Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

16 thg 12, 2013

Lý Trần Tình Hận - Ngô Viết Trọng - Chương 15 - Hết

Chương 15:

Trong cùng một giòng tộc, đời nào cũng có vài người rất giống nhau. Trường hợp Thái tử Hoảng và vương tử Doãn lại càng đặc biệt hơn: đã cùng giòng tộc bên nội lại cùng một mẹ. Hễ nhìn Thái tử Hoảng, Thuận Thiên hoàng hậu phải nghĩ ngay đến vương tử Doãn. Vẻ cười, lời nói, cách đi đứng chơi đùa của Thái tử hình như không khác chi vương tử Doãn ngày xưa. Điều đó làm cho hoàng hậu càng thương nhớ vương tử Doãn da diết. Mà nhớ đến vương tử Doãn, Thuận Thiên lại không sao tránh khỏi liên tưởng đến người xưa. Ở bên người chồng, nhất là với một người chồng đủ đức khoan dung nhân ái, lại nghĩ đến người khác, theo quan niệm đạo đức phương đông là một tội lớn.
Thuận Thiên phải cố giữ kín tâm trạng đó như bưng. Bà rất sợ xảy ra những vết rạn nứt khó lường đối với tình thương yêu của người chồng hiện tại! Mối mâu thuẫn đó cứ dày vò hoàng hậu Thuận Thiên mãi. Bà rất khó mở miệng để nói với chồng nỗi nhớ thương đứa con riêng của mình. Có lẽ sự dồn nén, bưng bít tâm tình quá độ cũng ảnh hưởng đến thể xác con người. Hoàng hậu mỗi ngày một héo hắt hao gầy. Vua Thái Tôn hết sức lo lắng, ngài đã chỉ thị ngự y săn sóc hoàng hậu hằng ngày. Khi rảnh rỗi vua thường ân cần đến thăm viếng hoàng hậu. Một hôm, vua hỏi hoàng hậu với giọng tha thiết: 
- Đạo người quân tử bắt nguồn từ vợ chồng, ta đã cố gắng hết mình để sống cho trọn đạo. Hậu có gì phiền muội về ta xin cứ thành thật tỏ bày. Ta lúc nào cũng hướng về điều phải. Chẳng lẽ hậu không tin ta sao? 
Thuận Thiên hoàng hậu thưa: 
- Hoàng thượng ở với thần thiếp từ trước tới nay thật không có điểm nào làm thiếp buồn được. Thần thiếp chịu ơn mưa móc của Hoàng thượng sâu dày lắm rồi. Sở dĩ thần thiếp có chút phiền muội nào đó thì thật hoàn toàn riêng tư. Hoàng thượng đã có lòng hỏi đến thần thiếp cũng xin thưa thật, thần thiếp nhớ vương tử Doãn lắm. Hoàng thượng cho vương tử vào thăm thần thiếp một lần thì mẹ con thiếp sẽ đội ơn hoàng thượng vô cùng. 
Vua Thái Tôn cười hiền hòa: 
- Ồ, tưởng chuyện gì. Cha mẹ nào chẳng có lòng thương con! Hậu đã muốn thì trẫm đâu nỡ ngăn trở! 
Thế là vua cho thái giám đi vời vương tử Doãn đến. 
* 



Khi vương tử Doãn đến Tây cung thì vua Thái Tôn đã ra về. Tuy lúc nào cũng thương nhớ mẹ, nhưng vì xa cách mẹ đã lâu, giờ mẹ lại đang ở ngôi cực quí, vương tử không giữ vẻ tự nhiên được: 
- Tiểu tử Trần Doãn xin bái kiến hoàng hậu nương nương! 
Hoàng hậu xúc động kêu lên: 
- Trời ơi, con của mẹ, chúng ta là mẹ con, con đừng khách sáo như thế! 
Mẹ con gặp nhau bao xiết mừng tủi. Hai người lại có dịp ôn lại thời quá khứ, từ khi vương tử Doãn còn là đứa bé như Thái tử Hoảng bây giờ. Đang thao thao nhắc chuyện cũ, Doãn bỗng cười nói với mẹ như khoe: 
- Mẹ ơi, ngày trước con có hứa sẽ trả thù cho mẹ, con vẫn nhớ mãi lời hứa đó và nhất định sẽ làm! Mẹ cứ yên chí! 
Thuận Thiên bỗng ngớ người ra. Thật tình, Thuận Thiên là người sống nhiều về nội tâm nhưng dễ tính, không sâu sắc, rất cam phận. Ngày trước trong cơn đau đớn khi nhiều người trong gia tộc mình bị thảm sát, bà xúc động nhất thời mà nói với con ý muốn trả thù. Bà cũng biết khi tức giận quá thì nói vậy chứ có muốn cũng không cách gì làm được. Bây giờ qua thời gian bà cũng quên dần chuyện đó, không ngờ con mình nhắc lại việc ấy. Thuận Thiên lặng người một chốc rồi hỏi lại: 
- Làm sao con nhớ chuyện đó kỹ vậy? 
Vương tử Doãn thưa: 
- Mẹ ạ, Phụ vương nhắc lại cho con. Con cũng hứa trả thù cho Phụ vương nữa! 
Thuận Thiên hoàng hậu sợ hãi hỏi kỹ lại trước sau. Vương tử Doãn bèn kể cho hoàng hậu nghe hết đầu đuôi chuyện cha nói với mình. Hoàng hậu cau mày chắc lưỡi: 
- Không ngờ chuyện lại rối rắm thế này! Con hãy nghe mẹ dặn đây! Mẹ không được ở gần con nên dù muốn ngăn cản con cũng không được. Mẹ chỉ biết khuyên con đừng bao giờ nói với ai những chuyện đó nữa! Con cũng phải khuyên cha con cẩn thận. Đừng có đem tâm sự gởi gắm cho ai quá dễ dàng không tốt đâu. 
- Thưa mẹ, con biết lắm chứ! Con chỉ nói với mẹ thôi! 
- Ừ, như vậy thì mẹ mới yên lòng! Cha con bây giờ sức khỏe ra sao? 
Vương tử Doãn rưng rưng lệ thành thật nói: 
- Người thương nhớ mẹ lắm, cứ bỏ ăn bỏ ngủ hoài nên sức khỏe hết sức suy tàn. Mỗi lần nhìn đến cha con lại thấy đau lòng. 
Hai dòng lệ từ từ lăn xuống gò má hoàng hậu. Bà lặng lẽ lấy khăn lau cho mình rồi lau cho vương tử Doãn. Xong, nàng ôm hôn lên đầu lên mặt vương tử Doãn một hồi... 
* 
Sau cuộc gặp mặt vương tử Doãn, trong lòng hoàng hậu Thuận Thiên lại nẩy sinh thêm nhiều nỗi buồn phiền. Bà lo sợ cho sự nông nổi của vương tử. Bà xót xa cho người chồng cũ đang gánh chịu bao nỗi cô đơn cay đắng. An Sinh vương là kẻ bị oan khuất thật tình chứ chàng có tội lỗi gì đâu? Chính bà cũng là kẻ bị ép uổng bỏ chồng cũ để theo chồng mới! Vậy tại sao bà không được quyền thương nhớ, lo lắng cho người chồng cũ? Khổ nỗi, người chồng mới của bà cũng đâu vướng mắc lầm lỗi nào! Người đó cũng rộng lượng, quân tử và cũng hết mực thương yêu bà! Vậy phải chăng nghĩ về người cũ thì lại mắc tội vong ân với người chồng hiện tại? Càng suy nghĩ hoàng hậu càng thấy trong lòng cứ mâu thuẫn rối bời... 
Tại sao lại vô lý đến thế được? Bà nghĩ từ cái vô lý này tiến sang cái vô lý khác. Tại sao bà phải khuất phục phụng sự một giòng họ đã tàn nhẫn tiêu diệt cả giòng họ của bà? Tại sao bà phải hi sinh để gầy giống cho họ Trần? Hình ảnh vua Huệ Tôn tức thiền sư Huệ Quang, cha của bà bị treo cổ lại cứ hiện ra trước mắt bà. Hình ảnh các ông, các bác, các chú của bà loi ngoi dưới hố đất chôn tập thể khóc lóc rên xiết cố trườn lên, bị bọn tay chân của Thái sư Trần Thủ Độ đạp vào mặt, dập lên đầu từng xẻng đất cứ hiện ra trước mắt bà... "Sao tôi khổ thế này?". Hoàng hậu bưng mắt lại, rồi gục mặt xuống gối khóc nức nở. 
* 

Càng ngày thân xác hoàng hậu Thuận Thiên càng khô héo. Ngồi lâu một chút là kêu chóng mặt, hoa mắt. Ăn uống không thấy ngon, không thấy thèm khát. Lúc nào bà cũng chỉ muốn được yên tĩnh. Các ngự y đã cố gắng chạy chữa nhưng vẫn không đem lại kết quả. Vua Thái Tôn bèn cho yết thị cầu nhiều danh y trong dân gian về chữa. Nhưng bệnh hoàng hậu vẫn vô phương. Sâm nhung quế phụ bồi bổ bao nhiêu hoàng hậu cũng chẳng khá lên được. Năm này qua năm khác, sức khỏe hoàng hậu vẫn mỗi ngày mỗi đi xuống. 
Đến năm Mậu Thân, bệnh của Thuận Thiên hoàng hậu đã đến giai đoạn nguy kịch. Bà nằm liệt giường không còn ăn uống gì được nữa. Vua Thái Tôn thương xót lắm, ngài càng đến thăm bà thường hơn. 
Một hôm khi vua Thái Tôn đến thăm, gặp lúc hoàng hậu khá tỉnh táo, bà thều thào nói với vua: 
- Thiếp bạc phước chắc không còn được sống để hầu hạ Hoàng thượng nữa. Trước khi nhắm mắt, thiếp xin Hoàng thượng một ân huệ cuối cùng, Hoàng thượng có bằng lòng chăng? 
Vua Thái Tôn buồn rầu nói: 
- Muốn gì ái hậu cứ nói, không cứ là một ân huệ, dẫu hậu muốn trăm ân huệ trẫm cũng bằng lòng. 
Đôi mắt hoàng hậu sáng lên vẻ cười. Bà thều thào nói tiếp: 
- Cảm tạ Hoàng thượng rộng lòng ban ân. Vậy, thiếp xin Hoàng thượng hai điều. Thứ nhất thiếp muốn được gặp mặt vương tử Doãn trước khi chết. Thứ hai, xin Hoàng thượng nghĩ đến tình cũ đối với Chiêu Thánh công chúa, đem gả nàng cho một người nào đó khá xứng đáng để nàng có chỗ nương dựa kẻo tội. 
Vua Thái Tôn nói: 
- Ái hậu cứ yên chí. Trẫm đã phong Trần Quốc Khang tước Tĩnh Quốc vương, rồi đây trẫm sẽ phong cho Trần Doãn tước Vũ Thành vương để cho chúng nở mặt nở mày với đời. Trẫm sẽ cho người đi vời Trần Doãn đến thăm ái hậu ngay. Còn việc Chiêu Thánh công chúa, trẫm cũng sẽ lo cho nàng hết sức chu đáo như ý ái hậu muốn. 
Hoàng hậu mừng rỡ nói: 
- Trần Doãn sẽ được bệ hạ phong tước Vũ Thành vương thật ư? Chiêu Thánh sẽ được bệ hạ gả cho một người chồng xứng đáng thật ư? Như vậy thiếp dầu có nhắm mắt cũng không còn gì ân hận nữa! Tạ ơn bệ hạ, tạ ơn bệ hạ! 
- Ái hậu cứ yên chí! Thôi, ái hậu nghỉ cho khỏe! Trần Doãn sẽ đến bây giờ! 



Vua Thái Tôn bước ra ngoài. Điều cầu xin của hoàng hậu làm ngài chợt bâng khuâng nghĩ về người cũ. Lâu nay ngài không hề gặp lại Chiêu Thánh công chúa. Người đàn bà tuổi bốn mươi không chồng không con lại mang trong người bao nhiêu nỗi tủi hận ấy bây giờ ra sao? Ngài biết những luật lệ khuôn phép thắt ngặt trong cung có thể làm cho những kẻ có tâm hồn phóng khoáng điên đầu lên được. Họ chỉ có một môn giải trí trường kỳ là bài bạc... Ngài biết trong cung có môn giải trí thông dụng nhất là lối chơi đổ "lục phú". Đó là một môn chơi quí phái, văn nhã, nhẹ phần ăn thua, và có thể nhiều người cùng tham gia được. Điểm hấp dẫn của môn chơi này là sự tranh Trạng, đoạt Trạng của nhau. Điểm hấp dẫn giật gân đó đã làm cho bao nhiêu "người đẹp già" ghiền ngồi đến niễng lưng, mục xương sống lúc nào không hay... 
Vua Thái Tôn sực nhớ trong một lần đang tâm tình với Thuận Thiên hoàng hậu, khi vua nói các bà trong cung hay chơi "lục phú" thì hoàng hậu thủ thỉ: "Xin bệ hạ thông cảm cho họ. Những người đàn bà trong chốn cung đình, ngoại trừ bọn nô tì lăng xăng công việc, đều phải "hưởng" một cái nhàn rộng lớn đến độ chán chường. Thêu thùa ư? Thêu thùa cũng chẳng làm được gì. Kể chuyện cho nhau nghe ư? Quanh quẩn mãi rồi cũng không còn chuyện để kể ngoại trừ chuyện bươi móc nhau. Phần đông chỉ biết tụ lại bên nhau cờ bạc để giết thời gian...". 
Không biết khi nói với ngài như thế, có phải chủ tâm Thuận Thiên muốn ngầm nhắc ngài lưu ý đến Chiêu Thánh công chúa? Một vị cựu Nữ vương, cựu hoàng hậu như Chiêu Thánh có thể hòa đồng được với hạng người nói trên không? 
Lời nói ấy đã từng làm vua Thái Tôn lo lắng, áy náy vô cùng. Điều chắc chắn ngài biết được là Chiêu Thánh đang chịu đựng một nỗi cô độc ghê gớm gậm xé trong lòng! Phải chăng nàng đang ở trong một địa ngục? Ta có thể đày đọa người từng thương yêu mình đến thế sao? Ta phải làm một cái gì để chuộc tội với nàng? 
May sao, sau khi Chiêu Thánh được Thái sư Thủ Độ thả lỏng, vua Thái Tôn biết được hằng ngày bà chỉ nghiên cứu kinh kệ hoặc miệt mài trong việc thêu thùa. Khi cần giải trí bà cũng chỉ dạo vườn chứ không làm gì khác. Tin tức đó đã làm vua Thái Tôn tạm an tâm. Ngài dự định sau khi nắm được thực quyền, ngài sẽ tìm một người xứng đáng để gả Chiêu Thánh công chúa. Giờ nghe Thuận Thiên hoàng hậu cũng có nguyện vọng như vậy, ngài rất hài lòng. 
* 
Hoàng hậu Thuận Thiên đang nhắm mắt thiêm thiếp thì vương tử Doãn bước vào. Vương tử quì xuống trước giường mẹ: 
- Hài nhi bái kiến nương nương hoàng hậu! 
Hoàng hậu hé mắt ra nhướng lên mừng rỡ: 
- Hài nhi thương yêu của mẹ đó à!... Cha con... 
Bà bỗng ngoẹo đầu lại nhắm mắt bất động. Có lẽ vì hoàng hậu bị xúc động quá độ mà ngất đi. Một người hầu vội lại gần quan sát cho rõ. Cô ta vẫy tay gọi một người hầu khác: 
- Đem cái gương lại đây! 
Cô ta cầm gương đưa trước mũi hoàng hậu chốc lát rồi khóc thút thít: 
- Hoàng hậu đi mất rồi! 
Vương tử Doãn hoảng hốt đứng dậy chồm người tới úp mặt lên thân thể hoàng hậu kêu thét lên: 
- Mẹ ơi! 
Và vương tử Doãn cũng ngất đi một hồi. 
Hôm ấy vương tử Doãn ở lại cung hoàng hậu cho tới khi việc tẩn liệm hoàn tất. Sau đó, vương tử về trình bày lại mọi việc với cha. An Sinh vương nghe xong lăn lộn gào khóc thê thảm. Vương ra lệnh cho tất cả mọi người trong vương phủ phải để tang cho hoàng hậu một thời gian ba năm. Có người khuyên can cho đó là việc làm không đúng nhưng vương không chịu nghe.


Chương 16:

Sau ngày Thuận Thiên hoàng hậu qua đời, An Sinh vương Trần Liễu quá đau khổ nên cũng sinh bệnh. Người vương mỗi ngày mỗi còm cõi. Nhiều lúc vương có những cử chỉ lẩn thẩn như người quẫn trí. Có một thời gian, ngày nào vương cũng kêu gào đòi trả thù. Vương tử Doãn quá thương cha nên bất chấp sự nguy hiểm, nhiều lần lập lại với vương lời hứa của mình. 
Một buổi sáng vương tử Doãn vào thăm An Sinh vương, thấy cha mặt mũi lem luốc, tóc tai bù xù, áo quần dơ dáy, nằm lăn lóc dưới nền nhà miệng lằm bằm vu vơ, vương tử kinh hãi kêu lên: 
- Người nhà đâu hết lại để cha ta ra thế này? 
- Dạ... dạ... 
Mấy người nhà lấm lét chạy đến. Vương tử Doãn vội vàng đến đỡ cha dậy. Nhưng An Sinh vương xô Doãn ra: 
- Hãy để cho cha sớm về gặp mẹ con! Dưới đó thằng giặc già Trần Thủ Độ không thể nào chia uyên rẽ thúy được nữa! 
Người nhà cho Doãn biết suốt đêm rồi vương cứ nằm ở đó mà khóc mãi. Những người muốn đỡ vương dậy đều bị vương đánh đập. Ai mở miệng khuyên lơn dỗ dành cũng bị vương nạt nộ mắng chửi đuổi đi. Thế rồi không ai dám làm phiền vương nữa, họ chỉ biết chia phiên nhau để canh chừng. Doãn năn nỉ với cha: 
- Cha hãy dậy tắm rửa ăn uống chứ sao lại tự làm khổ như thế! Cha phải giữ gìn sức khỏe cho chúng con vui lòng chứ! 
An Sinh vương quơ tay đánh Doãn: 
- Cút đi cho rảnh! Đồ bất hiếu! Ta chỉ biết Thuận Thiên công chúa! Hãy để ta sớm về với nàng! 
Vương tử Doãn cầm tay cha lại: 
- Cha không thương chúng con sao? Cha hãy nghe con vào tắm rửa, nghỉ ngơi... 
An Sinh vương vẫn giận dữ: 
- Chúng mày là một lũ bất hiếu! Cha mẹ chúng mày bị người ta làm nhục mà chúng mày không biết trả thù! 
Doãn nhìn thẳng vào mắt cha, dịu dàng nói: 
- Cha hãy nghe con đi. Con xin thề độc, con sẽ trả thù cho cha. Nếu trái lời gươm giáo sẽ phân thây con! 
Mọi người nghe vương tử nói thế đều sợ hãi. Riêng đôi mắt An Sinh vương lại ánh lên vẻ cười cảm động, hài lòng: 
- Vậy mới phải chứ, như thế con mới xứng là con hiếu của cha. Con phải giết tên giặc già Trần Thủ Độ ấy nhé! 
Vương tử Doãn gật đầu. Khi ấy An Sinh vương mới chịu im lặng để cho Doãn cùng mấy người nhà dìu vào bên trong tắm rửa. 
Vương tử Doãn rất lo lắng vì tình trạng liều lĩnh của cha mình. Nếu cứ để An Sinh vương nói năng lung tung như thế thì thế nào cũng có ngày mắc họa. Cũng may, một thời gian sau vương dần trở lại bình thường. Tuy vương vẫn không quên chuyện trả thù nhưng dần nói năng kín đáo dè dặt trở lại. 
Bình thường An Sinh vương ít nhắc chuyện hận thù với vương tử Tuấn. Qua cách ăn ở, cư xử với mọi người, vương tử Tuấn luôn tỏ ra là kẻ công minh chính trực. Ở vương tử Tuấn, An Sinh vương thấy cả một cái gì siêu phàm. Do đó vương còn ngần ngại mặc dầu vương rất kỳ vọng ở Tuấn. Hình như vương cũng nhột nhạt thấy lòng hận thù của mình hơi nhỏ nhoi trước vương tử Tuấn. Nhưng rồi một hôm, Vương cũng cho gọi vương tử Tuấn vào phòng riêng nói chuyện. 
- Thưa Phụ vương gọi con có việc gì dạy bảo? 
An Sinh vương buồn rầu nói với Tuấn: 
- Bây giờ con là kẻ đã nổi tiếng học cao hiểu rộng, cha muốn bàn với con vài chuyện.
Người ta ở đời, cái danh là quan trọng nhất. Vì khi ta chết rồi, nó vẫn lưu truyền đến hậu thế. Cho nên không thể khinh thường. Như cha đây, tiếng là một bậc vương hầu, nhưng cha phải gánh chịu rất nhiều nỗi oan khúc, nhục nhã ê chề. Những điều xấu nếu quả do ta gây nên ta cũng đành cam chịu. Đằng này ta chỉ bị kẻ khác đổ vấy. Có thể ta phải chịu tai tiếng oan muôn đời. Con là người có khả năng rửa hận cho ta, chẳng hiểu ý con thế nào? 
Vương tử Tuấn suy nghĩ rồi thưa: 
- Xin cha nói cụ thể hơn, con chưa thấy rõ vấn đề. 
An Sinh vương cúi gầm mặt, khép mắt trầm ngâm như cố nhớ lại một thời quá khứ, chốc sau ông nói: 
- Đời cha quả là cả một chuỗi dài cay đắng. Ban đầu, người ta dàn dựng nên vụ hiếp dâm cung nữ ở cung Lệ Thiên để triệt hạ uy tín cha. Sau đó người ta vu cho cha làm phản để tìm cách giết cha. Nhục nhã hơn nữa, người ta lại cướp mất người vợ yêu quí của cha. Con có bao giờ tưởng tượng nổi nỗi đau đớn của một người đàn ông bất lực không bảo bọc được người mình thương yêu, để nhìn kẻ khác nâng niu ôm ấp vợ mình không? Nỗi tủi nhục đó đã khiến cha muốn chết phứt từ lâu rồi. Nhưng cha vẫn gượng sống vì hi vọng ở các con, vì chờ đợi ở các con. Giờ đây nhắm mình chẳng còn sống bao lâu nữa nên cha đem tâm sự mà phó thác cho con. Cha tin rằng một người tài trí như con sẽ rất coi trọng chữ hiếu. 
Vương tử Tuấn thưa: 
- Thưa cha, con rất hiểu nỗi khổ tâm của cha. Và nỗi tủi nhục của cha cũng chính là nỗi tủi nhục của chúng con. Cha là đấng sinh thành, dĩ nhiên chúng con sẽ nghe cha hơn bất cứ ai hết trên đời này theo đúng đạo hiếu. Nhưng đây là vấn đề hết sức to lớn, không thể khinh xuất. Nếu con hứa bừa đi rồi làm liều như con thiêu thân hóa ra mình nông nổi, bất trí. Việc không thành tất nhiên để lại danh xấu, chỉ làm nhục thêm cho cha. Vậy, con xin phép cha cho con được tùy cơ ứng biến. Cha cứ tin tưởng con sẽ xứng đáng với lòng trông cậy của cha. 
Nghe con nói như thế, An Sinh vương rất hài lòng. Vương nghĩ Tuấn là người bụng dạ quân tử, đã hứa tất làm. Tuấn lại chín chắn, kín đáo, đầy cơ mưu, đã ra tay tất phải thành công. Vương cảm thấy thoải mái trong lòng như vừa tìm lại được một vật quí đã mất. Trên môi vương chớm lên một nụ cười chan chứa niềm tin. 
Những tưởng rằng nỗi sầu của vương sẽ vơi bớt phần nào. Nhưng chỉ vài ngày sau, những nỗi nhục nhã trong quá khứ lại đua nhau quay cuồng trong đầu óc vương. Vương lại tiếp tục lâm tình trạng mất ăn mất ngủ. Người vương gầy rạc ra một cách đáng sợ. Vương lại hay tìm chỗ vắng nói lảm nhảm một mình. Người ta vẫn nghe vương nhắc đến Thuận Thiên công chúa nhiều lần. Vua Thái Tôn nghe tin An Sinh vương tái phát bệnh, ngài cho ngự y sang thăm để hốt thuốc cho vương. Nhưng ngày qua tháng lại bệnh trạng vẫn không khá hơn. 
Sang năm sau thì bệnh vương chuyển sang chứng bại liệt. Việc đi đứng phải có người dắt dìu. Người vương khi mê khi tỉnh không thường. Nhiều lúc vương kêu khóc, than khổ. Nhiều lúc vương lại cười sằng sặc ra vẻ sung sướng: "Ta sắp được gần Thuận Thiên công chúa rồi! Phen này thằng giặc già Trần Thủ Độ làm sao mà chia uyên rẽ thúy được nữa?". Mỗi lần vương nói như thế, người chung quanh phải bưng miệng vương lại. Càng ngày vương càng nhắc đến Thuận Thiên công chúa nhiều hơn. Cảnh đó lại kéo dài đến hơn một năm. Hai vương tử Tuấn và Doãn hằng ngày thay nhau vào thăm nom sức khỏe của cha. 
Một hôm, trong trạng thái tỉnh táo hơn những ngày thường, vương bảo người hầu ra mời cả hai vương tử vào nói chuyện. Tuấn cùng Doãn vào đứng bên giường cha nằm để nghe dạy bảo. Vương thều thào: 
- Hai con đã từng hứa sẽ trả thù cho cha, phải không? Rất tiếc, cha không còn hi vọng trông thấy việc trả thù của hai con nữa đâu. Âu đó cũng là số phận. Tuy nhiên, cha rất biết tài của hai con, nhất là Tuấn, thừa sức làm việc đó. Các con phải hứa, sau này, nếu các con không vì cha mà lấy thiên hạ (cướp ngai vàng) thì cha chết không nhắm mắt được! 
Hai vị vương tử đều rưng rưng nước mắt cúi đầu chịu mệnh. 
Hình như vương đã gắng dồn hết tinh lực, dồn hết sự minh mẫn cuối cùng vào những lời trăng trối mấu chốt đó. Sau đó ông lại thiếp đi. Giữa khuya hôm đó ông lặng lẽ qua đời, chưa thực hiện được lời nguyện để tang ba năm cho công chúa Thuận Thiên. An Sinh vương sinh năm Tân Mùi*, mất năm Tân Hợi*, hưởng thọ* được 41 tuổi. 

Chương 17 :

Sau ngày An Sinh vương mất, tình hình nước Đại Việt bắt đầu chớm lên cơn sốt đao binh. Quân đội Mông Cổ hùng mạnh và hung tàn từ phương Bắc đã vượt Vạn Lý Trường Thành diệt được hai nước Kim, Tây Hạ rồi tấn công nhà Nam Tống dữ dội. Các nước lân cận của nhà Nam Tống đều phải rúng động run sợ. Triều đình nhà Trần lo xa liền ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Các vương hầu đều được phép tuyển mộ binh sĩ riêng, tập luyện cho tinh thục để phòng khi hữu sự. Lúc bấy giờ Trần Quốc Tuấn đã được phong tước Hưng Đạo vương, Trần Doãn được phong tước Vũ Thành vương. 
Cái lệnh cho phép các vương hầu được tùy tiện tuyển mộ binh sĩ để phòng lúc nguy biến làm Vũ Thành vương Trần Doãn hết sức vui mừng. Ông đã bỏ ra rất nhiều của cải dùng vào công việc ấy. Ngày nào ông cũng chuyên chú luyện tập cho quân sĩ. Chẳng bao lâu ông có một đạo quân khá thuần thục. 
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thấy em mình khổ công như vậy thì hiểu ý ngay. Là anh em, ông biết khá rõ tài năng của Vũ Thành vương. Bình sinh Vũ Thành vương rất yêu thương cha, ít khi làm gì trái ý cha mình. Ông rất lo sợ nếu Vũ Thành vương vì lời dặn của cha mà gây ra một biến cố. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, câu tục ngữ ấy mang ý nghĩa thiết thực nhất trong giai đoạn này. Một hôm ông đến thăm Trần Doãn tại tư thất. Khi anh em cùng ngồi uống trà, Trần Doãn hãnh diện hỏi anh: 
- Vương huynh thấy đệ tập luyện chuyên cần như vậy liệu có giúp vương huynh làm nên việc lớn không? 
Hưng đạo vương Tuấn nghiêm nghị nói: 
- Tập luyện như vậy thì tuyệt lắm. Nhưng vấn đề làm nên việc lớn hay không thì phải tùy. Vương đệ có bao giờ tiết lộ ý định mình với thuộc hạ chưa? Chớ bao giờ đem tâm sự mà phó thác cho ai nhé! Khó lắm. 
- Vương huynh khỏi lo. Em chưa từng tiết lộ lòng mong muốn của cha với ai hết. Thế vương huynh nói vấn đề làm nên việc lớn hay không thì còn tùy nghĩa là thế nào? Đây không phải là cơ hội trời giúp ta sao? 
- Tùy thuộc nhiều yếu tố, nhiều trường hợp. Trong trường hợp hiện tại, vương đệ chỉ có thể hợp tác chặt chẽ với triều đình mới phát huy được tối đa khả năng của đạo quân này. Bằng ngược lại, huynh e rằng... 
Vũ Thành vương nôn nóng không để anh mình nói hết lời: 
- Vương huynh đã rõ, cha đã hết lòng trông cậy ở chúng ta. Vương huynh cũng đã từng hứa với cha, cớ sao bây giờ vương huynh có vẻ đổi thay như vậy? Em nghĩ chắc vương huynh không nỡ phụ lòng cha! 
Hưng Đạo vương ôn tồn: 
- Em đừng nóng, để anh lý giải sự việc cho em nghe. Hiện giờ quân Mông Cổ là giống giặc tàn bạo nhất đang đe dọa ngoài biên. Dân chúng mỗi ngày giật mình không biết mấy lần. Tất cả đều trông cậy vào sự che chở của triều đình. Nếu chúng ta đi ngược lại triều đình tức chúng ta đi ngược sự trông cậy của toàn dân. Như thế là chúng ta tự cô lập mình vậy. Hơn thế nữa, chúng ta có thể làm tan cái thế đoàn kết của quốc dân. Tạo cơ hội cho kẻ thù tiêu diệt dân tộc Đại Việt, đưa dân Đại Việt vào gông cùm nô lệ. Nếu không may xảy ra chuyện như vậy, chúng ta sẽ trở thành kẻ có tội rất lớn với dân tộc... 
- Em đồng ý với anh điểm đó nhưng làm ngược lại lời cha thì em không chịu được. Thế thì chúng ta phải làm thế nào? 
- Em có tin chắc nếu thi hành ý muốn của cha là rửa nhục được cho cha không? Anh không hoàn toàn dám nghĩ như thế. Kẻ trí hành động phải nghĩ kỹ đường tiến thoái. Nếu hành động mà thất bại, tất nhiên con cháu bị tru lục hết. Khi đã hết người để hương khói cho tổ tiên thì cái tội bất hiếu ai gánh cho đây? Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại, trong trường hợp đó mình có dám hãnh diện vì đã hiếu với cha hay không? Hay mình mang tiếng làm điếm nhục tổ tiên? 
Vũ Thành vương im lặng cúi đầu suy nghĩ. Hưng Đạo vương nói tiếp: 
- Thôi được, anh xin kể cho em nghe câu chuyện một người xưa đã làm trái lời trăng trối của cha già mà vẫn được người đời ca tụng là có hiếu nhé: 
Ngụy Thù là một danh tướng nước Tấn thời Đông Châu. Khi đã trọng tuổi, Ngụy Thù tuyển được một người thiếp rất đẹp, tên nàng là Tổ Cơ. Nàng Tổ Cơ ngoài sắc đẹp, còn biết cách ăn ở, tâm đầu ý hiệp với Ngụy Thù nên Ngụy Thù thương quí lắm. Thấy mình đã già, lại hay đi trận mạc, sợ lỡ một mai bất ngờ không về thì tội nghiệp Tổ Cơ nên Ngụy Thù thường dặn con là Ngụy Khỏa: 
"Khi ta mất rồi, con hãy tìm một người tốt mà gả Tổ Cơ để nàng có nơi nương tựa!". 
Ngụy Khỏa hứa xin tuân mệnh. 
Nhưng Ngụy Thù không chết trận. Về sau, ông đau liệt giường một thời gian. Khi sắp mất, ông gọi Ngụy Khỏa đến dặn: 
"Khi ta chết, con hãy đem Tổ Cơ chôn chung xuống huyệt với ta cho có bạn!". 
Ngụy Khỏa nghe cha dặn tuy ý ngược lại mấy lần dặn trước nhưng cũng cúi đầu vâng chịu. 
Thế nhưng khi Ngụy Thù mất, Ngụy Khỏa không đem Tổ Cơ chôn theo cha như di mệnh. Người em Ngụy Khỏa là Ngụy Kỳ thắc mắc: 
"Tại sao anh không đem Tổ Cơ chôn như lời cha dặn?" 
Ngụy Khỏa giải thích: 
"Bình thời cha vẫn dặn anh khi người khuất núi, hãy đem Tổ Cơ gả cho một người tốt để nàng có nơi nương tựa. Đó là lời lúc trí óc người đang sáng suốt. Khi cha gần mất, người lại dặn phải đem chôn Tổ Cơ theo người, chẳng qua là lời nói lúc người trí óc đã hôn ám, không nên tin cậy". 
Sau đó, Ngụy Khỏa đã gả Tổ Cơ cho một người đàn ông tốt có chút danh phận. 
Khi chiến tranh giữa hai nước Tấn và Tần tái diễn, Ngụy Khỏa đã gặp phải tướng của nước Tần là Đỗ Hồi có sức mạnh vô cùng, người Tấn không ai địch nổi. Một hôm Ngụy Khỏa đang khốn đốn vì chạm mặt Đỗ Hồi giữa trận tiền thì con ngựa Đỗ Hồi cỡi đột nhiên chân bị vướng cỏ ngã lăn làm Đỗ Hồi văng xuống đất. Ngụy Khỏa nhân đó chém được Đỗ Hồi. Đêm đó Ngụy Khỏa mộng thấy một ông già xưng là cha của Tổ Cơ đến viếng. Ông nói vì cảm nghĩa Ngụy Khỏa không chôn sống con gái mình nên ông kết cỏ làm cho ngựa Đỗ Hồi vấp ngã, giúp Ngụy Khỏa trừ được Đỗ Hồi để đền ơn. Việc đó đã chuyển họa thành phúc cho gia đình Ngụy Khỏa và cho cả nước Tấn. Em nghĩ cái kết quả ấy có thống khoái không? Đó cũng là sự giải thích cái điển tích "Kết Cỏ" vậy! 
Vũ Thành vương nghe chuyện xong nêu ý kiến: 
- Chuyện nghe được nhưng đoạn kết có vẻ hoang đường! 
Hưng Đạo vương nói: 
- Có thể em nói đúng. Nhưng điều thực tế chắc chắn là không ai chê trách hành động của Ngụy Khỏa được. Trường hợp chúng ta, anh không dám nghĩ cha trăng trối lúc cha không bình thường đâu nhé. Anh chỉ cho rằng lúc ấy đất nước đang thái bình nên cha nghĩ thế. Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Nước ta có câu ngạn ngữ "Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết!". Mình không thể vì ý riêng mà vô tình tiếp tay cho giặc. Em có đồng ý như thế không? Vậy, tạm thời mình khất nợ với cha để tránh chuyện có thể dìm cả dân tộc mình xuống hố diệt vong vậy! 
Vũ Thành vương buồn rầu thưa: 
- Vương huynh vì nước nghĩ như vậy thì thật là cao thượng. Nhưng hai anh em mình đã trót hứa với cha, nhất là em đã thề độc không đội trời chung với tên giặc già Trần Thủ Độ, không lý bây giờ em lại tiếp tay củng cố cho bạo quyền của y! Vậy, em xin giao lại vương huynh cái đạo binh mà em đã dày công huấn luyện thuần thục đó để vương huynh sử dụng. Em sẽ tính đường khác. 
Hưng Đạo vương ái ngại nhìn em: 
- Em giao đạo binh em đã dày công đào tạo đó cho anh à? Vậy em sẽ làm gì? 
Vũ Thành vương nghiêm nghị nói: 
- Vương huynh, ý định của em khi tuyển mộ một đạo binh riêng thật sự chỉ vì muốn thực hiện lời hứa với cha. Bây giờ vương huynh đã dạy cho em thấy được lẽ lợi hại và trách nhiệm trong việc làm của mình, em rút lui ý định ấy. Nhưng phải tuân phục mệnh lệnh kẻ thù thì em không chịu nổi, mà không tuân phục tức phải dễ dàng đi đến làm phản, cho nên em đã có chủ ý riêng. 
Hưng Đạo vương thấy em mình nét mặt có vẻ căng thẳng thì nói lảng sang chuyện khác. Vũ Thành vương Trần Doãn đã bỏ ý định chống lại triều đình là ông mừng rồi. Ông tin chắc một cuộc nổi dậy giữa lúc này chỉ là một vụ thiêu thân. Thái sư Trần Thủ Độ tuy độc tài, hung bạo, nhưng ông rất giỏi cầm quân. Vả lại, vua Trần Thái Tôn rất được lòng quan quân lẫn dân chúng. Áp lực của kẻ thù hung hãn bên ngoài lại càng làm cho mọi người cần xích lại gần nhau. Bất cứ một vụ nổi dậy nào cũng chỉ làm cho tiềm lực quốc gia suy yếu đi, đưa quốc gia tới chỗ làm miếng mồi ngon cho lũ ngoại xâm thôi. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, đây là lúc câu châm ngôn này biểu lộ ý nghĩa rõ rệt nhất. Hưng Đạo vương không muốn để một nhân tài đứng ra ngoài cuộc chiến tranh chống ngoại xâm sắp tới. Ông vẫn mong Vũ Thành vương trở thành một cột trụ của nước nhà. Nhưng lúc này chưa tiện thuyết phục Vũ Thành vương được. Vương nghĩ phải đợi một cơ hội khác. 
Sau một hồi chuyện vãn loanh quanh, Hưng Đạo vương nói với Vũ Thành vương: 
- Về đạo binh của vương đệ, anh sẽ suy nghĩ và bàn lại cùng em sau. Em nên tiếp tục công việc hàng ngày như không có gì xảy ra. Anh rất mừng vì em đã chịu nghe lời anh. Đó cũng là một điều phúc cho quốc gia vậy! 
Vũ Thành vương nhìn anh bằng đôi mắt nhuốm buồn: 
- Em đã có lời thề độc không thể cải, nhưng em nghe lời anh. Đội quân của em sẽ lần lượt gia nhập vào đội quân của anh. Em đã có chủ định rồi. 
Hưng Đạo vương biết ý Vũ Thành vương đã quyết, không muốn làm cho đầu óc em mình căng thẳng thêm nữa. Ông giã từ ra về với hi vọng một ngày nào đó có thể trở lại bàn tiếp vấn đề với em mình. 
* 
Một thời gian sau, phần đông lực lượng võ trang của Vũ Thành vương lần lượt đến xin tự đặt dưới quyền chỉ huy của Hưng Đạo vương. Họ cho ông biết Vũ Thành vương đã quyết định giải tán lực lượng của ông ta. Hưng Đạo vương biết ý em mình đã quyết, lại thấy chuyện phát triển lực lượng lúc này là cần thiết, bèn thâu nhận họ. 
Tuy thế, Hưng Đạo vương vẫn thấy khó nghĩ vì trong lúc tình thế đất nước khá căng thẳng mà Vũ Thành vương lại giải tán lực lượng võ trang của mình. Ông lại thân hành đến phủ Vũ Thành vương thăm em. Vương nói: 
- Vương đệ giải tán lực lượng võ trang của mình đi, nếu chiến tranh xảy ra vương đệ tính làm sao? 
- Em đã cương quyết đứng ngoài cuộc chiến. Em nghĩ quên thù nhà mà lo việc nước như anh là đúng. Em rất khâm phục tấm lòng cao cả của anh. Nhưng nếu em cũng làm như anh, em sợ linh hồn cha sẽ tủi vì cả hai đứa con đều không nghe lời dặn của mình. Khi nào Trần Thủ Độ không còn nữa, sẽ có em dưới bóng cờ của tổ quốc Đại Việt! 
Hưng Đạo vương phân vân: 
- Nếu em là một kẻ tầm thường thì không nói làm gì. Nhưng đây em là người đã nổi tiếng có tài thao lược. Trường hợp có chiến tranh xảy ra ta thật khó giải thích với triều đình cũng như quốc dân. Em nên suy nghĩ lại. 
- Thưa vương huynh, em không thể làm khác được. Chắc anh còn nhớ chuyện anh em Ngũ Viên, Ngũ Thượng, ai có chí nấy. Nhưng anh yên chí, em sẽ không bao giờ phản bội tổ quốc đâu! 
Thấy chưa thể thuyết phục em mình được, Hưng Đạo vương không nói chuyện đó nữa. 
* 
Một hôm vào tháng 7 năm Bính Thìn*, Hưng Đạo vương đang huấn luyện quân sĩ ở thao trường thì vua Thái Tôn cho người đến triệu. Hưng Đạo vương gọi vua Thái Tôn bằng chú ruột. Thái Tôn biết tài Hưng Đạo vương và rất thương mến cháu. Trong thời gian gia đình Trần Liễu gặp cảnh khốn đốn dưới tay Thái sư Trần Thủ Độ, chính vua Thái Tôn là người che chở, bảo vệ gia đình này hết mình. Nhà vua cũng đặc biệt lưu tâm, khuyến khích việc học hành của Tuấn và Doãn. Mặc dầu bấy lâu nay, sự giao thiệp giữa hai gia đình vua Thái Tôn và An Sinh vương có phần lấn cấn nhưng với Tuấn, vua vẫn thấy gần gũi, vua coi Tuấn chẳng khác gì con của ngài. 
Hưng Đạo vương vừa bái kiến xong thì vua Thái Tôn hỏi: 
- Vương điệt có biết bây giờ Vũ Thành vương và gia đình ở đâu không? 
Hưng Đạo vương sửng sốt không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thời gian này ông tập trung mọi nỗ lực vào việc luyện tập quân đội nên ít chú ý đến những chuyện khác. Hầu hết các đội quân của các vương hầu đều có qua tay ông huấn luyện. Hưng đạo vương đang ngẩn ngơ lo ngại đã có một biến cố gì xảy ra thì vua Thái Tôn nói: 
- Hắn đã đem cả gia đình trốn sang Tàu. Vương phủ của Doãn hiện nay đã bị niêm phong. Tước Vũ Thành vương đã bị triều đình truất bỏ. Ta đã cấp thời cử người sang Tàu yêu cầu đưa hắn trở về. Ta báo cho vương điệt biết như thế! 
Hưng Đạo vương hoảng hốt quì xuống lạy: 
- Em của hạ thần làm bậy mà thần không biết để ngăn chận được. Cúi xin bệ hạ cho bắt giam hạ thần để xử tội! 
Vua Thái Tôn ôn tồn nói: 
- Không. Anh khác, em khác, ai có bụng nấy. Ta không có ý bắt tội vương điệt. Ta chỉ muốn bảo cho vương điệt biết ta và Thái sư không hề nghĩ rằng việc này có liên hệ đến vương điệt. Vương điệt cứ yên tâm trở về lo huấn luyện quân đội. 
Hưng Đạo vương đau khổ tạ ơn ra về. 
* 
Từ khi thành lập đội võ trang, Vũ Thành vương lúc nào cũng bận rộn việc quân. Ngoài những lần vào triều chầu vua, ông đều thức dậy sớm để đến thao trường. Ông làm việc không biết mệt mỏi. Có lẽ sở học qua sách vở bây giờ có cơ hội đem thực hành áp dụng đã làm cho ông vui thích. Vẻ mặt ông lúc nào cũng phấn khởi, hăng hái. Sau những giờ phút hăng say ở thao trường, ông lại mang theo niềm phấn khởi đó về với vợ con. Phu nhân Lê thị chăm sóc cho chồng từng miếng ăn miếng uống. Hằng đêm, hai con nhỏ là Huân, Hải, đứa lên bốn, đứa lên ba đều cứ quấn quít bên cha bắt kể chuyện Tào Tháo, Vân Trường hay Nhạc Phi, Tần Cối. Vũ Thành vương thì lúc nào cũng sẵn chuyện để ru chúng vào giấc ngủ dễ dàng. 
Cuộc sống trong phủ Vũ Thành vương đang đều nhịp như thế, không ngờ một hôm vương bỗng cho giải tán hết lực lượng võ trang của mình. Thật sự lúc đầu thấy Vũ Thành vương tuyển mộ và huấn luyện quân sĩ quá ráo riết vua Thái Tôn và Thái sư cũng hơi nghi ngờ. Giờ thấy Vũ Thành vương giải tán lực lượng võ trang của mình, hai vị cảm thấy yên tâm hơn nên cũng chẳng hỏi đến. 
Sau việc đổi thay đó, Vũ Thành vương rất ít tiếp xúc với ai. Ở nhà vương cũng không còn vui vẻ với vợ con như trước. Nét mặt vương bấy giờ lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Ngoài những lúc ăn uống, vương cứ đóng cửa ở miết trong phòng riêng. Ngay cả Lê phu nhân hằng ngày cũng ít khi được gặp vương. Bà hết sức lo lắng về thái độ của chồng nhưng không dám hỏi. 
Một hôm, Vũ Thành vương mời phu nhân vào phòng riêng. Phu nhân hồi hộp đoán rằng sẽ có một điều gì quan trọng xảy ra. 
- Phu quân gọi thiếp có việc gì chăng? 
Vũ Thành vương nghiêm trang nói: 
- Ta báo cho phu nhân một chuyện hết sức quan trọng. Chúng ta sắp đi xa và có thể không trở lại chốn này nữa. Nhưng chuyện không thể để lộ cho người ngoài biết. Vậy, xin phu nhân kín đáo thu xếp hành trang. Chừng năm ngày nữa chúng ta lên đường. 
Phu nhân hoảng hốt: 
- Nhưng phu quân chưa cho thiếp biết đi đâu và vì sao phải đi? Vì lẽ gì mà không thể công khai chuẩn bị cho chuyến đi? Thiếp cũng cần biết những điều đó để yên tâm lo công việc chứ. 
Vũ Thành vương cười: 
- Ừ, muốn biết cũng được thôi. Hiện chiến tranh giữa nước ta với Mông Cổ sắp xảy ra. Bậc đại trượng phu đáng lý nhân dịp này ra tay đền ơn nước, lập công danh với đời mới phải. Nhưng nhà ta gặp chuyện oan nghiệt. Người đang nắm vận mệnh đất nước hiện tại là kẻ thù không đội trời chung của tiên vương ta. Trước khi nhắm mắt, người đã di ngôn cho Hưng Đạo vương huynh và ta phải trả thù. Vì sự sống còn của dân tộc, Hưng Đạo vương huynh, với tấm lòng thánh thiện cao cả, đã tạm thời bỏ lơ thù riêng để lo việc nước. Hưng Đạo vương huynh làm rất đúng nhưng ta không thể làm theo được. Bởi lẽ ta không muốn linh hồn cha phải tủi hận nơi suối vàng khi cả hai đứa con trai người tin tưởng đều bỏ lơ lời trăng trối của người. Nếu ta còn ở đây, giặc đến nhà mà không ra giúp nước ta sẽ bị thiên hạ cười. Mà ra giúp nước tức là giúp Trần Thủ Độ và phải chịu tuân phục mệnh lệnh của ông ấy, đó là điều ta rất khổ tâm. Bởi vậy, ta quyết định phải ra đi. Ta muốn sang Trung Quốc tìm một nơi nào đó yên ổn làm ăn. 
Lê thị thấy chồng đã quyết như vậy bèn trở ra chuẩn bị cho chuyến đi. 
Cả gia đình cải trang thành những dân giả lưu lạc kiếm sống. Sau bao nhiêu ngày vất vả, họ đã tới được lãnh thổ Trung Quốc. Vì gặp lúc chiến tranh đang lan rộng, các cửa ải đều bị quan quân nhà Nam Tống kiểm soát chặt chẽ để đề phòng gian tế. Gia đình Trần Doãn bị quân Nam Tống giữ lại để điều tra. Khi bị giữ, vợ chồng Trần Doãn vẫn một mực khai là dân quê lưu lạc kiếm ăn. Không may cho Trần Doãn, gặp lúc quan giữ ải nhà Nam Tống là Hoàng Bính nhận được thông điệp của triều đình Đại Việt yêu cầu kiểm soát và bắt trả lại những kẻ vượt biên. Khi kiểm soát lại gia đình Trần Doãn, họ biết chắc đã bắt giữ đúng đối tượng. Muốn nhận số tiền thưởng, Hoàng Bính bèn cho giam cả gia đình Trần Doãn để chờ trao trả cho Đại Việt. 
Nửa tháng sau thì triều đình Đại Việt nhận được thông điệp của Hoàng Bính yêu cầu cho một toán quân đặc nhiệm đến biên giới để áp giải gia đình Trần Doãn về. 
Vua Thái Tôn lập tức cho người lên biên giới tiếp nhận. Vua Thái Tôn ban thưởng rất hậu cho Hoàng Bính. Đồng thời, vua ra lệnh tăng cường kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. 
Thế là toán người vượt biên lớn nhỏ đều bị nhốt trong cũi để giải về kinh. 
Về đến Thăng Long, khi mở cũi ra người ta người ta mới biết được Vũ Thành vương Trần Doãn chỉ còn là một cái xác không hồn. Ông đã dùng thuốc độc để tự tử. Trong người ông có giữù một vuông giấy đề rõ: "Kẻ có tội tự xử để tránh sự khó nghĩ cho Đức Kim Thượng và Hưng Đạo vương". 
Vua Thái Tôn thấy xác Trần Doãn, xúc động nói: 
- Trẫm nào muốn hại vương điệt đâu? Tại sao vương điệt lại tự làm khổ thân thế này! 
Vua Thái Tôn cho phép Hưng Đạo vương chôn cất Trần Doãn đàng hoàng và thả hết vợ con Trần Doãn, lại cấp cho nhà cửa và tiền bạc để họ sinh sống. 
Vụ Trần Doãn tự sát thật tình cũng làm giảm bớt phần nào sự lấn cấn khó xử của triều đình, giảm thiểu được sự nghi kị bất lợi trong đầu óc một số vương hầu. 
Để Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được yên tâm lo việc quân sự, vua Thái Tôn lại cho Thái tử Trần Hoảng cưới em ruột của Trần Quốc Tuấn và Trần Doãn là Thiên Cảm về làm vợ. 
Sau này, khi Thái tử Hoảng lên ngôi vua tức Trần Thánh Tôn thì Thiên Cảm trở thành hoàng hậu. Hình như đó cũng là một hành động tỏ ý hàn gắn sự nứt rạn tình cảm giữa hai gia đình Trần Thái Tôn và An Sinh vương. 



Chương 18 :

Phải nói là năm thị nữ theo hầu Chiêu Thánh công chúa lúc nào cũng tỏ ra hết lòng với chủ. Trong lúc công chúa quá bức chí, cả năm không có một nụ cười, không thốt nên được một lời, họ vẫn sốt sắng tự động chia nhau săn sóc hầu hạ nàng và lo mọi việc rất trôi tròn. 
Một hôm thấy thị nữ Tuyết Hoa đang ngồi đan một cái mũ len, công chúa nói: 
- Tuyết Hoa, em dạy ta đan len với được không? 
Thị nữ Tuyết Hoa mừng rỡ vì từ ngày đến nơi này, đây là lần đầu tiên công chúa để tâm tới một công việc. Tuyết Hoa hớn hở nói: 
- Bẩm công chúa, nếu công chúa thích, con sẽ hết lòng hướng dẫn cho công chúa cách đan len và thêu thùa. Công việc này có thể làm công chúa khuây khoa bớt nỗi phiền muộn! 
Nét mặt Chiêu Thánh trở nên sinh động hơn một chút, nàng nói: 
- Ừ, ta sẽ học ở các em, chỉ có việc này mới mong cho thời gian qua mau được! 
Các nữ tì đều vui mừng khi thấy công chúa đã biểu hiện được chút biến chuyển. Họ hết lòng khuyến khích, chỉ vẽ, khiến nàng thật sự có phần khuây khỏa tâm trí nhờ công việc. Công chúa vừa có năng khiếu vừa chuyên tâm nên chẳng bao lâu nàng đã trở thành một người thêu đan khá rành nghề. 
Thế nhưng về đêm, những cơn ác mộng vẫn tiếp tục hành hạ nàng. Người nàng vẫn ngày càng gầy rạc, xanh xao... 
Hằng ngày, đội lính an ninh biệt thự cũng phụ trách luôn việc cung cấp thực phẩm cho những người sống trong biệt thự. Năm ba tháng công chúa Chiêu Thánh mới được phép cử một hai thị nữ ra chợ Thăng Long để mua những thứ cần thiết một lần dưới sự hướng dẫn của viên chỉ huy toán lính bảo vệ. Hai thị nữ Tuyết Hoa và Lệ Quyên là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nên thường được công chúa sai đi chợ nhất. Những thứ cần thiết mà các thị nữ phải mua phần lớn chỉ là những thức dụng riêng của phụ nữ. Tuy thế, viên chỉ huy toán lính bảo vệ vẫn không quên để mắt theo dõi từng ly từng tí. 
Ngày kia, không hiểu suy nghĩ thế nào, thị nữ Tuyết Hoa mua về một gánh nồi đất nung loại nhỏ. Những nồi đất nung này được chất trong hai cái giỏ tre đan bằng những sợi tre chẻ mỏng như lạt lợp nhà. Giữa những chiếc nồi lại độn rơm để chúng khỏi va chạm vào nhau. Gánh nồi gồm hai chục cái, trông có vẻ bề thế nhưng thật sự không nặng lắm. Viên chỉ huy toán bảo vệ thấy vậy liền hỏi thị nữ Tuyết Hoa: 
- Cô mua những nồi này làm gì? 
- Thưa, công chúa không ăn uống gì được, tôi muốn mua loại nồi này về để thổi cơm cho công chúa thử xem công chúa ăn được không. 
- Cô nói gì tôi thật không hiểu! Nồi nào chẳng nấu ra cơm, tại sao cô nghĩ dùng loại nồi này nấu cơm thì công chúa có thể ăn được? 
- Thưa, loại nồi này khi nấu cơm chín xong, vần già than một tí sẽ cho một lớp cháy vàng dòn rất thơm ngon. Nấu xong, cứ đập bể nồi mà lấy lớp cháy vàng dòn ấy ra để dâng công chúa. Tôi hi vọng công chúa sẽ thích mà ăn thêm được chút nào chăng. Nếu không, cứ theo đà này công chúa sẽ không còn phương cứu vãn! 
- Làm sao cô biết cách nấu cơm này? 
- Thưa, tôi có người cô từng làm đầu bếp cho vua Huệ Tôn trước kia. Cô tôi nói ngày xưa công chúa rất mê ăn thứ cơm này. Cô tôi cũng có nấu thử cho gia đình chúng tôi ăn một lần nên tôi biết. 
- Thế là mỗi bữa ăn lại đập bể một cái nồi? 
- Vâng, thứ nồi đất nung này rẻ lắm, có tốn kém bao nhiêu đâu! 
Có lẽ sợ trách nhiệm, viên chỉ huy đội bảo vệ đem chuyện đó báo lại với Trần Thái sư. Không hiểu suy nghĩ sao đó, Thái sư bèn cùng vợ là Linh Từ quốc mẫu lên kiệu đến thăm Chiêu Thánh. Chiêu Thánh ra tận cửa để nghênh đón hai vị. 
Khi tận mắt thấy hình hài tiều tụy gầy rạc của công chúa, Linh Từ quốc mẫu xúc động ôm nàng mà khóc sướt mướt. Công chúa cũng ôm chặt lấy mẹ, nước mắt tuôn như mưa. Bà đưa tay sờ tóc, sờ vai, sờ má... sờ hết chỗ này đến chỗ nọ trên tấm thân héo hắt của cô con gái như cố tìm những cảm giác thân yêu. Trông thấy cảnh tượng ấy không ai khỏi bùi ngùi. Thái sư Trần Thủ Độ làm như không để ý, lặng lẽ dạo vườn một mình để hai mẹ con mặc tình tâm sự với nhau. Khi ông trở lại, Linh Từ quốc mẫu buồn bã nói: 
- Thấy tình cảnh của con gái thiếp thế này thiếp đau đến đứt ruột. Phu quân nói phu quân yêu thương thiếp, quí trọng thiếp mà phu quân lại gây cho thiếp cái cảnh đau lòng này ư? Một đứa con gái vô tội, cô đơn, yếu đuối có thể làm được gì mà phu quân phải hành hạ nó đến thế? 
Trần Thái sư vẫn lặng lẽ không nói gì. Lát sau thì hai người ra về. 
Hai hôm sau Trần Thái sư xuống lệnh hủy bỏ việc giám sát Chiêu Thánh công chúa. Toán lính bảo vệ biệt thự vẫn tiếp tục ở chỗ cũ nhưng bấy giờ chỉ còn giữ nhiệm vụ bảo vệ thuần túy. 
Sau khi đi thăm Chiêu Thánh về, Linh Từ quốc mẫu nhân tiện dịp gặp Thuận Thiên hoàng hậu bèn kể lại hết. Thuận Thiên hoàng hậu lại thuật lại với vua Trần Thái Tôn. Vua Thái Tôn lộ vẻ phiền muội nói: 
- Hay hoàng hậu cùng với trẫm đến thăm công chúa một lần, nên chăng? 
Hoàng hậu lắc đầu: 
- Không được đâu! Công chúa đang lâm tình trạng ấy, bây giờ bệ hạ và thiếp lại chường mặt sánh đôi mà đến thăm nàng thì có khác chi lấy ngọn dao sắc mà khoét vào vết thương chưa lành của công chúa? Với thiếp, dù muốn hay không thiếp cũng mang tiếng là cướp chồng của nàng, thiếp không còn mặt mũi nào để gặp mặt nàng đâu! Còn bệ hạ là đấng chủ tể muôn dân thì lại khác. Bệ hạ có thể đến thăm nàng, nhưng phải thông báo trước để tránh trường hợp lỡ nàng không chịu tiếp lại đâm ra khó xử! 
- Công chúa xưa nay hiền lành thuận thảo lẽ đâu nàng lại khó chịu như thế? 
- Một kẻ nhu thuận đến đâu mà những chuyện oan ức tày trời cứ dồn phủ lên người mãi như thế chẳng lẽ không có chút đổi thay? Công chúa có hiểu rằng bệ hạ cũng chỉ là nạn nhân chứ không phải là người gây ra những cảnh oan trái đó không? Ai chẳng có tự ái, ai chẳng biết căm hận! Tìm cái chết họ cũng sẵn sàng tìm nữa huống là... Hoặc giả công chúa hiểu lòng bệ hạ đi, nhưng khi xưa dung nhan nàng như thế nào bây giờ tiều tụy thảm hại đến thế ấy liệu nàng có muốn cho bệ hạ thấy mặt không? Đối với Chiêu Thánh lúc này bệ hạ phải nên tỏ ra hết sức tế nhị mới được! 
Vua Trần Thái Tôn nghe theo lời hoàng hậu, cho một viên thị thần mang đến tặng Chiêu Thánh một trăm quan tiền* với một ít lụa là. Khi thị nữ Tuyết Hoa đem quà của vua Thái Tôn vào trình, công chúa thấy có một tấm danh thiếp của vua Thái Tôn viết như sau: 
"Nghe tin công chúa không được an khang trẫm rất lo buồn. Việc này trẫm thật có lỗi với công chúa. Trẫm rất muốn thân hành đến thăm công chúa nhưng ngại công chúa không vui lòng nên viết thiếp này xin công chúa cho một cái hẹn trước. Trong lúc chờ đợi, trẫm xin công chúa nhận chút quà mọn gọi là chút lòng thành của trẫm. Mong công chúa cho biết ý sớm" . 
Đọc xong tấm thiếp, công chúa nói với Tuyết Hoa: 
- Có lẽ Hoàng thượng ngại ta không hiểu lòng ngài nên muốn gặp ta để giãi bày chứ gì! Thật sự ban đầu ta cũng có giận ngài nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, ta hiểu ngài lắm chứ. Nhưng hiểu thì hiểu mà dung nhan ta giờ đây tàn tạ thế này ta làm sao dám gặp ngài? Còn quà cáp ư, ta có cần tiêu pha gì nữa đâu. Bỗng lộc triều đình lâu nay ta cũng tạm đủ dùng rồi! Nhưng thôi, ta cứ nhận quà cho ngài an tâm, phải không? 
Thế rồi công chúa viết mấy hàng trả lời vua Thái Tôn: 
"Thần thiếp rất đội ơn thánh thượng đã ưu ái tặng quà, thần thiếp không dám từ chối lòng tốt của thánh thượng. Về việc thánh thượng muốn gặp mặt thần thiếp, thiếp suy nghĩ việc này rất bất tiện cho cả đôi bên. Thánh thượng cứ tin là thần thiếp hiểu rõ lòng thánh thượng và xin miễn cho việc này." 
Một hôm khác, Linh Từ quốc mẫu đến thăm Chiêu Thánh, bà cũng mang tặng nàng một trăm quan tiền: 
- Con hãy cất lấy để có khi cần dùng đến. 
Chiêu Thánh từ chối: 
- Mới đây Hoàng thương cũng có tặng con một trăm quan và lụa là con vẫn còn cất đấy. Mẹ nghĩ xem, con còn biết tiêu dùng vào việc gì? Thôi, mẹ hãy đem về, con không nhận đâu! 
Linh Từ quốc mẫu không nài ép. Nhìn thấy con vẫn dáng vóc khô héo tàn tạ, chẳng đổi thay được gì, bà nói: 
- Hay là con xin vào chùa Chân Giáo để tu học? Con muốn thế không? 
Chiêu Thánh đáp: 
- Con vẫn muốn xuống tóc đầu Phật từ lâu. Núp dưới bóng từ bi của đức Phật tổ may ra những cơn ác mộng mới chịu rời xa con! Con đã từng đau khổ tột cùng vì chúng. Nhưng con ngại mình đi tu Thái sư không bằng lòng! 
- Thái sư đã hủy bỏ lệnh giám sát con rồi, con khỏi lo. Mẹ sẽ hỏi ý kiến hòa thượng Pháp Chân thử xem ngài dạy thế nào nhé! 
Thế rồi Linh Từ quốc mẫu dẫn Chiêu Thánh lên kiệu đi đến chùa Chân Giáo. 
Bấy giờ nhằm ngày chùa Chân Giáo đang tổ chức cúng thí thực cô hồn, đồng thời đãi chay tặng quà những người nghèo đói. Người nhà chùa cho quốc mẫu và công chúa biết công đức bố thí này được thực hiện nhờ sự đóng góp của một số mạnh thường quân trong thành Thăng Long. Thiên hạ nhiều nơi nườm nượp kéo về chùa, trong ngoài khuôn viên chùa đều chật ních người ta. Đông nhất là hạng ăn mày. Linh Từ quốc mẫu cho để kiệu một bên đường rồi đi bộ vào chùa. Toán lính hầu và ban trật tự của chùa phải thu xếp một hồi mới có một lối đi cho quốc mẫu và Chiêu Thánh công chúa. Sau khi lễ Phật xong, quốc mẫu cùng công chúa ra sân chứng kiến cảnh sinh hoạt đãi chay và tặng quà. 
Đây là lần đầu tiên trong đời Chiêu Thánh tận mắt thấy được những người dân nghèo đói. Họ phần nhiều đầu không nón che, áo quần rách rưới hở cả lưng cả bụng dù hôm đó trời khá lạnh. Khí hậu mùa đông làm nhiều người co ro cúm rúm trông thật thảm hại. Thực khách cứ mười người quần tụ quanh một mâm, có một người của chùa trông coi việc phân chia. Trên mỗi mâm có một nồi chè, một rá xôi, một đĩa đậu hũ kho. Chén đũa thìa thì ai tự lo nấy. Sau khi phân chia xong phần thức ăn, mỗi người được phát thêm một bịch quà gói lá chuối cột dây khá kỹ. Vì số người dự quá đông nên người của chùa phải dọn lần lượt. Dù đã có người của chùa trông coi việc phân phối thức ăn nhưng vẫn không sao tránh khỏi sự tranh cãi lộn xộn... 
Trước đây Chiêu Thánh chưa bao giờ thấy được cảnh ăn uống của những người dân đói thiếu như thế. Hầu hết thực khách đều tận tình ngốn ngấu húp và, mắt thì liếc nhìn phần thức ăn còn lại giữa mâm. Không mấy chốc cả nồi lẫn rá chỗ nào cũng sạch không. Thế mà trông nhiều người trên nét mặt vẫn còn vẻ chưa thỏa mãn. Ăn uống xong nhiều người bèn khui gói quà ra. Người được cái áo cánh, người được cái khăn bịt đầu, người được vuông vải nâu... Ánh mắt người nào cũng rực lên vẻ sung sướng. Thình lình một người trung niên gầy ốm cười lớn "ha ha ha" rồi lấy trong bịch lá chuối ra một cái mũ len đội lên đầu xoay qua xoay lại thích ý lắm. Bao nhiêu người quay lại nhìn anh ta với vẻ thèm thuồng. Thấy cảnh tượng đó Chiêu Thánh hết sức cảm động. Nàng quay lại nói với quốc mẫu: 
- Thưa mẹ, số tiền mẹ cho con hồi sáng con đã từ chối nhưng bây giờ con xin nhận! 
Linh Từ quốc mẫu ngạc nhiên: 
- Tại sao vậy? 
- Thưa mẹ, con muốn cúng vào chùa để làm của bố thí cho người nghèo. 
Quốc mẫu cười vui vẻ: 
- Được lắm, mẹ sẽ trao cho con để tùy ý con dùng! 
Chiêu Thánh công chúa cũng nở một nụ cười: 
- Mẹ ạ, lâu nay con vẫn thêu đan khá nhiều, áo có mũ có nhưng cứ làm xong lại tháo ra, có khi vứt bỏ nữa. Bây giờ thì con tìm ra được chỗ dùng nó rồi! 
Linh Từ quốc mẫu hiểu ý tán thưởng: 
- Đó cũng là cách thực thi công đức! 
Khoảng giữa giờ Mùi thì một số thực khách bắt đầu ra về. 
Khi gặp được hòa thượng Pháp Chân, Linh Từ quốc mẫu bèn nói rõ ý nguyện của Chiêu Thánh. Hòa thượng Pháp Chân chăm chú quan sát Chiêu Thánh một hồi rồi nói: 
- Số công chúa còn vướng nợ hồng trần, chưa thể xuất gia. Tuy thế, từ nay thời vận sẽ bắt đầu khá. Công chúa cứ chuyên tâm cầu nguyện tất chuyện tốt lành sẽ đến. 
Linh Từ quốc mẫu hỏi: 
- Bạch sư phụ, hiện giờ Chiêu Thánh lẻ loi không chồng không con, vì lý do gì sư phụ bảo chưa thể xuất gia? 
Hòa thượng Pháp Chân nói: 
- Việc đời vẫn thường biến cải, cứ đợi một thời gian sẽ thấy ứng nghiệm! 
Linh Từ quốc mẫu quay lại nói với Chiêu Thánh: 
- Hòa thượng đã nói tất không sai. Con cứ yên chí trở về ngày đêm gắng cầu nguyện rồi chuyện tốt lành sẽ đến! 
Thế rồi hai người giã từ hòa thượng Pháp Chân ra về. 
* 
Đúng như hòa thượng Pháp Chân nói, từ khi không còn bị theo dõi phiền hà, Chiêu Thánh cảm thấy tinh thần thoải mái hơn. Lại nữa, những cái nồi đất nung cũng giúp nàng ăn được cơm thêm. Đồng thời, từ ngày thấy rõ được miếng cơm, manh áo có giá trị như thế nào đối với lớp dân cùng tại chùa Chân Giáo, Chiêu Thánh bắt đầu có nhiều thay đổi trong cuộc sống. Trước kia nàng và các tì nữ thêu đan chỉ có mục đích giải khuây qua ngày. Làm được cái gì vừa ý thì giữ lại dùng, cái gì không vừa ý thì vứt đi hoặc tháo ra làm lại. Nhưng bây giờ thì việc làm của họ lại chuyển sang mục đích nhân ái rõ rệt: sản phẩm làm ra được đem gởi nhà chùa để ban phát cho những người thiếu thốn. Thầy trò Chiêu Thánh công chúa đều trở nên hăng say làm việc với niềm vui đó. Những ánh mắt sáng rực vui vẻ của những người dân cùng khi nhận được quà thay thế dần những cơn ác mộng trong các giấc ngủ của công chúa. Chiêu Thánh dần phục hồi sức khỏe lúc nào không hay. Giờ thì công chúa rất bằng lòng với cuộc sống mới. Nàng vẫn hay nói với các nữ tì: 
- Đời ta chìm nổi nhiều phen rồi, giờ cứ trông được sống bình thường như thế này đến già ta cũng vui lòng. 



Chương 19:



Năm Ất Mão, quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy đánh chiếm được nước Đại Lý (Vân Nam) theo kế hoạch bao vây tiêu diệt nhà Nam Tống. Trong khi đang củng cố nền móng cai trị nước này, Ngột Lương Hợp Thai cử ba sứ giả đến Thăng Long thuyết phục vua nhà Trần đầu hàng. Vua Thái Tôn không những bác bỏ yêu sách của Mông Cổ, lại còn bắt giam sứ giả của họ lại. Ngột Lương Hợp Thai hết sức tức giận nên đầu năm Đinh Tị, y cho điều quân tràn sang nước ta. Ngột Lương Hợp Thai chia quân làm hai cánh, một cánh theo ngả Vân Nam, xuôi sông Thao tiến xuống Hưng Hóa, một cánh theo ngả Hà Giang xuôi theo sông Lô, hai cánh hẹn gặp nhau ở Bạch Hạc, rồi trực chỉ thành Thăng Long. Vua Thái Tôn sai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, bấy giờ mới 31 tuổi chỉ huy cánh quân tiên phong chống giữ ở Bạch Hạc. Nhưng vì quân Nguyên mới sang khí thế quá hăng, vương chống không nổi, phải rút quân về Sơn Tây. Vua Thái Tôn tự cầm quân ra nghênh chiến ở Bình Lễ (Vĩnh Yên). Quân giặc đánh rát quá, quân ta hết sức núng thế. Nhờ tướng Lê Phụ Trần liều mình xông xáo chiến đấu mới tạm cản được bước chân quân Nguyên. Có người khuyên vua Thái Tôn nên đóng quân lại để tử chiến, nhưng Lê Phụ Trần can: 
- Làm như vậy là coi như bệ hạ dốc túi đánh nước bạc cuối cùng thôi! Nên lánh đi, chớ nên nhẹ tin lời người ta! 




Vua Thái Tôn nghe lời Lê Phụ Trần, cho lui binh. Lê Phụ Trần lại hăng hái xông xáo cản hậu để đại quân rút lui khá toàn vẹn. Cùng lúc, để bảo toàn lực lượng và né tránh khí thế đang hăng của quân Mông Cổ, Thái sư Trần Thủ Độ cũng tạm thời bỏ ngõ Thăng Long, chạy về giữ Hưng Yên. Trong khi đó Linh Từ quốc mẫu chỉ huy đưa Thái tử Trần Hoảng và đám cung tần mỹ nữ cùng vợ con các quan tướng lánh về vùng Hoàng giang ở Nam Định. 
Quân Nguyên tràn xuống chiếm Thăng Long rất dễ dàng. Vào thành thấy ba viên sứ giả Mông Cổ vẫn còn bị trói, chúng vội cởi dây ra nhưng một người đã chết. Quân Nguyên nổi giận tàn sát cướp phá dân ta ở kinh thành hết sức man rợ. Vì thế, quan tướng binh sĩ cũng như dân chúng Đại Việt khắp nơi đều nức khí hận thù. 
Vua Thái Tôn thấy tình thế bi quan, hỏi ý Thái sư Trần Thủ Độ. Thái sư cứng rắn đáp: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!". Nhờ câu nói cương quyết đó, vua Thái Tôn giữ được tinh thần để tiếp tục kháng chiến. 

Sau đó không lâu thời tiết đột ngột chuyển đổi, khí hậu nước ta trở nên oi bức khó chịu lắm. Quân Mông Cổ quen sống ở xứ lạnh chịu không nổi cái khí hậu oi bức đó nên phát sinh ra nhiều thứ bệnh tật, họ đều trở nên uể oải, mất cả tinh thần hăng hái ban đầu. Dò biết được tình hình quân giặc như vậy, vua Trần Thái Tôn bèn ra lệnh tổng phản công. Quân ta tập trung đánh lớn ở Đông Bộ Đầu*. Quân Mông Cổ đau ốm mệt mỏi không sao chống cự không nổi, chịu thảm bại mà rút về Tàu. Trên đường rút lui, quân chúng không còn đủ sức để cướp bóc ai nên dân chúng gọi đùa là "giặc Phật". 
Cuộc kháng chiến chống Mông Cổ xâm lược dưới thời Trần Thái Tôn đã thắng lợi lớn, quân dân Đại Việt vô cùng phấn khởi. 
Lúc bấy giờ Thái sư Trần Thủ Độ đã 65 tuổi, vua Trần Thái Tôn đã nắm gần hết thực quyền trong tay. Vua bèn tự mình xét duyệt công lao những người tham gia trong cuộc chiến để ban thưởng. Khi xét đến tướng Lê Phụ Trần, vua Thái Tôn trầm ngâm suy nghĩ rất lâu. Nếu không có Lê Phụ Trần can ngăn, ngài đã có thể dốc túi đánh nước bạc cuối cùng ở Bình Lễ, không biết bây giờ số phận nước Đại Việt sẽ ra sao? Với khí thế của giặc lúc đó, quân ta thật khó lòng mà thắng được! Rồi đến cuộc lui quân, nếu không có Lê Phụ Trần liều mình cản hậu, chắc chắn quân ta cũng phải tổn thất nặng nề. Đến chiến dịch phản công quân Mông Cổ, Lê Phụ Trần cũng góp công quá lớn. Lấy chức tước gì mà ban thưởng ông ta cho xứng đáng đây? Rốt cục, vua Thái Tôn phải thỉnh cầu ý kiến của Quốc thượng phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Thái sư nói: 
- Lê Phụ Trần là người có tài thao lược, lại khảng khái, ngay thẳng, hãy ban cho ông ấy chức Ngự sử đại phu vậy! 
Vua Thái Tôn bèn nghe lời. Tuy vậy, nhà vua vẫn cảm thấy chức vụ ấy chưa xứng đáng với công lao của Lê Phụ Trần. Trong khi nghĩ đến cảnh góa bụa của viên tướng này, vua sực nhớ tới lời trăng trối của Thuận Thiên hoàng hậu: "...Thứ hai, xin Hoàng thượng nghĩ đến tình nghĩa cũ đối với Chiêu Thánh công chúa mà gả nàng cho một người nào đó đàng hoàng để nàng có chỗ nương dựa..." 
Thế là vua Thái Tôn xuống chỉ triệu công chúa Chiêu Thánh vào triều. Mọi người đều ngạc nhiên không biết vì lẽ gì. Sau hơn hai mươi năm bị biếm truất, đây là lần đầu Chiêu Thánh được trở lại hoàng cung. Công chúa bây giờ tuy đã 41 tuổi nhưng vẫn còn đẹp thanh cảnh, vẫn giữ được vẻ quí phái tự nhiên. Bà tỏ ra rất mực nghiêm trang, ít khi nói năng. Bà được nội thị dẫn vào nội điện, nơi bà đã từng ngự trị, để bái kiến vua... Trước mặt vua Thái Tôn, Chiêu Thánh vẫn bình thản, không xúc động: 
- Tiện thiếp là Chiêu Thánh công chúa xin bái kiến Hoàng thượng! 
Vua Thái Tôn ôn tồn phán: 
- Trẫm miễn lễ! Cho phép công chúa ngồi! 
Đây là một biệt lệ. Nội thị đưa công chúa đến một chiếc ghế đặt sẵn trước án vua làm việc. Vua Thái Tôn nói: 
- Trẫm biết bao nhiêu năm nay công chúa đã phải sống trong sự đau khổ tột cùng. Thật sự trẫm cũng đau lòng vì chuyện đó lắm. Trẫm rất thông cảm hoàn cảnh công chúa nhưng trẫm không thể nào cứu vớt công chúa được. Lúc bấy giờ chính trẫm cũng bị bao vây bốn mặt và không có được một chút quyền tự chủ nào cả. Trẫm hi vọng công chúa hiểu cho trẫm mà không oán trách trẫm. Bây giờ tình hình đã biến cải, trẫm muốn được đền bù một phần nào những đau khổ mà công chúa phải chịu bấy lâu nay. Nay trẫm muốn tác hợp công chúa với một vị đại quan danh giá văn võ kiêm toàn để hưởng hạnh phúc lâu dài, công chúa nghĩ sao? 
Công chúa Chiêu Thánh suy nghĩ một lúc rồi thưa: 
- Hiện tại thần thiếp đang có một cuộc sống tương đối vừa ý. Thần thiếp xin cám ơn lòng ưu ái của bệ hạ đã dành cho thiếp nhưng thần thiếp không muốn có sự xáo trộn nào nữa. 
- Trẫm thật tình vì công chúa mà nghĩ đến việc này sao công chúa lại từ chối? Hay là công chúa còn căm giận trẫm? 
- Không, thần thiếp rất hiểu hoàn cảnh bệ hạ lúc ấy. Thần thiếp không bao giờ giận hờn gì bệ hạ cả. Nhưng như thần thiếp đã nói, thần thiếp hiện đang có một cuộc sống vui vẻ thoải mái, thần thiếp không muốn có sự xáo trộn nào nữa! 
Vua Thái Tôn nói: 
- Trẫm đồng ý là hiện tại công chúa đang có một cuộc sống vui vẻ thoải mái, nhưng đó chỉ mới là phần thể xác. Một con người đúng nghĩa không phải chỉ có phần thể xác mà còn có phần linh hồn nữa. Công chúa hiện tại không còn là người của họ Trần mà cũng không thể hồi tôn về họ Lý, mai sau khi trăm tuổi rồi linh hồn của công chúa sẽ trôi nổi về đâu? Ai sẽ thờ cúng công chúa? Hơn nữa, khi lâm chung, Thuận Thiên hoàng hậu có yêu cầu trẫm thế nào cũng phải tìm một người thật xứng đáng để công chúa gởi thân, trẫm đã hứa chắc với hoàng hậu sẽ thực hiện việc ấy. Nay trẫm đã lựa được một đấng nam nhi tài đức vẹn toàn rất xứng đáng với công chúa. Nếu công chúa không chịu nghe, không những công chúa đã phụ ý tốt của trẫm mà còn phụ cả lòng của hoàng hậu Thuận Thiên nữa. Công chúa cần phải có con cái để nương tựa về sau. Mong công chúa suy nghĩ lại! 
Công chúa Chiêu Thánh lại suy nghĩ một hồi rồi mở tròn cặp mắt long lanh cảm động nói với vua Thái Tôn: 
- Bệ hạ nói đúng, phần xác không ra gì thì phải lo đến phần hồn. Cảm tạ bệ hạ còn đoái nghĩ lo lắng chu đáo cho thần thiếp. Vậy, bệ hạ quyết định thế nào thần thiếp cũng xin tuân mệnh. 
Vua Thái Tôn nói: 
- Trẫm nghĩ rằng đây là một người đàn ông rất xứng đáng, chắc chắn ông ta sẽ mang lại hạnh phúc cho công chúa. Đó là quan Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần, một người có công rất lớn trong cuộc chiến bình Mông vừa qua... 
Đầu năm Mậu Ngọ, vua Thái Tôn chỉ thị triều đình tổ chức đám cưới cho Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần và Chiêu Thánh công chúa. Việc làm này đã được cả triều đình lẫn dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt. 
Trong buổi tiệc cưới, Linh Từ quốc mẫu quá xúc động đã ôm chầm lấy Chiêu Thánh công chúa với nước mắt ràn rụa mà nói: 
- Khổ tận cam lai, mẹ rất vui mừng thấy con có được ngày hôm nay! 
Từ đó Lê Phụ Trần và Lý Chiêu Thánh đã thật sự tìm được hạnh phúc bên nhau. Hai người có với nhau được hai người con là Lê Tông* và Lê Ngọc Khuê lớn lên đều được phong tước xứng đáng. Họ cũng được sống hạnh phúc bên nhau đến bạc đầu. 
Năm sau tức năm Kỷ Mùi thì Linh Từ quốc mẫu qua đời, thọ 65 tuổi. 
* 
Về sau, quân Nguyên còn sang xâm lược nước ta hai lần nữa, vào các giai đoạn 1284-1285 và 1287-1288 với những đội quân vô cùng hùng mạnh. Lúc này Thái sư Trần Thủ Độ cũng như vua Trần Thái Tôn đều đã mất. Quân dân nhà Trần bấy giờ được đặt dưới sự chỉ huy tài ba của Tiết Chế Quốc công Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đã chiến thắng vẻ vang cả hai lần làm nhà Nguyên nản lòng, cam chịu bỏ hẳn ý đồ xâm lược nước ta. 
Dân tộc ta chiến thắng được một đội quân hùng mạnh và lớn lao nhất hoàn vũ thời bấy giờ ấy là nhờ đâu? Trước hết là nhờ sự đoàn kết một lòng của toàn dân mà biểu hiệu là Hội Nghị Diên Hồng. Tiếp đó là lòng tuyệt đối tin tưởng nhau giữa những người lãnh đạo chính yếu. Đó là hai nhân vật đối nghịch liên hệ chí thiết với vụ tình hận lịch sử: Tiết Chế Quốc công Hưng Đạo vương, con của An Sinh vương Trần Liễu và Thượng Tướng Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, con vua Trần Thái Tôn. Họ đã từng có nhiều điểm bất đồng sâu sắc với nhau đáng kể. Hai người này vì sự sinh tồn của dân tộc, đã tự chế ngự được những tham, sân, oán thù riêng tư của mình. Hai ngài cùng nêu một tấm gương sáng ngời: Coi nhẹ thù riêng, biết đoàn kết để bảo vệ sự sống còn của quốc gia, dân tộc. Thật là đại phúc cho dân tộc Đại Việt! 

Hết. 

Nguồn kinhdotruyen.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved