Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

28 thg 12, 2013

Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1) - Huyền Chíp - Chương 57 - 66

Phần II: Ấn Độ - Nepal 



57. Tai nạn đầu tiên

Lần đầu tiên ngồi sau tay lái của Kralis, tôi đã nghĩ rằng đây là sai lầm lớn nhất của đời mình. Anh phóng xe nhanh hơn bất cứ xe nào gặp trên đường. Hai xe tải đang đi sát cạnh nhau anh cũng sẵn sàng lạng lách phóng vượt lên trên. Dừng xe anh không chịu dừng xe như người ta, mà mỗi khi chuẩn bị dừng, anh quay đầu xe, bóp phanh trước để bánh sau sượt một đường dài như mình hay xem trong phim hành động. Xuống xe, anh bảo tôi:
“Chip à, em có thể không lái xe giỏi, nhưng em là một hành khách giỏi đấy. Anh rất ghét bọn ngồi sau mà cứ luôn miệng bảo mình phải đi xe thế này thế kia như thể mình là người cầm lái vậy”.

“Trời, em sợ quá cứng lưỡi lại không nói được đấy”.
Emilies, ATN và Paxton mặt trắng bệch sau buổi tập đầu tiên. Paxton uống nước mà tay run run. Emilies thì đi khập khiễng vì bị xe đổ vào chân. ATN vừa vo thuốc vừa bình luận đâu đâu:
“Đường sá ở Nepal thật là dã man. Mọi khi đi bộ đã thấy ghê, giờ cầm lái còn thấy ghê hơn nữa”.
Tôi nhìn Karlis lo lắng:
“Nhìn mọi người thảm hại thế này liệu có đi được không hả Kralis?”.
“Tụi này đi trong sân thì tốt rồi, chỉ có ra đường thấy xe nhiều nên mọi người hơi choáng thôi”.
“Đi trong sân cũng đã ngã rồi”.
“Buổi đầu tiên ai mà chẳng thế”.
Tôi biết Kralis chỉ làm ra vẻ cứng rắn thế thôi chứ thực ra trong lòng anh cũng như lửa đốt. Mọi người cũng xin một đêm để suy nghĩ xem có dám liều mình đi chuyến này hay không. Tôi cũng phải xem lại xem mình có thể tin tưởng giao mạng sống mình vào tay tái lụa Kralis hay không.
“Anh có tin vào tay lái của mình không?”. Tôi hỏi.
“Có”.
“Vậy thì em cũng tin vào tay lái của anh. Em sẽ không bắt anh chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra, nhưng nếu hứng lên làm chuyện gì dại dột, em mong anh sẽ nghĩ đến chuyện còn một người khác ngồi sau xe anh. Một cô bé cực kỳ dễ thương mà lại chưa chồng. Em không muốn chết khi chưa lấy chồng đâu”.
Sáng hôm sau chúng tôi gặp nhau, tinh thần mọi người đã phấn chấn hơn hẳn.
“Đi chứ. Chẳng mấy khi có cơ hội đi như thế này”. Tất cả cười toe toét. “Tụi này quyết định sẽ kiếm mũ bảo hiểm thật xịn, bảo vệ từ răng đến tóc”.
Chúng tôi thuê bốn con xe Engine, ba cái lều, năm mũ bảo hiểm xịn, năm túi ngủ, năm kính râm chắn bụi, năm khăn quàng quanh miệng che bụi. Kralis tự bầu mình là trưởng nhóm, nên từ đó về sau anh được biết đến như là Dictator. Paxton vì rất ghét bị gọi là người Trung Quốc nên chúng tôi gọi anh là Chinaman. Emilies vì một lý do nhạy cảm bị gọi là Smallboob. ATN vì chất giọng đặc Pháp của mình nên bị gọi là Frenchie. Còn tôi vì khuôn mặt trẻ con và mỗi khi trúng tủ thì nói rất nhanh không ai hiểu được nên bị gọi là Lingling. Giống như tất cả mọi người trong nhóm, tôi cực kỳ ghét cái tên của mình. Đêm trước khi đi, chúng tôi đốt lửa trại trên mái nhà cho nó không khí. Kralis cao hứng lên liền lấy đà nhảy qua ngọn lửa cao gần mét rưỡi. Asher thấy bọn tôi rục rịch chuẩn bị thì thèm lắm, nhưng bạn gái nhất định không cho đi. Có bạn gái nó khổ thế đấy.
Ngày đầu tiên.
Roẹt… Rầmmmm
Paxton vừa ra khỏi ngõ đã đâm thẳng vào cột điện. Một nửa lòng bàn tay anh da trầy trụa, máu nhỏ từ ngón giữa tong tong. Anh lồm cồm bò dậy, mặt nhăn nhó, tay phủi bụi ở quần, quay vào bảo lũ chúng tôi đang dừng xe xung quanh.
“Không sao. Cho anh năm phút anh lấy lại tinh thần rồi đi tiếp”.
Asher chạy từ trong nhà mang theo một hộp gì đó. Đồ đạc của chúng tôi có bổ sung mới: bông băng và thuốc sát trùng.
“Em có linh cảm chẳng lành”. Tôi bảo Kralis.
“Nói linh tinh. Em bám chắc vào không bay đi bây giờ”. Kralis rú ga phóng đi. Càng ra khỏi Kathmandu đường càng xấu, càng tắc. Khói bụi mù mịt. Kralis hét lên:
“Lên đi. Trái, phải vượt hết. Phải máu lên. Đi chậm thì không biết bao giờ mới ra được khỏi đoạn này”.
Emilies tìm được một chỗ trống ở mép đường. Đá dăm trơn, đường dốc nên chân chị không chống được. “Xoẹt”, chị ngã sõng xoài, chị vẫn không chùn bước. ATN lúc lách giữa hai xe tải bị trượt bánh. Tôi với Kralis đi phía sau nhìn cảnh đấy mà hết hồn, nhưng may anh đứng dậy kịp trước khi bị xe tải phía sau cán qua. Ra khỏi cái đoạn nguy hiểm rồi, Kralis ra hiệu cho mọi người dừng lại bên đường để nghỉ.
“Mọi người thấy sao?”.
“Đường xá thật là kinh khủng”. ATN bảo.
“Nếu không bị ngã thì mình đã là đứa chạy nhanh nhất”. Emilie rất máu.
“Thấy mình cũng tài năng phết”. Paxton hỉ hả.
Người ta nói Kathmandu thật sự bắt đầu khi ra khỏi Thamel và Nepal. Bắt đầu từ đây, đường xá vắng hơn hẳn. Không khí trong lành. Đồi núi hai bên cũng trùng điệp nên thơ đến lạ. Đường đèo ngoắt ngoéo không làm run tay Kralis. Anh rồ ga, phóng hết tốc độ vượt qua tất cả những xe tải, ô tô, xe máy gặp trên đường đi. Gió quất vào mặt rát cháy. Bụi bay vào mắt đỏ nhừ. Thật lạ, đứng một chỗ thì lạnh, nhưng càng phóng nhanh da tôi càng trơ với cái lạnh. Paxton và Emilies thay phiên nhau theo sát phía sau. ATN đi cuối cùng nhưng cũng không thua kém về độ vượt rào.
“112”. Kralis hỉ hả khoe. Ý anh là tốc độ tối đa anh đạt được trên quãng đường vừa rồi.
“108”. Emilies báo cáo.
“109”. Paxton.
“105”. ATN.
Tôi nghe mọi người đọc số mà ghen tị. Tôi thèm được lái xe quá. Thèm được tự mình rồ ga,thèm được tự mình bắt lái, thèm được tự mình điều khiển chiếc xe của chính mình. Tôi ghét cái chân của mình quá.
Chiều tối, chúng tôi dừng chân ở một thị trấn mua gần chục lít nước, mấy gói mỳ tôm, mấy cái bánh mì, một hộp mứt quả để ăn tối và ăn sáng hôm sau. Khi hỏi mấy người ở đây về chỗ cắm trại, chúng tôi được chi lên một ngọn đồi cách đây hai chục cây số. Trời mỗi lúc một tối. Đường đèo khúc khuỷu quanh co. Trăng ban đầu lấp ló sau hàng cây, trăng lên cao bằng đỉnh núi, rồi trăng lại bị khuất vào trong đám mây. Chúng tôi leo mãi, leo mãi, cho đến khi Kralis phát hiện ra bãi cỏ phía sau một ngôi nhà năm gian. Cửa nhà đóng im thin thít, chúng tôi gọi mãi không thấy ai trả lời, nhìn xung quanh thấy không có vẻ như có hàng xóm quanh đây, chúng tôi yên trí chọn đây là nơi tá túc qua đêm. Chỗ này có bãi cỏ, có vòi nước ở ngoài, lại có đường đi vào bụi cây trong rừng để giải quyết nỗi buồn, thật là địa điểm cắm trại lý tưởng.
Chúng tôi dựng một chiếc xe ở ngoài, bật đèn lên để chờ Paxton đến rồi vào trong dọn chỗ cắm trại. Nhưng chúng tôi chờ năm phút, mười phút, rồi hai mươi phút vẫn không thấy Paxton đâu. Gọi điện cũng không thấy bắt máy.
“Hình như đèn của Paxton bị hỏng”. ATN cố gắng nhớ lại. “Lúc mình đi qua thấy anh chàng đứng lại sửa đèn nhưng rồi bảo mình cứ đi trước đi”.
“Bỏ mẹ”. Kralis la lên rồi nhảy lên xe. “Để anh quay lại xem sao”.
Chúng tôi ở lại chờ mà đứng ngồi không yên. Trong đầu ai cũng nghĩ đến đủ các trường hợp xấu nhưng không ai dám nói ra. ATN lại lẳng lặng lấy thuốc ra vo, rồi buông một câu lãng xẹt.
“Lạnh nhỉ”.
Chờ khoảng nửa tiếng, chúng tôi mừng húm khi thấy Kralis và Paxton quay lại.
“Đèn hỏng, phanh hỏng, phải mò mãi mới lên được đến đây.”
“Xe thuê nó khổ thế đấy. Nghỉ ở đây đêmnày đã, mai tìm chỗ sửa”.
“Ở đây có rắn không nhỉ?”.
“Không”.
“Sao biết”.
“Đoán vậy”.
ATN là dân đi bụi chuyên nghiệp. Anh có loại bếp ga nhỏ xíu với bình ga chỉ to bằng quả dừa. Chúng tôi cũng mang theo một cái xong, đổ vào ít nước lọc vừa mua để nấu mỳ. Phải tội năm người mà chỉ có một cái thìa và một cái dĩa, chúng tôi phải chuyề n tay nhau ăn. Cứ mỗi lần thấy tiếng xe đi qua là chúng tôi tắt vội đèn pin, sợ bị người ta tưởng nhầm là ăn trộm. Ăn xong không có việc gì làm, chúng tôi ngồi nói chuyện nhảm nhí. Paxton kể cho chúng tôi chuyện anh ở Trung Quốc.
“Ở Trung Quốc, nếu mình nhìn giống người Trung Quốc mà không nói tiếng Trung, người ta không bảo giờ nghĩ mình là người nước ngoài, mà họ chỉ cho rằng mình bị thiểu năng. Khi họ nói với mình mà mình không hiểu, họ không chuyển sang tiếng Anh đâu nhưng sẽ lặp lại y hệt nhưng thật chậm. Nếu như mình vẫn không hiểu nữa thì họ không cần mình hiểu luôn. Họ sẽ mặc định ngay rằng mình chỉ cần một trong hai thứ: ăn hoặc đi vệ sinh. Một lần anh đang vội ra sân bay, anh hỏi người ta sân bay ở đâu thì họ lại dẫn anh vào nhà vệ sinh. Anh cáu lên: “Tôi không cần nhà vệ sinh, tôi cần ra sân bay cơ”. Họ gật đầu ra vẻ hiểu, rồi lại dẫn anh vào nhà hàng”.
Trời mỗi lúc một lạnh. Gió mỗi lúc một to. Lều của ATN vừa dựng lên đã bị gió quật cho lật ngửa, gẫy luôn cả thanh chống. Không ai chịu ngủ cùng Kralis nên bốn chúng tôi phải ngủ chung một lều.
“Ai muốn vào đây ngủ phải đi rửa chân đấy nhé”. Paxton nhăn mũi khi ngửi mùi giày của chính mình. “Giày muốn bỏ vào trong lều thì phải được bọc túi nilon”.
Chúng tôi mỗi đứa chui vào một túi ngủ. Đất cứng, lều chật nhưng vì mệt nên tôi ngủ như chết. Sáng dậy tôi không thấy Paxton đâu. Ra ngoài tìm thì thấy anh đang gấp túi ngủ của mình ở ngoài hiên trường học.
“Đứa nào đêm ngủ xì hơi hôi quá”. Anh càu nhàu.
Chúng tôi ôm bụng cười tưởng chết.
Mặt trời lên chúng tôi mới nhận ra mình chọn vị trí cắm trại đẹp đến mức nào. Phía trước là bãi cỏ nằm chênh vênh ngay lưng chừng đồi, bên tay phải là những ruộng bậc thang trải dài như sóng vỗ, bên tay trái là cánh rừng với những hàng bạch dương rì rào trong gió.
“Thật không thể tin được có người lại đánh đổi cái này để lấy cuộc sống tù túng bụi bặm ở Kathmandu”. Kralis bảo.
58. Tai nạn thực sự
Chúng tôi nhìn thấy bản đồ mày mò đường đến Bandipur, thành phố cổ nổi tiếng ở miền Trung nước này. Đường phố lát gạch rộng thênh thang chỉ dành cho người đi bộ. Hai bên đường là những ngôi nhà hai tầng xinh xinh tường lát gạch, mái lợp gỗ, cửa sổ cong cong, ban công đầy hoa. Thành phố du lịch nên đầy những khách sạn lịch lãm. Chúng tôi chọn cho mình một quán café hết sức dễ thương ở phía sau một khách sạn cũng hết sức dễ thương.
Quán mở ra một ngôi vườn, mở xuống ruộng bậc thang, mở ra cảnh đồi núi trùng điệp. Sau mấy ngày lăn lộn trên đường, người đứa nào cũng phủ mấy centimet bụi. Chúng tôi tranh thủ vào nhà vệ sinh của khách sạn tắm cho sạch sẽ. Ngồi cao hứng, chúng tôi đặt tên cho nhóm là Burning Snails. Sên chạy nhanh đến mức tóe lửa.
Rồi chúng tôi lại lái xe đi. Đường cứ mở dần ra như thế một cuộn tranh phong cảnh đang lăn tròn trước mặt. Những gì mình biết lùi dần về sau còn những gì mình chưa biết mở dần ra trước mặt. Chúng tôi cứ lái xe mải miết không biết chán. Càng đi, càng nghiện.
Chúng tôi đến Pokhara khi trời tối. Pokhara là một trong những thành phố tôi rất rất muốn đến, bởi đây là thành phố tôi đọc trên mạng “được nhiều người đánh giá là nơi đẹp nhất trên thế giới” và được nhiều bạn bè tôi nhiệt tình giới thiệu. Pokhara có hồ rộng, cónúi cao, có thác nước hùng vĩ, có rừng xanh miên man. Những ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa trên nền trời xanhngắt, hay lẫn trong những đám mây đỏ ửng của hoàng hôn. Được bao phủ bởi nhiều đỉnh núi cao của dãy Himalaya, thành phố này trở thành cửa ngõ để leo Annapura. Bạn có thể leo từ một tuần cho đến cả tháng tùy bạn lựa chọn.
Đã từng đến đây, Kralis biết rõ nơi này như lòng bàn tay. Chúng tôi tìm đường lên đỉnh Sarangkot cắm trại trên đấy. Đường đất đỏ dốc, trơn, gập ghềnh. Tay lái lụa như Kralis mà cũng bị trượt bánh mấy lần. Emilie cứ đi một đoạn lại ngã, ai đó lại phải chạy đến đỡ xe chị lên rồi đi tiếp. Paxton và ATN cũng không khá khẩm gì hơn. Tôi nhảy xuống đi bộ cho lành. Trên đường đi, tôi gặp một bà cụ già ơi là già, già đến mức tôi không đoán được tuổi. Do vất vả, người dân Nepal già rất sớm nên cực kỳ khó đoán tuổi. Có những người nhìn như tá mươi ở mình nhưng thực ra mới chỉ khoảng năm mươi. Da cụ đã nhăn nheo hết cả, lưng còng của cụ càng còng hơn khi cụ phải cúi rạp mình xuống để gánh củi. Thương cụ, tôi đề nghị giúp cụ, nhưng vừa nhấc bó củi lên tôi đã suýt vẹo xương sống. Trời ạ, hai mươi tuổi bẻ gãy sừng trâu như tôi còn thấy nặng vậy mà cụ già thế này rồi vẫn phải ngày ngày vác củi từ dưới núi vác lên. Tôi thương cụ vô cùng.
Chỗ cắm trại của chúng tôi là một mảnh đất bằng phẳng ngay trên đỉnh đồi. Muốn lên đây, chúng tôi phải đi qua nhà một người quen của Kralis. Tôi nghĩ nếu coi điểm cắm trại hôm trước là đẹp, thì điểm cắm trại này phải nói là hoàn hảo. Trên đỉnh đồi tự nhiên lại có một bãi đất bằng phẳng rộng thênh thang. Đi ra trước mặt khoảng chục bước lại là một vách đá thẳng đứng, sâu đến dựng tóc gáy. Bao phủ quanh thung lũng là nhưng đỉnh núi cao nhất thế giới, thấp cũng trên 7.000m, cao nhất là 8.091 m, chỉ thua Everest vài trăm mét thôi. Buổi đêm, nằm trên bãi cỏ, ngửa mặt lên trời, bạn có thể thấy mặt trời đỏ rực như hòn lửa ngang tầm mặt. Cả một dãy núi phủ tuyết ánh lên long lanh dưới ánh nắng mặt trời. Những chiếc dù lượn bay qua bay lại như những chú đại bàng trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Chúng tôi ngồi khoanh chân trên đất, vừa uống trà vừa chết lặng đi ngắm cảnh. Hơi trà ấm ấm trong tay, hơi lạnh trên núi ran rát mặt, sương đọng trên cỏ thơm nức mũi. Uống trà trên đỉnh Himalaya, đời có mấy khi thú được như thế.
Ở lại đây mấy ngày, no đủ khí trời rồi, chúng tôi lại rong ruổi trên con ngựa sắt. Kỷ lục của Kralis đã lên đến 122km/h. Emilies và Paxton vẫn tranh nhau vị trí thứ hai. ATN vẫn ở vị trí cuối cùng.
“ATN đàn bà quá, chậm hơn cả Emilies.”Kralis chọc.
“Chả sao cả. Tao thấy chẳng có gì phải xấu hổ. Ở Nepal này, tao chỉ chậm hơn mỗi ba đứa bọn mày thôi chứ còn nhanh hơn tất cả những người Nepal khác”. ATN lại vo thuốc tỉnh bơ.
Chúng tôi đi hết đồi núi xuống đến đồng bằng. Đường đèo quanh co đã thay bằng đường to thẳng tắp. Rừng cây lá kim đã được thay bằng rừng nhiệt đới. Không khí lành lạnh miềnnúi đã thay bằng cái nắng cháy đồng bằng. Chúng tôi đang đến gần tiến đến rừng quốc gia Chitwan, nơi mà mới cách đây mấy tuần Asher đã lẻn vào viện bảo tàng ăn trộm một đầu lâu tê giác chỉ để đặt lên tàu dọa khách du lịch một phen hết vía.
Tôi nhảy lên xe đi cùng ATN. Say cảnh, chúng tôi đi mà chẳng để ý đến mấy người khác. Đến tầm trưa, chúng tôi mới phát hiện ra mình đã để lạc mất mọi người. Cuống cuồng gọi điện cho Kralis thì nhận được tin sét đánh:
“Paxton bị tai nạn rồi”.
“Ở đâu? Để bọn em quay lại”.
“Không cần. Quay lại xa lắm. Tìm chỗ nào ngồi nghỉ đi. Giờ đang không nói chuyện được. Lát nữa gặp sẽ giải thích”.
“Để xem đã”.
Chúng tôi vào một quán ven đường nơi người ta bán đủ loại đồ ăn vặt địa phương: samosa (bánh rán khô hình tam giác nhân thịt hay nhân rau), momo (bánh bao nhỏ xíu), pakoda (bột trộn các loại rau rán lên thành từng búi). Chúng tôi gọi mỗi loại một ít nhưng chẳng có bụng dạ nào mà ăn. Chúng tôi nói chuyện phiếm để giết thời gian.
“Anh vừa nhận ra rằng mình không biết gì về bất kỳ ai trong nhóm: làm gì, gia đình như thế nào. Thế mà vẫn cảm thấy thân thiết như quen từ lâu lắm rồi”.
“Ừ, thế có khi lại hay. Em chỉ hỏi về những thông tin đấy khi hết chuyện để nói thôi. Đi nhiều, gặp nhiều người, có người chỉ nói chuyện một vài phút, hỏi mấy thông tin đấy làm gì cho mệt. Có nhớ được đâu”.
“Thế em hay nói về chuyện như thế nào?”
“Như thế này này, chia sẻ cách suy nghĩ nhiều hơn là khai thác thông tin”.
Sau hai tiếng dài như hai thế kỷ, cuối cùng chúng tôi cũng thấy Emilies, Kralis và Paxton.
“Có gãy xương không?”.
“Không. Chỉ bị xây xước với vài vết cắn thôi. Chị đi xe đạp Paxton đâm vào may mà cũng không bị sao”. Kralis trả lời. Paxton mặt tái mét không nói được gì.
Ở trên núi thưa dân tìm chỗ cắm trại còn dễ, ở đồng bằng thì đi đâu cũng đụng người. Chúng tôi tìm vào làng, men theo con sông. Đi đến hết cánh đồng, chúng tôi tìm được một bãi đất bồi cỏ xanh mơn mởn. Paxton mặt vẫn căng thẳng. Anh bảo mọi người ở lại đây đi, anh phải vào khách sạn một đêm để bình tĩnh lại.
Đấy là một đêm yên tĩnh. Chúng tôi chỉ ngồi nhìn nhau mà không nói gì nhiều, ai cũng suy nghĩ. Hoa lục bình trôi bập bềnh trôi sông, cá rỉa dưới làn phù sa đỏ nặng. Lần lượt điện thoại chúng tôi rung. Paxton gửi cho mỗi đứa chúng tôi một tin nhắn rất dài, đại loại là như thế này:
Đây là lần đầu tiên anh đi du lịch xa đến thế và cũng lần đầu tiên làm một việc dại dột đến vậy (ý anh ám chỉ việc đi xe máy) và rồi cũng lần đầu tiên bị tai nạn. Nhưng anh nghĩ, đây là lần đầu tiên anh thấy mình được thực sự sống. Anh xin lỗi đã cư xử như một ông già khó tính không kiềm chế được cảm xúc của mình. Đừng giận anh nhé. Anh đang ở trong khách sạn một mình nhớ mọingười lắm. Hẹn gặp lại mọi người sáng mai.
Chúng tôi bật cười. Ôi Paxton ơi là Paxton. Với chúng tôi, đây chỉ là một lần cao hứng. Nhưng với Paxton, đây là chuyến đi làm thay đổi cuộc đời mình.
Chúng tôi phát hiện ra là Paxton đi mang theo căn lều to nhất. Không đủ lều, đêm hôm đấy chúng tôi ngủ ngoài trời. Văng vẳng từ đâu đó xung quanh, tiếng chó sói hú vang làm chúng tôi sởn hết gai ốc.
“Có chó sói quanh đây à?”.
“Không sao đâu. Sói trong rừng quốc gia đấy, tụi nó không ra đây đâu”.
“Sao biết chắc vậy được?”. “Đoán vậy”.
Chúng tôi lại cuộn túi ngủ ngủ tiếp. Tôi không sợchó sói bằng sợ có con gì đó chui vào tai, vào người. Tiếng dế kêu rả rích, tiếng ếch kêu ộp oạp, tiếng cá đớp bèo tí tách. Cỏ cứa vào má ran rát, sương đọng trên mi lành lạnh. Bầu trời đầy sao lấp lánh. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Tỉnh dậy, chúng tôi giật mình khi thấy hàng chục cặp mặt tò mò của người dân vây quanh mình. Người lớn thì chỉ trỏ xì xào. Trẻ con thì cười khúc khích. Một người đàn ông tự cho rằng mình nói được tiếng Anh hùng hổ tiến đến chỗ chúng tôi. Giọng tiếng Anh giật cục của ông bọn tôi phải vận dụng tối đa óc sáng tạo của mình mới hiểu được.
“Mấy đứa làm gì ở đây?”.
“Bọn cháu đang đi xe máy (chúng tôi chỉ vào mấy cái xe đang dựng ở đấy), vòng quanh Nepal (nhấn mạnh chữ Nepal rồi đưa tay ra làm vòng tròn). Không có chỗ ngủ (đưa hai tay lên má như em bé ngủ), ngủ tạm ở đây (chỉ tay xuống đất)”.
“À, thế mấy đứa cứ nghỉ ở đây đi. Đêm qua có thấy cá sấu không?”.
“Hả? là sao ạ?”.
“Ở ngay bên kia bờ sông là trang trại nuôi cá sấu, thỉnh thoảng bọn nó xổng ra ngoài. Nhưng đừng sợ, nếu thấy cá sấu cứ chạy thật nhanh là không sao đâu”.
Chúng tôi không biết cá sấu ở đây có chậm đến mức đấy không, nhưng không ai muốn ở lại kiểm tra xem thế nào.
Paxton gặp chúng tôi ở đường chính, cười toe toét. Cả nhóm đoàn tụ, tinh thần chúng tôi phấn chấn hơn bao giờ hết. Chúng tôi đi qua cánh đồng, khi đi qua vách đá, đi qua cánh rừng, đi qua con sông, đi qua không biết bao nhiêu là ngôi đền, bao nhiêu làng mạc. Xe Paxton càng ngày càng cà tàng, hết hỏng phanh đến lủng lốp, gần về đến Kathmandu thì hỏng hẳn. Chúng tôi phải nhờ một xe tải đưa xe về thành phố, còn Kralis đèo anh.
Về đến nơi, chúng tôi vẫn không tin là mình còn sống sót.

59. Holi màu sắc

Chúng tôi về Kathmandu chỉ một đêm trước Holi. Trước khi đi, chúng tôi đã nghĩ dù sống dù chết cũng phải lê xác về Kathmandu cho lễ hội này. Holi được chúng tôi mong đợi còn hơn cả lễ hội Maha Shivaratri. Đây là lễ hội sắc màu, ngày mà tất cả mọi người đều ra đường, bôi màu lên người mình và lên người của bất kỳ ai mình gặp. Không chỉ màu, mọi người còn được nghịch nước. Đại loại, Holi giống lễ hội té nước ở Thái Lan và Lào, nhưng nhiều màu sắc và nhiều trò nghịch hơn.


Lúc bấy giờ, tôi đang ở khách sạn Visit Nepal. Trong thời gian tôi du hí với nhóm Burning Snails, Asher đã bị đuổi ra khỏi nhà vì tiệc tùng nhiều quá. Hôm đấy tôi có hẹn ăn sáng với Asher. Sáng ra còn đang ngái ngủ, tôi chưa kịp nhớ ra hôm nay là ngày gì thì “Bụp”, một bịch nước lạnh từ đâu bay thẳng vào mặt. Mọi người xung quanh cười ré lên. Thủ phạm là một anh chàng tầm tuổi tôi, tay cầm cả chục bịch nước. Tôi cười hiền lành: “Vui thế, cho em một bịch để em chơi với”. Anh chàng cả tin cũng cho tôi một bịch. Tôi ném thẳng vào người cậu ta, cười như nắc nẻ rồi chạy thật nhanh trước khi cậu trả thù. Đi có trăm mét mà tôi bị tấn công mấy lần. Đến được quán ăn thì tôi đã ướt như chuột lột từ đầu đến chân. Anh chàng phục vụ nhìn tôi cười toe toét: “Happy Holi”.
Asher đến cùng bạn gái của mình là một cô bạn Nepal dáng người cao ráo, khuôn mặt trái xoan, tóc dài, răng khểnh, cười rất có duyên. Asher là một người rất đào hoa. Anh tuy không “nghiêng nước nghiêng thành” gì nhưng mấy bạn anh quen cô nào cũng xinh. Chúng tôi ngồi ở cái bàn yêu thích của mình. Bàn ở tầng hai, cạnh cửa sổ, nhìn thẳng xuống ngã tư nơi mà mọi chuyện kỳ quặc của Thamel phơi bày ra trước mặt. Mọi khi Thamel tràn ngập các cửa hàng lưu niệm, cửa hàng quần áo. Hôm nay các cửa hàng đóng cử để bảo toàn tài sản. Đường phố vắng hơn hẳn ngày thường. Những kẻ lang thang đường phố sáng sớm thế này cũng phải là kẻ cực kỳ máu chiến. Mấy nhóm Tây cao to mặc quần sóc Hawaii, đội tóc xù đầy màu sắc, tay cầm súng bắn nước, gặp ai cũng bắn. Mấy anh chàng thanh niên bản địa thì vẽ sơn kín mặt kín người người cầm bịch màu, kẻ cầm bịch nước, đi đến đâu là ầm ĩ đến đó. Mấy bạn gái thì bẽn lẽn hơn, chỉ bám vào tay nhau cười khúc khích. Một vài người sợ ướt, trời tạnh ráo mà trùm áo mưa từ đầu đến chân.
“Chiến đấu thì phải có vũ khí và đồng đội”.
“Sang nhà Anders đi. Đội Burning Snails ở đó sẵn rồi”.
Nhà Anders ở tầng ba một khu chung cư cạnh một trong những con đường chính. Sáng hôm đấy, chúng tôi tụ tập ở ban công nhà anh, lôi hết xô, chậu, ca, cốc trong nhà ra làm vũ khí. Ý tưởng là để tấn công người ngoài, nhưng thấy nước là cả bọn hứng lên té vào nhau tung tóe. Đứng trên ban công, cứ thấy ai đi qua là “Afoooo”, chúng tôi đổ cả chậu nước xuống. Ai hiền lành thì chỉ… né, ai sung lên thì ném trả bẳng bịch nước. Đường phố mỗi lúc một đông, người qua lại mỗi lúc một nhộn nhịp, tiếng la hét, cười đùa mỗi lúc một to. Mặt đường mỗi lúc này đã nhuộm đủ màu xanh đỏ tím vàng. Mặt ai cũng be bét màu sắc. Quần áo rỏ tong tong.
“Bây giờ mới là lúc ra trận thực sự”. Sushil bảo.
Anh dẫn chúng tôi đến quảng trường Durbar, nơi mà hàng chục ngàn người đang tụ tập. Một xe tải lớn với sân khấu lưu động đang mở nhạc to hết cỡ. Biển người reo hò, nhảy múa. Mặt ai cũng chi chít sơn. Xung quanh tôi nào là Joker, nào là người nhện, nào là đầu lâu, nào là ác quỷ. Ai cũng nhìn nhau cười rạng rỡ như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi. Sáng giờ tôi tránh sơn nên mặt còn sạch bong, một anh chàng chạy lại quệt cho tôi một phát. Mọi người xung quanh cũng lao vào quệt sơn lên mặt tôi túi bụi, sơn cả vào tóc, cả miệng. Chưa bao giờ tôi ăn nhiều sơn đến thế. Thấy tôi hò hét hăng quá, mấy người xung quanh cũng hăng lên kiệu tôi lên vai chạy toán loạn. Lúc bấy giờ, trên sân khấu có một anh chàng ca sĩ đang hát. Không cam lòng để mặt anh sạch sẽ như vậy, tôi nhảy lên sân khấu quệt cho anh mấy vệt. Khán giả ở dưới reo hò cổ vũ tôi còn to hơn cả cổ vũ anh ta hát.
Nhưng càng về sau, mọi chuyện càng trở nên hỗn loạn. Một đám thanh niên lúc bôi sơn lên mặt tôi tranh thủ sờ soạng, liền bị Burning Snails của tôi dần cho một trận. Tôi nhận ra rằng đây là cơ hội lý tưởng cho đám thanh niên sàm sỡ chị em phụ nữ. Thỉnh thoảng lại có những kẻ xấu bụng, ném bịch nước mạnh đến bỏng rát. Cũng có không ít kẻ nghịch dại cho nước bẩn vào túi. Đến đầu giờ chiều, khi mọi chuyện đã quá tầm kiểm soát chúng tôi bỏ chạy về nhà.
60. Tạm biệt Nepal
Holi kết thúc cũng là lúc chúng tôi mỗi người một ngả. Emilies về lại Thổ Nhĩ Kỳ. Kralis sang Malaysia vì anh nhận được một vai diễn ở đấy. Etiene và Paxton cùng nhau đi xe mày vòng quanh Ấn Độ. Tôi thì sang Ai Cập. Tôi đã định sang Iran, nhưng sau khi kiểm tra lại thủ tục xin visa tôi nhận ra rằng tôi chỉ được phép chọn hoặc là Israel, hoặc là phần còn lại của Trung Đông. Hộ chiếu Việt Nam cần phải xin Visa từ trước khi đến Isarel. Nhưng một khi đã có visa này rồi, Iran và các quốc gia Hồi giáo khác sẽ không đời nào chịu cấp visa cho tôi. Vậy nên tôi quyết định sang Ai Cập rồi sang Israel. Đêm trước khi Etienne và Paxton bay, chúng tôi ngồi uống bia định chờ đến năm giờ sáng đưa hai người ra sân bay luôn. Nhưng đến bốn rưỡi thì tôi ngủ gật, định chui xuống phòng ngủ nửa tiếng thôi nhưng rồi ngủ quên đi mất. Paxton lẻn vào phòng tôi, lấy trộm cặp kính râm, rồi còn tốt bụng để lại tin nhắn: “Chip ơi, anh lấy kính của em đấy. Anh giữ làm tin, khi nào gặp lại anh sẽ trả”. Sau này anh gửi cho tôi tấm ảnh anh chụp đeo kính của tôi ở Basecamp Everest. Kính tôi kính con gái, mặt anh vuông vức nam tính, nhìn buồn cười không chịu được. Một năm sau, tôi nói chuyện lại với mọi người thì phát hiện ra năm người chúng tôi mỗi đứa một châu lục. Paxton đang du ngoạn ở Nam Mỹ. ATN thì ở Úc vừa du lịch vừa làm việc với cô bạn gái người Ý. Emilies ở đâu đó Châu u.Tôi ở Châu Phi. Kralis thì đã ở Đài Loan dạy học. Thực sự tôi không tin vào mắt mình khi đọc được thông tin này nữa. Anh chàng điên rồ ngày nào bây giờ cũng đã có một cái nghề, đã chịu thuê một ngôi nhà tử tế và rồi cũng có một cô bạn gái như ai.
Jehad cũng lên đường về lại Palestine. Jehad là một cậu bé tội nghiệp. Sinh ra trong khu vực chiến sự, gia đình cậu đã phải hy sinh rất nhiều để cậu có thể đi du học, nhưng rồi cậu lại bị đuổi học. Cậu rất sợ phải về nhà gặp bố, nhưng cậu không còn cách nào khác. Cậu là một cậu bé rất ngoan. Lúc chia tay, cậu còn phá lệ ôm tôi và dặn:
“Mày hứa đến thăm tao ở Palestine đấy nhé”.
Tôi cười cười, gật đầu: “Ừ”, mà lòng sắt lại. Palestine ở đâu? Người ta có cho tôi vào không? Liệu tôi có bao giờ gặp lại Jehad không?
Ander thì vẫn cố sống cố chết bám trụ ở đây với đống sách chống động đất và mục tiêu kiếm thật nhiều tiền rồi mua một hòn đảo nhỏ ở Philippines an dưỡng tuổi già. Chỉ có Asher là vẫn chưa chắc rằng mình sẽ làm gì tiếp theo ở Nepal.
“Asher này, sao tự nhiên mày đi đâu không đi lại sang Nepal?”.
“Cách đây ba năm, tao sang đây lần đầu thì vui lắm, nên mới quyết định quay lại đây ở hắn. Ai ngờ nó tẻ nhạt thế này đâu”. “You could not step twice into the same river”, tôi chợt nghĩ đến câu nói của Heraclitus.
“Tẻ nhạt sao mày còn ở đây làm gì?”.
“Tao đã đầu tư một đống tiền vào đây: nghiên cứu thị trường, học tiếng. Giờ tao bỏ đi thì đi đâu? Về Mỹ thì tao không thích. Đến nước khác thì tao cũng lại phải đầu tư từ đầu”.
Israel thì sao? Mày có quốc tịch Israel nữa mà”.
Hừm, Israel à?”. Anh chàng hơi sững lại, có vẻ như cậu ta chưa bao giờ thực sự nghĩ đến cái điều này. “Tao cũng muốn học tiếng Hebrew, vì dù sao đây cũng là tiếng mẹ đẻ của tao”.
“Ừ, tao cũng sắp sang Israel, mày sang luôn đi. Dân Do Thái mà không biết tiếng Hebrew thì hơi nhục”.
Thế là chúng tôi hẹn gặp lại nhau ở Israel.

Phần III. Trung Đông 



Phần III: Trung Đông
Ai Cập, Israel, Palestine

61. Salam Ai Cập

Mối duyên nợ của tôi với Ai Cập diễn ra không được tốt đẹp cho lắm. Thứ nhất, một trong những lý do tôi bỏ qua Pakistan, Iran để đến thẳng Ai Cập là vì tôi đã quá mệt mỏi với chuyện chạy vạy visa và nghĩ rằng Ai Cập sẽ cho tôi visa tại cửa khẩu. Tôi phát hiện ra điều đó hoàn toàn là hoang tưởng chỉ mười ngày trước ngày bay. Rồi tôi cũng phát hiện ra rằng thủ tục xin visa Ai Cập cho người Việt NamNepal là vô cùng phức tạp. Thế rồi sau hàng trăm cuộc điện thoại, thư mời từ Ấn Độ,thư bảo lãnh từ Việt Nam, hai cuộc phỏng vấn, ba lần lặn lội lên đại sứ quán (cách chỗ tôi ở hai tiếng đi xe bus cộng xe bộ), hàng giờ ngồi chờ ở đấy, lại còn bị sàm sỡ bởi nhân viên sứ quán, cuối cùng tôi cũng lấy được visa một lần vào, trong khi tôi nộp đơn xin nhiều lần vào, đúng một ngày trước chuyến bay.
Mừng khôn kể xiết, mọi người tưng bừng tổ chức tiệc chia tay cho tôi. Ấy vậy mà khi tiệc tàn, nước mắt đã cạn, tôi vào trang FlyDubai lần cuối trước khi ra sân bay thì phát hiện ra rằng chuyến bay của mình đã bị hoãn sang ngày hôm sau mà không ai thèm thông báo với tôi. Khi Asher gọi điện đến văn phòng đại diện của FlyDubai ở Nepal, họ còn khăng khăng rằng tôi có vấn đề về thần kinh đặt vé ngày mai mà cứ tưởng ngày hôm nay. Tôi quay trở lại khách sạn để ở thêm một ngày nữa thì phát hiện ra rằng tất cả các phòng đã kín. Chắc thấy tôi tội nghiệp quá, HR thu xếp cho tôi một cái nệm ở trong phòng chứa đồ và cho một đêm miễn phí.
Ngày hôm sau, tôi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh thì phát hiện ra rằng visa Nepal của tôi đã hết từ hôm trước, bởi tôi đặt vé căn đúng ngày visa mình hết hạn. Sau cả nửa tiếng đồng hồ giải thích cho bác ấy rằng đây là lỗi của hãng hàng không chứ không phải lỗi của cháu, bác cuối cùng cũng cho tôi qua mà không phải nộp phạt. Điểm sáng duy nhất trong chuyến đi lần này là thuế xuất cảnh đã được bao gồm cả trong vé máy bay nên tôi dùng hết số tiền rupees còn thừa mua một gói kẹo to đùng. Tôi không ăn kẹo, nhưng tôi thích có kẹo trong người dành khi nào gặp trẻ con.
Chuyến bay tôi dừng ở Dubai. Tôi biết mình đã bay xa ra khỏi khu an toàn của mình khi tôi nhận ra ở đây có rất nhiều người mà nhìn kỹ đến đâu tôi cũng không thể đoán ra đến từ nước nào, nghe kỹ đến đâu tôi cũng không thể đoán được ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ gì. Mấy đứa trẻ da đen nhìn thấy tôi thì cười ngặt nghẽo không thể dừng được, như thể tôi nhìn buồn cười lắm vậy. Tôi có lẽ người Việt Nam đầu tiên mà chúng từng nhìn thấy. Tôi mỉm cười đưa cho mỗi bé mấy cái kẹo. Mấy đứa bóc ra ăn rồi ném vỏ ngay xuống mặt đất. Tôi nhặt lên cho vào thùng rác. Ban đầu tụi nó không nhận ra, nhưng sau khi tôi làm thế vài lần, chúng dường như hiểu và không xả rác nữa.
Tôi hạ cánh xuống sân bay Alexandria đúng nửa đêm, trễ hơn giờ dự tính cả tiếng đồng hồ. Sân bay cách thành phố cả bảy mươi kilomet nên tôi dự tính ra sớm để tìm ai chia tiền taxi. Nhưng vì lý do gì đó, cán bộ Hải quan lại cho rằng hộ chiếu của tôi là giả. Hộ chiếu Việt Nam khổ thế đấy, ít người được cấp visa quá nên đến khi mình được cấp visa rồi lại bị nghi ngờ. Thế là tôi bị giữ lại để họ làm đủ thủ tục kiểm tra và tôi chỉ được thả ra khi tất cả mọi người đã đi hết. Tôi là người cuối cùng ở sân bay, thậm chí cả quầy đổi tiền cũng đóng cửa rồi. Bác lái taxi tận dụng cơ hội đòi $25, trong khi giá thực tế tôi đã hỏi trước trên mạng chỉ khoảng $10. Cũng may bác tốt bụng còn tôi thì khéo nói nên cuối cùng bác cũng đồng ý cho tôi trả $15.
Tôi đến thành phố khoảng ba giờ sáng. Lúc đấy khoảng bảy giờ sáng ở Nepal. Người tôi thì mệt lử nhưng tâm trí tôi thì nhất định không chịu nghỉ. Đây là Ai Cập. Đây là Châu Phi. Đây là Địa Trung Hải. Đây là kim tự tháp. Để đến được đây không đơn giản tí nào, nhưng tôi đã làm được. Tôi nằm thao thức chờ trời sáng để ra ngoài xem mặt mũi đất nước mà tôi đã mong ngóng bao nhiêu năm nay như thế nào.

62. Những người đi bộ ở Alexandria

Nhờ vào công dụng tẩy não của truyền thông, Ai Cập khác xa những gì tôi vẫn luôn tưởng tượng. Trong tâm trí của tôi, Ai Cập là một đất nước Hồi giáo với sa mạc, lạc đà và kim tự tháp. Chưa bao giờ tôi được nghe nói về một Ai Cập với những bãi biển tuyệt đẹp, những đường cao tốc trải nhựa láng boong, những chiếc xe mới coóng và những cửa hàng đồ ăn nhanh nhộn nhịp. Tôi đã sốc khi lần đầu tiên đến Alexandria. Thành phố này khiến tôi liên tưởng đến Kuala Lumpur. Chỉ khác là Kuala Lumpur lớn hơn với nhiều tòa nhà chọc trời hơn và không có biển.
Hồi hộp quá không ngủ được, sáng hôm sau tôi dậy rõ sớm khi chủ nhà Emmanuel vẫn còn đang ngủ. Tôi nhón chân ra ngoài đi dạo mà không hề có tí khái niệm nào về phương hướng. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở bất cứ quốc gia nào là: Tìm ATM của HSBC để rút tiền và mua một SIM điện thoại. Tôi đi bộ ngược ra trung tâm Green Plaza gần nhà nơi mà mấy bác bảo vệ đang đứng ăn sáng. Thấy tôi, các bác ấy chỉ vào eish (một loại bánh mỳ nhìn giống ro-ti của Ấn Độ) và ful (đỗ đen xay nhuyễn ra nấu lên như súp), mời tôi ăn. Thật lòng mà nói, tôi thấy ful nhìn đen đen, lõng bõng cũng hơi ghê ghê, nhưng lại tò mò cái gì cũng muốn thử, tôi bẻ một ít eish nhúng vào ful ăn cho biết. Các bác không ai nói được tiếng Anh, tôi hỏi HSBC thì chỉ nhận được những câu trả lời dài ngoằng ngoẵng bằng tiếng Ả Rập. Một bác đi qua thấy tôi vật lộn với đủ loại cử chỉ kỳ quái liền dừng lại chỉ đường cho tôi. Bác bảo HSBC nằm trên đường ra bãi biển, cách đây khá xa. Không có tiền Ai Cập trong túi, tôi quyết định ra đường chính đi nhờ xe. Ra đến nơi rồi, tôi mới nhận ra thử thách Alexandria của mình mới chỉ bắt đầu.
Nếu chỉ có một điều duy nhất tôi nhớ về Alexandria, thì đó chính là sang đường. Nếu bạn nghĩ dân Việt Nam coi thường mạng sống ở ngoài đường, sang đây bạn sẽ thấy người dân Alexandria còn liều lĩnh hơn gấp bội. Alexandria nhiều đường cao tốc mà lại ít cầu vắt ngang. Ô tô toàn phóng trên dưới 100km/h mà người dân cứ ngang nhiên cắt mũi xe mà sang. Tôi đứng xem có chục phút mà phải bị ít nhất dăm pha thót tim. Không thể tin được là một đứa sinh ra và lớn lên ở Việt Nam như tôi lại có lúc phải tần ngần đi lên đi xuống cả cây số mà vẫn chưa tìm được chỗ thỏa đáng nào sang đường, phải núp sau một bác đang dắt em bé đi ké. Đi đến nửa đường, bác ấy bỗng chốc bế xốc em bé lên chạy vì một cái xe đang lao đến với vận tốc chóng mặt.
Tôi bắt được xe đi nhờ với một nhóm thanh niên Ai Cập không nói nửa chữ tiếng Anh. Họ chẳng hiểu tôi muốn đi đến đâu, không hiểu ngay cả khi tôi đánh vần HSBC nên thả tôi lại ngã tư. Lang thang một hồi cuối cùng tôi cũng tìm được cái máy ATM, rồi đi thẳng đến cửa hàng dịch vụ của Vodafone. Người Ai Cập thật là thảo, đi đâu gặp ai đang ăn người ta cũng mời mình. Bác bán hàng ở đây mời tôi ăn falafel cùng bác. Tôi mời bác ăn kẹo. Một tiệm bánh trên đường ra bãi biển thấy mặt tôi dễ thương cho tôi thử mỗi loại bánh quy một cái mengher flus (miễn phí). Bắt đầu thích đồ ăn Ai Cập rồi, thấy người ta bán đồ ăn gì tôi cũng mua một ít. Ở đây có những hạt đậu to như đốt ngón tay gọi là hummus, người ta luộc rồi bóc vỏ ra ăn; có nước mía nấu khô lên, ép cứng lại bán thành từng cục hình nón như kem cốc, có nước me bỏ ít muối, có kabab hay còn gọi là kofta: Đây là thịt lam xay nhuyễn, trộn gia vị, nướng lên thành từng viên – một món mà mức độ phổ biến đã vượt ra ngoài cả thế giới Ả Rập. Ở đây còn một thứ cực kỳ quái gọi là Hummus esham. Đây không hẳn là đồ uống cũng không hẳn là canh. Nó là hummus luộc với nước, muối, tiêu và đủ các loại gia vị masala khác, bán theo từng cốc với thìa và ống hút. Món tôi thích nhất là kebda (gan nướng) – đặc sản của Alexandria. Một tình cờ khá thú vị là hôm đấy lang thang thế nào, tôi vào được một quán kebda rất ngon. Ban đầu tôi chỉ gọi thử một cái bánh mỳ kebda, ăn xong ngon quá lại gọi thêm luôn hai cái nữa. Mấy hôm sau một CouchSurfer biết tôi thích ăn kebda liền bảo sẽ dẫn tôi đi ăn ở quán kebda ngon nhất Ai Cập, rồi lại cũng dẫn tôi đến chính cái quán này. Mấy bác bán hàng cứ nhìn tôi cười tủm tỉm, kể với bạn tôi rằng họ nhận ra tôi: Cô bé Trung Quốc đến đây ăn một phát ba cái bánh mỳ.
Tôi đến được bãi biển mà chẳng thấy có điểm du lịch nào thú vị. Mấy người tôi gặp trên đường cũng chẳng ai nói được tiếng Anh. Đúng lúc đấy, một chiếc xe dừng lại và anh chàng lái xe vẫy tay về phía tôi. Nghĩ rằng đó là CouchSurfer mà tôi liên hệ từ trước, tôi bước đến hỏi: “Em có biết anh không nhỉ?”.
“Chưa biết. Anh cũng không biết tại sao, nhưng nhìn em rất dễ thương”.
Haizz. Bình thường chắc tôi đã bỏ đi luôn rồi đấy, nhưng lần này không hiểu sao tôi lại nấn ná lại. Có lẽ một phần vì anh nói được tiếng Anh, một phần vì anh nhìn cũng có vẻ tử tế, một phần vì Nepal và Ấn Độ đã làm cho tôi trở nên miễn dịch với các thể loại thô bỉ. Tôi hỏi anh đường vào trung tâm thành phố, anh đề nghị cho tôi đi nhờ. Hussein hóa ra một anh chàng rất tốt bụng. Anh chỉ cho tôi Bibliotheca Alexandria – một thư viện khổng lồ và hết sức hiện đại được xây dựng trên nền của thư viện Alexandria nổi tiếng ngày xưa, những nhà thờ tuyệt đẹp, nhà hát thành phố, một con phố mà anh tự nhận rằng đây là đường phố cổ nhất thế giới. Anh bảo, Alexandria được xây dựng theo mô hình một thành phố cổ ở Hy Lạp, thảo nào kiến trúc ở đây mang đậm phong cách châu u. Hôm đấy là thứ sáu nên anh phải tham gia lễ cầu nguyện buổi trưa. Các cửa hàng cũng dáo dác đóng cửa để tham gia buổi cầu nguyện này. Hàng trăm người trải chiếu ra ngay giữa đường phố để cầu nguyện, hàng ngàn người khác đi vào các mosque (đền thờ Hồi giáo).
Sau một thời gian dài ở một đất nước lạnh lẽo trên đỉnh núi, đi bộ dọc theo một bãi biển tuyệt đẹp dưới ánh nắng vàng rực rỡ và gió biển mơn man đùa nghịch trên tóc thế này là một sự xa hoa thực sự. Tôi cứ đi mải đi miết mà không thấy mệt. Người dân ở đây thân thiện đến bất ngờ. Tôi nói “As-Salaama Alaykum”(*) với tất cả những người tôi nhìn thấy, tất cả mọi người mỉm cười chào lại với một tràng dài tiếng Ả Rập. Tôi đứng câu cá với mấy đứa trẻ ở đấy, rồi ngồi xuống với một cặp vợ chồng có cô con gái tóc vàng óng, mắt xanh miên man đang có một buổi picnic trên bãi biển. Trước khi tôi kịp nhận ra, tôi đã thấy mình ở Citadel of Qaitbay – pháo đài cổ nguy nga ở tận cùng của thành phố. Tôi phải quay ngược trở lại.
(*) Câu chào của người Hồi giáo, có nghĩa là: Chúc bạn bình an
Tôi bắt đầu thấy mệt. Bây giờ tôi mới nhận ra mình đã đi bộ xa đến mức nào. Tôi chọn đường đi trong thành phố thay vì đường bờ biển. Alexandria là một thành phố lớn và sôi động. Tôi thấy khoảng nửa tá các khu chợ đông đúc và nhộn nhịp, vài cuộc biểu tình nho nhỏ và một vụ đánh nhau giữa hai người lái xe vì va chạm gì đó. Đi được nửa đường thì mệt quá, tôi quyết định chi 1LE (khoảng 3.000 VND) để đi xe bus về nhà.
Tôi gặp hai CouchSurfer cũng đang ở cùng host của tôi lần đầu tiên. Đêm qua khi tôi đến, họ đã đi ngủ và sáng nay khi tôi thức dậy, họ vẫn còn đang ngủ. Đây là một cặp người Pháp phải nói là cực kỳ đi điên khùng: Họ đi bộ từ Nam Phi đến Ai Cập, đi hết quãng đường mười bốn ngàn kilomet trong hai năm với ngân sách chỉ 2 Euro/ngày. Họ đi bộ qua cả Sudan, và điều hay ho nhất là họ lấy được visa Sudan chỉ với $20, trong khi giá bình thường là $151. “Xin visa cũng như mua hàng vậy, em phải mặc cả”, họ bảo. Tôi cũng muốn sang Sudan lắm, nhưng với visa Israel trong hộ chiếu thế này thì cứ mơ đi.
Buổi tối, tôi đi gặp Tarek và vài người bạn khác của anh ở một quán café cực kỳ đẹp với cả một thác nước ở bên trong. Bạn anh là một chàng trai vui tính hiện đang trong quân ngũ. Tất cả thanh niên Ai Cập đều phải đăng ký dự tuyển quân đội, anh chàng này không may nên bị chọn. Cũng may, nhờ có bằng đại học, anh chỉ phải phục vụ một năm. Những ai không học đại học sẽ phải phục vụ ba năm. Đây là một nhóm bạn rất hay ho nhưng tôi mệt quá chẳng buồn nói. Hai đêm không ngủ và hơn ba chục kilomet đi bộ đã vắt kiệt năng lượng trong tôi. Tôi về nhà ngủ như chết. Chúc ngủ ngon, Alexandria. Tôi nghĩ tôi yêu thành phố này mất rồi.

63. Nắng thiêu ở Siwa

Tôi đọc trên CouchSurfing có một anh chàng lái xe từ Alexandria đi Siwa, tìm người đi cùng để chia tiền xăng. Tôi tìm kiếm nhanh trên Google thì biết Siwa là một ốc đảo xinh đẹp nằm sâu trong sa mạc Sahara, tít gần biên giới Libya. Nghe thấy ốc đảo là tôi sướng mê. Tôi gửi tin nhắn cho Ahmad xin đi cùng gấp.
“Sahara trong tiếng Ả Rập nghĩa là sa mạc”. Ahmad giải thích cho tôi khi đang ngồi sau tay lái. Chuyến đi này chỉ có anh và tôi. Ahmad gầy, nhỏ và hơi đen. Anh rất thích thú khi thấy rằng mới sau một tuần ở Ai Cập, tôi đã có thể bắt đầu giao tiếp đơn giản bằng tiếng Ả rập.
“Ahmad tên của anh nghĩa là “ca tụng”, ám chỉ người luôn luôn ca tụng Đức Allah. Tên họ anh là “Gamal”, nghĩa là lạc đà. Sa mạc, lạc đà và Allah là ba điều quan trọng nhất đối với người Ai Cập”.
Đường cao tốc giữa sa mạc rộng, thẳng, đẹp. Chúng tôi một mình một đường cứ tốc độ 140km/h mà đi, có khi kéo ga lên đến 180. Từ Alexandria đến Siwa khoảng 600 kilomet, chúng tôi đi chưa đầy bốn tiếng đã đến. Ở Nepal để đi cùng khoảng cách này phải mất hai ngày. Hiếm hoi lắm tôi mới gặp một xe khách hay xe tải khác. Ahmad bảo như thế là nhiều rồi đấy, có khi anh lái xe cả ngày mà không gặp bất kỳ xe nào. Tôi tưởng tượng cảnh chết máy giữa đường mà rùng mình. Khắp bốn phía là sa mạc. Một màu nâu nóng bỏng chạy xa tít tắp đến tận chân trời. Thị trấn gần nhất có khi cách đến hàng trăm cây số. Ấy vậy mà nơi đây vẫn có người qua lại. Thỉnh thoảng lại có những bóng trắng xuất hiện ở chân trời, thoắt ẩn thoắt hiện làm tôi không biết đây là thật hay chỉ là ảo giác sa mạc.
“Bedouin đấy”.
“Họ là người xấu á?”. (Tôi nghe nhầm thành Bad one).
“Ha ha, không. Bedouin, Ba-da-wi”. Anh kéo dài giọng. “Đây là một bộ tộc du mục sống trên sa mạc. Họ luôn mặc áo chùng trắng, đầu quấn khăn, sống bằng việc nuôi lạc đà”.
“Sa mạc không có nước, không có cây thì họ sống bằng cách nào?”.
“Họ có cách sống riêng của mình. Sống ở sa mạc bao nhiêu đời nay thì phải thích nghi thôi”.
Cái bất tận của tạo hóa khiến đứa cả đời chưa nhìn thấy sa mạc bao giờ như tôi chết lặng đi ngắm nhìn, trong khi nó khiến cho Ahmad xém chút nữa ngủ gật vì sự đơn điệu chỉ cát với cát suốt chặng đường.
“Lái xe trong sa mạc một mình nguy hiểm lắm. Không có người nói chuyện thì rất dễ ngủ gật”. Anh bảo.
Sự đơn điệu dần dần thay đổi khi chúng tôi tiến đến gần ốc đảo. Đầu tiên là sự xuất hiện của những tảng đá khổng lồ hình thù kỳ dị, trông giống như những gì còn sót lại của những kiến trúc hàng ngàn năm về trước.
“Sắp đi qua trạm kiểm soát rồi, em giấu cái này dùm anh nhé”.
“Cái gì vậy anh?”. Tôi chột dạ.
“Cần sa. Chỉ một cục nhỏ để hút thôi. Em giấu vào người ấy”.
“Anh giấu không được sao?”.
“Không. Con gái giấu sẽ an toàn hơn. Ở Ai Cập công an khôngbao giờ kiểm tra con gái”.
“Hừm”. Tôi cân nhắc rủi ro và độ tin tưởng của mình dành cho Ahmad. “Anh có thể giấu một nơi nào đó khác mà không ai kiểm tra không? Như gắn băng dính và gầm xe, bỏ trong túi bánh quy chẳng hạn?”.
Màu xanh rì của cây cối dần hiện ra phía sau trạm kiểm soát, xung quanh một cái hồ lớn. Đây là hồ đẹp nhất mà tôi từng được thấy! Mặt hồ mênh mông phẳng lặng, phản chiếu màu xanh ngắt của bầu trời, màu trắng tinh của mây, màu nâu đậm của đá và cát. Giữa hồ là một tảng đá khổng lồ mà theo như Ahmad, nơi đây từng được dùng là nơi chôn cất. “Hồ nước mặn đấy”, Ahmad bảo. Có lẽ vì thế mà nước trong hồ nhìn cứ là lạ. Xe chạy chầm chậm ven hồ, sát đến nổi tôi có cảm giác như mình đang trôi bồng bềnh trên mặt nước vậy. Vẻ đẹp cứ như là ảo ảnh của hồ Siwa khiến hồ trở thành vị trí tuyệt đẹp để ngắm hoàng hôn. Chiều chiều, cùng với mấy anh chàng người địa phương trong bộ áo chùng trắng, đầu quấn khăn vải, chúng tôi trải chiếu dưới túp lều lá cọ ngay sát mặt hồ ngồi ngắm mặt trời lặn. Chỉ cần một ấm chè, một ít lạc rang, một cái “argeel” là họ có thể nhâm nhi cả buổi chiều. Argeel là dụng cụ hút thuốc của người dân địa phương, mà tôi gọi nôm na là cái điếu cày Trung Đông bởi cơ chế hoạt động của nó không khác gì điếu cày ở mình. Cái argeel mà chúng tôi dùng là dạng thiết kế đơn giản nhất của cái mà thế giới biết đến dưới cái tên hookah để hút shisha. Nó chỉ bao gồm một lọ thủy tinh nhỏ chứa nước, một ống với một đầu để đốt thuốc lá, đầu kia dẫn khói thẳng xuống nước và một ống để hút. Trà ở đây đắng. Đun trà xong, người ta chạy ra vườn, bứt vài ngọn lá húng lìu bỏ vào trà cho thêm vị đậm đà. Gió sa mạc lồng lộng. Mặt trời lững thững khuất dần sau phía sau tảng đá khổng lồ. Cái nắng gay nắng gắt bỗng dưng tan biến, gió cũng nhẹ dần, trời bỗng trở nên mát lạnh. Cuộc sống ở đây thư thả đến lạ. Những ngày ở Siwa, tôi tuyệt nhiên không được tiếp xúc với bạn gái nào. Cairo là thành phố lớn, những quy tắc Hồi giáo dành cho phụ nữ được nới lỏng hơn nhiều. Nhưng ở Siwa, phụ nữ vẫn phải trùm khăn kín mặt và không được phép ra ngoài một mình mà không có bố, anh hay chồng đi kèm.
Siwa nổi tiếng thời cổ đại với đền thờ tiên tri của Amun. Trước khi xâm chiếm Phổ, Alexander Đại Đế đi theo hướng chim bay qua sa mạc và đến được nơi này. Lời tiên tri dự đoán rằng Alexander Đại Đế là người trời và là Pharaoh chính đáng của Ai Cập. Mặc dù ngày nay chỉ còn là đống đổ nát, đề thờ Amun vẫn là điểm hút khách du lịch. Một điểm hấp dẫn khác của Siwa là suối nước nóng. Ốc đảo nhỏ bé này có tới ba trăm suối nước ngọt, rất nhiều trong số đó là suối nước nóng. Đặc trưng khác của Siwa là những ngôi nhà xây bằng gạch bùn và đá. Những ngôi nhà nhỏ nhỏ xinh xinh xen lẫn giữa những tảng đá nâu bạc màu khiến người đến thăm có cảm giác như bị lạc vào một thị trấn thờ Pharaoh vậy. Sống với thời tiết khắc nghiệt, người dân ở đây học được cách sử dụng kiến trúc tự nhiên để điều hòa. Ngay cả trong giờ chết (thời gian từ khoảng mười giờ sáng đến ba giờ chiều, nóng đến mức không ai muốn ra ngoài), trong nhà vẫn mát lạnh mặc dù không sử dụng máy móc gì. Chúng tôi đến thăm khu nghỉ mát Adrère Amellal nằm ngay bên hồ Siwa. Đây có lẽ là khu nghỉ mát cao cấp duy nhất mà không có…điện. Khách sạn được xây hoàn toàn bằng chất liệu tự nhiên, tường bằng gạch bùn, nội thất bằng muối tảng, mái lợp lá cọ và được thắp sáng bằng nến sáp ong. Đây là nơi mà thái tử Charles của Anh đã nghỉ khi Thái tử đến thăm ốc đảo Siwa xinh đẹp này.
Ốc đảo có khoảng ba khu nghỉ mát hạng sang như thế, mỗi phòng lên đến hàng trăm đô la một đêm. Thị trấn Siwa nhỏ xíu với khoảng bốn, năm khách sạn, mỗi phòng khoảng 20USD. Chúng tôi quyết định nghỉ tại một trại trong sa mạc cách thị trấn khoảng bảy kilomet. Trại chỉ có hai túp lều để ngủ, một chỗ đốt lửa ngoài trời mà tối tối khách ngồi quây quần. Cuộc sống ở sa mạc quả thực không dễ dàng. Ban ngày chúng tôi phải đánh nhau với ruồi để chiếm bóng râm, tối tối phải gồng mình lên chịu cái lạnh đêm sa mạc. Chăn chiếu lúc nào cũng phủ đầy cát. Suốt ba ngày ở đấy chúng tôi không có nước để tắm rửa giặt giũ, nói gì đến đèn điện thắp sáng. Niềm an ủi duy nhất là suối nước nóng cách trại chỉ vài bước chân. Phần lớn khách đến Siwa là để trượt cát. Xe thường không đi được vào sa mạc, người muốn đi trượt cát phải thuê xe Jeep. Một ngày thuê xe lên đến 1.200 LE (khoảng $200). Không đủ tiền thuê, chúng tôi quyết định đi bộ vào sa mạc. Đi được khoảng hai tiếng, nóng, khát, mệt, lại bị ám ảnh bởi quãng đường về, chúng tôi đành bỏ cuộc. Hai đứa nằm ườn trên mặt cát. Chúng tôi chôn chân dưới lớp cát mát lạnh, phủ khăn lên mặt, thiu thiu ngủ. Cái mênh mông của sa mạc khiến mọi lo toan tan biến hết. Cuộc sống ở sa mạc kể cũng không đến nỗi nào.

64. Kim Tự Tháp

Amr bảo, lần đầu tiên thấy tôi bước từ trong xe ra với cây gậy trên tay, cậu đã nghĩ rằng tôi bị mù. Thảo nào cậu lúng túng thế khi lần đầu tiên gặp. Anh chàng cứ đứng gãi đầu gãi tai, thấy tôi bước đi thì đưa tay ra đỡ, xong rồi lại bỏ xuống, định xách hộ ba lô cho tôi nhưng rồi lại thôi. Cây gậy đấy là cây gậy tôi nhặt được ở Siwa phòng chẳng may gặp rắn, nhưng thấy nó đẹp nên cầm luôn về Cairo.
Amr ở với bà nội trong một căn hộ ở ngay tầng hai một tòa nhà cổ ở khu phố cũng cổ luôn của thành phố. Căn nhà cậu ở rộng thênh thang với cách trang trí khiến tôi liên tưởng ngay đến nghìn lẻ một đêm: những tấm thảm hoa to, những chiếc đèn chùm dát bạc, những chiếc ghế gỗ cong, những khung ảnh chạm khắc tinh xảo với những khuôn mặt quý phái nhìn từ trên cao xuống. Tôi nhận ra ngay đây không phải là một gia đình tầm thường. Tôi được cho ở trong một căn phòng ấm cúng trang bị đầy đủ đồ đạc. Amr mê Rock, căn phòng của cậu dán kín ảnh Metallica, Iron Maiden, Slayer và đủ các band nhạc tôi không tài nào nhận ra. Vốn là công tử, cậu được gia đình đầu tư cho hẳn một căn phòng để cậu chơi nhạc với nào là piano, trống, kèn, ghi ta gỗ, ghi ta điện. Cậu thua tôi một tuổi, nhưng vẻ ngoài đậm chất Trung Đông khiến cậu nhìn như chú tôi vậy: mặt vuông góc cạnh, tóc dài đen nhánh buộc lại sau lưng, mắt sâu, lông mày rậm. Cậu mà muốn dọa ai thì chỉ cần trừng mắt là người ta sợ khiếp vía. Nhưng cậu là một chàng trai rất dễ thương: hiền lành thì không hẳn nhưng rất tốt bụng. Bạn bè cậu rất hay sang chơi nên tôi nhanh chóng làm quen với cả nhóm. Trong nhóm cậu có hai người tên là Mohamed và một người tên là Ahmad.
“Hình như 90% đàn ông Ai Cập tên là Ahmad hay Mohamed”. Tôi nhận xét.
“Ừ”. Đám bạn Amr phá lên cười.
“Thế mọi người gọi nhau như thế nào để biết ai là ai?”.
“Biệt danh. Bạn này là Cous-cous. Đúng rồi, tên của món ăn đấy. Bạn này là Hookah”.
“Thế sao ngay từ đầu không đặt biệt danh luôn đi còn đặt tên làm gì cho nó thừa?”.
Hầu hết bạn bè của Amr có bố mẹ làm ở nước ngoài: Mỹ, châu u và nhiều nhất là Ả rập Saudi. Cả nhóm bạn này đều đã có một thời gian sinh sống và học tập tại đây. Trong thế giới Ả rập, Ả rập Saudi có vị trí như Singapore với Đông Nam Á vậy. Trong thời gian tôi ở Cairo, nhóm bạn này đi đâu cũng rủ tôi đi, duy nhất một lần cả nhóm đi hút shisha, Amr không rủ tôi đi.
“Chip ở nhà với bà nhé. Có giận tớ không?”.
“Có”.
“Chỗ hút shisha này không cho con gái vào. Ai Cập mà. Ấy ở nhà đi, ngày mai bọn tớ hứa sẽ dẫn ấy đi thăm kim tự tháp”.
Nghe đến kim tự tháp là tôi nín luôn.
Nhưng khác hẳnvới hình dung của tôi về kim tự tháp với sa mạc hoang vu bí ẩn, kim tự tháp thực ra nằm ngay mép thành phố với mũi nhọn hoành tráng vươn lên ngay trên mái vòm vàng chói lọi của McDonald. Tôi băn khoăn hỏi:
“Kim tự tháp thật đấy à?”
“Ừ”. Đám bạn Amr phá lên cười. “Ai đến đây cũng hỏi câu y hệt”.
Vé vào khu bảo tồn là 60LE (khoảng $10), vé vào bên trong The Great Pyramid of Giza – kim tự tháp lớn nhất là 100LE, nhưng sinh viên được giảm giá 50%. Tôi không có thẻ sinh viên nhưng vẫn muốn được giảm giá.
Đến chỗ quầy soát vé, tôi bắn một tràng mấy câu tiếng Ả rập nhóm bạn Amr vừa dạy: tôi là sinh viên đang ở Ai Cập học tiếng Ả rập. Tôi học cùng trường với các bạn của Amr nhưng hôm nay quên thẻ. Mấy người đi cùng cũng hùa vào nói cho tôi. Tôi không biết bác bán vé tin vào câu chuyện đấy hay chỉ thấy quý vì tôi nói được mấy câu tiếng Ả rập mà bác đồng ý cho tôi vào với giá sinh viên.
Ai cũng biết kim tự tháp là một kỳ quan của thế giới, nhưng phải tự mình ngẩng lên mỏi cổ cũng không thấy đỉnh, phải tự mình đứng cạnh những khối đá khổng lồ và thấy mình thật bé nhỏ, phải tự mình đứng tại điểm mà cách đây mấy ngàn năm, tổ tiên của người Ai Cập đã sử dụng những công cụ thô sơ để xây dựng lên kim tự tháp, mới thấy được sự vĩ đại của công trình này. Ở lưng chừng mỗi kim tự tháp có một cái lỗ nhỏ mà mỗi năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu qua cái lỗ đấy vào thẳng căn phòng Pharaoh nằm. Tôi lúc đấy lại bị mất máy ảnh nên phải chụp ảnh bằng điện thoại, chụp được bức ảnh với kim tự tháp với một tia sáng chói lọi từ trên đỉnh xuống tận đáy. Mọi người trầm trồ bảo là số tôi phải may lắm.
Chúng tôi đi qua lăng mộ của vị kiến trúc sư xây dựng lên công trình này. Chúng tôi đi qua những dòng chữ tượng hình chim, thú, người trên tường. Chúng tôi đi qua những tảng đá được đục ở giữa để làm vỏ đựng xác ướp. Chúng tôi đi qua những lỗ sâu hun hút với đá nằm ngổn ngang hai bên.
“Hố chôn người xấu đấy”. Một anh chàng dắt lạc đà ở đó kể. “Ngày xưa, mỗi khi ai đó chết, người ta sẽ có một buổi phán xét xem người đó đã là người tốt hay người xấu. Nếu người đó là người tốt, họ sẽ được ướp xác để ngày sau sống lại. Nếu người đó là người xấu, họ sẽ bị móc tim ra, vứt xác xuống cái hố này để không bao giờ sống lại được”.
Ở khu này có chín kim tự tháp, lớn nhất là kim tự tháp của Pharaoh Khufu, lớn nhì là kim tự tháp Khafre, kim tự tháp bậc trung Menkaure. Sáu kim tự tháp nhỏ hơn được biết đến như kim tự tháp nữ hoàng. Đường lên kim tự tháp Khufu là một bậc thang nhỏ xíu chiều ngang chỉ vừa một người, chiều cao chỉ khoảng một mét, muốn đi phải cúi rạp người. Bên trong có mấy bóng đèn le lói chỉ đủ nhìn đường đi chứ không nhìn được những họa tiết trên tường. Trong đầu tôi văng vẳng lời nguyền kim tự tháp mà tôi đã đọc đâu đó. Lời nguyền nói rằng những ai dám xâm phạm nơi yên nghỉ của Pharaoh sẽ phải chịu hậu quả tàn khốc. Tôi sởn da gà khi nghĩ rằng đôi mắt của vị thần nào bảo vệ nào đó đang dõi theo từng bước chân của mình. Tôi cẩn thận hết sức để không động chạm vào đâu, không để lại dấu vết gì.
Điểm cuối hành lang là một căn phòng rộng nhưng trống trơn, trống đến mức đến nơi rồi mọi người phải ngơ ngác hỏi: “Đây á?”. Amr bảo: “Thì đây cũng chỉ là phòng chứa quan tài thôi mà. Bây giờ quan tài với vật trang trí bị đưa hết vào trong viện bảo tàng để bảo quản rồi, ai còn để đây nữa”. Thế là chúng tôi lại lóc cóc đi ra.
“Đây là lần đầu tiên tớ đến kim tự tháp đấy”. Cous-cous bảo.
“Không muốn đến à?”.
“Núi cao phải đứng xa mới thấy. Ngày nào mình cũng thấy kim tự tháp nên thấy nó cũng bình thường, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải vào đây xem”.
“Bây giờ vào xem rồi thấy sao?”.
“Thấy cũng vậy”.
Ha ha, con người là một loài kỳ lạ, không bao giờ biết trân trọng những gì chúng ta có.
  65. Ai Cập sau bạo động

Khi tôi bảo với bạn bè tôi là tôi sắp sang Ai Cập mọi người ai cũng bảo tôi khùng. Lúc bấy giờ, Ai Cập mới trải qua cuộc biểu tình lịch sử dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak. Hình ảnh đất nước này trên báo chí quốc tế vẫn là hình ảnh những vụ bạo động, những cuộc biểu tình, những vụ tranh chấp hỗn loạn và đẫm máu.
Đến Ai Cập, tuy cảnh đẫm máu đấy không còn, dấu ấn của cuộc cách mạng vẫn còn in rõ. Dễ nhận thấy nhất là những tấm biển với dòng chữ 25 January (25 tháng Giêng) ở khắp nơi: phía sau xe ô tô, ngoài đường, trên cửa nhà. 25 tháng Giêng là ngày đầu tiên trong chuỗi 18 ngày biểu tình. Rồi đâu đó là quán ăn 11 February (ngày mà Mubarak từ chức), cửa hàng sửa chữa điện thoại 25 January. Ở ngóc ngách nào cũng có graffiti cổ động cách mạng. Nhiều tòa nhà Chính phủ bị đốt trong cuộc biểu tình vẫn chưa được tu sửa. Bạn bè của Amr nói chuyện hết sức nhiệt tình về cuộc cách mạng vừa diễn ra. Cậu khoe rằng cậu trụ ở quảng trường Tahrir từ những ngày bắt đầu cho đến ngày kết thúc. Cậu có rất nhiều chuyện hay ho để kể. Ban đầu cậu tham gia biểu tình cũng chỉ như tham gia một cuộc biểu tình bình thường chứ không hề nghĩ rằng nó sẽ phát triển lên như vậy. Rồi mọi người bắt đầu bị tấn công và đoàn kết lại để chống trả; rồi những tin đồn thất thiệt xuất hiện khiến nhiều người nản lòng; rồi có những kẻ được trả tiền để trà trộn trong đám người biểu tình nhằm chia rẽ quần chúng; rồi nó biến thành cuộc đổ máu thực sự khi cảnh sát tấn công người biểu tình người biểu tình đốt xe cảnh sát. Cả thế giới hướng về quảng trường Tahrir. Tôi đang lông bông nay đây mai đó vẫn ngày ngày tìm cách đọc tin xem chuyện gì đang diễn ra tại đây. Vậy nên lẽ tự nhiên, tôi muốn đến thăm quảng trường này.
Tình cờ tôi đến đây đúng ngày thứ sáu và phát hiện ra rằng nơi đây cũng đang có biểu tình. Nói chuyện với người dân nơi đây, tôi phát hiện ra rằng biểu tình dường như đang trở thành thói quen của nhiều người dân đất nước này từ sau bạo động. Thứ sáu hàng tuần - vốn là ngày những người theo đạo Hồi tập trung lại để cầu nguyện - trở thành ngày biểu tình không chính thức. Những cuộc biểu tình này thường diễn ra ở quy mô nhỏ với nhiều mục đích khác nhau. Hôm tôi đến, ở đó có khoảng ba trăm người theo Thiên Chúa giáo với băng rôn, khẩu hiệu tập trung ở đây để ra yêu sách như đòi trả tự do cho tín đồ bị bắt giữ trong cuộc đụng độ giữa những người Hồi giáo với Thiên Chúa giáo hồi tháng ba. Nhưng tôi không biết bao nhiêu phần trăm người đến đây là thực sự biểu tình. Tôi đi qua một nhóm người đang hò hét, chưa hiểu chuyện gì diễn ra đã bị kéo lại, rồi một thanh niên sơn cờ Ai Cập khắp mặt tôi, sau đó tranh nhau xin chụp ảnh cùng. Không khí cuộc biểu tình thật khác những gì tôi hình dung. Phần lớn trong số những người ở đó dường như chỉ coi biểu tình như một dịp tụ tập cho vui. Tôi gặp không ít khách du lịch len lỏi trong đám người biểu tình, tham gia cho biết như tôi. Những người bán dạo áo phông, cờ Ai Cập, đồ ăn, nước uống phục vụ người biểu tình phủ kín quảng trường.
Lúc đấy trong bài tôi viết cho báo Tiền Phong, tôi đã sợ rằng mọi người ăn mừng là quá sớm và thực tế bây giờ chứng minh nỗi sợ đó đã trở thành sự thật. Là đất nước du lịch, Ai Cập nhanh chóng lấy lại vẻ hiền hòa thân thiện đó, ta có thể nhìn thấy rất nhiều vấn đề.
Khi ngồi trên xe của Hussein ở Alexandria, tôi phát hiện ra gương chiếu hậu cả hai bên xe của Hussein đều bị hỏng. Tôi hỏi như thế không phạm luật à, cậu cười bảo: “Vừa sau bạo động, mọi thứ còn rối ren lắm, làm gì có luật”. Theo một người bạn của Amr, sự thành công của bạo động khiến nhiều người dân ở đây có cảm giác đất nước thực sự là của họ và có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Sự tự do này bị nhiều người lạm dụng một cách thái quá. Tăng tốc, vượt đèn đỏ, trộm cắp vặt… diễn ra thường xuyên và ít bị trấn áp. “Khi Chính phủ còn chưa ổn định, lực lượng cảnh sát cũng chưa thể hoạt động hiệu quả được”, Hussein than thở.
Báo chí địa phương cho biết trong thời gian diễn ra bạo động, hàng ngàn tội phạm thoát ra ngoài và hiện còn sống ngoài vòng pháp luật. Người dân ở Cairo lý giải cảnh sát còn thiếu, trong khi tội phạm ở khắp nơi khiến mối lo về an ninh luôn thường trực với bất kỳ ai, đặc biệt là người nước ngoài. Một số vụ chặn xe bus liên tỉnh để cướp bóc khiến nhiều người không dám đi xe bus. Tôi suýt nữa bị kẹt ở thành phố Aswan vì xung đột hậu bạo động. Những xung đột ở Qena, nút giao thông quan trọng nằm giữa Aswan và Cairo, khiến việc đi lại qua thị trấn này đều bị đứt đoạn, tàu hay xe bus không thể đi qua. Khi vừa mua được vé xe bus, tôi lập tức nghe tin về một xe khác bị cướp cũng ở Qena. Đi xe bus thâu đêm khiến tôi càng thấp thỏm lo sợ không dám ngủ. Những người dân địa phương ngồi quanh tôi trong xe thể hiện sự lo âu và luôn nhìn tôi dò xét.
Bạo động rõ ràng ảnh hưởng mạnh tới đất nước mà 12% lực lượng lao động làm trong ngành du lịch. Các diễn đàn du lịch tràn ngập chủ đề tranh luận rằng liệu Ai Cập có an toàn cho khách du lịch hay không. Dù những người ở Ai Cập đều khẳng định tình hình nay đã ổn định, hầu hết khách nước ngoài vẫn lo ngại, không dám đến. Các điểm du lịch nổi tiếng ở Ai Cập vắng heo hắt. Siwa vốn là một ốc đảo xinh đẹp giữa sa mạc Sahara, nhưng khi tôi đến chỉ thấy lác đác vài nhóm khách nhỏ lẻ. Tôi là một trong ba vị khách ở nhà nghỉ ở Luxor. Chủ nhà nghỉ cho hay mọi năm vào giờ này nhà nghỉ luôn kín khách, nhưng năm nay khách đến rất ít. Qua CouchSurfing, tôi gặp khá nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Ai Cập. Phần nhiều trong số họ đã và đang lên kế hoạch rời khỏi nước này. Tình hình rối ren khiến việc trả lương, tăng lương bị trì trệ. David Grant, huấn luyện thể lực cho một hạt giống tennis của Ai Cập, than phiền rằng tiền trợ cấp tiền nhà sáu tháng qua anh chưa được nhận. Đáng lẽ anh được tăng lương từ mấy tháng trước, nhưng nay không ai ra quyết định chi tiền. Tình hình cũng chẳng khá hơn với dân địa phương. Ahmad El Gamal, anh bạn Ai Cập tôi quen qua CouchSurfing, đang tận hưởng những ngày tháng ăn chơi dài dài. Anh tốt nghiệp đại học từ năm 2010, nhưng chẳng buồn tìm việc làm, bởi biết chắc rằng tình hình bất ổn thế này làm gì có việc mà tìm.

66. Ngôi nhà Bob Marley ở Luxor

Luxor là một thành phố du lịch nằm ở Upper Egyp (Ai Cập chia thành Upper & Lower như miền xuôi miền ngược của mình) bên bờ sông Nile. Được xây trên nền của thành phố Thebes cổ đại, Luxor có vô vàn công trình kiến trúc lăng mộ, đền đài từ thời Pharaoh, nhiều đến mức thành phố này đã được mệnh danh là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Thành phố này cũng rất đẹp với nhiều cây và hoa, không gian thoáng đãng, dòng sông thơ mộng. Tuy nhiên, đẹp quá nên thành phố này đã bị du lịch hóa quá mức. Tôi không thích một nơi mà cứ ra ngoài là bị bám theo chào hàng, bị lôi kéo, bị ép giá chỉ vì mình là người nước ngoài. Tuy nhiên, thành phố này vẫn để lại cho tôi những ấn tượng khó quên bởi một con người vô cùng thú vị mà tôi gặp.
Chuyến xe tôi đi đến Luxor lúc sáng sớm. Chưa biết sẽ xuống đâu, tôi cứ ngồi lì trên xe bus. Khi chỉ còn tôi trên xe, anh chàng soát vé mới hỏi:
“Giờ em xuống đâu?”.
“Em chưa biết. Anh biết khách sạn nào rẻ rẻ không giới thiệu cho em?”.
“Biết. 10LE/đêm. Nhà nghỉ của ông anh anh”.
Bình thường tôi không hay nghe theo lời giới thiệu từ phụ xe, bởi họ hay giới thiệu cho mình giá cao cắt cổ để ăn phần trăm. Nhưng 10LE thì chưa đến 2USD, tôi không nghĩ bạn này mất công lừa mình làm gì. Thế là tôi đi theo.
Tôi thích Bob Marley House ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhà nghỉ đậm chất rasta với những mảnh vải đủ màu sắc sặc sỡ chăng chằng chịt; những chiếc bàn uống nước vuông và thấp; cạnh đó là những chiếc gối to vuông vức để mình ngồi hay quỳ tùy thích; cờ ba màu xanh lá cây, vàng, đỏ của phong trào rasta. Một góc sân được căng đủ các loại vải để che mưa nắng, trải gối ngồi, căng võng để khách nằm hóng gió. Trên sân thượng lại là những chiếc ghế xích đu, trải nệm dài để mình có thể nằm phơi nắng. Tôi hơi buồn vì ở Việt Nam, ít người biết đến Bob Marley hay phong trào rastafari (gọi tắt là rasta). Có lần đi nói chuyện với các bạn trẻ, các bạn hỏi tôi thích ca sĩ nào, tôi nói tôi thích Bob Marley. Các bạn mới ngơ ngác hỏi:
“Bob Marley là ai?”.
“Là ông vua nhạc raggae”.
“Nhạc raggae là gì?”.
Tôi liền cao hứng hát mấy câu: “Don’t worry, be happy”, các bạn mới à lên hiểu hiểu.
Anh chủ nhà nghỉ khoảng hai lăm tuổi, vừa chui từ trong bếp ra vừa cười toe toét. Anh mặc trên người chiếc quần pijama rộng thùng thình với ba màu rasta và mặt Bob Marley to đùng ở trên mông.
“Em muốn ở phòng dorm hay phòng riêng?”.
“Phòng dorm ạ. Bao tiền một đêm anh?”.
“20LE em ạ”.
“Ủa, bạn phụ xe vừa nãy bảo em 10LE”.
“Ừ, thì lấy em 10LE”.
Anh dẫn tôi lên xem phòng dorm. Rồi như tự nhiên nhớ ra gì đấy, anh bảo:
“Đằng nào bên anh cũng còn phòng riêng trống đấy. Em vào đấy mà ở. Giá bằng luôn”.
Vậy là tôi có được một căn phòng rất xinh và sạch sẽ với giá chỉ 10LE/đêm. Trong phòng có khăn tắm thơm nức, có xà bông để tắm, có nước để uống. Khách ở khách sạn được ăn sáng miễn phí, tối tối anh còn rủ tôi ăn cùng anh và nhân viên khách sạn luôn. Riêng mấy cái đấy cũng phải tốn gấp năm lần cái giá anh cho tôi thuê phòng. Thắc mắc, tôi hỏi thì anh cười:
“Anh chạy nhà nghỉ cho vui thôi chứ anh không kiếm tiền từ cái này”.
“Thế anh kiếm tiền từ cái gì?”.
“Ha ha, từ từ em sẽ biết”.
Tôi tò mò muốn chết, bắt đầu theo dõi anh. Anh cao ráo, hơi gầy, da ngăm đen, nhìn kỹ cũng đẹp trai. Anh lúc nào cũng cười, cười hiền ơi là hiền với mà lúm đồng tiền duyên tưởng chết. Ở anh có vẻ vô tư vô lo rất đúng tinh thần “Don’t worry, be happy”, nhưng anh không tết tóc rasta mà để tóc ngắn. Anh ở nhà hầu như cả ngày, bạn bè đến chơi suốt. Một buổi chiều, một người bạn đến đón anh đi đâu đó. Anh gọi tôi:
“Chip muốn biết anh kiếm tiền thế nào đúng không? Đi cùng anh cho xem”.
Tôi gật đầu cái rụp.
Xe đi chầm chậm dọc bờ sông Nile, gió thổi vào mặt mát lạnh. Anh cố tình lái xe một vòng quanh thành phố chỉ cho tôi đủ các điểm thú vị. Xe dừng lại trong một con hẻm nhỏ. Anh dặn tôi ở lại trong xe, chạy ra nói chuyện với ai đó chỉ năm phút rồi đi vào. Anh thảy một gói nhỏ nhỏ bọc giấy báo sang phía tôi.
“Em biết cái này là gì không?”.
Không cần mở ra, chỉ cần ngửi mùi tôi cũng biết là cần sa.
“Anh kiếm tiền từ cái này”.
“Ừ”.
“Gói này anh để bán cho ai?”.
“Không, anh không trực tiếp bán. Cái này để cho người nhà hút thôi”.
Về đến nhà nghỉ, anh rủ tôi lên phòng anh hút thuốc uống trà.
“Biết anh là đứa buôn thuốc, em có sợ không?”.
“Không”.
“Anh có súng này”. Anh lôi dưới hộc tủ ra hai khẩu súng: một khẩu súng lục và một khẩu súng trường nhìn hơi ngắn so với các loại súng trường tôi hay nhìn thấy.
“Em có sợ không?”.
“Có”. Tôi trả lời mà băn khoăn không biết cuộc hội thoại này sẽ đi về đâu.
“Ha ha, em thông minh lắm, biết cái gì nên sợ cái gì không. Em yên tâm, anh không làm hại em đâu”. Anh đưa tay lên vuốt ve khẩu súng trường, nheo nheo mắt như thể sắp bắn. “Đây là khẩu Egyptian Rasheed, một trong những loại súng trường hiếm nhất thế giới. Nhỏ nhưng bắn khá tốt. Nhưng nó hiếm quá nên bắn tiếc lắm. Để giữ làm cảnh thôi”.
“Dân thường được phép sở hữu súng ở Ai Cập ạ?”.
“Ừ. Có giấy phép thì được sở hữu. Mà cứ trả tiền thì giấy phép gì cũng lấy được hết”.
“Sao anh lại kể cho em về công việc của anh?”.
“Vì em muốn biết”.
“Ý em là sao anh lại tin em mà kể cho em?”.
“Vì anh quý em. Em là một cô bé rất dũng cảm, rất thông minh. Hai mươi tuổi, thân gái một mình, từ tận Việt Nam sang đây. Thật kinh khủng. Hồi bằng tuổi em, anh cũng bươn chải ghê lắm, nhưng chỉ ở Ai Cập này thôi, làm gì dám bôn ba như em. Em bây giờ như miếng bọt biển vậy, em hấp thụ tất cả những gì xung quanh mình. Cứ đi nhiều đi, cứ trải nghiệm nhiều đi, cứ hấp thụ thật nhiều đi”.
“Anh quê gốc ở đâu?”.
“Ở Aswan. Anh người Nubian: đen, khỏe, đẹp”. Anh cười lớn “Em thấy bức tranh treo ở đây không? Cảnh Aswan đấy. Đẹp lắm”.
Bức tranh vẽ cảnh mấy hàng dừa soi bóng bên bờ sông, những cánh buồm trắng thong dong trên mặt nước, những ngôi nhà đất mái vòm cong cong, đám trẻ con da đen bóng hồn nhiên nô nghịch. Phong cảnh bình yên đến lạ.
“Em cũng đang trên đường đi Aswan”.
“Em ở đến cuối tuần đi. Bạn anh cuối tuần lái xe về Aswan sẽ cho em đi nhờ”.
Thế là tôi ở lại thêm mấy ngày. Tôi tranh thủ đi thăm thú hết những điểm du lịch ở đó: Thung lũng vua, thung lũng hoàng hậu, đền đài, chợ búa. Buổi sáng tôi dậy sớm ra ngoài không kịp ăn sáng, anh cẩn thận gói bánh mỳ, sữa, trái cây vào túi cho tôi mang theo. Lúc chia tay, tôi hỏi thanh toán nhưng anh nhất định không chịu lấy tiền.
“Để dành tiền mà đi em ạ. Tuổi trẻ cứ phải xông pha như em. Sau này trưởng thành rồi, quay lại đây nhớ tìm anh nhé”.


Nguồn sstruyen.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved