Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

27 thg 12, 2013

Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chíp - Chương 1-13

Phần I: Đông Nam Á - Brunei, MalaysiaMyanmar


Tôi là ba-lô bụi.

Với Huyền, đi là để trải nghiệm. Cuộc sống là một chuỗi các trải nghiệm mà nếu chỉ quanh quẩn ở nhà, ở một nơi, cô sẽ không thể hình dung ra nó. Đang du học và làm việc tại Malaysia, khá mệt mỏi với công việc, Huyền tự hỏi nếu cứ cố gắng chịu đựng chỉ vì để được thăng chức tăng lương thì biết đến bao giờ mới dừng lại được? Bắt đầu với 1500 đô la (mua máy ảnh và notebook xong, chẳng còn là bao nhiêu), Huyền lên đường tới Brunei với tấm vé khứ hồi nhưng rồi cô quyết định không trở về Malaysia nữa mà sẽ tiếp tục một mình đi vòng quanh thế giới.
Tại sao không?Là dân đi du lịch bụi, hay còn gọi là ta-ba-lô, Huyền cho biết việc gặp các dân ba-lô khác đi bụi là điều đơn giản. Bởi đã cùng một sở thích, lại cùng đọc một cuốn sách hướng dẫn đi, cùng tìm đến nơi ở chỗ rẻ tiền, gặp nhau thì cởi mở chào hỏi thế là quen, nếu hợp tính, thì đi chơi cùng. Ngày trước, Huyền cũng bẽn lẽn khi làm quen với người lạ, nhất là người nước ngoài, phần vì ngại tiếng Anh không tốt, phần vì sợ không biết họ nghĩ gì về mình. Nhưng sau nhận ra rằng, chẳng ai thèm nghĩ gì về mình cả, nên mình cứ tự nhiên là chính mình thôi chứ không phải câu nệ làm gì. Mỗi người có một túi tiền khác nhau, mỗi người có yêu cầu về tiện nghi khác nhau. Nhiều người chỉ thích sống sung túc thì tiện nghi với họ là khách sạn lớn, nhà hàng sang trọng, còn Huyền thì tiện nghi có nghĩa là được ngủ trong nhà, và nhà vệ sinh có xả nước. Dân du lịch thường có từ “Flashpack” cho những người đi kiểu sang trọng, và “backpack” cho những người đi kiểu như Huyền.
Đi nhờ xe từ Ethiopia qua Kenya , một trong những chặng đường nguy hiểm nhất Châu Phi.
Có những lúc buồn, và cô đơn, và sợ hãi! Khi đặt chân tới một nơi xa lạ, đầu tiên là sự ngạc nhiên, sau đó là sợ. Ngạc nhiên bởi nơi này khác với những gì cô hình dung. Sợ, vì chẳng biết đường xá ở đây, chẳng biết người ta có thân thiện với mình hay không. Nhưng trên hết, là niềm vui vì đã có thêm một nơi xa lạ trở thành nơi thân quen. Đi thì sướng đấy, nhưng nỗi buồn đến với Huyền nhiều nhất khi ngồi chờ ở bến tàu xe. Bạn ở nơi cũ vừa chia tay, còn bạn ở nơi chuẩn bị đến thì chưa găp. Rồi khi lễ tết, thấy người ta quây quần bên gia đình bạn bè, Huyền thấy rất cô đơn. Đi đâu cũng sẽ có thể gặp bạn, kết bạn. Nhưng đôi khi cô chỉ mong được ở bên những người thực sự hiểu mình. Tủi thân nhất có lẽ lần sinh nhật thứ 21, lúc đó, Huyền mới đến Kenya, không một xu dính túi, chẳng có bạn bè, tối ngồi ăn rau bắp cải mà nước mắt Huyền cứ tràn ra.
Với loài chim xấu nhất thế giới ở Ethiopia.
Hình như sự yếu đuối về mặt thể chất luôn kéo theo yếu đuối về mặt tinh thần. Huyền tới Nepal đúng lúc thời tiết lạnh nhất. Mưa kéo dài khiến Huyền bị ốm liên tục đến nỗi ho ra máu, nằm ly bì trong khách sạn cả tháng. Lúc đấy cô tủi thân lắm, chỉ muốn về nhà để được gần mẹ, để được mẹ chăm sóc. Có những lúc, đó là nỗi sợ ập đến. Hồi mới đến châu Phi, Huyền sợ lắm. Hầu như ngày nào ra đường cũng gặp chuyện: bị lừa, bị móc túi, người ta đeo bám mình chỉ vì mình là con gái, ai gặp mình cũng xin tiền vì họ nghĩ người nước ngoài nào cũng là túi tiền di động… Một lần, Huyền bị 6 thanh nhiên có dao chặn đường cướp máy ảnh và tiền. Cô chạy theo kêu cướp cướp, chay qua một khách sạn với cả chục người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ, nhưng không ai thèm chặn kẻ cướp lại. Huyền bị ngã trẹo chân. Ấm ức, Huyền tự hỏi tại sao không ai chặn cướp dùm mình, họ chỉ nhún vai nói rằng, công việc của họ chỉ là bảo vệ khách sạn thôi.Giọt nước làm tràn ly. Sợ không dám đi bộ về nhà, tiền mất sạch không thể gọi taxi, lại cảm giác đơn độc không biết trông cậy vào ai, Huyền đứng giữa đường, khóc tu tu… Lúc đó, cô nghĩ rằng sức mình chưa đủ để đi châu Phi và suýt nữa từ bỏ. Nhưng rồi Huyền tính đến chuyện đi vay tiền ai đó và mua vé sang Nam Mỹ ngay lập tức.
Trong rừng quốc gia Kenya.
Khi không một xu dính túi! Tình trạng không một xu dính túi nhiều đến mức lúc nào Huyền có hơn 100 đô la trong người mới là hiếm! Nhưng cũng may, cứ lúc nào hết tiền được mấy hôm thì lại nhận được tiền từ đâu đó như tiền nhuận bút, tìm được một công việc trời ơi đất hỡi trả tiền ngay, hoặc được ai đó quyên góp ủng hộ… Bí quá, thì cô vay bạn bè! Việc kiếm tiền ở xứ người không dễ nhưng không phải là không thể. Quan trọng nhất là phải bạo dạn. Cần cái gì thì phải hỏi cho cái đó. Khi tìm việc, gặp ai Huyền cũng hỏi, đi đường thấy khách sạn, nhà hàng, văn phòng nào cũng hỏi. Đọc báo lên trang mạng tìm tuyển dụng cũng là một ý hay.
Tham dự lễ hội truyền thống của Nepal.
Với hành lý gọn nhẹ, không sa đà vào quà lưu niệm, thi thoảng Huyền cũng tiếc, nhưng tự an ủi là đi để trải nghiệm đã trở thành một phần của mình, những thứ vật chất kia cũng không quan trọng. Nói thế thôi chứ cô vẫn có mấy món đồ độc nhất không ai có: vỏ đạn nhặt sau một vụ tranh chấp giữa lính Israel và dân biểu tình ở Palestine, một viên sỏi ở biển Chết, chiếc áo khoác tả tơi mặc trong chuyến đi xe máy vòng quanh Nepal. Ngoại trừ hộ chiếu ra thì không có gì là không thể thiếu cả!
Với bộ tộc Hamer.
Đừng chần chừ! Để đi được thế này, Huyền đã và đang nhận sự giúp đỡ của rất nhiều người. Vậy nên cô chỉ hy vọng mình có thể góp sức giúp đỡ được người khác. Huyền đã tới trại trẻ mồ côi vì ở đó có nhiều việc cho cô làm như dạy các bé học, tổ chức Giáng sinh, năm mới cho các bé, lau dọn vệ sinh… Hoặc như ở Kenya, cô tình nguyện với một tổ chức giúp đỡ người cao tuổi. Cho rằng mình là một người may mắn bởi nhận ra mình muốn gì từ khi còn trẻ và có cơ hội để thực hiện nó, Huyền quả là một cô gái mạnh mẽ. Thế nhưng cũng có lúc, Huyền e ngại rằng về Việt Nam không ai dám yêu mình. Bởi ở Việt Nam, ai cũng thích con gái hiền lành, các cụ ở nhà cũng không thích con gái đi lang thang. Và nhiều khi rất nhớ nhà, muốn bay về ngay lập tức, nhưng Huyền lại nghĩ, nếu về bây giờ khó có thể tiếp tục, nên cô lại phải tự thúc đẩy mình đi tiếp. Bởi hỡi những người còn chần chừ, chúng ta sẽ già đi nhanh lắm đấy!
Với nhóm bạn cắm trại qua đêm khi đi vòng quanh Nepal bằng xe máy.
Nguyễn Thị Khánh Huyền: (Huyền Chip)

- Sinh năm: 1990.- Số quốc gia đã đặt chân đến: 15.- Thời điểm quyết định đi vòng quanh thế giới: Tháng 5/2010.- Câu trích dẫn ưa thích nhất: “20 năm về sau bạn sẽ hối tiếc những điều mình không làm hơn là những điều bạn đã làm” (Mark Twain).
Mọi người hay hỏi tôi quyết định đi "vòng quanh thế giới" như thế nào. Tôi chẳng quyết định. Khi bắt đầu đi, tôi mới chỉ là một con bé 19 tuổi không một xu dính túi, nói đi "vòng quanh thế giới" chỉ như một đứa trẻ con 5 tuổi nói với mẹ "lớn lên con muốn làm nhà du hành vũ trụ". Chuyến đi dài ngày này của tôi bắt đầu từ một chuyến đi 3 ngày sang Brunei. Một giây phút nông nổi đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi từ khi đó.
Tháng 5 năm 2010, tôi đang ở Malaysia làm một công việc mà ai cũng nghĩ là công việc trong mơ. Quả thực, công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc, tất cả đều rất tốt, nhưng chỉ một vấn đề duy nhất là ý của tôi và sếp thường bất đồng ý kiến với nhau. Một lần quá mệt mỏi, tôi quyết định đi sang Brunei chơi cho khuây khỏa. Lúc đó, ý định làm chuyến đi lâu thật lâu đã bắt đầu nhen nhóm, nhưng tôi không biết sẽ đi như thế nào. Tôi tính nếu tôi nghỉ việc giờ, tôi lĩnh lương chắc cũng đủ cho tôi đi vài tháng, có máy tính rồi từ từ kiếm việc gì đó làm online. Nhưng tôi quên mất là laptop của tôi là laptop của công ty, nghỉ việc thì tôi cũng không còn máy. Thế là tôi đành ngậm ngùi bỏ tiền mua một cái netbook nhỏ nhỏ, cấu hình yếu nhưng cũng đủ để viết và lướt web. Máy ảnh tôi bị mất trước đó mấy tháng nên tôi cũng phải mua máy mới. Vèo một phát, số tiền còn lại của tôi chỉ còn khoảng 700, 800$. Tôi tặc lưỡi, thôi đi bừa, cùng lắm là lại về Malaysia. Tôi đặt vé khứ hồi vì thực sự tôi vẫn không nghĩ là mình sẽ đi được. Phòng trọ tôi thuê tôi cũng không trả chủ nhà mà vẫn để đồ đạc ở đấy, tin rằng chắc chắn mình sẽ quay lại Malaysia.
Khi còn la liếm giới dân làm công nghệ, tôi có quen Preetam Rai - nổi tiếng trong giới vì ở đâu cũng có mặt. Sinh ra Ấn Độ, sống và làm việc ở Singapore, Preetam đi khắp các nước châu Á tham gia đủ các thể loại hội thảo công nghệ. Anh thỉnh thoảng hay gọi tôi hỏi: "Này, tổ chức cái gì ở Việt Nam đi để anh có cớ qua." Khi nghe tôi kể lể tình hình, anh tặc lưỡi: "Đi đi, không đắt lắm đâu. Dùng CouchSurfing thì khỏi mất tiền ở khách sạn." CouchSurfing là trang web kết nối những người sống ở địa phương và dân du lịch ba-lô. Nếu nhà bạn có phòng trống, ghế sofa (couch) hay bất cứ chỗ nào ngủ được, đăng lên CouchSurfing với tư cách host (chủ nhà). Dân đi ba-lô đến một thành phố nào đó, không có chỗ ở thì lên CouchSurfing gửi yêu cầu cho host xin ở nhờ. Những ngày ở Malaysia buồn, tôi cũng hay tham gia mấy buổi gặp mặt CouchSurfer (từ dành chỉ những người dùng CouchSurfing). Couchsurfers là dân lang thang nên tính tình đều khá cởi mở, thân thiện, tôi thích. Nhưng tôi chưa bao giờ ở nhờ cả, thứ nhất vì cũng không cần, thứ hai vì tôi cũng hơi sợ. Lần này thì là cơ hội tuyệt vời để thử. Brunei là một đất nước đắt đỏ nổi tiếng, đọc trên mạng tôi được biết cả nước chỉ có một Youth Hostel giá khoảng 10$/đêm, còn lại các khách sạn khác đều khoảng 200$/đêm. Youth Hostel thì hên xui, khách sạn thì tôi không có tiền ở, Brunei là lựa chọn duy nhất.
CouchSurfing hoạt động dựa vào mức độ tin tưởng đánh giá qua những reference (lời giới thiệu, giờ gọi tắt là ref) mà người khác để lại trên profile của bạn. Lúc đó, hồ sơ tôi trống trơn vì không có lời giới thiệu nào, nhưng may mà tôi có cái blog khá tử tế, nên gửi yêu cầu ở nhờ nào cũng tương cái blog mình vào đó. Tôi gửi yêu cầu tới 3 người thì 2 người đồng ý là Phillips và Rudy. Cả 2 đều bảo tôi gửi họ thông tin chuyến bay xem họ có ra đón tôi được không. Taxi từ sân bay về Bandar Seri Begawan rất đắt, khoảng $20. Xe buýt thì khó đoán. Tôi gửi thông tin cho cả hai, định bụng ai trả lời trước thì sẽ ở cùng người đấy. Nhưng đến hôm trước khi ra sân bay tôi vẫn chẳng thấy ai trả lời. Tôi lúng túng không biết làm thế nào, nhưng quyết tâm đi rồi thì cứ phải đi chứ biết làm sao.
Tôi đi ra sân bay lúc 6h sáng, trời còn tối âm ỉ. Tôi không đánh thức bạn ở cùng nhà dậy mà chỉ để chìa khóa lại trên bàn. Đi ra đến cổng, bác bảo vệ đang ngái ngủ thấy tôi thì vui vẻ hẳn lên. "Chip, đi đâu mà sớm vậy?" "Cháu ra sân bay đi Brunei ạ." "Thích ha, thế bao giờ quay lại đây dẫn bác sang Việt Nam?" Tự nhiên tôi không biết trả lời thế nào. Đến lúc đấy tôi mới phần nào nhận ra rằng có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại bác. Cổ họng tôi nghẹn cứng lại. Tôi cười cầu tài rồi đi vội ra bến metro.
Tàu sớm trống trơn, tôi ngồi một mình một toa mà lòng buồn xo. Tôi đi vội vã quá. Tôi quyết định đi ngày 9/5, bay ngày 13/5. 4 ngày vừa qua tôi cắm đầu vào lo đủ mọi chuyện mà không hề nghĩ đến khả năng nếu tôi thành công, tôi sẽ phải chia tay với Kuala Lumpur. Bao nhiêu người tôi yêu quý ở đây mà tôi chưa có dịp chào tạm biệt. Không biết mọi người có trách mình không nhỉ? Tôi thở dài, ngủ quên lúc nào không biết.
Đến sân bay, tôi thấy mình có tin nhắn từ Phillips. Tôi nhắn tin cho Rudy bảo đừng đến đón tôi nữa rồi tắt vội điện thoại. Brunei, here Ie! 

Phần 2: Người Việt NamBrunei 

Hồi ở Malaysia, có một chị tên là Caroline Ang làm với Amway có liên lạc với tôi để phát triển thị trường sang Việt Nam. Vốn có ác cảm với bán hàng đa cấp, tôi không mặn mà cho lắm. Khi đọc blog về quyết định của tôi, chị nhiệt tình hẹn gặp. Nghĩ cũng chẳng thiệt thòi gì, tôi đồng ý. Chị kể rằng chị lấy chồng người Brunei, gia đình chị bên đấy có người giúp việc người Việt, tên là Yến.
- Brunei có rất nhiều người lao động Việt Nam. Em có muốn viết bài thì gặp họ, nhiều chuyện hay ho lắm.
- Như thế nào hả chị?
- Mới gần đây có một người lao động Việt Nam bị đột tử khi đang làm việc. Để tiết kiệm tiền vận chuyển về Việt Nam, ông chủ đề nghị cắt xác thành 3 mảnh.
Tôi nghe mà lạnh cả xương sống. Vậy nên, việc đầu tiên tôi làm khi đặt chân lên đất Brunei là tìm cách liên lạc chị Yến. Thực ra, việc đầu tiên sau khi đã làm một tour quanh Bandar trên chiếc xe gyp bụi bặm của Phillips. Anh thả tôi tại Gadong - trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất của Bandar.
Mới nghe tôi nói tiếng Việt, chưa kịp hỏi han gì, chị Yến đã "ra lệnh":
- Em đang ở đâu?
- Gadong ạ.
- Ra chợ cá đứng đợi anh nhà chị đến đón.
Chị Yến với anh Dũng đến đón tôi trên chiếc xe con màu đỏ.
- Anh chị bên này cũng có xe ô tô sang ghê.
- Gì chứ em hỏi dân Việt Nam bên này ai mà không biết anh: người Việt Nam giàu nhất Brunei! - Anh Dũng tự hào khoe.
Anh giàu nhất hay không thì tôi biết, nhưng chắc chắn anh chị là người rất "nổi tiếng" trong cộng đồng người Việt. Chị Yến đã từng lên báo Brunei, còn anh Dũng trong thời gian 2 năm rưỡi ở đây đã giúp đỡ không ít anh em ổn định khi mới sang.
Nhà anh Dũng nằm sâu trong một con hẻm. Căn nhà thực ra chỉ là vài tấm gỗ ghép lại. "Xưởng chủ cho ở nhờ đấy," anh Dũng bảo. Quần áo phơi đầy lối đi, chị Yến có vẻ ngại vơ vội đống quần áo nhét vào sau tấm gỗ. Tôi nghĩ thầm, nhà "người giàu nhất" mà còn như thế này thì không biết anh em khác sống sao. Nghĩ trong bụng thế thôi chứ không dám nói vì sợ anh chị tự ái. Số tôi may, đúng hôm đấy trời mưa nên mọi người đang tập trung ở nhà anh Dưỡng nhậu nhẹt. Nói nhậu nhẹt cho oai chứ thực ra chỉ là uống trà với lạc rang. Khi tôi đến, chị Yến mới lấy ra một lon nước tăng lực mời riêng tôi. Biết anh chị coi tôi là "khách quý", tôi xúc động lắm. 
Lâu không gặp người Việt, mọi người tranh nhau kể chuyện, từ những vất vả khi làm việc, bị chủ quỵt tiền, đến cả những chuyện thâm cung bí sử mà mọi người bắt tôi hứa không được kể với ai.
- Em thử hình dung, bên này người thân không có, tiếng thì chẳng nói được, chủ thì nó khinh, mình phải tìm đến với nhau thôi em ơi.
Lúc mọi người nói từ "khinh", tôi cũng chưa hiểu lắm. Nhưng sau khi tự mình trải nghiệm, tôi mới thấm thía cái từ này. Tôi có gặp một chị cũng tên là Caroline Ang, cũng do chị Caroline Ang Amway giới thiệu. Để tránh nhầm lẫn, tôi xin gọi chị Caroline Ang này là Caroline BonAsia theo tên công ty của chị. Không cần biết tôi có đang tìm việc hay không, chị thẳng thắn đề nghị:
- Công ty chị đang muốn đưa khách từ Việt Nam sang, em làm cho bọn chị, lương 500 đô Brunei.
Tôi hoảng hồn, lương thế thì chỉ bằng 1/10 mức lương trung bình bên này.
- Lương thế thấp quá, không đủ tiền sinh hoạt bên này.
- Lao động nhập cư thì thế thôi em, so với ở Việt Nam thì chắc cũng cao chán rồi.
Tôi lịch sự từ chối nhưng trong lòng vô cùng ấm ức. Nhờ vào nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ, Brunei trở thành một vương quốc vô cùng giàu có với thu nhập bình quân đầu người lên tới trên 50,000 USD/năm. Người dân Brunei được nhà nước cấp nhà, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đều miễn phí. Thu nhập cao, không ai muốn làm việc nặng nhọc. Những công việc như lái xe, phục vụ bàn, dọn dẹp nhà cửa, trồng rừng, làm vườn ... được dành hết cho người lao động nhập cư. Với dân số chỉ vỏn vẹn 400,000 ngàn người, Brunei có tới 100,000 người lao động nhập cư, chủ yếu đến từ Indonesia, Philippines, Việt Nam. Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng thực sự người dân ở đây nhìn chung đều coi người lao động nhập cư là "tầng lớp dưới", "tầng lớp phục vụ" cho họ, một thái độ mà khi gặp tôi, chính Stephen Ignatius, nhà báo đầu tiên của Brunei, cũng thừa nhận là có tồn tại và ông rất buồn vì điều đó.
Tôi thấy xót xa cho người Việt mình ở đây vô cùng. Mưu sinh nào có dễ dàng gì. Vất vả là thế, vậy mà nhiều khi còn bị quỵt tiền lương. Các công ty môi giới đưa sang đến đây là bỏ mặc, không giúp đỡ được gì. Thấp cổ bé họng, kiện cáo không được, mọi người đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Đã trót vay mượn một đống tiền để sang đây, chẳng lẽ lại gây hấn để bị đuổi về tay không? Mặc dù còn rất nhiều chuyện tâm sự, nhưng tôi có hẹn với Caroline BonAsia lúc 9h tối nên tôi xin phép về. Anh Dũng bảo nếu tôi thực sự muốn tìm hiểu cuộc sống người Việt Nam bên này thế nào thì sáng sớm mai theo anh đi xuống rừng nơi người Việt làm việc. Biết tính người Việt hay nói một đằng làm một nẻo, tôi phải hỏi lại cho chắc chắn:
- Ngày mai anh đi làm vậy có chắc là đưa em đi được không?
- Được được, không phải lo. Đúng 6h sáng mai ra cổng siêu thị anh đến đón. 

Phần 3: Không khóc ở Brunei 

Khi ra đi quyết tâm là vậy, tôi nào đâu biết mới sau đêm đầu tiên tôi đã suýt phải bật khóc.
Sáng hôm sau tôi háo hức dậy sớm, mượn điện thoại Phillips gọi cho anh Dũng. Tôi tin chắc thế nào anh cũng đang trên đường đến đón tôi rồi. Nào ngờ đâu, tôi tá hỏa khi anh ậm ừ nói là bận không đi được. Phillips lúc đấy cũng phải chuẩn bị đi làm, đồng nghĩa với việc tôi bị "đá" ra khỏi nhà. 
- Tối nay anh với bạn đi Rainforest Music Festival ở Miri. Em chịu khó tìm chỗ khác ở nhé.
CouchSurfing là thế. Tôi có phòng trống, tôi cho bạn ở nhờ. Tôi không có thời gian cho bạn nữa, tôi đuổi bạn đi. Không trách nhiệm, không oán trách. 
Anh để tôi lại trước cổng một siêu thị nào đó trên đường đi làm.
6 giờ sáng, bầu trời Brunei xanh xanh ngắt, mà lòng tôi buồn buồn xắt. Tôi ngồi một mình trước cổng siêu thị vắng tanh vắng ngắt, không có nơi nào để đi, không có ai để nhờ giúp đỡ, cũng không có điện thoại để liên lạc với ai. 3 người đầu tiên tôi gặp ở Brunei, 1 người cho tôi leo cây, 1 người đá tôi ra khỏi nhà, 1 người đối xử với tôi như người lao động nhập cư. Tôi không khóc mà nước mắt cứ chực trào ra. Thế này mà đòi đi vòng quanh thế giới à? Mới có qua ngày đầu tiên tôi đã thảm hại thế này rồi à? Còn sớm quá chẳng thể làm được gì, tôi lấy cuốn sách mình mang theo ra đọc.
Tôi chẳng nhớ là lúc đấy tôi đọc gì, nhưng nó làm cho tôi phấn chấn hơn rất nhiều. "Không thể ngồi đây ăn vạ mãi được," tôi tự nhủ. Tôi quyết định gạt lòng tự ái của mình sang một bên, đến cây điện thoại công cộng, gọi cho Caroline BonAsia. Vì tôi không biết mình đang ở đâu, chị bảo tôi tìm cách đến siêu thị Gadong sẽ cho xe đến đón.
Thử thách của tôi bây giờ là làm sao tìm được đường đến siêu thị Gadong. Nói thêm một chút về Brunei. Vương quốc này chắc chắn không dành cho khách du lịch. Ai cũng có xe riêng, lái xe riêng nên không ai dùng xe buýt, taxi. Hệ thống xe buýt bên này vô cùng khó đoán, còn taxi thì cả nước chỉ có trên dưới 40 chiếc, chủ yếu nằm ở sân bay. Mà giả sử tôi có may mắn tìm được taxi thì cũng chẳng đủ tiền trả bởi giá vô cùng đắt đỏ. Tôi tìm mấy nhân viên siêu thị hỏi đường thì không ai nói được tiếng Anh. Tôi quyết tâm đi bộ rồi hỏi đường dần dần.
Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra mình là người duy nhất đi bộ trên đường. Người Brunei không có thói quen đi bộ, đi từ đường bên này sang bên kia cũng lái xe. Bí quá không biết làm thế nào, tôi giơ tay ra muốn dừng xe lại để hỏi đường. Lái xe đều nhìn tôi lắc đầu. Aaaaa, tôi chỉ muốn hỏi đường thôi mà, ai thèm đi nhờ xe!
Trời nắng chang chang, cái ba-lô 10kg trên lưng tôi bắt đầu làm mình làm mẩy. Lưng tôi ướt sũng mồ hôi. Đi bộ được hơn một tiếng, tôi nản quá bỏ luôn ý định dừng xe thì bất chợt một chiếc xe đỗ xịch lại trước mặt. Anh chàng không nói được tiếng Anh, tôi bập bẹ duy nhất từ Gadong Gadong. Anh chàng ra dấu hiệu cho tôi lên xe đi.
Với vốn tiếng Malay bập bẹ, tôi biết anh tên là Arnand. Anh có một cửa hàng sửa chữa cơ khí gì đó. Anh lái xe đi miết mà chả thấy bóng dáng siêu thị Gadong đâu. Bất chợt anh rẽ vào một ngõ hẻm vắng tanh vắng ngắt, dừng lại trước một cánh cổng đóng kín mít và ra hiệu cho tôi đi theo anh. Trời ơi đây là đâu? Tôi lo cuống cả lên, nhưng không muốn để Arnand biết. Tôi đành đi theo anh. Anh bảo tôi cứ để ba-lô trên xe, nhưng tôi cứ mang theo có gì còn ... chạy.
Đi qua cánh cổng, rẽ vào một ngõ hẻm nữa, Arnand dừng lại trước một quán ăn. Tôi giật mình ngã ngửa, hóa ra Arnand chỉ muốn dẫn tôi đi ăn sáng. Thần hồn nát thần tính quá đây mà.
Trong menu có món "Phở Việt", tôi gọi ăn thử thì thấy nó chả Việt Nam tí nào. Trong bát phở có ngô, cà rốt, nấm, ... tất cả những thứ mà chả bao giờ mình nhìn thấy trong phở Việt Nam. Arnand nhất định không để tôi trả tiền. Ăn xong, Arnand đưa tôi đến Gadong. Tôi sau này có viết về anh trên blog của mình. Bài viết được Brunei FM dịch lại và họ gọi Arnand là "người Brunei của tháng". Qua đó, rất nhiều người Brunei gửi email cho tôi nói là nếu tôi cần giúp đỡ gì ở Brunei thì cứ báo họ. Rất tiếc, lúc đấy tôi đã cao chạy xa bay khỏi Brunei rồi. 

Phần 4: Mưa ở lễ hội rừng mưa 

Thời gian còn lại ở Brunei tôi dành để thăm thú các điểm du lịch nổi tiếng của Brunei: các ngôi đền thờ Hồi giáo trị giá hàng triệu đô, cung điện Sultan nguy nga tráng lệ, làng nổi lớn nhất thế giới Kampong Ayer - nơi 10% dân số Brunei sinh sống. Nhờ may mắn, tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với Stephen Ignatius - nhà báo đầu tiên của Brunei và Tegla Loroupe - nữ vô địch điền kinh thế giới, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ người Kenya với câu chuyện cuộc đời giàu sức truyền cảm hứng. Sinh ra trong một gia đình với 24 anh chị em, lớn lên trong một nền văn hóa nơi phụ nữ không được đến trường, không được chơi thể thao, cô gạt bỏ những kỳ thị để theo đuổi đam mê của mình: chạy. Mối quan hệ của tôi với Caroline cũng được cải thiện đáng kể. Tôi bấy giờ đã chuyển đến ở nhà Rudy - CouchSurfer mà tôi lỡ cho "leo cây" từ ngày đầu tiên. Tối tối, Caroline đều gọi điện hỏi tôi có ổn không khiến tôi vô cùng xúc động. Có một chuyện vui để thấy Brunei nhỏ như thế nào. Khi biết tôi đến ở nhà người lạ, Caroline rất lo lắng, hỏi tên đầy đủ của Rudy. Rồi sau chỉ vài cú điện thoại, Caroline đã biết chính xác tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của Rudy, thật đáng sợ. "Brunei như một cái làng vậy. Ở đây từ nhỏ đến lớn, ai cũng biết ai."
Một buổi chiều, tôi đang ngồi dùng Internet ở văn phòng của Caroline khi chị đột ngột hỏi:
- Này, mai đi Rainforest Music Festival ở Miri không?
- Mai á?
- Ừ.
Thế là tôi cũng gật bừa. Lúc đó tôi đã quên béng vé máy bay khứ hồi về lại Malaysia. Ở Malaysia đã lâu, tôi chưa bao giờ sang bán đảo Đông Malaysia, khu vực mà bạn bè người Malaysia của tôi đều bảo là "Malaysia thực sự".
9h sáng hôm sau, tôi có mặt ở văn phòng Caroline. Caroline lái chiếc xe Honda 7 chỗ to đùng. Tò mò tôi hỏi:
- Sao đi xe to cho tốn xăng hả chị?
Chị phá lên cười không trả lời. Sau này tôi mới biết xe 4 chỗ của nhà chị toàn "xe xịn". Người Brunei coi Malaysia là một quốc gia kém phát triển, không an toàn nên không ai lái xe xịn sang đấy cả. Xăng dầu ở Malaysia không phải là vấn đề, bởi giá cả ở đây cực rẻ. Một lít xăng lúc bấy giờ chỉ nửa đô Brunei (khoảng 6 ngàn tiền Việt). Caroline cho hay những người Miri làm việc ở Brunei hay vận chuyển lậu xăng từ Brunei về Malaysia để bán với giá cao gấp đôi, nên chính phủ Brunei có luật giới hạn việc mua bán xăng của người lao động nước ngoài ở đây.
2 giờ lái xe từ Bandar đến Miri là cơ hội tuyệt vời để thưởng ngoạn phong cảnh làng quê Brunei. Brunei quả thực là một đất nước vô cùng xanh sạch đẹp. Ở đâu cũng toàn cây là cây. Do mức độ ô nhiễm thấp, bầu trời Brunei xanh ngắt. Quả thực đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy bầu trời ở đâu xanh đến như vậy.
Miri thuộc bang Sarawak, khu vực tự trị của Malaysia với visa và con dấu xuất nhập cảnh riêng. Người Việt Nam mình không cần visa cho Malaysia nên cũng không cần visa cho Sarawak. Những ai cần visa để vào Malaysia, nếu muốn vào Sarawak sẽ phải nộp hồ sơ xin visa Sarawak lúc xin visa Malaysia. Các bác làm cục hải quan Sarawak rất dễ chịu, chỉ nhìn hộ chiếu của tôi rồi cho đi mà không đóng dấu nhập cảnh. Tôi hơi băn khoăn nhưng lúc đấy mải vui nên cũng không hỏi, không hề biết rằng việc không có con dấu đấy sẽ gây cho tôi không ít rắc rối khi tôi rời khỏi Malaysia sau này. Sang đến Miri rồi, tôi mới chợt nghĩ ra:
- Tối nay ngủ ở đâu hả chị?
- Dĩ nhiên là khách sạn rồi.
Bạn của Caroline đã đặt phòng cho chúng tôi ở khách sạn sang trọng nhất của Miri, mà lại là phòng xịn nhất. Bạn của Caroline làm trong ngành du lịch nên anh lấy được giá rẻ, nhưng vẫn quá sức ngoài ngân sách của tôi. Caroline nhìn tôi có vẻ thông cảm:
- Em trả được bao nhiêu thì trả thôi, còn lại chị trả.
Nhưng để chị trả cũng hơi ngại, nên tôi tự trả hết phần của mình. Vèo một phát đã hết $100. Thôi, sau mấy ngày vật vã ở Brunei, một đêm đệm ấm chăn êm cũng bõ, tôi tặc lưỡi. Bệnh sĩ chết trước bệnh tim đấy mà.


Đến nơi tôi mới biết đấy là thời điểm tốt nhất để thăm Miri, bởi lúc đó thành phố này tổ chức kỷ niệm ngày chính thức thành phố với rất nhiều lễ hội. Đường phố tràn ngập những trang trí rực rỡ. Chúng tôi không tham gia được Music Festival vì vé đã bán hết, nhưng hóa ra thế lại may, bởi tối hôm đó trời mưa suốt. Charles và Justin, bạn của Caroline, đến đón chúng tôi ở khách sạn và một đêm ăn long trời lở đất bắt đầu. Tôi chưa bao giờ ăn nhiều đồ ăn ngon đến thế. Trước hết, chúng tôi đến một nhà hàng trên bãi biển ăn satay. Satay là món ăn quốc gia của Indonesia nhưng hết sức phổ biến ở Malaysia. Đây đại khái là thịt xiên, nhưng ăn với nước sốt rất ngon. Ở Malaysia, mình được chọn que thịt sống, tự nhúng vào nước sốt sôi sùng sục, nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Charles gọi cho tôi đồ uống đặc trưng của Miri. Tôi không biết tên gọi của nó là gì, nhưng nó bao gồm rất nhiều thứ: lúa mạch, vải khô, thạch, ... và có mùi thơm rất dễ chịu. Sau đó chúng tôi đến một nhà hàng hải sản tôi nghe nói là rất nổi tiếng của Miri. Phải nói là hải sản Malaysia còn lâu với bằng được hải sản Việt Nam, nhưng tôi đặc biệt thích món nghêu hấp sả và mực chiên bột. Tiếp theo là đồ tráng miệng ở Citrus, và đây vẫn là đồ tráng miệng ngon nhất mà tôi từng ăn. Nó bao gồm bánh chuối, chuối, siro và chô-cô-la trên một đĩa nóng. Chúng tôi cũng đi thăm Marina Bay - nhà hàng xây trên biển bởi tôi tò mò về kiến trúc của nhà hàng này. Xây nhà trên cát quả thực không đơn giản. Trước hết, họ phải củng cố móng, đợi cho mọi thứ lắng đọng và đông đặc lại mới bắt đầu xây được nhà. Toàn bộ nhà hàng được xây bằng gỗ, trạm khắc tỉ mỉ bởi những thợ lành nghề nhất của Indonesia. Từng tấm gỗ đều được bảo quản đặc biệt để chống chọi với cái ẩm ướt từ biển.
Chúng tôi trở về khách sạn lúc nửa đêm, no đủ và vui vẻ. Tôi ngủ một lèo đến sáng, chẳng lo nghĩ gì.

Phần 5: Khách sạn có ma ở Sibu 

Sáng, Caroline lên đường trở lại Brunei. Tôi tỉnh dậy, và bắt đầu hỏi một câu hỏi, một câu hỏi mà kể từ đó về sau, tôi phải tự hỏi mình rất nhiều: "Đi đâu bây giờ nhỉ?" .
Tôi gửi đồ của mình ở khách sạn và bắt đầu đi vòng vòng quanh thành phố để lấy ý tưởng. Tôi gặp một nhóm xe vespa từ Brunei, qua Miri tham gia diễu hành mừng sinh nhật thành phố. Biết tôi đi du lịch một mình từ Việt Nam, họ hết sức thích thú, xin chụp ảnh cùng và xin số liên lạc. Họ gợi ý cho tôi đến Kuching - thủ phủ bang Sarawak. Đây được coi là mảnh đất của những huyền thoại, những cánh rừng nguyên sinh, những chú chim mỏ sừng Rhinoceros và những bộ tộc săn đầu người. Tôi quyết định đến Kuching, nhưng trên đường đi, tôi muốn ghé thăm Sibu - thành phố người Hoa duy nhất ở Đông Malaysia. Dân số ở đây chủ yếu là người Hoa Foochow, nổi tiếng với ẩm thực Foochow của mình.
Caroline Amway gọi cho tôi lúc tôi đang ở trên xe buýt. Lo lắng vì tôi sẽ đến Sibu vào lúc nửa đêm, chị giới thiệu cho tôi với Koh, một người bạn của chị ở Sibu. Koh đón tôi ở bến xe và dẫn tôi vào thành phố tìm khách sạn. Vì lúc đó đã muộn, tôi đã khá mệt và không muốn làm phiền Koh nhiều, tôi chọn bừa bất kỳ một khách sạn nào tôi thấy. Đó là một khách sạn khá lớn, ở ngay trung tâm thành phố, có vẻ cũ kỹ, nhưng được cái khá rẻ (50RM ~ $15), lại có wifi. Người đàn ông gốc Hoa ở bàn tiếp tân không nói được tiếng Anh. Koh giúp tôi check in và để tôi ở lại trong phòng một mình.
Việc đầu tiên tôi làm khi nhận phòng là kiểm tra nhà vệ sinh. Vòi nước và xả bồn cầu không hoạt động. Tôi chạy xuống gọi người đàn ông trực đêm, ông vào kiểm tra thì mọi thứ đều hoạt động bình thường. Ông đi xuống và tôi bắt đầu sửa soạn để tắm. Đột nhiên, tôi nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm, ai đó mở vòi nước rồi lại đóng lại. Tôi chạy vào xem, thì thấy nước vẫn chảy, bồn cầu đang xả nước và cuộn giấy vệ sinh tự động thả giấy xuống. Hoảng hồn, tôi lao xuống bàn tiếp tân, cố gắng giải thích cho người đàn ông nhưng ông không hiểu. Tôi không thể check out và tìm khách sạn khác, bởi Sibu không chỉ nổi tiếng bởi đồ ăn của mình, mà còn nổi tiếng với những bang nhóm gangster thống trị mọi ngóc ngách phố vào ban đêm. Tôi đành quay lại phòng, mở Facebook và bắt đầu kêu khóc với bất cứ ai tôi gặp online. Tôi không dám sử dụng nhà vệ sinh, thậm chí không dám tắm. Đến khoảng 3 giờ sáng, mọi âm thanh kỳ lạ kết thúc, và tôi ngủ thiếp đi khoảng 1 giờ sau đó.
Sáng hôm sau, tôi đi xuống và gặp một phụ nữ người Hoa ở bàn tiếp tân. Bà có thể nói tiếng Anh. Tôi kể lại cho bà những chuyện oái oăm lúc nửa đêm. Bà chẳng có vẻ gì ngạc nhiên:
- Cháu ở phòng nào?
- 405.
- Ở đây không có phòng 405.
Tôi giật mình lại chìa khóa phòng: 407. Vì lý do nào đó, cả đêm tôi cứ nghĩ mình ở phòng 405. Tôi cũng không hiểu sao ở đây không có phòng 405. 405 không phải là một con số đen đủi trong văn hóa người Hoa. Tôi hỏi nhưng không nhận được câu trả lời. Tôi check out, Koh đến đón đưa tôi về nhà chị. Có cho tiền tôi cũng không dám ở khách sạn đấy thêm một đêm nữa.
Vợ chồng Koh có 2 con gái, con gái lớn học lớp 9, con gái nhỏ mới có 5 tuổi, tên là Chloe. Không hiểu sao, Chloe rất thích tôi, không chịu rời tôi nửa bước. Koh cũng bảo tôi là người lạ đầu tiên Chloe bạo dạn đến thế. Koh và Chloe dẫn tôi đi thăm quanh thành phố. Nhưng tôi thích tự mình khám phá thành phố hơn. Đúng là thành phố người Hoa, nhà hàng nào cũng trưng biển tiếng Hoa, kiến trúc cũng đậm màu sắc Hoa và đồ ăn Foochow cực kỳ hấp dẫn. Sibu có một con sông lớn hết sức thơ mộng, với ngôi chùa Tua Pek Kong cổ kính từ thế kỷ 19 soi bóng kề bên. Tháp chùa có 7 tầng, trèo lên trên đỉnh có thể có cái nhìn toàn cảnh thành phố. Tôi đặc biệt ấn tượng với chợ Sibu. Đây là một chợ vô cùng lớn, rực rỡ nhiều màu sắc với nhiều loại hoa quả tôi chưa thấy bao giờ. Ham ăn, tôi chết mê chết mệt đồ ăn ở đây. Kompyang - món bánh quy đặc trưng của Sibu, làm từ bột mỳ, hành, mỡ và muối với nhân đa dạng tùy sở thích: nhân thịt, nhân rau, nhân ngọt, ... ăn với nước sốt. Kampua Mieng - mì xào khô với thịt lợn xắt miếng, một đặc sản khác của Sibu. Chai Pau - bánh bao chay. Tôi cũng thử món lòng lợn xào hành tây mà tôi cứ nghĩ chỉ Việt Nam mới ăn lòng lợn xào, và món chè Sibu. Tôi ở với gia đình Koh một ngày, tối bắt chuyến xe buýt qua đêm đến Kuching. Koh gói đồ ăn để tôi không bị đói trên xe buýt. Tôi cảm kích vô cùng, không biết phải cảm ơn thế nào cho đủ. 

Phần 6: Cô bạn nổi loạn Cecilia 

Thời gian ở Kuching là quãng thời gian mà tôi học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều, với những mối quan hệ giữa người với người chồng chéo mà trước đó tôi chưa từng trải nghiệm.
Trước đó tôi đã liên hệ với Spiff trên CouchSurfing và anh cho tôi ở nhờ. Spiff bằng tuổi tôi, người Nigeria nhưng đang học tập ở Kuching. Anh đón tôi từ bến xe buýt, đưa tôi về ngôi nhà anh đang ở với những người bạn Nigeria khác của mình. Anh dẫn tôi vào phòng ngủ lớn nhất của ngôi nhà:
- Đây là phòng ngủ của tớ. Tớ host CouchSurfer ở đây luôn.
Tôi tá hỏa, tôi không hề biết rằng mình sẽ phải chung phòng với Spiff, đừng nói là ... chung giường. Nhưng lỡ đến đây rồi biết làm sao, đùng đùng bỏ đi thì thô lỗ quá, mà cũng chẳng biết đi đâu. "Nghĩ nhiều nhức đầu, giờ mới là sáng sớm", tôi tặc lưỡi, "thôi đi tắm đã rồi hẵng hay." Thế là tôi đi tắm. Phòng con trai có khác, phòng tắm bẩn. Vốn không chịu được cái gì bẩn, tôi tiện thể kỳ cọ luôn chứ không có ý gì. Vậy nhưng Spiff có vẻ áy náy lắm.
Spiff dẫn tôi đến gặp Cecilia. Cuộc gặp gỡ có vẻ ngượng nghịu. Hai người chủ yếu nói chuyện với tôi chứ không nói chuyện qua lại với nhau. Spiff để tôi lại với Cecilia vì anh phải đi có việc. Tôi đến đúng vào thời gian nghỉ hè, anh tranh thủ đi làm thêm.
Tôi kết thân với Cecilia khá nhanh. Phần vì chúng tôi bằng tuổi, phần vì cô bạn này cũng có tính cách "nổi loạn" tiềm ẩn. Ban đầu, tôi chỉ định ở lại Kuching vài ngày, nhưng Cecilia thuyết phục tôi:
- Chỉ 10 ngày nữa là Gawai, ấy mà bỏ lỡ thì phí lắm. - Gawai, hay Lễ hội thu hoạch, là ngày lễ quan trọng nhất của bang Sarawak. Gawai được tổ chức hàng năm vào ngày 31/5 và 1/6.
Thế là tôi quyết định ở lại. Trong thời gian chờ đợi, tôi tính kiếm việc gì làm cho đỡ chán. Cecilia dẫn tôi đến club Terminal One, nơi mà năm 17 tuổi, cô đã từng bỏ nhà đến đây xin việc. Chủ club coi Cecilia như em gái. Chị ngay lập tức đồng ý nhận cả tôi và Cecilia vào làm. Thế là tôi có việc. Nhưng vấn đề là bố mẹ Cecilia sẽ không bao giờ cho phép cô làm việc ở đây, dù công việc chỉ là phục vụ bàn thuần túy. Cô than phiền là bố mẹ cô quá nghiêm khắc, họ không tin tưởng cô, và không cho cô ra ngoài chơi. Cecilia đưa tôi về nhà, hy vọng tôi có thể thuyết phục bố mẹ cho cô vào thành phố ở cùng tôi (dĩ nhiên là chỉ trên danh nghĩa, tôi còn chẳng có chỗ ở cho tôi nữa là).
Gia đình Cecilia sống ở một làng nhỏ tên là 17 Mile, cách Kuching đúng 17 dặm. Ngôi làng nhỏ xinh xắn bình yên có nét gì đó rất giống với quê tôi. Ai bảo chỉ ở Việt Nam mới có chuyện cả gia đình trên một chiếc xe máy? Ở làng này, xe máy kẹp 3 kẹp 4 phóng vèo vèo. Spiff đưa chúng tôi đến đây, nhưng không chịu vào mà quay về ngay. Tôi hỏi lý do, Cecilia mới ngập ngừng:
- Bố mẹ tớ không thích Spiff.
- Tại sao?
- Spiff là bạn trai cũ của tớ.
Ra vậy! Hôm đấy là ngày đầu tiên hai người gặp nhau mặt giáp mặt kể từ khi chia tay cách đây một năm. Cecilia cũng không hiểu sao Spiff lại chọn đúng hôm đấy để liên lạc lại với mình.
Cecilia hóa ra là con lai, mẹ là người dân tộc Iban bản địa, bố là người Ấn Độ. Thảo nào Cecilia có nước da sô-cô-la đẹp thế. 
Bố Cecilia hào hứng chia sẻ với đủ chuyện trên trời dưới bể, nhưng tôi hứng thú nhất câu chuyện về bộ tộc săn đầu người ở đây. Sarawak từng được biết đến với cái tên hết sức hãi hùng "Vùng đất của những thợ săn đầu người". Thanh niên bộ tộc này muốn trở thành một người đàn ông thực sự phải săn được ít nhất một đầu người. Nạn nhân thường là kẻ thù hay là những người làng khác lạc bước vào địa phận làng họ. Đầu săn được sau đó sẽ được về khoe với cả làng, đốt khô và treo trước cửa nhà như một chiến tích. Nhà nào càng nhiều đầu lâu càng được coi trọng. Mới đây những năm 50, khi mà người Trung Quốc sang đây tìm đường buôn bán, không ít người xấu số đã bị chuốc rượu say và cắt mất đầu. Tục lệ này ngày nay tuy không còn duy trì, không ít thợ săn đầu người ngày trước giờ vẫn còn sống. Một số công ty du lịch ở đây có tour đi vào rừng thăm bộ tộc này. Tôi bày tỏ mong muốn đi một mình, mọi người đều khăng khăng ngăn cản. Nhỡ chẳng may có thợ săn đầu người nào ngứa nghề, thấy tôi lại tặc lưỡi: "A, mình chưa có cái đầu Việt Nam nào" thì tôi chết.
Nói chuyện với bố mẹ Cecilia một hồi, tôi nhận ra rằng vấn đề của Cecilia chẳng khác gì vấn đề của hầu hết bạn bè đồng trang lứa với tôi. Bố mẹ Cecilia không phải là nghiêm khắc, mà họ chỉ yêu thương và lo lắng cho Cecilia nhiều hơn mức mà Cecilia muốn. Ban đầu, mẹ Cecilia khăng khăng phản đối ý tưởng cho Cecilia vào thành phố, nhưng sau khi tôi thuyết phục cả một đêm (+ những thay đổi tích cực trong thái độ của Cecilia), sáng hôm sau mẹ Cecilia cũng đồng ý cho cô vào thành phố ở một tuần, thậm chí còn cho cô tiền tiêu vặt. Bố mẹ Cecilia cũng mời tôi đến đón Gawai cùng gia đình cô.
Khi ở Kuching, phần lớn thời gian tôi đi chơi cùng Cecilia và bạn bè cô. Tuy quãng thời gian ngắn ngủi, chúng tôi chia sẻ cùng nhau không ít chuyện vui buồn và đến giờ vẫn còn khá thân thiết. Tôi ở lại nhà Spiff, cũng một phần vì Cecilia muốn tôi "do thám" anh. 

Phần 7: Spiff 

Có lẽ sẽ là không công bằng nếu tôi không dành đất để nói nhiều hơn về Spiff, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian tôi ở Kuching, người mà tôi đã gây cho không ít phiền toái, và cũng là người đã gây cho tôi không ít ngại ngùng. Nhưng hơn hết, chúng tôi trở thành bạn tốt mà tôi vẫn hy vọng sẽ có ngày tôi đến Nigeria thăm anh.
Tôi có ấn tượng nhiều với Spiff, không chỉ bởi Spiff là người da đen đầu tiên tôi kết bạn, mà còn bởi vì anh hết sức thông minh và tốt bụng. Tuy không phải là người bản địa, anh vẫn chứng tỏ được khả năng lãnh đạo của mình và trở thành chủ tịch của liên hội sinh viên của khối 6 trường Đại học ở Kuching. Spiff cũng có lối sống vô cùng phóng khoáng so với một du học sinh bình thường: ở một ngôi nhà khá sang, đi xe ô-tô riêng và dùng toàn hàng hiệu. Trong phòng anh phải có tới 20 đôi giày Nike Air.
- Ấy nghĩ người Nigeria đi du học được là bình thường hả? Không phải khoe đâu, nhưng bố tớ là chính trị gia. - Một lần hai đứa huyên thuyên, Spiff cao hứng chia sẻ.
Spiff rất tốt với tôi. Tôi muốn đi đâu Spiff đều đưa tôi đi, rồi đón về. Có lần tôi chẳng may khóa cửa mà quên không mang theo chìa khóa. Lúc đấy Spiff đang ở chỗ làm. Tôi không dám gọi cho Spiff vì không muốn làm phiền anh, nhưng mấy cậu bạn cùng nhà lại gọi cho anh. Anh về ngay lập tức, trèo lên mái nhà tìm cách mở cửa. Không những không cáu với tôi, anh còn luôn miệng an ủi: "Đừng sợ, đừng sợ, tớ sẽ mở được cửa để ấy vào nhà."
Như một lẽ đương nhiên, tôi có cảm tình với Spiff. Nhưng lúc bấy giờ, Spiff đã có bạn gái, một cô gái da trắng gốc Ma-rốc tên là Houda. Houda hơn chúng tôi đến 10 tuổi lận. Cô là một người phụ nữ mạnh mẽ và bạo miệng. Ở tuổi 30, cô đã đến hơn 100 nước, từng sinh sống và làm việc ở không dưới 5 quốc gia và nói 5 thứ tiếng. Một tối Spiff dẫn tôi đi ăn tối cùng Houda. Spiff đề nghị trả tiền cho tôi, nhưng không đề nghị trả cho Houda. Khó xử, tôi quay sang cầu cứu Houda:
- Này, bảo bạn trai của chị đi, đừng đòi trả tiền cho em chứ.
Houda nhún vai:
- Cậu ấy muốn làm gì thì sao chị cấm được.
Tôi cảm giác có cái gì đó không bình thường trong mối quan hệ của hai người này, nhưng không hỏi.
Tôi ở với Spiff được 5 hôm. Chúng tôi dùng riêng chăn. Spiff không bao giờ động chạm hay có hành động sàm sỡ gì. Tôi hết sức tôn trọng Spiff về điều đó. Nhưng đến đêm thứ 5, khi tôi đang đọc tin trên mạng, Spiff bắt chuyện:
- Chip này, ấy biết là ấy rất dễ thương không?
- Ừ hứ? - Tôi ậm ừ bừa vì đang mải đọc.
- Ấy thông minh, và hài hước. Tớ thích con gái mạnh mẽ như ấy.
- Hả? Ấy nói chuyện như thế là có ý gì? - Tôi giật mình.
- Chẳng có ý gì cả. Tớ chỉ muốn nói là tớ thích ấy.
- Ấy không yêu bạn gái mình à?
- Có chứ. Tớ yêu Houda lắm. Nhưng tớ cũng thích ấy nữa.
- Ừ, tớ cảm ơn. - Tôi muốn kết thúc cuộc hội thoại này càng sớm càng tốt.
- Với tớ, thể xác và tình cảm là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Tớ yêu Houda, nhưng tớ có thể thích người khác cùng lúc. - Spiff không bỏ cuộc.
- Ý ấy là ấy đã cho Houda cắm sừng rất nhiều lần?
- Tớ không nghĩ đấy là "cắm sừng". Đấy là giao hẹn giữa tớ và Houda, mỗi người có quyền làm những gì mình thích.
- Ấy đã ngủ với bao nhiêu cô gái rồi?
- Tớ không đếm. - Spiff ngập ngừng.
- Hay là không đếm được?
Spiff cười ngượng nghịu. Tôi biết câu trả lời là "Rất nhiều".
- Spiff này, nếu ấy có cảm tình cho tớ, tớ hết sức trân trọng. Nhưng tớ có suy nghĩ khác ấy. Tớ không chấp nhận chuyện yêu một người và ngủ với người khác cùng lúc. Tớ không đánh giá ấy, ấy làm những gì mình thích, nhưng đừng lôi tớ vào. Coi như chưa có cuộc nói chuyện này, tớ và ấy vẫn là bạn bè.
Tôi nói tỉnh bơ thế thôi chứ trong lòng hoang mang lắm. Đấy là lần đầu tiên tôi gặp phải trường hợp này. Trong khi đó, Cecilia cứ liên tục hỏi tôi về Spiff và bạn gái mới của cậu.
- Spiff lăng nhăng lắm đúng không?
- Tớ không biết. - Tôi không dám nhắc đến câu chuyện đêm hôm trước.
- Bạn gái mới của Spiff thế nào? Nghe nói là nó già lắm.
- Tớ không biết tuổi, nhưng không xinh bằng ấy.
Tôi quyết định phải chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt. Tôi liên hệ với Barry Chong, một Couchsurfer khác ở Kuching. Ông đồng ý cho tôi ở, và tôi chuyển đến nhà ông ngay ngày hôm đó. 
Phần 8: Những cô gái bao ở Kuching 

Barry Chong là một người đàn ông trung niên độc thân sống trong một căn hộ nhỏ xinh xắn ở Pandungan. Đây là trung tâm thành phố, nhưng cũng được coi là khu đèn đỏ của Kuching. Căn hộ ông có hai phòng trống. Một phòng ông cho một cô gái Philippines thuê, phòng kia ông để tôi ở.
Để bảo vệ danh tính cô "hàng xóm", tôi xin tạm gọi cô là Trắng. Mới gặp Trắng, tôi lờ mờ đoán ra công việc cô làm, phần vì đồ trang điểm rẻ tiền Trắng dùng, phần vì lịch làm việc khuya thất thường của Trắng, và cũng phần vì con gái Philippines, cũng như con gái Việt Nam ở nước ngoài, vốn bị chụp mũ cho cái nghề này. Trắng năm nay 25 tuổi, xinh xắn, nói chuyện có duyên và lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói. Hôm đấy tôi chẳng có việc gì làm, nên khi Trắng rủ sang nhà bạn cô chơi, tôi đồng ý ngay.
Bạn của Trắng, tạm gọi là Đỏ và Xanh, sống trong một shop house (đây là kiểu nhà trọ rất phổ biến ở đây, tầng 1 là cửa hàng, tầng 2 cho thuê để ở). Khi chúng tôi đến, Đỏ vẫn đang ngủ còn Xanh mới ngủ dậy. Tôi mỉm cười với cô vài lần nhưng cô chẳng thèm cười đáp lại. Khi Trắng giới thiệu tôi, Xanh cũng chỉ "ừ hứ" rồi tiếp tục nói chuyện bằng tiếng Tagalog. Vừa tủi thân vừa sợ, tôi tiu nghỉu ngồi nghe Trắng và Xanh nói chuyện, cố gắng đoán xem họ nói gì. Khoảng nửa tiếng sau, Đỏ ngủ dậy và Trắng đưa cho cô đủ loại sản phẩm: kem làm trắng da, sữa tắm, thuốc giảm cân, ... Đỏ có thân hình hết sức đồ sộ. Cô tăng cân kể từ sau khi đẻ đứa con thứ 2. Cô nhìn những viên thuốc giảm cân với nụ cười rạng rỡ, rồi mở tủ lấy ra một bịch sô-cô-la ăn ngon lành.
Đỏ có vẻ thân thiện. Cô nhìn tôi lo lắng: "Em đi du lịch một mình thế mà không sợ à?" - "Không, sợ gì chứ. Mọi người hầu hết đều tốt mà." - "Bạo thế. Hồi 19 tuổi mình làm gì nhỉ? Bị hiếp rồi mang thai chứ có làm được gì đâu."
Tôi nghe mà choáng váng cả người. Sốc, bởi vì thông tin một phần, nhưng chủ yếu bởi vì cách cô nói về nó. Cô nói chuyện như thể bị hiếp rồi mang thai ở tuổi 19 là chuyện thường ngày ở huyện vậy. Rồi cả 3 cùng nhau ôn lại câu chuyện cuộc đời mình với giọng hết sức thư thả, không hề đau buồn hay oán trách. Xanh có con gái đầu lòng với bạn trai năm 17 tuổi, nhưng rồi bạn trai bỏ cô để cưới một người con gái khác. Giờ cô đã có 2 con, cả 2 đều đang sống với bà ngoại ở Philippines. Còn Trắng khi học xong cấp 3, nhờ học hành giỏi giang lại con nhà khá giả, cô được gửi sang Singapore du học. Ở đây qua những buổi đi bar, cô quen và yêu một người đàn ông hơn cô 13 tuổi. Trắng nhẹ dạ cứ tin là ông đang làm giấy tờ ly dị vợ như ông nói. Bất chấp sự phản đối của gia đình, cô cưới ông mà không hề có giấy tờ đăng ký nào, để rồi bị ông bỏ rơi khi cô đã có thai tháng thứ 3. Gần đây cô nghe được tin là người đàn ông đó cặp kè với một cô gái Philippines khác, rồi cũng bỏ cô sau khi đã có với cô 3 đứa con. Tôi thương Trắng lắm. Sai một ly, đi một cuộc đời.
Tôi đánh liều hỏi về công việc của họ. Ban đầu, họ nói là họ đang làm "kinh doanh cá nhân". Nhưng sau khi nói chuyện một thời gian, chắc họ nghĩ là tôi tin được, họ mới nói thật là họ làm việc ở câu lạc bộ đêm, bar, nhà hàng, ... Đỏ nấu ăn và mời tôi ăn cùng. Sau bữa trưa, Đỏ và Trắng vào phòng nói chuyện riêng, để tôi lại một mình với Xanh phần lớn thời gian. Vận dụng đủ mọi kế sách: hỏi chuyện về hình xăm của cô, khen cô xinh, rồi kể chuyện gặp ma, ... cuối cùng tôi cũng làm cho Xanh cởi mở hơn. Xanh cho biết cô đã ở đây được 11 tháng mà không có giấy phép làm việc. Hàng tháng, cô phải đút lót để có thể gia hạn visa du lịch. Mỗi lần như thế tốn khoảng 200RM - 400RM ($60 - $120).
- Trước đây chị làm ở một hộp đêm, nhưng rồi bạn trai chị không cho chị làm nữa. - Xanh gặp bạn trai khi đang "làm việc" và họ yêu nhau. Bạn trai chị năm nay 45 tuổi, hơn chị hơn 20 tuổi lận. Ông làm nghề cảnh sát, đã có vợ và 2 con.
Mắt Xanh sáng bừng lên khi cô kể bạn trai cô yêu cô thể nào. Khi hai người cãi nhau, cô chỉ cần dọa là cô sẽ bỏ về Philippines là bạn trai cô phải xuống nước liền.
- Không không, chị chưa về lại Philippines trong năm nay đâu. Chị chỉ dọa bạn trai chị để anh van xin chị ở lại thôi. Bạn trai chị ghen lắm, chẳng muốn cho chị đi chơi với bất kỳ người con trai nào. Nhưng chị vẫn đi chơi cho vui, chứ chẳng phải chị muốn ngủ với ai. Thỉnh thoảng chị đi nhảy với con trai, bạn trai chị gọi chỉ chẳng thèm nhấc máy. Thế là bạn trai chị phát điên lên. Vui lắm! (!!!?)
Tôi hỏi vợ bạn trai cô biết về chuyện này không, Xanh bảo bà vợ phát hiện ra khi kiểm tra điện thoại chồng. Bà gọi cho cô, rất lịch sự, yêu cầu cô rời bỏ chồng bà. Nhưng Xanh bảo với bà là chị không biết rằng ông đã có vợ, cô chỉ yêu một cách mù quáng thôi. Xanh bảo nếu như cô biết trước rằng ông đã kết hôn, cô cũng chẳng thèm dây dưa làm gì. Khi biết, cô muốn bỏ về Philippines nhưng bạn trai không cho. Tôi bảo, về Philippines hay không là quyền của cô, bạn trai có quyền gì, Xanh không trả lời.
Có rất nhiều cô gái như thế ở Kuching, hầu hết họ đều đến từ Philippines. Họ đến và ở lại Malaysia bất hợp pháp. Ở đây có một câu lạc bộ chứa tới 160 cô gái. Thỉnh thoảng họ bị cảnh sát chặn đường, yêu cầu cho xem giấy tờ. Nếu cảnh sát phát hiện ra, họ sẽ bị bắt trước khi gửi trả về Philippines. Ấy là trong trường hợp họ có tiền trả cho vé máy bay. Nếu không có tiền, họ sẽ phải ngồi tù cho đến khi có người mua vé cho về thì thôi.
Tôi hỏi Xanh:
- Chị có bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình không?
- Có chứ, một ngày nào đó chị sẽ lấy người đàn ông mà chị yêu.
- Nếu như bạn trai chị đi bồ thì sao?
- Chị sẽ bắn chết ngay, bắn chết cả hai.
Xanh trả lời đầy đắc thắng. Thật may, vợ bạn trai cô không có cùng suy nghĩ như thế. 

Phần 9: Cứu Núi chiếc Răng của Kuching 

Hồi còn tập kickboxing ở Kuala Lumpur, tôi có chơi thân với Annie. Khi tôi đến Kuching, chị giới thiệu cho tôi gặp bạn của chị, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Jong Saw Kang. Tôi nhanh chóng kết bạn với cả Jong và bạn gái của anh, Hui Hui. Jong và Hui Hui đưa tôi đi thăm quan rất nhiều nơi ở Kuching cũng như Sarawak. Có một chuyện tình cờ thế này. Một năm sau khi tôi rời khỏi Kuching, một người bạn từ Mỹ của tôi sang Kuching tình nguyện, thế nào rồi lại cũng quen Hui Hui. Khi bạn tôi add Hui Hui trên Facebook, thấy ngay tôi là bạn chung. Thế giới thật là nhỏ bé.
Jong không chỉ dẫn tôi đi chơi rất nhiều nơi, mà còn chỉ cho tôi những kỹ thuật chụp ảnh cơ bản. Biết tôi thích chơi thể thao, Jong rủ tôi đi leo núi (rock-climbing) với nhóm leo núi của anh. Anh úp úp mở mở là lần leo núi này có ý nghĩa hết sức đặc biệt.
Điểm leo là một vách núi nằm trong rừng, khoảng 1 giờ lái xe từ Kuching. Vách núi này có hình dáng rất đặc biệt, thẳng đứng và nhọn ở phía trên, trông như một chiếc răng khôn vậy. Có lẽ vì thế mà vách núi này có tên là Núi chiếc Răng. Nhóm leo núi của Jong có khoảng 20 người, chủ yếu là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hay tình nguyện ở Kuching. Trưởng nhóm là Malcolm, nghe đồn là một tay leo núi kỳ cựu bậc nhất đất Sarawak này. Ông tầm khoảng 40-50 tuổi, nước da đen sạm cháy nắng, khung người cứng cáp đúng kiểu dân chơi thể thao, phong cách hết sức quân sự.
- Chip, leo núi bao giờ chưa?
- Chưa.
- Muốn leo thử không?
- Có chứ.
Malcolm hướng dẫn tôi thắt dây bảo hộ, và để con trai anh đứng dưới giữ dây bảo hộ cho tôi. Không có giầy leo núi chuyên nghiệp, tôi leo bằng giầy thể thao thường. "Đi giầy trơn, dễ trượt. Nhưng có dây bảo hiểm, không lo đâu," Malcolm động viên.
Ban đầu, tôi leo rất nhanh. Nhưng nhanh rồi ẩu. Một bước bất cẩn, tôi trượt chân. Phản ứng tự nhiên của dân gà không biết kỹ thuật trèo, tôi bám tay vào dây bảo hộ. Dây cứa lòng bàn tay tôi chảy máu. Mọi người ở dưới lo cuống lên. Malcolm hét vọng lên:
- Chip, xuống ngay.
Nhưng lúc đó tôi đã gần lên tới đỉnh, không muốn xuống. Tôi cứ tiếp tục leo tiếp. Malcolm hết sức tức giận. Lúc tôi xuống đến nơi, ông nạt:
- Lần sau mà còn ngoan cố như thế sẽ không cho leo nữa.
Jong bào chữa cho tôi:
- Nhưng Chip leo giỏi đấy chứ.
- Ừ, con bé leo tốt, cho tham gia nhóm được. - Tôi nghe mà mở cờ trong bụng. Tuy mới được leo có một lần, tôi đã thích ngay môn thể thao này. Leo núi không nguy hiểm như mọi người vẫn tưởng, bởi không ai leo mà không có dây bảo hộ cả. Nhưng đây là một môn thể thao đầy thử thách, nó đòi hỏi người leo sức mạnh tinh thần nhiều hơn là sức mạnh thể chất. Trong thời gian ở Kuching, mỗi lần nhóm đi leo núi, tôi đều đi cùng. Và sau này, khi đến các quốc gia khác, tôi cũng luôn tìm cách tham gia các nhóm leo núi tại địa phương. Leo núi không chỉ trở thành một công cụ giúp tôi kết bạn nhanh chóng, mà môn thể thao ngoài trời này còn cho phép tôi khám phá những địa danh tuyệt đẹp mà ít khách du lịch đặt chân tới.
Chúng tôi ở đấy khoảng hơn một tiếng thì có nhóm phóng viên đến. Lúc đấy tôi mới biết ý nghĩa đặc biệt của chuyến leo núi lần này. Đây là nỗ lực cuối cùng để bảo vệ núi chiếc Răng. Để lấy đá làm xây dựng, không ít ngọn núi quanh khu vực này đã bị đập bỏ. Núi chiếc Răng là một trong những ngọn núi hiếm hoi còn sót lại nơi mà các bạn trẻ có thể đến và leo được. To tát hơn một chút, mọi người hy vọng lần leo núi này sẽ lôi kéo được sự chú ý của quần chúng với môi trường đang bị phá hủy quanh mình. Nhưng những nỗ lực này cũng chẳng đi đến đâu. Một tháng sau, Jong cho tôi hay không còn dấu vết gì còn núi chiếc Răng nữa. Cái duy nhất tôi còn giữ là bản scan bài báo này trên báo Star, một trong những tờ báo chính của Malaysia. Bài báo có hình và câu hỏi phỏng vấn tôi nữa. Sau này, tôi có thể cho con cái tôi xem ảnh, làm mặt buồn bã mà nói rằng: tôi là một trong những người cuối cùng leo núi chiếc Răng. 

Phần 10: Lần đầu ăn sâu và ông lão "dê cụ" 

Trước khi mọi người đọc tiếp phần này, tôi phải khẳng định rằng Kuching có rất nhiều rất nhiều cảnh đẹp, nhiều đến mức tôi phải viết riêng một phần để nói về những nơi đấy chứ ở đây không đủ đất. Ấy vậy mà khi tôi hỏi bạn bè tôi đến Kuching thì nên xem gì, ai cũng trả lời: "Làng văn hóa", "Làng văn hóa". Thế là tôi quyết định phải đến đây thăm quan một lần cho biết. Nhưng mà vé vào cửa mắc quá, những 60RM (~$18) lận nên tôi cứ chần chừ mãi chưa đi. Cho đến một hôm, Barry Chong cho tôi biết về World Harvest Festival (đại loại là lễ Gawai nhưng do nhà nước tổ chức) ở Làng văn hóa vào ngày 29 và 30 tháng 5. Vé vào cửa là 25RM, vừa cho phép bạn tham gia lễ hội, vừa cho phép bạn tham quan Làng văn hóa. Tôi lấy vé mà hí hửng, mình thông minh quá đi mà hehehe.
Nhưng rồi cái sự hả hê của tôi qua đi nhanh chóng ngay khi tôi bước qua cánh cổng làng. 25RM cho cái làng này còn là đắt! Cả làng chỉ có 7 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà là đặc trưng kiến trúc của một dân tộc đang sống ở Sarawak: nhà dài (longhouse) của người Iban, Bidayuh và Orang Ulu, nhà cao của người Melanau, rồi cả nhà trang trại của người ... Trung Quốc. Mà nhà dài ở đây cũng chẳng dài. Nếu ở một làng người bản địa thực sự, nhà dài sẽ rất dài, đủ dài để chứa cả chục hộ gia đình. Nhà dài ở đây chỉ để cho một gia đình ở. Tôi nghĩ, đến bảo tàng Sarawak xem mô hình các ngôi nhà này sẽ thú vị hơn nhiều. Ở bảo tàng, thậm chí bạn có thể bước chân vào một ngôi nhà và đầu bạn chạm vào những đầu lâu treo lủng lẳng. Những đầu lâu đó là đầu lâu người thật, được thu thập từ không đâu khác mà chính là từ nhà của những thợ săn đầu người nổi tiếng của bang Sarawak. Ở bảo tàng còn có một cột gỗ cao, to một vòng tay người lớn ôm không xuể với những hình trạm khắc rất kỳ dị. Trên đỉnh cột đấy là quan tài. Chỉ những tộc trưởng hay người lập công lớn mới được mai táng như thế.
Điểm hấp dẫn duy nhất của làng văn hóa mà màn trình diễn các điệu nhảy truyền thống của Sarawak từ 11.30 sáng đến 4.30 chiều. Nhưng vì tôi đã xem màn trình diễn đó không ít lần ở nhà hát, tôi cũng không hứng thú gì cho lắm. Thế là tôi tách khỏi Barry và Trắng để đi loanh quanh một mình. Tôi lân la hỏi chuyện một cậu bạn đang sống cùng gia đình trong một ngôi nhà dài ở đây. Cậu bằng tuổi tôi, đang học đại học ở Kuching. Cậu cho biết gia đình cậu được trả tiền để sinh sống trong ngôi nhà đó. Thảo nào vé vào đây đắt thế.
Trời mưa, tôi chạy vào trú mưa trong một ngôi nhà. Ông cụ quản lý nhà có đôi tai to ơi là to. Ông rất nhiệt tình chỉ dẫn cho tôi cái này cái kia. Nghĩ là ông thân thiện, tôi xin chụp ảnh cùng ông. Ông ta ôm tôi rất chặt. Tôi gạt tay ông ra, nhưng ông cứ sấn lại. Ông ghé sát vào tai tôi thì thầm: "Kiss me." Và tôi khi tôi còn chưa kịp định thần, ông ta cho tay lên ngực tôi. Lúc đấy trời tạnh mưa, mọi người bắt đầu đổ xô vào. Không biết là tôi bị sốc không kịp phản ứng, hay là vì ông ta đã quá già và tôi không muốn gây cho ông rắc rối, tôi chỉ lẳng lặng đi ra. Đáng lẽ tôi phải vả vào mặt ông ta rồi.
Ấm ức, tôi đi tìm cái gì ăn cho bõ tức. Tôi tìm đến Lễ hội Ẩm thực tại nhà dài của người Iban. Gọi là lễ hội cho oai chứ thực ra nó chỉ là một cái bàn dài chứa đầy đồ ăn. Tôi để ý ngay một cái đĩa đầy những sâu rán. Nhìn thấy cái mặt nghệt ra của tôi, bác chủ quán biết ngay tôi là du khách. Bác giải thích với tôi đây là món ăn truyền thống của người Iban. Bác cho hay con này ăn sống được, sau đó bê cho tôi một xô đầy sâu. Bác giục: "Ăn thử đi." Nhìn những con sâu to bằng khoảng ngón tay cái, trắng nõn nà, béo múp míp, quằn quại trong đống đất tơi trộn xơ dừa, tôi chưa cần cho vào miệng đã thấy nhầy nhụa trong cuống họng. Tôi cố nuốt trôi miếng nước bọt, ấp úng: "Thôi bác rán cho cháu."
Trước hết, tôi phải chọn cho mình con con sâu trông có vẻ "ngon lành" nhất. Người Iban thực sự chắc sẽ chọn con to béo nhất, tôi chọn cho mình con nhỏ bé gầy gò nhất. Bác chủ quán sau đó lấy một que dài, lạnh lùng xiên thẳng từ đầu tới đuôi, hay từ đuôi tới đầu gì đó, của chú sâu tội nghiệp. Bác sau đó đưa chú sâu lên bếp lửa, nướng cho đến khi lớp da bên ngoài ngả màu vàng đen. Chắc mùi phải thơm lắm, nhưng lúc đấy tôi đang trong tâm trạng thần kinh bất ổn định nên cũng chẳng để ý xem mùi nó như thế nào.
Một nhóm thanh niên mặc đồng phục xanh, chắc đi theo chương trình của một trường nam sinh nào đấy, lúc đó cũng có mặt. Họ thấy sâu cũng sán vào, nhưng không đồng chí nào dám thử. Biết tôi quyết định ăn, các đồng chí ấy có vẻ thích thú lắm, người này gọi người kia, vèo một phát phải hơn một trăm người vây xung quanh. Tôi nhắm mắt nhắm mũi đưa chú sâu vào miệng, cố gắng nhai lấy một phát rồi nuốt. Tiếng hò hét cổ vũ vang dội. Máy ảnh chớp lia lịa. Trong phút chốc, tôi trở thành ngôi sao của màn biểu diễn đắt khách nhất ngày hôm đó tại Làng văn hóa.
Video vụ ăn sâu ở đây mọi người nhé: www.youtube/watch?v=If3XrpgFcmU

Phần 11: Gawai buồn 

Gawai bắt đầu từ đêm 31, nhưng mọi thứ được chuẩn bị từ sáng ngày hôm đó. Tôi đến từ sáng sớm để không bỏ lỡ một nghi lễ nào. Chị gái và bạn trai của Cecilia đang ở Kuala Lumpur cũng về thăm nhà. Đây là dịp cả gia đình quây quần, không ai được phép vắng mặt. Mọi thứ rục rịch, tự nhiên tôi thấy nhớ không khí Tết ở nhà thế.
Cả ngày hôm đó, tôi và Cecilia có nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa, trong khi mọi người nấu nướng. Đồ ăn nhiều cơ man là nhiều: nào là thịt hầm, nào là cá hấp, rồi súp, rồi rau. Mẹ Cecilia dùng những nồi chuyên dụng dành riêng cho dịp lễ tết như thế này, mỗi nồi phải to như nồi nấu cám của ông bà tôi ở quê. Mẹ Cecilia bảo đồ ăn này không chỉ dành cho người trong nhà, mà dành cho cả khách đến nhà trong ngày mai nữa. Bác cũng mua hàng chục gói bánh kẹo. Cả buổi tối chúng tôi ngồi xếp vào những cái hộp nhỏ nhỏ xinh xinh như những hộp đựng mứt mình vẫn dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Hễ bác gái quay mặt đi là tôi với Cecilia lại tranh thủ cơ hội ăn vụng, vừa ăn vừa chọc cùi chỏ nhau cười khúc khích. Bác quay sang nhìn, đứa nào đứa nấy mặt lại tỉnh bơ. Ngày mai, những hộp bánh kẹo này sẽ được đặt trên bàn uống trà mời khách. Mục tiêu chính của Gawai là ăn, ăn và ăn. Lễ hội thu hoạch, không ai được phép đói.
Hôm sau dậy, chúng tôi không ăn sáng ở nhà. "Hôm nay đến nhà nào cũng phải ăn. Giờ ăn lát không chịu được đâu," Cecilia bảo. Gawai là dịp thăm hỏi họ hàng, làng xóm. Điểm dừng chân đầu tiên là nhà ông bà nội của Cecilia. Trong sân nhà tràn ngập xe máy. Trong nhà đặt một cái bàn dài với đủ loại đồ ăn như buffet. Gawai dạo gần đây đã trở nên khá Tây, rất nhiều món ăn đã bị Tây hóa. Tất cả anh em họ hàng Cecilia đều đến đây. Mấy chị em gái thấy tôi cứ nhấm nháy nhau cười. Bà Cecillia quý tôi lắm, cứ ép tôi ăn, còn lấy chai rượu mời tôi uống. Đây là rượu tauk, là rượu truyền thống của người Iban. Tôi nghe danh rượu đã nhiều, nhưng không uống rượu nên chưa thử. Nhưng hôm nay từ chối cũng được, tôi uống liền một hơi. Rượu chát xè. Người tôi cảm thấy lâng lâng. Đến lúc đấy, tôi đã hoàn toàn tin rằng mình đang ăn Tết, và cứ đinh ninh thế nào cũng có màn mừng tuổi. Thế mà chả có ai lì xì ai, buồn thế.
Cả buổi sáng hôm đó chúng tôi lái xe đi thăm hỏi các cô dì chú bác của Cecilia. Đồ ăn thì ngon, nhưng vì ăn nhiều quá nên tôi cũng không có ấn tượng đặc biệt với món nào, ngoại trừ món gà hầm ống tre. Đây là đặc sản của Sarawak. Gà chặt nhỏ, tẩm với 16 loại dược thảo tìm được trong núi rừng Sarawak, cho vào ống tre, bỏ lên bếp củi, hấp cho đến khi chín thì thôi. Thịt gà mềm, ngọt, tẩm dảo thược thơm dễ chịu. Mấy hôm trước tôi ăn thử ở nhà hàng rồi, nhưng hôm nay ăn do nhà nấu nên hương vị đậm đà hơn rất nhiều.
Mọi chuyện đáng lẽ ra là hoàn hảo, nếu như Cecilia không "dở chứng" muốn đi chơi. Buổi tối, Cecilia xin phép mẹ đi họp lớp, bác gái đồng ý. Ra khỏi nhà, chúng tôi đi bộ một đoạn thì gặp xe 2 anh bạn Cecilia đến đón. Hai anh chàng này người Nigeria. Cecilia nhấm nháy tôi:
- Giờ tớ sẽ dẫn ấy đi club vui nhất ở đây.
- Hả? Không phải mình đi họp lớp à?
- Không, đi họp lớp chán chết. Nhưng phải nói là đi họp lớp mẹ mới cho đi chứ.
Tôi linh cảm có chuyện chẳng lành, nhưng trước mặt bạn Cecilia không muốn gây chuyện? Thôi thì nhắm mắt làm liều. Chúng tôi lái xe đến một câu lạc bộ trong tận thành phố. Hai anh chàng này có cách nói chuyện rất màu mè, tôi không thích. Một trong hai người có vẻ đặc biệt quan tâm đến tôi. Khi tôi hỏi sau này anh muốn làm gì, anh bảo anh muốn kiếm thật nhiều tiền để con trai anh không phải thiếu thốn thứ gì. Tôi hơi giật mình. Anh mới bằng tuổi tôi mà vợ con đuề huề rồi à? Anh mới giải thích là anh có con với bạn gái ở đây, nhưng bỏ bạn gái rồi. Con trai anh đưa về Nigeria cho ông bà nuôi. Anh hỏi tôi có bạn trai chưa, thích con trai thế nào. Nói chuyện một lúc, anh đã lộ rõ ý định tán tỉnh tôi. Tôi thấy khỏ xử nên đánh trống lảng. Tôi ghé sát tai Cecilia hỏi nhỏ cô bạn:
- Cecilia thích chơi với bạn thế này à?
- Không. Nhưng họ có xe thì cho mình đi nhờ.
Tôi sợ có chuyện không hay nên không uống bia rượu mà chỉ kêu nước ngọt. Tôi ngăn không cho Cecilia uống:
- Ấy mà say thì tụi mình gặp rắc rối to đấy.
Nhưng Cecilia cười bảo không sao đâu, rồi lại tiếp tục uống. Đến nửa đêm thì cô say, nôn thốc nôn tháo. Giờ tôi làm sao được bây giờ? Nếu về nhà thì chắc chắn bố mẹ Cecilia sẽ biết chúng tôi trốn đi chơi, không chỉ là trốn đi chơi mà còn uống đến mức say tá lả. Hai người bạn Cecilia đề nghị cho chúng tôi ở ké ở nhà họ, nhưng tôi không tin hai anh chàng này. Tôi gọi điện hỏi Barry xin phép cho Cecilia ngủ cùng, thật may mắn, ông đồng ý. Cecilia cũng nhắn tin xin mẹ cho ngủ lại nhà bạn.
Sáng hôm sau, khi Cecilia đã tỉnh táo lại rồi, chúng tôi đi xe buýt về nhà cô. Mẹ Cecilia đứng chờ sẵn ở cửa:
- Tối qua mấy đứa đi đâu?
Ôi biết ngay mà. Mặt Cecilia cũng tái mét. Cô định nói gì đó, nhưng tôi biết nói dối cũng chẳng ích lợi gì nên ấp úng:
- Dạ, chúng cháu đi nhảy.
Rồi tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Mẹ Cecilia thở dài:
- Chip à, bác rất thất vọng về cháu. Bác không muốn nhìn thấy cháu ở đây nữa.
Cecilia nhìn tôi nước mắt ngắn dài, ra dấu hiệu xin lỗi nhưng tôi tảng lờ. Tôi về lại nhà Barry mà trong lòng nặng trĩu. Tôi vừa thương vừa giận Cecilia. Tôi trách cô thì ít mà trách bản thân mình thì nhiều. Giá như tôi cương quyết hơn ngăn cản cô bạn từ ban đầu thì mọi chuyện đã không đến nông nỗi này. Ít nhất, tôi đã có thể cứu vãn được mối quan hệ của tôi với gia đình Cecilia - những người mà tôi hết sức yêu quý. Vé máy bay tôi đi Kota Kinabalu là vào đêm hôm sau. Ngày cuối cùng ở đây, tôi tranh thủ gặp gỡ hết những người bạn của mình. Jong và Hui Hui dẫn tôi đi ăn trưa. Bạn trai Trắng là chủ sỡ hữu một chuỗi các nhà hàng sang trọng ở Kuching. Đi chơi cùng Trắng, tôi đã gặp ông mấy lần. Buổi tối hôm đấy, ông dẫn tôi, Trắng và cả Barry đến nhà hàng Trung Quốc do ông sở hữu và thết đãi đủ các món đặc sản của nhà hàng, coi như là bữa tiệc chia tay nho nhỏ dành cho tôi. Tôi đi ăn cùng mọi người mà lúc nào cũng nghĩ đến Cecilia. Tôi rất muốn biết cô hiện nay như thế nào, liệu có bị mẹ phạt nặng lắm không. Nhưng tôi vẫn còn giận cô lắm. Tôi mở số điện thoại của cô mấy lần, nhưng rồi lại thôi không gọi.
Trên đường ra sân bay, tôi quyết định là sẽ gọi cho Cecilia, ít nhất là để nói lời chào tạm biệt. Đúng lúc đấy thì tôi nhận được điện thoại của cô:
- Chip đang ở đâu đấy?
- Sân bay.
- Khoảng bao lâu nữa thì bay?
- Khoảng 1 tiếng rưỡi nữa.
- Thế gặp ấy ở sân bay nhé.
Gần 1 tiếng sau, Cecilia xuất hiện với bố mẹ cô, và cả bà của cô nữa. Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Mẹ Cecilia bảo:
- Bác xin lỗi nếu đã nặng lời với cháu. Bác biết mọi chuyện không phải lỗi của cháu. Ít nhất thì cháu cũng đã thật thà kể lại mọi chuyện. Cecilia dại dột lắm, nhưng hy vọng lần này con bé được một bài học.
Không gì có thể diễn tả được niềm vui của tôi lúc đó. Tôi ôm hôn mọi người chia tay. Mọi người bắt tôi hứa, khi nào kết thúc chuyến đi của mình nhất định sẽ phải về lại Kuching thăm cả nhà. 

Phần 13: Kẹt trong bão biển 

Marsha rất quảng giao. Ở Kota Kinabalu mới có một tuần mà cô đã kịp kết thân với không ít người. Qua cô giới thiệu, tôi quen và chơi với một nhóm thanh niên bản địa trong đó có Lester, Esther, Poppy. Của nhà trồng được có khác, ở Kota Kinabalu ai cũng là thợ lặn. Lester và Esther là thầy hướng dẫn lặn. Những người còn lại đều đã có chứng chỉ dive master. 
Nhóm bạn này rủ tôi đi nhảy đảo (island hopping) và snorkeling, tôi đồng ý đi liền. Kota Kinabalu không chỉ tự bản thân nó là một thành phố biển đầy lãng mạn, mà còn hấp dẫn du khách với những hòn đảo xinh đẹp nằm rải rác xung quanh. Nhiều công ty tổ chức tour như thế, nhưng giá lên tới cả trăm đô. Chúng tôi tự thuê thuyền, tự thuê đồ snorkel, tự mua vé thăm đảo, giá cho mỗi người chỉ 100RM (khoảng $30).
Chúng tôi hẹn nhau lúc 8h sáng ở bến Jefferson, bến cảng dành riêng cho tàu du lịch. Tôi rất thích đi dạo ở bến cảng này. Đường lát gạch rộng và sạch. Nước biển dập dình dưới chân. Những cột đèn cong và những trạm điện thoại màu đỏ tạo cho bến cảng một phong cách đậm châu Âu. Hôm đấy là chủ nhật, bến tàu có hội chợ: hàng thủ công và đồ ăn địa phương. Mỗi gian hàng là một chiếc lều trắng nhọn, xinh xinh giống những chiếc lều ở chợ đêm phố cổ Hà Nội, nhưng kích cỡ thì to như những chiếc lều của người Mông Cổ. Chúng tôi tranh thủ ăn uống no nê rồi lên đường.
Gần Kota Kinabalu có 6 hòn đảo. Chúng tôi ghé qua Pulau Gaya đầu tiên bởi hòn đảo này gần Kota Kinabalu nhất. Đây là hòn đảo lớn nhất và cũng là đông khách du lịch nhất. Trên đảo này có khoảng 8000 người dân và một số resort đắt tiền. Mọi thứ ở đây đều rất đắt, đắt gấp 5 gấp 6 lần trong đất liền. Không thích những bị du lịch hóa quá, chúng tôi ở đấy khoảng 15 phút rồi nhanh chóng chuyển đi hòn đảo khác.
Những hòn đảo còn lại hầu hết đều không có người sinh sống. Những hòn đảo này nghe tên đều giông giống nhau: Pulau Sapi, Pulau Manukan, Pulau Sulug, Pulau Mamutik và Pulau Sepanggar; nhìn qua cũng thấy ... giông giống nhau nhưng đều rất đẹp. Không ai hiểu những hòn đảo này như Esther và Lester. Theo hướng dẫn của những chuyên gia bơi lặn này, chúng tôi đi snorkeling ở những nơi theo đánh giá của họ là có rặng san hô đẹp nhất. Tôi hồi nhỏ suýt bị chết đuối nên giờ sợ nước, nhưng mọi người dụ dỗ tôi xuống. Trời ạ, lúc đấy tôi mới thấy tôi đã sống uống phí 19 năm cuộc đời thế nào. Có cả một thế giới dưới mặt nước xanh kia mà tôi chưa hề bao giờ thấy. Những rặng san hô uốn mình mềm mại cùng dòng nước. Những chú cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những chú dưa biển (sea cucumber) hết sức ngộ nghĩnh. Tôi tự thề với bản thân là phải học bơi bằng bất cứ giá nào.
Như người ta nói "Save the best for last", điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là một hòn đảo nhỏ xíu, hoang vu không một bóng người nhưng đẹp thì ôi chao là đẹp. Biển xanh, cát trắng, những hàng phi lao rì rào trong gió. Thông thường, hòn đảo nào đẹp thì cũng chật kín khách du lịch. Nhưng hòn đảo này vắng tanh vắng ngắt. Bãi cát trắng trải dài không một dấu chân người. Tôi thắc mắc tại sao một hòn đảo đẹp như thế mà lại không có ai đến thăm, Poppy làm ra vẻ bí hiểm: "Hòn đảo này nghe đồn là có ma." Rồi anh chỉ cho tôi mấy đống đổ nát rải rác trong đảo. Lúc đấy tôi nghĩ anh đùa nên cười lớn.
Đảo hoang không có người nhưng rất nhiều khỉ. Lúc chúng tôi xuống tắm, một chú khỉ ở đâu mon men chạy đến ăn trộm đồ ăn. Sợ chú khỉ này bệnh dại, mấy người bạn tôi dọa anh chàng chạy té khói. Nghịch nước chán, trời vẫn còn sớm, chúng tôi tranh thủ đi dọn rác trên đảo. Nửa tiếng chúng tôi thu thập được 5 bao rác to đùng, định mang về đất liền sẽ đổ. Chúng tôi đang chuẩn bị về thì tự nhiên gió bắt đầu thổi lớn, sấm chớp đùng đúng, rồi trời mưa như trút nước. Bác lái thuyền sợ, kêu chúng tôi chờ trời ngớt mưa rồi về lại đất liền. Nhưng đến tận tối rồi mà trời vẫn mưa. Câu chuyện ma vu vơ Poppy kể lúc chiều giờ nghĩ lại ai nấy đều sởn tóc gáy. Nghĩ đến viễn cảnh một đêm trên hòn đảo ma ám với một bầy khỉ hoang, chúng tôi đánh liều ra về. Bão biển có khác. Sóng cao hơn đầu người. Con thuyền nhỏ xíu ngả nghiêng từ bên này sang bên kia. Mưa, ướt và lạnh. Nước vào đầy thuyền. Vừa đi chúng tôi phải vừa lấy tay tát nước. Bác chủ thuyền vừa kêu là may mà có thuyền máy mới đi được thế này, thì tự nhiên thuyền chết máy. Cả hội mặt tái mét. Poppy hô hào hát bài hát gì đó tiếng Malay, dạng bài hát "Dzô hò" của mình. Tất cả mọi người tham gia. Tôi chẳng hiểu gì cũng hát theo. Tiếng hò hét vang dội. Khí thế như đi ra trận. Mấy đồng chí nam thay nhau chèo thuyền. Bác chủ thuyền dùng hết kinh nghiệm mấy chục năm đi biển của mình để lèo lái. Được khoảng một lúc thì tự nhiên động cơ lại hoạt động lại. Chúng tôi chạy một lèo vào bờ.
Tôi vào đến bờ mà tim vẫn đập, chân vẫn run. Chúng tôi ôm nhau thắm thiết, ai nấy nước mắt nước mũi tèm nhèm. Tự nhiên ai cũng có cảm giác như đã thân nhau từ lâu lắm rồi. Dù sao thì cũng suýt chết cùng nhau còn gì. Hoàn hồn, chúng tôi mới hỏi đến mấy bao rác. Gió to thế chắc là rác bị cuốn về lại với biển hết rồi. Thôi, thế là công toi cả buổi hứng lên làm việc tốt. 


Nguồn sstruyen.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved