Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

31 thg 12, 2013

Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chíp - Chương 67 - 76

67. Đi nhờ xe lên Aswan

Abdel làm nghề lái taxi du lịch. Anh vừa chở khách từ Aswan lên Luxor, nên xe về Aswan còn trống. Anh là một anh chàng Nubia đặc sệt từ đầu đến chân: to cao, da đen ánh nâu đỏ, môi dầy. Anh có điệu cười vang vô âu vô lo, như thể tiếng cười là thứ duy nhất anh cần để phân biệt anh với tất cả những người xung quanh vậy. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe ai cười như thế trong đời sống thực.
“Cô bé dũng cảm. Anh nghe bạn anh kể thì em học tiếng nhanh lắm. Bây giờ anh sẽ dạy em tiếng Nubian”.

“Ặc, em còn đang học tiếng Ả rập, giờ học tiếng khác vào nữa sẽ bị lẫn ngay anh ạ”.
“Ha ha ha ha, không được. Em không thể học tiếng Ả rập mà lạ không chịu học tiếng Nubian được. Anh giận đấy”.
Lòng tự tôn Nubian thật là đáng sợ.
Đường từ Luxor xuống Aswan toàn là sa mạc. Nhưng sa mạc ở đây khác sa mạc ở Siwa. Cát ở đây nhiều cung bậc màu sắc hơn ở Siwa. Chỗ thì cát xếp thành từng dải cong cong như giường trải lụa bị ai đó làm rối. Chỗ thì xếp cát cao thành đụn, lẫn vào với đá, màu hơi đen như mai rùa. Chỗ thì vệt cát trải dài với những vết cắt tua tủa như đuôi rồng. Tôi vừa nhìn cát vừa tưởng tượng ra đủ hình thù như thể đang ngắm mây vậy. Anh chàng Nubian cười vang mỗi khi tôi chỉ cho anh một hình nào đó quái dị. Càng đi xuống phía Nam trời càng nắng. Càng đi xuống phía Nam đường càng vắng. Hai bên đường tuyệt nhiên không có làng mạc gì. Bỗng nhiên, từ giữa sa mạc, một cột khói bay lên cao ngút. Những đốm trắng lấm tấm như cả đàn cò trắng trên nền cát nâu nóng bỏng. Tôi dụi mắt cứ ngỡ mình bị ảo giác.
“Để lại đấy xem là cái gì”.
Abdel bẻ tay lái đi về hướng cột khói đấy cho tôi xem. Đàn có trắng hóa ra là cả trăm tấm lều được dựng lên giữa sa mạc hoang vu. Hàng ngàn người đầu quấn khăn, thân khoác áo chùng trắng chẳng biết từ đâu đến đang đi, đứng, ngồi, nằm ung dung trên cát. Những người bán hàng rong cũng xuất hiện với chủ yếu là bánh mía. Tuyệt nhiên chẳng thấy ai bán nước. Tiếng nói chuyện ồn ào huyên náo. Cột khói hóa ra là cát bay mù mịt. Tôi đang đứng ăn bánh mía thì bất chợt mấy người xung quanh tôi chạy tán loạn. Ai đó kéo áo tôi chạy dạt sang một bên. Quay lại nơi tôi vừa đứng, một chú ngựa đang phi nước kiệu tới, cưỡi trên lưng là một kỵ sĩ mới khoảng trên dưới chục tuổi. Vài chú ngựa khác theo sát phía sau. Tiếng người reo hò vang dội, vọng vào trong nắng, lắng đọng trong cát, chìm hẳn vào trong không gian mênh mông bất tận. Hóa ra nơi đây đang diễn ra cuộc thi đua ngựa. Phần thi vừa rồi là phần thi dành cho trẻ em. Tôi tiếc hùi hụi mình không có máy quay để ghi lại quang cảnh có một không hai này.
Tôi thích Aswan ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ở Aswan có cái gì đó chân chất, thật thà chứ không con buôn thành thị như kiểu Luxor. Xe dừng lại ở nhà một người bà con của Abdel. Mọi người nhìn tôi tò mò. Mấy người còn đến sờ chân sờ tay tôi cứ như thể để kiểm tra xem tôi có được làm từ xương từ thịt không vậy, rồi tỏ ra hết sức thích thú khi phát hiện ra là có. Mọi người cười ré lên khi tôi bập bẹ vài từ tiếng Nubian vừa học trên xe. Tôi ở với em gái của Abdel trong ngôi nhà đất của gia đình anh, trong ngôi làng ven sông đúng như những gì tôi thấy trên tranh. Tôi yêu Aswan không phải vì đây có những địa điểm tham quan đẹp, cũng không phải vì ở đây có những món ăn ngon. Tôi yêu Aswan đơn giản vì yêu cái tình làng nghĩa xóm ấm áp nơi đây, yêu cái phong cảnh bình yên đến lạ, yêu cái phóng khoáng ăn sóng nói gió của con người sông nước.
68. Lỡ xe bus
Ai cũng phạm phải sai lầm gì đó khi đi bụi. Có những sai lầm rất buồn cười, ví dụ như khi tôi ngủ quên khi đi nhờ xe, tỉnh dậy đã thấy mình quá điểm tôi muốn đến tới hơn hai trăm cây số, thế là tự nhiên phát hiện ra một thị trấn cực kỳ hay ho mà chưa bao giờ tôi nghe thấy. Có những sai lầm lại rất là ngớ ngẩn, ví dụ như sai lầm sau đây. Tôi kể ra để bạn nào đi như tôi thì biết mà tránh.
Kế hoạch tươi đẹp của tôi là tôi sẽ đi xe bus từ Cairo đến Sinai, dừng lại ở tu viện St.Catherine lúc sáu giờ tối, leo lên đỉnh núi Sinai nơi Mô-sê nhận mười điều răn từ Thiên Chúa, ngủ qua đêm trên đấy chờ mặt trời mọc, rồi sẽ xuống thăm tu viện vào buổi sáng. Tôi cẩn thận đặt vé xe bus từ trước. Sau khi mua vé xe và mua quà cho bà của Amr, tôi chỉ còn đúng 100LE. Tôi nghĩ số tiền này đủ cho tôi đi nhờ xe từ tu viện St.Catherine đến biên giới và ra khỏi Ai Cập trước khi visa của tôi hết hạn. Sang bên kia Israel, tôi có $20 để đi nhờ xe lên Tel Aviv, gặp Abramson - chủ của trang Walyou trước giờ tôi vẫn viết cho - để lĩnh lương và tôi sẽ giàu trở lại. Mọi thứ được tính toán từng li từng tí, chỉ duy nhất có một điều tôi quên: giao thông. Quá quen với giao thông ở Việt Nam và Nepal rồi, tôi bị hoang tưởng rằng ngày có vài lần tắc đường như Cairo là thiên đường.
Sáng hôm đấy thức dậy, tôi thong thả ăn sáng, tắm rửa, đọc sách, thậm chí còn có thời gian lên Facebook. Bến xe bus chỉ cách chỗ tôi ở mười phút đi taxi, nên tôi lao ra khỏi nhà mười lăm phút trước giờ xe (định) chạy. Xe ở Ai Cập không bao giờ chạy đúng giờ cả. Lần trước tôi đi, tôi phải đợi ở bến xe hai tiếng.
Tôi không ngờ được rằng phải mất một tiếng, taxi mới đi hết quãng đường 5,5 kilomet.
Và chuyến xe bus của tôi, ngạc nhiên thay, đã đi mất rồi.
Phải mất một lúc lâu tôi mới nhận ra mình thảm hại đến mức nào. Tôi vẫn không thể nào tin được rằng mình lại bị trễ xe bus, mà lại là xe bus ở Ai Cập. Một ngày chỉ có một xe đi St.Catherine. Bởi vì visa của tôi sắp hết hạn, tôi không thể chờ đến ngày mai được.
Kế hoạch ban đầu của tôi là thuê một xe taxi đuổi theo xe bus, nhưng nhanh chóng nhận ra đua xe là một điều không tưởng với tình trạng tắc đường thế này.
Kế hoạch thứ hai của tôi là đi nhờ xe lên Sinai. Trước hết, tôi cần phải ra đến đường cao tốc. Một taxi dừng lại trước mặt tôi ở bến xe bus. Tôi bảo: “No money, no taxi” và người lái xe nói: “No money, no problem”. Tôi ngây người ra vì ngạc nhiên.
“Bác đang đi đâu ạ?” Tôi hỏi bằng tiếng Ả rập bồi.
“Cháu muốn đi đâu?”.
“Sinai”.
“OK”.
Tôi lặp đi lặp lại: “Sinai. Siinaiiiii. Xa lắm”. Tôi bối rối không hiểu bác có đi Sinai thật không. Trời thì nóng, tôi thì mệt. Ba lô to đùng sau lưng, ba lô nhỏ nhỏ trước ngực. Mồ hôi ướt đẫm người. Não của tôi tan chảy. Tôi bước lên xe, gọi điện cho Amr nhờ Amr giải thích cho ông là tôi cần ra đến đường cao tốc. Ông gật đầu. Tôi thở dài nhìn ra ngoài khi bất chợt tôi thấy bàn tay ông sờ soạng đùi tôi.
“Bác làm gì thế?”.
“Friend”. Ông ta chỉ vào tôi rồi chỉ vào mình. “You. My friend”.
“Shit”. Tôi đập tay lên cửa kính.
“No friend?”. Ông nhìn tôi với con mắt ti hí. Quá ghê tởm, tôi yêu cầu ông dừng xe cho tôi xuống ngay tức khắc. Chưa được mười phút tôi đã bị sàm sỡ thế này. Không hiểu nếu tôi đi nhờ xe đến Sinai thì sẽ còn bệnh hoạn thế nào. Tôi đến một chiếc xe minibus, đưa cái vé đi Sinai hoàn toàn vô dụng của mình ra giải thích rằng tôi cần tìm xe bus chợ đi Sinai. Anh chàng soát vé bảo tôi đi lên, rồi thả tôi lại bến xe ngay cạnh nhà Amr. Hóa ra xe bus ban đầu đi từ cái bến mà tôi vừa bị lỡ, đến cái bến này rồi mới đến Sinai. Nếu biết trước đi thẳng ra đây có phải tôi đỡ bị lỡ xe không.
Tôi đành ngậm ngùi bỏ qua núi Sinai bởi không có cách nào tôi có thể đến đấy rồi đi Israel trước khi visa của tôi hết hạn cả. Tôi mua vé đi thẳng đến Taba tối hôm đấy với 80LE, rồi phóng tay đi taxi về nhà Amr vì quá mệt để đi xe bus. Bà của Amr nghe tôi kể thì cứ xuýt xoa tội nghiệp con bé. Buổi tối hôm đấy, không biết vì thương tôi hay vì sợ tôi lại quay lạimà bà bình thường không bao giờ ra ngoài, phá lệ ra tận bến xeđể đưa tôi đi, với cô của Amr cầm lái. Bà và cô dẫn tôi đi một vòng cuối cùng quanh thành phố, rồi còn mua đồ ăn cho tôi mang lên xe. Ra gần đến bến xe rồi, bất chợt cô bảo:
“Chip này, hay con đừng đi nữa, ở lại đây luôn với gia đình nhà cô đi. Nhà cô có mấy cửa hàng quần áo còn thiếu người quản lý, con ở lại quản lý một cửa hàng cho cô. Vợ chồng cô cũng già rồi không đi xa được nữa, con ở lại lo luôn việc nhập khẩu hàng từ Trung Quốc cho mấy cửa hàng này”.
Cô của Amr rất quý tôi vì tôi học tiếng Ả rập nhanh. Tôi lại hay ở nhà chăm sóc bà vì Amr đi học cả ngày.
“Dạ, con phải đi cô ạ”. Tôi phân vân lắm. Ở lại Ai Cập học tiếng Ả rập mấy năm cũng hay. Giờ tôi đi là bao nhiêu vốn liếng học cả tháng nay thế nào cũng bay sạch cho xem.
“Ừ, cô biết. Nhưng nếu khi nào con mệt muốn dừng lại, thì hãy luôn nhớ rằng con có một gia đình ở Cairo nhé”.

 69. Nắng gió và biển Israel

Chuyến xe bus đêm nào cũng dài và buồn tẻ. Chuyện duy nhất khiến mọi người xôn xao là anh chàng Do Thái đơn độc trên xe cứ liên tục bị yêu cầu xuống xe để khám xét. Ôi người Do Thái trên đất Ai Cập!
Có những con người tôi yêu ngay từ khi chưa gặp mặt. Có những mảnh đất tôi yêu ngay từ trước khi đặt chân đến. Israel là một mảnh đất như vậy. Tôi không hiểu tại sao mình lại dành tình cảm cho Israel đến thế. Khoan nói đến chính trị, tôi không hoàn toàn đồng ý với chính sách của Chính phủ nước này. Tôi yêu Israel vì tôi bị cuốn hút bởi lịch sử của Israel và của dân Do Thái, kinh ngạc vì sự phát triển vượt bậc của đất nước vừa trẻ vừa nhỏ bé này. Đọc Kinh Thánh từ nhỏ, tôi đã quá quen thuộc với những địa danh của Israel và chỉ mong một ngày được đặt chân đến những nơi này.
Nghe quá nhiều về Hải quan Israel, tôi hơi run khi đi qua Hải quan vào nước này. Người đi trước tôi bị Hải quan giữ lại, yêu cầu mở túi kiểm tra từng li từng tí. Tôi cũng ngoan ngoãn xếp cái ba lô của mình vào góc chờ đến lượt. Chờ khoảng mười lăm phút vẫn chẳng thấy ai bảo sao. Chú Hải quan nhướn mắt lên hỏi:
“Cháu còn đứng đó làm gì?”.
“Ủa, không ai kiếm tra hành lý cháu ạ?”“Không. Đi đi”.
Sau cả đêm vượt sa mạc toàn cát là cát, tôi lập tức bị choáng ngợp bởi biển mênh mông lộng gió khi vừa bước chân ra khỏi trạm kiểm soát. Những cô nàng tung tăng đi dạo trong bikini trên bãi biển. Những chàng trai thoải mái chơi bóng. Những gia đình thong thả cắm trại trên bãi biển. Bầu không khí phóng khoáng khác hẳn Ai Cập. Tôi hít căng lồng ngực, thở ra thật chậm. Tôi dụi mắt mấy lần vẫn không tin rằng mình đang ở trên đất Israel. Đây là biển Đỏ. Đây là biển Chết. Đây là Jerusalem. Đây là miền đất hứa.
“Heeeyy”. Một gia đình đang cắm trại trên bãi biển vẫy tay về phía tôi rối rít. Những người khác trên bãi biển cũng nhìn tôi mỉm cười thân thiện. Chưa bao giờ tôi đến một đất nước mà lại được chào đón nhiệt tình như thế.
“Chào mừng đến với Israel”.
“Shalom”. Tôi hét lên chào lại. “Đường nào lên Tel Aviv hả bác?”.
“Xe bus vừa đi mất rồi. Một tiếng nữa mới có xe cơ. Xuống đây chơi đã”.
Các bác có khu lều to nhất mà tôi từng thấy. Lều có khu sinh hoạt chung cho mọi người, có bếp nấu ăn, có lều riêng cho mỗi cá nhân, đệm bơm hơi êm ái, ghế gấp gọn gàng, lại có nhà vệ sinh cơ động. Nhà vệ sinh này quây kín bằng vải, có bồn cầu không đáy, mỗi khi sử dụng bạn phải trùm túi nilon vào, rồi vứt túi nilon đó vất vào thùng rác. Tất cả những cái đấy đều có thể gấp lại cho hết lên xe.
“Các bác có đồ cắm trại chuyên nghiệp quá”.
“Chuyện, dân Do Thái là một dân tộc đi mà. Cháu chưa nghe câu từ ngày xưa, Mô-sê đã đi trong hoang mạc bốn mươi năm à?”.
Bác ấy đang cắm trại với khoảng năm người đàn ông trung niên khác và gia đình của họ. Người đàn ông nào cũng bặm trợn, hình xăm đầy mình, nhưng mặt thì hiền khô. Ai cũng tỏ ra hết sức thích thú khi thấy tôi đi một mình, tranh nhau hỏi chuyện tôi.
“Tụi này là môt motorcycle gang (nhóm đi xe máy), chơi với nhau từ hồi trẻ”.
“Cháu đói không, ăn sandwich đi”.
“Cháu từ đâu đến? Đi những nước nào rồi?”
“Sao cháu lại sang Israel?”.
“Cháu nói được tiếng Hebrew không?”.
Tôi hỏi các bác cách đếm từ 1 đến 10. Mọi người ồ lên kinh ngạc vì chỉ cần nghe một lần là tôi lặp lại được ngay.
“Tại vì nó giống tiếng Ả rập”.
“Cháu nói được tiếng Ả rập à?”.
“Cháu học được một ít ở Ai Cập ạ”.
“Giỏi quá. Thế thì bây giờ cháu cũng phải học tiếng Hebrew”.
Thế là các bác bắt đầu dạy tiếng Hebrew cho tôi.
“Gạo là aroz. Không, “r” không rung ở lưỡi mà phải rung từ trong cuống họng. Đúng rồi. Hành là batzal. Không “tz” chứ không phải “ch”. Cháu phải đặt lưỡi ở răng. Ôi, con bé này không nói được âm “tz”.
Sau một lúc nói chuyện, có lẽ quý tôi, các bác bảo.
“Ngày mai các bác về lại Tel Aviv, nếu cháu ở lại đêm nay thì ngày mai các bác cho đi nhờ”.
Thế là tôi ở lại. Buổi tối, đứng trên bờ, các bác chỉ ra những cụm đèn ngoài khơi: “Đấy là Jordan. Đấy là Ả rập Saudi”. Tim tôi đập rộn ràng khi nghe những địa danh đấy. Các bác kể cho tôi nghe về cuộc đời của các bác.
“Bác sinh ra ở Nga, sang Nam Phi những năm 70 với gia đình, về lại Israel đầu những năm 90”.
“Khi Nelson Mandela chuẩn bị lên nắm quyền đúng không ạ?”. Lúc đấy, những gì tôi nghe về Nam Phi chỉ là những tiêu đề đọc trên báo, nhưng có đọc cũng chỉ đọc qua loa vì thấy nó quá xa với mình. Đây là lần đầu tiên những gì diễn ra ở đầu cuối của bán cầu bên kia lại gần gũi với tôi đến như vậy.
“Có thể cháu sẽ cho rằng bác là người phân biệt chủng tộc thế này thế kia. Nhưng quả thực, cuộc sống trước thời Nelson sướng hơn nhiều, an toàn hơn nhiều. Từ khi ông ta lên, người bản địa mới lộng hành, gây ra nhiều tội ác, nhiều tệ nạn.” Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe được một ý kiến trái chiều như thế, ý kiến từ một người ở phía bên kia của chiến tuyến.
Tôi không có túi ngủ, tôi kê ba lô làm gối ngủ ngay trên bãi biển. Ban đầu, gió mát hây hây, sóng biển dập dìu, cát mềm gối lưng, tôi nằm ngửa vừa ngắm bầu trời đầy sao, vừa mỉm cười đầy mãn nguyện. Nhưng đấy là do tôi chưa lường hết được thời tiết biển Đỏ. Bao quanh bởi sa mạc, ban ngày hơi nóng, ban đêm lại lạnh thấu xương. Đến khoảng hai giờ sáng tay chân tôi bắt đầu tê cứng lại. Tôi lôi hết quần áo của mình ra mặc vào mà vẫn lạnh. Tôi mở mắt thao láo nhìn sang ánh đèn lấp lánh phía bên Jordan, tự hỏi nếu mình bơi lặn giỏi thì có thể lẻn vào bên Jordan mà không phải qua xuất nhập cảnh hay không. Hay là sang Ả rập Saudi? Đây là một quốc gia mà tôi luôn muốn sang để thăm Mecca - thánh địa đạo Hồi. Nhưng họ không cấp visa du lịch cho con gái không theo đạo Hồi. Hay là tôi cải sang đạo Hồi để đi nhỉ? Tôi đọc trong cuốn Among the Dervishes tác giả cũng nói dối mình theo đạo Hồi để đi Mecca, nhưng họ không tin anh. Anh sau này cũng phải đi thuyền vào Ả rập Saudi bất hợp pháp. Tôi vừa nằm nghĩ miên man vừa thấp thỏm chờ mặt trời lên. Khoảng sáu giờ sáng, mặt trời lên ấm dần, tôi lại ngủ thiếp đi.
70. Lên Petah Tiqwa đúng ngày Shabbat
Trong suốt chuyến đi của mình, tôi đã làm nhiều chuyện dại dột. Nhưng có một chuyện dại dột tôi hoàn toàn tránh được nếu tôi chịu tìm hiểu kỹ hơn, nhưng tôi đã không làm điều đó. Đó là lên thành phố Israel đúng ngày thứ bảy.
Chủ nhà Couchsurfing không cho tôi địa chỉ cụ thể, mà chỉ bảo tôi đến một quảng trường ở Petah Tiqwa, một thành phố vệ tinh cách Tel Aviv hai mươi phút lái xe, rồi gọi cho anh. Nhưng tôi phát hiện ra rằng mình chỉ có số anh gửi vào email cho mình mà quên chưa lưu vào trong điện thoại. Mấy hôm nay ở sa mạc với biển, chẳng có cách nào vào mạng được. Tôi đi vòng vòng quanh quảng trường mà chỉ thấy chỗ này vắng tanh vắng ngắt, các cửa hàng đóng cửa im ỉm. Ngạc nhiên quá, tôi túm một bác gái ngồi nghỉ gần đó hỏi. Bác nhìn tôi ngạc nhiên không kém:
“Ngày Shabbat ai làm việc hả cháu?”. Tôi hồi nhỏ đọc Kinh Thánh được biết ngày Shabbat là ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi nên loài người không ai được phép làm việc. Nhưng trong đạo Thiên Chúa, ngày Shabbat các cửa hàng vẫn mở cửa như thường. Tôi đâu có ngờ mọi người ở đây lại giữ ngày Shabbat nghiêm thế.
“Bác biết ở đâu có quán Internet vẫn mở cửa không ạ? Cháu cần vào mạng có việc gấp”.
“Tel Aviv thì chắc là vẫn có”.
“Có xe bus lên Tel Aviv không hả bác?”.
“Có, nhưng Shabbat xe nghỉ chạy rồi”.
Tôi tiu nghỉu ngồi bệt ngay xuống đất, dựa lưng vào cột. Không có việc gì làm, tôi mở con netbook lởm của mình ra. Trước sự ngỡ ngàng và sung sướng của mình, tôi phát hiện ra mấy wifi không có password. Ở Ai Cập lâu quá, tôi quên khuấy đi mất Israel là một quốc gia công nghệ phát triển, wifi ngoài đường là chuyện hiển nhiên. Tôi tìm được số của Amir, rồi mượn điện thoại một người ngoài đường gọi cho anh. Trái tim tôi tan nát ra từng mảnh khi anh nói rằng anh đang ở rất xa, phải vài tiếng nữa mới quay trở lại, khi nào quay trở lại anh sẽ gọi cho tôi. Nhưng tôi làm gì có số đâu mà anh gọi? Hôm nay cũng đâu có chỗ nào bán SIM mở cửa đâu mà tôi mua. Tôi hẹn anh rằng hai tiếng nữa tôi sẽ gọi lại cho anh.
Đói hoa cả mắt, tôi đi tìm chỗ nào ăn nhưng hiển nhiên là cũng chẳng có chỗ nào mở cửa. Tôi cố gắng nhìn vào mặt sáng của vấn đề. Cũng may hôm nay là shabbat mà tôi có cơ hội nhìn Petah Tiqwa với bộ mặt nguyên sơ nhất của mình: không ồn ào, không huyên náo, chỉ có những con phố rộng thênh thang rợp bóng cây xanh, những con ngõ nhỏ đầy hoa và những ngôi nhà im lìm với bãi cỏ trước mặt, những cây điện thoại sơn đỏ rực như ở Anh. Israel là một sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa Trung Đông và kinh tế châu u, giữa tôn giáo và khoa học, giữa lịch sử đau thương và tuổi trẻ lạc quan vào tương lai tươi sáng. Sáng nay đi xe từ Eilat lên đây, tôi cứ liên tục phải há hốc mồm kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước này.
“Cháu có tin được là cách đây sáu mươi năm, tất cả chỗ này chỉ là sa mạc khô cằn không ai thèm lấy. Vậy mà người Do Thái đã xây dựng nó thành một quốc gia công nghệ phát triển bậc nhất thế giới”. Bác cho tôi đi nhờ xe tự hào khoe. Tôi ước gì một ngày nào đó, tôi cũng có thể tự hào khoe như thế về đất nước của mình.
Sau ba tiếng làm đủ trò ngớ ngẩn, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy cái mặt cười tươi rạng rỡ của Amir và bạn gái của anh Dana. Anh chị vừa cho tôi ăn vừa bảo:
“Shabbat ở đây còn đỡ đấy em ạ. Em còn may có người cho đi nhờ xe đấy. Nhiều người ngày Shabbat còn chẳng lái xe cơ. Bật điện họ cũng không dám bật. Em muốn biết Shabbat thực sự thế nào thì phải xuống Jerusalem cơ”. Dana bảo.
“Hôm nay vẫn còn nhiều người phá lệ đấy. Em mà đến đúng ngày Yom Hazikaron thì anh chị cũng chẳng ra đón em”.
“Yom Hazikaron là ngày gì ạ?”.
“Em chờ đến ngày thứ ba sẽ biết”.
Israel 101
Israel là một đất nước đặc biệt. Người Israel là một dân tộc đặc biệt. Để sống sót được và hòa nhập ở nơi đây, bạn cần nắm rõ một số quy ước hành xử ở nơi này.
“Ani lo frayer” - “Tôi không phải là một frayer”
Đây là câu đầu tiên bạn bè dạy tôi khi biết tôi muốn ở lại Israel. Muốn sống sót ở đất nước này, bạn phải biết đấu tranh. Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm của người Do Thái, từ khi Mô-sê dẫn dắt người Israel ra khỏi kiếp nô lệ trên đất Ai Cập, cho đến khi dân Do Thái phải chống trả lại cuộc diệt chủng khiến nửa số người Do Thái diệt vong, cho đến ngày nay khi mà người Do Thái vẫn phải vẫn phải đấu tranh cho đất nước của chính mình, tất cả những gì họ làm đều là để không biến mình thành một “frayer”, dịch đại loại ra là thằng hèn, kẻ thua cuộc, kẻ bị lợi dụng. Họ sẽ không để người ta chà đạp lên mình, họ sẽ không để người ta lợi dụng mình, họ sẽ không để người ta tước đi quyền của mình. Trong đời sống thường ngày, họ sẽ không để ai đó cắt lên trước mình khi xếp hàng, không để cho ai đó chém giá cắt cổ cho mình, không để cho ai đó sỉ vả mình mà không có lý do. Chính vì thế, người Israel ra nước ngoài thường bị một số người ghét vì “khôn” quá.
Người Israel rất “dugri”
Simon Cowell có gốc Do Thái và ông ấy rất “dugri”. Amir là người Do Thái và anh ấy rất “dugri”. Khi tôi mới bước chân vào nhà anh, anh đã nhăn mũi.
“Eww, có mùi gì ấy nhỉ?”.
“Mùi giày của em đấy ạ”. Tôi đỏ mặt.
“Em đi giặt giày đi. Xà phòng ở trong nhà tắm”.
Dana mới cười an ủi: “Em nên quen đi đừng ngại. Người Israel rất dugri”.
“Dugri” là tiếng lóng cho “nói thẳng, nói thật”. Người Israel thẳng thắn đến mức thô lỗ. Họ không ngại nói thẳng vào mặt bạn khi bạn làm gì đó quá dở. Họ không ngại nói rõ ràng cái gì họ muốn, cái gì họ không muốn. Với họ, như thế là để tiết kiệm thời gian mò mẫm đoán ẩn ý. Với nhiều người, như thế là thô lỗ. Với tôi, tôi thích như thế bởi tôi có thể thoái mái nói những gì mình nghĩ mà không sợ ai phật lòng.
Không ai được kể chuyện đùa holocaust, trừ người Do Thái.
Người Do Thái có khiếu hài hước đỉnh cao có từ thời kinh Torah. Từ trước khi sang Israel, tôi đã hâm mộ sự hài hước của Woody Allen, Groucho Marx, Jerry Seinfeld và cả Howard Wolowitz trong Big Bang Theory. Và khi sang đến Israel, tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi khả năng nói đùa một cách rất ngẫu nhiên nhưng có thể khiến bạn cười cho đến khi có bụng sáu múi.
Vốn sống lạc quan, người Do Thái có thể cười về bất kỳ chuyện gì, kể cả cuộc diệt chủng. Ronan đã từng bảo với tôi: “Cuộc nói chuyện nào cũng kết thúc bởi hoặc là cuộc diệt chủng, hoặc là người Đức, hoặc là Hitler”. Tuy nhiên, họ có ranh giới. Không ái được nói đùa về cuộc diệt chủng, trừ người Do Thái.
Israel rất đắt.
Đừng thấy Israel ở châu Á mà cho rằng nó rẻ. Tiêu chuẩn sống và giá cả ở đây cao tương đương châu u, trong khi lương lại thấp hơn nhiều. Một con cá chỉ bằng bàn tay giá cũng phải 51NIS (khoảng $15, lúc bấy giờ 1USD khoảng 3,5NIS), một gói bim bim cũng phải 3-4USD. Không thể tin được, chỉ cần đi qua biên giới ra khỏi Ai Cập một cái là giá cả cái gì cũng tăng lên gấp mười.
 71. Một ngày vui và một ngày buồn ở Israel
Với tôi, Amir và Dana là một cặp hoàn hảo. Cả hai đều hiếu động, vui tính, điên rồ. Kẻ tung người hứng nên nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười. Nhưng đến buổi tối thứ hai, không khí trong nhà bỗng trầm hẳn, không ai nói, không ai cười, Amir bảo tôi:
“Chip ơi, từ bây giờ đến tối ngày mai em đừng nói cười gì nhé. Nếu em không có việc gì cũng đừng ra ngoài. Đánh máy thì đánh êm êm thôi để tránh gây tiếng ồn”.
Ngày ở Israel bắt đầu từ lúc mặt trời lặn. Hoàng hôn ngày thứ hai là bắt đầu của ngày thứ ba: Yom Hazikaron. Đây là ngày tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống và nạn nhân khủng bố. Ngày này được kỷ niệm ngay trước ngày Quốc Khánh Israel.
Amir và Dana chẳng bao giờ xem TV, nhưng hôm đấy hai người vào mạng xem chương trình tưởng niệm trên truyền hình. Amir cũng mở trang web nơi người ta đăng tải thông tin về những liệt sĩ đã ngã xuống, đọc trang về cậu anh, rồi khóc. Cậu anh khi đấy vẫn là một cậu bé mười chín tuổi, trẻ trung, hiếu động. Đây là ảnh cậu cười rạng rỡ với đám bạn khi đang đi cắm trại. Đây là ảnh cậu ngồi trên bãi biển chơi ghi ta. Đây là ảnh cậu đùa nghịch với đám bạn trong quân ngũ, súng vắt ngang vai, miệng cười toe toét. Amir bảo cậu anh hồi nhỏ rất thích làm thơ và chính anh cũng viết nhạc cho một số bài thơ của cậu. Đúng tám giờ tối, một tiếng còi dài kéo lên báo hiệu một phút tưởng niệm. Amir và Dana lúc đấy đang ở trong nhà vẫn bỏ tất cả những việc mình đang làm, đứng nghiêm trang. Nếu ai đang đi ngoài đường lúc đấy thậm chí cũng dừng xe lại, bước ra ngoài đứng để tưởng niệm. Tôi không phải người Do Thái, tôi cũng không biết nhiều về lịch sử Israel, nhưng lòng tôi tự nhiên cũng trĩu lại. Nỗi đau của cả một dân tộc, nỗi chua xót của cả một thế hệ bao trùm lên cả một đất nước.
“Ở Israel ai cũng quen ít nhất một người đã chết trong chiến tranh. Ông nội anh là người của cả gia đình sống sót trong cuộc diệt chủng, chạy trốn về lại được Israel. Cậu anh mất trong chiến tranh 1967, bạn anh mất trong chiến tranh Li-băng 2006. Bọn anh hiểu hơn ai hết giá trị của sự tồn tại của mình ngày hôm nay trong một đất nước như thế này”.
Ấy vậy, nhưng buồn là thế, chỉ buổi tối thôi là không khí lại khác hẳn. Bầu không khí u buồn lập tức thay thế bằng bầu không khí vui tươi hớn hở như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Amir lại bắt đầu bật nhạc, nhảy tưng tưng khắp nhà.
“Chào mừng Quốc Khánh Israel!”. Amir vừa bật champagne vừa nói. Hôm nay cả thành phố Tel Aviv sẽ trở thành sàn nhảy lớn nhất thế giới và chúng ta sẽ tiệc tùng cả đêm.
Anh không hề nói quá. Cả thành phố Tel Aviv lấp lánh ánh đèn, xập xình tiếng nhạc. Dường như cả đất nước Israel đều đổ ra đường, tiếng cười nói, nô đùa vang dội. Quảng trường Rabin biến thành một sân khấu ca nhạc rực rỡ với cả chục ngàn khán giả. Khu phố Florentine trở thành trung tâm của bữa tiệc ngoài trời chật kín người tham gia. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều trai xinh gái đẹp đến thế! Người Israel phải nói là rất đẹp. Người Israel di cư về đây từ khắp nơi trên thế giới mang đủ loại màu da, màu tóc, màu mắt. Qua mấy thế hệ, những nét này lai tạo vào nhau tạo nên những vẻ đẹp kỳ lạ, không ai giống ai, ngắm hoài không chán. Giới trẻ Israel lại tuyệt nhiên không có người béo (đây đó có những ngoại lệ nhưng rất rất ít), ai cũng người đẹp dáng chuẩn.
“Con gái Israel đẹp quá, ăn mặc cũng đẹp”. Tôi ngây người ra ngắm, nói bâng quơ. “Mình đã chẳng đẹp thì chớ, lại cũng chẳng có tiền mua váy xinh”.
“Aww, tội nghiệp thế. Anh hứa là khi nào anh có tiền, việc thứ hai anh sẽ làm là mua cho em một bộ váy thật đẹp”. Ai đó ở phía sau bất chợt chen vào.
“Thế việc đầu tiên anh làm là gì?”.
“Mua cho anh một bộ”.
Tôi quay lại nhìn kẻ xa lạ. Anh nhoẻn miệng ra cười. Nụ cười ấm áp nổi bật lên giữa cả biển người trên phố. Tôi nghĩ tôi đã yêu Ronan ngay từ cái nhìn đầu tiên.

72. Miền Bắc Israel

Asher là một anh chàng hậu đậu. Để về lại Israel rẻ nhất, anh cần bay đến sân bay Amman của Jordan, rồi đi taxi chỉ hai tiếng là sang đến Israel. Hồi ở Nepal, một lần đang đi chơi với bạn gái thì anh gọi cho tôi: “Chip ơi, Sushil vừa tìm cho tao vé đi Amman rẻ lắm, rẻ hơn vé bình thường những 100 đô. Mày mang tiền sang cho Sushil đặt vé mua cho tao ngay đi, sợ khi nào tao về thì nó hết”. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Lúc về mới té ngửa ra rằng Sushil đã đặt vé cho anh đi Oman là một quốc gia ở tận đầu kia vùng vịnh. Thế là anh tranh thủ làm một chuyến du ngoạn ở Oman. Trên đường từ Oman về Israel, anh còn ghé qua các tiểu vương quốc Ả Rập. Anh tính đầu tháng tư sẽ về lại được Israel, nhưng cuối cùng mãi đến đầu tháng năm mới sang đến nơi, muộn hơn tôi mấy ngày. Anh về thẳng nhà dì anh ở làng Kozarim phía Bắc Israel, hẹn gặp tôi trên đó. Tôi tremp (đi nhờ xe) lên phía Bắc ngay ngày anh sang đến nơi.
Tôi tremp từ Tel Aviv lên Kozarim, vừa đi vừa hồi hộp. Từ đầu chuyến đi tới giờ, mỗi con người tôi gặp đều gắn liền với một mảnh đất. Khi tôi nhớ về Veera, đó mãi là nắng, gió, biển và cái nhộn nhịp của Mumbai. Khi tôi nhớ về Karlis, đó mãi là anh chàng phóng xe điên rồ 122km/h trên những con đường ngoằn nghèo vòng vèo của Nepal. Tôi tự hỏi không biết Asher ở Israel có khác Asher ở Nepal không? Liệu khi gặp nhau, chúng tôi vẫn còn thân nhau được không.
Nhưng ngay khi anh xuất hiện dưới mái hiên với mái tóc đỏ hoe và nụ cười toe toét: “Chip ơi, mày vừa giảm chiều cao à?”, tôi thấy mình lo lắng thật ngớ ngẩn.
Asher đang ở cùng chú dì anh, cũng là bố mẹ của Nati. Nati bước ra cười nhăn nhở:
“Đây là con bé thích ăn đồ mặn mà anh vẫn kể đấy à?”.
“Ở Việt Nam người ta nói rằng ăn đồ mặn nhiều sẽ thông minh”. Tôi bảo.
“Ở Mỹ người ta nói rằng ăn đồ mặn nhiều sẽ khát nước”. Asher tỉnh queo.
“Asher - Chip: 1 - 0”.
Thế là tôi ghét Nati từ đấy. Nói thế thôi, chứ chẳng ai ghét Nati được. Anh cao gầy, tóc dài quá vai, mặt dài, mũi thẳng, khi anh nghiêm túc lại thì nhìn không khác gì Giê-su. Nhưng chẳng mấy khi anh nghiêm túc được vì anh hay làm những mặt rất là ngớ ngẩn. Khi ngồi xem TV, môi dưới anh hơi cong, cái mặt nghệt ra nhìn rất tếu. Khi cười, anh cười tít cả mắt lại không nhìn thấy trời trăng gì nữa.
Nhà bố mẹ anh là một căn nhà cực kỳ xinh xắn trên một ngọn đồi đầy hoa. Trước căn nhà là một bãi cỏ xanh rì, nhìn thẳng xuống biển hồ Galilee xanh ngắt soi bóng mây, bóng núi. Xung quanh nhà là khu vườn đầy cây ăn trái. Buổi sáng tôi thích dậy sớm, đi chân đất ra vườn hái quả ăn ngay ở gốc cây.
Buổi chiều tôi thích ngồi trong nhà chơi piano, Nati chơi ghi ta còn Asher thì ngủ gật. Mẹ Nati như mọi người bảo thì đúng là bà mẹ Israel kiểu mẫu. Bác luôn nhớ rõ mỗi người thích ăn gì, để mỗi lần chúng tôi lên thì bác mua đầy những đồ ăn đó để khắp nhà. Nào là hoa quả, sô-cô-la, các loại hạt để trong mấy cái giỏ ở ngoài phòng khách, trong bếp, trên cầu thang, trong phòng chúng tôi. Bác đã từng đến Việt Nam nên bác hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi đi thế này. Bác cứ tưởng là ở Việt Nam không ai được phép xuất ngoại chứ. Nghe Asher nói là tôi lên thăm, bác đi siêu thị mua bánh đa, bún, hành lá về làm gỏi cuốn để đãi tôi.
Nati lái xe đưa tôi và Asher đi lòng vòng quanh phía Bắc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều hoa như thế, như thể cả miền Bắc Israel được trải một tấm thảm hoa đầy màu sắc vậy. Hoa dại là hoa đầy sức sống.
Những mảnh màu rực rõ đuổi nhau xa tít tắp đến tận chân trời: đỉnh đồi này là một mảng màu tím, chân ngọn đồi lại là mảng màu trắng, ven theo con đường lại là mảng màu đỏ, cả cánh đồng lại là mảng màu vàng. Chúng tôi trải chiếu ngồi ở mép thung lũng. Vách núi dựng đứng phủ kín bồ công anh. Mỗi khi gió thổi, hàng triệu nhánh bồ công anh tung bay như cánh tuyết trắng xóa cả không gian.


Chúng tôi ra bờ sông Jordan - nơi Gio-an Tẩy Giả rửa tội cho Chúa Giê-su. Ngày trước đọc Kinh Thánh, tôi cứ nghĩ sông này phải to lắm. Đến nơi rồi, tôi mới há hốc mồm ngạc nhiên khi thấy sông chỉ rộng khoảng chục mét, sâu chưa đến hai mét. Chúng tôi đi xuống hồ Galibee, nơi Chúa Giê-su bước đi trên mặt nước. Tôi nhảy xuống đây, chìm nghỉm.
Chúng tôi đến làng của người Druze. Druze là một dân tộc/ một tôn giáo hết sức thú vị. Các học giả xếp họ thành một nhóm của đạo Hồi, nhưng họ không thích bị gọi là người đạo Hồi. Họ nói tiếng Ả Rập, nhưng tham gia quân đội Israel như những người Do Thái. Người theo đạo Druze tin rằng Đấng Messiah tiếp theo sẽ được sinh ra từ một người đàn ông. Chính vì vậy, đàn ông Druze mặc quần rộng thùng thình, trễ đũng, túm chặt hai đầu gối để lỡ đấng Messiah có sinh ra sẽ không bị rơi mất. Kiểu quần này sau này được phụ nữ Israel ưa chuộng vì nó rộng rãi, thoải mái. Người Israel mang nó đi khắp nơi cùng những chuyến du ngoạn của mình, biến nó thành mốt thời trang yêu thích của dân hippie. Tôn giáo này tuy ăn mặc có vẻ kì quặc nhưng người dân ở đây lại hết sức thân thiện. Họ có nhiều đồ ăn rất ngon, mà ngon nhất là kinafee - một loại bánh ngọt làm từ pho mát và si-rô.
Chúng tôi đi qua những trang trại được ngăn cách ở giữa: một bên là Li-băng, một bên là Israel. Chúng tôi đi lên Golan Height, nhìn xuống bên dưới là Syria với cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những mặt hồ xanh long lanh. Không gian nhìn yên bình đến lạ.
Ấy vậy mà trên đường ra bãi biển, chúng tôi bật đài nghe tin mới hay biên giới Israel đang bị tấn công từ khắp các phía: Syria, Li-băng, Palestine. Ngày Israel giành được độc lập cũng là ngày người Palestine mất đi mảnh đất quê hương mình. Ngày vui đối với dân Do Thái được coi là “Ngày thảm họa” đối với những người theo đạo Hồi. Hàng năm cứ ngày này, quân đội Israel phải tăng cường lực lượng chống trả tấn công ở biên giới và tấn công khủng bố ở trong nước. Năm nay tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi đây là lần đầu tiên mà biên giới Israel bị tấn công từ khắp các phía cùng một lúc, như thế các nước láng giềng đang liên minh lại với nhau để đánh Israel vậy.
“Liệu họ có đánh xuống đây không nhỉ?”.
“Nếu có thì thế nào em cũng sẽ làm được một bài cực hay về tình hình chiến sự Trung Đông, Chip ạ”.
Người Israel có cách tiếp nhận mối đe dọa thản nhiên đến đáng sợ. Kể cũng đúng, Israel một thân một mình sống giữa thế giới Ả Rập, biến mình thành kẻ thù của tất cả các nước láng giềng. Mối nguy hiểm lúc nào cũng cận kề, họ quá quen rồi nên cũng chẳng sợ nữa.

 73. Tìm đường vào Palestine

Asher vì nghĩa vụ với gia đình phải ở lại phía Bắc một thời gian. Nati về lại Tel Aviv. Còn tôi, phần vì cuồng chân, phần vì tò mò, phần vì nhớ Jehad, tôi quyết định sang Palestine. Nhưng đây không phải là một quyết định đơn giản. Tôi đã phải đắn đo rất nhiều có nên sang Palestine hay không: nơi đây có an toàn hay không? Có cần giấy tờ gì hay không? Sang Palestine rồi Israel có cho tôi vào lại hay không? Palestine trên báo chí luôn là một điểm đỏ trên miền xung đột. Thời điểm tháng năm này lại càng nhạy cảm hơn, bởi đây là tháng hay có xung đột phản đối sự thành lập đất nước Israel. Những người bạn Israel của tôi, khỏi phải nói, phản đối việc đi sang bờ Tây như thế nào. Ngay cả Đại sứ quán Việt Nam cũng khuyên nếu sang Palestine thì chỉ nên đi theo đoàn, đặt tour thôi.
Nhưng khi quyết định đi rồi, tôi lại cũng chẳng biết sẽ đi bằng cách nào. Thông tin trên mạng cực kỳ hiếm, chính sách của họ thì thay đổi liên tục tùy vào tình hình an ninh trong khu vực. Những người tôi biết thì chưa sang Palestine bao giờ. Jehad cũng mù tịt không biết thủ tục sang như thế nào. Lần trước anh sang Israel, anh sang bất hợp pháp bằng cách nhảy qua West Bank Barrier, bức tường ngăn cách giữa Israel và Palestine (bức tường được ví như bức tường Berlin ngăn cách Đông và Tây Đức thời kỳ chiến tranh lạnh ngày xưa). Tất cả những gì anh có thể bảo tôi là tìm đường đến trạm kiểm soát Tappuah, bắt xe bus đến Nablus rồi gọi anh ra đón.
Tôi ra bến xe bus ở Tel Aviv hỏi xe đi Tappuah thì ai cũng nhìn tôi ái ngại. “Cháu đi Tappuah làm gì?”, “Để sang Nablus ạ”. Mọi người cứ nghe tôi nói đến Nablus hay Palestine là lắc đầu bỏ đi. Phải hỏi đến hai chục người, tôi mới gặp một người muốn nói đến vấn đề này. Anh bảo “Em dại lắm, đừng có nói với người Israel là em muốn sang Palestine. Em phải hỏi xe bus đi Ariela, một thị trấn của Israel. Trước khi đến Ariela có một cái bùng binh lớn, xuống đó, đi bộ về phía Tappuah Junction. Ở đó sẽ có xe bus màu vàng đi Palestine. Hỏi bất cứ xe bus màu vàng nào họ có đến Nablus không?”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao anh lại nắm rõ vậy, vì người Israel đâu được phép sang Palestine đâu. Anh cười bảo rằng anh không phải người Israel. Anh sang Palestine tình nguyện cho một tổ chức phi chính phủ, bây giờ đang ở Israel tham quan thôi.
Tôi làm theo đúng chỉ dẫn của anh đến Tappuah Junction, đợi khoảng mười phút thì thấy một chiếc xe bus màu vàng trờ tới. Tôi vào Palestine mà không có bất kỳ một trở ngại nào, thậm chí còn không bị chặn lại kiểm tra hộ chiếu ở trạm kiểm soát. Tôi chỉ biết mình đang ở đất Palestine khi các banner quảng cáo được viết bằng tiếng Ả Rập thay vì tiếng Hebrew. Cảnh vật xung quanh cũng thay đổi dần. Nếu Israel là một quốc gia phát triển và ngăn nắp thì Palestine có vẻ hoang tàn hơn nhiều với những đống đổ nát chỗ này chỗ kia do xung đột triền miên. Nếu taxi của Israel có màu trắng đặc trưng thì taxi Palestine mang màu vàng với lá cờ Palestine tung bay. Nếu ở Israel, đường phố ngăn nắp tuyệt nhiên không có người bán hàng rong thì ở đây, vỉa hè tràn ngập các món ăn của người Ả Rập. Trong lúc chờ Jehad tới đón, tôi mua cho mình một cái falafel (bánh mỳ nhân đậu xay ran, món ăn đặc trưng của Israel, Palestine cũng như khu vực Trung Đông). Tôi không tin vào tai mình khi người bán hàng bảo giá chỉ 2NIS. Ở Israel bèo lắm cũng phải 10NIS. Một chai nước ở Israel phải 7-8NIS thì ở đây chỉ 1,5NIS. Thật khó có thể tin là hai nước cạnh nhau, dùng chung một đồng tiền mà giá cả lại chênh lệch đến vậy. Tôi đi bộ loanh quanh, cảm giác không khí nơi đây cũng hơi “Ả Rập”. Đàn ông vẫn là số đông trên đường, phụ nữ vẫn còn nhiều người quàng khăn. Một vài người ở bến xe huýt sáo trêu chọc khi thấy tôi đi một mình.
Khỏi phải nói tôi mừng thế nào khi nhìn thấy Jehad. Một tháng không gặp, cậu có vẻ đen và gầy hơn hẳn.
“Ấy không biết một tháng vừa rồi có bao nhiêu chuyện xảy ra đâu”. Jehad ôm tôi thắm thiết, kệ những ánh mắt soi mói của mọi người xung quanh.
“Từ từ rồi kể”.
Chúng tôi lên bến xe trung tâm nơi có hàng trăm taxi màu vàng đang xếp hàng đợi. Những chiếc xe đậu trước ra trước, những chiếc xe mới vào đứng tiếp luôn phía sau. Chúng tôi lên một chiếc taxi cùng hai phụ nữ trùm khăn kín mặt. Xe thả chúng tôi ở chân đồi, rồi chúng tôi đi bộ lên. Nablus nằm dưới thung lũng giữa hai ngọn núi Gerizim và Ebal. Nhà Jehad nằm trên đỉnh ngọn Gerizim, leo lên mất gần một tiếng, leo xuống cũng phải mất cả nửa tiếng.
“Mỗi lần muốn đi đâu lại phải leo thế này à?”. Tôi hỏi Jehad.
“Ừ, nhưng đáng lắm. Có nhà riêng ở là thích rồi. Ngày trước nhà tớ ở trong trại tị nạn dưới kia kìa”.
Bậc thang đá chạm từ trong núi, cỏ lau màu vàng cao ngang mặt người. Những ngôi nhà trên đỉnh núi được xây bằng đá với mái bằng vuông vức, cửa và cửa sổ cong cong đúng như những gì tôi vẫn hình dung về một phố núi Ả Rập. Từ nhà cậu, chúng tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh thung lũng. Nablus không phải một thành phố tráng lệ như Tel Aviv. Thành phố này có vẻ gì đó mộc mạc, chân chất với những cánh đồng lúa chẳng mênh mông cũng chẳng mơn mởn, chỉ hơi nâu nâu vàng vàng để Nablus lửng lơ giữa thôn quê và thành phố. Mấy đứa trẻ con từ xa thấy chúng tôi đã kêu toáng lên “Jehad Jehad” với câu gì đó bằng tiếng Ả Rập mà cả người lớn cũng chạy ra nhìn tôi rồi cười khúc khích. Khu này có quá nhiều trẻ con, nhà nào cũng trên dưới cả chục đứa. Nhà Jehad đã có bảy anh chị, mấy đứa con nhà cậu họ ở bên cạnh thấy tôi đến cũng chạy sang chơi ngồi kín nhà. Nhìn thoáng qua, Nablus chẳng khác gì một thành phố yên bình.
“Tớ không nghĩ Palestine lại yên bình thế này đâu”.
“Thế ấy nghĩ Palestine lúc nào cũng tiếng súng đùng đoàng à? Thỉnh thoảng thôi. Bình thường thì người ta cũng phải sinh sống, làm ăn chứ. Nếu ấy muốn xem dấu vết xung đột với Israel, mai tớ dẫn ra trại tị nạn”.
Trại tị nạn được bao quanh bởi một bức tường kiên cố cao khoảng ba mét. Bên trong là những ngôi nhà bê tông sơ sài xây san sát, những túp lều dựng tạm, những con hẻm nhỏ xíu, những vách vôi chi chít những dòng chữ và hình vẽ cổ động: “Tồn tại là kháng cự”, “Nếu bạn không sẵn sàng chết vì nó, thì đừng có nói đến hai chữ tự do”, “Vẫn luôn có hy vọng”. Jehad chỉ cho tôi chỗ này xe tăng Israel làm đổ, chỗ kia quân lính Israel từng núp, nhà này cả gia đình bị giết hại, chỗ kia là trại trẻ mồ côi. Người Palestine đẻ nhiều, mà theo cách nói của một số người ở đây, “đẻ nhiều để lấy người đánh Israel”, nên khắp trại tị nạn, chỗ nào cũng nghe tiếng trẻ em nói cười râm ran.
Không chỉ có trẻ em không đi học, người lớn ở đây dường như cũng chẳng đi làm. Tôi ở đây mấy ngày chỉ thấy mọi người ở nhà suốt. “Có việc đâu mà làm”, Jehad cười buồn. Chúng tôi đang ngồi vắt vẻo trên cây nhìn xuống toàn thành phố. Bây giờ chúng tôi mới có thời gian nói chuyện thực sự. Cậu trầm hơn hẳn, không còn là cậu bé ngây thơ như lúc ở Nepal nữa.
“Một tháng qua có nhiều chuyện xảy ra là sao?”.
“Ừm, ban đầu tớ về, bố không nói chuyện với tớ cả tháng liền. Tớ nhảy tường sang Israel tìm việc. Nhưng dân ở Ả Rập không có giấy tờ nên dân Do Thái gặp thì báo công an, dân Ả Rập cũng không dám nhận mình vì sợ bị liên lụy. Mấy tuần bị cảnh sát bắt gặp toàn phải nói tiếng Anh giả vờ làm khách du lịch. Ở một tuần không tìm được việc nên về”.
“Thế bây giờ kế hoạch là gì?”.
“Mấy hôm nữa tớ lên Ramallah làm việc ở quán bar”.
“Ở Palestine cũng có quán bar à?”.
“Ừ, Palestine còn có loại bia riêng cơ. Bia Taybeh”.
“Thế không đi học nữa à?”.
“Phải đi làm kiếm tiền đã”.
“Sao tự nhiên ấy lại sang Nepal học?”.
“Ở Palestine không có trường tốt”.
“Nhưng sao cả mấy trăm nước có trường tốt không chọn lại chọn nước vừa nghèo vừa phức tạp như Nepal?”.
“Vì cậu tớ thích Nepal. Cậu từng sang đấy triển lãm tranh”.
“Cậu nào cơ?”.
“Cậu ở Ramallah. Mấy hôm nữa lên Ramallah ấy sẽ gặp. Tớ xin phép cậu cho ấy ở nhà cậu luôn rồi.
74. Người nghệ sĩ không gặp thời
Chú của Jehad nhìn đúng chất nghệ sĩ: chú gầy, tóc dài búi phía sau, khoác áo gi-lê bụi bặm. Vợ chú đang làm luận án tiến sĩ ở Ý. Chú đang ở Ramallah cùng cô bạn gái trẻ hơn mình phải hai chục tuổi, trẻ đến mức tôi phải mất khá lâu mới dám tin rằng cô là bạn gái chú. Cô gái nhuộm tóc tím, bôi mắt tím, đánh môi tím. Cô hút thuốc, cô uống rượu. Cô không xinh nhưng có một vẻ hoang dã đến gần mức người ta đối với cô chỉ có hai khả năng: hoặc là rất yêu, hoặc là rất ghét. Tôi không ghét được cô. Lúc đấy, tôi đã đủ lớn để nhận ra cuộc sống không chỉ là đen trắng cách biệt. Đôi khi chúng ta phải thỏa hiệp, đôi khi chúng ta phạm sai lầm, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta là người xấu.
Một sự tình cờ thú vị, chú là hàng xóm của Marwan Barghouti, người được coi là Nelson Mandela của Palestine. Rất tiếc, lúc đó Barghouti đang bị Israel bắt giữ nên tôi không được gặp. Căn nhà chú ở một căn nhà hai tầng rộng rãi với đồ trang trí được chú mang về từ khắp nơi trên thế giới qua những chuyến du ngoạn của mình. Là một nghệ sĩ sinh nhầm thời, nhầm địa điểm, chú đã phải lăn lộn làm dân tị nạn ở năm quốc gia, lấy đủ năm hộ chiếu, rồi lại từ bỏ cả năm hộ chiếu đó về làm người Palestine. Một thời lăn lộn hằn sâu lên những vết sâu bên khóe mắt, lên những sợi tóc bạc ở tuổi bốn mươi, lên làn da đen sạm vì nắng. Bây giờ trở về, chú trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu của Palestine. Chú chính là người vận động Liên Hợp Quốc xây dựng trường Học viện Nghệ thuật đầu tiên của Palestine (International Academy Of Art Palestine). Tôi càng nghe mọi người kể về chú, tôi càng hâm mộ. Tôi thực sự, thực sự chỉ mong được nói chuyện với chú, nghe chú kể chuyện. Nhưng thật lạ, gặp chú rồi tôi lại chẳng biết hỏi chuyện gì. Những người càng đi nhiều, càng ít nói. Có lẽ, chú đã trải qua quá nhiều, đã thấy quá nhiều, đã hiểu quá nhiều, như người anh hùng đã luyện võ thành công, đi khắp thiên hạ không ai lãnh được một chiêu kiếm của mình. Chú thà tự tranh luận trong suy nghĩ của chính mình, hơn là nói ra nhưng rồi không ai hiểu.
Hiếm hoi lắm, tôi mới thực sự nói chuyện được với chú. Đó là một buổi tối, chú ngồi bệt ngay ngoài ban công, nhìn xuống thung lũng lập lòe ánh đèn trước mặt, hút thuốc. Chúng tôi mon men ngồi cạnh. Tôi hỏi chú về làm nghệ thuật ở Palestine. Chú cười chua chát:
“Cái bụng nó còn chưa no, cái thân nó còn chưa ấm thì mấy ai nghĩ được đến nghệ thuật”.
“Vẫn có những người như chú làm đấy thôi ạ?”.
“Vậy nên chú mới lạc loài”.
“Nhưng rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn chứ chú. Học viện hôm trước cháu đến thăm vẫn hoạt động tốt lắm mà”.
“Ừ. Tụi trẻ con cũng nhiều đứa có tài. Mong rằng chúng nó sẽ có đất mà dụng võ. Mà có đất rồi, cũng mong là chúng nó sẽ dụng võ cho đúng mục đích”.
“Tại sao chú lại trở về Palestine?”.
“Quê hương”.
“Chú có đổ lỗi cho Israel không?”.
“Không. Ta không thể nào đổ lỗi cho cả một dân tộc được. Chẳng có ai là hoàn toàn có lỗi, cũng chẳng có ai là hoàn toàn vô tội cả”.
“Chú có mong Palestine giành được độc lập không?”.
“Không”.
“Tại sao ạ?”.
“Độc lập để làm gì nếu như nguồn nước, nguồn điện vẫn bị phụ thuộc vào Israel; giáo dục, đào tạo, y tế vẫn phải phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài? Bây giờ Palestine mà giành được độc lập thì sẽ trở thành nước nghèo nhất thế giới với các khoản nợ ngập đầu, chẳng tự lo được cho mình cái gì”.
“Chú nghĩ là có nhiều người nghĩ như chú không?”.
“Nhiều, nhưng người ta không dám nói ra. Giờ mà bị hỏi, thế nào người ta cũng nói là muốn Palestine được độc lập. Nhưng sau lưng, họ vẫn bí mật tìm cách trở thành công dân Israel. Bên đấy có việc, có thu nhập, có điều kiện để mà sống, mà phát triển”.
Chú rít một hơi thuốc thật dài, thở ra thật lâu.
Những cành ô-liu nhuốm máu
Tình cờ một lần đi lang thangở Palastine, tôi bắt gặp một banner rất bắt mắt mang dòng chữ “Palestine Farmer’s Market” – “Chợ nông dân Palestine”. Người bán hàng không chỉ là những người nông dân Palestine mà còn là những bạn trẻ trong độ tuổi sinh viên, cả người Palestine và nước ngoài. Tò mò, tôi vào xem thử. Cô bạn tóc vàng người Mỹ thấy tôi đến liền nhiệt tình chào hàng.
“Ủa bạn ơi, chợ nông dân Palestine là sao? Không phải tất cả những chợ rau củ quả ở đây đều là chợ nông dân Palestine à?”.
“Không phải đâu ấy. Các thành phố như Ramallah là toàn sản phẩm nông sản từ Israel đấy”. “Tại sao?”.
Bạn đấy bắt đầu giải thích cho tôi một hồi. Cái đoạn tôi viết ra sau đây là bao gồm cả những thông tin tôi tìm hiểu thêm trên mạng nữa. Đại loại là sản phẩm từ Israel có lợi thế hơn hẳn so với sản phẩm từ Palestine: về chất lượng cũng như về giá cả. Nông dân Israel có điều kiện sử dụng phân bón hóa học tốt hơn và nước làm nông nghiệp cũng rẻ hơn, nên sản phẩm có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và nhìn cũng đẹp hơn. Nông dân Palestine cũng gặp khó khăn vận chuyển hàng hóa từ vườn đến nơi buôn bán. Khu Bờ Tây bao gồm ba khu vực: khu vực A – kiểm soát hoàn toàn bởi chính quyền Palestine, khu vực B – thuộc chính quyền Palestine nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Israel và khu vực C – quản lý bởi Israel, bao gồm các khu định cư của người Israel. Khu vực A và khu vực B bị chia cách thành 227 khu vực nhỏ, tách biệt bởi khu vực C quản lý bởi Israel. Chính vì vậy, ngay cả khi vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực trong Palestine, người dân vẫn phải đi qua các trạm kiểm soát của Israel. Theo bạn gái này, những trạm kiểm soát này khiến cho việc vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn. Người nông dân thường phải bán sản phẩm của mình ngay tại trang trại cho người trung gian với giá rẻ mạt chứ không vận chuyển được đến các thành phố lớn như Ramallah hay Nablus. Ví dụ, một cân cà chua bán cho người trung gian có giá chỉ 0,5 NIS, trong khi tại Ramallah có giá lên đến 2,5 NIS. Chợ nông dân Palestine chỉ giúp giải quyết một phần rất nhỏ vấn đề này, bởi bản thân Shakara, tên tổ chức của các bạn, cũng không có cách nào giúp người nông dân vận chuyển hàng hóa đường xa được. Chợ nông dân Palestine hiện nay chỉ tập trung vào sản phẩm từ những trang trại nhỏ khu vực lân cận Ramallah. Các bạn tình nguyện viên đến tận trang trại, thuyết phục người nông dân mang hàng hóa của mình lên Ramallah bán.
Không chỉ thế, người nông dân Palestine còn gặp khó khăn khi tiếp cận trang trại của chính mình. Bức tường Bờ Tây không chỉ ngăn cách Israel và Palestine mà còn ngăn cách người nông dân Palastine với trang trại của họ, bởi không ít trang trại nằm ở phía bên kia bức tường. Hàng năm, vào mùa thu hoạch (tháng mười là tháng thu hoạch ô-liu), chính quyền Israel cho người nông dân Palestine một ngày đi qua bức tường để thu hoạch, trong khi việc thu hoạch cần ít nhất một tuần. Vào dịp này, Shakara tổ chức chiến dịch tình nguyện “Thu hoạch ô-liu” để giúp đỡ những người nông dân thu hoạch ô-liu trong một ngày ngắn ngủi đấy. Bạn cho biết năm ngoái có hơn bốn mươi bạn trẻ tham gia. Chiến dịch không chỉ giúp các bác nông dân thu hoạch được nhiều ô-liu hơn, mà còn giúp các bạn trẻ học hỏi cách làm dầu ô-liu và biết trân trọng giá trị sức lao động.
Người ta thường dùng hình ảnh nhành ô-liu nhuốm máu để nói về Palestine. Cây ô-liu xuất hiện ở khắp nơi và là nguồn thu chính của phần lớn người dân Palestine. Nó còn là biểu tượng của tình yêu, hòa bình, thịnh vượng. Thật tiếc, bây giờ, cành ô-liu đó đã bị nhuốm máu.

 75. Biểu tình ở Palestine

Khi trở về Israel, tôi về qua đường Jerusalem. Lúc đến gần Đông Jerusalem, bất chợt mọi người trong xe nháo nhác hết cả lên. Vốn tiếng Ả rập ít ỏi của tôi chỉ đủ để tôi hiểu rằng chúng tôi phải đi bộ một đoạn, lên lại xe bus ở đâu đó phía trước để đi tiếp về Jerusalem. Ra khỏi xe, tôi mới phát hiện ra đường phố đang đông nghẹt người. Một cột khói bốc lên nghi ngút ở giữa. Tiếng còi xe cảnh sát át cả tiếng hò hét. Tiếng ai đó loáng thoáng: “Biểu tình. IDF” (IDF là viết tắt của Israel Defence Force – Lực lượng Quốc phòng Israel). “Biểu tình”, tôi nghĩ thầm trong đầu, “lên xe bus về thì bao giờ mới có dịp chứng kiến tận mắt một sự kiện như thế này”. Tôi quyết định ở lại, một quyết định bồng bột mà chỉ chút xíu nữa, tôi sẽ thậm chí còn không có cơ hội để mà hối hận.
Tôi hòa vào dòng người đang xô đẩy nhau đi về phía đầu con đường, phía trước bức tường rào ngăn cách Palestine và Israel. Bức tường được sơn kín với hình ảnh các nhà lãnh đạo cách mạng Palestine. Tôi nhận ra trong số đó là gương mặt của Marwan Barghouti với hai tay trói chặt, cạnh đó là dòng chữ: “Free Barghouti”. Hàng chục thanh niên Palestine với banner, biểu ngữ cổ động đang mặt đối mặt với hàng lính Israel đang đứng ở đó. Mặt ai cũng trẻ măng. Cậu bé mà biểu ngữ có dòng chữ: “Even love is forbidden across the wall” (Ngay cả tình thương cũng bị ngăn cấm bởi bức tường) mới chỉ khoảng mười bốn, mười lăm tuổi. Hai cô gái cầm một cái banner dài bằng tiếng Ả rập mới chỉ khoảng mười bảy, mười tám tuổi. Những người còn lại chắc cũng mới chỉ ngoài hai mươi, trên tay cầm những câu đại loại như: “Tự do là nhân quyền”, “Trả lại Jerusalem cho Palestine”, “Facebook Status: Palestine is Free. 483 131 526 like”. Ai nấy đều đeo trên người một chiếc khăn rằn ri, biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do mà mọi người đã thấy đi cùng áo bà ba trong cuộc cách mạng ở Việt Nam, ở Nam Mỹ và gần đây là ở Ai Cập.
Ban đầu mọi người chỉ đứng biểu tình một cách im lặng. Những người lính Israel trang bị mũ bảo hiểm, khiêng chắn, súng trường kiên nhẫn đứng chờ. Họ cũng trẻ măng. Học xong cấp ba thanh niên Israel nhập ngũ luôn nên chỉ mười tám, mười chín tuổi. Bên cạnh đó là một hàng phóng viên với máy ảnh, máy quay sẵn sàng bấm máy nếu như có bất kỳ động tĩnh gì. Tôi không biết họ có được những người biểu tình liên hệ trước không, hay đây là thời điểm nhạy cảm nên họ luôn túc trực sẵn ở địa điểm này. Thấy tôi vật lộn với chiếc máy ảnh mới mua của mình, một anh chàng đứng cạnh đó quay sang giúp. Anh đeo trên người thẻ màu vàng của một tờ báo địa phương, ghi tên anh là Sameer. Anh hỏi tôi:
“Mới vào nghề hả em?”.
“Dạ. Hôm nay nhiều phóng viên anh nhỉ?”.
“Ừ. Biểu tình nào cũng nhiều. Ở Palestine nhiều nhà báo mà. Nhiều nhưng vẫn chưa đủ”.
“Anh có được thông báo trước không?”.
“Trên Facebook ai chẳng biết”.
Bất chợt ai đó hét lên: “To Jerusalem we go” (Hãy cùng tiến về Jerusalem) và đám đông lập tức hòa vào. Ban đầu khoảng chục người, rồi cả trăm người. Mọi người bắt đầu chuyển sang những khẩu hiệu dài hơn bằng tiếng Ả rập. Một số người tiến sát đến những người lính Israel, sỉ vả gay gắt. Quân lính Israel vẫn đứng im không có phản ứng gì, ngoại trừ một vài anh chàng đỏ mặt, lúng túng quay đi. Mấy xe Jeep màu xanh quân đội, cắm cờ Israel đang từ từ tiến tới. Số người biểu tình đã lên đến con số vài ngàn, lính Israel cũng phải lên đến cả trăm. Họ tản ra khắp nơi: ngoài đường, trong hẻm, trên mái nhà, cả những điểm rất kín mà phải Sameer chỉ ra tôi mới nhìn thấy được. Đường phố ban đầu còn có xe qua lại, giờ tuyệt nhiên không còn bóng xe.
Người Palestine mỗi lúc một hăng. Họ lao vào hàng lính Israel, giật súng. Giằng co diễn ra, một cô gái Palestine bị xô ngã. Máy ảnh phóng viên chớp lia lịa. IDF bắt đầu ném bom cay. Lần đầu tiên bị dính khói hơi cay, tôi biết mình không chết được nhưng cảm giác thì cứ như là sắp chết vì không thể nào thở được. Khói cay vào mắt, nước mắt đầm đìa. Khói cay vào mũi, phổi muốn bốc cháy. Đám đông nhanh chóng tản ra.
“Lần đầu tiên dính khói cay à?”. Sameer hỏi tôi.
“Dạ”.
“Rồi sẽ quen thôi em ạ. Đeo khẩu trang này vào. Cầm theo củ hành ngửi sẽ đỡ bị cay”.
Quân đội Israel bắt đầu nổ súng. Một tiếng gào thét rợn cả người phát ra từ phía đầu kia của thành phố.
“Lại đó chụp ảnh không?”. Sameer hỏi. Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của Sameer. Từ đây đến đấy phải đi qua một quãng đường trống trơ trọi đến phát sợ. Chỉ có một cậu bé vừa đạp xe mang cờ Palestine vừa né đạn. Một đám khói nghi ngút ở giữa. Thấy tôi chần chừ, anh động viên:
“Yên tâm. Mình là nhà báo, không ai làm gì mình đâu”.
Chúng tôi đến đấy, nửa đường lại dính khói hơi cay phải núp vào một căn nhà trống ở giữa phố. Bên trong, một anh chàng phóng viên người Bỉ không biết bị sao mà gập người lại vì đau, nước mắt nước mũi đầm đìa. Chúng tôi hỏi thì anh chỉ lắc đầu, mò mẫm vào trung tâm y tế dựng tạm ở đó của Hội Lưỡi Liềm Đỏ.
Tình hình mỗi lúc một hỗn loạn. Một người đàn ông bị gãy tay, xương lòi ra ngoài bị bao vây bởi cả chục nòng súng. Một người phụ nữ đã đứng tuổi ôm con trai mình gào khóc. Cô gái vừa nãy còn cầm biểu ngữ đã ngất xỉu giữa đường. Nhân viên y tế chạy không hết việc. Cánh phóng viên nhà báo thấy cảnh hỗn loạn nào cũng lao vào chen chúc nhau chụp ảnh làm cho tình hình càng lúc càng vượt quá tầm kiểm soát. Tiếng súng nổ đều hơn, bom cay thả dầy hơn, nhưng người Palestine cũng chống trả hăng hơn. Đúng đến thời điểm tôi nghĩ cuộc biểu tình này sắp sửa biến thành một cuộc bạo động đẫm máu khi mà người chết vì bom đạn thì ít mà chết vì giẫm đạp lên nhau thì nhiều, quân đội Israel tung ra vũ khí quyết định. Một chiếc xe dạng xe tải chở dầu lù lù tiến vào giữa trung tâm của cuộc biểu tình. Từ chiếc vòi đang quay vòng trên nóc xe, một chất lỏng màu xanh đục phun xối xả vào dòng người biểu tình. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, một cái mùi mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy buồn nôn. Chất này vào da thì ngứa, vào mắt thì đau. Nước chồn, phát minh của IDF. Mùi này dính trên quần áo thì phải năm năm mới hết.
Dòng người hoảng loạn tản dần ra. Người tôi dính nước chồn hôi rình. Mắt tôi dính hơi cay không mở ra được. Tinh thần tôi rệu rạo. Giờ đi về, tôi lại phải đi qua cái quãng đường trống ở giữa. Một phần vì không chịu nổi cái không khí ở đây nữa, một phần vì thấy mình ở lại cũng chẳng được tích sự gì, tôi đánh liều đi qua quãng trống đó. Đang chạy, bất chợt một bé Palestine từ đâu lao ra, vừa ném đá vào những người lính Israel vừa chửi rủa bằng tiếng Ả rập. Một người lính quỳ một chân ngay trước mặt tôi, đưa súng lên, nheo mắt ngắm bắn. Trong giây phút đó, trong giây phút bị chĩa súng vào người đó, tự nhiên tôi thấy ghét quân đội Israel khủng khiếp. Nhưng rồi nhìn vào khuôn mặt trẻ măng của cậu ta, tôi giật mình khi nhận ra rằng anh chàng đó rất có thể là bạn của một người bạn tôi ở Israel. Mười tám, mười chín tuổi, học xong cấp ba, tham gia quân ngũ. Rất nhiều bạn bè tôi cũng đã và đang như cậu ta. Họ không có lỗi gì. Tất cả những gì họ đang làm là cố gắng làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước.
Tôi đi qua trạm kiểm soát với tầng tầng lớp lớp song sắt như trại tử tù để vào lại Israel. Tôi lên xe bus với bộ quần áo còn dính nguyên nước chồn đó. Mọi người trên xe nhìn tôi rồi tản dần dần ra. Đến bến tiếp theo trên xe chỉ còn mỗi mình tôi. Tôi cũng mặc kệ. Mệt mỏi thân xác thì ít, nặng nề tâm trí thì nhiều. Lần đầu tiên nhìn thấy một cuộc tranh chấp mà tôi không biết mình đứng về bên nào. Cả hai đều có cái lý của họ. Tự nhiên, tôi nhận ra rằng vấn đề Palestine là một vấn đề không có lời giải. Tôi, là người ngoài, chỉ biết đau với nỗi đau của người trong cuộc. Insha’Allah, nếu ý Chúa muốn!

76. Jerusalem

Về qua Jerusalem, tôi tranh thủ đi thăm thành phố thiêng này. Tôi ở nhà Ariela, sếp trực tiếp của tôi ở Walyou và cũng là người đã viết thư mời để tôi xin visa sang đây. Chị thuê nhà ở trung tâm phố cổ, ngay cạnh Central Souk (Souk là tiếng Ả rập cho “chợ”. Central Souk là “chợ trung tâm”). Ở Israel, cứ ở đâu có souk tức là ở đó nhiều người Ả rập. Ariela ra đón tôi, vừa đi vừa nháy mắt cười đùa với mấy anh chàng bán hàng người Ả rập.
“Con trai Ả rập ở đây quậy lắm. Nhưng chị thích họ”. Chị cười khúc khích. Chị da trắng nõn, tóc vàng, mắt xanh. Là người Do Thái nhưng quốc tịch Mỹ, chị không tránh khỏi cái khuôn mẫu mọi người hay dùng để tả con gái Mỹ: mập. Nhưng mập cũng có cái hay của nó, chị hơi quá khổ nhưng khá dễ thương.
Chúng tôi đi đến một ngôi nhà cổ nép mình trong một con hẻm nhỏ lát gạch, tường bằng đá, cửa sổ vòm cong như cửa sổ nhà thờ. Ánh đèn le lói dát vàng cả không gian, lấp lánh trên mặt đá, mơ màng trên mặt đất. Không gian thiêng liêng huyền ảo đúng như những gì tôi vẫn hình dung về thành phố Vàng. Đã, đang, và sẽ chỉ một Jerusalem mà thôi. Chẳng trách nào Israel và Palestine tranh chấp nhau quyết liệt đến thế.
Căn hộ của chị nằm ở tầng hai. Lúc lên lầu, ngang qua cái máy giặt để trên cầu thang ngay cạnh căn phòng chị, chị bấm nút tắt.
“Ủa, bên trong có quần áo mà chị?”.
“Quần áo của bọn nhà bên trên đấy. Bọn mất dạy”. Chị rít lên. “Cái bọn cứ nghĩ mình sùng đạo là sạch sẽ hơn người ta”.
“Lần trước quần áo mình còn đang giặt, ướt sũng, bọn nó bỏ quần áo mình ra để cho quần áo bọn nó vào”. Mẹ Ariela đón chúng tôi ở cửa, vào phe với con gái”.
“Sao họ lại làm thế?”.
“Bọn nó ghét chị vì chị chơi với dân Ả rập. Người ở đây sùng đạo lắm. Harediii”. Chị kéo dài giọng.
Haredi là từ chỉ những người cực kỳ sùng đạo trong đạo Do Thái, số nhiều là Haredim. Họ nổi bật bởi họ luôn chỉ mặc hai màu đen trắng; đàn ông đội mũ hoặc kippah (một mảnh vải che đỉnh đầu), đàn bà mặc váy dài, áo dài tay, cổ kín, phụ nữ có chồng phải quàng khăn giấu tóc. Họ theo một hệ thống giáo dục riêng chỉ tập trung vào học các loại kinh và giáo lý Do Thái. Học xong, họ không đi làm như người bình thường mà sống nhờ trợ cấp xã hội bởi Nhà nước cần họ cầu nguyện cho sự tồn tại và phát triển của đất nước Israel. Nhưng chính điều này lại là một mối hiểm họa trong tương lai với kinh tế của Israel. Giống như đạo Hồi, Haredim tin rằng khả năng sinh sản là do Chúa trời ban tặng nên loài người phải tận dụng tối đa khả năng đó. Họ đẻ rất nhiều, trong khi người làm việc thì lại đẻ rất ít. Theo tỷ lệ tăng dân số như hiện nay, đến năm 2037, 23% dân số sẽ là Haredim và đến năm 2062, Haredim sẽ chiếm 48% dân số, 52% còn lại sẽ phải làm để nuôi 48% chỉ ăn rồi cầu nguyện này. Một cuộc nghiên cứu năm 2006 chỉ ra rằng trên 1/3 dân số cho rằng Haredim là nhóm người bị ghét nhất ở Israel.
Tôi đã nghe đến Haredim từ ngay khi mới sang Israel, báo chí và bạn bè tôi nhắc đến Haredim với nickname “chim cánh cụt”. Haredim tập trung chủ yếu ở Jerusalem. Họ sống trong một khu phố được coi là khu phố sùng đạo nhất thế giới: Meah Shaerim. Mọi người bảo là đến khu phố đấy mình không phải là người Do Thái sẽ rất bị ghét. Người sùng đạo ăn uống và làm mọi thứ phải “kosher”, nghĩa là trong sạch (giống halal trong đạo Hồi). Đồ ăn nếu bị người không theo đạo Do Thái động vào sẽ không còn là kosher nữa.
Hôm đấy là thứ sáu, quảng trường Shabbat tại Meah Shaerim đông nghẹt Haredim tới đây mua sắm đồ chuẩn bị cho Shabbat. Cả khu phố bao phủ hai màu đen trắng. Trước khi đi, Ariela đã cho tôi mượn bộ váy dài, khoác áo bên ngoài, quấn khăn bên trên theo đúng mốt của phụ nữ Haredim mà không hiểu sao tôi vẫn bị soi mói. Mọi người bước nhanh qua tôi, tránh không va đụng vào tôi như thể đụng vào tôi thì lây dịch bệnh sang vậy. Ở đây người ta có giấy ăn kosher, dầu gội đầu kosher, nước rửa chén kosher.
“Mấy đồ này kosher hay không khác quái gì nhau?”.
“Đồ ăn kosher hay không cũng khác quái gì nhau đâu. Mấy cái này chắc là được sản xuất vào ngày không phải ngày shabbat”.
Ở đây có một cái poster rất to vẽ hình những chiếc xe bus màu xanh lá cây lăn bánh qua cả biển người Haredim bên dưới. Ariela giải thích rằng đây là tranh khuyến cáo Haredim tẩy chay hãng xe bus Egged vì hãng này dám bí mật chạy xe trong ngày Shabbat. Trong ngày này không ai được phép làm gì cả: không được phép lái xe, không được phép sử dụng điện thoại, không được bật hay tắt điện. Ở đây có những công tắc hẹn giờ để đến giờ điện tự động đóng mở chứ mình không phải bật tắc công tắc. Một số người còn tháo bóng điện trong tủ lạnh ra để mỗi lần mở tủ lạnh nó không sáng.
“Mấy cái này là họ mới nghĩ ra chứ thời viết kinh làm gì đã có điện thoại hay tủ lạnh mà đưa vào quy định”. Ariela giải thích.
Chúng tôi đi qua những cửa hàng nội thất mà Ariela cười khúc khích. “Em biết không, ở đây người ta không bán giường đôi. Vợ chồng ngủ trên hai giường đơn riêng biệt. Một năm chỉ có mấy ngày họ được phép kê giường lại gần nhau để ngủ chung. Lý do duy nhất để ngủ chung chỉ là để sinh con”.
Khác với vẻ khỏe mạnh của hầu hết thanh niên Israel, đàn ông con trai Haredim có nước da trắng nhợt, mái tóc xoăn hơi đỏ với lọn tóc dài hai bên tóc mai. Tôi không rõ vẻ nhợt nhạt này là do họ ở trong nhà đọc kinh nhiều hay là do họ có tục lấy anh chị em họ.
“Em chẳng hiểu sao chị lại chọn Jerusalem chứ không phải Tel Aviv”. Tôi hỏi Ariela. Tel Aviv có bầu không khí thoải mái hơn với một sự tự do tuyệt đối để bạn sống theo cách của bạn. Bạn có thể muốn làm gì thì làm, muốn mặc như thế nào thì mặc, muốn chơi với ai thì chơi mà chẳng sợ bị ai soi mói. Jerusalem có vẻ khép kín hơn, nặng nề nhiều giá trị truyền thống. Thành phố này không chỉ là trung tâm tôn giáo của Israel mà còn là của cả thế giới. Nơi đây tập trung những địa điểm linh thiêng của ba tôn giáo lớn: Đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái. Người đến từ Jerusalem có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở Tel Aviv, nhưng người đến từ Tel Aviv sẽ gặp khó khăn để hòa nhập với cuộc sống ở Jerusalem. Giới trẻ dĩ nhiên thường thích sống ở Tel Aviv hơn vì ở đây thoải mái lại nhiều chỗ ăn chơi.
“Chị cũng chẳng biết tại sao chị thích Jerusalem đến thế. Thành phố này có sự hấp dẫn riêng. Em cứ ở đây rồi sẽ biết”.
Chúng tôi ra khỏi cái không khí ngột ngạt của Meah Shaerim để đến khu phố cổ của Jerusalem. Khu phố cổ được chia thành bốn quarters: quarter cho đạo Thiên chúa, quarter cho đạo Do Thái, quarter cho đạo Hồi và quarter cho người Armania. Đã có quá nhiều nhà văn nhà thơ tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi vẻ đẹp của Jerusalem nên tôi cũng không dám dùng cái tài tả cảnh kém cỏi của mình ra để thuyết phục người đọc Jerusalem đẹp như thế nào. Jerusalem đẹp một vẻ đẹp kiêu kỳ, một vẻ đẹp quyền uy, một vẻ đẹp huyền bí, một vẻ đẹp khiến người lữ khách lần đầu tiên đến đây phải cúi rạp mình vì sùng bái, vì kính sợ. Bức tường đá sừng sững vây quanh giúp khu phố cổ giữ nguyên vẹn những kiệt tác kiến trúc từ thời đế chế Ottoman ở thế kỷ XVI. Ở đây có những nhà thờ mái nhọn nhưng duyên dáng, những đền thờ Hồi giáo vòm tròn sáng lấp lánh, những ngôi nhà vườn tầng len lỏi vào trong đá, những con hẻm lát gạch uốn lượn lên đồi. Bỏ qua hết những xung đột xung quanh, Jerusalem vẫn giữ cho mình một vẻ bình yên đến lạ. Thành phố này biết hòa trộn một cách khéo léo đến kinh ngạc những khác biệt về văn hóa, về tôn giáo của những con người sống trong nó. Chúng tôi đi men theo Via Dolorosa, con hẻm mô phỏng quãng đường Chúa Giê-su vác thánh giá lên Núi Sọ trong Kinh Thánh, đi qua những nhà thờ không phô trương nhưng đường nét thì tinh tế tráng lệ. Chúng tôi hòa vào dòng người đổ ra từ đền thờ Hồi giáo sau giờ cầu nguyện trưa thứ sáu, len lỏi vào những quán bán đồ ăn vặt Ả rập, tha hồ thưởng thức mỗi món một tí miễn phí vì các bác bán hàng quý cô bé Việt Nam tóc xù dễ thương, khi được hỏi biết kungfu hay không luôn gật đầu thách thức: “Có, bác có muốn thử không?”.
Buổi tối ngày thứ sáu chỉ có người theo đạo Hồi và người theo đạo Do Thái “cải cách” như Ariela mới ra ngoài đi chơi. Ariela tay trong tay với một anh chàng đạo Hồi cao ráo đẹp trai, nháy mắt: “Đây là một trong những lý do tại sao chị thích Jerusalem hơn”. Buổi tối, những con hẻm nhỏ vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Rồi không hiểu sao những con hẻm đó lại gặp nhau tạo ra đủ không gian để biến thành quán hút shisha ngoài trời lớn nhất mà tôi từng thấy. Hàng trăm bàn kê san sát, bàn nào cũng kín chặt người. Tiếng cười nói ồn ào, mùi shisha thơm phức, khói bay nghi ngút cả không gian. Về khoản này thì tôi thích Israel hơn hẳn. Ở đây con gái cũng được vào quán hút shisha, chứ ở Palesttine thì chỗ hút shisha, chỗ chơi bida con gái bị cấm tiệt. Có lẽ cái không khí ngột ngạt ban đầu làm bạn thấy sợ, nhưng càng ở lâu nó càng thấm vào trong bạn. Bạn phải học thuộc những con hẻm lắt léo, tìm đến những địa điểm thú vị nhưng bí mật chỉ ai quen mới biết. Mọi người vui vẻ làm việc của mình, cuộc sống cứ trôi đi bình dị. Tôi tự hỏi: Tại sao phải tranh chấp Jerusalem làm chi? Tại sao không thể để thành phố này bình yên như cách vốn dĩ của nó?


Nguồn sstruyen.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved