Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

27 thg 12, 2013

Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chíp - Chương 14-24

14. Quê hương là chùm khế ngọt

Sau Kota Kinabalu, tôi về lại Tây Malaysia, Singapore rồi về lại Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi cũng có ghé thăm bạn bè ở Campuchia, Lào nhưng những chuyến đi đó với tôi là “Đi du lịch” chứ không phải là “Đi ba lô” nên cũng không có nhiều chuyện để kể. Tôi cũng hay phải đi về giữa Hà Nội và Hải Hậu để làm một số giấy tờ: làm hộ chiếu mới, xin visa. Khi ở Hà Nội, tôi năn nỉ ông anh cho tôi host CouchSurfer. Ông anh tôi đồng ý. Làm chủ nhà cũng không khó như tôi tưởng. Host một vài CouchSurfer giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về CouchSurfing.

Tạm dừng chuyện ba lô qua một bên. Phần này cho tôi lan man về quê tôi một chút.
Chẳng hiểu sao mọi người thường đoán tôi ở Hà Nội. Dạ, tôi là gái quê chính hiệu đấy ạ. Quê tôi ở Hải Hậu, Nam Định. Nhà cách biển chừng mười cây số. Tôi học ở quê hết cấp hai. Lên cấp ba, tôi thi đỗ vào chuyên Toán Khoa học tự nhiên nên lên Hà Nội học. Ở quê tôi, mọi người hay nói ngọng chữ “L” thành chữ“N”. Hồi mới vào lớp mười, có lần thầy giáo lịch sử gọi tên tôi lên bảng trả bài. Tôi nói “Lễ hội” thành“Nễ hội”. Thầy bắt tôi lặp lại cho đến khi nói được thành “Lễ hội” thì thôi. Cả lớp cười nghiêng ngả. Tôi ngượng lắm, từ đấy mới quyết tâm sửa tật nói ngọng. Nhờ vậy mà bây giờ tôi không còn nói ngọng nữa.
Hồi học cấp ba, tôi hay thấy tủi thân vì tụi bạn dân thành phố, mình… nhà quê. Bọn nó có laptop, điện thoại xịn, tôi hồi đấy chẳng biết máy tính, Internet là gì. Ốm đau bọn nó có bố mẹ chăm sóc đến tận răng, tôi ốm đau toàn lủi thủi ở nhà một mình. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thấy mình là đứa may mắn nhất. Nhà ở thành phố to đẹp hiện đại, nhưng có nhà nào vườn rộng mênh mông như nhà tôi ở quê.
Mà tuổi thơ không có vườn quả thật là một thiệt thòi lớn.
Vườn nhà tôi rộng lắm, có đủ các loại cây ăn trái, mùa nào quả nấy: nào xoài, nào nhãn, nào bưởi, nào na, nào mít, nào chuối, nào đu đủ, nào hồng xiêm… Cây hồng xiêm nhà tôi rất to. Cành lá mọc thành từng tán. Tôi rất thích ăn hồng xiêm. Hồi nhỏ, hay trốn ngủ trưa, leo lên hái quả chín, rồi tìm một chỗ êm êm ngay trên cây nằm vắt vẻo. Thỉnh thoảng cũng ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy, thấy có cái gì đó nhột nhột ở cổ. Đưa tay lên sợ chợt chạm vào cái gì đó mềm mềm, lành lạnh. Biết là sâu, tôi hoảng hồn leo xuống, bụng bảo dạ không bao giờ trèo cây nữa. Nhưng rồi ngày mai thèm ăn, lại chứng nào tật nấy. Ông nội có khoảng năm mươi gốc na. Mùa đông, sáng sáng, tôi dậy sớm ra vườn giúp ông tìm quả chín, quả nứt, quả bị chim khoét. Ngày nào cũng phải được một rổ đầy. Tôi thích ăn quả bị chim khoét. Ông nội bảo giống chim rất khôn, nó biết quả nào ngon ngọt nhất. Ha, chim khôn chim chọn quả ngon, mình khôn mình giành quả chim chọn.
Lần ấy về chụp ảnh vườn nhà, gặp ai tôi cũng khoe. Khoe rồi mới thấy tội tụi trẻ con Tây thế. Những loại hoa quả mà mình có ở Việt Nam tụi Châu u, tụi Mỹ hầu hết đều chưa từng nhìn thấy. Tôi nhớ có lần một đứa Na Uy khi nhìn thấy ảnh cây chuối còn hỏi đây là cây gì. Sau này tôi gặp và chơi thân với Asher, một anh chàng Do Thái người Mỹ. Asher mới gân cổ lên bảo tụi trẻ con châu Á tội nghiệp thì có. Khi tôi đến thăm gia đình Asher ở Israel, Asher dẫn tôi ra vườn nhà dì của anh ta. Anh chàng vênh váo hỏi tôi biết đây là cây gì không, tôi ấm ức lắc đầu. Vườn nhà dì Asher có dây tây, có ô-liu, có vả (quả vả ở Israel rất to và ngọt), có chà là, rồi có cả quả gọi là “Loquat” (tôi tra từ điển họ dịch ra tiếng Việt là quả Sơn trà Nhật Bản, nhưng tôi cũng chưa từng nghe cái tên này bao giờ). Quả “Loquat” nhỏ như quả vải, cả da và thịt đều màu vàng tươi như quả trứng gà. Khi ăn thì bóc vỏ, nhả hạt. Mỗi quả có vài hạt to và đen. Thế giới thật là kỳ diệu. Đi rồi mới thấy có nhiều thứ mình chưa biết thế. Cách các loại cây quả phân bố cũng thật kỳ diệu. Thiên nhiên phân chia là một chuyện, có những loại hoa quả theo những đoàn người di cư vượt hàng ngàn hải lý để trở thành đặc sản của một châu lục hoàn toàn xa lạ. Tôi đi thế này thèm mít tưởng chết. Ở Trung Đông, Bắc Phi không ai biết quả mít là gì, sang đến Tanzania tự nhiên ở đường nào cũng có người chất đống mít rao bán. Ở Israel, dừa là một cây bị cấm, cả đất nước không bao giờ tìm được nước dừa tươi. Ở Nairobi, thủ đô Kenya, dừa là thứ vô cùng hiếm hoi, nhưng ở vùng ven biển, dừa lại là một đặc sản địa phương.
Tôi quyết định rồi, sau này lấy chồng không ở nhà chung cư đâu. Kiểu gì cũng phải kiếm được cái nhà có vườn, không thì tội cho con mình lắm.

 15. Đổi tiền ở Myanmar

Tôi ở Thái Lan hai tuần, sau đó bay từ Bangkok qua Yangon(*). Tôi muốn đi đường bộ qua Myanmar, nhưng tất cả các đường bộ vào Myanmar đều bị đóng do những bất ổn về chính trị.
(*) Trước đây gọi là Rangoon – cố đô cũng là thành phố lớn nhất Myanmar
Lúc ngồi trên máy bay, tôi rất lo, không biết Hải quan có cho mình nhập cảnh không. Myanmar là nước duy nhất ở Đông Nam Á yêu cầu visa dành cho người Việt. Tuy nhiên, chính sách visa của nước này thay đổi liên tục tùy theo những biến động trong nước. Tôi có đọc trên mạng rằng để xin visa ở sân bay, mình cần vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, hai bức ảnh hộ chiếu, ít nhất 300 USD mang theo người. Tôi lúc ấy trong người cũng có 300 USD, có vé máy bay ra khỏi Myanmar nhưng không có đặt phòng khách sạn. Người dân địa phương bị cấm cho khách nước ngoài ở, nên tôi không thể mang CouchSurfing ra làm chỗ ở được. Cô bạn Kay Thi người Myanmar tôi gặp trong một khóa học truyền thông ngắn hạn ở Thái Lan cùng bay với tôi trong chuyến bay ngày hôm đó. Cô bảo chúng tôi không nên đi cùng nhau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh bởi cô không muốn bị nhìn thấy đi cùng với người nước ngoài. Và tôi làm gì cũng không được nhắc đến khóa học truyền thông tôi mới tham gia ở Thái Lan “Chính phủ Myanmar ghét truyền thông lắm”, cô nói thế tôi càng thêm lo.
Nhưng xuống sân bay hóa ra mọi chuyện đơn giản lắm. Chính quyền Myanmar đang cần tiền từ khách du lịch nên mình chỉ cần trả 30 USD làm phí visa là họ làm cho luôn. Chẳng ai hỏi tôi vé khứ hồi hay đặt phòng khách sạn gì cả. Sau này tôi mới biết số tôi rất may, bởi tôi vào Myanmar đúng lúc thủ tục nhập cảnh đơn giản. Sau đó không lâu, tôi có đọc trên mạng rằng chính phủ Myanmar lại thay đổi chính sách không cấp visa tại sân bay nữa rồi. Bạn nào đi Myanmar thì cố gắng tìm hiểu thông tin cập nhật mới nhất nhé, tốt nhất là gọi điện lên đại sứ quán Myanmar mà hỏi.
Bạn trai Kay Thi đến đón chúng tôi tại sân bay, đưa tôi về căn hộ của Kenneth – CouchSurfing host của tôi. Kenneth là chuyên gia người Philippines đang sinh sống và làm việc ở Myanmar. Anh được công ty cấp một căn hộ ở Grand Mee Ya – một trong những khu khách sạn, nhà ở sang trọng bậc nhất ở Yangon.
Grand Mee Ya này có bể bơi, nhà hàng, trung tâm mua sắm, wifi miễn phí khắp sảnh. “Tư bản ở Myanmar”, tôi nói đùa với Kenneth. Lúc ấy, anh cũng đang host một cô bạn người Nga, nhưng hôm ấy là đêm cuối cùng cô ở đây. Cô để lại cho tôi cuốn Lonely Planet Myanmar cô không dùng nữa.
Việc đầu tiên tôi cần làm là đi đổi tiền. Lúc đấy đã sáu giờ tối, chỗ đổi tiền mà Kenneth biết đã đóng cửa, Kenneth đã bảo rằng anh sẽ nấu cơm ăn ở nhà nên tôi không phải tiêu tiền. Ăn xong, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Tôi tranh thủ chụp ảnh, nhưng phải cảnh giác nhìn trước nhìn sau sợ chú công an mặc thường phục nào phát hiện. Đúng lúc ấy người đàn ông Ấn Độ tiếp cận hỏi tôi có muốn bán USD với giá 1 USD: 1000 Kyat (**) không. Tôi chưa biết tỉ giá nên muốn đi kiểm tra xem thế nào. Một người khác chào giá 1 USD: 950 Kyat, chúng tôi quay lại người ban đầu hỏi bán $100. Ông bảo là thế thì chì có 970 Kyat thôi, 1000 nếu như tôi muốn bán $200 hoặc hơn. Tôi không thích cách làm ăn lật lọng kiểu này nên bỏ đi. Ông gọi với theo nói 980 nhưng tôi cũng mặc kệ.
(**) Tiền Myanmar
Yangon, nếu bạn nhìn giống khách du lịch, chắc chắn bạn sẽ bị rất nhiều người tiếp cận hỏi mua USD. Hầu hết họ là người Ấn Độ. Tôi không biết họ không có quốc tịch ở đây hay họ liều hơn những người khác, bởi theo luật người dân Myanmar bị cấm giao dịch bằng ngoại tệ. Phần lớn những người này là trung gian giữa khách du lịch và ông chủ chợ đen. Bởi bản thân họ không phải là người quyết định giá, nên nhiều khi họ chỉ nói bừa một giá hy vọng dẫn được khách đến ông chủ để ăn hoa hồng. Sáng hôm sau, khi chúng tôi bước ra khỏi Grand Mee Ya, một cò mồi đến đưa ra giá 1000 Kyat nếu tôi đổi $100. Kenneth hỏi anh ta có chắc chắn, anh bảo anh phải hỏi lại ông chủ và bảo chúng tôi đi theo. Chúng tôi đi theo anh ta khoảng hai mươi phút, qua cầu băng qua đường ray đến một khu tràn ngập những cửa hàng đổi tiền và đại lý xe bus. Người chủ cho tôi giá 1020 Kyat cho $200, nhưng từ chối chấp nhận $100. Một cò mồi khác đi qua đưa ra giá 980 Kyat. Lúc ấy tôi bắt đầu thấy cáu với những người trung gian này lắm rồi. Tôi tặc lưỡi, thôi về Central Hotel để đổi tiền vậy.
Tỷ giá ở khách sạn này là 1:970. Tôi đưa cho cô lễ tân $100 nhưng cô không đưa lại Kyat cho tôi. Chúng tôi ngồi chờ mười lăm phút vẫn không thấy tiền đâu. Kenneth hỏi thì cô đỏ bừng mặt, lấm lét nhìn người đàn ông đứng bên cạnh. Hóa ra cô đổi tiền bất hợp pháp, ông chủ ở đấy thì cô không được phép đổi.
Khi nhận tiền, tôi bị sốc. Tôi chưa bao giờ cầm nhiều tiền đến thế! Ở đây tờ tiền giá trị cao nhất là 5000 Kyat, nhưng nó không phổ biến và hầu hết mọi người chỉ dùng đến 1000 Kyat, tức là khoảng $1. Tờ tiền ở đây to và dày, lại mềm và cũ nát. Tôi nhận về một cục 97 tờ 100 Kyat. Cục tiền nặng phải đến 100 gam, dày phải đến 2 centimet.
Số tôi vẫn còn may, bởi tôi chỉ có $100 tiền Kyat. Ở Myanmar hệ thống thẻ ngân hàng không hoạt động, nên tất cả mọi người đều nhận lương bằng tiền mặt. Thử tưởng tưởng bạn làm cho công ty nước ngoài và nhận lương không đếm theo tờ mà đếm theo kilogam? Bây giờ thì tôi đã hiểu khi Preetam nói lúc rời Myanmar, anh với bạn không biết làm gì với Kyat nên cả hội ngồi gấp máy bay. Kyat chỉ có giá trị trong Myanmar.

16. Gặp sư phụ ở “Manday” (*)

(*) Cố đô Myanmar
Có một số người được trời phú cho ngoại hình mà đi đâu cũng có thể giả làm người dân địa phương, Antonio là một trong số đó. Anh có nước da rám nắng, mắt nâu, tóc đen, râu ria xồm xoàm. Ở Trung Đông, ai cũng sẽ nghĩ anh là người Ả Rập. Ở Châu Mỹ Latin, anh trở thành một người da đỏ. Ở Ấn Độ, nếu nói anh ta từ Kamir, ai cũng sẽ tin sái cổ. Hồi anh ở Việt Nam, ai cũng nghĩ anh người dân tộc thiểu số mới xuống núi. Châu u thì là quê nhà của anh rồi.
Nhưng đấy không phải là lý do tôi viết về anh trong cuốn sách này. Tôi nhớ đến anh bởi anh là người đã dạy cho tôi nhiều bài học hết sức quan trọng, những bài học đã giúp tôi đi được đến tận ngày hôm nay. Antonio là sư biên trái phép. Anh mới có hai mươi ba tuổi nhưng đã đi gần tám mươi nước. Anh từng đi bộ qua rừng từ Trung Quốc vào Tây Tạng, đóng giả làm con trai một người dân địa phương để đi từ Kasmir(**) Ấn Độ, sang Kasmir Pakistan mà không cần trình hộ chiếu. Anh đi vòng quanh thế giới với cái ba lô vỏn vẹn chưa đầy năm kilogam đựng: một quyển sách, một cái áo khoác, hai cái quần, ba cái áo phông, ba đôi tất, ba cái quần lót, một cái bàn chải đánh răng. Tôi hỏi sao anh mang ít thế, anh tròn mắt lên hỏi: “Thế cần mang gì khác?”. Tôi mới giật mình, quả thực mình đi bụi thường mang theo nhiều đồ không cần thiết. Cô bạn Marsha tôi gặp ở Kota Kanabalu mang theo mình đến mười lăm kilogam hành lý: thuốc thang, đồ trang điểm, thậm chí cả hai đôi giày mới vì sợ không tìm mua được giày đúng ý mình trên đường đi.
(**) Vùng đất phía bắc của Nam Á và là phần phía nam của Trung Á.
Tôi gặp Antonio khi đang ngồi chờ xe buýt đi Mandayla ở Yangon. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh chàng này là anh nhìn… bẩn bẩn đã vậy còn liên tục cắn móng tay. Chúng tôi là hai người nước ngoài duy nhất trên xe bus, bởi có lẽ chúng tôi là hai “Khách du lịch” duy nhất đủ nghèo và đủ dũng cảm để đi xe bus địa phương (Myanmar có xe bus dành riêng cho khách du lịch. Tôi phải nhờ một người dân địa phương mua hộ vé xe bus này cho tôi).
Chúng tôi đến Mandalay lúc sáng sớm. Từ bến xe vào thành phố khoảng bảy kilomet, hai đứa quyết định đi bộ. Bình minh Myanmar thật yên bình. Đi bộ được khoảng một tiếng thì cái ba lô của tôi bắt đầu nặng trĩu. Đúng lúc đấy một chiếc pickup đi qua, chúng tôi nhảy lên luôn. Pickup là phương tiện di chuyển chính trong thành phố của người dân địa phương. Đây là một dạng xe tải hạng nhẹ với thân mở để chở hàng hóa, nhưng đã được bao bọc xung quanh bởi thanh kim loại để chở khách. Hành khách hoặc đứng hoặc ngồi hoặc quỳ phía trước, phía sau, phía trên, phía dưới. Tôi là con gái được ưu tiên một ghế ngồi phía sau với ít nhất hai đôi chân lủng lẳng ngay trước mặt. Xe thả chúng tôi tại tháp đồng hồ. Chúng tôi vào trung tâm thành phố đúng lúc cao điểm của phiên chợ sáng. Cả đường phố biến thành một khu chợ vô cùng tấp nập với đủ loại rau quả chất thành từng đống hai bên đường. Thấy chúng tôi là người nước ngoài, ai cũng đon đả chào mời. Tôi cũng không hiểu sao mọi người biết tôi là người nước ngoài, bởi người Việt Nam và người Myanmar nhìn không giống nhau.
Chúng tôi đến mấy nhà nghỉ giá rẻ được giới thiệu trong cuốn Lonely Planet, nhưng với Antonio vẫn là đắt. Chúng tôi đi bộ khắp thành phố tìm cho bằng được chỗ ngủ rẻ nhất có thể. Điểm dừng chân là một nhà nghỉ hết sức tồi tàn cách không xa cổng phía Đông vào cố đô Mandayla với giá 4USD/đêm. Mỗi phòng rộng khoảng mét rưỡi, dài khoảng hai mét, chỉ đủ kê đúng một cái giường đơn. Nghỉ ngơi một lát, chúng tôi đi bộ vòng quanh thành phố. Mandayla là một thành phố rất đẹp: mặt hồ xanh biếc, đường rộng thênh thang soi bóng hai hàng cây, nhiều khu dân cư hiện đại không thua kém gì những nước phát triển. Chúng tôi leo lên ngôi chùa trên đỉnh đồi Mandayla, lên tận trên cùng nơi mà không có khách du lịch nào trèo lên. Nền lát gạch ngập… phân chim. Nhưng mà lên đến nơi rồi mới thấy bõ công leo. Từ trên cao, chúng tôi có thể nhìn xuống toàn bộ Mandayla, nhìn ra tận cố đô hoành tráng xây dựng giữa lòng hồ. Bây giờ đang là mùa du lịch của dân Châu u, đặc biệt là Tây Ban Nha. Đi đâu cũng nghe thấy người ta nói tiếng Tây Ban Nha. Từ trên đỉnh đồi đi xuống, chúng tôi gặp một đôi uyên ương người Tây Ban Nha. Họ định thuê taxi ngày mai đi thăm các khu đền chùa cổ xung quanh Mandayla: Ava, Amarapura, Sagaing và cây cầu U Bein nổi tiếng. Giá cả cũng phải chăng nên chúng tôi đi cùng.
Đi rồi mới thấy Antonio là bậc thầy của trốn vé như thế nào.
Đáng lẽ chúng tôi phải mua vé giá $10 vào thăm cả khu chùa cổ. Nhưng chúng tôi không ai mua vé. Lý do không chỉ bởi chúng tôi muốn thử xem trốn vé như thế nào, mà còn bởi mọi người không muốn trả tiền cho Nhà nước Myanmar.
Antonio rất giỏi nói chuyện. Anh luôn luôn thuyết phục được người soát vé cho chúng tôi vào. Lần thì anh giả bộ chúng tôi quên vé ở khách sạn, và yêu cầu người soát vé gọi lên trung tâm bán vé để kiểm tra. Người soát vé không muốn gọi nên cho chúng tôi vào.
“Nói thật, chúng tôi không ai có đủ tiền để trả cả $10 cho một cái vé cả. Giả sử chúng tôi mỗi người trả $5, liệu anh có thể cho chúng tôi vào mà không cần vé không?”
“Ừ, thế cũng được”.
(Giả bộ kiểm tra ví)
“Chết rồi, bây giờ $5 tôi cũng không có. Như anh nói thì quyền cho vào hay không đều nằm cả trong tay anh. Liệu anh có thể thông cảm cho chúng tôi vào mà không cần tiền đút lót không?”.
Người soát vé bó tay cho chúng tôi vào. Một lần khác, chúng tôi nói chuyện với người lái xe, ông dẫn chúng tôi vào qua cổng sau mà không cần phải đi qua người soát vé. Thế là chúng tôi đi thăm cả buổi ngày hôm đó mà không phải trả một xu tiền vé. Tất cả chi phí nằm trọn trong việc thuê taxi (taxi ba bánh giống xe tuk tuk của Thái Lan, không có đồng hồ kilomet, chỉ tính theo đoạn đường, mỗi kilomet chừng một ngàn Kyat).
Có một chuyện xảy ra làm chúng tôi thấy rất khó chịu. Đấy là khi về thành phố, taxi của chúng tôi bị một người mặc áo cà sa chặn lại xin tiền. Ông xin mười ngàn Kyat (khoảng mười đô Mỹ). Chúng tôi cho ông một ngàn Kyat. Ông xé tiền ngay trước mặt chúng tôi chửi bới loạn lên rồi bỏ đi. Người dân xung quanh mới túm tụm vào, họ xin lỗi chúng tôi, đồng thời cảnh báo ở Myanmar có rất nhiều người giả sư để xin tiền du khách.

17. Thành phố chùa chiền Bagan (*)

(*) Bagan có tên cũ là Pagan, từng là kinh đô của vương quốc Pagan tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII ở miền trung Myanmar ngày nay.
Sau Mandalay, chúng tôi đi tàu lên Bagan. Người nước ngoài bắt buộc phải mua vé hạng nhất. Hạng nhất khác hạng thường ở chỗ ghế hạng nhất được bọc một lớp đệm nhung đỏ đỏ cứ như là chưa được giặt bao giờ. Tàu lắc lư như thuyền trong bão biển, chúng tôi bị tung lên ném xuống cứ như đang cưỡi lạc đà.
Antonio có hẹn với bạn ở ga tàu. Tôi cũng chẳng hiểu anh ta hẹn với bạn thế nào bởi ga tàu thì lớn, cả hai đều không biết tàu chính xác mấy giờ tàu đến và không ai có điện thoại. Tôi để anh ta chờ ở ga, tôi vào thành phố trước.
Tôi đi nhờ xe với một chiếc pickup. Xe này dừng ở ngay trước trạm kiểm soát thành phố, buộc tôi phải mua $10 vé vào thăm Bagan.
Myanmar làm gì cũng phải mua vé. Vào một thành phố phải mua vé, vào một khu chùa phải mua vé, rồi khi vào thăm từng chùa lại phải mua vé. Tôi ấm ức trả tiền mà thầmnghĩ chắc chắn Antonio không mua vé vào đâu.
Bagan có ba khu vực chính: Old Bagan, New Bagan và Nyaung U. Old Bagan là khu phố cổ Bagan, trọng điểm du lịch của khu vực này. Cả Old Bagan có tới hơn hai ngàn ngôi chùa thuộc ba thời kỳ xây dựng khác nhau từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Năm 1988, Nhà nước Myanmar sơ tán hết người dân Old Bagan sang khu vực cách đó vài cây số để tập trung phát triển du lịch khu vực này, tạo thành New Bagan. Giờ đây, Old Bagan hầu như đã bị sa mạc hóa hoàn toàn, nhìn ngút ngàn tầm mắt chỉ toàn những ngôi chùa cổ kính trên nền cát nâu mênh mông. Old Bagan chỉ có một số resort (khu nghỉ mát) thuộc sở hữu của Nhà nước, giá cao ngất trời.
Tôi tìm cho mình một nhà nghỉ ở Nyaung U, ngay cạnh khu chợ đông đúc tấp nập, cách Old Bagan khoảng bốn kilomet. Chả đâu phòng rẻ như ở Bagan. Với năm đô, tối lấy được một phòng khép kín với điều hòa, nóng lạnh, bao ăn sáng.
Đến Bagan thích nhất là đạp xe quanh khu phố cổ. Ở đây có rất nhiều chỗ cho thuê xe đạp, giá chỉ trên dưới một đô một ngày. Một ngày hoàn hảo là sáng bạn dậy sớm, đạp xe đến một ngôi chùa cao cao ở giữa sa mạc, leo lên tầng trên cùng, ngồi ngắm mặt trời lên. Không gì tinh khiết hơn khi tia nắng đầu tiên của ngày mới chạm lên làn da bạn. Gió thổi mơn man. Khí trời trong vắt. Sau đó bạn đi lòng vòng thăm các chùa. Trưa, ghé vào một quán ăn bình dân ăn trưa như người dân địa phương. Tôi thích nhất ăn trưa ở Bagan. Có lẽ chỉ ở Myanmar bạn mới có thể ăn như vua chỉ với $1. Người phục vụ sẽ mang ra cho bạn bảy tám đĩa đồ ăn: cơm, canh, rau, măng, dưa chua, đậu phụ, thịt gà, thịt lợn, thịt bò... Bạn ăn cho đến khi nào nó căng bụng thì thôi, ăn hết vẫn có thể kêu phục vụ mang thêm cho. Ăn xong, nếu mệt hay sợ nắng, bạn có thể tìm một ngôi chùa yên ắng với mái hiên lộng gió, làm một giấc ngủ trưa ngon lành. Ở đây thì chùa nhiều mà khách du lịch thì ít, nên hầu như các ngôi chùa nhỏ đều không một bóng người. Khi tỉnh dậy, bạn lại tiếp tục đạp xe quanh quanh thăm chùa. Chiều xuống, tốt nhất bạn nên tìm cho mình một ngôi chùa cao cao hay một ngôi chùa ở cạnh bờ sông để ngắm hoàng hôn. Hoàng hôn là một đặc sản của Bagan. Màu đỏ rực của mặt trời, màu vàng nâu của cát, màu rêu phong cổ kính của những ngôi chùa, tất cả hòa quyện lại trong một bầu không gian yên tĩnh lắng đọng đưa bạn ngược dòng thời gian về lại Bagan của cả ngàn năm trước.
Ngày đầu tiên sau hoàng hôn, tôi hì hụi đạp xe về nhà nghỉ của mình. Trời tối, một mình đi qua sa mạc hoang vu toàn chùa là chùa, tôi thần hồn nát thần tính sởn hết cả gai ốc. Tôi đạp xe như bay, đang đi thì tôi gặp một chị người Đức cũng đang đạp xe về. Nghe tôi kể sự tình, chị phá lên cười rồi đạp xe đưa tôi về tới tận khách sạn. Tôi tự nhủ ngày mai phải kiếm ai đi cùng, chứ mình nhát ma thế này buổi tối không đi một mình được.
Ngày hôm sau lúc ăn sáng, tôi ngồi cùng bàn một anh chàng mặc chiếc áo phông hình cây nấm với dòng chữ “Happy High”. Tôi thấy thế phì lên cười, thế là anh bắt chuyện. Sylvain người Pháp, mới hai lăm tuổi nhưng đã lăn lộn khắp năm châu bốn bể.
Anh từng sống ở Madagascar, New Zealand, Australia, Chi-lê. Sylvain mới đến đây đêm hôm trước. Nghe tôi dụ dỗ, anh thuê xe đạp đi cùng tôi. Có kinh nghiệm nhiều hơn một ngày, tôi thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho Sylvain. Tôi dẫn anh đến chùa Ananda, ngôi chùa mà theo tôi có kiến trúc ấn tượng nhất. Chùa có những cửa sổ lên xuống khác nhau, học theo kiến trúc những ngôi chùa trên núi của Ấn Độ. Trong chùa có hai bức tượng Phật được xây dựng rất đặc biệt. Từ những góc nhìn khác nhau, Đức Phật sẽ có biểu hiện cảm xúc khác nhau: đứng gần nhìn lên sẽ thấy Đức Phật mặt rất nghiêm như đang giảng đạo, nhưng nếu từ xa nhìn lại Đức Phật lại đang mỉm cười. Bí mật nằm ở lỗ thông ánh sáng trên đỉnh bức tượng. Ban đầu, chùa có bốn bức tượng như thế ở bốn góc. Nhưng người Mông Cổ đã phá hủy mất hai bức. Hai bức mới thay thế không đạt được độ tinh xảo như vậy.
Trưa, chúng tôi ghé vào một quán ăn bình dân ở Bagan ăn. Không ăn được nhiều gia vị lạ, tôi muốn hỏi người phục vụ mấy món đấy có những gia vị gì, có thể bớt gia vị gì, nhưng Sylvain gạt phăng đi:
“Sao em kén chọn thế? Muốn hiểu người dân ở đây thì phải ăn như họ ăn chứ”.
“Nhưng...”.
“Không nhưng gì hết. Em đừng có cố gắng kiểm soát mọi thứ, Let it go” (đại loại là cứ để nó tự nhiên).
Anh quay sang người phục vụ:
“Chị mang ra cho cô bé này món gì mà người ở đây thường ăn nhất”.
Món mì xào họ mang ra khác xa với món mì xào mà tôi vẫn ăn, nhưng cảm giác không biết món mình ăn sẽ như thế nào cũng thú vị. Rốt cuộc, ăn không chỉ để thưởng thức mà còn là để trải nghiệm. Ăn xong, nhìn thấy một nhóm trẻ con đang chơi đá cầu, chúng tôi chạy ra chơi cùng. Tôi hồn nhiên để ba lô của mình ở lại quán. Lúc vào, tôi giật mình thấy ba lô mở toang hoác, ví ở ngay bên ngoài. Tôi kiểm tra ví thì thấy mấy hết tiền đô, tiền Thái và tiền Myanmar, tức là tất cả những loại tiền có thể tiêu được ở đây. Những đồng tiền khác và thẻ ngân hàng thì vẫn còn. Tổng cộng thiệt hại khoảng $70. Tôi vừa tức vừa buồn cười. Ai lấy tiền của tôi cũng cẩn thận quá, tỉ mỉ phân ra tiền nào tiêu được, tiền nào không. May mà tôi không mang hết tiền theo người, còn để lại ít tiền đô ở khách sạn nên vẫn chưa đến mức phải bán đồ đi để sống qua ngày.
Buổi tối về, chúng tôi tình cờ gặp Antonio và bạn anh ở chỗ thuê xe đạp. Tin vui là cuối cùng hai người cũng gặp được nhau ở bến tàu sau hai tiếng tìm kiếm. Tin buồn là Antonio cũng bị mất tiền. Số tiền anh mất chỉ là $20 nhưng đấy là toàn bộ số tiền còn lại của anh dành cho Myanmar. Tin dở khóc dở cười là vì không thể trả tiền phòng, ba giờ sáng hôm đó Antonio và bạn phải trèo cổng ra khỏi nhà nghỉ.
Sư phụ!

18. Lảm nhảm về Myanmar

Trong ngày đầu tiên ở Yangon, tôi vẫn cứ đinh ninh là mình đang ở thủ đô của Myanmar. Tôi cảm thấy hết sức lo ngại cho kiến thức địa lý của mình khi một người bạn Myanmar nói với tôi rằng Yangon không còn là thủ đô nữa. Yangon từ năm 2005 đã mất danh hiệu này cho Naypyidaw (tên viết tắt chính thức là NPT), cách Yangon chín tiếng đi bằng tàu. Thủ đô mới không mở cửa cho khách du lịch, người nước ngoài phải xin giấy phép đặc biệt mới được vào. Tôi đi qua NPT một lần duy nhất khi đi xe bus từ Bagan về Yangon. Qua thành phố này, tất cả người nước ngoài bị yêu cầu xuống xe để kiểm tra hộ chiếu.
Tuy nhiên, Yangon vẫn là thành phố lớn nhất của Myanmar với hơn bốn triệu dân. Đây cũng là thủ đô kinh tế của đất nước này.
Có lẽ do tôi đến đúng vào mùa mưa nên Yangon có cái gì đó rất ảm đạm. Xe máy bị cấm trong thành phố nên phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ. Xe có động cơ phần lớn là xe bus, taxi. Xe đạp rất ít. Không biết là do người Myanmar chuộng đồ cũ hay họ không có tiền mua đồ mới mà hầu như đường phố nào ở thủ đô Yangon cũng tràn ngập chợ bán đồ cũ. Cái gì người ta cũng mang ra bán được: điện thoại từ những năm 80, máy tính học sinh, quần áo, thắt lưng, kể cả đôi dép tông cũ hay tấm gương vỡ. Cónhững thứ với người Việt Nam mình chẳng còn giá trị gì, với người Myanmar lại là đồ quý. Mỗi quán chỉ là một tấm vải trải trên đường phố, bày biện khoảng chục món hàng. Nhưng mà mỗi đường phố có hàng trăm quán như thế. Người mua đông nghẹt. Nhưng tuyệt đối không có cảnh chào hàng, níu kéo khách du lịch như ở Việt Nam hay Ấn Độ.
Đồ ăn ở Myanmar nếu so với các nước khác thì rẻ, nhưng nếu so với thu nhập bình quân của người dân địa phương thì không rẻ tý nào, bởi tôi không hiểu người dân địa phương lấy thu nhập từ đâu ra. Các cửa hàng đồ ăn nước ngoài thì không nhiều, có chăng chỉ có nhà hàng Trung Quốc, nhà hàng Ý. Nhưng đồ ăn vỉa hè ở đây hết sức đa dạng. Que xiên trứng chim cút, chim rán, hoa quả khô, ô mai, thạch, xoài dầm, miến nấu, miến khô tôm, bánh trứng ốp lếp... Ở Yangon có cả một quán sushi vỉa hè. Tôi thích nhất món Wet-Thar-Doke-Htoe. Đây đại loại là lòng lợn cắt nhỏ, xâu thành từng xiên, nhúng vào nước sốt nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị đậm đà, béo ngậy.
Trang phục truyền thống của người Myanmar là Longyi, một dạng váy cuốn xung quanh mặc cho cả đàn ông và phụ nữ. Khi vừa đặt chân xuống Yangon, tôi đã nghĩ đồng phục của đàn ông quốc gia này là Longyi, áo phông, dép tông. Vì là váy cuốn nên Longyi rất hay tuột. Cứ chừng dăm phút là người mặc váy lại phải dừng lại để cuộn lại cạp váy. Du khách đến đây hay nói đùa rằng kinh tế Myanmar chậm phát triển bởi người dân nơi đây mất quá nhiều thời gian vào việc chỉnh váy. Nhưng bù lại, mặc Longyi cực kỳ thoải mái, đứng ngồi đều tiện, “tiểu đường” càng tiện hơn. Số người Myanmar “tiểu đường” cũng không thua kém gì Việt Nam.
Ấn tượng lớn nhất của tôi về Myanmar là người dân quá đỗi thân thiện và đáng mến. Nếu như chỉ nghe những gì truyền thông quốc tế nói về những áp bức người dân Myanmar phải chịu, chắc ai cũng nghĩ người dân ở đây đau khổ lắm. Nhưng không, người dân ở đây đều hết sức vui vẻ, luôn luôn rạng rỡ nụ cười. Chúng tôi gặp một anh chàng mà mọi người ở đây gọi là Joker bởi anh ta có tài kể chuyện cười. Bằng chứng là chỉ bằng tiếng Anh bồi, anh làm cho tôi và anh bạn đồng hành ôm bụng cười như nắc nẻ ở chỗ sửa xe đạp.
Khi đi ăn tối ở một cửa hàng vỉa hè, tôi và cô bạn bắt chuyện với hai người phụ nữ trung niên. Tôi kể cho họ về dự định đi vòng quanh thế giới của mình. Lúc đứng dậy thanh toán, chúng tôi được biết là hai người phụ nữ đó đã trả tiền cho chúng tôi rồi. Mọi người đều cho rằng Phật giáo là yếu tố quan trọng tạo nên tính cách của người dân Myanmar.
Nói đến Myanmar mà không nói đến chùa chiền thì là một thiếu sót lớn. không chỉ ở Bagan mới có chùa, mà khu dân cư nào cũng có. Cứ ở đâu có người ở thì ở đó có chùa. Một đất nước nghèo như Myanmar mà lại có những ngôi chùa dát vàng nguy nga trị giá hàng triệu đô la như Shwedagon ở Yangon. Người Myanmar làm không ra nhiều tiền, nhưng hễ khi nào tiết kiệm được một chút là lại mua vàng lá mang lên chùa cúng dường. Đất nước sùng đạo là thế nên tầng lớp tăng ni có ảnh hưởng rất lớn đến người dân ở đây.

19. Chào mừng đến với Ấn Độ

Để tiết kiệm tiền, tôi không bay thẳng từ Myanmar qua Ấn Độ, mà quá cảnh ở Kuala Lumpur. Mười lăm tiếng quá cảnh đủ để tôi kết bạn với Tom, một anh chàng người Bỉ đang trên đường về lại châu u. Anh là người đi cùng chuyến xe bus với tôi từ Bagan về Yangon, là người nhặt được vé máy bay tôi làm rơi trên sân bay Yangon, cũng là người ngồi cạnh tôi trên chuyến bay từ Yangon đến Kuala Lumpur và rồi lại có cùng thời gian quá cảnh với tôi ở sân bay này. Đôi khi có những sự trùng hợp ngẫu nhiên thật thú vị. Tom và tôi đến giờ vẫn còn giữ liên lạc. Chúng tôi đã bàn nhau sẽ mua một chiếc Minivan để tham gia đoàn caravan hàng năm từ Bỉ xuống Nam Phi, nhưng đáng tiếc là Tom tìm được công việc mới ở Philippines không đi được. Tôi biết chắc rằng nếu tình cờ gặp lại nhau ở đâu, chắc chắn chúng tôi sẽ trở thành bạn tốt.
Quay trở lại Ấn Độ. Tôi thích Ấn Độ ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Lúc đấy tôi mới đổi hộ chiếu, hộ chiếu mới còn trắng tinh không một con dấu. Tôi không có cả chứng minh tài chính, vé máy bay khứ hồi hay đặt phòng khách sạn. ấy vậy mà bác phụ trách visa vẫn chiếu cố cấp visa khẩn cấp cho tôi. Hôm nay nộp, hôm sau tôi đã lấy được. Bác chúc tôi đi may mắn, còn khuyên tôi sau này xin visa ở các nước khác thì đừng có nhắc gì đến chuyện viết lách bởi nhiều nước rất cảnh giác với những người làm truyền thông.
Ngồi cạnh tôi trên máy bay là một cặp vợ chồng người Ấn Độ, Asenla và Temsu, vừa trở về từ chuyến đi thăm con trai ở Singapore kết hợp với chuyến du lịch ở Malaysia. Cả hai đều hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi đi một mình mà không có người thân đi kèm. Asenla nói rằng con trai cô năm nay hai mươi hai tuổi, đi du học ở Singapore mà cô cũng đã lo cuống lên, ngày nào cũng phải lên mạng nói chuyện hỏi han. Con gái cô mà đi một mình như tôi chắc cô đau tim quá.
Asenla hỏi tôi có sách hướng dẫn du lịch không, tôi lắc đầu. Cô hỏi tôi có biết gì về Ấn Độ không, tôi lắc đầu. Cô hỏi tôi xuống Kolkata(*) thì đến đâu, tôi cũng lắc đầu không biết. Sau một loạt những câu cảm thán với chồng. Asenla quay lại bảo tôi đừng sợ, hai người sẽ giúp tôi tìm một nhà nghỉ rẻ và an toàn ở Kolkata. Tôi rất cảm kích nhưng nghĩ thầm: “Cháu có sợ đâu, cô chú mới là người sợ đấy chứ”.
(*) Cố đô của Ấn Độ
Sân bay Kolkata nhỏ và xấu, lại bị bao trùm bởi một không khí rất ảm đạm. Ở đây không có cầu thang cuốn hay thang máy mà chỉ có cầu thang bộ ngổn ngang giàn dáo, tôi không biết là họ đang tu sửa hay chỉ là để chống cho mái sân bay khỏi đổ. Bảng điện tử hiển thị thông tin chuyến bay nhìn không khác gì những bảng thông báo kết quả xổ số ở Việt Nam những năm 90.
Tôi đổi tạm một ít tiền ở một trong vài quầy đổi tiền nhỏ xíu ở sân bay (Mẹo cho các bạn đi du lịch: nếu có thể thì tránh đổi tiền ở sân bay bởi vì tỷ giá ở đây luôn thấp hơn tỷ giá trong thành phố). Asenla và Temsu cho tôi đi cùng taxi về thành phố. Hai người cảnh báo tôi trước:
“Giao thông ở Kolkata kinh khủng lắm, đừng sốc nhé”.
“Cháu đến từ Việt Nam, không sốc được đâu ạ”.
Tôi cười khì khì. Quả thực giao thông Việt Nam không ít lần được bình chọn, cả chính thức lẫn không chính thức, là giao thông khủng khiếp nhất thế giới.
Ấy vậy mà tôi phải thừa nhận rằng, lần đầu tiên đi trên đường phố Kolkata, tôi không khỏi choáng váng. Xe cộ nhiều như nêm. Đường đầy ổi voi, ổ gà. Lái xe thì bạt mạng. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải kêu rú lên vì cứ tưởng sắp gặp tai nạn. Nếu xe không có cửa thì chắc tôi bị ném văng ra khỏi xe từ lâu rồi.
Nếu mỗi thành phố có một màu đặc trưng, thì Kolkata sẽ là màu vàng. Những ngôi nhà quét vôi vàng. Những chiếc auto rickshaw(**) nửa xanh nửa vàng. Những chiếc taxi nhỏ xíu màu vàng chóe. Ở Kolkata có rất nhiều taxi. Những chiếc taxi nhỏ này là nguồn cảm hứng cho những lời than vãn bất tận của khách du lịch phương Tây. To cao như họ thì không có cách nào nhét chân vào cho thoải mái được, ngồi trong xe đầu cứ đụng trần.
(**) Phương tiện giao thông phổ biến ở Ấn Độ, dạng xe ba bánh có mui che, chở được ba người, thường sơn hai màu xanh và vàng.
Từ sân bay về thành phố chỉ hai mươi kilomet mà chúng tôi đi mất hai tiếng. Trong suốt thời gian này, tôi cứ há hộc miệng bởi những gì mắt thấy tai nghe. Kolkata có một nền văn hóa vỉa hè, mọi thứ đều diễn ra trên vỉa hè: ăn uống trên vỉa hè, mua bán trên vỉa hè, thậm chí đi vệ sinh cũng trên vỉa hè, và không ít người dựng lều trải chiếu sống ngay trên vỉa hè. Mà đường phố ở đây nào có sạch sẽ gì đâu, nếu không muốn nói là bẩn, rất bẩn.
“Chào mừng đến với Ấn Độ”. Người lái xe cười toe toét.
Khách sạn Asenla và Temsu ở dĩ nhiên là ngoài khả năng của tôi, nhưng tôi đến đấy nghỉ nhờ một chút và tranh thủ lên mạng. Thật may, tôi nhận được tin rằng Antoreep, một CouchSurfer ở Kolkata mà tôi gửi yêu cầu xin ở nhờ, đã nhận lời. Asenla và Temsu nhìn tôi đầy nghi ngại khi tôi giải thích khái niệm CouchSurfer. Hai người bắt tôi mua một sim điện thoại để tiện liên lạc trong trường hợp tôi gặp chuyện không may.
Nhưng mua sim điện thoại ở Kolkata không phải chuyện đơn giản. Để mua sim điện thoại ở đây, bạn cần một bức ảnh chân dung, chứng minh thư, chứng minh địa chỉ cố định bằng hóa đơn điện nước hay giấy tờ tương tự. Bán sim điện thoại trước khi thu thập đủ những giấy tờ trên là phạm pháp. Tôi có thể dùng hộ chiếu, nhưng không thể chứng minh được địa chỉ của mình nên Asenla phải đứng tên mua hộ tôi.
Trời lúc đó đã bắt đầu tối. Tôi gọi điện cho Antoreep, anh bảo tôi đến Pantaloons – một siêu thị lớn ở đấy, chờ anh đến đón. Asenla và Temsu đứng chờ cùng tôi để đảm bảo rằng Antoreep có thể tin được. Tôi chia tay hai người, cảm ơn rối rít, và hứa sẽ lên thăm gia đình họ ở Nagaland(***).
(***) Nằm ở Đông Bắc Ấn Độ, Thủ phủ bang là Kohima và thành phố lớn nhất là Dimapur.

20. Người mẹ Kolkata

Antoreep hơn tôi bốn tuổi, đang học thạc sĩ ngành văn học Anh. Văn học Anh là một ngành học cực kì phổ biến ở đây. Hầu hết những người tôi gặp ở đây đều đã và đang học ngành này. Có lẽ vì thế mà người Bengal(*) nói tiếng Anh rất chuẩn, không bị giọng khó nghe như người các vùng khác của Ấn Độ. Mặc dù nghèo đến thế, bang Tây Bengal lại có quá nhiều trí thức. Bang Tây Bengal có tới bốn người từng đoạt giải Nobel. Trong số đó, nhà thơ Tangore được coi như một vị thánh mà tất cả người dân Bengal đều yêu mến. Đường phố tràn ngập băng rôn quảng cáo các buổi đọc thơ Tangore. Nhà nào cũng có ít nhất một bức ảnh của Tangore treo trên tường.
(*) Thuộc Đông Bắc của Tiểu lục địa Ấn Độ. Ngày nay thuộc Cộng Hòa Nhân Dân Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ.
Gia đình Antoreep sống trong một căn hộ nhỏ ở tầng hai khu chung cư kiểu cũ từ thời thực dân.
Antoreep sống với mẹ, dì Ramita, em trai Dep năm nay mới mười lăm tuổi và ông nội ốm nằm liệt giường. Bố Antoreep qua đời năm ngoái. Ban ngày, ở nhà còn có chị giúp việc. Căn hộ có một phòng khách nhỏ xíu, một nhà bếp với bếp ga để nấu các món ăn nhanh cùng bếp củi để nấu các món ăn truyền thống khi cần và ba phòng ngủ. Phòng ngủ của Antoreep có hai giường đơn, tôi đoán bình thường chắc để cho hai anh em Antoreep ngủ, nhưng khi tôi đến, một giường để dành cho tôi. Dep ra ngủ ngoài phòng khách.
Thời gian ở cùng gia đình Antoreep, tôi đặc biệt thân với dì Ramita. Nhờ dì mà tôi có cơ hội khám phá nền ẩm thực vô cùng phong phú và tinh tế của người Bengal. Tôi chưa bao giờ thấy căn bếp nào có nhiều loại gia vị đến thế. Ngoài những gia vị như hành, tỏi, hạt tiêu thấy ở Việt Nam, dì Ramita còn có đến mấy chục hộp đủ các loại hạt, các loại lá mà tôi chịu không nhớ được tên. Mỗi loại gia vị lại có một hương vị riêng, hầu hết trong số đó tôi chưa từng được nếm.
Dì Ramita tận tình giải thích cho tôi về ẩm thực Bengal. Dì cho biết, một bữa ăn Belgal chuẩn phải có sáu bước. Bước một là cái gì đó hơi cay hoặc hơi đắng để khai vị. Bước hai là đậu hay đỗ dạng súp, ăn với đồ rán để cung cấp chất đạm. Bước ba là rau quả theo mùa để bổ sung vitamin và khoáng chất. Bước bốn bao gồm thịt cá dành cho trẻ em đang trong độ tuổi phát triển và người già, có thể bỏ qua. Bước năm là cái gì đó chua chua (như sữa chua) để giúp tiêu hóa. Bước sáu là các món ngọt để tráng miệng.
Thông thường chị giúp việc sẽ nấu ăn. Nhưng khi tôi tới đây, dì Ramita đích thân nấu cho tôi. Có những món ăn đặc biệt chỉ được nấu trong dịp lễ tết, nhưng vì tôi không đợi được tới lúc đó, dì cũng nấu cho tôi ăn. Món Payesh là món dành cho những dịp vui: khi một em bé sinh ra, bà mẹ sẽ ăn Payesh và không một bữa tiệc sinh nhật nào có thể thiếu Payesh. Dì bảo, nếu trong khi chuẩn bị Payesh mà có chuyện xui xảy ra như sữa bị đổ hay cháy thì đó là một điềm rất xấu, không bà mẹ nào có thể chấp nhận được. Tôi thích nhất món Amsatta làm từ xoài. Tôi cũng chẳng biết làm sao họ làm cho xoài trở nên trong suốt, ngọt mịn như vậy được. Đặc sản của Bengal là cá. Dì Ramita bảo rằng muốn mua cá phải ra chợ từ rất sớm, bởi hàng cá luôn là hàng hết trước tiên. Khi tôi ở đấy dì nấu cho tôi món cá. Người Bengal có thói quen ăn sáng khá lạ. Họ ăn cơm nóng trộn Ghee (bơ sữa bò lỏng) và muối đá. Muối đá là những viên muối nhỏ lấy từ trong tự nhiên, rât giàu khoáng chất, ăn có vị như lòng đỏ trứng luộc.

Một buổi sáng khi chỉ có tôi với dì Ramita ở nhà, tôi đã hiểu tại sao dì lại quý tôi đến thế. Dì mang ra cho xem hai cuốn sách ảnh: một cuốn sách nói về các điểm du lịch trên thế giới. Ramita nói rằng dì và chồng đã từng có rất nhiều mơ ước, một trong số đó là xây một ngôi nhà thật đẹp, một mơ ước khác là sau khi nghỉ hưu sẽ cùng nhau đi du lịch. Nhưng rồi cuộc sống với những lo toan bộn bề, hai người không bao giờ có đủ tiền để xây cho mình một ngôi nhà xinh xắn. ước mơ du lịch cũng chưa kịp thực hiện thì chồng dì lại qua đời. Bây giờ nhìn thấy tôi đi như thế này, dì như được sống lại những mơ ước thời còn trẻ. Vậy nên, dì muốn làm hết sức mình để giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Tôi ngồi nghe dì kể mà mắt ngân ngấn nước, tự nhủ rằng nếu sau này nếu có điều kiện, nhất định tôi sẽ quay trở lại đưa dì đi du lịch.

21. Lạc bước ở Kolkata

Tôi ở Kolkata một tuần. Thời gian ở đấy, tôi kết thân khá nhanh với Antoreep, bạn gái anh Shila và những người bạn học cùng anh. Mọi người ai cũng bất ngờ về cô bé khùng dám sang Ấn Độ một mình nên quý tôi lắm. Ngày cuối tuần, mọi người dẫn tôi đi một tour vòng quanh Kolkata để xem một Kolkata thực sự, không phải Kolkata trong sách hướng dẫn du lịch.
Buổi sáng Antoreep và tôi bắt taxi đến nhà Shila, nơi mà hai người bạn khác của Shila và Antoreep đang đợi sẵn, rồi năm người chúng tôi lại bắt taxi ra bến cảng. Có lẽ chỉ ở Ấn Độ tôi mới dám chơi sang thế. Taxi ở Kolkata rẻ như bèo. Nếu không tính đến tắc đường và nguy cơ tai nạn, không ở đâu đi lại dễ dàng và rẻ như ở Kolkata. Ở đây có những phuơng tiện mà bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ thành phố nào như taxi và xe bus. Taxi chạy theo công-tơ mét, nhưng giá hiển thị trên công-tơ mét không phải là giá chính thức. Bạn phải nhân đôi con số đó lên rồi cộng với hai. Lái xe taxi nào cũng có bảng chuyển đổi cho những người sợ nhầm lẫn. Xe bus ở đây phân chia nam nữ rõ ràng: nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên; giá đi một chuyến thông thường là 10 Rupee (1 Rupee ~ 400VND). Nhìn giống xe bus nhưng chạy trên đường ray cố định là tàu điện. Calcutta Tramways là hệ thống tàu điện duy nhất ở Ấn Độ và là hệ thống lâu đời nhất của châu Á. Tàu điện này chạy chậm, hỏng hóc nhiều nhưng được cái thân thiện với môi trường. Không biết người dân ở đây có quan tâm đến môi trường khônghay chỉ dùng tàu điện vì nó đỡ đông hơn xe bus. Phương tiện đi lại phổ biến nhất ở đây lại là auto rickshaw, xe ba bánh chạy bằng mô tơ mà mọi người gọi tắt là auto. Bạn có thể thuê auto để đi riêng như taxi, nhưng rẻ bằng nửa taxi. Có những auto chạy tuyến cố định như xe bus. Sức chứa auto là ba hành khách, nhưng những lái xe auto tài tình có thể chở được năm, sáu người. Tôi đi từ bến xe bus về Lake Garden, khu nhà Antoreep bằng auto dạng này tốn bốn Rupee. Những người đi gần thì thích rickshaw người kéo. Tôi xót lắm những người kéo xe này, chạy hùng hục một, hai cây số mà chỉ kiếm được mười Rupee. Tôi bảo với Antoreep rằng tôi không muốn đi thế này vì không đành lòng ngồi chễm chệ trên xe nhìn xuống những người đàn ông gầy gò, đáng tuổi ông mình gò lưng kéo. Nhưng Antoreep bảo rằng nếu tôi không đi thì họ sẽ không kiếm được tiền để mua thức ăn. Vậy nên, lần nào đi tôi cũng đưa thêm cho họ một ít tiền lẻ. Năm 2006, chính phủ dự định ban luật cấm toàn bộ những người kéo rickshaw thế này, nhưng không được thông qua vì nguy cơ sẽ khiến ba mươi lăm nghìn người mất kế mưu sinh. Hiện đại hơn nhiều thành phố ở Ấn Độ, Kolkata còn có cả metro, hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Ấn Độ được xây dựng từ năm 1984.
Nếu tính quãng đường và thời gian, metro là phương tiện đi lại rẻ nhất và nhanh nhất bởi không lo tắc đường. Nhưng đây cũng là phương tiện đi lại đông nhất, đông một cách đáng sợ. Ban đầu tôi cười khẩy khi mọi người khuyên tôi là con gái thì không nên đi metro, nhưng đi rồi mới thấy mọi người đúng. Đứng một chân trên metro tầm mười phút, tôi cảm thấy có một bàn tay sờ soạng mông tôi, trong khi một bàn tay khác đang len lỏi tìm đường vào túi quần tôi. Tôi cựa mình phản ứng, hai bàn tay biến mất. Metro đông đến mức mặc dù biết rằng cả hai đều là người đứng ngay cạnh, tôi cũng không tài nào nhìn thấy được đấy là ai trong số hàng chục “hàng xóm” lân cận. Và tôi bị lỡ bến không phải vì tôi không biết bến mà vì tôi không thể chen ra kịp.
Phương tiện mà Antoreep chọn để giới thiệu Kolkata với tôi là phà. Phà ở đây tuy chậm, nhưng không bị tắc đường nên được người dân Kolkata khá ưa thích. Giới trẻ ở đây đi phà không chỉ bởi họ cần đến một điểm nào đó ven sông, mà còn bởi vì lênh đênh sông nước, về mặt lý thuyết, luôn là cơ hội “lãng mạn” để ngắm bộ mặt ít khi được thấy của thành phố. Lãng mạn để trong nháy nháy bởi vì có lẽ do sống ở một thành phố của quá nhiều cực đoan và quá ít không gian yên tĩnh, định nghĩa về lãng mạn của giới trẻ nơi đây khá là khiêm tốn. Giống như tất cả những điểm đầu mối phương tiện đi lại của Kolkata, bến phà là một điểm mua bán tấp nập với những người bán rong chào bán đủ loại hàng hóa. Sông Hooghly, nhánh sông Hằng chảy dọc thành phố, giống như hầu hết các dòng sông khác ở Ấn Độ, lấm chấm với rác và xác động vật. Điểm tụ tập ưa thích của những vật trang điểm này là xung quanh chân cầu cạnh bến cảng. Chạm vào nước ở đây tôi cũng đã thấy sợ, vậy mà người dân ở đây nhảy xuống tắm hàng ngày. Khi tôi ở đấy, khoảng chục bé trai đang bơi lội tung tăng, đùa nhau té nước ầm ĩ.
Khác với kinh nghiệm của tôi về giao thông công cộng ở Ấn Độ, chuyến phà hôm đấy chúng tôi đi khá vắng. Chúng tôi không chỉ có ghế ngồi, mà còn có thể luồn lách từ đầu này sang đầu kia của phà. Ra khỏi bến, quang cảnh cải thiện một cách đáng kể. Tôi có cảm giác như đang nhìn vào mặt sau của thành phố vậy, một bộ mặt và Kolkata, không biết vì thẹn thùng hay ích kỷ, giấu đi không cho người ngoài thấy: mặt sau những tòa nhà cao tầng, mặt sau những ngôi nhà gạch cổ kính, mặt sau những tấm biển quảng cáo, dường như cả mặt trời cũng quay lưng về phía chúng tôi vậy. Trái ngược với Kolkata nóng và bụi, dòng sông lúc nào cũng gió lồng lộng. Lần đầu tiên kể từ khi đến thành phố này, tôi có thể hít thở sâu một cách thoải mái mà không lo ngại viêm phổi. Antoreep và Shila âu yếm nắm tay nhau, một điều hiếm thấy trên đất liền. Ấn Độ cũng giống như Việt Nam ngày trước vậy: nam nữ thụ thụ bất thân. Trai gái nắm tay nhau nơi công cộng là điều cấm kỵ tuyệt đối. Con trai nắm tay nhau lại là chuyện bình thường. Nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch phương Tây, hay nhầm lẫn rằng ở đây có nhiều người đồng tính. Những bạn nam ở đây mới cười giải thích rằng do văn hóa Ấn Độ dạy đàn ông nơi đây giữ khoảng cách với nữ giới, họ lớn lên thân thiết với nhau, và không ngại ngần thể hiện tình huynh đệ nơi công cộng bằng cách nắm tay nhau.
Phà dừng cũng là lúc tôi bị ném ngược trở về hiện tại với hàng trăm người chen lấn va đập để xuống bến. Bến phà nằm đối diện ga tàu hỏa và ga tàu hỏa luôn là nhà vô địch của sự hỗn loạn ở đất nước vốn đang giữ ngôi vị quán quân thế giới về sự hỗn loạn này. Người chen với bò, ô tô chen với rickshaw, xe đạp chen với xe máy, khách xem hàng này đua với khách xem hàng kia, người bán hàng này giành khách với người bán hàng kia, rồi tất cả chen lấn với nhau cố gắng thoát ra khỏi cái không gian hỗn loạn này. Dường như ruồi bọ nơi đây cũng ý thức được sự hỗn loạn xung quanh và nỗ lực hết mình để đóng góp vào bản hợp xướng đó. Ruồi bâu kín những gánh hàng rong, bọ bay vòng vòng quanh đống rác ven đường, hàng triệu tiếng đập cánh vo ve bị hòa tan vào tiếng động cơ, tiếng còi tàu, tiếng cãi vã, tiếng mặc cả, tiếng nói chuyện, tiếng gào khóc, tiếng chó sủa, tiếng bò kêu…
Nằm cạnh bến tàu là một khu ổ chuột, đặc sản Ấn Độ đem ra giới thiệu với cả thế giới qua bộ phim đoạt giải Oscar “Triệu phú khu ổ chuột”. Những người đồng hành với tôi không muốn tiến sâu thêm nữa vào khu này, nhưng vì tò mò, tôi thuyết phục được mọi người đổi ý. Mặt đường không còn trải nhựa mà đã được thay thế bởi một hỗn hợp với màu đỏ của đất, màu đen của nước thải, màu nâu của xác động vật, và bảy sắc cầu vồng của đủ loại rác thải. Trái ngược với giao thông kinh khủng của Kolkata, hiếm hoi lắm tôi mới gặp một chiếc ô tô phóng rất nhanh qua con đường này.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tụi trẻ con đùa nghịch với rác như chơi đồ chơi. Một người đàn ông ngủ ngon lành ngay giữa đường, tóc trôi bồng bềnh trên vũng nước đọng. Một dãy các cửa hàng thịt treo lủng lẳng nào lợn, nào dê. Những người phụ nữ ngồi chồm hỗm bán hàng rau củ quả. Một nhóm đàn ông trung niên ngồi gác chân lên ghế đánh cờ. Một toán thanh niên đánh nhau ngay giữa chợ. Tất cả nhìn chúng tôi với ánh mắt hằn học, như thể chúng tôi đang xâm phạm lãnh địa linh thiêng của họ vây. Antoreep thì thầm vào tai tôi đừng có dại dột gì mà chụp ảnh. Đi được khoảng trăm mét, không chịu nổi cảm giác tội lỗi và sợ hãi của kẻ xâm phạm, chúng tôi quay ngược về thành phố.

22. Chuyến đi tình cờ đến Sundarbans

Tôi gặp được Anuradha âu cũng là duyên trời định. Một nhà báo người Đức khi ấy đang làm việc ở Việt Nam tình cờ đọc được thông tin về chuyến đi của tôi trên một tờ báo tiếng Anh (mà đến giờ tôi vẫn chưa rõ là tờ báo nào). Đoán rằng lúc đấy tôi đang ở Ấn Độ, anh gửi link Blog của tôi cho bạn anh ở Kolkata, chính là Anu. Duyên số thế nào, nhà Anu lại ngay gần nhà dì Ramita, đi bộ chỉ khoảng mười lăm phút. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Anu là chị rất đẹp, một vẻ đẹp pha trộn giữa phương Đông và Ấn Độ: mặt trái xoan, mắt đen sâu thẳm, tóc đen dài, nước da sáng, gò má duyên và nụ cười rạng rỡ. Và khi chị cầm tay tôi hỏi với một giọng quan tâm thực sự: “Em đến đây lâu chưa? Chỗ này đông người chen chúc thế em có sợ không?”, tôi biết mình đã yêu người phụ nữ dịu dàng mà vô cùng mạnh mẽ này. Và quả thực, cho đến tận bây giờ, chị vẫn như một người chị của tôi vậy. Mỗi lần đọc Facebook hay Blog đầy tâm trạng của tôi, chị đều tìm số điện thoại của tôi gọi điện an ủi, bất kể tôi đang ở nước nào. Anu viết bài cho tờ The Times of India – tờ báo lớn nhất Ấn Độ và cũng là tờ báo tiếng Anh có lượng xuất bản cao nhất thế giới. Nói vậy để biết trình độ tiếng Anh của người Ấn Độ cao thế nào. Chị rất quảng giao, quen biết nhiều nhân vật có tiếng ở Kolkata.
Lúc bấy giờ, Kolkata đang diễn ra Hội chợ du lịch. Nghĩ tôi quan tâm, Anu dẫn tôi đi xem và giới thiệu tôi với Asanth, chủ một công ty du lịch ở Bengal. Tình cờ thế nào, Asanth lúc đấy đang tổ chức chuyến đi thăm quan truy tìm dấu vết loài hổ trắng Sundarbans cho một vị khách quý, anh đề nghị tôi và Anu đi cùng. Sundarbans là vùng châu thổ lớn nhất thế giới với một phần thuộc Ấn Độ và một phần lớn hơn thuộc Bangladesh. Không dám tin vào vận may của mình, tôi cứ nghĩ Asanth nói đùa, chỉ đến khi Anu gọi điện nhắc tôi chuẩn bị đi tôi mới tin là thật.
Xe đón chúng tôi lúc sáng sớm tại nhà Anu, không kịp ăn sáng, dì Ramita cẩn thận làm bánh mì kẹp cho tôi và Anu mang theo. Chúng tôi không ngờ rằng chuyến đi này được công ty của Asanth chuẩn bị chu đáo, bao gồm cả ăn sáng. Xe dừng lại ở một quán ăn địa phương ngay ngoài khu phát triển công nghệ - một khu vực tương đương Sillicon Valley của Kolkata. Người Ấn Độ rất thích Curd (sữa đông, ăn như sữa chua), nhưng họ không ăn Curd như quà vặt hay tráng miệng mà ăn hoặc là như một món ăn, hoặc là như một món gia vị thêm cho bữa ăn. Quán ăn hôm đấy có Curd được trình bày cực kỳ đẹp, đẹp đến mức tôi chỉ nhớ Curd đấy nhìn như thế nào chứ không nhớ nổi hương vị ra sao. Curd trắng muốt, mịn như nhung, cảm giác như có thể soi gương, đựng trong một chiếc cốc nhỏ nhỏ xinh xinh làm bằng đất sét. Cao khoảng ngón tay, bề rộng tương đương, những chiếc cốc này bầu bĩnh ở giữa những lại thắt vào ở gần miệng hết sức duyên dáng. Đây là một thứ xa xỉ chỉ có ở Ấn Độ: người dân chỉ dùng những chiếc cốc này một lần. Mua café hay trà ngoài vỉa hè, trà chỉ khoảng 3R (khoảng 700 đồng), bạn không chỉ có trà mà còn có cả cốc. Người dân ở đây dùng xong thoải mái quăng cốc đi, không phải nghĩ đến chuyện rửa cốc. Lao động địa phương quá rẻ mạt đến mức công lấy đất sét làm cốc còn rẻ hơn nước rửa cốc.
Khách quý mà Asanth nói là Taufiq – Phó chủ tịch Liên hiệp các công ty du lịch của Bangladesh. Ông sang đây tìm hiểu cơ hội hợp tác với các công ty tổ chức tour du lịch bên này. Người còn lại trong đoàn là Prasanth, hướng dẫn viên du lịch lão làng từ công ty của Asanth.
Chúng tôi lái xe về phía tây, thẳng hướng Sundarbans. Thoát khỏi đoàn xe chen chúc hướng vào thành phố, tôi lập tức bị sốc bởi tốc độ thay đổi chóng mặt của cảnh vật xung quanh. Thay vì thành phố ồn ào, những ngôi nhà san sát xấu xí, giao thông ngột ngạt, khói xe bụi mù là những cánh đồng trải rộng bất tận, lơ thơ những túp lều tranh, con đường vắng tanh, không khí trong lành. Nơi đây mới mùa thu hoạch nên cánh đồng không có lúa mà chỉ xâm xấp nước, như một tấm gương khổng lồ phản chiếu mây núi, đất trời. Nếu như ở Kolkata, tôi không bao giờ nhìn xa được quá vài chục mét vì tầm nhìn bị chắn nào bởi nhà cửa, nào là xe cộ thì ở đây, tôi có thể phóng tầm mắt ra xa tận chân trời. Hiếm hoi lắm tôi mới bắt gặp một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà vách đất trộn rơm, mái lợp lá. Nếu ở thành phố, đàn ông chiếm đến 90% dân số ngoài đường thì phụ nữ chiếm 90% số người chúng tôi nhìn thấy ở đây. Anu giải thích rằng ở Ấn Độ, chỉ con trai mới được lên thành phố học hành, tìm việc, con gái ở nhà lo ruộng vườn, nhà cửa. Chuyến đi này ươm mầm cho một câu hỏi mà sau này suốt thời gian ở Ấn Độ tôi luôn dằn vặt tìm câu trả lời: “Người Ấn Độ, đất đai làng quê bạt ngàn như thế sao không ở mà cứ phải đổ xô vào thành phố làm gì, không khí không có mà thở như thế này?” (Nhưng sau này về lại Việt Nam tôi mới ngộ ra rằng Việt Nam có khác gì đâu).
Sau khoảng một tiếng rưỡi lái xe đều đều với tốc độ trong mơ, chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng nhỏ ven sông để lên thuyền. Những người phụ nữ mặc sà-ri (saree) buôn bán ven sông nhìn tôi dè dặt, ánh nhìn mà tôi đã học để hiểu rằng tôi trông khác quá, tôi không thuộc về nơi đây. Tôi nhe răng cười cầu tài và nhận lại vài nụ cười thưa thớt. Asanth đã bố trí cho chúng tôi một chiếc thuyền riêng. Thuyền tuy nhỏ nhưng tiện nghi quá đầy đủ so với tiêu chuẩn của Ấn Độ. Thuyền có hai tầng, tầng trên là boong có mái che để ngồi uống trà tán dóc, tầng dưới là phòng ngủ và nhà vệ sinh.
Chúng tôi dành phần lớn thời gian ngồi trên boong ngắm cảnh. Hai bên sông lơ thơ mái chòi, đâu đó lại thấy một đền thờ Hồi giáo mái vòm cung. Parasanth kể cho chúng tôi lịch sử vùng đất này. Vì hiểu biết của tôi là zero, mọi người phải kiên nhẫn giải thích cho tôi từ điều nhỏ nhất. Sundarbans trong tiếng Bengal có nghĩa là “khu rừng đẹp”, nhưng “sundar” trong cái tên này cũng có nghĩa là cây đước. Rừng thiêng sông nước nơi đây đã là cảm hứng của bao nhiêu nhà văn nhà thơ đất Bengal, trong đó có nhà thơ huyền thoại Tagore, người đã nhận giải Nobel văn học năm 1913 để trở thành người châu Á đầu tiên đạt được giải thưởng cao quý này. Đây cũng là bản địa của loài hổ trắng Bengal, loài hổ khét tiếng hung dữ nhất trong số tất cả giống loài của mình.
Dòng sông mở mỗi lúc một rộng, nhà mỗi lúc một thưa, bụi đước hai bên mỗi lúc một rậm rạp, cho đến khi chúng biến thành một cánh rừng. Thuyền cập bến vào một ngôi làng nhỏ với vài túp lều thưa thớt. Chúng tôi ven theo bờ ruộng, đi lên một con đường nhỏ xíu lát gạch rất xinh, rẽ phải vào “Sundarbans Camp”, nơi chúng tôi sẽ ngủ qua đêm. Tại camp này mà lần đầu tiên tôi có khái niệm về “responsible tourism” – du lịch trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Camp này có khoảng chục bungalow(*)với những nét trang trí đậm chất Á Đông, trước cửa là một bãi đất nhỏ trồng hoa, mái lắp kính nạp năng lượng mặt trời. Bây giờ tôi mới biết rằng bungalow có xuất phát từ khu vực Bengal này. Bungalow vốn có nghĩa là nhà của người Bengal. Giữa camp là một cái ao đầy cá, vắt ngang bởi một cây cầu xinh xinh. Cây cầu dẫn vào một nhà ăn lát sàn gỗ, lợp mái gỗ, nhô hẳn ra ngoài ao, khách có thể vừa ăn vừa ngắm cá bơi lội tung tăng, chỉ biết là rất đắt. Đây là một trong những khu nhà nghỉ cao cấp nhất ở Sundarbans.
(*)Bungalow là kiểu nhà có diện tích nhỏ, một tầng duy nhất và mái hiên rộng.
Hai ngày ở đây, chúng tôi dành phần lớn thời gian trên thuyền, lang thang từ trung tâm bảo tồn thiên nhiên này đến trung tâm bảo tồn thiên nhiên kia với hy vọng được nhìn tận mắt loài mãnh thú Bengal. Tuy không tìm được, bởi như Prasanth nói thì loài thú này rất hiếm, phải chầu chực hàng tuần liền may ra mới có cơ hội nhìn thấy, chúng tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời lênh đênh giữa sông nước Sundarbans và lắng nghe những giai thoại của con người nơi đây. Anu kể cho chúng tôi câu chuyện về làng bà góa nơi này. Do quá nhiều người bị hổ và cá sấu ăn thịt, mỗi khi người đàn ông trong gia đình ra khỏi nhà đi đánh cá, mọi người coi như là ông đã chết. Người vợ sẽ tự coi mình như bà góa và chuyển đến ở làng bà góa. Nếu người chồng trở về, ông sẽ đến tìm vợ ở làng này. Nếu ông không trở về, người vợ sẽ tiếp tục sống với những bà góa khác. Sinh ra và lớn lên nơi rừng thiêng nước độc, người dân nơi đây chấp nhận cái chết như một phần của cuộc sống. Tôi hỏi tại sao họ không chuyển đi nơi khác làm ăn, Prasanth cười: “Vì đây là quê hương”. Trên suốt quãng đường, chúng tôi nhìn thấy những miếu thờ nữ thần Banbibi rải rác hai bên bờ sông. Người dân nơi đây tin rằng loài hổ trắng thực ra là ác thần Dakkhin Rai trá hình để hại người, và nữ thần Banbibi chính là người được Allah sai xuống để bảo vệ người dân nơi đây. Có lẽ Banbibi là một vị thần hiếm hoi được cả người theo đạo Hindu và người theo đạo Hồi thờ cúng. Trước khi vào rừng, người dân đều đến miếu Banbibi xin được che chở khỏi bị loài mãnh thú ăn thịt.
Cuộc sống luôn là một chuỗi những bất ngờ, chuyện này lại dẫn đến chuyện kia mà không bao giờ chúng ta có thể lường trước được. Khi tôi kể cho mọi người nghe những câu chuyện tôi lượm lặt trên đường, Taufiq lắng nghe một cách thích thú, rồi bất chợt hỏi:
“Em đã sang Bangladesh bao giờ chưa?”
“Chưa ạ”.
“Sundarbans ở phía Bangladesh đẹp hơn nhiều. Em biết đặc sản của Bangladesh là gì không? Là sông. Công ty anh xin được mời em sang thăm Bangladesh mười ngày, thăm thú tất cả những điểm thú vị của Bangladesh. Bù lại, em hứa sẽ viết một số bài cho tờ báo của bên anh”.
Dĩ nhiên là tôi nhận lời.

 23. Đi tàu lên Mumbai

Ấn Độ là một đất nước rộng lớn và chỉ những ai phải đi lại giữa các vùng miền của Ấn Độ mới cảm nhận rõ mức độ rộng lớn của đất nước này. Phương tiện đi lại trong nước có xe bus, tàu hỏa và máy bay. Máy bay thì đắt. Xe bus thì không khác gì hành xác vì đường Ấn Độ rất xấu, mọi người khuyên tôi đi tàu hỏa. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn chưa biết hitchhiking (đi nhờ xe) là gì, cộng với việc vẫn còn là dân gà ba lô thấy người ta dọa một tí là sợ, nên tôi quyết định nghe theo lời khuyên của mọi người. Tàu ở Ấn Độ có rất nhiều hạng vé. Tôi chọn hạng vé rẻ nhất, Sleeper 2. Khoang này có sáu giường nằm, mỗi bên ba giường tầng. Giường tầng dưới thường bị sử dụng để ngồi, giường ở giữa chỉ được kéo xuống lúc ban đêm, tôi chọn cho mình giường trên cùng vì nó an toàn nhất.
Ấn Độ có hệ thống đặt vé tàu online tuyệt vời, nhưng vì lúc đấy trong tài khoản của tôi không có một xu nào nên tôi đành mua vé ngoài đại lý du lịch, chấp nhận trả thêm 50R. Chuyến tàu của tôi rời ga lúc sáng sớm. Không muốn lặn lội ra ga lúc bốn giờ sáng (sớm như thế thì chỉ có cách đi taxi, mà taxi sớm như thế cũng không an toàn), tôi đành đi xe bus ra ga từ đêm hôm trước. Trước khi đi, tôi mua tặng dì Ramita một chiếc khăn quàng làm quà cảm ơn, dì tặng tôi một chiếc khăn tay dì tự thêu. Tôi trân trọng chiếc khăn đấy lắm. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn ghét bản thân mình vì làm mất nó ở đâu cũng không biết.
Tới ga rồi mới thấy kế sách ngủ vật vờ ở ga của tôi chẳng có gì là đặc biệt. Thiên hạ ngủ la liệt ngoài ga tàu. Ai may mắn thì kiếm được một chiếc ghế dài, ai muốn thoải mái thì nằm bừa ra đất, đầu gác lên ba lô, kéo chăn che mặt. Người ngủ đã nhiều nhưng người thức còn nhiều hơn. Mật độ đàn ông lấn áp cùng với những ánh mắt soi mói của mọi người (tôi nhận ra mình là người nước ngoài duy nhất ở ngoài ga lúc đấy), tôi tự nhiên thấy chột dạ không dám ngủ. Chọn cho mình một góc yên tĩnh xa thật xa nhà vệ sinh công cộng bốc mùi nồng nặc, tôi quyết tâm thức đọc sách cả đêm, nhưng rồi lại ngủ gục từ lúc nào.
Kolkata là bến đầu tiên nên tàu khởi hành khá đúng giờ (ngạc nhiên chưa!!?). Tàu dài, số toa được đánh một cách hết sức ngẫu nhiên nên đứa lần đầu tiên đi tàu như tôi phải vất vả chạy lên chạy xuống mới tìm được toa của mình. Tôi ngồi cùng với năm người phụ nữ khác: một người phụ nữ trung niên đi cùng cháu gái lên Mumbai, một cô bạn sinh viên về thăm nhà ở ngôi làng nằm giữa Mumbai và Kolkata, hai người còn lại tôi lờ mờ không nhớ rõ. Cô bạn này nói tiếng Anh khá tốt. Cô mời tôi ghé thăm gia đình cô, nhưng vì lúc đấy tôi hồi hộp muốn xem ánh sáng Bollywood lắm rồi nên hẹn cô dịp khác. Thật đáng tiếc, cuốn sổ ghi thông tin liên lạc của cô và rất nhiều người khác tôi gặp trên đường đi tôi đã để quên trên một chiếc xe tôi đi nhờ ở Tanzania.
Người phụ nữ đi cùng cháu gái mặc sà-ri đen, tay vẽ Henna(*), luôn miệng nhai trầu. Một người đàn ông khoảng trên dưới sáu mươi, lưng còng đến xin ngồi nhờ, lập tức bị bà cô này đuổi đi thẳng. “Ghế mình đâu mà không ngồi?” bà hỏi. Ông đi rồi, bà quay sang tôi giải thích: “Dân trốn vé đấy. Nhiều lắm. Mình cho một người ngồi những người khác sẽ đổ xô đến”. Lúc đấy tôi nghĩ là bà gay gắt quá, nhưng sau này đi tàu nhiều hơn tôi hiểu bà cảnh giác như vậy không phải là không có lý do. Bà chỉ vào cô cháu gái: “Bố mẹ nó nghèo. Tao đưa nó lên thành phố để chăm sóc”. Cái kiểu vừa nói vừa nhóp nhép nhai trầu của bà tự nhiên khiến tôi liên tưởng đến Tú Bà. Từ “chăm sóc” được nói một cách nhẹ bẫng khiến tôi băn khoăn tự hỏi không biết bà cô này “chăm sóc” kiểu gì? Liệu cô bé có được đi học không hay phải ở nhà làm ô-sin, hay tệ hơn là bị gửi sang nhà khác làm ô-sin? Việc các bé gái bị gửi đi làm con ở ở Ấn Độ không phải là hiếm. Tôi nhìn sang cô bé tội nghiệp đang ngồi nép mình vào trong góc, tay ôm khư khư cái túi vải màu đen mà tôi đoán là bọc quần áo, mắt lấm lét nhìn tôi. Cô bé chỉ mới mười tuổi, chưa lên Mumbai bao giờ.
(*) Henna (xăm mình nghệ thuật) là một tập tục đã có từ nghìn đời của người Ấn Độ, chỉ với một mảnh vải nhựa và thùng chứa nhiều sắc tố cùng với các mẫu hình vẽ Henna, người nghệ sĩ có thể thực hiện tác phẩm nghệ thuật sống của mình.


Tàu chạy mải miết, mải miết, qua biết bao nhiêu là ngôi làng, bao nhiêu là cánh đồng, bao nhiêu là ngọn núi. Tôi dí mắt nhìn qua cửa sổ mãi cũng chán. Phần lớn thời gian, tôi ngồi trên giường của mình ở tầng trên cùng, lý do là để đọc sách nhưng thực chất là để tránh đụng độ về quyền sử dụng ghế với bà cô đanh đá. Lúc đấy tôi đang đọc cuốn Holy Cow của nhà văn người Úc Sarah McDonald. Đây là cuốn sách tôi mua trên vỉa hè chỉ vì cái tên thôi đã đủ khiến tôi bò lăn ra cười. Thành thật mà nói, cuốn sách với tôi chẳng có tí giá trị văn học nào, nhưng Sarah có cách viết vô cùng hài hước, với đầy nhưng thông tin hay ho về Ấn Độ. Sarah đến Ấn Độ lần đầu tiên khi bố mẹ mua vé máy bay ép cô phải “đi ba lô”, kiểu “đi để trải nghiệm”. Lúc bấy giờ, cô ghét Ấn Độ vô cùng và thề sẽ không bao giờ quay trở lại cái đất nước bẩn thỉu, hỗn loạn, đầy thủ đoạn này nữa. Ấy vậy mà chục năm sau, cô phá bỏ lời thề để đi theo vị hôn phu của mình sang Ấn Độ công tác. Cuốn sách này là về những điều cô gặp ở Ấn Độ. Tuy không hoàn toàn đồng ý với cách nhìn nhận sự việc của Sarah (cô tiếp cận sự việc từ góc nhìn của một người nước ngoài điển hình, nhìn xuống những người dân khốn khổ ở một đất nước nghèo nàn, kém phát triển), tôi vẫn nghĩ đây là một cuốn sách rất dễ đọc, văn phong hài hước, không quá nặng nề. Tôi rất thích phần cô nói về Đền vàng Amristar – trung tâm thiêng liêng của đạo Sikh và thiên đường trần gian Kashmir. Tôi nhất định sẽ đến thăm hai nơi này.
Tàu đến Mumbai khoảng mười giờ sáng. Tôi cần tìm đường đến nhà Arfi ở Andhri West. Arfi là CouchSurfing host của tôi ở Mumbai. Anh bảo có tàu đi từ bến tàu tôi đang ở đến bến tàu Andheri, rồi sau đó tôi phải đi rickshaw từ đó đến nhà anh. Ở Ấn Độ có hệ thống đường ray nối các thành phố và trong thành phố lại có một hệ thống tàu khác. Hệ thống tàu của Mumbai phủ khá rộng, thành phố được chia khu vực theo bến tàu chạy qua đó. Andheri là một bến tàu, phía tây bến tàu này là khu vực Andheri West, phía đông của bến tàu này là khu vực Andheri East. Vé tàu đi là rẻ nhất, nhưng lúc bấy giờ quầy bán vé có hàng trăm người đang chen chúc nhau chờ mua vé. Sau gần ba mươi tiếng ngồi trên tàu, không còn sức đâu mà cạnh tranh với thiên hạ nữa nên đành cắn răng đi rickshaw thẳng đến nhà Arfi. Nhưng trước đó, tôi phải mua cho mình một SIM điện thoại cho Mumbai đã. Người ta nói Ấn Độ là một tiểu lục địa và mỗi bang như một quốc gia vậy. SIM mua ở bang nào thì chỉ rẻ trong bang đấy thôi, dùng ở bang khác sẽ bị tính cước rất đắt.
Arfi sống một mình trong một căn hộ nhỏ ở một khu chung cư khá đẹp. Sau này tôi mới biết, khu vực này là nơi tập trung những studio, công ty sản xuất phim của Mumbai. Từng là người mẫu, vận may mang đến cho anh một vai phụ trong bộ phim “Triệu phú khu ổ chuột” và anh đã sử dụng vận may đó để tìm kiếm cho mình những cơ hội khác trong ngành sản xuất phim đang phát triển hết sức mạnh mẽ của đất nước này. Khi tôi gặp Arfi, anh đang cùng bạn mở một công ty sản xuất phim. Lúc tôi ở đấy, anh khá bận nên phần lớn thời gian tôi đi lang thang một mình. Tôi liên hệ thêm một số CouchSurfer nữa hẹn gặp mặt, nhưng chỉ có Nitesh trả lời.
Tôi hẹn gặp Nitesh ở Infiniti mall, một trung tâm mua sắm cách chỗ tôi ở khoảng bốn lăm phút đi bộ. Khi đang trên đường đến đây, một anh chàng dừng lại hỏi tôi cái gì đó. Không hiểu anh ta nói gì, tôi lắc đầu: “Xin lỗi, tôi không nói tiếng Hindi”. Anh ta tức giận hét lên: “Cái gì? Cô không nói tiếng Anh à?” rồi giậm chân bỏ đi. Hóa ra anh chàng nói tiếng Anh. Người Ấn Độ nói tiếng Anh rất khó nghe. Sau hai tuần ở Ấn Độ, người khác vẫn không hiểu tôi nói gì và tôi cũng không hiểu họ nói gì.
Không có việc gì làm, tôi đến điểm hẹn sớm hơn cả tiếng đồng hồ. Nhìn vào những trung tâm mua sắm lung linh rực rỡ ở Mumbai, khó ai có thể đoán được rằng Ấn Độ vẫn là một quốc gia đang phát triển. Ngay sảnh trung tâm là một chiếc bàn với tấm biển “Astrology and hand-reading” (Chiêm tinh và xem bói). Đúng là chỉ ở Ấn Độ mới có thầy bói ở một trung tâm mua sắm hiện đại thế này.
Lang thang nhìn ngắm các cửa hàng mãi cũng chán, tôi ngồi bệt xuống một góc, khoanh chân đọc sách. Nhưng rồi đúng lúc đấy, tim tôi đập loạn nhịp.
Đàn ông Ấn Độ đẹp trai quá!!!
Ba anh chàng đẹp trai lung linh đi ngang qua trước mặt tôi. Đẹp trai nhất là anh chàng đứng giữa: cao ráo, da nâu sạm nắng, đầu đinh, lông mày đen rậm, mắt đen láy, cười tươi tít mắt khoe má lúm đồng tiền. Trong giây phút thẫn thờ, tôi mơ hồ nghĩ rằng anh chàng này cũng đang nhìn tôi. Nhưng chớp mắt một phát, anh ta đã mất hút trong dòng người qua lại. Tự nhiên tôi thấy như bị điện xẹt vậy, trong đầu tôi xuất hiện cả nghìn kịch bản trong đó tôi “tình cờ” làm quen với anh chàng này. Nhưng kế sách nào ích lợi gì nữa, người ta đi mất rồi. Tôi tiu nghỉu cúi xuống đọc sách tiếp. Đời còn dài, zai còn đầy, hơ hơ.
Ấy vậy mà khoảng năm phút sau, lại cũng mấy anh chàng ấy đi qua. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ CÓ nhìn tôi. Lúng túng không biết làm gì, tự nhiên tôi toét miệng ra cười. Anh chàng đẹp trai cũng cười đáp lại! Anh tiến đến gần:
“Hi”.
“Hi”.
“Em đang đọc sách gì đấy?”. Giọng anh trầm và ấm. Anh lại nói tiếng Anh rất chuẩn, tôi có cảm tình ngay.
“Pinocchio”. Tôi đỏ mặt. Trời ạ, sao tôi không đọc cuốc sách gì đó có vẻ thông minh một chút mà lại đọc cuốn sách trẻ con thế này chứ? Mấy anh chàng kia cùng phá lên cười.
“Hồi nhỏ anh cũng thích những truyện thế này lắm”.
“Hồi nhỏ ở Việt Nam em có nghe nói đến thôi chứ chưa đọc bao giờ”.
“Việt Nam!!! Em đến từ Việt Nam à? Em đến Mumbai lâu chưa?”.
“Hôm nay mới là ngày thứ hai”.
Đúng lúc ấy thì điện thoại tôi rung. Nitesh đang ở đây rồi.
“Em phải đi đây”. Tôi đứng dậy, thật chậm, phân vân không biết có nên xin số điện thoại của anh không.
“Ừm, thật hả?”.
“Dạ, thật ạ”.
“Ừm, tạm biệt em”.
Đau!
Tôi gặp Nitesh ở quán café trên tầng hai. Nitesh cao, đen, gầy, đeo kính cận. Nhìn thoáng qua anh không khác gì dân lang thang không nhà không cửa. “Anh là nhiếp ảnh gia”, anh bảo “chuyên chụp ảnh cho giới nghệ sĩ Bollywood”. Giới nghệ sĩ đây mà, thảo nào. Tôi hỏi công việc có nhiều không, anh nhún vai: “Cố gắng được chừng nào hay chừng đấy”. “Cho em xem ảnh anh chụp được không?”. Anh gửi tôi link đến trang Facebook của “Nitesh Square” – tên anh muốn đặt cho studio trong tương lai của mình. Nói thật là tôi bị sốc. Ảnh anh chụp cực kỳ đẹp. Trong danh mục của anh có khá nhiều nghệ sĩ mà người ngoại đạo như tôi cũng biết là nổi tiếng. Thảo nào “Nitesh Square” có tới hơn sáu ngàn fan!!! Gần đây khi nói chuyện với anh, tôi được biết Nitesh Square đã trở thành một studio thực sự. Không chỉ chụp ảnh, giờ studio còn nhăm nhe sang làm phim. Bộ phim ngắn đầu tay “The Dark Queen” của anh đã đoạt giải nhất cuộc thi làm phim bốn mươi tám giờ.
Ai mà ngờ được phía sau vẻ cà bông như anh lại là một tài năng nổi bật như thế. Vì cả hai chúng tôi đều đang là dân lông bông nên nói chuyện khá hợp. Anh cho hay sắp tới sẽ có buổi gặp mặt các Blogger Mumbai ở khách sạn Princess Hotel, bãi biển Zuhu. Gul Panag, cựu hoa hậu Ấn Độ và là một trong những khách hàng của anh, cũng sẽ có mặt. Tôi cũng đăng ký tham gia.
Buổi họp mặt hôm đấy được tổ chức khá hoành tráng tại phòng hội nghị của khách sạn với sự góp mặt của hơn ba trăm Blogger đến từ không chỉ Mumbai mà còn nhiều thành phố khác của Ấn Độ như Delhi, Kolkata, Chennai… Nhiều công ty công nghệ của Ấn Độ cũng có mặt với banner quảng cáo và quà tặng cho Blogger tham dự. Tôi cực kỳ ấn tượng về sự năng động, nhiệt tình của Blogger nơi đây. Họ viết Blog về đủ các loại chủ đề. Không chỉ giới trẻ mới viết Blog mà nhiều bậc làm cha làm mẹ cũng tham gia trào lưu này. Cô bạn Magi, mười sáu tuổi, viết Blog về thời trang đến tham gia cùng mẹ là Blogger ẩm thực. Ragat có một Blog chuyên viết về điện thoại di động, nhưng Blog của anh chuyên nghiệp không khác gì một tạp chí online. Anh cho biết một ngày anh ngủ không quá sáu tiếng và ngày nào cũng viết ít nhất mười bài. Đáp lại cho những nỗ lực ấy, Blog của anh khá nổi với lượt truy cập lên đến cả trăm ngàn. Bao giờ ở Việt Nam mới có được một lực lượng Blogger tâm huyết như thế.
Trong buổi gặp mặt, tôi để ý một anh chàng tóc dài, mắt to, dáng người gầy gò. Anh ngồi yên tĩnh trong một góc, không nói chuyện với ai. Anh làm tôi lên tưởng đến mấy anh chàng sinh viên dùng máy tính nhiều quá đâm tự kỷ, không hòa nhập được với cộng đồng. Tôi đi đến bắt chuyện. Anh tên là Swapnil, hơn tôi một tuổi. Anh viết bài cho một trang web đặt tại Israel để kiếm sống, và đang xây dựng một Blog tổng hợp tin tức công nghệ (gigjet) cùng với bạn. Sẵn có máy tính ban tổ chức đặt ở đấy, Swapnil khoe trang Blog của anh. Gigjet có giao diện nhìn rất chuyên nghiệp, nhưng tin tức viết còn khá non tay. Nhầm tưởng tôi là cây bút nhà nghề, Swapnil xin thông tin liên lạc với tôi hy vọng tôi có thể giúp được gì cho Gigjet. Tôi chẳng biết mình giúp được gì không nhưng có thêm một người bạn mới cũng chẳng đi đâu mà thiệt.
Buổi gặp mặt diễn ra khá suôn sẻ. Phần căng thẳng nhất có lẽ là phần tự giới thiệu bản thân của người tham gia. Năm lời giới thiệu thú vị nhất sẽ được nhận phần thưởng bí mật. Chỉ có ba mươi giây để giới thiệu bản thân, ai cũng phải vắt óc nghĩ ra cách để gây được ấn tượng nhất. Kết quả là có khá nhiều câu khá dí dỏm, như lời giới thiệu của Binoy: “Tôi viết Blog về những chủ đề nghiêm túc như: Mười lý do không nên hiếp chị giúp việc nhà bạn”, hay một lời giới thiệu khác của một ông bố viết Blog: “Tôi có hai con và một Blog”. Tôi thì chẳng cần phải suy nghĩ gì nhiều, chỉ cần đứng lên nói: “Hi, mình đến từ Việt Nam” là đã đủ khiến mọi người chú ý rồi. Tôi là người nước ngoài duy nhất ở đấy. Nitesh sau đó còn đứng lên nói thêm là tôi đã một mình đi đến mười một nước. Thế là tự nhiên tôi trở thành ngôi sao của buổi gặp mặt. Mỗi người được phát một tờ giấy khổ A0, đeo sau lưng để những người khác viết những gì họ nghĩ về người đó. Tôi được quá trời người viết. Sau đó tình cờ tôi đọc được bài viết của một Blogger có mặt hôm đó, trong bài viết có đoạn thế này:
“Nhưng điều thú vị nhất trong buổi gặp mặt là mình được xếp ngồi cạnh một cô bé Việt Nam cực kỳ dễ thương. Cô bé đang một mình đi vòng quanh thế giới. Có ai biết tên cô bé đấy là gì không?”.
Và trongment trả lời thế này:
“Mình nhớ không nhầm thì cô bé Việt Nam đấy giới thiệu bản thân mình là Ching Chong Chang hay gì đó (tôi đọc đoạn này mà nghiến răng ken két). Mình cũng muốn đến nói chuyện với cô bé đấy nhưng không tìm thấy đâu”.
Và mộtment khác như thế này:
“Cô bé dễ thương đó tên là Chip, Twitter là @chipro”.
Thảo nào sau buổi gặp mặt tôi có thêm gần năm mươi follower.

24. Đột nhập doanh trại Hải quân Mumbai

Những ngày còn ở Việt Nam, tôi có quen Kavleet, một thương gia Ấn Độ lấy vợ người Việt, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi biết tôi ở Mumbai, ông giới thiệu tôi cho em gái ông là Katrina. Katrina mời tôi đến nhà cô chơi. Cô chỉ đường cho tôi đến nhà thờ RC Church và đến đón tôi ở đó.
Katrina lấy chồng là đại tá Hải quân nên gia đình cô được cấp nhà trong doanh trại Hải quân ở phía nam thành phố. Khu này kiểm tra an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Người nước ngoài không được phép vào thăm. Katrina bảo tôi khi đi qua trạm kiểm soát nếu bị hỏi thì nói mình tên là Monalisa. Đây là tên phổ biến của con gái người dân tộc Ao đến từ phía Đông Bắc Ấn Độ. Nếu ai hỏi tôi bằng tiếng Hindi thì trả lời rằng tôi chỉ nói tiếng Ao. Người vùng Đông Bắc Ấn Độ nhìn không khác gì người Đông Nam Á. Tôi đã biết điều này khi nói chuyện với Asenla và Temsu. Hai người này cũng là người dân tộc Ao và đều không nói tiếng Hindi. Katrina trấn an tôi rằng chắc họ cũng chẳng hỏi han gì đâu, cô sẽ lo giải thích.
Khu Hải quân của Mumbai dường như thuộc về một thế giới khác hẳn so với những gì tôi thường thấy ở Ấn Độ. Ở đây có quá nhiều cây xanh, công viên bãi cỏ xanh rì. Họ có sân Golf riêng, bể bơi riêng, phòng tập thể dục riêng, thậm chí có cả bãi biển riêng dành cho những người làm trong Hải quân và gia đình. Katrina lái xe đưa tôi đi tham quan một vòng. Chị hết sức thích thú khi thấy tôi chết lặng đi ngắm nhìn vẻ đẹp tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài của nơi đây: “Thích không? Lấy chồng Hải quân đi sẽ được ở khu này. Quân nhân ở Ấn Độ được hưởng chính sách đãi ngộ rất tốt”.
Chồng Katrina đang đi công tác xa, ở nhà chỉ có chị và hai cô con gái. Cả hai đều cực kỳ dễ thương và hết sức tài năng. Hai bé tranh nhau khoe tôi những bài thơ các bé làm, những bức tranh các bé vẽ và những bức tượng các bé nặn. Mẹ nào con nấy. Katrina cũng là một họa sĩ rất tài năng. Trong nhà treo đầy những tác phẩm của cả ba mẹ con.
Sau bữa cơm chiều, chị lái xe đưa chúng tôi ra địa điểm yêu thích nhất của chị ở khu này: bãi biển riêng của lính Hải quân. Chúng tôi ngồi trong nhà hàng kiêm quán bar ngay cạnh bãi biển, vừa uống nước vừa nghe sóng rì rào vỗ bờ. Gió thổi mát lộng. Bất chợt, một anh chàng tiến đến bàn chúng tôi, nhìn và hỏi:
“Ủa, em là người Việt Nam mà, sao em vào được đây?”
Katrina cuống quýt xua tay định giải thích, nhưng tôi ngăn chị lại. Tôi không dám tin vào mắt mình nữa, đây chính là anh chàng đẹp trai má lúm đồng tiền mà tôi gặp tại Infiniti Mall hôm trước.
Veera hóa ra đang là lính Hải quân, thuộc đội tàu ngầm. Chúng tôi mời anh ngồi uống nước cùng. Anh khá chín chắn và nói chuyện có duyên hết sức. Lúc cáo lui, anh hỏi hết sức lịch sự:
“Chip này, em có thể cho anh số của em để sau này khi cần đột nhập đồn địch, anh nhờ em tư vấn nhỉ?”.
Anh đi rồi, Katrina nhìn tôi cười tinh quái:
“Anh chàng được đấy chứ”.
Tôi cười toe toét.

Nguồn sstruyen.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved