Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

29 thg 12, 2013

Sáng trăng - Guy de Maupassant

Ông ta rất hợp với cái tên trận mạc của mình, tu viện trưởng Marignan (1). Đó là một tu sỹ gầy gò, cao lớn cuồng tín, tâm hồn luôn luôn bồng bột phấn khích, nhưng ngay thẳng. Mọi tín ngưỡng của ông đều cố định, không hề dao động. Ông thành thực tin rằng mình hiểu biết Đức Chúa Trời của mình, thấu suốt được dự định, ý chí, dụng tâm của Chúa.
Trong khi dạo những bước dài dọc lối đi của tòa tu viện nhỏ xứ quê, một câu hỏi thỉnh thoảng lại nẩy ra trong óc ông:  “Vì sao Chúa tạo nên điều này?”. Và ông khăng khăng tìm tòi, tự đặt mình vào địa vị Chúa trong tư duy, và hầu như bao giờ ông cũng tìm ra được.
Ông đâu phải người thì thầm trong niềm nhiệt thành khiêm nhường sùng tín: “Lạy Chúa, ý Chúa không sao thấu nổi”. Ông tự nhủ:  “Ta là tôi con Chúa, ta phải hiểu biết lý do hành động của Chúa, nhược bằng không hiểu biết thì đoán định”.
Ông cho rằng mọi sự trong thiên nhiên đều được tạo ra với một logich tuyệt đối và tuyệt vời. Những “vì sao” và “bởi vì” luôn luôn cân bằng với nhau. Bình minh sinh ra cho những giờ thức giấc được tươi vui, ngày giúp cho mùa màng chín đượm, mưa để tưới tắm cho chúng, chiều chuẩn bị cho giác nồng và đêm tăm tối để yên nghỉ.
Bốn mùa hoàn toàn phù hợp với mọi nhu cầu của nghề nông, và không bao giờ tu sỹ có thể ngờ rằng tạo hóa chẳng hề dụng tâm gì hết, rằng, ngược lại, tất cả những gì đang sống đều uốn mình theo những nhu cầu gay gắt của thời đại, của khí hậu và vật chất.
Nhưng ông ghét đàn bà, ông căm ghét họ một cách không tự giác, và khinh bỉ họ theo bản năng. Ông thường nhắc lại lời chúa Jesus: “Hỡi kẻ nữ, giữa ngươi với ta có gì là cộng đồng?” và ông thêm: “Dường như chính Chúa cũng cảm thấy phật lòng vì cái tác phẩm ấy”. Đối với ông, đàn bà quả là đứa trẻ mười hai lần nhơ bẩn mà nhà thơ nói (2). Y là kẻ quyến rũ đã lôi cuốn người đàn ông đầu tiên và vẫn tiếp tục mãi sự nghiệp tội lỗi của y, sinh vật yếu đuối, nguy hiểm, đầy sức rung động bí ẩn. Và ông còn căm ghét tâm hồn yêu đương của họ hơn cái hình hài nghiệp chướng của họ.
Ông thường cảm thấy tình âu yếm của họ đeo đẳng lấy ông, và mặc dù biết mình bất khả xâm phạm, ông vẫn phẫn nộ vì cái nhu cầu yêu đương luôn luôn rạo rực trong họ.
Theo ý ông, Chúa Trời chỉ tạo ra đàn bà để quyến rũ đàn ông và thử thách họ. Hễ đến gần y là phải phòng bị, phải ngại ngần như đối với cạm bẫy. Quả thực y giống hệt một cạm bẫy với những cánh tay giăng ra và đôi môi hé mở hướng tới đàn ông.
Ông chỉ khoan dung với các nữ tu sỹ đã thành vô hại do lời nguyện ước, nhưng ông vẫn đối xử hà khắc với họ, bởi vì ông cảm thấy, tận đáy sâu tấm lòng bị xiềng xích, tấm lòng nhún nhường của họ, còn sống mãi cái tình âu yếm bất diệt vẫn hướng tới ông, mặc dù ông là một tu sỹ.
Ông cảm thấy tình âu yếm ấy trong những cái nhìn của họ, những cái nhìn sùng tín ủy mị hơn cái nhìn của các thầy tu, trong những cơn đắm đuối xen lẫn giới tính của họ, trong nhiệt tình yêu đương hướng tới Chúa thường khiến ông bất bình vì đó là tình yêu của đàn bà, tình yêu xác thịt, ông cảm thấy nó, thấy cái tình âu yếm đáng nguyền rủa ấy, ngay trong sự nhu mì của họ, trong cái giọng dịu dàng họ nói với ông, trong đôi mắt nhìn xuống, và trong những giọt lệ nhẫn nhục của họ khi bị ông phũ phàng quở trách.
Và ông giũ giũ tấm áo choàng linh mục khi ra khỏi cửa các tu viện nữ, và ông sải dài chân rảo bước như trốn chạy một nguy cơ.
Ông có cô cháu gái, sống cùng bà mẹ trong ngôi nhà nhỏ kề bên. Ông hăm hở cố làm cho cô thành một bà phước.
Cô ta xinh đẹp, nhẹ dạ và hay giễu cợt. Khi tu viện trưởng thuyết giáo, cô cười, và khi ông nổi giận lên với cô thì cô ôm chặt ông vào lòng mà hôn lấy hôn để, trong khi ông bất giác tìm cách gỡ mình ra khỏi cái vòng ôm ấp nó cứ cho ông hưởng một niềm vui êm dịu, làm thức dậy trong thâm tâm ông cảm giác về tình cha con vẫn mơ màng ngủ trong mỗi người đàn ông.
Ông thường nói với cô về Chúa, về Đức Chúa Trời của ông, những lúc đi bên cô, dọc các cánh đồng. Cô chẳng nghe ông là mấy, và nhìn trời, nhìn cỏ, nhìn hoa, với một niềm vui sống lộ ra trong mắt. Thỉnh thoảng cô chạy vút đi bắt một con vật đang bay, và vừa đem đem lại vừa reo: “Bác ơi, bác xem này, nó xinh biết mấy, cháu muốn ôm hôn nó”. Và cái nhu cầu “ôm hôn” những con ruồi hay những hạt tử đinh hương khiến tu sỹ lo ngại, bực dọc và công phẫn, ông lại thấy cả ở đó nữa, cái tình âu yếm không sao trốc rễ nổi, nó luôn nảy mầm trong lòng những người đàn bà.


Rồi một ngày kia, bà vợ người giữ đồ thánh, vẫn dọn dẹp trong nhà tu viện trưởng, dè dặt báo cho ông biết rằng cháu gái ông có người yêu.
Ông bị xúc động dữ dội, và ông nghẹn uất, xà phòng đầy cả mặt, vì lúc đó ông đang cạo râu.
Khi đã có thể suy nghĩ và nói năng được, ông kêu lên:
- Không đúng, Melani, mụ nói dối!
Nhưng người đàn bà nông dân đặt tay lên ngực:
- Thưa cha xứ, nếu con nói dối, xin Chúa phán xét con. Con bảo cha là tối nào bà em của cha ngủ rồi cô ấy cũng đi. Họ gặp nhau ở ven sông. Từ mười đến mười hai giờ, cha cứ ra mà xem.
Ông ngừng nạo cằm và bắt đầu bước sầm sầm, như ông thường làm vào những giờ phút trầm tư mặc tưởng. Khi muốn cạo râu trở lại, ông ba lần cứa vào mặt, từ mũi đến tai.
Suốt ngày ông lặng ngắt, đầy ứ bất bình và tức giận. Thêm vào trận lôi đình của tu sỹ trước tình yêu bất khả chiến thắng, là cơn thịnh nộ của người cha tinh thần, của vị giám hộ, của bậc phụ trách linh hồn, bị lừa bịp, bị đánh cắp, bị mắc vào tròng vì tay một con bé, nỗi nghẹn uất vị kỷ của những ông bố, bà mẹ được con gái báo cho biết cô ta đã kén một người chồng mà chẳng cần đến họ và vượt ngoài ý họ.
Sau bữa ăn chiều, ông cố đọc đôi chút nhưng không sao đọc nổi, và mỗi lúc ông càng thêm phẫn nộ. Khi mười giờ vừa điểm, ông cầm gậy chống, một cây gậy cực lớn bằng gỗ sồi, ông vẫn dùng lúc đêm hôm đi thăm nom người bệnh. Và ông mỉm cười nhìn khúc gộc kếch xù được ông xoay tít trong nắm tay dân quê lực lưỡng, thành những vòng đầy đe dọa. Rồi đột nhiên, ông giơ gậy lên, nghiến răng giáng xuống một chiếc ghế dựa lưng, ghế toác ra gục xuống sàn.
Ông mở cửa ra đi, nhưng ông dừng lại trên thềm nhà, kinh ngạc, vì một cảnh sáng trăng huy hoàng, lộng lẫy, hầu như chưa từng thấy.
Và do được phú một đầu óc bồng bột, phấn khích, một trong những đầu óc ắt phải có ở những bậc giáo phụ, các thi sỹ mơ mộng ấy, ông đột nhiên thấy mình lơ đãng, bồi hồi trước vẻ đẹp hùng vĩ và thanh thản của đêm thâu bàng bạc.
Trong khu vườn nhỏ nhà ông, ngợp dưới làn ánh sáng êm dịu, những cây ăn quả, từng dãy ngay ngắn, in trên lối đi bóng những thân nhành mảnh dẻ loáng thoáng phủ chút lá xanh, trong lúc bụi kim ngân hoa đồ sộ leo bên tường nhà phả những làn hương tuyệt diệu và như đượm ngọt, đưa thoang thoảng một thứ hồn thơm trong đêm ấm áp và trong sáng.
Ông hít thở những hơi dài, uống lấy khí trời như người nghiện uống rượu, và thong thả bước đi, hân hoan, phấn khởi, hầu như quên bẵng cô cháu gái.
Khi đã ra tới đồng quê, ông dừng lại để ngắm nhìn toàn bộ cánh đồng tràn ngập làn ánh sáng ve vuốt, chìm trong duyên sắc êm đềm thờ thẫn của đêm thâu trong trẻo. Chốc chốc, ếch nhái lại buông vào không trung âm thanh ngắn, đanh của chúng, và những con họa mi xa xa hòa khúc nhạc gieo từng tiếng, khúc nhạc gợi mơ màng mà chẳng khơi suy nghĩ, khúc nhạc nhẹ nhàng và ngân nga sinh ra cho những chiếc hôn, hòa vào sức quyến rũ của ánh trăng.
Tu viện trưởng lại cất bước, lòng ngây ngất mà không hiểu vì sao. Ông cảm thấy mình như đột nhiên suy nhược, kiệt sức, ông muốn ngồi xuống, muốn ở lại đó, muốn ngắm nhìn, chiêm ngưỡng Chúa Trời trong công trình người sáng tạo.
Đằng kia, một rặng dương lớn uốn mình theo những đường lượn khúc của dải sông con. Một làn sương nhẹ, một màng hơi nước trắng được ánh trăng xuyên qua, dát bạc, làm cho óng ánh, lơ lửng xung quanh và phía trên bờ sông, bao phủ cả dòng nước quanh co, bằng một thứ bông tơ nhẹ nhàng và trong suốt.
Tu sỹ dừng bước một lần nữa, thấm tận đáy tâm can niềm xúc động mỗi lúc một tăng, không sao cưỡng nổi.
Và một mối hoài nghi, một nỗi lo ngại mơ hồ dâng lên; ông cảm thấy trong ông nảy sinh một trong những câu hỏi ông thường tự đặt cho mình.
Vì sao Chúa tạo ra điều đó? Một khi đêm đã dành cho giấc ngủ, cho nỗi vô tri vô giác, cho sự nghỉ ngơi, lãng quên hết thảy, thì vì sao lại khiến cho đêm thâu duyên dáng hơn ban ngày, êm dịu hơn bình minh và chiều hôm, và tại sao vì tinh tú từ tốn, quyến rũ, thi vị hơn vầng dương, và do hết sức kín đáo, dường như dành để rọi soi những điều quá ư tế nhị và bí ẩn đối với ánh sáng lồ lộ, vì tinh tú ấy lại đến làm cho bóng đêm cực kỳ trong suốt?
Vì sao con chim hót khéo nhất trong loài chim ca không nghỉ ngơi như những con khác, và lại ngâm ngợi trong bóng đêm rạo rực?
Vì sao có tấm màn mờ tỏ ấy buông trên trần thế? Vì sao lòng xao xuyến, vì sao tâm hồn bồi hồi, vì sao xác thịt thờ thẫn?
Vì sao lại tung ra bao điều quyến rũ mà con người không thấy vì họ nằm trong giường ngủ? Dành cho ai đó, cái cảnh thiêng liêng ấy, cái chất thơ phong phú buông từ trên trời xuống mặt đất kia?
Và Tu viện trưởng không hiểu ra sao.
Nhưng kìa, đằng kia, ven bờ đồng cỏ, dưới vòm cây đẫm sương lóng lánh, hai cái bóng xuất hiện, đi sát bên nhau.
Người đàn ông cao lớn hơn, quàng cổ cô bạn gái và thỉnh thoảng lại hôn lên trán cô. Họ bỗng làm sinh động hẳn cái phong cảnh lặng lẽ bao trùm lấy họ như một chiếc khung thần tiên tạo ra vì họ. Cả hai, họ dường như chỉ là một kẻ, cái kẻ được dành riêng đêm thâu bình yên tĩnh mịch này; và họ tiến về phía tu sỹ, như một câu trả lời sống, câu trả lời mà Bề Trên của ông buông xuống cho câu ông hỏi.
Ông đứng nguyên, tim đập mạnh, tâm thần hoảng loạn, và ông tưởng như nhìn thấy một điều gì trong Thánh Thư, như tình duyên của Ruth và Booz, sự thực hiện ý Chúa ở giữa một trong những cảnh trí kì vĩ tả trong sách thánh. Trong đầu ông xôn xao những khúc xướng từ Thanh ca của những Thánh ca, tiếng reo của nhiệt huyết, tiếng gọi của hình hài, tất cả chất thơ nóng hổi của áng thơ rừng rực tình âu yếm ấy.
Và ông tự nhủ: “Có lẽ Chúa sinh ra những đêm thâu ấy để phủ màn lý tưởng lên tình duyên của người đời”.
Ông lùi lại trước đôi lứa vẫn ôm nhau tiến bước. Mặc dù đó chính là cô cháu gái của ông; nhưng giờ đây ông tự hỏi liệu mình có trái lệnh Chúa hay không. Và Chúa chẳng cho phép yêu đương đó sao, bởi rõ ràng Người vây bọc tình yêu trong một ánh huy hoàng lộng lẫy đến thế?
Và ông bỏ trốn, bàng hoàng, gần như hổ thẹn, như thể ông đã bước vào một đền thiêng, nơi ông không có quyền thâm nhập.

  Hết

Lê Hồng Sâm dịch - Tuyển tập truyên ngắn Pháp thế kỷ 19. T2 - nxb Giáo Dục năm 1987


Nguồn bloggenguoixuthanh.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved