đồ ngọc, vì bấy giờ đồ ngọc đều là vật phẩm chuyên dụng dành cho giai cấp đặc quyền, tượng trưng cho thân phận và địa vị. Bởi vậy, các nghệ nhân đổ đấu thời đó có đi đổ đấu mò vàng, cũng không bao giờ lấy đồ ngọc, mà chỉ chuyên nhắm vào vàng bạc. Sau này một số nhà khảo cổ tìm được mộ cổ, phát hiện ra “kim lũ ngọc y” trên người mộ chủ đều đã bị dỡ tung cả ra, những miếng ngọc giá trị liên thành thì vứt rải rác đầy dưới đất, nhưng tơ vàng đính trên miếng ngọc lại bị đám trộm mộ cạo bằng sạch mang đi. Đây chính là vì thời đó xã hội không cho phép ngọc thạch được lưu thông, kẻ nào dám bán ngọc trên phố chứ? Thế có khác gì tự mình đến nha môn tự thú đâu?
Nhưng thời đại của chúng ta lại khác rồi, ngay ở Phan Gia Viên thôi cũng thường xuyên có thể gặp được ngọc cổ. Những món đồ ngọc này đa phần đều là minh khí trong mộ cổ. Môi trường trong mộ khác với nhân gian, khiến cho những đồ ngọc ở bên trong đều bị ảnh hưởng. Trong mộ cổ thứ gì cũng có, có mộ bên trong để vôi bột hay cát mịn, cũng có mộ đổ thủy ngân... Chứa đá vôi là để gia cố, giữ cát mịn là để phòng trộm... Cộng thêm môi trường lòng đất bị xâm thực của mộ cổ, đồ minh khí bên trong đa phần đều bị “tẩm”, cũng có người gọi là bị “ngấm”, đại khái ý tứ cũng giống nhau.
Màu sắc của ngọc sau khi bị “ngấm” hết sức đa dạng, thông thường người ta đều dựa vào màu sắc để phân biệt. Màu vàng thường hay gặp ở mạn Thiểm Tây, Nội Mông, gọi là thổ tẩm, màu xám tro gọi là thạch khôi tẩm, màu trắng là thủy tẩm, màu đen là nhiều nhất, được gọi là chu sa tẩm hoặc Thần Châu tẩm, màu tím thì là do xác chết thối rữa ủ thành, gọi là thi huyết tẩm, màu xanh là do tiếp xúc với đồ bằng đồng xanh mà sinh ra, gọi là đồng tẩm. Ngoài ra, ngọc thạch vốn cũng có màu sắc riêng như đen, xanh, lục, vàng, trắng... trong đó màu trắng là quý nhất.
Cổ nhân lấy ngọc để so sánh với đức độ, chứng tỏ ngọc và nhân tính tương thông, nhưng thứ ngọc đã bị “ngấm”, bị “tẩm” thì lại không tiện để gần người. Mấy món hàng tìm được dưới biển này đích thực là ngọc có giá trị rất lớn, khổ nỗi lại đều bị những vật tanh hôi trong nước biển xâm thực, vả lại còn đã ăn ngấm sâu đến tận tủy ngọc bên trong, thoạt nhìn ngỡ như mấy hòn đá, người biết thì cảm thấy đáng tiếc, còn kẻ không biết thì nghĩ là đồ giả. Cách duy nhất là tìm người ủ ngọc. Muốn ủ cho số ngọc cổ này “sống lại”, khiến chất ngọc và màu sắc của “tẩm” tôn nhau lên trở thành nét đẹp mới, phải tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc đây? Phàm muốn ủ những loại ngọc cổ thế này nhất thiết phải tìm gái còn trinh, tốt nhất, là các cô khoảng mười tám mười chín, tướng mạo không xinh đẹp cũng không được, mà không phải khuê nữ nhà danh giá cũng không được. Cô gái ấy nhất thiết phải để ngọc sát bên cạnh mình, quanh năm suốt tháng không được rời xa, tốn hai ba năm ủ được một miếng ngọc cũng là khá lắm rồi. Đáng tiếc, chúng ta tìm đâu ra nhiều gái trinh đến thế? Nếu có tiền thuê từng ấy cô xinh đẹp như hoa để ủ ngọc, bọn chúng tôi cũng cần quái gì phải bôn ba nghìn dặm đến đây kiếm về mấy cục đá vô dụng này chứ? Vả lại tìm nhiều cô quá, vấn đề tác phong của chúng tôi đây cũng rất dễ bị nghi ngờ, mấy bà mấy cô ở nhà không chịu đâu. Vì vậy, tôi mới nói số hàng này nhà chú cũng phỏng tay lắm, mang về Bắc Kinh chưa chắc có thể lập tức bán đi ngay, mà cũng không biết sẽ đọng vốn mất bao nhiêu lâu nữa đấy.
Cổ ngọc dưới biển khó ủ, đó chỉ là một việc. Còn có vấn đề khác chết người hơn: kỳ thực những nhà sưu tầm ưa thích ngọc cổ có lẽ cũng không để ý xem màu sắc bị ngấm thế nào, bọn họ mua về rồi tự tìm người ủ lấy cũng được. Phàm là ngọc cổ đều ngấm sắc rất đậm, càng lâu năm lại càng tối màu, một khi được ủ cho “sống lại”, các màu sắc bấy giờ mới lộ ra chân diện mạo, toát lên những màu lạ đượm vẻ cổ xưa, có thể nói là kỳ tuyệt vô cùng. Nhưng người xưa đã đem ngọc ra so với người, mà người thì cũng chia làm chín mười loại, thế nên ngọc cổ dĩ nhiên cũng có phân biệt cao thấp quý hèn. Ngọc cổ thời Ân Thương, Xuân Thu Chiến Quốc, chất liệu chỉ là thứ yếu, mà đa phần đều dùng hình thức để phân cao thấp. Trong các loại ngọc cổ thì khuê[15], chương[16], bích[17], hổ[18], hoàng[19], tông[20] là thuộc hàng thượng phẩm, những đồ tế, ngọc bội thì là thứ hai, còn những món đồ nhỏ vụn vặt là thứ ba. Nhưng nhìn cả đống hàng này của chú mà xem, chẳng dính dấp gì đến ba loại ấy cả, hình dáng cổ quái ly kỳ, thiếu giá trị thẩm mỹ và giá trị sưu tầm, những người máu mê đồ cổ chưa chắc gì đã chịu móc tiền ra đâu.
Những thứ đồ minh khí, hàng thanh đầu này, quan trọng nhất là phải được người ta công nhận, nhưng nếu chẳng ai nói ra được mấy thứ này xuất xứ lai lịch thế nào, vậy thì cùng lắm cũng chỉ còn lại một chút giá trị nghiên cứu mà thôi. Có điều, có nghiên cứu ra được gì hay không thì cũng khó nói lắm, vả lại, còn một khuyết điểm trí mạng nữa là mấy món này cũng không được toàn vẹn cho lắm...
Răng Vàng thao thao bất tuyệt một hồi, vẫn còn định tán tiếp nhưng Võ thọt thì đã ngồi không yên, anh ta đâu có ngờ cái nghề chơi ngọc lại lắm điều nhiều lệ đến thế, chỉ biết nghe mà tâm phục khẩu phục, kinh hãi không thôi, cứ luôn miệng một điều bội phục hai điều bội phục, rồi tình nguyện hạ giá thấp xuống bán cho chúng tối, coi như là trả tiền học phí. Anh ta nói với Răng Vàng: “Làm ăn ở đây đúng là ếch ngồi đáy giếng, có cơ hội tôi nhất định phải đến Phan Gia Viên để học hỏi một phen.”
Răng Vàng là hạng lưu manh giả danh hiệp nghĩa, lập tức vỗ ngực hứa hẹn chỉ cần Võ thọt đến Bắc Kinh, ăn uống đi lại chơi bời đều do mình bao hết, thôi thì: “Đông Tây Nam Bắc thảy đều là huynh đệ, ngũ hồ tứ hải cũng là người một nhà, bọn chúng ta ra ngoài làm ăn là vì cái gì chứ? Vì tiền? Tiền là cái cục phân, tiền nhiều tiền ít cái gì, nhắc đến tiền là thấy chán rồi, tầm thường, tầm thường quá! Chúng ta đây cả đời này lăn lộn, cũng chỉ vì một chữ ‘nghĩa’ mà thôi, phải vậy không các vị?”
Võ thọt chỉ biết trợn mắt há hốc miệng ra nghe, vụ làm ăn này coi như đã được Răng Vàng định đoạt. Lần này tuy lúc xuất phát ở Bắc Kinh không được thuận lợi lắm, nhưng xuống miền Nam, mới ngày đầu đến đảo Miếu San Hô đá bất ngờ vớ được một món bở, không to cũng chẳng nhỏ rồi. Sau khi giao dịch xong xuôi, tôi nhớ ra vẫn còn chuyện quan trọng nhất chưa làm, bèn dò hỏi Võ thọt xem có kiếm đâu được một con thuyền có thể ra khơi không? Không cần lớn quá, nhưng nhất thiết phải chắc chắn kiên cố, chịu được sóng to gió lớn ngoài khơi xa, chỉ cần vừa ý thì tiền nong cũng không thành vấn đề.
Võ thọt bảo chuyện này thực quá đơn giản, mấy vị cứ theo tôi. Nói đoạn, anh ta dẫn cả bọn đi vòng qua làng chài ra vách đá phía sau. Đảo Miếu San Hô bốn phía nhô ra biển, phần giữa hõm xuống, tựa như một đóa hoa sen nở giữa biển trời xanh biếc. Toàn đảo chỉ có hai chỗ khuyết ở mé Đông Nam và Tây Nam là đậu thuyền được, ngoài ra bên dưới vách đá còn có một hang động ngập nước, có thể ở trong hang đợi khi nước triều lên mà ra biển. Lúc đi trên vách đá đến hang nước ấy, tôi đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy trời nối liền biển, biển nối liền trời, trời xanh biển biếc gió lặng sóng yên, trong lòng bèn thầm cầu khấn, chỉ mong lúc chúng tôi ra biển thời tiết cũng được như thế này.
Đi xuống vách đá, vào trong hang động, liền phát hiện bên trong có đậu khá nhiều thuyền bè đủ loại, chẳng những vậy mà niên đại nào cũng có, thuyền đánh cá, thuyền hàng cỡ nhỏ, thuyền buồm gắn động cơ... không thiếu thứ gì. Ngoài một số thuyền của ngư dân trên đảo, cũng có những tàu thuyền gặp sự cố trên biển bị bỏ lại đây duy tu, hay của các đội trục vớt tìm kiếm báu vật để lại. Trong hang còn có những khẩu hỏa pháo kiểu cũ trên các con tàu thời xưa, nghe nói nơi này từng bị hải tặc chiếm cứ, những con tàu và hỏa pháo ấy đều đã có đến mấy trăm năm lịch sử.
Võ thọt dẫn chúng tôi đi xem mấy con tàu, tôi không thông thạo mấy việc tàu bè này cho lắm, nên nhiệm vụ tìm thuyền toàn bộ đều giao cho Minh Thúc làm chủ. Yêu cầu của lão già cực kỳ hà khắc, xem mấy lượt mà cũng chẳng có con tàu nào vừa ý. Tàu bè ở đây, cái nào cũng đều thiếu một số trang bị chúng tôi cần nhất.
Minh Thúc vốn đã kén cá chọn canh, đối với việc lựa chọn tàu bè ra biển lại càng cực kỳ cẩn thận, vì sau khi ra khơi, tính mạng tài sản của lão đều phải dựa vào con tàu cả. Rốt cuộc, Võ thọt cuối cùng cũng hiểu ra: “Mấy vị đây ra khơi ắt hẳn có vụ gì lớn lắm phải không? Tôi thấy các vị cũng không giống như mấy người đi vớt thanh đầu bình thường, mấy con tàu thường này căn bản không đạt yêu cầu đâu. Thực không dám giấu, sâu trong hang này còn một con tàu cũ, năm xưa từng được đội thám hiểm người Anh cải tạo qua một lần, nhưng đám người Anh ấy chưa kịp ra khơi thì đã chết tiệt không rõ nguyên nhân, con tàu của họ đến nay vẫn còn để đấy. Có điều, con tàu đó... tôi thật cũng không biết nên hình dung nó như thế nào nữa, chỉ có thể nói là... tà môn thôi.”
Chú thích
[14] Dung dịch màu đen còn lại sau khi nấu muối, vị đắng, có chứa chất độc.
[15] Dụng cụ bằng ngọc dùng trong nghi lễ của vua chúa thời xưa, trên nhọn dưới vuông.
[16] Cũng là một loại dụng cụ ngọc, hình dáng giống nửa cái ngọc khuê.
[17] Một loại ngọc có hình tròn, dẹt, ở giữa có lỗ.
[18] Miếng ngọc hình như con hổ.
[19] Vòng ngọc hình bán nguyệt.
[20] Ngọc hình vuông, chính giữa có lỗ thủng hình tròn.

Chương 9: Tàu chĩa ba

Tôi nghe Võ thọt nói mà lấy làm kỳ quái, không hiểu tại sao anh ta dùng từ “tà môn” để hình dung một con tàu, nhưng muốn làm chuyện phi thường, ắt cũng phải có những lựa chọn phi thường, nói không chừng con tàu được đội thám hiểm người Anh cải tạo ấy lại thích hợp cho chúng tôi sử dụng cũng nên. Nghĩ đoạn, bọn tôi bèn đi theo Võ thọt vào trong xem thử, đằng nào cũng đã quyết định, không gặp được Phật quyết không đốt hương, nếu không có con tàu thích hợp, chẳng thà hoãn ra khơi một thời gian, chứ không thể mua ngựa già, đi giày rách chắp vá tạm bợ qua ngày được.
Trong hang động dưới vách đá nhìn ra biển của đảo Miếu San Hô này, có một chỗ ngoặt, bên trên có khe nứt lộ cả một khoảng trời. Ở chỗ khuất nơi ánh sáng không chiếu tới đang đậu một con tàu bằng gỗ, hình dáng kỳ quái. Tạo hình của con tàu này có vẻ rất cổ, xét trong các loại tàu thuyền đi khơi xa thì nó chỉ được xếp vào hạng tàu cỡ nhỏ, chở được tầm chục người. Kết cấu tàu chủ yếu bằng gỗ, đen đúa mà hơi sáng bóng lên, đinh chốt đều đóng chìm sâu vào thịt gỗ, bên ngoài lại bít kín bằng chêm gỗ. Trong các loại gỗ sử dụng đóng tàu có cả liễu biển. Đó là một loại cây sinh trưởng dưới đáy biển, chịu ẩm chịu nóng cũng không biến hình, mối mọt không thể làm hư tổn, trải bao nhiêu năm vẫn như mới, chất gỗ cực kỳ cứng chắc, hoàn toàn có thể chịu được sự khảo nghiệm của sóng gió bão tố ngoài biển khơi.
Chỉ riêng thứ liễu biển này đã cực kỳ hiếm thấy, tuy hình dạng nó như cây liễu, nhưng thực tế, thứ này là một loài sinh vật hiển không cử động được, phải mất mấy vạn năm mới thành hình, chỉ cần một miếng nhỏ cũng là bảo bối rồi. Vì đã ở bên bờ tuyệt chủng, nên gần đây hiếm có người nào được nhìn thấy thứ sinh vật này. Ngoài ra, ở các vùng duyên hải người ta còn tương đối mê tín đồn rằng, nếu dùng liễu biển để đóng các bộ phận quan trọng trên tàu thuyền đi biển, con tàu sẽ được thủy thần phù hộ.
Con tàu nom kiểu dáng rất cổ xưa, hình như cũng phải có lịch sử trên trăm năm. Chỉ riêng với kiểu dáng này thôi, cũng đủ khiến nó được mang vào viện bảo tàng trưng bày rồi, nhưng tại sao thoạt nhìn lại có cảm giác rất mới, như thể vừa mới đóng xong vậy. Trên tàu có rất nhiều chỗ đã được cải tạo, vì vậy trông đâu cũng thấy rất không hài hòa, lại còn có nhiều trang thiết bị chúng tôi chưa từng thấy bao giờ nữa, thực cũng có mấy phần tà dị.
Võ thọt giới thiệu rất tỉ mỉ, thì ra mấy chục năm trước, hải tặc ở vùng này rất hung hăng càn quấy, đây chính là một trong những con tàu của bọn chúng năm xưa. Về sau, bọn giặc biển ấy bị tiêu diệt, con tàu từ đó được giấu bên trong hang động này, các ngư dân phát hiện ra liền cải tạo thành tàu đánh cá, vì vậy trên tàu có đủ cả lưới cá, súng bắn lao... không thiếu thứ gì.
Sau này, có một công ty trục vớt của Anh muốn tiến vào vực xoáy San Hô mò báu vật. Nhưng đi vùng biển ấy đâu có dễ dàng, thuyền lớn quá rất dễ đụng phải đá ngầm, trên thuyền cũng không thể lắp quá nhiều thiết bị điện tử, nên đám người Anh đã nhắm trúng con tàu đóng bằng gỗ liễu biển này. Sau nửa năm cải tạo, giờ đây những phần ngập dưới nước đều đã được ốp đồng, bộ phận động lực ban đầu bị dỡ bỏ, thay vào đó là bốn tổ hợp chân vịt hoạt động bằng hai loại động cơ có thể thay phiên hoạt động: một động cơ chạy dầu và một động cơ hơi nước, khiến con tàu linh hoạt và cơ động hơn. Hai bên thân tàu gắn thuyền cứu sinh, ngoài ra còn có hai khẩu thủy thần pháo cỡ vừa, có thể bắn ra bốn loại đạn pháo công dụng khác nhau: Trên tàu còn có bàn tời và súng bắn lưới, cùng các thiết bị đơn giản cần dùng khi tiến hành trục vớt.
Sau đuôi tàu còn treo hai khối đồng cỡ đại hình elipse, gọi là “chuông lặn”, một loại công cụ lặn nước kín mít, có thể cho người vào trong rồi dùng dây xích thả chìm xuống đáy biển để thăm dò tình hình. Tuy phương pháp khá là nguyên thủy, nhưng ở dưới đáy biển bốn bề đầy rẫy hiểm nguy rình rập, cái chuông lặn bảo vệ tương đối tốt cho người lặn bên trong.
Trong khoang tàu vẫn còn một số trang thiết bị đặc biệt của đoàn thám hiểm người Anh, gồm cả một bộ đồ lặn đáy biển sâu do Anh quốc sản xuất. Thứ này thuộc loại trang bị lặn hạng nặng, có thể giúp lặn sâu khoảng hai trăm mét, trọng lượng áng chừng bảy mươi lăm cân. Nó đảm bảo cho người thợ lặn có thể an toàn hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường áp suất cao, nhiệt độ thấp, vừa tối tăm lại vừa thiếu dưỡng khí. Mũ chụp đầu bằng kim loại của bộ đồ lặn có ô quan sát, nối liền khít với phần thân bằng cao su, đồng thời có van tiết khí để giữ cho áp lực trong mũ luôn ổn định và xả khí thể sản sinh trong quá trình hô hấp ra ngoài. Loại thiết bị này hiện còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nếu sử dụng, vẫn có hệ số nguy hiểm nhất định.
Chuẩn bị đầy đủ như thế rồi mà nhóm thám hiểm người Anh kia vẫn không dám liều lĩnh hành động, bởi vực xoáy San Hô xưa nay nổi tiếng là vùng biển địa ngục có u linh ác quỷ xuất hiện, hướng gió rất hỗn loạn, tàu bè hễ đến gần ắt sẽ lạc đường quên lối. Vả lại, nơi này thường xuyên xuất hiện gió lốc, bầu trời hiếm khi trong xanh, còn lúc trời trong thì trên mặt biển lại xuất hiện ảo ảnh biến hóa vô cùng tận, dẫn dụ tàu bè càng lúc càng rời xa tuyến đường đã định. Đối với những người thám hiểm, hầu như bất cứ khó khăn nào cũng khắc phục được, duy chỉ có mất phương hướng giữa biển khơi mênh mông là vấn đề trí mạng nhất. Khi ấy, xung quanh đều là biển trời trải vô tận, không biết đâu là Đông Tây Nam Bắc, chỉ còn cách nhìn mặt trời và trăng sao để phán đoán hướng tiến lên. Nhưng nếu cả bầu trời cũng không thấy, sớm muộn tất sẽ lạc lối, khó mà trở về được.
Chính vì nguyên nhân khó khắc phục này, đoàn thám hiểm người Anh rốt cuộc phải từ bỏ kế hoạch tìm báu vật. Nhưng ngay trước khi lên đường về nước, cả đoàn bỗng lăn ra chết bất đắc kỳ tử trên tàu, nguyên nhân cực kỳ quái dị. Có ngư dân mê tín nói rằng, tại con tàu bằng gỗ hải liễu âm khí quá nặng nề, người chết trên tàu thực sự đã quá nhiều, oan hồn vẩn vít khắp nơi. Ai tiếp xúc với con tàu ma này nhiều, ắt sẽ bị lũ ác quỷ trên tàu ám vào hại chết. Cụ thể chuyện này ra sao, Võ thọt không rành cho lắm, mà thực ra anh ta biết cũng không nhiều. Chủ hiện tại của con tàu này là một người địa phương năm đó từng giúp đám người Anh cải tạo tàu, nếu chúng tôi có ý muốn mua thì Võ thọt có thể giúp dắt mối rồi mặc cả cho giá tốt.
Thì ra đây là một con “tàu ma”, trên tàu đã có khá nhiều người chết, xem ra không được may mắn cho lắm, nguyên nhân sâu bên trong thế nào Võ thọt chỉ biết qua loa, chẳng thể nói rõ ràng được. Những sự việc hư ảo vô căn cứ, xưa nay tôi chẳng tin mấy, có điều chuyện này liên quan đến tính mạng của cả hội, không thể không dồn tâm tư vào được, cũng hy vọng có thể tìm cơ hội cố gắng tra ra chân tướng. Tuy vẫn nói, mấy chuyện quỷ thần tốt nhất cứ nên tin, nhưng cũng không thể chỉ mới nghe thiên hạ bảo có sâu bệnh là thôi không trồng trọt, giờ thử hỏi kiếm đâu ra được con tàu nào thích hợp hơn nữa đây?
Tôi và Minh Thúc đều rất hài lòng với con tàu này, mơ hồ cảm thấy, nếu cậy vào nó, ít nhiều cũng có thể kỳ vọng xông pha vực xoáy San Hô một phen. Nhưng Võ thọt lại nói: “Bao nhiêu năm nay, tôi chưa từng nghe có ai đi vào vùng biển ấy cả, quỷ biển ở đó ẩn hiện vô thường, đáy biển có âm hỏa tiềm tàng, tuyệt đối chẳng phải đất lành. Nếu các vị chịu nghe lời khuyên chân thành của kẻ này, thì hãy nhân lúc còn sớm mà từ bỏ cái ý định đó đi. Có điều, nếu các vị thực sự muốn tiến vào vực xoáy San Hô, tôi thấy cũng chỉ có con tàu bằng gỗ liễu biển này là dùng được thôi. Nhưng trước tiên, cần phải có một thuyền trưởng có thể lái nó vào vực xoáy San Hô đã. Loại sói biển kinh nghiệm phong phú như vậy, các vị định đi tìm ở đâu đây?”
Đối với việc làm thế nào tiến vào vùng biển vực xoáy San Hô ấy, trong lòng tôi đã tự có chủ trương, chuyện này cơ mật trọng đại, dĩ nhiên không cần nói rõ với Võ thọt làm gì. Tôi chỉ bảo anh ta dẫn Răng Vàng đi tìm chủ thuyền thương lượng giá cả, rồi làm một danh sách hàng hóa nhờ anh ta chuẩn bị, đồng thời tiến hành kiểm tra toàn bộ con tàu, đảm bảo sau khi ra biển có thể vạn vô nhất thất.
Việc tàu bè đã xong, cả hội lập tức chia nhau ra làm việc. Mấy người bọn Minh Thúc phụ trách chuẩn bị mọi thứ cần thiết khi ra biển, còn tôi thì đi khắp nơi hỏi han ngư dân địa phương, thăm dò chuyện ra biển mò trứng, mấy ngày tiếp đó ai cũng cực kỳ bận rộn. Sau đấy, Shirley Dương cũng đến tập hợp, nhưng tôi không ngờ có cả giáo sư Trần đi chung với cô nàng. Thì ra giáo sư Trần không yên tâm, định đích thân cùng chúng tôi ra biển, nhưng tôi làm sao chịu dẫn ông già đi mạo hiểm được chứ, khuyên giải mãi cuối cùng mới thuyết phục được giáo sư ở lại đảo Miếu San Hô. Ngoài ra, Răng Vàng cũng ở lại trên đảo để phối hợp tiếp ứng, tiện thể chăm nom giáo sư Trần, đợi chúng tôi thành công trở về, cả hội sẽ về Bắc Kinh một lượt.
Tôi dẫn Shirley Dương đi xem con tàu đã được cải tạo kia. Con tàu gỗ liễu biển này vẫn chưa được đặt tên. Xem xong, hai chúng tôi quyết định đặt tên nó là “Chĩa Ba”. Theo phong tục của người Hoa trên đảo, tàu thuyền mới hoặc vừa được duy tu trước khi ra biển phải cử hành một số nghi thức tế lễ hải thần, bẻ hương, chia lộc, rưới rượu... rồi dâng hương lên Mẹ tổ trong miếu San Hô để cầu cho chuyến đi được bình an thuận lợi. Tuy chúng tôi không tin mấy thứ này, nhưng nhập gia tùy tục, trình tự đều không thể miễn. Việc tiếp sau đó, là tìm một con sói biển dạn dày kinh nghiệm lái tàu, nhưng kẻ này thực sự là quá khó tìm, vừa nhắc đến chuyện đi vào vùng biển vực xoáy San Hô u linh ẩn hiện ấy, gần như ai cũng không chút do dự, từ chối phắt ngay. Trong ý nghĩ của người dân bản địa, nơi ấy dường như là một cấm khu, thậm chí nhắc đến cũng không thể được.
Cuối cùng, chúng tôi đành phải để cho lão già Minh Thúc thổi kèn khen lấy tự nhận mình là sói biển lão luyện kia đảm nhận vai trò thuyền trưởng. Nhưng tôi quá hiểu con người lão Minh Thúc rồi, lão già Hồng Kông này bản chất chính là một tên liều mạng, đại bịp bợm, một con bạc chính cống, trong đầu toàn tư tưởng đầu cơ chủ nghĩa, chỉ cần kiếm được nhiều tiền, trên đời này chẳng có chuyện gì lão ta không dám. Câu cách ngôn của lão là: “Đánh bạc chưa chắc đã thua, không đánh không biết thời vận đến.”
Tôi cảm thấy để Minh Thúc lái tàu thực khó mà yên tâm được, vả lại, chỉ có bốn chúng tôi ra biển, nhân lực như vậy là quá mỏng, nếu gặp phải tình huống gì chỉ sợ không ứng phó kịp. Tôi đang lúng túng chưa biết làm sao thì may mà Shirley Dương thuê được mấy người chuyên mò ngọc, đều là người Việt gốc Hoa, người già nhất tên là Nguyễn Hắc, tuổi tầm trên dưới năm mươi. Tuy râu tóc trên mặt ông ta đều đã trắng phớ, nhưng ánh mắt sắc bén rất có thần, đoán chừng cũng là một tay ngư dân kinh nghiệm phong phú, trầm ổn lão luyện.
Hai người còn lại một nam một nữ, tuổi còn rất trẻ. Cậu thiếu niên tên Cổ Thái, là đồ đệ của Nguyễn Hắc, khoảng mười lăm mười sáu tuổi, vừa đen đúa vừa gầy gò, tay chân linh hoạt nhanh nhẹn chẳng khác nào con khỉ. Cô gái có đôi mắt to tròn long lanh, mái tóc dài buông rủ xuống tận thắt lưng, tướng mạo kế thừa hết những đặc trưng chính của con gái Việt Nam, da ngăm ngăm, tên là Đa Linh, thoạt trông cũng chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi. Đa Linh là con lai hai dòng máu Việt-Pháp, cũng gọi Nguyễn Hắc là sư phụ.
Đa Linh là trẻ mồ côi được Nguyễn Hắc nhận nuôi lúc rời Việt Nam, còn Cổ Thái là dân gốc đảo Miếu San Hô, cũng là một cô nhi. Ba người sống dựa vào nhau, hằng ngày đánh bắt cá mưu sinh, gia cảnh rất bần hàn khó khăn. Nguyễn Hắc và hai đồ đệ đều có kinh nghiệm đi khơi xa, có thể lái tàu đánh cá, cũng từng xuống nước mò ngọc rồi. Vì Shirley Dương trực tiếp trả bằng đô la Mỹ, ba người bọn họ mới chấp nhận mạo hiểm theo chúng tôi ra biển, kiếm một khoản kha khá để làm lộ phí sang Pháp tìm người thân bị thất tán của Đa Linh.
Tôi thấy họ không phải người Hoa, vốn định phản đối, nhưng Shirley Dương bảo Nguyễn Hắc vốn gốc gác ở Yên Đài, Sơn Đông, nói tiếng Trung rất tốt, về mặt giao tiếp không có vấn đề gì. Mà Shirley Dương đã tin tưởng ba người nhà Nguyễn Hắc như thế, con mắt nhìn người của cô chắc hẳn không có vấn đề gì, nên cuối cùng tôi cũng gật đầu đồng ý để họ gia nhập. Sau đó, tôi tập hợp toàn bộ thành viên tham gia hành trình ra biển lần này lại, bàn đi bàn lại mấy phương án hành động khả thi khác nhau, đảm bảo chắc chắn không còn gì sai sót, mọi sự đều đã chuẩn bị kỹ càng, bấy giờ mới yên tâm chỉ đợi hôm sau trời sáng là lên đường ra khơi.
Đêm hôm đó, chúng tôi sắp xếp vật phẩm trong khoang tàu một lần cuối cùng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến những vật dụng cần dùng đến khi thi triển thuật Ban Sơn Trấn Hải. Những thứ này cực kỳ đa dạng, thường ngày hầu như đều phải dùng đến, cúi đầu không thấy thì ngẩng đầu sẽ thấy, nhưng khi sử dụng trong bí thuật Ban Sơn lại có tác dụng không tầm thường. Tuy trước đây chưa từng thực hành lần nào, nhưng tôi tin các ghi chép của Ban Sơn đạo nhân “Gà Gô” để lại nhất định không phải những điều hư ngôn vọng ngữ. Nghìn năm nay, bao đời Ban Sơn đạo nhân đều dựa vào thuật Ban Sơn Phân Giáp này mà trộm không biết bao nhiêu kho báu lớn trong thiên hạ, thảng như không có bản lĩnh chân thực, thử hỏi làm sao có thể sánh ngang tầm với cả Mô Kim bí thuật thần diệu khôn cùng được chứ?
Tôi kiểm tra xong xuôi, đang định về đi ngủ thì nửa đường gặp giáo sư Trần đang vội vội vàng vàng chạy đến tìm. Ông già ở trên đảo buồn chán vô sự, biết anh em tôi mới thu mua được một ít ngọc cổ, bèn đòi mượn về nghiên cứu rất kỹ. Ông còn đồ lại hình dáng của từng miếng ngọc một, định tập hợp làm tư liệu, không ngờ việc làm không chủ ý này lại có một kết quả khiến người ta phải giật mình.
Tôi đón lấy những hình vẽ của giáo sư Trần, vừa nhìn lướt qua đã cảm thấy hết sức bất ngờ, thì ra mấy chục mảnh ngọc cổ tạo hình kỳ quái tàn khuyết này, vốn là từ một bức điêu khắc lớn tách ra, giờ hiện lên trong tranh giống như một tấm tranh ghép bị dỡ tung ra rồi lại được ráp lại hoàn chỉnh, tuy một số phần khó mà phục nguyên trọn vẹn, nhưng đường nét cũng khá hoàn hảo rồi. Bức phù điêu ngọc này mô tả cảnh một con yêu nữ đầu người mình cá, đang cầm ngọn nến soi trên cái mai rùa lớn mà bói toán, bối cảnh sau lưng là các totem thờ thần biển. Tôi nghiên cứu Dịch học đã lâu, thấy có cảnh soi nến bói mai rùa, dĩ nhiên là hết sức hứng thú, bèn xem xét kỹ càng các quẻ tượng trên mai rùa, tim bỗng đập thình thịch không ngừng: “Yêu quái này hình như đang suy diễn Tiên thiên Bát quái...”

Chương 10: Cấm kị khi đi biển

Từ xưa đến nay, bí thuật của Mô Kim hiệu úy đều lấy Kinh Dịch đứng đầu trong Tứ Thư Ngũ Kinh làm gốc. Bởi lẽ đó, nhìn bức điêu khắc hoàn chỉnh trong bức vẽ của giáo sư Trần từ mấy chục mảnh ngọc cổ hình thù kỳ dị vớt dưới biển lên kia: cô gái hình dạng như thủy quái đang thắp nến bói mai rùa cùng với những vết rạn trên mai rùa, tôi thấy rất giống cảnh suy diễn quẻ tượng trong Tiên thiên Bát quái. Mà Tiên thiên Bát quái lại rất có khả năng dựa trên mười sáu chữ quẻ Thiên bác đại tinh thâm, ảo diệu vô cùng, thử hỏi làm sao mà tôi không giật mình kinh hãi cho được?
Tôi vội định thần lại, cùng giáo sư Trần quay về nhà người dân chài, bới đống hàng mới mua của Võ thọt ra, định xem cho rõ vết khắc trên mai rùa ngọc ấy rốt cuộc là quẻ tượng gì, nhưng lại phát hiện những chỗ quan trọng nhất hầu hết đều đã bị nước biển xâm thực hủy hoại, bên trên còn trầm tích xác chết của các sinh vật hải sinh nhỏ li ti, chỉ dựa vào hình dáng mơ hồ ở rìa mép thì căn bản không thể nhận ra nổi. Hai chúng tôi đều không khỏi lấy làm thất vọng.
Giáo sư Trần thấy tôi nhìn chằm chằm vào bức phù điêu ngọc thẫn thờ một hồi lâu, liền vỗ nhẹ lên vai tôi nói: “Nhìn kiểu cách của hoa văn và công nghệ chế tác, thì người ngọc này phỏng chừng là vật dụng tế lễ bói toán vào thời Tây Chu nhưng ở nội địa chưa bao giờ xuất hiện văn vật nào có hình dáng tương tự như vậy, rất có khả năng đây là di vật của nước Hận Thiên, báu vật vô giá đấy, các cậu kiếm ở đâu ra thế? Sao hả? Từ quẻ tượng này có nhìn ra được gì không?” Tuy ông có kiến thức rất uyên thâm, nhưng chủ yếu chỉ nghiên cứu văn hóa Tây Vực cổ, không phải chuyên gia về Dịch học.
Tôi lắc lắc đầu, bức phù điêu này vốn là món thanh đầu chúng tôi bất ngờ thu mua được, đang tính vận chuyển về Bắc Kinh rồi tìm người ủ cho ra màu lên sắc, bán đi kiếm một mớ bộn tiền. Có điều, tôi cũng tuyệt chẳng thể ngờ nó lại ẩn giấu bí mật lớn như vậy, nếu đúng như Võ thọt kể, lúc sóng thần ập tới, có con quái vật khổng lồ nuốt được cả thuyền bè chết trên bãi biển, phù điêu ngọc này chính là lấy được trong con thuyền bất hạnh rơi vào bụng quái thú ấy, thì thực sự rất khó phán đoán được lai lịch của nó.
Nhưng tôi và giáo sư Trần đều hiểu rất rõ, ở thời An Thương, Tây Chu, thậm chí đến cả thời Đông Chu Liệt Quốc, Xuân Thu Chiến Quốc, phán quyết của giai cấp thống trị với hầu hết các sự vật đều xuất phát từ các quẻ bói được ban ra. Họ sẽ mang kết quả của nhiều lần chiêm bốc cùng với những nghiệm chứng sau khi sự việc xảy ra ghi chép lại một cách tường tận lên mai rùa. Xét ở một góc độ nào đó, trong thời kỳ này, mai rùa và chuông đồng đỉnh đồng gần như là những vật có tầm quan trọng ngang nhau. Những hoa văn trên bức ngọc điêu này có thể chứng minh niên đại của nó, cùng là giáp cốt văn và minh văn[21], nhưng thời đại khác nhau, nên cũng có những điểm bất tương đồng. Phân biệt dựa trên hình thể, thời nhà Hạ dùng dạng chữ Điểu tích triện, thời Thương lại phổ biến dùng kiểu Trùng ngư triện hơn, đến thời Tây Chu, nhất loạt đều dùng kiểu Trùng ngư đại triện, tuy rằng sau này Hán tự thống nhất, nhưng giữa các triều đại vẫn luôn tồn tại những khác biệt: thời Tần dùng Đại triện, Tiểu triện, thời Hán lại dùng Tiểu triện Lệ thư, thời Tam Quốc dùng Lệ thư, từ Lưỡng Tấn đến triều Tống lại dùng Khải thư kiêm Âm văn... có rất nhiều dấu vết có thể chứng tỏ được niên đại của bức ngọc điêu này.
Minh văn, đỉnh văn, long cốt thiên thư... đều ghi chép những chuyện lớn, hay cơ mật đại sự của một thời. Thuở đó là thời đại Chu dịch thịnh thành, nếu có thể giải được quẻ tượng mà yêu quái trong bức phù điêu này đang rọi nến xem xét, ắt sẽ tìm hiểu được thêm nhiều bí mật đã thất truyền từ lâu. Nước Hận Thiên này cơ hồ cũng tương đương với Alantis của phương Đông, vậy thì nơi ấy phải chôn giấu bao nhiêu bí mật và kho báu chứ? Thậm chí từ đây còn có khả năng vén được bức màn ảo diệu của mười sáu chữ quẻ Thiên cũng không chừng. Chỉ đáng tiếc, bức phù điêu người ngọc này bị chìm dưới đáy biển đã mấy nghìn năm, với điều kiện của chúng tôi trên đảo Miếu San Hô lúc này, khó mà bóc hết tạp vật bám trên lớp bề mặt, nên tạm thời không có cách nào biết được chân tướng của quẻ tượng trên cái mai rùa.
Giáo sư Trần nghe Shirley Dương nói dạo gần đây tôi hầu như ngày nào cũng đọc Kinh Dịch thì rất cổ vũ, nói rằng khi về Bắc Kinh nếu có thể ủ được ngọc cổ, đợi phục nguyên quẻ tượng trên mai rùa xong sẽ mời tôi tới cùng nghiên cứu.
Tôi thầm nhủ, đây vốn là hàng của bọn tôi thu mua được, sao nghe giọng ông già này như thể về đến Bắc Kinh là tôi hết việc vậy chứ? Giáo sư Trần đúng thực chẳng coi tôi là người ngoài, cứ thế trực tiếp tịch thu luôn. Một chút hàng ấy, cho ông cũng chẳng sao, có điều tôi đây học Dịch lý vốn chẳng phải vì niềm yêu thích với quốc học quốc hiếc gì hết cả. Nói về động cơ thì thật ra hơi đen tối một chút, năm xưa một quẻ “lợi thiệp đại xuyên” của Trương Doanh Xuyên quả tình khiến tôi bội phục sát đất, nếu như tôi cũng có cái tài ấy, ngày sau dẫu đi đổ đấu hay đi làm ăn buôn bán, chẳng phải đều bách chiến bách thắng hay sao? Ngoài ra, quan trọng nhất là thông qua nghiên cứu Kinh Dịch, tôi có thể hoàn thiện trình độ nhận thức đối với Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật. Có điều, trước mặt giáo sư Trần thì không thể mở miệng nói thế được. Đang vui câu chuyện, ông già lại hỏi xem tôi có tâm đắc gì với Dịch lý hay không, tôi bèn thuận miệng nói với giáo sư Trần những điều mình mới lĩnh hội được. Dĩ nhiên, trong đó có một phần không nhỏ là do Trương Doanh Xuyên giảng cho thuở trước.
Trước đây, tôi chỉ biết phong thủy mà chẳng hiểu âm dương, kỳ thực, “Dịch” chính là tổng quyết của phong thủy. Đạo phong thủy theo đuổi chính là thiên nhân hợp nhất, lại có cái lẽ âm dương vừa đối lập lại vừa thống nhất, đây cũng chính là đạo lý “luận thiên đạo mà hiểu chuyện nhân gian, thiên đạo và nhân đạo là một chỉnh thể” trong Dịch học. Con người sống ở trên đời, phải học theo trời, học theo đất. Học theo trời, có thể cường kiện khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức[22]; học theo đất, ắt trở nên rộng lượng đại độ, bao dung nhân ái, vĩnh viễn khiêm hòa, địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật[23].
Tôi cùng giáo sư Trần thảo luận về một số lý luận trong Kinh Dịch, càng về sau càng nói sâu hơn. Nhìn lại những gì chúng tôi từng trải suốt thời gian qua, xét ở một tầng ý nghĩa nào đó, mười sáu quẻ Tiên thiên cùng động quỷ ở thành cổ Tinh Tuyệt, Long cốt thiên thư, mật Phượng hoàng hẳn phải có một mối quan hệ mờ ám nào đó. Ngoài ra, bức phù điêu người ngọc này rất có thể là cổ vật của nước Hận Thiên, quẻ tượng trên đó liệu có thể nào liên quan đến hải nhãn hay không? Di chỉ của nước Hận Thiên năm xưa phải chăng đã bị nhấn chìm trong hải nhãn mất rồi? Dĩ nhiên đây chỉ là suy đoán chủ quan của tôi mà thôi, nếu không tận mắt trông thấy, đại khái chắc cũng chẳng ai có thể nói rõ ràng được.
Giáo sư Trần lại dặn dò thêm: “Lần này ra biển tìm kiếm Tần Vương Chiếu Cốt kính, tìm được dĩ nhiên là tốt nhất, không tìm được thì cũng chớ nên mạo hiểm tiếp cận hải nhãn ở vùng biển vực xoáy San Hô ấy. Trong sách xưa chép rằng, ‘hải nhãn giả, Quy Khư dã’[24], bị hút vào đó thì đừng hòng nghĩ đến chuyện trở ra nữa. Chẳng ai biết được năm xưa người dân nước Hận Thiên đã gặp phải tai họa hủy diệt gì, chẳng may các cậu có chuyện...”
Tôi vội ngắt lời ông: “Bác cứ yên tâm, lần này chúng cháu ra biển làm nhiệm vụ, mục đích chính là tìm lại quốc bảo trong con tàu đắm, tiện thể mò ngọc trai về bán kiếm chút tiền vốn, đâu phải đội cảm tử biết chết mà vẫn cắm đầu lao vào, chuyện gì mạo hiểm quá chúng cháu tuyệt đối không làm đâu.” Nói chuyện dông dài, trời sáng lúc nào chẳng hay, theo kế hoạch đã định, sáng sớm chúng tôi sẽ ra biển, vậy là tôi dứt khoát không ngủ luôn, chạy sang hô hào bọn Tuyền béo dậy chuẩn bị hành trang lên đường.
Hôm nay chính là ngày hoàng đạo để ra khơi, cần phải tế hải thần trước rồi mới có thể lên đường. Không chỉ tàu Chĩa Ba của chúng tôi, những tàu thuyền đánh cá khác cũng đều ra khơi tác nghiệp. Sau nhiều ngày chuẩn bị và chờ đợi, cuối cùng đến lúc lên tàu ra khơi, người nào người nấy đều phấn chấn tinh thần, không ai nén nổi cảm giác kích động trong lòng.
Nguyễn Hắc là dân mò ngọc chuyên nghiệp, kinh nghiệm phong phú, trước khi ra khơi đã nhắc nhở chúng tôi rất nhiều quy củ của dân biển địa phương. Những cấm kỵ của dân chài và dân mò ngọc chẳng hề ít hơn quy củ của nghệ nhân đổ đấu chúng tôi chút nào, mà tập tục cũng kỳ dị chẳng kém: kỵ nhất là nói ra những chữ kiểu như lật, đổ, mắc... trên tàu đang ra khơi, người nào dám nhắc đến những chữ ấy, thuyền trưởng có quyền ném xuống biển cho cá ăn. Nếu lái thuyền buồm, thì vì chữ “buồm” (phàm) đồng âm với chữ “lật” (phiên), nên dân chài và dân mò ngọc đều gọi trại đi thành thuyền bồng, đồng thời nhất loạt đổi “buồm” thành “bồng”, giương buồm lên thì gọi thành “kéo bồng” hoặc “mở bồng”.
Thời gian lâu dần, đã trở thành thói quen thâm căn cố đế, dù ở trên biển hay về nhà cũng đều nhất loạt không nhắc tới những chữ ấy, coi như trên đời chưa từng có chữ nào như thế cả. Ngoài ra, khi ở trên tàu, tuyệt đối không được huýt sáo, đây là điều kỵ của dân chài và dân mò ngọc. Đồng thời, những người đi trục vớt còn kỵ việc chắp tay sau lưng trên boong thuyền, vì chắp tay sau lưng là có ý “đánh lưới ngược”[25], chẳng có thu hoạch gì. Chẳng những thế, còn không được ngồi trên cột buồm chính, không được ngồi ở mũi thuyền... tóm lại là các loại quy củ cấm đoán nhiều không kể xiết.
Hồi ở Phúc Kiến, tôi và Tuyền béo cũng từng theo tàu ra biển mấy lần, nên tỏ ra hết sức tôn trọng những quy củ này, kỳ thực chẳng buồn để tâm mấy. Nhân lúc thuyền trưởng không để ý, tôi và cậu ta còn cố tình ngồi lên cột chính trên boong thuyền, vậy mà chẳng thấy gặp phải sự cố gì. Có điều, không có quy củ thì chẳng ra thể thống gì, vả lại mấy quy củ của ngành hàng hải này đại khái cũng tương tự như quy định “gà gáy đèn tắt không mò vàng” của Mô Kim hiệu úy vậy thôi, chỉ là để tăng thêm hệ số an toàn chứ chẳng có ý hại người gì cả.
Shirley Dương lại có một đống những quy củ mê tín của hải quân Mỹ. Vẫn cứ nói nước Mỹ khoa học kỹ thuật tiên tiến, kỳ thực nếu luận về trình độ mê tín, cũng chẳng thua kém đám dân chài quê mùa này chút nào, vả lại, quy củ của họ lại còn quái đản ly kỳ, thậm chí còn có cả điều lệ quy định xô nước cọ boong tàu phải đặt như thế nào nữa.
Vì văn hóa khác nhau, quy củ khi tàu đi trên biển cũng bất đồng. Có điều, đám chúng tôi đến từ ngũ hồ tứ hải, vì một mục tiêu chung mà tập hợp, tất không thể không đặt ra các biện pháp thỏa hiệp, bằng không bao nhiêu cấm kỵ từ khắp các miền Đông Tây Nam Bắc cùng tập trung cả trên con tàu bé tẹo teo, mọi hành động hẳn phải bóp chết từ trong trứng nước.
Nhưng có một số chuyện không tin cũng không được, nhiều điều cấm kỵ đã tồn tại bao nhiêu năm như vậy, ắt hẳn phải có nguyên nhân và giá trị riêng, chẳng thể làm ngơ coi như không có. Cuối cùng, sau một hồi tranh cãi bàn bạc, mỗi bên đành nhường một bước, quyết định không được nói những từ ngữ không may mắn kiểu như “lật, đổ, mắc...”, tôn kính Long vương, bái lạy Mẹ tổ, còn bao nhiêu cấm kỵ khác miễn được thì miễn hết. Chỉ vậy thôi cũng đủ khiến người ta phát mệt, đặc biệt là chúng tôi đã quen mở mồm ra là đổ đấu nọ đổ đấu kia rồi, giờ cứ phải cân nhắc lời ăn tiếng nói thật nhức cả đầu.
Theo ý Shirley Dương, tôi để Nguyễn Hắc làm thuyền trưởng, cùng Minh Thúc thay nhau giữ bánh lái. Trong quãng hành trình trước khi đến gần vùng biển vực xoáy San Hô, họ sẽ áp dụng những phương thức truyền thống đáng tin cậy để xác định phương hướng: chủ yếu chỉ sử dụng các công cụ truyền thống như hải đồ, la bàn, máy kinh vĩ, máy đo tốc độ..., cố gắng không dùng đến các thiết bị điện tử hiện đại nhưng dễ bị gây nhiễu. Minh Thúc và Nguyễn Hắc đều có thể dựa vào hướng chảy của các dòng biển phán đoán một cách đại thể tuyến đường cần phải đi. Những con sói biển kinh nghiệm phong phú đều biết, do địa hình đáy biển khác nhau, những dòng chảy dưới biển tự nhiên cũng phân thành nhiều nhánh, người thủy thủ chỉ cần ném phao tiêu là có thể quan sát được hướng chảy của dòng biển, không khó khăn gì, cộng với thời tiết cực kỳ lý tưởng, sóng yên gió lặng nên mấy ngày đầu tiên chắc không có gì đáng lo lắng. Khi la bàn bắt đầu không còn tác dụng, đồng thời không thể dựa vào trăng sao để xác định phương hướng, sẽ đến lúc thuật Ban Sơn Trấn Hải của Shirley Dương dụng võ.
Cả bọn đều có kinh nghiệm ra biển, sóng to gió lớn từng gặp khá nhiều, dù sóng biển nhồi cho con tàu dập dềnh lên xuống, không đến nỗi có người bị say sóng nôn mửa. Chỉ là, biển lớn mênh mông chẳng thấy bờ bến gì, sau khi ra khơi, bốn phía ngăn ngắt trời xanh biển biếc vô tận, đến một bóng chim cũng hiếm hoi, không khỏi làm người ta cảm thấy buồn chán. Con tàu Chĩa Ba này tuy không lớn lắm, nhưng cũng chia làm ba tầng. Tầng giữa và dưới boong tàu ngăn ba, trước, sau, giữa tổng cộng năm khoang. Khoang sau lớn nhất, chứa đầy các loại rương hòm đồ tiếp tế và nước ngọt. Khoang giữa và khoang trước đều có hai bên trái phải. Trong đó, khoang giữa lớn được dùng làm phòng ăn chung. Bình thường, cả bọn ngoài những lúc lên boong tàu cho thoáng khí, hầu hết thời gian đều ở trong khoang này, cả hai khẩu thủy thần pháo cũng đặt trong khoang này nốt. Loại súng pháo cổ lỗ sĩ này không phải dùng để đối phó với hải tặc, mà có thể dùng để oanh kích xua đuổi những con cá khổng lồ thình lình dưới đáy biển trồi lên, tránh để chúng làm lật tàu. Giữa các khoang tàu đều có ống truyền âm, đó là một hệ thống ống đồng nối tất cả các phòng lại với nhau, để liên lạc được nhanh chóng. Những khoang tàu còn lại chất đầy nhiên liệu và đồ đạc, chật cứng hết cả chỗ thở. Trên boong và trong khoang đều chật hẹp, lênh đênh một thời gian, cả bọn không khỏi cảm thấy nhạt nhẽo bứt rứt.
Cách giải quyết duy nhất chính là uống rượu. Những thủy thủ dạn dày kinh nghiệm chạy tàu hiếm có người nào không thích nhậu nhẹt. Minh Thúc bình thường hiếm khi uống rượu bừa bãi, nhưng một khi đã cầm bánh lái là trên tay phải có chai rượu trắng, đây là thói quen từ nhiều năm nay của lão. Vả lại, lão này hễ uống là say, say rồi là bắt đầu nói nhiều, cứ như thể biến thành một con người khác. Mỗi lần như vậy, lão lại ba hoa bốc phét về những thành bại được mất ở đời, ngôn từ nghe rất khảng khái hùng hồn, trên trời dưới biển, không sót thứ gì. Nhưng lần nào cũng vậy, cứ đến cuối cùng là lão ta lại tán chuyện năm xưa xuống Nam Dương, đã bao lần trải qua sóng to gió lớn mà vẫn trở về từ cõi chết, rồi tự vỗ ngực xưng là “sói biển” bình sinh chưa nếm mùi thất bại.
Ngày hôm ấy, tôi thực không thể chịu nổi lại phải nghe lão Minh Thúc đó bốc phét nữa, nhưng cũng không muốn về ôm đầu đi ngủ, thấy Tuyền béo đang đứng ở mũi tàu giơ ống nhòm hướng về phía biển trời tiếp giáp nhìn rất chăm chú, cứ tưởng có gì hay ho, liền bước đến hỏi có phải cậu ta phát hiện ra thứ gì hay không. Nhưng Tuyền béo cứ trố mắt ra nhìn đến bần thần cả người, chẳng thèm trả lời tôi. Tôi thấy vậy cũng giương ống nhòm lên nhìn về phía đó, tính kiểm tra xem rốt cuộc có phải dưới biển xuất hiện mỹ nhân ngư tắm truồng hay không mà cu cậu chăm chú thế.
Chú thích
[21] Chữ khắc trên các đồ tế lễ bằng đồng thời xưa.
[22] Trời dịch chuyển mạnh mẽ, người quân tử tự cường phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ. (Kinh Dịch, quẻ Càn)
[23] Khôn mang trọng trách của đất, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật. (Kinh Dịch, quẻ Khôn)
[24] Hải nhãn, cũng chính là Quy Khư đấy.
[25] Ý là lưới dốc lên không có gì.

Chương 11:Bóng ma

Tôi điều chỉnh lại tiêu cự ống nhòm, cảnh tượng trong ống kính từ mơ hồ dần chuyển sang rõ nét, thì ra ở phía xa, mặt biển cuồn cuộn nổi sóng, một đàn cá kình cá nghê đang nổi lên mặt biển. Khoảng cách đôi bên rất xa, bọn chúng lại chỉ lộ mỗi sống lưng trên mặt nước, thoạt trông tựa như những khối núi đá đen khổng lồ trên biển. Trước bọn tôi đã từng nghe dân chài nói đáy biển có ngư long dài hơn trăm mét, những cây san hô lớn cũng cao mấy chục mét, nhưng đó đều chỉ là tin đồn, giờ tận mắt trông thấy kỳ quan kình nghê trồi lên mặt nước, cả hai không khỏi ngẩn người.
Có điều, đàn cá như những quả núi nhỏ kia cách chúng tôi rất xa, tàu Chĩa Ba thì không chỉ tốc độ nhanh, mà còn trang bị thủy thần pháo có thể dọa khiếp lũ “cá nuốt thuyền” ấy, đương nhiên là chúng tôi chẳng cần phải lo lắng bị bọn chúng quẫy sóng làm lật tàu làm gì. Lát sau, những cái sống lưng lừng lững đó lại chìm mất tăm xuống đáy nước.
Vùng biển tàu chúng tôi đang đi qua, nước xanh biêng biếc, nghe đồn dưới đáy có một vết nứt cực kỳ sâu, xét vị trí thì cũng đã sắp đến gần vực xoáy San Hô rồi. Như những gì viết trong cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật thì một đầu của khe nứt này là dư mạch của “Nam Long” kéo dài xuống biển, là nơi hải khí sinh sôi. Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, việc thăm dò chỉ giới hạn trong khoảng mấy nghìn mét, căn bản chưa thể biết rốt cuộc đáy vực sâu bao nhiêu, có người suy đoán nhất định không dưới mười nghìn mét, nhưng chưa có cách gì chứng thực. Tuy nhiên, thế giới vẫn công nhận đây là một “vực sâu đáy biển”, thường phát sinh những hiện tượng thần bí khó lý giải. Những loài thủy tộc có thể sống được ở đáy biển sâu này hình thái đều quái đản, thân thể khổng lồ, nếu không phải tận mắt chứng kiến thì tuyệt đối khó lòng tưởng tượng. Dưới đáy biển sâu hàng nghìn mét, luôn tiềm phục những loài hải quái cực kỳ hung tợn, thi thoảng nổi lên mặt biển kiếm ăn, nhưng chỉ chớp nhoáng đã lặn xuống ngay, bằng không ắt sẽ bị lũ ác ngư sống ở gần mặt biển vây công.
Tôi nhìn ra xa, thấy vô số kình ngư nhô lên hụp xuống, cảm thấy lồng ngực căng lên, trong lòng trào dâng một cảm giác sinh tử mênh mang, ngỡ con người cũng chỉ như vị khách thoáng qua giữa cõi trời đất, không khỏi thầm lo cho tiền đồ mờ mịt phía trước. Nghĩ đoạn, tôi bèn nói với Tuyền béo: “Tổ sư gia của Mô Kim hiệu úy Tào lão đại năm xưa lên núi Kiệt Thạch ở phía Đông để nhìn biển lớn, giờ đây hai Mô Kim hiệu úy thời hiện đại chúng ta cũng coi như đã ra đến biển lớn phía Nam rồi, thật đúng là chuyện cũ trải nghìn năm rồi lại trùng hiện nhân gian. Có điều, cậu nhìn mặt biển bao la vô tận mà xem, con tàu của chúng ta ở giữa vùng biển sóng cuốn lên tận trời cao, sâu không thấy đáy này thật sự là quá nhỏ bé, muốn tìm được dư mạch của Nam Long và âm hỏa dưới đáy biển, sợ rằng cũng không phải là chuyện dễ, cần phải chuẩn bị tâm lý để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ đột phát đấy nhé.”
Tuyền béo vô tư đáp: “Có cái quái gì mà phải lo lắng, nói thực một câu, tôi đây máu đi mò ngọc lắm rồi. Ngày trước ở sa mạc, ở Vân Nam, anh em ta đã không biết bao nhiêu lần để lọt tay các món minh khí giá trị liên thành. Lần nào cũng đem cái lý do bằng hạt vừng ra, rốt cuộc lại hỏng cả quả dưa hấu to đùng, tham ô lãng phí là tội lớn lắm đấy nhé. Tôi đây tính tình thẳng thắn, cắt thịt đau nhất, mất tiền đau nhì, từ nay trở đi quyết không thể biết tội còn phạm tội nữa. Lần này dù thế nào cũng phải đánh một quả lớn, tôi sớm đã chuẩn bị đạp bằng mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu, dẫu có phải lên chín tầng trời hái trăng sao hay xuống đáy biển bắt rùa, cũng phải làm bằng được thôi.”
Tôi gật đầu: “Đúng thế, trong tuyên ngôn của Mô Kim hiệu úy nói không có sai, anh em ta không mò thì thôi, đã mò thì phải mò đến tận đáy, lần này phải trở thành dân mò ngọc đủ tiêu chuẩn, đây là trách nhiệm không thể chối từ. Tuy gánh nặng trên vai không nhẹ, nhưng người có ý chí ắt phải giơ bờ vai sắt ra gánh vác, xông lên vì sự nghiệp vĩ đại chảy đến giọt máu cuối cùng, dẫu tan xương nát thịt, trái tim hồng cũng không bao giờ phai sắc, không đạt được mục tiêu thề không dừng bước... Có điều cậu vừa nói cái gì mà leo lên chín tầng trời hái trăng sao, tôi tưởng cậu mắc chứng sợ độ cao cơ mà?”
Tuyền béo đáp: “Vì sự nghiệp mò ngọc, tôi có ngã xuống dẹt lét ra như cái bánh tét cũng coi như là một niềm vinh quang, vậy là tôi sẽ cùng đất mẹ hòa thành một thể rồi còn gì. Vả lại, lần này chúng ta chỉ xuống biển thôi đâu có lên trời, Tuyền béo này có gì phải sợ chứ? Nghe cô ả Shirley Dương bảo, không biết là rơi từ độ cao nào xuống mặt biển thì hậu quả cũng giống như rơi xuống mặt xi măng ấy nhỉ? Rốt cuộc là có chuyện như vậy không?”
Tôi và Tuyền béo đi từ mũi tàu xuống đuôi tàu, tào lao tán phét cho đỡ buồn, trông thấy vầng dương đỏ ối như máu chầm chậm hạ xuống phía đuôi tàu, ráng chiều rực rỡ muôn đạo hào quang, làm cho mặt biển tựa như có cả nghìn vạn con rắn đỏ nhảy múa. Đột nhiên, gã thiếu niên đen đúa gầy gò như con khỉ Cổ Thái chạy ra boong sau, chỉ lên mũi tàu, ý bảo chúng tôi mau mau qua đó, xảy ra chuyện rồi.
Thằng nhãi Cổ Thái này cắt quả đầu úp nồi trông xấu không chịu nổi, tuổi tác tuy không lớn, nhưng sức khỏe cực tốt. Nó bẩm sinh đã có đôi mắt cá, là con quỷ biển trời sinh, lặn nước mò ngọc có thể nhịn thở rất lâu mới cần đổi hơi, đến cả tôi cũng không thể không nhìn nó với con mắt khác. Nó ở chung với Nguyễn Hắc, cũng học được dăm câu tiếng Trung, có thể trao đổi những vấn đề đơn giản với bọn chúng tôi được.
Giờ thấy nó cuống cuồng chạy đến tìm mình, tôi biết ở phía mũi tàu nhất định đã xảy ra chuyện, chẳng kịp hỏi kỹ, vội kéo Tuyền béo chạy lên. Bấy giờ, mới phát hiện ra ở phía Đông, cũng chính là hướng tàu chúng tôi đang thẳng tiến, mặt biển bắt đầu có sương mù. Con tàu mà tiếp tục tiến lên, sẽ lọt vào giữa vùng sương, tầm nhìn phía trước càng lúc càng bị thu lại.
Màn sương mù này cực kỳ cổ quái, đại khái cao khoảng mười mấy mét, mịt mờ đè nặng trên mặt biển. Từ chỗ chúng tôi nhìn ra, sương mù và bầu trời phân tách hết sức rõ ràng thành hai khối. Từ trong màn sương hải khí cuồn cuộn dị thường bốc lên ngùn ngụt, sinh ra năm cột khói đen sì vươn thẳng tới trời cao, nom như có bàn tay đen ngòm tua tủa móng vuốt thò khỏi màn sương. Một bàn tay ma quái năm ngón chĩa lên trời, cảnh tượng toát lên vẻ cực kỳ đáng sợ. Lúc này, sóng gió trên mặt biển tĩnh lặng dị thường, vầng tịch dương cũng sắp sửa mang chút ánh sáng huy hoàng cuối cùng còn sót lại chìm xuống.
Tôi quay sang hỏi ý kiến của Minh Thúc. Lão từng gặp nhiều sóng gió, cộng thêm lúc này đã uống ngà ngà say rồi, chẳng hề để tâm gì đến hiện tượng ấy, đáp: “Có gì mà phải cuống hết cả lên thế, tầm nhìn xa sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong sương mù, ở cửa Phật Đường cũng từng có sự cố hai tàu đâm nhau, tử thương mười mấy người, cũng chính là vì lúc ấy trên mặt biển đột nhiên xuất hiện màn sương mù dày đặc, nhưng mặt biển ở đây thoáng rộng thế này, các cậu không cần phải lo. Giờ chúng ta vẫn còn cách vực xoáy San Hô một quãng đường, lúc nào đến vùng biển ấy, địa hình dưới đáy biển mới có những đoạn đột nhiên nhô cao lên cơ. Chúng ta chỉ cần cho tàu chầm chậm chạy qua, trời sáng sương tan là đến được vùng ngoại vi của vực xoáy San Hô rồi.”
Tôi nghe cái mồm chim lợn của Minh Thúc thở ra mấy câu kiểu như “không cần lo lắng” ấy, lại càng lo hơn, bèn dùng hệ thống ống đồng truyền âm gọi những người còn lại trong khoang lên boong. Chạy tàu giữa sương mù trong đêm tuyệt đối không thể sơ sẩy chút nào, hơn nữa, mặt biển bất thình lình nổi sương, vậy mà quá tĩnh lặng, đến mức khiến người ta hơi rờn rợn, như thể một tai họa tày trời đang nung nấu chờ ụp xuống đầu bọn tôi vậy.
Tất cả chúng tôi đều không dám lơ là cảnh giác, tàu Chĩa Ba giảm tốc độ xuống mức thấp nhất, chậm chạp tiến về phía trước, đèn chiếu sáng được bật hết cả lên. Con tàu không có cột buồm, nhưng vẫn đặc biệt treo một ngọn đèn tín hiệu rất nổi bật trên nóc khoang. Đây là đèn tín hiệu kiểu cũ thời xưa người ta vẫn treo trên đỉnh cột buồm, cũng có tác dụng chiếu sáng nhất định, nghe nói ban đêm còn có thể xua ma đuổi quỷ. Mô Kim hiệu úy thông thường đều dùng đèn để đoán điềm hung cát, không ngờ trên biển cũng phổ biến phương thức này. Có điều, nguyên lý của hai loại đèn này khác nhau. Đèn trên tàu thuyền đều được thiết kế để ngừa gió ngừa nước, không dễ gì tắt. Đèn treo trên cao, cộng với đèn pha công suất lớn gắn ở mũi và hai bên mạn tàu, tuy sẽ thu hút những đàn cá nhỏ đến, nhưng lại có thể xua sinh vật sống ở vùng nước sâu tránh xa tàu ra. Tuy không có đá ngầm nhưng nếu thình lình có con cá voi khổng lồ trồi lên làm lật tàu thì không phải chuyện đùa, vạn nhất gặp sự cố, đám người trên tàu này tuyệt đối không ai có thể sống sót, không chết đuối cũng chỉ có kết cục chôn thây nơi bụng cá mà thôi.
Tàu Chĩa Ba chậm chạp đi trong sương mù, mặt biển lặng phắc, chỉ nghe thấy tiếng chân vịt quạt nước, tựa như cả nước biển cũng thôi dập dềnh nữa, bốn bề mờ mịt mù sương mênh mang, chẳng phân biệt nổi đâu là Đông Tây Nam Bắc, dẫu vẫn còn nhìn được xa mấy chục mét, nhưng ở trên biển mà chỉ nhìn được tầm ấy thì khác nào là mù mắt.
Cả bọn cùng tập trung tinh thần, đề cao cảnh giác đưa tàu tiến lên giữa màn sương đêm, trong lòng nơm nớp âu lo. Tôi chỉ mong đám sương mù này mau chóng tan đi, nhưng những thủy thủ già dạn dày kinh nghiệm trên biển đều đã tổng kết được một bộ quy luật của tự nhiên rồi. Nguyễn Hắc nói với tôi: “Anh Nhất, sương tan gió nổi, màn sương này mà tan đi, sợ rằng sẽ nổi gió lớn đấy.”
Nguyễn Hắc tuy sinh sống bằng nghề đánh cá mò ngọc trên đảo Miếu San Hô, nhưng lại rất ít khi ra khơi xa đến vùng biển sâu, những chuyện trên biển ông ta cũng không rõ được như trong lòng bàn tay giống Minh Thúc, tuy nhiên lại có một ưu điểm, đó là thành thực chắc chắn. Từ đời ông nội, nhà Nguyễn Hắc đã làm công nhân trong xưởng đóng tàu Nam Dương, ba đời nghèo khó, có thể nói là xuất thân từ giai cấp công nhân chính hiệu, so với Minh Thúc quả tình đáng tin cậy hơn nhiều.
Tôi nói Nguyễn Hắc cứ yên tâm, chuyện sóng gió tôi đã có tính toán. Lúc ấy, Minh Thúc sắp say khướt đến nơi, tôi bèn bảo Nguyễn Hắc thay lão ta cầm lái, kéo lão gian thương Hồng Kông vào trong khoang, rồi mới ra phía mũi tàu, hỏi Shirley Dương đang điều khiển ngọn đèn chiếu xa: “Sương mù tan, sóng gió sẽ nổi, chúng ta có thể đi một mạch đến vùng rìa vực xoáy San Hô trước lúc ấy được không?”
Shirley Dương đáp: “Làm vậy tuy rất mạo hiểm, nhưng cũng tương đối khả thi. Có điều nếu không nắm bắt chuẩn xác thời cơ thì phiền phức lắm, không biết màn sương mù này đến bao giờ mới tan nữa. Vả lại, với tốc độ này, tới trưa mai cũng chưa chắc đã đến được vực xoáy San Hô, trước mắt chỉ còn biết tùy cơ ứng biến thôi vậy.”
Bởi lẽ nước biển ở Nam Hải hay cuồn cuộn dâng trào, nên từ xa xưa đã có tên gọi là “trướng hải”, đạo phong thủy giải thích, đây là hiện tượng do hải khí quá thịnh dâng lên cuồn cuộn gây ra, sóng gió hễ nổi lên đều không phải tầm thường. Tôi đang cùng Shirley Dương bàn xem nên sử dụng phương án nào trong tình huống khẩn cấp, bỗng nghe Tuyền béo kêu: “Nhất ơi, Nhất ơi, mau lại đây xem… trong sương mù có cái gì này!”
Chúng tôi vội ngừng câu chuyện dang dở, hết sức trợn mắt nhìn sâu vào màn sương mù mịt. Quả nhiên, trên mặt biển mờ sương xuất hiện một ngọn đèn vàng vọt trơ trọi lơ lửng giữa không trung. Vì thình lình xuất hiện trong sương, nên khi chúng tôi nhìn thấy ngọn đèn, thì khoảng cách giữa đôi bên đã gần lắm rồi. Nhìn ngọn đèn bão ấy, có thể đoán đó là một con tàu biển, nhưng nếu là tàu, vậy những ngọn đèn khác trên tàu đâu hết cả rồi?
Có lẽ nhiều nhất chỉ khoảng mấy giây thời gian, tôi thậm chí còn chưa kịp nghi ngờ có phải mình bị hoa mắt không, một con tàu biển kiểu cổ im lìm, quét sơn trắng toát đã từ trong màn sương lù lù xuất hiện phía trước. Trên tàu, ngoài một ngọn đèn bão đung đưa, tuyệt đối không còn ánh sáng nào khác, đồng thời, nơi mũi tàu cũng tịnh không thấy bóng người, các cửa sổ đóng kín mít.
Kể cả thuyền trưởng Nguyễn Hắc đang điều khiển bánh lái, toàn bộ những người có mặt trên boong tàu cũng trợn mắt há hốc hết cả miệng ra. Cảnh tượng trước mắt thật khiến người ta không thể nào tin nổi, tựa như là ảo giác vậy. Trong từ điển của dân trộm mộ bọn tôi, “không thể tin nổi” đại khái đã trở thành một tính từ bị dùng đến nát nhừ ra rồi, nhưng lần này, tôi vẫn không thể không dùng “không thể tin nổi” để diễn tả cảnh tượng trước mắt, thực sự là không thể nào tin nổi.
Vùng biển này là một khu vực mù, tất cả các tuyến đường hàng hải chính quy không bao giờ đi qua đây. Giữa biển cả mênh mông, ngoài con tàu của chúng tôi ra, đâu còn tàu bè gì khác, vậy mà trong sương mù mờ mịt lại đụng đầu ngay một con tàu khác, việc này so với tự dưng trên trời có cục thiên thạch to bằng ngón tay cái rơi trúng đầu mình còn khéo hơn, trừ phi đó là một “con tàu ma” không mời mà đến.
Cũng may, Shirley Dương kịp phản ứng, vội quay đầu lại nói với Nguyễn Hắc: “Mau đánh tàu sang phải tránh nó đi!” Con tàu cổ đột nhiên xuất hiện giữa màn sương ấy đã xuôi theo dòng biển đâm thẳng vào tàu của chúng tôi. Nguyễn Hắc được Shirley Dương nhắc nhở, giật mình sực tỉnh, tức thì xoay mạnh bánh lái tàu sang phía phải.
Con tàu Chĩa Ba tuy không lớn lắm, nhưng tàu nhỏ càng dễ quay đầu, lại được chuyên gia hàng hải Anh quốc dày công thiết kế cải tạo, về mặt kết cấu có thể nói là cực kỳ hoàn mỹ, tính cơ động cũng rất cao. Mũi tàu nhanh chóng nghiêng đi, sượt qua mũi con tàu ma màu trắng. Hai con tàu lướt sát sàn sạt qua nhau. Vì khoảng cách thực sự quá gần, chúng tôi đứng ở mũi tàu đều thấy rất rõ, khắp boong và cửa khoang của con tàu cổ xưa ấy be bét những vệt máu lớn.
Sau mấy ngày sóng yên gió lặng, hải khí dưới đáy biển sâu dần tích tụ dồn nén, trước khi mặt biển nổi phong ba, một trận sương mù dày đặc xuất hiện, trời lại tối, tầm nhìn xa hạ xuống mức thấp nhất, trên mặt biển mù sương thình lình hiện ra một con tàu biển kiểu cổ như một bóng ma, lướt sát qua tàu Chĩa Ba của chúng tôi. Con tàu ấy có ba cột buồm, trắng toát từ đầu đến đuôi. Tuy có cột buồm, nhưng cánh buồm đều đã bị hạ xuống, con tàu cứ thế trôi xuôi theo dòng biển, bên trong khoang không đèn đuốc, chỉ có một ngọn đèn bão lẻ loi treo trên cột buồm trắng, thoắt ẩn thoắt hiện giữa màn sương, nom như thể một đốm lửa ma trơi.

Chương 12: Con tàu ma

Nguyễn Hắc phải đánh hết bánh lái mới tránh được hậu quả khủng khiếp khi hai con tàu đâm đầu vào nhau. Hai mũi tàu lướt qua nhau, gần như là mạn thuyền áp sát mạn thuyền, khoảng cách chỉ chưa đầy một mét, mức độ nguy hiểm thế nào thiết tưởng không cần phải nói cũng biết. Cả đám người trên tàu chúng tôi, lòng bàn tay ướt sũng mồ hôi, ngộ nhỡ vừa rồi mà bị con tàu kia đâm thủng, chắc hẳn cả bọn đã cùng với tàu Chĩa Ba này xuống đáy biển làm tế phẩm cho nghĩa địa tàu đắm rồi.
Cũng may nhờ có Nguyễn Hắc vững tay lái nên hai tàu mới không đụng nhau, nói thì chậm, sự tình diễn ra cực nhanh, chỉ trong chớp mắt hai con tàu đã lướt qua nhau rồi. Con tàu ba cột buồm kiểu cổ màu trắng như một bóng ma nhanh chóng xuôi theo dòng biển, biến mất trong màn sương, không còn thấy đâu nữa, cũng đột nhiên như lúc nó xuất hiện vậy.
Mặt biển mù sương vẫn trầm lặng. Vì tất cả diễn ra quá đỗi bất ngờ, tới khi con tàu kia biến mất, cả bọn chúng tôi mới từ từ định thần, trán ai cũng rịn mồ hôi lấm tấm, không ai biết con tàu ấy rốt cuộc ở đâu chui ra, trong khoảnh khắc cảm giác hoảng loạn khó tả thành lời bất giác lan khắp toàn thân.
Những người thường xuyên chạy tàu, chẳng ai lại không biết những truyền thuyết về đủ mọi điều kỳ dị có thể xảy ra trên biển. Đặc biệt, truyền thuyết về ma quỷ và tàu ma là nhiều nhất. Nhưng sự thực, đại đa số đều chỉ nghe kể lại, hiếm có ai tận mắt chứng kiến hay từng đích thân trải nghiệm. Bản thân Nguyễn Hắc bình sinh cũng chưa từng rơi vào cảnh mặt đối mặt với một con tàu ma như thế này bao giờ. Đám dân chài lưới như ông ta sợ nhất chính là gặp ma quỷ trên biển, đó tuyệt đối không phải là điềm tốt lành gì. Giả như có gặp sóng to gió lớn thì ông ta ắt biết đường ứng phó, nhưng gặp chuyện liên quan đến cõi u minh âm giới, ông ta đâu phải Mô Kim hiệu úy chuyên đổ đấu mò vàng như chúng tôi, thử hỏi làm sao mà không kinh hồn bạt vía cho được. Mặc dù cũng là hạng gan góc cùng mình, nhưng lúc này hai chân ông ta mềm nhũn, nếu không phải đang dựa vào bánh lái, e là đã ngã sụm xuống sàn tàu rồi cũng nên.
Không chỉ mình Nguyễn Hắc sợ run như cầy sấy, mà chính tôi đây cũng hãi hùng khiếp vía. Khoảnh khắc khi hai con tàu lướt qua nhau, khoảng cách thực sự quá gần, dẫu mặt biển nổi sương, bốn phía mênh mang mờ mịt, nhưng trong vòng hai chục mét vẫn cứ nhìn thấy được, mà hai con tàu gần như đã cọ xát vào nhau rồi. Lúc bấy giờ, đến cả vết sờn trên sợi dây thừng của con tàu ba cột buồm ấy tôi cũng nhìn rõ mồn một, nói gì đến những vết máu lốm đốm khắp boong tàu và cửa khoang, vết máu đã đông, ngả sang màu đen, tương phản cực kỳ với con tàu trắng toát, khiến người ta nhìn mà không khỏi thần hồn run rẩy, chẳng biết đó có phải máu của thủy thủ trên tàu hay không? Mà người trên tàu đi đâu hết cả rồi? Tại sao không thấy thi thể, mà vết máu lại vương vãi khắp trên tàu như vậy?
Tôi đem chuyện này nói với những người khác, thì ra không chỉ mình tôi trông thấy, cả Tuyền béo, Shirley Dương, cả hai đồ đệ của Nguyễn Hắc là Cổ Thái và Đa Linh, ai cũng thấy rõ cảnh tượng đó cả. Xem ra, chắc chắn không phải tôi bị hoa mắt rồi. Vừa nãy, tôi thậm chí còn ngửi được cả mùi máu tanh nồng nặc trên con tàu đó nữa. Tuyền béo đưa ra chủ ý: “Gặp ma rồi. Chắc chắn đó là một con tàu ma, tôi thấy chúng ta cần nhanh chóng xuống dưới chuẩn bị thủy thần pháo thôi, nếu còn gặp phải nữa thì bắn chết bà nó đi, tránh để sau này nó cứ như âm hồn bất tán bám theo làm lỡ dở cả đại sự mò ngọc.”
Tôi thầm nhủ, nếu đúng là tàu ma, đạn pháo chắc gì đã có tác dụng, nghĩ đoạn, bèn ngoảnh đầu lại nhìn Shirley Dương, xem cô nói thế nào. Đó rốt cuộc là con tàu kiểu gì vậy chứ?
Shirley Dương cũng chỉ biết nhún vai đáp: “Tôi cũng như mọi người thôi, có rất nhiều nghi vấn, thậm chí còn chẳng biết nên mở miệng hỏi như thế nào nữa. Nhưng tôi có một dự cảm, con tàu ba cột buồm kiểu cổ ấy nếu thực sự nhắm vào chúng ta, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ lại xuất hiện. Hiện giờ tầm nhìn xa đã giảm xuống nhiều quá, tình hình cực kỳ bất lợi với chúng ta đấy.”
Chúng tôi chỉ mới nói qua nói lại được vài câu, vẫn còn chưa quyết định nên lấy lui làm tiến hay lấy công thay thủ, đã thấy trong sương mù có ánh đèn chớp chớp, con tàu ba cột buồm vừa lướt sát sạt qua tàu chúng tôi không ngờ lại lẳng lặng xuất hiện phía trước, một lần nữa lao sầm sập tới. Cả đám người chúng tôi tái mét hết cả mặt mày, vội hét Nguyễn Hắc xoay bánh lái tránh đi.
Trong lần đụng độ đầu tiên với con tàu kiểu cổ này mấy phút trước, tàu chúng tôi có thể tránh né trong khoảnh khắc nguy cấp nhất ấy, trước tiên là do Tuyền béo mắt tinh sớm phát hiện ra ngọn đèn treo kia, kế đó lại có Shirley Dương tỉnh táo nhắc nhở Nguyễn Hắc, tay thuyền trưởng thậm chí còn chưa kịp kinh hãi đã kịp thời xoay bánh lái chệch đi theo bản năng. Nhưng chẳng ai có thể ngờ, trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, con tàu ma tựa cái bóng u linh trắng toát ấy có thể từ trong màn sương phía trước lù lù chui ra ngay. Thử hỏi, không phải tàu ma thì là tàu gì nữa?
Trước hiện tượng kỳ dị lẽ thường khó mà giải thích nổi ấy, cả bọn đều chỉ biết trợn mắt há hốc miệng. Lần này, chúng tôi không may mắn như lần trước, con tàu buồm kiểu cổ sơn màu trắng toát tựa như một bóng ma cô đặc lại từ sương mù giăng giăng khắp mặt biển, phiêu hốt bất định, nói đến là đến, bảo đi là đi, trước khi xoay chuyển tuyệt đối không có bất cứ dấu hiệu nào khác thường. Nguyễn Hắc tuy đã luống cuống dốc hết toàn lực xoay bánh lái, nhưng cũng chỉ tránh được cú va cham trực tiếp, hai mạn tàu vẫn cọ xát vào nhau. Mạn tàu ba cột buồm kia treo lưới đánh cá, trên lưới đánh cá mắc đầy phao tiêu màu trắng, còn tàu Chĩa Ba của chúng tôi lại dùng dây thừng buộc xuồng cứu sinh bằng cao su. Hai con tàu tức thì mắc vào nhau, khó mà tách rời.
Hai con tàu cọ vào nhau, thân tàu rung lắc dữ dội, chúng tôi mất thăng bằng, ngã nghiêng ngã ngửa trên boong tàu. Cổ Thái giữ trọng tâm không được vững lắm, ngã bổ chửng xuống sàn, sém chút nữa thì lăn xuống biển, sợ quá gào ầm lên. Shirley Dương vội giật một sợi dây thừng ném qua, bảo cậu ta giữ cho thật chặt.
Con tàu Chĩa Ba đóng bằng gỗ liễu biển bọc giáp đồng, sau khi tránh được cú đâm trực diện, chẳng những không tổn hại tí gì, mà dưới mực ngậm nước còn có gắn lưỡi dao nhọn, thành thử đâm toạc cả một lỗ lớn trên con tàu ba cột buồm kia. Nước biển lập tức qua cái lỗ trên thân tàu cuồn cuộn tràn vào bên trong. Nhưng con tàu Chĩa Ba của chúng tôi lại đang bị mắc chung với nó, nên cũng bị con tàu ma màu trắng đang từ từ chìm xuống ấy kéo nghiêng đi.
Thân tàu tạm thời cũng chưa nghiêng lắm, nhưng con tàu ba cột buồm kiểu cổ rất đồ sộ, để thêm lúc nữa, rất có thể chúng tôi sẽ bị nó kéo chìm xuống đáy biển theo. Tuyền béo thấy thế, lập tức nảy ra ý lấy đao chém đứt dây thừng buộc xuồng cứu sinh bên mạn tàu. Đây chỉ là biện pháp thí tốt giữ xe, tôi vội ngăn cậu ta lại: “Nhảy lên, chặt lưới cá bên kia kìa!”
Một con tàu nếu chẳng may gặp chuyện gì ngoài ý muốn, giữa biển cả mênh mông, sợ rằng chỉ có xuồng cứu sinh mới có thể mang đến cho những thủy thủ đem tính mạng mình ra liều ở nơi đầu sóng ngọn gió một tia hy vọng sống còn. Không đến lúc vạn bất đắc dĩ sơn cùng thủy tận thì tuyệt đối không thể bỏ xuồng cứu sinh. Lưới cá treo ở mạn tàu ba cột buồm đã mắc vào xuồng cứu sinh của chúng tôi, dẫu tàu Chĩa Ba này không bị con tàu sắp chìm ấy kéo cho lật nhào, thì ít nhiều cũng bị tổn hại hay mất mát trang thiết bị, tình thế bức bách không cho phép chúng tôi nghĩ ngợi nhiều, đành phải nhảy sang phía boong tàu bên kia, chém đứt mấy cái lưới.
Lúc này, thuyền trưởng Nguyễn Hắc cũng không dám tăng tốc, tàu Chĩa Ba đành xoay mòng mòng trên mặt biển theo đối phương. Tôi và Tuyền béo gắng hết sức bắc cầu sang phía tàu bên kia với tốc độ nhanh nhất có thể. Cổ Thái và Đa Linh vừa giữ chặt tấm ván gỗ, Shirley Dương đã tranh nhảy sang trước, vung thanh đao lên chém đứt lưới cá.
Tuyền béo cũng muốn nhảy lên tấm ván gỗ để sang cầu bên kia. Nhưng tấm ván bắc cầu ấy còn hẹp hơn cả cầu thăng bằng trong rạp xiếc, lại dập dềnh lắc lư theo hai con tàu, chỉ cần bước hụt một bước là rơi xuống biển ngay lập tức, người nào gan nhỏ hay sợ độ cao thì căn bản không thể lên đó được. Việc khác thì cậu ta chẳng ngại ngần gì, nhưng trời sinh ra đã có cái bệnh sợ độ cao, chưa leo lên thì trong lòng đã muốn rụt lại rồi.
Tôi đẩy Tuyền béo sang một bên, rồi vừa đạp chân lên tấm ván bắc cầu, vừa nói với cậu ta: “Cậu đừng qua nữa, ném dây thừng sang, ở bên này tiếp ứng chúng tôi, xử lý xong đám lưới ấy chúng tôi sẽ lập tức quay lại.” Trong lúc nói chuyện, tôi lợi dụng một khoảnh khắc cân bằng ngắn ngủi giữa hai con tàu, tung người giẫm qua tấm ván chạy sang con tàu ba cột buồm kỳ dị kia.
Tuy tấm ván bắc cầu vừa hẹp vừa đung đưa, song hồi ở bộ đội tôi hầu như ngày nào cũng phải tập luyện các động tác chiến thuật khi xung kích đủ loại chướng ngại vật, không biết đã chạy qua chạy lại trên cầu độc mộc mấy nghìn mấy vạn lần rồi nữa. Có điều, đó dẫu sao cũng là trang thiết bị trong huấn luyện quân sự, còn chạy qua chạy lại trên tấm ván bắc giữa hai con tàu giữa muôn trùng sóng biển kiểu thế này, thực sự cũng không khỏi khiến người ta hơi phát hãi. Tôi không dám liếc xuống dưới chân lấy một lần, tấm ván chỉ nhỏ bằng bàn tay, chỉ cần hơi sợ một chút rất có thể sẽ sẩy chân rơi xuống biển ngay. Thực ra, tôi hoàn toàn chỉ nhờ lòng hăng hái nhất thời, mới dám xông qua như thế.
Sang được đến boong tàu bên kia, tôi mới thấy chân hơi co giật, trong lòng không khỏi lấy làm ngưỡng mộ sự gan dạ của Shirley Dương. Có điều, nghĩ lại thấy một phần có lẽ vì phương thức cũng như trọng điểm huấn luyện của hải quân khác với lục quân chúng tôi, nến tôi cũng không cảm thấy hổ thẹn mấy, sau một thoáng ngây người, vội vung thanh đao lưỡi răng cưa lên chém xuống tấm lưới cá mắc bên mạn thuyền.
Tôi chưa gặp tàu ma bao giờ, nhưng theo như các tin đồn liên quan đến tàu ma thì đại để có thể chia tàu ma trên biển thành hai loại lớn. Loại thứ nhất là người trên tàu đều chết hết hoặc đã biến mất, nguyên nhân thôi thì kỳ lạ đủ trăm đường, mà cũng chẳng ai có thể nói rõ ràng tường tận. Xét cho cùng, cũng bởi sự nhận thức của con người với biển cả mênh mông vẫn còn quá hạn hẹp. Có người nói, ở dưới biển có quỷ biển, hoặc người cá đã thành tinh, có thể dùng nhan sắc để dụ dỗ thủy thủ, người trên tàu hễ bị nó quyến rũ là không tự chủ được, phải nhảy xuống biển nộp mạng. Cũng có người nói, đó là vì dưới biển có một số thứ không thể ăn được, có loại cá ăn vào sinh ảo giác, khiến người trên tàu nhảy xuống biển tự sát, vì vậy trên mặt biển mới có những con tàu rỗng, không ai điều khiển. Người ta quen gọi loại tàu này là những con tàu ma.
Ngoài ra, còn một loại tàu ma nữa, loại này đa phần đều là những con tàu đã mất tích nhiều năm, thậm chí đến cả mấy trăm năm, rồi lại đột nhiên xuất hiện trên biển. Trên tàu cũng không có bất cứ xác chết nào, mọi thiết bị vẫn hoạt động bình thường, tựa như con tàu vừa mới ra biển không bao lâu vậy. Không ai biết được, trong mấy trăm năm mất tích ấy, nó đã trôi dạt đi đến tận nơi nào.
Chính vì người ta không thể giải thích những hiện tượng thần bí đó, nên mới sinh ra các truyền thuyết ly kỳ về “tàu ma”. Nhưng những truyền thuyết đó hầu như đều không giống với sự việc quái lạ chúng tôi gặp phải lúc này đây. Lần thứ hai đối mặt với con tàu ba cột buồm trắng toát đó, tôi từng ngờ vực, phải chăng trong màn sương này còn có rất nhiều con tàu khác giống thế? Song le, tôi hãy còn nhớ rõ mấy đặc điểm rất nhỏ trên thân tàu, thậm chí từ vị trí của ngọn đèn bão treo trên cột buồm đã có thể chứng thực, đây đích thực là cùng một con tàu.
Con tàu ba cột buồm màu trắng to đùng ngã ngửa ấy, thực sự ở ngay trước mắt tôi, một đao chém xuống liền ngay tắp lự trông thấy dấu vết để lại trên thân tàu. Huống hồ, con tàu này còn bốc lên mùi máu tanh nồng nặc xộc thẳng vào mũi nữa. Kỳ lạ nhất là, kiểu dáng con tàu rất cổ xưa, không hề có bất cứ đặc điểm nào của tàu biển hiện đại, nhưng lại chẳng hề có vẻ gì là cũ nát rách rưới, thậm chí nhiều chỗ trông vẫn còn rất mới.
Trong đầu nghĩ ngợi vẩn vơ, nhưng tay tôi vẫn không ngừng nghỉ, chỉ mấy đao vung lên chém xuống đã chém đứt được nửa tấm lưới. Vì có tấm lưới này mà con tàu ba cột buồm kỳ dị đó mới mắc vào tàu của chúng tôi. Nhưng tôi và Shirley Dương còn chưa kịp chém đứt nốt nửa tấm lưới còn lại, thì sóng biển dập dềnh đã làm hai con tàu đang song song đột nhiên tách ra, tấm lưới bị kéo căng giữa hai thân tàu. Nếu lực nghiêng giữa hai con tàu lớn thêm chút nữa, thì xuồng cứu sinh và lưới cá, ắt hẳn phải có một thứ bị rách toạc ra.
Trong khi con tàu bị rung lắc dữ dội, trọng tâm tôi bị nghiêng về phía sau, thân người loạng choạng va vào khoang thuyền, không ngờ con thuyền này chẳng chắc chắn chút nào, mới va một cái mà người tôi đã lọt cả vào bên trong tấm ván gỗ màu trắng đó, làm toác ra một cái lỗ lớn.
Tôi lấy làm kỳ quái, ngoảnh đầu liếc nhìn, chỉ thấy ở chỗ hõm bị tôi va phải ấy đang chảy ra từng dòng từng dòng máu tanh tưởi. Khoang thuyền này không ngờ chẳng phải bằng gỗ, mà dùng giấy bìa trắng phết hồ bồi lên. Shirley Dương trông thấy có máu bẩn chảy ra, sắc mặt cũng tái mét, vội cuống cuồng đưa tay kéo tôi đứng dậy. Tôi cũng phát hiện ra khoang tàu này có điều kỳ lạ, bèn gấp rút nói với cô: “Mau trở về, trở về mau, con tàu này làm bằng giấy bồi, là thuyền giấy đốt cho vong hồn chết trên biển đấy.”

Chương 13: Họa ập xuống đầu

Mặt biển phẳng lặng bỗng nhiên cuồn cuộn sóng, thân tàu lắc lư dữ dội, tôi đứng không vững, loạng choạng đổ ngửa ra sau, đập lưng vào khoang tàu. Chỉ nghe “rắc rắc” mấy tiếng, không ngờ đã làm lõm cả ván gỗ vào trong. Cú va chạm không nhẹ, nhưng tôi chẳng hề cảm thấy đau đớn chút nào, chỉ thấy như đập phải một cái vỏ giấy rỗng không.
Tôi nghi hoặc ngoảnh đầu, ở chỗ gần cửa khoang tàu bị tôi đụng phải toác ra cả mảng lớn. Không phải vì ván gỗ làm khoang tàu không đủ chắc chắn, mà chỗ cửa khoang ấy vốn chỉ được hồ bằng bìa cứng, nếu chẳng phải Shirley Dương vươn tay ra kéo tôi lại, rất có thể tôi đã ngã lộn cả người vào trong khoang tàu rồi. Bên trong cái lỗ tôi vừa húc cho rách toang ra đó, chỉ thấy tối đen như mực, không nhìn rõ có thứ gì, mùi máu tanh nồng nặc ộc lên đến lộn mửa. Con tàu rung lắc một chặp, máu bẩn liền từ chỗ rách lại tiếp tục trào ra.
Giữa biển cả mênh mông sao lại xuất hiện một con tàu bằng giấy bồi thế này? Tôi còn nhớ, vùng duyên hải Trung Quốc có tập tục thả “thuyền Đại Thử” tiễn ngũ thánh về biển: vào ngày Đại Thử[26] người ta đưa tàu thuyền ra biển, để mặc cho nó tự trôi; ngoài ra, ở đó còn có một phong tục đặc biệt, tương tự như tục đuổi ôn dịch ôn thần trong nội địa, mỗi khi có bệnh truyền nhiễm lây lan, người ta cũng tổ chức hoạt động đưa tàu thuyền ra biển kiểu vậy, chủ yếu sử dụng tàu cũ bỏ đi, mục đích là để đuổi ôn dịch, tiễn ôn thần. Thông thường, những con tàu cũ kiểu ấy đều được hồ giấy trắng, đồng thời đặt rất nhiều tiền giấy, người giấy bên trên. Ngoài ra, các thứ thiết bị dụng cụ trên tàu cá hay tàu buôn như đao, thương, súng pháo... nhất nhất đều có đủ, duy có gạo trắng là chỉ được để nhiều nhất một cân. Tất cả những thứ ấy đều do những người đi biển quanh vùng quyên tặng, quyên được càng nhiều thì ôn thần đi càng xa. Những con tàu kiểu này thông thường đều đặt xác của những người mắc bệnh dịch, nhiều khi cả thuyền đầy xác chết. Sau khi nghi lễ kết thúc, tàu được kéo ra khơi xa rồi châm lửa hóa đi.
Trước giải phóng từng xảy ra một chuyện: ở thị trấn sát biển nọ có một tiệm gạo. Đêm hôm khuya khoắt, đột nhiên có khách đến muốn bán gạo. Vì trời đã tối, nên chủ tiệm không nhìn rõ tướng mạo của người khách ấy thế nào, chỉ biết là hình như khách mặc áo dài, kiểu dáng rất quái dị, hơi giống như đồ của người chết mặc. Hơn nữa, vị khách còn bốc lên một thứ mùi tanh tanh mặn mặn như mùi xác thối, hỏi duyên cớ làm sao, khách đáp rằng, trên thuyền có mang theo thịt lợn, đường xa sợ bị hỏng nên đã ướp thịt tươi với muối giống như ướp cá. Nhưng không ngờ, vì trời quá nóng, thịt đã ủ muối rồi vẫn bị rữa ra đến nỗi bốc mùi thối khắm, đợi khi trời sáng sẽ tìm chỗ xử lý sau. Chủ tiệm gạo là kẻ hám lợi, thấy người kia bán gạo giá rất rẻ, chỉ có điều túi đựng gạo cũng hơi có mùi thối, lại kể cả gạo ám mùi thịt thối cũng chẳng sao, trộn với gạo khác đem bán chắc không ai phát hiện được, vậy nên cũng không hỏi han gì nhiều, lập tức đốt đèn lồng nhận gạo, sau đó bảo mấy đứa sai vặt trong tiệm khuân vào để trong sân hong gió một đêm, hôm sau mới cho nhập kho. Ai ngờ sáng sớm hôm sau ra xem, mấy chục bao gạo để trong sân đều đã không cánh mà bay, chỉ còn lại một nắm vương vãi khắp mặt đất, thu lại tổng cộng chưa đến một cân. Bấy giờ tay chủ tiệm mới biết tối qua mình gặp ma, mua vào thứ gạo của người chết trên thuyền bệnh dịch, không dám kể lại với ai, chưa đầy ba ngày sau, trong thị trấn liền phát sinh dịch bệnh, chết mất gần một nửa số người.
Hồi ở Phúc Kiến, tôi đã từng nghe truyền thuyết này không chỉ một lần, phàm người nào kể chuyện cũng bảo sự việc trăm phần trăm là thật, có điều không xảy ra ở Phúc Kiến, mà hình như ở nơi nào đó miền ven biển Giang Chiết, cũng là chuyện cũ từ thời Dân Quốc rồi. Bấy giờ tôi vẫn còn nhỏ, thế giới quan còn chưa trưởng thành, cực kỳ thích nghe những chuyện ma quái kỳ dị kiểu như vậy. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ như in, nhiều lúc bất giác nghĩ tới chuyện có cương thi trên tàu ma ban đêm mò vào tiệm gạo truyền dịch bệnh, sau gáy không khỏi lành lạnh. Bởi thế, vừa trông thấy khoang tàu làm bằng giấy bìa bồi, tôi sực nghĩ ngay đây là tàu ôn dịch, không hiểu có phải tại nó bị tách ra khỏi con tàu kéo, rồi trôi theo dòng biển đến nơi này hay không?
Đó là ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong óc tôi, nhưng phong tục đuổi ôn dịch kiểu ấy chẳng phải đã bị trừ bỏ từ lâu lắm rồi sao? Nhất thời, tôi cũng không sao nghĩ thông được. Có điều, ý thức rằng đây là con tàu ôn dịch đã bén rễ vào tâm thức, cho rằng nơi này tuyệt đối chẳng phải đất lành gì, ở lâu không chừng lại còn bị truyền nhiễm ôn dịch của xác chết trên tàu, tôi chẳng kịp nghĩ gì đến việc quan sát kỹ càng, vội vàng gọi Shirley Dương mau chóng trở về tàu Chĩa Ba.
Shirley Dương chọc chọc thanh đao xuống sàn tàu dưới chân, thấy phát ra âm thanh “cộc cộc” của gỗ, bèn nói với tôi: “Trên biển sao lại có tàu thuyền bằng giấy được? Cả con tàu này chỉ có chỗ cửa khoang ấy là dùng giấy bồi bịt lại thôi, nếu cả tàu đều hồ bằng giấy thì sớm đã bị sóng biển nhấn chìm từ lâu rồi.”
Tôi tự nhủ, cái cô nàng Shirley Dương tuy rằng kiến thức rất rộng, nhưng dù sao cũng được giáo dục theo kiểu bên Mỹ. Nước Mỹ đấy tổng cộng được bao nhiêu năm lịch sử chứ? Đương nhiên không thể biết Trung Quốc đất rộng người đông, từ xưa đã có vô số phong tục kỳ dị trong dân gian rồi. Có điều, tình thế trước mắt vô cùng khẩn cấp, tôi đâu còn kịp giải thích rõ ràng cho cô hiểu, vả lại, lúc này mặt biển mù sương, yêu khí nặng nề, chỉ sợ trong khoang thuyền rỉ máu bẩn kia không dưng lại nhảy ra một tên bán gạo thì chết toi. Nghĩ đoạn, tôi không nói nhiều nữa, vội lập tức kéo tay cô chạy ra chỗ mạn tàu.
Sóng biển dần cuộn dâng, nửa tấm lưới cuối cùng mắc míu hai con tàu lại với nhau dẫu không chặt thì cũng sắp bị kéo đứt toác ra đến nơi rồi. Tuy nhiên, để đề phòng xảy ra chuyện ngoài ý muốn, Shirley Dương vẫn vung thanh đao trên tay lên chặt đứt toàn bộ dây lưới. Hai con tàu lắc lư lắc lư, càng lúc càng tách xa nhau, tấm ván bắc cầu đã rơi xuống biển. Thuyền trưởng Nguyễn Hắc điều khiển tàu Chĩa Ba tiếp ứng, gắng sức để nó áp sát con tàu ba cột buồm. Mấy người trên tàu đều ngoác miệng lên hò hét gọi chúng tôi, rồi lần lượt quăng sang hai sợi dây thừng đầu buộc vào phao cứu sinh. Tôi thuận tay văng thanh đao đang cầm đi, tóm chặt lấy phao cứu sinh. Phỏng chừng, muốn quay lại tàu Chĩa Ba, cũng chỉ còn cách đánh đu qua mặt biển như khỉ thôi.
Boong tàu cách mặt biển rất gần, nhưng Đa Linh và Cổ Thái đều rất kinh nghiệm. Bọn họ trước đó đã quăng dây lên chỗ cao ở trên nóc khoang tàu trước rồi, tôi bám dây thừng đu qua cũng chưa đến nỗi phải chạm xuống nước. Tôi đang định hành động, thì chợt nghe Tuyền béo vừa kêu la om sòm vừa chiếu đèn pha xuống mặt biển, dường như trong nước có thứ gì đấy. Tôi cúi đầu nhìn xuống, không khỏi hít vào một hơi khí lạnh, lòng thầm run lên. Trên mặt nước toàn là vây lưng của bọn cá mập. Bọn chúng bị mùi máu tanh thu hút, đang từ khắp bốn phương tám hướng đổ tràn về, số lượng cực nhiều, cứ vây lấy con tàu mà bơi vòng quanh. Có lẽ bởi hưng phấn quá độ, bọn chúng bơi rất nhanh, thoạt nhìn hoa hết cả mắt. Ngộ nhỡ chẳng may mà rơi xuống nước, chỉ trong giây lát ắt sẽ bị chúng xé ra thành muôn mảnh.
Người có gan mấy nhìn thấy lũ cá mập này cũng phải lạnh xương sống, với tốc độ và hàm răng sắc nhọn hơn cả lưỡi dao trong miệng chúng, lỡ rơi xuống nước có khác nào con dê rơi giữa bầy hổ đói đâu. Shirley Dương lại càng biết rõ đàn cá mập ngửi được mùi máu thì đáng sợ nhường nào, kinh hãi biến sắc kêu lên: “Chúa ơi, anh Nhất, phải cẩn thận đấy, tuyệt đối không được để rơi xuống.”
Không cần cô phải nhắc tôi cũng biết thế rồi, nhưng bản thân tôi cũng không thể không nhắc nhở cô: “Cô cũng không được do dự, lúc đu qua không được nhìn xuống biển...” Lúc này, con tàu ba cột buồm lại dập dềnh mạnh hơn, khoảng cách giữa hai tàu lại thêm một lần nữa xa ra. Vì có nước biển tràn vào, chân thuyền phía bên này vốn đã nghiêng hẳn đi, vả lại, khoảng cách càng xa, thì khả năng rơi xuống nước lúc đu dây qua tàu Chĩa Ba sẽ càng lớn, không còn thời gian để tôi chuẩn bị tâm lý đầy đủ nữa rồi. Giờ có muốn cùng đu qua một lượt cũng không được, cần phải có một người đẩy người kia lên, tăng độ cao so với mặt nước và sàn thuyền, giảm khả năng lúc đu dây qua bị chạm sát sạt mặt nước. Tôi kéo Shirley Dương lại nói: “Cô qua trước đi, tôi giúp một phần sức...”
Shirley Dương cuống quýt nói: “Không được, anh không được làm bừa, rồi anh làm sao đu qua được?” Trong khoảnh khắc sinh tử tồn vong phải tranh thủ từng phút từng giây này, tôi không hề có ý định đợi cô nàng nói hết câu, lập tức ôm chân cô nâng lên dồn sức đẩy thật mạnh. Thân thể Shirley Dương khá nhẹ, cô ôm chặt phao cứu sinh buộc trên sợi thừng được ném qua, “soạt” một tiếng lướt qua mặt nước. Vừa chạm vào xuồng cứu sinh treo bên thân tàu Chĩa Ba, cô lập tức dùng cả tay lẫn chân bám vào, leo lên mạn tàu, đoạn quay người gọi tôi: “Mau qua đây, con tàu đó sắp chìm rồi!”
Nhưng lúc này, hai con tàu theo làn sóng dập dềnh đã lại tách xa ra thêm một quãng. Vừa nãy, tôi giúp Shirley Dương đu qua mặt biển, bèn bỏ tạm cái phao cứu sinh của mình sang bên cạnh, không kịp tìm chỗ nào chắc chắn cố định lại. Hai con tàu vừa kéo dãn khoảng cách, phao cứu sinh liền bị dây thừng kéo rơi xuống nước. Tuyền béo và Cổ Thái thấy vậy đều cuống hết cả lên, đứng trên boong tàu giẫm chân bình bịch. Họ vội kéo dây thừng lôi cái phao cứu sinh rơi xuống nước lên tàu, định quăng sang phía tàu bên này lần nữa. Nhưng khoảng cách đã quá xa, cái phao quăng lên rồi lại rơi xuống biển.
Dưới đáy con tàu ba cột buồm bị đâm toác một lỗ lủng lớn, nước biển cuồn cuộn đổ vào, thân tàu đã nghiêng hẳn sang một bên rồi mà không hiểu sao chẳng những không chìm xuống, ngược lại còn bắt đầu đung đưa lúc lắc. Tựa hồ như dưới đáy biển có thứ gì to lớn lắm đang kềm chặt phần đáy tàu vậy. Cứ thế này lắc lư thêm vài cú nữa, con tàu vốn không lấy gì làm chắc chắn này sợ rằng sẽ long rời ra mất.
Tôi thấy khoảng cách mỗi lúc một xa dần, trong màn sương, sớm đã không còn nhìn rõ diện mạo của mấy người bạn đồng hành, tàu Chĩa Ba dần dần biến mất sau vùng mờ mịt. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng họ ra sức kêu gào, đầu óc đờ đẫn, chẳng biết họ đang la hét cái gì nữa, chỉ là nghe những âm thanh đó, không hiểu sao trong lòng rất chua xót. Cảm giác lẻ loi cô độc bất giác dội lên. Lẽ nào mình phải chôn thân nơi đáy biển cùng con tàu ma này? Thân tàu không ngừng lắc lư dữ dội, máu bẩn trong khoang cứ thế trào ra, tràn trên sàn tàu, chảy xuống biển. Tuy trong sương mù không có đèn chiếu sáng, khó có thể nhìn rõ mặt biển, nhưng chỉ cần nghe tiếng quẫy nước như trong nồi chần bánh chẻo là biết lũ cá mập vây quanh đông vô số kể rồi.
Trên tàu chẳng có đèn lửa, chỉ lẻ loi một ngọn đèn bão lẻ treo tít đỉnh cột buồm. Tôi đưa mắt nhìn quanh quất, cơ hồ chẳng tìm được gì, đành ôm cột buồm chính để giữ ổn trọng tâm, bật cái đèn pin tụ quang cỡ nhỏ mang theo bên mình lên. Rốt cuộc cũng có được một chút ánh sáng rồi. Tôi chiếu vào chỗ cửa khoang bồi bằng giấy bị mình đụng thủng toạc ra, khoang tàu màu trắng đã be bét máu bẩn, không còn diện mạo ban đầu nữa. Tôi thầm nhủ, chi bằng trước khi chết thử coi trong khoang kia có cái gì mà chảy ra nhiều máu thế. Khi nào xuống dưới đó, mấy bác Mác, bác Mao có hỏi thì cũng biết đường mà báo cáo sự thật, không đến nỗi đụng đâu cũng lắc, đến chết vẫn hồ đồ. Con tàu trắng hệt bóng ma tựa như có sinh mạng, tổn thương chỗ nào là chảy máu chỗ đó, bảo là tàu trừ ôn dịch, đuổi ôn thần cũng không giống cho lắm. Tôi thật sự muốn biết con tàu quái quỷ này rốt cuộc là cái thứ gì?
Tôi cũng không biết tại sao cứ đến giờ khắc quan trọng cuối cùng, bệnh hiếu kỳ của tôi lại áp đảo cả nỗi sợ, thầm hạ quyết tâm, định xông vào trong khoang xem cho rõ ràng. Nhưng chân còn chưa kịp nhấc lên, thân tàu đột nhiên chìm xuống, tôi thầm mắng, mả cha nó, sao bỗng dưng lại chìm nhanh như vậy?
Rèn luyện trong cái lò rèn quân đội bao nhiêu năm nay, từng vô số lần liều mạng đi trộm mộ, gặp phải tình huống này, tôi dĩ nhiên không thể mở mắt trân trân chờ chết được. Tôi cắn chặt cái đèn pin, vội leo lên cột buồm. Tàu chìm đã nhanh, tôi leo còn nhanh hơn, “soạt soạt soạt” mấy tiếng đã leo đến đỉnh cột buồm rồi. Chỉ thấy trên dưới trái phải Đông Tây Nam Bắc bốn phương tám hướng mờ mịt sương, lại ầm ầm tiếng cá mập quẫy nước vẳng lên, làm tôi nghe mà trong lòng phát hoảng.
Tàu chìm mỗi lúc một nhanh, trong sương dày không thấy bóng dáng tàu Chĩa Ba của chúng tôi đâu. Tôi thầm nhủ, đã đến nước này chỉ có thể gắng hết sức, đợi bọn họ lái tàu quành trở lại cứu viện mà thôi, ngoài ra đành cầu thần khấn Phật cho tàu chìm chầm chậm một chút. Hồi nãy còn nghe thấy tiếng hò hét kêu gào, giờ thì tiếng gọi đã im bặt, hy vọng cũng trở nên xa xăm mờ mịt hơn nhiều, sợ rằng tôi không nhìn thấy ngày thắng lợi trở về nữa rồi. Tôi đang khổ sở chờ đợi cứu binh, thì mặt biển bên dưới bỗng chao đảo dữ dội, con tàu ba cột buồm đang bị nước tuôn vào ồng ộc đột nhiên lại trồi lên, như một chiếc lá liệng trong cơn gió, dập dờn lên xuống theo làn sóng, khi cao khi thấp. Phải chịu đựng một trận rung lắc xoay chuyển mãnh liệt, cây cột buồm tôi đang bám lắc la lắc lư, từ từ nghiêng đi như muốn gãy, xem chừng có thể đổ rầm xuống nước bất cứ lúc nào.
Chú thích
[26] Một trong hai mươi tư tiết khí, là khoảng thời gian nóng nhất trong năm ở Trung Quốc.

Nguồn doc.178vn.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved