Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

28 thg 12, 2013

Sakuntala, vở kịch nổi tiếng của nhà thơ cổ Ấn Độ Kalidasa - Lưu Đức Trung

Sakuntala, vở kịch nổi tiếng của nhà thơ cổ Ấn Độ Kalidasa, không chỉ là di sản văn nghệ quý báu của nhân dân Ấn Độ mà còn của nhân loại.
 Cốt truyện bắt nguồn từ tập anh hùng ca Mahabharata được cải biên thành nhiều chi tiết cho phù hợp với quy phạm sân khấu triều đình và tô điểm cho chủ đề tình yêu được nổi bật. Dusyanta, một vị vua tuấn tú, trẻ trung, vào rừng săn bắn, tình cờ lạc vào vườn của Đạo sỹ Canoa, đúng lúc Đạo sỹ đi vắng. Nhà vua gặp nàng Sakuntala, con nuôi của đạo sỹ. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Sakuntala khiến cho nhà vua mê say và muốn lấy làm vợ.





Sakuntala tuy e thẹn, nhưng tình yêu đã rạo rực. Sợ vua là bậc quyền quý không thông cảm được lòng mình, nàng bèn dùng móng tay đề thơ lá sen để thổ lộ tâm tình. 
Hai người ưng thuận kết hôn theo tục lệ Ganđarava (trai gái tự do kết hôn bỏ qua quyền cha mẹ). Trước khi trở về Kinh đô, Dusyanta đã thề thốt đủ điều, trao cho Sakuntala một chiếc nhẫn có khắc tên mình để làm tin và hứa sẽ cho quần thần đến đón vào cung điện làm Hoàng hậu. Tháng ngày trôi qua, Sakuntala chẳng thấy tin tức người yêu. Nàng càng sầu muộn nhớ nhung, biếng ăn biếng ngủ đến nỗi không hề để ý đến công việc hàng ngày.
 Một hôm, có Đạo sỹ tên là Đurava đi qua đường ghé vào xin nghỉ trọ. Vì đang bần thần ngẩn ngơ, Sakuntala không nói năng chào hỏi. Đạo sỹ tức giận trước sự vô lễ của nàng bèn đọc câu thần chú nguyền rủa bắt người yêu của nàng mất hết trí nhớ, quên hẳn nàng đi. Biết thế, hai người bạn gái của nàng đến van xin Đạo sỹ giảm tội cho nàng. Đạo sỹ bằng lòng sửa lại câu thần chú cho phép người yêu của nàng phục hồi trí nhớ và trở lại yêu nàng khi thấy chiếc nhẫn. Các bạn gái chưa cho nàng biết trước điều đó vì sợ nàng quá sầu muộn trong lúc đang có mang. Câu thần chú của Đạo sỹ Đurava ứng nghiệm, nhà vua quên nàng thật, quên cả đến việc cho người đến đón nàng về cung.
      Đạo sỹ Canoa trở về vườn, thì được thiên thần báo cho biết: Nàng Sakuntala đã được trời chấp thuận và kết duyên với vua Dusyanta và sẽ sinh được một Hoàng tử có nhiều vinh hiển sau này. Theo tục lệ của tôn giáo, nếu con gái đã lấy chồng thì phải về nhà chồng. Vì thế Đạo sỹ Canoa cho sư nữ Gôtami vào Kinh đô. Buổi chia tay giữa nàng với những người thân yêu, giữa chim muông và cỏ cây hoa lá trong rừng thật vô cùng cảm động. Nàng và đoàn thân nhân đến Kinh thành vào yết kiến vua. Mặc dầu Sakuntala đã đem hết chứng cớ trình bày mọi sự thật nhưng vua vẫn không nhận ra nàng vì đã mất hết trí nhớ. Thấy vậy, hai người bạn gái liền nhắc nàng rút nhẫn ra trao cho vua. Nhưng ôi thôi, nàng sực nhớ khi qua sông Hằng, đã vô ý đánh rơi mất nhẫn. Nhà vua nổi giận mắng nàng là người gian dối, bịa đặt. Nàng cũng không nén nổi được uất ức, đứng dậy mắng trả vua là kẻ bội bạc. Trước tình thế đó, các thân nhân và Tu sỹ cùng đi với nàng sợ hãi bỏ nàng ở lại một mình, vội vã kéo nhau ra về. Trong cơn tuyệt vọng, Sakuntala kêu khóc thảm thiết, cầu khẩn thần Đất: “Hỡi thần Đất linh thiêng! Hãy mở rộng lòng đón con trở về!”. Bỗng một đám mây mù đến cuốn nàng biến mất. Về sau có một người đánh cá bắt được chiếc nhẫn, đem bán ở chợ Kinh thành. Lính tráng vào chợ bắt gặp, cầm nhẫn xem thấy tên vua trên nhẫn bèn tịch thu đem về dâng vua. Vua Dusyanta được nhẫn, trí nhớ bỗng phục hồi, lòng càng nghĩ càng thương nhớ Sakuntala. Vua thường ngồi vẽ lại hình dáng của người yêu để đỡ buồn nhớ. Bảy năm trôi qua, sau khi đem quân lên trời dẹp yên ma tà quái thắng lợi, Dusyanta được Caxyapa và Ađiti là cha mẹ của các thần ban thưởng, làm phép cho vua được gặp lại nàng Sakuntala và con trai. Hai vợ chồng và con trai mừng rỡ gặp nhau, cùng trở về Vương quốc sum họp. Con trai của Sakuntala từ đó trở thành một minh quân nối nghiệp cha trị vì thiên hạ.
      Khi sáng tác vở kịch Sakuntala, Kalidasa đã chịu ảnh hưởng khá nhiều tư tưởng tôn giáo Balamon, phải tuân thủ theo những quy phạm khe khắt của thơ ca và sân khấu của triều đình. Nhưng mặt khác, Kalidasa đã biết vận dụng chất trữ tình, tính chân thực của truyền thống văn học dân gian Ấn Độ, biết vận dụng ngôn ngữ một cách tài tình để tập trung ca ngợi tình yêu trong sáng và chân thực, đồng thời biết châm biếm một cách kín đáo và sâu sắc bộ mặt thật của triều đình đương thời. Trải qua bao thế kỷ, Sakutala trở thành nguồn cảm hứng vô tận của văn nghệ Ấn Độ. Người Ấn Độ đã sử dụng cốt truyện kịch và lời thơ trong đó bằng nhiều hình thức văn học nghệ thuật khác nhau như ngâm vịnh, hát múa, diễn kịch, điện ảnh, hội họa... Đại văn hào Đức Goethe từng viết: “Nếu muốn có một tiếng ấm áp được cả hoa mùa xuân và quả mùa thu, một tiếng làm đắm say nuôi dưỡng và thỏa mãn được tâm hồn; Nếu muốn có một tiếng bao gồm cả trời đất thì tôi gọi: Sakuntala. Tiếng đó nói lên tất cả”. Đến nay, Sakuntala đã được dịch thành nhiều thứ tiếng, soạn thành nhạc kịch, vũ kịch diễn trên nhiều sân khấu của thế giới.





Nguồn daibieunhandan.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved