Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

31 thg 12, 2013

Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chíp - Chương 77 -81-HẾT

77. Ronan

Ronan cười lớn khi nghe tôi đặt câu hỏi đó với anh.
“Anh sẽ kể cho em một điều để em thấy mối liên hệ khăng khít giữa người Do Thái và người đạo Hồi như thế nào. Em biết câu Ả rập duy nhất hầu hết người Israel biết là gì không? “Wakef wala ana batohak”.
“Nghĩa là gì?”.
“Dừng lại không tôi sẽ bắn”.
Chúng tôi đang ngồi trên bãi biển, chân trần xoải ra chạm mép sóng. Anh hơi nghiêng đầu sang nhìn tôi, cười nửa miệng, một mắt hơi nheo lại. Ronan luôn có vẻ gì đó rất khó hiểu: vừa nghịch ngợm, vừa sâu lắng, vừa tưng tửng, vừa chua cay.
Khi anh ngồi im lặng đọc sách, tôi đã sợ rằng anh thuộc về một không gian khác tôi có thể thấy nhưng không bao giờ có thể chạm đến được. Nhưng chỉ cần anh nở nụ cười, đó sẽ là nụ cười ấm áp nhất trên quả đất mà không ai có thể cưỡng lại được. Còn bây giờ, anh đang ở đâu đó lửng lơ giữa hai thái cực: nửa như cười, nửa như suy tư, nửa như châm biếm.
“Anh đã phải dùng câu đó bao giờ chưa?”.
“Rồi”.
“Anh đã bắn ai bao giờ chưa?”.
“Anh đã từng ở trong quân đội”.
“Đó không phải là câu hỏi của em”.
“Khi đấy anh còn quá trẻ, anh chưa phân biệt được yêu nước và lẽ phải. Anh đã từng chiến đấu ở dải Gaza, anh đã từng giương súng bắn. Đó là một quá khứ buồn. Anh không muốn nói về nó”.
Lòng tôi quặn lại khi anh nói những điều đó. Tôi thương anh. Tôi như cảm nhận được nỗi đau của anh vậy. Tôi cầm lấy bàn tay anh, bàn tay đã từng cầm súng, hôn nhẹ vào đó. Anh lùa tay vào tóc tôi, hôn nhẹ lên môi.

78. Lễ hội body painting ở Israel

Có những người chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ gặp.
Có những thứ chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ thấy.
Có những việc chưa bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ làm.
Có những việc, ngay cả khi đã làm rồi, tôi vẫn không thể tin được rằng bản thân mình đã làm việc đó.


Như Alice ở xứ sở thần tiên: Cảm xúc quá thật nhưng cảnh tượng quá ảo, để khi ra khỏi xứ sở đấy rồi vẫn không biết rằng mình đang tỉnh hay mơ.
Khi tôi lần đầu tiên nghe về lễ hội Pashut từ Amir và Dana, tôi đã nghĩ rằng đây là thứ kỳ quặc nhất trên thế giới.
“Không ai mặc bất cứ cái gì trên người? Suốt ba ngày liền? Ở giữa sa mạc? Nhiều người có sở thích kỳ quặc nhỉ?”.
“Không phải là sở thích, mà là như một cách phát triển bản thân. Mục tiêu chính của lễ hội này là để mình thấy yêu cơ thể mình hơn. Con người hay tự ti về cơ thể của mình. Đến lễ hội này rồi thì thấy thực ra cơ thể ai cũng có điểm khiếm khuyết. Như ngày trước chị tự ti vì mình béo”, Dana có vòng bụng khá to. “Nhưng giờ chị thấy có béo thì mình vẫn đẹp. Mình tự tin lên hẳn”.
“Nhưng có bị sàm sỡ không?”.
“Em đừng có nhìn nó theo cách bệnh hoạn như thế. Dana là bạn gái anh, nếu nó chỉ vì đàn ông đàn bà trần truồng thì anh thấy ghen chứ. Nhưng không, mọi người ở đó rất lịch sự. Với lại đấy cũng là lễ hội body painting luôn. Body painting là nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp cơ thể con người. Những họa sĩ hàng đầu Israel sẽ về đây tranh tài. Em nhìn này...”.
Amir cho tôi xem những bức ảnh anh chụp từ Pashut năm ngoái.
“Em nhìn vào những bức tranh này, em có nghĩ đến chuyện bậy bạ không? Nếu có, thì em quá bệnh hoạn”.
Tôi chết lặng đi ngắm nhìn những bức vẽ tuyệt vời. Trong phút chốc, tôi quên đi rằng chủ thể của những bức tranh đó là con người thực sự bằng xương bằng thịt. Trước mắt tôi, họ biến thành những tác phẩm nghệ thuật: họ là con thú hoang đói mồi trong sa mạc, họ là một vị thần lạc bước xuống trần gian, họ là một con bướm rực rỡ trong ánh chiều tà. Trong đầu tôi là một cuộc đấu tranh gay gắt giữa những gì mình cho là đúng và những gì mình được dạy là đúng. Tôi rất rất muốn có được một bức tranh như thế, để cho bản thân mình và để khoe với con cháu mình mai sau rằng mình cũng đã từng có một tuổi trẻ oanh liệt. Nhưng tôi sợ rằng, thế hệ đi trước sẽ vì thế mà không nhìn mặt tôi mất. Ở đây, những bức tranh như thế được tôn vinh. Về Việt Nam, những bức tranh thế sẽ bị chì chiết đến chết.
“Nhưng mọi người không thấy ngại à?”.
“Ban đầu thì cũng hơi ngại, nhưng sau một ngày là chẳng thấy ngại gì nữa. Với lại xung quanh mình ai cũng nude cả mà, có phải mỗi mình mình nude đâu mà sợ ngại. Nhưng nếu em ngại thì em không phải nude. Không ai ép em cả”.
“Vậy có nghĩa là em có thể đến tham gia nhưng sẽ không phải nude?”.
“Ừ. Nhưng đảm bảo là ở đấy em sẽ muốn nude ngay. Nude là một quyền, không phải là một trách nhiệm”.
Thấy tôi vẫn còn phân vân, anh bảo.
“Em cứ nghĩ cho kỹ đi. Nhưng anh đảm bảo rằng nếu em không đi thì em sẽ hối hận đấy. Người ta thường hối hận vì những gì mình không làm hơn là những gì mình làm. Em tham gia rồi, nếu thích thì tốt, nếu không thích thì coi như là một trải nghiệm. Có mất gì đâu”.
“Dạ...”.
“Em nghĩ nhanh đi, anh chị đăng ký cho. Vé vào là 300NIS (khoảng $80), như nếu mình đăng ký làm tình nguyện viên sáu tiếng/ngày thì mình sẽ không mất vé vào cửa, lại còn được miễn phí ăn ngày ba bữa”.
Tôi suy nghĩ mấy ngày, xong rồi quyết định rằng mình sẽ đi. Tham gia cho biết, chẳng ai bắt mình nude cả. Tôi kể cho Asher nghe về Pashut, cậu nhảy dựng lên:
“Hay thế. Bảo bạn mày đăng ký cho tao với”.
Thế là chúng tôi lên đường đi Pashut. Bố mẹ Nati cho chúng tôi mượn lều, túi ngủ. Chúng tôi về lại Tel Aviv, đi nhờ xe với một cặp khác mà chúng tôi liên hệ được qua website của ban tổ chức. Chúng tôi lái xe về phía Nam, đi qua thị trấn Beer Sheva xinh đẹp với những ngôi biệt thự trắng đầy hoa và những con đường xanh rợp lá cọ. Chúng tôi đi qua Makhtesh Ramon, makhtesh lớn nhất thế giới. Makhtesh là dạng địa hình chỉ có ở Israel, được hình thành bởi những vách đá vây tròn lấy nhau trong sa mạc. Nước đọng trong đấy từ ngàn năm trước dần dần bốc hơi đi để lại những vết xói mòn hằn sâu vào trong đá, tạo thành những hình khối và tông màu kỳ dị như bề mặt sao Hỏa vậy. Đường sa mạc vắng tanh vắng ngắt, xung quanh chẳng hề có dấu hiệu của sự sống. Thế rồi tự nhiên ở giữa cái gió và cát đó, ashram hiện ra im lìm và bình yên đến lạ.
Xây dựng trên một căn cứ quân sự cũ, ashram Shitim có đủ sự kín đáo và tách biệt để tránh sự dòm ngó của thế giới bên ngoài. Nhìn từ ngoài vào, chúng tôi cứ tưởng nơi này bỏ hoang. Chỉ khi bước vào bên trong, chúng tôi mới thấy hàng dãy những lều cắm san sát nhau trên bãi cỏ xanh mướt. Hầu hết mọi người vẫn còn mặc nguyên quần hoặc áo.
Khi đăng ký làm tình nguyện viên, Amir bảo làm dọn vệ sinh là nhàn nhất bởi một ngày chỉ cần dành khoảng hai, ba tiếng đi loanh quanh nhặt vỏ ốc, vỏ chai là xong, nên cả hai chúng tôi đều đăng ký tham gia bộ phận này. Nhưng khi đến nơi, chị quản lý nhìn tôi từ đầu đến chân rồi bảo tôi làm pha chế ở quán bar, còn cho Asher vào làm trong bếp.
“Chúc mừng em đã nhận được công việc vui nhất ở đây”. Anh là Kooshi, quản lý quán bar cầm tay tôi lên hôn. Da anh nâu bóng, mũi thẳng, mắt sâu, tóc dài xoăn thành từng lọn. Mỗi lần anh nhẹ lắc đầu là mái tóc lại bồng bềnh như tài tử điện ảnh. Ánh mắt anh lúc nào cũng đắm đuối như đang nhìn người yêu. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra là anh say thuốc.
“Kooshi nghĩa là đen. Anh gọi mình luôn thế để khỏi ai chê anh đen. Ở đây em cứ thoải mái. Không biết gì thì hỏi, cần gì thì nói. Tất cả mọi người ở đây đều là người nhà. Em từ Việt Nam đến phải không? Anh thích Việt Nam lắm. Người Việt Nam anh hùng. Ôi anh xin lỗi, anh bị nói nhiều mà, đúng không? Nếu như anh nói nhiều thì em cứ bảo anh dừng lại nhé. Anh từ nhỏ bị ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) nên phải uống Ritalin nhiều. Mà em biết Ritalin là một dạng thuốc phiện, nó khiến con người mình lúc nào cũng như say thuốc. À, mà mình đang nói đến đâu rồi nhỉ?”.
Anh nói với một cái giọng chân thành đến mức khiến cho người khó tính nhất cũng phải tan chảy. Mặc dù anh nói nhiều và hay lạc đề nhưng chẳng ai ghét được anh. Những lúc anh nói nhiều, mình chỉ cần nhẹ nhàng: “Kooshi, dừng lại” là anh dừng ngay lập tức: “Ôi, anh lại nói nhiều rồi, xin lỗi em nhé”. Kooshi lúc nào cũng cởi trần đóng khố. Khố của anh là một chiếc váy da bò anh tự cắt, tự đính khuy lên nhìn giống một chiếc váy của dân du mục. Anh quý chiếc váy đấy lắm. Một bận say thuốc quá hay thế nào, anh cứ khăng khăng tặng tôi cái váy đấy. Mặc dù rất thích nó, tôi phải từ chối vì sợ nếu nhận thì anh sẽ không còn gì để mặc.
Làm việc ở quán bar đúng là vui nhất. Quán bar lúc nào cũng là trung tâm của lễ hội. Ban ngày trời nóng, mọi người toàn đến đây mua nước. Buổi tối trời mát, nơi đây lại là nơi tiệc tùng. Làm ở đây, tôi có thể quan sát tất cả mọi chuyện diễn ra xung quanh. Cũng nhờ làm nhân viên pha chế, tôi nhanh chóng được tất cả mọi người nơi đây quen mặt.
“Mày chẳng cần làm việc ở đây mọi người vẫn quen mặt. Mỗi mình mày là người châu Á ở đây. Mà dân da trắng thì lại thích con gái châu Á”.
Có lẽ vì tôi lạ, lại lúc nào cũng đứng chình ình trước mặt nên hay được mọi người đến quán bar lôi ra làm chủ đề bàn tán khi không còn việc gì khác để làm. Thỉnh thoảng, mọi người nói chuyện về tôi cứ như thể tôi không có mặt ở đó vậy.
“Cô bé này được đấy. Một mình mà dám sang tận Israel. Lại còn dám tham gia lễ hội này”.
“Bé này hay cười dễ thương quá”.
“Chị đến quán bar này chỉ để nhìn em cười đấy”.
Đấy, bạn nào chê mình khó thương thì đề nghị đọc lại mấy lời nhận xét trên đây.
Lễ hội này đi kèm với rất nhiều hoạt động, trong đó có các workshop dạy thiền, dạy vẽ, dạy thêu thùa, dạy mát-xa do chính những người tham gia đăng ký dạy hoàn toàn miễn phí. Ai thích thì đi học cho vui, ai không thích thì cứ thảnh thơi ăn chơi nhảy múa. Ban tổ chức bố trí được hai bể bơi di động đặt ra giữa sa mạc. Buổi sáng đầu tiên mới chỉ lác đác người nude, đến khoảng tầm trưa trời nóng hơn thì phải đến một nửa. Tôi phát hiện ra hầu hết những người tham gia lễ hội này đều đã tham gia lễ hội ít nhất một lần rồi thành nghiện. Có người tham gia lễ hội này đã sáu, bảy lần.
“Cảm giác không còn gì che giấu con người thật của mình thích lắm. Mình chỉ là chính mình thôi. Chẳng còn ai đánh giá mình được qua quần áo mình mặc nữa”.
“Lỡ người ta đánh giá mình qua cơ thể của mình thì sao? Cái này to quá, cái này nhỏ quá chẳng hạn?”.
“Ha ha, em nhìn xung quanh đi có ai là hoàn hảo đâu mà đi đánh giá người khác”.
Sang đến buổi thứ hai thì mọi người nude gần hết. Asher ngày đầu tiên còn mặc quần đùi, ngày thứ hai cũng đã trần như nhộng. Chẳng hiểu sao nhìn người lạ nude không sao, nhìn Asher nude là tôi ôm bụng cười lăn lộn, không dám nhìn anh. Mọi người xung quanh bắt đầu thắc mắc tại sao tôi vẫn mặc quần áo đầy đủ thế.
“Đây mới là lần đầu tiên em tham gia cái này thôi. Cho em thời gian suy nghĩ đã”.
Ngày thứ hai, không khí rộn ràng hẳn lên với sự xuất hiện của các nghệ sĩ body hàng đầu Israel. Ban tổ chức bắt đầu truy tìm người mẫu. Mọi người kêu tôi tham gia. Tôi nhớ lại những bức tranh Amir cho tôi xem nên cũng hào hứng hẳn lên. Tôi đồng ý tham gia vẽ thử xem da mình có ăn màu không và xem tôi có thích không.
Da tôi ăn màu, và tôi cũng thích mê bức tranh. Bốn nhóm họa sĩ đều mời tôi làm người mẫu. Nhưng sau đó tôi được biết nếu trở thành người mẫu, tôi sẽ phải chấp nhận để ảnh của mình công khai trên báo chí. Tôi không thích như thế nên từ chối. Ngày tiếp theo, những người mẫu được chọn phải đứng yên sáu tiếng liền cho các họa sĩ tô tô vẽ vẽ. Vì mỗi tác phẩm đều cần rất nhiều thời gian và công sức, mỗi nhóm phải cần đến hai họa sĩ để làm việc. Năm nay nhiều tác phẩm đẹp, tôi nghe mọi người bảo thế. Trong số bốn họa sĩ mời tôi, một người giành giải nhất, một người giành giải nhì. Mọi người trêu tôi: “Em dại dột chưa. Giá mà tham gia thì có phải được giải rồi không”. Tôi cũng chẳng tiếc. Khi đến đây, tôi chỉ mong có được một bức tranh body painting trên chính cơ thể mình thì tôi đã có qua buổi vẽ thử.

 79. Thuê nhà ở Tel Aviv

Ban đầu tôi chỉ định ở Israel một tháng. Nhưng sau một tháng ở đây, vì yêu đất nước này quá, tôi quyết định ở lại cho đến hết visa thì thôi.
Việc đầu tiên tôi cần làm là thuê nhà. Bạn bè kêu trời lên: “Sao lại Tel Aviv? Đắt đỏ lắm đấy”. Giá nhà ở Tel Aviv đắt thật. Hầu hết những căn hộ mà bạn bè tôi tìm được đều có giá gấp ba, gấp bốn lần ngân sách của tôi. Sau cả tuần tìm kiếm không được kết quả gì, bất chợt tôi nhận được tin nhắn từ Tal và Sheila – một cặp tôi quen từ lễ hội Pashut. Hai bạn bảo nhà còn một phòng trống, đang tìm người ở chung nhưng người này phải có cùng “năng lượng” với hai người cơ. Tôi cũng không biết “năng lượng” ở đây nghĩa là gì nhưng Tal bảo tôi yên tâm là năng lượng của tôi rất hợp. Cặp này có cách ăn nói nghe giống giống cách nói chuyện của dân hippie từ Ấn Độ về. Hai người đang ở một căn hộ hai phòng ngủ ở HarTziyon, một khu phố cách khu Florentine nơi Nati ở có một con phố. Florentine là một khu sôi động, an toàn với nhiều quán bar, nhà hàng. Nơi đây tập trung nhiều bạn trẻ với 1/3 dân số ở đây nằm trog lứa tuổi 25 – 34. Còn HarTziyon lại là khu tập trung nhiều lao động nhập cư và cũng được coi là khu đèn đỏ của Tel Aviv. Florentine vàHarTziyon chỉ cách nhau một con phố nhưng giá nhà ở Florentineđắt gấp rưỡi giá ở HarTziyon. Giá cả ăn uống, mua sắm ở HarTziyon cũng rẻ hơn nhiều. Nati toàn bộ sang đây đi siêu thị cho rẻ.
Giá rẻ, phòng đẹp, Tal và Sheila tính tình lại hay ho nên tôi đồng ý ở liền.
Một lần khi đang đi lòng vòng ở Tel Aviv, tôi phát hiện ra một anh chàng nhìn không khác gì dân gypsie đang ngồi ở ghế đá trong công viên, miệng ngậm một cành cây gì đó. Anh để tóc ngắn nhưng râu ria xồm xoàm, trời Tel Aviv nóng ba mươi lăm độ mà anh vận trên mình chiếc áo len thêu hoa văn xanh đỏ giống những chiếc áo len người ta bán đầy ở Nepal, nhưng bẩn và cũ hơn. Thấy tôi nhìn, anh cũng nheo mắt nhìn lại. Tôi hỏi:
“Anh mới ở Nepal về à?”.
“Không. Sao em lại hỏi thế?”.
“Cái áo của anh giống những cái áo người ta bán ở Nepal”.
“Anh chẳng biết. Anh mua hàng thùng ở đây. 10NIS”.
“Anh sống ở Tel Aviv?”.
“Không. Anh về đây chơi thôi. Trước anh sống ở đây nhưng chán rồi. Giờ dựng lều thôi”.
“Lều?”.
Tôi nghe anh kể chuyện mà há hốc miệng ra kinh ngạc. Anh chàng này vì thấy thật ngớ ngẩn khi phải trả cả nửa tháng lương mình vào tiền thuê nhà, nên quyết định cùng bạn gái mua một cái yurt (lều vuông của người Mông Cổ) rồi lên phía Bắc dựng lều ở.
“Ở trên đấy mọi người kiếm tiền bằng cách nào?”.
“Kiếm tiền để làm gì? Mình có cần tiêu tiền đâu”.
“Ăn uống bằng cách nào?”.
“Tự trồng rau ăn. Thỉnh thoảng bọn anh làm thuê cho các trang trại trên đấy”.
“Có điện nước không?”.
“Không có điện nhưng có nước. Bọn anh cắm trại trong vường một người dân. Một tháng làm việc cho họ mấy ngày họ cho dùng nước miễn phí”.
“Có nhà tắm không?”.
“Không. Tắm thì tắm chậu thôi. Nhà vệ sinh thì đào lỗ ở ngay dưới đất”.
“Anh nấu ăn bằng cách nào?”.
“Tạo ra lửa bằng gỗ”.
Rồi anh đi nhặt hai cành cây, rồi cọ hai cái vào nhau – cái cách người tiền sử vẫn làm như mình hay nhìn thấy trên phim ảnh.
Khác có điều, trên phim ảnh nhìn thì dễ, ngoài đời nhìn thì mới biết nó không dễ tí nào. Ta cần phải đi qua rất nhiều bước, mỗi bước lại cần sự chính xác tuyệt đối: chọn đúng củi, xoay đúng tốc độ, chuẩn bị than cho bén lửa, giữ lửa đúng cách. Phải mất mười lăm phút chúng tôi mới thấy ánh lửa lóe lên. Đấy là anh đã được học bài bản. Còn tôi nhìn anh làm rồi mà làm lại vẫn không được. Thiết nghĩ, người đầu tiên nhìn vào que củi mà nói: Ta sẽ tạo được lửa từ cái kia, rồi tự mày mò mà tạo ra lửa thật thì cũng phải tài năng lắm.
“Nhưng anh có định sống thế này mãi không?”.
“Chưa biết nữa. Định sống vài năm, nhưng nếu hợp thì sống cả đời”.
“Em hỏi anh đừng giận nhé. Anh sống như vậy vì chán thành phố hay vì không trụ được ở thành phố?”.
“Cả hai. Sống thì kiểu gì chẳng sống được. Anh thấy rất vô lý rằng mình làm bục mặt cả ngày chỉ để mất luôn nửa tháng lương vào tiền nhà”.
“Có nhiều người sống như anh không?”.
“Nhiều. Có cả làng như thế luôn. Như làng Kfar Kalil anh ở thì có đến cả trăm lều. Người ta sống rải rác ở các nơi nữa”.
Nhưng ngay sau đó thì chẳng cần phải lên Kfar Kalil mới thấy lều. Mấy ngày hôm sau đi qua Rothschild, con đường trung tâm thành phố, tôi phát hiện ra một dãy lều đủ màu sắc. Mấy hôm sau số lượng lều đã lên tới gần trăm. Mấy hôm sau nữa thị trấn lều này đã trải dài xuống tận phía đầu bên kia của Rothschild. Đây là cách các bạn trẻ biểu tình phản đối giá thuê nhà cắt cổ ở Tel Aviv. Sự kiện này được khởi động bởi cô bạn hai mươi lăm tuổi Daphni Leef. Daphni và bạn bè sau khi bị mất chỗ ở vì chủ nhà tăng giá đã quyết định cắm trại ngoài đường. Sự kiện này được đưa lên Facebook và lập tức được cả trăm ngàn bạn trẻ đồng tình và ủng hộ. Cũng giống như anh chàng du mục tôi gặp mấy hôm trước, Daphni cho biết cô thấy không có lý do gì để mình phải chi nửa tháng tiền lương của mình vào nhà ở. Shir Alony, hai mươi bảy tuổi, một trong những người đứng đầu chiến dịch này cho hay giá nhà trong sáu năm qua ở Tel Aviv đã tăng gấp đôi và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. “Nếu như cách đây sáu năm, căn nhà tôi đang ở chỉ có giá khoảng 3.000NIS thì giờ đây nó đã lên đến 6.000NIS”, Shir nói, “chính phủ phải làm một cái gì đó để ngăn chặn giá cả leo thang này”.

80. Suýt bị bắt cóc

Sáu rưỡi sáng mà tôi vẫn không thể ngủ được. Tôi vẫn không thể tin được rằng những gì vừa xảy ra là thật. Suýt chút nữa, tôi đã bị bắt cóc bởi một lão già sáu mươi bảy tuổi đã từng bị kết án vì sàm sỡ các cô gái trẻ. Tôi thật không thể tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bè không ở đó vì tôi.
Chuyện là thế này. Hết sạch tiền, tôi quyết định lên Craigslist tìm việc. Tôi tìm thấy quảng cáo từ một luật sư tên Neil rằng ông ta đang tìm ai đó có thể giúp ông đánh máy. Nghĩ rằng đánh máy là thứ duy nhất tôi có thể làm, tôi gọi cho ông ta nhưng ông nói rằng ông tìm được người rồi. Khoảng hai tuần sau, ông ta gọi lại cho tôi lúc khoảng bảy giờ tối nói rằng ông ta cần một người đánh máy NGAY LẬP TỨC. Tôi hỏi ông ta mức lương thế nào, ông bảo: “Đừng lo, bác không phải người keo kiệt đâu”. Vốn tin người già, tôi cũng không hỏi gì thêm. Đã lâu rồi không làm việc, tôi hào hứng hết sức, đi luôn mà chẳng buồn ăn uống gì. Ông ta ở đầu kia của thành phố, đi xe bus cũng phải hơn một tiếng. Cứ năm phút ông ta lại gọi giục. “Cô đang ở đâu? Sao lâu vậy?”. “Cháu đang cố giục cho xe bus đi nhanh đây”, tôi bực mình trả lời. “Cố nữa đi. Lề mề quá”.
Tôi đến nhà ông ta lúc tám rưỡi hay chín giờ gì đó và bắt tay vào làm việc ngay. Ông ta ban đầu bảo là cần tôi gõ máy trong ba giờ, nhưng tài liệu gấp nên ông bảo tôi cố làm sáu giờ liền mà không hề cho tôi nghỉ. Thỉnh thoảng ông lại hỏi một câu đại loại như: “Nhà cháu nghèo lắm à? Sang Israel có thích không?”, “Ở Việt Nam cháu có máy tính không?”. “Cháu chắc là cũng được đi học nên tiếng Anh mới tốt thế?”. Rồi ông bắt đầu kiếm cớ sờ tay sờ chân tôi, nhưng tôi rất lịch sự: “Xin lỗi, nhưng đừng có động vào tôi”. Đã hai giờ sáng, cả hai đều đã mệt mỏi rã rời. Cái giọng phều phào của ông ta bắt đầu run rẩy, còn bộ não của tôi cứ như đang tan ra từng mảnh. Khi không nghe rõ một từ ông đọc, tôi hỏi lại thì ông quát: “Mày bị điếc à?”. Tôi cũng hét lên: “Muộn rồi. Cháu mệt. Cháu sẽ về ngay lập tức nếu bác còn cái giọng quát tháo đấy”. Ông năn nỉ tôi ở lại gõ cho xong tập tài liệu, và hứa sẽ đưa tôi về tận nhà. Tôi vừa mệt, vừa đói, vừa cáu, vừa buồn ngủ. Nhưng đã mất công lặn lội đến tận đây thì cũng phải cố mà kiếm lấy ít tiền. Tôi động viên mình rằng sau khi nhận tiền, sẽ quay về Tel Aviv và ăn một bữa sushi hoành tráng.
Tôi gõ xong lúc hai rưỡi sáng và ông ta bảo tôi chuẩn bị để đi về.
“Ủa, bác đã trả tiền cháu đâu?”.
“Tôi không có tiền. Một xu cũng không có”.
“Không có tiền nghĩa là sao?”. Tôi không tin vào tai mình nên cứ ngây người ra. “Bác ra ATM rút tiền đi”.
“Tôi không có thẻ ATM”. Tiên sư, lát sau ông ta mở ví ra thì trong túi có một đống thẻ.
“Không có thẻ ATM nghĩa là sao?”. Tôi vẫn còn đang ngây người ra chưa biết nên phản ứng thế nào. “Vậy bác sẽ trả tiền cháu bằng cách nào?”.
“Lần sau đến làm rồi tôi sẽ trả”.
“Ông đùa tôi đấy à?”. Bấy giờ tôi mới bắt đầu hiểu chuyện gì đang diễn ra. “Từ đã, ông định trả tôi bao nhiêu?”.
“Hmm, thường thì tôi trả mấy đứa sinh viên 25NIS/giờ”.
“Cái gì? Ông gọi tôi đến đây khẩn cấp, ép tôi làm việc đến tận giờ này, rồi trả tôi mức lương tối thiểu. Ít nhất cũng phải 35NIS/giờ”.
“OK thôi. Ba giờ đúng không?”
“Tôi bắt đầu từ chín giờ mà bây giờ đã là hai rưỡi. Năm tiếng rưỡi, 200NIS và tôi muốn được trả ngay bây giờ”.
“Tôi sẽ viết cho cô một ngân phiếu”. Ông ta lôi tập ngân phiếu bán đầy bụi ra từ dưới gầm bàn. Trên ngân phiếu toàn chữ Hebrew. “Tôi không hiểu tiếng Hebrew và tôi cũng không có tài khoản ngân hàng ở đây, nên tôi không biết ngân phiếu ở đây hoạt động ra sao. Tôi sẽ gọi điện cho bạn tôi và ông sẽ giải thích cho bạn này cách đổi ngân phiếu ra tiền như thế nào”.
“Không, không điện thoại, không bạn bè gì hết. Mày hoặc là lấy cái ngân phiếu này, hoặc là không gì cả”.
Có cái gì đó rất rất không ổn. Tôi gọi cho Asher. Anh bảo tôi nhận tờ ngân phiếu đấy là điều duy nhất tôi có thể làm. Bây giờ đã là gần ba giờ sáng mà tôi vẫn còn bị kẹt ở đây một mình với lão già thích sờ mó này. Tôi cần tìm cách về nhà trước đã. Tôi bảo ông ta hãy đưa tôi về nhà như ông ta đã hứa. Kế hoạch của tôi là nhờ Tal đợi tôi ở dưới cổng và nói chuyện với ông ta khi xe dừng. Ông già này có cái gì đó rất không bình thường hết sức đáng sợ. Mặt ông ta có cái vẻ căng thẳng của một kẻ tâm thần có thể làm bất cứ điều gì khi bị mất kiểm soát. Ông ta bước đi khom lưng, mặt cúi gằm, môi dưới lúc nào cũng run run. Tôi phải cố giữ cho mình thật bình tĩnh, không hoảng loạn. Tôi nhắn tin cho Asher: “Cứ năm phút lại gọi cho tao. Nếu tao không nghe máy thì báo cảnh sát. Tao đi cùng ông Neil L., xe Sirion, biển xxxx850”. Neil lái xe đưa tôi về nhà. Nhưng ngay khi thấy Tal, ông ta nhấn ga phóng vù đi.
“Ông đưa tôi đi đâu?”
Ông ta không trả lời tôi. Miệng thở hổn hển, tay ông ta run lên vì giận. Tôi vừa tức lại vừa sợ. Đây là xe của ông ta, tôi không biết ông ta có giấu con dao hay khẩu súng ở đâu không. Mỗi lần ông cúi xuống tìm cái gì đó là người tôi như đông cứng lại. Tôi bảo ông ta: “Tôi gửi tên và số xe của ông cho bạn tôi rồi. Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, cảnh sát sẽ biết”. Sắc mặt ông bất chợt thay đổi. Biết chắc rằng ông sợ cảnh sát, tôi định dùng cái này để ép ông trả tiền cho mình, nhưng Tal gọi tôi: “Chip ơi, làm ơn em đang ở đâu hãy ra khỏi xe ngay”. Anh gần như khóc trong điện thoại vì lo lắng. Tôi mở máy điện thoại ra gọi cho cảnh sát, ông bất chợt dừng xe lại đẩy tôi ra. Tal đến đón tôi về.
Khi thấy Tal, tôi ôm chầm lấy anh và bật khóc. Lúc bấy giờ, khi biết mình đã an toàn rồi, cảm xúc trong tôi mới tuôn ra. Tal và Sheila google tên của ông ta và chúng tôi tìm thấy một loạt bài báo về ông ta. Ông ta đã từng bị kết án hai lần vì quấy rối phụ nữ, thậm chí là khủng bố, đe dọa giết một trong số đó. Khi bị hỏi, ông thậm chí còn thẳng thắn thừa nhận rằng ông muốn giết cô ta thật.
Tôi quả thực là quá đỗi may mắn.

 81. Tạm biệt Israel

Sau vụ kiếm tiền hụt đấy, Joe, bạn thân của Nati và Asher quyết định tìm cho tôi một cách kiếm tiền an toàn hơn. Anh bảo tôi trên phía Bắc bây giờ đang mùa thu hoạch. Tôi có thể đến các trang trại xin người ta chân hái hoa quả. Công cũng khá cao, 20-25NIS/giờ. Nhà ở thì Joe sắp xếp cho tôi ở nhà anh trai của Joe miễn phí với điều kiện một tuần tôi phải dọn nhà hai lần. Giá cả ăn uống trên phía Bắc cũng rẻ nên nếu chịu khó làm khoảng một, hai tuần, tôi cũng có thể tiết kiệm được kha khá để lên đường đi tiếp. Joe tốt bụng chở tôi đến từng trang trại để hỏi. Đến trang trại thứ mười thì cuối cùng cũng được nhận làm công việc hái đào và mận, đúng hai loại quả tôi thích. Thế là trong hai tuần liền tôi ở phía Bắc làm nông dân. Sáng sáng tôi đi nhờ xe lên trang trại, tối thỉnh thoảng Joe đến cho tôi đi nhờ về, hoặc là tự đi nhờ xe về kibbutz (kibbutz là dạng hợp tác xã ở mình). Ở phía Bắc thì đẹp nhưng ở lâu sẽ rất buồn. Ở đây ngoài đồi núi sông hồ thì chẳng có gì để chơi cả. Cả ngày ở chỗ làm tôi chỉ có ăn rồi bập bẹ tập nói tiếng Hebrew, nói mãi rồi cũng chán vì trình độ của mình thấp quá. Tối về tôi chỉ biết đọc sách hoặc lên mạng. Vậy nên đủ tiền rồi, tôi phi thẳng về Tel Aviv tự thưởng cho hai tuần lao động vất vả của mình.
Lúc này, visa Israel của tôi cũng đã gần hết hạn, đồng nghĩa với việc tôi phải tự hỏi mình câu hỏi muôn thuở: “Đi đâu bây giờ nhỉ?”. Từ Israel, tôi có thể đi tàu chỉ hai tiếng là đến Hy Lạp, rồi từ đó tôi có thể đi châu u. Nhưng xin visa đi châu u cũng không phải là chuyện dễ dàng. Hoặc, tôi cũng có thể đi xuống phía Nam, đi châu Phi. Ai Cập tôi đi rồi nên không muốn đi lại. Sudan thì vì tôi không có visa Israel trong hộ chiếu của mình, họ sẽ không cấp visa cho tôi sang. Nước tiếp theo trong trục Bắc Nam đấy là Ethiopia. Khi ở Ai Cập, tôi không xin được visa Ethiopia vì đại sứ quán Ethiopia ở đây chỉ nhận hồ sơ của người có Residence Permit hoặc Work Permit (Giấy phép sinh sống và Giấy phép làm việc) ở Ai Cập. Họ yêu cầu tôi phải về nước mình sinh sống để xin visa. Tôi đưa ra lý do là Ethiopia không có đại sứ quán tại Việt Nam, họ bảo tôi phải sang nước lân cận như Trung Quốc hay Thái Lan. Quả thực là muốn làm khó mình đây mà. Tôi nhờ đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập tác động mà cũng không được. Lúc đấy cáu lên tôi đã thề thốt là không bao giờ thèm xin visa sang Ethiopia nữa. Nhưng lúc ở Israel, phần vì không còn lựa chọn nào khác, phần vì đã nguôi giận rồi, tôi lên đại sứ quán Ethiopia ở đây xin thử. Ai ngờ xin visa ở đây quá dễ. Tôi lên hỏi được cho vào gặp bác phụ trách visa. Bác hỏi tôi vài câu, hỏi tôi có mang theo ảnh không rồi làm luôn cho tôi một cái visa dán vào hộ chiếu. Mười lăm phút, hai mươi lăm đô, visa ba tháng. Vậy mà ở Ai Cập tôi cứ nghĩ đây là visa khó nhất trên đời.
Trước khi đi, tôi lên Korazim chào bố mẹ Nati. Đi đứng thế nào mà tôi mất xừ ví. Tìm đi tìm lại vẫn không thấy đâu. Tôi đoán là nó rơi ra khi tôi đi nhờ xe về lại Tel Aviv, nhưng không có cách nào liên hệ lại với người cho mình đi nhờ được.
Tôi hơi buồn vì mất cái thẻ ATM duy nhất còn hiệu lực của mình. HSBC thì không chịu cấp cho thẻ mới khi tôi không có mặt. Từ giờ trở đi, sẽ không có cách nào để tôi rút tiền hay nhận tiền được. Trong giây phút bối rối, tôi suýt nữa quyết định bỏ về Việt Nam. Nhưng tôi nhận ra rằng điều đó thật ngu ngốc. Tôi không có tiền, thì sao? Tôi đã có vé đi Ethiopia và tôi sẽ đi CHU PHI! Thậm chí nếu tôi chỉ còn có thể đi vài tuần, tôi cũng sẽ vẫn đi cho vui. Tôi chưa bao giờ có nhiều tiền trong người, nên cái ví thực ra cũng chỉ mang giá trị tượng trưng mà thôi.
Tôi chuẩn bị cho mình một bữa sáng hoành tráng. Tôi bị cái bệnh cứ buồn là ăn rất nhiều. Ăn xong thì khỏi buồn. Phần vì muốn cuộc hành trình của mình thêm sôi động, phần vì không thể mua vé xe bus, tôi quyết định đi nhờ xe từ Tel Aviv xuống Eilat. Với nhiều người, đây được coi là điều không tưởng vì hai lý do: 1. Đi nhờ xe từ Tel Aviv rất khó, không ai dừng xe cho mình từ trong thành phố đông đúc như thế này cả. 2. Đây là quãng đường dài 350 kilomet qua sa mạc Negev vắng vẻ nơi mà nhiệt độ có thể lên đến 45-50 độ. Nếu bị kẹt ở đấy thì mình coi như toi.
Lúc đấy, tôi đã khá quen thuộc với đường sá Tel Aviv. Đầu tiên, tôi phải đi bộ ra khỏi thành phố. May mắn thay, tôi đang ở khá gần cửa Nam thành phố. Lần cuối cùng tôi đến đấy là để đi nhờ xe xuống Jerusalem. Lúc đấy, tôi đã phải đi bộ hai tiếng liền trên một đường cao tốc không có đường viền để cho xe dừng lại, cho đến khi tôi mệt quá phải đi xe bus. Lần này, tôi quyết định chọn cho mình một điểm dễ nhìn trước khi bước vào đường cao tốc. Lái xe đi qua ném cho tôi một cái nhìn khó hiểu. Tôi đang thắc mắc không biết xe có được dừng chỗ đấy không hay tôi chỉ đang biến mình thành trò cười khi đứng đấy xin đi nhờ xe thì bất chợt một xe dừng lại.
“Eilat?”. Đây là một câu hỏi tu từ. Cơ hội để chiếc xe này đi một mạch xuống Eilat là một phần triệu. Tôi thực sự không quan tâm anh đang đi đâu, tôi chỉ cần biết là anh chàng đi xuống phía Nam và có thể cho tôi đi nhờ đến điểm nào đó dễ bắt xe hơn.
Anh chàng này nhún vai rồi phá lên cười. Chúng tôi trao đổi vài câu xã giao. Anh hỏi tôi từ đâu đến, bao nhiêu tuổi, tại sao lại đi nhờ xe, tại sao lại đi một mình, blah blah blah. Tôi chỉ mỉm cười lịch sự và cố gắng tỏ ra dễ thương nhất có thể. Anh thả tôi tại Ashdod, ba mươi phút lái xe từ Tel Aviv.
“Chúc em may mắn, cô gái liều lĩnh”.
May mắn chính là thứ tôi cần lúc này. Ngay khi tôi ra khỏi xe của anh, một chiếc xe khác dừng lại. Cuộc hội thoại y hệt lại được lặp lại.
“Em từ đâu đến?”
“Việt Nam”.
“…”.
“Ah, con gái Philippines rất tuyệt”. “Yeah, nhưng em đến từ Việt Nam”.
“…”.
“Campuchia có nóng không?”.
“Em đến từ VIỆT NAM”.
Tôi thấy ghét anh chàng này quá. Ít nhất thì anh ta cũng phải nghe đến cuộc chiến tranh Việt Nam rồi chứ. Nước mình đâu có mờ nhạt đến thế đâu.
Anh thả tôi lại một nơi mà tôi cũng chẳng biết là ở đâu. Một chiếc xe van dừng lại và phát hiện ra đây có thể coi là một trong những phi vụ đi nhờ xe bất ngờ nhất mà tôi từng đi.
Đây là chiếc xe chở hàng từ Tel Aviv đến một thị trấn mà có Chúa mới biết được. “Chỉ cách Eilat có hai tiếng thôi, đừng lo”. Họ ném túi của tôi vào phía sau xe và kéo tôi lên ngồi phía trước. Nếu tôi nghe không nhầm thì anh chàng lái xe tên Nimrod, anh chàng còn lại tên Ron. Cả hai khoảng cuối hai mươi, đầu ba mươi, nhưng hiếu động cứ như trẻ con vậy.
“Wheeeee, đi thôi”.
Nimrod bẻ lái trong khi Ron cứ cười nghiêng ngả chẳng vì lý do gì cả. Hai người bắt đầu kể cho tôi nghe về chuyến phiêu lưu của họ ở Nam Mỹ, châu Á…sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nimrod hào hứng hết sức khi kể về kế hoạch tương lai của mình.
“Anh muốn mua xe van để lái vòng quanh nước Úc”.
“Làm đi”.
“Không có tiền. Phải trả tiền thuê nhà các thứ nữa”.
“Anh cần nhà làm gì? Mua cái lều, ra Rothschild mà cắm trại (Hàng ngàn người đang cắm trại ở Rothschild để biểu tình phản đối giá thuê nhà cắt cổ)”.
“Nếu anh làm thế, em có đi Úc với anh không?”.
“Insha’Allah”. Tôi phá lên cười.
Xe dừng lại ở một vài thành phố trên đường đi để giao hàng. Tôi định xuống đi nhờ xe khác, nhưng họ thuyết phục tôi đi cùng họ.
“Đi cùng bọn anh luôn đi. Vui mà. Đi được gần nửa đường rồi”.
Đi vui thật. Tôi há hốc miệng khi thấy nội thất hiện đại được lắp ghép từ những mảnh nhỏ xíu, với thiết kế cực kỳ sáng tạo mà tôi chưa thấy bao giờ. Tôi mày mò tự mình lắp một cái nôi mà mở ra lại là giường ngủ.
“Không thèm đọc sách hướng dẫn cơ à? Thông minh phết nhỉ”.
Họ thả tôi ngay phía ngoài Dimona.
“Gửi email cho anh nhé”. Nimrod hét lên chào tạm biệt. “Mình sẽ đi Úc cùng nhau”.
Tôi gửi mấy anh chàng một nụ hôn gió rồi tiếp tục chờ xe. Tôi hoảng hồn khi nhìn thấy biển: “Eilat – 240km”. Đi bốn tiếng rồi mà tôi mới đi được chưa đến 100 kilomet. Nhưng mà tôi không thấy tiếc. Mấy anh chàng đấy đúng là rất hay ho, đúng kiểu bạn bè mà tôi thích chơi. Rất tiếc tôi phải đi tiếp.
Một người đàn ông nhặt tôi lên và thả tôi lại ở giữa sa mạc. Trời nóng đến mức không thở được. Gió mang cái nóng từ khắp sa mạc, quật thẳng vào mặt tôi. Chai nước tôi mang theo cứ nóng dần, nóng dần, đến mức tôi có thể thấy nó đang bốc hơi. Máu trong người tôi sôi lên sùng sục.
Điều đáng sợ là ở đây gần như không có xe cộ qua lại. Cứ phải mười, mười lăm phút mới có một xe đi qua. Không biết có phải vì nóng quá mà mọi người nghĩ rằng tôi chỉ là ảo ảnh sa mạc hay không mà chẳng có ai chịu dừng lại. Một chiếc xe dừng lại ngay trước mặt tôi. Tôi hớn hở chạy lại nhưng người phụ nữ trên xe trừng mắt nhìn tôi ra dấu hiệu cho tôi lùi lại. Người đàn ông lái xe nhìn tôi lo lắng. Anh nói cái gì đó với người phụ nữ nhưng chị ta cứ lắc đầu nguây nguẩy. Người đàn ông nhìn tôi nhún vai như thể để thay cho lời xin lỗi. Ôi đàn bà. Nhưng cũng may mà họ không cho tôi lên xe. Bởi nhờ vậy mà tôi gặp Yoni.
Yoni là một chàng trai hai mươi tư tuổi với kiểu khuôn mặt có thể làm bất cứ ai tin tưởng ngay từ lần gặp đầu tiên: bầu bĩnh, hiền lành. Anh quê ở Dimona nhưng sống và công tác ở Eilat. Trình độ tiếng Anh của anh chắc cũng chỉ tương đương trình độ tiếng Hebrew của tôi. Anh chỉ vào chai nước ở trên xe:
“I make”. (Anh tạo ra)
“Anh tạo ra nước? Anh là Chúa trời à?”.
Với đủ cử chỉ kỳ cục, cuối cùng Yoni cũng giải thích được cho tôi là anh làm cho công ty đấy. Sau này, qua bạn bè anh, tôi biết anh là quản lý cho cả khu vực phía Nam hay đại loại như thế.
Chúng tôi nói chuyện qua lại vài câu nhưng phần lớn thời gian chỉ nghe nhạc và hát theo sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Mặc dù chúng tôi không nói chuyện gì nhiều, phong cách của anh khiến người khác hết sức dễ chịu. Anh sống ở trung tâm thành phố nhưng bỏ công lái xe đưa tôi ra tận biên giới. Nhiệm vụ bất khả thi đã được hoàn thành.

82. Thiên đường Sinai

Lý do tôi muốn đi Eilat là để vượt biên sang Sinai, Ai Cập và bay từ đó đi Ethiopia. Bay từ Amman hay Cairo sẽ rẻ hơn rất nhiều, nhưng tôi không có đủ thời gian để xin visa đi Jordan hay Ai Cập (hộ chiếu Việt Nam khổ thế đấy, vừa tốn tiền vừa tốn thời gian). Sinai là nơi duy nhất miễn visa cho tôi (và tất cả mọi người). Asher và Nati đúng lúc đấy cũng lên kế hoạch đi Sinai nên chúng tôi sắp lịch đi cùng nhau luôn. Chúng tôi hẹn nhau ở biên giới để bắt cùng taxi đi Bir Sweir.
Ngoài việc Asher bị chặn ở biên giới vì cái hộ chiếu cũ nát của mình và phải thay hộ chiếu mới chỉ trong vài tiếng đồng hồ thì chúng tôi vượt biên mà không gặp khó khăn gì cả. Tự nhiên 50 kilomet ở sâu trong sa mạc khô cằn, bao phủ bởi núi đá hiểm trở, bỗng xuất hiện một dãy những túp lều tranh nằm nghiêng nghiêng trên bãi cát trắng biển xanh thơ mộng. Ngay phía trước là một tấm biển đủ màu sắc sặc sỡ với dòng chữ: “Chào mừng đến với thiên đường”.
Dân đi bụi ai cũng biết Sinai là thiên đường của weed.
Ở đây weed được bán công khai đến mức có lều còn treo biển dạng: “Ăn trưa/ Ăn tối/ Uống trà/ Weed”.
Điều tôi thích nhất ở Bir Sweir là mọi người hết sức thân thiện, ai đi qua cũng toét miệng ra cười. Cứ nóng quá, chúng tôi lại nhảy xuống biển. Nước ở đây mặn hơn bình thường, chúng tôi nghĩ là do ở đây gần biển Chết.
Tôi phát hiện ra một sở thích mới của mình: hái chà là. Ở Việt Nam tôi cũng được ăn chà là rồi nhưng chưa nhìn thấy cây chà là bao giờ. Đến đây tôi mới biết cây chà là nhìn giống hệt cây dừa, khác cái ngọn cây dừa có quả dừa lủng lẳng thì ngọn cây chà là toàn quả chà là. Tôi thích quả chà là vẫn còn hơi xanh chứ chưa khô hẳn, ngòn ngọt, chan chát. Ở đây có hàng trăm cây, nhiều đến mức chẳng có ai ăn toàn để cho nó khô rồi rụng. Tôi sướng như điên, tung tăng đi từ cây này đến cây kia, ăn không biết chán, ăn nhiều đến mức Nati phải kinh ngạc thốt lên: “Làm thế quái nào mà em ăn được nhiều vậy? Không thấy ngọt à?”.
Bảo sao người Israel sang đây nhiều. Chỉ cần đi qua biên giới là mọi thứ rẻ hơn gấp mười. Chúng tôi ba người thuê một lều có 10LE/đêm (chưa đến $2). Lều thực ra chỉ để là nơi chứa đồ. Ở đây có quá nhiều chỗ hay ho, ngủ trong lều hơi phí. Bạn có thể thoải mái ngủ trên võng, ngủ trên các tấm đệm trải trong khu sinh hoạt chung, hay thậm chí ngủ ngay trên bãi biển. Tôi gối đầu lên cát, để sóng ướt chạm chân và gió lùa trong tóc. Hay thật, đêm đầu tiên đến Israel, tôi ngủ trên bãi biển. Bây giờ đêm đầu tiên tôi rời khỏi Israel, tôi cũng lại ngủ trên bãi biển. Tôi trải một tấm khăn dưới lưng, nhưng sáng dậy đã thấy mình cuộn tròn trong đó.
Chuyến bay từ Sharm el-Sheik đi Ethiopia của tôi khởi hành vào ngày mùng năm. Ban đầu tôi định đi từ ngày mùng ba cho chắc ăn, nhưng vì ở Sinai vui quá, tôi nấn ná lại đến tận mùng bốn. Kế hoạch của tôi là bắt xe bus lúc ba rưỡi chiều để đến từ Sharm el-Sheik. Giữa sa mạc mênh mông chẳng bao giờ nghe thấy tiếng động cơ, tôi hơi nghi ngờ về chiếc xe bus này, nhưng Saad, bạn quản lý khách sạn nói chắc như đinh đóng cột là sẽ có. Saad và Nati, Asher cùng tôi ra bến xe bus. Trước khi đi, Saad cứ đòi tặng tôi vài lon nước để đi đường uống cho đỡ khát, tôi phải giải thích mãi là tôi có nước rồi không cần gì nữa. Ba người đứng chờ xe bus với tôi. Ba giờ, ba giờ mười lăm, ba rưỡi, rồi cả bốn giờ mà xe bus vẫn chưa tới. Lòng tôi như lửa đốt. Khoảng bốn rưỡi, một chiếc ô tô từ đâu xuất hiện. Cả bốn chúng tôi vẫy xe cuống quýt. Đây hóa ra là một chiếc taxi. Vị khách trên xe ban đầu có vẻ không muốn cho tôi đi cùng lắc, nhưng rồi Saad giải thích gì đó với họ.
“Được rồi. Nhưng cô phải quàng khăn che mặt lại bởi tôi vẫn có thể nhìn thấy cô từ gương chiếu hậu. Bây giờ là tháng Ramandan”.
Tôi suýt nữa quên mất tôi đang ở Ai Cập.
Chia tay mà mấy đứa vẫn tưng tửng đùa nghịch, chẳng ai muốn nói đến chuyện bao giờ mới có thể gặp lại. Bước được vài bước, bất chợt Nati gọi với theo:
“Chip ơi đợi đã, anh bảo em cái này”.
“Nói đi”.
“Cái này”.
Tôi quay lại, anh cười toe toét, mắt tít lại. Tôi cũng cười nhăn nhở, nhưng rồi quay vội đi để không ai nhìn thấy là tôi khóc. Tạm biệt Nati, tạm biệt Asher, tạm biệt tất cả những người bạn tôi quen, tạm biệt Israel, tạm biệt Biển Đỏ. Châu Phi ơi, ta tới đây.
Nếu bạn là người có đủ kiên nhẫn đọc được đến tận dòng cuối cùng của cuốn sách, có thể bạn sẽ trách tôi: “Kết thúc kiểu gì mà cụt thế”.
Nó cụt, bởi vì nó chưa kết thúc. Cuốn sách này cũng như cuộc hành trình của tôi vậy: vẫn đang tiếp diễn và chưa bao giờ có ý định dừng lại. Tại sao phải dừng lại? Tại sao không tiếp tục làm những điều mà nó khiến bạn hạnh phúc?
Đây mới chỉ là tập 1 của bộ sách Xách ba lô lên và Đi. Tập hai của cuốn sách sẽ là về Châu Phi, tập ba của cuốn sách về Nam Mỹ. Các bạn có thể theo dõi tiếp hành trình của tôi tại blog www.travel.huyenchip hoặc Facebook “Xách ba-lô lên và Đi”www.facebook/dulichbalo
Xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người.
Lời cảm ơn
Chuyến đi của tôi đã không thể nào thực hiện được nếu không có sự thấu hiểu và thông cảm của gia đình: của bố mẹ, ông bà, anh trai và em trai tôi. Tôi cũng sẽ không thể nào quay trở về nguyên vẹn thế này nếu không có sự giúp đỡ cả về mặt vật chất và tinh thần của biết bao bạn bè ở nhà cũng như những người tôi gặp trên đường đi. Tôi đã không thể hoàn thành và ra mắt cuốn sách này nếu không có sự ủng hộ hết mình của biết bao nhiêu anh chi và bạn bè trong ngành. Tôi xin cảm ơn bố Tuân, mẹ Tuyết. Tôi xin cảm ơn ông anh trai khó tính với tôi cứ như mẹ chồng, nhưng thực ra là yêu quý tôi vô hạn. Xin cảm ơn cu Bim vì em luôn ủng hộ và tin rằng mình có một người chị hay ho. Tôi xin cảm ơn chú Việt vì đã luôn tin tưởng ở tôi từ những ngày tôi còn nhỏ xíu. Xin cảm ơn anh Hiểu, hacker dễ thương nhất mà tôi từng gặp. Tôi cũng sẽ không thể nào bắt đầu được nếu không có lực đẩy từ anh Nguyên, người làm việc cùng tôi ở Malaysia và cũng là người mà tôi yêu quý như anh trai. Tôi đã có lúc suýt phải bỏ cuộc nếu không có sự trợ giúp to lớn từ chị Liên Thanh. Tôi đã không thể về nhà nếu không có sự trợ giúp của chị Siew Yan. Cảm ơn chị Nguyễn Thị Lan Anh (Vu Lan) đã cho tôi thấy sự kiên cường của phụ nữ. Tôi cũng chịu ơn sâu sắc từ chị Đinh Hằng vì ngòi bút sắc sảo của chị và vì chị đã cưu mang tôi cả tháng trời ở Sài Gòn. Cảm ơn chị Liên tôi gặp ở Ethiopia và đã yêu quý tôi như em gái. Cảm ơn các anh chị Viettel ở Mozambique. Cảm ơn gia đình bác Tuấn, đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ. Cảm ơn các anh chị đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập và Israel. Để thử xem có bạn nào đọc lời cảm ơn này không, mình sẽ có một bất ngờ nho nhỏ cho bạn nếu bạn gửi email đến chip@huyenchip với tiêu đề thư là chipratladethuong. Cảm ơn bạn Đạt ông cụ non, người Việt Nam duy nhất bằng tuổi mình mà mình gặp ở nước ngoài, nhưng nói chuyện cứ như là ông cụ vậy. Win Diệp ơi, tôi không biết phải cảm ơn nàng thế nào. Nàng biết là tôi yêu nàng thế nào. Em cảm ơn chị Nguyễn Hương và VinDragon đã viết giấy giới thiệu cho em để xin visa. Em cảm ơn anh Long xì tin, ông anh cực kỳ tài năng và cực kỳ đáng yêu. Em cảm ơn anh Đường Sugar, chị Hải Yến và các anh chị báo Tiền Phong đã theo sát và động viên em suốt cuộc hành trình. Cảm ơn anh Long Lắc Lư, anh Tuấn đẹp trai và các anh chị Baomoi đã luôn ủng hộ tôi ngay từ khi tôi còn chưa bắt đầu. Cháu cảm ơn bác Nguyễn Lân Dũng vì đã tin tưởng và ủng hộ cháu. Chị cảm ơn Free Hugs Vietnam đã luôn là nguồn động viên tinh thần vô giá. Chị còn nợ các em một chầu ô mai Hà Nội.
Tôi yêu bìa cuốn sách này vô cùng và tôi thực sự biết ơn anh Bút Chì đã thiết kế nó. Cảm ơn anh Jeet Zdung với một ngàn lý do mà tôi không thể viết ra ở đây được. Cảm ơn anh Kiên 44 vì đã tài trợ host cho blog của tôi suốt mấy năm qua, và luôn sẵn lòng giúp đỡ ngay cả khi tôi gặp những vấn đề ngớ ngẩn nhất về thiết kế. Cảm ơn anh Tuấn, chị Thuận ở nhà sách Quảng Văn. Cảm ơn anh Toàn, chị Hoa ở Time Universal. Cảm ơn anh Thành Phong sát thủ đầu mưng mủ, cảm ơn anh Tùng Tabalo và mọi người nhóm Tây Bắc, cảm ơn chị Thơ Mộc Miên (em thích tên này dã man ý). Em xin được cảm ơn anh Kẹo, anh Hưng Simpleman, cảm ơn chị Ngân Trương, chị Trâm mèo, bác Ray Greiner và không biết bao nhiêu là người khác.
Và tôi xin cảm ơn tất cả những người bạn tôi gặp trên đường. Các bạn là những người khiến cho cuộc hành trình của tôi đáng giá.
Xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người.
THE END


Nguồn sstruyen.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved