Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

22 thg 12, 2013

Những người phụ nữ nổi tiếng Châu Âu xưa (1)

Olympias (375 TCN -316 TCN)

Mẫu hậu của Alexander Đại đế.Bà là công chúa xứ Epirus và là người vợ thứ tư của Vua Philipos II của Macedonia
Theo như Plutarch (Alexander 3.1,3), Olympias không phải thụ thai bởi Philipos, người sợ hãi bà, vì bà thích ngủ với rắn, nhưng bởi Zeus Ammon.

Plutarch kể rằng cả Philipos và Olympias đều mơ đến sự ra đời trong tương lai của con trai họ. Olympias mơ một tiếng sấm lớn và một tia sét đánh vào tử cung của bà.

Cornelia African

Cornelia Africana là con gái của Scipio Africanus - người nổi tiếng với chiến thắng chống lại Hannibal trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai. Bà qua đời năm 100 trước công nguyên, hưởng thọ 90 tuổi. Bà được người La Mã nhớ đến như là một nhân vật mẫu mực về đạo đức.
Mặc dù bà sinh 12 người con nhưng chỉ có 4 người sống sót đến khi trưởng thành. Khi chồng qua đời, bà đã không tái hôn và một mình nuôi dạy con cái. Hai người con của bà là Tiberius và Gaius đã tham gia tranh luận cải cách chính trị và lần lượt bị thượng viện La Mã giết hại. Khi Cornelia qua đời, người ta đã làm một bức tượng để tưởng nhớ bà.

Aurelia Cotta

Aurelia Cotta sống từ năm 120 - 54 trước công nguyên. Bà là mẹ của vị tướng tài ba Julius Caesar. Chồng qua đời sớm nên bà Cotta một mình nuôi Caesar và hai con gái.
Bà cũng nuôi nấng con gái của Caesar là Julia sau khi con dâu Cornelia Cinna qua đời. Aurelia được đánh giá là một phụ nữ thông minh và độc lập. Bà đã đứng ra yêu cầu nhà độc tài Sulla tha mạng cho Caesar khi con trai bà không nghe theo lệnh bỏ vợ của nhà lãnh đạo Sulla.





Cleopatra (1/69 TCN – 12/8/30 TCN)

Cleopatra VII Philopator, nữ hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại, và là nhà cai trị người Hy Lạp cuối cùng ở Ai Cập.
Là một người đàn bà đẹp mê hồn của Ai Cập từ hơn 2.000 năm trước, Cleopatra trở thành nữ hoàng khi mới 18 tuổi nhưng bà đã cai trị thành công đất nước Ai Cập.
Không chỉ đẹp, Cleopatra còn có một trí thông minh tuyệt vời, tầm hiểu biết sâu rộng và khả năng thuyết phục có một không hai.
Với mối tình tay ba với hai người hùng của La Mã cổ đại: Hulius Caesar – vị Thống soái La Mã (100-44 trước Công Nguyên (TCN) và Antony – một trong ba người chấp chính của La Mã những năm 82-30 TCN, Cleopatra đã không chỉ bảo vệ được lợi ích cho đất nước Ai Cập mà còn ngăn cản không cho người La Mã chiếm đoạt Địa Trung Hải. Sau này, Blaise Pascal – nhà toán học, vật lý học, triết học và nhà văn Pháp đã nói: “Nếu cái mũi của Cleopatra dài thêm một chút thì cục diện thế giới sẽ thay đổi”.


Livilla

Livilla sinh năm 13 trước công nguyên và là chị gái của hoàng đế Claudius. Claudius đã liên tục bị mẹ chế giễu cũng như bị chị gái Livilla khinh bỉ. Livilla trông chờ vào một ngày trở thành hoàng hậu sau khi bà kết hôn với cháu trai của Augustus là Gaius. Tuy nhiên, Gaius bị giết chết khiến mộng tưởng của bà tan vỡ.
Sau đó, bà nổi tiếng với cuộc tình bí mật với Sejanus và cố gắng đưa người này nắm được nhiều quyền lực hơn. Sejanus là trưởng pháp quan của hoàng đế Tiberius. Khi hoàng đế Tiberius rời bỏ thành Rome và bắt đầu chuyến hành trình thám hiểm những hòn đảo ở Capri, Sejanus dần dần đạt được nhiều quyền lực hơn. Khi đó, Livilla đã kết hôn với con trai Tiberius là Drusus.
Khi Drusus qua đời, không ai nghi ngờ gì. Tuy nhiên, sau đó, người ta phát hiện ra rằng, Livilla và Sejanus đã thông đồng với nhau khi đầu độc Drusus. Hai người đã lên kế hoạch kết hôn với nhau. Tuy nhiên, mẹ của Livilla đã viết thư cho Tiberius và nói rằng, con gái bà và người tình đang cố gắng lật đổ ông. Do đó, Sejanus và các con cùng những người đi theo bị hoàng đế Tiberius kết án tử hình. Còn đối với Livilla, hoàng đế Tiberius đã nhốt bà trong một căn phòng và bỏ đói cho đến khi chết.


Agrippina (15 SCN - 59 SCN)

Nữ hoàng La Mã cổ đại, vợ hoàng đế Claudius và mẫu hậu của hoàng đế Nero
Agripina Con sinh ra trong một gia đình quyền lực nhất La Mã bấy giờ. Mẹ cô thuộc dòng dõi hoàng đế Augustus. Cha Agripina Con là Germanicus (hoàng đế Tiberius) - là một tướng lĩnh nổi tiếng. Cha bị ám sát khi nàng mới 3 tuổi và Agripina Con lớn lên trong "bầu không khí đáng sợ của ác tâm, ngờ vực và tàn bạo". 
Sau cái chết đột ngột của cha, Agrippina Con lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ và bà cố, những mệnh phụ phu nhân quyền lực nhất La Mã. Năm 13 tuổi, nàng được hoàng đế Tiberius (bác ruột, và là bố nuôi của cha cô) gả cho Gnaeus Domitius Ahenobarbus. Họ có một người con trai là Lucius Domitius Ahenobarbus, người sau này sẽ trở thành hoàng đế Nero.
Khi hoàng đế Tiberius qua đời, anh ruột của Agrippina vì là con trai của người kế vị nên được nối ngôi. Đó là hoàng đế Caligula. Caligula đã lập người em yêu quý của mình là Drusilla lên làm phi tử đồng thời có quan hệ loạn luân với Agrippina con. Không lâu sau, Agrippina con bị thất sủng, nàng đã tham gia vào vụ mưu sát hoàng đế Caligula để đưa người anh rể Lepidus lên ngai vàng. Chuyện bất thành, Lepidus bị giết, còn Agrippina bị đày ra một hòn đảo.

Sau 18 tháng bị lưu đày, Caligula bị ám sát, Claudius 50 tuổi lên ngôi đã đón cháu gái Agrippina trở về. Nàng tiếp tục những toan tính, mưu đồ nhằm tranh đoạt quyền lực.    
Khi trở về, chồng nàng đã chết, hoàng đế đã thu xếp cho chồng của Domitia (người cô đã nuôi nấng con trai nàng), một người rất có thế lực, ly dị để cưới nàng. Ít lâu sau, người chồng cực kỳ giàu có này đột tử. Người ta cho rằng chính Agrippina đã dùng thuốc độc để hạ sát chồng bởi sau đó, nàng trở thành chủ sở hữu lãnh địa rộng lớn cùng tài sản khổng lồ.
34 tuổi, Agrippina trở thành hoàng hậu La Mã, vợ của chính chú ruột mình, sau khi người vợ trước của ông bị xử tử. Dù vấp phải nhiều sự phản đối cho mối quan hệ loạn luân này nhưng cuộc hôn nhân vẫn được tiến hành.
Agrippina - góa phụ xinh đẹp được hoàng đế sủng ái đặc biệt. Hoàng đế Claudius đã có khá nhiều con với những người vợ trước, trong đó có một con trai còn sống là Britannicus. Thế nhưng Agrippina vẫn thuyết phục được nhà vua nhận con riêng của mình làm người kế vị. 
Để đảm bảo ngai vàng cho con mình trong tương lai, nàng thẳng tay diệt trừ tất cả những người cản trở, bằng đủ thủ đoạn vu cáo, hãm hại. Các đối thủ của nàng kẻ bị giết, người bị tịch biên gia sản và lưu đày, người uất ức tự sát. Agrippina được xem là người phụ nữ có lòng tham không đáy với địa vị và quyền lực. Thậm chí, để con trai không làm theo ý thích, không lấy một cô gái là nô lệ, Agrippina có ý định thực hiện hành vi loạn luân với con trai. Kết cục của người phụ nữ tàn độc là bị chính con trai bà – Nero tìm mọi cách giết mẹ vì cho rằng Agrippina chính là nguồn gốc của mọi sai lầm trong cuộc đời ông. 



Boudica (mất khoảng năm 60-61 SCN)

Boudicca là nữ hoàng của bộ tộc Iceni, miền đông Anh trong thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên và đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy lớn chống lại quân đội hùng mạnh của La Mã. Mặc dù rất nhiều người bản địa căm ghét sự chiếm đóng của lực lượng La Mã nhưng một số người vẫn cộng tác với chúng và bộ tộc Iceni dưới sự lãnh đạo của chồng Boudicca, Prasutagus, là một trong những "vương quốc chư hầu".
Tuy nhiên, khi Prasutagus qua đời, người La Mã thấy không cần thiết phải tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào với ông và nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực. Khi Boudicca chống đối, bà bị đánh đập và bị ép phải chứng kiến cảnh các con gái bị hãm hiếp.
Boudicca đã tập hợp quân đội và thu hút sự tham gia của các bộ tộc khác vốn cũng muốn trừ khử người La Mã. Bà đã đánh bại được người La Mã trong các trận chiến lớn ở Colchester, London và St Albans trước khi chịu thua trước lực lượng vượt trội của kẻ thù. Nữ hoàng của người Iceni được cho là đã tự vẫn bằng chất độc nhằm tránh bị bắt giữ và làm nhục bằng cách dẫn giải khắp các đường phố ở Rome trước khi bị hành hình.

Lucilla

Lucilla sinh vào khoảng năm 150. Tới năm 14 tuổi, bà đã kết hôn với người đồng cai trị với cha mình là Lucius Verus. Sau khi Lucius Verus qua đời, Lucilla tái hôn và chu du nhiều nơi với người chồng thứ hai là Marcus Aurelius. Bà đã cùng ông tham gia chiến dịch quân sự Danube.
Sau khi người chồng thứ hai của Lucilla qua đời, Commodus trở thành hoàng đế. Trong thời gian hoàng đế Commodus cầm quyền, Lucilla cùng với cháu trai, con gái mình và hai người em họ lên kế hoạch ám sát nhà vua nhưng thất bại. Sau đó, cháu trai và những nam giới tham gia kế hoạch ám sát bị phán tội chết thì Lucilla cùng con gái và hai em họ bị trục xuất đến Capri. Một năm sau đó (năm 182), Commodus đã xử tử Lucilla và những người còn lại.


Irene Sarantapechaina

Irene Sarantapechaina là hoàng hậu của đế chế Byzantine, cầm quyền từ năm 797-802. Bà là vợ của hoàng đế Leo IV. Sau khi chồng qua đời, bà nắm quyền nhiếp chính kể từ đó. Mặc dù vợ chồng hoàng hậu Sarantapechaina có một người con trai có thể nối ngôi báu nhưng bà đã nắm lấy quyền xử lý triều chính bằng cách bắt giam con trai. Hoàng hậu Sarantapechaina có một thói quen đặc biệt đó là gọi bản thân là "hoàng đế" thay vì được gọi theo đúng ngôi vị của mình.



Eleanor vùng Aquitaine (1122 – 1/4/1204)

Là người con gái vùng Aquitaine nước Pháp, sau là nữ hoàng của cả nước Pháp (vợ vua Louis VII) và nước Anh (vợ vua Henry II), thân sinh vua Richard I của Anh.
Eleanor sinh ra trong một gia đình quyền quý, cha là William X - công tước xứ Aquitaine, mẹ là Aenor de Châtellerault. Sau khi cha qua đời, bà chính thức kế vị và thừa hưởng tài sản của cả gia đình khi mới 15 tuổi với tước hiệu Nữ công tước xứ Aquitaine và Bá tước của Poitiers. 
Năm 1137, bà thành hoàng hậu Pháp khi kết hôn với vua Louis VII. Bằng tài năng của mình, bà đã biến Aquitaine thành một trong những thành phố tri thức và văn hóa lớn nhất Tây Âu thời Trung cổ. Eleanor cũng là nhân vật chủ chốt phát triển hiệp định thương mại giữa Tây Âu, Constantinople và Thánh Địa. 
Sau khi chấm dứt cuộc hôn nhân với Louis, đến năm 1154, bà lại bước lên cương vị hoàng hậu của Henry II, Anh Quốc. Eleanor cùng 3 người con trai của mình bị giam suốt 16 năm để con trai khác của bà, Richard, nổi dậy chống lại chồng bà.
Sau khi cuộc nổi dậy thành công, con trai ngay lập tức thả mẹ mình. Người phụ nữ nay đã thành góa phụ nhưng sở hữu tài sản khổng lồ với quyền nhiếp chính khi con trai tiến hành cuộc thập tự chinh thứ 3. Tính ra, Eleanor của Aquitaine đã sống thọ hơn tất cả các con của mình, trừ vua John và Eleanor, nữ hoàng của Castile.

Queen Mary I (1516-1558)

Thế kỷ 16 là thời kỳ khó khăn nhất của nước Anh dưới sự trị vì của Nữ hoàng Mary I, một tín đồ Gia-tô cuồng bạo. Là con gái vua Henry VIII - ông vua đa tình và tàn bạo, nổi danh vì chém đầu vợ, Mary thậm chí còn vượt xa cha mình về độ tàn ác đến nỗi dân chúng phải phong cho bà biệt danh “Mary đẫm máu”. 
Sau khi trở thành Nữ hoàng, Mary kiên quyết phục hồi Gia-tô giáo và quyền lực của Giáo hoàng ở Anh quốc bất chấp mọi chỉ trích chống đối. Một trong những tội ác kinh hoàng của Nữ hoàng Mary I trong lịch sử nước Anh là lệnh thiêu sống 300 người trên giàn lửa đỏ giữa những tiếng la hét vang dội cả một góc trời.
Trong suốt thời gian nắm quyền hành, bà thực sự đắm chìm trong thú tiêu khiển thiêu sống những ai chống đối. Ngay cả những vị chức sắc trong Giáo hội Anh như Tổng giám mục Cranmer, Nicolas Ridley, Hugh Latiner… đều cùng chung số phận, lần lượt bị Mary I ra lệnh đóng vào cột gỗ dựng giữa quảng trường và thiêu sống vì họ đã lớn tiếng chống đối những hành động ngang ngược của bà. 
Sau khi kết hôn với vua Philip II - một bạo chúa nổi danh của Tây Ban Nha, Mary như cá gặp nước, học thêm được nhiều phương thức giết người mới. 
Về cuối đời, bà sống một cách âm thầm, cô độc trong tuyệt vọng và ân hận trong một lâu đài ít người thân thăm viếng và thường xuyên được nghe những lời than oán, nguyền rủa của dân chúng nói về bà. Theo nhiều lời kể lại, trước khi chết, Mary I còn quằn quại rên xiết rằng: “Ôi! Máu, máu! Máu ngập cả người ta!”.



Elzabeth Báthory (7/8/1560 – 21/8/1614)


Nữ bá tước người Hungary, được mệnh danh là “Blood Countess”, nổi tiếng vì tội ác tra tấn và giết hại hơn 600 người.

Theo ước tính, đã có hơn 600 cô gái trẻ là nạn nhân của con người khát máu này theo đúng nghĩa đen. Sinh trưởng trong một gia đình lâu đời và quyền quý bậc nhất lúc bấy giờ, Elizabeth đã sớm kế thừa dòng máu tàn ác và bệnh hoạn của dòng họ Báthory truyền thống.
Dòng họ này vốn chỉ cho phép kết hôn với những người trong cùng gia tộc. Chính sự tàn ác đến ghê rợn của vị nữ bá tước này là một trong những nguồn cảm hứng cho Bram Stoker viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Bá tước Dracula". Tuy nhiên, khác với Dracula của Stoker, Elizabeth là có thật.
Chồng của Elizabeth là Ferenzce Nadasdy, thủ lĩnh quân đội Hungary, một người dũng cảm nhưng cũng rất nổi tiếng bởi sự tàn bạo. Do chồng thường xuyên phải vắng nhà và cũng bởi quá nhàn rỗi trong một lâu đài rộng lớn, Elizabeth tự tìm cho mình những thú vui để khuây khoả.
Một trong những thú vui mà con người này thích nhất là việc tra tấn các cô hầu của mình và biến lâu đài Csejthe thành lâu đài của tội ác. Sau khi chồng chết, cũng là lúc Elizabeth bắt đầu bước sang tuổi 40. Ả cố tìm mọi cách để che đậy những nếp nhăn đang xâm chiếm khuôn mặt mình, thế nhưng, nhan sắc vẫn ngày càng đi xuống.
Rồi một hôm, do sơ ý mạnh tay khi đang chải tóc cho Elizabeth, cô người hầu đã bị một cú tát mạnh đến nỗi máu mũi văng cả lên tay của Elizabeth. Nhận thấy những vết máu trên tay sau khi lau khô để lại một làn da khác hơn so với trước, Elizabeth ra lệnh cho những thuộc hạ thân tín đem cô hầu gái đó treo lên trên một cái vạc lớn và... cắt mạch máu, còn Elizabeth đứng dưới và... tắm.
Với quan niệm, nếu một ít là tốt, thì nhiều sẽ còn tốt hơn, càng ngày càng khát máu, có những lúc Elizabeth còn trực tiếp uống máu của những con mồi mà mình “săn” được.
Sự việc chỉ bị phanh phui khi vị “bá tước Dracula” này trở nên bất cẩn. Do giết hại quá nhiều người đến mức không tìm được cách giấu xác cho hiệu quả, ả ra lệnh quăng những cái xác ra khỏi bức tường bao quanh lâu đài. Mặc dù mang tội danh giết người hàng loạt, Elizabeth Báthory với tước vị và danh tiếng của gia đình chỉ bị kết án giam cầm suốt đời trong một tháp cao.



Elizabeth I (7/9/1533 – 24/3/1603)

Nữ hoàng nước Anh và Ireland (1558 – 1603)
Là một trong 9 vị nữ hoàng của nước Anh, Elizabeth I trị vì đất nước 45 năm. Elizabeth I không chỉ là người có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước Anh mà bà còn có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử thế giới. Elizabeth I là một phụ nữ tài năng về nhiều mặt: Chính trị; quân sự; ngoại giao và tập trung trí lực để trị vì đất nước.
Thời bà trị vì, nước Anh đạt được nhiều thành tựu vĩ đại cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Đặc biệt bà đã xây dựng hải quân Anh trở thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới. Bà không có gia đình riêng do những toan tính, cân nhắc đến những lợi ích quân sự, chính trị, ngoại giao giữa Anh và các nước lớn lúc bấy giờ là Pháp và Tây Ban Nha cũng như lợi ích của các tôn giáo đương thời. Bởi thế, suốt cuộc đời bà là một phụ nữ cô độc và trinh tiết. Elizabeth I mở ra cho nước Anh thời đại của một đế quốc phát triển. Sau này một đại quý tộc Anh từng nói: “Nước Anh tự hào vì có Elizabeth I”.



Christina của Thụy Điển (12/1626 – 19/4/1689)

Kristina Augusta, sau này là Christina Alexandra, nữ hoàng của Thụy Điển (1632 – 1654)


Thiên tài Juana Inés de la Cruz (1648-1695)

Juana Inés de la Cruz nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp, thông minh, có nhiều người ngưỡng mộ, muốn giành trái tim người đẹp nhưng tất cả đều bị từ chối.
Không hứng thú với hôn nhân, De la Cruz chọn cuộc sống của một tu sĩ. Năm 20 tuổi, bà gia nhập tu viện dòng thánh Jerome - nơi bà tiếp tục theo đuổi nguồn tri thức vô tận. Những cuốn sách chứa đựng vần thơ lãng mạn huyền bí, nhiều lời răn dạy, thư từ trao đổi và cả những vở kịch. Thậm chí, bà còn lập được một thư viện gồm khoảng 4.000 cuốn sách.
De la Cruz là một học giả uyên thâm trong một xã hội phân biệt giới tính trầm trọng, đặc biệt đối với giáo dục. Năm 1690, bà viết một bài phê bình bài giảng nổi tiếng của Antonio de Vieira theo yêu cầu của một giám mục. Đây là một cái bẫy. Vị giám mục đã cho công bố bài phê bình của bà với sự khiển trách nặng nề về việc dám thể hiện tri thức một cách công khai. Nhằm tăng phần sự sỉ nhục, bài viết được công bố dưới bút danh nữ - Sor Folitea de la Cruz.De la Cruz đã đáp trả và lời đáp trả này là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của bà: "Reply to Sor Filotea" (tạm dịch: Trả lời Sor Filotea). Tác phẩm đấu tranh cho quyền được học tập của người phụ nữ dựa trên cơ sở kiến thức và những sự kiện trong cuộc sống của bà. Nhưng mọi luận điểm đều không có ý nghĩa trong một xã hội như vậy. Bà buộc phải ký vào văn bản cam kết im lặng và dành cuộc đời để chiêm nghiệm tôn giáo.Vài năm sau đó, bà ngã bệnh và qua đời.

Dù tiếng nói của bà bị nhà thờ và xã hội quay lưng, nhưng những đóng góp của De la Cruz không hề nhỏ. Câu chuyện cuộc đời bà đã truyền cảm hứng cho công cuộc đấu tranh giành nữ quyền sau này.


Marta Elena Skavronskaya (15/04/1684 - 17/05/1727)

Marta Elena Skavronskaya chính là tên thật của nữ hoàng Nga Ekaterina đệ nhất, người vợ mà Pyotr đại đế, ông vua vĩ đại nhất nước Nga, yêu thương, trân trọng đến cuối đời.
Marta xuất thân trong một gia đình nông dân Latvia, cha mẹ mất sớm. Cô làm người giúp việc trong gia đình một vị giáo sĩ, và do không được học hành gì nên đến tuổi trưởng thành vẫn chưa biết đọc biết viết. Ở tuổi 17, cô trở thành người hầu của nguyên soái Boris Petrovich Sheremetev khi ông đóng quân ở đây. Một thời gian sau, Marta, lúc này đã đổi tên thành Ekaterina, lại trở thành gia nhân của đại thần Menshikov, một người bạn thân của Sa hoàng Pyotr đệ nhất và chính vì vậy, cô mới có cơ duyên gặp hoàng đế.
Năm  19  Ekaterina lot vào mắt xanh của Sa hoàng .Và chỉ một năm sau, năm 1704, Ekaterina đã sinh cho nhà vua một con trai. Đến khi 22 tuổi, bà đã có ba đứa con với Sa hoàng. Năm 23 tuổi, cô gái thôn dã trở thành người vợ thứ hai của Pyotr đệ nhất sau một đám cưới bí mật (nhà vua đã chia tay người vợ đầu tiên từ nhiều năm trước)
Không hề tỏ ra lấn lướt, nhưng Ekaterina có một uy lực lạ lùng với hoàng đế, một người oai phong có những cơn giận ghê gớm. Thế nhưng với vợ, nhà vua trở thành một cậu trai dễ bảo. Pyotr đại đế cần tới Ekaterina không chỉ ở sự chăm sóc chu đáo, mà còn cần cả trí tuệ thông minh của người phụ nữ từng không biết đọc biết viết này. Ông bàn bạc với vợ các dự định của mình, các vấn đề của đất nước. Những khi hoàng đế xuất chinh, bà thường tháp tùng chồng. Bà cũng cưỡi ngựa mấy ngày liền, ngủ trong lều giữa tiếng gầm của đạn pháo… như chưa từng sống trong cung điện xa hoa.Chính vì thế nên Pyotr ngày càng yêu thương Ekaterina sâu sắc và lo lắng cho bà. Bốn năm sau khi bí mật cưới bà, trước lúc lên đường đánh Thổ Nhĩ Kỳ, Sa hoàng đã giới thiệu Ekaterina với gia tộc, yêu cầu coi bà như hoàng hậu của nước Nga, và nếu ông chết, bà sẽ là quả phụ chính thức của ông. Sau chiến dịch đó, vào năm 1712, Pyotr đại đế làm đám cưới với Ekaterina lần nữa một cách thật hoành tráng để bá cáo thiên hạ, và bà chính thức trở thành hoàng hậu.
Họ có với nhau đến 12 đứa con, nhưng 10 lần phải cùng nhau chia sẻ nỗi đau con qua đời khi còn trứng nước. Và vào năm 1719, sau khi thái tử Alecxey (con người vợ trước của Pyotr) bị tử hình do làm phản, Sa hoàng chỉ còn duy nhất một con trai để nối dõi, đó là hoàng tử Pyotr Petrovich mới 2 tuổi do Ekaterina sinh ra. Nhưng đứa con này cũng nhanh chóng qua đời khiến Pyotr đại đế điên cuồng vì đau khổ, tuyệt vọng. Với tình cảm sâu sắc dành cho vợ, Pyotr thậm chí còn làm một điều cổ kim hiếm thấy: chia sẻ ngai vàng với người vợ của mình. Tháng 11 năm 1723, Pyotr đại đế ra chiếu ban tước vị Nữ hoàng cho Ekaterina, một quyết định mà nhiều người cho là nguy hiểm khi đặt một phụ nữ Latvia lên ngôi báu nước Nga. Sau lễ đăng quang vào tháng 1/1724, Ekaterina chính thức cai trị đất nước bên chồng. Để đề cao địa vị của vợ trước thần dân, trong lễ đăng quang, khi ông đặt vương miện lên đầu Ekaterina và bà xúc động quỳ xuống định hôn tay, Pyotr đã tránh ra và nâng bà đứng dậy.
Tháng 8/1725, Pyotr đại đế băng hà. Nhiều người muốn Ekaterina là người ngồi trên ngôi báu nước Nga, nhưng một số rất đông ủng hộ cháu nội của Pyotr và vợ cũ là hoàng tôn Pyotr Alexeevich. Trong đêm khuya, khi các bên đang tranh cãi thì quân cảnh vệ bao vây bên dưới. Quân lính hô lên, nhiều người đẫm nước mắt: "Cha chúng ta đã chết, nhưng mẹ chúng ta vẫn còn sống". Và với sức ép đó, quả phụ 42 tuổi của Pyotr đại đế đã thắng. Ekaterina đệ nhất cai trị nước Nga cho đến khi qua đời hơn hai năm sau đó.



Maria Theresa (13/05/1717- 29/11/1780)

Maria Theresa Walburga Amaliae Christina là nữ hoàng của Đế quốc La Mã Thần thánh, nữ hoàng của Hungary và công chúa nước Áo. 
Bà có tài năng đến nỗi Thánh chế La Mã Charles VI, đã thay đổi một số đạo luật để một phụ nữ như bà có quyền kế vị chứ không phải các anh em trai của bà sau khi ông qua đời.

Kinh tế, văn hóa của Đế quốc Áo phát triển mạnh dưới sự cai trị của nữ hoàng Maria Theresia. Ngoài việc đẩy mạnh giáo dục và chính trị tự do, bà còn bãi bỏ việc thiêu chết phù thủy, việc tra tấn và thiết lập nền giáo dục bắt buộc.
Bên cạnh đó, Maria Theresia còn tổ chức lại quân đội, cải thiện sức mạnh quân sự của nước Áo lên 200 phần trăm. Bà sở hữu vốn kiến thức sâu rộng về quân sự và chiến lược, thậm chí còn là một vị lãnh tụ quân sự sáng tạo hơn cả vị vua vĩ đại Friedrich II Đại Đế nước Phổ.
Đây cũng là người làm cách mạng trong ngoại giao khi năm 1756, liên minh với kẻ thù cũ là Pháp, để chống lại Phổ - Anh. Sau khi nhường ngôi cho chồng là Franz I (đế quốc La Mã Thần thánh) thì thực quyền cai quản đất nước vẫn nằm trong tay bà.
Maria Theresia được công nhận là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của vương triều Habsburg trong thế kỉ 18. 



Catherine the Great (Catherine II) (2/5/1729 – 6/11/1796)

Nữ hoàng trị vì nước Nga từ 1762 đến 1796
Một nhà sử học đã nói rằng: “Muốn tìm hiểu hệ thống tổ chức chính trị nước Nga, hãy tìm hiểu Catherine II”. Một cuộc đảo chính đã giúp bà thoát khỏi chồng là Pierre III (một vị vua kém cả về trí và lực). Catherine II không được chính thức lên ngôi nữ Hoàng đế vì bà không phải là người Nga mà chỉ là nhiếp chính cho con trai bà, lúc bấy giờ bà đã bước sang tuổi 35.
Đến Nga lúc 15 tuổi, là một phụ nữ tri thức, bà đã có những mối quan hệ với đại sứ các nước.


Sau khi lên cầm quyền, bà sử dụng chính sách “chuyên chế quân chủ khai sáng”, tập trung quyền lực ở Trung ương, cải cách trên nhiều phương diện, thúc đẩy xã hội phát triển. Catherine II có biệt tài lung lạc lòng người, vì thế bà luôn được mọi người ủng hộ kể cả những người có địa vị thấp kém trong xã hội. Trong 34 năm trị vì, Catherine II đã xây dựng quân đội Nga với 125 vạn quân, bà tự cầm binh đánh giặc 32 lần, mở rộng hải quân, phát triển công nghiệp vũ khí. Nhiều cuộc chiến tranh đã được bà khởi chiến và tiến hành như: chiến tranh xâm lược Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Điển... Năm 1775, bà cải cách toàn bộ bộ máy hành chính cấp tỉnh và huyện. Năm 1783, bà thành lập Hàn lâm viện Nga, khuyến khích việc in ấn, lo về giáo dục, xây dựng Luật học đường...


Bá tước phu nhân Du Barry (19/08/1743 -8/12/1793)

Du Barry có tên thật là Marie-Jeanne Bécu, sinh năm 1743, một cô gái thuộc tầng lớp thấp chuyên phục vụ khách đàn ông ở quán rượu. Có tài liệu cho rằng, mặc dù vậy, cô gái này tuy là người bình dân nhưng không hoàn toàn vô học bởi có cha là một tu sĩ. Hồi nhỏ, Marie-Jeanne được học ở trường dòng dành cho các bé gái.
Trong số khách làng chơi của  Marie-Jeanne Bécu có bá tước Barry, một người đàn ông đầy mưu mô và tham vọng. Ông nghĩ đến việc dùng Marie-Jeanne làm mồi nhử nhân vật quyền lực nhất nước Pháp: đức vua Louis XV. Và ngay trong lần gặp ‘tình cờ” đầu tiên với cô gái có thân hình nở nang, nóng bỏng này, nhà vua đã lập tức mê tít.
Xuất thân hèn kém của Marie-Jeanne là một cản trở đối với việc biến nàng thành người tình chính thức của đức vua, cho dù ngài có yêu nàng đến mấy. Vì thế, để tỏ “lòng trung”, bá tước Barry đã nghĩ ra một diệu kế: cưới nàng cho em trai ông ta là Du Barry, một người đầu óc đần độn. Thế là cô kỹ nữ Marie-Jeanne một bước thành bá tước phu nhân, đủ danh hiệu để ra vào hoàng cung và tham gia các bữa tiệc của giới quý tộc.
Để các cuộc đi về của đức vua giữa hoàng cung và tư thất nhà Barry không gây chú ý với thiên hạ và cả ông chồng bị cắm sừng, bá tước Barry đã cho đào một đường hầm thông đến tận phòng ngủ của hoàng đế để nữ bá tước có thể đến đó khi ngài “triệu”. Bất chấp xuất thân và học vấn ít ỏi của mình, nữ bá tước Du Barry hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống cung đình, tiếp thu hoàn hảo “tinh hoa bề ngoài” của nó để trở thành một quý bà duyên dáng trong chốn giao tế, biết nói chuyện, pha trò một cách phong nhã và quyến rũ, khiến đức vua càng tự hào và say mê. Trong những năm cuối đời, vị vua này chịu ảnh hưởng vô cùng to lớn của bà Du Barry. Thậm chí người ta cho rằng các quyết định tối quan trọng như nước Pháp tham chiến hay không tham chiến, nhà vua có đích thân xuất chinh hay không… đều được đưa ra từ gợi ý của nàng, dù lời khuyên đó khiến nhà vua khi thì được khen ngợi, lúc lại bị dè bỉu.Còn nữ bá tước xinh đẹp thì mặc sức dùng tiền của đức vua để ăn chơi, mua sắm, sửa sang lâu đài, cung điện.
Quyền lực của nữ bá tước lớn đến nỗi, ngay cả Marie Antoinette- công chúa nước Áo, vợ của thái tử, người sau này là hoàng hậu của vua Louis XVI, cũng đã phải chịu rất nhiều ấm ức mà không làm gì được. Chuyện kể rằng, khi mới về làm dâu hoàng gia Pháp, Marie Antoinette không chịu nói chuyện với bà Du Barry, cựu kỹ nữ, nhưng rồi vẫn phải thi lễ với bà do sự ép buộc của đức vua. Điều này khiến nàng cảm thấy nhục nhã cho thân phận công chúa của mình. Mâu thuẫn giữa thái tử phi và người tình của đức vua lớn tới mức Louis XV tuyên bố muốn cắt đứt mối quan hệ hòa hảo giữa Pháp và Áo, nên cuối cùng Marie Antoinette đành chịu nhún. Hoàng hậu tương lai của nước Pháp chịu cảnh bị ghẻ lạnh trong hoàng cung suốt một thời gian dài do ảnh hưởng của bà Du Barry.

Nhưng quyền lực của nữ bá tước đột ngột chấm dứt cùng với cái chết của Louis XV. Trước khi qua đời vì bệnh đậu mùa, ông vua ham sắc dục này đã ra lệnh đưa người tình vào nhà tu kín. Sau đó, không ai còn nghe nói đến người đàn bà ấy nữa.



 Marie Antoinette (2/11/1755 – 16/10/1793)

Maria Antonia Josepha Johanna von Habsburg-Lothringen, được biết đến nhiều hơn với cái tên Marie Antoinette, sinh ngày 2/11/1755 tại Vienne – thủ đô nước Áo, mất ngày 16/10/1793 tại Paris. Bà là công chúa của hoàng tộc Áo, công chúa hoàng gia của Hungari và xứ Bohême, công nương của thái tử và sau này là hoàng hậu của nước Pháp và Tây Ban Nha ( từ năm 1774 đến năm 1793). Bà kết hôn với Louis XVI của dòng họ Bourbon, vua của nước Pháp. Bà là em gái của Joseph II và Léopold II của Áo.
Trong lịch sử Pháp, hoàng hậu Marie Antoinette - hoàng hậu trẻ đẹp của triều đình Pháp thế kỷ 18 - thường được xem như một tội đồ phản quốc và phải chịu chung số phận với chồng (vua Louis XVI) khi chết dưới lưỡi đao máy chém ở độ tuổi 37. bà là hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp


Isabella I (10/10/1830 – 10/4/1904)

Được coi là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Tây Ban Nha.Trở thành Nữ hoàng khi 23 tuổi, Isabella I là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và dũng cảm. Bà là người có công lớn trong việc thống nhất Tây Ban Nha sau 700 năm phân tán đất đai (1492). Đặc biệt, bà đã đóng góp một vai trò hết sức quan trọng trong việc nhà thám hiểm hàng hải Columbus phát hiện ra châu Mỹ.
Bà đã ủng hộ kế hoạch của Columbus và cung cấp tiền để ông tiến hành chuyến thám hiểm về hướng Tây. Khi ông trở về, Nữ hoàng Isabella I cùng chồng đã tiếp đón ông và tiếp tục hỗ trợ để ông tiến hành thêm 3 chuyến đi biển đến châu Mỹ. Sự nhìn xa trông rộng và ủng hộ của bà kết hợp với ý tưởng táo bạo của Columbus đã giúp phát hiện ra được một châu lục mới, khiến cho phần lớn châu Mỹ sau đó trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha và Châu Âu.

Victoria (1819 - 1901)

Alexandrina Victoria, là nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh và Ailen từ năm 1837 và là Nữ hoàng Ấn Độ đầu tiên của Đế chế Anh từ năm 1876 cho tới khi bà qua đời.
Sự cai trị của bà với tư cách nữ hoàng kéo dài hơn sự trị vì của bất cứ vị quân chủ Anh  nào trước đó. Victoria cai trị trên 400 - 458 triệu người trong suốt triều đại của mình. 
Giai đoạn với tâm điểm là thời kì trị vì của bà được biết đến với tên gọi "Thời đại Victoria", một thời kì với những tiến bộ công nghiệp, chính trị và quân sự tại Vương quốc Anh.
Thậm chí, mãi đến sau này, "thời đại Victoria" còn ảnh hưởng đến thái độ bảo thủ tôn giáo, xã hội, thời trang, chính trị ở đất nước bà cũng như tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác.


Alexandra Fedorovna (06/06/1872-17/07/1918)

Hoàng hậu nước Nga.Alexandra Fedorovna sinh tại Đức, lớn lên ở Anh và theo đạo Tin lành. Nhưng vì tình yêu, bà trở thành một người Nga thực sự. Hoàng hậu có một tình yêu sâu sắc với nước Nga và luôn thể hiện điều đó trong suốt cuộc đời mình.
Alexandra được truyền tụng là một người vợ và người mẹ lý tưởng. Sau khi sinh con, bà dồn hết tâm sức để chăm chút cho con, tự tay cho con ăn, tắm cho chúng, chọn vú em cho con và luôn luôn ở trong phòng của các bé. 
Khi các con lớn lên, hoàng hậu lại dành toàn bộ thời gian trong phòng học, chỉ dạy cho các con học tập và bàn luận với các con về những chủ đề khó. Những khi rảnh rỗi, bà lại luôn tay thêu thùa, khâu vá hoặc vẽ tranh.

Dưới đôi bàn tay nhỏ bé ấy, những tác phẩm xinh xắn ra đời. Trong Thế chiến thứ I, bà cùng hai cô con gái đầu lòng làm việc trong các bệnh viện quân đội như những y tá thông thường của tổ chức Chữ thập Đỏ.
Hoàng hậu cuối cùng của Nga cũng được xem là người có cá tính mạnh mẽ, sắc sảo. Sa hoàng Nikolai II luôn tin tưởng vào trực giác tinh nhạy của hoàng hậu và sẵn lòng tùy theo quyết định của bà. 
Nikolai II và Hoàng hậu Alexandra là tất cả đối với nhau. Bản tính của hai người khác nhau, nhưng họ luôn cố gắng bù đắp những thiếu hụt. Sự cố gắng này được đền đáp xứng đáng. Hai người sống trọn đời bên nhau trong sự hòa hợp và thấu hiểu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved