Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

22 thg 12, 2013

Những người phụ nữ nổi tiếng Châu Âu xưa (2)

Artemisia I

Đặt theo tên của Nữ thần của Hunt (Artemis), Artemisia I là Nữ hoàng của Halicarnassus vào thế kỷ thứ 5 TCN, vương quốc tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. 
Tuy nhiên bà được biết đến nhiều nhất như là một người chỉ huy hải quân và đồng minh của Xerxes - vua của Ba Tư trong cuộc chiến xâm lược của ông vào các thành bang Hy Lạp. 
Bà đi vào lịch sử với trận hải chiến Salamis, nơi hạm đội tốt nhất do bà chỉ huy đối đầu với Hy Lạp. Sử gia Hy Lạp Herodotus ca ngợi bà như một vị anh hùng với hình tượng một chiến binh quả quyết và cực kỳ thông minh nhưng cũng vô cùng tàn nhẫn trong trận thủy chiến ấy.
Bà đã rất khôn khéo chủ định để một tàu Hy Lạp đâm vào chính tàu Ba Tư, khiến người Hy Lạp tưởng rằng bà ở trên thuyền. Kế hoạch cuối cùng đã thành công.
Chiến thuyền Ba Tư bị chìm và người Hy Lạp không nghi ngờ gì. Thế rồi vào rạng sáng, nữ tướng chỉ huy 5 chiến thuyền bất ngờ tấn công vào phía Hy Lạp. Hạm đội Hy Lạp hoàn toàn thất trận to do quá chủ quan.
Là một nữ tướng nổi tiếng trong lịch sử nhưng bà lại từ bỏ cuộc đời bởi tình yêu. Bà yêu say đắm một chàng trai trẻ nhưng không được đáp trả. Quá đau buồn, bà quyết định nhảy tự tử ở một vách đá tại Leucas, Hy Lạp - nơi được đồn rằng có thể phá bỏ mọi rào cản tình yêu. Nữ tướng được chôn cất ở một lăng mộ gần đó.


Aspasia (470 TCN-400 TCN)-tri kỷ của nhà lãnh đạo quân sự Hy Lạp Pericles

Aspasia là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại. Bà là người bạn đồng hành của Pericles, nhà lãnh đạo của Athens dân chủ. Họ đã sống cùng nhau trong 20 năm và tạo dựng nên “thời kỳ vàng của Hy Lạp” với một nền văn hóa rực rỡ và có tầm ảnh hưởng lớn đến ngày nay.
Aspasia sinh ra ở thuộc địa Ionian, Miletus vào năm 470 trước công nguyên nên có lẽ bà là một hetaira (gái lầu xanh). Mặc dù xuất thân không cao quý nhưng bà lại là người phụ nữ có giáo dục tốt hơn bất cứ phái đẹp nào khác trong xã hội Hy Lạp thời đó. Bà thông thạo về lịch sử, triết học, chính trị, khoa học, nghệ thuật, văn học và có thể đàm đạo, luận bàn chính sự cùng với những người đàn ông thông thái. Trong lịch sử, Aspasia là một trong những hetaira thông minh và xinh đẹp nhất của thành Athens. Chính vì vậy, bà trở thành nguồn cảm hứng, đề tài và là nhân vật chính trong tác phẩm của Plato, Aristophanes, Xenophon và nhiều tác gia Athens cổ đại khác. 
Do Aspasia là một kỹ nữ và là người nước ngoài nên luật pháp Hy Lạp không cho phép hai người kết hôn. Mặc dù không trở thành vợ chồng chính thức nhưng bà là người phụ nữ được Miletus yêu mến và trân trọng nhất.
Theo tài liệu Hy Lạp cổ, Pericles thường xuyên tham khảo ý kiến người bạn đồng hành của mình về các vấn đề chính trị và quân sự. Trong tác phẩm của mình, Plato thậm chí còn đùa rằng, Aspasia là một nhà hùng biện sắc sảo và là trợ thủ tuyệt vời của Pericles, giúp ông gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.


Zenobia (240 SCN -274 SCN)

Sau khi ám sát chồng và con trai riêng năm 267, Zenobia trở thành người cai trị của đế quốc Palmyrene (nay là Syria). Chỉ trong vòng 2 năm, bà đã chiến đấu chống lại những tiến bộ của La Mã và mở rộng lãnh thổ bằng việc xâm chiếm Ai Cập và Anatolia
Bà luôn thể hiện sự gần gũi với người lính bằng cách sẵn sàng đi bộ hàng cây số cùng quân đội của mình. Với họ, bà là một nữ hoàng chiến binh thực sự.
Zenobia nắm giữ những tuyến đường giao thương quan trọng trước khi La Mã đáp trả bằng việc bao vây Emesa, nơi đặt ngân khố của bà. 
Bà và con trai Vaballathus thoát khỏi cuộc bao vây nhưng đã bị bắt dọc trên sông Euphrates. Họ bị bắt làm con tin nhưng Vaballathus đã chết trên đường đến Rome.
Triều đại của bà rất rực rỡ nhưng kéo dài không lâu. Thất bại của bà được tổ chức thành lễ hội tại Rome năm 274. Bà bị trói bởi những dây xích vàng và kéo lê đi khắp các con phố như một cuộc diễu hành quân sự. Số phận sau đó của Zenobia vẫn còn nhiều uẩn khúc. 
Có người nói bà mất tại Rome bởi bệnh tật hoặc do tuyệt thực. Nhưng cũng có người nói rằng: Hoàng đế La Mã Aurelian khâm phục sự chính trực, sự lịch thiệp của bà nên đã khoan hồng và thả tự do. Sau đó bà kết hôn với một chính trị gia La Mã và sống cùng con gái trong ngôi nhà sang trọng.


Angela de la Berthe

Angela de la Berthe là một phụ nữ giàu có người Pháp sống trong một thị trấn nhỏ. Bà là một trong những nạn nhân đầu tiên của các phiên tòa xét xử phù thủy nổi tiếng ở châu Âu. Bà bị buộc tội là đã ăn nằm với quỷ dữ và sinh ra con trai là kẻ ăn thịt người. Dân làng lương thiện rất kinh hoàng khi biết các lời buộc tội này. Bà đã được đưa ra xét xử trong năm 1275 và bị kết tội là phù thủy. Bà đã bị thiêu sống công khai. Sự kiện này gợi nhắc về một xã hội châu Âu xưa cũ đầy bất công và không khoan dung với con người mà chỉ như những kẻ giết người.

Joan of Arc

Joan of Arc, còn được biết dưới cái tên “Thánh nữ Orleans”, là con gái của Jacques D'Arc với Isabelle Romee. Cô sinh năm 1412 tại Domremy, phía đông nước Pháp. Sau khi bị đem ra tòa, cô bị kết án về tội dị giáo và sử dụng thuật phù thủy. Cô đã bị thiêu sống vào ngày 30-5-1431, khi tuổi chỉ mới 19. Tuy nhiên, đằng sau bản án của cô là các mưu đồ chính trị: Do các trận đánh tuyệt vời của cô đã dọn đường cho lễ đăng quang của vua Charles VII của Pháp. Khi được hỏi: "Thượng Đế có ủng hộ ngươi hay không?" cô đã trả lời rằng: "Nếu không có, thì tôi cầu xin Thượng Đế hãy ủng hộ tôi. Nếu có, thì xin Thượng Đế hãy tiếp tục ủng hộ tôi". 
Một nhân chứng mô tả lại: "... họ đốt xác hai lần đến khi cái xác biến thành tro bụi và không ai có thể lấy được bất kì thứ gì. Sau đó họ thả tro cốt của cô xuống sông Seine từ trên cây cầu Mathilda". Sau khi cô chết, giáo hội mới xét xử lại, rồi phong cô là một người tử vì đạo.



Diane de Poitiers (3/9/1499-25/4/1566)- tình nhân của vua Henri II

Sinh ra trong một gia đình quý tộc Pháp vào năm 1499, vẻ đẹp “chim sa cá lặn” cộng với tài trí hơn người của Diane de Poitiers đã hớp hồn nhiều đàn ông. Cô là hình mẫu phụ nữ lý tưởng thời kỳ Phục hưng. Khi 15 tuổi, cô kết hôn với quan chức hoàng gia cao cấp Louis de Brézé 40 tuổi. Do đấng phu quân là người quyền cao chức trọng dưới thời vua François I nên Diane cũng trở nên thân cận với Nữ hoàng Claude. Bông hồng này cũng chứng kiến sự ra đời của hoàng tử Henri II – người sau này trở thành hoàng đế nổi tiếng và chính nàng đã dạy Henri II cách cư xử lịch thiệp của vị vua tương lai theo cung quy hoàng gia.
Năm 1531, Diane trở thành góa phụ do chồng qua đời. Vì vậy, người đẹp phải sống cảnh "giường đơn gối chiếc" khi còn rất trẻ. Đến năm 1533, vua Henri kết hôn với nữ hoàng Catherine de 'Medici.



Mối quan hệ thân mật giữa vua Henri II và góa phụ Poitiers nhanh chóng chuyển biến theo quy luật “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Hai người yêu nhau say đắm kể từ năm 1538, mặc dù chênh lệch tuổi tác khá lớn. Sau khi vua Henri II lên ngôi báu, Poitiers thường gửi thư cho vị vua trẻ với những lời khuyên về chính trị. Một trong số những lá thư công khai được hai người chính thức ký tên là "HenriDiane". Vào thời đó, chân dung của Diane được in trên những đồng tiền xu và các tác phẩm nghệ thuật. 
Trong khi hai tình nhân khác của Henri sinh cho ông những người con thì Diane lại không thể hạ sinh cho vị vua trẻ một vị hoàng tử hay công chúa nào. Chuyện tình yêu của hai người kết thúc vào năm 1559 sau khi vua Henri đột ngột qua đời vì tai nạn. Kể từ đó, hoàng hậu Catherine hạ lệnh tịch thu lâu đài và đuổi Diane về vùng nông thôn sống quãng đời còn lại cho đến lúc chết. Góa phụ này được cho là đã uống “thuốc tiên” nên có vẻ ngoài trẻ trung, xinh đẹp cho đến khi chết ở tuổi 66. Dù hơn hoàng đế 20 tuổi, nhưng nhìn bề ngoài thì mỹ nhân và vị vua trẻ dường như bằng tuổi nhau.



Anne Boleyn (1501- 19/05/1536)


Anne Boleyn là hoàng hậu Anh và là vợ thứ 2 của vua Henry VIII của Anh, mẹ của nữ hoàng Elizabeth I. Bà sinh ra vào năm 1501 tại Blickling Hall, lâu đài Hever, nước Anh, là con của Phu nhân Elizabeth Howard và ngài Thomas Boleyn, bá tước đầu tiên của Wiltshire. Bà qua đời ngày 19-5-1536, ở tuổi 35 trong Tháp London. Bà bị cáo buộc hơn 19 tội danh, và hầu hết chúng chỉ là vô căn cứ. 
Henry Percy, bá tước đời 6 của Northumberland, ngồi trên ghế bồi thẩm đoàn đã gán cho bà tội ngoại tình và tội phản quốc. Bà bị hành quyết vào sáng thứ 6 ngày 19-5-1536. Trước khi bị chặt đầu, bà đã nói rằng trước nhiều người rằng: "Hỡi những con chiên ngoan đạo, ta đến đây để chết vì theo pháp luật mà pháp luật lại bắt ta phải chết, thế nên ta không có lời nào phản đối". Đao phủ Rombaud đã kết liễu đời bà bằng nhát đao sắc lạnh.

Agnes Sampson

Agnes Sampson, còn được nhắc đến với biệt danh “Bà mụ khôn ngoan xứ Keith”. Bà là một nữ hộ sinh sống trong lãnh địa của nam tước Keith, ở phía Đông LothianScotland. Bà được biết đến như một thầy thuốc và một phù thủy. Vào cuối thế kỷ 16, với tội sử dụng các thuật phù thủy, bà đã bị  đưa đi xét xử trong “Phiên tòa xét xử phù thủy phía Bắc Berwick”. 
Vua James, sau khi phải đối mặt với vô số cơn bão biển trong chuyến du hành, đã điều tra nguyên nhân và phát hiện ra Agnes Simpson đã tạo ra các cơn bão ở các vùng biển để làm hại vua. Vì thế, ông đã ra lệnh, bà phải chịu tử hình vì tội danh này.

 Cũng vào thời gian này, năm 1590, một cuộc săn phù thủy quy mô lớn đã diễn ra tại đây, 23 người đàn ông và phụ nữ đã bị tòa án kết tội, đóng cọc và thiêu sống. Theo tuyên bố của chính quyền thì "Agnes Sampson là mụ phù thủy già, đã bị kết án và mang đến nhà Haliruid trước sự chứng kiến của nhà vua và giới quý tộc Scotland ..."

Grace O'Malley (1530-1603)

Grace O'Malley sinh năm 1530 được xem là một nữ hải tặc hay nữ chiến binh nổi tiếng thế kỷ XVI. Nhiều người còn gọi bà với biệt danh Gráinne Mhaol bởi cuộc nổi loạn tuổi teen của nữ tướng cướp này. 
Bà đã sử dụng chiếc thuyền kế thừa từ cha để dẫn đoàn thủy thủ tấn công vào những con tàu cả gan tiến gần bờ và đòi thu một khoản gọi là "thuế đi lại".
Bất kể ai dám kháng cự sẽ bị hành hung hoặc giết. Ngay cả khi vừa mới sinh con trên tàu, bà cũng cầm vũ khí lên và chỉ huy thủy thủ đoàn của mình.
Thách thức lớn nhất của Grace là khi bà đối đầu với Nữ hoàng Elizabeth I. Ngay cả khi quyền lực đã bị suy giảm nhiều, bà vẫn cả gan viết thư cho Nữ hoàng đòi tiếp tục việc cướp bóc của mình, miễn đối tượng là kẻ thù của nước Anh
Nữ hoàng đã cho phép Grace quyền “chiến đấu với kẻ thù trên toàn thế giới”. Bà đã tiếp tục con đường của mình cho đến khi nghỉ hưu tại lâu đài Rockfleet năm 1603.



Maggie Wall

Trong suốt khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 16 đến hết thế kỷ 17, hơn 4.000 phụ nữ đã bị hành quyết về tội phù thủy. Maggie Wall là một trong số những người đó, nhưng bà vẫn được lịch sử nhắc đến nhờ vào sự tồn tại của đài tưởng niệm cao 6 mét với hình cây thánh giá ở trên đỉnh cho dù không hề có phong tục nào về việc đặt thánh giá trên lăng mộ một phù thủy. 
Tuy không có bằng chứng rõ ràng nào nhưng dường như cây thánh giá này là do những người phụ nữ trong Giáo đoàn đặt lên với mong muốn thể hiện sự phản đối việc kiểm soát chặt chẽ quá mức và bản án bất công cùng với hình phạt tử hình vô căn cứ cho tội danh dùng thuật phù thủy. Maggie Wall đã bị thiêu sống năm 1679.


Barbara Palmer (17/11/1640-9/10/1709) – nhân tình của vua Charles II

Barbara Palmer là tình nhân xinh đẹp và nổi tiếng nhất của vua Charles II ở nước Anh. Cô sinh năm 1640 và kết hôn với Robert Palmer khi mới 19 tuổi. Vợ chồng cô cùng nhau đi du lịch đến Hà Lan, nơi vua Charles đang sống lưu vong trong thời gian Oliver Cromwell cầm quyền.

Khi sống ở đó, Barbara nhanh chóng trở thành nhân tình bí mật của vị vua bị lật đổ. Khi trở về London nắm lại quyền hành như xưa, vua Charles II triệu cô về bên cạnh mình. Barbara hạ sinh người con đầu tiên trong số 7 người con của vị vua này cũng như là một trong số 5 đứa con được ông công nhận.  

Địa vị của Barbara không hề suy yếu ngay cả khi vua Charles kết hôn với nữ hoàng Catherine of Braganza vào năm 1662. Cô đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong chính quyền với mức lương khủng cũng như có cơ hội tiếp xúc với  những nhân vật “máu mặt” trong tòa án. Barbara tích lũy được một số lượng tài sản lớn đồng thời thuyết phục nhà vua cho con trai bà danh phận và địa vị. Năm 1709, bà qua đời ở tuổi 68 và có một số người con cháu nổi tiếng đó là công nương xứ Wales Diana.


Catherine Monvoisin (1640-22/02/1680)

Catherine Monvoisin, còn được gọi là La Voisin, vợ của một thợ kim hoàn người Pháp. Bà đã bắt đầu công việc tiên tri bói toán từ khi còn trẻ, và sau khi công việc kinh doanh của chồng thất bại, bà bắt đầu pha chế cả tình dược và độc dược song song với việc bói toán. Bà cũng làm công việc hộ sinh thậm chí cả việc nạo phá thai. Bà bị bắt cùng cô con gái vì tội danh dùng ma thuật phù thủy. Trong phiên tòa, người ta đã đưa ra 3 bằng chứng kết tội bà là phù thủy và bà bị thiêu sống tại khu Place de Grieve ở gần Paris.


Margaret Matson

Margaret Matson sống với chồng là Neals Matson tại Eddystone, Pennsylvania. Cả hai đều là người gốc Thụy Điển. Sau khi Thụy Điển bị người Anh chiếm đóng, những người hàng xóm nói rằng chính bà là kẻ đã bỏ bùa mê gia súc. Vào ngày 27-12-1683, cặp đôi này bị buộc tội trước tòa bởi những bằng chứng cho thấy người vợ không những là một phù thủy nổi tiếng mà còn là kẻ bỏ bùa gia súc. Bà không bị kết tội là phù thủy và được tạm tha sau sáu tháng giam giữ.


Temperance Lloyd


Lloyd được biết đến là người cuối cùng bị treo cổ vì tội danh phù thủy ở Anh. Cô bị bắt khi một người bán hàng rong ở Bideford khiếu nại rằng Lloyd đã thực hiện thuật phù thủy. Cô bị nhốt trong nhà thờ cho đến khi được đưa ra xét xử trước bồi thẩm đoàn bao gồm: Thomas Gist, Thị trưởng thành phố Bideford, và Alderman John Davie. 
Các tội danh được quy cho cô là: sử dụng phép thuật đáng ngờ lên cơ thể của Grace Thomas, giao tiếp với ma quỷ đội lốt một người da đen hoặc một con chim đen. Khi bị đưa lên giàn giáo và trong những phút ít ỏi trước khi bị treo cổ, lúc được chánh án hỏi rằng liệu cô có tin vào Chúa không, cô đã trả lời: "Tôi tin vào Chúa và tôi cầu nguyện với Người tha thứ cho mọi tội ác của mình"


Abigail Hobbs


Abigail Hobbs bị kết tội là phù thủy và bị bắt vào ngày 8-4-1692. Giles Corey, Mary Warren, Bridget Bishop và cha mẹ cô, Deliverance Hobbs và William Hobbs cũng bị cho là phù thủy và bị bắt cùng thời điểm với Abigail Hobbs. Trước khi bị đưa đến Salem, hiện là Danvers, Bang Massachusetts (Mỹ), gia đình bà đã sống ở Casco, Maine, Massachusetts. Bà bị xét xử từ tháng 4 đến tháng 6 - 1692. Khi bị thẩm vấn trước tòa, bà thú nhận đã làm hại Mercy Lewis bằng thuật phù thủy, và cũng thừa nhận là đã giao tiếp với ma quỷ. Đồng thời bà cũng nói ra tên của một số phù thủy khác. Thẩm phán William Stoughton đã ký lệnh lệnh tử hình bà ngay sau đó.

Laskarina Bouboulina (11/5/1771 - 22/5/1825)

Laskarina Bouboulina là một chỉ huy hải quân Hy Lạp và là thuyền trưởng của cuộc cách mạng đã chiến đấu chống lại Đế quốc Ottoman. Ngày 3/4/1821, Laskarina đã chỉ huy 8 con tàu tham gia kế hoạch phong tỏa pháo đài của người Ottoman tại Nafplion. 
Sau đó, bà tiếp tục xuôi quân tiến đánh Monemvasia và Pylos trong hai năm và thành lập nhà nước Hy Lạp. Nhưng sau đó, Hy Lạp bị chia rẽ thành nhiều phe phái. Laskarina bị bắt hai lần trước khi phải đi lưu đày. Cuối cùng, bà bị bắn chết do xung đột trong gia đình




Agustina de Aragon (1786 – 1857)

Agustina de Aragon là một nữ anh hùng người Tây Ban Nha, người còn được mệnh danh "Nữ thánh Jeanne d’Arc của Tây Ban Nha" vì đóng góp trong cuộc chiến bảo vệ độc lập của đất nước. Trong khi quân của Napoleon tấn công thành phố Zaragoza vào ngày 15/6/1808, Agustina mang táo tới để nuôi quân. Khi tới tuyến lửa, cô nhận thấy một số lượng lớn người tình nguyện đang rời bỏ hàng ngũ và thoái lui trước người Pháp.

Agustina de Aragon ngay lập tức chạy về phía trước, lắp đạn vào súng đại bác và châm ngòi, đẩy lui một làn sóng kẻ tấn công.
Hành động của cô đã truyền cảm hứng cho những người đang bỏ chạy quay trở về vị trí của họ. Và ít nhất trong thời gian ngắn, thành phố đã được cứu. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, người Pháp đã quay trở lại và cuối cùng chiếm đóng thành phố. Mặc dù vậy, Agustina đã trở thành một nguồn cảm hứng cho phong trào kháng chiến chống Pháp và trong những năm sau đó được coi là một biểu tượng cho chủ nghĩa nam nữ bình quyền.


Lola Montez  (17/2/1821-17/1/1861) – tình nhân của vua Ludwig đệ nhất

Lola Montez tên thât là Eliza Rosanna Gilbert sinh ra ở Ireland trong năm 1818 hoặc 1821. Cô là người phụ nữ có sắc đẹp hoàn mỹ và sống ở rất nhiều nơi khi còn bé. Cô sống ở Ấn Độ một thời gian và kết hôn với Đại úy Thomas James khi mới 15 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của hai người chỉ kéo dài được vài năm rồi tan vỡ.  
Vào khoảng năm 1843, cô xuất hiện lần đầu trên sân khấu London dưới nghệ danh Lola Montez, trong vai trò của một vũ công múa thoát y Tây Ban Nha. Sau khi biểu diễn tại nhiều thủ đô của các nước châu Âu, Lola Montez đặt chân đến Munich. Chính tại nơi đây, cô đã gặp vua Bavaria là Ludwig đệ nhất. Vị hoàng đế già trúng tiếng sét ái tình ngay khi xem cô biểu diễn lần đầu ở nhà hát hoàng gia. Sau đó, đức vua phong cho Lola Montez thành nữ bá tước cũng như xây cho cô một cung điện nguy nga tráng lệ, cung cấp một khoản tiền lớn để cô sống dư giả, thoải mái. Thêm vào đó, ông còn cho Lola Montez tham gia xử lý công việc triều chính.  
Trong hơn một năm được vua Ludwig sủng ái, Lola Montez ngang ngược, tác oai tác quái khi dám vô lễ với cả các cận thần cấp cao, thậm chí là cả với hoàng hậu. Do có những hành động “quá trớn”, người dân Bavaria hết sức giận dữ và biểu tình đòi vua Ludwig trục xuất vũ nữ thoát y ra khỏi đất nước. Bóng hồng này cũng chính là nguyên nhân khiến vua Ludwig đệ nhất phải thoái vị, ngường ngôi cho con trai vào năm 1848. 

Sau khi bị trục xuất khỏi Bavaria, Lola Montez tiếp tục sự nghiệp múa thoát y của mình ở châu Âu, Mỹ và Australia trước khi dừng chân định cư ở New York. Trong hành trình đó, cô vướng vào hai cuộc hôn nhân bất hợp pháp, một tội danh giết người và nhiều vụ bê bối khác. Năm 1860, cô qua đời khi ở tuổi 40.


Marie Laveau (10/09/1794-16/06/1881)

Marie Laveau, còn được biết đến với cái tên Nữ hoàng Voodoo, sinh ra ở New Orleans, Louisiana (Mỹ) vào ngày 10-9-1794 và qua đời tại New Orleans, Louisiana ngày 16-6-1881, ở tuổi 86. Cả bà và con gái Marie Laveau II đã theo Voodoo, một tôn giáo được coi là sự kết hợp của ma thuật châu Phi và Thiên Chúa giáo La mã, và được lưu truyền phổ biến trong dân ở Haiti. 
Vào ngày 23-6-1874 hơn 12.000 người da đen và người trắng tập trung tại hồ Pontchartrain chỉ để nhìn thấy bà thực hiện nghi lễ vào đêm Thánh John. Bà có một con rắn kiểng tên là "Zombie." Người dân rất sợ sức mạnh siêu nhiên của bà. Rất ít thông tin về cái chết của bà được tiết lộ, bởi khi bà qua đời, tòa báo New Orleans chỉ thông báo rằng bà đã yên nghỉ tại nhà.


Emilia Plater (13/11/1806 - 23/12/1831)

Nữ bá tước Emilia Plater là một trong những nữ anh hùng vang danh sử sách Ba Lan vào thế kỷ XIX. Mặc dù là phụ nữ nhưng Emilia rất giỏi kiếm thuật. Năm 1831, tin tức về cuộc nổi dậy ở Warsaw diễn ra vào tháng 2/1830 lan truyền đến Wilno. Những người yêu nước Ba Lan ở Wilno bắt đầu kế hoạch nổi dậy của riêng mình và không cho phép Emilia tham gia các cuộc họp vì bà là nữ giới.

Với khát vọng đóng góp công sức cho cuộc cách mạng, Emilia đã cắt tóc ngắn, mặc quân phục và tập hợp lực lượng gồm 500 máy bay chiến đấu Lithuania. Đội quân của bà đã đẩy lùi một sư đoàn bộ binh của Nga năm 1831. Tuy nhiên, bà đã qua đời vì bạo bệnh vào tháng 12/1831. Cuộc nổi dậy mà bà dẫn đầu cũng thất bại.



Nguồn anninhthudo.vn; kenh14.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved