Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

27 thg 12, 2013

Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chíp - Chương 34 - 41

34. Những đại sứ quán ở New Delbi

Thời gian ở Delhi của tôi là thời gian lận đận vật lộn với các thể loại visa, chính vì vậy mà tôi có dịp lượn đủ các đại sứ quán. Các đại sứ quán ở New Delhi tập trung chủ yếu ở Chanakyapuri, khu vực cao cấp của thành phố. Bước vào khu vực này, bạn có cảm giác như đã bay khỏi sự ồn ào náo nhiệt của Ấn Độ để đến với một khi yên tĩnh thanh bình nào đó ở New Zealand vậy. Chanakyapuri nhiều công viên, bãi cỏ xanh rì, đường phố rộng rãi, thoáng mát, nhà vườn xinh xắn, sang trọng. Người ta nói trông mặt mà bắt hình dong, muốn biết đất nước như thế nào thì cứ lên đại sứ quán của nước đấy thì biết.

Đại sứ quán Mỹ to, rộng uy nghi, từ tường cho đến cổng sáng loáng màu kim loại. Bảo vệ, thanh chắn tầng không biết là sợ khủng bố hay bản chất nước lớn phải thể hiện ra như thế.
Không phô trương như đại sứ quán Mỹ, đại sứ quán Trung Quốc làm theo kiểu tầm ngầm tầm ngầm mà đấm chết voi. Sứ quán này nằm khuất trong một góc, yên tĩnh nhưng bệ vệ, bao quanh bởi một bức tường gạch to mà dày. Nằm tại Ấn Độ, nơi có nhiều người Tây Tạng đang tha hương, đại sứ quán này là mục tiêu của không ít người biểu tình.
Đại sứ quán Pakistan lại cho người ta cảm giác nơi đây đã thuộc về quá khứ. Cổng đóng im ỉm, tiếp dân ngày hai lần qua một ô cửa sổ bé xíu, chăng lưới sắt, dính đầy mạng nhện. Cứ mỗi lần bác bảo vệ nhận hồ sơ xong là đóng cửa, đi vào trong làm gì đó, rồi mở cửa trả lời. Lề đường phủ đầy lá rơi, người trải chiếu nằm la liệt chờ đến lượt mình. Không cần đọc tin, chỉ cần nhìn qua đại sứ quan này cũng biết quan hệ hai nước đang vô cùng căng thẳng. Tôi muốn đi Pakistan nhưng địa sứ quán bên này khăng khăng không cho khách du lịch ở Ấn Độ nộp đơn. Tôi năn nỉ cũng không được vì vừa nhìn thấy mặt tôi họ đã đóng sập cửa sổ.
Tôi thích đại sứ quán Iran ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nằm khuất sau hàng cây xanh mướt, đại sứ quán Iran không phô trương nhưng vẫn hút hồn với nhưng họa tiết trang trí đậm chất nghìn lẻ một đêm, trần nhà mái vòm kiến trúc Hồi giáo. Đây là một trong hai điểm dễ xin visa Iran nhất, điểm còn lại là lãnh sự quán Iran ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nổi bật nhất và cũng thu hút nhiều tranh luận nhất trong số tất cả các địa sứ quán ở đây là đại sứ quán Bỉ. Một trong những điều làm đau đầu những người chấp bút tranh luận là kiến trúc sư trưởng của tòa nhà này, Satish Gujral, thậm chí còn không là một kiến trúc sư, mà là một nhà điêu khắc. Với những hình khối kỳ lạ, đại sứ quán này mang hơi hướng một bức tượng điêu khắc khổng lồ. Những tháp tròn dạng Disneyland mang lại cho nơi đây bầu không khí vui vẻ, cởi mở không giống như những gì người ta vẫn hình dung về một đại sứ quán.
Nhưng không đâu bằng với đại sứ quán Việt Nam mình.
Nhìn thấy dòng chữ tiếng Việt khắc ngay ngắn “Việt Nam”, tự nhiên tôi nao nao có cảm giác như về nhà vậy. Đại sứ quán Việt Nam xinh xắn và ấm cũng với vườn hoa phía trước. Mấy hôm trước, một người bạn hỏi tôi có lên gặp đại sứ Việt Nam ở đây không, tôi cười bảo mình phận dân đen, có việc gì mà gặp. Rồi hôm trước tìm thông tin mấy đại sứ quán, tự nhiên thấy đại sứ quán mình ở ngay gần đấy, tôi lấy số gọi. Sau mấy giây lúng túng ban đầu, tôi giới thiệu mình là một người Việt tha hương muốn lên chào các bác. Bác Tuấn bảo khi nào lên đến nơi gọi cho bác. Bác hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi chỉ là một con bé trẻ măng. “Trẻ hơn cả con gái bác”, bác bảo. Tôi phải nói mãi, nói mãi bác mới tin là tôi đang đi một mình. Tôi kêu với bác là mình thèm đồ ăn Việt, bác mời tôi về ăn cơm với gia đình bác (ha ha ha, mình cũng thủ đoạn ghê).
Có lẽ chỉ có đại sứ quán Việt Nam mới thân thiện và nhiệt tình như thế. Sau này khi tôi kể với những người bạn nước ngoài của tôi, mọi người mới bảo đố ai tự nhiên lên đại sứ quán Mỹ, châu u hay Israel làm quen rồi lại còn được mời về nhà ăn nữa đấy.
35. Diwali
Tôi ở Delhi hai tuần, phần vì lận đận lo visa, phần vì bị ngộ độc thực phẩm phải ở nhà suốt. Delhi là một thành phố khá thú vị để ghé thăm. Tôi thích nhất khu phố cở quanh Qutbplex – khu đền thời đạo Hồi đầu tiên và lớn nhất của Ấn Độ, nhưng giờ đây hầu hết chỉ còn là đống đổ nát. Xung quanh đây là hàng chục con phố nhỏ xíu bày bán đủ các loại hàng quà, lúc nào cũng tấp nập người đi lại. Sau này khi đi nhiều hơn rồi, tôi nhận ra đây là nét đặc trưng của phố cổ Hồi giáo. Những người đàn ông mặc áo chùng trắng, những người phụ nữ vấn khăn trùm mặt, những quán thơm nức mùi biryani, mùi cà ri thịt cừu, mùi kebap, mùi paneer… Nhưng đây không phải là một thành phố mà tôi muốn sống. Là thủ đô, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, Delhi vẫn có những nét cứng nhắc, khó gần, không có sự cởi mở, cuồng nhiệt mà tôi thích ở Mumbai.
Cuộc sống ở đây cũng bình bình. Những ngày không bị đau, tôi bắt metro đi vào thành phố. Hệ thống metro của Delhi cũng như nhiều công trình đồ sộ của thành phố này, đã được nâng cấp, cải thiện đón chào Commonweath Games 2010 (Đại hội thể thảo khối thịnh vượng chung). Hệ thống này tuy không dài và phủ khắp được như hệ thống metro của Singapore, nhưng cũng hiện đại không thu kém gì. Duy chỉ có một điều, một vấn đề cố hữu của tất cả các thành phố lớn của Ấn Độ: metro lúc nào cũng đông chặt người. Cũng may, phụ nữ được hai khoang riêng nên không sợ bị sàm sỡ.
Tôi cũng đã có kha khá bạn ở đây: một số người bạn tôi quen qua CouchSurfing; một số tôi tìm thấy Blog của họ và lân la làm quen; một số là bạn của bạn bè tôi ở những nơi khác giới thiệu; một số tôi tình cờ gặp trên đường. Quen một cách tình cờ nhất phải kể đến anh chàng Vineet. Một buổi tối khi tôi đang đi metro ở Delhi, một anh chàng người Ấn Độ bất chợt tiến đến gần và hỏi rằng tôi là người Việt Nam à. Tôi không tin vào tai mình nữa. Ở đây tất cả đều nghĩ tôi là người Trung Quốc. Nếu tôi có nói tôi là người Việt Nam thì cũng phải lặp đi lặp lại mấy lần vì chẳng mấy ai nghe thấy cái tên Việt Nam cả.
“Trời, anh không nghĩ em là người Trung Quốc hả?”.
“Không, người Trung Quốc nhìn khác, người Việt Nam nhìn khác. Bạn gái anh người Việt nên nhìn anh biết liền”.
Vineet khăng khăng bảo tôi chat với bạn gái của anh trên Yahoo. Nhìn ảnh avatar bạn này, tôi thấy có gì đó quen quen nhưng ảnh nhỏ quá không nhìn ra được. Chúng tôi nói chuyện một hồi, thì hóa ra đó là cô bạn ngồi cạnh tôi hồi cấp hai. Chúng tôi mất liên lạc vì gia đình ấy chuyển đi nơi khác, còn tôi chuyển lên Hà Nội học. Thế giới thật là nhỏ.
Tôi cũng kiếm cớ lên nhà bác Tuấn chơi để được ăn cơm bác gái nấu. Bác gái là con gái Hà thành có khác, nấu ăn không chỉ ngon mà còn đẹp. Tôi học mãi vẫn không học được cách làm đậu của bác. Đến nhà bác chơi nhiều tôi được truyền cảm hứng để nấu đồ ăn Việt cho nhà Robinson. Chiều hôm đấy chị Nga, con bác và bé Vân, đang học ở Delhi dẫn tôi đi chợ Thái mua nguyên liệu. Tôi làm món gà kho gừng, đậu sốt cà chua và rau bắp cải xào tỏi. Ai ngờ bạn Murdi cứ khăng khăng không chịu ăn món gà tôi làm vì bạn ấy kêu là sống mặc dù mình đã kho hai mươi phút. Ở Ấn Độ, hầm vài tiếng cho mềm nhũn ra mới được coi là chín. Cũng may là các bạn ấy còn thích hai món kia, chứ không thì tôi đã thề là sẽ không bao giờ nấu ăn cho người Ấn Độ nữa.
Một lý do khác khiến tôi ở lại Delhi lâu như vậy là vì tôi muốn chờ Diwali. Diwali, từ viết tắt của Deepavali – lễ hội ánh sáng, là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người theo đạo Hindu. Mỗi ngày lễ của Ấn Độ đều có xuất xứ từ một huyền thoại gắn liền với các vị thần của họ và Diwali không phải trường hợp ngoại lệ. Người theo đạo Hindu tổ chức Diwali chào mừng chúa Rama đánh bại chúa quỷ Ravana để có thể trở về cùng nữ thần Sita và Lakshman sau mười bốn năm lưu đày. Hai nơi đẹp nhất để chiêm ngưỡng Diwali là Ayodhya, nơi sinh hạ của chúa Rama và sông Hằng, dòng sông thiêng nhất trong đạo Hindu, khi người dân thả hàng nghìn ngọn đèn lấp lánh trôi sông.
Mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng các huyền thoại về Diwali đều ca ngợi chiến thắng của thiện với ác. Ánh sáng Diwali không chỉ thắp sáng ngôi nhà, mà còn thắp sáng trái tim mỗi con người, đưa chúng ta đến với sự thật và hy vọng. Ánh sáng Diwali còn tượng trưng cho ánh sáng của tri thức, xua đuổi sự ngu dốt che phủ bản chất thực sự của con người.
Trước đây, tết Diwali kéo dài cả năm ngày với mỗi ngày kỷ niệm một sự kiện khác nhau. Ngày đầu tiên được gọi là Naraka Chaturdasi, đánh dấu sự bại trận của quỷ Naraka dưới sức mạnh của chúa Krishna và vợ Satyabhama. Trong ngày này ở phía nam Ấn Độ, người theo đạo Hindu sẽ dậy sớm, tắm bằng dầu thơm và mặc quần áo mới. Amavasya, ngày thứ hai của Diwali, là ngày thờ nữ thần Lakshmi, nữ thần của sự giàu sang, Amavasya cũng là ngày kỷ niệm chúa Vishnu khi ngài trong hình hài một người lùn đã đánh bại bạo chúa Bali và giam hắn xuống ngục. Trong ngày này chồng sẽ tặng quà cho vợ. Bali được trở lại trái đất mỗi năm một lần, chính là ngày thứ ba của Diwali, để thắp hàng triệu ngọn đèn xua tan bóng tối và sự ngu dốt, đồng thời lan truyền ánh sáng của tình yêu và trí khôn. Ngày thứ tư được biết đến như Bhaiduj. Trong ngày này, chị em sẽ mời anh em trai của mình đến nhà chơi. Thời gian gần đây, do bận rộn công việc, người dân Ấn Độ chỉ tổ chứ Diwali trong một ngày. Năm nay, Diwali rơi vào thứ sáu, ngày 05/11.
Trước Diwali cả tuần, Robinson đã chăng đèn màu xung quanh nhà ganh đua với hàng xóm. Ánh đèn màu lấp lánh khắp nơi nơi cùng với thời tiết Delhi lành lạnh khiến tôi có cảm giác như đang đón Noel vậy. Công việc chuẩn bị thực sự bắt đầu từ ngày thứ năm khi Murdi dậy sớm cùng chị giúp việc dọn dẹp nhà cửa. Sau đó, chị với tôi tỉ mẩn ngồi đổ dầu sáp, xếp bấc nến vào những chén nhỏ làm bằng đất nung, được gọi là Diya để hôm sau đốt. Chiều tối, Murdi dẫn tôi đi chợ mua kẹo, pháo với đồ ăn bởi Diwali chợ không mở cửa. Karen được bố mẹ mua cho quần áo mới và Robinson cũng nằng nặc đòi mua cho tôi luôn bởi theo truyền thống Diwali người lớn sẽ tặng quà cho trẻ nhỏ. Mặc dù tôi không còn nhỏ tí nào. Murdi mua tặng tôi một chiếc váy Bô-hê-miêng màu đỏ cực kỳ xinh. Tết Diwali không có giao thừa, nhưng mọi người rục rịch bắn pháo hoa, nổ pháo từ đêm thứ năm. Cả Ấn Độ ngập tràn trong ánh nến, ánh đèn lung linh. Tiếng trẻ em reo hò lẫn trong tiếng pháo nổ đùng đoàng. Ở đây chao ôi là nhiều loại pháo. Pháo hoa đốt hai đầu, phóng vụt lên trên trời nở thành từng chùm rực rỡ đủ màu sắc. Pháo chanki là những bánh xe lửa quay tít. Một loại pháo khác thì phun trào lên như những ngọn tháp ánh sáng. Pháo hương đốt cầm được trên tay. Rồi còn cả pháo tên lửa mà mỗi lần ai đó bắn, tôi lại nhắm mắt cầu nguyện nó không rơi vào cửa sổ nhà mình. Sợ nhất là pháo tép, khong may xác pháo bắn vào người là bỏng da rát thịt. Tối hôm đấy chúng tôi hốt hoảng vì một quả pháo của chúng tôi rơi sang sân thượng nhà hàng xóm, không rõ rơi vào cái gì mà nó bén lửa cháy. Nhà hàng xóm lại đi vắng nên chúng tôi không có cách nào sang dập lửa được. Hốt hoảng, chúng tôi tính đến chuyện gọi cứu hỏa, may mà sau khoảng mười phút, lửa tự tắt. Một điều nữa tôi cũng không thích là đêm hôm ấy cả Delhi ngập trong khói thuốc. Tôi nghe bạn bè kể thì tết Diwali ở Mumbai năm nay không vui như mọi năm, bởi Colaba - chợ pháo nhộn nhịp nhất Mumbai - phải dẹp tiệm để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm của Barack Obama.
Ngoài pháo, một mặt hàng khác bán cực kỳ chạy trong Diwali là kẹo. Người Ấn Độ thích ăn kẹo, hễ có dịp gì vui là họ ăn kẹo mà theo như lý giải của Robinson bạn tôi là bởi vì “kẹo mang lại cho họ may mắn”. Chính vì thế, đốt pháo xong là mọi người kéo nhau xuống nhà ăn kẹo. Mỗi người trong nhà thay phiên nhau nhét một viên kẹo to đùng vào miệng tôi, bắt tôi ăn cả chứ không được cắn, bởi theo quan niệm của người Ấn nếu cắn rồi thì sẽ không còn được may mắn nữa. Mỗi lần ăn kẹo là một lần được ôm chúc mừng Diwali.
Thứ sáu là ngày thăm hỏi họ hàng, bạn bè. Vợ chồng Robinson dẫn tôi đi chúc Tết gia đình, hàng xóm. Nếu như quà chúc Tết ở Việt Nam thường bao gồm bánh chưng, cân đường thì quà chúc Tết ở Ấn Độ nhất định phải có một hộp kẹo. Đến nhà nào chúng tôi cũng lại được mời ăn kẹo, uống trà; nhà nào sang hơn sẽ có cả nho khô, hạt điều. Cũng như pháo, kẹo ở Ấn Độ hết sức đa dạng. Tôi ăn thử mỗi loại một chút thôi mà sau hôm đó cứ nhắc đến kẹo là sợ.
Khởi đầu là một lễ hội mang tính tôn giáo, Diwali đã phát triển trở thành một lễ hội đặc trưng của người dân Nam Á: từ Ấn Độ cho đến Nepal, Sri Lanka, kéo dài sang cả Malaysia, Singapore. Diwali được đánh dấu bằng đèn dầu Diya, kẹo, pháo, pháo hoa và quà tặng. Cũng như tết cổ truyền ở Việt Nam, tết Diwali đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới, khi hầu hết các gia đình kinh doanh bắt đầu năm tài chính mới của mình vào ngày này. Nhiều người Ấn Độ còn xem Diwali là cơ hội “đánh bạc”. bởi tương truyền ngày này, nữ thần Parvati chơi xúc xắc với chồng và nói rằng: bất cứ ai đánh bạc trong Diwali việc làm ăn sẽ thuận lợi.

36. Kashmir

“If there is paraside on Earth, it is here, it is here, it is here”.
[Nếu thực sự có thiên đường trần gian, chính là đây, chính là đây, chính là đây.]
Câu cảm thán của một vị hoàng đế Mông Cổ khi đặt chân đến mảnh đất này hàng trăm năm trước đã trở thành câu nói cửa miệng của bất cứ ai đến nơi đây, bởi có lẽ không có từ nào có thể miêu tả đúng hơn về Kashmir, thiên đường trần gian. Tôi không nhớ cái tên Kashmir kẹt trong đầu tôi bắt đầu từ khi nào, tôi chỉ biết là một buổi tối, máu chảy về chân, tôi cuồng lên vào trang Facebook “Xách ba lô lên và Đi” của mình than thở rằng: “Trời ơi muốn đi Kashmir quá”.
Nhiều người không tin vào chuyến đi của tôi vì có vẻ như nó nhiều cái may từ trên trời xuống quá. Tôi không trách họ, bởi bản thân tôi nhiều lúc cũng không dám tin vào vận may của mình. Lần này là một dịp may như thế. Tôi vừa post lên Facebook được vài giờ thì nhận được tin nhắn từ chị Khánh. Chị đang ở Thái Lan, ngày hôm sau sẽ sang đến Delhi để đi… Kashmir. Chị đặt tour, thuê xe riêng nên có thể cho tôi đi nhờ. Tôi chư bao giờ gặp chị Khánh, cũng như không biết tại sao chị lại tốt với tôi thế, nhưng nếu chị đủ tin tôi để cho tôi đi nhờ xe thì chẳng có lý do gì để tôi không tin chị cả. Cũng đính chính thêm, nếu chị Khánh không cho tôi đi nhờ thì tôi cũng sẽ vẫn mày mò tự đi xe bus hay đi tàu.
Tôi cuống cuồng chuẩn bị cho chuyến đi. Đồ đạc tôi đi quen rồi chẳng có gì chuẩn bị: vài cái áo phông, một cái quần bò. Nhưng lúc tôi lên mạng đọc về Kashmir thì mới phát hiện ra trên đấy đang chuẩn bị vào đông, đêm có thể xuống tới 0­­­­o­C. Tôi không có quần áo mùa đông, đến cả áo dài tay cũng không có. Murdi phải cho tôi mượn một cái áo len và một chiếc áo phông dài tay.
Buổi sáng thức dậy sớm, nghiên cứu bản đồ metro đi đến khách sạn chị Khánh ở. Đến nơi rồi tôi mới thấy phục bản thân quá. Công nhận, ra nước ngoài tinh thần mò mẫm bản đồ của tôi lên cao hẳn. Ngày xưa, ba năm ở Hà Nội tôi không tìm ra được đường xe bus từ nhà đến trường. Chị Khánh người nhỏ nhưng rất cứng cáp, nhìn đã biết là dân máu đi.
“Này, tối qua em xem TV không?”.
“Có ạ, vụ truy bắt khủng bố ở Kashmir á?”.
“Ừ, sợ không?”.
“Hơi hơi ạ”.
Lái xe là một anh chàng người Delhi tên là Pankaj. Anh chàng đã ngoài ba mươi nhưng khuôn mặt vẫn trẻ măng, hay cười ít nói. Chúng tôi vào địa phận Jammu & Kashmir lúc chiều tối. Xe cộ vào bang này phải đi qua một trạm kiểm tra. Không biết ngày hôm đấy họ có vấn đề gì về giấy tờ, hay là do kẹt xe, hoặc chỉ đơn giản là chuyện thường ngày, mà chúng tôi phải đợi phía trước trạm kiểm soát cả ba tiếng đồng hồ. Xe ô tô, xe tải nối đuôi nhau xếp thành hàng dài vài cây số. Tối hôm đấy, tôi định đi qua Jammu sẽ bảo vào nhà người bạn CouchSurfer tôi đã liên hệ trước để ngủ nhờ. Nhưng do phải chờ lâu quá, tôi đến thị trấn lúc đã mười giờ tối. Phố vắng vẻ, đường tối om, sim Ấn Độ tôi đang dùng vào bang này bị mất sóng, tôi không biết sẽ tìm đến nhà bạn đấy bằng cách nào nên tôi quyết định đi cùng chị Khánh lên Katra, thị trấn nằm cách Jammu bảy mươi hai kilomet. Trên đường đi, Pakkaj dừng xe lại lưng chừng đèo cho chúng tôi uống trà. Kể cũng lạ, tự dưng giữa đồi núi hoang vắng không một bóng người lại mọc đâu ra quán trà vỉa hè chật kín khách. Lúc đấy tôi đã bắt đầu cảm nhận được cái rét đêm núi. Cảm giác tay tê tê lạnh được chạm vào cốc trà nóng thật tuyệt. Tôi đưa cốc trà lên sát mặt, để khói trà thơm phả vào mũi, vào mắt, vào miệng cho ấm.
Chúng tôi đến Katra lúc đã quá nửa đêm. Thành phố này dần dần hiện ra sau màn đêm dày đặc với những ánh đèn lung linh phủ kín cả một mặt đồi. Một đường cong sáng rực rỡ dẫn lên đỉnh. Pankaj bảo đấy là đường dẫn lên đền Maa Vaishno Devi. Nằm dưới chân núi Trikuta, Katra không có gì nổi bật ngoại trừ việc đây là thị trấn gần Maa Vaishno Devi nhất. Vaishno Devi là hiện thân của nữ thần Mẹ (Mother Goddess) trong đạo Hindu. Ngôi đền thờ nữ thần Mẹ này là một trong những nơi linh thiêng nhất của Ấn Độ, đứng thứ hai ở Ấn Độ về mặt số lượng người thờ cúng với tám triệu người hành hương đến đây mỗi năm. Nói thật là trước khi đến đây tôi chưa nghe nói đến ngôi đền này bao giờ, nhưng đến đây rồi mà không đi thăm thì hơi phí, tôi quyết định sáng hôm sau đi thăm.
Đền nằm chênh vênh trên đỉnh đồi, cách thị trấn những mười bốn kilomet. Ban quản lý khách sạn cho hay đền này không có đường ô tô lên, hoặc là đi máy bay trực thăng lên thẳng đến nơi, một chiều là 1.225Rs ~ $27; hoặc đi lừa cả lên cả xuống là 750Rs ~ $16. Chị Khánh chọn đi máy bay, tôi tính là mình cứ thong dong đi bộ lên đã, khi nào mệt thì sẽ thuê một chú lừa. Mình có cả ngày ở đây cơ mà.
Đi một lúc rồi tôi mới phát hiện ra là mình không biết đường. Thế là tôi tìm một chú nhìn có vẻ thông thạo đường, bập bẹ hỏi đường lên Vaishno Devi vì chú không nói được tiếng Anh. Chú ra dấu đi theo chú, tôi cũng ngoan ngoãn đi theo. Con đường chính lên đòi bị kẹt rickshaw hàng mấy trăm mét, chú nhảy xuống một bậc thang hướng ngược lại, đi vào một con hẻm nhỏ xíu giữa hai vách đá. “Đường tắt, cho nhân viên”, chú khoe tấm thẻ cảnh sát. Chẳng biết có phải đường tắt thật không, nhưng nhìn chú có vẻ hiền lành tin được. Tôi thì còn đang bận hỉ hả vì nhờ đi đường này tôi lần đầu tiên được thấy một hang sadhu (sadhu là thầy tu Ấn Độ). Thầy tóc vấn trong khăn, người trát đầy phấn, lưng trần khoe rõ xương sườn, hông quấn tấm vải. Hang thực chất chỉ là một cái lỗ trong bức tường đá, trang trí với hoa cúc, gỗ thơm đặc trưng của đạo Hindu. Trên sàn có một tấm nệm rách te tua để giữa ấm cho thầy trong cái rét căm căm này. Trên tường chạm một bức tượng thần khỉ Hanuman cao đến trần hang, trên sàn là bàn thờ có hình Sai Baba, cạnh chỗ thầy ngồi là bếp củi. Thầy ra hiệu cho tôi quỳ xuống, vẩy vẩy ít nước thánh lên người tôi, sau đó đổ một ít nước vào tay tôi bắt tôi uống. Tôi không biết nước này có nguồn gốc thế nào, nhưng cứ nhắm mắt nhắm mũi cho lên miệng. Sau đo thầy cho tôi một ít hạt khô để ăn lấy may.
Tôi bắt gặp hàng dài người chờ mua vé lên đền, nhưng vì chú làm ở đây nên chú đưa tôi qua mà không cần mua vé. Lúc vào con đường mòn lên núi rồi tôi mới phát hiện ra mình không phải là người bộ hành duy nhất. Chỉ có khách du lịch mới đi máy bay, đi lừa thôi chứ còn người hành hương toàn đi bộ hết. Chúng tôi hòa vào dòng người đông như trẩy hội. Con đường lên núi được lát gạch rất đẹp, phải cái mùi phân lừa nồng nặc. Cứ khoảng một vài mét lại có một người đứng quét phân lừa, khoảng vài chục mét lại có quầy bán đồ uống siêu rẻ. Tối qua không được ngủ đủ, sáng nay lại không kịp ăn sáng, người lại vẫn chưa khỏi hẳn sau vụ ngộ độc thực phẩm, leo được hai mươi phút thì tôi đã bắt đầu thở hổn hển, leo được nửa tiếng tôi đã nghĩ mình sắp chết. Chú thì cứ lao phăng phăng phăng phăng làm tôi lại càng tự ái thể chất của mình. Xung quanh người nườm nượp, tôi còn gặp phải hai cụ già phải ngoài sáu mươi, đi từng bước từng bước rất thận trọng mà chẳng có dấu hiệu mệt mỏi gì. Chẳng lẽ mình hai mươi bẻ gẫy sừng trâu mà lại thua người ta à? Thế là tôi lại cắn răng đi tiếp, không dám kêu ca gì. Sau ba tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng lên một cái hang nơi mà hàng ngàn người hành hương đang đứng ngồi kiên nhẫn chờ đến lượt mình. Tôi hớn hở reo lên: “Vaishno Devi”. Chú lắc đầu, chỉ tay lên trên cao nữa. Đây là Ardh Kuari, hang nơi mà Vaishno Devi được cho là đã ẩn náu chín tháng. Chú lại một lần nữa lạm dụng quyền hạn của mình để đưa tôi vào thăm hang mà không cần xếp hàng. Trước khi ra, chú nhặt cho tôi một nhúm hạt khô. Xong, chú dẫn ngược tôi ra đường xuống núi. Chú ra dấu bảo:
“Về đi, chú làm ở đây rồi”.
“Không, cháu muốn lên đền Vaishno Devi cơ”.
“Xa lắm”.
“Xa cháu cũng đi”.
Chú chỉ cho tôi đường lên núi rồi lắc đầu.
Thế là tôi tiếp tục leo, leo, leo. Cứ mỗi lần nhìn thấy tòa nhà nào, tôi lại chắc mẩm đây là đền rồi, nhưng rồi đều phải thất vọng vì không phải. Nhưng tôi đã đi quá xa để có thể quay lại mà không thấy tiếc. Càng lên cao đường càng vắng, khung cảnh càng đẹp. Những vách đá chênh vênh nằm bên thung lũng xanh rì, những thửa ruộng bậc thang nằm nghiêng nghiêng bên dòng sông lấp lánh ánh bạc. Tôi bắt chuyện với một cặp vợ chồng trẻ đang đi gần đấy cho có bạn có bè. Hai người bảo năm nào cũng hành hương lên đây. Họ còn không có tiền ở khách sạn nên toàn phải cắm trại. Hầu hết những người đi hành hương cũng toàn ngủ lều, có ai được sung sướng ở khách sạnh như tôi đâu (tôi ở khách sạn ké với chị Khánh thôi). Khoảng một giờ chiều, cuối cùng tôi cũng đến được cái biển chào gắn chi chít hoa cúc.
“Đến đền rồi đó”. Người chồng bảo tôi. “Em có vé vào chưa?”.
“Chưa. Mua ở đâu hả anh?”.
“Ở dưới chân đồi, nãy em không mua hả?”.
Tôi mới chợt nhớ ra là sang nay tôi đi đường tắt với chú tốt bụng kia nên không đi qua chỗ mua vé. Tôi chưng hửng:
“Không có cách nào vào được hả anh?”.
“Không, em phải có vé cơ”. Anh nhìn tôi thông cảm.
“Thế thôi em xuống”.
Lúc đó tôi cũng nghĩ là mình đi xuống thật, bởi thực ra vào được bên trong hay không đối với tôi không quan trọng lắm. Quan trọng là tôi đã leo được mười bốn kilomet để đến đây, một điều mà mới sáng nay tôi còn nghĩ là không tưởng. Nhưng lúc quay lưng đi xuống thì tự nhiên một ý nghĩ đen tối hiện ra. Kể ra đến đây rồi mà không vào trong thì cũng phí. Để xem có cách nào chui vào trong được không. Sau khi quan sát, tôi nhận ra rằng do quá đông, người ta không thể nào kiểm tra chi li từng vé được. Tôi nghĩ, tôi có thể trà trộn vào một nhóm nào đấy đi vào.
Tăm tia một lúc, tôi tìm được một nhóm thanh niên tầm tuổi tôi đang chờ đến lượt mình vào. Tôi chạy đến hỏi:
“Mọi người có ai biết là mình có thể mua vé vào cửa ở đâu không?”.
“Ấy phải xuống chân núi mua cơ”.
“Trời, đi bộ cả sáng lên đây, giờ mà xuống nữa là khỏi lên luôn đấy. Có cách nào khác vào được không?”.
“Ấy có một mình thôi hả?”.
“Ừ”.
“Thế vào đứng chung với tụi này đi. Đông người, không ai kiểm tra hết được đâu”.
“Chắc không?”.
“Chắc”.
Sau khi đứng chờ cả gần tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng vào được trong đền. Nói chung, đền xây trong hang, ngoài ý nghĩa tâm linh ra thì về mặt kiến trúc cũng không có gì đặc biệt. Vào tham quan một lúc rồi tôi đi ra để xuống trước khi trời tối. Lúc đấy cũng đã gần ba giờ chiều rồi.
Hoàng hôn xuống, núi đồi càng đẹp. Tôi cũng không hiểu mình lấy đâu ra sức mà đi xuống băng băng. Đi một lúc, tôi nhận ra rằng chân tôi không còn cảm giác nữa. Tôi như bị say vậy, bước này tiếp bước kia theo quán tính. Tôi không dám dừng lại, bởi tôi biết nếu tôi dừng lại, tôi sẽ gục ngay không đứng dậy được. Tôi cứ lao như vậy từ trên đỉnh núi xuống chân núi mà không nghỉ. Xuống đến chân núi, một phần vì không còn sức, một phần vì tôi nghĩ mình xứng đáng, tôi tự thưởng cho mình bằng cách kêu rickshaw về thẳng khách sạn. Về đến nơi, tôi hỏi chị Khánh ngày hôm nay thế nào, chị nhăn nhó bảo không mua được vé máy bay nên phải đi lừa lên, ngồi lừa cả ngày đau lưng quá trời. Chị còn bị tắc đường, chờ lâu ơi là lâu. Mệt, chị về khách sạn gọi đồ ăn ngay trong đó chứ không ra ngoài. Tôi đi loanh quanh tìm đồ ăn mới phát hiện ra mấy món vỉa hè ngon lành của Katra. Ha, hóa ra đi kiểu nghèo như tôi lại hay hơn. Mặc dù mệt, tôi nghĩ hôm nay tôi đã có một ngày tuyệt vời: Tôi làm được một việc mà bản thân mình cho là không tưởng, được ngắm cảnh núi đồi, được gặp gỡ nói chuyện với kha khá người. Ai bảo đi kiểu nghèo như tôi là khổ?

 37. Srinagar

Sau một đêm ngủ như chết, sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi Srinagar, thủ phủ của Kashmir. Có lẽ chỉ có ở Kashmir biển báo thành phố mới dám ghi một câu xanh rờn: “Wee to Paradise on Earth”. Đôi khi tôi buồn vì mình không có tài tả cảnh và Kashmir càng làm cho tôi phải đau khổ dằn vặt vì cái sự bất tài của mình. Tôi ước gì mình có khả năng biến mọi cảm xúc của mình thành chữ, để người đọc có thể cảm nhận được cái đẹp, cái hồn của Kashmir. Mải ngắm cảnh, chúng tôi chẳng mấy khi nói chuyện. Nếu có nói, thì chủ đề cũng chỉ là về một cái đẹp khác của Kashmir.
“Trời ơi, chị muốn xem người Kashmir quá. Nghe nói con trai Kashmir đẹp dã man luôn”.
“Murdi bạn em là người Kashmir đấy. Bạn ấy xinh lắm. Nghe nói con gái Kashmir cũng đẹp quá trời luôn”.
“Đúng đúng. con gái Kashmir đẹp lắm”. Pankaj chen vào.
“Con trai thì sao?”. Cả tôi và chị Khánh đồng thanh hỏi.
“Hai chị phải tự xem rồi”.
Trời mỗi lúc một lạnh. Mới bắt đầu vào đông mà nhiệt độ đã xuống ba, bốn độ. Chị Khánh ủ một cái áo khoác lông to đùng. Tôi vẫn chỉ có chiếc áo len mặc bên ngoài chiếc áo phông dài tay. Tour sắp xếp cho chị Khánh ở khách sạn, nhưng nghe tôi dụ dỗ, chị muốn đi ngủ nhà thuyền. Quả thực, đến Kashmir mà không ở nhà thuyền thì chưa phải đến Kashmir. Nhà thuyền là một đặc sản, và cũng là minh chứng cho vẻ đẹp không thể cưỡng lại của mảnh đất này. Đến Kashmir, thật không khó để nhận ra điều đó. Hàng trăm ngôi nhà thuyền nhỏ nhắn rực rỡ màu sắc vai kề vai nối tiếp nhau trải dài cả cây số ven sông hay ven hồ Dal và Nagin. Theo Robinson kể, do Kashmir quá đẹp, quá nhiều người muốn mua đất ở đây. Để bảo vệ Kashmir khỏi đầu cơ bất động sản từ tư bản bên ngoài, quốc vương Kashmir bấy giờ mới ra một luật chỉ người Kashmir mới được mua đất ở Kashmir. Khi thực dân Anh sang Ấn Độ, họ tìm mọi cách để có thể lách luật và nhà thuyền là kết quả của việc lách luật đó. Những ngôi nhà thuyền ban đầu là nơi nghỉ dưỡng của người Anh dần dần được nâng cấp lên thành nhà nghỉ cho du khách. Người bạn mà tôi liên hệ trước trên CouchSurfing, Mustafa, ở trong một căn nhà thuyền như vậy. Tôi xin Mustafa cho tôi và chị Khánh ở nhờ.
Mustafa hẹn gặp chúng tôi trên cây cầu vắt qua con sông nơi thuyền nhà cậu neo đậu. Mustafa bằng tuổi tôi, tóc đen, mắt sâu, râu quai nón đậm chất Trung Đông. Cậu không hẳn là đẹp trai như những gì chị Khánh và tôi hình dung về con trai Kashmir, nhưng tôi có thể nói là cậu khá có duyên.
“Trời ơi, ấy mặc thế có lạnh không?”
“Nghe tiếng gì kêu lách cách không? Tiếng răng tớ đập vào nhau đấy”.
Thuyền có phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp đủ cả. Khắp thuyền có rèm nhung phủ bốn phía để giữ ấm. Bác trai ngồi hút thuốc, chân hơ bên trên một giỏ lửa.
“Người Kashmir ai cũng có một giỏ lửa thế này để giữ ấm trong mùa đông. Người ta gọi nó là người vợ mùa đông đấy”. Bác cười móm mém. Tóc và râu bác dài bằng nhau, phủ ngang đến ngực.
“Bác hút gì thế?”.
“Cần sa. Cần sa Kashmir là hàng hiếm đấy”.
Bác gái từ dưới bếp tất tả chạy lên với ba ly trà. Trà Kashmir khác với trà ở các khu vực khác ở Ấn Độ, mà sau này tôi phát hiện ra là nó giống trà ở Ai Cập: trà thơm, không sữa nhưng nhiều đường. Trời lạnh không ai muốn uống nước cả, nên chỉ có uống trà nóng tì tì thôi.
Phải ở trên thuyền, chòng chành mỗi khi có người bước hơi mạnh chân, ngắm mặt trời lên lấp ló bên hàng cây chinar rực rỡ, nhâm nhi trà Kashmir, nghe cá gọi trên mặt nước, mới hiểu tại sao du khách yêu nhà thuyền đến thế. Thú đấy nhưng lạnh. Trời lạnh, ở trên sông càng lạnh. Đánh răng mà lười cứ tê cứng lại. Ngửi thấy hơi nước là đã thấy tê tái nói gì động vào nước. Sáng tỉnh dậy thấy nước đóng băng ở cạnh bờ. Chị Khánh tặc lưỡi:
“Ở một hôm cho biết thế thôi, đêm nay về lại khách sạn ở”.
Mustafa vốn là hướng dẫn viên du lịch nên hôm sau cậu đề nghị dẫn chúng tôi đi chơi. Nhưng chả hiểu sao Pankaj cứ mặt nặng mặt nhẹ có vẻ không muốn cho cậu đi cùng nên sau khi đến một số điểm du khách không thể bỏ qua như vườn thượng uyển, hồ Dal, leo lên đỉnh núi ngắm bao quát toàn cảnh thung lũng Kashmir đẹp như tranh vẽ, tôi và Mustafa tách ra đi riêng. Đi qua một chợ hàng thùng, tôi tạt vào mua một cái áo khoác mỏng dính với giá 200Rs ($4). Tôi không muốn mua áo quá dày vì nặng, dùng xong ở Kashmir rồi chẳng biết có dùng ở đâu nữa không mà tha lôi lỉnh kỉnh.
Mustafa dẫn tôi đến đám cưới một người bà con của cậu. Đám cưới Kashmir rất lạ. Trong mấy ngày liền, cô dâu mới cứ phải trang điểm, mặc quần áo đẹp cho bà con làng xóm tới ngắm. Cô dâu mặc chiếc váy đỏ, đội khăn đỏ, khắp người là đồ trang sức bằng vàng. Chị ngồi yên trong một góc phòng, lúc nào cũng phải cười tươi, còn bà con thì ngồi khắp phòng vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Chẳng ai nói được tiếng Anh, mọi người mang trà và bánh ngọt ra cho tôi rồi vừa nói chuyện vừa chỉ trỏ tôi gì đó, tôi nhìn thì lại cười một cách trìu mến. Tôi cũng cười lại. Chẳng biết làm gì, tôi cứ uống trà. Chị bưng trà cho tôi cứ cười tủm tỉm, có lẽ chưa thấy ai uống trà nhiều như tôi. Tự nhiên tôi thấyđồng cảm ghêgớm với cô dâu mới kia, đã lạ nước lạ cái rồi lại còn cứ phải ngồi như phỗng cho người ta ngắm nghía bàn tán. Mustafa bảo mọi người quý tôi lắm vì tôi xinh hiền, lại có vẻ ngoan, nhưng ai mà biết là Mustafa nói dối hay nói thật, hơ hơ.
Cũng nhờ Mustafa mà tôi được ăn thử rất nhiều đồ ăn đặc trưng của Kashmir. Buổi tối, cậu dẫn tôi ngồi ăn thịt xiên nướngở cạnh hồ Dal. Trời lạnh, tôi thích ngồi cạnh đống lửa, ngồi gần đến mức hơi nóng có thể phả vào mặt. “Mustafa sao không học đại học?”. Tôi hỏi. Cũng như hầu hết các bạn trẻ ở đây, cậu chỉ học xong cấp ba là nghỉ.
“Ngày trước có học, nhưng mà đợt vừa rồi bị giớinghiêm ba tháng, phải ở nhà suốt chẳng đến trường được nên bỏ luôn”.
“Giới nghiêm ba tháng?”.
“Ừ, ấy may mà lên đây đúng lúc bạo động vừa qua đấy. Từ tháng sáu đến tháng chín, bạo động liên miên.
Cứ vài hôm lại bị giới nghiêm một lần, không ai được ra ngoài vì họ sợ người dân biểu tình, ném đá”. (Giờ tôi đã hiểu tại sao ở Srinagar lại nhiều xe bị vỡ cửa kính đến thế).
“Kể cả đi học?”. Tôi không tin vào tai mình nữa.
“Ừ. Trẻ em còn chẳng được ra ngoài chơi. Nhiều bé bị khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng vì suốt ngày bị giữ trong nhà. Tớ có tình nguyện với một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ những em bé bị như thế”.
“Nếu đi học lại, ấy muốn học nghề gì?”.
“Hướng dẫn viên du lịch”.
“Tại sao?”.
“Công việc nhàn, lương cao, được gặp nhiều người nước ngoài”.
Tôi thấy buồn vì hầu hết các bạn trẻ tôi gặp tại những điểm du lịch nổi tiếng toàn muốn học để trở thành hướng dẫn viên. Không có gì sai khi chọn nghề này cả, nhưng ai cũng làm hướng dẫn viên thì lấy ai làmnhững nghề khác? Chưa kể,ở Kashmir do bạo động liên miên, ngành du lịch còn chưa biết đi đâu về đâu thì nói gì hướng dẫn viên. Đến thăm Kashmir lòng tôi cứ xắt lại. Một vùng đất vốn kiếm sống bằng ngành du lịch mà giờđây không còn khách du lịch nữa thì sống bằng gì? Các cửa hàng đóng cửa, khách sạn đìu hiu, đình côngliên miên, chợ tan từ sáu giờ tối. Sau tám giờ tối là không còn ai ra ngoài. Phương tiện công cộng khônghoạt động. Trạm xăng không bán nên auto-rickshaw, taxi vô cùng đắt đỏ. Khách sạn, chúng tôi là những người khách duy nhất.
Ngày chúng tôi rời Srinasar là “Black Day” - “Ngày đen tối” 27 tháng 10, đánh dấu ngày đầu tiên quân đội Ấn Độ đặt chân lên Kashmir. Trong ngày này, người dân Kashmir phản đối bằng cách ném đá vào quân đội và quân đội đôi khi sẽ bắn trả. Giới nghiêm toàn thành phố. Đêm trước đó đã có tám người bị thương. Tài xế của chúng tôi, vốn là người Ấn Độ theo đạo Hindu, sợ quá phải gọi anh chàng lễ tân vào ngủ cùng. Chúng tôi rời thành phố mà trong lòng cứ thấp thỏm. Giới nghiêm toàn thành phố. Cứ đi được khoảng năm phút chúng tôi lại bị chặn lại tra hỏi, liên tục phải vòng qua đường khác. Cũng may, do chúng tôi là khách du lịch nước ngoài nên cuối cùng cũng đi được. Ra khỏi Srinasar, chúng tôi lại suýt nữa bị mắc kẹt vì hết xăng mà trạm xăng đang đình công không hoạt động.

38. Những chàng trai Kashmir

Những ngày còn lại ở Kashmir, chúng tôi đi lang thang một số điểm du lịch nổi tiếng của khu vực này: Pahalsam, Kashmir. Nói chung, đi tour mặc dù cũng thú vị, nhưng chẳng có chuyện gì nhiều để kể. Chuyện mà tôi thấy hay ho nhất lại là một cái note nhảm nhí tôi ghi lại trong một ngày ở đây:
“Hôm nay mình đã có một suy nghĩ vô cùng dại dột, đó là suýt nữa đã mời một bạn trai đi ăn tối. Tại sao, tại sao, tại sao? Bố mẹ anh ấy ăn gì mà đẻ con ra đẹp trai quá đỗi như vậy?”.
Đó là cảm nghĩ của tôi khi đứng trước anh chàng Kashmir đẹp rụng rời mà chúng tôi gặp ở Gulmarg, điểm trượt tuyết nổi tiếng của Kashmir. Da săn rám nắng, gò má cao ửng hồng vì lạnh, môi đầy, sống mũi thẳng, tóc xoăn, mắt nâu mơ màng, anh mang trong người vẻ đẹp Kashmir huyền thoại mà chúng tôi đã được nghe nói đến bấy lâu nay. Nếu hình dung những ngôi sao điện ảnh là Disneyland thì anh là đồng cỏ bao la lộng gió đầy hoa dại vậy. Anh là người dắt ngựa cho chúng tôi khi chúng tôi cưỡi ngựa đi dạo quanh khu cao nguyên tuyệt đẹp này. Anh bảo bây giờ tuyết rơi chưa nhiều nên anh mới đi dắt ngựa. Khi nào trượt tuyết được, anh hướng dẫn trượt tuyết.
“Bây giờ có ai dám lên Kashmir nữa đâu mà có khách?”.
“Không, năm nay anh được sang châu u hướng dẫn cho khách hàng quen bên đó”.
“Bạn gái à?”.
“Không, khách hàng thôi. Anh không có bạn gái”.
“Nhà anh ở đâu?”.
“Anh ở làng cách đây khoảng mười hai cây số”.
“Anh về bằng gì?”.
“Anh đi xe máy”.
“Cho em về thăm làng anh nhé”.
“Ừ, tí nữa anh xong việc về đấy. Em đi cùng luôn đi”.
Ha ha, nếu mà đi một mình chắc là tôi đi ngay rồi đấy, nhưng đang đi cùng chị Khánh nên không đi được. Pankaj không có vẻ gì là muốn lái xe đến làng đấy cả. Đây là vấn đề của đi tour, mình lúc nào cũng phải theo lịch trình, không thể nào cao hứng lên đi khác được.

39. Mumbai nằm trong tay người Pubjabi

Đền Vàng Harmandir Sahib ở thành phố Amritsar, bang Punjab - một trong những điểm tôi muốn đến thăm trước khi tôi chết, bởi đây là trung tâm của đạo Sikh, có vị trí như Vatican của Thiên Chúa giáo vậy. 


Đạo Sikh là tôn giáo có tổ chức lớn thứ năm trên thế giới và là một tôn giáo có nhiều điều vô cùng thú vị. Thứ nhất, so với các tôn giáo khác ở Ấn Độ như đạo Hồi hay đạo Hindu, đạo Sikh cấp tiến hơn hẳn khi cho phụ nữ quyền bình đẳng với nam giới, và phụ nữ có thể dẫn dắt buổi cầu nguyện. Thứ hai, tôn giáo này nghiêm cấm mọi hành động tâm linh mù quáng, mê tín dị đoan như bắt phụ nữ che mặt, nhịn ăn, thờ cúng tranh tượng. Tôi rất ủng hộ quan điểm này. Thứ ba, đạo Sikh không hề có thầy tu, nữ tu bởi tôn giáo này phản đối các kiểu sống không gia đình: tha hương cầu thực, đi tu... Thứ tư, đây là một tôn giáo vô cùng hiếu chiến. Mỗi người theo đạo Sikh đều được khuyến khích phải sống như một chiến binh thần thánh. Với họ, nợ máu phải trả bằng máu và điều này đã được thể hiện qua những vụ trả thù đẫm máu trong lịch sử đạo Sikh. Bản thân Vương quốc đạo Sikh (nay là bang Punjab) được thành lập khi Guru Gobind Singh mang quân đi xâm lược thành phố Sirhind lúc bấy giờ còn đang theo đạo Hồi để trả thù cho cái chết của những người con trai út của mình. Người theo đạo Sikh luôn phải giữ 5 K, một trong số đó là Kirpan, con dao nhỏ cong ở đầu để gợi nhớ về lòng dũng cảm của năm người Sikh đầu tiên đã sẵn lòng tử vì đạo. Nhận biết người Sikh rất dễ. Bạn có thể nhìn vào tên họ: đàn ông đạo Sikh luôn có tên họ là Singh, nghĩa là sư tử; phụ nữ có tên họ Kaur, nghĩa là công chúa. Ngoài ra, đàn ôns đạo Sikh không bao giờ cắt tóc. Tóc dài được cuộn khăn thành một vòng tròn trên đầu. Nhiều bạn thường nhầm khăn cuộn này với khăn cuộn đạo Hồi, nhưng khăn cuộn đạo Sikh to hơn hẳn và họ hoàn toàn không để lộ tóc ra ngoài.
Quả thực, trước khi đến Ấn Độ tôi chẳng biết đạo Sikh là gì. Tôi bắt đầu nghe đến đạo này khi đọc cuốn Holy Cow của Sarah McDonald trên tàu từ Kolkata đi Mumbai. Sau đó, khi đến Mumbai tôi nghe mọi người đùa rằng kinh tế Mumbai nằm trong tay người Punjabi (phần lớn người Punjabi theo đạo Sikh). Tuy là thiểu số, người Sikh đã đạt được khá nhiều thành tựu về kinh tế và chính trị ở đất nước này. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Manmohan Singh, nghe tên mọi người cũng biết là theo đạo Sikh. Tôi không biết thành công của họ là do sự hiếu chiến hay sự đoàn kết của những người theo tôn giáo này nữa. Hiếu chiến không hẳn mang nghĩa là thích đổ máu, nhưng hiếu chiến theo nghĩa “hăng”, đã làm gì thì sẽ làm hùng hục. Tôi đã ngộ ra một điều, muốn làm được gì đó thì bản thân mình phải thúc, phải đẩy cho nó xảy ra, không thể cứ ngồi ì chờ người khác làm cho mình được.
Sarah đến Amritsar để chữa bệnh. Tôi cũng không nhớ lúc đó Sarah mắc bệnh gì, đến Ấn Độ người không quen có thể mắc đủ các thứ bệnh quái đản. Có bệnh thì vái tứ phương, có người giới thiệu cô đến Amritsar tắm nước hồ Sarovar. Tương truyền, hồ Sarovar quanh đền Vàng có chứa amrit, nước thánh hay nước trường sinh bất lão có khả năng chữa bách bệnh. Nước này thực ra là nước sông Hằng. Người đổ về đây đông như kiến, cả người tin lẫn người không tin. Đền Vàng có bốn cổng, mỗi cổng có hai bác bảo vệ đứng gác, uy nghiêm đúng kiểu chiến binh thần thánh đạo Sikh: cao lớn, áo dài chùng màu xanh đậm, khăn cuốn tóc và thắt lưng đều màu vàng, râu quai nón, mặt nghiêm nghị, chân dạng bằng vai đứng tấn, tay cầm thanh giáo uy nghiêm. Trông dữ dằn là thế nhưng khi tôi đến hỏi, bác vẫn tươi cười trả lời.
Muốn vào trong mình phải cởi dép, phủ đầu che tóc. Bước qua cổng, qua hành lang là vào đến hồ Sarovar. Gần cửa chỉ có đàn ông tắm, phụ nữ tắm ở phía trong kín đáo hơn. Đàn ông nơi này cũng lạ, xuống tắm đồ cởi gần hết mà tóc thì vẫn cuộn nguyên cả cục trên đầu. Tôi phân vân có nên xuống tắm không, nhưng rồi nghĩ khả năng chữa được bệnh thì ít, mà khả năng lây bệnh da liễu thì nhiều nên lại thôi.
Đi lòng vòng quanh hồ, tôi phát hiện ra một mái hiên lớn, dưới đó là khoảng vài chục các bác, các anh, các chị ngồi hì hụi nhào bột, bóc tỏi. Một giỏ sắt khổng lồ chứa ngập khay đựng đồ ăn, cao quá đầu người. Phía trên mái hiên là hàng chữ: “The Lord himself is the Farm. Himself is the Farmer. Himself he grows & grinds the corn”. (Bản thân Đức Chúa là nông trại. Bản thân Ngài là người nông dân. Bản thân Ngài trồng và nghiền ngô) Thấy hay hay, tôi ngồi xuống bữa một bác gái bận bộ sari màu nâu, vấn khăn màu nâu và một bạn nữ mặc sari màu tím nhạt, vấn khăn cũng màu tím nhạt, nhặt mấy củ tỏi lên bóc cùng mọi người.
“Bạn có nói tiếng Anh không?”. Tôi quay sang hỏi cô bạn ngồi cạnh.
“Chút chút”. Cô bạn bẽn lẽn trả lời.
“Mọi người đang làm gì vậy?”.
“Nấu ăn”.
“Cho ai?”.
“Cho tất cả”.
“Tất cả? Cho cả tớ nữa á?”.
“Ừ”. Cô bạn cười.
Thì ra đây là bếp ăn tập thể. Sau này tìm hiểu thêm tôi được biết hàng ngày bếp này phục vụ khoảng năm mươi ngàn người đến đây hành hương, hoàn toàn miễn phí. Người hảo tâm quyên góp đồ ăn, mọi người vào làm bếp, mọi người phục vụ, mọi người ăn. Hóa ra cái câu mà tôi đọc bên trên không chỉ là một trích đoạn trong Kinh Thánh của họ mà còn là một câu nhắc nhở mọi người “Muốn ăn thì lăn vào bếp”. Tôi chẳng hiểu lúc đấy tôi bị sao mà thấy bóc tỏi thú vị thế. Đầu tiên tôi bóc tỏi như mọi người bóc, tách nhánh ra, lấy dao cắt gốc, bóc vỏ rồi lại cắt gốc, bóc vỏ. Sau đó tôi phát hiện ra là nếu mình cắt gốc một lượt rồi bóc vỏ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Một lúc sau tôi phát hiện ra nếu không dùng dao sẽ nhanh hơn nữa. Thế là tôi vừa bóc vừa tính giờ tự lập kỷ lục với mình, rồi tự sướng vì thấy mình bóc nhanh hơn hẳn người ta. Cứ ngồi bóc đến khi đầu ngón tay cái sưng đỏ lên mới đứng dậy đi ăn. Ngẩng lên mới phát hiện ra bạn gái ngồi cạnh đã đứng dậy đi từ lúc nào.
Tôi xếp hàng vào nhà ăn và được mọi người phát cho một cái khay đựng đồ ăn tiêu chuẩn của Ấn Độ: khay bằng kim loại, nông, chia ngăn đựng các loại đồ ăn khác nhau. Sau đó, tôi theo đám đông vào trong, ngoan ngoãn tìm chỗ, ngồi khoanh chân dưới đất, đặt khay trước mặt chờ đồ ăn. Tuy đông nhưng mọi người ngồi vào hàng lối rất lịch sự: nam một bên, nữ một bên. Đầu tiên là một bác với một rổ đầy rô-ti (bánh mì dẹt của Ấn Độ) đi dọc hàng, thả vào mỗi khay hai cái rô-ti. Sau đó lại có những người khác phát cơm rang, khoai tây xào, súp màu xanh xám bằng gì đó tôi cũng không biết. Tôi ăn không thích lắm nhưng không dám để thừa. Còn bao nhiêu người không có mà ăn, mình được cho ăn mà để thừa thì phí quá. Ăn xong đi loanh quanh tôi phát hiện ra một căn phòng rộng thênh thang, nền trải khăn, trần sẵn quạt cho mọi người đến nghỉ trưa. Một số người trải chăn ngay ở bãi cỏ phía ngoài để ngủ. Hành hương tiết kiệm một cách tối đa. Tôi nghĩ, nếu bạn nào đến khu vực này chẳng may không có chỗ qua đêm, thì đêm vào đây trải khăn ra ngủ cũng được.
Ăn no ngủ say rồi tôi mới đi thăm Đền Vàng. Đền nằm giữa hồ với một hành lang lát đá hoa, lợp vải trắng, lan can dát vàng lấp lánh dẫn vào. Nói chung Đền Vàng là tiêu biểu cho một kiến trúc vô cùng không ăn ảnh.Nhìn ở ngoài thì rất hoành tráng nhưng lên ảnh cứ bình bình thế nào ấy. Ảnh tôi chụp chẳng có ảnh nào đẹp, lên mạng tìm ảnh thiên hạ chụp cũng thấy toàn ảnh xấu. Phần đẹp nhất là những chạm khắc đá ngọc bên trong thì lại bị cấm không được chụp ảnh.
Một điểm thú vị khác của Pubjab là lễ hội Đổi cờ ở biên giới Pakistan - Ấn Độ. Ngày nào cũng thế, đúng năm rưỡi chiều, hai nước mở cửa biên giới và trao đổi cờ cho nhau. Những sĩ quan tham gia nghi lễ cứ như đang trình diễn một điệu múa kỳ lạ vậy. Nghi lễ này thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày. Mọi người la hét, reo hò cứ như cổ vũ đội tuyển quốc gia ra sân thi đấu. Tôi vừa xem vừa ấm ức. Trời ạ, Pakistan cách có vài bước mà mình không xin được Visa để sang đó.

 40. Lẻn vào Taj Mahal

Từ những ngày còn nhỏ không biết tên của công trình đó là gì, tôi cũng biết tòa lâu đài đá cẩm thạch trắng với những mái vòm tròn nguy nga tráng lệ là biểu tượng vĩnh cửu của một trong những mối tình đẹp nhất lịch sử loài người.
Lớn lên, tôi được biết đây không phải là tòa lâu đài mà thực ra là khu lăng mộ Hoàng đế Mông cổ Shah Jahan xây để tưởng nhớ đến ái phi Mumtaz Mahal. Kiệt tác kiến trúc này mất hai mươi mốt năm để hoàn thành. Tiếc thay, lúc khu lăng mộ này hoàn thành cũng là lúc vị Hoàng đế nặng tình bị chính con trai của mình phế truất và giam vào một ngôi nhà cạnh Pháo đài Aara. Khi qua đời, ông được chôn cất tại lăng mộ bên cạnh người vợ yêu dấu của mình.
Khi đến Ấn Độ, tôi mới biết rằng Taj Mahal nằm tại cố đô Agra, cách Delhi chưa đến ba giờ lái xe. Tôi có thể dậy sớm để đến Agra và trở lại Delhi trong ngày.
Khi đến Agra rồi, tôi mới phát hiện ra rằng vé vào cửa Taj Mahal là 750Rs, tương đương $15, nhiều hơn toàn bộ tiền mặt tôi đang có lúc đó. Không có tiền mua vé vào, chẳng lẽ đến đây rồi lại về?
“Đi ăn cái đã”. Tôi tặc lưỡi. “Có thực mới vực được đạo, từ sáng đến giờ chưa ăn gì”.
Tôi đi vòng vòng mấy ngõ hẻm xung quanh thì tìm được một quán vỉa hè bán mì chow chow chỉ 10Rs một nửa đĩa. Tôi ngồi xuống ngay cạnh một anh chàng thanh niên Ấn Độ. Anh hỏi tôi:
“Em từ đâu đến?”.
“Anh nghĩ em từ đâu đến?”.
“Hoặc là Trung Quốc, hoặc là vùng Đông Bắc Ấn Độ”.
Như tôi đã nói ở trên về cặp vợ chồng Nasaland tôi gặp trên chuyến bay từ Kuala Lumpur sang Kolkata, người Đông Bắc Ấn Độ nhìn không khác gì người Đông Nam Á mình.
“Anh đoán tài quá, em là người Đông Bắc, Bang Nagaland”.
“Em nói tiếng Hindi không?”.
“Không. Em là người bộ tộc Ao, chỉ nói tiếng Ao thôi”.
Anh chàng “à” lên một tiếng ra vẻ hiểu rồi. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi.
“Anh ơi, vé vào cửa Taj Mahal cho mình là bao nhiêu nhỉ?”.
“Cho người Ấn Độ mình là 20Rs thôi, cho người khu vực Nam Á là 150Rs, còn cho khách nước ngoài là 750Rs cơ”.
“Sao cho người nước ngoài đắt vậy?”.
“Vì họ có tiền mà”.
“Thế còn người nước ngoài mà không có tiền thì sao?”.
“Người nước ngoài không có tiền thì họ sang đây làm gì?”.
“Sang đây vì muốn xem Ấn Độ. Em nói thật với anh nhé, vừa nãy em trêu anh thôi, xem anh có tin không. Em không phải là người Ấn Độ, em đến từ Việt Nam đấy. Em không giàu có như những khách du lịch khác đâu”.
“Thật không?”.
“Thật. Anh có thấy khách du lịch giàu sang nào ăn ở quán này như em không”.
“Hừm. Bố mẹ em đâu?”.
“Em đi một mình”.
“Nếu không có tiền thì em sống thế nào, ăn ở thế nào?”.
“Em ở nhờ nhà bạn. Ăn uống thì rẻ hều, như ăn ở đây này. Nhưng nói chung em không than nghèo kể khổ đâu. Em có việc muốn nhờ anh”.
“Việc gì?”.
“Em mua vé sẽ rắt đắt. Em đưa tiền anh mua giùm em vé cho người Ấn Độ được không?”.
“Mua rồi em làm sao vào trong? Người ta vẫn kiểm tra mà”.
“Em sẽ nói là em là người Đông Bắc. Vừa nãy anh tin còn gì”.
“Người ta kiểm tra giấy tờ nữa đó”.
“Hên xui anh ơi. Cùng lắm người ta đuổi em ra. Cũng chỉ là 20Rs thôi mà”.
Thuyết phục một hồi cuối cùng anh cũng đồng ý giúp tôi. Cầm tấm vé màu vàng trong tay tôi bắt đầu suy tính làm sao để người soát vé tin rằng tôi là người Đông Bắc.
Tôi đi lòng vòng khảo sát địa hình và tìm được cửa đông khách nhất. Đông khách quá, người soát vé không có nhiều thời gian kiểm tra từng người. Tôi quyết định đóng đô ở cửa này chờ cơ hội.
Địa đã lợi rồi, giờ phải làm sao kiếm được “nhân hòa”. Tôi nghĩ, nếu tôi đi cùng một nhóm người Ấn Độ nhìn cũnggiống tôi, tầm tầm tuổi tôi thì đỡ bị nghi ngờ hơn. Nhưng mà tìm hoài không thấy nhóm nào như vậy. Rồi tôi tự nhiên phát hiện ra một bác gái trung niên nhìn khá giống người Đông Nam Á. Bác mặc đồ tây khá hợp mốt nhưng trán đính hạt binti. Tôi đến đứng xếp hàngở cạnh bác.
“Đông quá bác nhỉ”. Tôi bắt chuyện.
“Ừ, Taj Mahal đẹp mà”. Bác nói tiếng Anh giọng đặc sệt Ấn Độ.
“Bác là người ở đâu hả bác?”.
“Bác quê ở Assam, nhưnggiờ đang sinh sống ở Anh”. Assam là một bang khác ở Đông Bắc Ấn Độ, khá gần Nasaland.
“Thế ạ? Cháu quê ở Nasaland này, nhưng bây giờ đang sốngở Việt Nam. Bác còn nói tiếng Hindi không bác?”.
“Có chứ. Cháu có nói được không?”.
“Một chút thôi bác ạ, nhưng không tốt lắm, ở nhà cháu chỉ nói tiếng Ao thôi, còn bạn bè cháu chẳng ai nói tiếng Hindi”.
Càng đến gần người soát vé, tôi càng run, nhưng mặt cứ phải giả vờ tỉnh bơ vừa đi vừa nói chuyện với bác gái kia. Lúc tôi đưa vé cho người soát vé, ông nhìn tôi chăm chăm như nghi ngờ gì đấy, rồi hỏi câu gì đó bằng tiếng Hindi mà lúc đó tôi chẳng có hồn vía đâu mà nghe mà hiểu. Đoán là ôngấy hỏi tôi từ đâu đến, tôi trả lời bừa: “Nasaland” rồi quay sang nói chuyện với bác gái kia tiếp, kiểu như không quan tâm. Người soát vé lầm bầm gì đó rồi quay sang người tiếp sau tôi.
Tôi vui tưởng chết nhưng chẳng có ai để ăn mừng cùng nên cứ vừa xem Taj Mahal vừa cười tủm tỉm. Tiền thì có hạn nhưng thủ đoạn vô biên.
Thiết nghĩ, nếu bạn có tiền, thì bỏ ra $15 vào thăm Taj Mahal cũng đáng lắm. Mặc dù đã xem quá nhiều ảnh về công trình này, phải tự mình đứng trước khối đángọc thạch trắng muốt khổng lồ này, tự mình đặt chân lên nền đá mát lạnh, tận mắt chứng kiến những chạm trổ tinh vi mới có thể phần nào cảm nhận được cái đẹp, cái nguy nga, cái lộng lẫy của Taj Mahal. Đến Taj phải đến cả ngày, từ bình minh tới lúc trời tối để ngắm Taj đổi màu theo màu nắng. Điểm đẹp nhất để ngắm Taj là từ phía bên kia bờ sông Yamuda, khi bạn có thể ngắm cả Taj và phản chiếu long lanh của Taj dưới mặt nước. Có khá nhiều giai thoại quanh công trình vĩ đại này. Một trong số đó là giai thoại kể rằng Shah Jahan muốn xây một Taj Mahal bằng đá ngọc thạch đen phía bên kia bờ sông, nhưng bị soán ngôi khi chưa kịp bắt đầu. Một giai thoại khác lại kể sau khi ngôi đền được hình thành. Shah Jahan ra lệnh chặt tay của tất cả những kiến trúc sư và thợ xây tham gia xây dựng để không ai có thể tạo ra một công trình thứ hai như thế nữa. Để trả thù, một người trong số đó đã đục một lỗ hổng trên tường. Mỗi khi trời mưa, nước sẽ theo lỗ hổng đó chảy vào bêntrong lăng, nhưng đã mấy trăm năm qua mà vẫn có không ai tìm ra lỗ hổng ấy. Vậy nên tôi cũng không buồn khi mình mất cả ngày mà không thấy nó ở đâu.
Ba phía của Taj được bao bọc bởi tường đá sa thạch đỏ. Phía ngoài bức tường là một số lăng mộ chôn cất vài người vợ khác của Shah. Điều tôi thấy thú vị là lăng mộ lớn hơn cả trong số đó lại dành cho cung nữ được sủng ái nhất của Mumtaz. Thật đúng là làm con ở của ái phi còn có vị thế hơn là làm vợ vua mà không được ân sủng.
Tại sảnh của Taj và ngôi vườn xung quanh đó có rất nhiều loài vật: chim hạc, sóc và cơ man nào là khỉ. Khi đứng, ngồi, buôn chuyện ríu rít trên lan can cạnh bờ sông, trong đó có một đôi khỉ đang cưa cẩm nhau. Cao hứng, tôi chạy ra chụp ảnh đôi khỉ này. Ai ngờ khỉ đực nổi đóa, nhảy bổ về phía tôi, rít lên làm tôi sợ chạy tóe khói. Chạy vào trong rồi tôi mới thấy mình lãng xẹt, không đâu lại bị khỉ đánh ghen.

41. Varanasi

Tôi là một đứa dễ bị mê hoặc bởi giai thoại và khi đã bị mê hoặc rồi, tôi dễ bị dụ đi theo tìm hiểu giai thoại đó. Cái tên Varanasi đối với tôi gắn liền với những giai thoại về aghori sadhu. Sadhu là những thầy tu đạo Hindu. Họ không sống ở chùa hay nhà thờ mà sống tha phương cầu thực: không làm việc mà sống bằng bố thí. Theo Wikipedia: “Ngày nay, ở Ấn Độ có tới bốn, năm triệu sadhu. Họ vẫn được kính trọng vô cùng: tôn sùng vì sự thánh thiện của họ, sợ hãi vì lời nguyền của họ”.
Tôi biết đến aghori sadhu lần đầu tiên qua cuốn sách Holy Cow của Sarah McDonald. Trong đó, cô kể rằng lần đầu tiên gặp aghori sadhu, cô bị nguyền rủa và bị ốm gần chết. Dưới ngòi bút vô cùng sinh động của cô, sadhu có vẻ giống như một dạng phù thủy man rợ của Ấn Độ, sống trong nghĩa địa, uống nước từ đầu lâu người, ở trần truồng và có đôi mắt lạnh như băng. Thường thường, tôi không tin lắm vào những câu chuyện Sarah kể nên không suy nghĩ nhiều, cho tới khi Robinson tiêm nhiễm nó vào đầu tôi một lần khi chúng tôi ăn tối.
“Này, anh từng gặp aghori sadhu đấy. Ông nhìn thẳng vào mắt anh và nói: “Hầu hết những kẻ đến với ta đều vì sợ ta hoặc vì muốn lợi dụng ta. Nhưng ngươi có một trái tim trong sáng. Ngươi có thể hỏi ta bất cứ điều gì ngươi muốn”. Thế là anh hỏi ông cho xem ma. Em biết là sadhu luôn mang theo ma bên người”.
“Anh có thấy ma không?”.
“Hừm, ông hỏi lại anh là anh nghĩ ma là cái gì. Ma thực chất chỉ là năng lượng, giống như một đám mây tích điện quá nhiều. Ông có thể cho anh xem, nhưng năng lượng này quá mạnh, đến mức nó có thể quật ngã anh”.
“Thông minh phết nhỉ”.
“Ừ, tốt nghiệp Cambridge ra mà. Nói bảy thứ tiếng”.
“Hả? Thế sao ông lại trở thành sadhu?”. Tôi hỏi mà trong đầu nghĩ thầm rằng ông này chắc học nhiều quá phát cuồng, hoặc thị trường việc làm ở Ấn Độ giờ quá cạnh tranh.
“Ông bảo rằng sadhu sinh ra đã là sadhu, chứ không phải được tạo thành. Khi ông mới hai tuổi, ông đã biết ông là sadhu rồi. Em hay anh không thể trở thành sadhu được”.
“Nhưng cũng phải qua nghi lễ nào đó mới trở thành sadhu được chứ?”.
“Có có. Ông bảo ông phải đi bộ khoảng hai ngàn kilomet từ Kolkata lên tận Gingotri trên dãy Himalaya”. Robinson sau đó kể một câu chuyện dài về ông sadhu này, rằng ông gặp hồn ma một cô gái bị hiếp dâm rồi giết chết bởi chính chồng và bạn bè hắn trông đêm tân hôn và rồi ông đã giúp cô tìm lại cái vòng đeo tay bị đánh mất như thế nào.
“Nghe giống Liêu trai chí dị thế. Chuyện ma thế này ở Việt Nam có mà đầy”.
“Họ còn ăn xác chết cơ”.
“Hả?”.
“Họ thậm chí còn ngủ với xác chết”.
“Như thế nào cơ?”.
“Nghi lễ của họ đấy. Mỗi năm một lần, họ phải ăn một mẩu thịt người chết. Họ cũng phải đánh cắp xác của một người phụ nữ không quen biết, ở nhà xác hay ở đâu đó, để ngủ với cái xác đó. Họ không phải là muốn thế đâu, nhưng phải làm thế để hiến dâng cho Chúa và tạo mối quan hệ với người chết. Tự bản thân sadhu coi họ là những người đã chết, thậm chí được chứng nhận chết bởi chính quyền. Họ có thể phải tham gia lễ tang của chính mình trước khi đi theo guru”.
“Họ ăn sống à?”.
“Không không. Em biết là ở một số nơi như Varanasi, người ta đốt rất nhiều xác mỗi ngày. Họ ăn ở những chỗ đấy”.
“Vậy là ở Varanasi có nhiều sadhu hả?”.
“Nhiều chứ”.
Tôi quyết định khăn gói lên đường đi Varanasi.
Vé tàu lên Varanasi không phải dễ kiếm. Robinson cứ khăng khăng không chịu cho tôi đặt vé tàu hạng thường, còn tôi cứ khăng khăng không chịumua vé tàu hạng sang. Nhưng vé hạng thường hay hạng sang thì cũng chẳng còn. Người Ấn Độ đi lên Varanasi quá nhiều nên chuyến tàu nào cũng chật kín khách, phải hai tuần tới mới có vé. Mà tôi thì lại không muốn chờ lâu đến thế. Vậy là mặc cho Robin ra sức phản đối, tôi khăn gói lên đường ra ga tàu quyết săn vé cho bằng được. Sáng tôi dậy sớm ra ga phòng có gì bất trắc.
Sáng sớm, ga đã rộn ràng kẻ buôn người bán, kẻ ra người vào. Mua cho mình một cái bánh dosa nhân hành ăn cho ấm bụng, tôi len lỏi vào được phòng Tourist Information – phòng thông tin dành cho khách du lịch với hy vọng nơi đây sẽ có người hiểu được tôi muốn nói gì. Dosa là món bánh của miền Nam Ấn Độ mà tôi rất thích và thời gian ở cùng gia đình Robinson cũng được Murdi dạy cách làm. Đầu tiên bạn phải ngâm bột gạo vào nước, để qua đêm cho bột lên men. Rồi bạn cho chảo lên bếp đợi một chút cho nóng, cho chút dầu vào chảo, dùng một nửa củ hành di di phái bên trên để dầu phủ đều khắp chảo. Sau đó, múc một muôi nước bột gạo rót vào chảo, dùng mặt sau của muôi di di lên trên bột để bột trải ra đều đều hình tròn. Bột lên men, gặp nóng sẽ phồng lên một chút. Bạn đợi cho bột khô, lật bánh, muốn ăn thêm nhân gì thì rắc lên trên. Bước cuối cùng là gập đôi bánh lại, gập sao để không bị gãy, cho vào đĩa và ăn.
Lại lạc đề rồi. Trái ngược hẳn với cảnh hỗn độn bên ngoài, phòng Tourist Information khá sạch sẽ. Trong phòng có mấy hàng ghế kê sát tường, một cái bàn ở giữa, ở trên đó là một cái máy tính và cạnh đó là một anh chàng chắc chỉ khoảng đôi mươi đang ngồi chơi Solitaire. Nhìn đã thấy hy vọng rồi. Những bạn trẻ trẻ thư sinh thế này dễ đồng cảm với mình.
“Anh ơi, em muốn đi Varanasi mà không mua được vé tàu “.
“Thế thì đợi khi nào có vé rồi đi em ơi”.
“Không được anh ạ, em cần đi gấp ngày hôm nay. Bạn thân của em đang ở trên đấy, mai nó đi rồi. Nếu em không lên kịp sẽ không gặp được nó”. Mặt tôi nhìn buồn xo. Mọi người đều bảo tôi có khuôn mặt rất biểu cảm. Tôi mà làm mặt buồn thì thiên hạ thế nào cũng tưởng tôi sắp khóc.
“Đi bằng máy bay đi em. Để anh tìm vé cho”.
“Ặc, em làm gì có tiền mà đi máy bay anh. Em chỉ trả được vé tàu thôi. Có cách nào không có vé mà vẫn lên được tàu không anh nhỉ”.
“Không, không được”.
“Phải có cách nào đó chứ anh. Có ai đó hủy vé chẳng hạn”.
“Hủy vé thì chắc không đâu, nhưng để anh kiểm tra thử xem”.
Anh click click click trên màn hình máy tính, rồi à lên.
“Ủa, có vé mà em?”.
“Đâu anh? Ở nhà em đã kiểm tra trên mạng đâu thấy có”.
“Có, foreign quota mà anh quên mất. Hầu hết các chuyến tàu đều có một lượng vé nhất định dành cho khách du lịch, vé này không tìm trên mạng được, em phải đến ga tàu để mua. Còn hai vé đấy, em chạy lên mua ngay không hết”.
“Có đắt hơn vé thường không anh?”.
“Không em ơi”.
Tôi hỏi đường phi ngay lên Tourist Bureau để mua vé. Phòng Tourist Bureau có điều hòa, ghế ngồi lịch sự hết sức. Các bạn du khách ngoan ngoãn điền form ngồi chờ, tôi cũng làm theo. May mà hôm nay tôi lên đây mới biết có cái foreign quota này, chứ nếu cứ ở nhà như Robinson ngăn cản thì có mà chờ hai tuần nữa.
Tàu chạy qua đêm, tôi đến Varanasi sáng sớm ngày hôm sau. Varanasi có gì đó rất khác. Nếu Kolkata có cái vẻ hỗn độn điên cuồng thì Varanasi lại có vẻ hỗn độn rất trật tự, như thể mọi chuyện đã diễn ra như thế từ hàng ngàn năm nay. Một em bé đứng rửa bát ngay cạnh cống thoát nước. Phía sau em, người lớn ngồi xổm bốc cơm ăn ngon lành. Một người đàn ông vừa đi vừa đánh răng bằng cành cây. Một người phụ nữ ngồi khép nép sau xe kéo, một tay giữ váy, một tay giữ khăn. Một anh chàng chạy xe Vespa lịch bịch. Đường chính đông nghẹt xe là xe. Đường nhỏ thì nào người, nào bò. Ngõ hẻm được trưng dụng hoặc để làm chợ, hoặc để làm nơi đổ rác, hoặc là cả hai. Với lịch sử ba ngàn năm tồn tại, Varanasi tự hào là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới. Trong khu phố cổ bên bờ sông Hằng, mọi thứ như chưa thay đổi gì suốt mấy ngàn năm qua vậy. Vẫn những ngôi nhà gạch mái hiên gỗ hơi nhô ra ngoài, vẫn những cánh cửa thấp đến mức mình phải cúi đầu mới đi qua được, vẫn những ngôi đền thờ rực rỡ màu sắc, vẫn những con đường nhỏ đến mức nếu gặp một chú bò đi ngược đường, bạn sẽ phải lùi lại nhường đường cho bò đi.
Đi vòng vòng một hồi, tôi tìm được một căn phòng giá 300Rs. Phòng đơn ở một đầu cầu thang, nhà vệ sinh ở phía kia cầu thang, đi qua một cái hành lang tối mù. Tôi để đồ ở đấy rồi đi ra bờ sông chơi.
Ở đây có quá nhiều sadhu. Nhưng không như những gì tôi vẫn hình dung về sadhu như gầy gò, tóc tai xơ xác vì sống khổ hạnh, sadhu ở đây nhiều người béo tốt, phốp pháp, vải cuốn ngoài sạch bong không một vết bẩn. Thấy tôi chụp ảnh, mấy bác còn kéo tôi lại kì kèo xin tiền. Tôi nhất định không cho, bởi nghĩ mấy ông này tu hành gì, chắc chỉ trát sơn lên mặt làm tiền thôi. Chốn xô bồ thật giả lẫn lộn, không biết chân nhân đâu mà tìm. Tôi nhớ câu Robinson bảo tôi: “Nếu sadhu muốn gặp em thì họ sẽ tự đến, còn mình đi tìm thì sẽ không được đâu”.
Varanasi được coi là thủ đô tôn giáo của Ấn Độ và sông Hằng là mạch máu của nó. Truyền thuyết kể rằng, sau khi cưới Parvati, thần Shiva về cư ngụ tại Varanasi với tất cả các vị thần khác ở cạnh bên và sông Hằng chính là nước chảy ra từ đinh ba của Người. Hơn ba trăm năm mươi vị nam thần và nữ thần tụ họp nơi này tạo thành một vòng tròn vũ trụ với thần Shiva ở giữa. Chính vì vậy, đây là thành phố linh thiêng của Ấn Độ, không thua kém Jerusalem của người theo đạo Thiên Chúa giáo, hay Mecca của người theo đạo Hồi về số người hành hương về đây mỗi năm. Sông Hằng chảy từ Bắc về Nam ở cả Ấn Độ, nhưng đến Varanasi thì tự nhiên đổi hướng chảy từ Nam về Bắc. Người dân kể rằng, đó là vì sông Hằng muốn tỏ lòng kính trọng với thần Shiva. Cũng có phiên bản khác kể rằng, sông Hằng là con gái của thần Himalaya. Tán tỉnh thần Shiva không được, nàng ngại luôn tránh mặt thần Shiva. Người Ấn Độ tin rằng tắm ở sông Hằng sẽ được rửa sạch tội lỗi trần gian. Cầu thang dẫn xuống bờ sông được gọi là ghat. Hầu hết các ghat ở đây là dùng để tắm. Dễ phải có đến cả ngàn người đang tắm rải rác ở khắp các ghat. Có lẽ chỉ ở đây mới có thể thấy người Ấn Độ rõ đến thế. Tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, quê quán… đều lột bỏ quần áo để tắm cạnh nhau trên cùng một dòng sông. Trong khi Ấn Độ là một nước phân biệt đẳng cấp (caste) hết sức nặng nề, trai gái không cùng đẳng cấp sẽ không được lấy nhau.
Người Ấn Độ cũng tin rằng nếu chết ở Varanasi sẽ được giải thoát khỏi kiếp luân hồi. Vì vậy, ở đây có một ghat dành riêng cho việc thiêu xác, gọi là Burning Ghat. Ghat này rất dễ nhận ra, cứ thấy ở đâu khói bốc lên mù mịt thì đó là nó. Tôi không phải là đứa yếu bóng vía, nhưng tôi phải thừa nhận, cả đời tôi chưa bao giờ thấy cái gì sợ đến thế. Burning Ghat rất bẩn. Varanasi đã bẩn, nhưng Burning Ghat là tận cùng của cái sự bẩn ấy. Ngay cạnh đó là khu vực thả bò, nước tiểu, phân bò, phân người phủ kín mặt đất. Cứ mấy mét lại có một đống gỗ, bên trên là một xác người chỉ được cuốn mỗi tấm chăn đang cháy dở. Đây là lần đầu tiên tôi ngửi thấy mùi thịt người nướng. Mùi tóc cháy khét lẹt, mùi mỡ, mùi thịt cháy cứ xộc thẳng vào mũi làm tôi không dám thở. Tự nhiên tôi nhớ lại bộ ảnh “Filthy India” chụp bởi mấy bạn Trung Quốc. Nào là xác người, xác bò trôi lềnh phềnh, nhuwnngx bộ phận cơ thể người chưa cháy hết bập bềnh bám vào rác ngay ở bờ sông nơi nhiều người tắm. Hoa mắt, chóng mặt, nhìn đâu cũng thấy người chết, tôi đâm hoảng loạn, bối rối tìm đường ra, không để ý một cái xác khác được khiêng ngược chiều với tôi. Người ta gói xác không kỹ, lúc đi ngang qua tôi, tay cái xác tự nhiên buông xõng, quệt vào vai tôi. Tôi thần hồn nát thần tính, tự nhiên bật khóc.
Kể từ đấy về sau, tôi không dám ăn, không dám uống gì ở Varanasi. Thử hỏi, sống ở đây, nấu nướng không dùng nước sông Hằng thì dùng nước gì? Thành ra, cái gì tôi ăn, uống ở đây cũng khiến tôi có cảm giác như đang ăn những mảnh rữa của xác người chết vậy. Tôi chịu không ăn nổi cái gì ở đây, toàn phải mua đồ gói làm từ nơi khác về ăn.
Tôi gặp nhiều dân ba lô ở đây, có bạn ở đây vài tuần, có bạn ở đây đến cả vài tháng. Họ thích Varanasi, bởi nơi đây họ có thể quên đi những bộ bề lo toan của thế giới hiện tại, đắm chìm vào không gian của hàng ngàn năm về trước. Tôi cũng thích nơi này lắm. Sáng sáng đi ra sông ngắm người tắm, trưa len lỏi các ngõ ngách phố cổ, chiều mát hoặc đi thăm các đền chùa, hoặc chèo thuyền trên sông Hằng, tối tối trèo lên sân thượng quán cafe cạnh bờ sông xem người ta trình diễn aarti. Aartilà nghi lễ cúng chỉ có ở Varanasi. Sáu sân khấu được dựng lên nagy cạnh bờ sông. Trên mỗi sân khấu là một anh chàng cao ráo, sáng sủa, mặc một bộ đồ trùng đến gót chân, vắt một cái khăn chéo vai. Sáu chàng trai uyển chuyển chuyển động theo tiếng nhạc khi réo rắt, khi dặt dìu. Ở bên dưới, khán giả đông nghìn nghịt, chen chúc nhau xem. Tôi không hiểu tại sao chỉ mấy bước chân là có thể tìm được chỗ xem trên cao đẹp như thế này, mà không ai chịu tìm.
Nhưng với tôi, tâm linh thôi là chưa đủ. Một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi là ăn. Tôi thích đi lang thang, tự mình khám phá ra những món ăn lạ mình chưa được ăn bao giờ. Ở đây, tôi chịu không ăn nổi gì. Được ba hôm, tôi bỏ của chạy lấy người, lên Bodh Gaya chơi.


Nguồn sstruyen.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved