Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

23 thg 12, 2013

Nguồn gốc một số thành ngữ thông dụng

Thanh  mai trúc mã (thanh mai là trái mai xanh, trúc mã là ngựa trúc) thành ngữ này dùng để chỉ sự đẹp đôi hoặc duyên nợ lứa đôi và nó có nguồn gốc từ bài Trường Can hành ( Xóm trường Can )của Lý Bạch. Bài thơ có 30 câu , có thể nói là một thiên diễm tình ( Khi tóc vừa buông trán /Hái hoa trước cổng chơi /Chàng cưỡi ngựa tre đến/Quanh giường tung trái mai /Trường Can cùng chung xóm /Cả hai đều thơ ngây/Mười bốn, về làm vợ /Thiếp còn e lệ hoài /Cúi đầu vào vách tối, /Gọi mãi, chẳng buồn quay /Mười lăm, mới hết thẹn /Thề cát bụi không rời /Bền vững lòng son sắt /Há lên Vọng phu đài /Mười sáu, chàng đi xa /Cù Đường, Diễm Dự đôi /Tháng năm không đến được /Vượn buồn kêu trên trời /Trước cổng vết chân cũ
/Rêu xanh mọc um đầy /Rêu nhiều không quét hết /Gió thổi, lá vàng rơi /Tháng tám bươm bướm vàng /Trên cỏ vườn bay đôi /Cảnh ấy đau lòng thiếp /Má hồng buồn phôi pha /Khi chàng xuống Tam Ba /Nhớ gởi thư về nhà /Thiếp sẽ mau đi đón /Đến thẳng Trường Phong Sa ). Nếu hiểu thành ngữ này ở phạm vi 6 câu thơ đầu thì chỉ là sự quấn quýt, gần gũi vô tư của con trai và con gái lúc còn thơ trẻ. Nếu ta liên hệ với 24 câu còn lại thì ta hiểu  đó là một mối tình nồng nàng, lâm ly, gắn bó đáng trân trọng.

Sư tử Hà Đông , một thành ngữ khá thông dụng dùng để chỉ người đàn bà hay ghen tuông ,hung hãn, đanh đá, ăn hiếp chồng, có lai lịch từ một bài thơ của Tô Đông Pha như sau:
Long Khâu cư sỹ diệc khả liên 
Đàm không thuyết hữu dạ bất miên 
Hốt văn Hà Đông sư tử hống 
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên 
( Thật đáng thương cho Long Khâu cư sỹ, miệng nói không nói có đêm ngủ không được, chợt nghe tiếng gầm rú của sư tử Hà Đông, gậy văng ra khỏi tay tâm thần hoảng loạn ).
 Long Khâu cư sỹ chính là Trần Tháo, có vợ là Liễu thị, một hôm ông thết đãi tiệc có ca kỹ đàn hát cho khách nghe, vợ ông nổi cơm tam bành lấy gậy đập vào tường, la hét om sòm làm khách bỏ về hết. Chính vì vậy mà mà Tô Đông Pha mới là thơ trêu ghẹo ông. Trần Tháo là cư sỹ, sư tử hống là một ẩn dụ mà kinh Phật dùng để chỉ tiếng thuyết pháp đầy uy nghiêm của Đức Phật để ám chỉ sự la hét của Liễu thị . Thật là độc đáo !


Gương vỡ lại lành ( phá cảnh trùng viên) một thành ngữ nói lên cảnh vợ chồng đã tan rã mà lại được sum họp, đoàn viên. Thành ngữ này xuất phát từ một bài thơ của Từ Đức Ngôn, một phò mã nước Trần .
Cảnh dữ nhân câu khứ 
Cảnh quy nhân vị quy 
Vô phục Hằng Nga ảnh 
Không lưu minh nguyệt huy. 
( người đi thì gương cũng đi, người về nhưng gương chưa về, bóng Hằng Nga đâu sao chẳng thấy, chỉ thấy ánh trăng mà thôi )
Vốn công chúa nước Trần tên là Lạc Xương, vợ của Từ Đức Ngôn, khi nước nhà tan rã hai vợ chồng chạy nạn. Trước khi chia tay, công chúa đập tấm gương soi làm hai mảnh, mỗi người giữ một mảnh, hẹn đến ngày thượng nguyên đem ra chợ Trường An bán để làm dấu hiệu tìm nhau. Phò mã chạy thoát còn công chúa thì bị Việt công bắt ép làm vợ. Tới đúng ngày rằm tháng giêng, Đức Ngôn đem gương ra chợ bán để tìm vợ và chàng thấy cũng có một người bán gương như mình. Đồng thời ghép thử hai mảnh gương vỡ thì vừa khít với nhau, chàng bèn làm bài thơ trên nhờ người bán gương đem về cho vợ. Công chúa Lạc Xương đọc thơ khóc nức nở. Việt công biết chuyện bèn trả vợ lại cho chàng. Vợ chồng đoàn tụ. Quả là gương vỡ lại lành.

Vật đổi sao dời ( vật hoán tinh di ) một thành ngữ dùng để chỉ sự thay đổi to lớn cảnh vật có nguồn gốc từ bài Đằng Vương cát nổi tiếng của Vương Bột
Đằng Vương cao các lâm giang chử 
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ 
Họa đống triêu phi Nam phố vân 
Chu liêm mộ quyển Tây sơn vũ 
Nhàn vân đạm ảnh nhật du du 
Vật hoán tinh di kỷ độ thu 
Các trung đế tử kim hà tại ? 
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu. 
( Gác Đằng Vương đứng cao ngất bên bờ sông, ngày nay không còn nghe tiếng tiếng ngọc vàng rung của những người ca vũ nữa, những cột lớn vẽ mây như mây Nam phố lúc buổi sáng, những bức rèm cuộn lên như những trận mưa chiều ở vùng núi Tây sơn. Bóng mây trên mặt đầm trôi đi mãi, vật đổi sao dời đã biết bao mùa thu rồi, các bậc vương tôn ngày xưa ở trong gác này giờ ở nơi đâu, ngoài hiên sông Trường giang cứ trôi đi ).
Nếu suy ngẫm kỹ bài thơ này ta sẽ hiểu sâu sắc hơn thành ngữ trên, một thành ngữ gợi nhiều góc độ tâm trạng hoài cổ, bâng khuâng, thương tiếc một cái gì đẹp đẽ đã qua.

Người đầu sông kẻ cuối sông , thành ngữ này dùng để chỉ sự cách trở xa xôi của hai người và có nguồn gốc từ một bài thơ tương truyền là của Lý Sanh, một người con trai đời nhà Châu, yêu người con gái là Dương Y, sau đó phải xa nhau. 
Nhân đạo Tương Giang thâm
Vị để tương tư bạn 
Giang thâm chung hữu để 
Tương tư vô biên ngạn 
Quân tại Tương Giang đầu 
Thiếp tại Tương Giang vỹ 
Tương tư bất tương kiến 
Đồng ẩm Tương Giang thủy 
( người bảo sông Tương sâu, nhưng chưa sâu bằng lòng thương nhớ, sông sâu còn có đáy, lòng thương nhớ thì không có bến bờ, chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, nhớ nhau mà không thấy nhau, cùng uống nước sông Tương )
 Thành ngữ này chẳng những chỉ sự cách trở bởi không gian mà còn nói  lên được cái hoàn cảnh trớ trêu của hai kẻ yêu nhau mà phải xa nhau vì một lý do nào đó, một nỗi ưu hoài vạn kiếp của thế thái nhân sinh. 

Một đi không trở lại ( nhất khứ bất phục phản ), thành ngữ này nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được và nó có xuất xứ từ bài Hoàng Hạc lâu bất hủ của Thôi Hiệu.
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 
Bạch vân thiên tải không du du 
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ 
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 
(Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất, chỉ còn trơ lại Lầu Hoàng hạc tại mảnh đất này. Hạc vàng một đi không trở lại, ngàn năm mây trắng vẫn bay dằng dặc, hàng cây đất Hán Dương rực rỡ bên dòng sông tạnh, cỏ thơm bãi Anh Vũ vẫn tốt tươi. Lúc trời chiều đứng trông về làng cũ tự hỏi : Quê hương ở chốn nào ? Khói sóng mịt mờ trên sông nước Khiến cho người nổi mối ưu sầu) .
Nếu hiểu được bài thơ trên thì ta thấy thành ngữ Một đi không trở lại không đơn thuần chỉ là sự lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được mà nó còn nói lên tâm trạng cảm hoài trước quy luật của trần hoàn tạo vật là không có gì tồn tại mãi mãi.....

Môi hở răng lạnh
Thời xuân thu, Tấn Hiến Công luôn muốn thôn tính nước Ngu và nước Quắc, ông triệu các đại thần tới thương lượng.
Đại phu Tuần Tức của nước Tấn hiến kế: “Ngu công là người rất hám tài, chúng ta lợi dụng luôn điểm yếu ngày của ông ta, tặng ông ta ngọc ngà châu báu, ngựa tốt, sau đó thỉnh cầu mượn đường của họ, Ngu công nhất định sẽ đồng ý!”
Tần Hiền Công lưỡng lự nói: “châu báu ngọc ngà, ngựa tốt đều là những vật yêu quý của ta!”
Tuần Tức liền nói: “sau khi chúng ta thôn tính được nước Ngu, thì những ngọc ngà châu báu, ngựa quý đều là của đại vương cả thôi.”
Cuối cùng Tấn Hiến Công cũng đồng ý mang châu báu và ngựa quỹ đem tặng Ngu Công, thỉnh cầu mượn đường đi qua nước Ngu để thôn tính nước Quắc. Ngu Công nhìn thấy những lễ vật mà nước Tấn mang tới thì quả nhiên lập tức đồng ý luôn lời thỉnh cầu của vua Tấn.
Đại phu Cung Chi Kỳ của nước Ngu lại cật lực phản đối, ông nói: “Đại vương, nhất định không thể nhận lời thỉnh cầu của nước Tấn được! đất của nước Quắc và nước Ngu liền kề nhau, phải nên tương trợ lẫn nhau, nếu không một nước gặp nạn thì nước kia cũng không thể thoát được. Giống như một người nếu như đôi môi bị mất đi thì răng sẽ bị lộ ra ngoài, môi hở thì răng lạnh mà! Nước Quắc là bình phong của nước Ngu, cùng nhau sinh tồn, nếu cho nước Tấn mượn đường đi đánh nước Quắc, nước Tấn thôn tính nước Quắc hôm nay thì ngày mai có lẽ là nước Ngu bị thôn tính!”
Ngu Công sau khi nghe những lời nói này của Cung Chi Kỳ thì coi như gió thổi qua tai. Ông ta tham lợi, nhận lễ của nước Tấn, không thèm để ý đến lời khuyên của Cung Chi Kỳ mà vẫn đồng ý cho nước Tần mượn đường thôn tính nước Quắc.
Chẳng bao lâu sau, quân Tấn thông qua nước Ngu, thôn tính được nước Quắc mà không gặp phải chút trở ngại nào. Trong khi khải hoàn trở về, quân Tấn cũng chẳng tốn chút công sức nào thôn tính luôn được nước Ngu.
Quân Tấn mang hết những châu báu và ngựa quý lần trước tặng cho Ngu Công về nước, tất cả được mang trả lại cho Tấn Hiến Công.
Tấn Hiến Công nhìn thấy châu báu của của mình trở về hết sức vui mừng nói: “châu báu vẫn là châu báu cũ, chỉ có ngựa là đã mọc thêm mấy chiếc răng.”
Nghĩa đen của câu thành ngữ này là không có sự che chở của môi, thì răng sẽ cảm thấy lạnh. Dùng để chỉ mối quan hệ mật thiết, có lợi cùng hưởng, có khó khăn thì cùng chia sẻ.
Có thể nói, Cung Chi Kỳ dùng câu thành ngữ “môi hở rằng lạnh” để khuyên Ngu Công, vận dụng sự so sánh này để nói lên sự quan hệ mật thiết, tương quan giữa hai nước, là rất hợp lý. Sự việc sảy ra đúng như những gì mà Cung Chi Kỳ lo lắng, điều này cũng không phải là không có cơ sở.

Chim sa cá lặn

Ngày nay mọi người đều hiểu thành ngữ này là một cách nói ngoa dụ để chỉ người đàn bà rất đẹp, giống như cách hiểu thành ngữ "hoa hờn nguyệt thẹn", tức đẹp tới mức hoa phải hờn vì kém sắc, trăng phải thẹn vì kém tươi. Nhưng thực ra ý nghĩa ban đầu của thành ngữ này không phải như vậy.
Trang Chu, hay thường gọi là Trang Tử, người đời Chiến Quốc, học thức rất uyên bác, không môn gì không biết. Trong sách "Nam hoa kinh", ông chép rằng: Mao Tường và Lệ Cơ là hai người đàn bà đẹp, cá thấy - chìm vào chốn hang sâu, chim thấy - bay cao (ngư kiến chi nhập thâm, điểu kiến chi cao phi). Ý Trang Chu muốn nói rằng mọi sự trên đời đều là tương đối. Mao Tường, Lệ Cơ tuy đẹp, song chỉ đẹp đối với người, chứ biết đâu trông thấy họ cá chẳng sợ mà lặn sâu, chim chẳng sợ mà bay cao? 

Người sau hiểu khác hẳn nguyên ý ấy của Trang Chu. Sách "Thông tục biên" dùng thành ngữ "trầm ngư lạc nhạn" tức "chim rơi cá chìm" để chỉ nhan sắc người đàn bà cực đẹp. 

Các nhà văn cổ điển của nước ta thường viết theo ý câu ấy: 

"Mặn mà chìm cá rơi chim" 

(Hoa Tiên) 

Hay: 

"Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn 
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa" 

(Cung oán)

Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng

Ngày trước ở nông thôn, tổng là đơn vị hành chính cấp cơ sở (theo cách nói bây giờ) bao gồm một số xã, nhiều tổng mới hợp thành một phủ (tương đương huyện bây giờ). Trong tổng, to nhất là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và bé nhất là anh mõ làng, tức là người đàn ông cùng đinh, không có tấc đất cắm dùi, chuyên đi làm thuê và kiềm nghề làm mõ. Hể có việc gì của làng: ma chay, đình đám, cưới xin thuế má thì anh mõ có trách nhiệm phải đi gõ mõ báo tin cho cả làng, cả xã biết. Anh mõ phải làm nhiệm vụ ấy như một nghĩa vụ với làng mà không được trả công, không được hưởng một quyền lợi gì cả. Ngoài một công cụ thông tin là cái mõ, ngày xưa còn cái tù và tức là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng. Việc dùng tù và đi thổi khắp làng, khắp tổng mà chẳng được hưởng lợi lộc gì chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. 
  
Thành ngữ trên thường được dùng trong tiếng Việt để nói cái ý những người làm việc công, và không được hưởng tí quyền lợi gì. 
  
Dần dà, thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng được mở rộng ý nghĩa ra. Tất cả những việc làm tốn công, vô ích vì không mang lại được hiệu quả gì đều có thể được ví bằng thành ngữ này. 
  
Gần nghĩa với thành ngữ này, trong tiếng Việt còn có thành ngữ ăn cơm nhà vác ngà voi.

Chờ được mạ, má đã sưng

Mạ, tiếng địa phương là mẹ. Thành ngữ "chờ được mạ, má đã sưng" có nghĩa là chờ được mẹ ra thì đã bị đánh sưng má rồi. Câu này có ý khuyên không nên ỷ lại, phải biết tự lực trong cuộc sống. Chờ được sự giúp đỡ của người khác, có khi đã bị thiệt hại rồi.

Thành ngữ này có lẽ đã xuất hiện ở địa phương dùng từ mạ để chỉ mẹ, cho nên khi thành ngữ này được "truyền khẩu" sang các vùng khác thì đâm khó hiểu và do âm vạ gần với mạ nên câu thành ngữ được tách thành một dị bản sai: "Chờ được vạ, má đã sưng". Mà nói như thế về ý nghĩa cũng có vẻ xuôi xuôi vì vạ là từ cổ, có nghĩa phạt (bắt vạ, ngả vạ) hoặc tai họa (bị vạ), nhưng lâu nay người ta đã hiểu vạ khác đi với nghĩa "được cuộc", "được kiện". Do đó thành ngữ này từ lâu cũng được dùng trong những trường hợp có chuyện "được thua". 

Nhưng thực ra, vạ với nghĩa cổ phạt và tai họa thì không phải là thứ mong được. Trong làng xóm xưa kia có lối phạt vạ những ai vi phạm lệ làng, trong đó có hình thức phạt là: cả làng kéo đến nhà người bị phạt để ngả vạ, nghĩa là bắt sự chủ làm cỗ cho mà ăn, nên được vạ là không chính xác. Người ta chỉ nói phạt vạ, bắt vạ, ngả vạ, gieo vạ, đổ vạ, nộp tiền vạ... 
Có sách từ điển định nghĩa chờ được vạ là "chờ được xét xử bồi thường". Định nghĩa như thế thật khiên cưỡng, thiếu chính xác.

Nguồn chimviet.free.fr ; e-cadao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved