Not seeing a Scroll to Top Button? Go to our FAQ page for more info.

11 thg 1, 2014

Ma Thổi Đèn Tập 1 - Thành Cổ Tinh Tuyệt - Chương 20 - 22 (Thiên Hạ Bá Xướng)

Chương 20:Huyệt ma trong biển cát

Đoạn đường đầu tiên của chuyến đi này xuất phát từ phía Tây Nam hồ Bostan, men theo dòng Khổng Tước đi về phía Tây một đoạn, cho đến khi tìm thấy dòng sông cổ chảy theo hướng Nam. Bostan dịch nghĩa ra là đứng dậy, sở dĩ có tên gọi này, là bởi giữa lòng hồ có ba ngọn núi đứng sừng sững. Thời xưa người ta gọi hồ này là biển cá, là hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc, sông Khổng Tước phát nguồn từ đây, chảy sâu vào trong sa mạc Taklimakan. Khi chúng tôi đi qua bờ hồ, phóng mắt nhìn xa, một dải nước xanh ngắt mênh mang khiến người ta choáng ngợp, trong lúc hoang mang, có cảm giác dường như đã đi đến nơi tận cùng của trời đất.
Hai ngày đầu, ba học trò của giáo sư Trần hết sức hứng khởi, bọn họ đều rất trẻ, lần đầu đi vào sa mạc, cảm giác vừa mới mẻ lại vừa thích thú, một lúc thì học lão Anliman huýt sáo chỉ huy lạc đà, một lúc lại đuổi đánh nhau, hát ca hớn hở.

Tôi cũng khấp khởi trong lòng, chỉ giận mình không thể ra nhập bọn đùa vui với họ được, có điều tôi là trưởng đoàn, phải nghiêm túc một chút, nghĩ tới đây, liền ngồi thẳng lưng lại, cố gắng khiến hình tượng của mình kiên nghị thêm chút nữa.
Đoạn đường đầu tiên này, theo lời lão Anliman, căn bản vẫn không thể coi là sa mạc, lòng sông của một số quãng vẫn chưa hoàn toàn khô cạn, cát chung quanh cũng rất nông, khắp nơi đều có các hồ nhỏ nằm rải rác, trên mặt nước thỉnh thoảng còn có một vài đàn chim âu và vịt mỏ đỏ bơi lôi, ven sông Khổng Tước, có những ốc đảo nho nhỏ, mọc đầy những cây táo gai, cây dương và một số cây bụi.
Qua đoạn sông này thì mới thực sự bước vào sa mạc, sông Khổng Tước bẻ dòng chảy theo hướng Đông Nam, phía ấy có Lâu Lan, La Bố Bạc, Đơn Nhã, chúng tôi đi theo hướng Tây Nam, tiến vào "sa mạc đen". Ông già Anliman nói sa mạc đen là do Hutai tạo ra để trừng phạt lũ dị giáo tham lam, chôn vùi vô số thành trì và của cải, nhưng chưa có bất kỳ ai có thể đưa được chúng ra ngoài, cho dù anh chỉ cầm một đồng tiền vàng, cũng sẽ mất phương hướng, lạc đường và vĩnh viễn bị gió cát vùi lấp, đừng hòng chạy thoát.


Đây là một sa mạc lưu động, gió thổi bạt đồi cát, địa hình mỗi ngày một vẻ, không có đặc trưng, dòng sông cổ đã biến mất từ lâu. Cũng may có lão Anliman, từ những thành trì, nhà cửa, lầu tháp bị cát vàng chôn vùi, chỉ lộ ra nửa nóc; những cây dương bị gió mạnh thổi nghiêng ngả một góc ba mươi độ với mặt đất, cho đến mấy cây saxaul (tên cây) nho nhỏ trong sa mạc, đều không thoát khỏi đôi mắt lão luyện của ông già. Những thứ ấy xâu chuỗi lại, sẽ nói lên một điều, sông Khổng Tước cổ từng chảy qua đây, nơi tận cùng của dòng sông đã biến mất này, chính là thành cổ Tinh Tuyệt bị Hutai vất bỏ trong truyền thuyết.
Gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với chúng tôi trong sa mạc này chính là những cây dương ngàn năm, nếu không tận mắt trông thấy, ai mà tin được trong sa mạc cũng có cây cỏ. Mỗi cây dương đều tựa như một con rồng dũng mãnh, tất cả cành cây đều nghiêng lệch về phía Đông, tựa hồ như con rồng ấy đang sải chân lao trên sa mạc, trong môi trường khắc nghiệt ấy, trải qua hàng ngàn năm, sớm đã chết khô từ lâu, cành cây bị gió thổi cho gần ép sát mặt đất, thế nhưng vẫn không hề đổ xuống.
Tia nắng đầu tiên xuất hiện nơi đường chân trời, rọi đỏ cả đám mây nơi góc trời, ráng trời rực rỡ phủ trùm lên những cồn cát nhấp nhô trong sa mạc, khóm cây dương cằn cỗi, dải cát vàng như những vạt sóng, tất cả đều được nhuốm một màu vàng gạch, sắc màu sặc sỡ, như một bức tranh tráng lệ đang được trải ra giữa trời đất mênh mông.
Mọi người muốn tránh cái nắng gắt giữa trưa, nên đi bộ suốt đêm, đương lúc mệt mỏi, được thấy cảnh sắc này, ai nấy đều phấn chấn tinh thần, Shirley Dương thốt lên :" Sa mạc đẹp quá! Lạy Chúa tôi! Mọi người nhìn cây dương kia kìa, trông như con rồng thần vàng óng trên sa mạc vậy", nói xong, liền lấy máy ảnh ra, bấm máy liên tục, hy vọng có thể lưu lại được cảnh sắc tuyệt đẹp này.
Khi mọi người đang đắm chìm trong cảnh đẹp, tôi phát hiện ra lão Anliman đang ngây người nhìn vầng mặt trời mới mọc, nét mặt thấp thoáng đôi chút bất an, liền chạy lại hỏi :" Sao vậy hả ông? Có phải sắp trở trời?". Vì hồi ở nhà tôi cũng có nghe nói "ráng sớm chớ ra đường, ráng chiều đi muôn dặm", ráng mây đỏ rực buổi sớm, chắc chẳng phải điềm tốt lành gì.
Hôm nay đã là ngày thứ năm kể từ hôm xuất phát, và là ngày thứ ba kể từ khi tiến vào sa mạc đen, phía trước là di chỉ thành cổ Tây Dạ, chúng tôi vốn dự kiến ngày mai sẽ tới đó, nhưng lão Anliman bảo cơn bão này rất lớn, xây tường cát cũng khó chắn được, nếu không mau chóng đến được thành cổ Tây Dạ, chúng tôi đều sẽ bị chôn sống trong sa mạc.
Tôi nghe ông già nói vậy, biết chuyện này không phải trò đùa, chỗ này cách di chỉ thành cổ Tây Dạ còn hơn nửa ngày đường, ngộ nhỡ trên đường xảy ra chuyện gì làm chậm trễ, chắc sẽ rắc rối to, thế nhưng đi suốt một đêm, mọi người đều mệt phờ cả rồi, trong đoàn lại có người già và phụ nữ, liệu họ có tiếp tục kiên trì được hay không, điều này khó nói vô cùng.
Tôi nhảy lên lưng lạc đà định gọi mọi người mau khởi hành, thì lại thấy lão Anliman trên lưng lạc đà chậm rãi bước xuống, lôi một tấm thảm ra, từ từ trải trên cát, quỳ lên trên, hai mắt nhắm lại, sắc mặt thành khẩn, dang rộng đôi tay hướng lên bầu trời, sau đó bưng mặt, cất giọng tụng kinh.
Ông ta đang cầu khấn Đức Allah đây, mỗi buổi sáng đều phải cầu nguyện, tôi thấy ông lặng yên thư thái, tưởng rằng vụ sắp có bão gió tối nay không mấy nghiêm trọng, nên cũng nhẹ nhõm cả người, đi ra ngắm cảnh với Tuyền béo, Shirley Dương và mọi người.
Ai ngờ lão Anliman cầu nguyện xong, dường như biến thành một người khác, cả người ông già như lên dây cót, hai ba nhát đã cuộn xong tấm thảm, rồi bật nhảy lên con lạc đà như chiếc lò xo, sau đó huýt một tiếng sáo dài :" Uýt ... mau chạy đi mà, chạy chậm rồi thì sẽ bị chôn xuống cát đen à ...". Lão thúc những con lạc đà phía dưới rồi chạy trước.
Tôi chửi một câu :" Mẹ kiếp lão già chết tiệt". Tình hình gấp gáp như thế, vừa nãy lão còn khoan thai cầu khấn, giờ lại chạy tót đi, rồi mới gọi mọi người lên đường.
Lũ lạc đà cũng cảm nhận được tín hiệu nguy khốn truyền đến từ bầu trời, như phát điên, chúng sải bốn chân chạy thục mạng trên sa mạc, bình thường ngồi trên lưng lạc đà chậm bước, lúc la lúc lắc cũng thấy thú vị, nhưng khi chúng chạy thì xóc kinh khủng, chúng tôi ôm chặt lấy lưng lạc đà, chỉ sợ giữ không chắc sẽ ngã xuống.
Đoàn lạc đà chạy nhanh trên sa mạc, cát vàng bụi mù cuốn lên thành con rồng khổng lồ, mọi người đều đeo kính chắn gió, lại dùng khăn trùm đầu bịt mũi miệng. Tôi nhìn chung quanh, càng lúc càng cảm thấy có gì đó không ổn, lũ lạc đà hoàn toàn không thể khống chế, trừng mắt, thở phì phò, bám sát theo con lạc đà của lão Anliman, lao như một cơn lốc, xem ra sự việc còn nguy cấp hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ.
Điều tôi lo lắng nhất chính là có thành viên nào đó bị lạc đà hất văng xuống, định hô cho lão Anliman phía trước chạy chậm lại một chút, nhưng chẳng kịp mở miệng, mà căn bản là chẳng thể nào mở miệng nổi, bởi hễ mở miệng ra là cát bụi sẽ xối vào.
Tôi chỉ có thể không ngừng ngoảnh đi ngoảnh lại, đếm số người trên lưng lạc đà, chạy một mạch đến giữa trưa, tuy lũ lạc đà dai sức, nhưng cũng đã mệt đến mồ hôi ròng ròng, không thể không đi chậm lại, cũng may là không ai rớt đoàn.
Lão Anliman bảo mọi người tranh thủ ăn mấy miếng lương khô, uống ngụm nước, không phải lo hết nước, dưới di tích thành Tây Dạ, có thể tìm thấy mạch nước ngầm, ở đó sẽ bổ sung nước sau. Ăn no uống đã, để lũ lạc đà nghỉ ngơi lấy lại sức, cũng may cũng không còn quá xa nữa, có điều vẫn phải lập tức chạy tiếp, nếu không sẽ không kịp.
Mọi người lấy bánh và thịt khô ra, ăn quấy quá mấy miếng, tôi và Tuyền béo đều lo cho mấy tay trí thức này, lần lượt hỏi từng người xem có bị làm sao không.
Giáo sư Trần đã có tuổi, ngồi trên lưng lạc đà xóc lên xóc xuống, giờ thở hồng hộc chẳng nói được câu nào; cô nữ sinh Diệp Diệc Tâm trẻ tuổi nhất đoàn thì nôn ọe, hai người họ chỉ uống chút nước, chẳng ăn được gì.
Khốn khổ nhất là Hách Ái Quốc, cặp kính cận của anh ta bị rơi mất, chẳng nhìn rõ thứ gì, cứ cuống hết cả lên, may mà anh nghiên cứu sinh Táp Đế Bằng cũng cận, đem theo một cặp kính đề phòng, độ cận thị của họ gần như nhau, nên mới giải nguy được cho Hách Ái Quốc.
Shirley Dương và Sở Kiện, anh chàng cao to, thì chẳng hề hấn gì, đặc biệt là Shirley Dương, có lẽ cô có gen di truyền của người cha ưa mạo hiểm, mà cũng có thể vì cô ta sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, có tinh thần mạo hiểm mạnh mẽ, cơ địa lại khỏe khoắn, cả đêm không ngủ, lại hùng hục rong ruổi trên sa mạc hơn nửa ngày trời, cũng không thấy cô ta mệt mỏi, ngược lại thần sắc vẫn rất tươi tỉnh, còn giúp lão Anliman gia cố thêm đống đồ đạc trên lưng lạc đà nữa.
Một cơn gió nhẹ thổi qua đồi cát, cuốn lên những sợi cát mịn, chân trời xa xa, dần chuyển thành màu vàng nhạt, lão Anliman vội hô lớn :" Tín phong đến rồi à, đừng nghỉ nữa mà! Đức Allah phù hộ, chúng ta bao nhiêu người thế này, mau chạy đi mà!".
Những thành viên của đoàn khảo cổ lê thân thể mệt nhọc, một lần nữa trèo lên lưng lạc đà, lúc này chẳng còn để ý xem sức khỏe của lạc đà thế nào nữa, cứ thúc chạy thật nhanh.
Vừa nãy bầu trời vẫn còn sáng trong, dường như trong nháy mắt đã tối sầm lại, cơn gió ập đến quá nhanh, bụi cát bị gió cuốn lên mỗi lúc một nhiều, ba bề bốn bên ngập trong dải cát bụi mù mịt trời đất, tầm nhìn mỗi lúc bị thu hẹp. Trong cơn hỗn loạn, tôi lại đếm nhẩm số người trong đoàn, cộng thêm cả tôi, cả thảy tám người, ai đó rớt lại rồi?
Gió thổi ngày một dữ, cát xối tung trời, khắp nơi rặt một màu vàng nhạt, tôi không nhìn rõ ai đã rớt đoàn, có điều đoàn lạc đà vừa mới rời khỏi đồi cát trăm mét, giờ quay lại kiếm người vẫn còn kịp.
Người tôi nghĩ tới đầu tiên là Shirley Dương, không có cô ta thì tiền của bọn tôi coi như mất, thế nhưng ngay tức khắc tôi vứt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu mình, quá ích kỷ, mạng người Mỹ cố nhiên quý báu, nhưng mạng người Trung Quốc chúng tôi cũng đâu phải lấy thóc lấy muối ra mà đổi được, không thể để bất kỳ ai rớt đoàn được.
Bên cạnh tôi là Tuyền béo, cũng là người duy nhất tôi có thể nhận ra, tôi muốn nói với cậu ta, nhưng gió cát xối xả, không thể mở miệng, đành ngồi trên lưng lạc đà lấy tay ra hiệu, bảo cậu ta chặn lão Anliman đang phóng phía trước lại.
Trong khoảnh khắc đó, hai mươi con lạc đà lại chạy xa hơn chục mét, tôi không kịp nhận ra Tuyền béo có hiểu ý mình không, vừa quay người đã bị văng khỏi lưng con lạc đà đang cắm đầu cắm cổ chạy.
Vết chân của lũ lạc đà giẫm trên sa mạc đã bị gió cát thổi mờ, sẽ biến mất tức khắc, tôi đội gió đội cát chạy về hướng xuất phát, cảm thấy cơ thể mình mỏng như tờ giấy, mỗi bước đi đều không làm chủ được, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cơn gió dữ cuốn phăng đi, bên tai ngoài tiếng gió ra, không nghe thấy bất kỳ âm thanh gì khác nữa.
Chạy loạng choạng gần hai trăm mét, cuối cùng cũng thấy một người nằm trên đụn cát ban nãy vừa nghỉ ngơi. Cơ thể người này đã bị cát phủ một nửa, không biết sống chết thế nào, tôi vội chạy lại, kéo người ấy ra khỏi đống cát.
Thì ra là giáo sư Trần, tình hình ông lúc nãy đã không được ổn lắm, có thể lúc mọi người nhảy lên lạc đà, vì quá hấp tấp ông đã bị con lạc đà hất xuống. Giáo sư Trần vẫn còn sống, chỉ là sợ quá mà nói không ra lời, thấy tôi chạy đến, lại ngất lịm đi vì quá kích động.
Gió cát lúc này tuy dữ dội, nhưng tôi biết, đây chỉ là nhạc dạo cho cơn bão sa mạc phía sau, cơn bão dữ dội thực sự có thể ập tới bất cứ lúc nào. Không thể chần chừ dù chỉ một giây, tôi vác giáo sư lên lưng, quay người lại nhìn, chuỗi dấu chân của tôi ban nãy vẫn nhận ra được, ông trời phù hộ, Tuyền béo chắc chắn phải ngăn lão Anliman chạy nhanh như cắt kia lại mới được.
Tôi định cõng giáo sư Trần xuống đồi cát, nào ngờ cơn gió phía sau quá mạnh, vừa đi được một bước, chân đã không vững, cả hai cùng lăn tròn xuống dốc, trong gió cát mịt mùng, có người đỡ tôi dậy, Hóa ra Tuyền béo đã hiểu ý tôi, lấy dao chọc mạnh vào mông con lạc đà, đuổi kịp lão Anliman, kéo lão ta xuống, bầy lạc đà thấy con đầu đàn dừng lại, trong phút chốc đều đứng yên, chỉ có con bị thương ở mông là chạy như điên về phía trước, chớp mắt đã mất hút trong khoảng gió cát mênh mang.
Cũng may mà bọn họ chưa chạy quá xa, nếu không căn bản chẳng thể quay lại được, lúc này chẳng ai nói được lời nào, chỉ lấy tay ra hiệu, hiểu được thì hiểu, không thì cứ làm theo là được, ai nấy đều chuẩn bị trèo lên lạc đà chạy tiếp.
Nhưng lũ lạc đà dường như quá sợ hãi, không chạy nữa, mặc cho lão Anliman có đánh đập thế nào, cũng không nghe lời, dàn thành một hàng, phủ phục trên mặt đất vùi đầu vào trong cát.
Trên đường chúng tôi thấy không ít xương lạc đà trắng hếu, lúc chết, tư thế đều y thế này, giống như những tội nhân nhận hình phạt vậy. Lão Anliman bảo lũ lạc đà khiếp hãi trước gió cát đen của Hutai, chúng biết gió cát đen sắp tới, có chạy cũng vô ích, dứt khoát quỳ ở đây đợi chết cho xong.
Sự việc xảy ra quá đột ngột, chúng tôi bó tay hết cách, chẳng lẽ ngồi đây đợi cát vàng chôn sống hay sao? Mùi vị ấy chắc không dễ chịu cho lắm. Đang lúc khoanh tay bó gối, Shirley Dương bỗng kéo tay tôi, chỉ về phía Tây, ra hiệu bảo ra đó xem sao.
Chỉ thấy trong gió cát ngập trời, một cái bóng trắng khổng lồ tiến lại phía chúng tôi, khoảng cách đã rất gần rồi, nhưng tiếng gió quá lớn, chẳng ai nghe thấy được. Tôi rút súng trường đeo trên lưng lạc đà xuống theo phản xạ, khẩu súng nòng nhỏ này được chuẩn bị để đối phó với bầy sói. Tất cả mọi người đều chẳng màng đến gió cát nữa, tập trung hết sự chú ý vào cái bóng trắng, đó rốt cuộc là thứ gì? Trông không giống người cho lắm.
Cái bóng trắng như một hồn ma, trong nháy mắt đã đến bên cạnh chúng tôi, đó là một con lạc đà cao to gấp ba lần lạc đà thường, trên lưng chỉ có một bướu, toàn thân một màu trắng tuyết, trong dải cát vàng lại càng thêm nổi bật.
"Lạc đà hoang!". Mấy người biết loài lạc đà này cùng thầm thốt lên trong dạ.
Lạc đà thường và lạc đà hoang ngoài thể hình khác nhau ra, điểm khác nhau lớn nhất giữa chúng chính là chiếc bướu trên lưng, lạc đà được con người nuôi có hai bướu, còn lạc đà hoang chỉ có một.
Qua lớp kính gió, tôi phảng phất như thấy đôi mắt lão Anliman lóe sáng, đó là những tia sáng vui mừng của kẻ tìm được sự sống trong cái chết, lão phấn khích hươ hai cánh tay lên giời ca tụng Đức Allah, những con lạc đà quỳ trên mặt đất dường như cũng được gọi dậy, nhấc đầu ra khỏi đống cát.
Tôi tuy không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng dùng trực giác lý giải hành động của chúng, chúng tôi vẫn còn cơ hội sống sót, chỉ cần đi theo con lạc đà hoang trắng như tuyết này là được, nó là loài động vật trong sa mạc này, chắc chắn biết ở đâu có thể tránh được gió cát đen của Hutai. Tôi lập tức ra hiệu cho những người còn lại trèo lên lưng lạc đà, chạy theo con lạc đà hoang phía trước.
Lũ lạc đà cúi đầu, chạy sùi cả bọt mép, dốc hết sức lực còn lại, bám sát con lạc đà trắng, vòng qua một đồi cát lớn, địa thế của sa mạc nơi đây đột ngột cao ngút, trong nháy mắt bóng con lạc đà trắng kia đã mất tăm.
Tôi thầm than không ổn, nó chạy mất dạng rồi, chúng tôi lại phiền to, xung quanh ngày một tối dần, đã chẳng thể phân rõ đâu là bầu trời, đâu là mặt đất, chỉ một hai phút nữa, bão cát đen ăn sống nuốt tươi mọi sinh mạng sẽ ập đến.
Chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, đoàn lạc đà đã nháo nhác đổi hướng, đi vòng qua núi cát cao ngất, tôi nhìn hai bên, thấy ngay cạnh có một đoạn tường đổ nát, phía dưới là một lô cốt lớn bằng đất đầm, thì ra đây là di tích của một tòa thành cổ cỡ nhỏ.
Phần lớn kiến trúc đã bị cát vùi quá nửa, có những ngôi nhà đã sụp đổ, chỉ còn bức tường kiên cố sừng sững đứng đấy, mặc cho nắng gió bão bùng , chẳng biết trải qua bao nhiêu năm, đã chuyển thành màu sa mạc từ lâu. Từ xa nhìn lại, chỉ thấy đây là núi cát lớn, không nhìn từ bên cạnh thì vĩnh viễn không thể phát hiện ra được tòa thành cổ này.
Con lạc đà hoang trắng như tuyết kia vốn chạy vào đây lánh nạn, chẳng qua những bức tường đổ lụp xụp của tòa thành đã chặn mất tầm nhìn, khiến chẳng ai thấy được nó đã chạy đi đâu mà thôi.
Tường thành là một bức tường chắn cát cao ngất, nếu hỏi có thể trông cậy vào bức tường này để chống chọi với trận bão cát hiếm thấy trước mắt hay không, nói theo cách của lão Anliman thì "còn phải xem ý của Hutai thế nào đã". Tóm lại trong tình huống này, có được một nơi lánh mình cũng coi như ông trời có mắt lắm rồi.
Cả đoàn khảo cổ tạm xem như sống sót sau đại nạn, ai nấy mặt mày vàng nhợt, chẳng nhìn rõ là do sợ hãi, hay là do cát bụi bám lên nữa. Mọi người leo xuống khỏi lưng lạc đà, lão Anliman ra lệnh cho chúng nằm phủ phục cạnh bức tường, sau đó dắt cả đoàn lần lượt trèo xuống một căn nhà lớn qua cái nóc đã vỡ toang.
Thành cổ tuy có bức tường thành ngăn cản gió cát, nhưng có chỗ bị sập bị đổ, bao năm như thế, một lượng cát lớn bị gió thổi vào thành, chất đầy trong những căn nhà vốn đã hư hỏng, tạo thành một lớp cát dày đến hơn hai mét.
Căn nhà lớn chúng tôi chui xuống lánh nạn, có thể là một dạng nha môn hay tòa thị chính, không gian tương đối cao rộng, tuy vậy, vẫn phải khom lưng xuống, chỉ cần hơi ngẩng đầu là đụng ngay phải rường nhà phía trên.
Diệp Diệc Tâm, Hách Ái Quốc, mấy người sức khỏe không tốt, vừa bước vào căn phòng đã nằm lăn ra đất, lôi bình nước ra uống, những người còn lại dìu giáo sư Trần xuống, thần trí của ông đã hồi phục, chỉ có điều hai chân mỏi rã. Tuyền béo thở dài một tiếng :" Mạng của chúng ta coi như nhặt lại được rồi".
Lão Anliman vừa vào phòng, lấp tưc quỳ sạp xuống, ma quỷ đến từ địa ngục đen tối thổi bão cát đen, đội ơn Hutai, đội ơn người đã phái lạc đà trắng may mắn tới, cứu chúng con thoát khỏi cơn ác mộng tai vạ này. Lão Anliman bảo lạc đà trắng một bướu là linh vật thần kỳ nhất của miền sa mạc, Thành Cát Tư Hãn, vua Tây Hạ Lý Nguyên Hạo, đều có lạc đà trắng, nhưng chúng đều có hai bướu, tuy hiếm thấy, nhưng không thể xem là thần kỳ.
Nếu trong đoàn có một người Hutai không thích, chúng ta cũng sẽ không thể gặp được lạc đà trắng, xem ra mấy người chúng ta đều là những tín đồ trung thành được Đức Allah chiếu cố, từ nay về sau mọi người phải coi nhau như anh em ruột thịt, đánh gãy xương thì còn liền gân. Lão Anliman vỗ ngực bảo đảm :" Nếu có nguy hiểm gì nữa, lão sẽ không bỏ mọi người tự mình tẩu thoát đâu".
Trong bụng tôi thầm chửi :" Mụ nội nhà lão, hóa ra lão già ngay từ đầu đã chẳng coi bọn ta ra gì, đảm bảo giờ mà có chuyện lão còn chạy nhanh hơn thỏ ấy chứ".
Trong lúc nói chuyện, trận bão cát bên ngoài đã tới, cuồng phong gào rít, nghiêng ngả đất trời, chúng tôi ở trong di tích thành cổ cũng khó tránh khỏi kinh hãi, chi e ngộ nhỡ bão cát vùi lấp lối ra, chẳng phải sẽ chết ngạt ở đây sao? Thế là tôi bố trí cho Táp Đế Bằng, Tuyền béo, Sở Kiện, ba người thay nhau trông lỗ hổng trên nóc nhà, hễ có tình hình gì, là phải mau chóng thông báo cho mọi người biết để chạy ra ngoài. Nhưng trong lòng ai cũng rõ, nếu cơn bão cát di chuyển cả sa mạc, bức tường thành phía trước bị nuốt trôi, thì chúng tôi có chạy được ra ngoài, cũng chẳng qua là tìm một chỗ khác để chôn mình mà thôi.
Dưới chân tường ngoài căn phòng mọc đầy cây ngải cát, một loài cỏ khô, tôi lách người ra tiện tay ngắt một nắm, lấy nhiên liệu rắn ra, nhóm một ngọn lửa nhỏ để mọi người sưởi ấm.
Căn phòng cổ tối đen như mực, được ánh lửa chiếu sáng, Diệp Diệc Tâm đột nhiên nhảy phắt dậy, đầu đập vào rường nhà, suýt nữa thì ngất lịm, trên cây rường rơi xuống vô số bui cát, những người ngồi dưới đều không đeo kính chắn gió, ai nấy đều bị bụi rơi đầy mắt.
Mọi người vừa dụi mắt, vừa hỏi Diệp Diệc Tâm xem bị làm sao, có dở hơi không.
Mắt tôi cũng bị cát bay vào, chẳng nhìn thấy gì, bên tai chỉ nghe thấy tiếng Diệp Diệc Tâm run rẩy bảo :" Có một xác chết ở góc tường bên phải!".
"Xác chết?". Hách Ái Quốc vừa dụi mắt vừa hỏi :" Tâm ơi là Tâm, có cần thiết sợ đến thế không? Dân khảo cổ chúng ta lại sợ xác chết à?"
Cát cũng bay vào mắt Diệp Diệc Tâm, cô nàng ôm đầu, xin lỗi nói :" Xin lỗi thầy Hách! Em... em không ngờ trong căn phòng này lại có người chết, chưa chuẩn bị tâm lý kỹ càng ... em ... em xin lỗi..."
Tôi nghe nói có cách chữa mẹo, khi bị dặm mắt, lập tức nhổ nước bọt là đỡ ngay, chiêu này trước đây tôi thử trăm lần cả trăm đều hiệu nghiệm, thế là tôi vội nhổ ngay một bãi nước bọt, cảm giác dặm mắt lập tức giảm dần, chảy khá nhiều nước mắt, nhưng cũng đã có thể mở được mắt ra.
Tôi vừa mở mắt, liền giật nảy cả mình, thì ra bãi nước bọt vừa rồi, nhổ đúng lên đầu Shirley Dương, cô ta là người ưa sạch sẽ, cho dù đi suốt ngày đêm trong sa mạc, nhưng cô nàng cũng luôn giữ thói quen vệ sinh sạch sẽ. Cũng may cô ta đang không ngừng dụi mắt, trong lúc rối loạn không để ý trên đầu mình bị người khác nhổ nước bọt vào.
Tôi đành giả bộ không có chuyện gì, vội lấy đèn pin trong túi đồ, đi lại chỗ góc tường, quả nhiên có một bộ xương người. Khí hậu trong sa mạc khô nóng dị thường, chẳng thể nhìn ra người này chết đã bao lâu, chỉ thấy bộ xương trắng bị vùi một nửa trong cát, một nửa lộ ra ngoài, bình tĩnh xem xét, quả thực cũng rất đáng sợ, thảo nào Diệp Diệc Tâm lại nhảy bắn lên như thế.
Lúc này những người còn lại cũng lần lượt mở mắt, lấy bình nước, dấp lên mắt rửa cho những người bị cát rơi vào quá nhiều, tôi bảo mọi người đừng lo, đây chỉ là một bộ xương người, không biết đã chết bao nhiêu năm rồi, đợi mọi người ăn uống nghỉ ngơi xong, đào cái hố chôn đi là xong.
Thành viên đội khảo cổ, ngoài lão Anliman ra, đều là người thường xuyên qua lại vứoi xác chết, chẳng có ai sợ hãi gì, chỉ là có chút nghi hoặc đối với bộ xương nằm đây thôi. Người chết ở sa mạc rất ít khi rữa nát, đại đa số đều bị gió ngoài tự nhiên hong thành xác ướp, nhưng bộ xương trắng này chẳng còn chút da thịt nào, nói không chừng đã bị sói sa mạc ăn sạch rồi.
Lão Anliman cho rằng điều này không lấy gì làm lạ, lạc đà trắng chẳng phải đã chạy vào đây tránh bão cát đấy thôi, cũng may chúng ta theo được nó nên mới thoát nạn. Vùng này khác với vùng nửa sa mạc nửa hoang mạc ở Nhã Đơn, Lâu Lan, người ta tiến vào sa mạc đen miền Tây này, chỉ dám men theo đướng sông Khổng Tước cổ, không dám rời xa nửa bước, chỉ dựa vào sức mình, căn bản không thể tìm được tòa thành hoang phế này, nhưng những loài động vật trong sa mạc thì lại khác. Tòa thành hoang phế này, chắc chắn là nơi Hutai ban cho các động vật sa mạc để lánh nạn, chúng ta không thấy đó thôi, chứ sau tường những căn phòng nát này, không chừng có không biết bao nhiêu là sói, dê vàng, báo đang tránh nạn ... Bây giờ trên trời đang nổi bão cát lớn, động vật đều sợ mất mật, nên chẳng con nào nhăm nhe con nào, đợi khi bão tan, có lẽ sẽ xảy ra chuyện sói và dê vàng đều nấp trong một căn phòng, khi ấy sói sẽ nhe răng ra, còn dê vàng cũng sẽ giương sừng trên đấu lại.
Nghe nói trong những gian nhà này có không ít thú hoang lánh nạn, mấy người nhát gan như Diệp Diệc Tâm đều hơi căng thẳng, lão Anliman cũng lo cho lũ lạc đà đang nấp sau tường thành, lão phải đội bão cát ra ngoài cột lũ lạc đà lại với nhau. Xem ra bão cát sẽ không chấm dứt sớm, cũng không biết phải nấp trong căn phòng này bao lâu, vậy là tôi bảo Tuyền béo và Sở Kiện cùng lão ra ngoài, nhân tiện khuân đồ ăn, nhiên liệu và túi ngủ vào đây.
Ba người đeo kính gió, lấy khăn trùm đầu che kín mũi miệng tai, trèo ra theo lỗ hổng trên nóc nhà. Độ hai tuần hương, bọn họ quay lại, trên mình toàn đất cát, Tuyền béo tháo khăn và kính, ngồi phệt xuống đất :" Gió thổi dữ lắm, nếu ba bọn tôi không giữ chặt nhau, có khi nó cuốn cả ba lên trời rồi. Có điều ông già không lừa chúng ta, lúc bọn tôi đi qua một bức tường đổ, đằng sau đó có sáu bảy con dê vàng đang ẩn nấp, đợi lát gió dịu đi, tôi sẽ vác súng ra bắn hai con, mọi người ăn bữa thịt tươi, mấy hôm nay toàn là thịt khô, ăn đến phát ngán rồi".
Lão Anliman nghe vậy thì kiên quyết phản đối :" Không thể được, không thể được, cậu mà bắn, tiếng súng ấy mà, khiến lũ thú hoang lánh trong thành chạy hết à, chúng mà chạy, sẽ bị chôn sống trong cơn bão của ma quỷ à. Chúng ta và lũ động vật ấy cũng như nhau mà, đều là do Hutai khai ân, mới được trốn ở đây mà, cậu không được làm vậy à".
Tuyền béo đáp :" Được rồi được rồi, ông cứ ngồi yên đi, tôi cũng chỉ nói thôi mà, sao ông lắm lời thế, tôi tiếp tục ăn thịt khô, được chưa? Chắc không đến nỗi cả thịt khô cũng không cho ai ăn chứ?". Nói đoạn liền lấy thịt khô, đồ hộp, rượu trắng phát cho mọi người.
Chạy thục mạng trong sa mạc hơn nửa ngày, giờ lại bị bão cát vây khốn trong đống đổ nát của tòa thành vô danh này, ngoài Tuyền béo và lão Anliman, những người còn lại chẳng ai có bụng dạ ăn uống nữa. Tôi quan tâm đến giáo sư Trần, ông già cao tuổi nhất, trong sa mạc lại thiếu thuốc thang, tốt nhất là không xảy ra chuyện gì bất trắc. Tôi cầm túi da đựng rượu đến cạnh giáo sư, khuyên ông uống vài ngụm cho đỡ mệt.
Shirley Dương và Hách Ái Quốc đỡ giáo sư Trần ngồi dậy, mấy người học trò ngoài Sở Kiện đến lượt ra trông lỗ hổng trên nóc nhà ra, ai cũng quan tâm ngồi vây xung quanh giáo sư.
Giáo sư Trần dường như đã hồi phục, uống lấy hớp rượu, rồi cười gượng :"Nhớ ngày trước đi làm công tác bên ngoài, sau đó bị nhốt vào chuồng trâu hơn ba năm, rồi lại đến nông trường cải tạo lao động xẻ núi đào đá, bao nhiêu tội vạ chịu đựng cả rồi, nhưng vẫn đứng dậy được. Giờ già rồi, vô tích sự rồi, hừ, hôm nay may mà có anh Nhất đây, không có anh, chắc cái tấm thân già này bị chôn sống trong bão cát rồi".
Tôi an ủi ông mấy câu, bảo tôi không thể lấy không số tiền của Shirley Dương được, đây đều là chuyện trong phận sự, nếu ông cảm thấy thân thể khó chịu, chúng ta sẽ quay về sớm, vẫn còn kịp, chứ đi qua thành cổ Tây Dạ, là vùng trung tâm sa mạc đen, môi trường khắc nghiệt hơn đây rất nhiều, đến lúc ấy có hối cũng không kịp nữa.
Giáo sư Trần lắc đầu, tỏ ý kiên quyết đi tiếp, bảo mọi người chớ lo, bão cát như thế này trăm năm mới gặp một lần, không xảy ra thường xuyên, chúng ta đã lánh được, thì tai qua nạn khỏi, sau ắt có phúc lớn.
Tôi đang định khuyên thêm mấy câu, Shirley Dương đã kéo tôi ra một bên, nói nhỏ :" Anh Nhất, trước tôi thấy anh hơi trẻ để làm người dẫn đoàn, cũng lo anh không đủ năng lực và kinh nghiệm, hôm nay thì tôi biết rồi, đoàn trưởng dứt khoát phải là anh. Tôi có việc này mong anh giúp, hôm nay chúng ta đã nếm mùi uy lực của thiên nhiên, sĩ khí của mọi người giảm sút không ít, tôi mong anh có thể cổ vũ mọi người, khiến cả đoàn phấn chấn lại".
Việc này không dễ, nhưng bà chủ đã có lời, thì tôi cũng đành làm theo thôi. Lúc mọi người quây quần ăn uống, tôi mới nói :" Kính thưa... các đồng chí! Không khí của chúng ta lúc này có hơi trầm uất, dọc đường hành quân ta hát ca, là truyền thống tốt đẹp của quân ta, chúng ta hãy hát một bài được không nào?"
Mọi người nhìn nhau, đều lấy làm khó hiểu, nghĩ bụng chúng ta trở thành quân nhân từ lúc nào vậy? Truyền thống tốt đẹp của quân ta có liên quan gì đến chúng tôi? Hát trong tình cảnh này? Nhất thời chẳng ai phản ứng kịp.
Tôi nghĩ bụng hỏng rồi, ngớ ngẩn rồi, sao lại lôi cái trò ở đại đội ra đây, thế là vội chữa :" Không phải thế, là thế này, chúng ta nói chuyện phiếm được rồi, tôi sẽ tổng hợp báo cáo cho mọi người một trận đánh ở tiền tuyến".
Mọi người nghe tôi bảo định kể chuyện, đều thấy hứng thú, ngồi quây lại sát hơn, vừa ăn vừa nghe tôi nói :" Có một lần, chúng tôi nhận được một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phải chiếm được cao điểm 306, trên cao điểm này có mấy chốt hỏa lực của quân địch, vị trí của bọn họ rất đẹp, nương dựa với nhau tạo thành một góc chết, pháo đạn quân ta không thể trực tiếp tiêu diệt, chỉ có thể phái bộ binh tấn công. Đại đội của tôi là đại đội 6, chúng tôi tấn công liên tiếp ba đợt, đều chẳng thành công, hy sinh mất bảy người, và hơn mười người bị thương. Đại đội chúng tôi là đại đội anh hùng nổi tiếng toàn sư đoàn, xưa nay chưa từng đánh trận nào dở cả, các chiến sĩ đều vô cùng suy sụp, chẳng phấn chấn lại được, tôi đang cuống lên, bỗng sư đoàn trưởng gọi điện, trong điện thoại chửi mắng té tát, hỏi đại đội có đánh được không, nếu không thì rút khỏi vị trí, rút luôn cả danh hiệu đại đội anh hùng đi, sư đoàn sẽ phái đại đội khác tới. Tôi nghe vậy đâu có được, liền gác máy, nghĩ ra một cách, tôi bảo các chiến sĩ rằng, vừa rồi Quân ủy Trung ương gọi điện, bảo rằng bác Đặng Tiểu Bình đã biết kỳ tích của đại đội Sáu chúng ta ở tiền tuyến, bác khen đại đội Sáu đánh thật oai hùng, nhất định sẽ chiếm được trận địa. Các binh sĩ vừa nghe, liền hỏi, sao? Bác Đặng Tiểu Bình biết đến đại đội chúng ta cơ à? Thế thì ta không thể để mất mặt bác Đặng được, bấy giờ mới lấy lại tinh thần, vừa xung phong lên đã chiếm được trận địa rồi".
Mọi người trong đoàn khảo cổ nghe đến đây, đều cảm thấy phấn khích, rối rít hỏi tình hình cụ thể diễn ra ở tiền tuyến thế nào.
Tôi nói với mọi người :" Các đồng chí, tôi kể câu chuyện này có ý rằng, không có khó khăn gì có thể cản bước chúng ta, kẻ địch lớn nhất của chúng ta chính là bản thân mình, chỉ cần chiến thắng được sự sợ hãi của bản thân , chỉ cần khắc phục được nhược điểm của bản thân, sẽ nhất định giành được thắng lợi cuối cùng".
Dưới sự khuấy động của tôi, bầu không khí trầm uất lúc trước, cuối cùng cũng được phá vỡ, bão cát bên ngoài tuy dữ dội, nhưng những con người này đã không còn căng thẳng như ban nãy.
Ăn xong, đến lượt Táp Đế Bằng đi thay Sở Kiện đứng gác, tôi và Tuyền béo đi lo liệu cho bộ xương của người bị nạn, cứ phơi ra đấy, người trong phòng cũng thấy khó chịu, trước khi đi ngủ, cứ chôn đi thì hơn.
Giờ thời tiết khắc nghiệt thế này, không thể chôn bên ngoài được, chỉ có thể đào cát mà chôn đi thôi. Vừa đào được mấy nhát, xẻng công binh đã đụng phải đá, tôi cảm thấy có chút cổ quái, nền căn phòng này rất cao, trăm ngàn năm cát thổi vào chất đống lên lại càng cao, mới đào có mấy nhát sao đã đụng phải đá?
Hất đất cát ra xem, chỉ thấy một khối đá đen thui, đào tiếp sang hai bên thì lại chẳng thấy có đá nữa. Hách Ái Quốc và mấy người khác thấy vậy, cũng chạy lại giúp, cùng động tay động chân, đào sâu hơn nửa mét, trong cát vàng, lộ ra một cái đầu tượng đá màu đen.
Đầu người này phải to bằng hai cái đầu người bình thường cộng lại, mắt hình quả trám, thuôn dài, tỉ lệ quá lớn so với ngũ quan trên khuôn mặt, trông rất mất cân đối. Đỉnh đầu không có mũ, chỉ vấn hai búi tóc, vẻ mặt hết sức thanh thản, không có vẻ hỷ nộ ái ố gì, vừa giống như tượng thần được thờ cúng trong đền miếu, vừa giống như người đá đặt trên đường núi vào lăng tẩm cỡ lớn, nhưng phán đoán theo vị trí của tượng đá trong căn phòng này, thì khả năng thứ nhất có vẻ nhiều hơn.
Tôi thắp một ngọn đèn măng sông, giáo sư Trần đến xem, rồi bảo Hách Ái Quốc :" Cậu xem cái tượng đá này, có phải trước đây ta đã thấy ở đâu rồi không nhỉ?"
Hách Ái Quốc đeo cặp kính cận lên, xem xét cẩn thận :" À, đúng rồi, Tân Cương từng khai quật một khu mộ hàng ngàn quan tài, trong ấy cũng có người đá giống y thế này, đôi mắt rất đặc biệt, khác hẳn với người thường, đây chắc là tượng đá mắt to đó đây".
Ở các vùng Thiên Sơn, A Lặc Thái, lưu vực sông Hòa Điền thuộc Tân Cương cho đến vùng thảo nguyên Mông Cổ, đều phát hiện ra tượng đá mắt to này, về nguồn gốc của chúng, nay đã không thể khảo chứng, từng có học giả chỉ ra đây có lẽ là một vị thần nào đó mà người Mông Cổ sùng bái. Theo sử sách ghi chép, ở sa mạc có một hành cung bí mật của Hốt Tất Liệt, gọi là "Hương cung", tượng người đá này đầu tiên được thờ trong Hương cung ấy. Nhưng về sau trải qua bao nhiêu năm, theo cùng với sự phát hiện của những di tích và mộ cổ có niên đại sớm hơn nữa, người ta đều thấy trong đó có tượng người đá mắt lớn, và đánh đổ giả thiết "Hương cung" kia. Có người bảo đây là di vật của người Đột Quyết để lại, nhưng cuối cùng cũng vẫn không có cách giải thích xác đáng, đây thành ra một trong vô số những bí ẩn khôn giải của lịch sử khảo cổ.
Mấy sinh viên trong đoàn khảo cổ chưa từng thấy tượng đá mắt to, đều lấy bút ra ghi ghi vẽ vẽ vào vở, rồi bàn bạc định đào nốt đống cát phía dưới, để xem toàn thân bức tượng. Hách Ái Quốc giảng cho họ một số kiến thức liên quan, bảo hôm nay mọi người mệt cả rồi, nghỉ ngơi trước đã, ngày mai đợi cơn bão kết thúc, thu dọn đống cát trong căn nhà, xem xem có phát hiện được gì hay không.
Tôi chọn chỗ khác đào cát lên, chôn cất bộ xương của kẻ gặp nạn, trên mình người này không có bất kỳ thứ gì có thể chứng minh được lai lịch và thân phận, ngay cả tấm bia mộ đơn giản cũng chẳng có cách nào làm cho người ta, hừm, ở nhà sống sung sướng có thích hơn không, lại lang bạt trong sa mạc này để bị đày đọa, thôi thì hãy yên nghỉ ở nơi này đi!
Tôi coi đồng hồ, đã xế chiều rồi, cơn bão cát ngoài trời vẫn rít lên không ngừng, vả lại có chiều hướng càng ngày càng mạnh lên, không chừng thổi cả đêm cũng nên.
Ngoài Táp Đế Bằng canh gác ra, những người còn lại đều xoa cát mịn vào chân rồi chui vào túi ngủ đi nghỉ, cách này học được từ lão Anliman, ở sa mạc, nước là vàng ròng, rửa chân chỉ có thể dùng cát mịn. Tôi ra tìm Táp Đế Bằng đang gác dưới lỗ hổng trên trần nhà, bảo anh ta ngủ đi một lúc, tôi gác thay.
Tôi ngồi ở góc tường, ôm súng trường thể thao vào lòng, đề phòng có thú hoang đột nhiên lẻn vào tấn công, vừa hút thuốc vừa nghe tiếng gió rít ngoài trời, nghĩ chuyện giáo sư Trần và mấy người phải tiếp tục tiến sâu vào trong sa mạc, lại thấy đau đầu, ai mà biết phía sâu trong sa mạc đen kia ẩn chứa bao nhiêu nguy hiểm và cạm bẫy. Hôm nay gặp bão cát mà không có ai thương vong, đây quả thực có thể coi là kỳ tích rồi.
Tôi nghĩ đến ngây cả người, hút hết điếu này tới điếu khác, chẳng biết ngồi bao lâu, sắc trời ngoài kia đã đen kìn kịt, tiếng gió vẫn to như thế, tựa như tiếng gào khóc của vô số ma quỷ, chốc chốc lại có đám cát rơi vào trong các hốc trên trần, cơn gió này mà không ngưng lại, e rằng bức tường đổ ngoài kia sẽ bị bão cát nuốt mất.
Lúc này tôi phát hiện ra Shirley Dương đã tỉnh giấc, cô thấy tôi ngồi canh ở góc tường, liền bước lại, xem chừng định nói chuyện vói tôi. Ngày thường, tôi rất ít khi nói chuyện với cô, chủ yếu là bởi cô và Tuyền béo, hai người không hợp nhau, nhìn thấy nhau là thấy chướng mắt, cho nên ngoài những khi cần thiết, chúng tôi chẳng mấy khi nói chuyện với cô bao giờ, nói sai gì cô ta trừ tiền công, thì cũng đủ mệt rồi.
Vì phép lịch sự, tôi chào cô, Shirley Dương bước tới hỏi tôi :"Anh Nhất này, anh cũng đi nghỉ một lúc đi, tôi trông thay anh hai tiếng".
Tôi bảo không cần đâu, đợi chốc nữa tôi gọi Tuyền béo ra gác thay, cô cứ đi nghỉ tiếp đi, thế nhưng cô ta lại ngồi đối diện với tôi, rồi bắt chuyện.
Có một việc tôi vẫn muốn hỏi cô ta, vì sao cứ phải tìm đến tòa thành cổ đó, có thể tòa thành ấy đã biến mất từ lâu lắm rồi, bao năm nay không có ai nhìn thấy, bố cô và mấy nhà thám hiểm khác, chắc gì đã mất ở trong thành, trong sa mạc có thể gặp bất cứ nguy hiểm gì, muốn tìm lại di thể của những người gặp nạn lạc đường thực sự rất khó, vả lại trong sa mạc đen kia còn có trăm điều bí ẩn chưa lý giải được. Tôi từng đọc một vài tờ báo, nói có ba nhà thám hiểm đến đấy, rồi mất tích, sau rất nhiều năm, người ta mới tìm thấy thi thể của họ bên rìa sa mạc, ba người đó đều chết do mất nước, nhưng kỳ lạ là trong bình của họ vẫn còn hơn nửa bình là nước. Những sự việc tương tự rất nhiều, sự hiểu biết của con người chúng ta về sa mạc quả thật còn quá ít, các loại động vật trên sa mạc rất nhiều, có những loài còn chưa phát hiện được. Chúng ta cứ gắng sức tìm là được rồi, cho dù không tìm được, cũng không phải quá trách mình làm gì.
Shirley Dương gật đầu :" Anh nói rất có lý, nhưng tôi từ đầu chí cuối vẫn tin chắc đoàn của bố tôi đã tìm thấy thành cổ Tinh Tuyệt, bởi sau khi ông mất tích trong sa mạc, tôi không chỉ một lần mơ thấy một hang động đen ngòm, miệng hang có treo một cỗ quan tài lớn, trên quan tài khắc toàn chữ Quỷ Động, còn buộc rất nhiều xích sắt lớn, trên quan tài còn úp thứ gì đó rất lớn, tôi không nhìn rõ là thứ gì, mỗi lần định căng mắt ra nhìn cho rõ vật ấy, là tôi lại tỉnh giấc. Hơn nửa năm nay, tôi hầu như đêm nào cũng mơ thấy cảnh đó, tôi tin rằng bố tôi đã báo mộng, cỗ quan tài ấy nhất định là của nữ vương Tinh Tuyệt".
Tôi nghĩ bụng sao người Mỹ lại mê tín thế nhỉ, còn tin vào chuyện báo mộng nữa chứ, nhưng thấy vẻ mặt của cô nghiêm túc, nên không dám phản bác, chỉ an ủi vài câu, rồi chuyển chủ đề, hỏi xem nước Tinh Tuyệt kia rốt cuộc là thế nào.
Shirley Dương kể :" Bố tôi và giáo sư Trần là bạn thân lâu năm của nhau, hồi còn trẻ họ là bạn học, có chung niềm say mê văn hóa cổ Tây Vực. Năm 1948, bố tôi và gia đình di cư sang Mỹ, sau Cách mạng Văn hóa, ông mới lần đầu quay lại Trung Quốc. Hồi ở Mỹ, bố tôi từng mua một lô văn vật, đều là văn vật quý giá được các nhà thám hiểm châu Âu khai quật trong sa mạc Tân Cương khoảng đầu thế kỷ 19. Những nhà thám hiểm châu Âu đó từng phát hiện ra một di tích thành cổ ở gần ốc đảo Nê Nhã, theo khảo chứng thì di tích và văn vật ở đó đều từ thời Hán, suy đoán dựa theo một số manh mối, nơi đó rất có thể chính là di tích của nước Tinh Tuyệt, quốc gia cường thịnh nhất trong ba mươi sáu nước Tây Vực khi xưa. Bố tôi và giáo sư Trần trải qua nhiều năm nghiên cứu đã suy đoán di tích Nê Nhã bất quá chỉ là một thành phố thuộc nước Tinh Tuyệt, còn thành phố trung tâm nước Tinh Tuyệt phải nằm ở phía Bắc Nê Nhã, hạ du sông Từ Độc. Bố tôi hy vọng trong lúc còn sống có thể đích thân tìm đến di chỉ thành cổ Tinh Tuyệt này, nên mới mạo hiểm tổ chức một đoàn thám hiểm tiến vào sa mạc. Còn về thành cổ từng một độ huy hoàng bậc nhất này, ghi chép còn giữ được tới ngày nay đã không còn nhiều. Nước Tinh Tuyệt là thủ lĩnh liên minh các quốc gia nhỏ vùng Tây Vực hồi đó. Những nước nhỏ đó, nhìn theo con mắt bây giờ bất quá chỉ là một vài tòa thành lớn nhỏ hình thành một cách tự nhiên trên tuyến đường thông thương mà thôi, mỗi một thành coi như một nước, nước lớn mạnh nhất trong số tất cả các nước nhỏ kia chính là Tinh Tuyệt. Người Tinh Tuyệt chủ yếu là người dân tộc Quỷ Động, ngoài ra còn xen lẫn dân tộc thiểu số khác, sau khi vị nữ vương cuối cùng của nước Tinh Tuyệt chết đi, tòa thành này cũng chìm luôn trong biển cát. Là bị hủy hoại bởi thiên tai, hay bởi chiến tranh, đều không thể biết được, cứ như quốc gia này chưa từng tồn tại vậy. Cho đến tận trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, có một nhà thám hiểm người Anh, dẫn đoàn thám hiểm của mình tiến vào sa mạc Taklimakan, cuối cùng chỉ còn một mình ông ta sống sót trở về. Thần trí của ông ta hoàn toàn suy sụp, nhưng qua mấy tấm ảnh trong máy cùng những dòng nhật ký, thì đã chứng thực được sự tồn tại của thành cổ Tinh Tuyệt là có thật. Cũng có người từng định đi tìm dựa theo manh mối này, nhưng ngay sau đó Thế chiến thứ hai bùng nổ, cho đến ba bốn năm gần đây các đoàn thám hiểm mới có cơ hội tiến vào sa mạc tìm kho báu và di tích".
Shirley Dương lấy một bọc nhỏ đưa tôi xem, tôi đón lấy mở ra, bên trong là mấy tấm ảnh đen trắng đã hoen vàng, và một quyển sổ cũ kỹ toàn tiếng Anh. Nước ảnh rất mờ, thấp thoáng vẫn nhận ra trong bức ảnh là một thành phố trong sa mạc, ở giữa là một tòa tháp, chi tiết cơ hồ như đều không thể nhìn rõ.
Tôi hỏi Shirley Dương, đây lẽ nào là ... Shirley Dương gật gật đầu nói :" Đúng thế, đây chính là những tấm ảnh và nhật ký của ông Walt, nhà thám hiểm từng đích thân tới thành cổ Tinh Tuyệt, mà bố tôi đã mua lại từ nước Anh. Những thứ này cũng cho chúng ta một ít manh mối, chỉ có điều trong cuốn nhật ký này chỉ viết đến đoạn đoàn người tới hạ du sông Từ Độc và nhìn thấy một tòa thành to lớn, chuẩn bị sáng sớm hôm sau tiến vào thám hiểm, sau đó thì chẳng viết gì nữa, không biết họ đã gặp chuyện gì trong di tích thành cổ, và vì sao cuối cùng chỉ còn lại một người may mắn sống sót nhưng thần trí thất thường trở về".
Tôi và Shirley Dương cứ mải mê nói chuyện, tình cờ phát hiện, ớ góc tường có đèn măng sông chiếu sáng, con mắt của tượng người đá mắt to có cái đầu to tướng kia hình như động đậy, đã một ngày hai đêm không chợp mắt, lẽ nào tôi hoa mắt ư?

Chương 21: Thành Cổ Tây Dạ

Chiếc đèn măng-sông treo trên rường nhà bị cơn gió len lỏi qua vách tường thổi lung lay, ánh sáng chập chờn, làm căn phòng lúc tối lúc sáng, tượng đá đen thui tựa như một người bị chôn sống, chỉ lộ ra cái đầu, phần còn lại chôn vùi trong cát.
Tôi đến gần lại nhìn, thì ra trên mắt của người đá có con kiến lớn, to bằng đốt ngón tay cái, toàn thân một màu đen tuyền, đuôi đỏ như máu, mỗi khi ánh sáng của đèn măng-sông lay lắt chiếu qua, lại lóe lên một tia sáng yếu ớt, nhìn từ xa lại, trông như ánh sáng phát ra từ mắt của người đá.
Tôi thấy chỉ là con kiến, bèn thuận tay búng một cái, bắn văng nó xuống đất, giẫm chân lên một cái, chỉ nghe một tiếng "nhoét", con kiến bị giẫm cho nát bét, nhưng thấy hơi là lạ, thân thể con kiến này cứng chắc hơn nhiều so với kiến thường.
Tôi nhìn chung quanh, trong căn phòng nát chỗ nào cũng lọt gió, chẳng biết con kiến bò từ đâu vào, Shirley Dương chạy tới hỏi tôi xem có chuyện gì, tôi bảo chẳng có gì, chỉ là con kiến, tôi giẫm chết rồi.
Tôi gọi Tuyền béo đang ngủ say giấc dậy, ra đứng gác, sau đó thêm một ít nhiên liệu rắn vào đống lửa, để lửa to hơn chút nữa, rồi tắt đèn măng-sông đi, chui vào túi ngủ đánh một giấc.
Cơ thể mệt mỏi, liền ngủ ngay lập tức, khi tỉnh dậy đã hơn chín giờ sáng ngày hôm sau rồi, bão cát ngoài kia hoành hành suốt một đêm, vẫn chưa chịu dứt, chỉ có điều sức gió đã nhỏ hơn nhiều so với hôm qua, cơn bão quỷ quái này cuối cùng cũng sắp kết thúc rồi.
Di tích thành cổ này phần lớn vùi trong cát, phần lộ lên khỏi mặt đất không nhiều, thêm chừng hai đợt gió cát lớn thế này, chỉ e tòa thành cổ vô danh sẽ biến mất trong sa mạc, thế nhưng cho dù toàn bộ bị chôn vùi trong cát, nhưng cũng không có nghĩa vĩnh viễn bị chôn vùi, Taklimakan có quá nửa diện tích là sa mạc lưu động, cùng với những dải sa mạc bị gió thổi bạt đi, không biết sau bao năm nữa chúng sẽ lại ngoi lên hứng ánh mặt trời.
Hách Ái Quốc đang chỉ huy mấy sinh viên đào pho tượng đá ở góc tường, đã đào được đến phần đùi của pho tượng, mọi người đều xúm lại xem, chỉ có lão Anliman tranh thủ sức gió yếu dần, chạy ra trông lũ lạc đà nấp dưới tường thành.
Tôi lục túi lấy ít lương khô, vừa ăn vừa xem mọi người đào cát, theo đoàn khảo cổ vào sa mạc lần này, ngoài muốn xem xem có mộ cổ lớn nào không, tôi cũng muốn học một ít kinh nghiệm khảo cổ từ những chuyên gia này nữa.
Họ sợ làm hỏng những nét điêu khắc trên thân tượng, chỉ lấy xẻng công binh gạt cát phía ngoài, sau đó dùng xẻng bằng và chổi làm sạch từng tí một, đào lên được phần nào, làm sạch luôn phần ấy, đồng thời còn ghi chép rất tỉ mỉ nữa.
Giáo sư Trần thấy tôi đã tỉnh, liền gật đầu chào, xem ra sức khỏe của ông đã không còn ái ngại nữa. Ông bảo tôi giờ để mấy đứa học trò luyện tay luyện mắt một chút, thêm ít kinh nghiệm thực tập, học lý thuyết tuy quan trọng nhưng nghề khảo cổ này, thực tập tại hiện trường cũng quan trọng không kém, nhìn nhiều, tiếp xúc nhiều, động tay động chân nhiều ở hiện trường, mới có cảm giác trực quan, kết hợp với lý thuyết sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Chưa được một chốc, mấy sinh viên đã làm sạch xong phần bệ tượng, tôi lần đầu tiên nhìn thấy loại tượng người đá mắt lớn này, bức tượng mặc quần áo người Hồ, hai cánh tay buông xuống, trên mình chạm khắc rất nhiều hoa văn, như thứ kinh văn Mật Tông gì đó. Theo giáo sư Trần, những văn tự này xưa nay chưa được giải mã, nhưng theo sự mở rộng của lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ mấy năm gần đây, các chuyên gia cho rằng đây có lẽ là một loại kí hiệu hay ám hiệu nào đó, ghi chép những thông tin về tôn giáo cổ xưa. Còn về việc vì sao lại khắc những kí hiệu này lên thân tượng, thì có lẽ liên quan đến việc cúng tế. Nhưng các tư liệu liên quan, các bức bích họa và cả sử sách đều không thấy ghi chép, đến nay tất cả cũng chỉ là suy đoán mà thôi.
Táp Đế Bằng ngồi bên cạnh nghe giáo sư giảng giải, cung kính hỏi: "Thưa giáo sư! Bức tượng đá này có tạo hình khác xa so với người thường, em cảm giác có thể thời cổ đại có một dạng tôn giáo sùng bái người ngoài Trái Đất, sau khi họ thấy người hành tinh khác tới, thì tưởng họ là Chúa trời, rồi tạo ra một loạt bức tượng kiểu này để lễ bái, những kí hiệu trên mình bức tượng này, có thể là một dạng ngôn ngữ của người ngoài Trái Đất."
Hách Ái Quốc lập tức phê bình: "Cậu Bằng này, ngày thường cậu học hành chểnh mảng, bảo cậu bao nhiêu lần rồi, cậu là đứa thông minh, nhưng tư duy không được lệch, lại còn lôi cả người ngoài hành tinh ra nữa, cần phải nghiêm túc đối với lịch sử, đối với ngành khảo cổ!"
Giáo sư Trần không hề bực tức, ngược lại còn nở một nụ cười hiền hòa: "Có trí tưởng tượng không phải xấu, thanh niên trai tráng, đầu óc nhanh nhạy, thế là rất tốt. Đoàn kết khẩn trương, nghiêm túc hoạt bát, không hề mâu thuẫn đâu nhé! Có điều, chúng ta làm công tác khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, thì nhất định phải tuân thủ một nguyên tắc, đưa ra giả thiết táo bạo, nhưng phải chứng thực một cách cẩn thận. Trí tưởng tượng phải được xây dựng trên chứng cứ hiện thực, trí tưởng tượng mà thiếu chứng cứ thì không đáng tin cậy. Chúng ta lấy bức tượng mắt to này ra nói nhé, người cổ đại thích đoán may rủi họa phúc thông qua các hiện tượng thiên văn, cứ mỗi tối, họ lại dõi đôi mắt lên bầu trời sao, phải chăng họ hi vọng mắt mình có thể nhìn xa hơn nữa không? Khi tạc bức tượng này, liệu họ có gửi gắm ước vọng của mình vào đây không? Khả năng này là rất lớn, ở gò Tam Tinh, Tứ Xuyên cũng từng khai quật được một số pho tượng kiểu này, hai mắt dài lồi cả ra ngoài, nói theo kiểu bảo thủ, điều này rất có thể là một sự gửi gắm khát vọng tìm hiểu, khám phá thế giới của người xưa.
Tôi nghe đến đây, liền hết sức thán phục, đúng là trình độ của giáo sư có khác, không nói những lí lẽ đao to búa lớn, so với ông, anh Hách Ái Quốc kia vẫn chưa ăn thua.
Giáo sư Trần tiếp tục nói: "Người ngoài hành tinh mà cậu nói, không phải là không có khả năng tồn tại, nhưng không phải hễ nhắc đến họ lại nghĩ đến những câu chuyện khoa học giả tưởng được hư cấu trong tiểu thuyết nước ngoài, , thực ra sự ghi chép sớm nhất về người ngoài hành tinh, đã xuất hiện trong bích họa và bút kí của người Trung Quốc chúng ta. Từ bảy ngàn năm trăm năm trước, trong bích họa của bộ lạc nguyên thủy trên dãy Hạ Lan, đã xuất hiện hình vẽ những nhà du hành vũ trụ mặc quần áo du hành, đi ra từ một cái mâm tròn lớn, động vật và cư dân xung quanh đều chạy tán loạn khắp nơi, những điều này e rằng không phải loài người thuở ban sơ có thể tưởng tượng ra được, đó có lẽ là một bức bích họa mang tính ký lục, ghi chép lại một sự kiện, giống như một tai nạn to lớn đã xảy ra. Sự việc tương tự cũng được ghi lại trong đỉnh vạc của thời Hạ, Chu, và một số cổ thư khác... "
Lúc này, ông già Anliman đội gió đội cát, nhảy từ cái lỗ trên trần nhà xuống, thông báo với mọi người rằng cơn bão cát sắp kết thúc rồi, không đầy nửa tiếng đồng hồ nữa, trời sẽ nắng ráo, nhờ có Đức Allah phù hộ, cát đã sắp lấp đầykín bức tường bên ngoài, nếu gió thổi thêm hai tiếng nữa, chắc hôm nay chúng ta sẽ bị chôn sống ở đây mất.
Vốn dĩ mọi người vẫn có chút lo lắng, tuy thấy sức gió yếu dần, nhưng không biết bao giờ mới dứt, giờ có lời này của lão Anliman, thì đã hoàn toàn yên tâm. Mấy cô cậu sinh viên tiếp tục chăm chú nghe giáo sư Trần giảng, tôi ngồi bên cạnh đống lửa đun ấm trà, chuẩn bị cho mọi người uống xong rồi lên đường.
Trà vừa đun sôi, mấy người đang ngồi vây quanh bức tượng mắt to đột nhiên hét lớn, nhảy bật cả về phía sau, có người hét: "Ối... sao lắm kiến thế?", người thì gào lên:"Ối mẹ ơi, ở đây cũng có này!"
Tôi vội chạy lại xem sao, chỉ thấy nấm cát dưới chân bức tượng bỗng sùi lên một bọc lớn, rồi tuôn ra như suối những con kiến bự, có người dùng xẻng đập, một nhát chết hàng trăm con, nhưng cùng lúc ấy dưới cát lại đùn lên hàng nghìn con. Nhung nhúc nhung nhúc, nhìn sởn hết da gà.
Ban đầu cứ tưởng bọn họ đào cát, đào phải ổ kiến, nhưng giờ lập tức phát hiện ra không phải vậy, dưới đất xuất hiện mười mấy cái ổ lớn, càng ngày càng nhiều kiến trong đó bò ra, con nào con nấy đều thân mình đen bóng, đuôi đỏ chót, hai màu đen đỏ, cứ như vỡ đê, nước thủy triều tuôn ra ồ ạt.
Lão Anliman chỉ nhìn một cái rồi vội quay ngoắt đầu chạy ra ngoài, bọn Tuyền béo vẫn định dùng xẻng công binh đập tiếp, trong nháy mắt, lũ kiến đã nhiều đến nỗi trở tay không kịp.
Shirley Dương là nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic, đã đi nhiều nơi, hiểu biết cũng rộng, chỉ nghe giọng cô cuống quýt gọi mọi người: "Mọi người mau trèo khỏi đây ra ngoài ngay, đấy là kiến lửa sa mạc, chậm nửa bước thôi chúng sẽ gặm ta thành xương đấy!"
Hàng vạn con kiến lửa sa mạc đã dồn đầy nửa phòng, dưới đất vẫn không ngừng đùn lên nhiều hơn nữa, mà không chỉ có dưới đất, trên rường nhà, trong vách tường, đâu đâu cũng có kiến bò ra. Giáo sư Trần và Diệp Diệc Tâm mấy người khiếp hãi đến run rẩy hai chân, chẳng thể tiến lên được nửa bước.
Chớ nói tới mấy tay trí thức, ngay cả tôi và Tuyền béo thế này mà vẫn run cả người, lũ kiến lửa sa mạc kia thực quá đáng sợ, không chừng bộ xương người trong căn phòng này cũng chính là kiệt tác chúng để lại, thảo nào mà không còn tí da thịt gì.
Tôi cố gắng trấn tĩnh, nhìn mọi người chung quanh, phát hiện lão Anliman lại bỏ chạy trước, lão già quỷ quyệt này, hễ thấy có nguy hiểm là chạy tót đi ngay, thế mà tối qua còn thề thốt bảo sẽ cùng mọi người đồng cam cộng khổ.
Xem chừng những cú đập bằng xẻng công binh đã không thể ngăn chặn nổi lú kiến lửa sa mạc ồ ạt như nước thủy triều này được nữa, tôi đá tung đống lửa đang đun trà lên, dốc nửa bình nhiên liệu rắn ra, tạo thành một bức tường lửa trong phòng, bầy kiến chạm phải tường lửa lập tức bị cháy sém, trong giây lát chặn đứng được khí thế lấn át của chúng.
Lũ kiến quá đông, lại lao thẳng vào tường lửa với một tinh thần quyết tử, hòng lợi dụng số lượng để dập tắt ngọn lửa, may mà nhiên liệu rắn có sức cháy rất mạnh, có điều việc lũ kiến tràn lên dập lửa cũng chỉ còn là chuyện sớm muộn mà thôi.
Tranh thủ chút thời gian này, chúng tôi nhặt lấy những hành lý trang thiết bị có thể nhặt được, vừa kéo vừa lôi, chạy cả ra khỏi căn nhà nát, gió cát bên ngoài còn rất nhỏ, chỉ thấy mấy trăm con dê vàng, lạc đà hoang, sói sa mạc, chuột sa mạc và thằn lằn sa mạc con nào con nấy chạy loạn xạ trong đống đổ nát. Không chỉ có căn phòng chúng tôi trú chân vừa nãy, mà giờ rất nhiều chỗ khác cũng đều đùn lên hàng vạn kiến, một số con vật chạy chậm, lập tức bị cơn lú kiến nuốt gọn.
Trong miệng kiến lửa sa mạc có rất nhiều axit sinh học, hàng ngàn hàng vạn con cùng xông lên gặm nhấm, thì đến cả voi cũng chẳng chịu nổi, dê vàng và sói sa mạc ngã xuống đất ràm rạp, sau khi lũ kiến đi qua, chỉ còn trơ lại một đống xương trắng.
Số lượng lũ kiến lửa sa mạc trong thành này đâu chỉ triệu con, dường như cả tòa thành cổ là một tổ kiến khổng lồ, chúng tôi bị vây khốn trên nóc nhà, chỉ còn biết vung xẻng công binh đánh bay những con kiến bò lại gần xuống.
Dưới tường thành phía xa, lão Anliman đang vội vã cởi bỏ sợi dây thừng cột chặt đoàn lạc đà, tôi ném cây súng cho Tuyền béo: "Bắn vào mũ của lão!"
Tuyền béo giơ khẩu súng lên, không hề chần chừ, nhằm thẳng vào lão Anliman và lẩy cò, "đoàng" một tiếng, chiếc mũ da của lão Anliman bị đạn hất bay lên không, lão già sợ rụt cả cổ, quay đầu lại nhìn mọi người đứng trên nóc nhà.
Tôi quát lớn: "Lão già kia! Lão mà dám bỏ chạy, phát súng thứ hai sẽ bắn vào mông lão, Hutai chắc chắn không có ý kiến gì đâu."
Lão Anliman rối rít khua tay, tỏ ý không bỏ chạy nữa. Nhưng dưới nhà đã ngập đầy lũ kiến lửa, chúng tôi tạm thời không xuống được, đương lúc bối rối, bỗng thấy một bức tường đổ rầm xuống, một con kiến to bằng con dê từ phía sau bò ra.
Đây chính là kiến chúa, trên thân nó mọc sáu đôi cánh lớn trong suốt, có lẽ do cơn bão sa mạc đã kinh động đến con kiến chúa ẩn mình trong chốn thâm cung, nó đang chuẩn bị di chuyển.
Thấy thanh thế của con kiến chúa, thành viên trong đoàn khảo cổ ai nấy mặt mày biến sắc, Shirley Dương hô lên: "Đánh rắn đánh dập đầu! Mau bắn chết con kiến chúa đi!"
Tuyền béo vỗ vào khẩu súng hoi thể thao mấy cái, cuống quýt giậm chân: "Nòng súng này nhỏ quá, mẹ kiếp, bắn không nổi." Tuy nói như vậy, nhưng cậu ta vẫn nổ súng bắn hết đống đạn còn lại vào con kiến chúa.
Tôi gỡ tấm khăn dùng chắn gió cát xuống, bọc hết đống nhiên liệu rắn còn thừa lại, lấy bật lửa đốt một góc của chiếc khăn, làm lựu đạn cháy ném xuống con kiến chúa bên dưới.
Chiêu này thế mà lại đạt được kì tích, lửa cậy sức gió, đã phủ kín toàn bộ cơ thể con kiến chúa khổng lồ, nó đau rát, giãy giụa lăn tròn trên bãi cát, càng lăn ngọn lửa càng lớn. Loại nhiên liệu nén thành thể rắn này, chỉ cần một miếng nhỏ thôi đã có thể cháy mười mấy phút, huống hồ là hơn nửa thùng, cũng phải xấp xỉ một ki lô gam. Lửa ngày một lớn hơn, lũ kiến bốn phía xung quanh như vỡ tổ, nhao nhao cắm cổ lao về chỗ kiến chúa, hy vọng có thể dựa vào số lượng đông đảo dập tắt ngọn lửa.
Tôi thấy cơ hội đã đến, liền vẫy tay bảo mọi người, đoạn vác xẻng công binh nhảy xuống trước đánh đuổi vài con kiến lửa sa mạc lẻ tẻ đi. Sở Kiện to khỏe cõng lấy giáo sư Trần, bọn Hách Ái Quốc, Diệp Diệc Tâm dìu dắt lẫn nhau , Tuyền béo cắt đoàn ở phía sau, đoàn người lao ra khỏi lỗ hổng.
Bấy giờ lão Anliman đã khống chế được lũ lạc đà bị kinh hãi, mọi người leo lên mình lạc đà, thúc chúng chạy ra khỏi thành, xung quanh chốc chốc lại có những con thú hoang chạy băng qua, ngày thường mà đụng phải nhau thế nào cũng quyết một phen sống mái, lúc này thì con nào lo thân con ấy, tất cả đều bỏ chạy thục mạng.
Đoàn lạc đà chạy được mấy trăm mét, tôi quay đầu lại nhìn, đã chẳng còn thấy đống di tích đổ nát của thành cổ đâu nữa. Như những đợt sóng biển rặt màu đen đỏ chồm lên ập xuống, vô số kiến lửa sa mạc cuồn cuộn nổi lên khỏi mặt đất. Có điều chỉ cần không bị chúng bao vây thì chẳng còn nguy hiểm gì nữa.
Lão Anliman giải thích rằng lão định chạy ra trước, cởi dây thừng cột lũ lạc đà, nếu không lũ kiến sẽ gặm chúng chỉ còn trơ xương, lúc ấy thì chúng ta có muốn bỏ chạy cũng chẳng thể chạy thoát, chứ không phải lão đây định chạy trước.
Tuyền béo không tin, trỏ ngón tay cái vào khẩu súng trên lưng: "Lão đừng lải nhải với tôi làm gì, sau có muốn giải thích thì đi mà giải thích với khẩu súng này này!"
Lý do của lão Anliman dường như rất thuyết phục, cũng không thể nào nhận định rằng lão đã bỏ mọi người để bỏ trốn một mình, về sau ở noi sa mạc này còn có nhiều chỗ cần đến lão, tôi không muốn vì việc này mà đôi bên trở mặt, vậy nên ngăn ngay Tuyền béo, không để cậu ta nói thêm nữa.
Tôi nói với lão Anliman: "Chúng ta cùng gặp lạc đà trắng trong cõi sa mạc này, lại thoát khỏi vòng vây của kiến lửa sa mạc, đó đều là ý của Hutai. Hutai cho rằng chúng ta là anh em, là những tín đồ trung thành, cho nên chúng tôi tin ông, kẻ phản bội anh em và bè bạn, ắt sẽ bị Hutai trừng phạt."
Lão Anliman rối rít bảo phải: "Lạy Đức Allah, Hutai là bậc chân chúa duy nhất. Chúng ta mà, đều là anh em bè bạn tốt nhất, tốt nhất của nhau mà, Đức Allah nhất định sẽ bảo vệ cho chúng ta mà."
Bản nhạc không dài không ngắn có xen những thanh âm kinh hãi đến đây kể như kết thúc, nhưng ai biết được ở thành cổ Tây Dạ tận sâu trong biển cát kia, còn có những rắc rối gì chờ đợi chúng tôi, tôi vẫn gắng nghĩ cách để khuyên đoàn giáo sư Trần quay trở về.
Chúng tôi cách di chỉ Thành cổ Tây Dạ còn chưa đến nửa ngày đường, gió đã lặng đi, vầng dương như quả cầu lửa treo giữa tầng không. Đi trong sa mạc, điều quan trọng nhất là phải giữ cho mình có đủ nước, đi đường ban ngày vốn là điều tối kị, nhưng lượng nước của chúng tôi vẫn còn đủ, đến thành Tây Dạ lại có thể bổ sung nước ngọt, thế nên chúng tôi vẫn đội cái nắng gay gắt như lửa tiến sâu vào sa mạc.
Ban ngày, cảnh sắc sa mạc cũng có vẻ đẹp riêng, thời thượng cổ, quá trình vận động dãy núi Himalaya đã hình thành nên bồn địa Tarim, địa hình của cả vùng Tân Cương giống như chiếc bát lớn, trong bát đựng đầy hạt cát vàng óng, còn đoàn chín người với mười chín con lạc đà chúng tôi thì quả thực quábé nhỏ, so ra còn chẳng bằng một phần mười nghìn của một hạt cát trong đống cát vàng đựng trong chiếc bát này.
Sa mạc mênh mông, không bờ không bến, nếu không có những vết chân trải dài phía sau, thậm chí còn chẳng thể nhận ra mình đang không ngừng tiến lên phía trước, thế mới biết những nhà thám hiểm một mình tiến vào sa mạc Gobi đáng phục nhường nào, có lẽ một mình lang thang trong vòm trời đát, họ mới có thể hiểu được ý nghĩa chân chính của cuộc sống. Âu khâm phục tìh khâm phục thật, song cả đời tôi sẽ không bao giờ có ý định làm như vậy, cuộc sống tập thể vẫn thích hợp với tôi hơn.
Bọn Táp Đế Bằng tính rất hiếu kì, vừa đi vừa đòi Shirley Dương kể về loài kiến lửa sa mạc, Shirley Dương cũng chưa từng tận mắt nhìn thấy bọn này, chỉ thấy những xóm làng sau khi bị lũ kiến tấn công, đều bị gặm cho trơ ra xương trắng, thê thảm vô cùng.
Loài kiến này còn được gọi là kiến quân đội, bởi chúng vốn có tính tổ chức và kỷ luật cao độ, lấy kiến lính làm chủ, so sánh với quân đội của loài người, ngoài khả năng sử dụng hỏa lực và máy móc ra, khả năng tổ chức điều hòa quân đội của con người dẫu được huấn luyện thế nào, căn bản vẫn không thể so được với chúng.
Bọn họ vừa đi vừa nói, đồi cát dưới chân chốc thấp chốc cao, độ mấp mô lớn chưa từng thấy, lão Anliman nói dưới những gò cát chằng chịt này đều là những phố xá cổ bị cát vàng nhấn chìm, lão đẫn mọi người đi lên đồi cát cao nhất, rồi trỏ tay về phía Nam bảo, đó chính là trạm trung gian của chúng ta, di chỉ thành cổ Tây Dạ.
Tôi giơ ống nhòm lên, nhìn về phía Nam, giữa biển cát mênh mông hiện lên một ốc đảo, thu gọn trong tầm mắt.
Ốc đảo trong sa mạc, tựa như hòn lam bảo thạch đính trên bàn cờ dát vàng, xa xa nhìn lại, một tòa thành đen xạm sừng sững giữa vùng.
Di chỉ thành cổ Tây Dạ được bảo tồn tương đối tốt, niên đại của tòa thành này, cũng khá lâu đời, mãi đến tận cuối thời Đường mới bị ngọn lửa chiến tranh hủy hoại, hoang phế đến tận ngày nay. Đầu thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Đức đã phát hiện ra nơi này, phần lớn các bức bích họa, tượng điêu khắc cùng các văn vật có giá trị nghệ thuật khác đều bị họ mang đi hết sạch.
Giữa sa mạc chỉ trơ lại một tòa thành trống rỗng, dòng sông Khổng Tước cổ xưa nhất đến đây là dừng. Vì từ xưa tới nay, quanh năm bốn mùa đều có mạch nước ngầm chảy dưới mặt đát trong thành, thế nên từ lâu nơi đây đã trở thành một điểm cấp nước quan trọng cho những vị lữ khách trên sa mạc.
Đoàn lạc đà rời đồi cát, chậm rãi tiến về phía ốc đảo, lão Anliman bàn bạc với chúng tôi, đến thành Tây Dajnghir ngơi hai hôm rồi hẵng tiến vào sa mạc đen, tiến vào rồi thì khó mà quay trở lại, mấy hôm nay lũ lạc đà cũng đã kinh hãi ít nhiều, lại phải thồ hàng đống hành lý, nhất thiết phải cho chúng dừng chân lấy sức mới có thể tiếp tục xuất phát.
Lời này vừa đúng ý tôi, tôi chỉ mong dừng lại thêm vài ngày, còn dễ kiếm cớ khuyên đoàn khảo cổ quay trở về, khỏi phải kiếm tìm thành cổ Tinh Tuyệt gì nữa, đào hai ba cái hố ở gần đó là được rồi, cần gì mệt mỏi. Gần đây tôi càng ngày càng cảm thấy lực bất tòng tâm, nếu cứ tiếp tục đi sâu hơn nữa vào trong sa mạc, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện lớn, đến lúc đó, e rằng sẽ chẳng may mắn như mấy lần trước nữa.
Tôi cho lạc đà bước chậm lại, đi song song với giáo sư Trần, nói với ông: "Giáo sư! Chúng ta tới thành Tây Dạ, cứ nghỉ dăm ba hôm, năm sáu hôm gì đáy rồi hẵng xuất phát có được không? Lão Anliman bảo bầy lạc đà đã mệt lử rồi, nếu không để chúng nghỉ ngơi cho đủ thì chúng ta chắc phải chuyển sang lái xe số 11 thôi."
Giáo sư Trần nghe không hiểu, hỏi lại: " Cái gì... số 11 cơ? Lái thế nào?"
Tôi đáp: "Giáo sư ơi có cái số 11 mà giáo sư cũng không biết à, tức là đi bộ bằng hai chân ấy." Nói đoạn tôi lấy hai ngón tay bắt chước dáng đi cảu hai chân, "Đây chẳng phải là số 11 sao?"
Giáo sư Trần cười lớn: "Chú Nhất ơi là chú Nhất, đâu ra cái từ mới mẻ thế? Thật là thú vị. Được rồi, chúng ta cứ ở trong thành chỉnh đốn mấy hôm, tôi cũng đang muốn khảo sát di tích tòa thành nổi tiếng này đây."
Trên đồi cát thấy ốc đảo cách chẳng bao xa, nhưng phải đi tận ba tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tường thành xây bằng đá đen, có chỗ đã bị sụt lở phng hóa, tổn hại hết sức nghiêm trọng, chỉ có tòa thành chính nằm ở giữa được xây hết sức kiên cố, đâu đó vẫn còn thấy được dáng vẻ huy hoàng năm xưa. Các công nhân giếng dầu, đoàn thám hiểm, đoàn thăm dò địa chất, từng đi ngang đây, đều tá túc lại trong tòa thành chính này, chỉ cần lấy đá chặn cửa vào là có thể yên tâm không bị lũ sói sa mạc tấn công.
Từ khoảng giữa thập kỷ bảy mươi, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng đều rầm rộ nổ ra phong trào diệt sói, những bầy sói lớn đã hoàn toàn tuyệt tích, còn lại chỉ có dăm ba con túm tụm thành một bầy, hoặc chỉ một con đi đơn độc, không đủ tạo thành mối đe dọa. Huống hồ chúng tôi đông người, lại mang theo súng ống, đương nhiên chẳng lo sợ gì lũ sói.
Bấy giờ đương mùa gió, nơi đây ngoài chúng tôi ra, không còn ai khác lai vãng, bèn tìm lấy một căn nhà rộng rãi trong thành, đốt lửa trại đun trà nấu cơm.
Tôi và lão Anliman tìm được cái giếng cổ trong thành, nghe nói mấy ngàn năm nay, giếng này chưa từng cạn nước, lão Anliman bảo đây là thần tích của Hutai, tôi không có ý kiến gì hết. Lấy thùng da múc lên một thùng nước giếng, giếng rất sâu, thả sợi dây thừng dài tới mấy mươi mét mới nghe thấy tiếng thùng va xuống nước, sau khi kéo lên tôi uống trước một ngụm, dòng nước mát lạnh, thấm vào tim gan, bao cái nóng nực vì bị ánh mặt trời chiếu gắt trong sa mạc bỗng chốc tan biến, trong lòng lâng lâng một cảm giác thư thái chẳng nói được lên lời.
Mười chín con lạc đà được bố trí cho nằm bên cạnh giếng, để con nào con nấy uống nước no nê xong, lại đem muối và bánh đậu cho chúng ăn, sau đó tôi và lão Anliman múc lên hai thùng nước giếng lớn đem vào gian nhà đoàn khảo cổ đang nghỉ ngơi.
Mọi người đã mệt nhừ tử, nằm xuống đất là khò khò ngủ luôn, có người trong mồm còn cắn nửa miếng bánh, mới ăn một nửa đã lăn ra ngủ rồi. Tôi không muốn làm kinh động tới họ, mấy hôm nay họ đã chịu khổ chịu sở đủ rồi.
Đun một nồi nước lớn, bấy giờ mới gọi đám người giáo sư Trần dậy, bắt họ phải dùng nước nóng ngâm chân, bóc các mảng da tróc ra. Sau khi mọi việc đâu vào đó, tôi mới đi ngủ, nằm mê man chẵn một ngày một đêm, cuối cùng thì thân xác mệt nhoài cũng được phục hồi trở lại, buổi tối mọi người ngồi quây quần bên nhau nghe Tuyền béo nói bốc.
Tuyền béo mồm mép như tép nhày, kể cho mọi người nghe trong rừng già Đông Bắc sản vật phong phú thế nào, sơn hào mỹ vị ngon ra làm sao, đâu có như cái sa mạc này, toàn cát là cát, lại có gió to, bắt dê vàng ăn một miếng đã thấy mồm đầy những cát. Đặc biệt là vùng Đại Tiều Hưng An Lĩnh, thứ gì ngon cũng có, từ xưa đã có câu nói thế này "Khua gậy đánh hươu, gầu múc cá. Gà rừng tự động nhảy vào nồi". Mọi người có tưởng tượng được cuộc sống tự do tự tại của những thợ săn là thế nào không?
Mấy sinh viên còn non nớt, nghe Tuyền béo nói cứ tin sái cổ, Táp Đế Bằng hẩy gọng kính trên sống mũi, tò mò hỏi: "Đại ca Tuyền này, cái gì mà khua gậy đánh hươu thế? Dùng gậy đánh à?"
Tuyền béo đáp: "Bốn mắt ơi! Thấy cậu ham học, tôi nói cho cậu biết vậy, tức là bảo cậu ở trong rừng, cầm gậy khua bừa một cái, là đập chết một con hươu, ra sông múc nước, cứ vớt bừa một cái, thế nào cũng vớt được con cá to, ý bảo là sản vật dồi dào mà!"
Shirley Dương hừm một tiếng, tỏ ra hết sức coi thường câu chuyện của Tuyền béo: "Sa mạc cũng có cái hay của sa mạc chứ, chủng loại động thực vật trên sa mạc đâu có ít hơn trong rừng, vả lại sa mạc Taklimakan tuy nằm ở nơi thấp nhất bồn địa, nhưng xét ở một góc độ nào đó, nơi đây chính là đỉnh cao của nền văn minh cổ đại, còn trong khu rừng kia ngoài hươu nai, gấu chó ra còn có gì nào?"
Tôi sợ bọn họ xảy ra chiến tranh, liền bảo trong phòng có phụ nữ, anh em mình ra ngoài kia hút điếu thuốc, vừa nói vừa kéo Tuyền béo ra ngoài.
Trên trời trăng sáng như vẽ, sao giăng tựa gấm, soi khắp mặt đất một màu sáng bạc, tôi châm cho Tuyền béo một điếu thuốc, khuyên cậu ta nhường nhịn Shirley Dương một chút. Tuyền béo bảo tôi cậu ta đương nhiên không cháp cô ta, chuyện người Mỹ bọn họ không hiểu, chúng ta cũng không hiểu hay sao, huống hồ cô ta lại là phận nữ nhi, nếu là đàn ông con trai, thì đã vặn cổ y xuống đá bóng từ lâu rồi.
Tôi cười rằng: "Đúng thế, đúng thế, cậu xem cậu là ai chứ! Tè một bãi cũng thủng cả đất, là bậc quân tử thì phải độ lượng, đừng có vặn cổ em Shirley Dương làm gì, nếu thế thì tiền công của mình đòi ai đây? Hai mươi nghìn đô, con số không nhỏ đâu nhé!"
Cười nói vài câu, tôi ngẩng đầu nhả một vòng thuốc tròn vo trên không, chỉ thấy giữa trời, ba sao Cự Môn, Tả Phụ, Hữu Bật lấp lánh, sắp thành hình tam giác đều, vùng trung tâm có sao Thái Dương, Thái Âm cùng xuất hiện, đúng là thế Càn Giáp Kim Cát.
Trước đây tôi chưa từng nghiên cứu môn phong thuỷ thiên tinh, chỉ vì nhảy vào đoàn khảo cổ kiếm mấy đồng mới cắm đầu cắm cổ đọc qua vài lần, giờ nhìn bầu trời, nội dung của chương chữ Thiên trong quyển Bí thuật phong thủy lập tức hiện lên trong đầu tôi.
Tôi vội chạy về phòng lấy la bàn, leo lên nóc toà thành, đối chiếu các vì tinh tú trên trời, nơi cát tinh bao phủ, chính là chỗ cái giếng cổ trong thành. Đây là lần đầu tiên tôi thực hành coi phong thủy thiên tinh, cũng không cầm chắc, nhưng quá nửa là không thể lầm được, cuốn Thập lục âm dương phong thủy bí thuật của nhà tôi đâu phải sách tầm thường. Vậy thì ở gần mạch nước dưới đất thế nào cũng có mộ cổ? Các thế mồ mả cũng có thế ôm nước, nhưng liệu có gần quả hay không?
Bất kể thế nào, đây cũng là một phát hiện trọng đại, tôi phải báo việc này với đoàn khảo cổ, tốt nhất là họ phát hiện được gì đó ở đây, có thu hoạch, đại khái sẽ không nằng nặc đòi tiến vào sa mạc đen nữa.
Nghe tôi nói, giáo sư Trần lấy làm mừng rỡ, liền dắt học trò chạy bổ ra, chỉ chực chui xuống giếng nhìn ngó xem sao. Thành giếng và dây thép đều là do sau này sửa sang vào, chứ dây gầu và thành giếng trước kia thì chẳng biết đã bị huỷ từ đời nào rồi.
Tôi bàn bạc với Shirley Dương, giếng rất sâu, có thể mắc khoá an toàn, đu người xuống dưới xem rốt cuộc có thứ gì.
Vậy thì chỉ có thể là tôi xuống rồi. Phía dưới tuy có mạch nước, nhưng tôi vẫn không dám sơ ý, bèn đeo mặt nạ phòng độc, cầm theo đèn pin, còi, xẻng công binh, dao găm, rồi ngầm giấu móng lừa đen và bủa Mô Kim vào người, tôi rờ tay kiểm tra độ chắc chắn của dây thừng, bàn cách liên lạc, nếu đèn pin chiếu lên trên xoay ba vòng, người bên trên thấy thì phải dừng thả dây; soi xoay tròn lần thứ hai thì kéo dây lên, để đề phòng bất trắc, tôi còn cầm cả còi, nếu mọi người không thấy tia sáng phát ra từ đèn pin, thì tôi sẽ dùng còi liên lạc.
Đang giữa đêm, ngoài ánh đèn pin ra, dưới giếng tuyền một màu đen kịt, ngẩng đầu lên cũng chẳng rõ miệng giếng ở chỗ nào, càng xuống càng sâu, nhiệt độ của sa mạc về đêm lại rất thấp, lại cộng với độ ẩm trong giếng cao, khiến người ta cảm thấy lạnh thấu tận xương.
Vách giếng trơn tuột, khó mà bám chân, nghe nói niên đại của cái giếng này còn lâu đời hơn niên đại của thành Tây Dạ, tức là cái giếng này có trước, sau đó mới có thành Tây Dạ. Bỗng đâu một luồng gió lạnh thổi tới, tôi vội lấy đèn pin ra soi, thấy trên vách giếng có một cánh cửa đá.
Tôi ngẩng lên huýt còi và khua đèn pin, chỗ này cách miệng giếng không xa lắm, chỉ độ mười lăm, mười sáu mét, nói lớn tiếng, người bên trên đã có thể nghe thấy. Mọi người nhận được tín hiệu, lập tức ngừng thả dây thừng, tôi vừa vặn cheo leo ở chỗ thấp hơn cửa đá một chút.
Gió lạnh thổi ra từ trong khe cửa đá này, tôi lấy tay đẩy một cái, cảm giác cánh cửa rất dày, không có khoá đá hay then đá, khe cửa tuy lớn, nhưng không đẩy ra được, phài dùng xà beng mới mở ra được.
Tôi thấy không vào được, liền phát tín hiệu lần thứ hai, bảo họ kéo tôi lên. Tôi kể lại tường tận một lượt tình hình dưới giếng, giáo sư Trần cứ lấy làm lạ: "Kỳ quái thật! Đây có lẽ không phải là lăng mộ, chắc là một con đường ngầm gì đó, làm gì có mộ nào xây bên giếng, lại còn để lối vào kì bí như vậy nhỉ?"
Tuyền béo vỗ ngực nói: "Kệ xác là cái gì, đoán già đoán non loằng ngoằng, chúng ta cứ vào là biết ngay. Mọi người thả tôi xuống, tôi cậy cửa ra cho!"
Tôi đáp: "Thôi được rồi, nếu xuống thì vẫn để tôi cầm xà beng xuống, cậu nặng quá, ngộ nhỡ đứt dây, bọn tớ lại phải xuống vớt."
Lần này chúng tôi làm cái thang dây, như vậy sau khi cửa đá mở ra, ai muốn xuống cũng có thể bám dây thừng leo xuống, cuối cùng quyết định người xuống gòm giáo sư Trần, Shirley Dương, Táp Đế Bằng và tôi, tổng cộng bốn người, Tuyền béo và những người khác ở cả bên trên.
Vẫn là tôi xuống trước, dùng xà beng cậy cửa ra, xem chừng cánh cửa này trước đây thường xuyên được đóng mở, nếu không khe cửa đã chẳng to như vậy, có điều mấy trăm năm trở lại đây có thể chưa được mở lại lần nào, ở trên thang dây không có chỗ tựa để dùng sức, muốn mở cái cửa này thực sự tốn sức lắm.
Sau cánh cửa đá là một lối đi bằng đá gạch, rộng rãi bằng phẳng, bên trong sâu tối đen hun hút, tôi vẫy tay gọi mấy người bên trên xuống, rồi kéo từng người vào trong.
Shirley Dương phát một loại thuốc viên cho mọi người, bảo để dự phòng khi thiếu oxi, đeo mặt nạ phòng độc lên nữa, lúc đi vào bên trong sẽ không có gì sơ suất cả.
Bốn người tiến vào trong chừng năm mươi mét, lần lượt đi qua hai cánh cửa đá, cánh cửa cuối cùng đóng rất chặt, bên trên còn khắc nổi những con thú kì lạ không biết tên là gì, trên khe cửa có dán một lớp da thú, phải dùng xẻng bằng cứa ra mới mở được cửa.
Đi sâu tận cùng, là bước vào một căn phòng bằng đá rộng rãi khô ráo, diện tích chừng đến sáu bảy mười mét, cao ba mét, bốn người đứng ở bên trong không hề cảm thấy bức bí chút nào.
Không gian tuy rộng rãi, nhưng bầu không khí lại chẳng nhẹ nhàng, mặt đất chất đầy xương trắng, không tìm được chỗ đặt chân, đống xương kia đều là xương động vật, mún xốp, giẫm xuống là vụn, bốn phía xung quanh lại có đến mấy mươi cây trụ gỗ dựng đứng, phía trên trói ngững thi thể khô đét, trông thể hình đoán chừng toàn là những chàng trai trẻ.
Ba người tôi, giáo sư Trần và Shirley Dương đều là người từng trải, chỉ cảm thấy nơi này quỉ quái, chứ không thấy sợ sệt gì, chỉ có Táp Đế Bằng thấy nhiều xác khô như vậy, sợ hãi không nói được câu nào, giáo sư đi tới đâu, cậu ta theo đến đó, không rời nửa bước.
Shirley Dương nhìn kĩ những cái xác khô, than thở: "Thật thảm thương quá! Họ đều là những nô lệ hoặc là kẻ tù tội bị đem đi tuẫn táng đây mà, thật quá dã man!"
Giáo sư Trần nói với mọi người: "Xem ra nơi đây là nơi tiến hành cung tế một người rất quan trọng, đây là phong tục của nước Cô Mặc thời cổ đại, những người này đều là tội phạm, bị trói phơi ở sa mạc cho đến khi chết khát, hoàn toàn khô đét, mới đem đặt ở trong đây, sau đó lại chém giết động vật lấy máu tưới lên trên mình những xác khô này. Chúng ta tìm tiếp xem, trong đây thế nào cũng có gian mộ."
Chúng tôi đi một vòng, tìm khắp chỗ, bốn mặt đều là vách đá, gõ tay mấy cái, rõ ràng là ruột đặc, bên trong chắc không có không gian nào khác.
Vẫn là Shirley Dương tỉ mỉ, phát hiện ra dưới sàn có vấn đề, tôi gạt đống xương vụn ra, phía dưới liền lộ ra một phiến đá chạm khắc phù điêu, hai đầu còn có hai vòng kéo.
Tôi gọi Táp Đế Bằng lại giúp kéo phiến đá lên, thấy cậu ta run rẩy lập bập, tôi đến phì cười, đành cho cậu ta theo đường cũ trở lên, không lại sợ vãi ra quần ở đây mất, tiện thể gọi Hách Ái Quốc xuống đây luôn, anh chàng này nhất định sẽ rất hứng thú đối với ngôi mộ quái dị này.
Táp Đế Bằng như được ân xá, cuống quýt chạy về, giáo sư Trần vừa bực vừa buồn cười: "Ai dà, thằng nhóc này, nhát gan quá, không có chất làm khảo cổ chút nào!"
Tôi và Shirley Dương hợp sức kéo phiến đá dưới đất lên, kế đó vứt một cây pháo sáng xuống, chiếu rọi bên dưới, chỉ thấy đó là một hầm mộ rộng gần bằng căn phòng trên này, ở giữa có đặt một cỗ quan tài gỗ hình vuông, có điều quan tài có hơi khác so với quan tài ở nội địa, không có trang sức hoa văn, cũng không phải hình chữ nhật, mà vuông vắn đều đặn, trông như một chiếc hòm lớn.
Loại hầm mộ cùng với hình thức quan tài này chớ nói tôi chưa từng thấy, ngay cả kiến thức uyên bác như giáo sư Trần cũng chằng thể nhìn ra đầu cua tai nheo gì cả, đây e rằng là một hình thức mộ táng đã thất truyền của dân tộc nào đó thời cổ, chịu sự ảnh hưởng tương đối lớn của văn hoá Hán, nhưng không rập khuôn, mà pha trộn thêm rất nhiều nét văn hoá tự thân của họ, quả là thực hiếm thấy vô cùng.
Lúc này Hách Ái Quốc dẫn theo Sở Kiện chạy tới, anh ta vừa thấy tình hình bên trong, hai mắt liền phát sáng, đeo mặt nạ phòng độc vào, dẫn đầu nhảy xuống trước, xem chỗ nọ, ngắm chỗ kia, trông ra phía sau tíu ta tíu tít. Tôi trước giờ cứ tưởng anh ta là người nghiêm túc cổ lỗ, nào ngờ lúc này trông anh ta giống như một đứa trẻ con, cứ hoa chân múa tay, vò đầu bứt tóc suốt.
Chúng tôi cũng lần lượt xuống dưới gian mộ bên dưới, thoạt nhìn chung quanh, đều không ghìm nổi kêu "A!" lên một tiếng, bốn bức tường của gian mộ, toàn là những bức bích hoạ sặc sỡ, tinh tế vô cùng.
Giáo sư Trần nhìn một bức trong những bức hoạ ấy, xúc động nghẹn ngào: "Bức này ... sự kiện bức hoạ này ghi chép, có liên quan đến nước Tinh Tuyệt đây này... "
Thứ tôi muốn xem nhất là đồ tuỳ táng đáng giá, cỗ quan tài này không nhỏ, nói không chừng bên trong có thứ gì hay ho, tuy trước mặt mấy người giáo sư không thể thó đi được, nhưng cũng có thêr mở rộng tầm mắt. Lúc này tôi có cảm giác ngôi mộ quí tộc này còn xa hoa hơn ngôi mộ tướng quân ở Hắc Phong Khẩu nhiều.
Nhưng giáo sư Trần đang xem bích hoạ ở trên vách gian mộ, không để ý đến chỗ quan tài, tôi đành nhẫn nại chờ đợi, đứng nghe giáo sư Trần giảng giải cho mấy người kia nghe về nội dung bích hoạ.
Mấy bức phía trước chỉ ra rằng rõ ràng chủ mộ sinh thời là vương tử của nước Cô Mặc. Cô Mặc là nước phiên thuộc của Tinh Tuyệt, chịu đủ chèn ép, mỗi năm đều phải cống một lượng lớn châu báu, bò dê, nô lệ, vị vương tử này từng đi thỉnh cầu nữ vương nước Tinh Tuyệt cho thần dân của ông ta được tự do, đi cả thảy ba lần, nhưng đều không gặp được nữ vương.
Bức tranh này đại khái nói rằng ông không cam tâm, vị vương tử dũng cảm này là hoá thân của Thái dương Chiến thần, đã một mình lẻn vào Tinh Tuyệt hành thích nữ vương độc ác, nhưng lại phát hiện ra một bí mật vô cùng to lớn.
Tôi nghe một lúc rồi cũng bị lời kể của giáo sư Trần cuốn hút, tò mò không biết rốt cuộc đó là bí mật gì, vội chạy ra đứng cùng Shirley Dương và mấy người lắng nghe giáo sư giảng giải.
Giáo sư Trần bước đến cạnh một bức bích hoạ, xem xét kĩ lưỡng hồi lâu, rồi nói: "Bức này ý tứ rất là cổ quái, mọi người xem xem, trong tranh, vương tử nấp vào một góc nhìn trộm. Mặt của nữ vương Tinh Tuyệt trong tất cả các bức hoạ đều che bằng mạng mỏng, trong bức này chỉ nhìn thấy sau lưng, bà ta một tay vén mạng che mặt lên, người đối diện, hình như là nô lệ gì đó, liền biến thành một cái bóng... rồi biến mất?"
Tôi nghe thấy hồ đồ, đang định hỏi kĩ hơn, nhưng đã thấy Shirley Dương nói: "Nữ vương này là một... yêu quái."
"Yêu quái!?" giáo sư Trần nghe lời này sững lại trong giây lát, rồi nói với Shirley Dương, "hay đấy, thử nói cách nghĩ của cháu xem!"
Shirley Dương chỉ vào bức bích hoạ nói: "Vị hoạ sư vẽ bức bích hoạ này tay nghề rất cao, đường nét hoa lệ mà lại truyền thần, thuật lại những sự việc quan trọng trong đời của vị vương tử nước Cô Mặc này, tuy không có văn tự chú thích, nhưng vẫn rất rõ ràng khúc triết."
Tôi vừa nghe Shirley Dương phân tích vừa nhìn bức hoạ kĩ hơn, quả đúng như lời cô nói, trong bức hoạ từ nhân vật, phục sức, kiến trúc, thần thái đều sống động như thật, nếu hiểu văn hoá Tây Vực, có thể dựa vào những thông tin trong tranh mà nắm được một cách đại khái bối cảnh sự kiện bích hoạ miêu tả.
Shirley Dương tiếp tục trình bày: "Vừa nãy giáo sư có nói bức hoạ này khó lý giải nhất trong các bức bích hoạ ở đây. Nữ vương vạch tấm mạng từ đầu tới cuối vẫn che đi gương mặt của mình ra, nhân vật đối diện bà ta, liền hoá thành nét phác mờ. Tất cả các nhân vật trong bức hoạ đều được vẽ bằng bút pháp tả thực, duy có nhân vật đối diện với nữ vương Tinh Tuyệt là vẽ bằng nét mờ, chỉ phác hoạ đường nét thấp thoáng phía ngoại, chỉ dựa vào những đường nét này, chúng ta không thể xác minh được thân phận của nhân vật, chỉ có thể đoán nhân vật vẽ mờ này, đại loại là nô lệ hoặc thích khách gì đó, một kẻ địch mà nữ vương muốn trừ khử."
Tôi nghe đến đây liền buột miệng chêm vào một câu: "Cô Dương này, ý cô là... người trong tranh thấy mặt nữ vương, liền biến mất luôn?"
Shirley Dương đáp: "Cũng đại loại như vậy, nếu dùng lời của tôi giải thích, tôi sẽ nói đôi mắt của nữ vương nhìn vào người này, người này liền biến mất luôn."
Tôi lắc đầu cười gượng: "Người đang sống sờ sờ ra, nhìn một cái là biến mất luôn? Biệt tăm luôn? Việc này... việc này quá là... thật không thể hiểu nổi, thực không dám giấu tôi thấy không hiểu chút nào."
Giáo sư Trần tựa hồ như hiểu được ý của Shirley Dương, bèn tỏ ý bảo cô nói tiếp.
Shirley Dương nói: "Tôi vừa rồi tuy chỉ là suy đoán, nhưng không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Cha tôi sinh thời thích đọc một cuốn sách tên là Đại Đường Tây Vực kí, do cao tăng Huyền Trang đời Đường viết, tôi cũng từng xem qua mấy lượt, trong sách ghi chép rất nhiều các truyền thuyết thần thoại, nhưng cũng không ít là việc thực, trong đó có một thành trì, trong thành là nơi cư trú của một dân tộc đến từ lòng đất, bọn họ chinh phục và thống trị những nước nhỏ xung quanh. Sau mấy trăm năm, vương vị được truyền cho một nữ vương, tương truyền đôi mắt của vị nữ vương này, là con đường nối liền âm giới, bà ta chỉ cần nhìn kẻ địch một cái, đối phương sẽ lập tức biến mất tăm mất tích, và vĩnh viễn không thể quay trở lại, người bị biến mất đi đâu, e rằng chỉ có bản thân họ mới biết. Nữ vương thống trị rất hà khắc, bà ta bắt dân chúng ở các nước xung quanh, đều phải cung phụng bà ta như thần thánh, những kẻ phản kháng đều nhất loạt bị lột da xử tử, có lẽ hành động của bà ta đã làm cho đức Allah tức giận, nữ vương chưa hành hạ dân chúng được bao năm thì mắc phải bệnh lạ mà chết.
"Những nô lệ kia sợ nhất là nữ vương, bà ta vừa chết đi, bọn họ liền bắt tay với các quốc gia nhỏ bị nữ vương đè nén, tổ chức liên quân, tắm máu vương thành của nữ vương. Liên quân chuẩn bị phá huỷ lăng mộ của nữ vương, thì lúc ấy trời đất đổỉ màu, cơn gió cát đáng sợ đã nuốt chửng toàn bộ vương thành và liên quân, lăng mộ của nữ vương cùng vô số tài sản bà ta vơ vét được đều bị chôn vùi dưới lớp cát vàng. Qua mấy trăm năm sau, sa mạc lưu động, khiến vương thành lần nữa được trông thấy ánh mặt trời, một số lữ khách đi ngang qua đó, chỉ cần lấy bất kì món của cải nào trong thành, sẽ gây ra gió bão, khói bụi mù mịt, và rồi lạc đường, kẻ lấy châu báu của nữ vương sẽ vĩnh viễn không rời khỏi được nơi ấy."
"Nhưng thông tin về toà thành thần bí, nữ vương tàn ác và niên đại, bối cảnh đương thời đều không được ghi chép chính xác trong sách, hôm nay nhìn thấy các bức bích hoạ này, đối chiếu với truyền thuyết cổ xưa kia, không ngờ lại có nhiều chỗ hết sức giống nhau, khiến người ta có cảm giác đó không chỉ là truyền thuyết, có lẽ trong lịch sử phủ kín bụi mù kia, quả thực từng xảy ra những sự kiện như vậy."
Shirley Dương để mọi người xem tiếp mấy bức còn lại: "Sở dĩ tôi dám khẳng định, nữ vương trong bức hoạ lâ nữ vương Tinh Tuyệt, là bởi phục sức của người Tinh Tuyệt rất đặc biệt, còn cả kiến trúc và các đồ trang sức độc đáo khác, những thứ này đều là những thứ có sức thuyết phục nhất. Giáo sư! Anh Nhất! Mọi người tiếp tục nhìn thấy mấy bức bích hoạ phía sau này, chúng càng chứng minh suy luận của tôi là có thể tin cậy, ý tứ biểu đạt trong mấy bức hoạ này đều rất rõ ràng, vương tử hành thích nữ vương không thành, trở về nước vẫn bàn mưu tính kế tiếp tục tiêu diệt bà ta, bấy giờ vương tử gặp một thầy bói đến từ một đất nước xa xôi, thầy bói này bảo vương tử đem thuốc độc mạn tính đặc chế tẩm vào thịt dê vàng, sau đó đem tiến cống cho nữ vương. Quả nhiên không lâu sau đã nhận được tin nữ vương đột tử. Cùng lúc ấy, vương tử cũng bởi lao nhọc quá độ mà qua đời sớm, vương tử và người vợ yêu dấu của ông được hợp táng chung một chỗ. Thầy bói thiết kế một lăng mộ, an táng họ bên dưới đàn tế trong giếng thánh này."
Hoá ra đàn tế ở trên có trước, rồi mới xây dựng hầm mộ bên dưới, những sự kiện quan trong bích hoạ đều ăn khớp với những chi tiết ghi chép trong cuốn sách kia. Giáo sư Trần thấy Shirley Dương tuy là nhiếp ảnh gia, nhưng dù sao cũng xuất thân trong gia đình có truyền thống khảo cổ, hiểu nhiều biết rộng, bạn học cũ có đứa con gái như vậy, thực lấy làm an ủi lắm. Lúc này lại nhớ đến người bạn già mất tích trong sa mạc, bất giác nước mắt nhạt nhoà.
Shirley Dương nói với giáo sư: "Bác nên giữ gìn sức khoẻ, đừng quá đau buồn, lần này chúng ta thu hoạch không nhỏ, có những tiến triển mang tính đột phá trong tìm hiểu di tích Tinh Tuyệt, cháu tin rằng không lâu nữa, chúng ta nhất định có thể tìm được thành cổ Tinh Tuyệt. Cha cháu trên trời có thiêng, cũng có thêr nhắm mắt được rồi."
Tôi nghe mà rầu hết cả lòng, vốn tưởng tìm thấy ngôi mộ cổ này, sẽ khiến bọn họ quay đầu trở về, nào ngờ việc chẳng như mong muốn, tình hình thế này, có khuyên họ nữa cũng vô ích, sớm biết như vậy ngay từ đầu cứ giả vờ không thấy cho xong.
Tôi đột nhiên nhớ Shỉley Dương bảo nữ vương của nước Tinh Tuyệt là yêu quái, bèn hỏi: "Cô Dương này, tôi nhớ lúc trước lúc mấy người đàm luận có nhắc đến chuyện nữ vương Tinh Tuyệt là đệ nhất mỹ nữ của Tây Vực, những người con gái khác đứng trước bà ta, thì đều như trăng sao gặp phải mặt trời, lu mờ khuất lấp, giờ sao lại bảo bà ta là yêu quái thật, chúng ta đi tìm mộ yêu quái, chẳng phải là đến tìm cái chết hay sao?"
Shirley Dương trả lời: "Những điều đó chir toàn là truyền thuyết, cộng với suy luận của chúng ta, chứ không chắc đã có thể khẳng định đó là sự thực. Công việc khảo cổ là như vậy, các truyền thuyết, các ghi chép, cổ vật khai quật được, cộng với sự suy đoán của học giả, nội dung càng nhiều, càng tiếp cận được với chân tướng của lịch sử. Nhưng những gì chúng ta có thể làm, chẳng qua chỉ là tiếp cận chân tướng theo đường tiệm cận vô hạn, bất kì sự kiện lịch sử nào cũng sẽ chẳng thể nào được hoàn nguyên. Thời cổ đại, trình độ nhận thức của loài người đối với thế giới còn rất thấp, một số hiện tượng ngày nay coi là rất phổ biến, thì thời xưa đều bị khuếch đại lên thành yêu ma quỉ quái hay thần tích, cho dù ngày nay, khoa học phát triển cao độ, vẫn còn vô số hiện tượng chẳng cách nào lý giair bằng khoa học, tôi tin những hiện tượng đó không phải vì thực sự có thánh thần hay ma quỉ, mà chẳng qua vì lĩnh vực nghiên cứu của khoa học vẫn chưa đủ, năm tháng sau này, nhất định sẽ có thể tìm ra được đáp án của câu đố chưa thể giải được bằng con đường khoa học."
Tôi lại nói tiếp: "Vậy việc nữ vương Tinh Tuyệt trong chớp mắt có thể làm biến mất một con người, chuyện này ở thời buổi văn minh và khoa học rất phát triển như ngày nay, thì phải lí giải như thế nào?"
Shirley Dương đáp: "Anh Nhất, không biết anh có nghe đến sự kiện từng ầm ĩ một thời ở nước Mỹ không nhỉ. Ở trung tâm nghiên cứu hiện tượng và bệnh lí đặc thù tại bang Kansas Mỹ từng xuất hiện một bệnh nhân cực kì đặc biệt, đó là một bé trai mười hai tuổi, từ nhỏ đã có một năng lực kì dị, khi cậu ta nhìn chằm chằm một lúc lâu vào một vật thể có đường kính nhỏ hơn 5 mm, vật thể đó sẽ biến mất, tựa như bốc hơi trong không khí vậy. Hàng xóm coi cậu bé như một loại dị chủng, bảo cậu ta là yêu quái. Bố mẹ cậu bé cũng khốn đốn theo, nên rất hy vọng các cơ quan hữu quan của chính phủ có thể giúp họ chữa trị cho cậu bé."
Điều này quả thực là kì lạ, tôi trước giờ chưa từng nghe nói đến, chuyện trong nước Trung Quốc chúng tôi còn chẳng biết nhiều, huống hồ là chuyện lạ ở nước Mỹ, loại bệnh đó rốt cuộc là chuyện thế nào? Nghe ra thì thấy có vẻ giống nữ vương yêu quái kia, thế cuối cùng đứa bé đó có được chữa khỏi không?
Shirley Dương trả lời: "Trải qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra sóng não của đứa bé trai khác với người thường, thần kinh não và thần kinh thị giác của cậu ta sản sinh ra một loại năng lượng vận chuyển, loại năng lượng này kết nối với một không gian số ảo (vùng không gian không thể nhận tri). Khả năng đặc dị này chỉ chiếm một phần ba tỉ trong loài người, cuối cùng có nhà nghiên cứu tìm ra một cách, họ chế ra một chiếc mũ từ tính đội lên đầu cậu bé, một năm sau, khả năng đặc biệt của cậu bé liền biến mất. Hồi ấy quân đội Mỹ từng có kế hoạch bí mật đưa cậu bế đến Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Quốc gia, nhưng sự việc bại lộ, trước làn sóng phản đối rầm rộ của dân chúng, bọn họ không thể không huỷ bo kế hoạch này."
Nghe câu chuyện này, lòng tôi lại thấp thỏm, ả nữ vương tà ác trong truyền thuyết kia, e rằng chẳng đơn giản như thằng bé người Mỹ. Chết thì tôi chẳng sợ, thảng như chúng tôi tìm được lăng mộ nữ vương, ngộ nhỡ bị bà ta cho biến đi đến nơi nảo nơi nào không hay biết, thì phải làm sao? Dù sao cứ đi bước nào hay bước ấy đã, nếu thực sự nguy hiểm, tôi sẽ dùng thủ đoạn cứng rắn bắt họ lôi cổ về, xem ai dám không nghe lệnh? Mẹ kiếp, tôi chẳng tin cánh tay của mấy tên trí thức này có thể vặn được đùi tôi, có mà tôi đập cho bằng chết ấy chứ.
Nói dông nói dài, lãng phí kha khá thời gian, các bức bích hoạ xung quanh đã nghiên cứu hết cả rồi. Tôi hỏi giáo sư Trần, mấy thứ trong quan tài, có xem nữa hay không?

Chương 22: Sa mạc đen

Giáo sư Trần xua tay lia lịa:"Không được mở! Quan tài hợp táng của hai vợ chồng vương tử nước Cô Mặc này là quốc bảo đấy.Hiện giờ chúng ta chưa có đủ điều kiện,hoàn cảnh lại chưa thích hợp,mở ra sẽ gây hư hại quan tài đang bịt kín và những vật phẩm bên trong.Mục đích chuyến đi lần này của chúng ta là để nộp báo cáo đánh giá lên cấp trên,xin phép khai quật,hoặc xin bảo hộ những di sản văn minh cổ đại này.Khi quay về để Ái Quốc bảo ban bọn Sở Kiện làm tốt công việc ghi chép là được,còn báo cáo tôi sẽ đích thân viết lấy."
Xem ra tôi không có cơ hội xem những thứ trong quan tài này rồi,biết rõ rằng giáo sư nói có lý,nhưng vẫn không tránh khỏi thất vọng,cùng bọn họ leo lên căn phòng tế tự tầng trên.
Cánh cửa đá gian nhà tế vốn được niêm phong bằng rất nhiều da thú,nhưng đã bị chúng tôi dùng xẻng cứa nát,giáo sư Trần bảo rằng lớp da này dùng để giữ cho gian cúng tế khô ráo,cách biệt với hơi nước trong giếng thánh.Người Cô Mặc cổ đại dắt gia súc vào gian cúng chém giết,sau đó lập tức lột da chúng ra và dán lớp da còn nhầy nhụa máu nóng lên khe cửa đá,thịt và nội tạng của bò dê bị cắt sạch,chỉ để lại xương,cửa đá chỉ được mở trong lần tế tự sau.
Nghi lễ chém giết gia súc lột da cạo xương,trói xác khô lên cột gỗ,là để ghìn giữ nguồn nước của giếng thánh,khiến nó không bao giờ khô cạn.Người sống trong sa mạc thời xưa cho rằng linh hồn của cuộc sống đến từ dòng nước thần thánh ,điều này đem so với thuyết khởi nguồn sự sống của Dawin ở một góc độ nào đó đã rất gần gũi.
Chúng tôi không thể dùng lại số da thú kia dán lên khe cửa,ngoài lạc đà ra chung quanh không còn loài động vật lớn nào khác,nhưng mười chín con lạc đà đối với chúng tôi,quý báu vô cùng,không thể lột da chúng đem dán cửa được,đành dùng băng dính dán lên mấy lớp.
Đoàn khảo cổ nghỉ ngơi trong thành Tây Dạ tròn ba hôm,rồi bắt đầu lên đường tiến về hướng Nam,cuối cùng cũng tiến vào biển cát mà người dân bản địa gọi là "sa mạc đen",ở đây không thấy cây dương sa mạc nào nữa,cũng không còn những đồi cát nhấp nhô cao thấp,các ụ cát xung quanh phẳng gần như nhau,giống như những chiếc bánh bao bẹp,mênh mông vô tận,dù nhìn theo bất cứ góc nào hướng nào,cảnh sắc đều giống như nhau,không hề có chút dấu vết của sự sống.
Tôi hỏi lão Anliman xem trước đây lão đã từng vào vùng sa mạc này hay chưa.
Lão già cười gượng đáp:"Đây là địa ngục của cát vàng mà,ngay cả cụ già Hutai cũng không muốn đến đó mà.Tôi mà,cũng chỉ có đến qua một lần thôi,chính là cái lần này đây mà,nếu không phải là mấy ông cán bộ nhà các anh,với con lạc đà trắng được Hutai yêu dấu mà,tôi có chết một trăm lần cũng sẽ không đến đây đâu mà.
Than vãn thì than vãn,dù sao Anliman cũng được người ta gọi là bản đồ sống trong sa mạc,tuyệt đối không chỉ có hư danh,sa mạc đối với lão ta quá quen thuộc,giống như phụ nữ quen sắp nồi niêu bát đũa vậy.Tuy đây cũng là lần đầu tiên lão tới vùng sa mạc đen cấm kỵ này,nhưng đôi mắt tinh như cáo của lão,vẫn có thể phát hiện những lùm cỏ dại,những cây táo gai trong vũng cát,dựa vào những lùm thực vật này,cùng với kinh nghiệm lăm lộn trong sa mạc nhiều năm,lão mới có thể dẫn đoàn khảo cổ tiến vào phía trước.
Trong sa mạc có thủy hệ lớn nhất Trung Quốc,nhưng các hệ thống nước như sông Tarim đều chảy ngầm trong cát.Bề ngoài thì là sa mạc không có cây sinh sống,nhưng sâu trong lòng đất,có lẽ lại là một dòng sông ngầm tuôn chảy cuồn cuộn.
Một số loài thực vật sinh trưởng trong sa mạc,đều dựa vào một chút hơi nước bốc lên từ mạch nước ngầm dưới đất,cố gắng sống sót một cách ngoan cường.Thực ra nơi đây ngoài một số ít thực vật ra,cũng có rất nhiều động vật,nhưng quá nửa đều chờ đến ban đêm lạnh lẽo mới mò ra kiếm ăn.
Vào thời Hán thậm trí còn sớm hơn nữa,Taklimakan được gọi là "khu vườn cổ xưa",bấy giờ mức độ sa mạc hóa ở nơi đây còn chưa nghiêm trọng,dòng sông còn chưa chìm xuống lòng đất,khắp nơi đều là những ốc đảo với những thị trấn,thành lũy,chùa chiền,dịch trạm.Vô số đoàn lái buôn đem theo tơ lụa,hương liệu,lá chè qua lại nơi đây,cho tới thời Nguyên,ông Marco Polo người Ý còn theo đoàn buôn đi qua con đường này tới Trung Nguyên.
Đến thời Minh,đế quốc Ottoman bắc ngang hai vùng Âu Á trỗi dậy,chiến tranh đã cản trở con đường thông thương giữa Châu Á và Châu Âu.Thời đại ấy là thời đại của biển cả,các nhà hàng hải mở ra tuyến đường mới,con đường giao thương chủ yếu chuyển từ lục địa ra đại dương,thời vĩ đại ấy còn được gọi là thời đại của những phát hiện địa lý lớn.
Cộng thêm với việc sa mạc xâm lấn ngày một nghiêm trọng,môi trường sống khắc nghiệt,các quốc gia lớn nhỏ trong sa mạc suy bại hoàn toàn,sự phồn thịnh và huy hoàng năm xưa đã bị Chúa trời đem đi mất.
Sa mạc đen là nơi bị các thần bỏ rơi trước nhất,nền văn minh nơi đây đến thời Tấn là chấm dứt,cho đến tận ngày nay,sa mạc đen vẫn chìm trong không khi u uất của sự chết choc.
Ngày đầu xuất phát,chúng tôi đón những cơn gió cát miên man,sắc trời vàng nhạt,nhưng gió không lớn,lại vừa vặn che mặt trời,nên có thể rảo bước vào ban ngày.
Shirley Dương cầm cuốn sổ nhà thám hiểm người Anh để lại,vừa đi vừa bàn bạc với lão Anliman về lộ tuyến.Trong cuốn sổ ghi rằng,sau khi rời khỏi thành Tây Dạ,các nhà thám hiểm đã phát hiện ra một nơi gần đó có rất nhiều mộ đá,họ định sau khi quay trở lại sẽ tiến hành khai quật,cho nên trong cuốn sổ có vẽ tỉ mỉ đường đi.
Kinh nghiệm của lão Anliman cộng với cuốn sổ của Shirley Dương,tuy không thể định vị một cách chính xác,nhưng về khoảng cách và phương hướng,thi đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.
Buổi tối khi cắm trại,lão Anliman tìm thấy một vùng gồ hẳn lên,mọi người đắp một bức tường chắn cát trên gò,bố trí xong xuôi cho lũ lạc đà,rồi mới đốt lửa sưởi ấm ở phía khuất gió của đồi cát.
Ngày hôm nay đi đường vất vả,tuy gió không lớn,nhưng khiến ai nấy đều sốt hết cả ruột,lão Anliman lèm bèm bảo giờ là mùa gió,ở sa mạc trung bình hai ngày một lần lại có thời tiết thế này,khi không có gió,thì cái nắng gay gắt của mặt trời sẽ hong khô cả giọt nước cuối cùng trên mình lữ khách.
Tuyền béo bảo: "Nóng một chút lại hay,toát mồ hôi giảm béo được,tắm nắng một chút cũng sướng chứ cứ gió máy thế này,dọc đường chẳng nói được câu nào,buồn bực chết mất."
Lão Anliman bảo cậu ta chẳng hiểu gì hết,đây mới chỉ là rìa sa mạc thôi,đi thêm năm ngày nữa mới coi như vào sâu,tuy tôi chưa từng vào bao giờ,nhưng cũng quen biết với một số người bạn đã từng đáo qua đây,bọn họ đều là những kẻ may mắn sống sót trở về từ sa mạc đen đó.
Chỗ đáng sợ của sa mạc đen,không phải những bãi cát lún nuốt chửng người ta,cũng không phải bầy kiến gặm kim loại có thể tiêu hóa sạch một cái ô tô,cũng không phải bão cát đen.Tương truyền ở sâu trong sa mạc này có một vùng đất mộng ảo,người ta đi vào đó,sẽ nhìn thấy ao hồ,sông ngòi,mỹ nữ,thú thần,núi tuyết,ốc đảo,những người vừa khát vừa mệt đó hiển nhiên sẽ chạy thục mạng bám theo những cảnh đẹp đó,nhưng cho đến lúc chết vì mệt vì khát,cũng không thể đến đó được.Kỳ thực đó đều là những cạm bẫy của ma quỷ,dụ dỗ con người vào chết ở trong đó.Nhưng Hutai sẽ phù hộ cho chúng ta,Allah hu am!
Shirley Dương nói rằng: "Thứ mà họ nhìn thấy có thể là ảo ảnh.Những người không hiểu biết,quả thực rất dễ bị mê hoặc."
Đang nói chuyện,Diệp Diệc Tâm chạy tới kéo Shirley Dương qua một bên,hai người thì thầm vài câu,Shirley Dương quay lại bảo tôi:"Chúng tôi ra sau ụ cát có chút việc."
Tôi biết có thể là Diệp Diệc Tâm muốn đi vệ sinh,cô ta nhát gan không dám đi một mình,nên kéo Shirley Dương đi cùng,liền gật đầu dặn:"Mang theo đèn pin và còi,có việc gì thì phải ra sức thổi,đi mau về mau nhé."
Shirley Dương "ừm" một tiếng rồi cùng Diệc Diệp Tâm nắm tay nhau đi ra phía sau một ụ cát không xa.
Tuyền béo hỏi tôi còn rượu không.
Tôi bảo hết rồi,có đem theo một thùng rượu trắng chắc cũng chẳng đủ cho cái miệng tham lam của cậu đâu,uống mấy ngụm nước nóng rồi mau đi ngủ đi,qua năm sáu hôm nữa mà không tìm thấy nguồn nước,lượng nước cấp cho mỗi người hàng ngày cũng phải cắt giảm nữa đấy.
Nói vậy cũng là để dọa Tuyền béo thôi,chứ dù không tìm được sông ngầm trong sa mạc,tôi cũng có cách bảo đảm cho tất cả mọi người đều có lượng nước uống tối thiểu.
Nhưng đó là cách vạn bất đắc dĩ,rất phiền phức,nhưng đúng là hữu hiệu,hồi trong quân đội tôi đã học được cách cầu sinh trong hoang mạc này.
Lão Anliman thoạt đầu sống chết cũng không chịu vào sa mạc đen,trong đó nguyên nhân chủ yếu là bởi sa mạc đen không có nước ngọt,dưới lòng đất tuy có sông ngầm,nhưng căn bản không thể đào sâu đến thế được,từ chỗ rễ cây saxaul,một loại cỏ hoang mạc,đào xuống thì dăm ba mét bên dưới cũng chỉ có cát ẩm và nước mặn,càng uống càng thêm khát.
Cách này lão Anliman cũng biết,tôi và lão tao nghiên cứu tính khả thi của nó nhiều lần,rồi ngầm mặc định với nhau,nếu đến nơi mà ngay cả cây saxaul cũng không mọc được,thì sẽ không tiến thêm nửa bước,lão ta mới đồng ý.
Những quân nhân được huấn luyện để sinh tồn trong sa mạc đều biết rằng,phía dưới lớp cát không quá sâu của sac mạc Tân Cương,có nhiều nước muối mặn mang hàm lượng chất khoáng lớn,đào dưới gốc các loài thực vật trong sa mạc,có thế lấy được cát ẩm và nước mặn,sử dụng biện pháp chưng cất đơn giản bằng ánh sáng mặt trời rồi lọc lại sẽ được một ít nước ngọt,tuy ít,nhưng đủ để duy trì sự sống.
Lúc này gió cát thổi mạnh hơn,phía sau ụ cát đối diện bỗng có tiếng còi ré len,mọi người thất kinh,vội tiện tay vơ xẻng công binh,súng hơi chạy thẳng tới nơi xảy ra sự cố.Cũng may chỗ đó cũng gần,cách chưa tới hai trăm bước,ba bước chạy thành hai bước,phút chốc đã tới nơi.
Chỉ thấy một nửa thân người Diệc Diệm Tâm chìm trong cát,cô nàng không ngừng giãy dụa,Shirley Dương đang nắm chắc cánh tay cô ta,cố sống cố chết kéo ra ngoài.
Trong lúc rối ren chẳng biết ai hét lớn:"Cát lún"
Chúng tôi lần theo dấu chân trên cát xông lên trước,bất chấp tất cả gắng kéo Diệp Diệc Tân lại,có mấy người không kịp tìm dây thừng,liền cởi thắt lưng ra,định buộc vào tay cô.
Không ngờ cũng chẳng cần tốn sức lắm,đã kéo được Diệp Tâm lên,xem ra không phải là cát lún rồi.Diệp Diệc Tâm sợ quá đâm bổ vào lòng Shirley Dương khóc nức nở.
Mọi người vội hỏi xem có chuyện gì,có phải cát lún hay không.
Shirley Dương vừa an ủi Diệp Tâm vừa kể:"Chúng tôi vừa ra sau ụ cát,Diệc Tâm hẫng chân,trôi cả nửa người xuống dưới,tôi vội giữ chặt tay cô ấy,rồi thổi còi kêu cứu.Nhưng hình như đây không phải vũng cát lún,tốc độ nuốt của cát lún rất nhanh,lực hút lại lớn,nếu đúng là cát lún,thì sứ tôi căn bản không thể nào giữ cô ấy lại được,vả lại Diệp Tâm trôi nửa người xuống,thì dừng lại,dường như phía dưới có thứ gì đó chắc chắn.Nếu không mọi người nghe báo hiệu chạy đến,cũng phải mất mười mấy giây,muốn cứu người chắc đã muộn rồi.
Diệp Diệc Tâm cũng đã bình tĩnh lại,lau nước mắt nói:"Hình như em giẫm phải một phiến đá lớn dưới lớp cát,dưới phiến đá có một khoảng trống,em vừa đặt chân lên liền sụt xuống luôn."
Shirley Dương lấy làm lạ:"Lẽ nào đó là mộ đá?Chúng ta thử xem xem!"
Chúng tôi dùng xẻng đào chỗ ban nãy Diệc Tâm mắc kẹt,dưới lớp cát vàng không dày lắm,song song với triền dốc của đồi cát,quả nhiên lộ ra một bức tường đá thoai thoải,trên tường xuất hiện một lỗ lớn do người ta nổ mìn.
Xem chừng thời gian nổ mìn chưa lâu,chắc cũng trong mấy hôm nay thôi,gió cát phủ một lớp cát mỏng lên miệng hố,Diệp Diệc Tâm đã giẫm phải hố này và bị kẹt ở đó.
Mọi ngươi ngắm cái hố đá,rồi nhìn nhau,đây rõ ràng là một ngôi mộ đá,lẽ nào đã bị trộm rồi?
Tôi kiểm tra đá vụn bên miệng hố và hướng của xung lực khi nổ,một kip nổ nhỏ có định hướng chính xác.Tôi làm lính công binh bấy nhiêu năm,tự cảm thấy trình độ sử dụng thuốc nổ của mình không ai bì được,nếu để cho tôi phá nổ mộ đá này,thì cùng lắm cũng chỉ đến mức này mà thôi.
Xem ra kể cho nổ mộ rất am hiểu đặc tính chịu lực của chất đá,thuốc nổ chỉ phá vỡ tường đá,bao nhiêu đá vụn bắn hết ra ngoài,không hề tổn hại một chút nào đến bên trong ngôi mộ.
Lại xem sưc công phá của thuốc nổ,tuyệt không phải loại thuốc nổ dân dụng.Rời khỏi quân đội mấy năm,lẽ nào bây giờ quân nhân tại ngũ cũng lao đi đổ đấu?Chắc chắn không phải,có thể đây là thuốc nổ bị trộm.Ngoài ra ở sa mạc mênh mông này,những kẻ đổ đấu kia làm cách nào để tìm được mộ cổ?Xung quanh đây địa hình và địa mạo hoàn toàn giống nhau,lẽ nào trên đời này ngoài kẻ có trình độ dở ngô dở khoai như tôi ra,còn có cao thủ đổ đấu khác biết xem phong thủy thiên tinh?
Ụ cát dần được dọn sạch,đây là một bức tường đá hình elip,ngoài mặt bị nổ ra,những phần khác đều vùi sâu dưới lớp cát vàng.
Xem ra đây là một ngôi mộ đá điển hình thời Ngụy Tấn,đá núi vừa dày vừa lớn xây thành hình vòng cung,khe hở được dính bởi keo cá mè,loại mộ đá như vậy rất thường thấy ở thành cổ Tây Dạ.Đầu thế kỷ 19,một nhà thám hiểm châu Âu từng hình dung thế này:"Mộ đá có thể thấy ở khắp nơi trong sa mạc,có mộ lớn mộ bé,đếm không kể xiết,các ngôi mộ được chôn quá nửa trong cát vàng,lộ chóp đen ra ngoài,tựa như những chiếc kim tự tháp Ai Cập thu nhỏ,đi qua sa mạc giữa nhưng ngôi mộ đá chi chít đó,cảnh vật thực khiến người ta ngây mình đắm đuối."
Giờ đây những ngôi mộ đá này đã bị sa mạc chôn lấp hoàn toàn,rất khó truy tìm tung tích,giáo sư Trần đoán rằng có thể là do cơn bão sa mạc cách đây mấy ngày,gió lớn khiến ngôi mộ đá này lộ ra một phần,không ngờ bọn trộm mộ đến nhanh quá,đoàn khảo cổ vẫn chậm hơn một bước.
Trên dọc được đi chúng tôi đã trông thấy một vài ngôi mộ cổ bị bọn trộm làm hư hại,chẳng trách giáo sư Trần sốt sắng như thế,liều cái mạng già cũng phải tiến vào sa mạc,nếu không ngăn hoạt động trộm mộ ở vùng này lại,e rằng một ngày không xa,sẽ chẳng còn lại thứ gì hết.
Hố vào mộ huyệt đen hun hút,tôi và giáo sư Trần,Hách Ái Quốc mấy người bật đèn pin vào xem xét.Gian mộ chỉ tương đương với một căn nhà mái bằng nho nhỏ,bên trong đặt rải rác bốn năm cỗ quan tài,nắp quan tài đều đã bị cậy hỏng cả,quăng sang một bên,chỗ nào cũng bị bới vung bới vãi lên hết.
Quan tài có cỗ to cỗ nhỉ,có vẻ như một ngôi mộ hợp táng,xác cổ trong quan tài chỉ còn lại bộ xác khô của một cô gái trẻ,tóc dài tết dải,chỉ có phần đầu còn giữ tương đối hoàn hảo,thân thể thì đều bị vỡ nát cả,những cái xác còn lại đoán chừng đều đã bị bọn trộm mộ khiêng đi rồi.
Trong cổ mộ ở sa mạc Tân Cương,thứ có giá trị tương đương với châu báu,chính là xác khô trong mộ.Tôi từng nghe giáo sư Trần kể,xác người cổ có phân làm mấy loại như xác ướp vẫn còn nước,ví dụ như xác phụ nữ ở gò Mã Vương,còn có xác sáp,một dạng thi thể được xử lý một cách đặc biệt;xác đông bảo lưa trong vùng băng giá có tuyến phủ vạn năm;xác tẩm giống như cương thi;ngoài ra còn có loại xác nhồi như tiêu bản...
Xác khô cũng phân làm mấy loại,có loại là đem chất hút ẩm như vôi hoặc tro bỏ vào quan tài mà thành,cũng có loại giống như xác ướp Ai Cập cổ,được xử lý bằng kỹ thuật chống rữa đặc biệt.
Còn xác khô ở Tân Cương thì được hình thành một cách tự nhiên do hoàn toàn ở trong mộ trường đặc biệt có nhiệt độ cao,khô nóng,không có nấm mốc,loại xác khô này,niên đại lâu đời một chút thì rất đáng tiền,một số bảo tàng,triễn lãm,và các nhà sưu tầm hải ngoài đều tranh nhau mua với giá cao.
Gíao sư Trần thấy ngôi mộ bị trộm hết xác,lại còn bị phá bừa loạn xị ngậu lên,cứ than thở mãi không thôi,đành bảo mấy học trò dọn dẹp những đồ vật còn sót lại trong mộ,xem xem có thể cứu vãn được gì không.
Tôi lo giáo sư quá kích động cơ thể lại không chịu đựng nổi,bèn khuyên ông đi nghỉ sớm,giáo sư Trần dặn dò Hách Ái Quốc mấy câu,bảo anh ta dẫn người vào ghi chép tỉ mỉ tình hình ngôi mộ,rồi Tuyền béo đưa ông về trại nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau gió vẫn không ngưng,cứ thổi không khoan không gấp như vậy,lúc đoàn khảo cổ xuất phát,giáo sư Trần tìm tôi,ông bảo ngôi mộ thấy đêm qua,thời gian bị trộm cách không quá đến năm ngày,có thể có một nhóm trộm mộ đã vào sa mạc đen sớm hơn chúng ta,không thể trễ nải,tốt nhất là đuổi theo bắt được chúng.
Tôi tùy tiện đáp bừa vài câu,nghĩ bụng mặc bu chúng nó,tốt nhất là chớ có đụng phải nhau,đồng nghiệp là oan gia,huống hồ đám người trộm ngôi mộ đá kia có cả thuốc nổ quân dụng,nói không chừng còn có cả vũ khí lợi hại nữa,đụng phải bọn này,không tránh khỏi đánh nhau một trận sứt đầu mẻ trán.Tôi thì chẳng vấn đề gì,vấn đề là ở đoàn khảo cổ,ngộ nhỡ có người tử thương,trách nhiệm này lớn quá.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại,sa mạc mênh mông hai đoàn người muốn gặp nhau cũng đâu có dễ gì,nếu không phải tối qua chúng tôi thấy đồi cát này là chỗ cao nhất quanh đây,thì đã chẳng tới cắm trại,càng chẳng thể nào tìm thấy mộ đá bị trộm,đâu có lần thứ hai tình cờ như vậy nữa,có thể mấy thằng cha ấy trộm xác xong thì trở về luôn cũng nên...
Mười mấy ngày sau đó,đoàn khảo cổ càng vào sâu trong sa mạc,cuối cùng cũng đã để mất dấu sông Từ Độc,liên tục mấy ngày đều đi vòng quanh chỗ cũ."Từ Độc" trong tiếng bản địa cổ nghĩa là cái bóng,chẳng thể đuổi bắt được.Đôi mắt lão Anliman trợn lên đỏ au,cuối cùng lão run tay,bảo không còn cách nào nữa,xem chừng Hutai chỉ cho chúng ta đi tới đây thôi.
Cả đoàn người và lạc đà đều mệt lử,chẳng ai bước nổi nữa.Mấy hôm nay sa mạc không có một chút gió nào,thời gian mặt trời treo trên không trung dài hơn bao giờ hết,để tiết kiệm nước uống,các thành viên trong đoàn ban ngày đào hố trên cát,bên trên dựng bạt chống mưa,hít lấy hơi nước mát ở mặt đất,để giữ lượng nước trong người,chỉ đến đêm và sáng sớm mới khởi hành,nửa đường cưỡi lạc đà,nửa đường lái xe số 11.
Đi tiếp về phía trước,lương thực và nước đều không đủ nữa,nếu trong một hai ngày tới mà không quay trở về đường cũ,thì lúc trở lại sẽ phải giết lạc đà mà ăn mất.
Tôi nhìn đoàn người đã mệt nhoài,môi khô nứt nẻ,biết rằng đã sắp đến cực hạn rồi,thấy mặt trời nhô lên,nhiệt độ ngày một cao,bèn để mọi người đào hố nghỉ ngơi.
Sắp xếp xong xuôi,Shirley Dương tìm tôi và lão Anliman,bàn bạc lộ trình sắp tới.
Shirley Dương nói:"Anh Nhất,ông Anliman,trong cuốn sổ tay của nhà thám hiểm người Anh tôi cầm,có ghi chép thế này,nhà thám hiểm người Anh đó cũng để mất dấu dòng sông ngầm Từ Độc khi ở sâu trong sa mạc đen này,ở vùng biển cát chết chóc không một tấc cỏ đơm mọc này,hai dãy núi từ màu đen khổng lồ đứng song song đón lấy ánh tà dương,tựa như hai võ sĩ áo giáp đen thời viễn cổ,lẳng lặng gìn giữ bí mật cổ xưa,đi xuyên qua hẻm núi tựa như cánh cửa lớn,tòa thành trong truyền thuyết liền hiện ra trước mắt."



Nguồn tusach.mobi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Blog liên quan : Blog zing | Blogspot | Blog tiếng anh | Facebook
Copyright © 2011 - 2014. Thuy trinh's blog - All Rights Reserved