Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

10 thg 12, 2013

Lý Trần Tình Hận - Ngô Viết Trọng - Chương 1-9

Chương 1:

Làng Lưu Xá thuộc phủ Hưng Hà là một làng lớn nằm gần biển. Hầu hết dân làng đều sống với nghề đánh cá. Làng này nổi tiếng làm ăn thịnh vượng, dân chúng phần đông vẫn dư ăn dư để. Cũng vì thế, thỉnh thoảng những bọn cướp từ đâu đâu lại đột xuất viếng làng. Không phải chỉ cướp bóc của cải, nhiều lần chúng còn giết hại các chức sắc, trai tráng, những người chống lại chúng và có khi chúng bắt theo cả con gái đẹp trong làng nữa. 

Một nhà hào phú địa phương, ông Trần Lý, thấy vậy bèn nghĩ ra cách thành lập những toán hương dũng võ trang để bảo vệ cho dân. Ông rước một ông thầy võ già có tiếng giỏi về dạy cho đám hương dũng ấy. Thanh niên trong làng vui vẻ, hăng hái học thêm nghề côn quyền rất đông. Trong số môn sinh, có một chàng trẻ tên là Độ, cháu gọi Trần Lý bằng bác, có thiên khiếu võ nghệ lạ thường đã làm vị thầy võ hết sức ngạc nhiên. Độ học đâu nhớ đó, lại có đầu óc biết biến hóa, phối hợp liên kết các thế võ với nhau rất hữu hiệu. Người ta càng ngạc nhiên hơn, vì trước đây, ông Trần Lý đã rước một thầy đồ về dạy chữ nghĩa cho con cháu nhưng Độ học lại nay thuộc mai quên rất là khổ sở. Qua mấy năm khổ học, Độ đành phải bỏ cuộc bút nghiên, chỉ còn nhớ lõm bõm vài ba chữ thông thường. 
Một hôm, người thầy võ nói với Trần Lý: 
- Sở học võ nghệ của tôi, trò Độ này nắm được hết rồi. Rất đáng khen, y còn trẻ mà có tính quả quyết, tự tin, lại thông minh, nhiều mưu lược, giỏi ứng biến. Y có thể tự phát triển sở năng, chắc chắn sau này y sẽ vượt tôi rất xa. Ông nên giao việc chỉ huy đám hương dũng này cho y, thế nào y cũng sẽ tạo được những kết quả tốt đẹp. Đám hương dũng này dưới sự trông coi của ông với sự giúp sức của trò Độ, thừa sức tự bảo vệ làng Lưu Xá. Tôi thấy Độ tướng mạo có vẻ phi phàm lắm. Trước sau cũng có ngày y sẽ lập được công danh hiển hách với đời. Tôi tuổi đã già và cũng đã cạn ngón nghề rồi, xin giã từ để về quê an dưỡng. 
Độ là con một trong gia đình, mồ côi cha sớm, từ nhỏ đã phải giúp mẹ lo việc làm ăn. Nhờ ở gần ông bác Trần Lý nên được dìu dắt, giúp đỡ nhiều trong cuộc sống. Ông Trần Lý rất thương Độ, coi Độ như con. Khoảng mười lăm mười sáu, Độ đã trở thành một kiện tướng trong làng dân chài. Thấy gia đình mọn mảy, bà mẹ đã nhiều lần thúc giục Độ sớm lo bề gia thất nhưng Độ cứ viện lẽ chưa tìm ra người vừa ý để thối thác. 
Sau khi người thầy võ ra đi, Độ trở thành người trực tiếp chỉ huy và cũng là người dìu dắt huấn luyện những lớp thanh niên kế tiếp. 
Trần Lý có hai người con trai đều đã lập gia đình là Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Trần Thừa tuy học cả văn lẫn võ nhưng không có gì nổi lắm. Tánh tình Trần Thừa quá chất phác, hiền hậu, ít ham muốn, đua tranh. Trần Tự Khánh năng nổ hơn anh, có đầu óc cầu tiến, ôm ấp nhiều tham vọng. Nổi bật nhất trong nhà là người con thứ ba tên Dung, một cô gái có sắc nước hương trời lại thông minh, nết na dịu dàng ai cũng thương mến. Ngoài ra, nàng còn có một giọng hát rất ngọt ngào, truyền cảm. Khó có một chàng trai nào không rung động khi gặp nàng... 
Ngày kia, có tin một bọn cướp đang ẩn núp ở vùng núi non làng Vân Thê, một làng giáp ranh với làng Lưu Xá. Chúng vẫn hay xuất hiện bất ngờ cướp giựt khách đi đường hoặc tấn công một vài nhà khá giả. Độ bàn bạc với anh em rồi sau đó xin với ông bác dẫn một đội hương dũng Lưu Xá đi giúp làng Vân Thê diệt cướp. Trần Lý ái ngại nói: 
- Chúng không dám đến quấy phá mình là được rồi. Đi như vậy vừa tốn kém, vừa mệt sức anh em, có chuyện gì xảy ra mình lại phải gánh trách nhiệm nữa, bác thật không muốn chút nào. 
Độ hăng hái thưa: 
- Đây là cháu trình bày theo ý nguyện của hầu hết anh em chứ không phải ý riêng của cháu. Cháu nghe thầy có dạy "nhánh cây còn nhỏ mà không chịu bẻ, sau này phải dùng tới cái búa lớn mới chặt được"*. Nếu mình không giúp dân làng Vân Thê trừ lũ cướp ấy đi, sau này chúng lớn mạnh thêm, biết đâu chúng chẳng tìm tới mình? Lúc ấy biết đâu mình không còn đủ sức chống nổi chúng thì sao? 
Thấy Độ nói có lý, Trần Lý nói: 
- Các cháu đã muốn đem chuông đi đánh xứ người thì phải gắng cho nên việc, đừng để phải mang tiếng! 
Độ mừng rỡ: 
- Bác cứ tin chúng cháu sẽ đánh tan tành bọn cướp ấy! 
Thế là Độ dẫn đầu một đội hương dũng mở cuộc viễn chinh đầu tiên trong đời. 
Trước ngày đội hương dũng lên đường, Trần Lý cho mở một bữa tiệc tiễn hành để chúc họ thành công. Bọn trai tráng vui vẻ ăn uống rồi ca múa um sùm. Trong lúc rượu ngà ngà, một chàng trai nói: 
- Ngày mai anh em hương dũng chúng con sẽ ra trận lần đầu. Bác Cả cho chúng con ăn uống như thế này cũng đã thỏa thuê lắm. Tuy thế, để anh em lên tinh thần, chúng con mong được bác Cả tặng thêm một phần thưởng nữa! 
Ông Trần Lý nhìn chàng trai cười hỏi: 
- Vậy chứ các cháu còn muốn ta thưởng cái gì? 
Chàng trai cười cười rồi nói: 
- Thưa bác Cả, chúng con nghe nói Trần tiểu thư có giọng hát rất hay. Mong bác cho tiểu thư ra hát cho anh em chúng con nghe một bài! 
Bọn trẻ nghe bạn đề nghị như thế vỗ tay rần rần. Ông Trần Lý trong lúc vui vẻ, không ngần ngại quay lại bảo người nhà: 
- Hãy vào gọi tiểu thư ra ta bảo! 
Lát sau, một thiếu nữ thân hình thon thả với gương mặt hết sức kiều diễm yểu điệu bước ra. Ông Trần Lý vẫy tay gọi con gái lại gần nói: 
- Con hãy lựa bài hát nào ưng ý hát thật hay cho chú bác và anh em nghe! 



Tiểu thư Dung vâng lời cha, bắt đầu cất tiếng hát. Quả thật tiểu thư có cái giọng oanh vàng thiên phú đã làm toàn thể cử tọa, nhất là bọn trai trẻ ngất ngây thưởng thức, vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Nhân lúc hứng khởi, muốn cho buổi tiệc thêm phần sinh động, ông Trần Lý giữ nàng ở lại để rót rượu mời các vị chức sắc trong làng. 
Sự xuất hiện giúp vui của Trần tiểu thư đã kích động mạnh mẽ trong lòng các chàng trẻ. Sau khi Trần tiểu thư hát xong, bọn trẻ đã tự động lần lượt thi nhau trổ tài. Dù ở đây không phải là một cuộc thi đua thực thụ, trong thâm tâm mỗi chàng trẻ đều quyết đem tài nghệ riêng của mình phô trương để vượt lên những người khác, mong lọt được mắt xanh cô con gái chủ nhà. Kẻ hát, người ngâm thơ, người đi quyền, kẻ múa kiếm... đủ điệu. 
Trong khi trổ tài, các chàng trẻ ngoài ý đồ lấy lòng chủ nhân lẫn con gái chủ nhân, họ còn muốn lấy lòng cả chàng Độ nữa. Vì Độ là em họ của tiểu thư Dung, họ thầm mong được Độ lưu ý, thầm mong được Độ đứng ra làm môi giới cho mình... 
Tới phiên chàng Độ trổ tài côn quyền thì tuyệt nhiên không có đối thủ. Nhiều người phải tiếc giùm cho chàng, một kẻ tài ba như thế lại không thể là đối tượng của giai nhân - vì sự liên hệ máu huyết. 
Khi tiệc tàn, tiểu thư Dung phụ với mấy người nhà lo việc dọn dẹp. Lũ hương dũng lần lượt kéo nhau ra về, chỉ còn Độ, nấn ná ở lại dọn dẹp bàn ghế giúp mặc dầu lúc ấy Độ đã xoàng xoàng. Đang làm việc, đột ngột Độ quay lại nói với tiểu thư Dung: 
- Này chị Dung, hôm nay sao chị đẹp quá, đã đẹp mà lại hát quá hay, trông chị chẳng khác chi tiên giáng trần! Mà này, tại sao trời lại bắt chúng mình phải làm họ hàng với nhau nhỉ? 
Thật là một câu hỏi lạ tai! Tiểu thư là người thông minh, qua một giây chưng hửng, nàng đã đoán hiểu được phần nào hàm ý câu hỏi của người em họ. Tuy nghĩ những lời đó có phần nào xúc phạm tới nàng, nhưng nàng cũng cảm thấy có chút gì ngộ ngộ hay hay. Phải xử sự sao đây? Cậu ấy say rồi, để cậu ấy nói năng lung tung không tiện - nghĩ thế rồi tiểu thư Dung nói với Độ: 
- Hôm nay cậu say mệt rồi, nên về nhà nghỉ sớm để ngày mai còn ra tay làm việc nghĩa! Bây giờ công việc cũng sắp xong, để bà quản làm một mình cũng được. 
Nói xong, tiểu thư quay người làm ra vẻ mệt mỏi muốn đi nghỉ. Độ tần ngần giây lát rồi giã từ ra về. 
Tiểu thư Dung về phòng riêng nằm suy nghĩ lung lắm. Tại sao Độ lại cắc cớ hỏi câu hỏi ấy? Hắn ta say đến mất sáng suốt hỏi tầm bậy hay có chủ ý thật? Nàng sống gần gũi Độ từ lúc còn tấm bé. Tuy Độ lớn hơn nàng hai tuổi nhưng lại là con ông chú nên phải gọi Dung bằng chị. Bình thường, lúc nào Độ cũng tỏ ra kính trọng và rất mực chiều chuộng nàng. Khi Dung gặp việc phải nhờ cậy đến Độ, bao giờ Độ cũng sẵn sàng làm không quản ngại khó khăn. Nhưng thời gian gần đây, đã nhiều lần Độ có thái độ khác khác với nàng. Đặc biệt có mấy lần Dung hỏi ý kiến Độ về mấy chàng trai hay gạ gẫm Dung, Độ chưa khi nào tán thành một ai cả. Giờ Độ phát ra những lời như vậy Dung đã hiểu được một phần! Thật sự trong lòng tiểu thư Dung cũng thương mến Độ lắm. Nàng cũng nhận thấy ở người em họ này có cái vẻ trội vượt người khác. Nhưng nghĩ đến nề nếp đạo lý thì nàng lắc đầu sợ hãi. Dân Đại Việt xưa nay vẫn có truyền thống cấm tiệt người cùng họ lấy nhau. Đó là một tội rất lớn đối với xã hội: tội loạn luân. Những người vì lý do nào đó đưa đến lầm lỡ đều bị xã hội lên án gay gắt, nếu không chịu chết thì cũng phải bỏ xứ mà đi. Gia đình liên hệ với người phạm tội cũng bị trừng phạt rất nặng: Chính gia trưởng phải mang lễ vật ra trước quan viên làng xã để xin lỗi. Người ta coi đó là một vết nhục lớn cho tổ tiên, cho gia tộc. Phải chăng Độ đang manh nha cái tư tưởng phiêu lưu như vậy? Dung vẫn mong đây chỉ là một lời ngông cuồng của Độ trong cơn say hoặc chính Dung nghe lầm... 
* 
Đội hương dũng Lưu Xá ra đi mới hai ngày đã đưa về làng được một cái tin rất phấn khởi. Lần đầu tiên ra trận của đội đã thành công. Bọn cướp ở làng Vân Thê phải để lại ba tên bị thương phải giải lên quan còn bao nhiêu bỏ sào huyệt chạy thục mạng để trốn thoát. Người ta cũng cho biết là chàng Độ đã tả xung hữu đột giữa chiến trường tưởng chẳng khác Triệu Tử Long ngày trước. Dân chúng làng Vân Thê vô cùng cảm động trước nghĩa cử của đám hương dũng Lưu Xá. Họ đã tổ chức một tiệc liên hoan lớn ăn mừng với các dũng sĩ Lưu Xá để tỏ lòng biết ơn những dũng sĩ này. 
Tin này cũng làm cô tiểu thư họ Trần mừng rỡ bồi hồi . Nàng đã nghĩ không lầm. Độ quả thật là một người xuất chúng, vượt hẳn hai ông anh ruột nàng. Tính tò mò khiến trong đầu nàng dậy lên vài câu hỏi. Tại sao hôm ấy mình không nán lại thăm dò thử Độ muốn nói gì cho biết? Cách cư xử hôm ấy của nàng có làm Độ buồn không? Và nàng cũng lại thắc mắc chính câu hỏi của Độ hôm trước: 
- Ừ, tại sao trời bắt ta và Độ họ hàng với nhau nhỉ? 
Nghĩ đến đây Dung lại lắc đầu cười một mình. 
Thế rồi khi chàng Độ trở về, tiểu thư Dung đề nghị với cha nàng tổ chức một bữa tiệc ăn mừng thắng trận để thưởng công đội hương dũng Lưu Xá. Ông Trần Lý nghe con gái nói hợp lý thì bằng lòng ngay. Thế là lần này chính tiểu thư Dung đứng ra lo cho bữa tiệc thịnh soạn hơn lần trước nhiều. 
Buổi tiệc đã được các chức sắc địa phương và đám hương dũng đến dự đông đảo với khí sắc vui nhộn, phấn khởi vô cùng. Để mở đầu cuộc tiệc, ông Trần Lý tươi cười tuyên bố: 
- Đây là bữa tiệc do chính tiểu thư Dung thết đãi ông tướng Trần Thủ Độ và đoàn quân viễn chinh thắng lợi trở về! 



Lời nói của cha nàng chỉ mục đích đùa vui nhưng vô tình nó làm cho tiểu thư thấy ngường ngượng. Buổi tiệc phải nói là linh đình một phần nhờ cái hồn của nó. Món ăn thức uống nào cũng có vẻ ngon hơn thường tình. Mọi ánh mắt đều có quyền trông chờ, cầu may, hi vọng... Lần này tiểu thư họ Trần đã xuất hiện trước tiệc với vẻ e ấp, không được tự nhiên như lần trước. Mọi người thiết tha yêu cầu nàng hát nhưng nàng nhất định không chịu hát. Không ai hiểu vì sao một người hay hát, chịu hát lại từ chối hát trong dịp này. Hình như việc treo giá ngọc đó đã làm cho nàng tăng thêm cái vẻ tôn quí... 
Hãnh diện vì đã có được một đội hương dũng ngoài khả năng tự vệ lại còn có thể mở ảnh hưởng ra các làng lân cận, những vị chức sắc trong làng đua nhau vui chén đến say khướt cả. Ông Trần Lý cũng say mèm, người nhà phải dìu ông đi nghỉ trước. Các vị lớn tuổi khác cũng được đám con cháu lần lượt đưa về nhà. 
Đám hương dũng hầu hết vẫn còn muốn kéo dài cuộc vui. Mãi tới khuya, khi các bà vợ của Trần Thừa và của vài anh khác đưa chồng họ về nghỉ thì các chàng trẻ mới lần lượt về theo. Những người chưa lập gia đình, có lẽ ai cũng say sưa ngây ngất ra về với cõi lòng lâng lâng mơ màng tới nàng tiểu thư hoa khôi miền biển... 
Tiệc tàn, người nhà bắt đầu dọn dẹp. Nhưng giữa chiếu tiệc cũng còn một người chưa chịu về. Chẳng ai khác hơn cả, cũng chính là chàng Độ. Anh ta ngồi gục đầu có vẻ say lắm. Mấy người nhà đề nghị dìu anh về nhưng anh trả lời không sao, cứ mặc anh, chốc nữa anh tự về. Đối với gia đình này, Độ là cháu chắt thân tín, lui tới thường nên không ai thắc mắc. Anh đã nói thế thì họ cứ để anh ngồi đó. Tiểu thư Dung cho phép các người nhà đi nghỉ rồi khuấy một ly nước chanh mang lại cho Độ. 
- Này cậu Độ, cậu say lắm phải không? Tôi mang nước chanh lại cho cậu giải rượu đây, uống đi! 
Độ ngồi bật dậy, không còn vẻ gì là say cả, tươi cười: 
- Tại tiệc này chị Dung muốn đãi ông tướng Độ nên ông tướng Độ phải ở lại để cám ơn chị Dung chứ say gì! Mà nếu Độ này có say đi nữa thì cũng không phải là say rượu... Chị Dung biết Độ say gì không? 
Dung bật cười: 
- Cậu này khéo ỡm ờ thật! Thôi, khuya lắm rồi! Cậu uống ly chanh này cho khỏe rồi còn về nghỉ kẻo thím chờ! 
- Không, Độ sẽ chưa về nếu chị Dung chưa trả lời xong cho Độ câu hỏi hôm kia! 
Dĩ nhiên là Dung nhớ ngay, biết ngay là câu hỏi gì rồi nhưng nàng vờ vĩnh: 
- Cậu nói câu hỏi gì? Thím đang trông cậu thật đấy! 
- Chị nói thím trông gì? 
Dung ngập ngừng rồi bỗng đùa cợt: 
- Thím nói trông cậu... lo chuyện vợ con để thím sớm có cháu bồng! 
- Chị vẫn chưa trả lời câu hỏi của Độ. Chính vì sự mong mỏi của thím, Độ mới hỏi chị câu ấy đó. Tại sao trời lại bắt chị và Độ làm họ hàng với nhau? 
Giờ thì không còn chối cãi gì được nữa. Nhưng lúc này lời nói của người em họ tai quái ấy không còn làm phật lòng Dung như lần trước. Dung bối rối thật sự nhưng vẫn tiếp tục vờ vĩnh: 
- Họ hàng với nhau thì tốt chớ sao! Cậu không nghe nói một giọt máu đào hơn ao nước lã đó à! Họ hàng thì gần gũi nhau, thương mến nhau, khi hoạn nạn cứu giúp lẫn nhau, tại sao ông tướng lại không muốn? 
- Chị cứ nói lảng! Nếu Độ là ông tướng thật, Độ sẽ cải cách phong tục hết rồi. 
- Cậu muốn cải cách cái gì ra sao nói tôi nghe thử? 
Độ ngập ngừng: 
- Nếu Độ được nắm quyền, Độ sẽ cho phép... những người thương yêu nhau thật tình được lấy nhau..., không bị giới hạn bởi một tập quán nào hết. 
Dung giẫy nẩy: 
- Cậu nói tầm bậy rồi. Phong tục là đúc kết của kinh nghiệm qua bao nhiêu đời trước mà thành. Không lý tiên tổ mình lại nghĩ sai? Mà dù tổ tiên có sai mình cũng phải tôn trọng theo nghĩa lý làm người. 
Độ nói bằng những âm thanh như muốn nhũn ra: 
- Chị Dung nói vậy là chị Dung chưa hiểu sự đau khổ của những người đã yêu với một tình yêu vô vọng. Trời ơi! Yêu một người mà biết chắc không bao giờ được lấy người ấy ư! Thật là một sự đau khổ tột cùng! 
Nói xong câu đó, Độ thở dài. Lần này Dung không dám vờ vĩnh nữa, nàng xúc động thật tình: 
- Chị biết lòng cậu rồi. Nhưng như cậu đã biết, phong tục xã hội ta thắt ngặt lắm, gia pháp của bác lại rất nghiêm. Cậu phải bớt ngông, phải lấy lý trí mà đè nén tình cảm mới được. Thời gian sẽ giúp cậu vượt qua cơn bão lòng...! 
- Nhưng Độ muốn chị trong trắng mãi để Độ tôn thờ! 
Dung nói giọng nhỏ nhẹ nhưng cứng rắn: 
- Cậu không có quyền đó. Chị Dung cũng không có quyền đó. Chị còn có cha mẹ và chị nhất định phải tuân lời cha mẹ! 
Giọng Độ có vẻ xẵng: 
- Dĩ nhiên chị có quyền của chị! Nhưng Độ này nguyền sẽ giết sạch cả giòng họ đứa nào lấy chị sau này! 
Dung nghe Độ nói lời ấy thì sợ hãi lặng người. Cũng may vừa lúc ấy bà vú tuổi già ngủ không được thấy đèn phòng khách còn sáng thì bước ra: 
- Sao cô chưa đi ngủ? Ồ! Cậu Độ chưa về à? 
Dung khôn ngoan liền nói với bà vú: 
- Con mệt người và buồn ngủ lắm rồi vú. Vú chịu khó đợi khi cậu Độ về rồi đóng cửa giùm con! 
Trần Thủ Độ đành phải chào ra về. 

* 
Nghe tin đồn toán hương dũng làng Lưu Xá diệt được bọn cướp ở làng Vân Thê, làng Phú Cối - một làng khác cũng ở gần làng Lưu Xá - lại cho người sang cầu cứu. Thủ Độ lại một lần nữa làm tướng viễn chinh. Nhưng lần này, khi đám hương dũng Lưu Xá xâm nhập được vào sào huyệt lũ cướp thì chỉ còn thấy mấy cái chòi hoang. Chúng đã nghe danh đám hương dũng Lưu Xá, quá khiếp sợ sức mạnh của họ nên đã bỏ mà đi trước kịp thời. Những bọn cướp khác ở các làng lân cận thấy vậy cũng đều phải lo di chuyển đi xa, đổi địa bàn hoạt động hết. 
Nhờ sự lớn mạnh của đám hương dũng Lưu Xá mà cả một phủ Hưng Hà từ đấy trở nên yên ổn. Uy tín nhà hào phú Trần Lý lên như gió, vang dội cả một vùng. 

Tuy những bọn giặc cướp trong vùng không còn nhưng Trần Lý vẫn cho tiếp tục huấn luyện, phát triển lực lượng hương dũng Lưu Xá. Ông là người nhìn xa thấy rộng, đoán biết được thời cuộc sẽ phải xảy ra như thế nào. Ông tin rằng lực lượng của ông thế nào rồi cũng có lúc hữu dụng. 



Chương 2:


Sự nghiệp nhà Lý khởi đầu nhờ những vị anh quân dày công dựng nước, mở đất, cải tổ phong tục và phát huy văn hóa dân tộc hết sức mạnh mẽ. Những chiến công chinh Chiêm phạt Tống lừng lẫy một thời khiến các lân bang phải e dè kiêng nể. Nhưng đến đời thứ bảy, khi vua Cao Tôn lên trị vì, sự nghiệp nhà Lý bắt đầu tuột dốc. 
Vua Cao Tôn tên là Long Cán, lên ngôi năm Bính Thân*, lúc mới ba tuổi. Thời gian đầu nhờ sự phụ chánh của quan Thái phó Tô Hiến Thành, một vị quan văn võ toàn tài, thanh liêm chính trực, nên đất nước vẫn được yên bình. Đến năm Kỷ Hợi, Tô Hiến Thành mất, người thay thế ông là Đỗ Yên Di quá bất lực khiến việc triều chính trở nên suy bại, xã hội trở nên bệ rạc. 
Năm Bính Ngọ* thì vua Cao Tôn chính thức cầm quyền. Ngài là vị vua ít hiểu biết về chính trị, ham chơi vô độ không ai can ngăn nổi. Ngài cho xuất của công xây dựng nhiều nhà cao tường đẹp làm nơi vui thú riêng. Ngài thường chểnh mảng việc triều chính, dành nhiều thì giờ để ngao du khắp chốn. Mỗi lần đi chơi xa ngài lại đem nhiều phi tần cung nữ theo để vui đùa. Xe vua đến đâu mà nghe có thần linh, ngài đều phong hiệu, cho lấy của kho và truyền lệnh dân chúng đóng góp để lập miếu thờ. Quan lại các địa phương cũng nhân cơ hội này vơ vét thật nhiều, phần cung đốn cho nhà vua, phần tư túi. Dân chúng đói khổ uất ức chỉ biết kêu trời. Ngoài ra, ngài còn sai nhạc công dựa theo lời hát của các cung nữ Chiêm bị các tiên vương bắt đem về trước đây, chế ra khúc nhạc Chiêm Thành để sử dụng trong cung đình. Khúc nhạc này tiếng trong trẻo, ai oán buồn rầu khiến người nghe phải chảy nước mắt. Đến nỗi vị Tăng phó Nguyễn Thường phải than: "Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán, giận hờn. Nay dân nước loạn nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong". 
Mùa thu năm Kỷ Mùi* trời lụt lớn, lúa má ngập hết, khắp nước đói to. Mùa xuân năm Canh Thân* vua phải ra lệnh mở kho nhà nước để chẩn cấp thóc gạo cho dân chúng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. 
Thế mà năm Quí Hợi* vua lại cho xây gác Kính Thiên, một công trình to lớn hết sức tốn kém. Để có đủ tiền chi phí, vua Cao Tôn phải thi hành kế hoạch bán tước mua quan. Đến năm Mậu Thìn* lại mất mùa, đói to, nhà nước không còn thóc trữ để phát chẩn, người chết đói nằm gối lên nhau thật là khủng khiếp. 
Vì vậy dân chúng ngày càng oán hận triều đình. Giặc giã khắp nơi nổi lên như ong. Quân nhà Tống lẫn quân Chiêm Thành cũng thừa dịp cướp bóc quấy rối ở biên cương. 
Cũng năm Mậu Thìn, vua Cao Tôn cho Phạm Du ra coi việc quân ở châu Hoan. Phạm Du nhân cơ hội dân chúng đang đói khổ, bèn làm phản, thu nạp những kẻ vong mệnh và trộm cướp để chống lại triều đình. Mùa xuân năm sau (Kỷ Tị*), vua sai quan Phụng ngự Phạm Bỉnh Di đem quân đi đánh dẹp. Phạm Du thua trận phải chạy trốn. Phạm Bỉnh Di bèn tịch biên gia sản của Phạm Du đem đốt hết. Du căm tức ngầm sai người về Thăng Long đem vàng bạc đút lót cho Lý Kinh Hà, một viên quan thị đang được vua Cao Tôn tin dùng, nhờ y tâu dối với vua Phạm Bỉnh Di tàn ác giết người vô tội và bày tỏ oan trạng của mình. Với mánh lới ton hót của Lý Kinh Hà, vua Cao Tôn tin chuyện đó là thật. Ngài bèn cho người gọi Phạm Du vào chầu. Phạm Du đã trổ tài ăn nói làm cho vua hết sức tức giận Phạm Bỉnh Di. Thế rồi ngài cho triệu Bỉnh Di về triều. Khi Phạm Bỉnh Di về, vua chẳng thèm hỏi han phải trái, liền cho bắt ông cùng với con ông là Phạm Phụ giam vào ngục thất. 
Thấy chủ tướng có công lớn mà lại bị hàm oan, phó tướng Quách Bốc vô cùng bất mãn, bèn tuyên bố: 
- Trong triều có gian thần lộng hành thì tướng sĩ ở trận tiền không thể yên tâm đánh giặc. Chúng ta phải về kinh thỉnh cầu thánh thượng thả chủ tướng ra và trừng trị bọn gian thần mới được! 
Chúng quân nghe thế bèn hô lớn: 
- Chúng ta phải cứu chủ tướng! Chúng ta nhất định phải diệt bọn gian thần! 
Thế là chúng quân kéo ồ ạt về kinh thành. Bọn Lý Kinh Hà thấy vậy hoảng hốt lập tức tâu với vua Cao Tôn: 
- Nay chúng quân làm loạn chính là do ý đồ của Phạm Bỉnh Di. Như thế là tội trạng của Phạm Bỉnh Di đã rõ. Xin bệ hạ cho đem cha con Phạm Bỉnh Di giết ngay để tuyệt lòng chúng và tránh hậu hoạn! 
Vua Cao Tôn nghe tâu nổi giận phán: 
- Phạm Bỉnh Di đang ở trong ngục mà dám ngầm xúi quân sĩ làm phản thật tội lớn không thể tha thứ được! Vậy phải đem ngay y ra chém đầu bêu trước cửa thành để bọn phản loạn mất tinh thần mà rút lui! 
Thế là cha con Phạm Bỉnh Di đều bị hành hình. 
Quân sĩ của Quách Bốc thấy chủ tướng bị bêu đầu trước cửa thành thì càng thêm phẫn nộ. Chúng tấn công dữ dội vào thành Thăng Long. Quân giữ thành chống không nổi, vua Cao Tôn và con là Thái tử Lý Hạo Sảm mỗi người một đường tan tác chạy trốn... 
* 
Thái tử Lý Hạo Sảm, con vua Cao Tôn, cùng một đám tùy tùng bị giặc đuổi phải chạy miết về miệt Thái Bình. Khi chạy đến địa phận Ấp Hải, làng Lưu Xá, Thái tử bị một toán người có võ trang chận lại, một người quát hỏi: 
- Các người là ai? Đến đây làm gì? 
Thái tử Lý Hạo Sảm tái mặt than thở: "Mạng ta cùng rồi!". 
Cũng vừa lúc ấy, toán quân truy đuổi của Quách Bốc lố nhố xa xa đang kéo tới. Thấy đường cùng, Thái tử Sảm bèn nói với toán võ trang chận đường: 
- Ta chính là Thái tử Lý Hạo Sảm đây! Các ngươi muốn làm gì thì làm! 
Người cầm đầu toán võ trang nghe nói thất kinh, lập tức quì xuống trước mặt Thái tử. Những người khác cũng vội quì theo. Thái tử Sảm thấy vậy mừng như chết đi sống lại, liền khoát tay: 
- Vậy thôi khỏi làm lễ gì cả! Các ngươi thương ta thì cho ta chạy thoát qua đây kẻo bọn phản loạn đang đuổi tới kia rồi! 
Người cầm đầu toán võ trang chính là Trần Thủ Độ. Nghe Thái tử nói thế chàng liền đứng dậy với vẻ phấn khởi, hăng hái thưa: 
- Tôi là Trần Thủ Độ đây! Thái tử chẳng cần phải chạy nữa! Hãy ở lại xem chúng tôi giết bọn giặc này! 






Rồi Độ hô lớn: 
- Anh em ơi, hãy chuẩn bị chiến đấu! 
Mấy hồi tù-và rúc vang lên. Toán quân đuổi theo Thái tử cũng vừa đến nơi. Hai bên xáp lại đâm chém nhau dữ dội. Ban đầu thì toán võ trang địa phương hơi yếu thế vì ít hơn. Nhưng những toán thanh niên khác trong làng nghe tiếng tù-và báo động đã nhanh chóng kéo ra tiếp ứng mỗi lúc một đông. Toán quân truy đuổi liệu chống không nổi phải bỏ chạy sau khi đã để lại mấy xác chết. 
Một lát sau đó nhà hào phú Trần Lý dẫn một số chức sắc trong làng ăn mặc chỉnh tề kéo ra nghênh đón Thái tử Sảm. Họ mời Thái tử tạm nghỉ dưới một gốc cây cổ thụ rồi cho người dâng một mâm cơm rượu. Trần Lý thưa: 
- Bọn thôn phu lỗ mãng chúng thần ngàn năm một thuở mới có dịp chiêm ngưỡng được thiên nhan, chúng thần lấy làm hân hạnh lắm! Thái tử điện hạ vừa trải qua một chuyến bôn ba đường xa chắc hẳn đã thấm mệt. Chúng thần xin dâng chút cơm rượu hèn mọn xin Thái tử tạm dùng đỡ dạ. 
Thái tử Sảm vui vẻ nhận lời, ngài nói: 
- Bọn thuộc hạ của ta có lẽ cũng đói lắm. Các ngươi có gì cũng nên cho chúng chút ít. Ta sẽ không quên ơn các ngươi đâu! 
Trần Lý thưa: 
- Bẩm Thái tử, hạ thần đã cho người lo việc ấy rồi. 
Trong lúc Thái tử ăn uống, bọn Trần Lý cung tay đứng hầu chung quanh. Khi xong bữa, Thái tử bèn nói sơ lược tình hình cho mọi người nghe. Ai nấy tỏ ra lo ngại cho vua Cao Tôn, không biết giờ này ngài lưu lạc ở đâu, tình cảnh ra thế nào. Trần Lý lại thưa: 
- Nếu điện hạ Thái tử không chê tệ xá nghèo chật thiếu tinh khiết, hạ thần xin kính thỉnh điện hạ về đấy tạm nghỉ vài ba bữa để chờ nghe tin tức triều đình ra sao rồi lo tính sau. 
Thái tử nói: 
- Tính như vậy cũng được. Nhưng ta còn ngại bọn giặc sẽ kéo trở lại đây đông hơn để tìm ta. Các ngươi tính liệu thế nào về việc đó? 
Trần Lý suy nghĩ giây lát rồi thưa: 
- Điện hạ lo ngại như vậy rất có lý. Hay là điện hạ cho phép hạ thần tuyển mộ cấp thời một số dân đinh để làm vây cánh chống lại bọn giặc kia? Nếu mở rộng được thế lực, ta còn có thể xuất quân cứu giá Hoàng thượng khi cần hoặc kéo về tái chiếm kinh thành? 
Thái tử Sảm lộ vẻ vui mừng: 
- Ý kiến hay! Ta cho phép, nếu ông làm được như vậy thì tốt lắm! 
Thế là Trần Lý cho người em vợ ông là Tô Trung Từ cùng hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu là Trần Thủ Độ lập tức tỏa ra quanh vùng chiêu mộ dân binh. Chẳng bao lâu Trần Lý nghiễm nhiên trở thành tư lệnh một đạo quân khá hùng hậu làm Thái tử Sảm rất mừng. 
Mấy ngày sau thì người của Trần Lý dò được tin vua Cao Tôn đang lánh nạn ở Qui Hóa (Phú Thọ). Ở Thăng Long thì Quách Bốc đã tôn hoàng tử Thầm mới tám tuổi lên làm vua. Thái tử Sảm lo sợ hỏi Trần Lý: 
- Bây giờ ta biết làm sao? Lực lượng của ông có thể kéo về tái chiếm kinh thành Thăng Long không? 
Trần Lý đã vững lòng tin không ai dám xâm phạm làng Lưu Xá, hơn nữa, ông đã chuẩn bị cả hầm bí mật tại nhà để sử dụng khi cần, bèn thưa: 
- Lập hoàng tử Thầm lên ngôi tức Quách Bốc đã lo tranh chính nghĩa với chúng ta rồi! Việc tái chiếm Thăng Long lúc này là việc tối cần thiết. Nếu diên trì để Quách Bốc củng cố cơ sở được vững chắc rồi thì thật nguy. Vậy, xin điện hạ cho lệnh thần được kéo quân về Thăng Long càng sớm càng tốt. Hiện tại chưa rõ tình trạng Hoàng thượng thế nào, điện hạ là chỗ trông cậy của ba quân và dân chúng, không nên khinh xuất. Trong lúc hạ thần ra quân, xin điện hạ cứ tạm thời nương náu ở nhà hạ thần. Thần tin rằng sẽ có báo tiệp sớm về cho điện hạ! 
Thái tử Sảm nói: 
- Khanh nói vậy cũng phải, tạm thời ta vẫn ở lại đây một thời gian. Khanh hãy mau chuẩn bị xuất quân. Ta hi vọng sẽ nhận được báo tiệp của khanh sớm! 
Thế là Trần Lý lo chỉnh đốn lại đội ngũ, chuẩn bị kéo quân về kinh sư. 
Đạo quân của họ Trần với những người chỉ huy mưu lược, với nhiều tay võ nghệ thuần thục, với tinh thần dũng cảm, đã tiến rầm rộ về kinh với cái thế chẻ trúc phá ngói. Quân của Quách Bốc không bao lâu tan rã cả. Đó là vào cuối năm Kỷ Tị. 
Ổn định tình hình xong, Trần Lý cho người lên Qui Hóa (Phú Thọ) rước vua Cao Tôn hồi kinh. Tiếp đó ông lại cho người về làng Lưu Xá đón Thái tử Sảm. 
* 
Nói về Thái tử Sảm, khi đến nhà Trần Lý, được Trần Lý dành cho một căn phòng khá đầy đủ tiện nghi và đẹp đẽ để ở tạm. Căn phòng này trước kia ông đã dành cho vị thầy dạy con cháu ông học hành. Phòng cũng có một số sách do ông thầy để lại nên Thái tử có thể đọc giải khuây. 
Những người đi theo Thái tử cũng được sắp xếp chỗ ăn ở gần đó để họ dễ bề hầu hạ Thái tử. 
Tuy tạm yên thân, Thái tử vẫn hết sức lo rầu. Mãi đến khi ông Trần Lý tuyển mộ được một đội quân khá mạnh, Thái tử mới có chút sắc vui. Sau ngày Trần Lý kéo quân về kinh thành, Thái tử lại mất ăn mất ngủ hồi hộp trông ngóng tin tức. Sợ Thái tử lo rầu mà sinh bệnh, những người hầu tìm đủ cách để làm cho Thái tử khuây khoa. Một hôm, người hầu thân tín là Anh Huy thưa với Thái tử: 
- Xin điện hạ bớt âu sầu, biết đâu chuyến ở đậu nhà này lại chẳng là duyên lành của điện hạ! 
Thái tử ngạc nhiên: 
- Ngươi nói gì? Sao lại gọi là duyên lành được? 
Tên hầu Anh Huy nét mặt có vẻ cầu tài, thưa: 
- Bẩm điện hạ, hạ thần dò biết trong nhà vị hào phú họ Trần này có một giai nhân tuyệt sắc. Hạ thần thấy nàng xinh đẹp không thua kém gì những cung nữ bậc nhất ở kinh thành đâu. 
Thái tử ngạc nhiên, mắt sáng rỡ lên, hỏi: 
- Ngươi không trông lầm đấy chứ! Sao đã mấy ngày ta không hề thấy? 
- Bẩm, có lẽ họ ngại ngùng chi đó nên bắt nàng ẩn mặt. Từ hôm ông Trần và các con ông kéo quân về kinh thành, mọi việc trong nhà đều do Trần phu nhân và một bà vú điều hành hết. Tình cờ hôm kia, hạ thần thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp từ phòng Trần phu nhân vừa bước ra bị Trần phu nhân đẩy trở lại rồi khép cửa liền. Có lẽ đó là con gái của ông Trần... 
- Thật ư? Thế mà ở đây đã hơn mười ngày ta cứ tưởng nhà này không có con gái! Vậy, ngươi hãy kín đáo thăm dò mấy đứa ăn ở trong nhà coi thử đúng sai thế nào rồi cho ta hay! 
Anh Huy sung sướng thưa: 
- Hạ thần sẽ cố gắng hết mình! 
Ngay buổi chiều cùng ngày, Anh Huy thưa với Thái tử: 
- Bẩm điện hạ, hạ thần đã dò hỏi đích xác, nhà này quả thật còn có một người con gái út, nàng ấy tên Dung. 
Thái tử nghe xong nói: 
- Nếu thật như thế, về triều ta sẽ hậu thưởng cho ngươi! 
Hôm sau, Thái tử cho mời Trần phu nhân đến nói chuyện. Sau khi phu nhân làm lễ bái kiến, Thái tử hỏi thăm qua loa rồi đột nhiên hỏi: 
- Ta nghe ông bà còn có một người con gái út, sao đi đâu không thấy mặt? 
Trần phu nhân giật mình. Biết không thể giấu mãi được, phu nhân thưa: 
- Bẩm điện hạ, tiện nữ quê mùa xấu xí quá nên không dám cho ra mắt... 
Thái tử nói như ra lệnh: 
- Không có sao hết, ta đã ở trong nhà phu nhân, phu nhân hãy cho tiểu thư ra đây cho ta biết mặt! 



Trần phu nhân đành phải cho người vào gọi tiểu thư. Một lát sau, tiểu thư Dung yểu điệu bước ra. Thái tử Hạo Sảm vừa thấy mặt đã choáng váng cả người! Quả thật tiểu thư không khác chi tiên giáng trần! Thái tử cười run run vừa trách vừa nịnh: 
- Người như tiểu thư đây phải đúc nhà vàng cho ở mới xứng, sao phu nhân lại nói với ta là quê mùa xấu xí? 
Phu nhân nói giả lả cho qua chuyện, sắc mặt không vui lắm. Trong khi đó, tiểu thư Dung thì lại càng làm ra vẻ yểu điệu, duyên dáng... 
Thật ra, ngay từ ngày đầu khi Thái tử đến nhà mình, tiểu thư Dung đã nhìn thấy chàng. Cái vẻ quyền quí cao sang của Thái tử đã làm lu mờ ngay hình bóng anh chàng vai u thịt bắp miền quê vừa nhen nhúm trong lòng nàng thiếu nữ. Nàng rất tin tưởng vào sắc đẹp của mình. Nàng nghĩ nàng có quyền mơ ước, mơ ước vượt qua khỏi vùng biển khơi đầy bất trắc với sóng cồn hung hãn, với nắng cát rát da luôn sặc mùi tôm cá để hướng về chốn kinh thành hoa lệ... 
Nhưng Trần phu nhân không bao giờ muốn thế. Bà đã không cho tiểu thư Dung ra chào Thái tử như tất cả mọi người khác trong nhà khi Thái tử mới đến. Trần Tự Khánh thấy vậy thắc mắc thì bà nói: 
- Con gái nhà quê lo thủ phận, ra chào Thái tử để làm gì? 
Trần Tự Khánh lại nói: 
- Thì mẹ cứ cho em Dung chào Thái tử biết đâu lại không có điều hay? Em Dung cũng sắc nước hương trời chứ kém ai đâu! Không chừng nó được phong hoàng hậu, hoàng phi thì giòng họ mình cũng được nhờ chứ! 
Phu nhân lắc đầu nguầy nguậy: 
- Thôi! Thôi! Đưa con vô nội, bao nhiêu bậc cha mẹ phải ray rứt hối hận cả đời! Một vạn cung phi mới có một người được lên hoàng phi, hoàng hậu chứ đâu có dễ! Còn bao nhiêu người khác phải sống một đời tối tăm khô héo cả trái tim lẫn thân xác, xa mẹ xa cha, không nếm được một chút ái tình cho tới chết! Các con không biết chứ các triều đại trước, mỗi lần có lệnh tuyển cung phi tại một xứ nào thì lập tức ở xứ đó, con gái còn tân bị cha mẹ đem gả thốc gả tháo cho bất cứ chàng trai nào, không phân biệt đui, què, sứt, mẻ... Dù gả cho ai thì ít nhất họ vẫn còn có cơ hội gặp lại con gái của mình, chứ đưa vô cung cấm là hết rồi... 
Trần Tự Khánh bật cười: 
- Thế chắc cũng có chuyện chàng mù bế được nàng tiên hả mẹ? 
- Có chứ sao không! Những dịp ấy chán chi những kẻ tật nguyền được người ta mời lấy vợ đẹp! 
Dung không đồng ý với mẹ nhưng không dám trái lời. Giờ thì nàng hết sức thỏa nguyện. Nàng biết mẹ không vui nhưng nàng tin rằng nàng sẽ không để mẹ phải buồn lâu. Nàng quyết lòng bằng mọi cách phải hớp hồn vị Thái tử này. Quả thật, nàng đã thành công dễ dàng... Chẳng bao lâu, hai người đã thề non hẹn biển cùng nhau... 
Nhân dịp quan quân về Lưu Xá rước mình về kinh, Thái tử Sảm bèn xin đính hôn luôn thể, chấm dứt hẳn bao nhiêu mộng ước của những chàng trai Lưu Xá. 
Riêng tiểu thư Dung, nàng biết chắc người đau khổ nhất chính là người em họ của nàng. Nhưng trước hào quang rực rỡ của tương lai, đối với người em họ ấy, nàng chỉ có một chút tình thương hại của kẻ bề trên chứ đâu có tình yêu! Nhớ lại lời "Độ này nguyền sẽ giết sạch cả giòng họ đứa nào lấy chị sau này!", nàng chỉ thấy đó là một lời tức khí của trẻ con đáng tức cười... 

Chương 3:

Sau khi trở lại kinh đô, vua Lý Cao Tôn tỏ ra rất biết ơn và tin tưởng gia đình họ Trần. Ngài phong cho Trần Lý tước Minh Tự hầu và trao hẳn binh quyền cho ông ta. Những người đi theo Trần Lý đánh giặc có công cũng đều được vua phong quan tước. Con cháu họ Trần bước vào giai cấp thượng lưu của xã hội Đại Việt từ đó. Mặt khác, vua cho trừng trị bọn Quách Bốc theo mức độ cao thấp khác nhau. 
Chẳng bao lâu sau, Minh Tự hầu Trần Lý vì bất cẩn, bị đồ đảng của Quách Bốc giết để trả thù. Binh quyền được chuyển sang tay người con thứ hai của ông là Trần Tự Khánh. 
Tháng mười năm Canh Ngọ, vua Cao Tôn lâm bệnh mà thăng hà, thọ* 38 tuổi. Thái tử Lý Hạo Sảm lên kế vị tức Lý Huệ Tôn. Vua Huệ Tôn tức vị xong bèn tôn phong mẹ là Đàm Thị làm Thái hậu, phong vợ là Trần Thị Dung làm nguyên phi. Vua cũng phong cho người cậu ruột của nguyên phi là Tô Trung Từ làm Thái úy Thuận Lưu bá, Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ, Trần Tự Khánh tước Trung Tín hầu nắm quyền chỉ huy quân đội. Quyền bính triều đình nhà Lý từ đó dần lọt trọn vào tay anh em họ Trần. 



Lý Huệ Tôn là người kém cõi, nhu nhược, cả tin, không biết gì về chính trị, lại quá sủng ái Trần nguyên phi nên ảnh hưởng cánh họ Trần càng ngày càng lớn mạnh. Đàm Thái hậu mẹ vua Huệ Tôn thấy vậy sinh nghi, bèn tìm cách cứu vãn tình thế. Bà thường bảo với những người thân tín: 
- Ta thấy Thị Dung nhan sắc thu hút ma quái không khác gì Bao Tự, Đắc Kỷ. Bây giờ bà con giòng họ Thị được Hoàng thượng trao cho các chức vụ then chốt trong triều, ta lấy làm lo lắm. Không chừng họ Lý ta sẽ nguy với Thị có ngày. Các ngươi có cách gì ngăn chận mầm họa đó không? 
Bà hỏi là hỏi vậy chứ lúc bấy giờ chẳng còn ai đáng mặt để bàn chuyện ấy với bà. Thế rồi bà ra mặt nghiêm khắc với Trần Thị, tìm cách tạo ra mối mâu thuẫn giữa nàng với vua Huệ Tôn để giảm bớt ảnh hưởng của nàng đối với nhà vua. Thái hậu muốn vua Huệ Tôn phải phế bỏ nàng và thâu bớt quyền hành của cánh họ Trần. 
Trần Thị thấy mình gặp rắc rối bèn sai người báo tin cho Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh liền đem quân đến đòi rước vua và nguyên phi đi nơi khác. Vua Huệ Tôn thấy vậy cũng đâm ra nghi ngờ Tự Khánh làm phản, ra lệnh bắt Tự Khánh nhưng không bắt được. Huệ Tôn bèn giáng nguyên phi Dung xuống chức ngự nữ. 
Năm Giáp Tuất, Tự Khánh lại đem quân đến dâng sớ tạ tội và xin đón xa giá. Vua Huệ Tôn càng ngờ bèn cùng Đàm Thái hậu và Trần ngự nữ chạy lên châu Lạng (Lạng Sơn) để đề phòng bất trắc. Trần Tự Khánh lại một lần nữa tìm theo dâng sớ tạ tội rồi xin rước vua và Thái hậu trở về. Lần này thì vua Huệ Tôn chấp thuận. Lúc bấy giờ Trần Thị Dung đã mang thai nên vua cho phục chức nguyên phi. Sau đó vua lại sách phong nguyên phi làm Thuận Trinh phu nhân. 
Thấy Huệ Tôn lại tỏ ra quá trân trọng đối với Thuận Trinh phu nhân, Đàm Thái hậu nói với vua: 
- Ta nghe sắc đẹp xưa nay vẫn làm nghiêng thành đổ nước không biết bao nhiêu triều đại rồi. Phù Sai anh hùng một thuở đành chết vì Tây Thi. Trụ vương thông minh sáng suốt, sức khỏe phi thường rốt cuộc chết dưới tay Đắc Kỷ. Châu U vương cũng mất tiêu cơ nghiệp vì Bao Tự... Gương người xưa còn rành rành đó sao nhà vua không biết xét vậy? Ta yêu cầu nhà vua bỏ ngay con hồ ly tinh Trần Thị Dung đó đi thì may ra họ Lý ta còn giữ được. Nếu không nghe ta, nhà vua sẽ hối hận không kịp đó! 
Vua Huệ Tôn thưa: 
- Mẫu hậu già cả rồi nên suy nghĩ lệch lạc thôi chứ nàng có tội tình gì mà phải bỏ? Hơn nữa, hiện nay nàng đang có thai! Mẫu hậu không thấy dù cầm trọng binh trong tay, Trần Tự Khánh vẫn luôn một lòng trung thành kính thuận đó sao? 
Đàm Thái hậu nói: 
- Nhà vua không thấy Tự Khánh muốn uy hiếp ngài khi nào thì uy hiếp, muốn xin xá tội khi nào thì xin đó sao? Sở dĩ nó chưa ra tay chỉ vì còn ngại lòng dân thôi. Không sớm thì muộn nó cũng cướp giang sơn của ngài! 
Vua Huệ Tôn nói: 
- Con xin mẫu hậu chớ nghi lầm người tốt mà đắc tội với trời! 
Thái hậu thấy con mình quá u mê ám chướng nổi giận đùng đùng: 
- Cái đầu óc heo chó của mày thật không thể nào khai mở được! 
Vua Huệ Tôn cũng giận dữ bướng bỉnh nói: 
- Con thà mất giang sơn không thà để mất Trần Thị! 
Từ đó tiếng đồn sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu trong cung cấm nhà Lý lan truyền dần tới ngoài dân chúng. 
* 
Một buổi chiều Trần phu nhân trong dáng vẻ yếu ớt đến khóc với vua Huệ Tôn: 
- Muôn tâu bệ hạ, thần thiếp nhịn đói cả ngày nay rồi! 
Vua Huệ Tôn ngạc nhiên hỏi: 
- Ủa, tại sao phu nhân phải nhịn ăn? 
- Bệ hạ ơi, hình như có kẻ nào âm mưu đầu độc thiếp. Trong bữa cơm sáng nay, thiếp như có linh tính, vừa đưa cơm lên miệng là thiếp thấy rùng mình không dám ăn. Cũng may thiếp không đói nên nhịn luôn. Ả nữ tì bèn đem cơm ấy cho con mèo ăn, không ngờ ăn xong thì nó lăn ra chết. Nếu linh tính không báo trước, thiếp đã vong mạng rồi còn gì. Bây giờ nữ tì lại mới dâng cơm lên, thiếp nghi ngờ lắm. Xin bệ hạ cho người đem cơm ấy xét nghiệm thử thì thiếp đội ơn vô cùng. 
Vua Huệ Tôn bèn cho người đem phần ăn của Trần phu nhân tới. Vua tự tay đổ xuống cho một con chó ăn. Quả nhiên con chó vừa ăn xong liền lăn ra chết. Phu nhân thấy thế khóc thét lên: 
- Bệ hạ thấy đó! Rõ ràng có người muốn hại thiếp. Thiếp làm sao mà ở chỗ này cho nổi! Xin bệ hạ cho thiếp đến một nơi an toàn để giữ gìn tính mạng! 
Vua Huệ Tôn nổi giận nói: 
- Hãy truyền cấm vệ bắt hết mấy đứa lo việc cơm nước điều tra hỏi cho ra vụ này do ai chủ trương. Hỏi cặn kẽ xong xem đứa nào có tội đem chém lập tức!
Thuận Trinh phu nhân quì xuống thưa: 
- Bệ hạ không nên làm thế, không lẽ bọn nhà bếp dám công khai làm việc này! Thần thiếp nghĩ có thể có một tên nào đó do người khác sai khiến lén bỏ thuốc độc vào thức ăn thôi. Bây giờ nếu tra khảo dễ gì đã tìm được nó mà chắc chắn cả bọn sẽ bị đánh oan, sẽ khai bậy rồi sẽ có nhiều người chết oan. Hoặc giả tìm được người chủ trương, nếu lỡ lại là người bệ hạ không thể trừng trị được càng thêm khó xử. Chi bằng hãy đưa thần thiếp đến ở một nơi khác là xong. 
Vua Huệ Tôn là người không quả quyết, ngài bèn đuổi ngay mấy người lo việc cơm nước cho phu nhân rồi sau đó lại thay hết những người hầu hạ cũ. Cũng từ đó vua sai người từng bữa chia phần cơm mình cho phu nhân ăn. 
Hằng ngày phu nhân cứ nằng nặc xin đi nơi khác cho được. Việc này tới tai Đàm Thái hậu, Thái hậu tức giận mắng vua Huệ Tôn: 
- Nó giở trò ly gián, nó muốn vu oan giá họa cho ta mà nhà vua cũng nghe nó ư? Vậy thì nó bảo đi đâu cứ đi đi cho nó vừa lòng! 
Thuận Trinh phu nhân nghe thế lại khóc lóc với vua: 
- Mẹ đã ghét thần thiếp đến thế thì thần thiếp ở đây trước sau cũng bị hại thôi! Thà để thần thiếp chết trước mặt bệ hạ cho rồi! 
Thế rồi phu nhân vật mình đòi tự tử. Vua Huệ Tôn hết sức lo sợ, nhất là lúc ấy cái bào thai của phu nhân đã lộ dạng rõ. Bất đắc dĩ vua phải cùng phu nhân rời kinh thành đến huyện Yên Duyên, ở tạm nhà tướng quân Lê Mịch rồi cho vời Trần Tự Khánh đến bảo vệ. Thế là địa vị của Trần phu nhân cũng như thế lực họ Trần càng vững chắc. Thời gian nhà vua rời bỏ kinh thành kéo dài hơn một năm. 
Đàm Thái hậu thấy tình trạng như vậy buồn rầu lo lắng mà sinh bệnh. Bà mấy lần cho người đi mời vua Huệ Tôn trở về nhưng vua vẫn không chịu nghe. Đàm Thái hậu uất ức quá than thở: 
- Ta thật vô phước khi sinh ra một đứa con tin vợ hơn tin mẹ, coi trọng vợ hơn cả cái giang sơn mà ông cha đã phó thác! Không sớm thì muộn nó sẽ đem cơ nghiệp của tổ tông dâng cho giòng họ vợ nó mất thôi! 
Chẳng bao lâu sau đó bệnh bà phát nặng mà qua đời. 
Trước kia cánh họ Trần vẫn coi Đàm Thái hậu như một ngọn núi lớn đầy gai góc chắn trước mặt, nay ngọn núi ấy đã cháy rụi, họ dễ dàng dọn quang một con đường để đi tới mục tiêu. Việc anh em họ Trần mặc tình ra vào chốn triều đường đã làm cho vua Huệ Tôn thấy khó chịu, lo âu. Nhà vua bắt đầu hối hận khi thấy những lời mẹ mình tiên đoán đã lần lượt ứng nghiệm. 



Giữa năm Bính Tí*, Trần phu nhân sinh được một con gái, tức là Thuận Thiên công chúa. Đầu lòng sinh con gái vua Huệ Tôn không hài lòng lắm, nhưng ngài cũng sắc phong Trần phu nhân làm hoàng hậu. Hai năm sau bà lại sinh thêm được một người con gái nữa, đó là Chiêu Thánh công chúa, cũng còn gọi là Phật Kim, vua Huệ Tôn lại càng không vui. 
Càng ngày vua Huệ Tôn càng thấy mình chỉ còn giữ hư vị. Các quan thấy họ Trần đang hưng thịnh đều ngã theo như lớp cỏ tranh trước gió. Vua Huệ Tôn nhìn trước nhìn sau chẳng còn ai để có thể giãi bày tâm sự. Chung quanh ngài người cũ cũng như người mới hầu hết đều trở thành rặt tay chân của họ Trần. Ngay cả người đàn bà tay ôm gối ấp của ngài - Trần hậu, ngài cũng chẳng còn dám tin cậy nữa. Ngài càng nhớ tới những lời mẹ cảnh cáo rằng bao nhiêu vua chúa ngày xưa đã từng mất nước vì đàn bà càng bị dằn vặt đau lòng. Tại sao trước kia ta không nghe lời mẹ ta tước bớt quyền hành của cánh họ Trần? Tại sao ta ngu muội đến bao lần gay gắt cãi lại mẹ ta? Một hôm vua Huệ Tôn một mình chống gậy đến lăng Đàm Thái hậu vật mình khóc lóc: 
- Con bất hiếu không biết nghe lời mẹ giờ mới nên nỗi này! Mẹ có linh thiêng xin chỉ đường cho con, cứu vớt con với! 
Sau đó, vua Huệ Tôn tự viết một tờ chiếu, bí mật giao cho một viên nội thị ngài tin tưởng nhất, bảo tìm cách chuyển đến các viên quan Đoàn Thượng ở Đường Hào và Nguyễn Nộn ở Bắc Giang kêu gọi họ khởi quân về cứu giá. Không ngờ việc ấy cũng không qua khỏi con mắt đám tay chân của Trần Thủ Độ. Khi bị cật vấn, viên nội thị sợ quá bèn thú thật cả. Trần Thủ Độ hết sức giận dữ, bèn đi thẳng vào cung gặp nhà vua để "phân trần". 
Vụ mưu sự thất bại này làm vua Huệ Tôn càng xuống tinh thần. Sự bế tắc tâm tình khiến nhà vua dần trở nên khật khùng, dở dở ương ương. Nhiều lần ngài tự xưng là thiên tướng, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, tay cầm giáo, đùa múa từ sớm đến chiều rồi uống rượu ngủ li bì, có khi đến hôm sau mới tỉnh. Thế là anh em họ Trần mặc tình quyết định hết mọi việc, cứ tâu trình lên điều gì vua cũng chuẩn y ngay cho xong chuyện. 
Đến năm Quí Mùi* thì Trần Tự Khánh mất, Trần Thừa nối chức, được đặc cách làm Phụ quốc Thái úy, khi vào chầu được miễn xưng tên. Trần Thủ Độ được lãnh chức Điện tiền chỉ huy sứ là một chức vụ then chốt trong triều. Trần Thừa khá hiền nhưng Trần Thủ Độ lại cương quyết ra tay đoạt cho được cơ nghiệp nhà Lý đưa về họ Trần. 
Mặc dầu Trần hoàng hậu có cho người tìm thầy thuốc khắp nước để chữa bệnh cho vua, Huệ Tôn vẫn càng ngày càng điên nặng. Lúc nào ngài cũng tỏ vẻ khiếp sợ trước Trần Thủ Độ. 
Đến năm Giáp Thân*, vua Huệ Tôn nghe theo lời khuyên của Trần Thủ Độ, nhường ngôi cho công chúa nhỏ mới tám tuổi tên Phật Kim hay Chiêu Thánh tức Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng bèn phong cho Trần Thủ Độ làm Thái sư coi việc triều chính. Nhường ngôi cho con xong, vua Huệ Tôn quyết định vào chùa Chân Giáo để tu hành. Đó là một ngôi chùa được xây dựng dưới thời Lý Thái tổ vào năm Thuận Thiên thứ 15 (Giáp Tí*). Tự tay Thái sư Trần Thủ Độ đánh xe đưa vua Huệ Tôn vào chùa với đầy đủ nghi trượng của một vị thiên tử. Sư trụ trì ở chùa lúc bấy giờ là hòa thượng Pháp Chân ra đón vua ở cổng chùa, nói: 
- Đại phàm đã vào chốn Không môn thì những gì của trần tục như vua chúa, giàu nghèo, già trẻ không còn nữa. Nay Thượng hoàng bỏ ngôi báu đi tìm lẽ giải thoát mà còn dùng xe quí, nghi trượng thì sao thoát khỏi trầm luân? Bây giờ thì nào là thiên tử, nào là triều đình, nào là Long an, Long thụy đều trở thành không cả. Lẽ vô thường là thế đó! 
Thượng hoàng hiểu ý, bèn khoát tay ra hiệu cho quan quân ra về, chỉ một mình ngài theo chân hòa thượng Pháp Chân vào chùa. Hòa thượng Pháp Chân bèn xuống tóc cho ngài và đặt đạo hiệu là Huệ Quang thiền sư. Từ đó, bệnh tình của cựu vương Huệ Tôn tức Huệ Quang thiền sư cũng giảm được phần nào. 
Đầu năm Bính Tuất*, một hôm Thái sư Trần Thủ Độ đi ngang qua chùa Chân Giáo, thấy Huệ Quang thiền sư đang ngồi nhổ cỏ trước sân, ông nói: 
- Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc! 
Huệ Quang thiền sư nghe nói thế thì trả lời: 
- Ngươi muốn nói gì ta đã hiểu rồi! 
Hôm sau, Thái sư Trần Thủ Độ cho người đến chùa mời thiền sư Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang thiền sư biết ý bèn ra nhà sau thắt cổ mà chết. Lúc bấy giờ ngài mới 33 tuổi. Thái sư Trần Thủ Độ bèn dẫn bá quan đến chùa tế khóc, sau đó cho đem thi thể Huệ Tôn hỏa táng rồi chôn ở tháp Bảo Quang. 


Chương 4:

Từ khi Lý Chiêu Hoàng lên ngôi, hoàng hậu Trần Thị Dung được tôn phong làm Thái hậu. Điện Tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ được phong làm Thái sư, nắm giữ hết mọi quyền bính trong tay. 
Ngày kia, Thái sư Trần Thủ Độ xin vào yết kiến Thái hậu. Đây là lần đầu tiên sau khi Trần Thái hậu được đưa vào cung, hai chị em họ này chính thức gặp nhau lại. Trước đó, dù vua còn thơ ấu, Thái hậu không tham gia triều chính, chẳng mấy khi có mặt ở triều đường nên chẳng hề gặp mặt Thái sư. Tuy đang ở địa vị mẫu nghi thiên hạ, lại là bậc chị của Thái sư, vị Thái hậu này cũng không khỏi khiếp sợ trước vẻ lẫm liệt và tàn độc của người em họ. Thái sư bước vào nhà khách chưa kịp bái kiến thì Thái hậu đã chào trước: 
- Thái sư cần gặp gái góa này có việc gì? 
- Muôn tâu Thái hậu, hạ thần muốn thỉnh ý Thái hậu về một vài vấn đề quan trọng. 
- Việc nước đã có Thái sư và triều đình lo rồi, gái góa này biết gì đâu mà hỏi? 
- Thái hậu thứ lỗi, có chuyện cần hạ thần mới dám phiền đến Thái hậu. 
- Vậy cần chuyện gì Thái sư hãy nói đi! 
- Bẩm Thái hậu, việc cơ mật, không thể để cho mọi người cùng nghe! 
Thái hậu mời Thái sư ngồi xuống ghế và ra hiệu cho bọn cung nữ lui ra. Những người hầu của Thái sư cũng tự động rút lui. 
- Bây giờ thì Thái sư có thể nói được rồi. 
Thái sư nhìn thẳng vào mắt Thái hậu, đổi thái độ: 
- Chắc hậu còn nhớ những đêm liên hoan tuyệt vời của đám hương dũng Lưu Xá ngày xưa? 
Thái hậu giật mình. Bà suy nghĩ chốc lát rồi ngập ngừng nói: 
- Thái sư, từ khi hoàng thượng băng hà, đầu óc ta rối rắm mơ hồ lắm, ta không còn nhớ được điều gì hết. 
Thái sư lặng thinh một chốc rồi cất tiếng: 
- Chẳng lẽ một người sắc nước hương trời như hậu mà bụng dạ lại tàn nhẫn đến thế sao? 
Thái hậu cau mày khó chịu: 
- Ta đã làm gì mà ông nói là ta tàn nhẫn? Chồng ta vừa mới mất, nỗi đau đớn còn đầy ắp trong lòng. Thật tình ta chẳng muốn nghĩ đến những chuyện lôi thôi khác. 
Thái sư nói: 
- Nếu chuyện chẳng liên can đến hậu ta nói với hậu làm gì? 
Giọng Thái hậu đầy vẻ oán trách: 
- Ta đã nói với ông ngoài chuyện tang chế đau đớn mới xảy ra cho gia đình ta, ta không còn nhớ gì hết! 
- Vậy thì... hậu quá độc... ác...! 
Vị Thái sư uy quyền rúng động trời đất bỗng nhiên ấp a ấp úng không nên lời. Ông không nhìn Thái hậu nữa mà ngồi thẫn thờ gần như bất động, hai giọt lệ từ từ lăn xuống má. Khó mà ngờ được đây là những giọt nước mắt thật - nước mắt của một người đàn ông nổi tiếng lòng gang dạ sắt! Phải chăng do mối xúc cảm từ những hoài niệm? Phải chăng do nỗi uất ức, tủi hận? Giây phút ấy Thái hậu cũng lặng người luôn. Đôi mắt người đàn bà xinh đẹp nửa đời cũng long lanh ngấn lệ. Một chốc sau bà nói: 
- Thôi, được rồi! Ta thật tình không có nhớ gì lắm, Thái sư nhớ điều gì hãy thử nhắc giúp ta! 
Thái sư ngẩng mặt lên, lại nhìn thẳng vào cặp mắt Thái hậu: 
- Vậy là hậu nhớ cả rồi đấy nhé! Ngày ấy có lần ta đã hỏi hậu "Tại sao trời bắt hậu và ta lại là họ hàng với nhau?", hậu nhớ không? Ta cũng có lần nói với hậu nếu ta có quyền lực, ta sẽ cho phép những người thương yêu nhau được phép lấy nhau, không ai được viện lý do gì để ngăn cản họ. Giờ đây ta đã thật sự có quyền, ý ta muốn gì chắc hậu hẳn biết? 
Thái hậu rùng mình: 
- Nhưng ta có bao giờ hứa hẹn gì với ông đâu? Vả, ông đem chuyện đó với ta vào lúc này quả thật là tàn nhẫn hết sức! 
Thái sư Trần Thủ Độ nói một mạch: 
- Ta cũng biết nói với hậu chuyện này vào lúc này thì tàn nhẫn thật, nhưng hậu phải biết rằng hậu đã đối với ta còn tàn nhẫn gấp trăm vạn lần! Ta cho hậu biết, ta thương hậu từ lúc hậu mới lên mười một, mười hai. Tới bây giờ cái gương mặt kiều diễm trong sáng với đôi mắt ngây thơ tuổi mười lăm của hậu vẫn còn in đậm trong trong tâm trí ta. Tới bây giờ cái giọng hát ngọt ngào cao vút tận trời xanh, cái tiếng nói trong trẻo dịu hiền thuở ấy của hậu gần như lúc nào cũng còn văng vẳng bên tai ta. Không lúc nào ta quên được hậu! Ta theo dõi hậu từng mỗi bước chân, mỗi việc làm, theo dõi tâm tình hậu thương ai ghét ai, lúc nào vui, lúc nào buồn, không bỏ sót mảy may. Sở dĩ lúc bấy giờ ta không dám để lộ lòng ta vì bác Cả quá nghiêm khắc, nhưng ta vẫn nguyện bằng mọi giá phải lấy cho được hậu. Cái thằng Lý Hạo Sảm khốn kiếp vong ân bội nghĩa đã cuỗm hậu mất làm ta đau khổ suốt mấy mươi năm nay rồi! Khi bọn giặc Quách Bốc đuổi hắn tới làng Lưu Xá, nếu ta không cứu hắn thì chuyện đâu đến nỗi! Hậu có thấy vì hậu mà ta phụ luôn lòng mong mỏi của mẹ ta là kiếm cho bà vài đứa cháu để bà bồng không? Ta dẫu có vợ là công chúa Bảo Châu cũng chỉ là vợ hờ không một chút tình thương. Ngoài hậu ra ta không còn yêu thương ai được nữa. Tâm hồn ta đã cô độc bao nhiêu năm nay, bây giờ ta nhất định đòi hậu phải trả nợ! 
Người thiếu phụ bất giác ngồi gục đầu khóc thút thít rồi chuyển sang khóc nức nở. Không hiểu bà xúc động vì tấm chung tình hiếm có của người đàn ông hay sợ hãi vì không thể thoát được móng vuốt của con quỷ tình hung hãn? 
Thái sư ngồi im lặng rất lâu. Thái hậu vẫn tiếp tục khóc. 
Sau cùng thì Thái hậu gượng gạo nói: 
- Vậy là bây giờ ông muốn dùng quyền lực để ép ta ư? Ông có quyền thật đấy, nhưng trên nguyên tắc còn có vua, có triều đình, ông sẽ bị mọi người chống đối! 
- Lúc này đố còn ai cưỡng được ý muốn của ta? Ta đã không từ gian nguy, không ngại miệng thế đàm tiếu, quyết tìm mọi cách để đạt tới chỗ quyền lực hôm nay không phải vì ham quyền uy hay ham phú quí đâu! Tất cả chỉ vì tình yêu của hậu thôi! Tất cả chỉ vì hậu thôi! Tại sao hậu không hiểu cho lòng ta chứ? Hiện tại, ta chỉ cần ra một lệnh là nắm chắc cái ngai vàng trong tay, nhưng ta không cần ngai vàng ấy mà chỉ vì hậu! Nhiều lần ta tự hỏi không hiểu sao hình bóng hậu lại in đậm vào tiềm thức của ta đến như vậy? Kỳ quái đến độ cho dù khi bận rộn chuyện quân cơ hay việc triều chính, hễ ngủ thiếp giây lát là ta vẫn có thể gặp hậu! Vẫn hình ảnh thiếu nữ xinh xắn đang ngồi vừa chăm chỉ khâu những mảng lưới vừa cất giọng hát ngọt ngào! Vẫn hình ảnh thiếu nữ má phấn môi son tươi cười tay thoăn thoắt múc những bát chè đậu xanh thơm phức cho đám kẻ chài bồi bổ! Vẫn hình ảnh thiếu nữ tóc bay bay đứng trên bến cát đợi thuyền cá về... Những lúc đó hậu đâu có biết vẫn thường có một người lặng lẽ say sưa ngắm hậu? Tiếc rằng những giấc mộng ấy chưa bao giờ được đáp ứng trọn vẹn, lúc nào cũng nửa vời, hụt hẫng... Giờ thì ta nhất quyết phải chiếm lấy con người bằng da bằng thịt của hậu! Ta phải được đền bù bao nhiêu năm chịu đau khổ vì không có tình yêu của hậu! Ta lập lại, ta không cần ngai vàng mà chỉ cần tình yêu của hậu thôi! 
Cả một thời quá khứ chợt sống dậy trong đầu óc người thiếu phụ. Ngày xưa cha nàng vẫn hay giao cho nàng việc khâu lại những mảng lưới bị rách. Nàng vẫn có thói quen vừa làm việc vừa hát. Những lúc rảnh rỗi Trần Thủ Độ hay lân la xem nàng làm việc. Độ vẫn hay khen: "Chị khéo tay thật, mảng lưới rách vá lại mà trông như lưới còn nguyên!". Lần nào thuyền đánh cá về, nàng cũng được giao công việc lo chè cháo cho bọn kẻ chài giải lao. Độ thường khen mỗi khi ăn chè: "Nhờ bàn tay của chị Dung mà bát chè thơm ngọt hơn nhiều, nuốt đến đâu thấy mát người đến đó". Hoặc "Hình như thịt gà phay do chị Dung xé bóp nó vẫn thơm ngon hơn người khác làm!"... Thời bấy giờ nàng vẫn vô tình nghĩ là Thủ Độ nói đùa. Không ngờ đó là những lời hữu ý mà ông ta vẫn nhớ mãi đến bây giờ! 
Trần Thái hậu thở dài cay đắng: 
- Thật tội trời! Thế là ông sát hại chồng ta chỉ vì ta chứ không phải vì ngai vàng? 
- Đúng! Ta chỉ uất hận vì người mà ta thương yêu bị Hạo Sảm cướp đoạt nên ta nguyền phải giết hắn chứ không phải vì ngai vàng! Ta thề với hậu ta chẳng bao giờ thèm bước lên cái ngai vàng ấy đâu! 
Trần Thái hậu lại rùng mình sực nhớ lại lời nguyền "Kẻ nào lấy chị Dung, Độ này sẽ giết sạch cả giòng họ kẻ ấy!" của Trần Thủ Độ. Thì ra chồng bà chết cũng chỉ vì bà! Bà xiết bao đau đớn nghĩ tới chuyện đó. Nhưng lòng bà cũng gợn lên chút mừng thầm, vì theo như lời Thủ Độ nói thì số phận con gái bà - Lý Chiêu Hoàng - vẫn chưa đến nỗi bị đe dọa. Dư luận vẫn xôn xao cho rằng Trần Thủ Độ rắp rem cướp ngôi nhà Lý nên bà vẫn hết sức lo sợ cho số phận Lý Chiêu Hoàng. Tâm tánh độc dữ và quả quyết của Trần Thủ Độ bà đã biết! Trần Thủ Độ đã muốn thì bà khó lòng thoát khỏi nanh vuốt của ông ta. Thôi đành vậy, bảo vệ cho được Lý Chiêu Hoàng là một sự an ủi cho bà rồi. Suy nghĩ một lát, Trần Thái hậu nói: 
- Như vậy nếu ông chiếm đoạt được ta thì ông vẫn tiếp tục khuông phò nhà Lý? 
Thái sư Trần Thủ Độ nói: 
- Không hẳn vậy, chắc hậu biết ở đời cái gì cũng có lúc thịnh lúc suy. Khí số nhà Lý hơn hai trăm năm cai trị đất nước bây giờ sắp dứt. Nội cái việc vua Huệ Tôn nghe lời hậu bỏ kinh thành mà đi cả năm trời, không coi sơn hà xã tắc ra gì cả đủ biết nhà Lý đã hết thời rồi. Cơ nghiệp này nếu họ Trần không lấy thì họ khác cũng lấy thôi, ta dại gì bỏ đi? Hậu là người họ Trần, một họ đang hưng thịnh nhất lúc này, hậu cũng có nhiệm vụ phải giành lấy ngôi báu nhà Lý cho họ Trần chứ! 
Trần Thái hậu như hụt hẫng, bà bàng hoàng kêu lên: 
- Thôi! Đừng nói nữa! Ngươi đúng là con quỉ dạ xoa tham lam tàn ác! Hãy đi đi cho ta yên một chút! 
- Thần xin tuân lệnh! 
Vị Thái sư đứng dậy vái chào Trần Thái hậu rồi bước ra ngoài trong khi Trần Thái hậu lại gục đầu khóc nức nở. 


Chương 5:


Thái sư Trần Thủ Độ đã sắp đặt một kế hoạch cướp ngôi nhà Lý thật tinh vi. Lấy cớ tuyển chọn người làm nội dịch trong cung, Thủ Độ đưa ba người cháu là Trần Bát Cập, Trần Thiêm và Trần Cảnh đều khoảng lứa tám chín tuổi vào hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trong ba đứa trẻ ấy, Trần Cảnh - con thứ của Trần Thừa - trông thông minh sáng sủa, đẹp đẽ khác thường, vượt hẳn hai đứa kia. Trẻ con tuy vô tư nhưng cũng biết lựa chọn, Lý Chiêu Hoàng thích chơi đùa với Trần Cảnh hơn cả. 
Ngày kia, Lý Chiêu Hoàng khiến người đổ nước vào bể tắm rồi nói với Trần Cảnh: 
- Bây giờ ta với ngươi tạt nước nhau xem ai bị ngộp trước nhé! 
Trần Cảnh tuy còn nhỏ nhưng khôn ngoan, đã được dạy dỗ kỹ về bổn phận của mình nên cung kính nói: 
- Hạ thần không dám xúc phạm đến mình rồng! Nếu bệ hạ thích, thần sẽ đứng yên cho bệ hạ tạt nước bao nhiêu thì tạt! 
Chiêu Hoàng cười sung sướng: 
- Thế là tại ngươi muốn đấy nhé! Bây giờ ngươi đứng yên cho ta tạt nước! 
Chiêu Hoàng vừa cười sặc sụa vừa tạt một hồi làm cho Trần Cảnh ướt đẫm cả người. Ngày ấy trời không được ấm nên Trần Cảnh bị thấm nước lạnh run lên mà vẫn đứng chịu trận. Chiêu Hoàng bỗng ngừng tay tiến lại rờ đầu tóc Trần Cảnh hỏi: 
- Ngươi không lạnh à? 
Trần Cảnh lễ phép trả lời: 
- Lạnh thì quả thật lạnh lắm chứ. Nhưng bệ hạ ban lạnh thì thần phải chịu lạnh vậy! 
Nghe Trần Cảnh nói, Chiêu Hoàng mở to đôi mắt đen láy với vẻ hết sức cảm động. Vị ấu vương cởi chiếc áo đang mặc ngoài của mình khoác lên người Trần Cảnh: 
- Lỗi tại ta cả. Ta đền cho ngươi đó! 
Trần Cảnh vẫn mặc đồ ướt và khoác chiếc áo ngoài của ấu vương. Chiêu Hoàng tự tay đi lấy khăn lau mặt lau đầu rồi lấy lược chải tóc cho Cảnh... 
Hôm ấy, Trần Cảnh về nhà kể lại chuyện cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ cười: 
- Đây là điềm tốt cho họ Trần ta đấy! 
Lần khác, trong một cuộc chơi, Chiêu Hoàng nghịch lấy khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh cũng về kể lại với Thủ Độ. Thủ Độ nói: 
- Nếu thật thế không biết họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây? 
Sau đó, Thủ Độ trầm trồ dặn dò Trần Cảnh phải ứng đối thế nào khi có trường hợp tương tự xảy ra. 
Không cần phải đợi lâu, chỉ mấy ngày sau Chiêu Hoàng lại chơi trò ném khăn trầu cho Trần Cảnh. Lần này Trần Cảnh hai tay nâng chiếc khăn trầu thưa: 
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh! 
Chiêu Hoàng cười vang lên và nói: 
- Tha tội cho ngươi! Tha tội cho ngươi! Nay ngươi biết khôn rồi đó! 
Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu phủ lên đầu Trần Cảnh vừa kéo vừa cười. 
Trần Cảnh lại đem chuyện đó kể lại với Thủ Độ. Theo tục dân gian xưa, con gái nhà quyền quí hay chọn chồng bằng cách ném cầu. Người con gái ném cầu trúng ai hay ai bắt được cầu thì người ấy được chọn coi như chuyện thiên định. Trường hợp ném khăn trầu lại còn ý nghĩa hơn vì theo quan niệm người Việt thì "miếng cau miếng trầu là đầu duyên nợ". Qua những sự việc đó, Thủ Độ gán cho Chiêu Hoàng đã ưng thích Trần Cảnh. 
Hôm sau Thủ Độ cho đóng cửa thành, canh phòng nghiêm mật cung cấm rồi ra thông báo: Bệ hạ đã có chồng! 
Các quan trong triều không một ai thắc mắc, đều xin chọn ngày tốt để chầu mừng. Có lẽ đây là đám cưới duy nhất của hai vợ chồng đều thuộc tuổi thơ ấu trong lịch sử nước Nam ta. 
Dân ta vẫn có tục tảo hôn nhưng thường là cảnh chồng ấu vợ trưởng do những nhà giàu cưới vợ sớm cho con với mục đích kiếm người chăm sóc "cậu nhỏ" hay lo việc gia đình khi cậu nhỏ chưa biết làm gì. Chuyện vợ cõng chồng đi chơi phát xuất từ các trường hợp tảo hôn này. Về sau cậu nhỏ lớn lên thường hay cưới vợ bé vì vợ cả... đã già. 
Theo chỉ thị của Thái sư Trần Thủ Độ, những viên quan lo việc dạy dỗ ấu vương triệt để giảng giải cho ấu vương về chương "phụ đạo" (đạo làm vợ) hết sức kỹ càng. Nào tam tòng tứ đức, nào phu xướng phụ tùy dồn dập nhồi nhét vào đầu óc vị ấu vương bơ vơ trơ trọi không có một chỗ nương dựa ấy. Thế là không bao lâu vị ấu vương cảm thấy chỉ có thể tìm được chỗ dựa ở đức ông chồng. Không rõ các vị giáo sư bày vẽ thế nào mà một hôm Lý Chiêu Hoàng thỏ thẻ với chồng: 
- Này phu quân! Trẫm tuy ứng thụ đại báu của tổ tiên nhưng vốn là phận nữ nhi lại còn thơ ấu không thể nào chấp chưởng cho tròn trọng trách của mình. Vả lại, theo đúng đạo làm vợ thì trẫm phải phục tùng phu quân mới hợp lẽ. Cho nên, trẫm muốn nhường đế vị cho phu quân để đáp ứng lòng trông cậy của muôn dân. Phu quân nghĩ thế nào? 
Trần Cảnh đã được người chú dặn dò kỹ nên thưa ngay: 
- Bổn phận của đấng trượng phu là phò nguy tế khổn, gánh vác việc đời, mưu cầu cảnh thái bình an lạc cho dân cho nước. Nếu bệ hạ tin cậy Cảnh này mà ủy thác trọng trách, dù bất tài, Cảnh này cũng xin hết lòng hết sức lo cho tròn. Nhưng về chuyện ngôi đại báu, Cảnh này không dám xen vào! 
Chiêu Hoàng nài nỉ: 
- Đây là lòng thật của trẫm. Ngoài phu quân ra trẫm còn biết tin cậy vào ai? Trẫm không thể nào kham nổi đại sự nữa đâu. Đã là vợ chồng thì của phu quân cũng như của trẫm rồi. Xin phu quân vui lòng gánh vác cho vậy! 
Rốt cuộc, Trần Cảnh xin chiều ý Lý Chiêu Hoàng. 
Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu*, Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn tại điện Thiên An để các quan vào chầu. Trước bá quan đông đủ, Lý Chiêu Hoàng cho tuyên đọc chiếu chỉ như sau: 
"Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh Thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay!" 
"Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tôn cũng không hơn được! Sớm hôm nghĩ chính, từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, để hưởng phúc thái bình. 
"Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết. 
"Khâm chỉ!" 
Sau khi chiếu chỉ được tuyên đọc, Lý Chiêu Hoàng trút bỏ ngự bào rồi mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Cả triều đình không có một ai phản đối. 





Cuộc sang tay ngôi báu từ họ Lý sang họ Trần đã xảy ra một cách êm đềm. Nhà Lý làm vua được chín đời, cộng được 215 năm. 
* 
Trần Cảnh mở đầu cơ nghiệp nhà Trần lúc mới tám tuổi, tức Trần Thái Tôn, tôn phong cha mình là Trần Thừa làm Thái thượng hoàng, chú là Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, tiếp tục nắm giữ quyền chính. Sau đó vua lại lập Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu. 
Anh ruột của vua Thái Tôn là Trần Liễu cũng được ban ân huệ cưới người chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên công chúa và được phong tước Phụng Càn vương. 
Riêng Thái hậu Trần Thị Dung bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa. Bà xuôi tay mặc cho số phận đưa đẩy. 
Để mở đầu cuộc cải cách phong tục về việc hôn nhân, Thái sư Trần Thủ Độ quyết định tổ chức đám cưới cho chính ông với cựu Thái hậu Trần Thị Dung làm tiêu biểu. Quan Gián nghị đại phu Trần Đăng Hưng nghe tin, vội đến phủ Thái sư để tìm cách khuyên can. Trần Đăng Hưng vốn có họ với Trần Thủ Độ, tánh tình khí khái, ngay thẳng, đã được phong làm Gián nghị đại phu khi Lý Chiêu Hoàng mới lên ngôi. Thái sư Trần Thủ Độ thấy Trần Đăng Hưng đến thăm thì biết ý, bèn mời vào mật thất, đem rượu quí ra đãi. Thái sư không muốn người ngoài nghe được những lời của viên quan Gián nghị này. Sau khi uống được vài chén, Thái sư hỏi: 
- Quan Gián nghị đến đây chắc có chuyện gì cần nói? 
- Bẩm Thái sư, ty chức nghe nói Thái sư có ý định làm lễ thành hôn với cựu Thái hậu, không biết có đúng không? 
Thái sư Trần Thủ Độ thản nhiên: 
- Nếu có việc ấy thì đã sao? 
- Bẩm Thái sư, hẳn ngài cũng biết Đại Việt ta xưa nay không có tục lệ cho phép người cùng họ lấy nhau. Đàn bà trong thiên hạ không thiếu gì, tại sao Thái sư lại phải làm chuyện thất cách như vậy? 
Trần Thủ Độ nói: 
- Quan Gián nghị không hiểu lý do ư? Kinh nghiệm qua các giòng họ từng làm vua làm chúa, ngôi báu cuối cùng vẫn thường bị lọt vào tay những kẻ ngoại thích. Cái gương treo rành rành trước mắt là họ Lý vừa mới mất ngôi qua tay giòng ngoại tức họ Trần ta đấy ông thấy không? Ta không muốn họ Trần phải rơi vào vết xe cũ ấy. Vì thế, ta muốn mở đầu một chế độ nội hôn để giữ cơ nghiệp nhà Trần bền vững lâu dài. Nếu ta chẳng thân hành làm gương trước thì ai chịu nghe theo? 
Trần Đăng Hưng thưa: 
- Hiện Thái sư đang nắm quyền lớn trong tay, chán gì cách giữ gìn ngôi báu mà phải chọn cách thất nhân tâm này? Phong tục tập quán là những lề thói đã ăn sâu vào lòng người, giờ ta đi ngược lại có khác gì khiêu khích, thách đố tư tưởng với quần chúng? 
Thái sư nói: 
- Quan Gián nghị nói vậy chứ tục lệ thì cũng do người mình đặt ra chứ đâu? Mình đặt ra tục lệ được thì mình cải sửa, bổ khuyết tục lệ được, có gì là lạ? 
- Bẩm Thái sư, tục lệ một nước không phải một sớm một chiều mà có được. Nó là kết tinh kinh nghiệm qua bao nhiêu đời mà thành. Nó đã được gạn lọc bao nhiêu lần để giữ điều tốt, loại bỏ điều xấu vì mục đích phục vụ quần sinh, phục vụ xã hội lâu dài... 
Trần Thái sư nóng nảy hỏi lại: 
- Vậy ông cho việc người cùng một họ lấy nhau là xấu sao? Xấu ở điểm nào ông nói ta nghe thử? 
- Bẩm Thái sư, ông bà ta cho biết những người cùng họ lấy nhau thường con cháu hay sinh dị tật, bệnh hoạn, đầu óc trí tuệ sẽ ngày càng lụn bại... 
- Ông lầm rồi! Trên thực tế ông có thấy các giống cọp, beo, vẫn lấy nhau xô bồ mà chúng vẫn luôn có sức mạnh vô địch, giữ mãi được ngôi vị chúa tể chốn sơn lâm? Có gì gọi là sa sút lụn bại đâu? 
Vốn tính hay nói thẳng, lại nhân có rượu trợ sức, Trần Đăng Hưng nói: 
- Bởi thế mới gọi là giống hổ beo! Chúng có sức mạnh vô địch thật nhưng chỉ biết dùng sức mạnh để giành giựt miếng ăn! Tệ nhất là chúng lại ưa ăn thịt thúi nữa! Trí tuệ chúng thì hoàn toàn không ra gì, đụng đâu quên đó. Thử hỏi chúng có gì tốt đâu? 
Thái sư Trần Thủ Độ lặng người giây lát rồi ông nói chậm rãi: 
- Thôi được rồi, ông cứ yên chí! Ta sẽ suy nghĩ lại vấn đề này. 
Mấy ngày sau thì quan Gián nghị đại phu Trần Đăng Hưng lâm bệnh bất ngờ mà qua đời. Trần Thái sư vẫn thực hiện cuộc cải cách hôn nhân như đã định. Đám cưới giữa quan Thái sư Trần Thủ Độ và cựu Thái hậu Trần Thị Dung được triều đình tổ chức rất linh đình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, hai chị em con chú con bác được chính thức lấy nhau. Từ đó, nhà Trần rất cởi mở trong vấn đề kết hôn giữa những người trong hoàng tộc. Đỉnh cao nhất trong chế độ nội hôn ấy là vụ đức Trần Hưng Đạo cưới bà cô ruột của mình là Thiên Thành công chúa làm vợ chính thức sau này. 
Về phía dân chúng, họ khiếp sợ sự tàn độc của Thái sư họ Trần không ai dám công nhiên nói gì nhưng mặt ngầm họ vẫn âm ỉ chê bai, phản đối đủ thứ. Tuyệt nhiên không một giòng họ nào tuân theo sự cải cách phong tục này. 
Cựu Thái hậu Trần Thị Dung đã trở thành vợ của Quốc thượng phụ Thái sư Trần Thủ Độ, lại cũng vừa là cô ruột, vừa là nhạc mẫu của đương kim hoàng đế, nên một thời gian sau được vua Thái Tôn tôn phong làm Linh Từ quốc mẫu. 


Chương 6:

Vào năm Bính Tuất*, người vợ đầu của Phụng Càn vương là Thị Nguyệt sinh được đứa con trai đầu lòng. Đứa trẻ trông khôi ngô tuấn vĩ khác thường, vương hết sức vui mừng, đặt tên là Trần Quốc Tuấn. Vương nhờ một thầy tướng giỏi xem thử vận mạng đứa trẻ. Thầy tướng xem quẻ rồi chúc mừng: "Đây là một siêu nhân cứu nước giúp đời, sẽ làm rạng danh giòng họ muôn thuở". Vương nghe thế càng mừng, từ đó vương chuyên tâm lo kiếm thầy giỏi để dạy dỗ rèn luyện cho Trần Quốc Tuấn. 
Người vợ sau của Phụng Càn vương là Thuận Thiên công chúa vốn có sắc, lại được giáo huấn cẩn thận từ nhỏ trong cung nên công dung ngôn hạnh đều vẹn toàn. Phụng Càn vương quyến luyến yêu thương nàng lắm. Chẳng bao lâu, nàng công chúa kiều diễm này cũng sinh cho vương một người con trai khôi ngô không kém gì Trần Quốc Tuấn. Vương đặt tên cho vương tử là Doãn và càng trân quí Thuận Thiên thêm. 
Năm Nhâm Thìn*, trong dịp các tôn thất nhà Lý tựu về làm lễ tế tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Đường, làng Hòa Lâm, huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh, Thái sư Thủ Độ đã thực hiện một vụ diệt chủng rất tàn bạo. Ông cho đào hầm ở chỗ dựng nhà tế lễ rồi làm nhà lá lên trên. Khi các tôn thất nhà Lý vào làm lễ, thình lình Thủ Độ cho đánh sập hết xuống hầm rồi chôn sống tất cả. May mắn có một vị hoàng thân tên Lý Long Tường bị bệnh không đến dự lễ được nên thoát nạn. Nghe tin này, ông vội gắng gượng dắt gia đình cải dạng thường dân để đi trốn. Sau đó ông kiếm thuyền vượt biển sang nước Cao Ly xin tị nạn. 
Để lòng người hết đường hoài vọng nhà Lý, mượn cớ ông tổ nhà Trần tên Lý, Thái sư Trần Thủ Độ ra lệnh cho tất cả những ai còn mang họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn. Ai bất tuân đều bị tru diệt. 
Việc bắt buộc những người họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn đã làm cho Thuận Thiên công chúa vô cùng đau lòng. Thế là giòng họ nàng từ đây mất hẳn. Trước sự tàn bạo của viên Thái sư độc tài, nàng chỉ dám khóc thầm. Những nụ cười tươi như hoa tắt hẳn trên môi nàng công chúa trẻ thay vào đó là cặp mắt lúc nào cũng đỏ hoe. 
Ngày kia, Phụng Càn vương Trần Liễu trong lúc buồn chán, một mình lững thững đến thăm công chúa. Đến nơi, vương không cho người hầu thông báo trước mà đi thẳng vào phòng công chúa. Thấy công chúa và vương tử Doãn đang ôm nhau mà khóc sướt mướt, vương ngạc nhiên dừng bước chứng kiến cảnh đó một hồi. Hai mẹ con vẫn không hay biết gì. 
- Con có thương người mẹ đau khổ này không? Cả giòng họ mẹ bị diệt hết rồi! Mối hận tày trời này ai trả cho mẹ đây con ơi! 
- Mẹ đừng khóc nữa mẹ ơi! Con sẽ trả thù cho mẹ! Con sẽ trả thù cho mẹ! 
Nhìn dáng công chúa xác xơ rũ rượi, nhìn đứa con trai bé bỏng cưng quí của mình thốt lên những lời đau đớn, vương thấy quặn thắt cả lòng. Vương càng thương hai mẹ con lại càng lo sợ. Cứ tình trạng này thì nàng có thể bị Trần Thủ Độ giết mất. Càng thương công chúa bao nhiêu, vương càng căm ghét lòng dạ tàn ác của người chú họ bấy nhiêu. Quá sợ họa tai vách mạch rừng, vương lên tiếng: 
- Hai mẹ con đang làm gì đó? 
Công chúa hoảng hốt đưa tay áo rộng quệt vội nước mắt: 
- Chàng đến chơi bất ngờ quá thiếp không hay mà nghinh tiếp thật là có lỗi lớn! Lạy chào Phụ vương đi con! 
Vương tử Doãn, cậu bé khoảng bốn tuổi, thông minh, kháu khỉnh, cũng vội vàng quệt nước mắt quì xuống: 
- Hài nhi kính lạy Phụ vương, chúc Phụ vương thọ cao ngàn tuổi! 
Vương khoát tay cho hai người miễn lễ. Đứng lặng một lúc, vương lên tiếng: 
- Công chúa và hài nhi phải cẩn thận mới được! Phải đề phòng tai vách mạch rừng! Lòng dạ Thái sư không ai lường được đâu. Ta rất thông cảm nỗi khổ của công chúa và hài nhi. Ta cũng đau khổ lắm! Nếu hai người có bề nào thì ta cũng khó sống! Nhớ nhé, phải luôn luôn bảo trọng! 
Nghe Phụng Càn vương nói, Thuận Thiên công chúa hiểu rằng những gì mới diễn ra giữa hai mẹ con vương đã biết hết. Nàng vội vàng kéo vương tử Doãn cùng nàng phủ phục xuống đất: 
- Mẹ con thiếp đội ơn chàng đoái thương đùm bọc. Mẹ con thiếp xin thề muôn kiếp làm trâu làm ngựa để báo đáp ơn nghĩa sâu dày của phu quân! 
Phụng Càn vương rơm rớm nước mắt đỡ hai người dậy: 
- Ta cũng thề trọn kiếp này, ngày nào còn sống ta còn bảo vệ công chúa và hài nhi ngày ấy. Ta biết nỗi đau đớn, nỗi hận thù sâu sắc của công chúa. Ta không lấy thế làm buồn công chúa đâu! Công chúa luôn luôn đúng! Chính giòng họ ta mới là kẻ gây nên tội ác! Nhưng ta xin nhắc lại: Từ rày công chúa phải hết sức cẩn thận mới được! Thôi, bây giờ ta xin cáo từ! 
* 
Vua Thái Tôn lấy Chiêu Thánh hoàng hậu hơn tám năm mới có kết quả. Năm Quý Tỵ*, Chiêu Thánh sinh được một trai, vua đặt tên là Trịnh. Nhưng nỗi mừng chưa trọn thì nỗi buồn đã đến, chỉ hơn một tháng sau hoàng tử Trịnh bị bệnh đột ngột mà mất. Đây là một biến cố làm hoàng tộc nhà Trần nhốn nháo. Những dư luận không tốt cứ xôn xao quanh chuyện quả báo bởi hành động dã man tàn bạo cũng như chuyện loạn luân của họ Trần. Những dư luận ấy có thể không đến tai Thái sư Trần Thủ Độ nhưng chắc chắn hầu hết mọi người trong hoàng tộc đều phải nghe qua ít nhiều. Rất nhiều gia đình trong hoàng tộc đã liên tục đốt hương cầu nguyện mỗi đêm khiến phần đông dân chúng cũng bắt chước theo. Đến nỗi nghề làm nhang ở kinh thành Thăng Long bỗng trở nên thịnh hành một thời. Một số khác người trong tôn thất nhà Trần còn rủ nhau xuống tóc đi tu... 
Chiêu Thánh hoàng hậu sau lần sinh đẻ ấy cũng không thấy dấu hiệu thai nghén nữa. Trong dân gian, những lời truyền đồn cho đây là hậu quả do vụ chôn sống người giòng họ Lý và tội loạn luân ngày càng lan rộng... 
Vua Thái Tôn càng khôn lớn càng cảm thấy khó chịu vì sự chuyên chính của Thái sư Trần Thủ Độ. Trái ngược với con người đầy mưu mô, độc ác Trần Thủ Độ, Trần Liễu cũng như Trần Cảnh tánh tình lại rất nhân ái nhu hòa. Hai anh em, dù bên ngoài đã thành danh nghĩa vua tôi nhưng bên trong vẫn giữ được nếp huynh hữu đệ cung. Uy tín Phụng Càn vương Trần Liễu cũng ngày càng lên khiến cho Thái sư Trần Thủ Độ có phần ái ngại. Năm Giáp Ngọ*, nhà vua cải phong cho Phụng Càn vương làm Hiển Hoàng (hoàng đế hiển hách) với hi vọng tăng uy tín cho người anh mình lên, hòng chia bớt quyền hành trong tay người chú họ. Nhưng âm mưu ấy làm sao qua mắt được con người gian hùng tuyệt kỹ như Trần Thủ Độ! Việc đó rốt cục chỉ dẫn đến tai họa cho gia đình Trần Liễu. 
Vào tháng sáu năm Bính Thân*, trời mưa lụt lớn. Trận lụt kéo dài nhiều ngày làm cho việc làm ăn, đi lại của dân chúng trên vùng châu thổ Hồng hà hết sức khốn đốn, vất vả. Ngay cả kinh thành Thăng Long cũng bị nước tràn vào. Hôm ấy tới buổi chầu, các quan vào triều đều phải đi bằng thuyền. Linh Từ quốc mẫu, cũng là cựu Thái hậu, vợ Thái sư Trần Thủ Độ, cũng lên một chiếc thuyền để vào triều. Trên đường đi, lúc thuyền đang qua gần cung Lệ Thiên, một người hầu của quốc mẫu là An Nhiên thấy trời mưa lụt quá nhiều ngày, trong lòng lại hậm hực chi đó, buột miệng than thở: 
- Chắc là trời phạt tội loạn luân của người trần thế đây! Người một họ cứ lấy nhau đi rồi trời bắt chết hết cho coi! 
Không ngờ lời than ấy bị một người hầu khác nghe được. Thế là lọt đến tai Linh Từ quốc mẫu. Như bị móc vào tim gan, quốc mẫu giận lắm, liền sai người xô An Nhiên xuống nước. Mặc cho An Nhiên chới với khóc lóc, quốc mẫu vẫn bỏ mặc, cứ thúc thuyền tiếp tục đi. Vì trời mưa gió chẳng mấy ai vào ra nên người trong cung Lệ Thiên cũng chẳng hay biết gì. 
Nhưng số An Nhiên chưa chết. Nước lụt tuy dâng cao lai láng nhưng không chảy xiết khiến nàng chỉ phải ngắc ngoải hụp lặn rồi vịn được vào một thân cây mà kêu cứu. May sao, vừa lúc thuyền Hiển Hoàng Trần Liễu vào triều cũng đi ngang qua đó. Hiển Hoàng cho người vớt An Nhiên lên đưa vào cung Lệ Thiên gởi sưởi nhờ, xong Hiển Hoàng mới vào triều. 
An Nhiên trước đây là cung nữ Lý triều, hầu hạ Trần Thái hậu trong cung. Khi Thái hậu bị giáng làm Thiên Cực công chúa và kết hôn với quan Thái sư thì bà đem một số cung nữ đó (nhà Trần hết dùng) theo về với mình. Trong lúc quá tức giận, Linh Từ quốc mẫu đã cho xô An Nhiên xuống nước. Nhưng khi đi rồi thì bà cũng cảm thấy ân hận. Dù sao, An Nhiên cũng là người xưa nay rất trung thành tận tâm hầu hạ bà. Xong buổi chầu, quốc mẫu cho thuyền ghé lại cung Lệ Thiên hỏi thăm. Thấy An Nhiên đã được cứu sống, bà hỏi chuyện rồi cho lên thuyền trở về theo bà. Sau đó, quốc mẫu đem sự việc đã xảy ra kể lại với chồng. 
Thái sư nghe vợ kể chuyện này xong thì mắt ông sáng rỡ lên. Ông lập tức cho đòi nàng An Nhiên đến phòng làm việc trong tư thất. Trước mặt Thái sư, An Nhiên sợ hãi quì xuống nền đất lạy lục. Thái sư đuổi tất cả tả hữu ra ngoài rồi quắc mắt giận dữ: 
- Con tiện tì! Mày biết mày đã tới số chết chưa? Tại sao mày dám mở miệng nói xấu hoàng gia? Ai xúi giục mày? 
An Nhiên run lên cầm cập. Nàng ấp úng van lạy: 
- Tiện nữ trót dại lỡ lời, xin Thái sư lấy lượng hải hà tha tôi chết cho, tiện nữ xin muôn kiếp làm trâu làm chó để báo đáp! 
Thái sư vẫn thái độ giận dữ: 
- Không thể được! Mày đã xúc phạm đến hoàng gia đương nhiên mày phải chết! Mày có biết là bất cứ ai trên đất nước này, hễ ta cho sống là sống, ta cho chết thì phải chết không? Con tiện tì khốn kiếp! 
Nàng cựu cung nữ đã thấy được bao nhiêu hành động tàn ác của Thái sư Thủ Độ trước đây. Như con nhái đã bị thôi miên trước con rắn lớn đang vươn cổ, An Nhiên run bần bật đến độ không còn giữ nổi thân thể, nàng rục người xuống... 
Trần Thủ Độ gằn giọng: 
- Con tiện tì! Mày rất xứng đáng lãnh tội chết. Nhưng mày vốn là gia nô của nhà này, ta muốn cho mày một con đường sống nếu mày làm được một việc! 
An Nhiên đang thảng thốt mơ màng nghe tiếng Thủ Độ nói cho một con đường sống thì đầu óc dần bình tĩnh lại mặc dầu người nàng vẫn run bần bật.
- Con tiện tì! Mày nghe rõ chưa? Chọn đường chết hay chọn đường sống? 
An Nhiên gắng gượng cố lấy hết can đảm thưa: 
- Bẩm Thái sư, tiện tì muốn sống. Thái sư bắt làm việc gì tiện tì cũng xin tuân lệnh! Khó khăn mấy tiện tì cũng không dám chối từ! 
- Được! Nếu làm trôi tròn việc này không những mày khỏi chết mà còn được thưởng nữa. Đây là việc của mày... 
* 
Khắp kinh thành Thăng Long bỗng nhiên xôn xao lên cái tin cựu cung nữ An Nhiên tố cáo Hiển Hoàng Trần Liễu hiếp dâm nàng tại cung Lệ Thiên trong ngày đi chầu. Việc tố cáo này được sự làm chứng của mấy cung nữ ở cung Lệ Thiên. Đình thần phải họp khẩn để bình nghị. Hiển Hoàng kêu cả mấy người hầu đi theo ra làm chứng cho mình để minh oan nhưng không ai tin hết. Kết quả là Hiển Hoàng bị giáng xuống làm Hoài vương. Uy tín, danh vọng của Trần Liễu coi như tan nát vì chuyện này. Trần Thái Tôn vốn rất tôn kính Trần Liễu vì xưa nay Trần Liễu vẫn sống rất đạo đức. Nhà vua không thể nào ngờ người anh mình lại có một hành động tồi bại đến thế. Nhưng qua người tố cáo và bao nhiêu người làm chứng như thế thì làm sao không tin cho được! Nhà vua cảm thấy đau lòng lắm! 
Họa vô đơn chí, Thuận Thiên công chúa chưa nguôi nỗi đau diệt tộc thì nhận tiếp cái đòn sấm sét này. Nàng hiểu Trần Liễu hơn ai hết. Nàng biết Trần Liễu là người không tán thành việc người cùng họ lấy nhau. Nàng biết là Trần Liễu rất thương người, nhất là những người sa cơ thất thế. Nàng biết Trần Liễu không thể là hạng làm càn được. Trần Liễu chỉ có khuyết điểm là không cương cường trong việc đua tranh với kẻ khác. 
Sau vụ án cưỡng dâm cung nữ, Hoài vương Trần Liễu bệnh liệt giường một thời gian. Có lẽ do nguyên nhân buồn phiền, uất giận. Mỗi ngày Thuận Thiên công chúa đều vào săn sóc, vấn an vương. Một hôm vương rưng rưng nước mắt hỏi Thuận Thiên: 
- Công chúa có tin là ta đã làm việc tồi bại đó không? 
Công chúa cũng rớm lệ trả lời: 
- Thiếp biết chàng, thiếp không thể nào tin chàng làm việc đó! Nếu thiếp tin là chàng có hành động như thế làm sao thiếp có thể vào đây hàng ngày để tận tụy săn sóc chàng được? Nhưng thiếp không thể đoán biết vì sao con tiện tì ấy lại vong ơn bội nghĩa vu vạ cho chàng như thế? Nhưng thôi, chẳng qua do vận mệnh sắp đặt hết. Chàng hiểu thiếp, thiếp hiểu chàng là đủ rồi... 
Sau khi lành bệnh, Hoài vương Liễu chán nản không còn thích đi đây đi đó nữa. Ngoài những lần vào chầu vua, vương cứ quanh quẩn trong nhà, chăm sóc việc học hành cho hai vương tử. Điều may mắn là vương đã tìm được những ông thầy xứng đáng để dạy dỗ cho hai con. Cả hai vương tử đều học đâu nhớ đó, học một biết hai. Nhất là vương tử Tuấn tuy còn nhỏ đã tỏ ra tài ba nhiều mặt. Đó là niềm an ủi rất lớn cho Hoài vương Liễu và Thuận Thiên công chúa. 



Chương 7:


Vụ án cưỡng dâm cung nữ ở cung Lệ Thiên tuy làm vua Thái Tôn buồn bực nhưng ngài vẫn hoàn toàn im lặng. Mọi việc ngài để mặc Thái sư và triều đình quyết định. Dù Trần Liễu đã bị giáng chức tước, vua Thái Tôn vẫn tỏ ra niềm nở kính trọng anh mình, không có một lời khiển trách. Thái sư Trần Thủ Độ thấy vậy không hài lòng lắm. Ông vốn ghét cay ghét đắng Trần Liễu từ trước. Khi Trần Thừa còn sống, thấy Thủ Độ hay qua mặt cha mình, Trần Liễu thường lộ vẻ khó chịu. Thủ Độ biết nhưng chỉ để bụng. Bây giờ Thủ Độ đã nghĩ tới một ngày ông phải nằm xuống, ông càng lo lắng nhiều mặt. Càng lo sợ ông lại càng thêm ghét Trần Liễu. Ông cho rằng Trần Liễu là kẻ bất tài, nhu nhược. Ông không muốn thấy vua Thái Tôn tỏ vẻ nể nang Trần Liễu quá! Thái Tôn chưa có con, cái ngai vàng nhà Trần dưới mắt Thái sư vẫn còn bấp bênh lắm. Trong thâm tâm vị Thái sư ngày mỗi già, ông rất ngại một ngày nào đó có thể uy tín Trần Liễu lại được phục hồi trong lòng vua Thái Tôn. Ông sợ lòng nhân của vua Thái Tôn và tánh nhu nhược của Hoài vương Trần Liễu có thể tạo cơ hội cho những người còn luyến tiếc nhà Lý vùng đậy đạp đổ cái cơ đồ mà ông đã đem hết tâm huyết ra gây dựng. Ông biết ân đức của nhà Trần chưa thấm nhuần bao nhiêu trong lòng dân. Sở dĩ họ chịu khuất phục tân triều chẳng qua cũng chỉ vì sợ bạo lực. Những đám dư đảng của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng vẫn còn hoạt động nhiều nơi. Trong khi đó lại có nhiều tin tức dồn dập đưa về cho biết quân Mông Cổ đang bủa vây uy hiếp nặng nề nhà Nam Tống. Thấy lửa từ xa trong nhà cần dẹp bớt củi và chuẩn bị nước sẵn mới được. Ông nghĩ mình phải có một hành động dứt khoát! 
Lấy chồng gần mười năm mà đường con cái vẫn không ra gì, hoàng hậu Chiêu Thánh cũng lấy làm lo sợ lắm. Vì thế, hằng ngày hoàng hậu vẫn siêng năng cầu nguyện kinh kệ ngay trong cung chỉ mong Trời Phật xuống phước ban cho nàng một đứa con. Ngoài ra, hoàng hậu cũng hay đến các chùa chiền để cầu nguyện và nghe thuyết pháp. Thái sư Trần Thủ Độ thấy vậy không bằng lòng, ông nói với vua Trần Thái Tôn: 
- Các hoàng đế xưa nay thường lập rất nhiều hậu, phi, tuyển nhiều cung tần, mỹ nữ để phục vụ riêng cho mình. Với số đàn bà đông đảo đó, người ta phải xây dựng tam cung lục viện để họ ăn ở và làm việc. Khi lập nên một vị hoàng hậu là cốt để làm người quản trị chốn tam cung lục viện ấy, cho nhẹ bớt việc triều đình. Nay hoàng hậu không chịu làm tròn chức phận của mình, không chịu giúp bệ hạ lập các phi tần để sinh con đàn cháu lũ, lại cứ miệt mài ra vào chốn thiền môn, đó là một hành động ích kỷ, không đoái nghĩ đến tương lai của Trần triều ta. Xin bệ hạ lưu ý xét lại vấn đề đó! 
Vua Thái Tôn nói: 
- Không lập phi tần, không dùng mỹ nữ việc này tự ý của trẫm, không phải do hoàng hậu cản trở. Hoàng hậu không may gặp nhiều cảnh khổ não nên phải đến cửa thiền để cầu nguyện, để sám hối, để tìm nguồn an ủi. Việc đó trẫm nghĩ đâu có hại gì cho tiền đồ của Trần triều? Xin Thái sư chớ quan tâm! 
Trần Thái sư tỏ vẻ giận dữ: 
- Bệ hạ thử nghĩ, một người đàn bà không quan tâm đến vấn đề con cái nối dõi của gia đình chồng mà chỉ mưu lợi cho bản thân mình thì làm gương mẫu cho muôn dân sao được? 
Vua Thái Tôn nói: 
- Xin thúc phụ thông cảm cho một người đang bấn loạn nội tâm vì gặp phải quá nhiều biến cố lớn lao trong đời. Dù sao hoàng hậu cũng chỉ là một người đàn bà yếu đuối. Trẫm hi vọng một thời gian ngắn nữa mọi sự sẽ thay đổi. 
Thái sư cười gằn: 
- Bao giờ mới thay đổi được đây? Bệ hạ hãy coi chừng, chớ vì một người đàn bà mà để sụp đổ cơ nghiệp do ông cha lao khổ tạo dựng nên! 
Nói xong, Trần Thái sư hằm hằm bỏ đi một mách. 
* 
Vào một buổi sáng, Hoài vương Liễu đang sửa soạn đi thăm coi việc học hành của hai vương tử Tuấn và Doãn thì một thị nữ của Thuận Thiên công chúa đến xin ra mắt. Vương cho vào thì nàng thị nữ trình rằng công chúa muốn gặp vương có chuyện. Sợ có việc gì không hay xảy ra cho công chúa, vương lo lắng hỏi: 
- Công chúa muốn gặp ta có chuyện gì? 
- Khải bẩm vương gia, công chúa muốn mời vương gia đến để báo một tin gì đó hình như rất quan trọng. 
Vương nghe nói trong lòng càng nôn nóng hồi hộp. Vương vẫn sống như một ẩn sĩ ngay giữa kinh thành Thăng Long phồn hoa trong bao lâu nay. Như con chim đã bị ná bắn một lần hễ thấy cành cong là giật mình, ngoài vợ con ra, vương không muốn tiếp xúc với ai hết. Vương cũng cố tránh va chạm với bất cứ một vị quan nào trong triều. Vụ án cung Lệ Thiên đã làm vương nghĩ rằng giữa lúc này bất cứ ai, bất cứ cái gì đối với vương cũng có thể trở thành cạm bẫy. Nếu vương không phải là anh ruột của đương kim thiên tử, có lẽ vương đã bị diệt tộc rồi. Thời gian gần đây, vương thấy Thuận Thiên công chúa rất ít khi có được một nụ cười. Nàng vốn đã kiều diễm, nỗi sầu muộn lại càng làm tăng vẻ kiều diễm ấy, càng hun hút khuấy sâu vào lòng vương. Nhiều lúc nhìn công chúa, vương lại liên tưởng đến một cái gì phù du, vô thường. Với sự suy tưởng đó, vương càng cám cảnh thương yêu công chúa vô bờ. 
Mặc dầu đã sống thu mình tối đa, nỗi lo vẫn không khi nào rời khỏi đầu óc vương. Cho nên khi nghe con nữ tì báo, vương vội vàng đến phòng công chúa. 



Nhưng gặp mặt Thuận Thiên, vương sững sờ chưng hửng. Một nụ cười thật tươi đang nở trên môi khi công chúa đón chào vương. Lạy Phật lạy thánh! Các ngài đã cứu vớt một linh hồn đau khổ! Đã quá lâu rồi vương không thấy nụ cười nào của công chúa tươi như thế. Cõi lòng của vương lâu nay cũng như đám đất khô cằn vì hạn hán giờ chợt gặp được một trận mưa rào, vương sung sướng vồn vã hỏi: 
- Thế mà làm ta hết hồn! Công chúa có tin vui gì cho ta hay hả? 
Công chúa nũng nịu: 
- Phu quân hãy thử đoán xem! Hoàng thiên hữu nhãn phu quân ạ! Thiếp đã biết chắc thiếp sẽ hiến tặng cho chàng một vương tử nữa! Trời không phụ người thành tâm giữ đức, phải không chàng? 
Hoài vương Liễu nghe nói mừng rỡ lắm: 
- Đúng là ông trời có mắt! Đúng là ông trời có mắt! 
Nhưng vương cũng chợt thấy hơi áy náy vì lời nói của mình. "Ông trời có mắt" hay "trời không phụ người thành tâm giữ đức" phải chăng là những lời vô tình xúc phạm đến vua Thái Tôn! Vua Thái Tôn đâu có làm gì thất đức? Thế mà giờ đây ngài đang vô cùng khao khát có được một mụn con! Nghĩ đến đây vương lại cười xòa: Ta thật không có ý mỉa mai ai cả! Nét mặt sung sướng, vui mừng hồn nhiên của công chúa đã kéo vương trở lại thực tại. Lòng vương rộn rã lên một niềm hạnh phúc mênh mang. Vương nói: 
- Thôi, trời cho ai nấy hưởng! Ta hãy mở tiệc ăn mừng! 
Rồi vương vẫy tay gọi một thị nữ đến dặn: 
- Ngươi hãy đến nói với lão quản Đinh Lang rằng ta muốn lão sắm sửa một bữa tiệc thân mật trong gia đình ở nội dinh vào trưa nay. Ngươi cũng nói với ông Quang Thiệu ta nhờ ông ấy đến xin phép thầy đồ cho hai vương tử nghỉ học hôm nay và mời thầy cùng đến dự luôn thể. 
Ả thị nữ vừa đi khỏi thì một gia đinh có vẻ hấp tấp đến xin gặp vương. Vương ngạc nhiên kêu vào hỏi: 
- Có chuyện gì mà vội vã thế? 
- Khải bẩm vương gia, có thánh chỉ đến. Sứ giả đang đợi vương gia trước dinh. 
Hoài vương ngạc nhiên vội tạm biệt công chúa để trở về nghinh tiếp. Vương về đến dinh thì Phạm Vinh và Trần Quang Thiệu đã lo thiết lập xong hương án. Hoài vương liền cho đốt hương rồi quì nghe thánh chỉ: 


"Vâng mệnh trời, Hoàng Đế chiếu rằng, 
Xét rằng, các trấn phía Bắc trong thời gian qua, trời hạn hán lâu ngày nên mùa màng không được khá. Dân chúng có phần phải chịu cảnh đói kém. 
Một số người xấu đã lợi dụng thời cơ tụ tập cướp bóc làm cho dân chúng càng sống không yên. 
Một số quan lại địa phương không làm tròn trọng trách chăn dân, bảo vệ dân.
Nay trẫm ủy thác hoàng huynh Hoài vương đi tuần thú và ủy lạo dân chúng ở các trấn nói trên. Hoàng huynh sẽ thay mặt trẫm, được toàn quyền giải quyết tại chỗ cấp thời các vụ việc xảy ra có hại đến nền an ninh quốc gia. 
Quan lại địa phương phải triệt để tuân hành chiếu chỉ này! 
Khâm thử!" 


Hoài vương nhận chiếu chỉ xong vừa mừng vừa bối rối. Vương hỏi sứ giả: 
- Hoàng thượng có dặn gì ta nữa không? 
- Chỉ có Thái sư dặn vương gia nên lên đường càng sớm càng tốt. 
Sau khi tiễn sứ giả ra về, vương mời những người thân tín lại nói chuyện. Vương bần thần hỏi: 
- Các ông thấy có gì lạ trong chuyến đi này của ta không? 
Quang Thiệu thưa: 
- Theo tôi nghĩ lệnh vua đã ban ra vương gia cứ việc thi hành, chẳng cần suy nghĩ làm gì cho nhọc trí! 
Phạm Vinh nói: 
- Tôi hiểu ý vương gia, chắc vương gia ngại việc này có thể do ý riêng của Thái sư sắp đặt với một mục đích nào chăng? Dù sao ta cũng phải cẩn thận mới được! 
Quang Thiệu nói với Phạm Vinh: 
- Tốt nhất là ông và tôi cùng đi theo vương gia để phòng ngừa những điều bất trắc! 
Hoài vương nói: 
- Ừ phải, hai ông cũng nên đi với ta cho có bạn mà ta cũng được an tâm hơn! Chuyến đi này nhanh lắm cũng phải hơn ba tháng. Sau bữa tiệc trưa nay chúng ta chuẩn bị hành trang, sáng hôm sau lên đường. 
Thế rồi vương cho người đi đón công chúa Thuận Thiên và hai vị vương tử đến. 
Bữa tiệc mừng vợ có thai bỗng trở thành bữa tiệc chia tay vợ tiễn chồng lên đường lo việc nước. Trong khi mọi người chúc mừng những lời thật hay nét mà nét mặt Thuận Thiên công chúa vẫn buồn rười rượi khiến Hoài vương cũng chột dạ. Vương bèn kiếm lời trấn an: 
- Công chúa hãy vui lên cho thai nhi vui theo! Chuyến này đã có hai vị tiên sinh Trần, Phạm cùng đi với ta công chúa khỏi lo lắng gì cả. Ta sẽ hoàn thành sứ mạng mà về sớm để nàng đỡ trông chờ. 
Để chứng tỏ lòng tự tin của mình, vương cầm thanh gươm lên múa mà ngâm: 
Đại nhậm sứ trình phải ruổi dong, 
Ta đi, nhất định sớm thành công! 
Ơn vua, lộc nước mình đâu thẹn! 
Đầu bạc bên nhau trọn vợ chồng. 
Thấy chồng có vẻ vui, Thuận Thiên mới tạm yên lòng. Nàng nói: 
- Chàng đã vui vẻ như vậy thiếp không vui sao được! Đây là cơ hội để đấng nam nhi đền đáp ơn vua lộc nước há lẽ thiếp không hưởng ứng với chàng? Vậy thiếp cũng xin họa mấy vần: 
Tuổi già muốn hưởng cảnh thong dong, 
Trai trẻ bây giờ phải gắng công! 
Chàng đã hăng say lo việc nước, 
Thiếp đâu để thẹn với con, chồng! 
Công chúa ngâm xong cử tọa vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Trần Quang Thiệu đứng dậy trân trọng nói: 
- Bữa tiệc hôm nay quả là bữa tiệc "đại hỉ" của vương gia. Vương gia sắp có thêm một vương tử, vương gia lại được hoàng thượng ban cho cơ hội lập công lớn với đời, gọi là đại hỉ cũng xứng đáng thôi! Chúng ta nên vì vương gia và công chúa mà hết mình vui say hôm nay để chúc mừng! 
Cử tọa lại vỗ tay vang rền. Bữa tiệc trở thành trọn vui. Rốt cục cả Hoài vương lẫn công chúa đều say vùi...

Chương 8:


Vua Thái Tôn khi lên ngôi tuy còn quá trẻ nhưng có nhiều triển vọng trở thành một đấng anh quân. Ngài tỏ ra có đầy đủ đức độ nhân ái, thông minh, lại rất chịu khó học hỏi. Tuy thế, quyền lớn lại nằm trong tay Thái sư Thủ Độ nên Thái Tôn chưa thi thố được gì. 
Càng trưởng thành ngài càng cảm thấy áy náy về những điều quá đáng mà người chú mình đã làm đối với họ Lý. Do đó, ngài càng thương cảm hoàng hậu thêm. Mặc dầu có sự thúc giục của vợ chồng Thái sư và triều đình nhưng ngài không chịu tuyển thứ phi. Tình nghĩa vợ chồng giữa Thái Tôn và Chiêu Thánh vô cùng đậm đà thắm thiết. Đến năm Quý Tị* thì hoàng hậu chính thức báo tin mừng cho vua Thái Tôn. Vua và hoàng hậu đã sống những ngày hi vọng, đợi chờ tràn ngập hạnh phúc. 
Thế rồi hoàng tử Trịnh ra đời. Một nguồn vui tột đỉnh lan toả khắp hoàng cung rồi khắp cả nước. Triều đình đã ban lệnh cho khắp dân gian, ai có con sinh cùng ngày với hoàng tử được thưởng một lượng bạc. Ai có con sinh cùng năm với hoàng tử được thưởng một tiền gọi là lộc vua. Người ta còn xôn xao bàn tán vua sẽ xuống chiếu tha thuế một năm nữa. 
Nhưng không ngờ niềm vui đó quá chóng tàn. Hoàng tử Trịnh mới sống hơn một tháng thì lìa trần kéo theo sự tan nát của cuộc đời Chiêu Thánh hoàng hậu. Năm năm liền tiếp theo nhà vua cũng như hoàng hậu lại khắc khoải an ủi nhau mà chờ đợi... 
Sau ngày Thái sư Trần Thủ Độ lên tiếng cảnh báo về Chiêu Thánh hoàng hậu, vua Thái Tôn luôn cảm thấy lo ngại trong lòng. Ngài biết trước sau thế nào Thái sư cũng có một hành động gây bất lợi cho hoàng hậu. Thế nhưng ngài không dám báo động cho hoàng hậu biết. Ngài thừa hiểu hoàng hậu dù có biết, nàng cũng không không cách nào cưỡng lại được số mệnh mà chỉ rước thêm nỗi lo sợ, đau khổ mà thôi. 
Vào năm Đinh Dậu*, một hôm Thái sư Trần Thủ Độ cho mời hai người em họ thân tín là Hải Dương hầu Trần Phong, Sơn Nam hầu Trần Tú đến nhà riêng bàn chuyện với sự có mặt của Linh Từ quốc mẫu. Trần Thủ Độ trình bày: 
- Hôm nay ta mời quí hầu đến đây cũng chỉ vì mục đích bảo vệ cơ nghiệp nhà Trần của chúng ta. Hoàng thượng lập hoàng hậu đã hơn mười hai năm mà vẫn không con nối dõi, như thế hoàng hậu đã phạm vào tội "thất xuất". Không con là tội đầu trong bảy tội: thứ nhất không con, thứ hai dâm dật, thứ ba không thờ cha mẹ chồng, thứ tư lắm điều, thứ năm trộm cắp, thứ sáu ghen tuông, cuối cùng là có ác tật. Người vợ phạm một trong bảy điều ấy thì gia đình người chồng có quyền đuổi trả về với gia đình cũ. Đó là luật lệ đã định sẵn xưa nay. Ta muốn quí hầu cùng ta thỉnh cầu Hoàng thượng phải truất ngôi Chiêu Thánh để lập một vị hoàng hậu mới. Quí hầu nghĩ sao? 
Linh Từ quốc mẫu, mẹ của Chiêu Thánh, nghe chồng nói như thế thì chân tay rụng rời. Bà giận lắm, bao lâu nay tuy là vợ chồng, Thái sư chẳng hề hé môi với bà một tiếng về chuyện đó. Tức giận nhưng bà vẫn cố dằn vì biết nếu phản ứng chỉ gây thêm sự bất lợi cho Chiêu Thánh. Số phận đứa con gái của bà hẩm hiu đến thế sao? Đang ở ngôi vị thiên tử bỗng xuống làm hoàng hậu. Bây giờ lại rớt xuống tới đâu nữa đây? Bà hết sức sợ hãi cho nàng. Đã một thời ở ngôi nguyên phi, hoàng hậu rồi Thái hậu, bà có phương tiện để đọc sách vở nói về các triều trước. Một ông vua bị hạ bệ thường không bị chết vì cách này cũng chết vì cách khác. Một hoàng hậu đã bị giáng truất thì hầu hết phải chết đau khổ tại lãnh cung. Nếu không bị nhà vua rắp lòng giết hại cũng bị tân hoàng hậu ra tay trừ khử để dứt đường trở lại của đấng quân vương. Và thói thường, theo quan niệm của người đương thời, một người đàn bà bị đuổi vì phạm tội thất xuất là một vết nhục lớn cho tổ tiên, ông bà. Bà đã quá biết tính chồng mình. Ông đã nghĩ ra điều gì là nhất quyết làm cho kỳ được. Bà lặng người cau mày suy nghĩ một hồi rồi đề nghị cầu may: 
- Theo thiếp nghĩ, nếu Hoàng thượng không con, ta có thể chọn trong số con cháu hoàng gia một hai người để làm con nuôi cũng được. Hoàng thượng và hoàng hậu đều còn quá trẻ, xin hoãn một thời gian nếu hoàng hậu quả thật vẫn không sinh đẻ được nữa, ta sẽ lập người khác cũng chưa muộn! 
Hải Dương hầu Trần Phong thưa: 
- Bẩm Thái sư, quốc mẫu nói có lý đấy. Tạm thời ta cứ lập một vài người trong số con cháu hoàng tộc làm con nuôi cho Hoàng thượng như ý quốc mẫu cũng được. Vua và hoàng hậu đều còn quá trẻ lo gì không con! 
Sơn Nam hầu Trần Tú cũng lên tiếng phụ họa: 
- Bẩm Thái sư, nói như vậy phải đấy, tạm thời mình nên chọn con nuôi cho Hoàng thượng đã. Ngu đệ xin tán thành ý kiến của quốc mẫu và Hải Dương hầu. 
Thái sư Thủ Độ nghiêm giọng nói: 
- Ta đã có chủ ý cả rồi! Hôm nay ta mời các người đến để bàn kế hoạch tiến hành công việc chứ không phải để bàn nên làm hay không! Chiêu Thánh nhất định phải ra khỏi hoàng cung! 
Linh Từ quốc mẫu nghe chồng nói quả quyết như vậy hết sức lo sợ, bà năn nỉ: 
- Phu quân từng nói thiếp là người mà phu quân thương yêu nhất trên đời này, lại thương yêu ngay từ thuở còn thơ ấu, có phải vậy không? Phu quân cũng từng nói phu quân diệt nhà Lý vì thiếp hơn là vì cái ngai vàng có phải vậy không? Nếu quả như vậy, xin phu quân vì mối tình to lớn sâu dày đó, chiều ý thiếp một lần, chỉ một lần thôi! Thiếp xin phu quân cho Chiêu Thánh ở nguyên vị một thời gian nữa! 
Thái sư Thủ Độ lắc đầu: 
- Lòng ta đối với quốc mẫu quả như thế thật, nhưng đây là đại sự liên can đến chuyện tồn vong của cả giòng họ Trần chúng ta, ta không thể nhượng bộ được! 
Quốc mẫu nói: 
- Ngôi vua đang ở trong tay Hoàng thượng, quyền lớn đang ở cả trong tay phu quân, vậy việc đi hay ở của Chiêu Thánh nhỏ nhoi nào có gì ảnh hưởng đến sự tồn vong của giòng họ Trần ta? 
- Ta biết quốc mẫu cũng như nhị hầu đều vì Chiêu Thánh mà nói thế chứ không phải vì nhà Trần. Bây giờ ta còn đây thì nhà Trần tạm vững đấy. Nhưng nếu ta nằm xuống, Hoàng thượng sẽ nể thằng Liễu, để cho nó tự do thao túng trong triều. Mầm loạn sẽ có cơ dấy lên và cơ nghiệp nhà ta có thể tiêu tan. Khi đó chắc chắn cả giòng họ ta lớn nhỏ chẳng ai còn có một tấc đất để chôn thây đâu! Cho nên ta phải lo tính trước. Ý ta đã quyết, phải giáng truất Chiêu Thánh rồi sẽ lập Thuận Thiên làm hoàng hậu, như vậy thằng Liễu vì quá thương yêu Thuận Thiên sẽ đâm ra oán hận Hoàng thượng. Anh em đã bất hòa thì thằng Liễu sẽ không còn cơ hội để gần nhà vua mà chi phối được nữa. Như thế ta mới thật an tâm. Vậy, các ngươi phải vì quyền lợi tối thượng của nhà Trần mà tiến hành kế hoạch đó! 
Linh Từ quốc mẫu hoảng hốt quì xuống khóc: 
- Nếu thế thì số phận Chiêu Thánh sẽ ra sao? Phu quân phải hiểu cho nỗi đau lòng của một người mẹ khi chứng kiến con mình đang rơi xuống vực thẳm! Đây là lời cầu xin của người đàn bà mà phu quân từng nói phu quân đã yêu thương nhất trên đời. Xin phu quân vì thiếp mà hoãn chuyện ấy lại đã. Hơn nữa, hiện tại Thuận Thiên đã có thai nghén ba tháng. Đưa Thuận Thiên về làm hoàng hậu sao tiện? 
Thái sư trả lời cương quyết: 
- Ta đã nói một là một, hai là hai! Tình riêng và nghĩa công hai đường riêng biệt! Cả giòng họ Lý ta diệt hết còn được thì sá gì một con đàn bà của họ Lý? Lại nữa, quốc mẫu và nhị hầu không đề nghị để Hoàng thượng nuôi con nuôi đó sao? Lỡ Hoàng thượng không có con nữa thật thì sao? Thuận Thiên trở thành hoàng hậu thì đứa con đang thai nghén của Thuận Thiên muốn nói là con nuôi hay con đẻ của nhà vua đều được cả như vậy không tiện sao? Bây giờ ta chỉ muốn các ngươi ngày mai cùng ta yêu cầu Hoàng thượng thực hiện kế hoạch ấy! Tuy nhiên, kế hoạch phải đi từng bước một. Buổi chầu đầu, chúng ta chỉ nêu vấn đề truất phế hoàng hậu Chiêu Thánh và thi hành cho xong việc ấy đã. Như vậy mới giảm bớt được phản ứng của Hoàng thượng. Đợi chuyện ấy ổn định xong ta sẽ tiến hành bước kế tiếp, tức là đưa Thuận Thiên lên ngôi vị hoàng hậu, có thể phải đợi vài ba ngày sau. Giờ đây thằng Liễu đang đi tuần thú chưa về không làm thì còn đợi khi nào nữa? Ngày mai vào chầu, Sơn Nam hầu nhớ coi như mình là người chủ động nêu ra vấn đề. Tiếp đó, Hải Dương hầu có nhiệm vụ lên tiếng tán thành và bổ túc thêm. Ta sẽ là người vì triều đình khen ý kiến nhị hầu là đúng và đề nghị tất cả triều thần đưa ý kiến biểu quyết. Ta tin chắc triều đình sẽ không ai dám phản đối. Công việc trôi chảy tất nhiên quí hầu sẽ được trọng thưởng. Quí hầu phải hiểu rằng đây là một mệnh lệnh phải thi hành! 
Linh Từ quốc mẫu sững sờ trong khi Hải Dương hầu, Sơn Nam hầu răm rắp nói: 
- Tuân mệnh! Tuân mệnh! 
Thế rồi buổi chầu hôm sau trước mặt đông đủ bá quan, Sơn Nam hầu Trần Tú với nét mặt hết sức trịnh trọng tâu với vua Thái Tôn: 
- Tâu bệ hạ, hôm nay hạ thần xin nêu ra một vấn đề hết sức trọng đại mà triều đình cần phải giải quyết. Xưa nay bất cứ ở quốc gia nào, vị hoàng đế quốc gia đó luôn phải chuẩn bị sẵn một ngôi trừ nhị để phòng khi xảy ra chuyện bất thường. Thứ nhất để tránh chuyện tranh giành đổ máu sau các biến cố. Thứ hai để người giữ ngôi trừ nhị ấy chuẩn bị sẵn tư thế gánh vác đại sự quốc gia, tránh tình trạng người khác mon men dòm ngó. Nay bệ hạ ở ngôi đã lâu mà vẫn chưa lập ngôi trừ nhị, thần thiết tưởng đó là một điều không hay cho quốc gia. Cúi xin bệ hạ sớm có quyết định về việc đó! 
Vua Thái Tôn hơi bất ngờ trước những lời tâu đó. Ngài đang phân vân chưa biết nói sao thì một vị đại thần khác bước ra tâu tiếp: 
- Tâu bệ hạ, hạ thần là Hải Dương hầu Trần Phong cũng xin tiếp lời về vấn đề này. Quả thật việc không chuẩn bị ngôi trừ nhị trong một quốc gia là một sự thiếu sót quá lớn. Nó rất quan trọng đối với uy tín của bệ hạ, của triều đình. Cúi xin bệ hạ cho bá quan thảo luận rộng rãi vấn đề để giải quyết chứ không nên diên trì nữa! 
Hải Dương hầu vừa dứt lời thì Thái sư Trần Thủ Độ dõng dạc lên tiếng: 
- Tâu bệ hạ, thần thiết nghĩ lời tâu của nhị hầu vừa qua quả thật chí lý. Từ xưa tổ tiên chúng ta đã vấp phải những sự bế tắc như thế này, do đó các ngài mới rút kinh nghiệm định ra luật lệ để giải quyết. Thần trông bệ hạ dáng vẻ cường tráng, sung mãn, không hiểu tại sao lại không thể sinh con? Đây chắc chắn là do ở phía hoàng hậu vậy! Luật xưa có định sẵn, người đàn bà không con là mắc vào một trong bảy tội mà gia đình chồng được quyền trục xuất trả về nhà gái. Sách vở ghi rành rành ra đấy! Bệ hạ là đấng chí tôn, tưởng cũng nên thực hành nghiêm chỉnh để bá tính noi theo! 
Thế rồi Thái sư cho vị quan hình luật dâng vua Thái Tôn cuốn hình thư trong đó có mục nói về tội "thất xuất". Vua Thái Tôn biết ngay đây là một cuộc tập kích do Trần Thái sư dàn dựng. Nhưng ngài không có lý do gì để bảo thủ được. Bất đắc dĩ vua Thái Tôn phải cho đưa vấn đề ra để triều đình bàn cãi. Tất nhiên, dưới áp lực của Thái sư và triều đình, căn cứ vào điển lệ, vua Thái Tôn đành phải chấp thuận việc giáng truất Chiêu Thánh hoàng hậu làm Chiêu Thánh công chúa và buộc bà phải xa rời nhà vua vĩnh viễn. Ngài chỉ ra được một điều kiện tiên quyết: "Ai xâm phạm, làm hại, làm nhục Chiêu Thánh hoàng hậu sau khi bà đã bị trục xuất, người đó sẽ bị xử tử ba họ". 
Vua Thái Tôn không thể ngờ sau khi ngài và các quan vừa thỏa thuận với nhau việc đó, Thái sư Trần Thủ Độ lập tức cho người mang tờ chiếu chỉ đã soạn sẵn trình lên. Sự việc xảy ra quá đột ngột làm nhà vua sững sờ. Mọi chuyện đã được sắp đặt cả rồi, biết làm sao! Ngài thẫn thờ đọc tờ chiếu chỉ. Như kẻ vô hồn, ngài hờ hững cầm bút phê vào tờ chiếu rồi trao cho viên quan giữ ấn. Sau đó, chiếu chỉ được quan Hành Khiển tuyên đọc trước bá quan: 
"Thừa thiên hưng vận, hoàng đế chiếu viết, 
Trẫm nghe thánh đạo dạy rằng: "Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại". Đối với một người dân thường còn thế, huống trẫm lại mang trọng trách chăn dắt muôn dân, nắm giữ vận mệnh một nước! Nếu trẫm không có con kế tự thì lại càng đắc tội với trời, đắc tội với đấng tiên vương. 
Xét rằng, Lý thị, tức Chiêu Thánh công chúa được lập làm hoàng hậu nay đã mười hai năm. Thế nhưng Lý thị không đủ sức cho trẫm được một hài nhi để chuẩn bị kế tục gánh vác trọng trách trời đã giao phó cho trẫm. Như vậy tức Lý thị đã không được trời thương và lại phụ lòng tin cậy của trẫm. 
Xét rằng, căn cứ vào phong tục nước Đại Việt ta, người đàn bà không sinh con để nối nghiệp cho gia đình chồng là phạm tội đầu tiên trong bảy tội gọi là "Thất Xuất" mà gia đình chồng có quyền trả về cho cha mẹ người đàn bà ấy. 
Vậy, nay truất Lý thị Chiêu Thánh là đương triều hoàng hậu xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Sau khi nghe chiếu chỉ này, Chiêu Thánh công chúa phải lập tức rời cung hoàng hậu và đến chỗ ở mới theo sự bố trí của triều đình. Từ đây, nếu không có thánh chỉ triệu thì không được tự tiện vào cung. 
Bộ Lễ, bộ Hộ cùng Chiêu Thánh công chúa phải triệt để thi hành thánh chỉ này! 
Khâm thử!" 
Vua Thái Tôn rất thương yêu Chiêu Thánh. Ngài đâu có muốn phải xa lìa Chiêu Thánh! Mười hai năm chung sống cùng Chiêu Thánh tâm đầu ý hiệp với bao nhiêu kỷ niệm đẹp, thế nhưng chỉ vì thói tục xã hội mà ngài đành phải chia tay! Chiêu Thánh đâu phải vô sinh! Bằng chứng là Chiêu Thánh đã sinh một lần nhưng không may hoàng tử lại đoản mệnh! Ngài cảm thấy thẹn khi nghĩ tới bất cứ một người dân tầm thường nào cũng có thể làm chủ gia đình họ, bảo bọc được vợ con họ. Còn ngài, mang danh nghĩa một đấng quân vương mà không có một chút thực quyền. Ngài đã hai mươi tuổi mà mỗi việc làm của ngài đều do người khác giựt dây. Muốn bảo bọc cho người mình từng chung sống với bao nhiêu thương yêu mà ngài cũng không thể nào bảo bọc nổi. Cái ý nghĩ từ bỏ ngai vàng bắt đầu nhen nhúm trong óc ngài. Ngài đâu muốn làm kẻ bù nhìn chìm đắm trong hư danh! Lúc này, mắt nhìn những công văn trình tấu của các quan mà đầu óc ngài cứ để tận đâu đâu. Rốt cục, ngài phải cho xếp lại để lúc khác phê duyệt. Ngài thẫn thờ truyền kiệu phu đưa mình thẳng đến cung hoàng hậu với ý định hàn huyên với Chiêu Thánh một lần chót trước khi chia tay. 
Nhưng hỡi ôi, đã muộn mất! Thái sư Trần Thủ Độ đã cho thi hành án lệnh quá nhanh chóng. Khi vua Thái Tôn tới cung hoàng hậu thì Chiêu Thánh công chúa đã bị cưỡng bách thi hành thánh chỉ đâu từ lâu rồi. Vua Thái Tôn thất vọng than: 
- Ta muốn phân trần an ủi Chiêu Thánh vài lời trước khi từ biệt nhau cũng không được nữa! Thế này thì Chiêu Thánh có thể hiểu lầm ta suốt đời! Đau lòng thay! 
Thế rồi ngài buồn bã hồi cung. 
Suốt đêm hôm ấy, vua Thái Tôn không thể nào chợp mắt được. Hình ảnh Chiêu Thánh cứ vòng vòng sống lại trong óc ngài. Nào những cảnh chơi trốn tìm, tạt nước, ném khăn trầu thời thơ ấu! Nào những ngày sống êm đềm bên nhau, những ngày đau khổ khi đứa con đầu lòng mất, những ngày lên chùa cầu tự v.v... Thế là hết, tất cả chỉ còn là những kỷ niệm đau xót! 

Chương 9:

Từ khi lên ngôi báu rồi trở thành vị hoàng hậu đầu tiên của Trần triều, Chiêu Thánh đã phải liên tiếp hứng chịu nhiều nỗi bất hạnh thật lớn lao phủ xuống đời nàng. Đầu tiên là vụ cha nàng - tức Lý Huệ Tôn - phải thắt cổ mà chết tại chùa Chân Giáo. Tiếp đến là vụ hoàng tử Trịnh, đứa con duy nhất của nàng với vua Trần Thái Tôn chết yểu đột ngột khi mới hơn một tháng tuổi. Kế nữa là vụ hàng trăm thân tộc then chốt của họ Lý bị Thái sư Trần Thủ Độ lập mưu chôn sống ở thôn Thái Đường (Bắc Ninh). Nỗi bất hạnh nào cũng để lại trong đầu óc nàng những ấn tượng ghê rợn, hãi hùng. Những ấn tượng đó đã không ngớt quấy động tâm tư nàng với biết bao nhiêu cơn ác mộng về sau...
Qua mỗi lần biến động, Chiêu Thánh lại ngỡ như mình sẽ không cách nào chịu đựng nổi nữa. Nặng nhất là vụ Trần Thái sư chôn sống các tôn thất nhà Lý - một hành động diệt chủng mà nạn nhân chính là giòng họ nàng. Sau khi xảy ra việc này, nàng đã chuẩn bị một chén thuốc độc định kết thúc một kiếp phù sinh đầy bất hạnh. Nhưng có người biết được báo với vua Thái Tôn nên ngài đã ngăn cản kịp. Nàng từng khóc đến nỗi có lúc muốn hư mắt, tưởng phải mang bệnh mù. Nếu không gặp được vua Thái Tôn, một người chồng rất tốt, lúc nào cũng tận tình chăm sóc, bảo vệ, khuyên giải an ủi nàng, Chiêu Thánh thật khó mà vượt qua được những đau khổ lớn lao ấy. 
Tuy đã vượt được nhiều trở lực, Chiêu Thánh vẫn chưa cảm thấy đời mình sáng sủa hơn chút nào. Từ khi hoàng tử Trịnh mất, nàng đâm ra nghi ngờ, mất tin tưởng ngay cả ở chính mình. Những tai họa tày trời cứ liên tiếp giáng xuống giòng họ Lý khiến nàng nghĩ chính trời cao cũng muốn hại nàng. Nàng thừa biết nếu mình không có con, nàng khó mà giữ được những gì còn lại của mình. Nỗi lo ấy luôn canh cánh bên lòng. Nhưng nàng chẳng biết làm gì khác hơn ngoài việc luôn lo cầu nguyện ngay trong cung hoặc ở các chùa chiền. Nơi nàng hay đến lễ bái cầu nguyện nhất chính là chùa Chân Giáo - dù nơi này dễ gợi lại nỗi đau cũ trong lòng nàng. Đến chùa Chân Giáo, nàng thường được hòa thượng Pháp Chân an ủi và giải thích một cách sâu rộng về lẽ vô thường của cuộc đời. Ở bên cạnh vị hòa thượng này, tự nhiên Chiêu Thánh cảm thấy an tâm lạ lùng. Nàng tưởng chừng như được ngài che chở tựa hồi còn nhỏ khi nàng ở bên cạnh phụ vương. Có lúc Chiêu Thánh có cảm tưởng như chính hòa thượng là hiện thân của cha nàng. Nàng nghĩ vua Huệ Tôn dù ở bên kia thế giới, vẫn còn quanh quẩn tu học ở đâu đấy. Người sẽ sẵn sàng che chở, cứu vớt nàng thoát khỏi những hoạn nạn bằng một hình thức nào đó. 
Nhưng việc Chiêu Thánh hoàng hậu siêng năng đến chùa Chân Giáo nghe thuyết pháp đã làm Trần Thái sư bực mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trần Thái sư quyết tâm loại trừ nàng. 
* 
Một hôm, trong lúc Chiêu Thánh hoàng hậu đang ngồi cầu nguyện trong cung thì một viên nội thị vào trình có quan khâm sai Trần Dục đến truyền thánh chỉ. Nghe đến tên viên khâm sai Trần Dục, Chiêu Thánh cảm thấy có một điều gì không ổn. Viên quan này là tay chân thân tín của Trần Thái sư, hắn đã đến hẳn phải có chuyện. Chiêu Thánh càng ngạc nhiên vì xưa nay vua Trần Thái Tôn chưa có truyền thánh chỉ đối với nàng như thế bao giờ. Nàng vội gấp quyển kinh lại để lo nghênh tiếp thánh lệnh. Chiêu Thánh thấy ngoài viên khâm sai Trần Dục còn có viên võ quan Hoàng Phụ chỉ huy một đội thừa sai đi theo nữa. Chuyện gì mà đem lính tráng theo nhiều vậy? Chiêu Thánh đang thắc mắc thì bọn nội thị quen việc đã khiêng một chiếc bàn đặt ngay trước thềm cung, thiết trí lư hương, thắp đèn và đốt trầm hương lên. Chiêu Thánh hoàng hậu bèn quì xuống để nghe thánh chỉ. 
Viên khâm sai Trần Dục mở tờ chiếu chỉ ra: 
"... Xét rằng, Lý Thị, tức Chiêu Thánh công chúa được lập làm hoàng hậu đã mười hai năm. Thế nhưng Lý Thị không đủ sức cho trẫm một hài nhi để chuẩn bị kế tục gánh vác trọng trách trời giao phó cho trẫm. Như vậy tức Lý Thị đã không được trời thương và lại phụ lòng trông cậy của trẫm. 
Xét rằng, căn cứ vào phong tục nước Đại Việt ta, người đàn bà không thể sinh con để nối nghiệp cho gia đình chồng là phạm vào tội thứ nhất trong bảy tội gọi là "Thất Xuất"mà gia đình chồng có quyền trả lại cho cha mẹ người đàn bà ấy..." 
Trần Dục đọc tới đây thì Chiêu Thánh hoàng hậu ngất xỉu gục người xuống tại chỗ. Bọn thị nữ hoảng hốt định chạy lại đỡ nàng lên đưa vào cung để săn sóc thuốc men nhưng viên khâm sai cản lại: 
- Bây giờ bà ấy không còn là hoàng hậu nữa mà đã trở thành Chiêu Thánh công chúa, các người không được phép đưa công chúa trở về cung hoàng hậu nữa! Các người hãy giữ nguyên vị trí chờ nghe xong chiếu chỉ, không ai được vi lệnh! 
Các thị nữ không ai dám nhúc nhích. Trần Dục lại tiếp tục dõng dạc đọc thánh chỉ mặc cho Chiêu Thánh nằm sóng soãi trước thềm cung. Nghe xong thánh chỉ mọi người đều bàng hoàng thất sắc. Viên khâm sai ra lệnh: 
- Hãy đặt tạm công chúa vào chỗ kia để săn sóc! 
Viên khâm sai chỉ tay về phía cái sập đá đặt trước hiên cung thất, nơi hoàng hậu vẫn thường ngồi chơi ngắm cảnh vào buổi chiều. Bọn thị nữ có vẻ lấn cấn giây lát nhưng rồi họ cũng ý thức được đây chính là lệnh của Trần Thái sư nên răm rắp làm theo. Một lát sau thì Chiêu Thánh tỉnh lại, nàng rên rỉ: 
- Không ngờ chồng ta, người ta yêu thương, tin tưởng nhất đời - cái phao cuối cùng mà ta cố bám víu để sống - lại chính là người ra cái chiếu chỉ truất phế và đuổi ta khỏi hoàng cung! Cuộc đời bạc ác đến thế sao? Ta còn thiết sống làm gì nữa? Phụ vương ơi, sao không đem con đi theo để con ở lại chịu bao nỗi đắng cay như thế này? 
Rồi Chiêu Thánh vật mình khóc nức nở. Viên khâm sai thản nhiên truyền lệnh:
- Bản chức thi hành mệnh lệnh của triều đình, xin công chúa tôn trọng phép nước! Triều đình cho phép công chúa lựa lấy năm tên thị nữ tiếp tục theo hầu hạ như cũ! 
Chiêu Thánh vẫn khóc nức nở - không trả lời. Viên khâm sai nói tiếp: 
- Nếu công chúa không tự lựa lấy, bản chức xin năm thị nữ tình nguyện đi theo công chúa. Ai tình nguyện đây? 
Bọn thị nữ quá xúc động khóc lóc bàn tán xôn xao một hồi rồi cũng có đủ năm người tình nguyện theo hầu công chúa. 
- Đem võng lại ngay! 
Viên khâm sai lớn tiếng ra lệnh. Hai viên nội thị lật đật khiêng cây đòn tre sơn đỏ có mắc sẵn một chiếc võng có căng màn buông phủ đến. Trần Dục tiếp: 
- Các thị nữ mau đỡ công chúa lên võng để đưa công chúa đến nơi cư ngụ mới! Những đồ đạc của công chúa chúng ta sẽ cho mang đến sau. 
Chiêu Thánh di chuyển khỏi cung hoàng hậu trông chẳng khác gì một cuộc áp giải tù nhân. Tiếng bọn thị nữ kêu khóc át hẳn tiếng của Chiêu Thánh, họ xúm nhau đỡ Chiêu Thánh lên võng. Bọn nội thị và đội thừa sai cũng nhiều người phải ngó lơ đi trước cảnh tượng đó. Chiêu Thánh thân xác rũ rượi để mặc bọn thị nữ làm sao thì làm. Hình như lúc ấy nàng chẳng còn khóc nổi nữa... 
* 
Công chúa Chiêu Thánh được đưa đến ở tại một ngôi biệt thự nằm trong một khu vườn rộng bao bọc bởi một hàng rào khá vững chắc. Nàng chỉ được cấp năm nữ tì để sai khiến tất cả mọi việc. Ngay trước cổng ra vào biệt thự có một ngôi nhà dành cho một toán quân sĩ có nhiệm vụ canh gác bảo vệ ngôi biệt thự ở. Toán quân sĩ này do một võ tướng thân tín của Trần Thái sư chỉ huy. 
Không muốn vua Trần Thái Tôn và Chiêu Thánh công chúa còn cơ hội liên lạc với nhau, Trần Thái sư ra lệnh Chiêu Thánh công chúa không được ra khỏi biệt thự. Đồng thời, ông cũng cấm các viên chức triều đình hoặc thân nhân của công chúa vào biệt thự để thăm viếng nàng. Ngay cả Linh Từ quốc mẫu là mẹ của công chúa cũng không nằm ngoài lệnh ấy. Lương thực, quần áo và mọi nhu yếu cần thiết cho công chúa và toán người hầu đều do triều đình cung cấp theo định kỳ. 
Trước kia, mỗi lần có chuyện bất hạnh xảy ra, dù chuyện bất hạnh lớn lao đến mức nào, bên cạnh nàng ít ra vẫn còn có người chồng thân yêu tận tình chia sẻ. Ngoài ra, lại còn có Linh Từ quốc mẫu cũng thường an ủi nàng... Nhưng giờ đây thì nàng lâm vào cái thế hoàn toàn chơ vơ, trơ trọi... 
Đau đớn nhất là khi Chiêu Thánh nghĩ rằng nỗi bất hạnh lớn lao này lại do chính người bạn đời của nàng tạo ra. Trong cơn tuyệt vọng, một hôm nhân lúc bọn người hầu bận lo công việc, Chiêu Thánh lấy một dải thắt lưng định tìm cách tự tử. Nhưng nàng đang loay hoay thì thị nữ Tuyết Hoa thấy được hô hoán lên. Bọn thị nữ bèn xúm lại khuyên giải. Chiêu Thánh than: 
- Trời ơi, lâu nay ta cứ tưởng Trần Cảnh thương yêu ta thật tình, nào ngờ chàng cũng chỉ vì cái ngai vàng mà đánh lừa ta! Cả mẹ ta nữa, bà cũng chỉ biết lo cho họ Trần chứ có hề yêu thương gì ta đâu? Như vậy ta biết sống với ai, sống làm gì nữa? 
Thế rồi Chiêu Thánh lại khóc nức nở. Thị nữ Tuyết Hoa nói với các bạn: 
- Thôi, các chị hãy đi lo công việc để công chúa được yên tĩnh một lát. Một mình tôi ở lại chăm sóc công chúa được rồi! 
Sau khi các thị nữ đi lo công việc, Tuyết Hoa nói nhỏ với công chúa: 
- Xin công chúa đừng bi lụy nữa. Trời có lúc nắng lúc mưa, đời người hết bỉ lại thái. Con nghĩ thánh thượng không phụ lòng công chúa đâu, quốc mẫu cũng chẳng ghét bỏ công chúa đâu! Chắc mọi chuyện là do ý Thái sư cả thôi! Thái sư nay đã già, ông ấy cũng chẳng còn sống bao lâu nữa. Con nghĩ sẽ có ngày thánh thượng sẽ cho rước công chúa hồi cung. Công chúa phải giữ gìn sức khỏe, giữ gìn nhan sắc chứ nếu việc ấy xảy ra lại đâm hối hận không kịp! 
Chiêu Thánh ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: 
- Em nói cũng có lý, chẳng lẽ cả mẹ ta lẫn chồng ta đều quay lưng với ta! Nhưng biết khi nào Trần Thái sư qua đời? Ta thật chẳng còn mong muốn gì nữa. Ta chỉ muốn vào chùa xuống tóc cho xong nhưng nghĩ tới cái gương của Phụ hoàng dẫu có vào chùa cũng vô ích thôi! 
Tuyết Hoa lại thưa: 
- Công chúa cứ tin con đi! Ông ấy gây tội ác quá nhiều trời không cho thọ đâu! Con nghĩ chẳng bao lâu nữa ông ấy cũng phải đi thôi! Công chúa còn quá trẻ, phải dằn lòng gắng giữ gìn sức khỏe để chờ ngày hồi cung! 
Chiêu Thánh thở dài: 
- Em thương ta mà nói vậy chứ ta nghĩ đời ta như thế này cũng như chết rồi! Ta có mong thì cũng chỉ mong chàng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của lão ấy thôi. 
Nỗi đau khổ dâng lên tột cùng khiến những cảm tính trong nàng như bị chai sượng mất. Nàng trở nên như người mất trí, không còn chủ động được bản thân, cũng không còn thiết tha đến bất cứ một điều gì nữa... 



Nhưng Chiêu Thánh vẫn còn được một điều may: nàng có mấy nữ tì hết sức trung thành lúc nào cũng tận tình săn sóc, an ủi nàng. 
Sau khi bị truất ngôi hoàng hậu, cuộc sống của công chúa Chiêu Thánh như bị thu gọn trong một cái vỏ ốc. Nàng không được đi đâu cả. Cũng không ai được đến với nàng. Hằng ngày, nàng chỉ biết dùng thời gian để đọc kinh cầu nguyện. Lâu lâu, nàng lại thẫn thờ đi dạo trong khu vườn của biệt thự. Dạo thì cứ dạo nhưng gần như công chúa cũng chẳng để ý đến một thứ gì, nàng cũng chẳng bao giờ thốt ra một lời khen hay một lời chê. Cứ dạo mỏi chân thì tìm chỗ ngồi nghỉ, nhiều lúc nàng ngồi gục đầu một chỗ thật lâu. Từ ngày đến biệt thự này, chưa ai thấy một nụ cười trên môi công chúa. Về đêm, nhiều lần đang ngủ, thình lình công chúa lại kêu thét hoặc khóc lóc, hoặc rên rỉ thảm thiết. Lúc các thị nữ kêu dậy, công chúa mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, có khi vẫn còn run lẩy bẩy. Những cơn ác mộng cứ thay nhau hành hạ nàng như thế. Có khi sau cơn ác mộng, công chúa lại sinh ốm đau vài ba ngày. Các thị nữ cố trấn an, cố tìm mọi cách để nàng vui mà quên bớt dĩ vãng đau buồn nhưng gần như chẳng hiệu nghiệm lắm. Tình trạng như thế kéo dài một thời gian khá lâu...

Nguồn kinhdotruyen.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved